PDA

View Full Version : Ghi chép Nepal - Ấn độ 2012



cào cào
11-07-2012, 14:00
Một người bạn giục, anh post lại Ghi chép của anh lên Phượt đi, lần lữa mãi, rồi ừ thì post. Thông tin về các chuyến đi và điểm đến các bạn có thể tìm thấy trên Lonely Planet và trên mạng rất nhiều, ở đây chỉ là những dòng ghi chép dọc đường của một chuyến đi dài 16 ngày qua Nepal và Ấn độ.

Mấy năm nay, từ ngày gia đình có tí "điều kiện", cả năm tôi cứ nhăm nhe săn vé rẻ để đến Tết là trốn đi chơi. Trốn nhậu nhẹt, trốn chúc tụng, trốn mừng tuổi…

Năm đầu tiên còn rón rén tối mùng 4 Tết khởi hành, rồi lấn dần tối mùng 3 Tết, rồi mùng 2 Tết. Năm nay dự định đi hẳn từ 30 tết cho hoành tráng luôn. Dự định là thế và tìm được một đoàn đi Nepal - Ấn độ trên phượt. Bàn bạc nát hết cả đường đi, điểm đến… Đến lúc chuẩn bị đặt vé thì ông anh đi cùng chuyến Tây Tạng lần trước nằn nì:

"Thôi mày lùi lại mấy hôm cho anh đi cùng đi, chứ Tết nhất bỏ nhà đi, bạn bè rồi cả họ nhà anh tưởng anh giận vợ giận con… Anh thèm đi Ấn độ lắm mà không đi cùng mày anh chẳng biết đi với ai…"

Thế là nghe bùi tai, hỏi lại một câu: "Anh chắc chưa?"

"Chắc 100%, lần này bị đuổi việc anh cũng đi. Anh đưa tiền cho mày mua vé luôn này…"

"Okie. Thế thì đi thôi, để em cancel đội kia, bốn anh em đi với nhau. Bộ tứ siêu đẳng được đi cùng nhau thì còn gì bằng." (Sau chuyến đi Tây Tạng lần trước bốn thằng ham vui và ham nhậu nhẹt suốt ngày tụ tập, rồi tự phong cho nhau là 4 anh em siêu nhân. Người già nhất gần 50, người trẻ nhất cũng gần 30).

Thế là từ vị trí đi ké đoàn khác, bốn anh em lập thành một đoàn mới, khấp khởi lên đường. Chức trưởng nhóm được giao lại cho tôi - Lo cho một chuyến đi trong nước thì cũng được vài lần, nhưng lần đầu tiên phải lo cho một chuyến đi đến chỗ lạ hoắc, thông tin thì toàn trên internet truyền lại, chưa biết các bạn sẽ dùng ngôn ngữ gì giao tiếp, rồi điểm đến, ăn ở đi lại như thế nào... Một mình đã vậy, lại còn thêm 3 ông nữa, mỗi ông một tính... Thế là lại hì hụi tìm thông tin trên Phượt, trên Lonely planet để book vé, điểm đến...

Chặng khó nhất là book vé máy bay Bangkok - Kathmandu thì may mắn được các bạn phượt chia sẻ cho một agency ở Kathmandu, có thể đặt vé của Nepal Royal Airline, rẻ bằng 1/3 so với Thai airways. Nhưng các bạn Nepal này không hề bán vé trên mạng mà toàn qua agency và giá cũng vô cùng khác nhau giữa các agency. Viết mail mỏi tay mới thấy trả lời. Chuyển tiền sang gần 2 tháng vẫn bảo tiền chưa đến nơi, trong khi bên này ngân hàng đưa cả code đối chiếu, mấy thằng tưởng bị lừa mất 1000$ vì giao dịch với các bạn agency này chỉ bằng niềm tin. Đến lúc hết hi vọng, xác định bị lừa rồi thì các bạn lại gửi vé và xin lỗi rối rít vì sự chậm trễ.

Book vé máy bay, tầu hỏa rồi cả phòng xong xuôi, chỉ chờ ngày lên đường thì chính ông anh nài nỉ lùi ngày thông báo một tin buồn:

"Anh bị ép lên làm sếp và vụ này cho anh xin cancel…"

Dớp chuyến đi Tây Tạng lặp lại. Lại một bạn bị ở nhà vào phút cuối. Thôi thì đành ở lại vì tương lai vậy, biết làm sao. Bộ tứ siêu đẳng chỉ còn lại Ba anh em siêu nhân và giờ đang ngồi trên chuyên bay RA 402 từ Bangkok đến Kathmandu của hãng hàng không Nepal Royal Airline, một chiếc Boeing 747 già nua, theo Lonely Planet thì đội bay này đã được các bạn Nepal đầu tư từ năm 1995, đến nay được 17 năm và chưa một lần thay mới. Các bạn tiếp viên cũng già không kém, nhưng bù lại rất niềm nở và đồ ăn trên máy bay rất ngon.

Mà còn đòi hỏi gì với giá 255$ so với hơn 700$ của các bạn Thai airways, và chỉ còn vài phút nữa chúng tôi sẽ hạ cánh xuống sân bay Kathmandu, một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới.

cào cào
11-07-2012, 14:12
Ấn tượng đầu tiên về Kathmandu là ồn ào, náo nhiệt, đông đúc và nhiều mầu sắc… thế nhưng dậy muộn và đi ngủ sớm. 8g sáng thành phố vẫn còn ngái ngủ, hàng quán mới lác đác dọn hàng, các bạn Nepal thì tụ tập sưởi nắng quanh quán trà sữa.

https://farm8.staticflickr.com/7061/6802995096_8d6de71075_z.jpg

9h tối thì hầu như các cửa hàng đóng cửa. Cả thành phố tối thui vì mất điện. Mỗi ngày chỉ có điện khoảng 10 tiếng và có lịch cho cả tuần, ngày nào có điện giờ nào. Thường thì sẽ có điện một lúc buổi sáng hoặc nửa đêm. Các bạn ở khách sạn giải thích, bây giờ đang là mùa đông thiếu nước nên thế, đến mùa xuân, băng trên núi tan thì thời gian có điện trong ngày cũng sẽ tăng lên.

https://farm8.staticflickr.com/7044/6949106293_579ae11bcc_z.jpg

Sân bay Trihbuvan của Kathmandu đêm qua, lúc máy bay hạ cánh tối đen như mực nên cũng không biết nó nguy hiểm như thế nào, nhà ga bé tí và xây bằng gạch đỏ để trần, giống như hầu hết những căn nhà xây trên đường phố Kathmandu. Chỉ cần xây gạch mà không cần trát. Nhà ở Kathmandu người ta chỉ quan tâm đến các khung cửa, còn lại tường không trát vì khí hậu khô, lượng mưa trong năm rất ít, nhà sẽ không bị thấm ngang, tường sẽ không rêu mốc.

https://farm8.staticflickr.com/7196/6802996148_484bf82c8c_z.jpg

Cả nhà ga hàng không chật chội, điểm nhấn duy nhất là đường vận chuyển hành lý, chắc mới được lắp đặt nên sáng choang, còn lại xe đẩy, ghế ngồi đều cũ kỹ.

https://farm8.staticflickr.com/7186/6949110637_8421f6eafb_z.jpg

Để xin visa vào Nepal có hai cách: Thứ nhất là chuyển hộ chiếu sang Hàn Quốc xin, vì Việt Nam không có đại sứ quán Nepal, nên Đại sứ quán Nepal ở Hàn Quốc phụ trách luôn Việt Nam. Cách thứ hai là xin visa ở sân bay. Trước lúc đi, đọc thông tin trên mạng vô cùng mông lung, nào là khó khăn, nào các bạn an ninh vòi tiền… Thôi thì cứ liều đi theo cách thứ hai, nhưng chỉ sợ không xin được visa thì tèo. Nhưng cuối cùng mọi việc đơn giản đến không ngờ. Chỉ cần điền vào tờ khai, ảnh cũng không cần dán, cũng chẳng quan trọng 3x4 hay 4x6 gì, lấy ghim dập luôn vào tờ khai, nộp tiền và các bạn cấp visa, 25$ cho 15 ngày, 50$ cho 45 ngày và 100$ cho 90 ngày. Các bạn an ninh còn không cần ngẩng mặt lên nhìn, dán bụp tờ visa vào hộ chiếu, ký loằng ngoằng là xong.

cào cào
11-07-2012, 14:21
https://farm8.staticflickr.com/7180/6949107235_9d8e8fbba7_z.jpg

Kathmandu là thung lũng nằm ở phía Nam dãy Hymalaya, bao gồm 3 khu phố cổ Kathmandu, Patan và Bhaktapur. Thamel là trung tâm của Kathmandu, nơi tập trung đông khách du lịch ba lô nhất. Thamel là khu phố cổ, giống như một cái chợ khổng lồ với đủ các cửa hàng từ đồ lưu niệm, quần áo, giầy dép, đồ ăn… Đường phố bé tí và ô tô, xe máy chạy ầm ầm. Thế nhưng trên đường cứ có hòn đá nào nhô lên là các bạn Nepal quây ngay lại và thờ cúng ầm ĩ???

https://farm8.staticflickr.com/7185/6802997260_f64077f50c_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7050/6802997776_b6e7eac721_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7050/6802999246_7613907f12_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7201/6949110335_c1120bf252_z.jpg

Boudhanath là ngọn stupa to và đẹp nhất, với 4 cặp mắt nhìn ra 4 hướng. Đây là thủ phủ của những người Tạng sống lưu vong tại Nepal. Lại vẫn những chiếc kinh luân xoay không ngừng, tiếng lầm rầm cầu kinh và những dòng người đi vòng quanh tháp stupa trong nắng sớm. Nhưng những khuôn mặt ở đây không khắc khổ và hình như sự thành kính cũng ít hơn Lhasa.

https://farm8.staticflickr.com/7183/6949111065_dabb03d5a0_z.jpg

Theo cuốn Hoàng Kim Bản của bác Muldashev thì 4 đôi mắt của Phật trên đỉnh stupa nhìn ra 4 phía, có một đôi mắt nhìn thẳng đến đỉnh núi thiêng Kailash trên Tây Tạng, trước đây chính là điểm cực Bắc của trái đất. Chỉ sau khi trái đất bị hồng thủy hay va chạm gì đấy mà điểm cực Bắc - núi Kailash bị dịch chuyển đi một góc 33 độ và xuất hiện cực Bắc mới bây giờ. Đại khái là thế.

https://farm8.staticflickr.com/7062/6803001688_d849c87179_z.jpg

cào cào
11-07-2012, 14:26
Pashupatinath là khu đền thờ thần Shiva của người theo đạo Hindu ở Nepal, nằm bên bờ sông Bagmati, con sông này là con sông linh thiêng của cả người theo đạo Phật và đạo Hindu. Chắc tại vùng này khí hậu khô, nóng, quanh năm chả có mưa, nên cứ thấy sông là quý, nên coi là linh thiêng. Đặc biệt ở đây có những ghat để thiêu người chết. Theo phong tục của người theo đạo Hindu, người chết phải được nhúng xuống nước sông Bagmati linh thiêng 3 lần, và thiêu trong vòng 24h kể từ khi chết. Những ghat thiêu này cũng được chia thành 2 khu: một cho người nghèo, một cho người giầu và hoàng gia. Hai khu nằm hai bên của một cây cầu.

https://farm8.staticflickr.com/7048/6949113317_7e04a8f5cc_z.jpg

Người sắp chết được đem đến để trong những căn phòng nằm dọc sông hoặc được người nhà khiêng đến sau khi chết, họ được đem ra sông tắm rửa, rồi khâm liệm bằng những tấm vải vàng, phủ hoa vàng và đem lên giàn thiêu. Quần áo khi tắm rửa được ném thẳng xuống sông, tro củi sau khi thiêu xong cũng được gạt thẳng xuống sông. Dưới sông lại có những người vớt củi, quần áo lên. Ngay bên cạnh người ta lại tắm gội và giặt quần áo như bình thường. Bên phía những ghat dành cho người giầu có vẻ sạch sẽ hơn, nước sông có vẻ trong sạch hơn. Buổi sáng khi chúng tôi ở đấy, có một bạn đang được tắm rửa kỳ cọ. Bạn này béo tốt trắng trẻo, quần áo cũng có vẻ đẹp nên vừa vứt xuống, trôi sang bên kia cầu là được nhặt ngay.

https://farm8.staticflickr.com/7178/6949113893_7e6459932c_z.jpg

Còn bên phía dành cho người nghèo có khoảng 5-6 ghat đang thiêu và chuẩn bị thiêu, khói mù mịt, mùi thịt người thơm lừng khắp vùng. Và phía bên dành cho người nghèo cũng bẩn hơn, nên cũng không thấy ai đem người chết xuống tắm rửa kỳ cọ, chỉ thấy đem rơm xuống ngâm nước để cho ún khói, không cháy đùng đùng. Khi thiêu sẽ có một người cầm que dài để gạt chân, tay, đầu vào lửa và thứ gì rơi xuống dưới dàn thiêu sẽ gạt thẳng xuống nước. Thường thì sẽ chỉ cháy hết rơm, gỗ thì gần như còn nguyên. Giá thiêu 1 người nghèo khoảng 2000 rupies Nepal (khoảng 35$), giá thiêu 1 người giầu khoảng 5000 - 6000 rupies ( khoảng 80-90$), cũng rẻ, không đắt lắm.

Đạo Phật là một thứ tôn giáo dễ bị đồng hóa với tôn giáo bản địa nhất. Ở Việt Nam, chùa người Việt trước thờ Phật sau thờ Mẫu. Ở Tây Tạng thì sau khi du nhập đã hòa nhập với tôn giáo bản địa thành một dòng Mật tông riêng biệt chỉ có ở Tây Tạng gọi là Mật Tạng. Còn ở đây, Phật giáo hòa nhập với Hindu thành một thứ tôn giáo hổ lốn, đền thờ thần Shiva, thờ Phật cùng với Stupa được xây thành một quần thể cạnh nhau. Đấy chính là hình ảnh ở khu đền thờ Swayhambhu. Đền nào thờ Phật thì thắp hương, đền nào thờ thần Shiva thì thắp nến, bơ và rắc gạo, ngũ cốc và bôi thứ bột gì đỏ đỏ đầy mặt tượng. Khu đền nằm trên đỉnh đồi cao nhìn xuống cả thành phố Kathmandu, lổn nhổn, lộn nhộn, ồn ào.

https://farm8.staticflickr.com/7180/6803004092_c9cde035c2_z.jpg

Khu đền còn có một chiếc kim cương trùy rất to, mà theo bác Muldashev viết trong cuốn sách Hoàng Kim bản, đây là cỗ máy của người xưa, năng lượng để khởi động nó chính là ý nghĩ của con người và còn rất nhiều cỗ máy như thế nằm đâu đó dưới lòng đất ở gần ngọn núi thiêng Kailash. Chính những cỗ máy như thế này đã kiến tạo nên thế giới. Chính vì thế bác Muldashev gọi Tây Tạng là vùng đất lưu giữ ký ức của thế giới.

https://farm8.staticflickr.com/7209/6949114933_b6cf7ec958_z.jpg

Nheva
11-07-2012, 14:40
Sao bạn ko bok vé Jet airway từ BKK sang Kath?, chẳng phải qua agency ở Nepal. Bọn mình tự đặt trên mạng chăng Kath - BKK, giá cũng same same (230 - 250$)

cào cào
12-07-2012, 15:12
@Nheva: Tớ không biết bọn Jetairway, hồi đấy tìm mãi mới ra bọn Nepal Royal airline đấy, lúc đầu nó còn bán vé qua Lonelyplanet, nhưng đến lúc mình đặt thì bọn LonelyPlanet nó viết thư xin lỗi không bán nữa.
==============


Người theo đạo Hindu tin rằng có những kiếp luân hồi, và cuộc sống của con người ở kiếp này là nghiệp quả của kiếp trước hoặc nhiều kiếp trước nữa. Và như thế, họ chấp nhận cuộc sống ở kiếp này, không đấu tranh, không quyết tâm thay đổi… Cái triết lý ấy dường như đúng, con người sinh ra không thể chọn được bố mẹ, nơi sinh… chính những cái ban đầu đấy quyết định số phận của mỗi người, và có muốn vùng vẫy thay đổi thì nó cũng chỉ trong một biên độ nhất định và thay đổi được một phần nào đấy.

https://farm8.staticflickr.com/7179/6949115727_aea66eba96_z.jpg

Ở Kathmandu Dubar Square có một cậu bé bán dạo những đồ lưu niệm cho khách du lịch. Lúc đầu cậu chèo kéo thì chẳng ai để ý vì rất khó chịu. Thế nhưng một lúc sau, vì cậu bé dẻo mồm quá nên dừng lại mua mấy thứ mang về làm quà. Trò chuyện một lúc nữa cậu bắn ra đủ thứ tiếng để chào khách, đầu tiên là Trung Quốc vì dân Nepal ai nhìn thấy bọn tôi cũng chào Nỉ hảo, không được mới quay ra tiếng Anh. Sau đấy cậu ta bắn tiếng Ý. Hỏi thế còn biết tiếng nào nữa cậu sổ ra một tràng Tây ban nha. Bồ đào nha, Hàn quốc, Nhật bản và Nga… Tổng cộng 14 thứ tiếng. Tôi ngạc nhiên vì cậu có thể bắn tiếng Nga lưu loát và đúng accent một cách đáng kinh ngạc. Hỏi câu nào trả lời câu đấy, tất nhiên là những câu liên quan đến nghiệp vụ bán hàng của cậu.

https://farm8.staticflickr.com/7197/6949116153_7c1f2ed7c6_z.jpg

Trên đỉnh Nagarkot, mộ khu du lịch trên núi kiểu như Tam Đảo, cách Kathmandu khoảng 40km, nhưng phải đi mất 2g đi ô tô vì đường rất ngoằn nghèo và bé tí. Nơi có thể ngắm bình minh và hoàng hôn trên rặng Langtang, một phần của dãy Hymalaya. Nhưng buổi chiều, khi chúng tôi lên vì trời mù sương hoặc khói bụi nên không thể nhìn được cả núi lẫn mặt trời lặn. Chúng tôi lang thang xung quanh khách sạn với mục đích muốn chui vào nhà dân xem có thịt để ăn không? Chúng tôi gặp ngay một bạn Nepal nhìn rất phong cách vì bạn mặc đồ của dân treking, tuy cũ nhưng sạch sẽ. Bạn ít bắt chuyện rồi gạ chụp ảnh cùng. Chụp ảnh xong, bạn zoom to ảnh rồi vào chỉ vào cổ, đây là lá cây gai dầu, biểu tượng may mắn, tự bạn làm lấy bằng dây điện.

https://farm8.staticflickr.com/7176/6803005002_3d497512f9_z.jpg

Cậu đi cùng có biết chút ít về cỏ nên thích thú đòi mua. Cậu hỏi mua mấy cái, rồi bảo cậu có thể làm luôn ở đây, nhưng sợ thằng khác copy mất, ngày xưa cậu cũng mất 2 năm đi ăn trộm công nghệ uốn cái này của người khác, đi cùng về nhà cậu sẽ làm cho. Cả bọn thích thú theo cậu về nhà. Trên đường đi cậu kể, nhà cậu ở ngoại ô Kathmandu, nhưng vì ở đấy ồn ào, đông người và không có công việc nên cậu thấy unhappy vì cậu có cảm giác là người nghèo. Ở đây cậu có công việc và cậu cảm thấy happy hơn, cậu đang làm guider trekking và giơ ra một cái thẻ guider đã hết hạn từ năm 2009. Cậu bảo nhóm của cậu gặp khó khăn gì đấy bằng một thứ tiếng Anh nói rất nhanh nên tôi nghe không hiểu, giờ tự cậu làm một mình. Ở trên này cậu ở trong apartment và rất thoải mái, chỗ cậu ở có thể ngắm hoàng hôn Hymalaya. Lúc đến nơi đúng là có thể ngồi ngắm hoàng hôn thật, nhưng apartment của cậu là một cái lều nho nhỏ vừa được hai cái gường đơn, quây lại bằng thùng tôn và gỗ tạp. Cậu bảo không dám lấy vợ vì quá nghèo. Ngồi thêm một lúc chờ cậu uốn lá cây gai dầu, nhưng có vẻ lâu nên hẹn cậu sáng mai quay lại lấy sau.

Vì mấy ngày ở Kathmandu đồ ăn không hợp khẩu vị lắm, nên toàn ăn mỳ tôm và thịt hộp, trêu nhau là ăn chay để dành tiền mua khăn Pashmina và Cashmere , giờ thèm ăn thịt nên trên đường về rủ nhau đi xung quanh xem có nhà dân nào vào gạ bán cho con gà để ăn. Nhìn thấy một quán bán hàng tạp hóa đề thêm restaurant, ngó vào thấy chỉ có một cái bàn ăn duy nhất, đầu bếp là mẹ và con gái lớn, lại cũng sạch sẽ, chắc là ăn được và hỏi có gà không? Các bạn bảo có, nhưng gà Nepal chạy đồi giá sẽ đắt hơn gà siêu thị. Mấy thằng lẩm nhẩm quy đổi giá nó sẽ vào khoảng 200k/1 kg hơi. Hơi đắt theo giá chợ, nhưng nếu tính theo giá quán bia thì vừa phải.

Okie chọn gà chạy đồi luôn luôn. Trong lúc chờ ăn gà tranh thủ buôn chuyện. Nhà có 3 anh chị em, cậu con trai thì chỉ cầm cái radio nhét vào tai đi lại nhung nhăng, chẳng làm gì cả, giống hệt thanh niên bản ở vùng cao ta, nói tiếng Anh kém nhất nhà, không bằng cả ông bố và bà mẹ, nói chuyện được mấy câu cậu cầm radio chạy đâu mất. Cô con cái thứ hai có vẻ mạnh bạo nhất, lúc đầu được cử ra làm phiên dịch chính, hỏi ra mới biết cô bé 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất. Cô bé theo học hai chuyên ngành, quản lí khách sạn và cosmos. Nghe đến từ cosmos cả ba thằng đều tròn mắt hỏi lại "cosmos?". Cả bố cô bé và cô bé đều gật đầu nhắc lại cosmos. Giọng ông bố đầy tự hào và ánh mắt cô bé ngượng ngập nhưng cũng đầy tự hào. Ba thằng hỏi nhau, cháu nó học ngành cosmos để làm gì?

Món gà luộc đã xong, mang ra ba thằng đói ngấu ăn lấy ăn để, nhưng cả gia đình ngồi quanh, chả nhẽ lại ăn một mình, nên đành lấy ruốc và rượu đặc chủng ra mang từ Việt Nam ra mời các bạn. Lúc đầu còn ngại ngùng không uống, nhưng chỉ nài thêm một câu là ông bố bắt đầu uống luôn món rượu quốc lủi Việt ngâm mơ. Ông bố khen ngon rối rít rồi đưa cho vợ và con gái uống. Rồi đến món ruốc, đầu tiên bảo thịt lợn đấy, các bạn e dè bảo cả Nepal này không ai ăn thịt lợn cả. Thế nhưng ông bố đòi ăn thử, bảo trước đây người Nepal theo đạo Hindu kiêng nhiều thứ lắm, nhưng giờ những người trẻ chả kiêng gì. Gia đình theo đạo phật nên càng không cần phải kiêng. Ăn vã ruốc xong, thấy chúng tôi ăn cơm với ruốc, bạn cũng lấy cơm ra ăn thử. Lại khen ngon. Cuối cùng cả nhà đem cơm ra ăn với ruốc cùng chúng tôi. Cuối buổi, chúng tôi tặng các bạn chỗ ruốc còn lại, để tỏ lịch sự các bạn không tính tiền chai coke chúng tôi uống.

tung2403
13-07-2012, 11:38
Em muốn hỏi bác cào cào một số thông tin để lên lịch trình Nepal. Đã gửi PM cho bác. Rất mong tin của bác. Cám ơn bác

cào cào
14-07-2012, 11:15
"Má ơi, con chưa mua bảo hiểm du lịch" là câu đầu tiên thốt ra khi cả bọn nhìn thấy chiếc máy bay cả bọn sẽ bay từ Kathmandu đi Lumbini. Vì nhân sự đến lúc sắp đi vẫn lưỡng lự chưa quyết được và cũng gần Tết nhiều việc, nên đến lúc sắp đi mới nhớ ra cả bọn chưa mua bảo hiểm du lịch, nhưng muốn mua cũng chẳng có đại lý nào bán vào mùng 6-7 Tết. Giờ nhìn máy bay hãi quá. Bé tí. Tổng cộng cả hai phi công và một tiếp viên là tròn 20 người. Ngồi vừa kín một máy bay. Chưa kể máy bay cũng không ghi số ghế, ai lên trước ngồi trước, ai lên sau ngồi sau. Chúng tôi lên sau cùng vì còn mải chụp ảnh nên ngồi ghế cuối, ba ghế liền nhau.

https://farm8.staticflickr.com/7037/6949118377_da6a0a4dfb_z.jpg

Sân bay nội địa Kathmandu bé và cũ kỹ không kém sân bay Myanmar, chỉ có hơn là check in vẫn có máy tính không phải dò từng tên trên giấy. Còn lại cửa an ninh vẫn làm bằng tay, phải để cho các bạn sờ sờ vào người. Cửa ra sân bay không biển báo, cứ đến chuyến nào là các bạn ra cửa gào thật to bằng tiếng Nepal, làm mỗi lần các bạn gào lại phải chạy ra hỏi hoặc nhòm xem có bạn nào cầm vé máy bay giống mình không. Không được như các bạn Myanmar văn minh hơn ghi số chuyến bay và hãng hàng không lên biển, rồi vừa gọi vừa giơ lên.

https://farm8.staticflickr.com/7041/6803006322_e54698b9a7_z.jpg

Ba thằng lom khom được vào chỗ một lúc thì máy bay cất cánh rất nhẹ nhàng. Không thấy đau tai như các bạn đi trước kể. Lúc săp cất cánh em tiếp viên hàng không rất xinh và cao nhoẻn miệng cười chìa ra chiếc khay đựng kẹo và bông gòn. Vì tưởng sẽ rất đau tai nên cả bọn xé một miếng tướng.

Máy bay cất cánh được một lúc thì nỗi sợ hãi lúc đầu nhường cho cảm xúc sung sướng vì được ngắm dẫy Hymalaya trải dài bên cửa sổ máy bay. Cả rặng Langtang trải dài, phủ tuyết trắng xóa, lấp lánh dưới nắng mặt trời. Một vẻ đẹp hùng vĩ và lấp lánh chắc chỉ có duy nhất gặp một lần trong đời. Mà ở trên cao, khói bụi, sương cũng giảm hẳn nên rặng Langtang hiện ra rõ ràng, không giống như buổi sáng nhìn từ Nagarkot.

Nếu đã từng xem mặt trời mọc ở Angkowat, Bagan, Luongphrabang... Thì mặt trời mọc trên dãy Hymalaya là một quang cảnh khác. Mặt trời sẽ lên rất nhanh và chói chang vì hơn 7h sáng mới vượt qua được đỉnh núi. Thế nhưng lần lượt từng đỉnh núi phía ngược lại nhận từng tia nắng đầu tiên và bừng sáng. Một thứ ánh sáng phản chiếu trên tuyết lấp lánh, lấp lánh. Lần lượt tùng ngọn núi một từ gần tới xa, từ cao tới thấp. Lúc cả dãy núi rực sáng là lúc mặt trời đã lên cao, chưa đủ nóng để xua hết sương, cộng thêm bầu không khí ô nhiễm xám xịt của Kathmandu nên ánh sáng bị tán xạ và dần dần các đỉnh núi lại mờ đi, lần lượt từ cao đến thấp, từ gần đến xa.

https://farm8.staticflickr.com/7194/6803007498_1a7d64e578_z.jpg

Buổi sáng, ba thằng kê bàn ăn ra cửa sổ và chụp ảnh tự sướng về vụ cà phê ăn sáng và ngắm rặng núi Hymalaya trước mặt, chắc cũng chỉ có duy nhất một lần trong đời. Vừa ăn vừa tủm tỉm cười vì vụ chiều hôm trước đi vòng quanh khách sạn thấy rất nhiều quả nhìn giống hệt dưa hấu mọc hoang khắp nơi. Đang háo vitamin, bảo đêm thế nào cũng ra hái trộm một quả thì gặp một bạn làm vườn. Xông ra hỏi xin luôn và đòi hái quả to nhất. Bạn cho luôn và nói bằng tiếng Nepal là quả gì đấy nhưng chẳng thằng nào thèm nhớ vì còn hí hửng khiêng về phòng bổ. Rửa sạch sẽ, đem dao bổ ra thì hóa ra là một loại bí, kiểu như bí đao. Cười ngặt nghẽo khiêng ra vườn vứt làm bạn vừa hái cho nhìn thấy cũng cười nghiêng ngả.

https://farm8.staticflickr.com/7040/6949119413_7c993907c8_z.jpg

Cuối cùng thì máy bay hạ cánh xuống sân bay Bhairahwa sau thời gian bay khoảng 45 phút . Lumbini là thị trấn cách sân bay khoảng 25km. Một thị trấn nghèo vây quanh vườn Lumbini ở giữa. Nếu ai không theo đạo Phật thì chắc chẳng muốn đến đây vì đúng chẳng có gì. Ngoài cái vườn có hòn đá đánh dấu nơi Phật sinh và trụ đá của vua A dục vuơng (Asoka) ghi việc ông đã đến đây năm thứ 20 sau khi lên ngôi, đánh dấu đây là nơi sinh ra đức Phật và giảm thuế cho dân làng Lumbini. Chúng tôi ghé vào Việt Nam Phật Quốc tự thì chùa đang xây, may gặp vị sư trụ trì Huyền Diệu ngay cửa nhưng đang sắp đi Katmandu có việc, vị sư mở cửa cho chúng tôi vào rồi đi luôn, dặn cậu đệ tử người Ấn dẫn chúng tôi đi tham quan vòng quanh. Cậu bảo cậu ở đây được 19 năm, từ năm cậu 13-14 tuổi. Chùa đang xây hoành tráng cao to và theo kiến trúc chùa trong Nam. Sân chùa có 5 con sếu đầu đỏ (hồng hạc) sống quanh năm chẳng mấy khi bay đi.

https://farm8.staticflickr.com/7193/6949119973_5a2e274be6_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7177/6949120579_a8a36f80c7_z.jpg

cào cào
18-07-2012, 17:22
"Crazy India" là câu đầu tiên cậu người Argentina chúng tôi gặp ở Kushinagar nhận xét về Ấn độ. Giao thông lộn xộn và hỗn loạn ngay từ biên giới. Ở Kathmandu tuy hỗn loạn nhưng dường như còn có luật lệ rõ ràng, xe còn biết nhường đường, chờ nhau. Còn ở đây ai muốn đi thế nào thì đi. Thậm chí, trên đường từ cửa khẩu Sunauli về Kushinarga, xe đường cao tốc 4 làn, có cả dải phân cách cứng ở giữa, mà xe đạp, xe máy, xe công nông, xe con, xe khách, thậm chí cả xe tải vẫn thản nhiên chạy ngược chiều chính giữa đường. Nhiều đoạn xe chạy sau thấy xe chạy trước lán sang trái (Ấn độ - Nepal đều chạy xe bên trái đường giống Anh) tưởng để nhường đường cho xe sau, hóa ra không phải, mà nhường đường cho xe chạy ngược chiều. Mấy lần cả ba thằng thót tim vì cảm giác như sắp đâm nhau đến nơi. Chắc các bạn lái xe cũng quen nên phản ứng rất nhanh.

http://a2.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/423626_375032692507344_1035392916_n.jpg


Tất cả các xe tải sau đít đều vẽ chữ Horn please hoặc Blow horn, nhưng bóp còi thoải mái chả ai nhường đường. Bạn Argentina kia còn bảo, ở Việt Nam chúng mày, giao thông lộn xộn, đứng nhìn thì sợ nhưng thực ra an toàn vì lái xe luôn chú ý quan sát, mày cứ đi là người khác sẽ nhường đường. Còn ở đây mọi người cứ đi, chả ai nhường đường cho ai cả.

Thủ tục xuất nhập cảnh ở biên giới Nepal - Ấn độ rấy đơn giản. Chỉ cần điền tờ khai xong là các bạn cộp xoẹt cái dấu là cho qua. Nhưng Immigration office của các bạn Nepal còn là cái nhà 1 tầng tử tế, còn các bạn Ấn độ là cái bàn kê ra sát đường, ô tô, richshow chạy ầm ầm xung quanh, bụi mù.

Crazy India còn vì các bạn buôn bán cò mồi và lừa đảo ầm ĩ khắp phố. Từ bạn chủ guesthouse bên Lumbini, chiều hôm qua nằng nặc đòi dẫn lên phòng Vip để đòi thêm tiền. Sau một hồi cãi nhau bảo mày đưa cho tao đúng phòng mà bọn Kathmandu đã đặt, tao không trả thêm đồng nào đâu. Lúc đấy mặt mũi xầm xì, đành chịu đưa về đúng phòng đã được đặt trước. Còn sáng hỏi đường từ Sunauli đến Goratspur và Kushinagar đi bằng gì cho tiện, bạn nhiệt tình sốt sắng đưa giá 100$. Chỉ vì vụ đổi phòng hôm qua nên chẳng còn tin tưởng nữa, nên trả lời luôn là bọn tao ra biên giới rồi tự thuê xe hoặc bọn tao đi local bus. Sau một hồi dọa nạt local bus kinh dị lắm, mày nên thuê xe của tao đi cho an toàn, thoải mái, xe sẽ đón ngay ở biên giới… Nhưng ba thằng vẫn kiên quyết lên xe đi thẳng.

Mà đấy đúng là quyết định sáng suốt, ra đến biên giới chưa kịp xuất cảnh đã đầy các bạn chào mời, chưa mặc cả giá đã bằng 2/3 giá bạn chủ guest house chào. Cuối cùng cả bọn chọn một cái xe đẹp nhất, giá bằng chưa đến một nửa. Nhưng lên xe xong thì mới biết thế nào là Crazy India. Gương bên phụ không có, gương bên lái cụp vào, lên xe là phóng, cứ chân dí hết ga rồi đến gần chướng ngại vật là phanh kít lại…

https://a7.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/425127_375034069173873_1419883687_n.jpg

Đến Kushinagar chúng tôi quyết định ở Linhson tự, chùa Việt Nam theo phái Linh Sơn của bác Thích Nhất Hạnh, phòng sạch sẽ, có nước nóng, giá lại tính ít hơn 50R so với giá các bạn Lonelyplanet ghi. Chùa đang xây chính điện, nhưng thợ về quê ăn Tết hết, nên chỉ còn sư trụ trì và anh quản đội thợ và một hai người Ấn độ. Có cả một gia đình Đài Loan cũng đang thuê phòng trọ. Ba thằng đặt nhà chùa nấu cho bữa cơm chay. Ăn suýt xoa khen ngon vì cả tuần đi mới được ăn cơm Việt, mà lại do đầu bếp người Ấn nấu.

Ăn cơm xong lên ngồi nói chuyện với Ni sư trụ trì, vui chuyện ba thằng ngồi cả tiếng đồng hồ. Nghe từ chuyên khởi lập chùa ra sao, xây chùa thế nào, tranh đấu với chính quyền để giữ được chùa... Rồi đến chuyện mấy cậu người Ấn ở trong chùa được nhà sư nuôi từ bé, đến giờ mỗi cậu làm một việc, cậu thì quản lí mấy trường học quanh vùng do nhà chùa xây dựng và giúp đỡ, cậu thì quản lí việc xây dựng chùa, cậu làm đầu bếp... Câu chuyện cứ thế kéo hết chuyện nọ đến chuyện kia khiến chúng tôi ngại ngần vì làm phiền thời gian thiền của nhà sư nên đứng dậy xin phép về phòng.

Ra về chúng tôi cứ thắc mắc tại sao nhà sư là nữ, lại có thể có nghị lực sống một mình ở nơi xứ sở xa xôi, lạc hậu đến tận hai mươi mấy năm, có thể gây dựng được ngôi chùa, có thể giúp dân trong vùng đến gần 20 cái trường học... Có đúng là ở một kiếp nào trước đó nhà sư từng là người Ấn độ, kiếp này chỉ là trở về quê cũ như lời nhà sư nói không? Và đức tin có mạnh mẽ đến thế không? Nó là sức mạnh giúp nhà sư này vượt qua tất cả khó khăn, từ khí hậu nóng bức, dân quanh vùng ngu muội quậy phá, chính quyền hạch sách? Và đấy có phải là công việc luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, chết chỉ là nhắm mắt, mở mắt lại sang một kiếp khác, rồi làm tiếp những việc dở dang ở kiếp này…

Kẹo Bạc Hà
19-07-2012, 20:32
Tớ đến chết mất vì ganh tị với bạn thôi, bài viết hay lắm, ảnh chụp đẹp lắm. Cảm ơn chủ thớt rất nhiều, tiếp tục nữa nhen

cào cào
24-07-2012, 17:32
Các bạn đi trước dọa Ấn độ bẩn lắm, đồ ăn kinh khủng lắm, không có thịt mà ăn... Đến hôm nay là hôm thứ hai trên đất Ấn độ, đúng là bẩn thật nhưng vẫn còn chịu được. Đồ ăn thì đúng là ít thịt. Chỉ có thịt gà là nhiều, nhưng vẫn ăn tốt.

https://a6.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/422480_376480709029209_402463240_n.jpg

Buổi sáng ngủ dậy gặp ba bác đến chùa đêm qua. Các bác đã ở Ấn độ được 4-5 tháng. Mỗi người tự đi một mình, nhưng rồi người thì gặp ở sân bay, người thì gặp ở Bodh Gaya giờ họp thành một nhóm. Lúc đầu định đi ngắn ngày, nhưng rồi ở Bodh Gaya gặp hết thầy này đến thầy khác quán đỉnh, nên theo họ đi theo các thầy từ điểm này đến điểm khác, mỗi lớp quán đỉnh 25 ngày, vèo cái 4-5 tháng. Các bác bảo tự nấu ăn, chứ không ăn được đồ Ấn độ.

Ba bác này có vẻ sùng đạo, nói về Phật pháp say sưa. Vào tháp để tượng Phật nhập niết bàn, quỳ lậy lòng vòng một lúc rồi gạ ngay mấy chú bảo vệ để mấy tấm vải phủ lên tượng Phật. Mà mấy bạn Ấn độ đứng bảo vệ (trông) quanh tháp cứ thấy khách đến là gạ cho vào trong xoa tay vào chân, vào tay tượng Phật rồi xin tiền. Mất hết cả cảm tình ở chốn linh thiêng. Nhưng được cái sau khi xin tiền xong, các bạn chỉ cho bức tượng Phật nhập niết bàn này đặc biệt ở chỗ, đứng phía chân tượng nhìn lên thì thấy mặt Phật đang ngủ, đứng ở giữa tượng thì nhìn thấy mặt tượng đang suy tư, và đứng trên đầu nhìn lại thì thấy mặt Phật đang cười...

Hôm qua ba thằng tá túc chùa Linh Sơn, lúc đầu mấy bạn Ấn độ trong chùa báo giá cẩn thận là 700 rupies/phòng, chiều nay đến lúc thanh toán, bạn Việt Nam phụ trách xây chùa gạt đi, bảo tiềm nong gì làm cả bọn ngại quá. Lúc lên chào ni sư lẳng lặng thả vào thùng donate số tiền liếc trộm được trong hóa đơn. Giữa nơi đất khách, được tá túc chỗ người Việt, được ăn cơm mà lại là cơm chay Việt toàn dưa muối nấu canh, váng đậu nấu canh, măng khô kho... làm mấy thằng giang hồ vặt cảm thấy nhớ nhà và rất xúc động... Thêm nữa, lúc lên xe trời nhập nhoạng tối, nhìn sang hai bên đường, ánh đèn lập lòe trong những căn nhà bên đường, cái cảm giác nhớ nhà càng tăng lên. Nhưng chỉ được một lúc, cảm giác nhớ nhà thay bằng cảm giác đua xe tốc độ. Chiếc xe Bolero không biết xuất xứ từ đâu và sản xuất từ năm nào, được cậu lái xe phóng điên cuồng trên đường, xóc nẩy tưng tưng, trên xe còn bật nhạc ầm ĩ và cậu lái xe nhấn ga theo nhạc, nhạc nhanh thì xe chạy nhanh, nhạc chậm xe chạy chậm... bó tay với các bạn Ấn độ.

https://a4.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/420211_376481172362496_2070241866_n.jpg

Buổi sáng khi đi vòng quanh chùa Linh Sơn, suýt nữa buột mồm Crazy India với một bạn Ấn độ khi bạn hỏi cảm giác của mày như thế nào về Ấn độ, nhưng nhanh mồm nói lái sang là Amazing India, nói xong thấy bạn có vẻ hài lòng, gật gù phiên dịch lại cho các bạn xung quanh. Sau đấy bạn nhanh chóng giới thiệu các dịch vụ mà bạn cung cấp và đưa cho cái cardvisit giới thiệu quán cafe của bạn ở đầu ngõ, với đủ các dịch vụ du lịch, nhưng mặt trước lại là M.A.PhD rồi chức danh trợ giảng môn triết học ở học viện nào đấy. Đúng là Crazy India.

Nhưng nói chung cảm giác các bạn Ấn độ ở vùng này có vẻ thân thiện và rất hay chuyện. Và cũng giống Việt Nam cũng rất hay hỏi cảm giác người nước ngoài như thế nào.

cào cào
24-07-2012, 17:42
Chưa dẫm phải phân bò coi như bạn chưa đến Ấn độ. Mình cũng chính thức xin lỗi các bạn vì lời nhận xét hồ đồ ngày hôm qua rằng Ấn độ sạch sẽ.

https://a4.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/425886_377141068963173_1840314506_n.jpg

Tầu đến Vanarasi lúc 4g15 sáng lúc cả ba thằng còn đang ngái ngủ, thuê một chiếc richshaw về guesthouse đã đặt trước qua Agoda, có địa chỉ rõ ràng, nhưng không hiểu đường ngõ ngóc ngách, gần nhà xa ngõ, hay tại thằng lái xe không biết đường. Đến giữa đường nó bảo thả xuống, phố đây rồi, guesthouse ở trong ngõ nên xe không thể vào được. Học các bạn trên Phượt, to mồm dọa mày mà không tìm được đúng guesthouse ghi trên giấy này thì tao không trả tiền. Không dọa thế chắc nó thả luôn giữa đường. Bắt nó phải dẫn vào ngõ ngoằn ngoèo, nhưng đi mãi nó cũng chẳng tìm thấy guesthouse đâu, đang hoang mang thì lại gặp một bạn có vẻ là thổ dân bảo cứ đi thẳng là đến. Thấy bạn này có cửa hàng ở đấy nên tin luôn, đồng ý thả cho richshaw về để đi bộ vào.

https://a3.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/404814_377141908963089_1659546653_n.jpg

Ai ngờ ngõ càng đi càng ngoằn ngoèo, mà đi mãi vẫn chưa thấy guesthouse đâu. Trời thì tối, ngõ thì bé tí, rác ngập đường thỉnh thoảng lại thấy vài con bò nằm chềnh ềnh ra giữa đường chắn hết lối đi. Đuổi không được đành phải vác vali qua đầu chúng nó mà đi. Vừa đi vừa sợ dẫm phải phân bò. Ba thằng khiêng ba cái vali đi lòng vòng đến 1 tiếng đồng hồ vẫn không tìm thấy điểm cần đến. Bạn lúc nãy gặp bảo đi thẳng là đến, tưởng bạn mở cửa hàng sớm hóa ra bạn đóng cửa lại, giờ chẳng biết hỏi ai. Thỉnh thoảng mới có người đi qua, nhưng chẳng ai biết guesthouse ở đâu. Nản quá định vào béng một guesthouse nào đấy rồi tính tiếp, thì lại gặp được một bạn nhiệt tình giúp đỡ, bảo đi theo tao, tao đưa đến tận nơi. Hóa ra chỉ đi thêm 100m nữa là đã đến.

Mệt mỏi và buồn ngủ, chỉ muốn lấy phòng ngủ ngay thì chú trực guesthouse mặt mũi ngái ngủ, lờ vờ đọc hết tờ book phòng mất đến 10 phút, rồi bắt khai tên tuổi, ngày tháng vào sổ… cuối cùng hóa ra chú hết phòng, bảo phải sau 12h trưa mới có phòng, muốn lấy ba phòng đơn như đã book hay một phòng 3 cũng được. Ba thằng thống nhất lấy một phòng 3, còn giờ thì ngủ tạm đâu cũng được.

https://a4.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/428247_377143605629586_1186366655_n.jpg

Dân đi phượt đến sớm, phải ngủ vật vờ chờ phòng là chuyện bình thường. Thế nhưng đến 2h chiều bạn chủ guesthouse đến và bảo chúng mày book phòng giá rẻ, lại là 3 phòng single nên tao chỉ xếp chúng mày ở tiếp cái phòng tạm kia thôi (tức là phòng ngủ của nhân viên), và thêm 1 phòng single nữa chứ không có phòng triple đâu. Ba thằng nổi điên, một thằng bảo okie tao sẽ complain với bọn Agoda, tao không book phòng rẻ mà tao book phòng standard, giá không hề rẻ, ghi là 25$/phòng. Còn chúng mày giảm giá là chuyện của chúng mày. Tao không nhận cái phòng single vì nó là 1 phần cái hành lang cứ không phải là phòng. Chúng mày có đăng trên Agoda ảnh cái phòng nào như thế đâu. Nếu biết phòng single như thế tao đã không thèm đặt.

https://a1.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/427712_377144252296188_1710761091_n.jpg

Một thằng thì bảo tao là phóng viên chuyên về du lịch, tao viết sách để cho người Việt đi du lịch khắp nơi đọc, blah blah… rồi giơ hẳn thẻ phóng viên ra. Thế là bạn chủ guesthouse bắt đầu dịu giọng, bảo sẽ chuyển cho 1 phòng 3 người ở tầng trên nhưng không có nước nóng đâu... Từ vụ này cả bọn bắt đầu ghét bọn Ấn độ làm ăn bố láo.

Vanarasi, nghe như các bạn lái thuyền và các bạn richshaw làm hướng dẫn viên bất đắt dĩ, là thành phố nằm giữa hai con sông Vanar(Baranas?) và Asi trước khi nó chẩy vào sông Hằng (Ganga/Gange), chính vì thế thành phố được gọi là Vanarasi. Đây là một trong những thành phố cổ xưa nhất thế giới (?), ồn ào và bẩn kinh hoàng. Phân bò ở khắp mọi nơi, ngay trước hàng ăn, ngay trước hàng cafe, ngay trước cửa hàng buôn bán, ngay trước cửa nhà… và không ai cho đấy là bẩn, cứ thản nhiên sống, thản nhiên ăn uống. Cứ để thế, người đi dẫm qua, dẫm lại vài lần là khô ngay. Bò ăn rác và nằm đầy đường, người đi qua sờ vào người bò một cái rồi xoa lên đầu, mặt, cổ…

https://a6.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/417428_377144582296155_919430630_n.jpg

Ghat là các bến sông bên bờ sông Hằng. Mỗi ghat có một tên khác nhau, tổng cộng đến vài chục ghat to nhỏ trải dài từ cửa đoạn sông Asi đến cửa sông Vanar chảy vòng sông Hằng. Ghat được dùng làm bến tắm, bến thuyền, cấp nước, cúng tế, hỏa thiêu người chết… Thành phố Vanarasi là thành phố linh thiêng bên bờ sông Hằng vì người Hindu tin rằng chính thần Shiva đã xây dựng nên thành phố 5000 năm trước(?), vì thế hàng năm có hàng trăm ngàn người hành hương đến đây để được tắm nước sông Hằng trong buổi sáng và đón mặt trời mọc. Và người Hindu còn tin rằng, nếu đến đây để chết, thiêu xác và ném xuống sông thì họ sẽ thoát khỏi những kiếp luân hồi để lên một level khác.

https://a2.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/424659_377144945629452_932656535_n.jpg

Có rất nhiều Ghat để tắm, để chơi, nhưng chỉ có 1 Ghat để thiêu người, theo các bạn Lonely Planet miêu tả, những công nhân ở đây không làm để lấy tiền mà chỉ để lấy răng vàng và trang sức của người chết. Cũng theo các bạn miêu tả, không phải ai cũng được thiêu, trẻ con, người đang mang thai… sẽ không được thiêu mà được buộc đá rồi ném thẳng xuống sông, vì thế trong khi đi thuyền trên sông, nhìn thấy tay chân giơ lên là chuyện bình thường… Thế nhưng hai lần đi thuyền trên sông không thấy có cái tay nào giơ lên vẫy xuống, ở đây mát lắm… Hỏi các bạn chèo thuyền thì bảo giờ cũng ít người thiêu bằng củi, thiêu bằng lò thiêu luôn. Nhưng water tank cấp nước cho cả thành phố cũng nằm ngay cạnh Ghat thiêu người này.

http://a1.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/417439_377146682295945_579313573_n.jpg

Buổi tối, ở Dasawamed Ghat là nơi diễn ra lễ cúng tế gì đấy, gần giống như lên đồng của người Việt, cũng mua may với lửa, quạt… trong tiếng nhạc, chuông, trống… người lên đồng đều là con trai, đẹp trai nữa là đằng khác và múa rất dẻo. Buổi lễ kéo dài khoảng 1g, người dân cũng lắc lư, khấn vái theo điệu nhạc.

cào cào
01-08-2012, 17:39
Vanarasi buổi sáng thức dậy trong tiếng rì rầm cầu kinh lúc bổng lúc trầm, lúc to, lúc nhỏ. Hàng đoàn người nối nhau ra sông tắm. Dashawamedh ghat là bến tắm chính vì ở đây gần chợ và đền thờ thần Shiva. Các bến khác ít người hơn, hoặc không có ai tắm.

https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/428071_377683638908916_1100995719_n.jpg

Người Ấn độ thành kính và tin tưởng sông Hằng một cách kỳ lạ. Trẻ con bé tí chắc được 2-3 tháng tuổi đem ra tận bến sông nhỏ mấy giọt nước sông vào mồm, không cần biết ngay cạnh đấy là rác rưởi, ngay gần đấy là người tắm.

https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/422350_377683392242274_665672787_n.jpg

Còn người già trẻ con ngụp lặn trong nước sông là chuyện thường, giặt giũ, tro từ việc thiêu xác cũng ném xuống sông. Sông Hằng sẽ rửa sạch tất cả. Nhưng ở đây ít thấy thiêu xác hơn ở Kathmandu, chỉ 1-2 xác đang được chất củi để thiêu trong buổi sáng. Còn lại được thiêu trong lò thiêu. Một lần thiêu xác bằng củi khoảng 5000 rupies ( quãng khoảng 100$) còn thiêu bằng lò thiêu thì 700 rupies (cỡ khoảng 15-20$).

https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/417264_377684552242158_2048114566_n.jpg


Mặt trời lên, người ta vừa tắm vừa cầu nguyện. Tiếng rầm rì càng to hơn.

https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/423761_377686015575345_710286720_n.jpg

Crazy trafic là lời bạn lái xe richshaw thanh minh mỗi lần bạn í chạy xe điên cuồng trên đường phố. Không cần guơng, không cần nhường đường, chỉ cần phanh thật ăn, cứ rồ ga lên bằng mọi giá chiếm khoảng trống trên đường đã rồi phanh kít lại, bất kể xe bên cạnh đang đi theo hướng nào. Còi thật to để giạt người đi bộ. Trên đường là một cuộc đấu trí giữa các lái xe, chiến thắng thuộc về ai nhìn ra khoảng trống trước và ai có thần kinh thép, chấp nhận đâm thẳng vào đầu xe, đuôi xe kẻ khác khiến họ sợ mà lùi bước. Thế nên có những pha ngoạn mục mà cả ba thằng cùng nhìn nhau lắc đầu, lè lưỡi, cùng chửi thề, mẹ thằng này về Việt nam lái xe thì bị ăn đòn cả ngày. Còn ở đây mọi thứ đều bình thường.

https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/404287_377686488908631_217733481_n.jpg

Buổi chiều nhà ga Vanarasi nhìn rõ hơn buổi sáng hôm đến. Lúc này mới biết thế nào là bẩn. Đường ray ngập nước, buồn tè các bạn có thể ra thẳng đường ray tè. Bò, khỉ, chó, chuột đi lại tung tăng khắp nơi kiếm ăn trên những bãi rác. Tầu đến ngay trước mặt mà lại ghi số hiệu gộp cả 3 chuyến vào nhau nên tí nữa nhầm, ba thằng cứ thản nhiên đứng nhìn tầu ngay trước mặt. Đến lúc nhìn bảng điện tử thấy số hiệu tầu ghi trên vé chuyển sang ready mới nháo nhào đi hỏi, nháo nhào chạy đi tìm toa và lên tầu.

https://fbcdn-sphotos-a.akamaihd.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/431559_377686728908607_498256790_n.jpg

Bẩn nhưng phải ghi nhận ga tầu ở Ấn độ văn minh, có nước sạch ở vòi có thể uống (ghi rõ drinking water), trên sân ga người ta trải chăn chiếu nằm ngồi chờ tầu, nhưng có phòng sạch sẽ điều hòa cho bạn nào có tiền vào ngồi chờ, tất nhiên là phải trả tiền. Hệ thống bảng thông báo điện tử rõ ràng, thông tin đầy đủ.

cào cào
06-08-2012, 16:25
200 rupies cho 7km từ Ga Arga fort về khách sạn bằng xe taxi.

800 rupies cho hơn 100km cả đi và về từ khách sạn đi Fatehpur Sikri bằng taxi.

Và 50 rupies cho 5km từ nhà ga Arga fort về cổng chính của Taj Mahal bằng xe richshaw chạy bằng cơm, một loại xe đạp kéo giống ở Việt nam.

http://a7.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/432004_380257658651514_683810062_n.jpg

Đổi tiền ngoài phố tỷ giá dao động từ 47 - 48 rupies/usd, nhưng đổi tiền trong ngân hàng giá 45 rupies/usd, trừ thuế còn 44 rupies, nhưng đứng kỳ nèo một hồi, bảo giả lại tao tiền tao ra ngoài đổi thì bắt đầu đưa về tỷ giá 45 vì không tính trừ thuế, thêm một lúc nữa thì về giá 46 rupies/usd vì không tính hoa hồng, bố khỉ.

http://a5.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/431351_380258545318092_1220664422_n.jpg

Nói chung giá cả của các bạn Ấn độ nhặng xị ngầu, không biết đằng nào mà lần, cứ nhẩm theo giá Việt nam lúc thì hớ, lúc thì lãi. Nhưng nói chung trình mặc cả của cả ba thằng vẫn còn kém. Hình như, chỉ thỉnh thoảng mới mua bán được đúng giá.

http://a8.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/428738_380258931984720_671204157_n.jpg

Bia ở Ấn độ rất đắt, 300 rupies cho 2 chai, uống xong lè lưỡi ra vì tức. Bia vừa chán, vừa nhạt phèo.

http://a4.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/417583_380259368651343_755753657_n.jpg

Arga là thành phố thủ phủ của tỉnh Ulta, đường phố sạch sẽ, thoáng đãng hơn rất nhiều so với Vanarasi, và đặc biệt xe chạy trên đường rất từ tốn, nhường đường cho nhau đúng luật, trâu bò thả rông ngoài đường cũng ít hơn, hầu như ít thấy trong thành phố, chỉ có ở ngoại ô. Nhưng không phải thả rông mà có người chăn dắt đàng hoàng. Điều này không hề giống như Vanarasi. Đáng ra Vanarasi phải gọi là Crazy city chứ không phải là Holly city.

http://a6.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/s720x720/429450_380259558651324_704998822_n.jpg

Các bạn đi Ấn đều than thở phải ăn toàn rau, không hề có tí thịt nào. Thế nhưng ba thằng lùng sục khắp nơi và tìm ra một quán ăn thịt gì cũng có thậm chí là thịt bò. Sung sướng hí hửng gọi một xuất beefteak, nhưng ăn chỉ để có cảm giác sung sướng vì được ăn bò thần của các bạn Ấn độ mà thôi chứ còn chả ra gì. Beefteak mà sốt đậu với masala với những cái gì đấy đổ lên trên, ba thằng ngắc ngứ mãi mới hết được 1 miếng, đấy còn là vừa ăn vừa động viên nhau. Mà ở ngay cổng phía Tây của Taj Mahal có một hàng bán thịt, tuy che kín cửa suốt ngày, nhưng lần nào đi qua cũng thấy rất đông khách và tiếng băm chặt tíu tít.

http://a5.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/422977_380259745317972_339881167_n.jpg

Taj Mahal đẹp đến từng centimet, từng khối, từng khối đá cẩm thạch trắng muốt chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, sống động xếp chồng lên nhau,tạo thành khu lăng mộ chính. Mầu trắng của đá cẩm thạch nổi bật trên nền đỏ sẫm của đá sa thạch dùng để xây tường thành bao quanh và những khu đền phụ. Khi chưa đến Taj Mahal, chỉ được nhìn qua ảnh, chắc ai cũng chỉ nghĩ đấy là một tòa nhà đẹp, thế thôi. Nhưng khi được tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ vào những họa tiết trang trí, được nhìn ngắm bằng mắt mình, lúc đấy mới khâm phục tài năng của những người thợ Ấn độ.

Tại sao lại có thể chạm trổ trên những khối đá cẩm thạch cứng như đấy những hoa văn tuyệt đẹp, sống động, cân xứng. Tại sao chỉ bằng tay mà những phiến đá cứng và thô ráp có thể biến thành tấm mành mỏng manh, mềm mại, họa tiết hoa văn đều tăm tắp, không tìm thấy một lỗi sai nhỏ. Tại sao bằng trí tưởng tượng và công cụ thô sơ có thể xây được một công trình có tỷ lệ hài hòa, cân xứng mà các kiến trúc sư ngày nay với đủ các phần mềm, máy móc hỗ trợ cũng không nhiều người đưa ra được tỷ lệ cân xứng như thế. Và với công nghệ xây dựng hiện đại, những mái vòm kia xây lên chưa chắc có thể tròn xoe như thế. Đấy còn chưa kể những đền đài xung quanh, ngay cả sân cũng được tính toán lát đá mầu sắc hài hòa làm nổi bật công trình. Chỉ có thể giải thích được đấy là tình yêu đã làm nên một kỳ quan như thế.

Trong tiếng Ấn độ, Taj hình như có nghĩa là vương miện, Taj Mahal là vương miện cho hoàng hậu Mahal. Kiệt tác kiến trúc này được ông vua Ấn độ nhưng gốc Mông Cổ xây dựng trong vòng 16 năm để tưởng nhớ bà hoàng hậu Mahal. Ông vua này yêu vợ đến nỗi, hoàng hậu từ năm 22 tuổi đến năm 38 tuổi đẻ đến 14 người con cho vua, nên bà không chết sớm mới là lạ.

Arga Fort lại là một kiến trúc khác, một pháo đài kiên cố và nguy nga. Hào nước bao quanh, hai tầng thành và những cung điện nguy nga tráng lệ nối tiếp nhau từ dẫy này sang dẫy khác. Tất cả được xây bằng đá sa thạch đỏ và đá cẩm thạch. Góc đẹp nhất của pháo đài chính là sân ngắm cảnh hướng ra sông và nhìn về Taj Mahal. Chỉ tiếc một điều, mấy hôm nay trăng đang tròn rất đẹp không được ngắm Taj Mahal dưới trăng vì giá vé quá đắt. Haizz ngân sách đã bị thâm thủng vì không nghĩ giá vé vào các khu di tích ở cả Nepal và Ấn độ đắt đến thế, chưa kể cái tội chỉ ăn chay thịt, không ăn chay rau và tội mua sắm vô độ ở Kathmandu.

cào cào
06-08-2012, 16:31
Ấn tượng đầu tiên về Jaipur - Pink city là bạn chủ Guesthouse rất vui vẻ, nhiệt tình, ân cần hỏi han chúng tôi. Và là bạn duy nhất từ trước đến giờ nói một câu như trong phim với cả 3 thằng:

"Welcome to a nice guesthouse."

Quả thật là một guesthouse đẹp, sạch sẽ. Cả ba thằng thấy hài lòng. Sau vụ bị đối xử tệ bạc và cãi nhau, dọa nạt các bạn khách sạn ở Vanarasi, không còn tin bọn Agoda, chuyển sang Hostelbookers, ngay lần đầu tiên đã cảm thấy hài lòng.

Khi biết chúng tôi từ Việt Nam đến, các bạn khoe luôn 4 ngày trước đây cũng có mấy bạn Việt Nam vừa ở đây, chúng nó còn vẽ lên tường ở phòng internet. Chốc chạy lên mà xem.

http://a4.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/417492_381570998520180_1061560312_n.jpg

Ấn tượng dễ chịu ấy kéo dài đến cả buổi chiều dạo phố Pink city. Cả thành phố (cũ) được sơn toàn mầu hồng, và như một khu chợ khổng lồ bán đủ đồ từ quần áo, gia vị, sách vở, giầy dép… đến vàng bạc châu báu. Hàng nọ nối tiếp hàng kia. Nhưng đường phố được quy hoạch theo dạng ô cờ, nên dễ đi, dễ tìm. Và đặc biệt đi dạo ở đây rất thích vì các bạn Ấn độ ở đây không chèo kéo, chỉ hello rồi cười tươi, không nì nèo, níu kéo.

Nói đến vụ nì nèo, níu kéo khách thì chắc không đâu như các bạn Ấn độ, có thể lẵng nhẵng theo cả một đoạn dài chỉ để giới thiệu mặt hàng, thậm chí cửa hàng ở xa tít mù khơi cũng vẫn mời chào. Và không nề hà, lúc trước đi qua đã từ chối, lúc sau quay lại các bạn sẵn sàng tua lại từ đầu. Tiếp đến là các bạn xe richshaw. Nhiều lúc phát bực, quát to lên một câu "Noooooo….", thế là các bạn chạy biến hết.

Rajasthan hình như là vùng trồng các cây gia vị của Ấn độ thì phải. Ngoài chợ bạt ngàn các loại gia vị, loại biết tên loại không. Nhưng khi các bạn cho hỗn hợp các loại gia vị vào đồ ăn thì khỏi ăn luôn. Nhà hàng của Guesthouse đã không hề có tí thịt nào, thậm chí trứng cũng không có, chỉ toàn rau củ, thế mà chỉ quên không dặn đừng cho gia vị vào là từ rau xào, cơm luộc, bánh nan… đều đầy mùi gia vị, không thể nào ăn được. Thậm chí lúc sau xin nước sôi đổ vào mỳ vẫn có mùi thoang thoảng. Đành nhắm mắt ăn cho nhanh.

Thức ăn trên đường phố phổ biến nhất là món bánh rán chiên phồng, rỗng ở giữa. Lúc ăn các bạn sẽ lấy tay chọc một lỗ rồi nhồi nhân là khoai tây nghiền với một loại gia vị gì đấy vào giữa, rồi đổ một ít nước sốt gì đấy nữa. Nhưng nhìn cách các bạn đổ nước sốt thì thôi, khỏi muốn ăn luôn. Cầm nguyên cả cái bánh trên tay dúng ngập vào thùng nước sốt, rồi đưa cho khách. Hết khách này đến khách khác, khỏi cần rửa tay, khỏi cần găng tay. Thế mà các bạn vẫn ăn bình thường.

http://a6.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc7/s720x720/417718_381571525186794_303414657_n.jpg

Món phổ biến thứ hai là pizza kiểu Ấn độ, làm ngay trên đường phố, đầu tiên bột gạo xay nhuyễn, rồi cán trên chảo như tráng bánh cuốn, sau khi chín thì rắc hành, rau… Rồi cuộn lại, chấm nước sốt. Món này các bạn Nepal cũng làm, nhưng có vẻ nhiều đạm hơn vì sau khi rán đế bánh xong các bạn cho trứng đánh với hành, rau… để làm thêm một lớp thứ hai, rồi cuộn hai lớp lại với nhau ăn luôn.

vietngoc
06-08-2012, 18:32
Cám ơn bác chủ! em vẫn mơ ước được đến thăm mấy quốc gia phật giáo trên dãy Hymalaya, những huyền bí của Nam Á

imim
07-08-2012, 15:23
Bạn Cào Cào viết hay gớm nhỉ. Hồi trẻ mình cũng thích đi cung này mà hụt không đi được. Giờ chắc ko đi nữa, đọc cho biết cũng hay, đỡ phải đi :)

cào cào
08-08-2012, 03:38
Kinh mẫu nghi tái xuất giang hồ á!!!

traiheogiong
10-08-2012, 14:44
Mình đã hụt chuyến đi tới Ấn, và bây giờ đang trên đường tới Nepal. Đọc bài của bạn thấy có nhắc tới 2 loai khăn mua ớ Nepal, bạn có thể nói rõ hơn ko ạ. Cám ơn bạn nhiều nhé.

Akhin
12-08-2012, 13:07
Nhìn ảnh, nhớ Kathmandu quá. Cả một nền văn hóa hàng nghìn năm như vẫn còn hiện diện, tiếng cầu nguyện và những âm thanh mantra lan tỏa khắp nơi, mùi hương trầm các loại như đặc hơn bầu không khí linh thiêng. Buổi chiều vàng một mình trên Swayambhunath tĩnh lặng buồn đền nao lòng chiêm nghiệm về đời và người... chắc chắn sẽ còn quay lại !
P/S Mấy quyển sách Mun-Đa- Sép thực đáng vất vào sọt rác. Hoặc do người dịch, người viết chẳng hiểu gì về nền văn hóa Hymalaya.

cào cào
16-08-2012, 12:14
@traiheogiong: Khăn Pashmina với Kashmir bán đầy khu Thamel mà bạn. Thích cái nào thì nhích thôi, mặc cả xả láng.
==========================

Giang hồ ta là giang hồ vặt…

Giang hồ vặt, nên cứ chiều tối là nhớ nhà. Buổi chiều lang thang quanh guesthouse, nhìn vào những ngôi nhà nho nhỏ, cũ kỹ, có dàn hoa trước cửa, có ghế ngồi trước sân rất yên bình, thế là nhớ nhà, nhớ cái giường êm ấm… Ở nhà công việc sẽ cứ đều đặn quay từ hè sang thu, từ đông sang xuân, sẽ thấy ngày tháng cứ cuốn đi nhàm chán. Nhưng tách ra, đứng ra khỏi guồng quay ngày tháng để nhìn lại thì thấy sự nhàm chán ấy chính là cuộc sống của mình, hóa ra nó cũng không nhàm chán lắm, thậm chí như lúc này chẳng hạn, nó còn thích hơn là đi chơi.

Và đúng chỉ là giang hồ vặt, lúc đứng ở sân bay Kathmandu thấy các bạn làm visa treking 3 tháng, bảo các bạn sướng thế, làm sao mình có thể có thời gian thảnh thơi bỏ hết công việc để đi như thế nhỉ, giờ mới có 13 ngày đã nản.

https://sphotos-b.xx.fbcdn.net/hphotos-ash4/s720x720/422909_381572551853358_1680500287_n.jpg

Thực ra việc nản lòng là nhiều lý do. Đầu tiên là hôm nay phải lang thang cả ngày, vì muốn tiết kiệm tiền phòng nên phải đi đêm, nhưng 10g sáng đã phải trả phòng rồi chờ đến 11g đêm mới lên tầu. Lang thang hết thành phố cũng không có gì đáng xem. Lâu đài, thành cổ thì nhỏ xíu và phần lớn được phục dựng. Thêm nữa, nếu đã ở Arga thì mọi lâu đài thành quách ở đây chỉ được bằng một góc nho nhỏ. Pink city chỉ đi dạo quanh khu phố cổ nhìn người ta buôn bán, mua sắm là vui mắt thôi.

https://sphotos-b.xx.fbcdn.net/hphotos-snc7/s720x720/430313_381573411853272_1442199027_n.jpg

Và thức ăn, tìm mỏi mắt quanh thành phố không thấy hàng bán thịt nào. Toàn rau là rau, mà ăn rau thì đầu óc không minh mẫn được. Tìm quanh khắp nơi không thấy nhà hàng nào khả dĩ hơn Rooftop restaurant của Guesthouse đang ở, nên sau buổi sáng lượn các điểm thăm quan buổi chiều đành quay về Guesthouse vật vờ chờ đến tối. Guesthouse hoạt động theo kiểu gia đình nên bếp cũng gia đình, phục vụ chỉ giới hạn một vài món và thường 1 tiếng sau mới có, kể cả gọi nước sôi để đổ vào mỳ tôm.

Đặc biệt hơn nữa là luôn nấu theo ý mình. Ví dụ gọi các bạn cơm rang rau và cẩn thận dặn đi dặn lại là không được dùng gia vị Ấn, đã cẩn thận đến mức lên mạng search tên và ảnh các loại gia vị Ấn độ, save vào Ipad rồi đem xuống tận nhà bếp chỉ cho bà mẹ - chuyên nấu ăn - và bảo đừng cho những loại gia vị này vào, chỉ có muối, dầu ăn, gạo và rau thôi, bạn gật đầu đánh roẹt và 1h sau bê lên vẫn đầy đủ tất cả các loại gia vị, lại còn nguyên hạt nữa và các bạn còn bảo tao thấy good smell mà. Má ơi cả ba thằng bê nguyên ba đĩa cơm xuống bếp bảo tao vẫn trả tiền, nhưng cơm này tao chịu không ăn được. Các bạn lúc này mới tỏ vẻ ân hận bảo mẹ bạn chỉ biết nấu món Ấn độ thôi.

Hỏi tiếp, thế bữa chiều bọn tao vào bếp tự nấu đồ ăn được không, mặt các bạn lại tái xanh, hỏi lại thế chúng mày nấu đồ ăn chay hay ăn mặn, mà phải hỏi mẹ tao đã. Yên tâm đi, bọn tao sẽ chỉ rang cơm với hành thôi, không có thịt đâu. Lúc sau các bạn không đồng ý cho mượn bếp, cả bọn đành bảo nhau thôi chiều ăn mỳ tôm cho lành.

Buổi chiều, sau khi ăn mỳ tôm, thấy bố bạn ý có nhà và có vẻ hiểu khẩu vị quốc tế thế nên mạnh dạn xuông order món súp lơ luộc giống hôm qua. Các bạn lại gật đầu đánh roẹt, lúc sau mang lên món rau hổ lốn xào. Mặt mũi ba thằng và cả bạn đầu bếp rất căng thẳng vì vừa sợ lại giống lúc sáng. Sau khi ba thằng cùng xúc lên nếm thử rồi gật đầu okie, bạn đầu bếp mặt dãn ra và cười tươi.

Ngoài chuyện ăn uống ra, thì các bạn guesthouse rất dễ chịu. Riêng khoản ở vật vờ hết từ restaurant sang phòng vi tính cả ngày không tính tiền đã quá tốt rồi, ở Việt nam thế chắc đã bị đem chổi quét đi từ lâu.

https://sphotos-a.xx.fbcdn.net/hphotos-ash4/s720x720/426701_381573871853226_1652935251_n.jpg

cào cào
16-08-2012, 12:16
Đi du lịch bụi đặt được phòng trước thì yên tâm, nhưng có điều dở là không biết chất lượng phòng và thái độ phục vụ của nhân viên ở đây ra sao. Ngày hôm qua vừa khen các bạn hostelbookers hết lời vì vụ book phòng ở Jaipur ngon lành, thì hôm nay lại dính vụ bực mình ở New Delhi. Buối sáng đã xuống nhầm ga vì hai bạn Ấn độ nửa quê nửa tỉnh cứ nằng nặc chỉ đây là ga New Delhi, nhưng hóa ra là ga Old Delhi, chạy ra hỏi bạn bảo vệ thì bạn ý nói tiếng Anh mà mình chẳng hiểu gì, chỉ nghe được đoạn chạy ra booking ticket office mà hỏi. Hỏi xong thì tầu chạy bố nó mất rồi còn đâu. Ra khỏi ga thì các bạn richshaw xổ ra cả tràng tiếng Ấn nghe không hiểu gì, mãi mới thuê được xe về đến New Delhi. Chứ không đầu tiên đã định đi bộ.

Đến khách sạn thì nằm tít trong ngõ, mà trên mạng các bạn đề hotel, đến nơi lại là hostel, trên mạng bảo phòng có toilet riêng, đến nơi lại là toilet chung, phòng trên mạng đẹp lung linh, đến nơi lại là phòng vừa xấu vừa bẩn… Đã thế thái độ nhân viên thì ngái ngủ, ăn nói cộc lốc, lại còn không có chỗ chờ, lại đòi trả thêm tiền vì đến sớm. Bố khỉ, cậu mày còn có một đêm ở đây thôi, đã thế đếch thèm lấy phòng nữa, bỏ deposit, ra chọn khách sạn nào to đẹp nhất phố cậu ở, rồi cả ngày cậu ăn mỳ tôm, thịt hộp cho nó hết. Đi được một đoạn các bạn chạy ầm ĩ theo bảo mày vào ngồi internet hủy lệnh đặt phòng của may trên mạng đi. Đã thế cậu đếch hủy, cậu complain cho mày chết.

Lần sau rút kinh nghiệm sẽ đặt lịch di chuyển hợp lí hơn, đi đêm đỡ tốn thời gian và tiền phòng, nhưng mệt và ngại nhất đoạn nhận phòng lúc sáng sớm. Kinh nghiệm thứ hai là chả tin bọn nào, cứ chịu khó chọn điểm đến có nhiều khách sạn để lựa chọn tại chỗ.

Pahar Ganj là khu chợ và tập trung rất nhiều khách sạn, hostel, guesthouse cho dân đi phượt.

cào cào
16-08-2012, 12:20
Ngày cuối cùng của cả hành trình 15 ngày, tinh thần gần như rã đám, không muốn đi đến những điểm tham quan nữa vì thứ nhất thấy sách miêu tả không có gì đẹp, thêm nữa hôm nay là thứ hai, rất nhiều điểm tham quan chính đóng cửa. Thế nên quyết định thuê một chiếc richshaw làm chuyến citytour. Sau khi mặc cả một hồi, bạn lái xe richshaw gạ sẽ đồng ý giá 200 rupies / xe đi vòng quanh thành phố, nếu chịu dừng vào 1 hoặc 2 điểm mua sắm. Cả ba thằng gật đầu cái rụp, vì cũng muốn shopping một tí, cũng muốn đi mặc cả cho vui vì các bạn Ấn độ bán hàng rất giỏi, chỉ cần tỏ ra thích một món hàng thôi, các bạn sẽ thuyết phục mua bằng được, nên vui ở đây là muốn thử thách bản thân trước cám dỗ mua sắm.

New Delhi là thành phố được quy hoạch khá tốt, quảng trường trung tâm, quảng trường thành phố gần như được bảo tồn nguyên vẹn và rất hoành tráng nên thu hút rất đông khách du lịch. Thêm nữa có lẽ New Delhi là thủ đô châu Á duy nhất mà tôi đã đi qua không hề có nhà cao tầng, cả thành phố phát triển theo chiều rộng, nhà chỉ cao khoảng 3 đến 4 tầng. Ngay cả đi qua khu đô thị mới xây, nhà cũng được quy hoạch thành những block 4 căn hộ 3 tầng quây lưng vào nhau. Thành phố phát triển theo chiều rộng, cộng quy hoach tốt, nên ngay cả đi vào giờ cao diểm cũng không hề tắc đường. New Delhi thì sạch sẽ như thế, nhưng Old Delhi lại bẩn và lộn xộn như những thành phố khác của Ấn độ.

Đi gần như cả ngày lang thang, bạn lái richshaw nhiệt tình chỉ cho các điểm tham quan đẹp, gạ gẫm đi thêm chỗ này chỗ kia, nhưng ba thằng đến điểm nào chỉ cũng ngó qua, lắc đầu quầy quậy bảo đi tiếp vì nhòm thấy chả có gì, toàn lăng mộ, đền Hindu mới xây… thậm chí bạn ý còn nằng nặc xua bằng được xuống vườn bách thảo. Nhưng bù lại, ba thằng gạ bạn ý đưa đi thêm những điểm mua sắm làm bạn rất khoái chí. Theo lời bạn nói, mỗi lần đưa khách đến điểm mua sắm (thực ra là các cửa hàng to, nhưng các bạn dùng từ market làm tưởng cái chợ to lắm), bạn sẽ nhận được một cái voucher, cái thì lớp học boxing cho con trai, cái thì giảm giá bộ sách giáo khoa cho con gái… chả biết có đúng không nhưng cuối buổi cứ "Thank you, you are my best friend, mà không kỳ kèo thêm bất cứ đồng nào.

Sân bay Indira Ganhdi là sân bay lớn và đẹp, nhưng an ninh thắt chặt, ai không có vé và hộ chiếu khỏi phải vào sân bay. Thế nên không có cảnh đưa tiễn và sân bay vắng teo. Đến lúc vào phòng chờ mới biết buổi chiều, ở ngay cạnh phủ thủ tướng, xe sứ quán chở các bạn ngoại giao Isarel bị tấn công, nổ tung xe, khói lửa mù mịt.

Đấy là những ấn tượng cuối cùng về các bạn Ấn, giờ lại bay bằng Air Asia nên lại gặp các bạn Thái rồi. Ngày mai về đến nhà, sẽ lại quay về nhịp sống cũ.

Chuyến Nepal - Ấn độ 2012 kết thúc ở đây, và giờ sẽ lại mơ tưởng đến những chuyến đi sau. Tunisia chẳng hạn.

namviet
19-08-2012, 22:53
Chuyến các cụ đi quá hay ước gì mình có một chuyến đi như này trong đời (BB). Em nói thật là ảnh minh hoa cho các điểm của chủ thớt ít quá

TÍM
13-12-2012, 15:31
Tuyệt hay!!!!

dugiang
17-12-2012, 09:22
Đến khách sạn thì nằm tít trong ngõ, mà trên mạng các bạn đề hotel, đến nơi lại là hostel, trên mạng bảo phòng có toilet riêng, đến nơi lại là toilet chung, phòng trên mạng đẹp lung linh, đến nơi lại là phòng vừa xấu vừa bẩn… Đã thế thái độ nhân viên thì ngái ngủ, ăn nói cộc lốc, lại còn không có chỗ chờ, lại đòi trả thêm tiền vì đến sớm. Bố khỉ, cậu mày còn có một đêm ở đây thôi, đã thế đếch thèm lấy phòng nữa, bỏ deposit, ra chọn khách sạn nào to đẹp nhất phố cậu ở, rồi cả ngày cậu ăn mỳ tôm, thịt hộp cho nó hết. Đi được một đoạn các bạn chạy ầm ĩ theo bảo mày vào ngồi internet hủy lệnh đặt phòng của may trên mạng đi. Đã thế cậu đếch hủy, cậu complain cho mày chết.

Pahar Ganj là khu chợ và tập trung rất nhiều khách sạn, hostel, guesthouse cho dân đi phượt.

À! Đoạn này đọc tới rõ là đúng chất chua của bạn mình nhé.

Bài viết hay lắm cậu ạ. Thế chuyến đi Bali thì ai sẽ viết bài thế để mình còn vào phượt bằng mắt cho đỡ thèm cái nào :))

khoai an qua^^
23-12-2012, 22:57
Hôm qua ba thằng tá túc chùa Linh Sơn, lúc đầu mấy bạn Ấn độ trong chùa báo giá cẩn thận là 700 rupies/phòng, chiều nay đến lúc thanh toán, bạn Việt Nam phụ trách xây chùa gạt đi, bảo tiềm nong gì làm cả bọn ngại quá. Lúc lên chào ni sư lẳng lặng thả vào thùng donate số tiền liếc trộm được trong hóa đơn. Giữa nơi đất khách, được tá túc chỗ người Việt, được ăn cơm mà lại là cơm chay Việt toàn dưa muối nấu canh, váng đậu nấu canh, măng khô kho... làm mấy thằng giang hồ vặt cảm thấy nhớ nhà và rất xúc động... .
Hoan nghênh bác chủ thớt qua hành động tế nhị này và cảng hâm mộ bác qua những chuyến phượt ngẫu hứng và ấm áp:)

thino015
31-12-2012, 13:51
Thanks anh Cào Cào vì topic hồi ức chi tiết và đầy cảm xúc.

Em thích mấy đoạn anh tả cảm giác nhớ nhà cứ lặp đi lặp lại khi đến chiều.

Như người ta vẫn bảo ra đi để tìm sự giải trí, quay về để tìm hạnh phúc.

Chúc anh luôn có những chuyến đi khám phá thú vị. :D

duturi
18-01-2013, 14:27
Năm ngoái (mà thật ra là năm kia rồi, tức là năm 2011 ấy) mình có đi Ấn với mấy bác nữa. Trong khi mình thích thú nghắm nghía, tìm kiếm lại các kỷ niệm cũ thì các bác cứ lầm bầm chửi rủa, chửi chán thì lại chê, chê bụi, chê xấu, chê ít văn minh, chê nóng ... chê và chửi chán chê thì các bác lại quay sang hỏi "Thế hồi ông ở đây lâu vậy thì sống mần răng?". Thì sống như các bác Ấn Độ chứ sống sao nữa. Hai bác đề nghị là ai mà sống ở Ấn vài tháng trở lên là tặng huy chương hay anh hùng lao động gì cũng được. Thế mới biết là không phải dân phượt khó ở Ấn thật.
Bác Cào cào cũng lê lết nhiều nơi thế mà mới gặp Ấn có mấy hôm đã buồn, đã nhớ nhà rồi, mời bác về miền Trung, xuống miền Nam, còn nhiều chỗ kinh lắm.
Thức ăn là khó khăn đầu tiên hay mắc phải. Xin hầu các bác một chuyện nhỏ về ăn. Hồi trước (là cũng lâu rồi đấy, cách đây chừng hơn 20năm) có bác đã ói ngay khi bước vào nhà ăn của trường Đại học Tamil Nadu nhá. Kể thì không ai tin, chưa kịp lấy thức ăn đâu nhá, mới chỉ nhìn thấy các bạn Ấn bóp thức ăn (nhất là nó bóp món curry với cơm lại cho nó thành một cái hỗn hợp sền sệt) và ngửi vài món ăn mà đã hò ngay tại chỗ, làm các bạn Ấn Độ khiêng đi cấp cứu vì tưởng bị chấn thương sọ não đấy. Mà các bác biết là cách đây hơn 20 năm, thời kỳ Việt Nam ta còn đói kém (kém tới mức nhà cháu còn chưa có xe đạp nhé), hồi nhà cháu còn đói, cái gì mà chả ăn được (???), thế mà thức ăn của các bạn lại làm ta sợ sao?
Thực ra thì các bạn Ấn không phải là ăn chay (họ phân biệt rất rõ nha), tuy họ cũng có nhiều người ăn chay (thật), còn lại là họ ăn kiêng thịt bò, thịt heo, thịt... nói chung là hơi khó đoán biết tùy theo vùng và theo tôn giáo. Tuy nhiên, nhà cháu kiếm thịt ăn hàng ngày vì thịt khá rẻ, thịt bò lúc đó loại ngon thì 1USD/2kg nhé. Nhưng phải biết chỗ mới mua được. Thịt cừu là đắt nhất, khoảng 3-5USD/kg. Gà và cá là khoảng 2-3USD/kg. Heo rẻ hơn (chắc chừng 1USD/kg) nhưng vẫn mắc hơn thịt bò. Trứng gà và thịt bò giá ngang nhau, 1 kg thịt bò khoảng nửa USD và được khoảng 1 tá trứng thêm 1 hai quả nữa.
Cái khó là người Ấn là khi nấu họ bỏ nhiều gia vị và là chế biến trông hơi kinh. Hình ảnh dưới đây là ở nhà ăn một khách sạn khá nhiều sao tại Mumbai nha các bác, nơi mà các bác khách nhà cháu vẫn không chịu được mùi thức ăn Ấn độ. Đây là món gà nha các bác, không nhìn ra món gì cả, chán chật.
Đó là lý do mà ngày xưa, mỗi khi có học sinh sang Ấn là người nhà các bác đi Sứ liền liên lạc và tìm cách để gửi mỳ gói sang. Cách đây vài năm, có đoàn khách của Ấn sang, nhà cháu mời cơm Ấn một bữa tại Phạm Ngũ Lão, giờ hỏi có ai thử lại không thì 100% xin ở nhà.

https://i1262.photobucket.com/albums/ii617/Duturi/India/2011/P3290049.jpg

Nói về cứt bò thì đó là chuyện thường ngày ở Ấn Độ. Một ngày đẹp trời, nhà cháu đến phòng thí nghiệm thấy tất cả chuyển sang màu xám vàng đen của cứt bò, từ sân, sàn nhà, tường và một vết to tướng trên màn hình máy tính nữa. Nói thêm là máy computer lúc đó quý như vàng nhé, khoảng 7-10K USD một con chứ không như bi giờ đâu. Cháu buồn quá, hỏi chúng mày làm chuyện gì đây, bọn nó mới xúm lại mời ăn bánh và kể là ngày hôm qua làm lễ. Lấy cứt bò các loại bỏ vào trong một cái xô to, hòa nước vào thành một thứ dung dịch cứt bò rồi quét một lớp lên mặt sàn, sân, tường cho may mắn, quyệt lên các loại máy móc và cả người nữa nhá. Nó kể xong hồ hứng lắm, hỏi nhà cháu muốn bôi không, cứt bò vẫn còn. Choáng quá, nhà cháu nói bôi ngoài TP rồi, hôm nay khỏi bôi.

Hơn 25 năm sau, quay lại vẫn còn thấy cứt bò trên đường phố ở Mumbai. Vì vậy nhà cháu hay gọi lén các bác ấy là bọn "cứt bò".

https://i1262.photobucket.com/albums/ii617/Duturi/India/2011/P3290047.jpg

Thứ ba là nóng. Nếu các bác sang Ấn, nhất là trung Ấn vào tháng 6 hay tháng 7 thì biết nhau ngay. 1 quả chanh không chịu nổi một ngày đâu, chỉ tới 3 giờ chiều là nó cứng như cục gì ... rồi. Đó là lý do vì sao ngày xửa ngày xưa, người Ấn đã dùng một thứ "máy" gọi là air cooler.

Thứ nữa là hẹn. Người Ấn hay nói vòng quanh và luôn hẹn mai sẽ tốt hơn, mai sẽ làm xong, mai sẽ mang tới, mai sẽ đưa... vì vậy nhà cháu kêu họ là các bạn tơ mo râu.

Kể thì bảo nói xấu nhưng chuyện Ấn mà kể thì cả ngày không hết các bác ạ. Vì vậy các bạn America kêu các bạn INDIA là I Never Do It Again.

Nhưng đó là nhà cháu tổng kết nhận xét của cả các bác đi chung kể xấu Ấn Độ chứ riêng nhà cháu thì đi Ấn vài lần rồi và vẫn chưa chán. Nếu có cơ hội thì nhà cháu vẫn đi tiếp. Nhà cháu vẫn dám ăn món thức ăn của các bạn Ấn kể các các món ngoài đường đấy. Đi Ấn có nhiều cái hay để khám phá lắm các bác ạ, cứ đi đi, Ấn cũng dễ chịu thôi mà.

thienbinh_dn83
18-01-2013, 15:13
@duturi
Ơ cái hay chỗ nào nhỉ, anh du lại chơi chiêu câu khách nè

cào cào
22-01-2013, 16:06
@duturi:

Mình không hiểu ý bạn lắm. Bạn viết không biết là bạn đang chê, hay bạn đang khen Ấn độ nữa?

Với cá nhân mình, mình thích Ấn độ và ngay khi đang đi đã nghĩ mình sẽ quay lại, và năm nay mình sẽ quay lại vào dịp Tết này. Hy vọng lại ra cái ghi chép 2013 hầu các bạn :D.

Còn chuyện đồ ăn, bẩn, buồn... thì đây chỉ là những ghi chép cuối ngày trong cả chuyến đi, ghi theo những gì mắt thấy tai nghe, còn rất nhiều chỗ về đọc lại thấy sai cả về địa danh, về di tích... nhưng mình không sửa vì muốn ghi chép trung thực với cảm xúc trong những ngày mình đã đi qua.

Còn chuyện bạn đi Ấn để gặp lại ký ức thì tình cảm với vùng đất nó sẽ khác với người đi lần đầu đúng không ạ.
Cám ơn các bạn đã quan tâm topic :D

taxi101080
22-01-2013, 21:55
Anh Tấn lại quay lại đây tết 2013 à. Tụi em định tháng 9/2013 này đi Ấn 2 tuần. Hy vọng tết 2013 này anh sẽ cập nhật ghi chép trên topic để bọn em có thêm nhiều thông tin tham khảo. Chúc anh đi thật vui.

hoangvanphuong75
23-01-2013, 08:27
@Mình thấy bạn Caocao viết cảm xúc rất chân thật về Ấn, những nơi bạn ấy đi qua. Chẳng hiểu sao Duturi lại...mời bạn xuống, miền trung, miền nam gì đó của VN còn kinh hơn !?!
Mình chỉ tóm lại cho Duturi hiểu hơn thôi nhé. Nếu mình có 1 người tiểu bậy, thì họ có hơn 10 người, nếu mình có 1 người xả rác, thì họ có hơn 10 người. Hỏi, đống rác nào to hơn, mùi xú uế nào nặng mùi hơn. Miền trung, miền nam những nơi Duturi đi qua sao đông người như họ.

meocucai
27-01-2013, 14:54
India là đất nước mà các bạn backpacker hoặc là Never Return to That Sh***hole hoặc là Deeply In Love
Chủ thớt yêu ghét thế nào đối với đất nước Ấn Độ thì bạn ấy có quyền thể hiện cảm xúc của bạn ấy
Bạn nào không thích thì vui lòng đi ra, cứ comment miền Trung miền Nam có nhiều chỗ bẩn hơn là có ý gì?

cuongvaan
28-01-2013, 19:58
Mình đi cũng thấy bình thường, đâu đến nỗi quá bẩn và đông đúc đâu. Chỉ lúc đi tàu thì hơi ngại vì hay trễ chuyến thôi. Cò thì cũng nhiều nhưng cứ lắc đầu, oh no no... là họ cũng ko theo nữa.

duturi
16-03-2013, 20:39
@Mình thấy bạn Caocao viết cảm xúc rất chân thật về Ấn, những nơi bạn ấy đi qua. Chẳng hiểu sao Duturi lại...mời bạn xuống, miền trung, miền nam gì đó của VN còn kinh hơn !?!
Mình chỉ tóm lại cho Duturi hiểu hơn thôi nhé. Nếu mình có 1 người tiểu bậy, thì họ có hơn 10 người, nếu mình có 1 người xả rác, thì họ có hơn 10 người. Hỏi, đống rác nào to hơn, mùi xú uế nào nặng mùi hơn. Miền trung, miền nam những nơi Duturi đi qua sao đông người như họ.

Cám ơn bạn đã chỉ trích, mình xin lỗi và sẽ thay đổi cách comment của mình. Mình đã ở cả Miền Nam, Miền Trung như bạn muốn và ở lâu năm. Mình chỉ muốn giúp các bạn có thêm cái nhìn ở nhiều góc độ thôi. Mình cũng đã ở Ấn Độ lâu và nhều lần để hiểu hơn về Ấn Độ, thật về Ấn Độ. Mình viết không với ý là chê nhưng hoàn toàn không phải là khen. Rất xin lỗi vì đã làm các bạn phật ý. Nhưng với kinh nghệm của người đã từng ở Ấn Độ từ rất sớm (hồi năm 1986) và cũng rất mới (2011-2012) thì mình mong muốn các bạn nên cẩn thận khi du lịch Ấn Độ (nhất là đi một mình). Mình đã từng ở nhiều nước (kể cả Bangladesh và Pakistan) nhưng chắc chắn là không có nơi nào các bạn nên cẩn thận như ở Ấn Độ. Nếu có điều kiện thì nên đi hai người trở lên thì tốt hơn, nhất là bạn đi về vùng nông thôn hẻo lánh (theo kiểu đi phượt của ta). Đây là chuyện buồn mới tinh: http://dantri.com.vn/the-gioi/du-khach-thuy-si-bi-8-nam-gioi-an-do-ham-hiep-707940.htm.

homeless man
16-03-2013, 22:12
Lâu lắm mới thấy các bác quan tâm Ấn Độ trao đổi nhiều thông tin hay. Em thấy các bác nói đều đúng cả. Đúng từ cứt bò, đồ ăn, lừa đảo, nhiệt tình, văn minh, rác rưởi, tầu hỏa, máy bay, đái bậy, vui buồn lẫn lộn, cướp (quảng bá phòng đẹp, đến mới ngã ngửa ra là rở tệ là cướp tiền khách còn gì), ghiểt (đánh bom), hiếp...

Một đại Quốc gia như Ấn độ thì gì cũng có hết. Vấn đề của phượt mình là chọn ăn món nào, loại bỏ món nào, kể món nào thôi.

LeoBinh
22-03-2013, 10:24
Lần trước mình cũng muốn làm một chuyến India and Nepal và check AirAsia nhưng không có lịch như mình mong muốn. Rồi sau khi đọc bài này: http://quachdaica.info/news/shock-doc-la/Ghe-ron-cuoc-song-tren-song-Hang-shock-toi-oc-18-1667
Mình cũng không còn hứng để đi nữa....

duturi
23-03-2013, 13:38
Là người ở Ấn Độ khá lâu, mình thấy những hình ảnh này không ghê gớm gì cả. Người Ấn Độ cũng vậy. Cảnh như trong bài viết không chỉ ở dọc con sông Hằng mà còn ở nhiều nơi khác nữa. Có lẽ link bài trên đã chết, các bạn có thể xem ở đây: http://tintuctrongngay.net/ghe-ron-hinh-anh-cuoc-song-ben-song-hang
Nhưng như bạn Homeless man thì chúng ta cũng chỉ đi qua thôi, quan sát, ghi nhận và enjoy những gì mình thích. Có điều, các bạn đi Ấn phải chuẩn bị tinh thần trước.

homeless man
23-03-2013, 15:27
Chuyển trang để khỏi bị quảng cáo đè ảnh:D

homeless man
23-03-2013, 15:36
Sông Hằng bình yên


https://i1150.photobucket.com/albums/o604/anhandonepal/ADNP6/IMG_5135.jpg




https://i1150.photobucket.com/albums/o604/anhandonepal/ADNP6/IMG_5133.jpg



https://i1150.photobucket.com/albums/o604/anhandonepal/ADNP6/IMG_5139.jpg

homeless man
23-03-2013, 15:38
Lần trước mình cũng muốn làm một chuyến India and Nepal và check AirAsia nhưng không có lịch như mình mong muốn. Rồi sau khi đọc bài này: http://quachdaica.info/news/shock-doc-la/Ghe-ron-cuoc-song-tren-song-Hang-shock-toi-oc-18-1667
Mình cũng không còn hứng để đi nữa....

Như mình đã kể, Ấn rộng kinh khủng và đa dạng kinh khủng. Nếu chỉ nhìn vào mấy cái ảnh thủy táng/hỏa táng mà mất hứng không đi nữa thì thật đáng tiếc. Còn biết bao thứ thơm ngon đang đợi bạn đến xơi. Bạn đã xơi đâu mà kếu mất hứng?

Mỗi năm, Ấn đón hàng chục triệu khách du lịch. Mình đã đi Ấn đến 3 lần cả thảy trong vòng 6 tháng mà không hề chán kể cả đi với bạn và độc hành. Đã đi từ Tây (Gujarat) sang Đông (Kolkata-Madras); từ cực Nam (Kanyakumari) đến Bắc (Atari).



https://i1150.photobucket.com/albums/o604/anhandonepal/IMG_9346.jpg

Đi hay không, cuối cùng do bạn quyết định. Mình nghĩ nếu có thời gian, mình vẫn sẽ quay lại Ấn đi tiếp những chỗ chưa đi.

homeless man
23-03-2013, 15:39
Vậy cuối cùng, lữ khách có đi hay không?

Thiên Di
25-03-2013, 15:27
Cám ơn bạn đã chỉ trích, mình xin lỗi và sẽ thay đổi cách comment của mình. Mình đã ở cả Miền Nam, Miền Trung như bạn muốn và ở lâu năm. Mình chỉ muốn giúp các bạn có thêm cái nhìn ở nhiều góc độ thôi. Mình cũng đã ở Ấn Độ lâu và nhều lần để hiểu hơn về Ấn Độ, thật về Ấn Độ. Mình viết không với ý là chê nhưng hoàn toàn không phải là khen. Rất xin lỗi vì đã làm các bạn phật ý. Nhưng với kinh nghệm của người đã từng ở Ấn Độ từ rất sớm (hồi năm 1986) và cũng rất mới (2011-2012) thì mình mong muốn các bạn nên cẩn thận khi du lịch Ấn Độ (nhất là đi một mình). Mình đã từng ở nhiều nước (kể cả Bangladesh và Pakistan) nhưng chắc chắn là không có nơi nào các bạn nên cẩn thận như ở Ấn Độ. Nếu có điều kiện thì nên đi hai người trở lên thì tốt hơn, nhất là bạn đi về vùng nông thôn hẻo lánh (theo kiểu đi phượt của ta). Đây là chuyện buồn mới tinh: http://dantri.com.vn/the-gioi/du-khach-thuy-si-bi-8-nam-gioi-an-do-ham-hiep-707940.htm.

Cuộc sống là hình ảnh phản chiếu của chính chúng ta!

Cái người đứng trươc gương mà vui vẻ thoải mái thì ảnh trong gương cũng "chừng như vui"...Cái người đứng trước gương mà bất an, đề phòng thì cuộc sống cũng hiển thị giống như thế!

Mình cũng từng đi Ấn 1 tháng vào dịp Tết năm ngoái...qua nhiều vùng...gặp nhiều tình huống không biết nên khóc hay cười, tiếp xúc bao nhiêu con người từ local tới tourist...nhưng mình không hề thích ẤN...nhưng cũng không hề ghét ẤN! Mình chỉ có thể nói đây là nơi chốn rất đặc biệt. Đặc biệt tới nỗi mình sẽ còn trở lại khi có điều kiện: không chỉ đi một mình mà còn mang theo vợ con nữa!

Mà bạn nào vội kết án người ẤN là lừa đảo blah blah blah thì hãy think twice: mình đã có dịp ghé qua India, Afghanistan, Pakistan, Trung Á... vài tháng và thấy rằng người dân họ quá hiền so với dân Việt mình.

Về khoản gian manh, láu cá, lì lợm...thì các dân ấy phải gọi dân ta bằng sư phụ!

cào cào
01-04-2013, 01:49
Không hiểu sao mấy trang trước không hiện lại ảnh nữa, nhờ bạn mod nào tình cờ ghé qua làm ơn edit lại hộ tớ với, ảnh tớ vẫn còn nguyên link trên flickr.
==============================================

Thêm một đoạn India 2013 góp vui tiếp cùng các bạn.

Trước chuyến đi Nepal - India 2013 này một hôm, tức là đúng mùng 1 Tết tôi mới báo phụ huynh là mai con xách ba lô đi 2 tuần, chuyện đã rồi và giữa ngày Tết nên dù rất chán nhưng cũng không phải lần đầu và giữa ngày Tết nên các cụ cũng chả thèm nói gì. Nhưng sáng trước hôm đi, chả hiểu nghe ai nói chuyện, bố tôi nằng nặc bảo mày đi sang Ấn lấy cho bố một nắm đất ở nơi đất Phật. Gầm gừ với cụ, con không đi đến đấy, làm sao mà lấy được... Nhưng rồi nghĩ lại, các cụ chiều mình rồi, giờ mình chiều lại các cụ, dù chả biết các cụ đòi lấy đất Phật về làm gì. Bỏ vé đã mua, bỏ các bạn ở lại New Delhi, tôi đi Vanarasi trước và tìm đường đi Bodh Gaya.

https://farm9.staticflickr.com/8383/8607273944_daeff9e10a_c.jpg

Varanasi vẫn crazy thế. Thậm chí còn hơn thế. Lúc đi taxi về, gặp bạn tài già lái xe rất cẩn thận, ko điên cuồng như lần trước. Đường về thành phố ở ngoại ô rất thanh bình làm tôi ngỡ ngàng, hóa ra ko phải chỗ nào cũng crazy. Nhưng về đến trung tâm thì cả một biển người sôi sùng sục trong lễ hội tắm sông 12 năm mới tổ chức một lần.

https://farm9.staticflickr.com/8103/8606176053_3f4246949b_c.jpg

Vẫn tự hào mình lọc lõi lắm thế mà tôi vẫn bị lừa ở Varanasi. Kể ra cũng tại mình ngu, nhưng vẫn thấy các bạn Ấn độ trình lừa đảo thật là cao.

Buổi sáng, lang thang đi chụp ảnh dọc các ghats bên sông Hằng. Từ chối, mắng mỏ, làm thinh với vô số bạn chèo kéo đi thuyền, mát xa, bôi dấu đỏ tika lên trán, để rồi gặp một bạn ăn mặc rất lịch sự quần trắng toát, áo sơ mi sạch sẽ đến bắt chuyện. Câu chuyện dẫn dắt rất đơn giản. Bạn hỏi cảm giác về thành phố varanasi. Bạn dẫn dắt một chút lịch sử, một chút địa lí, một chút về đạo hindu... rồi kể về gia đình và công việc. Bạn làm quản lí cho một xưởng dệt có hàng ngàn công nhân ở bên kia sông. Hôm nay là ngày nghỉ của bạn. Vào ngày nghỉ, bạn thường đi dọc sông Hằng, gặp những du khách "nice like dog" giống như tôi để trò chuyện, giới thiệu về Varanasi... vì bạn yêu thành phố này, quê hương của bạn. Bạn bảo tôi đừng nghĩ bạn làm việc này vì tiền. Thế là xúc phạm bạn đấy, công việc bạn rất tốt, cuộc sống bạn đầy đủ...

https://farm9.staticflickr.com/8107/8607275008_f9aa6b8984_c.jpg

Rồi cứ thế câu chuyện dẫn dắt đến đoạn người Hindu đến Varanasi để cảm nhận về cuộc sống và đến Mushi ghats - ghat thiêu xác - để suy nghĩ về cuộc đời, để sống tốt hơn... Oánh trúng vào mục đích của tôi rồi còn gì. Lí do tôi quay lại Varanasi lần này cũng chỉ vì mục đích lang thang đi đến các Ghats dọc sông để xem, để chơi, và để xem các bạn Ấn thiêu xác khác các bạn Nepal thế nào. Thế là tôi đi theo bạn dẫn đến Mushi Ghats. Đến nơi ghats đang đỏ lửa 3 - 4 đống lửa đang thiêu, cái thì thò chân, cái thì rụng đầu, cái thì chỉ còn hộp sọ.... Tôi chả sợ cứ đứng xem. Bạn hỏi có muốn chụp ảnh không, bạn lo cho giấy phép. Tôi trả lời, thôi không cần, xem là được rồi và cất máy ảnh vào trong balo, và thật sự tôi cũng không muốn chụp ảnh mấy vụ người chết này lắm.

Được một lúc bạn lại chỉ vào một bạn khác đang đứng ở đấy và bảo đây là người trông coi các công việc ở Mushi ghats này, bạn kia bắt tay nhiệt tình và bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn và dễ hiểu bạn giới thiệu về cách tổ chức một đám tang của người Hindu, từ việc tắm rửa, để tang, các hủ tục vợ nhẩy vào lửa theo chồng, những ai được thiêu và những ai không được thiêu.... và đặc biệt nhấn mạnh thiêu một người rất đắt, tốn 200kg củi mà mỗi cân những tận 20usd/kg. Người nghèo không có củi mà thiêu đâu, vì thế cần sự giúp đỡ của mọi người... tự dưng lúc đấy tôi xúc động vô bờ bến và tự động rút ví ra và bảo tao donate một ít, nhưng giở ví ra có đúng 4 tờ 1000 rupies, chết nhục, đành nghiến răng đưa 1 tờ, bạn bảo từng này mới được có 1kg củi thôi, người ta cần những 200kg cơ, mày donate 10kg đi. Đây là đất của thần Shiva, ngọn lửa kia cháy hơn 2000 năm chưa bao giờ tắt, tao không nói dối mày đâu. Hơ hơ thế là trong lúc yếu lòng rút thêm tờ nữa. Rút xong tờ 1000 rupies thứ hai thì thấy mình ngu không để đâu cho hết. Ngu quá, ngu quá, ngu quá thế là bảo thôi tao phải đi đây. Bạn còn với theo, đây là tiền của thần Shiva, tao không sơ múi gì được, tao nói rã họng từ nãy đến giờ, mày cho tao ít tiền đi, tao còn 4 đứa con ở nhà. Thế là tôi lại mềm lòng đưa cho thêm mấy tờ 1$ lẻ. Đến lúc này thì tôi tỉnh hẳn, hóa ra bạn lúc nãy nói đúng, tôi giống chó, nhưng không phải nice mà là stupid.

https://farm9.staticflickr.com/8099/8607274504_0e972b9f4a_c.jpg

Buổi chiều dọc theo bờ sông Hằng theo hướng ngược lại, kín đặc các bạn sadu dựng lều cắm trại. Vì thời gian này đang là lễ hội tắm sông nên các bạn về đây rất đông. Ở sông Hằng ngoài người thường thì còn có holly man là những người mặc áo vàng tay cầm gậy, mặt bôi đỏ vàng, tóc bết, tay cầm gậy và cập lồng đi lại tung tăng, gặp ai cũng xin tiền. Và sadu là các bạn không mặc gì, nude 100%, chỉ bôi tro lên người cho xám xám, có lều đàng hoàng, lấy cát sông Hằng đắp xung quanh lều để đánh dấu lãnh thổ. Các bạn sadu có thể đi một mình hoặc theo nhóm. Có trưởng nhóm, thứ tự rõ ràng. Có bạn tóc để bình thường, bạn cạo trọc, bạn búi, cá biệt có bạn tết tóc với hạt, có lẽ nặng cả chục kg trên đầu và đặc biệt các bạn hít cỏ, nên trong vài lều thỉnh thoảng có các bạn tây phê thuốc nằm vật vã.

https://farm9.staticflickr.com/8259/8607276064_9f33d48ab8_c.jpg

Có một vài bạn hiếu khách mời vào, nói chuyện vài ba câu chuyện linh tinh vì các bạn nói đc tiếng Anh rất ít. Một bạn rất nhiệt tình mời tôi vào lều bằng được, ừ thì vào sợ gì. Bạn rót trà mời, ép uống bằng hết, rồi bảo chụp ảnh và in ra cho bạn vài cái. Bảo gì cũng diễn. Nhưng tóm lại cuối cùng vẫn là donate, lần này rút kinh nghiệm vụ buổi sáng, nên tôi chỉ để một ít tiền lẻ ra ngoài, bảo tao donate hết sạch tiền lúc sáng rồi. Bạn vui vẻ bảo không sao. Thế nhưng đến lúc quay lại đưa ảnh, bạn ngúng ngẩy chổng đít lại nhận ảnh. Thật là bực mình :)

https://farm9.staticflickr.com/8257/8607272708_fd10d200c1_c.jpg

PeterPan
01-04-2013, 10:29
@cào cào: Ảnh của bạn đặt tại flickr thì các Mod và SMod của phuot.vn không tác động hay chỉnh sửa được bạn ạ. Các Mod/SMod chỉ giúp được bạn nếu ảnh của bạn đặt tại album của phuot.vn thôi.

Bạn chịu khó xem lại các đường link ảnh nhé.

Thiên Di
01-04-2013, 19:38
Chết cười với câu chuyện nhà bác cào cào này!

Hội tớ đi hồi năm 2012 cũng có anh bạn bị quả lừa ngoạn mục...Đang lang thang bắn phá Manikanika ghat thì có b5n ăn vận lịch sự trông rất hồ hởi nhào đến bắt tay. Tớ thì tránh ngay nhưng anh bạn thấy có người Ấn wellcome thì sướng quá, năm tay lắc lấy lắc để. Xong, bạn kia xòe tay xin 100rps!

Nhưng bạn tớ có khác không thấy nhục...mà vẫn cười phơ phớ. Xem như một kỷ niệm vui vui nơi đất nước của tâm linh!