PDA

View Full Version : Lễ Hội - Văn Hoá Việt Nam



pvc
25-07-2007, 04:26
Hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam

Hàng năm, có lẽ không có làng quê Việt Nam nào lại không mở hội làng, nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày, nhất là những năm được mùa thì hội làng vui không kể xiết. Hội làng ở các làng quê nước ta thường được tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Có thể nói, trên cái nền hết sức phong phú và đa dạng của hội hè, đình đám ở nông thôn Việt Nam, hội làng được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt nối đời: tế lễ, rước, trò vui và hát xướng...

Ngoài các quốc lễ do Nhà nước phong kiến tổ chức, hội làng thường do một làng đứng ra tổ chức, hoặc có thể do một số làng gần nhau cùng thờ chung một thành hoàng, cùng có mối liên hệ lịch sử thông qua sự tích thánh mà họ tôn phụng. Nhưng, dù là hội của một làng hay liên làng thì hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh người Việt.

Hội làng đã có từ xa xưa, theo sử sách, nhiều hội làng nổi tiếng tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực được bảo lưu từ thời thượng cổ. Ngay trên trống đồng cổ, cũng có những nét hoa vǎn, dấu ấn của hội làng. Có những hội làng trở nên tiêu biểu, nức tiếng gần xa như hội: Đền Hùng-tỉnh Phú Thọ, hội Cổ Loa, Lệ Mật, Phù Đổng của Hà Nội, hội Liễu Đôi (Nam Hà), Bắc Ninh có hội Đồng Kỵ, hội Lim... Bắc Giang có hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân, các hội làng ở Hà Tây, Hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hội chùa Dâu, Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hội chùa Keo (Thái Bình) và hội đua ghe ngo của đồng bào Khơme Nam Bộ, hội vùng núi Sam (Châu Đốc - An Giang)...

Có thể nói, hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Hội làng thường được tổ chức thật vui, thật đầm ấm tình làng nghĩa xóm, điều đó thể hiện qua những khâu chuẩn bị cho đến khi nuối tiếc lúc tan hội. Có xem hội làng mới cảm nhận hết ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc với một truyền thống vàng son.

Cũng như Lễ hội truyền thống, hội làng gồm hai phần lễ và hội, thường diễn ra ở các ngôi đình làng. Nhưng, ở hội làng, phần hội bao giờ cũng nổi trội hơn. Lễ thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân, tổ nghề, có thể là những thần, thánh, phật, mẫu, những nhân vật siêu phàm, những đại diện cho tôn giáo, người bảo trợ tinh thần và đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng. Phần lễ thường gồm các hoạt động rước nước và mộc đục, rước và tế... Hội là dịp thể hiện những sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ múa, hát giao duyên, hát thờ, các diễn xướng sân khấu cổ truyền, các cuộc thi tài mang tính thượng võ (bơi trải - hội làng Đăm, chạy cờ - làng Triều Khúc, thú chơi cờ người - làng Xuân Phương...), các trò diễn phong tục (thổi cơm thi - làng Thị Cấm, bơi cạn và bắt chạch trong chum - làng Hồ, trình nghề - làng Sài Đồng, thú chơi thi thơ, thú chơi tạo cây cảnh, con giống bằng sáp nến, thú chơi chọi gà, vùng Bưởi)...

Trong các sinh hoạt hội, mọi người tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ sau những ngày lao động vất vả, không kể sang hèn. Vì thế, có thể cho rằng, hội làng đã tạo nên niềm cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị vǎn hóa giữa các thế hệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực là khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn, hội làng còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, những biểu hiện mê tín, những tệ nạn xã hội. Ở một số nơi, hội làng được tổ chức không phải để tôn vinh các giá trị truyền thống mà để kinh doanh kiếm lời. Họ rào làng, bịt lối, bán vé vào cửa, bán vé vào lễ, gây phiền hà cho người đến lễ hội, trái ngược hẳn với tục mở rộng vòng tay đón bạn mười phương về chung vui hội làng thời xưa. Các tệ nạn mê tín dị đoan như: lên đồng, bói toán, đội bát nhang, uống nước thánh, đốt vàng mã, cúng tế, rước xách linh đình kéo dài ngày càng có chiều hướng gia tǎng. Hơn nữa, trong hội làng đã bắt đầu xuất hiện các tệ nạn xã hội như: đánh bạc, cá cược, hút thuốc phiện...

Một mùa lễ hội mới đã về trên khắp nẻo làng quê Việt Nam. Chúng ta mong rằng hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó, giảm trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam, là chìa khóa vĩnh cửu - một sự đảm bảo chắc chắn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn tin: danangpt

...Các bác tiếp nhé

pvc
25-07-2007, 04:29
Những Lễ Hội Vùng Tây Bắc

- Lên Tây Bắc dự lễ hội trùm chăn

Nếu có dịp lên Tây Bắc, mời du khách ghé thăm huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tham dự lễ hội đặc sắc của người Hà Nhì đen; đó là lễ hội cúng thần gió, thần đất, gọi là K'Hô Igià Igià.

Lễ hội này được người Hà Nhì đen tổ chức ở 2 địa điểm:

Địa điểm thứ nhất: lễ hội được tổ chức ở nhà và gia chủ sẽ phải chuẩn bị đồ cúng, bao gồm: 5 cái bánh dày, 1 bát thịt trâu luộc, 1 bát nước gừng pha nước và 4 cái bát con úp xuống đất trước bàn thờ (theo phong tục ở đây, các món đồ cúng sẽ do gia chủ - người vợ chế biến; nếu người vợ đi vắng phải do con gái cả làm và dù con gái cả đã đi lấy chồng rồi cũng vẫn phải về giúp đỡ gia đình lúc này); sau khi đồ cúng được chuẩn bị xong, gia chủ sẽ cúng đầu tiên, tiếp đó là tới các con - lần lượt từ con trai út cho đến con trai cả vào lễ.

Kết thúc lễ tạ, chủ nhà lấy bát nước gừng chia cho mỗi người trong gia đình uống một ngụm, ăn một ít thịt trâu luộc để hưởng lộc; bánh dày và gừng rượu được dành cho ông Táo, đặt ở bếp.

Địa điểm thứ 2: lễ hội được tổ chức ở rừng cấm - nằm tại trung tâm bản mà ngày thường không ai được vào. Trong khu rừng này có nhiều cây gỗ quí lâu năm được mọi người cùng gìn giữ, có một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ quý, mái lợp gianh, rộng hơn chục m² do dân bản dựng để cho người già và con trẻ ngồi khi tham dự lễ hội.

Theo tục lệ, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, người ta chọn ngày thìn là ngày khai hội và cúng vào ban đêm (vì làm như thế, các thần gió, thần đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh). Thầy cúng không nhất thiết phải là người chuyên nghiệp, chỉ cần là người 50 tuổi trở lên và không gặp điều rủi nào trong năm là được. Sau khi cúng, mọi người đều được mời ăn các lễ vật cúng và phải ăn cho hết, không được mang về.

Ngày hôm sau không khí lễ hội tưng bừng hơn: trai, gái trong bản rủ nhau vào rừng, mỗi người lấy sáu cành củi nhỏ về nộp cho lễ hội. Đến ngày thứ ba, tất cả dân bản tập trung lại để già làng - người cao tuổi nhất, cắt da trâu chia cho từng gia đình. Nếu số da trâu chia đủ cho mỗi gia đình hai chiếc thì năm đó làm ăn sẽ không thuận, còn số da trâu đã chia hết mà còn lẻ một, tức là năm đó dân bản được mùa.

Tại điểm trung tâm của lễ hội, già làng đánh đàn hoóttờơ, bà già nhảy múa còn thanh niên nam nữ hát đối nhau. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi: trò đu dây, đu quay và hát giao duyên... đây là dịp để trai gái trong bản gặp gỡ và tìm hiểu nhau.

Trong những trò chơi đó, hát giao duyên của người Hà Nhì đen có những nét đặc sắc và hấp dẫn riêng, thường dành cho những đôi mới quen nhau, chưa dám ngồi gần: mỗi người một ống nứa dài khoảng 20cm với một đầu bịt kín bằng da rắn hoặc màng cây tre đực, có luồn một sợi dây móc rừng dài chừng 10m; khi đó, sẽ có một người nói còn người kia áp ống vào tai để nghe và ngược lại; nếu đã thuận ý nhau; trước tiên, người con trai thổi hơi ba lần vào ống và sau đó người con gái thổi lại ba lần, tức là đồng ý đi chơi với nhau; hai người sẽ đưa nhau vào rừng và cùng khoác chung chiếc chăn để hát hò, thổ lộ tâm tình.

Trong thời gian ba ngày diễn ra lễ hội, các thanh niên nam nữ được vui chơi, tâm tình thoả nguyện. Đã có nhiều đôi nên vợ nên chồng nhưng cũng có những cặp chỉ dừng lại ở mức quý mến nhau.

Nguồn tin: TBDL

.... Các bác tiếp nhé

pvc
25-07-2007, 04:33
Những Lễ Hội Vùng Tây Nguyên


- Hội đua voi Tây Nguyên

Sau mấy tháng hạn hán kéo dài, một cơn mưa như trút nước bất ngờ đổ xuống TP Buôn Ma Thuột một đêm cuối tháng ba vừa qua; nhưng ở buôn Đôn cách đó 30km lại chẳng được giọt nước nào!

Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt ở sân vận động Buôn Đôn giữa rừng thưa để theo dõi một cuộc đua của 12 chú voi. Những “cỗ chiến xa” biết cử động ấy giáng những cái chân to như cột nhà lao nhanh về đích sau khi có lệnh xuất phát. Dân địa phương và du khách hào hứng tột độ khi tận mắt chứng kiến cuộc đua voi cực kỳ ngoạn mục. Sau cuộc đua là những màn biểu diễn khác của voi cũng rất hấp dẫn.

Có điều thật đáng tiếc: tại sao một hội đua voi... quá đã như thế lại không hề được quảng bá, “tiếp thị” trước để kéo du khách đến với Tây nguyên: chỉ có chừng hơn chục khách Tây, Nhật cùng khoảng trên 50 khách nội địa đến với buôn Đôn nhân sự kiện này. Trong khi đó những màn trình diễn voi tại Thái Lan thu hút hàng nghìn du khách khắp nơi.

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

pvc
25-07-2007, 04:35
Những Lễ Hội Vùng Trung Bộ

Chà và lệ của người Chăm ở Bình Đức – Bình Thuận
Chà và lệ hay còn gọi là lễ hội Tống na có ý nghĩa cầu phúc cầu may, cầu mưa thuận gió hòa, cầu một năm được mùa, cầu cho dân làng khỏe mạnh, xua hết những điều xấu xa trong năm cũ để đón những điều tốt lành trong năm mới.

Người Bình Đức cho rằng, cứ sau khi làng này cúng là trời đổ mưa. Mà đó là những cơn mưa lớn, đủ nước cho mùa xuống đồng. Bởi vậy, lễ hội Tống na ở Bình Đức năm nào cũng được mong đợi nhất và tổ chức trang trọng nhất.

Cứ vào tháng giêng Chăm lịch- trùng với tháng 4 âm lịch hàng năm, làng Chăm Bình Đức lại chuẩn bị cho lễ hội. Đây là thời điểm chuyển từ xuân sang hạ, từ nắng sang mưa, là lúc nông dân chuẩn bị xuống đồng. Bởi vậy ngoài ý nghĩa cầu phúc, cầu may thì cầu mưa là nội dung rất quan trọng. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 1 đêm. Trước lễ cúng chính thức, người ta làm mâm lễ gọi là cúng bánh chà cung -tức là khai báo, xin thần cai quản làng cho phép tiến hành lễ. Lễ vật cúng gồm 1 cặp gà (1trống 1 mái), 2 mâm bánh bò (18 cái) và 2 trứng gà với rượu.

Lễ cúng chính thức là phần được mong đợi nhất. Hơn 6 giờ tối, màn đêm buông xuống. Đám thanh niên và trẻ con xúm quanh sân lễ. Một đống lửa được đốt lên. Thầy cả giỗ phụ trách cúng chính đĩnh đạc trong bộ trang phục hành lễ màu trắng vừa đánh trống theo nhịp vừa khẩn báo, khẩn mời các thần thánh đến chung vui ngày hội. Thầy cả bóng với trang phục đỏ rực có nhiệm vụ cúng lễ và múa lễ. Cứ sau mỗi bài cúng cầu thánh thần phù hộ, thầy bóng đứng dậy múa lễ. Tay thầy cầm khăn đỏ múa theo nhịp trống. Sau đó múa nhanh hơn và cầm 2 thanh kiếm múa dồn dập theo nhịp trống. Ngoài sân, đống lửa cháy rực. Đám thanh niên, con nít bắt đầu la hét khi thầy tiến ra giữa sân, bước 2 chân vào đống lửa. Sau đó thầy bóng bước ra ngoài, vừa múa vừa chém lên chém xuống đống lửa thể hiện quyết tâm dập tắt mọi tai ương, địch họa. Sau 3 lần đạp lửa, múa gươm, thầy bóng cầm cây đèn cầy thắp sáng ra giữa sân khấn vái rồi cho vào miệng ngậm tắt. Mỗi lần đi ra sân ông lại bốc 1 nắm gạo, muối rải ra đất với ý nghĩa tống những điều rủi ro, xui xẻo đi.

Trùng với ảnh hưởng của cơn bão số 1, mà bà con cho là sự ứng nghiệm, giữa lễ cúng, mưa trút xuống tầm tã. Mắt những người phụ nữ lam lũ, những lão nông chất phác long lanh niềm hạnh phúc. Thanh niên, trẻ con vui mừng hò hét. Người già cho rằng thần đã nghe thấy và cơn mưa này như là sự gột rửa những gì xấu xa. Năm nay sẽ là năm cả làng gặp may mắn. Dưới cơn mưa đổ dài, thanh niên, trẻ con xúm nhau quạt lửa. Cố làm cho đống lửa cháy to để thầy bóng biểu diễn tài nghệ đạp lửa của mình

Gần 60 phút cúng lễ, cơn mưa chấm dứt cũng là lúc lễ cúng tiến hành xong. Chỗ ngồi của thầy cúng và những bô lão trong làng xâm xấp nước. Thế nhưng không ai trong họ sốt ruột đi tìm chỗ khô ráo. Họ tin lòng thành đã được ứng nghiệm. Đêm nay, thầy cúng và những người lo tổ chức lễ cúng nghỉ lại trong rạp, chờ sáng mai tiếp tục những nghi thức cuối cùng.

Nguồn tin: Binhthuantoday

pvc
25-07-2007, 04:38
Những Lễ Hội Vùng Nam Bộ

Lễ hội đua bò ở An Giang

Hằng năm cứ vào khoảng cuối tháng 8 âm lịch khoảng trung tuần tháng 10 dương lịch, khi vụ hè thu đã được thu hoạch xong, lúc cây lúa ruộng trên cũng vừa bén rễ sau những trận mưa rào , thì cũng là lúc cộng đồng người dân tộc Khmer thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) cũng tạm gác chuyện đồng áng để chuẩn bị đón mừng những ngày lễ Dolta truyền thống.

Lễ Dolta kéo dài suốt trong tháng 8 âl là lễ báo hiếu, chịu ơn trong những ngày này người dân Khmer thường tập trung tại các chùa chiềng để cúng bái cầu phước cho ông, bà, cha mẹ cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màn thắng lợi. Suốt thời gian tổ chức lễ sôi động nhất là vào những ngày cuối tháng.Trong những ngày này ngoài việc đi chùa lễ phật cầu phước, những sinh hoạt văn hóa vui chơi cũng được tổ chức thật nhộn nhịp. Trong đó hấp dẫn nhất là tổ chức lễ hội đua bò.

Hội đua bò đã có từ rất lâu, nhưng trong thời gian đầu việc tổ chức còn mang tính dân gian, chủ yếu chỉ là những cuộc tranh tài vui chơi giữa các chùa, các phum sóc tại địa phương sau khi kết thúc vụ mùa, đến năm 1991- 1992 hội đua bò đã được quan tâm đầu tư nâng lên trở thành lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm với qui mô ngày càng được mở rộng, hình thức thi đấu cũng ngày càng hấp dẫn thu hút đông đảo mọi người tham gia và nó thật sự đã trở thành ngày hội văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng người dân tộc Khmer trên đất An Giang.

Để được tham gia ngày hội, ngay sau khi kết thúc thời vụ gieo cấy những cặp bò được nghỉ ngơi dưỡng sức trong nhiều ngày được chăm sóc, bồi dưỡng và tập luyện cẩn thận, sau đó tham gia các cuộc thi đấu vòng loại với những cặp bò khác ở xã và liên xã để tuyển chọn những cặp bò giỏi đại diện cho địa phương tham gia trận thi đấu chung kết. Ngày thi hàng mấy chục cặp bò đã qua tuyển chọn được tập trung tại trường đua thực hiện các thủ tục như sắp xếp, bốc thăm thi đấu, nghe phổ biến luật trong thi đấu...

Trường đua là khu đất ruộng đã thu hoạch xong rộng từ 3000 đến 5000 m2 (trong đó đường đua chính dài 100 mét, ngang 6 mét). Theo những qui định chung trong điều lệ thi đấu các cặp bò khi vào trận đấu phải thực hiện 2 vòng hô và 1 vòng Thả. Vòng Hô (có thể gọi là vòng diễu hành), ở vòng này những người cầm nài( còn gọi là tài xế) phải điều khiển bò đi chung quanh trường đua 2 vòng và phải đảm bảo đúng luật, không phạm qui (như vượt khỏi đường lim qui định dọc dài theo trường đua, cặp bò đi sau có thể vượt qua mặt cặp bò đi trước nhưng không được dẫm lên bừa của cặp bò đi trước) nếu vi phạm sẽ bị xử thua cuộc, cặp bò còn lại vẩn tiếp tục thực hiện theo qui định thi đấu. Vòng Thả, đây là vòng thi quyết định và hấp dẫn nhất. Sau khi các cặp bò hoàn thành 2 vòng hô đến vạch xuất phát, sau hiệu lệnh của tổ trọng tài các cặp bò được tài xế điều khiển phóng đi nước đại với tốc độ trung bình có thể đạt từ 40 đến 60 km/giờ để vượt về đích. Đặc biệt ở vòng thả, trên đường đua ngoài việc được quyền vượt lên, cặp bò sau còn được quyền bừa của cặp bò trước để thắng cuộc. Do đó trong cuộc tranh tài ngoài những yếu tố như bò giỏi, tốt, khỏe chủ nhân của những cặp bò thường tìm cho mình một tài xế giỏi lanh lợi, gan dạ và có nhiều kinh nghiệm trong thi đấu để điều khiển cặp bò của mình trong vòng thi quyết định này.

Cuộc tranh tài càng vào các vòng trong từ vòng 16 đến trận chung kết thì càng trở nên hấp dẫn hơn, những cặp bò còn lại đã chiến thắng ở những vòng đấu loại vào vòng trong lại càng tỏ rõ bản lĩnh khi vào trận, thi đấu rất hăng với kỹ thuật và tốc độ rất cao qua những cú rút, cú bức phá ngoạn mục, những cuộc rượt đuổi tăng tốc lướt trên đường đua đã gây nhiều ấn tượng cho người xem. Chính vì sự hấp dẫn đó hàng năm cứ vào ngày lễ hội đua bò sự thu hút đó không những chỉ có đồng bào Khmer mà ngay cả đồng bào Kinh cũng đều náo nức tham gia và cổ vũ nồng nhiệt. Trong đó không thiếu các nhà nhiếp ảnh ở khắp mọi miền bám sẵn sàng chặc đường đua suốt hàng giờ bất kể đạp bùn, đội nắng, dầm mưa, chờ cơ hội, khoảnh khắc đẹp chộp lấy những pha ảnh đẹp và chính những tác phẩm nghệ thuật đó cũng đã giành những giải thưởng cao trong các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.

Cũng như lễ hội đua ghe Ngo trong ngày lễ Óoc Om Bóc của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng và Trà Vinh, lễ hội đua bò của cộng đồng người dân tộc Khmer An Giang không những chỉ được coi là một môn thể thao độc đáo mà nó còn mang đậm một nét văn hóa truyền thống rất riêng của một dân tộc Khmer trên đất An Giang. Trong đó kẻ thắng người thua đều được hưởng chung một niềm vui thắng lợi của một năm được mùa và hướng tới một mùa vụ mới với những kết quả cao hơn.

Nguồn tin: An Giang

got_but_chi
18-08-2007, 10:16
[COLOR="DimGray"]Những Lễ Hội Vùng Tây Bắc

- Lên Tây Bắc dự lễ hội trùm chăn




Bác ui, thế nó diễn ra vào ngày bao nhiêu vậy?

banmaitoahuong
20-08-2007, 04:45
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Thời gian: 9/8 âm lịch.

Địa điểm: Thị xã Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.

Đối tượng tôn vinh: Thuỷ thần.

Đặc điểm: Chọi trâu, tục hiến tế Thuỷ thần.

https://www.phuot.vn/imagehosting/80846c8baabebd1d.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=2177)

https://www.phuot.vn/imagehosting/80846c8bc03155cd.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=2178)


https://www.phuot.vn/imagehosting/80846c8bc29d2e0e.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=2180)

https://www.phuot.vn/imagehosting/80846c8bc9adfacf.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=2181)

Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Một vùng đất gồm những cư dân nhiều nơi về đây khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp.

Để có những con trâu vào cuộc đấu giành thứ bậc cao (trận chung kết) trong ngày chính hội (9/8 âm lịch), vòng đấu loại phải thực hiện trước đó (tháng 6 âm lịch). Theo tục lệ, ba làng Đồ Sơn, Đồ Hải và Ngọc Xuyên đều có trâu tham gia trận chung kết. Lệ căn cứ vào “suất đinh” trong số 18 giáp ở ba làng để chọn ra số trâu được thi đấu vòng cuối của mỗi làng.

Ngày hội chính, nhiều người dân từ Trà Cổ (Quảng Ninh) cũng đi thuyền kéo nhau về dự hội, vì Đồ Sơn là đất tổ của họ (Trà Cổ có tổ Đồ Sơn). Người dân khắp nơi trong thành phố và nhiều tỉnh thành ở xa tấp nập tới dự hội:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu.

Thời gian mở hội đã là bài ca truyền tụng từ lâu đời trong dân gian.

Chọi trâu Đồ Sơn diễn ra trong một buổi, ít khi kéo dài tới một ngày. Cuộc đấu có khi chỉ trong khoảnh khắc là quyết định. Khâu chuẩn bị cho giờ phút giao đấu quyết liệt ấy lại rất công phu và vô cùng thận trọng, vì đây là "Sự thần”.

Địa điểm mở hội là đình tổng Đồ Sơn. Cờ hội giăng giăng trước cửa đình. Cọc phân định mốc giới sới chọi đã được căng dây trên bãi đất rộng chừng 20.000m2. Khán đài dành cho các quan khách được dựng lên và trang trí lộng lẫy. Hai bên sới chọi có dựng các chuồng cho trâu chờ xuất trận. Hai lá cờ hội lớn được cắm ở hai đầu sới.

Các trâu chọi của các làng vào Xào Xá. Người rước trâu thần phải tắm rửa sạch sẽ sao cho thật thanh khiết, mặc áo dài, thắt lưng đỏ, đội nón lá dứa. Trâu thần cũng được trang trí, lưng trùm vải đỏ, sừng buộc những dải lụa điều.

Lễ dâng hương mở hội bắt đầu ở đền Nghè thuộc phường Vạn Ninh. Sau đó là lễ rước kiệu bát cống, long đình cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm dẫn trâu đi trình thành hoàng làng. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên Đồ Sơn chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ. Màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo. Tay vung cờ, chân tiến lùi trong tiếng trống trận. Những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng. Có lúc cờ phất tròn như dải lụa quấn lấy thân người. Múa cờ dàn theo hình thế trận, bên tả, bên hữu, lúc như đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến.

Hội chọi trâu là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh; nhưng bên cạnh những tập tục đó là tinh thần thượng võ của người dân Đồ Sơn, Hải Phòng.

ps: Hồi nhỏ tới giờ, em chưa đi xem lần nào những lễ hội chọi trâu vì trong lòng nghe cái trò chơi này hơi dã man , họ chọi trâu xong, rồi đem trâu giết ngay để ăn thịt.
Năm nay, em nhà các bác muốn trở lại nhiều với lễ hội đình làng, nét văn hoá bản địa, những hoạt động văn hoá dân tộc VN cũng đáng đi xem lắm! Nên em đã nhận lời mới với mấy anh dưới đất Cảng, tháng 8 âm lịch sẽ vi hành một chuyến.

matador
20-08-2007, 18:00
Hay nhở, khéo nay mai lại nổi tiếng như đấu bò tót của các bạn Tây Bán Nhà có khi ;)

Ở cái ảnh thứ 2 có anh công anh cầm dùi cui đuổi theo trâu và các bác chọi trâu, không nhẽ trâu chạy sai luật giao thông mà các anh cũng không tha? =)) =))

banmaitoahuong
13-02-2008, 14:06
Ai đi chợ Viềng Nam Định vào đêm mùng 7 với em nào?

Chợ Viềng “2 chợ, 1 phiên”
7:11', 18/2/ 2005 (GMT+7)
Chợ Viềng (Nam Định) mỗi năm chỉ họp đúng một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 Tết. Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm. Vì vậy, từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, dân Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... đổ về chợ Viềng như mắc cửi để mong có lộc cho cả năm.

Từ lúc 21 giờ đến 24 giờ đêm mùng 7 tháng giêng, cả một đoạn dài trước phủ Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định, người chật như nêm cối. Đến nỗi, “có thấy bọc tiền rơi dưới chân cũng không thể cúi xuống nhặt”...

Viềng Phủ, mất ngủ cả đêm...
Mặc dù trông phờ phạc trong lất phất làn sương đêm ở Phủ Dầy, nhưng ông Trần Đắc Sinh, thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, vẫn ánh lên niềm hào hứng: cứ đêm mùng 7, cả xã Kim Thái không ngủ. Trong khắp các ngả đường dẫn tới quần thể di tích Phủ Dầy, trung tâm đạo Mẫu lớn nhất Việt Nam, gần 8 vạn khách thập phương chen nhau đổ về các đền, phủ và các chợ đã bày sẵn hàng loạt sản vật, hàng hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Thật ra Viềng không phải là tên riêng một chợ mà có tới 4,5 khu chợ thuộc hai chợ cùng tên Viềng của Nam Định, cùng họp một phiên vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng giêng. Đó là hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản (là chợ đã nổi tiếng trong sử sách, thi ca) và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Ấy thế là thành chợ Viềng “2 chợ, 1 phiên” cho cả năm.

Theo lời người già giải thích, chợ Viềng Phủ có ý nghĩa như chợ thần tiên trên trời (còn gọi là chợ âm phủ). Đi chợ kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ. Vì vậy, ngay từ 19g tối mùng 7, các bãi đỗ xe ở Viềng Phủ đã chứa đầy các ô tô, xe máy đến từ Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội... với giá gửi rất cao từ 3.000 - 5.000 đồng/xe máy, 30.000 - 50.000 đồng/ô tô.

“May nhờ người dân địa phương khuyên, tôi đã thuê xe ôm đi tắt qua các ngõ nên đã kịp đến Phủ Tiên Hương từ lúc 23g”, anh Phạm Văn Tiếp, ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa vuốt mồ hôi tạt vào quán nước bên đường thôn Tiên Hương hào hứng kể. Nhưng để tránh bị sớm hòa vào dòng người chật cứng, anh đã phải trả 70.000 đồng tiền xe ôm chỉ để đến điểm cách nơi xuất phát đúng 2 km! Theo lời anh thì chỉ lát nữa (4 giờ sáng ngày mùng 8) anh phải tụ với đám bạn đang đợi ở thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, để kịp sang chợ Viềng Chùa.

Từ mấy năm nay, nhiều bạn trẻ đã hình thành thói quen đi cả hai chợ Viềng ở Nam Định. Đây là những người vừa muốn cầu may nơi Mẫu Liễu Hạnh, vừa muốn len lỏi đi ngã giá mua lấy may vô số các thứ hàng hóa bày bán ở chợ Viềng Chùa. Theo quan sát thì tất cả những sản phẩm độc đáo mà tôi đọc sách, báo có bán tại chợ Viềng có bán đủ ở Viềng Phủ. Đó là vô số các loại giống cây, chậu cảnh, những chiếc ấm sứt vòi cũ rích, lưỡi cày hỏng...

Trong tiết trời đêm rét như cắt, lại thêm sương lây rây, người đi chợ soi đèn pin vào những thứ hàng đem bán mà chèo kéo khách. Thường thì giá rẻ lắm, chỉ tính tiền ngàn là mua được một cây thiên tuế nhỏ, thậm chí cả một cây hồng xiêm chiết cành, đã đâm rễ, đang bói quả. Nhưng giới trẻ thường muốn nhiều hơn thế...

Nếu như phần lớn những người trung niên và người lớn tuổi hoặc lọ mọ ngoài chợ hoặc cần mẫn suốt đêm len lỏi đến các đền, phủ (Phủ Dầy có tới hơn 20 đền, phủ) cầu may, khiến người của đền phải nhổ chân hương chất thành từng đống ngay dưới ban thờ, thì nhiều thanh niên hối hả tách đám đông sang Viềng Chùa.

Viềng Chùa: không lo thiếu “hàng độc”


Mua dao tại chợ Viềng.

Từ Viềng Phủ đến Viềng Chùa hết gần một tiếng đi xe máy, phải vượt qua hai quãng đồng rộng mênh mông, gió thổi ù ù lạnh buốt. Trước đây, Viềng Phủ nổi tiếng là nơi hội tụ những sản phẩm thủ công nổi tiếng của từng địa phương trong tỉnh Nam Định như đúc Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, hàng chạm, mộc La Xuyên, cuốc, xẻng Vân Tràng, giống cây Mỹ Lộc, cây cảnh Nam Điền... Tuy nhiên, gần đây, các sản phẩm này lại tập trung về Viềng Chùa.

Mới tờ mờ sáng, chúng tôi đã bắt gặp một chị đồng nát ở Vạn Điểm (xã ở gần Vụ Bản có nghề đồng nát nổi tiếng nhưng đang có nguy cơ mai một) ngồi bán đôi đình trúc hóa rồng và chiếc điếu bát cổ kính, tinh xảo cạnh chùa Đại Bi trong Viềng Chùa. Những thương lái bán chim ở Thanh Hóa, bán đồ cổ ở Hà Nội... cũng đã về đây từ sớm mùng 7 để bán hàng. Mới 4g30 sáng, chợ đã đông nghẹt người.

Viềng Chùa cũng có cây cảnh, có thịt bò (hai sản phẩm không thể thiếu ở chợ Viềng), nhưng đây lại là chợ có đông người Hà Nội, Hải Phòng về dự. “Vì chợ này trội hơn Viềng Phủ ở các loại hàng hóa, nhất là đồ cổ và cây cảnh đẹp”, chủ cửa hàng bán nông cụ ở trong Viềng Chùa, ông Trần Cao Đại giải thích. Hàng vạn người đang sục sạo các mẹt hàng bán nồi niêu, xoong chảo, bát mẻ, đĩa vỡ, bếp dầu, đèn Hoa Kỳ... để kiếm một món đồ cổ thứ thiệt nào đó mà chủ nhân của nó lơ ngơ bán với giá đồng nát.

Nếu có thể viết lịch sử cận - hiện đại Việt Nam qua đồ gia dụng thì pho sử ấy phải được dẫn chứng bằng hầu hết các hiện vật được bày bán ở Viềng Chùa. Từ những chiếc đồng hồ báo thức Made in France được nhập vào VN cuối thế kỷ 19, chiếc đèn Hoa Kỳ nhập từ Hồng Kông những năm 20, phích Trung Quốc những năm 50, nồi nhôm Liên Xô những năm 60 - 70 đến kiềng bếp gang Thái Nguyên, liềm, hái, lưỡi cày công - nông... Không thiếu một thứ gì, giá rẻ đến không thể rẻ hơn, có khi chỉ vài ngàn đồng.

Theo ông Đại thì “nghe nói các tay buôn đồ cổ sừng sỏ nhất Hà Nội cũng đã đi ô tô xuống từ nửa đêm để kiếm tìm hàng độc trong đám đồng nát nháo nhào kia. Họ còn tranh thủ về nhà một số tư nhân chuyên buôn đồ cổ, loại từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/chiếc (loại hàng cao cấp này không bán tại Viềng) để đặt quan hệ làm ăn”.

Nhưng do khách đến chợ hầu hết là người có thu nhập thấp hoặc trung bình nên vẫn hoàn toàn có thể bằng lòng với những món đồ, đại loại như khay trà bằng gỗ gụ không dưới 200 tuổi có giá 170.000 đồng, một chiếc thạp nhỏ đời Trần men rạn, vai có hoa sen nổi có giá 600.000 đồng.

Thậm chí, ở chân tường chùa Đại Bi, còn có người phụ nữ trung niên, dáng lam lũ ngồi bán chỉ độc một chiếc điếu bát bằng sứ cũ kỹ, giá 120.000 đồng. Chị chỉ nhớ “mang máng” chiếc điếu bát của gia đình đã qua khoảng 5,7 đời. Viềng năm ngoái, chị cũng mang chiếc điếu này đi bán, có người trả đến 150.000 đồng không bán. Viềng Chùa giờ rất hiếm những người đem đồ gia đình đi bán như chị. Càng hiếm người nửa muốn bán, nửa không, chỉ muốn đến chợ cho vui như chị. Hình thức trao đổi hàng hóa không qua tiền tệ như lệ xưa của chợ giờ hầu như “tiệt chủng”...

Tuy nhiên, với tinh thần “bán được là quí, mua được càng may”, phần lớn những người đi chợ Viềng đều tìm thấy những thứ mình cần, gắn bó với công việc, sở nguyện của mình. Cả hai chợ mang đậm tính cầu lộc, cầu may này chỉ họp một phiên duy nhất một ngày trong năm nhưng số lượt người đến chợ Viềng, theo ước tính của Sở Văn hóa - Thông tin Nam Định, bằng trên một nửa tổng số người đến chùa Hương trong 3 tháng lễ hội. Nghĩa là qua ngày mùng 7 năm Ất Dậu này, khoảng 200.000 người đã có được hy vọng cái may mắn trong năm nay...

NAM QUỐC – HÀM YÊN
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/nam2005/thang2/36633/

Chùm ảnh: Đi chợ Viềng cầu may
http://vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2007/02/666620/

hptn
28-11-2012, 16:03
Tết này mình muốn đi chơi các lễ hội ở vùng tây nam bộ. Có bạn nào biết lễ hội nào đặc sắc ở vùng Tây Nam Bộ thì giới thiệu cho mình với

Nhatcuongmobile
11-06-2015, 15:05
Hội làng thường do một làng đứng ra tổ chức, hoặc có thể do một số làng gần nhau cùng thờ chung một thành hoàng, cùng có mối liên hệ lịch sử thông qua sự tích thánh mà họ tôn phụng. Nhưng, dù là hội của một làng hay liên làng thì hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh người Việt.

mmmts
03-09-2015, 16:04
Ngày xưa lễ hội mục đích chính là để mọi người vui vẻ sau những ngày làm việc vất vả. còn bây giờ làm chủ yếu với mục đích thương mại và chặt chém

tuannb030
06-09-2015, 07:58
Hội làng thường do một làng đứng ra tổ chức, hoặc có thể do một số làng gần nhau cùng thờ chung một thành hoàng, cùng có mối liên hệ lịch sử thông qua sự tích thánh mà họ tôn phụng. Nhưng, dù là hội của một làng hay liên làng thì hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh người Việt.

Chuẩn đó bạn hội làng thì thường tổ chức vào năm theo ngày tháng mà trước mọi người định ra. Thường hội làng đa số là các chò chơi, làm kiệu vả rước kiệu tổ chức hàng năm. chỗ mình cũng có nhiều hội làng nhưng mà thường 1 năm chỉ tổ chức 1 lần thôi

HuyenTonKin
29-05-2017, 14:17
Những người xa quê lâu năm như em không có cơ hội để hòa mình vào lễ hội làng quê một lần...

vungoc
31-08-2017, 12:23
theo thống kê thì mình thấy viẹt nam có nhiều lễ hội nhất thế giới