PDA

View Full Version : 6/2010 - Con đường di sản Chăm - ma Hời dẫn lối.



tunbo
19-06-2010, 23:12
Hắc Y Khách, sau dạo lang thang đi tìm bẫy đá Pinăng Tắc trở về, công việc của y gặp nhiều trục trặc.
Chính xác là công ty của y gặp quá nhiều khó khăn trong hoạt động.
Vì thế, vào dịp tháng 5, tháng 6/2010 y có rất nhiều thời gian rảnh rỗi.
Y nhân dịp đó, định viết lách về các tháp Chăm cổ - mà y vốn ấp ủ bấy lâu.
Nhưng cần phải cập nhật về những thông tin, hình ảnh về các ngôi tháp y đã đến, và phải đến những nơi y chưa đến.
Thời gian rảnh rỗi thì nhiều, mà vì hoàn cảnh riêng, y chẳng đi đâu qua ngày được.
Thêm nữa, thường thì rảnh rỗi thời gian, sẽ không dư giả về tài chính.
Chỉ là mấy chuyến đi Tây Ninh trong ngày, đi Phan Thiết, Phan Rang trong 2 ngày.
Còn lại là vẫn cứ loanh quanh ở Sàigòn.

Rồi ... cơ hội lại đến. Y có 1 tuần tự do. Lại chuẩn bị lên đường.
Sau đợt đi bẫy đá Pinăng Tắc, con ngựa sắt của y còn mang chủ rong ruổi một chặng đi Quy Nhơn, về Nha Trang, vòng lên Đà Lạt, xuôi về lại Phan Rang, rồi về Sàigòn - Chuyến đó y đi là vì hai vị bằng hữu của y muốn đi cung đường đó, dù đứa nào cũng đi rồi, nhưng tự dưng muốn đi cùng nhau, xem "tam nhân" có "bất đồng hành" như các cụ nói không.
Rồi sau đó, y đem ngựa đi vào "bệnh viện", cấy ghép cho nó một số bộ phận nội tạng, sơn phết lại dàn lông. Ra khỏi bệnh viện (và thẩm mỹ viện), nó khác xưa nhiều. Khỏe hơn, nhưng trông "mượt mà" hơn xưa nhiều, giống một con ngựa cảnh hơn là một chú ngựa chiến.
Dĩ nhiên bên trong bộ mã của một chú ngựa cảnh, nó đã mạnh mẽ hơn xưa, và cũng nôn nao như chủ nó về một chuyến đi xa.
Con đường di sản Chăm vẫy gọi, một tuần là chưa đủ, nhưng khéo thu xếp trên đường, cũng có có thể tàm tạm.
Con đường chính là QL1A thì quá quen thuộc, y chỉ chạy cho sướng, rồi bắt đầu vào các tháp mới moi máy ảnh ra.

Giờ áp chót, có đứa "bám càng".
Gã trẻ tuổi, ngựa khỏe, lại bận cắm cúi làm quanh năm suốt tháng.
Người khỏe, ngựa khỏe mà rất rất ít dịp cưỡi ngựa rong ruổi đường xa. Gã lại sắp rời Việt Nam một thời gian dài, vì sự nghiệp.
Vì thế, khi gã xin theo, y ái ngại, vì lần này y tạt ngang nhiều, chứ không phải là long dong đi chơi. Nhưng gã đồng ý tất cả những gì y nói, nên hai anh em bắt tay vào việc chuẩn bị ngựa và đồ để lên đường.
Chặng đường từ Sàigòn ra Nha Trang, cả hai đều đã từng chạy (thậm chí y chạy nhiều đến quen cả đường). Vì thế, quyết định là đưa ngựa ra Nha Trang trước, rồi bắt đầu từ Nha Trang đi tiếp ra phía Bắc.

tunbo
19-06-2010, 23:27
21g35 tối thứ năm 10/6/2010, chuyến xe đêm đi Nha Trang của hãng Trà Lan Viên khởi hành từ phố Tây balô.
Gã trẻ tuổi khi gửi ngựa đi Nha Trang, đã nhét được đống đồ vào cái thùng gắn ở yên sau, nên gã lên xe nhẹ tênh.
Còn đại ca của gã vác theo nguyên cái thùng đồ (mà sau này sẽ gắn lên xe) trong đó có tất cả đồ đạc của y. Trước khi xe chạy, y tống cái thùng vào gầm xe.
Gã trẻ tuổi ngạc nhiên thấy y xách lên xe mấy cuốn sách.
Lên xe, khi đã thoải mái nằm dài trên chỗ của mình, gã quay sang cười cười với y :
- Trong chuyến đi này chỉ có 2 người, ngươi lớn hơn, cho ngươi làm Lão Đại, ta làm … Lão Nhị, hí hí.
Nghe vậy, “Lão Đại” chỉ cười, bảo “Lão Nhị”
- Mi lo ngủ đi, mai còn chạy.

Sau đó, y lấy sách ra nằm đọc.
Lão Nhị, tuổi cũng không còn quá trẻ cũng đã ngoài tam tuần mấy năm rồi, nhưng tính còn … rất trẻ, gã ăn được, ngủ được, nên chả cần nhắc, xe chạy được một lúc là gã đã thấy díp mắt lại.
- Lão Đại, xe chạy thế mà ngươi cũng đọc sách được à? Ta thì đọc như vậy nhức mắt chóng mặt lắm
- Ờ, vì thế mi mới là … Lão Nhị, há há.
Lão Nhị không nói chuyện nữa, gã biết Lão Đại của gã vừa gặp chuyện không vui, chưa bao giờ gã thấy y bỏ đi chơi dài ngày như lần này – trừ những dịp kết hợp vừa công tác, vừa đi chơi.
Chỉ một lát sau, Lão Nhị đã ngáy vang xe.
Thỉnh thoảng xe lắc quá, gã giật mình tỉnh dậy, ngó sang vẫn thấy Lão Đại đang chong mắt nằm đọc sách dưới ánh đèn cá nhân trên đầu.
3g sáng, gã tỉnh dậy, vẫn thấy y đang nằm đọc, gần 5g, gã dậy hẳn, vẫn thấy Lão Đại … đang đọc sách.
Dường như y không ngủ tí nào.
Gã chép miệng nghĩ thầm : “Lão này kỳ cục thật, đã như con mắm, ăn thì ít mà thức như vạc vậy”.
- Lão Đại, ngươi thức suốt đêm à?
- Ờ, ta ngủ không được
- Vậy ngày hôm nay chạy xe, cấm có được dừng lại ngủ đấy nhé.
- Mi nên lo cho mi đi thì hơn, ku ạ.

7g sáng, chuyến xe Trà Lan Viên đến bến đỗ, hai tên bắt taxi quay lại Ga Nha Trang lấy ngựa.
Sau khi lắp lại gương hậu, và Lão Đại gắn thùng đồ vào sau yên ngựa, việc đầu tiên là ghé đổ xăng.
Tiếp theo, chúng tạt vào một tiệm sửa xe, xả hết hơi của hai xe, dùng bình keo tự vá bánh ô tô bơm vào các bánh xe của chúng.
Một bình keo, bơm được cho 1 bánh xe hơi du lịch, đủ bơm căng bánh sau, và khoảng 70% bánh trước. Chúng phải bơm hơi thêm vào bánh trước cho đủ áp suất.
Tạm thời, như vậy có thể yên tâm về vó ngựa dọc đường đi.
Chúng nhắm hướng Tháp Bà thẳng tiến.

Thực sự thì Lão Nhị chả khoái gì các tháp Chăm, vì gã bảo “ Ta đi ĂngkoWat, thấy … đẹp hơn tháp Chăm”
Vả lại Nha Trang gã đi nhiều, Tháp Bà gã cũng đến rồi.
Gần đến Tháp Bà, Lão Nhị có điện thoại. Công việc.
Gã cần một quán café wifi để check và trả lời mail, nên chúng tạm chia tay.
Lão Đại lên Tháp Bà, còn Lão Nhị quay lại Café Bốn Mùa để giải quyết công việc.

tunbo
20-06-2010, 02:20
Lão Đại qua lại Nha Trang nhiều, gần như toàn bằng xe máy.
Nhưng một sự thật phi lý là : trước đến nay, y chưa một lần ghé … Tháp Bà.
Đây mới là lần đầu tiên y đến nơi này.
Có thể vì những lần qua Nha Trang trước đây, y chưa bị ma Hời “ám”.
Đầu hè, mới hơn 8g sáng mà nắng đã gay gắt. Trời Nha Trang xanh ngắt không một gợn mây.
Đưa ngựa vào bãi xong, y lên tháp ngay.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0374.jpg
Dãy cột lớn - dấu tích của một kiến trúc gọi là Nhà Dài - nằm thẳng trước tháp chính, ở một độ cao thấp hơn tháp chính khoảng hơn chục mét


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0377.jpg
Bậc thang xưa lên tháp chính cực dốc, nay đã không còn dùng, có lẽ vì khá nguy hiểm


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0373.jpg
Toàn cảnh khu tháp bên trên, ngày xưa nơi đây từng là một "thánh địa" của người Chăm trong khoảng 100 năm vương triều Hoàn Vương - giữa thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0181.jpg
Bậc thang lên tháp ngày xưa, nhìn từ trên xuống mới thấy nó dốc đến mức nào.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0169.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0261.jpg
Từ trên đồi cao, nơi khu tháp tọa lạc, nhìn ra cửa sông Cái. Cầu Xóm Bóng (gần) và cầu Phạm Văn Đồng.

tunbo
20-06-2010, 11:43
Khi Lão Đại lên tháp, đã thấy khách du lịch bắt đầu đến đông, vì hôm đó là thứ sáu - có thể coi là "cuối tuần".
Tuy nhiên họ đến theo đoàn, bằng xe khách lớn, còn mất công tập trung, mua vé tham quan, í ới nhốn nháo,...
Thấy cảnh đông đúc người như vậy, y lẳng lặng rảo bước lên trước, lúc còn vắng, để chụp được một số tấm ảnh - không - cần - phông - quần - chúng.
Sau đó, các đoàn khách tham quan, cả tây lẫn ta, bắt đầu ùn ùn kéo lên tràn ngập khu tháp.

Tháp Bà Po Nagar ở Nha Trang, có lẽ là nơi duy nhất trên đất Việt, mà một khu tháp Chăm cổ đã được người Việt tiếp quản, và ... "Việt hóa" thành nơi thờ cúng của mình.
Xưa người Chăm thờ ở đây Nữ thần Po Nagar - Bà Mẹ của xứ sở; sau này người Việt tiếp quản khu đền thờ, họ cũng thờ một vị nữ thần : Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi.
Hiện tại, hai dân tộc Việt và Chăm vẫn cùng chung sống và "sử dụng" khu đền thờ này trong ... hòa bình.

Dĩ nhiên, với mục đích chính là lên chụp ảnh Tháp Bà, nên Lão Đại cắm cúi chụp liên tục, liên tục.
Rồi y bỗng nhe thấy tiếng nhạc réo rắt nổi lên phía sân sau.
Thì ra là màn múa Chăm của các cô gái Chăm.
Lúc y mới lên, tháp còn vắng, giờ du khách đến đông, đội múa Chăm cùng dàn nhạc mới bắt đầu ra biểu diễn.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0270.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0271.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0274.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0275.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0276.jpg
Đầu tiên là màn múa của các cô gái Chăm, với cái bình đất nung - chắc điệu múa đi lấy nước :D


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0278.jpg
Bài múa này dùng nhạc thu sẵn, nên các nhạc công được ... nghỉ ngơi.

tunbo
20-06-2010, 11:52
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0279.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0282.jpg
Màn múa thứ nhất của các cô gái kết thúc


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0283.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0284.jpg
Lúc này, khi các cô gái trong đội múa đang nghỉ ngơi, thì các nhạc công bắt đầu tấu nhạc


Lão Đại lại quay sang chụp ảnh Tháp, gần như y đã thuộc trong đầu những chi tiết, những góc cần chụp, nên cứ đi vòng quanh các ngôi tháp, và chụp liên tục.
Y quên cả giờ giấc, quên cả việc chụp Tháp Bà xong, y cùng Lão Nhị còn chạy ra Tuy Hòa chụp Tháp Nhạn, rồi chạy tiếp về Quy Nhơn, mới hết ngày hôm đó.

hl2911
20-06-2010, 15:56
Haizz, mới đọc tí xíu đã cảm giác bồn chồn nhớ lại... thế mà đã hơn 1 tuần rồi. Thôi tiếp tục theo dõi hồi ký đây, hehe.

tunbo
20-06-2010, 23:55
Lão Nhị : mi thật là ... đáng :T


Lão Đại đang chụp xoành xoạch, chợt có điện thoại. Của Lão Nhị.
- Lão, chụp choẹt xong chưa? Nha Trang cúp điện, laptop ta hết pin, phải trả lời mail bằng điện thoại.
- Xong rồi chớ gì? Xong thì ngồi đấy chờ nhé, ta còn 1 tiếng nữa mới chụp xong
Lão Nhị hét chìm giọng trong điện thoại :
- Trời, một tiếng nữa cơ à? Lão Đại, ngươi mau mau đến đây đi, ta ... ta đau bụng quá
- Kệ mi, lớn rồi, tự lo xử lý đê, tưởng gì. Ta đang bận.

Rồi y lại hì hụi đi vòng quanh các ngôi tháp chụp choẹt tiếp.
Một lát, nhạc loa lại nổi lên ồn ào, màn múa thứ hai bắt đầu phía sân sau tháp chính.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0343.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0344.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0345.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0347.jpg
Màn này là múa quạt


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0370.jpg
Khi màn múa kết thúc, các cô gái tản mất, ông già này thấy ống kính chĩa lại, bèn ... diễn ngay.


10g30, Lão Nhị gọi điện liên tục, giục y đến chỗ gã, cứ như là gã sắp tiêu rôi.
Thấy cũng đã ở Tháp Bà lâu rồi, Lão Đại túc tắc cất máy, xuống bãi lấy ngựa, phóng về Cafe Bốn Mùa.
Đến nơi, y thấy Lão Nhị đang ngồi nhăn nhó, một đống : áo khoác đi đường, máy ảnh, nón bảo hiểm,... ngồn ngộn trên bàn.
Thì ra, gã không an tâm để cả đống đồ ở đó mà biến đi, người trông xe còn nhắc gã mang nón bảo hiểm theo mà giữ.
Thấy Lão Đại đến, Lão Nhị mừng quá đứng dậy ... đi ngay.

Sau đó đến lượt Lão Đại lười, y cứ ngồi ỳ ở quán, gật gù nhâm nhi cafe.
Rồi y chợt nhớ, ngày hôm đó, chúng ngủ ở Quy Nhơn, và còn ghé Tuy Hòa, ghé gềnh Đá đĩa.
Thế là 11g30, hai tên uể oải tròng bộ đồ đi đường kín mít vào người, lên ngựa rời Nha Trang.
Lão Đại "hứa" với Lão Nhị :
- Giờ cứ đi được càng nhiều càng tốt, khi nào đói quá, mi bảo với ta, để ta kiếm chỗ ăn trưa.
- Lão Đại ... khùng, ngươi chẳng ăn sáng, đêm qua thì thức trắng, sáng nay thì phơi nắng, giờ giữa trưa lại bảo ta chạy xe. Ta ... chuẩn bị đói rồi.
- Ờ, ta biết mi sắp đói rồi, ra Ninh Hòa dừng lại ăn nhé.

tunbo
21-06-2010, 16:10
Lão Nhị hỏi :
- Ninh Hòa cách đây bao xa?
- Khoảng ba chục cây chuối
- Tuy Hòa cách đây bao xa?
- Khoảng hơn trăm cây chuối
- Thế còn đèo Cả?
- Khoảng gần tám chục cây.
Lão Nhị, vứt vào phố xá, gã không ngán, vì đặc trưng nghề nghiệp, cứ vào phố là gã biết tìm chỗ ăn ngon, ngủ ấm. Nhưng gã dù đi nhiều, lại toàn bay như chim, nên đường bộ từ Sàigòn đi, gã chỉ biết đến Đà Lạt và Nha Trang.

Thế là giữa trưa, hai người lên đường rời Nha Trang.
Con đường mới mở, ôm sát biển, giữa trưa nắng chang chang, rất vắng xe cộ, nên loáng cái, chúng đã ra đến đường QL1A.
Lão Đại ban đầu tính ghé quán Gió ăn trưa, nhưng chạy chưa nóng máy, đã đến, nên y lờ tịt đi, chạy tiếp.
Lão Nhị vẫn bám sát đằng sau.
Đến ngã ba Ninh Hòa, Lão Đại bảo Lão Nhị :
- Ninh Hòa đây, chạy tà tà kiếm chỗ nào đông xe tải, ghé ăn nhé.
Nhưng Ninh Hòa ở bên trong, còn ngoài đường QL1A chạy ngang Ninh Hòa thì chỉ có một khúc ngắn, chưa kịp dòm ngó thì đã vượt qua mất rồi.
Lạo Nhị kêu :
- Ê, ngươi lừa ta à? Cái thị trấn ngắn xíu, làm gì có quán ăn nào ra hồn?
- Ờ, thế đi tiếp thôi, rồi sẽ có quán được, hay mi muốn sao?
- Thôi thì ta đành đi tiếp vậy. Ăn sớm buồn ngủ sớm
- Ha ha, thế mà ta tưởng mi lo ta đòi dừng lại ngủ dọc đường chớ?

Nói thế, nhưng Lão Nhị không kêu ca nhì nhằng, gã tuy không biết đường, nhưng ra quốc lộ, thì không sợ lạc đường, nên lại bon bon phóng tiếp.
Lâu lâu gã vọt lên cho … đỡ buồn ngủ.
Chúng cứ đi tiếp như thế, đến cách Vạn Giã chừng 5 – 7km, tự dưng Lão Đại phanh xe, signal quay đầu lại, làm Lão Nhị chới với :
- Lão Đại ngươi khùng à?
- Mi … dốt, ta thấy quán ăn ổn. Giờ quay lại cho mi ăn đỡ đói đó.
Quán nhỏ ven đường, không còn nhớ tên, thức ăn được.
Nhưng loanh quanh chỉ có món gà. Cơm gà, canh cũng gà với lá giang.
Lão Nhị múc nhoay nhoáy, chốc lát đã xong, còn Lão Đại tuy thấy ngon, mà ngắc ngứ mãi mới hết.
Khi y ăn xong, đã thấy Lão Nhị đeo kính đen tựa vào ghế … gật gù đồng ý từ lúc nào.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0041.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0042.jpg
Ngựa chờ trước quán.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0039.jpg
Ăn sạch bách mới nhớ ra chụp ảnh, thì muộn mất rồi :D


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0043.jpg
Lão Nhị đeo kính đen, tựa lưng vào ghế ... đồng ý liên tục.



Thấy mới gần 13g, y để mặc cho Lão Nhị đồng ý liên tục trên ghế một lúc, rồi 13g15, y vỗ gã dậy chuẩn bị lên đường tiếp.
Lão Nhị vào toilet ra, nhăn nhó :
- Mắc tè, mà tè không được.
- Vì nước thoát ra theo đường mồ hôi hết trơn rồi, còn gì nữa mà tè?
Lại tiếp tục lên đường, nhắm tới Tuy Hòa.

Ngựa của Lão Nhị khỏe hơn, dù cả hai đều cùng một dòng gốc.
Nôm na, nếu gốc gác cả hai ngựa đều là ngựa thồ đồng bằng, thì sau khi phẫu thuật, trong cái thân xác ngựa thồ đồng bằng, ngựa của Lão Nhị mang sức mạnh của giống ngựa Nước Hai – Cao Bằng ngày trước.
Còn ngựa của Lão Đại thì chưa phẫu thuật nặng đến mức ấy. Y chỉ cấy ghép những bộ phận nội tạng mà y thấy ngựa cần phải có để khỏe hơn.
Vì thế, chạy đường bằng, nếu căng ra mà chạy, Lão Đại sẽ mệt với Lão Nhị.
Nhưng lên đèo, vào cua, thì Lão Nhị phải tụt lại sau.
Đơn giản, vì Lão Đại biết tật của ngựa Lão Nhị.
Nó khỏe, nhưng ngựa dẫu hay, vẫn có tật riêng. Nó thừa sức chạy, nhưng vẫn không thể bung hết vó.

tunbo
22-06-2010, 00:30
Lão Đại xưa nay vẫn mê duyên hải Trung bộ, và y biết rõ, dọc đường từ Nha Trang trở ra có nhiều điểm rất đáng để ghé.
Nhưng lần này, mục đích của chuyến đi là rõ ràng, thời gian cũng chỉ ... hơi đủ, nên y cứ tặc lưỡi chạy thẳng.
Được cái, Lão Nhị không có hay càm ràm gì cả, y đang khoái ruổi ngựa đường trường.
Vạn Giã, Đầm Môn, Cổ Mã, Đại Lãnh dần dần đã ở sau lưng. Hai con ngựa sắt đen trũi bập vào đèo Cả.
Lão Đại hãm bớt cho ngựa chậm lại, để Lão Nhị ngắm cảnh.
Gã tham. Vừa muốn ngắm, vừa muốn cảm giác vượt đèo.
Cuối cùng là vừa chạy vừa ngắm, không dừng lại chụp ảnh, dù cho Lão Đại có gợi ý :
- Khi nào mi muốn chụp ảnh, cứ báo hiệu, để ta dừng. Ta chờ được.
Dĩ nhiên Lão Đại chụp đèo Cả và khu vực lân cận nhiều rồi, nên lần này, y hoàn toàn không có ý chụp ảnh đèo Cả.
Qua đèo, chúng lại phi băng băng. Gần 15g vượt cầu Đà Rằng tiến vào Tuy Hòa.
Vừa rẽ vào lối tháp Nhạn, khi giảm tốc độ vào phố, Lão Nhị phát hiện có điện thoại.
Gã móc điện thoại ra, và tá hỏa vì có đến gần hai chục cuộc gọi nhỡ.
Nói chuyện xong, y bảo :
- Lão lên chụp tháp Nhạn đi, ta phải ghé cafe giải quyết rắc rối công việc ở nhà. Haizz, sao cứ nhè ta đi chơi mà lắm rắc rối thế này chứ.

Đưa Lão Nhị vào Tùng quán dưới chân núi, Lão Đại phóng lên tháp.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0425.jpg
Tháp Nhạn với những mảng khối đường bệ, đứng trên đỉnh núi Nhạn



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0422.jpg
Nhìn xuống cầu Đà Rằng, xuôi về phương Nam



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0424.jpg
Một góc thành phố Tuy Hòa


Tháp Nhạn một mình đứng trên đỉnh núi, y đã từng qua chụp, nên lần này cũng không mất nhiều thời gian. Nhưng mới được khoảng nửa tiếng, y chuẩn bị xuống núi thì Lão Nhị réo điện thoại.
Thì ra gã phải điện thoại liên tục nãy giờ, điện thoại sắp cạn pin, mà đồ xạc pin của gã đang nằm trên ngựa của Lão Đại.
Gã có gắn một thùng chứa đồ thẳng lên yên sau, như thế, gã còn có thể tựa lưng lúc chạy trên đường.
Nhưng thùng của gã khá nhỏ, chả đựng được bao nhiêu, nên gã phải mang theo một balo.

Lão Đại ban đầu không tính việc gắn thùng.
Thực tế, chạy đường xa, dĩ nhiên thường xuyên phóng nhanh trên những chặng đường dài giữa những điểm dừng. Trong trường hợp đó, chằng túi đồ lên bình xăng là dễ chạy nhất, ôm cua thoải mái và an toàn hơn là buộc phía sau.
Tuy nhiên sát ngày đi, nghe miền Trung mưa gió bất chợt, Festival Huế khai mạc trong đêm mưa, nên y đổi ý, muốn gắn thùng, vì đi dài ngày, đồ mang theo nhiều, còn súng ống nữa, gặp mưa giữa đường sẽ phức tạp.
Ngay trước khi mang ngựa ra ra gửi đi Nha Trang, y túm được một tên đồng bọn đang đeo cái thùng, bèn ... mượn.
Vì gấp quá, phải tháo nguyên cả baga và thùng của tên kia đổi sang cho nhau. Mà tên kia thường xuyên chở rơ - moóc, nên giữa yên trước và cái thùng còn một khoảng trống.
Để nguyên thế chạy một mình đường xa sẽ khó, vì trọng tâm tuột bớt ra sau, nên Lão Nhị nhân tiện ... gửi cái balo của gã vào khoảng trống đó. Như vậy, khi Lão Đại muốn tựa, cũng được luôn.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0037.jpg
Ngựa Lão Nhị thì khỏe, mang cái thùng đồ tí xíu.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0038.jpg
Khoảng trống trên yên sau của Lão Đại được nhét cái balo của Lão Nhị chèn vào.



Lão Đại xuống núi, đưa đồ sạc pin, Lão Nhị bèn cắm sạc và alo tiếp, liên tục, liên tục đến tận 17g30 mới xong việc.
Thế là vụ vào gành Đá đĩa phá sản.
Gần 18g, chúng lại tiếp tục lên đường ra Quy Nhơn.
Nắng chiều vẫn còn rực rỡ lắm, nhưng sẽ tàn nhanh.
Lần lượt những con dốc, những con đèo nhỏ dọc đường từ Tuy Hòa ra Quy Nhơn dần lui lại phía sau : dốc Long Thủy, dốc Đài, dốc Bà Ền, dốc Quán Cau, đèo Tam Giang, dốc Vườn Xoài ...

Đến Sông Cầu, trời tối hẳn. Ngựa Lão Nhị trục trặc.
Bệnh nhẹ, dễ tìm bệnh và dễ sửa, nhưng thiếu thuốc chữa.
Loay hoay mất gần nửa tiếng, với những thứ nhặt nhạnh bên vệ đường, chúng cũng chữa xong bệnh cho ngựa.
Gần 19g30, cặp hắc mã lại hí vang nhắm hướng Quy Nhơn lên đường.

tunbo
22-06-2010, 16:42
Lúc chạy qua vùng Tuy An, Dạ thần bắt đầu xuất hiện, phủ bóng lên con đường dài
Đường về Quy Nhơn tuy không còn bao xa, nhưng tối rồi, thì vào Gềnh Đá đĩa cũng chả để làm gì.
Post "tạm" ảnh Gềnh Đá đĩa y chụp trong lần trước ghé qua nơi đây, có tí minh họa cho đỡ nhức mắt với chữ và chữ.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_8539.jpg
Lão Đại lần đó ghé Gềnh vào một buổi chiều tàn, qua cây cầu gỗ bắc ngang đầm nước rộng, ngay bên QL1A. Ảnh chụp từ giữa cầu ra phía QL1A


Qua cây cầu gỗ, chạy men bờ một quãng rồi bắt vào đường nhựa ra Gềnh.
Đường cũng dễ đi, dù loằng ngoằng, vì có biển báo hiệu liên tục ở những ngã rẽ.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_8558.jpg
Gềnh Đá đĩa chỉ là một mỏm đá nhỏ chòi ra sát mép nước.


Nghe nói rằng, ngày xa xưa, ở gần đó có núi lửa, một dòng nham thạch đổ ra đến tận biển, gặp nước biển đột ngột nên đông cứng một cụm và nứt toác thành các múi rất đều đặn.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_8561.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_8563.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_8595.jpg
Gềnh đá chạy đến tận mép nước, sóng vỗ tung bọt trắng xóa.

tunbo
23-06-2010, 00:33
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_8588.jpg
Các thớ đá đều chằn chặn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_8569.jpg
Hoàng hôn buông xuống rất nhanh.

Buổi chiều ở đây, nắng tuy rực rỡ, nhưng mau tàn.
Vì vướng vách Trường Sơn, khi mặt trời xuống khuất đỉnh núi, vách phía Tây Trường Sơn vẫn còn nắng rực rỡ, thì bên sườn phía Đông, bóng tối buông xuống rất nhanh. Lần đó, khi quay ra đến cây cầu gỗ, phía Tây trời vẫn còn hừng lên sau dãy núi, còn phía Đông, trăng đã sáng rõ.


Lại quay về với chuyến đi hiện tại.
Lão Nhị chừng như mất thời gian mò mẫm chữa … ngựa, cũng thấy cuồng, nên leo lên ngựa là y cứ chạy lồng lên, dù trời tối.
Theo thỏa thuận ngầm, gã phải chạy sau. Ban ngày thì thỉnh thoảng thay nhau chạy trước cho đỡ buồn ngủ.
Nhưng ra khỏi Sông Cầu, gã cứ vọt lên. Lão Đại mặc kệ, y cứ tầm 70km/h mà phi. Lão Nhị vọt lên xa quá, lại phải hãm ngựa bớt lại để … chờ. Gã thấy mặt Lão Đại tỉnh bơ.

Chạy được một chốc thì tới ngã rẽ vào QL1D.
Nếu theo QL1A chạy tiếp thì qua đèo Cù Mông, nhưng con đường không chạy men biển, mất hơn năm chục km mới tới Diêu Trì, rồi phải quặt vào Quy Nhơn.
Còn theo đường QL1D, chỉ mất bốn chục km là đến thẳng Quy Nhơn, đường lại khá mới, cong cong theo bờ biển, dốc lên dốc xuống theo các triền núi, chạy ban ngày khá đẹp.
Nhưng dẫu tối không ngắm cảnh được, thì đường đẹp và rút ngắn được hơn chục km cũng tốt.
Gọi QL1D là “đường mới”, chứ từ giữa năm 2002, Lão Đại đã đi qua đường này rồi, dù y chẳng biết chính xác nó được khởi công và hoàn thành khi nào.

Gần đến lối rẽ vào QL1D, Lão Đại mới vọt lên trước, sầm sầm đâm vào đường này.
Lão Nhị lẳng lặng chạy bám sát. Đi với gã, Lão Đại thấy khá thoải mái, vì gã tếu táo, lại không hay càm ràm. Chắc vì ra khỏi Nha Trang, đối với gã chỗ nào cũng lạ, nên đi đường nào không thành vấn đề.
Mới vào QL1D, khoảng gần chục km đầu, đường khá bằng phẳng, rộng và ít xe, Lão Nhị vẫn chạy như lúc ngoài đường QL1A, vẫn vọt lên.
Rồi bắt đầu vào đường dốc, bên là biển, bên là núi, đường quanh co vồng lên võng xuống.
Lúc này Lão Đại lẳng lặng … tăng tốc. Y cứ 80 – 85km/h mà phóng. Qua vài khúc cua, Lão Nhị bắt đầu tụt lại sau.
Lão Đại không bỏ gã lại quá xa, y bật pha quét xa phía trước, còn y nhìn đường nhờ đèn cos của Lão Nhị.
Mỗi khi đến đoạn đường bằng, lại thấy Lão Nhị thụt thò kéo lên.
Nhưng gã mới đi đường này lần đầu, còn Lão Đại thì đã quen đường này, y kệ gã đồng hành , cứ giữ nguyên tốc độ, đường phẳng chả được bao nhiêu, lại vào cua, y không giảm tốc độ, còn Lão Nhị lại tụt lại phía sau.
Cứ như thế, khoảng bốn chục km đường 1D chẳng mấy chốc đã vụt qua. Ánh đèn thành phố Quy Nhơn đã rực rỡ trước mặt.
Vào đến thành phố, Lão Đại để Lão Nhị vượt lên, y cứ đi sau, để Lão Nhị tìm khách sạn.
Không mất nhiều thời gian, Lão Nhị đã mò ra khách sạn. Có Wifi, giá mềm mại. Lúc đó mới gần 20g30 ngày 11/6/2010.

Tắm rửa gột sạch bụi đường xong, cả hai long dong lên ngựa ra con đường ven biển, tấp vào một quán nhậu có tivi lớn, vừa múc hải sản, vừa xem bóng đá.
Hôm đó khai mạc World Cup 2010. Mải đi, cứ nhớ nhầm 12/6 mới khai mạc. Về đến Quy Nhơn thấy thiên hạ tụ tập đấy đường xem bóng đá, mới biết. Thật là … vớ vẩn quá đi.
Kết thúc ngày hành trình đầu tiên trên giường, bia với hải sản no quá, ngủ thẳng cẳng.

Vì chạy trong đêm tối chả chụp choẹt gì, lại mượn ảnh của 1 chuyến đi trước về con đường Sông Cầu - Quy Nhơn theo QL1D



https://i203.photobucket.com/albums/aa25/tunbo712/IMG_5686.jpg
Khúc qua Sông Cầu, hai bên đường toàn dừa.


https://i203.photobucket.com/albums/aa25/tunbo712/IMG_5707.jpg
Vào QL1D - hướng từ Sông Cầu đi Quy Nhơn.


https://i203.photobucket.com/albums/aa25/tunbo712/IMG_5713.jpg
Một làng chài ven đường.


https://i203.photobucket.com/albums/aa25/tunbo712/IMG_5720.jpg
Đường xẻ qua núi.


https://i203.photobucket.com/albums/aa25/tunbo712/IMG_5716.jpg
Nhiều bãi cát hình vòng cung đẹp như thế này.

hl2911
23-06-2010, 16:40
Ôi Lão Đại ơi, sao mà phong cảnh nó đẹp thế nhỉ, lúc phi ngang qua chắc tại người và ngựa oải quá nên không còn tâm trí để chiêm ngưỡng, haizzz tiếc quá tiếc quá.

tunbo
24-06-2010, 11:45
Ôi Lão Đại ơi, sao mà phong cảnh nó đẹp thế nhỉ, lúc phi ngang qua chắc tại người và ngựa oải quá nên không còn tâm trí để chiêm ngưỡng, haizzz tiếc quá tiếc quá.

Hoho, Lão Nhị mi lại quên uống thuốc rồi chăng? Đấy là hình ảnh ban ngày, ta chụp từ những chuyến ta đi lúc trước, còn khi ta với mi đi qua đó, trời tối om rồi, uể với oải cái gì?



Sáng hôm sau, hai gã dậy không muộn, nhưng tự dưng lười nhác, nằm lỳ trong khách sạn đến 9g mới túc tắc xuống trả phòng, dắt ngựa ra đi.
Trong lúc vệ sinh mặt miệng, Lão Nhị đánh rơi cái điện thoại Black Berry xuống bồn rửa mặt. Lôi lên lau chùi, gí vào máy lạnh một hồi cho khô, nhưng vẫn tèo.
Mà gã thì buộc phải bật điện thoại liên tục, vì công việc, nên khi ra tượng đài Quang Trung, Lão Đại ngồi nhấm nháp café, còn Lão Nhị chạy đi mua cái điện thoại mới.
Mua điện thoại mới, lại phải sạc cho nó tí pin, nên khi Lão Đại uống đến ly trà đá thứ … nhiều, gã mới xớn xác quay lại. Lúc đó đã 10g30 sáng 12/6.

Gã uống vội ly café, nốc như nốc bia.
Rồi cả hai kéo nhau đi tìm hàng bún chả cá nổi tiếng Quy Nhơn, tiếc rằng lúc đó … sớm quá, nên người ta … bán hết rồi, đang lục tục đóng cửa.
Lão Nhị chắc đói – vì chưa ăn sáng, nhưng gã có vẻ áy náy vì đã làm chậm lịch trình với sự hậu đậu của mình, nên gã bảo Lão Đại cứ đi tháp Đôi, rồi dọc đường gặp hàng nào ăn được thì ăn.
Lão Đại cũng thấy thương gã, nhưng nghĩ tháp Đôi ở ngay ngoại ô Quy Nhơn, cứ ra đó rồi tính, có thể y chụp ảnh, còn gã đi ăn cũng được. Y chả muốn ăn.
Khi chúng đến tháp Đôi, đã hết giờ tham quan, cổng khóa.
Chúng lòng vòng theo tường bao khuôn viên tháp, phát hiện ông bảo vệ ở trong cái nhà nhỏ trong góc sau, bèn trèo tường gọi chõ vào.
Lát sau ông ta ra mở cổng. Có lẽ vì ổng thông cảm khi thấy hai kẻ nai nịt theo lối khách đường xa, giữa trưa lỉnh kỉnh đồ đạc, máy ảnh.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0426.jpg
Tháp Đôi giữa trưa tháng 6.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0044.jpg
Con mèo giương mắt nhìn kẻ lạ mặt loanh quanh bên 2 ngọn tháp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0496.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0497.jpg
Chán rồi nó bỏ đi sang góc đồi diện ngồi phơi nắng.


Đến lúc này mới là lần đầu tiên cả hai người cùng vào một khu tháp Chăm.
Lão Đại thì lập tức tập trung vào chụp tháp.
Còn Lão Nhị ban đầu cũng ngắm ngó, chụp choẹt mấy phát. Sau gã chép miệng : Lão khùng ngươi thấy có gì hay mà chụp tới chụp lui vòng quanh thế? Ta ra ghế đá ngồi đây.

Khuôn viên tháp Đôi khá rộng rãi, nhiều cây cối, nên cũng mát mẻ.
Sân tháp lại trồng cỏ toàn bộ, nên cũng mát mắt.
Ngồi uống nước một lúc, Lão Nhị sợ buồn ngủ, nên lại lôi máy ra chụp cảnh quan xung quanh, và chụp cặp ngựa sắt.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0019.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0018.jpg
Khuôn viên tháp Đôi rộng rãi, nhiều cây, sân lại được trồng cỏ xanh mướt


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0017.jpg
Cặp ngựa sắt yên lặng đứng trong bóng cây trên thảm cỏ

tunbo
24-06-2010, 12:14
Khi Lão Đại kết thúc công việc chụp ảnh tháp, quay lại thấy Lão Nhị đang nằm khoèo trê bãi cỏ dưới bóng cây, cạnh cặp ngựa sắt.
Y ngạc nhiên hỏi :
- Lão Nhị mi đã đi ăn cơm về rồi á?
- Lão Đại ... khùng, ta nằm đây nãy giờ, lão đi qua đi lại mà giả vờ ngây ngô hả? Đằng nào cũng trưa rồi, ta chờ bắt lão đi ăn trưa cùng, không thả lão như hôm qua được.

Rời tháp Đôi đã 13g30, chạy tiếp một đoạn, rồi hai người rẽ trái vào QL19.
Lúc này Lão Nhị đã đói lắm, nhưng đoạn đầu đường 19 này, nằm ở ngay ngoại ô Quy Nhơn, không có hàng ăn nào cả.
Chúng đành tạt vào ven đường uống nước mía. Hai người 4 ly.
Chạy thêm một quãng, đã thấy tháp Bánh Ít ngự trên ngọn đồi cao bên phải đường.
Trông thì gần, chim bay chắc một tí là đến, nhưng chim … đi xe máy thì phải chạy ra đến chỗ giao cắt của QL19 với QL1A, rẽ phải đi về phía Bắc, qua cầu Bà Di gần đó, mới có lối rẽ phải vào tháp.
Lên đến tháp, Lão Nhị tháo máy ảnh của mình đưa cho Lão Đại, rồi quày quả trở ra đường 1A – chắc gã đói quá, và đã tia thấy quán ăn ngoài đó. Lúc đó đã hơn 14g.
Việc thay ống kính lích kích, nên khi gã đưa máy ảnh, Lão Đại thản nhiên nhận, khoác cả hai cái máy vào người, tạm chia tay gã đồng hành, leo lên đồi chụp tháp Bánh Ít.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0064.jpg
Toàn cảnh khu tháp Bánh Ít đứng trên đồi cao.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0066.jpg
Từ gần đến xa : tháp "bánh ít", tháp Nam và tháp chính, lối lên tháp hiện tại từ phía Nam, bọc ra sau tháp chính.


Khu tháp Bánh Ít tọa lạc trên một quả đồi cao, còn lại 4 ngôi tháp, nằm ở các cao độ khác nhau.
Thấp nhất là tháp cổng, nằm thẳng trên một trục Đông - Tây với tháp chính.
Ngôi tháp xa nhất về phía Nam nằm ở cao độ khoảng giữa tháp cổng và tháp chính, nó có cái phần mái trông như cái bánh ít, nên người ta mới gọi khu tháp bằng cái tên đó luôn.
Tháp chính và ngôi tháp Nam có mái hình yên ngựa, nằm trên đỉnh đồi.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0507.jpg
Tháp cổng, nằm ở vị trí thấp nhất toàn khu, cách tháp chính chừng hơn trăm met về phía Đông


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0559.jpg
Tháp "bánh ít", nằm thấp hơn tháp chính chừng hơn chục mét về phía Nam, lối đi lên khu tháp hiện nay, qua ngôi tháp này đầu tiên - con đường láng bêtông bên phải ảnh


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0521.jpg
Phần đỉnh tháp trông từ xa như cái bánh ít, nên thành tên gọi cho cả khu tháp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0561.jpg
Tháp Nam nằm trên đỉnh đồi cạnh tháp chính, với bộ mái cong hình yên ngựa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0602.jpg
Tháp chính và tháp Nam nằm trên đỉnh đồi - nhìn qua cửa của tòa tháp cổng phía dưới.

hl2911
24-06-2010, 12:23
1 thông tin nữa là nơi đây ngủ trưa rất ư là ngon, kà kà.

tunbo
24-06-2010, 21:06
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0150.jpg
Cầu Bà Di trên QL1A bắc qua sông Côn, nhìn từ trên tháp chính.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0154.jpg
Chộp được cả tàu hỏa đang qua cầu, trên cây cầu đường sắt nằm ngay bên cạnh.


Hai giờ sau, Lão Đại túc tắc xuống đồi, đến chỗ nhà bảo vệ khu tháp, thấy Lão Nhị đang lúi húi tháo sửa signal ngựa của gã.
Mặt gã tươi rói, khác hẳn lúc mới vào tháp khi nãy :
- Hehe, Lão khùng ngươi giỏi phơi nắng nhể? Ta đánh chén no nê, về đây kê áo khoác làm gối, đánh được một giấc gần tiếng. Ôi, sung sướng quá đi.

Dự tính bán đầu là qua tháp Bánh Ít, sẽ trở ra đường 19 chạy đến tháp Thủ Thiện và tháp Dương Long cách đó chừng 30km.
Nhưng lúc đó đã gần 16g, mà tháp Dương Long có 3 ngôi, chắc chắn thiếu thời gian, chưa nói đến việc tháp Thủ Thiện cách đo 5km, cả hai khu tháp, Lão Đại đều mới dò tìm trên bản đồ.
Ông bảo vệ tháp Bánh Ít bày nên đi tháp Bình Lâm, cách tháp Bánh Ít có 7km, lại không phải lộn ra đường 1A.
Thế là đi tháp Bình Lâm.
Lão Nhị ớ ra :
- Lão Đại, ngươi không ăn gì từ sáng đến giờ, mà giờ lại đi tiếp luôn à? Năng lượng trong người ngươi từ đâu ra thế?
- Không đi ngay bây giờ, lát tắt nắng, chụp choẹt gì? Hôm nay "nghỉ" sớm, đi uống bia.

tunbo
24-06-2010, 23:27
Chỉ vì lúc sáng ở Quy Nhơn lười, đi muộn, nên hỏng cả lịch trình :D.
Ban đầu, kế hoạch là ngày hành trình thứ hai sẽ đến tháp Đôi, tháp Bánh Ít, rồi quay ra đường QL19 lên tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện, rồi quay về thị trấn Bình Định hoặc thị trấn Đập Đá ngủ.
Mặt khác, khi nghiên cứu đường đi trên bản đồ, tháp Bình Lâm được đi vào ngày hôm sau, sau khi qua tháp Cánh Tiên và tháp Phú Lốc, vì ngày hôm sau còn tiếp tục chạy đến Tam Kỳ.
Nhưng đường đi thực tế đến tháp Bình Lâm lại không như dự kiến ban đầu, đi từ tháp Bánh Ít vào khá gần.
Đi tháp Bình Lâm trước, rồi về nghỉ, ngày thứ ba của cuộc hành trình đâm ra sẽ khá vất vả.
Thực ra chặng đường cũng không quá xa, chỉ khoảng 300km, nhưng mất thời gian vì ngược vào Dương Long, Thủ Thiện, rồi lại xuôi ra đường 1A, và chắc chắn rời đất Bình Định đi Quảng Nam sẽ muộn, sẽ phải chạy tối.
Nhưng đã lỡ rồi, đi bụi không phải lăn tăn nhiều.

Tháp Bình Lâm nằm tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước - Bình Định, cạnh con sông Gò Tháp
Tiếp tục đi sâu vào con đường từ QL1A vào tháp Bánh Ít chừng thêm 4km, dừng hỏi đường tiếp.
Rẽ trái vừa đi vừa hỏi ngoằn ngoèo trong những cánh đồng lúa, những ngôi làng xanh mướt cây cối. Thêm chừng 3km nữa, qua một con đường đi bộ giữa hai thửa ruộng, chúng cặp bờ sông Gò Tháp.
Có một cây cầu tre bắc qua sông. Nó chỉ dài chừng hai chục mét, nhưng không có lan can, lại hẹp chỉ đủ 1 xe chạy qua.
Cầu bắc bằng các cây tre đỡ dọc, và mặt cầu là những đoạn tre hoặc gỗ tròn, lổn nhổn đầu đinh thò lên.
Từ con đường ruộng vừa lên mặt đê là húc xuống cầu luôn, vừa qua cầu là lại lao lên mặt đê, và phải rẽ ngay – rẽ tay nào cũng được, vì nếu không sẽ lao xuống ruộng lập tức.
Hai con ngựa sắt nhảy tưng tưng trên cây cầu tre lổn nhổn. Rồi rẽ phải trên con đê.
Sau, lúc trở ra mới biết dân sở tại toàn dắt xe máy qua cầu. Phần vì mặt cầu quá lồi lõm, lại hẹp có chừng 1,2m không có lan can, và đầu đinh nhấp nhô.
Ệch, thế mới biết lúc nãy liều.

Tháp Bình Lâm nằm bên kia sông Gò Tháp, đến cầu tre là đã thấy nóc tháp nhô lên sau những bụi tre.
Loằng ngoằng thêm một cái rẽ phải nữa, tháp đứng ngay sát rạt con đường.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0629.jpg
Trước đây, tháp Bình Lâm nằm giữa cánh đồng, nay cánh đồng đã thành khu dân cư.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0639.jpg
Con đường chạy ngay sát mặt tường phía Bắc của tháp. Mặt sau (mặt Tây) của tháp còn nguyên giàn giáo phục vụ công việc sửa chữa, trùng tu.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0647.jpg
Phía mặt Nam của tháp có một khoảnh đất trống khá rộng rãi.


Khi đến tháp, đã gần 17g, tháp Bình Lâm nằm giữa ngôi làng, đầy cây cối xanh tươi, nên vào giờ đó, khu tháp bắt đầu tối.
Lão Đại vội vã chụp ảnh các chi tiết của ngôi tháp. Xong, cũng gần 18g.
Lại lên đường quay ngược ra đường 1A tìm chỗ tá túc cho đêm thứ hai trên đường.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0219.jpg
Quay ra, chụp được toàn cảnh khu tháp Bánh Ít từ phía Đông lại, khi bóng tối bắt đầu buông xuống.

tunbo
25-06-2010, 22:03
Quay ra QL1A ở đoạn cầu Bà Di, rẽ phải ra phía Bắc chừng 3km, rồi rẽ trái đi vào thị trấn Bình Định cách đó chừng 1km.
Chẳng ai bảo ai, cả hai cứ thế cắm cúi đi hết thị trấn mà không có ý định dừng lại, vì cả con đường chính qua thị trấn, có mỗi cái nhà nghỉ be bé, buồn buồn ở gần cây xăng trong thị trấn.
Mà hôm nay nghỉ sớm để ăn uống, thị trấn buồn thế, tự dưng không khoái.
Bọc một vòng lại ra đến QL1A, tiếp tục hướng ra phía Bắc mấy km nữa, đến thị trấn Đập Đá, lúc này trời đã nhập nhoạng, mây đen lại đang ùn ùn kéo tới.
Chúng đã nhắm được một cái nhà nghỉ khá lớn của một hãng vận chuyển (địa phương) ngay gần đèn xanh đèn đỏ trên QL1A, giữa thị trấn.
Nhưng còn muốn đi lòng vòng xem cái thị trấn Đập Đá này nó thế nào. Vừa vặn quay lại tới nhà nghỉ thì trời đổ mưa giông.
Lấy phòng, tắm rửa.
May trời mưa nên dịu bớt, chứ miền Trung đang thiếu điện, bị cúp điện hoài. Nhà nghỉ có chạy máy phát, nhưng không đủ để chạy máy lạnh, chỉ để quạt và chiếu sáng, khi có điện lưới quốc gia mới được dùng máy lạnh.
(Nhà nghỉ còn không đưa remote máy lạnh vì sợ khách bật máy, làm tịt máy phát, nhưng chả biết sao, khi hai gã vào phòng, thấy máy lạnh đang chạy rồi, muốn tắt cũng chả được :D)

Ngoài trời vẫn mưa, nhưng các quán nhậu, quán ăn khuya hai bên đường 1A đã tấp nập người. Hai tên lang thang lúp xúp chạy xuống, tấp vào một quán bên đường.
Quán chỉ là mấy cái bàn ăn bày trên vỉa hè, trời mưa nên được che bằng một tấm bạt lớn, thủng lỗ chỗ, nước rỏ long tong.
Nhưng chẳng hề gì, đi lang thang trên đường dài, ngồi nhậu trong một tấm bạt thủng, Lão Nhị xem chừng rất lấy làm thú vị.
Mà gã thấy thú vị thì Lão Đại cũng thấy vui rồi, đến ngày thứ hai của cuộc hành trình, y càng thêm thấy áy náy với gã đồng hành, vì gã cứ phải lếch thếch theo y đến những chỗ gã không thấy mê.
Được cái, gã chẳng tỏ ra khó chịu gì, mà cứ cười hề hề suốt. Bạn đường tốt :D.
Ở vùng này, toàn gà với vịt, tuy nhiên ngon.
Hai gã ăn hết gà, chuyển sang ăn vịt, rồi cháo gà.
Không uống bia mà uống rượu. Rượu – không – phải – Bàu Đá, như lời cô bán quán thẳng thắn từ đầu. Chẳng hề gì.
Chúng ăn xong, trời hết mưa. Đi tìm quán café, thì đã đóng cửa hết rồi.
Quay lên nhà nghỉ, vác ghế ra ban công nhìn xuống đường 1A, í ới trêu ghẹo em gái bán quán trong cái tấm bạt thủng khi nãy.
Có lẽ đó là lần đầu tiên, Lão Nhị rời khỏi Sàigòn mà nghỉ đêm ở một thị trấn bé xíu, suốt đêm tiếng xe chạy ầm ầm vọng vào tận giường.


Sáng hôm sau, Lão Đại dậy sớm, đập Lão Nhị dậy.
Gã dụi mắt một hồi rồi nói :
- Ê lão, ta phát hiện một việc rất lạ.
- ???
- Sao mấy hôm nay, cứ thức dậy, mở mắt ra là ta thấy mặt lão?? :D
- Ờ, ta cũng thấy lạ đây. Mọi khi cứ ngủ dậy là ta gọi thằng con ta dậy, mấy hôm nay ngủ dậy, ta lại toàn gọi mi dậy là sao, là sao? :))

tunbo
25-06-2010, 22:52
Ngày thứ 3 của cuộc hành trình.
Lần này, Lão Nhị quyết tâm lôi cổ Lão Đại đi ăn sáng.
Gã rút kinh nghiệm 2 ngày qua, cứ đến mấy khu tháp, là lão đầu trần chang nắng, đi vòng quanh các ngôi tháp cổ ngắm nghía chụp choẹt như bị ma làm.
Gã cứ tự hỏi rằng, lão khùng đó thấy những cái quái quỷ gì mà khu tháp nào cũng đi lòng vòng mấy mấy tiếng đồng hồ? Chả lẽ ma Hời ám lão thật sao? (Hời - một tên gọi của người Chăm)

Vì thế, bị gọi là gã dậy ngay, vệ sinh cá nhân nhanh chóng và áp giải nhau đi ... ăn sáng, uống cafe.
Về hàng ăn uống thì ở Đập Đá nhiều, sáng sớm, trên cái doi đất mũi tàu gần đèn xanh đèn đỏ, rât nhiều hàng ăn sáng.
Nhưng chúng ghé quán hủ tíu múc cho chắc dạ, rồi ních thêm cafe. Sau đó mới về nai nịt lên đường.
7g30 bắt đầu rời khỏi Đập Đá.
Lịch trình của ngày thứ ba khá dày :
- Đi tháp Cánh Tiên, nhân tiện ghé lăng Võ Tánh trong thành Chà Bàn
- Đến tháp Phú Lốc gần đó
- Đi tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện ở phía Tây, gần QL19.
- Xuôi về QL1A, chạy thẳng ra Tam Kỳ mới dừng lại nghỉ.

Qua khỏi thị trấn Đập Đá về phía Bắc chừng 6-7km, đến đoạn đường cong cong, thì biển báo vào Tháp Cánh Tiên nằm bên trái đường - hướng Nam ra Bắc.
Rẽ trái chừng 3km vào con đường ấy, thấy tháp ngay bên trái đường, trên một cái gò nhỏ.
Khu tháp đang trùng tu. Cổng vào khóa bằng sợi xích to tướng. Đành loay hoay chụp từ bên ngoài tường rào.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0661.jpg
Mặt Đông của tháp, nơi có cửa chính.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0662.jpg
Mặt Bắc của tháp.


Cây cối xung quanh che lấp, thêm hệ giàn giáo nữa, làm ngôi tháp bị khuất nhiều.
Loay hoay một hồi, Lão Nhị đang núp nắng trong bóng cây bên đường, chợt thấy Lão Đại bằng cách nào đó mở toang được cánh cổng khóa.
Gã cũng chỉ ngạc nhiên một tí, rồi thản nhiên ngồi chờ.
Lão Đại biến vào bên trong, không quên "khóa" cổng lại như cũ.
Nhưng ngôi tháp đang sửa chữa, có công nhân đang cắt gạc, mài gạch, vừa bụi vừa điếc tai, y chụp nhanh, chỉ hơn nửa tiếng sau đã mở cổng quay ra, vẫy Lão Nhị tiếp tục hành trình.



Thành Chà Bàn cũ ở phía trong, đi tiếp con đường ấy vào khoảng gần 2km, rẽ trái một đoạn là đã thấy lăng Võ Tánh hình bát giác nhô lên trong khu vực Tử cấm thành cũ của thành Hoàng đế.

Thành Hoàng đế do Thái Đức Nguyễn Nhạc xây lại trên nền thành Chà Bàn của người Chăm xưa.
Năm 1793 Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng đế đổi tên thành Thành Quy Nhơn.
Năm 1799, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn đánh chiếm, đổi tên thành Bình Định.
Nhà Tây Sơn (vua Quang Toản) phái hai viên hổ tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân vào chiếm lại thành Bình Định.
Lúc đó trấn thủ thành Bình Định phía quân Nguyễn là Hoài quốc công Võ Tánh và Hiệp trấn Ngô Tùng Châu. Hai người ra sức cố thủ.
Ngót một năm trời, quân Tây Sơn vây thành, mà chưa hạ nổi.
Lợi dụng cơ hội quân chủ lực nhà Tây Sơn đang tập trung tại đây, quân Nguyễn vượt biển đánh thẳng ra Huế, khiến Cảnh Thịnh Quang Toản phải bỏ chạy ra Bắc.
Trong lúc đó, thành Bình Định sau 1 năm bị vây hãm đã cạn kiệt sức chiến đâu.
Võ Tánh gửi thư cho Trần Quang Diệu, khuyên đừng giết tù binh, rồi mở cổng thành, sau đó lên lầu Bát giác trong Tử cấm thành chất củi tự thiêu.
Hiệp trấn Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độ tự tử.
Trần Quang Diệu vào thành, tha hết cho toàn bộ quân Nguyễn trong thành, ngay sau đó nhận được tin Huế thất thủ, nên lại bỏ thành, cùng Võ Văn Dũng kéo quân ra Nghệ An bằng đường rừng, để tìm theo Cảnh Thịnh.
Thắng trận, năm 1802 vua Gia Long lên ngôi, đã cho dựng đền thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tại ngay nơi Võ Tánh tự thiêu.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0695.jpg
Lăng Võ Tánh - tòa lầu nhỏ hình bát giác (được xây dựng lại sau khi bị sụp đổ những năm giữa thế kỷ XX)

tunbo
25-06-2010, 23:11
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0688.jpg
Cổng vào khu lăng - cũng là cổng vào Tử cấm thành Hoàng đế xưa - ông già bảo vệ ở đây nói rằng, nó được sửa chữa đắp dựng lại trên cái cốt của trụ cổng ngày xưa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0669.jpg
Toàn cảnh khu vực Tử cấm thành, với cột cờ phia sân trước - cũng bị khóa bằng lưới B40. Nhưng rút kinh nghiệm sẵn, chỗ nào cũng khóa như thật, với các sợi xích hoặc ổ khóa rât to, nhưng để ý kỹ vẫn thấy có cách vào được.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0673.jpg
Khu vực cung điện xưa, nay chỉ còn dấu tích nền, cùng với điện thờ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0695.jpg
Khu vực thờ các tử sĩ (không rõ của nhà Tây Sơn hay nhà Nguyễn) nằm bên phải từ ngoài vào, gần phía cổng.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0693.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0698.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0696.jpg
Dấu tích một số đoạn thường thành bằng đá ong.

tunbo
26-06-2010, 17:31
Trong khuôn viên di tích, hiện còn 3 con nghê đá - nghe nói là từ thời Chăm, có điều không biết người Chăm gọi là con gì.
Một con ở ngay sau cột cờ, hai con còn lại chầu 2 bên tòa lầu bát giác hiện tại.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0675.jpg
Một con ở sau cột cờ.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0682.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0689.jpg
Hai con còn lại chầu 2 bên tòa lầu bát giác.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0678.jpg
Một nền điện cũ trong Tử cấm thành.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0694.jpg
Tiếp đến lối đi thẳng vào lầu bát giác.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0680.jpg
Tòa lầu bát giác nhỏ, nơi đặt ban thờ Võ Tánh.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0687.jpg
Bên trong lầu bát giác.


Nguyên ngày xưa, tòa lầu Bát giác cũ lớn hơn nhiều, do Thái Đức Nguyễn Nhạc xây, Võ Tánh chất củi tự thiêu tại chính tòa lầu đó, khi thành thất thủ. Sau Gia Long lấy làm nơi thờ Võ Tánh.
Sau này do sự tàn phá của thời gian và do chiến tranh, tòa lầu cũ bị sụp đổ, và người ta dựng lại tòa lầu hiện còn bây giờ vào khoảng giữa thế kỷ XX, với các mặt vách trổ chữ Hỏa.

tunbo
26-06-2010, 17:46
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0690.jpg
Sau tòa lầu là khu mộ của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0691.jpg
Mộ Võ Tánh là ngôi mộ lớn đắp tròn, mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật bên cạnh, phía sau là một bức án có đắp chữa Hỏa lớn.


Hai ngôi mộ hiện tại ở đó là mộ giả.
Thi hài Ngô Tùng Châu đã được đưa về táng ở Phù Cát, hài cốt của Võ Tánh sau đó đã được đưa về Sàigòn.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0685.jpg
Ngang vị trí tòa lầu Bát giác, phía tay trái từ ngoài và, ở phía bên ngoài bức tường gạch, là một di tích thời Tây Sơn mới được phát hiện năm 2004 : Thủy Hồ, một hồ cảnh hình bán nguyệt.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0688.jpg
Từ lầu bát giác nhìn ra cổng.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0672.jpg
Tháp Cánh Tiên nhìn từ Tử cấm thành Hoàng đế.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0701.jpg
Tháp Phú Lốc nằm trên một ngọn đồi xa xa về phía Đông Bắc, cách đó chừng chục km.

tunbo
27-06-2010, 01:11
Trong các khu di tích Chăm từ trước đến giờ, duy có ở tháp Poromé có người mở cửa tháp mỗi khi có khách, và lần đến tháp Hòa Lai trong mưa, là cánh cổng bị khóa thật sự, còn những chỗ khác, hoặc bán vé vào thăm, hoặc chả có cổng rào gì cả.
Còn những chỗ có cổng, có khóa (như ở tháp Cánh Tiên, ở Tử cấm thành Hoàng đế, ở tháp Chiên Đàn) người ta chỉ giả vờ khóa.
Đúng ra là làm y như khóa thật, nhưng thật ra là không khóa.
Khi Lão Đại vào gần đến tòa lầu bát giác, ông bảo vệ - đang ở đâu đó gần đấy - mới chạy lại, Lão Nhị bèn túm lấy bắt chuyện, hỏi han đủ thứ, thế là ông cụ ... khoái, kể chuyện ngày xưa ...
Lão Đại quay ra, hỏi ông lão về cặp voi đá, thì được chỉ dẫn ngay.

Nhắm thẳng cổng Tử cấm thành, có một con đường (vuông góc với đường từ ngoài vào, tạo thành cái ngã ba ngay trước cổng Tử cấm thành) đi chừng hơn 200 met, thấy ngay cái "Bia di tích" ở một ngã ba đường.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0699.jpg
Nơi đây ngày xưa là khu vực thành Nội của thành Hoàng đế của vua Thái Đức.


Cặp voi đá đứng ngay cạnh đó, chầu hai bên con đường thẳng từ cổng Tử cấm thành đi ra.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0701.jpg
Bên trái, chắc là con voi cái, vì cổ nó có đeo vòng trang trí khá ... diêm dúa. Đôi tai đã bị mẻ vỡ gần hết.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0704.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0703.jpg
Con voi đực ở bên phải đường trông rất hùng dũng, với đôi tai vểnh ra, cặp ngà cũng đã gãy.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0702.jpg
Chỗ ngã ba có "Bia di tích" và cặp voi đá, nhìn lại Tử cấm thành.

tunbo
27-06-2010, 01:56
Lúc ấy cũng đã 9g, còn phải đi rất nhiều, nên cả hai lục tục lên ngựa phi trở ra QL1A để lên tháp Phú Lốc.
Trở lại đường 1A, rẽ ra phía Bắc chừng 6km, bên phải đường có tấm biển báo thị trấn Gò Găng, cạnh một cây cầu.
Chỉ nhình thấy thế thôi, chứ chưa chạm vào được, vì con đường vào tháp Phú Lốc rẽ phải xuống ngay trước tấm biển Gò Găng chục mét.
Ngay từ trong thành Chà Bàn và tháp Cánh Tiên đã trông thấy tháp Phú Lốc trên đồi cao, càng đi càng thấy nó gần hơn.
Rẽ xuống con đường bê tông nhỏ, chạy ngoằn ngoèo trong làng khoảng 2km, cảm thấy đã đến chân đồi.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0659.jpg
Tháp Phú Lốc nhìn từ chỗ tháp Cánh Tiên.


Hai tên tưởng bở là có thể phi ngựa sắt lên tận tháp, nên cứ cố đi và gặp ai cũng hỏi đường lên.
Nhưng chỗ cuối cùng gặp dân để hỏi, sau khi nghe chỉ đường cặn kẽ, chúng mới ngơ ngác, vì tháp thì đã thấy rất gần, nhưng đến được chân đồi cũng còn khá xa, và ... không biết đi lối nào để đến được chân đồi - dù đã nghe "chỉ đường".
Cuối cùng là xộc vào nhà dân - mà chúng cho là chân đồi nằm ngay phía sau - để gửi xe và hỏi lại thật kỹ đường lên tháp.
Kết quả là, sau một hồi được hướng dẫn đường lên tháp, Lão Nhị ... tình nguyện ở lại uống nước, nói chuyện với gia chủ.
Còn Lão Đại phải nhờ bà chủ nhà cho đứa con trai bà ấy dẫn đường lên tháp.
Ra khỏi nhà, gặp thêm 3 nhóc tỳ trong xóm, chúng thấy Lão Đại ôm 2 cái máy ảnh, nên chạy theo luôn.
Quả thật là giờ cho đi lại, tự y cũng không thể nhớ được con đường lũ trẻ đã dẫn đi, vì nó chả phải là đường. Chúng cứ luồn lách qua các khóm tre, qua các vũng bùn lầy to tướng, khi đến chân đồi, nhìn lại y không nhận ra đã đi từ hướng nào tới :D.
Đoạn từ con đường bê tông vào chân đồi chừng nửa cây số.
Đến chân đồi nhìn lên, càng tắc tị, hoàn toàn không thấy bóng dáng của con đường mòn nào hết (sau bọn trẻ công nhận là con đường mòn lên tháp ngày xưa, nay đã bị cây dại che lấp, xóa hoàn toàn).

Bọn trẻ dẫn đường bắt đầu leo lên đồi, trong đám ấy có cả một bé gái.
Cây gai, cây dại mọc ken dày, khó nhìn thấy mặt đất dưới chân, đám trẻ cứ vạch cây mà chui, mà luồn qua, còn Lão Đại cứ nhè theo bước chân của đứa đi sau cùng mà đạp bừa lên cây dại.
Không dễ dàng chút nào.
Cuối cùng, cả con bé con cũng tít trên cao, còn y vẫn dò dẫm tìm ... mặt đất, và vạch cây đặt bước chân.
Gai cào te tua hai tay. Mồ hôi to như hột đỗ đen lăn vào mắt cay xè, mồ hôi chảy vào vết xước trên 2 tay xót như cào, nhưng không thò tay lên lau mồ hôi trên mặt được, luôn phải quơ ra trước, vẹt đám cây dại có gai quất vào mặt.

Cuối cùng, khi bọn trẻ lên đến đỉnh đồi đã ngồi núp nắng dưới bóng ngôi tháp được một lúc, y mới lò dò lên đến nơi.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0707.jpg
Lưng đồi. Tháp trên cao kia. Trẻ dẫn đường ẩn hiện trong lùm cây dại.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0711.jpg
Tháp Phú Lốc nằm trên đỉnh đồi, cửa chính quay về hướng Đông, phần chóp đã bị sạt mất khá nhiều.


Tháp Phú Lốc có một vị trí khá đặc biệt trong số các ngôi tháp còn lại ở đất Bình Định.
Nó nằm trên ngọn đồi cao nhất, từ tháp Phú Lốc, có thể nhìn thấy gần hết các khu tháp còn lại : gần nhất là tháp Cánh Tiên ở phía Tây Nam, xa hơn là tháp Bánh Ít ở phía Nam.
Chắc là hôm trời trong, từ đây cũng có thể trông thấy tháp Dương Long (vì lúc đó chưa đến tháp Dương Long, nên không biết định vị nó ở đâu, chứ khi đi vào gần đến Dương Long, thì lại vẫn có thể trông thấy tháp Phú Lốc)



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0699.jpg
Tháp Cánh Tiên, nhìn từ tháp Phú Lốc.(Tháp Bánh Ít thì trông thấy, nhưng chụp lên chả nhìn ra được)


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0722.jpg
Con đường gần chân đồi là đường ra biển Cát Tiến gần đó.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0709.jpg
Cây cầu phía xa xa là cây cầu trên QL1A.

tunbo
28-06-2010, 00:20
Lên được tháp Phú Lốc, công rất lớn nhờ đám trẻ dẫn đường.
Người lớn leo lên thì vất vả, chứ đối với chúng, leo lên đó chơi là chuyện rất bình thường.
Leo lên đến nơi, chúng chạy nhảy tung tăng, hò hét ầm ĩ, thật hồn nhiên biết bao.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0713.jpg
Hai chàng trai chân đất, nói mãi mới bá vai nhau chụp một phát.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0717.jpg
Bé gái thì cứ thấy chĩa máy vào là ... né, nên toàn phải chụp bất chợt.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0719.jpg
Mỗi tấm này chịu đứng im nhìn vào ống kính, thì trông ... cứng đơ.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0718.jpg
Trên đó có gì mà chú chụp hoài thế?

Người dẫn đường chính - con trai bà chủ nhà - thì đã là một gã trống choai 15 - 16 tuổi rồi thì phải, nên ... nói không với ống kính.

Lúc lên thì mệt, lúc xuống thì khó khăn.
Đám trẻ xuống đồi theo một lối khác, nhưng đến lúc đó, Lão Đại đã phát hiện ra cách tìm đường của chúng : Nước mưa trên đồi chảy xuống, tạo thành các rãnh đất nhỏ, rộng chỉ khoảng 30 cm, nhưng không có cây dại mọc, và đám trẻ len lỏi theo vết nước chảy xuống, để lên xuống đồi.
Nhưng xuống dễ trượt vì rất dốc, và không có nhánh cây to nào để bám, toàn cây gai nhỏ tí. Hai cái máy ảnh va vào nhau lốp cốp.
Xuống đến nơi để xe, đã 11g trưa.
Lão Nhị đang ngồi nói chuyện với ông bà chủ nhà, rất ư là thảnh thơi :D.
Thấy Lão Đại trở lại, mồ hôi nhem nhuốc tay xước tùm lum, y thở dài : Nào, chuẩn bị hành xác tiếp.
Đã trưa, nắng gay gắt, ông bà chủ nhà mời ở lại ăn cơm, nhưng chúng cám ơn và cương quyết lên ngựa, sau khi đã gửi tặng con bé con ông bà ấy ít tiền mua quà cho nó gọi là … phấn khởi.
Lúc đó là 11g30 ngày 13/6 – ngày hành trình thứ ba.

hl2911
28-06-2010, 17:31
Đây là lần đầu tiên mình lên đường chinh chiến dài ngày như thế, càng đi càng cảm nhận được sự mến khách, tốt bụng của người dân miền Trung. Chỉ là những gã lang thang tạm dừng chân bên đường thôi thế mà luôn nhận được những sự giúp đỡ hết lòng của họ. Xin cám ơn khúc ruột miền Trung nhiều và nhiều lắm.

tunbo
28-06-2010, 23:46
Quay trở ra đường 1A, đi tiếp ra phía Bắc, đến cuối thị trấn Gò Găng, gặp ngã ba đường 1A với đường DT636.
Rẽ trái vào đường DT636, đi vài km, ngang qua sân bay Phù Cát, tiếp tục chạy sâu vào chừng chục km, đến thị trấn Mỹ An, bất ngờ thấy tháp Dương Long sừng sững hiện ra.
Quả thật Lão Đại bất ngờ vì nghĩ phải hơn chục km nữa mới đến.
Trước khi đi, lịch trình đến tháp Dương Long là bằng QL19, còn thực tế, đi đường DT636 là trực tiếp từ QL1A thẳng đến tháp luôn.
Từ thị trấn Mỹ An (Mỹ Yên) ra đến Gò Găng có 13km, từ đó lên Phú Phong trên QL19 còn khoảng 10km.
Hai người phi luôn vào khu tháp.
12g trưa, nắng chang chang héo cả cỏ cây.
Lão Nhị kiếm được một chỗ có bóng cây nho nhỏ, nhận trông xe. Còn Lão Đại tiếp tục xách 2 cái máy đi bộ vào tháp.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0744.jpg
3 ngôi tháp Dương Long.


Cụm tháp Dương Long là cụm tháp Chăm đồ sộ nhất hiện còn tồn tại. Mặt khác, chúng lại có hình dáng đặc biệt, không giống bất cứ ngôi tháp cổ Chăm nào khác.
Cụm tháp Dương Long lai tạp nhiều yếu tố về kiến trúc cũng như họa tiết trang trí của các tháp Khơme.
Các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại cụm tháp Dương Long ở vào thế kỷ XII, điều đó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, khi mà từ những năm 1177 đến 1220, giữa Chămpa và nước Campuchia của người Khơme có nhiều mối quan hệ vừa thân thiết, vừa rất thù địch. Thậm chí từ năm 1203 đến 1220, Chămpa còn bị người Khơme đánh chiếm, biến thành một tỉnh của đế chế Ăngco.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0747.jpg
Tại khu vực tháp Dương Long, người ta tìm thấy rất nhiều phế tích điêu khắc đá, chúng đươc chất đầy trong khuôn viên.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0746.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0745.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0753.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0767.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0769.jpg
Các phiến đá có khắc các họa tiết, và các tượng cổ, được tìm thấy rất nhiều, và chất đống trong khuôn viên khu tháp.

tunbo
28-06-2010, 23:58
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0826.jpg
Tháp phía Nam, mặt sau.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0770.jpg
Tháp giữa, mặt sau.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0791.jpg
Tháp phía Bắc, mặt trước.


Khu tháp Dương Long từ nhiều năm nay dường như công việc tu bổ đã ngưng lại, hệ thống giàn giáo bao kín xung quanh cả 3 ngôi tháp đã rỉ sét rất nhiều.
Cũng giống như ở các cụm tháp Chăm cổ gồm 3 ngôi tháp khác (như tháp Khương Mỹ, tháp Chiên Đàn, tháp Hòa Lai, và cả tháp Đôi - tháp Đôi đã được xác định vốn có 3 ngôi tháp), các nhà khoa học đã phát hiện ra một điều kỳ lạ : bao giờ ngôi tháp phía Bắc cũng được xây dựng sau cùng.
Nhưng thôi, những điều đó sẽ nói kỹ ở chuyện về Các tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt, còn ở đây đang chuyện về chuyến đi.

14g, Lão Đại quay ra, thấy Lão nhị đang ngồi há mồm vì nắng, vì đã uống hết sạch số nước gã mang theo.
Còn Lão Nhị cứ trố mắt ra như mọi khi : Lão khùng chang nắng giỏi thật, mà mấy cái tháp ấy có ma hay sao mà lão cứ bị nó ám vậy?

Cái bóng cây bé tí của Lão Nhị không đủ làm giảm nhiệt của đất của trời. Hai tên lập tức lên ngựa quay ra thị trấn cách đó chừng 1km, kiếm một hàng bên đường sà vào.
Lần này Lão Nhị không kêu đói nữa, thấy xe nước mía là gã tấp vào ngay.
2 người 3 ly, trong đó Lão Nhị làm 2 ly.

tunbo
29-06-2010, 21:11
Theo suy nghĩ của Lão Đại, từ đó đến tháp Thủ Thiện, chim bay chừng 5km, nhưng đường bộ phải 10km nữa.
Nhưng y không định được phương hướng.
Hỏi chủ quán về tháp Thủ Thiện, bà ấy lắc đầu. Y nghĩ mãi, và hỏi tháp Bình Nghi, lập tức bà ấy cười :
- Gần đây thôi, đi qua tháp Dương Long vào làng, vượt qua cây cầu tạm bằng tre bắc qua sông Côn, đi vài km nữa là đến.
Thì ra tháp Thủ Thiện tọa lạc tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), nên dân sở tại gọi là tháp Bình Nghi, hỏi Thủ Thiện, rất ít người biết, đa số là ngơ ngác.
Lão Đại nhắc Lão Nhị ăn trưa, nhưng lần này chính gã lắc đầu. Uống liền 2 ly nước mía một lúc, ních gì được cơm nổi.
Và lần này gã phải làm một việc gì đó cho xứng. Gã nói :
- Giờ ta đi Bảo tàng Tây Sơn, lão đi cái tháp của lão, rồi ai xong trước sẽ quay lại quán này chờ người kia.
- Ha ha, thanh niên có chí khí. Từ đây đi Bảo tàng Tây Sơn, còn khoảng chục km nữa, mi cứ đi tiếp đường này khoảng 8 – 9km thì phải dừng lại hỏi, kẻo đi vượt mất. Ta chắc chắn sẽ về lại đây trước. Ta sẽ chờ, cứ yên tâm đi đi, có gì trục trặc, gọi điện, ta đến giúp cho. Thanh niên phải có tính chiến đấu.

14g30, hai anh em gã chia tay ở Mỹ An, Lão Nhị tiếp tục chạy DT636 về hướng QL19 để ghé Bảo tàng Tây Sơn, còn Lão Đại lại ngược vào con đường qua tháp Dương Long để đi tắt qua Bình Nghi.

Qua tháp Dương Long chừng 3km ngoằn ngoèo trong làng thì đến bờ sông Côn.
Đường cũng không quá khó đi, chỉ cần rẽ phải đúng ở cuối con đường chính để vào đường làng, là kiểu gì cũng đến chỗ cây cầu tạm bằng tre.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0833.jpg
Cây cầu hoàn toàn bằng tre, bắc qua sông Côn mùa cạn nước. Bờ Bắc sông Côn.


5000đ/lượt người và xe máy qua cầu.
So với cây cầu gỗ ở lối vào Gành Đá đĩa, cây cầu này không dài bằng, nhưng cảm giác khi vượt sông Côn trên cây cầu này thì phiêu hơn nhiều.
Cầu gỗ ở Phú Yên lát mặt bằng gỗ, có lan can chắc chắn, lại có những chỗ lồi ra để có thể đậu xe ngắm ngó mà không làm vướng đường.
Còn cầu tre qua sông Côn thì hoàn toàn bằng tre.
Tre cắm dưới sông làm trụ, 5 - 6 thanh tre gác dọc, và ván tre đập dập gác ngang bên trên làm mặt cầu. Không có lan can gì hết.
Lâu lâu, chỗ những tấm phên tre tiếp giáp bị gãy, bánh xe như muốn tụt xuống giữa hai thân tre đỡ dọc cầu.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0834.jpg
Sông Côn mùa cạn nước - đi được một quãng ngắn trên cầu, vẫn đang trong lạch nước bờ Bắc.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0874.jpg
Vừa sang tới bờ Nam sông Côn, thấy tháp Thủ Thiện nằm giữa cánh đồng. Con đường nhỏ sau lùm cây và đống cát, là đường 636B - từ thị trấn Bình Định trên QL1A tới thị trấn Xóm Tây trên QL19, gần như song song với sông Côn.


Lên khỏi cầu tre, nhập vào đường 636B, chạy chừng 500m vào đến khu dân cư, gặp một ngã ba đường láng bê tông.
Rẽ trái vào con đường ây, đi thêm chừng hơn 1km.
Đường cong thế nào, cứ đi theo thế ấy, không rẽ ngang rẽ ngửa, con đường thu nhỏ thành đường đất, chạy vào cánh đồng ven sông.
Vào đến đoạn đường đất trên cánh đồng, tháp Thủ Thiện đột ngột hiện ra.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0873.jpg
Tháp Thủ Thiện đứng giữa cánh đồng ở bờ Nam sông Côn. Đi tới tháp từ phía sau


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0871.jpg
Khuôn viên tháp không có tường rào, con đường đất chạy ngay cạnh tháp. Ngựa dừng bên đường.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0849.jpg
Tháp Thủ Thiện, cổng chính quay về phía Đông.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0838.jpg
Phần chóp tháp cũng bị sạt lở mất khá nhiều.

tunbo
30-06-2010, 00:46
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0860.jpg
Chóp tháp Dương Long nhô lên mờ mờ giữa các khóm cây ở phía bờ Bắc sông Côn.


Tháp Thủ Thiện đứng một mình, giống như tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, cho nên đi vòng vòng chụp ảnh cũng không mất quá nhiều thời gian. Nhất là cái ống Tele Lão Nhị lại xách theo đi Bảo tàng Tây Sơn.
Tự dưng Lão Đại lại thấy lo lo cho gã đồng hành tếu táo đang lần đầu một mình mò mẫm nơi xứ lạ.
Chụp khẩn trương các góc cạnh cần thiết của tháp Thủ Thiện, y nhanh chóng quay ra, trở về điểm hẹn ở Mỹ An.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0876.jpg
Bờ Nam sông Côn, chuẩn bị vượt cầu tre sang sông trở lại.


Sông Côn mùa cạn nước, có chút gì đó giống giống sông Hồng.
Cũng là những bãi cát mênh mông giữa lòng sông, và các lạch nước gần hai bên bờ.
Mỗi khi nước thượng nguồn đổ về vào đầu mùa lũ, người ta bắt đầu vội vã dỡ cây cầu tre.
Có khi kịp, có khi không kịp. Dỡ được nhiều chừng nào, quý chừng ấy.
Lũ về, cây cầu tre tạm ấy nếu không kịp dỡ, cũng chẳng thọ được bao lâu.
Dòng nước lũ cuồn cuộn hung hăng phá tan cây cầu. Có những năm không dỡ kịp cầu, người ta lại đi dọc hai bờ sông, vớt lấy những phần của cây cầu - còn có thể tận dụng được cho mùa sau - bị nước cuốn tấp vào bờ.
Nhưng đấy là mùa lũ, còn giờ sông Côn đang mùa cạn, cây cầu tạm làm cho người dân 2 bên bờ sông thuận tiện trong việc qua lại. 5.000đ/lượt .



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0882.jpg
Nhìn về bờ Nam với những dãy núi xa xa. Giữ dòng sông cạn, mặt cầu cao hơn mặt cát chỉ chừng 1,2met.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0877.jpg
Bờ Bắc với rặng cây xanh um bên bờ.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0880.jpg
Phía thượng nguồn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0881.jpg
Phía hạ lưu, dòng nước chảy về vịnh Quy Nhơn.


Lão Đại dừng ngựa trên cầu tre chụp ảnh.
Y chọn dừng ở chỗ mà phía dưới là bãi cát, cách mặt cầu có 1,2met thôi. Cùng lắm là nhào xuống đó. Muỗi.
Y đang chụp, phía bờ Nam có một chiếc xe chạy sang (cùng chiều với y). Một chiếc Dream cõng cả một gia đình nhỏ với hai vợ chồng và một đứa bé ... nhỡ nhỡ.
Khi chiếc xe vượt qua - vì cầu khá hẹp, lúc dừng, y đã nép tối đa về bên phải - nó hơi lượn sang bên trái.
Lúc đó mới biết : tuy "Muỗi" mà chẳng muỗi tí nào. Cây cầu nghiêng rõ về bên trái, làm y và con ngựa của mình như muốn bênh lên.
Thế là chờ cầu hết bồng bềnh, chĩa theo về phía trước chụp thêm một nhát, Lão Đại chạy thẳng lên bờ, không quên dừng lại nộp 5.000đ nơi cái lán ở đầu cầu bờ Bắc.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0878.jpg
Chiếc Dream chở 3 be bé phía trước. Lán thu phí bên phải cây cầu.


Đến 2 ngôi cổ tháp trên đất Bình Định, phải vượt qua 2 cây cầu tre bắc ngang sông.
Cây thì dài hun hút, cây thì ngắn ngủn, đều để lại cảm giác mạnh cả.

Lúc đi thì mất công hỏi đường, còn lúc về, ở nơi nông thôn làng mạc thế này, không thể lạc được.
Qua bờ Bắc sông Côn, Lão Đại cắm cúi phi miết, chỉ 15 phút sau, y đã đến điểm hẹn với Lão Nhị ở thị trấn Mỹ An.
Lúc đó mới 15g30, dĩ nhiên gã đồng hành của y còn đâu đó trên đường.

hl2911
02-07-2010, 15:52
[I]Trở về sau 1 hành trình dài thăm thẳm "đúng 1 tuần", lu bu công việc và cuộc sống bữa nay mới có cơ hội bộc bạch vài tâm sự về chuyến đi cùng cả nhà.[/I

.......Sau khi tạm chia tay lão Đại tại quán cóc ven đường, một mình 1 ngựa theo con đường mà lão ấy đã chỉ nhắm hướng bảo tàng Quang Trung mà thẳng tiến, nghe đâu con đường này sẽ dẫn lên tới Gia Lai vì thấy toàn xe khách bảng số 81, con đường thì bé tí mà xe khách thì còn đông hơn người trên đường nên chẳng có cơ hội nào để dừng lại chộp vài tấm. Cứ thế mà bon bon chạy, vừa đi vừa ngắm cảnh ruộng lúa 2 bên đường, lâu lâu lại dừng hỏi thăm đường, được sự chỉ bảo quá ư là hết mình của người dân cuối cùng người và ngựa cũng đến nơi cần đến chỉ sau chừng 20 phút.


Cổng vào bảo tàng Quang Trung ( Chụp phía sau cổng)

https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/CONGVAO.jpg

Lúc này là buổi trưa mọi người đang yên giấc, 1 mình lang thang chạy vào cổng không thấy bảo vệ đâu hết thế là ale hấp thẳng tiến vào trong. Trước giờ chỉ nghe nói thôi chứ chưa hề cảm nhận được cái nắng của miền Trung, ai da, chỉ biết gói gọn trong 2 chữ: KINH KHỦNG.

Đường vào 2 bên cây xanh rất nhiều và rất ư là mát nên lão Nhị ta phải tranh thủ nghỉ ngơi phục hồi sức lực và sẳn tiện tự sướng cho em nó tí nào....:D:D:D


https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/tusuongne.jpg

Miên Nữ
02-07-2010, 16:10
https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/tusuongne.jpg

Ô hô, em có cái nón bảo hiểm giống hệt cái (nón) của bác này, mỗi tội xe thì bé hơn.

Bảo tàng Quang Trung có nhiều thứ hay hay để xem, em thích nhìn các văn bản cổ, dù trình Nho võ vẽ nên chỉ đọc được vo ve...

hl2911
02-07-2010, 23:43
Ô hô, em có cái nón bảo hiểm giống hệt cái (nón) của bác này, mỗi tội xe thì bé hơn.

..

Nếu bạn thích thì mình đổi xe cho luôn ;):D

hl2911
06-07-2010, 16:08
Giây lát nghỉ ngơi phục hồi công lực đã hết, không có chỗ gởi xe nên đành để em nó nghỉ mát tại đó luôn, 1 mình lặng lẽ tiến vào Bảo tàng.


Cây cầu dẫn vào Bảo tàng
https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/caudanvaobaotang.jpg


Tượng Anh hùng Quang Trung trước Bảo tàng.
https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/caudanvao2.jpg

Do chỉ có ống tele nên 1 số hình ảnh bên trong bảo tàng không thể nào chộp được, xin gởi đến các bác 1 số ảnh tiêu biểu.


Chân dung 3 anh em nhà họ Nguyễn
https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/3anhehoNguyen.jpg

Bộ binh khí 3 anh em sử dụng
https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/binhkhi.jpg

Giếng nước gia đình họ Nguyễn
https://i911.photobucket.com/albums/ac314/hl2911/BAO%20TANG%20QUANG%20TRUNG_SUMMER2010/giengnuoc.jpg

tunbo
06-07-2010, 23:30
...
Đường vào 2 bên cây xanh rất nhiều và rất ư là mát nên lão Nhị ta phải tranh thủ nghỉ ngơi phục hồi sức lực ...


@ Lão Nhị : Đường vào (bảo tàng) 2 bên cây xanh rất nhiều và rất ư là mát nên Lão Nhị mi phải tranh thủ nghỉ ngơi phục hồi sức lực hơi bị lâu đó – những 4 ngày trời. Thanh niên mà thế thì … chết :D

Lão Đại về đến điểm hẹn, chưa thấy bóng dáng Lão Nhị đâu, nên tự dưng y hơi thấy lo lo một chút.
Nhưng y chưa điện thoại cho gã ngay.
Vì y biết tuy gã chưa đi bằng đường bộ khỏi Nha Trang lần nào, nhưng không phải vì thế mà nói gã ít đi.
Thậm chí gã đi cũng nhiều, chuyện chạy trên đường của gã cũng không có gì phải lo.
Điện thoại cho gã sớm, biết đâu làm gã lo chạy về giữa chừng.
Dù sao cũng mới có hơn 1 tiếng.
Cứ chờ đã, mấy hôm nay gã phải chờ y suốt, mà có khi nào gọi điện thúc giục đâu.
Thế là y ngồi xuống, gọi … nước mía – ngày hành trình này, cả hai sống bằng nước mía.

16g chiều, Lão Nhị trở về đến điểm hẹn.
Gọi một ly nước mía – lại nước mía – gã ngồi phịch xuống cạnh Lão Đại.
- Haizz, kể ra mà lười tách khỏi ngươi, thì mang tiếng đến đất Tây Sơn mà không biết cái Bảo tàng Tây Sơn nó ra làm sao.
- Ô thế a? Nói như mi thì ta mang tiếng đó rồi đấy :))
- Ủa trời? Lão chưa đến đó? Vậy sao dám chỉ đường cho ta?
- À, chưa đến là một chuyện, chỉ đường cho mi đến là chuyện khác.
- @#$%^&, lỡ lão chỉ đường bậy bạ, ta thành chuột bạch à :Dam:Dam?
- Hô hô, ta còn tính chỉ mi đi thăm đền thờ Bùi Thị Xuân ở gần đó nữa cơ đấy. Nhưng thôi, lần này đi với mục đích khác. Để lần sau, nếu mi thu xếp được, ta lại rong ruổi cùng mi, chứ không chúi vào các ngôi tháp cổ nữa.
Bà chủ quán chốc chốc lại nghiêng ngó nhìn hai vị khách lạ, và chen vào vài lời góp chuyện.

Vậy là gần hết ngày hành trình thứ ba (chủ nhật 13/6/2010), hai tên vẫn còn ở giữa đất Bình Định, và … chưa ăn gì ngoài bữa điểm tâm sáng. Ngày hôm nay chúng sống nhờ hơn chục ly nước mía.
Đường còn dài. Theo kế hoạch, đêm ấy ngủ tại Tam Kỳ.
Từ chỗ nghỉ chân này trở ra QL1A, rồi đi Tam Kỳ, cũng chừng gần 250km nữa.
Lão Nhị có vẻ hơi sốt ruột vì đã chiều rồi, nhưng bản thân gã không biết rõ đường còn bao xa nữa, nên gã cứ trông vào Lão Đại, mà y thì tỉnh bơ ngồi uống nước.

Rồi cũng đến lúc phải lên đường.
Giờ thì là chạy đường dài, và sẽ chạy trong cả buổi tối, nên cả hai nai nịt cẩn thận bộ đồ đi đường. Cả máy ảnh cũng được buộc kỹ vào thùng đồ luôn.
16g30, hai con ngựa sắt gầm vang thị trấn nhỏ của đất Tây Sơn, rồi tung vó trên con đường DT636 trở ra QL1A.
Bụi đất đỏ cuốn mù mịt khi vó ngựa vụt qua.
Bà chủ quán nhìn theo đám bụi, chép miệng :
- Hai thằng quái, không lúc nào ngơi chọc nhau, thằng Nam, thằng Bắc. Tối đến nơi rồi mà còn chạy ra tận Tam Kỳ. Nhìn tiết trời thế này, không khéo gặp mưa dông dọc đường thì khổ.

Trên đường quay trở ra ngã ba Gò Găng trên QL1A, lúc ra đến sân bay Phù Cát, sau một khúc cua, con đường chiếu thẳng tắp về phía ngọn đồi có ngôi tháp Phú Lốc.
Dưới ánh nắng cuối chiều, ngôi cổ tháp sừng sững trên đỉnh đồi, đỏ rực lên trong ánh nắng cuối ngày, thật là một cảnh tượng khó quên trong lòng kẻ bị "ma Hời ám".
Nhưng ngựa thì đang phi nước đại, máy ảnh đã buộc kỹ rồi, y đành ngắm và ghi lại trong lòng.

tunbo
08-07-2010, 03:13
Chẳng mất nhiều thời gian, hai tên quái khách đã vượt qua con đường 636, trở ra đến thị trấn Gò Găng.
Chúng rẽ trái vào QL1A, hướng thẳng ra phía Bắc chạy miết.

Nói gì thì nói, phàm đã là kỵ sĩ, đã trót mê ngựa sắt, ắt phải mê rong ruổi đường xa gió bụi.
Đối với một kiếm khách, kiếm cũng như người.
Trừ phi kiếm khách rửa tay gác kiếm – như khi Yến Thập Tam vạch thuyền dìm kiếm, hoặc như Tạ Hiểu Phong tự chặt 2 ngón tay cái sau khi chứng kiến uy lực vô địch của chiêu Thập Ngũ đoạt mệnh kiếm của Yến Thập Tam – còn thì kiếm luôn ở bên người.
Đối với kỵ sĩ cũng gần gần như vậy.
Được ngựa hay, thường suốt ngày chăm chút từng tí.
Nhưng đã là ngựa hay mà lâu không bung vó, sống trong sung sướng mãi, nó cũng hỏng vó.
Dẫu sao nó cũng là ngựa. Ngựa thì phải chinh chiến dặm trường, dù lâu lâu một lần :D.

Ngựa của hai quái khách không phải ngựa hay, ngựa quý, nhưng nói chung cũng thuộc loại được chủ chăm chút khá kỹ.
Mà thường ngày chăm sóc khá kỹ, rốt lại cũng để lâu lâu rong ruổi cho đỡ cuồng.

Đường miền Trung đi hoài không chán.
Cuối chiều nắng vàng rực trên con đường láng bóng.
Ngựa phi nước đại, bóng nắng đổ dài về phía Đông, thỉnh thoảng những cơn gió cuốn bụi mù mịt ven đường.
Lần lượt, thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), thị trấn Phù Mỹ, đèo Nhông, thị trấn Bình Dương, đèo Phủ Cũ, thị trấn Bồng Sơn, thị trấn Tam Quan,… mau chóng trôi lại sau lưng.
Cặp ngựa sắt phi nước đại vùn vụt trên đường chiều, tuy có chú ý người của Huỳnh Y bang, nhưng tuyệt nhiên cả gần trăm km trên đất Bình Định, tuyệt không gặp người của bang phái ấy.

Mặt trời sắp khuất hẳn sau dãy Trường Sơn, nhưng ánh dương vẫn hắt bừng lên phía chân trời, hai quái khách vượt qua đèo Bình Đê, tiến vào địa phận Quảng Ngãi.
Hơn 18g, chúng dừng lại ở cuối thị trấn Đức Phổ cho ngựa nghỉ ngơi một chút. Hơn tiếng rưỡi cho đoạn đường khoảng 120km cũng không phải là quá tệ.
Ngựa nghỉ, người cũng nghỉ theo, thế mới chợt nhớ cả ngày toàn uống nước mía. Nhưng lại ở cuối thị trấn rồi, nên có gì ăn nấy.
Mỗi người một tô gì đó – như là hủ tíu thì phải :D.

Trời sắp tối, sắc trời ánh lên một màu là lạ.
Lão Đại lẩm bẩm “Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa”. Màu trời này rõ ràng không phải màu mỡ gà, vậy chắc sắp mưa rồi.
Nghỉ chừng nửa tiếng, người ngựa lại lên đường. Trời bắt đầu tối nhanh.

Rõ ràng là sắp mưa dông, trời đang tối, bỗng như sáng lên với một sắc màu xam xám.
Cặp kỵ mã phi nước đại trên đường, gió bắt đầu nổi lên.
Lũ côn trùng bay ra như hoa muỗi, khiến hai miếng kính chắn gió của hai người dính be bét xác côn trùng.
Chạy hết tốc lực, vừa tới giữa thị trấn Mộ Đức thì trời mưa. Hạt mưa to như hạt lạc (đậu phộng).
May, lúc đó trời đã tối hẳn, mấy căn nhà mặt tiền QL1A đã đóng cửa, nhưng không cuốn bộ mái che. Lão Đại tấp ngay vào núp mưa. Lúc ấy là 19g.
Lão Nhị khi đó không biết rằng, gã sắp chứng kiến cơn khùng của Lão Đại :D

tunbo
08-07-2010, 08:10
Cơn mưa giông như trút nước.
Hai khách dạ hành núp mưa trong mái hiên ở thị trấn Mộ Đức.
Lão Đại thản nhiên ngó mưa trên đường, còn Lão Nhị đang nhớ lại thời điểm tối hôm trước, giờ này gã cùng Lão Đại ngồi gặm gà vịt trong một tấm bạt thủng.
Lần đầu tiên gã được trải qua một bữa nhậu như thế - ở một thị trấn lạ hoắc miền Trung, trong một tấm bạt thủng giữa con mưa tối.
Nhưng rồi mưa mãi không dứt, Lão nhị bắt đầu sốt ruột khi đã gần19g30, nhưng y thấy Lão Đại vẫn thản nhiên nhìn mưa, chả có biểu lộ cảm xúc gì, cứ như là y đang ngồi trong nhà mình nhấp trà xem mưa vậy.
Mà còn gần trăm cây số nữa mới đến Tam Kỳ.
Mưa nhỏ dần, gã trẻ tuổi bắt đầu nhấp nhổm muốn lên đường, Lão Đại vẫn lạnh băng :
- Hết mưa ta mới đi. Đằng nào cũng tối rồi, kiểu gì chả đến Tam Kỳ trong đêm nay.
- Đi thôi lão, mưa nhỏ rồi.
- Không. Mưa dù nhỏ, cũng có thể làm cái áo khoác của ta “thơm lừng” khi ngấm nước. Vả lại, đường đang ướt, bùn sình xe trước văng vào kính chắn gió, khó đi nhanh.

Rồi mưa cũng dứt hẳn, hai khách dạ hành lại lên đường.
Đến giờ Lão Nhị mới bắt đầu thấy khó khăn trên đường.
Mặt đường ướt, làm ánh đèn pha giảm tác dụng nhiều, thêm nữa, ánh đèn xe ngược chiều cũng trở nên khó chịu hơn nhiều.
Và nữa, gã cảm thấy Lão Đại bắt đầu … khác thường.
Y cứ cắm cổ phi nhong nhong một cách không bình thường, cứ như đang chạy ban ngày.
Gã chợt nhớ lời dặn của vị bằng hữu của Lão Đại :
- “Nó” chạy đường xa một mình quen rồi, nên mi phải chú ý. Lắm lúc nó quên là có mi chạy cùng đấy.

Đến Sông Vệ, gặp đèn đỏ, Lão Nhị nhận ra nguyên nhân, khi Lão Đại quay sang nói :
- Còi thì tịt, còn cái đồng hồ công-tơ-met hú như còi, ta … đấm sập mặt kính của nó rồi ku.

Lão Nhị không nói gì, gã biết là không nên nói gì với Lão Đại lúc này, dù gã cảm thấy buồn cười.
Lão Đại đúng là khùng. Khi chạy đến tầm 80km/h, y không thể nghe tiếng hú của cái đồng hồ công-tơ-met, nhưng y biết là nó đang kêu. Có thế mà cũng nổi điên :D
Qua thị trấn Sông Vệ, bắt đầu tiến vào thành phố Quảng Ngãi, Lão Nhị chạy phía sau, nhìn cách chạy của Lão Đại, gã biết y vẫn đang khùng, nhưng không ngờ rằng cơn khùng ấy chưa đến đỉnh điểm.

hl2911
08-07-2010, 10:31
...Lão Nhị chạy phía sau, nhìn cách chạy của Lão Đại, gã biết y vẫn đang khùng, nhưng không ngờ rằng cơn khùng ấy chưa đến đỉnh điểm...

Giờ thì ta mới hiểu sao lão Đại lại lên cơn thế, mấy ngày nắng nóng lang thang đầu trần chụp chộp mấy cái Tháp như thế thì hỏi sao không lên cơn mới là lạ. :)):)):))

tunbo
11-07-2010, 22:46
Vào Quảng Ngãi, đường phố bắt đầu đông, hai tên không còn phi nước đại được nữa.
Bỗng có đám thanh niên choai choai dàn hàng 4 xe máy trên đường. Tự dưng cơn khùng của Lão Đại có cơ hội phát tiết.
Vì còi xe đã tịt, Lão Đại chạy lên ngang với 4 xe kia, cắt côn, nẹt ga ầm ầm, rồi cứ lừ lừ ép về lề phải, biến hàng 4 giăng ngang kia thành một dây dọc.
Phía sau, y nghe Lão Nhị bóp còi inh ỏi và cũng nẹt ga như trợ oai :D.
Ép xong đám thanh niên vào lề phải, Lão Đại lại vọt lên ngay, y thấy Lão Nhị bám bén gót.
Lão Nhị nghĩ : “ !%@$#$, đến đất lạ mà khùng, ép người ta thế, gặp đám choai choai háu đá, khéo nó quây lại múc cho chết”

Lão Nhị chạy sát phía sau, thấy Lão Đại vẫn phi ầm ầm, có những bùng binh, y rất tự tin vọt qua, có những bùng binh, y ngập ngừng một chút rồi mới vọt tiếp.
Lão Nhị thấy kiểu khùng của y, vừa bực, vừa buồn cười, gã đang cầu mong Lão Đại lạc đường : “Đồ … khùng, ta chỉ mong lão lạc đường, xem cái vẻ mặt của lão ra sao khi phải thông báo cho ta điều đó :))”

Lão Đại vẫn lầm lũi phóng trước, Lão Nhị chạy ngay phía sau và … chờ y lạc đường.
Rồi phố xá lùi lại phía sau, con đường phía trước lại tối om.
Qua một cột cây số, Lão Nhị đọc thấy : Tam Kỳ XXkm.
Vậy là Lão Đại vẫn đi đúng đường.
Lão Nhị ngao ngán nghĩ : “ Lão … quái vật, dường như sự điên khùng và sự tỉnh táo song song tồn tại trong lão à?”

Châu Ổ, Núi Thành cũng lần lượt trôi lại sau lưng, 21g15 hai khách dạ hành dừng chân tại Tam Kỳ.
Không mất nhiều thời gian để Lão Nhị tìm được một khách điếm nhỏ có wifi. Quê gã ở Duy Xuyên, thì Tam Kỳ cũng là đất quen của gã rồi.
Lấy phòng, tắm rửa xong đã 22g, chúng thả bộ xuống phố đi ăn, tiện thể xem bóng đá.
(Vì lúc ghi lại hồi ức này, Đức vừa thua bán kết, World Cup coi như kết thúc với Lão Đại, nên y quên béng mất đêm đó ở Tam Kỳ ăn cái gì, và xem đội nào đá đội nào. Với Lão Nhị, WC còn kết thúc sớm hơn, ngay từ vòng tứ kết, khi Arghentina thua Đức)
Ngày hành trình thứ ba kết thúc khá muộn, lúc gần nửa đêm.

tunbo
12-07-2010, 03:48
Sáng ngày thứ tư của cuộc hành trình – thứ hai là ngày đầu tuần 14/6/2010 - hai lữ khách dậy sớm, xuống phố uống café rồi … tạm chia tay.
Lão Đại bắt đầu lang thang vào các khu tháp cổ ở Quảng Nam : Khương Mỹ, Chiên Đàn, Mỹ Sơn, Bằng An.
Lão Nhị ở lại khách điếm, giải quyết một số công việc ở Saigon qua mạng.
Gã có vẻ khoái ở trần để làm việc trên mạng, nên mới phải kiếm nơi nghỉ có wifi, chứ các quán café wifi thì đầy.
Sau đó đến trưa, gã về Nam Phước thăm thú họ hàng, rồi về Hội An trước, lo việc tìm chỗ nghỉ … có wifi.

Với số lượng điểm đến như dự kiến, lẽ ra Lão Đại phải lên đường thật sớm, nhưng chúng ngồi café cóc bên đường khề khà trêu nhau khá lâu. Mãi hơn 8g, y mới lên đường.
Lão Nhị thì không rành đường ở Quảng Nam, nhưng từ Tam Kỳ đi Nam Phước vừa gần, vừa dễ, lỡ gã có lạc, thì chỉ việc gọi điện cho thân nhân ra đón, nên lần này Lão Đại không lo nhiều về chuyện đi lại của gã đồng hành.

Rời khách điếm trên đường Phan Chu Trinh, Lão Đại chạy ngược trở lại phía Nam.
Vừa qua cầu Tam Kỳ, con đường 1A cong về tay trái, có một con đường nhỏ láng bê tông gần như thẳng từ cầu đổ xuống.
Lão Đại không bọc theo QL1A mà xuôi theo con đường nhỏ bên phải, chạy chừng 500met, thấy khu tháp Khương Mỹ hiện ra bên trái con đường.
Từ đường bê tông nhìn vào, thấy mặt Tây (phía sau lưng) 3 ngôi tháp.
Một con đường đá lổn nhổn chạy sát lưng 3 ngôi tháp, dẫn lên đường QL1A – đoạn vòng tránh thành phố Tam Kỳ.
Cổng vào khuôn viên khu tháp nằm phía Nam. Từ đường bê tông rẽ vào, gặp đường đá, rẽ phải đi hêt tường bao, và rẽ trái chục met là đến cổng.
Có cổng mà không có cửa, nên y thản nhiên xộc vào thôi.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0886.jpg
Ba ngôi tháp Khương Mỹ ngoảnh về hướng Đông trong nắng đầu ngày.


Ấn tượng ban đầu của khách lạ về các ngôi tháp Khương Mỹ là, dường như không đủ chỗ cho các nghệ nhân Chăm xưa thể hiện tài điêu khắc.
Các hoa văn được phủ kín 3 ngôi tháp.
Những hoa văn trên các ngôi tháp mang theo những yếu tố của cả phong cách Đồng Dương (nửa cuối thế kỷ IX) và phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X) - tức là chúng đã đứng ở đây cả ngàn năm.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0974.jpg
Hoa văn dày đặc trên tường.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0925.jpg
Hoa văn trên các góc mái nay đã sạt lở, rêu phong mọc dày.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0954.jpg
Hoa văn trong các ô vòm.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0948.jpg
Hoa văn trên chóp tháp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0946.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0931.jpg
Cả những điêu khắc đá được tìm thấy phía dưới chân các ngôi tháp sau cuộc khai quật năm 2004.

tunbo
14-07-2010, 18:57
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0987.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0940.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0933.jpg
Hoa văn trên những vạt tường bị thời gian âm thầm ... gặm


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0984.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0975.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_0986.jpg
"Thành quả" của thời gian sau ngót ngàn năm trên tường tháp Khương Mỹ.

tunbo
14-07-2010, 19:03
Rời khỏi tháp Khương Mỹ, Lão Đại chạy theo con đường đá lổn nhổn sát tường bao khu tháp và lên đường tránh thành phố Tam Kỳ, rẽ tay trái thẳng hướng Đà Nẵng. Lúc đó đã gần 10g30.
Từ tháp Khương Mỹ, chạy chừng 7 – 8km thì qua hết Tam Kỳ, tiếp tục chạy thêm khoảng 4km, thấy khu tháp Chiên Đàn ngay bên trái đường.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1042.jpg
Khu tháp Chiên Đàn gồm 3 tháp trong một khuôn viên rộng nằm ngay bên trái QL1A, cách Tam Kỳ chừng 5km về phía Bắc.


Trời miền Trung giữa trưa tháng 6 nắng như thiêu đốt.
Trong bộ áo đi đường xa, người như ở trong phòng xông hơi.
Từ trên đường, thấy 3 cánh cổng đều đóng kín, lại thấy đối diện khu tháp bên phải đường có một quán nước nhỏ, Lão Đại tấp ngựa vào quán nghỉ.
Tháo chiếc áo khoác đường xa ra khỏi người, cảm giác như vừa ra khỏi phòng xông hơi, y nốc 2 nhát, cạn 1 chai Coca, rồi gửi ngựa, gửi áo khoác lại quán, đi bộ sang khu tháp bên kia đường.
Y chẳng buồn hỏi xem có vào tháp được không, vì y tin chắc chắn sẽ vào được, dù có vẻ như cổng khóa.
Vả lại, khuôn viên khu tháp trong hoang vắng, xa nhà dân. Nếu cổng thực sự khóa, thì … leo tường vào thôi, chứ biết tìm đâu người giữ chìa khóa cổng.

tunbo
15-07-2010, 21:36
Nắng giữa trưa hoa cả mắt. Y chợt nhớ tới chiếc khăn rằn trong túi đồ.
Nhiều năm rồi, từ khi bắt đầu rong ruổi trên lưng ngựa sắt cùng đồng bọn xưa, chúng đã mỗi tên một chiếc.
Khăn rằn đơn giản sọc đen trắng. Một số đứa thì dùng bịt mặt, còn đa số quấn cổ, để 2 đuôi khăn lệch nhau, bên ngắn bên dài, hất ra đằng sau.
Có những đoạn đường lộng gió, đuôi khăn sau gáy nằm ngang thẳng tắp y như đuôi con ngựa lúc phi nước đại. Thấy cũng hay hay.
Nhưng đã nhiều năm qua rồi.
Từ khi bước vào con đường độc hành, y không còn vắt khăn rằn lệch phất ra sau nữa.
Thậm chí, chạy trên đường, y cũng không mang khăn, nhưng như một thói quen, mỗi chuyến đi, y đều xếp chiếc khăn cũ ấy vào tay nải.
Mấy hôm trước quên mất, cứ phải giang nắng đầu trần.
Nhưng hôm nay thì y nhớ ra. Ít ra lấy nó bịt lên đầu, hoặc để thấm mồ hôi cũng tốt.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1044.jpg
Cổng vào khu tháp Chiên Đàn với các cánh cổng đóng kín.

Cũng giống như ở tháp Cánh Tiên và lăng Võ Tánh, y lập tức lọt vào được bên trong khuôn viên tháp Chiên Đàn, sau khi khám phá chiêu giả vờ khóa nơi cổng vào.
Hơn nữa, tường bao khu tháp xây thấp, bí quá, y sẵn sàng trèo vào, lỡ có ai đó đến “hỏi thăm”, cũng không có ngại, vì mục đích không có gì khuất tất.

tunbo
15-07-2010, 22:04
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1047.jpg
Toàn cảnh khu tháp Chiên Đàn với 3 ngôi tháp và vết tích nền móng của một kiến trúc có thể là Nhà Dài phía trước.


Trong số 3 ngôi tháp ở Chiên Đàn, chỉ ngôi tháp giữa là còn tương đối nguyên vẹn hình thù của một ngôi tháp , với thân và một tầng phía trên.
Hai ngôi tháp còn lại, tháp Nam (bên trái ảnh) và tháp Bắc (bên phải ảnh) đã mất hoàn toàn phần các tầng bên trên.
Ba ngôi tháp đều thuộc loại tháp Chăm truyền thống và khá giống nhau về hình dáng cũng như cấu trúc.
Phía trước 3 ngôi tháp, còn lại dấu tích nền móng của một vài kiến trúc khác, mà với hàng móng dài phía trước, rất có thể trước đây tồn tại một ngôi Nhà Dài (giống kiến trúc D1, D2 ở Mỹ Sơn, hay di tích nhà dài còn lại ở Tháp Bà)
Ở Chiên Đàn, các ngôi tháp mang phong cách Mỹ Sơn A1, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu chuyển tiếp sang phong cách mới : Phong cách Bình Định.
Nghiên cứu kỹ các tháp Chiên Đàn để chỉ ra sự chuyển tiếp về phong cách ở các tháp này, giới khoa học lại gặp những vấn đề bí hiểm chưa giải thích được - giống các cụm tháp cổ có 3 ngôi tháp khác - đó là việc ngôi tháp Nam mang nhiều yếu tố cổ nhất, và ngôi tháp Bắc mang nhiều yếu tố "mới" nhất.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1119.jpg
Tháp Nam, ngôi tháp đã sụp hết các tầng trên, nhưng mang nhiều yếu tố cổ nhất.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1053.jpg
Tháp giữa (được gọi là tháp trung tâm) còn lại được một tầng trên.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1105.jpg
Tháp Bắc cũng chỉ còn phần thân, nhỏ nhất trong 3 ngôi tháp, và bắt đầu xuất hiện các yếu tố của phong cách Bình Định mới hơn.

tunbo
16-07-2010, 14:38
Trước những năm 80 của thế kỷ XX, khu di tích tháp Chiên Đàn chỉ có một vị trí khiêm tốn trong danh mục các đền tháp cổ Chămpa với một số ít các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy trước đó.
Tuy nhiên, năm 1989 trong đợt dọn dẹp và trùng tu khu tháp Chiên Đàn, người ta phát hiện ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc đá lớn nhỏ dưới chân cả 3 ngôi tháp.
Nghiên cứu kỹ các tác phẩm điêu khắc đá đó, người ta nhận thấy chúng có tính chất bản lề trong việc chuyển tiếp giữa hai phong cách nghệ thuật Chămpa : Phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1060.jpg
Sư tử đá ở Chiên Đàn, xa xa là tấm bia ký.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1180.jpg
Bia ký Chiên Đàn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1052.jpg
Hai bệ thờ Linga - Yoni lớn bằng đá, phía sau là nhà trưng bày cac hiện vật điêu khắc đá tìm thấy ở Chiên Đàn.



Với những phát hiện năm 1989, khu tháp Chiên Đàn đã được xếp vào hạng các di tích nghệ thuật nổi tiếng của Chămpa – không một cụm di tích kiến trúc Chămpa cổ nào có nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị như ở đây).
Cũng chính nhờ những phát hiện đầy giá trị năm 1989, các nhà khoa học càng có thêm cơ sở để xác định niên đại khu tháp Chiên Đàn là ở vào khoảng cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XI.

tunbo
16-07-2010, 14:51
Khu cổ tháp hoàn toàn vắng lặng trong buổi trưa hè.
Duy nhất một kẻ “bị ma Hời ám” đi tới lui vòng quanh chụp ảnh.
Y cứ đi tới đi lui, đi vòng quanh 3 ngôi tháp cổ mấy vòng, rồi đi vào nhà trưng bày một số tác phẩm điêu khắc được phát hiện tại Chiên Đàn.
Rồi chợt nhớ, xem đồng hồ, thấy đã thấy gần 12g30, y vội chụp nốt những gì còn lại, rồi trở ra quán nước bên kia đường.
Trả tiền nước, nai nịt trở lại rất nhanh, người ngựa lại lao đi trên con đường nóng hầm hập, vẫn nhắm ra phía Bắc.



Từ khu tháp Chiên Đàn, theo QL1A chạy hơn 30km tới thị trấn Nam Phước.
Y chẳng nhớ chính xác là bao nhiêu, vì lúc ấy vừa sợ không đủ thời gian cho Mỹ Sơn, vừa “cậy” giữa trưa, các nhân vật Huỳnh Y bang chắc không xuất hiện trên đường, nên y phi nước đại, cứ lấy mốc xe phía trước gần nhất làm “mục tiêu” để vượt qua.
Vì thế quãng đường cũng mau chóng vụt qua.
Đến Nam Phước thì thấy ngay tấm biển chỉ đường “Di sản văn hóa Mỹ Sơn” to vật ngay ngã ba. Còn 30km nữa.
Đường vào Mỹ Sơn nhỏ, nhiều bóng cây, uốn lượn qua những vạt đồi thấp.
Đường nhỏ, nhưng giữa trưa vắng, nên ngựa vẫn phi nhanh. Qua Trà Kiệu cũng không dừng lại, vì ưu tiên Mỹ Sơn.
Rồi Mỹ Sơn cũng hiện ra trước mắt. 13g30.
Ngày bình thường, Mỹ Sơn cũng vắng, mua vé xong, phóng ngựa vào bãi để xe, thấy chả có chiếc xe nào, cũng chẳng thấy ai trông xe, y bèn phi tiếp vào trong.
Định vượt qua con dốc đất vào tận trong chỗ tập kết cuối cùng, nhưng y nghĩ lại, quay trở ra chỗ bãi xe, đem gửi cái can-tin ở đó, rồi bịt khăn lên đầu, lóc cóc cuốc bộ vào trong.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1212.jpg
Con dốc đât dẫn vào khu di tích.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1209.jpg
Lối lên khu H nằm ngay con dốc. Chắc người Chăm xưa vào khu vực các đền tháp bằng lối khác.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1211.jpg
Di tích duy nhất còn lại của khu H : một vạt tường tháp rêu phong đổ nát trên một gò thấp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1214.jpg
Sơ đồ di tích Mỹ Sơn được đặt nơi khu đất trống sau khu H, trước khi vào khu B, C, D.

tunbo
19-07-2010, 00:22
Con đường vào Mỹ Sơn hiên nay, bọc vào phía Tây khu B, C, D, rồi mới qua được khu A, A', E, F.
Các ký hiệu đặt ra cho các khu vực ấy do H. Parmentier đặt ra khi khảo sát Mỹ Sơn hồi đầu thế kỷ XX.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/CopyofIMG_1214.jpg
Sơ đồ khu vực B, C, D di tích Mỹ Sơn.


Khu B, C, D là khu vực còn lại nhiều nhất, và các di tích ở đây thuộc loại còn nguyên vẹn nhất của di tích Mỹ Sơn.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, số lượng các tháp ở khu B, C, D cũng không còn được nhiều.
Giữa các khu B, C, D có các tường ngăn phân chia rõ ràng.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1215.jpg
Lối vào khu B, C, D. Phía xa là ngọn núi Mahaparvata, dân địa phương còn gọi là núi Chúa, ngọn núi có hình đầu chim thần Garuda.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1403.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1404.jpg
Lại gần hơn khu tháp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1218.jpg
Gần như toàn cảnh khu B di tích Mỹ Sơn.

tunbo
19-07-2010, 00:55
Khu B hiện chỉ còn 2 ngôi tháp tương đối lành lặn (tháp B3 và B5), cùng một số tháp sụp lở một phần (tháp B4, B6, B7), một số gần như sụp đổ hết (tháp cổng B2, tháp B9).
Ngôi tháp trung tâm khu này là tháp B1 hiện chỉ còn nền móng.
Mặc dù là tháp trung tâm, nhưng nó được xây dựng muộn nhất - chính là ngôi tháp được xây dựng sau cùng ở Mỹ Sơn.
Ngay tại B1, người ta tìm thấy một bia ký có niên đại 1263, và rất có thể, đó là niên đại của ngôi tháp này.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/CopyofCopyofIMG_5111.jpg
Sơ đồ các tháp khu B, C, D - sơ đồ này không "giống" thực tế lắm ở vài điểm, nhưng dễ nhìn hơn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1244.jpg
Nền móng tháp B1 - ngôi tháp được xây dựng sau cùng ở Mỹ Sơn, ngôi tháp Chăm duy nhất có nền và chân tháp bằng các khối đá lớn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1248.jpg
Tháp B2 (bên trái) và B7.


Tháp B2 đã sụp đổ gần hết, chỉ còn lại bức tường phía trước, cùng khuôn cửa bằng đá, theo sơ đồ bố trí, chức năng nó giống như một tháp cổng.
Tháp B7 chỉ là một ngôi điện nhỏ bên cạnh tháp B5.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1219.jpg
Tháp B3.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1246.jpg
Tháp B4 (phía trước; sụp lở nhiều) và B3. Các tháp B3, B4, B5 nằm trên một trục dọc.

tunbo
19-07-2010, 22:03
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1240.jpg
Tháp B5, ngôi tháp còn lành lặn nhất ở Mỹ Sơn, với bộ mái cong hình yên ngựa, đây là kiến trúc phụ, phục vụ cho ngôi đền chính B1.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1239.jpg
Tháp B5 nhìn từ cửa tháp B6, bên trái là phế tích tháp B2, B7, bên phải là phế tích nền tháp B1.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1236.jpg
Tháp B6, đối diện với tháp B5 - xa xa là phế tích tháp B2 và tháp B7.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1323.jpg
Phế tích tháp B9 - một điện thờ nhỏ sát tháp B5 và B4, nay chỉ còn hai trụ gạch thấp (gần nhất trong hình, cái Linga đá phía sau nằm giữa hai trụ gạch phế tích B9).

Chitto
20-07-2010, 00:50
Bạn có vào khu Đồng Dương không?

Trên đường vào Mỹ Sơn, ngang qua Trà Kiệu, thì tuy trên đỉnh núi ở Trà Kiệu không còn gì, nhưng có một nhà ngay dưới chân núi có một bộ sưu tập hàng chục cổ vật đào được ở chỗ này. Hồi tôi vào ông chủ nhà có khoe, và nói sẽ mở thành một bảo tàng nhỏ về kinh đô của người Chăm, không biết đến giờ đã thành hiện thực chưa?

tunbo
21-07-2010, 00:13
Bạn có vào khu Đồng Dương không?

Trên đường vào Mỹ Sơn, ngang qua Trà Kiệu, thì tuy trên đỉnh núi ở Trà Kiệu không còn gì, nhưng có một nhà ngay dưới chân núi có một bộ sưu tập hàng chục cổ vật đào được ở chỗ này. Hồi tôi vào ông chủ nhà có khoe, và nói sẽ mở thành một bảo tàng nhỏ về kinh đô của người Chăm, không biết đến giờ đã thành hiện thực chưa?

@ thầy Chit :

Tớ không vào Đồng Dương lần này, vì mấy lý do : Đồng Dương là một khu di tích Chăm quan trọng, chắc chỉ sau Mỹ Sơn. Nó vừa là kinh đô của cả một vương triều, lại là cả một tu viện Phật giáo lớn ngày xưa. Tuy nhiên, các kiến trúc ở đây đã sụp đổ hết rồi, đâu chỉ còn một mảng tường tháp cổng, còn khu tháp trung tâm đã sụp đổ hoàn toàn từ năm 1820. Đến Đồng Dương để lò dò tìm hiểu thì chắc chắn có nhiều cái hay, nhưng sẽ mất nhiều thời gian lắm. Mà chuyến này, tớ chủ yếu muốn cập nhật lại hình ảnh các tháp đã qua và các tháp chưa đến, nên phải dành ưu tiên cho Mỹ Sơn.

Trà Kiệu cũng phải bỏ qua không dừng lại. Chắc sau này có dịp, phải thử đi theo dấu vết các di vật của hoàng gia Chămpa ngày xưa.
Vùng Ninh Thuận hiện nay còn nhiều địa điểm liên quan đến việc thờ cúng, giữ gìn một số di vật ít ỏi còn lại của hoàng gia Chămpa, mà cũng chưa thu xếp đi được.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Khu B và khu C có tường thành thấp bao quanh.
Giữa hai khu lại có tường phân chia riêng.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/CopyofCopyofIMG_5111.jpg
Xem lại sơ đồ khu B, C, D.

Cái sơ đồ này chả hiểu vẽ từ khi nào, nhưng thiếu mất tháp cổng B2, còn phế tích các tháp B11, B12 thì hiện đã gần như không còn gì.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/CopyofIMG_1214.jpg
Sơ đồ này mờ hơn, nhưng khá giống thực tế, các tháp và phế tích tháp còn lại ở khu B và khu C trông khá đối xứng.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1217.jpg

Mặt Tây của tháp C1 (từ lối vào hiện tại, gặp chỗ này đầu tiên)


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1228.jpg
Mặt Nam tháp C1, từ phía khu B nhìn sang.

Tháp C1 là ngôi tháp thuộc loại đặc biệt trong các tháp Chăm.
Nó là ngôi tháp trung tâm duy nhất có cấu trúc mái hình yên ngựa chứ không phải như các tháp truyền thống khác.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1230.jpg
Tháp cổng C2.

tunbo
21-07-2010, 00:24
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1226.jpg
Tháp C3, nằm cạnh tháp B6, đối xứng qua bức tường phân chia khu B và khu C.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1220.jpg
Theo thứ tự từ xa lại gần : tháp C4, C5, C6, C7 nằm thành một dãy dọc theo trục Đông - Tây ở mặt phía Bắc tháp C1.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1284.jpg
Một phần mặt Bắc tháp C1 nhìn từ khe trống giữa tháp C6 và C7.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1290.jpg
Cửa chính tháp C1 nhìn qua tháp cổng C2.

tunbo
22-07-2010, 21:55
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/CopyofCopyofIMG_5111.jpg
Sơ đồ khu B, C, D.


Khu D nằm ngoài tường bao của khu B và C.
Các kiến trúc ở khu D còn lại là 6 cái, trong đó D3, D4, còn một chút vách chân tường, D5, D6 chỉ còn phế tích móng.
D1 và D2 là hai ngôi Nhà Dài - là các kiến trúc phụ, nằm phía trước hai ngôi tháp thờ chính của khu B và C - có chức năng là nơi đón khách hành hương hoặc chuẩn bị lễ vật trước khi lên đền thờ chính.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1250.jpg
"Tháp" D1, mặt Tây, nhìn thẳng vào tháp cổng B2 của khu B.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1291.jpg
Mặt tường phía Bắc của kiến trúc D1, phần mái đã sập đổ hoàn toàn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1257.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1251.jpg
Nhà Dài D2 nằm phía trước tháp cổng C2 của khu C, bên cạnh phía trước là phế tích kiến trúc D3.

tunbo
22-07-2010, 22:02
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1255.jpg
Gần như toàn cảnh khu D : D1 bên phải, D2 bên trái, phế tích D3 ở góc dưới bên trái, phế tích D4 xa xa cuối ảnh, giữa D1 và D2.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1232.jpg
Phế tích D3 nhìn từ tháp cổng C2 của khu C, phế tích xa xa phía sau là D4.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1312.jpg
Phế tích D4 cũng gần như chỉ còn nền móng, nằm giữa D1 và D2.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1313.jpg
Phế tích nền móng các kiến trúc D5, D6 nằm phía Nam của D1.

tunbo
22-07-2010, 22:35
Khu A của Mỹ Sơn nằm phía Đông, trước mặt cụm B,C,D.
Từ phía trước của kiến trúc D2 (nếu theo lối đi vào di tích hiện tại, thì ta đang đi ngược từ sau ra trước), có lối đi băng qua khe Thẻ, rẽ tay phải là sang khu A,A'; thẳng là đến khu G, rẽ trái là qua khu E, F.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/CopyofCopyofIMG_5111-1.jpg
Sơ đồ khu A, A'. Lối đi vào hiện tại ở phía bên dưới, góc trái trong sơ đồ.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1344.jpg
Lối vào khu A dọc theo tường bao phía Tây của toàn khu.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1333.jpg
Toàn cảnh phế tích khu A.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1334.jpg
Phế tích tháp trung tâm A1.


Tháp A1, cho đến giữa thế kỷ XX vẫn còn tồn tại, được đánh giá là một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc cổ Champa, là kiến trúc tiêu biểu nhất của một phong cách tinh tế, trang nhã phóng túng nhưng cũng rất duyên dáng của nghệ thuật Champa.
Nhưng trong chiến tranh, tháp A1 đã bị bom Mỹ đánh sập gần như hoàn toàn.
Từ một tòa tháp đồ sộ (cao 24m, mỗi cạnh dài 10m), giờ chỉ còn là một phế tích đổ nát rêu phong như vậy.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1340.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1341.jpg
Một Linga trơ trọi giữa các phế tích ở phía Nam khu A.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1339.jpg
Từ cửa Tây của tháp A1 nhìn ra phía trước. Tháp A1 có 2 cửa ra vào ở phía Đông và phía Tây. Ở Mỹ Sơn khác với các cụm tháp Chăm khác, có nhều ngôi tháp cửa mở về hướng Tây.


Các phế tích nhóm A' gần như không còn, đường vào bây giờ cũng đã bị cây cổ mọc lút đầu người.

tunbo
22-07-2010, 23:29
Rời khỏi khu A, Lão Đại quay ngược lại con đường cũ, ra đến chỗ cây cầu bắc qua khe Thẻ, chỗ từ khu D đi sang. Chỗ này là một ngã ba.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1383.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1385.jpg
Cây cầu nhỏ bắc qua khe Thẻ, phía xa đằng sau là kiến trúc D2.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1386.jpg
Dòng nước khe Thẻ chảy dưới cây cầu.


Từ khu A quay ra đến đây, nếu rẽ trái qua cây cầu là về lại cụm B, C, D, còn thẳng cây cầu sang bên này là một quả đồi, trên đó có các ngôi tháp thuộc nhóm G.

Đúng thời điểm này, khu tháp G đang được trùng tu. Đóng cửa.
Người ta quây hàng rào dưới chân đồi, chỉ để một cánh cổng tre ở lối lên.
Nhìn trước nhìn sau, chỉ có một mình, tiếng những người công nhân trùng tu khu tháp ở trên đồi cười nói vọng xuống, cánh cổng tre đang hé mở sẵn, y tặc lưỡi bước chân qua cổng.
(Tất nhiên ở hàng rào có gắn biển thông báo rằng, khu vực trùng tu, du khách không được vào - bằng vài thứ tiếng, nhưng thấy có một mình, y cứ lờ đi, định lên chụp mấy phát).

- Excuse me! - Một giọng nói nhẹ nhàng vang lên ... ở đâu đó gần đấy

Lão Đại trước khi bước qua cổng chắn, đã nhìn xung quanh, có mỗi mình y :D, nghe tiếng nói, y không nghĩ là nó được phát ra gần đó, nên y thản nhiên bước tiếp đôi bước, dừng lại chụp bậc lên đồi.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1346.jpg
Bậc lên đồi nơi các tháp khu G tọa lạc.


Chụp xong phát này, y cắm cúi nhấc chân bước tiếp.

- Excuse me ! - Lần này tiếng nói vang lên to hơn, vừa nhẹ nhàng, vừa cương quyết hơn trước.

Lão Đại dốt tiếng Anh .
Nói y không biết tiếng Anh là sai.
Nhưng nói y biết tiếng Anh thì ... quá sai.
Y nghe rất rõ câu nói, nhưng nhất thời không đoán ra giọng nam hay nữ, lại càng không nghĩ ai đó gọi mình.
Gọi y, việc gì phải dùng tiếng Anh ( dù cái từ người kia thốt ra, ai mà chẳng hiểu).
Y lại định bước tiếp thì chợt phát hiện dưới con đường, ngay sau khúc quanh hiện ra một tay trung niên trong sắc phục bảo vệ.
Vẫn đứng trên lưng đồi, y quay nhìn xuống : chỉ có y và tay bảo vệ.
Y đứng im, không động đậy, không lên tiếng, nhìn chằm chằm vào tay bảo vệ.

- Excuse me! &%#$#@$@^)@^%#)*@%^%$@$%R$@$^#%

Tay bảo vệ - giờ y mới nhìn rõ là mặt đàn ông - thấy y quay lại nhìn, bèn tuôn ra một tràng tiếng Anh với giọng nhẹ nhàng trở lại và kèm theo nụ cười cầu tài (cái giọng giống lúc đầu, không đối mặt, khó nhận ra giọng nam hay nữ).
Y không nghe ra câu sau của bảo vệ.
Y không cần nghe được, cũng hiểu gã nói gì :D.
Vẫn đứng nguyên chỗ cũ, y buột miệng hỏi một câu, mà vừa nói ra, y đã thấy là quá thừa :

- Chụp một tấm không được sao hả anh?

Y vừa hỏi xong, đã cảm thấy ... dở hơi, thì bỗng thấy tay bảo vệ giật nảy mình la lên :

- Trời, anh là người Việt chăng?

Hai người đứng như tượng ngó nhau.
Lão Đại thấy xấu hổ vì vi phạm, còn tay bảo vệ tròn mắt nhìn y như thẩm định lại xem y là người Việt thật không :))

- Anh không phải người Việt, anh là người Nhật - sau một hồi ngó y, tay bảo vệ nói vậy.
- I i ế (không - tiếng Nhật), tôi là người Việt

Câu nói bồi hai thứ tiếng của y làm tay bảo vệ bật cười :
- Vâng, anh là người Việt, anh thông cảm xuống giùm, trên đó đang trùng tu, khách tham quan không được lên vì lý do an toàn. Chúng tôi rất tiếc.

Nói xong, tay bảo vệ tự bỏ đi, không nhìn lại.
Lão Đại cũng lập tức trở bước đi xuống, hỏi vọng theo :

- Tại sao anh nghĩ tôi không phải người Việt.
- Vì tôi thấy anh từ lúc anh mới vào. Anh vào là đi chụp khắp các ngôi tháp, cả các phế tích chỉ còn nền móng. Người Việt thường đến đây theo nhóm, ít đi lẻ một mình, và họ thường hay chụp ảnh họ là chính, các ngôi tháp chỉ là nền. Hơn nữa, trông anh ăn mặc hơi giống đám Tây balo. Ở đây, chỉ còn khu B,C,D và khu vực khu A, E,F là du khách có thể tham quan, các khu nhỏ khác đã đổ nát hết, lối vào cũng bị cây cỏ che lấp hết rồi, anh cũng chỉ nên đi các khu tôi vừa nói.

Y cám ơn tay bảo vệ, rồi rảo bước sang khu E, F.
Ở Mỹ Sơn lần này, trong vòng 1 tiếng đồng hồ, hai lần y bị gọi là khoai tây. Tay bảo vệ lầm, là lần thứ nhất.

hl2911
22-07-2010, 23:35
Tiếp đi lão Đại, cái này đã được nghe kể rồi mà đọc lại vẫn thấy tức cười, hô hô =))=))=))

hl2911
24-07-2010, 14:23
Lão Đại cười từ bữa đến giờ rồi hử??? Tỉnh dậy đi tiếp đi chứ, hành trình còn dài và nhiều thú vị chưa nói hết kìa, hô hô.

tunbo
27-07-2010, 23:42
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/CopyofCopyofIMG_5111-2.jpg
Sơ đồ khu E, F.


Thực tế, khu E gần như hoàn toàn biến mất, trừ ngôi tháp duy nhất còn hình hài : tháp E7 - hiện cũng đang được gia cố chống đỡ (hoặc chờ trùng tu) bằng chằng chịt giàn giáo, ống thép.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1349.jpg
Đường vào khu E, F mát rợp bóng cây rừng, trên sơ đồ bên trên, con đường dẫn vào ở khoảng phía dưới bên phải ảnh.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1353.jpg
Tháp E7 ở góc phải khi đi vào - ngôi tháp duy nhất còn hình hài tương đối đầy dủ ở khu E.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1350.jpg
Những hình ảnh đầu tiên khi bước vào khu E từ con đường mòn.Theo sơ đồ, phế tích bên trái là E6


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1354.jpg
Một số di vật ở khu E : tượng người mất đầu, bệ Yoni, bò thần Nandin. 3 phế tích có thể theo thứ tự là E5, E2 (sát bên phải) và E3 (sau cái thân cây xa xa).

tunbo
27-07-2010, 23:48
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1356.jpg
Tượng bò thần Nandin nằm cạnh lối mòn, phía sau là phế tích E6. Khoảng trống bên trái E6, xa xưa là tháp E1, thuộc loại cổ xưa nhất Mỹ Sơn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1360.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1361.jpg
Các phế tích đổ nát khác ở khu E.

tunbo
28-07-2010, 00:04
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1363.jpg
Lối mòn dẫn tiếp sang khu F. Ngôi tháp trung tâm F1 đã sụp đổ phần lớn, đang được bao che bảo quản (và bắt đầu được tiến hành trùng tu từ cuối tháng 7/2010).


Khu F chỉ còn 3 phế tích : tháp trung tâm F1, tháp cổng F2, và tháp Nam F3.
Tháp F1 là ngôi tháp tiêu biểu nhất ở Mỹ Sơn của phong cách Hòa Lai - một phong cách tiếp ngay sau phong cách Mỹ Sơn E1.
Tháp Nam F3 cũng được xác định thuộc phong cách Hòa Lai.
Còn tháp cổng F2, xét về phong cách, lại muộn hơn nhiều so với F1 và F3.
Ở khu F, tháp trung tâm F1 mở cửa về hướng Tây, còn tháp F3 lại mở cửa về hướng Đông.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1364.jpg
Phế tích còn lại của tháp cổng F2 phía trước tháp F1.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1371.jpg
Bia ký ở khu F, nằm phía Đông Nam tháp F1, phế tích phía sau là tháp F3.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1374.jpg
Phế tích tháp F3, bên trái là một phế tích của khu E, theo lối mòn là đi tới tháp E7 của khu E.

tunbo
28-07-2010, 00:59
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1377.jpg
Từ khu F trở lại khu E, lần theo con đường có lát gạch vụn - trên sơ đồ tổng quát hướng dẫn là lối ra khỏi toàn khu di tích.


Nhưng sơ đồ tổng không vẽ hết đường ra, mà để cụt lửng lơ với mũi tên ghi Lối ra.
Lão Đại lững thững cuốc bộ thử xem nó ... ra ở chỗ nào.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1380.jpg
Con đường vượt qua một nhánh khác của khe Thẻ...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1381.jpg
... và càng ngày càng hẹp, chạy giữa khu rừng thưa rợp mát bóng cây.


Con đường nhỏ râm mát
Chạy dưới khóm rừng thưa
Cơn gió chiều xào xạc
Lá trên cành đu đưa.

Đang chang nắng, đi vào con đường rợp mát bóng cây, Lão Đại ban đầu cảm thấy rất dễ chịu.
Y vừa lững thững thả bộ, vừa nghĩ vẩn vơ, hình dung về những đoàn người Chăm ngày xa xưa hành hương về Thánh địa mỗi dịp lễ hội.

Việc khu G bị cấm vào khiến thời gian loanh quanh ở Mỹ Sơn giảm bớt.
Thực ra, ở khu A, y không gặp bất cứ ai. Ở khu E, F y gặp hai cha con dắt nhau đi xem, người cha vừa đi vừa kể sơ bộ cho con trai mình về Mỹ Sơn - y đi ngang qua họ, nghe được lõm bõm vài câu :D.
Còn chủ yếu du khách ở khu B, C, D.
Hôm đó khách Tây nhiều hơn khách Việt.
Mới hơn 15g, Lão Nhị mới gọi, thông báo là đã rời nhà bà con ở Nam Phước, đang trực chỉ Hội An, và sẽ tìm phòng nghỉ trước. Vậy là y không có gì vội.

Nhưng đi mãi, nghe nước khe Thẻ chảy róc rách bên cạnh, sau lùm cây.
Tiếng người cười nói lao xao bên kia dòng nước như rất gần mà đi mãi không đến.
Lão Đại không phải người yếu bóng vía, nhưng y chợt nghĩ, sơ đồ không vẽ đến điểm cuối của đường ra. Biết đâu cuốc bộ ra đến tận phía ngoài thì xa lắm, rồi lại vòng vào lấy xe nữa.
Nhưng con đường nhỏ giữa rừng chỉ có mình y, không biết hỏi ai.
Y ngồi lại ven đường, uống nước và nghỉ mệt một lúc, nghĩ xem đi tiếp hay quay lại.
Việc lối này dẫn ra tận phía ngoài khu bán vé, có lẽ là vô lý, nó sẽ không xa đến thế. Nhưng nó vòng vèo thế nào, bao lâu nữa, thì y mù tịt.

Lát sau, y đứng dậy, quay bước trở lại.
Qua khu E, F, qua cụm B,C,D trở ra đến con dốc đất, y đã khá mỏi cẳng.
Trên con dốc này, y bị gọi là ... Tây lần thứ hai.

Khi leo đến đỉnh con dốc đất - thực ra nó chả dốc lắm, nhưng đi trên đường bằng đã thấy mỏi chân sẵn rồi, nên chỉ cần dốc dốc một chút là đã ì ạch phì phò thêm nhiều rồi.
Đến đỉnh dốc nhìn xuống, y thấy một nhóm công nhân đang chuyển gạch lên khu tháp G đang ngồi nghỉ nơi chân dốc cùng với xe gạch.
Thấy y ì ạch xuất hiên trên dốc, một gã mập trẻ tuổi đang ngồi phía dưới bỗng hếch mặt lên dòm y rồi nói :

- Oải không?

Dĩ nhiên y hiểu gã hỏi y. Nhưng y rất ghét cái kiểu hỏi trỏng như thế - bình thường đã vậy, huống chi lúc này đang ... mệt - nên y thản nhiên bước tiếp vài bước, rồi quay lại chụp ảnh con dốc.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1208.jpg
Lúc đi vào băng băng, lúc đi ra, thấy nó quả là ... con dốc.


Kể thì lâu, chứ mọi việc diễn ra thì nhanh.
Ngay khi y quay lưng lại chụp ảnh con dốc, nghe gã mập bô bô với mấy người còn lại :

- Thấy chưa? Nó có hiểu tiếng Việt đâu? Tao đã bảo thằng này người Cam mà tụi bây cứ cãi.

Đến đây thì Lão Đại nhịn không được, bật cười, dù mệt bỏ bố.
Gã mập thấy y quay lại cười và lững thững buốc tiếp xuống dôc, gã chột dạ nhìn y (vẫn) hỏi trỏng :

- Sao cười? Nghe được tiếng Việt à?

Lão Đại gật gật đầu, nhất định không lên tiếng. Rồi lờ đi, cắm cúi đi tiếp.
Sau lưng, y nghe đám kia vẫn cãi nhau chí chóe rằng "Thằng đó là người Cam hay người Việt" :D

tunbo
28-07-2010, 21:46
Những đền tháp rêu phong đổ nát
Bỗng rực lên trong nắng cuối chiều
Giữa thung lũng lá khô rơi xào xạc
Vẳng đâu đây lảnh lót tiếng chim kêu

Hồn Chăm xưa, cả ngàn năm còn đó
Giữa nắng mưa với rêu mốc của thời gian
Những vạt tường đổ nát đứng miên man
Mang trên mình cả một trời điêu khắc

Những đêm rừng, dưới trăng sao vằng vặc
Vẳng trong gió tiếng trống hội Chăm xưa
Những trưa hè, lá xào xạc đu đưa
Mỏ chim thần xa xa như đang hót

Mỹ Sơn tuy đã hoang tàn đổ nát
Nước Chămpa cũng chấm dứt thăng trầm
Những phế tích đền tháp cổ ngàn năm
Vẫn lưu dấu một hồn xưa tráng lệ.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Tạm biệt Mỹ Sơn. Sẽ còn có những lần trở lại trong tương lai.

huygeo
29-07-2010, 04:16
Em khâm phục sự hiểu biết về văn hóa Champa và cách kể chuyện hài hước của bác tunbo, khi nào đi vậy nữa cho em theo ké học hỏi mở rộng cái đầu với nhé.

tunbo
01-08-2010, 23:40
@ huygeo : tất cả những điều đó là từ mạng, từ sách vở, báo chí. Và từ những cái đã đọc được, không thể không đi đến xem, và tìm hiểu thêm từ thực tế, từ câu chuyện của những người sở tại.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------


Rời khỏi Mỹ Sơn, không khỏi nao lòng, vì cứ mỗi lần đến, lại cảm thấy nó đổ nát thêm một chút, mất mát thêm một chút.
Nhưng cũng có chút tự an ủi trong lòng rằng, dù sao cũng ghi lại được thêm nhiều hình ảnh về các góc cạnh, các chi tiết của khu đền tháp này.
Nắng vàng vẫn rự rỡ trong buổi cuối chiều, con đường nhỏ vẫn mơn man gió, uốn lượn trên vùng đất Chăm xưa.
Chẳng bao lâu, Lão Đại đã trở ra đến Nam Phước, lại rẽ trái nhập vào QL1A, nhắm hướng về Vĩnh Điện thẳng tiến.
Tháp Bằng An là điểm đến cuối cùng trong ngày hành trình thứ tư này, cũng là ngôi tháp cuối cùng còn tồn tại trên đất Quảng về phía Bắc.
Qua cầu Vĩnh Điện chút xíu, rẽ trái vào đường DT609 chừng gần 2km, thấy tháp Bằng An ngay bên trái đường.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1407.jpg
Tháp Bằng An nằm tại làng Bằng An, xã Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.


Khu vực này chỉ còn lại 1 ngôi tháp Bằng An này, nhưng những nghiên cứu khảo cổ đã chỉ ra rằng, nơi đây ngày xưa từng có nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, mà ngôi tháp hiện còn được cho là đền thờ chính.
Trong số các tháp Chăm cổ còn lại, tháp Bằng An là ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát giác, nó cũng không có bất cứ một đặc điểm đặc trưng nào của các tháp Chăm truyền thống : không cột ốp, không có cửa giả ở các mặt tường, không có các tầng mái, không có luôn cả các hoa văn trang trí.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1425.jpg
Tháp Bằng An trông xa giống như một búp măng khổng lồ. Phần thân hình bát giác trông giống hệt các cột trụ nhà dài ở khu tháp Pô Nagar ở Nha Trang.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1441.jpg
Phần mái vuốt lên và chụm vào nhau thành hình chóp nhọn có 8 mặt hình tam giác.


Người ta cho rằng, mái của tháp Bằng An xưa kia, 8 mặt mái cũn có lớp vỏ trang trí giống ở Tháp Đôi - Quy Nhơn - nhưng giờ đã bị mất không còn dấu vết.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1442.jpg
Cửa vào tháp hiện nay, là kết quả đợt trùng tu và ... làm lại của người Pháp năm 1940. Cấu trúc cửa vào tháp là dạng một tiền sảnh lớn có cửa ra vào chính và 2 cửa ngách, nay được sửa thành hai cửa sổ cao ở hai bên mặt Bắc, Nam.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1408.jpg
Hai bên cửa ra vào, phía ngoài, là hai tượng con vật đầu voi, thân sư tử bằng đá - tượng Gajasimha.

tunbo
02-08-2010, 00:23
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1424.jpg
Có hai linh vật Gajasimha trông coi ... ngựa sắt, nên an tâm đi chụp tháp :D, phía ngoài xa là đường ĐT 609.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1437.jpg
Bia ký Bằng An.


Khu vực tháp Bằng An không còn để lại nhiều di vật cổ, nhưng còn lại một bia ký cổ, được các nhà khoa học đặt tên là "Bia ký Bằng An".
Một điều đáng tiếc là niên đại của bia không còn đầy đủ, chỉ còn số " 8... saka", tức là vào năm 8xx Chăm lịch.
Vì kỷ tây lịch muộn hơn kỷ saka là 78 năm, nên người ta đành cho rằng niên đại Bia ký Bằng An nằm trong khoảng thời gian từ năm 878 đến năm 977 Công nguyên.
Bia ký Bằng An được xác định là của "vua" Badravarman II - cha của vua Indravarman II, người sáng lập ra vương triều Indrapura (Đồng Dương)
Tuy nhiên dựa trên các bia ký khác ở Đồng Dương và một số địa phương khác ở Quảng Nam, người ta được biết rằng " Indravarman II được lên làm vua nước Chămpalà nhờ quyền lực của thần Mahesvara (tức Siva), nhờ công tu luyện khổ hạnh cũng như trí tuệ thông minh của ông, chứ không phải nhờ cha hoặc ông của ông"
Từ thời điểm Indravarman II mở ra vương triều Indrapura, cái tên nước Chiêm Thành bắt đầu xuất hiện trong sử Trung Quốc, trước đó, nước của người Chămpa được sử Trung Quốc gọi là nước Hoàn Vương.
Như vậy, sử Chăm xác nhận Indravarman II là vị vua sáng lập của một vương triều, chắc sau đó - giống một số nơi khác - cha của ông ta mới được tôn là "vua" : Badravarman II.
Bia ký Bằng An cho biết rằng, "vua" Badravarman II đã ra lệnh xây một Linga Paramesvara (Thượng đế Tuyệt đỉnh - một danh hiệu của thần Siva).
Vì thế, các nhà khoa học cho rằng, tháp Bằng An chính là đền thờ Linga Paramesvara của vua Badravarman II.
Tuy nhiên, vì cấu trúc tháp Bằng An không giống với bất cứ ngôi tháp Chăm nào khác, nên việc xác định niên đại bằng cách so sánh phong cách là không thể được.
Sau này, bằng việc so sánh nhiều chi tiết nhỏ với các tháp Chăm khác, một số nhà khoa học cho rằng tháp Bằng An được xây dựng vào thế kỷ XII.
Rồi tiếp sau đó, nhóm nghiên cứu của ông Ngô Văn Doanh lại tìm cách chứng minh được rằng, ở thế kỷ XI, đền thờ Linga Paramesvara "vẫn còn được thờ phụng" - tức là niên đại của nó không thể là ở thế kỷ XII mà phải sớm hơn thế kỷ XI.
Và đến nay, vẫn có hai luồng ý kiến về niên đại tháp Bằng An :
- Một luồng ý kiến cho rằng niên đại tháp Bằng An ở vào thế kỷ XII
- Một ý kiến khác cho rằng niên đại tháp Bằng An ở vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X - bằng với niên đại Bia ký Bằng An.

(Đọc các tài liệu bảo vệ ý kiến của các nhà nhiên cứu mà thấy hoa mắt nhức đầu quá đi, nhưng thấy ý kiến về niên đại tháp trùng với niên đại Bia ký Bằng An, xem ra các chứng cứ đưa ra có vẻ hợp lý hơn)

Nhưng thôi, đó là công việc của các nhà ... Chăm học, họ dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Chăm. Còn lãng khách, chỉ vì chút đam mê nho nhỏ mà cười ngựa xem hoa, không đủ "tuổi" để theo xách dép hóng chuyện các vị tiền bối ấy.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1451.jpg
Khuôn viên tháp Bằng An có nhiều hoa. Hoa và Tháp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1450.jpg
Tháp và Hoa.

tunbo
02-08-2010, 00:53
Lúc này đã hơn 17g, nắng vẫn vàng hanh, nhưng đã dịu hẳn cái nóng, trời vẫn xanh ngắt.
Lão Nhị đã nhắn tin báo địa điểm khách sạn sẽ lưu trú ở Hội An, và báo là gã đã đi thăm bà con đang sống ở Hội An, nên Lão Đại cũng chả vội gì.
Vĩnh Điện về Hội An chỉ chục km, vì thế, y nán lại ở tháp Bằng An uống nước, hỏi chuyện cô gái bán căn-tin, kiêm bán vé tham quan di tích.
Cô ấy nói rằng, xưa kia còn hay tổ chức lễ hội ở đây, còn hiện nay rất ít khi tổ chức, lâu lắm rồi.

Theo lịch trình, đêm đó ngủ tại Hội An, hôm sau chạy qua Đà Nẵng ... chơi phố một chút rồi dẫn Lão Nhị vượt đèo Hải Vân về Huế.
Đèo Hải Vân thì Lão Đại qua lại nhiều lần, cả bằng xe máy, ô tô, tàu hỏa, và ... máy bay.
Y cũng từng ngồi thuyền máy từ bãi Xuân Thiều ra đến sát hòn Sơn Chà (đảo Ngọc, hòn Chảo của các bạn PDN), nên từ dưới biển trông lên đèo cũng đã có cả.
Nhưng dẫn Lão Nhị đi đường bộ, chắc cũng mất khá nhiều thời gian cho gã ngắm cảnh, chụp choẹt, nên đành cắt bớt thời gian ở Đà Nẵng, không dám lên Phượt í ới với PDN.
Tuy vậy, khi ngồi uống nước ở tháp Bằng An, y lại nghĩ, dẫu sao cũng dừng ở Đà Nẵng vài giờ, đủ để cafe càfáo, nên y móc điện thoại ra, gọi cho ... "hàng" :D
"Hàng" là một em có cái tên rất đẹp : Châu Anh - "cao trên mét bảy, trắng như trứng gà bóc".
Có 'hàng" như thế mà bỏ thì cũng phí. :))
Nhưng thật tiếc, "hàng" vừa đến Quy Nhơn mất rồi - cũng nghi nghi, nhưng không thể ở lai Quy Nhơn gặp "hàng".
Để tới Đà Nẵng rồi tính sau vậy.

Lão Đại buộc áo khoác vào phía sau, rời tháp Bằng An lên đường trở về phố Hoài.
Giờ mát rồi, ních cái lò xông hơi vào làm gì cho mệt.

Qua cầu Vĩnh Điện, trong ánh nắng cuối ngày, y lại trông thấy đỉnh núi Chúa ở Mỹ Sơn - đầu chim thần Garuda - hiện ra trong nắng, mà chắc lúc nãy trên đường đến tháp Bằng An, mải để ý đường đi mà không nhận ra.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1456.jpg
Núi Chúa ở Mỹ Sơn - nhìn từ trên cầu Vĩnh Điện.


Tới giữa Vĩnh Điện, rẽ vào con đường 608 đi Hội An.
10km vượt qua trong chốc lát. Tìm đến địa chỉ khách sạn được báo trước, đã thấy Lão Nhị đi thăm bà con trở về, đang hì hục chăm sóc ngựa trước tiền sảnh.
Kết thúc một ngày sục sạo khắp các cụm tháp trên đất Quảng Nam.
Dẫu Mỹ Sơn bị cấm mất một khu, nhưng nói chung cũng đã ... sục sạo được khá nhiều.
Tự dưng đến lúc đó mới nhớ ra rằng cần phải ... ăn, rằng bữa trưa lại bị bỏ quên :D

tunbo
02-08-2010, 19:30
Sau khi vỗ về chăm sóc hai chú ngựa sắt một hồi, hai người lên phòng tắm giặt gột sạch bụi đường.
Lúc đó cũng đã tối, túc tắc ra phố ... kiếm ăn.
Đồ ăn ngon, bia cũng ngon, nhưng thực khách trong quán vừa ăn vừa xem đá bóng ồn ào quá. Đến giờ thì chả còn nhớ là trận đấu giữa 2 đội nào nữa, nhưng cơ bản lúc đấy hồn vía vẫn còn lảng vảng nơi các khu tháp Chăm cổ, nên không có tâm trí xem đá bóng mấy.
Vì thế, ăn no, uống đủ là lên ngựa ngắm phố Hoài.
Lão Nhị thì quê ở đó, nên dĩ nhiên gã quá quen Hội An, còn Lão Đại hôm đó cuốc bộ cũng nhiều, nên không hứng thú lắm trong việc đi bộ ngắm phố - mà cơ bản, y cũng cuốc bộ Hội An nhiều lần rồi - nên lúc đi ăn, chả ai mang máy ảnh, cứ thế người không lên ngựa chạy lòng vòng thôi.
Đi tới lui, ra Cửa Đại rồi vòng về, đã gần 22g, vào phố cổ vẫn bị chặn, đuổi, nên về thẳng khách sạn.
Ở đó có cả đống ảnh trong ngày, hấp dẫn hơn..

Sáng ngày hôm sau, 14/6/2010, cả hai dậy sớm.
Lão Nhị phải qua chùa Chúc Thánh thắp hương viếng các bậc tổ tiên tiền bối.
Khi sắp hành lý lên đường, mới lòi ra 2 chai "hàng cấm" không mang được lên máy bay chặng về. Thế là chắc chắn phải tìm cách gửi về Sài Gòn trước bằng đường bộ. Việc ấy sẽ tiến hành khi ghé Đà Nẵng.
Loằng ngoằng chuẩn bị nhồi nhét đồ đạc, cuối cùng lúc ra đường, nắng cũng đã lên, lại ... quên ăn sáng.
Sau khi vào chùa thắp hương trở ra, đã hơn 9g30, cả hai rời Hội An, theo đường Điện Ngọc - Non Nước phi ra Đà Nẵng.
Đường ven biển rộng thênh thang, gió lồng lộng, nắng chói chang, biển xanh ngắt bên đường.
Ngựa bung vó phi nước đại, nắng nóng làm mặt đường xa xa phía trước trông rung rung, lấp loáng.
Dãy Casino năm sao ven biển chẳng mấy chỗ cũng vụt lại phía sau. Qua Mỹ Khê, vượt cầu quay sông Hàn sang đến nội thành Đà Nẵng đúng 10g30.
Vì cần tìm một hãng chuyển phát nhanh, nên tốt nhất là ... nhờ thổ địa.
Bạn bè Lão Đại ở Đà Nẵng cũng nhiều, nhưng lần này trong số chúng, chỉ có 1 đứa biết y đang có mặt ở đó. Nhưng y muốn tranh thủ gặp mặt cafe với PDN, nên lại nhờ "em Châu Anh" cho số của bác "quan văn PDN" - phải liên hệ quan văn trước, cứ theo nguyên tắc "tiền lễ hậu binh", y biết thế nào quan văn chả kéo quan võ đi cùng, sau quả không sai.

Gọi điện, bác Quan văn nhiệt tình hẹn ra ngay, và cho hai khách chọn địa điểm.
Tiện đang ở ngay chân cầu quay, Lão Đại hẹn bác Quan văn vào Cafe Thư viện luôn. Chỗ này, năm 2006 về trước y hay ngồi cafe sáng. Mấy năm sau này ít ra Đà Nẵng hơn hẳn khi xưa, nhưng năm nào cũng ra, và lần nào cũng không qua khu vực đó vào ban ngày.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0863.jpg
Đôi ngựa bên chân tường cafe Thư viện trên đường Bạch Đằng ven sông Hàn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1459.jpg
Trong lúc chờ bác Quan văn đến, Lão Nhị lang thang chụp chẹp bên bờ sông Hàn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0865.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0877.jpg
Sông Hàn nhìn qua khe tường rào quán cafe : cột đèn hiện đại, nhà cao tầng và con thuyền nan cũ trên sông.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0876.jpg
Xichlo chở hàng chạy ngược chiều trên đường Bạch Đằng giữa ban ngày.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0871.jpg
"Quan văn PDN" - thienson - có mặt sau 10 phút, y như hẹn.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0870.jpg
"Quan võ" Shogun - đúng phong thái quan võ, đến sau hơn một chút.


Vì đang giữa ngày đi làm bình thường, nên có lẽ các bạn PDN cũng mắc bận công việc, chỉ có hai bác này thu xếp được, ra cafe cùng. Sinh tố bia mà chơi vào buổi trưa thì mệt, vả lại vẫn còn phải đi đường.

tunbo
02-08-2010, 22:17
Đúng ra, ban đầu không tính í ới gì với các bác PDN vì Lão Nhị định vào nhà bà con ở Đà Nẵng để chào hỏi vài câu - gì thì thì gã cũng sắp đi xa một thời gian dài - trong lúc ấy, Lão Đại tận dụng thời gian, phóng vào Bảo tàng điêu khắc Chăm để chụp thêm một số hiện vật từ các khu di tích Chăm được mang về đây.
Nhưng sau, vì 2 chai "hàng cấm" mà phải lo gửi về Sài Gòn trước, nên Lão Nhị phá kế hoạch, Lão Đại cũng tặc lưỡi chiều gã, bỏ Bảo tàng điêu khắc Chăm.
Mất cái này, được cái kia. Thế là có dịp ngồi cafe tán gẫu với hai bác PDN, tai ngay nơi ngày trước vẫn hay ngồi.
Lại may, có bác Shogun gọi giúp cty chuyển phát nhanh phái nhân viên đến tận nơi lấy hàng đi.
Mỗi tội cái bọn Tiến Thành ở Đà Nẵng chúng hứa đến ngay, nhưng rồi chúng măm chán mới đến (và sau này hàng về đến Sài Gòn, chúng ... quên mãi, cho tới khi Lão Nhị sực nhớ ra là đáng nhẽ nó phải đến lâu rồi, gọi điện cho chúng, chúng mới ... mang đến ngay)

Ngồi nói đủ thứ chuyện trên rừng dưới biển, rồi hơn 13g, chia tay các bác PDN, lên đường.
(Biết bác Quan văn muốn gạ đi dùng sinh tố Beer lắm, nhưng còn chạy xe nữa, vả lại món ấy Lão Nhị tiếp các bác tốt, chứ Lão Đại ta thì loại từ vòng ... gửi xe)
Hẹn lần sau thời gian dư giả hơn vậy, cám ơn các bác PDN rất nhiệt tình với bạn phương xa.

Chạy bọc hết đường Bạch Đằng, qua Nguyễn Tất Thành lên Nam Ô rồi bắt đầu vào đèo, Lão Nhị có vẻ rất háo hức. Cầu Thuận Phước gã cũng bỏ qua, chỉ nhăm nhăm đến con đèo.

Lần này đèo dài hơn, qua đèo cũng phải chạy xa hơn mới đến đích (so với đêm đầu tiên từ Tuy Hòa đi Quy Nhơn trên QL1D) nhưng giờ mới đang trưa, nên qua đèo hai tên chạy rất nhởn nhơ, thích là dừng.
Lần này cũng không giống như ở đèo Cả, không phải ... mời chào nhiều, Lão Nhị chạy được một quãng bèn dừng lại chụp ảnh.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1465.jpg
Cặp thiết hắc mã bên đường đèo Hải Vân, phía Đà Nẵng. Xa xa, chỗ eo núi là Hải vân quan.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0894.jpg
Đường đèo phía Đà Nẵng và Hải vân quan trên cao.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0911.jpg
Nhìn xuống vịnh Đà Nẵng. Chỉ thấy hai trụ cầu Thuận Phước và thành phố mờ trong mù biển.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0920.jpg
Nhìn về hướng bãi Xuân Thiều, thấy cả mấy cây cầu trên sông Hàn mờ mờ.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0922.jpg
Chân đèo phía Đà Nẵng.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0883.jpg
Lão Nhị đi sau lừa gọi để Lão Đại ta quay lại, rồi chụp ... trộm.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1463.jpg
...rồi gã nhờ chụp gã làm hàng bên ngựa.

tunbo
02-08-2010, 22:53
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0903.jpg
Đúng lúc ấy ở đường sắt phía dưới có đoàn tàu hỏa cũng đang vượt đèo.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0910.jpg
Khả năng leo dốc của tàu hỏa không cao, nên đường sắt vượt đèo ở cao độ thấp hơn đường bộ nhiều, và tàu hỏa "vượt" núi bằng các hầm đường bộ, như cái hầm này chẳng hạn ...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0914.jpg
Đây, đoàn tàu sắp "vượt" núi.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0907.jpg
Đường sắt ở dưới, còn đường bộ ở trên. Một khúc cua ôm lấy mỏm núi chìa ra biển.

tunbo
04-08-2010, 00:06
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0887.jpg
Đang lúc ấy, một đoàn du khách nước ngoài đổ đèo ngang qua.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1464.jpg
Lão Nhị nhao ra chụp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0888.jpg
Gái tây đổ đèo bằng xe tay ga (Nouvo)


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0890.jpg
Cánh đàn ông thì cười Mơ-khìn, Win.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0892.jpg
Hello.

tunbo
04-08-2010, 00:25
Lại lên ngựa chạy thêm một quãng.
Lão Đại đã chạy đèo Hải Vân nhiều lần, mà cũng không thấy chán phong cảnh nơi đây.
Khỏi nói Lão Nhị, lần đầu tiên vượt đèo bằng ngựa sắt, gã chạy xe mà cổ cứ ... quay ngang.
Qua khỏi khúc ngoặt cùi chỏ cuối cùng phía Đà Nẵng, gần lên tới đỉnh đèo, gã tấp ngựa lại ven đường, nhao sang bên kia đường, chĩa máy chụp biển, chụp lại con đường đèo phía bên dưới vừa vượt qua.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1470.jpg
Tác nghiệp trên đường đèo.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1467.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1471.jpg
Khúc cua gắt nhất phía Đà Nẵng, ngay gần đỉnh đèo.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1469.jpg
Dưới kia là vịnh Đà Nẵng và thành phố xa xa.

tunbo
04-08-2010, 21:22
Sau khi chụp chán, cả hai lên đỉnh đèo, ghé quán nước.
Cơn bản là Lão Nhị muốn dừng lại nơi đỉnh đèo ... ngó núi ngó biển, xem cảm giác nó thế nào, chứ chạy bấy nhiêu đường chưa đủ hoàn thành bước ... khởi động với chúng.
Vào quán nước, Lão Nhị ta lôi ra hai hộp xôi gà mà gã mua từ dưới Đà Nẵng chả biết từ lúc nào.
Sang đến ngày thứ năm của cuộc hành trình này, gã đã lây bệnh bỏ bữa của Lão Đại rồi, sáng không ăn sáng ... rất tự nhiên, trưa cũng chả thấy muốn ăn, còn giờ thì đã hơn 15g chiều.
(Sau này, khi kết thúc chuyến đi rồi, gã mới khai " Đi với lão khùng ngươi một tuần, giờ ta đang giảm cân rất tốt, eo ót hẳn ra, mà không thấy khó chịu khi giảm ăn")

Ăn xong xôi gà, lại vác máy đi chụp, không chạy lên chỗ biên phòng bác thienson chỉ, vì lỡ có hẹn ở Huế.
Hải Vân Quan thì hầu như ai đi qua cũng chụp, Lão Đại đầy nhóc ảnh Hải Vân Quan rồi, nên chúng không chụp cái đó nữa, mà chụp ... lung tung.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0961.jpg
Chờ chủ trên đỉnh đèo Hải Vân.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0934.jpg
Đường đèo nhìn xuôi về phía Huế, thấy Lăng Cô xa xa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0972.jpg
Nhìn về phía Đà Nẵng. Dây diện, cây khô và tàu du lịch 5 sao ở cảng Tiên Sa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0970.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0969.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0968.jpg
Các khúc đường đèo phía Huế ẩn hiện, nhìn từ đỉnh đèo.

tunbo
04-08-2010, 21:28
Leo lên chỗ Hải Vân Quan, sườn núi rất nhiều hoa dại. Có một seri hoa trên đỉnh đèo Hải Vân.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0954.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0956.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0962.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0964.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0966.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0963.jpg
Chỉ nhớ ngày còn ở ngoài Bắc, nghe đám con gái gọi loại hoa trắng là hoa Xuyến chi, mấy loại kia thì chịu.

tunbo
04-08-2010, 21:52
Chụp hoa hoét chán, hóng gió ngắm biển ngắm trời xong, cả hai lại tiếp tục lên đường.
Đổ đèo về Lăng Cô. Lần này Lão Đại phá lệ, không tắt máy thả đèo - dĩ nhiên, chỉ đi một mình mới thế được)



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1474.jpg
Thêm một tấm đường đèo phía Huế, trước khi lên ngựa đổ đèo.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_1001.jpg
Đổ đèo được một đoạn ngắn, lại dừng lại chụp. Phía sau trên kia là đỉnh đèo.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0993.jpg
Đường sắt vượt đèo men theo sườn núi ở thấp hơn, sát biển hơn.


Đoạn đèo phía Huế, cũng khá gần đỉnh đèo, có một khúc có hai cua cùi chỏ liên tiếp nhau, rất gắt.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1500.jpg
Hai cua cùi chỏ liền nhau dưới kia.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1506.jpg
Ngựa cũng dòm đường : Không có gì khó, đường nào rồi cũng qua thôi.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0984.jpg
Zoom lại gần hơn, ngôi nhà trắng là chỗ trổ ra của hệ thống thông gió hầm đường bộ Hải Vân.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_0999.jpg
Khúc cua chữ Z trên đường đèo phía Huế.

tunbo
09-08-2010, 22:33
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1497.jpg
Lại tiếp tục lên ngựa đổ đèo, Lão Nhị xem ra rất lấy làm sung sướng.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1518.jpg
Khúc cua cuối cùng chân đèo phía Huế, trước khi xuống đến Lăng Cô.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1520.jpg
Đã thấy cầu dẫn phía Bắc vào hầm đường bộ Hải Vân.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1509.jpg
Một góc làng chài Lăng Cô sát chân đèo.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1513.jpg
Cầu dẫn và cửa phía Bắc hầm đường bộ Hải Vân.

tunbo
09-08-2010, 23:14
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1516.jpg
Cặp ngựa lại đứng bên vệ đường chờ chủ...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1517.jpg
... chụp ngựa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1523.jpg
Bò ra đường để chụp ...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1527.jpg
... và ngồi đờ ra suy nghĩ xem, tại sao mãi đến giờ mới chạy qua nơi này.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1530.jpg
Lăng Cô trong nắng cuối chiều.


Đã gần 16g30, đi Huế thôi. Cả hai không muốn chạy tối nữa.
Huế là điểm đến cuối của hành trình.
Từ Hội An qua Đà Nẵng và trên đường tới Huế, dường như Lão Đại tạm thoát ra khỏi ám ảnh của tháp Chăm. Suốt thời gian ấy, Lão Nhị muốn gì, y chiều nấy. Trên đèo, gã muốn đi nhanh hay chậm, muốn dừng lại chỗ nào bao nhiêu lâu, y cũng vui vẻ đồng ý.
Nhưng đến Huế, Lão Đại lại trở lại với những ngôi tháp Chăm mà y mới chỉ nghe đến, đọc đến, chứ hoàn toàn chưa biết tí gì. Chắc chắn đến Huế, y lại chỉ nghĩ đến mấy ngôi tháp đó.

Đường từ Lăng Cô về Huế không xa, nhưng lúc trưa ngồi ở Đà Nẵng, bác thienson có nhắc nhở về chuyện công an giao thông bắn tốc độ rất rát.
Lão Đại qua lại đèo Hải Vân bằng xe máy nhiều, nhưng hầu hết y chỉ loanh quanh trong Lăng Cô, vòng vèo vào khu vực đầm Lập An rồi trở lại Đà Nẵng. Chạy từ Lăng Cô ra Huế (và quay lại Đà Nẵng) bằng xe máy, y mới chạy có 1 lần, lại vào ngày mưa gió tầm tã, nên cũng chẳng gặp chuyện bắn tốc độ.
Vì thế, khi nắng tắt dần sau rặng núi - nhưng trời còn sáng lắm - hai con ngựa sắt đen trũi lầm lũi chạy trên đường về Huế. Chạy tà tà.
Qua khỏi đèo Phú Gia, Lão Nhị bắt đầu khó chịu vì cứ phải chạy tà tà 40 - 60km/h trên đường.
Thỉnh thoảng, qua khỏi những khu dân cư nhỏ ven đường, gã cứ vọt bừa lên.

CSGT bắn tốc độ xe cộ trên đường, thường thì khi bị chặn lại, tức là đã bị ... bắn chết từ đoạn trước rồi, chạy trên đường thường ít khi phát hiện thời điểm, địa điểm bị bắn, vì các bạn Huỳnh Y bang khi bắn thường chọn chỗ kín đáo - thường là trong khu dân cư, nơi tốc độ cho phép không cao.

Nhận rõ điều đó, nên qua các khu vực có dân cư hai bên đường, Lão Đại cẩn thận ép Lão Nhị chạy đúng tốc độ cho phép, nhưng đến những đoạn hai bên là cánh đồng hoặc đầm phá trống trơn, chính y cũng vọt lên chạy nhanh. Hai bên đồng trống, không bóng người bên đường, các bạn Huỳnh Y bang dĩ nhiên không có chỗ núp, sẽ bị phát hiện ngay.

Cứ như thế, lúc tà tà, lúc phi nước đại, 18g thì hai người vào đến thành Huế, vừa khi Huế lên đèn.
Lúc này liên lạc với tên thổ địa ở Huế lại không được, nên cả hai bèn tự kiếm chỗ nghỉ.
Festival Huế vừa xong, nên việc tìm chỗ nghỉ không khó chút nào.
Chúng vào thuê phòng một khách sạn ngay sát sân vận động Tự Do.
Đến lúc này, tên người Huế lại lò dò liên lạc lại :D. Cả ba dạo lòng vòng khắp phố, rồi sang bờ Bắc sông Hương ăn tối.
Huế mưa, Lão Đại có một cuộc hẹn, nhưng bị cơn mưa phá hỏng, nên y uống hết 2 chai bia thì ra ngựa về trước.
Lão Nhị ngồi lại nhậu và xem bóng đá cùng chú em người Huế.
Khi gã trở về khách sạn lúc khuya lắm, thấy Lão Đại còn thức, đang cắm mặt vào mấy cuốn sách và cái bản đồ trên màn hình laptop.

tunbo
10-08-2010, 21:15
Ngày vừa qua đối với Lão Nhị là một ngày khá sung sướng. Gã vừa được chạy thoải mái, vừa được ngắm cảnh, vừa được chụp ảnh. Và quan trọng nhất, là ... không phải chờ Lão Đại lang thang.
Đến Huế rồi, gã cũng không ngại, đường sá thì không đến nỗi mù tịt, lại cũng có thổ địa sẵn.
Nên trước khi sập mí mắt xuống, gã uể oải nói với tên đồng hành :
- Ngày mai lão khùng ngươi muốn đi đâu thì đi thoải mái, không phải lo đến ta nhé. Chỉ cần tối mò về sơm sớm, lên thuyền nghe ca Huế đổi gió một tí.

Sáng hôm sau, Lão Đại dậy sớm, khi mà Lão Nhị vẫn còn ... phá rừng ầm ĩ.
Ngày hôm nay, ngày áp chót của cuộc hành trình, y "chỉ" phải tìm đến hai khu tháp loanh quanh ở ngoại ô thành phố Huế.
Mặc dù đã điều nghiên nhiều lần, nhưng cơ bản nhất là đường đi đến hai nơi đó, đến giờ, sắp xuất phát, y vẫn không biết cụ thể chi tiết.
Tháp Mỹ Khánh có vẻ xa hơn, nên y sẽ đến nới đó trước.
Phải xuống phố uống cafe và hỏi thăm đường trước. Y nhẹ nhàng lách qua cửa xuống phố, không muốn làm gã trẻ tuổi thức giấc.

Ngồi cafe vỉa hè bên phía sân Tự Do, y bắt đầu hỏi han về đường đi đến tháp Mỹ Khánh và tháp Liễu Cốc.
Cũng gần, nhưng ... chúng gần như đối xứng qua thành phố Huế, tức là gần, mà phải đi nhiều.

7g30 sáng 16/6/2010, Huế đã ngập nắng, có thể vì tối qua mưa lớn và lâu, nên sáng nay trời chả còn tí mây nào hết.
Lão Đại đập Lão Nhị dậy, chỉ để nói : "Ta đi đây, thôi mi ngủ tiếp đi, hay làm gì thì làm"
Rồi y xuống đường, lên ngựa, nhắm hướng ra biển Thuận An thẳng tiến.

Mẹ con bà bán cafe cũng không rõ xã Phú Diên (nơi tháp Mỹ Khánh tọa lạc) chính xác ở khoảng nào, nên y phải vừa đi vừa hỏi đường. Chỉ biết rằng "muốn tìm đến chỗ khai thác quặng titan (nơi tháp Mỹ Khánh được phát hiện) thì cứ tới Thuận An rồi hỏi tiếp" - bà bán cafe nói chắc như đinh đóng cột vậy.
Thực ra, y biết nhiều hơn thế một chút, rằng đến Thuận An, phải rẽ tay phải vào đường 49B (Thuận An - cửa Tư Hiền). Nhưng chỉ biết đến thế thôi, muốn hỏi xem có đường khác không.

Tuy nhiên đến Thuận An, y cũng cẩn thận dừng lại hỏi đường. Người ta nói đi chục cây số nữa là tới xã Phú Diên, còn thôn Mỹ Khánh, đến Phú Diên hỏi cho chính xác.
Đo công-tơ-met đúng chục km, y dừng lại hỏi tiếp. Đã vào đất xã Phú Diên, nên người dân ở đây chỉ luôn chỗ ngôi tháp. Chỉ cặn kẽ.
Tuy nhiên sau khi hỏi đường, y thấy chạy càng ngày càng xa mà không thấy như được chỉ dẫn. Người chỉ đường nói là đã đến gần lắm rồi, mà y đi qua khỏi chỗ ấy đã 4km.
Lại dừng lại hỏi đường, được cho biết " Anh vượt qua chỗ tháp Chăm xa lắm rồi, quay lại đi"
Thế ra, y đi sai, còn cả hai người chỉ đường, đều chỉ về cùng một địa điểm.
Cuối cùng, y cũng tìm thấy lối vào tháp. Rất đơn giản, ngay bên vệ đường - như đươc chỉ dẫn - có điều, tấm biển chỉ đường ... khuất trong lùm cây, nên phải đến lần thứ 3 chạy qua, y mới để ý thấy nó.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1588.jpg
Lối vào tháp Mỹ Khánh cách Thuận An hơn 11km, trên đường 49B đi cửa biển Tư Hiền. Cột km cách lối vào tháp chừng gần trăm met.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1589.jpg
Đây : Thuận An 11km - QL 49B.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1590.jpg
Từ Thuận An chạy tới thì : C(ửa). Tư Hiền 27km.



Con đường 49B từ Thuận An đến cửa Tư Hiền, chạy dọc một doi đất nhỏ hẹp. Một bên là biển, một bên là đầm Thanh Loan - đầm Hà Trung nối tiếp nhau và nối thông với đầm Cầu Hai.
Đến km thứ 11, theo hướng từ Thuận An đi Tư Hiền, là đến lối vào tháp Mỹ Khánh. Nơi đây người ta gọi nó là tháp Phú Diên - gọi theo tên xã, còn Mỹ Khánh là tên thôn - cụ thể hơn nữa.
Tháp Mỹ Khánh được tìm thấy năm 2001 bởi dân khai thác quặng titan ở bờ biển. Nó nằm cách mép nước có hơn trăm met.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1586.jpg
Từ QL 49B, rẽ tay trái về phía biển, để đến tháp cổ Mỹ Khánh.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1583.jpg
Đây, biển báo chỉ đường vào tháp, khuất trong lùm cây bên phải đường, chạy qua chạy lại 3 lần mới phát hiện ra. Chăc phải đeo kính rồi.

tunbo
10-08-2010, 22:58
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1577.jpg
Thẳng con đường nhỏ bên trái, qua con dốc là trông thấy biển. Tháp nằm bên trái con đường này.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1580.jpg
Ngang dốc, trước khi chạy xuôi về phía bãi biển, có con đường nữa rẽ tay trái...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1581.jpg
Từ đây, thấy toàn cảnh tháp Mỹ Khánh.


Ngày 18/4/2001, những người khai thác quặng titan trên bãi biển thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế đã phát hiện thấy vết tích một ngôi tháp Chăm cổ bị vùi sâu dưới cát, chỉ cách mép nước biển chừng 120met.
Sau đó, người ta đã tiến hành đào cát và xây tường bao kè xung quanh.
Bằng phương pháp (hình như gọi là) đo đồng vị Carbon (C14), người ta xác định được niên đại ngôi tháp ở vào khoảng năm 710 - 790.
Hơn ngàn năm tồn tại, nhiều trăm năm bị vùi trong cát, ngôi tháp vẫn khá nguyên vẹn, nhưng chỉ sau gần 3 năm được (tái) phát lộ, nó đã xuống cấp trầm trọng, nên năm 2007, người ta đã tiến hành làm nhà kính bao che toàn bộ ngôi tháp để bảo vệ.
Tháp Mỹ Khánh nằm sâu gần 5 mét dưới cát.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1575.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1533.jpg
Quay trở lại con đường dẫn xuống bãi biển, tháp ở bên tay trái. Lối xuống tháp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1573.jpg
Từ đường beton vào khuôn viên tháo chừng trăm met, toàn cát trắng, nên cứ dựng ngựa đứng đại ở trên đường, dưới bóng phi lao.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1534.jpg
Lối xuống phía Đông - phía cửa chính của tháp. Ngôi tháp nằm sâu gần 5met so với mặt đất, nay chỉ còn phần thân, phần mái đã sụp đổ hết.

tunbo
10-08-2010, 23:15
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1535.jpg
Người ta trổ 4 cầu thang xuống tháp ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Lão Đại đếm được 46 bậc cấp để đi từ trên mặt tường bao xuống đến mặt bằng tháp, mỗi bậc là một hàng gạch ống, kể cũng suýt soát 5mét.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1537.jpg
Toàn cảnh mặt bằng khu tháp ở độ sâu gần 5met. Tuy chỉ còn thân tháp, nhưng xung quanh còn dấu tích nền một số kiến trúc nhỏ khác.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1541.jpg
Cửa tháp mở về phía Đông, trong lòng tháp hẹp, thấy có một bệ thờ. Tất cả ở đây đều bằng gạch.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1542.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1546.jpg
Các mặt tường thân tháp.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1545.jpg
Tượng ở cửa giả của tháp.


Tiếc là ngôi tháp đã được trùng tu năm 2007, nên những bệ thờ, tượng ở các khuôn cửa giả rất có thể là sản phẩm đã qua sửa chữa.
Tháp Mỹ Khánh thuộc loại tháp lùn của người Chăm, với niên đại khoảng giữa thế kỷ VIII nó trở thành ngôi tháp Chăm cổ nhất còn tồn tại trên đất Việt (tuy không còn nguyên vẹn hoàn toàn).

Ở đây thì cửa ngôi nhà kính thực sự được khóa chặt, nên đánh phải chụp ảnh qua lớp kính (thấy hình phản chiếu tùm lum qua lớp kính này :D)

tunbo
01-09-2010, 09:14
Rời khỏi tháp Mỹ Khánh, trời cũng đã vào tầm trưa.
Đã biết được khoảng cách về lại Huế cũng không xa, nên lúc này Lão Đại mới nhởn nhơ ngắm ngó cảnh vật nơi đây, chứ không cắm cúi lo tìm tháp như lúc đi.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1591.jpg
Bên tay phải đường về (phía biển) có một khu nghĩa địa ...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1592.jpg
... tuy còn lâu mới sánh được với "thành phố ma" nổi tiếng, nhưng cũng giống một "thị trấn ma" nho nhỏ.


Từ Thuận An đến cửa Tư Hiền là một doi đất dài và hẹp, chạy dọc theo một bên là biển, một bên là hệ thống đầm phá kéo dài với nhau - từ đầm Cầu Hai phía đất Phú Lộc, kéo lên đầm Hà Trung, đầm Thanh Loan trên đất Phú Vang, liên thông luôn lên đến phá Tam Giang.
Đoạn đường từ Thuận An đến tháp Mỹ Khánh chạy dọc theo bờ đầm Hà Trung và đầm Thanh Loan, còn phá Tam Giang nằm phía Bắc cầu Thuận An.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1594.jpg
Bên bờ đầm gần thị trấn Thuận An.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1595.jpg
Một "gia đình" nhỏ : Cha, Mẹ và Con...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1597.jpg
... cùng "hàng xóm".

tunbo
01-09-2010, 09:30
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1609.jpg
Một chòi, một vó giữa đâm.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1615.jpg


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1612.jpg
"Cư dân" làng chài.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1618.jpg
Cầu Thuận An, phía xa là phá Tam Giang.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1622.jpg
Đầm Thanh Loan nằm ở phía Nam cầu Thuận An.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1630.jpg


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1631.jpg
Những căn chòi trên bãi lầy mùa khô.

TMM911
12-10-2010, 04:55
Ôi Lão Đại ơi, sao mà phong cảnh nó đẹp thế nhỉ, lúc phi ngang qua chắc tại người và ngựa oải quá nên không còn tâm trí để chiêm ngưỡng, haizzz tiếc quá tiếc quá.

Hey lao nhi, chac dang mo mang toi co nao nen quen ca duong di loi ve luon ha (NO)!

tunbo
28-10-2010, 12:39
Đã gần 2 tháng để trôi topic, chỉ vì con ngựa sắt.
Khi ở tháp Mỹ khánh đi bộ ra, nhìn chú ngựa sắt đen trũi đứng dưới bóng mát của hàng phi lao, tự dưng trong lòng lãng khách chợt thấy nao nao.
Vì y muốn chia tay nó. Chia tay với một người bạn đường đã gắn bó bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu chặng đường rong ruổi, thật chẳng dễ chịu chút nào. Dẫu nó vô tri vô giác, nhưng dường như nó cũng có hồn.
Bao nhiêu năm qua, nó đồng hành cùng chủ khắp nơi, vùn vụt trên đường đồng bằng, đường ven biển lộng gió cũng có; vất vả vượt đèo hoang núi thẳm cũng có; chang nắng giữa trưa hay xuyên mưa đêm cũng có. Nó luôn luôn chiều ý chủ.
Nhưng, lòng người thường nhiều mơ ước. Chủ nó bắt đầu thay đổi, y không chê nó, nhưng đã bắt đầu nghĩ về những loại ngựa khác.
...
Cuối cùng, đến nay, y cũng đã có thêm ngựa khác, nhưng cũng không đành lòng tiễn con ngựa cũ lên đường. Y đã phải đấu tranh với chính mình mãi, mới đi đến quyết định giữ nó lại. Và khi đã yên ổn như vậy, mới có chút thanh thản để tiếp tục câu chuyện rong ruổi cùng nó - mà khi đó, y đã nghĩ đó là chuyến song hành cuối cùng với nó.


Trở về với chuyến đi, sau khi rời khỏi Thuận An, trời trưa tháng 6 nắng gắt, Lão Đại tiếp tục tìm đến tháp Liễu Cốc.
Tháp Liễu Cốc nằm ngay ngoại ô thành phố Huế, nhưng ở phía Bắc, nên từ Thuận An, y lại phải vòng trở lại Huế. Tiện ghé ngang khách sạn nghỉ chân uống nước, y gọi điện xem Lão Nhị đang ở đâu.
Gã đã theo thổ địa đi chơi loăng quăng, và giờ đang còn lang thang trong lăng Minh Mạng. Có một mình, Lão Đại cũng chẳng muốn ăn lắm, nên y đứng dậy tiếp tục lên đường.

Tháp cổ Liễu Cốc nằm ở xã Hương Xuân, huyện Hương Trà - đó là tất cả những thông tin y biết. Nghe nói nó đã đổ nát lắm rồi từ năm 2004, nhưng vẫn còn hình hài. Có lẽ (nếu còn), thì nó là cụm tháp Chăm xa nhất về phía Bắc còn tồn tại.
Y hỏi thăm bà hàng nước nơi cửa khách sạn về ngôi tháp cổ, nhưng bà ấy không biết, đành hỏi đường đi đến xã Hương Xuân rồi tính sau.
Bắt ra QL1A ngược về Bắc, qua cầu An Hòa mấy km, bắt đầu vào địa phận Hương Xuân, Hương Trà.
Đất rộng mênh mông, con đường thì như một sợi chỉ vắt qua những đồng ruộng hai bên, thỉnh thoảng mới có cụm dân cư, Lão Đại cắm cúi đi một hồi, chợt nhận ra đã qua địa phận xã khác, nên lại quay ngược trở lại. Đang tính hỏi thăm đường, y chợt thấy một cái cổng làng ngay bên lề bên kia đường QL1 (phía tay phải nếu đi từ Huế ra) mà lúc nãy đi qua không để ý.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1663.jpg
Một cổng làng mà lúc nãy y đã đi qua nhưng không để ý.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1664.jpg
Xóm Tháp


Cái tên làng có vẻ đúng là nơi y cần tìm, lập tức y quặt ngựa sang đường hỏi thăm. Quả là đúng nơi cần tìm.

tunbo
28-10-2010, 13:11
Rẽ vào con đường làng nhỏ hẹp chạy dưới bóng cây, chừng 2km thì ... hết đường. Dừng lại hỏi thăm, người ta nói là cứ đi đến hết đường, sẽ thấy một bãi nghĩa địa, "tháp nằm trong khu ấy".
Lão Đại chạy đến hết đường, thấy trước mặt là mênh mông những gò lô nhô trên một cánh đồng trông như bỏ hoang, cỏ lác vàng úa.
Từ điểm cuối của con đường trở ngược lại, cây cối xanh um, nắng không chiếu xuống được lối đi, còn từ đó nhìn tới phía trước thì mênh mông là nắng và cỏ úa, thật là tương phản.
Bãi nghĩa địa một nửa nằm ngoài đồng nắng, một nửa còn nằm trong tàng cây râm mát âm u.
Lãng khách dừng ngựa cuối đường, đi bộ vào khu nghĩa địa. Y len lỏi qua các ngôi mộ chi chít ngoài nắng, không thấy có chỗ nào khả dĩ là có dấu tích của ngôi tháp nào.
Phần nghĩa địa nằm trong lùm cây thì trông quá âm u, cây cối um tùm, đứng ngoài cũng không thấy được gì.
Y tiếp tục vạch cây chui vào bên trong.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1662.jpg
Cây cỏ um tùm trong khu ngĩa địa, chẳng có lối mòn, cứ đạp cỏ đi bừa.


Lão Đại cứ vạch cây cỏ lần mò trong khu nghĩa địa dưới tàng cây. Những ngôi mộ nằm đủ hướng, có ngôi được xây, có ngôi chỉ là những nấm đất nhỏ cỏ mọc um tùm.
Y len lỏi khắp nơi, nhưng không thấy tháp đâu, cho đến lúc, vừa chui qua khỏi một lùm cỏ lác cao ngang đầu người, y giật mình thấy ngay dưới đất là một dãy gần chục cái bát hương đặt thành một hàng thẳng, chân hương cũ chi chít. Tiếp phía sau đó là một lùm lớn nữa, cây cối um tùm khuất cả tầm mắt.
Y đành quay trở ra lên ngựa ngược vào làng hỏi thăm.
Dừng chân trước một ngôi nhà có sân rộng, y hỏi thăm tháp. Bà chủ nhà cười bảo, người lạ khó tìm được lắm, vì tháp đổ hết rồi. Bà ấy lại nói cậu con trai lớn dắt y vào tháp.
Chàng thanh niên dắt y len lỏi qua một khu vườn um tùm, rồi bất chợt dừng lại tại một cái gò. Lập tức y nhận ra đó chính là dấu tích còn lại của ngôi tháp cổ ngày xưa.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1660.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1645.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1644.jpg
Vết tích của một ngôi tháp gạch đã sập đổ, cây cối mọc xanh um.


Chàng thanh niên nói rằng, lúc trước còn 2 tháp, nay một ngôi đã không còn nhìn ra, chỉ còn một ngôi còn lại chút phế tích đó. Mấy năm trước, Sở Văn hóa có tổ chức ... chặt cây phát cỏ, cho đến nay cũng lâu lắm rồi. Cây cỏ lại mọc trùm lên phế tích, càng ngày càng che lấp.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1651.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1647.jpg
Cây cỏ mọc trùm lên, che khuất phế tích.

tunbo
28-10-2010, 13:24
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1657.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1642.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1641.jpg
Những gì còn lại của một ngôi đền tháp Chăm xưa.


Giữa um tùm cây cỏ và gai góc, Lão Đại không định được ra phương hướng, y đi vòng quanh cái gò có phế tích tháp, và đến cuối vòng tròn, y bất ngờ nhận ra đó chính là cái gò lúc nãy y mò tới, nơi bên cạnh có một dãy bát hương để ngay trên mặt đất.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1640.jpg
Lúc nãy, từ hướng cánh đồng, y đã mò được đến đây. Có lẽ vì khung cảnh quá âm u, cùng dãy bát hương đặt ngay giữa lối, làm y phân tâm.


Vậy là hết. Không thể tính được phế tích này là một ngôi tháp nữa.
Nếu có người nói nó là phế tích một cái lò gạch cũ, chắc cũng khó mà phản bác.

Chàng trai mời Lão Đại trở về nhà uống nước. Người dân ở đây rất nhiệt tình, ông bà chủ nhà nhất định mời y ở lại ăn cơm. Lúc đó cũng sắp 13g, nhưng nhà ấy còn đang nấu nướng chưa xong.
Khách cám ơn và xin phép từ chối để đi, ông chủ nhà trạc ngoài lục tuần bèn giữ y lại uống nước trò chuyện hồi lâu cho bớt mồ hôi, mới cho đi.
Trong câu chuyện của mình, ông ấy nói về chuyện quá trình dời đô của các chúa Nguyễn từ Ái Tử về Phú Xuân, về chuyện Tây Sơn - Nguyễn triều,...
Những chuyện ấy thì Lão Đại chỉ muốn ngồi cả ngày để nghe, để bàn, nhưng y phải đi, vì cơm nước đã xong. Y không muốn làm phiền gia đình họ.

tunbo
04-11-2010, 00:47
Rời khỏi Xóm Tháp, Lão Đại chạy trở lại Huế, lờ luôn bữa trưa.
Năm trước y ra Huế, cuốc bộ hơn 5 tiếng, sục sạo khắp gần như hết Đại Nội , còn lần này có sẵn ngựa, y phi lung tung khắp Kinh thành xưa, chụp đủ các cửa thành.
Hơn 14g, y dừng lại gọi điện cho Lão Nhị. Gã phều phào trong điện thoại :
- Ta đánh nhau với Tào Tháo, thua, chạy về khách sạn mà còn bị rượt.
- Thế có muốn cuốc bộ vào Đại Nội không?
- Lão về qua đây, nếu ta đi được, thì lại vào Nội vậy.
15g, Lão Đại về lại khách sạn, thấy lão Nhị còn nhăn nhó, nhưng đã đóng bộ ngồi chờ. Lại qua bờ Bắc sông Hương.

Cũng trước đây, Lão Đại bỏ cả nửa ngày lang thang trong chùa Thiên Mụ, nhưng lại quên khuấy mất, không đi tìm xem phế tích con rùa bằng gạch trong truyền thuyết. Lần đó y cũng không có xe máy, mà cuốc bộ quá nhiều nên cũng lười. Lần này sẵn có xe, tính vòng qua chùa Thiên Mụ tìm chụp phế tích rùa gạch. Nhưng thấy trời đang nắng lại có dấu hiệu mây sắp kéo đến, nên Lão Nhị sốt ruột bàn quay lại Đại Nội.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1709.jpg
Thế là chỉ chụp đoạn sông Hương trước cổng chùa Thiên Mụ, rồi quay lại Đại Nội



Đại Nội thì dĩ nhiên cả hai đều đi rồi, đi nhiều lần, nhưng lần này Lão Nhị ta có vác theo máy ảnh, nên cũng muốn vòng vào chụp choẹt cho nó máu. Còn Lão Đại, lần năm trước sục sạo khắp, nhưng do sát giờ lên xe đi tiếp ra Hà Nội, phải bỏ qua mất Cung Trường Sanh và Cung Diên Thọ, nên lần này quay lại muốn sục vào cho hết.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1692.jpg
Lúc mới đến Đại Nội, trời xanh, nắng vàng, gió lồng lộng.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1714.jpg
Trên cầu Trung Đạo nhìn ra Ngọ Môn...



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_1551.jpg
... và nhìn vào điện Thái Hòa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1716.jpg
Hàng cột phía mặt sau điện Thái Hòa


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1717.jpg
Cái cây ở sân sau điện Thái Hòa, tên rất quen mà nhớ mãi không ra :D


Đến đây hai tên chia tay nhau. Lão Đại vác máy sục ngay vào Cung Trường Sanh và Cung Diên Thọ, còn Lão Nhị cũng ôm máy đi ... vẩn vơ trong Đại Nội, hẹn gặp nhau ở Thế Miếu để quay ra về.
Hơi vội vì sợ hết giờ mở cửa Đại Nội.

tunbo
04-11-2010, 00:56
Sau khi sục sạo chụp choẹt hết trong Cung Trường Sanh và Cung Diên Thọ, Lão Đại thấy sắp hết giờ thật, bèn vội quay lại Thế Miếu tìm Lão Nhị, thấy gã đang loanh quanh ở trước sân Thế Miếu tự khi nào rồi.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1836.jpg
Lang thang ... ngóng :D


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1837.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1838.jpg
Cạnh Cao Đỉnh trước Hiển Lâm Các - Lão Nhị ...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_1589.jpg
... Lão Đại.


Sau đó là vội vã hòa theo dòng du khách quay trở ra Ngọ Môn, vì đã hết giờ tham quan Đại Nội.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1842.jpg
Khi trở ra khỏi Đại Nội, mây bắt đầu vần vũ.

tunbo
23-11-2010, 12:31
Tháo chạy khỏi Đại Nội, vừa kịp về đến khách sạn thì mưa. Lão Nhi muốn ngồi thuyền đêm trên sông Hương, nên đã nhờ lễ tân đặt chỗ.
Sau đó hai gã tắm giặt, rồi lên ngựa đi măm.
Trời đã hết mưa, nhưng vẫn đe dọa mưa tiếp. Sau khi đến ăn bánh bèo ở gần cung An Định trở ra, hai tên bị ... lạc đường. Đi ban ngày thì không sao, tối đến lại lạc đường lãng xẹt.
Giờ xuống thuyền sắp đến gần, mà vẫn loay hoay tìm đường về :D.
Cuối cùng đành chơi cách : đường ở mồm chứ ở đâu.
Gặp hai em gái nhỏ đèo nhau bằng xe đạp, Lão Nhi tranh phần ... hỏi đường. Em gái chỉ đường rẽ bên trái, nhưng lai đưa tay phải cong vẹo về bên trái, làm Lão Nhi ta cứ ngơ mặt ra.
Rồi cuối cùng, sát rạt giờ, cũng mò về được khách sạn, lập tức ra bến thuyền, ngựa cất lại khách sạn.
Vụ nghe ca Huế trên sông Hương, cả hai đều đã từng, cũng chả thích lắm, nhưng thich ngồi thuyền trên sông là chính.
Trời mưa lắc rắc, bồng bềnh trên sông đêm, ngó đèn màu nhấp nháy, nghe lời ca trầm bổng, kể cũng hay hay.
Rồi lên bờ, lang thang trong mưa đến khuya. Ướt rượt, ghé một cái quán lạ hoắc làm mấy lon bia cho ngon giấc.
Kết thúc ngày bằng một giấc ngủ thẳng cẳng.

Ngày cuối cùng của hành trình, cả hai dậy sớm, ăn sáng ngắm phố, rồi 6g30 trả phòng, cột đồ đạc hành lý còn lại (vứt được gì, vứt hết :D) thong dong ra ga Huế gửi ngựa lên tàu.
Không ngờ gửi ngựa từ Huế về Saigon lại nhanh vậy - họ nói là chỉ 1 ngày, hôm sau là đến, để cho chắc thì 2 hôm sau đến lấy sớm là có.
Lại tiện có tàu Thống Nhất vào Nam, chạy từ Huế lúc 8g, đến Đà Nẵng khoảng hơn 11g. Chuyến bay về Saigon cất cánh ở Đà Nẵng lúc 13g, nên hai anh em bèn mua luôn vé tàu về Đà Nẵng - lâu lắm rồi chúng chưa ngồi tàu hỏa.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1900.jpg
Gửi được ngựa và hành lý trên ngựa, còn mũ trụ thì không.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1905.jpg
Lão Nhi vừa ăn sáng, giờ lại phải ăn nữa - tính chụp cô gái phía sau kia :D


Mãi đến 8g30, rồi tàu cũng về đến ga Huế. Tạm biệt Cố đô.

tunbo
23-11-2010, 12:57
Lên tàu, toa máy lạnh mát rượi, kín cửa, êm ru. Chỉ trong chốc lát, Lão Nhi đã ... khò khò, còn Lão Đại hếch mặt ngó ra ngoài cửa sổ.
Lâu lắm rồi y mới ngồi tàu, dễ cũng phải gần 3 năm nay.
Khi xưa còn ở ngoài Bắc, đi tàu như cơm bữa, nhất là gần 6 năm ăn-chơi-học ở Hà Nội. Ngày đó, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, y nhẵn mặt, từ tàu chợ cho tới tàu nhanh.
Mất gần 1 năm đầu đi tàu có vé rất nghiêm chỉnh, rồi sau đó là đi tàu ... chùa gần 5 năm. Từ việc lẩn vào ga bằng mọi cách, rồi đến ... nhảy tàu.
Chờ ngay cánh cổng sắt chỗ Cửa Nam, tàu mới ra đến đó, chạy còn chậm, phi lên mấy toa đầu. Cứ nguyên tắc, nhảy lên thì nhảy lên phía các toa đầu, còn khi nhảy xuống, nhảy từ các toa cuối (khi đó phía đầu tàu đã vào trong sân ga, đã chạy chậm lại). Đôi khi tốc độ lớn quá, không dám nhảy xuống, thì nán lại, chờ tàu chạy tiếp, lại chen lên phía đầu tàu để phóng ra.
Nghĩ lại hồi đó, tuổi trẻ liều lĩnh, đôi khi đến ngu ngốc.
Y còn gặp một chuyện dở cười dở mếu. Một lần về nhà trốn vé trên tàu, đang tính leo lên nóc toa trốn soát vé, bỗng bị tóm cẳng lôi xuống; vừa sợ, vừa bực, tiện mỏ văng tục luôn. Ngoái xuống thấy 2 bác nhà tàu đang lôi mình. Bị xách gom về với một lũ trốn vé, rồi cũng nhân lúc lộn xộn ở một ga xép, nhảy được xuống, rồi lại ... nhảy lên, và về được thoát.
Sau đó ít lâu, về ăn đám cưới bà chị họ. Lúc vào đám, giật thót mình, vì chú rể trông ... quen quen. Hóa ra, anh ta là trưởng tàu Hải Phòng, chính là một trong hai vị lôi cổ y xuống khi đang leo nóc toa dạo nào.
Vậy mà gần hai chục năm qua cái vèo rồi.

Lão Đại không nghĩ ngợi nữa, trời bên ngoài nắng đẹp, y lôi máy ra chụp linh tinh.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1933.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1915.jpg
Những cây cầu trên đường bộ chạy song song với đường sắt


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1975.jpg
Chẳng mấy chốc, tàu chạy qua đầm Lập An, vào Lăng Cô


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1944.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1961.jpg
Con đường phía Tây đầm Lập An, ngay trước khi vào ga Lăng Cô.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1977.jpg
Cầu dẫn vào cửa Bắc hầm đường bộ Hải Vân.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1989.jpg
Lăng Cô chụp từ trên tàu.

nuamua
23-11-2010, 13:38
Chào thầy Tủn!
Em vốn hóng hớt cái thớt này và cái thớt "Các Tháp Chăm Cổ Còn Lại Trên Đất Việt" của thầy đã lâu. Nhưng hiềm nỗi thầy cứ nhẩn nha nhấc lên đặt xuống mãi cả nửa năm nay. Vốn biết thầy bận trăm công ngàn việc, nhưng nhẩn nha như thế khác nào giết anh em!
Em xin phép đú theo với thầy và lão nhị của thầy vài tấm ảnh mộc:



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1977.jpg
Cầu dẫn vào cửa Bắc hầm đường bộ Hải Vân.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=46677
Em đi đường bộ nên chộp cái hầm đường sắt nơi tàu nhà thầy chui qua.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1989.jpg
Lăng Cô chụp từ trên tàu.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=46676
Còn đây Lăng Cô chộp từ đường bộ nơi chân đèo Hải Vân trong ngày mưa xám xịt, có cả cái nóc tàu của nhà thầy.

Em vốn là 1 tên nửa mùa hay hứng thú với những gì xưa cũ. Thỉnh thoảng nổi hứng cũng ngoặt xe đi chơi loanh quanh, nhờ đó cũng theo gót thầy đến được 19/21 tháp Chăm cổ còn lại trên đất Việt, khuyến mãi thêm cả tháp Khmer duy nhất còn lại trên đất Việt ở Vĩnh Hưng, Bạc Liêu. Vậy nên, đôi chỗ trong các thớt của thầy lập ra, cho phép em thỉnh thoảng đâm chọt 1 tí thầy nhá!
Đội ơn thầy!

tunbo
23-11-2010, 13:47
@ nuamua : cám ơn đã cổ vũ nhé. Đợt vừa rồi linh tinh nhiều chuyện quá, chứ chả phải nâng lên đặt xuống gì đâu.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Vào đầu đèo Hải Vân phía bắc, đường sắt chạy men vách núi, biển ngay phía dưới xanh ngăn ngắt.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1903.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1917.jpg
Đường sắt chạy men núi, biển ngay bên cạnh ...


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1897.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1918.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1990.jpg
... nước trong vắt, xanh ngắt.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1993.jpg
Lăng Cô xa xa phía sau ở các khúc cong.

tunbo
23-11-2010, 13:57
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1901.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1908.jpg
Đường sắt trên đèo.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1925.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1924.jpg
Tàu qua một khúc cua.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1913.jpg
Khúc cua zic zắc trên đường đèo Hải Vân phía Bắc (đường bộ)


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1911.jpg
Cửa hầm thông gió hầm đường bộ Hải Vân.

tunbo
23-11-2010, 14:13
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1949.jpg
Tàu vượt qua các hầm ngầm, sang phía Nam đèo, thấy vịnh Đà Nẵng xa xa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_1999.jpg
Một bãi cát đẹp, trước khi qua làng phong Hòa Minh.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2005.jpg
Làng phong Hòa Minh dưới chân đèo phía Nam.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2013.jpg
Tàu xuống hết đèo, biển ngay bên cạnh, Xi măng Hải Vân xa xa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2015.jpg
Những lạch nước nhỏ trong vắt đổ ra biển - trong, nhưng chả biết có sạch không.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2017.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2030.jpg
Chụp khi tàu chạy qua cầu Nam Ô.

tunbo
14-12-2010, 14:31
Tàu về đến ga Đà Nẵng đã hơn 11g30 một chút, chậm đúng bằng quãng thời gian chậm ở Huế.
Ngựa đã không còn, nên hai gã cũng đâm lười. Gần như tất cả đồ đạc buộc theo ngựa lên tàu, giờ chỉ còn ôm theo máy ảnh, mũ bảo hiểm, và cồng kềnh nhất là cái áo khoác đường xa.
Chúng lên taxi phi qua sân bay, cũng chẳng còn đủ thời gian í ới với bạn bè ở Đà Nẵng nữa.

13g, máy bay cất cánh đưa hai gã trở lại Sàigòn, kết thúc một tuần rong ruổi miền Trung.
Lão Nhi, như mọi khi, chỉ tỉnh táo khi chạy ngựa trên đường, còn hễ cứ ngồi trên cái gì đó chạy đươc mà gã không cần lái, là lại ngủ khò khò.
Nhưng tháng 6 miền Trung nắng chang chang, trời xanh ngắt, trên máy bay không chụp ảnh cũng phí, nên mặc Lão Nhi ngủ, Lão Đại lôi máy ra bắn nốt.



https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2037.jpg
QL 1A.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2039.jpg
Chỗ này trông giống Vĩnh Điện.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2040.jpg
Cầu Câu Lâu cũ và mới cạnh nhau.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2042.jpg
Hai nhánh sông, bên trong bên đục.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2041.jpg
Hình như cửa Đại :D


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2044.jpg
Toàn cảnh cửa sông.

tunbo
14-12-2010, 14:40
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_1952.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/_MG_1951.jpg
Sông ngoằn ngoèo trên nền xanh của cây cỏ, núi rừng (chắc phía Bắc Tây Nguyên)


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2047.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2050.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2051.jpg
Hồ - vùng phía Bắc Tây Nguyên


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2059.jpg
Con sông này ở đoạn Quảng Ngãi.

tunbo
14-12-2010, 14:48
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2073.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2076.jpg
Cánh đồng mây bên ngoài cửa sổ máy bay.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2093.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2095.jpg
Những đô thị này chắc trên trục QL14 ở Tây Nguyên.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2085.jpg
Sông, hồ, mây đổ bóng dưới mặt đất.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2099.jpg
Khúc sông này đích thị ở Tây Nguyên, thấy luồn lách giữa rừng cây xanh ngắt.

tunbo
14-12-2010, 14:56
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2102.jpg
Một hồ ở cuối Tây Nguyên, hoặc đã xuống Đông Nam Bộ.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2104.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2109.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2111.jpg
Sông ngoằn ngoèo đổ vào ... hồ.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2127.jpg
Đoạn này là đất Đồng Nai rồi.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2128.jpg

https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2130.jpg
Sông Đồng Nai.

tunbo
14-12-2010, 15:06
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2132.jpg
Trông như sân golf - Đồng Nai.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2133.jpg
Giống "hồ tử thần" gần Làng Đại học Thủ Đức.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2135.jpg
Toàn cảnh vòng xoay Trạm 2 - Suối Tiên, Thủ Đức.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2138.jpg
Ngã tư Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2140.jpg
Chợ Thủ Đức.

tunbo
14-12-2010, 15:27
https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2144.jpg
Cầu Gò Dưa trên đường Kha Vạn Cân - về đến nơi rồi.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2150.jpg
Quốc lộ 13, gần cầu Bình Triệu.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2153.jpg
Những cây cầu trên sông Sàigòn : cầu đường sắt Bình Lợi, cầu Bình Triệu 1-2, cầu Kinh Thanh Đa, cầu Sàigòn mờ mờ phía góc trên bên trái.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2159.jpg
Ngã năm Chuồng Chó - hay ngã sáu Gò Vấp, chả biết tên nào đúng nữa.


https://i861.photobucket.com/albums/ab173/tieubach7/Con%20duong%20di%20san%20Cham/IMG_2160.jpg
Đường Quang Trung nhìn ra ngã năm, máy bay hạ cánh trong giây lát.


Máy bay về đến khu vực Đồng Nai, trời bắt đầu vần vũ mây - Nam Bộ khi đó giữa tháng 6 rồi, nhưng mới bắt đầu mưa nhiều, năm 2010 mùa mưa ở Nam Bộ đến muộn.
Máy bay hạ cánh, khi đang còn lăn bánh trên đường băng thì cơn mưa đổ ụp xuống.

Kết thúc 1 tuần rong ruổi giữa cái nắng miền Trung bằng một cơn mưa Sàigòn, tự dưng cả hai gã đều thấy chùng xuống.
Mới 15g, chúng lang thang cafe trong sân bay, nhìn mưa như trút bên ngoài, chẳng nói chẳng rằng. Sau mỗi lúc sung sướng, hay thấy trống rỗng :D
Rồi mưa cũng ngớt dần, Lão Nhi phải phi thẳng về cơ quan để làm việc, vì cả tuần y đi chơi cũng chẳng có báo nghỉ.
Mỗi tên ôm theo một cái mũ bảo hiểm và cái áo khoác đi moto to đùng, leo lên xe bus ngược ra chợ Bến Thành - câu nốt chỗ thời gian còn lại của buổi chiều :D.

Rồi chúng chia tay ở đó, Lão Nhi đổi xe về cơ quan, Lão Đại lên xe bus về nhà.
Y về đến nhà mới 17g, trời lại sắp mưa tiếp.
Như mọi khi, sau mỗi chuyến đi xa trở về, đón y là căn nhà rộng thênh, bốc mùi ẩm mốc vì thiếu hơi người - vì thế, y lười trở về nhà vào lúc trời còn sớm.
Anh bạn nhỏ sống cùng y thì đang ở Hà Nội - bắt đầu của đợt nghỉ hè.
Y vào nhà, khóa cửa, tắm giặt và lôi ảnh trong máy ra ... duyệt.

Những chuyện ấy diễn ra tròn nửa năm rồi. Phải kết thôi, chuẩn bị đi tiếp.

thienson
14-12-2010, 21:26
Em cũng đã dõi theo hết 2 Topic về tháp Chăm của bác,quả thật càng xem càng thấy thích thú với những ngọn tháp này.Cảm ơn bác.Nhưng em mới chỉ loanh quanh mấy ngọn tháp và phế tích ở trong tỉnh thôi
Với em các ngọn tháp Chăm nó mang trên mình hoài niệm về 1 thời vàng son xa lắc lơ...giờ thành hoang phế.

Một thời oanh liệt
Người dân nước Chiêm
Lừng ghi chiến công
Vang khắp non sông.
Mộng kia dẫu tan.
Cuốn theo thời gian nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non.
Người xưa đâu?

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=39496
Và tuổi thơ em với những đêm khó ngủ mẹ hay đem những bóng ma Hời ra doạ dẫm làm em sợ dúm dó...
Và cả truyền thuyết về vàng Hời hoá thân thành con gà,con lợn... mà chỉ những người có cơ duyên mới nhìn thấy và phải biết cách mới giữ được nếu không nó sẽ biến thành đất sét...


Đồi hoang suối reo
Hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân...
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=41547

Hương xưa
20-03-2011, 00:47
Topic này em đọc từ lâu lắm rồi (chắc hồi mới viết) nhưng sau đó bị lạc mất link rồi quên mất, bỏ dở. Hay lắm, em cũng thích những nơi nguyên sơ và trầm mặc như thế này, nó gợi cho mình nhiều suy tưởng và tiếc nuối, tuy có hơi buồn buồn...Đến những chỗ như thế cảm giác về không gian, thời gian dường như hiện hữu rành rành, tự nhiên thấy thấm thía sự nhỏ nhoi, hữu hạn của kiếp người...Đã không có gì là mãi mãi, hà cớ gì vất vả với bon chen?

dantocgoc
20-03-2011, 07:17
Bám càng chủ tịt vào "hóng hớt" topic này. Công nhận lãnh chúa viết cảm nhận chuyến này hay và có chiều sâu ghê.(c)

Dungbuocgiangho
26-04-2012, 02:21
Đọc 1 phát từ 12h đêm tới giờ 2:22 am. Thanks bác.