PDA

View Full Version : Hai bác già và cô bé 15 tuổi của Nguyễn Nhược Pháp



TravelBug
29-03-2010, 07:44
Trời Hà Nội mùa Thu thật đẹp: không khí se lạnh, vừa đủ lạnh để người Hà Thành khoác lên những chiếc áo len, nét duyên dáng của các cô tiểu thư đất Thăng Long cũng tăng thêm bội phần.

Hai bác già đặt chân đến Hà Nội lần đầu vào 1 ngày thu như thế! Nhìn, nghe....vì Hà Nội đối với hai bác già tuy quen mà lạ: Lạ là vì lần đầu đến ; quen là vì Hà Nội hiện diện trong lịch sử, trong văn thơ, trong lòng hoài vọng mong mỏi 1 ngày được nhìn thấy hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa, được dạo quanh hồ Tây và nhấm nháp bánh tôm hồ Tây mà mình đã đọc rất nhiều trong thời học sinh nhưng cứ tưởng không bao giờ thành hiện thực..... Cho đến mùa thu năm 2003 !

https://farm2.static.flickr.com/1423/559836561_ebaf576376.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4032/4292577090_30b66404fb.jpg

TravelBug
29-03-2010, 11:52
https://farm3.static.flickr.com/2783/4472134830_d084993cdb.jpg
(những hình trong bài viết này phần nhiều được trích trở lại từ máy quay phim nên chất lượng kém - hình ảnh chụp từ máy chụp hình bị cậu con cả làm hư mất lúc chuyển ra portable HD )

Từ xứ chuột túi, chuyến bay Vờ Nờ A đưa 2 bác già lướt mây về nhà. Vì là Vờ Nờ A, nên hai bác già thích thú nghe hiểu và có những yêu cầu rất dễ dàng không cần phải uốn cong lưỡi! nhưng cũng vì không cần phải uốn cong lưỡi nên tai cũng nghe hiểu mọi chuyện xảy ra trong chuyến bay mà không cần phải cố gắng lắm; cũng không phải dễ chịu cho lắm ....nhưng đúng là có đi có biết, có nghe có hiểu....

Khách sạn nơi hai bác già ngụ nằm trong khu phố cổ, buổi sáng bác già trai thường dậy sớm xuống ngang đường có tiệm phở nhỏ: phở ăn cũng thường nhưng 30 năm bác già trai mới lại được ly chè tươi xanh uống mát miệng mát lòng, khề khà uống chè, chuyện vãn với vài người khách quen của ông chủ hàng phở cũng thuộc hàng sắp sửa cổ lai hy, bác già trai thấy đời bổng đẹp không vì cao lương mỹ vị, mà vì khung cảnh và nếp sống quen thuộc bác đang sống và cảm nhận đây, như chưa từng có khoảng cách nào xảy ra trong cuộc đời bác.

Lâu, lâu lắm bác già trai mới được ăn những bìa đậu rán vàng như thế này cùng bát canh ốc nấu chuối xanh, cơm nóng sốt được xới ra bát bác không phài từ nồi cơm điện mà từ chiếc nồi to được ủ nóng bằng nhiều lớp vải và 1 tấm đệm đan. Bác tưởng như mẹ già bác vừa quay lưng khuất bóng sau phên vách bếp.... không có khói mà mắt bác dưng cay....

https://farm5.static.flickr.com/4041/4292577806_0699c7ef40.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2750/4291836455_027c5aecee.jpg

TravelBug
29-03-2010, 16:58
Hồ Hoàn Kiếm, buổi sáng tinh mơ, buổi trưa nắng nóng, buổi tối êm dịu..... Lúc nào hai bác già cũng gặp đông đầy người dân Hà Thành: buổi sáng sớm các cụ, các bác và các bạn tập dưỡng sinh Tai Chi thể dục. Nắng sớm vừa cao đủ làm tan sương giá trên mặt hồ thì thay vào những người vội vàng về đi làm hoặc đi chợ búa lo việc hàng ngày là những người buôn gánh bán bưng, các em ôm hàng sách bán dạo sống nhờ vào khách du lịch. Và họ, những người khách du lịch đủ các quốc tịch các màu da cũng đã có mặt : người thì chụp hình cảnh quan hồ, kẻ thì túm tụm vào cái kiosk nhỏ đầu hồ chọn lựa mua tour thăm quanh thành phố. Hai bác già vốn cũng chỉ là người khách du lịch, nhưng có lợi thế là khách du lịch hạng "người nhà"; buổi sáng, buổi trưa hoặc buổi tối vẫn thả bước dạo quanh bờ hồ, trời thu buổi sớm mặt hồ bảng lãng lớp sương mỏng khiến bờ hồ thêm phần thơ mộng, buổi trưa hơi nước từ mặt hồ hợp cùng bóng râm những tàn phượng cỗi quanh hồ giúp giảm nhiệt độ hâm hấp bốc lên từ mặt đường nhựa, giúp những người lao động có thể ngã lưng chợp mắt dăm ba phút trên những ghế đá quanh hồ. Và buổi tối, buổi tối là thời khắc của những cặp tình nhân quấn quýt vào nhau nhờ vào sự đồng lõa của bóng tối! Thường hai bác già chọn 1 ghế đá ngồi ngắm hồ, ngắm người và thưởng thức kem que bờ hồ; trò chuyện với nhiều người nhặt ra nhiều chuyện sống rất hay, và nhìn thấy cụ rùa trồi lên hớp không khí:

https://farm5.static.flickr.com/4004/4471355617_658d1cb5cb_o.jpg

Gần cầu Thê Húc lối vào đền Ngọc Sơn, vẫn thấy vài cô cậu chắc học ngành hội họa ngồi vẽ, rất đẹp:

https://farm3.static.flickr.com/2719/4472133964_0662b27858.jpg

Và cuộc đời....cuộc sống người dân Hà Thành vẫn bình thản trải ra quanh hai bác già, hai người khách tuy đồng tộc nhưng lại là khách phương xa một lần ghé thăm, và yêu Hà Nội:

https://farm2.static.flickr.com/1426/559731509_3ffb87d772.jpg

https://farm2.static.flickr.com/1332/559704963_1579890121.jpg

https://farm2.static.flickr.com/1173/559719451_6e6a715307.jpg

https://farm2.static.flickr.com/1108/559704947_870770fa79.jpg

TravelBug
30-03-2010, 08:49
Hồ Tây buổi chiều gió mát, ngồi trong quán nhìn ra mặt hồ Trúc Bạch nhớ lại những tác phẩm tả về Hà Nội 36 phố phường xưa, gọi dĩa bánh tôm và chai bia Halida. Có lẽ trong cảm nhận của tuổi học sinh mới lớn đã tăng thêm hương vị món ăn này trong các tác phẩm và tác giả thời đó, là điều mà hai bác già hoàn toàn không có trong tuổi về chiều đi tìm cảm xúc cho những gì mình đã đọc; nên cuốn chiếc bánh giòn vào lá rau mà không thấy cái tuyệt trong cảm nhận. Hay là không gian cũng góp phần cho vị giác? Từ 1 món ăn cho học sinh mới lớn giàu mơ mộng nhưng tài chính có giới hạn, miếng bánh tôm ngoài cái ngon vì ăn dè, còn thêm cái ngon vì bạn bè cùng vây quanh bà cụ chiên bánh mộc mạc, húp cả chén nước giấm vẩn còn thòm thèm chưa đã??? Trong quán này, khung cảnh nhìn ra hồ Trúc Bạch hữu tình, bàn ghế trài khăn lịch sự, chén dĩa trắng lốp...nhưng chính những cái lịch sự đó thật là không hòa hợp được với món ăn giản dị chân quê? Quán này, khung cảnh này thích hợp với 1 cuộc nhậu hơn....

https://farm5.static.flickr.com/4034/4471354747_d831c75b53.jpg

Băng ngang đường Thanh Niên (?) ngày xưa đọc thấy tên là đường Cổ Ngư (vẫn thích tên Cổ Ngư vì nghe thơ hơn...), hai bác già vào thăm đền Trấn Vũ

https://farm5.static.flickr.com/4063/4471352055_a5e8e36356.jpg

Theo con đường dẫn vào chùa; một ngôi chùa đơn sơ còn đậm dấu vết thời gian với mái ngói và các cột trong chùa đã lên nước ( hai bác già chỉ viết theo cảm nhận và kiến thức rất là hạn hẹp của minh, có sai xin các bạn góp lời sửa chữa)

https://farm5.static.flickr.com/4012/4471350653_f338d442bc.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4032/4472130554_97d8c2d021.jpg

Chiều đó trên đường tìm về để cảm nhận, hai bác già tìm đến quán chả cá Lã Vọng gần khách sạn. Chiếc cầu thang gỗ dốc ngược thật đúng với chiếc cầu thang nhỏ căn nhà bác già gái sống thuở nhỏ, cách bài trí trong căn nhà dưới cũng mang đậm nét Việt xưa mà hai bác già muốn nhìn thấy! Còn món ăn:

https://farm5.static.flickr.com/4066/4471348171_b9ca6aa3a0.jpg

Như nhìn thấy nhà văn Vũ Bằng đang ngồi trong bàn góc kia ... lá rau thơm, chén mắm và khói mờ bốc lên từ những hỏa lò nhỏ làm hai bác già thấy mình đang tìm được nổi xúc cảm trong "Thương nhớ mười hai"

vietnam0809
31-03-2010, 21:01
Linh tinh

Ảnh của hai bác lấy từ phim nhưng với Thằng Xe thành ra lại rất hay , nhất là hai cái đầu tiên . Đường phố chiều cuối thu se se lạnh , không gian trong vắt và vắng tĩnh mịch . Cầu Thê húc với nứt rạn lớp sơn sẫm màu bã trầu , cổ kính và thanh thoát thấp thoáng sau những nhành liễu rủ thướt tha ven bờ hồ . Gam màu sám sáng tĩnh lặng trong hai bức hình kia khiến Thằng Xe bồi hồi nhớ một Hanoi điềm đạm không sặc sỡ , một Hanoi trật tự không sô bồ và " Thiếu " bon chen . Hanoi thủa nửa đầu thập niên 60 của thế kỷ trước , Hanoi của tuổi thơ !!!!! CŨ và LẠC HẬU ?????????

TravelBug
01-04-2010, 04:33
Bác Xe ạ, với 2 tấm ảnh mà bác Xe thích, bác già tôi đây do tuổi già ngủ kém nên mới bắt được 1 cầu Thê Húc và 1 tháp rùa tĩnh mịch như thế! Xem chừng du lịch trên thế giới bây giờ nơi đâu cũng cần giấc ngủ sẽ nhỉ?? Cụ Tế Xương đã chẳng bảo: ...bồng bế nhau lên nó ở non!

TravelBug
01-04-2010, 05:02
Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương

Ai trong chúng ta đã chẳng có lần đọc bài thơ đẹp cà tình lẫn ý này của Nguyễn Nhược Pháp?? Cho nên, sáng mờ sương trên ngọn cỏ Hà Nội đã có hai bác già mình theo chân cô bé 15 tuổi...

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy,
Đưa cánh buồm lô nhô.

Bến Đục ngày nay không đò nan không bườm lô nhô mà chỉ thấy thuyền đò bằng kim loại và người chen chân người: điều hành bến đò, người lái thuyền, người làm cò, du khách Tây thật và Tây giấy, Tây trắng tây đen lẫn tây vàng.... tất cà hợp thành 1 khu vực hỗn loạn.

Trên bến:

https://farm5.static.flickr.com/4018/4472130746_62a3f2b494.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2746/4471351223_9db11ee690.jpg

Dưới sông:

https://farm5.static.flickr.com/4005/4472129906_9bd47df63a.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4024/4472131188_7fef3f5bf3.jpg

TravelBug
01-04-2010, 08:25
Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.


Suối Yến uốn lượn trong sương mùa thu, lẽ ra phải là hình ảnh đẹp gần như tranh như cô bé 15 tuổi của Nguyễn Nhược Pháp đã tả như trong bài thơ, nhưng có lẽ hai bác già chọn lựa sai thời điểm để thăm chùa Hương. lẫn trong những nhịp cầu nho nhò, cảnh cũng rất êm đềm như tranh, nhưng tranh thì không có tiếng động của máy nạo vét bùn khơi dòng suối chuẩn bỉ cho mùa hội sắp đến.

Suốt dọc đoạn suối Yến từ Bến Đục dẫn vào đến bến lên chùa Hương có 2 cô gái (hình cuối của post trên) chèo theo chiếc thuyền nhỏ chở 2 bác già và 2 người khách du lịch Mỹ cùng cặp vợ chồng gốc Ấn đến từ Mã Lai. Hai cô dẫn giải những cảnh đẹp dọc đường cho khách trên thuyền - bằng tiếng Việt, dĩ nhiên - Vì nghe hiểu, nên hầu như hai cô hướng dẫn riêng cho 2 bác già:

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồị
Tới núi con voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Có ngọn núi, thay vì quay đầu chầu vào hướng chùa Hương, lại "cứng đầu" quay ngược lại, và 2 cô chỉ cho biết ngọn núi bị trảm đầu để trừng phạt tội ngoan cố này. Công tâm mà nói, có được người địa phương giải thích thì các tích truyền và các ngọn núi chung quanh cũng dể thấm nhận hơn!

Chùa lấp sau rừng cây,
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

May quá, tuy thuyền chèo chứ không phải thuyền máy mà chỉ khoảng gần 1 giờ đã đến bến lên chùa. Dọc hai bên đường nhiều hàng quán bày bán hương đèn (quên nói là khi bắt đầu vào thị trấn địa phận quanh chùa Hương đã thấy rất nhiều gian lều trương bảng "Nơi đây có đổi tiền lẻ" - chưa hiểu đổi tiền lẻ để làm gì!) nhưng điều làm 2 bác già sốc nhất là nơi thanh tịnh lại có những quán bán thịt rừng các loại! Thôi mình cứ nhắt mắt mà đi tới!

TravelBug
01-04-2010, 11:58
Em đi, chàng theo sau,
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.


Bác già gái đã cùng bước chung với bác trai qua gần 40 năm, lúc sung sướng cũng như khi gian nan đã cùng dìu nhau chung hưởng và phấn đấu. Nhưng bác già gái vẫn bước chậm không phải vì ngại bị chê số gian nan không giàu mà vì con đường đá thô sơ không thể bước nhanh sợ té! may quá, 2 cô gái khi này đã giúp 2 bác, tay đỡ tay nâng "Bố mẹ để con giúp, coi chừng ngã!" Lòng chùng xuống vì cảm động

https://farm5.static.flickr.com/4052/4479717473_77c17b2d8b.jpg

Thật ra con đường đá này, đi thì dễ trượt chân nhưng trông còn hay gấp trăm lần nếu như bị thay vào con đường trải nhựa, may quá, chính quyền sở tại chỉ bắt đầu dựng cột chuẩn bị lắp cáp treo (2004), nhưng nghe đâu cũng gặp tranh cãi nhiều với dân địa phương. Ngang chùa (suốii?) Giải Oan, 2 cô đưa 2 bác già vào ngôi chái nhỏ xéo ngang chùa, có bác trung niên lo quét lá và săn sóc bên ngoài; 2 bác già được mời trà và chuyện trò cùng nhau trong dăm phút nghỉ ngơi. Biếu bác trung niên chút quà mọn, 2 bác già trở xuống vì nhắm không leo nổi lên động Hương Tích, đến đây câu chuyện mới thực sự bắt đầu:

Trên đường đi, 1 trong 2 cô gái dẫn đường tự giới thiệu:

- Bố Mẹ ạ, chúng con làm trong tổ chụp ảnh cho du khách, bố mẹ giúp chúng con hôm nay nhé!

Tốt thôi! thường khi du lịch, chỉ thu hoạch được hình phong cảnh hoặc độc hành; được bác trai thì thiếu bác gái nên lòng vui mà thấy chuyến đi chù Hương này được hình của cả hai. Cô lại tốt lòng đề nghị tiếp:

- Chụp máy phim con vài ảnh thôi ạ, còn thì để con chụp cho Bố Mẹ bằng máy của Bố Mẹ, như thế đỡ tốn hơn ạ!

Quá tốt! còn gì hơn?

Trở xuống, 2 cô nhỏ nhẹ bảo:

- Bố Mẹ cho chúng con ít tiền boa, kẻo xuống đến dưới lại phải nạp vào tổ, chia ra chúng con chẳng còn gì ạ!

Sao lại thế được? người ta đã theo mình suốt quãng đường, giúp mình qua những chặng đường dốc, sao lại lấy tiền thưởng của người ta mà chia cho kẻ khác vốn không có công sức gì? Bác già gái đưa ra 50.000 đ (2004) nhưng bị từ chối:

-Ấy Mẹ ơi, đời sống đắt đỏ mà Mẹ cho chúng con thế làm sao sống?

Chết thật, thế ra đây là nghề chính chứ không phài phụ à? thế thì 50 nghìn làm sao người ta sống được, thôi thế 100 nghìn vậy!

- Mẹ ơi!

Thôi thì 150 nghìn vậy!

- Mẹ ơi người ta còn boa chúng con 100 đô Mỹ ấy!

Dến phiên "Mẹ" gọi mẹ ơi!!! chưa từng thấy chuyện kỳ cục như thế này!! phát cáu, lòng chùng xuống vì tức, "Mẹ" thõng câu:

- Cô có lấy hay không thì tùy, nhưng tôi chỉ cỏn bằng ấy, còn dư tý chút chốc phải trả tiền hình cho Cô và còn phần cô chèo đò chứ!

"Con gái" chụp lấy tiền trước khi "Mẹ" cho trở vào túi!!!

Cẩn thận bước xuống dốc (không người giúp sức nữa) , hai bác già quanh vào chùa Thiên Trù thăm cảnh chùa cho dịu cơn bực tức.

https://farm3.static.flickr.com/2798/4292575786_711e8b95bf.jpg

vietnam0809
03-04-2010, 18:48
Linh tinh 2


Hãy khoan nói đến " Phong cách phục vụ " với " Kỹ nghệ làm tiền " của những người ở đây . Bởi " Biết rồi , khổ lắm ..... vì nghèo nên người ta mới làm vậy " .... Bữa hai bác lên , chùa Thiên trù ( Thiên chù ? ) kia đã có hai chú sư tử Châu phi hoành tráng đứng canh bên đỉnh hương lớn giữa sân chưa ? ( Và vô vàn những thứ " Tinh vi " làm bằng gạch , đá , Bê-tông cốt thép trong những chùa khác trên đường lên động Hương tích nữa ... ) . :( :(

Cách đây dăm năm Thằng Xe có dịp ghé lại thăm nơi này , nó đã phải thự sự " Ngưỡng mộ " ngẩn ngơ trước những " Hoàn thiện " , ngỡ ngàng đến thảng thốt trước những " Cố gắng " của một số người làm văn hóa trong công cuộc " Phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa " của dân tộc . Mới thấy , trí " Tưởng bở " của Thằng Xe lắm lúc cũng đã rất " Hão huyền " mà cũng chỉ như " Con tem " dán trên " Mông con voi " trí " Tưởng bở " của những " Nhà nghiên cứu văn hóa " loại này , không chỉ ở nơi đây mà còn ở nhiều nơi khác trong Xứ Kinh mình . :( :(

" VĂN MINH và HIỆN ĐẠI hóa xã hội à la xứ Kinh muôn năm ! " :D :D :D

TravelBug
04-04-2010, 07:30
Qua cổng tam quan, là 1 nhà tạm thoáng rộng dành cho khách vãn cảnh chùa dừng chân nghỉ và sửa soạn đồ lễ hương đèn, giàn cột gỗ đen bóng dấu thời gian. Hoàn hồn sau cơn đôi co với 2 cô gái, hai bác già nghỉ mệt trên những bậc thềm tam cấp, trò chuyện với anh hướng dẫn (của đoàn khác, anh hướng dẫn đoàn 2 bác già còn bận đưa khách lên động) và dẩn giải đôi việc với những khách khác gần bên.

https://farm5.static.flickr.com/4040/4291836997_4487e88685.jpg

Qua khỏi nhà tạm là 1 khoảnh sân rộng, giữa sân có 1 đỉnh hương đồng đen - to lớn nhưng lạnh lẽo hương khói, có lẽ không đúng dịp lễ hội chăng. Đứng ngồi quanh đấy thật cũng không thể thiếu những người chuyên làm phiền khách du lịch, mời khách đổi tiền lẻ - À bây giờ bác già mới ngộ ra là đổi tiền lẻ để cho vào thùng công đức dâng cúng chùa và kẹp vào các tượng hộ pháp, Bồ Tát và Phật vì thờ trên bàn thờ cao nên thoát được cảnh phải cầm tiền trên tay khó coi như thế. Nhưng bác già nghĩ mãi, nghĩ mãi vẫn không ngộ ra được sao lại mời khách du lịch ngoại quốc đổi tiền lẻ để cúng chùa? Còn cúng thùng công đức là việc làm rất tốt, giúp cho chùa có tài chánh để hương khói và gìn giử tu bổ khuôn viên, nhưng không phải đó là tùy tâm sao?

Chánh điện nằm sau khoảng sân này, chùa còn giử được nét nguyên thủy mộc mạc của 1 ngôi chùa đất Việt:

https://farm5.static.flickr.com/4011/4471353251_c4c7b70c0e.jpg

( @ Bác Xe: có phải anh sư tử nằm nép sau bụi cây hình này không?)

Nhà chuông nằm phía bên trái đỉnh hương:

https://farm3.static.flickr.com/2719/4472131000_6bd4a98f45.jpg

Trên thềm chánh điện, hai bác già nhìn thấy 1 nhà sư chưa già lắm, phong thái từ tốn điềm đạm tay đang phân phát oản cho đám trẻ lem luốc người địa phương, vừa vui vẻ tiếp chuyện với vài khách du lịch qua thông dịch của các anh hướng dẫn. Sư chấp hai tay khẻ cúi đầu chào "Mô Phật" khi hai bác già xin phép được chụp hình và mở cửa chánh điện cho hai bác già vào. Bên trái chánh điện là tượng Ông Ác (mà không phài ông ác ). Trí nhớ của tuổi già đã bắt đầu ngoan cố, không nhớ nổi là có tượng Ông Thiện hay không? nếu có sao mình lại không chụp hình mà chỉ có hình Ông Ác? Nếu chỉ có Ông Ác, thì Ông Thiện đâu mà không song hành cùng Ông Ác để thưởng thiện phạt ác người đời? Hay là vì ít việc làm quá nên Ông Thiện chỉ đóng vai phụ nơi tôn nghiêm này?

https://farm5.static.flickr.com/4070/4292580228_e23400717f.jpg

Bước vào gian thờ, vì là người Công Giáo nên hai bác già chỉ vái tôn kính mà không đảnh lễ Bồ Tát, trong gian thờ tối mờ mờ các tượng thờ cũng mang đậm nét Việt Nam, không mang nét ngoại lai quá lộ liễu như nhiều tượng tân tạo khác.

https://farm3.static.flickr.com/2681/4471351457_5127b4618c.jpg

Nhẹ nhàng lòng phần nào, hai bác già dạo quanh khuôn viên, phía góc sân hậu điện có tượng kỳ lân và gian hậu điện nép sau hàng cau thanh thoát:

https://farm5.static.flickr.com/4031/4291839541_a66b52d3eb.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2714/4472132386_188b46bfe9.jpg

Trở về bến Đục, lại thêm một màn chèo kéo phản cảm giữa các người môi giới, điều hành bến đò và các du khách ngoại quốc để đòi thêm tiền đò, tiền thưởng mặc dù tất cà giá cả đả được tính vào tour; và người hướng dẫn viên sau khi căn dặn khách chỉ thưởng cho người chèo đò (hợp lý!) đã biến chui đâu mất mặc cho khách lúng túng với những lôi thôi xảy ra! riêng phần hai bác già, sau khi dúi cho cô chèo đò ít tiền thưởng, cũng nhanh nhẹn "hô biến" lên xe!

Không khí trên xe lặng lẽ 1 cách nặng nề trên đường trở về Hà Nội! Hai bác già dựa đầu vào thành xe nhắm mắt giả vờ ngủ để tránh cái nhìn và những câu hỏi của các bạn đồng hành. Đến khách sạn, không hiểu vì sao thay vì cửa chính bác già trai lại tông ngay vào khung kính bên cạnh trán chảy máu, bây giờ nước mắt bác già trai mới trào ra.

Ai bảo nhà khách sạn chùi kính quá trong??????

TravelBug
04-04-2010, 08:41
Trong lòng Hà Nội, vẫn còn 1 nơi mà 2 bác muốn ghé thăm, đó là Văn Miếu. Bước qua khỏi cổng tam quan (theo WIki gọi là Văn Miếu Môn) là Khuê Văn Miếu

https://farm3.static.flickr.com/2731/4471349479_7b32c5a5fc.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4022/4292632496_790e8e369d.jpg (Ghét mấy cái đèn lồng đỏ quá lắm!)

Văn Miếu Môn và Khuê Văn Các - Văn Miếu Hà Nội 2004

Dạo quanh khuôn viên, hai bác ngắm nhà bia, tìm đọc những tên rất quen của vài vị tiến sĩ:

https://farm3.static.flickr.com/2763/4471349957_813d2bb7fb.jpg

Nhà thờ Khổng Tử:

https://farm3.static.flickr.com/2770/4472127042_21bdc55ddc.jpg

Và 2 vị Nhan Tử,Tử Tư trong Thất thập nhị hiền:

https://farm3.static.flickr.com/2767/4291892105_ba9c08964f.jpg

Đáng buồn là trong khuôn viên có 1 nhà bán đồ lưu niệm, và cảnh chèo kéo trả giá giữa các cô bán hàng mặc quốc phục với khách đa số là những người ngoại quốc! thậm chí 1 cô còn chạy theo 1 vị khách người Nhật lớn tuổi ra đến cổng và kéo ông này trở vào để bán cho ông 1 món hàng mà trước đó ông đã xem và trả giá mua (và đã bị từ chối) mặc cho ông này lắc đầu với vẻ mặt khó chịu.

Dù sao, hai bác già cũng thấy mừng là đã đến thăm Hà Nội năm 2004 này (trên kia bác già ghi là năm 2003, nhưng nay tìm được vài hình trong thẻ nhớ mới biết là năm 2004, không thể sửa lại trên kia vì quá hạn). Hà Nội thời gian này tuy thay đổi nhiều để bắt theo đà kinh tế; nhưng chưa thay đổi quá để mất cái hồn xưa! Năm 2007 bác già có đưa con gái, con rể (dân chuột túi gốc Ý tà lồ) và bạn con rể đi thăm Việt Nam; trong 3 năm người và cảnh quan Hà Nội đã thay đổi khá là nhiều! Nào ai biết trong vài năm tới Hà Nội sẽ ra sao? Tân tiến hơn là chắc, nhưng vấn đề là cái duyên của 36 phố phường sẽ còn lại những gì?

Bác già ngẩm lại, đi tìm hình bóng cô bé 15 tuổi của Nguyễn Nhược Pháp khác nào câu thơ:

Đập cổ kính mong tìm thấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hương!

Kính đã vỡ mà bóng tìm nào thấy! Và tàn y, nếu không khéo giữ gìn sẽ chỉ còn mùi hương ẩm mốc khó chịu của thời gian.....