PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Du lịch “bụi” ở Châu Âu



haitranvn2002
18-10-2009, 07:56
Xong việc sớm tại Đức, tôi tranh thủ mấy ngày còn lại làm một chuyến du lịch “bụi" tới thủ đô mấy nước Châu Âu xung quanh theo hành trình Aachen (Đức) – Brussels (Bỉ) – Paris (Pháp) – Amsterdam (Hà Lan) bằng xe buýt của hãng Eurolines.

1. Brussels (Bỉ)

Giá vé đi từ thành phố Aachen, Đức sang Brussels chỉ 16 Euro với khoảng cách chừng 150 km. Nếu đặt vé trước 15 ngày thì du khách có thể mua vé với giá khuyến mại thấp nhất chỉ có 9 Euro. Tuy nhiên, Eurolines chỉ chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế Visa hay Mastercard khi đặt vé qua mạng, bởi vậy tôi phải nhờ một đồng nghiệp tại Đức đặt giúp.

Chúng tôi tới bến xe trước giờ xuất phát nửa tiếng mà chẳng thấy xe đâu. Xung quanh cũng không có ai để hỏi. Anh bạn người Đức cứ khăng khăng đòi cùng chờ cho tới khi tôi lên xe thì mới về để khỏi lo lắng. Đúng giờ, một chiếc xe buýt trờ tới, thì ra đây là chuyến buýt khởi hành từ thành phố Praha (CH Czech) tới Lille (Pháp) và Aachen chỉ là một trong những điểm đỗ. Trên xe đã có khá đông hành khách, đa phần đang nằm ngủ phía cuối xe. Chắc họ phải khởi hành từ rất sớm. Lái xe có thể nói tiếng Anh và mặc dù trên xe có nhà vệ sinh nhưng cứ chạy khoảng 2-3 tiếng, xe lại nghỉ để cho hành khách thư giãn.

Chỉ chưa đầy 15 phút, xe đã sang tới lãnh thổ của Bỉ. Tôi cũng không rõ xe qua biên giới từ lúc nào, chỉ tới khi xuất hiện những biển báo giao thông bằng tiếng Pháp thì tôi mới rõ mình đã đặt chân sang đất Bỉ.

Đúng hai tiếng sau, xe đã vào thủ đô Brussel của Bỉ. Xuống ga Brussels Nord, tôi liền đi tìm điểm đỗ xe city tour của các hãng du lịch thường đỗ trước cổng các nhà ga. Chỉ với 18 Euro dành cho người lớn và 16 Euro dành cho sinh viên, xe sẽ đưa du khách đi thăm tất cả các điểm tham quan chính trong thành phố. Giá vé có giá trị trong vòng 24 tiếng đồng hồ, kể từ lúc mua, nên nếu hôm nay du khách chưa đi hết thì ngày mai du khách vẫn có thể tiếp tục sử dụng vé để tham quan. Hãy chọn một chỗ ngồi trên tầng hai để tiện ngắm nhìn và chụp ảnh. Là tour mở, tiếng Anh gọi là “hop on, hop off”, du khách có thể xuống xe tại bất kỳ điểm nào để tham quan cho thỏa thích, sau đó quay trở lại và lên chuyến xe khác để tiếp tục chuyến đi. Cứ khoảng 20 phút lại có một chuyến. Trên xe có thuyết minh bằng tiếng Anh, Pháp và cả tiếng Hoa.

Ở Brussels, du khách hãy đến thăm khu tổ chức triển lãm hội nghị Atomium có độ cao 102m với tổng trọng lượng khoảng 2.400 tấn. Nó được cấu tạo bởi 9 quả cầu biểu tượng cho 9 nguyên tử trong cấu trúc tinh thể của nguyên tố sắt. Ở đó du khách có thể trèo lên cao để ngắm cảnh thành phố với giá vé 9 Euro. Nằm cách không xa là khu Mini Europe trưng bày mô hình thu nhỏ các thắng cảnh nổi tiếng của Châu Âu và khu Village, làng ẩm thực thế giới với mỗi làng là một nhà hàng đại diện cho một quốc gia hay một châu. Ở khu Asia City tôi thấy có cả các món ăn của Việt Nam.

Một trong những thắng cảnh không thể bỏ qua là tượng chú bé đứng tè Manneken Pis, được coi là biểu tượng của Brussels. Tượng nằm giữa khu phố cổ với rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và socola, một đặc sản của thành phố.

* Bị móc túi ở Brussels

Rời khu phố cổ thì đã hết giờ chạy của xe buýt City Tour, nghe người lái xe giới thiệu một khách sạn giá rẻ, tôi liền tìm tới thì thấy khách sạn này nằm trong khu phố của những người nhập cư Bắc Phi. Thấy khu phố tồi tàn và có vẻ không an toàn, tôi liền quay ra.

Bỗng nhiên một thanh niên dáng người Bắc Phi đi qua chỉ vào áo tôi. Ngó xuống thấy áo mình dính phân chim bồ câu, tôi dừng lại mở ba lô lấy khăn giấy lau. Một thanh niên Bắc Phi khác chạy ra nhiệt tình giúp đỡ tôi. Anh ta ra hiệu đưa khăn giấy để lau giúp sau lưng, rồi lại ra hiệu cho tôi ra một chỗ gần đó để lấy nước lau áo. Cảnh giác, tôi liền từ chối và bỏ đi. Tối về vào mạng mới biết đây là trò “phân chim” đã được trang web chuyên về thông tin du lịch Tripadvisor cảnh báo.

Nhưng vẫn không thoát, đi được một đoạn, một thanh niên khác lại chạy tới làm quen, hỏi tôi từ đâu tới. Khi biết tôi từ Việt Nam, anh ta nói Việt Nam massage hay lắm, rồi ngáng chân tôi và hỏi có biết kiểu massage này không. Khi anh ta bỏ tay đỡ người tôi ra, tôi giật mình sờ vào túi quần sau thì chiếc ví đã không còn. Tôi liền la lên, hắn vừa chạy vừa mở ví lấy hết tiền rồi ném lại chiếc ví rỗng không cho tôi. Những người đi đường xúm lại hỏi han nhưng tôi biết không làm gì được lên đành phải chấp nhận bỏ đi. Chắc chắn những tên này là đồng bọn của nhau. Rất may là tôi chỉ để một phần tiền trong ví và một phần để trong túi áo ngực nên không bị mất hết. Ở đây có nhiều người ăn xin và lang thang, vì vậy hãy cảnh giác và để ví ở nơi khó lấy. Không để hết tiền trong ví nếu bạn không muốn phải trở thành ăn xin ở đất nước Châu Âu này.

Từ lúc đó tự nhiên thấy cảnh giác với tất cả những người xung quanh. Ngay khi tìm khách sạn, tôi cũng phân vân không biết khách sạn có an toàn không. Sau một hồi loanh quanh không tìm được khách sạn, tôi liền giở địa chỉ nhà trọ đã tìm trước trên Internet và lọ mọ tìm tới đó.

* Nhà trọ quốc tế

Nằm không xa khu trung tâm, chỉ chừng 20 phút đi bộ, nhà trọ (Hostel) 2GO4 là khu trọ rẻ tiền với mỗi phòng được kê 2-4 giường tầng và được bán với giá từ 20-26 Euro một giường mỗi đêm. Giá này rất rẻ so với giá một phòng khách sạn bình thường từ 76 Euro trở lên, bởi vậy phần đông khách ở đây là sinh viên và các du khách ba lô tới từ các nước khác nhau.

Khu vệ sinh và nhà tắm dùng chung. Khách được sử dụng bếp để nấu ăn và có một phòng sinh hoạt chung với tivi và internet. Khách phải thanh toán ngay trước khi nhận phòng và phải đặt cọc để mượn ga gối. Phòng tôi ở tầng hầm nên được bán rẻ hơn, các phòng khác đã được bán hết từ trước.

Khi nhận phòng, trong phòng đã có một anh chàng đến từ Buenos Aires của Argentina. Một lát sau thêm một anh chàng người Mehico. Chúng tôi vui vẻ làm quen và hỏi han lẫn nhau. Anh chàng Argentina tỏ vẻ rất muốn được đến Việt Nam du lịch.

Ngày mai tôi sẽ rời thành phố kém may mắn này để sang Paris.

(Ngắt đoạn cho dễ đọc. Chitto)

Mẹ Mìn
18-10-2009, 18:00
Chia buồn với bác vụ "phân chim". Tớ đang định cảnh báo kiểu "đặc sản" này của Barcelona thì hóa ra nó đã du nhập đến tận Brussel!!! Vẫn may là không mất đáng kể lắm, nhất là ít nhất bác cũng phát hiện ra ngay, nên nó còn vứt lại cái ví.

Bác vẫn may mắn với Eurolines đấy. Chặng Prague-Paris, bác bắt ngang đường ở Achen mà "on time" như thế là quá may. Hồi trước mình phải chờ hơn 3 tiếng xe đến trễ, mà chẳng có thông tin gì cả. Liên lạc với tổng đài công ty, cái thằng Đức nhợn giọng ngái ngủ trả lời cực kì vô trách nhiệm. Mình chỉ muốn nhờ nó hỏi giùm xem xe có trên đường tới đó ko, trễ mình cũng chờ được. Nó ừ bảo gọi lại, nhưng thực ra lại ngủ tiếp. Gọi lại, nó ko thèm nhấc máy, nên phải nhờ máy 1 người khách khác gọi thì nó lại bảo để nó hỏi rồi gọi lại. Nửa tiếng sau nó cũng ko gọi. Đến lúc này ko thể liên lạc đc với nó, vì nó nhớ số mobile của cả 2 rồi. Điên tiết, hide số mobile, mình gọi thì nó lại nhấc máy; hỏi nó là trách nhiệm của nó ở công ty là gì mà trên vé cho số điện thoại khẩn cấp này??? Nó bảo nếu mày muốn thì complain với công ty ý, rồi Eurolines sẽ hoàn lại tiền!!! Tởm ko thể tưởng, hơn cả ở VN!!! Cuối cùng ko còn cách nào đành chờ thêm 3 tiếng giữa nửa đêm đầu đông lạnh tím tái (vì chỗ mình ở ko có lạnh lắm, nên chủ quan ko nghĩ ở Đức lúc đó lạnh thế).

Từ đó trở đi, cạch Eurolines ở những chặng giữa. Sau vụ đó cũng định viết thư để hy vọng công ty nó tống cổ thằng đó đi, nhưng nghĩ lại bọn Nhợn với nhau thì viết có ích gì, nên thôi.

Nhân tiện bác đề cập đến Eurolines nên tớ spam tí xả stress (đến mấy năm rồi vẫn còn stress với nó!!!). Thôi chúc bác enjoy time ở Paris xinh đẹp. Nhớ là móc túi ở Paris có khi còn hơn cả Brussel nha, nhất là ở metro đấy.

Mgz
20-10-2009, 15:01
Chia buồn với bác vụ "phân chim". Tớ đang định cảnh báo kiểu "đặc sản" này của Barcelona thì hóa ra nó đã du nhập đến tận Brussel!!! Vẫn may là không mất đáng kể lắm, nhất là ít nhất bác cũng phát hiện ra ngay, nên nó còn vứt lại cái ví.

Bác vẫn may mắn với Eurolines đấy. Chặng Prague-Paris, bác bắt ngang đường ở Achen mà "on time" như thế là quá may. Hồi trước mình phải chờ hơn 3 tiếng xe đến trễ, mà chẳng có thông tin gì cả. Liên lạc với tổng đài công ty, cái thằng Đức nhợn giọng ngái ngủ trả lời cực kì vô trách nhiệm. Mình chỉ muốn nhờ nó hỏi giùm xem xe có trên đường tới đó ko, trễ mình cũng chờ được. Nó ừ bảo gọi lại, nhưng thực ra lại ngủ tiếp. Gọi lại, nó ko thèm nhấc máy, nên phải nhờ máy 1 người khách khác gọi thì nó lại bảo để nó hỏi rồi gọi lại. Nửa tiếng sau nó cũng ko gọi. Đến lúc này ko thể liên lạc đc với nó, vì nó nhớ số mobile của cả 2 rồi. Điên tiết, hide số mobile, mình gọi thì nó lại nhấc máy; hỏi nó là trách nhiệm của nó ở công ty là gì mà trên vé cho số điện thoại khẩn cấp này??? Nó bảo nếu mày muốn thì complain với công ty ý, rồi Eurolines sẽ hoàn lại tiền!!! Tởm ko thể tưởng, hơn cả ở VN!!! Cuối cùng ko còn cách nào đành chờ thêm 3 tiếng giữa nửa đêm đầu đông lạnh tím tái (vì chỗ mình ở ko có lạnh lắm, nên chủ quan ko nghĩ ở Đức lúc đó lạnh thế).


Nhân tiện bác đề cập đến Eurolines nên tớ spam tí xả stress (đến mấy năm rồi vẫn còn stress với nó!!!). Thôi chúc bác enjoy time ở Paris xinh đẹp. Nhớ là móc túi ở Paris có khi còn hơn cả Brussel nha, nhất là ở metro đấy.

Nhợn là tiếng lóng chỉ bọn nào thế? Turkey hay black ? hay Đông Âu?



Từ đó trở đi, cạch Eurolines ở những chặng giữa. Sau vụ đó cũng định viết thư để hy vọng công ty nó tống cổ thằng đó đi, nhưng nghĩ lại bọn Nhợn với nhau thì viết có ích gì, nên thôi.

cái này phải làm, viết bức thư có 30 phút, vài xu tiền tem chứ mấy, nhiều khi headoffice nó tốt nhưng bị tình trạng trên bảo dưới éo nghe, ngoài ra đi lang thang tripadvisor/lonelyplanet complaint để cho mấy người đi sau biết đường mà tránh

tội nghiệp bạn nhỉ, chịu lạnh 3 tiếng, tui ở Canada nên cực kỳ thấu hiểu (ở mức độ empathy) cảm giác này , không gì khổ hơn :(

haitranvn2002
25-10-2009, 22:41
2. Paris
Sáng hôm sau khi chia tay, cũng giống như bạn Mẹ Mìn, hai anh bạn cùng phòng bùi ngùi nói: “Đi cẩn thận không lại mất hết tiền nhé. Chúc may mắn!”.

8 giờ sáng tôi đã rời nhà trọ ra bến xe bus của Eurolines, chẳng lưu luyến gì Brussels. Lần này, trước khi lên xe tôi phải đổi vé lấy thẻ boading card và phiếu gửi hành lý, cứ như lên máy bay vậy. Khi sang tới đất Pháp, xe rẽ vào một trạm dừng chân thì ba cảnh sát Pháp mặc thường phục, đeo băng có dòng chữ Police ở tay, lên xe kiểm tra thẻ căn cước, hộ chiếu của mọi người. Thủ tục diễn ra nhanh gọn và đây là lần đầu tiên tôi bị cảnh sát kiểm tra hộ chiếu ở Châu Âu.

Khoảng 1h30 chiều xe mới tới Paris sau 4 tiếng đồng hồ. Không như ở Brussels, bến trả ở Paris là tầng hầm của một trung tâm thương mại ở Paris Gallieni có ga tàu điện ngầm, bến xe buýt và nằm tương đối xa trung tâm. Việc đầu tiên là phải lượn vào trung tâm thương mại và chọn một cửa hàng ăn của người Hoa cho bữa trưa. Trong quán có khá nhiều đồ ăn, cơm rang và mỳ xào được bán với giá 1E/100 gam, thức ăn thêm bán ngoài.

Xong xuôi, tôi ra bến xe buýt tìm đường vào trung tâm thành phố. Tất nhiên, ở đây chẳng có chuyến xe Open Tour nào và tôi cũng không thấy kios thông tin du lịch nào để xin một chiếc bản đồ. Ít người nói tiếng Anh và thông tin chỉ dẫn cũng hoàn toàn bằng tiếng Pháp nên loanh quanh một lúc tôi mới hỏi thăm một anh chàng tuyến xe buýt tới tháp Eiffel. May mắn thay anh này là lái xe buýt đang chờ thay ca. Anh ta xổ ra một tràng tiếng Pháp, tôi liền rút giấy bút ra bảo ghi vào đó số xe buýt tôi cần đi. Anh ta ghi vào đó và cười nói: “driver, driver”, tôi hiểu anh ta là lái xe của chính tuyến xe đó. Tôi theo anh chàng lên tuyến số 76 và không quên dặn nhớ nhắc tôi khi nào cần đổi tuyến số 69.

Tại bến bus 69, tôi có gặp một xe City tour, tuy nhiên không giống như Brussels, đầu tiên là giá vé đắt hơn nhiều (29E) và chỉ có giá trị trong ngày, chứ không phải trong 24 giờ. Tuy nhiên, số điểm tham quan nhiều hơn nhiều và xe chạy tới 8h tối.

Thấy cũng đã muộn, nếu có mua vé tour cũng không đi hết nên tôi quyết định tiếp tục tự mình đi tham quan. Chắc phải tới 2 tiếng đồng hồ tôi mới đến được chân tháp Effeil. Cảm giác thật vui khi tới được tháp Eiffeil và đây là mục đích chính trong chuyến đi của tôi. Đã 4 giờ chiều nhưng dưới chân tháp vẫn có rất đông du khách; những cặp tình nhân nằm trải dài trên các bãi cỏ xung quanh. Rất nhiều người xếp hàng chờ mua vé lên tham quan ngọn tháp. Nhiều thanh niên da đen, tay cầm những chùm đồ lưu niệm đi chào bán. Họ còn bán rong đủ thứ từ túi xách, đồ chơi, ô, mũ ..vv. Thi thoảng lại xuất hiện một cảnh sát đi xe đạp, cong mông đạp xe đuổi các thanh niên này chạy quanh ngọn tháp. Nhưng cũng chẳng khác Việt Nam, cảnh sát vừa đi thì họ lại xuất hiện.Trong khu vực này có một tấm bảng mica lớn với hai từ “Hòa bình” được viết bằng các thứ tiếng trên thế giới. Tất nhiên là có cả tiếng Việt.

Loanh quanh ở đây tới 7h tối thì anh bạn đang làm việc ở Paris tới đón về nhà. Chúng tôi cùng đi tàu điện ngầm lên thăm Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysee, đại lộ được mệnh danh đẹp nhất Châu Âu với những cửa hàng sang trọng. Chờ đèn đỏ, các du khách chạy ra đứng giữa dải phân cách dành cho người đi bộ để chụp ảnh với Khải Hoàn Môn. Tại đây cũng có những chiếc motor đề “để vận chuyển khách”, có lẽ cũng là một kiểu xe ôm như ở Việt Nam.

Sau bữa tối tại tiệm ăn nhanh McDonalt, chúng tôi về nhà anh bạn ở ngoại ô Paris thì đã gần 11h đêm. Vậy là đêm nay có một chỗ ngủ ấm áp và an toàn. Không còn phải thấp thỏm vừa ngủ vừa để ý đồ đạc và nhất là tiết kiệm được khoản tiền nhà trọ.

Sáng sớm hôm sau, tôi đánh thức vợ chồng anh bạn, tạm biệt họ và lên đường tiếp tục tham quan Paris. Với tờ chỉ dẫn trong tay, tôi dễ dàng đi tàu vào thành phố, sau đó chuyển sang tàu điện ngầm để đến bảo tàng Louvre.

Louvre là một bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nằm tại Quận 1, thành phố Paris, nước Pháp. Có vị trí ở trung tâm lịch sử thành phố, bên bờ sông Seine, Louvre vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190. Cuối thế kỷ 14, dưới thời Charles V, Louvre trở thành cung điện hoàng gia và sau đó tiếp tục được mở rộng qua các triều đại. Từ năm 1672, khi triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles, bộ sưu tập hoàng gia được lưu trữ tại Louvre. Thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng, mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793. Nơi đây có công trình gây nhiều tranh cãi Kim tự tháp kính khánh thành trên sân Napoléon. Một không gian lớn được mở ngầm dưới kim tự tháp, trở thành lối vào chính của bảo tàng (Wikipedia).

Qua Khải Hoàn môn Carrousel là sang khu vườn Tuileries, trước đây là cung điện hoàng gia cùng khu vườn, nhưng cuối thế kỷ 19 cung điện bị đốt cháy chỉ còn khu vườn. Khu vườn có rất nhiều tượng của các vĩ nhân cổ đại làm bằng đá hoa cương cực kỳ sống động. Bên trong có hai hồ nước lớn với những hàng ghế tựa được kê xung quanh để du khách nghỉ chân.

Đi hết khu vườn là sang tới quảng trường Concorde với Cột đá Obélisque. Đây là một trong hai chiếc cột đá Ai Cập của đền Luxor đã được vị phó vương ai cập Muhammad Ali tặng cho nước Pháp vào năm 1831. Chiếc cột hơn 3.300 năm tuổi này (từ thế kỷ XIII trước Công nguyên) có chiều cao 22,86 mét, nặng 227 tấn, được tạc nguyên khối từ đá syenite hồng, bốn mặt được tạc chìm các chữ tượng hình Ai cập cổ thể hiện các vinh quang của pharaon Ramesses II. Nó được đặt chính giữa quảng trường trên một bệ đỡ cao 9 mét, và riêng chóp nhọn mạ vàng trên đỉnh cũng có chiều cao lên tới 3,5 mét. Chóp nhọn này đã được mạ vàng vào đợt trùng tu năm 1998 dưới sự tài trợ của Pierre Bergé và Yves Saint-Laurent (Wikipedia).

Phía bên kia của quảng trường là đại lộ Champs Elysee. Đây là một quần thể rộng lớn, chỉ tham quan riêng ở đây cũng mất nhiều tiếng đồng hồ. Nếu tham quan cả bên trong bảo tàng thì chắc phải mất cả ngày.

Rời bảo tàng, tôi tiếp tục đi bộ sang tham quan Nhà thờ Đức Bà. Vừa đi vừa hỏi, chừng nửa tiếng sau tôi đã tới nơi. Nhà thờ mở cửa cho du khách vào tham quan miễn phí. Trước cửa có tấm bảng yêu cầu du khách để ba lô, mũ, máy ảnh ở bên ngoài, tuy nhiên tôi chẳng thấy ai để đồ ở bên ngoài cả. Tất cả vẫn mang vào bên trong. Dàn thánh ca bên trong nhà thờ đang biểu diễn. Du khách được phép chụp ảnh thoải mái. Một cửa hàng bán đồ lưu niệm được mở ra ngay sát phía cửa ra của nhà thờ và bán những cây nến để du khách tự tay thắp lên với giá 2E.

Dọc theo bờ sông Seine có rất nhiều danh lam thắng cảnh, chỉ cần thả bộ dọc bờ sông là du khách đã thỏa mái ngắm nhìn những cảnh đẹp thơ mộng của thành phố Paris. Ở đây cũng có dịch vụ đi tàu trên sông để tham quan những thắng cảnh hai bên bờ.

11h30 tôi rời Nhà thờ Đức Bà lần ra bến xe buýt để tìm xe trở lại Paris Gallieni, bến đỗ của xe bus Eurolines. Dự định đi xe buýt để tranh thủ ngắm cảnh Paris và tiện hỏi đường của tôi đã không thành. Chờ mãi không thấy tuyến xe cần thiết, tôi đành lần xuống ga tàu điện ngầm, cứ vừa đi vừa hỏi, sau 2 lần chuyển tàu, tôi đã đến được Paris Gallieni trước giờ khởi hành đi Amsterdam 1 tiếng đồng hồ. Còn sớm, tôi trở ra trung tâm thương mại, rẽ vào quán ăn Tàu hôm trước ăn trưa. Xong xuôi, tôi ra bến xe đổi vé lấy thẻ lên xe đi Amsterdam.

(Sao mình không post được ảnh nhỉ???)

haitranvn2002
02-11-2009, 19:56
Amsterdam

Chuyến xe sang Amsterdam hôm nay đông đúc hơn những chuyến trước và có nhiều người da đen. Cảm nhận của tôi dường như những người đi xe bus là đa phần là những người ít tiền. Xe lại chạy qua Brussels, đưa tôi trở lại con phố “đau thương” vì mất cắp mấy ngày trước. Theo lịch trình, xe sẽ chạy khoảng 8h đồng hồ thì sang tới Amsterdam lúc 9h30 tối. Tôi dự định tới nơi sẽ đi ăn tối trước rồi mới đi tìm nhà trọ.

Trên đường vào Amsterdam, thấy anh chàng bên cạnh luôn miệng ba hoa với cô bạn gái về thành phố này, tôi nghĩ có lẽ anh ta biết rõ nơi này có thể chỉ giúp tôi đường về nhà trọ. Quay sang hỏi thăm thì quả nhiên anh ta sống ở đây và cũng đi về gần một trong hai địa chỉ nhà trọ của tôi và tôi có thể đi xe điện cùng họ. Tất nhiên là tôi đồng ý ngay lập tức. Tuy nhiên, phải tới gần 10h đêm xe mới tới nơi. Nhưng hành khách đâu có được xuống ngay, lái xe thông báo tất cả ngồi im tại chỗ chờ cảnh sát lên kiểm tra giấy tờ. Ngồi trên xe nhìn cảnh sát kiểm tra xe trước mà thấy khiếp.

Một anh chàng có lẽ bị tình nghi đang phải đứng giang chân giang tay để cảnh sát lục soát khắp người. Hành lý của anh ta bị lục tung và sờ nắn mọi thứ. Nghĩ cũng ớn nếu mình cũng bị cảnh sát kiểm tra kiểu này. Chừng nửa tiếng sau thì tới lượt xe của tôi, cảnh sát yêu cầu tất cả chuẩn bị hộ chiếu, thẻ căn cước và mang hết hành lý xuống xe. Bên dưới, khoảng 10 cảnh sát to cao, xếp hàng trước cửa xe để đảm bảo không một ai có thể lẩn ra ngoài. Hành khách phải đặt hành lý lên máy soi mà cảnh sát chở theo trên một chiếc xe tải nhỏ. Họ vừa làm vừa hỏi han, trò chuyện với hành khách dường như để hành khách đỡ căng thẳng. Không có vấn đề gì nên chúng tôi nhanh chóng được nhận lại hành lý, trong khi những cảnh sát khác vẫn bấm đèn pin kiểm tra kỹ lưỡng từng ngóc nghách chiếc xe bus.

Tôi theo anh chàng người Amsterdam và cô bạn gái của anh ta ra xe điện. Họ xuống trước tôi khoảng 3 bến nhưng vẫn không quên nhắc lại tên bến mà tôi cần xuống. Trên xe có một cô gái Châu Á, tôi liền lân la bắt quen thì ra cô là người Phillipinnes. Cô hứa sẽ chỉ cho tôi bến cần xuống và tỏ ý ngạc nhiên khi biết tôi không đặt phòng nhà trọ trước. “Nếu họ không còn giường cho anh thì sao?”, cô hỏi. “Thì tôi lại đi tìm chỗ khác, chẳng vấn đề gì”, tôi nói cứng dù trong lòng cũng lo lo bởi lúc này đã gần 11h đêm.

Nhà trọ nằm cũng không xa bến xe điện tôi xuống. Nó treo biển Hotel hẳn hoi, mặc dù chẳng hơn cái nhà trọ ở Bussels là bao. Bước chân vào khách sạn, tôi hỏi viên lễ tân có gương mặt Châu Á:
- Anh còn giường trống nào cho tôi không?
- Còn, giá 35 E/đêm. (Bố khỉ, trên mạng nó rao chỉ có 25-30 E thôi mà).
- Sao anh rao trên mạng có 25-30 E?
- Nhưng hôm nay cuối tuần nên giá tăng. (Uh, hôm nay là thứ sáu).
- OK, đành vậy. Anh có nhận USD không? Tôi chỉ còn 20 E thôi. (Lúc trước ở Paris mình đã tìm chỗ đổi tiền mà không thấy).
- Xin lỗi, chúng tôi không nhận USD. Phiền anh đi khách sạn khác vậy. (Chết mẹ, nửa đêm rồi lại lọ mọ đi tìm khách sạn thì tiêu).
- Anh chờ chút, tôi đi đổi sang Euro.
- Tôi e là giờ muộn quá rồi, không còn chỗ nào đổi tiền đâu.
- Vậy anh cầm tờ USD này đi, sáng mai tôi đổi tiền rồi trả anh.
- Không được.

Mặt mình méo xẹo, xứ này nó lại không dùng USD mặc dù hôm ở Brussels tôi cũng đổi USD để trả tiền phòng trọ. Bỗng nhiên, tiếng một cô gái vang lên.

- Bây giờ anh không đổi được đâu. (quay sang nói với viên lễ tân) Tôi bảo lãnh cho anh này. Bây giờ anh để anh ấy lên phòng, nếu sáng mai anh ấy không trả tiền, tôi sẽ trả gấp 5 lần. (rồi quay sang tôi), Amsterdam là thành phố mến khách với những người khách tốt bụng. Tôi là Igle (chẳng biết tên cô ấy có đúng vậy không, tôi chỉ nghe được như vậy).
- Cám ơn cô rất nhiều.
Lúc bấy giờ viên lễ tân lên tiếng:
- OK, tôi đồng ý cho cô này bảo lãnh. Bây giờ anh đưa tôi 20 E kia, tôi giảm giá phòng còn 30E, sáng mai anh chỉ cần trả nốt 10 E thôi.

Vậy là xong. Tí nữa thì ra đường ngủ. Trèo theo chiếc cầu thang hẹp, tôi leo lên tầng 4. Căn phòng của tôi rộng chừng 20m2, kê bốn chiếc giường đôi và có 1 toilet trong phòng. Lúc bấy giờ chỉ có một cậu sinh viên người Argentina ở trong phòng. Cất chiếc ba lô, tôi xuống đường tìm cái gì ăn. Trời bắt đầu đổ mưa, các cửa hàng đều đã đóng cửa, chỉ còn các quán rượu. Đếm lại số đồng xu còn lại trong túi, tất cả chỉ còn hơn 3E. Không thể đi được đâu, không thể đổi được tiền, đành ôm bụng rỗng đi lang thang tới 1h30 sáng mới về. Lên phòng, tất cả đã đi ngủ, tắt điện tối om. Tôi lặng lẽ leo lên chiếc giường của mình đánh một giấc.

Sáng hôm sau thức dậy mới biết trong phòng có 4 người, trong đó có một cô người Thụy Điển. Đang định đi đổi tiền để trả tiền phòng thì cả gia đình ông anh bên Đức sang, vậy là có người đưa đi tham quan Amsterdam.

Amsterdam là tên ghép giữa Amster và dam, có nghĩa là chiếc đập ngăn sông Amstel, con sông chính của thành phố. Đặc điểm nổi bật của Amsterdam là hệ thống kênh rạch chằng chịt trong thành phố với khoảng 165 kênh rạch và 2300 cây cầu. Ở đây có rất nhiều người sống trên các nhà thuyền bất hợp pháp, ngay cả điện, nước cung cấp trên các nhà thuyền cũng là bất hợp pháp. Nhưng chính quyền cứ dẹp bỏ là họ lại nhổ neo đi nơi khác. Do trước đây có khá nhiều xe hơi bị tụt xuống các kênh rạch khi vào các bãi đỗ (cũng giống như mấy chiếc xe bị tụt xuống sông Tô Lịch ở Hà Nội), nên chính quyền thành phố đã phải chi khá nhiều tiền để xây dựng hệ thống lan can gờ chắn xung quanh các kênh này.

Chúng tôi vào quảng trường chính của thành phố, tìm một chỗ đỗ xe rồi thả bộ xung quanh khu vực này. Từ đây, có thể thăm bảo tàng người sáp Madame Tussaud, xưởng chế tác kim cương, chợ hoa bên sông với rất nhiều loại hoa rực rỡ, đặc trưng của Amsterdam. Đối diện chợ là những cửa hàng lưu niệm với những chiếc guốc gỗ hay giày len. Xung quanh các coffee shop ở đây là một mùi thơm thoang thoảng, đó là mùi thuốc phiện bởi việc hút thuốc phiện ở đây là hợp pháp. Ngay tại chợ hoa tôi cũng thấy bán nhiều cây và hạt cần sa.

Đi thăm Amsterdam, du khách có thể đi bằng xe open tour như ở các thành phố khác, tuy nhiên du khách có thể đi cano trên các kênh rạch để tham quan thành phố. Chúng tôi chọn một cano du lịch với giá 19 E/người để đi tham quan trong vòng 1 giờ đồng hồ. Trên cano có hệ thống thuyết minh điện tử bằng 4 thứ tiếng. Không giống như xe open tour là bạn có thể chọn thứ tiếng mình biết để nghe thuyết minh, ở đây thuyết minh được đọc lần lượt bằng cả 4 thứ tiếng bởi vậy có cái dở là khi tới phần thuyết minh bằng tiếng Anh thì cano đã chạy qua địa điểm đó rồi. Bác tài cano tỏ ra lái rất lụa ở những khúc cua hẹp, cano gần như xoay ngang để chuyển sang kênh khác. Thi thoảng lại thấy những chú thiên nga và vịt trời bơi lội trên kênh, dường như chúng đã quen với những chiếc cano du lịch.

Giờ đây dường như phố Đèn đỏ mới là biểu tượng của Amsterdam, chứ không phải là cối xay gió. Hầu như câu hỏi đầu tiên của phần lớn du khách khi tới thành phố này là phố Đèn Đỏ ở đâu? nó đã trở thành một điểm du lịch không thể thiếu khi đến thăm thành phố này. Thông thường, phố Đèn Đỏ ở những thành phố Châu Âu khác hoạt động vào buổi tối, nhưng phố Đèn Đỏ ở đây hoạt động từ 2-3 giờ chiều. Tất nhiên sôi động nhất vẫn là từ 11h đêm trở đi. Các du khách bất kể già, trẻ, lớn, bé, trai, gái đều thoải mái đi lại, ngắm nghía. Dường như đây là một điều quá đỗi bình thường. Ngoài những cô gái đủ mọi màu da, già trẻ ngồi trong các tủ kính, phố này còn có đủ các dịch vụ sex show, bảo tàng sex, các cửa hàng người lớn.

Xe đạp cũng là một đặc điểm nổi bật nữa của Amsterdam. Người dân ở đây sử dụng xe đạp như một trong các phương tiện giao thông chính. Với khoảng hơn 700.000 dân, nhưng thành phố có chừng 1 triệu xe đạp. Những chiếc xe ở đây cũng bình thường và luôn được khóa bằng những chiếc khóa to phòng trộm cắp. Tạm biệt Amsterdam, tôi trở lại Đức để về Việt Nam, kết thúc chuyến du lịch bụi đầy thú vị ở Châu Âu.

nec
19-11-2009, 07:27
Vụ này của bác đáng giá ngàn vàng, em quyết hú thằng cu trắng bạn em bên bển cho cái giấy mời sang một chuyến mới được, chẳng biết dắt lưng bao nhiêu thì đủ bác nhẩy,em ăn ít lắm, ở việt nam chỉ 60 ngàn cả ngày, vậy sang đó khoảng bao nhiêu hả bác?

haitranvn2002
24-11-2009, 15:59
Ăn thì đơn giản: Nhà trọ không gồm ăn sáng, nếu muốn bạn có thể mua ở ngoài. Thông thường khoảng 5E cho bữa trưa, 5E cho bữa tối. Đi bụi nên chỉ cần một chai nước và một chiếc bánh là đủ.

amyphuong
07-02-2010, 19:51
hi Hai,

bài này của bạn thật sự rất hữu ích í...mình cũng đang định làm 1tour bụi khi hoc xong khóa ngắn hạn ở Vienna. Mình muốn hỏi bạn là chuyến du lịch bụi của bạn tầm mấy ngày vậy?? Theo mình đọc thì tầm 4,5 ngày đúng k nhỉ ~~~ lúc đấy budget của bạn khoảng bao nhiu??? ( mình sorry vì câu hỏi hơi tế nhị nhưng mình rất mún biết để chuẩn bị tốt cho chuyến đi) ~~~ mình chỉ biết tiếng Anh thôi nên mình không biết khi dự định đi Amsterdam, Germany, Paris với Rome thì có khó khăn hay không!!!

Thanks bạn nhìu lắm !! ^^

drugvn
07-02-2010, 21:59
toàn chữ chả thấy ảnh đâu ngại đọc thật

haitranvn2002
09-02-2010, 11:27
@amyphuong: Chương trình đi của mình dài 4 ngày, 3 đêm. Đi bằng xe buýt: Aachen (Đức)-Brusells (Bỉ)-Amsterdam (Hà Lan) chỉ có 78 E. Ngủ nhà trọ chừng 25-30E/đêm. Ăn bụi 5E/bữa, cùng vé xe buýt, tàu điện ngầm đi trong thành phố và vé thắng cảnh thì khoảng 100 E/ngày. Nếu ngủ nhờ được nhà người quen thì đỡ tốn. Bạn nên giữ tiền và hộ chiếu cẩn thận để không bị mất cắp. Biết tiếng Anh là ổn rồi. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu trước những nơi sẽ đến, đi thăm những thắng cảnh nào và đặt nhà trọ trước thì sẽ tốt hơn.
@drugvn: Mình cũng muốn post ảnh, nhưng phượt tử thì chưa được post ảnh nếu chưa đạt 20 bài.:(

Ruồi
07-03-2010, 19:37
Ở Amsterdam còn có vụ hỏi nhờ đổi tiền lẻ cho họ thì các bạn chớ đổi vì khi mình đưa tiền thì tên kia cầm tiền mình đi luôn, lúc đó mình có la ý ới thì cũng chẳng giải quyết được gì. Cái này mình đọc trong sách và được may mắn chứng kiến tận mắt ha ha ha.

Walkman
10-03-2010, 08:50
@amyphuong: Chương trình đi của mình dài 4 ngày, 3 đêm. Đi bằng xe buýt: Aachen (Đức)-Brusells (Bỉ)-Amsterdam (Hà Lan) chỉ có 78 E. Ngủ nhà trọ chừng 25-30E/đêm. Ăn bụi 5E/bữa, cùng vé xe buýt, tàu điện ngầm đi trong thành phố và vé thắng cảnh thì khoảng 100 E/ngày. Nếu ngủ nhờ được nhà người quen thì đỡ tốn. Bạn nên giữ tiền và hộ chiếu cẩn thận để không bị mất cắp. Biết tiếng Anh là ổn rồi. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu trước những nơi sẽ đến, đi thăm những thắng cảnh nào và đặt nhà trọ trước thì sẽ tốt hơn.
@drugvn: Mình cũng muốn post ảnh, nhưng phượt tử thì chưa được post ảnh nếu chưa đạt 20 bài.:(
Bạn có thể gửi link ảnh hoặc ảnh, mình có thể post giúp. Mình cũng định đi một vòng như bạn nên muốn tìm hiểu thông tin.