PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Ấn Độ - những ngày đông rực nắng



Pages : [1] 2

backpackervn
29-09-2009, 13:07
Như vậy, cuối cùng tôi đã đặt chân đến Ấn Độ một ngày mùa đông nắng vẫn còn vàng óng, vẫn tươi màu rực rỡ. Hành trình dài đăng đẵng lần này, tôi không thật sự nghĩ là sẽ thực hiện được ngay từ lúc bước chân lên đường. Đã hơn 2 tháng xa quê, xa nhà, xa bè bạn,… con đường độc hành lang thang qua nhiều vùng đất mơ ước, nhiều học hỏi, nhiều khám phá… có lắm điều hay ho nhưng cũng nhiều khi buồn tê tái. Không biết đã có bạn nào một mình lang thang từ Saigon đến Ấn Độ, chỉ bằng đường bộ hay chưa, nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã làm được điều mà-tôi-đã-từng-nghĩ-là-mình-sẽ-không-bao-giờ-làm được – thực hiện được chuyến đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170780-1.jpg
Vẫy tay chào Nepal những ngày thu xanh, tôi một mình lầm lũi len lỏi qua dòng người đông đúc đi kiếm chuyến xe về Gorakhpur.


Một mình lặng lẽ rời Saigon vào một đêm mưa cuối mùa tầm tã, tôi không ra Bắc để tiện đường sang Trung Quốc mà lại bắt đầu hành trình này bằng chuyến xe đêm đi Gialai, để từ đó sang Lào. Từ Nam Lào những ngày mưa mù, tôi chôn chân ở Siphandon những hoàng hôn rực lửa, rồi mải miết trượt dài đến Bắc Lào để sang vùng Xinhuabanna, Vân Nam, Trung Quốc. Lang thang mê mải vùng Vân Nam, Tứ Xuyên trong những ngày mùa thu vàng mù sương cao nguyên tuyệt đẹp … cũng là thời gian tôi chờ đợi, chuẩn bị cho hành trình mơ ước lên Tibet – chuyến đi mà tôi đã chuẩn bị nhiều lần trước đây những đến lúc này vẫn chưa thực hiện được.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180876-1.jpg
Một buổi sáng yên bình ở Kushinagar, Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập cõi Niết Bàn – đây là nơi được cho là đã làm lễ hỏa táng Đức Phật.


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191020-1.jpg
Những gì còn lại ở Sarnath, Varanasi, nơi Đức Phật thuyết giảng kinh kệ cho chúng sinh


Cuối cùng, chuyến tàu Thành Đô – Lasha cũng đưa tôi đến được miền đất của các chư thiên – Tây Tạng huyền bí. Choáng ngợp với một Tây Tạng hùng vĩ về thiên nhiên, huyền bí về tâm linh, chân tình mộc mạc trong cuộc sống của người bản xứ… với quá nhiều điều hay ho, mà một chuyến đi ngắn ngủi chỉ để mở đầu cho những mơ ước kế tiếp, tôi tìm đường sang Nepal trong những ngày thu xanh vời vợi, để rồi lại bị mê mệt, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng hậu nơi đây.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB190936-1.jpg
Rắc tro trên sông Hằng – để thỏa ước nguyện của những người không được hỏa táng bên bờ sông thiêng.


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB241683-1.jpg
Một sáng mai sớm ở Chùa Vàng – Thánh địa của đạo Sikkim, ở Amrista[/I]


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB221265-1.jpg
Thánh đường Hồi Giáo ở Delhi


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB260162-1.jpg
Tham dự một lễ cưới lúc 1 giờ sáng ở Agra – tự nhiên được mời!


Lần khân mãi, rồi cuối cùng tôi cũng rời Nepal và đặt chân được lên đất nước Ấn Độ vào một ngày mùa đông nắng vẫn tràn ngập, vẫn mênh mang khắp chốn… Như vậy, tôi đã đến Ấn Độ một cái nôi của văn minh nhân loại, một đất nước của huyền thoại, xứ xở của nhiều điều kỳ bí và cả nhiều mâu thuẫn…để bắt đầu hành trình hăm hở khám phá mới – dù đây không phải là lần đầu tôi đến Ấn Độ.


(tbc.)

007
29-09-2009, 13:14
sẽ có nhiều thông tin hấp dẫn đây. Tiếp đi bác ơi...

gianker
29-09-2009, 13:38
Tuyệt quá. Đúng là những gì mình đang cần. Backpacker tiếp tục đi nhé. Chắc sẽ thú vị lắm đây.

likemoon
29-09-2009, 13:39
Trời đất, thế túm lại chuyến đi của bạn BPker là từ VN-Lào-Xishuangbanna-Thành Đô - Tây Tạng - Nepal - Ấn Độ??? Thế còn vụ đi Bali bằng đường bộ là một trip khác nữa ??( không có ai con toát mồ hôi hột ở đây nhỉ, hik hik ) Cứ đi một mình thế mà không thấy buồn à bạn ơi, có lúc nào bạn thấy chán vì phải lang thang một mình không ?

backpackervn
29-09-2009, 18:13
@ pà-kon, cám ơn các bạn đã ủng hộ tinh thần hén. Bpk sẽ cố gắng chia sẻ để không phụ lòng các bạn.

@ likemoon, bpk “quăng lựu đạn” tý nghen. Nếu chỉ ghi cụ thể tý xíu quãng đường bên TQ thôi thì nó như thế này nè: Saigon – Lào – Xishuangbanna – Zinghong – Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang – Shangrila – Deqin – Shangrila – Côn Minh – Thành Đô – Lạc Sơn – Nga My – Langzhong – Thành Đô – Lasha – Nepal… Bây giờ bpk vẫn chưa ngán đi một mình đâu. Có nhiều mình đi vẫn thích, nhưng nếu không có nhiều mình thì một mình vẫn cứ lên đường thôi.
.................................................. ..



Tôi đã đến Ấn Độ nhiều năm trước, trong chuyến huấn luyện ngắn ngày của công ty, tại Calcutta. Hai tuần ở Ấn Độ thời đó gần như là 1 cực hình với tôi. Mới vừa đi làm không lâu, ngoại ngữ lõm bõm, giao tiếp nhút nhát… những ngày đó chỉ là học hành, hội thảo từ sáng đến tối với những đồng nghiệp hay diễn giả trình bày tiếng Anh theo kiểu India-English mà tôi chỉ nghe loáng thoáng đâu được chừng khoảng ¼ những gì họ nói. Sau đó là những bữa tối dài lê thê, rồi thỉnh thoảng có những đêm tổ chức biểu diễn ca nhạc truyền thống, rồi có những chiều cho tham quan các điểm du lịch như New Market,… nhưng luôn được nhắc nhở là phải đi tập trung theo nhóm, không được tách đoàn… Một trong những điều tôi mãi nhớ đến tận bây giờ là ánh mắt của 2 ông cháu của nhóm biểu diễn múa lửa, nhảy vòng… khi họ được kêu đến diễn trong khách sạn. Dáng điệu họ thật khốn khổ, ánh mắt của họ thật nhẫn nhục và chỉ lâu lâu mới len lén liếc nhìn lên những thực khách béo tốt. Không phải là bị ám ảnh, nhưng sao tôi còn nhớ hoài ánh mắt đó. Một ấn tượng khác là những chuyến tàu lửa luôn luôn đông đặc những người đứng ngồi đu bám trên nóc, trên thành, bên cửa toa xe… . Tiếp nữa là ấn tượng về những con quạ to lớn thật đáng ghét suốt ngày cứ quang quác, quàng quạc ầm ĩ từ sáng sớm đến đêm khuya, dù nơi tôi được ở là khách sạn 5*… Calcutta, Ấn Độ trong tôi nhiều năm vẫn hoài như vậy!




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB231494-1.jpg
Lăng mộ vua Hamayun ở Delhi


Theo thời gian, tôi lớn khôn thêm chút đỉnh và học hỏi được nhiều qua cuộc sống nhiều va chạm, qua những lần vấp ngã, những lúc thất bại, qua những chuyến đi, để biết rằng ngày xưa mình ngây ngô đến dường nào. Chỉ khác là bây giờ, khi những chuyến đi là một niềm háo hức khám phá, là thời khắc hạnh phúc vô biên, là những phút giây tận hưởng niềm vui cuộc sống … thì nỗi niềm thúc bách cơm áo, gạo tiền, danh vọng, nhà cửa, tiền tài, trách nhiệm, nghĩa vụ… cùng nhiều thứ khác đè nặng trên hai vai. Do vậy, để dứt áo ra đi cũng là 1 điều không đơn giản. Nhưng không đi thì làm sao tới? Với lại, việc gì mà không có một lần đầu tiên…? Vậy sao tôi lại không dám bỏ lại sau lưng nhiều thứ… để đi chuyến này đến Ấn Độ nhỉ?




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB260307-1.jpg
Rất nhiều hình về Taj Mahal nhưng tôi rất thích tấm hình hoàng hôn mờ sương bên sông này



Những ngày đi rong ở Ấn Độ lần này, tôi đã thật sự trải nghiệm được nhiều điều mà trước kia tôi đã nhìn qua cửa kính khách sạn hay cửa kính xe hơi. Tôi đã lang thang trên chuyến tàu chợ từ Gorakhpur đi Varanasi, ngay chuyến tàu đầu tiên tôi đi trên đất Ấn. Chuyến tàu mà tôi phải vác balo đi gần hết con tàu mới được một gia đình người Ấn thương tình sẻ chia cho một chỗ ngồi, để rồi sau đó con tàu lại đông đen những người đu bám bên ngoài thành tàu. Cũng chuyến tàu này đã chạy trễ đến 6 giờ đồng hồ để quăng tôi đến một Varanasi nổi tiếng phức tạp lừa lọc lúc 12.30g đêm. Rồi có 1 chuyến tàu đêm khác, lên tàu lúc hơn 3 giờ sáng, cãi nhau ầm ĩ để giành chỗ ngồi, rồi phải ngồi bó gối chật chội suốt cả đêm, cả ngày sau đó trên chuyến tàu Gaya – Delhi. Tôi đã có một đêm trải giấy báo ngủ vật vạ ở ga Gaya, giữa những người dân bản địa, để chờ chuyến tàu khuya, trễ đến 3-4g đồng hồ, mà tôi cứ phải bật dậy mỗi khi có một chuyến tàu đến vì không biết đó có phải là tàu của mình. Nơi hành lang ga đó, thỉnh thoảng những chú bò thiêng táo tợn lê la mò tận vào đây để kiếm ăn.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270515-1.jpg
Thành cổ Amber, Jaipur – như 1 Tiểu Vạn lý Trường thành?!


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB290838-1.jpg
Hoàng hôn ở sa mạc Thar, với những cô gái Digan, những chú lạc đà và những chiếc chuông leng keng ngân xa trong chiều sa mạc…



Tôi cũng đã có một nửa đêm về sáng, lúc 4am, ngái ngủ chập choạng xuống xe ở Jodhpur, phập phồng ở ghế đá bến xe chờ trời sáng để mua chiếc vé xe đầu tiên đi Udaipur, hay một nửa đêm về sáng khác, xe cũng đến sớm, lang thang ở bến xe Jaipur, ra quán trà sữa đầu bến ngồi uống hết mấy ly trà, trời mới sáng để lóc cóc vác balo về nhà trọ. Tôi cũng đã có nhiều đêm liền lấy những chuyến xe đêm làm nhà nghỉ, ban ngày đi lang thang khám phá đó đây, đêm về lại lên xe, cứ thế… để mãi đến một ngày, được tắm rửa sạch sẽ trong một nhà nghỉ nhì nhằng xập xệ… cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao...




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB290726-1.jpg
Thành cổ Jaisalmer, như một đóa hồng sa mạc



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PC020014-1.jpg
Thiên đường du lịch Goa.


Ở hành trình Ấn Độ kỳ này, không nói đến những người dân lành tốt bụng luôn nhiệt tình giúp đỡ, hầu như không ngày nào tôi không bị giăng bẫy lừa đảo, dù chỉ là chút tiền mọn. Việc đó, làm cho thời gian ở đó, tôi lúc nào cũng xù ra như một con nhím trước người khác, mà sau này, về nghĩ lại mới thấy mình quá sân si, đã làm hành trình đôi lúc kém vui. Giờ đây, khi nhiều những trải nghiệm, cả về tâm linh, ở miền đất huyền bí Tibet, ở 4 vùng đất Phật linh thiêng… đã thay đổi tôi ít nhiều, khi nhớ về Ấn Độ, tôi chỉ còn nhớ về những điều hay ho mình đã khám phá, tận hưởng,… những vùng đất mà-trước-đó-tôi-nhiều-lúc-chưa-nghĩ-tới-là-mình-có-diễm-phúc-sẽ-được-đến.




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PC040529-1.jpg
Đền đài Hindu xưa của Hampi một thời vang bóng – một Angkor thu nhỏ?



Vậy bây giờ, mời bạn cùng tôi đi khám phá những vùng đất mà-trước-đó-chắc-sẽ-có-nhiều-người-nghĩ-rằng-là-mình-khó-đến-được nhé! Không đi thì làm sao tới! Bắt đầu nào!

backpackervn
30-09-2009, 11:48
Tôi đến biên giới Bhrairawa, Nepal – Sunauli, Ấn Độ – vào một sáng mùa đông nắng tràn trề, nắng vẫn như nắng hè Saigon. Đây là miền đất nhà văn Hồ Anh Thái có mô tả trong phần mở đầu cuốn tiểu thuyết có liên quan đến tôn giáo và Ấn Độ mà tôi có đọc vài lần trước khi lên đường, “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”. Theo nhà văn “chuyên trị” về Ấn Độ này, đây là vùng đất mà có những lúc từ đâu chẳng biết, sẽ có những đợt sương trắng như đông đặc như bánh đúc, đục trời mờ đất ùa về rất nhanh. Lúc đó, mọi người chỉ có thể đứng yên tại chỗ không thể chuyển động để chờ sương tan, vì không thể định hướng. Tôi cũng mong có được cảm nhận như vậy, một lần cho biết trong đời nhưng mà chỉ thấy nắng chát chúa và những tiếng còi ồn ã của những chiếc xe tải đang cạnh tranh chen lấn từng bước nhau làm cho không khí vùng biên giới thêm hỗn độn và ngột ngạt.



Tôi đi một mình, không gặp các trở ngại về thủ tục giấy tờ cũng như nạn yêu cầu hối lộ tiền tip ở cả 2 cửa khẩu Nepal, Ấn Độ như một số bạn đề cập trên blog, forum… Chỉ có điều là cô hải quan ở Nepal hơi nhướng mày khi thấy con tem visa tôi vào Nepal bằng đường bộ ở Kodari rồi lại cũng ra bằng đường bộ ở Bhrairawa. Trên đường rời Nepal, tôi thấy rất nhiều đoàn du khách hành hương Châu Á đi ngược từ Ấn Độ sang Nepal để vào Lumbini. Theo thỏa thuận giữa 2 nước, nếu bạn đã có visa vào Ấn Độ, khi thăm viếng Ấn Độ xong, bạn có thể từ Ấn Độ sang thăm Lumbini, Nepal trong vòng 3 ngày mà không cần phải xin visa Nepal. Do vậy, rất nhiều đoàn khách hành hương 4 vùng đất Phật thường khởi hành viếng 3 vùng đất ở Ấn Độ trước, rồi mới đến viếng Lumbini trong vài ngày. Ở Lumbini, tôi cũng đã từng vui mừng khi nghe tiếng Việt sau hơn 2 tháng xa nhà, nên liền sà vào hỏi han 1 đoàn khách. Mới biết các cô chú này là Việt Kiều ở Pháp và Canada đang đi tour hành hương. Các cô chú xa quê đã lâu, nên chăm chút hỏi han nhiều chuyện từ đứa con cháu đến từ quê nhà và cũng rất lo lắng cho việc tôi đi lang thang một mình, còn kêu tôi đi chung xe đi đây đi đó… làm tôi mủi lòng vô cùng. Nhưng tôi chỉ cảm ơn nhiều và mong dịp gặp lại chứ làm sao để 1 kẻ lang thang (suốt ngày rượu chè bia bọt!!!!) như mình làm vướng bận các cô chú ấy.


(tbc.)



Edit chia ngắn bài vì bài dài quá!

backpackervn
30-09-2009, 13:50
(cont.)


Theo nhiều cảnh báo trên mạng, trong sách cũng như chủ nhà trọ ở Lumbini là khi sang đến Sunauli, nên đi xe bus lớn, dù chậm, để an toàn, nhưng tôi lại đang rất nóng lòng đến Gorakhpur nên tìm 1 chiếc xe pick-up có chở khách để hỏi. OK, xe cũng gần đầy và tôi được nhét lên chiếc xe đó, với 1 băng ghế trước 4 - 5 người ngồi. May mà tôi được ngồi trên ghế trước và ngay bên cửa nên còn ngó ngang ngó dọc được tý chút.



Thời gian ngồi chờ xe chạy ở đây, tôi có quan sát được 1 cảnh hay hay. Đó là những thanh niên nam nữ khi tiễn người thân lên đường, khi chào nhau lần cuối thì người ở lại hay vỗ vỗ vào chân người đi, rồi vỗ vào tim mình. Có lẽ là “chân bạn đi mạnh giỏi” và bạn “vẫn ở trong tim mình” – đại loại vậy. Ngồi nhìn một hồi tôi lại buồn cười, lỡ mai mốt tiễn bạn đi lấy chồng lấy vợ thì vỗ vào đâu ta?! Đúng là cái đầu “vớ vẩn”, không biết đã đi bao nhiêu chùa, bao nhiêu nhà thờ… rồi mà vẫn chẳng đổi thay.



Xe chạy mải miết qua những thôn xóm làng quê Ấn Độ, ruộng đồng đã xám xịt khô trơ gốc rạ sau vụ mùa. Trên suốt hành trình, ngoài quan cảnh làng quê, đường sá… tôi bị ấn tượng 2 điều: xe có dừng tại 1 trạm bên đường đón khách, nơi đó có xác của một người phủ khăn trắng đang nằm bên đường, chờ đưa đi hỏa thiêu, hình ảnh đôi chân đen đủi gầy guộc thò ra ngoài chiếc khăn liệm trắng cứ ám ảnh tôi rất lâu. Việc thứ 2 là tôi có thấy những lớp học ở ngay ven đường, dưới bóng mát của những cây cổ thụ, do những thấy giáo cũng đã già già đứng lớp. Những hình ảnh này lại vô cùng đáng yêu, chỉ tiếc là xe chạy nhanh quá không chụp hình được.


Cuối cùng, xe đến Gorakhpur lúc gần 1pm, sau khoảng 2.30p bạt mạng trên đường. Ôi trời ơi là cái thành phố này nó ồn ào tấp nập và bẩn. Có điều, cũng đã chuẩn bị tinh thần trước nên cũng chỉ nhún vai 1 cái là xong. Gorakhpur hiện là trạm trung chuyển đông đúc nhất cho các chuyến đi từ Nepal sang India, từ đây khách sẽ tiếp tục đi viếng đất Phật Kushinagar hay đến vùng Varanasi tham sông Hằng huyền bí đều được. Do vậy, hầu như ít có du khách nào lưu lại đây cũng như không có các điểm viếng thăm nào đáng kể ở đây.



(tbc.)

backpackervn
30-09-2009, 13:52
(cont.)


Bến xe, may mắn là cũng gần gần cái nhà ga to đùng, bự vật vã. Việc đầu tiên tôi cần làm là xác định giờ giấc các chuyến tàu từ Gorakhpur đi Varanasi để dự trù. May mắn, tôi được hướng dẫn vào phòng Tourist Information gặp 1 phụ nữ Ấn to béo nhiệt tình giúp đỡ ghi vào giấy lịch trình tất cả các chuyến tàu đi Varanasi trong ngày. Dì còn định giúp tôi mua vé trước luôn chứ nhưng biết trước cái tính hay la cà hay ăn chơi quên ngày quên tháng, tôi cám ơn và hẹn ngày gặp lại.


Đối diện với cổng chính nhà ga Gorakhpur là 1 con đường nhỏ, đi vào khoảng 200m sẽ đến bến xe bus nội tỉnh. Tôi bỏ qua luôn bữa trưa, chỉ mua mấy cái bánh nan (bánh mì dẹt như bánh tráng nhỏ) vừa đi vừa ăn chay và leo lên chiếc xe bus địa phương đi Kushinagar. Đến hơn 4 giờ chiều, tôi mệt mỏi nhưng vui mừng thoát được chiếc xe đông cứng và rất hân hoan nhảy khỏi chiếc xe để đặt chân đến miền đất thiêng.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170783-1.jpg
Cổng chào vào làng Kushinagar


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170784-1.jpg
Cảnh tượng trên đường cũng giống làng quê Việt Nam với những người dân lam lũ trên những chiếc xe đạp…


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170785-1.jpg
…và những em bé chiều tan trường về


Kushinagar đây rồi – vùng đất Phật thứ 2 tôi có vinh hạnh được viếng thăm sau Lumbini!


(tbc.)

congatau
30-09-2009, 22:38
Lâu quá không gặp, khỏe không anh? Mà anh ém hàng dữ quá, không thấy khoe với em út vụ đi Lệ Giang, Nga My và Ấn Độ nha, nhờ vô đây mới biết á. Mấy hình chụp ở Ấn Độ đẹp nè; cách viết bài thì vẫn hay như ngày nào, nhưng mà chưa thấy anh post hình "bạn" nhỉ :), TFS.

backpackervn
01-10-2009, 16:49
@ congatau, Q. làm sao dzậy? Anh có chia sẻ đàng hoàng lúc đó mà. Có điều lúc đó anh chỉ đặt gạch nên chưa thấy hình ảnh và bài viết thôi. Còn cung đường thì Q. biết chứ, nhất là lúc anh nhờ Q. nhờ các bạn TQ của Q. phiên âm các địa danh từ tiếng Anh qua tiếng Trung đó. Lâu quá chưa gặp hén!
.................................................. ................

(cont.)


À, mà trước khi kể tiếp chuyện Kushinagar, tôi phải chia sẻ với các bạn ít thông tin về chuyến xe bus từ Gorakhpur đi Khushinagar. Để các bạn có một cái nhìn đa chiều hơn về Ấn Độ.


Sau khi rất ấn tượng về sự nhiệt tình và lòng tốt của dì ở phòng Tourist Information ở nhà ga, tôi lớ ngớ ra bến xe bus nội tỉnh hỏi thăm xe đi Kushinagar và được chỉ đến nơi chờ xe bên 1 góc đường. Tôi chờ khoảng 15p thì có 1 chuyến xe đậu lại và dân tình bu kín cửa xe, nhanh chóng leo lên. Chỉ vài phút là xe hết chỗ, thế là tôi cũng không leo lên được, lại đứng lùi ra xa và xe chạy. Thế là có 1 chú già già bán báo dạo hỏi tôi đi đâu… sau khi biết tôi hụt chuyến xe vừa rồi, chú nói “để tao giúp cho”. Thế là khi chiếc xe sau đậu lại, chú tả xung hữu đột chen lấn mọi người để leo lên, rồi kéo tôi lên, ấn tôi vào 1 cái ghế, bảo mày cứ ngồi đó và nói “lát mày chỉ trả 28Rp thôi nghen”, rồi chú đi xuống ngay khi tôi chưa kịp cảm ơn, mà chú cũng không hề nói tôi mua báo giúp chú (tiếng Anh – đọc được) như ở vài nơi khác. Tiếp nữa, khi xe chạy, chú bán vé ngồi ở gần cửa xe bắt đầu hỏi tuyến đường của từng ngươi rồi xé vé. Đến tôi, dù chỉ ngồi cách chú ấy 2 hàng ghế, dãy bên kia nhưng tôi đang kẹt cứng ngắt giữa cơ man nào là người và hàng hoá, chỉ kịp nhờ người phía trước đưa giùm cho chú ấy tờ 50Rp. Chú ấy chỉ trả lại vé với vài chữ Ấn ngoằn ngoèo trên đó, mà chẳng trả lại tiền thối. Tôi thấy mấy người khác cũng vậy nên im lặng để xem sao. Sau khi chú bán hết vé, tôi thấy 1 số người đưa trả vé cho chú và chú ấy đưa lại họ tiền. Tôi bắt đầu hiểu, nhưng chưa kịp hành động thì 1 anh tre trẻ phía trước đã nhắc tôi đưa vé có ghi mấy chữ gì đó lại cho chú bán vé. Chú ấy xé tẹt 1 cái rồi nhìn nhìn gì vào mấy dòng chữ rồi gửi lại tôi 22Rp. Biết được cách xử thế như thế này ở Ấn Độ khi mua vé trực tiếp trên xe bus, tôi đã áp dụng và hầu như không hề bị xí gạt hoặc over-charge bất kỳ một lần nào trên những chuyến xe bus, mà nhiều người nói là nổi tiếng về phức tạp ở Ấn Độ. Cũng phải nói thêm là chuyến xe đó cực kỳ đông và tôi bị nêm cứng ngắc giữa những người Ấn mà hẳn các bạn đều biết họ “nổi tiếng” về mùi cơ thể (!).


Kể lể dài dòng câu chuyện này, bên cạnh chia sẻ thông tin cho các bạn đi sau, tôi chỉ muốn nói thêm là những người dân Ấn Độ bình thường rất tốt bụng. Còn việc nói thách, lừa lọc của những người làm du lịch, buôn bán… là 1 câu chuyện khác hẳn. Và câu chuyện này, nó lại đối nghịch với 1 câu chuyện kế tiếp ở trong chùa Linh Sơn, Kushinagar. Thật tình mà nói, tôi cũng không muốn kể câu chuyện này lắm, vì nó hơi đáng buồn – nhưng, âu cũng là 1 trải nghiệm.


Ngôi chùa Linh Sơn là ngôi chùa đầu tiên trên đường từ ngoài vào Kushinagar. Vì tôi đã hụt việc xin trú ngụ trong chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lumbini, nên kỳ này tôi quyết tâm sẽ ngụ ở Linh Sơn, và tôi còn biết rõ là chùa có mấy dãy phòng dùng làm nhà nghỉ cho khách hành hương. Do vậy, khi đang mệt mỏi sau 1 ngày dài, thấy ngôi chùa đầu tiên, thấy chữ Việt, chùa Việt là tôi rất mừng nên ghé ngay vào chùa hỏi han chỗ nghỉ - khác hẳn việc tôi hay đi lòng vòng ngó nghiêng tìm kiếm thông tin như ở những nơi khác. Chỉ có 2 người Ấn đang làm việc, 1 chú già và 1 anh trẻ hơn, tầm độ trên dưới 40-45 gì đó. Lúc đầu anh ấy nói hết phòng, nhưng khi tối nói là người Việt thì anh ấy nói là “thôi tao để cho mày một phòng” / 250Rp để cúng dường. Anh ta còn khoe “tao có tên Việt là Minh Tâm nữa đó”. Tôi cũng vui vẻ nói nói cười cười và hỏi thăm anh ấy có biết chỗ nào gần đây đổi tiền hay không. Anh ấy trả lời là “không có đâu, mày muốn đổi để tao gọi bạn tao ở xa lắm tới đổi giúp cho”. Tôi cũng OK tin tưởng dù anh ta cho báo tỷ giá thấp hơn nhiều khi tôi có đổi chút ít tại biên giới bên Nepal. Nhưng mà các bạn ơi, sau khi tôi vừa tắm rửa tẩy trần xong, lững thững ra trước cổng chùa thì ôi thôi, cả 1 hàng dọc dài những quầy đổi tiền nằm ngay kế bên. Tôi không giận, nhưng rất buồn vì ở những nơi mình cảnh giác thì người ta lại nhiệt tình vui vẻ giúp, còn ở nơi tôi trao niềm tin, ở trong 1 ngôi chùa, thì một người, có tên là “Minh Tâm” lại như vậy.


Chưa hết ngày đầu tiên trên đất Ấn, trên miền đất Phật nhưng trong tôi ngập tràn nhiều những suy nghĩ buồn vui lẫn lộn… Nhưng hãy để mọi thứ trôi đi theo mây gió, chúng ta cùng đi thăm Kushinagar nhé!


(tbc.)

backpackervn
01-10-2009, 17:04
(cont.)


Vì không rành về Phật giáo, cũng như đã có những bài viết rất sâu về Kushinagar trên diễn đàn này, nên tôi sẽ không đi chi tiết về các điển tích cũng như diễn giải về các sự kiện ở đây. Tôi chỉ chia sẻ góc nhìn của 1 người may mắn đến được những miền đất hằng mơ từ những ngày xưa nghe chuyện cổ tích.


Lúc tôi ra đường, chiều cũng đã hơi muộn ở Kushinagar rồi. Tôi lang thang trong chùa Linh Sơn, khuôn viên chùa cũng rộng lớn và đẹp nhưng tôi có 1 điều hơi băn khoăn là ở cổng chính của chùa không có bảng hiệu tiếng Việt, chỉ có ở trước gian chánh điện mà thôi (bạn xem hình). Từ chùa Linh Sơn, tôi đi lòng vòng viếng thăm chùa Myamar Mahasukhamdadachan vàng rực hoành tráng, điện thờ Tibet bé nhỏ do Đức Dalai Latma của Phật giáo Tây Tạng xây dựng, … trước khi hòa vào dòng người thành kính đi khấn nguyện vòng quanh chùa Mahaparinirvana, nơi có bức tượng Đức Phật từ TK V, mô phỏng tư thế lúc Ngài nhập Niết bàn. Phía sau chùa là 1 stupa lớn, mà mô hình của ngôi chùa và stupa này đã được thu nhỏ và được xây dựng ở nhiều ngôi chùa khác mà tôi đã được gặp về sau. Xung quanh chùa là những di tích của thời huy hoàng ngày xưa, giờ cũng là nơi tu tập của rất nhiều sư tăng trên toàn thế giới. Cạnh ngôi chùa này, có 1 chiếc chuông lớn, do Đức Dalai Latma và cộng đồng người Tibet dâng tặng.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170787.jpg
Chùa Linh Sơn nhìn từ bên ngoài – không thấy tiếng Việt

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170786.jpg
Chỉ thấy tiếng Việt trước chánh điện


Các chùa khác trên đường lang thang chiều Kushinagar



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170794.jpg
Chùa Myanmar rực rỡ trong chiều xám


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170795.jpg
Điện thờ của Phật giáo Tây Tạng, tấm bảng nhỏ ở góc phải nói rằng do Đức Dalai Latma đóng góp năm 1981.


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170821.jpg
“Tu viện Liên Hiệp Quốc” Japan - Srilanka trong chiều muộn


Vì chiều quê đã sẫm màu, tôi tranh thủ rảo bước ra trước chùa và đi tiếp. Có những ngôi chùa nhỏ khác nữa trên đường nhưng không có tên tiếng Anh nên tôi cũng không rành lắm. Đi tiếp nữa, gặp tu viện của Japan-Srilanka, chẳng hiểu sao 2 quốc gia này giờ lại xây chung 1 tu viện ở đây nữa. Nhưng giờ đã trễ nên tôi cũng chỉ lòng vòng bên ngoài, chưa được vào viếng bên trong.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170803.jpg
Chùa Mahaparinirvana và Stupa với hình dáng rất lạ phía sau


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170817.jpg
Đoàn người hành hương Srilanka thành kính quanh chùa Mahaparinirvana


Cũng theo con đường độc đạo này, đi tiếp sẽ đến những cánh đồng rồi mới đến 1 điểm đến thú vị khác của Kushinagar, nơi có di tích của 1 stupa lớn, Ramabhar Stupa, cao 15m, được xây bằng gạch đỏ trên địa điểm cho rằng là nơi ngày xưa đã làm lễ hỏa táng Đức Phật. Nhưng giữa đường đi, trời đã tối sập xuống, đường quê Ấn đêm ngày đông tối đen mờ mịt sương bay là đà... ngày đầu tiên vừa đến còn nhiều lạ lẫm nên cũng có chút hoang mang, bèn quay về, hẹn sáng mai sẽ quay lại viếng.



(tbc.)

congatau
01-10-2009, 20:17
@ Anh bpk: giờ anh nhắc em mới nhớ, chứ hôm qua lúc ngồi đọc bài nhớ hoài mà không ra cái chuyến đi này của anh, hehe, sorry cái hén. Bây giờ em lại tiếp tục làm độc giả trung thành của anh :) nhưng mà vẫn chưa thấy anh khoe hình "bạn" nha.

backpackervn
03-10-2009, 14:22
@ congatau, "bạn" bây giờ già và xấu nên không được lên hình nữa rồi....
..................................................

(cont.)


Kushinagar vốn là 1 làng quê nghèo, bây giờ vẫn còn nghèo. Từ con đường tỉnh lộ đi vào làng chỉ có 1 con đường nhựa độc đạo, còn các ngả rẽ đều là đường đất. Ở đây chỉ có các ngôi chùa là to lớn hoành tráng còn nhà cửa của người dân vẫn lụp xụp, xiêu vẹo. Dịch vụ du lịch cho khách hành hương cũng chỉ kéo theo được 1 cái khách sạn, Pathik Niwas, nhìn bề ngoài to to, mới mới nhưng bên trong cũng đã xuống cấp – nhưng dù sao cũng cao cấp hơn tiêu chuẩn của tôi rồi. Điểm đặc biệt là khách du lịch đến đây hầu hết là từ các nước Châu Á, theo Phật giáo. Trên đường phố, tôi cũng có thấy vài bạn “tóc vàng hoe” nhưng rất hiếm hoi.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170790.jpg
Các kiến trúc mô phỏng 4 vùng đất Phật trong khuôn viên chùa Linh Sơn


Trên con đường, quanh các chùa, dân làng bày bán nhiều thứ trái cây rau quả, hàng hóa linh tinh… nhưng đặc biệt nhiều là các quà lưu niệm với những chiếc lá bồ đề, những postcard hình ảnh của ngôi chùa Mahaparinirvana, tượng Đức Phật đang nằm… và có rất nhiều ki-ốt kinh doanh dịch vụ gọi nhờ điện thoại, như ở Việt Nam một thời xa xưa lâu lắm.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180830.jpg
Chuông đồng trong khuôn viên chùa Mahaparinirvana, do Đức Dalai Latma và cộng đồng Phật giáo Tibet kính tặng


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170793.jpg
Một ngôi chùa hay ngôi đền… tôi chỉ biết ký tự chữ “Om” trước cửa chùa, hay gặp ở Tibet & Nepal


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180855.jpg
Tượng Phật trong 1 ngôi đền nhỏ, kế bên 1 khu phế tích, ngay ngã rẽ trái để đi đến Ramabhar Stupa


Ở đây, buổi tối không có quán xá gì hết, chỉ có mấy quán bên đường nhưng vì đường nhiều bụi quá nên tôi cũng không dám ghé vào. Chỉ đi lơn tơn ngó nghiêng và đi tìm mua cái sim điện thoại có chức năng sms quốc tế. Hỏi thăm mãi mới mua được cái sim của Vodaphone và nhờ anh chàng bán sim kích hoạt cho nó được national-roaming (rút kinh nghiệm từ Trung Quốc), nếu không qua bang khác sẽ không xài được. Xong xuôi đi kiếm internet để chia sẻ niềm vui với bạn bè ở quê nhà về hành trình mới, thông báo số ĐT mới qua email để lỡ khi có việc cấp bách… nhưng than ôi, cả cái làng chỉ có 1 tiệm duy nhất, có 1 cái máy duy nhất, xài internet dạng dial, nối kết qua điện thoại, chậm rì rì và liên tục rớt lên rớt xuống. Rồi còn không cho cắm USB vào máy nữa, sợ virus (!). Thế là tan tành luôn net, vỡ toang giấc mộng copy hình vào thẻ… Mà đâu phải đơn giản là tôi biết được thông tin đó ngay từ đầu đâu. Trước đó, có phải đến là được ngồi vào máy liền đâu, phải chờ chú nhóc trông hàng (kiêm luôn nhiệm vụ photocopy) đi kêu, cả hơn 30p, “kỹ thuật viên” mới đến và cho tôi sờ vào máy. Hơi buồn cười một tý cho cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin hén.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB170813.jpg
Chiều về trên những hàng cây sau chùa Mahaparinirvana


Xong xuôi (!) tôi lại ra đường nhưng chẳng có ai ngoài đường. Tôi ra cả đường cái chính nhưng cũng chẳng có ai bán buôn gì cả. Trời lại tối đen, đèn đóm chập chờn mờ mờ ảo ảo, chẳng biết làm gì cả, bia bọt thì không có chỗ nào bán, trừ trong cái khách sạn Pathik Niwas, lúc nãy có làm 1 chai nhưng giờ đóng cửa nhà ăn luôn rồi – đành về ngủ sớm. Đêm đầu tiên trên đất Ấn trôi qua nhẹ nhàng như vậy đó.


(tbc.)

backpackervn
03-10-2009, 14:34
(cont.)


Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm, vì ước muốn được đón bình minh trên đất Phật. Và tôi đã được toại nguyện, dù tôi có dậy trễ hơn nữa. Vì ở đây sương mù buổi sáng dày đặc nên khi mặt trời ló dạng (gọi là bình minh ấy mà) thì cũng đã ngang ngang ngọn tre rồi.



Tôi không biết nhà văn “chuyên trị” về Ấn Độ, Hồ Anh Thái có lấy ý tưởng gì về bình minh ở đâu đó để đặt tên cho các tác phẩm của mình hay không? Nhưng tôi tin chắc rằng tựa đề 1 tác phẩm của anh, “Trong sương hồng hiện ra”, nhất quyết là có lấy từ bình minh Ấn Độ. Bạn thử nhìn xem có phải không nhé.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180827.jpg
Chùa Mahaparinirvana trong sương hồng và không gian yên tĩnh – như trong một cõi nào đó khác.


Rất hạnh phúc đắm chìm trong sương hồng ban mai, tôi lại lang thang vào chùa Mahaparinirvana. Trong sáng sớm, chùa yên bình hơn chiều qua rất nhiều và không khí lặng yên vắng vẻ buổi sáng sớm đã trả lại cho ngôi chùa không gian thật trang nghiêm thanh tịnh. Ngay trong chánh điện, nơi bức tượng Đức Phật tọa lạc, lúc này chỉ có mình tôi. Tôi kính cẩn quỳ xuống trước Người, trong một không khí thật tinh khôi và thanh khiết ban mai, tôi cảm thấy thật yên bình, hạnh phúc. Và tôi cũng cảm thấy rằng mình đã thật may mắn đã được đến đây, để quỳ trước Người.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180845.jpg
Tượng Phật từ TK V trong chánh điện chùa Mahaparinirvana. Thật hạnh phúc được ở đây trong 1 sáng yên tĩnh.


Nhẹ nhàng rời khỏi chùa, tôi đi lang thang trong khuôn viên quanh chùa. Dù còn rất sớm và sương vẫn còn dày đặc, tôi thấy có rất nhiều vị tăng, sư nghiêm trang ngồi thiền trên các phế tích xưa quanh chùa. Trong sương hồng bãng lãng và trong cái im lặng không có cảnh mua mua bán bán lúc sớm, tôi yêu và kính làm sao hình ảnh những vị sư già nghiêm trang ngồi thiền trên những phiến gạch xưa cũ, dưới bóng bồ đề và sương nhẹ vây quanh… Không khí nơi đây giờ mới thoát tục làm sao.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180852.jpg
Những vị sư già ngồi tụng niệm trong sương sớm


Trong sương mờ, những ngôi chùa cũng hiện lên mờ mờ với những nét đẹp rất riêng, rất khác chiều qua trong nắng muộn hay lúc hoàng hôn xuống trời mờ buồn… Tôi cảm thấy mình rất may mắn được đến đây, có 1 buổi sáng thoát tục như thế này ở Kushinagar, rất khó có lần thứ 2…



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180854.jpg
Thiện nam tín nữ của đoàn khách hành hương Srilanka chuẩn bị đến cúng dường ở chùa Mahaparinirvana


Tôi rời chùa, hướng về Ramabhar Stupa thẳng tiến. Trên con đường mai sớm, tôi lại gặp những thiện nam tín nữ Srilanka đang kính cẩn, nghiêm trang đi vào chùa để dâng lễ sáng. Tôi chân thành mong những điều tốt lành đến cho họ.


(tbc.)

backpackervn
03-10-2009, 14:42
(cont.)


Càng đi xa chùa, tức là đi vào làng, nhiều cây cối, ven đường, 2 bên là cánh đồng mía cao rậm rì nên sương càng nhiều hơn, càng dày hơn. Mặt trời lúc này cũng đã lên cao, sương càng hồng thắm hơn, rực rỡ hơn. Tôi đi vào con đường sương, như vô định, như tự trôi về cõi nao thâm nghiêm huyền bí. Con đường sương vắng tanh, tôi lang thang một mình, chỉ có những chiếc xe đạp của những người dân, chầm chậm lướt qua, đi vào trong màn sương, rồi như tan biến vào trong sương…



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180859.jpg
Con đường chạy hun hút trong sương hồng. Một mình tôi lang thang trên đó. Cô đơn nhưng hạnh phúc.


Tôi đến Ramabhar Stupa lúc chưa có đoàn khách nào đến, dù tôi phải đi bộ gần 20p, còn khách hành hương thường đi theo xe đoàn. Trong khu vườn quanh stupa chỉ có những vị sư đang trang nghiêm ngồi thiền, tụng kinh... Nhẹ bước một vòng quanh stupa, tôi chọn 1 góc vắng, khẽ khàng ngồi trên đám cỏ xanh mềm còn lung linh sương sớm. Ngồi xuống, chẳng nghĩ gì, thật lâu.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180870.jpg
Stupa yên tĩnh trong nắng sớm – chỉ có các vị tăng sư nghiêm trang ngồi thiền và tụng niệm.


Stupa này được xây bằng gạch đỏ, trên vị trí được cho là nơi ngày xưa đã làm lễ hỏa táng Đức Phật, sau khi ngài nhập cõi Niết Bàn. Không đọc được ở đâu là ngôi stupa này được xây dựng từ năm nào nhưng cũng đã cổ xưa lắm rồi. Những viên gạch đỏ cũng đã nhẵn mòn vết thời gian, đẹp lạ thường trong sương sớm.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180875.jpg
Những đoàn khách hành hương bắt đầu làm lễ quanh stupa


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180877.jpg
Những sắc màu đơn sơ nhưng phối nên một một bức tranh đẹp thuần khiết


Khu vườn quanh stupa có 1 góc trồng nhiều cây bồ đề. Nơi góc vườn tôi đang ngồi bỗng dưng có vài chiếc lá, vẫn còn xanh, chao nghiêng là đà và rơi xuống, cùng sương, khi một cơn gió mai lành lạnh ùa về. Tôi nhặt lấy những chiếc lá bồ đề, còn lóng lánh những giọt sương mai li ti, trong khu vườn thiêng, nhẹ ép vào cuốn L.P, để chúng đi cùng tôi suốt cuộc hành trình – và cả đến hôm nay.


(tbc.)

backpackervn
03-10-2009, 14:51
(cont.)


Tôi rời Ramabhar Stupa khi sương đã tan và những đoàn khách hành hương đã bắt đầu kéo đến. Trên đường lang thang đi bộ về, khi đang ngó nghiêng 1 cái quán tre nho nhỏ bên đường, thì có một bác gái người Ấn đã chân tình chạy ra nắm tay tôi, dắt vào quán, kêu tôi ngồi trên chiếc sạp tre cũ kỹ, dọn dẹp cho tôi mấy món nho nhỏ ăn sáng, rót trà sữa cho tôi, chăm sóc tôi như 1 đứa trẻ bơ vơ. Lúc đầu tôi hơi bỡ ngỡ, nhưng sự chân tình đã làm tôi mạnh dạn hơn, nhưng rất tiếc là tôi chỉ biết cười và giao tiếp bằng tay thôi. Sau đó, bác có tính cho tôi 1 số tiền, rất ít, tôi chẳng nhớ, đâu chừng 20-30Rp, nhưng sự ấm áp của buổi sáng hôm đó, bây giờ tôi vẫn nhớ.


Trên đường về lại, tôi cũng có ngang qua khu Chùa Thái, có kiến trúc rất đa dạng và đẹp dù chỉ nhìn từ xa xa bên ngoài, nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì thấy cách quản lý ở đây khác hẳn những ngôi chùa khác trên đất Thái mà tôi đã từng viếng thăm – hầu như luôn rộng mở cửa cho khách thập phương bất cứ giờ nào. Ở đây, chùa có giờ đóng, mở cửa rạch ròi và giờ mở cửa buổi sáng là 9.00g. Giờ còn rất sớm, tôi không thể đợi đến mãi 9g, nên tôi đi tiếp và cũng không chắc là mình sẽ quay lại sau 9 giờ.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180879.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180884.jpg
Học sinh trong vườn chùa Linh Sơn


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180885.jpg
Mô hình các Di tích Phật giáo trong chùa Linh Sơn, cái tháp màu hồng là mô phỏng Đại Bảo Tháp ở Bodhgaya, nhưng tháp gốc thì màu trắng chứ không phải hồng


Trở về Kushinagar, tôi đi lang thang viếng thăm lại một số ngôi chùa, rồi lang thang phố xá, nhưng chẳng có gì mới vì phố chỉ là con đường ngắn, đâu hơn 500m. Tôi lại quay về Linh Sơn, lang thang trong chùa chụp hình chùa và các trẻ em mà chùa đã tài trợ cho việc học hành, đang có buổi học ngoài sân ở đây. Tôi cũng không gặp được sư cô Trí Thuần, trụ trì chùa – hình như sư cô đã đi công việc Gorakhpur. Anh Minh Tâm của tôi thì giờ đã biến mất, chắc cũng ngại gặp tôi.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180896.jpg
Thông tin về hoạt động của chùa Linh Sơn


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB180895.jpg
Trong chánh điện của chùa Linh Sơn


Tôi vào chánh điện vắng vẻ, thành tâm khấn vái rồi nhẹ nhàng rời chùa, ra đường đón xe về lại Gorakhpur.


Nắng sớm đã lên ngập tràn con đường cây xanh của Kushinagar. Tôi chia tay vùng đất Phật thiêng liêng và mang theo mãi cảm giác yên bình thanh thoát của 1 buổi sáng Kushinagar chợt trở lại thoát tục, tinh khôi, như ngày xưa, trong sương hồng ban mai, bồng bềnh...

backpackervn
09-10-2009, 11:52
Như vậy, tôi vừa đặt chân xuống miền đất huyền thoại Varanasi khi ngày mới vừa sang được 10p, lúc 12.10pm.


Rời Kushinagar trong 1 sáng nắng vừa lên ngập tràn phố phường, tôi về lại Gorakhpur ồn ào náo nhiệt người đông mà bò cũng đông. Đến nơi, tôi vào ga, nhờ dì người Ấn mua giúp vé chuyến tàu gần nhất, lúc 2.30pm, cho dù dì ấy nói là “mày không nên đi tàu đấy vì nó hơi phức tạp”. Nhưng vì đó là chuyến tàu gần nhất, hơn nữa là nếu đi chuyến tàu này tôi sẽ đến Varanasi vào khoảng 8-9 giờ tối nên sẽ thuận tiện cho việc tìm nhà nghỉ ở khu bờ sông… nên tôi vẫn nhất định sẽ đi chuyến tàu này. Có điều tôi hơi ngạc nhiên khi giá vé chỉ có 33Rp # 11.000VND cho đoạn đường 6 giờ đồng hồ (có cộng thêm 20Rp phục vụ phí, ghi rõ ràng trên vé), trong khi đó giá thấp nhất theo LP là khoảng 70Rp. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ đó.


Gần tới giờ khởi hành, tôi đến chào dì người Ấn, lấy cái balo đã gửi và lên đường. Trước khi đi, tôi quay lại hỏi dì là vé này sao không ghi toa nào và sao không có số ghế. Dì cười và bảo, “mày muốn ngồi bất cứ chỗ nào thì ngồi”. Tôi cũng hơi ngạc nhiên nhưng cứ nghĩ đây là cách của tàu Ấn Độ, vì đây là chuyến đi đầu tiên của tôi bằng xe lửa trên đất Ấn mà. Thế là cười thật tươi, cám ơn dì lần nữa, tôi thẳng tiến, hòa cùng đoàn người đang rầm rập trên ga, tiến về phía con tàu của mình, đang nằm chen chúc với cả mấy con tàu khác trên cái sân ga có đến mười mấy cái đường ray này.


Hỡi ôi, sau khi chìa cái vé ra và hỏi đúng có phải đây là con tàu đi Varanasi không, với 3 người, cho nó chắc. Tôi bắt đầu leo lên tàu, dù còn hơn 30p nữa mới tới giờ tàu chạy. “Pà Mẹ Việt Nam anh hùng ơi!”, các toa tàu chất cứng người ngồi nằm la liệt. Thôi chết rồi, tôi đi phải tàu chợ rồi. Nhưng sao bây giờ, cùi thì đâu còn sợ lở, tôi chơi luôn. Thế là vác balo đi hết toa này đến toa khác, nơi đâu cũng chen kín người. Tôi cũng đã bắt đầu tính đến chuyện trải báo xuống sàn ngồi thì đến toa gần cuối, gặp 1 băng ghế còn thưa, bèn hỏi. Té ra là ghế kín rồi, nhưng mấy ku con trai trong nhà đang đi lòng vòng đâu đó, còn lại các dì đang giữ chỗ cho con cái. Mệt quá tôi đứng thở một tý rồi tính đi tiếp thì mấy anh trai trong nhà kêu tôi lại và bảo tôi ngồi xuống. Mừng quá trời đất luôn, cám ơn rối rít xong, tôi ngồi ngay xuống, sợ họ đổi ý!?



(tbc.)

backpackervn
09-10-2009, 11:54
(cont.)


Tàu khởi hành, đúng giờ khi trên vé làm tôi mừng thầm. Nó đi đúng giờ như vậy, chắc tới nơi cũng đúng giờ thôi. Thế là yên tâm vụ nhà trọ nghỉ ngơi ở Varanasi rồi, bắt đầu lôi sách ra đọc. Toa tàu bây giờ đã chật kín người ngồi nằm, cả đứng bên cửa toa xe nữa… Vấn nạn kế tiếp của tôi là vấn đề đi “xì trum”. Bạn nào đi tàu Ấn Độ rồi thì biết toilet của nó như thế nào, chưa kể đây là toilet của tàu chợ. Nhưng vấn đề của tôi không phải ở đó, mà là cái balo của tôi ai sẽ trông khi tôi đi vào nơi ấy. Không lý mỗi lần đi lại vác cái balo đi, rồi nếu vác cái balo đi người ta tưởng mình đi luôn, xí chỗ của mình thì sao…? Thế đành tiến hành 2 việc, nhịn là việc đầu tiên, việc thứ 2 là lúc nào nhịn hết nổi phải tranh thủ lúc nào tàu đang chạy nhanh vội vã chen lấn chạy tọt đến toilet rồi nhanh chóng quay về. Vì hy vọng tàu đang chạy nhanh thì sẽ không ai ôm cái balo mình nhảy tàu được… Thật khổ cho những người đi bụi một mình là vậy đó.


Tiếp đến là tàu chạy chậm rì rì, dừng lại ôi thôi là nhiều chỗ, mà nào tôi có dám rời khỏi chỗ ngồi đâu. Cứ ngồi chết gí một chỗ nhìn thiên hạ đi lên đi xuống mà thèm. Nhưng việc đó không quan trọng bằng việc đã hơn 8pm rồi 9pm… mà Varanasi đâu vẫn chưa thấy. Hỏi thăm thì biết là còn xa lắm. Tôi cứ thấp thỏm bồn chồn, đến ga nào tôi cũng hỏi có phải là Varanasi hay không, cho mãi đến gần 12 giờ đêm, khi con tàu bắt đầu tiến vào nơi đèn đuốc bắt đầu xanh xanh đỏ đỏ thì mới yên tâm chút chút, Varanasi đây rồi!

Ở băng ghế kế bên có 1 anh là bác sĩ, rất tử tế hỏi han tôi đi đâu, về đâu. Khi biết rằng tôi sẽ đến khu nhà nghỉ ở gần bờ sông anh ta rất lo ngại và cho tôi số điện thoại, nói là “mày có rắc rối gì hay không kiếm được chỗ ở thì gọi lại cho tao”. Mà ai chẳng biết là khu gần bờ sông đó nổi tiếng phức tạp trên toàn cõi Ấn Độ….


Cám ơn anh trai Ấn, sửa sang lại y trang, hành lý, tôi nhảy xuống tàu theo dòng người ùa ra cổng, đi qua cái sảnh của nhà ga, nơi dân tình Ấn Độ đang nằm la liệt mà tôi bùi ngùi thương cảm. Có đâu ngờ, mai mốt tôi cũng như họ, la lết ở sân ga. Không biết lúc đó có ai thương cảm cho tôi không?


Ra khỏi ga lúc đã gần 12.30 giờ đêm, tôi rẽ trái đi ra xa xa ga để kiếm một chiếc xe lôi đạp. Mấy anh ku Ấn Độ đón khách ở gần ga chặt chém ghê quá nên tôi đi xa hơn nữa, gặp 1 bác già già, có vẻ tử tế hơn. Cũng may là từ chiều tôi đã gọi điện thoại đặt chỗ ở 1 nhà nghỉ ở đây (Yogi Lodge) nên giờ móc điện thoại, gọi anh chủ nhà nghỉ, rồi đưa điện thoại cho bác xe lôi xí lô xí là. Xong, leo lên xe ngồi thẳng tiến về khu bờ sông.


Bạn nghĩ sao khi ngồi trên xe lôi lóc cóc chạy giữa đêm lành lạnh, vắng tanh vắng ngắt, đường phố đèn đuốc chập chờn ở 1 thành phố xa lạ vốn nức danh vì sự phức tạp. Thú thật là ban đầu tôi cũng hơi rờn rợn khi thấy chẳng có ai trên đường phố. Mà tôi cũng không nghĩ Varanasi nó vừa hoang vắng vừa cũ kỹ xập xệ như vậy, vì cứ tưởng ít ra nó cũng cỡ Calcutta ngày xưa tôi đến chứ. Nhưng lòng cứ nghĩ mình “nothing to loose” nên chơi luôn. Đến khu bờ sông, mọi việc đỡ hơn vì đèn đuốc sáng choang nhưng lại bị chèo kéo bu níu trên mức nhiệt tình của các cò nhà nghỉ, cho dù bác tài xe lôi đã nói rõ với họ là tôi đã có nơi nghỉ. Thấy đám cò bu đông đông, cũng hơi hãi, tôi nhờ bác tài cùng tôi đứng chờ đến lúc anh chủ nhà trọ ra đón. Mãi lúc sau anh ấy mới ra và tôi lại lóc cóc vác balo đi theo anh ấy vào con hẻm nhỏ, vòng vèo quanh co (mà sáng hôm sau tôi đã lạc khi đi ra phố) để đến nhà nghỉ Yogi Lodge.


Leo lên cái phòng dormitory 6 giường nhưng chỉ có 1 mình tôi, tôi vật ra, lăn đùng xuống giường và chìm sâu vào giấc ngủ nhiều mộng mị của ngày đầu tôi đến bên “sông Hằng mẹ tôi”!


(tbc.)

trantrakhuc
10-10-2009, 17:26
Backpack ơi,
Cảm ơn thật nhiều bài viết của bạn. Mình đang nóng lòng chờ những bài viết tiếp của bạn về Ấn độ. Đầu tháng 11 tới mình cũng bụi đời qua Ấn rồi Nepal trong vòng một tháng bạn à. Mong đọc bài của bạn để học thêm chút kinh nghiệm.

chaubaogia
10-10-2009, 20:07
Backpackervn thân mến,
Bạn có thể mô tả thêm về chùa Linh Sơn được không, vì dụ như địa chỉ, đường đi... Mình rất quan tâm về ngôi chùa này và dự định có kế hoạch đi chùa VN trên đất bạn mà bạn đã mô tả.

Cám ơn bạn nhiều nhiều, đọc bài của bạn hay tuyệt vời và lý thú, vừa thương mến vừa kính nể bạn đi bụi một mình trong thời gian dài. bạn có cảm thấy cô đơn khi đi một mình không?

backpackervn
12-10-2009, 10:51
@ trantrakhuc, bpk sẽ cố gắng, nhưng dạo này, tình hình hơi bị rất tình hình nên chắc sẽ khó tăng tốc được. Bạn cần thông tin cụ thể gì cứ PM cho bpk vì cung đường bpk lang thang khác nhiều với cung đường bạn dự định đi. Với lại, khi chia sẻ về các vùng đất thiêng, ở Ấn Độ cũng như các nơi khác, sẽ phải rất thận trọng, về cả các mặt tình cảm, tâm linh, thông tin… chứ không như kiểu bpk gõ bài cà tưng cà giựt về các điểm du lịch ăn chơi nhảy múa khác.


@ chaubaogia, còn nợ 1 chuyến đi Siphandon thăm Mr. Phao, uống Laolao đó nghen! Việc bpk đi một mình, cũng bình thường, riết rồi quen, rồi đến mức sợ! Không phải là sợ cho những chuyến đi một mình tiếp nữa, mà sợ rồi mai mốt đi nhiều mình lại không được (?!). Vì cứ đi một mình, tự tung tự tác quen, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, kế hoạch muốn đổi thì đổi… chẳng phải suy nghĩ nhiều, sợ đi theo nhóm thì phải tuân thủ luật lệ của nhóm… “mất tự do”. Nói vậy thôi, chứ khả năng “thích ứng” là 1 trong những điều kiện quan trọng để sống còn và phát triển của con người mà, bpk đi chơi nhóm cũng OK lắm nhưng tại bạn bè bpk không có thời gian để đi như bpk nên mình phải tự lo liệu lấy. Bây giờ chỉ mong là có điều kiện để đi thôi, một mình hay nhiều mình không còn là vấn đề nữa rồi.

Về chùa Linh Sơn ở Kushinagar, rất dễ tìm. Khi xe bus từ Gorakhpur đến Kushinagar, sẽ bỏ bạn xuống ở ngã 3 (có cái cổng chào, trong bài trước bpk có đưa hình lên đó). Bạn đi bộ vào làng, sau khoảng 200-300m bạn sẽ thấy bên tay trái có cái chùa hơi giống chùa Tàu (vì không có chữ tiếng Việt trước cổng). Đó cũng là cái chùa đầu tiên bạn sẽ gặp, do vậy bạn khó có thể nhầm lẫn được. Vì trong L.P không có bản đồ Kushinagar nên có lẽ bạn thấy hơi hoang mang ban đầu, nhưng đến nơi, nó nhỏ xíu à, nên bạn đừng ngại.


Ở Lumbini (Nepal) cũng có 1 ngôi chùa Linh Sơn khác cũng rất to lớn, nhưng hôm bpk ghé Lumbini thì chùa Linh Sơn đó đóng cửa để tu sửa nên bpk không vào được. Ngoài ra, trên đường từ Bhairawa (hầu như là điểm dừng bắt buộc để chuyển xe trước khi đến Lumbini) vào Lumbini, bên tay phải, bạn sẽ thấy 1 Cô Nhi Viện (có ghi tiếng Việt) của Chùa Linh Sơn. Nếu bạn có thời gian và quan tâm, bạn cũng có thể ghé thăm. Chừng nào bạn đi Ấn vậy?
………………………………………..

(cont.)



Bạn có biết là chiều hôm qua tôi nhịn đói trên tàu vì đâu có chuẩn bị gì, mà cũng đâu có ngờ tình hình lại bi đát giống vậy. Mà thỉnh thoảng tàu ngừng ở các ga thì thiên hạ có xuống mua lấy cái gì đó để chén nhưng tôi thì lo ngồi ôm cái balo có dám đi đâu đâu. Xuống tàu lúc khuya, lo tìm đường về nhà trọ, đến nơi, làm thủ tục giấy tờ … xong xuôi lên phòng là 1.30am, chính xác luôn. Giờ đó thì còn ăn uống gì nữa, do vậy trong giấc ngủ chập chờn, có tiếng kêu gào sùng sục của cái bụng rỗng. May mà tôi cũng đã quá quen với chuyện này, đôi lúc đi chơi bụi cũng là 1 phương thức điều trị béo phì hữu hiệu, sao ai đó lại không thử ta?


Varanasi nổi tiếng về nhiều điểm nhưng có 2 thứ mà LP hay bất cứ các sách, tour du lịch nào cũng khuyến cáo nên tham dự, đó là tour đi thuyền trên sông, lúc bình minh và lúc hoàng hôn. Biết là vậy, nhưng sáng hôm sau, tôi vẫn không thể dậy sớm được để đi ngắm bình minh, dù tôi đã thức giấc rất sớm. Bị đánh thức, bởi những chú bò. Yogi Lodge nằm trong 1 con hẻm rất nhỏ, bề ngang khoảng 1m, vậy mà có nhiều chú bò lang thang vào tận đây. Đêm qua, lúc đi theo anh chủ nhà trọ, tôi đã rất vất vả để tránh những bãi phân bò to tướng nằm chình ình trong ngõ nhỏ tối đen tối mù. Trước Yogi Lodge là 1 cái giếng xưa, hơi rộng rãi nên có 1 -2 chú bò cứ tập trung nơi đây. Không biết vì lạnh, đói hay cô đơn mà những tiếng rống của các chú lúc sáng sớm nghe rền vang như những trái đại bác bắn phá vào giấc ngủ chập chờn của tôi.


Lý do tôi quyết định không đi thuyền ngắm bình minh trên sông sáng nay là vì còn quá lạ nước lạ cái với vùng đất này. Tôi cần có thời gian để tìm hiểu, làm quen trước, vả lại, tôi vẫn còn nhiều thời gian ở đây mà. Do vậy, tôi chỉ rời nhà khi trời đã sáng hẳn, dù sương vẫn còn đôi chút đó đây. Từ nhà nghỉ, dù có bản đồ, tôi vẫn đi lạc khi ra phố. Và để cho chắc ăn, từ ngoài phố, tôi hỏi anh cảnh sát chỉ đường tôi vào lại nhà nghỉ và tôi đã đi ra đi vô 2 lần, chọn 1 vài điểm mốc để khỏi lạc nữa. Rồi sau đó, tôi mới bắt đầu lững thững đi xuống bờ sông, viếng thăm sông Hằng huyền thoại – đã nhiều lần tôi mơ.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190920.jpg
Sông Hằng trong một buổi sáng mùa đông


(tbc.)

Chitto
12-10-2009, 11:37
Rất tiếc là "chùa Việt" trên đất Phật lại không có vẻ gì là "Việt" cả. Theo tôi thấy thì ngay cả chùa do Thượng tọa Huyền Diệu dựng cũng không mang được cái hồn chùa Việt.

Tất nhiên còn tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, cũng như nguồn tài chính, hay sự quan tâm của nhà nước (muốn để lại dấu ấn trên một vùng đất có tính quốc tế), nên không thể có được ngôi chùa đặc trưng - kín đáo, mái cong, thâm trầm, kiến trúc chữ Công hoặc chữ Đinh đặc trưng của chùa Việt.

Dù sao cũng nuối tiếc một chút. Nhất là nghe chuyện có 2 ngôi chùa của người Việt, nhưng ngôi chùa kia thì từ trong ra ngoài là làm kiểu Tàu, và đặc biệt là hai bên còn ghét nhau !. Không biết thực hư đến mức nào, nhưng cũng buồn một chút nữa.

backpackervn
12-10-2009, 17:25
@ Chitto, bpk không rành lắm về kiến trúc của chùa vì không được hướng dẫn, học hành nghiêm túc về phần này. Bạn xem thử kiến trúc của Việt Nam Phật Quốc Tự như hình ở dưới đây như thế nào nhé. Theo bpk còn nhớ láng máng trong cuốn “Khi hồng hạc bay về” (đọc cũng lâu lâu rồi) thì Việt Nam Phật Quốc Tự là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở đây (dĩ nhiên là không tính từ những ngôi chùa từ nhiều thiên niên kỷ trước), do thầy Huyền Diệu bỏ công gầy dựng và quyên góp, từ lúc Lumbini vừa còn là sình lầy và rừng rậm nhiều thú dữ. Hình như không có sự đóng góp của của nhà nước thì phải. Chỉ nghe thầy kể trong đó là lúc xây ngôi chùa thầy đã về Việt Nam nghiên cứu rất nhiều các chùa Việt Nam. Bpk còn nhớ thầy đề cập đến độ cong vừa phải của các đầu hồi thể hiện tính thâm trầm của người Việt, cũng như cấu trúc của con rồng ở đây là rồng Việt, khác rồng TQ... Có gì bạn bổ sung thêm nhé. Còn về chùa Linh Sơn thì bpk cũng đã nói me mé ý của mình trong các bài trước rồi.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB160540.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB160575.jpg
Việt Nam Phật Quốc Tự và cổng chùa ở Lumbini
..................................................


(cont.)


Con đường từ ngoài đường vào Yogi Lodge đi ngang qua 1 cái chợ mà đêm qua tối thui, tối mò tôi đâu có biết. Đổ ra ngoài đường, rẽ trái vài chục bước là đi xuống bờ sông mà lúc đầu tôi lại không biết cứ đi ngược lại, sau thấy đoàn khách Tây già đang ngoan ngoãn xếp hàng theo 1 bạn cầm cờ đỏ đi về hướng đó, tôi mới lon ton đi theo, chẳng mấy chốc đã đến bờ sông, ngay Dashashwamed Ghat. Như vậy, từ nơi tôi trú ngụ đi ra đây cũng rất gần. (Thực ra có rất nhiều đường hẻm thông vào Yogi Lodge. Tối hôm qua, anh chủ nhà trọ muốn tôi đứng tại Đền Vàng để anh ra đón, vì chỗ đó khuya vẫn đông người và để tôi dễ hỏi đường người ta đến ngôi đền đó mà thôi.)



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB201194.jpg
Đường phố Varanasi khu gần bờ sông đông đúc nhờ sự đóng góp của những chú bò (có đến 2 chú trong hình này đấy)


Đường phố đông đen lúc sáng sớm và có cả các chú bò cũng tham gia góp phần làm đường phố thêm đông. Rất nhiều tiếng người chèo kéo du khách trước các cổng xuống ghat, may là tôi đi một mình, lại nhỏ con so với người Ấn nên tôi giả điếc làm ngơ nhanh nhẹn lướt tọt qua các tay cò, đủ thứ loại, để xuống đến bên bờ sông.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190925.jpg
Sông Hằng trong chút sương muộn, những còn đò vẫn ngược xuôi đi về trên sông


(tbc.)

backpackervn
12-10-2009, 17:38
(cont.)



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190911.jpg
Một trong những bến đò nơi bờ sông, giờ thì lặng lẽ, để trở nên ồn ào nhộn nhịp lúc ngày lên hay khi đêm xuống


Sông Hằng đây rồi, nhưng sao không giống như tôi đã từng nghĩ (ở nhiều năm trước thôi, còn thời gian gần đây, khi lang thang qua con sông thiêng Bagmati, Nepal, thấy L.P. so sánh sự ô nhiễm giữa sông Hằng và sông Bagmati thì tôi cũng đã nghĩ khác rồi). Sông rộng nhưng không xanh trong mà đùng đục, không phải cái đùng đục mạnh mẽ kiểu phù sa của dòng Cửu Long mà cái đục vì có nhiều rác và bụi bẩn – tôi cảm nhận như vậy. Bên bờ sông vẫn có nhiều những người dân rất thành kính tắm rửa ngụp lặn mê đắm trên sông. (Theo LP, giờ đây dường như không có oxy hiện diện trong nước sông Hằng, nhất là đoạn chảy qua Varanasi. Cũng theo LP, trong 100ml nước sông Hằng có đến 1,5 triệu vi khuẩn coliform, mà tiêu chuẩn nước an toàn chỉ để tắm thôi là số vi khuẩn này phải ít hơn 500 con/100ml.). Phần lớn những người dân đang tắm bên sông ở đây đều đi từ nơi xa đến. Họ thường đi cả gia đình và tất cả đều rất vui vẻ tắm rửa, gột sạch những tội lỗi và cả bụi trần trên dòng sông linh thiêng.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB201127.jpg
Hạnh phúc gột rửa bụi trần trong dòng sông thiêng


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190914.jpg
Các holyman bên bờ sông


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190916.jpg
Đi lang thang bên bờ sông, tôi lại thích những tiểu tiết nhỏ như cây bồ đề "cổ thụ" mọc trên vách tường đá này. Có khác gì cuộc chiến giữa cây & đá ở Angkor đâu?


P/S: Tip cho bạn: Nhân nhắc đến chuyện cò mồi ở Varanasi, bạn có biết tuyệt chiêu tôi sử dụng trong thời gian ở Varanasi không? Nếu im lặng mãi vẫn không từ chối các cò được, tôi cứ lắc đầu và “No speak Enghlish!” rồi bỏ đi. Chiêu này rất hiệu quả vì tất cả các bạn cò mồi từ bán cần sa, đến massage, đến đi thuyền, đến… đều bắt đầu bằng câu chào “Where are you from? How are you doing?....” Rồi sau đó là gạ gẫm đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, mà cứ đi 3 bước là gặp. Do vậy, nếu không có ý định làm phóng sự tìm hiểu cuộc sống nơi đây thì tốt nhất nên thô lỗ 1 tý, từ chối cuộc giao tiếp ngay từ đầu. Thật đó. Thêm 1 màn nữa là ở đây, sau câu chào là họ đưa tay ra bắt tay mình, mà mình có biết tay họ sạch hay không sạch, nhất là ở thời buổi vi trùng virus, cúm chim, cúm heo... này nữa. Do vậy cứ bơ bơ giả vờ lơ ngơ như con gà mái tơ, rồi lượn, là yên thân.


(tbc.)

trantrakhuc
12-10-2009, 22:27
[QUOTE=backpackervn;132637][I]@... Với lại, khi chia sẻ về các vùng đất thiêng, ở Ấn Độ cũng như các nơi khác, sẽ phải rất thận trọng, về cả các mặt tình cảm, tâm linh, thông tin… chứ không như kiểu bpk gõ bài cà tưng cà giựt về các điểm du lịch ăn chơi nhảy múa khác.


Backpack thân mến,
Có một số việc muốn hỏi bạn, tôi sẽ xin pm hay email cho backpack.
Nhưng bài học đầu tiên mà tôi xin học và cảm ơn bạn là từ reply trên đây.
Xin chân thành cảm ơn backpackvn nghe.
Lần nữa, tôi cảm ơn bạn thật là nhiều.
TTK

backpackervn
13-10-2009, 11:27
@ trantrakhuc, cám ơn sự chân tình của bạn! Nhưng bạn làm bpk ngại quá! Rất mong là sắp tới sẽ được bạn chia sẻ cảm giác tuyệt vời sau chuyến đi Ấn Độ - Nepal.
.................................................. ..


(cont.)


Sáng nay, ý định chính của tôi là ra thăm sông Hằng, lần đầu tiên trong đời, để được tận mắt nhìn thấy con sông đã đi vào huyền thoại, thơ ca... Và tôi đã đến đây rồi. Thơ thẩn bên sông, tôi nhìn trời, nhìn đất, nhìn sông, nhìn người, nhìn cuộc sống nhộn nhịp bên sông, bên đời… nhìn sông Mẹ có lẽ đang ngày càng trĩu buồn vì gồng gánh mỏi mệt những tội lỗi, những bụi bặm trần gian ngày càng dồn dập về như lũ mùa vì những cuộc mưu sinh, cạnh tranh, bon chen mà người hiền ngày càng khó sống, của cuộc đời ngày càng phàm tục, càng nhiều tham vọng, dày mưu mô… mà con người đã trút xuống dòng sông, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Người đến rồi về thơ thới hân hoan trong thân xác tươi mới nhẹ nhõm, tội lỗi để lại bên bờ sông, trong lòng sông, để rồi, chính con sông lại chở nặng những tội đày, oằn mình chảy … Chảy đến bao giờ sông ơi? Bao giờ sông lại trong? Đến bao giờ…?


Lòng vòng bên bờ sông, không dự định lang thang nhiều, nên sau khi quanh quẩn ở gần khu Dashashwamed, tôi rẽ trái đi dọc bờ sông tiếp để đi từ cái ghat nổi tiếng nhất dọc bờ sông Hằng ở Varanasi, ghat Dashashwamed này, đi qua vài ghat có niên đại từ những năm 1.600 để lên đến ghat Manikarnika, ghat làm lễ hỏa táng lớn nhất ở Varanasi. Các ghat này do các quốc vương hoặc các quận công giàu có xây dựng nên trong vài trăm năm gần đây. Tuy không mang lại được kiến trúc huy hoàng của thành Varanasi của 3.500 năm về trước, nhưng những chiếc ghat với các kiến trúc độc đáo này đã làm cho Varanasi đã mang một vẻ duyên dáng bên sông rất lạ.


Tôi muốn đến Manikarnika, sau khi đã viếng thăm sông Hằng để tìm hiểu, chiêm nghiệm thêm về tập tục hỏa táng của người Hindu, … Trước đây vài tháng, tôi có một người bạn, nữ, cũng từng đi đến Varanasi 1 mình, đã ngồi bên bờ sông ở ghat Manikanika cả ngày trời, để chiêm nghiệm về sự ngắn ngủi của một kiếp người. Khi về Sài Gòn, bạn có chia sẻ lại cảm nhận về “cuộc sống sao mà phù du” ngay lúc đó của bạn, và cả việc bạn bỏ cơm cả mấy ngày sau mỗi khi liên tưởng đến mùi mỡ người cùng khói bốc lên đậm đặc, quẩn quanh hoài ở 1 khúc sông... Cũng “may” (?!) là tôi đã từng ngồi cả buổi để quan sát nghi lễ hỏa táng ở bờ sông thiêng Bagmati, kế bên đền Pashupatinath, Kathmandu, nên tôi cũng bớt lạ lẫm hay ít bị sốc, chỉ có chút ngạc nhiên về 1 điều khác. Ở Nepal, người ta xây từng bệ xi măng hay bê tông bên bờ sông và thủ tục được tiến hành trên đó nên mọi thứ trông gọn ghẽ, tươm tất. Còn ở đây, người ta chất củi thành từng ụ bên bờ sông, rồi cứ thế mà đốt, luân phiên hết chỗ này chuyển qua chỗ khác rồi quay lại chỗ cũ, nên trông bờ sông nơi tiến hành nghi lễ hơi lộn xộn và ít vẻ trang nghiêm.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190917.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190918.jpg
Ghat Manikarnika, nơi tiến hành nghi lễ hỏa táng lớn nhất ở Varanasi


Thêm 1 điều khác nữa là ở đây cấm chụp hình, (bị bắt sẽ phạt tiền rất nặng) không như bên Nepal, bạn có thể chụp hình tự nhiên (đừng quá thô lỗ, lăng xăng chạy tới chạy lui chọn góc hình đẹp (!?) lúc tang gia bối rối… là được). Rồi thêm 1 điều nữa là ở đây luôn có các cò từ gạ gẫm đến dụ dỗ rồi hù dọa khách về việc mời đến nơi có vị trí tốt để xem các nghi lễ này, không được thì hù dọa là cấm không cho người ngoại đạo vào xem… Nhưng tôi cứ lờ đi tất cả để đến tận nơi. Và khác với ở Nepal, khách chủ yếu ngồi từ bờ sông bên này nhìn sang lễ hỏa táng bên kia (sông rộng chừng 8-10m, cỡ kênh Nhiêu Lộc), còn ở đây, thiên hạ (nhất là mấy bạn khoai Tây) xông đến đứng ngồi rất gần nơi làm lễ, làm bpk cũng tò mò lân la theo đóm ăn tàn ghé đến gần hơn, nên cảm giác lại “thật” hơn, nặng nề hơn và ám ảnh nhiều hơn khi nhìn thấy rất gần mọi công đoạn, quá trình của việc hỏa táng, có khi chỉ cách 3-4m trước mắt mình. Rất ấn tượng và ám ảnh khi nhìn những thân xác vừa mới đó, giờ đang cháy đen, rồi thành tàn tro trong củi lửa đang phừng phực suốt ngày đêm nơi đây... Các nghi lễ hỏa táng cho từng người có phân biệt khác nhau bởi gỗ tốt gỗ xấu, có bổ sung gỗ có hương liệu hay không… nhưng mỗi một phận người giờ chỉ cần vài ba giờ đồng hồ là về với đất trời, với sông Mẹ… Sao vẫn còn mê mải!


(tbc.)

chaubaogia
13-10-2009, 12:08
[I]
@ chaubaogia, còn nợ 1 chuyến đi Siphandon thăm Mr. Phao, uống Laolao đó nghen! Việc bpk đi một mình, cũng bình thường, riết rồi quen, rồi đến mức sợ! Không phải là sợ cho những chuyến đi một mình tiếp nữa, mà sợ rồi mai mốt đi nhiều mình lại không được (?!). Vì cứ đi một mình, tự tung tự tác quen, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, kế hoạch muốn đổi thì đổi… chẳng phải suy nghĩ nhiều, sợ đi theo nhóm thì phải tuân thủ luật lệ của nhóm… “mất tự do”. Nói vậy thôi, chứ khả năng “thích ứng” là 1 trong những điều kiện quan trọng để sống còn và phát triển của con người mà, bpk đi chơi nhóm cũng OK lắm nhưng tại bạn bè bpk không có thời gian để đi như bpk nên mình phải tự lo liệu lấy. Bây giờ chỉ mong là có điều kiện để đi thôi, một mình hay nhiều mình không còn là vấn đề nữa rồi.

Về chùa Linh Sơn ở Kushinagar, rất dễ tìm. Khi xe bus từ Gorakhpur đến Kushinagar, sẽ bỏ bạn xuống ở ngã 3 (có cái cổng chào, trong bài trước bpk có đưa hình lên đó). Bạn đi bộ vào làng, sau khoảng 200-300m bạn sẽ thấy bên tay trái có cái chùa hơi giống chùa Tàu (vì không có chữ tiếng Việt trước cổng). Đó cũng là cái chùa đầu tiên bạn sẽ gặp, do vậy bạn khó có thể nhầm lẫn được. Vì trong L.P không có bản đồ Kushinagar nên có lẽ bạn thấy hơi hoang mang ban đầu, nhưng đến nơi, nó nhỏ xíu à, nên bạn đừng ngại.


Ở Lumbini (Nepal) cũng có 1 ngôi chùa Linh Sơn khác cũng rất to lớn, nhưng hôm bpk ghé Lumbini thì chùa Linh Sơn đó đóng cửa để tu sửa nên bpk không vào được. Ngoài ra, trên đường từ Bhairawa (hầu như là điểm dừng bắt buộc để chuyển xe trước khi đến Lumbini) vào Lumbini, bên tay phải, bạn sẽ thấy 1 Cô Nhi Viện (có ghi tiếng Việt) của Chùa Linh Sơn. Nếu bạn có thời gian và quan tâm, bạn cũng có thể ghé thăm. Chừng nào bạn đi Ấn vậy?

(tbc.)

Vì bà con của mình hay đi chùa, dạo này các bác cũng thích đi chùa VN ở ngoại quốc ( ưu tiên châu Á). Mình đang trong quá trình tìm hiểu và lên lịch trình cho các bác là chủ yếu, chứ bản thân mình thì cũng thích đi Ấn lâu rồi mà chưa có dịp, chưa có thời gian.

Ừ, mình vẫn nhớ còn nợ bạn 1 chuyến Siphandon thăm lại Mr. Phao uống Làolao, khi nào mình và bạn ai có hứng thú đi thì hú nhé.

QuynhEm
13-10-2009, 14:44
Rất ấn tượng và ám ảnh khi nhìn những thân xác vừa mới đó, giờ đang cháy đen, rồi thành tàn tro trong củi lửa đang phừng phực suốt ngày đêm nơi đây... Các nghi lễ hỏa táng cho từng người có phân biệt khác nhau bởi gỗ tốt gỗ xấu, có bổ sung gỗ có hương liệu hay không… nhưng mỗi một phận người giờ chỉ cần vài ba giờ đồng hồ là về với đất trời, với sông Mẹ… Sao vẫn còn mê mải!

(tbc.)

Mình bị ám ảnh rồi, "sao vẫn còn mê mải". Có cái gì lớn hơn nút Thanks để bấm cho bpk không nhỉ?(wait)

gianghonuamua
13-10-2009, 16:24
Mình chứng kiến cảnh hỏa thiêu ở VN, ám ảnh đến tận bây giờ, đời người sao mà phù du thế, ngược xuôi bon chen rồi cũng chỉ là một nấm to tàn, rồi cũng trở về cát bụi, cảm ơn bạn bpk nhiều vì mình vẫn chưa được phép bấm nút thanks!

backpackervn
14-10-2009, 10:01
(cont.)


Tôi ngồi lặng bên bờ sông, sông Hằng vẫn lờ lững chậm trôi trong 1 buổi sáng trời đùng đục không có nắng. Trên dòng sông xám, nhiều con thuyền nhỏ to ngược xuôi qua lại, đi về. Có những đoàn khách tham quan lặng lẽ quan sát, để có thể hiểu được phần nào cuộc sống tâm linh huyền bí nơi đây, có những con thuyền nhỏ chở đầy hàng hóa của những người dân đang bán buôn kiếm sống tất tả ngược xuôi, có những con thuyền chở đoàn người hành hương vui mừng hát ca rộn ràng trên dòng sông thiêng liêng họ mơ được viếng 1 lần trong đời, rồi có chết cũng mãn nguyện…. Nhưng cũng có những con đò nhỏ lặng lẽ chầm chậm trôi trên sông, theo sau là thật nhiều những chú chim bay lượn dập dìu. Hỏi han và nhìn kỹ mới biết, đó là những chiếc thuyền đi rải tro tàn của những phận người đã không đến được sông thiêng trước khi mất. Không phải ước nguyện 1 lần đến sông Hằng nào ai cũng sẽ có, không phải ước mong khi mất được hỏa táng bên bờ sông thiêng ai cũng làm được… do vậy, để thỏa ước nguyện được đến sông Hằng, trở về với cát bụi, với Mẹ sông Hằng, nhiều người đã mang tro tàn của những người thân từ xa xôi đến đây, rải trên sông Hằng, để thỏa ước nguyện cuối cùng của người thân, để người ra đi được hạnh phúc trở về bên sông Mẹ. Ngoài kia thuyền đang trôi hay sông đang trôi...? Ra đi hay trở về…? Hay ra đi để trở về...?



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190938.jpg
Những con đò lặng lẽ rải tro tàn của những kiếp người trên sông Mẹ.


Lang thang bên sông Hằng trong 1 buổi sáng với quá nhiều cảm xúc lộn xộn và như đang muốn vỡ òa trong tôi, rất lâu mà tôi vẫn chưa “định thần” lại được. Do vậy, tôi rời bến sông, leo lên 1 cái nhà hàng ở sân thượng của 1 tòa nhà cao tầng cũng ngay bên bờ sông. Nhưng sao ở đây bỗng như ở 1 thế giới khác, khi những thứ lao xao, ồn ào,… giờ cứ chậm chậm im tiếng… trôi từ từ bên dưới, rất xa, như tôi đang xem 1 cuốn phim chiếu chậm nào vậy… trên 1 khung nền xám của sông Hằng một sáng mùa đông, nắng còn ngủ muộn trong mây…



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190940.jpg
Quán trên cao thoáng đãng, như tách xa khỏi bờ sông ồn ào xô bồ bên dưới


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190922.jpg
Nhìn xuống sông Hằng xa xa vẫn còn mờ mờ trong sương muộn


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190924.jpg
Các kiến trúc bên bờ sông nhìn từ quán. Kiến trúc đặc sắc của các ghat tạo cho bờ sông Hằng có nét lôi cuốn rất riêng.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190928.jpg
Có những chú chim xanh cứ hồn nhiên vui đùa giữa chút sương mỏng và những làn khói bay lên từ các ghat đang làm nghi lễ hỏa táng. Có phải là chim Vàng Anh của ai đó còn vấn vương?


Tôi đã có 1 bữa sáng tươm tất đầu tiên, kể từ lúc sang đến Ấn Độ đến giờ, ở đây. Thong thả nhấp từng ngụm café ấm áp, trong gió sáng mát lạnh nhè nhẹ trên cao, tôi để những cơn gió lành mang đi bớt những cảm xúc ngập tràn, thanh thản ngắm sông Hằng mờ xa, trôi chầm chậm như đang sắp ngừng trôi, bên dưới, suy nghĩ về các dự định của hôm nay và những ngày sắp đến. Để lòng nhẹ hơn, tôi quyết định sẽ đi đến viếng miền đất Phật Sarnath (Vườn Lộc Uyển) ngay bây giờ, trước khi quay lại tiếp tục khám phá miền đất huyền bí Varanasi. Đây là điều tôi vẫn thường cố gắng làm, mỗi khi lòng có quá nhiều tội lỗi hay nhiều vấn vương, xáo trộn… tôi cần được đến dưới bóng từ bi, để lòng tịnh lại, tâm an hơn…


(tbc.)

Nheva
15-10-2009, 10:42
Bpk thân mến, bạn viết rất hay, mình rất thích văn phong của bạn
Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa, nếu mở đầu câu chuyện mỗi chuyến đi , bạn ghi rõ ra lịch trình cả chuyến đi của bạn để mọi người có cái nhìn tổng thể và tiện dõi theo hành trình của bạn thì hay biết mấy
Hơn nữa những ai có ý định nối gót bạn đến đó sẽ có thể học tập hoặc rút kinh nghiệm từ lịch trình của bạn
Cảm ơn nhiều

backpackervn
15-10-2009, 11:56
@ Nheva, cảm ơn bạn nhiều nhiều nghen. Bpk sẽ lưu ý cho các bài khác (nếu có). Ở loạt bài này thì ý của bpk hơi khác, bpk chỉ muốn giới thiệu sơ lược về cung đường, bằng cách giới thiệu những điểm nhấn qua các tấm hình ở các bài mở đầu. Chi tiết cung đường sẽ đi theo mạch của câu chuyện kể về chuyến đi và sẽ được tổng kết vào cuối topic. Nhưng bạn nào muốn PM hỏi chi tiết cụ thể về hành trình thì bpk rất sẵn lòng chia sẻ. Thân mến!
………......................................... .........................................



Thật lạ, Varanasi là thánh địa của người Hindu với dòng sông Hằng linh thiêng, cũng là nơi gần kề với Thành Xá Vệ, tên tiếng Anh là Sarnath, 1 trong 4 vùng đất thiêng của Phật giáo, nơi ngày xưa Đức Phật đã giảng kinh, thuyết pháp cho rất nhiều tăng sư cũng như những người mộ đạo, ngay sau khi Ngài đắc đạo tại Bodhgaya. Đây cũng là nơi vào TK III trước Công Nguyên, Quốc vương Ấn Độ Ashokar đã cho xây dựng những tu viện, bảo tháp to lớn, cùng trụ đá với những sắc dụ nổi tiếng của ông. Vào những năm 640, cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường cũng đã đến viếng miền đất thiêng Sarnath này. Lúc này, Phật giáo còn đang hưng thịnh ở Ấn Độ, nơi đây còn có tòa bảo tháp cao 100m, nhiều tu viện to lớn với hơn 1.500 tăng sĩ cư ngụ… Sau đó là thời gian suy thoái của đạo Phật tại đây, những đạo quân Hồi giáo đã tràn qua tàn phá và hầu như đã phá hủy sạch sẽ nơi đây. Thành phố Sarnath cũng biến mất, không còn cư dân sinh sống. Mãi đến năm 1835, những nhà khảo cổ học người Anh mới khám phá, phát hiện và khai quật lại thời vàng son lộng lẫy của Sarnath.


Nằm cách trung tâm Varanasi khoảng 10km, từ bờ sông Hằng, bạn có thể đi taxi hoặc xe lôi máy lên đến tận Sarnath, với giá khoảng 200Rp. Nếu không, bạn đi xe lôi đạp (30Rp) lên đến bến xe bus đi Sarnath, nằm ngay trước ga Varanasi, đi xe bus mất thêm 10Rp nữa sẽ đến nơi. Dĩ nhiên là tôi đi bằng phương tiện này. Đi xe lôi đạp chầm chậm ngắm nghía phố phường Varanasi xem sao, vả lại tôi còn phải quay lại ga Varanasi chuẩn bị vé, hỏi thăm thông tin đi Gaya nữa, nên đi xe lôi là thích hợp nhất, lại tiết kiệm nữa (mách nhỏ, bia ở đây đắt gấp đôi bên Nepal, nên cần phải tiết kiệm mấy khoản khác nhiều hơn nữa (!)).



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190943.jpg
Đường phố Varanasi, đoạn vừa ra khỏi khu bờ sông – đông ơi là đông


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190944.jpg
Lên chút nữa thì đường vắng hơn, giờ thì các chú bò thiêng cứ xem đường là nhà, thảnh thơi nằm nhai cỏ. Cái xe có tên Rickshaw mỹ miều trong L.P là cái xe lôi đạp này đây. Tôi cũng đang ngồi chễm chệ trên đó nhưng 2 tay ôm khư khư cái túi xách và cái máy chụp hình vì Varanasi cũng có tiếng về nạn giựt dọc.


Chiếc xe bus đến Sarnath lúc mặt trời cũng đã lên khá cao, bỏ tôi xuống ngay ngã 3 vào khu di tích với con đường vào thị trấn, vì xe còn đi tiếp 1 đoạn vào phố. Tôi hân hoan nhảy xuống miền đất linh thiêng. Như vậy, tôi đã may mắn đến được vùng đất thiêng thứ 3 của Phật giáo, sau Lumbini và Kushinagar. Niềm tự hào và hạnh phúc chợt ùa về trong tôi. Xin chào vườn Lộc Uyển, chào Sarnath

(tbc.)

backpackervn
15-10-2009, 12:00
(cont.)


Thay vì đi thẳng vào trong thành xưa Sarnath, bây giờ tôi lại đi ngược đường trở ra, vì lúc nãy trên đường xe chạy, tôi có thấy có 2 khu di tích trông cũng rất lôi cuốn. Đó là quần thể chùa Thái đang xây dựng và di tích của Chaukhandi Stupa nổi tiếng. Chúng ta bắt đầu thăm chùa Thái trước nhé.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190945.jpg
Đường vào chùa Thái


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190947.jpg
Nét duyên dáng cao ráo khó lẫn vào đâu của chùa Thái


Quần thể chùa chiền và cả tu viện của Phật giáo Thailand đang bắt đầu được xây dựng tại đây. Nhiều công trình chỉ vừa mới bắt đầu. Chùa chắc cũng có tài trợ việc học tập cho các em học sinh nên trong khuôn viên có rất nhiều các em chơi đùa và đều rất ngoan ngoãn. Không có các bảng nói về các điển tích, sự tích nên tôi đi lang thang trong chùa nhìn ngó thôi chứ cũng không biết được nhiều.


Trong chùa, rất ấn tượng là bức tượng chỉ của 1 gương mặt Đức Phật thôi nhưng rất to. Vì chưa thấy ai chỉ thờ phụng 1 gương mặt của Ngài không thôi nên tôi nghĩ đây sẽ là một phần trong 1 bức tượng lớn – mà sao lại làm tượng tách bạch như vậy. Tôi không hiểu nhưng không biết hỏi ai nên chỉ ôm những câu hỏi vào lòng. Trong khuôn viên còn có ngôi chùa theo kiến trúc Thailand nhưng rất lạ là những bức tượng Phật đứng chỉ khác nhau với các tư thế của 2 bàn tay. Tôi có biết chút chút về các tư thế bàn tay khi Ngài ngồi, về các giai đoạn trong quá trình tu và đắc đạo của Ngài, nhưng các tư thế đứng này tôi không biết. Bạn nào biết giải thích giúp nhé.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190946.jpg
Gương mặt thánh thiện của Đức Phật


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190950.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190956.jpg
Các tư thế khác nhau của các tượng Phật


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190949.jpg
Những người bạn Ấn dễ mến


Trong khuôn viên này, tôi có chụp hình giúp một gia đình người Ấn đi viếng chùa. Họ vui vẻ cảm ơn và cả ngày hôm đó tôi lại gặp họ rất nhiều lần trong thành Sarnath, tôi đều nhận được những nụ cười chào, dù có lúc tôi đã quên bẵng họ, khi họ lẫn vào đám đông đang thành kính đi lễ.


(tbc.)

backpackervn
15-10-2009, 12:05
(cont.)


Chỉ dừng trong khuôn viên chùa Thái một thời gian ngắn, tôi lại đi ngược ra tiếp đến Bảo tháp Chaukhandi. Đây là nơi Đức Phật gặp 5 vị đệ tử đầu tiên của người. Bảo tháp Chaunkhandi được xây dựng vào khoảng TK IV-V Công Nguyên, cũng có những tài liệu nói rằng cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường cũng đã đến đây vào TK VII. Bảo tháp này được phát hiện vào 1835 và khai quật, trùng tu mãi đến 1904-1905, có chiều cao khoảng 30m. Trên đỉnh của bảo tháp, đặc biệt có 1 tháp bát giác, kiến trúc Mughal, được xây dựng sau này, vào 1588 để tưởng nhớ cuộc viếng thăm nơi đây của vị quốc vương Hồi giáo vĩ đại Humayan.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190960.jpg
Chaukhandi stupa nhìn từ cổng chính


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190969.jpg
Và góc sau


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190970.jpg
Rồi cận cảnh tháp bát giác.


Trải qua thời gian bao nhiêu năm, bảo tháp vẫn còn giữ được hình dáng uy nghi dù những viên gạch, những gờ cạnh, những phù điêu đã mòn đi biết bao nhiêu theo dấu thời gian. Dù bạn thấy có người trên bảo tháp nhưng việc leo lên bảo tháp là điều cấm. Bpk không thể leo lên đó như những bạn trẻ Ấn nên đành chiêm ngưỡng bảo tháp từ bên dưới và đi vòng thật nhẹ quanh bảo tháp, mới phát hiện sau lưng khu vườn bảo tháp hiện đang được đào bới rất nhiều để xây dựng 1 công trình gì đó. Không biết nó có ảnh hưởng đến bảo tháp hay không. Trong khuôn viên và ở công viên kế bên bảo tháp Chaukhandi cũng có rất nhiều những cây bồ đề to lớn với rất nhiều chú sóc hồn nhiên chơi đùa, thỉnh thoảng gương những đôi mắt đen ngây thơ nhìn khách lạ, như hỏi, như chào.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190966.jpg
Những chú sóc hồn nhiên, dạn dĩ


(tbc.)

backpackervn
16-10-2009, 09:47
(cont.)


Sau khi lang thang trong Chaukhandi stupa vắng vẻ và yên bình, tôi bắt đầu đi trở lại vào khu di tích chính của thành Sarnath. Bảo tháp Dhanekh còn sót lại, nằm trong 1 khuôn viên rộng lớn của những di tích của ngày xa xưa.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190980.jpg
Tài hoa của những nghệ nhân từ hơn 2.000 năm trước vẫn sáng ngời qua từng viên gạch vỡ.


Ở đây, mỗi phiến đá, mỗi viên gạch đều chất chứa một câu chuyện dài của 2.000 năm về trước. Thời gian và con người đã cùng nhau góp phần tàn phá nơi đây, nhưng những giá trị lịch sử vẫn còn mãi trường tồn. Khu vực này, theo sử sách, ngày xưa là cơ man những tu viện, chùa chiền, bảo tháp, lên đến cả ngàn. Quốc vương Ashokar trong thời gian đến đây cũng đã dừng chân rất lâu để tu tập trong 1 ngôi chùa lớn, gần nơi ông cho dựng chiếc cột đá nổi tiếng của mình, nhưng giờ những gì còn lại chỉ là những dấu tích….



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190981.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190977.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190993.jpg
Dấu xưa


Mỗi cụm đá, gạch bạn thấy nơi đây ngày xưa có thể là 1 ngôi chùa hay 1 bảo tháp, như dấu tích bên dưới chính là bảo tháp Dharmarajka được xây dựng bởi quốc vương Ashoka để cất giữ các thánh tích của Phật. Bảo tháp có đường kính 13.49m này đã bị phá hủy năm 1749 bởi quốc vương Jagatshingh. Khi đó, người ta phát hiện trong bảo tháp có một hộp bằng thạch anh đựng tro, nằm trong 1 hộp đá khác to hơn. Chiếc hộp thạch anh và tro đã được rải xuống sông Hằng, còn chiếc hộp đá hiện được lưu giữ trong bảo tàng, cùng với 2 bức tượng Phật, mới được tìm thấy gần đây, khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật lại Sarnath.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190978.jpg
Những gì còn lại của Dharmarajka Stupa


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190996.jpg
Thành kính


(tbc.)

backpackervn
16-10-2009, 09:54
(cont.)


Những người theo đạo Phật không thể không biết đến quốc vương Ashokar và công lao to lớn của người trong việc phát triển và tôn vinh đạo Phật. Di tích của ông để lại ở các vùng đất Phật được tìm thấy gần đây đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề ngày trước còn chưa được làm sáng tỏ về Phật giáo. Ở Sarnath, ông để lại nhiều di tích nhưng nổi tiếng nhất là chiếc trụ đá mang tên ông và tượng 4 chú sư tử chụm lại. Trụ đá ở Sarnath giờ đã gãy làm nhiều khúc nhưng vẫn dễ nhận biết vì những dòng chỉ dụ ông cho khắc trên đó có gần 2.300 năm tuổi. Cây cột đá nguyên thủy cao 15.25m, có đường kính ở gốc là 0.71m, ở đỉnh là 0.56m, đã được quốc vương Ashokar cho làm vào thế kỷ thứ III trước CN. Trên đỉnh của cây cột đá này còn có 4 chú sư tử đá oai vệ, mà giờ đang là biểu tượng nằm trong quốc huy Ấn Độ. Trên cột đá này có khắc 3 chỉ dụ của quốc vương Ashokar. Ở Lumbini, Nepal cũng có 1 trụ đá như vậy và vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị gãy như ở đây.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/Lion_Capital_of_Ashoka-1.jpg
Tượng 4 sư tử, giờ là quốc huy Ấn Độ, được giữ trong bảo tàng Sarnath (cấm chụp hình), hình từ net


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB190988.jpg
Các phần còn lại lại của cột đá Ashokar.


Dhanekh stupa là di tích còn được bảo quản tương đối nguyên vẹn nhất ở đây. Toà bảo tháp cao 34m, này được xem là để đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên, sau khi Ngài đắc đạo ở Bodhgaya. Hầu như thời gian đã bào mòn tất cả nhưng may mắn thay, đâu đó trên các góc của bảo tháp vĩ đại này, người ta vẫn thấy được những chạm trổ, hoa văn điêu khắc tinh xảo của 2.000 năm trước còn sót lại. Những hoa văn này, được cho là mới làm vào thế kỷ thứ V, còn ngôi bảo tháp làm bằng này gạch được cho là đã được xây dựng vào những năm 200 trước CN.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191020.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191005.jpg
Dhanekh stupa


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191006.jpg

https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191007.jpg

https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191012.jpg
Các hoa văn sắc sảo còn lại (một số đã trùng tu)


Tôi cứ miên man đi trong khu vườn thênh thang nắng, mênh mang những dấu tích xưa... lòng đã nhẹ tênh. Trong khu vườn, bên cạnh những khách Tây thơ thẩn như tôi thì còn lại là những đoàn khách hành hương, cả châu Á và những gia đình Ấn độ. Mọi người đều rất thành kính và im lặng, và có những đoàn người ngồi nghe giảng kinh kệ trên nền của 1 ngôi chùa ngày xưa, thật yên bình trong 1 trưa nắng nhẹ ở Sarnath. Giá bây giờ là 2500 năm về trước và tôi vẫn đang ở đây!


(tbc.)

Chitto
16-10-2009, 19:25
Giá bây giờ là 2500 năm về trước và tôi vẫn đang ở đây!



Nếu là 2500 năm trước, có lẽ nơi đó chỉ là một khu vườn, có lẽ đúng hơn là một khu rừng thưa, nhiều cỏ, cây cối không rậm rạp lắm. Chắc là không có gì khác nữa, ngoài một số chú hươu nhỏ đi ăn cỏ, xa cách với khu dân cư....

oilman
19-10-2009, 03:30
...
[I][CENTER]https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190943.jpg
Đường phố Varanasi, đoạn vừa ra khỏi khu bờ sông – đông ơi là đông


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB190944.jpg
...

(tbc.)

Làm tớ nhớ Ấn Độ quá.

backpackervn
19-10-2009, 14:10
@ chitto, bpk đang “phiêu” 1 tý thôi, ý bpk là “mơ ước” được nghe Phật giảng kinh ở đây, vào khoảng gần 2.500 về trước. Đang phiêu diêu trên trời, bạn cắt dây 1 cái, bpk té cái bịch xuống đất, trở về với thực tại rồi.

@ oilman, vậy bạn vào đây chia sẻ thêm thông tin về đất nước Ấn Độ mà bạn đang nhớ đi nhé. Cho topic đỡ nhàm chán vì chỉ đơn độc 1 giọng điệu.
.................................................. .

(cont.)



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191013.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191019.jpg
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, tình yêu vẫn muôn đời... khắp nơi nơi. - Trong vườn quanh Dahnekh stupa


Rời khu vườn thiêng có Dhanekh stupa, tôi vào tham quan Bảo tàng Khảo cổ học Sarnath. Bảo tàng rất hay nhưng vì cấm chụp hình nên tôi không chia sẻ nhiều được với các bạn. Bạn nào rành về Phật giáo vào đây sẽ mê mệt với các hiện vật nơi đây. Cả tượng 4 chú sư tử đá của quốc vương Áhoka cũng đang chễm chệ nơi đây. Hơn 2.000 năm đã qua mà các chú vẫn mạnh mẽ oai phong như ngày nào. Do không chuẩn bị về thời gian nên tôi không dừng lại ở đây nhiều lắm, nhưng chân tình khuyên các bạn nào muốn yêu mến hoặc muốn tìm hiểu về Phật giáo, các bước thăng trầm… qua các di tích,… nên dành thời gian đến đây thăm viếng.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191021-1.jpg
Bảo tàng khảo cổ học về Phật giáo ở Sarnath


Không nhiều chùa chiền như ở Lumbini, cũng ít hơn ở Kushinagar, bao quanh Sarnath cũng có chùa chiền của vài nước trên thế giới, cũng như của Ấn Độ. Và cũng không có chùa Việt Nam nào ở đây, dù trong chùa Mulganda Kuti Vihar có 1 bản kinh Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Việt khắc trên đá. Như vậy, có lẽ trong 4 miền đất Phật, chỉ có ở đây là chưa có chùa và sự hiện diện của các tăng ni Việt.


Ngôi chùa đầu tiên tôi viếng là Mulganda Kuti Vihar, được xây dựng vào năm 1931 bởi cộng đồng Mahabodhi Society, Srilanka. Bài thuyết giảng đầu tiên của Phật, kinh Chuyển Pháp Luân, vẫn được thuyết giảng lại tại đây hàng đêm, vào khoảng giữa 6-7pm, tùy theo mùa. Cây bồ đề trong khuôn viên chùa, được trồng vào năm 1931, có nguồn gốc từ Srilanka. Mà cái cây ở Srilanka, lại có nguồn gốc từ cái cây đầu tiên ở Bodhgaya, nơi Đức Phật đắc đạo. Cây bồ đề đầu tiên tại Bodhgaya cũng không còn nữa, cây hiện tại, mọc đúng tại vị trí Ngài đắc đạo, cũng lấy từ chính cái cây tại Srilanka. Tiếc là lúc đó chẳng hiểu tôi lơ đãng làm sao nên đọc lướt qua điểm này, khi rảnh rỗi đọc kỹ thấy mới thấy tiếc. Ngôi chùa này có kiến trúc rất lạ, và phần trang trí bên trong lại được thực hiện bởi 1 nghệ sĩ người Nhật. Màu sắc nâu nâu, kiến trúc thanh mảnh của ngôi chùa này rất ấn tượng. Nhiều gia đình đến đây rồi đi tiếp vào tham quan vườn nai bên trong. Lúc nãy mon men đi dọc theo bức tường bao quanh Dhanekh stupa, tôi cũng nhìn qua hàng rào và đã nhìn thấy mấy chú nai đáng yêu rồi nên tôi không vào nữa mà đi tiếp.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191025.jpg
Đường vào Mulganda Kuti Vihar


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191029.jpg

https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191034.jpg
Mulganda Kuti Vihar ở các góc nhìn


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191015.jpg
Vườn nai ở Sarnath

(tbc.)

backpackervn
19-10-2009, 14:16
(cont.)


Sarnath bé nhỏ, yên bình. Chỉ có vài nhà nghỉ ở đây, có lẽ do cũng gần Varanasi quá. Mà khách hành hương thì có thể xin ngủ trong chùa được, nên dịch vụ không phát triển nhiều nơi đây, thế mà hay.


Trên đường đến thăm chùa Tàu, tôi thong dong đi cùng đoàn các cô các dì đi làm đồng về. Chẳng khác gì những mẹ những dì lúc nào cũng lam lũ, cần mẫn, chăm chỉ… ở Việt Nam hay khắp châu Á. Và cũng phải nói là đi chung với những chú bò nữa chứ. Các chú lang thang khắp nơi, chẳng biết ai quản lý mấy chú này ta, ăn uống, bệnh tật, sinh nở… thì làm sao, vì tôi thấy các chú cứ đi rông ngoài đường cả ngày lẫn đêm.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191035.jpg
Trên con đường làng ở Sarnath


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191041.jpg
Các chú bé Sarnath, cái chú nhóc bìa phải đang mặc theo model gì vậy không biết nữa.


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191023.jpg
Một bức tượng Phật rất lạ so với những tượng tôi hay nhìn thấy (về gương mặt của Người), khi lang thang ở Sarnath


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191037.jpg
Bò cũng đi chùa? Phải không vậy trời?


Chùa Tàu ở đây lại rất đơn giản, không rồng phượng sơn son thếp vàng như hầu hết ở các nơi khác. Điều này làm tôi cũng hơi lạ lạ nhưng lại thấy mến mến hơn. Trong chùa, có thông tin ngắn gọn về cuộc đời và về chuyến đi Tây thiên thỉnh kinh của vị cao tăng Huyền Trang, và có 1 bản đồ ghi lại hành trình đó của ngài. Vì cao tăng cũng đã có ghé đến Sarnath trong hành trình gian khổ của mình và có ghi chú lại nhiều điều về vùng đất này, trong hành trình. Do nhờ những thông tin của ngài đã giúp nhiều người biết về vùng đất Phật này… nên miền đất này cũng cần tôn vinh người nhiều hơn.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191038.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191040.jpg
Ngôi chùa Tàu giản dị


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191039-1.jpg
Hành trình Tây thiên thỉnh kinh của cao tăng Huyền Trang. Sao không giống con đường của mình vậy ta?


(tbc.)

Chitto
19-10-2009, 14:50
[I]@ chitto, bpk đang “phiêu” 1 tý thôi, ý bpk là “mơ ước” được nghe Phật giảng kinh ở đây, vào khoảng gần 2.500 về trước. Đang phiêu diêu trên trời, bạn cắt dây 1 cái, bpk té cái bịch xuống đất, trở về với thực tại rồi.

Hị hị, tớ lại "cắt dây" thêm một lần nữa nhớ. Giả sử tất cả những kinh sách là hoàn toàn đúng sự thực, và vào đúng lúc đó, BPK lang thang ở khu rừng thưa đó, thì sẽ gặp mấy người ngồi túm tụm, quần áo bẩn thỉu rách nát, tóc tai dài thòng bết lại, râu ria chắc xồm xoàm. So với đám nông dân khổ sở cày ruộng, những người này trông có lẽ còn tiều tụy tệ hại hơn rất nhiều lần.

Một người xem ra có vẻ ốm yếu đói ăn nhất đang ra sức thuyết phục mấy người còn lại bằng một thứ ngôn ngữ cổ xưa mà chắc chắn BPK không hiểu gì, mà các vị cao tăng của thế giới hiện tại chắc cũng chẳng hiểu gì. Người đó có thể có đôi mắt rất sáng, hơi sức vẫn còn mạnh mẽ, nhưng chắc chắn nhìn bên ngoài thì rất là ghê rợn: giơ xương, hốc mắt trũng sâu còn mắt thì lồi ra, tóc dài dính bết chặt, móng chân móng tay dài, trên mình chỉ có mảnh vải rách không còn ra màu gì nữa.

Có khi lúc đó BPK cũng chẳng nhận ra được đó là ai...

2LúaMiềnTây
19-10-2009, 16:19
https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191039-1.jpg
Hành trình Tây thiên thỉnh kinh của cao tăng Huyền Trang. Sao không giống con đường của mình vậy ta?



Nhìn trên bản đồ, thấy Việt Nam mình lúc đó ở miền Trung đang còn trong thời kỳ của Vương quốc Chămpa.

Chitto
19-10-2009, 21:25
Nhìn trên bản đồ, thấy Việt Nam mình lúc đó ở miền Trung đang còn trong thời kỳ của Vương quốc Chămpa.

Vào lúc đó thì còn không có cả Việt Nam mình nữa cơ. Thời đó thì toàn bộ vùng đất miền Bắc và đến Nghệ An đều chỉ là quận Giao Chỉ (còn dưới cấp Châu) của nhà Đường.

Trung và Nam trung bộ là đất Chiêm Thành. Phía Nam là đất Phù Nam. Nước Đại Việt chỉ có từ năm 938.

Tuy vậy, Phật giáo đã vào đất Luy Lâu (Bắc Ninh) và đất Vĩnh Phúc từ đầu Công nguyên rồi.

backpackervn
20-10-2009, 11:20
@ 2LuaMienTay, Chitto, cảm ơn rất nhiều phát hiện và thông tin của các bạn.


Bpk cũng bực mình và rất lạ về cái bản đồ này, cũng không tính sẽ nói nhiều vì bpk không muốn nói đến chuyện có liên quan đến chính trị chính em trên diễn đàn, nhất là chuyện xảy ra trong chùa nữa. Nhưng không nói không được.


Nhìn cái bản đồ đó, khi mà trên đó có tên của nước Pakistan (chỉ mới vừa được tách ra từ Ấn Độ vào giữa TK XX), rồi Nam Hàn, Bắc Hàn riêng rẽ (cũng vừa mới chia cắt), rồi cả vùng Tây Tạng, Tân Cương… giờ đều nằm gọn lỏn trong đất nước Trung Hoa… chúng ta cũng có thể hình dung bản đồ này được vẽ dựa theo bản đồ gần đây. Vậy mà đến Việt Nam, họ lại sử dụng cái bản đồ từ thời xa xưa nào đó mà vẫn còn Vương quốc Champa. Vậy là sao? Chẳng thà cổ là cổ, kim là kim chứ cái kiểu nửa nạc nửa mỡ này thật không chịu được.


Mà đây là bản đồ chỉ nói về hành trình của 1 nhà sư ở TK VII lâu lắc lâu lơ. Cái bản đồ này do chùa vẽ nên? Vậy họ vẽ từ nguồn thông tin nào? Không lý đem 2 cái bản đồ của 2 thời kỳ cũ và mới rồi gộp lại để vẽ? Mà làm như thế để làm gì?...


Nói chung là không thích!!!

Nheva
20-10-2009, 15:30
@ pà-kon, cám ơn các bạn đã ủng hộ tinh thần hén. Bpk sẽ cố gắng chia sẻ để không phụ lòng các bạn.

@ likemoon, bpk “quăng lựu đạn” tý nghen. Nếu chỉ ghi cụ thể tý xíu quãng đường bên TQ thôi thì nó như thế này nè: Saigon – Lào – Xishuangbanna – Zinghong – Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang – Shangrila – Deqin – Shangrila – Côn Minh – Thành Đô – Lạc Sơn – Nga My – Langzhong – Thành Đô – Lasha – Nepal… Bây giờ bpk vẫn chưa ngán đi một mình đâu. Có nhiều mình đi vẫn thích, nhưng nếu không có nhiều mình thì một mình vẫn cứ lên đường thôi.
.................................................. ..




Vậy bây giờ, mời bạn cùng tôi đi khám phá những vùng đất mà-trước-đó-chắc-sẽ-có-nhiều-người-nghĩ-rằng-là-mình-khó-đến-được nhé! Không đi thì làm sao tới! Bắt đầu nào!

Kính phục Bpk quá.(c)
Bạn đi tổng cộng mất bao time và money cho chuyến này?
Lần sau đi đâu rủ mình với nhé(wait)

oilman
21-10-2009, 11:20
Thích cái cảm nhận của bác về Ấn Độ, rất đáng một chuyến đi. Trước đây em có viết một bài về tu viện cổ ở gần Mumbai, để tìm được sẽ góp vui với bác.

backpackervn
21-10-2009, 11:40
Một người xem ra có vẻ ốm yếu đói ăn nhất đang ra sức thuyết phục mấy người còn lại bằng một thứ ngôn ngữ cổ xưa mà chắc chắn BPK không hiểu gì, mà các vị cao tăng của thế giới hiện tại chắc cũng chẳng hiểu gì. Người đó có thể có đôi mắt rất sáng, hơi sức vẫn còn mạnh mẽ, nhưng chắc chắn nhìn bên ngoài thì rất là ghê rợn: giơ xương, hốc mắt trũng sâu còn mắt thì lồi ra, tóc dài dính bết chặt, móng chân móng tay dài, trên mình chỉ có mảnh vải rách không còn ra màu gì nữa. Có khi lúc đó BPK cũng chẳng nhận ra được đó là ai...

@ Chitto, bpk đọc sách, cũng có nghe nói đến giai đoạn tu khổ hạnh trước khi Đức Phật đắc đạo… nên không lạ với những hình ảnh quá sinh động mà bạn mô tả. Nhưng lý do lý trấu là tại từ trước đến giờ, bpk chỉ được thấy những bức tượng Phật lúc nào cũng đầy đặn phúc hậu, ánh mắt từ bi, sáng ngời hào quang… nên trong tâm trí cũng chỉ nghĩ đến những hình ảnh mơ ước đó mà thôi. Cũng chỉ nghĩ là được ngồi trong 1 khu vườn xanh mát trong lành, nai tơ ngơ ngác dạo quanh (?!), rồi những người mộ đạo chân thành đang ngồi nghe Đức Phật đang ngời sáng, tỏa hào quang trên cao kia giảng kinh kệ… Thôi rồi, bạn không những cắt dây cho bpk rớt xuống mà còn đạp thêm 1 phát nữa cho bpk lăn xuống hố luôn rồi. Hix! Cám ơn bạn!!!

@ Nheva, chuyến đi này hơn 3 tháng, bpk còn chưa muốn về nhưng nhà có việc đành phải bỏ về. Hy vọng là bpk sẽ có dịp được lang thang chung, “nhiều mình” với các bạn trên diễn đàn này.

@ oilman, cám ơn bạn. Bạn nhớ tham gia nhanh nhanh nhé!
.................................................. ....................
(cont.)


Rời chùa Tàu, tôi lại lang thang đi tiếp đến chùa Nhật Bản. Ngôi chùa toát lên vẻ trầm mặc tao nhã khác hẳn màu sắc ấm cúng của những ngôi chùa Việt hay hơi nhiều màu của những ngôi chùa Tàu. Sắc màu thâm trầm của ngôi chùa Nhật này chẳng hiểu sao lại khác hẳn với hầu như tất cả các ngôi chùa Phật giáo châu Á khác hay có màu chủ đạo vàng và đỏ, nhưng do vậy lại làm cho ngôi chùa Nhật có 1 vẻ quyến rũ “lạnh lùng giá buốt” rất riêng. Tưởng tượng rằng ngôi chùa này nằm trong 1 khu vườn đá trắng, bên 1 dòng suối róc rách, dưới những rặng trúc quân tử hiên ngang… chắc tôi xin ở lại đây làm công quả quét dọn vườn tược luôn quá đi mất. Trong chùa có 1 bức tượng Phật nằm, phỏng theo mô hình của bức tượng Phật lúc ngài nhập Niết bàn ở Kushinagar, nằm ngay giữa chánh điện. Điều này tôi rất ít gặp ở các chùa khác, nơi bức tượng Phật nằm hay được nằm riêng, bên ngoài.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191045.jpg
Chùa Nhật bản trầm mặc


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191046.jpg
Bên trong chùa Nhật bản


Viếng xong chùa Nhật, tôi lại đi tiếp đến chùa Tibet, lòng vui vui như gặp lại người thân quen xa nhớ. Không thể lẫn vào đâu được chiếc cổng chùa vàng, đỏ, với 2 chú dê xinh xắn ở trên, những chiếc màn che thân quen, cờ phướn Tibet tung bay phần phật trong gió... Ở ngay trước cổng chính của chùa là lời kêu gọi của cộng đồng Tibet lưu vong về việc giải phóng Tibet, điều mà tôi chưa thấy ở các ngôi chùa Tibet trên đất Nepal. Có lẽ do chính quyền Ấn Độ mạnh mẽ và cũng không thuận thảo với Trung Quốc nên ủng hộ các vị sư Tây Tạng. Còn Nepal bé nhỏ, nằm sát TQ, chịu nhiều sức ép từ vị láng giềng đại ca nên tuy có cưu mang nhiều ngôi chùa Tibet nhưng không cho phép các sư thầy Tibet lên tiếng kêu gọi tự do. Tôi cũng chỉ đoán vậy thôi vì cũng chẳng biết hỏi ai về việc này.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191049-1.jpg
Lời kêu gọi trước chùa Tây Tạng


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191050.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191051.jpg
Chùa Tây Tạng vắng vẻ


Chùa Tây Tạng vắng vẻ, tôi lặng lẽ vào chùa, đi theo những hàng bánh xe chuyển pháp luân, vừa đi vừa quay những chiếc bánh xe cầu nguyện, vừa bồi hồi nhớ mới đây thôi mình cũng đã vừa đi vừa quay như vậy ở chùa Jokhang, cung Potala... nơi miền đất Lasha yêu thương. Bao giờ mình mới quay lại nơi ấy?


(tbc.)

backpackervn
21-10-2009, 11:46
(cont.)


Chiều đã muộn, tôi rời Sarnath lòng tràn ngập niềm hân hoan thơ thới. Về đến ga Varanasi, tôi đi lon ton vào phòng Tourist Information để hỏi thăm thông tin về chuyến tàu rời Varanasi ngày mai. Đang lớ ngớ nhìn quanh nhìn quẩn thì thấy có chú kia đang ngồi không nhổ râu nên bước tới hỏi thông tin. Chỉ vừa mới hỏi “vui lòng cho tôi hỏi thăm…?” thì chú ấy bảo luôn, “mày muốn mua vé đi đâu tao mua giúp cho”. Rồi tẹt 1 cái rất nhanh tôi đã có vé tàu. Lúc này quay lại mới thấy các bạn khoai Tây nhìn tôi với ánh mắt mang hình viên đạn, đầy vẻ căm hờn. Té ra là các bạn ấy đang ngồi xếp hàng chờ để giải quyết vé, mà người đang giải quyết cho họ là 1 chú khác, ngồi gần chú đã giúp tôi. Tôi đâu có biết, lúc tôi đến cũng thấy chú kia đang giải quyết vé nên tôi đâu có chen ngang, chỉ tính hỏi thăm thông tin ở chú đang rảnh rỗi thôi mà. Dù sao thì sự đã rồi, tôi cũng hơi quê quê, rón rén đút cái vé vào túi rồi âm thầm đi ra cửa, rồi ung dung ra khỏi ga, lòng càng thêm phơi phới khi vé đã nằm trong tay, nhảy phốc lên chiếc xe lôi thẳng tiến về phía bờ sông.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191053.jpg
Kẹt xe ở Varanasi


Chiều nay ở Varanasi kẹt xe, tội nghiệp anh tài xế xe lôi phải đi lòng vòng tìm đường tránh rồi cũng bị kẹt. Cuối cùng, sau 1 hồi lòng vòng hơn tiếng đồng hồ đám kẹt xe mới rã, dù sao cũng đỡ hơn ở quê nhà. Mà sao thấy Ấn Độ, Varanasi cũng có nhiều cái giống giống Việt Nam. Nếu thay hết những người Ấn da đen cao lớn bằng những người Indochine da vàng mũi tẹt thì có lẽ Varanasi cũng chẳng khác Việt Nam là mấy, nhất là cái cảnh tượng bon chen giành đường, lấn trái, bóp còi inh ỏi… chẳng khác gì nhau.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB191054.jpg
Ngồi trên xe làm tấm hình với mấy nhóc cũng chung cảnh ngộ kẹt xe


Rồi tôi cũng về được khu phố bờ sông, đã bớt ồn ào hơn khi chiều xuống. Tôi bắt đầu xuống sông chiến đấu với các bạn cò, bạn vạc để thuê thuyền đi ngắm hoàng hôn trên sông. Sau 1 hồi rèn luyện, tăng cường phát huy kỹ năng thương lượng, kỹ năng chiến đấu, kể cả khả năng chửi bới văng tục khi bị chèo kéo quá mức, bị nắm tay nắm chân lôi kéo xô đẩy… tôi leo lên 1 chiếc đò nhỏ, chỉ một mình tôi là khách du, với chỉ giá 70Rp cho 1 chuyến đò đi ngắm hoàng hôn trên sông. Giá ban đầu là 300 Rp/đò, vì theo các chú, dù đi 1 người phải trả ít nhất như vậy. Nhưng cuối cùng thì đã không “là như vậy”.

2LúaMiềnTây
21-10-2009, 12:32
(cont.)

Ngồi trên xe làm tấm hình với mấy nhóc cũng chung cảnh ngộ kẹt xe





Không thấy ảnh của Bkp. Cho 500đ ảnh dung nhan của bác đi. Em phục bác quá mà chưa biết mặt...(c)

neveralone
21-10-2009, 20:36
Tớ phạm luật gì mà Chitto xóa bài của tớ vậy.Không Hiểu.

backpackervn
22-10-2009, 09:06
@ 2LuaMienTay, là bpk chụp cho bọn trẻ thôi chứ bpk không có chụp hình mình chung với bọn trẻ, từ ngữ lủng củng quá há, làm bạn hiểu lầm. Hình bpk á, đưa lên sợ xấu đến cháy nổ màn hình, rồi có người kêu công an bắt nữa (chỉ vì tội quá xấu thôi, không có mấy tội khác – cần nói rõ 1 tý kẻo hiểu lầm)… Nói vậy chứ bpk đi bụi 1 mình, tự chụp hình mình đã khó, lại chỉ ăn chơi nhảy múa với danh lam thắng cảnh, với bia bọt là chủ yếu…. nên ít có hình của bpk lắm. Nhưng nếu có dịp thì bpk cũng sẽ đưa lên thôi, để ra đường lỡ có va quẹt xe cộ còn đỡ bị oánh (!?). Cám ơn bạn đã quan tâm nghen(beer)!

P/S: Mà bạn có biết cái vụ đi một mình, đưa máy hình nhờ người khác chụp giùm, họ cầm chạy mất luôn không? Vụ này có lên báo, lên phim… luôn rồi đó.
.................................................. ...........................


Trước khi tôi cùng bạn lang thang trôi trên sông Hằng một chiều đông muộn, chúng ta lướt nhanh qua lịch sử sông Hằng và thành Varanasi một tý nhé. Thông tin này cũng tích cóp từ net, L.P. các brochure du lịch…, sơ lược lại cho các bạn nào lười tìm hoặc lười đọc L.P.


Sông Hằng là một con sông quan trọng ở Ấn độ, dài 2510 km, bắt nguồn từ rặng Hymalaya, chảy vào Ấn độ qua Bangladesh và đổ vào vịnh Bengal, lưu vực sông có diện tích khoảng một triệu km². Tên của nó liên quan đến một vị thần của Ấn độ giáo – Ganga. Đây là là con sông phì nhiêu và có nhiều cư dân sinh hoạt đông đúc 2 bên bờ, trong đó đoạn sông chảy qua Varanasi được xem là dòng sông thiêng của đạo Hindu. Đoạn sông có nhiều huyền thoại khiến những đạo sỹ khổ hạnh, thường dân bá tánh… tụ tập ở đây cầu nguyện, tắm gội để tẩy rửa những tội nghiệp của cõi nhân gian. Hầu như cảnh quan và nghi thức sinh hoạt ở đây không có nhiều thay đổi suốt hơn 2.500 năm qua. Khi Đức Phật đến đây vào 2.500 trước đã như vậy, thế kỷ thứ bảy Ngài Huyền Trang thỉnh kinh đến đây vẫn vậy, đến ngày nay sinh hoạt xã hội và con người vẫn gần như vậy - và đó là nét hấp dẫn và làm kinh ngạc du khách toàn thế giới.


Varanasi, nằm dọc theo bờ sông Hằng, là 1 trong những thành phố lâu đời nhất trên hành tinh. Ra đời từ 3.500 năm trước, thành phố phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ VIII Công Nguyên, khi Hindu giáo, vốn rất cực thịnh thời bấy giờ đã chọn thành phố làm nơi thờ phụng thần Shiva. Sau đó, vào những năm 1.300, những người Afghan đã bắt đầu tàn phá thành phố. Tiếp đến, những cuộc chinh phục của các lãnh chúa Hồi giáo đã phá tan hầu hết những đền đài xưa cũ. Tuy giờ đây vẫn có thể thấy nhiều đền đài xưa, nhưng chúng cũng chỉ vài trăm năm tuổi (!) chứ những đền đài của thời vàng son Varanasi hầu như không còn nữa. Hơn một trăm tòa tháp dọc bờ sông, gọi là Ghat, được sử dụng làm nơi tắm rửa để gột sạch tội lỗi và cũng là nơi cầu nguyện của những nhà khổ hạnh, đạo sỹ, cư dân Varanasi cũng như ở khắp Ấn độ. Ngoài ra còn vài Ghat được dùng làm nơi hỏa táng. Từ lúc bình minh, các đạo sỹ cùng tín đồ của họ tụ tập tắm gội và cầu nguyện. Trong tất cả Ghat, Dasaswamedh Ghat là tráng lệ và đồ sộ nhất. Có Ghat dùng để làm bến tắm gội, có Ghat để thực hành Yoga, cầu nguyện, cũng để làm nơi bán trầu cau, tràng hoa, đấm bóp trị liệu, bơi lội, và cả hành khất xin ăn…


Varanasi là 1 trong những thành phố cuốn hút du khách nhất của Ấn Độ, bởi những đền đài xưa cũ, bởi những ghat cũng cũ xưa, bởi cuộc sống nhiều màu sắc và đặc biệt bởi dòng sông Hằng linh thiêng chạy ngang qua. Thành phố còn có các tên khác như Benares, thành phố của thần Shiva… Nổi tiếng như Taj Mahal,… nhiều người nói rằng, đến Ấn Độ mà chưa đi thuyền trên dòng sông Hằng để chiêm ngưỡng Varanasi soi bóng bên sông thì cũng xem như chưa đến Ấn Độ vậy.


Ngoài ra, có những điều tôi ít đề cập, tuy cũng đã có nhắc nhẹ đến ở đầu hành trình, là ở Varanasi cũng như ở nhiều nơi trên đất Ấn, mọi việc không yên bình, nhẹ nhàng như trong loạt bài này đâu. Tôi cũng có nhắc đến những chuyện giựt dọc, lừa gạt… nhưng rất nhẹ, vì sau chuyến đi này, tôi đã nhìn Ấn Độ với một cách nhìn khác. Còn chuyện “tệ nạn” ở Ấn Độ, của mỗi ngày, nếu kể, tôi sẽ phải kể miệt mài. Do vậy, chỉ nhắc các bạn là nên hết sức cẩn thận, tỉnh táo, cảnh giác và cố gắng hạn chế tiếp xúc với những người làm dịch vụ du lịch mà nên tiếp xúc với người dân thường. Có gì cần, các bạn cứ hỏi thăm mấy anh cảnh sát hoặc mấy bác lớn tuổi… thì sẽ đỡ hơn rất nhiều. Có điều là, khi bạn đến Ấn, nhìn thấy cuộc sống của người dân ở đây… bạn sẽ phần nào hiểu và thông cảm cho họ.


(tbc.)

backpackervn
22-10-2009, 10:27
(cont.)


Tôi leo lên chiếc đò chậm rãi trôi ra giữa dòng sông Hằng lúc trời chiều đã chập choạng. Vì không đoán trước việc kẹt xe ở Varanasi nên tôi đã về đến bờ sông trễ hơn dự định. Cũng chẳng sao, vì cả chiều hôm nay có thấy mặt trời đâu nên việc ngắm hoàng hôn bên sông chắc chắn là không thể. Với lại, mặt trời sẽ chìm xuống bên này sông, tức là phía các ghat, cũng như thành Varanasi, do vậy muốn ngắm hoàng hôn trên sông Hằng thì phải qua bên kia sông. Thôi, đi đò trên sông chiều là được lắm rồi – được xem như là đã đến Varanasi rồi còn gì.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191087.jpg
Sông Hằng huyền thoại đã bị làm ô nhiễm đến mức này đây!


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191056.jpg
Tôi lên đò rời bến lúc sông đã lên đèn nhưng vẫn còn chút ráng muộn trên thành xưa.


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191059.jpg
Nhiều những con đò của những gia đình, bạn bè vui vẻ trên sông, đò tôi chỉ riêng mình tôi…


Đò lặng lẽ trôi trên sông chiều chập choạng. Ông lái đò cũng đã già lắm rồi nhưng vẫn còn mạnh khỏe và vui tính, nhiều lúc cứ ngân nga những bài dân ca Ấn Độ nho nhỏ trong lúc chèo đò làm không khí càng thấm đẫm hương vị Varanasi.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191073.jpg
Ông lái đò trên sông Hằng


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191057.jpg
Đò bắt đầu đi vào sương khói chiều lan man trên sông


Bờ sông nhiều bùn và rác bẩn, ra giữa sông thì đỡ hơn nhưng sông vẫn đùng đục, lại càng tối màu hơn trong chiều tắt nắng. Có 2 hướng để đi thuyền trên sông từ Dasaswamedh Ghat, rẽ phải đi xuống hướng Assi Ghat, rẽ trái đi về hướng Manikarnika Ghat, nơi hỏa táng người nhiều lớn nhất ở Varanasi. Tôi chọn hướng đi Manikarnika vì hướng này ngắn, hướng kia dài hơn sẽ để dành cho chuyến đò ngày mai đi trong bình minh. Và tôi chọn hướng này vì muốn có 1 cái nhìn khác về Manikarnika Ghat, từ giữa sông nhìn về, thay vì từ trên bờ sông.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191076.jpg

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191075.jpg
Đền đài xưa bên sông chiều


Con đò cứ lặng lẽ trôi chậm chạp, từ từ lướt qua những lâu đài theo nhiều kiến trúc xưa cũ đa dạng khác nhau. Trong bóng chiều quá cũ, những toà lâu đài này không tỏa nổi bóng xuống dòng sông cũng sẫm màu, dường như chúng cô đơn đến mức không có chiếc bóng để làm bạn?! Trên dòng sông còn có nhiều di tích giờ nằm dưới lòng sông tuy đã cũ xưa nhưng vẫn cho thấy dáng kiêu hãnh của ngày nao lầu đài thành quách còn kiêu hãnh soi bóng trên cao.

(tbc.)

2LúaMiềnTây
22-10-2009, 10:28
@ 2LuaMienTay, là bpk chụp cho bọn trẻ thôi chứ bpk không có chụp hình mình chung với bọn trẻ, từ ngữ lủng củng quá há, làm bạn hiểu lầm. Hình bpk á, đưa lên sợ xấu đến cháy nổ màn hình, rồi có người kêu công an bắt nữa (chỉ vì tội quá xấu thôi, không có mấy tội khác – cần nói rõ 1 tý kẻo hiểu lầm)… Nói vậy chứ bpk đi bụi 1 mình, tự chụp hình mình đã khó, lại chỉ ăn chơi nhảy múa với danh lam thắng cảnh, với bia bọt là chủ yếu…. nên ít có hình của bpk lắm. Nhưng nếu có dịp thì bpk cũng sẽ đưa lên thôi, để ra đường lỡ có va quẹt xe cộ còn đỡ bị oánh (!?). Cám ơn bạn đã quan tâm nghen(beer)!

P/S: Mà bạn có biết cái vụ đi một mình, đưa máy hình nhờ người khác chụp giùm, họ cầm chạy mất luôn không? Vụ này có lên báo, lên phim… luôn rồi đó.
.................................................. ...........................


(tbc.)

Thanks Bpk. Mình hiểu ý của bạn.
Tuy nhiên, đừng bao giờ tự nhận mình là xấu cả, mỗi người có 1 nét đẹp riêng mà. Không ai hoàn hảo cả, mỗi người có thế mạnh và yếu điểm khác nhau. Quan trọng là mình tự tin vui vẻ thoải mái là được. Chuyện "nhan sắc" không quan trọng. Vì vậy mong một ngày đẹp trời nào đó được diện kiến dung nhan của bạn. (c)

Vụ đi 1 mình, không dám dưa máy nhờ người khác chụp, vì gặp kẻ xấu nó ôm máy chạy luôn. Dĩ nhiên, tụi này đi cả đám mà còn sợ nữa kia, huống chi đi 1 mình. Nhưng mình nghĩ, có những nơi cao ráo để đặt máy auto, hay chỗ vắng người mình có thể đặt chân máy. Thì chuyện tự chụp ảnh cho mình không phải là không thể. :)

backpackervn
22-10-2009, 10:33
(cont.)


Trên bờ, những gia đình vẫn tụ tập tắm sông lần cuối trước khi đêm về. Trên những bệ đá ven bờ sông những gia đình vừa làm lễ hỏa táng xong cho người thân vẫn nghiêm trang ngồi khấn nguyện, những chiếc áo đỏ vàng của các đạo sĩ giờ là những điểm nhấn rực rỡ cho dòng sông đã gần sang đêm.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191077.jpg
Tẩy trần lần cuối trước khi đêm về


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191061.jpg
Đạo sĩ vẫn còn bên bến sông


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191081.jpg
Đền đài xưa trong bóng chiều chập choạng


Trên dòng sông, ngoài những chiếc đò bé cô đơn dập dềnh như chiếc đò tôi đang đi còn có những chiếc thuyền lớn hơn, có những gia đình Ấn đi làm lễ hay tham quan. Họ thả xuống dòng sông những ngọn nến khấn nguyện nằm trên những đóa sen giấy nhỏ xinh, những hoa đăng. Những đốm lửa cứ chập chờn trên sông theo sau những lọn sóng nhỏ từ con thuyền, rồi dần tản ra thành những đóa hoa lửa li ti nhấp nháy trên dòng sông phẳng lặng. Trên dòng đã dần tím sẫm, đôi lúc những đóa sen nguyện cầu mang nến tập trung thành một thảm hoa lửa li ti, vừa đủ tạo nên 1 vầng sáng mờ ảo huyền hoặc trên những vùng sông xa xa, tạo cho sông Mẹ một vẻ đẹp huyền bí của lúc ngày tàn.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191060.jpg
Hoa đăng bé nhỏ dập dềnh trên sông


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191067.jpg
Manikarnika Ghat lúc chiều muộn, lửa rực sáng góc sông, khói vấn vương bay là đà trên sông như khói sóng…


Đi tiếp lên nữa, gần Manikarnika Ghat, nơi giờ đây những đốm lửa hoa đăng giờ như lụi tàn hoặc quá mờ nhạt nên chúng đành bỏ đi tan thân theo sóng. Những ngọn lửa rừng rực từ các hỏa đàn bên sông đã làm chúng đã quá mong manh lại càng trở nên quá nhỏ bé. Trong chiều muộn, từ ngoài sông nhìn vào các đống lửa đang rực cháy đốt thiêu thân xác của những kiếp người vừa rời cõi tạm, cứ phừng phực, phừng phực như quấn quíu hồn ai đang bay cao. Trong đám tro bụi đang bay tít mù quẩn quanh trên cao kia, có còn chút gì của ai đó còn vương vấn, có ai nào biết? Chỉ biết là những con thuyền đi qua đây đều lặng lẽ nhẹ nhàng chầm chậm trôi, để người ngồi trên thuyền có chút yên ắng, chút thời gian để suy ngẫm về thân phận, về kiếp người, về cuộc sống, về con sông nào có thể rửa trôi, có thể mang đi những tội nghiệt của một kiếp người. Có con sông nào?


(tbc.)

Nheva
22-10-2009, 10:59
Bpk viết duyên quá, những nhận xét rất tinh tế, hóm hỉnh.
Đồng hành với bạn này chắc thú vị lắm đây
Mình thích các chuyến đi của bạn

Aces
22-10-2009, 14:36
Bpk viết hay quá, hik mình là dân từng ăn nằm ở đậu India tới 5 năm liền, cũng đã đi 4 thánh tích về Phật nhưng thực sự là đọc các bài viết của bạn mình thấy thật xấu hổ vì chả biết gì cả hik hik, nhưng đây cũng là động lực để có 1 ngày quay lại chốn xưa. Bạn chắc là con trai mới dám đi 1 mình chứ thực sự mà nói nếu là nữ thì du lịch 1 mình ở India là điều hết sức nên tránh, có thể sẽ challenging nhưng rủi ro nhiều hơn. Khi nào bạn có kế hoạch đi lại Nepal India có thể lên đây rủ bạn đồng hành được không?
Mình thì không đóng góp được gì cho bài viết của bạn vì đã 9 năm rồi kể từ ngày thăm các di tích của Phật ở India (chỉ dám ngồi im và chờ đợi các bài của bạn thôi), nhưng có một ý kiến nho nhỏ cho các bạn nếu có ý định đi đất phật, về chuyện ở mình recommend ở chùa Thái, không phải vì mình không yêu Việt nam nhưng không hiểu sao các chùa VN mình ở bên Ấn độ mặc dù là toàn tâm toàn ý theo Phật mà sao vãn bị vướng bận chuyện chính trị này nọ, do vậy nhiều khi không thoải mái lắm. Cánh đây đúng 9 năm, mình nhớ mình đến chùa Linh Sơn nhu bpk có kể ở trên, có 1 cô sư rất dè chừng khi biết mình là dân Hà nội (dân bắc cơ), rất chi tủi thân. Chùa Thái vừa sạch sẽ, người Thái cũng rất thân thiện và chi phí theo mình nhớ cũng rẻ (ngày xưa tầm 200rp/ đêm).
Hope this helps

thanks bpk again nhé.

oilman
23-10-2009, 02:54
Góp vui với bác bpk.
.........

Về mặt tôn giáo, thứ hai sau sông Hằng là sông Godavari. Godavari chảy từ bang Maharashtra sang Andra Pradesh, từ đông sang tây miền trung Ấn, và dài gần 1500km. Cũng như các con sông lớn khác ở Ấn, Godavari có ý nghĩa quan trọng đối với đạo Hindu và dọc theo sông người ta xây những ngôi đền thờ các vị thần khác nhau. Cứ mỗi 12 năm, hàng triệu người đổ về bên bờ sông để tham gia hội Pushkaram và tắm rửa tội trên con sông này.

Hình chụp ở Rajamundry, Andra Pradesh.

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06204.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06210.jpg

backpackervn
23-10-2009, 15:58
@ Aces, ôi trời đất quỷ thần ơi, bạn ở Ấn Độ đến 5 năm trời, hình như lúc đó còn là sinh viên nữa, vậy chắc bạn đi nát tan hết Ấn Độ rồi. Tiêu bpk rồi, may mà bữa giờ chưa có “cưa bom, quăng lựu đạn” chứ nếu không bị bạn bắt giò nát tan rồi. Ừ, bpk là nam, lại thuộc dạng “no thing to loose” nên cứ đi lơn tơn chẳng ngại gì hết, chỉ ngại là xài hết tiền luôn rồi không còn đường dzìa quê thôi. Bpk cũng có mấy người bạn nữ, đi bụi Ấn Độ một mình, cũng gặp vài khó khăn, lừa đảo nhưng cuối cùng cũng chẳng sao. Còn chuyện ở các chùa á, bạn nói rất đúng, bpk cũng không nên nói thêm. Nhưng ngoài ra, bpk có gặp vài sư cô ở các nước khác về đây hành hương thì các cô rất dễ thương. Lúc nào rảnh rỗi, bạn lục lọi lại ký ức và vào đây chia sẻ cho thay đổi không khí nghen. Cám ơn bạn!


@ oilman, cảm ơn bạn nhiều nhiều. Bpk chưa biết nơi này vì bpk đi theo 1 cung đường dự định, có nhảy ngang nhảy dọc nhưng cũng chỉ bám theo cung đó. Mà trên cung đường đó thấy LP không nhắc đến con sông này. Hy vọng đây sẽ là điểm đến cho lần đi Ấn Độ kế tiếp. Bạn chia sẻ thêm thông tin về nơi này và về các nơi khác trên đất Ấn đi nhé!
.................................................. ........................................

(cont.)



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191080.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191079.jpg
Chiều muộn lắm, những con đò từ từ trôi vào trong khói sương


Sông dần chìm vào trong sương, những đốm lửa hoa đăng, những vạt lửa hoa đăng giờ càng chập chờn huyền bí. Những chiếc thuyền lặng lẽ đi vào màn sương, biến mất trong sương. Từ xa phía sau, những ánh lửa hừng hực của Manikarnika Ghat giờ chỉ đủ sức làm màn sương khói vây quanh, tạo thành một khối hồng hồng nơi xa xa. Những chiếc bóng đèn cao áp rọi sáng bên bờ sông giờ sương ôm ấp vây quanh, chỉ tỏa ra những quầng sáng mờ mờ, vừa đủ cho những con thuyền biết được là đang đi không quá xa bờ. Cái lạnh của hơi nước đã bắt đầu theo những cơn gió nhẹ bay lên sông đêm, cái màn sương khói quẩn quanh quấn quíu, cái ánh sáng mờ mờ từ những chiếc đèn bên sông,… rồi những con thuyền đi vào trong sương như chợt tan biến, chợt tiếng quạ chao chát vang lên trong sương mờ… làm tôi chợt rùng mình, co ro ôm gối thu mình lại thật nhỏ bé trên con đò, dù biết con đò đã gần về đến bến. Đêm chưa lạnh sao tôi bỗng thấy lạnh.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191089.jpg
Những đèn hoa bé nhỏ này rồi sẽ lênh đênh trên sông, như những kiếp người lênh đênh trong cuộc dâu bể.

Tôi chuếch choáng leo lên bờ, ngay Dasaswamedh Ghat, nơi sắp có nghi lễ cúng Mẹ sông Hằng hàng đêm lúc 7pm, định thần một lúc trước khi đi tiếp. Tôi quay về nhà trọ để gột rửa bụi trần và chắc còn nhiều thứ bụi khác đã vấn vương của 1 ngày dài Varanasi.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191092.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191093.jpg
Chuẩn bị làm lễ ở Dasaswamedh Ghat


Đêm Varanasi không yên tĩnh. Ngoài phố vẫn đông đúc và ồn ào. Bên bờ sông, khi đi dọc các ghat theo hướng ngược về Assi Ghat để tìm xem có gì mới, tôi chẳng tìm thấy được điều gì mà còn bị quấy rầy rất nhiều bởi nhiều thanh niên Ấn bán buôn gạ gẫm đủ thứ. Tôi quay về ghat cũ, leo lên ốc đảo mà sáng nay tôi cũng đã “lẩn trốn” Varanasi ở đó. Những ly Kingfisher hôm nay sao mau làm tôi lưng tưng hơn mọi bữa.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191095.jpg
Bia một mình bên dòng Ganges


Về khuya, phố bờ sông vắng tanh vắng ngắt, tôi vẫn lặng ngồi, cô đơn ôm gối nhìn xuống sông xa bên dưới. Khi không còn những ồn ào nhộn nhịp, không còn những con đò ngược xuôi, không còn những đám người tới lui ồn ã… khi những con đò nhiều màu sắc giờ tụ tập về nằm im lìm bên bến sông, khi sương đầu đêm đã tan, mang theo nhiều bụi bặm để lại bầu không khí trong trẻo hơn, khi những cơn gió đêm nhẹ về khơi gợi những nỗi niềm riêng, chút hương hoa đêm quen thuộc thoảng nhẹ từ 1 góc quán chợt gợi nhớ… sông Hằng bỗng mang một vẻ quyến rũ khác, của dòng sông đêm huyền hoặc, của 1 dòng sông như không có thật trên cõi trần gian nhiều tội nghiệt chỉ muốn rũ hết cho sông mang đi...



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB191097.jpg
Bờ sông Hằng về đêm vắng vẻ, tĩnh mịch, những con đò nhiều màu sắc ngoan ngoãn ngủ ngon,
đem lại cho dòng sông một vẻ đẹp rực rỡ khác hẳn ban ngày.



Đêm nay có thật không, sông Hằng?



(tbc.)

Ariel
23-10-2009, 16:50
Bkp viết thật hay, mình cảm giác phiêu lãng qua từng dòng viết của bạn. Khâm phục và mơ ước lắm sự tự do "lơn tơn" như bạn vậy , nhưng biết chắc cũng chỉ là mơ ước! thôi đành du lịch theo câu chữ và hình ảnh của bạn, cảm ơn bạn nhiều!

oilman
24-10-2009, 03:04
@bpk: oilman chỉ tình cờ tới vài nơi ở Andra Pradesh nên mới biết sông Godavari. Varanasi trên sông Hằng luôn là trung tâm của các lể hội Hindu hàng năm. Khi ở thành phố nhỏ bên bờ Godavari, hỏi người lái xe rickshaw (mà họ còn gọi là three wheels) ở đây có phong cảnh gì hay thì anh ta chở oilman ra bờ sông nơi có hàng chục ngôi chùa Hindu cũ có mới có và giải thích con sông này quan trọng ra sao đối với họ. Hành trình của bpk thật tuyệt, đi được nhiều nơi và cảm nhận được cái thú chu du thiên hạ.

Ở Ấn nên thưởng thức cơm biryani. Món cơm này bắt nguồn từ các nước hồi giáo ở trung đông nhưng tới Ấn Độ nó trở nên màu mè và nhiều hương vị hơn. Có khá nhiều kiểu nấu khác nhau nhưng nhiều người Ấn mà oilman đã nói chuyện cho là cơm biryani nấu theo kiểu Mughal (kiểu Afghanistan) ở Hyderabad mới là số một. Nếu có dịp tới đó, nhớ thưởng thức món đó.

Phục vụ món biryani ở nhà hàng Paradise Persis, Hyderabad.
https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06903.jpg

Charminar là cổng có bốn tháp theo phong cách hồi được xây bởi một trong các vua Mughal ở Hyderabad

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06890.jpg

Họp chợ nhỏ buổi tối

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06889.jpg

backpackervn
26-10-2009, 11:35
@ oilman, cảm ơn bạn. Mình chạy song song nghen! Cho nó đa dạng về những lát cắt của Ấn Độ!

@ Ariel, cám ơn bạn nhé!
.................................................. ............................
(cont.)


Dù đêm trước tôi về nhà rất khuya, sáng hôm sau tôi cũng lọ mọ thức giấc lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị cho chuyến đò trên sông Hằng lần thứ 2. Tôi lang thang cũng nhiều nhưng chưa bao giờ tôi ở trong 1 cái phòng dormitory thênh thang mà chỉ có 1 mình. Chẳng thà là ở 1 mình trong 1 cái phòng bé bé, cảm giác còn ấm cúng, rất khác khi nửa đêm trằn trọc thức giấc thấy chỉ 1 mình mình trên giường giữa căn phòng rộng thênh thang đầy những chiếc giường trống. Đâu đó tiếng rì rầm đọc kinh của các tín đồ ở ngôi đền Vàng gần bên, cũng không xa lắm ngoài kia là sông Hằng với những hỏa đàn thiêu xác nghi ngút ngày đêm… đó là lý do làm giấc ngủ của tôi luôn chập chờn và giúp tôi thức giấc sớm – cũng là lúc những tiếng “ựm bòòòò” của các chú bò bắt đầu rền vang trong ngõ nhỏ.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201112.jpg
Bắt đầu hành trình bình minh trên sông


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201113.jpg
Sông Hằng lúc đầu ngày chưa có nắng


Len lỏi trong con hẻm nhỏ bé tối thui, lầy ướt nước tiểu và nhòe nhoẹt phân bò, tôi lần mò tìm đường ra phố, để xuống sông. Trời Varanasi lúc 5.10am vẫn cứ như đang giữa khuya dù ở bến sông đã tấp nập khách du. Con sông ngái ngủ im lìm khuya qua giờ đã tỉnh giấc cho 1 ngày bận rộn dù sông vẫn còn tối đen. Tôi xuống bến sông kiếm tìm ông lái đò già đã đưa tôi đi ngắm hoàng hôn. Hôm qua, tôi và ông đã thỏa thuận giá cả và giờ giấc cho chuyến đi hôm nay. Giá có tăng cao hơn vì theo như ông lão nói các chuyến tàu bình minh luôn đắt hơn các chuyến tàu hoàng hôn. Tuy nhiên tôi vẫn đồng ý vì tôi biết giá đó còn rất rẻ so với giá niêm yết của dịch vụ trong nhà nghỉ tôi đang ở, dù đó là nhà nghỉ có dịch vụ rẻ nhất Varanasi (tôi book 1 cái giường trong dorm giá 60Rp nhưng ông chủ nói “cho mày ngủ nguyên cái dormitory, lấy giá 1 phòng đơn 120Rp”, tôi đồng ý luôn vì biết rằng đây là giá rẻ nhất Varanasi). Và cũng từ buổi trò chuyện - chủ yếu bằng tay - với ông lão trên sông chiều qua, tôi đã rút ra 1 kinh nghiệm, đó là dành hết thời gian trên đò cho chuyến đi 1 chiều, sau đó tôi sẽ leo lên bờ đi bộ về thay vì ngồi đò xuôi và ngược trên cùng 1 đoạn sông. Do thỏa thuận này, tôi trả thêm cho ông lão một ít nhưng đoạn đường tôi đi được xem như là gấp đôi so với việc chỉ ngồi trên thuyền. Và việc đi bộ lang thang trở về cũng là 1 trải nghiệm rất khác với việc chỉ ngồi trên thuyền cả đi lẫn về. Các bạn thử áp dụng chiêu này cho lần đi sắp tới của mình nhé.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201116.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201171.jpg
Công việc đầu ngày trên dòng sông


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201181.jpg
Cạo tóc – để tưởng nhớ người thân


Bến sông giờ đây rộn ràng không chỉ bởi khách du và những con đò mà còn bởi những gia đình Ấn Độ mộ đạo bắt đầu công việc tắm rửa và cầu nguyện nơi các ghat. Phải nói là tôi cũng rất khâm phục niềm tin của họ, để có thể tắm rửa trên sông sông giờ đang rét buốt với cái lạnh ban mai mùa đông. Có thể thấy rõ nét mặt tái mét cũng như đang run cầm cập nhưng họ vẫn kiên trì đằm mình trên dòng sông vừa tắm vừa cầu nguyện. Rất tiếc là cái máy chụp hình của tôi sau vài lần rơi lăn lóc, nó hư hay vỡ cái bộ phận nào đó mà chụp hình vào lúc trời tối không được, nên hầu như không có các cảnh trên sông lúc tờ mờ để sẻ chia cùng các bạn.

(tbc.)

backpackervn
26-10-2009, 11:37
(cont.)


Trời vẫn còn tối đen khi những con đò bắt đầu đi trên sông, rồi chợt nhờ nhờ sáng rất nhanh. Không có nhiều sương dày đặc như trong các guidebook mô tả việc về hình ảnh lãng mạn rẽ sóng rẽ sương đi tìm bình minh trên sông Hằng vào sáng hôm nay. Chỉ có 1 làn sương, hay cũng không phải là sương, rất mỏng, bay là đà trên sông. Các ghat ven sông vẫn để đèn thâu đêm nên ở con sông không có vẻ thật sự huyền bí như tôi đã nghĩ. Nếu tắt hết các đèn ở các ghat con sông hẳn sẽ có một vẻ rất riêng – chắc vậy.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201122.jpg
Hoa đăng trên sông sớm


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201130.jpg

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201125.jpg
Tắm để tẩy trần và cầu nguyện trên dòng sông


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201131.jpg
Buổi lễ sáng bên bờ sông


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201136.jpg
Pháp sư đang làm lễ


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201183.jpg
Chuẩn bị làm lễ


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201155.jpg
Những người dân đang chờ làm lễ


Cũng như chiều qua, nhiều con đò trên sông thả hoa đăng dập dềnh trên sóng lăn tăn nhưng có đều là trời đang sáng dần lên nên những đốm lửa trên sông lại mang một nét mới, góp phần cho chân trời đã bắt đầu hồng hồng thêm sắc khí. Đi lên các ghát xa xa, trời sáng hẳn dù mặt trời chưa ló dạng. Rất nhiều gia đình đã dồn xuống bờ sông. Tôi còn trông thấy cả 1 cặp nam nữ Nhật Bản cũng đang cắn răng tắm bên bờ sông đục ngầu ban sáng. Bên cạnh việc tắm rửa cầu nguyện, khúc sông giờ như 1 bến nước tập trung rất nhiều người làm đủ mọi việc, từ đánh răng rửa mặt đến giặt giũ phơi phóng, đến cạo đầu hớt tóc, đến vị thầy cúng đang làm lễ gì trên 1 đàn cao bên sông, đến các chú đạo sĩ nhỏ đầu cạo trọc đang chăm chú ngồi nghe giảng kinh kệ hay đọc kinh… bên bờ sông. Bức tranh cuộc sống ven bờ sông rực rỡ sắc màu và đầy đủ các cung bậc.

(tbc.)

2LúaMiềnTây
26-10-2009, 12:21
[I]@ Tôi xuống bến sông kiếm tìm ông lái đò già đã đưa tôi đi ngắm hoàng hôn. Hôm qua, tôi và ông đã thỏa thuận giá cả và giờ giấc cho chuyến đi hôm nay. Giá có tăng cao hơn vì theo như ông lão nói các chuyến tàu bình minh luôn đắt hơn các chuyến tàu hoàng hôn. Tuy nhiên tôi vẫn đồng ý vì tôi biết giá đó còn rất rẻ so với giá niêm yết của dịch vụ trong nhà nghỉ tôi đang ở, dù đó là nhà nghỉ có dịch vụ rẻ nhất Varanasi (tôi book 1 cái giường trong dorm giá 60Rp nhưng ông chủ nói “cho mày ngủ nguyên cái dormitory, lấy giá 1 phòng đơn 120Rp”, tôi đồng ý luôn vì biết rằng đây là giá rẻ nhất Varanasi). Và cũng từ buổi trò chuyện - chủ yếu bằng tay - với ông lão trên sông chiều qua, tôi đã rút ra 1 kinh nghiệm, đó là dành hết thời gian trên đò cho chuyến đi 1 chiều, sau đó tôi sẽ leo lên bờ đi bộ về thay vì ngồi đò xuôi và ngược trên cùng 1 đoạn sông. Do thỏa thuận này, tôi trả thêm cho ông lão một ít nhưng đoạn đường tôi đi được xem như là gấp đôi so với việc chỉ ngồi trên thuyền. Và việc đi bộ lang thang trở về cũng là 1 trải nghiệm rất khác với việc chỉ ngồi trên thuyền cả đi lẫn về. Các bạn thử áp dụng chiêu này cho lần đi sắp tới của mình nhé.


Em thích nhất là đoạn này bác viết...Em đọc đi đọc lại mấy lần và càng nể phục cho sự dày dạn kinh nghiệm của bác...(c). Đã học hỏi được rất nhiều qua các bài viết của bác.

oilman
27-10-2009, 03:05
Xã hội Ấn Độ đầy màu sắc và đầy tương phản cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là cái oilman cảm thấy thú vị khi cảm nhận về nó. Đọc loạt bài của bpk đã cảm thấy muốn quay trở lại. Cho ai chưa tới Ấn, thử làm một hành trình từ tây bắc (Rajsthan) sang đông bắc (West Bengal) sẽ thấy mình đi từ sa mạc, vương quốc hồi giáo một thời của các Mongul (vua trị vì các khu vực bắc Ấn đến từ Afghanistan), qua khu vực thành thị đông đúc, đến các đồi chè xanh mướt cứ ngỡ mình đang ở Trung Quốc hay Miến Điện (vì người dân ở đó trông rất đông á) rồi trở về cái đông đúc náo nhiệt của Kolkata.

backpackervn
29-10-2009, 13:12
@ oilman, ở Ấn Độ mọi thứ tương phản đến đáng ngạc nhiên và có thể gây sốc nếu bạn nào hơi “mong manh, nhạy cảm”. Khi đã quen và khi đã bỏ qua được những khó chịu chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều trên bước đường lang thang, chúng ta sẽ thấy một Ấn Độ khác hẳn, thú vị hơn nhiều, đúng là cái nôi của một nền văn hóa lớn. Hành trình từ tây sang đông của bạn hầu như tập trung hết tinh túy của Ấn Độ rồi còn gì, bao nhiêu là điểm must-see của LP đều nằm trên cung đường đó. Kể ra đi nghen bạn. Còn hành trình miền Nam Ấn cũng hay lắm bạn ơi!
.................................................. ..........................................

(cont.)



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201140.jpg
Vẫn chưa thấy mặt trời lên trên sông Hằng


Mặt trời vẫn chưa ló dạng nhưng ánh sáng đầu ngày đã sáng hẳn trên các ghat to lớn bên bờ sông. Rất nhiều ghat có ghi rõ niên đại đâu từ thế kỷ XVII, XVIII nhưng vẫn còn rất nguyên vẹn. Kiến trúc của các ghat rất khác nhau, theo niên đại hoặc theo kiến trúc của các vùng rất khác nhau của đất nước Ấn Độ to lớn. Sự hiện diện của chúng đã đem lại cho sông Hằng 1 vẻ đẹp khác thường và con sông Hằng lờ lững bên dưới cũng làm cho chúng đẹp hơn hẳn.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201118.jpg
Ghat từ đầu TK XIX


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201148.jpg

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201150.jpg
Ghat “Hanuman” vì có nhiều khỉ, theo lời ông lái đò


Trời đã sáng hẳn thì mặt trời mới bắt đầu ló dạng. Như vậy hôm nay tôi cũng đã may mắn vì mấy hôm trước ở Varanasi không có mặt trời. Mãi chen lấn để lách qua những đám mây dày đặc của những ngày đông, mặt trời trở nên bé nhỏ và yếu ớt. Chỉ đủ để thấy chiếc dĩa tròn hồng hồng ở ngang lưng chừng trời chứ chẳng oai vệ như ở ngày hè miền nhiệt đới chói chang. Tuy nhiên, chỉ với chút hồng yếu ớt đó, con sông Hằng đã chuyển sang 1 sắc thái hoàn toàn khác. Bừng sáng dịu dàng và kiêu hãnh!



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201163.jpg
Bình minh trên sông Hằng


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201167.jpg
Sông bỗng bừng sáng


Chút sương mỏng teng trên sông giờ cũng ánh lên một chút hồng khi những tia nắng bắt đầu lan trên sông. Những con đò bé bé ở xa xa giờ chợt thoắt hiện khi sương bắt đầu tan đi, làm thành những điểm nhấn tô điểm cho con sông chợt trở nên tinh khôi hơn trong một bình minh sương hồng.

(tbc.)

backpackervn
29-10-2009, 13:27
(cont.)


Tôi leo lên bờ, vẫy tay chào ông lão chèo đò đang quay đò về chốn cũ, rồi bắt đầu hành trình lang thang trên bờ sông. Bờ sông Hằng là nơi phản ánh cuộc sống đa dạng và sinh động của người dân Varanasi. Những chiếc saree dài 7-8m thật nhiều màu nằm phơi dài phất phới trên triền sông, không xa là hàng hàng lớp lớp những bánh phân bò nén tròn nâu nâu phơi mình trong nắng, rồi những chiếc drap giường, khăn trải bàn màu trắng cũng nằm hơ hớ ngay trên bờ sông…



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201176-1-1.jpg
Bon chen xuống sông tẩy rửa tội lỗi nhưng không dám tắm, chỉ dám nhúng chân vào nước sông Hằng thôi.
Không biết như vậy có rửa được tội lỗi không há?


Còn với người dân, đây vừa là nơi thể hiện lòng thành cho những người mộ đạo và cũng là nơi sinh hoạt của những người dân sống quanh đây. Những người dân tắm rửa giặt giũ phơi phóng bên cạnh những tín đồ đang quỳ lạy, tụng niệm hay tắm rửa tẩy trần dưới sông. Nhiều gia đình đang tụ tập bên bờ sông để cầu nguyện cho người thân vừa mất, mà bạn rất dễ nhận ra vì họ vừa cạo trọc đầu nhẵn thín, góc các, các đạo sĩ hay pháp sư cũng rì rầm khấn vái nghiêm trang bên cạnh những chú bò, dê đang lang thang khắp nơi khắp chốn và mùi xú uế do các chú thải ra, cùng với của cả con người, nồng nặc trên nhiều khúc sông… Sông Hằng vẫn lờ lững trôi bên dưới, như vẫn đã trôi từ ngàn đời nay.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201182.jpg
Chất đốt ở 1 thành phố 3.500 tuổi


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201190.jpg
Sân phơi của thành phố 3.500 tuổi


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201187.jpg
Thành kính


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201189.jpg
Nô đùa


Lang thang trên triền sông, đến khi gần về nhà nghỉ, mặt trời vẫn cứ hồng hồng bên sông, dù đã cao lưng chừng trời. Tôi leo lên 1 góc nhỏ trên cao, hơi vắng vẻ và ngồi lại thật lâu để ngắm bình minh muộn, ngắm sông Hằng thật kỹ trước khi chia tay con sông huyền thoại.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201177.jpg
Chào nhé sông Hằng!


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201193.jpg
Chào nhé Varanasi


Rồi đến lúc tôi cũng phải về, để đi tiếp con đường lang thang của mình. Chào nhé sông Hằng! Rất mong một ngày được quay lại!

oilman
30-10-2009, 03:27
Đọc bài của bpk cảm nhận được cái thú chu du thiên hạ của bạn, bỏ qua những lo lắng thường ngày và cái nhìn nửa ly nước đầy (http://en.wikipedia.org/wiki/Is_the_glass_half_empty_or_half_full%3F) của những nơi bạn đi qua làm oilman cảm thấy nhớ về vùng đất mà có khi tự hỏi nó có thật sự tồn tại hay không. Ấn Độ là bức tranh 4D, màu mè, tương phản, lật ra đằng sau bức tranh cũng vẫn thấy đẹp và có cả âm nhạc :-).

Pisces
30-10-2009, 11:45
Đọc bài của bpk cảm nhận được cái thú chu du thiên hạ của bạn, bỏ qua những lo lắng thường ngày và cái nhìn nửa ly nước đầy (http://en.wikipedia.org/wiki/Is_the_glass_half_empty_or_half_full%3F) của những nơi bạn đi qua làm oilman cảm thấy nhớ về vùng đất mà có khi tự hỏi nó có thật sự tồn tại hay không. Ấn Độ là bức tranh 4D, màu mè, tương phản, lật ra đằng sau bức tranh cũng vẫn thấy đẹp và có cả âm nhạc :-).

Đúng vậy. Nhất Ân Độ, bét cũng ÂĐ. Một đất nước đặc biệt và khác biệt, có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới lại đa màu và tương phản như nơi đây.

Ở cơ quan mình, có lẽ mình là người duy nhất thích Ấn Độ. Ai cũng nhìn mình như nhìn Mai-ca từ trên trời rơi xuống khi mình nói thích. Mọi người chỉ thấy bẩn, khó ăn,...Thế mới biết, sự chia sẻ cảm xúc cũng khó và không phải cứ muốn là được.

oilman
31-10-2009, 15:21
@Pisces: nhiều đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Ấn Độ có nhiều thứ hay để khám phá mà họ không thấy ra.
----
Khi ở Mumbai tôi có dịp đến hai di sản Phật giáo còn rất nguyên vẹn. Ajanta và Ellora cách Mumbai khoảng hơn 300km. Có thễ bắt tàu hỏa Mumbai - Aurangabad và từ đó phải đi bằng xe thêm 100km nữa.

Hai di sản thế giới Ajanta và Ellora có những đền thờ, thiền viện của ba tôn giáo Phật, Hindu và Jain. Điểm đặc biệt là các cấu trúc này được đục ra từ vách núi đá bằng trình độ kiến trúc, điêu khắc, trang trí mỹ thuật rất công phu sắc xảo. Hai khu Ajanta và Ellora có tổng cộng 64 cấu trúc lớn nhỏ.

Toàn bộ các cấu trúc ở Ajanta thuộc về Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên. Tại đây vẫn còn vài cái đang xây dựng dang dở cho phép các nhà khảo cổ hiểu được người xưa đã đục những hang động nhân tạo này như thế nào. Sự hoang tàn của nó cũng được giải thích là vào khoảng thế kỷ thứ 6 đạo Phật ở Ấn Độ suy kiệt. Các tu sĩ di chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á. Về mặt chạm trổ và kiến trúc, các thiền viện ở đây đã sắc xảo nhưng vẫn còn chưa bằng các cấu trúc ở Ellora. Nhưng các tranh vẽ trên tường thì cực kỳ giá trị. Ví dụ có một tranh vẽ công chúa có đeo chuỗi ngọc. Khi có ánh sáng rọi vào chuỗi ngọc sáng toát một màu trắng như ngọc thật. Tranh khác nói về cuộc đời của đức Phật từ khi mới sinh ra cho đến khi nhập niết bàn. Mỗi tranh có một chi tiết, một câu chuyện mà tôi chưa xem hết và không biết hết để kể.

Các cấu trúc ở Ellora có sau Ejanta và chúng tỏ ra sắc xảo hơn về mặt kiến trúc và điêu khắc. Nơi đây tập hợp thiền viện, chùa chiền của 3 tôn giáo Phật (niên đại từ 500 đến 700AD), Hindu (700 đến 900AD) và Jain (900 đến 1100AD). Tất cả các cấu trúc ở đây cũng như ở Ejanta đều được đục ra từ một vách đá. Các hoa văn, hình tượng, chi tiết đều dính liền với nhau không có lấp ghép.

-------
Ajanta

Từ điểm này, một người Anh trong chuyến đi săn đã phát hiện ra phế tích Ajanta. Một khu thiền viện quan trọng của Phật giáo. Từ đây, chúng tôi đi men theo miệng của thung lũng, nhìn được toàn bộ di tích Ajanta từ trên cao. Thung lũng có hình móng ngựa, bên dưới là con suối mang nước cho cả khu thiền viện.

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06243.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06259.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06327.jpg

Các thiền viện ở đây được đục ra từ vách núi theo phương pháp từ nóc xuống. Có nghĩa là phần nóc được hoàn thiện trước rồi đi dần xuống phần nền. Rất nhiều kiến trúc hai ba tầng như những nhà lầu ngày nay. Người ta điêu khắc và vẽ tranh trên tường, cột rất tỉ mĩ. Có những bức tranh về cuộc đời đức Phật và cuộc sống dân gian thời bấy giờ vẫn còn rõ màu.

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06289.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06293.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06298.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06318.jpg

oilman
31-10-2009, 15:23
------
Allora

Kiến trúc nhiều tầng với cầu thang hai bên, lang cang, hành lang như một căn nhà nhiều tầng hiện đại.

Nhìn từ bên ngoài bức tường
https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06357.jpg

Nhìn từ sân nhà đằng sau bức tường, hai bên tòa nhà có cầu thang lên những tầng bên trên như một chung cư hiện đại. Đây vừa là nơi ở vừa là nơi học thiền học đạo.
https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06366.jpg

Một cái khác đẹp hơn.
https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06378.jpg

Cầu kỳ nhất ở đây là đền Kailash. Kailash là đền thờ thần Shiva của đạo Hindu. Nó được đục ra từ vách núi đá bằng kỹ thuật kiến trúc và điêu khắc sắc xảo nhưng với công cụ rất thô sơ. Người ta khởi công tạo ra nó từ khoảng thế kỷ thứ 8 sau công nguyên và ước tính có thể mất hàng trăm năm để hoàn thiện. Khoảng 400 000 tấn đá đã được đục ra từ vách núi và bên trong ruột của ngôi đền chỉ bằng sức người và những cây đục (chipsel).

Măt trước:
https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06333.jpg

Nhìn từ vách núi bên hông đền:
https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06337.jpg

Nhìn từ bên trên:
https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06345.jpg

Điêu khắc trên nóc đền:

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/India/DSC06350.jpg

----

Có thể nói tôi cảm thấy ngợp sau khi đến xem hai nơi này. Mặc dù các di tích ở Ajanta có vài trăm năm sau khi đức Phật qua đời nhưng về ý nghĩa kiến trúc, khảo cổ, Phật học thì nơi này cực kỳ quan trọng vì mọi thứ đều còn nguyên vẹn.

Aces
31-10-2009, 20:53
[QUOTE=backpackervn;135883]@ oilman, ở Ấn Độ mọi thứ tương phản đến đáng ngạc nhiên và có thể gây sốc nếu bạn nào hơi “mong manh, nhạy cảm”. Khi đã quen và khi đã bỏ qua được những khó chịu chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều trên bước đường lang thang, chúng ta sẽ thấy một Ấn Độ khác hẳn, thú vị hơn nhiều, đúng là cái nôi của một nền văn hóa lớn. Hành trình từ tây sang đông của bạn hầu như tập trung hết tinh túy của Ấn Độ rồi còn gì, bao nhiêu là điểm must-see của LP đều nằm trên cung đường đó. Kể ra đi nghen bạn. Còn hành trình miền Nam Ấn cũng hay lắm bạn ơi!
.................................................. ..........................................

Ui sao mà câu nói tâm đắc thế, hik mình cảm nhận thấy việc đó nhưng ko biết diễn tả ra sao, thankss bpk nhiều nhé, bạn đã giúp cho nhưng ai yêu và muốn khám phá India thấy tự hào kinh khủng. Ai mới đến ấn độ cảm giác đầu tiên là "choáng và sốc" vì nó chả giống ai, nhưng càng khám phá càng tìm hiểu mình mới thấy họ là một dân tộc rất biết gìn giữ bản sắc của mình, dù cho bản sắc đó nhiều khi làm cho người khác phát sợ (như vụ thiêu xác cả tắm trên sông Hằng ý, hì thề với các bác hồi em nhìn thấy vụ đấy rợn hết cả người luôn, 1 cái xác người đang được ngâm trong sông trước khi mang đi thiêu thì cách đó tầm 100m, mấy bác cả già lẫn trẻ đang ngụp lặn tắm rửa :(:shrug: )
bpk cả oilman tiếp tục cho các bạn được mở mang thêm tầm mắt nhé. Thanks 2 u sooo much :L

backpackervn
02-11-2009, 12:31
@ oilman, các hình ảnh và thông tin bạn chia sẻ thật tuyệt vời, bạn đang làm cho chuyến quay lại Ấn Độ của bpk gần hơn bao giờ hết. Ajanta & Ellora là 2 di tích đã được Unesco công nhận, là 2 trong những điểm must-see mà nhiều sách du lịch đưa ra. Đợt đó từ Bắc Ấn xuống Nam Ấn, bpk tuột nhanh quá nên không ghé được 2 điểm này cũng như một số điểm khác trong khu vực này, đành hẹn dịp sau. Cám ơn oilman nhiều nhiều!

@ aces, vẫn chưa thấy bạn kể chuyện đó nghen.
…............................................... ............


Rời sông Hằng, tôi đến ga Varanasi vừa đúng giờ tàu chạy theo như thông tin trên vé, khi ở đoạn cuối con đường từ bờ sông đến ga, tôi đã phải nhảy khỏi rickshaw vác balo chạy bộ vì kẹt xe – cộng thêm cái tội là mải mê ngồi bên sông Hằng đến sát giờ mới lên rixkshaw. Thở hồng hộc như con trâu điên, tôi xông vào ga, xông đến anh soát vé, hỏi thăm chuyến tàu Varanasi – Gaya chạy ở đường sắt số mấy, đến chưa… rồi lại hốc tốc chạy đến đó. May quá, tàu vẫn chưa đến. Nhưng rồi vận may đã nhanh chóng chuyển thành nỗi buồn tê tái khi tôi lê la vật vạ ở đó để chờ đợi con tàu đi Gaya trong gần 3h kế tiếp. Khi nó đến, nó lại đổi sang đường ray khác chứ không phải đường ray mà tôi đang ngồi chờ. May mà hôm giờ tôi cũng đã quen dần với India-English nên nghe láng máng trên loa thông báo việc tàu đi Gaya đổi đường ray, hỏi thăm 1 lần nữa cho chắc rồi lại hộc tốc chạy sang đường ray kia. Ối trời đất ơi, thiệt là mệt cho mấy cái vụ tàu xe trên đất Ấn.


Nãy giờ chờ tàu tôi rất bồn chồn và khó chịu, không phải vì lý do tàu đến trễ mà vì cái kế hoạch đánh nhanh rút gọn của tôi đã tan tành mây khói theo con tàu đến muộn. Việc tàu đến trễ làm thời gian ở Bodgaya của tôi còn rất ít, chuyến đi viếng Bodhgaya của tôi thành chuyến cỡi ngựa xem hoa. Âu cũng là duyên số, nhưng dù sao cuối cùng tôi cũng đã đến được vùng đất Phật thứ 4 này – tạm nhủ với lòng là mình rất may mắn.


Số là tôi dự định đến Gaya vào xế trưa, nhảy xe autorickshaw đến Bodhgaya thăm viếng nơi đây từ chiều đến tối rồi tối khuya quay lại ga Gaya để lên chuyến tàu đêm đi Delhi. Một buổi chiều thì rất ít nhưng cũng có thể tạm đủ vì tôi chỉ muốn ghé thăm Đại Bảo Tháp mà thôi. Các chùa chiền xung quanh có thể nhiều, đẹp đẽ hoành tráng nhưng chắc cũng không khác là mấy so với chùa chiền ở 3 miền đất Phật kia là mấy. Hơn thế nữa là tôi có 3 người bạn đang đi bụi từ Nam Ấn lên Bắc Ấn, hẹn gặp nhau ở Delhi để xem thử mấy anh em có đi chung với nhau vài đoạn đường trước khi tôi xuôi Nam rồi các bạn ấy lại ngược Bắc tiếp tục hay không? Các bạn đã đến Delhi hôm qua và đang chờ tôi ở đó nên tôi đã lên kế hoạch Varanasi – Gaya – Delhi rất vội vàng. Đã vậy, chuyện trễ tàu lại làm cho kế hoạch của tôi càng thêm nát tan…


Tàu đến ga đã chậm giờ, chạy cũng chậm làm tôi sốt ruột vô cùng nhưng biết làm sao bây giờ. Kế hoạch là tàu Varanasi – Gaya đi từ 9.40g đến nơi khoảng 13.00g, nhưng thay vào đó 12.30g trưa tàu mới chạy từ Varanasi và đến Gaya lúc 16.30g. Thêm vào đó, việc hỏi thăm và mua vé tàu Gaya đi Delhi cũng phức tạp, đến khi xong xuôi là đã hơn 5.30pm, trời đã bắt đầu sụp tối.


Để tôi kể chi tiết hơn cái vụ bị xí gạt ở ga Gaya này nhé. Số là sau khi mua 2 cái vé tàu và được sự nhiệt tình giúp đỡ của các nhân viên của ga Gorakhpur và Varanasi, tôi rất tin tưởng ở họ. Khi đến ga Gaya cũng vậy, tôi cũng vào phòng Tourist Information ở đây nhờ mua vé. Phục vụ ở đây là 1 bác cũng trạc 60, khi tôi vào, bác ấy nói là sắp tới giờ về (gần 5pm) nhưng để tao ở lại giúp mày (!). Sau đó, bác ấy nói rằng đêm nay có 2 chuyến tàu từ Gaya đi Delhi, 1 chuyến tàu cao cấp và 1 chuyến tàu bình dân. Chuyến tàu cao cấp chạy trước và chạy nhanh hơn. Bình thường là tôi sẽ chọn tàu bình dân, nhưng nghĩ đến việc chờ tàu đến giữa đêm khuya ở 1 cái ga phức tạp, 2 nữa là tàu từ Gaya đi Delhi mười mấy tiếng, cũng không nên tiết kiệm quá mức, 3 là các bạn đang chờ mình ở Delhi mà mình tới trễ quá cũng kỳ. Thế là tôi đưa bác ấy số tiền mua vé đi tàu nhanh. Nhờ tôi trông coi văn phòng, bác ấy tất tả đi mua vé. Ngồi không rảnh rỗi, tôi mở cuốn sổ thông tin thì thấy trong đó có tên của 2 bạn người Việt nữa cũng đã nhờ bác này mua vé và lưu lại thông tin ở đây (mà sao các bạn ấy không cảnh báo mình về bác trai India trong cuốn sổ này hén (bằng tiếng Việt thì bác ấy đâu có biết)). Một hồi lâu, bác ấy quay về đưa tôi vé của chuyến tàu chậm và nói ”cả 2 tàu đều hết vé, tao phải chi thêm mới có vé cho mày đây”. Khoảng chi thêm đó khoảng 250Rp (khoảng 90.000VND thôi, gần bằng 2/3 cái vé tàu chậm), nhưng ôi trời đất ơi, tôi vừa bực mình vừa buồn cười vì dạn dày như mình còn bị bác này xí gạt. Thực tế lúc đó tôi cũng rất phân vân vì trời đã tối, nếu cự cãi với bác ấy, đi gặp trưởng ga thì cũng OK nhưng chưa chắc sau đó tôi mua được vé, rồi mất thêm thời gian, không đi được Bodhgaya. Do vậy tôi chỉ cười trừ, vào ga gửi hành lý rồi ra nhảy auto-rickshaw đi Bodgaya, vừa đi vừa buồn cười cho mình.


Trời đã sụp tối hẳn khi tôi vừa đặt chân đến miền đất Phật thiêng liêng Bodhgaya.

(tbc.)

azure
02-11-2009, 21:32
Đợt tháng 10 vừa rồi em có đi tàu từ Dehli đến núi Abu ở vùng Rajasthan. Ở Dehli có tất cả 5 ga tàu đi các nơi. Tàu chạy lúc 10h tối, vậy mà lúc 10h30 tối, bọn em vẫn còn đang ngồi trên ô tô vì đường phố tắc kinh khủng, xe cộ đủ các loại chen chúc nhau, khói bụi...Các hàng quán hai bên đường thì vẫn sáng đèn. Xe đến nơi, tất cả vứt hành lý xuống xe rồi vơ hàng lý chạy thục mạng vào ga, bọn em may mắn có một bác Ấn độ dẫn đường nên đến thẳng toa tàu, vừa leo lên được tới nơi thì tàu chuyển bánh. Đêm đó may mà tàu đến muộn chứ không em sẽ lại lang thang ở ga như bác bp. Mà ga tàu Ấn độ thì ai đến một lần cũng khó mà quên được. Thế nhưng hôm đó khi ở trên xe giữa đoạn đường tắc, em không hề lo một chút nào, luôn nghĩ là mình sẽ lên tàu và sáng mai sẽ đến nơi cần đến.

Trên chuyến đi về, em gặp một bác người Nga đi theo đoàn khách Nga để làm phiên dịch, khi nói chuyện với bác ý về việc đi tàu của Ấn thì bác người Nga nói rằng: tàu Ấn thường hay đến muộn, các bạn không có gì phải lo cả, nếu các bạn đến muộn thì tàu sẽ đến muộn để chờ các bạn, nếu các bạn gặp khó khăn thì sẽ có người xuất hiện để giúp đỡ các bạn. Và đúng là như vậy

backpackervn
04-11-2009, 14:48
(cont.)



(Nguồn L.P + net + wiki + bpk).


Miền đất thiêng Bodhgaya nằm cách thành Gaya khoảng 12km, có tên tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi Đức Phật đã giác ngộ Phật pháp dưới cội bồ đề. Theo truyền thuyết, vào những năm 500 BC, hoàng tử Gautama Siddhartha, lúc này đã là một nhà tu đi khất thực, đã băng qua sông Falgu để đến Bodhgaya và đã ngồi thiền 3 ngày 3 đêm dưới một bóng bồ đề cổ thụ. Sau 3 ngày 3 đêm, Đức Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu. Trong 7 tuần tiếp theo, người vẫn tiếp tục ngồi thiền và kiểm nghiệm lại con đường tu hành của mình cũng như của chúng sinh. Sau đó, người đã đến Sarthna gặp các đệ tử đầu tiên và bắt đầu giảng dạy giáo lý nhà Phật ở đó. Lịch sử Bodhgaya đã được ghi chép trong nhiều tài liệu, quan trọng nhất là tài liệu của các vị cao tăng TQ Pháp Hiển, Huyền Trang đã hành hương đến nơi này vào TK IV, và VII công nguyên.


Ở Bodhgaya, điểm thu hút khách hành hương là ngôi đền Mahabodhi, còn gọi Đại Giác Ngộ Tự hay Tháp Đại Giác đã được vinh danh là di sản thế giới, di tích Unesco vào năm 2002. Mahabodhi, được xây dựng vào TK VI công nguyên, nằm ngay trên vị trí của ngôi chùa được quốc vương Ashoka xây dựng 8 thế kỷ trước đó (vào thế kỷ III trước CN). Sau khi bị san bằng bởi những đội quân Hồi giáo vào TK XI, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa phục chế, lần cuối cùng là vào năm 1882. Đỉnh là ngọn tháp cao 52m, bên trong ngôi chùa có tượng Phật ngồi cao 2m bằng đá mạ vàng được tạc vào những năm 380 AD. Tư thế ngồi thanh thản và dáng ngồi hướng về phía Đông y như tư thế của ngài bên gốc bồ đề năm xưa. Bên ngoài chùa, có 4 viên đá có niên đại từ 184-72 BC. Do ngôi chùa hiện nay được trùng tu bởi các Phật tử Myanmar nên Đại Giác Ngộ Tự có kiến trúc và điêu khắc theo phong cách Myanmar. Mặt tiền của tháp trung tâm có các hốc bên trong có những pho tượng Phật giáo.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/P3100358-1.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/P3100381.jpg
Một ngôi chùa ở Sangkhlaburi, biên giới Thailand - Myanmar có kiến trúc Myanmar, giống Đại giác ngộ tự


Theo nhà khảo cổ người Anh Alexander Cunningham, người đã vận động trùng tu lại thánh địa Bodhgaya vào năm 1882, cây bồ đề nguyên thuỷ đã bị đốn bởi vợ quốc vương Ashoka. Cây bồ đề hiện nay, được trồng bởi người Anh vào cuối TK XIX, được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka, mà cây bồ đề ở Sri Lanka này vốn là được trồng từ một nhánh của cây bồ đề nguyên thủy, đã được công chúa Sanghamita, con vua Ashoka mang sang và trồng ở Sri Lanka vào thế kỷ III BC. Dù sao, cây bồ đề mới cũng đã được trồng đúng ngay vị trí của cây bồ đề cũ mà Đức Phật đã ngồii thiền từ 2.500 năm trước. Phiến đá đỏ giữa cây và ngôi chùa, được đặt tại đây bởi quốc vương Ashoka, để đánh dấu đây chính là nơi ngày xưa Đức Phật đã ngồi dưới bóng bồ đề và đắc đạo.


Bodhgaya ngày nay thường được ví von là một “Liên Hợp Quốc Phật Tự” vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…


Người Nhật xây dựng tại đây một tượng Phật bằng đá trắng cao hơn 20m có tên là Đại Phật (The Great Buddha Statue), với kinh phí lên đến cả triệu USD, hai bên là hai dãy tượng 10 vị đại đệ tử của Đức Phật kích thước cao bằng người thật.

Hoàng gia Thái Lan xây dựng ngôi chùa đồ sộ vào năm 1957 với mái cong vút được mạ vàng óng ánh rất công phu đến từng chi tiết. Chùa Trung Quốc có ba tượng Phật ngồi kích cỡ lớn cùng với hình ảnh Vạn Phật khắc trên khắp bốn bức tường.

Các chùa khác như của Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka… mỗi ngôi đều mang một vẻ độc đáo riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của từng nước.

Hiện nay Việt Nam có 4 chùa tại đây. Đó là Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một nhà tu hành người Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của một nhà tu hành người Đức gốc Việt và tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên đến từ Vũng Tàu.


(tbc.)

backpackervn
04-11-2009, 14:54
(cont.)


Tôi đến Bodhgaya lúc trời đã sụp tối. Những ngày đông này tuy còn nhiều nắng nhưng ngày vẫn tắt rất nhanh. Chiếc autorickshaw thả tôi ngay con đường bên hông chùa Đại giác, phải đi gần 1 vòng mới đến con đường trước cổng chùa. Hàng quán 2 bên đường đang lục tục dọn dẹp vì khách hành hương đi đến trong ngày đã rời Bodhgaya, chỉ còn những khách nào ngụ lại đây hoặc khách lang thang muộn như tôi giờ mới còn ở lại đây.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB201200.jpg
Bạn đã đến Đại giác tự, Bodhgaya rồi đấy. Chúc mừng bạn!


Theo huớng của những ngọn đèn chiếu sáng tôi đi về chùa. Ngoài đường tuy không còn nhiều người đi lại thế nhưng tôi lại ngạc nhiên khi thấy trong con đường nhỏ trước cổng và trong khuôn viên chùa đông ơi là đông những người đến thăm viếng và cả những người đang ngồi nghe kinh hay tu tập xung quanh tháp lớn. Biết không có nhiều thời gian ở đây và cái máy hình cùi bắp của tôi không chụp được vào buổi tối, tôi loay hoay chụp hình đại tháp của chùa trước tiên. Đang bon chen tìm chỗ đứng, góc đủ sáng (chứ không cần đẹp) để chụp hình chợt có ai đó vỗ vai tôi. Tưởng là chú bảo vệ nào kêu tôi tránh chỗ hay không được chụp hình nơi này tôi quay lại. Té ra là 2 thanh niên Ấn Độ thấy tôi tự xử nãy giờ hỏi rằng tôi có muốn dán cái mặt vào một tấm hình nào đó không. Dĩ nhiên là tôi nhận lời, không phải là vì ở đây đông người không sợ các bạn ấy cầm máy hình chạy mất (!?) mà vì các bạn ấy hết sức thân thiện. Làm xong vài kiểu các bạn ấy bắt chuyện và hỏi thăm thông tin. Tôi cũng vui vẻ chuyện trò một phần vì cũng tò mò muốn biết tư tưởng của một người Ấn theo đạo Phật như thế nào ở quốc gia Hindu giáo này. Các bạn ấy vì sinh ra và lớn lên ở đây nên tư tưởng nghiêng theo Phật giáo nhiều chứ không nghiêng về Hindu giáo và như những Phật tử khác, họ luôn tranh thủ viếng thăm chùa chiền khi có dịp. Các bạn ấy rất vui vẻ, làm trong ngành IT và ở tận Delhi, kỳ này về thăm quê, tranh thủ viếng chùa luôn. Các bạn ấy hỏi tôi đủ thứ linh tinh về quê nhà, về cảm nhận Ấn Độ… đủ một vòng đi bộ quanh khuôn viên chùa theo dòng người đi lễ, rồi chia tay. Lúc này tôi mới bắt đầu đi vào trong chùa để thăm viếng, lòng vui vui vì những người bạn mới thoáng qua và sẽ không gặp lại trong đời.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB201206.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB201203.jpg
Đại giác tự trong đêm


Đến Bodhgaya, không ai có thể bỏ qua việc đến chiêm bái và khấn vái trước bức tượng Phật nổi tiếng trong chùa Đại giác. Bức tượng đá được phủ vàng này được hoàn thành vào thế kỷ IV Công nguyên, mô tả tư thế của đức Phật lúc người giác ngộ Phật pháp dưới cội bồ đề. Có nhiều truyền thuyết về bức tượng này mà có bạn đã chia sẻ trên diễn đàn nên tôi không nhắc lại, chỉ biết là khi quỳ lạy trước người, tôi cứ lạnh toát trong người vì lý do nào chẳng rõ. Pho tượng, chỉ là pho tượng nhưng toát lên thần khí sắc rất khác thường. Có thể thấy rõ sự khoan dung hiền từ, cũng có thể thấy rõ sự anh minh thông tuệ, cũng có thể thấy rõ thần thái uy nghiêm… của Người, toát lên rất rõ. Sau khi vái lạy xong tôi rút lui ra ngoài, nhường chỗ cho 1 đoàn người dài dằng dặc đang lặng lẽ chờ. Tôi kiếm một chỗ ngồi me mé bên ngoài, có thể nhìn vào được trong chánh điện, ngồi xuống và chiêm bái, thật lâu.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB201212.jpg
Tượng Phật trong Đại giác tự


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB201211.jpg
Từ ngoài nhìn vào


Hồi lâu, tôi nhẹ nhàng đứng lên, bắt đầu lang thang tiếp trong chùa.

(tbc.)

backpackervn
06-11-2009, 15:52
(cont.)


Chùa đêm rất đông nhưng không ồn ào. Rất nhiều phật tử và thiện nam tín nữ đi vòng quanh chùa, vừa đi vừa lần tràng hạt hoặc lâm râm tụng niệm. Trong các khoảng sân bên hông và phía sau chùa, nhiều đoàn tăng ni đang ngồi trật tự dưới đất để tu tập hoặc nghe giảng kinh kệ. Không khí thấm đẫm sự tôn nghiêm.


Trước khi đi cầu nguyện theo vòng tròn lớn quanh chùa, như thói quen tôi vẫn làm khi ở các chùa Tibet, tôi làm một vòng tròn nhỏ quanh chùa trước, mà điểm dừng đầu tiên là ngay sau chùa, nơi có cây bồ đề hơn trăm năm tuổi, mọc đúng nơi vị trí của cây bồ đề năm xưa đức Phật đã ngồi khi đắc đạo. Dĩ nhiên là cây được rào kín và không có chiếc lá nào rơi rụng trên sân. Tôi không đứng để chờ lá rơi vì tôi đã mang theo từ Kushinagar những chiếc lá bồ đề trong khu vườn (được cho là) đã tiến hành nghi lễ hỏa táng đức Phật khi người nhập cõi Niết bàn. Với tôi, một kẻ lang thang nhiều sân si tội lỗi, như vậy đã là quá đủ!



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201245.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201238.jpg
Cây bồ đề linh thiêng.


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201241.jpg
Phiến đá Ashoka ghi dấu nơi ngày xưa đức Phật đã ngồi và đắc đạo.


Nhưng tôi vẫn dừng lại nơi đây thật lâu, ngắm nhìn cây bồ đề thiêng, ngắm nhìn dòng người thành kính vái lạy khi qua đây, ngắm nhìn phiến đá của quốc vương Ashoka bên dưới cội bồ đề, đánh dấu nơi ngày xưa Phật đã ngồi… mải rồi tôi mới đi tiếp, rồi tôi lại vòng lại… nhiều lần.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201221.jpg
Một vị trí linh thiêng


Bên ngoài chùa, phật tử cúng dường ở nhiều vị trí linh thiêng khác, như nơi đánh dấu vị trí đức Phật đã ngồi thiền vào tuần lễ thứ 3 sau khi đắc đạo, tuần lễ thứ 7… và tôi rất yêu những bông vạn thọ được đơm đầy trong những chiếc đĩa để cúng dường tỏa hương dịu nhẹ hăng hắc lan tỏa nơi nơi. Tôi đã nhiều lần chia sẻ với các bạn là tôi yêu hoa vạn thọ, nhưng lần này tôi cũng phải nhắc lại là tôi rất yêu quý loại hoa dân dã, luôn gợi nhớ trong tôi kỷ niệm êm đềm của những cái Tết nghèo êm đềm ngày quê xưa. Nhiều khi lang thang trên đường gió bụi, chỉ một cụm vạn thọ vàng dân dã mộc mạc cũng đủ làm tôi ấm lòng, cả những lúc đang cô đơn cùng cực.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201220.jpg
Vạn thọ yêu thương!


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201223.jpg
Một góc nhìn khác về Đại giác ngộ tự


Mải miết lang thang trong chùa, sau khi đã đi mấy vòng chùa theo dòng người thành kính, vào ra lại chánh điện để chiêm bái tượng Phật… tôi cũng đã định về, vì sợ rằng nếu về khuya quá không còn xe để về lại Gaya nhưng chợt tôi nghe thấy ai đó đang nói tiếng Việt. Rất vui mừng tôi đi đến và thấy 3 vị sư cô đang nói chuyện với nhau, tôi xông đại tới tự giới thiệu luôn. Chẳng hiểu làm sao tôi lại quá vui mừng khi gặp được người Việt ở vùng đất linh thiêng, hay là tại tôi đã xa nhà quá lâu? 3 sư cô này là người Việt nhưng lại là Việt kiều, 2 cô ở Đức, 1 cô ở Pháp, cũng đã lâu lắm không về quê nhà nên cũng rất vui khi gặp con cháu từ quê sang. Cô ở Pháp thì ngụ tại Việt Nam Phật Quốc Tự, 2 cô kia ở chùa Viên giác vì 2 cô đến từ chùa Viên giác ở Đức. Cả 3 cô cũng ngạc nhiên khi thấy tôi chỉ đi một mình từ quê nhà sang đến tận đây mà chỉ bằng đường bộ và đều rất lo lắng cho tôi khi biết rằng tôi vẫn chưa có chỗ ngụ tại Bodhgaya này. Sư cô ở Pháp bận việc nên về trước, 2 sư cô của chùa Viên giác, cô Đồng Y. và cô Đồng K. (tôi xin phép không nêu tên ở đây) rất nhiệt tình và đầy thương mến với kẻ lang thang bụi bặm này, làm tôi muốn rớt nước mắt. 2 cô kêu tôi hủy vé tàu đi Delhi, ở lại đây một đêm, rồi cho lại tôi tiền vé để ngày mai hẵng đi. Rồi 2 cô kêu tôi về chùa lấy cơm cho tôi ăn, hỏi thăm đủ đều hết… Tội nhất là tôi nghe 2 cô thì thầm với nhau khi hỏi tôi giá vé bao nhiều, rồi nói với nhau là ở Đức số tiền đó không đáng không là bao nhiêu chứ ở Việt Nam là cũng nhiều lắm… sau đó 2 cô mới quay qua nói là sẽ cho tôi tiền vé… Tôi thì nghèo thật nhưng làm sao tôi có thể lạm dụng tấm chân tình đó, nên tôi thưa thật với 2 cô rằng tôi phải đi vì đồ đạc tôi đang để ở ga, bạn tôi đang đợi ở Delhi… 2 cô cũng xuôi xuôi nhưng cứ kêu tôi đi với 2 cô về chùa để kiếm gì lót bụng. Tôi đưa 2 cô về chùa Viên giác, 2 cô phải đến phòng tu tập ngay nên chỉ đường cho tôi ra sau rửa ráy và chỉ bếp cho tôi vào lục cơm nguội, dặn dò tôi cứ tự nhiên như ở nhà… rồi 2 cô vội vã đi để tôi tự do một mình trong chánh điện thênh thang. Tôi vô cùng xúc động nhưng nghĩ rằng mình không nên lạm dụng quá mức. Tôi chỉ ra sau rửa sạch bụi bặm của một ngày dài lang thang, lên chánh điện thành tâm khấn vái, rồi đi…



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201246.jpg
Chùa Viên Giác ở Bodhgaya.

Tôi lao nhanh ra con đường tối đen và vắng tanh, lòng nghẹn lại… Sao tôi không thể ở lại Bodhgaya đêm nay?


(tbc.)

2LúaMiềnTây
06-11-2009, 16:12
Ở lại đi backpacker ơi !!!
Vừa gặp được đồng hương, vừa có thể hàn huyên tâm sự, và cũng để tìm hiểu thêm về chùa Viên Giác luôn...

backpackervn
07-11-2009, 13:31
@ 2LuaMienTay, hix, phải chi mà bpk gặp bạn trước và nghe được lời khuyên của bạn thì tốt biết mấy. Nhưng chuyện đã lỡ rồi. Bởi vậy trên đời mới có 2 chữ “Giá như…” mà nhiều người rất thích xài, trong đó, đặc biệt có bpk!
.................................................. .............

(cont.)

Lòng nặng trĩu, tôi ra đường đón xe về ga Gaya, nhưng làm gì còn xe nào chạy giờ này vì đã hơn 8 giờ tối, khách nào đến đây thì ở lại đây luôn chứ còn về làm chi. Thật ra 13km thì đi bộ cũng được, khoảng 2h là cùng nhưng đường tối đen tối mù vắng tanh vắng ngắt như kia mà đi bộ thì lỡ có chuyện gì thì tèo!!!

Lo lắng, tôi ngược xuôi trong Bodgaya tìm các xe autorickshaw để hỏi họ có chạy ngược về Gaya hay không thì bị hét giá trên trời dưới đất. May mắn thay, cuối cùng có 1 chiếc autorickshaw chở mấy người dân Ấn có việc gì muộn ở Gaya vừa đến và xe đang quay đầu lại để về không. Tôi chận lại và được hét với cái giá rẻ, gấp 1,5 lần so với lúc chiều nhưng cũng gật đại một cái cho nó xong chuyện rồi leo lên xe. Bây giờ kể lại thì thư thái lắm chứ lúc đó thì lòng dạ ngổn ngang trăm mối tơ vò…


Về đến Gaya, kẹt xe! Thế là tôi lại xuống xe đi bộ lon ton đến ga. Ôi trời đất ơi thiên hạ đã chiếm hết sân ga, chiếm cả chỗ của tôi để ngủ hết trơn rồi. Nghĩ đến cảnh lát nữa phải đến đây trải giấy báo ngồi (hoặc) nằm chờ tàu đến 2g sáng, ôi thôi là hãi hùng.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201249-1.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201248-1.jpg
Chờ tàu ở ga Gaya. Bạn có thấy bpk trong đó không? Mình cũng lê lết như vậy đó, cũng thành dân bản xứ mất tiêu rồi!


“Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu…”! Buồn tình cái cảnh chờ tàu lê lết quá, tôi bèn đi lấy cái balo đã gửi vì cũng đã gần đến giờ đóng cửa khu gửi hành lý, đeo balo đi lang thang rồi mới nhớ là từ sáng đến giờ chưa có cái gì vô bụng, mới tiếc làm sao tô cơm nguội chưa được ăn ở chùa Viên giác! Cũng may là có cái nhà hàng gần ga, trông cũng sạch sẽ còn mở cửa, tôi đi vào. Buồn tình quá, nhìn quanh quẩn không thấy bia bọt gì hết, bèn hỏi thăm thử chú phục vụ nhiệt tình. Nào ngờ, chú OKie, rồi lát sau đem ra cho tôi một cái chai quấn giấy báo và 1 cái ly gói giấy hồng xinh xắn. Tôi tưởng là nhà hàng làm thế cho sạch sẽ hoặc để giữ lạnh bèn tính lột ra thì chú ấy ngăn lại, nói rằng cấm bán bia trong nhà hàng này, chú ưu tiên cho tôi vì là “người nước ngoài”! Té ra là vậy, đạo Hindu cũng cấm bia rượu sao trời. Ngồi nhìn cái chai bọc trong giấy báo chợt nhớ ngày nào lang thang ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng y chang vậy, bia lon bia chai gì cũng quấn giấy báo, mà rượu của xứ xở Hồi giáo cấm rượu bia Thổ Nhĩ Kỳ lại ngon tuyệt. Nhớ nhất cái chai rượu Lion’s Milk xách về Việt Nam xách về Saigon mời bạn bè làm cả nhóm lâu lâu lại thòm thèm nhắc đến! Chẹp, mới vừa trong đất Phật ra giờ lại bia rượu… làm sao tu nổi đây trời…



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB201247.jpg
Bia quấn giấy báo nè…


Rồi nhà hàng cũng đóng cửa, hết chỗ đi, tôi phải quay lại ga và trà trộn vào đám người đang mê mệt chờ tàu. Mình cũng phải như họ tôi. Mãi đến hơn 2.30g sáng tàu mới đến. Lên tàu lại cự cãi nhau um sùm vụ ghế ngồi với thằng ku Ấn độ kia làm cả chuyến đi mất vui vì thắng ku đó cũng ngồi tiếp kế bên tôi mãi đến Delhi, nghĩa là 2 cái mặt sừng sộ nhau từ 2.30g sáng đến 7g tối ngày hôm sau.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB211250.jpg
Một dãy phố nhìn thấy từ con tàu Gaya – Delhi, cứ tưởng như ở Banda Aceh vừa trải qua sóng thần!!!


Vậy đó, và giờ đây, tôi đang vui mừng cụng ly côm cốp với bạn bè tại Delhi. Bia cũng che lại và được rót vào trong cái ly sứ, để khỏi bị nhìn thấy. Mặc kệ, dù sao có bạn, có bia là vui rồi.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB211251.jpg
“Say cheers!” – Delhi vừa đến.


Xin chào Delhi!

2LúaMiềnTây
07-11-2009, 14:55
Sao không cho thấy mặt tác giả vậy bkp? Chỉ thấy 2 ngón tay thôi...

chaubaogia
07-11-2009, 18:31
@ 2lua:Muốn thấy mặt bpk 2 lúa gõ backpackervn trên google, rồi nhấn vào “hình ảnh” là thấy ngay mà….

Sorry bạn backpackervn vì đã tiết lộ bí mật quốc gia nhé...:LL
Vẫn còn nợ nhau một chuyến thăm Mr Phao đó nha...

Tib
08-11-2009, 09:33
tuyệt vời, nhìn cái cảnh nhà ga & chai bia cuộn trong giấy thì thấy bpk đã thật sự sống với Ấn Độ rồi, không phải là chơi nữa
cảm ơn bpk vì bài viết này & cả bài Nepal, viết thành sách được !

backpackervn
10-11-2009, 11:10
@ chaubaogia: chừng nào đi Siphandon, bpk sẽ xử bạn bằng một trận tắm Laolao luôn:gun :T:T! Nhưng mà “không phải em, nào đâu phải em… téng teng tèng teng”…(BB)

@ 2LuaMienTay, người ta nói trông “văn” biết người mà! Bạn cứ đọc “dzăng” ướt đẫm bia bọt của bpk, gần chảy tràn trề cái màn hình… là biết người thôi mà….

@ Tib, cám ơn bạn hén, nhưng bạn làm bpk mắc cỡ quá!
…............................


Hôm trước, vội vã rời Gaya để đến Delhi, tôi cũng lướt hơi nhanh nên bỏ qua vài đoạn chia sẻ cho bạn biết thêm về những con tàu Ấn Độ. Bay giờ vòng lại hén.


Ở Ấn Độ, ngoài tàu chợ đi các cung đường ngắn, không có chỗ ngồi được ghi trên vé, là giá rẻ nhất thì kế đến là tàu 2nd class. Đây là 2 loại tàu bpk dùng để đi lại trong suốt những ngày Ấn Độ, đâu có mơ màng gì đến tàu tốc hành, tàu AC máy lạnh… đâu. Bpk đi Gaya – Delhi cũng bằng khoang tàu 2nd.


Tàu 2nd class của Ấn độ lại giống tàu giường nằm của Việt Nam, trong khoang có 6 giường, chia 2 dãy mà ban ngày bật lên là 6 ghế ngồi, khi chỉ sử dụng 2 băng ghế của giường tầng 1. Nhưng thêm vào nữa là nó có thêm 2 giường (tầng 1 và 2) ở dọc hành lang. Như vậy, trung bình 1 khoang (khoang mở chứ không đóng) nó có tổng cộng 8 giường chia 3 dãy (3,3,2). Ở dãy chỉ có 2 giường bên ngoài dọc hành lang, khoảng cách giữa 2 giường cao hơn, nên lúc đã hạ cái giường ở tầng trên ra rồi thì bên dưới vẫn ngồi thoải mái được. Và chuyện rắc rối với tôi lại nảy sinh từ đó.


Lúc lên tàu gần 3g sáng người mệt mỏi cáu gắt lại thấy có ku kia ngồi ngay cái giường của mình, ở tầng 1 của cái giường 2 tầng dọc hành lang, còn cái giường tầng 2 bên trên đã có người năm rồi. Tôi không biết là cái vé của tôi là cái vé phụ, sẽ phải chia sẻ với thằng ku đó vì cứ nghĩ mỗi người là 1 giường, không biết là trong 8 cái giường của 1 khoang, duy nhất cái giường tầng 1 của dãy 2 giường dọc hành lang là được quyền bán vé phụ. Đơn giản là tôi chỉ hỏi thằng ku đó vé mày đâu, hình như mày ngồi nhầm chỗ. Thay vì đưa vé cho tôi xem là xong chuyện nó cứ nói đó là ghế của nó, không việc gì nó phải đưa vé... Thế là điên tiết tôi làm ầm ĩ lên đến lúc trưởng toa tới, lúc đó nó mới đưa vé ra, trưởng toa mới giải thích việc bán vé ghế phụ cho tôi biết. Thế là tôi và ku đó cùng ngồi trên cái giường đó. Mà lúc đó, tôi lại nhớ cái bác già già mua vé giúp tôi ở ga Gaya, biết đâu bác ấy lại đúng khi nói đã hết vé. Ngồi một hồi chịu không nổi ku đó đi kiếm báo trải xuống tàu nằm, làm sao mà nó “chiến đấu”, “cầm cự” nổi với dân “chinh chiến” như tôi được (???). Thế là tôi lại chiếm nguyên cái giường. Sáng, nó lại bò lên ghế, để khỏi nhìn mặt nó, tôi vác sách ra đọc, những lúc không đọc thì ngắm cảnh. Cứ thế, cả ngày dài, trừ khi đi toilet (!?).


Thằng ku đó cà chớn nhưng người nhà của nó cũng đàng hoàng, có mấy lúc không có nó mọi người cũng qua hỏi han chuyện trò rồi nói tôi đừng giận nó, nó thế này, thế kia… Tôi cũng bình thường nhưng cũng chẳng cởi mở cho mấy để chuyện trò, vì thật sự tôi không an tâm lắm mấy cái vụ chuyện trò linh tinh trên tàu xe. Do vậy cả ngày tôi cứ ngồi lỳ một chỗ, bữa sáng, bữa trưa, bữa tối chỉ là mấy gói bánh bích quy tôi mua đem theo, vì cho dù nó khô không khốc, đó là thứ vệ sinh nhất tôi mà tôi có thể dùng được khi đi tàu.


Nói thêm về lý do tôi không an tâm việc chuyện trò trên tàu xe, là do 3 người bạn đang chờ tôi ở Delhi, trong những ngày vừa qua cũng mới bị lừa một vố qua mấy chuyện như vậy, nhưng chuyện dài lắm, lại không phải chuyện của mình nên tôi không kể ở đây.


3 bạn đang chờ tôi ở Delhi, tôi chưa hề biết mặt 2 bạn. Còn 1 bạn cũng mới quen biết vài tháng, nhưng cũng chưa hề đi bụi chung. Cả 3 bạn đều là nữ và đi Ấn Độ chuyến này đến 40 ngày, bay từ Saigon-Singapore-Bangalore rồi từ đó đi dần dần lên và mấy anh em hẹn gặp nhau ở Delhi, dự định là sẽ đi lơn tơn chung ở Delhi vài ngày rồi lại chia ra đường ai nấy đi.


Đến Delhi, may mắn là tàu dừng ngay ga New Delhi, ngay đầu khu du lịch balô Paharganj, nhưng do phải đi tìm nhà trọ của 3 bạn ấy đang nghỉ lại không có hướng dẫn trong L.P nên tôi mất gần 1g đồng hồ trong cái ma trận ở đó. Khi đã lấy phòng, tẩy trần xong xuôi… mấy anh em gặp nhau cũng đã hơn 9g đêm, kéo nhau lên 1 quán café sân thượng của khu balo làm 1 chầu tưng bừng và lên chương trình cho hành trình ngày mai.


Tôi đã “hạ cánh an toàn” xuống Delhi như vậy đó!


(tbc.)

hanhlienta
11-11-2009, 21:20
Rất rất cám ơn bạn bpk đã bỏ nhiều công sức post bài chi tiết và kỹ lưỡng để mọi người có thể hình dung và cảm nhận về những vùng đất bạn đã đặt chân tới.
Những bài viết về Ấn Độ của bạn đã giúp mình có thêm niềm tin để quyết định lên đường năm sau.
Rất chờ mong những bài viết sắp tới của bpk về Taj Mahal, Fatehpur Sikri và vùng Rajasthan để mình chuẩn bị được tốt hơn cho chuyến đi sắp tới.

backpackervn
12-11-2009, 11:23
@ hanhlienta, cảm ơn bạn đã chia sẻ. Bpk cũng có theo dõi hành trình dự định của các bạn và biết chắc từ đây đến đó bpk sẽ hoàn thành topic này. Dạo này bpk cũng hơi lơi lơi tý xíu vì cứ lải nhải độc thoại hoài nên ý nó cụt nó què mất tiêu ráo trọi và topic cũng buồn tẻ quá. Bắt đầu tăng tốc lên nào!!!
….....................................

(cont.)


Dù hôm nay New Delhi là thủ đô, nhưng so với những gì “Delhi” đã có từ nhiều ngàn năm trước, so với bối cảnh thời bấy giờ, thì New Delhi hiện tại chỉ là 1 cái bóng rất mờ, theo thiển ý của cá nhân tôi, dù thành phố gần 13 triệu dân này là 1 trong những đầu tàu kinh tế của Ấn độ và cả khu vực.


Nằm trên con đường giao thương từ Tây Á, Trung Á sang Đông Nam Á, Delhi được cho rằng đây là thành phố huyền thoại Indraprastha có trên 3.000 năm tuổi, nhưng những di tích khảo cổ học cho thấy thành phố này chỉ khoảng 2.500 tuổi. Tuy nhiên, New Delhi hiện nay đã là thành phố thứ 8 được xây dựng lên, ở xung quanh hoặc ngay bên trên các thành phố xưa cũ, sau những chiến trận dữ dội đã tàn phá các thành phố đó. Khu vực Old Delhi hiện nay được xây dựng từ TK XVII, khi Mughal Shah Jahan dời kinh đô từ Agra về đây. 1911, quân đội Anh cũng đã dời kinh đô từ Calcutta về đây và cho đến ngày 15.08.1947, khi Ấn Độ tuyên bố độc lập thì New Delhi cũng được chọn là thủ đô của quốc gia này. Từ đó đến nay, New Delhi đã phát triển không ngừng để thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong việc phát triển kinh tế. Chính sự bùng nổ kinh tế này, kéo theo việc dân chúng khắp nơi đổ về, mong cầu 1 cơ hội sống tốt hơn, một tương lai tươi sáng hơn… đã làm cho New Delhi mang một sắc thái Ấn Độ hơn bao giờ hết, sự mâu thuẫn rõ rệt giữa các giai cấp, các tầng lớp kinh tế… Một Delhi đa chiều mà sự lôi cuốn của nó đối với khách du là những gì của một thời xa xưa vang bóng, chứ không của 1 Delhi hiện tại – hỗn độn và xô bồ.


Thời gian dành cho Delhi không nhiều, chúng tôi dự định sẽ chỉ ở đây 2 ngày. Sau đó sẽ chia tay, các bạn sẽ đi tiếp Agra, còn tôi sẽ đi lên tiếp Amritsa, biên giới India – Pakistan, do vậy chúng tôi cố gắng tranh thủ thăm thú Delhi nhiều nhất có thể. Buổi sáng, ra khỏi khu Paharganj, 4 đứa hỏi xe autorickshaw bao đi nguyên ngày nhưng đều bị hét giá trên trời dưới đất, thế là chúng tôi chuyển sang phương án 2, đi metro và đi bộ. Số là ngay ga New Delhi cũng như ở khu Connaught sầm uất kế bên đều có ga metro, do đó 4 tên lóc cóc đi bộ từ Paharganj đến Connaught, chui xuống hầm và lên chuyến metro hướng đến thánh đường Hồi Giáo lớn nhất Delhi Jama Majsid.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB221256.jpg
Bản đồ Metro, cho bạn nào cần


Metro vắng vẻ vì đã quá giờ đi làm, toa xe sạch sẽ, máy lạnh mát rượi nên chúng tôi rất khoái chí. Nhưng khi đổ ra bên ngoài thì ôi thôi, đường xá đông đen chật cứng. Hướng theo bản đồ, theo các tháp cao của thánh đường để len lỏi trong các đám đông, nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình đang lang thang ở chợ Cầu Muối ngày xưa cũ! Nhưng sau 1 đoạn đường len lách, ngôi thánh đường đã hiện ra trước mắt, kiêu hãnh nổi bật trên những xô bồ – và đẹp đến ngỡ ngàng.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB221257.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB221275.jpg
Delhi đông đúc từ trên cao và từ dưới đất


Thánh đường lộng lẫy Jama Masjid, không chỉ là thánh đường rộng nhất Delhi mà còn là rộng nhất India và là tuyệt phẩm cuối cùng của quốc vương Hồi giáo Shah Jahan. Được xây dựng vào năm 1644. mãi đến năm 1658 thánh đường này mới được hoàn thành. Được xây dựng bằng đá đỏ và đá cẩm thạch trắng, khoảng sân của ngôi thánh đường khổng lồ này có thể chứa đến 25.000 ngàn người. Nói chung cảm giác đầu tiên khi nhìn thánh đường này là bị ngợp.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB221264.jpg
Jama Masjid, 1 góc nhỏ


(tbc.)

anhminh
12-11-2009, 14:21
Thánh đường lộng lẫy Jama Masjid, không chỉ là thánh đường rộng nhất Delhi mà còn là rộng nhất India và là tuyệt phẩm cuối cùng của quốc vương Hồi giáo Shah Jahan. Được xây dựng vào năm 1664. mãi đến năm 1658 thánh đường này mới được hoàn thành.

Tớ ko nghĩ là cái này được xây dựng TCN đâu :D

azure
12-11-2009, 22:16
Em chưa được đến đây nên rất mong được đọc tiếp bài của bác. Bác có đến Akshardham Temple Delhi không ạ, một tuyệt tác kiến trúc với những tác phẩm điêu khắc vô cùng tinh xảo, vừa được khánh thành tháng 11/2005, được xây dựng để tưởng nhớ Lord Swaminarayan.

backpackervn
13-11-2009, 11:27
@ anhminh, cảm ơn bạn, bpk đã sửa rồi, 1644 chứ không phải là 1664. Chắc lúc đang gõ lóc cóc lại mơ tưởng tới chai bia 1664 của Pháp quá!. Chắc chắn bạn làm trong lãnh vực liên quan đến kế toán tài chính phải không, vì khả năng nhìn số liệu của bạn y chang mấy sếp CFO của bpk. Nếu bpk nói đúng thì (beer) nhé!

@ azure, bpk không đi được Akshardham Temple Delhi, hy vọng lần sau sẽ đến!
.................................................. .......

(cont.)



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221259.jpg
Lộng lẫy Masjid Jama


Không ngạc nhiên lắm khi được biết thánh đường Masjid Jama này được xây dựng bởi quốc vương Shah Jahan, vị quốc vương đã xây dựng nên ngôi đền Taj Mahal lừng danh ở Agra. Hơn thế nữa, thánh đường này lại là tuyệt phẩm cuối cùng mà ông đã xây dựng nên. Trải qua gần 400 năm ở cái xứ Ấn độ thời tiết quá khắc nghiệt nhưng ngôi thánh đường hầu như vẫn giữ nguyên được vẻ tráng lệ như từ thuở nó được sinh ra.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221266.jpg
Những mái vòm hun hút cuốn theo hồn người


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221269.jpg
Hồ nước để tẩy trần trước khi khấn vái


Lang thang mê mải trong cái nắng bắt đầu gay gắt của xứ Ấn, tôi càng đắm chìm hơn khi tòa thánh đường ngày càng rực rỡ khi nắng lên. Không chỉ lộng lẫy khi đứng nhìn từ bên ngoài với các tháp kiều diễm, thánh đường còn mê đắm lòng người với những kiến trúc tinh xảo bên trong, những mái vòm với những đường cong mềm mại, tinh tế chạy dài hun hút như cuốn theo hồn người.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221270.jpg

https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221271.jpg
Các góc nhìn quanh Masjid Jama


Lúc đầu, cảm giác được đi chân trần trên sân gạch đã mòn nhẵn thời gian thật dễ chịu (phải gửi giày dép và đi chân trần, bạn đi tour thì được các bạn guide phát cho 1 đôi dép giấy) nhưng khi nắng lên thì việc đó trở thành thử thách, nhưng có lẽ đối với một tên lười biếng lao động da chân mỏng như tôi thôi chứ với dân Ấn thì hình như chẳng hề hấn gì. Nhất là các em bé, mà trò đùa vui của chúng là ra giữa sân nắng tí tởn vui đùa với đám chim bồ câu đang tụ tập trong sân, đuổi chúng bay tung toé lại tạo nên những phông nền tuyệt vời cho các (n)hiếp ảnh gia.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221261.jpg
Đám bồ câu trong thánh đường – tưởng tượng cô dâu trong váy trắng toát bay bay trong gió, đám bồ câu tung bay… trong Masjid Jama lộng lẫy… Chẹp!



(tbc.)

minhphred
17-11-2009, 16:23
phục bác bpk thật, e đọc các địa danh mà toét hết cả mắt với méo cả mồm mà bác cứ nhoay nhoáy :)
các bài của bác khéo viết thành sách được đấy ạ

backpackervn
18-11-2009, 13:11
@ minhphred, ừ, lúc đầu khi chỉ đọc sách mà chưa đi đến, bpk cũng “toét mắt, méo mồm”… nhưng khi đi từ từ đến từng nơi, lang thang ở đó, chơi ở đó, sống ở đó,… rồi quay lại đọc về vùng đất đó thì lúc đó mắt, mồm mới trở lại bình thường.


(cont.)



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221267.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221262.jpg
Masjid Jama qua những khung cửa hẹp.




Lang thang trong thánh đường, trên sân, trong hành lang, ở ô cửa này, tòa tháp khác… đã đời đã điếu rồi tôi lại bắt đầu leo lên cao. Người ta cho phép (có bán vé) khách tham quan đi lên một trong hai tòa tháp cao 40m bên cạnh thánh đường. Tòa tháp bé xíu, đi lên bằng 1 cái cầu thang tối thui tối mò, dựng đứng, vòng vèo lượn xoắn lên đến đỉnh. Ở đỉnh của tháp đường kính chừng 2,5m, do vậy số lượng người được cho lên có hạn và thời gian đứng ở đó cũng có hạn. Nếu bạn chịu khó cười cười với anh chàng đứng canh chừng ở đó thì may ra được đứng lâu hơn (!). Từ viewpoint này nhìn xuống thánh đường, nhìn ra Delhi càng thấy vẻ quyến rũ của ngôi thánh đường này, nhất là khi nhìn về 1 thủ đô Delhi của 1 thế kỷ XXI hiện đại tiên tiến (?!) nhà cửa lô xô lộn xộn xung quanh. Bao nhiêu năm trước, khi vùng này còn là mênh mông đất đai chắc tòa thánh đường lộng lẫy này càng nổi bật biết bao.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221278.jpg
Nhìn xuống từ tòa tháp cao 40m


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221274.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221279.jpg
Nhìn ra phố phường quanh Jama Masjid.


Nhưng không may (!?) là lúc ở trên cao này, ngôi thánh đường Jama Masjid lại bị “cạnh tranh” nên lu mờ ít nhiều, vì từ đây nhìn sang Pháo đài Đỏ, Red Fort, nằm ngay kế bên rất rõ, lại thấy pháo đài cũng hoành tráng không kém. Nhất là khi nhìn từ xa thì mọi thứ lại càng hấp dẫn hơn – vì không biết có gì trong đó, và thường thì cỏ bên kia đồi lại xanh hơn!!!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221280.jpg
Red Fort xa xa quyến rũ


Bị đuổi xuống vì đã mấy lần nhăn nhở cười duyên rồi đứng quá lâu, tôi tiếp lang thang trong Jama Masjid, nhìn ngắm sờ mó một hồi và sau đó, đến giờ hẹn lại tụ tập cả bọn lại, rồi lôi thôi lếch thếch kéo nhau đi bộ sang Red Fort cũng gần gần đó. Nhưng Red Fort sáng nay lại đóng cửa mất tiêu, chỉ mở cửa lại vào buổi chiều. Do vậy chúng tôi phải lang thang đợi đến giờ mở cửa, nhưng nhờ vậy mà hóa hay, chúng tôi ngó nghiêng qua được 1 cái chùa của đạo Jain, rồi lạc vào 1 ngôi đền của đạo Sikh, biết thêm nhiều điều hay. Và sau đó, thông tin hấp dẫn về vùng đất thiêng của đạo Sikh đã làm các bạn kia đổi hướng chuyến đi luôn. Chuyện đó hồi sau sẽ nói tiếp.


(tbc.)

backpackervn
18-11-2009, 16:15
(cont.)


Đối diện với Red Fort là ngay một quần thể các ngôi đền của đạo Jain, đên Digambara. Đạo này ra đời cùng thời với đạo Phật, vào thế kỷ VI trước Công Nguyên bởi Đức Mahavira. Nguồn gốc và sự tích của đạo này bpk sẽ kể sau trong dịp thuận tiện nhưng điểm đặc biệt của đạo này là có những nhà sư mộ đạo không mặc đồ gì cả, mà một vài tác giả có liên tưởng đạo này đến Vô tàm giáo trong các tác phẩm của Kim Dung. Hiện nay, đạo này vẫn đang tồn tại trên đất Ấn và rất nhiều di tích thời xa xưa của đạo giáo này cũng đã được phát hiện, đem lại cho bức tranh tôn giáo Ấn càng thêm nhiều sắc màu.


Chỉ tiếc một điều là ngôi đền này đóng cửa nên tôi chỉ chụp được vài tấm hình, từ bên kia đường và qua song sắt. Sau đó, đành phải lên đường vì có đứng đó cũng không làm được gì hơn nữa.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221298.jpg
Bên trong khuôn viên chùa Vô tàm giáo


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221295.jpg
Chùa Vô tàm giáo nhìn từ bên kia đường, 30phút mới có 1 phút giây thoáng đãng như thế này - Ấn độ mà!


Đi lên tý nữa, theo con đường đối diện với cổng chính hướng Tây của Red Fort là 1 khu phố chợ đông đúc và lọt thỏm giữa đó là 1 ngôi đền cũng sầm uất không ké. Tò mò nhìn các tu sĩ và dân mộ đạo tấp nập ra vào, tôi cũng lăng xăng cởi giày ra đi gửi, rón rén rửa chân, ngang qua cửa mượn 1 cái khăn quấn lên đầu rồi chui tọt vào trong.


Đây là 1 ngôi đền của đạo Sikh, Siganj Gurdwara, đạo của những người tuân thủ năm giới lễ (sẽ kể lể sau). Đạo này thoáng hơn đạo Muslim, Hindu… vốn hay cấm cửa người ngoại đạo, đón chào tất cả những người muốn vào thăm viếng đền, chỉ với điều kiện đơn giản là phải đi chân trần và phải có khăn che kín đầu (mà họ luôn có sẵn để cho du khách mượn – nhớ giũ kỹ kỹ kẻo bị lây chí nghen!!!), vì để đầu trần vào trong đền là thất lễ với đấng bề trên. Chỉ tiếc là trong ngôi đền này sử dụng nhiều đèn trắng mà máy của tôi thì không chụp được trong những điều kiện này nên đành thôi chứ các thiện nam tín nữ cũng rất vui vẻ và thoải mái cho tôi chụp hình.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221299.jpg
“Một cái” được gọi là hình trong ngôi đền Siganj Gurdwara.


Lê lết trong ngôi đền của đạo Sikh đã đời, cả đám lếch thếch kéo nhau sang tu viện của đền nằm kế bên, cũng là nơi cung cấp thông tin cho những ai quan tâm. Nói ra sợ thất lễ, mục đích đầu tiên của vài bạn trong nhóm là muốn đi thăm Washington city vì sáng giờ lê lết không có chỗ nào tiện. Nhưng được vị trưởng lão tiếp đón nhiệt tình, giảng dạy đủ điều, đưa nhiều tài liệu, cung cấp hình ảnh rực rỡ của Ngôi đền vàng ở Amritsa… nên các bạn ấy bắt đầu lung lay về việc có nên đi đến đó với tôi hay không (vì ban đầu tôi đã dự định là sẽ đi, còn các bạn thì không).



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221307.jpg
Ngọt ngào India – trong chợ gần Siganj Gurdwara


Xong xuôi, đầu óc sáng láng, thân thể nhẹ nhàng, cả bọn kéo nhau vào chợ thăm thú lê la rồi ăn vặt thay ăn trưa. Ăn uống sao ngồi ngay trước cái am nhỏ thờ khấn gì đó của ông chủ quầy hàng bị ổng chửi um sùm trời đất, cả lũ cười nghiêng ngả kéo nhau sang Red Fort, chuẩn bị vào viếng Pháo đài Đỏ.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221372.jpg
Red Fort đây – xin mời vào thăm nào!


(tbc.)

Nguyên Hương
19-11-2009, 10:27
Tôi đã bị mải mê theo suy nghĩ, bài viết của bkp rồi. Cảm ơn bạn rất nhiều. Rất tuyệt.

backpackervn
20-11-2009, 09:59
(cont.)


Red Fort (Lal Qila), Pháo đài Đỏ là một trong những di sản văn hóa thế giới và cũng là di sản của quốc vương Shah Jahan, tác giả của những công trình diễm lệ hoành tráng như Taj Mahal, Jama Masjid… Pháo đài được xây dựng từ năm 1638 và hoàn thành năm 1648, trong kế hoạch dời kinh đô từ Agra về Delhi của quốc vương Shah Jahan, là một trong những điểm son đánh dấu đế chế quyền uy của các quốc vương Hồi giáo – Mughal. Pháo đài có chu vi 2km và có chiều cao dao động từ 18m đến 33m. Cho đến những năm giữa thế kỷ 20, khi Ấn Độ độc lập mãi đến nay, Pháo đài Đỏ vẫn là nơi các nguyên thủ quốc gia Ấn Độ đọc những diễn văn quan trọng đến vận mệnh đất nước cũng như là nơi tổ chức trọng thể quốc khánh hàng năm.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221311.jpg
Đường vào Pháo đài Đỏ


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221366.jpg
Nơi lá cờ độc lập của Ấn Độ tung bay lần đầu tiên năm 1947


Pháo đài rất rộng và chỉ mở cửa Tây, cửa Lahore, cho du khách vào thăm viếng. Cổng Lahore, có cái xuất xứ rất hay là vì nó hướng về phía Lahore, giờ nằm tận ở Pakistan! Đây được xem là biểu tượng độc lập của Ấn Độ khi những lá cờ của quốc gia độc lập Ấn Độ lần đầu tiên đã tung bay ở đây vào năm 1947.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221363.jpg
Buổi tham quan để tôn vinh lòng tự hào dân tộc của học sinh lớp mầm, chồi, tiểu học... ở Ấn Độ


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221356.jpg
Người lớn cũng hãnh diện viếng thăm


Muốn thăm viếng Pháo đài Đỏ, bạn phải chịu khó đi sớm, vì cho dù là khách nước ngoài, bạn được xếp hàng ưu tiên mua vé ở 1 hàng ngắn hơn (và dĩ nhiên là giá cao hơn nhiều lần) nhưng khi sắp hàng vào cửa soát vé, bạn cũng phải đứng theo hàng rất dài. Nếu đi hơn 2 người, bạn nên phân công nhiệm vụ 1 người mua vé, số còn lại xếp hàng thì sẽ rất tiện. À, mà đều này chỉ hợp với 2 người cùng phái, vì ở đây có 2 hàng riêng biệt, 1 cho nam và 1 cho nữ. Nhớ nghen! Cả đám chen chúc mua vé xếp hàng, vào trong cổng là tản mác ra ngay, sau khi hẹn chính xác giờ ra cổng. Ngẩn ngơ lon ton vào cổng tôi, lại như mọi lần khi viếng cảnh đẹp, lại cứ hận mình không chịu mua một cái máy chụp hình tốt hơn. Vấn đề là vì các chùa chiền đền đài di tích ở Ấn Độ rất to lớn, nhưng các góc chụp rất cận và hẹp nên chỉ lấy được góc nhỏ thôi chứ không lấy toàn cảnh được. Kệ nó hén, có nhiêu chơi nhiêu.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221327.jpg
Đền đài cung điện trong Pháo đài Đỏ.




(tbc.)

backpackervn
20-11-2009, 10:03
(cont.)


Ngay khi vào cổng, bạn sẽ gặp ngay 1 dãy dài các hàng quán bán các đồ lưu niệm, mà tôi đã đi như chạy qua đó vì tôi ít có hứng thú với các món đó và đang rất háo hức muốn tìm xem có cái gì sau cái cổng thành nguy nga đó khác hơn là những dãy hàng quán nhộn nhịp này. Tiếp đó, bạn sẽ gặp Bảo tàng chiến tranh Ấn độ, tôi cũng có vào xem các công cụ chiến đấu, đủ thứ các vật dụng liên quan đến các cuộc chiến ngày xưa nhưng vì ở đây không cho chụp hình nên không có hình để chia sẻ.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/Diwan-i-am.jpg
Cung Diwan-i-am (net)


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221315.jpg
Các góc khác của Diwan-i-am


Đi thẳng vào trong, bạn sẽ gặp Diwan-i-am, cung thiết triều, nơi nhà vua lắng nghe ý kiến của dân chúng về các chính sách của người cũng như các câu chuyện liên quan đến việc an dân. Cung điện này rộng mênh mông với những trang trí bằng đá màu khắc trên đá cẩm thạch rất đẹp. Nghe nói ngày xưa nó còn được cẩn vàng bạc đá quý nhưng đã bị bóc gỡ do những cuộc chiến tranh ở Ấn Độ. Cung này được trùng tu lần cuối bởi vị Tổng trấn Delhi Lord Curzon vào những năm 1898-1905. Đến đây, bạn sẽ thấy mình thật nhỏ bé và những gì một vị quốc vương đã làm được vào thế kỷ 16 thật đáng nể.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221326.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221332.jpg
Diwan-i-khas nhìn từ xa


Giống như Diwan-i-am, cũng là cung điện dành cho quốc vương tiếp khách nhưng Diwan-i-khas là cung khu mật, dành cho những cuộc gặp gỡ riêng tư cơ mật chứ không mở rộng cho quần chúng. Cung này được xây bằng đá cẩm thạch trắng và còn được giữ gìn tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên cái mái nghe nói ngày xưa lợp bằng bạc cũng đã không còn. Ngai vàng Chim công làm bằng vàng và ngọc cũng đã bị lấy đi. Giờ chỉ còn những đóa hoa ngời sáng trên cẩm thạch trắng trong là những di chứng của thời vàng ngọc oanh liệt xa xưa.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221343.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221347.jpg
… và lộng lẫy khi đến gần


(tbc.)

backpackervn
23-11-2009, 13:31
(cont.)


Những toà cung điện này sẽ làm bạn choáng ngợp bởi vẻ sang trọng quyền quý của nó. Những phiến đá cẩm thạch đồ sộ qua bao năm tháng thời gian, tàn phá của chiến tranh, con người, của ô nhiễm, của mưa acid, của khói lưu huỳnh nồng nặc ở Delhi… vẫn lưu giữ được nét thanh tao của ngày xưa thanh tân.


Nhìn các khoảng trống do đã bị bóc gỡ của các chạm khắc trên các bức tường cẩm thạch, tôi mơ màng nghĩ đến ngày xưa nơi đó còn nguyên vẹn với những chạm trổ dát vàng bạc, đá quý... Ôi, tôi còn nhắm mắt lại tưởng tượng trong cung điện nguy nga này những nàng cung nữ yêu kiều nhẹ nhàng lướt êm trong những chiếc saree lộng lẫy, ánh mắt sâu hun hút ợp dưới hàng mi như bóng dừa... đến đó thì phải mở mắt ra thôi. Chẹp!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221345.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221348.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221344.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221337.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221342.jpg
Hoa văn chạm khắc tinh xảo trên cẩm thạch sáng trắng


Lúc đến đây Red Fort, được nhìn tận mắt, được mân mê sờ mó - đúng nghĩa, được chiêm ngưỡng các kiệt tác của quốc vương Shah Jahan, tôi càng rạo rực mong cho ngày được đến Agra, để sớm được chiêm ngưỡng tuyệt tác của những tuyệt tác của vị vua tài hoa này, ngôi đền diễm lệ Taj Mahal. Chắc nó còn đẹp hơn bội bội phần!


(tbc.)

backpackervn
23-11-2009, 13:42
(cont.)


Vào sâu hơn, bạn sẽ choáng ngợp bởi nhiều cung điện đền đài hoành tráng. Do thời gian và việc ghi chú có hạn nên tôi sẽ giới thiệu hình ảnh và 1 số hình ảnh đặc trưng. Bạn nào muốn chi tiết hơn thì “tra gu-gồ” nghen.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221336.jpg
Nhà tắm Hoàng gia nằm kế bên gồm 3 phòng, bao quanh bởi các mái vòm…
và Shashi Buji, tòa nhà bát giác 3 tầng, nằm khuất phía sau.


Kế bên là ngôi đền Hồi giáo Moti Masjid, xây dựng năm 1659, bởi quốc vương Aurangzeb, con trai của quốc vương Shah Jahan để sử dụng cho riêng ông. Ngôi đền này có cửa hướng thẳng đến thánh địa Mecca.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221324.jpg
Đền Moti Masjid


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221340.jpg

https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221339.jpg
Các cung điện đền đài trong Red Fort


Red Fort không chỉ là điểm tham quan của người nước ngoài mà còn là điểm picnic quen thuộc của các gia đình và các bạn trẻ Ấn Độ. Bãi cỏ xanh mát, dưới những bóng cây to, tuy hiếm hoi, và bóng của những đền đài thành quách xưa các bạn trẻ, cũng như những du khách có thể sẽ tạm xa rời được một Delhi ồn ào náo nhiệt ô nhiễm ngoài kia để tâm hồn chợt dịu lại nơi đây – không chỉ bởi những nuối tiếc về thời huy hoàng của một ngày xa xưa mà bởi những khoảnh khắc thanh bình hiếm có ở Ấn Độ. Nơi đây, bạn có thể thấy những chú sóc vui đùa cùng những cô sáo mỏ vàng… rồi thỉnh thoảng lại bị quấy rối bởi những mụ quạ đen đáng ghét.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221352.jpg
Sóc và sáo đang “chiến đấu” với các con quạ tham lam


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221319.jpg
Các bạn trẻ Ấn Độ dễ mến, rất thích được chụp hình.


Nếu có nhiều thời gian, bạn hãy lăn ra nằm trên bãi cỏ xanh mướt đó và gieo vài hạt ngũ cốc hay những mẩu vụn bánh mì, biết đâu bạn sẽ được những chú sóc dạn dĩ nồng nhiệt đón chào. Sao lại không nào?!


(tbc.)

hathanh
24-11-2009, 13:16
mình cũng đã lang thang 20 ngày ở Ấn Độ qua bang Mumbai, Bangalore, New Delhi va Hyderbad, xem topic của bạn thây nhớ quá và biết thêm nhiều thứ.

backpackervn
24-11-2009, 17:18
@ hathanh, mong bạn vào cùng kể chuyện cho vui! Cám ơn bạn!
................................

(cont.)


Hoàng hôn đã đổ ráng đỏ trên Pháo đài Đỏ đỏ rực. Chim chiều đã chao chát bay đầy trên bầu trời Delhi vẫn xanh trong ngày đông nắng, dòng người cũng luyến tiếc rời Red Fort đang lộng lẫy tỏa sáng trong hoàng hôn, nhưng biết làm sao, cuộc vui nào chẳng tàn.


Rời Lahore Gate, rời Red Fort, nhưng chúng tôi không bỏ Red Fort mà đi. Chúng tôi men theo bờ thành cao nghều nghệu đi qua cửa bên kia của Red Fort, cửa Delhi – vốn không mở cửa cho công chúng. Ý đồ là sẽ dụ dỗ các anh lính Ấn Độ, vốn dĩ rất mến khách lạ, biết đâu lại được cho vào.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB221371.jpg
Chiều về, chim chao chát tìm tổ ở Lahore gate


4 tên đi, rớt 2 tên, cho tự đi về nhà nghỉ luôn. Tôi và 1 đồng bọn lần mò qua cửa Delhi. Đúng là mấy anh lính Ấn độ rất dễ thương, tuy không cho chúng tôi vào trong nhưng lại cho đến gần dòm ngó tý và cũng cho chụp vài tấm hình làm kỷ niệm.


Không vội vã, 2 tên mò ra 1 góc thành cổ vắng tênh ngồi nhìn chiều rơi chầm chậm trên từng phiến đá cũ, lòng cảm thấy hí hửng vô cùng vì được nhìn hoàng hôn rơi trên thành xưa vang bóng. Nhưng sau đó mới thấy mình dại.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221374.jpg

https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB221375.jpg
Bên cửa Delhi vắng thênh thang càng thấy rõ sự uy nghi, sự hoành tráng của Pháo đài đỏ ngày xưa.


Sau đó, là khi chiều đã thật muộn, tôi lon ton đi về thì mới phát hiện ra có 1 con đường rất gần đi từ cửa Delhi của Red Fort, băng sang 1 vườn hoa công viên nhỏ là sẽ đến cổng Bắc của Masjid Jama. Mà ở đây, giờ này lại miễn vé vào cửa vì không còn du khách, chỉ có người mộ đạo đi lễ. Cắp dép vào nách (vì không được đi giàu dép trong thánh đường), tôi trà trộn vào dòng người đi lễ nhưng không vào trong thánh đường – cũng biết giới hạn nào cần dừng, tôi ngồi mê đắm trên khoảng sân rộng của thánh đường ngắm chiều muộn đi đang trôi, hoàng hôn đã không còn những những tia nắng ham vui vẫn còn vương vấn trên mái thánh đường xưa làm Masjid Jama càng thêm huyền hoặc trong khoảnh khắc khi ngày đi đêm tới.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB221379.jpg
Masjid Jama trong chiều tắt nắng (lại hận mình vì cái máy chụp hình, vì nó, tôi cứ hết yêu lại hận!!!)


Trên sân vắng tênh, gió nhè nhẹ trên cao, tiếng kinh kệ lúc rì rầm lúc vang vang… tôi như say như đắm ngồi giữa vuông sân thênh thang đó, chỉ muốn ngồi thật lâu chờ đêm đen rồi sẽ về. Nhưng không được, vì bị mấy anh theo đạo phat hiện và mời ra. Có lẽ tôi bị phát hiện là do không chịu quỳ lạy lúc mọi người làm lễ hay vì quần áo và vóc dáng quá châu Á, cũng chẳng biết nữa. Nhưng mai mốt, nếu bạn nữ nào yêu thích được ngắm hoàng hôn trên Masjid Jama thì chịu khó kiếm cái khăn trùm đầu rồi vào đây ngồi thì tha hồ mà ngắm.


Dù đổi chỗ mấy lần khi bị đuổi trong cái sân mênh mang, cuối cùng chúng tôi cũng phải lóc cóc ra về. Trên đường về, 2 tên lựu đạn chúng tôi lại đi bằng Metro, xem bản đồ và nảy sinh ý định nhảy tàu đi đến India Gate, Khải Hoàn Môn của Ấn Độ trong đêm, nghe nói rất lung linh quyến rũ khi đêm về.


Vậy sao không đi? Thế là 2 tên bụi đời nhảy Metro đến viếng một India Gate thật lung linh huyền ảo trong một đêm Delhi nồng nàn!


(tbc.)

lựu đạn chì
24-11-2009, 23:18
Càng nhìn kỹ tấm hình "Masjid Jama trong chiều tắt nắng" càng thấy ma quái, gần như mọi người vẫn còn chuyển động thì phải!?

backpackervn
25-11-2009, 12:15
@ lựu_đạn_chì, ủa dzậy hả? Bạn thấy người đang di chuyển thiệt hả? Đừng có hù tui nghen!!!
........................


(cont.)

Thật tình mà nói, đi Metro dù vào giờ cao điểm đông đúc người hơn, là một trong những niềm vui khi lang thang ở Delhi, niềm vui này cũng giống như sau khi đi đôi giày chật chội bạn được đi chân trần vậy (!). Lúc đầu, 2 tên định về lại khu Paharganj vì sợ để đồng bọn chờ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại có về đó giờ này cũng ăn nhậu thôi chẳng làm gì khác, giở L.P ra xem thấy có 1 ga Metro tương đối gần India Gate là 2 tên quyết định đi luôn. Đồng bọn ở nhà tha hồ mà đi shopping.


Tưởng gần, té ra từ ga đi đến India Gate đi mất gần 30p, con đường vắng tanh vì đi ngang qua các công viên. Nhưng nhờ vậy mà lại sạch và yên tĩnh, khác xa một India ồn ào đông đúc mà chúng tôi đã chìm ngập từ sáng đến giờ. Lơn tơn đi trên đường, ánh vàng rực rỡ của India Gate từ xa thật xa đã lôi cuốn chúng tôi nhanh bước hơn.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/IndiaGate-4.jpg
India Gate ban ngày (mượn từ net)


Cổng Ấn Độ là đài tưởng niệm chiến tranh lớn nhất tại Ấn Độ. Nằm giữa một quảng trường cây xanh rộng nhiều ha, trước ngày Ấn Độ độc lập, tháp cao 42m này là nơi tưởng niệm 90.000 binh sĩ Anh đã ngã xuống qua nhiều cuộc chiến trên đất Ấn, chứ không phải dành cho người Ấn. Nhưng giờ đây, mọi người chỉ biết đến India Gate như một đài tưởng niệm chiến tranh – đơn giản vậy thôi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/IndiaGate-2.jpg
India Gate ban đêm (mượn từ net)


Nhìn xa xa thì thấy India Gate cũng hao hao giống Khải hoàn môn hay Patuxay ở Vientiane, hay giống giống vài cái cổng chào trên đất Thái, nhưng lại gần thì thấy ngay đó là India – vì rất đông người tụ tập bên dưới chân đài, buôn bán, tám, lòng vòng… nói chung là cũng y như các điểm tụ tập ban đêm đông đúc ở Ấn Độ cũng như quê Việt nhà mình.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB221393.jpg

https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB221392.jpg

https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB221389.jpg
Các góc cạnh India Gate (hình của tui! xấu hơn thấy rõ hén! kệ, cứ post lên vì đã có công chụp!)


Đi lòng vòng quanh India Gate, cố gắng chụp vài tấm hình gọi là lưu dấu, ngồi lê lết nhìn thiên hạ… đến lúc bụng sôi lên ồng ộc lại lếch thếch lê thân băng qua cái quảng trường cây xanh dài tít mù để đến ga, nhảy tàu điện về ga New Delhi rồi băng qua đường để đến khu Paharganj.


Đêm Delhi thứ 2, bia lại lênh láng. Tranh thủ ăn chơi tối cuối cùng ở Delhi thôi, vì ngày mai sẽ rời Delhi đi Amritsa rồi.


Bạn thấy không, có 1 ngày ở Delhi thôi mà kể lể dài dòng được bao nhiêu là chuyện, chèn ép dồn nén vào bao nhiêu là hình ảnh… Vậy cái bài về đất nước Ấn Độ thênh thang này nó sẽ bị kéo dài lê thê cỡ nào vậy ta?


(tbc.)

lựu đạn chì
25-11-2009, 15:00
Chẹp! đọc bài của pác, em cứ thèm........bia. Chiều chiều rỗi rãi, cầm chai bia lạnh, mở phượt lên đọc và xem hình, phiêu theo cảm xúc của bài viết, cũng thú vị, cứ như mìh được đi.

azure
25-11-2009, 23:23
Trước mặt India Gate có một đại lô dài và rất đẹp, hai bên là thảm cỏ rộng và cây xanh mướt. Con đường này dẫn thẳng tới Phủ tổng thống và các cơ quan đầu não của Ấn độ với kiến trúc vô cùng hài hòa và đẹp đẽ. Từ đây có thể chụp ảnh India Gate ở phía xa xa.

azure
25-11-2009, 23:44
Pb: "Hoa văn chạm khắc tinh xảo trên cẩm thạch sáng trắng[/CENTER]


Lúc đến đây Red Fort, được nhìn tận mắt, được mân mê sờ mó - đúng nghĩa, được chiêm ngưỡng các kiệt tác của quốc vương Shah Jahan, tôi càng rạo rực mong cho ngày được đến Agra, để sớm được chiêm ngưỡng tuyệt tác của những tuyệt tác của vị vua tài hoa này, ngôi đền diễm lệ Taj Mahal. Chắc nó còn đẹp hơn bội bội phần!"


Hình điêu khắc trên đá cẩm thạch trắng không thôi cũng rất đẹp. Còn các hoa văn trên đá cẩm thạch trắng là các loại đá màu khác nhau, được cắt và ghép rất tỉ mỉ. Nếu vào buổi tối, soi đèn vào đá sẽ thấy sắc màu hiện lên vô cùng rực rỡ, kỳ ảo. Ngày nay, ở Agra có những cửa hàng với những người thợ thủ công ngồi ghép từng mảnh đá như tổ tiên họ đã làm trước đây, nhưng không phải để xây dựng một Red Fort và Taj Mahal nào nữa mà để làm các đồ thủ công, đồ trang trí đắt tiền.

backpackervn
26-11-2009, 14:34
(cont.)


Delhi cỡi ngựa xem hoa 1 ngày thì thấm tháp gì, đủ thiếu gì, nhưng nếu các danh thắng ở Ấn Độ mà muốn la cà cho “đủ” chắc cũng mất vài năm (!). Do vậy, cả bọn quyết định là sẽ ở thêm Delhi một ngày nữa rồi đến tối sẽ lên tàu đi Amritsar. Công việc của ngày hôm nay là sáng sớm đóng gói hành lý, trả phòng, gửi hành lý lại nhà nghỉ để chiều quay về lấy, ra ga mua vé tàu đi Amritsar. Cũng từ ga tàu New Delhi, chúng tôi đi bộ đến ga Metro New Delhi, lên Metro thẳng hướng đến thành cổ Purana Qila, kế đó nữa là lăng mộ vua Humayun...


Nhưng đã được đến thành Purana Qila ngay đâu, ga gần nhất cách đó vài km, nhưng được cái trên đường đến đó có các điểm tham quan khác nghe nói cũng hấp dẫn nên cả đám cứ lò dò đi bộ. Giờ này nắng ở Delhi vẫn còn chát chúa nhưng cũng may là vỉa hè đoạn đường này có nhiều cây xanh nên cả bọn cứ thế túc tắc mà đi.


Tham quan cái viện bảo tàng của tòa án xong (phải nộp máy chụp hình và cả điện thoại di động) thấy cũng chẳng có gì hấp dẫn, cho dù việc tham quan miễn phí và có các chú lính nhiệt tình hướng dẫn. Nghe nói ở đây có 2 cái bảo tàng, 1 cái nói về hệ thống luật pháp của 3.500 trước CN, 1 cái là của thế kỷ 20. Nhưng hôm đó, chẳng biết sao cái 3.500 BC chẳng mở cửa, còn cái bảo tàng về hệ thống luật pháp của TK 20 thì chẳng hấp dẫn đối với mấy kẻ lang thang chỉ thích hoa lá hẹ màu mè.


Trên đường, có 1 ngôi đền hay chùa gì đó là lạ, chẳng có bảng biểu tiếng Anh gì hết nhưng cả bọn cứ xông vào. Dân tình cũng rất nhiệt tình chỉ trỏ nhưng chẳng hiểu gì hết. Chỉ thấy mấy cái cây được trang trí hay hay, ngắm nghía làm vài tấm hình rồi đi tiếp.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231404.jpg
Cái cây được trang trí đẹp lạ ở cái đền / chùa không biết tên.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231405.jpg
Mấy anh mấy chú đi lễ toe toét cười khi được chụp hình



Ngay trước khi đến Purana Qila là một bảo tàng đồ thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ, rất đáng xem. Bảo tàng nằm trong một khuôn viên xanh mát và lưu giữ cả mô hình của những ngôi nhà, xóm làng của các dân tộc ở Ấn Độ. Ở đây lưu giữ và trưng bày hơn 20.000 hiện vật về thủ công mỹ nghệ từ cổ đến kim, đến từ khắp nơi trên đất Ấn.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231408.jpg
Các đồ vật bày bán cũng đầy tính nghệ thuật


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231421.jpg
Các con hổ giấy này là tranh rối bóng, cử động được.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231411.jpg
Một cỗ xe ngày xưa, nhìn nó nhỏ vậy chứ không phải đâu


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231412.jpg
Phải mượn một anh giai Ấn đứng chụp hình mới thấy nó to cỡ nào


(tbc.)

backpackervn
26-11-2009, 14:37
(cont.)



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231420.jpg
Trang trí trên tường nhà của một ngôi nhà Ấn xưa


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231407.jpg
Các phù điêu chạm trổ giả cổ trong làng bảo tàng


Vì bảo tàng thủ công mỹ nghệ cũng không cho chụp hình bên trong nên tôi không chia sẻ được hình ảnh ở đây nhưng các tác phẩm của họ rất tinh xảo và đa dạng. Từ kim loại, đá quý đến ngọc, đến gỗ, đến xương động vật đến giấy, đến… đủ thứ bạn có thể nghĩ ra. Đồng bọn của tôi là dân “kiến” rất mê đắm các tác phẩm ở đây. Ở đây không chỉ là 1 bảo tàng mà còn có thêm một làng nghề thủ công, họ vừa làm vừa bày bán nhiều thứ đồ tinh xảo nên hôm đó, các đồng bọn đã khuân thêm một mớ đồ từ chỗ này về quê nhà. Tôi thì không, như mọi lần!



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231406.jpg
Các bức tượng trong nơi thờ phụng thần Aiyanar – một vị thần theo dân gian Ấn Độ.


Nếu có thời gian lang thang và đọc kỹ các thông tin chi tiết về các hiện vật được trưng bày ở đây thì sẽ rất thú vị. Cơ man nào là những bức tranh thêu tinh xảo, khảm ngọc quý đá quý lộng lẫy, ngay cả những món đồ gỗ hay đồ kim loại cũng được chạm trổ những nét hết sức tinh vi độc đáo.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231419.jpg

https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231416.jpg
Nhà tranh trong làng “giả” xưa


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231417.jpg
Nhà giàu trong làng “giả” xưa


Cả bọn đã quy định giờ tập trung để đi Purana Qila, nhưng phải dời đi dời lại mấy lần mới dứt ra được cái viện bảo tàng hấp dẫn này để kéo nhau lần mò theo bức tường thành rêu phong đi sang Purana Qila. Đi theo con đường hoang ven bờ thành này mát mẻ và thích hơn đi ngoài đường lộ chính nhiều nhưng cuối đường là phải leo qua hàng rào nhọn hoắt mới đến được cổng vào Purana Qila. Mấy bạn nữ mà có muốn đi con đường này nhớ lưu ý nhé, nếu không leo qua rào được phải vòng lại xa lắm đó.


(tbc.)

qtrung
27-11-2009, 11:50
Cảm ơn bác BackPackervn rất nhiều về những chia sẻ của bác về Ấn Độ.
Sắp tới ngày 4/12/2009 em sắp có một chuyến đi tới Hydrabad, nhờ các bác kinh nghiệm chia sẻ với em chút ít.

backpackervn
01-12-2009, 09:39
@ qtrung, rất tiếc là bpk chưa đi được Hyderabad nên không có thông tin để chia sẻ với bạn. Bạn vào bài Ấn Độ, Hành trình di sản T2.2010 , hình như trong đó có một bạn cũng sắp đi Hyderabad để trao đổi với bạn đó nghen. Chúc bạn một chuyến đi vui!
….

(cont.)



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231422.jpg
Một cổng thành ở con đường hoang


Con đường ven theo thành cổ, dọc theo Mathura Road ngoài kia, đi men ngay dưới chân các đoạn thành xưa không được tu sửa nên dấu vết hoang phế rất rõ. Thành có tường thật dày và cao ngất ngưỡng. Gần nửa thiên niên kỷ qua rồi, gạch đá cũng đã tan vỡ, đã hao gầy nhưng thành cũ còn rất uy nghi. Đi dưới chân thành này mới có cảm giác phiêu-phiêu về các câu chuyện, những hình ảnh vẫn xem về các trận công thành ngày xưa, chắc cũng không đơn giản như trong phim đâu – nhất là khi xem thành này.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231425.jpg
Thành xưa hoang phế


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231428.jpg
Cổng thành Tây, nơi chúng tôi vào thành. Bạn có thấy cái hàng rào nhọn bên tay trái. Thấy vậy chứ cao lắm đó


Nói đúng ra lúc đầu thấy con đường hoang vu cỏ mọc rậm rịt cả bọn cũng chưa dám đi nhưng thấy các bạn trẻ Ấn Độ băng băng vạch lối vén lá mở đường, thế là cả bọn mới lò dò thì theo, nào ngờ gặp con đường đẹp. Lúc đó còn hí hửng nghĩ là đi còn đường này vào được trong thành luôn, trốn được vé nữa chứ. Sau đó mới biết mình nhầm to…



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231430.jpg
Khuôn viên mênh mông của Purana Qila nhìn từ ngoài cổng thành – xa xa là thánh đường Hồi giáo


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231431.jpg
Những con đường thênh thang trong Purana Qila

(tbc.)

backpackervn
01-12-2009, 09:40
(cont.)


Purana Qila nằm ngay trên vị trí của ngôi thành cổ xưa Indraprastha, phần vương quốc được chia cho năm anh em Pandava trong sử thi Mahabharata. Ngôi thành cổ này có 3 cổng, nếu bạn lang thang giống chúng tôi, nghĩa là đi metro đến ga Pragati Maidan, sau đó đi bộ xuôi theo con đường Mathura để viếng Bảo tàng thủ công mỹ nghệ Delhi,… bạn sẽ đi vào bằng cổng tây. Ngoài ra, còn có cổng đông của thành Purana Qila cũng mở cửa, cổng này thì gần sở thú Delhi, do vậy, nếu bạn thích đi xem sở thú và vừa viếng Purana Qila thì nên đi cổng đông, nhưng mà chẳng có ga metro nào ở gần đây cả.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231477.jpg


Thế kỷ XV-XVI là thời của các quốc vương Hồi giáo Mughal lừng danh ở Ấn Độ, lúc bây giờ, thế nhưng Purana Qila lại được xây dựng trong một thời gian ngắn mà vua Sher Shah, người đã làm gián đoạn các vương triều Mughal, đánh bại quốc vương Mughal Humayan, đẩy vị quốc vương Mughal này đến tận vùng Iran, để chiếm quyền kiểm soát vùng này. Ông đã cho xây dựng thành Purana Qila từ năm 1538 đến năm 1945, cũng là năm ông qua đời.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231462.jpg

https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231460.jpg
Các kiến trúc tinh xảo trong thành Purana Qila


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231459.jpg

https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231457.jpg
Một nhóm các chạm trổ khác.


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231438.jpg
Một tòa tháp trong Purana Qila


Khi vua Sher Shah qua đời, quốc vương Humayan đã quay lại tấn công và chiếm lại quyền kiểm soát vùng này và từ đó, con cháu của ông tiếp tục phát huy tiếng tăm lừng lẫy của các các quốc vương Mughal đến nhiều thế kỷ sau.

(tbc.)

oilman
02-12-2009, 08:44
Cảm ơn bác BackPackervn rất nhiều về những chia sẻ của bác về Ấn Độ.
Sắp tới ngày 4/12/2009 em sắp có một chuyến đi tới Hydrabad, nhờ các bác kinh nghiệm chia sẻ với em chút ít.

Hyderabad là một trong những điển hình về sự chung sống của hai tôn giáo Hindu và Islam. Do tới 40% dân số ở đây theo Islam nên cuộc sống Hyderabad có sự hòa quyện mạnh mẽ của cả 2 tôn giáo. Tất nhiên đã có những xung đột đẫm máu gần đây nên dân du lịch cũng nên ý thức nhiều về sự an toàn, tốt nhất là tránh xa lễ hội và nếu không cần thiết thì đừng lãng vãng khu vực ga tàu, chợ búa đông người. Tuy nhiên Hyderabad là nơi tuyệt vời để xem kiến trúc Mughal và những di tích Hindu cổ.

Xem:
- Kiến trúc Islam: Charminar, cung điện Chowmahalla, đền Mecca Masjid (gạch nung từ đất đem ở thánh địa Mecca về), thành Golkonda.

- Kiến trúc Hindu: Thousand Pillar temple xây 1163 ở Warangal cách Hyderabad 150km

Mua: ngọc trai nước ngọt Hyderabad

Ăn: cơm Ấn Hyderabadi Biryani. Nếu thật sự thích thức ăn Ấn thì đừng nên bỏ qua món này. Cơm Biryani ở Ấn mỗi nơi một khác từ cách nấu đến cách cho hương vị nhưng cơm Ấn ở Hyderabad được cho là ngon nhất, nấu theo cách truyền thống của Mughal, đến từ sa mạc Afghanistan.

backpackervn
02-12-2009, 10:41
@ oilman, Wow, lâu quá mới thấy bạn vào thăm. Bạn chia sẻ thêm về Ấn Độ đi nhé. Đọc những thông tin khác của bạn về Ân Độ, máu giang hồ (vặt) của bpk cũng bắt đầu sôi sùng sục, nhất là vào những ngày này, những buổi sáng Sài Gòn cuối năm lành lạnh… Thèm đi đâu đó quá!....

(cont.)


Đi từ cổng tây như chúng tôi, bạn sẽ thấy thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran trước tiên và bạn không thể lẫn vào đâu được vẻ diễm lệ không phai nhạt theo thời gian của toà thánh đường có kích thước vừa phải này. Đây là thánh đường của quốc vương Sher Shah. Trải qua 5 thế kỷ, thời gian và con người, toà thánh đường vẫn giữ được nhiều những phù điêu chạm khắc đa dạng tinh xảo trên đá sa thạch đỏ hay cẩm thạch trắng hay đá hoa cương…



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231463.jpg
Thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231456.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231455.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231443.jpg
Các khung cửa sáng ngời của Qila-i-Kuhran


Tuy không mang vẻ tinh xảo như chạm khắc cẩm thạch kiểu của Red Fort, các chạm trổ điêu khắc mềm mại, khéo léo của những nghệ nhân Ấn Độ trên các loại đá bằng những công cụ đơn giản ngày xưa sẽ làm cho chúng ta rất kinh ngạc. Toà thánh đường còn là nơi thăm viếng và chụp hình, làm dáng của rất nhiều nam thanh nữ tú Ấn Độ vì nét duyên dáng và sự gọn nhỏ ấm cúng của nó thay vì một Masjid Jama hoành tráng.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231444.jpg
Hoa văn trong thánh đường


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231451.jpg
Thiếu nữ Ấn xinh mơ màng trong thánh đường (chụp lén nên nhòe)


Bên cạnh thánh đường có 2 thái cực, một bên là bãi cỏ xanh mướt mời gọi bạn đi tiếp vào trong thành Purana Qila, một bên là đồng khô cỏ hoang mọc bời bời bên cạnh những dấu xưa đổ nát – phần không được phục chế và bảo dưỡng của thành cổ. Chính phần này đã làm cho ngôi thánh đường Hồi giáo càng đẹp lộng lẫy giữa hoang tàn. Chúng bạn đã bỏ đi tìm cảnh đẹp người xinh… còn tôi ngồi lặng trên bức tuờng cũ nát nhìn cỏ hoang mê mải mọc chạy tít xa miệt mài, mơ về một Ấn Độ nhiều trăm năm trước, nghĩ về vài chục năm sau… biết có còn…



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231442.jpg
Giữa uy nghi kiêu hãnh và hoang phế…

(tbc.)

backpackervn
02-12-2009, 10:48
(cont.)


Không xa thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran bạn sẽ thấy một tòa nhà bát giác bằng sa thạch đỏ, tòa nhà Sher Mandar, được đức vua Humayan, sau khi quay trở lại, chiếm lại thành Purana Qila, đã dùng làm thư viện. Cũng chính tại tòa nhà thư viện Sher Mandar này, đức vua đã trượt chân té khi đi xuống các bậc tam cấp. Ông đã bị thương và qua đời sau đó ít lâu. Từ việc này có thể rút ra một kinh nghiệm nho nhỏ: nên dành thời gian đi du lịch hơn là đi thư viện vì nguy cơ tử vong rất cao (just kidding).



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231436.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231478.jpg
Tòa nhà thư viện Sher Mandar


Khuôn viên của thành đến đây là bãi cỏ xanh rì với nhiều cây to xanh mát trong vườn cũng như những con đường với những hàng cây cau kiểng mọc thẳng tắp. Con đường xanh mát đó dẫn đến một phế tích được viếng thăm nhiều nhất ở Purana Qila, nơi còn có một cổng thành xưa mà chính quyền Ấn Độ đã không cho trùng tu, vẫn giữ lại được nét oai nghi của thành xưa sau gần nửa thiên niên kỷ. Có rất nhiều các anh cảnh sát canh giữ nơi này nhưng họ cũng để cho các bạn trẻ (và cả bạn không trẻ bpk) vào bên trong lần mò tìm xem có gì hay ho không. Thực ra, cũng như nhiều việc khác, chỉ nên đứng ngoài nhìn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Bên trong chỉ là hố sâu, gạch nát cầu thang sụp… và dĩ nhiên là không ai cho phép leo lên cái thành gần 500 năm tuổi rồi – đừng có mơ!!!



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231470.jpg

https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231472.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231475.jpg
Đây là cái cổng thành được xuất hiện nhiều nhất trên các post-card, hình về Purana Qila vì nó được giữ nguyên hiện trang, không được (hay bị) trùng tu nhưng vẫn giữ được nét xưa huy hoàng của nó


Lang thang trong thành Purana Qila, ngắm thành xưa vườn mới đài xưa đền cũ… đã đời, chúng tôi rút lui để tìm đường sang lăng mộ vua Humayan. Nhưng trước khi đi, xin phép hơi khiếm nhã một tý, tôi gửi lên đây một trong nhiều tấm hình “chộp” được trong vườn của Purana Qila – như 1 trong nhiều minh chứng (theo thiển ý của tôi) vì sao kinh Kamasutra ra đời trên đất Ấn. Có thể bạn không đồng ý, vì bạn có thể chia sẻ nhiều tấm hình để chứng minh kinh Kamasutra đúng ra phải ra đời ở xứ An Nam (!?). Vậy xin mời bạn :D !




https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231468.jpg
Chuyện tình yêu – chỉ có ở India!


(tbc.)

backpackervn
03-12-2009, 12:47
(cont.)


Humayan là đời thứ 2 của các các vị vua triều Mughal, những vương triều đã một thời hùng cứ các vùng đất Afganishtan, Pakistan và một phần Ấn Độ ngày nay. Shah Babur, vị vua đầu tiên của dòng Mughal cho rằng ông mang 2 dòng máu của Thành Cát Tư Hãn và vị quốc vương Timur lừng danh.


Humayan kế thừa di sản vĩ đại từ vua cha vào năm 1530. Vì đam mê thanh sắc (giống tui quá!?) đến năm 1538, Humayan đã bị đánh bại bởi một nhà quý tộc Afganishtan, Sher Shah. Vua Sher Shah đã đẩy lùi Humayan đến tận Ba Tư xa xôi. Ông lưu vong ở đó mãi đến khi vua Sher Shah qua đời vào 1545, triều đình xảy ra nhiều biến động do tranh giành quyền lực của các quan lại trong triều…Lúc này, vua Humayan mới trở về đánh chiếm lại thành Purana Qila và cả vương quốc Ấn Độ thời bấy giờ. Vào năm 1556, ông qua đời sau một cú té ngã tại thư viện Sher Mandar trong thành Purana Qila ở tuổi 48.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231480.jpg
Cứ tưởng sau cái cổng này là đến lăng Humayan


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231481.jpg

https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231487.jpg
Cái cổng thứ 2, cứ tưởng là lăng Humayan, vì nó cũng đẹp hoành tráng… nào ngờ


Tiếc thương cho chồng sớm đoản mệnh, hoàng hậu Hamida Banu Begum (còn có tên khác là Haji Begum, người gốc Ba Tư) đã cho dựng nên lăng mộ Humayan để tưởng nhớ chồng. Đây được xem là kiến trúc Mughal vĩ đại đầu tiên và cũng là tiền đề gợi cảm hứng cho việc xây dựng ngôi đền Taj Mahal diễm lệ sau này.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231491.jpg
Đây mới chính là lăng Humayan lừng danh nè!


(tbc.)

backpackervn
03-12-2009, 12:56
(cont.)




https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231493.jpg
Lăng Humayan nhìn gần hơn



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231494.jpg
Rồi gần hơn một tý nữa



Nằm trong khuôn viên rộng 12.000m2, có chiều cao lên đến 47m, đây cũng là tác phẩm có ảnh hưởng kiến trúc Ba Tư đầu tiên tại Ấn Độ, cũng là kiến trúc Mughal tiêu biểu đầu tiên. Đây cũng là kiến trúc lần đầu sử dụng đá sa thạch đỏ và cẩm thạch trắng, bắt đầu cho việc sử dụng 2 chất liệu này trong các công trình to lớn khác của các vương triều Mughal sau này. Được hoàn thành vào năm 1571, lăng mộ vua Humayun giờ còn sừng sững trường tồn với không gian, với đất trời. Nét diễm lệ thanh tân của nó không hề bị phai mờ mà càng trở nên hấp dẫn hơn khi đã bàng bạc khoác lên một lớp áo thời gian.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231499.jpg
Rồi qua một góc



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231504.jpg
Rồi đi lùi lại sâu hơn nữa



Quả thực là chúng tôi rất choáng khi chỉ vừa đến cổng lăng mộ này. Thấy cánh cổng đẹp rực rỡ thôi là chúng tôi đã tưởng đó là lăng mộ, nhưng nào ngờ lấp ló sau cánh cổng đó là một tuyệt tác đẹp rực rỡ trong nắng chiều. Trong nắng vàng Ấn Độ một chiều đầu đông, tòa cung điện (dùng từ này có vẻ chính xác hơn là lăng mộ) Humayan càng hồng rực sắc đá đỏ và ngời sáng lộng lẫy sắc trắng của cẩm thạch trong một khu vườn xanh mát với những hồ nước lấp lánh càng góp phần nhân lên bội phần nét kiều diễm của toà cung điện kiến trúc đẹp đẽ này.




https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231514.jpg
Rồi cận cảnh ngay “chánh điện”



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231523.jpg
Rồi cận cảnh ngay góc

Tất cả các hình chụp, dù xa hay gần, góc hay thẳng, máy xịn hay cùi bắp… đều ngời ngời sáng vẻ diễm lệ của lăng Humayan, nhất là khi ánh nắng chiều cuối ngày phủ lên lăng đỏ một màu vàng ấm huyền hoặc… Cũng như những lần khác, tôi lại lặng lẽ chọn một góc vắng ngồi nhìn ngày đi chầm chậm trên dấu tích vàng son của một Ấn Độ, ngày càng trở nên huyền hoặc bí ẩn và quyến rũ mê hồn…


(tbc.)

oilman
03-12-2009, 13:59
Ngõ nào bpk cũng đã qua rồi, muốn quay lại nữa à?
----

Đọc lịch sử của đế quốc Mughal trên wiki http://en.wikipedia.org/wiki/Mughal_Empire thấy toàn là chiến tranh, tranh giành quyền lực nhưng những gì họ đem đến và để lại ở Ấn Độ ngày nay thật đồ sộ. Cứ tưởng tượng Islam và những dân tộc hiếu chiến ở Trung Á chưa từng bao giờ vào Ấn Độ thì một Ấn Độ ngày nay chắc sẽ có nhiều di tích giông giống Angkor Wat.

Nói thêm về Aurangabad, mặc dù ngày nay chỉ là điểm du lịch nhỏ nhưng lại từng là thành phố trấn thủ biên giới của Mughal. Được đặt tên của hoàng đế Aurangzeb khi Aurangzeb đánh về phía nam để mở rộng bờ cõi.

Di tích Dautalabad fort được xây từ năm 1187 bao gồm hào sâu và nhiều vòng thành bằng đá nối liền với một ngọn núi tạo cho nó một thế đứng rất vững.

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/DSC06399.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/DSC06401.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/DSC06410.jpg

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/DSC06413.jpg

Bibi ka Maqbara là một copy của Taj Mahal nổi tiếng. Tuy nhiên nó nhỏ hơn (do đó còn đuợc gọi là mini-Taj) và bằng chất liệu rẻ hơn (nên dân gian còn gọi là the poor man's Taj). Được một cháu nội của Shah Jahan (người xây Taj Mahal) xây để tưởng nhớ người mẹ của mình.

https://i128.photobucket.com/albums/p174/saigon113/DSC06415.jpg

backpackervn
04-12-2009, 09:57
@ oilman, với bpk, đôi lúc được trở về chốn xưa, tìm lại cái cũ, để trải nghiệm những cái mới trên những điều xưa cũ là điều bpk rất rất thích. Huống chi, nhiều vùng đất mà oilman đề cập mình chưa từng đặt chân qua, sao mà không “ham muốn”! Mà cũng thuộc dạng “em mơ vậy thôi!” chứ biết “bao giờ cho đến tháng Mười”…!
____________________________________

(cont.)



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231511.jpg
Thích cái góc nhìn trời xanh ngăn ngắt qua cầu thang tối bên lăng mộ đỏ này.
Bpk ngồi trong cầu thang tối, vừa ngắm lăng, vừa canh chừng gần 30p mới không có người đi lên đi xuống.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231517.jpg
Bên trong lăng Humayan


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231516.jpg
Mộ đá bên trong lăng Humayan


So với Purana Qila có rất đông các nam thanh nữ tú Ấn Độ chọn như là nơi đi picnic trong khu vườn xanh mát, lăng Humayan tràn ngập các du khách nước ngoài, và chúng tôi là một trong những nhóm khách cuối cùng đến đây. Lý do là cả đám không chịu đi xe mà lội bộ lôi thôi lếch thếch từ Purana Qila sang, nhìn bản đồ thấy gần không ngờ nó lại quá xa. Đến lúc nắng chiều đã bắt đầu nhàn nhạt cả lũ mới bắt đầu hối hả kêu xe rickshaw nhảy lên thì mới hay mình đã đến thật gần. Thế là vừa tốn thời gian vừa phí tiền. Nếu đi từ Purana Qila, bạn nên đi rickshaw đến đây, để dành thời gian quý báu cho việc chiêm ngưỡng di tích diễm lệ này nghen.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB231515.jpg
Một đền đài trắng toát xa xa nhìn từ lăng Humayan


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231528.jpg
Một lăng khác trong khu vườn


Thực ra, trong khuôn viên lăng Humayan, ngoài di cái lăng đẹp đẽ hoành tráng này ra thì vẫn còn rất nhiều những di tích khác, là những đền đài hay nhưng lăng mộ, mang kiến trúc khác kiến trúc Mughal, ví dụ như cái lăng hình bát giác của ngài Isa Khan, lại theo kiến trúc Lodi. Isa Khan là một quý tộc trong triều vua Sher Shah và lăng mộ của ông được xây trước lăng Humayan 20 năm nhưng lại mang một kiến trúc rất khác, kiến trúc Ấn Độ cũ.


(tbc.)

backpackervn
04-12-2009, 10:01
(cont.)



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231513.jpg
Chiều đã muộn, từ lăng Humayan nhìn ra cổng thấy ngày đã vội đi


Trong khuôn viên còn rất nhiều những thánh đường Hồi giáo nhỏ và nhiều đền đài lăng mộ khác, nếu có nhiều thời gian bạn có thể tha thẩn mà nhìn mà ngắm mà xuýt xoa. Tiếc là bọn tôi không có nhiều thời gian nên một số nơi tôi đã phải lướt qua. Tuy nhiên, tôi vẫn lang thang được nhiều hơn các đoàn khách tour, họ chỉ chủ yếu vào thăm lăng chính mà ít có thời gian lang thang các ngóc ngách. Nhờ tọc mạch gí mũi khắp các hẻm hóc, tôi đã phát hiện ra một góc vườn nhỏ, bên cạnh những phế tích không trùng tu những chú công xinh đẹp đang thơ thẩn. Rất ngạc nhiên rằng đây là chim trời và chúng rất dạn người, chỉ bay đi khi tôi đến thật gần. Ôi trời ơi, mấy cái con chim công mà bọn trẻ con Việt chỉ có thể thấy trong sở thú một cách hiếm hoi, thì ở cái xứ Ấn nghèo này chúng lại đi lềnh khênh trong các công viên, khu vườn (sau này tôi còn gặp nhiều). Chẳng hiểu nữa, lại một nghịch lý Ấn hay nghịch lý Việt.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231540.jpg
Cửa dẫn vào khu vườn lạ nhiều lăng, đền đài nhỏ hoang vắng


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231536.jpg
Công hồn nhiên trong vườn rong chơi trong vườn


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231531.jpg
Bạn đếm được có mấy chú công?


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231539.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231538.jpg
Lại một cụm lăng vắng khác. Thực tình bình thường chúng cũng rất đặc sắc nhưng khi ở bên cạnh lăng Humayan chúng trở nên nhỏ bé


Những tia nắng cuối ngày đã tắt dần trong khu vườn mênh mông quanh lăng. Chúng tôi cũng muốn ở lại đây đến khi đêm xuống để được nhìn lăng Humayan trong ánh đèn đêm như thế nào nhưng thời gian đã không còn cho phép, giờ ra ga để đi Amritsar đã cận kề. Thế là cả lũ cuống cuồng leo lên autorickshaw chạy về nhà nghỉ, chất balo lên xe đi tiếp đến ga Nizamuddin (chứ không phải ga New Delhi) để chờ chuyến tàu đêm đi đến vùng đất thánh Amritsar.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB231547.jpg
Lăng bát giác theo kiến trúc Lodi của Isa Khan, nơi chúng tôi luyến tiếc tụ tập cuối cùng trước khi rời khuôn viên lăng Humayan.




Chào nhé Delhi! Khi vừa thương mến nhau thì lại phải chia xa! Có bao giờ khác?!

backpackervn
04-12-2009, 16:23
Amritsar!



Cái tên tôi chưa hề nghe nói đến bao giờ lúc còn lụi cụi cày cấy ở quê nhà. Trên đường phiêu du trước khi vào đất Ấn, cầm cuốn L.P đọc mê mải, mờ mịt, choáng váng với lượng thông tin đồ sộ về Ấn Độ… tôi đã nhiều phân vân, lưỡng lự nhưng rồi cuối cùng đã quyết định chọn sẽ đến thăm Amritsar. Tôi muốn đến tận mắt nhìn xem nơi những người anh em ngày xưa một nhà Ấn Độ và Pakistan giờ tuy đã đoạn tuyệt nhưng vẫn còn giữ mối giao hảo tốt đẹp. Từ một đất nước rồi bị chia cắt nhau, hận thù nhau bởi tôn giáo, bởi tranh chấp các rẻo đất biên cương… Ấn Độ và Pakistan giờ vẫn còn chiến tranh liên miên trên vùng biên giới Kashmir, rồi thỉnh thoảng lại đùng đoàng ầm ầm tại Delhi, Mumbai… nhưng ở nơi xa xôi này, những người lính canh gác biên cương giữa 2 bên vẫn giữ được mối thâm tình như ngày nao xa xưa còn chung tổ quốc. Những buổi lễ đóng cửa biên giới, hạ cờ giao lưu giữa 2 bên đã được tiến hành ở đây mỗi chiều, từ những năm 1947 cho đến hôm nay, bất chấp việc gì đang xảy ra giữa 2 nước, ở ngay barie biên giới Ấn Độ - Pakistan tại Amritsar này.


Tuy không là thủ phủ nhưng Amritsar là thành phố chính của bang trù phú Punjab, bang đã đau thương chịu sự xẻ chia thành 2 phần cho 2 đất nước, bang chứng kiến cuộc di dân tôn giáo khổng lồ nhất và cũng chứng kiến cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu... Năm 1947, khi đường biên giới Ấn Độ và Pakistan được phân lập chạy ngang qua bang Punjab, cắt thành phố Lahore đưa về nhà nước Hồi giáo Pakistan và Amritsar cho nhà nước Hindu Ấn Độ. Những chuyến tàu lửa chở người Hồi Giáo từ Ấn Độ di dân ngang qua đây để sang Pakistan, khi đến nơi đã trở thành những con tàu ma tang thương chở đầy những xác chết câm lặng đẫm máu. Ngược lại, những con tàu chở người theo đạo Hindu và đạo Sikh từ Pakistan sang đông trở về Ấn cũng bị trả thù như vậy. Một số tài liệu cho rằng khoảng nửa triệu người đã bị giết chết trong cuộc di dân tôn giáo này! Thật khủng khiếp! Nhân danh hoà bình – điều mà các tôn giáo luôn hướng đến – máu đã chảy thành sông, không phải ở 2 quốc gia hận thù nhau, mà là giữa những người anh em trong cùng một đất nước mới ngày nào còn chung sống hoà bình, còn chung vai sát cánh đấu tranh để thoát khỏi ách đô hộ mấy trăm năm của Anh quốc…


Chuyện về cuộc chiến tranh sắc tộc còn rất dài, mãi đến những năm cuối thế kỷ XX và đến giờ, tôi không tiện chép lại ở đây, chỉ nêu một sự kiện rất quan trọng nữa trong lịch sử Ấn Độ, cũng liên quan đến tôn giáo, liên quan đến Amritsar, đến Ngôi đền Vàng, thánh địa của đạo Sikh tại đây, đó là cái chết của thủ tướng Indira Gandhi. Vào năm 1984, bà Indira Gandhi quyết định đưa quân tấn công vào Ngôi đền vàng của đạo Sikh, nơi một lực lượng phiến quân ly khai (Khalistan, đòi tách Punjab thành 1 quốc gia riêng biệt) đang ẩn náu và cuộc tiến quân đó đã giết chết 5 giáo sĩ cấp cao của đạo Sikh, đang ở trong đền lúc đó. Việc này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của những người theo đạo này nên sau đó, bà Indira Gandhi đã bị chính những người cận vệ của bà, theo đạo Sikh, sát hại ngay trong khu vườn của dinh thủ tướng. Và việc chính quyền Ấn Độ đưa quân vào Ngôi đền Vàng thiêng liêng nhất của người theo đạo Sikh cũng đã làm dấy lên một cuộc chiến tôn giáo đẫm máu khác giữa người theo đạo Hindu và người theo đạo Sikh. Hơn 3.000 người, chủ yếu là người đạo Sikh, đã bị giết trong cuộc chiến tranh tôn giáo này.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241604.jpg
Qua bao nhiêu cuộc chiến, bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu người đã ngã xuống,
Ngôi đền Vàng vẫn lộng lẫy đón chào ánh dương mỗi ngày? Tôn giáo?! Sao không thể có bình yên?


(tbc.)

Rockxuyentheky
06-12-2009, 03:59
Tuyệt quá ............. Thức đến 4h sáng để theo hành trình của bác ..............................:">
Cho e hỏi bác vẫn đang trên cung đường Ấn Độ đó ạ ??? Những phút nghỉ ngơi này chắc bác ghi lại trực tiếp cho ae từ bên đó ạ ???

backpackervn
07-12-2009, 12:08
@ Rockxuyentheky, cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi. Bpk đã về quê nhà lâu rồi và đang chuẩn bị cho chuyến đi Ấn mới (?!). Hy vọng lúc đó sẽ có cập nhật “online”, còn bây giờ thì chỉ ngồi nhai ký ức thôi…
____________________________________________

(cont.)



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241562.jpg
Lượm được một mảnh trăng muộn vẫn còn vấn vương khi đêm gần tàn



Chuyến tàu đêm xộc xệch cũ kỹ lọc cà lọc cọc đưa lũ chúng tôi đến Amritsar lúc 5.20am trời còn tối đen mờ mịt, dù nó đã rời ga trễ gần 2h so với dự định. Rất nhiều gia đình đi hành hương cũng lục tục xuống tàu hướng về Ngôi đền Vàng thiêng liêng. Ngay trong ga tàu, có ngay một mô hình Đền Vàng đặt ngay vị trí trung tâm như chào đón quý khách.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241557.jpg
Đền Vàng trước bình minh, những đèn đuốc nơi đây phản chiếu ánh vàng làm sáng một góc trời
(những lúc này tôi lại tự “nhiếc móc” mình vì cái tội không mua máy chụp hình mới – Hận!!!).




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241559.jpg
Đoàn người thành kính vẫn làm lễ và đi cầu nguyện nguyên đêm



Gửi đồ đạc tại ga, lưu ý là bạn phải có vé tàu, hoặc đi hoặc đến gì cũng được người ta mới cho gửi, cả đám nhảy lên chiếc xe rickshaw hướng về Ngôi đền Vàng. Trời vẫn còn tối mờ mịt, chiếc xe lọc cọc chạy qua những phố vắng tênh đèn xanh ngắt hắt hiu hướng về nơi chân trời đang hừng hừng sáng. Nhưng đến nơi mới biết là mặt trời vẫn mê mải ngủ vùi, quầng sáng mà chúng tôi thấy nãy giờ là ánh sáng từ Ngôi đền Vàng!



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241584.jpg
Dòng người thành kính đông đặc kiên nhẫn nhích từng bước để vào trong Đền Vàng



Vài thế kỷ gần đây, người ta mới biết nhiều đến Amritsar nhờ vào Ngôi đền Vàng nhưng thực ra Amritsar, Punjab đã có 1 lịch sử văn hóa rất lâu đời, từ hơn 4.000 năm trước. Những di tích khảo cổ cho thấy ở đây đã từng xuất hiện nền văn minh Ấn Hà (Indus), của người Harappan vào thời xa xưa đó. Những di tích của giai đoạn Phật giáo hoàng kim thời vương triều Mauryan, những năm 321-184 trước CN, cũng được tìm thấy ở Sanghol, bang Punjab. Sử thi Ấn Độ lừng danh Mahabharata cũng nhắc đến vùng đất này. Cả Alexander Đại Đế dũng mãnh trên đường chinh phục phương Đông cũng đã từng đến vùng đất này, trước khi quân sĩ của ông bắt đầu kiệt quệ vì cái nóng ẩm kinh người, những cơn mưa nhiệt đới kéo theo muỗi mòng bệnh tật ê hề nơi đây… dẫn đến sự thất bại, cuộc rút lui trên đường chinh phục phương Đông của người. Nói chung Punjab là một vùng đất giàu tính lịch sử, vậy mà giờ chúng tôi mới biết. Đúng là càng đi càng thấy mình càng dốt.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241574.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241579.jpg
Đền vàng lúc chân trời hơi ửng sáng, bình minh vẫn chưa lên.



Nằm cách cách thủ đô New Delhi 428 km, Amritsar có cái tên bắt nguồn từ Amŗit - Sarovar có nghĩa "Pool of Nectar" – Hồ Mỹ Tửu (tạm “dịch” hạch), bắt đầu được biết đến trong vài thế kỷ gần đây bởi Ngôi đền Vàng, thánh địa của đạo Sikh. Được bắt đầu xây dựng năm 1577, bởi vị Giáo sĩ (Guru) thứ 4 của đạo Sikh, Ramdas, Đền Vàng là thánh địa của những người theo đạo Sikh. Trong đền lưu giữ văn bản gốc của kinh thánh Guru Granth Sahib mà nó được 4 vị giáo sĩ suốt ngày đọc qua hệ thống loa của đền.



(tbc.)

oilman
08-12-2009, 05:13
Lúc ở Ấn bọn tôi vẫn hay chọc các bạn đạo Sikh "cho tớ xem bảo bối". Theo đúng thông tục thì một anh đạo Sikh phải có 5 thứ bảo bối: có búi tóc (không bao giờ cắt tóc), một cái lược, một con dao găm, đeo vòng đeo tay màu bạc, mặc quần trong có dây thắt. Người đạo Sikh nói riêng hay người Punjab nói chung có thể rất nóng nảy, chỉ bạn bè biết nhau mới giỡn vậy. Do hoàn cảnh lịch sử, dân Punjab phải liên tục chống chọi với ngoại xăm để sống còn, họ trở thành những warriors cừ khôi ở Trung Á. Ngày nay có thể thấy rất nhiều người Punjab trong quân đội Ấn và họ giữ những chức vụ cao. Người Sikh cũng có ý chí chịu khó nên họ là những người kinh doanh, tài phiệt công nghiệp thành công ờ Ấn.

backpackervn
08-12-2009, 11:57
(cont.)


Đúng vậy oilman. Bạn có cả bạn là người Ấn theo đạo Sikh nữa hả, vui hén! Có lẽ đạo Sikh còn xa lạ với nhiều người Việt, nhưng thực ra chúng ta rất dễ nhận biết những đàn ông Ấn theo đạo Sikh, đó là chiếc khăn quấn trên đầu họ mà một số bạn trẻ hay dùng từ vui vui để mô tả là “bắp cải”. Đó là 1 trong 5 quy định của người theo đạo này. Cụ thể các quy định này như sau: Kasha: không cắt tóc, cạo râu suốt cả đời; Kangha: luôn mang theo bên người lược chải đầu bằng gỗ hoặc bằng ngà; Kacha: mặc quần ngắn, thoải mái; Kara: có đeo vòng đeo tay bằng bạc hay sắt; Kirtipan: luôn mang theo bên mình kiếm hoặc dao găm. Nói chung là có nhiều lý do dẫn đến các quy định này, tôi kể ra hết chắc sẽ có bạn sẽ cải sang đạo này mất thôi (!?). Chỉ ví dụ đơn giản là người theo đạo Sikh có quan niệm sống tôn trọng sự phát triển tự nhiên của mọi vật nên họ không cắt tóc, cạo râu, cứ để chúng mọc tự nhiên và vấn lên thành búi, sau đó quấn khăn lại đội lên đầu. Còn mặc quần ngắn và thoáng là vì để dễ… các bạn cứ gõ gu-gồ là ra hết à.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241571.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241573.jpg
Trời đã sáng xanh cái ánh sáng dịu dàng đầu ngày, nhưng mặt trời vẫn chưa chịu lên


Ra đời từ thế kỷ XV bởi vị giáo sĩ đầu tiên Guru Nanak (1469-1539), bắt nguồn từ sự phản kháng lại tính hình thức và sự cuồng tín của Ấn giáo và Hồi giáo. Đạo Sikh có thể được xem là sự trung dung giữa 2 đạo này, chú trọng truyền bá sự khoan dung, xây dựng cuộc sống thật thà và làm điều tốt. Khác biệt căn bản với đạo Hindu là đạo Sikh không phân chia đẳng cấp và chủng tộc. Sách kinh của đạo này là bản kinh Granth Saheb, gồm trước tác của 10 giáo sĩ đạo Sikh cùng với những bản kinh của đạo Hindu và Muslim. Trong khi các đền thờ Hindu hướng về phía đông, đền thờ Hồi giáo hướng về phía tây, thì Đền Vàng Hari Mandir tại Amritsar lại hướng về khoảng giữa của hai phương này. Giống đạo Hồi là không thờ cúng tượng nhưng đạo này lại cho phép việc lưu giữ hình ảnh của các vị giáo sĩ thần thánh… Nói chung, đến đây là tôi bắt đầu sắp tẩu hỏa nhập ma rồi nên sẽ chuyển sang chuyện khác.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241586.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241581.jpg
Ánh dương đã dần lên


Ngôi đền Vàng này được làm bằng vàng thật chứ chẳng chơi. Mái vòm của ngồi đền dát đến 750kg vàng sáng lấp lánh (làm sao mà mình gỡ được một miếng đây ta?). Mái vòm này có hình bông sen úp ngược, tượng trưng cho sự thanh cao của người theo đạo Sikh tu hành chân chính. Tên của ngôi đền là Hari Mandir Sahib hay Darbar Sahib, thực ra là một ngôi đền cẩm thạch trắng 2 tầng, chỉ có mái vòm là dát vàng, nhưng tên Đền Cẩm Thạch sao “sang” bằng Đền Vàng. Thế là ngôi đền có tên mới sang trọng. Ngôi đền nằm giữa một cái hồ vuông vức. Con đường đá cẩm thạch trắng từ bờ hồ đến ngôi đền giữa hồ lúc nào cũng ken chật người thành kính chờ đợi để được vào trong đền cầu nguyện. Nhìn hàng người đông đặc nhích chầm chậm từng milimet và việc là có vào bên trong cũng không được chụp hình nên tôi chỉ ngồi ngoài. Cái hồ thiêng này có tên là Amrit Sarovar, từ đó mới có tên của thành phố.


Xung quanh ngôi đền chính, thật ra còn có nhiều kiến trúc lộng lẫy khác nhưng do Ngôi đền vàng quá lấp lánh nên thiên hạ mờ mắt đi chứ theo tôi chúng cũng rất đẹp. Những thánh đường cũng giông giống Hồei giáo với những mái vòm củ hành, rồi những toà tháp thanh nhọn cao vút giữa trời xanh, soi bóng xuống hồ thiêng… theo tôi, tất cả những kiến trúc đó đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp của hồ thiêng và Ngôi đền Vàng.


(tbc.)

backpackervn
08-12-2009, 12:01
(cont.)


Chúng tôi đến nơi khi đêm còn bảng lảng, gửi dày giép vào kệ, rửa chân sạch sẽ ở cái lạch nước lạnh ngắt ngay trước cửa ra vào chính, lấy cái khăn Karma mang từ Cambodia ra quấn đầu, lon ton đi chân trần vào trong hồ… chúng tôi trở thành những du khách nước ngoài đến viếng đền sớm nhất trong ngày hôm đó. Cả đám tản ra và hòa mình vào trong dòng người thành kính đang đi lễ. Cũng như mọi lần, tôi theo dòng người đi vòng quanh hồ thiêng, nhưng không dám theo họ xuống hồ để tắm vì quá lạnh và vì thấy mình chưa đủ độ về tín ngưỡng đến mức đó. Tôi cũng chỉ rón rén nhúng chân xuống hồ mong gột sạch được chút tội lỗi đã mang vác quá nhiều. Như vậy là tôi cũng có rửa tý tội lỗi ở sông Hằng, rũ bỏ thêm chút lòng sân si ở hồ thiêng Amritsar, mai mốt đi được Jerusalem và Mecca để rửa sạch thêm tội lỗi là người trở nên trong sạch thánh thiện vô ngần rồi!!!


Ngôi đền Vàng trong đêm quá lộng lẫy, nhưng có vẻ là vẻ lộng lẫy này đã được góp phần tôn lên rất nhiều bởi các dàn đèn cao áp, nên chúng rực rỡ quá. Chỉ khi đèn tắt, phương đông ánh dương vừa lên nhuộm hồng đất trời thì Ngôi đền Vàng và các đền đài trắng thanh khiết xung quanh mới toát lên vẻ thiêng liêng của chúng, bất chấp dòng người đã ngày càng đông đen đi quanh hồ. Nhiều người cho rằng, ngôi đền này cũng giống Taj Mahal ở chỗ là nên được ngắm ở nhiều thời khắc khác nhau trong ngày vì ở mỗi lúc, ngôi đền có một vẻ đẹp riêng. Tôi cũng cảm thấy như vậy dù chỉ ngồi chưa đủ lâu, chỉ mới vài thời khắc mà thấy chúng đã đẹp rất khác.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241604-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241605.jpg
Và những tia nắng đầu ngày đã làm ngôi đền lộng lẫy hơn trong một bình minh trong trẻo


Ngồi ở một góc ngắm ngôi đền trong ánh bình minh soi bóng dịu dàng ven hồ thật là một cảm giác dễ chịu. Gió sớm lành lạnh thật dễ chịu, làm không khí trong lành hơn. Tiếng người nói thì thầm của dòng người đi quanh hồ chợt thỉnh thoảng bị khuấy động bởi tiếng đọc kinh vang vang từ các loa phóng thanh trong đền.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241618.jpg
Và đây, ngôi đền lộng lẫy trong nắng sớm



Tôi ngồi mải miết không làm gì như vậy đến lúc trời sáng bừng, lại đi loanh quanh ngắm nghía, chụp thêm vài tấm hình rồi bắt đầu đi khất thực cho buổi sáng. Thật mà, hôm nay tôi sẽ đi khất thực.


(tbc.)

chaubaogia
08-12-2009, 12:12
Đi khất thực có xuống tóc và mặc áo cà sa không đó, backpackervn?

backpackervn
08-12-2009, 14:05
@ chaubaogia, nói ra có thể bạn không tin, cạo đầu thì bpk cạo nhiều rồi, mặc áo cà sa thì cũng có mặc rồi… nhưng đi khất thực ở Ấn Độ thì không cần phải cạo đầu và mặc áo cà sa đâu. Ở đạo Sikh, tóc người ta còn không cho hớt, thấy cạo đầu người ta còn ghét, cho nhịn đói luôn chứ chẳng chơi…
________________________________________

(cont.)



Hôm nay tôi sẽ đi khất thực ở Guru-Ka-Langar, Amritsar.


Guru-Ka-Langar là phòng ăn miễn phí của khách hành hương lẫn khách “cà tưng” như bọn tôi. Phòng ăn miễn phí rộng thênh thang này phục vụ liên tục suốt ngày, có lúc lên đến 40.000 khách hành hương trong ngày. Đi theo tiếng dĩa nhôm đang rửa va vào nhau lao xao, bạn sẽ thấy căn phòng ăn rộng lớn này. Bon chen theo đoàn người, tôi cũng xếp vào hàng. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt tò mò, chắc có thêm phần thương hại khi thấy một thằng ku ở đâu thật xa đến tận Ấn Độ mà khất thực, nhưng tôi cũng tỉnh queo. Chờ đến lượt thứ 2 tôi mới được vào phòng. Vào trong phòng, mọi người ngồi yên lặng thành từng dãy đối diện nhau ngay dưới đất trên các tấm chiếu nhỏ. Sau đó mỗi người được phát một cái dĩa nhôm trẹt có nhiều ngăn, có thêm một cái muỗng nhôm nữa mà trong lúc chờ đợi tôi ngồi gõ leng keng lốc cốc.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241637.jpg
Bạn có nhìn thấy bpk trong những người đang chờ bữa trong căn phòng mênh mông này



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241642.jpg
Đông nhưng mà vẫn trật tự đàng hoàng nghen



Rồi tuần tự các người làm công quả bắt đầu đi phát bánh mì nan dẹt, rồi múc đậu, rồi tương ớt… rồi cái gì nữa chẳng biết và cuối cùng là cháo sữa. Nói chung là thiên hạ ăn hết, tôi thì chừa lại cháo sữa vì lượng bia tiêu thụ quá nhiều đã làm hư tanh bành hệ men lactase, tôi không dung nạp được sữa. Cả phần bánh mì nan nữa, tôi cũng chừa lại vì tôi vốn ăn rất ít. Thấy các bạn nhìn nhìn tôi bèn cố gặm thêm cho gần hết bánh mì, còn cháo sữa thì làm thế nào tôi cũng không thể ăn được vì không muốn bị Tào Tháo rượt. Thế mà nhoáng cái, mọi người rào rào một chặp là đã xong bữa.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241640-1.jpg
Các cô các chú nhìn bpk chăm chú



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241641-1.jpg
Các em bé cũng nhìn bpk tò mò



Theo dòng người tôi cầm cái dĩa xuống bếp bỏ vào cái bồn rửa dĩa khổng lồ – thế là xong buổi sáng, xong một buổi khất thực. Cảm giác cũng vui vui khi càng ngày càng được sống gần hơn cuộc sống người dân bản địa.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241644.jpg
Bữa ăn của người đi khất thực bpk, chỉ có bpk mới dùng muỗng thôi đó nghen.



No xôi chán chè rồi, việc kế tiếp của tôi là đi kiếm đồng bọn để cả lũ đi đăng ký phòng trọ miễn phí dành cho khách hành hương. Nói nào ngay là vì đi cả ngày hôm qua ở Delhi nắng nóng, tối lên tàu xa cạ nằm lăn nằm lóc, giờ lại lang thang không chốn nương thân… nên mục đích kiếm phòng trọ là để trưa có chỗ ngả lưng và quan trọng nhất có chỗ tắm rửa cho đồng bọn. Nghe nói ở đây có các dorm miễn phí cho khách hành hương, tôi bèn đầu têu rủ cả lũ đi thử xem. Vậy mà OK, nhất là “khách nước ngoài” được ở phòng riêng nữa. Cả đám được vào phòng, gặp lại vài em khoai Tây trên tàu hôm qua. Té ra chúng cũng như mình, mà chúng vào đây nghỉ từ sáng rồi chứ đâu có lang thang như mình đâu. Nghe đồn khoai Tây đi bụi lắm, giờ tụi mình còn bụi hơn nữa (hix). Như vậy, ngày hôm nay đi đến thánh địa Amritsar này tụi mình giống như hành khất đi khất thực rồi. Ăn miễn phí, tắm rửa nghỉ ngơi miễn phí. Không biết giờ có còn cái gì miễn phí nữa không làm nốt cho nó biết mùi luôn…



(tbc.)

VoAPhu
08-12-2009, 15:45
wow, bác nói lang thang những 3 tháng, ngưỡng mộ quá.

oilman
08-12-2009, 15:58
Họ là đồng nghiệp, đến từ mọi miền Ấn Độ vì vậy tôi có dịp biết được cái hay của mỗi vùng. Người Punjabi được cho là thích sử dụng sức mạnh hơn là sử dụng cái đầu và cũng là mục tiêu chọc cười của tôi với các bạn Ấn khác. Theo cách nói bằng tiếng Anh thì họ gọi là 5 treasures nên tôi tạm dịch là 5 bảo bối :-). Giới trẻ Sikh, và đặc biệt khi rời Punjab để kiếm sống ở các tiểu bang khác thì không phải lúc nào cũng tuân theo tục lệ này, nhưng hầu hết vẫn theo 2 thứ là không hớt tóc (quấn đầu) và đeo cái vòng bangle trên tay. Tôi thích người Sikh hai thứ: ý chí và sức mạnh. Món ăn Punjabi cũng có vài nét đặc biệt mặc dù nói chung là thuộc các món ăn bắc Ấn.

backpackervn
09-12-2009, 14:21
(cont.)


Sạch sẽ thơm tho rồi cả đám bắt đầu tản ra hẹn chiều quay lại để đi biên giới Ấn Độ - Pakistan. Nhiệm vụ của tôi là đi mua vé tàu Amritsar – Delhi ngay tối nay, cũng như lo dàn xếp xe cộ chiều nay đi biên giới. Kệ, tôi lo hết để cho đồng bọn thoải mái đi chơi. Nhưng trước khi đi làm mấy việc đó, tôi lại vọt vào trong Đền Vàng vì muốn tìm xem nó đã “thay đổi” như thế nào khi nắng đã lên cao.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241610.jpg
Con đường xung quanh đền cờ phướn phất phới bay vui như ngày hội. Tôi cứ chân trần chạy khắp phố
vì làm biếng lấy rồi gửi, rồi lấy… y như ngày xưa còn bé chân đất chạy khắp xóm. Vui!


Ối trời ơi, tôi lóa mắt luôn. Trước tiên là cái sân lát gạch men trắng bóng chạy quanh hồ hắt ánh sáng lên đã chịu không nổi rồi. Thêm nữa, ánh nắng hắt vào ngôi đền vàng chóe rồi hắt ngược vào mắt làm tôi gần choáng luôn. Chui vào bóng râm, định thần tý tôi mới làm một vòng quanh hồ.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241629.jpg
Ngôi đền vàng chóe lên trong nắng. Vàng thiệt đó, thấy chưa?



Quanh hồ giờ đây rất nhiều khách hành hương tập trung. Học vừa đi làm lễ, vừa tụm năm tụ ba ngồi khấn vái hay ngồi tám với nhau chẳng biết. Nhưng nói chung họ rất thanh thản và đặc biệt rất thích chụp hình. Tôi chụp cho họ rất nhiều. Dĩ nhiên cũng nhờ họ bấm lại cho mình vài tấm làm kỷ niệm, thấy mình cũng rực rỡ gần bằng cái ánh vàng chóe của ngôi đền nên không dám post lên đây, sợ cháy luôn màn hình.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241695.jpg
Này là thướt tha áo vàng áo đỏ



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241646.jpg
Này là hạnh phúc khoe con xinh



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241589.jpg
Này là đại gia đình hạnh phúc nơi miền đất thánh



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB241624.jpg
Anh chàng này đang đứng chỗ mà bpk sẽ đứng. Kêu ảnh đứng, chụp demo cho ảnh một cái rồi kêu ảnh
chụp mình y chang vậy. Nhưng đổi người một cái là khác hẳn, hình sáng choang như đèn pha luôn (?!)


Người ta nói đúng về việc nên ngắm Đền vàng ở nhiều thời điểm. Giờ đây nó lộng lẫy thật. Nhất là soi bóng bên hồ xanh, dưới trời xanh ngắt của ngày đông Ấn Độ nhưng có đều chụp hình không đẹp lắm vì nó hắt ngược ánh sáng vào trong máy cùi bắp nên trông nó giả giả làm sao. Nên đến đây ngồi tận mắt chiêm ngưỡng thì sẽ rất hay (nói giỡn chơi cứ như thiệt hén)!


(tbc.)

Chitto
09-12-2009, 17:18
Bạn có vào trong tòa nhà vàng đó không? Trong đó có gì vậy? Tôi tìm trên mạng chỉ thấy ảnh chụp bên ngoài hoặc trên nóc, không thấy bên trong.

oilman
10-12-2009, 05:01
[I]

Rồi tuần tự các người làm công quả bắt đầu đi phát bánh mì nan dẹt, rồi múc đậu, rồi tương ớt… rồi cái gì nữa chẳng biết và cuối cùng là cháo sữa. Nói chung là thiên hạ ăn hết, tôi thì chừa lại cháo sữa vì lượng bia tiêu thụ quá nhiều đã làm hư tanh bành hệ men lactase, tôi không dung nạp được sữa. Cả phần bánh mì nan nữa, tôi cũng chừa lại vì tôi vốn ăn rất ít. Thấy các bạn nhìn nhìn tôi bèn cố gặm thêm cho gần hết bánh mì, còn cháo sữa thì làm thế nào tôi cũng không thể ăn được vì không muốn bị Tào Tháo rượt. Thế mà nhoáng cái, mọi người rào rào một chặp là đã xong bữa.



Đúng ra thì bạn nên ăn hết vì họ không thích thức ăn bị thừa. Các bạn nào sẽ ăn miễn phí ở đây nên chuẩn bị tinh thần: chắc là sẽ ăn được món bình dân của Ấn và bao tử còn đủ chỗ. Amritsar là thánh địa của đạo Sikh như Mecca hay Vatican. Đến Amritsar là một trải nghiệm lớn, người Sikh rất vui tính, thích nói đùa, nhưng cũng có thể nói nóng nếu mình đùa với tôn giáo của họ (coi chừng họ sử dụng cái bửu bối Kirpan :)) ).

backpackervn
14-12-2009, 10:33
@ Chitto, bên trong Đền Vàng bị cấm chụp hình nên chắc bạn khó tìm ra hình trên mạng. Để bpk hôm nào lục lại tìm vài tấm hình của các ngôi đền của đạo Sikh khác đưa lên đây. Nói chung là vì không thờ tượng, hình ảnh (cũng như đạo Hồi) nên các ngôi đền của đạo Sikh bên trong cũng khá đơn giản.


@ oilman, bpk biết chứ, văn hóa buffet, văn hóa “khất thực”… bpk đều biết nhưng bpk không thể ăn được, dù đã rất rất cố gắng, với món cháo sữa đó. Bpk cũng đã cố gắng diễn đạt với những người xung quanh rằng mình không thể. Dường như họ hiểu và chấp nhận nên vẫn vui vẻ với bpk. Muốn rút kinh nghiệm cũng không dễ, vì mình đâu biết là họ sẽ cho mình ăn cái gì đâu. Đó cũng là ngày đầu tiên đến Punjab, không biết đến món đó, chứ mấy món ở Varanasi, Delhi… bpk ăn được hết mà….
____________________________________
(cont.)



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241651.jpg
Lối vào Jallianwala Bagh, nhỏ nhắn nhưng xinh xắn và nghệ thuật


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241654.jpg
Bia tưởng niệm chính


Nằm gần bên Ngôi đền Vàng, Jallianwala Bagh là công viên, cũng là nơi tưởng niệm cuộc thảm sát làm chết và bị thương khoảng gần 2.000 người dân địa phương. Cuộc thảm sát này do binh sĩ Anh tấn công vào một cuộc biểu tình bất bạo động của dân chúng vào năm 1919, ngay tại chính nơi này. Nhiều nơi trong công viên này đều được giữ gìn cẩn thận, ghi dấu trận thảm sát, như cái giếng Martyrs, nơi mà hàng trăm người đã nhảy xuống để tránh đạn.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241662.jpg
Giếng Martyrs, giờ đã được xây bao quanh bảo vệ di tích của một thời



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241656.jpg

https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241661.jpg
Các bức tường lỗ chỗ vết đạn của cuộc thảm sát gần 100 năm trước


Giờ nó là một công viên xanh mát, nhỏ nhắn đáng yêu. Nếu bạn cảm thấy cần một khoảng xanh để dịu lại sau khi bị ám ảnh bởi cái trắng toát lóe mắt của khuôn viên quanh Đền Vàng, cái vàng rực chói mắt bởi Ngôi đền Vàng lấp lánh, bạn nên sang đây, lăn ra cỏ nằm dưới một bóng râm nào đó. Chợt thấy những tia nắng vàng nhảy nhót qua kẻ lá sẽ đáng yêu hơn, không còn chói sáng rực rỡ như ở ngay bên kia bức tường.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241660.jpg
Các nhóm thanh niên Punjab vui vẻ, mến khách trong công viên Jallianwala. Các cô gái xinh quá hén!


(tbc.)

danngoc
14-12-2009, 15:12
Xem bộ phim Gandhi làm năm 1981 tả lại cảnh lính Anh thảm sát ở cái giếng thật sống động. Ben Kingsley đóng phim đó tuyệt. Ban đầu em cứ nghĩ do là nền văn hóa lớn nên sản sinh ra Gandhi với lý thuyết bất bạo động của tổ tiên ông, ai dè đọc Tự truyện của Gandhi mới biết ông này học được lý thuyết BBĐ từ Lev Tolstoi! Tự truyện của Gandhi ấn tượng nhất vụ ông ấy thuê 1 đầu bếp về nấu ăn cho mình, ai dè ông bếp này theo 1 tôn giáo có phát nguyện suốt đời đi vệ sinh không rửa tay, báo hại cụ Gandhi phải làm đầu bếp cho luôn cả hai người!

Bác Chitto hay bác nào biết thì cắt nghĩa thật rõ dùm em vụ tại sao Hồi giáo lại không dùng họa tiết trang trí hình người và động vật với. Theo em hiểu thì họ quan niệm quyền tối cao được sáng tạo ra con người và động vật là thuộc về Thượng đế, nên không được phạm thiêng khi trang trí những độc quyền của Người. Nhưng tại sao cây cỏ không thuộc phạm vi giới hạn? Có thuyết nào khác liên quan không? Bắt nguồn từ tôn gíao nào? Theo em biết hình như Chính thống giáo ở Constantinopole cũng có 1 nhánh không dùng hình người và động vật, nhưng sao Chính thống giáo ngày nay vẫn có ảnh Chúa?

Chitto
14-12-2009, 16:11
tại sao Hồi giáo lại không dùng họa tiết trang trí hình người và động vật với...Có thuyết nào khác liên quan không? Bắt nguồn từ tôn gíao nào? Theo em biết hình như Chính thống giáo ở Constantinopole cũng có 1 nhánh không dùng hình người và động vật, nhưng sao Chính thống giáo ngày nay vẫn có ảnh Chúa?

Theo tôi hiểu thì khởi nguồn từ Do Thái giáo (Cả Kitô giáo, Hồi giáo đều có nguồn từ đây). Trong 10 điều răn của Thượng đế thì điều thứ 2 là "Không được tạo hình tượng để lễ lạy, dù là bất cứ hình gì". Trong Kinh thánh cũng kể chuyện người Do Thái đã từng tạo hình Thần là con bò, thần hình cá (nói chung là động vật) để lễ lạy và bị Thượng đế Jehovah trừng phạt. Chưa thấy nói đến làm hình cây cối để lễ lạy bao giờ.

Cũng vì thế Do Thái giáo xưa, trong đền thờ để cái rương chứa Giao ước, chứ không có tượng thần. Kinh thánh nói hai bên rương làm tượng hai Kebulim là thiên thần mà tay là hai cánh chầu vào (cái này học từ Ai Cập), sau rồi cũng bỏ luôn tượng.

Có lẽ đến Hồi giáo thì Muhammad đã triệt để hơn khi cấm luôn vẽ hình người và động vật, có lẽ vì khi vẽ trang trí lên quanh đền, thì khi tín đồ lễ lạy, đã vô tình lễ lạy luôn cả hình trang trí. Thực ra Hồi giáo cũng không vẽ cây cỏ, mà là vẽ Hoa văn, nhưng nhiều hoa văn cách điệu từ cây cỏ. Trang trí quan trọng của họ chính là các câu kinh Qu'an được viết cách điệu, vì kinh là lời Thượng đế Allah.

Còn người Kitô giáo lễ lạy tượng Jesus, vì cho rằng Jesus chính là Thượng đế - Thiên Chúa đã hiển thị ra thành người, Thiên Chúa cố ý hiện ra thành hình dạng đó, nên làm tượng và lễ lạy (trái với kinh cổ) vẫn không sao, vì chính Thiên Chúa cho phép thế. Rồi từ đó họ tạo hình các Thánh để lễ lạy, với lý do các Thánh là trung gian đến với Chúa. Những lập luận sau này người Hồi giáo (và cả Tin Lành) không chấp nhận.

oilman
15-12-2009, 07:54
@Chitto: theo những gì tôi biết về đạo Hồi thì giống như Chitto nói. Họ không lạy hình tượng, nghệ thuật trang trí là những hình cách điệu của hoa hay cây, họa tiết góc cạnh và nghệ thuật viết chữ caligraphy.

@bpk: oilman chưa từng thử qua món ăn ở một nhà ăn miễn phí "langar" của đạo Sikh xem nó như thế nào. Theo như tôi đọc qua đâu đó thì họ tổ chức những nhà ăn như vậy không phải chỉ đơn thuần là giúp người gặp khó khăn mà là một nhà ăn cộng đồng nơi mọi người đều như nhau không có tầng lớp gì hết như trong một xã hội Ấn ngày xưa và cả ngày nay. Mọi người ngồi ngay ngắn, bình đẵng ngang nhau, ăn như nhau và được phục vụ miễn phí bởi những người tình nguyện. Có thể kêu người phục vụ cho ít hoặc cho nhiều đồ ăn một chút không sao nhưng đừng phí. Tất nhiên những thứ này không phải là quy định và cũng không ai ép mình. Tôi nghĩ nhà ăn langar mang một thông điệp của đạo Sikh.

backpackervn
15-12-2009, 09:41
@ danngoc, cám ơn bạn đã nêu ra vấn đề, để bpk và các bạn khác có thêm được những thông tin thật hữu ích.

@ Chitto, oilman! Cám ơn những thông tin thật chi tiết và lý thú của các bạn. Ngày trước có đọc tới đọc lui, bpk cũng nhớ mang máng nhưng vì mức độ quan tâm không nhiều nên mọi thứ như nước chảy đầu vịt (hix, tội nghiệp con vịt!).

@ oilman, đã nói là bpk đâu có biết người ta sẽ bỏ cái gì vào dĩa đâu, tội nghiệp nó quá. Lần sau em xin chừa!!!

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::

(cont.)


Nằm kềnh trong bóng râm ở Jallianwala Bagh, chợp mắt tý cho bù lại giấc ngủ chập chờn tối qua trên tàu, tôi ra phố hỏi vé tàu Amritsar – Delhi. Không có, dù tôi đã đi rất nhiều nơi và chấp nhận chi phí cao, vẫn không có. Tính đến phương án 2, đi xe đêm nhưng không cần mua vé để chiều nay xem sao vì tôi biết con đường ra biên giới Ấn Độ - Pakistan sẽ đi ngang qua ga. Công việc thứ 2 là đặt xe đi biên giới thì quá dễ dàng, tôi cũng không cần đặt cọc trước, hẹn bác tài giờ giấc buổi chiều chúng tôi sẽ đi là được. Chuyến đi đó có thêm 1 bạn khoai Tây đi một mình, ở chung phòng trong dorm miễn phí xin đi chung đỡ phải đi một xe, tôi ok luôn. Cho nó đi mình càng tiết kiệm chớ có mất mát gì đâu!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241696.jpg
Cận cảnh Đền Vàng trong nắng trưa


Xong, tôi lại lượn vào Đền Vàng, xem nó thay đổi rực rỡ như thế nào trong nắng trưa đã lên cao cao trước khi đi sang tháp Baba Atal cũng nằm gần đó. Đền vàng buổi trưa càng rực rỡ và lóa nắng. Phục thiên hạ thật, mình chỉ vào có tý xíu đã chịu không nổi phải bỏ đi vậy mà thiên hạ vẫn ung dung tự tại nhẩn nha nơi đây. Đúng là không có niềm tin làm gì cũng khó (!?).



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241703-1.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241683.jpg
Các góc khác nhau của Đền Vàng trong nắng trưa


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241686.jpg
Thư giãn (?!) bên hồ


Tháp Baba Atal, được hoàn thành năm 1784 để tưởng niệm cậu bé Atai Rai, con trai của vị giáo sĩ thứ 6 của đạo Sikh, Har Gobind. Truyền thuyết cho rằng Atai Rai đã dùng phép thuật của mình để cứu sống lại bạn của cậu, đã chết vì bị rắn cắn. Vị giáo sĩ đã trách mắng cậu làm như vậy là đi ngược lại quy luật của tự nhiên, nên cậu đã tự vẫn, để đổi lại cho mạng sống mà cậu đã cứu. 9 tầng của chiếc tháp bát giác này tương ứng với 9 năm trong cuộc đời ngắn ngủi của cậu.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241666.jpg
Tháp Baba Atal


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241670.jpg
Soi bóng bên hồ nước


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241673.jpg
Bên trong đơn giản – như bên trong các đền khác của đạo Sikh


Nằm bên một hồ nước nhỏ khác, khuất sau những kiến trúc khác nên ngôi tháp này vắng vẻ, yên bình và đặc biệt là toát lên vẻ duyên dáng riêng của 1 kiến trúc Sikh thanh nhã, không bị che khuất hay lộng lẫy hơn bởi ánh vàng của ngôi đền. Đứng một mình, duyên dáng, nhỏ bé… tháp Baba Atal có 1 vẻ quyến rũ riêng.


(tbc.)

backpackervn
15-12-2009, 09:57
(cont.)


Lang thang ở “vùng ven” Đền Vàng hồi lâu, tôi quyết định rời nơi đây đi một nơi nào xa xa chứ quanh quẩn gần đây mãi thấy bắt đầu bức bối. Thế là tôi nhảy xe rickshaw đạp, tức là xe lôi đạp đến Ngôi đền Bạc – Sri Durgiana.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/IMG_46461-1.jpg
Ngôi đền Bạc, Sri Durgiana nằm giữa hồ. Dù Ấn Độ là đất nước của đạo Hindu, nhưng ở Amritsar thánh địa của đạo Sikh thì đền Hindu lại vắng tênh (hình từ net).


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/SriDurgiana-4-1.jpg
Ngay từ cánh cửa là đã thấy màu sắc hoành tráng rồi (hình từ net).


Thực ra, ngôi đền này không có tên là Ngôi đền Bạc, nhưng mọi người cho rằng nó là 1 phiên bản của Ngôi đền Vàng, chỉ vì nó có những cánh cửa bằng bạc lấp lánh. Đặc biệt, đây lại là một ngôi đền Hindu chứ không phải ngôi đền của đạo Sikh. Ngôi đền từ thế kỷ XVI này làm bằng đá cẩm thạch sáng trắng với những hoa văn tinh xảo nhiều màu sắc đẹp đẽ. Chỉ tiếc là do nằm tại Amitsar, gần Đền Vàng quá hoành tráng nên bị lu mờ chứ nếu đứng riêng một nơi nào đó chắc nó sẽ chói sáng hơn nhiều. Rút kinh nghiệm: không nên có bạn hoặc quá đẹp hoặc quá giỏi, mình sẽ bị lu mờ, hoặc nếu đã lỡ làm bạn rồi thì cũng hạn chế đi chơi chung với các bạn ấy... (just kidding)!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241712.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241710.jpg
Vào trong là chánh điện lấp lánh bạc với những tượng thần cũng bằng bạc


Được xây dựng từ thế kỷ XVI, ngôi đền Sri Durgiana này có kiến trúc Hindu cổ và cũng nằm giữa một cái hồ, nhỏ hơn hồ Amrit Sarovar của Đền Vàng. Tuy hình dáng bên ngoài ngôi đền này không rực rỡ hoành tráng như Đền Vàng, nhưng kiến trúc Hindu bên trong của ngôi đền Bạc này sẽ lôi cuốn bạn bằng những điêu khắc tinh xảo trên bạc, nhất là hình ảnh, tượng thờ đa dạng của các vị thần Hindu… Các điêu khắc mà bạn không thể thấy trong các ngôi đền của đạo Sikh hay đạo Hồi.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241714.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241711.jpg
Những cánh cửa sổ cũng bằng bạc


Bạc lấp lánh như vậy ở khắp nơi trong đền, nên người ta gọi là Ngôi đền bạc. Cũng đâu có sai hén!


Tôi nhớ là hôm đó có chụp hình ngôi đền từ bên ngoài, cũng như cái cầu nhỏ xíu dắt vào đền nhưng chẳng hiểu sao giờ tìm mãi không thấy. Nhưng tôi vẫn rất nhớ cảm giác bước chân từ Đền Vàng sang Đền Bạc, ngay từ ngôi đền của tôn giáo này sang tôn giáo khác trong một trưa nắng nóng nung người Ấn Độ. Cảm giác cứ chơi vơi giữa các niềm tin, tín ngưỡng… rất khó tả, không biết tại cái nóng giữa trưa Ấn Độ hay vì cái gì khác?!


(tbc.)

backpackervn
16-12-2009, 09:39
(cont.)



Theo L.P thì tôi đã đi gần hết các điểm “cần đi” ở Amritsar, ngoại trừ mấy điểm đang đóng cửa tu sửa hoặc không cho người ngoại đạo vào. Còn theo tờ brochure hướng dẫn du lịch của Amritsar Tourist Police thì còn nhiều điểm tôi chưa đi lắm. Nhưng tôi cũng mệt nhừ vì ngày hôm qua lang thang ở Delhi cả ngày, tối lên tàu chập chờn… do vậy, từ Đền Bạc trở ra, tôi kiếm quán cóc chui vào làm dĩa mì xào kiểu Ấn xong lững thững đón xe rickshaw quay về cái dorm miễn phí mà chúng tôi đã đăng ký lúc sáng. Ngả lưng một tý thì đồng bọn lục tục kéo về. Cả đám bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi biên giới Ấn Độ - Pakistan.


Chuẩn bị xong xuôi, tôi vào lượn lờ trong Đền Vàng tiếc nuối ngắm nhìn lần cuối (vì chưa gỡ được miếng vàng nào :D) rồi ra xe nhằm hướng biên giới Attari thẳng tiến.


Ngoài cửa khẩu Munabao ở bang Rajasthan, thường xuyên bị đóng cửa thì cửa khẩu Attari của Amritsar, bang Punjab là cửa khẩu chính thông thương giữa Ấn Độ và Pakistan. Không nói đến các chuyến xe từ Amritsar, các chuyến xe, tàu hỏa từ Delhi đi Lahore, Pakistan đều đi ngang qua cửa khẩu Attari – Wagah này. Như tôi đã đề cập từ đầu sub-topic này, cả những chuyến tàu ma, chở những đoàn người rời bỏ cố hương vì lý do tín ngưỡng cũng đã ngang qua đây từ những năm 50 thế kỷ trước.


Nhưng tôi đến đây không để qua Pakistan, dù lòng rất khao khát. Như tôi đã kể lể khóc lóc trong một topic khác, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi xin visa vào Ấn Độ từ Kathmandu, Nepal thay vì nên xin trước từ quê nhà. Do vậy, cuối cùng tôi chỉ lấy được single-entry visa vào Ấn Độ thay vì multiple-entries visa. Do vậy, ý định lang thang chạy qua chạy về từ Ấn Độ sang Pakistan, Bhutan của tôi đã tan tành như mây khói. Tôi đến vùng biên giới này chỉ để “thò tay thò chân” qua Pakistan một cái, kiểu như ngày xưa lên Bằng Tường, chạy qua cột bia đá, “tè” một cái rồi quay về, tự hào mình đã “xuất ngoại” sang đất TQ.


Và mục đích chính là xem lễ hạ cờ “nổi tiếng” giữa 2 nhóm lính biên phòng Ấn Độ - Pakistan.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/P11402372.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241715.jpg
Quần chúng đã tụ tập đông đen bên phía Ấn Độ chuẩn bị cho “lễ hội” hạ cờ


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241763.jpg
Vắng hơn một chút bên Pakistan


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/58234383.jpg
Biên giới nhìn từ bên Pakistan (hình từ net)


Nằm cách Amritsar 30km, nhưng đi mất hơn 1h, cửa khẩu Attari buổi chiều muộn lại tấp nập không ngờ. Nghĩ rằng ngày nắng còn đầy, chúng tôi đã khởi hành hơi trễ. Lên đến nơi thì khán đài đã chật cứng trên các khán đài. Thêm nữa, ở đây nam ngồi riêng, nữ ngồi riêng, mà chỗ phụ nữ ngồi lại gần với biên giới hơn. Làm sao tôi qua bên khu đó để thò thụt sang Pakistan bây giờ. Nhất là nếu tôi lò dò đi xuống sẽ bị đẩy vào khu dành cho khách “ngoại quốc”. Do vậy tôi đành ngồi chung với các bạn trẻ Ấn Độ xa tít bên này, nhìn sang bên kia đất Pakistan mà thòm thèm.


(tbc.)

backpackervn
16-12-2009, 09:46
(cont.)



Attari - Wagah, còn được gọi là “Bức tường Berlin châu Á”, là cửa khẩu giữa Ấn Độ & Pakistan. Ngày xưa nơi đây là 1 ngôi làng Wagah, nhưng đã bị chia 2 bởi sự phân tách của 2 quốc gia vào năm 1947. Nơi đây, ít có ngườI Việt Nam nào mò đến, chỉ có tôi lon ton đến đây vì cái lễ hạ cờ hấp dẫn thôi.



Theo nhiều người, buổi lễ hạ cờ này có vẻ là sự phô trương sức mạnh và nâng cao tinh thần dân tộc nhưng tôi không nghĩ vậy – chỉ nghĩ đây là thời điểm mà 2 quốc gia đã có thời là một giờ đây vì tín ngưỡng mà tách ra, có dịp giao lưu. Đây là thời điểm đóng cửa 2 biên giới, nơi mọi giao thương giữa những người anh em trong một quốc gia tạm ngưng chờ ngày mai trời sáng. Tôi thấy điều này thú vị, vì họ đã làm được cuộc giao lưu mỗi ngày dù chiến tranh vẫn liên miên giữa 2 đất nước, điều mà Triều Tiên và Hàn Quốc,... cũng như nhiều quốc gia bị chia cắt hoặc đã từng bị chia cắt có làm được đâu.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB241724.jpg
Cờ bay phất phới trên khán đài phía Ấn Độ


Giờ lễ hạ cờ gần như nơi mỗi buổi chiều dân chúng tập trung như buổi giải trí dành cho cả khách du lịch trong ngoài nước. Có cửa khẩu nào trên thế giới mà cả 2 bên đều xây khán đài chứa cả ngàn người và mỗi chiều cả ngàn người đổ xô về tham dự như xem hội? Đường biên giới tại khu vực cửa khẩu được sơn trắng, từ đó mỗi bên lui vào khoảng 1m để xây cổng riêng cho quốc gia mình. Ngay sát vạch sơn là 2 cây cột cờ, đối xứng chéo qua vạch, có 2 lá cờ của 2 nước sẽ được hạ xuống mỗi chiếu.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241784.jpg
Các bạn trẻ Ấn nhiều phấn khích


Đến chiều khu vực này đã bắt đầu sôi động từ rất sớm chứ không phải chờ đến lúc làm lễ hạ cờ. Khách ngồi tấp nập trên khán đài, dưới sân, vang vang khắp nơi tiếng loa tiếng nhạc sôi động. Dưới sân, các cô gái Ấn Độ nhún nhảy la hét kích động trong những bộ saree nhiều màu trông thật khác với điệu bộ điềm tĩnh thường ngày của họ. Bên kia Pakistan cũng vậy, nhưng nhẹ nhàng hơn vì bên kia là Hồi Giáo, các cô gái kín đáo trong các bộ áo choàng kín mít mà ra nhảy nhót chắc vui lắm hén.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241716.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241731.jpg
Vui hân hoan ca múa nhảy, kích động ghê hén!


Ở mỗi bên, thỉnh thoảng có những anh chàng kích động cầm cờ chạy vòng vòng, vừa chạy vừa la vang trời. Lúc đó, bà con trên khán đài lại hò reo ủng hộ. Bên Pakistan, tôi thấy có 1 vị ăn mặc như giáo sĩ (hay tu sĩ) cũng cầm cờ chạy và la khí thế luôn.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241767.jpg
Vị giáo sĩ kích động cầm cờ chạy vòng vòng bên phía Pakistan


Quân phục của các anh lính Ấn Độ, BSF (Boder Security Force) hơi là lạ, bộ trang phục màu vàng đất, quần thì ngắn cũn ngắn cỡn “chó táp 7 ngày chưa tới” trông rất ngộ, thêm nữa là cái mũ có cái mào đỏ chóe y như con chào mào. Bên Pakistan thì trang phục màu đen, cái mào cũng đen luôn, chẳng giống chào mào, không biết giống con gì nữa. Các anh áo đen lại có thêm các họa tiết đỏ trang trí tô điểm. Đỏ đen phối với nhau trông cũng mạnh mẽ.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB241788.jpg
Quân phục của anh lính BSF Ấn Độ


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/img_51381.jpg
Quân phục Pakistan (hình từ net)


Mặc cho các cô nhảy nhót kích động, khiêu gợi (?!) các anh lính Ấn Độ cứ đứng trang nghiêm, chờ cho đến lúc xếp hàng làm lễ hạ cờ. Không khí thật là náo nhiệt, chỉ hận là mình không được chơi vài chai cho nó lưng tưng rồi xuống tham gia nhảy nhót!


Hận!?!?!?


(tbc.)

backpackervn
16-12-2009, 09:49
(cont.)


Giờ G đã đến, thường là 5.30pm, thay đổi chút ít tùy mùa đông hạ. Lễ hạ cờ được tiến hành trước khi đóng cửa biên giới. Khi các anh lính bắt đầu đứng xếp hàng thì không khi càng náo nhiệt. Có cả một anh MC dẫn chương trình và hét vang những câu kích động (tôi đoán vậy) vì sau đó các bạn trẻ lại hô vang “Hindustan”, “Hindustan” (tên khác của Ấn Độ), bên kia thì vang trời “Pakistan” Pakistan”…!!!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/Wagha_200051.jpg
Cửa đóng, chuẩn bị làm lễ (hình từ net)


Các anh lính bắt đầu xếp thành hàng ngay trước văn phòng. Sau đó 2 anh lính đầu tiên bắt đầu tách hàng hùng dũng đi đến cửa biên giới. Các anh đi rất dũng mãnh, bước nhanh và sải dài, chân đưa cao, quá đầu luôn! Bên kia Pakistan cũng vậy, các anh lính áo đen cũng thẳng tiến. Khi đến sát bên cổng, cửa sẽ mở ra cho anh lính bước vào, vẫn ở bên này vạch sơn. Các anh đi dọc theo vạch sơn chân đá chân cao lên tới đầu. Xong, đưa tay sang bắt tay anh lính bên kia, rồi lui ra đứng chờ bên ngoài cổng. Anh lính thứ nhất xong xuôi thì anh lính thứ hai bắt đầu lặp lại nghi thức y như vậy. Có điều sau khi đã có 2 anh lính xếp hàng bên cửa khẩu thì cửa được mở ra rộng hơn từ từ. Từ xa các anh lính còn lại bắt đầu diễu hành một vòng chuẩn bị cho thủ tục hạ cờ.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241735.jpg
Các anh lính Ấn Độ bắt đầu xếp hàng chuẩn bị làm lễ, anh áo hồng là MC (!)


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/LHR0241.jpg
Bên kia, các anh Pakistan cũng ngay ngắn vào hàng


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241740.jpg
2 anh lính đầu tiên bắt đầu đi


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241743.jpg
Rồi những anh còn lại đi nguyên đoàn


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241747.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/IMG_62481.jpg
Làm một vòng diễu hành trong tiếng hò reo của quần chúng rồi quay lại đứng chờ (hình từ net & bpk)

(tbc.)

backpackervn
16-12-2009, 09:52
(cont.)



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241751.jpg
2 anh lính đầu tiên bắt đầu đi vào khu vực cột cờ biên giới


Trong 2 anh lính đi đầu, một anh được chọn sẽ vào đứng đối diện với cột cờ của nước mình và đối diện xéo với anh lính kia qua vạch sơn. Còi hiệu nổi lên và các anh bắt đầu việc hạ cờ theo nhạc hiệu. Khi cờ vừa đến tay, anh còn lại nhanh chóng phối hợp xếp cờ lại, đặt trên hai tay để thẳng, bước ra gia nhập vào hàng các anh lính kia đang chờ. Cả hàng hùng dũng đi trở về lại văn phòng, vào văn phòng để cất cờ vào trong để sáng mai lại có lễ chào cờ rồi lại hạ cờ. Hết phim!!!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/r199773_7637931.jpg
Ngửi giày đi nào! Có khi nào nó kêu cái tẹt không vậy ta? (hình từ net)


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/wagah31.jpg

https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/india_pakistan_03072.jpg
Đang kéo dây cờ (hình từ net)


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241772.jpg
Lúc này, trong sân đồn biên phòng, các anh lính đứng chờ cờ về

(tbc.)

backpackervn
16-12-2009, 09:54
(cont.)


Mô tả thì đơn giản vậy, nhưng có tham gia bạn mới thấy hết sự phấn khích của dân chúng 2 bên. Họ cuồng nhiệt la hét cổ vũ cho các anh lính trong lúc các anh làm lễ. Các anh cũng có những nghi lễ đặc biệt không kém. Hôm đó người đông quá lô nhô đứng lên ngồi xuống tôi không chụp hình được nhiều nhưng may mắn là lên mạng thì có vài hình chụp về cảnh này, bèn copy mang về đây minh họa cho bà con hình dung xem sao.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241780.jpg
Hãnh diện đem cờ về


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241781.jpg
Trao cờ cho đồng đội, chuẩn bị cất để chờ ngày mai


Sau khi các anh làm lễ xong, cửa biên giới đóng lại cũng là lúc đoàn người từ khán đài ùa xuống bắt tay bắt chân, chụp hình chung với mấy anh. Có nhiều người lớn tuổi chạy đến cửa khẩu nhìn sang bên kia như chia tay người thân bên ấy, như nhớ về miền đất nào của tổ tiên ngày xưa xa xôi bên ấy… Các bạn trẻ thì tụ 5 tụ 3 chụp hình với cánh cửa biên giới, với mấy anh biên phòng. Mấy bạn khoai Tây cũng nô nức chụp tới chụp lui, có bao giờ thầy cảnh vui nhộn nào nơi biên giới chia cắt như ở “Bức tường Berlin châu Á này”. Họa may, có cảnh phá tường Berlin của những năm 90 thế kỷ trước mà ai đó may mắn lắm mới được tham gia. Vậy sao không hòa vào cùng mọi người cho vui nào.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241783.jpg
Biên giới giờ đã đóng cửa


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241785.jpg
Đám đông ùa và nhau hỏi han, chụp hình…


Chuyện riêng này nhất định tôi phải kể, đồng bọn tôi mà có vào đây xem cũng đừng trách cứ. Số là đồng bọn của tôi rất mê mệt và muốn chụp hình với một anh lính trẻ đẹp trai Ấn Độ, bèn la làng lên nhờ tôi yêu cầu được chụp hình chung với anh ấy trước, sau đó mới có cớ xông vào chụp chung với anh chàng đó. Chèn đét ơi, tôi đứng với anh chàng Ấn cao to đó sao mà giống Ngôi đền Bạc đứng gần Ngôi đền Vàng mà tôi vừa kề ở trên. Hận!!! Được cái mấy anh lính ở đây rất dễ thương và nhiệt tình, không những đứng chung chụp hình mà còn kêu cả bọn đi qua chỗ vắng hơn để chụp cho đẹp… làm các bạn ấy khoái tít khoái mù. Tôi bỏ đi mất tiêu lâu lắc lâu lơ mà các bạn ấy vẫn còn quanh quẩn mãi nơi ấy. Báo hại thằng ku khoai Tây đi chung xe đứng đợi lâu quá thấy nó cứ lẩm nhẩm gì đó trong miệng. Lúc đầu tưởng nó cám cảnh hoàng hôn nhớ nhà nó hát, té ra không phải!!!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB241792.jpg
Chiều đã vào đêm, biên giới đã đóng, chỉ thấy 2 cây cột cờ cô đơn kiêu hãnh nhìn nhau như thầm hỏi “Lẽ ra chúng ta là một phải không?”


Rồi cả đám cũng lên đường về khi chiều đã xuống thật muộn. Cửa khẩu đã đóng, những đoàn người phu khuân vác lầm lũi từng đoàn từ biên giới kéo nhau quay về nhà, đi trong bụi mù mờ mịt. Hoàng hôn đã ụp xuống biên giới. Tôi cũng chia tay bên giới ra về, lòng ngậm ngùi biết khó có ngày quay lại chốn xa mờ này.


Wagah – Attari, mong sao cho được mãi yên bình!

danngoc
16-12-2009, 12:45
Đáng nể thật bác ạ. Cái lễ hay quá. Cám ơn bác

backpackervn
18-12-2009, 11:10
Đã sắp được đến Agra, đến Taj Mahal rồi sao? Thuở còn bé ở quê nghèo, mơ màng đọc những quyển sách giấy đen thui thùi lùi nhưng vẫn sáng ngời lên vẻ diễm lệ của Taj Mahal qua bút pháp tài tình của các –văn-thi-sĩ. Nhiều kỳ quan trên thế giới đều được phong hoặc tự phong cho mình là Kỳ quan thế giới thứ 8, nhưng theo nhiều người, có lẽ Taj Mahal là xứng đáng nhất với danh hiệu này. Nhiều người cũng cho rằng, đến Ấn Độ mà chưa viếng Taj Mahal cũng xem như là chưa đến Ấn. Nhiều người khác lại nói… Vậy mà, bây giờ tôi lại sắp được đến viếng Kỳ quan thứ 8 này. Hạnh phúc!!!


Dù đường đến hạnh phúc không trơn tru lắm nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với Taj Mahal diễm lệ đang sừng sững chờ đón.


Đêm, rời Attari về Amritsar, cả lũ lóc cóc xuống xe ở dãy kiốt bán vé xe đêm Amritsar – Delhi, ngay trước cửa nhà ga. Trả giá chán chê, được giá tốt rồi nhưng cả lũ vẫn kéo nhau vào trong ga lần cuối, xem thử, may đâu có người trả vé. May thật, cuối cùng lại còn mấy vé ghế nằm cứng, giường sắt, OKie chơi luôn. Hí hửng mua vé tàu xong cả lũ chè chén say sưa rồi ra sân ga chờ tàu chuyến tàu đêm. Mãi đến 9.40pm, tàu đến, xình xịch, xình xịch lê lết mãi… đến 8.00am tàu về tới Delhi. Lại mất 1h đồng hồ quẩn quanh sân ga mua vé tàu Delhi – Agra. Hết vé. Cả lũ lại kéo nhau lếch thếch băng ngang qua ga để đến bến xe đi Agra, cũng gần đó. Đi ngang qua cái quầy vé thấy có chữ Agra tấp vào hỏi thăm. Té ra là tàu chợ đi Agra, lúc nãy vẫn còn vé nhưng các anh chị bán vé tưởng rằng người “ngoại quốc” không đi tàu chợ, bé cái nhầm. Tàu chợ thì tàu chợ, dân chơi cóc sợ mưa rơi. Hí hửng cả bọn cầm vé chạy lơn tơn lên tàu thì đúng lúc tàu khởi hành, 9.20am. Tàu chạy lọc cọc lọc cọc đến 12.50am thì đến Agra. Xuống tàu, cả lũ lon ton lên auto-rickshaw về xóm trọ cho dân balo, gần cổng bán vé vào Taj Mahal. Đến nơi, lượn lờ trả giá, sắp xếp phòng ốc xong xuôi đã hơn 2pm.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/NewPicture3-1.jpg
Cập nhật hành trình từ bpk lang thang từ biên giới Nepal - Ấn Độ đến hiện nay


Lẽ ra, đến Agra là phải chạy ngay đến Taj Mahal nhưng vì thời gian của buổi chiều không còn nhiều nên cần xếp lịch đi thận trọng. Hơn nữa vé vào Taj Mahal chỉ cho ra vô 1 lần, lại tương đối đắt nên cần dành nhiều thời gian hơn và nên đến đó vào thời điểm đặc biệt như bình minh hay hoàng hôn sẽ hay hơn. Do vậy, tôi quyết định lên đường đi Fatehpur Sikri ngay, thay vì đi Taj Mahal.


Nhọc nhằn ra bến chờ xe bus địa phương, đến 3.15pm mới có xe. Lọc cà lọc cọc trên đường đến hơn 4.30pm mới đến nơi, chưa thấy Fatehpur Sikri đâu cả chỉ thấy quá trời các bạn cò bạn vạc xúm xít vây quanh. Tôi và đồng bọn băng mình tách khỏi đám cò vạc và khoai Tây, chui vào thôn xóm. Ngộ một cái là ở đây hỏi đường người ta không chỉ, mà cứ chỉ vào đám cò vạc kia. Tức quá, bọn tôi xông vào các con hẻm, hướng về Fatehpur Sikri lấp ló trên cao kia. Ngoằn ngoèo vào các hẻm nhỏ, nhờ các em bé chỉ đường và chèn đét quỷ thần ơi, Fatehpur Sikri hoành tráng diễm lệ kia rồi.


Dù đã từng ngỡ ngàng với thánh đường Masjid Jama, Red Fort, lăng Humayun… tôi vẫn sững sờ khi vừa chạm trán Fatehpur Sikri. Vậy còn Taj Mahal?



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250001.jpg
Fatehpur Sikri đây! Bạn nhìn những con người bé xíu bên dưới để tưởng tượng về chiều cao hoành tráng của Fatehpur Sikri nhé!


(tbc.)

danngoc
18-12-2009, 12:05
Cái cầu thang này té xuống chắc chết !

backpackervn
18-12-2009, 15:53
@ danngoc, té chết chứ chẳng chơi. May mà dân Ấn theo đạo Hindu hạn chế bia rượu :T!!!

:::::::::::::::::::::::::::::::

(cont.)

Thông tin từ wiki + L.P + bpk



Nằm cách Agra 26km, thành phố bị bỏ hoang Fatehpur Sikri từng là kinh thành của vương triều Mughal, dưới thời vua Akbar, vị vua thứ 3 của triều đại các Mughal, sau Babur và Humayun. Những năm 1560, khi 2 vị hoàng tử sinh đôi của Akabr qua đời, quốc vương đến viếng thăm vị giáo sĩ Salim cư ngụ ở làng Sikri. Salim tiên đoán rằng sắp tới Akbar sẽ có hoàng nam. Đúng như vậy, năm 1569, tại Sikri, hoàng hậu hạ sinh 1 hoàng nam và được đặt tên là Salim để tỏ lòng kính trọng vị giáo sĩ. Năm sau, Akbar quyết định sẽ xây dựng cung điện hoàng gia và kinh thành ở đây để tôn vinh vị giáo sĩ này. Từ “Fateh” tiếng Á Rập, Ba Tư đều có nghĩa là Chiến thắng. Được xây dựng từ 1570, Fatehpur Sikri trở thành kinh thành từ năm 1571 đến năm 1585. Sau đó kinh thành này đã bị bỏ hoang khi nhà vua Akbar dời kinh đô đi nơi khác, Lahore. Lý do vẫn chưa rõ, nhưng nhiều sử sách cho rằng vì nguồn nước nơi đây trở nên khô cạn hoặc vua Akbar cần dời đến Lahore để gần hơn, dễ chiến đấu hơn với quân đội Afhganistan và Ba Tư đang lăm le tấn công Ấn Độ vào lúc bấy giờ.


Kinh thành hoang phế Fatehpur Sikri rộng thênh thang với rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử, đã được Unesco công nhận. Biết chắc chiều nay thời gian quá ít ỏi sẽ không đi được nhiều, tôi quyết định chỉ tập trung ở Thánh đường Hồi giáo Jama Masjid và các khu vực quanh đó, không đi xa hơn nữa. Vậy mới còn cơ hội lần sau ghé Agra chứ!


Xây dựng theo kiến trúc Ba Tư và Ấn Độ và hoàn thành năm 1571, Jama Masjid rất nổi bật với cái cổng Buland Darwaza (Victory Gate) mà bạn vừa thấy trong bài trước. Cao 54m, đây có lẽ là cánh cổng to nhất châu Á. Cổng này có tên Victory vì nó được xây dựng mừng chiến thắng ở Gujarat của vua Akbar. Sau khi leo lên những bậc thang cao ngút ngàn, mà khi say chắc phải bò lên quá, tôi ngỡ ngàng nhè nhẹ chạm tay vào cánh cổng thành vĩ đại không hề thay đổi dù đã bị bỏ hoang phế hơn 4 thế kỷ qua.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250017.jpg
Nắng đã rớt bên ngoài thành



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250003.jpg
Chỉ còn hắt lên đôi chút trong sân mênh mang của thánh đường


Làm bằng đá sa thạch đỏ, chạm khắc tô điểm bằng cẩm thạch trắng và những phù điêu điêu khắc, những mái vòm trắng tinh tế… cổng thành thật rực rỡ, nhất là khi nắng chiều muộn phủ một màu đỏ nhè nhẹ huyền hoặc. Chiếc cổng thành xem như không thay đổi bao nhiêu trải qua bao tháng năm dãi dầu sương gió, là thêm một điểm cộng nữa cho Ấn Độ huyền bí và quyến rũ.


Tháo giày, kiên quyết không gửi, kẹp nách. Hiên ngang qua cổng miễn phí vé vì đã quá muộn. Cất cao đầu, nhỏ nhẹ giọng “No speak English!” và luôn mỉm cười nho nhã lắc đầu nhè nhẹ, tôi nhanh chóng thoát khỏi các bạn cò bạn vạc đang tấn công tôi từ bốn phương tám hướng. 2 nữ đồng bọn đi chung, đã tách ra và sa lưới, không biết vì vẻ điển trai của các chàng Ấn Độ hay là lời thủ thỉ: “Em là sinh viên, hướng dẫn miễn phí, cũng là đang thực tập…”. Nói thiệt nghen, nếu mấy bạn ấy mà là sinh viên chắc tôi cũng còn là sinh viên hay học sinh trung học quá, dù không biết đã bao nhiêu mùa lá rụng từ ngày ra trường... Tám cho vui chút hén, nhưng cũng để mấy bạn đi sau biết tình hình.




https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250012.jpg
Hoàng hôn rực rỡ trên góc thánh đường hùng vĩ như pháo đài với tường thành hoành tráng


Sân của giáo đường thênh thang và trong cái rủi vì đi trễ có cái may là ở đây cũng không đông lắm. Bên ngoài thành còn thấy chút nắng nhưng vào bên trong, hoàng hôn đã chập choạng nơi góc thành


(tbc.)

backpackervn
22-12-2009, 11:43
(cont.)



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250010.jpg
Dù cổng thành bên kia vẫn còn nắng, nhưng thật sự chiều đã về rất muộn


Hoàng hôn đã xuống trên điện chính của thánh đường. Ngắm hoàng hôn rơi trên nóc điện thì đẹp nhưng chụp hình thì chẳng đẹp tí nào vì ngược nắng mà phải đừng xa vì đứng gần thì lại rơi vào bóng râm. Con nhà nghèo đi chơi khổ vậy đó. Giờ này, những người dân quê dù có mộ đạo lắm chắc cũng đang lui cui ở nhà nên trong sân chỉ lác đác vài khách du lịch và các bạn cò lượn lờ, nhưng ở một góc đền, vị giáo sĩ vẫn đang lặng lẽ ngồi, mặc kệ chiều rơi.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250011.jpg
Hoàng hôn trên điện chính thánh đường


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250016.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250002.jpg
Thánh đường khi nắng đã tắt – vị giáo sĩ vẫn lặng lẽ nơi góc


Chiều đã về nên nên ở điện thờ chính, vốn vẫn trống vắng không tượng thờ, vắng tanh. Như các thánh đường Hồi giáo khác, nơi này lôi cuốn khách du bằng những điêu khắc tinh xảo của mái vòm, trên tường,… và cái hành lang đỏ hun hút chạy dài cũng vắng thênh thang. Những điêu khắc chạm trổ trên tường của thánh đường này khác hẳn với Masjid Jama ở Delhi. Đó là những hoa văn chạm trổ rất chi tiết và cầu kỳ trên tường chứ không như những đường cong chạm trổ mềm mại, khỏe khoắn là điểm lôi cuốn của Masjid Jama ở Delhi. Trong điện vắng tênh, một vị giáo sĩ vẫn nhẫn nại ngồi đọc kinh, thỉnh thoảng giương mắt nhìn ơ hờ đám khách lạ tò mò tọc mạch, đang làm ồn ào vấy bụi chốn thâm nghiêm.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250018.jpg
Những hoa văn nhiều màu sắc tinh xảo trong điện chính của thánh đường


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250020.jpg
Hành lang hun hút vắng bên thánh đường – có thời gian mà ngồi đây đến khuya chắc đãããããããããããã!!!!


(tbc.)

backpackervn
22-12-2009, 11:46
(cont.)



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250042.jpg
Một ngôi đền khác trong khuôn viên thánh đường.


Ngoài điện chính của 1 thánh đường Hồi giáo, điểm thu hút du khách ngay khi bước vào trong cửa thành là ngôi mộ cẩm thạch trắng toát của vị giáo sĩ Saikh Salim Chishti. Ngôi mộ này được hoàn thành vào 1581, để tưởng nhớ đến vị giáo sĩ tài ba này. Độc đáo nhất của ngôi mộ này phải kể đến những tấm “rèm cửa” làm bằng đá cẩm thạch vô cùng mỏng manh và tinh xảo. Không hiểu sao người ta có thể mài đá bằng những dụng cụ thô sơ của thời ấy trong thời gian bao lâu để có được tác phẩm này. Nhiều người cho rằng, “tấm rèm” cẩm thạch ở đây tinh xảo nhất châu Á, so với các tác phẩm cùng nhóm. Được sử dụng như các bức tường của toà lăng mộ, “những rèm đá” này vừa có tác dụng chắn sáng vừa có tác dụng nhập ánh sáng vừa đủ, làm cho bên trong lăng mộ luôn có 1 thứ ánh sáng dìu dịu huyền hoặc. Trên tường là những hoa văn được chạm chắc bởi đá màu và xà cừ lấp lánh rất tinh xảo và đẹp đẽ. Chẳng hiểu sao người Hồi giáo không có điện thờ nhưng trong lăng mộ này lại có 1 điện thờ trước ngôi mộ đá của vị giáo sĩ.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250024.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250040.jpg
Lăng mộ của giáo sĩ Saikh Salim Chishti


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250037.jpg
Điêu khắc tinh xảo trước cửa mộ


Nếu bạn may mắn lang thang trong lăng mộ này lúc vắng, vuốt ve những tấm rèm đá mong manh, nhìn ánh sáng nhè nhẹ xuyên qua rèm, phả một màn sáng trắng mờ nhè nhẹ trong mộ tối lấp lánh những hoa văn đá màu hay xà cừ tinh xảo… cảm giác thật huyền bí… Nhưng nói trước là bạn phải đi vào đầu hay cuối ngày và phải thật may mắn với có không gian riêng cho mình như vậy. Ấn Độ mà – chắc bạn biết phải không!?



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250038.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250028.jpg
“Rèm đá” bên ngoài và bên trong


Tẩn mẩn tần mần trong ngôi mộ, khi ra đến bên ngoài, mặt trời đã xuống sâu nơi xa. Sân thánh đường giờ vắng ngắt. Chuyến xe cuối cùng sắp rời Fatehpur Sikri rồi nên tôi đành tiếc nuối chia tay, leo lên xe về xóm nhỏ.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250023.jpg
Đêm đã sắp về trên Masjid Jama ở Fatehpur Sikri


Dù sao, chúng tôi cũng chuẩn bị cho buổi chia tay nho nhỏ tối nay. Khuya ngày mai, sau khi lang thang Taj Mahal & Agra, tôi sẽ lại một mình lủi thủi đi tiếp về hướng tây, hướng về sa mạc Thar, còn các bạn sẽ về Đông, đến Varanasi.


Chắc đêm nay Kingfisher lại đổ như suối nữa rồi!

(tbc.)

backpackervn
22-12-2009, 17:20
(cont.)


Sub-topic “Agra đâu chỉ có Taj Mahal” này lẽ ra sẽ rất cũn cỡn và vô duyên nếu như tôi chỉ đến Fatehpur Sikri trong thời gian ngắn ngủn, chỉ mô tả một cách sơ sài về Fatehpur Sikri mà tự nhiên đi mở riêng thành một sub-topic hao tổn tài nguyên. Nhưng Agra không chỉ có vậy thật. Agra không chỉ có vẻ đẹp của thành xưa đền cũ, Agra không chỉ nổi tiếng là 1 trong 3 điểm lừa lọc nhất Ấn Độ, nơi đã vang danh những hắc điếm bỏ thuốc độc, thuốc mê vào thức ăn để khách thập phương phải đi cấp cứu hay mê man bị lột đồ… Agra còn có những người dân lành hiền hòa sống bên lề dòng chảy náo nhiệt của du lịch và vẫn tỏa sáng ấm áp tình thân… Nhất là trong một đám cưới đặc biệt lúc 12 giờ đêm mà tôi đã được may mắn tham dự.


Mùa đông là mùa vàng tăng giá, là mùa lo sợ của những đôi uyên ương trên đất Việt (!). Một trong những lý do chính mà báo chí thường hay nhắc đến là do đây là mùa cưới của Ấn Độ. Do vậy, đi Ấn mùa đông, một trong những thú vui là ngắm nhìn những đám cưới nhiều màu sắc sinh động trên phố phường. Vui hơn hết là được tham gia, hòa mình vào trong cuộc vui đó! Dĩ nhiên là chỉ với tư cách khách mời chứ không phải là nhân vật chính (!?).


Từ Fatehpur Sikri về Agra, trời cũng đã thật tối. Bọn tôi phân công nhau việc tổ chức farawel party. Tôi lo phần vị trí và nước uống, đồng bọn lo phần thực phẩm. Vị trí tôi đã chọn là sân thượng của nhà nghỉ, nơi quảng cáo trên LP là có thể “chiêm ngưỡng Taj Mahal rực rỡ trong nắng mai và nắng chiều”. Dĩ nhiên là nó nói đúng vì trong bán kính vài dặm từ Taj Mahal nơi nào lại không thấy cái chóp của ngôi đền trong bình minh hay hoàng hôn! Còn nước uống thì tôi phải đi tìm mua Kingfisher từ cửa hàng bán bia, mà chỉ có 1 cái nơi đây. Đi lơn tơn, tôi thấy một nhà hàng đông vui quá bèn chen chân vào. Té ra là tiệc cưới. Chụp vài tấm hình nhòe nhoẹt màu vì cái máy hình cùi bắp tôi phải rút lui vì còn phải hoàn thành sứ mệnh.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB250044.jpg
Cô dâu quay cuồng nhảy múa cùng bạn bè ở tiệc cưới


Rồi cũng xong, tôi vác bia, đèn cầy lên sân thượng, lau sạch mấy cái ghế đá, bày biện xong xuôi thì đồng bọn cũng vừa về tới. Mấy anh em cụng ly nói cười rôm rả, “lê văn T888m”, “nguyễn thị Nổ”… um sùm trời đất về những cung đường sắp tới. Đến 11 giờ đêm, tàn cuộc, dọn dẹp, hẹn giờ giấc sáng mai gặp sớm để cùng đi ngắm bình minh Taj Mahal, rồi cả bọn rút về phòng.


Với tôi thì chưa xong, vì thường tôi ít khi ngủ trước 12g. Đang dọn dẹp đồ để xuống đường lang thang tiếp tôi bỗng nghe tiếng chiêng trống vang vang nơi xa. Leo lên sân thượng nhìn về nơi ấy thấy ánh sáng lập lòe. Đã gần nửa đêm rồi, còn lễ hội gì giờ này. Tôi bèn lao xuống phòng vác cái máy hình cùi bắp thân yêu, qua đập cửa rủ rê đồng bọn nhưng 2 người từ chối, 1 bạn hăng hái vác máy cùng tôi chạy băng băng xuống đường, hướng về nơi có âm thanh và ánh sáng. Đến nơi, vẫn chưa biết là lễ hội gì chỉ thấy 1 chàng hiên ngang ngồi trên ngựa trắng, sau lưng hào quang sáng chói lập lòe chiếu… cứ tưởng là lễ tôn vinh vị thần nào đó trong mấy ngàn vị thần Ấn Độ. Tới gần hơn nữa, hỏi quần chúng nhân dân mới biết là đám cưới. Thế là chúng tôi nhào đến, len vào.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260058.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260054.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260052.jpg
Chú rể trên con ngựa bạch, phía sau hào quang chói ngời!!!


(tbc.)

backpackervn
22-12-2009, 17:23
(cont.)


Đây là bước 1 của lễ cưới, chàng trai đang trên đường đến nhà cô dâu để đón dâu và rước dâu về. Cả đám đông này người nhà trai. Họ thuê nguyên 1 dàn đèn đi theo chiếu sáng chói chang phố phường. Kiểu chơi sang này cỡ P.S Lighting chuyên nghiệp của Sài Gòn qua đây cạnh tranh chắc không lại luôn (!). Dĩ nhiên là không thể thiếu chiêng trống chũm chọe vang trời.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260050.jpg
Phèng la, kèn trống inh ỏi vang trời


Các bạn trẻ rất vui, lôi chúng tôi cuốn theo điệu nhảy. Các bậc phụ huynh cũng rất cởi mở, nhất là ông bố của chú rể. Họ cứ liên tục lôi chúng tôi vào cuộc và rủ rê đi chúng tôi cùng đi đến tận nhà cô dâu. Lúc đầu chúng tôi cũng hơi ngại ngại, nhất là chiều giờ cũng chiến đấu không mệt mỏi với các bạn cò, bạn vạc không chỉ ở Fatehpur Sikri mà còn ở quanh thôn xóm tôi ở nữa. Nhưng cuối cùng, thấy rõ ở họ sự thân thiện, nhất là của các bậc phụ huynh đang vui mừng trong ngày trọng đại của con mình nên chúng tôi tham gia – những người “ngoại quốc”, “ngoại đạo” duy nhất của đám cưới này. Các bạn khoai Tây mà biết được điều này chắc lăn ra mà ngất vì ganh tỵ quá! Điều đặc biệt là đám rước này chỉ có nam giới nên sự xuất hiện của nữ đồng bọn của tôi làm cho mọi người vô cùng phấn khích, nhất là sau khi tôi giới thiệu “my younger sister” các chàng bèn ồ ạt chen lấn nhào vào vây quanh nữ đồng bọn, hất văng tôi ra ngoài một cách không thương tiếc!!! (Các bạn nữ nào vì đọc bài này mà nảy ra ý định đi du lịch Ấn Độ, bpk xin không chịu trách nhiệm nghen!!!)


Vui quá chừng nhưng thấy đi hơi lâu, hơi xa rồi vẫn chưa đến nhà cô dâu tôi lo lo cho nữ đồng bọn, hỏi nàng có muốn chơi tiếp không thì được cho ngay con gà đen (OK). Thế là bọn tôi lại múa may quay cuồng, mà sau này đồng bọn tôi có “tâm sự” là nhờ mấy ly Kingfisher lúc đó mới dám chơi như vậy chứ bình thường thì chắc “em chã!”. Vừa hay, chân cẳng rũ rượi chẩun bị đình công thì đến được nhà cô dâu.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260070.jpg
Đến nhà cô dâu rồi


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260076.jpg
Vẫn trên ngựa, chú rể quay đít ngựa xông thẳng vào nhà cô dâu


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260100.jpg
Các cô gái trẻ xinh tươi của nhà gái ra đón khách. Xinh ghê hén!


(tbc.)

backpackervn
22-12-2009, 17:32
(cont.)


Chú rể vẫn cỡi ngựa vén rèm đi vào nhà cô dâu, rồi mới leo xuống đất. Con ngựa tội nghiệp bị dắt đi đâu mất tiêu. Ráng nghỉ ngơi đi con, lát nữa quay về mày phải cõng 2 mạng, thêm mớ vòng vàng vài kg trên người nữa (?!) khổ thân mày!


Vào trong nhà, chú rể được dắt đến góc nhà, nơi có 1 vị trưởng lão đón chàng mời chàng ngồi xuống đất và bắt đầu bài giảng dạy gì gì đó về đạo đức hôn nhân… Chỉ có điều là sao chỉ giảng cho một người mà không giảng cho cả cô dâu luôn. Chắc là có truyền bí kíp làm chồng gì đó mà cô dâu không được nghe quá. Vậy là ngoài kinh tình yêu Kamasutra, bên Ấn còn có kinh truyền miệng nữa, bữa nào phải đi thỉnh kinh thôi – lại thêm lý do để quay lại Ấn Độ rồi!!!



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260090.jpg
Vào nhà, chú rể được các bậc trưởng lão giảng dạy “đạo đức trách nhiệm làm chồng, làm cha” – đoán vậy thôi, hiểu được chết liền (đám cưới bên Lào cũng có màn này, y chang vậy, bữa nào rảnh rỗi mở topic kể tiếp nghen).


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260107.jpg
Xong xuôi, mừng rỡ đứng lên thoát nạn, chú rể được chúc phúc bằng các chấm tikar.


Nghe truyền bí kíp xong xuôi, chú rể được dắt lên trên lễ đài, nơi có 2 chiếc ghế bành dành riêng cho đôi uyên ương hạnh phúc nhất đêm nay (!). Chàng đến nơi, người yêu đâu chẳng thấy, bèn ngồi xuống đợi chờ!



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260113.jpg
Rồi chú rể được dắt lên lễ đài ngồi chờ “một nửa kia của đời mình” xuất hiện.


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260125.jpg
Lúc này, các cô bạn của cô dâu mới dìu cô dâu ra (chắc mừng quá nên bủn rủn tay chân đi không nổi!). Các cô gái xinh tươi vừa đi vừa rắc hoa – trời ơi lãng mạn quá, muốn cưới quá!!!



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260134.jpg
Rồi các cô dắt cô dâu lên lễ đài, nơi chú rể đang nóng lòng mòn mỏi đợi chờ!!!


(tbc.)

backpackervn
22-12-2009, 17:38
(cont.)


Các cô bạn dìu cô dâu lên đến lễ đài cũng là lúc chiêng trống xập xình nổi lên vang trời. Rồi 2 vòng hoa được trao tay cho từng người. Vẫn cúi gầm xuống đất – chẳng biết vì e thẹn hay đeo vòng vàng nhiều quá nặng quá đè cổ cô xuống, cô dâu đeo vòng hoa vào cổ chú rể trước. Sửa sang ngay ngắn đẹp đẽ cho phu quân, nàng lại cúi gằm e thẹn chờ đến lượt mình. Chàng hùng dũng đeo vòng hoa vào cổ nàng xong, quay qua cười đơ đơ với cái camera, dưới sự đạo diễn của các anh phó nháy, cameraman… y chang như các chàng đạo diễn đám cưới quê mình. Cười đến lúc các chú kia làm xong vài chục tấm hình, cười khô cả răng cả lợi… chàng mới buông tay khỏi vòng hoa, khỏi người nàng, rồi cả 2 quay lại thẳng người nhìn xuống khán phòng.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260137.jpg
Lúc này, cô dâu và chú rể mỗi người được đưa một vòng hoa


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260145.jpg
Rồi họ choàng vòng hoa cho nhau.


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260147.jpg
Hơi ngồ ngộ là cô dâu làm trước, rồi mới đến chú rể choàng hoa cho cô dâu sau.


Nghiêm trang kính cẩn, cả 2 cúi người chào bà con họ hàng bên dưới, đang im phăng phắc theo dõi các tiến trình của lễ cưới. Cả trong lễ cưới, khán phòng vẫn chia 2 khu riêng biệt, nam một bên và nữ một bên. Bên nam thì cũng bình thường. Bên nữ thì cứ như vườn hoa ngày xuân, đủ các sắc màu bạn có thể nghĩ đến và lấp lánh đầy những ánh vàng. Các cô dì lớn tuổi thì nghiêm trang, nhưng các cô gái trẻ thì rất hớn hở và vui vẻ khi được chụp hình – mà hình thì hư ráo trơn ráo trọi hết rồi!!!



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260153.jpg
Rồi cả hai nghiêm trang chào bà con họ hàng bên dưới – sao ánh mắt họ nhìn về 2 phía hén? Người ta nói yêu nhau là nhìn về 1 phía mà!!!


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260155.jpg
Có anh chàng rể phụ đứng bên nhắc nhở các thủ tục cần thiết


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260157.jpg
Bên dưới, bà con họ hàng đang chiêm ngưỡng hạnh phúc mới.
Ai còn trẻ mà chưa có thì mơ, ai đã già mà vẫn chưa có thì hận, ai đã từng thì nuối!



Phải chân thành mà nói, tôi tham gia được đám cưới này, chụp được mấy hình này (dù xấu tệ xấu hại) là nhờ sự chân tình của các anh em chú bác hai họ. Các chú bác hay các bạn trẻ luôn nhường chỗ cho tôi chụp hình. Có người còn bắt ghế cho tôi đứng lên nữa. Mà bạn biết đó, không khí lễ cưới rất trang nghiêm, còn tôi và đồng bọn cứ lăng xăng chạy qua chạy về náo động cả lên mà mấy cô chú vẫn không la mắng mà còn kêu con cháu lấy nước uống, kêu ra ngoài ăn uống… ôi thôi đủ mọi thứ luôn. Làm cả 2 đứa vui quá chừng và thấy người Agra dễ thương quá chừng!


(tbc.)

backpackervn
22-12-2009, 17:41
(cont.)


Cũng giống đám cưới Việt Nam ở quê là nhà gái cũng dựng 1 cái sạp ở khu đất rộng rãi bên ngoài. Ở đó có các bàn để thức ăn chuẩn bị cho tiệc sau khi làm lễ xong (mấy giờ mấy xong vậy hả trời?). Đặc biệt nhất là cái dàn âm thanh inh ỏi bên ngoài, làm nhạc nền cho các cậu trẻ Ấn Độ nhảy nhót quay cuồng dù đêm đã sang ngày.


Bên trong, cô dâu chú rể vẫn đang cần mẫn làm tiếp các thủ tục của lễ cưới. Trao hoa xong giờ mới trao nhẫn. Trao nhẫn xong rồi ngồi xuống để chờ bà con 2 họ lên chúc phúc tặng quà.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260164.jpg
Trao nhẫn cưới cho nhau – lý do vàng tăng giá đây rồi


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260158.jpg
Rồi cả 2 ngồi xuống để bà con họ hàng lên chúc phúc. Cô dâu chú rể đây!


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260160.jpg
Chụp riêng cô dâu 1 tấm – trang điểm ấn tượng hén!
Có bạn nào muốn bắt chước tổ chức đám cưới “Made in India” thì liên hệ bpk lấy hình hi-res để làm cho giống nghen.


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260172.jpg
Bà con lên chúc phúc – ba mẹ chú rể


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260175.jpg
Rồi ba mẹ cô dâu


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260161.jpg
Người thì sờ đầu, người thì chấm tikar, chẳng ai tặng để rồi làm rớt mấy cái vòng vàng cho bpk lượm nhét túi. Buồn!


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260177.jpg
Ngoài sân, bọn trẻ vui ca múa nhảy, đã hơn 1 giờ khuya rồi đó.



Đêm đã sang gần hết giờ Tý, nữ đồng bọn đã bắt đầu mệt. Hôn lễ vẫn đang tiến hành. Dòng người đang chờ đến phiên để lên chúc phúc còn dài đăng đẵng. Sáng mai lại hẹn dậy 5 giờ đi ngắm bình minh Taj Mahal. Đường về tối đen xa ngái. Các bạn trẻ càng về khuya càng quá cuồng nhiệt… Thế là cả 2 tên rón rén rút lui ra ngoài rồi chuồn. Bị các bạn trẻ bắt gặp chận lại không cho ra, bèn móc cái điện thoại ra xí lô xí là “tao phải ra ngoài gọi điện cho má tao, trong này ồn quá không nói được”. Đợi các bạn ấy lơ là, 2 tên chạy mất dép vào đêm đen sâu hun hút. Bỏ lại sau lưng một đêm vui hiếm hoi, lần mò trong những con đường bé gập ghềnh tối đen mờ mịt quanh co lúc hơn 1 giờ sáng để may mắn về được khách điếm.



Giờ, những đêm trống, ngồi giở lại từng tấm hình, tưởng như tiếng chiêng trống vẳng đâu đây, cảm thấy như đang trở về trong đêm Agra vui, trong một đám cưới đặc biệt mà tôi đã may mắn được tham dự trên những tháng ngày lang thang.



Trong tôi, Agra đâu chỉ có mỗi Taj Mahal!

hanhlienta
23-12-2009, 17:42
Không biết phải nói cảm ơn bao nhiêu lần với Bpk về nhiệt tình chia sẻ của bạn.
Những kinh nghiệm của bạn rất đáng quí với những người đang trong giai đoạn chuẩn bị chuyến đi như mình.
Mình đang nghiên cứu book vé tàu online, vì hành trình của mình ngắn ngày nên lịch di chuyển rất sát, mình cố gắng book trước khi đi để chủ động hơn, tránh tình trạng không mua được vé tàu làm lỡ hành trình. Tuy nhiên, cũng chẳng rõ việc này có giúp chủ động hơn không, rủi có chặng nào bị lỡ tàu coi như tiêu luôn toàn bộ hành trình hehe.
Mình có vài câu hỏi, Bkp xem có giúp đươc mình không nhe:
- Khi book vé tàu, có nhiều loại vé: General, Sleeeper, AC 2-tier, AC 3-tier. Lần đầu tiên mình book vé online nên không có kinh nghiệm gì hết. Và cũng không rõ tàu của Ấn Độ có gì khác với tàu ở VN không. Vậy Bpk có thể tư vấn giúp mình nếu đi 2 mẹ con thì nên mua vé loại nào, giường nào để được ngủ an toàn, thoải mái, và yên tĩnh nhất không?
- Khi tìm hành trình tàu, mình thấy hơi khó ở chỗ ở một điểm đến như Delhi chẳng hạn có rất nhiều ga (New Delhi, Delhi Hazrat Nizamuddin, Old Delhi, Shakurbasti, Delhi Cantt), các thành phố khác cũng tương tự như vậy, làm mình rối không biết nên chọn ga nào thì tiện tìm chỗ ở và các điểm tham quan. Rủi chọn cái ga xa tít ngoại ô thì lại phải tìm xe chạy tiếp mới vào thành phố rất bất tiện. Vậy Bkp có thể nhớ lại và ghi giúp mình những ga nên sử dụng ở các thành phố mình tới để tiện tham quan được không?
Các thành phố mình dự định đi qua là Delhi-Agra-Varanasi-Jodhpur-Amitsar.

Cám ơn Bpk rất nhiều. Chúc Giáng sinh vui vẻ và năm mới may mắn.

backpackervn
24-12-2009, 11:15
@ hanhlienta, cảm ơn bạn. Bpk cũng có nhiều niềm vui cỏn con khi chia sẻ và được chia sẻ mà. Về phương tiện đi lại và các ga ở Ấn Độ, bpk có vài thông tin sau.


Trong các ga bạn đi ở Delhi, Agra, Varanasi, Jodhpur, Amritsar thì có Jodhpur, bpk chỉ tạt ngang qua đó chỉ để đón xe đi Jaisalmer nên không biết đến ga này.


Ở Delhi, nếu đi từ đâu đến đó, bạn nên chọn đến ga New Delhi, gần khu Main Bazaar mà bpk cũng như các bạn Tây hay ở. Còn nếu rời khỏi Delhi, thì từ Delhi đi Varanasi, Agra... sẽ đi bằng ga New Delhi này. Còn nếu từ Delhi đi Amritsar bạn phải đi từ ga Nizamuddin. Nhưng từ Amritsar về lại, thì tàu sẽ chạy đến ga New Delhi (đây là các chuyến tàu đêm đi về Delhi – Amritsar mà bpk đi, tàu ngày có thể khác giờ bpk không biết).


Ở các ga còn lại Agra, Varanasi, Amritsar chỉ có 1 ga chính nên bạn không ngại. Giá đi bằng (auto)rickshaw từ các ga về đến các khu balo, mà LP đề cập, khá sát với giá trong LP, bạn cứ theo đó mà trả giá.


Về ghế tàu, bạn nên mua vé AC 2 tầng hoặc 3 tầng tùy “quân Nguyên” của bạn. Toa AC là air-con, máy lạnh, ít ồn và sạch. Còn đi sleeper hoặc general mẹ bạn chịu không nổi đâu (chỉ có bpk chịu được thôi – dân cùi bắp mà, anh trantrakhuc vừa đi về cũng chịu không nổi). General là ghế ngồi cứng kiểu như ghế gỗ thẳng tưng của tàu VN đó, nhưng mà đông nghẹt khách luôn, có loại có số ghế, có loại không có số ghế... lúc đó thì bạn khó mà tranh chỗ được với các đại gia đình Ấn Độ. Sleeper là ghế nằm cứng (ngắc) mà ban ngày là dựng 2 tầng trên lên để thành ghế ngồi. Nếu đi ngăn ngắn khoảng Delhi – Agra 4-5h đồng hồ bạn và mẹ cũng có thể đi bằng loại vé này, cho tiết kiệm chút ít.


Một điểm khác bạn cần lưu ý là đừng mua vé nối chuyến quá sát giờ nhau vì giờ giấc tàu ở Ấn Độ thường trễ vài giờ là chuyện bình thường.


Điểm khác cũng quan trọng, nhất là khi đi với người lớn tuổi là các ga ở Ấn Độ to vật vã, mười mấy cái đường ray mà muốn đi từ đường ray này qua đường ray khác bạn phải đi ngược lại cổng ga, leo lên cầu thang, đi vòng qua, xuống thang. Mà tàu Ấn Độ thì ôi thôi! Lúc mới đến ga hỏi thăm thì được thông báo là chuyến tàu đó sẽ ghé ở đường ray này, đến khi gần chạy nó lại báo trên loa là tàu sẽ đến ở đường ray khác (bpk bị rồi). Nếu bạn lơ đãng không nghe kịp thì sẽ dễ bị hụt chuyến tàu. Kinh nghiệm của bpk là đến nơi cứ bám vào mấy anh hỏa xa, gí cái vé vào mặt ảnh rồi hỏi đường ray nào, chừng nào tàu đến. Cứ thỉnh thoảng 20-30p lại xông tới hỏi đi hỏi lại cho nó chắc.


Còn một việc nữa (bpk cũng gặp rồi) là việc lừa đảo trên tàu. Bạn kiên quyết không đưa vé cho ai cầm đi, cũng như không rời chỗ để đi gặp ai đó dù “nhân viên” tàu có yêu cầu, nếu người đó không mặc sắc phục của nhân viên nhà ga. Hôm bpk đi, có 2-3 anh gì đó cầm sổ tới coi vé, rồi kêu vé bpk không hợp lệ, đòi đóng phạt. Bpk kiên quyết không đóng phạt, không đưa vé gì hết… đang giằng co thấy có 1 anh khác tới nói nhỏ gì đó thì mấy anh này tản ra. Mới hay lúc đó chú trưởng toa đang đến gần. Ăn uống trên tàu thấy cũng không phù hợp cho người lớn tuổi. Bạn nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ mang theo.


Còn nói chung, người dân Ấn Độ cũng dễ thương, đi tàu bạn nói chuyện với họ cũng biết thêm nhiều điều hay ho về đất nước con người.


Chúc bạn đi chơi dzui dzẻ và có nhiều bài viết đăng báo nhé. Bpk là fan của các bài viết của bạn trên báo đó (hình như hay đăng trên PNTPHCM CN thì phải).


Chúc bạn Giáng sinh an lành & Năm mới hạnh phúc!

backpackervn
24-12-2009, 14:54
Vì Agra & Taj Mahal quá nổi tiếng, tôi vào wiki trích thông tin đưa ra đây để bạn nào chưa đọc theo dõi luôn cho tiện.


Nằm trong bang Uttar Pradesh, cách Delhi 204km về hướng đông nam, bên bờ con sông Yamuna, Agra được “sáng lập” năm 1504 bởi vua Aikandar Lodi. Thực ra, thành phố này đã có từ lâu, trong cả sử thi Ấn Độ Mahabharata với cái tên Sakshiwana. Cái tên Agra là do vua Aikandar đặt lại vào năm 1504. Aikanda và con trai ông đã trị vì Agra cho đến năm 1526, bị mất vào tay vua Babur, vị vua đầu tiên của vương triều các Mughal. Dưới thời Babur, nơi này lại được đổi tên thành Akbarabad. Akbarabad đã từng là kinh đô của các vua Akbar, Jahangir & Shah Jahan của vương triều Mughal từ năm 1526 đến 1658. Vào thời của mình, Shah Jahan đã từng chuyển kinh đô từ Agra đến Shahjahanabad, mà bây giờ là một phần trong New Delhi. Sau khi Shah Jahan chuyển kinh thành về Shajahanabad, con trai ông Aurangzeb đã tiếm ngôi, chuyển kinh thành trở lại Akbarabad và giam vua cha vào 1 ngôi biệt điện trong pháo đài Agra. Sau đó vua Aurangzeb đã chuyển kinh thành đến Aurangabad vào năm 1658. Đến khi vương triều Mughal sụp đổ, Akbarabad mới lấy lại cái tên Agra. Thành phố rơi vào tay người Anh năm 1803 mãi đến khi Ấn Độ được độc lập vào năm 1947. Hiện nay, Agra là điểm du lịch hấp dẫn nhất Ấn Độ với 3 di sản thế giới, được xây dựng từ thời các Mughals là Lăng Taj Mahal, Pháo đài Agra và Thành hoang Fatehpur Sikri.


Taj Mahal được hoàng đế Shah Jahan xây dựng để tưởng nhớ người vợ yêu quý của mình, từ 1632 đến 1648. Câu hỏi ai là người thiết kế Taj Mahal vẫn chưa được sáng tỏ. Người ta cho rằng Ustad Ahmad Lahauri là kiến trúc sư chính, đã cùng đội ngũ các nhà thiết kế và thợ thủ công thiết kế công trình. Và chính Ustad đã ra lệnh chặt tay của những người thợ xây, khi công trình vừa hoàn tất, để họ không còn có thể xây một ngôi đền đẹp như thế này nữa (!).


Taj Mahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Mughal, tổng hợp các yếu tố của kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi Giáo. Tuy phần nổi bật nhất của lăng là mái vòm cẩm thạch trắng, thực tế cả Taj Mahal là tổng hợp các phong cách kiến trúc khác nhau. Năm 1631, hoàng hậu Mumtaz qua đời khi sinh đứa con thứ 14, Shah Jahan quá đau buồn trước cái chết của vợ yêu, mà sử sách có nói rằng là tóc của ngài từ đen đã trở sang bạc trắng, đã cho xây dựng lăng mộ này để tưởng nhớ hoàng hậu. Lăng chính được hoàn thành năm 1648, còn các công trình xung quanh cùng vườn cây được hoàn tất 5 năm sau đó.

(nguồn wikipedia & asiaexplorer)


Đến đây là hết phần “thông tin tư liệu”. Giờ đến phần “người tốt việc tốt”. Dĩ nhiên là hình chụp Taj Mahal của tôi xấu hoắc vì nhiều lý do không kể xiết (!?) nhưng trong đó còn chất chứa cả phần "hồn" của chủ nhân nó nữa nên các bạn xem tạm. Các bạn lên mạng gõ thì ra rất nhiều hình diễm lệ của Taj Mahal… Bạn nào có quân Nguyên lên eBay hay Amazon.com mua cuốn Taj Mahal 365 ngày, được 1 tác giả đã ở đây và chụp Taj Mahal trong suốt 365 ngày (tin nổi không?), đẹp rực rỡ hoành tráng luôn. Còn bây giờ, cùng tôi đi thăm Taj Mahal trong một sáng sương mù ngày mùa Đông Ấn Độ nhé!



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260005.jpg
Taj Mahal trong một sớm đông sương mù



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB260032.jpg
Thăm Taj Mahal ngày đông, sẽ không có nắng vàng trời xanh mây trắng.
Nhưng không đi mùa đông sẽ không có 1 sớm đi trong sương huyền ảo như thế này ở Taj Mahal.


(tbc.)

hanhlienta
25-12-2009, 08:27
Cám ơn Bpk đã hỗ trợ thông tin cho mình, mình sẽ di chuyển chủ yếu bằng tàu hỏa trong Ấn, ngán nhất là chuyện trễ tàu nên cũng không dám xếp lịch 2 chuyến liền nhau.
Ôi trời mấy bài viết chơi trên báo PN của mình mà Bpk cũng biết nữa hả? Mình chủ yếu viết giới thiệu điểm đến thôi, đâu có hấp dẫn sinh động như các phóng sự nhiều kì trên này của Bpk. Mình thật sự ngưỡng mộ bạn đó!
Ô là la, ành Taj Mahal của Bpk đẹp quá đẹp quá, có thể nói là đẹp nhất trong số loạt ảnh Ấn Độ từ đầu topic đến giờ, theo ý kiến của mình. Nhất là tấm ảnh sương mù dưới chân đền đó, rất đặc biệt. Nếu Bpk cắt bớt khung ảnh, không để lộ nền gạch bên dưới thì mình sẽ tưởng như ngôi đền nằm giữa trời đó. Ôi không thể tin chỉ hơn 1 tháng nữa là mình sẽ được đứng trước ngôi đền này.
Nhìn trời trong ảnh của Bpk rất trong, khi nắng lên vàng thì trời sẽ xanh chứ sao lại không có "nắng vàng trời xanh" như Bpk nói nhỉ?
Nhưng mình cũng nghe nói Agra bị ô nhiễm không khí nặng lắm, bầu trời Agra thường xuyên mù mịt như vậy đó, chắc không phải do mùa đông đâu.
Bpk chia sẻ thêm về hành trình đi ngắm Taj đi, mình muốn băng qua sông chụp cái ảnh bình minh Taj soi bóng xuống dòng Yamuna thì nên khởi hành từ mấy giờ, hành trình cụ thể thế nào nhỉ.

backpackervn
29-12-2009, 11:13
@ hanhlienta, bpk không ngắm bình minh Taj Mahal soi bóng bên sông Yamuna, mà chỉ ngắm hoàng hôn thôi bên sông thôi. Điểm ngắm bên sông thì trong L.P có hướng dẫn, khu Mehtab Bagh. Nhưng bpk chỉ đến gần Mehtab Bagh, không mua vé để vào (tiết kiệm mà!) rồi đi vào trong vườn cây rậm rịt ven sông, đi xuống bờ cát rồi lội ra mép sông. Đi xe autorickshaw mất chừng 20phút từ xóm trọ balo Taj Ganj gần Taj Mahal đến đó. Bạn cứ canh giờ mà đi sơm sớm một tý cho chắc ăn. Nhưng lúc sáng sớm tối thui mà đi vào rừng cây đó hơi ớn đó nghen (LP khuyến cáo không nên ở đó khi trời tối). Hôm đó, vì chủ quan, mém tí xíu nữa bpk phải lội bộ từ đó về Taj Ganj. Ngoài ra, bpk còn thấy có 1 con đò từ phía Taj Mahal chở người qua lại trên sông nhưng bpk không biết cách đi đến bến đò đó như thế nào. Bạn thử hỏi người địa phương. Nếu đi đò thì từ xóm trọ balo đến bến đò (bên hông Taj Mahal) sang sông nhanh lắm.

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::


Các bài trong các sub topic về Taj Mahal có sử dụng tư liệu của wiki & L.P.


(cont.)


Taj Mahal, “A tear-drop on the face of eternity - Giọt nước mắt trên khuôn mặt vĩnh hằng" của đại thi sĩ Ấn Độ Tagore, “The embodiment of all things pure – Hiện thân của những gì trong trắng nhất” của nhà văn Anh Rudyard Kipling,… còn được tôn vinh là Eternal Tears, biểu tượng tình yêu vĩnh hằng, những giọt nước mắt thiên thu, những dòng lệ vĩnh hằng... hôm nay ta run rẩy đến bên người…


Dù đêm qua thức thật khuya, từ đám cưới về nhà nghỉ, tôi còn phải vào net và chép hình từ máy vào ổ cứng vì thẻ nhớ đã đầy… nên lúc chuông báo thức kêu, tôi cứ chập chờn chập chờn nửa mê nửa tỉnh không biết mình đang ở đâu. Nhưng chỉ vừa nhớ đến Taj Mahal là tôi bật dậy… và nhanh chóng ra ngoài. Trời vẫn còn tối đen, lạnh ngắt – dù sao cũng đang là những ngày đông mà. Cả bọn kéo nhau đến cổng đông Tah Mahal, hí hửng tưởng mình đến sớm nhưng té ra đã có 1 hàng người dài dằng dặc xếp hàng – nam riêng nữ riêng. Thế là xếp hàng, vừa xếp vừa nôn nóng là không biết đến khi mình đến nơi thì mặt trời đã lên chưa!?



Người ta cho rằng hàng năm có trên 10 triệu khách du lịch đến viếng thăm Taj Mahal. Những ngày cuối tuần, lượng khách lên đến 200.000 người – thật là 1 con số kinh khủng. Nhưng những con số cũng biết nói, phải không? Rất may là hôm nay, tuy hàng có dài nhưng thủ tục cũng nhanh chóng. Bạn được phát một chai nước và một đôi dép bằng giấy để sử dụng khi vào thăm lăng. Đôi dép đó quan trọng lắm, nếu được, bạn nên giữ kỹ hoặc mua dự phòng vì cái nắng trưa Ấn Độ trên đá cẩm thạch (không chỉ Taj Mahal mà còn ở Agra Fort) sẽ làm phỏng chân bạn đó… nhất là các bạn nữ hoặc người lớn tuổi (da dày như bpk thì không sao!!!).



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260001.jpg
Cổng Đông lúc sáng sớm


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB261801.jpg
Cổng Đông, nhìn từ trong ra – mọi người đã tranh nhau vào viếng lăng chính Taj Mahal nên cổng vắng vẻ và đẹp rạng ngời


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260089.jpg
Cổng Đông, khi nắng đã lên


Cổng chào (chúng tôi vào bằng cổng đông, gần khu balo Taj Ganj nhất) cũng sẽ làm bạn choáng ngợp vì vẻ hoành tráng của nó. Cổng này mang rõ kiến trúc Mughal với đá sa thạch đỏ có cẩn chạm và pha thêm đá cẩm thạch trắng. Đây là kiến trúc Mughal đặc trưng. Cổng mái vòm của cổng chính giống cổng mái vòm của lăng mộ, tuy khác về chất liệu. Cổng được trang trí với đá cẩm thạch trắng và đá quý khảm trong đó. Đá sa thạch đỏ, cẩm thạch trắng thì được chạm khắc hoa văn nổi còn đá quý thì cẩn, khảm chìm… cứ hòa vào nhau lung linh lấp lánh. Cũng may là tôi đã đên Delhi và Fathpur Sikri rồi nên cũng bớt choáng váng với cái cổng đẹp này. Bạn xem thử đi nghen, cũng rất nhiều người sững sờ và chụp hình nó như tôi vậy.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260083.jpg
Hành lang phía trong cổng giờ là gallery giới thiệu về danh lam thắng cảnh Ấn Độ.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260084.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260085.jpg
Nhờ vậy, biết thêm về các điểm dự định sẽ đến (!?) – các đền đài nổi tiếng,
tượng đá cao 17.5m của thánh Gomateshvara (Bahubali) đạo Jain...


Phía mặt trong của cổng, nối với những dãy dài các mái vòm và những hàng cột chống. Hiện, dãy mái vòm được dùng cho 1 triển lãm những hình ảnh tuyệt đẹp về Ấn Độ huyền bí, gợi lên trong bạn bao khát khao. Sau khi vào bên trong cổng, bạn sẽ càng choáng ngợp hơn với tòa lăng mộ Taj Mahal mờ trong sương sớm và trong cả khói bụi, lúc nào cũng u ám Agra.

(tbc.)

backpackervn
30-12-2009, 10:27
(cont.)


Qua cổng rồi, nhưng bạn vẫn chưa nên vào Taj Mahal vội!!! Tôi sẽ lôi bạn đi xem nhiều nơi khác trước khi vào Taj Mahal. Còn nhiều kiến trúc đẹp khác bạn cần quan tâm trước khi bị Taj Mahal che mờ.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260060.jpg
Bóng cái tháp cao 40m ẩn hiện qua cửa vòm của ngôi thánh đường thấy bé xíu


Bao quanh tòa lăng mộ diễm lệ là 4 tháp cẩm thạch cao hơn 40m, các minaret truyền thống của các thánh đường Hồi Giáo, nhưng ở đây lại nằm bao quanh lăng Taj Mahal thay vì nằm quanh thánh đường. Hơn 3 thế kỷ đã qua, những tháp nhọn này đã không còn thật thẳng đứng nữa nhưng các nhà kiến trúc lúc bấy giờ đã tính toán kỹ và xây dựng như thế nào đó mà bây giờ chúng lại hơi nghiêng theo hướng ra ngoài một tý – nhưng vẫn chưa đạt cỡ tháp nghiêng Pisa đâu (!?). Do vậy, nếu có sự cố vì hư hại hay vì động đất thì các cột đó cũng chỉ ngã ra ngoài mà không ngã vào trong Taj Mahal. Thật tài tình.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260045.jpg
Nhìn gần tháp


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB261807.jpg
Rồi nhìn từ xa


Các tháp cao này và những khu vực xung quanh nó có kiến trúc giống y chang nhau nhưng lại luôn khác nhau ở cùng một thời điểm. Nếu bên hướng đông của lăng, khi mặt trời lên, bạn đã thấy tòa Taj Mahal cùng 2 ngọn tháp bên đó rực rỡ hồng. Trong khi đó, bên bờ tây của lăng, sương từ sông Yamuna vẫn mờ mờ lan tỏa ôm ấp ngôi tháp nhọn và cả ngôi thánh đường Hồi Giáo vẫn còn ngái ngủ trong sương hồng. Sự khác nhau trong 1 khuôn viên đó làm tôi cũng phải “thay đổi”. Khác với khi viếng các nơi khác, tôi không cho phép mình dành thời gian ngồi một chỗ lặng nhìn chiêm ngưỡng… mà phải đi lòng vòng quanh Taj Mahal, quanh vườn… hòng mong bắt gặp được những khoảnh khắc đẹp rất khác nhau của Taj Mahal diễm lệ huyền hoặc.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260037.jpg
Bên này trời đã sáng trong



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260046.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260047.jpg
Bên kia, sương vẫn còn hồng


Nhưng tôi đâu có thể phân thân được khắp chốn. Do vậy, chắc là tôi đã bỏ sót rất nhiều những khoảnh khắc đẹp của Taj Mahal rồi!


(tbc.)

backpackervn
30-12-2009, 10:32
(cont.)



Trước khi đến được lăng, bạn còn sẽ phải đi qua một khu vườn xanh ngắt. Kiến trúc vườn này nguyên thủy của Ba Tư, được Babur, hoàng đế Mughal đầu tiên đưa vào kiến trúc Mughal, Ấn Độ. Vườn này có tên Ba Tư là charbagh, có nghĩa là khu vườn thiên đường. Trong đó bao gồm cả cỏ cây hoa lá, nước và những dòng sông thiên đường. Lúc đầu, người ta lấy làm lạ là tại sao khác với các kiến trúc vườn Mughal khác là lăng mộ chính thường được đặt ở trung tâm, nhưng ở đây, lăng Taj Mahal lại nằm ở cuối khu vườn này. Nhưng sau này, khi phát hiện “Vườn ánh trăng” Mehtab Bagh, một khu vườn khác đối diện ngay bên kia sông Yamuna, người ta mới giả định rằng các nhà kiến trúc đã gộp luôn con sông Yamuna vào cấu trúc của khu vườn thiên đàng này và Yamuna chính là “dòng sông thiên đường”. Thật quá tài hoa!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260075.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB261806.jpg
Taj Mahal nhìn gần và nhìn xa qua khu vườn


Vườn đẹp, xanh tốt và hoành tráng, nhưng người ta cho rằng nó đã bị người Anh chỉnh sửa thành khu vườn cỏ kiểu Anh hơn là khi vườn thiên đàng nguyên thủy. Dù sao, nó vẫn đẹp và vào đây, ta sẽ thấy nó khác xa Agra gần kề bên ngoài biết bao, một không gian tuy có đông đúc nhưng vẫn quá xanh sạch và thanh bình so với 1 Agra quá xô bồ… bên ngoài.


Ngoài lăng mộ chính, trong khuôn viên còn có 1 thánh đường Hồi Giáo nằm bên tay trái (hướng tây) và một ngôi đền khác xây đối diện, ngày xưa là nơi nghỉ của khách viếng. Hai công trình này, cái chính là ngôi thánh đường, còn cái phụ, còn gọi là jawab, được xây dựng để tạo sự cân xứng, như hầu hết các kiến trúc Mughal. Jawab khác với thánh đường là không có 1 hốc tường hướng về phía Mecca ở bên trong, nơi người mộ đạo sẽ hướng về đó quỳ lạy khi làm lễ, như hầu hết các thánh đường Hồi giáo khác.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260032.jpg
Thánh đường trong sương


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260033.jpg
Rồi nắng đã hồng trên mái, sương mỏng đi, nhưng vẫn còn vương vấn.


Thiết kế của thánh đường cũng giông giống Jama Masjid ở New Delhi, có 3 khu sảnh chính, 1 lớn chính giữa và 2 nhỏ 2 bên. Mỗi sảnh chính, dù làm bằng đá sa thạch đỏ, đều có một mái vòm lộng lẫy bằng cẩm thạch trắng tạo thành một sự phối màu rất ăn ý với các phù điêu trắng bằng cẩm thạch trên nền đỏ của các sảnh điện.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260029.jpg
Ở 1 góc nhỏ của thánh đường, ven sông, sương vẫn còn dày đặc dù nắng đã lên cao


Sự lộng lẫy của Taj Mahal thường che mờ thánh đường Hồi Giáo này nhưng khi tôi đến, Taj Mahal lại không có sương bao quanh mà ngôi đền này lại có, do nằm gần rừng bách và gần sông Yamuna nên ở đây sương vẫn còn lãng đãng – còn ở đền chính Taj Mahal thì lại không còn sương. Nhờ vậy các ngôi đền này chợt trở nên lộng lẫy, huyền bí hơn Taj Mahal nhờ làn sương mỏng như dải lụa trắng ôm quanh ngôi đền đỏ. Đẹp lạ!


(tbc.)

2LúaMiềnTây
30-12-2009, 10:33
Ôi! Taj Mahal đẹp quá ! Đúng là kỳ quan thế giới...
Biết khi nào mình mới được đi.?
Thanks bkp nhiều nhiều nhe.

ruby
30-12-2009, 21:44
bác backpakervn ơi, em thấy khâm phục bác quá, đáng lẽ ra tháng ngày 19/12 này em đã lên đường sang Ấn Độ rồi, nhưng trớ trêu thay công việc hành hạ em phải hủy bỏ chuyến đi mà em mơ ước. hy vọng sang năm sau em và bác sẽ có cơ hội đi cùng nhau nhé.

backpackervn
05-01-2010, 13:43
(cont.)


Còn bây giờ là đến Taj Mahal nhé! Bây giờ là giọt nước mắt thiên thu nhé! Bây giờ… bây giờ… bây giờ…


Tôi đi Ấn Độ mùa đông. Người ta có thể nói với bạn rằng xung quanh Taj Mahal bây giờ quanh năm sương khói bụi phủ mịt mù do ô nhiễm, chẳng cần phải đi mùa đông vẫn thấy Taj Mahal mờ mờ trong “sương”. Có thể người ta đúng, có thể không… tôi chưa biết, nhưng cảm giác một buổi sáng đầu ngày đông lạnh tê tái, khi bầu trời trong trẻo hơn vì có chút bụi bẩn nào của Agra đã bị hơi ẩm sương đêm rửa bớt, khi những con chim non khe khẽ cất giọng ríu rít gọi mẹ, gọi bạn trong cái lạnh ngày đông, khi những làn gió đông lạnh lạnh chợt kéo về làm rơi những giọt nước lạnh băng trên lá, trong góc vườn vắng tanh, làm tỉnh cả người… được nhìn Taj Mahal trong sương mù xa xa quả là một niềm hạnh phúc vô biên.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260006.jpg
Xa xa trong sương sớm


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260002.jpg
Gần hơn, vẫn trong sương sớm


Góc vườn vẫn vắng vì dòng người đã đổ vào Taj Mahal, tìm kiếm vẻ diễm lệ trong sương mù của “giọt nước mắt thiên thu”… tôi vẫn ở 1 góc xa xa nào đó, lặng nhìn về Taj Mahl sau khi đi lăng quăng đã đời. Mặt trời đã bắt đầu nhuốm chân mây. Nơi đằng đông, những đám sương màu hồng thay vì những ngón tay hồng của thần mặt trời bắt đầu ve vuốt lên Taj Mahal vẫn lặng lẽ đứng lạnh lẽo xa xa, chẳng buồn hạ mắt nhìn đám người bé tí đang lộn xộn lóc ngóc dưới chân.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260018.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260012.jpg
Xa xa nắng đã nhuốm chút hồng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260017.jpg
Gần hơn một chút



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260022.jpg
Gần hơn chút nữa


Trong vườn, chim đã về nhiều. Không có những con quạ đen đáng ghét luôn chao chát, chỉ có nhiều những chú chim non và những con sáo sậu vui đùa trên thảm cỏ đã ấm áp khi nắng về. Khói sương quanh lăng đã mòn, chỉ còn nhiều sương khói trong lòng người.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260024.jpg
Nắng đã lên, lăng trở nên sáng trắng trong veo


(tbc.)

backpackervn
05-01-2010, 16:28
(cont.)


Nói gì thì nói, dù biết rằng Taj Mahal đẹp mơ màng trong sương, nhưng khi nắng đã lên, “tòa” lăng mộ này càng trở nên lộng lẫy vô ngần. Ngẩn ngơ nhìn bóng nắng từ từ lướt qua Taj Mahal, như đem lại sức sống rạng ngời cho tòa cẩm thạch trắng, như đánh thức giấc ngủ vùi trong sương mây của tòa lâu đài lộng lẫy, bạn chợt ngỡ ngàng – sao mình đã vội vã phụ tình một Taj Mahal huyền hoặc trong sương để mụ mị với Taj Mahal lộng lẫy trong nắng.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260079.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260076.jpg
Ngời sáng trong nắng mai


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260061.jpg
Huyền bí qua những khung cửa vòm mê hoặc.


Vẻ đẹp của kiến trúc Mughal, đặc biệt là của Taj Mahal được tôn lên rất nhiều nhờ kiến trúc đối xứng của nó. Nhờ đó, ở nhiều góc khác nhau, bạn vẫn thấy vẻ đẹp gần như giống nhau do các công trình đối xứng nhau này. Chỉ khác ở một điều là nhờ vào bóng nắng, bạn mới biết là bạn đang ở góc nào của tòa lăng diễm lệ này.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260063.jpg
Ở một góc, nắng còn lảng bảng chút sương hồng, Taj Mahal càng lộng lẫy.


(tbc.)

backpackervn
05-01-2010, 16:30
(cont.)


Gọi là lăng mộ nhưng nhìn Taj Mahal giống một lâu đài hơn. Vẻ lộng lẫy của Taj Mahal thì quá nhiều người nói, điều bpk thích là sự thay đổi màu sắc rất thú vị của “tòa” lâu đài diễm lệ này, nhờ vào kiến trúc bằng cẩm thạch của nó.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260034.jpg
Khung cửa cẩm thạch sáng lạnh khi ánh dương chưa lên


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260035.jpg
Rồi rực sáng khi nhuốm nắng đầu ngày


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260044.jpg
Rồi sáng rực khi nắng đã vàng


Khác với các kiến trúc Mughal chính là đá sa thạch đỏ (vẫn được dùng để xây dựng các công trình, đền đài khác trong khuôn viên Taj Mahal), lăng mộ chính lại được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, nghe đâu là chở đến từ Rajasthan xa xôi, được chạm khắc ngọc bích, hồng ngọc, đá quý… từ khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ châu Á. Chính đá cẩm thạch trắng mới có thể làm “giọt lệ thiên thu” này thay đổi sắc diện huyền ảo vào những thời khắc khác nhau trong ngày, trong năm này. Lâu đài trắng toát khi nắng chưa lên hay trong ánh trăng đêm huyền hoặc (chỉ nghe nói, hix!), sẽ chợt vàng nhè nhẹ rồi vàng óng ánh, rồi hồng lên, rồi đỏ ửng, rồi lại sáng rực trắng trong… vào các giờ khác nhau, các mùa khác nhau, các bầu trời khác nhau…. Dĩ nhiên là tôi không may mắn chạm vào được nhiều thời điểm nhưng cũng may mắn bắt gặp vài khoảnh khắc tuyệt vời của những cung bậc màu sắc Taj Mahal – như tôi tự an ủi mình vậy.


(tbc.)

backpackervn
05-01-2010, 16:32
(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260027.jpg
Họa tiết tròn trên đá cẩm thạch


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260041.jpg
Họa tiết “dài” trên đá cẩm thạch, đã có chút nắng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260028.jpg
Họa tiết vuông cũng trên đá cẩm thạch nhưng đã có màu vàng ấm của nắng mai


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260039.jpg
Đá quý chạm khắc trên cẩm thạch


Lăng có kiến trúc bát giác cân chứ không phải bát giác đều vì các cạnh vát của lăng ngắn hơn các cạnh chính có cửa ra vào. Kiến trúc cao hơn 75m với phần vòm hình những đóa sen nụ. Phần mộ của hoàng hậu Mumtaz Mahal bên trong lăng được chạm khắc đến 43 loại kim cương, đá quý khác nhau. Xung quanh là các cửa sổ hay cửa ra vào bằng đá nguyên khối hình vòm đều được chạm nổi hay khắc chìm rất tỉ mỉ, công phu. Các kiến trúc đều tạc vào các khối cẩm thạch nguyên, tạo thành những chi tiết tinh vi như những bông hoa nổi tinh xảo mềm mại hay các rèm đá cẩm thạch trắng trong mỏng tênh mong manh. Trần của mái lăng còn được cẩn khắc đá quý nhiều màu lóng lánh rực rỡ trên đá cẩm thạch trắng ngần.


(tbc.)

backpackervn
05-01-2010, 16:34
(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260056.jpg
Họa tiết vuông trên đá sa thạch đỏ - lúc chưa có nắng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260055.jpg
Họa tiết vuông trên đá sa thạch lúc đã có nắng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260057.jpg
Họa tiết “dài” trên đá sa thạch


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260059.jpg
Họa tiết tròn trên đá sa thạch


Mặt ngoài Taj Mahal còn nổi bật bởi các dòng chữ được chạm khắc pishtaq đặc biệt. Kỹ thuật này là các chữ phía dưới được chạm khắc nhỏ và càng lên cao càng to dần, để khi nhìn chúng ta có cảm tưởng là chúng bằng nhau – quá tài tình. Quanh đền còn có các đoạn kinh Koran được chạm khắc bằng đá màu và cẩm thạch. Người ta cho rằng chính vị kiến trúc sư trưởng tài ba đã đích thân chọn những đoạn kinh này.



………………………………
………………………………


Tôi miên man trong Taj Mahal, mê mải nhìn ngắm lúc xa xa, tỉ mẩn sờ sẩm lúc cận kề, thỉnh thoảng áp mặt vào đá cẩm thạch lạnh ngắt mong nghe tiếng gọi nào từ nghìn xưa… thẩn thờ lúc sương quấn, bồi hồi lúc nắng lên, bối rối lúc nắng xuyên rực rỡ qua mái đổ từng giọt kề bên… mãi đến khi những đoàn người ồ ạt kéo về làm náo động Taj Mahal, tôi buộc mình phải ra đi.




https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260025-1.jpg
Thánh đường đã sáng rực trong nắng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260026.jpg
Tòa nhà jawab cũng rực rỡ không kém phần


Giờ đây nắng đã lên, tuy vẫn nhờ nhờ trong khói bụi Agra nhưng cũng sáng ngời Taj Mahal và những tòa tháp khác…



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260081.jpg
Tôi rời Taj Mahal khi nắng đã lên cao, người đã ồn ã kéo về. Chiều nay, tôi sẽ quay lại, tôi hứa, tôi thề!


Tạm xa nhé Taj Mahal, chiều gặp lại!

Anh Già
06-01-2010, 08:16
Kỳ này bạn backpackervn có đi bang Jammu & Kashmir không ? Tớ nghe tây nó đồn rằng vùng núi Ladakh của bang đó mới là nơi bảo tồn được nguyên vẹn nhất nền văn hoá Tây Tạng, chứ không bị Hán hoá nhiều như quanh Lhasa bên Tàu . Vùng đó có đủ cả núi cao, hồ nước, tu viện ....

r0sy
06-01-2010, 19:35
Kỳ này bạn backpackervn có đi bang Jammu & Kashmir không ? Tớ nghe tây nó đồn rằng vùng núi Ladakh của bang đó mới là nơi bảo tồn được nguyên vẹn nhất nền văn hoá Tây Tạng, chứ không bị Hán hoá nhiều như quanh Lhasa bên Tàu . Vùng đó có đủ cả núi cao, hồ nước, tu viện ....

Em cũng nghe kể thế :)
Nhưng vùng đó chỉ accessible có 4 tháng/ năm thôi, từ tháng 7 đến tháng 10 khi tuyết tan và đường thông. Các tháng khác thì chỉ đến được bằng máy bay, muốn di chuyển đến các điểm xung quanh thì chỉ có đi bộ :)

Hí hí tháng 7/2010 này có bạn nào máu đi không?

backpackervn
07-01-2010, 11:37
@ Anh Già, bpk chưa được đi đến đó. Cám ơn thông tin của bạn! Bpk có nghe về vùng Kashmir, cũng muốn đi, nhưng nghe bắn nhau đùng đùng với Pakistan ở đó nên cũng hơi ớn. Bây giờ, nghe bạn nói về những thông tin này, hy vọng chuyến đi Ấn Độ sắp tới (nếu có), bpk sẽ tranh thủ. Ấy dà, còn nhiều chỗ hấp dẫn quá! Bao giờ cho đến Tháng Mười…!!!

@ r0sy, nếu vậy, bạn nên chọn cỡ tháng 10 để đi thì tốt vì mùa hè ở Ấn nóng lắm. Đi cỡ tháng 10 thì kết hợp đi được vùng Bắc Ấn và cả Trung, Nam Ấn luôn. Bạn mở riêng một topic rủ rê đi, thế nào cũng có đá, đủ xây nhà lầu!!!
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::


Một số thông tin cơ bản trong các sub-topic này có nguồn từ wiki & L.P



Agra, Agra, Agra… đâu chỉ có Taj Mahal! Agra còn nhiều “đứa con” khác, cũng lộng lẫy vô ngần nhưng vì đứng cạnh con gái rượu Taj Mahal nên các anh chị em đó hơi bị lu mờ. Thế nhưng – không phải phụ tình Taj Mahal ngay khi vừa quay lưng – tôi thấy những di tích khác của Agra cũng có những nét đẹp riêng, không thua kém Taj Mahal chút nào đâu!


Từ Taj Mahal ra, dĩ nhiên là phải đi pháo đài Agra rồi, còn biết đi đâu nữa. Không phải vì danh phận của pháo đài Agra chỉ kém sau Taj Mahal mà vì 2 bên gần kề nhau, cách nhau có 2,5km. À, cách tôi đi đến đó mới vui, mà tôi cũng nghiệm ra là luật “nhơn quả” sẽ xảy ra ngay, chứ chẳng cần đợi lâu đến kiếp sau đâu (!?). Tám chút, bạn nào rảnh rỗi đọc cho vui. Số là lúc rời Taj Mahal, tôi liền “mưu tính” cho việc quay lại miễn phí chiều nay, vì vé chỉ cho ra vô có 1 lần, mà rất đắt. Thế là lúc ra cửa, giả đò nhăn mặt ôm bụng rồi nói với anh gác cổng “tao đau bụng quá, quên đem theo thuốc, để quên ở nhà trọ, cho tao về lấy, rồi lát tao quanh lại, mày ghi vài chữ vào cái vé giúp tao…”. Anh ấy thương tình ghi vài chữ vào cái vé. Tôi lủi thủi đau đớn lết ra cửa (trời ơi, xấu hổ quá!). Hết tập 1. Ra đến cửa, trả giá xong, tôi leo lên 1 chiếc rickshaw đạp. Anh ku tài xế xe lúc đầu đồng ý giá thấp, đi một đoạn bắt đầu giở giọng ép giá, “nếu không được tao bỏ mày giữa đường cho mày lạc, mày đón xe khác cũng không được…”. Bớt giỡn đi chứ anh ku! Thế là anh chàng dừng xe, “ý là cho mày đi lạc chết luôn”… và tôi bị quăng cái bịch giữa đường phố Agra nóng sôi sùng sục người xe giăng mắc loạn xị xà ngầu.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260091-1.jpg
Ôm quanh thành Agra là 1 công viên. Từ đây, tôi thẳng hướng vào chân thành và men theo đó mà đi.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260095-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260096-1.jpg
Tường thành Agra và hào sâu bao quanh


Lang thang đi bộ trên hè, tôi vừa đi vừa nghĩ, “đúng là mày bị trả báo, mày mới lừa người ta, bị lừa lại là đáng rồi, còn nhăn nhó gì nữa”. Nghĩ thông suốt xong (!?) thấy lòng thư thái, bắt đầu ung dung đi bộ, vừa đi vừa hỏi đường hướng đến thành Agra. Hết tập 2, cũng hết luôn chuyện “tám”. Nhưng mà nhờ vậy, tôi lại có những khoảnh khắc và tấm hình là lạ mà ít người có, nếu đi xe đến thăm pháo đài Agra (mà ai đến đó lại chẳng đi xe!). Đó là khoảng thời gian tôi đi men theo tường thành, men theo con hào bao quanh ngôi thành hoành tráng… mà chỉ có 1 mình tôi đi… vừa đi vừa soi mói tìm chỗ lạ chụp hình để ghi dấu việc đi bộ vòng quanh thành Agra của mình. Đến lúc tôi vạch lá, leo dốc băng lên cổng thành, lại một phen mọi người kinh ngạc nhìn, “không biết thằng ku này mọc từ đâu ra mà đi đường này?”.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260093-1.jpg
Cận cảnh 1 lô cốt trên thành. Lô cốt mà cũng có dát cẩm thạch nữa hén!


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260094-1.jpg
Cận cảnh 1 khúc tường thành Agra nhìn từ bên ngoài – bạn có thấy các lỗ nho nhỏ để bắn súng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260097.jpg
Và bây giờ tôi đã lọt vào trong thành rồi – hùng vĩ chưa???!!!



(tbc.)

Anh Già
07-01-2010, 12:06
[I]@ Anh Già, bpk chưa được đi đến đó. Cám ơn thông tin của bạn! Bpk có nghe về vùng Kashmir, cũng muốn đi, nhưng nghe bắn nhau đùng đùng với Pakistan ở đó nên cũng hơi ớn.

Vùng Ladakh của Kashmir sát biên giới với Tàu nên khá yên ổn hơn vùng giáp với biên giới Pakistan .

backpackervn
12-01-2010, 09:51
@ Anh Già, cảm ơn thông tin của bạn. Thực ra vùng Leh thì bpk có đọc tới trước đó rồi, cũng mong có dịp đến đó, nhất là gần đây lại đọc thêm thông tin chi tiết về vùng Ladakh mà bạn nói đến.
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::

(cont.)


Thành Agra còn có tên Pháo đài Đỏ, Lal Qila… là nơi hầu hết những vị vua Mughal như Babur, Humayun, Akbar, Jehangir, Shah Jahan, Aurangzeb đã từng sinh sống và nơi đây cũng đã từng là kinh đô của Ấn Độ trong nhiều thế hệ. Nơi đây, lúc trước chỉ là một pháo đài gạch, được đề cập trong sử sách từ năm 1080 Công nguyên. Thành này thuộc về các Sultan cho đến khi rơi vào tay các Mughal, cụ thể là vua Babur, vào năm 1526. Sau đó, vua Humayun cũng lên ngôi ở đây vào 1530, và cũng chính ngài đã làm mất thành Agra vào tay vua Sheh Shah trong 5 năm, để rồi mãi sau đó mới lấy lại được khi Sheh Shah qua đời.




https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260101.jpg
Bản đồ hoàng thành Agra


Sau khi nhận vương quốc từ vua cha Humayan, vua Akbar nhận thấy vai trò quan trọng của Agra và chọn nơi đây làm kinh đô vào 1558. Năm 1565, ông đã cho xây dựng lại thành Agra đổ nát trong vòng 8 năm với 1,440,000 công nhân để hoàn thành một kinh thành mới vào năm 1573. Nhưng lúc đó, pháo đài Agra vẫn chưa có vẻ diễm lệ hiện nay. Chính cháu nội vua Akbar, vua Shah Jahan đã đập bỏ và xây lại nhiều thứ trong thời gian ông trị vì đất nước, để xây nên thành Agra trở nên 1 hoàng thành như hiện nay, nhất là việc xây thêm những điện đài bằng đá cẩm thạch trắng – chất liệu yêu thích của ông. Nhưng cũng bi kịch thay, đây là nơi Shah Jahan bị chính con ông, vua Aurangzeb tiếm ngôi và giam ông vào một tòa lâu đài trong thành Agra, nơi ông chỉ có thể nhìn thấy Taj Mahal, lăng mộ của người vợ yêu dấu từ xa bên kia dòng Yamuna (chuyển ngữ từ wiki).


Khác với Taj Mahal được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, thành Agra được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ rực rỡ làm cho ngôi thành một vẻ hùng tráng mạnh mẽ khác với vẻ yêu kiều diễm lệ của Taj Mahal. Và cũng khác Taj Mahal, và tội nghiệp cho ai muốn viết về nó (hix!) là trong thành Agra có rất nhiều các địa điểm, nhiều các đền đài rất khó có thể nhớ đâu là đâu khi chỉ cỡi ngựa xem hoa. Do vậy, phải vừa gõ lóc cóc, vừa tra dầu mỡ vào cái đầu đã bị hoen gỉ vì bia rượu và tuổi tác, vừa nhìn hình đoán chữ… mãi tôi mới ráp được chữ và hình. Mà chắc chắc là có lộn râu ông với cằm bà rồi. Bạn nào biết chỉ ra, đừng ném đá, tội nghiệp người đã có công gõ nghen.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260182.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260099.jpg
Cổng Singh, phía nam hoàng thành Agra.


Cổng Singh, cũng là cổng duy nhất mở cửa hiện nay, trước có tên là Akbar Darwaza được xây dựng bởi vua Akbar. Vua Shah Jahal đã đặt lại tên mới để tưởng nhớ người anh hùng Rao Amar Singh của thành Jodhpur, dù lúc đó Singh là kẻ thù của nhà vua. Sự oai hùng của Singh khi tấn công thành, dù thất bại vẫn được Shah Jahan ngưỡng mộ và lấy tên người anh hùng đặt tên cho chính nơi ông đã ngã xuống. Tôi vào thành Agra cũng bằng cổng Singh, ở phía nam thành. Đi mải miết theo con đường hun hút trong thành tôi mới vào được bên trong. Rồi sau đó, tôi bắt đầu lạc trong mê cung những đền đài quyến rũ của thành Agra.


(tbc.)

backpackervn
12-01-2010, 09:53
(cont.)


Vào trong cổng thành, nếu nhìn thẳng, bạn sẽ thấy ngay 1 cung điện lộng lẫy bằng cẩm thạch trắng nằm xa xa qua khu vườn cỏ xanh. Kiến trúc đá cẩm thạch trắng với những cửa vòm cong quyến rũ rất quen thuộc, nếu bạn đã từng đến Delhi, đến Red Fort. Đó chính là Diwan-i-am, nhưng của hoàng thành Agra chứ không phải của Red Fort, Delhi.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260106.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260105.jpg
Bạn có thấy gì quen quen, cung thiết triều Diwan-i-Am ở hoàng thành Agra đó – giống Diwan-i-Am ở Red fort, Delhi không?


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260107.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260108.jpg
Diwan-i-Am ở hoàng thành Agra, nhìn gần


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260112.jpg
Các chạm khắc ở Diwan-i-Am ở hoàng thành Agra vẫn còn được giữ hầu như nguyên vẹn, còn ở Red Fort Delhi đã bị hư hại nhiều.


Diwan-i-Am, cung thiết triều để đức vua Sha Jahan tiếp kiến quần thần và thần dân trong nước. Đến đây, tôi ngỡ là vừa quay lại Red Fort ở Delhi, nhưng không, tôi còn gặp 1 cung thiết triều hoành tráng và tinh xảo hơn rất nhiều. Cũng may là tôi đi Red Fort ở Delhi trước chứ nếu đi sau sẽ cảm thấy Red Fort sao nhỏ bé so với hoàng thành Agra.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260110.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260109.jpg
Bên trong Diwan-i-Am


(tbc.)

backpackervn
12-01-2010, 10:19
(cont.)


Gần với Diwan-i-Am là Thánh đường Moti (Moti Masjid hay Pearl Mosque). Thánh đường này có tên đó do sự duyên dáng tỏa sáng lấp lánh như ngọc trai của nó. Thánh đường này do vua Shah Jahal xây dựng làm nơi cầu nguyện cho những thành viên trong hoàng tộc. Thánh đường này đặc biệt có 3 mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng tỏa sáng lấp lánh lại nằm trên những bức tường đá sa thạch đỏ nâng đỡ phía dưới. Điều thú vị là ở các nhánh chạy dọc 2 bên gian điện chính, có các cấu trúc mái vòm Hindu nhỏ nằm trên mái của các “hành lang” này.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260114.jpg
Moti Masjid


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260166.jpg
Điện đài xa xa phía sau Moti Masjid


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260141.jpg
Mặt sau của 1 dinh thự nào đó trong hoàng thành Agra.


Cũng gần Moti Masjid là 1 thánh đường nhỏ hơn nhưng rất tinh xảo, Nagina Masjid (Gem Mosque, Jewel Moaque) do vua Shah Jahan cho xây dựng làm nơi cầu nguyện riêng cho nữ giới trong hoàng thành. Thánh đường nhỏ nhắn này được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng. Nhìn tuy đơn giản nhưng những đường nét của thánh đường rất mềm mại tinh xảo. Thánh đường này được chia làm 3 gian nhỏ, với các tháp mái vòm và những khung cửa vòm rất duyên dáng – như những vị khách xinh đẹp từ thời xa xưa của nó.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260144.jpg
Nagina Masjid


(tbc.)

backpackervn
12-01-2010, 10:21
(cont.)


Và đã nhắc đến Diwan-i-Am thì không thể nhắc đến Diwan-i-Khas, cung mật khu, luôn đi đôi với Diwan-i-Am. Diwan-i-Khas ở hoàng thành Agra cũng là nơi tiếp kiến thượng khách ngoại quốc, các đoàn sứ giả… được xây dựng vào năm 1635. Diwan-i-Khas có trần phẳng được dát những lá vàng và bạc chiếu lấp lánh như những tia nắng mặt trời. Khác với các kiến trúc thời Shah Jahan, nó có kiến trúc bằng đá sa thạch đỏ chứ không phải là cẩm thạch trắng. Chiếc ngai vàng chim công (Peacock Throne) làm bằng vàng, ngọc và kim cương lộng lẫy trước kia đã được để ở đây, rồi sau đó vua Aurangzeb mới chuyển nó đến Delhi và sau đó nữa thì nó rơi vào tay người Ba Tư vào năm 1739. Chiếc ngai vàng này được làm từ lúc vua Jehangir còn là hoàng tử, và nó được làm để tặng cho ngài. Vậy mà sau đó số phận đưa đẩy nó sang đến Ba Tư. Chẳng biết giờ nó ở đâu để tôi đến xin một vài mảnh nho nhỏ của nó – đủ tiền bỏ để việc quay lại Ấn Độ lần nữa!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/fatehpur-sikri-5-diwan-i-khas1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/Diwan-khas2.jpg
Diwan-i-khas


Shish Mahal (Mirror Palace) sở dĩ có tên gọi Cung điện Gương là vì các bức tường của nó được chạm khắc tinh vi với đá quý chiếu sáng lấp lánh.

https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260137.jpg
Bên trong Shish Mahal


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260161.jpg
Bữa giờ chưa tự giới thiệu, giờ nhân tiện giới thiệu luôn hình của bpk tự chụp ở Shis Mahal nhé! Hình đẹp ghê hén!?


(tbc.)

backpackervn
12-01-2010, 12:00
(cont.)


Đến hoàng thành Agra, du khách không thể nào bỏ sót được cung điện Musamman Burj, vì vẻ đẹp lộng lẫy cũng như những câu chuyện bi thương bên trong nó. Musamman Burj là tháp bát giác nằm kế bên Khas Mahal và cũng soi bóng bên dòng Yamuna (ngày xưa) trong xanh thơ mộng..



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260140.jpg

Musamman Burj nhìn từ Mina Masjid


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260126.jpg
Musammn Burj, nhìn từ Khas Mahal


Kiến trúc đẹp lộng lẫy này làm bằng đá cẩm thạch trắng này ngoài vẻ đẹp khác thường ra còn có 1 ý nghĩa lịch sử quan trọng. Lúc trước nó chỉ là một tháp canh nhỏ ven sông, được xây dựng bởi vua Akbar, có lẽ để canh phòng lúc nơi đây còn là pháo đài đúng nghĩa, Musamman Burj sau đó mới được vua Shah Jahan xây dựng từ 1631 đến 1640, cũng để tưởng nhớ hoàng hậu Mumtaz Mahal. Đây cũng là nơi đẹp nhất để chiêm ngưỡng Taj Mahal từ bên kia sông.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260131.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260152.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260132.jpg
Bên trong Musamman Burj


Nhưng đây cũng chính là nơi vị vua bị tiếm ngôi, người cha bạc phước, người chồng chung tình Shah Jahan đã bị chính con trai của mình tiếm ngôi và giam giữ nơi đây trong suốt 8 năm dài đằng đẵng, mãi cho đến khi ông qua đời vào năm 1666. Điều duy nhất có lẽ an ủi ông là đây là nơi đẹp nhất ở hoàng thành Agra mà ông có thể hàng ngày nhìn ngắm được Taj Mahal diễm lệ bên kia dòng Yamuna (ngày xưa) tươi đẹp. Người ta cho rằng, nơi đây ông cũng đã khóc mòn mỏi mỗi ngày “những giọt lệ thiên thu” khi nhìn về Taj Mahal, “giọt nước mắt trên gò má trần gian” thăm thẳm buồn bên kia sông. Truyền thuyết còn kể lại, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ánh mắt của vua Shah Jahan vẫn luôn hướng về nơi người vợ yêu của ông đang yên nghỉ, Taj Mahal.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260146.jpg
Taj Mahal nhìn từ Musamman Burj, mờ mờ giữa trưa nắng bên kia dòng Yamuna.


Tôi đến đây vào một trưa mùa đông đất trời Agra mờ mịt khói bụi. Nắng đã lên cao nhưng Taj Mahal vẫn còn mãi chìm sâu trong sương bụi mờ trời. Tôi cũng buồn, nếu là ông, chắc tôi còn buồn lắm lắm vì giờ đây tôi chỉ còn nhìn được Taj Mahal như 1 ảnh ảo bên kia sông mà thôi. Khói bụi đã che mờ Taj Mahal của ông mất rồi, nhưng khói bụi có che nổi lòng người? Lặng ngồi, chìm trong bóng râm của 1 đền đài cũ vắng không người qua lại, tôi vẫn cứ nhìn về bên sông, về Taj Mahal lúc ẩn lúc hiện trong màn khói sương lúc nhặt lúc thưa. Bao giờ tôi có thể trở lại một Agra trong lành để có thể được nhìn Taj Mahal lộng lẫy trong ngày nắng mùa đông vẫn rực rỡ ngời sáng, yêu kiều soi bóng bên dòng Yamuna xanh xanh tươi tốt?


Bao giờ cho đến bao giờ…!?


(tbc.)

backpackervn
13-01-2010, 10:53
(cont.)


Gần Musamman, Diwan-i-Khas có thánh đường nhỏ Mina Masjid (Heavenly Mosque) của riêng nhà vua sử dụng. Đây là thánh đường nhỏ, kiến trúc đơn giản bằng đá cẩm thạch trắng. Khi Musamman Buji đóng cửa để trùng tu, thì đây là nơi tốt nhất bạn có thể chiêm ngưỡng Taj Mahal diễm lệ mờ mờ bên kia sông.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260135.jpg
Thánh đường nhỏ Mina Masjid


Trước Diwan-i-Khas là khu vườn Anguri Bagh, hoa lá xanh tốt. Khu vườn này cây cối các loại được phân chia theo các kiến trúc hình học rất lạ mắt. Chắc còn có ý nghĩa gì đó mà tôi cũng chẳng biết. Nhìn khu vườn rực rỡ này bên cạnh các di tích xưa, dù giữ kỹ nhưng cũng có quá nhiều dấu ấn thời gian, chợt mơ về thời hoàng kim ngày xa xưa của các vị vua chúa. Làm vua chắc sướng lắm! Nhưng còn làm dân đen thời đó thì sao hén? Thôi, ngừng mơ!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260177.jpg
Một góc vườn hoa Anguri Bagh trước cung Khas Mahal


Khas Mahal là một cung điện bằng đá cẩm thạch màu trắng nằm gần Musamman Burj. Cung điện này nổi tiếng vì các điêu khắc tinh xảo trên đá cẩm thạch và các tranh khắc trên đó. Cũng được xây dựng bởi vua Shah Jahan từ 1631-1640, Khas Mahal (còn có tên Aramgah-i-Muqaddar) nằm kề bên dòng Yamuna và trước mặt là vườn hoa lộng lẫy Anguri Bagh. Ngay trước cung điện, trước cả vườn hoa Anguri là bể phun nước cũng bằng đá cẩm thạch trắng. Cung điện được vua xây dựng tặng 2 công chúa cưng của ngài, Jahanara và Roshanara. Bên trong cung điện trắng tinh khiết này, các chạm khắc mang màu sắc hoàng gia, vàng và xanh, sáng lấp lánh khắp nơi như tôn lên vẻ kiều diễm của 2 nàng công chúa xinh đẹp. 2 nàng thật sự hạnh phúc hén, khi buồn có thể ra ngắm con sông Yamuna xinh đẹp sau nhà, khi vui ,có thể hái hoa bắt bướm, đùa giỡn trong khu vườn muôn hoa nghìn tía, hay tung tăng cùng đám tỳ nữ, đùa vui cùng những giọt nước mát lạnh từ cái bể phun nước trước nhà. Ôi, ngày xưa, Ôi! công chúa…!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260118.jpg
Khas Mahal nhìn nghiêng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260164.jpg
Khas Mahal nhìn thẳng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260136.jpg
Chạm khắc tinh xảo bên trong Khas Mahal


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260116.jpg
Khas Mahal quyến rũ qua khung cửa vòm

(tbc.)

backpackervn
13-01-2010, 10:56
(cont.)


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260102.jpg
Cung điện của vua Jehangir (Jehangir’s Palace lúc trời mù)


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260167.jpg
Cung điện của vua Jehangir (Jehangir’s Palace lúc nắng lên)



Và di tích nổi bật, to hoành tráng nhất trong hoàng thành Agra là cung điện Jehangir (còn gọi là Jahangir Palace, Jahangiri Mahal). Cung điện này xây bằng đá sa thạch đỏ có kiến trúc pha trộn giữa kiến trúc Ấn Độ và Trung Á. Những bức tường trong cung điện chạm khắc đầy những hoa văn bằng ký hiệu, dấu móc tinh xảo… ngay cả trên các cột, dầm, xà… Người ta cho rằng nó được vua Akbar xây tặng cho con mình, hoàng tử Salim, sau đó sẽ lên ngôi là vua Jehangir. Cũng có truyền thuyết nói rằng đây là hậu cung cho hoàng hậu và cung tần người Rajput của vua Akbar…




https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260180.jpg
Cánh cổng bí hiểm vào trong Jehangir Palace – phía sau đó là bát ngát điện đài


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260173.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260168.jpg
Bên trong cung điện Jehangir


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260172.jpg

https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260171.jpg
Các chạm khắc tinh xảo trên đá sa thạch đỏ của cung Jehangir


(tbc.)

backpackervn
13-01-2010, 11:04
Rực rỡ Agra – 9

(cont.)


Trước mặt cung điện Jehangir là 1 cái chén lớn, Hauz-i-Jehangir, được tạc từ một khối đá lớn nguyên tảng. Người ta cho rằng nó dùng để chứa nước dành cho việc tắm rửa. Có cần đục đẽo nguyên 1 khối đá lớn như vậy để làm đồ chứa nước không vậy ta?! Ai biết giải thích giúp, có thưởng, có thưởng…!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260184.jpg
Cái chén đá Hauz-i-Jehangir trước cung Jehangir


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260127.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260123.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260122.jpg
Những kiến trúc ít tên tuổi, những góc nhỏ góp nhặt… khi lang thang trong hoàng thành Agra.


Lang thang trong hoàng thành Agra, lòng tôi dấy lên nhiều cảm xúc khó tả, nhưng không lẫn vào đâu được là lòng ngưỡng mộ người xưa vô bờ, không phải vì những gì hùng tráng họ đã làm được mà là những gì tinh tế họ đã để lại cho đời sau. Vì tình yêu, vì đam mê, có thể vì tham vọng để lại cho mai sau dấu ấn rực rỡ của vương triều… các vị vua cùng thần dân của mình đã để lại cho người đời những di sản vô giá. Về 1 khía cạnh nào đó, bao nhiêu máu xương và mồ hôi đã đổ cho những công trình này, và sự ngưỡng mộ của tôi, không chỉ dành cho những vì vua chúa mà còn cho những thân phận con ong cái kiến vô danh đã ngày đêm cần mẫn làm việc để lại những vinh quang hào hùng của 1 thời oanh liệt cho con cháu mai sau. Chính họ, những nô lệ, những tù nhân, những tiện dân… NHỮNG NGƯỜI DÂN đã làm nên điều kỳ diệu.


Bây giờ, đến Ấn Độ, có thể bạn sẽ gặp rất, rất nhiều những phiền toái… làm bạn dễ nản lòng nhưng khi chạm tay vào những phiến đá cẩm thạch trắng trong mát rượi, điêu khắc tinh xảo trong những cung điện đền đài tráng lệ này, bạn sẽ thấy lòng lắng xuống. Dù ngoài kia, khói bụi vẫn mờ mịt trời Agra, dù ngoài kia, những đám đông vẫn ồn ã tranh giành nhau, cau có nhau, giận dữ nhau, cấu xé nhau… vì cuộc mưu sinh mà họ đã trót vướng vào từ ngày mang nặng thân xác con người... Cuộc sống muôn đời như vẫn vậy, may sao vẫn còn những Taj Mahal, những hoàng thành Agra,… để là những nốt ngân dìu dặt ru êm cõi đời nhiều phiền muộn này.


(tbc.)



P/S: Bữa giờ đọc cuốn Cọp Trắng, hết muốn gõ về Ấn Độ luôn. Bần thần mất mấy ngày. Bạn nào muốn đi Ấn, đừng nên đọc trước cuốn sách này, dù nó rất hay (đoạt giải Man Booker 2008).

backpackervn
14-01-2010, 09:16
(cont.)


Rời hoàng thành Agra, tò mò vì nghe giới thiệu về thánh đường Jama (Masjid Jama) của Agra, tôi lóc cóc cuốc bộ hướng đến đó. Thấy mọi thứ ở hoàng thành Agra đều to đẹp hơn Pháo đài Đỏ, Red Fort của Delhi, mà Masjid Jama của Delhi thì đã quá hoành tráng, nên tôi hăng hái quyết tâm lên đường, dù đã xế chiều, trời nắng nóng rất oi bức và đường phố đông đen những bụi khói mù mịt, đặc sản Agra.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260191.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260188.jpg
Thánh địa Masjid Jama ở Agra


Đi qua khu buôn bán Kinbari đông nghìn nghịt, tôi hân hoan khi thấy ngôi thánh đường lấp ló xa xa phía trước. Dù gì thì ngôi thánh đường này cũng được xây vào thời vua Shah Jahan, năm 1648, chứ đâu có ít gì. Nhưng đến nơi thì hỡi ôi. Ngoài cái to to ra, thánh đường này chẳng có gì đặc sắc cả, mà lại xuống cấp, cũ kỹ rất nhiều nữa. Trong sân đang xây dựng sửa sang gì đó, gạch ngói đổ ngổn ngang. Do vậy, ngắm nghía sơ qua, tôi tranh thủ ra về, kiếm đường đi thăm Baby Taj và các nơi khác. Cũng đã muộn muộn rồi.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260192.jpg
Bên trong Masjid Jama của Agra – thánh đường đã bị thời gian tàn phá quá nhiều rồi!


(tbc.)

backpackervn
14-01-2010, 09:19
(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260195.jpg
Cổng đông của Baby Taj


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260198.jpg
Phía sau cánh cổng là Baby Taj sáng ngời trong nắng


Rời Masjid Jama, tôi quay lại hoàng thành Agra. Lý do đơn giản là tôi muốn ngó nó một lần nữa. Lý do phụ là những người tài xế xe rickshaw ở khu chợ ít giao tiếp tiếng Anh. Đến cổng hoàng thành, trao đổi một hồi, tôi leo lên một chiếc rickshaw hướng về Baby Taj. Nhìn anh tài đen đúa gầy gò còng lưng đạp xe chở tôi đi trong nắng nóng oi bức buổi chiều Agra mịt mù khói bụi tôi cũng thấy tội nghiệp – nhưng biết làm sao bây giờ. Lên cầu, qua sông, chen trong đám xe cộ đủ loại đang gầm rú xả khói đen mịt mờ, cuối cùng tôi cũng đến Baby Taj, nằm khép nép sau một cánh cửa hùng vĩ bằng đá sa thạch đỏ rực.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260199.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260211.jpg
Baby Taj rực sáng trong nắng chiều


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260202.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260204.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260205.jpg
Baby Taj và các cổng Nam, cổng Bắc


Itmad-ud-Daulah là tên chính thức, nhưng hay được gọi là Baby Taj, là 1 lăng mộ kiểu Mughal, xem như là một Taj Mahal thu nhỏ. Do được xây dựng trước cả Taj Mahal (1622-1628), đôi khi nó còn được xem là bản nháp cho 1 Taj Mahal diễm lệ sau này. Sau khi xây xong Baby Taj cho cha mình, hoàng hậu Nur Jahan, vợ vua Jahangir (Jehangir) cũng đã cho xây một ngôi mộ khác, kiến trúc tương tự cho chồng, đức vua Jahangir tại Lahore – khi nào tôi mới may mắn sang được Pakistan để viếng ngôi mộ đó?


(tbc.)

backpackervn
15-01-2010, 11:46
(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260223.jpg
Cổng Nam của Baby Taj


Ngôi mộ này, cũng được xem là 1 kiến trúc chuyển giao giữa nguyên liệu đá sa thạch đỏ của kiến trúc Mughal thời Humayan, Akbar… sang giai đoạn đá cẩm thạch trắng từ bắt đầu từ ngôi đền Taj Mahal. Lăng mộ này là của hoàng hậu Nur Jahan, vợ của vua Jahangir (Jehangir) xây dựng cho cha của mình, Mirza Ghiyas Beg. Mirza Ghiyas Beg cũng chính là ông ngoại của hoàng hậu Mumtaz Mahal, “chủ nhân” của Taj Mahal diễm lệ. Như vậy, nhà của ông này xinh ra toàn người đẹp hén – tám chút chơi!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260194.jpg
Cổng Đông Baby Taj – dịu màu khi không có nắng


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260224.jpg
Cổng Đông Baby Taj – rực rỡ khi đón nắng chiều


Nằm bên bờ trái sông Yamuna (Taj Mahal nằm ở bờ bên kia), lăng Baby Taj nằm trong 1 khu vườn Mughal (Chabagh), được chia cắt thành hình chữ thập rất cân đối bởi các con hào nước, làm bằng đá sa thạch đỏ. Ngôi đền hình vuông, ở mỗi góc cạnh có 1 tháp bát giác cao 13m – cũng hơi giống các minaret ở Taj Mahal. Bên trong Baby Taj các vách đá cẩm thạch trắng được cẩn khắc các loại đá bán quý sáng lấp lánh, ganh đua cùng các hoa văn chạm trổ trên đá cẩm thạch tinh xảo. Các chạm khắc này chủ yếu là hình các bình hoa, tỏa sáng long lanh với những bông hoa nhiều màu sắc bằng đá quý.


(tbc.)

backpackervn
15-01-2010, 11:53
(cont.)




https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260222.jpg
Toà tháp bát giác của Baby Taj đẹp lộng lẫy


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260231.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260232.jpg
Chạm trổ, cẩn khắc tinh xảo, cầu kỳ trong Baby Taj


Baby Taj có 4 cổng, cổng chính của Baby Taj nằm hướng đông, là cổng duy nhất ra vào được. 3 cổng còn lại, chỉ được xây ở 3 hướng Tây, Nam, Bắc chỉ để các kiến trúc có tính đối xứng, theo quy định của kiến trúc vườn Charbagh, Mughal. Những chiếc cổng bằng đá sa thạch đỏ này được chạm khắc, trang trí bằng cẩm thạch trắng và có 2 tầng. Chiếc cổng được trang trí cầu kỳ nhất là cổng Tây, nằm ngay bên bờ sông Yamuna. Do được xây như cung điện nhỏ nên nơi đây được cho là nghỉ ngơi yêu thích của Itmad-ud-Daulad. Lăng mộ nằm ngay giữa vườn hoa, bao quanh bởi các bể phun nước và các hào nước – đã khô cạn những ngày này.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260216.jpg
Chiều đã xanh, Baby Taj chợt rực rỡ ánh vàng khi đón nhận những tia nắng cuối ngày


Tôi đến Taj Mahal chiều cũng đã dần nhạt nắng, dưới sông, từng đàn trâu đã thong thả trên đường về nhà. Tôi lang thang trong khuôn viên hơi vắng vẻ, thoáng đãng của Baby Taj lòng thoáng buồn vì ngày Agra của mình đã sắp hết. Xong xuôi “công việc” tôi ghé đến cổng Tây, cũng là tòa nhà ưu thích của Mirza Ghiyas Beg ngồi nhìn sông chiều. May mắn làm sao, sông chiều trở nên trong trẻo hơn không nhiều bụi mờ như trưa hoàng thành Agra nên tôi có thể phóng tầm mắt ra xa để hồn trôi trên con sông Yamuna đang lững lờ chảy, như vẫn chảy từ ngày Baby Taj này diễm lệ soi bóng làm đẹp dòng sông, khi còn chưa có Taj Mahal danh tiếng.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260220.jpg
Trâu về trên sông chiều – làng quê xa xa hiền hòa



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260221.jpg
Tôi đã ngồi đây để hồn trôi trên sông chiều, tan trong sông trôi…



Biết đến bao giờ tôi mới lại có một buổi chiều ngắm dòng Yamuna từ Baby Taj – tôi tự hỏi mình - không chỉ một lần!



(tbc.)

backpackervn
16-01-2010, 09:19
(cont.)


Chào Baby Taj, khi lòng nặng những nỗi buồn vô cớ, trĩu những tâm tư, tôi đi tiếp đến một ngôi lăng khác, cũng rất nổi tiếng ở Agra – lăng Chini-ka-Rauza.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260233.jpg
Chini-ka-Rauza trong chiều muộn


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260246.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260249.jpg
Nhưng ở 1 góc khác lại sáng ngời trong nắng chiều


Chini-ka-Rauza, lăng mộ của một viên tướng cao cấp, mà cũng là nhà thơ nổi tiếng Afzal Khan dưới thời vua Shah Jahan. Lăng này được xem là một mốc quan trọng trong kiến trúc Ấn Độ - Ba Tư. Đây là công trình đầu tiên ở Ấn độ được sử dụng gạch men màu để trang trí và ốp lát. Lăng mộ này được xây dựng từ 1628-1639, trong cùng thời gian Shah Jahan cho xây dựng Taj Mahal và cả nhiều công trình khác theo phong cách Mughal với đá cẩm thạch trắng hoặc sa thạch đỏ, nhưng cái này thì không. Lăng mộ được xây bằng đá nâu sau đó mới ốp lát gạch men nhiều màu sắc, mà người ta cho rằng có xuất xứ từ Trung Hoa, thay vì cẩn khảm bằng đá quý. Không có đá quý nhưng những viên gạch men nhiều màu sắc, sáng bóng, phản quan… tạo cho lăng có 1 sắc thái hoàn toàn khác các lăng Mughal và cũng không kém phần rực rỡ vì chúng phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Ý tưởng của nhà thơ này khi chọn những viên gạch men sáng màu để trang trí là vì ông muốn nơi ông nằm xuống luôn được sáng rực rỡ.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260241.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260239.jpg
Men sứ lấp lánh của 1 thời vinh quang


Thời gian đã trôi qua, đã gần 4 thế kỷ, giờ chỉ còn những mảng tường nhỏ còn sót chút gạch men bám trên những vách tường loang lổ già nua, nhưng không vì thế mà chúng ta không thể tưởng tượng ra được vẻ huy hoàng rực rỡ ngày xưa. Thêm vào đó, mái vòm của ngôi mộ có kiến trúc Afghan, hình đóa sen ngược, với những chạm khắc trang trí những bản văn thơ Hồi giáo, tôn thêm nét duyên dáng cho cái lăng cô quạnh nằm lặng lẽ bên dòng Yamuna.


(tbc.)

backpackervn
16-01-2010, 09:21
(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260235.jpg
Tháp xưa kiêu hãnh soi bóng bên sông


Ngày xưa, ngôi lăng có tường thành bao quanh và có 2 cổng ra vào, nối liền với 2 tháp bát giác 3 tầng. Giờ tường thành đã thành gạch vụn, đã nát tan, chỉ còn một chiếc tháp đứng xa xa chơi vơi bên dòng Yamuna. Chẳng biết tháp còn đứng được bao lâu vì đã tàn úa lắm rồi. Tuy là 1 điểm du lịch nhưng lúc tôi lang thang cuốc bộ đến, nơi đây chỉ có mình tôi. Sau đó mới gặp một cặp 2 người bạn già 1 Đức, 1 Mỹ ghé thăm. Tôi có nói chuyện đôi câu với họ, sau khi tôi bực mình cãi nhau với ku lái xe của 2 người đó, khi ku đó nói Việt Nam thuộc Trung Quốc (!?). Nhờ mấy câu nói chuyện xã giao đó mà sau này tôi lại gặp may. Tám nhiều khi cũng có lợi hén – miễn đừng có tám nói xấu người khác sau lưng – tôi rút ra kinh nghiệm rồi đó.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260244.jpg
Sông quê êm đềm


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260245.jpg
Những chiếc “bánh” phân trâu bò phơi khô chợt đẹp lạ trong một chiều quê êm ả, khi vừa thoát khỏi Agra ồn ào.


Rời khỏi lăng Chini-ka-Rauza, tôi đi lòng vòng quanh thôn xóm ven sông. Cách trung tâm Agra không bao xa nhưng nơi đây thật yên ả. Những người phụ nữ trong xóm đang trộn phân trâu bò với rơm, nện thành những chiếc đĩa tròn nho nhỏ phôi khô để làm chất đốt. Những bán phân đó nằm ngay ngắn thẳng hàng như những đốm nâu nâu làm nền cho những chiếc saree nhiều màu chợt sáng hẳn lên trong chiều muộn.


Rồi tôi lại lên đường, hướng về “Vườn ánh trăng” Mehtab Bagh. Hoàng hôn sắp rơi trên Taj Mahal, trên dòng Yamuna rồi. Nhanh nhanh thôi!

backpackervn
16-01-2010, 09:23
(cont.)

Như đã hứa, đã thề… chiều nay tôi lại quay lại với Taj Mahal – những giữa chúng tôi đã bây giờ đã có 1 dòng sông ngăn cách!!!


Chiều đã về thật muộn trên dòng Yamuna. Tôi nhảy xuống rickshaw trước khi xe đến Mehtab Bagh, và đi len lỏi xuống con đường mòn nằm trong khu vườn cây mộc cao ngút ven sông. Tôi chọn đường này vì 2 lẽ, có vào Mehtab Bagh giờ này tôi cũng không còn thời gian xem ngắm vì mặt trời đã hồng rực chân trời, lý do thứ 2 là theo L.P, điểm ngắm hoàng hôn hoặc bình minh rơi trên Taj Mahal không cần tốn tiền và thoải mái nhất chính là trên bờ sông của dòng Yamuna! Lý do phụ là lý do chính!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260272.jpg
Quê nghèo


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260334.jpg
Chiều trên bến sông


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260267-1.jpg
Nhìn thật gần, Taj Mahal vẫn sáng trắng trong tinh khiết trong chiều


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260257-1.jpg
Nhìn xa, Taj Mahal đã nhuốm trong nắng vàng chiều hôm


Sông Yamuna mùa này cạn khô, để lộ 1 bãi cát xam xám nhờ nhờ chạy ngút ngàn. Nước sông đã chuyển màu xanh đen đùng đục với nhiều rác trôi trên sông và tấp nơi ven bờ, nhưng kiểu sông rạch này cũng không xa lạ lắm với cư dân Sài Gòn nên tôi cũng thấy bình thường. Chỉ thấy tội nghiệp con sông trong xanh, là con sông thiên đường ngày nào giờ bị con người nhẫn tâm hành hạ đến như vậy. Mà tôi cũng đến đây đâu phải để ngắm sông, tôi đến đây chỉ vì hoàng hôn rơi trên Taj Mahal thôi mà.


Bãi sông vắng lặng, lũ trâu bò đã rủ nhau về làng gần hết, chỉ còn 2 con nghé con lang thang cùng mấy chú bé quê lam lũ. Chắc chúng phải đi kiếm ăn ở đâu thật xa về vì bờ sông chỉ toàn là cát và rong bẩn nhờn nhợt. Bãi sông vắng tanh. Du khách lúc đầu chỉ có tôi và 1 bạn người Nhật. Còn các bạn khoai Tây thì ngồi trong Mehtab Bagh nhìn xuyên qua hàng rào kẽm gai dày đặc (!) để ngắm hoàng hôn Taj Mahal.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260255-1.jpg
Rồi Taj Mahal bắt đầu hồng lên trong ráng chiều


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260314-1.jpg
Yêu kiều soi bóng ven sông


Khi tôi đến, nắng vẫn còn vàng, cái nắng vàng cuối ngày đông hoang hoải vì sương bụi mù. Nhìn sang bên kia sông, ở góc này, có thể thấy Taj Mahal ánh lên sắc vàng dìu dịu, vòng sang hướng khác, lại thấy Taj Mahal trắng sáng tinh khiết, vòng sang hướng ngược với ánh sáng, chụp một tấm hình ngược sáng, lại thấy Taj Mahal mang một màu huyền bí khác.


(tbc.)

davidd
16-01-2010, 10:29
quá lâu rồi mới vào đọc lại bài của bpk, năm mới chúc bpk sức khỏe dồi dào và tiếp tục khám phá thành công mọi nẻo đường ở nhiều nơi trong năm 2010

davidd có lưu ý trang số 2 bpk nói về chùa linh sơn, nhưng hơi bị lạ là chữ hàn ko phải linh son tự

1. tấm hình đầu tiên có 2 dòng chữ hàn được dịch là :

niết bàn thánh địa ( chữ đỏ )
song lâm phật tự ( chữ đen )

2. tấm hình có chữ việt trước chánh điện - tấm thứ 2 có 2 dòng chữ hán được dịch là :

linh sơn tự ( tiếng việt - hàng thứ nhất )
đại hùng bảo điện ( hàng thứ 2 )
song lâm tự ( hàng thứ ba )


https://www.phuot.vn/showthread.php?t=4616&page=2

Chitto
16-01-2010, 10:47
1. tấm hình đầu tiên có 2 dòng chữ hàn được dịch là :
niết bàn thánh địa ( chữ đỏ )
song lâm phật tự ( chữ đen )

2. tấm hình có chữ việt trước chánh điện - tấm thứ 2 có 2 dòng chữ hán được dịch là :
linh sơn tự ( tiếng việt - hàng thứ nhất )
đại hùng bảo điện ( hàng thứ 2 )
song lâm tự ( hàng thứ ba )

Theo link này (http://www.phapluanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=405:thanh-tich-kushinagar-tt-ni-c-pht-nhp-nit-ban&catid=45:thangtich&Itemid=100) thì:

"Chùa Việt Nam (Tại đây)

Chùa có tên là chùa Linh Sơn, tiền thân của ngôi chùa này là chùa Trung Quốc có tên là chùa Song Lâm do một Ni sư người Hoa trụ trì. Sau khi Ni sư viên tịch, chùa được hiến cúng cho Hòa thượng Huyền Vi (lúc ấy là Viện chủ chùa Linh Sơn ở Pháp). Ngôi chùa được đổi tên là chùa Linh Sơn"

backpackervn
18-01-2010, 13:13
@ Davidd, cảm ơn lời chúc đầu năm của bạn! Chúc bạn năm mới thành công, thành công, đại thành công… và có nhiều chuyến đi hấp dẫn nghen! Cảm ơn câu thắc mắc của bạn luôn nghen! Có gì cứ “théc méc” tiếp nghen, vì có biết sai mới sửa được.

@ Chitto, cảm ơn câu trả lời và những thông tin quý báu của bạn. Nhờ đó, bpk bổ sung thêm được chút kiến thức.
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260316.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260278-2.jpg
Ráng đã hồng chân trời


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260281-2.jpg
Con đò nào sang ngang, có đưa ai đó vào xa vắng!!!???


Do tầm nhìn bên bãi sông rất rộng nên bạn có thể chiêm ngưỡng Taj Mahal từ nhiều góc độ và nhiều góc máy để thấy vẻ rạng rỡ đa cung bậc của “giọt nước mắt thiên thu diễm lệ”. Hix, và bạn cũng sẽ thấy đông đen những khách du trong đó. Sáng nay, tôi cũng đứng ở đó và nhìn sang bãi sông này một cách ơ thờ nhưng giờ tôi đã thấy mình may mắn. Trong đó chắc cũng có người nhìn sang sông thèm thuồng mấy thằng người bên kia sông đang thanh thản ngồi ngắm hoàng hôn, nhìn mặt trời chậm chậm rơi xuống Taj Mahal, xuống dòng Yamuna lững lờ trôi. Cũng thật hay là tôi đã quyết định nhảy dù chuyến sang sông ngắm hoàng hôn này, mà cũng không nhiều người thực hiện lắm, so với cả trăm ngàn khách viếng Taj Mahal mỗi ngày. Tối về, tôi mới biết là cả 3 đồng bọn của tôi đều không đến Mehtab Bagh kết thúc chuyến đi ở Baby Taj – dù điểm đến này các bạn đều biết và cũng dự tính là sẽ đi.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260290-1.jpg
Dòng sông hồng


Bầu trời mù sương khói của Agra cuối cùng lại có chút ít “điều tốt” – khi nó cản bớt ánh sáng, để mặt trời bây giờ trông như mặt trăng lửa đỏ rực – có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường. Và cũng nhờ lớp sương bụi mù đó, chút ánh sáng yếu ớt cuối ngày đã được khuếch tán thành một bầu trời hồng rực phủ trời tây, phủ lên Taj Mahal một màu hồng huyền hoặc dịu dàng.


(tbc.)

backpackervn
18-01-2010, 13:22
(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260314-2.jpg
Chút nắng cuối ngày đã gần tắt


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260328.jpg
Chỉ còn một nửa mặt trời!


Mặt trời đã xuống thấp lắm, gần chìm khuất rồi. Bầu trời đã sụp xuống theo. Dòng sông giờ lại đẹp mơ màng khi bóng chiều thẫm che đi những vết xấu xí mà con người đã đổ vấy lên nó. Taj Mahal giờ đang hồng rực, soi bóng xuống dòng sông, chợt lung linh khi có 1 con đò nhỏ rẽ nước đi ngang. Trên bãi sông, bầy quạ đen tiếc nuối một ngày đi, chưa chịu về tổ, đang cãi nhau chao chát cả trời chiều. Cũng may là trong bóng chiều hôm, trông chúng đỡ gớm guốc hơn lúc ban ngày và những chiếc bóng bay là đà của chúng đã tạo thêm những nét nhấn cho một bến sông quê, chiều buồn.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260331-1.jpg
TaJ Mahal trong chút ánh sáng cuối cùng của ngày


Bên kia sông, Taj Mahal giờ chợt bừng lên khi những tia nằng cuối ngày nuối tiếc vuốt ve những phiến cẩm thạch chưa chịu rời xa dù biết ngày mai sẽ gặp. Gió đêm trên sông bỗng về ùa về kéo theo cơn rùng mình – không biết vì nuối tiếc hay vì cái gì nữa, chỉ biết là cảm giác rất nghẹn, rất khó tả.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260323-2.jpg
Mặt trời đã chia tay Taj Mahal để ngày mai gặp lại, còn tôi thì đến bao giờ?



Tôi ngồi trong bóng đêm, khi quanh mình chẳng còn ai, khi Taj Mahal chỉ còn mờ mờ như ảnh ảo bên kia con sông Yamuna thì thầm chảy. Về đêm gió sông về nhiều và hanh hao buốt, làm lòng tôi đã lạnh càng thêm tê tái. Biết rằng không thể về trễ vì lý do an ninh và xe cộ, tôi vẫn cố nuối tiếc lần lữa, vì tôi biết rằng ngày gặp lại chắc nghìn trùng cách trở, muôn vàn khó khăn.…


Chia tay Taj Mahal. Khuya, tôi lại một mình rời Agra trong một đêm mùa đông nhiều gió lạnh. Gió trong lòng chắc nhiều hơn gió ngoài kia…

backpackervn
19-01-2010, 14:28
À trước khi kể tiếp về hành trình lang thang Ấn Độ, tôi chia sẻ với các bạn đi sau tý kinh nghiệm về việc đến “Vườn ánh trăng” Mehtab Bagh để ngắm bình minh hay hoàng hôn trên Taj Mahal. Lúc chiều, khi thả tôi xuống ở vườn cây ven sông, trước Mehtab Bagh, anh tài xế rickshaw có hỏi “mày có muốn tao chờ không”. Chủ quan vì nghĩ đây là khu du lịch sẽ có nhiều xe chờ, tôi bảo không, sau mới biết đó là sai lầm. Vì nơi đây hơi xa trung tâm Agra, du khách lại ít nên hầu như không có xe chờ khách. Hầu hết (auto)rickshaw đậu ở đây đều do khách yêu cầu ở lại chờ. Do vậy, khi tôi lững thững rời bãi sông để lên đường cái đi về, thấy có vài chiếc (auto)rickshaw, đến hỏi thăm thì đều biết là đang chờ khách, không còn chiếc nào trống cả. Hết cách, tôi bắt đầu cuốc bộ đi về. Đi một đoạn cũng xa xa rồi thì thấy có ánh đèn xe rồi một chiếc xe hơi đỗ kịch bên tôi. Té ra là cặp bạn già lúc chiều tôi gặp và tôi có tám chút chút ở trong lăng Chini-ka-Rauza, họ kêu tôi lên xe ngồi để đưa về. Hai bác này rất hay, 1 nam, 1 nữ, chỉ là bạn, đều cỡ trên dưới 70 tuổi, sống ở 2 nước khác nhau… vậy mà hẹn nhau đi du lịch chung, mỗi năm đều có đi ít nhất một lần. Họ rất tử tế, kêu tài xế đưa tôi đến tận khu balô, hỏi tôi có biết đường hay không, kêu ku tài xế chỉ đường cho tôi cẩn thận rồi mới quay về khách sạn của họ. Chính những sự giúp đỡ chân tình tôi hay gặp khi lang bạt giang hồ đã làm tôi ấm lòng, khích lệ tôi rất nhiều… trên những bước đường lang thang.



Đêm đó, tôi rời Agra đi Jaipur trên chuyến xe lúc 11pm. Chia tay Agra, cũng chia tay luôn nhóm bạn bè đi chung. Nói là đi chung nhưng hầu như chúng tôi chỉ chung xe, chung tàu, buổi sáng, buổi tối đi ăn uống chung chứ hầu như là cả ngày không gặp. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, đi chung có bạn có bè vẫn đỡ hơn là lủi thủi đi một mình. Nhất là sau một thời gian tương đối dài tôi đã đi một mình, vui mừng gặp được bạn bè để đi chung, giờ quay lại đi tiếp một mình trên đường… cảm giác thật khó tả. Các bạn tôi sẽ đi Varanasi, Bodh Gaya, Kharujaho… còn tôi sẽ đi về hướng Tây, rồi xuôi Nam, 2 hướng đi ngược nhau hoàn toàn. Bây giờ, về Sài Gòn đã hơn 1 năm rồi, tôi vẫn chưa gặp lại 2 bạn trong nhóm (!?), dù Sài Gòn cũng bé xíu, nhưng những khi ngồi trên những chuyến tàu xe tròng trành, tôi luôn nhớ đến những đêm Ấn Độ, cả bọn túm tụm trên tàu, nói những chuyện linh tinh về cuộc đời, cuộc sống, những ước vọng, những tham vọng của đời người, những chuyến đi…




https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB270494.jpg
Một chiều lộng gió trên thành Amber tôi ngồi mơ màng về một chiều sương biên cương…


Nói thêm, sub-topic này có tên hơi bị sến, tôi đã mượn lời trong một bài hát tôi rất yêu thích “Chiến sĩ vô danh”. Sở dĩ tôi gõ tên này là vì khi mở ra xem lại những bức hình của thành Amber, Jaipur, tôi nhớ mồn một buổi chiều muộn hôm đó, gió lộng bời bời, tôi ngồi một mình trên đoạn thành cao nhất trên pháo đài, trên đồi, nhìn thành Amber bên dưới uốn lượn chạy hun hút rồi chìm mất trong xa mờ. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ đến bài hát này, bây giờ cũng vậy. Có chút gì liên quan, thành Amber gợi nhớ đến biên cương?, chiều xa thẳm xanh mờ gợi nhớ 1 chiều sương vắng lạnh một đoàn người lặng lẽ đi?… chẳng biết nữa. Chỉ biết là tự nhiên tôi thích!



(tbc.)

Miên Nữ
19-01-2010, 14:45
... tôi nhớ mồn một buổi chiều muộn hôm đó, gió lộng bời bời, tôi ngồi một mình trên đoạn thành cao nhất trên pháo đài, trên đồi, nhìn thành Amber bên dưới uốn lượn chạy hun hút rồi chìm mất trong xa mờ. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ đến bài hát này, bây giờ cũng vậy. Có chút gì liên quan, thành Amber gợi nhớ đến biên cương?, chiều xa thẳm xanh mờ gợi nhớ 1 chiều sương vắng lạnh một đoàn người lặng lẽ đi?… chẳng biết nữa. Chỉ biết là tự nhiên tôi thích!
(tbc.)


Em Chou đây. Hình như cỡ tầm này năm ngoái anh về đến SG phải ko ta? 1 năm rồi - năm qua có vẻ là năm "hồi tưởng" anh ha. Tết năm nay anh lên đường nữa hay qua phà Cát Lái ăn Tết. Chúc anh dù đi đâu chân cứng còn cái gì cũng mềm hết cho dễ đi :D.

danngoc
19-01-2010, 21:26
Bác làm em thèm quá, em khoái lêu lổng bụi đời, mặc dù hơi ngán dịch vụ và độ sạch của Ấn Độ.

backpackervn
20-01-2010, 12:40
@ Chou, lâu quá không “gặp” hén! Ừ, mới đó mà đã hơn năm rồi. Thời gian đi nhanh quá, mà chẳng làm được gì hết! Năm nay á, chỉ có nửa năm sau là “hồi tưởng” thôi, chứ còn mấy tháng đầu năm bpk vẫn “nhảy dù” đi đây đi đó chút đỉnh. Từ lúc vác cày vác cuốc đi mần thuê cuốc mướn trở lại thì phải ngồi hồi tưởng, chứ biết làm gì hơn (!). Tết năm nay á, bọn đi mần mướn như bpk hình như cũng được chủ cho nghỉ hơi lâu lâu, nên sau khi sang sông ngắm mai Tết trong vườn quê, chắc cũng tranh thủ làm 1 vòng Đông Dương quá…


@ danngoc, đã đi du lịch bụi rồi, ai lại còn để mấy cái lèo tèo như “dịch vụ”, “độ sạch”… nó làm nhụt cái đam mê của mình. Lên đường đi bạn! (Sorry bạn nhiều là bpk còn nợ bạn một việc chưa xong, sẽ cố gắng xong sớm thôi, xin hứa, xin thề…!!!)
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::


(cont.)


Cũng ngồ ngộ, nói đến Jaipur người ta thường hay nhắc đến Pink City, vì những bức tường thành và cung điện màu hồng của nó, còn tôi thì lại nhắc đến thành Amber và 1 chiều sương gió biên cương… Chúng ta sẽ cùng khám phá thành phố thủ phủ của bang Rajasthan này nhé, để xem tôi gõ tựa đề sến và sai cỡ nào!?


Jaipur, còn được biết đến với cái tên Thành phố Hồng, là thành phố thủ phủ của bang Rajasthan, bang lớn nhất Ấn Độ, diện tích lớn hơn xứ An Nam một tý, 342 239km2. Nằm ở phía tây Ấn Độ, bang Rajasthan ôm luôn sa mạc Đại Ấn (sa mạc Thar) và giáp giới với Pakistan. Ngoài Jaipur, bang này còn sở hữu nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Jodhpur, Jaisalmer, Udaipur, Pushkar… chúng ta sẽ có dịp quay lại các nơi đó sau nghen.


Thực ra, lúc đầu tôi không thích Jaipur. Lý do là tôi còn đang choáng váng với Agra và Taj Mahal. Thêm nữa là cảm giác buồn khi chia tay bạn. Thêm nữa là hành trình nhọc nhằn và cái cách mà Jaipur “đón tiếp” tôi bạc bẽo. Thêm tý nữa là nếu chỉ gặp “Jaipur mới”, không có những di tích… bạn sẽ rất dễ dàng bỏ Jaipur mà đi.


Chuyến xe đêm lần chần mãi đến 11.30pm mới chạy và quăng tôi xuống Jaipur vắng tanh, lạnh ngắt lúc 5 giờ sáng ở 1 nơi tối thui lạ hoắc không phải là bến xe. Lần mò theo hướng ánh sáng xa xa, tôi tìm được đến bến xe Jaipur và bắt đầu định vị lại các vị trí, cung đường. Tôi uống hết 2 ly trà sữa ở quán cóc đầu bến xe, đã hơn 6am, trời vẫn tối. Gọi điện thoại đến 1 nhà trọ theo L.P, chủ nhà nói là còn phòng giá thấp, đến nơi thì nói chỉ còn phòng giá cao. Bực mình, lại vác balo đi tiếp. Đến 1 nơi khác, theo L.P, cũng bị đối xử tương tự. Lại đi tiếp, theo một chú xe ôm nhiệt tình dẫn đi thì mới OK. Nhà trọ sạch sẽ đàng hoàng, nằm trong khu chợ kim hoàn của Jaipur, cũng là khu cho dân du lịch balô, nên lúc nào cũng đông vui. Giá chỉ có 200 Rp/ngày, nên càng OK hơn nữa.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270335.jpg
City tour tại Jaipur, thông tin cho bạn nào không muốn tự khám phá nghen. Thấy giá cũng mềm.


Tôi bắt đầu khám phá Jaipur, Thành phố của Vinh quang, bằng cách cuốc bộ, đi theo con đường “walking tour” của L.P, nhưng để đến được điểm khởi đầu của con đường đó, tôi còn phải lội bộ dài dài qua các con phố của Jaipur. Cũng như tất cả các đường phố Ấn Độ tôi từng qua cho đến giờ (vì sau này tôi có gặp một Ấn Độ khác, không đông đúc, không ồn ã), những con phố Jaipur đông đúc, tấp nập, và bẩn.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270350.jpg
Chandpol Bazaar và Tripolia Bazaar nằm kế tiếp nhau bên dưới


Vào trong thành, tôi hướng đến con đường tấp nập nhất đi ngang qua khu chợ Chandpol Bazaar, rồi tiếp đến là Trpolia Bazaar để bắt đầu khám phá Jaipur từ trên cao. Tôi leo lên tòa tháp cao vút Isawari Minar Swarga Sal, nằm gần cổng Tripolia đi vào trong hoàng cung. Tòa minaret này được dựng bởi con trai của Jai Sigh, Iswari, người sau đó đã tự sát trong trận chiến với quân đội Maratha, 21 người vợ và phi tần, cung nữ của ông cũng đã nhảy vào lửa tự thiêu trong đám tang của chồng (!).



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270348.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270347.jpg
Jaipur bên dưới, Hồng thành và Hoàng cung xa xa


Leo mải miết trong cái cầu thang xoắn tối thui trong tòa tháp nhọn này, tôi bỏ lại Jaipur ồn ào bên dưới. Trên cao, gió mát lồng lộng, không khí im ắng, chỉ có tiếng vỗ cánh xào xạt của lũ bồ câu, chủ nhân chính thức không danh phận nơi này. Có thể gọi là vị trí cao nhất Jaipur, từ đỉnh tòa tháp bé xíu này bạn có thể phóng tầm mắt ra rất xa, thấy toàn bộ Jaipur tấp nập bên dưới, hoàng cung bên kia… và xa xa trên đồi cao là thành Amber nằm kiêu hãnh trong nắng sớm như mời gọi.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270338.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270337.jpg
Xa xa, thành Amber trong nắng sớm.


Chính từ nơi này, tôi đã bắt đầu đem lòng yêu Jaipur!


(tbc.)

backpackervn
21-01-2010, 09:06
(cont.)



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270352.jpg
Một cổng vào trong thành, gần Isawari Minar Swarga Sal nhất (còn nhiều cổng khác nữa)


Rời Isawari Minar Swarga Sal, tôi bắt đầu đi luôn vào trong hoàng thành, đi tìm cung điện hoàng gia, nhưng chưa kịp vào trong cung điện, tôi đã bị lôi cuốn bởi cái vườn thiên văn lạ lẫm nằm ngay ở con đường trước khi rẽ vào hoàng thành. Đây cũng là lần đầu tôi ghé thăm một vườn thiên văn.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270355.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270356.jpg
Các “máy móc” đo thời gian trong vườn thiên văn Jantar Mantar


Những ngày xa xưa còn nhỏ, tôi cũng thường leo lên sân thượng ngồi một mình ngắm trời đêm, nhất là những đêm mùa hè nóng nực không ngủ được vì cúp điện (!). Lớn lên, may mắn được đi đây đi đó, được diễm phúc ngắm sao nơi rừng suối núi biển… tôi vẫn nhớ những ngày đếm sao lúc ngày còn dại, còn ngây đó. Chẳng biết là nhà thiên văn Jai Singh này có mê ngắm sao, đếm sao như tôi hay không (!?) mà ông đã dựng nên 1 cái vườn thiên văn đẹp lạ này. Mà chắc ông còn yêu trời sao hơn tôi vì khu vườn này, ngoài việc ngắm sao còn có ngắm mặt trời, ngắm nắng… nữa.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270357.jpg
Một đồng hồ mặt trời


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270358.jpg
Một cụm các đồng hồ mặt trời và các công cụ đo thời gian khác… trong Jantar Mantar. Còn xa xa là Amber Fort.


Jantar Mantar, tên của vườn thiên văn, được Jai Singh, vị vua dòng Rajputs của vùng đất hào hùng Rajasthan, nhà chiến binh vĩ đại, cũng là nhà thiên văn tài ba, xây dựng vào năm 1728. Mới nhìn sơ qua, nơi đây giống như nhà bảo tàng hay khu trưng bày của nghệ thuật sắp đặt, với các tác phẩm vĩ đại nhưng sắc xảo… Và thực ra, nếu bạn không bỏ thêm tiền để các anh chàng tour-guide giải thích, phân tích rõ từng dụng cụ, cách sử dụng, kết quả như thế nào thì có lẽ, cũng như bpk, bạn sẽ nghĩ vậy!



(tbc.)

backpackervn
21-01-2010, 09:08
(cont.)


Đó chỉ là lúc đầu thôi. Nhưng sau khi lon ton đi sau 2 bạn khoai Tây, nghe lỏm anh HDV giới thiệu, hướng dẫn cách nhìn vào cái đồng hồ đá, nhìn lại giờ trong cái điện thoại, mới giật mình là thấy sao mà nó chính xác đền vậy mới bắt đầu rón rén đi theo sau các nhóm khách để nghe lén. Hix! Tiết kiệm cũng là cái tội…



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270385.jpg
Giờ giấc ở “đồng hồ lớn” này gần y chang với đồng hồ trong điện thoại!!!


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270375.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270373.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270377.jpg
Các “công cụ” đo thời gian khác


Những ngày này, ở Jaipur nắng dữ dội. Do trời ít ô nhiễm hơn Agra, Delhi và cũng đã gần đến vùng đá núi, sa mạc nên cái nắng ở đây rất rực rỡ. Thêm nữa, cách tô vẽ, sơn phết ở Jaipur này rất nhiều màu, do đó mọi thứ cứ sáng đến lóe mắt cả lên dưới bầu trời xanh, mà tôi rất mừng rỡ khi được gặp lại sau những ngày Agra khói bụi mù sương. Và cũng do vậy, khu vườn thiên văn này khi có nắng chiếu vào lại càng rực sáng – lại càng giống như một khu trưng bày nghệ thuật sắp đặt.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270381.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270382.jpg
Vườn nghệ thuật hay vườn thiên văn


Lon ton theo chân một đoàn các em bé học sinh vào tham dự giờ ngoại khóa tại đây. Mắt tôi cũng xoe tròn như các em, nhưng theo 1 ý nghĩa khác, khi nghe, biết thêm chút chút về vườn thiên văn này. Tôi ngạc nhiên vì quá khứ rực rỡ hào hùng của Ấn Độ. Từ thời xa xưa đó, bằng những công cụ đơn giản mà các nhà khoa học đã dự báo, đã làm được bao điều. Còn bây giờ, đến Ấn Độ, bạn sẽ chạnh lòng lắm. Là cường quốc tin học, công nghệ thông tin, khoa học hạt nhân phát triển… đâu chẳng biết chứ hầu như ai đến Ấn Độ cũng sẽ chạnh lòng trước khự khốn khó và cuộc sống (chung) quá đỗi ngặt nghèo của người dân đen nơi đây. Nhất là khi đang ở trong vườn Jantar Mantar lấp lánh những ánh hào quang của tri thức, bước ra ngoài một Ấn Độ ồn ào, nhiều bụi bẩn, nhiều những ồn ã bon chen… ngoài kia…


(tbc.)

backpackervn
21-01-2010, 09:10
(cont.)


Bằng cách dựa vào sự di chuyển của mặt trời theo các mùa và dùng bóng nắng, Jai Singh đã làm ra cơ man nào là những công cụ để sử dụng theo nhiều mục đích tính toán về thời gian, tính toán đường đi của mặt trời, mặt trăng, của thiên hà…. Trong đó ấn tượng nhất là một thước đo cao 27m của 1 đồng hồ mặt trời to nhất trong khuôn viên Jantar Mantar, có lẽ là thước đo giờ chính xác nhất vì cái bóng của nó di chuyển đến dài đến 4m cho mỗi giờ.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270363.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270365.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270369.jpg
Đồng hồ lớn với “kim đồng hồ” cao 27m


Mà đâu phải ông chỉ xây 1 vườn thiên văn này đâu. Ông đã xây dựng tất cả 5 cái, ở Delhi, Varanasi,… nhưng trong đó, cái ở Jaipur này là hoành tráng nhất, được giữ gìn kỹ nhất cũng như đã được phục chế tốt nhất. Nếu bạn nào không có điều kiện đến Jaipur, cũng có thể tham quan vườn thiên văn này ở Delhi, nghe nói cũng còn khá tốt.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270367.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270383.jpg
Đẹp như nghệ thuật sắp đặt – trong nắng xanh ngời


Ngồi trong bóng nắng, nhìn Jantar Mantar tôi thầm phục về tài hoa xưa của người Ấn, không chỉ có các lâu đài, lăng mộ Mughal diễm lệ mà còn rất nhiều, rất nhiều những công trình, di sản khác đã được xây dựng to lớn và tỉ mỉ, chuẩn xác từ thời xa lắc xa lơ…

(tbc.)

backpackervn
21-01-2010, 12:13
(cont.)


Rời Jantar Mantar, tôi bắt đầu thêm yêu thích thành Jaipur là lạ này. Nói nào ngay, đi du lịch (bụi) ở Ấn Độ là một trong những việc có thể giúp bạn luyện tập để trở nên “trầm tính” rất tốt. Vì nếu nhụt chí, nếu nóng lòng, nếu mau hờn nhanh giận,… chúng ta có thể sẽ bỏ qua, lướt vội qua nhiều điều thú vị hiếm gặp trên đời.


Và đây cũng là 1 việc hiếm gặp trên đời, ngồi bên cạnh các chú rắn hổ mang chúa đang phì phò nhìn thẳng vào mắt mình, muốn đớp mình một cái (!?).


Ai trong chúng ta khi còn bé lại không thích xem phim,đọc sách kể về xứ xở ngàn lẻ một đêm hay xứ Ấn Độ huyền bí với những người nghệ sĩ rong thổi sáo trên phố, dụ dỗ những chú rắn hổ mang từ trong giỏ bò ra, phùng mang trợn mắt và đu đưa lắc lư theo điệu nhạc. Nghe nói là vậy, nhưng đi Ấn từ bữa đến giờ tôi cũng chưa thấy, xem nhiều hình trên mạng cũng chưa thấy cảnh bạn nào chụp hình chung với rắn hổ mang ở Ấn Độ cả. Hơi ngạc nhiên, tôi tưởng là việc này đã thất truyền rồi, nhưng đến giờ tôi mới biết tại sao. Sợ!!!



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270386.jpg
Người nghệ sĩ nghèo nơi góc phố, giống bước ra từ trong cổ tích


Khi vừa lơn tơn rời Jantar Mantar, tôi xông tới ngay góc thành, nơi có người nghệ sĩ Ấn đang thổi sáo dụ dỗ những chú rắn bò ra khỏi giỏ, đong đưa theo tiếng sáo dặt dìu. Người nghệ sĩ sau đó có mời gọi người xem (chủ yếu khách du lịch, trẻ con và nhất là các bạn khoai Tây) vào ngồi gần bên để chụp hình. Thấy mọi người chần chừ, tôi xông vào ngồi phịch xuống kế bên người nghệ sĩ. Lúc này, hết nhạc, mấy con rắn còn nằm ngoan trong giỏ, nên chưa thấy cảm giác gì, nhưng khi tiếng sáo cất lên, mấy cái đầu rắn bắt đầu thò ra, rồi vươn cao, rồi phùng mang, rồi cái lưỡi dài thòng lòng thò ra thụt vào, rồi phun phì phì, rồi cái đầu nó hướng về mình (có lẽ phát hiện người lạ, mùi lạ), nhìn căm hờn (!?) hay thèm thuồng (!?)… trời ơi cũng teo quá chừng luôn. Tuy vậy, tôi cũng ráng hết sức giả bộ bình tĩnh, cười mấy cái để ku khoai Tây đứng ngoài chụp hình giùm bấm tanh tách, rồi bắt đầu ngồi yên chịu trận.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270388-1-1.jpg
Con thì nhìn thẳng vào mặt, con thì nghía cái giò, thích cái nào thì chơi đi chứ!!! Không còn cái hình nào khác thể hiện tính
“anh hùng dũng cảm” đành cắt tới cắt lui rồi post tạm hình này lên. Hix! Màu sắc của bpk cũng sến “hài hòa” giống Ấn Độ ghê hén!!!


Pà mẹ Việt Nam anh hùng ơi, khi chú ấy thổi xong xong bài nhạc, chỉ vài phút mà tưởng chừng dài cả thế kỷ, mấy con rắn ngoan ngoãn chui lại vào giỏ tôi mới thở phào nhẹ nhõm, đứng lên từ từ (sợ đứng mạnh kích động đến chúng, chúng phóng ra làm cho một phát (!) thì toi) gửi chút tiền còm cho anh nghệ sĩ rồi dọt lẹ. Bọn khoai Tây mặt mày xanh lét cứ nói sao mày gan thế, không sợ chết à, mày… Sợ chứ, sao không, nhưng vẫn cứ mạnh miệng nói xạo với các cô chú là “tao quen rồi, xứ tao nhiều người còn cưa bom nữa chứ nhằm nhò gì mấy trò lẻ tẻ cỏn con này!”. Nghe nói, sau vụ này, các chú Hồi Giáo cực đoan khủng bố có qua Việt Nam tuyển người. Tuyển được bao nhiêu thì chưa biết, nghe nói cũng còn đang tìm, bạn nào có nhã hứng thì đâm đơn hén… Tôi thì được tuyển thẳng nhưng đã từ chối!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! :T



(tbc.)

conan
21-01-2010, 12:41
Dòm bpk cũng trẻ trung trai tráng đấy chứ, khác nhiều so với tượng tượng là một bác già lụ khụ, tóc muối tiêu, chán cảnh thế thái nhân tình nên suốt ngày lang thang đây đó.hahaha.

danngoc
21-01-2010, 13:30
Quần bác hơi bị dày, với lại đi mấy tháng không giặt thì hổ thật nó cũng sợ chứ đừng nói hổ mang :)

Em kinh nghiệm với lũ khoai tây là mình luôn liều mạng và điên rồ hơn lũ chúng nó, lũ gà tây chứ không phải khoai tây :Dam

backpackervn
22-01-2010, 14:05
@ conan! Nghĩ sao dzậy? Nghĩ sao mà bpk là “bác già lụ khụ, tóc muối tiêu, chán cảnh thế thái nhân tình…”. Bạn phải bị :T . Mà không biết có ai nghĩ dzậy nữa hông ta? Nếu dzậy phải tìm cách đính chính rồi!

@ danngoc! Nghĩ sao dzậy? Đi bụi không có nghĩa là ở dơ à nghen! Bạn nhìn cái quần còn xanh ngời của bpk mà nói là mấy tháng không giặt là sao. Bạn cũng đáng bị :T . Nói là đi bụi chứ bpk “vệ sinh an toàn” lắm đó. Trong balo của bpk lúc nào cũng có gói Omo, mà đôi lúc qua biên giới quên vứt đi, cứ bị mấy anh biên phòng tưởng là hàng trắng hoài luôn đó.
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::::::::::::::::

(cont.)


La cà sáng giờ cũng hơi lâu, chưa kể mấy cái đoạn tôi lội vô chợ, lê la hàng quán kiếm gì lót dạ vì từ tối qua giờ chưa ăn gì… nhìn lại đồng hồ chợt giật mình. Vội vàng tăng tốc chạy vào cung điện hoàng gia Jaipur.


Không nằm trong đế chế Mughals, vùng Rajasthan vẫn do các lãnh chúa kiêu hùng dòng Rajputs thống trị và do đó tín ngưỡng, cũng như kiến trúc ở vùng này là Hindu, chứ không phải là Mughal hay Muslim. Do vậy, chỉ từ 1 xứ sở lộng lẫy các đền đài Mughal, sau một đêm, bạn sẽ lạc vào 1 xứ sở khác, với những kiến trúc đa dạng nhiều màu sắc chứ không chủ yếu dựa trên sa thạch đỏ hay cẩm thạch trắng của kiến trúc Mughal.


Được xây dựng bởi Sawai Jar Singh II vào 1729-1732, Cung điện Hoàng gia là một phức hợp gồm nhiều lâu đài, các khu vườn, khoảng sân… Bức thành bên ngoài cung điện lúc trước được xây dựng bởi Jai Singh và cũng được phục chế, bổ sung vào đầu thế kỷ XX. Kiến trúc hiện nay của cung điện đã có thay đổi so với lúc mới xây dựng, một số yếu tố đặc trưng của kiến trúc Mughal cũng đã được đưa vào, phối trộn với kiến trúc Rajasthani ban đầu.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270406.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270398.jpg
Thành hồng trong cung điện


Lịch sử lâu đời của cung điện hoàng gia gắn liền với lịch sử của thành Jaipur và các vị lãnh chúa trị vì. Bắt đầu là Jai Singh II, người trị vì thành Jaipur từ 1699-1744. Ông là người khởi xướng việc xây dựng cung điện hoàng gia ở đây, chính xác là dời từ thành Amber về vì lúc này, vương triều Mughal đang suy yếu, trong khi đó, các lãnh chúa Jajputs lại hùng cứ trời tây. Ông dời kinh đô từ Amber đến Jaipur vào 1727 cũng có thêm lý do là dân số kinh đô phát triển mạnh nhưng vùng Amber là đồi núi đá nên hiếm hoi nguồn nước. Jaipur được xem như là thành phố đầu tiên ở Ấn Độ được quy hoạch rõ ràng, hiện đại theo mô hình như ngày nay. Jai Singh đã quy hoạch Jaipur thành 6 khu vực, phân cách nhau bởi các đại lộ thẳng băng. Ngày nay, khi vào khu Old Jaipur, nằm quanh cung điện Hoàng gia, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270418.jpg
Những hành lang hun hút trong cung điện



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270433.jpg
Tháp đồng hồ trong cung điện, có thể thấy từ rất xa


Sau khi Jai Singh băng hà năm 1744, có nhiều xung đột diễn ra giữa các lãnh chúa Rajputs trong vùng Rajasthan. Tuy vậy, họ đều giữ được hòa khí với Anh quốc. Năm 1876, để đón tiếp 1 hoàng tử xứ Wales, tất cả các bức tường trong cung điện Hoàng gia đều được sơn màu hồng. Kể từ đó Pink City trở thành “thương hiệu” của Jaipur, và tất cả các thế hệ sau của vương triều cũng như dân chúng đều cố gắng gìn giữ điểm đặc biệt này của Jaipur. Jaipur vẫn giữ nguyên là lãnh thổ riêng của các lãnh chúa Rajputs cho đến lúc gia nhập vào Cộng hòa Ấn Độ năm 1949, cùng với các vùng khác như Jodhpur, Jailsamer… và Rajasthan trở thành bang lớn nhất của đất nước này.


(tbc.)

backpackervn
22-01-2010, 14:10
(cont.)




https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270437.jpg
Cổng phụ Udai Pol


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270436.jpg
Thành thứ nhất của cổng phụ Udai Pol


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270438.jpg
Thành thứ 2 của cổng phụ Udai Pol


Có 3 cổng để đi vào trong cung điện. Cổng Tripolia chỉ dành cho hoàng gia và các nhân viên phục vụ trong đó. Cổng Udai Pol ít được đi vì nó nằm xa các điểm tham quan, cũng như không nằm trên trục đường chính Jantar Mandar, Cung điện hoàng gia. Đi vào từ cổng Virendra Pol (gần với Jantar Mandar) chủ yếu dành cho khách du lịch, bạn sẽ gặp ngay Cung tiếp đón Mubarak Mahal rực rỡ đón chào.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270390.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270394.jpg
Cung tiếp đón Mubarak Mahal


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270392.jpg
Một bảo tàng khác, kế bên, cũng là nơi giới thiệu sống động các hoạt động của các nghệ nhân


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270395.jpg
Đang dệt thảm


Cung này hiện giờ đang được sử dụng như 1 bảo tàng nhỏ. Được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX do Lãnh chúa Sawai Madho Singh II, cung điện này là sự phối hợp giữa kiến trúc Islamic, Rajput & European. Chính xác, giờ tên của Cung tiếp đón là Bảo tàng Maharaja Sawai Mansingh II. Trong bảo tàng trưng bày trang phục và các loại khăn choàng của Hoàng gia qua các thời kỳ. Điểm nổi bật trong bảo tàng là trang phục của Lãnh chúa Sawai Madho Singh I. Ối trời đất ơi, ông nặng đến 250kg, bề ngang đến 1,2m và có đến 108 bà vợ!!! Do vậy, bạn sẽ thấy bộ trang phục của ông hoành tráng cỡ nào – nhưng bạn phải tưởng tượng thôi, vì như hầu hết các bảo tàng, ở đây không cho chụp hình.


(tbc.)

backpackervn
22-01-2010, 14:13
(cont.)



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270431.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270432.jpg
Cổng vào Diwan-i-Am, mặt ngoài


Đi tiếp vào bên trong, quan một cánh cổng đẹp rực rỡ các điêu khắc trên đá cẩm thạch trắng, bạn sẽ vào sân trong, với các cung Diwan-i-Am; Diwan-i-khas và cả 1 cái bảo tàng nhỏ trưng bày các vũ khí của các chiến binh Rajasthan dũng mãnh ngày xưa vang tiếng. Rất nhiều những loại giáo mác nhọn bén, đến cả những khẩu súng thô sơ,… đều được trưng bày ở đây. Ở đây còn có nhiều loại vũ khí rất lạ mà nếu chỉ nhìn không, chúng ta vẫn chưa thấy hết công năng của nó. Nghe nói rằng khi đâm vào người và kéo ra, nó có các tác dụng khác nhau và tính sát thương rất dữ dội (!). Có điều, bây giờ, đặt trong 1 cung điện màu hồng, xung quanh cũng là những bức tường màu hồng (hơi diêm dúa) nên nhìn thấy chúng có vẻ “yểu điệu thục nữ” làm sao ấy. không giống như khi chúng đang nằm trên tay các chiến binh Rajasthan máu me đầy người đang dũng mãnh xung trận.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270405.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270404.jpg
Chiến binh Rajasthan


Khác với các Diwan-i-Am, Di-wan-ikhas ở Red Fort, Agra Fort, 2 cung này ở đây không được xây bằng sa thạch đỏ hay cẩm thạch trắng mà chỉ xây bằng gạch đá bình thường và quét vôi hồng rực rỡ. Bên trong cung Diwan-i-Am (Hall of Public Audience, Sabha Niwas) là nơi trưng bày các tranh tượng về các câu chuyện về các huyền thoại của các vị thần Hindu. Khác với các tranh tượng thần Hindu hoành tráng ở nơi khác, các tranh tượng ở đây có kích thước nhỏ bé, khiêm tốn, để dễ mang đi hay cất giấu trong những cuộc chinh chiến của các vị vua Hồi giáo Mughal.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270420.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270421.jpg
Bảo tàng vũ khí như bảo tàng nghệ thuật, khác với bảo tàng vũ khí ở….


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270425.jpg
Và dĩ nhiên là bpk cũng có 1 tấm, với “hào quang đen” toả sáng (!?) như anh chàng này!



(tbc.)

backpackervn
23-01-2010, 11:15
(cont.)



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270407.jpg
Mặt trong của cổng vào Diwan-i-Am, Diwan-i-khas với màu hồng rực rỡ.


Diwan-i-khas nằm giữa bảo tàng vũ khí và bảo tàng nghệ thuật. Ở đây, có 2 cái bình bằng bạc cao 1,6m, chứa đến 4000 lít nước và cần nặng 340kg là kỷ lục Guiness là bình bằng bạc lớn nhất thế giới. Những chiếc bình này được làm do lãnh chúa Sawai Madho Singh II, người sùng đạo có tiếng. Ông đã dùng bình này chứa nước lấy từ sông Hằng để dùng cho chuyến đi đến Anh của ông vào năm 1901 vì ông sợ rằng nguồn nước ở Anh không được trong sạch (!?). Bình này còn có tên là “Bình nước sông Hằng” vì nguyên nhân này.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270401.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270402.jpg
Diwan-i-Am (Hall of Public Audience, Sabha Niwas)


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270424.jpg
Diwan-i-khas, bạn có thấy cái bình bạc lấp ló.


(tbc.)

backpackervn
23-01-2010, 11:19
(cont.)



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270422.jpg
Cổng vào Pitam Niwas Chowk



Lại qua một cái cổng huyền bí nữa, vào trong nữa bạn sẽ thấy Pitam Niwas Chowk, nằm trước cung điện Chandra Mahal của các vị lãnh chúa Jaipur. Pitam Niwas Chowk là 1 khoảng sân rộng, với 4 cánh cổng tượng trưng cho 4 mùa xuân hạ thu đông. Trên cánh cửa trang trí bởi những chú chim công sặc sỡ điêu khắc sinh động như chúng đang nhảy múa trên đó – là cánh cửa mùa đông. Cánh cửa trang trí hoa sen tượng trưng cho mùa hè, hoa hồng tượng trưng cho mùa đông (!?) và cánh cửa màu xanh, với những con sóng – tượng trưng cho mùa xuân.




https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270409.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270411.jpg
Pitam Niwas Chowk với 4 cánh cổng nhỏ tượng trưng cho 4 mùa, đây là hoa sen, mùa hè


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270417.jpg
… nhưng có lẽ dễ thấy nhất, rực rỡ nhất là cổng mùa đông, với chim công.


Sau khoảng sân này là tòa lâu đài 7 tầng Chandra Mahal, nơi cư ngụ của các lãnh chúa. Khách tham quan không được vào trong vì hiện nay, dòng dõi các vị lãnh chúa Rajput vẫn đang sinh sống trong đó. Trên đỉnh lâu đài có 1 lá cờ, nếu bạn thấy nó đang bay phất phới có nghĩa là vị “lãnh chúa” đang có mặt trong đó, nếu nó không bay thì ngài đang đi đâu đó bên ngoài.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270413.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB270412.jpg
Chandra Mahal, chán nhất là những tấm mành tre che nắng và những cái aircon làm xấu đi cả cung điện


Lang thang chán chê trong cung điện, lê lết mỏi mòn trong những bức tường hồng rực rỡ, tự nhiên thấy ai cũng dịu dàng (!). Sợ quá, tôi bỏ chạy, lang thang tiếp, đi tìm lâu đài gió của tôi.



Trưa Jaipur – nắng hôm nay sao quá xanh!


(tbc.)

paper
23-01-2010, 20:45
(cont.)

P/S: Tip cho bạn: Nhân nhắc đến chuyện cò mồi ở Varanasi, bạn có biết tuyệt chiêu tôi sử dụng trong thời gian ở Varanasi không? Nếu im lặng mãi vẫn không từ chối các cò được, tôi cứ lắc đầu và “No speak Enghlish!” rồi bỏ đi. Chiêu này rất hiệu quả vì tất cả các bạn cò mồi từ bán cần sa, đến massage, đến đi thuyền, đến… đều bắt đầu bằng câu chào “Where are you from? How are you doing?....” Rồi sau đó là gạ gẫm đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, mà cứ đi 3 bước là gặp. Do vậy, nếu không có ý định làm phóng sự tìm hiểu cuộc sống nơi đây thì tốt nhất nên thô lỗ 1 tý, từ chối cuộc giao tiếp ngay từ đầu. Thật đó. Thêm 1 màn nữa là ở đây, sau câu chào là họ đưa tay ra bắt tay mình, mà mình có biết tay họ sạch hay không sạch, nhất là ở thời buổi vi trùng virus, cúm chim, cúm heo... này nữa. Do vậy cứ bơ bơ giả vờ lơ ngơ như con gà mái tơ, rồi lượn, là yên thân.


(tbc.)

Cái này mình cũng từng thử ở Campuchia. Lúc đầu là do lân la qua một ngôi chùa Cam ko có trong LP, cho nên lúc về ko tìm được người lái xe nào biết khu mình ở (đã đưa card nơi đó cho họ) cũng ko ai hiểu mình định nói gì, thế là quýnh quá chuyển từ tiếng Anh sang...tiếng Pháp, vì nghe nói bên đó từng là thuộc địa của P, nằm trong cộng đồng P ngữ....

Cuối cùng cũng ko ai biết tiếng P, kết luận là hoặc English hoặc ko gì cả. Lặn lội mãi mới về đc tới nơi, nhưng nhờ đó mà từ hôm sau nghĩ ra đc một cách tránh các bạn hàng rong. Họ nói tiếng Anh, mình xài tiếng Pháp trả lời ko biết (thực ra có lẽ cứ xì xồ gì cũng đc).

Vậy là các bạn...im re. Khỏe :))

hanhlienta
25-01-2010, 11:49
(cont.)



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260255-1.jpg
Rồi Taj Mahal bắt đầu hồng lên trong ráng chiều


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB260314-1.jpg
Yêu kiều soi bóng ven sông

(tbc.)

Bpk ơi, cho mình hỏi tí xíu.
Mình đang ngâm cứu các tip chụp ảnh hoàng hôn Taj bên dòng Yamuna.
Mình có "nguyện vọng" chụp một tấm Taj soi bóng xuống sông nhưng lại có ánh mặt trời chiếu vào Taj chứ không muốn chụp bóng Taj màu đen.
Mình xem kĩ 2 bức ảnh này của Bpk thì thấy 1 tấm chụp Taj có ánh mặt trời chiếu vào nhưng lại không thấy sông nên không có bóng soi xuống sông.
Tấm thứ 2 thì Taj soi bóng xuống sông nhưng lại bị ngược sáng nên bóng Taj hiện lên màu đen.
Ở điểm Bpk nhảy xuống chụp có góc nào thỏa mãn được mơ ước của mình không Bpk? Chỉ giúp mình với nhé. Cám ơn Bpk nhiều nhiều (beer) .

backpackervn
25-01-2010, 16:03
@ hanhlienta (và 1 bạn trước đây có hỏi nhưng bpk trả lời chưa thật chi tiết – sorry, bpk thật đáng bị :T ), theo bpk thì có thể được, không khó lắm đâu.


Nói về Hoàng hôn trước nhé: Tấm hình ở bên trên là bpk chụp ngay khi vừa bước từ trong rừng cây ven sông ra. Bpk chụp liền, lúc còn đang ở trên bãi cát, cách mép nước rất xa nên sẽ không thấy dòng Jamuna và Taj Mahal soi bóng trong đó. Tiếp đó, bpk lại rẽ trái vừa đi xuôi xuống, vừa tiến ngang ra sát mép nước để chụp ngược sáng (tấm ở dưới), vì bpk muốn lấy cảnh hoàng hôn và mặt trời. Nhưng nếu lúc đó, khi xuống bờ sông mà hanhlienta rẽ phải, đi về phía mặt trời (bên tay phải) và hướng ra mép nước sát dòng sông, thì sẽ chụp được cảnh nắng chiều chiếu vào Taj Mahal đang soi bóng ven sông.


Nói về Bình minh: Nếu hanhlienta đến đó vào bình minh, thì ở vị trí bpk đang đứng chiều hôm đó (rẽ trái khi đi xuống bờ sông, cũng là đi về hướng đông, hướng mặt trời mọc) sẽ chụp được hình mặt trời chiếu vào Taj Mahal đang soi bóng xuống dòng Yamuna. Hanhlienta cứ tưởng tượng là mỗi ngày mặt trời sẽ đi từ cái toà jawab bên tay trái sẽ đi sang tòa thánh đường Hồi giáo (bên tay phải trong khung hình). Cứ thế mà canh.


Ngoài ra, hanhlienta cũng phải cân nhắc 1 tý là khúc sông đó (như trong hình), ở đoạn sông mà bpk đã rẽ bên tay trái để đi và chụp hình, thì nó mở rộng (xem hình cũng thấy), còn nếu rẽ về tay phải, đi xuôi về hướng mặt trời buổi chiều (như trong hình bpk chụp) thì sông hẹp hơn, nên bóng soi xuống sông “chắc” không đẹp, ít hoành tráng. Do vậy, bpk nghĩ là nếu được, hanhlienta nên đi đón bình minh (gợi ý, không xúi giục nghen) chụp hình Taj Mahal ở ngay vị trí đứng bpk chụp hình đó thì sẽ thấy được Taj Mahal có mặt trời chiếu vào và đang soi bóng bên dòng Yamuna luôn.


Bpk vì đi đến đó muộn quá nên giữa hai thứ phải chọn một thì bpk đã chọn hoàng hôn và mặt trời. Hơn nữa máy cùi bắp nên phải đi thật xa mới lấy hết khung hình, lại lọt mất dòng sông. Nếu bạn có máy tốt, đến sớm và tung tăng đi về cả 2 phía thì sẽ chụp được nhiều hình đẹp. Hay là bạn đến đó cả bình minh và hoàng hôn luôn, cũng chẳng tốn kém gì nhiều, tiền xe rickshaw cũng chỉ 2-3 USD đi từ Agra Fort sang, đi từ khu balô thì chắc còn rẻ hơn nữa.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB260284.jpg
Bạn xem kỹ lại khúc sông này, cái đoạn nó thắt eo lại. Thêm nữa, bpk thấy có bến đò từ Taj Mahal qua sông. Đến Agra kỳ này, bạn thử tìm hiểu xem cái bến đò đó nằm ở đâu, nếu đi dễ và giá hợp lý thì nên đi vì sẽ tiết kiệm thời gian hơn đi rickshaw rất nhiều (phải đi vòng sang cầu rồi vòng lại, rất xa).



Chúc bạn chụp được nhiều hình đẹp và 1 chuyến đi nhiều thành công nghen!

hanhlienta
25-01-2010, 16:37
Hihi nhiệt tình chia sẻ của Bpk thật là hiếm có, mình tặng (beer) (beer) (beer) còn chưa đủ để cảm ơn, làm sao dám :T cơ chứ :D.
Đợt này mình dành tới 2.5 ngày ở Agra, chỉ định đi Taj, Agra Fort, Fatehpur Sikri và lê la hội chợ Taj Mahotsav nên chắc là có nhiều thời gian để tìm hiểu, nhất định sẽ "báo cáo" với Bpk bằng hình ảnh sau khi đi về (c).
Cho mình xác nhận lại, cái chỗ mà Bpk nhảy xuống đó là ngay cạnh Metah Bagh (Moonlight Garden) đúng không? Vậy mình cứ nói rickshaw đưa tới Metah Bagh là được hen?

Anh Già
25-01-2010, 22:17
Em hanhlienta muốn chụp hình refliection soi bóng nước đẹp thì nên :
- vác chân máy đi theo
- lắp thêm ND filter (cho ống kính tối đi) loại càng tối càng tốt để khi chụp ban ngày cũng kéo dài được thời gian mở ống kính . Thời gian càng dài thì reflection trên mặt nước càng rõ và càng đẹp.

PS: sorry vì lạc đề một chút!

hanhlienta
26-01-2010, 08:21
Em hanhlienta muốn chụp hình refliection soi bóng nước đẹp thì nên :
- vác chân máy đi theo
- lắp thêm ND filter (cho ống kính tối đi) loại càng tối càng tốt để khi chụp ban ngày cũng kéo dài được thời gian mở ống kính . Thời gian càng dài thì reflection trên mặt nước càng rõ và càng đẹp.

PS: sorry vì lạc đề một chút!

Lại phải sorry bạn Bpk vì làm lạc chủ đề của topic :D.
Cám ơn Anh Già hướng dẫn em. Em sẽ mang tripod theo anh ạ, chủ yếu vì muốn chụp nội thất các ngôi đền vì sợ thiếu sáng thôi, chứ em thân gái đi lang thang mà mang vác nhiều nghĩ cũng ngại quá. Mấy lần trước em đi mang con Manfrotto dù chụp thì sướng nhưng mang nặng đau đớn. Lần này chắc kiếm một con tripod tàu lởm chút nhưng nhẹ, vì chắc cũng ít sử dụng, lại có thể làm gậy tự vệ trong trườg hợp cần thiết :Dam.
Còn filter thì em chưa dùng bao giờ, để em nghiên cứu cách sử dụng đã AG ơi. Em chụp ảnh low-tech lắm, chưa chịu khó nghiên cứu kĩ thuật và đầu tư đồ nghề pờ rồ như AG đâu. Em có mỗi con máy Nikon D40x và một lens 18-200 chụp đủ thứ trên đời :D .

Anh Già
26-01-2010, 10:03
Đừng mua tripod lởm phí công mang, bán Manfrotto đi rồi vào ebay mua con Benro (http://cgi.ebay.com/New-Benro-C-169-M8-B-0-PU-50-Carbon-Fiber-Tripod-C169_W0QQitemZ200424917586QQcmdZViewItemQQptZLH_De faultDomain_0?hash=item2eaa418a52)này vừa nhẹ vừa gọn và khỏe, tha hồ chụp cảnh Ấn đẹp .

backpackervn
27-01-2010, 11:40
@ hanhlienta, đúng rồi. Bpk xuống xe ngay trước khi đến Metah Bagh, rồi rẽ phải, đi theo con đường mòn vào vườn cây (cũng to lớn cỡ rừng tràm) đi xuống dưới bãi sông.
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::::::::::::


(cont.)




https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/800px-Hawa_Mahal1.jpg
Hawa Mahal tươi đẹp (hình từ net) lúc chưa sửa chữa



Hawa Mahal, Lâu đài gió là điểm đến được ca tụng trên khắp các trang báo giấy lẫn báo mạng viết về Jaipur. Tòa nhà 5 tầng, được xây bằng đá sa thạch đỏ và hồng, hơi giống giống như cái tổ ong này được xây dựng năm 1799 bởi lãnh chúa Sawaj Pratap Singh, mô phỏng theo chiếc vương miện của vị thần Hindu trẻ trung đẹp trai hay cầm sáo Krishna. Ông lãnh chúa này thật ga-lăng. Mục đích ông xây lâu đài này là cho các cung tần phi nữ, các bà tám trong cung điện có thể nhìn, quan sát cuộc sống thường ngày cũng như những lễ hội trên đường phố Jaipur, nhưng ngược lại, những người từ bên ngoài vẫn không nhìn thấy được bên trong.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270440.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270441.jpg
Hawa Mahal đang sửa chữa, chán!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270450.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270451.jpg
Ở góc này vẫn nhìn thấy Hawa Mahal tươi đẹp.


Ngày xưa khổ cực ghê hén. Chỉ vì một mục đích gallant như trên mà cả cái tòa lâu đài to đùng được xây lên, rồi được để lại làm di sản cho con cháu đời sau. Thời đó mà có cái kính một chiều (thường thấy ở các phòng thẩm vấn trong phim Mỹ hay ở các phòng làm Focus Group Discussion của mấy công ty nghiên cứu thị trường) thì chắc giờ không có cái Lâu đài gió này (!?)!!! Lâu đài gió này có đến 953 cái cửa sổ nhỏ ở các ban-công nhô ra – gọi là các jharokhas, đặc trưng của kiến trúc Rajasthani và Mughal. Các cửa sổ này được che bởi các rèm mắt cáo li ti nên gió vô tư luồn qua lách lại và thì thầm ban tặng cho lâu đài cái tên Lâu đài gió.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270443.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270449.jpg
Các góc nhỏ của Hawa Mahal nhìn từ trên cao



Lâu đài gió này được xây tại khu vực đông đúc, ồn ào nhất của Old Jaipur và mục đích của nó, ngoài việc cho các chị em nhìn ngắm phố phường, còn là nơi trốn nóng mùa hè của các thành viên của hoàng gia vì cấu trúc đặc biệt của nó làm những làn gió mát luôn thì thầm thổi, nhẹ nhàng ve vuốt, giảm bớt cái nóng hầm hập theo những cơn gió từ sa mạc Đại Ấn chạy về.



(tbc.)

locq8.sg
27-01-2010, 16:20
Cảm ơn bác Bpk rất nhiều, những bài viết và hình ảnh của bác giúp tôi có nhiều nhiệt huyết hơn để lên đường.Ấn Độ ơi hẹn ngày gặp mặt.

backpackervn
28-01-2010, 13:07
(cont.)



Người ta cho rằng, Hawa Mahal là kiến trúc Rajput tiêu biểu. Bạn nào học kiến trúc thì xem nó có khác gì mấy cái kiến trúc ở trong cung điện hoàng gia không nhé, với tôi thì mọi thứ hình như same-same (!?). Có điều, xui xẻo là hôm tôi đến, đó đang được sửa chữa hay trùng tu gì đó. Thế nhưng, họ vẫn bán vé, vào trong mới biết. Tiếc tiền vào cửa (!), tôi bắt đầu sục sạo trong Hawa Mahal mà lại bắt gặp nhiều thứ hay ho chút chút khác, mà nếu như cái lâu đài này chưa sửa chữa chắc gì tôi có thời gian lang thang các xó xỉnh khác như vậy.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270452.jpg
Một chạm khắc trong Hawa Mahal


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270444.jpg
Thành Amber và pháo đài Jaigar xa xôi quyến rũ


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270445.jpg
Hồng thành và cung điện hoàng gia bên chân núi đá khô cằn


Tôi leo tít lên tầng trên cùng, như con khỉ già, nhìn về xa xa, vẫn là thành Amber kêu gọi tôi trong nắng, trong gió làm tôi quên cả cái mệt dù đang rất rã rượi. Số là lúc rời khỏi Hồng thành lúc sáng, tôi đi lạc đến mấy bận rồi mới tìm đến được đây. Mà trời ơi, hôm nay nắng lên rực rỡ, chụp hình xanh xanh đỏ đỏ cũng đẹp thiệt, nhưng nóng nực bực bội quá chừng khi lăn lộn giữa những con đường xứ Ấn đông đúc ồn ào, người tôi cứ rũ ra. Gió trên cao ve vuốt làm giảm nhiệt và giảm bớt cơn bực mình, tôi lang thang vào các căn phòng nhỏ, nhìn qua các ô cửa sổ mắt cáo quan sát phố phường bên dưới.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/Hawamahal20080213-91.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/800px-Hawamahal20080213-71.jpg
Những ô cửa sổ Hawal Mahal


Sờ mó, rờ rẫm, vuốt ve các phiến đá, ô cửa, các chạm khắc… leo lên, tụt xuống, rồi lại leo lên vì nghĩ rằng còn xài chưa hết tiền vé (!?). Cuối cùng, bụng đói meo, tôi rời Lâu dài gió, nhảy lên chiếc xe bus đậu ngay gần Hawa Mahal, vừa chuẩn bị rời bánh, hướng thẳng về Amber, nơi có thành xưa, pháo đài cổ… đã quyến rũ mời mọc tôi từ sáng đến giờ.


(tbc.)

paper
28-01-2010, 13:52
[CENTER][I]https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB270452.jpg
Một chạm khắc trong Hawa Mahal

Bác Bpk cho hỏi tấm chạm này làm bằng vật liệu gì vậy? Ko biết có từ năm nào, sao em thấy giống kính màu bây giờ.....

Và cảm ơn chủ đề rất thú vị của bác. Hi vọng trong năm nay sẽ đi được 1/2 điểm đến của bác trên đất Ấn Độ, thế đã là rất mãn nguyện rồi :)

hanhlienta
30-01-2010, 09:03
Bpk cho mình hỏi thêm về sim điện thoại bên Ấn Độ.
Theo mình tìm hiểu trên mạng thì tốt nhất là mua sim của mạng Airtel, có thể roaming trên toàn Ấn Độ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp sau khi mua được sim thì chỉ sử dụng được khoảng 1 tuần, rồi sau đó hay gặp trục trặc không sử dụng tiếp được, và lúc đó khá khó khăn để quay lại chỗ đã mua sim và đăng kí lại hay xác nhận thông tin, cuối cùng đành phải bỏ cái sim chưa dùng hết tiền X(.
Vậy kinh nghiệm của Bpk như thế nào, có thể share cho mình vài cái tip được không?

trantrakhuc
31-01-2010, 18:56
Bpk cho mình hỏi thêm về sim điện thoại bên Ấn Độ.
Theo mình tìm hiểu trên mạng thì tốt nhất là mua sim của mạng Airtel, có thể roaming trên toàn Ấn Độ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp sau khi mua được sim thì chỉ sử dụng được khoảng 1 tuần, rồi sau đó hay gặp trục trặc không sử dụng tiếp được, và lúc đó khá khó khăn để quay lại chỗ đã mua sim và đăng kí lại hay xác nhận thông tin, cuối cùng đành phải bỏ cái sim chưa dùng hết tiền X(.
Vậy kinh nghiệm của Bpk như thế nào, có thể share cho mình vài cái tip được không?

@ hanhlienta: "trường hợp sau khi mua được sim thì chỉ sử dụng được khoảng 1 tuần, rồi sau đó hay gặp trục trặc không sử dụng tiếp được" như bạn nói là do bạn mua Sim tại một số cửa hàng bán SIM làm khộng tốt, họ không gửi chi tiết đăng ký về VP chính của hảng nên sau 1 tuần bạn SIM bạn bị cấm dùng. Ở Ấn độ cũng như Nepal người ta rất cẩn thận chuyện bán SIM, không giống ở VN.
Theo như tôi biết thì bạn nên nên mua sim AIRCEL, vùng phủ sóng cả Ấn độ, ngoài ra người dùng không phải chi phí roaming từ tỉnh này sang tỉnh khác như mạng Airtel, Vodaphone, Idea hay một vài mạng khác ở Ấn độ.
TTK

backpackervn
01-02-2010, 09:48
@ paper, chạm khắc này làm trên đá phiến, mặt sau của nó là kính màu, để từ trong vẫn có thể nhìn ra ngoài được.


@ hanhlienta, bpk không xài Airtel nên không biết. Bpk dùng Vodaphone, mua ở Kushinagar, ngay khi vừa sang đó. Khi mua phải gửi lại photocopy của passport để họ đăng ký, và phải báo với họ là mình sẽ đi khắp Ấn Độ nên cần họ phải đăng ký roaming toàn Ấn Độ cho mình. Đêm trước mua, sms, gọi điện về VN thoải mái đến hết tiền, nộp tiền mới. Sáng hôm sau, tự nhiên xài không được, quay lại đó kêu nó kiểm tra xem thử sao. Loay hoay một hồi mới được. Bây giờ nghe trantrakhuc nói mới suy nghĩ là có thể lúc đó nó mới chính thức gửi tin để đăng ký cho mình (mà dân ở Kushinagar thì hiền lành nên có thể hôm đó nó quên thôi). Do vậy, bạn nên mua sim ở cửa hàng lớn, ở nơi mà bạn ở ít nhất 1-2 ngày để có thể kiểm tra nếu có trục trặc. Sau đó thì bpk xài vô tư, đi đến đâu hết tiền, sạc tiền vào ở đó và họ đều biết bpk mua sim này ở UP. Sở dĩ bpk mua Vodaphone vì thấy hãng này lớn, hình như có ở Anh… và đặc biệt là nhắn tin, gọi điện thoại về VN vô tư, giá cũng rẻ thôi.
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::

(cont.)


Amber hiện là 1 thị trấn nhỏ cách Jaipur khoảng 10km. Được thành lập từ những năm 937 CN, nơi đây ngày xưa đã rất trù phú. Đến 1037, Amber lọt vào tay các lãnh chúa Jaiputs dòng Kachwaha. Phần lớn các kiến trúc còn lại hiện nay của Amber được xây dựng bởi lãnh chúa Raja Man Singh I, người trị vì vương triều từ 1590 – 1614. Amber là kinh thành của các lãnh chúa dòng Kachwaha mãi cho đến 1727, khi lãnh chúa Sawai Jai Singh II xây dựng 1 thành phố khác cách Amber 10km, thành Jainagara (mang tên ông) mà sau này được đổi thành Jaipur. Tuy hoàng gia và dân chúng dời về thành mới, các vị tu sĩ của đền thờ Shila Devi vẫn còn ở lại Amber, cho đến ngày nay.


Và cái pháo đài nằm trên đỉnh núi, cách thành Amber hơn 1 km đường dốc Jaigar Fort trở thành tiền đồn quan trọng của các lãnh chúa Jaiputs thống lãnh vùng Jaipur!



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB270456.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB270457.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB270462.jpg
Amber và Jaigar Fort nhìn từ dưới đường cái quan và trên đường đi lên dốc


Chiếc xe bus chật cứng người quăng tôi đến Amber lúc đã giữa giữa chiều. Nhìn con đường lên dốc cao ngất và cái bụng đang sôi ào ào, tôi mới nhớ là mình chưa ăn trưa. Vào quán nhỏ đông khách bên đường, tôi ăn vội nghỉ ngơi tý xíu rồi bắt đầu lên đường – một phần cũng muốn để cái nắng trưa xứ đá này dìu dịu bớt một chút.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB270459.jpg
Trên đường đi, tôi gặp nhiều những chú sóc hồn nhiên dạn dĩ vui đùa


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB270464.jpg
Sân trưa loáng nắng của Amber đón chào


Rồi tôi bắt đầu leo lên thành Amber.


(tbc.)

backpackervn
02-02-2010, 18:56
(cont.)


Tên của thành viết là Amber, nhưng đọc là Amer, có nghĩa là “cao”. Do vậy muốn lên thành thì phải đi lên trên cao. Do vậy, sẽ có tour cỡi voi lên thành Amber, có tour đi jeep lên pháo đài Jaigar… và cũng do vậy, sẽ có nhiều bạn cò vạc ở đây mời chào bạn. Khi biết tôi không đi, họ ngúng nguẩy quay đi, không trả lời khi hỏi đường và trả lời sai khi bị níu kéo hỏi đường. Do vậy, thay vì đi theo các con đường có bậc thang để đi tôi lại đi xuôi theo con đường, rồi lại cuốc bộ theo 1 con đường dài hơn, chỉ dành cho xe chạy hoặc voi đi. Thế nhưng lại có cái hay của nó vì con đường này mát mẻ hơn, thiên nhiên hơn, dù đường đất xấu hơn. Nhờ vậy, tôi mới gặp cảnh mấy chú sóc nô đùa hay chim bay bướm lượn đầy đường (?!). Và cũng chân tình khuyên các bạn nên đi bộ, dù tiền cỡi voi cũng chả đáng là bao, chỉ có đâu 500 Rp, 2 chiều. Đi bộ chỉ 10p thôi vì con đường đi thú vị và cũng như tập trước cho con đường leo dốc hơn 1km lên pháo đài Jaigar sau đó.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270460.jpg
Một cổng vào thành này


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270466.jpg
Rồi qua tiếp cổng này nữa, rồi lại tiếp nữa


Tôi vẫn rất ngớ ngẩn khi đi qua mấy chiếc cổng, đến sân thành Amber rồi mà vẫn không thấy quầy bán vé. Hỏi ra mới biết, nếu đến đây chơi lòng vòng ở các cung điện bên ngoài thì khỏi mua vé. Khi nào vào trong, viếng mấy cái Diwan-i-am, Diwan-i-khas… thì mới phải mua vé. OKie, mua vé đi vào tiếp chứ, đã sang tận Ấn Độ rồi sao lại không vào đây.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270468.jpg
Cung điện chính, đang sửa chữa


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270472.jpg
Nhìn qua giàn giáo, cung điện vẫn đẹp ghê hén. Bạn có thấy thần Ganesh?


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270470.jpg
Một cổng vào khác của cung điện, còn mới đẹp, không cần sửa



Những cái cung Diwan-i-am, Diwan-i-khas thì các bạn đã gặp quá nhiều qua các entry về Red Fort New Delhi hay Agra Fort Agra… nên tôi cũng không dài dòng văn tự ở đây nữa, nhưng cũng phải công nhận là chúng đẹp thật, dù không phải là kiến trúc Mughal.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270469.jpg
Cung Diwan-i-am


(tbc.)

backpackervn
03-02-2010, 10:48
(cont.)



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270473.jpg
Những hành lang lấp lánh bên trong cung điện.



Ngoài ra, ở đây còn có các điện khác như Hall of Pleasure, Hall of Victory, Kali Temple… nhưng vì hôm đó không chụp các bia đá hay các tấm bảng đề trước mỗi di tích nên giờ quên tiệt :T . Chỉ biết là đây là các kiến trúc đẹp trong thành Amber (!?).



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270475.jpg
Bên trong cung điện



Nói rằng đây là kiến trúc Rajput của các lãnh chúa theo đạo Hindu chứ không phải là kiến trúc Mughal của các quốc vương theo Hồi giáo nhưng theo tôi hình như nó đều giống nhau (!!!???). Nói chung là rất đẹp và tinh xảo. Có lẽ khí hậu khô ráo ở miền này ít tác động đến các kiến trúc nên những điêu khắc chạm trổ từ những năm 1592 (còn trước cả Taj Mahal) đều còn như rất mới.




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270477.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270478.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270476.jpg
Những kiến trúc, chạm khắc tinh xảo bên trong các điện



Các kiến trúc ở thành Amber sử dụng đá cẩm thạch trắng nhiều hơn sa thạch đỏ và những chạm khắc cũng thật đa dạng, nhưng có thể nhận ra các dấu tích của Hindu giáo như thần Ganesh có vòi voi, chim thần Garuda… Điều đó cũng an ủi cho kẻ nghèo kiến thức chút an ủi, “à, đây là, ừ, kia là…”.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270479.jpg
Hẹn hò?


(tbc.)

backpackervn
03-02-2010, 10:53
(cont.)



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270480.jpg
Hình như là (!?) Kali Temple



Định hướng đến những cung điện cao hơn, những cầu thang đi lên, tôi cũng lần mò đi được đến 1 toà nhà nho nhỏ, có hướng nhìn xuống các góc sân các điện đài bên dưới, pháo đài Jaigar xa xa. Cũng hay hay. Hay nhất là vắng vẻ, tôi ngồi bên thành cửa sổ nghe gió từ xa thổi về đuổi nhau trong những hành lang vắng vẻ, thấy gió chiều ve vuốt làm tan nhanh những giọt mồ hôi trong một chiều Ấn nóng bức.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270481.jpg
Một cung điện nào đó nhìn từ trên cao xuống


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270486.jpg
Một vườn hoa kiến trúc lạ lẫm


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270482.jpg
Pháo đài, thành trì xa xa mời gọi, ’’ đến với tôi đi, đến với tôi đi’’ (!!!???)


Lang thang trong khu cung điện có 1 cái thú mà tôi khuyên bạn nào yếu tim đừng đi một mình. Đó là các “mê cung” trong thành. Không phải là mê cung thật mà là con đường đi giữa các tòa nhà, các gian phòng,… trong hậu điện, giữa các khu cung cấm rất vắng vẻ và không hề có bảng chỉ dẫn. Tôi cũng đã lòng vòng trong đó rất lâu vì không định hướng được các con đường sẽ dẫn đến đâu. Nhưng trong cái khó lại có cái hay là lúc tôi lọt ra ngoài thì thoát ra luôn mặt sau của cung điện, ngay chân con đường đi lên pháo đài Jaigar mà chiều giờ tôi kiếm đường lên vẫn không ra. Tôi nói may là vì lúc đó chiều đã muộn lắm rồi, có 2 bác bảo vệ, 1 thì không cho tôi lên pháo đài Jaigar, vì đã quá muộn sợ lên rồi xuống không kịp, 1 thì cho. Cuối cùng, chắc thấy tôi lương thiện (?)nên đã cho tôi đi. Nếu lúc đó, đi theo con đường chính thống, phải vòng ra trước cửa thành Amber rồi mới lên thì đến được cái nơi tôi vừa thoát ra này cũng mất 20-30 phút, khỏi đi đâu luôn. Vui vẻ thiếu điều nhảy chân sáo (!?), tôi lon ton ngược dốc đi lên pháo đài Jaigar sừng sững trong chiều, một mình, ngược chiều với những đám đông đang ùn ùn kéo xuống.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB270497.jpg
Đường lên pháo đài Jaigar vắng vẻ trong chiều rất muộn.


Pháo đài Jaigar, hoàng hôn chiều nay chỉ có ta với ngươi thôi nhé!!!


(tbc.)

backpackervn
11-02-2010, 11:47
(cont.)


Pháo đài Jaigar nằm ở đỉnh một con đường đi dốc cao, dài hơn 1km từ thành Amber. Là tiền đồn quan trọng từ những lúc kinh thành của các lãnh chúa Jaiputs còn nằm ở Amber, khi kinh đô dời về thành Jaipur, nơi đây vẫn là vị trí hiểm yếu để bảo vệ đất nước. Pháo đài nằm trên đồi hoang khô cằn sỏi đá trong chiều muộn hằn lên vẻ đơn độc kiêu hãnh. Còn các tường thành thì chạy dọc dài miên man trên các triền đồi, hết ngọn đồi này lại sang ngọn núi khác, lúc ẩn lúc hiện nối tiếp nhau, và nối với các trạm canh, cũng nằm ở các đỉnh đồi cao cao thấp thấp … Và tường thành cứ chạy, miên man, miên man… rồi mất hút dần trong màn xa mờ sương hay khói bụi của vùng cận sa mạc.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270496.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270528.jpg
Bên dưới nhìn lên thì tối nhưng lên đến trên cao vẫn còn sáng rỡ.


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270498.jpg
Cổng vào pháo đài Jaigar


Không nhiều thông tin từ sách vở và net về pháo đài này. Do vậy, chiều nay tôi đi lên pháo đài với một tư tưởng hoàn toàn tươi mới (?!). Con đường lên dốc mệt, nhưng đẹp, trong chiều thanh vắng. Tôi cứ tưởng là sẽ không lên được pháo đài trước khi trời tối nhưng cũng may, trời chiều cứ bãng lãng nhưng đêm vẫn dùng dằng đâu đó chưa về, khi tôi lên đến đỉnh đồi. Càng lên cao, nhìn xa hơn về chân trời thì vẫn thấy mặt trời hồng yêu kiều soi bóng bên các trạm canh nho nhỏ, các tường thành nhỏ bé như những sợi chỉ uốn lượn chạy về cuối trời – mà trong lúc ngẫu hứng, tôi đã từng ban cho chúng một cái tên mới mỹ miều là Tiểu Vạn lý Trường thành.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270513.jpg
Thành Amber bên dưới


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270503.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270516.jpg
Tường thành che chở thành Amber


Không chỉ còn riêng mình tôi trên pháo đài Jaigar, vì còn có một nhóm những bạn trẻ địa phương đang lang thang ở đây và cả những người bảo vệ, hoặc 1 số tu sĩ sinh sống trong các ngôi đền ở đây. Trên đỉnh đồi, tôi còn thấy 1 chú lạc đà đi lững thững nữa chứ. Như vậy chắc có dịch vụ cỡi lạc đà lên pháo đài rồi. May quá, tôi đến muộn nếu không thì lại gặp phải cảnh đông đúc náo nhiệt nơi đây rồi.



(tbc.)

backpackervn
11-02-2010, 11:51
(cont.)




https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270527.jpg
Một ngôi đền rất lạ, nhưng đẹp trên pháo đài Jaigar


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270535.jpg
Không biết con lạc đà này giờ còn lang thang làm gì trên pháo đài Jaigar?


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270520.jpg
Rồi con con thú gì lạ hoắc này nữa, cũng lang thang trên pháo đài Jaigar


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270506.jpg
Đám cưới nhà ai trên pháo đài Jaigar. Haizzz, chẹp chep…!!!


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270517.jpg
Tiểu Vạn Lý Trường Thành



À, nói thêm để bạn nào có đi sau lưu ý là vé vào cửa viếng thành Amber không có giá trị khi lên pháo đài Jaigar, mà chính chiếc vé viếng thăm Hồng thành Jaipur mới có giá trị vào thăm pháo đài. Cũng may là tôi chưa quăng chiếc vé đó nên khỏi phải tốn tiền mua thêm chiếc vé nữa.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270511.jpg
Một mình tôi lang thang trên pháo đài lộng gió



Chiều muộn trên pháo đài Jaigar thật dễ chịu. Pháo đài hầu như vẫn còn chống chọi tốt với thời gian. Những tảng đá, phiến đá lớn xây nên pháo đài vẫn xanh rì, sừng sững. Các tháp canh, chòi pháo… đều vẫn còn như mới, chỉ có những khẩu pháo to lớn là cho thấy dấu hiệu của thời gian ăn mòn gỉ đỏ.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270522.jpg
Những hành lang trong pháo đài Jaigar



Pháo đài ngoài những chòi canh, tháp pháo cao lớn còn có những con đường sâu hun hút dẫn từ nơi này sang nơi khác. Một người bảo vệ già đã tử tế dắt tôi đi thăm và giới thiệu sơ lược về các nơi. Nhưng có lẽ vì tôi là người khách cuối nên ông luôn giục tôi đi vội. Do vậy, tôi chia tay ông và nói ông cho tôi được ở một mình, và tôi biết đường đi lại rồi. Và tôi đã còn lại một mình.


(tbc.)

backpackervn
11-02-2010, 11:53
(cont.)



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270499.jpg
Địa thế của thành Amber với núi non bao quanh bảo vệ


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270482.jpg
Tường thành chạy hun hút trong xa mờ


Bây giờ, mới thật sự là chỉ còn mình tôi trên pháo đài. Nếu không kể đến những anh em cùng tổ tiên từ thuở hồng hoang – những chú khỉ.



Núp đâu lúc sớm không thấy, khi chiều về, chúng kéo ra nhau thành đàn ngồi chễm chệ trên tường thành. Và chúng (có vẻ) rất hung dữ khi nhìn chằm chằm vào tôi, rồi đôi lúc khè lên nữa chứ không tỏ vẻ sợ sệt bỏ chạy hay lảng đi nơi khác. Tôi cũng hơi ớn ớn vì có con to gần bằng ½ tôi, chừng 2-3 con nhào vô cấu xé giật đồ thì chắc “thôi rồi Lượm ơi…”. Do vậy, tôi kiếm một khu vắng vẻ hơn để ngồi ngắm hoàng hôn, cũng tránh những tiếng ồn ào do đám khỉ đôi lúc cấu xé nhau nhặng xị lên. Lúc này, quay lại rón rén chụp hình mấy chú khỉ trong nắng chiều muộn thì lại thấy hay hay, lạ lạ…



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270501.jpg
Khỉ cô đơn! Tao với mày y chang nhau hén!?


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270534.jpg
Hoàng hôn khỉ.


Hoàng hôn đã về từ lâu ở làng mạc thôn xóm quanh thành Amber bên dưới, nhưng từ đỉnh đồi cao tôi vẫn thấy ánh nắng chiều xa xa còn vương vấn. Xa xa khỏi thành Amber, khỏi Jaipur là những núi đá hoa cương đỏ tía, do vậy chúng cứ hắt nắng ngược lên trời là làm cho hoàng hôn chiều nay ngập ngừng mãi không đi. Gió trên cao lồng lộng, hoàng hôn không rực đỏ chỉ vàng hoang hoải, tôi ngồi vắt vẻo trên thành cao đong đưa chân nhìn mấy trời xa xa, phố phường tẻo teo bên dưới… lòng tôi sao nhẹ bỗng như những cọng chỉ mây bạc lấp lánh nơi cuối trời.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270537.jpg
Hoàng hôn hồng mơ màng phủ trên pháo đài Jaigar lúc tôi xuống núi


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB270542.jpg
Lúc tôi trở xuống chiều đã sập tối trên thành Amber. Vẫy tay chào lần cuối tôi ra đường vắng đón chuyến xe cuối cùng về Jaipur.



Pháo đài Jaigar một chiều nắng muộn, cô đơn hạnh phúc, một mình…

backpackervn
17-02-2010, 10:49
Tôi đến Pushkar một buổi sáng trời thật trong, nắng thật nhiều. Pushkar là 1 điểm đến hoàn toàn không định trước, vì nó không nằm trong các điểm must-see của các sách hướng dẫn du lịch. Tôi chỉ bắt đầu đọc vài trang về Pushkar, trong hàng ngàn trang của LP Ấn Độ, khi nghe nói về lễ hội lạc đà ở đây và sau đó là đến hồ thiêng. Rồi trong những ngày lang thang, thấm thêm vào trong người chút tinh thần của Hindu giáo (?), ngấm thêm trong máu chút gió bụi chạy lồng lộng từ sa mạc Đại Ấn… trong một đêm nông nổi ở Jaipur, tôi đã quyết định nhảy lên chuyến xe đi Ajmer, để từ đó chuyển sang chiếc xe bus địa phương cọc cạch leo qua những ngọn núi đá, những con đường ngoằn ngoèo… và giờ, tôi đã đến một trong những vùng đất thiêng nữa của người Ấn Độ - Pushkar.




https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280625.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280577.jpg
Đường phố Pushkar nhiều màu sắc như lễ hội


Là một huyện nhỏ của tỉnh Ajmer trong bang Rajasthan, Pushkar là 1 trong những thành phố cổ xưa nhất Ấn Độ. Nằm trên bờ hồ thiêng cùng tên Pushkar, thành phố không có lịch sử thật rõ ràng nhưng có truyền thuyết cho rằng nó đã được thần Brahma tạo ra từ cách đây khoảng 60.000 năm trước, có tên trong các sử thi nổi tiếng Ấn Độ.. Trong phố bây giờ có rất nhiều đền đài nhưng chúng không thật sự xưa cũ vì hầu hết đều được xây dựng lại sau cuộc tàn phá của những chiến binh Hồi giáo. Ngôi đền nổi tiếng nhất thờ thần Brahma (Brahma Temple) được xây dựng từ thế kỷ XIV, cũng chính là 1 trong số chỉ vài ngôi đền thờ thần Brahma còn sót lại trên toàn thế giới (trong đó có đền Prambanan, Yoygakarta, đền Besakih, Bali). Quanh hồ Pushkar có đến 52 ghat (bến) nơi những người hành hương đến tắm rửa tẩy trần. Tôi đã được gột rửa (?!) tội lỗi ở Mẹ sông Hằng rồi, giờ được tẩy trần ở hồ thiêng Pushkar này nữa, chắc sắp tới tôi trở nên trong trắng như pha lê quá!!!!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280576.jpg
Một góc nhỏ thành kính Pushkar


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280553.jpg
Thiếu nữ Pushkar duyên dáng, nhưng hết duyên dáng sau khi hỏi “money”!?


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280545.jpg

https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280544.jpg
Nghệ nhân trẻ tuổi Pushkar


Pushkar trong tiếng Phạn nghĩa là “đoá sen xanh”, các tín đồ Hindu giáo tin rằng đã có 1 đóa sen xanh của thần Brahma từ trời đã rơi xuống nơi hồ thiêng, có tên là hồ Pushkar bây giờ. Ngày xưa, nơi đây trong lành, chắc có thể có nhiều sen xanh ở đây chứ còn bây giờ, nơi đây xuống cấp, bê tông hóa và ô nhiễm quá nên chắc chẳng còn đóa sen xanh nào ở đây cả.

(tbc.)

backpackervn
17-02-2010, 10:51
(cont.)


Nhưng bạn ơi, đến vùng đất thiêng này, khoan nói đến đền đài hoành tráng, chuyện xưa tích cũ, việc đầu tiên bạn phải thấm nhuần tư tưởng là nơi đây là VÙNG ĐẤT THIÊNG. Do vậy, hàng quán chỉ toàn là thức ăn chay, không có rượu bia ở toàn Pushkar, cấm hút thuốc ở hồ thiêng và các đền thờ, không được mang giày dép khi đi quanh hồ hay khi xuống hồ, không được chụp hình các ghat, người đang tắm rửa (?!), người nước ngoài không được vào trong các đền thờ quan trọng… tức là so với sông Hằng thì nơi đây quả là thật sự quá nghiêm khắc về các điều khoản cho người lang bạt (như tôi). Lúc đầu tôi nghĩ vậy cũng tốt, ăn chay một hai ngày thì có sao, bỏ rượu bia vài ngày cũng là bình thường, có khi cả tuần không uống ở quê nhà cũng vui vẻ bình thường… nhưng một trưa nắng loang loáng nước ngồi rũ rượi dưới gốc cây, quán ven hồ, một chiều muộn hòang hôn trong vắt trên sa mạc hồng thắm… thì mới thấy sự cám dỗ và quyến rũ của những thứ “bị cấm”. Hay chính do bị cấm nên mấy thứ đó càng quyến rũ.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280566.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280550.jpg
Cấm đủ thứ hết - ở Pushkar


Đến Pushkar, bạn rất dễ lạc vào mê cung của các bạn cò vạc rất nhiệt tình thân thiện nơi xe dừng, cũng là trung tâm du lịch. Thật ra, mọi thứ cũng rất rẻ nên bạn dễ xiêu lòng lắm. Nhưng sau khi bạn đã rành rẽ nơi đây một chút thì mới thấy “mấy thứ rẻ rẻ đó” chỉ còn có giá khoảng 1/2 hay 1/3 mà thôi. Do vậy, khi xuống bến xe (bến xe bus Ajmer, khác với cái bến xe lớn khác), bạn nên đi thẳng vài trăm mét là gặp phòng Police Tourist, mấy anh, mấy chú ở đây rất nhiệt tình giúp đỡ và cung cấp thông tin giá cả chính xác cho các tour lạc đà sa mạc, các cung đường…



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280575.jpg
Trang trí trong một ngôi đền ở Pushkar


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280564.jpg
Một bạn trẻ nước ngoài hòa nhập cùng những đạo sĩ



Quăng balô, tôi bắt đầu tiến về phía hồ thiêng để gột rửa tẩy trần tấm thân nhiều tội lỗi của mình. Trên đường, tôi ghé vào 1 ngôi đền lộng lẫy, ngôi đền đầu tiên tôi viếng ở Pushkar, nhưng đó lại là một ngôi đền của đạo Sikh thay vì đền Hindu! Đây cũng là một điều lạ ở vùng đất thiêng liêng của Hindu giáo này.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280561.jpg
Ngôi đền lộng lẫy của đạo Sikh ở Pushkar


Thật ra, từ lúc xuống xe, ngôi đền trắng lộng lẫy này đã cuốn hút tôi nhưng lúc đó tôi không hề nghĩ đó là đền Sikh nhưng khi vừa đến nơi, nhìn thấy trang phục của người ông từ và những người đàn ông đi lễ, tôi biết ngay đây chính là ngôi đền Sikh, như những ngôi đền ở Amritsa mà tôi cũng đã viếng thăm cách đây vài tuần. Lang thang trong ngôi đền, với người giữ đền nhiệt tình hướng dẫn cụ thể, trò chuyện về các giới luật của đạo, lý do tại sao như vậy… tôi rời ngôi đền và tiến về hồ Pushkar, giữa lúc cái nắng mùa đông Ấn Độ đã thật gay gắt trên đầu.


(tbc.)

backpackervn
17-02-2010, 10:53
(cont.)



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280554.jpg
Hồ thiêng Pushkar


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280555.jpg
… giờ ngổn ngang


Giờ đây hồ thiêng chắc vẫn còn rất linh thiêng trong lòng những người theo đạo Hindu, nhưng vẻ lộng lẫy yêu kiều của nó đã không còn. Và chắc vừa mới qua mùa lễ hội nên hôm nay sao nó quá xác xơ. Người ta còn làm thêm một con đường đất chạy vào giữa hồ để xây một ngôi đền ở giữa. Cảnh tượng sao mà giống công trình ở 1 cái ao nhỏ làng quê nào đó. Thế nhưng, sự linh thiêng vẫn còn. Trên các ghat hoang vắng sụp đổ vây quanh hồ, vẫn có những bảng cấm tiệt việc người ăn mặn, hút thuốc, mang dép… không được xuống hồ, không được chụp ảnh… và đó đây dưới những gốc cây cổ thụ, những người hành hương, những tu sĩ… vẫn âm thầm tụng niệm. Xa xa nơi đông đúc, các tín đồ vẫn sì sụp tắm rửa dưới hồ.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280557.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280568.jpg
Thành kính bên hồ


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280559.jpg
Gột rửa tội lỗi bên hồ thiêng.


Lang thang quanh hồ tiêu điều, giữa nắng trưa chao chát mà lòng tôi cảm thấy xót xa. Không kể trên con đường tôi đi, tôi đã phải cố gắng rất nhiều để tránh khỏi các bạn cò, bạn vạc vây quanh, từ nhẹ nhàng đến dường như muốn đe dọa. Quanh hồ, vẫn thấy rất nhiều nhưng ngôi đền cũ mới gần xa thấp thoáng. Có những ngôi đền vẫn ánh lên sự hào nhoáng, nhưng rất nhiều những ngôi đền đã bạc màu thời gian.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280547.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280551.jpg
Một ngôi đền – nhìn từ ngoài cổng…


Ngậm ngùi ngồi trong bóng râm mát của một nhà hàng chủ yếu cho khách nước ngoài ven hồ, tôi nhìn bóng trưa đi chầm chậm qua mặt hồ loáng nước. Nhìn ly nước ép trái cây long lanh những viên đá nhỏ, phả nhẹ chút hơi sương lạnh trong một trưa nắng gắt… tôi như thấy buổi trưa Pushkar dịu lại.


Rồi tôi đi.



(tbc.)

backpackervn
18-02-2010, 11:05
(cont.)



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280570.jpg
Ngọt ngào India. Một tia nắng trưa rọi vào mâm kẹo vàng rực, làm cháy lên ký ức ngày quê xưa…


Tôi lại đi lang thang trên phố thiêng Pushkar trong một trưa mặt trời vành vạnh tỏa nắng trên cao.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280588.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280573.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280622.jpg
Đường phố Pushkar


Trưa mùa đông vùng Tây Ấn gần sa mạc này nắng rực rỡ, nhưng không gay gắt khi lang thang trong những con phố hẹp ở Pushkar. Một phần có lẽ vì hơi nước từ hồ, một phần, có lẽ những con phố hẹp chính là những cửa ngõ để lũ gió về chạy đuổi tìm nhau. Do vậy, lang thang trong phố Pushkar buổi trưa cũng tương đối dễ chịu, nhất là khi nhìn những người bán hàng ngái ngủ thờ ơ nhìn khách lang bạt xác xơ rách, không mong cầu có được một cuộc bán buôn đổi chác, dù nhỏ nhoi.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280579.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280578.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280581.jpg
Các ngôi đền thiêng ở Pushkar, nhìn từ ngoài – vì cấm vào trong!


Nhưng phố trưa nhiều lúc bỗng vui vẻ nhộn nhịp bởi những đám cưới, mà chỉ toàn phụ nữ trong đám người đi rước. Tôi chẳng biết nhiều lắm về tục lệ này, vì hôm ở Agra tôi đã hòa mình vào một đám rước dâu mà chỉ toàn nam giới. Còn ở đây, ở cả 2 đám cưới (hay ăn hỏi) tôi gặp trên đường thì chỉ toàn là phụ nữ. Tôi có hỏi vài người dân thì họ lắc đầu, phần mê mải chạy theo đám cưới rộn rã lon ton chụp hình nên tôi cũng chẳng hỏi thêm được, chỉ biết là trong bộ hình sưu tầm, tôi lại có mình trong một đám cưới xa lạ vui rộn ràng.



(tbc.)

backpackervn
18-02-2010, 11:08
(cont.)


Trên những con phố chật hẹp, những nghệ nhân trẻ tuổi lẫn cao tuổi miệt mài lao động và bày bán những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, những chú bò thảnh thơi rong chơi bên cạnh những chú lạc đà nhẫn nại gùi hàng đi trong phố,… nhưng đặc biệt nhất vẫn là những tà áo saree nhiều màu phất phới trong phố.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280628.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280630.jpg
Nghệ nhân hay chỉ người già buổi trưa tranh thủ ra trước nhà thêu thùa


Tôi đi chỉ được 1 phần tiểu lục địa Ấn Độ rộng lớn, cỡi ngựa xem hoa là chủ yếu… nhưng chưa ở đâu tôi thấy cuộc sống còn được giữ nhiều sắc màu cổ xưa nhiều như ở Pushkar. Có lẽ những điều luật (mà tôi thấy được và còn nhiều điều tôi chưa biết) nhiều khắc khe đã giúp người dân nơi đây giữ được những nét truyền thống từ bao đời của những người dân Ấn xưa.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280635.jpg
Saree trên khắp phố phường


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280592.jpg
Đám cưới Pushkar (người phụ nữ che mặt là cô dâu?) với nhiều saree rực rỡ



Có thể nói sự hiện diện của những chiếc áo saree, những chiếc áo truyền thống từ bao đời nay người phụ nữ Ấn vẫn mặc chứng tỏ sự gìn giữ được nét văn hóa rất riêng của họ. Thử hỏi, có quốc gia nào vẫn giữ được trang phục truyền thống qua bao đời này như người Ấn. Ở nhiều nơi khác trên đất Ấn, bạn có thể thấy bóng saree có chen lẫn ít nhiều các trang phục hiện đại khác, nhưng ở Pushkar thì hầu như không.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/PB280634.jpg
Em này liếc nhìn tui đó nghen!


Pushkar những ngày mùa đông Ấn Độ nắng vẫn vàng óng, và càng thêm rực rỡ với những chiếc saree dịu dàng trên phố. Tôi nghĩ, chắc trong những đêm tha hương của nhiều người Ấn xa xứ, sẽ luôn có bóng những chiếc saree dịu dàng tha thướt sáng rực cả phố phường, trong nhiều những giấc mơ êm đềm...


(tbc.)

backpackervn
22-02-2010, 14:04
(cont.)



Lang thang trong Pushkar đã đời đã điếu, tôi quyết định không leo núi đến đền Savitri để có tầm nhìn bao quát về Pushkar mà sẽ nhảy xe bus đi một điểm khác. Lý do là vì nhìn trời nắng như thế này, con đường đi lên dốc hơn 1 giờ đồng hồ, núi đá trơ trọi… làm tôi nản. Lý do thứ 2 là vì mấy chú Tourist Police giới thiệu tôi là có Boudha Temple ở ngoại ô, nên tôi quyết định đi viếng ngôi chùa Phật giáo này – dù nó không có tên trong L.P.



Nhảy lên chuyến xe bus địa phương, đưa bản đồ (mới được chú cảnh sát tặng) có tên Boudha Temple, được nhận cái gật đầu, tôi lui ra sau ngồi vào chỗ trống, bắt đầu quan sát con đường và những người bạn đồng hành mới của tôi trên chiếc xe bus vô cùng cũ kỹ này. Vì con đường chỉ là khô cằn sỏi đá không có gì xem nên tôi càng chú tâm vào bạn đồng hành.



Những người đi xe bus chủ yếu là người già và con nít. Những bác trai Ấn Độ sao ai cũng thấy khắc khổ. Những bác ở đây còn đội lên người những cái nón, là những cái khăn xếp sắc màu vô cùng tưoi trẻ như xanh chuối non, hồng dâm bụt, đỏ mào gà… nên sự tương phản càng làm sự khắc khổ nổi bật. Nhưng, có khi nào đó chỉ là cảm nghĩ của mình.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280596.jpg
Màu khăn xanh nõn nà hén.


Các bà các cô thì lại khác tý, vì được cái là người Ấn thích phụ nữ màu mỡ, kèm theo chế độ ăn cũng nhiều dầu mỡ nên dù có đen đúa thì trông họ cũng đỡ khắc khổ hơn. Thêm nữa là những chiếc saree nhiều màu cũng làm các bà các cô trông có vẻ rực rỡ lên tý chút. Nhưng bạn ơi, các bà các cô trang điểm ác lắm đấy nhé. Mấy em tre trẻ Việt bây giờ mới đua đòi chơi mấy trò xuyên lỗ mũi, đeo 5-7 khoen tai…. mà nhìn thấy những chiếc vòng vàng to chà pá mà các bà các cô đeo ở mũi, ở tai… là chạy mất dép luôn. Mà cũng có nhiều bà, nhiều cô dùng khăn che mặt khi đi xe. Vụ án này mới lạ, Hindu giáo chứ đâu phải Hồi giáo! Ai biết chỉ giáo – có thưởng.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280601.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280617.jpg
Phụ nữ Pushkar – các bạn trẻ Việt mình dám chơi kiểu này không?


Các em bé thì lúc nào cũng bẽn lẽn nhìn khách, núp sau lưng mẹ, thi thoảng thò đầu ra nhìn cái thằng người da vàng mũi tẹt là lạ rồi lại núp vào. Trẻ con nhà quê thì ở đâu cũng ngây thơ và dễ thương dù chúng có bẩn thỉu, lem luốc, rất khác với một số bọn trẻ con thị thành (!?).



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280599.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280600.jpg
Trẻ con Pushkar


Quan sát vừa xong thì xe dừng trước Boudha Temple. Thì hỡi ôi (lửa tắt bình khô rượu)…!



(tbc.)

backpackervn
23-02-2010, 12:21
(cont.)


Té ra, đây không phải là một ngôi chùa Phật giáo mà là một ngôi đền, đúng hơn là một công trình, thờ phượng của đạo Hindu, có tên là Boudha. Mà cũng không có gì lạ, vì trong kinh sách của đạo Hindu, Đức Phật chính là kiếp hóa thân thứ 9 của thần Vishnu.


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280604.jpg
Ngồi đền Boudha – bên ngoài đầy bóng chim câu


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280606.jpg
Và bên trong…


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280612.jpg
… dẫn đến cái hồ tương lai bên dưới – xa xa là rặng Aravali

Ngôi đền này đang xây dựng dang dỡ, là một công trình tương đối lớn. Công trình này chạy vòng ôm quanh 1 cái hố sâu, hứa hẹn sẽ là cái hồ lớn sau khi hoàn thành, giờ thì chỉ là 1 vũng nước bé tẹo. Tuy nhiên, cũng có vài gia đình Ấn Độ đã đến đây thờ cúng. Tuy bất đồng về ngôn ngữ khi tôi hỏi thăm về các gian điện thờ, về cái tên Boudha… nhưng họ rất vui vẻ. Có lẽ là họ chưa thấy thằng ngố nước ngoài nào đi lạc đến đây.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280611.jpg
Một tượng trong 1 ngôi đền nhỏ của cụm đền Boudha


Tuy vậy, so mới xây nên nơi đây lại khá sạch sẽ và mát mẻ. Ngồi dưới bóng rấm ngôi đền ngắm dãy núi Aravali xa xa, đùa giỡn với lũ bồ câu thân thiện, cười cười “nói nói”… với những người dần bản xứ thân thiện cũng là 1 điểm gì đó hay hay, thay vì cứ mải mê với đền đài di tích nơi đông người.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280615.jpg
Chú bé và ông nội… ở gần ngôi đền Boudha


Khi tôi ra đón xe quay về Pushkar, chú bé nhà bên đường thấy tôi đứng lon ton ven đường bèn kêu tôi vào nhà ngồi. Sau đó, chú còn giới thiệu chú cảnh sát trưởng thôn, rồi còn kêu ông nội ra ngồi cho tôi chụp hình, còn nói rằng ông rất thích chụp hình. Thành thật mà nói, tôi vẫn thường hay gửi những tấm hình đã chụp trên đường đi cho những người bản xứ, dù trước đó tôi vẫn thường không dám hứa, nhưng kỳ này xui rủi làm sao, tôi chưa kịp lấy địa chỉ thì chuyến xe bus đã xìa đến. Tôi vội vã nhảy lên xe về Pushkar, giờ lòng vẫn còn chút ân hận.

(tbc.)

backpackervn
23-02-2010, 12:26
(cont.)



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280638.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280637.jpg
Đền thờ thần Brahma


Về lại Pushkar, trời đã chiều. Tôi đi lơn tơn đến ngôi đền thờ thần Brahma linh thiêng, nhưng không được vào. Ngó nghiêng vài cái tôi lượn về phố cũ, nơi có chú lạc đà đang chờ tôi để đưa tôi vào sa mạc chiều nay.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280645.jpg
Đoàn người đã lên đường


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280642.jpg
Còn chú lạc đà của tôi vẫn chờ kẻ lang bạt về.



Pushkar chiều nay đông du khách, bến lạc đà không nằm trong phố mà nằm trong những con hẻm loang lỗ sau lưng phố, gần với ruộng đồng. Đó đây, những đoàn người đi sớm đã leo lên lưng những chú lạc đà lững thững đi vào đồng cỏ. Tôi vội vàng đến bên chú lạc đà hiền lành đang nhẫn nại nằm một mình chờ tôi về.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280660.jpg


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB280656.jpg
Đường vào sa mạc lau trắng đã nhuộm đỏ trong trời chiều



Cũng một mình thong thả, chú lạc đà đưa tôi đi vào con đường nhỏ đầy bụi và cũng đầy những bông lau rướm máu trong trời chiều. Sa mạc của tôi kia rồi…

(tbc.)

backpackervn
25-02-2010, 11:21
(cont.)


Nói là đi vào sa mạc cho nó oai (!?) chứ thật ra Pushkar chỉ nằm ở rìa sa mạc mà thôi. Điểm hay của rìa sa mạc này là có dãy núi già Aravali nằm kế bên, làm phông nền cho một sa mạc hồng rực trong nắng chiều.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280687.jpg
Sa mạc và rặng Aravali xa xa



Cỡi lạc đà không phải thật sự rất thú vị đâu các bạn. Ngồi trên lưng cao ngất của nó, nó đi ngất ngưỡng nên bạn phải tự cân bằng cơ thể của mình nếu không muốn rơi xuống. Không hề lãng mạn như cảnh hoàng tử quấn khăn phi ngựa hay lạc đà như chớp rồi cong người xuống đất vòng tay ôm người đẹp quăng lên lưng và 2 người cùng cỡi, cùng phi nước đại đâu… chuyện đó chỉ có trong xi-nê-ma thôi. Điều khó khăn nữa là bạn chỉ có 1 tay để làm việc đó, còn tay kia cầm máy ảnh, còn canh, còn chụp nữa. Dĩ nhiên là ông chủ chú lạc đà đâu có giao nó cho tôi mà còn có 1 chú bé dắt nó đi theo, để giong nó và tôi vào sa mạc.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280670.jpg
Sa mạc và những chú lạc đà, công dân danh dự của sa mạc


Sa mạc Pushkar (tạm gọi vậy) cũng chằng chịt những sợi dây điện nơi xa xa, có điều cũng có những cồn cát, trảng cát chạy dài, những túp lều tạm bợ của dân du mục… nên vẫn cứ được gọi là sa mạc chứ nó cũng gần gũi với đời sống quần chúng nhân dân lắm rồi. Ngoài những khách du lịch cỡi lạc đà, còn có những chuyến xe kéo lạc đà nữa. Kiểu xe như xe bò ở quê nhà, nhưng kéo bởi các chú lạc đà thay vì bò hay trâu. Trời ơi, nhìn 2 ku khoai Tây ngồi ngật ngưỡng trên xe lạc đà, tu chai Kingfisher mà lòng đầy thèm khát. Sao chúng lại có thể tìm ra nơi nào bán bia ở vùng đất thiêng chay tịnh này vậy? sao chúng tìm ra mà mình không tìm ra…!!!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280672.jpg
Chiều sa mạc


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280684.jpg
Chiều đã bắt đầu vào chiều


Vì tôi đi trễ nên lúc vào đến “sa mạc” thì nhiều đoàn người đã kéo về. Trên cát giờ chỉ còn 1 nhóm khách và con lạc đà của tôi. Dừng chú lạc đà lại, tôi leo xuống ngồi ngắm hoàng hôn, cho con lạc đà nghỉ ngơi, cho chú nhóc chạy đi chơi cùng đám bạn.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280694.jpg
Đội nhọc nhằn đi về đâu


Hoàng hôn sa mạc hơi là lạ. Trời rất trong và mây cũng rất trong, như những dải lụa bạc hay những vẩy bạc lấp lánh dát vào trời xanh. Mặt trời thì lại hồng hồng be bé khiêm tốn nhún nhường làm sao, làm cho bầu trời xanh nhạt cứ thăm thẳm. Sa mạc khô không khốc, những lũ cây dại có nhiều gai góc thay cho lá xanh mọc lúp xúp đâu đó. Xa xa, những túp lều tạm bợ của người du mục hay cư dân địa phương nằm uể oải xám xịt trong chiều.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280678.jpg
Hoàng hôn rực rỡ lấp lánh mây bạc



Chiều nay không nhiều gió nhưng thi thoảng, cũng có những cơn gió từ đâu ùa về làm đám bụi cát được phen thỏa chí hè nhau tung bay lên tí tởn, rồi rủ nhau cuộn thành đám chạy dạt về một góc xa nào đó, để rơi xuống. Rồi lặng lẽ, khát khao mong chờ những cơn gió mới...


Còn tôi, có gì để mong chờ… như những đám cát nhỏ dại khờ kia?


(tbc.)

backpackervn
25-02-2010, 11:28
(cont.)



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280691.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280696.jpg
Người nghệ sĩ già đàn những bài dân ca du dương nhưng nghe ai oán trong chiều sa mạc


Sa mạc vắng! Hoàng hôn sa mạc lại xuống nhanh chứ không chầm chậm nuối tiếc như ở sông ở rừng ở biển…, nơi mặt trời to vành vạnh như chiếc nón từ từ tiếc nuối rời đi. Có lẽ do không gian thoáng đãng, tầm nhìn rộng xa nên mặt trời bé tí hin lại không có các phông nền màu hỗ trợ nên cứ hồng nhàn nhạt. Chỉ thoáng chốc đã chạy trốn mất hút dưới chân trời, bỏ tôi ngồi lại một mình. Chú bé dắt lạc đà cũng ngồi một mình chờ tôi, con lạc đà cũng nằm chọp chẹp nhai chờ tôi… và cả tôi nữa, tôi cũng đang chờ tôi….



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280690.jpg
Hoàng hôn rơi nhanh



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280709.jpg
Mặt trời sa mạc đỏ


Gió đêm đã về, chợt chớm lạnh. Thời tiết sa mạc đỏng đảnh như gái cốm chanh, chợt nóng chợt lạnh… tôi leo lên lạc đà, về phố. Giờ tôi lại được cỡi lạc đà đi trong phố đêm đèn đường hoa lệ Pushkar. Những ánh đèn vàng của đêm đã che đi những loang lỗ, những lởm chởm, những đổ vỡ hoang tàn của Pushkar, đem lại cho thành phố thiêng một vẻ đẹp huyền hoặc, nhất là khi những ngọn đèn chợt chao nghiêng vì những cơn gió sa mạc, làm cho những bóng sáng trong những con hẻm nhỏ, những ảnh người cũng lao xao… như không có thật.




https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280703.jpg
Hoàng hôn rơi nghiêng (tác phẩm của chú bé dắt lạc đà).



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280701.jpg
…rồi rơi nhanh



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB280717.jpg
Có một người cô đơn trong chiều sa mạc…(!!!!!!!!!!!!?????????)



Khuya, sau một ngày nắng oi nồng, Pushkar lại có mưa lất phất bay. Tôi một mình lặng lẽ bên hiên, chờ chuyến xe đêm. Đường khuya vắng tanh, tối đen, nhòe nhoẹt nước. Đó đây có những vũng sáng lấp lánh phản chiếu ánh đèn đêm vàng vọt héo úa ảm đạm. Mưa li ti bay, từng đợt, mịt mù, thi thoảng thốc lên, tạt vào người buốt giá. Một đám tang nhỏ đang trên đường khuya, về phía hồ thiêng. Những thanh niên khiêng cái xác quấn trong tấm vải liệm trắng, trên vai, đi lặng lẽ, không một tiếng khóc than. Thân xác người quá cố nằm thẳng đuột trên vai họ. Làm sao tôi có thể quên khoảnh khắc khi dòng người đi ngang qua tôi, đôi chân khẳng khiu đen đúa của người quá cố chợt ló ra sau những tấm vải liệm, khi có cơn gió tốc lên. Mưa vẫn bay lúc lâm râm, lúc mịt mờ. Đoàn người đưa tang quần áo trắng ướt lướt thướt như đi nhè nhẹ như đang lướt qua tôi. Chợt vẳng nghe tiếng họ lầm rầm hát hay tụng niệm những câu kinh kệ… trong gió lay mưa bay sao nghe như từ muôn trùng xa vẳng… Tôi rùng mình thấy người như chao đảo, bải hoải rã rời… như có những cơn giá lạnh về bủa vây quanh mình… như chút sức cuối cùng cũng đã bỏ tôi, mà đi…



Tôi đã chia tay miền đất thiêng Pushkar, một đêm khó quên, trong những tháng ngày tôi đi hoang….

backpackervn
03-03-2010, 15:43
Chuyến xe bus cọc cạch lại leo qua những con dốc đá dài, đưa tôi về Ajmer trong một đêm ngổn ngang những cảm xúc, khi lòng đang rối bời bời, khi người đã ẹo oặt nhũn như cọng bún... Gió đêm sa mạc lạnh lùng quất từng cơn giá buốt những khi chiếc xe rị mọ lò mò bò qua các con đèo, con dốc… Pushkar giờ như một tiếng thở dài đã xa. Đêm khuya Ajmer vẫn rực sáng ánh điện đèn phố thị, nhưng nào có nghĩa gì khi tôi lại tiếp tục chồn chân mỏi gối nơi góc đường, chờ chiếc xe nối chuyến từ Jaipur. Chiếc xe sẽ đưa tôi đi tiếp về biên giới Tây Ấn, vào sâu trong sa mạc. Đêm nay, tôi sẽ lại có một đêm chập chờn trên xe, tôi sẽ nghĩ gì trong đêm dài dằng dặc khuya nay…?

…………………….......................... .............................................




Hành trình Ấn Độ của tôi đầy những cảm tính, tôi đi không theo một kế hoạch nào hết. Ngoài các vùng thánh tích, Taj Mahal, còn lại chỉ là ngẫu hứng trên những chuyến tàu xe, sau khi gấp cuốn L.P lại ngẫm nghĩ… và quyết định. Do vậy, các bạn nào hỏi tôi về cách book vé tàu xe máy bay… là tôi chịu chết. Hầu như tôi chỉ mua vé cho chặng đường tiếp theo khi chân vừa đặt xuống vùng đất mới. Do vậy, việc một mình lầm lũi chờ xe lúc đêm hôm khuya khoắc khi cô vắng quạnh hiu… là chuyện rất bình thường.




https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/India-1-1-1.jpg
Hành trình trên đất Ấn của bpk đến thời điểm này.



Jailsamer, cũng là một điểm đến ngẫu hứng, dù sau đó tôi mới biết rằng mình quá ngu ngơ khi chưa chuẩn bị ít nhiều hành trang kiến thức khi lên đường đi hoang. Nhưng cũng may mắn là cuối cùng tôi cũng đã lần mò đến được nơi đây, một trong “10 nơi nên đến trước khi chết”, còn hay được gọi là Thành phố Vàng Jaisalmer. Đối với tôi, Jaisalmer là một đóa hồng sa mạc lộng lẫy, mà đến giờ tôi vẫn ngất ngây khi nhớ về những ngày đó


(tbc.)

LinhEvil
03-03-2010, 16:06
haizzz buông mấy tiếng thở dài luôn í. Em ko thích đi ấn ĐỘ tí nào, nhưng đọc những hành trình như của bác thấy thổn thức thèm tiền để được đi....

chờ cái (tbc.) của bác

backpackervn
05-03-2010, 09:07
@ Linh Evil, bạn nói sao chứ những con đường in dấu chân bạn nếu nối nhau không biết đã mấy vòng trái đất rồi. Vẫn chờ những câu chuyện thú vị về những chuyến đi cũ mới của bạn.


@ hanhlienta, chúc mừng bạn đã có chuyến đi tốt đẹp. Nếu không ngại, bạn vào đây chia sẻ cho topic thêm sinh động nhé, nhất là về các vùng bpk chưa được đi như Khajuraho, Orchha… và những tấm hình chuyên nghiệp đẹp như tranh của bạn.

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::



(cont.)


Tôi lơ mơ chếch choáng bước xuống Jailsamer khi nắng đã lên hết một con sào. Dù đã thấp thoáng thấy bóng kiêu hùng của pháo đài Jaisalmer từ xa trên đường, tôi vẫn chưa thể tỉnh nổi khi vẫn còn ngồi trên xe. Chuyến xe đêm chập chờn nhiều dằn xóc, lắm mộng mị từ khuya qua làm người tôi cứ ngầy ngật mệt mỏi rã rời. Bến xe lại không nằm gần cổng vào thành Jailsamer mà nằm ở 1 nơi hơi xa. Do vậy, xuống xe, nhắm hướng của những tòa tháp canh vàng rực lô nhô nơi xa, tôi lê bước đi về thành Jaisalmer. Và tôi đã dần dần bừng tỉnh, khi thành Jailsamer hiện ra trước mắt. Thành Jailsamer đây sao? Xứng đáng là đóa hồng sa mạc, xứng đáng cho một chuyến đi dài nhọc nhằn… Quăng balô xuống 1 góc, tôi ngồi xuống, ngắm nhìn thành Jaisalmer trong nắng sáng… ngất ngây.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290734.jpg



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290726.jpg



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290725.jpg
Thành Jaisalmer trong nắng sớm.



Nằm sâu trong sa mạc, chứ không phải ở bên rìa, Jailsamer đã có hơn 1.000 năm tuổi. Thành Jailsamer được xem là đài tưởng niệm sống cho cuộc sống mãnh liệt của những cư dân sa mạc lặng lẽ. Nằm trên ngọn đồi Trikuta, những thành lũy của pháo đài (hay thành) Jaisalmer đẹp huyền bí và mạnh mẽ, đặc biệt thể hiện sức sống mãnh liệt trong gió cát sa mạc từ ngàn năm vẫn miệt mài thổi qua phố.



(tbc.)

backpackervn
06-03-2010, 10:19
(cont.)



Nhưng nếu bạn muốn đến Jailsamer, bạn hãy đi nhanh vì thành xưa đang gặp nhiều vấn đề lắm rồi, nghe nói là một trong những thành phố sắp biến mất trên trái đất nữa rồi. Do nằm ở giữa sa mạc, việc cư dân sống đông đúc trong thành cổ nên vấn đề nước, nước ngầm và hạn hán đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Một phần cũng có lẽ lượng dư dân, theo du khách, đổ về ngày càng đông đúc nên vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290728.jpg
Tôi đứng chờ, nhìn vào cổng thành hun hút, vào một mình thì cũng được, nhưng lỡ hứa nên chờ



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290730.jpg
Như một góc quê nghèo Việt



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290732.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290733.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290731.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290729.jpg
Những sắc màu đậm đà hơn của Jaisalmer


Ngồi bên ngoài thành, tôi chờ người em trai của chủ nhà trọ mà tôi đã điện thoại vào để đặt chỗ (chỉ 100Rp # 2$/đêm) ra dắt tôi vào nhà, nhưng chờ mãi mà anh chàng đó chẳng thấy ra. Tôi lại đi lòng vòng quanh cổng thành, ngắm nhìn cuộc sống nhộn nhịp đang diễn ra, ngắm nhìn thành xưa rực rỡ sắc màu trong màu nắng đã vàng óng như mật… Cuộc sống ở đây chia 2 mảng, khác nhau ít nhiều nhưng mảng nào cũng nhiều màu sắc. Góc bên đường, những người phụ nữ quê bày bán những mớ rau, đám củ, cọng hành... Màu sắc của hoa trái và những chiếc saree quê hiền hiền ít màu ít sắc hòa vào nhau, dung dị hiền lành. Góc bên kia, những quầy hàng bán cho du khách hàng hóa rực rỡ lung linh màu, lại được chăm sóc bởi những phụ nữ trang điểm thật đậm và những bộ saree nồng nàn, tự nhiên lại hợp nhau một cách rực rỡ… Tất cả đều hòa vào nhịp sống đầu ngày đầy màu sắc của Jaisalmer.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290740.jpg
Cún con hồn nhiên trên thành xưa ngàn năm


Tôi mệt mỏi, nhưng hạnh phúc trong một sáng cuối đông Jaisalmer rực nắng.


(tbc.)

Winsa
06-03-2010, 13:53
Cảm ơn bạn bpk rất nhìu.
Mình mới đọc đến trang 8, nhưng cứ rảnh là mình học riết, đọc từng trang 1, k bỏ sót từ nào.

Mình cũng chưa 1 lần đến Ấn Độ, mà thực ra hầu hết các nơi mà các phượt gia nhà mình đi mình đều chưa đến. Và mỗi lần nghe đến Ấn thì đúng là chỉ nghe thấy nắng, nóng, bụi, bẩn,... mà thôi. Thân gái nhỏ bé chắc khó có thể đi 1 mình được.
Thế nhưng, có lẽ bạn bpk kể chuyện có duyên quá hay sao ấy, bằng những chi tiết cụ thể của từng điểm đến, những ghi chú, những tình cảm, lạc quan,... mà tự dưng mình thấy thật hay và mong được đến Ấn lắm.

Mình cũng đã được xem đĩa "Đường về cội giác" do Chùa Hoằng Pháp phát hành. Trong đó cũng đầy đủ hình ảnh về 4 thánh tích và những cảm nhận của các sư thầy khi sang ÂĐ về. Các sư thầy cũng ghi hình về sông Hằng, rằng sông Hằng nơi thì vứt xác người còn chưa thiêu hết, nơi rắc tro, nơi vứt xác bò, ... và cách 1 chút là người tắm. Nghĩ rằng sao lại mất vệ sinh vậy, nhưng có lẽ theo lý thuyết của triết học thì "k ai tắm 2 lần ở 1 dòng sông" nên nước đã trôi đi thì nước mới đến lại là mới chăng.

Cám ơn bạn bpk rất nhìu!

backpackervn
08-03-2010, 13:05
@ vitawa, cám ơn những chia sẻ chân thành của bạn. Hy vọng Tổng cục du lịch Ấn Độ sẽ có phần thưởng cho bpk, khi bạn đến thăm đất nước này, vì bpk đã có một phần công sức nho nhỏ khi “dụ dỗ” được bạn.

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::::

(cont.)




Rồi anh chàng Ấn Độ cũng đến nơi, dắt tôi qua những con hẻm ngoằn ngoèo, với những căn nhà bằng đá, đất sa mạc vàng hực, những gallery nghệ thuật ven đường nhiều màu sắc rực rỡ, anh ánh các sắc cầu vồng trong nắng xanh đầu ngày sa mạc… đẹp như trong cổ tích, để đến quán trọ. Sau khi nghe tôi nói là sẽ không book tour cỡi lạc đà vào sa mạc (tuyệt chiêu đó – kể chi tiết sau), anh chủ nhà trọ hơi chán chường và bán tôi qua một nhà trọ khác, cũng gần gần đó, cũng với giá 100Rp/đêm, cho 1 căn phòng có "thể tích" khoảng 2,2 x 2,2 x 2 (2m cuối cùng là chiều cao). Tức là mình tôi được nguyên cả 1 căn phòng (!?), chỉ trải vừa 1 tấm nệm cho cái giường đôi. Còn chiều cao căn phòng thì suốt 1 tuần sau khi rời Jaisalmer mấy cái cục u trên đầu tôi vẫn còn, chỉ vì cái cửa ra vào quá thấp, nhưng tôi lại hạnh phúc cho mình và thương cho mấy bạn khoai Tây quá trời.




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290736.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290744.jpg



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290738.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB290743.jpg
Những con đường nhiều màu sắc ở Jaisalmer



Kể lể là vậy, nhưng với 1 thành phố đã ngàn năm tuổi trong sa mạc, tấc đất tấc vàng, trong 1 căn nhà xưa được cơi nới đôi chút, chủ nhà và cả gia đình dồn vào góc nhỏ để nhường mấy cái phòng cho khách… như vậy là quá thoải mái rồi. Có điều lạ, toilet ở đây lại rất rộng rãi và sạch sẽ, điều hiếm thấy ở Ấn Độ. Nước nôi cũng thoải mái nhưng tôi cũng ý thức chút chút và chỉ dùng in ít. Ngả lưng trên tấm nệm đặt trên nền đất nện màu vàng không lẫn vào đâu của sa mạc, nghỉ ngơi đâu 10p, tôi đi tắm một cái là bao mệt nhọc tan biến. Thay bộ quần áo sạch sẽ tinh tươm (hơn) tôi lon ton ra phố.


(tbc.)

danngoc
08-03-2010, 13:21
Vải dệt tay, búp bê và hàng lưu niệm đẹp quá bác ạ.

Winsa
09-03-2010, 12:47
"từ năm 1538 đến năm 1945" - bạn xem lại số liệu này nhé! Mình đang đọc đến đây nên phát hiện ra. (Trang 11)

backpackervn
10-03-2010, 11:50
@ danngoc, Jaisalmer nổi tiếng là đồ đẹp, rẻ… chúng bạn của bpk đã mua cả đống đồ gửi thẳng về quê nhà luôn, chưa kể xách theo một đống trong suốt hành trình Ấn Độ. Ngoài vải vóc thảm dệt thủ công, đồ da ở đây cũng rất đẹp và rẻ (đó là chúng bạn nói), nhưng bpk đi suốt hành trình Ấn Độ hầu như không mua gì cả, mà hành trình nào cũng vậy!!!!


@ vitawa, con số đó là 1549 (chứ không phải là 1945). Lý do chắc tại lúc gõ đầu óc lại đang mơ màng gì đó, mà con số 1945 thì lại rất quen thuộc với người Việt nên tự động gõ vậy luôn. Cảm ơn bạn hén!

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::::::::::

(cont.)


Đến Jaisalmer mà không đi sa mạc thì đến làm gì? Nhưng tôi vẫn trả lời anh chủ nhà trọ là không đi và tôi đến đây chỉ để chờ nhóm bạn sắp đến, rồi mới quyết định. Thật lòng mà nói, trong suốt những hành trình lang thang một mình, tôi ít khi nói với người lạ là tôi đi một mình, khi bị hỏi, mà luôn nói là đi chung cả nhóm, rồi mới tách nhóm, hẹn bạn ở đây… Đó là để đề phòng, vì nếu nói đi một mình thì nguy cơ mắc chuyện bậy bạ, lừa đảo, hay có thể nghiêm trọng hơn… cao hơn rất nhiều. Đôi lúc, tôi còn hẹn giờ điện thoại di động để nó tự reo chuông, rồi bật lên xí lô xí là gì đó, đại loại “chừng nào tụi mày tới, chiều nay hả, tối nay hả, mấy giờ, hẹn ở nhà trọ này, quán bar kia nghen…” để người khác nghe được mà còn e dè tý xíu nếu muốn định làm gì mình (?!). Đi chơi một mình khổ vậy đó, tội nghiệp ghê luôn hén!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB290748.jpg
Cư dân thành Jaisalmer



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB290745.jpg
Một ngôi đền to lớn của đạo Jain, đạo chính ở Jailsamer


Lý do thứ 2 tôi từ chối không book tour đi sa mạc ngay là vì tôi không muốn bị ràng buộc, rồi từ chối sau đó, làm mất lòng cái chỗ mình nghỉ ngơi ra vô gặp mặt hoài. Hơn nữa, nhóm bạn tôi cũng đã bị lừa về vụ “sa mạc mới”, “sa mạc cũ” ở đây rồi, trên mạng cũng cảnh báo nhiều về tình trạng cò vạc ở Jaisalmer nên tôi cần kiểm tra thông tin kỹ trước khi quyết định. Đại để là các bạn cò vạc ấy nói rằng thiên hạ ở đây đi nát cái “sa mạc cũ” rồi, muốn thiên nhiên, hoang dã hơn thì nên đi cái “sa mạc mới”, ít ai đi, hoang vắng, hấp dẫn, tèn tén ten… Dĩ nhiên là bạn phải chi nhiều quân Nguyên hơn, vì hoang vắng hơn, thiên nhiên hơn mà... Chúng bạn tôi bị mắc bẫy rồi, cảnh báo cho tôi 2 cái sa mạc đó cũng là một thôi, mà có cái gì để đối chứng đâu mà mới với cũ…



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB290754.jpg



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB290751.jpg
Những con đường hun hút trong thành cổ, cũng là những gallery đa sắc


Quả nhiên, khi tôi đi lơn tơn ngoài đường để hỏi thăm, tình hình cũng y chang dzậy luôn. Tôi hỏi tour lạc đà vào sa mạc từ chiều đến khuya, giá của các đại lý quanh quẩn trong khu trung tâm pháo đài Jailsalmer xê xích trong khoảng 1.500Rp. Tôi lon ton ra ngoài thành, đi xa xa một tý, ra văn phòng du lịch Jailsamer hỏi thăm thì ối trời ơi, giá chỉ có 300 Rp, kèm thêm bữa ăn tối buffet, được xem gái sa mạc nhảy múa nữa (các tour trên không có dịch vụ này). Vụ này cũng y chang với việc mua hỏi vé xe bus về Jodhpur (tôi hỏi 2 vụ việc cùng lúc). Hỏi ở các đại lý du lịch trong thành giá rất cao, buồn tình, tôi thử hỏi thăm đường với chú bán tour giá 250Rp. Chú chở tôi thẳng đến phòng vé luôn, mua vé chỉ có 1/3 – 1/4 giá chào bán trong thành cổ. Ối trời ơi là India!!!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB290781.jpg
Thành Jaisalmer rực rỡ trong nắng trưa


Sung sướng vì không bị lừa hơn là vì tiết kiệm được chút tiền còm, hơn nữa là đã chuẩn bị xong mọi việc đi đứng nhanh chóng, tôi hân hoan quay về thành cổ Jaisalmer, lơn tơn vừa “khám” vừa “phá” tiếp.



(tbc.)

dibui1minh
11-03-2010, 11:07
@backpackervn: Em cũng đi 1 mình nên nghĩ book tour cho chắc (chắc là sai lầm). Trong đoàn có ông người Pháp đi 2D1N trả 2.700Rs (có bia), 2 cô gái Canada đi 3D2N trả 2.300Rs và em 2D1N trả 1.800Rs (vì là người cuối cùng nên em vặn vẹo 1 hồi được giá đó, vì có em đi hay không nó cũng phải tổ chức cho 3 người kia).

Dịch vụ cho 4 người bọn em là y như nhau, bác người Pháp bảo có bia để bác uống nhưng cũng chẳng thấy bia của bác đâu. 2 cô gái Canada đi 2D1N cũng về cùng 2 thằng em luôn.

Bọn em đi từ 9AM đến 5PM hôm sau về. 1 đêm phải ngũ ngoài trời ở sa mạc vì có 1 cái lều để ngũ nhưng nhiều chuột nên sợ chúng cắn.

backpackervn
11-03-2010, 12:54
@ dibui1minh, vậy là bạn cũng bị chặt một khúc hén. Âu cũng là kinh nghiệm India há. Thật ra, so với du lịch TQ thì giá đó còn rẻ chán mà – suy nghĩ dzậy đi, cho nó bớt buồn nghen bạn. Mà sao bạn không cùng vào đây để chia sẻ hén? Còn nhiều bạn sẽ đi Ấn Độ mà.

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)




https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB290727.jpg
Một tòa lâu đài ở Jaisalmer, hơi giống giống Lâu đài Gió ở Jaipur về kiến trúc tổng thể


Những con đường be bé chạy giữa những ngôi nhà gạch đá sa mạc vàng vàng, những quầy hàng mỹ nghệ lúc đầu còn thấy đẹp nhưng một hồi sao thấy lại giống nhau… những ngôi đền Jain thì đã quá giờ cho người ngoại đạo viếng thăm… tôi chẳng còn biết đi đâu nữa. Cho dù là tôi đã đi một vòng bên ngoài thành lẫn len ngang lách dọc trong thành. Thế là tôi lên cao.




https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB290752.jpg
Anh bảo vệ đang mơ màng, không biết là ly trà hay ly rượu nữa đây?



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB290756.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/PB290757.jpg
Jailsamer qua các khe hở, các cửa sổ của Maharaj Palace


Maharaja Palace là nơi có địa thế tốt nhất để ngắm nhìn Jaisalmer bên dưới. Nguyên cả tòa lâu đài cũng là một bảo tàng nhỏ trưng bày nhiều hiện vật về của sống của hoàng tộc ngày xưa. Có nhiều thời gian để lê la, tỉ mẩn ngắm nhìn, đọc chữ để hiểu hơn thì rất hay nhưng tôi lại rất lười về khoảng này, nên cứ thẳng tiến lên sân thượng trong buổi trưa nắng chói chang để hấp háy nhìn Jaisalmer trong cái nắng mùa đông sa mạc mà cứ ngỡ như giữa tháng Năm Sài Gòn.



(tbc.)

dibui1minh
11-03-2010, 13:12
@backpackervn:em vẫn đang theo dõi bác. Thấy bác đi đến chỗ nào mà em có đến bác cho em chen ngang tí nhe. Em có chui vào đền Jain này và chộp vài tấm ảnh trước khi bị bọn coi đền bắt nộp phạt tiền vì dám chụp thần linh của bọn hắn (nhưng em bảo tao chụp loanh quanh cứ có chụp xxx của bọn bây đâu và cười trừ). Ở Ấn các bạn cứ phạm nhiều tội vào, nộp tiền là hết tội ngay.

Thoáng nhìn bên ngoài

https://photos-g.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash1/hs496.ash1/27080_369509126704_650211704_3765842_7959116_n.jpg

Lối vào Jain Temple
https://photos-a.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc3/hs516.snc3/27080_369513606704_650211704_3765843_3850940_n.jpg

dibui1minh
11-03-2010, 19:49
Nhìn lên trần

https://photos-h.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash1/hs496.ash1/27080_369509046704_650211704_3765838_3757530_n.jpg

https://photos-d.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc3/hs516.snc3/27080_369513621704_650211704_3765844_3846737_n.jpg

dibui1minh
11-03-2010, 19:51
Tượng thờ chính

https://photos-f.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc3/hs516.snc3/27080_369513631704_650211704_3765845_1707081_n.jpg

dibui1minh
11-03-2010, 19:53
Bên trong

https://photos-h.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash1/hs496.ash1/27080_369513651704_650211704_3765846_5107470_n.jpg

dibui1minh
11-03-2010, 20:00
Và gian thờ liền bên

https://photos-b.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash1/hs496.ash1/27080_369544216704_650211704_3765864_5474169_n.jpg

https://photos-c.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash1/hs496.ash1/27080_369518356704_650211704_3765854_7778355_n.jpg

dibui1minh
11-03-2010, 20:01
https://photos-b.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash1/hs496.ash1/27080_369513686704_650211704_3765847_7352319_n.jpg

https://photos-d.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash1/hs496.ash1/27080_369516451704_650211704_3765850_8348043_n.jpg

dibui1minh
11-03-2010, 20:03
https://photos-h.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc3/hs516.snc3/27080_369516481704_650211704_3765852_7134095_n.jpg

https://photos-a.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc3/hs496.snc3/27080_369516406704_650211704_3765848_6475558_n.jpg

https://photos-g.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc3/hs516.snc3/27080_369516431704_650211704_3765849_4200221_n.jpg

https://photos-f.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc3/hs516.snc3/27080_369516461704_650211704_3765851_2467163_n.jpg