PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Vũng Tàu phiêu lưu ký



keen_vt
12-04-2010, 11:27
topic này mở ra để giới thiệu và chia sẻ cùng các bạn những góc nhìn về Vũng Tàu. nơi mà bao lượt khách du lịch mãi say đắm đi về cũng là nơi mà bao người con ra đi vẫn hoài mong nhớ. đêm nằm mơ nghe tiếng sóng biển, mỉm cười với hoài niệm, thầm mong một ngày quay trở lại để được lần nữa áp má vào nắng chiều và lắng nghe từng giọt hoàng hôn rơi...

keen_vt
12-04-2010, 11:28
Công viên Bãi Trước từ ngày hoàn thành đưa vào sử dụng đã trở thành nơi dạo mát, tập thể dục lý tưởng cho nhân dân. Ban ngày có các bạn học sinh, sinh viên đến học bài, đọc sách, các cụ ông sau giờ tập thể dục lại say sưa bên bàn cờ tướng. Chiều xuống thêm phần đông vui, hầu như những dãy ghế đá được bố trí trong công viên đều không còn chỗ. Những ngày lễ, công viên Bãi Trước trở thành nơi tụ hội không chỉ của người dân Vũng Tàu mà khách du lịch ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn cũng muốn ghé qua.

Đặt chân đến công viên Bãi Trước đồng nghĩa với việc bạn đã bước qua con đường có vỉa hè lát đá hoa cương dài nhất Việt Nam. địa điểm này cũng là nơi tập trung Skaters đủ mọi lứa tuổi luyện tập và trình diễn mỗi sáng chủ nhật và chiều tối hàng ngày.

Với lợi thế, mặt đá hoa cương lán mịn, bóng choang + công viên xanh mướt mắt+ gió biển không ngừng xoa dịu cái nóng oi ả, công viên Bãi Trước là lựa chọn số một để các bạn cùng bạn bè hay gia đình ngồi hóng gió, ngắm hoàng hôn và ăn những món snack vui vui, cá viên chiên, kem bảy màu, bánh tráng, đậu phộng ... bán dọc bờ biển.

Các cặp đôi không nên bỏ qua vòng xe đạp đôi trên con đường Quang Trung dọc bờ biển, vừa tâm tình, vừa thưởng ngoạn và tham quan các trung tâm văn hóa, hành chính của thành phố: nhà văn hóa Thanh Niên ở ngay góc công viên, nhà văn hóa Thiếu Nhi, nhà bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh BR-VT,OSC Việt Nam, Bạch Dinh,...

Tín đồ cà phê đừng quên một lần thưởng thức cảm giác "ngồi cà phê biển" với những quán thiết kế độc đáo, thức uống rẻ và gần gũi nhất với mùi nồng, mặn mòi của biển: Mũi Đá (sẽ post hình sau), Cát biển,...

Những cô nàng thích làm kiểu thì hãy chọn cho mình vài dáng dễ thương, ngộ nghĩnh để kỉ niệm cùng với rặng dừa nghiêng nghiêng, những tác phẩm điêu khắc đá trừu tượng (mà cũng dẽ tưởng tượng ) trong phạm vi công viên nhen.

Những bức tượng mượt mà
https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/DSC00047.jpg

Không gian xanh mát
https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/DSC00048.jpg

Con đường lát đá hoa cương
https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/DSC00050.jpg

Đây là nơi người dân Vũng Tàu tập thể dục và dạo chơi cùng gia đình
https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/DSC00055.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/DSC00057.jpg

keen_vt
12-04-2010, 11:30
Đến thành phố biển Vũng Tàu bạn đừng nên bỏ qua cà phê Ocap. Bạn sẽ thốt lên: "Ôi, tuyệt thật!" và bạn sẽ thật sự bất ngờ về sự quyến rũ của toàn khung cảnh nơi đây.
Đến đây tâm hồn bạn sẽ thật sự được thư giãn, bạn sẽ được ngắm cảnh bình minh trên biển vào lúc sáng sớm, bạn sẽ nghe được tiếng sóng vỗ bờ.

Cà phê Ocap 1 nằm trên núi được thiết kế từng bục đá ghép lại làm lối đi, với hệ thống bánh xe quay nước theo cách của người dân tộc, với những ô dù xinh xắn, nhà rông cùng với cây cối xanh tươi sẽ làm cho bạn thích thú. Bạn hãy đến và cảm nhận nhé!

Ngoài các loại thức uống còn có các loại rượu ngoại nhập: XO, Golden, Martini,...

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/DSC00022-1.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/DSC00024.jpg

keen_vt
12-04-2010, 11:32
Tượng Chúa Ki-tô hay Tượng Đức Chúa giang tay là một bức tượng Chúa Giê-su đứng trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu, được xây từ năm 1974. Bức tượng này cao 32 m, sải tay dài 18,3 m đứng trên độ cao 170 m nhìn ra biển, bên trong có cầu thang 133 bậc lên tận 2 tay của tượng. Bức tượng có thể xem như một phiên bản tương tự tại thành phố Rio de JaneiroBrasil. So với tượng Chúa giang tay của Brasil, thì tượng này ở Vũng Tàu cao hơn 2 m. Tuy nhiên, tượng Chúa ở Brasil đứng trên núi cao hơn 700 m, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đứng trên độ cao hơn 100 m của núi Nhỏ; ngoài ra, bệ tượng ở Brasil cao tới 7 m, trong khi bệ tượng ở Vũng Tàu cao khoảng 4 m.

Sau khi cuốn Tự vị Annam-latinh (tức là cuốn sách đầu tiên có ghi địa danh Vũng Tàu) của Bá Đa Lộc xuất bản được hai năm, năm 1775, nhà hàng hải Manneviclette cho ấn hành sách địa lý á Đông Neptune Oriental. Theo sách này thì Vũng Tàu được các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha gọi là "Cinco Chagas". Cần lưu ý rằng; trong quá trình chinh phục thế giới, người Bồ Đào Nha hay dùng cụm từ Cinco Chagas để đặt tên cho tàu bè vượt biển hoặc tên núi đồi. Oporeto CIN CHAGAS VERDAREIRAS có nghĩa là “năm dấu thánh của Đức Giêsu” hay "năm vết thương của chúa cứu thế" (4 dấu vết thương bị đóng đinh chân tay vào thập giá và 1 dấu bị giáo đâm bên sườn có trái tim). Chính người Bồ đã dùng cụm từ này để đặt tên cho Vũng Tàu một vùng đất có thể nhìn thấy từ khơi xa qua 5 ngọn núi ở Vũng Tàu và Bà Rịa (Sở dĩ gọi như vậy bởi vì Vũng Tàu, nhìn từ ngoài khơi vào, người đi biển thấy có năm ngọn núi, biểu tượng của niềm vui, của sự cứu giúp đối với họ. Đó là năm ngọn núi có tên là Kỳ Vân, Núi Dinh, Núi Nứa, Núi Lớn, Núi Nhỏ.

Người Pháp gọi Vũng tàu là Cap Saint Jacques và khi muốn đi Vũng tàu thường nói " Aller au Cap ", từ đó người Việt gọi Vũng tàu là " Ô Cấp ".

Nằm chót vót trên đỉnh núi Nhỏ, Bãi Sau, tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng như một ngọn tháp canh thu vào tầm mắt du khách toàn bộ cảnh quan của thành phố Vũng Tàu.

Năm 1972, cha Phaolô Nguyễn Minh Tri cùng với bà con giáo dân Vũng Tàu khởi công xây dựng một tượng đài Chúa Kitô, theo dự kiến cao khoảng 10m, đặt trên bệ cao 5m ngay tại mũi Nghinh Phong dưới chân núi Nhỏ. Công việc xây dựng đang tiến hành thì bị gián đoạn vào năm 1973.

Một thời gian sau, vào năm 1974, tượng đài Chúa Kitô được xây dựng lại trên đỉnh núi Tao Phùng thuộc dãy núi Nhỏ với diện tích rộng lớn 10 hécta. Do thay đổi vị trí nên tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng được thiết kế lại để phù hợp với độ cao mới và sự khắc nghiệt của khí hậu gió mùa nhiệt đới. Việc thay đổi này đem lại sự khó khăn về tài chính cũng như những điều kiện khác trong việc xây dựng. Tuy nhiên, công việc vẫn được tiến hành dưới sự chỉ đạo của cha Phaolô Nguyễn Minh Tri và sự giúp đỡ về tài chính của ông bà Lê Quang Tuyến. Công việc điều hành thi công do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân và kỹ sư Nguyễn Quảng Đức cùng với 50 công nhân lành nghề thực hiện. Năm 1994, toàn bộ công trình thuộc khu vực tượng đài Chúa Kitô được hoàn thành. Tượng đài Chúa Kitô đặt trên ngọn núi Nhỏ đối diện mũi Nghinh Phong, ở độ cao 176m so với mặt nước biển. Tượng đài đứng giữa hướng đông nam và quay ra biển, bên phải là núi Ô Quắn, bên trái là Hòn Bà, phía sau là thành phố Vũng Tàu. Từ dưới bãi biển nhìn lên, tượng đài Chúa Kitô giang đôi tay sừng sững án ngữ trên đỉnh núi cao, bao quanh là những tán cây xanh mát tạo thành một điểm nhấn đầy ấn tượng. Từ trên cánh tay tượng đài nhìn xuống, du khách có thể nhìn thấy thành phố Vũng Tàu với nhà cửa san sát, công viên khu công nghiệp Đông Xuyên, hồ Thị Vải và dáng vẻ mập mờ của núi Hòn Bà được bao quanh bởi làn nước trong xanh của biển trời Vũng Tàu.
Tượng Chúa Giê-su, gọi theo cách dân dã là Tượng Chúa giang tay, là bức tượng chúa Giê-su Cristo đứng trên đỉnh Núi Nhỏ (còn gọi là núi Tương Kỳ hay núi Tao Phùng) của thành phố biển và dầu khí Vũng Tàu. Từ cách xa trên 50 kilômét, du khách đã có thể thấy bức tượng cao trắng xóa nổi lên giữa biển trời xanh thẳm. Muốn lên tượng, bạn hãy vòng theo đường Hạ Long, con đường ven biển được coi là đẹp nhất Việt nam, đến Mũi Nghinh Phong quanh năm lộng gió, nơi bãi tắm kín đáo nấp vào thiên nhiên, nước biển ngăn ngắt xanh tung bọt trắng trên những phiến đá...

Vị trí: Tượng chúa Kitô nằm trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Tượng được dựng vào năm 1972, cao 32m, đứng giang hai tay, mặt hướng ra biển

Nét đẹp thiên nhiên ở Nghinh Phong – Vọng Nguyệt dường như được nhân lên nhờ bàn tay con người – cải tạo mạn cực nam Núi Nhỏ và xây dựng nơi đây một công trình kiến trúc điêu khắc đồ sộ. Tượng chúa kitô cao 32m là một sự nổi bật hài hòa trong không gian khoáng đạt của vùng núi non và biển cả nơi đây.

Một số hình ảnh về nơi này:

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N5_1_43_ua.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N5_1_29_de.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/IMG_1209.jpg

Phù điêu đế tượng
https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N4_30_33_11.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N4_30_28_07.jpg

keen_vt
12-04-2010, 11:32
Bức tượng được xây dựng 1974 sau một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về ý đồ thiết kế và chọn mẫu. Tất cả các công việc đều do hội Thiên Chúa Giáo Vũng Tàu chủ trì và thực hiện.Các họa sĩ điêu khắc như Cao Uy, Văn Nhân và các vị có chức sắc trong giáo hội, được giao nhiệm vụ tham khảo hàng nghìn bức ảnh Chúa Kitô và thiết kế mẫu phác thảo, sau đó phác thảo được gửi tới cuộc triển lãm văn hóa – nghệ thuật tôn giáo để tranh thủ thêm nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghệ thuật.

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N4_30_36_3.jpg
Việc thi công bức tượng được giao cho nhóm kỹ sư tài hoa Nguyễn Văn Đức, và những người thợ tài giỏi như ông Tám Luận, Nan, Quý, Hòa, Hoàng … Hằng ngày có 50 người lao động để thực hiện công trình này. Do điều kiện xây dựng khó khăn (núi cao, nền đá, hệ thống dàn giáo khó thực hiện)…công trình kéo dài. Đầu năm 1975 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đi vào giai đoạn kết. Vì vậy công trình tượng chúa kitô phải dừng lại trong dở dang từ 30/4/1975. Mãi đến 1993 một số công trình phụ khác như hệ thống tam cấp đường lên, những mảng chưa được tô láng ciment trước đây mới được giáo hội thiên chúa thực hiện tiếp. Và trong tương lai công trình sẽ được hoàn thiện như phác thảo ban đầu.

Kiến trúc – điêu khắc tượng chúa kitô là một tác phẩm nghệ thuật lớn, là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với kiến trúc nghệ thuật Việt Nam hiện đại mang đậm tính dân tộc và tôn giáo. Về kích thước với chiều cao 32m, sải tay dài 18,4m được giới chuyên môn xem đây là bức tượng Kitô cao nhất thế giới, lớn hơn cả bức tượng Kitô ở Brasil vốn do hai quốc gia Arhentina và Brasil xây dựng (chỉ cao 26m và sải tay dài 10m).

Tượng chúa Kitô núi nhỏ quay mặt về hướng nam nhìn ra biển Đông, nét mặt nhân từ bao dung, đôi tay dang rộng như đang che chở, bao bọc chúng sinh. Dẫu là một bức tượng được xây bằng bê tông cốt thép, bên ngoài tô đá rửa nhưng những chi tiết thuộc về nghệ thuật và thẩm mỹ như tư thế bức tượng, nét mặt, trang phục … đều được thễ hiện hết sức mềm mại, sinh động giàu sức sáng tạo.

Bên trong tượng có cầu thang xoắn ốc đi từ chân tượng lên tới đỉnh tượng. Ánh sáng bên ngoài chiếu rõ trong lòng tượng nhờ hệ thống “cửa sổ” hình chữ “Thọ” trang trí trên áo. Lên hết 133 bậc tam cấp trong lòng tượng du khách du khách có thể đi ra 2 bên vai và tay áo tượng – như hai chiếc ban công an toàn, chắc chắn để ngắm bờ biển Vũng Tàu và đón gió biển thổi vù vù, mát rượi. Hai bàn tay tượng chúa kitô dài tới 2,2m, ngón giữa dài 1,1m có 9 tia hào quang làm bằng kim loại vừa trang trí vừa có tác dụng thu lôi.
Tượng chúa Kitô đặt trên một bệ bê tông có bốn góc tạo hìng cánh cung cao 10m, phía trước bệ được trang trí bức phù điêu phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leona de Vinci “bữa tiệc biệt ly”. Mặt sau là một bức tranh lớn “ Đức chúa trao chìa khóa cho Phêrô”.
Trên đỉnh đầu tượng Chúa có 9 tia sáng hào quang chính là hệ thống thu lôi được nối liền từ tay tượng dẫn xuống hầm hợp chất than, cát, muối để chống sét.

Dưới chân tượng trong gian phòng rộng có trưng bày những bức tranh, ảnh nói lại quá trình xây dựng tượng đài khổng lồ này.
Để lên thăm Tượng Chúa Ki Tô bà con giáo dân đã xây dựng xong một con đường dốc bậc thang sạch đẹp, uốn lượn trông xa như Vạn Lý trường thành ở Trung Quốc.

Tượng Chúa Ki Tô được xây dựng bằng kiến thức khoa học, lối kiến trúc mang tính nghệ thuật văn hóa dân tộc. Được làm bằng bàn tay lao động của con người, không sử dụng cơ giới.
Cảnh đẹp nơi đây thật là sơn thủy hữu tình, hàng ngày đón hàng trăm du khách thập phuơng kể cả khách quốc tế đến thăm một công trình du lịch mang tính tôn giáo nổi tiếng này.

Ở vào vị trí phía nam của núi nhỏ, tọa lạc ở một không gian dễ thu hút vào tầm mắt của du khách đến tắm biển vũng tàu, và là một tác phẩm lớn về nghệ thuật kiến trúc tôn giáo mang dấu ấn bản sắc dân tộc, tượng Chúa Kitô núi nhỏ là điểm thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Phù điêu đế tượng

Tượng Chúa đặt trên một bệ bê tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10m, dài 12m, thực chất là một gian phòng với bốn mặt bên ngoài trang trí phù điêu. Mặt trước là bức "Bữa tiệc ly" (hay "Buổi họp mặt cuối cùng") phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leona de Vinci; mặt sau là bức "Đức Chúa trao chìa khóa cho Phêrô".

4 bức phù điêu che kín 4 mặt của đế tượng mà bên trong là phòng trưng bày phiên bản của các bức danh họa liên quan đến kinh thánh được lưu trữ tại bảo tàng viện nổi tiếng như Louvre , St Petersbourg , Vatican .. Trong 4 bức phù điêu, có hai bức đã được hoàn tất trước ngày 30/04/1975.

Trận địa pháo cổ

Trên đỉnh núi ở hai bên tượng Chúa có hai cỗ pháo lớn - là một trong số 11 đại pháo của trận địa pháo cổ Núi Nhỏ. Đây là một trong ba trận địa tạo thành tuyến phòng thủ Vũng Tàu do người Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19, hoàn thành năm 1905. Trận địa pháo Núi Nhỏ được bố trí thành ba cụm theo thế vòng cung bao quát cả vùng Biển Đông và Nam Vũng Tàu. Cụm dưới chân tượng Chúa gồm 3 khẩu ở độ cao trung bình 136m so với mực nước biển, có cùng kiểu dáng, cấu tạo, cỡ đạn là 240mm, nòng dài 12.33mm. Trên thân pháo có ghi kí hiệu, kích cỡ nòng súng, kiểu dáng,năm sản xuất, trọng lượng pháo và phân hiệu của đội. Các cỗ pháo được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất, có đường kính 10.5m, có thể quay tròn và nâng hạ nòng nhờ hệ thống bánh răng cưa gắn với bệ cố định. Người ta cho rằng đây là một trận địa pháo thường trực vì giữa các cỗ pháo liên hệ có hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn liên kết với nhau.

Đường lên tượng
https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N5_1_26_ar.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N5_1_23_ng.jpg
Vũng tàu có một đường ven biển chạy vòng tròn ôm lấy thành phố nên du khách xuất phát từ Bãi Trước hay Bãi Sau cũng đều đến được Mũi Nghinh Phong theo đường Hạ Long
Đến Mũi Nghinh Phong, trước khi leo lên Tượng Chúa, du khách thường đứng lặng ngắm bãi Vọng Nguyệt, đảo Hòn Bà, khu vực của Phật Giáo. Hòn Bà còn có tên gọi khác là Archinard, chỉ cách bờ hơn trăm mét. Khi triều xuống, ta có thể đi bộ ra tận đảo. Bãi tắm ở đây có vách núi bao bọc nên kín đáo, nước khu này cũng trong xanh hơn, trên bãi lại có nhiều đá thiên nhiên rất đẹp. Vẻ đẹp thơ mộng ấy làm tần ngần du khách

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N5_1_44_82.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N5_1_23_30.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N4_30_5_97.jpg

https://i214.photobucket.com/albums/cc183/tranthanhtruc_photo/luuminhphuong_k28N5_1_19_1.jpg

keen_vt
12-04-2010, 11:33
Bạch Dinh nằm ở độ cao 27,7m mặt hướng ra biển, lưng tựa vào núi, dưới chân là biển. Khách du lịch có thể tắm ở Bãi Trước, Bãi Dâu, thả bộ trên đường Trần Phú vừa ngắm Bạch Dinh. Sau lưng là Núi Lớn, bao quanh một màu xanh của rừng Sứ và rừng Gia Tỵ giữa thiên nhiên tươi đẹp.

Vị trí: Bạch Dinh tọa lạc tại số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm:Bạch Dinh được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1916 dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Bạch Dinh được gọi là Villa Blanche theo tên con gái yêu của Paul Doumer. Nghĩa tiếng Việt của từ này lại trùng với dáng sắc bên ngoài của nó nên dân địa phương quen gọi là Bạch Dinh, tức là Biệt thự trắng. Sau đó nhiều đời toàn quyền Đông Dương vẫn thích dùng Bạch Dinh làm nơi giải trí nên được gọi là Dinh toàn quyền. Dưới thời Mỹ, Bạch Dinh cũng là nơi an nghỉ và hội họp của tổng thống và các tướng lĩnh Sài Gòn. đây cũng chính là nơi giam lỏng vua Thành Thái (từ 1909-1910), một vị vua có tư tưởng yêu nước, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1916, đây là nơi nghỉ mát thường xuyên của vua Bảo Đại, trong thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, đây là nơi nghỉ mát của các Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà.

Dinh có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nhìn ra Bãi Trước, xung quanh là một khu rừng nhỏ với nhiều loại cây, đặc biệt là cây sứ. Để xây dinh, 800 tù nhân phải làm việc cật lực trong 10 năm. Ngày nay, đây là một địa điểm thăm quan của du khách khi đến Vũng Tàu.

Bạch Dinh nằm ở phía nam núi Lớn, trên pháo đài Phước Thắng cổ xưa, cao gần 30m so với mực nước biển. Từ tiền sảnh Bạch Dinh nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác như đang ở tầng lầu của một cao ốc xây dựng trên mặt nước biển, có thể dõi tầm mắt bao quát cả trung tâm thành phố Vũng Tàu.

Có hai lối lên Bạch Dinh. Một đường uốn quanh chạy dưới rừng cây giá tỵ, dành cho xe hơi lên tới tiền sảnh. Một đường đi bộ qua 146 bậc tam cấp cổ xưa, kín đáo nằm giữa hai hàng sứ cao niên.

Bạch Dinh cao 19m, có ba tầng, mang đậm sắc thái kiến trúc của Pháp thời cuối thế kỷ 19. Tầng hầm dùng cho việc nấu nướng. Tầng trệt dùng làm khánh tiết. Tại đây còn bài trí những hiện vật cổ xưa dùng để trang trí nội thất như: Song bình Bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ Hoàng Gia ghi niên đại Khải định năm 1921, cặp ngà voi Châu Phi dài 170cm, bộ tam đa ngũ thái Phúc - Lộc - Thọ. Tầng lầu thoáng đạt dành cho việc nghỉ ngơi. Dạo quanh Bạch Dinh, du khách không khỏi ngạc nhiên về tám bức tượng đá bán thân gắn trên một đường thẳng bao quanh ba mặt tường chính của toà nhà. Hầu hết tượng đều mang phong cách của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Lúc bình minh hay khi chiều xế bóng, những bức tượng ký hoạ chân dung đối xứng trên nền chim công lấp lánh, trông thật tráng lệ và kỳ diệu. Với tất cả sự quyến rũ đó, Bạch Dinh không chỉ thoả mãn cho Paul Doumer mà các đời toàn quyền Đông Dương vẫn thích dùng Bạch Dinh làm nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Rừng Giá Tỵ bao quanh có một thế quan trọng trong việc tôn vinh vẻ đẹp của Bạch Dinh. Chính rừng cây đã tạo nên vẻ đẹp cho khu di tích này. Khuôn viên Bạch Dinh rộng chừng 6 ha, một nửa là rừng giá tỵ (còn gọi là cây Báng súng). Thân cây cao, thẳng lá to như nửa tán dù. Nửa kia trồng bông sứ. Một loại cây ưa khí hậu nóng khô hạn và rất nhiều hoa. Rừng Bạch Dinh là một góc thanh bình và nên thơ của một thành phố du lịch ồn ào, xao động.
Cứ mỗi lần đặt chân đến đây, trong ta lại thấy trào lên những cảm xúc mới lạ. Mùa mưa rừng Bạch Dinh xanh thẳm Những cành lá giá tỵ như ô dù che kín cả cây rừng. Mùa lá rụng Bạch Dinh tràn ngập hoa sứ. Hoa trải trên lối đi, hoa từng chùm trắng trên cây, trắng cả khu rừng. Hoa thơm ngát làm dịu lòng người. Rừng sứ Bạch Dinh là rừng có chủng loại sứ phong phú. Có thứ màu đỏ (hoa sứ Thái Lan), có loại màu hồng, màu trắng, vàng nhạt (giống như hoa Cham pa), có loại trắng pha vàng ở giữa, sứ ngũ sắc... Đi giữa mùa lá rụng, ta thấy lòng lâng lâng bay bổng mọi ưu phiền trong cuộc sống đời thường như tan biến. Bạch Dinh còn hấp dẫn bởi lịch sử của nó.

Trước khi có Bạch Dinh, nơi đây làm pháo đài thành Phước Thắng (năm Minh Mạng thứ 20 nhà Nguyễn). Pháo đài này là nơi đã nổ phát súng đầu tiên (10.2.1859) vào hạm đội Pháp khi chúng tấn công Sài Gòn - Gia Định (bằng đường biển) và đã cản trở được bước tiến của quân Pháp trong 1 ngày đêm. Đó là một chiến tích oanh liệt của quân và dân Vũng Tàu trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi bình định xong xứ Nam Kỳ, viên toàn quyền Đông Dương người Pháp Paul Doumer đã lệnh san bằng pháo đài thành Phước Thắng (1898) để xây biệt thự cho mình và đặt tên là Villa Blanche (nghĩa chữ Hán Việt của từ này là Bạch Dinh). Để xây dựng Bạch Dinh, 800/người tù lao động khổ sai trong suốt gần 10 năm trời. Từng tấc đất, viên đá, ngọn cây ở đây đều thấm bao mồ hôi, nước mắt và máu của những người tù. Sau này Bạch Dinh thuộc sự cai quản của Công sứ Nam Kỳ người Pháp. Đặc biệt từ ngày 12.9.1907 tới năm 1916, Bạch Dinh là nơi người Pháp dùng để giam lỏng vua Thành Thái, một vị vua yêu nước có tư tưởng chống Pháp. Từ năm 1926 Bạch Dinh là nơi vua Bảo Đại thường ghé nghỉ mát cùng với gia quyến của mình. Thời trước 1975 Bạch Dinh là nơi nghỉ mát của tổng thống của chế độ củ.

Phía trước Bạch Dinh là một bao lơn hướng ra biển. từ đây có thể nhìn bao quát cảnh bãi trước lượn vòng từ núi nhỏ đến núi lớn. Nếu nhìn thẳng xuống sẽ thấy Hòn Hải Ngưu. Đó là một mũi đá nhô ra biển có hình dáng như một con trâu đang đắm mình dưới nước là nơi câu cá của các chủ nhân Bạch Dinh trước kia và khách du lịch ngày nay.

Ngày nay đến tham quan Bạch Dinh, bạn không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, của kiến trúc "Roma cận đại”, biết thêm về lịch sử Bạch Dinh, lịch sử dân tộc mà bạn còn có cơ hội ngắm nhìn bộ sưu tập gốm sứ thời nhà Thanh được vớt lên từ Hòn Cau rất có giá trị và nổi tiếng đang được bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trưng bày và giới thiệu tại đây.

Bạch Dinh là một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu. Khách du lịch trong và ngoài nước đều rất thích đến đây để tham quan và hít thở bầu không khí trong lành của biển và chiêm ngưỡng nơi lịch sử đã đi qua... Du khách có thể tận hưởng không khí trong lành của biển, vẻ đẹp kiều diễm của Bạch Dinh hòa lẫn trong thiên nhiên cây cỏ, và được tận mắt thưởng ngoạn những cổ vật tiêu biểu, quý hiếm.

https://www.echip.com.vn/echiproot/html/hscntt/images/hiepsi_2006/4.Hinh%20anh%20su%20kien/2006/2-VungTau/tham%20quan%20Bach%20dinh/22.jpg

https://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/BachDinh.jpg

https://www.chudu24.com/f/m/081110/thien/hinh-anh/image004(59).jpg

https://farm3.static.flickr.com/2124/2042613673_27ecad07bd.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2071/2042614923_4bdbf5b61f.jpg?v=0
__________________

keen_vt
12-04-2010, 11:34
Cải tạo những ngôi nhà cổ thành những quán cà phê theo kiểu kiến trúc biệt thự sang trọng với những nốt trầm xao xuyến của nhạc, của tranh, của ánh đèn, bình gốm... Loại hình “cà phê biệt thự” này đã góp phần làm phong phú thêm cho “thế giới cà phê” Vũng Tàu.
Sau ngày giải phóng, TP. Vũng Tàu vốn còn lưu lại rất nhiều ngôi biệt thự theo kiến trúc của Pháp trên đường Trương Công Định, Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu Trần Hưng Đạo… Những ngôi biệt thự cổ xưa này từng được sử dụng làm thư viện, làm phòng trưng bày có khi để mở quán ăn và ngày nay chúng lại được decorate thành những quán cà phê đặc trưng, độc đáo. Blue Note, Garden, Classic, Trầm, Thí Dụ, Đồng Dao, Ca Dao... là những quán cà phê được thiết kế trên cơ sở những ngôi biệt thự cổ. Và những cái tên ấy đã trở nên quen thuộc với giới trẻ ngày nay, đặc biệt là giới công chức khi họ muốn tìm một không gian trò chuyện yên tĩnh hay kết nối Internet không dây để truy cập thông tin.
"Cà phê biệt thự" thường mang phong cách nhẹ nhàng, không gian trầm lắng nhưng sang trọng và mát mẻ. Hầu hết các quán cà phê này đều được thiết kế theo phong cách cổ điển kết hợp với hiện đại. Qua những chất liệu như gốm, sứ, mây, tranh sơn dầu và sử dụng những gam màu nhạt... làm cho không gian cà phê biệt thự càng thêm cổ kính mà sang trọng, mát mẻ mà ấm cúng. Một không gian trầm mặc, lành lạnh được điểm xuyết bởi những gam màu lạ như nâu đất, nâu cam, nâu vàng... làm nổi bật những nốt trầm xao xuyến. Nếu như ở Classic người ta thích ánh đèn vàng và màu đỏ nhạt dịu nhẹ, thì ở Blue Note lại "trầm - bổng" với ánh đèn xanh nhạt, với lớp sương từ đèn rơi xuống... Chính vì tông màu nhẹ nên việc lựa chọn âm nhạc cũng phải là dòng nhạc Country, nhạc cổ điển hay những bản giao hưởng của Mozart, Beethoven... vừa dìu dặt, vừa bâng khuâng tha thiết. Và câu chuyện của những người đến với không gian cà phê này cũng thường là những cuộc trao đổi, những lời tâm sự vừa đủ nghe.
Khi thời gian nghỉ trưa của giới công chức không nhiều, thì loại hình cà phê biệt thự là sự lựa chọn hợp lý nhất. Bởi ở đó họ có thể thưởng thức một ly cà phê cho tỉnh táo, kết nối Internet và nghe nhạc thư giãn cho một buổi làm việc sắp sửa bắt đầu. Buổi tối, thay cho những lần dạo chơi ven biển thì cà phê Ca Dao, Đồng Dao, Thí Dụ… cũng là một địa chỉ được nhiều bạn trẻ dừng chân. Ngoài không gian phòng lạnh, nhiều người đến đây vì ghiền thú vui ngồi chuyện trò ở ban công biệt thự nhìn ra phố, hoặc ngắm khung cảnh thiên nhiên tươi mát ngay chính trong khuôn viên của quán... Nằm trên đường Trần Nguyên Hãn, cà phê Thí Dụ vẫn giữ được những nốt trầm xao xuyến. Đó là không gian yên tĩnh với những bụi trúc nghiêng mình dưới ao súng, là những bãi cỏ mươn mướt màu xanh và giàn hoa tường vi lãng mạn.
Nếu như đã có dịp đến cà phê Trầm, du khách dễ dàng cảm nhận được ngay những nốt trầm xao xuyến như đúng tên gọi của nó. Ngồi từ phía trong cửa kính nhấp một ly cà phê đậm đà, ngắm tranh sơn dầu và thưởng thức những bài ca bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... hoặc thả tầm mắt qua cửa kính ngắm bóng cây sa-kê đang được ánh trăng dát bạc... Bằng lối kiến trúc giả cổ nhưng Đồng Dao (trên đường Lý Thường Kiệt) cũng mang dáng dấp của cà phê biệt thự, cũng bắt đầu bằng những nét chấm phá, những nốt trầm và những bức tranh trừu tượng, những ánh đèn dầu hiu hiu... Đồng Dao như một khúc ca tình tự để bạn tìm về một chốn bình yên hay ngược dòng cảm xúc. Đến “Riêng một góc trời” trên đường Trương Công Định, thực khách sẽ cảm nhận được kiểu thiết kế đơn giản nhưng rất tinh tế với những chiếc bình gốm lạ mắt và độc đáo. Ngoài sân vườn là những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, để thực khách trút hết những lo âu thường ngày bên tiếng nước chảy róc rách, bên những bản nhạc cổ điển từ những thập niên 60, 70.

keen_vt
12-04-2010, 11:35
ĐẾN VŨNG TÀU KHÔNG THỂ BỎ QUA Ô CẤP I

Ô Cấp I là quán cà phê nằm cheo leo trên triền núi Nhỏ, gần khúc cua từ đường Hạ Long ra Bãi Dứa, nhìn thẳng ra biển xanh ngút tầm mắt. Quán thiết kế khá đẹp với những tán dù nho nhỏ xinh xinh nằm dọc theo lối đi là những bậc thang xếp bằng đá chen trong cỏ, hoa. Ghế nhựa cao cấp khá êm làm nhiều vị khách trẻ khoái chí vừa ngồi vừa nhún theo điệu nhạc. Ngồi ở bàn cà phê đặt trên bãi cỏ, bên cạnh chậu kiểng, dưới vòm lá phượng rợp bóng như ngồi ở trong một khu vườn kể cũng thích. Một góc quán còn thiết kế mảng tường đá với nước chảy róc rách từ ống tre gắn dọc vách tường đổ xuống, uốn lượn qua chiếc cầu bê tông giả gỗ làm cho không gian thêm thi vị. Nơi đây thường được khách bình bầu là “phông hình đẹp nhất” cho các bức ảnh lưu niệm cà phê Vũng Tàu.
Nhưng “giá trị” của các quán cà phê như Ô Cấp, Ô Cấp I, Biển Nhớ, Phố Đông… nằm dọc theo triền núi Nhỏ là ở chỗ: dành cho khách sự lựa chọn độc đáo “lên cao, cao hơn nữa” để hưởng thụ cái cảm giác uống cà phê trên không trong không khí lành lạnh thật lãng mạn. Càng lên cao, khách càng phóng được tầm mắt rộng ra phía trước: biển Bãi Dứa, bãi Trước xanh mát, cảng cầu Đá tấp nập tàu thuyền ra vào và doi núi Lớn nhô ra biển về phía Bến Đá như một mũi tàu đang rẽ sóng.

CÀ PHÊ BẠCH DINH

Khí trời đầu năm lạnh, sương giăng mờ một góc núi nhưng nhờ vậy mà ngôi nhà trắng trong khuôn viên Bạch Dinh nằm ở mạn sườn núi Lớn càng lôi cuốn hướng nhìn của các vị khách ngồi ở các quán cà phê phía bên triền núi Nhỏ. Đó là một ngôi nhà cổ thời Pháp với mái ngói đỏ, tường vôi trắng và những cánh cửa bằng gỗ xếp hẹp và cao. Nơi đây từng là nơi cư ngụ của vị vua yêu nước Thành Thái trong những năm 1907 -1916, khi ông bị Pháp giam lỏng tại Cap Saint Jacque (Vũng Tàu ngày nay).
Nét chung ở cà phê Vũng Tàu là việc tận dụng không gian thoáng đãng và tươi mát của thiên nhiên để thu hút khách. Quán dọc biển khai thác thế mạnh của cảnh quan biển, gió biển, tầm nhìn rộng thoáng. Còn các quán trong các con đường trung tâm thành phố như Garden 1 (đường Hoàng Diệu), Garden 2 (đường Lê Hồng Phong), Sao biển (đường Lê Quý Đôn), Đồng Dao (đường Lý Thường Kiệt), Ruby (đường Trần Hưng Đạo), T & T (đường Trương Công Định)… cũng dành không gian thiết kế những góc ngồi ở sân vườn khá mát mẻ. Chính vì vậy mà du khách cũng như người dân bản địa đều “ghiền” cái thú ngồi quán cà phê.

CÀ PHÊ VÒNG XOAY

Cà phê Vòng Xoay, đơn giản chỉ vì nó nằm ngay vòng xoay. Chỗ này cũng gần công ty của anh bạn, ngồi thư giãn tí, chờ bạn nghỉ trưa đi ăn trưa luôn tiện vậy mà.
Quán khá rộng, nhưng chỉ là không gian sân vườn, không máy lạnh, không phòng VIP, nhưng được cái lịch sự và thoáng mát. Cà phê khá ngon và đặc biệt là Wifi cực kỳ nhanh (chấm điểm 9 cho đặc điểm này).
Nhưng hình như quán không có phục vụ cơm trưa. Vũng Tàu tuy là thành phố du lịch, nhưng cà phê cực kỳ hấp dẫn và giá cả dễ chấp nhận được. Chỉ cần từ 10 -25k trong túi, ta có thể ung dung ngồi quán cả buổi không sợ bị làm phiền.

Cà phê phục vụ mỗi nơi, mỗi khác. Thay vì, cà phê được pha trong cái ly nhỏ kèm theo 1 tẩy đá (Giải pháp phổ biến ở các quán Sài thành), cà phê pha trong ly tròn, lùn kèm theo 3 viên đá bằng 2 ngón tay (Thường gặp trong các quán cà phê ở thành phố Đà Nẵng), thì đa phần các quán ở VT với ca phê pha trong ly lớn kèm theo (không biết nên gọi là chậu hay xô đá đây nữa), sau khi cà phê nhỏ hết xuống ly, khách tự chọn bỏ đá vào ly (tùy theo nhu cầu khác nhau của mỗi người).
So sánh vui một tí theo suy nghĩ của tác giả:
- Cà phê Sài Thành -> Uống no.
- Cà phê Đà Nẵng -> Thưởng thức hương vị (Cà phê cực đặc và chỉ có tí xíu ván dưới đáy ly).
- Cà phê Vũng Tàu -> Sữa nhiều hơn cà phê (Đủ dinh dưỡng cho khách ).

BA TRONG MỘT

Nếu như Pleiku trong nhạc của Phạm Duy (Còn chút gì để nhớ – thơ Vũ Hữu Định) được tả như một phố núi cao “Đi dăm phút đã về chốn cũ” thì Vũng Tàu bây giờ được nhắc tới bằng ca từ “Đi dăm bước đã vào quán nhỏ, một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng”… để chỉ các quán cà phê không đến thì nhớ!
Chị Trang, Việt kiều Mỹ cho nhận xét: “Là người dân chính gốc Vũng Tàu, chỉ sau vài năm đi xa, tôi thấy Vũng Tàu thay đổi nhiều quá. Nhất là các quán cà phê dường như ngày càng nhiều và càng đẹp, đầu tư lớn, thiết kế mỹ thuật chuyên nghiệp. Tôi thật sự thích không gian vừa thoáng đãng, sạch đẹp, nhiều cây xanh, vừa yên tĩnh của các quán cà phê. Nó có vẻ như khá phù hợp với những cuộc họp mặt chuyện trò cùng bạn bè, gia đình, nhất là vào dịp lễ, ngày tết”. Suốt từ hôm mùng 3 tết đến nay, sáng nào bạn bè chị cũng họp mặt ở quán cà phê từ 30 phút đến… 3 tiếng tại cà phê Phố Biển (đường Thống Nhất). Quán đông nhưng không ồn ào, phục vụ nhanh, chiều khách, lại lì xì một đĩa hạt dưa cho các bàn để… giữ hương vị ngày Tết.
Không chỉ có cà phê và các món giải khát nước ngọt, sinh tố, nước ép trái cây mà cả các món ăn điểm tâm, ăn nhẹ buổi trưa và các món nhâm nhi với bia như thịt xông khói, xúc xích Đức, mực một nắng nướng muối ớt… luôn sẵn sàng khi khách gọi. Người sành điệu vẫn chọn Cà phê Lan Rừng, Cà phê Garden để vừa uống cà phê vừa dùng bữa điểm tâm với các món: bún bò Huế, hủ tiếu bò kho, bánh mì ốp la, bánh mì cá hộp… Thích miến lươn thì ghé Cà phê Đồng Dao; chọn bún mộc, bánh ướt thì ghé Cà phê Ruby; ghiền bún nước lèo Sóc Trăng thì tới Cà phê Hải Đăng; ưa mì xào Singapore thì chạy lên Ô Cấp…
Như vậy là ngoài việc nhâm nhi ly cà phê vào buổi sáng sớm tinh mơ trong giai điệu du dương, bạn còn có thể dùng điểm tâm ngay tại bàn, với tay lấy thêm tờ báo, đọc cho biết tin tức thời sự, giá vàng giá đô, tình hình thị trường chứng khoán, kể cả xu thế thời trang của Việt Nam và của cả thế giới đều có. Nhiều quán cà phê đặt những chiếc giỏ mây xinh xinh đựng báo, tạp chí. Có quán còn đặt cả chiếc kệ gỗ với những quyển sách hay đang bán chạy. Có quán còn thiết kế cả một nhà banh, cầu tuột cho trẻ em tự vui chơi, đỡ làm phiền ba mẹ trong lúc uống cà phê, đọc báo hay ngắm cảnh. Chưa hết đâu. Bạn muốn làm việc hay liên lạc với bạn bè tại quán cà phê không? Vô tư đi, vì Internet không dây đường truyền cực nhạy đã kết nối ở hầu hết các quán cà phê.
3 trong 1 hay 4 trong 1 với một quán cà phê ở Vũng Tàu để chiều lòng khách là chuyện không lạ. Nhưng văn hoá phục vụ cũng như văn hoá hưởng thụ của khách đến quán cà phê ở Vũng Tàu giờ đã nhiều đổi khác: từng đôi, từng nhóm bạn – ăn mặc đẹp như đi hội, đông đúc, nhưng không ồn ào, vừa thưởng thức cà phê, vừa chuyện trò, đọc vài tờ báo hoặc cũng có thể thả hồn về “Riêng một góc trời” nào đó vừa gợi nhớ theo tiếng nhạc du dương và giọng ca trầm ấm của Tuấn Ngọc: “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về bên dòng suối”…

LANG THANG VỚI... CÀ PHÊ VŨNG TÀU

Cách đây mấy năm, sự ra đời của cà phê Ca Dao đã trở thành một hiện tượng lạ, độc đáo đối với giới thưởng ngoạn cà phê ở Vũng Tàu. Một không gian riêng, yên tĩnh để rủ rỉ tâm sự, một dòng nhạc êm dịu, nhẹ nhàng để thư giãn... đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của mỗi con người. Tiếp sau đó là sự có mặt của hàng loạt các quán cà phê nhạc với những cái tên là lạ như Trầm, Thí dụ, Dòng thời gian, Ôma, Hải Đăng..., làm nên một nét riêng trong "văn hóa’’ cà phê biển của Vũng Tàu nay.

"LÀNG"… TRONG QUÁN!

Một không gian xanh, cổ kính của những rêu phong phố cũ, êm đềm làng xưa là nét đặc trưng riêng của "không gian văn hóa" cà phê Vũng Tàu. Thành phố vốn ồn ào chật hẹp, nên tạo được một khoảng không gian thoáng mát, trong lành để thư giãn tinh thần và thưởng thức âm nhạc không phải là chuyện dễ làm. Điều này đòi hỏi người thiết kế, xây dựng phải có một ý tưởng mới, am hiểu được "cái gu" của khách và "bắt đúng mạch" giới thưởng ngoạn cà phê ở Vũng Tàu. Anh Thân Ngọc Hà, chủ nhân của quán cà phê Dòng thời gian, đường Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP. Vũng Tàu cho biết: "Cái chính là mình phải thiết kế làm sao cho khách ngồi ở góc độ nào cũng ngắm được cây cảnh, và có cảm giác như đang ngồi ở giữa một khu vườn xanh mát cây cảnh, hoa lá...".

Dòng thời gian ra đời từ tháng 8-2003 trên cơ sở cũ là cà phê Thanh Lịch. Theo anh Hà thì sau một thời gian được đi tham quan ở Malaixia, Singapore và các nơi ở trong nước, ý tưởng mở một quán cà phê theo phong cách cổ kính, hướng đến những gì xưa cũ, tao nhã, thanh lịch… được hình thành trong anh. Và thế là Hà đi lùng mua các loại vật liệu như sành, sứ, các lại đá về thiết kế, lắp ghép, tạo nên một không gian kiến trúc vừa mang nét cổ xưa, gần gũi vừa có sự gắn kết giữa thiên nhiên với con người. Để không khí được mát mẻ, Dòng thời gian còn thiết kế các dòng nước chảy như tiếng mưa rơi, hòn non bộ và các vòi phun hơi nước xung quanh là nét bảng lảng như sương, như khói của mùa xuân… Trong khuôn viên "cà phê phòng lạnh", mỗi bàn còn được thắp một ngọn nến, không gian lung linh huyền ảo mang lại sự ấm áp, dễ chịu. Và quan trọng là những người cùng bàn sẽ cảm thấy gần nhau hơn.

"Thí Dụ" cũng là một… thí dụ! Ra đời cách đây một năm rưỡi, quán được thiết kế theo phong cách cổ kính của gạch cũ, của những gam màu nâu sẫm giữa một không gian cỏ cây, tre trúc. Với một diện tích khá hẹp (chỉ có 240m2), nhưng quán vẫn không làm cho mỗi người cảm thấy sự chật hẹp khi đến đây thưởng ngoạn. Trong phòng, mọi sự sắp xếp, bài trí khá tinh tế và đẹp mắt bởi những bức tranh, bởi ánh sáng dịu nhẹ. Trên mỗi bàn luôn luôn có một lọ hoa tươi. Ngồi ở trong phòng luôn có một cảm giác như đang ngồi một căn phòng ấm cúng của một mùa đông xứ Bắc. Cảm giác này cũng dễ đến với dân ghiền "không gian cà phê" khi vào phòng trà Ôma. Đây còn là phòng trà duy nhất ở Vũng Tàu có sự kết hợp giữa biểu diễn âm nhạc theo chủ đề và tặng quà cho khách vào các ngày lễ.

keen_vt
12-04-2010, 11:35
MỘT CÕI ĐI VỀ…

"Điều mà tôi thích nhất khi vào Dòng thời gian, Thí Dụ, Trầm… là phong cách phục vụ của nhân viên. Lịch sự và chu đáo. Điều đó thể hiện sự tôn trọng khách của chủ quán. Thêm vào đó là không gian và dòng nhạc êm dịu, nhẹ nhàng thư thái đem lại cho khách một cảm giác riêng tư, yên bình" - anh Nguyễn Văn Minh, một cán bộ công chức thành phố Vũng Tàu cho biết: "Giữa một không gian kiến trúc như thế, không gì phù hợp hơn là sử dụng những dòng nhạc trữ tình, sâu lắng", anh Nguyễn Văn Tài, chủ nhân quán Thí Dụ góp ý. Chính sự chọn lựa những bản nhạc tiền chiến và những âm hưởng du dương của giai điệu hòa tấu đã tạo nên sắc thái riêng cho quán cà phê này. Quán Thí Dụ có hàng trăm đĩa nhạc, chủ yếu là nhạc tiền chiến. Có rất nhiều đĩa nhạc từ trước năm 1975 như những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… Buổi sáng, ở Thí Dụ mở nhạc ngoại, gồm những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng, buổi chiều và tối là những giai điệu trữ tình, êm ái của nhạc tiền chiến… Mỗi quán lại có một hương vị riêng. Và ở đó còn là cả một bí quyết của nghệ thuật pha chế nước uống mà ngay cả giới sành điệu nhất, khó tính nhất cũng khó lòng không ưng ý.

Khách của Thí Dụ, Dòng thời gian, Trầm… chủ yếu là những cán bộ công chức nhà nước từ thanh niên đến trung niên, thậm chí có cả những bậc cao niên. Họ vào quán để được thanh thản, bình yên lan tỏa đến thẳm sâu tâm hồn trong những phút giây với âm nhạc, với thiên nhiên, với những âm vọng của quá khứ được tinh lọc qua bề dày của thời gian. "Tôi thường xuyên đến thành phố Vũng Tàu công tác cũng như nghỉ ngơi. Ngoài những lúc đi tham quan, tắm biển thì tôi thấy sự ra đời của những quán cà phê này đã tạo nên một nét duyên riêng, hấp dẫn không chỉ với những người dân phố biển mà là nét đặc trưng "văn hóa cà phê" mà bất cứ du khách nào khi đến Vũng Tàu cũng khó lòng đi qua mà không dừng chân ghé lại…", chị Trần Thanh Nhã, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nhận xét.



MỚI LẠ NHỮNG KIẾN TRÚC CÀ PHÊ BIỂN

Ấp ủ có một mô hình cà phê mới lạ, tạo không gian riêng cho người dân phố biển cũng như du khách đến Vũng Tàu, chủ nhân của cà phê Classic đã mất khá nhiều vốn và thời gian để rồi tạo cho mình một phong cách khác lạ, cổ điển như chính tên gọi "Classic". Anh Nguyễn Hữu Vinh, Kiến trúc sư thiết kế Classic cho biết: "Chúng tôi muốn tạo một nét mới, riêng biệt, không hoà lẫn vào những không gian cà phê sẵn có. Thậm chí còn mang lại một tiếng nói, một ngôn ngữ riêng tạo nhiều thú vị và bất ngờ cho người tìm đến". Mà thế thật, khách thưởng ngoạn cà phê khi đến với Classic số 24 Trương Công Định, phường 3, TP.Vũng Tàu như bước vào một ngôi biệt thự vườn có dáng vẻ thanh thoát, phảng phất nét cổ xưa của Pháp. Hàng rào chắn là những thanh gỗ sơn trắng làm tôn lên vẻ rực rỡ của những bụi hoa. Những chiếc cối đá được cách điệu như những ao nước tí hon thả đầy hoa cúc vàng trông thật nên thơ, lãng mạn. Phía sau hàng rào mặt tiền, với cách sắp xếp và sử dụng hợp lý loại gạch gốm cát vàng, sân của khu này trở nên sinh động, lịch lãm. Mãng tường trang trí bằng những ô vuông lồi lõm đan thành hình ca rô vuông vức. Hoa văn bề mặt tường được tạo nét khác biệt từ bột trét mastic. Việc kết hợp những gam màu ấm áp và hiệu quả thiên nhiên từ bề mặt đá ong cùng với điểm nhấn là nhiều bình gốm nung đỏ là một bức tranh sinh động về ánh sáng vào ban đêm.

Không gian mở bên ngoài thoáng đãng, lãng mạn là thế, không gian bên trong quầy bar không kém phần sang trọng lịch lãm. Từ những khung cửa sổ sơn trắng điểm xuyết hoa văn mềm mại, được trang trí khung bao quanh bằng gạch thẻ, kết hợp ô vuông gỗ mộc mạc, đến những mảng tranh khắc trên tường với những hình thù ngộ nghĩnh, dễ thương là những hình ảnh của biển, của những câu chuyện dân gian. Hàng cột ốp gỗ đậm chắc được xử lý bề mặt cũ kỹ đã trở nên duyên dáng bởi những vòng quấn của dây thừng. Rồi một mạch nước trong vắt chạy dọc chia đôi căn phòng được thả bồng bềnh những đóa hoa tạo một phong cách đặc biệt, mới lạ. Tất cả những tác phẩm tranh, những cụm cây khô trắng xoá, những bình gốm lạ lẫm, những cối đá thô sơ… đều hoà hợp tôn vinh vẻ đẹp cho nhau tạo một không gian nội thất lẫn ngoại thất đặc biệt thi vị, ấn tượng.

Đối lập với nét cổ điển đằm thắm của Classic là phong cách hiện đại, mạnh mẽ của cà phê Vũng Tàu, số 207 Nguyễn Văn Trỗi. Kiến trúc sư Trần Tiến Khoa cho biết: "Chúng tôi lấy cảm hứng từ những công trình nhà nghỉ của vùng núi Bắc Mỹ, kết hợp hài hoà trên nền tảng kiến trúc Việt Nam để tạo một phong cách thật hiện đại cho Cà phê Vũng Tàu". Đó là một ngôi biệt thự hai tầng với các chóp mái nhấp nhô cao thấp hiện đại được bao bọc bởi mảng cây xanh thuộc loại "hàng độc" như: Thốt nốt của Thái Lan, sứ hồng nhung, dừa bẻ quạt của Nhật . Không gian được phân chia cao thấp rõ ràng giữa khu vườn và nội thất ngôi nhà để tạo hiệu quả sinh động cho kiểu sân vườn vùng đồi núi. Để tạo phong cách mạnh mẽ, tự nhiên cho khu vườn, nhà thiết kế đã mạnh dạn sử dụng các loại đá làm vật liệu trang trí chủ đạo. Nào đá chẻ, đá rửa, đá tổ ong, đá hoa cương, những hòn cuội… được bố trí khéo léo, phù hợp cho từng khu, tạo hiệu quả mỹ thuật cao. Ví như dãy hàng rào mặt tiền của Cà phê Vũng Tàu được xây "thô" bằng đá chẻ trắng tự nhiên. Bề mặt được cách điệu lồi lõm, các cột hàng rào được tạo dáng bằng cách xếp chồng so le các tấm đá vuông… Dãy tường được ốp các loại đá màu nóng, đá tổ ong để tạo hình đồi núi, ở giữa bức tranh đá được tạo hình hai dòng thác đổ nước từ trên cao xuống từ hiệu quả của đá hoa cương màu trắng, xanh lam. Trên tường đính rải rác từng chiếc kệ đá nâng những hòn cuội nhẵn đủ các hình thù. Để khu vườn đá không bị "khô", thì việc sắp xếp các chậu hoa, bình gốm, bố trí cổng gỗ, bàn ghế hợp lý đã làm cho khu vườn trở nên mềm mại hơn. Rồi từng lối đi, từng cụm non bộ ở mỗi góc vườn đều tạo cảm giác mạnh mẽ, "gai góc" nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Phần tường cuối khu vườn cũng được ốp những cột đá vuông khác màu, lồi, cao thấp nhấp nhô tạo cho khách đến thưởng thức cà phê có cảm giác như ngồi trên sân thượng một ngôi nhà cao tầng nhìn xuống một khu phố hiện đại.

LUNG LINH SẮC MÀU

Một quán cà phê sang trọng đến đâu, thức uống dù ngon như thế nào nhưng nếu thiếu những gam màu và nghệ thuật chiếu sáng thì xem như quán đó mất đi "linh hồn". Không gian của phòng trà ÔMa lung linh huyền ảo nhờ những ánh nến nhỏ được thắp trên những chân đế bằng gốm hình hoa sen. Không gian của Ca dao trở nên ấm cúng nhờ ánh sáng vàng nâu toả ra từ cây đèn bão treo trên cao và thời gian như ngừng lại bởi chiếc đồng hồ treo tường quay ngược thật độc đáo. Hệ thống đèn nê- ông đủ các gam màu nóng toả ra từ phía sau trần nhà, tường đã tạo một không gian rực rỡ, sống động, khoẻ khoắn cho Bar Vũng Tàu. Việc bố trí đèn trong những chậu gốm đỏ có nhiều kích cỡ khác nhau tạo cảm giác ấm áp. Sắc vàng chanh hắt ra từ những hộp đèn có hoa văn cây cỏ thật thanh thoát. Những đốm sáng nhỏ hắt ra từ những cây đèn dầu cho mọi người một cảm xúc hoài niệm về quá khứ… tất cả đã đem lại cho Classic một phong cách đặc biệt ấn tượng.

Một không gian riêng, yên tĩnh để cùng người thương hàn huyên tâm sự. Một dòng nhạc trữ tình êm dịu để cùng người tri âm lắng nghe, chia sẻ. Vài ngụm cà phê đắng cho tình bằng hữu… Tất cả đã trở thành nhu cầu thiết yếu cho con người thư giãn sau những chuỗi ngày làm việc…

keen_vt
12-04-2010, 11:36
Bãi Trước
Là mặt tiền của Vũng Tàu, nằm về hướng tây-nam, còn gọi là bãi “Tầm Dương” - Tìm ánh mặt trời. Vào buổi bình minh và hoàng hôn, mặt trời đỏ rực như tan vào nước biển mênh mông. Bãi Trước như một nửa vành trăng tựa lưng vào đất liền, hai đầu là hai ngọn núi Tương Kỳ và Tao Phùng. Thiên nhiên sơn thuỷ hửu tình đã tạo cho Bãi Trước cảnh thơ mộng là bến đậu của những con tàu trở về sau những chuyến hải trình

Dọc Bãi Trước trồng nhiều dừa vì vậy trước đây còn có tên là vịnh Hàng Dừa. Giờ đây vẫn rợp bóng dừa và được điểm tô thêm màu xanh của những cây bàng, cây sứ. Bên dưới những bóng cây xanh rợp mát là một khu công viên đầy hoa dành cho khách bộ hành hóng mát... bên tiếng sóng biển du dương.

Trung tâm thành phố Vũng Tàu tọa lạc ở khu vực Bãi Trước với nhiều toà nhà, khách sạn mới, hiện đại được mọc lên càng tô điểm cho Bãi Trước một nét đẹp vừa xa xưa vừa hiện đại. Đêm về, dọc đại lộ Trần Phú, Quang Trung rực sáng với hệ thống đèn cao áp, trên các tòa nhà cao lộng gió, những quán cà phê rực rỡ muôn ánh đèn đủ sắc màu tỏa sáng lung linh cùng xa xa những chiếc tàu neo đậu với những vầng ánh sáng xanh đỏ tỏa lan trên mặt biển tạo cho bãi trước một vẻ đẹp thật quyến rũ về đêm.
Bãi sau
Nằm ở phía đông nam và còn có tên gọi “Bãi Thùy Vân". Bãi Sau dài 8 km, là bãi biển dài và thơ mộng nhất của Vũng Tàu. Nếu như biển ở Bãi Trước có nét đẹp lộng lẫy và rực rỡ thì Bãi Sau có nét đẹp dịu dàng của một vùng biển quanh năm đầy nắng ấm. Đại lộ Thùy Vân con đường đầy hoa chạy dọc theo Bãi Sau, một bên là những dãy phố sầm uất, nhà cao tầng,
Click the image to open in full size.khách sạn dáng vóc hiện đại, đầy đủ tiện nghi, một bên là bãi cát vàng và nhiều khu du lịch đủ các loại hình dịch vụ giải trí vui chơi trên biển… dành cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt có một sân golf rộng hơn 100ha đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bãi Sau còn có khu rừng dương - một cánh rừng rộng với những cây phi lao cổ thụ xanh rợp trên nền cát trắng. Dưới rừng dương thấp thoáng những căn nhà nghỉ bằng gỗ, thiết kế theo kiểu nhà rông vừa tao nhã, vừa thanh lịch, đậm nét văn hóa của núi rừng Tây Nguyên, nhà được trang bị đủ tiện nghi, vừa hiện đại, vừa dân dã là chỗ dừng chân lý tưởng cho mọi du khách.

Bãi sau là nơi thu hút nhiều du khách lui tới vui chơi tắm biển nghỉ mát ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Vào những các ngày tết, lễ, đón mừng năm mới… Bãi Sau tràn ngập người ghé đến, trên bờ cũng như dưới nước như không còn chỗ trống tạo nên một sức sống của một trung tâm du lịch nổi tiếng khắp nơi.

Bãi Dứa
Từ Bãi Trước, dọc theo đường Hạ Long là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam uốn lượn trên một đoạn triền núi lấn ra bờ biển sẽ đưa ta tới Bãi Dứa. Người xưa kể lại rằng sở dĩ có tên bãi Dứa, vì trước đây triền núi nhô ra biển rất nhiều những cây dứa dại (một loại cây có hương thơm như gạo nếp hoặc nàng hương) tỏa thơm ngát một vùng nên bãi này còn có tên gọi là Bãi Lãng Du là một bãi biển đẹp của Vũng Tàu.
Click the image to open in full size.
Cái đẹp ở đây không ồn ào tấp nập mà là một vẽ đẹp mộng mơ, tĩnh lặng. Biển len lỏi trong các hẽm núi, ghềnh đá, tạo nên các vũng nhỏ ôm ấp những mạch nước ngầm trong suốt đang rí rách. Khung cảnh này rất hợp với những đôi tình nhân hay tuần trăng mật của những lứa đôi còn đang nồng nàn hương hoa ngày cưới. Phía trên triền núi dọc theo đại lộ Hạ Long là các nhà nghỉ, khách sạn theo kiểu biệt thự đầy đủ tiện nghi. Xen kẽ những ngôi chùa miếu khá nổi tiếng ở Vũng Tàu như Niết Bàn Tịnh Xá, miếu Ông Nam Hải... là những nơi dành cho khách mộ điệu hành hương về dâng hoa cầu phước, cầu lộc…

Ai đó đã đến Vũng Tàu cách đây dăm bảy năm bây giờ mới có dịp trở lại Bãi Dứa sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay kỳ diệu. Đó là thành quả lao động sáng tạo, hòa quyện cùng thiên nhiên để tạo ra những cảnh quan tuyệt vời của Bãi Dứa.

Bãi Dâu
Nằm ở phía tây Núi Lớn, dọc theo đường Trần Phú, từ Bạch Dinh (Bãi Trước) đến Bãi Dâu xa chừng 3km. Bãi này trước đây gọi là bãi Vũng Mây, vì trên triền hòn Núi Lớn đoạn này có nhiều cây mây mọc. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, một thương nhân người Pháp đến đây lập cơ sở nuôi tằm và trồng rất nhiều dâu trên triền núi và dọc theo bờ biển nên dần theo thời gian tên Vũng Mây được thay thế bằng Bãi Dâu.

Ngày nay Bãi Dâu được mở rộng hơn, bao gồm những vịnh nhỏ khoảng giữa Núi Lớn. Do nằm bên triền núi ăn sát ra biển, Bãi Dâu được kiến tạo bởi nhiều vịnh nhỏ xinh xắn, những gộp đá nhỏ xen giữa triền cát vàng cát trắng mịn màng. Các bãi tắm ở đây kín gió, nhiều đoạn biển sát chân núi với những vách đá dựng đứng hoặc thoai thoải đón từng đợt sóng biển vỗ về bọt tung trắng xóa, tạo nên cảnh sắc sơn hải hữu tình. Đường Trần Phú uốn lượn cheo leo trên vách núi, một bên là biển cả mênh mông, một bên là núi rừng, cỏ cây xanh thẳm. Giữa khung cảnh núi rừng xanh ngắt nổi bật lên tượng Đức Mẹ Maria, Phật Bà Quan Âm hoà quyện bên tiếng sóng biển dạt dào, tiếng gió ngàn vi vút tạo nên một âm thanh vừa huyên náo, vừa tịch liêu làm thư thái tâm hồn du khách thập phương dù lần đầu ghé đến.

Dọc đường Trần Phú với cảnh sơn thuỷ hữu tình, bãi tắm nên thơ, những quán ăn với món ngon miền biển… thu hút được nhiều người tới du lịch thưởng ngoạn.
Nghinh Phong
Từ Niết Bàn Tịnh Xá, theo đại lộ Hạ Long qua hết Bãi Dứa là tới Nghinh Phong có nghĩa là "đón gió" thổi suốt bốn mùa. Như một cánh tay vươn dài ra biển, Nghinh Phong tạo thành hai bãi biển ở hướng tây và hướng đông. Đó là bãi Vọng Nguyệt (hay Ô Quắn) và bãi Hương Phong, xa xa là Hòn Bà - Bồng đảo nơi du khách có thể ghé đến vào những khi thuỷ triều hạ thấp.
Những đêm vào mùa trăng mọc, hay lúc hoàng hôn, biển ở đây sáng rực như được dát một lớp bạc óng ánh. Bên tiếng sóng rì rào, trước mặt biển sáng bạc mênh mông bao la của trời mây sóng nước làm người ta dễ lâng lâng bay bổng tâm hồn.

Click the image to open in full size.Ba mặt tiếp giáp với biển của Nghinh Phong là vách núi dựng đứng khá cao, đứng trên đường nhìn xuống ta cảm thấy biển ở đây như xanh hơn nơi khác, lộng gió và mát mẻ lạ thường. Bãi tắm ở đây trong và sâu là nơi dành cho người hiếu động, thích cảm giác mạnh từ những ngọn sóng dập dồn và rất thích hợp cho những người ưa thích bộ môn câu cá

keen_vt
12-04-2010, 11:37
Khi ánh mặt trời khuất dần dưới làn nước biển, thành phố bớt dần không khí ngột ngạt của cái nắng ban ngày, cuộc sống đêm của phố biển mới bắt đầu. Vũng Tàu vào đêm với những ánh đèn màu rực rỡ như thắp sáng cả một góc trời. Và nếu ai đó có một lần dạo Vũng Tàu đêm mới cảm nhận hết đằng sau cái vẻ náo nhiệt, ồn ào của một đô thị trẻ, của một thành phố trẻ, Vũng Tàu cũng có những khoảng lặng thật yên bình…


BÁT PHỐ ĐÊM

"Đến Vũng Tàu, không thể bỏ qua thú vui đi dạo biển đêm. Đẹp và cực kỳ thú vị!". Đó là nhận xét của khá nhiều người khách khi đến Vũng Tàu. Và phố đêm Vũng Tàu còn có một cái thú khác đó là dạo biển đêm, ghé vào một quán cà phê nào đó dọc bờ biển để vừa nhâm nhi ly cà phê thơm nồng trong không khí se lạnh của những làn gió biển thổi vào, vừa ngắm biển đêm rực sáng bởi ánh điện hắt xuống từ bên đường hay từ những chiếc thuyền đậu trên mặt biển…

Khác hẳn sự lặng lẽ ban ngày, khi ánh mặt trời vừa tắt, những khu vui chơi công cộng như hoa viên Trưng Vương, công viên Bãi Trước, Mũi Nghinh Phong… như chợt bừng tỉnh bởi bước chân người qua lại. Có nhiều lý do khiến họ đến những nơi này. Người thì chọn đây là điểm để kết hợp vừa đi hóng mát vừa đi bộ tập thể dục. Người thì lại chọn đây là điểm để tránh cái ngột ngạt, oi bức trong các khu dân cư. Còn với nhiều bạn trẻ, những nơi này còn là "điểm hẹn tình yêu" khá lý tưởng… Gặp anh Lê Hoàng Minh ở 56/12 Phan Đăng Lưu, TP. Vũng Tàu khi anh đang đưa gia đình đi chơi tại công viên Bãi Trước, anh cho biết: "Suốt ngày bị bó trong nhà, không khí thì oi bức nên tối đến, vợ chồng tôi tranh thủ đưa các cháu đến đây chơi cho mát, cũng là để chúng được vui chơi trong môi trường xanh với thiên nhiên, cây cỏ". Điều này đã giải thích vì sao tối nào không cứ gì công viên Bãi Trước mà phần lớn các điểm vui chơi công cộng đều tấp nập người đến vui chơi, dạo mát.

Một chọn lựa khác lại được đa phần là các bạn trẻ chọn lựa là đi dạo ven biển. Hệ thống đường Hạ Long - Quang Trung - Thuỳ Vân vốn rộng là thế nhưng khi tối đến lại trở nên đông đúc bởi dòng xe cộ ngược xuôi, qua lại. Và thú vui đi "bát phố" còn thu hút cả sự tham gia đầy nhiệt tình của khách du lịch có dịp ở lại Vũng Tàu qua đêm."Lợi thế nhất của Vũng Tàu là có tuyến đường ven biển rất đẹp. Lần nào đến đây chơi tôi cũng thu xếp dạo một vòng trước khi về nghỉ", chị Ngọc Hoa, du khách đến từ quận 3. TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Sau một vòng dạo chơi hết Bãi Trước – Bãi Sau, điểm đến tiếp theo sẽ là các quán cà phê nằm dọc trên đường Hạ Long – Trần Phú men bên sườn Núi Lớn, Núi Nhỏ. Khoảng hơn 8 giờ tối, chúng tôi có mặt tại quán cà phê Ô Cấp 1, quán đã không còn một chỗ trống. Trong dòng người đông nghịt trong quán còn có không ít du khách nước ngoài đến đây thư giãn. "Các quán cà phê ở đây khá đẹp, lại nằm ngay cạnh bờ biển. Ngồi trên quán, tôi có thể bao quát được hết khu vực biển Bãi Trước, ngắm dòng người qua lại phía dưới đường Hạ Long. Vừa được thư giãn, lại được ngắm mọi người qua lại trên phố cũng khá thú vị", chị Ngọc Hoa nói thêm. "Sài Gòn cũng có cà phê, đôi khi còn đẹp và ngon hơn cả các quán ở Vũng Tàu, nhưng cái hơn của Vũng Tàu là có không khí trong lành, mát mẻ của khí trời chứ không ngột ngạt và đậm mùi máy lạnh như ở Sài Gòn", anh Mạnh Hùng, người bạn ngồi cùng bàn góp chuyện. Và cũng chính vì lý do này mà khiến nhóm bạn của anh lần nào xuống Vũng Tàu cũng đều đến quán cà phê ven biển nào đó ngồi để hít thở không khí trong lành của phố đêm.

Và để "trang bị" cho chiếc xe của bạn đủ nhiên liệu để dạo phố đêm, một địa chỉ đã được nhiều người nhớ mỗi khi muốn đi chơi khuya là cây xăng Bến xe (192, Nam Kỳ Khởi Nghĩa). "Cây xăng này mở cửa cả đêm, chị đến lúc nào cũng được phục vụ nhiệt tình", Hoàng, cậu bé đi cùng mách nước khi thấy tôi băn khoăn nhìn xuống đồng hồ xăng với ánh mắt ái ngại
.
PHỐ ĂN ĐÊM

Sau chuyến bát phố, nếu bạn cảm thấy đói và muốn có cái gì đó lót dạ, bạn có thể tìm đến phố ăn đêm nằm quanh rạp Điện Biên từ đoạn đường Trưng Trắc - Trưng Nhị, Đồ Chiểu vòng sang Lê Lai, Lý Tự Trọng và Lý Thường Kiệt. Đến đây, bất kể giờ nào bạn cũng có thể gọi cho mình những món ăn, thức uống nóng sốt không thua gì vào giờ bán ban ngày. Theo chị Mai, chủ quán hủ tiếu Mai nằm ở góc đường Lý Thường Kiệt – Lý Tự Trọng, quán ăn đêm ở khu vực này phục vụ suốt đêm. Càng về đêm, khách đến đây càng đông. "Cao điểm là từ khoảng 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Khi ấy các quán bar, vũ trường mới đóng cửa, khách chơi ở những nơi này mới đi ăn bữa khuya. Những người làm việc đêm cũng ghé đây", chị Mai cho biết thêm. Khách đến đây có thể gọi cho mình những món ăn đặc sản như cháo hào, cháo hải sản 15 – 20.000 đồng/tô đến những món thật bình dân chỉ vài nghìn đồng như bánh mì, bánh bao và nước mía.

Còn với những khách thích lai rai cùng bạn bè thì có thể tìm đến quán ăn Cây Me Ngọt nằm ở góc đường Lê Lai – Lý Tự Trọng. Khi chúng tôi đến quán, đồng hồ tay đã chỉ con số hơn 1 giờ sáng thế nhưng dường như giờ đây quán mới thật sự đông khách. Khách hàng đến đây không phân biệt sang, nghèo, tất cả đều ngồi bên chiếc bàn gỗ nhâm nhi các món ăn đặc sản của quán với các món lẩu, cá biển, khô mực, khô đuối… Vừa ăn vừa xuýt xoa bởi vị cay của ớt trong các món ăn, lại vừa xuýt xoa bởi cái se lạnh của đêm miền biển ngấm vào trong từng thớ thịt. Trở về nhà sau một đêm qua các phố vui Vũng Tàu đêm trong khung cảnh trời đêm tĩnh mịch mới cảm nhận được hết nét yên tĩnh, thanh bình, đầy những làn gió biển của thành phố Vũng Tàu.

keen_vt
12-04-2010, 11:38
Thiền viện Chơn Không tọa lạc tại số 36/11 Viba, phường 6, TP.Vũng Tàu, trên triền của ngọn núi Lớn là một điểm tham quan rất thanh bình dành cho du khách bởi cảnh vật nơi đây yên tĩnh, nếp chùa trang nghiêm. Từ trung tâm TP. Vũng Tàu theo con đường núi Lớn (đường Trần Phú), dừng chân gửi xe lại dưới chân núi, bạn sẽ phải vượt qua con đường nhựa quanh co uốn khúc để đến với thiền viện này.

Về lịch sử xây dựng, vào tháng 4 năm 1966, hòa thượng Thích Thanh Từ đã đến khai phá vùng đất Hòn Chụp - Núi Tượng Kỳ (Núi Lớn) và cho xây dựng Pháp Lạc Thất. Đến năm 1971, tu viện Chơn Không được thành lập.Và cho đến tháng 8 năm 1995 thì tu viện chính thức đổi tên là Thiền viện Chơn Không như ngày nay. Vị hòa thượng Thích Thanh Từ đã giao việc quản lý hòa thượng Thích Thông Nhẫn làm chủ trì.

Qua hết một con dốc khá cao, hai bên là vách đá và những hàng cây xanh mát là bạn đã thấy thấp thoáng cổng chùa vững chãi hiện ra trước mắt. Bước vào khuôn viên chùa là một khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng. Đi hết đường Tiêu Dao là đến chánh điện. Từ chánh điện, bạn có thể phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng thành phố Vũng Tàu với Bạch Dinh ẩn hiện trong rừng hoa sứ, hay tượng chúa Kitô phía xa xa...

Tại thiền viện này đang trong quá trình hoàn thành một dự án du lịch mới - du lịch thiền. Theo đó, thiền viện Chơn Không sẽ trở thành khu du lịch văn hóa Thiền đầu tiên của Vũng Tàu với nhiều công trình như: Khu vườn đá Phương Đông, khu thiền Yoga, khu biểu diễn thư pháp, khu giới thiệu và nấu các món chay dưỡng sinh, khu vườn thuốc Nam chữa bệnh miễn phí, khu hoa viên, khu xây dựng tượng đức Phật, bảo tàng Phật giáo, khu trà đạo...
Hiện nay, thiền viện còn tổ chức những lớp học thiền, ngoài ra hai tuần một lần vào chủ nhật còn có ngày thọ bát để phật tử khắp nơi đến học thiền và sinh hoạt theo thanh quy từ sáng đến chiều. Một lần đến với thiền viện Chơn Không bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thanh tao của nó, vốn dĩ được ẩn hiện trong từng công trình kiến trúc, trong những con người...

https://www.simplevietnam.com/uploads/DAT%20NUOC%20-%20CON%20NGUOI/Vungtau/thienvienck.jpg

https://www.simplevietnam.com/uploads/DAT%20NUOC%20-%20CON%20NGUOI/Vungtau/chanhdienck.jpg

https://www.simplevietnam.com/uploads/DAT%20NUOC%20-%20CON%20NGUOI/Vungtau/lauchuongd.jpg

https://thuongchieu.net/images/cacthienvien/gioithieu/chonkhong/tvchonkhong03.jpg

https://thuongchieu.net/images/cacthienvien/gioithieu/chonkhong/tvchonkhong04.jpg

https://thuongchieu.net/images/cacthienvien/gioithieu/chonkhong/tvchonkhong05.jpg

keen_vt
12-04-2010, 11:40
Nhắc đến thành phố Vũng Tàu, người ta không chỉ nghĩ đến các món hải sản tươi ngon mà còn "điểm danh" một món ăn mà ai từng nếm qua đều nhớ: bánh khọt Vũng Tàu.

Từ Bà Rịa đến Vũng Tàu có nhiều quán bánh khọt, nhưng địa điểm được nhiều du khách lẫn người dân địa phương chọn làm “chốn dừng chân” là quán bánh khọt gốc Cây Vú Sữa, số 14 Nguyễn Trường Tộ.

https://i687.photobucket.com/albums/vv235/minhquanvita/IMG_0906_GF.jpg

https://i687.photobucket.com/albums/vv235/minhquanvita/IMG_0907_GF.jpg

Quán bài trí sơ sài, biển hiệu đơn giản, bàn ghế nhựa bình dân nhưng từ 6giờ30 sáng đã phải mở cửa phục vụ thực khách. Nếu đi nhóm đông, bạn phải đặt chỗ trước.


Bánh khọt Vũng Tàu được làm từ bột gạo xay và nhân tôm tươi, cộng với... những bí quyết riêng của chủ quán mà nhiều nhà hàng ở những nơi khác không có được.


Bột bánh được chuẩn bị và xay kỹ từ hôm trước - đây là điểm quan trọng để chiếc bánh xốp mịn. Tôm cũng phải chọn những con thật tươi. Sau đó, đổ bánh lên những chiếc khuôn inox hình tròn có tráng một lớp dầu bên dưới và đặt những con tôm tươi vào trong lòng bánh.


Bánh chiên xong được phủ một lớp bột tôm mịn lên trên mặt bánh, rưới thêm một lớp hành lá lên trên, vừa ngon miệng vừa bắt mắt.


Bánh khọt Vũng Tàu khi ăn có vị giòn ở lớp da bên ngoài, nhưng bên trong lại mềm, thực khách không bị ngán nếu ăn nhiều.


Bánh khọt ăn kèm với nước chấm chua ngọt, thêm chút ớt cay và đu đủ, ngó sen bào sợi. Nước chấm cũng phải pha theo một tỷ lệ chính xác để không chua quá và có vị ngọt vừa đủ.


Bánh khọt ăn đúng cách phải cuốn với xà lách hoặc rau cải, ăn kèm với các loại rau sống như húng, quế, tía tô...


Vào những buổi sáng hiu hiu gió, thật thú vị khi được thưởng thức những chiếc bánh khọt ngon giòn và ngắm mặt trời mọc ở thành phố biển…



Bánh khọt đúng là chỉ ăn ở Vũng Tàu mới ngon thật. Bánh khọt được làm từ bột gạo, đổ lên bộ khuôn gồm nhiều chiếc chén nhỏ bằng đất nung trên bếp than hồng. Khi bánh chín sơ mới mở nắp ra cho tôm vào.


Bánh chín, rắc lên trên mỡ hành và một ít tôm chấy (ruốc tôm) hoặc bánh mì khô. Cả bộ khuôn bánh được nhấc lên bàn cho khách khi còn nóng hôi hổi. Khách tự vớt những chiếc bánh trắng có tôm đỏ hồng,cháy xém cạnh ra, chấm với nước mắm có đồ chua, ăn kèm rau sống như rau cải, xà lách, dấp cá… thoáng một cái, chục chiếc bánh khọt đã hết veo. Miệng vẫn còn thòm thèm…
Bí quyết của món bánh khọt là phần bột. Bột phải xay từ tối hôm trước để qua đêm, sáng hôm sau đổ bánh mới giòn, không bị nhão, chảy. Ngoài ra tôm phải tươi, rồi nước chấm cũng phải pha rất khéo, vừa độ chua, độ ngọt, mặn dịu để có thể ngâm cả chiếc bánh khọt trong chén nước chấm ấy mà không bị rát lưỡi. Có nhiều người nội trợ lại thích thêm ít bột nghệ cho bánh khọt có màu vàng ươm, thêm đậu xanh hay nước cốt dừa vào bột gạo để có những hương vị khác nhau.


Những chiếc bánh tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thực hiện, chỉ cần khác đi một tý, bánh được vớt sẵn trên đĩa cho khách, tiện thì tiện thật nhưng lại mất đi niềm hứng thú được nhìn người ta đổ bánh, được sờ tay vào khuôn đất nung nóng phỏng tay để lấy ra cái bánh cháy cạnh của mình.


Cứ như vậy, dần dần ai cũng nghĩ rằng, bánh khọt là đặc sản riêng của Vũng Tàu, vì chỉ ăn ở đó mới cảm nhận được vị ngon và hương vị riêng của nó.

Ngoài ra Quán Bánh Khọt Cây Đa trên đường Lý Thường Kiệt vừa ăn bánh vừa uống nước dừa là hay nhất xứ (quán này nằm gần trường Châu Thành cấp 2 Vũng Tàu (cũ), giờ là cấp 1 Hạ Long và trường chuyên Lê Quý Đôn nên là điểm dừng chân, tụ tập của không ít thế hệ học trò)

Bonus: đối diện Bánh khọt Cây Đa còn có quán kem Sài Gòn, ăn cực kì ngon. không thử luôn thì phí.

https://i687.photobucket.com/albums/vv235/minhquanvita/IMG_0908_GF.jpg

https://i687.photobucket.com/albums/vv235/minhquanvita/IMG_0903_GF.jpg

https://i687.photobucket.com/albums/vv235/minhquanvita/IMG_0904_GF.jpg

keen_vt
12-04-2010, 11:40
Hè về. Phố biển Vũng Tàu mát rượi. Con đường chạy dọc bờ biển từ Bãi Sau qua Bãi Dứa, về Bãi Trước rộng thênh thang, phẳng lì, ít xe hơi qua lại, là nơi lý tưởng để du khách dạo biển, nhất là với những ai muốn thưởng ngoạn cái thú du ngoạn bằng xe đạp đôi…lãng mạn chẳng kém gì cảnh trong phim Hàn Quốc!

Tại phố biển Vũng Tàu, các điểm cho thuê xe đạp đôi có khá nhiều quanh các khu du lịch, khách sạn. Ngoài xe của người dân, nhiều khách sạn cũng mua vài chiếc dựng trước cổng để phục vụ nhu cầu thuê xe của khách lưu trú. Vì vậy, đến Vũng Tàu, bạn có thể dễ dàng thuê cho mình một chiếc xe đạp đôi với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/giờ và chỉ cần để lại chứng minh nhân dân làm tin.
Thời gian thích hợp nhất để đi xe đạp đôi dạo biển là từ khoảng 16 – 20 giờ. Thời tiết lúc này không quá nắng, nóng nên cũng không khiến bạn đổ nhiều mồ hôi. Tuyến đường được du khách ưa thích khi dạo biển với xe đạp đôi là Thùy Vân – Hạ Long – Quang Trung chạy từ Bãi Sau, qua Bãi Dứa, về Bãi Trước và quay trở lại. Vào những buổi chiều cuối tuần, tuyến đường này nhộn nhịp xe đạp đôi. Trên tuyến đường này, du khách sẽ chinh phục dốc Nghinh Phong, ngắm tượng vua Kitô trên đỉnh núi Nhỏ, thắng cảnh Hòn Bà phía xa xa, rồi đổ dốc xuống Bãi Dứa. Tại đây, bạn có thể tham quan di tích Niết Bàn tịnh xá, ngắm những quán cà phê cheo leo trên sườn núi. Cuối hành trình, du khách thường chọn công viên Bãi Trước để nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Hoàng hôn buông xuống, Bãi Trước thật lãng mạn. Những tia nắng đủ sắc màu còn sót lại của một ngày lấp ló dưới những tán dừa soi mình bên biển Bãi Trước tạo nên không gian kỳ bí, huyền ảo. Khi màn đêm về, công viên Bãi Trước lung linh ánh điện. Đối diện công viên Bãi Trước là khách sạn Grand- khách sạn cổ nhất Vũng Tàu, được xây dựng từ những năm 1870 của thế kỷ XIX cũng đầy quyến rũ. Xa xa phía biển Bãi Trước là hàng trăm chiếc tàu cá neo đậu sau những ngày lao động vất vả. Nếu may mắn, bạn sẽ được chứng kiến cảnh thu hoạch tôm cá của ngư dân sau một ngày kiếm sống trên biển. Bạn cũng có thể mua cho mình những món hải sản tươi sống yêu thích với giá cả phải chăng rồi đem về khách sạn, nhà hàng nhờ chế biến để tối đến có thể ngồi lai rai ngay bên bờ biển.
Tiếp tục đi thêm về phía trước gần 1km nữa, bạn đã đến di tích Bạch Dinh- một tòa nhà trắng được xây dựng trên sườn núi Lớn từ năm 1900, làm nơi nghỉ mát của các quan chức Pháp lúc bấy giờ. Đến Bạch Dinh, bạn còn được nghe kể chuyện về vua Thành Thái, vị vua yêu nước, kháng Pháp thời nhà Nguyễn bị giam cầm tại đây. Bạch Dinh còn trưng bày nhiều cổ vật quý như đồ gốm nhà Thanh vớt được từ xác tàu đắm tại vùng biển Hòn Cau – Côn Đảo; bộ sưu tập súng thần công cổ… Ngoài giá trị lịch sử, Bạch Dinh còn có một giá trị khác, không nơi nào có được là rừng cây giá tỵ và những cây sứ hàng trăm năm tuổi. Khi hoa sứ nở rộ, Bạch Dinh như đựơc vây bọc giữa rừng hoa và mùi hương thơm ngát.
Sau một vòng dạo biển bằng xe đạp đôi, hẳn sẽ mang lại cho bạn sự thư giản, sảng khoái về tinh thần. Xe đạp đôi đã trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu của nhiều du khách khi đến Vũng Tàu.


Hướng dẫn: Với giá 15.000 đồng/giờ cho loại xe có "chuột nhún" và 10.000 đồng/giờ cho những loại xe còn lại cũng đủ để những người yêu thích thú chơi này có thể đạp đi khắp nơi từ Bãi Trước ra Bãi Sau, từ Bãi Dâu sang Bãi Dứa. Khi đến thuê xe, bạn chỉ cần để lại một số giấy tờ tuỳ thân hay chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hoặc một vật gì bất kỳ để "làm tin"… Khách khi đến thuê xe được nhận một tấm danh thiếp từ phía chủ. Khi hư hỏng dọc đường khách có thể gọi điện về tiệm, chủ tiệm kinh doanh sẽ cử người tới nơi khách đứng để sửa chữa, bảo hành xe hoặc đưa khách quay trở lại tiệm đổi xe mới.

keen_vt
12-04-2010, 11:41
Trên khắp đất nước Việt Nam, ở các làng xã ngày xưa đều có Đình thần. Đình thần là nơi thờ phụng Thành Hoàng – người có công khai phá dựng làng, dựng nước tại địa bàn sở tại, tiền hiền và hậu hiền – những người tiếp nối đến mở đất dựng làng, dựng nước.
Đình làng còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá và tinh thần của cư dân trong một cộng đồng được xác định bởi một đơn vị hành chính cơ sở. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, do những biến động của lịch sử, một số làng, xã đã không còn đình làng. Tại ba ngôi làng tiền thân của Vũng Tàu còn ba ngôi đình. Có thể nói đình làng Thắng Tam là biểu hiện đặc sắc của đặc trưng văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển – Vừa có những đặc điểm chung của đình làng Việt Nam, vừa có những nét riêng trong thờ cúng và sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng.
Theo truyền ngôn, Đình Thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng (1820 – 1840). Hiện nay, đình thần còn lưu giữ 2 đạo sắc của nhà Nguyễn phong cho các vị thần được thờ tại đình là Thiên Y A Na, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Thượng Đẳng Thần, Cá Ông, Thuỷ Long Thần Nữ… Theo truyền thuyết Đình Thần Thắng Tam thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng thắng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Chuyện kể rằng: thuở ấy hải tặc Mã Lai và Tàu Ô thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hoá, bắt cóc người trên các thuyền buôn. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền. Mỗi đội quân do một viên xuất đội thống lĩnh. Đổ bộ lên bán đảo Vũng tàu, họ đã lập trại và đặt tên cho doanh trại, đồn binh của mình là Phước Thắng. Ba đội quân vừa làm việc nước – bảo vệ sự thanh bình của bờ biển cửa ngõ, vừa khai hoang lập làng, làm ăn sinh sống. Trong vòng mấy năm, phần lớn hải tặc Mã Lai và Tàu Ô bị diệt trừ. Số ít còn lại chẳng dám sách nhiễu thương thuyền nữa. Năm 1822, Minh Mạng ban chiếu khen thưởng chức tước, phẩm hàm cho đội quân cho giải ngũ và ban thưởng phần đất mà họ có công khai phá. Từ ba vị trí của ba đội quân dần dần hình thành nên ba làng thắng. Làng thứ nhất gọi là làng Thắng Nhất do Ông cai đội Phạm Văn Dinh chỉ huy. Làng Thắng Nhì do Ông cai đội Lê Văn Lộc chỉ huy. Làng Thắng Tam do Ông cai đội Ngô Văn Huyền chỉ huy. Dân các làng Thắng vừa làm ăn sinh sống vừa bảo vệ an ninh bờ biển. Sau khi ba đội Ông chết, Triều đình ban sắc phong cho ba ông.

Đình thần Thắng Tam lúc đầu xây dựng chỉ là nhà tranh vách lá. Năm 1835 mái được lợp ngói, năm 1965 được trùng tu mới như hiện nay. Kiến trúc Đình Thần Thắng Tam có Cổng Tam Quan, Nhà Tiền Hiền, Hội Trường, Ngôi Đình Trung, sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đình thần thắng tam kiến trúc theo lối nối tiếp. Đó là một nhà gồm bốn ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông: Tiền Hiền – Hội Trường – Đình Trung – sân khấu võ ca. Ngôi tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có hình “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất nhà Tiền Hiền bày bốn bàn thờ: bàn thờ thổ công, Tiền Hiền và Hậu Hiền, Tiền Vãng và Hậu Vãng ( tức thờ thổ công, tiền hiền và hậu hiền, dân làng đến trước đến sau)

Hội trường là nơi sinh hoạt của Hội viên thuộc hội đình ( hội đình thắng tam hiện nay có hơn 500 hội viên, có ban hương chức thôn hội chia làm 10 bậc từ thấp đến cao).
Tiếp sau phần hội trường là ngôi đình trung có cấu trúc tương tự ngôi tiền hiền. Ngôi đình trung bài trí 10 bàn thờ theo lối 3-4-3: thờ Thần Nông, Thiên Y A Na, Ngũ Đức, Thánh Phi, Hậu Hiền – Thần, Hội Đồng, Phụ Án Và Tiền Án – Cao Các, Thiên Sư, Ngũ Thơ, Ngũ Tự và Tiền Hiền ( bốn bàn thờ phía giữa nằm vượt lên phía trước). Khác với nhiều nơi, thần nông được thờ ngoài trời, ở đình thần thắng tam, thần nông được thờ bên trong.

Sân khấu võ ca là nơi diễn tuồng, hát bội khi đình thần có lễ.
Ngoài những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, đình thần thắng tam còn lưu giữ những lễ hội in đậm văn hoá dân gian và bản sắc dân tộc. Hàng năm Đình Thần Thắng Tam đều có tổ chức lễ hội cầu an trong 4 ngày, từ 17 đến 20 tháng 2 âm lịch. Đây là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá. Việc tổ chức cúng tế lễ vật tế thần, cách dâng hương quỳ lạy, chiêng trống kèn nhạc … của lễ hội cầu kỳ và nhiều vẻ. Lại có những tục kiêng kỵ trong tế lễ được lưu truyền, gìn giữ và chấp hành đầy đủ từ xưa đến nay. Chẳng hạn, người có tang không được trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trong nghi lễ, heo dùng để tế lễ phải có bộ lông thuần màu…

Trong quá trình lễ hội của đình, người ta thường tổ chức nhiều trò vui giải trí như múa lân, hát bội … đình thần thức suốt đêm, tiếng trống, tiếng nhạc tiếng hát làm huyên náo, rộn ràng cả một vùng suốt mấy ngày đêm.

Lễ hội đình Thần Thắng Tam là một hoạt động văn hoá đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Du khách viếng thăm đình Thần Thắng Tam vào dịp có lễ hội, hẳn đó là chuyến tham quan thú vị và sinh động nhất trong chuyến du lịch Vũng Tàu.
MIẾU BÀ
Miếu Bà nằm bên trái khu Đình Thần Thắng Tam, còn có tên Miếu Ngũ Hành. Tên gọi ấy phản ánh các đối tượng được thờ cúng trong miếu.

Tương truyền miếu bà được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Lúc đầu nó chỉ là ngôi nhà tranh vách do ngư dân Thắng Tam xây dựng để thờ Ngũ Hành, tức năm yếu tố vật chất: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ (theo tư tưởng triết học Trung Quốc mà Việt nam ảnh hưởng). Ngoài Ngũ Hành, Miếu Bà còn thờ hai vị hộ quốc được vua phong Thượng Đẳng Thần là bà Thiên Y-A-Na và Thuỷ Long Thần Nữ. Điều này chứng tỏ tính riêng của ngôi miếu khi chủ nhân của nó là những người sống bằng nghệ chài lưới trên biển.

Miếu Bà được kiến trúc theo lối một gian hai chái. Trên mái có hình Lưỡng Long Vhầu Nguyệt. Bên trong có 8 bàn thờ. Bàn giữa chính điện thờ 5 bà Ngũ Hành và hai vị Thượng Đẳng Thần. Trên có bày tượng 5 Bà và bộ ngũ sự, hai bên có thờ 5 Cô, 5 Cậu, hai vị Thượng Đẳng thần không có tượng. Tiếp theo bên trái là bàn thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương là những bậc trung nghĩa và sẵn sàng cứu hộ những người đi biển khi họ gặp chuyện không may. Bên phải là bàn thờ Ông Địa – Thổ Công. Phía sau là bàn thờ Tiền Hiền và bàn thờ những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng.

Hàng năm, Miếu Bà lễ hội vào ba ngày từ 16 đến 18 tháng 10 âm lịch. Quản lý miếu và tổ chức điều hành lễ hội là những người trong ban điều hành. Hội viên của Miếu bà chỉ giành cho nữ giới. Ban điều hành cũng chỉ do các bà phụ trách (ba bà cố vấn, sáu bà trong ban điều hành với 160 hội viên).

Lễ hội Miếu Bà là ngày sôi động và linh đình. Ngoài việc cúng tế thần linh người ta còn tổ chức múa lân, các trò vui, ban đêm tổ chức hát tuồng. Vốn có tiếng hiển linh, vào các ngày hội người từ thập phương về hành hương, phụng cúng rất đông. Miếu bà và lễ hội Miếu Bà là nét đặc sắc của văn hoá dân cư ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

https://1.bp.blogspot.com/__B3kh76Mnw0/StQFfOM2BWI/AAAAAAAABXw/FGU_xlcn3S8/s400/31.JPG

keen_vt
12-04-2010, 11:41
LĂNG CÁ ÔNG
Nằm trong khu Đình Thần Thắng Tam phía bên phải. Lăng Cá Ông được xây dựng cùng thờ kỳ với Miếu Bà, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XIX. Hiện nay trong lăng còn bảo tồn xương Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ hơn 100 năm trước đây.
Truyền thuyết về Cá Ông hiện còn lưu truyền ở Vũng Tàu và từ rất sớm đã được chép trong thư tịch cổ, rằng: Cách đây hơn 100 năm (giữa thế kỷ 19) có một đầu cá to lớn trôi dạt vào bãi Tầm Dương. Đầu cá lớn đến nỗi ngư dân không thể đưa vào bờ được. Họ phải xóc cờ rào lại chờ cho thịt rữa sạch rồi tháo từng khúc xương đưa vào miếu thờ.
Lăng Cá ông Thắng Tam có tới ba sắc phong do vua ban tặng. Vua Thiệu Trị ban hai đạo sắc vào năm thứ năm (1846), Vua Tự Đức ban cho đạo sắc vào năm thứ ba (1850). Hiện nay vào ngày 16/8 âm lịch, cứ ba năm một lần những người quản lý Lăng được gọi là hội “Lương hữu Vạn Lạch” lấy một xương trong Lăng đem thờ trong ba tủ kính. Vào ngày Vía Cá ông, ngư dân và khách thập phương tụ hội vê đông vui nhộn nhịp. Ngời ta đến đây cầu mong sự bình yên may mắn trong chuyến đi biển, xin xăm báo trước điều tốt lành, rủi ro và xem hát, vui chơi giải trí...

Lăng Cá ông có kiến trúc theo lối cổ xưa. Bên trong bày ba tủ kính lớn đựng xương tương xứng với nó là ba bàn thờ. Hai bên tả, hữu có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc. Ngư dân Vũng Tàu quan niệm rằng mỗi khi có Cá ông chết tấp vào bờ, người nào trông thấy đầu tiên thì được xem như con trưởng của Cá ông. Khi làm lễ an táng, người đó phải chịu tang và thực hiện các nghi lễ tang ma như là đám cho cha đẻ mình vậy.

Lễ hội “Nam Hải Đại tướng quân” - Danh hiệu Cá ông do vua Thiệu Trị ban tặng được tổ chức trùng với ngày Vía (ngày mất) của cá. Lễ hội kéo dài trong ba ngày từ 16 đến 18/8 âm lịch hàng năm, gồm có : Lễ cúng ông, lễ nghinh ông (đón cá) gồm nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng chạy vòng biểu diễn ngoài biển. Những hình thức tế lễ Cá ông mang đậm màu sắc riêng của cư dân miền biển, nhưng trong lễ hội người ta cũng dành một buổi cúng Tiền Hiền, một buổi tế lễ thần linh - như việc tổ chức cúng tế trong đình làng ...

Khu di tích Đình Thần Thắng Tam, bao gồm cả Miếu Bà và Lăng Cá ông ẩn chứa những giá trị văn hóa quý báu của cư dân miền biển Vũng Tàu. Những nét đẹp về phong tục tập quán dường như được “hóa thân” trong từng chi tiết kiến trúc của di tích, của phong cách sinh hoạt tổ chức lễ hội. Khu di tích Đình Thần Thắng Tam và những lễ hội liên quan của nó đã bảo lưu được những di sản qúy giá. Hiện nay, không kể các ngày lễ hội là những ngày có rất đông du khách hành hương mà những ngày thường khu Đình Thần Thắng Tam cũng chào đón rất nhiêu khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm viếng.


Vị trí: Khu di tích nằm tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu


Hàng năm lễ hội Ðình Thần Thắng Tam được tổ chức trong 4 ngày từ 17 đến 20 tháng 2 âm lịch. Ðây là lễ hội cầu an, là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá.

Ðình Thần Thắng Tam Phần lễ diễn ra rất cầu kỳ: cúng tế, lễ vật tế thần, dâng hương quỳ lạy, chiêng trống, kèn nhạc... và có rất nhiều điều kiêng kỵ như heo dùng để tế lễ phải có bộ lông cùng màu, người có tang không được tham gia vào việc nghi thức tế lễ. Phần hội có nhiều trò vui chơi giải trí như múa lân, hát bội...

Lễ hội Ðình Thắng Tam là một hoạt động văn hoá đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Lễ hội mang đậm nét văn hoá dân gian và bản sắc dân tộc.

keen_vt
12-04-2010, 11:41
Nếu có đến thành phố biển Vũng Tàu, bạn và gia đình đừng quên bỏ qua cơ hội: Đến sân vận động Lam Sơn để xem... đua chó.

Lạ lẫm nhưng hào hứng và hấp dẫn là xem đua chó trên sân vận động Lam Sơn, thành phố Vũng Tàu, sân có sức chứa 5.000 người là trường đua chó duy nhất tại Việt Nam.Tổ chức hàng tuần vào tối thứ bảy và một số chiều chủ nhật, hấp dẫn nhiều khách tham dự, hầu như trận nào cũng kín người, không khí luôn sôi động trên sân.
Đến sân vận động Lam Sơn, chuyến du lịch của bạn sẽ càng thêm hấp dẫn và thú vị khi bạn được tận mắt chứng kiến những chú chó GREYHOUND khỏe mạnh và sung mãn chạy với tốc độ 60km/h


Nhọc nhằn dự án trường đua
17 năm “thai nghén” ý tưởng, 3 năm nghiên cứu, thuyết phục hàng chục cơ quan Nhà nước, cuối cùng ông Nguyễn Ngọc Mỹ cũng có được giấy phép xây dựng trường đua chó ở Vũng Tàu. Là Việt kiều sống ở Úc, nghề nghiệp chính là kỹ sư xây dựng, song do quá đam mê với môn đua chó, nên khi về nước ông quyết tâm cho ra đời bộ môn giải trí này tại quê hương.
“Ông có phiêu lưu không khi đua chó còn quá xa lạ với người Việt Nam. Đua ngựa hấp dẫn là thế mà còn hết trồi lên lại sụt xuống, đằng này lại đua chó?”, tôi hỏi, ông Mỹ trả lời: “Đã gọi là làm ăn thì phải biết chấp nhận phiêu lưu chứ, nhưng tôi tin mình sẽ thành công”.Vậy là một dự án liên doanh giữa SES (Sport Entertaiment Service - Công ty Dịch vụ giải trí thể thao, do ông Nguyễn Ngọc Mỹ làm Tổng giám đốc) và ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ra đời. Ngành thể thao Tỉnh cũng được mời tham gia, vì sân vận động Lam Sơn được chọn làm nơi xây dựng trường đua chó.
Vừa mới triển khai xây dựng được vài ngày, lãnh đạo Tỉnh nhận được hàng chục lá đơn của người dân khiếu nại SES chiếm dụng sân vận động, không còn chỗ cho thanh thiếu niên trong Tỉnh tập luyện. Tuy nhiên, khi hiểu ra thì mọi chuyện khá suôn sẻ. Đua chó chỉ diễn ra hai tối trong tuần (thứ Bảy và Chủ nhật), trên đường chạy vòng ngoài sân, nên không ảnh hưởng gì. Chẳng những vậy, mặt sân còn được trồng cỏ, làm mới lại hoàn toàn, đá bóng thật tuyệt.


Xem đua chó …
Như môn đua ngựa, đầu tư cho đua chó cũng tốn kém và lắm công phu. Ôm theo vòng đua rộng 6 mét, dài 294 mét, người ta xây một đường trượt để cho một con “thỏ mồi” chạy phía trước. Do có mùi “đáng ghét” nên “thỏ mồi” này sẽ hút các “vận động viên chó” đuổi theo như trong một cuộc săn thật sự (tốc độ có thể lên đến… 60 km/giờ). Con nào về trước, con đó thắng cuộc. Tuy nhiên, khác với ngựa, đường chạy cho chó được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Quan trọng nhất là lớp cát phủ lên bề mặt. Cát được xử lý theo mẫu lấy từ trường đua của Úc: Không được mềm quá (chó sẽ bị lún, không chạy nhanh được) và cũng không được cứng quá (chân chó trầy xước sẽ bị nhiễm trùng).
Nhưng xem đua chó mà không ủng hộ “phe” nào thì thật đơn điệu và chán ngắt. Ủng hộ tích cực nhất thì chỉ có cá cược, và đây có lẽ là phần hấp dẫn nhất của loại hình giải trí này. Theo ông Mỹ, sẽ có 2 mức cá cược: Dưới 50.000 đồng cho khách ngồi ở tầng 1 và không giới hạn cho khách VIP ngồi ở tầng 2. Việc quản lý và chi trả tiền thắng cược cho khách đều thực hiện bằng máy tính, vừa nhanh lại vừa chính xác. Máy liên tục thông báo tỷ lệ thắng độ của mỗi con chó cho người chơi. Tỷ lệ này lên xuống tùy theo tổng số tiền đặt vào. Ít người đánh, tỷ lệ sẽ càng cao. Chỉ 30 giây sau khi cuộc đua hoàn tất, người thắng cuộc sẽ được nhận tiền ngay.
Nếu trong đua ngựa, ngựa được xếp theo nhóm để tranh đua công bằng, thì chó cũng dự đua theo nhóm: Những con nào có thành tích xấp xỉ nhau ở lần đua trước sẽ chạy chung. Ngựa đua có tên Bạch Tuyết, Hùng Cường, Madonna… thì chó đua cũng có tên. Tuy nhiên, do được nhập từ nước ngoài về, nên có lẽ chúng sẽ phải mang kèm một tên Việt Nam cho phù hợp. Chứ như Jimmy, Bill, Black hay White… thì mệt cho người bình dân quá! Nhưng điều quan trọng nhất là, chó tự chạy không cần ai điều khiển như ở đua ngựa, nên tránh được hiện tượng “bán độ” như trong đua ngựa. Mỗi con dự tranh sẽ mặc một màu áo khác nhau, có kèm số hiệu (mang suốt đời). Có camera theo dõi tốc độ và xác định thành tích nên ăn gian cũng khó. Ngoài ra, mỗi lần đua đều có sự giám sát của đại diện 4 bên, gồm: Công ty SES, Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành thuế và Sở TDTT. Ông Mỹ hồ hởi cho biết: “Mọi việc đều được kiểm soát chặt chẽ và theo International standard (tiêu chuẩn quốc tế)”. Điều làm cho người giám đốc 56 tuổi này hãnh diện không kém là khu khán đài 3.000 chỗ được ông cải tạo lại rất đẹp và lịch sự. Tầng dưới dành cho khách bình thường, tầng trên dành cho khách VIP - được trang bị máy lạnh. Trẻ em được miễn vé vào cửa.


Và… trại “VIP” dành cho chó đua
Nói đến đua chó mà không đề cập đến “nhân vật chính” thì quả là thiếu sót. Không phải chó nào cũng đua được, mà phải là giống Greyhound - cao, to, mõm nhọn, có tập quán săn bắt theo bầy. Chó nhập từ Úc, nhưng thật sự lấy giống Ireland, mỗi con về tới Việt Nam có giá gần… 2.000 USD.
Nếu có dịp đến Bà Rịa, bạn hỏi người dân địa phương trại nuôi chó đua ở đâu thì ai ai cũng biết. Từ ngoài đường lớn vào, lần theo một con đường đất độ 2 km là đến khu trại nuôi chó rộng 10 hécta, có tường đá bao quanh. Bốn dãy nhà hình chữ nhật dùng làm nơi cho chó ở. Mỗi con được nhốt trong một ngăn riêng và có thể chạy ra ngoài hóng mát qua một ô cửa nhỏ. Trong nhà, mỗi con đều có nửa chiếc ghế bố dùng làm nơi “ngả lưng qua đêm”. Chó Greyhound thật hiền, chúng chẳng hề sủa khi có người lạ, mà cũng không “lớn tiếng” dù sống cạnh nhau cả chục con. Nằm biệt lập với dãy chuồng là nhà ăn. Dưới quyền chỉ huy của một “bếp trưởng” người Úc, tại đây mỗi ngày 4 nhân viên người Việt có nhiệm vụ chế biến thức ăn cho chó. Bữa sáng đơn giản, chỉ gồm bánh khô được trộn sẵn các vitamin và nguyên tố vi lượng. Bữa ăn chiều thì phức tạp hơn: Thịt kangaroo được cắt lát, nhào trộn với một số chất và định lượng cẩn thận trước khi cho chó ăn. “Tại sao lại là thịt kangaroo?”, tôi hỏi. Ông Mỹ đáp: “Thật ra, chó ăn thịt nào cũng được, nhưng mua thịt trâu, thịt bò ở trong nước thì không kinh tế. Đành nhập thịt kangaroo từ Úc về”.
Chó đua không bệnh tật nhiều. Thường gặp nhất là sán lãi. Tuy nhiên, trại nuôi cũng có riêng một bác sĩ thú y. Cách xa nhà ăn 20 mét là bệnh viện dành riêng cho chó đua: Một dãy nhà khá rộng gồm nhiều phòng ốc, trong đó có cả phòng chụp X-quang và phòng giải phẫu. Chó Greyhound được 2 tuổi là có thể đua được. Mỗi con có thể thi đấu phục vụ trong 4 năm. Mỗi sáng, tất cả chó đua được luân phiên dắt ra ngoài tập luyện.
Đua chó, môn giải trí còn xa lạ tại nước ta. Cũng như những cái mới khác, nó cũng tạo ra lắm “dị ứng” cho nhiều người. Chưa ai khẳng định được kết quả, nhưng ông Nguyễn Ngọc Mỹ tin rằng, đây cũng là một cách để tạo ra nét hấp dẫn mới cho ngành Du lịch nước nhà. Cạnh ta, chỉ có Trung Quốc là có môn đua chó này. Các nước trong khối ASEAN thì chưa có. Đến thành phố biển Vũng Tàu, ban ngày khách du lịch tắm biển, tối đến xem đua chó, cũng có cái để giải trí. Không chỉ vậy, đua chó cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Trong tương lai, ông Mỹ dự định mở xí nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm tại chỗ dành riêng cho các chú khuyển đua này, lập xưởng cơ khí làm chuồng lồng phục vụ thi đấu. Xa hơn, ông Mỹ còn tính đến việc gây giống chó đua và xuất khẩu chó con sang các nước lân cận khi có nhu cầ

keen_vt
12-04-2010, 11:42
Chó đua
Hàng ngày, các nhân viên nuôi dạy chó phải đưa chó ra hồ tắm để chúng tập lội nước. Lịch tập luyện cho chó cực kỳ nghiêm túc. Chiều nào cũng phải cho chó ra đường chạy để dạy chúng thi đấu. Mỗi con đều phải gắn chíp (lý lịch chó) để biết bố mẹ chúng là ai, ngày sinh tháng đẻ, có mắc bệnh gì không. Ra đường đua nếu con nào không có lý lịch là bị loại ngay.

Thức ăn cho chó đua công phu cũng không kém. Thức ăn chủ yếu là thịt kangooro, thịt phải tươi và nhập khẩu chính hiệu từ Australia. Đầu bếp cũng phải qua một khoá huấn luyện nấu để cho chó ăn hết khẩu phần và đúng hàm lượng chất. Những chó có thai lại có chế độ dinh dưỡng riêng. Đến khi sinh sản cũng hưởng chế độ riêng nhằm có sữa cho con bú. Khi cai sữa, chó con sẽ được tách riêng ra khỏi mẹ để vào lớp huấn luyện trước khi thuần thục để bước vào đường đua. Chó con sau 6 tuần tuổi thì cai sữa để ăn xúp được nấu từ gạo-bí đỏ-cà rốt-thực phẩm khô và thịt kangooro.

Khi chó được 4 tháng tuổi, trọng lượng từ 3 đến 14kg, đây chính là thời gian để các nhà chuyên môn bắt đầu tập trung tuyển chọn, sàng lọc chó đua. Chuồng nhốt chó phải thông, thoáng, sạch sẽ, có sân chơi khoảng 40m2 để chúng vận động nhằm tạo phản xạ và giúp phát triển chi.

Chó đua càng lớn thì chuồng cũng rộng theo, sân tập vận động cũng tăng. Chó đua tại Vũng Tàu mỗi ngày ăn 2 bữa chính và phụ. Bữa phụ vào cữ 9 giờ 30 sáng và chính vào 16 giờ 15 phút. Sau 5 tháng huấn luyện, khi đã 15 tháng tuổi là chó có thể đăng ký đua.


Đua chó
Hay nói đúng hơn là cá độ chó. Nhưng cá như thế nào? Tại đường đua Vũng Tàu đã có hướng dẫn trên hệ thống tote. Nhưng đây cũng chỉ là “tài liệu tham khảo” hơn là cách chỉ cho người cá cược thắng độ.

Trước hết, người chơi phải biết cự ly đua, số chó đua, thời gian xuất phát và thứ hạng… Mặc dù có thông tin đủ về 8 con chó đua thì trước giờ xuất phát cũng nên xem lại có trường hợp nào thay thế để quyết định móc túi đánh cược. Ngoài chuyện xem độ ổn định chuyên môn của từng chú chó, theo dõi số lần thắng, thứ hạng trong tổng số lần đua của từng con…, không giống như đua ngựa, đua chó không phân theo hạng cân mà tuỳ theo thành tích của từng vòng đua trước để xếp chó ngang nhau vào từng đợt đua. Đầu tiên, chó đua sẽ đua ở hạng C, tiếp đến là lên hạng B, rồi hạng A và AA. Cuối cùng là AAA. Mỗi khi một con lên hạng là sẽ lên thi đấu ở vòng đua nhanh hơn và ngược lại. Số tiền thưởng trên hệ thống tote giúp người chơi suy đoán cách lựa chọn số đeo của chó khi cá cược. Đây cũng là thông số để biết.

Tiền mua vé tối thiểu là 10.000 đồng. Có 3 loại thắng giải áp dụng cho mọi đợt đua là Win, Exacta và Trifecta. Thắng nhất là Win nếu con chó của bạn về nhất. Thắng nhất-nhì (Exacta) là 2 con mình cá về nhất - nhì và thắng nhất-nhì-ba (Trifecta) là thắng đậm nhất nếu trúng cả 3 hạng cá đầu và có thể ôm trọn tiền thưởng. Tổng số tiền người chơi trích ra 30% nộp thuế, 70% còn lại chi thưởng. Số thưởng đợt này không người trúng sẽ được dồn cho đợt sau.

Ngày 19.8 mới đây, anh K - một người có “khiếu” về cờ bạc liên tục méo mặt than trời vì thua, còn vợ anh do thấy chồng vui cũng chơi theo và lạ là thắng liên tục 5/8 đợt đua với số tiền thưởng hơn 3 triệu đồng. Hỏi bí quyết thì chị tủm tỉm cho biết là không quan tâm tới thông số của tote mà chỉ quan sát chân, đít chó trước khi vào đua. Con nào chị ưng là đánh, thế là thắng.

Ngược với chị L, anh P.B sau khi được chủ sân hướng dẫn cách chơi, cách lựa chọn và nghiên cứu khá say sưa bảng thành tích của từng con khi quyết định lựa chọn thì lại thua liểng xiểng tới gần 2 triệu đồng. Trong khi đó, trước khi ra về, chị T thấy có một chú chó mang tên giống con trai mình là Quang Minh bèn đánh và thắng cú chót. Thế mới biết là may hơn khôn chứ chẳng tài cán gì.

Thường là đua chó thì thua chó chứ mấy ai có may mắn như một người chơi tên H - trong một tối trúng tới 22,5 triệu đồng. Đêm 7.10, đoàn nhà báo TPHCM xuống Vũng Tàu tham dự Hội nghị quốc tế về đua chó thì tất cả khi chơi đều thú nhận là khó có cửa thắng. Vâng, nếu thắng thì chủ trường đua sập tiệm à. Còn lâu nhé.

Thay cho lời kết
Khi được hỏi ấn tượng của ông sau 6 năm Cty TNHH dịch vụ thể thao-thi đấu-giải trí đi vào họat động, ông Nguyễn Ngọc Mỹ không ngần ngại cho biết là hài lòng với lĩnh vực mà ông đang đầu tư cả đua ngựa ở TPHCM và đua chó ở Vũng Tàu. Nếu đua ngựa, nhiều người chơi còn chưa tin độ trung thực vì còn lệ thuộc vào nài, thì đua chó lại “thật thà” hơn, vì chó tự chạy theo con thỏ bông mồi để xác định thắng thua.

Được biết, đua ngựa mỗi năm trường đua Phú Thọ của ông Mỹ đang đầu tư có doanh thu là trên 150 tỉ đồng và nộp ngân sách khoảng 7 tỉ đồng, đua chó ít hơn, chỉ là 15 tỉ đồng và hàng năm ông cũng nộp trên 1 tỉ đồng vào ngân sách địa phương. Một con số doanh thu không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Chính vì vậy mà ông Nguyễn Ngọc Mỹ đang ấp ủ tiếp tục xây dựng trường đua ở TPHCM, Cần Thơ, Hà Nội. Nhưng với ông điều hài lòng hơn cả là chuẩn bị sẽ xuất khẩu cả chó đua từ Việt Nam. Chỉ từ 240 con chó đua Greyhound nhập khẩu từ Australia thì bây giờ trang trại của ông đã có trên 700 con chó đua thuần chủng hoàn toàn do ông tự lai tạo.

Được biết, SES-VN đã có quyết định tăng cường vốn cho liên doanh để đẩy mạnh hoạt động và mở rộng sang một số tỉnh lân cận để hỗ trợ cho du lịch theo kiểu đua chó lưu động. Không chỉ thế dự kiến trong năm 2006, Cty của ông Mỹ sẽ xuất khẩu chó đua sang một số nước trong khu vực với giống chó mà ông đang nuôi, với giá là 2.000USD/con. Nghề chơi nào cũng lắm công phu, nhưng không phải ai cũng thành công như ông Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Kiều tại TPHCM Nguyễn Ngọc Mỹ khi biết nhìn xa, trông rộng để đầu tư vào đua chó và ngựa ở Việt Nam…

keen_vt
12-04-2010, 11:42
Chia sẻ cẩm nang du lịch BR-VT cùng các thành viên nè.
http://www.mediafire.com/file/eagz1erw0ke/BRVT.pdf

keen_vt
12-04-2010, 11:43
Dulichbui's Blog- Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã công bố các Sự kiện & Lễ hội của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong năm 2010 trên trang thông tin chính thức của mình.

Theo đó năm 2010 Tỉnh Bà rịa Vũng Tàu sẽ tổ chức nhiều sự kiện & lễ hội hấp dẫn như Festival Diều Quốc tế lần 2 (từ ngày 24 đến 29/3/2010), Festival ẩm thực thế giới (cuối tháng 7 năm 2010), Lễ hội caravan Văn hóa du lịch Biển (dự kiến từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 09 năm 2010),...
Click the image to open in full size.
Chi tiết các sự kiện lễ hội như sau:

1- FESTIVAL LƯỚT VÁN BUỒM QUỐC TẾ.
Với sự tham gia của nhiều cá nhân và nhóm vận động viên lướt ván buồm và lướt ván diều trong nước và quốc tế.
Thời gian: Dự kiến tổ chức từ ngày 26 đến ngày 30-1-2010
Địa điểm: CLB thể thao biển KDL Biển Đông TP.Vũng Tàu.

2- KHAI HỘI VĂN HÓA DU LỊCH BR-VT NĂM 2010.
Hướng về đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, điểm nhấn chính là: Tái hiện nghi thức bắn súng thần công, Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Bình Giã.
Thơi gian: Từ mùng 1 đến mùng 10 tết Canh Dần (từ ngày 14 đến 24 tháng 2 năm 2010)
Chương trình khai hội gồm các hoạt động chính: Lễ khai hội VH-DL BR-VT 2010 vào tối mùng 8 tết tại Mũi Nghinh Phong TP.Vũng Tàu và Đêm hội “Bình Giã – Khúc ca khải hoàn” tái hiện nghi thức Lễ bắn súng thần công vào tối mùng 5 tết tại xã Kim Long ,Huyện Châu Đức..

3- FESTIVAL DIỀU QUỐC TẾ LẦN THỨ 2:
Chủ đề: “Vũ điệu Biển Đông”.
Festival với sự tham gia của 25 đoàn và cá nhân từ các câu lạc bộ ,hội nghệ nhân diều quốc tế và Việt Nam tham gia biểu diễn các con diều đẹp, mới lạ nhất.Tại Festival còn tổ chức biểu diễn kỷ thuật điều khiển diều bay phức tạp do các nghệ nhân diều hàng đầu thế giới đảm trách
Thơi gian: từ ngày 24 đến 29/3/2010.
Địa điểm: Bãi Sau Thành phố Vũng Tàu.

4- ĐẠI HỘI THỂ DỤC - THỂ THAO LẦN THỨ 5 TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU.
Đại hội tập hợp các VĐV xuất sắc ở các địa phương từ cấp xã đến huyện, tỉnh tham gia thi đấu các môn thể thao có thế mạnh của địa phương như: Cờ vua, cờ tướng, bi sắt- petan , bóng chuyền bãi biển, Vovinam, thể dục thể hình, Taekwondo…để tuyển chọn các VĐV tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV/2010.
Thời gian: Đại hội khai mạc vào tháng 4 kéo dài đến tháng 8-2010.

5- GIẢI BÓNG CHUYỀN BÃI BIỂN NỮ QUỐC TẾ:
Giải thi đấu với sự tham gia 20 đội đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Thời gian: từ 22 đến 25/4/2010.
Địa điểm: Khu du lịch Biển Đông, Thành phố Vũng Tàu.

6- HỘI CHỢ HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN CÁC TỈNH PHÍA NAM:
Hội chợ dự kiến với 400 gian hàng tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị, tỉnh thành các tỉnh phía Nam .
Thời gian: Từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 2010
Địa điễm: Khu tam giác Bãi Trước.

7- FESTIVAL ẪM THỰC THẾ GIỚI:
Festival Ẩm thực quốc tế tại Vũng Tàu giới thiệu các món ăn đặc sản địa phương của Việt Nam và giao lưu với các nền văn hóa ẩm thực của khoảng 80 đoàn tham dự đến từ 70 quốc gia trên thế giới .
Festival còn thực hiện những hoạt động đặc biệt khác: Tọa đàm chuyên đề văn hóa Ẩm thực của nhiều phong cách khác nhau trên thế giới. Biểu diễn nghệ thuật, kỷ thuật nấu ăn… do các giáo sư, nghệ nhân danh tiếng trên thế giới như Giáo sư Trần Văn Khê, Vua bếp thế giới Jan Cancook và một số đầu bếp hàng đầu Việt Nam tham gia thực hiện, Biểu diển nghệ thuật ca nhạc đường phố ,diểu hành carnavan…
Thời gian: vào cuối tháng 7 năm 2010
Địa điễm: Đường Thùy Vân ,Bãi Sau .

8- LỄ HỘI CARAVAN VĂN HÓA DU LỊCH BIỂN VÀ LỄ HỘI NGHINH ÔNG.
Thực hiện trên cơ sỡ nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông để khai thác văn hóa biển truyền thống, kết hợp lễ hội hóa trang, caravan đường phố để tôn vinh văn hóa biển tôn vinh nghề biển, tục thờ cúng cá Ông.Lễ hội tổ chức hoạt động hội chợ sản phẩm biển, ẩm thực biển…
Thời gian: dự kiến từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 09 năm 2010
Địa điễm: Đình Thắng Tam, đường phố Vũng Tàu khu vực Bãi Sau

9- FESTIVAL QUÀ TẶNG VIỆT - VIET SOUVENIR
Chủ đề: “Hồn Việt”.
Festival quà tặng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại BR-VT nhằm mục đích khôi phục giá trị thẩm mỹ, văn hóa của quà lưu niệm, tôn vinh giá trị của các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam đem đến cho khách du lịch sản phẩm độc đáo mang giá trị tinh thần và giá trị sử dụng cao.
Festival sẽ quy tụ đại diện của gần 60 làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cơ sở có quà tặng nổi tiếng để cùng giao lưu trao đổi kinh nghiệm, mở rộng liên kết, hợp tác…
Thời gian:Trung tuần tháng 11/2010.
Địa điểm: Khu du lịch Biển Đông và Trung tâm Thương mại Imperial Plaza, Đường Thùy Vân , TP.Vũng Tàu


Theo Sở Văn hóa Thể Thao & Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

tunbo
12-04-2010, 11:44
Tượng Chúa Ki-tô hay Tượng Đức Chúa giang tay là một bức tượng Chúa Giê-su đứng trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu, được xây từ năm 1974....


Thực chất, đó là tượng Chúa hay tượng Thánh Gioóc (Jacques) hả bạn? Tớ đọc thấy một số sách nói là tượng Thánh Gioóc, nhưng không hiểu có đúng không, và nếu đúng, sao người ta lại gọi là tượng Chúa? Hay chỉ là thói quen?

keen_vt
12-04-2010, 11:45
Đi Vũng Tàu ăn cháo bồ câu

Cái thú tại quán là phải ngồi ngay lề đường, quây quần bên chiếc lò ấm cúng cùng nồi cháo đậu xanh, có thêm thịt bồ câu xé nhỏ, trộn đều trong cái béo ngậy của nồi cháo đang sôi trên bếp.
Quán nhỏ nằm khuất tại góc đường Đồ Chiểu, cách chợ cũ TP Vũng Tàu khoảng 300m. Vậy mà mỗi khi sáng đèn, thực khách lại kéo đến nườm nượp bởi món ăn chủ lực của quán là cháo bồ câu đậu xanh.

Bồ câu ra ràng hầm cháo đậu xanh với hạt sen đã bổ, lại thêm vị mát của đậu xanh, mùi thơm của hạt sen khiến cho món ăn rất hấp dẫn. Đến đây, thực khách có thể chọn số lượng bồ câu với 3 món chính là nấu cháo, quay và rô-ti.

Thịt bồ câu rất bổ dưỡng, nhất là chim non mới ra ràng. Theo y học Trung Hoa thì thịt bồ câu có vị mặn, tính bình, công dụng ích khí giải độc, điều kinh chỉ thống, bổ tinh rất tuyệt vời cho những cặp vợ chồng mới cưới mong con.

Theo anh Tuấn chủ quán, muốn có nồi cháo ngon phải có can đảm đập hay bẻ cổ bồ câu non. Làm như vậy máu và dưỡng chất được giữ lại nên thịt sẽ ngon ngọt hơn nhưng màu thì hơi bầm. Sau đó làm sạch, cho thêm gạo rang, đậu xanh vào soong, đổ nước nấu cháo. Cháo gần nhừ, cho thêm hạt sen vào nấu cho chín tới. Vớt thịt ra, xé nhỏ cho lại vào cháo.

Cứ cuối tuần, từng nhóm bạn từ TP HCM hay các tỉnh lân cận có dịp đi tắm biển Vũng Tàu lại đổ dồn ra quán nhỏ này nếm hương vị ngọt ngọt bùi bùi của chén cháo bồ câu.

Từ Tp. HCM qua đường Quốc lộ 51, 30-4 TP. Vũng Tàu, du khách có thể thưởng thức các món ăn mang đậm chất biển được chế biến từ con hàu biển. Để thưởng thức những món ăn được chế biến từ hàu, du khách có thể ghé quán ăn Nghĩa toạ lạc số 1637 đường 30-4, TP. Vũng Tàu.
Tuy đều được chế biến từ hàu nhưng mỗi món ăn lại có một hương vị khác nhau.

Vị ngọt của hàu quyện với mùi thơm của gạo cộng với vị thơm cay của tiêu, hành, rau thơm, nấm rơm trong món cháo hàu với giá 7.000 đồng/tô, hay vị ngọt của hàu quyện với cái béo ngậy của mỡ trong món hàu chiên với giá từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/dĩa, hoặc vị chua của chanh và giấm trong món hàu tái và hàu nhúng giấm với giá 50.000 đồng/dĩa. Muốn thưởng thức vị cay nồng của tinh dầu cải xộc thẳng lên mũi, du khách có thể gọi món hàu mù tạt… Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món hải sản tươi sống khác như: tôm, cua, cá, mực… Quán ăn Nghĩa mở cửa từ 6 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày và không tăng giá vào các ngày lễ.

https://tintuc.congdulich.com/uploads/userfiles/chaohau%281%29.jpg

Tại thị xã Bà Rịa hiện có 2 tiệm bánh canh mà thực khách có dịp đi ngang thì không thể không ghé vào. Đó là quán Thúy ở ngã ba Long Hương và quán Bánh Canh Long Hương tại cổng chào thị xã Bà Rịa.
Bánh canh ăn ngon mà nấu đơn giản, chỉ cần ninh chân giò và xương ống cho ngọt nước lèo rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Nước lèo trong veo nhưng có vị ngọt đậm đà của xương và thịt. Sợi bánh được làm bằng bột gạo pha bột lọc để có độ dài và bột màu trắng trong. Bánh canh ăn kèm với giá sống, rau cần và các loại rau thơm khác. Giá đậu xanh chọn loại lùn, thân mập vừa giòn, lại có vị ngọt mát. Bánh canh có 3 món cho thực khách lựa chọn: giò, nạc và que (que là xương ống có nhiều nạc).

keen_vt
12-04-2010, 14:36
Thực chất, đó là tượng Chúa hay tượng Thánh Gioóc (Jacques) hả bạn? Tớ đọc thấy một số sách nói là tượng Thánh Gioóc, nhưng không hiểu có đúng không, và nếu đúng, sao người ta lại gọi là tượng Chúa? Hay chỉ là thói quen?

Tớ không biết là thánh Jacques và chúa Kito có là 1 không vì tớ không có tìm hiểu đạo công giáo. Nhưng tượng trên đỉnh Tao Phùng theo các phù điêu kể lại và các tài liệu có trưng bày tại đó là chúa Jesu khổ hạnh. "đã chết vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta" (tớ nghe ở nhà thờ hát vậy). Ngay dưới chân tượng, phía bên ngoài có một bức phù điều về "bữa tiệc ly" bạn ạ.
Tên gọi "tượng Chúa" là cách gọi rút gọn của "tượng chúa Jesu" thôi. ;)

BM
12-04-2010, 16:02
Cảm ơn bài viết về Vũng Tàu của bạn, nếu thêm hình ảnh minh họa sẽ dễ hình dung và hấp dẫn hơn!

keen_vt
12-04-2010, 16:14
Cảm ơn bài viết về Vũng Tàu của bạn, nếu thêm hình ảnh minh họa sẽ dễ hình dung và hấp dẫn hơn!

Cảm ơn góp ý của bạn. Trong thời gian sớm nhất mình sẽ bổ sung hoàn thiện topic này để thông tin chia sẻ cùng mọi người chân thực và sống động hơn.

nmduc073
13-04-2010, 10:17
Man, mình là người Vt mà nhiều chỗ chưa hề biết. T_T

keen_vt
13-04-2010, 11:21
Man, mình là người Vt mà nhiều chỗ chưa hề biết. T_T

nmdua073 là người Vũng Tàu hả? Bạn là đang phượt ở đâu?

BM
13-04-2010, 12:48
Man, mình là người Vt mà nhiều chỗ chưa hề biết. T_T

Bạn Keen_vt có thể viết thêm một số địa điểm chi tiết về Vũng Tàu

- Núi Lớn và Núi Nhỏ bao gồm các pháo đài cổ từ thời Pháp thuộc và Hải Đăng.
- Hệ thống phòng thủ bờ biển chân Núi Lớn (được người Nhật hoàn thiện trong WWII, một phần của hệ thống phòng thủ này bây giờ nằm trong làng du lịch Bình An)
- Hệ rừng ngập mặn khu vực Long Sơn và Chí Linh (gần như bị xóa sổ)
----
Cảm ơn bạn.

KhungLongCoi
13-04-2010, 13:20
Bạn Keen_vt có thể viết thêm một số địa điểm chi tiết về Vũng Tàu

- Núi Lớn và Núi Nhỏ bao gồm các pháo đài cổ từ thời Pháp thuộc và Hải Đăng.
- Hệ thống phòng thủ bờ biển chân Núi Lớn (được người Nhật hoàn thiện trong WWII, một phần của hệ thống phòng thủ này bây giờ nằm trong làng du lịch Bình An)
- Hệ rừng ngập mặn khu vực Long Sơn và Chí Linh (gần như bị xóa sổ)
----
Cảm ơn bạn.

Bạn bổ sung thêm các đia danh sau nhé:
-Chùa Quan Âm ở bãi Dâu
-Thích Ca Phật Đài
-Bãi Chí Linh
-Chùa trên Hòn Bà
-Nhà thờ Bến Đá
-Tượng Đức mẹ bồng con.

dara
13-04-2010, 15:20
Hi bạn Keen, mình gặp đồng hương rùi.

khi3mkp
13-04-2010, 15:54
@keen_vt: hi vọng sớm xem được hình về những địa danh trên của bạn, cảm ơn.

tramykt86nt
13-04-2010, 23:38
Tramy đã 2 lần đến Vũng Tàu. Những kỉ niệm đẹp vẫn còn đọng mãi. Nhớ tiếng la hét và cái dang tay rộng mở như ôm cả đất trời khi đang vi vu trên chiếc xe đạp đôi. Nhớ những quán cafe kì lạ. Nhớ mấy chiếc chuông gió ngồ ngộ ven đường. Nhớ hai vợ chồng bán mực nướng ven bờ biển, với câu chuyện về cuộc sống mưu sinh. Nhớ...nhớ nhiều lắm! Vũng Tàu - miền kí ức quá dễ thương!

keen_vt
14-04-2010, 08:35
@keen_vt: hi vọng sớm xem được hình về những địa danh trên của bạn, cảm ơn.

Hôm nay Trúc bắt đầu post một số ảnh về VŨng Tàu lên các nơi đã giới thiệu. Các bạn đón xem nhé. Vui lắm khi mọi người yêu mến Vũng Tàu quê mình như vậy

keen_vt
14-04-2010, 08:53
Bạn Keen_vt có thể viết thêm một số địa điểm chi tiết về Vũng Tàu

- Núi Lớn và Núi Nhỏ bao gồm các pháo đài cổ từ thời Pháp thuộc và Hải Đăng.
- Hệ thống phòng thủ bờ biển chân Núi Lớn (được người Nhật hoàn thiện trong WWII, một phần của hệ thống phòng thủ này bây giờ nằm trong làng du lịch Bình An)
- Hệ rừng ngập mặn khu vực Long Sơn và Chí Linh (gần như bị xóa sổ)
----
Cảm ơn bạn.

Mình sẽ bổ sung những phần này trong thời gian tới. ^_^

khi3mkp
14-04-2010, 09:14
Êm đềm bãi Chí Linh

Bãi Trước, Bãi Sau đông nghẹt người tắm biển là quang cảnh thường thấy ở Vũng Tàu. Nếu không muốn chen nhau thuê dù, ghế... với giá cắt cổ, tắm biển xong lại chen nhau tắm nước ngọt, mời bạn đến với bãi biển Chí Linh. Nằm ngay ngã tư đường 3/2 và Nguyễn Hữu Cảnh, chỉ cách khu trung tâm 3km, Chí Linh đã được quy hoạch thành làng du lịch khá đẹp. Bãi biển vắng vẻ thơ mộng, bạn tha hồ tắm biển và nằm thư giãn, phơi nắng cả ngày mà không bị hàng rong quấy rầy.

Chùa Quan Âm bãi Dâu

Niết Bàn Tịnh Xá, Linh Sơn Cổ Tự... là những ngôi chùa quen thuộc nằm trong các tour du lịch. Mời bạn đến thăm một ngôi chùa khác nằm trên đường Trần Phú - chùa Quan Âm Bồ Tát. Chùa tĩnh lặng nhìn xuống Bãi Dâu sóng vỗ rì rào. Nổi bật giữa khung cảnh chùa là tượng Phật Bà Quan Âm cao 16m đứng trên tòa sen trắng.

Nhà thờ Bến Đá

Đến thăm làng chài mà không ghé nhà thờ Bến Đá thì thật thiếu sót. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt, tiệc tùng, cưới hỏi.. của dân làng chài. Nằm trong khuôn viên thoáng mát, nhà thờ có kiến trúc hết sức đặc sắc, với thiết kế như một con thuyền trắng khổng lồ đang giương buồm hướng ra biển.

Và hôm nay một mình lại leng keng về Vũng Tàu một mình. :d

kakathinh
15-04-2010, 10:17
Gởi hộ em hình toàn cảnh sân đua chó nhé.Thânhttps://i852.photobucket.com/albums/ab89/kakavn/VUNG%20TAU%20IMPERIAL/DSC01095.jpg

keen_vt
15-04-2010, 11:00
Từ hàng ghế khán giả

https://img200.imageshack.us/img200/223/img3062m.jpg

https://i207.photobucket.com/albums/bb39/pretty_xx8x/DSCF1354-1.jpg

Chuẩn bị ra sân

https://vietpet.com/vietpet/uploads/News/pic/small_1203921195.nv.jpg

Các tuyển thủ

https://farm4.static.flickr.com/3211/3125187416_bb3ece076e.jpg


https://farm2.static.flickr.com/1402/1041417603_4ddafee788_o.jpg

Xé gió

https://i2.photobucket.com/albums/y18/tridam/VungTau_DuaCho-1.jpg

https://farm4.static.flickr.com/3259/2673604467_acd3877569.jpg?v=0

mpt4cus
29-05-2010, 15:27
Mình ở Đà Nẵng,ngày 5/6 tới mình định đi VT từ SG,trên cung đường từ SG tới VT có chỗ nào hay ho cần ghé thăm không,các bạn chỉ cho mình với.
Thanks all :D

nmduc073
29-05-2010, 15:58
Theo cảm nhận của mình là không có. Có lẽ do mình hay về quê ở VT từ TP nên chẳng để ý những thứ khác. ^_^ Bạn nên cẩn thận 1 chút vì đang có nhiều đoạn đang làm đường. Bụi mù mịt. Coi chừng những xe khách tấp vào lề gấp để đón khách. Rồi nhiều đoạn hơi hẹp. Hai xe khách mà đua nhau chạy song song thì bạn lo mà tấp sát vào nhé.

deny
29-05-2010, 17:01
Mình ở Đà Nẵng,ngày 5/6 tới mình định đi VT từ SG,trên cung đường từ SG tới VT có chỗ nào hay ho cần ghé thăm không,các bạn chỉ cho mình với.
Thanks all :D
Nếu bạn từ SG đi VT mình có 2 phương án cho bạn:
*PA 1- Đi tàu cánh ngầm, chu du trên sông SG và biển Cần Giờ, đi mau, giá mắc mà không có dừng lại chụp hình hay thưởng thức thức ăn được. Nhưng có cái hay của nó ^^
*PA 2- Đường bộ:
*Đi lựa chọn 1:
1- Đường đi của chúng ta sẽ bắt đầu từ TP ra Hàng Xanh - Cầu Sài Gòn - đường Trần Não - Lương Định Của - Nguyễn Thị Định - Phà Cát Lái: lộ trình 10km
· Qua phà, lý do đi đường này là:
- Tránh đoạn đường QL51 từ Ngã 3 Vũng Tàu về Long Thành đang sữa chữa bụi bặm rất khó đi và nguy hiểm
- Qua phà ngắm mặt sông mát rượi, ngắm cầu Phú Mỹ và cảng Cát Lái.
- Rút ngắn khoảng cách, so với đường ngoài ngắn hơn hơn 20km.
- Rút ngắn thời gian di chuyển so với đường ngoài khoảng 30p.
2- Phà Cát Lái - Đại Phước - Nhơn Trạch - QL 51 (Lộ trình 30km): đoạn này cũng có khoảng 2km đang sửa chữa nên các bạn chưa đi bao giờ chú ý chạy chậm.
- Có thể ghé các khu du lịch trong đoạn này như Đảo Dừa Lửa, BÒ Cạp Vàng, Hương Đồng..
- Có thể ghé các quá giải khát dọc đường nằm võng, thưởng thức món dừa nước của miền tây, bạn có thể mua 1 vài bịch mang về tự pha uống, chỉ cần thêm đường và đá là ok.
3- QL51 - Thiền viện Thường Chiếu - Bánh Bao 69 - Đại Tòng Lâm Tự - Bà Rịa (50km) đường ngon chạy đã, cứ thẳng tiến, các địa danh có thể ghé thăm là các mốc trên đường, ghé thăm Thiền viện, mua bánh bao 69 nổi tiếng, và quần thể chùa lớn nhất VN là Đại Tòng Lâm.
4- Bà Rịa - Vũng Tàu: 25km

*Đi lựa chọn 2: TP - Bến Nhà Rồng - Nguyễn Tất Thành - Q7 - Nguyễn Thị THập - Cầu Phú Mỹ - Phà Cát Lái: lộ trình 10km
- Đi đường này thì lên cầu PHú Mỹ ngắm cảnh 1 chút.
- Đoạn sau thì giống lựa chọn 1

*Về: ghé bò sữa Long Thành mua sữa uống là được

mpt4cus
29-05-2010, 18:39
Cảm ơn bạn _deny_ rất nhiều,có lẽ mình sẽ đi theo PA2-lựa chọn 1,vì mình đi xe máy :D

keen_vt
30-05-2010, 07:57
Mình ở Đà Nẵng,ngày 5/6 tới mình định đi VT từ SG,trên cung đường từ SG tới VT có chỗ nào hay ho cần ghé thăm không,các bạn chỉ cho mình với.
Thanks all :D

Cũng trên cung đường bộ, có một vài địa điểm bạn có thể ghé qua như sau:
1/ Nhà Lớn Long Sơn:ở đây có đền thờ đạo Ông Trần, nổi tiếng với món tương đấu. Khi đến thăm, ngoài tham quan (miễn phí) nếu vào buổi trưa còn được mời cơm chay miễn phí nữa.
2/ Suối Tiên ở Tân Thành: ngay trước cổng chào Bà Rịa sẽ có đường lên núi, trên núi có Suối Tiên nước trong mát và không gian yên tĩnh. Nếu đi nhóm, bạn có thể tranh thủ tắm suối, nghỉ ngơi và khởi hành về Vũng Tàu sau.
Mình sẽ đưa thêm thông tin về Nhà Lớn và Suối Tiên ngay sau đây để bạn tham khảo

keen_vt
30-05-2010, 08:12
Suối Đá, suối Tiên thực sự là điểm du lịch hấp dẫn và kỳ thú, nhiều người đã nhận xét: nơi này như là một Đà Lạt thứ hai. Đường đến khu thắng cảnh thật thuận lợi, dễ dàng. Du khách từ thành phố Vũng Tàu theo quốc lộ 51 đến nhà thờ Chu Hải (xã Hội Bài - huyện Tân Thành) cách thị xã Bà Rịa 5km về phía bắc, rồi rẽ phải chừng 2km về phía tây là tới.


Suối Đá - Suối Tiên đều bắt nguồn từ đỉnh Núi Dinh cao 491m do những dòng suối nhỏ ở men theo các dốc núi, sườn đồi hợp thành, chảy êm đềm uốn lượn ven rừng cây thơm ngát hương của núi rừng, đồng nội... Từ độ cao 150m theo dốc thoải dần về phía đông, suối ồ ạt đổ xuống hai bờ núi đá, chảy quanh co tưới mát quanh năm cho cánh đồng lúa màu mỡ của xã Hội bài rồi chảy ra biển.

Suối Đá, Suối Tiên chứa vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ mà kỳ thú. Ở đây có sự cuốn hút kỳ lạ làm say đắm lòng du khách mỗi khi đặt chân đến. Dọc đôi bờ của những dòng suối chảy đêm ngày là muôn vàn những mỏm đá mang nhiều hình thù độc đáo. Những tảng đá hoa cương trần trụi, bám đầy địa y xen lẫn rêu phong, có lẽ hàng ngàn năm rồi đá nằm ngủ trong rừng sâu tới nay. Có những hòn đá cao từ 3m đến 5m tạo nên nhiều hình khối sống động. Dọc hai hờ suối bạn tưởng chừng như lạc giữa thế giới của đá với những hình dạng kỳ vĩ lạ lùng.



Dọc suối còn có những thạch bàn phẳng lì nằm nghiêng nghiêng khá rộng, bạn có thể ngồi hay nằm nghỉ khi dừng chân. Ở đây bạn nghe tiếng suối ào ạt tuôn chảy từ đỉnh thác của Suối Tiên đổ xuống, tạo thành những giếng trời khá sâu, nước trong xanh có thể nhìn rõ những hòn sỏi trắng muốt dưới đáy. Nước chảy xối xả tung toé hơi nước hoà vào không gian những hạt bụi li ti tạo nên cảm giác thật dễ chịu. Từ tháng 7 - 8, suối cuộn mình tung bọt trắng xóa để tới tháng 10 khi bắt đầu vào mùa khô dòng suối hiền hòa trở lại. Du lịch suối Đá, bạn nên chuẩn bị giày thể thao và một chiếc gậy nhỏ để đi dọc các bờ và vượt thác. Qua đoạn đường gập ghềnh và dốc trơn, sau khi đã thấm mệt bạn có thể dừng chân nghỉ hoặc tắm ở bên những giếng nước nhân tạo trong mát.
Theo con đường ngoằn ngoèo và khá dốc, xung quanh có cây rừng mọc xanh mướt, bạn vượt dốc núi để tới Suối Tiên, dòng suối ở đây êm đềm lừng lững chảy rồi uốn khúc thật thơ mộng. Từ Suối Đá đến suối Tiên phải vượt qua 600m đường rừng quanh co. Người xưa đặt tên cho suối có nhiều lý do. Tương truyền ở nơi đây cây cối rậm rạp, núi rừng hoang vắng vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời xuống hạ gian đề du ngoạn. Qua dòng suối trong mát này các nàng tiên rủ nhau tắm mát rồi mới về trời. Hiện nay ở phía mỏm đá của Núi Dinh có dấu chân thật xinh xắn in thành ngấn trên đá người ta gọi là dấu chân tiên. Có lẽ người xa yêu cảnh trí ở nơi đây - một vùng non nước kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình đã nghĩ ra và đặt cho suối cái tên thật huyền ảo: Suối Tiên.

Nếu còn thời gian du khách sẽ theo con đường mòn đề tới những ngôi chùa nhỏ gần đấy. Từ xa bạn có thể nghe tiếng chuông chùa thong thả ngân nga thật bình yên, rồi tiếng mõ của sư gia đọc kinh, khói hương trầm quyện với hương của huệ, ngọc lan thơm ngát... gợi lên vẻ u tịch của chốn thiền viên ở vùng sơn cước.

Các bạn đi từ TP về VT tới cổng chào Bà Rịa (hình dưới) thì vòng lại khoảng 200m hỏi người dân đường vào Suối Đá (Suối Tiên)
https://lh6.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CovLcCiI/AAAAAAAAFYY/zLGQ6zIMKYU/s640/IMG_4688.JPG

"Ngồi trên cao nhìn xuống ước ao cuộc đời lo toan dường như mất dấu..."
https://lh4.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CsgLG1JI/AAAAAAAAFY4/iMoUNamxb5g/s512/IMG_4695.JPG

Đường xuống suối
https://www.look.yeah1.com/albums/userpics/232145/yeah1_teens_030.jpg

Ở Suối đá có 5 cái hồ, và đây là một trong những cái hồ đẹp nhất tại suối đá: Hồ 4, nước hồ ở đây trong xanh đến tuyệt vời, hồ có chỗ sâu chỗ thấp, và nếu không biết bơi thì tôi khuyên bạn không nên xuống hồ nhé! (vì đáy hồ đá rất trơn)

https://www.look.yeah1.com/albums/userpics/232145/yeah1_teens_040.jpg
Sau một hồi dừng chân ngắm cảnh, ngại ngùng chưa dám xuống suối tắm tôi bắt gặp 1 nhóm chú tiểu đang về chùa, đôi chân thoăn thoắt, họ bay nhảy trên những phiến đá làm cho tôi nhớ lại 1 thời tuổi thơ nghịch ngợm của mình... Toán này thì lên thẳng núi về chùa, tôi gọi họ là những chú tiểu có lòng thành tâm cao.

Và... 1 nhóm chú tiểu thì chưa về chùa vội vì đã bị màu xanh biếc của mặt hồ quyến rũ, ôi những chú tiểu ham chơi...! (tôi bắt gặp 1 toán người khác đi ngược về và nói nhỏ với nhau rằng: các thầy ấy ham chơi thế thì không biết có tu hành chín quả được không! ).

https://www.look.yeah1.com/albums/userpics/232145/yeah1_teens_060.jpg
Mỏm đá giữa hồ, nơi nghỉ chân cho những tay liều lĩnh!

https://www.look.yeah1.com/albums/userpics/232145/yeah1_teens_080.jpg
Trên bờ có 1 cây cổ thụ khá to, người dân ở đây đã cột vào đó 1 sợi dây để có thể phi ra mỏn đá giữa hồ, nếu có một lần ghé thăm nơi đây, hãy thử một lần xem sao bạn nhé! )

https://www.look.yeah1.com/albums/userpics/232145/yeah1_teens_090.jpg

keen_vt
30-05-2010, 08:18
Nhà lớn Long Sơn tại xã đảo Long Sơn, phía tây núi Nứa là hồ nước ngọt Mang Cá, những đầm sen tỏa hương thơm ngát, là một trung tâm văn hóa, tôn giáo của cư dân Long Sơn. Khu di tích và danh thắng này là nơi thu hút khá đông khách du lịch ngay khi chiếc cầu Ba Nanh được xây dựng nối đảo Long Sơn với TP. Vũng Tàu.

Khu nhà lớn có 3 phần riêng biệt là khu đền thờ: nhà Long Sơn hội, trường học, nhà chợ, nhà mát, nhà bảo tồn ghe sấm, các dãy phố quanh chợ và lăng mộ Ông Trần, người sáng lập ra tín ngưỡng khác lạ pha trộn nhiều đạo giáo khác, không có kinh kệ, chuông mõ, ăn chay… chỉ có những lời dạy truyền khẩu trong dân gian.

Khu di tích đang lưu giữ nhiều cổ vật quý báu có nguồn gốc nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, chẳng hạn như bộ tủ thờ cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo gồm 33 cái có nguồn gốc vùng Hà Đông, bộ bàn ghế Bát Tiên tương truyền của vua Thành Thái…
Bố cục kiến trúc nghệ thuật trang trí thể hiện nét tiêu biểu tín ngưỡng Ông Trần, phá vỡ những nghiêm luật đăng đối đương thời. Hàng năm ở đây có hai lễ hội là ngày “Vía Ông” 20.02 âm lịch (ngày giỗ Ông Trần) và lễ “Trùng Cửu” vào ngày 09.9 âm lịch. Du khách đến đây có thể tìm thấy những điều mới lạ mà người dân nơi đây đã tạo ra theo ý muốn và ước vọng của họ, bổ sung cho kho tàng hiểu biết của mình.

Một vài hình ảnh thực tế:
Cầu Long Sơn
https://lh4.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8Cn6Lh10I/AAAAAAAAFYQ/RBK0-1_MMoA/s640/IMG_4687.JPG

Phòng khách lớn
https://lh6.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8Cb0ynCcI/AAAAAAAAFWo/0dU0du7m90U/s640/IMG_4659.JPG

https://lh6.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CnBuuBbI/AAAAAAAAFYI/pwAdDQ7WR0s/s640/IMG_4682.JPG

https://lh3.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CdEZHx5I/AAAAAAAAFW4/-6WXEF3MMB4/s640/IMG_4661.JPG

Kiến trúc
https://lh6.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CfUzpijI/AAAAAAAAFXI/8RepvZ4dAfo/s640/IMG_4669.JPG
https://lh6.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CeZCVEaI/AAAAAAAAFXA/FWKBmQiVlJk/s640/IMG_4662.JPG

keen_vt
30-05-2010, 08:19
Kiến trúc <tiếp>
https://lh3.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8ChX22JyI/AAAAAAAAFXY/kxoamRlyAJw/s640/IMG_4671.JPG
https://lh6.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8ClVv1E1I/AAAAAAAAFX4/Jer5OrD5LPM/s640/IMG_4679.JPG
https://lh3.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CkQ_-vWI/AAAAAAAAFXw/h4-X0vPPZxQ/s640/IMG_4678.JPG
https://lh5.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CjUFUDWI/AAAAAAAAFXo/1rG_p9aJtKo/s640/IMG_4675.JPG


Hàng tương đậu rất ngon và rẻ
https://lh4.ggpht.com/_4o5EgwtdSro/SZ8CiaPjaDI/AAAAAAAAFXg/wHcp4RnNSuY/s640/IMG_4672.JPG

Linh nhi
06-06-2010, 17:53
Cho mình hỏi cái này chút. Cách đây lâu rồi mình ra VT có đi thăm 1 tượng đài cao (sorry vì lâu quá nên mình ko nhớ nó là tượng gì nữa). Mình nhớ hành trình đi là thế này: đi thuyền thúng ra xa bờ 1 chút rồi leo lên thuyền lớn rồi chạy đến gần đảo lại leo thuyền thúng mới tới nơi dc. Bạn cho mình hỏi nơi đó là chỗ nào í nhỉ :p?

Cảm ơn bài viết chi tiết của bạn keen_vt. Nhưng nếu bạn là dân VT chính gốc, có thể bật mí cho mình vài địa điểm ăn uống bình dân mà ngon dc ko? Ví dụ những chỗ để ăn sáng (ở ngay TP VT nha bạn), rồi ăn lẩu, hải sản... buổi tối. Nhóm mình sắp đi bụi VT, hơi lăn tăn vụ ăn uống này vì ko có ai quen giới thiệu quán. Thanks bạn

keen_vt
07-06-2010, 11:54
Cho mình hỏi cái này chút. Cách đây lâu rồi mình ra VT có đi thăm 1 tượng đài cao (sorry vì lâu quá nên mình ko nhớ nó là tượng gì nữa). Mình nhớ hành trình đi là thế này: đi thuyền thúng ra xa bờ 1 chút rồi leo lên thuyền lớn rồi chạy đến gần đảo lại leo thuyền thúng mới tới nơi dc. Bạn cho mình hỏi nơi đó là chỗ nào í nhỉ :p?

Cái này bạn vui lòng cho mình biết bạn rời bến bằng thuyền thúng ở chỗ nào nhé. Mình sẽ hỏi bạn bè mình coi sao vì lịch trình đi như vậy mình chưa đi bao giờ.


Cảm ơn bài viết chi tiết của bạn keen_vt. Nhưng nếu bạn là dân VT chính gốc, có thể bật mí cho mình vài địa điểm ăn uống bình dân mà ngon dc ko? Ví dụ những chỗ để ăn sáng (ở ngay TP VT nha bạn), rồi ăn lẩu, hải sản... buổi tối. Nhóm mình sắp đi bụi VT, hơi lăn tăn vụ ăn uống này vì ko có ai quen giới thiệu quán. Thanks bạn
- Ăn sáng: bạn nên ra chợ Vũng Tàu, vừa tham quan chợ, vừa ăn uống rất bình dân. cứ tới chợ hỏi người ta hàng ăn chỗ nào là ai cũng chỉ hết đó. giá từ 20k trở xuống thôi.
- Ăn trưa: cũng ở gần chợ Vũng Tàu, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bạn hỏi Cơm Hướng Dương nhé, rất nhiều món để lựa chọn, canh rau đầy đủ, giá 20k.
- Ăn tối: khu gần cáp treo và Đồ Chiểu thường là địa chỉ ưa thích của dân du lịch nhưng giá khá là cao. tốt nhất các bạn ăn phở Minh Tâm trên đường Trương Công Định rồi đi ăn vặt thêm cho ấm bụng.
- Hải sản: ăn ngon nhất và giá phải chăng là quán Thuỷ nằm trên đường Hoàng Hoa Thám
- Lẩu thì mình hok biết tại ít khi ăn lẩu ở Vũng Tàu nhưng món nướng thì bạn đến đường Cô Giang có dê nướng rất là ngon.
- Kem thì có kem Sài Gòn ở Lý Thường Kiệt (đối diện quán bánh khọt Cây Đa), kem Thổ Nhĩ Kỳ trên phố Đồ Chiểu làm bằng sữa bò Long Thành và trái cây nguyên chất của gia đình Việt- Thổ làm rất công phu (giá rẻ nữa), và kem Mùa Đông ở lề đường Ba Cu (gần khu Tam Giác) là địa điểm ưa thích của học sinh và gia đình (giá tháng trước hình như <=10k đó bạn)

nmduc073
08-06-2010, 11:02
Hải sản thì có quán Tuyết Vân trên Hoàng Hoa Thám, ngay gần tượng Trần Hưng Đạo, cũng ngon và giá cả ok. Còn thì mình hay ăn ở nhà mỗi khi về VT. ^_^

khi3mkp
08-06-2010, 23:09
Thêm quán lẫu đầu cá nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (số 6 NKKN thì phải) nữa hehe, quán đó vừa ngon lại phải chăng nữa.

Linh nhi
08-06-2010, 23:41
Thanks mọi người nhiều. Mình nghĩ lại thì hóa ra nhớ nhầm vụ đi thuyền thúng, hihi ngại quá, chỗ đó ko phải VT

keen_vt
09-06-2010, 19:06
Thấy quảng káo về VT mà phát thèm kakaka.Sáng mai lên đường đi bụi ra VT mới được.Trước giờ chỉ đến VT tắm biển chứ chẳng biết thêm gì rứa.Khoái cái vụ mấy đại ka 3 chỏm tắm ao hồ đu dây điện chơi vơi ra giữa ao là lá la.Thổ địa keen_vt đang ở nơi mô ? Nếu rãnh thì làm thổ địa dùm tui , tui củm ơn nhiều nhiều.Ra đến VT tui dắt đi en cà lem :D.

Keen_vt đang ở Sài Gòn. Bạn đi theo hướng dẫn trên diễn đàn là ok rùi. yên tâm đi. chơi Vũng Tàu dễ lắm mà ^^

mpt4cus
09-06-2010, 20:36
Mình mới đi VT về,nói chung VT nhỏ,nên chạy lòng vòng trong thành phố vô tư,bạn sẽ khám phá thêm nhiều điều.

MrRai
11-07-2010, 13:55
E mới đi VT hôm thứ 5....có đi lên suối đá nữa..mà chỉ leo lên 3 hồ..có tổng cộng 5 hồ...nhưng hiện h nó khô weo ah..ít nước lém..hơi dơ nữa...nên níu ai mún đi thì e nghĩ nên đi sau khi trời mưa...hi vọng ok hơn

phet lac
12-07-2010, 16:38
Các bác thổ địa vũng tàu cho em hỏi phát:

- Lên đỉnh núi lớn theo đường Vi Ba (Ngay ngã ba Lê hồng phong - trần phú) có đi xuyên qua núi lớn được không? Em lên đỉnh thấy có đường nhưng đề biển "khu quân sự cấm vào" nên đành quay lại. À, có một chi tiết là trên đường lên có một nơi có đàn khỉ chạy nhảy trên đường rất dễ thương.
- Muốn lên bãi pháo cổ trên núi lớn đi đường nào lên vậy? bác nào biết đường chỉ em mới.

Kiều Oanh
20-07-2010, 01:32
Giờ hem cho chạy xe máy lên đỉnh núi Lớn nữa rồi bác ơi. 1 là bác đi cáp treo - híc vì thế nên cấm xe máy đó ko thì thằng này phá sản rồi. 2 là đi bộ và chui rào.

tihi1212
20-07-2010, 10:36
Tình hình là rất tình hình. E dự tính đi VT với người iu bằng xe máy khoảng 2,3 ngày j đó (khoảng 28.7 j` đó). Thấy đua chó rất thú vị nên muốn bik. Nhưng hình như tối t7 mới có mà ở cuối tuần thì nghe nói chặt chém dữ lắm. A e nào bik thì tư vấn dùm e nên đi những đâu zui zui, lãng mạn j` đó và nơi ăn uống ngủ nghỉ, giá cả bình dân nha. Tổng chi phí dao động từ 1tr-1tr5 thui. Chỉ đường dùm e luôn nha. E ở SG lần đầu đi bụi như j` a. Mong mọi người chỉ giáo cho. Thanks nhìu ^^!

Kiều Oanh
20-07-2010, 13:43
Tình hình là rất tình hình. E dự tính đi VT với người iu bằng xe máy khoảng 2,3 ngày j đó (khoảng 28.7 j` đó). Thấy đua chó rất thú vị nên muốn bik. Nhưng hình như tối t7 mới có mà ở cuối tuần thì nghe nói chặt chém dữ lắm. A e nào bik thì tư vấn dùm e nên đi những đâu zui zui, lãng mạn j` đó và nơi ăn uống ngủ nghỉ, giá cả bình dân nha. Tổng chi phí dao động từ 1tr-1tr5 thui. Chỉ đường dùm e luôn nha. E ở SG lần đầu đi bụi như j` a. Mong mọi người chỉ giáo cho. Thanks nhìu ^^!

Bên trên mọi ng đã nói nhìu đến vt nơi vui chơi và ngủ ngỉ đó bạn đọc đi . Còn đua chó thì đúng là cuối tuần mới có

garfiel
21-07-2010, 23:11
Tối thứ 7 có đua chó ,vui lắm nhé . Với tầm chừng 1tr đến 1,5 tr chỉ dám bao bạn ngủ thôi nhé .Trừ thứ 6 và thứ 7 , Ngân sách cở đó la đủ vui rồi .

MrRai
04-08-2010, 16:26
https://sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc4/hs252.snc4/39926_138111606229819_100000929420823_184899_61549 18_n.jpg
hình mới đi tuần rùi ^^..nước nhìu lắm

Little_FOX
05-08-2010, 03:24
https://sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc4/hs252.snc4/39926_138111606229819_100000929420823_184899_61549 18_n.jpg
hình mới đi tuần rùi ^^..nước nhìu lắm

Ô, chỗ này là chỗ nào nhỉ :0. Mình mới đi vũng tàu đợt vừa rồi ma fko biết :(

keen_vt
14-08-2010, 14:13
Ô, chỗ này là chỗ nào nhỉ :0. Mình mới đi vũng tàu đợt vừa rồi ma fko biết :(

Là Suối Tiên, Suối Đá đó bạn. Chi tiết xem các bài biết trên cùng topic này.

tigerk40
16-08-2010, 14:32
ôi! mới xem ảnh mà đã mê.
Đang băn khoăn có 6 ngày trong Tp.HCM không biết đi đâu đâu? Giờ biết phải đi đâu rồi.
Tẹo nữa nhất định sẽ đọc lại 1 bài viết 1 lần nữa.

Thanks bạn nhiều nhiều nha! :)

Xe đạp
16-08-2010, 16:20
Thanks bác chủ tóp, đọc báo thấy "VT chặt chém" nay vào Phượt xem bài này của bác thtật bổ ích.. hii thanks again
(sao m ko thấy nút thanks đâu nhỉ)

keen_vt
17-08-2010, 13:59
ôi! mới xem ảnh mà đã mê.
Đang băn khoăn có 6 ngày trong Tp.HCM không biết đi đâu đâu? Giờ biết phải đi đâu rồi.
Tẹo nữa nhất định sẽ đọc lại 1 bài viết 1 lần nữa.

Thanks bạn nhiều nhiều nha! :)

Rất vui khi thấy bạn có hứng thú với topic này và chọn Vũng Tàu làm điểm đến. Chúc bạn có một chuyến đi thật sự hài lòng.

Thanks bác chủ tóp, đọc báo thấy "VT chặt chém" nay vào Phượt xem bài này của bác thtật bổ ích.. hii thanks again
(sao m ko thấy nút thanks đâu nhỉ)

Hì, nút thanks ở góc dưới bên trái bài viết của mình đó bạn ^_^

tigerk40
17-08-2010, 17:59
Rất vui khi thấy bạn có hứng thú với topic này và chọn Vũng Tàu làm điểm đến. Chúc bạn có một chuyến đi thật sự hài lòng.


Từ Bắc vô Nam qua Vũng Tàu chơi mà bị lạc không bít gọi ai đây?

Nói vui vậy thôi! Mình đang nghiên cứu giữa tháng 9 này đi chơi. Cũng đã xem bài viết của bạn cùng 1 số bạn khác. Cũng đã có kế hoạch và dự định riêng, nhưng chưa thực sự rõ những địa ranh đó nằm ở quãng nào. Vì mình tính chỉ chơi ở Vũng Tàu 3 ngày (nghỉ 2 đêm ở Vũng Tàu) nên không muốn đi 1 cách hợp lý, tranh mua đường vòng đi vòng lại tốn thời gian mà lại không thưởng thức được mấy.
Có gì mình sẽ lên 1 cái lịch và mong các bạn tư vấn giúp! :)

Bé Hà
18-08-2010, 22:10
Các bác thổ địa vũng tàu cho em hỏi phát:

- Lên đỉnh núi lớn theo đường Vi Ba (Ngay ngã ba Lê hồng phong - trần phú) có đi xuyên qua núi lớn được không? Em lên đỉnh thấy có đường nhưng đề biển "khu quân sự cấm vào" nên đành quay lại. À, có một chi tiết là trên đường lên có một nơi có đàn khỉ chạy nhảy trên đường rất dễ thương.
- Muốn lên bãi pháo cổ trên núi lớn đi đường nào lên vậy? bác nào biết đường chỉ em mới.
CHạy xe lên đến chỗ vào thăm quan thi kg cho vào,
Bác nào chị khó dùng mỹ nhân kế với mấy anh lính gác thì okie á ( Cái này nói thiệt à nha)

Bé Hà
18-08-2010, 22:15
Lẩu ra 40 Trương Công Định, đặc sản lẩu cá đuối
Kem Pinky ( jống SG nhưng rẻ 7k viên) ở Quán CHợt Nhớ đường Nguyễn Du, kg nhớ số.
Ăn sáng ra chợ thì làm sao cho jống nguoi VT, kg thì bị chém đứt cổ

ldtung
19-08-2010, 02:05
Cảm ơn những thông tin cung cấp từ chủ nhân và mọi người trong topic này nghe. Ngày 26/08 sẽ có mặt ở Vt, hy vọng sẽ có một chuyến du hí thú vị.
Các bác cho em hỏi ở Vt có cái KS nào giá rẻ rẻ tí ko? khoảng 200k/p/2 người? Chỉ giúp em với.

tigerk40
19-08-2010, 09:37
Lẩu ra 40 Trương Công Định, đặc sản lẩu cá đuối
Kem Pinky ( jống SG nhưng rẻ 7k viên) ở Quán CHợt Nhớ đường Nguyễn Du, kg nhớ số.
Ăn sáng ra chợ thì làm sao cho jống nguoi VT, kg thì bị chém đứt cổ

Bạn chỉ mình cách ăn sáng giống người Vũng Tàu với :D

Bé Hà
19-08-2010, 13:34
Thì cứ ra ngồi ăn, cứ bi bo nói là Sài Gòn này, SG nọ, cứ cho người ta biết bạn kg fai là dân địa phương thì okie chuẩn bị cổ.
Dân địa phương ít ai vô chợ ăn sáng như bạn gì đó nói

keen_vt
19-08-2010, 20:09
Cảm ơn những thông tin cung cấp từ chủ nhân và mọi người trong topic này nghe. Ngày 26/08 sẽ có mặt ở Vt, hy vọng sẽ có một chuyến du hí thú vị.
Các bác cho em hỏi ở Vt có cái KS nào giá rẻ rẻ tí ko? khoảng 200k/p/2 người? Chỉ giúp em với.
Tụi em ở Vũng Tàu cũng ít đi nghỉ khách sạn nhưng các bác ra chơi thì em gợi ý nên ở khách sạn Sơn Thịnh (giá không đổi quanh năm + tiệc buffet rẻ mà ngon + cho mượn xe đạp đơn miễn phí và vị trí gần biển nữa). Để biết thêm chi tiết, các bác có thể vào http://sonthinhhotel.com
Khi đặt phòng mọi người cứ yêu cầu ở Sơn Thịnh gần tượng chúa Giang Tay để đi lại cho tiện.
Chúc bác ldtung đi chơi vui. Đi về mà hài lòng thì bấm Thanks cho chủ Topic cái nữa nhé. :)

Bé Hà
19-08-2010, 21:12
Sơn Thịnh bình dân và check in giờ nào thì sau 24h check out, chứ kg như mấy ksạn khác 12h là bat buộc trả fòng, nhưng KHÔNG BAO GIỜ cho đặt phòng trước. Đến trực tiếp còn thì ở thôi.
Ăn sáng tự chọn free nhưng rất là xô bồ bạn ơi.
Thàc chịu khó ở nhà nghỉ fía trong trung tâm cũng tốt mà. Trương Văn Bang - TRương Công Định

MrRai
22-08-2010, 17:14
e thấy vô trong trung tâm mà ở là ok nhất ah..có xe máy thì đi đâu cũng tiện..
plans ê hôm bữa đi là
Sáng gặp nhau ở Phà Cát lái >> sau đó chạy 1 mạch tới Suối Đá ( mấy hôm nay mưa nên nước nhiều ),ăn chơi ở hồ 5 tầm 3h chạy xuống VT>> check in..ngủ nghĩ..>> Tối đi coy đua chó ( Thứ 7 only) .> Sáng CN tắm biển,dạo VT,tham quan vài chỗ . Chìu về .Done..nói chung đi VT như zị là ok rùi ah

phienphuc
23-08-2010, 10:20
Các huynh cho hỏi. Mình đi xe máy tới suối đá vậy mình tắm thì tự coi xe hả. ở đó vô chủ phải ko các huynh :D

keen_vt
27-08-2010, 15:46
Các huynh cho hỏi. Mình đi xe máy tới suối đá vậy mình tắm thì tự coi xe hả. ở đó vô chủ phải ko các huynh :D
Trên đó có chỗ giữ xe bạn à, giá tầm 3k-5k/xe thôi. nhưng đi nhớ gài mũ bảo hiểm cho kỹ nhé.

tigerk40
30-08-2010, 11:08
Cho mình hỏi luôn là nếu đi Xe máy từ Tp.HCM tới Vũng Tàu và đi chơi ở các điểm du lịch trên thì nên đi xe Ga hay xe Số?

+Thanks!

MrRai
31-08-2010, 10:41
Cho mình hỏi luôn là nếu đi Xe máy từ Tp.HCM tới Vũng Tàu và đi chơi ở các điểm du lịch trên thì nên đi xe Ga hay xe Số?

+Thanks!

cứ xe máy là ok ;;)...tụi e hôm đó 6 người đi 3 con AB..vô tư bạn ah..cũng gần nên ko sợ j đâu

catfishvt
06-09-2010, 23:18
Mình ơ vũng tàu mãi nên thấy phình phường quá, bạn giới thiệu rồi mới thấy quê mình đẹp biết bao

barcarra
08-09-2010, 21:47
Cho mình hỏi luôn là nếu đi Xe máy từ Tp.HCM tới Vũng Tàu và đi chơi ở các điểm du lịch trên thì nên đi xe Ga hay xe Số?

+Thanks!

Đi xe ga kéo cho sướng bạn ạ, ko có bắn tốc độ đâu. :D

Nhưng hiện giờ ko nên đi đường QL.51 vì đang mở rộng nên nhiều chỗ khá bụi bặm. Có thể đi đường phà Cát Lái.

linhnam
09-09-2010, 19:12
Đi xe ga kéo cho sướng bạn ạ, ko có bắn tốc độ đâu. :D

Nhưng hiện giờ ko nên đi đường QL.51 vì đang mở rộng nến nhiều chỗ khá bụi bặm. Có thể đi đường phà Cát Lái. kịch


Cái vụ này em kịch liệt phản đối, kinh nghiệm của em là không nơi nào ở miền Nam bắn tốc độ dữ dội như đườg 51 từ Đồng Nai đi vũng tàu - mà đặc biệt thích nhất là xe máy!

Bé Hà
23-09-2010, 12:07
Những khúc hay bắn
Qua cầu cỏ may - qua mũi tàu bên tay phải là đường 30/4
Đến Khu cảng dầu khí cũng ngay đó.
Ngay bùng binh Đài Liệt Sĩ nữa ngen. Toàn bắn lén á.

Xe đạp
23-09-2010, 12:45
Đúng đúng đúng.. đoạn chưa tới Long Thành phải ko ạ, hè vừa rồi m mượn Magic cà rịch cà tang chạy tà tà cũng bị tít lại vô cớ, cuối cùng ko tìm ra lỗi gì (vì "ngim chỉnh" chấp hành và giấy tờ A-Z kể cả "bảo hỉm tự ngịn") thế là quay sang bắt lỗi bảng số xe giả vì ko có dấu tròn dập nổi và đòi giam xe mới nực cười. Thế là nhân cơ hội m vào gặp thẳng thằng đội trưởng chửi vào cái sự ngu dốt của thằng lính nóa cho hả giận :)) keke. (giấy ĐK màu trắng, và bảng số xe đăng ký năm 2004 chưa có phản quang và dấu nổi, các bác có xe đk cũ lưu ý điều này đừng để bị bắt chẹt nhé)

mild_se7ven
04-10-2010, 23:59
Tôi dự tính đi chuyến 2 ngày, các bạn có kinh nghiệm cho ý kiến nha.
Ngày 1: SG - VT (chơi cả ngày & nghỉ đêm tại VT)
Ngày 2: Sáng tìm đường wa Bình Châu
- Tôi xem trên Google Map thấy đi tuyến như thế này: Đường cầu Cửa Lấp -> đường 44 -> tìm đường wa lăng Phước Hải -> Hồ Tràm -> đi thẳng luôn ra QL55 -> Bình Châu
- Chiều về: Đi đường 328 -> Đại Ngãi -> QL51 -> Sài Gòn
* Xin hỏi các bạn:
1. Từ đường 44 -> lăng Phước Hải dễ đi không?
2. Từ Hồ Tràm -> QL55 thấy có đi wa cánh rừng, không biết đường dễ đi và có an toàn không? Vì mình đi với bạn gái nên không muốn mạo hiểm lắm! hi

Mong các bạn wan tâm và góp ý chỉ dẫn! Thứ 7 này (8-9/10/10). Xin chân thành cảm ơn.

keen_vt
06-10-2010, 23:12
Tôi dự tính đi chuyến 2 ngày, các bạn có kinh nghiệm cho ý kiến nha.
Ngày 1: SG - VT (chơi cả ngày & nghỉ đêm tại VT)
Ngày 2: Sáng tìm đường wa Bình Châu
- Tôi xem trên Google Map thấy đi tuyến như thế này: Đường cầu Cửa Lấp -> đường 44 -> tìm đường wa lăng Phước Hải -> Hồ Tràm -> đi thẳng luôn ra QL55 -> Bình Châu
- Chiều về: Đi đường 328 -> Đại Ngãi -> QL51 -> Sài Gòn
* Xin hỏi các bạn:
1. Từ đường 44 -> lăng Phước Hải dễ đi không?
2. Từ Hồ Tràm -> QL55 thấy có đi wa cánh rừng, không biết đường dễ đi và có an toàn không? Vì mình đi với bạn gái nên không muốn mạo hiểm lắm! hi

Mong các bạn wan tâm và góp ý chỉ dẫn! Thứ 7 này (8-9/10/10). Xin chân thành cảm ơn.

1/ lịch trình đi: Ok
2/ Thời gian đi: ổn
3/ Việc lo lắng vì sự hoang vắng: bạn yên tâm, đường ở Vũng Tàu và các vùng lân cận đều đẹp và dễ đi. An toàn thì tùy vào tay lái của bạn.
Enjoy nhé!

thuynhvan
15-10-2010, 00:26
Chia sẻ cẩm nang du lịch BR-VT cùng các thành viên nè.
http://www.mediafire.com/file/eagz1erw0ke/BRVT.pdf


file bị lổi font rùi. có cái khác ko.
Thks for help

Bé Hà
02-11-2010, 09:48
http://www.baria-vungtau.gov.vn/tourist/diemkhac.htm

nguyendothanh
11-11-2010, 18:43
gần như cuối tuần nào mình cũng đi VT mà bây giờ mới biết VT có nhiều chỗ để đi như thế
tks

vanpth
18-11-2010, 08:52
Mình đang chuẩn bị đi VT với gia đình, các bạn chỉ giúp mình chỗ nào ăn hải sản ngon và rẻ nha? Chỗ nào có thể mua hải sản sống về SG luôn. Cám ơn nhiều nhiều :-))

antigone
18-11-2010, 09:54
Bạn có thể mua hải sản ở quán Hai Néo hoặc một quán khác cách đó vài mươi mét trên đường Hạ Long, phía đối diện bến tàu cánh ngầm. Họ cũng có nhận hấp chín hải sản cho bạn tại chỗ. Hải sản rất tươi, giá chấp nhận được. Hoặc là trên đường về SG, bạn ghé vào Trung tâm thương mại Bà Rịa hỏi chỗ mua.

ntdze
09-12-2010, 05:17
Không thấy ai nhắc đến quán Hải Sản Thành Phát gần cảng cá Sao Mai nhỉ, lần nào ra VT mình cũng lại đó ăn, mình đã check giá tất cả các quán, quán này bán đúng giá và cân đủ.

Lon_ton
18-12-2010, 00:07
Ai đã từng đi Suối Đá rồi cho em hỏi 1 chút.:
- Không biết là ở Suối Đá có chỗ nào bằng phẳng và có bóng mát để có thể trải bạc ngồi không ạ?
- Ở đó có chỗ thay quần áo không ạ?
Em tìm thông tin mãi mà không ra.Ai giúp em với. Cảm ơn mọi người nhiều nhiều.

deny
20-12-2010, 07:34
Ai đã từng đi Suối Đá rồi cho em hỏi 1 chút.:
- Không biết là ở Suối Đá có chỗ nào bằng phẳng và có bóng mát để có thể trải bạc ngồi không ạ?
- Ở đó có chỗ thay quần áo không ạ?
Em tìm thông tin mãi mà không ra.Ai giúp em với. Cảm ơn mọi người nhiều nhiều.

Có nhiều Suối Đá lắm bạn à, nhưng theo mình chắc là bạn hỏi suối đá ở núi Dinh đường từ Nhà thờ Chu Hải đi vào.

Chỗ bằng phẳng và có thể trải bạt thì rất nhiều, quan trọng là bạn ngồi bao nhiêu người, khoảng 10-20 người thì vô tư, và ở các hồ thường không phải trải bạt đâu, bạn tắm và ngồi ngay lên đá luôn.

Chỗ thay quần áo thì không, chỉ có ở chùa là có nhà vệ sinh có thể thay trong đó được, còn ở các hồ tương đối trống trải, không thay đồ được, nhưng mà bạn cứ thay ở đó cũng không ai nhìn đâu ^^,

Có 2 lối vào, 1 là đi theo đường cũ, tới chân núi gửi xe và đi bộ lên chùa, trên đường đi qua hồ 5, hồ 4 và hồ 3, tắm rộng rãi. Lối thứ 2 là lối mới, chạy xe máy thẳng một mạch lên chùa luôn, rồi đi ngược xuống suối hồ 5, hồ 4 và hồ 3 hoặc đi ngược lên suối hồ 2, hồ 1 để tắm.

Ngoài suối đá đó còn các suối đá khác ở châu đức và xuyên mộc nữa..

MrRai
20-12-2010, 09:47
Có nhiều Suối Đá lắm bạn à, nhưng theo mình chắc là bạn hỏi suối đá ở núi Dinh đường từ Nhà thờ Chu Hải đi vào.

Chỗ bằng phẳng và có thể trải bạt thì rất nhiều, quan trọng là bạn ngồi bao nhiêu người, khoảng 10-20 người thì vô tư, và ở các hồ thường không phải trải bạt đâu, bạn tắm và ngồi ngay lên đá luôn.

Chỗ thay quần áo thì không, chỉ có ở chùa là có nhà vệ sinh có thể thay trong đó được, còn ở các hồ tương đối trống trải, không thay đồ được, nhưng mà bạn cứ thay ở đó cũng không ai nhìn đâu ^^,

Có 2 lối vào, 1 là đi theo đường cũ, tới chân núi gửi xe và đi bộ lên chùa, trên đường đi qua hồ 5, hồ 4 và hồ 3, tắm rộng rãi. Lối thứ 2 là lối mới, chạy xe máy thẳng một mạch lên chùa luôn, rồi đi ngược xuống suối hồ 5, hồ 4 và hồ 3 hoặc đi ngược lên suối hồ 2, hồ 1 để tắm.

Ngoài suối đá đó còn các suối đá khác ở châu đức và xuyên mộc nữa..

Á Deny..cho mình hỏi lối 2 đi đường nào vậy..:D..mới đi lối 1 àh

ffvinh
25-12-2010, 13:07
em đang định đi suối Đá, cho em hỏi xem suối nào đẹp nhất và đi đường nào cho thuận lợi ạ :D
à, em xuất phát ở Vũng Tàu ạ :D

Mayflower
25-12-2010, 23:13
Ra Vũng Tàu không muốn về TP HCM khói bụi, lúc nào kẹt xe nữa

kd294
26-12-2010, 22:41
Chào các bạn của box Vũng Tàu phiêu lưu ký. Tui có nghe nói trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn, khi đến Long Thành có quán bán lẩu cua rất ngon. Bạn nào biết vui lòng chỉ giúp tui địa chỉ quán với. Cám ơn nhiều.

thienbinh_dn83
28-12-2010, 14:15
@keen_vt
Cảm ơn topic và những thông tin về VT của bạn. Lần này mình được trải nghiệm VT thật dễ thương, không như những lần trước đó.
Cảm ơn về quán hải sản Tuyết Vân, quán bánh khọt 14 NTr Tộ gốc cây vú sữa, ...

ducthienweakt
28-02-2013, 22:18
Bạn nào ở VT confirm giùm mình các tuyến xe buýt trong nội thành được không vậy (cụ thể là tuyến đường 30/4-bãi trước), do mình đi côn đảo nên không tiện đi xe máy

Kaitokid
14-03-2013, 21:39
Cho mình hỏi là cái chùa nằm ngoài biển trên cái đảo nhỏ gần Bãi trước ak . Làm sao ra đó được ? Nghe nói sáng sớm nước rút đi bộ qua bằng cái đường đá. Mà khi nào nước rút ? Có phải ngày rằm không ? Ngày bình thường ra được không ?

keen_vt
20-04-2013, 15:45
Sorry Kaitokid mình trả lời hơi chậm. Cái chùa nằm ngoài biển là thuộc Bãi Sau chứ hok phải gần Bãi Trước. Dân Vũng Tàu gọi đó là Hòn Bà, trên chùa thờ Quan Âm Nam Hải để ngư dân cầu an khi ra biển. Để ra được Chùa bạn cần hỏi dân chài lưới gần đó xem mấy giờ nước ròng, mấy giờ nứoc lớn để tranh thủ mà đi. Nếu nhắm nước lên nhanh hok kịp vào thì bạn có thể nhờ ngư dân đưa vào bằng thuyền thúng hoặc... bơi vào ^_^ (nói giỡn chứ bơi ở đó nguy hiểm lắm, đừng dại nhé). Mình thì chưa đi thuyền thúng nên hok biết giá làm sao. Còn thường đi bộ ra đó thì mất khoảng 30ph - 1h vì đá gập ghềnh khó bước. Các bạn đi ra nhớ mang dép ko trơn trượt hoặc giày cao su càng tốt vì lỡ sẩy chân hoặc trượt chân thì hàu cắt chảy máu như chơi. Chúc bạn có chuyến tham quan vui và nhiều ấn tượng.

nungo
22-04-2013, 21:29
Thích quá! Tháng 7 mình sẽ zô Vũng Tàu :))

vntuyen
29-04-2013, 12:03
Vừa nảy cả nhà đi xe máy ra vũng tàu, ngang khu resort Long Cung, ghé vào thăm lăng quăng, tắm táp 1 tí. Cảm nhận khá ok, giá cả cũng được, chắc lễ nên hơi đông.
Đang ngồi ở Gành Hào, địa chỉ yêu thích, nhưng hơi buồn vì từ nay sẽ không còn nướng tại bàn.
Tí nữa tính đi Hải đăng mà quên đường rồi, bạn nào biết chỉ với.

Và chỉ luon cách up hình từ facebook hoặc ipad. Thank you!

Việt Hùng VTV
02-05-2013, 17:36
Mình cũng chia sẻ tấm ảnh chụp Vũng Tàu đợt 30/4/2013 vừa rồi
Bãi Sau
https://i987.photobucket.com/albums/ae358/hungphovtv9/VungTau-2904133_zps410bab9f.jpg (http://s987.photobucket.com/user/hungphovtv9/media/VungTau-2904133_zps410bab9f.jpg.html)

https://i987.photobucket.com/albums/ae358/hungphovtv9/DulichVungTau-29041351_zpsbbece42c.jpg (http://s987.photobucket.com/user/hungphovtv9/media/DulichVungTau-29041351_zpsbbece42c.jpg.html)