PDA

View Full Version : [Hỏi đáp] Hành trình khám phá bản thân và trải nghiệm cuộc sống



An Cartoon
14-04-2012, 16:45
Em muốn oánh dấu cái tuổi 25 bằng một cuộc hành trình trải nghiệm và tăng nhận thức bản thân.
Vì vậy, em có kế hoạch làm 1 chuyến đi kéo dài 20 ngày đến các tỉnh Tây Nguyên (Daklak, Đà lạt, Pleiku), muốn được ăn bờ ở bụi, sống với người dân nơi mình đến, làm những việc mà trước nay mình chưa từng làm, phương tiện di chuyển chính là xe bus, xe Mailinh và thuê xe đạp, xe máy. Để tiết kiệm chi phí và đi được nhiều nơi, trong nhiều ngày, sống hoà nhập và trải nghiệm với thực tế nên mình muốn được xin tá túc tại gia cùa người dân, làm những việc gì đó có thể giúp mình tiết kiệm được chi phí ăn ở và đi lại như phụ giúp việc, buôn bán đồ lưu niệm...
Thời gian dự định lên đường vào nữa cuối tháng 05/2012 này.
Rất mong nhận được những ý kiến phân tích & chia sẻ từ nhiều phía của các bác để em có chuẩn bị tốt hơn cho chuyến trải nghiệm đầu tiên này.
Nếu may mắn gặp được bác nào có cùng chí hướng thì lập team đi cùng thì may quá!
Thank các bác nhiều!

ikute_net
17-04-2012, 11:17
hay đây anh ^^

An Cartoon
23-04-2012, 16:42
Cám ơn các bác đã cho mình thấy được cái nhìn đa chiều của cùng một vấn đề.
Mình cũng đã nghĩ đến vài trường hợp xấu nhất, và Mục tiêu của mình đặt ra là Không nhất định được free, chỉ cần có chỗ ngủ lại và có nước để tắm táp là Ok, mình sẽ tham gia vào tất cả các công việc có thể phụ giúp gia chủ: vườn tượt, bán hàng... Mục tiêu tiết kiệm và trải nghiệm là mục đích của chuyến đi.

cafe37
23-04-2012, 17:04
20 ngày không đủ để làm nhiều kế hoạch thế đâu. Giờ trải nghiệm tốt nhất là bạn mang đến Tây Nguyên 1 cái xe đạp, đạp lang thang trên mọi nẻo đường, thấy họ làm việc gì thì vào giúp 1 tay theo khả năng của mình. Từ đó bạn sẽ dc mời ăn cơm và nói chuyện cực kỳ thoải mái với người dân. Nếu ngày nào không làm việc giúp thì đạp xe khám phá mọi nơi, quá mệt thì xin xe tải hoặc công nông quá giang 1 đoạn, tối ghé xin nhà dân ngủ hoặc ngủ ở ngoài đường, chi phí sẽ không nhiều nếu bạn đi như thế.

nguyenhoangha
23-04-2012, 19:12
Chẳng ai thuê một người xa lạ làm kiểu đó đâu Cafe ơi , đừng hão huyền nhé ! Mình chưa thấy bạn nào trên Phượt có hồi ức vừa đi vừa làm thế cả ! Móc tiền túi ra thôi !

Fhượt
23-04-2012, 19:53
Đồng ý với bác @nguyenhoangha.
Đây là hình thức đi và trải nghiệm khá quen thuộc tại các nước Âu Mỹ. Tuy nhiên với điều kiện xã hội nói chung như Việt Nam, rất khó để làm điều tương tự. Ngay cả người thực hiện chuyến đi, đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng sống, kiên trì và khả năng thích ứng môi trường sống nhanh nhạy mới có thể giữ được tiêu chí mà ban đầu đặt ra.
Chỉ cần "dễ dãi" chọn đi bằng xe ôm, vì xin đi nhờ xe vài lần mà chưa được, nghĩa là mình đã đánh mất ý nghĩa của chuyến đi rồi.
Dù sao cũng ủng hộ bạn @Ancartoon thực hiện chuyến đi này. Tuổi 25 của bạn vẫn còn cái sôi nổi của sức trẻ, nhưng đủ chín để phạm ít sai lầm.
Chắc bạn đã từng nghe câu thành ngữ "Nếu không dám bước đi vì sợ bị gãy chân, khác nào chân đã bị gãy rồi". Mạnh dạn thực hiện ý tưởng nhé!

cafe37
23-04-2012, 22:36
Ko, ý em thế này nhé.
20 ngày không đủ để làm thuê, giờ đi cứ gặp người nào đang làm cafe thì vào giúp 1 buổi ko lấy công, chắc chắn họ sẽ mời cơm thôi, không có gì khó cả. Em không nói là sẽ ko mất tiền nhưng sẽ giảm dc chi phí tối thiểu. Chỉ giúp mỗi nơi 1 buổi hoặc 1 ngày để trải nghiệm và lại lên đường thôi.

nguyenhoangha
24-04-2012, 07:38
Chẳng trải ngiệm được gì ở những nơi đó , mất thời gian mà vật chất đem lại không đáng kể ( chỉ bữa cơm ),thậm chí sẽ bị những người ở đó nhìn với con mắt khác , thậm chí coi thường . Tây (loại tây đen ngoài công viên 23/9 Sài Gòn ) có thể làm thế chứ VN thì..thử xem !

An Cartoon
24-04-2012, 09:35
Bạn @Cafe37 nói chí phải, với 20 ngày mình sẽ chỉ đến 2 vùng là DakLak và Đà Lạt.
Bạn @nguyenhoangha, bạn luôn đưa ra những trường hợp khắc nghiệt nhưng điều đó là cần thiết và giúp mình phải luôn chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi. thank bạn nhiều.
Bác @Fhượt ah, với comment của bác, An Cartoon tin rằng bác là người có nhiều kỹ năng sống và từng trải. Đúng cũng chính câu nói "Nếu không dám bước đi vì sợ bị gãy chân, khác nào chân đã bị gãy rồi" chính là quan niệm sống cùa Cartoon.

Các bác ah, mục đích của mình không phải kiếm tiền, mình muốn được tham gia làm những việc khác nhau, được tiếp cận với những người khác nhau, được trải nghiệm cuộc sống.
Để đạt được ý nghĩa đó, mình sẽ tự đặt ra cho mình mỗi ngày ít nhất phải chinh phục được 3 thử thách: xin được tá túc, xin được cùng làm việc với gia chủ, kết nối thêm được với nhiều bạn bè mới, trao dồi tiếng anh, học chơi 1 loại nhạc cụ nào đó, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống (tồn tại). Mình muốn "tự dồn mình tới đường cùng" để tìm ra khả năng tiềm ẩn của chính mình.
Điều quan trọng cuối cùng, sau chuyến đi này mình muốn xác định lại niềm tin của bản thân, muốn "khám phá" chính con người mình, mình muốn gì, thích gì, và sẽ gắn bó với nghề gì trong tương lai.
Đó là tâm huyết của chuyến đi. Vì vậy, đây không phải là chuyến du lịch, cũng không phải để chứng tỏ bản thân, có thể nói đây là chuyến đi để suy ngẫm và tìm kiếm chính mình.

Fhượt
25-04-2012, 14:31
Đi thì có thể giống nhau nhưng chắc chắn mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Quan trọng là mình đừng "quá khác" đến mức không hề hội nhập được bạn @An Cartoon àh.
Như mình đã nói, cách thức đi như vậy sẽ khó khăn hơn nhưng không đến mức không thực hiện được. Bù lại mình sẽ có nhiều trải nghiệm hơn, chia sẻ nhiều hơn, bổ sung cho mình kinh nghiệm sống quý báu mà không phải hoạt động nào cũng có được.
Chờ bạn chia sẻ cảm xúc và thông tin từ chuyến đi.

cafe37
25-04-2012, 21:32
Bác hà ạ. Riêng em thì trong chuyến đi vừa rồi em có 4 lời mời ngủ và ăn của người địa phương sau khi nghe em kể về chuyến đi của em và thằng bạn đi bộ cùng em cũng xin ngủ tận 2 ngày tại 1 nhà xa lạ. Và trong nhựng chuyến đi khác em cũng đã xin ngủ ké và tất nhiên là ăn ké tại nhà người lạ. Điều quan trọng nhất là chứng tỏ cho họ thấy sự chân thành của mình. Bạn đi thì tớ thấy bạn nên nói bạn là sinh viên vì sv rất dễ lấy thiện cảm. Bạn đừng sợ bạn khác người vì rất nhiều chủ nhà sẽ rất muốn nghe câu chuyện của bạn với sự kính phục.

cafe37
25-04-2012, 21:47
Đi đi và bạn sẽ ko hối hận về chuyến đi của bạn. Điều tớ lưu ý là bạn hãy luôn cười trong chuyến đi và hãy hỏi xin sự giúp đỡ từ mọi người, đừng ngại hay xấu hổ khi bị từ chối, xin 10 dc 1 là quá tốt rồi. Và đừng xin nhà nào giàu hay buôn bán tại nhà nhé, sẽ khó hơn đấy, chọn nhà nào thấy thoải mái và tò mò về câu chuyện của bạn để tìm sự giúp đỡ. Nếu đi bộ, hãy xin xe tải nhé vì có nhiều cơ hội xe sẽ dừng lại cho bạn đi nhờ free, nhớ nhìn cabin xem có còn chỗ cho bạn ko nhé. Nhớ xin xe công nông ở gia lai, sẽ vui lắm, họ sẽ rất quý và giúp bạn hết mình.

smallboy
25-04-2012, 23:35
Bác đi khám phá bản thân mà dùng Mai Linh thì chắc sẽ mắc lắm đó :D
Dự định của bác rất hay nhưng bác nên cân nhắc lại khoản phương tiện cho chắc chắn, và lên một lịch trình cụ thể, rõ ràng thì mọi người mới biết tuyến bác định đi qua những đoạn nào và có thể giúp gì hữu ích không, với lại lên lịch trình cố định để mình phấn đấu đạt được nó, có nghị lực và đam mê mới thực hiện được những chuyến khám phá bản thân một mình này bác ạ. >:<
Mong bác thành công trong chuyến đi này. :D

An Cartoon
26-04-2012, 12:35
Đọc các bài viết về cung đường Tây nguyên, cảm nhận sau mỗi chuyến đi của các "bô lão" Phuotter, mình mạnh dạn lên kế hoạch cung đường mình sẽ vượt qua (chủ yếu bằng xe đạp), mong các bạn góp thêm ý kiến:

Xuất phát: Bến Xe Miền Đồng, ngày 15/5 (người + chiếc xe đạp leo núi) sẽ cùng lên chuyến xe khách đi Buôn Đôn.

Chặng 1 (7 - 10 ngày): Buôn Đôn - Buôn Ma Thuột - Thác Trinh Nữ - Buôn Tráp - Đường 682 - 687 - Hồ Lak - Thác Krông Kmar
+ Ngày 1: 16 - 17h tới Buôn Đôn, tìm chỗ ngủ
+ Ngày 2: Khám phá Buôn Đôn, tìm chỗ ngủ
+ Ngày 3: đi Buôn Ma Thuột, khám phá Buôn Ma Thuột, tìm chỗ ngủ
+ Ngày 4: Buổi sáng Khám phá Buôn Ma Thuột, buổi chiều đi Drây Sáp, tìm chỗ ngủ
+ Ngày 5: Khám phá Khu Thác Drây Sáp, Thác Gia Long, Thác Drây Nur, tìm chỗ ngủ
+ Ngày 6: Theo TL682 đi Buôn Triết, tìm chỗ ngủ tại Buôn Triết
+ Ngày 7: Theo TL 687 đi Hồ Lak, Khám phá Hồ Lak, ngủ lại Liên Sơn
+ Ngày 8: Đi Krông Kmar, Khám phá rừng và thác Krông Kmar, ngủ lại Krông Kmar

Chặng 2 (10 - 12 ngày): Thác Krông Kmar - QL 27 - Đường 722 - Đạ Long - Đưng K'Nớ - Hồ Suối Vàng - Đà Lạt
+ Ngày 1: Đi Hồ Lak, đi Buôn Liêng, ngủ lại Buôn Liêng
+ Ngày 2: Khời hành đi 722, ngủ lại Liêng Kinh
+ Ngày 3: Đi Đạ Long, Đưng KNớ, ngủ lại Đưng KNớ
+ Ngày 4: Đi Đà Lạt, ngủ lại Đà Lạt
+ Ngày 5: Chinh phục đỉnh Langbiang, về Đà Lạt ngủ
+ Ngày 6: Khám phá Hồ Tuyền Lâm
+ Ngày 7: Chinh phục Thác Dantala
+ Ngày 8: Khám phá thác Voi (Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, trên TL725)
+ Ngày 9: Tìm hiểu làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên
+ Ngày 10: Tìm hiểu nghề làm rượu vang Đa Thiện, làng thêu XQ (phường 8, Đồi mộng Mơ)
+ Ngày 11: Tham quan, dạo phố Đà Lạt: Ga trại mác, trường cao đẳng Đà Lạt, Đập Đa Nhim...

Chặng 3 (6 - 8 ngày): Đà Lạt - TL723 - Nha Trang - Đảo Bình Ba - Cam Ranh
+ Ngày 1: Khởi hành đi Nha Trang, TL723, Đạ Chais, ngủ lại Đạ Chais
+ Ngày 2: TL723 - 652, Khánh Vĩnh - Thác Yang Bay, ngủ tại Nha Trang
+ Ngày 3: Khám phá đường phố, Tháp Chàm, Đền Chùa tại Nha Trang, ngủ lại Nha Trang
+ Ngày 4: Đón xe Bus đi thị trấn Vạn Giã (Vịnh Vân Phong)
+ Ngày 5: Đi Cam Ranh, Đón tàu ra Đảo Bình Ba, ngủ lại đảo Bình Ba
+ Ngày 6: Về Nha Trang, Tắm khoán nóng Tháp Bà

Kết Thúc: 22h ngày 6, đón xe về lại Tp.HCM

Fhượt
26-04-2012, 23:59
Theo kế hoạch mà bạn đã đưa ra thì đây là một hành trình hay và đáng ghi vào nhật ký để đời đấy @An Catoon àh!
Ráng giữ sức khỏe và ý chí nhé! Mình tin rằng bạn sẽ đạt được ý nguyện. (c)

An Cartoon
07-05-2012, 12:20
Gần 1 tháng chuẩn bị, như một chú kiến thợ cần mẫn góp nhặt tha mồi về tổ, đầu tiên là lên Phượt.vn góp nhặt tin tức về các chuyến đi của các Phượt gia làm hành trang kiến thức cho mình, kế đến là xác định cung đường mình sẽ đi qua, rồi tìm trên Google Map bản đồ lộ trình, in ấn bản đồ, hỏi thăm ý kiến đóng góp của các chuyên gia lão luyện trong nghề Phượt và cuối cùng là Lập một bảng kế hoạch chi tiết cho Chuyến Hành Trình nào là thời gian, kinh phí, phương tiện di chuyển, mục đích - ý nghĩa chuyến đi...Thế là phần lý thuyết đã nắm vững và bắt tay vào thực hành thôi.
Đầu tiên, "chú kiến thợ" nhà ta tha về nào là võng để ngã lưng, tấm bạt để che nắng che mưa những lúc lầm đường lạc lối, bình đựng nước đủ mọi dung tích (1,5l, 1 lít, 500ml, 355ml), thuốc men thông dụng (thuốc Decogel, thuốc cảm ho sổ mũi, thuốc trị đau bụng, dầu gió, bông băng, õy già), áo mưa (1 cái du lịch nhanh gọn & 1 cái cánh dơi), 7 mét dây dù chăn bạt - phơi phóng, dao - kéo - băng keo - ly uống nước - xà phòng tắm giặt - đèn pin - pin - giầy thể thao - dép xỏ ngón - quẹt diêm & bật lửa - khăn tắm & khăn mặt - khẩu trang - kính mát - kính bơi - nón - bịt nylong đủ kích cỡ...đủ thứ linh tinh hầm bà lằng khác. Tổng cộng hơn 700K.
Tới phần quần áo mang theo, tiêu chí hàng đầu mà em nó đặt ra khi tuyển chọn là nhẹ, mau khô, không cần đẹp, dễ vận động. thế là 1 áo khoát gió - 1 áo ấm (có thể dùng làm chăn để đắp) - 1 quần jean - 1 quần dài thể thao - 3 quần short - quần bơi - 4 áo thun nhẹ - 1 áo sơ mi tay dài được tuyển chọn sau nhiều ngày bỏ vào lấy ra. Tổng cộng khoảng 5 bộ quần áo cho chuyến Độc Hành dài ngày.
Sức khoẻ, yếu tố quyết định thành công hay thất bại của chuyến đi. "Kiến" ta quyết tâm tập luyện nào là mỗi ngày chạy bộ 2.5 km, đạp xe trên các tuyến đường dài từ 5 km - 15 km để quen xe. Tập cơ bắp & thể lực mỗi sáng 30 phút.
Money, yếu tố quyết định sống còn, "Kiến" ta phải vận động bạn bè - người thân - "khai quật" số tiền tích cóp sau những ngày cày cấy vất vả của bản thân, nào là tính toán cất giữ thế nào, tiêu xài ra sao...cũng là 1 trong những vấn đề quan trọng như 1 con dao 2 lưỡi có thể giúp mình không phải lo lắng về cái ăn giấc ngủ nhưng cũng có thể chính là nguyên nhân khiến tính mạng của bản thân bị đe doạ khi chẳng may gặp bọn chấn lột cướp bóc.
Trang bị một số Kỹ năng sống trước khi bắt đầu hành trình, học sửa xe đạp, làm quen và giao tiếp với người lạ, cách thắt nút dây cơ bản. Một điều vô cùng quan trọng mà bắt kỳ ai trong hoàn cảnh nào cũng cần phải biết, đó là tạo mối quan hệ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những bạn bè mà có lẽ trước giờ chưa hề gặp mặt và quen biết. Mình thuộc nằm lòng và ứng dụng mọi lúc mọi nơi câu này nhé "Luôn mỉm cười với mọi người, rồi người ta sẽ mỉm cười lại với bạn".
Chăm sóc "chiến mã" thật tốt, mình bắt gặp "em ấy" trong tình cảnh què giò, gãy móng, bị bỏ đói lâu ngày, trên mình đầy xình lầy & ghẻ lơ lỡ. Thế là quyết định tậu "em ấy" về, đầu tiên thay cho "em ấy" 1 đôi chân mới, để chắc ăn mình đóng thêm bộ móng (keo tự vá) để khỏi lo "em ấy" dẫm phải đinh trên đường, đóng lại yên cương, làm thêm bộ giáp, thêm hộp số để em ấy và mình yên tâm khi di chuyển trên những chặn đường đèo dốc. Hết thảy 170K mua ngựa + 500K chăm sóc ngựa.
Theo tiêu chí tiết kiệm tối đa có thể, Ba Lô + Áo Khoát + Máy ảnh mượn của bạn bè.
Tất cả đã sẵn sàng, bây giờ chờ ngày đặt vé xe + chia tay các chiến hữu + và...lên đường.

trangthinh
07-05-2012, 14:27
Đọc bài viết của bạn mình thấy bạn là người rất cẩn thận, chi tiết và tỉ mỉ, đó là điều rất cần thiết trước mỗi chuyến đi. Mình thấy bạn chuẩn bị đồ khá đủ rồi nhưng cứ nên mang theo bơm nhỏ, xăm, miếng vá và bộ đồ sửa xe để tự sửa xe trên đường dài (thực sự cần thiết đấy). Và để quần bơi và 2 áo thun ở nhà, lúc đi đường bạn lấy 1 cái que buộc dựng đứng sau yên xe sau đó buộc phơi áo hoặc quần lên cái que, đạp xe 3 tiếng là khô ngay. Bạn nên có 1 cái khăn to trùm kín đầu và vắt quanh cổ như người Ai cập đi sa mạc đấy, như thế chống nóng rất hiệu quả, để chống mất nước thì nên dấp nước cái khăn bạn sẽ thấy rất là mát, va tránh bị say nắng.
Còn nữa, bạn nên mang theo khóa dây để xích con chiến mã vào gốc cây rồi tha hồ mà ngủ, nếu không tỉnh dậy lại thấy chiến mã ko cánh mà bay rồi. Theo kinh nghiệm gặp cướp và trấn lột trên đường của mình thì tùy đối tượng mà thỏa hiệp, hãy xem động thái và mức độ nguy hiểm của đối tượng đến đâu, có bầy đàn hay đi đơn lẻ, đi đơn lẻ thì bạn có dao phòng thân nhé. Thông thường tỏ ra anh hùng có thể sẽ thiệt thân khi bạn đang ở trên địa bàn của họ. Hãy bịa ra bạn là người nhà của ông .. gì đó trưởng hay phó công an buôn gần đấy (buôn Krông Kmar chẳng hạn), nếu các anh cần gì thì đến nhà ông ấy nói chuyện, tôi nhớ mặt các anh rồi, các anh ở buôn này có phải ko? Họ sẽ chột dạ ngay. Hãy nhớ rằng họ ko đến nỗi phải giết người vì một cái xe đạp ghẻ đâu nhé, trừ khi bạn đi SH:D Nếu cách đó áp dụng ko hiệu quả thì hãy nói thật chuyến đi của bạn nhằm mục đích từ thiện cho trẻ em trong buôn và mong muốn họ giúp đỡ, giang hồ thường hành hiệp trượng nghĩa mà, hồi xưa bịa chuyện giỏi mà phải ngồi uống rượu với mấy ông giang hồ chuyên cầm dao đi xin đểu, nếu cách đó ko hiệu quả thì hãy móc ví và biếu các anh tiền uống nước, còn tiền kia em để đi đường, hãy nhanh trí giành thế chủ động trong đàm phán bạn nhé. Nhưng một thủ thuật nữa là chia nhỏ số tiền mình có để nhét khắp người như ví một ít, túi áo, balô, trong giầy, tất. Có các phương án dự phòng sớm luôn là cơ hội sống sót và vượt qua khó khăn. Nếu bạn chưa từng gặp cướp thì đừng cầu nguyện là sẽ ko bao giờ gặp, hãy đón nhận thử thách bạn sẽ thấy bản lĩnh và tự tin hơn rất nhiều, cứ coi như đấy là 1 phần của chuyến đi :D
Bạn nên mang đồ ăn dự trữ như bate hộp và mì đề phòng lúc cơ nhỡ nhé.
Chúc bạn một chuyến đi may mắn và đầy ý nghĩa!

An Cartoon
07-05-2012, 17:14
Cartoon rất cám ơn những lời nhắc nhở và một số bí quyết phòng chống Sơn tặc mà bác @TrangThinh dành cho mình.
Đúng là một thiếu sót nếu như không "tha mồi" để giữ trữ cho những lúc đói kém tại những nơi không thể tìm được quán ăn.
Thế là 10 gói Lương khô + 10 cây xúc xích + chà bông + bánh mì sandwish + 1 gói kẹo ngọt (cái này đề phòng khi mất sức hã đường máu thay cho đường + làm quà tặng cho các em nhỏ ở bản làng).
Ah, Cartoon muốn mua mang theo 1 số đặc sản (bánh + trái) để biếu các gia chủ sẽ cưu mang cho mình tá túc trong chuyến đi tới, nhưng ngặc nổi hành lý nhiều quá rồi lại đi đoạn đường khá dài (thêm khoảng 5 kg cho các thứ sản vật này + khối lượng hành lý mang theo).
Ah, các Bác cho Cartoon hỏi một điều hết sức tế nhị là mình có nên đáp lễ lòng nhiệt tình của gia chủ bằng money vì đã cho mình tá túc và có khi còn được mời ăn nữa? (ngoài money, thì còn cách nào để đáp lễ nữa hok) hỏi câu này ngại chết được.

Tiểu Long
08-05-2012, 09:01
Đáp lẽ bằng sự xông xáo giúp đỡ trong công việc của họ thôi, và có gì ăn được thì bỏ ra ăn cùng. Đưa tiền chắc họ chẳng nhận đâu với cả như thế cũng không còn đúng với mục đích, ý nghĩa chuyến đi của mình nữa.

An Cartoon
08-05-2012, 10:20
Ba & Má của con,
Con đã suy nghĩ rất nhiều, con còn lên kịch bản rất kỹ và phải lấy hết cam đảm để hẹn gặp ba má trong một chiều cuối tuần. Hôm đó, ba vừa đi làm về sau một ngày vất vả, trông vẻ mệt mỏi và thân hình khô gầy của ba khiến con thấy nao lòng và tinh thần con chùn lại. Con rót cho ba ly nước lạnh, con chờ ba rửa mặt và an vị cho khoẻ rồi con sẽ thưa chuyện với ba má, một việc vô cùng quan trọng với con và có lẽ sẽ khiến ba má sẽ đau lòng.
Rồi cả ba má cùng ngồi yên lắng nghe con thưa chuyện. Lần đầu tiên suốt 25 năm qua, kể từ ngày con bặp bẹ biết nói, đây là lần đầu tiên con thổ lộ những tâm tư suy nghĩ và mở lòng với ba má vì trước giờ con vốn là đứa tự lập.
Thế rồi sau 1 tiếng đồng hồ thưa chuyện về việc con đã xin nghỉ việc - một công việc văn phòng máy lạnh - lương bổng cũng không có gì phải phàn nàn có khi còn đáng mơ ước đối với 1 số bạn trẻ mới ra trường, rồi còn chuyện con sẽ đi đâu đó rất xa ở tận đâu đâu, nơi ba má sống tới từng tuổi này mà vẫn chưa từng được đặt chân tới, vẻ mặt của má càng lộ vẻ lo lắng cho đứa con "khìn khìn" của mình, vẻ mặt bình lặng của ba thì bình lặng chìm sâu trong những nếp nhăn cơ cực - miệng ba thì đồng tình nhưng con biết tâm trí của ba đang rối rấm.
Vốn là đứa tự lập từ nhỏ, luôn tỏ ra là người đàn ông thực thụ không cần sự chăm sóc kèm cặp của ba má như bao bạn bè trang lứa khác. Ba má biết những gì con đã nói ra thì con luôn thực hiện cho bằng được, và ba má cũng biết con là người đáng để ba má tin tưởng nhất vì từ nhỏ con là đứa sống rất có trách nhiệm với bản thân và là niềm tự hào của ba má với cô chú họ hàng từ việc con là đứa duy nhất trong dòng họ đậu đại học, con được nhận học bổng, được tặng bằng khen của Thành Phố, rồi tốt nghiệp, có một công việc đang đợi sẵn tại một công ty nổi tiếng gần nhà.
Nhưng ba má có biết, con là đứa có nhiều mơ mộng, con có những ước mơ còn lớn hơn những gì ba má có thể hình dung, cách suy nghĩ và cách hành động của con bây giờ trong mắt ba má và mọi người trong nhà như một con bướm muốn thoát ly khỏi cái kén nhỏ bé chặt chội. Con muốn sống cho mình, vì những ước mơ của mình, con không muốn tiếp tục khoác lên mình cái "vẻ hào nhoáng" mà người khác muốn con phải như vậy.
Con xin nghỉ việc vì công việc hiện tại không phải là cái con đang tìm kiếm. (Con đã sai khi trước đây con tin rằng công việc này là dành cho con). Con xin nghỉ để con có thời gian dành cho riêng con, con muốn được suy nghĩ, có được cái nhìn đúng đắn về thực tế, về tương lai của chính con. Con không muốn lại tiếp tục "nhắm mắt đưa chân" để rồi lại tiếp tục phạm phải sai lầm khi nhận một công việc khác trông có vẻ ổn nhưng lại không phải cái khiến con cảm thấy hạnh phúc và không giúp đạt được ước mơ của con.
Trước khi con tìm một công việc mới, con muốn đi ra bên ngoài, con muốn có những trải nghiệm thực tế, con muốn đánh thức con người bên trong con, con muốn tìm ra đâu là giới hạn của bản thân mình, có thể làm được điều gì và con không thể làm được những việc gì, con phải phá bỏ con người "nhu nhược" hiện tại của mình chỉ toàn lý thuyết mà chưa có chút kinh nghiệm thực tế nào. Con đặt ra cho chính con một mục đích phải đạt được qua chuyến đi này, đó là sự trưởng thành trong suy nghĩ, được sống thực với chính mình, và xác định làm thế nào để khởi đầu cho ước mơ "bay bổng" của con.
Trước khi con đi, chỉ 2 tháng rồi con sẽ quay về dù mục đích có đạt được hay không, con xin ba má hãy yên tâm, hãy là động lực để con đi chứ đừng là nổi lo lắng khiến con mất tập trung vào mục đích của mình. Con yêu ba má dù chưa một lần con dám nói ra.

Con của ba má!

cafe37
08-05-2012, 10:22
Bạn mang quá nhiều thứ cho chuyến đi này rồi đấy. Đi xe đạp hãy chỉ mang những thứ nhẹ và thực sự cần thiết. Bình nước chỉ cần đựng dc 2l là thoải mái, sắp hết hãy xin thêm chứ đừng mang quá nhiều, nặng lắm. Đồ áo mang đi 3 bộ đồ thôi gồm quần đùi áo phông và mang 1 bộ đồ dài để mặc khi lượn lờ và vứt hết đồ ấm đi vì sẽ ko cần. Nếu se lạnh thì mặc đồ dài và dùng tăng đắp. Đồ sửa xe thì tớ nghĩ bạn nên mang 1 bơm và đồ thay săm, mua 2 săm mới, nếu thủng thay liền sẽ hay hơn và săm xe cũng rẻ. Tớ lúc đi cũng mang như cậu và nhiều thứ đã nằm lại dọc đường sau khi suy nghĩ, tính toán. À mà nhớ xe đạp có thể vừa phơi đồ vừa đi nhé, cứ buộc sau xe đi 1 tẹo là đồ áo khô hết, giặt đồ ngay khi có cơ hội để khỏi phải mang nhiều đồ theo, chuyến đi 15day của tớ chỉ mang đi 3 bộ đồ thôi. 2 bộ thay nhau mặc trên đường và 1 bộ mặc đi dạo ban đêm.

trangthinh
08-05-2012, 10:47
Bạn mang đồ ăn theo thế là tạm yên tâm rồi, trên đường thiếu nước và thức ăn thì sẽ mua thêm, nhớ xin nước sôi nguội ở nhà dân bất kì mà đổ vào chai nhé, cái này thì ai cung giúp được.

Mà bạn đạp xe nắng gió như thế rất vất vả và ra nhiều mồ hôi và mất muối dẫn đến mệt mỏi và co rút cơ ở chân do vậy nên mang oresol đi pha uống bù mất muối trong cơ thể, và mang thuốc sâm Ginseng đi uống mỗi ngày 2 viên sáng chiều (40 viên cho 20 ngày) đảm bảo đạp xe khỏe như voi rừng Tánh Linh (c).

Thông thường để cảm ơn 1 người sẽ có 3 bước:
- 1 lòng biết ơn sâu sắc.
- 1 lời cảm tạ chân thành.
- và 1 món quà tặng lại.
Do điều kiện đồ đạc mang đi có hạn nên món quà lớn nhất đối với chủ nhà là sự chân thành của mình đối với sự tiếp đãi của gia chủ. Hãy nhắc đi nhắc lại cái tốt, cái ơn huệ mà họ đã dành cho mình trong lúc khó khăn và nói ko biết lấy gì để đền đáp cô chú, hẹn khi nào con có dịp ghé về nhà cô chú để được cảm tạ cô chú. Chủ nhà sẽ rất thoải mái và sẽ ko muốn lấy bất cứ quà gì của bạn cả, hãy để cho chủ nhà có cơ hội được cưu mang, làm phúc, bạn hãy cứ nhận lòng tốt của họ đi đã. Bởi đây khác hoàn toàn quán trọ trả tiền, họ xác định cho bạn ngủ nhờ, cho bạn ăn cơm cùng là cũng chẳng nghĩ sẽ mong lấy lại được gì ở bạn rồi.

Nhưng, có một điều quan trong là đến một số bản mà người dân vùng đất nắng gió cao nguyên rất nghèo, cơm cũng chẳng đủ ăn, bạn hỏi han thấy con cái họ còn nhỏ đang đi học thì hãy động viên họ bằng cách chuẩn bị 1 số bao lì xì nhỏ và bảo là con rất đồng cảm và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của cô chú, đã vậy cô chú còn cưu mang con trong lúc cơ nhỡ khó khăn,... con cũng không có nhiều, chỉ là chút lòng thành gửi tặng cô chú để mua giấy bút cho các em học tập, mong cô chú đừng từ chối nghe. Hoặc nhà có người ốm nằm giường bệnh thì tặng chút tiền thuốc thang chẳng hạn. Cái này thì bạn tùy cơ ứng biến, cũng có thể gần đấy có chợ thì bạn mua 1 hoặc 2 đôi dép mới tặng gia đình họ, hoặc mua vài đồ dùng gia đình như cái ca, xô đựng nước, xông nồi cái mà họ thiếu. Nếu làm được thế thì còn ý nghĩa và tình cảm hơn nhiều khi nói là cô chú cho con gửi tiền ăn, tiền trọ.

Bận hãy search Google bằng hình ảnh và bài viết về các địa danh bạn sẽ đi để có ý tưởng rằng buôn làng ấy khá giả hay nghèo nàn lạc hậu, và phong tục tập quán cùng cách sinh hoạt thế nào để có cách hành xử cho đúng nhé.

Bon Voyage!

cafe37
09-05-2012, 06:33
Tối qua bạn nhắn tin muộn quá, tớ ngủ sớm mà. Giờ này bạn chắc đã lên đường rồi, chúc bạn đi mạnh khỏe và đạt được mục đích của mình. Thỉnh thoảng rảng thì up lên cho mọi người biết. Trong chuyến đi bạn có thể xin ngủ ở trạm y tế, bệnh viện, trường học . . . . Nếu thấy gia chủ nghèo quá thì nên mua thêm 1 ít thức ăn gửi cùng. Buổi trưa mệt mỏi đừng cố gắng đi mà hãy nghỉ đâu đó như cafe võng, quán internet nghỉ. Có gì muốn hỏi cứ gọi bất kỳ giờ nào, đừng ngại. À mà kiểu xin phép của cậu giống tớ đấy :)) nhưng tớ phải thuyết phục nhiều người hơn.

kieumailc
09-05-2012, 08:17
Nhiệt liệt ủng hộ chuyến đi của bạn An, đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho cuộc sống.Hồi còn là SV mình cũng từng có những trải nghiệm như vậy, đó là 5 ngày ở vùng nông thôn của Nam Ninh và 4 ngày ở Hạ Môn.
Chúc bạn có một chuyến đi thành công !

Fhượt
09-05-2012, 12:58
Chúc @An Cartoon có chuyến đi thật thú vị nhé! Luôn chờ chia sẻ của bạn trên từng chặng đường đi.

An Cartoon
17-05-2012, 11:30
Tối 14/5, An Cartoon đã lên đường.
Khởi hành từ Bình Dương, đón xe chất lượng cao Thu Đức, chuyến xe 21h, với chi phí vận chuyển 300K cả người và xe đạp.
5h sáng ngày 15/05 tới Bến xe Buôn Ma, gặp bạn Lê Na (chủ thớt Topic Hội Phượt BMT) và nhận phòng nghỉ với giá 150K/đêm đối diện Coop Mart BMT.
Điểm nhấn của ngày thứ I là chuyến đi Bản Đôn vào buổi chiều bằng xe bus, giá vé 20K/lượt. Trên chuyến xe này An Cartoon đã bắt chuyện và làm quen với 1 nhóm bạn 9X (thổ dân BMT) cũng đang trên đường đi dã ngoại tới Bản Đôn. Từ đó có nhiều bước ngoặc ngoài kế hoạch ban đầu vào những ngày hôm sau.
Ngày thứ 2 (16/05) tại BMT, sáng 7h30 chuẩn bị hành lý và khởi hành đi tiếp hành trình sang Cụm Thác Dray Nủ - Dray Sap và ngủ tại nhà bác Lambanhieu (đã liên hệ trước đó). Vì đêm trước có hẹn với nhóm bạn 9X sẽ ghé qua nhà của Sơn (1 thành viên trong nhóm 9X) để share hình và cũng may mắn được phụ huynh của Sơn giữ lại chơi 1-2 ngày.
Tới ngày thứ 3 (17/05), sáng sớm mới 4h30 sáng bị Sơn vực dậy đi tập dục tại CV trung tâm BMT, lúc về có ghé qua chùa Khải Đoan để chụp hình thì có làm quen với 1 lão phượt người Thái LAn, An Cartoon vận dụng hết mức trình độ tiếng anh để giao tiếp với bác, cuối cùng cũng nắm được những thông tin cơ bản của bác như sau: bác tên *** (tên Thái nên khó nhớ quá), 50 tuổi, đang là giảng viên chuyên ngành Xã Hội Học tại Đại Học *** tại Bakkok, cuối cùng bác hẹn An Cartoon vào tháng 12 này bác có chuyến công tác tại Tp.HCM thì bác sẽ gởi mail trước và hẹn gặp lại tại Tp.HCM.
Sáng nay, ngồi nhâm nhi ly cafe Ban Mê trong tiết trời mát lạnh có mưa phùn rơi lất phất, trong một không gian thiên nhiên vườn cau - ao sen & súng, chợt trong nhóc Sơn như hiểu ý nên phát ra câu thơ "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", hừuu ...một chút cảm giác nhớ nhà trổi dậy ...ôi mưa phùn - gió se se lạnh...hiz
Đầu giờ chiều, sẽ tiếp tục khởi hành đi Cụm Thác (bị trễ 1 ngày so với kế hoạch ban đầu) và mặc dù Bác MAy (phụ huynh của em Sơn) có ý muốn giữ mình lại thêm 1 ngày nữa nhưng vì thấy cũng ngại và có cảm giác bồn chồn.
(trên đây chỉ là những thông tin để cập nhật tình hình "chiến sự" >>hình ảnh thông tin trải nghiệm sẽ cụ thể hơn khi về tới nhà)

tabalo
17-05-2012, 14:18
Chúc bạn An chuyến đi may mắn. Chuẩn bị tinh thần, vât dụng và sức khỏe thế là quá đủ cho chuyến đi Tây Nguyên, nếu không nói là thừa. Với sự chuẩn bị đó, bạn có thể đi vòng quanh Việt Nam và thậm chí cả sang Lào, Campuchia mà không ngại gì.

Nhân tiện, cũng có một bạn khác ( Việt Kiều ) đang đi một hành trình xuyên Việt, không mang theo tiền để kiểm nghiệm cho sự thân thiện và nụ cười của người dân.

http://www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Chang-trai-My-goc-Viet-danh-cuoc-sinh-mang-vi-Viet-Nam/447546.antd

Tuy nhiên, bài báo hơi " đao to búa lớn " khi giật tít: " Đánh cược sinh mạng " - cứ như là đi du lịch thế thì dễ chết lắm ấy!


ANTĐ - Một người Mỹ gốc Việt đang quyết định thực hiện kế hoạch xuyên Việt mà không mang theo một đồng tiền, cắc bạc nào chỉ để chứng tỏ cho thế giới thấy người Việt Nam vô cùng tốt bụng và dễ mến.

Gần đây, trên mạng có nhiều bài viết của những du khách nước ngoài cho rằng Việt Nam không phải là điểm lý tưởng để du lịch vì sự thiếu an toàn và người Việt Nam không thật sự thân thiện. Với mong muốn xóa bỏ những ý nghĩ sai lầm đó, John Trần, một người Mỹ gốc Việt, đã quyết định thực hiện kế hoạch xuyên Việt để khám phá cảnh đẹp quê hương dọc từ Bắc đến Nam mà "không một xu dính túi". Đây là một ý tưởng điên rồ, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thế nhưng John Trần vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch này. Anh mong nhận được sự giúp đỡ của những người anh sẽ gặp và những địa phương nơi anh sẽ đi qua trong suốt hành trình từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh. Dưới đây là chia sẻ của John Trần về hành trình khám phá và chứng minh cho thế giới thấy "người Việt Nam vô cùng tốt bụng và dễ mến".

John Trần trong một chương trình trên VTC10 phát sóng 2011

"Tên tôi là John Trần, tôi là một người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Tôi đã tốt nghiệp đại học California-Berkeley năm ngoái và hiện nay đã sống và làm việc ở Việt Nam được 9 tháng. Tôi đã làm MC truyền hình tại VTC10 và gần đây tôi mới chuyển qua làm việc cho VTV4.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình và kế hoạch đi khám phá từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Điều này có thể nghe qua rất bình thường vì không ít người đã làm việc này. Nhưng trong chuyến đi này, tôi sẽ không mang theo tiền, mà chỉ dựa vào sự hiếu khách và lòng tốt của những người Việt Nam tôi gặp trên đường đi, với mong muốn họ sẽ giúp đỡ tôi kiếm đồ ăn, chỗ ngủ, phương tiện đi lại,v.v... Gần đây đã có rất nhiều bài viết từ những người nổi tiếng và các bloggers người nước ngoài cho rằng Việt Nam không phải địa điểm lý tưởng để đi du lịch bởi vì sự thiếu an toàn và những người bản xứ không thật sự thân thiện. Điều đó đang đem đến tiếng xấu cho Việt Nam. Ngay cả một vài người bạn Việt Nam mà tôi chia sẻ ý tưởng này cũng nghĩ rằng nó thật điên rồ và chắc chắn sẽ nguy hiểm hoặc quá khó khăn đến mức khiến tôi từ bỏ cố gắng. Nhưng không, tôi sẽ không từ bỏ bởi vì tôi sẽ đến được TP.HCM hoặc tệ hơn là bỏ mạng.

Tôi thực sự rất buồn khi người Viêt Nam không tin vào lòng tốt của nhau. Trong thực tế trước khi tới Việt Nam, rất nhiều người Mỹ gốc Việt nói với tôi đừng đặt chân đến việt Nam bởi vì người dân ở đây nguy hiểm và rất giỏi trong việc lợi dụng người khác. Và bây giờ khi đang ở đây tôi biết rằng điều họ nói hoàn toàn không đúng, và tôi rất muốn chứng minh cho cả thế giới biết rằng người Việt Nam vô cùng tốt bụng và dễ mến.

Tôi cần sự giúp đỡ của các bạn trong việc đưa câu chuyện này đến với mọi người và theo dõi từng bước của tôi trong hành trình đi vào Nam. Tôi sẽ viết những câu chuyện tôi được trải nghiệm qua nhật kí và cập nhập thường xuyên khi tôi có thể sử dụng internet nhưng có lẽ sẽ không được đều đặn. Chuyến đi của tôi sẽ bắt đầu vào chiều ngày 12 tháng 6. Tôi chỉ đi một mình cùng chiếc camera cầm tay để ghi lại những bước đi của mình. Những gì tôi mang theo chỉ là một chiếc túi du lịch cùng vài bộ quần áo với chiếc điện thoại di động và hoàn toàn không đem theo một chút tiền nào. Tôi sẽ nhờ những người Việt Nam tôi gặp để giúp đỡ về vấn đề sinh hoạt và phương tiện đi lại.

Tôi hiểu rằng chuyến đi sẽ rất nguy hiểm và nhiều điều có thể xảy ra, và điều đáng sợ nhất là cái chết. Mọi thứ sẽ không được sắp đặt trước và tôi phải hoàn toàn dựa vào bản thân trong quãng đường đến thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hiểu sẽ có những lúc không có thức ăn, nước uống, không có chỗ để nghỉ ngơi nhưng tôi sẵn sàng đánh cược tính mạng của mình. Mặc dù nhiều người không đồng tình, nhưng tôi tin rằng tôi có thể thành công. Tôi tin những người Việt Nam sẽ giúp đỡ tôi trong nhiệm vụ mà ai cũng tin rằng là bất khả thi này. Tôi sẽ chứng tỏ với mọi người rằng người Việt Nam rất thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ những ai cần sự hỗ trợ".

trangthinh
19-05-2012, 21:44
John Trần có hoài bão và tham vọng nhưng không hoàn toàn tin vào người Việt vì anh ta đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất là bỏ mạng trên chuyến đi, liệu vì đói ko ai giúp đỡ cho ăn ở đi lại hay sợ côn đồ trộm đạo với 1 người ko mang 1 xu dính túi ??? Và trước chuyến đi thì lên hẳn truyền hình để quảng bá cho chuyến đi, chắc là đồng nghiẹp các đài truyền hình địa phương cũng cơm gà cá gỡ mà tiếp đón đại sứ Việt kiều rồi khỏi lo bỏ mạng nữa ! Đi đi rồi về hãy nói mình còn tôn trọng.
Trên là suy nghĩ của mình mong bà con đừng ném đá nghe :LL

cafe37
22-05-2012, 07:21
An carton bắt đầu bị cuốn vào đam mê rồi đấy, cậu ra đi và mang quá nhiều lo lắng, giờ tớ tin cậu sẽ chẳng ngại gì xách balo lên và đi nữa. Người vn tốt và sẽ còn rất nhiều người nữa muốn giữ cậu lại đấy, để rồi khi lên đường còn 1 nỗi nhớ và lời cảm ơn ko thể nói hết. Quà ư? Sẽ ko có giá trị vật chất trong những lúc như thế. Thôi ra đi và dặn lòng sẽ quay lại đó thêm 1 lần nữa.
Đi vui vẻ nhé. 20day sẽ nhanh lắm đấy, sẽ như 1 giấc mộng trôi qua thôi.

Thu Cao Cao
22-05-2012, 09:21
Một trải nghiệm khá thú vị mà ko phải dân phượt nào cũng có thể thử..Chúc bạn có 1 chuyến đi thành công và mang về nhiều kỉ niệm :) Hãy cho thế giới biết,người VN thân thiện và tốt bụng :)

An Cartoon
27-05-2012, 22:35
Chào cả nhà. An Cartoon đang ở Đà Lạt, tính tới hôm nay là 2 ngày có mặt ở Đà LẠt.
Kết thúc hôm nay là chọn vẹn 13 ngày kể từ ngày vát balo lên đường.
Ấn tượng lớn nhất của An cho tới hôm nay của hành trình là sự thân thiện mà người dân dành cho mình.
Đầu tiên, An xin gửi lời cảm ơn đến bạn Lê Na (Hội Phượt Ban Mê Thuột) đã giúp đỡ An trong những ngày đầu tiên An đặt chân tới BMT.
Kế đến, An cám ơn gia đình Chú May, đã nhiệt tình giúp An có chỗ ăn ở miễn phí và an toàn tại nhà của Chú trong 2 ngày tại BMT.
Xin cảm ơn anh Lambanghieu đã sẵn lòng giúp An 1 chỗ ăn ở tại nhà miễn phí, nhưng rất tiếc vì gặp sự cố lạc đường nên An không thể tới được nhà của anh. Và đó cũng là cơ duyên cho An gặp được 2 anh bảo vệ ( anh Trung + chú Lập) Khu du lịch Thác Gia Long (Thác Dray Sap Thượng), 2 anh đã không ngại giúp An có được chỗ nghỉ lại qua đêm trong khu vực rừng già nguy hiểm.
Lời cảm ơn này dành cho Cô chủ Nhà Nghỉ ở Hồ Lak khi chỉ tính giá phòng có 50K/đêm (thay vì 100K/đêm) khi nghe câu chuyện của An về những việc An đã trải qua những ngày vừa qua.
Xin cảm ơn những người anh em người dân tộc hiền lành và tốt bụng đã sẳn sàng cho An đi nhờ xe công nông của họ trong những lúc An quá kiệt sức vì đạp xe và dắt xe qua những đoạn đường đèo dốc cao ngắt của Tây Nguyên.
Cảm ơn gia đình Chú Mameh, không những đã nhiệt tình cho An đi nhờ xe công nông của gia đình từ Hyện Lak đến Đạ Long (Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), chú sợ mình khát nước dọc đường nên còn đừng lại để mua cho mình chai nước suối, còn cho mình ngủ nhờ và dùng bữa với gia đình, buổi chiều còn chở mình đi tắm nước nóng Đạ Long, gia đình chú còn liên tục gọi điện hỏi thăm tin tức của mình xem đã an toàn tới Đà Lạt chưa.
Sau 1 chặng đường Rừng từ Đạ Long tới Đưng K'Nớ, toàn đường rừng, đẩy xe - vượt núi - chạm trán mưa rừng, suốt 7 tiếng đồng hồ vật lộn với những thách khắc nghiệt của thiên nhiên, trong sự mệt mỏi và kiệt sức An vô cùng may mắn nhận được sự giúp đỡ của 1 gia đình trẻ người dân tộc anh Chiêu, gia đình anh giúp mình 1 chỗ ngủ và dùng bữa với gia đình.
Đoạn Đưng K'Nơ đi Đà Lạt, sáng sớm chạm trán mưa rừng kéo dài từ ngày hôm trước khiến con đường 722 trở nên hung hãn, sau 5 tiếng đồng hồ kéo xe lếch qua con dốc lầy lội, An lại kiệt sức và trước mặt là đoạn đường thả đèo khá nguy hiểm dài 30 km do chặng mưa kéo dài 2 ngày nay. Một lần nữa An lại nhận được sự giúp đỡ của 1 bác tài xế lái xe cho công trường làm đường nối liền Đưng K'Nớ với Đà Lạt, cả người lẫn xe đạp được cho lên phía sau của xe chở đất đá và về tới Khu vực Hồ Suối Vàng an toàn. Còn cách Đà Lạt 22km thì xe của bác phải cho mình xuống vì xe đã về tới đơn vị, còn mình thì chưa. Lại may mắn thêm lần nữa, An gặp lại 1 bác thợ điện hôm trước đã gặp trong rừng khi bác đang vào thôn Dơng Trang để bắt đường dây điện thoại, hôm nay lại gặp bác trên đường trở về sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi đặt xe đạp của mình lên con Wave tàu của bác, 2 bác cháu cùng phóng đi trong cơn mưa dữ dội và cái lạnh cắt da của trời Đà Lạt, cách DL 7 km, xe bác mất phanh và 2 bác cháu được 1 phen đo đèo Cù LẦn, cũng may không ai bị thương tích gì, xe cộ của bác và của mình bị hư hỏng nhẹ. 2 bác cháu lại dìu nhau từ từ tiến vào trung tâm TP.Đà Lạt và ghé vào 1 quán bánh xèo làm 2 xị rượu cho ấm bụng trong tình cảnh tả tơi tơi tả, ướt hơn chuột lột, tay chân lạnh run người và ăn mừng vì cái duyên của bác cháu - thoát nạn và an toàn về tới DL.
An sẽ kể lại thật chi tiết trong Hồi Ức khi hoàn tất hành trình.
Trên đây là những dẫn chứng thiết thực về tình cảm và sự thân thiện, đùm bọc - cưu mang nhau giữa người và người mà An Cartoon đã may mắn nhận được.

Fhượt
27-05-2012, 22:51
Nghe kể thôi mà mình thấy chuyến đi tuyệt vời lắm @An Cartoon àh! (c)(c)
Kiên cường và chia sẻ đều đặn trên đây nhé!

Thu Cao Cao
31-05-2012, 08:55
Việt Nam mình vẫn luôn thân thiện đó chứ :)

An Cartoon
11-06-2012, 10:17
Sáng nay, An Cartoon vừa về tới Thủ Đức (Tp.HCM). Kết thúc chuyến đi dài 27 ngày qua DakLak - Đà Lạt - Nha Trang. Tình trạng hiện nay là mắc bệnh viêm màng túi + làn da bị cháy nắng đến độ mọi người tưởng An là người dân tộc trên núi mới xuống. Nghỉ ngơi thêm vài ngày cho phục hồi sức khỏe và làn da bớt khét mới dám bước ra đường

Fhượt
11-06-2012, 11:12
Chúc mừng An Cartoon! Khi nào khỏe hẹn hò offline chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của chuyến đi nhé!

cafe37
18-06-2012, 20:34
VN mình rất thân thiện mà. Hôm đi trên kia em cũng xin xe công nông vài đoạn vào buổi trưa nhưng xe toàn chạy đường ngắn nên xin nhiều chặng lắm.

lee18810
19-06-2012, 22:49
Anh An viết Hồi ức chưa cho em hóng với, đọc chuyến đi của anh mà em cứ bồn chồn, không ngờ người dân mình lại thân thiện và tốt bụng đến vậy.

An Cartoon
24-07-2012, 23:38
Rất mong quý bà con cô bác thứ lỗi vì Cuộc hành trình hoàn thành đã lâu mà An Cartoon vẫn chưa viết Hồi ức.
Sau một thời gian quay trở lại với cuộc sống thực tại sau hành trình, tôi đã để cho chứng bệnh "lười" xâm chiếm và thống trị bản thân, Tôi tìm đủ mọi lý do để lãng tránh trách nhiệm của mình, nhìn cuộc sống của mình trôi qua trước mắt bình thản và không còn muốn tranh đấu nữa. Những điều này hoàn toàn trái ngược với mục đích ban đầu khi lập kế hoạch và mục tiêu cho cuộc hành trình. Sau khi trở về, tôi như một người hoàn toàn không còn muốn phấn đấu với cuộc sống ồn ào vội vã của chốn thành thị, không muốn cảnh bon chen giữa những ồn ào náo nhiệt, tôi tự giam mình trong nhà và luôn nghĩ muốn quay trở lại và được sống một cuộc đời giống như những người anh em mà tôi từng gặp và giúp đỡ tôi trong chuyến đi về với Tây Nguyên đại ngàn vừa rồi, sống một cuộc sống chậm rãi, giàu có với những gì tự nhiên ban tặng, cuộc sống không mấy sung túc nhưng luôn hạnh phúc và biết ơn với những gì mình có.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ngay lúc tôi đang thực hiện bài viết này, tôi biết rằng những cảm nhận và suy nghĩ của mình chỉ là những cảm xúc nhất thời, vì hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại là chốn phồn hoa đô hội, các mối quan hệ giữa con người với nhau không đơn thuần chỉ dựa trên tình cảm con người mà còn trên cơ sở vật chất, nó hoàn toàn khác với cuộc sống ở những nơi mà tôi vừa đi qua. Chính điều này đã lôi tôi quay về với thực tại sau cơn mơ mộng với núi rừng. Và trước khi tôi quay trở lại với cuộc sống thực tại của mình, tôi biết trong tận thâm tâm mình còn có một món nợ mà tôi cần phải trả, đó là món nợ ân tình mà các bạn đã dành cho An Cartoon, đó là những lời động viên chân thành đã giúp tôi vượt qua chính mình để hoàn thành Hành trình của mình. Tôi biết tâm trí mình sẽ chưa thể yên ổn và bình thản vì món nợ chưa trả này. Vì vậy, tôi hy vọng qua bài Hồi ức về Cuộc Hành Trình của mình là cách đề đền đáp lại ân tình mà các bạn đã dành cho tôi. Một lần nữa xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các bạn đã dành cho tôi những lời động viên chân thành, đặc biệt tôi xin dành tặng lòng biết ơn sâu sắc đến những người bạn đã giúp đỡ tôi trên cuộc Hành trình vừa qua.

.................................................. .....................

Đề bắt đầu cho loạt bài Hồi ức, An Cartoon xin được giới thiệu sơ lược về chuyến Hành Trình Khám Phá của mình để các bạn tiện theo dõi.
Cuộc Hành Trình Khám Phá là chuyến độc hành đầu đời của An Cartoon nhân sự kiện đánh dấu bước ngoặc 25 tuổi đời của mình và cũng là chuyến đi ghi dấu lần đầu tiên trong đời tôi dám thực hiện ước mơ từ thuở bé của mình. Chuyến đi kéo dài 25 ngày, băng qua các địa danh nổi tiếng của Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Bản Đôn, Hồ Lak, Đưng K'Nớ, Lạc Dương, Đà Lạt, Đỉnh đèo Omega, Nha Trang, Vịnh Vân Phong và Đảo Bình Ba.

Trước khi chính thức đi vào nội dung chi tiết của lịch trình, An muốn chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh và sự kiện đáng nhớ nhất trên hành trình này.

Buôn Ma Thuột (Làng Cafe Trung Nguyên)
http://np6.upanh.com/b2.s30.d1/467c132b5ff35fdd532f627b36fe29e7_47525556.p1030830 .jpg (http://www.upanh.com/p1030830_upanh/v/araa7x9x8mq.htm)

Lần đầu ngồi sau xe công nông
http://np7.upanh.com/b5.s26.d2/82ffa1b2cd57c71666b821a9d8dbfae0_47525737.p1040001 .jpg (http://www.upanh.com/p1040001_upanh/v/0ra17x1xbys.htm)

Thung lũng yên bình (Thôn Đơn Trang - xã Đưng K'Nớ)
http://np5.upanh.com/b1.s26.d2/3fa6dca15308235eaa9938f9a8ffb5d4_47525665.p1040331 .jpg (http://www.upanh.com/p1040331_upanh/v/fra54x1x4jy.htm)

Mưa trên phố núi (Hồ Xuân Hương - Đà Lạt)
http://np8.upanh.com/b4.s30.d1/b64b34ce3cbb156fe1845574b21ae26d_47520298.p1040678 .jpg (http://www.upanh.com/p1040678_upanh/v/fra9eo8y7fv.htm)

Hiểm trở (đỉnh đèo Omega - TL 723)
http://np0.upanh.com/b3.s28.d2/17fd16f02e0bdec52e3556334334b6b1_47520470.p1040733 .jpg (http://www.upanh.com/p1040733_upanh/v/dra20o5y4jo.htm)

Hội ngộ biển (hàng dừa biển Nha Trang)
http://np8.upanh.com/b6.s28.d1/3f5610170424fb3e207e65f07ae8f9d9_47520818.p1040764 .jpg (http://www.upanh.com/p1040764_upanh/v/3ra3eo5fbkv.htm)

mocnhan
25-07-2012, 17:12
Kể cho mình nghe với, hình như bạn vẫn chưa được trải nghiệm qua chuyện phải lao động để kiếm sống trong suốt chuyến đi ? :)


Em muốn oánh dấu cái tuổi 25 bằng một cuộc hành trình trải nghiệm và tăng nhận thức bản thân.
Vì vậy, em có kế hoạch làm 1 chuyến đi kéo dài 20 ngày đến các tỉnh Tây Nguyên (Daklak, Đà lạt, Pleiku), muốn được ăn bờ ở bụi, sống với người dân nơi mình đến, làm những việc mà trước nay mình chưa từng làm, phương tiện di chuyển chính là xe bus, xe Mailinh và thuê xe đạp, xe máy. Để tiết kiệm chi phí và đi được nhiều nơi, trong nhiều ngày, sống hoà nhập và trải nghiệm với thực tế nên mình muốn được xin tá túc tại gia cùa người dân, làm những việc gì đó có thể giúp mình tiết kiệm được chi phí ăn ở và đi lại như phụ giúp việc, buôn bán đồ lưu niệm...
Thời gian dự định lên đường vào nữa cuối tháng 05/2012 này.
Rất mong nhận được những ý kiến phân tích & chia sẻ từ nhiều phía của các bác để em có chuẩn bị tốt hơn cho chuyến trải nghiệm đầu tiên này.
Nếu may mắn gặp được bác nào có cùng chí hướng thì lập team đi cùng thì may quá!
Thank các bác nhiều!

Fhượt
25-07-2012, 17:31
Chà, ngâm kỹ quá đấy @An Cartoon àh! Tưởng bạn hết muốn viết ra luôn rồi chứ.
Tiếp tục đêêêê!!!!

thanhluan
26-07-2012, 09:52
Kể cho mình nghe với, hình như bạn vẫn chưa được trải nghiệm qua chuyện phải lao động để kiếm sống trong suốt chuyến đi ? :)

Không dễ đâu bạn ơi , mọi người hay hô hào này nọ nhưng rồi cũng chỉ là chém thôi !

An Cartoon
26-07-2012, 13:00
Ngày khởi hành.
Thứ 2 - ngày 14/5/2012,
Đôi khi có những người có những cung đường và điểm đến giống nhau (khái quát chung là mục tiêu giống nhau), nhưng mỗi người có mỗi cách làm, cách thực hiện khác nhau (phương pháp khác nhau) để đi đến mục tiêu đó.
Tôi cũng vậy, vì là chuyến hành trình độc hành nên cho tới lúc tôi chính thức yên vị trên chuyến xe bus của nhà xe Thu Đức chuyến 21h đêm thì tôi mới tin rằng mình đã chính thức bước vào hành trình.
Chỉ 1 mình nên tôi không phải lo nghĩ nhiều mình sẽ đi tới những đâu, ở bao lâu, khi nào xuất phát và khi nào tới nơi... và cũng chỉ 1 mình nên tôi cũng khiến những người ở nhà phải lo lắng, 1 mình tôi cũng không biết chia sẻ với ai những cảm xúc bất chợt trào tới trên hành trình mà bằng lời nói không thể nào lột tả.

9h tối nhà xe sẽ đón tôi trên QL 13, buổi chiều hôm đó trời bắt đầu chuyển mây đen khiến tôi cảm thấy lo lắng mong lung.

6h tối, tôi hẹn 2 tên bạn thân tại quán cafe, nghe tôi thông báo về kế hoạch mà trong vài giờ nữa sẽ bắt đầu thực hiện, 2 tên tró mắt nhìn tôi vô cùng bị bất ngờ với kế hoạch này của tôi. Nhưng biết làm sao được, vì mới vào sáng nay thôi tôi còn chưa biết khi nào mình sẽ bắt đầu đi nữa mà. 2 tên bạn tôi sau khi nghe về kế hoạch hành trình của tôi tỏ vẻ rất thích và nếu không vướng bận gì có lẽ 2 thằng đó sẽ đi với tôi rồi không chừng.

8h tối, nhà xe liên lạc thông báo xe bắt đầu xuất bến. Tôi nhờ 2 người bạn của mình giúp tôi chở đóng hành lý ra điểm chờ xe, món quà duy nhất 2 người bạn trao cho tôi đó là Ổ bánh mì thịt nướng để tôi lót bụng trên chuyến xe đêm về với Tây Nguyên.

9h30 tối, yên vị trên chuyến xe ghế nằm khá sạch sẽ, ngoài trời mưa vẫn lất phất rơi, tôi gọi điện báo cho ba má và mấy người bạn biết tôi đã lên xe và đang tiến về quốc lộ 14 lên Tây Nguyên. Tiền vé xe cả người và xe đạp hết 300K.

10h30, Chuyến xe đêm bắt đầu đi vào QL 14 thuộc đia phận Bình Phước, ngoài trời tối ôm không đèn đường, con đường gồ gề ổ voi nhỏ hẹp, ban đêm mà con đường nhỏ hẹp vẫn nhôn nhịp chỉ toàn xe khách, tôi lo lắng đủ mọi chuyện trong đầu và con đường quá xấu khiến tôi khó ngủ.

12h đêm, xe đến điểm dừng chân thuộc Tỉnh Đắk Nông, tôi bước xuống xe để thư giản gân cốt sau vài giờ vượt tuyến đường đầy ổ. Hơi lạnh của làn sương đêm khiến cho không khí mát dịu, sực nhớ tới Ổ bánh mì lúc tối 2 người bạn mua cho tôi còn để trong túi áo khoác, ổ bánh lúc này đã nguội ngắt xẹp lép và day nhách. Tay cầm ổ bánh cắn từng miếng như cắn miếng ruột xe mà lòng ấm áp và hạnh phúc cảm động với tình cảm của những người bạn. Cảm giác lần đầu tiên được là nhân vật chính trong 1 cuộc tiễn biệt đúng là cảm giác khó tả, tôi cảm thấy trong sóng mũi của mình bất đầu nóng lên, 1 chút nòng nòng, bùi ngùi và xụt xịt...1 cảm giác thèm có ai đó bên cạnh bắt đầu hiện ra trong đầu, độc hành đồng nghĩa với cô đơn rồi đây.

4h sáng 15/05/2012, sau một vài lần chập chờn chợp mắt, tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ, trong thấp thoáng của ánh đèn xe trên đường, tôi nhận ra chuyến xe đang đưa tôi băng qua con đường núi, hai bên là núi rừng. Tôi biết mình đã tới vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.

5h30 sáng, xe tới Bến xe Buôn Ma Thuột. Sau khi vát đóng hành lý và lôi con ngựa sắt trong thùng xe bus ra, buộc hành lý trên yên sau xe cẩn thận, lôi tấm bản đồ googlemap mà tôi in sẵn ở nhà ra bắt đầu tìm đường vào trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột thôi.

Lay hoay một hồi tôi cũng tới được siêu thị Co.Op Mart, đối diện là nhà nghỉ mà cô bạn Lê Na (thổ địa ở Buôn Ma Thuột - mới quen trên diễn đàn Phượt, nói chuyện vài lần qua điện thoại, chưa biết mặt) đã giới thiệu cho tôi. Sau 1 đêm chập chờn khó ngủ làm tinh thần mình thiếu phấn chấn hẳn, lại gặp lão ngựa sắt cùi bắp dỡ chứng chở có 10 mấy kg hành lý mà khi tôi vừa dựng chóng xuống là em nó sụm luôn. Mới có khởi đầu mà đã gặp ngay một thử thách liền, một ý nghĩ tiêu cực lóe lên trong đầu - xui quá, không biết mình sẽ đi được tới đâu đây với lão ngựa già này.
Lần đầu tiên, lơ ngơ lớ ngớ, nhìn cái mặt non chẹt của tôi là bà chủ nhà nghỉ nhận ra 1 thằng mới lần đầu bỏ nhà đi bụi rồi, thế là bà ấy lôi ra "1 con dao lam" và kề vào cổ tôi khi nghe tôi hỏi thuê phòng, bà ta hét vào mặt tôi cái giá 200k/đêm, phòng máy lạnh (nhưng rất cũ bị hư rồi), giường đơn, nước tắm nóng lạnh, lầu 3, phòng rẻ nhất rồi. Nghe cái giá thuê phòng mà tôi say sẫm mặt mày mặc dù chưa có kinh nghiệm đi thuê phòng nghỉ lần nào. Thôi, chưa thể quyết định ngay được, phải chờ hội ngộ với cô bạn Lê Na rồi tính tiếp.

Hội ngộ Lê Na, không biết cô ấy có giải pháp nào hay trong đầu không mà kêu tôi cứ vào nhận phòng, vát đóng hành lý lên rồi quay xuống cô ấy chở tôi đi dạo qua vài con phố và ăn sáng. Tôi cũng thấy hơi đuối sức, thôi thì cứ làm theo, mọi việc rồi từ từ tính tiếp. Chỉ kịp nhận phòng, vát hành lý lên phòng mà phải leo lên tới tận tầng 3, rửa mặt thì cô nàng Lê Na nhiệt tình gọi điện hối thúc nhanh nhanh quay trở xuống đi ăn sáng.

Ngồi trong quán Mì Quảng,lúc này chúng tôi mới có dịp chào hỏi nhau kỹ lưỡng hơn, Na hiện nay đang là nhân viên kinh doanh kiêm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch tại Buôn Ma Thuột, công việc của cô ấy luôn luôn bận rộn và phải xa nhà trong những chuyến hành trình dẫn đoàn du lịch đi khắp cả nước.
Ăn sáng xong , Na tranh thủ 1 giờ đồng hồ trước khi phải tới cơ quan bắt đầu một ngày làm việc để đưa tôi đi giới thiệu một số địa điểm du lịch nổi tiếng gần đó.

Nhà sàn (Buôn Cô Thôn - Tp.Buôn Ma Thuột)
http://np7.upanh.com/b3.s26.d2/6cf569df02f1918e9cad30dc5b4c6dfd_47559967.p1030824 .jpg (http://www.upanh.com/p1030824_upanh/v/7racbs4qcxt.htm)
Qua lời giới thiệu về địa danh này của Lê Na, Buôn Cô Thôn hiện này là Buôn của người dân tộc còn lại duy nhất trong nội ô thành phố Buôn Ma Thuột. Buôn này đời sống của người dân khá cao, họ toàn xây nhà tường cửa kính như nhà thành phố, những ngôi nhà sàn bằng gỗ ở phía trước sân giờ chỉ còn mang tính trang trí và kỷ niệm cho truyền thống của người dân tộc. Theo chế độ mẫu hệ, nên nhà sàn truyền thống là nơi cư ngụ của nhiều gia đình nhỏ có quan hệ huyết thống với nhau, khi người con gái lấy chồng thì ngôi nhà được nối dài thêm để cho 1 gia đình mới của người con gái đó cư ngụ.

Nơi mà tôi muốn đến nhất khi đến Buôn Ma Thuột là Làng Cafe Trung Nguyên, tôi nghe quảng cáo về nơi này khá nhiều, tôi mong được 1 lần đến Thủ phủ Cafe để được chìm đắm trong cơi ngơi và thế giới hoài bão của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Và rồi,....."hụt hẳn" để miêu tả cảm xúc của tôi lúc này. Là người làm trong ngành marketing quảng cáo thế mà tôi đã mất cảnh giác khi tin tưởng hoàn toàn vào những điều mình được nghe qua và hình dung tưởng tượng ra trong đầu rất hoành tráng. Đúng là trăm nghe không bằng 1 thấy và nên hiểu theo nghĩa tiêu cực .

Thuyền độc mộc (Làng Cafe Trung Nguyên - Tp.Buôn Ma Thuột)
http://np1.upanh.com/b4.s30.d1/573b1fe1d6b4e49191fb24fdb0732c8e_47560311.p1030834 .jpg (http://www.upanh.com/p1030834_upanh/v/ara6ds5q6je.htm)

Nhà sàn truyền thống Tây Nguyên (Làng Cafe Trung Nguyên - Tp.Buôn Ma Thuột)
http://np6.upanh.com/b2.s30.d1/467c132b5ff35fdd532f627b36fe29e7_47525556.p1030830 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030830/v/araa7x9x8mq.htm)

Còn đây là bạn Lê Na, vì cô ấy không thích được nổi tiếng nên tôi cũng hạn chế chụp chân dung cho. Qua đây tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn bạn Lê Na đã chân tình giúp đỡ tôi qua chuyến thăm Buôn Ma Thuột lần này. Hy vọng sẽ gặp bạn vào dịp khác.
http://np1.upanh.com/b2.s26.d2/030bace032d1189316fee19e3c640bc7_47560631.p1030837 .jpg (http://www.upanh.com/p1030837_upanh/v/8ra0fsch0os.htm)

Một góc nhìn Buôn Ma Thuột (Làng Cafe Trung Nguyên)
http://np3.upanh.com/b5.s28.d3/1e5ce50ac4314ebe253c5e60a8b8689a_47560773.p1030849 .jpg (http://www.upanh.com/p1030849_upanh/v/7ra6fsdt7by.htm)

Hòn non bộ (Làng Cafe Trung Nguyên)
http://np4.upanh.com/b5.s26.d2/fc5df114ea4d56fdb6b3b8f6b79c0141_47561124.p1030829 .jpg (http://www.upanh.com/p1030829_upanh/v/craces9vdnn.htm)

Bộ sưu tập máy rang xay cafe cổ mang về từ Đức của ông Vũ (Làng Cafe Trung Nguyên)
http://np0.upanh.com/b4.s27.d2/73d0a000b91448caa571aa19fb8bbc72_47561210.p1030842 .jpg (http://www.upanh.com/p1030842_upanh/v/3raa5sbv9vg.htm)

Sau 1 vài vòng đưa tôi đi tham quan thành phố, Lê Na chở tôi về lại nhà nghỉ và cô ấy phải tới cty làm việc. Chúng tôi hẹn nhau lúc Na tan sở sẽ dẫn tôi đi thưởng thức đặc sản Buôn Ma Thuột, còn tôi cũng muốn tranh thủ thời gian trong ngày để tìm chỗ sửa lại cái chóng xe đạp, tắm rửa ngủ nghỉ, vào Co.op Mart mua lương thực dự phòng bánh kẹo nước uống và lên kế hoạch khám phá Buôn Ma Thuột vào buổi chiều.
Về nhà nghỉ gặp chị chủ giao chứng minh thư và thanh toán tiền phòng trước vì tôi chỉ dự định nghỉ lại đây chỉ 1 đêm, sau một hồi than vãn kỳ kèo và bắt mặt làm quen nhận là đồng hương cùng là dân Bình Dương - Bình Phước, thế là cũng giảm còn 150k/đêm. cũng vẫn bị "chém" nhưng còn đỡ hơn là 200k/đêm.
Tắm rửa xong, xách xe đạp lòng vòng hỏi thăm tìm mua chóng xe đạp và tìm tiệm sửa xe thay giùm, tổng cộng hết 25k + 6K = 31K.
Vào siêu thị mua bánh kẹo + nước suối + sữa tươi + bánh mì + xúc xích = 80K
Chuẩn bị ba lô nước uống gọn nhẹ để chiều bắt xe bus đi Bản Đôn, còn bây giờ thì làm 1 giấc cho tỉnh người vì đêm qua ngồi xe ê ẩm và mất ngủ.

An Cartoon
26-07-2012, 13:15
Hi mocnhan,
Thực sự trên cuộc hành trình mình chưa làm được việc này, nhưng mình cũng không cảm thấy tiếc vì điều đó.
Thực sự mình cũng có xin phụ một vài việc cho một vài gia đình đã cho mình ở nhờ như: đi chăn bò với thằng em ở huyện Krong Bông, hái và thu hoạch hạt điều với ba của đứa bạn, phụ khuân vát xi măng xây nhà với gia đình chú Mameh ở Đạ Long.
Có những điều thực tế rất khác so với kế hoạch và những điều suy nghĩ hình dung ở nhà của mình bạn ah!

An Cartoon
26-07-2012, 13:25
Hi bác Fhượt,
Khả năng viết lách và thể loại tự sự của An Cartoon hơi dài dòng và lâu lắc nên có gì mong bác thông cảm vì phải chờ lâu nhé.
An cũng phải chờ có hứng mới viết được nữa, mà bệnh này thì khó chữa lắm..hehehe
Hay hôm nào off An với bác gặp nhau An kể cho bác nghe vậy nó lẹ hơn. Hôm trước An cho thằng bạn coi hình và tường thuật hết đóng hình đó cũng mất hết 3 tiếng ah, muốn gãy lưỡi và khô nước luôn...hichic.
Bác xếp lịch off với An đi, giờ An cũng đang rãnh.
Sdt của An bên dưới chữ ký nè, bác alo nha, cũng đang cần tìm người để An "tầm sư học đạo" về bộ môn xe độp, đang có kế hoạch kinh doanh xe độp đây...kaka

Tiểu Long
01-08-2012, 18:10
Công nhận để trải nghiệm được cái cảm giác vừa đi vừa làm ở đất nước mình quả thật quá là khó. Trớ trêu là lại khó với chính người Việt chứ đối với mấy ông Tây ba lô thì lại đơn giản :)). Đúng là không biết nên vui hay nên buồn.

mocnhan
02-08-2012, 08:34
Công nhận để trải nghiệm được cái cảm giác vừa đi vừa làm ở đất nước mình quả thật quá là khó. Trớ trêu là lại khó với chính người Việt chứ đối với mấy ông Tây ba lô thì lại đơn giản :)). Đúng là không biết nên vui hay nên buồn.

Tây ba lô vừa đi vừa làm gì bác ? Đừng nói là tất cả ông Tây ba lô qua VN du lịch đều có làm gì đó như là dạy Anh văn , .... nha ! (họ đâu có quỡn dzữ dzậy!)
Ngay cả họ có đi dạy Anh văn thì họ cũng hok đủ sống, phải xin viện trợ từ gia đình . (MocNhan từng nghe 1 ông thầy tâm sự như vậy)
Túm lại , việc này khó đều , bất kể Tây hay Ta.
Ngoại trừ 1 ông Tây, ông này hok thích đi du lịch giống mọi người (đến 1 thời gian ngắn rồi về) mà ổng chỉ thích sống du lịch (làm việc, sinh sống và nuôi con cái ở 1 đất nước khác)

nhatrang_cafe
06-08-2012, 11:13
Nếu mình đọc topic sớm hơn, chắc chắn sẽ cho bạn ngủ free ở Nha Trang :)

tuxedo86
19-09-2012, 23:25
Vầng và topic đã bị bỏ rơi, up lên cho bạn An thấy mà report típ

mocnhan
20-09-2012, 08:44
Lời hứa này có được mở rộng cho mọi thành viên của nhà Phượt không bác :)


Nếu mình đọc topic sớm hơn, chắc chắn sẽ cho bạn ngủ free ở Nha Trang :)

An Cartoon
22-09-2012, 22:15
1h chiều, tôi đón xe bus trước siêu thị Co.op, đợi gần 60 phút mới có lượt xe xuất bến, tới được BẢn Đôn cũng mất gần 1 giờ ngồi xe, vỏn vẹn còn 1h30 phút để "cưỡi ngựa xem hoa" địa danh nổi tiếng này để kịp đón chuyến xe cuối ngày trở lại thành phố BMT. Theo kinh nghiệm của các lão Phượt để lại, có tới 2 địa điểm có tên Bản Đôn, cộng với cuộc trò chuyện với các bạn mới quen trên chuyến xe bus mà tôi đã đến được với nơi cần đến.
http://nq3.upanh.com/b6.s31.d2/f36382edfb3508b510ed8a2b7a4fd55b_49367473.p1030868 .jpg (http://www.upanh.com/p1030868_upanh/v/3rg21bel0py.htm)

Chỉ với 1 ít thời gian, tôi chỉ có thể kết bạn và xin nhập băng nhóm với các bạn trẻ này và chỉ quanh quẩn ngắm cảnh Cầu Treo và dòng sông Serepok qua đoạn này trong sự tiếc rẻ vì chưa thấy được Mộ Vua Voi, Nhà sàn cổ...
http://nq6.upanh.com/b1.s32.d2/56509e3eb67120ecbeea4d6734a77d2b_49367596.p1030904 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030904/v/4rg8ab1m4vn.htm)

Trong sự tiếc nuối và vội vàng tôi và đồng bọn nhanh chóng đón chuyến xe cuối cùng trong ngày để về lại thành phố BMT.
http://nq3.upanh.com/b6.s32.d1/47249f3bf24941fcdaa218c55b59ed99_49367863.p1030911 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030911/v/arg06b1mdoh.htm)

Tối đó, sau khi lót dạ với tô hủ tiếu lề đường 15k khá ngon, trong một không khí mát mẻ, tôi và 2 người bạn mới quen trên chuyến xe đi Bản Đôn đi dạo xe đạp tại trung tâm thành phố, chợ và công viên, nhăm nhi ly nước mía trong công viên trong buổi tối mưa rơi lất phất, cũng không biết làm gì trong một tối thế này, tôi quyết định quay về nhà nghỉ để thu xếp đồ đạc chuẩn bị sáng hôm sau xuất phát sớm cho hành trình kế tiếp.

Kết thúc ngày đầu tền của chuyến dạt nhà đi hoang. Gọi điện về báo tin cho người nhà và bạn bè thông báo tình hình để họ yên tâm.
Ngày đầu tiên bao giờ cũng là ngày khó khăn nhất vì sự thay đổi và thích ứng với môi trường xa lạ với một người lần đầu đi bụi như tôi, nên tôi cố gắng chỉ đề ra ít thử thách cho chính mình.

An Cartoon
23-09-2012, 00:06
7h30 sáng ngày thứ 2 của hành trình, tôi thức dậy và khởi hành Chặng đường Buôn Ma Thuột --> Thác Dray Nur dài 21 km (theo lộ trình của bác Google Map), gọi điện báo với bác lambanghieu xin tá túc lại nhà ba mẹ của bác tại đây.
Trên đường đi, ghé qua nhà nhox Sơn (đồng bọn trong nhóm hôm qua làm quen trên chuyến xe bus đi Bản Đôn) để copy file hình chụp tại BẢn Đôn cho nhã. Và từ sự tình cờ này đã phát sinh và thay đổi lộ trình của mình so với kế hoạch, mà ở những phần sau mình sẽ kể chi tiết hơn. Đúng với cách nói "Kế hoạch lộ trình vạch ra là để phá vỡ đối với dân đi Phượt" mà tôi đã thắm thía được từ đâu đó của các bác Phượt lão.

Trước khi ghé qua nhà Sơn, chúng tôi hội ngộ với Cô giáo phụ trách Đoàn của Sơn, cô Vân thuộc tuýp người ham hố và thích nhí nhố khi nghe tôi kể về hành trình của mình những ngày qua và kế hoạch những ngày sắp tới. Đây cũng là lần thưởng thức đầu tiên của tôi với hương vị cà phề nổi tiếng Ban Mê, ly cafe khá nhỏ so với ở Sài Gòn, nhưng vị đắng và mạnh thì ngắt ngay không lẳng vào đâu được, có chút vị mặn và cảm thấy ở đầu lưỡi như vị của rượu rum, chắc vì thế mà uống nhiều có thể khiến người ta bị say cafe.
http://nq0.upanh.com/b2.s31.d2/e43d1e173f0b7c1799f637e4c7465053_49368440.p1030929 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030929/v/0rga6b9g6ni.htm)

Tạm biệt Cô giáo, Tôi và Sơn về nhà Sơn để Share hình, xong xui tôi sẽ lên đường đi tiếp qua thác Dray Nur.
Nào ngờ 2 vị phụ huynh nhà Sơn quá nhiệt tình và hiếu khách khi hỏi thăm và biết thực hư tôi là bạn thế nào với cậu quý tử nhà họ.
Kết quả, tôi nhận lời mời nghỉ lại nhà Sơn 1 đến 2 đêm rồi sẽ đi tiếp. Đây là điều mà tôi rất mong mỏi sẽ nhận được trong chuyến hành trình của mình, nhưng không thể ngờ mọi chuyện lại dễ dàng đến vậy.
Gọi điện báo tin với bác lambanghieu về tình hình là tôi phải lỡ hẹn 1 vài ngày với nhà bác.

Bố Sơn là một cán bộ tỉnh DakLak về hưu sớm, lo việc nội trợ nấu nấu ăn trong gia đình, việc ăn học của các con và tham gia công tác chính trị tại khu phố. Bác tên May, người Hải Phòng, tính tình bình dị, mộc mạc, nề nếp và rất gần gũi. Mẹ Sơn, cô Ánh, người gốc Hà Tĩnh, là một tiểu thương với gian hàng rau củ quả tại khu chợ gần nhà. Tuy trình độ chỉ hết lớp 7, nhưng cô Ánh có cách suy nghĩ của một người giỏi gian kinh doanh buôn bán, nói chuyện với cô khiến tôi thấy thâm phục và kính nể.
Hay tin tôi đang ở lại nhà Sơn, đám bạn Sơn kéo tới lôi tôi đi "hò hét" trong tối đó. 2 thèng nhox bạn Sơn còn dạt nhà tới ngủ chung với tôi và Sơn trong đêm đó vì quý tôi.
http://nq3.upanh.com/b6.s31.d2/a96c108eae56fadde7d3a02b376eaa1c_49368523.p1030956 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030956/v/3rg6ebfg4ht.htm)

4h sáng ngày thứ 3, bị Sơn quặt dậy ra công viên Thành phố tập thể dục.
Buổi sáng trong lành tại phố núi và trời hửng sáng rất sớm, công viên sáng sớm rất đông người tập thể dục, không khí tập luyện rất nhộn nhịp và hào hứng.
http://nq0.upanh.com/b1.s32.d2/430d39cdd5ae5ef83c80fcc8d1543d76_49369600.p1030969 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030969/v/7rg48b3kbii.htm)
Trên đường về, chúng tôi ghé vào Khải Đoan. Tại đây làm quen với 2 bác su khách Thái LAn lần đầu tới BMT, tôi chộp ngay cơ hội luyện tập trình Anh ngữ với 2 bác. Bác là giảng viên Đại Học chuyên ngành Xã Hội Học, sang Việt Nam công tác kết học du lịch tự túc tại BMT và Đà LẠt. Hẹn tháng 12 này bác sang Tp.HCM công tác thì liên lạc với mình ra đón tiếp.
http://nq3.upanh.com/b3.s32.d1/218d25f8a5b3408f356dd92306b5aa87_49369643.p1030986 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030986/v/brgf7bbk7tx.htm)
http://nq4.upanh.com/b2.s30.d2/95cf4eab87bf1ed8d63bba5ae16c1db9_49369674.p1030991 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030991/v/frg80b6x8pf.htm)

Tạm biệt 2 bác Thái, chúng tôi quay về nhà Sơn, ăn sáng xong thì đi cafe. Ngày thứ 3 dạt nhà, trong không gian thiên nhiên cafe sân vườn, trên tay là ly cafe Ban Mê, ngoài trời mưa phùn rơi lất phất, lần đầu cảm giác nhớ nhà tha thiết trổi dậy bên trong.

Quay về nhà Sơn, phụ bác May chuẩn bị buổi cơm trưa, tranh thủ ngủ thêm 1 chút thì cái cảm giác ở lâu 1 chỗ của dân đi bụi rất khó chịu, hành trình thì đã bị lệch so với kế hoạch, trong lòng có cảm giác nao nao bất an buộc mình phải quyết định lên đường trong ngày hôm nay.
Dự định 2h sẽ xuất phát đi Thác Dray Nur, 4 hoặc 5h sẽ tới nay vì hành trình dự tính chỉ khoảng 21 km. Nhưng đúng 2h trời bắt đầu đỗ mưa to xối xả, báo hiệu 1 điềm báo không thuận lợi trước mắt, nhưng tôi vẫn quyết định đi tiếp, đúng 2h30 trời bắt đầu tạnh.
Chia tay 2 bác và Sơn trong vô vàn cảm xúc, lần đầu tiên gặp mặt mà 2 bác đối với mình ân cần chu đáo như con cháu khiến mình không kiềm được nước mắt, lần đầu tiên biết cảm giác từ biệt mà chưa biết ngày gặp lại thật khó tả.
Sơn đưa tôi 1 quảng đường ra đến quốc lộ 14 rồi mới quay về, trời vửa tạnh sau cơn mưa lớn, đường xá nước đỏ au màu đất đỏ, con đường lồi đá do xe tải chạy lâu ngày làm cho mặt đường trở nên lởm chỏm mấp mô.
Mới rời nhà được hơn 200m thì sự thử thách đầu tiên chính là con dốc cao ngất dài ngoằng ghê sợ lộ ra trước mắt. Xuống xe đẩy bộ thôi.

An Cartoon
23-09-2012, 01:26
http://nq8.upanh.com/b4.s32.d1/15c6e16ff39817cc134291406c318f1f_49370618.p1030995 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030995/v/erg11bcs3uv.htm)
http://nq5.upanh.com/b4.s30.d2/db75bf1377df0f95235317514c6ecb4a_49370645.p1030996 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030996/v/1rgb7b7s7xp.htm)
Vượt qua con dốc, tận hưởng cảm giác lần đầu tiên chinh phục thử thách, tôi cố định lại đóng hành lý, nghỉ lấy sức và tiếp nước cho cơ thể. Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi đã ra tới quốc lộ 14, tôi chia tay Sơn và hướng về địa phận tỉnh Dak Nông.
Ql 14 khá hẹp và đông đúc xe khách và tải, tôi ra sức đạp hơi tốc lực trên con đường bằng phẳng.
Không biết đường, hỏi thăm bác xe ôm, tôi tiếp tục tiến thẳng trên QL 14 tới khi gặp một tấm bảng quảng cáo to đùng đề là "KDL Thác Gia Long - Thác Dray Nur", theo tấm hướng mũi tên chỉ đường trên tấm bảng tôi rẽ vào con đường dẫn tới khu thác. Hơi nghi nghi sao mà quảng đường ngắn hơn dự định nên tôi hỏi thăm thêm lần nữa thì chắc là con đường sẽ dẫn tôi tới nơi, thế là tôi cấm đầu đạp xe lao thẳng mà không hề nghĩ ngợi nữa.
Con đường khá đẹp được trải nhựa láng o, 1 con dốc hiện ra cao không kém con dốc đầu tiên, lần này tôi cố hết sức đạp lên dốc chứ không xuống đẩy xe, vừa tới đỉnh dốc tôi lả ngả buông xe mặc kệ nó "chú ngựa sắt" lăn đùng ra đất mà tôi thì mặt mày không còn miếng máu, miệng khô hốc, cố gắng thở gấp để lấy không khí cho đầy bụng. Bỗng từ phía sau tôi có tiếng xe công nông, chiếc xe đang lao nhanh về phía tôi, không kịp suy nghĩ, tôi quơ tay ra hiệu xin giúp đỡ.
http://nq5.upanh.com/b5.s31.d2/e1e3dff9fce9d82ab5d1fa491c22f615_49371085.p1030997 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030997/v/1rg60b3l4cp.htm)
Trên xe là 3 cha con người dân tộc đang trên đường đi chợ về làng, làng của họ gần KDL Thác Dray Sap, vậy là tôi xin đi nhờ xe của họ và đây cũng là lần đầu tiên tôi ngồi sau xe công nông.
Xe chạy rất nhanh và mạnh, tiếng máy nổ vang dội, cảm giác gió thóc vào mặt và tóc rất đã, đúng kiểu phiêu lưu mạo hiểm mà tôi từng xem trên các chương trình tivi, tự do tự tại là đây rồi.
http://nq7.upanh.com/b1.s32.d1/0a876164fb69bd0d23df1eb5e167ddd5_49371137.p1030999 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1030999/v/1rg4eb5zbds.htm)
Con đường trước mắt lúc này chỉ còn là đồi dốc và nương ngô, mía và đầu tương, rất ít nhà cửa, tôi chính thức đang đi vào thế giới đại ngàn không một chút băn khoăn sợ hãi, mà trái lại rất hào hứng và phấn khích vô cùng.
http://nq3.upanh.com/b3.s32.d1/047bf2e1423569daaad2c67dac164269_49371153.p1040001 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040001/v/9rg70b7zcqd.htm)
Sau khi vượt chặng đường khoảng hơn 10 km, 3 cha con bỏ tôi lại 1 ngã 3, xe rẽ vào 1 con đường gồ ghề đá vào ngôi làng, còn tôi được anh chủ xe chỉ cứ đi tiếp vượt qua con dốc cao chót vót dài khoảng 1000m nữa là tới Thác, tôi nuốt nước bọt cái ực, trợn mắt nhìn con đường phía trước, không một bóng nhà, toàn nương rẫy và rừng cây, lúc này trời lại đang chuyển mưa tối sầm, 5h chiều trong khu vực này cứ như 6 hay 7h giờ tối dưới mình, cũng chẳng dám suy nghĩ gì thêm, tôi cố hết sức nhấn pedan lao vào con dốc.

Đang ra sức đạp hì hục, lưng chừng con dốc, một tiếng "pực", nhấn pedan nghe nhẹ tênh, nhìn xuống dưới chân, thôi rồi, sợi dây sên đứt mất rồi, lần này thì "bó gối" chắc rồi, chỉ còn cách xuống xe đẩy bộ lên hết con dốc thôi.
Qua hết con dốc, trời tối sầm do mưa rừng, giữa "đồng không mông quạnh" không một bóng nhà, cố gắng đẩy xe tiếp tục thì tới 1 ngã 3 đường, lần này hết biết đi hướng nào và cũng k có ai để hỏi, chợt điện thoại reo lên;
"alo, An hả, em đi tới đâu rồi?, tới nhà anh chưa?" (bác lam banghieu gọi điện hỏi)
"anh ơi, em đang đứng ở ngã 3, 1 hướng chỉ đi tới 400m là tới cầu Buôn Kuop, còn hướng kia chỉ đi tới đập thủy điện Kuop. Bây giờ em đi hướng nào hả anh?" (tôi trả lời)
"Thôi chết cha rồi, em đi lạc đường rồi, nhà anh đâu có đi qua đường đó, em coi có ai gần đó hỏi đường lại xem" (bác lambanghieu bên kia đầu dây nói)
"Dạ anh ơi, hình như hồi nãy em có thấy 1 tấm biển để là KDL Thác Dray Sap, để em quay lại đó tìm người giúp, anh tắt máy đi, lát e gọi lại" (tôi nói)
Lúc này tim tôi bắt đầu đập dồn dập hơn vì biết mình đang bị lạc đừng giữa chốn hẻo lánh và nguy hiểm này.
Tôi đẩy xe quay trở lại con dốc, cái biển đề KDL Thác Dray Sap nằm ở lưng chừng con dốc, tôi đẩy xe thẳng vào trong vài trục mét thì thấy ánh đèn vàng của ngọn đèn bên trong hắt ra, thầm nghĩ may quá ít ra chắc chắn còn có còn để hỏi đường và xin nhờ giúp đỡ.
Tiến lại gần căn nhà có ánh đèn bên trong hắt ra, tôi gọi to bóng người hắt ra từ trong nhà "Anh ơi anh, anh ơi, cho em hỏi thăm chút"
"Anh cho em hỏi ở đây có phải là Thác Dray Sap không?"
2 anh trong nhà bước ra "Ừ, ở đây là Thác Dray Sap nè, có chuyện gì không, giờ này KDL đóng cửa nghỉ rồi em ơi"
"Dạ, chuyện là em đang đi tìm nhà người quen nhưng tới đây thì xe bị đứt sên không đi được nữa, em đang gọi điện cho bạn của em nhưng em không biết đây là vùng nào để mô tả đường, anh có thể giúp em nói chuyện với bạn của em được không anh?"
Người thanh niên trẻ hơn bước ra chỗ tôi và nghe điện thoại nói chuyện với bác lambanghieu, sau gần 5 phút nói chuyện, anh đưa tôi nghe điện thoại nói chuyện trực tiếp với bác lambanghieu, bác ấy nói hiện tôi đã bị lạc đường, chỗ tôi đang đứng còn cách nhà bác rất xa, và với hoàn cảnh của tôi lúc này thì không thể nào tới được nhà của bác được nữa vì trời bắt đầu tối dần và khu vực của tôi đang đứng rất nguy hiểm nếu đi lại 1 mình. Anh khuyên tôi nên nhờ 2 anh bảo vệ giúp đỡ. Tắt máy, tôi quay sang 2 bác bảo vệ để hỏi thăm.
Sau một hồi tỏ ra sầu não và bế tắt với các phương án quay trở ra QL14, với vẻ mặt nai tơ và giữa rừng gặp nạn của mình, tôi cũng được 2 anh bảo vệ KDL cho tá túc lại đêm nay.
"Phù" nhẹ nhõm cả người, đem nay cảm giác lần đầu được ngủ rừng, có chỗ nghỉ chân, tắm giặt là mừng rồi..hi hì..

An Cartoon
23-09-2012, 09:46
Cả người tôi ướt đẫm cả vì mồ hôi và chặng mưa rừng. Cảm giác cái lạnh bất đầu phát tác, phải giữ mình để khỏi bị nhiễm lạnh, tôi nhanh chóng ra theo lời hướng dẫn của 2 bác bảo vệ lấy bộ quần áo chạy ra một cái giếng được đào cách nhà vài chục mét, trong cái nhá nhem tối của rừng chiều, tiếng côn trùng và tiếng ve rừng bất đầu kêu inh ỏi, không khí vắng lặng không một tiếng người và xe cộ. Giặt vội bộ quần áo, tôi quay trở lại nhà của 2 bác bảo vệ để ăn uống và sắp xếp lại hành lý, trong hoàn cảnh này thì tôi luôn đề cao cảnh giác, luôn để những thứ có giá trị nhất bên người (máy ảnh là vật bất ly thân, tiền bạc và giấy tờ tùy thân nữa).

VÀo nhà, sau khi dọn dẹp xong xui mớ hỗn độn của mình, tôi được 2 bác bảo vệ mời ăn cơm cùng 2 bác, bữa cơm canh đạm bạc giữa rừng những ấm áp và ý nghĩa vô cùng so với các món ăn thành thị. Cuộc trò chuyện hỏi thăm nhau bắt đầu, phần tôi thì kể về hành trình của mình và vì sao bị lạc vào được chốn này với sự lắng nghe đầy thích thú của 2 bác, tới lúc này thì không còn sự e dè và nghi ngờ của cả 2 bên dành cho nhhau.
http://nq4.upanh.com/b4.s30.d1/b92438cd9ba1db5d13b40b92f2debd41_49375204.p1040003 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040003/v/3rgdcofufdz.htm)

2 bác, 1 bác lớn tuổi tên là Lập, khoảng chừng 50, nước da ngâm ngâm, dáng người nhỏ nhỏ, giọng nói miền ngoài, bác Lập làm bảo vệ Thác ở đây cho công ty du lịch của Vợ chồng ông Đặng lê Nguyên Vũ, trước kia bác từng là cán bộ công an xã, sau này về hưu thì vào đây, ban ngày thì làm bảo vệ kiểm soát vé cho KDL hoan vắng này, ban đêm thì ở lại ngủ để canh chừng tài sản của công ty. 1 tuần bác về thăm nhà 1 -2 lần, nhà bác cách đây hơn 50km. Anh còn lại tên Trung, nhà ở ngoài thị trấn, gia đình có cơ sở kinh doanh vận tải riêng, nhưng tính thích phiêu lưu nên xin vào đây làm bảo vệ thác và rừng, công việc gần gũi thiên nhiên, không áp lực, không bon chen. Anh Trung lớn hơn tôi vài tuổi, vốn là kỹ sư cơ khí học ở trường ĐH Giao thông vận tải Tp.HCM, cô vợ mới cưới của anh đang làm kế toán tại một khách sạn ở BMT, nhưng vốn là người phóng khoáng, nhàm chán với các công việc ở bên ngoài nên anh muốn phiêu lưu vào đây, anh Trung từng làm nhiều việc khác nhau và có quan hệ rộng, từng lái xe chở gỗ lậu cho các công ty "Lâm tặc", sau đó anh cũng tự bỏ tiền ra kinh doanh chở gỗ cho chính mình, công việc "lâm tặc" rất mau giàu, nhưng do 1 lần quá nóng nảy anh "bức xúc" với mấy chú công an kiểm lâm về các khoảng "lệ phí lót tay" nên công việc kinh doanh của anh đỗ vỡ.

Qua lời bác Lập, thì khu vực này người dân tộc khá "manh động" và khá nguy hiểm bị lạc vào đây trong đêm tối, đi đường gặp vài con rắn to hay thú rừng là bình thường. BÁc Lập và anh Trung chỉ đường cho tôi đi tiếp vào sáng mai, cách thứ nhất tôi sẽ quay trở ra Ql 14 tìm chỗ sửa xe và đi tiếp qua Hồ Lak. Nhưng đoạn qua tới Hồ Lak bằng đường này thì quảng đường khá xa. Anh Trung sẽ nhờ xe đưa đón nhân viên KDL vào sáng sớm đưa tôi ra Ql 14. Cách này khá dễ dàng vì bác tài là bạn của anh Trung. Cách 2, bác Lập chỉ tôi đi đường tắc gần hơn để đến thị trấn Liên Sơn - Hồ Lak, nhưng đường khó đi vì phải đường này không có trên bản đồ, qua mấy ngôi làng của người dân tộc. Tôi chưa thể quyết định chọn cách nào.
Ở đây chỉ có đúng 2 vị trí bắt được sóng điện thoại của Viettel, nếu di chuyển 1 bước chân là mất sóng ngay. Tôi theo hướng dẫn của bác Lập để dò tìm sóng điện thoại gọi về báo cho gia đình là mình vẫn an toàn tìm được chỗ nghỉ chân tối nay rồi, nhưng phải nói dối để gia đình yên tâm. Báo tin với thằng bạn thân là tình hình mình đang bị lạc giữa rừng nhưng tìm được chỗ tá túc rồi, căn dặn hắn ta tìm trên bản đồ Google Map khu vực tôi đang đi qua, để có bề gì thì biết mà báo tin cho gia đình tôi để tìm kiếm.

Giữa rừng, đêm xuống rất nhanh, đồng hồ mới chỉ 19h30, nhưng không có việc gì khác là chui vào mùng nằm tránh muỗi và trò chuyện. Giữa rừng chỉ có 2 bóng đèn trong căn nhà không cửa le lói giữa không gian mịt mù tăm tối, tiếng côn trùng, tiếng chim ăn đêm và các loài côn trùng có cánh đang luẩn quẩn quanh ngọn đèn, có rất nhiều đom đóm đèn nhấp nháy lượn lờ trong nhà.

Cảm giác lần đầu ngủ rừng, phấn khích chứ không sợ hãi, phiêu lưu đúng nghĩa, tôi cố gắng lắng nghe từng âm thanh vang vọng của rừng, cố gắng ghi nhớ lại tất cả trong đầu từng chi tiết và hình ảnh, âm thanh của không gian tỉnh mịt của đêm rừng và cảm giác của mình lúc này. Một ký ức sẽ rất khó quên và đáng nhớ mà tôi sẽ nhớ mãi cái ngày này trong cuộc đời mình. Hoạn nạn và ấm áp tình người.

Sáng hôm sau, ngày thứ 4 của hành trình, vội vàng thu xếp đồ đạc, anh Trung chở tôi bằng chiếc dream của anh, tôi ngồi sau dắt con xe đạp của mình, 2 anh em thử vận may tiến vào làng của người dân tộc gần đó thử tìm chỗ thay sên mới cho tôi. Sau một hồi hì hụt chúng tôi cũng tìm được 1 chổ sửa xe máy, cuối cùng thì sợi dây sên được nối lại chứ không có dên mới để thay. Lần này thì tôi thận trọng hơn không dám cố gắng nhồi ép căng sức đạp xe vượt dốc cho tới khi tìm thay được sên mới, tôi sẽ phải đẩy bộ vượt dốc cho chắc ăn nếu không muốn phải phí sức đẩy bộ suốt chặn đường tiếp theo vì sự cố đứt sên lần nữa.
Tới lúc này, sau khi thấy tạm ổn với sự cố của sợi sên xe, tôi quyết định từ chối lời đề nghị giúp đỡ của anh Trung nhờ xe đưa tôi quay trở ra QL 14 sẽ dễ tìm được chỗ thay sên mới và đi đường vòng để đi tiếp qua Liên Sơn (Hồ Lak). Cách này là tốt nhất và an toàn nhất đối với tôi lúc này. Nhưng tinh thần chiến binh muốn xong pha khám phá của tôi, muốn được mạo hiểm, tôi quyết định đi đường tắt bác Lập chỉ tối qua để đi Liên Sơn. Cách này khá mạo hiểm, thứ nhất đường bây giờ chỉ toàn đèo dốc với dốc mà xe tôi thì không thể cố gắng đạp lên dốc tốt được nữa, thứ hai là đường rất vắng sẽ không thể sớm tìm được chỗ sửa xe thay sên mới, rất có thể có khi sẽ tới tận thị trấn Liên Sơn mới có thể có tiệm sửa xe.
Tôi từ biệt và vô cùng biết ơn 2 bác bảo vệ, tôi tiến thẳng theo con đường mà mình vô tình đã bị lạc, lúc này tôi xác định trong đầu mình một quan điểm: "đường sai cũng là đường, quan trọng là ta không hành động sai trên con đường đó"

http://nq4.upanh.com/b1.s32.d1/c8bbe80002cfa1e0fbb6d6945226cdcf_49375244.p1040004 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040004/v/9rg47ofv3zu.htm)
Đẩy xe vượt hết con dốc, tôi đứng trước ngã 3 này, nghe theo chỉ dẫn bác LẬp, tôi rẽ trái đi tiếp. Lục lọi "kho lương thực dự trữ", tôi ngồi ngay tại ngã 3 này làm bữa sáng với bánh mình và sữa tươi cho chắc bụng. Rồi khởi hành vượt đèo dốc lên cao hơn.

8h sáng, đường dốc cứ lên cao mãi, đạp xe một hồi thì đôi chân rụng rời mệt lừ, lại xuống đẩy bộ, lên dốc thì đẩy, xuống dốc thì lên xe thả dốc. Cứ thế, tôi vượt tiếp vài ba con dốc, cái nắng nóng bắt đầu phủ khắp cơ thể tôi và lòng đường nhựa như lò lửa thiêu đốt, con đường tôi đang đi một bên là núi đồi nương rẫy khoai ngô, một bên là bờ vực, con đường vắng lặng đôi lúc có 1 vài xe máy người dân vượt chạy vuột qua.
Trong lúc đang bị hành xác với cái nắng nóng và mệt lả, tôi thấy trước mắt mình là quan cảnh tuyệt vời đang mở ra.
CẢm giác sung sướng và phần thưởng cho nổ lực vượt gian khó phiêu lưu mạo hiểm của tôi là đây.
http://nq0.upanh.com/b3.s30.d2/7d5903c323e5c3f73d64bb76261248fc_49376210.p1040012 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040012/v/frgddoer1lg.htm)
http://nq0.upanh.com/b3.s31.d2/7c956df5ea8b75f2fd69e1ffe142f16a_49376240.p1040014 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040014/v/2rg35ocregi.htm)
Đứng trước quang cảnh này thì bao mệt nhọc của tôi thật xứng đáng và có hề hắn gì nữa.
http://nq9.upanh.com/b4.s31.d2/179197a37b12ebdf4f9de2eed6fabcc3_49376269.p1040018 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040018/v/crg19o2rcpy.htm)

An Cartoon
23-09-2012, 14:00
Chặng đường đến Liên Sơn - Hồ LAk còn rất dài và còn bao khó khăn đang chờ đón, tôi phải nhanh chóng khởi hành tiếp.
http://nq8.upanh.com/b3.s31.d2/bd5c4ddbdd61994294aa5946b457f637_49379338.p1040023 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040023/v/brg05b6afua.htm)
Cảm giác hưng phấn trước cảnh đẹp khiến tôi quên mau những khó khăn của các con dốc. Con đường đưa tôi chạy dọc theo bờ hồ với 2 bên đường đầy ấp loài hoa cúc trắng giản dị tinh khôi, có rất nhiều bướm trắng, bướm đủ màu chập chờn phất phới bay lượn tạo cho kẻ lỡ bước cảm giác thanh bình. Con đường mát rượi với 2 bên là rừng cafe và KaKao, tôi bắt đầu thấy nhiều nhà cửa hơn, nhiều người và trẻ con hơn, vậy là tới khu vực có người rồi.
Tôi đến Tỉnh lộ 2, 2 bên là nhà cửa sang xát, nhà cao có, nhà thấp có và quan trọng là tôi tìm được 1 chỗ sửa xe có đầy đủ phụ tùng thay thế.
http://nq4.upanh.com/b5.s31.d2/465709dbd63e5e65092662c5b8e08d39_49379394.p1040032 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040032/v/frg0cb3afqv.htm)
Vậy là vừa chờ thay sên, thay bố thắng, tôi vừa nạp thêm lon nước bò húc và thêm ít lương khô để lại năng lương. Hết thẩy hết 80k.
TRưa trời nắng chói chan và khá gay gắt, đạp mãi mới tìm thấy một quán cơm dọc đường, ghé vào làm dĩa cơm trưa, xin thêm nước giữa cái hanh của trưa hè.
Nghỉ hơn 30 phút, tôi tiếp tục lên đường. Bỏ lại sau lưng con đường trải nhựa nắng nóng, tôi rẽ trái tại Ngã 3 Quỳnh Tăng, chạy theo con đường nhỏ với một vài con dốc nhỏ, tôi theo hướng Ngã 3 Cây Hương, xuyên qua những con đường đất đỏ, băng qua thôn xóm với rất nhiều nhà sàn của Buôn Dur KMan, hết đoạn đường rộp bóng mát thì tới đoạn nắng nóng cháy da.
Cảm thấy tình hình sức lực giảm sút trầm trọng, sợ cảm giác say nắng và ngã quỵ tại chốn hoang sơ hẻo lánh, tôi quyết định dừng nghỉ trưa bên bóng cây ven đường trong thôn, trải bạt nằm nghỉ được 30 phút thì có cảm giác bồn chồn buộc tôi phải đi tiếp, mặc dù trời vẫn còn nắng gay gắt.
Sức lực không còn sung mãn như lúc sáng khởi hành, tôi liên tục dừng xe nghỉ vài 3 phút tiếp nước cho cơ thể sau vài trăm mét đạp xe dưới cái nắng nóng trưa hè Tây Nguyên.
http://nq6.upanh.com/b6.s32.d1/e45fc66e6295004ccdbf92eadd024b55_49379476.p1040035 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040035/v/brg11b7acki.htm)
Trước mắt là con dốc khá cao, đường trải nhựa, mặt đường rộng chừng 3m, nhiều cây cối và bụi rậm 2 bên đường. Đôi chân và sức lực rụng rời, tôi chỉ có thể xuống và đẩy bộ vượt dốc, lúc mày đẩy xe vượt dốc đối với tôi cũng vô cùng khó khăn, cứ đi được chừng 15 - 20m thì tôi phải dừng lại thở và nhấp ít nước. Cứ thể tôi tiến dần lên tới đỉnh cao dốc (hay đúng hơn là con đèo nhỏ thì phải).
http://nq5.upanh.com/b4.s30.d1/2089eaead27f0ae81f45fe04783356fb_49379425.p1040033 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040033/v/crgb7b5aahb.htm)
Mừng gỡ vì bắt đầu được ngồi lên xe thả xuống dốc, chiếc xe từ từ thả dốc, con dốc khởi đầu khá thoải nhưng vừa qua khúc ngoặt đầu tiên thì con dốc trở nên thẳng đứng. Xe tôi lao xuống với vận tốc kinh hoàng, tay bớp chặt phanh xe mà xe cứ lao vút vút, phía trước mặt là chân dốc với khúc ngoặc kiểu "cùi trỏ", tôi quyết định nhảy khỏi xe để lao vào bụi gậm bên sườn dốc còn hơn là lao thẳng xuống có thể là bờ vực trước mặt hoặc xui xẻo hơn bị một xe khác chạy ngược chiều tông phải thi toi mạng giữa chốn hẻo lánh này.
Tôi nhảy ra khỏi xe, nhưng không may bị vướng chay lại yên xe, xe và người cùng ngã, 1 nữa thân người tôi nằm trong bụi rặm, nữa còn lại bị ma sát với phần mặt đường, tôi chếnh choáng đứng dậy kéo x vào bụi, kiểm tra thương tích và tình hình xe cộ. Cũng may, do tôi chủ động nhảy nên bị trầy xước ở gối và đùi ở một bên chân, xe thì bị cong quẹo cổ xe và pedan bị vỡ, nhưng vẫn còn có thể dắt bộ xuống hết cái dốc tử thần này.
Xuống hết dốc, tôi gắng đạp xe thêm một đoạn thì thấy nhà của người dân, tạt vào nhà tôi xin nước để rửa mặt, rửa và băng bó vết thương, buộc lại hành lý và sửa tạm xe đạp, cố gắng lê từ từ hỏi đường ra thị trấn Liên Sơn. Thêm 4km nữa là ra tới Thị trấn.
http://nq1.upanh.com/b2.s30.d1/56abdddc3837ee43f97b3c8b3a889558_49383201.p1040036 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040036/v/8rgc3kfl0gx.htm)

An Cartoon
23-09-2012, 15:34
Sức lực cùng kiệt, thương tích đầy mình, nhìn tôi thê thảm bụi bậm, tôi tiếp tục đạp xe băng qua những cánh đồng lúa và Buôn ấp nhà sàn. Hỏi thăm người dân, tôi biết mình sắp đến được Thị trấn Liên Sơn.
3h chiều, trời vẫn nắng chói chang, mấy đứa nhỏ và người dân ở đây tưởng tôi là Tây balo nên người ta vẫy tay chào "hello", tôi như bớt chút mệt mỏi trước mỏi cái nhìn và chào vui vẻ cảu người dân 2 bên đường.
http://nq6.upanh.com/b1.s30.d2/7fc8214286d6c9a418492e1e901ba44b_49384966.p1040037 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040037/v/8rgc5k9xdqz.htm)
Để qua Liên Sơn phải qua 1 chuyến đò ngang.
Qua đò, tôi tiến vào ngôi làng, nhà của người là nhà sàn, rất nhiều nhà trong rất nhận nhịp, trâu bò khá nhiều, con đường làng khó nhỏ đầy phân trâu, không khí yên bình, mộc mạc và âm cúng.
http://nq1.upanh.com/b5.s31.d2/4b889f6961052241f7edf1a4e1f95c34_49385431.p1040043 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040043/v/arg99k7xdye.htm)
http://nq3.upanh.com/b5.s31.d2/29b79ebec3e712c6f42ac4f97895e84a_49385003.p1040038 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040038/v/drg5bkexcur.htm)
Thêm đoạn nữa, tôi nhìn thấy những ngôi sàn xây dựng bằng bê tông khá kiên cố, con đường đê trải nhựa dài tới tấp, ngăn cách một bên là Hồ Lak, 1 bên là đồng lúa. Con đường thông thoáng vắng vẻ, mở ra quan cảnh chiều quê yên bình.
http://nq5.upanh.com/b5.s32.d2/28c8749f44f06525396fee698b612f03_49385515.p1040049 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040049/v/2rgb4k7u1ih.htm)
http://nq9.upanh.com/b1.s30.d1/9c1866f774be8b552475dbff435d1b08_49385479.p1040044 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040044/v/7rgb3kahbws.htm)
5h chiều, tôi tới thị trấn Liên Sơn, ghé vào một quán nước mía bên đường để tiếp thêm năng lượng, chưa bao giờ tôi được uống ly nước mía nào ngon ngọt như thế, cảm giác như trời hạn gặp mưa rào, gia đình và hàng xóm cô chủ quán tò mò hỏi chuyện tôi đi đâu mà hành lý lỉnh kỉnh với chiếc xe đạp và ăn mặc khác lạ vậy. Sau khi nghe tôi tường thuật nhanh về cuộc hành trình của mình và sự cố té đèo vừa nảy mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên và thích thú với câu chuyện khác người của tôi. Họ chỉ tôi nơi có chỗ trọ giá rẻ, nhưng tôi tìm không thấy đành bước chân vào Nhà trọ lớn nhất nằm ngay trung tâm thị trấn Liên Sơn.

An Cartoon
23-09-2012, 16:06
http://nq9.upanh.com/b3.s32.d1/abe42ac052e1e8542004b804a015a5a4_49385839.p1040045 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040045/v/crg74k6udhx.htm)
http://nq2.upanh.com/b6.s31.d2/61d8f3e392f562f396f9f072cc90a947_49385872.p1040047 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040047/v/9rga5k8uakn.htm)
Nhìn bộ dạng thê thảm của tôi, cô chủ nhà trọ liển hỏi chuyện, nghe tôi kể về chuyến đi xe đạp du lịch và chụp hình một mình, với vụ té đèo lúc trưa, cô chủ xem tôi như vị khách đặc biệt và áp dụng mức giá thuê phòng tượng trưng cho tôi 50k/đêm, tôi đăng ký ở lại luôn 2 đêm để dưỡng sức rồi mới tính chuyện đi tiếp.
Căn phòng nằm ở tầng 1, phòng có 2 giường đôi, quạt máy, có máy tắm nóng lạnh. Ok! 50k/đêm vậy là quá ổn.
Sau khi tắm giặt sạch sẽ, sắp xếp hành lý gọn gàng, tôi lôi xe đạp ra phố tìm chỗ ăn uống và mua thuốc băng bó vết thương ở chân.
Bữa tối là 1 tô phở bắc 25k, ghé vào quán chè ngay trước nhà trọ kêu thêm ly chè bưởi nhăm nhy ngắm xe cộ và người qua lại. Bữa tối ở thị trấn thật yên bình vì người rất ít, hơi vắng vẻ, xe cộ thì lát đát vài 3 chiếc qua lại. Tôi thấy 1 thằng Tây balo tấp vội vào quán bún bò ké bên nói cái gì đó với bà già bán bún, thấy cái vẻ của hắn và cái vẻ lớ ngớ gật gù của bà lão, tôi liền đánh liều lên tiếng với hắn: "Hey boy, I can speak E.L", hắn vội mừng bay thẳng tới chỗ tôi ngồi, hắn àm một lèo tiếng Anh khiến tôi hoa mắt chóng mặt,"Hey, speak Slowly please" (tôi nói)
Rút cuộc tôi cũng có thể biết được hắn món mua 2 phần mang về khách sạn nơi mà cô bạn gái của nó đang mệt mỏi nằm chờ bữa tối. Tôi thông dịch với bà chủ quán về yêu cầu của hắn và qua câu chuyện trôi đổi vội tôi được hắn và cô bạn gái của hắn mới 22 tuổi, hiện nay đang là giáo viên dạy tiếng Anh bên Thái LAn, 2 đứa nó đi du lịch bụi qua Malaysia, Campuchia, rồi qua Việt Nam, mua được con Win giá 10 triệu chạy từ Sài Gòn lên Đà Lạt, rồi qua Dak Lak, sáng mai 2 đứa nó định qua Gia Lai, xuống Hội An rồi bắt se lửa ra Hà Nội, ra tới Hà Nội sẽ bán con Win, lấy tiền mua vé máy bay bay về Mỹ. Woa, dân bụi thứ dữ nè.
Chia tay thằng Mỹ, tôi quay về phòng sát khuẩn và băng bó lại vết thương, gọi điện báo hung tin với mấy đứa bạn ở nhà. Gọi điện nói dối ba má là vẫn bình yên vô sự đang ấm áp trong chăn ấm1 niệm êm với giá phòng rẻ bất ngờ...

Tôi gọi điện cho Bé Trinh (một người bạn của tôi), nhà ba mẹ bé Trinh ở thị trấn Krong Bông, tôi sẽ nhờ bé nói với ba mẹ cho tôi ghé qua tá túc vài hôm, thăm nhà thăm 2 bác và đi du lịch thác Krong kmar.
Xong xuôi, tôi lên kế hoạch cho ngày hôm sau sẽ làm gì, đi đâu và ăn gì. Kết thúc một ngày với nhiều sự kiện, tôi ghi lại nhật ký hành trình trước khi chìm vào giấc ngủ.
http://nq0.upanh.com/b3.s30.d1/148f480b42d0fdb7f280bcc17f423491_49385900.p1040051 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040051/v/9rg42k3ufkw.htm)

Fhượt
25-09-2012, 01:42
Chào An,
Lâu rồi mình mới quay lại topic này. Đọc xong mới vỡ ra nhiều điều. Những cảm xúc thú vị và quá nhiều cái mới. Cảm ơn An nhé!
Được đi, trải nghiệm và viết như vầy là tuyệt. Để mình sắp xếp thời gian rồi gặp nhau cho biết, đặng mai mốt ngẫu hứng đi đâu chung cũng vui.

cafe_hp
25-09-2012, 13:10
Giá mà mình cũng đc đi như thế nhỉ, haizzzzz, muốn đc thử 1 lần nhưng con gái đi sẽ nguy hiểm hơn An đi rất nhiều

An Cartoon
14-10-2012, 09:08
Ngày thứ 5 trên hành trình.
Thị trấn Liên Sơn (Hồ Lak - Huyện Lak - Tỉnh DakLak), 7h30 sáng tôi bắt đầu một ngày để khám phá Thị trấn và danh lam Hồ Lak.
Tìm đến quán Phở Hà Nội tối qua làm 1 bát phở 25k, tìm đến tiệm sửa xe đạp gần nhà nghỉ để sửa và chỉnh lại xe, cũng may lão xe đạp già với cái sườn Martin 107 đời đầu khá cứng chắc nên sau vụ té đèo hôm qua vẫn bình yên vô sự ngoài một số vết trầy xướt, bể một bên pê-đan, cái giỏ phía trước tôi trang bị thêm cũng chỉ bị móp méo chứ không bị gãy.

Mất vài phút để cân chỉnh nhưng cũng đủ thời gian tôi kể lễ tiếp chuyện với vợ chồng ông chủ tiệm sửa xe và vài vị khách khác về tai nạn và chuyến đi mấy ngày vừa qua. Một thoáng tình cờ, tôi bắt gặp em ấy, em đang đứng thu mình ở một góc, ánh mắt tôi nhìn em với sự mê mẩn và bị thu hút bởi vẻ đẹp hút hồn, em mặc chiếc áo đỏ tươi với những đường viền trắng tinh khiết. Với tôi Em thật nổi bật giữa chốn này.

Rời tiệm sửa xe, tôi tìm đường lên đồi Biệt điện Bảo Đại. Đồi cao 200m, 2 bên đường lên đồi mát rượi bao phủ bởi rừng cây cổ thụ, đoạn dốc lên với những khúc ngoặt và độ nghiêng khiến tôi bị ám ảnh bởi con dốc mà tôi vừa bị đo ván hôm qua. Xuống đẩy bộ luôn cho nó lành vậy.
Lên tới Biệt Điện rồi, hoàn toàn vượt ngoài mong đợi của tôi, Biệt Điện bây giờ bị thâu tóm dành cho việc kinh doanh cafe và khách sạn, ngoài ra hỏng còn gì để chiêm ngưỡng, tôi đi lanh quanh tìm vài góc để chụp chọt, thấy 1 xe 7 chỗ biển số TP.HCM, bắt chuyên với mấy anh chị thì biết là một nhóm khách du lịch lên đây tham quan, chạy từ Tp lên đây tham quan cuối tuần. Được một dịp tôi bị mấy anh chị phỏng vấn tiếp câu chuyên về chuyến Phượt của mình rồi làm quen, tôi chỉ đường mấy anh chị đi tới làng du lịch cưỡi voi.
http://nr4.upanh.com/b1.s32.d2/d069f31bc234e56210a12401b94f50cc_49982494.p1040054 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040054/v/9rmf1k9aaiz.htm)

http://nr2.upanh.com/b2.s35.d1/b580a99dda9a8f949ba24a75a6de708d_49982522.p1040056 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040056/v/2rm44kaabtf.htm)
Một góc nhìn toàn cảnh Hồ Lak từ đồi Bảo Đại

http://nr2.upanh.com/b1.s30.d1/951b81f3a519bedab57b068f9b68442f_49982562.p1040062 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040062/v/8rm81k1j5wz.htm)
Bức ảnh cuối của bác ngựa sắt già nua bên bờ Hồ Lak trước khi tôi gửi bác vào viện Dưỡng lão

Anh chị đi 5 người cộng thêm tôi nữa là 6, chia làm 2 đoàn, thuê 2 chú voi già cưỡi 15 phút, mỗi người tốn 45k. Đoạn đường 15 phút cũng đủ thú vị, chú voi đưa chúng tôi tiến vào làng trên con đường đất đỏ, nhìn ngắm cảnh những chị phụ nữ phơi lúa, chú voi được điều khiển lọi qua một khoảng nước nông gần bờ trên Hồ Lak, cũng đủ khiến những lữ khách như chúng tôi thỏa mãn trải nghiệm thú vị trên lưng voi giữa khung cảnh núi non mặt nước mênh mong giữa chốn này.

http://nr4.upanh.com/b6.s30.d2/691957720478c4ea4e79f75d65100682_49982834.p1040078 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040078/v/1rm5dk1a3ua.htm)

http://nr1.upanh.com/b1.s32.d1/dcac950027861e0734267855bc68e4d2_49982861.p1040085 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040085/v/5rmc7kca7km.htm)

Chia tay anh chị trời cũng đã vào ban trưa, tôi tìm chỗ ăn cơm trưa, ăn xong định về phòng nghỉ thì lại bất chợt xung máu muốn lòng vòng giữa trời nắng chan chan lượn lờ thêm vài đoạn ngóc ngách. Và...

An Cartoon
14-10-2012, 10:30
Tôi cập theo con đường trải nhựa khá đẹp chạy dọc quanh bò Hồ, con đường giữa ban trưa vắng vẻ, hai bên là hàng cây mát rượi bao phủ, gió hồ thỏi vào mát rượi, tiếng ve trưa hè kêu râm rang giữa trưa yên vắng. Âm thanh và khung cảnh thanh bình của đất và nước khiến tâm trạng người lữ khách như tôi đây được yên bình và nhẹ tênh, những ưu tư phiền muộn trong tâm trí của người lữ khách như được cái gió của Hồ nước cuốn trôi đi cùng khung cảnh và đất trời.

http://nr0.upanh.com/b5.s32.d1/c0d76befe919b5ba378c5b719897bc9a_49983340.p1040091 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040091/v/crm38k0pevn.htm)

http://nr2.upanh.com/b5.s32.d2/d6e162fb9bbc1e10bc94110ed8880574_49983302.p1040071 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040071/v/2rm17k3p5ik.htm)

http://nr8.upanh.com/b3.s30.d1/fd3a719c8490e90b4185a6d22fcb5ed6_49983238.p1040068 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040068/v/arm2dk5p6ri.htm)
Thuyền độc mộc - một biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên

http://nr2.upanh.com/b3.s35.d2/d4f67239f9cf56c5b4b5189a7a72641f_49983382.p1040106 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040106/v/frm65kep3uk.htm)

http://nr5.upanh.com/b3.s32.d1/eacf8a2ede97f6695f89284cdbaee7bd_49983365.p1040097 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040097/v/9rmb3k0peut.htm)

Tôi quay về phòng. Ngủ trưa nghỉ ngơi một chút. Thức dậy tôi lại nhớ về hình ảnh của em ấy, vẻ đẹp và những đường cong quyến rủ của em cứ lượn lờ trong tâm trí. Gọi điện về nhà hỏi Quân sư lên mạng search giùm một ít thông tin về em ấy, tôi thì lôi sổ sách ra tính toán lại mọi khoảng chi phí và số tièn còn lại trong tài khoản ATM. Sau một buổi chiêu suy tính, tôi quyết định dành ra một số tiền để chuột thân cho em.

Quay lại tiệm sửa xe ban sáng, tôi thỏa thuận cùng bác chủ tiệm, bác sẽ cho tôi chuột em ấy và bác sẽ thu mua lại bác ngựa sắt già nua của tôi với giá 150k. Quyết định cuối cùng, hẹn bác chủ tiệm sau 3 ngày tôi sẽ mang tiền đến để chuột thân cho em ấy và xuất phát đi Đà Lạt luôn, vì 3 ngày tới là 3 ngày tôi sẽ đi Thác Krong Kmar ở huyện Krong Bông.

Táo Cắn Dở
20-10-2012, 00:26
Mình đang thắc mắc "Em ấy" là ai ???
Mong Cartoon sớm viết tiếp bài vậy :)

An Cartoon
20-10-2012, 21:24
Sáng sớm hôm sau, ngàythứ 6 trên hành trình, tôi gói gém hành lý lên đường đi đến thị trấn Krong Kmar.

Hành trình dài hơn 30 km, với vết thương ở chân do tai nạn 2 hôm trước, và qua tìm hiểu về hệ thống tuyến xe bus ở DakLak, tôi quyết định xin gửi bác ngựa sắt lại chỗ nhà nghỉ và chỉ vác theo những đồ đạc quan trọng và cần thiết theo.

Ngồi 2 tuyến xe bus và mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, với giá khoảng 25 ngàn đồng/2 tuyến xe, là đến thị trấn Krong Kmar. Từ thị trấn Liên Sơn - Hồ Lak, đón chuyến xe bus đi ngược về hướng Buôn Ma Thuột, tới ngã 3 Hồ Yang Reh thị xuống xe, qua đường đón tiếp chuyến xe bus đi từ Buôn Ma Thuột đến bến xe thị trấn Krong Kmar.
Tôi gặp cô Hiền và chú Sơn (ba và mẹ của bé Trinh, người bạn học chung thời Đại học) tại chợ Krong Kmar, nhà cô chú cách chợ không xa lắm, thị trấn Krong Kmar tuy là một thị trấn nông thôn nhỏ, nằm dưới chân dãy Chư Yang Sinh nổi tiếng, tuy nhiên đường xá và cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người dân ở đây khá đầy đủ. Cô chú Sơn và người dân ở Krong Kmar chủ yếu sinh sống dựa vào công việc nương rẫy, đất đai ở đây khá rộng nhưng kém màu mỡ, chủ yếu trồng điều, xoài, khoai mì và lúa nước…
Tôi ở lại với gia đình chú Sơn 3 ngày, với cô chú và tôi thì đây là lần đầu gặp mặt, chúng tôi chỉ biết nhau qua lời kể và miêu tả của bé Trinh, thế nhưng những câu chuyên giữa cô chú và tôi khá thân thiết và nồng nhiệt. Vì vậy tôi thấy như đang được ở bên cạnh những người thân ở một nơi hoàn toàn xa lạ, tôi cảm thấy an toàn và rất thoải mái.

Sau buổi cơm trưa với cô chú, tôi muốn phải làm gì đó thật khác lạ, và tôi được cô Hiền dẫn qua gửi gấm thằng cu Xị (em họ bé Trinh), chiều nay cu Xị được cô Hiền giao một trọng trách đó là dẫn tôi đi cùng mấy đứa trong xóm ra suối chăn bò. Tôi rất háo hức với công việc mình sắp sửa được tham gia, và đây chắc chắn sẽ là một công việc khá thú vị mà trước giờ tôi chưa từng làm, một trải nghiệm thực sự và đúng với mong muốn của mình.

2h chiều. Xị, tôi và mấy đứa trong xóm bắt đầu lùa đàn bò ra suối. Từ nhà chúng tôi ra suối chỉ cách khoảng 100m, tiếng nước chảy và hình ảnh của những tảng đá cụi, làn nước trong mát bắt đầu dần dần hiện ra.

http://nr3.upanh.com/b3.s30.d1/e05f56842306eb7d7c460a4289860654_50165863.p1040113 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040113/v/0rlb3y5vfpj.htm)

Được làm "Cowboy miền viễn Tây" đối với một người đi tìm kiếm và trải nghiệm những điều mới lạ như tôi vô cùng thú vị. Lúc này tôi mới cảm nhận hết được sự tự do và cảm giác phóng khoáng của những anh chàng Cowboy miền tây là như thế nào.

http://nr8.upanh.com/b4.s34.d4/e0ceb35d799f022f81727d2c65bccd5a_50168318.p1040120 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040120/v/1rl1cjej6dn.htm)

Ai bảo chăn trâu là khổ thì hãy xem những bức ảnh này đi.
Một bữa tiệc nhỏ giao lưu giữa các “bác cowboy nhí’ bên bờ suối với các món “đặc sản” có sẵn từ các khu vườn bên kia suối, nào là món cá suối nướng, xoài và điều chấm muối tiêu và 2 xị rượu chuối hột.

http://nr8.upanh.com/b6.s33.d3/8dcfe0c04fd7828db0787bc158a8b9ea_50168368.p1040124 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040124/v/8rlaajbj2oo.htm)

Buổi tiệc nhỏ khá vui nhưng sức hút từ phong cảnh non nước hữu tình khiến tôi không cưỡng lại được. Giữa buổi trưa hè trời khá oi bức, với cảnh núi non cây cỏ hùng vĩ xung quanh, tôi khó lòng cưỡng lại dòng nước trong vắt mát lạnh róc rách len lõi qua những tảng đá cụi được bào mòn nhẵn nhụi.

http://nr8.upanh.com/b4.s33.d1/6b3112051708c9af5edbcfa4f40e9d15_50168508.p1040131 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040131/v/2rlc0jajcmk.htm)
Chỉ có tắm tiên mới có thể tận hưởng được chọn vẹn sự thú vị này.

Sau cả buổi chiều đắm chìm giữa non nước trời mây, chúng tôi chia ra lùa đàn bò được thả rong nhởn nhờ bên bờ suối trở về nhà. Bọn nhóc ở đây còn rủ tôi tham gia vào một việc “làm ăn” cùng chúng nghe qua rất thú vị, mùa này là mùa thu hoạch hạt điều, bọn nhóc ở xóm thường rủ nhau vào rẫy của nhà khác chôm hạt điều mang về bán lấy tiền tối tối đi ra chợ uống cà phê. Nhưng cũng có một điều khá rủi ro và thú vị nữa của việc “làm ăn” này là sẽ có những màn bị rượt đuổi bởi những chủ vườn nếu bị phát hiện. Tôi cảm thấy thỏa mãn và quyết định thôi không tham gia việc “làm ăn” này và quay trở về nhà cô Hiền sau chuyến trải nghiệm thú vị của công việc chăn bò.

http://nr0.upanh.com/b1.s33.d1/5f200c32afebaf93c8cfb6de64a5c073_50168430.p1040166 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040166/v/crl53jbj4eo.htm)

Buổi tối, tôi và cô chú có khá nhiều thời gian để trò chuyện và tâm sự về cuộc sống. Chú Sơn quê ở Quảng Nam, một mình chú di cư lên chốn này theo diện kinh tế mới từ lúc chú 20 tuổi. Thời trẻ, cũng như bao thanh niên đến từ các vùng quê khó khăn Miền Trung, chú là một thanh niên siêng năng cần mẫn, một mình chú khai hoang mở đất làm rẫy, xong vụ rẫy thì cùng các thanh niên trong xóm vượt núi băng rừng Chư Yang Sinh tìm gỗ qúy. Tôi thích nhất là câu chuyện chú Sơn kể về các chuyến băng rừng tìm gỗ quý kéo dài 10 ngày nửa tháng, mang theo gạo để nấu, săn thú rừng, bẻ măng tăng gia lương thực với bao gian nan vất vả và không kém phần ly kỳ hấp dẫn. Mấy năm gần đầy, các chuyến đi rừng cũng thưa dần do gỗ quý ngày càng cạn kiệt và chính sách bảo vệ rừng cũng nghiêm ngật hơn.
Những câu chuyện về cuộc sống mưu sinh và nuôi dạy con cái khiến tôi bội phục trước ý chí và nghị lực của các thanh niên thời cô chú trong cảnh cuộc sống khó khăn. Tất cả mọi gian lao vất vả mà các thanh niên thời cô chú trải qua chỉ để hy vọng và mong mỏi một điều đó là một cuộc sống tốt đẹp cho con cái sau này.

10h tối, cả nhà đi ngủ sau một ngày thú vị. Sáng mai chú Sơn sẽ cho tôi theo cùng lên rẫy để tham gia trải nghiệm vào một công việc khác cũng khá thú vị. Tôi chìm vào giấc ngủ với tâm trạng vô cùng háo hức.

An Cartoon
20-10-2012, 22:52
Ngày thứ 7 trên hành trình.

6h sáng, sau khi làm công tác vệ sinh cá nhân, chú Sơn dẫn tôi qua quán café duy nhất và là nơi tập trung gần như tất cả các bô lão và các bác trung niên trong xóm vào buổi sáng. Không khí nhộn nhịp với câu chuyện xóm giềng, nương rẫy và hỏi thăm sức khỏe. Đây được coi như nhà văn hóa thông tin dành riêng cho các bác mày râu của xóm để cập nhật tình hình, câu chuyện đời sống của nhau.
Sau khi thưởng thức ly cafe buổi sáng, chú Sơn và tôi đi bộ ra chợ, nơi có sạp hàng của cô Hiền đang bày bán gạo, đường và đậu để làm tô bún bò trước khi quay trở về nhà gói gém dụng cụ lên rẫy. Nếu như quán café trong xóm là nơi tụ tập của đấng mày râu, thì ở chợ chính là nơi – nhà văn hóa thông tin – dành cho mấy gì. Một khu chợ nhỏ -của một thị trấn nhỏ, có cái hay riêng của nó đó là mối quan hệ giữa hàng xóm láng giềng khá thân thiết, cả khu chợ ai cũng quen biết cũng đều rất thân thiện. Chuyện hiếu hỷ của một nhà nào đó cả xóm đều biết và đều chung tay nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau.

7h sáng mặt trời cũng lên khá cao và cái nắng cũng đã bắt đầu chói chan. Giúp chú Sơn chuẩn bị nước uống mang theo, tôi cũng không quên mang theo máy, võng, bao bố và con dao nhỏ. Chúng tôi bắt đầu lên đường tiến vào khu rẫy bằng chiếc xe đạp bắt đầu một ngày vào rẫy thu hoạch hạt điều.
Khu rẫy nằm cách biệt với xóm nhà, để tới rẫy chúng tôi phải lội qua con suối cạn nước dâng tới đầu gối, mà theo chú Sơn thì tới mùa mưa nước dâng rất cao, không thề lên rẫy bằng cách lội suối mà phải đường vòng rất xa. Từ nhà vào tới rẫy của chú cũng khoảng 2 -3 km đường mòn.

http://nr5.upanh.com/b3.s35.d3/355e90123ed8c98ad7c6558e8c130aa6_50169255.p1040161 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040161/v/3rl2bj4adfr.htm)
Chú Sơn chở tôi trên con xe đạp men theo con đường mòn vào rẫy, có những chỗ lầy lội phải vát xe vượt qua.

Công việc trong buổi sáng hôm nay là thu hoạch hết những trái điều chín, trên mãnh đất của chú có khoảng 30 gốc điều. Vì mùa điều năm nay không chín rộ như một số năm khác nên việc thu hoạch cũng khá vất vả hơn. Bình thường những năm điều chín rộ chỉ cần dùng một cái sào dài có gắn móc ở đầu giật mạnh cành cây là những trái điều chín rụng hàng loạt. Năm nay không được như thế, nên chú Sơn phải vươn sào móc từng trái chín trên cây nên việc thu hoạch rất mất thời gian. Mọi ngày, việc vào rẫy thu hoạch điều chỉ diễn ra cách 1 ngày hái 1 lần, vì phải đợi điều chín từng loạt. Công việc hôm nay của tôi là thu gom những quả điều rụng trên đất lại và tách hạt ra khỏi trái và cho vào bao bố. Công việc đơn giản chỉ có vậy, nhưng điều chín rất mộng nước, nước điều rất rít tay và nhiều mủ, lật hạt điều cũng khá đau tay vì phải lật một lượng lớn nên phải mang bao tay vải, mà vải thì thấm nước từ trái điều ẩm ẩm và dính đầy cát rất khó chịu.

http://nr6.upanh.com/b3.s33.d3/a25eac619eef20f4b3faf04aced37d46_50170576.p1040185 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040185/v/5rl39j9g3ow.htm)
Việc đầu tiên khi tới rẫy là mắc võng để lát nữa có chỗ ngồi nghỉ ngơi.

http://nr9.upanh.com/b1.s33.d2/da0a8b0a18f70711d107edde8b273e8e_50170479.p1040178 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040178/v/7rlb6j8g2uy.htm)
Chú Sơn đang hái từng trái điều.

http://nr0.upanh.com/b6.s32.d2/96761eb0c81dde3372af5eceb579a528_50170540.p1040184 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040184/v/2rld0j7gbln.htm)
Thành quả cả buổi sáng, lật hạt hết mớ điều này cũng mất thời gian khá lâu.

Sau khi thu hoạch và lật hạt điều xong, 2 chú cháu rủ nhau xuống suối rửa tay chân cho mát, nhưng cứ thấy làn nước trong vất và mát rượi là tôi không thể cưỡng lại.

http://nr5.upanh.com/b1.s30.d2/ae63ba112bd190253f968060bfc14871_50169205.p1040186 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040186/v/3rl68j5a4xb.htm)

Với kinh nghiệm của một người đi rừng chuyên nghiệp, chú Sơn nghe thấy tiếng kêu của một con nhái phát ra từng trong bụi cỏ, chú nhận ra ngay trong đó có con rắn vừa bắt được một con nhái và đang thưởng thức thành quả của nó. Sau một hồi 2 chú cháu tìm kiếm theo âm thanh của chú nhái xấu số tôi đã nhìn thấy con rắn, 2 chú cháu tưởng là sắp có một món rắn nướng ben bờ suối ai dè con rắn nước nhỏ quá nên thôi tha cho nó.

Sau một chập bơi lặn và cơ thể được mát xa bởi dòng nước mát lạnh giữa trưa nắng nóng, 2 chú cháu thỏa thuê quay lại chuẩn bị gói gém thành quả thu hoạch cả buổi sáng và quay về nhà. Chú Sơn chợt nhớ hồi sáng có mang theo một gói muối tôm Tây Ninh, nên 2 chú cháu quyết định kiếm vài trái điều chín mộng căng nước chấm muối giải khát. Thấy điều chấm muối tôm không đủ độ phê và đúng điệu, chú Sơn cầm theo con dao nhỏ đi qua rẫy nhà hàng xóm một lúc rồi quay lại cùng với 2 trái thơm (quả dứa) to đùng. 2 chú cháu được một bữa tiệc trái cây giải khát thích phê người.

Quay về nhà, kết thúc một buổi sáng thu hoạch hạt điều với thành quả là gần 20kg hạt điều tươi tương đương với 350 ngàn đồng. Tôi hoàn toàn hài lòng với trải nghiệm và thành quả lao động của mình, và hơn nữa tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc với những niềm vui đơn giản nhưng khó tìm thấy ở cuộc sống thành thị giữa chốn thôn quê này. Tôi thấy mình như được sống giữa “hoa quả sơn – thủy liêm động” vừa được thưởng thức trái cây tươi ngọt, vừa được ngăm mình trong làn suối mát giữa 4 bề thiên nhiên núi rừng hoang giã.
Buổi chiều, chú Sơn chở tôi trên chiếc xe máy dạo một vòng tham quan hết thị trấn Krong Kmar. Ở đây môn thể thao mà phía mày râu từ già trẻ lớn bé điều mê là môn Bóng chuyền, có rất nhiều sân bóng trong khắp thị trấn thu hút một một lượng rất đông người chơi.

Buổi tối ngày thứ 2 ở nhà cô chú kết thúc, tôi viết lại những trải nghiệm trong ngày của mình trong quyển nhật ký, gọi điện cho gia đình và xem lại kế hoạch hành trình cho những ngày tiếp theo. Tôi chìm vào giấc ngủ với cùng với sự thỏa mãn về một ngày trải nghiệm thú vị đáng nhớ.

fankfank
01-11-2012, 00:09
Bạn ơi.. bạn mất tích đâu rồi

An Cartoon
09-11-2012, 22:02
Tôi ở lại nhà cô chú thêm 1 ngày chủ yếu để cơ thể được nghỉ ngơi và tích lũy thêm sức khỏe để chuẩn bị tốt nhất tinh thần cho chặng đường tiếp theo. Đà Lạt thẳng tiến theo cung đường 722.
Cả buổi sáng tôi ra gian hàng của cô Hiền ở chợ để phụ cô bán buôn, đồng thời tham quan khu chợ của thị trấn. Buổi chiều, về nhà để ngủ nghỉ và gói gém hành lý, mua thêm 1 ít lương khô dự trữ cho chuyến đi (vài hộp sữa, hộp bánh quy và thêm vài ổ bánh mì).
Sáng hôm sau, tôi chia tay cô chú trong sự lưu luyến và tình cảm dạt dào. 6h30 sáng, tôi đón chuyến xe bus quay lại Thị trấn Liên Sơn sau khi rút thêm tiền từ chiếc thẻ ATM mang theo để có tiền chuộc thân cho “em ấy” và lượng tiền vừa đủ để đi đường từ Hồ Lak tới Đà Lạt mà theo tôi dự tính sẽ mất 2 ngày để tới đích Đà Lạt.
7h30 về tới Liên Sơn, tôi về nhà nghỉ lấy chiếc xe đạp mà tôi đã gửi lại 3 hôm trước, dắt bộ qua cửa hàng xe đạp, tôi bán chuyến xe cà tàng của mình và bù thêm một khoảng tiền để chuộc thân cho “em ấy”. Sau khi căng chỉnh lại và gắn thêm chỗ để bình nước, cột chặt hành lý lên ba ga sau, tôi hạnh phúc được cưỡi trên yên “em ấy” để bắt đầu chặng hành trình 722 – Đà Lạt.
Chỉ đạp được vài ba cây số, mớ hành lý tôi cột sau xe bị tuộc dây và rơi khỏi xe, cũng may nhờ có mấy bác trai đang ngồi bên đường giúp đỡ nên sau một hồi chặt vặt đóng hành lý cuối cùng cũng nằm gọn trên ba ga xe.
Quốc lộ 27, tuyến đường nối giữa Đaklak với Lâm Đồng được cảnh báo có rất nhiều đèo dốc và chỉ đi lên cao, tôi được cảnh báo sẽ rất khó cho tôi để vượt qua với chiếc xe đạp, nhưng mọi cảnh báo dường như càng làm ý chí tôi thêm quyết tâm chinh phục.
Đi được tầm 5 km, tôi đến con dốc đầu tiên. Tôi đứng dưới chân dốc mà nghe rõ tiếng “la thét rầm rú” khổ sở của một bác xe tải quân đội đang chở đất đá leo lên con dốc, chậm rãi bò từ từ để vượt con dốc. Sau một hồi nghỉ ngơi lấy sức, tiếp thêm 2 cái bánh ngọt và một hộp sữa có đường, tôi bắt đầu vượt dốc.
Con dốc khá cao và khúc ngoặt đầu tiên thật rùng rợn. Để chế độ đạp nhẹ nhất, tôi cũng phải mất khá nhều sức mới leo lên được lưng chừng con dốc, miệng thở học học, mồ hôi đầm đìa, tôi nhảy xuống xe vừa dắt bộ và dừng lại nghỉ lấy hơi đẩy tiếp trong cái nắng chói mặt.
Sau khi đẩy được một đoạn dốc, tôi vẫn chưa hết mệt mà hình như còn mệt hơn nữa thì nghe thấy tiếng động cơ giòn giã vang vọng cả ngọn núi của xe công nông ngày càng gần ngay sau lưng mình. “Vậy là mình được cứu rồi”, tôi thầm nghĩ.
Ra sức vẫy tay, hét thật lớn, miệng nở nụ cười toe toét để xin được đi nhờ. 2 bố con chủ xe công nông là người dân tộc giúp tôi đỡ chiếc xe và đóng hành lý trên ba ga sau xe lên chiếc xe công nông. Ở vùng này, xe công nông chính là phương tiện tốt nhất để leo đèo một cách ngon lành. 2 bố con cho tôi nhờ một đoạn đến đỉnh dốc thì rẽ vào một con đường mòn khác để vào rẫy, tôi và chiếc xe mới tậu xuống xe, cũng thấy đỡ mệt được một chút, mừng hơn nữa là trước mặt không phải leo dốc nữa, bây giờ sẽ là giai đoạn thả đèo. Con đèo tuy nhỏ so với các con đèo ở Đà Lạt mà tôi biết, nhưng có lẽ sức tôi chưa được chuẩn bị càng cho những chặng đường thế này nên thấy sức lực nhanh chóng giảm xúc và miệng thì cứ thở hòng học.
Tôi tiếp tục vượt thêm vài km nữa, gặp thêm vài con dốc lớn có nhỏ có, trời thì bắt đầu ngày một nắng rắc hơn, chói chan và khô hanh, mồ hôi mồ kê chỷ ướt, càng ra sức đạp và đẩy xe tôi càng thấy sức khỏe càng giảm xúc.
Trước mặt lại một con dốc khác, đạp hết nổi thôi thì xuống đẩy bộ, tôi áp dụng chiến thuật “chia nhỏ để trị” cứ đẩy xe lên được 20 bước thì nghỉ 10 giây. Cũng đẩy được vài trăm mét, đang đứng nghỉ thì lại nghe thấy tiếng xe công nông chạy tới sau lưng, lòng mừng rỡ như một phản xạ tôi cứ đưa tay và vẫy gọi xin đi nhờ mà không cần dò xét gì nữa.
Người và “ngựa” yên vị trên xe được một lúc tôi mới thấy khỏe lại được một chút, tôi nẳm dài trên xe, miệng tu nước ực ực để lấy sức, sau một hồi tôi mới bắt đầu dò xét lại tình hình tôi đang đối mặt hiện tại.
Cảm giác ngồi trên xe công nông trên con đường 2 bên là đồi núi và rừng cây, những làn gió thổi lồng lộng hất vào mặt, đôi lúc khung cảnh 2 bên đường hiện ra những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ bạt ngàn, tôi thấy mình như trở thành một kẻ lang bạt thực sự, phóng túng và tự do tự tại.
http://ns8.upanh.com/b3.s33.d4/fa03c0ad8d5ec45e6bee20fc19bc3e08_50718338.p1040288 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040288/v/2vg2aycc2wz.htm)
Bác Mamex và vợ chạy con dream đi sau

Gia đình cho tôi đi nhờ đang trên đường đi rẫy trở về nhà, dọc đường họ ghé lại các cửa hàng vật liệu xây để mua xi mang về xây nhà. Khi xe tấp vào một trạm đổ xăng, tôi nhanh tay lấy tiền của mình để trả giúp nhằm thay lời cảm ơn vì sự họ cho tôi đi nhờ. Qua cuộc trò chuyện ngắn, tôi được biết nhà họ ở Thôn Đạ Long, tôi mừng húm vì trời đã thương tình mà ra tay giúp đỡ mình vì ít nhất từ đây tới Đạ Long tôi khỏi phải đạp xe và dắt bộ vượt chặng đường đèo dốc và dốc giữa trưa hè nóng cháy da nữa rồi.
http://ns5.upanh.com/b5.s30.d1/e53d17842bd8f65b8fb6d76bbd7b9bcc_50718285.p1040270 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040270/v/4vg7fy5c8mh.htm)
Thu (con trai bác Mamex) - tay lái lụa đưa tôi vượt chặng đường từ Liên Sơn tới Đạ Long

Chiếc công nông đưa tôi vượt chặng đường khá xa, vượt rất nhiều con dốc rất cao, đường đi 2 bên vắng vẻ hoang vu, tôi thầm nghĩ nếu chẳng may tôi không gặp được chuyến xe này thì có lẽ giờ này tôi đang khổ sở kiệt huệ sức lực giữa núi rừng hoang vu này rồi, và không biết tới cuối ngày tôi thể tới được Đạ long không nữa.
http://ns9.upanh.com/b3.s35.d1/f611619c7fae3b9af3207022fd732f16_50718239.p1040236 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040236/v/dvg74y8c0fh.htm)
ánh mắt tò mò dò xét vị khách lạ (con trai út của bác Mamex)

Sau suốt mấy tiếng đồng hồ nằm vặt vưỡng trên xe, tôi nằm dài phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt, tới hơn 2h chiều cuối cùng họ cũng về tới nhà.
Dỡ hành lý và xe đạp xuống, họ mời tôi vào nhà uống nước và rửa mặt cho khỏe, bữa cơm gia đình được dọn lên và tôi được mời dùng chung với gia đình. Sau một chặng dường khá dài và nắng rát, dù rất mệt và đói nhưng tôi chỉ ăn được 3 chén cơm rau.
Sau khi dùng cơm xong cũng đã 3h chiều, bác chủ nhà mở lời mời tôi ngủ lại nhà bác một đêm cho lại sức rồi sáng sớm mai hãy đi tiếp. Theo lời bác thì con đường nhựa này chỉ còn vài km nữa là hết đường, xe công nông không đi được nữa, chỉ đi được xe máy và đường đi rất xấu. Từ Đạ Long đi Đà Lạt còn hơn 60km nữa. Như được mở lòng, tôi mừng quýnh lên vì có chỗ để nghỉ chân đêm nay mà lại không phải xin xỏ gì hết. May mắn một lần nữa lại mỉm cười, tình người một lần nữa được khẳng định. Sao người ta lại tốt bụng đến thế, sao người ta lại tin người đến thế?
Sắp xếp đóng ba lô hành lý gọn gàng, giúp anh con trai bác chủ nhà dở mấy bao xi măng trên xe xuống, chơi giởn với mấy đứa nhóc nhít con út bác chủ một hồi để làm quen và chia cho chúng mấy cái bánh, cái kẹo mua mang theo, lén len chụp mấy hình mấy đứa nhỏ bụi bặm phong trần khỏe khoắn măt mũi lem luốt nhưng rất đáng yêu, tôi nhận thấy gia đình bác chủ nhà rất ấm cúng lúc nào cũng rộn ràng tiếng tre con chạy giỡn.
5h chiều, bác chủ nhà chở tôi trên con Dream của bác với đứa con gái của bác vào trung tâm thôn để tấm hồ nước khoáng nóng tự nhiên.
http://ns3.upanh.com/b6.s35.d3/7e93f2eb0692a81bdb4413967d8f39e7_50718373.p1040296 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040296/v/bvg26y6iecs.htm)
Nhà thờ giáo phận Đạ Long

Cái hồ nước khoáng nóng này tôi đã biết đến khi theo dõi cuộc hành trình cùa các bác phượt đàn anh khi đi qua đây.Tôi bất gặp cảnh toàn bộ dân làng kéo nhau ra đây tắm không phân biệt gái trai, già trẻ lớn bé, cảnh rất vui nhộn nhịp y chang như những bức hình tôi xem trên diễn đàn mà các phượt anh để lại.
http://ns6.upanh.com/b2.s35.d3/d0cea4e250041b3eb983f1946bce6788_50718416.p1040301 .jpg (http://www.upanh.com/upanh_p1040301/v/8vg91y0c8al.htm)
Bác Mamex đang tạo dáng bên hồ khoáng nóng tại trung tâm thôn Đạ Long

Tối đến, sau bữa cơm gia đình, chúng tôi có dịp để trò chuyện tìm hiểu về nhau. Bác chủ nhà tên là MaMex, năm nay gần 60 tuổi, bà vợ tên gì tôi nghe không được nên cứ gọi là Mế, chừng 50 tuổi, gia đình bác có tới 8 đứa con, đứa lớn nhất đã có gia đình ở riêng, bây giờ ở chung với bác là 4 đứa nhỏ, đứa nhỏ nhất còn đang bú, chưa biết nói.
Anh chàng lúc sáng lái xe công nông chở tôi tên là Thu – 18 tuổi, Thu không được đi học nên không biết chữ, Thu rất hiền và ngoan, ở nhà chăm lo phụ giúp công việc nặng nhọc trong gia đình.
Tối đó, tôi được bác maMex ưu ái dành riêng cho cái võng mùng mới mua để ngã lưng khá ấm áp và thoải mái. Nhưng nói gì thì nói, giữa chốn xa lạ nên tôi vẫn phải đề cao cảnh giác để bảo vệ mình, thế nên lúc nào đi ngủ tôi cũng mang bên mình 1 đèn pin nhỏ, điện thoại, bóp tiền và giấy tờ tùy thân

Dzuis
09-12-2012, 23:01
Ông tướng, lặn thêm một tháng rồi chưa sủi tăm à????:T