PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh



backpackervn
26-06-2009, 09:56
Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA240428.jpg
Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA240430.jpg
Thung lũng Kodari xanh

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA240441.jpg
Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA240438.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/CopyofPA240442.jpg
Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/CopyofPA240435.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA240433.jpg
Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.

Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.

backpackervn
26-06-2009, 17:48
Đêm trước, 8.30pm đến Thamel, Kathmandu, đeo balo mòn mỏi đi tìm nhà nghỉ (GH). Các GH được giới thiệu trong LP đã đầy kín chỗ, mà giá cũng đã tăng chứ không còn mềm như theo LP. Cuối cùng, bpk chui đại vào 1 GH (nhìn ngoài hơi bẩn bẩn 1 tý!) ngay trên đường chính, gần Thamel Chowk, giá cũng tạm tạm, 200 Nepali Rupe (1 US$ # 78Rs thời điểm đó). Phòng cũng sạch tương đối, có 2 giường, nếu đi 2 tên thì chắc sẽ OK hơn. Mục đích là chỉ để quăng cái balo, tắm táp 1 cái sau 1 ngày dài lê la trên đường, mai đi tìm GH khác. Xong xuôi, sạch sẽ thơm tho (?), ra đến đường cũng đã gần 10pm, đường phố vẫn tấp nập đông vui. Tìm 1 quán giữa phố, nằm trên tầng 1, nhìn thẳng ra ngã 3 đường tấp nập người xuôi kẻ ngược, bpk leo lên, ngồi ngắm thiên hạ, chơi vài ve Nepal Ice làm quen. Rất OK! Và từ chỗ mới quen, Nepal Ice mau chóng trở thành” bạn thân” của bpk trong những ngày thu Nepal. Dĩ nhiên là ngoài Nepal Ice, bpk còn nhiều “bạn” thân sơ khác nữa, sẽ từ từ giới thiệu. Ngấm bia, ngấm sương mùa thu, ngấm mệt sau 1 ngày dài… nhưng cũng đến gần 1am, bpk mới lê thân về phòng lăn đùng ra giường. Mở mắt dậy, đã 10am.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250504.jpg
Bạn mới nhưng dễ thân (!). Bữa tối của bpk đó, đạm bạc ghê hén. Bổ sung glucid từ bia thay vì cơm gạo.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250485.jpg
Bạn cũng mới, nhưng dễ thân hơn vì sử dụng hình ảnh và danh tiếng của người đầu tiên lên Everest – niềm đau chôn dấu của bpk.

Những việc trong những ngày lười nhác này chắc cũng không nên kể lể, mất thì giờ của các bạn. Bpk quyết định chỉ nghỉ ngơi, thư giãn ở Kathmandu vài hôm, sau những ngày ăn chơi nhảy múa miệt mài, quá hứng thú nhưng cũng nhiều mệt nhọc ở Tibet, EBC… Bpk chỉ lang thang trong Kathmandu, lên Durbar Square làm cái thẻ ra vô 2 tuần (vì nếu không làm thẻ, mỗi lần ra vô phải mua vé mới), để mỗi chiều đi đâu về cũng leo lên Shiva Temple, cõng theo Nepal Ice hoặc Everest ngồi ngắm thiên hạ lơn tơn, dập dìu, dắt díu nhau qua lại dưới chân mình (!). Mà đúng là trời xui đất khiến, bpk đâu có định ở Kathmandu 2 tuần mà vẫn tham lam hô to dõng dạc “2 tuần” khi làm thẻ. Và sau đó, “kẹt” ở Kathmandu đúng 2 tuần! Chắc ở quê nhà biết chuyện, thế nào cũng có bạn chọc ghẹo “Mày hả Bưởi, muốn 2 tuần cho mày 2 tuần luôn!”

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250480.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280731.jpg
Kathmandu nhìn từ roof-top café và từ trên đồi cao

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250488.jpg
Hoàng hôn Kathmandu

Những ngày này, Kathmandu thật vui và náo nhiệt vì sắp đến lễ hội Tihar và sau đó là lễ hội Deepwali (còn gọi là Diwali) rồi đến Tết Năm mới của người Newari, rồi đến lễ hội Bhai Tika… Tất cả trong vòng 5 ngày liên tiếp. Để bpk giải thích sơ sơ nhé. Lễ hội Tihar gồm 5 ngày, nhưng đến ngày thứ 3, lễ hội được gọi là Deepwali, ngày thứ 4 lại là Tết năm mới của người Newari (1 dân tộc chiếm chỉ 6% dân số Nepal nhưng rất nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc, ẩm thực, thương mại…), ngày thứ 5 của Tihar lại là ngày lễ Bhai Tikar, ngày lễ của anh chị em trong nhà. Tihar là ngày lễ lớn nhất của người Hindu ở India, còn ở Nepal nó chỉ nhỏ hơn lễ hội Dasain. Lễ hội Tihar tôn vinh những con vật linh, như ở ngày thứ nhất, dân chúng chúc phúc và ném đồ ăn cho những chú quạ, ngày thứ 2 là đến những chú chó, ngày thứ 3 là những cô bò cái, ngày thứ 4 là những chú bò đực. Do vậy, những ngày này ở Kathmandu, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy những chú chó, cô bò với vòng hoa vàng rực trên cổ, chấm tikar đỏ hoe hoét trên trán… đủng đỉnh lượn phố hay tí tởn rượt nhau trên đường.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280661.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280646.jpg
Ngày vinh danh của các bạn đấy nhé.

... tbc!

backpackervn
26-06-2009, 17:53
(cont.)

Trong 5 ngày lễ, ngày thứ 3, Deepwali, là ngày quan trọng nhất vì đây là ngày Lakshmi, nữ thần Thịnh vượng sẽ đến viếng thăm những ngôi nhà, đặc biệt là những ngôi nhà trang trí nhiều ánh sáng. Do vậy, khắp chốn cùng quê, vào buổi tối nhà nhà đều sáng rực, không chỉ trong nhà mà cả những hàng nến chạy dài dẫn đường từ ngõ vào nữa. Kathmandu vào đêm thỉnh thoảng cúp điện, giờ lại lung linh rực rỡ với cơ man nào là đền và nến. Còn vào ngày lễ Bhai Tikar, anh chị em trong nhà sẽ tụ tập gặp nhau và chấm tikar chúc phúc cho nhau. Sau đó chị em gái sẽ tặng anh em trai của mình trái cây bánh kẹo. Đáp lại, các chàng trai sẽ tặng chị em gái mình ít tiền may mắn. Bpk đến Nepal hôm 24.10, lễ hội bắt đầu từ ngày 26.10, do vậy dường như bpk chơi trọn mùa lễ Tết năm nay của Nepal. Cái gì chứ mấy vụ ăn chơi trúng vào ngày lễ tết của thiên hạ là bpk may mắn lắm (cho cưa bom 1 tý), cái Tết Bun Pimai Lào, bpk đã ăn chơi nhảy múa 3 lần ở Luangprabang đó.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/CO010D1.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250476.jpg
Hoa cho những ngày lễ hội

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/COPYOF4.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280014.jpg
Vẽ tranh cát trang trí cho Kathmandu ngày hội, từ trước nhà đến giữa phố chợ.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280003.jpg
Trang trí nhà cửa mừng năm mới. Hoa vạn thọ là 1 trong những loại hoa bkp thích nhất, gợi nhớ những Tết nghèo nhưng vui ngày xưa.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290049.jpg
Phố phường đông vui ngày đầu năm mới – những cô gái Nepal xinh quá!

Kể lể cũng hơi sa đà, nhưng cho bpk kể nốt phần cuối của entry dài dòng này, để sang các entry khác chỉ nói về các điểm đến - đó là giải thích lý do tại sao bpk bị “kẹt” ở Kathmandu 2 tuần. Âu cũng là chia sẻ kinh nghiệm tý cho các bạn đi sau. Số là lúc bắt đầu lên đường, vừa lu bu, vừa làm biếng, vừa nghe dân tình nói xin visa vào India dễ lắm (bạn bpk ở Vietnam xin có mấy ngày là được visa 6 tháng multi-entries), với lại, bpk cũng đã đi Calcutta 1 lần rồi… nên quyết định không xin visa India ở quê nhà mà dự định sang Kathmandu mới xin. Còn nghĩ rằng xin ở Nepal còn dễ hơn vì nó sát India, hữu hảo láng giềng với nhau nữa. Té ra, bpk bé cái nhầm to! Xin visa ở India cực kỳ mệt mỏi, nếu không muốn mất tiền cò.

Ở Kathmandu, muốn xin visa vào India, buổi sáng, bạn phải dậy lúc 6am, đến ĐSQ xếp hàng (Tây mà nó cũng chen ngang nữa đó vì chờ lâu quá) đến 8.30 ĐSQ mới mở cửa để phát số. Vào trong, chờ tiếp đến 9.30 mới làm việc. Bạn sẽ điền vào 1 cái phiếu, gọi là telex form, nộp tiền fax, để họ fax về ĐSQ India tại Vietnam để xác nhận nhân thân có phạm tội, bị truy nã… gì gì đó không. Hẹn 3 ngày sau đến, nếu có xác nhận từ quê nhà thì nộp tiền, và chiều cùng ngày quay lại nhận visa. 3 ngày sau, cũng lò mò từ tinh sương đến nơi, chờ mãi đến lúc trưa trờ trưa trật, gặp anh hải quan bảo “Tao chẳng có tin tức gì từ Vietnam của mày”. Hẹn 3 ngày sau quay lại. Cũng lò mò thức khuya dậy sớm, cũng chờ đợi… rồi cũng nhận được cái lắc đầu. Kỳ này, buồn bực và chán nản quá, bèn xông vào gặp sếp lớn trình bày, theo như lời xúi giục của anh hải quan. Sếp rất dễ thương, kêu bpk điền lại vào 1 cái telex form khác, fax miễn phí về quê nhà, và lại hẹn. Đến hẹn lại lò dò lên, vẫn nhận cái lắc đầu. Rồi lại hẹn, rồi lại lên, lại lắc đầu. Kỳ này chán quá rồi bèn năn nỉ ỉ ôi thiếu điều khóc lóc (nhưng kiên quyết không chịu bỏ tiền hối lộ - như lời xúi giục của bè bạn từ quê nhà). Sếp thương tình, chắc thấy ku này kiên quyết vào India quá, mà cũng bền gan vững chí không chi hối lộ, bèn xuống tay cho 1 cái visa vào India. Visa 1 tháng, chỉ 1 lần ra vào. Thế là vỡ tan giấc mộng chạy qua Pakistan, Bhutan lang thang, nhưng bản tính bpk vốn không phải tham lam kiểu “được voi đòi hai bà Trưng” (?) nên cũng vui vẻ, hí hửng cầm passport lơn tơn về, dĩ nhiên là sau khi cám ơn suông mỏi miệng! (Nói về vụ Pakistan, sau đó, bpk cũng mò lên được biên giới India - Pakistan, nhưng chuyện đó thuộc chương hồi khác).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250483.jpg
Nơi bpk vẫn thường ngồi mỗi chiều trong những ngày Kathmandu (bên tay trái). Chỉ mình ta với các “em”!


Vậy đó, có cái vụ án India visa mà bpk kẹt lại ở Kathmandu 2 tuần. Thời gian đó, “công việc” chính của bpk, sau khi quần phá nát tan Kathmandu, là cứ sáng sáng, lững thững cuốc bộ ra bến xe Ratna Park, nhảy lên xe đi đến các điểm đến là di tích Unesco cũng như các điểm khác được LP giới thiệu – có hôm chạy sô 2-3 điểm! Có vài hôm, bpk ngủ đêm ở nơi khác vì thích, cũng như đường về Kathmandu không tiện. Nhưng hầu như “công việc” buổi chiều của bpk là lơn tơn cuốc bộ từ bến xe Ratna Park qua đường New Road về Durbar Square, cõng mấy “em” Nepal Ice hoặc Everest leo lên đền Shiva ngồi nhìn hoàng hôn rực đỏ hoặc những đêm thu Kathmandu xanh ngát. Giờ vẫn còn mơ!


* Ông chủ trẻ bán bia khu Durbar Square với bpk đã trở thành bạn bè (?!). Lúc đầu, bpk leo lên 1 cái nhà hàng roof-top nhìn được Durbar view, tít trên cao ngồi nhìn xuống, quán dễ thương, view đẹp, phục vụ cực kỳ nhiệt tình (dù chẳng biết VN ở đâu!), rủ rê, giới thiệu bpk về quê chơi… nhưng bia đắt quá 250 Rs/chai, trong khi bên dưới chỉ có 120Rs. Vả lại, ở trên cao đó thì không gần gũi với cuộc sống dân tình bên dưới nên bpk chỉ lên 1 lần, rồi thôi.

backpackervn
27-06-2009, 14:35
Thủ đô Kathmandu và thung lũng nhỏ bé bao quanh lại là nơi có đến 7 di tích văn hóa thế giới được Unesco công nhận. Du khách đi theo tour hoặc chỉ xem Nepal là điểm dừng tạm, thường chỉ tranh thủ ghé thăm các điểm này. Khách Việt thì thường viếng các điểm tham quan liên quan đến Phật Giáo như Chùa Swayambuhnath, bảo tháp (stupa) của Phật Giáo Mật Tông Tibet ở Bodhnath… Trong các diễn đàn, các bạn cũng đề cập nhiều về những nơi này… Để thay đổi không khí, cũng như mong muốn chia sẻ nhiều hơn với các bạn, bpk sẽ gõ các-điểm-đến-không-là-Unesco-Herritage chen lẫn với các điểm đó. Và hy vọng sẽ “mô tả” được 1 Nepal khác đến với các bạn, khác với cả nhận thức của cả bpk rất nhiều, trước chuyến đi và cả trong những ngày đầu vừa đến Nepal. Rời Kathmandu, chúng ta cùng thăm Nagarkot nhé.

Khuya trước, chân nam đá chân xiêu trên đường phố Kathmandu, lòng sầu vô tận vì visa vào Ấn Độ lại trục trặc, miệng làm bầm hát "Cớ sao buồn này Kim, cớ sao sầu này Kim..." (!). Mà buồn thật chứ, lúc sáng đã gói ghém đồ đạc, nghĩ rằng ngày mai sẽ lên đường đi đâu đó chia tay thung lũng Kathmandu. Có ai biết trước chữ ngờ…! Buồn quá, lại phải chờ đến mấy ngày vì dịp cuối tuần, nên trong cơn chếch choáng, với sự trợ giúp mấy em gin-tonic, quyết luôn là mai sẽ “bỏ” Kathmandu đi Nagarkot để ngắm bình minh và chìm trong hoàng hôn ở đây – để vơi bớt chén sầu (!?). Và quyết định mơ hồ trong một đêm say đã đưa bpk lạc bước đến chốn thiên thai, mà chẳng ngờ. Lại thêm 1 chữ ngờ!


Theo LP, nằm ở độ cao 2.175m (khoảng khoảng Hòn Ông của Langbiang - Đà Lạt), Nagarkot là điểm nghỉ dưỡng sau những chuyến trekking dài hoặc là điểm khởi đầu những cuộc trekking ngắn từ đây xuôi về phố thị. Nagarkot còn là điểm đến của những người muốn chiêm ngưỡng hòang hôn và bình minh kỳ vĩ trên dãy Hymalaya bao quanh phố nhỏ. Nhưng Nagarkot không chỉ vậy thôi, ít ra là với bpk!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030602.jpg
Giới thiệu trước về Nagarkot, phố nép mình bên dãy Hymalaya nhé.

Lang bạt giang hồ chưa nhiều nhưng cũng không ít lắm, cảnh đẹp thiên nhiên mỗi nơi một vẻ không thể so sánh, nhưng khi đến Nagarkot mới ngạc nhiên rằng nơi đây, bpk lại gặp, lại nhớ về rất nhiều nơi đã từng lê gót trên bước đường phiêu bạt, nhất là quê nhà. Nhớ làm sao Đà Lạt, với đồi thông trùng trùng điệp điệp Nagarkot thắp nên trong hoàng hôn. Còn nhớ Đà Lạt hơn khi những cây mai anh đào nở hồng dịu dàng đây đó những góc đồi núi Nagarkot. Rồi lại miên man trôi về những ngày lang bạt vùng cao nguyên Bắc Bộ, những cánh đồng tam giác mạch hồng tím trên đá xám cao nguyên Đồng văn. Con đường chạy hun hút trong nắng và giữa ngút ngàn đồi núi, ngất ngây những bờ dậu trạng nguyên mùa thu đỏ rực chen với dã quỳ vàng hực của con đường Cao Bằng-Trùng Khánh-Bản Giốc. Chỉ tiếc là không có con sông Quây Sơn với bờ xe nước hờ hững quay quay để mình lăn thả tấm thân bên bờ sông vàng nắng mà nhớ về bờ xe nước ngày xa xưa lắm ở quê nghèo. Đã hết đâu, ở Nagarkot, mình còn gặp lại những sáng sương mù ngập tràn thung lũng, giăng giăng bay vào cửa sổ như những ngày xưa cũ còn-nhiều-vụng-dại ở Sapa ngày còn chưa thị thành hóa, những trưa bên bờ sông hoa vàng trải bạt ngàn bờ sông hờ hững, trên cao, những cánh chim ưng chao nghiêng giữa bầu trời Pai xanh ngan ngát, rồi đêm nao lang thang Đà Lạt, sương khuya lạnh, trăng suông mờ, một mình với đêm với chút nến, chút bia, chút lạnh, chút cô đơn... chợt nhớ, rồi lại chợt nhớ. Nagarkot vậy đó!

Muốn đi Nagarkot, có 2 cách. Hoặc là bạn mua tour và xe của tour du lịch, một chuyến/ngày lúc 1.30pm ở gần khu Thamel, giá khoảng 150Rp. Cách thứ 2, bạn đi chung với dân địa phương thì phải đi 2 chặng. Bạn ra bến xe Ratna Park đón xe đi Bhaktapur. Đến Bhaktapur, xe dừng ngay trước cổng vào phố cổ (Unesco Herritage), bạn xuống xe đi thẳng, đến chợ và rẽ phải, sẽ có xe đi tiếp đến Nagarkot, cứ khoảng 30p có 1 chuyến. Tổng chi phí cho cách này mất khoảng 20+15Rp. Bpk chọn đi cách thứ 2, đương nhiên (!). Còn có cách thứ 3 nữa, kể chơi cho biết, là taxi, 700Rp cho 1 chiều. Bạn có thích, thì đi?

Bpk đã đi Bhaktapur trước đó, nên kỳ này cũng dễ đi. Lúc xuống xe ở trước cổng phố cổ, hỏi đường đến bến xe đi Nagarkot, anh bán vé và soát vé còn nhớ (vì đã rất ấn tượng (!?) hôm trước bpk ghé) và nhiệt tình chỉ đường ra bến. Đường đi rất dốc và ngoằn ngoèo. Từ Bhaktapur đến đây chỉ hơn 20km nhưng xe sẽ leo dốc trong gần 1.30h. Nằm ở cuối đường của huyện Bhaktapur, xe bus đến Nagarkot sẽ quay đầu lại, để về phố thị.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020281.jpg
Đường thông xanh ngăn ngắt

Lúc vừa rời Bhaktapur, cảnh vật 2 bên đường cũng rất bình thường, chỉ hay hay bởi không khí dịu mát, những cánh đồng bậc thang đã sau mùa gặt không rực rỡ phô trương màu lúa non xanh tơ hay vàng óng ngày mùa mà chỉ dịu dàng một màu nâu đất thật hiền. Chỉ vậy thôi, và leo dốc.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010161.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010066.jpg
Những cánh đồng sau mùa gặt nâu đất dịu dàng khép mình bên sườn núi. Xa xa, thôn xóm hiền hòa

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010070.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010110.jpg
Đã gần đến Nagarkot, những nương cải đã khoe màu trong nắng thu


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010141.jpg
Mai anh đào hồng dịu dàng.

(… tbc)

backpackervn
27-06-2009, 14:38
(Cont.)

Nhưng chỉ rời Bhaktapur khoảng 5-6km, mọi việc đã khác hẳn. Những cánh đồng bậc thang thay vì bỏ hoang sau mùa gặt, đã được trồng cải, trồng tam giác mạch. Những cánh thang chuyển màu thật nhẹ, từ xanh non đến hơi vàng mơ, đến vàng rực... tùy theo độ tuổi của những cây cải, hoa cải trông thật đẹp.

Nhưng chưa hết, lên cao nữa, những cánh thang bên sườn núi chợt pha màu khác, những vườn tam giác mạch hồng trắng hoặc tím dịu dàng. Mùa này, nếu bạn lang thang vùng núi Bắc Việt, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ thấy những cánh đồng tam giác mạch thật nổi bật trên nền đá xám. Còn ở Nagarkot, bên cạnh những luống cải vàng rờ rỡ, màu hồng tím của tam giác mạch trông thật nhu mì, tô điểm cho cánh đồng thêm màu thêm sắc.

Thi thoảng, bỏ nương đồi, con đường dốc chạy xuyên qua những cánh rừng thông ngút ngàn. Thông thật xanh trong nắng cao nguyên mùa thu lại được tô điểm thêm bởi những hàng rào trạng nguyên đỏ thắm, những luống cúc dại vàng hoe (thay dã quỳ ở quê nhà), những căn nhà vách đất nâu nâu mái tranh vàng rực hay ngói đỏ thăm, với những luống hoa vàng trước ngõ... như ngày Tết quê nhà năm nao. Thật êm đềm!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010150.jpg
Trời chiều râm mát, vạt nắng vàng ai đổ giữa núi đồi?

Đã hết đâu, lên cao nữa, những cánh đồng, những vườn cải lại được tô điểm thêm những cây mai anh đào cũng đang mùa hoa nở. Những cây mai anh đào khẳng khiu trút hết lá, dồn hết sức cho những đóa mai anh đào hồng phơn phớt giữa trời thu cao nguyên xanh như vô tận. Nhớ miên man trôi về những tháng ngày xưa, ai đó bẻ vội cành mai anh đào chất chứa nhiều kỷ niệm trong khuôn viên ĐH Đà Lạt, mang ấm nồng về cho căn phòng lạnh lẽo Đà Lạt ngày đông...

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010029.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010033.jpg
Vườn cải vàng hơ hớ, khép nép bên góc mai anh đào bẽn lẽn

Và càng gần đến Nagarkot, thung lũng, sườn đồi được tô điểm bởi những cánh đồng bậc thang, thêm những luống hoa nhiều màu... như bức tranh xuân. Ngoài kia gió mơn man ve vuốt, nắng trên cao thật vàng, trời thật biếc... thông thật xanh, núi tuyết xa xa ánh lên vẻ bàng bạc kiêu hãnh... Đây là chốn nao?!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010038.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010084.jpg
Cải vàng, tam giác mạch hồng quấn quít lưng chừng đồi, như tranh thêu

Xuống xe lúc mặt trời cũng đã cao cao. Bình thường, bpk sẽ đi tìm GH trước, quăng cái balo trước rồi mới lang thang. Nhưng lần này khác, không cưỡng lại đã quảy luôn balo đi lang thang núi đồi, len lỏi xuống dốc lên đồi vào những khu vườn của dân quê. Dân tình cũng ngạc nhiên, chắc nghĩ mình cũng hơi tưng tưng khi đeo cái balo nặng trịch như vậy vào thôn xóm. Gà qué cục ta cục tác ầm ĩ (chắc sợ bpk lấy trứng), chó sủa nhặng xị… vui ơi là vui.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020286.jpg
Thung lũng vàng

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010027.jpg
Lại thung lũng vàng, nhưng là vàng nâu dịu dàng, khi chiều chậm chậm xuống

(… tbc)

backpackervn
27-06-2009, 14:40
(Cont.)

Xong, hiệp 1. Lên nhà hàng bên sườn đồi ngồi hóng gió và uống café. NH không có nhạc, mở cell-phone nghe Om Mani Padme Hum trong nắng gió cao nguyên, uống café mà say như vừa chơi cả chai Gin (!?). Chiều lại lang thang theo con đường xuôi về Bhaktapur để tận mắt ngắm nhìn những cảnh đẹp đã vụt qua trên đường đến.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020250.jpg
Ngày Nagarkot sáng choang, có phải do ánh băng từ núi tuyết

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020307-1.jpg
Rồi có con đường miên man “vàng hoa như nắng” chỉ tiếc là chẳng có “áo ai bay lên”!

Do quá mê mẩn với nhan sắc làng quê, lúc trở về lại trung tâm thị tứ lúc 4.30pm, leo lên con đường dốc để lên view-point không kịp. Lên đến gần 2/3 đường thì mặt trời đã xuống hẳn bên kia trời. Đành quay về. Đi lên view-point mất hơn 1.30p đi bộ (hơn 4km đường rất dốc), nếu bạn đi xe ôm hoặc mua tour mất 400-500Rp, nhưng bpk thích đi bộ hơn. Vừa đi vừa ngó nghiêng, vừa nghỉ ngơi, vừa chụp hình, vừa tám… (Bpk bị muộn 1 phần cũng do ku bán tour, lúc hỏi nó “tao đi bộ từ 4.30pm lên kịp không?”, nó nói OK, nhưng cuối cùng lại chẳng OK). Như vậy là mình hụt lần đầu ngắm hoàng hôn ở đây. Sáng hôm sau, lại dậy trễ, có cài báo thức nhưng quên không cài báo thức ngày hôm đó, thế là cũng bị muộn. Hận mình quá, bèn quyết tâm hơn. Chiều đó, 3.30pm đã lên núi. Sáng hôm sau, 4am cũng lên núi. Thế là bpk đã leo lên tụt xuống 4 lần ở Nagarkot để tắm trong bình minh sương giá và chìm trong hoàng hôn hồng rực và đêm thu ngát xanh của Nagarkot.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010175.jpg
Các cung bậc hoàng hôn Nagarkot, ở phố…

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010176.jpg
…và lên cao hơn nhìn về Hymalaya

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020243.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020238.jpg
“Trong sương hồng hiện ra” – bình minh ở phố núi

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030567.jpg
Ở bên kia thung lũng, trời sáng rực nhưng sương vẫn vấn vương

(… tbc)

backpackervn
27-06-2009, 14:42
(cont.)


Cũng định gõ vài dòng về hoàng hôn và bình minh ở Nagarkot, nhưng có lẽ hình ảnh sẽ nói thay. Chỉ biết là rất xứng đáng để dân tình lên đây để ngắm mặt trời đâm toạt sương sớm kiêu hãnh vươn cao hay dãy Hymalaya từ bạc sang hồng rồi đỏ rực trong chiều. Trên cao trăng non lên sớm, làm trời thu cứ xanh mãi… cả khi mặt trời chìm khuất đã rất lâu. Và cũng đáng để bạn lên đó, hiên ngang cầm 1 em Tuborg, chơi vơi cùng hoàng hôn (buổi sáng mà chơi “em” đó, chắc thiên hạn tưởng mình khùng; mà mình có khùng ?!)…


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020327.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020353-1.jpg
Hoàng hôn ở view-point

Đêm, lang thang từ view-point một mình cũng rờn rợn. Nhưng cứ vừa đi, vừa mở Om Mani Padme Hum là tự tin hẳn. Con đường núi đêm ở đây có nhiều đom đóm, mà đã lâu lắm rồi mình không thấy. Đi mãi trên đường lâu lâu mới có 1 chiếc xe máy chạy qua, rồi cũng mừng khi thấy ánh sáng nơi xa xa.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030441.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030512.jpg
Bình minh ở view-point

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030476.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030521.jpg
Nắng lên nhưng sương còn lưu luyến


Đêm Nagarkot lạnh, buồn và vắng. Không thấy du khách ngoài đường. Cũng không có bar biếc gì hết. Bpk hôm nào cũng vào net xong ra lúc 8pm là hàng quán đóng cửa gần hết. Ngồi ở quán bên ngã 3 đường, đến khi các quán khác đóng cửa hết mới lững thững cuốc bộ về, đâu cũng chỉ chừng 9pm. Dĩ nhiên là ai đi ngủ giờ này, thế là cõng vài em “bạn thân” về vườn trước phòng trong GH, đốt nến, nâng ly, cụng ly với mình… nghe KL ru hời “… nhìn lại mình đời đã xanh rêu…”.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010219.jpg
Nến có đôi, mình có bạn mới, ấm lòng trong đêm lạnh bên rìa Hymalaya.

Vườn Nagarkot không có quỳnh, nhưng có loài hoa đêm nào đang dịu dàng tỏa chút hương thầm trong gió khuya!

amechast
28-06-2009, 20:18
Đọc bài của bác khiến em cũng nhớ những ngày một mình lang thang Nepal quá. Kathmandu ồn ào khói bụi và một Pokhara dịu mát thanh bình. Tiếc là đợt em đi thời tiết không ủng hộ, lại gặp biểu tình liên miên nên không ghé qua Nagarkot được, giờ nhìn ảnh của bác post thấy tiếc ngẩn ngơ. Tháng 9 này tibet xong thế nào cũng phải vòng qua Nagarkot! :D

backpackervn
29-06-2009, 11:04
@ Amechast, vậy bạn cũng chia sẻ những cảm nhận về Nepal của bạn đi nhé!
......


Sau khi rời cõi thiên thai Nagarkot, bpk sẽ lôi bạn tuốt tuồn tuột đến “hỏa ngục” nhé. Đùa tý thôi, nhưng những bạn nào hơi yếu tim tý xíu thì cũng không nên xem entry này. Rất chân tình!


Khách du đến Kathmandu thường ít ghé Pashupatinath, dù đây là 1 trong những di tích được Unesco công nhận. Lý do đối với khách Việt - vì đây là ngôi đền Hindu; lý do đối với khách Tây (và cả khách Việt nữa) là có đến đây (bỏ tiền mua vé (!)) cũng không được vào bên trong ngôi đền, nếu bạn không theo Hindu giáo. Cả LP cũng không nhấn mạnh lắm về ngôi đền thiêng này. Do vậy, bpk ban đầu cũng không dự định sẽ đến. Nhưng bạn có biết không, sau khi “kẹt” ở Kathmandu gần 2 tuần, quởn quá, mà không đi đâu xa được vì phải lên lên xuống xuống ĐSQ, bpk lần mò đến đây và vô cùng ngạc nhiên vì những gì được chiêm bái. Và ngày hôm sau, bpk có được visa. Cũng chưa có gì ngạc nhiên, nếu bạn vẫn chưa đến Pashupatinath, như bpk trước đó 1 ngày…


Nằm bên bờ con sông thiêng Bagmati, Pashupatinath là ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal, cũng là ngôi đền thờ thần Shiva quan trọng nhất Nepal. Sông Bagmati, có lẽ bạn chưa nghe đến, là con sông linh thiêng nhất của người Nepal, giống như Mẹ sông Hằng của người Ấn Độ. Điều rất lạ là Pashupatinath nằm rất gần Bảo tháp (stupa) của Phật Giáo Mật Tông Tibet, Bodhnath; chỉ cách đó 15-20p đi bộ, tức chỉ vài phút đi xe, nhưng khách viếng ở đây không nhiều, chủ yếu là người địa phương và ít khách lẻ. Để đến Pashupatinath, bạn ra bến xe Ratna Park, lên chiếc xe đi Bodhnath (8-10Rp). Đến ngay trước cổng chính của Bodhnath, xe sẽ thả bạn xuống. Đừng rẽ trái vào Bodhnath, bạn rẽ phải theo con đường đối diện Bodhnath, đi bộ chừng 15-20p, ngang qua một ngôi làng của người Nepal là bạn đến ngôi đền Guhyeshwari (xem hình). Bạn mua vé ở 1 ki-ốt nhỏ bên phải ngôi đền Guhyeshwari. Bên trái ngôi đền là con đường lên dốc đi thẳng đến Pashupatinath, bạn có thể vào ngay bằng con đường đó. Nhưng hôm bpk đi, lại men theo dòng sông đi thẳng lên tiếp, đến cổng khác (cổng này là cổng dành cho khách đi taxi từ Thamel đến vì bến taxi nằm ngay đó), bpk mới vào và men theo vách núi để xuống dòng Bagmati. Có lẽ nhờ vậy mà bpk quan sát được nhiều, cũng như ít bị sốc nếu đi thẳng bằng con đường bên hông đền Guhyeshwari – đâm ngay xuống dòng dòng Bagmati và ngôi đền Pashupatinath ngay bên cạnh.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050001.jpg
Đền Guhyeshwari, ở 1 khúc quanh khác của dòng Bagmati, trước khi đến Pashupatinath

Ngôi đền có tên từ 1 hóa thân của thần Shiva, Pashupati – chúa tể muôn thú. Vị thần này rất được người Hindu sùng bái, trước mỗi chuyến đi xa hay các chuyến đi quan trọng, quốc vương Nepal thường đến đây để cầu nguyện cũng như nhận những lời chúc bình an trước khi lên đường. Ở đây có rất nhiều các Holy-man của Nepal, và cả Ấn Độ tập trung.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050007.jpg
Nhìn từ trên đồi, dòng Bagmati lững lờ chảy và Pashupatinath xa xa.

Pashutinath được xây dựng từ TK XIX, thật to lớn và oai nghiêm. Tuy không được vào trong nhưng nhìn từ bên ngoài và nhìn các kiến trúc của ngôi đền ở các mái, các góc cũng có thể thấy được điều đó. Tuy ngôi đền chính mới xây, nhưng nhiều kiến trúc trong ngôi đền có tuổi từ TK V-VI hoặc khoảngTK XIV-XV... Không vào được trong đền, quần chúng balo như bpk lếch thếch qua sông, leo lên đồi chĩa máy chụp hình vào trong ngôi đền để tranh thủ ghi hình, mai mốt có dịp t888’m. Xung quanh Pashupatinath còn có nhiều đền đài nhỏ khác mang đậm nét Hindu với những đường nét điêu khắc đặc trưng.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050014.jpg
Đền Pashupatinath nhìn từ trước cổng chính

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050078.jpg
… và nhìn từ phía sau

Bên kia sông, đối diện với Pashupatinath là 1 dãy các đền thờ nhỏ với linga, biểu tượng của thần Shiva, chạy dọc dài bên bờ sông. Đây cũng là nơi các holy-man trong các bộ quần áo nhiều màu và phong cách rất “holy” tập trung. Họ không chỉ là người Nepal mà còn là người India vì đền Pashupatinath này không chỉ nổi tiếng ở Nepal mà còn nhiều quốc gia có đông dân chúng theo đạo Hindu.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050099.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050077.jpg
Các đền thờ Linga

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050089.jpg
… có cả linga 4 mặt người – rất lạ

Ngược lên trên đồi cao nữa là những đền đài mới có cũ có, nhưng đặc biệt là có những đền đài hoang phế trong cuộc chiến với cây rừng, hơi giống 1 góc nào đó ở Cambodia. Chỉ khác là nơi đây có rất nhiều con cháu của thần Hanuman – các chú khỉ đang tung hoành ngang dọc và chẳng xem du khách ra gì! Mà du khách cũng phải tránh xa mấy chú này, lỡ nó cào cho phát hay giật lấy cái máy chụp hình rồi leo tít lên cao thì có mà khóc tiếng Mán. Ở những đền đài này, cũng rất nhiều người dân đang tụ tập lại làm lễ gì đó. Tiếng đọc kinh Hindu trầm trầm vang xa qua các hàng cây, khu rừng… nghe buồn.

(...tbc.)

backpackervn
29-06-2009, 11:06
(cont.)

Nói về Pashupatinath chỉ có vậy, nhưng Pashupatinath không chỉ có vậy! Việc viếng thăm ngôi đền (không cho vào trong) Pashupatinath rất có ý nghĩa khi bpk bắt đầu đến bên bờ sông thiêng Bagmati, nơi cử hành tang lễ, hỏa thiêu của những người dân Nepal... từ ngàn xưa và cho đến hôm nay.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050105.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050106.jpg
Các đền đài khác xung quanh Pashupatinath

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050013.jpg
Khói bay lên từ khúc sông, mà lúc đầu chẳng biết là khói gì, sau mới biết...!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050036.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050079.jpg
Các holy-man ở Pashupatinath

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050015.jpg
Cảnh quan chung của các ghat, cũng hơi rờn rợn lúc mới đến

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050074.jpg
Người thân, và cả người hiếu kỳ (có bpk trong đó!)

Như đã nói, do bpk đi đường vòng, nên lúc ở đầu kia của dòng sông, thấy khói bốc lên từ đoạn sông này, bpk chỉ nghĩ là khói hương hay người ta đốt rơm tro gì đó. Số là hôm trước, lúc viếng Patan, bpk cũng lần mò đến 1 khúc của dòng Bagmati, được các thanh niên trong làng chỉ cho các ghat, chỉ thấy các nền xi măng đen thui mà không thấy gì khác, nên nghĩ ở Nepal không còn hỏa tang lộ thiên. Vả lại cũng nghĩ bây giờ hiện đại rồi, như ở Tibet đã cấm không cho điểu tang… Với lại, bạn bpk hôm trước đi sang đây cả đoàn, lang thang cũng nhiều ngày nhưng có thấy nói gì đâu, sau đó phải sang tít Varanasi để xem hỏa táng… Không ngờ, khi lon ton đến nơi, mới thấy các lễ hỏa táng đang tiến hành và chuẩn bị tiến hành. Bpk hơi sợ lúc đầu nhưng nghĩ lại chắc tâm mình không sao thì không sao. Thế là đến bên bờ sông, ngồi xuống và nhìn sang bên kia sông, nơi những gì còn lại của một con người đang trở về tro bụi và sông nước.

(...tbc.)

backpackervn
29-06-2009, 11:08
(Cont.)

Khác với Varanasi, nơi du khách, người lạ phải đứng cách xa và không được chụp hình, ở Bagmati này mọi việc đơn giản hơn. Bạn được cho phép có thể đến gần hoặc ngồi bên kia sông viếng hoặc chụp hình. Mọi việc diễn ra trong trang nghiêm vì ở những nơi này thì du khách thường ít khi có những hành vi nhăng nhố. Bpk chỉ đoán vậy vì ngoài cư dân địa phương, luôn chừng mực ở nơi chia tay người thân của mình, bpk chỉ gặp vài du khách châu Ấu, Mỹ… và hầu như không gặp khách du lịch châu Á, thường đi từng nhóm, ồn ào dễ nhận diện. Người thân đến rồi về, khách viếng rồi đi, chỉ dòng Bagmati vẫn lặng lẽ trôi mang theo bao nhiêu tro bụi của những kiếp người… trôi mãi từ ngàn đời đến nay…

Các giai đoạn cuối cùng của 1 kiếp người

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050058.jpg
Chuẩn bị cho người mới

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050050.jpg
Đưa người thân vào trong đống củi

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050053.jpg
Sắp xếp lại và chất củi lên trên

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050056.jpg
Người con trưởng là người khai hỏa

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050066.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050019.jpg
Tro và khói bay cao

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050023.jpg
Những gì còn lại sẽ đẩy xuống sông thiêng Bagmati
(...tbc!)

backpackervn
29-06-2009, 11:50
(cont.)

Thật đơn giản. Tro bụi rồi cũng trở về tro bụi. Tang lễ của người Hindu tiến hành không phức tạp lắm (cho dù sau đó, những người trong gia đình sẽ còn rất nhiều các tục lệ phải tuân theo). Với cách nghĩ, cõi trần là cõi tạm, nên sự ra đi của người thân của một số các dân tộc không là sự tiếc thương khóc lóc, vì như vậy, sẽ làm người ra đi khó siêu thoát. Ở bên bờ sông Bagmati cũng vậy. Tuy có khác nhau ở các ghat, 1 nơi dành cho người giàu thủ tục hơi nhiều hơn 1 tý, nơi cho người bình thường thủ tục đơn giản hơn. Lúc bpk đến, đã có những ghat đang thiêu gần xong, có ghat thì có người vừa mang người thân đến, có những dàn thiêu bắt đầu được chuẩn bị. Và có dàn thiêu vừa thiêu xong, những gì ra tro bụi bay lên đã bay lên, những gì còn lại được người "âm công" quét hết xuống dòng sông thiêng Bagmati để dòng sông rửa sạch. Những người thân tắm rửa và ra về (theo tục lệ, người đi đưa phải tắm rửa sạch sẽ để người ra đi không theo về nhà nữa). Bên kia bờ, người mới đến đau đáu nhìn sang sông (phụ nữ không được ở bên bờ nơi hỏa táng), những nghi lễ tôn giáo vẫn tiến hành, những người dân địa phương vẫn tắm giặt, những tín đồ vẫn tiến hành nghi thức tắm rửa tẩy trần dưới dòng sông thiêng, các em bé vẫn tung tăng chèo thuyền xuôi ngược hoặc bơi lội trên sông... Ở 1 khúc quanh bờ sông, những cây gỗ hỏa thiêu chưa hết bị đẩy xuống sông khi lễ hỏa táng xong, được người dân vớt lên, chờ vào việc khác. Sông vẫn chảy, dòng đời vẫn trôi, bao cạnh tranh, bon chen giờ cũng trôi theo dòng nước, có còn gì?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050024.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050026.jpg
Những người dân đang làm lễ bên sông (những người cạo trọc đầu là con trai cả vừa mất bố/mẹ)

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050032.jpg
Những khúc gỗ còn sót sau hỏa táng lại đã tấp lại ở 1 khúc sông và đã được vớt lên – có lẽ dùng cho việc khác


Bên bờ sông, cũng gần nơi tiến hành tang lễ, có 1 ngôi đền, có niên độ đâu TK thứ VI, có tên là Bachhashewari, nhưng cư dân địa phương gọi là đền Kamasutra. Tại sao thì bạn xem hình, bpk không bình luận. Giữa cái chết, vạn vật vẫn sinh tồn và nảy nở, cuộc đời vẫn vậy.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050081.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050083.jpg
Ngôi đền “Kamasutra”

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050120.jpg
Những em bé Nepal dễ thương trong khu vực đền đài Pashupatinath

Bpk ngồi lặng lẽ bên bờ sông và lẩn quẩn ở đó thật lâu. Lang thang, rồi lại quay lại ngồi.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050104.jpg
Khói che những ánh vàng lấp lánh của đền Pashupatinath

....
....
Bên bờ sông, khói vẫn mờ mịt trên cao, có lúc nhạt lúc thưa, lúc che cả những ánh vàng của ngôi đền Pashupatinath lộng lẫy. Không thấy tiếng khóc than. Nỗi đau nén vào trong hay ra đi là cuộc siêu thoát.

Nheva
29-06-2009, 16:08
Bạn viết tuyệt quá, ngôn từ linh hoạt, sinh động đầy hình ảnh. Đã đăng báo nào chưa ạ?

backpackervn
30-06-2009, 09:16
@ Nheva, cám ơn bạn nhiều nhiều, bpk không dám nhận. Chỉ gõ để chia sẻ, như các bạn cũng đã chia sẻ những hành trình quý báu của các bạn, có đăng báo gì đâu.
.................................................. ..........


Sau khi cùng bạn dắt díu lên thiên thai, dặt dịu dìu nhau xuống “hỏa ngục” với những entry dài dằng dặc, nay bpk để bạn nghỉ xả hơi tý nhé. Không vất vả chen chúc lặn lội đường xa đi thăm danh lam thắng cảnh, di tích Unesco, không đền đài hoành tráng cờ phướn tung bay phần phật, người chen kẻ chúc… hôm nay bpk sẽ đi cùng bạn đến thăm 1 làng quê đặc trưng của Nepal, làng nhỏ êm đềm Bungamati, trong những “ngày mùa vui thôn trang” và những chiều thu xanh ngày Tết Newari.


Như có đề cập trước đây, ở Nepal dân tộc Newar chỉ chiếm 6% dân số Nepal nhưng lại được biết đến nhiều về kiến trúc đặc sắc, văn hóa ẩm thực và đặc biệt là kỹ năng giao thương. Bungamati là 1 làng của người Newar (gọi là Newari) nằm không xa Kathmandu lắm nhưng ít bị xâm thực bởi văn hóa “mới” nhờ đường xá trong làng vẫn nhỏ hẹp và dốc ghềnh như xưa. Do vậy các phương tiện giao thông “hiện đại” chỉ chạy vòng ngoài. Còn trong làng, cuộc sống vẫn “xưa xửa xừa xưa” như ngày nào.


Nằm cách Kathmandu chỉ 10km, nhưng không có xe bus đi thẳng từ Kathmandu đến đây. Bạn phải đi đến Patan, Thành phố Nghệ thuật, di tích Unesco nổi tiếng của Kathmandu, bằng xe máy, taxi (150Rp), bus hay tempos (7Rp). Hôm đó, bpk đi bằng tempos (giống như xe lam ở Vietnam nhưng chạy bằng điện). Xe dừng ngay cổng chính để khách vào Patan. Thay vì rẽ trái vào Patan, bạn rẽ phải đi xuyên qua con-đường-cũng-là-cái-chợ khoảng gần 1km sẽ đến bến xe Lagankhel. Sau đó, bạn lên xe bus đi thêm 30p (8Rp) nữa là bạn sẽ lạc về 1 làng quê thuần túy Newari, nơi vẫn còn những chiếc đu quay bay cao tít trong trời xanh, những đụn lúa vàng vun đầy trong mảnh sân chung của xóm, những chú dê be be đón khách, sống hòa bình với những chú chó hiền lành biếng nhác nằm hong nắng hiếm hoi lọt xuống sân nhỏ… và cả những căn nhà vách đất treo tòn ten những chùm bắp dọc dài cả phố, như khe khẽ khoe về 1 vụ mùa no đủ.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290146.jpg
Đường vào làng, những ngôi nhà gạch đơn sơ chất chồng niềm vui ngày mùa

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290155.jpg
Cổng chào khách quý thăm làng ngày Tết

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290152.jpg
Đu quay bay tít trong ngày mùa vui


Đến Bungamati những ngày cuối tháng 10, vừa xong vụ gặt. Đón chào khách du là những băng-rôn đỏ rực treo khắp nơi, chúc mừng về năm mới của dân tộc, chen lẫn trong những lũy tre xanh hay phấp phới trên những đụn lúa ươm vàng. Khoảng sân chung của làng, mà nằm giữa là ngôi đền Rato Machhendranath nổi tiếng, đầy ắp những đụn lúa đã khô và cả những mảng lúa đang phơi. Ngôi đền của vị Thành hoàng, không chỉ của Bungamati mà của cả thành cổ Patan, với kiến trúc Hindu màu xám giờ càng nổi bật trong nắng vàng và lúa vàng. Những người dân đang chăm chỉ vun vén hay xới cày những sân phơi để lúa khô mau, kịp dọn dẹp để về chuẩn đón lễ hội ngày Tết Năm mới của họ.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290159.jpg
Ngôi đền Rato Machhendranath ở giữa làng, giữa sân phơi ngày mùa

Trong 1 khoảng sân chung nhỏ khác, những thanh niên Newari cần mẫn mê say “vẽ” những bức tranh bằng cát và các hạt ngũ cốc nhuộm đầy các sắc màu rực rỡ. Chỉ cách họ vài bước, những chú dê vẫn đủng đỉnh nằm nhai rơm nhấm cỏ, còn những chú chó biếng nhác đến mức cứ nằm ườn ra chẳng thèm sủa 1 tiếng lấy thảo với khách lạ đang lăng xăng tới lui trong khoảng sân của mình.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290168.jpg
Những “nghệ nhân làng” đang chăm chút cho bức tranh ngày hội, lũ dê lười biếng thơ thẩn xung quanh


Ở 1 con đường nhỏ vàng nắng khác, những người phụ nữ Nepal chăm chỉ không ngừng tay sàng tay sảy. Những hạt lúa bay bay trong gió như 1 cơn mưa hạt vàng trong nắng chiều sinh động lạ thường. Ngay bên cạnh, những người đàn ông lại nhàn hạ đánh bài. Chắc lại là “Tết mà!” giống quê mình rồi. Cũng không xa nữa, bọn trẻ con và các cô gái trẻ thách thức nhau và thi nhau đu bay lên thật cao trong chiếc đu tre cót két kẽo kẹt trong chiều quê xanh tre vàng nắng. Ngồi bệt trên đống rơm, trong bóng râm ngắm nhìn các bức tranh đồng quê sinh động hồn nhiên ngày mùa ngày Tết… lòng sao cảm thây yên bình.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290170.jpg
Bóng áo đỏ của các mẹ các dì Nepal cần mẫn rải những giọt vàng bay trong chiều, chẳng biết là giọt nắng hay giọt vàng lúa?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290173.jpg
Và cánh đàn ông vẫn nhởn nhơ tìm chút may mắn ngày đầu năm kề bên. Đờn ông ở đâu cũng sướng hỉ?(!!!)

(…tbc.)

backpackervn
30-06-2009, 09:24
(…cont.)


Lẽ ra còn mê mải ngồi lê nữa, nhưng nhớ đến làng Khokna (bạn phải đọc là Kho-ka-na người ta mới biết) bên cạnh cần đi thăm. Cũng nấn ná vì thấy trời còn nắng gắt quá mà phải băng qua 1 cánh đồng không mông quạnh xa tít tắp thì cũng lười. Nhưng trước sau thì cũng đi nên lấy hết “can đảm” rời đống rơm, đứng lên chia tay làng Bungamati yên bình, chia tay cả 1 chú nhỏ nhiệt tình đòi đi theo dẫn đường, men theo theo những con đường xưa lát gạch đỏ đã nhẵn mòn, đi dưới những túm ngô khô treo cao xào xạc trên đầu khi gió thu từ đồng trống lùa về trong ngõ hẹp. Ra đồng, lên đồi, sang Khokna.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290175.jpg
Đây là chiếc đu quay cho nam thanh nữ tú, nằm ở cuối làng. Các bạn trẻ chơi mạnh bạo hơn cái ở đầu làng dành cho các em bé. Bpk ngồi dựa ngửa trong đống rơm gần đó, biếng nhác nhìn cuộc sống rộn vui những điều đơn giản của làng quê Nepal.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290163.jpg
Phải rời làng thôi, men theo những con đường có ngô khô vàng trang trí nhà thay vì vạn thọ xinh tươi

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290178.jpg
Rời làng Bungamati và mon men theo sau mấy bóng áo đỏ lập lòe dưới lũy tre để sang Khokna. Đi theo mấy màu áo này khó mà lạc nhau hén? Đó là lý do người ta mặc áo đỏ?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290182.jpg
Cánh đồng bậc thang sau mùa gặt, nhìn từ trên đồi, trên con đường từ Bungamati sang làng Khokna

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290194.jpg
Nhưng lạ là khi ra ngoại vi làng Khokna thì lại có những cánh đồng vàng ươm khác, mùa vụ chưa đến?

Sang Khokna chủ yếu vì tò mò. Thực ra, chuyến ghé thăm Nepal của bpk đợt này cũng có nhiều thuận tiện là đã có sự thống nhất hòa hợp giữa quân du kích Maoist và chính phủ. Trước đó, những làng xa xôi như Khokna vẫn nằm trong sự kiểm soát của du kích quân (theo kiểu ban ngày là chính quyền, buổi tối là du kích như ở miền nam ngày trước) nên ít có du khách mò tới. Hôm mình đi, cũng chỉ có 2 ông bà già Pháp đi với HDV ghé thăm Bungamati rồi sang Khokna, thêm mình nữa là 3 - chấm hết. Cũng vì tò mò sang cái làng “du kích” như thế nào, tò mò vì nghe nói nó còn “thô sơ” hơn cả Bungamati... Thế nhưng sang đến nơi cũng chẳng thấy gì nhiều. Chỉ thấy rất nhiều nơi trong làng có dấu hiệu “búa & liềm” in trên các bức tường, các cửa nhà. Còn đường phố thì lại không thơm rơm như bên Bungamati, chẳng biết họ phơi lúa ở đâu nhưng không thấy dấu hiệu ngày mùa nhiều như làng bên. Mà dân làng ở đây cũng không thân thiện và mến khách như ở làng bên. Đành quanh quẩn tý chút, rồi về.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290183.jpg
Bạn thấy đó, làng Khokna cũng không hấp dẫn lắm hén?


Lẽ ra, định đi bộ về lại làng Bungamati, chơi thêm chút, rồi mới ra chỗ xe cũ thả bpk xuống Bungamati để đón xe về Patan, nhưng ngay đầu làng Khokna lại có xe về thẳng Patan. Thế là bùi ngùi leo lên xe về Patan. Ý nguyện ban đầu là nếu sang Khokna nếu không thích thì quay lại Bungamati lê la tiếp đã bị phá vỡ tan tành chỉ vì cái tội nhác lười. Còn tự lấy lý do là về sớm Kathmandu để ăn Tết nữa. Ôi trời, “Lười ơi, đến bao giờ…hết! Bao giờ cho đến tháng Mười!”

Nheva
30-06-2009, 11:13
@ Nheva, cám ơn bạn nhiều nhiều, bpk không dám nhận. Chỉ gõ để chia sẻ, như các bạn cũng đã chia sẻ những hành trình quý báu của các bạn, có đăng báo gì đâu.
.................................................. ..........



(…tbc.)
Vậy nếu có thể, lúc nào đó bạn cho phép mình lẩy ra để đăng báo được không?
Bạn viết hấp dẫn lắm

backpackervn
01-07-2009, 14:29
@ Nheva, okie con gà đen thôi! Khi nào bạn cần hình hi-res của mấy entry đó thì cứ báo bpk nhé. Hy vọng là các biên tập viên và thư ký tòa soạn của bạn sẽ có rất rất nhiều việc để làm khi sửa mấy bài đó (nếu...!!!).
.................................................. .................................................. ...



Sau khi lưu lạc ngoại vi của Kathmandu, hôm nay chúng ta ở nhà nhé, không cần nhảy xe bus ở Ratna Park đi đâu xa. Ở lại Kathmandu ăn Tết năm mới với bà con và đi lễ chùa ngày đầu năm như những ngày xuân đất Việt – dù bây giờ là đang những ngày mùa thu xanh ngan ngát ở Nepal...

Hôm nay là ngày thứ 3 của lễ hội Tihar, còn có tên Deepwali, cũng là ngày quan trọng nhất, khi nữ thần Lakshmi, vị thần Thịnh vượng sẽ đến thăm nhà của dân chúng. Do vậy, khắp nơi, nhà nhà đều trang hoàng đẹp đẽ. Đặc biệt là chuẩn bị thật nhiều nến để thắp sáng nhà cửa khi đêm về, chỉ đường cho thần Lakshmi đến nhà và mang theo tài lộc. Không muốn mất những giây phút vui vẻ ngày Tết, bpk tranh thủ dậy thật sớm và lững thững hòa trong dòng người từ Thamel đổ về Durbar Square, vừa đi lễ, vừa mua sắm đồ vật cho ngày lễ.

Đường phố Kathmandu sáng nay thật đông vui, hơn cả những ngày lễ vừa qua vì nhà cửa đã và đang được trang hoàng bằng những chuỗi hoa vạn thọ màu vàng. Màu vàng dân dã của vạn thọ và mùi thơm dịu hơi hắc của hoa, cùng khí trời lành lạnh lúc sáng sớm làm mình bỗng dưng nhớ Tết quê nhà vô chừng.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280007.jpg
Ai cũng vui chỉ có anh chàng bán hàng này hơi buồn. Ngày tết, ai mua mấy thứ này hén? Dù vậy, cũng trang trí nhà cửa cho Tết!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300253.jpg
Trẻ con chơi bầu cua cá cọp vào sáng ngày Tết, xin chơi mà các nhóc không cho. Sợ mất hết tiền!

Không chỉ ở nhà, cửa hàng... trên đường phố những chiếc xe chở đầy hoa vàng, những góc chợ đông vui cũng nhiều chàng trai khoác trên mình bộ cánh vàng rực của vạn thọ tươi cười chào bán, những góc phố vun đầy những hoa chờ những người mua muộn để về trang trí kịp hôm nay.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280012.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280644.jpg
Nhà cửa trang hoàng đón Tết


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280010.jpg
Phố Kathmandu ngày Tết vắng và sạch vậy đó. Bạn nào đã từng đến Kathmandu rồi có ngạc nhiên?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280643.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280648-1.jpg
Chở hoa hay chở nắng đi trong phố cũng nhiều hoa nắng

(…tbc.)

backpackervn
01-07-2009, 14:35
Swayambhunath, ngày mùa thu đi lễ chùa mừng năm mới.... - 2

(cont.)

Trên đường, thi thoảng, những cô bò đã được chúc phúc thong thả đi giữa dòng người bận bịu. Trán được chấm Tikar màu đỏ, cổ đeo vòng hoa trông rất bảnh! Rất nhiều người thành kính sờ lên mình các cô 1 cái, xong lại sờ lên trán mình, chắc để cầu mong nhiều may mắn. Có anh chàng Nepali nào còn đeo vòng hoa cho xe gắn máy của mình nữa chứ, lại nhớ ngày cỡi bò lang thang trên thảo nguyên rồi!?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280664.jpg
Bảnh chưa, thấy tui đẹp hôn? Tránh ra cho tui đi cat-walk nào!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280688.jpg
Nhớ ngày cỡi bò ở thảo nguyên!!!???


Lang thang phố phường, ngắm nghía, sờ mó (các tranh tượng bày bán), trả giá cười đùa vui vẻ, “Namaste!” mọi người, chụp hình rồi nghiêng ngả làm dáng (!?) để tự chụp cho mình… đến lúc nắng lên cao cao và bụng đã sôi réo ầm ĩ phải kiếm đường giải quyết. Do lúc sáng dậy sớm quá, khu Thamel quen phục vụ cho khách Tây vẫn chưa mở cửa phục vụ ăn sáng (thường đến 8am), nên giờ kiếm chỗ nào làm cả trưa lẫn bữa sáng luôn, cho nó gọn nhẹ rồi còn đi chùa nữa chứ. Vào Cafe Cosmopolitan ngồi nhơi nhơi, trốn nắng và ngắm phố phường qua khe cửa hẹp (vì nắng xiên ngay chỗ ngồi!). Cuối cùng cũng xong 2 bữa cùng lúc, nhấc mông rời quán, thẳng tiến Swayambhunath. Nắng đã lên cao, đường phố đã thật đông đúc và ồn ào. Chẳng biết chút bia đầu ngày, nắng thu hay vạn thọ làm phố phường cứ vàng hực!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260586-1.jpg
Trốn nắng ở Café Cosmopolitan, bữa sáng + bữa trưa luôn đó. Tiết kiệm hén! (!?)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280652.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280655.jpg
Chùa Tibet và Katheshimbu Stupa trên đường từ Thamel đến Durbar Square - rực rỡ trong ngày lễ.

Từ Durbar Square, con đường đi bộ đến chùa cũng không xa lắm, khoảng 4km, len lỏi qua những khu dân cư đông đúc cũng như những con đường nhiều bụi lắm ổ gà. Chùa nằm trên 1 ngọn đồi bên kia dòng sông Bagmati. Đường đi bộ lên chùa ngang qua làng cũng hay hay, nhất là khi bạn chịu khó lần mò đây đó vào thôn xóm. Trước đường vào làng có 1 cây đa cổ thụ xanh um tùm. Dưới bóng râm, các em bé, lẫn người lớn đang vui đùa bên chiếc đu quay bay cao tít, như những ngày hội làng ở miền Bắc ngày xưa (hoặc ở ngay Bình Quới, Saigon bây giờ!!!).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280686.jpg
Đu quay trong bóng trưa yên bình. Bpk thì vào đó nghỉ mệt, trốn nắng!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280675.jpg
Bánh trái hình như cũng nhiều màu sắc hơn trong ngày lễ. Chẹp, chẹp! May là mới vừa "chiến đấu" xong ở Cafe Cosmopolitan


(…tbc.)

backpackervn
03-07-2009, 09:50
(cont.)

Nếu bạn đi bộ từ Thamel, bạn sẽ đến ngay chân cầu thang dốc ở hướng đông của ngọn đồi, nơi chùa tọa lạc. Còn nếu đi taxi, xe sẽ dừng bên bãi phía tây của đồi. Đường đi lên chùa từ hướng tây dễ hơn vì lên từ từ qua nhiều cung đoạn khác nhau chứ không dốc thẳng đứng như ở cổng đông. Nhưng đi dốc như vầy mới thú vị, nhất là lên nửa đường, đứng lại để thở, bạn sẽ nhìn thấy Kathmandu xa xa bên dưới với thật nhiều cánh chim ưng chao liệng oai phong giữa bầu trời.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280689.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280692.jpg
Đường lên cổng đông của chùa

Chùa Swayambhunath với bảo tháp hình tròn đường kính 20m, cao 10m, nằm trên một ngọn đồi phía Tây thành phố Kathmandu. Chỉ có khách nước ngoài mới phải mua vé, người bản địa thì không. Chùa còn có tên là Monkey Temple cũng vì có nhiều khỉ và chúng rất hung dữ. Bpk chứng kiến chúng táo tợn cướp đồ ăn trên tay một em bé và thường xuyên đuổi cắn nhau chí cha chí chóe. Xung quanh chùa cây cối xanh mát. Đặc biệt, bạn sẽ có cảm nhận Tibet ở đây khi trên cao và ngoài kia những tràng phướn cầu nguyện nhiều màu bay dày đặc trong gió... phất phới giữa trời yên nắng trưa thanh bình.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280699.jpg
Đường lên dốc đá…

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280696.jpg
Chùa Phật giáo như vẫn có linh vật Garuda của đạo Hindu


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280700.jpg
Kathmandu nhìn từ giữa đường lên dốc

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280731-1.jpg
Thung lũng chim ưng Kathmandu


Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa thung lũng Kathmandu là 1 cái hồ, và ngọn đồi mà chùa Swayambhunath tọa lạc nhô lên từ giữa hồ như chiếc lá sen. Sau đó, 1 vị Phật đã dùng thanh gươm của mình chém vào đáy hồ và nước đã rút đi để lại thung lũng Kathmandu màu mỡ ngày nay. Thú vị là các nhà địa chất học cũng đồng ý về việc ngày xưa thung lũng Kathmandu là 1 cái hồ, còn cách giải thích thì đương nhiên sẽ khác. Truyền thuyết cũng kể rằng Quốc vương Ấn độ vĩ đại Asoka cũng đã viếng ngôi chùa này từ hơn 2000 năm trước. Một số văn bản cũ cho thấy nơi đây đã trở thành trung tâm Phật giáo hùng mạnh cho đến những năm 1346, khi những lãnh chúa từ vùng Bengal tấn công vào đây và đập phá các stupa để tìm kiếm châu báu. Sau đó, chùa được xây dựng lại vào thế kỷ 17. Đỉnh đồi, nơi chùa tọa lạc, là nơi quan sát thung lũng Kathmandu bên dưới rõ ràng nhất, nhất là vào lúc chiều muộn khi phố lên đèn hay những đêm trăng sáng. Tiếc là dù Kathmandu đến 2 tuần, nhưng đến ngày bpk rời Kathmandu, trăng vẫn chưa tròn để bpk leo lên đó thả hồn theo trăng.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280705.jpg
Chày kim cang ngay trước bảo tháp


(…tbc.)

backpackervn
03-07-2009, 09:55
(cont.)

Ở bảo tháp trên chùa, 4 đôi mắt Phật trên 4 cạnh của bảo tháp nhìn đau đáu xuống thung lũng Kathmandu, nhìn xuyên suốt qua tâm can của người đời như buồn thay cho những thân phận lầm lạc. Dấu hỏi mà chúng ta thấy, giống như 1 cái mũi, thật ra là chữ số 1 của người Nepal, nói lên tính thống nhất của muôn loài. Còn giữa 2 mắt của ngài và ở phía trên là con mắt thứ 3. Khi Đức Phật giảng kinh thì hào quang mắt thứ 3 này sẽ soi rọi khắp năm châu, bốn bể và đến tận địa ngục để soi sáng những tâm hồn lạc lối. Trên cao nữa là 13 tầng tháp, 13 thử thách để hoàn thiện trước khi đến cõi Niết bàn… Xin nói thêm là những điều này bpk võ vẽ lần mò học lóm lúc nhớ nhớ, lúc quên quên trên những tháng ngày lưu lạc chứ lúc ở quê nhà, bpk chẳng biết gì về các việc này.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280708.jpg
Bảo tháp ở chùa Swayambhunath


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280711.jpg
Chùa vàng có niên đại rất xưa (quên mất là bao nhiêu rồi). Bpk vào đây và có tám với 2 du khách Pháp về VN… các vị sư cũng tham gia rất đông vui.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280710.jpg
Các chùa khác với cờ phướn tung bay trong gió thu rực rỡ - nhìn từ xa…

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280722.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280719.jpg
… và nhìn gần.


Nằm trên đồi cao, Swayambhunath là nơi tốt nhất để quan sát về thung lũng Kathmandu bên dưới. Rất nhiều chim đại bàng sải cánh ung dung trên bầu trời nơi đây. Ở chùa, có nhiều stupa, trắng và vàng, tất cả được bao quanh bởi các bánh xe cầu nguyện chạy dài, vòng theo các bảo tháp lớn. Kiến trúc chùa theo kiểu Phật Giáo Tibet, tuy cũng có ảnh hưởng chút chút Hindu qua các vật linh như Garuda.... Các kiến thức về các vị thần Hindu, Phật Giáo Tibet… có lẽ bpk còn phải học dài dài mới nhớ được. Chùa thật đẹp và cổ kính dù hôm nay hơi đông – Tết mà!. Các sư thầy ở đây vui vẻ dễ chịu chắc tại không bị quản thúc như ở Tibet, những người bán hàng cũng cũng vui vẻ, đặc biệt là các gia đình đi lễ và các em bé cũng rất vui và hòa đồng. Mình cứ luôn nhe răng cười và "Namaste!"

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280733.jpg
Các stupa và tháp Chorba nhìn ở góc chùa Swayambhunath

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280727.jpg
Chùa vàng dưới trời thu xanh (một chùa nhỏ trong cụm chùa).

Những ngày mùa thu lang thang trong chùa, đi trong tiếng cờ phướn vui reo phần phật với gió, trời thu xanh ngắt, nắng thu ấm, gió thu mơn man... cứ ngỡ đang trôi trôi nơi đâu. may mà còn có tiếng chuông chùa lôi về thực tại (!).

(…tbc.)

backpackervn
03-07-2009, 09:58
(cont.)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280725.jpg
2 bà cháu thảnh thơi trước cổng chùa. Bé rất thảo, khi bpk cho bé kẹo, bé chìa tay tặng cho bpk củ khoai đang gặm dở (!).


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280737.jpg
Chùa Swayambuhnath nhìn từ con đường làng. Chỉ đi bộ đến chùa bạn mới chụp được hính này (!?).


Lang thang trên đồi, trên chùa đến chiều sớm lại phải ngược về Thamel vì phải đi lùng mua bộ pin sạc mới, việc này mất gần cả giờ của mình. Nắng hôm nay cũng gắt, đi bộ tới lui cũng hơn 10km nên hơi mệt. Về GH vào lượn internet nhưng cũng chẳng làm được gì với mạng rớt liên tục (đã đi đến 3 điểm net trong ngày). Lại lang thang vào khu Durbar Square, đi lòng vòng xem các nghệ nhân trẻ tuổi làm các Mandala, tranh tôn giáo.. bằng cát màu. Nghệ nhân tranh cát YL nhà mình sang đây chắc chạy mất dép vì các em bé cũng làm được những bức tranh rất dễ thương!


Về Durbar Square, lại cõng Everest lên tầng trên cùng của đền thờ Shiva ngồi, như mọi chiều hôm trước. Vẫn ngắm hoàng hôn nhè nhẹ phủ xuống Kathmandu, vẫn nhìn dòng người dày đặc nhúc nhích thật chậm bên dưới, vẫn những cơn gió lạnh hơn lúc chiều đi... mổi chiều, nhưng sao vẫn thích, vẫn cảm thấy thật thư giãn. Chiều ngồi trên cao giữa phố phường thật dễ chịu, cứ muốn ngồi mãi không muốn xuống. Dưới kia, phố phường thật tấp nập đông vui, Tết mà. Thế là leo xuống, đi chơi Tết.


Điểm vui và mình thích nữa là Tết ở Kathmandu có pháo, đì đùng tì tạch lẫn pháo hoa tô xanh điểm đỏ trên bầu trời. Đi trong khói sương đêm pha lẫn mùi thuốc pháo và thỉnh thoảng giật mình cái đụi (!) làm mình nhớ ngày Tết quê ngày xưa quá. Nhất là đang lưng tưng - mà chẳng biết vì cái gì... nhớ tết, nhớ nhà hay tại "Everest" làm mình như thế. Chẳng biết và chẳng cần biết!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280002.jpg
Từng đoàn các bé đi hát chúc phúc từng nhà trong ngày Tết.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280669.jpg
Cạnh tranh với ban nhạc người lớn, cũng đi hát đến từng nhà. Bpk mò theo nghe nhạc ké cả đoạn!!!

Không chỉ pháo và hoa, đường phố đêm nay cũng thật nhiều tranh và nến. Tranh vẽ dưới đất, trước nhà, bằng cát điểm tô thêm hoa. Nến để thắp sáng, chỉ đường cho thần Lakshmi vào từng nhà. Chưa kể đến từng đoàn các em nhỏ, đi từng nhà hát vang để chúc phúc và để xin tiền, chưa kể là có những ban nhạc của người lớn nữa, cũng đi từng nhà – mong đừng cạnh tranh với các bé nhé.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280023.jpg
Một trong những tranh và nến trước cửa nhà. Đường phố thật ấm cúng!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280005.jpg
Các bé làm tranh cát trước cửa

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280030.jpg
Và tranh cát trên phố khuya Kathmandu, lung linh dưới ánh đèn, thật đẹp.

.................................................. .................................................. ...

Phố Kathmandu ngày Tết thật vui. Mình cũng vui. Những ngày lang thang bụi bặm một mình ở Kathmandu thật khó có thể có được 2 lần!

backpackervn
07-07-2009, 10:16
Thung lũng Kathmandu ẩn chứa nhiều điều tuyệt vời ngoài thủ đô ồn ã và bụi bặm của nó. Chỉ đi 4 hướng khác nhau khoảng vài mươi km cho mỗi hướng, bạn sẽ khám phá những ngôi làng cổ, những chùa chiền đền đài từ ngàn xưa, những phố nhỏ, xóm quê mộc mạc, những người dân hiền lành, nhẫn nại sống, chậm rãi như ngàn xưa đến giờ. Ngày hôm nay, bpk sẽ cùng bạn rời Kathmandu náo nhiệt một ngày để đến phố nhỏ cao nguyên hiền lành Dulikhel nhé. Phố chỉ là phố nhỏ, chẳng nằm trong danh sách của Unesco đâu, nhưng rất đáng để bạn đến đấy!


Dhulikhel, cách Kathmandu 35km, khoảng 2h đi xe (vì xe bus địa phương vừa đi vừa đón khách), nằm ở độ cao 1.500m. Do vậy ở đây chỉ mát dịu chứ không lạnh như Nagarkot. Dhulikhel được biết đến như 1 phố đặc trưng của người Newari (còn Bungamati hôm trước bpk ghé là làng Newari), cũng như là 1 điểm ngắm dãy Hymalaya thay vì phải đến tận Nagarkot đường xá xa xôi và dốc đèo khó đi. Dhulikhel cũng là nơi dân trekker tập luyện đôi chân của mình với những cung đường ngắn, trước khi có những chuyến trekking 2-3 tuần đến tận Pokhara hay nhiều nơi khác… Với bpk, đây là nơi “nhảy dù” trong những này rảnh rỗi ở Kathmandu!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060819.jpg
Đền Bhagwati Shiva trong phố

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060822.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060828.jpg
Đền đài giữa phố nhỏ Dhulikhel, cờ phướn bay rợp dưới trời thu xanh ngắt


Xe thả bpk xuống 1 góc đường chẳng thể xác định mình đang ở đâu như trong bản đồ. Thế là cứ lần mò vào phố. Thị trấn rất nhỏ và khu phố cổ hầu như giữ nguyên được nếp xưa. Người dân ở đây rất thân thiện và cũng rất ít khách du lịch tới đây. Ít ra là trong sáng nay mình chỉ thấy 2-3 tên "tóc vàng hoe". Những ngôi đền rất cũ, những ngôi nhà mang kiến trúc của người Newari, những con đường lát gạch đỏ, những người dân tắm nắng đọc báo, đan len, tán gẫu, những em bé tí ta tí tởn vui đùa đuổi chạy tóe khói những cô chó chú mèo cô gà chú dê... thật là vui.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060820.jpg
Em bé Dhulikhel

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060824.jpg
Sưởi ấm trong nắng sớm

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060821.jpg
Vui chuyện ngày mùa

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060833.jpg
Đường phố cũng vàng ươm lúa


(tbc.)

backpackervn
08-07-2009, 09:49
(cont.)

Trù phú hơn làng Bungamati, cũng những con đường vàng thơm rơm mới nhưng nhà của ở đây cao ráo và sạch sẽ. Những con đường cũng thẳng thớm dù gạch lót đường đã nhẵn thín vết thời gian. Rất nhiều đền đài nho nhỏ nhưng rất xinh xắn, trong phố. Bpk cứ đi lòng vòng, vừa đi vừa ngắm nhìn, chọc ghẹo các bé, thỉnh thoảng ghé mông ngồi tám, chủ yếu bằng “English & Hand” với các dì, các cô… lâu lâu lại thấy quay lại chỗ cũ, lại đổi hướng. Đi vài vòng là thấy hết “nội ô” Dhulikhel, lại bắt đầu chuyển hướng, lên phố mới, qua phố mới để ra ngoại ô, hướng về Shiva Temple, hơn 2km từ phố nhỏ.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060831.jpg
Cửa hàng thịt trong phố cổ Dhulikhel (giờ này người ta còn dùng cái cân ngộ ghê hén).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060816.jpg
Linga giữa phố phường

Điểm đặc biệt của phố Dhulikhel là các đền đài nằm rải rác nhiều trong phố. Tuy các đền đài này không lớn, nhưng nét xưa cũ, các chạm khắc tinh xảo trên gỗ, các phù điêu, các bức tượng của người Newari đều rất tinh xảo. Người dân Newari, nổi tiếng với nhiều tài, trong đó có cả kỹ năng giao thương buôn bán của họ, có lẽ do vậy, họ rất vui vẻ cởi mở với khách lạ, thân tình như đã quen nhau từ thưở nào. Các thanh niên trai tráng cứ mời bpk chơi thử các trò chơi của họ, vui vẻ chỉ đường, chỉ danh lam thắng cảnh cho bpk… Chỉ tiếc là các cô gái Nepal thì vẫn giữ nét e lệ của mình và ít xuất hiện nơi công cộng nên bpk cũng không có nhiều dịp để tám với họ. Lại tiếc nữa rồi!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060834.jpg
Các thanh niên với trò chơi rất Nepal, lăn những miếng nhựa tròn với cách chơi giống bi-a


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060817.jpg
1 góc Hymalaya nhìn ngay từ trong phố Dhulikhel


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060906.jpg
… ra ngoại vi sẽ càng rõ hơn - Hymalaya, nhìn từ 1 góc phố, trên con đường bpk lếch thếch lang thang đến đền Shiva


(tbc.)

backpackervn
08-07-2009, 09:52
(cont.)

Điểm cuốn hút ở ngoại ô Dhulikhel là ngôi đền Shiva và "đồi Kali". Ngôi đền Shiva thật tuyệt, tuy nhỏ. Hôm nay không có khách viếng, chỉ có mình bpk và người trông đến. Có thấy bóng dáng thấp thoáng của 1 holy-man nhưng khi thấy khách lạ đã đi đâu ra phía sau. Một mình lưng tưng trong đền Shiva, trong không khí yên bình của núi rừng ngày cuối thu thật dễ chịu (sẽ còn dễ chịu hơn nếu không có vài rắc rối nho nhỏ). Lang thang mãi rồi cũng phải lên đường, tiếp tục con đường núi chạy miên man cúc dại và trạng nguyên đỏ…


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060847.jpg
Đền Shiva nhìn qua khung cửa


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060837.jpg
Linh vật trong đền Shiva – Linga bằng đồng 4 mặt, giang hồ cũng nhiều, nay bpk mới thấy!!!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060845.jpg
Bên ngoài đền Shiva, các biểu tượng hay gặp ở đền Hindu


Đối với những người mộ đạo Tây Tạng, Dhulikhel nằm trên con đường đến Namobuddha, nơi có truyền thuyết về 1 vị cao tăng đã để 1 con hổ mẹ ăn thịt mình, để cứu sống nó và bầy con đang ngắc ngoải gần chết đói của nó. Khách đi trekking thường đi từ Dhulikhel lên đồi Kali rồi xuống núi đồi đi tiếp đến Namobuddha, hành trình này đi từ đồi Kali và quay về mất hơn 6h mà lúc bpk lang thang ở Dhulikhel, đi bộ hơn 3km đến chân đồi, leo lên 640 bậc cấp rất dốc để đến Kali Hill là hết xíu quách. Cộng thêm nắng vàng, gió dìu dịu và San Miguel… nên bpk chỉ dừng chân ở đồi kali ngắm Hymalaya xa xa, rồi về, lỡ hẹn Namobuddha. Thật ra, cũng do đi 1 mình và đường đồi núi rất vắng nên cũng hơi ngại việc lạc đường trong đêm chứ nếu đến sớm hơn, có lẽ bpk cũng thử. “Nếu!...”.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060850.jpg
Trên đồi Kali nhìn về núi tuyết Hymalaya xa xa

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060880.jpg
Hymalaya nhìn từ Kali Hill

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060871.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060879.jpg
Bên sườn đồi – thung lũng bên dưới



(tbc.)

backpackervn
09-07-2009, 13:36
(cont.)

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060883.jpg
Căn cứ quân sự và rada trên Kali Hill (chỉ chụp lén thôi) vì luôn thấy mấy anh xách súng đi lòng vòng

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060887.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060869.jpg
Cánh đồng bậc thang miên man xa xa bên dưới, thung lũng còn sương hay khói ngày mùa mà hình chụp lên cứ mờ mờ ảo ảo!!!


Sau khi viếng đền Shiva, bpk bắt đầu trở ngược ra để lên đồi Kali. Đến chân đồi có 2 con đường lên, 1 con đường đất, bụi, ít dốc hơn để xe chạy được. 1 con đường là bậc thang, xe không chạy được và rất dốc. Do vậy, nếu không đi 2km bằng con đường đất, bạn phải chọn leo 640 bậc thang (bpk đếm, có thể sai lệch vài bậc do quá mệt). Trời cũng đã trưa, dốc đứng… bpk vừa đi vừa thở vừa lầm bầm ca thán cái sự nghiệp ăn chơi 1 mình lúc bức xúc chẳng biết chia sẻ cùng ai… nhưng khi vừa hết những bậc thang, len lỏi vào con đường mòn hun hút chạy giữa các hẻm núi, khoảng cây xanh trên đầu đang ngăn ngắt trên đầu bỗng mở òa ra một mảng trời xanh ngát, gió mùa thu tràn về, mang đi hết những nhọc nhằn đường xa. Trời xanh, mây trắng, xa xa núi tuyết trắng, bên dưới thung lũng xanh, nương đất ngày cuối mùa nâu, thỉnh thoảng pha vàng rơm, những con đường thấp thoáng xa xa vàng rực vạn thọ, đỏ chói trạng nguyên… như 1 bức tranh thủy mặc nhiều màu sắc nên thơ. “Bao nhiêu mệt nhọc giờ chỉ còn là con số không…”!

”Đồi Kali"? Sở dĩ gọi như vậy là trên ngọn đồi này ngày xưa có ngồi đền Kali. Bây giờ, quân đội chiếm đóng và là căn cứ quân sự. Tuy vậy, góc đồi cạnh đó vẫn là 1 view-point tuyệt vời. Nhất là cạnh đó còn có nhà hàng Deurali nhìn xuống thung lũng vàng nắng và xanh thẳm những cánh ruộng bậc thang chen lẫn với những cánh rừng, sườn đồi.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060891.jpg
Con đường mòn hun hút len giữa núi đồi. Lang thang 1 mình cũng feeling lắm.

Thiên hạ còn đến Dulikhel để ngắm Hymalaya nữa, xa xa bao quanh phố nhỏ là rặng Langtang Lirung (7246m) rồi Gauri Shankar (7195m). Ngày đẹp trời có thể thấy rất rõ từ đây, thay vì phải đi Nagarkot xa hơn và khúc khuỷu hơn.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060899.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060897.jpg
Nhìn hoa vạn thọ và trạng nguyên thế này, ai không nhớ Tết?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060895.jpg
Thiên hạ đến Kali Hill để đi Namobuddha, còn bpk đến là để ngắm vạn thọ & trạng nguyên, rồi dzìa! Xấu hổ quá!!!


Trên đồi Kali. Trưa vắng, nắng vàng, mây trắng, trời xanh, núi tuyết trắng, đồi cỏ vàng, trạng nguyên đỏ, vạn thọ vàng… San Miguel cũng sóng sánh vàng… làm lòng ai đó cũng chùng xuống, như thu vàng!

backpackervn
10-07-2009, 11:52
Bữa giờ lôi các bạn đi tận đẩu tận đâu mà chưa giới thiệu được với các bạn một thung lũng Kathmandu hoành tráng với những Di sản văn hóa Unesco. Do vậy, hôm nay, bpk sẽ cùng bạn ra Ratna Park, nhảy xe bus đi tham quan một di tích Unesco lộng lẫy của Kathmandu nhé.

.................................................. .................................................. .

Những ngày này, bpk đang rầu rĩ muốn chết vì vụ án xin visa Ấn Độ cứ chơi vơi, “con đường mây trắng” giờ sao xa ngái...!!! Nhưng thôi, không kể lể khóc than nữa, hôm nay, sẽ tót lên xe, đi cùng bạn đến vùng đất xưa Bhaktapur, vương triều lộng lẫy của các Đế vương Malla thời kỳ hoàng kim nhất.

Sáng, phải dọn đồ để chuyển GH tạm trú mấy hôm rồi, đi kiếm phòng đơn hoặc dormitory khác cho tiết kiệm. Mãi mà chẳng được vì sáng sớm chưa ai trả phòng. Đành check-out và gửi đồ lại guesthouse để lên đường tiếp tục sự nghiệp ăn chơi. Đã vậy, đi rã giò lỏng gối mới kiếm được chỗ ăn sáng (!). Hôm nay hầu hết các quán đều đóng cửa vì là ngày cuối, cũng là ngày quan trọng của lễ hội Tihar. Sau những ngày chúc phúc cho quạ, chó, bò.... hôm nay, người Nepal chúc phúc lẫn nhau. Trong gia đình, người nam gửi những lời chúc tốt đẹp đến các chị em gái của họ. Sau đó, các chị em gái tặng lại những món quà, chấm tikar cầu phúc lên trán anh em của mình và tặng những vòng hoa tươi thắm…. Do vậy, bạn thấy rất nhiều nam giới đủ tuổi với những tikar đỏ hoe hoét, đeo những tràng hoa nhiều màu hãnh diện đi lon ton hoặc "vui tung tăng hớn hở" trên phố. Và do vậy, mọi người đều tụ tập ở nhà, cửa tiệm đóng, chỉ một số ít các cửa hàng của người Tibetan, Indian... là còn mở cửa...

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300266.jpg
Nhìn cậu chàng "trang điểm" với tikar và vòng hoa này dzui dzui hén! Và cô em têm trầu, duyên dáng ghê chưa?


Dài dòng kể lể như vậy để than thở (!) cho việc mãi đến gần 11 giờ sáng bpk mới lần mò ra được bến xe Ratna Park, leo lên chuyến xe bus công cộng đi gần 1.30 giờ mới đến Bhaktapur. Đường đi xấu vô kể. Thằng ku em lơ xe còn định ăn chặn khi bpk trả tiền vé. Bạn có biết, bpk đưa nó tờ 100Rp, nó không thối tiền lại. Lúc xuống xe, bpk hỏi “Tiền thối của tao đâu”?. Nó đưa lại 10Rp, bpk lắc đâu, đưa thêm 10Rp, bpk cũng lắc đầu.... lắc mãi đến cuối cùng nó đưa trả lại 80Rp, bpk cũng lắc đầu! Thế là nó nhảy lên xe chạy mất dép!!! Tóm lại là bpk đi 1.30h chỉ mất 20Rp, tương đương 4.000 VND. Đúng giá Nepal, dành cho người Nepal! Đi taxi mất đâu chừng 500Rp, không dành cho dân đi bụi – như bpk!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300255.jpg
Công viên Ratna Park – bữa giờ nhắc hoài mà chưa giới thiệu hình. Đang có chợ bán hàng second-hand.


Chưa hết, đến nơi, mua vé vào cổng, 750Rp (#10$, đắt nhất ở Nepal thì phải nhưng vẫn còn rẻ chán chê so với vé tham quan ở TQ, trung bình thường 100-200Y # 15-30$). Bpk hỏi “Vé này vào 1 lần hay nhiều lần”. Anh chàng bán vé hỏi "Mày muốn bao lâu". Bpk nói “1 tháng”, cho nó chắc (!). Kinh quá, cậu chàng viết cho bpk mấy dòng trên vé để ra vào trong 1 tuần. Sau đó, nếu muốn ra vào cả tháng thì phải vào văn phòng chính trong phố, nộp 2 tấm hình để làm thẻ!!! Okie, vụ này từ từ tính, nếu có nhu cầu thực sự!... Kể lể vài dòng dzụ án đi bụi một mình để pà kon xem đỡ buồn ngủ hén.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300267.jpg
Đầu phố có bia đá di tích Unesco đấy.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300257.jpg
Con đường nhỏ, nắng mãi tìm cách cũng không vào được


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300260.jpg
Rồi nắng cũng len vào nơi con đường rộng. Đường rực rỡ vì nắng hay vì vải đỏ?


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300258.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300261.jpg
Đồ lưu niệm ở Tachupal

Bhaktapur là 1 trong 3 kinh thành của các vị vua của vương triều Malla, cùng tồn tại song song. Cả 3 đều là di tích được Unesco công nhận. 2 kinh thành còn lại là Kathmandu và Patan. Kathmandu với Durbar Square, "Thành phố nghệ thuật Patan" thì các bạn trong diễn đàn đã đề cập nhiều. Có dịp, bpk sẽ lướt qua. Với bpk, Bhaktapur ấn tượng và đẹp hơn 2 nơi kia. Lý do đầu tiên là ở đây ít người hơn, cả tây lẫn ta, do vậy không có chuyện kẹt xe, bụi bặm như ở Kathmandu…. Tiếp nữa là nó rộng rãi hơn, giữ được nét cổ kính hơn và các kiến trúc lại rất hoành tráng... Có thể, nhìn chung thì các nơi hơi giông giống, nhưng thực chất, chúng rất khác và có những nét rất đặc sắc riêng.

(tbc.)

backpackervn
13-07-2009, 08:32
(Cont.)

Xe bus địa phương quẳng bpk xuống cổng phía đông của Bhaktapur. Trước đó, từ trên xa lộ, cảnh quan hùng vĩ của Bhaktapur đã phô trương rực rỡ qua những đền đài xưa cũ hiên ngang đâm toạt trời xanh, như những nét bút vẽ vào mây trắng. Từ cửa đông Bhaktapur, đi đến quảng trường chính, cũng mang tên Durbar Square mất gần 0,5 – 1.5km, tùy theo con đường bạn chọn, đi thẳng hay vòng vèo để la cà. Và con đường đi len lỏi, miên man qua những đền đài xưa, thôn xóm cũ nhộn nhịp ngày vui Tết. Cũng may mắn là bpk đi xe local dừng ở bến đó chứ nếu đi taxi hay minibus thì dừng ngay ở cổng bắc, vào thẳng Durbar Square thì khả năng lê la đến cổng đông, thời gian dành cho khu vực này chắc cũng ít.

Ngày trước, Bhaktapur nằm trên con đường giao thương với Tibet từ thế kỷ XII. Phần xưa nhất của kinh thành cũ không phải ở khu Durbar Square mà chính là phố Tachupal, nơi gần cổng đông của thành phố (nơi bpk bị quẳng xuống đó!). Đến TK XIV-XVI, kinh thành Bhaktapur trở nên hùng mạnh hơn 2 kinh thành Kathmandu & Patan, và lúc này khu vực hoàng cung mới và quảng trường Durbar Square bắt đầu được xây dựng. Vào thời hoàng kim nhất Bhaktapur có đến 172 đền đài và tu viện (trong diện tích chưa đến 7km2)! Hoàng cung Bhaktapur tại Durbar Square được duy trì từ TK XV đến giữa TK XVIII, lúc quốc vương Prithvi Narayan Shah, đến từ Gorkha, đã chiến thắng và hợp nhất cả 3 vương triều Mala lại (năm 1769) thành quốc gia Nepal ngày nay. Quốc vương Shah đã dời kinh đô của mình từ Gorkha nhỏ bé về Kathmandu và từ đó, nơi này trở thành kinh đô của Nepal. Về việc này, bpk sẽ bổ sung thêm chi tiết khi cùng bạn đến thăm về Gorkha, nơi xuất thân của những chiến binh oai hùng – cho đến tận ngày nay.

Bhaktapur rộng hơn và có nhiều quảng trường nhất. Ngoài Durbar Square, BTP còn có phố cổ Tachupal, Taumadhi, (đều nằm trên con đường giao thương đến Tibet ngày trước), các quảng trường Đất sét, nhiều hồ nước rộng khác… (ngày trước có đến 77 hồ!).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300262.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300265.jpg
Đền đài ở phố Tachupal

Phố Tachupal, vùng xưa nhất ở Bhaktapur có những ngôi đền thật cổ xưa, những mái nhà giờ đây cỏ phủ càng làm không gian nơi đây thật xưa. Những người dân trong trang phục cổ truyền, những em bé Nepal với gương mặt sáng ngời vui vẻ đùa vui trên phố, những người già ngồi trên bậc thềm, nhìn ra phố như nhìn dòng thời gian trôi, nơi bể nước công cộng những cô thôn nữ dịu dàng địu những chiếc bình đồng đi trong nắng gió, sari đỏ e ấp quấn quít đôi chân mềm… Trong nắng say say, cứ tự hỏi là mình đang ở đâu vậy?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300297.jpg
Phút nghỉ ngơi của cụ bà quay tơ, trong phố

Bắt đầu từ phố Tachupal, bpk thong thả hòa vào dòng người vui ngày lễ hội. Phố ngày hôm nay rộn ràng những gia đình dẫn các bé đi chúc Tết cô chú dì dượng trong gia đình. Nhưng phố vẫn vắng hơn ở Kathmandu nhiều. Khác với Durbar Square và Kathmandu, có rất nhiều những con hẻm hay những con đường nhỏ ở Tachupal. Và giờ đây chúng đang trở thành những gallery giới thiệu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, nắn tượng… của người Nepal. Những con đường be bé, rực màu đỏ của vải lót khung kệ trưng bày của hàng hóa, nắng đôi khi xiên xiên lọt đến, như những đốm lửa đỏ nhảy nhót, làm các bức tranh tượng… càng đẹp rực rỡ thu hút hồn khách du. Ở xa cổng dành cho du khách nên phố Tachupal vắng, ít khách Tây, bpk cứ lững thững rải gót lâng lâng vui cùng những cư dân hiền lành của Nepal.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300269.jpg
Bạn có thấy trên băng-rôn có búa&liềm, biểu tượng của phe Maoist bên Nepal

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300268.jpg
Dân Nepal cũng ham đỏ đen dữ hén, hay chỉ là ngày Tết?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300272.jpg
Đường lang thang từ Tachpal qua Taumadhi


Trên đường lang thang từ Tachupal sang phố Taumadhi và Durbar Square, bpk đói bụng quá, đi ngang qua 1 gian hàng nhỏ nhỏ, thấy mấy thanh niên trẻ đang nấu cái gì giống mo-mo của Tibet. Thế là vén màn chui vào cái quán bé tý. Té ra, trong quán còn nhiều món khác nữa nhưng chủ quán không biết tiếng Anh. Thế là bpk xuất chiêu “Nhất dương chỉ” học lóm được từ lão tổ sư Vương Trùng Dương. Không những xuất chiêu một lần mà nhiều lần, thêm món fried-noodle nữa. No căng bụng rồi đứng lên chào chủ quán đi tiếp con đường hành hiệp (!) đến Durbar Square. Không biết làm sao, bpk lại rất hay nhớ các tiểu tiết liên quan đến ăn uống này trên bước đường lang thang.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030775.jpg
Spam ảnh lãng nhách - Ai mua kèn không? Các ca sĩ siêu sao nhà mình tập thổi kèn này vài ngày là khỏi hát nhép!

(tbc.)

backpackervn
13-07-2009, 08:38
(Cont.)

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300273.jpg
Vừa đến Taumadhi. Taumadhi Square nhìn từ góc bên trái của đền Nyatapola


Đến phố Taumadhi khi nắng trưa đã xê xế. Trời vẫn trong xanh và mây trắng vẫn lững lờ. Dẫn đường cho bpk giờ đây không phải là bản đồ trong LP mà chính là nét son của ngôi đền Nyatapola. Ngoài Durbar Square và cung điện hoàng gia cũ, điểm cuốn hút đặc biệt của Bhaktapur là ngôi đền 5 tầng Nyatapola, cao 30m là ngôi đền cao nhất Nepal với kiến trúc Newari đặc sắc. Ngôi đền này để thờ nữ thần Laskhmi, không cho những người ngoại đạo viếng bên trong. Ở những bậc thang trước cổng đền là những linh thần của Hindu giáo, với những sức mạnh vô biên, đứng ở đấy như những vị thần bảo vệ cho ngôi đền. Thế nhưng, những em bé Nepal hồn nhiên lại chinh phục sức mạnh thần kỳ này rất đơn giản, cứ trèo lên ngồi chễm chệ trên các vị thần. Có lẽ các bé chiến thắng dễ dàng các vị bằng sự ngây thơ trong trắng của mình. Ngôi đền này có thể thấy từ rất xa, như 1 ngọn bút vẽ vào bầu trời xanh Bhaktapur. Được xây dựng từ 1702, ngôi đền rất kiên cố và rất ít bị tác động bởi trận động đất lớn ở Nepal năm 1934. Bạn có thể thấy hình ảnh ngôi đền này rất nhiều trong các bức tranh, bưu thiếp hoặc lịch về Nepal.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300274.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300275.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300305.jpg
Đền Nyatapola, trong nắng trưa và chiều muộn

Đối diện với đền Nyatapola là Café Nyatapola, trước kia vốn là 1 ngôi đền nhưng hiện đã được sửa thành quán café - bar, với một phần lợi nhuận được đóng góp vào kinh phí hoạt động của bệnh viện địa phương. Nhưng bpk không lên đó ngồi, tự nhiên sao thấy không thích dù du khách chen chúc ở đó rất nhiều, nhất là khách TQ hay Nhật Bản. Bpk cũng thấy mấy bạn “tóc vàng hoe” chỉ ngồi lang thang uống bia ngoài quảng trường? Cũng không tiện hỏi các bạn ấy là không thích lên đó vì tiết kiệm hay vì không muốn ngồi lên trên 1 di sản văn hóa?!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300278.jpg
Một ngôi đền kế bên đền Nyatapola

Ngồi trên cao từ các nhà hàng đó, nghĩ cũng hay hay nhưng bpk thấy ngồi bên dưới lề đường, trong bóng râm của đền đài thành quách, gần gũi với bà con, chọc giỡn với các em bé (dễ thương nhưng tội nghiệp vì bị vào đời sớm quá).. với giá beer chỉ 1/3... thì thà ngồi ở dưới uống 3 chai còn hơn lên trên cao đó uống 1 chai, mà còn không phải ngồi trên di sản của tiền nhân. Bạn nghĩ sao?

(tbc.)

Nheva
13-07-2009, 09:49
Bpk viết hấp dẫn quá, mình như thấy hiển hiện một thế giới trong mơ. Tks bạn nhiều

backpackervn
14-07-2009, 11:54
@ bạn Nheva, cám ơn bạn đã quá khen. Làm bpk ngượng chín cả người.....


Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 4
(Cont.)


Kế bên phố Taumadhi, đền Nyatapola là quảng trường Dubar Square, nổi tiếng với cung điện hoàng gia, ngôi nhà 55 cửa sổ, viện bảo tàng nghệ thuật Nepal, tượng vua King Bhupatindra trước cung điện và cơ man nào là các đền đài.... Cung điện hoàng gia thì không cho khách ngoại đạo vào nên bpk chỉ đứng nhìn xa ngó nghiêng. Các đền đài thì nhiều vô số kể, nội đọc tài liệu không cũng đủ mệt rồi chứ nói chi đến việc đi chăm bẵm dòm ngó soi xét. Do vậy, bpk cũng chỉ đi lang thang, nghe lóm các HDV cho các đoàn khác giới thiệu cho khách đoàn, chụp hình các em bé, các đền đài, các linh thần trước chùa, đền đài, các đền đài uy nghi trong nắng trưa và huyền bí khi chiều muộn đổ xuống. Thời gian còn lại là ngồi chơi dưới bóng râm của các đền đài, chiêm ngưỡng, nhìn nắng Nepal mùa thu chầm chậm trượt trên quảng trường, kể cả những bóng-nắng-sari-đỏ của các cô gái Nepal dịu dàng điểm hoa trên quảng trường.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300316.jpg
Đền đài trong Durbar Square

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030776.jpg
Nhà 55 cửa sổ của Durbar Square

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300313.jpg
Cổng vào Cung điện Hoàng gia

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300314.jpg
Quốc vương Bhupatindra Malla trên cao nhìn xuống thần dân

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030787.jpg
Đôi sư tử (?!) hay kỳ lân (?!) đá oai hùng trước Viện bảo tàng nghệ thuật ở Durbar square


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030810.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030774.jpg
Linh thần dễ dàng bị chinh phục!!! Ai ngon hơn ai nào?

(tbc.)

backpackervn
14-07-2009, 11:57
(Cont.)

Loanh quanh ở Durbar Square đã đời, bpk lò dò men lối xưa rêu phong cỏ úa gạch mòn lần mò qua Quảng trường Đất sét. Quảng trường Đất sét ở đây khác hẳn làng gốm Bát Tràng, ở mức độ thương mại hóa lẫn "nghề nghiệp" làm gốm. Bé xíu, bụi đầy, ít mẫu hàng hóa, ít người chèo kéo chào hàng ... vẻ đẹp của quảng trường này là những mái nhà rêu phong cỏ mọc vây quanh, những đụn lúa đang phơi của mùa vụ và những chiếc nong đang được các mẹ, các chị luôn tay sàng sảy thóc làm bụi lúa lẫn bụi tro từ các lò nung bay lan man đất trời khi có những cơn gió mạnh ùa về. Ở đây, các cửa hàng rất giản dị, từ quầy kệ đến cách kinh doanh, khác xa cảnh mời chào chèo kéo hay gặp ở các nơi du lịch khác. Những chiếc bình, chiếc lọ hay những vật dụng được làm từ đất sét cứ được bày biện 1 cảnh cẩu thả trên quầy kệ hay treo tòng teng đong đưa trên những giá gỗ thô mộc, hay ngay cả trên cánh cửa sổ, cửa lớn... Khách đến thì thường các bé gái ra đón tiếp và bán hàng vì các bé nói tiếng Anh tốt. Còn chủ nhà cứ lụi cụi làm tiếp công việc của mình hay còn bận bịu canh chừng rồi thi thoảng lại tất tả chạy ra xua đuổi mấy chú cún con đang lí lắc nô đùa vờn nhau làm tung tóe đống lúa đã khô, đã vun lại nhưng chưa kịp cho vào bồ.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030766.jpg
Cách làm gốm thủ công ở Quảng trường Đất sét

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030767.jpg
Đang hứng từng giọt nắng hay rải từng hạt nắng?!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300298.jpg
Quảng trường Đất Sét, ngày mùa, gốm nhường chỗ cho lúa


Cách làm gốm ở đây lại giống Bàu Trúc, người nghệ nhân cứ đi vòng theo đồ vật đang làm mà nắn mà ve mà vuốt... chứ không dùng bàn xoay nên các sản phẩm rất mộc mạc. Mà họ cũng giỏi thật, bpk mà đi xoay tròn như vậy chắc khoảng 5-6 vòng là ù tai hoa mắt lăn quay ra rồi! Đúng là nghệ nhân có khác, ai lại đi so sánh với cái thứ lang bạt kỳ hồ ?! Gốm làm xong thì cứ đem ngay ra quảng trường ngay đấy mà phơi, gặp mùa gặt nên lũ gốm màu nâu nâu hiền hiền vốn đã giản dị khiêm tốn với cái màu đất quê quê của mình nay càng phải khép nép sang bên, nhường chỗ cho đám thóc vàng rực thơm tho phô phang dưới nắng. Cảnh vật vẫn như ở thời nảo thời nao, không gian cứ như mắc kẹt đâu đó trên đền đài nên ngưng đọng nơi đây… nếu lâu lâu không có 1 chiếc xe gắn máy chạy tọt qua để lại tiếng máy xe ồn ã vô duyên lạc lõng giữa 1 chiều quê yên bình. Các anh chị Tây rất thích nơi đây vì vẻ mộc mạc làng quê và mải mê chiêm ngưỡng cách làm gốm mộc mạc của những-nghệ-nhân-dân-làng, xem rất đông và mua nhiều những món quà lưu niệm mà biết chắc rằng chúng không thuộc nhóm hàng đẹp đẽ sắc xảo nhưng giống nhau như tạc, giống cả đến vẻ vô hồn của chúng nữa… đến từ người đại ca láng giềng Trung Quốc. Mình thì chỉ thích chút chút vì khả ... nên sau khi lảng vảng đá chó chọc mèo đuổi gà rượt vịt… ở quảng trường... lại chui tiếp vào các hẻm hóc trong làng, ngó nghiêng các cô thôn nữ rảnh rỗi đang say sưa tám với nhau từ trên các cửa sổ cao cao hoặc các cô khác đang cần cù địu nước về nhà bằng các chiếc lọ đồng. Cảnh mà ngày xưa hay xem trong mấy phim India đầy những màn ca nhảy hát múa. Cũng ngộ ngộ, hay hay!!!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300299.jpg
Giải trí chờ gốm khô?!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300300.jpg
Mải mê tám từ trên cao

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300301.jpg
Trong khi bạn bè phải đi địu nước

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300303.jpg
Cửa hàng đơn sơ trong quảng trường Đất sét


(tbc.)

backpackervn
15-07-2009, 09:58
(Cont.)

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300288.jpg
Quảng trường Durbar Square nhìn qua cổng vào phía Bắc).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300322.jpg
Hồ Navpokhu xưa nay vẫn còn

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300321.jpg
Sân phơi ngày mùa, bên hồ Navpokhu


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA300329.jpg
Bóng chiều đã xuống ở Durbar Square


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030812.jpg
Rồi chiều cũng xuống, trên hồ, bên ngoài thành


Lang thang trong thành cổ Bhaktapur hoài không thấy chán. Bpk hết đi lòng vòng lại ngồi lê, hết ngồi lê lại đi lòng vòng. Hết Everest lại Nepal Ice, lại thêm 1 Tuborg nữa chứ. Chưa kể là Bhaktapur còn nổi tiếng với King Yoghurt, thế là bpk cũng chơi luôn, 2 bát. Hết trong thành lại ra ngoài thành, hết leo lên lại trèo xuống... thế mà chiều xuống hồi nào chẳng hay.


Ngồi trong nắng nhẹ buổi chiều cuối thu, ngắm bóng chiều đổ xuống kinh thành xưa cảm giác thật lạ. Chim bay về nháo nhác trên các đền đài. Nắng vàng thật dịu. Bóng sari đỏ của các cô gái Nepal cũng dịu hơn trong nắng chiều. Đền đài xưa cũ nhạt nhòa đây đó, gió thật nhẹ nhưng đủ lạnh, những gánh rơm đầy đang tất tả kẽo kẹt trên đường về, bóng mây, bóng núi soi xuống hồ xanh đã chuyển vàng trong ráng muộn, dãy Hymalaya xa xa thì thầm thở về những cơn gió lạnh... Ccảm giác cô đơn và chơi vơi nhưng lại làm bpk không muốn về. Nhưng rồi cũng phải về thôi. Chia tay Bhaktapur và hẹn sớm gặp lại.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030808.jpg
Bóng chiều đang đổ xuống, chầm chậm trong quảng trường.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030800.jpg
Hoàng hôn muộn lắm rồi nhưng người còn luyến tiếc chưa muốn rời Bhaktapur

Và sau đó, bpk lại có dịp quay lại Bhaktapur vào một chiều muộn khác, trên đường con đường lang thang cuốc bộ 6km về từ ngôi đền Changu Narayan. Biếng nhác vào chốn cũ, thả người và hồn theo nắng gió Nepal những ngày xanh mơ màng. Chiều thu Bhaktapur nao cũng êm đềm và thanh bình quá. Hoàng hôn lúc nào cũng về thật chậm nơi đây. Bóng thành quách đền đài rực rỡ trong ráng đỏ huyền hoặc của chiều thu xanh cứ chầm chậm luyến tiếc chẳng muốn rời nơi đây, cũng như lòng kẻ lang thang đang ngất ngưỡng bên chiều.


Biết khó lòng được quay lại Bhaktapur sau 2 lần, bpk nuối tiếc lần lữa mãi, chẳng muốn rời, dù chiều xanh đã sang đêm chập choạng. Nhưng biết làm sao. Cuộc vui nào chẳng có lúc tàn, gặp gỡ nào chẳng có lúc chia tay, quan trọng là những gì còn lại, sau đó, trong tim…

xuan_ngoc
15-07-2009, 13:15
sorry vì em spam 1 tý,nhưng mà sao em không xem ảnh được nhỉ ???

backpackervn
16-07-2009, 08:51
@ Xuan Ngoc, có lẽ do đường truyền kết nối yếu. Nhiều lúc bpk cũng bị như vậy khi xem nhưng lúc khác lại được. Còn lý do khác nữa thì bpk không biết!
.................................................. ..................................................


Như phần đông người Việt, dù không phải là tín đồ Phật Giáo, bpk luôn cố gắng hướng về những điều tốt đẹp mà giáo lý nhà Phật đã giáo dục hay khuyên bảo nhân loại hướng về. Trong cuộc sống hay trên bước đường bụi bặm, nếu có điều kiện bpk vẫn ghé thăm viếng những nhà thờ Thiên chúa giáo, Hồi giáo hay của các tôn giáo khác… nhưng những khi có chuyện lầm lỗi, những khó khăn… bpk thường rụt rè bước chân vào chùa, lặng ngồi dưới hiên, trong tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh kệ… và cảm giác lòng trĩu nặng thường sẽ vơi đi rất nhiều. Cũng do vậy, Bảo tháp Bodhnath của Phật Giáo Mật Tông Tibet và những ngôi chùa Phật giáo nằm quanh chính là điểm ngoài Kathmandu đầu tiên mà bpk đến thăm viếng, trong những ngày lang thang ở Kathmandu.


Di tích Unesco, bảo tháp Bodhnath, còn có tên gọi là Boudha, nằm ở phía Đông Kathamndu, chỉ cách Thamel khoảng 6km, là 1 trong những bảo tháp lớn nhất thế giới. Thật ra, Bodhnath là tên của ngôi làng, giờ đã lên phố, nơi ngôi bảo tháp tọa lạc. Ngôi làng này là trung tâm Phật giáo của người lưu vong Tây Tạng tại Nepal. Rất nhiều những ngôi chùa theo phong cách Tây Tạng vây quanh bảo tháp cũng như nằm rải rác trong vùng. Đến đây, chúng ta có thể thấy rất nhiều bóng cà sa đỏ trên đường phố cũng như những ngôi chùa với mái lấp lánh ánh kim, những bức trướng theo phong cách Tây Tạng phủ trước cổng chùa… và cả những đoàn khách hành hương Tây Tạng, vừa thành kính quay bánh xe may mắn, vừa đọc kinh, vừa đi vòng quanh bảo tháp, thật nhiều, thật nhiều vòng…

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050130.jpg
Bảo tháp Bodhnath

Ngày trước, Bodhnath nằm trên con đường giao thương từ Kathmandu đến Lasha, được xem như là cửa ngõ ra vào Kathmandu của các khách thương Tây Tạng. Không khó để hiểu đây là nơi các thương nhân Tây Tạng tỏ lòng biết ơn sự che chở của ơn trên giúp họ vượt qua được bao nhiêu khó khăn trên đường xá xa xôi hiểm trở của dãy Hymalya khắc nghiệt và huyền bí để đến được Kathmandu, cũng như là nơi họ chân thành khấn nguyện cầu mong cho một chuyến trở về chân cứng đá mềm. Đến thế kỷ 20, những người mạo hiểm muốn chinh phục Hymalaya, Everest, kể cả người ngoại quốc và những người Sherpa dẫn đường… cũng đến đây khấn nguyện cho 1 chuyến đi an bình và thành công… Rồi đến những ngày binh biến tang thương, khi chính quyền TQ tiến lên “giải phóng” Tây Tạng, cuộc nổi dậy bất thành của người Tây Tạng yêu nước những năm 1959… những người Tây Tạng lưu vong đã tập trung về nơi chốn thiêng liêng ngày trước của cha ông để xây dựng 1 làng Bodhnath trù phú như ngày nay. Ở đây, ngoài người Tây Tạng và Nepal, còn tập trung 1 số lượng đáng kể những tu sĩ Mật Tông người nước ngoài, đến đây để học đạo và để tu hành, mong cho một thế giới ngày càng yên bình.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260588.jpg
Từ Kathmandu chật chội...

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260591.jpg
... Đến một Bodhnath yên bình, khuất sau 1 con đường

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050135.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050128.jpg
Các chùa Tibet và tu viện quanh bảo tháp


(tbc.)

imim
16-07-2009, 09:13
Cám ơn bạn Bpk về bài viết rất chi tiết và ảnh minh họa cũng phong phú, sống động. Tiếc là mình cũng có một "niềm đau chôn dấu" với Nepal, hụt chưa đến được.

Bạn tiếp tục nhé.

Nheva
16-07-2009, 12:38
Cám ơn bạn Bpk về bài viết rất chi tiết và ảnh minh họa cũng phong phú, sống động. Tiếc là mình cũng có một "niềm đau chôn dấu" với Nepal, hụt chưa đến được.

Bạn tiếp tục nhé.
Lên kế hoạch đi bạn Imim, xong Nepal nhân thể ta luợn sang Butan

backpackervn
16-07-2009, 13:29
@ Imim & Nheva, cám ơn bạn. Đi Kathmandu bây giờ cũng thuận tiện mà. Bạn có thể đi từ VN-Bangkok, rồi từ Bangkok có thể sang thẳng KMD hay trung chuyển ở Calcutta, India. Hôm bpk đi gặp 1 bác Thailand nói rằng từ BK có hàng không giá rẻ lên đến 2 nơi đấy. Bpk chỉ đi đường bộ nên không biết giá máy bay. Còn sang Bhutan thì ngay Kathmandu có bán tour, nhớ mang máng trong LP nói là xin vía vào Bhutan hơi khó mà thường phải đi theo tour.

.................................................. .................................................. ..

(cont.)

Ở Bodhnath, nơi bảo tháp hiện nay tọa lạc, bảo tháp đầu tiên được cho là xây dựng vào những năm 600 A.D. do 1 vị hoàng tử đã xây dựng nên để tỏ lòng sám hối về việc đã vô tình giết chết vua cha. Thế kỷ thứ VII cũng là thời gian đức vua Tây Tạng Songtsen Gampo đã cải đạo sang Phật giáo nhờ 2 hoàng hậu cũng theo đạo Phật là công chúa Bhrikuti của Nepal và công chúa Văn Thành, TQ. Bảo tháp hiện nay được xây dựng lại vào thế kỷ XIV, sau những cuộc chinh chiến, tàn phá và cướp bóc của những quốc vương đến từ vùng Bengal, Ấn Độ.


Đi từ bến xe Ratna Park lên đây mất chỉ 8-10Rp, nhưng hôm bpk đi, phải trả đến 18Rp (mất đến những 8Rp # 2.000VND!!!) vì đó là hôm bpk đi xe bus công cộng đầu tiên từ Thamel nên chưa quen việc “xử lý” việc bị “cắt cổ”.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260596.jpg
Bảo tháp trong ngày thu Nepal xanh ngời

Lần đầu tiên lò dò rời khỏi Kathmandu, bpk men theo dòng người đông đúc lên đến Durbar Square, đến đền thờ Shiva trong quảng trường, rẽ trái ngay trước cung điện của Nữ thánh đồng trinh Kumari, đi mò mẫm lon ton theo con đường bên hông Cung điện hoàng gia, ra đến đường New Road, chen chúc trong dòng người đông đúc lần mò đến công viên Ratna Park. Bến xe ở phía bên kia công viên, thay vì băng ngang qua con đường mòn cắt giữa công viên (mà sau này bpk mới biết), bpk lại đi vòng lên đầu kia công viên vòng lại xa lắc. Lớ ngớ hỏi thăm và dí vào mặt các bạn lơ xe chữ Bodhnath, bpk được đẩy lên 1 chiếc xe bus địa phương, lúc đầu còn tương đối trống trải. Chờ khoảng 15p, kín khách, xe bắt đầu chạy, vừa chạy lại vừa đón khách, chỉ lát sau, bpk phải đứng dậy nhường chỗ cho 1 chị kia. Lát sau nữa, xe đầy đến mức không còn cả chỗ đứng trong xe. Dân tình bu đầy ở cửa xe phía sau xe (xe trong thành phố không được lên mui xe ngồi). Bpk bị đẩy tít vào trong, bị chèn ép bẹt gí, may mà người Nepal ít mùi lại không to con lắm, chứ như người Ấn độ thì chắc bpk lúc đó đã vật vã lăn đùng ra ngộ độc mùi luôn rồi (!). Chẳng ngại gì vì ngày xưa ở quê nhà cũng quen rồi, chỉ lo ngại về sự an toàn cho cái túi mà thôi nên cứ khư khư giữ lấy nó, mặc cho người tự do ngả nghiêng theo sự xô đẩy của đám đông chặt cứng người là người mỗi khi xe chạy nhanh, thắng gấp. Đến gần Bodhnath, bác tài dừng lại, tên lơ xe lôi mọi người đứng ngoài ra để bpk bước xuống, lúc đó trên xe mọi người xì xầm, bpk không hiểu nhưng đại loại là đi Bodhnath sao đi xe này vì hình như xe này còn đi đâu đó xa lắm, mà còn đứng ở trong không chịu ra sớm… bpk có biết đâu là đâu mà ra sớm để xuống xe hén? Chắc quần chúng trên xe cũng “tám” nhiều giống bà con quê mình rồi. Như vậy là đã có trải nghiệm đầu tiên về đi xe bus địa phương ở Kathmandu rồi, cũng vui. Lúc xuống xe, bpk còn hơi choáng váng nên đưa tờ 50Rp, bạn lơ xe chỉ đưa lại 32Rp, xem như mình tip cho bạn ấy 10Rp vậy. Dù sao bạn ấy cũng nhiệt tình giúp bpk, lúc còn ở trên xe, bạn ấy luôn yêu cầu mọi người nhường ghế cho (khách ngoại quốc!?) bpk nhưng bpk lại không tiện ngồi khi thấy chị kia lại đứng, nên cũng đứng với bà con cho vui vậy.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260623.jpg
Những người mộ đạo quỳ lạy.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260624.jpg
Trên những tấm ván đã mòn nhẵn vì thời gian và lòng thành kính

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260629.jpg
Bên ngoài, dòng người mộ đạo khác vẫn đều bước

Xuống xe ở 1 con đường đông đúc nhộn nhịp, bpk ngơ ngác nhìn quanh, chẳng thấy dấu hiệu nào của bảo tháp mà nghe nói rất to lớn. Chẳng lẽ ku tí lơ xe bịp mình?! Đi thêm vài bước, bpk tọt vào 1 cửa hàng bên đường hỏi thăm thì được chỉ là đi thẳng tiếp rồi rẽ trái. Chỉ bước thêm qua vài căn nhà nữa, bỗng dưng bpk thấy 1 con đường nằm ẩn sâu bên trong và nhìn thẳng vào bảo tháp nằm oai nghiêm. Khi bước chân vào bên trong, mọi ồn ào bức bối ngoài kia như biến mất, bpk ngỡ như mình vừa trở lại Tây Tạng huyền bí.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260600.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260602.jpg
Các tranh vẽ trên tường trong các ngôi chùa Tây tạng

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260604.jpg
Tượng nữ thần Tara trong chùa, bên dưới là hình Đức Dalai Latma 14

(tbc.)

backpackervn
17-07-2009, 15:17
(cont.)


Bảo tháp oai nghiêm nằm ngay giữa quảng trường. Về kiến trúc tổng thể, bảo tháp cũng giống như ở chùa Swayambhunath, với hàng bánh xe mani chạy vòng ôm theo phần đế bên dưới, tháp tròn bên trên, với 2 con mắt ở mỗi cạnh tháp vuông trên cao, con mắt thứ 3 ở giữa, trên cao là tháp 13 tầng… Chỉ khác là ở phần chân của tháp tròn, có nhiều khoảng trống cho những người dân mộ đạo đến quỳ lạy khấn vái, cũng như là nơi ngồi đọc kinh của các vị sư lẫn các chú tiểu. Trên cao, các cờ phướn Tây Tạng bay phần phật trong gió mùa thu, phía dưới đoàn người đỏ trong sắc áo cà sa Tây Tạng mải miết thành kính đi vòng quanh bảo tháp. Trong các hàng quán, bài tụng ca Om Mani Padme Hum trầm ấm cứ thủ thỉ rót vào lòng khách du những tiếng ru kinh kệ, mong làm nhẹ đi những nhọc nhằn của một kiếp người.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050139.jpg
Chùa Tây Tạng ở Bodhnath

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260615.jpg
Một bức tranh rất lạ trong một ngôi chùa Tây Tạng

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260626.jpg
Một bảo tháp nhỏ khác gần bên

Truyền thuyết cho rằng bảo tháp có chứa xá lợi của Đức Phật. Bpk không biết chắc, nhưng Phật là ở Tâm mà. Có xá lợi hay không người phàm mắt thịt như bpk sao biết được, chỉ biết là Phật ở muôn nơi, không chỉ ở những nơi có dấu tích của Người. Xung quanh bảo tháp chạy tròn những bánh xe cầu nguyện nhẵn bóng vì luôn được quay tròn bởi bàn tay thành khẩn của những tín đồ. Bên ngoài bảo tháp, bên trong bức tường, ở các tầng trên của bảo tháp… luôn có những Phật tử mộ đạo quỳ lạy liên tục theo kiểu vái lạy chân thành của người Tây Tạng, cách lạy mà tứ chi và trán của người lại đều tiếp đất. Họ chân thành quỳ lạy trên những tấm ván, tấm đệm mang theo, cũng đã nhẵn thín, chứng tỏ sự thành kính cũng đã trải qua thời gian, rất dài.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260617.jpg
Tranh trên tường trong chùa Tây Tạng, bạn nào đi Tây Tạng rồi chắc chắn nhận ra hình của ai trên tường

Xung quanh bảo tháp có rất nhiều chùa chiền Tây Tạng khác. Và cả những tu viện như Tsamchen Gompa, Tamang Gompa, Samtenling Gompa… nhưng phần lớn đều đóng cửa vào ban ngày. Còn các chùa chiền vẫn mở cửa cho khách vào khấn vái, cầu phúc, xin quẻ, cúng dường… Có cả 1 ngôi chùa rộng mở cho khách lên sân thượng trên tầng 3, ngắm hoàng hôn miễn phí thay vì phải sang các roof-top café.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050133.jpg
Chùa Tibet vàng rực rỡ trong nắng cuối ngày

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260611.jpg
Bên trong một ngôi chùa Tây Tạng

(tbc.)

backpackervn
17-07-2009, 15:27
(cont.)


Và đến Bodhnath, cũng không thể không kể đến những hàng quán vây tròn quanh bảo tháp, góp phần tạo nên 1 không khí rất “Tibet” nơi đây. Mở những bài nhạc Tibet hay tụng ca Om Mani Padme Hum, bày bán đầy những bức thangka đẹp rực rỡ, những bánh xe mani, lucky-bell, chày kim cương, trống cầu nguyện, chén và chày Tây Tạng, tranh tượng về Lasha, Potala, chùa Jokhang… với những người bán trong trang phục và cả gương mặt không thể lẫn vào đâu của người Tạng… những hàng quán này đã góp phần làm nên một Bodhnath rất “Tây Tạng”.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050126.jpg
Hàng quán Tây Tạng quanh bảo tháp

Chiều muộn là thời gian tốt nhất trong ngày để viếng Bodhnath, khi những đoàn khách đi theo tour ồn ào ầm ĩ nhốn nháo đã lên xe về phố, trả lại Bodhnath yên bình cho người Tây Tạng, cho những người mộ đạo. Giờ, chỉ còn những đoàn người mộ đạo, cả tu sĩ lẫn khách hành hương lẫn những người dân lành ghé ngang khấn vái trước khi về nhà hoặc cả khách giang hồ bụi bặm… đi vòng quanh bảo tháp trong tiếng Om Mani Padme Hum vang vang trong không gian, tiếng chuông chùa trầm bỗng,… khi bóng hoàng hôn đổ xuống bảo tháp vàng óng trong chiều. Bpk cứ ngỡ như hôm nào đang ở Jokhang, cùng đoàn người đi quanh chùa, trong phố Bakhor.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050124.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050123.jpg
Ngày muộn ở bảo tháp – chiều đã mây vần vũ

Chiều đã xuống thật sâu. Bảo tháp giờ yên bình hơn vì phần lớn du khách đã ngược về phố thị. Bpk không lên café roof-top ngắm trời chiều, chỉ leo lên chân bảo tháp bó gối tư lự trong hoàng hôn. Những buổi hoàng hôn ở Bodhnath là hoàng hôn không rượu chè bia bọt nhưng cảm giác cứ lâng lâng thật lạ. Một mình, dưới bóng chiều muộn hiu hắt vàng, bảo tháp trắng ngất ngây, những ngôi chùa, tu viện Tây tạng chung quanh bảo tháp có mái lấp lánh ánh kim càng lúc càng rực rỡ khi chiều xuống. Bên dưới, dòng người mộ đạo vẫn chậm rãi bước, mải mê bước, từng bước, từng bước… như họ vẫn âm thầm nhẫn nại bước, từ ngàn đời.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050137.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB050138.jpg
Dòng người mộ đạo thành kính, vừa đi vừa lần tràng hạt hay quay bánh xe cầu nguyện


Bpk đến Bodhnath 2 lần, lần đầu khi vừa đến Kathmandu, lần thứ 2 là sau khi viếng đền Hindu Pashupatinath trở về. Lần nào bpk cũng ở đến chiều rất muộn mới về, nhưng cảm giác của 2 lần đến Bodhnath rất khác. Lần đầu là niềm vui hân hoan được viếng 1 di tích Unesco, gặp lại một Tây Tạng mến yêu ở ngoài Tây Tạng.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260621.jpg
Hoàng hôn ở Bodhnath

Lần sau, là khi bpk quay về từ Pashupatinath, sau gần cả buổi ngồi bên bờ dòng sông thiêng Bagmati nhìn lễ hỏa táng của người Hindu bên kia sông. Đầu óc cứ quẩn quanh bởi sự mong manh của phận người, vướng víu hình ảnh những thân xác cháy tàn trong lửa khói, những đám khói chẳng biết có mang theo hồn phách không mà sao vẫn luyến tiếc quẩn quanh mờ bên sông, những tàn tro còn lại của kiếp người bập bềnh trên sông nước trôi về đâu… khi trở về Bodhnath, lặng lẽ hòa mình trong dòng người đi vòng quanh bảo tháp cầu nguyện bpk cảm thấy lòng nhẹ hơn rất nhiều. Ngồi, thinh lặng trong bóng chiều đã nhập nhòa, trong tiếng gió đêm phần phật đùa với hàng cờ phướn trên cao, tiếng kinh kệ ngân nga, bài tụng ca văng vẳng đâu đó… bpk chợt thấy thật an bình, ấm áp, dù đang lang thang đơn độc xa quê nhà hàng ngàn cây số.




Để khi đêm chùng sâu, bpk lại thong thả về Kathmandu, luôn nhớ về một đêm thu xanh lãng đãng, với tiếng chuông chùa, bàng bạc, xa vắng, trôi….

crudeoil
19-07-2009, 10:40
Cách hành văn của backpackervn thật là cuốn hút và nhiều cảm xúc, hình ảnh minh họa thật sống động và đầy màu sắc. Không thể tốt hơn được nữa, tiếp tục nhé bác !

backpackervn
21-07-2009, 10:18
@ Crudeoil, hix! bạn quá khen rồi! ANW, thanks!
.................................................. .................................................

Các bạn thấy Kathmandu thế nào? Cũng đền đài giông giống nhau, cũng những phố phường na ná, bầu trời thu ngày nào cũng xanh xanh như nhau… phải không? Bpk chỉ sợ, cứ vòng đi vòng lại nhiêu đó làm bạn phát chán, mai mốt không còn ham muốn đi Kathmandu nữa thì mình lại có tội (!). Còn bpk thì lúc nào cũng nhớ quắt quay nơi này, mãi mong có ngày được trở lại những ngày biếng lười hạnh phúc nơi đây!!!

Hôm nay, mình sẽ cùng đi thăm một trong những ngôi đền cổ xưa nhất Nepal nhé, Changu Narayan.

Changu Narayan chỉ là một ngôi đền nhỏ, nằm lọt trong 1 xóm cũng nho nhỏ, không phải là một quần thể các kiến trúc đền đài hoành tráng như Durbar Square ở Kathmandu hoặc Bhaktapur. Nhưng với nét đặc sắc riêng của mình, thêm vào giá trị thời gian, Changu Narayan cũng là 1 trong 7 di sản văn hóa Unesco – được nhắc đến rất nhiều trong guidebook cũng như của người dân Nepal trong những ngày bpk thơ thẩn ở Kathmandu. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến thăm di sản văn hóa thế giới đó!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030648.jpg
Hụt một cái đám cưới trên đường quê Nepal (đang ngồi xe bus).


Đến Changu Narayan, có nhiều cách. Nếu đi từ Kathmandu, bạn phải đến Bhaktapur, rồi từ đó mới đi bộ, hoặc đi xe thêm 6km nữa để đến đó. Nếu bạn đi xe bus địa phương từ bến xe Ratna Park, Kathmandu xe sẽ dừng lại tại cổng đông thành Bhaktapur, như bpk có đề cập trước đây. Đến đó bạn cứ đi thẳng tiếp, gặp một ngã 3. Nếu bạn rẽ phải khoảng 20m, sẽ gặp bến xe đi Nargakot, đối diện 1 cái chợ nhỏ. Còn rẽ trái, đi thêm khoảng 200-300m, bạn cũng sẽ gặp một ngã 3 khác, nơi có nhiều người dân đang tụ tập. Hãy tham gia chờ xe cùng họ, bạn sẽ được lên chuyến xe đi Changu Narayan. Quãng đường chỉ khoảng 6km, bạn có thể đi bộ đến nơi và về. Có nhiều khách du lại đến Changu Narayan bằng cách trekking từ Nagarkot, xuôi xuống từ view-point của Nagarkot. Bpk hôm ở Nagarkot đã xuôi ngược từ Nagarkot lên xuống view-point 4 lần, tự xem là cũng đã “trekking” rồi nên chẳng mặn mà lắm với phương án đi trekking một mình từ Nagarkot xuôi về đây. Do vậy, bpk nhảy xe bus đến Bhaktapur, phần trekking tính sau. Hôm đó, đến Bhaktapur, cũng hơi trưa trưa và nắng nóng, mà đường đến Changu Narayan thì lên dốc nên bpk đã nhanh chóng ra quyết định, đi lên bằng xe để đến nơi sớm, mát mẻ khỏe khoắn còn nhiệt tình đi chơi. Còn lúc về, trời chiều mát mẻ, sẽ tàng tàng thả dốc lê thân về phố cũng được. Rồi bpk đã thực hiện như vậy, nhất là lúc đi lên, thấy con đường và cảnh vật 2 bên đẹp quá nên càng quyết tâm hơn cho chuyến đi bộ 6km xuống núi trở về.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030716.jpg
Thợ cần mẫn làm việc, mặc kệ khách ngó nghiêng làm gì thì làm

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030725.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030651.jpg
Những gallery đơn sơ và ngô xào xạc trên cao

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030654.jpg
Cỏ mọc trên mái cứ tưởng nhà lợp tranh


(tbc.)

backpackervn
21-07-2009, 16:15
(cont.)

Nằm trên ngọn đồi ở phía đông Kathmandu, ngôi đền cổ này được xây dựng lần đầu vào TK IV. Vào thế kỷ XVIII, ngôi đền được xây dựng lại, chính xác là vào năm 1702, sau 1 trận hỏa hoạn. Tuy nhiên, những tượng đá trong đền được các nhà nghiên cứu cho biết là có niên đại từ TK thứ VI đến TK IX. Ngôi đền này lại ít nằm trong các tour du lịch mà chỉ có dân địa phương hoặc khách lẻ ghé thăm. Những ngày ở Nagarkot hay Bhaktapur, những người dân địa phương luôn hỏi là bpk đã đến viếng đền Narayan chưa làm bpk luôn tò mò về nơi này, nên đã lần mò tìm đến và vô cùng yêu thích ngôi đền nhỏ, trong xóm nhỏ, nơi thời gian như chậm trôi.


Bạn có hình dung, xóm chỉ có 1 con đường duy nhất từ cổng bán vé dẫn ngay vào đến cổng đền. Rẽ ngang rẽ dọc là xuống ngay các bậc thang để xuống dốc vì xóm và đền nằm ngay trên đỉnh đồi. Con đường đó, cũng là con đường nghệ thuật với các hàng quán bán đồ lưu niệm mộc mạc, và cả những quán ăn hết sức đơn sơ nhưng chân tình đong đầy. Khó kiếm được nơi nào đã trở thành điểm du lịch, có trong di sản Unesco mà người dân còn mộc mạc dễ thương đến vậy.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030660.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030658.jpg
Đền Changu Narayan trong nắng trưa

Bpk đến Changu Narayan vào 1 trưa nắng. Con đường từ Bhaktapur lên đây dốc và bé, chạy ngoằn ngoèo qua các cánh đồng bậc thang sau mùa gặt đang được làm cỏ thật sạch chuẩn bị cho 1 vụ mùa mới. Ì ạch mãi lên dốc, chiếc xe cuối cùng cũng dừng lại dưới bóng cây cổ thụ xanh um, ngay trước con đường dẫn vào xóm nhỏ, nơi ngôi đền Changu Narayan đã nhẫn nại đứng từ ngàn năm trước.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030667.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030668.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030664.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030661.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030679.jpg
Các bức tượng có niên đại từ TK VI chung quanh ngôi đền

(tbc.)

backpackervn
22-07-2009, 09:42
(cont.)

Changu Narayna hiền hòa, xưa cũ và cổ kính. Theo sử sách, đền được xây dựng vào năm 323 Công Nguyên, dưới triều vua Hari Datta Verma và những dòng chữ chạm khắc quanh đền được xác thực là của đức vua Lichhavi King Mandeva vào năm 464 Công Nguyên. Chưa nói đến ngôi đền, làng cổ quanh đền vẫn giữ được nếp xưa. Như đã nói, chỉ có 1 con đường gạch nhỏ dẫn đến đỉnh đồi, nơi ngôi đền tọa lạc. Con đường chạy giữa những ngôi nhà cũ, chẳng có sửa sang gì dù giờ đây tầng trệt đã là các “gallery” trưng bày và bày bán các tác phẩm của các nghệ nhân Nepal. Mộc mạc làm sao khi bên trên những bức tranh nhiều màu sắc, các thangka rực rỡ… là những túm ngô khô cứ xào xạc thì thầm khi những cơn gió nghịch ngợm ẩn núp từ đâu lâu lâu chạy ào về trong đường vắng. Đi lên con đường dốc, nhìn xuống, bạn còn thấy những mái nhà bên dưới đầy những cỏ khô vàng xơ xác. Cỏ trên mái dày đến mức thoảng nhìn không kỹ bạn sẽ tưởng mái nhà lợp tranh. Chắc những mái nhà này vào mùa mưa sẽ xanh rì cây cỏ chứ không buồn bã ủ rũ như ở những ngày nắng mùa khô này. Chủ nhân các gallery cứ im lặng ngồi làm việc, khách ghé ngó nghiêng thì cũng chỉ mỉm cười chào Namaste chứ cũng không đứng lên chèo kéo.

Đường làng trưa vắng tênh, quán nhà ai đó đang mở bài tụng ca Om Mani Padme Hum nghe thấy “feel” làm sao trong một trưa nắng thu xanh ngất ngây ở Changu Narayan. Thời gian như trôi rất chậm nơi đây, mọi thứ dường như ngưng đọng, chỉ có những lá cờ phướn nhiều màu, bay bay... trong gió thu.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030673.jpg
Tượng thần Vishnu đang cỡi chim thần Garuda, có từ TK VII


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030694.jpg
Tượng thần Garuda quỳ trước cổng đền có niên đại từ rất xưa, từ năm 464 Công Nguyên


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030680.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030670.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030671.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030676.jpg
Điêu khắc tinh xảo ở các thanh giằng của ngôi đền, kể lại các câu chuyện gì mình chẳng biết (!?) Bạn nào có biết giải thích giúp nhé!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030666.jpg
Một ngôi đền nhỏ khác kế bên đền Changu, đền Kileshwor, cũng 2 mái đơn sơ



(tbc.)

backpackervn
22-07-2009, 10:02
(cont.)



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030695.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030682.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030662.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030674.jpg
Các linh thần sư tử, voi, chim… ở trước các cửa đền

Đền xưa Changu Narayan chỉ có 2 mái, thờ thần Narayan (1 hóa thân của thần Vishnu) có kiến trúc sắc sảo của các bức tượng đá, của ngôi đền, các thanh giằng… mô tả các câu chuyện liên quan đến đạo giáo. Trước đền, còn có cả tượng thần chim Garuda đang quỳ và bàn tay với tư thế chào Namaste, có niên đại đâu từ TK V (Như vậy cách chào của người Nepal dường như không thay đổi sau 15 thế kỷ - và còn có thể lâu hơn thế!!!).


Đối diện với tượng thần Garuda đang quỳ này có trụ đá có khắc những chữ Phạn (Sanskrit)cổ xưa nhất của thung lũng Kathmandu, từ những năm 464 của đức vua Lichhavi King Mandeva khuyên mẫu thân của mình không hỏa thiêu sau sự băng hà của đức phụ hoàng. Ở 1 góc khác của đền, có tượng thần Vishnu đang cỡi trên chim thần Garuda, mà biểu tượng này hiện có trong tờ tiền giấy 10Rp của Nepal. Trước các cửa khác chung quanh đền đều có các đôi sư tử đá, voi đá, chim thần… oai phong đứng bảo vệ. Trong sân quanh đền, còn có rất nhiều các tượng nằm rải rác, chủ yếu là các hóa thân khác nhau của thần Vishnu. Trong sân cũng có cả tượng vua Bhupatindra Malla và hoàng hậu đang quỳ khấn nguyện trước đền (nhưng tượng vàng này bị đóng lại trong cũi sắt để bảo vệ nên không chụp hình).


Nói chung là những bạn nào yêu thích sự cổ xưa và những giá trị truyền thống sẽ choáng ngợp và dành nhiều thời gian hơn nữa cho ngôi đền nhỏ Changu Narayan này, chứ không như kẻ “khờ khạo lắm, ngây ngô lắm” bpk!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030702.jpg
Các mảnh vỡ của ngôi đền, các trụ đá, tượng đá, thanh giằng... đang được phục chế

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030709.jpg
Chú nhóc Nepali dễ thương và hồn hậu. Ngồi “tám” với bpk đủ thứ, để “practice English”!!! Chẳng biết ai phải cần “practice nữa đây?!!!

(tbc.)

backpackervn
23-07-2009, 12:50
(cont.)


Đền trưa vắng, khách du lịch ít, chỉ có những người mộ đạo thành kính khấn vái trong đền hoặc trước các tượng thần linh. Nằm ngay trên đỉnh đồi không có cây cối nên ở đây rất nắng. Du khách không được vào bên trong nếu không phải là tín đồ Hindu giáo. Do vậy bpk cứ tỉ mẩn đi lòng vòng xung quanh đền ngắm nghía, quan sát dân chúng thành kính cúng bái. Chịu không nổi nắng thì lại chui tọt vào cổng thành ngồi, ngồi thấy mát mát lại chui ra. Chui ra chui vào mấy lượt như vậy mà cũng đã xế xế chiều. Lên đường thôi! Vẫy tay chào đền Changu Nayaran, bpk lon ton xuống phố kiếm cái bỏ bụng trước khi rời hẳn Changu Narayan.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030712.jpg
Khẩu phần 3 bữa nay cho vào 1 bữa. Giá rẻ bất ngờ, 60Rp # 12.000 VND (sách để so sánh, không phải để khoe!)

Không vào các hàng quán xanh đỏ, bpk chui vào 1 cái quán xập xệ bên đường, sử dụng tuyệt chiêu Nhất Dương Chỉ chỉ vào 4 thứ, mì, trứng, rau và chảo dầu. Thế là món mì xào được chuẩn bị. Quán nhỏ và 2 vợ chồng chủ quán, cùng đứa con rất dễ thương. Cả cái quán chỉ có 1 cái ổ cắm điện duy nhất cho cái đèn đang thắp trong nhà, bpk đâu có biết, tranh thủ đưa cái sạc pin nhờ sạc giùm trong lúc chờ bữa. Thế là 2 vợ chồng kêu thằng con rút ngay cái đồ cắm, đang cắm điện cho cái đèn thắp sáng trong nhà, cắm ngay cái đồ sạc của bpk vào. Bkp í ới phản đối vì thấy kỳ quá, nhưng họ đều “nói” là không sao không sao và không cho bpk lấy cái đồ sạc ra. 2 vợ chồng cứ cặm cụi nấu nướng trong cái bếp tù mù, còn bpk ngồi ngoài đường, lòng ân hận không nguôi (!), nhưng cũng chẳng biết làm gì. Sau 15p chờ đợi, cuối cùng, dĩa mì xào cũng được dọn ra, trời ơi, nó bự chà pá luôn. Nói thật, dĩa này ở quê nhà là bpk phải chia làm 3-4 bữa nhưng nguyên tắc của bpk là không được (hoặc hạn chế hết mức việc) chừa đồ ăn nên cố gắng ngồi ăn cho hết. May quá, cuối cùng cũng xong nhưng no quá không đi nổi, phải ngồi lại thở dốc một hồi, nghỉ ngơi thêm tý nữa rồi mới vác xác lên đường. Cũng may, trời lại dịu dịu chút khi bpk ra đường.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030714.jpg
Trong xóm nhỏ, bên dưới ngôi đền

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030713.jpg
Đi lang thang làm bạn với mấy chú này

Xuống mấy bậc thang, đi vài đoạn, rồi lại xuống mấy bậc thang bpk đi vào trong làng. Những ngôi nhà gạch trong làng cũng mái đầy cỏ khô tưởng như phơi cỏ trên đó. Bắp vẫn treo túm tụm đầy bên vách nhà. Đường làng thì đầy các chú gà vịt heo bò dê và cả sản phẩm của chúng nữa (!). Cũng những khoảnh sân lúa vàng, ngôi nhà nhiều bắp,… rất đặc trưng của làng quê Nepal. Nhưng cũng do “đặc trưng Nepal” như các làng khác nên bpk chia tay làng sớm, lên đường cuốc bộ 6km từ đây xuống Bhaktapur.


Con đường từ Changu Nayaran xuống Bhaktapur đẹp lạ. Trên những cánh đồng bậc thang, người dân mê mải làm lụng cày bừa. Một điểm là lạ là nông dân ở đây làm cỏ luôn cái bờ ruộng và xén lại cái bờ thật phẳng nên nhìn cánh đồng cứ là sáng bóng màu nâu đồng. Trên những nương đồi, người nông dân Nepal đã chuẩn bị các đống phân chuồng để chuẩn bị cày bừa vào trong đất, nhìn từ xa lại rất hay, trong như những điểm hoa văn cho bức tranh đồng quê thêm sinh động. Thêm nữa, rất nên thơ, những đốm saree đỏ rực của các cô gái Nepal trên đồng trưa nắng, bổ sung thêm hoa văn đỏ điểm xuyết cho bức tranh đồng quê thêm mặn mà. Thi thoảng, con đường lại ngang qua những đồng cải vàng chạy miên man, vàng rực rỡ, rồi những thôn xóm quê yên bình, rồi những vách núi bóng râm đổ xuống mát lạnh con đường. Người dân ở đây cũng rất dễ thương và nồng hậu, vui vẻ chỉ đường mỗi khi bpk “cố tình” đi lạc vào các con đường khác mỗi khi muốn lang thang vào hẻm ngang ngõ tắt và cả những lúc đi lạc thật sự nữa (!).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030754.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030736.jpg
Cánh đồng điểm xuyết hoa nâu bên dưới xa, phân gio đôi khi làm vật trang trí cũng đẹp (!?).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030737.jpg
Ven núi, những nương cải pha màu như tranh

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030739.jpg
Nương tam giác mạch khoe sắc với nương cải


(tbc.)

backpackervn
23-07-2009, 12:56
(cont.)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030752.jpg
Rồi đến những vườn cải vàng ngất ngây

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030730.jpg
Đu quay ở trường học đầu xóm bay tít cao

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030755.jpg
Con đường be bé bên tay phải, bpk đi lang thang trên đó đó.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030762.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030763.jpg
Cánh đồng có bờ được vạt sạch cứ sáng choang

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB030765.jpg
Hỡi người áo đỏ trên nương
Làm ai cứ mãi vấn vương trên đường. Hix! Cóc nhảy ra kìa pà-kon ơi!!!


Miên man đi mãi trên đường quê tươi đẹp lòng rộn ràng niềm vui, quên đi cái nắng quai quái xế chiều. Cứ lon ton đi, ngắm, nghía, ngó, chụp… Để đến khi thấy bụi đất tung bay đầy trời mới biết mình đã về đến phố thị, mới biết mình vừa chia tay đồng quê, chia tay Changu Narayan cổ xưa và hồn hậu!!!

Chào nhé Changu Narayan!

BM
23-07-2009, 13:00
Ngưỡng mộ bạn quá! Nepal là điểm đến mà trong hành trình Tibet của mình đã từng tính đến nhưng lại thôi. Bài viết của bạn đã đánh thức ước mơ Nepal của mình. Tiếp tục chia xẻ Nepal nhé! Chúc vui!

backpackervn
25-07-2009, 12:53
@ bigminh, rất vui khi đã "đánh thức" được giấc mơ Nepal của bạn. Chúc giấc mơ đó sớm thành hiện thực!
.................................................. .................................................. ..

Chúng ta vừa đi thăm Changu Narayan về. Ngôi đền xưa đó là điểm yêu thích của rất nhiều người, nhưng cũng có thể sẽ làm vài người khác hơi buồn chán vì sự khiêm tốn và bé nhỏ của nó. Có thể vì nơi đây chỉ có 1 ngôi đền, có tham quan kỹ, có hướng dẫn chi tiết đến đâu thì cũng chỉ mất vài mươi phút là hết… nên các tour du lịch thường ít đưa khách đến đây mà thường chọn những nơi “hoành tráng” khác, có nhiều điểm tham quan, nhiều đền đài… như các quảng trường Durbar chẳng hạn, nên Changu Narayan thường rất vắng khách. Qua những tấm hình trên, bạn cũng thấy đường phố chính vắng tanh, trong đền cũng vậy nữa – nhưng đó chính là lý do bpk thích. Như vậy cũng hơi ích kỷ khi lôi kéo các bạn tới chỗ “hoang vắng” đó hén. Đền bù lại, bpk sẽ làm guide cùng các bạn đến một điểm đến hoành tráng khác nghen. Không nói các bạn cũng biết ngay đó là các quảng trường Durbar phải không? Ngoài Durbar Square ở Kathmandu thì dường như Durbar Square ở Patan là điểm đến thứ 2 khi du khách ghé thăm Kathmandu. Quảng trường Durbar ở Patan còn được nhiều người cho là hoành tráng và cuốn hút hơn cả quảng trường ở Kathmandu. Vậy, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đến Patan để xem thử sẽ bỏ phiếu bầu chọn cho nơi nào nhé.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290201.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290200.jpg
Hoa trong những ngày lễ hội Tihar, ở Patan

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290209.jpg
Cho cuộc sống thêm sắc màu

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290232.jpg
Mấy anh trai bán trầu ở Patan này sao cạnh tranh nổi mấy em bán trầu tươi mát ở Taiwan hén?

Có nhiều tên gọi khác nhau như “Thành phố của cái đẹp” (Laltipur - theo Phạn ngữ), Yala - theo người Newari… “Thành phố Nghệ thuật” là 1 cái tên gần đây được người dân Patan yêu thích khi nói về thành phố thân yêu của mình. Là thành phố lớn thứ 2 của thung lũng Kathmandu, Patan tách biệt với thủ phủ Kathmandu bởi dòng sông thiêng Bagmati và chỉ cách khu trung tâm du lịch bụi Thamel khoảng 5km. Bạn có thể đến đây bằng taxi, bus hoặc safa tempos, 1 loại xe giống như xem lam ở miền nam VN ngày xưa, nhưng chạy bằng điện, để giảm ô nhiễm, như mong muốn của các tổ chức quốc tế hiện rất quan tâm đến môi trường quá ô nhiễm khói bụi nơi đây, đã tài trợ cho Kathmandu. Bpk hôm đó lên Ratna Park, tính đi bằng bus vì chẳng biết bến của safa tempos nằm ở đâu nhưng khi hỏi tuyến xe bus để đi, quần chúng nhân dân Nepal đã nhiệt tình đứng chờ cùng bpk và chặn ngay 1 chiếc safa tempos (hình như số 8 thì phải) và đẩy bpk lên đó. Thế là bpk được đi bằng safa tempos đến Patan, lúc về cũng vậy. Giá chỉ 8Rp (đắt hơn trong LP đến những 1Rp!!!!), mà xe dừng ngay trước cổng Durbar Square của Patan nữa chứ. Sau này bpk mới biết, nếu đi bus, từ bến xe bus ở Patan đi bộ đến Durbar Square phải mất thêm khoảng 15p. Vậy là nhờ sự mến yêu của các bạn ở Ratna Park, bpk vừa tiết kiệm tiền, vừa khỏi phải đi bộ trong nắng nóng, dành sức để ăn chơi!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290061.jpg
Durbar Square Patan chào đón quý khách trong ngày vui năm mới của người Newari

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290202.jpg
Chứng nhận di sản văn hóa Unesco của Patan đây nhé.


(tbc.)

backpackervn
25-07-2009, 13:00
(cont.)

Patan có truyền thống Phật giáo từ rất lâu. Người ta cho rằng 4 tòa bảo tháp ở 4 góc của thành là do vị Đại đế người Ấn độ, nổi tiếng mộ đạo, Ashoka xây dựng nên vào những năm 250 trước công nguyên. Trong thành, người ta tìm thấy những dòng chữ nói về việc này được chạm khắc trên đá ở những đền đài dinh thự, được cho là có từ thế kỷ thứ V. Trước kia, nơi này nằm trong quyền kiểm soát và cai trị của các lãnh chúa địa phương cho đến cuộc chinh phục của đức vua Shiva Malla đến từ Kathmandu vào năm 1597, lúc vương triều Malla đã lần đầu hợp nhất các vùng đất của thung lũng Kathmandu. Các đền đài, dinh thự của Patan đã được xây dựng trong thời hoàng kim của vương triều Malla bắt đầu từ đây cho đến thế kỷ XVIII.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290212.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290063.jpg
Thần Hanuman đang bị các chú chim “đè đầu, cỡi cổ”!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290064.jpg
Quảng trường Durbar đông vui ngày hội, hay ngày nào cũng đông?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290070.jpg
Ngôi đền thờ thần Krishna thứ 2, bên trong quảng trường


Dù có nhiều ngôi đền đẹp khác nằm rải rác trong vùng, trái tim của Patan chính là quảng trường Durbar, nằm ngay trước cung điện hoàng gia. Ngay từ cổng ra vào, đã có rất nhiều phù điêu, tượng đá nằm dọc bên đường, nào là thần Hanuman, nào là thần Ganesha,… Vui vui là các linh thần lừng danh này cứ bị các chú chim bồ câu đè đầu cỡi cổ. Ngay bên trái cổng ra vào là ngôi đền bằng đá, được xây dựng vào năm 1723, thờ vị thần Krishna, đặc biệt với kiến trúc bát giác nên rất lạ so với những kiến trúc gỗ cổ xưa khác của Nepal. Trước ngôi đền này, có đôi sư tử đá oai nghiêm đứng “bảo vệ” cho ngôi đền. Điều lạ khác nữa là trong quảng trường, lại có 1 ngôi đền thờ thần Krishna khác cũng làm bằng đá xám. Cả 2 ngôi đền thờ thần Krishna này đã làm quảng trường Patan thêm đa dạng so với các quảng trường khác.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290080.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290077.jpg
Roof-top café ở quảng trường Durbar

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290083.jpg
Gallery đường phố ở Patan

(tbc.)

Nambyus
25-07-2009, 22:50
Với nền văn hóa đa dạng nhiều màu sắc như vầy, chắc Nepal còn vô khối chuyện đời thường chưa khám phá hết được!

backpackervn
27-07-2009, 12:05
@ Nambyus, Nepal là một đất nước nhỏ, nằm giữa 2 cái nôi văn hóa thế giới là Trung Hoa và Ấn Độ nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa rất riêng của mình... bạn hãy đến và khám phá nhé.
.................................................. .................................................. ..

(cont.)

Đi tiếp trong quảng trường, cơ man nào là những đền đài và tượng. Nào là tượng đức vua Yoganarendra Malla đứng trước ngôi đền Narsingha, tượng thần Garuda quỳ gối trước ngôi đền Krishna, các ngôi đền cứ nối tiếp nhau, soi bóng nhau, che chở nhau trong một quảng trường Durbar vui tưng bừng trong ngày lễ đầu năm mới.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290068.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290067.jpg
Tượng đức vua Yoganarendra trước ngôi đền Narsingha

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290072.jpg
Tượng thần Garuda trước ngôi đền Krishna

Đến Patan vào một sáng sớm mùa thu ngày lễ. Đường New Road ở Kathmandu lúc nào cũng chen chúc người mà sáng nay vắng thênh thang, thế nhưng đến Patan thì đã thấy đông đen du khách và đặc biệt là du khách người địa phương cũng rất nhiều. Có 1 vài ngôi đền cho phép người ngoại đạo vào, thế là bpk cũng rón rén lần mò vào xem người dân thành kính khấn vái. Bpk cũng khấn vái, cũng cầu mong bình yên cho gia đình và cầu cho mình chân cứng đá mềm trên bước đường lang thang và cả đường đời nhiều chông gai (hix, super-sến)!!!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290205.jpg
Đền thờ thần Krishna với kiến trúc bát giác rất lạ

Sau khi quanh quẩn ở khu trung tâm, bpk quyết định là sẽ đi thẳng theo hướng Bắc, với mong muốn là đi tìm và viếng một trong những stupa của đức vua Ashoka, rồi sẽ quay lại viếng các đền đài còn lại trong Patan Durbar Square sau. Và cung đường ít khách du lịch này đã đưa bpk đến 1 ngoại ô Patan thật thú vị.

(tbc.)

backpackervn
27-07-2009, 12:07
(cont.)

Từ cổng chính của Burbar Square, nơi mà có ngôi đền Krishna bên tay trái, bạn cứ đi thẳng theo 1 con đường, cứ đi mãi, bạn sẽ thấy 1 ngã 3. Rẽ phải đi 1 đoạn, bạn sẽ thấy 1 stupa trắng toát nằm bên tay trái. Đó chính là Northen Stupa của quốc vương Ấn độ Ashoka từ những năm 250 BC. Chẳng biết sao, nhưng trong thấy mới quá hay cái stupa cũ đã được xây lại. Chẳng biết nữa và cũng chẳng biết hỏi ai vì stupa được rào kín mít xung quanh nên chẳng thấy bạn guide hay bạn “tóc vàng hoe” nào lảng vảng chung quanh để mà hỏi. Bpk cũng đi lòng vòng 2 – 3 vòng ngắm nghía, thấy cũng giống giống bảo tháp ở Bodhnath (!?) nên đi tiếp. Đang bị con đường làng phía trước và cụm đền đài xa xa cuốn hút.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290093.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290091.jpg
Bảo tháp của quốc vương Ashoka

Bpk đi tiếp, men theo con đường làng và định hướng theo 1 cụm các ngôi đền nhô lên từ phía bên trái từ phía xa xa. Lại đến 1 ngã 3 nữa, ngay ngã 3 này có 1 ngôi đền nhỏ nép dưới bóng cây cổ thụ um tùm, rẽ phải tiếp, đi theo con đường bờ ruộng, và bpk lọt vào 1 cụm các đền đài nằm chung trong 1 xóm nhỏ. Nổi bật giữa các đền đài đó là 1 ngôi đền rất đẹp bằng đá nằm trong 1 khoảng sân vuông vắn, bao quanh bởi các dãy nhà giống như là tường thành và rất vắng vẻ. Chung quanh ngôi đền này có rất nhiều những tượng đá của các vị thần, các linh vật… và chỉ có 1 mình bpk trong sân, chẳng có cả 1 người dân địa phương. Ở 1 góc nhỏ của khoảng sân, có 1 lối đi nhỏ dẫn sang 1 khoảng sân khác, với đền đài, nhỏ hơn, ở giữa, rồi lại có 1 lối đi nhỏ nữa sang 1 khoảng sân khác… cứ lần mò như vậy, bpk lọt ra ngoài bờ sông!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290097.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290095.jpg
Ngôi đền nằm lọt trong khoảng sân, là “kim chỉ nam” đã khiến bpk lò dò đến đây.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290098.jpg
Các ngôi đền nhỏ khác trong các vuông sân nhỏ khác

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290105.jpg
Rồi lọt ra bờ sông với những ngôi đền Hindu nhưng có mái “củ hành”

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290114.jpg
Đây, dòng sông thiêng Bagmati, khúc này thấy bé tí và đen thui


(tbc.)

Anh Già
27-07-2009, 22:54
Tớ rất thích cách viết chi tiếp và hấp dẫn của bạn backpacrkervn, chắc sẽ phải cố học theo, dưng mà khó phết :D

backpackervn
28-07-2009, 12:16
@ Anh Già, cám ơn bác đã quá lời. Thôi thì nhân tiện “mời” bác và cả nhà chai bia truyền thống của Nepal, 1 trong những “bạn đồng hành” thắm thiết của bpk trong những ngày Nepal.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020276.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB020277.jpg
“Nepal’s Original Beer. Since 1972” luôn đó!

.................................................. .................................................. ....
(cont.)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290108.jpg
Các em bé Nepal ở ngoại ô Patan, vui vẻ đứng sắp hàng cho bpk chụp hình dù trời đang rất nắng

Lúc đầu bpk cũng chẳng biết đây là sông gì vì khu vực bpk đang lang thang này hoàn toàn không có trên bản đồ của LP. Có điều, nơi này có nhiều đền đài hoang phế chạy dọc bờ sông nên bpk cũng tò mò xuôi theo sông ngắm nghía. Bên bờ sông cũng có nhiều bệ đá, thấy là lạ nhưng bpk cũng chẳng biết để làm gì. Chỉ cảm thấy thích thích khi lạc vào nơi xa lạ này thôi… Đi được 1 đoạn, gặp các em bé và các thanh niên trong xóm. Chụp vài tấm hình cho các bé xong, bpk xuôi tiếp bờ sông thì gặp lại các thanh niên lúc nãy. Các bạn kêu bpk đứng lại, chỉ cho bpk các linga trong các ngôi đền nhỏ để giới thiệu và chụp hình, sau đó đứng nói chuyện. Trong nhóm có 1 bạn lái taxi ở Kathmandu nên nói tiếng Anh tốt. Tám một hồi thấy có mấy tên thanh niên khác tới thì thà thì thụt gì đó, rồi nhìn bpk. Bpk thấy có vẻ không tiện nên đứng lên thì bạn tài xế nhiệt tình kéo tay bpk và nói “Marijuana đó, chơi cho vui!”. Má ơi, vụ gì chứ cần sa là em chào thua, nhất là em đang đi lang thang 1 mình nữa! Bpk từ chối và chào các bạn đó để lên đường. Sau này, bpk còn được mời dùng thử thứ đó vài lần nữa, nhưng “em chã”!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290112.jpg
Các ghat, mà lúc đầu chẳng biết

Cũng nhờ nói chuyện với các thanh niên đó mới biết đây là dòng sông thiêng Bagmati. Nhưng sao sông ở đây bé tẹo và đen thui, giống kênh Nhiêu Lộc quá nên bpk không ấn tượng gì hết. Kế tiếp, các thanh niên đó chỉ cho bpk các bệ đá lúc nãy bpk thấy nằm dọc bờ sông chính là các ghat, nơi để hỏa thiêu người chết. Lúc đó, chỉ thấy các ghat* trống trơn, sông đen thui nên bpk nghĩ rằng có lẽ tục lệ hỏa thiêu giờ đã bãi bỏ ở Nepal giống như tục lệ điểu táng ở Tibet… ai ngờ, sau này đến Pashupatinath mới được mở mắt.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290116.jpg
Hình ảnh các em bé quê chơi đùa với các vỏ xe này, bpk gặp từ Tây Bắc, đến Lào,… giờ ở Nepal

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290117.jpg
Còn bé này giỏi ghê, cái bình nước to hơn bé rồi

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290119.jpg
Ánh mắt Nepal yêu kiều bên khung của sổ! (Em còn bé lắm chú ơi....!!!!)

Kể lể dài dòng đoạn trên chỉ là để chia sẻ những feeling rất feeling khi lang thang một mình. Thực sự, nếu ở nơi khác, đất nước khác… chưa chắc bpk đã dám đi lang thang 1 mình ở những nơi vắng vẻ như trên, vì đâu biết trước được chuyện gì sẽ xảy đến. Nhưng, cũng chưa biết được là “ở nơi khác”… nào đó, có chắc là mình sẽ không đi hay không? Ôi "hứa thật nhiều mà thất hứa cũng thật nhiều...!!!"

* Ghat là nơi hỏa thiêu người chết theo phong tục của Nepal. Chú thích cho bạn nào chưa xem đoạn viết về Pashpatinath.

(tbc.)

backpackervn
29-07-2009, 11:51
(cont.)

Chia tay dòng Bagmati, lại lang thang vào lại quảng trường Durbar của Patan. Nắng đã lên cao cao nên khách cũng vãn bớt. Bpk đi lang thang chui vào các con hẻm, ngõ ngách, các bể nước công cộng, đùa tí tởn với các em bé, nhưng kiên quyết không cho tiền bọn trẻ con dù chỉ 1 Rp như chúng nói, không thể làm hư con nít bằng cách cho tiền chúng. Xui cho chúng là hôm nay bpk đã cho hết kẹo rồi mà chưa mua lại kịp. Bây giờ, bpk mới lon ton vào Chùa Vàng (Golden Temple) mà lúc sáng thấy đông quá nên không vào. Mà bây giờ cũng vẫn còn đông nữa!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290128.jpg
Trước cổng Chùa Vàng

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290131.jpg
Thông báo tăng giá vé, chụp hình vì có thông tin cần lưu lại

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290133.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290134.jpg
Chụp lại hình các Phật sống Kumari lưu trong Chùa Vàng

Đây là ngôi chùa Phật giáo duy nhất trong vùng. Truyền thuyết cho rằng ngôi chùa có từ TK XI nhưng một số tài liệu lại nói rằng ngôi chùa có từ đầu TK XV, năm 1409. Bpk chẳng biết, chỉ thấy nó cổ xưa, và đẹp. Ngôi chùa này, thật kỳ lạ, có người chủ xướng chính trong các buổi cầu nguyện là 1 bé trai dưới 12 tuổi, bé sẽ làm nhiệm vụ này trong vòng 30 ngày và sau đó sẽ chuyển giao cho 1 cậu bé dưới 12 tuổi khác. Trong khuôn viên có 2 ngôi chùa, 1 ngôi chùa lớn có tường dát đồng và mái cũng bằng đồng. Ngôi chùa ngỏ hơn thì có mái bằng vàng (!) và bên trong đó có 1 stupa nhỏ, nghe đồn là chỉ chứa kinh Phật chứ không có xá lợi. Tiếc là khuôn viên chùa nhỏ quá nên không chụp được toàn cảnh 2 ngôi chùa (bên trong thì no-photo, please!). Biết được rằng, trong sân chùa, cũng giống chùa Việt là có các chú rùa, được tín đồ đem đến phóng sinh, giờ sống vô tư thanh thản trong tiếng kinh kệ. Hôm bpk đến, nắng quá nên các chú trốn đâu mất tiêu làm bpk tìm mỏi mắt mới thấy.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290132.jpg
Tháp nhỏ nhìn qua khung cửa đó nghe nói mái làm bằng vàng (bpk đứng chờ mãi mà chẳng lúc nào vắng người!)

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290139.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290140.jpg
Các góc hình “chộp” được ở Chùa Vàng

(tbc.)

backpackervn
30-07-2009, 13:27
(cont.)

Loanh quanh, bpk còn ghé thăm ngôi đền Kumbeshwar, 1 trong số 3 ngôi đền có 5 mái ở thung lũng Kathmandu, xây đâu từ năm 1392, ngôi đền Uma Maheshwar, rồi đền Hari Shankar,… nói chung là nếu kể hết các đền đài ở đây chắc cả cuốn sách cũng không kịp. Thôi đành cỡi voi xem hoa vậy!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290122.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290126.jpg
Đền 5 mái Kumbeshwar

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290144.jpg
Bữa trưa cực kỳ khiêm tốn ở Patan. Hình như thấy thiếu thiếu cái gì đó!

Lang thang mãi trong đền đài thành quách, hang cùng ngõ hẻm, hàng quán, chợ búa… rồi lại thành quách đền đài… bpk cứ đi tới đi lui đi lùi đi tới… rồi lại leo lên tụt xuống, tụt xuống leo lên các đền đài, roof-top café ngồi, nhìn ngày đi qua phố. Rồi chiều cũng về trên Patan, đền đài xưa cũ giờ càng lung linh hơn trong bóng chiều vàng huyền hoặc. Những ngôi đền gỗ giờ đỏ rực, những ngôi đền xám giờ ửng hồng, trời chiều giờ lại chuyển mây vần vũ… Lại một hoàng hôn tuyệt vời nữa trên đất Nepal “ngang qua đời tôi”!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290204.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290206.jpg
Chiều về trên Durbar Square

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290214.jpg
…muộn lắm rồi

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290220.jpg
Và đêm đã về trên Patan

Đêm đã chập choạng trên phố phường, bpk nhảy lên safa tempos quay về Kathmandu. Chia tay Thành phố nghệ thuật, về lại Thamel nhộn nhịp, trở về cuộc sống phố thị ồn ào náo nhiệt… lòng vẫn nao nao khi nhớ về vạt nắng cuối ngày trôi chầm chậm trên đền đài xưa cũ... Nắng còn luyến tiếc chia tay Patan dù biết rồi mai sẽ gặp, còn mình…

gianker
31-07-2009, 08:43
Lang thang như bác packer mới thích.. hihi. Cảm phiền bác cho mọi người xem bản đồ các điểm trong hành trình của bác, để dễ hình dung hơn được ko ạ?

BM
31-07-2009, 08:52
Tối qua ngồi xem Nepal trong series 1000 Places to See before you Die, thất vọng vì góc nhìn của nhóm làm phim quá phiến diện! Chia xẻ điều này để một lần nữa cảm ơn bài và phong cách viết của bạn. Tiếp tục bạn nhé! (c)

backpackervn
31-07-2009, 10:42
@ Gianker, OK, mình sẽ kiếm cái bản đồ Kathmandu & Nepal, "vẽ" (!) lên đó cung đường đã đi để các bạn dễ hình dung. Cám ơn bạn đã nhắc.

@ Bigminh, cám ơn bạn đã quá lời. và cám ơn lời động viên của bạn.
.................................................. .................................................. ..

Ngoài các di sản văn hóa Unesco, có rất nhiều điểm du lịch khác ở thung lũng Kathmandu, nhiều đến mức ngạc nhiên, được giới thiệu trong các sách du lịch. Việc chọn lựa nơi nào để đi cũng đã là 1 việc khó khăn. Nhưng ưu điểm của việc đi lang thang 1 mình là bạn có thể thay đổi kế hoạch bất cứ lúc nào bạn muốn mà bpk thì thường xuyên làm như vậy trong những hành trình của mình… Hành trình đến Panauti này ban đầu được dự định cho việc thăm viếng Banepa, nhưng kế hoạch đã được thay đổi, khi bpk vừa ghé Banepa.

Luôn bị cuốn hút bởi những gì có “dính líu” đến Tibet, đọc thấy Banepa đã từng là 1 điểm dừng quan trọng trên con đường giao thương giữa Nepal và Tibet ngày xưa là đã bpk tò mò muốn đến. Không chỉ thế, nơi này cũng đã từng thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa thời Minh triều. Do vậy, bpk đã quyết định đến thăm Banepa. Chỉ cách Kathmandu 29km, nằm ngay trên quốc lộ Arniko nên các tuyến xe đi Banapa từ công viên Ratna Park chạy cũng thường xuyên.

Nhưng hỡi ôi, khi đến đây, bpk buồn vô hạn vì nơi này đã thành 1 phố Tàu mới. Nhà phố, đường nhựa thênh thang, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc tràn ngập khắp nơi. Té ra, vì là trung điểm đi các huyện lân cận như Dulikhel (5km), Nala (3km), Panauti (6km)…. Nên đây là nơi tập trung hàng hóa để chuyển về các huyện khác. Đã vậy, trời trưa, nắng nóng và bụi nhiều làm bpk nản luôn, chẳng muốn đi viếng ngôi đền Chandeswari nổi tiếng chỉ cách đó 1km. Thở sâu vài hơi, bpk kiếm 1 quán nhỏ, chui vào, rút sách ra đọc, chuẩn bị 1 cung đường mới. Đọc tới đọc lui, quyết định sẽ đi Panauti, phố nhỏ với mệnh danh là “temple town”. Đang buồn bã với “phố Tàu” mà nghe nói có phố của đền đài thì khác gì “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Đóng sách lại ngồi quan sát bà con mua mua bán bán 1 lúc, hỏi thăm đường và cuốc bộ đến nơi đón xe đi Panauti của bà con Nepal.

Bạn nào đi Nepal, hoặc 1 số nước Đông Nam Á nghèo khác đều thấy việc bà con ngồi trên mui xe là chuyện bình thường. Thành thật khai báo (để được cách mạng khoan hồng!?) là tuy đi không ít nhưng bpk chưa bao giờ thử cảm giác đó, cho đến hôm nay. Xe từ Kathmandu đi Panauti rất ít chuyến, phải chờ rất lâu, vì Panauti chỉ là 1 phố nhỏ hầu như ở cuối cung đường. Do vậy khi thấy chiếc xe lơn tơn xuất hiện trên đường, bà con ai nấy đều vui mừng. Nhưng than ôi, xe không còn chỗ nào để đứng, kể cả chỗ bấu víu ở 2 bên thành xe nữa. Thế là bà con lục tục leo lên mui xe. Suy nghĩ nhanh chóng, mình quyết định cũng leo thôi. Thứ nhất, có muốn đợi nữa không, đợi đến bao lâu nữa; thứ hai, nếu đợi được, thì có chắc là chiếc xe sắp tới nó có vắng không; thứ ba, cũng thanh niên trai tráng như họ (?!), cớ sao mình không leo. Thế thì cũng leo tót lên mui xe, thưởng thức cái nắng, cái gió, cái phiêu lưu (tý xíu) khó có thể làm được khi ở quê nhà.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010154.jpg
“Nó” cũng ngồi trên đó như vậy đó

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060907.jpg
Chỉ có ngồi trên mui xe mới “tác nghiệp” được hình này – của chiếc xe lẽo đẽo theo sau.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060917.jpg
Những cánh đồng lúa chín vàng còn sót lại ở 2 bên đường đến Panauti

Ngồi trên mui xe hơi khó “tác nghiệp” dù cảnh 2 bên đường rất đẹp. Khó là phải liên tục bám vào 1 cái gì đó để cho mình khỏi lăn quay xuống đất (!?) vì xe ở Nepal, đường ở Nepal… 1 trong những nước nghèo nhất thế giới thì bạn biết là khi chạy nó sẽ lắc lư cỡ nào, nhất là khi bạn đang ở trên mui một chiếc xe cũ kỹ già nua cọc cạnh…. Sau 1 hồi, rút kinh nghiệm, thò được 2 cái chân ra, móc quặp vào cái thanh sắt trên mui để giữ thăng bằng, tranh thủ luồn lách khi xe lắc lư để chen cái lưng dựa được vào cái thùng hàng. Thế là tạm ổn, những lúc xe chạy chậm hoặc dừng đón trả khách hay gặp khúc đường tốt cũng tranh thủ chụp được vài tấm nhưng về xem lại thì ôi thôi, cái thì vướng dây điện, cái thì nhòe, cái thì không biết là chụp cái gì… Chỉ biết cái được nhất, nhưng không chụp lại được, là cảm giác khi ngồi trên mui xe, chạy trong nắng gió mùa thu Nepal, trời xanh mây trắng, miên man những cánh đồng lúa chín vàng ruộm 2 bên đường, những triền núi xanh xa xa….

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060958.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060957.jpg
Và đây là những hình ảnh giới thiệu sơ lược về Temple Town Panauti nhé!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060981.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060979.jpg
…đường phố gạch đỏ cũ xưa yên bình trong nắng chiều và đền đài, tượng… khắp nơi nơi


(tbc.)

backpackervn
03-08-2009, 08:42
(cont.)

Chạy qua những cánh đồng vẫn đang trong mùa gặt, lúa chín vàng, xe đến Panauti lúc hơn 2pm, trời còn nắng hực nhưng 2 dòng sông bao quanh làng và những hàng cây làm không khí dịu mát hơn, nhất là khi mon men xuống bờ sông.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060941.jpg
Sông Rosi chạy ven phố

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060963.jpg
Sông Pungamati với những ngôi đền yêu kiều tô điểm làm phố xưa thêm duyên dáng

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060942.jpg
Nhìn đâu cũng thấy đền đài, do vậy Panauti còn có tên là “Temple town”.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060939.jpg
Ở Panauti, người dân sống chung rất hồn nhiên, chiều về mọi người đều ra trước nhà, vừa làm, vừa hong nắng, vừa “tám”…

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060984.jpg
Nhưng vẫn có người cô đơn… em ngồi bên song cửa, ngóng tin chàng phương xa… khà khà khà!!!



Chỉ cách Banepa 7km nhưng Panauti khác hẳn, như 1 trời 1 vực. Làng cổ, vẫn nếp sống cộng đồng xưa, mọi thứ đều chung nhau làm và cùng làm giữa phố. 2 con sông và "con sông vô hình" thứ 3 che chở làng, ôm ấp những đền đài nên thơ chen cùng liễu lả lơi rủ bóng đôi bờ.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060978.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060977.jpg
Mai anh đào dịu dàng khoe sắc bên sông

Panauti nằm ở đoạn giao nhau giữa 2 dòng Rosi Khola và Pungamati Khola nhưng người dân địa phương cho rằng nơi đây còn có sự hợp lưu của dòng sông vô hình thứ 3, Padmabati. Truyền thuyết kể rằng dòng sông vô hình này chính là do nữ thần Parvati, vợ của thần Shiva, đã thương tình và biến hóa nàng Indrayani trở thành. Mà nàng Indrayani thì chẳng có tội tình gì cả, tội là do chồng nàng, thần Indra đi lăng nhăng với vợ của 1 nhà hiền triết khác… để cuối cùng cả 2 bị nguyền rủa… Nói chung là từ xưa đến giờ, chồng làm lỗi là vợ phải chịu chung (!?). Không biết có phải tại chăm sóc chồng không tốt nên chồng mới đi lăng nhăng. Các bạn nữ học hỏi cách xử thế của người Nepal xưa nhé (hix)!!!

Một truyền thuyết khác cho rằng ngôi làng được xây dựng trên 1 hòn đá rất to lớn. Đó cũng là lý do ngôi làng luôn ổn định không bị ảnh hưởng bởi những trận động đất thường xảy ra ở Nepal trước kia.

(tbc.)

backpackervn
03-08-2009, 08:48
(cont.)


Ngày trước, Panauti có thời cũng đã nằm trên trục giao thương của Nepal và có cả 1 cung điện hoàng gia ở đây. Nhưng ngày nay, may mắn thay (!), khi trục giao thương chuyển đến con lộ Arniko chỉ chạy qua Banepa nên nơi đây đã giữ lại nguyên vẻ đẹp của phố cổ. Pháp cũng đã tài trợ chính quyền địa phương phục chế lại những ngôi đền trong phố, được cho là những ngôi đền cổ xưa nhất Nepal.

Tiếc là hôm bpk đến, ngôi đền chính của phố, Indreshwar Mahadev Temple, đóng cửa để trùng tu nên bpk chỉ đứng nhìn từ xa. Nghe nói, ngôi đền này xây dựng từ năm 1294 và xây lại 1 lần vào thế kỷ XV. Nếu nói về đền đài, ngôi đền này được xem là cổ nhất Nepal. Ở Kathmandu Durbar Square còn có 1 ngôi đền cổ hơn, Kashthamandap, nhưng đây trước là nhà nghỉ của khách hành hương, sau đó mới chuyển thành ngôi đền. Tuy không vào được bên trong nhưng nhìn từ xa, cũng thấy được vẻ bề thế của ngôi đền, qua những mái to lớn hùng dũng vươn trên trời xanh của ngôi đền.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060987.jpg
Ngôi đền Indreshwar Mahadev sừng sững trong nắng gió

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060943.jpg
…. Nhưng hôm nay đóng cửa mất tiêu rồi.

Không viếng được đền này, ta đi đền khác. Lang thang vào phố, nhưng sao giống làng quê hơn, bpk lần mò trong các con hẻm, cứ đi theo hướng các đỉnh cao cao của các ngôi đên, nơi nào gặp ngõ cụt lại quay ra. Đi một hồi lại ra đến cụm các ngôi đền thờ thần Krishna, Krishna Narayan Temple nằm bên bờ sông. Sông cũng đẹp, mà đền cũng đẹp. Nghe nói những phù điêu gỗ của cụm đền này có cùng niên đại với đền Indreshwar Mahadev. Bờ sông ở đây, bằng đá, có chạm khắc cũng rất thú vị. Chỉ tiếc là những cơn lũ mạnh vào cuối những năm 80 đã tàn phá bờ sông này, cũng như cuốn trôi các ghat bên bờ sông.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060944.jpg
…bên kia cánh cổng là cụm đền đài Krishna Narayan

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060945.jpg
Đền chính trong cụm đền đài Krishna Narayan


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060964.jpg
Sang sông nhìn lại thì lại thấy cụm đền đài Krishna Narayan đẹp hơn rất nhiều với liễu rũ lả lơi

Bên kia sông còn có ngôi đền thờ nữ thần Brahmayani, được xây dựng từ TK XVII đứng soi bóng bên dòng Pungamati đẹp nên thơ trong cảnh trưa yên bình và càng mơ màng hơn khi chiều buông lơi lả trên sông. Nữ thần Brahmayani được xem là vị thần đứng đầu các vị thần bảo trợ cho phố xưa này và hình ảnh của người sẽ được trưng bày, tô vẽ khắp làng hàng năm khi lễ hội, mà không phải thời điểm này, đâu vào khoảng tháng 9 (!).


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060955.jpg
Yêu kiều đền Brahmayani soi bóng ven sông


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060970.jpg
Điêu khắc bên bờ sông – có giống Kbal Spean, dòng sông ngàn linga ở Siemriep?


Hết đền đài, đến phố phường. Panauti không chỉ đẹp nhờ những ngôi đền kể trên mà còn rất nhiều ngôi đền vô danh (đối với người không biết tiếng Nepal (!)) khác trong phố. Những ngôi đền cổ cứ đan xen với những ngôi nhà cũng xưa cũ, những tượng thờ, phù điêu… trên phố, trên những con đường lát gạch chạy miên man giữa 2 con sông. 2 con sông tuy mùa này nước cạn nhưng cũng tô điểm thêm nét duyên duyên cho phố. Có những khúc sông trồng dày mai anh đào, lại nở rộ ngay mùa này làm sông thêm mơ màng. Có những bến sông trồng cải, cũng đang nở hoa vàng rực, có thêm chú sóc ngẩn ngơ nhìn khách lạ làm khách cứ tưởng mình đi lạc đâu đây. Bên những đền đài cũ, những chú chim rất dạn dĩ với người, có chú chim gì đó, cổ nâu, thân nửa đỏ, nửa đen, mào lại trắng cứ tròn xoe mắt nhìn khách lạ rồi cứ tung tăng nhảy nhót vô cùng đáng yêu. Phố nằm giữa một sườn đồi xanh ngắt và 2 con sông. Qua bờ sông bên này là những cánh đồng rau xanh mướt mát khép nép bên những cánh đồng lúa ngày mùa vàng rực, chạy tít tắp đến nơi chân trời. Đồng lúa đã vàng, lại như được đổ thêm vàng trong cái nắng hoàng hôn cũng vàng rực rỡ.


(tbc.)

backpackervn
04-08-2009, 08:54
(cont.)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060956.jpg
Chiều về trên sông

Chiều trên phố cổ, mình còn gặp những em bé dễ thương vừa đi học về, luôn vui vẻ với khách lạ và sẵn lòng đứng duyên dáng làm mẫu. Đó đây những người dân làng dễ mến hiền hòa chung tay làm lụng giúp đỡ nhau trên phố, những cụ già hong nắng bên sân… Trời chiều, chim về ríu rít trên những cây mai anh đào, dưới sông, những đàn vịt tí tởn chổng mông lặn hụp giữa sông rồi tám lên "cạp cạp" với nhau quá chừng trời….

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060974.jpg
Em gái Nepal xinh tươi ngoan ngoãn vừa tan trường

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060949.jpg
Chim lạ hồn nhiên trong làng

Ở phố cổ, những con đường gạch đỏ chạy giữa những ngôi nhà tường gạch đỏ hoặc vôi trắng với những điêu khắc… rực lên trong nắng chiều xiên xiên lọt vào, rất đẹp. Chỉ vài bước ra ngoài phố, hoàng hôn bên cánh đồng vẫn còn vàng thơm lúa chín, bên dòng sông róc rách trôi bên dưới, bên những cây mai anh đào hồng rực lên trong nắng chiều, trên cao chim về ríu rít... làm mình đứng lặng trên cầu, bên sông, bên đồng… không muốn rời.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060983.jpg
Chiều về, chim về chao chác trên những cành khô hoa đầy

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060988.jpg
Chiều xanh trên cánh đồng xanh

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB060994.jpg
… và hoàng hôn vàng mơ màng ở Panauti.

Nhưng rồi cũng phải về, sau khi đã đi hết mấy vòng phố cổ, đã lê lết hết nơi này nơi khác và mọi người trong phố bắt đầu ngạc nhiên nhìn cái thằng người nãy giờ đi mấy vòng quanh thôn xóm, mắt cứ láo liên dòm ngó rồi tí ta tí toét cười đùa với đám con nít…!? Về thôi, vả lại cũng đến giờ chuyến xe cuối cùng rời Panauti rồi.

Chia tay phố đền đài Panauti, chia tay 1 vùng quê trong sáng, yên bình… trong một chiều thu vàng tuyệt đẹp, để lại nhảy lên xe về phố thị. Không được ngồi mui xe như lúc trưa nữa nhưng hình như hồn mình vẫn còn như đang ở trên mui! Say…!!!

petedy
04-08-2009, 12:28
Cám ơn bạn bpk đã dành nhiều thời gian chia sẽ về lịch sữ & vănhóa và phong cãnh cũa quốc gia Nepal, bạn thật đúng là 1
backpacker chính hiệu , cheer bạn 1 ly nhé . (beer)

backpackervn
05-08-2009, 12:50
@ Petedy, cám ơn bạn!
.................................................. .................................................. ....


Đoạn viết về Kathmandu này là đoạn khó nhất đối với bpk trong khi lóc cóc gõ để chia sẻ với các bạn về những tháng ngày lang thang Nepal. Chỉ trừ những khách du lịch hành hương 4 vùng đất Phật chỉ ghé thăm Lumbini từ Ấn Độ, hầu hết khách đi du lịch Nepal hay Tibet đều ghé thăm thành phố du lịch nổi tiếng này. Do vậy, múa rìu sao để qua được mắt của các “thợ” chuyên nghiệp quả là một điều không dễ. Thôi thì cứ bịt mắt lại, xem như múa kiếm vườn hoang, để chia sẻ cùng các bạn chưa đến đây vậy. Hy vọng, sau trận này, “vườn hoang” sẽ có đủ đá để xây thành “vườn Nhật Bản”!!! Lúc đó, lại mời bạn đến thăm chơi!!!


(Sub-topic này lấy khá nhiều tư liệu từ L.P.)



Nhớ thuở tập tễnh mới đi làm, gặp 1 chị làm chức cũng to to, tiền cũng nhiều nhiều trong công ty, cũng rất thích đi du lịch. Cái thời xa xưa đó mà nghe chị kể phong phanh về kế hoạch đi Ấn Độ - Nepal của chị, bpk cứ mắt tròn mắt dẹt mồm há hốc lắng nghe rồi lảng ra xa xa. Lòng tự nhủ rằng, mơ ước cũng có chừng mực, mơ cao quá té đau, có khi lọi giò, gãy cẳng không biết chừng (!). Rồi thời gian qua, quá nhiều những thay đổi trong cuộc sống và cuộc đời làm đứa nhút nhát ngày xưa giờ cũng bon chen đua đòi lang thang đây đó với thiên hạ. Ngày ấy, nghe chị nói sẽ đi theo những người hành hương sang Ấn Độ, rồi Nepal… ra nhà sách mua sách đọc mới biết thủ đô của cái nước đó nó tên là Kathmandu. Biết là biết vậy thôi chứ chẳng nghĩ rằng có 1 ngày kia xa xôi lắm mình lại được sống ở đó những ngày lang thang nhàn nhã biếng lười… Sau những chuyến đi xa, trở về quê nhà cày cấy… trong những lúc cuồng chân cuồng cẳng mơ về nơi xa, mới thấy quý vô cùng những ngày mình bị “mắc kẹt” tại Kathmandu. Và trong nỗi nhớ quắt quay lòng luôn có niềm mong ước một mai được về lại nơi này…


Rất ngược đời, thành phố Kathmandu lại là nơi cuối cùng bpk chia sẻ cùng các bạn trước khi rời thung lũng Kathmandu đến những vùng đất khác của Nepal, dù đây là nơi bpk đặt chân đến đầu tiên và hầu như sống trọn hơn 2 tuần ở đó.


Lấy tên từ ngôi đền cổ Kasthamandap, theo sử sách, Kathmandu được cho là đã có lịch sử từ thế kỷ VII, trước Công Nguyên, 2 thế kỷ trước khi Đức Phật đản sinh tại Lumbini, dù trên giấy tờ chính thức thành phố này ra đời vào thế kỷ XII Công Nguyên, dưới thời vương triều Malla. Quá trình xây dựng và phát triển thành phố này cũng gắn liền với lịch sử phát triển của người dân Newari, cư dân bản địa nơi đây, cho dù dân tộc này chỉ chiếm 6% dân số Nepal. Những khu dân cư ngày xưa bắt đầu được xây dựng quanh trục đường giao thương với Tibet và quanh những nhà nghỉ cho người hành hương. Kasthamandap cũng đã từng là nhà nghỉ dành cho người hành hương trước khi chuyển thành ngôi đền cùng tên. Và từ những ngôi nhà cho thương nhân, khách hành hương đó, thành phố hình thành và phát triển.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260548-1.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260539.jpg
Hình ảnh yên bình đặc trưng ở Kathmandu Durbar Square


Tên cũ là Kantipur, thành phố bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào thời các vị vua Malla, từ TK XII đến năm 1768. Rất nhiều đền đài, tu viện, tượng đài,… đều được xây dựng trong thời gian này. Khởi đầu, Kathmandu là 1 thành phố độc lập trong thung lũng cùng tên, nhưng đến TK XIV, cả thung lũng đã được thống nhất bởi vua Malla của Bhaktapur, để rồi sau đó, vào thế kỷ XV, thung lũng lại được chia thành 3 vương quốc Malla nhỏ, độc lập với nhau, Kathmandu, Patan, Bhaktapur. Sự kình địch giữa 3 quốc gia nhỏ này đã dẫn đến những cuộc chiến tranh liên miên trong thung lũng làm chúng ngày càng yếu đi và sụp đổ hoàn toàn vào năm 1768 trước đoàn quân hùng mạnh của quốc vương Prithvi Narayan Shah, đến từ miền đất hào hùng Gorkha. Quốc vương Shah đã thống nhất các vương triều nhỏ lại với nhau thành Nepal ngày nay và đã chuyển thủ đô từ Gorkha về Kathmandu. Thủ đô chính thức của Nepal ra đời từ đây.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280018.jpg
Một hoàng hôn rực rỡ ở Kathmandu Durbar Square


Nói đến Kathmandu, đối với dân du lịch, cả bụi lẫn sang, là nói đến khu Thamel, trung tâm của khu phố cổ của Kathmandu. Từ Thamel, cứ xuôi nam, bạn sẽ đến 2 trung tâm văn hóa lịch sử của Nepal là quảng trường Durbar & quảng trường Hanuman – cũng chính là cung điện Hoàng gia cũ, trước khi đã dời đến cung điện mới hiện nay, nằm ở Đông Bắc khu Thamel. Trong 2 quảng trường trên, Durbar Square đã nằm trong danh sách di sản văn hóa thế giới, còn Hanuman Square thì chưa. Thăm viếng trong quảng trường Hanuman phải có giờ giấc và không được chụp hình nên các bạn sẽ ít nghe nói về quảng trường này.


Ngoài 2 quảng trường, cũng là điểm nhấn chính của khu Central Kathmandu, còn rất nhiều đền đài với các kiến trúc khác nhau, từ Phật giáo đến Hindu… nằm rải rác trong thành phố, chưa kể đến các di sản văn hóa thế giới cũng chỉ nằm cách Thamel từ 4km như chùa Khỉ Swayambhunath, 6km như Patan Durbar Square…


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250481.jpg
Chùa Khỉ Swayambhunath nhìn từ roof-top café ở Kathmandu Durbar Square, cách khoảng 4km

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260588-1.jpg
Phố lúc nào cũng đông, nhưng vui

(cont.)

backpackervn
05-08-2009, 12:58
(cont.)


Ở Kathmandu, lúc nào cũng đông đúc, trừ những buổi sáng sớm ngày Tết năm mới. Ở đây mà làm quảng cáo chắc phải rất chú ý đến mảng ngoài trời vì thiên hạ hình như chỉ thích ở ngoài đường – giống mình quá! Phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là các xe gắn máy dạng 2 thì cao nhổng, có tay côn. Ở VN quen xài xe số, xe ga thấp thấp… thì qua đây rất khó đi – không chỉ vì xe đã cao mà vì đường quá đông, phải chen chúc nên phải đi rất chậm, mà điều khiển tay côn không quen đi chậm là rất dễ bị tắt máy. Chỉ có các xe gắn máy là đời mới – dù phần lớn từ người láng giềng Trung Quốc, còn xe hơi, xe bus đều cũ kỹ - một phần do bpk toàn đi xe địa phương, không đi xe công ty du lịch… nên rất ít thấy xe mới. Phương tiện công cộng có xe bus to 24 chỗ (nhưng nhét được 60 người, trong, ngoài và trên) và xe bus nhỏ 12 (nhưng nhét đến 20 chỗ). Những ngày ở Kathmandu và cả Nepal, bpk chỉ đi bằng 2 phương tiện này, sau đó là có xe jeep và xe ngựa ở Chitwan, ngoài ra, chủ yếu là “cặp giò” của mình. Phương tiện giao thông công cộng của Kathmandu tuy chật chội nhưng chưa thấy (và chưa bị!) móc túi cướp giật, nhất là chuyện chặt chém giá cả đối với khách lạ nước lạ cái (cũng có, nhưng rất ít và cũng vui vẻ trả lại tiền khi khách đòi chứ không như ở… (bạn tự điền vào nhé)). Do vậy, các bạn đi du lịch Kathmandu nên tìm hiểu bản đồ kỹ càng, để chọn cách đi lại bằng xe bus sẽ rất rẻ. Bpk đi trung bình khoảng 10-20Rp cho 1 tuyến khoảng 5 – 40km, 78Rp # 1$US. Người dân Nepal rất nhiệt tình với khách nên có gì không biết bạn cứ hỏi, họ sẽ tận tình hướng dẫn. Cứ chọn mấy anh chàng áo quần sáng láng mà hỏi vì họ đều nói tiếng Anh rất tốt.


Kathmandu còn là trung tâm ẩm thực với rất nhiều nhà hàng với thực đơn của các nền văn hóa ẩm thực trên thế giới – nhưng bpk chưa thấy NH Việt Nam, không biết có bạn nào thấy không. Mọi người đến Nepal thường chọn thực đơn Newari, bpk rất thích vì nó thường đi kèm 1 ly rakshi, 1 loại rượu địa phương, nho nhỏ (!?). Do đi một mình nên việc ăn uống với bpk cũng tương đối đơn giản, nhiều lúc cứ chen vào các quán địa phương và dùng Nhất Dương Chỉ để gọi món, khỏi thèm đọc thực đơn luôn.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB010080.jpg
Món đơn giản, quen thuộc của bpk ở Kathmandu


Về thức uống, Bpk đặc biệt thích sự đa dạng của các loại nước uống có cồn ở Nepal. Rất nhiều loại bia, mà loại nào uống cũng ngon chứ không như ở Saigon, ngoài Ken ra giờ chẳng dám uống bia gì khác. Nào là Everest, Nepal Ice, Star… của Nepal đến San Miguel, Tuborg, Oranjeboom... của tư bản nước ngoài. Sau này, khi rời Kathmandu đến các vùng khác, bpk còn có dịp khám phá thêm các loại bia địa phương khác, cũng tuyệt không kém. Ở đây chỉ có bia chai loại 640ml, giá TB 120-130Rp (# 25.000 VND) nếu mua ở các tủ lạnh của quầy tạp hóa, còn trong NH, bar… khoảng 180-300Rp tùy nơi. Nói chung là “thoáng” hơn ở quê nhà. Do đó, bạn cứ chơi xả láng, khỏi mắc công “si ngĩ” như lúc ở Sing hay Malaysia!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250476-1.jpg
Ngoài vạn thọ, loài hoa tím ngắt này cũng được người dân Nepal ưa thích.


Các nhà nghỉ ở Kathmandu tương đối rẻ. Nếu bạn kiếm được các dorm còn chỗ trống thì giá chỉ khoảng 100Rp/giường. Còn các nhà nghỉ, khách sạn tư nhân trong các hẻm ở khu Thamel cũng chỉ 200-400Rp/phòng, 2 giường. Còn các khách sạn lớn hơn, có ban công, vườn hoa… cũng chỉ 6-10 $US phòng 2 giường.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250452.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250451.jpg
Chợ quê giữa phố thị


(tbc.)

backpackervn
06-08-2009, 12:13
(cont.)

Ở Kathmandu có rất nhiều công ty du lịch sẵn sàng chuẩn bị cho bạn các chuyến đi thượng vàng hạ cám đến Pokhara, Chitwan, Lumbini, Bhutan, India… và ấn tượng nhất là chuyến bay quanh ngọn Everest với giá đâu khoảng 160$US. Bpk thì nghĩ là sẽ chinh phục đỉnh núi đó bằng đường bộ (!!!???) nên nhất quyết không bay vòng vòng cho nó hèn!!! Sorry, cưa bom một tý cho vui đời. Về nhà đọc cuốn Tan biến (cùng tác giả cuốn Into the Wild), bpk mới thấy ước mơ Everest của mình nó cùn thế nào. Bạn nào ngại đi lại bằng xe địa phương, phải lò dò kiếm đường, tìm khách sạn mệt mỏi, có thể book các tour này, giá cả cũng rất mềm. Mấy lúc rảnh rỗi, bpk cũng có vào đó kiểm tra thông tin và tám, cho dzui.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260562.jpg
Nụ cười Nepal, luôn thường trực ở người dân Nepal

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260526.jpg
Học trò xứ nghèo nhất nhì thế giới mà tươm tất hén.


Kathmandu cũng là nơi bạn kiếm bạn đồng hành để đi trekking. Bạn cứ đến các nhà nghỉ “danh tiếng” trong LP, đính 1 cái stick-note lên bảng thông tin hoặc dò kiếm các thông có sẵn ai đó lưu lại về nhu cầu các chuyến đi của họ. Nếu thấy OK thì bạn lưu thông tin, email, số ĐT, số phòng… lại. Sau đó off-line để bàn chuyện lên đường. Bpk có quen thằng ku SV Thụy Điển, nó cũng kiếm bạn như vậy và cả đám tụi nó lên đường trekking đến Pokhara trong 2 tuần. Phí HDV là 7US$/1HDV/nhóm/ngày, cứ thế mà chia ra trả. Gì chứ đi trekking 2 tuần thì “em chã” nên chia tay với bạn trong 1 đêm bét nhè để “tiễn bạn lên đường”.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250468.jpg
Durbar Square và Hanuman Square nhìn từ đền Maju Deval

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250462.jpg
Các đền đài khác trong Durbar square


Kathmandu còn là thiên đường mua sắm. Tất cả những món gì bạn mua ở Tibet hầu như đều được tìm thấy ở đây với giá chỉ khoảng 1/3. Và tệ nạn nói thách ở đây cũng khủng khiếp, có món đồ bpk đã trả được giá 200Rp nhưng làm bộ chảnh bỏ đi, đến chỗ khác hỏi, nó hét giá 2.000Rp. Nó tưởng mình là người Nhật chắc!? Ở đây, đặc sản là các sản phẩm từ len, tơ lụa Kashmir (nghe nói đã dời xưởng sang TQ), các tấm thảm Tibet nổi tiếng (nghe nói mới mở xưởng ở Quảng Châu, thuê công nhân Duy Ngô Nhĩ làm cho nó đa sắc tộc), các bức thangka, các tượng đồng, tượng gỗ, tượng sắt, hàng hóa thổ cẩm, mũ len, nón len, vớ len… và đặc biệt là rất nhiều các loại balo túi xách và vật dụng chuyên dùng của dân trekking. Hàng tốt, giá cả phải chăng nên có bạn của bpk khi từ đây về làm mấy cái balo hàng to đùng. Bạn nào thích sốp-pinh sang đây thì cứ tha hồ mà sốp…


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260515.jpg
Ai mua gốm không? Gốm đây!!!

Vậy là hết phần thông tin tư liệu nhé. Bây giờ đến phần ăn chơi đây!

Đặt chân đến Thamel, Kathmandu vào một đêm mùa thu lạnh dịu, bpk đã dành mấy ngày ngơi nghỉ tại đây để dưỡng sức sau những ngày vui nhưng mệt ở Tibet, Everest Base Camp… Những ngày thong thả nhàn nhã sáng café ngắm nắng lên trên phố, trưa lang thang nhìn nắng trưa ấu yếm sưởi ấm đền đài phố phường, chiều tà tà bia bọt ngắm mặt trời rơi chầm chậm bên kia trời, rồi lại chờ 1 sáng mai tiếp... ngày lại qua ngày… Có điều, đi chơi một mình là phải tập thể dục cái cần cổ trước, phải lắc đầu trước bao nhiêu là chào mời “gái, sir”, “thuốc, sir”,… Có ku kia, mỗi ngày lang thang gặp ku ít nhất cũng 8-10 lần mà lần nào nó cũng hỏi nguyên cái câu đó. Mà nó cũng vui vẻ nên mình cũng không cằn nhằn được!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290241-1.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290245-1.jpg
Có 1 hôm đi coi cọp miễn phí nghệ thuật ca kịch Nepal, chẳng hiểu gì cả nên ngồi 1 lúc rồi dzọt


(tbc.)

hara
06-08-2009, 16:38
Hix hix bây giờ mọi người đi du lịch nước ngoài thường xuyên mà em vẫn "mắt tròn mắt dẹt há hốc mồm lắng nghe" đây, trong lòng không khỏi thèm muốn cuộc sống lang thang như thế, em đi làm mấy năm rồi mà vẫn chẳng biết làm thế nào để có tiền có thời gian được đi đây đi đó. Càng đọc về Nepal em càng ước ao một lần được đến đây và nhất định dù ko có điều kiện sang các nước khác thì vẫn quyết tâm sẽ sang Nepal một lần, dù chưa đến bao giờ, chỉ nhìn và đọc qua những hồi ký chia sẻ hình ảnh thông tin về đất nước nhỏ bé này của các anh chị như bpk nhưng vẫn thấy yêu lắm Nepal, đơn giản chỉ vì yêu, và bởi vì ở đó có 1 người... và... là quê hương của 1 người rất quan trọng với em :">
Cảm ơn bpk rất rất nhiều!!! Bài viết thật hay và cũng... thật dài :D

backpackervn
07-08-2009, 12:04
@ Hara, chúc ước mơ của bạn sẽ sớm thành hiện thực, bạn sẽ sớm đến được "vùng đất yêu thương" của bạn nhé.

.................................................. .................................................. .



(cont.)

Đường phố Kathmandu đã đông, còn bị chen lấn bởi các chú bò to lớn ung dung đi trên phố. Cũng may là các chú ấy chỉ lảng vảng phần ngoài khu Thamel thôi chứ ít vào trong khu này. Chắc sợ mấy ku khoai Tây say xỉn nó xúc phạm đến linh vật nên khi các chú định đi lon ton vào đây sẽ bị người dân xua đi nơi khác!!! Đường phố trong khu phố cổ không có phân định rõ ràng, cả người, xe máy, xe hơi… đều sử dụng chung đường. Kẹt xe lâu lâu cũng có những chẳng có cảnh còi bấm inh ỏi chen nhau chửi nhau như ở… (bạn tự điền vào nhé). Ngoài một số nhỏ dân chúng làm nghề buôn bán bị thương mại hóa, người dân Nepal rất lành tính. Nếu bạn chịu khó la cà, họ sẽ thố lộ cho bạn biết nhiều điều mà trong sách du lịch không đề cập đến.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA280741.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290239.jpg
Nghệ thuật đường phố Kathmandu

Lan man nãy giờ, chưa giới thiệu với bạn trái tim của Kathmandu, quảng trường Durbar. Đây là nơi đăng quang của nhiều vị vua của Nepal. Quảng trường này nằm ngay trước Hanuman Square, cũng là cung điện hoàng gia cũ của Nepal. Cung điện mới đã dời đến Narayanhiti, hướng Đông Bắc khu Thamel, gần 1 thế kỷ trước. Mặc dù, các ngôi đền ở đây có lịch sử từ thế kỷ XVII – XVIII (và 1 số khác còn xưa hơn nữa), phần lớn chúng đã được xây dựng lại sau trận động đất lớn năm 1934. Một trong những thú vui khi viếng quảng trường này, ngoài việc chiêm bái các ngôi đền xưa cũ là leo lên ngôi đền thờ thần Shiva, có tên là đền Maju Deval ngắm thời gian trôi trên phố cũng đang trôi. Bpk cực kỳ yêu thích và triệt để áp dụng khuyến cáo này, và hình như có phần hơi quá liều!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260555.jpg
Đền Maju Deval nhìn từ góc Cung điện của Nữ Thánh Kumari

À, nếu bạn muốn lang thang ở Durbar Square trong nhiều ngày, thì sau lần mua vé đầu tiên, bạn hỏi đường đến văn phòng du lịch (nằm gần bên cung điện của nữ thánh Kumari), cầm theo pass-port và 1 tấm hình 3x4 để làm thẻ ra vào, bao lâu tùy bạn. Nếu bạn không làm thẻ này thì mỗi lần ra vào phải mua vé, 200Rp.


Nói đến Durbar Square, Kathmandu không thể không nhắc đến ngôi đền Kasthamandap, nơi xuất xứ của cái tên Kathmandu. Người dân Nepal cho rằng, toàn bộ ngôi đền gỗ 3 tầng này được làm bằng gỗ của chỉ mỗi một cây thiết mộc, vào thế kỷ XII. Trước tiên, nơi đây được dùng làm nhà nghỉ ngơi cho khách hành hương, sau đó mới được chuyển thành ngôi đền thờ vị tu sĩ linh thiêng Gorakha, vào 1 thế kỷ sau đó. Thực ra, theo bpk thì thấy ngôi đền này không đẹp lắm, chỉ được cái cổ xưa. Nếu không biết đến, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua bởi nhiều đền đài tinh xảo kế bên.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250477.jpg
Đền xưa nhất Nepal, Kasthamandap, cũng không nổi bật như mình nghĩ hén.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260534-1.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260535.jpg
Kathmandu Durbar Square dưới các góc nhìn – đền đài rực rỡ dưới trời xanh ngăn ngắt


Nói đến Durbar Square, cũng không thể không nhắc (lại) đến đền Maju Deval, ngôi đền được xây dựng trên 9 bực cấp cao cao, nơi tụ tập gặp gỡ hẹn hò đốt thời gian… của cả khách du lịch lẫn người dân Kathmandu. Leo lên 9 bậc cấp cao (giữa các bậc cấp này có 1 cầu thang gồm các bậc thang nhỏ hơn để dễ đi), ngồi nơi đây bạn có thể thấy toàn cảnh của quảng trường Durbar và cả quảng trường Hanuman kế bên. Ngay dưới chân ngôi đền là nơi tụ tập buôn bán từ rau quả hoa hiếc ban ngày đến thịt xiên thịt nướng ban đêm, tranh ảnh tượng thần cho khách du lịch đến đèn nến cho khách hành hương… dòng người chen lẫn xe rickshaw, xe hơi, xe máy, mấy chú bò…, tất cả đều đang chen chúc cuồn cuộn chảy ngay dưới dưới chân bạn. Còn xa xa bên kia, những đền đài kiêu hãnh vươn cao trong trời thu xanh ngát… Một sự hòa quyện sống động linh hoạt vô cùng, nhất là với sự hỗ trợ thêm của mấy “em” Everest, Nepal Ice… Ngôi đền Maju Deval này được xây dựng vào năm 1690, do hoàng thái hậu của quốc vương xứ Bhaktapur Bhupatindra Malla. Trong đền, có một linga rất nổi tiếng của thần Shiva nên ngôi đền này còn được các em bé địa phương giới thiệu là đền Shiva.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260533.jpg
Không thể không giới thiệu thêm một hình khác của Maju Deval – nơi bpk đã đốt biết bao nhiêu thời gian để thả hồn trôi trên những “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”….

Về đền đài của Durbar Square, có lẽ chỉ giới thiệu sơ lược vài nơi như vậy, chứ nếu kể lể hết chắc để khi nào ra Giêng ngày rộng tháng dài bpk quay lại (!).

(tbc.)

Nambyus
07-08-2009, 16:59
Nepal không hào nhoáng, sang trọng, chỉ là cảnh vật và con người bình dị mà qua ảnh của Backpackervn thấy thật đẹp và yên bình, sống động. Cám ơn bpk nhiều nhé! Đây cũng là một lifetime trip của backpacker rồi.

backpackervn
08-08-2009, 09:14
(cont.)

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260514.jpg
Chợ họp trên phố đông vui.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260541.jpg
Holy-man cũng trên phố


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260538.jpg
Nghệ thuật rối Nepal

Về Hanuman Square, đây là cung điện Hoàng gia cũ, muốn vào có giờ giấc và mua vé (250Rp) chứ không phải tự tiện ra vào như Durbar Square. Bpk cũng lon ton mua vé vào ngắm nghía. Hoàng cung cũ có vẻ ngoài đẹp thật dù đã hư hao nhiều sau trận động đất năm 1934. Khi vào bên trong, bạn phải nộp máy chụp hình, hix nhưng không bắt nộp điện thoại di động – do vậy mai mốt bạn nào đi Kathmandu nhớ sắm cái i-phone để vào trong lén chụp hình nghen.

Hành trình tham quan trong cung điện này là 1 chiều, cũng có thể đi lơn tơn tới lui dòm ngó hoặc đi xong vòng lại đi 2-3 lần nữa nếu muốn cũng được (đã hỏi) nếu bạn có hứng thú. Trong cung điện thì cũng lưu lại mấy cái giường, tủ ghế, phòng họp, hình ảnh trưng bày… nói về hoàng gia Nepal… đọc lâu cũng chán. Vì rảnh rỗi lôi sách ra ngồi quán café trăng thanh gió mát đọc sướng hơn vô đây đứng chồn chân mỏi gối để đọc. Do vậy bpk cũng chỉ lướt gió qua mấy tòa nhà, đọc cái nào có nhiều màu, nhiều hình, chữ to… rồi lại lướt. Cung điện này được cho là đã xây dựng từ rất lâu, từ thời các vị vua Licchavi (TK VI-VIII) nhưng những kiến trúc còn lại hiện nay hầu hết được xây dựng từ thời vua Pratap Malla vào thế kỷ XVII. Cung điện cũ rất rộng nhưng sau trận động đất năm 1934, khi tu sửa lại, người ta cũng tóm gọn lại. Con đường New Road to to, mà bpk hay đi đó, lúc trước cũng nằm trong khuôn viên nhưng bây giờ cách xa cung điện đến vài trăm mét. Ngay từ cổng vào, bạn sẽ thấy tượng thần Hanuman bên tay trái. Quảng trường được đặt tên theo vị thần này. Tượng này nghe đâu có từ năm 1672. Bạn không thể thấy được mặt của tượng vào ngày thường đâu vì các tín đồ đã thành kính bôi bôi trét trét các phấn màu khi đi lễ trên mặt ngài, suốt từ mấy trăm năm nay. Chỉ khi có lễ tết người ta mới lau rửa lại bức tượng đàng hoàng. Từ cổng này vào trong sân chính còn cho chụp vài tấm hình. Vào trong nữa thì “thôi rồi Lượm ơi”!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260581.jpg
Tượng thần Hanuman ở Hanuman Square

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260571.jpg
Sân chính trong Hanuman Square, vào sâu nữa là nộp máy chụp hình!

(tbc.)

backpackervn
10-08-2009, 13:38
(cont.)


Hết đền đài rồi gì đây nữa ta. Cảnh đẹp chùa to đền lớn… thì đã kể lể hết trong các bài trước hết rồi. Chợ búa hay chốn ăn chơi!? Chợ thì cả khu Thamel nó là 1 cái chợ du lịch rồi, chợ cho dân địa phương thì mấy cái chợ tạm trong Durbar Square cũng mô tả rõ ràng rồi… Chốn ăn chơi thì thôi, Kathmandu có đầy đủ các loại hình ăn chơi nhảy múa thượng vàng hạ cám, bạn cứ đến đây rồi ta hồ mà lựa chọn, tùy theo sở thích (và túi tiền) của bạn. Xem như phần thông tin về Kathmandu cũng đã chia sẻ cho các bạn tương đối chi tiết rồi, chỉ còn chia sẻ chút cảm giác về những ngày Kathmandu trước buổi chia xa.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260559.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA260558.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290039.jpg
Phố phường là những gallery dân dã


Nhớ về Kathmandu những ngày thu bầu trời xanh ngăn ngắt, những con đường luôn đông đúc chật chội bỗng có những ngày thoáng đãng lạ thường trong những ngày Tết năm mới của người Newari. Nhớ về Kathmandu, nhớ về quảng trường Durbar rợp bóng đền đài dưới nắng vàng mây trắng ngày thu xanh, những bóng dáng đơn độc của những holy-man lang thang trong phố, những cánh chim câu chợt ồn ào vỗ cánh tung bay mờ mịt phố phường khi bị các em bé Nepal dễ thương chọc phá. Lại nhớ đến những chuỗi hoa, những gánh hoa, những chiếc xe vạn thọ vàng rợp phố phường, đem lại cho phố phường xa lạ một không khí xuân quê nghèo ngày xưa. Nhớ… nhớ… nhớ….

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA250500.jpg
Quán vắng với những nghệ sĩ dân gian Nepal – nơi bpk thường lui tới những đêm Kathmandu đơn độc.

Nhiều đêm Kathmandu, bpk thường chui vào 1 quán vắng trên sân thượng ở cũng hơi cách xa khu Thamel Chowk, nghe những nghệ sĩ dân gian Nepal đàn hát những bản dân ca Nepal buồn não nuột. Những bài dân ca Nepal vui tươi đâu bpk chẳng được nghe, chỉ thấy ở đây các nghệ sĩ hát toàn những bài dân ca sao nghe buồn da diết. Trong quán vắng, giữa phố phường đã nghe đầy cảm giác như thế này, thầm mơ những đêm cao nguyên thênh thang trăng sao, lồng lộng gió… mà được nghe những bài ca tha thiết này thì chẳng biết hồn mình sẽ phiêu diêu về đâu.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA290056.jpg
Có chiếc bong bóng nào chở giấc mơ của mình bay vào trời xanh cao Nepal?


Mai sẽ chia xa Kathmandu, khi nao được về lại… để được sống lại những tháng ngày yên bình trong mùa thu xanh vời vợi ở miền đất tươi đẹp với những người dân hiền lành, để có những ban mai lang thang phố vắng khi sương còn vấn vương quyến luyến trên mái đền xưa, những chiều muộn khi chút nắng hắt hiu vàng vọt cuối ngày dùng dằng nuối tiếc không nỡ chia tay giã từ phố, những đêm suông hoang lạnh trăng xa loạng choạng lê bước từ Durbar về phố khuya, tìm vào quán vắng, ru hồn lãng đãng theo những bài tình buồn da diết…



Kathmandu! Bao giờ, cho đến bao giờ…?

BM
10-08-2009, 17:00
@Backpackervn: bài viết của bạn thật giàu cảm xúc. Cảm ơn bạn đã chia xẻ và mong được xem những bài viết kế tiếp!

backpackervn
12-08-2009, 08:46
Chào nhé Kathmandu, ta lên đường! Hẹn ngày tương phùng!


Ngày hôm qua, sau khi biết là sẽ chia tay Kathmandu, việc đầu tiên bpk phải làm là quyết định cung đường sẽ đi, dù đã có 2 tuần suy nghĩ, kiểm tra phương tiện, giờ giấc... Nhảy xe mini bus lên bến xe liên tỉnh, bpk hỏi thăm giờ giấc cho cung đường đến miền đất bị quên lãng Gorkha. Chắc bạn cũng đã biết, Kathmandu không phải là kinh đô đầu tiên của Vương quốc Nepal hiện giờ? Dù đã là kinh đô từ rất xa xưa của các vị vua vương triều Malla lừng lẫy, cũng như hiện thời, Kathmandu lúc trước chỉ là kinh đô của 1 vương quốc nhỏ trong nhiều vương quốc ở Nepal. Quốc vương Prithvi Narayan Shah, từ vùng quê xa hẻo lánh Gorkha đã là người chinh phục các vương triều anh em nhà Malla và nhiều vùng khác nữa, để thành lập quốc gia Nepal thống nhất ngày nay, vào năm 1769. Ngày ấy, Gorkha, quê hương của người, là kinh đô đầu tiên của Vương triều Shah, sau đó quốc vương mới chuyển về Kathmandu. Trải qua bao sóng gió biển dâu, uy danh của những người con vùng đất Gorkha (hay Gurkha) còn vang mãi đến bây giờ. Họ là 1 phần không thể thiếu trong quân đội Anh, nổi tiếng với tài thiện chiến và dũng cảm, được biết từ ngày trước và vẫn còn giữ vững đến giờ. Bên cạnh đó, theo nhiều tài liệu, Gorkha của họ, miền đất hào hùng đã rút ruột mang nặng đẻ đau những đứa con đi xa, vang danh thiên hạ… đang khắc khoải mờ dần theo những tang thương sóng gió cuộc đời, đang bị những lớp bụi thời gian, những khó khăn nhọc nhằn cuộc sống nhấn chìm vào quên lãng. Nhưng đó lại là lý do bpk chọn đến thăm vùng đất này, Gorkha!


Sau đêm chia tay Kathmandu nồng nàn tình cảm lai láng bia rượu lang man đầu óc… ở Tom & Jerry pub, bpk vẫy chào Thamel thân thương yêu mến đã che chở kẻ bụi bặm bạc bẽo… lon ton đeo balo ra đón minibus, lên đến bến xe chưa đến 6.30, trời cuối thu mờ mờ đùng đục trong sáng sớm, chẳng biết do mây hay khói hay sương. Chiếc xe rời khỏi bến rất đúng giờ, 7.15am, như ghi trong vé, và rời khỏi Kathmandu mang theo 1 kẻ lang thang tâm trạng trĩu nặng buồn vui mơ hồ lẫn lộn.


Thực ra, đi khỏi thung lũng Kathmandu chỉ có 2 ‘’lối thoát’’, một chính là con đường ngược lại hướng đông bắc đến cửa khẩu Kodari sang Tibet. Con đường thứ 2, từ Kathmandu đi về hướng tây, cũng là quốc lộ chính của Nepal, vinh danh vị quốc vương đầu tiên của Nepal thống nhất, Prithvi Narayan Highway, còn gọi tắt là QL Prithvi. Rời khỏi thung lũng Kathmandu chừng 29km ở hướng Tây, quốc lộ Prithvi lại tách ra 2 nhánh. Vẫn con đường mang tên Prithvi sẽ thẳng tiếp hướng tây bắc để đến miền cao nguyên yên bình Pokhara nổi tiếng, con đường khác xuôi Nam xuống vùng đồng bằng Terai, đến với rừng quốc gia Chitwan,… có tên là Tribhuvan. Cũng theo hướng xuôi nam, nhưng nếu đi 1 đoạn và rẽ ngược về hướng tây nam, con đường sẽ dẫn đến vùng đất Phật Lumbini. Con đường đến Pokhara, cũng chính là con đường đi Gorkha là cung đường bpk chọn.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081007.jpg
Dòng Trisuli và những cánh đồng lúa chín muộn trong 1 sáng thu mờ mờ buồn


Rời khỏi Kathmandu, con đường chạy ngoằn ngoèo qua các cánh đồng đồi núi ruộng nương trong sáng mờ sương. Hậu quả bốc đồng của đêm chia tay vui khách mến người làm bpk cứ dật dờ trên xe. Chỉ bắt đầu hơi tỉnh táo khi xe tạm dừng ở 1 lữ quán nhỏ ven đường mà bên kia là con sông Trisuli lúc cuồn cuộn chảy giữa các hẻm núi đá 2 bên bờ, lúc thong dong lê mình nơi những quãng sông cạn... Những cánh đồng lúa vàng sót lại ven bờ sông trong sương mờ buổi sáng lại giống như những vạt cải nào nở muộn cuối mùa. Chạy mải miết trên con đường uốn lượn đua đòi ôm theo con sông cũng ngoằn ngoèo cong queo Trisuli, xe lang thang qua những phố nghèo Nepal buồn ảm đạm khi nắng sớm chưa kịp về trong rừng núi âm u. Mãi đến gần thị trấn Mugling, nơi có 1 con đường khác, gần hơn, đi về miền đất Phật Lumbini, mặt trời mới bắt đầu lười nhác vén mây hé mắt nhìn xuống cõi trần. Nằm giữa 2 thành phố lớn, cách Pokhara 96km, cách Kathmandu 110km, bạn rất dễ nhận biết Mugling trên đường, vì đến đây hầu hết các xe vừa du lịch vừa xe địa phương đều dừng lại để khách nghỉ ngơi trước khi rẽ vào 2 con đường, 2 hướng đi hoàn toàn khác. Mà trong số đó, hướng đến Gorkha là càng khác nữa vì nó hoàn toàn không nằm trong các tour du lịch.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081088.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081028.jpg
Dãy Annapurna, Hymalaya nhìn từ Gorkha


Đi tiếp QL Prithvi thêm 8km sẽ tới thị tứ nhỏ Abu Khaireni. Tiếp tục đi thẳng, sẽ đến Pokhara, nhưng xe bpk đi lại rẽ phải vào 1 ngã 3 nữa. Con đường đến Gorkha thật sự bắt đầu từ đây. Chiếc xe cũ kỹ cà rịch cà tang lọ mọ bò thêm 24km đường đèo dốc hiểm trở nữa để đến vùng đất hào hùng Gorkha. Đường từ ngã ba rẽ vào và đi Gorkha rất đẹp. Những cánh ruộng bậc thang trải mênh mông lúa chín vàng từng mảng lốm đốm. Trên cao là núi tuyết và trời xanh mây trắng túm tụm lại lười nhác trôi. Có điều xe chạy lạng quạng theo dốc đèo quá, mà bpk ngồi trong nữa nên chẳng chụp hình được. Khởi hành từ bến xe bus Kathmandu lúc 7.15am, đến gần 1pm xe mới bò đến Gorkha, thị trấn miền núi nhỏ đồi dốc khấp khễnh trưa nắng vắng hoe buồn hiu hắt và đầy bụi. Chiếc xe mệt nhọc đã quăng xuống Gorkha 1 kẻ lang thang đang tí tởn vui mừng vì lại tiếp được lang thang, được đặt chân đến những vùng đất mong ước.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091097.jpg
Đây, phố nhỏ Gorkha vui mừng đón chào khách lạ

(tbc.)

backpackervn
13-08-2009, 11:37
(cont.)


Gorkha là quê hương của quốc vương Prithvi Narayan Shah, còn được người Newari cho là thần Vishnu tái sinh, là 1 người dũng mãnh và nhiều tham vọng. Đi lên từ miền quê nghèo Gorkha, ngài đã bắt đầu thôn tính từ từ các nước nhỏ cận kề và tấn công và chiếm đóng Kathmandu vào 1768, đội quân của ngài, trong trận chiến chinh phục thành Kitipur tiếp đó, đã xẻo gần 60kg mũi và môi của cư dân thành này (!). Sau đó, vào 1769, ngài đã quy phục vị vua cuối của vương triều Malla ở thành Bhaktapur để gom giang sơn Nepal về thành một quốc gia thống nhất. Thưở đó, ngài còn đem đội quân hùng mạnh của mình đánh chiếm nhiều nơi khác nữa. Lãnh thổ của Nepal ngày đó lấn sang 1 phần Tibet ngày nay, kéo xuống tận vùng Punjab, India bây giờ, trải dài từ vùng Kashmir (vùng đất đang tranh chấp giữa Pakistan-India) đến tận vùng Sikkim, India ngày nay… Quốc vương Nepal hiện tại, cũng là con cháu của Hoàng gia Shah. Sau khi thống nhất Nepal, kinh đô vẫn còn ở Gorkha nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, đã chuyển về Kathmandu. Gorkha chỉ còn là dấu xưa của một thuở hào hùng.



Với 1 lịch sử oanh liệt như vậy, nhưng Gorkha sau bao nhiêu biến đổi dâu bể, lại không được lưu giữ và tôn tạo như Kathmandu, Patan hay Bhaktapur... Cả phố núi nhỏ giờ chỉ còn 1 điểm được nhắc đến trong sách du lịch đó là cung điện xưa Gorkha, còn gọi là Gorkha Durbar. Nơi đây có cả pháo đài xưa, cung điện hoàng gia, ngôi đền Hindu, và các ngôi đền, tượng thờ… có giá trị lịch sử nằm quanh. Nằm trên núi cao Durbar Square cũng là nơi tuyệt vời để ngắm hoàng hôn hồng rực đè lên dãy trên dãy Hymalaya, cụ thể là các đỉnh của cụm Annapurna xa xa hay nhìn nắng chiều dịu dàng ve vuốt thung lũng Trisuli vàng mơ ngày mùa ngay bên dưới. Còn ngắm bình minh à, thử leo 1500 bậc dốc đứng cao ngút ngàn trong chiều nay rồi hãy quyết định là sáng sớm mai có nên lò mò trong bóng đêm còn mờ mịt để lên đó hay không?


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081017.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081013.jpg
Gorkha mến thương đón chào khách quý bằng nguồn nước tinh khiết vàng óng nồng nàn của thiên nhiên tươi đẹp nơi đây! Khách du đến đây cũng nên tưởng nhớ đến những anh hùng dân tộc Nepal thưở trước! Bpk tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo này.


Phố trưa buồn hiu hắt buồn, bé xíu lại dốc đèo quá chừng trời nên bpk cũng chỉ đi quanh quẩn trong phố. Quyết định là sẽ leo Gorkhar Durbar vào buổi chiều chứ bây giờ mà leo thì rất nóng, chỉ đi trong phố cũng đã nóng, sẽ giảm cảm giác hứng thú khi vừa leo dốc vừa lầm bầm (!?). Mà không lý nào giờ này leo lên đó, rồi ngồi chờ mãi đến hoàng hôn. Thôi thì đi tìm thăm các em Gorkha tình thương mến thương vậy. Trưa nắng bỏng rát, nhưng vào bóng râm lại mát lạnh – như Dalat mến thương vậy – nên bpk chui vào bóng râm ngắm nắng vàng chói bên ly Gorkha sóng sánh vàng! “Đời thế mà vui”!!!



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081018.jpg
Đền đài trong phố - đền thờ thần Mahadev (1 hóa thân của thần Shiva)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081021.jpg
Rất lạ khi 2 kiểu đền đài này đứng cạnh nhau, đền Mahadev trắng mái củ hành và đền thờ thần Vishnu 2 mái kiểu Nepal


Quá khứ hào hùng của Gorkha không chỉ đến từ danh tiếng của vị quốc vương Shah. Trên thế giới người ta biết đến Gorkha (Gurkha) nhiều là còn nhờ những chiến binh thiện chiến mang tên Gorkha / Gurkha trong quân đội Anh. Từ những năm tháng chiến đấu chống chọi đối đầu lẫn nhau trong cuộc xâm lăng Nepal của Anh, chính sự thiện chiến, anh dũng của các đối thủ Gorkha đã làm cho các nhà quân sự Anh ấn tượng và ngưỡng mộ. Do vậy, bắt đầu từ khi chiến thắng và nắm quyền ở Nepal, họ đã tuyển dụng những chiến binh này vào quân đội của họ. Và việc này vẫn còn tiếp tục đến tận hôm nay. Trong quân đội Anh, những chiến binh Gorkha hiện đại cũng tiếp nối thể hiện sự kiêu dũng của cha ông qua các chiến trận mà quân đội Anh tham gia ở Afghanistan, Bosnia, Sierra Leone... Ngoài ra, họ còn là những chiến binh oai hùng của Hoàng gia Brunei, quân cảnh Singapore…


Và giờ ở Gorkha, dân chúng cũng luôn tưởng nhớ những chiến binh hào hùng, mỗi ngày, qua những chai Gorkha!!!!!!!! Chân thành tưởng nhớ nhất trong ngày hôm nay là mình!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! !!!!!


(tbc.)

LinhEvil
13-08-2009, 12:02
Không còn là du lịch nữa... mà là sống với vùng đất ấy rồi bác nhỉ!

Miên Nữ
14-08-2009, 00:02
Anh Bpk, em là Chou nè. Cảm ơn anh vì topic này, mà em đã đọc từ trên blog của anh lúc anh vừa đi vừa post trong... cơ cực vì Internet xứ này, đã khiến em quyết tâm đi Nepal 1 chuyến. Ko cảm nhận và sống với nó sâu sắc như anh vì em tranh thủ đi công tác ghé ngang, nhưng nếu ko đọc loạt bài này trước thì em còn hời hợt với nó hơn nữa.

Nepal dễ thương lắm, cảm ơn anh.

PS: Gần đây anh có hay về khu vườn bên kia phà Cát Lái ko?

backpackervn
14-08-2009, 18:24
@ Linh, thật sự là bpk vẫn đang "sống" với Nepal những khi nhìn hình hay gõ lóc cóc để sẻ chia.

@ Miên Nữ, vậy là gặp lại bạn bè. Y!360 đóng cửa là bpk cũng đóng cửa blog luôn. Nếu như Chou nói yêu thêm Nepal, ghé thăm du lịch Nepal... vì bpk thì chắc bpk sẽ kêu chính phủ Nepal trả tiền công bpk đã nhiệt tình quảng cáo cho đất nước này. Nói vậy, chứ bpk rất mong những thông tin của mình có ích với các bạn. Giờ bpk đang ngồi "gỡ gạch" đã đặt từ hồi lang thang. Mà chắc gỡ cả năm cũng chưa hết quá!

Bpk vẫn hay sang sông những chiều cuối tuần, về đó để nhớ Nepal và mơ về nhiều nơi khác nữa!!! Phải chi có bữa nào off ở đó hén?
.................................................. .................................................. ..

(cont.)


Nồng nàn và quyến rũ, dòng nước thơm mát ngọt lành Gorkha cùng cái trưa cao nguyên luôn là đồng hành tốt của những kẻ nhác lười. Vì cả buổi sáng dài thườn thượt lắc lư trên xe, lại không kịp ăn sáng, chỉ kịp nhai trệu trạo mấy chiếc bánh vòng chen lấn mua vội ở quán sớm bên đường, nên giờ bpk cũng mệt mỏi rã cả người. Nhất là sau khi đeo cái balo lên lên xuống xuống phố dốc, phố nắng tìm nhà nghỉ. Do vậy, sau khi quẳng balo đi lon ton dạo phố, chui ngay vào 1 cái quán khi thấy những em Gorkha vàng óng sắp hàng khoe chân dài, trên chiếc tủ hàng, kê trước cửa, như quyến rũ, như dụ dỗ, như mời mọc khách ghé thăm chơi nhà. Mời thì vào!!!

Quán vắng vì đã qua giờ chiều rồi, mà toàn Gorkha nãy giờ chỉ thấy 2 bạn tóc vàng lẩn quẩn mà thôi, chẳng có nhiều du khách nên 1 mình bpk bao luôn cả 1 quán – sang ghê hén! Món quen thuộc mì xào vẫn là dễ gọi nhất dù ở nơi nào. Quán chỉ còn 1 cố be bé khoảng 18-20 và 1 cậu em trai lăng xăng giúp chị. Cả 2 chị em đều xinh tươi ngoan ngoãn cứ len lén đưa mắt nhìn khách lạ, rồi cười. Đáp lại, bpk cũng khoe răng là cả 2 cúi mặt xuống hoặc chạy mất dép ra sau bếp. Vui ghê! Ngồi mãi, “tưởng nhớ mãi những chiến sĩ oai hùng của Gorkha…” mãi, rồi đâm ra lười, chẳng muốn đi đâu nữa. Vác tấm thân lặc lè, chẳng biết vì dĩa mì hay vì gì gì nữa, về nhà khách lăn đùng ra nằm thở phì phò, đợi chiều về leo lên Gorkha Durbar Square.

Chiều cũng chầm chậm về. Lên đường thôi, non xanh nước biếc đang chờ.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081046.jpg
Pháo đài, cung điện, đền đài… đều ở trên cao đó


Đường đến các bậc thang leo lên Durbar Square cũng là đường vào con phố xưa của Gorkha, trưa đến giờ, bpk chỉ lang thang ở phố mới. Lý do là nhìn con dốc đi lên phố xưa bụng liền bảo dạ để chiều! Ngay khi lên dốc bạn sẽ thấy các cụm đền đài thờ thần Mahadev, thần Vishnu… với các kiến trúc khác nhau lạ lạ. Sâu thêm vào phố có Dinh Thự xưa của Thống đốc vùng Gorkha nhưng vì đã “chiều” nên hết giờ vào thăm. Chưa leo núi mà bpk đã bắt đầu lầm bầm. Và con đường dốc đứng kia rồi, bắt đầu chinh chiến thôi. Sổ sách ghi lại rằng có cả thảy 1.500 bậc thang. Các bậc thang ở đây chiều cao dao động từ 20cm đến 60cm. Sao chẳng có em nào mặc mini-jupe leo núi trước mình vậy ta. Thôi kệ, cứ đi biết đâu ăn ở phước đức lại gặp may!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081032.jpg
Một ngôi đền nhỏ vàng rực trong nắng chiều


Vất vả leo hơn 1.500 bậc cấp dốc đứng, người ngợm mồ hôi mồ kê như suối đầm đìa dù đã trời chiều mát mẻ. Vừa đi vừa nghỉ đến mấy bận, vừa thầm nghĩ "Chắc ngày xưa ông vua này được cáng lên đỉnh hoặc cỡi ngựa đi đường khác chứ mỗi ngày đi bộ leo dốc kiểu này lên đến nơi hết hơi còn làm ăn gì nữa?!" Rất dốc và rất mệt, nhưng lên đến nơi thì hơi buồn tý xíu. Cung điện chính đóng cửa không cho vào, các đền đài xung quanh chỉ mở cửa 2 ngôi đền bé xíu. Còn lại đóng cửa hết. Mà các đền đài ở đây cũng nhỏ, không "hoành tráng" như ở Kathmandu. Với lại, mọi thứ có vẻ "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo", (theo mình thấy) không hoành tráng như công lao và chiến tích của vị quốc vương vang dội này.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081036.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081038.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081033.jpg
Các hoa văn chạm khắc tinh xảo của các ngôi đền, cung điện


Không có niềm vui này ta tìm niềm vui khác! Thế là bpk bắt đầu ngắm nghía tứ phương bốn bề và bắt đầu đi lòng vòng. Đền chiều tương đối vắng vẻ, chỉ có ít cư dân địa phương, leo lên trước bpk 1 tý, cúng bái xong cũng đã về. Mà khu vực Durbar Square này tương đối lạ với việc bạn phải cởi thắt lưng và cả giày ra nếu 2 thứ đó làm bằng da (hoặc giả da (!)). Có người giữ giúp cho bạn ngay trước cổng vào. Theo LP thì không cho chụp hình thế nhưng lúc bpk làm bé ngoan đưa máy ra nộp thì anh gác cổng từ chối nói rằng mình cứ chụp thoải mái. Thế là hạnh phúc rồi.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081043.jpg
Đền đài trong những ngày thu xanh Nepal. Chỉ ở Tibet & Nepal (mấy chỗ khác chưa đi chưa biết (!)) mới thấy trăng giữa ban ngày.


Tòa nhà được gọi là “Cung điện Hoàng gia” nơi quốc vương Shah được sinh ra nhỏ nhưng kiến trúc gỗ rất tinh xảo. Không biết nó có được trùng tu hay không vì các kiến trúc từ TK XVIII này rất đẹp và còn được giữ gìn tương đối tốt. Các hoa văn, phù điêu, chạm trổ và cả tượng gỗ của các chú chim công, các đóa sen đều trong rất sắc xảo dù màu thời gian đã phủ nhiều lớp bụi trần. Từ cung điện, nhìn về hướng Tây là dãy Hymalaya với ngọn Annapurna xa xa, nổi tiếng với các cung đường trekking từ Pokhara, bắt đầu hồng rực dưới nắng chiều. Nhìn về hướng tây là thung lũng Trisuli ôm ấp con sông cùng tên xanh lên màu dịu dàng của những cánh đồng hoa màu, đang đón chờ chút nắng cuối ngày vụng về len lách qua dãy Hymalaya thả những hạt nắng cuối cùng, gửi chút hơi ấm cho 1 đêm lạnh cao nguyên sắp về.


(tbc.)

tiennguyen
17-08-2009, 20:21
Đi đứt gần một ngày để đọc một mạch hết 8 trang của bác bpk!
Hình bác chụp rất đẹp, nhiều tấm rất "tầm", ngắm hoài không chán.
Đôi mắt bác chiêm ngưỡng Nepal mới thật thú vị, giống như đôi mắt của trẻ thơ, trong suốt, hồn nhiên và cũng rất sâu lắng.
Em ấn tượng lắm với bài của bác. Đọc chậm và ngắm nhìn từng chi tiết nhỏ những tấm hình về Nepal của bác, em thấy thật giống như một giấc mơ!...!
Cảm ơn bác bpk rất nhiều!

congatau
17-08-2009, 22:19
Hi anh, từ khi blog bị đóng không biết anh sẽ viết tiếp bài ở đâu; lang thang vào đây, thấy cái nick quen quen, rồi đọc bài thấy cách viết và hình chụp....mấy chai bia :) thì biết ngay là anh; nhớ hồi anh đi chuyến này, ngày nào đi làm về cũng vô blog anh; 1 là để xem bài mới, 2 là biết anh vẫn còn tiếp tục hành trình để cập nhật cho giang hồ ở nhà :). Viết tiếp đi anh, tfs.

backpackervn
18-08-2009, 08:44
@ tiennguyen, cám ơn bạn đã động viên!

@ congatau, đi đâu lang thang, rảnh rỗi vô đây "ném đá" cho vui hén! Chờ anh "gỡ gạch" từ từ nghen, dạo này lu xu bu quá! "Thương hiệu" của anh là mấy chai bia đó, bây giờ là cứ thấy chỗ nào mà có chụp hình mấy chai bia là biết hén.
.................................................. ....................................

(cont.)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081084.jpg
Đền “Kamasutra” – văn hóa Ấn hay văn hóa Hindu?

Quanh cung điện còn có các ngôi đền khác, có giá trị lịch sử như ngôi đền của vị học giả đã tiên đoán tương lai xuất chúng của quốc vương Prithivi Narayan, những ngôi đền khác (không biết tên mà cũng không biết hỏi ai) giờ vàng rực trong nắng chiều. Có cả ngôi đền tạm gọi là đền Kamasutra vì rất nhiều các chạm khắc thể hiện các hoạt động “vui tươi” ấy trên các thanh rường, giằng… Điều buồn cười là các nghệ nhân không chỉ chạm khắc tranh ảnh con người mà cả gia súc nữa! Vui ghê hén!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081059.jpg
Mặt trời đã bắt đầu xuống bên kia dãy Hymalaya


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081060.jpg
Thung lũng xa xa lưu luyến nắng chiều


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081062.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081056.jpg
Đền chiều rực trong nắng vàng

Sau khi lòng vòng đã đời đã điếu, bpk trụ lại trên 1 hòn đá lớn, hướng trực chỉ Hymalaya, cũng là mặt trời ngắm hoàng hôn từ từ buông, nhìn dãy núi xa xa chuyển từ bạc trắng kiêu hãnh đến hồng dịu dàng, đến đỏ kiêu hãnh và trở về ánh kim huyền ảo khi nắng đã tắt hẳn để đêm sang. Lại lò dò xuống núi. Thực sự là phải rị mọ lò dò đi vì đi xuống dễ trượt té mà các bậc cấp bằng đá sứt chỗ này mẻ chỗ kia hụt chỗ nọ… nên phải đi từ từ vì không muốn tuột nhanh xuống!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081093.jpg
Hoàng hôn đã buông xuống hẳn


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB081053.jpg
Sương đã bay mờ mờ trên thung lũng khi nắng còn luyến lưu… - “thôi về đi, đường trần đâu có gì…!”

Xuống vừa đến nơi, trời tối thui và phố chẳng lên đèn mà lên nến vì cúp điện!!! Được 1 lúc thị trấn nhỏ sáng rực trong ánh trăng nhưng buồn vô cùng vì chẳng có gì để ngắm. Nhà nhà đóng cửa tắt đèn ngủ sớm. Chẳng có hàng quán nào ngoài trời để bpk ngồi lê lết dưới trăng cả. Chỉ mong có 1 cái quán xập xệ để ngồi cũng không có. Đi lang thang một hồi dưới trăng, mỏi chân và bụi mù, quay về nhà khách, leo lên sân thượng ngồi tiếp. Cõng theo mấy em Tuborg lên sân trăng nghe KL đong đưa “con trăng đang nằm ngủ” dù trăng đang vằng vặc phố núi.


"Thế thôi đã hết một ngày"!

backpackervn
25-08-2009, 16:17
Bpk rời Gorkha một sớm sương mây mùa thu lãng đãng. Lại men theo con đường đồi núi đẹp nên thơ trong một sáng khi thu còn chưa vương nắng. Cứ những con đèo dốc quanh co ôm ấp những vực thẳm sâu hun hút còn trắng xóa sương đêm. Có những khi sương mỏng teng để lộ cánh đồng vàng mơ mơ nơi xa xa, rồi có những khi xe bò chầm chậm qua những thị trấn quê nghèo còn đang ngái ngủ vắng tênh với những con đường phố hẹp, những ngôi nhà buồn tênh đứng chơ vơ bên sườn đồi, ỉm im cửa đóng then cài… để đến Manakamana, lúc ngôi đền và đường lên vẫn còn chìm khuất trong mưa bụi đang rây tơ, sương mù vẫn còn dày đặc như có thể xén thành từng bánh, đóng hộp, đem về rao bán ở một Saigon ồn ào khói bụi luôn mơ một ngày có sương.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091113.jpg
Thung lũng Trisuli hôm bpk rời Gorkha

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091108.jpg
Quốc lộ Prithvi ôm theo con sông Trisuli trong 1 sáng sương mờ

Manakanama nằm trên quốc lộ Prithvi. Nếu đi từ hướng Kathmandu đến Pokhara, chúng ta sẽ gặp ngôi đền này trước khi đến Mugling, trước khi đến ngã 3 Abu Khaireni để đi Gorkha. Do vậy, nếu đi từ Gorkha trở ra chúng ta sẽ phải đi ngược, quay về hướng Kathmandu, nên cũng hơi ngược đường. Lúc đầu, Manakanama chỉ là một dự định tạm, Gorkha là mục tiêu chính. Nhưng trên đường đi, nhìn thấy khách hành hương tụ tập xôm tụ ở ngôi làng nhỏ ven đường Cheres để đi Manakanama, nhìn thiên hạ tung tẩy vui tung tăng hớn hở nơi đây và nhìn con cáp treo bò xiên xiên dốc đứng, xuyên qua những đám mây ham chơi lần mò đến tận lưng chừng núi…, bpk quyết định đổi ý - sẽ quay lại lang thang nơi này, sau khi đã viếng thăm miền đất hào hùng Gorkha.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091102.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091105.jpg
Dòng Trisuli cuồn cuộn chảy về xuôi - trong một sáng thu nắng ngủ muộn

Manakamana là một trong những ngôi đền Hindu quan trọng nhất Nepal. Nằm trên 1 ngọn đồi cao hơn 1.000m so với chân đồi – cũng đã là miền cao nguyên, ngôi đền quanh năm được mây ôm ấp chở che dịu dàng mỗi khi sáng sớm hay chiều muộn. Manakamana được xây dựng từ thế kỷ XVII, là ngôi đền rất linh thiêng đối với những người Nepal mộ đạo. Những người dân thường đến đây cầu xin may mắn phước lành đến với gia đình. Đặc biệt, những gia đình có con trai thường lặn lội đến đây để cầu mong một tương lai xán lạn cho những thiên thần nhỏ dấu yêu của mình. Ngôi đền này thờ nữ thần Bhagwati, một hóa thân của nữ thần Parvati, được tin là có những quyền năng đặc biệt trong việc biến những ước mơ thành hiện thực. Do đó, những nam thanh nữ tú vừa mới kết hôn thường nô nức tập trung về đây để cầu nguyện ước mong cho những đứa con xinh xắn trong tương lai của mình. Nghe nói, vật tế thần, thường là các chú dê hiền lành hoặc các cô bồ câu tội nghiệp, được tiến hành trong 1 tòa nhà đẫm máu phía sau ngôi đền chính (bpk đã không vào đó).


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091210.jpg
Cổng vào đường lên ngôi đền (hình chụp lúc trưa).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091205.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091207.jpg
Nơi 2 tôn giáo hòa hợp – Thần Garuda & Đức Phật cùng tọa lạc gần nhau trên con đường

(tbc.)

backpackervn
27-08-2009, 12:11
(cont.)

Cho đến năm 1998, chỉ có 1 cách duy nhất để đến đây là con đường bộ băng rừng lội suối 18km cực kỳ gian khó từ Abu Khaireni, để leo lên được đỉnh núi cao hơn 1000m (so từ chân núi) này – có lẽ do sự gian khổ để đến được nên ngày xưa chỉ có những người thật sự thành tâm mới đến được. Và có như vậy, ngôi đền mới đáp trả tấm lòng chân tình của người mộ đạo. Còn bây giờ thì chỉ cần bỏ ra 800Rp, leo lên cabin cáp treo, ngồi phịch một cái, đòng đưa lờ lững trong không trung ngắm thiên nhiên tươi đẹp bên dưới hoặc ve vuốt mây bay lờ lững quanh mình, chẳng mấy chốc bạn sẽ được đưa thẳng lên đó. Nhưng báo trước, đi cáp treo này hơi bị rùng rợn đó nghen. Nepal mà!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091123.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091120.jpg
Đường nào lên thiên thai….

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091118.jpg
Nhà ai trong sương mơ


Vẫn chỉ có đường đi là đẹp, như nhiều người đã nói. Mà thật ra, khi hỏi thông tin về Manakamana thì mọi người cũng đã báo rằng đây là nơi hành hương chứ không phải là điểm du lịch – nhưng bpk vẫn đi. Mình cũng đang đi hành hương mà!!!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091135.jpg
Chợt rơi từ thiên thai xuống cõi trần đông đúc

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091137.jpg
Nhà phố trên đỉnh đồi, trước khi vào đền. Ôi ngày xưa nay còn đâu?

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091145.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091131.jpg
May mắn là làng xưa vẫn còn kề bên


(tbc.)

backpackervn
27-08-2009, 13:06
(cont.)


Cáp treo xuyên qua nhiều đám mây dày đặc để lên đến đỉnh núi. Qua khỏi mây lên đến đỉnh thì trời rất nắng và rất quang đãng. Nhưng khi nhìn xuống xa xa thì lại chỉ thấy mây trắng bay dày đặc trong thung lũng bên dưới, cả bốn bên tứ bề. Dòng sông cuồn cuộn Trisuli bên dưới giờ như sợi chỉ bạc mờ mờ thoát ẩn thoát hiện. Chỉ khi sương tan mới thấy sợi chỉ bạc lấp lánh này dịu dàng uốn lượn ôm ấp các bãi cát trắng cánh đồng nâu, nương rẫy xanh, ruộng lúa vàng... thật đẹp. Xa xa, những nếp nhà tranh ẩn khuất trong sương sớm chợt ẩn chợt hiện khi đám gió nô đùa kéo lũ mây nghịch ngợm bỏ nhà đi lang thang chơi.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091159.jpg
Ngôi đền Manakanama

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091165.jpg
Những người mộ đạo

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091168.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091161.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091169.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091170.jpg
Những gương mặt Nepal

Ngôi đền nhiều mái này được xây dựng theo kiến trúc như các ngôi đền trong thung lũng Kathmandu. Có niên đại từ thế kỷ XVII nhưng hiện nay, chỉ còn ngôi đền xưa trong mây này là còn giữ gìn được sắc xưa. Cảm giác hơi buồn ty tý khi bước xuống cáp treo, sau khi choáng ngợp với cảnh vật tuyệt vời trên cáp treo là 1 khu phố ồ ào náo nhiệt với những căn nhà 3-4 tầng cao ngút chèn ép con đường bé xíu khép nép giữa dãy phố ồn ào. Khu vực xung quanh giờ đã lên phố lên phường với những ngôi nhà cao luôn tấp nập khách ra vào mua mua bán bán hoặc nghỉ ngơi sau những chuyến đi xa hay chờ đợi cho những ngày dài cầu nguyện sắp đến…Bon chen với dòng người hành hương, bpk cũng đến ngôi đền Manakanama ngắm nghía vòng ngoài. Ngôi đền Manakanama cũng bé, có lẽ vấn đề tâm linh và linh thiêng là quan trọng. Ngôi đền cũng có đề bảng không cho non-Hindu vào, nên bpk chỉ lang thang vào xóm giềng ngõ ngách nhìn ngang ngó ngửa, tí ta tí toét đuổi heo rượt gà kiếm đường chụp hình... Địa thế từ đỉnh núi nhìn quanh thật đẹp, với thung lũng bên dưới, núi tuyết xa xa, mây lờ lững đong đưa,... những con đường hẹp, những dàn bắp khô... thật hay… Nhưng có lẽ cứ "lải nhải" ruộng vàng, núi tuyết, mây trắng hoài các bạn cũng chán, nên thôi, không già chuyện nữa.


(tbc.)

petedy
27-08-2009, 13:21
World's Highest Hotel (altitude above sea level): Hotel Everest - Nepal

The Hotel Everest View is 3,880 metres (12,730 ft) above sea level and is set in the Sagarmatha National Park.
All rooms have views of Mount Everest standing at 8,848 metres (29,030 ft) and the only direct access is by chartered helicopter.


The Everest Hotel
Address: New Baneshwore, Kathmandu, Nepal
Phone: 977-1-4780100
Email: [email protected]
Website: _www.everesthotel.com.np

- Hotel cao nhất thế giới so với mặt nước biển (3,880 metres) .
- Tại Sagarmatha National Park.
- Tất cả các phòng đều có thể nhìn thấy đỉnh Mount Everest ở độ cao 8,848 metres.
- Chỉ có thễ đến đây được bằng trực thăng. :D

Bạn bpk vẫn còn tại Nepal chứ?. Hôm nay mình đọc báo tình cờ thấy được
thông tin nầy, nếu có thời gian & đều kiện thì nên thử cho biết. (beer)

backpackervn
28-08-2009, 11:22
@ petedy, cám ơn bạn nhé. Bpk đã rời Nepal lâu lắm lắm rồi, nhưng dù sao cũng rất cám ơn bạn. Mà nếu có còn đang ở Nepal, bpk cũng không có tiền để đến cái khách sạn mà chỉ đi trực thăng mới đến được đâu.
.................................................. ................................................

(cont.)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091143.jpg
Vạt lúa vàng dưới sương mây

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091147.jpg
Ở 1 góc khác của làng xa xa trong thung lũng, khi sương mây bay đi


Vào làng xong, bpk lại ra sau đền ngồi nhìn ngắm những dòng người thành tâm đi lễ. Những gia đình mới, những gia đình trẻ với các em bé thật xinh, những đại gia đình, từ những cụ ông cụ bà đến các thanh niên trai tráng đến các bé thơ đều toát lên vẻ mộ đạo của khách hành hương “thứ thiệt”, khác xa khách hành hương cùi bắp bpk (!!!). Sì sụp khấn vái, thành kính đi lòng vòng quanh đền, ra ngoài nghỉ ngơi mắt vẫn còn dõi theo con cháu em út đang vào đền. Những em bé thật ngoan, chẳng khóc nhè mà thật hiền lành trong vòng tay mẹ chờ ba đang làm lễ đâu đó cầu mong phước lành về cho bé. Bpk cũng cầu mong cho họ - và cho mình (!?).

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091181.jpg
Cánh đồng vàng trong thung lũng

Ngồi đã đời đã điếu, lang thang chán chê chán chường, lại ngồi, lại đi… đến quá ngọ lại lóc cóc leo lên cáp tuột xuống đường. Nắng trưa đã đuổi sạch sẽ đám sương mây ban sáng chạy đi đâu mất tiêu để lộ những cánh đồng vàng rực bên dưới. Dòng Trisuli giờ lấp lánh ánh bạc ôm ấp ruộng nương tươi màu trong nắng.

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091204.jpg
Đường lên giờ đã quang đãng – đẹp nhưng không còn hấp dẫn như ban sáng lúc đi trong sương

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091195.jpg
Dòng Trisuli giữa nắng trưa lấp lánh bạc

Chia tay Manakanama – đền thiêng duyên dáng trong mây! Sẽ nhớ một sáng vuốt ve sương mây, một trưa trôi lãng đãng trên dòng Trisuli cuồn cuộn bỗng nhiên dịu dàng bên dưới… và một ngôi đền thiêng xưa bao quanh bởi những thung lũng xinh đẹp mây bay hờ hững ngang mái nhà ai dịu dàng khép nép bên sườn đồi…. – Manakanama!

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091183.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091184.jpg
Đồng lúa chìm trong sương sáng giờ mới kiêu hãnh khoe mình trong nắng


Lại lóc cóc đeo balo ra đường đón xe đi Dumre, để kiếm đường lặn lội đến 1 vùng đất kỳ thú khác, một viên ngọc bị chìm trong quên lãng của Nepal. Chờ nhé Bandipur!


...

LinhEvil
28-08-2009, 11:36
Quang cảnh ở Manakamana giống Tú Lệ nhờ! :) so sánh vớ vẩn tí cho topic thêm phần giao lưu ạ!

soi7x
28-08-2009, 14:13
Quang cảnh ở Manakamana giống Tú Lệ nhờ! :) so sánh vớ vẩn tí cho topic thêm phần giao lưu ạ!

Giống là giống thía nào, láo nha láo nháo, giống ở Hoàng su phì thì có, ợ:gun

backpackervn
01-09-2009, 11:26
@ Linh & Soi7x, bpk thấy Manakanama giống Tú Lệ hơn, vì ruộng bậc thang hẹp và cao, không rộng & thoải như ở Sapa. Ngoài ra, thêm con sông Trisuli cũng hơi giống con suối ở Tú Lệ.

@ ntvhanh, bạn phong chức "phóng dziên" cho bpk, lỡ mà bạn của bpk vào đây đọc chắc có người phải đi cấp cứu vì cười vỡ bụng rồi đó. Dù sao cũng cám ơn bạn nghen.
.................................................. ............................................


Với rất nhiều người và cả với bpk, Bandipur hiểu theo nghĩa nào như trên cũng rất đúng.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101353.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091211.jpg
Con đường đẹp chạy miên man từ Dumre vào Bandipur



Du lịch đến Nepal, khách thường biết đến thủ đô Kathmandu nhiều danh lam thắng cảnh, lắm di tích lịch sử văn hóa, hay thành phố cao nguyên lãng mạn có hồ xanh soi bóng núi tuyết Pokhara hoặc miền đất linh thiêng nơi Đức Phật chào đời Lumbini… mà ít biết đến vùng đất hoa lệ một thời Bandipur. Ngày trước, nằm trên trục đường giao thương chính giữa Tibet - Nepal - Ấn Độ, Bandipur một thời tấp nập khách thương ngược xuôi qua lại. Những con đường, khu phố, những ngôi nhà xây dựng hoành tráng (so với thời đó)... để phục vụ những thương nhân giàu có, đã làm thành phố một thời nổi tiếng sung túc.


Nhưng vào những năm 70 của thế kỷ trước, con đường quốc lộ mới được xây dựng, chạy từ Kathmandu đi Pokhara, lại đổi hướng, đi vòng sang hướng khác, rất xa Bandipur. Thủ phủ của tỉnh cũng được dời từ đây ra Dumre, nằm trên đường quốc lộ mới… thế là thành phố xinh đẹp này rơi vào quên lãng. Các thương nhân lần lượt rời thành phố và để lại sau lưng sự im ắng và cả những ngôi nhà đẹp đẽ giờ trống huơ trống hoác. Nhưng nhờ vậy, Bandipur lại giữ được nếp sống xưa, cộng với những kiến trúc đẹp đẽ theo kiến trúc đặc trưng của người Newar bản địa,… người dân hiền lành dễ mến và hiếu khách, không bị thương mại hóa như ở các đô thị có nhiều khách du lịch khác... Đến những ngày này, thành phố đã bắt đầu ‘‘hết bị quên lãng”, khách du đã nghe về viên ngọc quý này bắt đầu lần mò tìm đến. Nơi đây giờ là điểm dừng chân của rất nhiều lữ khách muốn khám phá một khu phố xưa hiền hòa ẩn chứa nhiều giá trị thời gian, một điểm lặng tuyệt vời trên cung đường du lịch Kathmandu – Pokhara náo nhiệt.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091238.jpg
Những con đường đá yên bình ở Bandipur


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101352.jpg
Phố nhỏ thanh bình Bandipur nhìn từ trên đồi…


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101327.jpg
… và nhìn từ 1 góc đồi khác


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101302.jpg
Nắng sớm trên đồi Tundikhel ở Bandipur


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101277.jpg
Đường xuống thung lũng mây hồng ở Bandipur


Bandipur có địa thế và phong cảnh rất đẹp. Phố nằm ngay trên dải đất bằng của 1 đỉnh núi, nằm uốn khúc như 1 dải lụa theo những triền núi, phía dưới là thung lũng màu mỡ của dòng sông Marsyangdi uốn quanh, xa xa là những đồi núi xanh ngăn ngắt và xa xa nữa là dãy Hymalaya chập chùng tuyết trắng uốn lượn bao quanh... Ưu điểm khác của Bandipur là vẫn chưa bị khai phá nên còn phố còn giữ được rất nhiều nét nguyên sơ đáng mến. So với cảm nhận của riêng bpk, Bandipur có phần đẹp hơn Pokhara. Chỉ có điều phố núi nhỏ và ít các dịch vụ du lịch và nhiều du khách phương Tây lại rất thích sự mộc mạc đó. Bpk cũng vậy, bạn cùng đến Bandipur với bpk xem thử thế nào, có đúng không nhé?




(tbc.)

backpackervn
01-09-2009, 11:35
(cont.)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091214.jpg
Trẻ con với những trò chơi dân dã ngay trên phố


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091223.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091226.jpg
Bà & cháu chào đón khách lạ bpk


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091225.jpg
Cả ông nữa, cũng chào mừng bpk đến Bandipur. Chắc bạn biết cách chào của người Nepal (và cả India) là chắp tay trước ngực và nói Namaste phải không?


Đường đến Bandipur hơi khó khăn, không có xe đi trực tiếp từ Kathmandu hay Pokhara đến đây. Từ Kathmandu, trên xa lộ Prithivi đến Pokhara, bạn sẽ phải dừng chân ở thị xã Dumre, cách Kathmandu khoảng 143km vàkhoảng 80km trước khi đến Pokhara. Từ đó bạn đón xe jeep, chờ khi xe đủ khách (nghĩa là nhét đầy trong xe và trên trần xe) xe mới ì ạch chạy qua chỉ 8km đường đèo dốc nhưng mất gần 50 phút mới đến Bandipur. Đường đi len lỏi qua nhiều đèo núi cây cối xanh um, những cánh đồng ngày mùa vàng rực… cũng rất đẹp, nhưng lại không đẹp bằng nơi đến, Bandipur.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091245.jpg
Hàng cây cổ thụ trên đồi Tundikhel ở Bandipur


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091246.jpg
Thung lũng Marsyangdi trong chiều, dòng Marsyangdi mềm mại uốn khúc, xa xa Hymalaya bắt đều cựa mình chuyển hồng trong ráng chiều.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101317.jpg
Một sáng sương mây lãng đãng ở Bandipur


Ngày trước, Bandipur thuộc về vương quốc Magar, nhưng sau cuộc chinh phục thành công thung lũng Kathmandu của quốc vương Prithvi Narayan Shah, những thương nhân Newari đã tràn qua phố và đem theo những nét đặc trưng, tinh túy của nghệ thuật Neawari trong điêu khắc, xây dựng… về đây. Là thành phố xưa, Bandipur không những đẹp về xây dựng theo kiến trúc Newari mà còn có nét đẹp văn hóa riêng biệt. Một phần do nơi đây ngày xưa là thành phố của những gia đình thương nhân thượng lưu giàu có, một phần cũng có lẽ do các nữ tu sĩ Thiên chúa giáo Nhật Bản đã đến đây xây trường học và phổ cập giáo dục cho trẻ em từ những năm 1985 nên người Bandipur và nhất là trẻ em ở đây rất dễ thương và không bị “du lịch” hóa như các nơi khác. Các bé sẵn sang cười cho khách chụp hình và thoải mái vui đùa trò chuyện với khách. Không có việc “Photo, Money!”… như ở nhiều điểm đến du lịch khác. Hỏi thăm mới biết thêm là chính quyền Bandipur cũng rất nghiêm khắc trong việc kinh doanh du lịch cũng như giáo dục ở đây. Cũng nhờ vậy mà phố nhỏ xinh đẹp này vẫn còn giữ nguyên được nét xưa.



(tbc.)

Bluelady
03-09-2009, 11:58
Tớ phải lập nick để cảm ơn bạn backpacker. Tớ luôn muốn đi Nepal và đọc xong topic này, tớ quyết định phải lên plan Tibet-Nepal.

Cho tớ hỏi bạn đi Nepal trong bao nhiêu ngày vậy? Nếu tớ ở Tibet 10 ngày và Nepal 20 ngày thì có ổn ko?

backpackervn
04-09-2009, 10:53
@ ntvhanh, cám ơn bạn!

@ bluelady, bpk ở Nepal gần 1 tháng. Bạn có thể đi Tibet 10 ngày rồi Nepal 20 ngày cũng được. Nhưng nếu đổi lại, bpk sẽ đi Tibet 20 ngày và Nepal 10 ngày, dù bpk rất thích Nepal, như bạn đã thấy khi bpk ngồi lóc cóc gõ để chia sẻ về Nepal. Lý do là Tibet rất khó đi, còn Nepal thì bây giờ dễ đi lắm, bạn bay qua Bangkok, sẽ có mấy hãng có chuyến bay đến Kathmandu. Còn Tibet... một câu chuyện rất dài....

.................................................. ........................................
(cont.)



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091231.jpg
Trẻ con Bandipur, rất ngoan và mến khách


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091212.jpg
Thư viện từ TK XVIII cổ xưa ở Bandipur


Phố, hay thị trấn nhỏ và xưa cũ. Đến 70% những ngôi nhà ở đây có kiến trúc Newari đặc trưng với những chiếc cửa sổ gỗ chạm khắc tinh xảo. Những con đường lát gạch đỏ hay đá xám đã mòn nhẵn vết thời gian trở nên rất đẹp và rất hợp với những ngôi nhà mái lợp đá xám. Những ngôi nhà lớp mái bằng đá này giống ở Mường Lay, Lai Châu quê nhà. Nhà xây bằng đá hoặc nửa đá nửa gạch, mái xám, bên hông nhà những cây rơm vàng rực rỡ đứng làm nơi vua đùa tí tởn của bọn trẻ và cũng là nơi yêu thích của những chú gà trống kiêu hãnh vỗ cánh ò ó o… mỗi khi phởn. Người dân ở đây hiền hòa dễ mến, những em bé chơi đùa những trò chơi dân gian mộc mạc trên phố với những nụ cười lem luốc vô cùng đáng yêu. Chơi với nhau đã, thỉnh thoảng các bé đua nhau rượt các chú gà cô vịt đang lang thang trên đường. Các chú chó buồn tình cũng nhiệt tình tham gia tí tởn rượt nhau hoặc ví các cô vịt lạch bạch chạy té khói... rất hay và yên bình.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101345.jpg
Nhà xưa trong phố.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091235.jpg
Những con đường yên, đá xưa đã mòn nhẵn vết thời gian


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091244.jpg
Rồi đường chợt ùa tắm nắng chiều ấm áp



Bandipur nằm dài trên một đỉnh núi bằng, của dãy Mahabharat, ở độ cao 1030m, luôn mát dịu quanh năm. Ngoại ô Bandipur gần là thung lũng, xa hơn 1 tý là núi cao. Mây trắng sáng sớm và chiều hôm sà vào nhà, và núi tuyết, và những cánh rừng thông, dòng sông ẩn hiện trong mây, những con đường với hàng cây bồ đề cổ thụ, những ngõ vắng hoa vàng... Bandipur còn được tô điểm bởi những ngôi đền Hindu cổ với kiến trúc Newari, thư viện từ TK XVIII,… cả những căn nhà to đẹp, đậm nét kiến trúc Newari, giờ trống trải, của những thương nhân đã bỏ xứ đi xa để lại… làm Bandipur đã đẹp lại thêm đẹp…


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091236.jpg
Đền nhỏ, mái nhà yên nép mình dưới bóng cổ thụ


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091240.jpg
Rồi đến con đường yên bình cũng khép nép dưới bóng cả



(tbc.)

backpackervn
04-09-2009, 10:57
(cont.)



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101290.jpg
Bình minh mây ở Bandipur nhìn từ Tundikhel – có ai muốn nhảy xuống tấm thảm mây này không?


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101279.jpg
Mây trắng hay núi tuyết trắng hơn – ai nào biết?

Buổi sáng ở Bandipur, nơi chiêm ngưỡng bình minh đẹp nhất là “đồi” Tundikhel, một đỉnh núi bằng khác, chỉ khoảng hơn 20 phút đi bộ từ phố. Sương mây mờ mịt trên đồi, che kín thung lũng và dòng Marsyangdi bên dưới. Dù mặt trời đã lên cao nhuộm vàng dãy núi tuyết Hymalaya xa xa, thung lũng vẫn mê mệt ngủ chìm trong mây. Đó đây ở những hẻm núi, ở vài nóc nhà, bếp quê nghèo bắt đầu phả chút khói sớm, chen qua làn sương mỏng mong manh và cũng sớm tan vào sương. Nắng vẫn cứ vàng rực những nương đồi ở triền núi trên cao và bất lực với mây sương trắng toát lười nhác ngủ vùi trong thung lũng kế dưới. Những ngôi làng xa xa nửa trong mây, nửa trong nắng, đẹp vô cùng. Bandipur lạ vậy đó.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101285.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101287.jpg
Rồi lâu lắm, núi mới chen mây được ngoi lên tý xíu – cho khỏi ngợp


Sáng đó, chỉ có mình bpk lang thang trên đồi Tundikhel. Gần cả tiếng đồng hồ chờ sương tan nhưng sương mây vẫn cứ trắng toát ôm ấp thung lũng bên dưới. Men theo con đường bên những gốc sung cổ thụ, bpk đi xuống mãi 1 con dốc làm bằng đá xưa đã mòn nhẵn. Xa xa bên dưới là bóng 1 ngôi làng nhỏ còn ngái ngủ chỉ thấy lưa thưa vài cọng khói bốc lên từ vài mái nhà khi đám sương bị gió đùa sang nơi khác – nhưng cũng được tý chút rồi quay về. Thấy thì gần, nhưng bpk đi mãi vẫn không đến, làng này lại không có trong LP nên bpk cũng không biết là có nên mạo hiểm… Chần chừ một hồi lại quay về lòng đầy nuối tiếc. Ngôi làng xa xa vẫn ẩn hiện trong sương như một bức tranh thủy mặc đẹp lạ thường.


Có lẽ nào bpk đã bỏ qua một chốn đào nguyên???


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101311.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101317.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101318.jpg
Nhà ai thấp thoáng trong sương mây



(tbc.)

Bluelady
05-09-2009, 10:03
Làm sao để cảm ơn bài viết nhỉ?

@backpacker: Đi Tibet bây h dễ mà, AA có vé sang Chengdu cũng rẻ lắm, tính ra khéo đi rẻ hơn bay thẳng sang Nepal. Mà xin permit vào Tibet có khó ko bạn?

backpackervn
07-09-2009, 17:27
@ Bluelady, đi Tibet bây giờ vẫn không khó, nếu bạn có nhiều quân Nguyên. Tiền permit vào Tibet không nhiều, nhưng bạn không được tự đi vào Tibet mà phải luôn có HDV đi kèm. Do đó, nếu bạn không kiếm được bạn đồng hành, bạn vẫn có thể đi một mình 1 tour, 1 tài xế, 1 hướng dẫn, 1 Lancruiser!!! Lúc bpk hỏi ở Chengdu cho tour 2 người đi 10 ngày, chi phí khoảng 5.200Y cho mỗi người, không bao gồm tiền vé từ Chengdu lên Lasha. Bạn xem thêm thông tin về các chuyến đi Tibet trong forum hoặc PM cho bpk nếu cần thêm thông tin nghen.
.................................................. ......................................


(cont.)


Trưa, phố nắng vắng tanh. Khách trẻ khỏe nhiều ham hố thì lặn lội trekking, leo núi, thăm hang động… dân bản địa cần cù vườn rau sau nhà hay cặm cụi trên nương rẫy. Chỉ có phố vắng vàng hoe hoe nắng và vài du khách vừa đến ngập ngừng, ngỡ ngàng trước Bandipur mơ màng… ngồi ngắm phố phường xinh trong nắng ấm hay thong thả dạo bước trên những con đường đá xưa mòn nhẵn. Phố trưa chỉ chợt vỡ òa khi các em học sinh tan trường, những nụ cười và câu chào “Namaste!” luôn thường trực trên môi các em. Ở đây, cả trẻ con vừa biết nói cũng biết câu chào này. Làm trưa ấm càng thêm ấm lòng du khách.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091250.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091252.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091256.jpg
Chiều bắt đầu về trên thung lũng Marsyangdi


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091266.jpg
Ráng chiều đã nhuộm hồng dãy Hymalaya kiêu hãnh


Chiều về, mặt trời hoàng hôn lại nhuộm một màu khác cho những ngọn núi tuyết – hồng rực rỡ. Lũ mây sương lười nhác ngủ ngày ban sáng giờ nấp vào chốn nao chẳng biết, chỉ còn bầu trời xanh dịu dàng cuối ngày thu, phối với dòng Marsyangdi uốn khúc bên dưới và thung lũng vàng rực ngày mùa thành bức tranh tuyệt mỹ.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091237.jpg
Hoàng hôn đã về bên kia núi.


Rồi những tia nắng cuối cũng mờ dần khi mặt trời tiếc nuối thả những ngón tay hồng hồng dịu dàng ve vuốt trời xanh trước khi chìm sâu vào bên kia dãy Hymalaya, giờ cũng ánh lên màu hồng mê hoặc. Bandipur chợt rùng mình se lạnh khi những cơn gió nghịch ngợm chợt ùa về từ núi tuyết Hymalaya. Bandipur vào đêm.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091274.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB091276.jpg
“Bạn” này đến từ India, tới 7,50 độ cồn lận đó. Đêm Bandipur nồng nàn hơn nhờ có mấy bạn này.


Bandipur vào đêm rồi, khách bắt đầu rời Tundikhel về phố. Bpk chia tay nhóm thanh niên Kathmandu nãy giờ mời bpk uống rượu, tán dốc tưng bừng và hẹn gặp trong phố nhỏ. Để khách về trước, còn lại bpk một mình trên đồi đêm lạnh trăng sao sáng vằng vặc mà hồn cứ lâng lâng mơ về đâu đó…



(tbc.)

Bluelady
08-09-2009, 19:03
cảm ơn Backpacker. Tớ chắc chắn sẽ pm cho bạn hỏi thêm thông tin khi tớ có lịch đi cụ thể. Hiện h tớ đang còn vướng mấy plan chưa xong nên chưa biết sẽ đi lúc nào. :)

backpackervn
09-09-2009, 11:57
(cont.)



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101323.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101319.jpg
Một góc đồi thông trong sương trưa ở Bandipur – nhìn từ xa và khi bpk lần mò tìm đến gần


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101325.jpg
Một ngôi đền xưa trong nắng sớm

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101350.jpg
Ngôi nhà lẻ loi bên sườn đồi với mái đá, những dàn bắp khô đặc trưng của những làng Newari, hoa vàng trên mái, bên hông nhà


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101342.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101337.jpg
Các em đi học – xinh, ngoan & lễ phép. Trời thu xanh hoa vàng hồng tía đủ màu trên cao


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101347.jpg
Trưa yên bình ở phố, chỉ xôn xao tý khi các bé đi học về


Những ngày này, bpk gặp nhiều du khách ở Bandipur, cả khách Nepal lẫn khách nước ngoài. Ở vùng đất đẹp và hiền hòa, mọi người như dễ gần nhau. Nhóm thanh niên Kathmandu bpk gặp trên đồi chiều, buổi tối lại gặp nhau trong phố, ngồi ở bàn kế bên thỉnh thoảng lại cùng nâng ly “Cheers!” vui vẻ. 2 cô gái Hà Lan ngồi chung bàn trên vỉa hè… giờ trở thành những người bạn vui, trong một đêm cao nguyên dịu dàng. Hoa trong phố, dạ lý trong đêm nồng nàn gửi vào gió se se lạnh chút hương nồng, làm đêm như say say… Đêm trôi trong sương, trong hương và trăng cũng đã mờ vì sương.



Rồi cũng phải chia tay Bandipur. Rời Bandipur dịu dàng mến thương, lòng đầy núi tiếc. Mai này, phố cũ có còn dễ thương khi nhiều khách du bắt đầu tìm đến. Và thung lũng mây mù, có còn không một sáng nào tinh khôi nhiều nắng, nhiều gió... để người cứ bồng bềnh như trôi trong sương mây.



Biết đến bao giờ, lại về, trong sương sớm, Bandipur?

gianker
09-09-2009, 22:45
https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101285.jpg



Những nơi như này cứ như là chốn thiên bồng ý nhỉ? Chà, thế mới là Nepal chứ.

backpackervn
10-09-2009, 18:33
Những nơi như này cứ như là chốn thiên bồng ý nhỉ? Chà, thế mới là Nepal chứ.

@ gianker, đi máy bay có thể chụp hình đẹp hơn hình này, nhưng hình này chụp khi đứng trên đồi, sương mây bay là đà ngay sát dưới chân mình, nên chỉ muốn nhảy xuống chiếc chăn bông tinh khiết và êm ái đó. May mà bpk chưa phải là đệ tử Lý Bạch!

Đùa tý cho vui, bpk không nghĩ đây là chốn “thiên bồng” đâu nhé! Chốn “thiên bồng” là cho Thiên Bồng Nguyên Soái họ Trư thôi – mà bpk không phải họ này. Bpk chỉ thích ở chốn “bồng lai tiên cảnh”, với tiên nữ thôi! Cái này thì lại giống họ Trư mất tiêu rồi…..

.................................................. ..................................




Trên chiếc xe cọc cạch, người đi chung với dê, rị mò rồi bpk cũng lần mò đến được Pokhara vào một xế trưa nắng quái. Pokhara thanh bình xinh đẹp nổi tiếng là đây sao, khi chiếc xe lọc cọc quăng bpk xuống cái bến xe liên tỉnh giữa nắng nóng và bụi mờ và ồn ào và hỗn độn… nhất là khi vừa rời khỏi một Bandipur trong trắng tinh khôi… Chỉ đến khi nhảy lên chiếc xe, chạy mải miết trong nắng bụi, đến hồ Phewa, bpk mới bắt đầu thấy vẻ duyên dáng yêu kiều của Phokhara, nhưng cũng chỉ tý xíu mà thôi(!).


Nổi tiếng trên các hành trình du lịch, Pokhara là thành phố lớn thứ hai của Nepal, nằm ở cuối của cung đường trekking (từ Kathmandu) vòng đến dãy núi Annapurna (8091m) và cũng là nơi bắt đầu của những chuyến trek leo lên dãy núi này. Do vậy, với nhiều du khách, Pokhara là điểm nghỉ ngơi sau khi trek xong cung đường Annapurna, với các du khách khác, nơi đây là nơi nghỉ dưỡng cho những chặng leo núi hiểm nguy phía trước, hay hứng thú với trò nhảy dù paragliding trên dãy Hymalaya kiêu hãnh.. Nhưng với nhiều du khách khác nữa, đây là nơi yên bình để lang thang ngắm núi tuyết soi hồ xanh, lười biếng nhấm nháp những ngụm bia vàng mát lạnh khi đang thả người bên hồ biếc Phewa hay từ tốn lang thang thăm thú những ngôi chùa Phật giáo trên đồi cao, những ngôi đền Hindu cổ xưa trong phố… Còn bạn, bạn sẽ đến Pokhara để làm gì?



Trước khi con đường xa lộ Prithrvi hình thành, từ Kathmandu đến đây thường mất khoảng 10 ngày đêm trèo đèo vượt thác… và đặc biệt hiểm nguy là những dòng sông hung dữ cuồn cuộn chảy với những cơn lũ thường ập đến bất ngờ. Ngoài những nhà thám hiểm khoa học, những khách phiêu du mạo hiểm…, khách phương Tây chỉ bắt đầu biết đến Pokhara vào những năm 70 – bắt đầu bằng những cuộc khám phá của những “đội binh hippies” vốn đã chọn Nepal là xứ xở thiên đường vào thời gian đó. Với cảnh quan thanh bình của hồ xanh núi trắng, thời tiết ôn hòa, địa thế đa dạng phù hợp nhiều loại hình du lịch… Pokhara đã thu hút được sự quan tâm rất nhanh chóng và bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Đến những năm 80, nơi đây đã trở thành “thành phố của resort”. Đến những ngày binh biến liên miên, những đoàn quân du kích Maoist chặn xe trên con đường xa lộ Prithvi… làm hạn chế khách đến bằng đường bộ nhưng làn sóng du khách vẫn ùa về. Đến nay, thanh bình đã về trên Nepal và thiên đường du lịch Pokhara đang vẫy gọi du khách. Dù được mệnh danh là “Thamel bên hồ” nhưng Pokhara thanh lành khác hẳn Thamel ồn ào náo nhiệt với đặc biệt với đặc sản bụi bặm (!) ở Kathmandu. Chỉ lang thang đến những khu vực không xa hồ Phewa lắm, bạn sẽ trở về không khí ngày xưa của những ngôi làng Newari vàng ươm lúa chín ngày mùa, với những con đường gạch đỏ đã nhẵn mòn, những ngôi nhà gỗ chạm khắc tinh xảo, những nụ cười hồn hậu, những câu chào “Namaste” và những nụ cười như bất tận trên mỗi những người dân lành Pokhara….


Và ở Pokhara, có 1 điểm vô cùng đáng yêu đối với những người dân Việt, phần lớn theo Phật giáo hay không phải là Phật tử nhưng vẫn thường thăm viếng chùa, là bạn có thể nghe bài tụng ca “Om mani padme hum” vang vang khắp nơi trong phố - đặc biệt là từ những cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng như cửa hàng băng đĩa… Bạn có thích?


Nhưng dài dòng nãy giờ, bpk cũng chưa “tỏ tường” với bạn là ngoài việc “mới chỉ thích Pokhara một tý xíu khi mới đến hồ Phewa” là bpk có thích Pokhara thêm nữa phải không? Vẫn chưa, mà còn ác cảm thêm nữa, sau khi mới vừa bắt đầu thích 1 tý. Lý do là sau cả buổi ngồi xe chật chội, nóng bức… chung xe với cả 1 chú dê (!) nữa, giờ phải đeo balo đi tìm nhà trọ mòn mỏi trong nắng quái xế trưa gay gắt. Mùa thu là mùa du lịch cao điểm ở Nepal cũng như Pokhara, nên bpk đi đến mấy điểm theo LP cũng như nhiều GH khác ở các hẻm gần gần khu balo đều bị kín phòng, nếu có thì giá cũng đâu 10-12$US, “không hợp với dáng anh”! Rút kinh nghiệm (lần thứ 101!), bpk không thèm tạt ngang tạt dọc hỏi nữa, lầm lũi cắm cúi chúi mũi đi xa xa 1 tý, có ngay được nơi nghỉ. Mà bpk là còn lười đó, đám khoai Tây chung cảnh ngộ kiếm nhà nghỉ với bpk nó còn đi đâu xa tít tắp xuống bên dưới kia nữa để kiếm chỗ nghỉ tiết kiệm hơn nữa. Do vậy, mãi đến lúc này bpk vẫn chưa thấy Pokhara có cái gì hay, ngoài cái hồ!!!


Quăng balo, lăn đùng ra nghỉ, tắm rửa, giặt giũ, phơi phóng… ra đường cũng đã hơn 5pm. Thuê xe đạp đi ngắm hoàng hôn thôi. Biết đâu hoàng hôn Pokhara đẹp, lại bắt đầu yêu phố núi thì sao?



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101361.jpg
Hoàng hôn tím bên hồ




Mà hoàng hôn bên hồ ở Pokhara đẹp thiệt!


(tbc.)

gió hoang
10-09-2009, 21:17
cảm ơn Backpacker. Tớ chắc chắn sẽ pm cho bạn hỏi thêm thông tin khi tớ có lịch đi cụ thể. Hiện h tớ đang còn vướng mấy plan chưa xong nên chưa biết sẽ đi lúc nào. :)
Quân ta phần nhiều đi Tibet qua ngả Kunming hay Chengdu-tiện nhưng phải có giấy phép, rồi HDV,... và ối thứ linh tinh.
Còn nhiều option khác:
1. Ghé Guangzhou-East Station me vé Lahsa rồi tót lên tàu nằm 54h sẽ đến nơi. Nếu chọn option này, khả năng bị chặn lại giữa đường (Qinghai chẳng hạn) là có. quite risky yeah? but it's part of the fun!
2. Feeling hơn, bạn bay Guangzhou-Kashgar, nghe giang hồ hoankiem đồn có 700RMB one way àh. Chơi chợ phiên Kashgar cho biết mùi Hồi cương rồi lên bus đi Karghilik (Yecheng), mất 5h.
Từ Karghilik có 2 chuyến sleeper bus/tuần đi Ali (30h-weather permitting, 600RMB) băng qua dãy Tianshan, qua 2 ngọn đèo cao 5500m, không một bóng người, chỉ có trời mây, núi tuyết, thảo nguyên, thú hoang và gió.......thật nhiều gió hoang!
Từ Ali đi Rutok Xian rồi trek qua Nepal, hoặc đi Tsaparang thăm Guge Kingdom...rồi Kailash mountain, Manasarovar lake. Nếu đã have enough Tibet, down xuống Zhangmu đi Nepal. Nếu chưa, head east to Gyantse, Shigatse....and Lahsa. Once in LaHSA, things get easy...(beer)
It's a life-changing journey, guaranteed!(NT)
3. ???............

why not?

Bluelady
10-09-2009, 21:59
Cảm ơn bạn Gió Hoang. Route này có vẻ challenging thật đấy, có điều nó có vẻ tốn kém thời gian quá nhỉ. Nếu tớ bay đến Chengdu rồi đi train lên Lhasa thì sao hả bạn?

Xin lỗi bạn backpacker nhé, cho tớ hỏi thêm thông tin 1 tẹo. :)

backpackervn
11-09-2009, 10:44
@ gió hoang, Bluelady, cám ơn các bạn thiệt là nhiều. Bữa giờ bpk lải nhải một mình hoài chán quá trời quá đất luôn. Sẵn dịp đang bí không biết gõ thêm cái gì về Pokhara, gặp đề tài vô cùng thích hợp, bpk tham gia (lê văn) tám luôn. Nepal & Tibet luôn nằm trong 1 cung đường mà, nên các min/mod không cho là spam hoặc làm loãng topic đâu.


Các cung đường bạn gió hoang đưa ra rất hấp dẫn, nhất là cung đường đi từ Tân Cương. Bpk thích cung đường đó lâu lắm rồi, và gần đây có rảnh rỗi đọc cuốn tiểu thuyết sến còn hơn cả Thị Hến “Bên cạnh thiên đường” có nói về vùng đất Tân Cương & tình huynh đệ bằng hữu rất mãnh liệt của những con người Tây Tạng, làm bpk càng thêm khoái cung đường này. Chắc chắn là bpk sẽ lần mò đến Tân Cương, và sẽ lò dò thử cung đường bạn gió hoang đề cập.



Nhưng tình hình ở Tibet đã thay đổi rất nhiều sau sự kiện March 14, 2008 rồi. Mọi thứ giờ đều bị kiểm soát rất chặt chẽ. Bpk sợ rằng các cung đường đó mình sẽ rất khó đi trong thời điểm hiện nay. Ngay cả việc đi tàu lửa từ Quảng Châu như bạn gió hoang đề cập cũng không dễ. Vì hành trình bpk lên Tibet cũng bằng đường tàu mà, ôi thôi là kiểm tra passport, permit… Nhất là đoàn tàu đi Lasha cửa đóng kín mít (nếu không chắc chết vì lạnh) nên không thể leo lên nóc trốn như đi tàu chui ở nước Việt đâu (!?). Nói nào ngay, nếu bạn đi trót lọt vào Tibet rồi nhưng bạn không thể ở trọ đâu hết (đều bị hỏi ID hoặc passport khi vào nhà nghỉ hoặc KS) cũng như bạn không thể tự mua vé vào thăm các danh lam thắng cảnh, vì họ đều đòi xuất trình permit và họ luôn hỏi là tour-guide của bạn đâu. Nếu bạn tự đưa permit ra họ vẫn không chịu. Những điều này là thực tế bpk đã từng trải qua và bạn của bpk cũng mới vừa đi về trong tháng 6 năm nay nói y chang vậy. Bpk không biết với các bạn biết tiếng Hoa thì có thêm cơ hội như thế nào, còn với bpk, tiếng Hoa, 1 chữ bẻ làm 4 cũng không biết chứ đừng nói 1 chữ nguyên, nên hầu như được xem là farang dù đặc trưng da vàng mũi tẹt của bpk y chang các bạn ấy.


Bạn Bluelady muốn bay đến Chengdu đi tàu lửa, OK. Bạn phải xin permit để vào Tibet, có thể nhờ dịch vụ từ Lasha (liên lạc từ VN và bạn sẽ không phải tốn thời gian chờ nếu đợi đến Chengdu mới xin, mất 3 ngày) hay xin ngay tại Chengdu (bạn tham khảo các topic khác trong diễn đàn này). Nếu bạn đi một mình, bạn phải trả chi phí cho toàn bộ 1 tour, gồm 1 HDV, 1 tài xế, 1 chiếc Landcruise. Vé tàu nằm tầng 3 từ Chengdu đi Lasha đâu khoảng 700Y lâu quá không nhớ, đi 45h.


Còn một kinh nghiệm thực tế khác nữa. Cũng năm ngoái, thay vì đến Chengdu để đi Tibet, thì bpk lại lon ton lên Yunnan, đi Deqin chơi, sau đó mới vòng lại Zhongdian (còn có cái tên mỹ miều là Shangrila). Từ Zhongdian có tuyến đường bộ qua các huyện của tỉnh Sichuan (Tứ Xuyên) là Daocheng, rồi đến Litang (xem bản đồ bên dưới). Litang, nằm ở ngã 3 con đường từ Kangding lên Lasha, nên có thể đón xe từ Kangding lên Tibet từ đây. Nhưng chẳng cần biết bpk có đi Tibet bằng con đường đó hay không, chỉ cần bpk hỏi mua vé đến Daocheng là bị từ chối không bán và bảo rằng “Người ngoại quốc không được đến đó”! Thế là tiêu tan giấc mộng đi đường bộ từ Yunnan qua Sichuan rồi đến Tibet của bpk. Và kế hoạch của bpk cũng đã bị đảo lộn hoàn toàn.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/SichuanMap.jpg
Hành trình từ Yunnan qua Sichuan đi Tibet, đã gãy


Còn 1 hướng (với nhiều cung đường) khác là đi từ Nepal / Kathmandu. Bpk sẽ quay lại Tibet, rất muốn nói là chắc chắn, để viếng núi thiêng Kailash – ước mơ (hay đúng hơn là tham vọng – kiểu “được voi đòi thêm Hai Bà Trưng”) của bpk, vào một mùa xuân nào đó. Do vậy, bpk cũng đang “ngâm cứu” cung đường đi từ Nepal. Với lại, hiện nay giữa chính quyền TQ đang ưu đãi cho Nepal nhiều về du lịch nên việc xin permit, các tour đi từ Nepal vào Tibet đều dễ dàng hơn đi từ trong đất TQ.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/Kailash-2.jpg
Núi thiêng Kailash trong truyền thuyết (hình từ net)


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/Kailash-1.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/Kailash-3.jpg
Núi thiêng Kailash trong ước mơ của kẻ tham lam (hình từ net)


Nhưng ước mơ, bao giờ mới đến? Ngày ấy đâu rồi? Ngày ấy đâu rồi?.......

Bluelady
11-09-2009, 11:17
Có khi đi ngược từ Nepal sang Tibet như Backpacker nói cũng hay đó nhỉ? Nhìn núi thiêng Kailash thích quá đi mất. :)

Bạn Backpacker có cho ai bám đuôi bao h không? :">

gió hoang
11-09-2009, 13:36
Nếu có cung đường nào không cần permit vẫn lên Tibet được thì đó chính là cung Tân Cương-Tibet!(NT)

Trên đường có nhiều check posts-5 cái thì phải-và trạm nào cũng check passport rất kỹ, giữa đêm hôm khuya khoắt họ cũng lùa xuống kiểm tra từng người một, cái lạnh cao nguyên đặc quánh........gió lùa như kim châm vào óc vào tim.....nhưng đều passed!:LL
Tới Ali rồi gió hoang tự nộp mình cho Ali PSB, nộp 300RMB tiền phạt rồi họ cấp cho cái permit đi khắp Ngari (western tibet) bao gồm các điểm: Puyang, Rutok, Zanda (Tsaparang), Kailash, Manasarovar, Saga...nên hành trình của hắn từ đó trở về sau got delightfully permitted!
Nhưng bonus lớn nhất của option này chính là Kailash & Manasarovar - Mandala linh thiêng nhất của Mật Tông thế giới. Ai một lần tới đây sẽ hiểu tại sao cái khao khát về nguồn trong mỗi chúng ta lại mãnh liệt đến vậy!
Nhưng từ Lahsa gần như không thể tới đây vì giang hồ đồn rằng PSB ở Lahsa & Shigatse rất khó chịu, hễ nhắc tới Ngari là say NO liền:T:T:T. Các bạn nên check lại trên trorn tree forum của lonely planet để có thêm thông tin trước khi đi.

Less challenging là option qua ngả Kathmandu đi Zhangmu-Saga-Manasarovar-Kailash...nhưng phải thông qua cty du lịch ở Kathmandu. Người ta ai cũng đi cung Lahsa, Shgatse, EBC, Kathmandu... sao mình không đi ngược lại, nhờ?

@ bluelady: không nên đi tàu từ Chengdu lên Lahsa vì phải ngược về Xian, Lanzhou, ...chả gần hơn option Guangzhou-Lahsa là mấy lại tốn tiền hơn và dường như khỏan checking permit cũng gắt hơn.(BB)

Bluelady
11-09-2009, 13:46
@Gió Hoang: Chắc tớ hơi chậm hiểu. Nghĩa là nếu đi đường GuangZhou-Lhasa thì chỉ vào được western Tibet à? Hay là đi bất cứ chỗ nào ở Tibet cũng được?

Có ai vào được nhà máy bia Lhasa chưa? :D

backpackervn
11-09-2009, 15:37
Wow, bpk thật sự thích cái sub-topic ngang hông này ghê.


@ gió hoang, bạn đi chuyến đi đó vào thời gian nào vậy? Nếu bạn đi trong thời gian sau ngày binh biến ở Tibet có nghĩa là tụi này vẫn có cơ hội đi đường đó rồi. Dĩ nhiên là không phải thời gian này vì lúc này Tân Cương lại đang bạo động nên ngay cả vào Tân Cương cũng đã khó rồi. Ngày trước, bpk đọc LP nghe bọn khoai Tây xúi dại như vậy bpk cũng tính làm theo, nên mới lần mò đến Zhongdian, rồi mới bị từ chối đành tẽn tò quay về!!!


Kailash là niềm mơ và là niềm đau chôn dấu của bpk đó. Nếu chờ mãi mà vẫn chưa thấy bạn gió hoang chia sẻ hành trình Kailash của bạn, chắc hôm nào PM nhờ vả bạn 1 tý về thông tin cung đường này.


Bpk sẽ mô tả tường tận vụ soát vé và permit hành trình Chengdu – Lasha như thế nào nhé (dự tính là sẽ giấu lương khô để kể lể trong hành trình Tibet nhưng giờ đành phải lộ hàng!). Khi đến Chengdu, bpk vì chỉ đi 1 mình, không cáng đáng được chi phí cho cả chuyến đi nên viết vài dòng vào cái note, gắn lên bảng thông tin ở nhà nghỉ. Sau mấy ngày thương thảo và thống nhất hành trình, gom được 3 mạng nữa, toàn là khoai Tây, nên đi chung với đám này tới đâu cũng bị hỏi permit, nhiều nơi người ta còn tưởng mình là HDV TQ của 3 bạn khoai Tây nữa đó trời. Ngay khi bước chân vào cổng vào ga xe lửa đã bị hỏi, lên tàu bị hỏi, khi tàu dừng ở các ga có người lên xuống, cũng bị hỏi… Mua vé vào Potala, chỉ do HDV cầm permit + passport đi mua, rồi vào đó cũng đi cổng khác với cổng của người TQ, vào Everest Base Camp cũng bị hỏi, điểm danh… và cả đến lúc rời khỏi Zhangmu sang Nepal (như ở đầu topic này có đề cập) cũng không được ra khỏi TQ nếu không có permit. Không biết là nếu bpk đi một mình hoặc đi với các bạn đầu đen khác thì có bị hỏi không? Thêm nữa, mấy lần bpk đi internet 1 mình thì OK, nhưng có mấy lần đi với các bạn khoai Tây thì bị từ chối, nói là phải có thẻ hội viên (?!). Nói chung là hành trình Tibet của bpk khó khăn vô vàn… nhưng vẫn rất rất thích.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PA200003.jpg
Bia Lasha, từ nguồn nước tinh khiết của nóc nhà thế giới Everest


Còn nhà máy bia Lasha áh? Bpk có vào rồi, chôm được chai bia Lasha ra mời bạn Bluelady đây (beer). Thiên hạ đi Tibet cữ kiêng dữ lắm nhưng bpk thì kiêng cữ chút chút thôi, “sống là không chờ đợi” mà. Trời ơi là nhớ ngày nào ngồi dưới trời cao xanh Tibet, trong cái lạnh nhè nhẹ cuối thu, cái ấm dìu dịu của nắng chiều vàng (?!), nhấm nháp từng ngụm bia Lasha ngọt lạnh tê đầu lưỡi… Lashaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa!!!

Bluelady
11-09-2009, 15:57
Vậy thì phải chờ thêm nhiều bạn vào comment các cung đường nhỉ. Tớ thì còn phải xem rủ được ai đi cùng nữa, chứ thân gái dặm trường cũng sợ phết. :)

@Bkp: Cảm ơn bạn vì ly bia nha. Nếu lên được Tibet nhất định tớ sẽ xin vào thăm nhà máy bia Lhasa.. :D

gió hoang
11-09-2009, 23:12
@Gió Hoang: Chắc tớ hơi chậm hiểu. Nghĩa là nếu đi đường GuangZhou-Lhasa thì chỉ vào được western Tibet à? Hay là đi bất cứ chỗ nào ở Tibet cũng được?

Có ai vào được nhà máy bia Lhasa chưa? :D

Tui không nghĩ bạn chậm hiểu, chỉ không rành địa lý thôi. Chắc phải nhờ bpk xóa mù địa lý cho bạn bờ lu cái nhờ:LL

Đùa tí thôi chớ theo cung Guangzhou-Lahsa mà muốn đi Kailash thì khó lắm. Theo quy định, hễ vào Tibet phải xin Travel Permit-dzụ này nói hoài rồi. Với permit này bạn chỉ đi loanh quanh Lahsa và vùng phụ cận như Ganden & Samye monastery, Namtso lake,...

Nếu muốn đi western Tibet (Kailash, Manasarova, Tsaparang,...) từ Lahsa phải xin thêm 3 loại giấy phép nữa: một cái là permit cho khu vực này-hình như người TQ cũng phải xin!, một cái là permit của bên văn hóa gì gì đó, một cái nữa...tui quên mất rồi. Nói chung là nge nói thôi cũng oải rồi nên tui quyết định đi chui qua đường Tân Cương, vừa được lễ Phật ở Kailash, vừa có các loại giấy phép nhảm nhí do các đồng chí công an đáng yêu ở Ali PSB cấp-mộc đỏ hẳn hòi nha.......Nói chung là mãn nguyện rồi, có chết cũng yên lòng he he.

@bpk: Tui đi Kailash vào mùa thu 2007, đến giờ vừa đúng 3 năm. Hồi ấy có vẻ "yên ả" chứ không oánh nhau rộn ràng như bây giờ......Tuy nhiên "An toàn" hay không an toàn chỉ là một cảm nhận cá nhân mà thôi. Có người cảm thấy bình thản cho dù có ở giữa vùng lửa đạn, ngược lại ai đó cảm thấy bất an ngay trong chính ngôi nhà mình!
Ai oánh nhau cứ oánh nhau, còn ta đi ta cứ đi, OK?
Tận cùng nỗi sợ là chẳng có nỗi sợ nào hết!

Khi nào rỗi rãi có thể pm cho mình, ở ngay SG này thôi, for some drinks(beer)...

backpackervn
14-09-2009, 14:21
Bpk tham gia t888’m tiếp hén. Trót thì cho trét luôn!


Vụ Đông và Tây Tibet như sau. Nếu chúng ta đi từ phía Chengdu, Guangzhou, Beijing… lên Lasha là chúng ta lên phía Đông Tibet. Hầu như các tour du lịch Tibet nếu không đi theo hướng sẽ đi tiếp sang đến Kathmandu thì thường chỉ lòng vòng ở vùng phía Đông này, chủ yếu là quanh Lasha như bạn Gió Hoang đề cập.


Cung đường bạn Gió Hoang đã đi là từ Tân Cương (Xinjiang), cụ thể là từ Kashgar lên miền Tây Tibet, nơi bạn ấy đã nhảy múa ở Kailash, Manasarova, Tsaparang,... Cung đường này hiểm trở hơn cung đường bên vùng Đông Tibet rất nhiều. Bạn xem bản đồ bên dưới là sẽ hình dung được về các định hướng Đông Tây này.


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/Tibetmap-1.jpg
Bản đồ Tibet

Và đi vào vùng Kailash, nếu đi từ Chengdu, Yunnan… ngoài Travel Permit vào Tibet, bạn cần thêm Travel Permit vào khu vực này… nói chung là rất nhiều giấy tờ lôi thôi rắc rối.


Vậy là bạn Gió Hoang đi cung đường Tân Cương – Tây Tạng là vào mùa thu 2007. Hồi đó khác giờ nhiều lắm, nhất là mấy thứ giấy tờ giờ rất phức tạp. Hôm tháng 9.2008, bpk kiểm tra thông tin ở Kunming, ngay cả mua tour cũng chỉ đi được 5 ngày (trong tháng 9, vừa mới xong Olympic, vừa mở cửa Tibet lại được gần tháng), bạn ấy nói sang tháng 10 mới có tour đi dài ngày hơn, bây giờ nhà nước chưa cho phép. Sau đó lúc đi lơn tơn ở Dali, bpk có hỏi thăm thông tin của 1 công ty du lịch khác thì cũng được trả lời như vậy.


@ Gió Hoang, bpk thì không đến nỗi “… cảm thấy bất an ngay trong chính ngôi nhà mình!” chỉ có cảm giác đó khi trong nhà người khác thôi (?!):gun, nhưng đôi lúc, lon ton ở những vùng binh biến, bpk lại thấy an lòng hơn khi sang 1 vùng khác, giàu có và đang yên ổn. Cụ thể là cũng gần gần thời gian mà bạn đang đi Tân Cương - Tây Tạng thì bpk cũng đang lang thang vùng chiến sự Nam Thailand, Yala, Pattani, Narathiwat… Bpk cảm thấy rất “yên bình”, đặc biệt ở Narathiwat dù công sự đầy đường, lính tráng khắp phố… và bpk cũng đã được “điệu” vào đồn, đông nghẹt lính tráng, để làm việc vì a/ yêu cầu xóa hết mấy tấm hình vừa chụp công sự… b/ sau đó được mời café và anh trưởng đồn chân thành khuyên can là “mày đừng đi lơn tơn như thế này vào buổi tối…. nguy hiểm lắm… mày không biết gì sao mà còn mò xuống đây…”. Và sau đó là t888’m xuyên Thailand với các anh bạn ấy. Sau đó, sang Malaysia rảnh rỗi lên mạng mới biết là mấy hôm đó có bắn nhau ầm ầm ở vùng ngoại ô Narathiwat (ở Narathiwat cửa hàng net rất ít, 7pm đã đóng cửa, sóng ĐTDĐ xóa roaming luôn…), có tới bao nhiêu người hy sinh. Nhưng bpk lại thấy nơi đây rất yên bình khi lang thang vào thôn xóm, bãi biển, dân tình cũng rất dễ thương, vui vẻ, mến khách. Bpk đi thăm nhà thờ Hồi Giáo, chùa Phật Giáo toàn được cho đi nhờ xe, mà họ tự động kêu bpk lên xe không àh chứ không đợi mình nhờ vả. Và ngay sau đó, bpk rời Narathiwat sang Malaysia thì chính sự đối xử kỳ cục của nhiều người dân ở đây mới làm bpk phiền lòng (tuy cũng có nhiều người tốt chứ không phải toàn người xấu).


Đi cũng hơi lan man rồi hén. Từ Nepal, qua Tây Tạng, rồi Tân Cương, rồi đến Nam Thailand, đến Malaysia… chắc phải quay về thôi chứ nếu không là các min/mod sẽ…:T


Cám ơn 2 bạn Bluelady và Gió Hoang nhiều nhiều nghen. Bpk đang ở Saigon, hy vọng có nhiều dịp gặp bạn bè để học hỏi thêm kinh nghiệm giang hồ và (beer).

rien
14-09-2009, 15:27
Còn 1 hướng (với nhiều cung đường) khác là đi từ Nepal / Kathmandu. Bpk sẽ quay lại Tibet, rất muốn nói là chắc chắn, để viếng núi thiêng Kailash – ước mơ (hay đúng hơn là tham vọng – kiểu “được voi đòi thêm Hai Bà Trưng”) của bpk, vào một mùa xuân nào đó. Do vậy, bpk cũng đang “ngâm cứu” cung đường đi từ Nepal. Với lại, hiện nay giữa chính quyền TQ đang ưu đãi cho Nepal nhiều về du lịch nên việc xin permit, các tour đi từ Nepal vào Tibet đều dễ dàng hơn đi từ trong đất TQ.




Về chuyện đi từ Nepal, Bpk và Bluelady đọc thêm blog bạn này xem sao (Nhân tiện nói đến blog, cảm ơn bpk nhiều vì những bài viết chia sẻ kinh nghiệm với mọi người trên blog trước kia cũng như trên vietdu bây giờ. Nhờ bpk mà mình đã có một chuyến đi Indo rất đáng nhớ hồi cuối năm ngoái :). Bao giờ rảnh bpk lại tiếp tục gỡ gạch ở blog nhé )

http://kekexili.typepad.com/life_on_the_tibetan_plate/2009/05/nepal-to-tibet.html

Theo bạn Jamin này, nếu vào Tibet từ Nepal chỉ được visa (theo nhóm) 15 ngày, nếu book tour Kailash có thể được 21-28 ngày và không thể extend. Nhưng đi từ phía TQ thì được visa dài ngày hơn. Cũng theo bạn này, giá tour từ Nepal đắt hơn ở Chengdu và Xining. Bpk đã qua Chengdu và cả Nepal rồi, có thấy đúng vậy không?
Giá mà đi được qua ngả Tân Cương như Gió hoang, chỉ nhìn thấy Kailash thôi cũng thỏa lòng mong ước.
Khi nào bluelady có kế hoạch đi Tibet-Nepal nhớ kêu mình một câu nhé, biết đâu có trùng thời gian nghỉ thì đi cùng nhau

likemoon
14-09-2009, 16:07
@bpker, gió hoang, rien và các bẹn: chỉ ngại làm loãng topic Nepal của bác Bpkr thôi, chứ cũng toàn chuyện Phượt chứ rì đâu các bác nhẩy, từ giờ cho đến lúc có thể vào được Tân Cương , Tibet bình thường chắc còn xa, ta cứ phượt mồm thôi các bác :D

miyukivn
15-09-2009, 10:50
@bpker, gió hoang, rien và các bẹn: chỉ ngại làm loãng topic Nepal của bác Bpkr thôi, chứ cũng toàn chuyện Phượt chứ rì đâu các bác nhẩy, từ giờ cho đến lúc có thể vào được Tân Cương , Tibet bình thường chắc còn xa, ta cứ phượt mồm thôi các bác :D

Bạn likemoon ời, mình cũng đi Tân Cương năm 2007 đấy nhỉ. Tân Cương lúc đấy vô cùng bình yên. Tớ giờ cứ tiếc mãi là sao hồi đó lại quay về để rồi bị chôn chân mấy ngày ở Lan Châu, rồi lại mất 2 ngày Thành Đô mưa rả rích làm kế hoạch Cửu Trại Câu cũng lỡ dở mà Nga My thì mù sương (:D sến vãi). Cũng tại bạn hồi đấy đuổi theo tớ làm tớ ngại cái cảm giác đi 1 mình (vì tự nhiên lại có bạn đồng hành trong gần 1 tuần, sướng quá nên không muốn đi 1 mình nữa mới quay về) chứ kế hoạch ban đầu là đi tiếp đến Kasgar cơ.
Tớ đọc bài của gió hoang rồi chợt mơ mộng rằng nếu hồi đó mình cứ đi Kasgar rồi biết đâu liều 1 phen lại được đến với núi thiêng Kailash (:"> lan man quá xa chủ đề topic rồi, xin lỗi a bpker nhé)

backpackervn
16-09-2009, 18:33
@ all, cám ơn các bạn đã chia sẻ nghen! Các bạn cứ tiếp tục chia sẻ hoặc t888’m đi, đề tài về Tibet muôn đời vẫn hấp dẫn mà. Bpk phải đi cho hết topic này đã, mới có dịp t888’m tiếp với các bạn về các cung đường khác.
.................................................. .................

(cont.)


Lên đường bắt đầu khám phá Pokhara thôi!


Điểm nhấn dễ thấy nhất của Pokhara là hồ Phewa nằm ngay khu du lịch. Điểm nhấn thứ 2 là dãy Annapurna nằm không xa kiêu hãnh soi bóng núi tuyết trắng bên hồ xanh. Ngoài ra, còn các điểm nhấn khác tùy theo sở thích từng bạn, biết đâu có bạn lại thích điểm nhấn là cái quán đầu hẻm, bán cơm bình dân Nepal có tặng khuyến mãi mấy ly “nước mắt quê hương”…!


Uốn lượn như dải lụa, Phewa là hồ lớn thứ 2 của Nepal cũng là điểm nhấn tạo cho Pokhara một không khí dịu êm thanh mát, dù độ cao của Pokhara còn thấp hơn Kathmandu. Vào những ngày trời trong, bạn có thể thấy dãy Annapurna cứ làm duyên làm dáng soi bóng bên hồ cả ngày không chán. Gần hồ, nhất là ở con đường du lịch Tây balo chạy men theo bờ hồ thì nước không sạch lắm nhưng khi lên đò ra giữa hồ nước sạch và hồ rất sâu. Hồ nằm bên cạnh núi nên là môi trường lý tưởng cho nhiều họ nhà chim quy tập. Giữa hồ có 1 đảo nhỏ và ngôi đền thiêng Varahi Mandir. Hồ ôm theo dãy núi nên bpk dù đã chổng m… đạp xe đến chiều tối thấy nước cạn cạn hoài mà vẫn chưa thấy “đuôi” hồ nên quay về.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101366.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101367.jpg
Hồ Phewa lúc chiều còn nắng


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101362.jpg
…rồi bớt nắng


Leo lên chiếc xe đạp cao nghều, bpk trực chỉ con đường dọc hồ, đi về hướng Bắc để rồi rẽ sang hướng Tây, ôm sát theo bờ hồ mà đạp. Bạn bè kể rằng mùa hè rồi Pokhara phượng tím ven hồ nở nhiều nhiều lắm, bpk đi vào cuối thu rồi nên chẳng thấy được chút phượng tím nào cả. Có chăng là mặt hồ dần tím mơ màng khi chiều đang dần trôi. Con đường đi dọc theo hồ khá vất vả nếu đi bằng xe đạp vì cứ lên dốc rồi xuống, rồi lên, rồi lên, rồi xuống…. Nhưng bù cái, mỗi lần lên tới đỉnh một con dốc là 1 viewpoint mở ra bên dưới. Phóng tầm mắt nhìn xa xa về mặt hồ lắng như gương dần chuyển từ xanh sang xanh hơn rồi hồng tím, rồi tím,… rồi những con đò im lặng trôi chầm chậm trên hồ đi vào nơi xa xa, nơi có sương mù tưởng như đò tan trong sương chiều. 2 bên đường lau lách mùa thu trổ cờ trắng phất phơ trong gió tưởng như ngàn binh xưa đang phất cờ lau xung trận… Hồ Phewa đẹp!




https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101381.jpg
Những con đường lau trắng phất phơ trong gió thu, dưới trăng chiều


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101370.jpg
Dãy núi bên hồ, bạn có thấy cái chùa nho nhỏ, World Peace Temple đó, ngày mai bpk sẽ lội bộ lên đó!


Gió hồ mùa thu lành lạnh nên việc đạp xe đỡ mệt chứ nếu đạp mùa hè chắc hơi khó chịu (!) vì dốc cao quá, nhiều đoạn phải dắt xe. Con đường cứ lúc chạy bên núi bên hồ, lâu lâu lại tọt vào thung lũng ngày mùa rồi lại đâm ra hồ tiếp. Hồ lúc đầu thấy thua Hồ Xuân Hương (!?), giờ thấy rất đẹp vì thiên nhiên còn hoang sơ và hồ còn mộc mạc chưa tô phấn điểm son. Bpk mòn mỏi đạp, mê mải nhìn, mệt mỏi thở, mải miết chụp hình… mà vẫn không thấy đâu là nơi “cuối đường” bèn dừng chân ngồi phịch bên hồ, cạnh một ngôi làng. Trẻ con trong làng dễ thương, mượn xe đạp của chú phóng vèo vèo, để chú một mình đi tán dóc với mấy cô thôn nữ vừa đi vừa nói vừa khúc khích cười…



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101373.jpg
Làng đang vào ngày mùa, ven hồ

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB101377.jpg
Mặt trời đã sang bên kia núi, trăng bỗng rơi bên hồ


Mặt trời chiều đã về bên kia dãy Hymalaya rồi. Hồ loang màu tím, những đàn cò trắng cuối cùng cũng đã vội vã bay nhanh về núi cũng đã sẫm tím như muốn tan vào hồ. Chim về rồi, người cũng phải về thôi. Đạp xe đạp trong bóng đêm trên con đường tối thui lỡ có chiếc xe nào không đèn (như xe bò xe ngựa) đâm vào mình, hoặc mình đâm vào cái gì đó thì “thôi rồi Lượm ơi…”. Chia tay các thôn nữ xinh xắn vui vẻ, ngoắc chú nhóc lại lấy chiếc xe và lại tiếp đạp xe cỡi gió bay về trung tâm Pokhara. Hôm đó có buông lời lả lơi hẹn hò là sẽ quay lại thăm thôn nữ xinh, nhưng “thôi rồi còn chi đâu em ơi”… vì “lời hẹn hò (thường) là những cơn mưa”….


Đêm Pokhara có 3 thái cực, ồn ào vui nhộn ở những quán bar, night-club đầy ắp khoai Tây, Nhựt Bổn,…, lặng lẽ bên hồ ngắm sao rơi sóng sánh trên … ly bia, hay đạp xe lơn tơn vào khu dân cư ngó nghiêng cuộc sống dân tình nơi đây. Bạn chọn cách nào. Bpk chọn cách thứ 4 (!?), ra quán net ngồi chép hình để lưu vì mấy ngày qua ở những khu rừng xanh núi đỏ nên 2 cái thẻ nhớ đã đầy tràn rồi. Rồi cũng lên mạng xem bà con ở quê nhà ăn chơi nhảy múa thế nào chứ, nếu không thì đi về bị lạc hậu mất. Do vậy, đêm đầu tiên của bpk ở Pokhara là đêm “chay tịnh” dù khi xong việc cũng đã có “vớt vát” chút đỉnh. Đi du lịch mà, sao lại không “ăn chơi”?!


(cont.)

backpackervn
19-09-2009, 10:44
(cont.)


May cho bpk vì sáng hôm sau có một bình minh thật trong trẻo ở Pokhara!



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110007.jpg
Lúc nắng còn chưa lên, sương còn vấn vương


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110011.jpg
Con đò này có đưa ai đi vào xa vắng?!


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110005.jpg
Dãy Annapurna bừng sáng trong nắng mai, duyên dáng soi bóng bên hồ xanh


Bình minh ở Pokhara thật rạng rỡ, nhất là khi núi tuyết, e thẹn ửng hồng trong nắng sớm, soi mình xuống hồ vắng biếc xanh trong nắng mai sớm, sương trên hồ còn bảng lảng quấn quíu vấn vương... Thong dong bpk đạp xe xuôi hồ, về hướng Damside nơi cuối bên này của hồ. Rồi lại lòng vòng trong phố, rồi lại ra hồ nhìn những chiếc thuyền con nhiều màu rực rỡ sưởi ấm trong nắng sớm, gió thu thỉnh thoảng nhẹ lay những hàng cây trong công viên vắng, những chú chim ríu rít đâu đây như đang ngợi ca một buổi sáng yên lành bình dị…. hồ Phewa trong nắng sớm một ngày ban mai trong trẻo đẹp rạng ngời.




https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110001.jpg
Phà nhỏ trên hồ,…


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110004.jpg
… chầm chậm trôi bằng sức kéo tay người

Theo con đường nhỏ đến góc vắng bên hồ là khu nghỉ dưỡng Fishtail Resort, nằm bên kia hồ, nơi có chiếc đò được kéo qua lại bằng dây thừng, cứ chầm chậm trôi trong nắng sáng, đi về… Nơi này, cô bạn bpk hôm tháng 5 vừa rồi có đến và “chết mê chết mệt” với các anh trai Nepal ở đây nên đã nhiệt tình kêu réo bpk tới đó. Bpk thì chỉ thấy ngồi bên hồ tắm bình minh và ngắm những con đò cô đơn chậm chậm trôi trong nắng sớm, sương sớm vẫn hay hơn nên chỉ dừng lại bên này hồ.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110002.jpg
Những con đò nhiều màu sắc đang tắm nắng mai ở 1 góc hồ bình yên


Rồi những giây phút yên lành của một buổi sáng thơm tho, thư thái café cà pháo trong cái mát lạnh dễ chịu của mùa thu bên hồ. Ly café không thơm nồng không dịu đắng như ở quê nhà nhưng sao quá ấm lòng kẻ lang thang bụi đời. Đôi lúc buông rơi trang sách, lơ lững nhìn nắng xuyên qua lá nhảy nhót trong vườn, hồ ngoài kia lấp lánh ánh bạc khi có con đò nào sang ngang, những cơn gió sáng sớm mùa thu dịu nhẹ đủ rủ rê dìu về một cái rùng mình… như mơ, như tỉnh… tưởng như ngày nào Đà Lạt, tưởng ngày nào...



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110040.jpg
Chùa World Peace trên đỉnh núi, nơi bpk sẽ đến trong sáng nay


Cà kê dê ngỗng, lấy hết mọi lý do để “một tấc không đi, một ly không rời” kiên quyết bám trụ, không đi khỏi café bên hồ, nhưng rồi cũng đến lúc phải nhấc mông khỏi ghế. Hôm nay quyết tâm là sẽ khám phá khu phố bên Damside cũng như sẽ chinh phục World Peace Temple bằng đường bộ. Sở dĩ phải đặt “quyết tâm” như vậy vì đây là con đường ngoài lộ trình bình thường rất ít người đi. Bình thường là sẽ đi đò qua bên chân núi, bên kia hồ, rồi từ đó đi lên tiếp. Còn con đường bpk dự định đi phải sang vòng sang bên kia núi rồi từ đó mới đi, coi như 2 con đường đi ở 2 bên sườn núi khác nhau để lên đến đỉnh, nơi ngôi chùa tọa lạc.



Lên đường thôi!


(tbc.)

neveralone
19-09-2009, 12:28
Chúc bác một chuyến đi tốt lành và có những khám phá đầy thú vị,hóng chờ bài viết và ảnh của bác.

backpackervn
22-09-2009, 13:17
(cont.)


Bên này hồ Phewa, hướng Damside, cũng có thể có những nhà hàng, những đoạn đường tiếp cận với hồ, nhưng không đẹp bằng phía bên kia, trục đường cho dân balo. Nhờ thế tuy không đẹp nhưng khu bên này lại đặc trưng Nepal, không còn là khu du lịch. Ở đây, cũng giống như 1 thị trấn nghèo miền Trung, miền Bắc nào đó (không giống miền Nam vì không có sông nước), chỉ khác là bóng núi tuyết lúc nào cũng được nhìn thấy đâu đó, lúc gần lúc xa, lúc xa tít.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110012.jpg
Láng xóm thật bé nhỏ dưới bóng oai hùng của núi tuyết


Hôm nay lại là 1 ngày lễ nào đó ở Pokhara, bên khu dân cư này. Con đường làng chợt ồn ào với những đoàn người xe đông đúc nhiều màu sắc. Có điều do khu này ít du lịch nên giao tiếp hơi bị hạn chế. Bpk lang thang đu bám mấy đám rước một hồi, thấy khó có thời gian đu bám đến cuối lễ nên đành chia tay, thẳng tiến về hướng chân núi.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110023.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110015.jpg
Những ngày lễ hội ở Nepal thật rộn ràng sắc màu



Con đường trải nhựa tốt nhưng dốc, và cũng ít khách đi xe đạp, chỉ có bpk và vài nhóc đi học đoạn đường ngắn. Thỉnh thoảng, phởn chí bpk rủ tụi nhóc đua xe, lúc thắng lúc thua tùy đoạn có leo dốc hay không, rất vui, dù mệt. Đi mãi trên đường nắng, đến trưa mới đến chân núi, bpk lân la vào hàng quán hỏi đường và gửi luôn chiếc xe đạp ở đó cho cô chủ quán hoàn toàn xa lạ, để bắt đầu lên núi. Chỉ có ở Nepal và vài nước khác là bpk mới có thể dạn dĩ như vậy còn ở… (bạn tự điền vào nhé) là khỏi luôn.



Con đường đi thật dốc, nắng và gồ ghề. Đường đang làm hoặc đang mở rộng nên đất đá cứ ngổn ngang. Bpk đi mãi chỉ có mình mình trên đường. Đi được 1/3 thì thấy có 1 vị tăng trẻ đang xuống núi, mà lại băng dốc theo đường tắt nữa, bpk hỏi thăm thì được biết là ít ai đi đường này, chỉ dành cho các tăng và dân địa phương thôi, nhưng cố lên vì cũng “gần” tới rồi. Thế là nghỉ ngơi chút rồi lại “trekking” (!) tiếp trong nắng. Cũng may là tuy rất mệt nhưng những lúc dừng lại nghỉ trong bóng râm thì lại rất thích vì gió mát và cảnh quan bên dưới đẹp. Thung lũng, ruộng đồng xa xa, con sông quanh co uốn khúc, làng thôn sau ngày mùa đẹp dân dã mộc mạc màu nâu đất.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110030.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110028.jpg
Cảnh quan nhìn xuống khi đang leo núi. Nếu leo sườn núi bên kia sẽ thấy hồ Phewa



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110037.jpg

https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110036.jpg
Đường quê hoa vàng hoa đỏ đẹp rất Nepal


Đi thêm 1 khoảng nữa thì đến 1 ngôi làng chơi vơi sườn núi. Con đường bây giờ hoa rực rỡ tứ bề và chạy râm mát giữa những hàng cây xanh tươi. Các bé hồn nhiên vui đùa bên những hàng rào khi hoa đỏ, khi hoa vàng… thật dễ thương. Đi tiếp hay nghỉ ở đây chơi với các bé nào?



(tbc.)

trantrakhuc
22-09-2009, 23:39
Chào bạn backpackervn,

Bài viết về chuyến giang hồ của bạn quá hay. Xin chân thành cảm ơn bạn đã cho xem bài viết này.
Tôi sẽ đến Nepal vào giữa tháng 10. Chỉ muốn hỏi xem bạn thời tiết ở Nepal lúc đó có lạnh không vậy?
Thêm việc nữa, từ Kathmandu có khó khăn lắm để làm một chuyến đi ngắn ngày đến Tibet không?
Mong bạn giúp cho ý kiến.
Chúc bạn thật vui.
TTK

backpackervn
23-09-2009, 12:57
@ trantrakhuc, thời gian bpk đi Nepal là nửa cuối tháng 10 kéo sang tháng 11, thời tiết mát mẻ dễ chịu chứ không lạnh, trừ khi bạn định lên các vùng núi cao. Chỉ thấy những ngày thu xanh vời vợi thôi!!!

Về việc đi từ Kathmandu sang Tibet, bạn đọc lại thông tin ở trang trước trang này nghen, và xem thêm thông tin ở đường link mà bạn rien đã cung cấp, bên dưới. Nói chung là cũng đơn giản, có nhiều tour ở Kathmandu tổ chức và bạn sẽ phải bắt buộc đi theo tour, do vậy bạn cứ đi lòng vòng tìm tour ngắn ngày đúng ý mình. Còn nếu bạn có đông quân Nguyên, có thể yêu cầu tổ chức tour ngắn ngày theo ý mình. Theo thông tin từ đường link, nếu bạn đến Kathmandu đúng ngày (duyệt permit vào Tibet), bạn sẽ khởi hành vào Tibet ngay hôm sau.

http://kekexili.typepad.com/life_on_...-to-tibet.html

Theo thông tin mới nhất hôm nay (23.09.2009), chính quyền TQ không cho người ngoại quốc vào Tibet từ 24.09 – 08.10.09 (Tuổi Trẻ). Chúc bạn may mắn hơn nhé!
.................................................. ..................................


(cont.)


Nghỉ ngơi vui đùa, chọc phá các bé 1 lúc, bpk lại lặn lội lên đường. Lúc này, có một chú nhóc tình nguyện dắt bpk đi đường tắt, ngang qua thôn xóm để lên đỉnh núi, lên chùa thay vì cứ đi đường chính chạy vòng quanh ven làng sẽ lâu hơn. Nhóc đang cắt cỏ, lá gì đó và phải vác cỏ về cho trâu, bó cỏ to gấp đôi người của nhóc! Nhóc dẫn bpk tạt ngang qua nhà, bỏ bó cỏ xuống, chào bà và mẹ của nhóc, xí lô xí là gì gì đó bằng tiếng địa phương, rồi tiếp tục dẫn bpk lên núi. Đường bây giờ đi trong thôn làng râm mát, 2 bên hoa vàng hoa đỏ nở rực rỡ rất làng quê Nepal.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110039.jpg
Hướng dẫn viên của bpk đó. Bó lá còn to gần gấp đôi nhóc.


Cặm cụi leo mãi, khi cảm nhận được những cơn gió mát lạnh chạy thông thốc trên đỉnh núi thì chợt nhận ra, chùa World Peace ngay kia rồi.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110048.jpg
Stupa của chùa World Peace từ xa xa


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110092.jpg
Và gần hơn, trắng tinh khiết, đẹp rạng ngời giữa trời thu xanh


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110089.jpg
Người đã hiến đất để xây chùa và sau đó còn đóng góp nhiều công sức.


World Peace là một ngôi chùa không lớn, nhưng cái stupa thật lớn, có thể nhìn thấy từ Pokhara. Ngôi chùa này do 1 cư dân Pokhara hiến đất và được xây dựng bởi kinh phí của các vị tăng sư Nhật Bản. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là stupa thật lớn, có 4 tượng Phật xung quanh, tượng trưng cho 4 thời điểm thiêng liêng, lúc Ngài đản sinh ở Lumbini, lúc đắc đạo ở Bodhgaya, lúc giảng đạo ở Sarnath, lúc ngài lên cõi Niết bàn ở Kushinagar. Ý nghĩa này của ngôi chùa thật hay và mình rất thích, xem như được viếng 4 vùng đất thiêng phần nào. Chưa viếng được 4 vùng đất Phật, bpk cứ đi vòng quanh khấn vái ở 4 vị trí này và mơ màng rằng mình đã đến được 4 vùng đất linh.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110052.jpg
Các biểu tượng về 4 vùng đất thiêng của Đức Phật – Biểu tượng nơi ngài giảng đạo, Sarnath, India


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110059.jpg
Biểu tượng nơi ngài nhập cõi Niết bàn – Kushinagar, India


(cont.)

backpackervn
23-09-2009, 13:58
(cont.)



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110093.jpg
Pokhara nhìn từ World Peace Stupa


Ngôi chùa tọa lạc trên núi cao, từ đó nhìn xuống Pokhara và quang cảnh xung quanh thật đẹp. Vì thời điểm bpk lên đến đây là xế trưa, nên không thấy được cảnh núi tuyết soi bóng xuống hồ. Nhưng cũng may là lúc sáng sớm bpk đã lang thang ở hồ nên cũng "chộp" được cảnh núi tuyết soi bóng hồ xanh này. Những dãy núi tuyết trắng xóa chạy miên man, hồ xanh cứ xanh ngắt trong nắng vàng, quanh hồ hướng này này là cánh đồng nâu hiền sau mùa gặt, hướng kia là những cánh rừng, những đồng cỏ vàng mùa thu, những cánh chim ưng chao liệng trên bầu trời trong xanh, cả lũ mây trắng lười nhác đang kéo nhau đi rong chơi rồi có lúc cuống lên ríu rít bay vù vù theo đám gió... quang cảnh ở đây thật "phiêu diêu"...



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110047.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110065.jpg
Hồ Phewa nhìn từ World Peace stupa


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110050.jpg
Thung lũng bên hồ, nhìn từ World Peace Supa


Lòng vòng quanh chùa chụp vài tấm hình xong, công việc kế tiếp của bpk là lê thân tìm 1 góc mát trong bóng râm của tòa stupa lăn ra ngồi. Trưa vắng khách nên bpk có cả 1 không gian riêng cho mình, một không gian huyền hoặc dưới bóng từ bi, giữa trưa nắng, trong thu xanh, ở chốn yên bình… Muốn suy nghĩ thật nhiều, nhưng cũng không muốn suy nghĩ nhiều… nhắm mắt, nghe mọi thứ quanh mình, như đang trôi, nhè nhẹ.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110080.jpg
Núi tuyết Hymalaya nhìn từ World Peace Pagoda


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110069.jpg
Trong dãy Annapurna, đỉnh núi hình tam giác này thật dễ nhận ra trong các post-card về Pokhara


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB110112.jpg
Trời ơi thấy người ta chơi paragliding mà thèm! Sao bây giờ, mai đi Sarangkot chơi không?


Lang thang trên chùa buổi trưa thật dễ chịu. Cũng không nhiều khách lắm vì hành trình lên chùa không dễ. Bpk lên đến nơi là ướt đẫm cả cái áo dù gió rất lạnh ở trên cao. Xung quanh, những rặng núi tuyết của Hymalaya nhìn thật gần và nhìn thật rõ cả những người chơi paragliding nữa. Thật tiếc là mình không chơi được môn này nhưng nhìn thấy những chiếc dù đỏ rực rỡ bay lượn trên núi tuyết trắng toát xa xa, lòng cứ nôn nao...



(tbc.)

HanhKT
25-09-2009, 09:13
Xin hỏi bạn Black... với ạ: Tôi thấy ở bên bờ sông hay có các bục tròn tròn í, là để làm gì thế ạ? có phải để đốt xác ko a?

backpackervn
25-09-2009, 13:29
@ HanhKT, những bệ đá ven sông đó là những ghat, nơi tiến hành nghi lễ hỏa táng. Bạn có thể xem lại các sub-topic ở phần đầu topic này.
..............................

(cont.)


Buổi trưa vắng trên núi cao bên chùa World Peace là một buổi trưa thật khó quên. Trong những hành trình lang thang của bpk, những điểm lặng đáng nhớ là những lúc như thế này, khi bpk ngồi một mình trong bóng che chở ấm áp của chùa chiền, không gian thật yên tĩnh, bên ngoài kia thật vắng… là những lúc chiêm nghiệm lại những gì sắc-sắc-không-không, sân-si-mê-đắm… mà cuộc sống còn nhiều ham hố, nhiều dục vọng của kẻ giang hồ (vặt) này còn quá vướng víu. Nhưng lòng trần còn quá nặng, biết làm sao bây giờ.


Xế trưa, bpk lững thững xuống núi. Cậu nhóc sau khi đã đưa bpk lên đã quay lại ngay để đưa 1 nhóm các cô gái châu Âu xuống thác Devi, cũng nằm trên con đường mà bpk đã lên lúc nãy. Giờ chỉ có 1 mình bpk len lỏi trong những con đường làng để xuống núi, lòng đã nhẹ hơn nhiều rồi nên đường đi cũng rất nhanh.



Đi lại trên con đường này cũng gặp chút muộn phiền – mấy chú choai choai ở đây hơi hư hỏng, cứ dụ dỗ bpk mua "cỏ". Giá rất rẻ vài chục Rp. Bpk từ chối thì bạn ấy lại hỏi xin 5-10Rp mua thuốc hút. Bpk cũng từ chối vì không phải tiếc tiền nhưng thấy buồn cho các bạn ấy quá. Mà các bạn ấy trông rất nice và nói tiếng Anh rất tốt chứ không phải nhìn bề ngoài lấc cấc như các bạn "giang hồ nhí" ở … (các bạn tự điền vào nhé). Làm tự nhiên cũng buồn buồn. Du lịch đã làm hư hỏng các bạn ấy – may mà bpk không góp phần thêm (?!).



Xuống chân núi, thấy cái cửa hàng bpk gửi xe ban sáng đóng cửa mất tiêu rồi. Nhưng cô chủ quán tốt bụng đã gửi xe cho cô chủ ở gian hàng kế bên. Thật là xúc động, bpk cám ơn rối ra, rối rít, gửi ít tiền nhưng cô ấy không nhận nên bpk mua ít quà vặt rồi lại lên đường quay về lại Pokhara.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110101.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110106.jpg
Chiều nay, trời Pokhara xanh quá


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110114.jpg
Và hồ cũng biếc xanh


Pokhara chiều nay nắng vàng ngọt ngào, hồ chuyển xanh như ngọc. Bpk lên đò ra giữa hồ viếng ngôi đền thiêng Varahi Mandir. Ngôi đền này nằm giữa hồ trông giông giống đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm. Chỉ khác là không có cầu Thê Húc mà chỉ có những con đò mong manh đưa khách đi về. Và khác nữa là hồ rất sạch, ở chân ngôi đền, nơi sóng sánh nước vỗ về cũng là nơi tụ tập của những đàn cá tung tăng bơi lội nhưng không ai được chài lưới nơi đây, dù nơi khác trên hồ có cho phép. Cũng có lẽ biết được sự che chở của ngôi đền nên lũ cá tụ tập về đây cũng rất nhiều – và cũng không kém là đàn bồ câu dập dìu trên đảo nhỏ.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120162.jpg
Từ quán nhỏ ven hồ nhìn sang ngôi đền Varahi Mandir



Ngôi đền xưa trên đảo, nhìn từ 1 nhà hàng ven hồ đã rất đẹp, giờ càng đẹp hơn khi đến gần. Đền xưa theo kiến trúc Newari với những hoa văn chạm trổ tinh xảo và gỗ cũng đã bóng lên màu thời gian. Chỉ hơi tiếc một tý là khách viếng hồ đông quá nên tìm 1 khoảng lặng cho riêng mình thì hơi khó. Bpk tìm xuống chiếc ghế đá ven mép hồ ngồi nhìn lũ cá nô đùa bên dưới và nghe lũ bồ câu hiền lành cù rũ nhau bằng những tiếng gù gù ấm áp.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110102.jpg
Đền xưa Varahi Mandir giữa hồ


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110103.jpg
Cá tung tăng bơi lội trong hồ, dưới chân đền


Vị trí ngồi ở đây cũng là điểm ngắm núi tuyết tuyệt vời. Nhất là bây giờ khi trời chiều trong trẻo, những cánh dù đỏ chói càng đẹp hơn trên nền tuyết trắng. Bây giờ lòng đã quyết, nếu ngày mai trời đẹp, sẽ bỏ ra ít quân Nguyên để thử thách lòng can đảm của mình, đi Sẩngkot chơi món tanderm paragliding, tức là trò bay dù 2 người, với huấn luyện viên. Thây kệ, cứ phó mặc cho ông ấy, và phải phó mặc cho ông trời nữa vì nếu trời mà nhiều mây thì bpk sẽ đổi mục tiêu đi hướng khác. Tèng Téng Teng… biết ra sao ngày mai?




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110117.jpg
Ngồi ở hồ mà lòng cứ chao theo cánh diều đỏ thắm trên núi tuyết



(tbc.)

backpackervn
26-09-2009, 10:31
(cont.)



Đến Pokhara mà không vào thăm khu phố cổ Old Pokhara, cách Lakeside khoảng hơn 6km, cũng sẽ là 1 thiếu sót dù đường đi đến đó không đơn giản – chỉ vì cứ phải lên dốc mãi không thôi? Và còn bị chèn ép bởi những chiếc xe đầy cũ kỹ nhả đầy khói bụi cũng đang ì ạch leo lên những con đường dốc, nhiều ổ gà, ổ voi… nhưng đi mãi rồi cũng đến thôi.


Khu phố cũ của Old Pokhara là nơi du khách cần có nhiều thời gian quẳng chiếc xe qua một bên và đi dạo phố phường hoà cùng nhịp sống nhộn nhịp nơi đây. Thực ra, nơi đây không thực sự hấp dẫn lắm, nhưng dù sao, nó sẽ cho bạn cảm giác đang ở Nepal thay vì cứ tưởng ở xứ Tây nào đó nếu cứ ở mãi khu Lakeside. Khu phố thực sự cũ không còn nữa, chỉ có thỉnh thoảng những ngôi nhà cũ nằm lọt thỏm trong những căn nhà mới. Bạn xem hình chụp Pokhara từ World Peace Pagoda sẽ thấy rõ hơn về kiến trúc xây dựng lổn ngổn của Pokhara.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110128.jpg

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110124.jpg
Ngôi đền xưa bé nhỏ Bhimsen nằm ngay giữa lộ, với các chạm trổ tinh xảo.



Khu phố cũ này ngoài các viện bảo tàng, còn được nhấn mạnh ở 2 ngôi đền xưa, một ngôi đền nhỏ, đền Bhimsen, nằm ngay giữa giao lộ giống như một cái bùng binh tự nhiên. Ngôi đền này tuy bé như vậy nhưng đã có đến 200 năm tuổi thờ phượng các vị thần bảo hộ về kinh doanh, thương mại của người Newari. Ngôi đền kia, Bindhya Basini, lại thật hoành tráng nằm trên 1 ngọn đồi thấp tèo, cũng là nơi có vị trí tốt để ngắm phố phường cũng như hoàng hôn trên dãy Annapurna, nhìn về hướng Sarangkot. Ngôi đền này được xây dựng từ TK XVII, để thờ phượng thần Dugra hiếu chiến, 1 hoá thân khác của thần Parvati. Buổi chiều trên đồi này ngắm phố phường và hoàng hôn buông nơi xa xa đem lại 1 cảm giác khác hoàng hôn bên hồ của Lakeside Pokhara nên cũng hay hay. Với lại, đang mệt nhọc sau hành trình đạp xe leo dốc giữa khói bụi mịt mù nên bpk đã ở đây thật lâu. Cũng nhìn nhìn ngó ngó về nơi mặt trời lặn – hướng về Sarangkot, mà nếu mai trời đẹp, sẽ đi bay dù (!?).



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110130.jpg
Ngôi đền Bindhya Basini trên cái đồi thấp tèo



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110132.jpg
Trong sân đền



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110140.jpg
Hoàng hôn trong đền



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110142.jpg
Và hoàng hôn ở Old Pokhara, bóng núi tuyết lúc nào cũng ôm ấp che chở Pokhara



Về Pokhara, bpk thẳng tiến ra bờ hồ, quay lại con đường ven bờ hồ đạp xe tìm 1 góc vắng ven hồ, ngồi ngắm trăng, vừa lúc trời sụp tối và trăng lên ngang trời. Đêm không điện, trăng thật sáng trên hồ, hình như gần rằm lắm rồi vì trăng đã gần tròn. Trăng thật sáng, hồ lấp lánh, gió hơi lạnh nhưng dễ chịu. Ngồi mãi chẳng muốn về nhưng rồi cũng phải về để tẩy trần 1 ngày dài bụi bặm. Xong xuôi, lại ra bên hồ.




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB110147.jpg
Hoàng hôn xanh ở 1 góc nhỏ của hồ Phewa



Đêm đã buông trên hồ Phewa lâu lắm rồi. Đêm nay, bpk cũng không ăn chơi nhảy múa trong các bar biếc ở Pokhara mà vào cửa hàng mua mấy chai bia, cõng ra cái nhà thủy tạ bên hồ ngồi một mình ôm chai ngắm sao và trăng đang cạnh tranh nhau soi sáng lung linh trên hồ. Về đêm, du khách và dân địa phương không đến đây nên cả cái thủy tạ rộng lớn giờ là của riêng bpk.



Khi khuya về, sương đã xuống, trăng đã lên, gió đã lạnh, người đã lơ mơ… nhiều lúc cứ tưởng rằng căn thủy tạ đang bồng bềnh, nhổ neo… và sắp đưa bpk trôi về chốn thiên thai nào, vẫn hằng mơ….


(tbc.)

conan
29-09-2009, 15:22
trong mấy cái trang entry này, có cái thì em xem được hình, có cái thì không, không biết là lí do gì? buồn dễ sợ.

backpackervn
29-09-2009, 19:47
@ Conan, sorry bạn là account photobucket của bpk đã bị quá dung lượng nên hình không xem được. Chờ vài hôm nữa xem nó có kích hoạt lại (như nó nói) không, hay bpk sẽ upgrade lên nhé.
.................................................. ....................


(cont.)


Ngày tiếp nữa ở Pokhara là một ngày biếng nhác. Đêm qua cũng hơi lưng tưng trên hồ, trên đường về lại ghé tiếp quán quen… thế là sáng dậy thật muộn, dù đã có kế hoạch là hôm nay lại ra hồ đón bình minh. Đã vậy, trời bỗng xám xịt và gió dữ dội, làm tan vỡ giấc mơ sẽ lên Sarangkot đi nhảy tanderm paragliding.


Nắm nướng trong nhà đã đời đã điếu vẫn chưa thấy mặt trời lên, lại lò dò ra quán café ven hồ nướng tiếp. Nướng đến trưa lại nhảy xe bus ra bến xe Mustang tự mua vé ngày mai đi Chitwan. Vì chưa đi chưa biết nên bị tài xế xe bus bỏ ở 1 quãng khá xa, gần sân bay Pokhara, phải lóc cóc đi bộ một quãng mới đến cái bến xe Mustang (nằm gần Mustang Chowk) mà thực ra bpk đã ngang qua ngang lại nhiều lần nhưng không để ý. Nó rất gần khu Damside mà hôm qua bpk đã lượn lờ mấy vòng. Việc tự đi mua vé này cũng giúp bpk tiết kiệm đâu được mấy chục Rp. Xong, lại cuốc bộ về luôn, chẳng thèm nhảy xe bus về nữa, lại tiết kiệm được thêm 11Rp # 2.200 VND(!?).


Đúng là 2 hôm trước bpk may mắn thật khi đến Pokhara vào những ngày tràn ngập nắng. Chứ nguyên cả ngày hôm nay trời cứ tối sầm, gió thỉnh thoảng gầm rú làm thấy ớn – nhưng ra bờ hồ “hóng gió” thì cảm giác rất phiêu!!!


Về Pokhara chẳng biết làm gì đi lang thang ngó nghiêng các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Lại phát sinh ra 1 ý tưởng cực kỳ hay. Khi bị cô chủ quán dụ dỗ mua mấy cái CD nhạc Nepal, Tibet, bpk cũng giở giọng cù cưa than nghèo kể khổ không có tiền mua, nếu cho thuê đi chép vào USB thì được… Cuối cùng, cô chủ lại cho thuê thiệt, 20Rp/CD. Thế là bpk ngang nhiên phá vỡ Công ước Bern cầm 1 đống CD nhạc “tụng kinh”, nhạc dân ca Nepal đến tiệm nét hì hạ hì hụi chép vào thẻ nhớ. Cô chủ quán này dễ thương thiệt nhưng lại tiếp tay cho kẻ xấu rồi. Mà chắc bpk là cái thằng quái đản đầu tiên thuê CD chép kiểu này quá, chẳng thấy ai kể hết! Hay là cũng có bạn nào đó từng làm rồi nhưng “chưa khai”?


Quá trưa rồi mà cũng quá rảnh luôn, vô net chép nhạc xem tin gần hết tiền rồi đành phải đi thôi. Chẳng biết làm gì hết bèn ghé quán cơm đầu hẻm, quán bình dân cho Tây balo. Bpk đặt 1 phần cơm “dân tộc” Nepal gồm 6-7 món bé tý tẹo. Nhưng đặc biệt là có kèm theo 1 ly “nước mắt quê hương”, tổng cộng chỉ khoảng 22.000VND – đi chơi Nepal rẻ thế sao mọi người không đi hén? Ngộ ghê luôn!!!



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120160.jpg
Mâm cơm này chỉ 22.000VND, có cả ly “nước mắt quê hương” trắng trắng đó!


Gọi thêm vài ly chơi cho nó lưng tưng luôn, quay về nhà trọ lấy chiếc xe đạp còn chưa trả đạp xe đi lòng vòng tiếp. Lại lên hồ, lại xuống hồ, lại lên hồ, lại xuống hồ… mấy vòng rồi, chán chê rồi lại chui vào quán ven hồ ngả ngửa người thư giãn ngắm hồ, nghe nhạc “tụng kinh” vừa chép ban sáng, nghe chim chóc ngây thơ ríu rít bên mình, cho người nó bớt tham sân si… (?!) Hồ chiều âm u tự nhiên lại đẹp buồn lạ. Sao giống một chiều nào bên hồ Hoàn Kiếm quá. Ngồi mãi… rồi cũng đến 1 hoàng hôn không mặt trời bèn buồn bã đi về. Về dọn dẹp đóng gói đồ đạc để ra hồ chơi, chia tay hoành tráng với Pokhara, như hôm qua đã tự hứa với lòng.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120165.jpg
Quán dễ thương bên hồ


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120166.jpg
Chim chóc gần gũi thân thiện, ríu rít hát ca



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120163.jpg
Thư giãn (!?) bên hồ




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120162-1.jpg
Nhìn ra đền xưa từ quán ven hồ




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120164.jpg
Trời chiều buồn xám bên hồ


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB120170.jpg
Hoàng hôn ráng lắm mới có tý xíu ráng đỏ bên hồ


Đêm nay, Pokhara lại cúp điện nên tối đen tối thui. Thật may mắn là chỉ một lúc là mây tan, trăng lên. Vào quán bar ngồi một lúc sao bpk lại không thích. Thế là lại ra thuỷ tạ ven hồ đến thật khuya. Hôm nay, cũng có vài cặp trai gái ghé đến nhưng thấy bpk ngồi lù lù một đống ở đó chắc thấy khó mần ăn, tâm sự nên đành rút lui trong lặng lẽ.



Trăng khuya nay sáng nhưng sáng lạnh quá. Hồ đêm nay có gió nên sóng lấp lánh dưới trăng sao, những cơn sóng nhỏ vỗ rì rào vào bờ như những tiếng ru đều đều trong đêm. Đêm Pokhara này, làm sao quên?


(tbc.)

conan
30-09-2009, 17:15
bpk có thể vui lòng đánh dấu lên cái bản đồ những cung đường mà anh đã đi qua không?em vừa đọc bài của anh vừa lấy kính lúp ra dòm trên cái bản đồ của Nepal mà nhiều chỗ cũng không rõ lắm. Cám ơn anh nhiều lắm về cái bài phóng sự này.

backpackervn
01-10-2009, 18:00
@ conan, để bữa nào bpk gửi mấy cái bạn đồ Nepal cho bạn. Làm gì mà lấy kính lúp ghê vậy. Bạn có Lonely Planet không? Nếu không có bạn tìm đường link trong diễn đàn này download xuống, mở ra xem là Ok ngay mà. Bạn làm bpk suýt cười phát sặc khi đọc mấy dòng của bạn...
.................................................. ..................



Bpk rời Pokhara một buổi sáng còn âm u hơn cả hôm trước. Nhảy xe bus local, mất 6Rp, đi ra bến xe Mustang lúc 6.30am trời còn âm u tù mù. Ra đến bến xe, tình cờ gặp lại ku Singapore hôm trước gặp ở trong nhà nghỉ chung ở Kathmandu. Bpk đi lang thang bằng đường bộ, bằng xe bus. Còn ku này đi trekking từ Kathmandu lên tận đây. Nó giỏi thật vì nó chỉ đi một mình rồi trên đường trek nó gom nhóm với người khác. Chỉ có mười mấy ngày mà từ trắng bốc mập mạp giờ ku đen thui lui ốm nhom ốm nhách. 2 anh em nói chuyện 1 hồi rồi chia tay vì nó ngược lại Kathmandu lên máy bay về nước, còn bpk đi tiếp. Nghe giọng ku có vẻ ghen tỵ khi nghe bpk nói chút chút về hành trình dự định kế tiếp. Nhưng bạn ơi, “có những niềm riêng làm sao nói hết…”. Thế là bpk leo lên xe chạy tọt từ Pokhara hướng xuống đồng bằng, hướng về Chitwan.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130173.jpg
Xe rời Pokhara vào 1 ngày âm u như thế này – may mà mình quyết định sáng suốt


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130179.jpg
Nhưng qua khỏi vài eo núi, xuống đồng bằng là trời đã xanh trong, sông đẹp mơ màng. Sở dĩ dừng ở đây chụp hình được là vì có mấy bạn khoai Tây xuống xe đi bè, rafting xuôi về Chitwan – đã ghê luôn hén!


Xe chạy mải miết đến, thành phố Narayangarh, rẽ vào Sauraha Chowk… đến hơn 1pm mới đến Chitrasali, điểm dừng của xe. Từ đây phải leo lên xe jeep đi khoảng 10 phút nữa mới đến làng Sauraha, nằm ngay ven rừng Chitwan, chỉ cách 1 giòng sông (nhưng chẳng phải là giòng sông mà em vẫn thường ra ngồi giặt áo… tèng téng teng!!!).


Đến nơi, bpk vác balo đi lòng vòng, kiếm được chỗ nghỉ cũng sạch sẽ, giá chỉ 250Rp (# hơn 3US$) mà phòng đến 2 giường, tính rủ mấy em khoai Tây share cho nó tiết kiệm rồi cũng vui nhà vui cửa nhưng mà chẳng em nào chịu hết nên đành ở một mình, bao nguyên phòng luôn.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130183.jpg
Thôn xóm ở Sauraha – cái hình chụp ẹ thiệt nhưng xóa nhầm cái hình đỡ hơn mất tiêu. Xe ngựa đó rồi mình cũng được đi.


Việc kế tiếp là ra bờ sông ngồi làm một ly ngắm sông giải nhiệt cái đã, rồi mới đi tìm chỗ đặt tour vào rừng. Khốn nạn cái thân mình là chỉ đi một mình, mà các tour vào rừng là phải bao nguyên 1 chiếc jeep hoặc nguyên 1 con voi. Vậy là chỉ đành để lại thông tin cho họ, khi nào họ kiếm được người ghép tour thì gọi điện báo. Mà cũng không đơn giản đâu nghen, vì tour cỡi voi thì chỉ vào buổi sáng, tour đi jeep thì khởi hành mỗi đầu giờ. Do vậy họ phải kiếm sao cho được 2 tour trong ngày phù hợp với yêu cầu của bpk. Phải là 2 tour trong ngày, vì nếu 2 tour trong 2 ngày khác nhau, bạn phải trả tiền vào rừng quốc gia cho cả 2 ngày. Thấy bpk siêu tính chưa? Nhưng nói thiệt, đây chỉ là yêu cầu tốt nhất thôi, chứ nếu không có mình cũng phải chịu các option khác thôi.


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130188.jpg
Các bạn khoai Tây ngồi được, sao mình không ngồi bên bờ sông như họ?


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130185.jpg
Sông chiều xanh xanh, bên kia sông là rừng quốc gia Chitwan


Nhưng may mắn, cuối cùng (mãi đến đêm) mình lại OK tất cả các điều kiện. Tổng chi phí cả 2 tour chỉ khoảng 1.700Rp (đâu chỉ 20 US$), rẻ chán so với cả tour chỉ cỡi voi không ở Lào 9 (vốn có nhiều voi!) cũng đã vài chục US$. Thế là xong công việc nặng nhọc (!) của buổi chiều, bèn lang thang dọc ngang thôn xóm.


(tbc.)

backpackervn
03-10-2009, 10:43
(cont.)


Sauraha bé tý, nguyên là cái làng của người Tharu. Giờ có xây dựng thêm chút đỉnh nhưng cũng toàn là đường đất đá, chỉ có 1 con đường chính, được trải nhựa, hơi tấp nập ở 1 khúc bán hàng cho du khách với vài hàng quán. Rất buồn cười là đến đây, bpk mới hối tiếc không mua mấy cái post-card về Pokhara, Nepal nên mới đi lùng mua. Báo hại tất cả các hàng quán ở Sauraha cứ lục tung hết các đống postcard họ có mà bpk chỉ lựa được vài cái. Nhưng họ cũng rất vui vẻ và hẹn bpk cứ muốn tìm cái gì thì quay lại, dù bpk ra ra vào vào các hàng quán nắm sát bên nhau. Ở … (bạn tự điền nhé) mà như vậy áh, có mà bạn bị lườm nguýt háy, đốt phong long ngay.



Xóm Sauraha nhỏ, dễ thương nằm ngay bìa rừng và ngay bên bờ sông. Nhiều nhà trong phố có voi trước sân nhà. Buồn cười là ở đây còn có lạc đà nữa, chắc đi lạc từ Ấn Độ qua quá. Ở đây đang vừa xong mùa gặt, thôn xóm tấp nập những hộ gia đình vần công giúp đỡ nhau, những đống rơm vàng tú ụ, những chiếc nong nia sàng sảy những hạt lúa vàng bóng căng vui ngày được mùa. Nhờ đi lang thang, bpk phát hiện được chỗ biểu diễn ca nhạc dân tộc của người Tharu nữa. Để đó, tối sẽ đến xem.


Người Tharu, dân bản địa ở đây còn là 1 bí ẩn đối với các nhà khoa học, vì họ có sức đề kháng tự nhiên với bệnh sốt rét. Ngày trước, họ sống ngay trong rừng già Chitwan ẩm ướt đầy rẫy muỗi mòng vằn vện nhưng họ không hề bị bịnh sốt rét và rất khỏe mạnh. Từ lúc chính quyền Nepal quy hoạch khu rừng thành khu bảo tồn quốc gia, họ chuyển ra sống ngoài bìa rừng, vẫn chung sống với rừng một cách tự nhiên nhưng có thêm công việc mới là làm dịch vụ du lịch. Những chú voi đây đó trong phố là do họ bắt, thuần dưỡng và đưa vào phục vụ các tour du lịch.


Vậy là hết việc nữa rồi. Ra bờ sông tắm hoàng hôn rừng thôi. Hoàng hôn biển, hoàng hôn hồ mê mải chìm đắm đã nhiều. Chiều nay ra sông ngắm hoàng hôn rừng thôi. Lâu lâu đổi của lạ tý, xem thế nào?




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130198.jpg
Thư giãn chờ hoàng hôn


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130201.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130223.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130232.jpg
Hoàng hôn bên rừng, bên sông


Chiều bên rừng bên sông đẹp gì đâu là đẹp. Nguyên 1 đoạn bờ sông được trưng dụng làm các hàng quán đơn giản, chỉ là những chiếc bàn đơn sơ và những chiếc ghế, loại có thể bật ngửa ra nằm được, cứ thế chơi vơi giữa trời chiều lồng lộng. Hoàng hôn cứ đỏ lừ lừ bên rừng, bên kia giòng sông, làm sông chiều cứ đổi màu liên tục theo màu trời, màu ráng của mây lúc vàng lúc đỏ… Chưa kịp đi đâu hết, chỉ cần chìm trong hoàng hôn Chitwan là cũng đủ tiền đến Chitwan rồi.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130238.jpg
Đêm đã bắt đầu sang

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130276.jpg
Tiết mục múa lửa của 1 anh chàng Tharu trong đêm diễn tối đó


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB130289.jpg
Cùng chung vui lúc kết thúc đêm diễn của người Tharu


Còn đêm dày đặc sương mù bên sông thì sao?

(tbc.)

voicon
03-10-2009, 10:49
Tiếc!!!!! tiếc hùi hụi!
Đang háo hức chờ đọc đoạn "tandem Paragliding" ở Pokhara! thế mà.....

Tháng 12 mình đi Nepal, chạy thẳng đến Pokhara đây. Ài, không biết thời tiết lúc đó thế nào, có lạnh không?

Mong được sớm xem hình Nepal

conan
05-10-2009, 10:32
Ah,Xem được mấy tấm hình rồi, hôm nay hên ghê. Nhìn mấy cái hình thiêu người em bị "kích động" mạnh, Bpk cho em hỏi là ở bển ai chết họ cũng xách đi thiêu hết hả? có ai được chôn cất tử tế không? hay là họ không có "khái niệm " gi về nghĩa trang?:((

backpackervn
10-10-2009, 12:40
@ conan, người theo đạo Hindu mới thiêu sau khi mất vì lý do tôn giáo... Còn các tôn giáo khác thì không. Còn câu hỏi của bạn "khái niệm về nghĩa trang" rộng quá mà bữa giờ bpk không tìm được tài liệu để đọc, nên không dám chắc để trả lời bạn
..............................................

(cont.)


Bpk thức giấc sau 1 giấc ngủ thật sâu của 1 đêm Sauhara lành lạnh dễ chịu và thật nhiều sương. Và bây giờ, vẫn còn nhiều sương sớm là đà trong khu vườn của nhà nghỉ, cũng như trên con đường quê mà bpk đang lần mò đến điểm tập trung, để chuẩn bị vào thăm rừng Chitwan trên lưng voi.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140293.jpg
Đường làng sáng sớm

Chờ mãi, đến hơn 7am gia đình người đi chung voi mới đến – mà đúng hơn là họ cho bpk đi ké. Ai nói cỡi voi là sướng là nói xạo. Bpk dám cam đoan điều đó. Ngồi trên lưng nó dằn xóc không chịu nổi, ngay lúc nó đi đường làng bằng phẳng còn bị tưng lên tưng xuống chứ chưa nói đến việc đi trong rừng. Đi trong rừng còn bị thêm vấn nạn khác là bị lá, cành quất vào mặt nữa chứ. Nhưng nói chung là vui, và dĩ nhiên là có những cảm giác khác bù lại.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140290.jpg
Các cô cậu bé trải vở ra và học bài dưới đất!


Từ Sauraha, chú voi đủng đỉnh đi mất gần 30p mới tới bìa rừng, chậm hơn bpk đi bộ quá. May mà hôm nay mát mẻ nên cũng dễ chịu. Chú voi cứ đủng đỉnh đi chầm chậm qua ngôi làng của người Tharu, với những người dân cần mẫn lao động, những cô bé, cậu bé đang trải tập vở ra học bài dưới đất, qua những ngôi nhà của người Tharu bằng đất mái tranh y chang như những ngôi làng quê Việt Nam.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140299.jpg
Bìa rừng Chitwan


Tới cửa rừng, bạn phải mua vé tham quan, 500Rp và chỉ có giá trị trong ngày. Bpk phải giữ vé lại cho chuyến đi jeep vào rừng vào buổi chiều.

(tbc.)

backpackervn
10-10-2009, 12:46
(cont.)


Rừng Chitwan khu ở gần bìa này thì không nhiều cây to nhưng thú hoang thì thấy rất nhiều. Mục đích chính của nhóm tham quan sáng nay là đi xem tê giác, do vậy các anh nài cứ liên tục thông tin với nhau về các bãi phân, đường đi của tê giác rồi rượt đuổi theo hòng hy vọng sẽ diện kiến 1 chú tê giác oai vệ nào đó.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140300.jpg
Hội ý để tìm theo dấu tê giác


Thế nhưng mãi chẳng thấy tê giác mà chỉ thấy các loại thú hoang khác. Vì đang ngồi trên lưng voi, lắc lư cùng cực nên các tấm hình “chộp” được hơi bị quá xấu nên pà-kon đừng chê nhé. Chỉ thấy được 1 con cá sấu phơi mỏ, 1 con sóc đang tụt lên tụt xuống trên cây, 1 con gà rừng trống đẹp sặc sỡ, 1 con công không chịu đi ngủ mà tung tăng khoe sắc, 1 đàn khỉ chí chóe cấu xé, 1 đàn nai nhỏ tung tăng, 1 đàn hươu già biếng nhác nằm ì ạch chẳng thèm chạy trốn dưới gốc cây... và vài con chim lạ (ít chim hơn ở Tràm Chim, Sài Gòn... ka ka ka). Nói chung là cũng tạm OK dù hơi thất vọng tí xíu về việc không thấy được tê giác.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140303.jpg
Chú hươu sao ngơ ngác


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140308.jpg
Chú công (hay trĩ?) khoe màu sặc sỡ



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140324.jpg
Bà con nhà họ Tôn


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140318.jpg
Cá sấu nằm phơi răng


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB140327.jpg
Không thấy được tê giác, cả hội lũ lượt kéo nhau về


Vậy đó, đi lòng vòng gần 2.30p trong rừng mà chẳng thấy con tê giác nào hết, chú voi nhà mình cùng đám bạn lại lủi thủi quay về, để khách còn nghỉ ngơi rồi chiều đi tour khác.


(tbc.)

backpackervn
14-10-2009, 17:06
(cont.)


Về đến Sauraha cũng vừa kịp giờ voi đi tắm. Đây là thời gian thư giãn thú vị trong ngày của các chú voi, sau những giờ lao động phục vụ chủ và khách. Và bây giờ ở Sauraha, việc đi tắm voi, đi xem tắm voi lại là 1 trò vui mới cho du khách.


Buổi trưa, bên bờ sông du khách đông nghẹt. Khách Âu Mỹ thì khoái chí phơi mình dưới nắng cho da đỏ như con tôm luộc rồi thi thoảng nhảy ùm xuống sông, rồi leo lên phơi tiếp, rồi nhảy, rồi phơi… Khách Á thì cứ núp trong mấy cái lều tre hoặc dưới mấy cái gốc cây to có bóng mát. Dĩ nhiên là bpk cũng ở trong đám đó rồi, nhưng may mắn là kiếm được nguyên cái bụi tre to đùng, chun dưới đó nằm làm mấy ngụm bia xem voi tắm và xem mấy người đẹp tắm voi.



Giai đoạn ban đầu tắm voi thì chỉ có chú quản tượng hỳ hụi kỳ cục cho chú voi đang nũng nịu nằm kềnh ra dưới sông. Giai đoạn này có chút cực nhọc nên mấy bạn khoai Tây đang nghỉ ngơi ít tham gia. Giai đoạn 2 là lúc chú voi đứng lên và chú quản tượng mời các cô chú khoai Tây leo lên lưng voi tắm bằng nước do chú voi hút bằng vòi và phun lên như 1 cái vòi sen thiên thiên. Dĩ nhiên là chú quản tượng và bạn voi có biểu diễn demo cảnh này, hình ảnh rất nhẹ nhàng thanh thoát. Thế là mấy cô chú khoai Tây ào ạt xuống sông. Thiên hạ leo lên lưng voi chủ yếu bằng cái đường bên hông, đạp lên đầu gối voi, khi voi khuỵu xuống để mà lên. Còn các cô thì cứ leo bằng cách đu lên tuột xuống cái vòi voi, mà chẳng biết khó leo hay sao mà các cô cứ tụt lên tụt xuống cái vòi voi hoài mà vẫn không leo lên được. Hèn chi mấy con voi này cái vòi nhẵn bóng (!?). Nhưng leo lên cực khổ là vậy, giai đoạn tắm chỉ vừa bắt đầu, chú voi nhún nhẹ 1 cái là mấy cô rơi tõm xuống sông. Lại leo lại tụt, lại tụt lại leo… Cả khúc sông vang dội tiếng cười đùa huyên náo…. Đó, có nhiêu đó mà hết cả buổi trưa, hết người này leo lên đến người kia tụt xuống. Cuối cùng cũng chẳng biết đây có phải cái sô diễn tắm voi hay tắm người nữa.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140340.jpg
Ban đầu là người tắm cho voi


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140347.jpg
Rồi đến lúc leo lên


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140344.jpg
Rồi đến người cỡi voi để tắm


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140350.jpg
Rồi đến voi lắc cho người tắm sông


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140355.jpg
Biểu diễn demo thì rất dễ dàng, nhưng xin mời cứ thử xuống sông xem nào…


Thấy giọng có vẻ đầy ghen tỵ chưa? Đó là lý do không được tắm voi đó thôi. Cũng muốn xuống sông, không cần leo lên tụt xuống cái vòi nhưng cũng muốn thử cảm giác tắm voi nó thế nào. Nhưng đã trót vác cái thân đi một mình rồi thì đành bùi ngùi ôm hận nằm trên bờ mà ngắm, mà hờn, mà tỵ thôi. Xuống đó chơi bời, trên này đồ đạc, passport không cánh nó bay thì chắc ở đây tắm voi cả đời luôn cho nó đã. Em chã!!!



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140357.jpg
Cái vạc, mày bay đi đâu, mày để bạn cò 1 mình?


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140362.jpg
May mà chú cá sấu này không thích xem tắm voi


Buổi trưa, khi voi về, bên bờ sông vắng vẻ rất dễ chịu. Sông trưa loang loáng nước, sáng tươi ánh mặt trời. Bên kia sông, cò vạc bay chập chờn… lại có cả những chú cá sấu bò ra tắm nắng nữa chứ. May mà mấy chú không thích xem tắm voi.


Về nhà nghỉ cũng chẳng biết làm gì, bpk nằm luôn bên bờ sông, ngắm sông chờ đầu giờ chiều đi jeep-safari trong rừng luôn cho tiện. Ngắm sông, chẳng những không có vụ án “nhớ em buồn muốn khóc” như anh Trần Tiến mà chỉ thấy “đời thế mà dzui”!


(tbc.)

Clue
17-10-2009, 23:08
Đọc những dòng chia xẽ của bạn làm cho đôi chân muốn đi theo ...Thanks... thật hay cảm ơn bạn

kikitran
17-10-2009, 23:55
(cont.)

Thấy giọng có vẻ đầy ghen tỵ chưa? Đó là lý do không được tắm voi đó thôi. Cũng muốn xuống sông, không cần leo lên tụt xuống cái vòi nhưng cũng muốn thử cảm giác tắm voi nó thế nào. Nhưng đã trót vác cái thân đi một mình rồi thì đành bùi ngùi ôm hận nằm trên bờ mà ngắm, mà hờn, mà tỵ thôi. Xuống đó chơi bời, trên này đồ đạc, passport không cánh nó bay thì chắc ở đây tắm voi cả đời luôn cho nó đã. Em chã!!!

(tbc.)

Đang từ từ đọc cái thread này mà đọc đoạn này buồn cười quá chịu không nỗi :)
Lúc mới đến Nepal có bị khó chịu nhiều khi áp suất thay đổi không bpvn?

backpackervn
19-10-2009, 14:23
@ kikitran, đó là cảm giác rất thật mà.
Ở Nepal bạn không gặp vấn đề về áp suất bởi độ cao đâu, nếu bạn không dự định đi trekking vào dãy Hymalaya hoặc lên EBC. Còn với cung đường bình thường Kathmandu, Pokhara, Chitwan, Lumbini… thì độ cao chỉ bình thường, còn thấp hơn Dali, Lijiang Trung Quốc nữa. Mà Chitwan, Lumbini là đồng bằng luôn rồi.
.................................................. .................

(cont.)


1pm lại lên đò qua sông, lên jeep vào rừng. Rừng trưa mát lạnh. Con đường đi jeep-safari chiều nay khác hẳn con đường ban sáng. Xe chạy trong những khu rừng mọc nhiều cỏ voi. Theo lời người tài xế kiêm HDV, cỏ có tên này vì lúc cao nhất nó dài đến 7m và là thức ăn yêu thích cho loài voi, sau đó là tê giác. Rừng cỏ này cũng là nơi ẩn náu ưa thích của các loài ăn thịt như hổ, báo... Cỏ mọc rất nhanh vào mùa mưa, trong rừng có nhiều đội ngũ nhân công đi phát cỏ 2 bên đường để xe có thể chạy được không bị vướng víu. Họ được phân chia “bảo dưỡng” từng đoạn đường, mà có khi cắt, dọn cỏ đến đoạn cuối vừa xong là phải quay lại làm lại đoạn đầu.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140368.jpg
Đi jeep-safari trong rừng già – cảm giác cũng đã đã


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140370.jpg
“Làm cỏ” cho đường rừng


Vì rừng quá rậm rịt cỏ nên chẳng thấy con thú nào cả, dù chỉ là thú bình thuờng, cho nó ra vẻ rừng. Xe dừng lại ở 1 cái đầm sen cuối mùa tàn tạ, mọi người căng mắt nhìn một hồi mới mò ra 1 chú chim gì đó, giống bồ nông, diệc gì gì đó, đen thui thùi lùi… mà cũng tấm tắc khen lấy khen để.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140376.jpg
Bàu sen mùa đã tàn


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140379.jpg
Chim lạ


Rồi xe chạy vào khu nuôi dưỡng cá sấu, các bạn khoai Tây cứ tấm tắc trần trồ, còn cõng nhau lên để chụp hình cho đẹp nữa chứ (!). Chán, ở Sài Gòn bây giờ thiên hạ nuôi cá sấu đầy ra đó. Thích thì ra “Cá sấu hoa cà” vừa xem cá sấu vừa nhậu cá sấu, chẳng cần đi đến cái trang trại giữa rừng Nepal xa tít mù để xem cá sấu.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140382.jpg
Thiên hạ chụp hình cá sấu, mình chộp hình thiên hạ. Ảnh chỉ có ở Chitwan!


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140385.jpg
“Ngậm một khối hờn căm trong cũi gỗ”…


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140386.jpg
Bonus thêm hình voi rừng Chitwan, vừa mới bị bắt xong, đang thuần dưỡng


Rồi đi đến 1 cái khu bé bé, anh HDV hướng dẫn mọi người nhìn qua các khe hở trên hàng rào gỗ kín mít để xem bên trong. Té ra là 1 con hổ "hoàn cảnh" vô cùng - con hổ duy nhất bị nhốt trong chuồng ở Chitwan, theo thông tin vô cùng “xót xa” của BQL rừng. Số là lúc nó còn bé, mẹ nó chẳng hiểu vì sao trong vòng 2 tháng đã "xơi tái" 4 người dân lành vô tội sống cận kề rừng Chitwan. Mẹ nó nuôi 3 anh em nó, vừa mới sinh, cũng bằng thức ăn dễ săn tìm ấy. Và sau khi quen mùi thịt người và thấy dễ săn hơn các động vật khác, mẹ nó bắt đầu chuyển hướng săn bắt rình rập con người. Người ta tìm cách khống chế mẹ nó nhưng đã lỡ tay giết luôn. 3 anh em nó cũng bắt đầu mon men đến bìa làng rượt đuổi người già và trẻ con, vì trước giờ chỉ quen với mùi thịt này. Và sau đó, 2 tên anh em của nó ngủm cù teo vì còn nhỏ quá cũng chưa bắt người được, dù có rình rập quanh làng. Tên này cũng vậy, không có khả năng săn bắt động vật khác (vốn nhanh nhạy hơn con người nhiều) nên cũng bắt đầu đói ngoắc ngoải. Thế là nó được đưa vào đây để nuôi dưỡng rồi hàng ngày cứ nằm í ra như thế. Chắc hàng ngày nó giận dữ thèm thuồng và giận dữ lắm khi mồi thơm cứ lảng vảng bên ngoài mà chẳng làm gì được.


(tbc.)

oilman
21-10-2009, 17:39
.................................................. .................

(cont.)


Lên đường bắt đầu khám phá Pokhara thôi!


...
(cont.)

... Pokhara rất thanh bình. Không thể quên những ngày ở Pokhara, đạp xe vòng vèo dọc theo hồ Fewa, ngắm dãy Himalaya soi mình kiêu hãnh và Fewa đổi màu trong một ngày mưa...

https://i239.photobucket.com/albums/ff294/saigon111/favourite/DSC01095_resize.jpg

Pisces
22-10-2009, 08:45
... Pokhara rất thanh bình. Không thể quên những ngày ở Pokhara, đạp xe vòng vèo dọc theo hồ Fewa, ngắm dãy Himalaya soi mình kiêu hãnh và Fewa đổi màu trong một ngày mưa...


Đọc những dòng này mà thấy bùi ngùi quá. Mình ở Nepal những 9 ngày mà chẳng devote hết cho nó, chẳng cảm nhận được nhiều như các bạn. Pokhara, mình chỉ ở trọn vẹn 1 ngày, đón "bình minh mưa" trên Sarakot (viết thế đúng ko nhỉ), trek bằng xe máy :) Cũng may là quyết định quẳng hết máy ảnh ở nhà chỉ để enjoy trip và relax. Bây giờ giữa đống công việc bộn bề, nghĩ lại thấy khoảnh khắc ngồi uống bia trong quán, nhìn ra hồ bất chợt gặp đàn chim trắng bay qua...thật quý giá!!

dugiang
22-10-2009, 11:16
Mấy hôm nay do cần tìm thông tin đi Thái bằng đường bộ từ Cam nên mới "dám" theo chân BPK lang bạt kỳ hồ. Nói là "dám" cũng có lý do, vì trước đây đã nhiều lần vào các topic hot của BPK rồi lại ra ngay vì không đủ can đảm để đọc tiếp. Bây giờ viết những dòng này vẫn thấy tim quặn thắt. Đó là cảm giác tiếc nuối một thời những đam mê khám phá, những ngẫu hứng đi hoang ....đã bị đè bẹp bởi gia đình,trách nhiệm,cơm áo gạo tiền...mà bỏ rơi dang dở.
Nhớ đến rơi nước mắt những chuyến lang thang độc hành, những bước chân lâng lâng không biết say vì men hay say vì cảnh vật....
Vậy đó, nhưng rồi lỡ theo BPK là bị cuốn vào không thể dứt ra được, gần như cả hai đêm nay đã thức trắng vì mê mẩn những "bước giang hồ". Nhấn nút thanks mà cứ sợ bỏ mất trang nào...
Hôm nay quyết định comment vào đây là do làn khói trắng bay lên từ những giàn thiêu lộ thiên. Ngày ấy tụi mình cũng khám phá được một lò hoả táng trong ngôi chùa giữa lưng chừng núi dọc đường xa lộ Hà Nội...đã nhiều lần quay lại xem thiêu người, một vài thằng bạn lì lợm nhất cũng không nuốt nổi cơm, chỉ ngồi uống bia suông nhìn sông Đồng Nai ở quán quen gần chùa Hội Sơn...Vì thế mới cảm được hết cái BPK cảnh báo những người yếu bóng vía...Ở những giàn thiêu lộ thiên bên ấy còn không có hòm...nhắm mắt lại thấy tưởng tượng khủng khiếp há...vậy mà còn ngồi xem hết cả buổi, thán phục.
Thêm nữa cũng nhờ BPK mà thấy cái máu mê "bạn" bia bọt rượu chè của mình đỡ tội lỗi. Thanks mấy phát cho món này.
À, mà BPK đi du hành trước thời gian giỏi vậy ta? Topic viết hè 2009 mà đã đi tới tháng 10/2009 rồi...hi hi

P/S: Để cái comment của mình đỡ lãng nhách, bổ sung cái bạn chim lạ hình như có họ hàng với bạn chim ở Bàu Sấu - NCT mà nhà 442 chúng mình làm quen được hôm nọ, thế nhá. Không hiểu sao thấy cái Chitwan này lại nhớ Nam cát tiên quá.
https://www.phuot.vn/album.php?albumid=608&pictureid=14182
(mạng không cho upload nên đành gửi link. Hay tichuot vô đây edit giúp chị cái nhỉ)

backpackervn
23-10-2009, 13:21
@ oilman, Pisces, hix, bpk đã khóc rưng rức khi cắn răng chia tay Pokhara tươi đẹp thanh bình để gắng gượng lê thân đến đây, giờ các bạn lại lôi tuốt tuồn tuột bpk quay lại “nơi ấy bình yên” rồi. Vậy, té ra có quá nhiều cao thủ đã từng hành hiệp trượng nghĩa trên cung đường Nepal mà trước giờ vẫn mai danh ẩn tích, cứ để bpk lải nhải một mình, xem như là múa gậy nơi vườn hoang vậy... Các cao thủ giờ lộ diện tý nhưng lại thoắt ẩn thoắt hiện, tung vài đường gươm lả lướt rồi tiếp tục ẩn bóng mất tiêu rồi… Các bạn vào đây chia sẻ với bpk và các bạn khác trong diễn đàn đi nào. Bình minh mưa Sarangkot hay chiều xanh thắm màu Phewa hay chim trắng dập dìu bên hồ xanh mưa bay… gì gì đó, tất cả đều đang được chờ đón nồng nhiệt…


@ dugiang, cám ơn bạn đã chia sẻ chân tình. Về cái lỗi vượt thời gian đó, lúc bpk nhận ra lỗi thì cũng là lúc đã hết thời hạn được edit rồi nên đành phải để vậy. Có cái lỗi nhỏ mà nhờ vả các bạn min/mod chỉnh sửa thấy phiền hà quá nên bpk để luôn vậy. Chúc bạn sớm kiếm đủ cơm áo gạo tiền rồi quay lại chốn giang hồ nhé… Hẹn gặp khi gặp nhau trên giang hồ!!!
.................................................. .................................................. ....

(cont.)


Chuyến đi tưởng đã sắp kết thúc như 1 chuyến cỡi xe jeep dạo rừng, trong sự thất vọng của nhiều người thì cuối cùng lại gặp 1 chú tê giác mò ra bờ hồ ăn cỏ. Tê giác là một động vật to xác nhưng rất nhút nhát chứ không như vẻ bề ngoài của chúng. Ở nhiều nước ĐNA, các nhà khoa học dùng bẫy ảnh canh cả thời gian dài mà còn chưa thấy được chúng. Đôi lúc chỉ thấy bãi phân của chúng đã lấy làm mừng vì biết chúng còn tồn tại. Vậy mà ở Chitwan chúng cứ đi nhởn nhơ trong rừng. Nepal là 1 nước nghèo lắm, nghèo nhất nhì thế giới đó, nghèo hương quê hương ta giàu đẹp, rừng vàng, biển bạc nhiều lắm lắm... vậy mà họ bảo tồn rừng rất tốt, người dân rất nghèo của họ vẫn rất tôn trọng và yêu quý rừng. Do vậy, mỗi khi nghĩ về những cơn mưa lũ khốc liệt hàng năm lại càng tăng mức độ hung dữ tràn về tàn phá quê nhà xác xơ là lòng cứ gợn lên quá nhiều những nỗi niềm….



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140390.jpg
Anh HDV tài thật, xe đang chạy anh dừng lại nghe ngóng gì đó, tắt máy, kêu mọi người im lặng rón rén xuống xe nhìn vào trảng cỏ vắng tanh bên kia hồ.


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140395.jpg
Rồi 1 cái đầu thận trọng của 1 chú tê giác thò ra.


https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140398.jpg
Để mọi người sung sướng ngắm nhìn mình đang ung dung nhai cỏ trong khoảng 5phút, chú tê giác quay lưng đi thẳng vào rừng sâu.


Thế là "mãn nguyện" ước mơ, được thấy sờ sờ 1 chú tê giác tự do ung dung nhẩn nha nhai cỏ bên kia hồ. Chú tê giác thật ung dung tự tại, đứng đủng đỉnh nhai cỏ, thỉnh thoảng giương đôi mắt lên nhìn qua bên kia hồ xem cái đám 2 chân lóc nhóc kia đang hí hoái bấm xành xạch cái gì đó mà chẳng hiểu chúng đang làm cái việc ngớ ngẩn gì đó. Vậy tạm coi như là ngày hôm nay thành công mỹ mãn rồi. Rừng Chitwan trông vậy mà rất hay, bảo tồn được rất nhiều động vật hoang dã, để chúng sống tự nhiên trong môi trường nguyên sơ và cũng rất gần gũi với con người.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140404.jpg
Những khoảng trống thênh thang trong rừng chiều



Đường chiều về, hoàng hôn trong rừng ụp xuống rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều với chiều qua khi ngồi bên bờ sông nhìn sang rừng. Chẳng hiểu tại làm sao mà cuộc chạy đua giữa jeep với ông mặt trời thất bại thảm hại. Khi chiếc jeep ra khỏi bìa rừng, mọi người lục tục xuống xe lên đò sang sông thì mặt trời đã chìm khuất sau hàng cây, để lại 1 hoàng hôn bảng lảng mãi chơi vơi chơi vơi nơi dòng sông chiều.



https://i917.photobucket.com/albums/ad18/backpackervn2/PB140410.jpg
Hoàng hôn rực rỡ trong rừng già


Đêm chia tay Chitwan, sương bỗng từ đâu thật nhiều ùa về trắng cả con sông nhỏ, cả phố phường. Mùa này ở Sauraha, dạ lý hương về đêm nở thật rộ khắp nơi làm trời đêm càng thêm nồng nàn. Lúc bpk từ quán net ra đến bờ sông, đã gần 9pm, sương đã rất dày, hương dạ lý lại càng quánh đặc nồng nàn vì sương níu kéo ôm ấp, không cho hương bay đi. Những chiếc đèn dầu nho nhỏ trên những chiếc bàn bên bờ sông làm thành những đốm sáng mờ mờ lung linh huyền ảo trong màn sương dày thật thú vị.


Buông mình trên chiếc ghế, dù đã được lau, vẫn còn ướt rượt sương đêm, bpk lơ mơ nhấp những ngụm bia thật ngọt thật giá buốt, rồi thơ thẩn nhìn ra sông sương đang bay bay mờ ảo. Chẳng thấy gì cả, chỉ thấy một màn trắng đùng đục như sữa thỉnh thoảng mỏng đi 1 tý khi có cơn gió khuya lạnh tê tái tạt ngang. Bên bờ sông, những khách du lang thang đủng đỉnh ngược xuôi, những cậu chàng phục vụ thi thoảng đi lại trong sương, bóng chầm chậm di chuyển như những nhân ảnh mờ. Những cậu chàng phục vụ này đã quen mặt bpk, cũng nhiệt tình ghé tới nói chuyện khi rảnh rỗi nhưng sao đêm nay bpk không thích tám, chỉ muốn ngồi một mình. Có lẽ bpk đang nuối tiếc cho những ngày vui sắp chia xa với những miền đất hiền hòa, hay lòng đang nôn nao cho chuyến đi ngày mai vào vùng đất mới… chẳng biết nữa. Chỉ biết khi bpk loạng choạng đứng lên rời bờ sông để về nhà thì người đã thấm ướt sương đêm, lòng cũng đẫm ướt rối bời bời…, đêm đã xuống thật sâu, sương đã đặc sánh trên sông, hương dạ lý khuya thơm ngọt nồng nàn ma mị quấn quít… Một đêm Nepal khó quên lại đi qua trong đời!


...
...

oilman
24-10-2009, 03:35
Đọc những dòng này mà thấy bùi ngùi quá. Mình ở Nepal những 9 ngày mà chẳng devote hết cho nó, chẳng cảm nhận được nhiều như các bạn. Pokhara, mình chỉ ở trọn vẹn 1 ngày, đón "bình minh mưa" trên Sarakot (viết thế đúng ko nhỉ), trek bằng xe máy :) Cũng may là quyết định quẳng hết máy ảnh ở nhà chỉ để enjoy trip và relax. Bây giờ giữa đống công việc bộn bề, nghĩ lại thấy khoảnh khắc ngồi uống bia trong quán, nhìn ra hồ bất chợt gặp đàn chim trắng bay qua...thật quý giá!!

Vậy cũng có nhiều người thích Pokhara. Sau những ngày trekking mỏi mệt, chen chút trong xe bus chật chội, choáng ngợp ở Kathmandu đông người thì Pokhara là nơi thư giản cực hay. Buổi sáng leo lên Sarakot để đón bình minh, ngắm "fish tail", chiều về đạp xe rong ruổi quanh bờ hồ vắng xe vắng người, buổi tối thưởng thức món ăn khắp nơi, nhắm nháp ly bia với vài người bạn mới quen tán dóc chuyện chu du thiên hạ.

Chỉ làm cung Kathmandu-Pokhara theo đường quốc lộ "duy nhất" của Nepal nên không xem được nhiều nơi như bpk. Để lâu lâu chen vô giới thiệu vài nơi hẻo lánh dễ bị dân du lịch bỏ qua.
-----

Trên đường tới Pokhara, tôi dừng ở Mankamana Mandir, một ngôi chùa linh thiêng của dân Nepal nằm cao trên ngọn núi của dãy Himalaya. Chắc vì sự mầu nhiệm của nó và để giúp người hành hương khỏi phải leo núi cực nhọc, người ta bỏ tiền ra xây cáp treo, có lẽ là một trong những cáp treo hiếm hoi ở Nepal. Cáp treo có toa dành riêng cho súc vật tế lễ và súc vật chỉ cần vé 1 chiều. Các cặp vợ chồng mới cưới tới đây, tế con dê hay con gà để cầu xin 1 đứa con trai :).

https://i239.photobucket.com/albums/ff294/saigon111/nepal/DSC00993.jpg

https://i239.photobucket.com/albums/ff294/saigon111/nepal/DSC01000.jpg

https://i239.photobucket.com/albums/ff294/saigon111/nepal/DSC01027.jpg

https://i239.photobucket.com/albums/ff294/saigon111/nepal/DSC01022.jpg

backpackervn
28-10-2009, 14:36
Tôi rời Chitwan 1 sáng sớm khi sương rừng còn bãng lãng, cũng như lòng tôi sáng hôm ấy. Sáng sớm thức giấc người cứ như mơ như tỉnh, tôi cứ quẩn quanh lang thang trong sân vắng vẫn mênh mang sương trắng của khu nhà nghỉ, đi ra đi vào căn phòng, nhìn cái balo đã đóng gói kỹ càng từ chiều hôm trước, nhấc lên, rồi lại để xuống, rồi nhấc lên… mãi vẫn vấn vương vì chưa muốn lên đường.


Nhưng rồi tôi cũng phải ra đi, một mình một bóng lầm lũi rời nhà nghỉ. Muốn gửi lại câu chào đến những người phục vụ đáng mến hay anh chủ nhà thân thiện cũng không được vì mọi người và cả đất trời vẫn đang còn say trong giấc nồng của 1 sáng mai lạnh giá.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150416.jpg
Những con đường làng trong Sauraha, Chitwan một sớm sương hồng


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150419.jpg
Làng quê ở Chitrasali, Chitwan sớm vẫn còn sương


Con đường đi cỏ cây ướt đẫm sương đêm, giờ vẫn còn mê mệt trong sương sáng. Tôi đi qua những cánh đồng rau xanh mướt, qua những hàng tre rũ bóng ven ao, quanh vườn… mà cứ ngoái đầu lại để nhìn lần cuối thôn xóm tươi đẹp ngái ngủ dịu dàng trong màn sương hồng đầu hôm. Đâu đó, từ một mái nhà tranh, có chút khói sớm nào bay lên rồi tan lẫn trong sương sớm, tiếng gà gáy sớm cũng đùng đục như không xuyên nổi màn sương, cứ rơi chầm chậm, chầm chậm trên đường quê…


Thời gian qua lang thang trên đất Nepal, từ ngỡ ngàng ban đầu, đến nhanh chóng thân quen, đến dễ dàng yêu mến… tôi mải mê chìm đắm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đền đài kiến trúc xưa hoành tráng, cuộc sống quê nghèo bình dị… mà hầu như quên hết tháng ngày. Một nỗi khổ lúc đầu nhưng sau đó lại là một điểm hay là ở Nepal không có roaming ĐTDĐ quốc tế, điện thoại của Nepal thì có cho gọi quốc tế nhưng lại không roaming về việc nhắn tin, nên những ngày này tôi hầu như tách biệt khỏi quê nhà. Ít bị phân tâm bởi chuyện vui lẫn chuyện buồn từ quê nhà, bỏ luôn thói quen khi rảnh rỗi, buồn buồn, lưng tưng… hay nhắn tin về bạn bè quê nhà để chọc ghẹo, chia sẻ, tám… tôi lại có thời gian sống trọn vẹn hơn với Nepal… Ngày vui đã sắp qua mau, dù biết trước nhưng vẫn buồn. Rời Chitwan hôm nay, thời gian còn lại trên đất Nepal của tôi cũng không còn nhiều nữa. Niềm vui được khám phá vùng đất mới rồi sẽ đến, nhưng trước khi nó đến, nỗi buồn chia tay vùng đất cũ đã ùa về…!!!



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/Nepal-2-1-800.gif
Những cung đường lang thang ở Kathmandu và chung quanh (cái này nợ bạn Gianker từ lâu lắm rồi).


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/Nepal-3-3-800.gif
Hành trình từ biên giới Kodari (Nepal) – Zhangmu (Tibet) đến hiện nay.


Nhưng cũng phải đi thôi! Chỉ mong có ngày tao ngộ. Vẫy tay chào Chitwan, tôi xốc lại balo thẳng tiến lên đường. Chào Chitwan rừng xanh núi đỏ, tôi đang bước đi đến miền đất Phật đầu tiên trong đời tôi sẽ được thăm viếng – Lumbini! Lên đường thôi bpk, Lumbini đang chờ!

(tbc.)

trantrakhuc
28-10-2009, 17:30
Cảm ơn Bkp lần nữa nghen.
Mình đang chờ bài Lumbini của bạn. Mính đang mong chờ ngày đầu đầu tuần tới để đến nơi xa ấy ít lâu.
TTK

backpackervn
29-10-2009, 16:14
@ trantrakhuc, chúc bác một chuyến đi vui và đạt được những điều mong ước! Trên đường hành hương, có cần thông tin gì thì cứ PM cho bpk. Khi về bác nhớ mở một thread để chia sẻ về chuyến đi nhé!
.................................................. ..................................................

(cont.)


Thế là cuối cùng bpk cũng đã vinh hạnh đến được Lumbini, vùng đất cổ tích ngày còn bé thơ mê say đọc những câu chuyện huyền thoại về Đức Phật. Hành trình Tibet, Nepal lần này có nghiêng về tâm linh, nên đến được Lumbini trong chuyến đi này cũng là một trong những niềm mơ ước của bpk. Nhưng bạn biết không, lặn lội đường bộ đi mấy ngàn dặm từ Sài Gòn đến được Chitwan là thử thách không nhỏ, nhưng từ Sauraha, Chitwan để đến được Lumbini, chỉ cách nhau khoảng 200km, bpk cũng gặp thêm vài thử thách khác nữa. Đó là điều nghiễm nhiên, là thử thách cần thiết cho một kẻ nhiều sân si lắm tội lỗi như bpk để có thể đến viếng được vùng đất Phật thiêng liêng. Với 200km đó, bpk đã đi từ 7g sáng đến 3h chiều, với 7 lần thay đổi phương tiện đi lại… để cuối cùng mệt nhoài nhưng vỡ òa hạnh phúc khi đặt chân xuống miền đất Phật trong 1 chiều thu xanh ngăn ngắt Nepal.



Kể lể về dành trình đó để “show hàng” tý thôi chứ bpk cũng là thằng lười dạng cùi bắp đứng hạng nhất nhì trong thiên hạ. Nói vậy chứ có ngon lành cành đào gì đâu, có dám noi gương người dân Tây Tạng “nhất bộ nhất bái” hay “tam bộ nhất bái” khi đi hành hương đâu. Mà khi bái lạy, họ lạy đúng theo kiểu “ngũ thể nhập địa” luôn chứ chẳng phải đơn giản đâu (người Tây Tạng đi hành hương từ quê nhà xa xôi lên đến tận Lasha chỉ đi bộ mà thôi, khi họ đi cứ đi một bước thì quỳ lạy một lần hoặc đi ba bước quỳ lạy một lần, mà họ quỳ lạy kiểu 5 bộ phận cơ thể là 2 tay, 2 chân và trán đều chạm đất, họ cứ đi như vậy nhiều tháng trời hay cả năm trời trên những con đường khắc nghiệt của vùng Himalaya mới đến được Lasha). Bpk thì đi chủ yếu là bằng xe thôi, có cực tý xíu nhưng phải kể lể dài dòng ra đây với các bạn, “cho nó làm ra vẻ” thôi. Thay vì như hầu hết khách du lịch từ Sauraha thường mua vé tourist bus để được phục vụ đến tận ngã ba Bhairawa (cách Lumbini thêm 1g đi xe), bpk chọn cách tự đi như những người dân bình thường Nepal đi hành hương, đi bằng các phương tiện bình dân từ việc lội bộ đến xe ngựa đến xe bus nhỏ, xe bus lớn… thôi thì đủ cả, gặp đâu đi đó.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150421.jpg
Lumbini chào đón quý khách!


Bạn thử đi theo cùng bpk cung đường 200km trong 9g đồng hồ này nhé! Biết đâu, nhiều khi xem xong bạn sẽ nói, nghe kể cũng thấy mệt huống chi đi như vậy! Tiết kiệm làm gì, leo quách lên xe tourist bus đi cho nó nhẹ thân? Bao nhiêu bạn nghĩ như vậy? Bao nhiêu bạn sẽ đi như bpk? Thử làm cái vote xem sao nào?


(tbc.)

backpackervn
02-11-2009, 14:34
(cont.)

Hành trình 7 chặng từ Sauraha đi Lumbini đây!!! Ai đi theo không nào?


1. Đi bộ
Ra đến khu phố của Sauraha lúc 7g sáng, phố phường còn đang ngái ngủ, không có phương tiện đi lại nào cả, bpk lại lóc cóc lội bộ ra bến xe ngựa, hỏi thăm xe đi Chitrasali, nơi có một bến xe nhỏ của thị tứ để đón xe lam hoặc xe ngựa đi tiếp đến Sauraha Chowk. Tên phu xe ngựa lựu đạn bắt chẹt với giá 150Rp cho 3km đường đất nếu muốn đi ngay vì phải bao nguyên chuyến, mà bình thường chỉ 20Rp là tối đa. Thế là bpk xốc balo lại, kiên quyết không tốn tiền vô lý, lon ton đi bộ tiếp trên con đường, với hy vọng là sẽ đón xe được chiếc xe nào đó sẽ gặp trên đường đi. Phần thì cũng muốn vừa đi vừa ngó nghiêng thôn xóm Nepal trong sương sớm. Thế nhưng suốt gần 3km đeo balo đi bộ, chẳng thấy xe ngựa cũng như local bus nào chạy cùng chiều. Như vậy là bpk cũng quyết định đúng khi đã bỏ đi bộ tiếp, thay vì chờ ở bến xe ngựa thì đến giờ vẫn chưa leo lên được chiếc xe nào. Con đường đi qua những thôn làng vào sáng sớm còn vắng vẻ, yên bình, chỉ có các em bé nô đùa chuẩn bị đi học và một vài em bé đang phụ gia đình bưng các mâm hoa trái đi cúng kiếng. Băng qua cầu, qua con sông là vào đến Chitrasali rồi.


2. Đi xe ngựa
Sau gần 3km đi bộ, đến Chitrasali, thiên hạ ở đó mắt tròn mắt dẹt khi thấy bpk đi bộ một mình từ trong làng ra vào lúc sáng sớm nhưng rất nhiệt tình giúp đỡ khi bpk hỏi thăm về xe bus hoặc ricksaw để đi ra Sauraha Chowk. Các thanh niên trẻ vui vẻ mời ngồi, hỏi thăm thông tin của bpk rồi đón 1 chiếc xe ngựa đang chạy lại, dặn dò bác tài bằng tiếng Nepal gì gì đó rồi mới kêu bpk lên ngồi. Cám ơn rối rít các bạn trẻ, bpk leo tót lên chiếc xe ngựa chạy cà rịch cà tang. Đi tiếp 5km đến Sauraha Chowk, nơi đường quốc lộ giao với con đường vào Sauraha là hết tiền đi xe ngựa, xe dừng.


3. Đi xe bus
Vừa đến nơi là bpk nhảy lên local bus hướng về Narayangarh, thành phố cửa ngõ để đón xe đi Bhairawa, Lumbini. Xe bus chạy cũng cà rịch cà tang, gần đến nơi, tức mới vừa vào trung tâm TP Narayangarh, xe bị gãy nhíp hay gì gì đó, đang chạy bỗng nghe cái đùng rồi xe dừng lại, khói bụi văng tung tóe. Xe hư rồi, bà con lại lục tục xuống xe, kẻ đi bộ, người đón xe khác đi tiếp.

4. Đi bộ
Thế là bpk cũng xuống xe, hỏi thăm hướng đi rồi đeo balo đi bộ tiếp khoảng 15-20p thì đến bến xe Narayangarh, hỏi han, mua vé rồi leo lên xe kiếm chỗ ngồi tốt để chờ xe chạy đi Bhairawa (để từ đó đón xe đi Lumbini vì không có xe chạy thẳng đến Lumbini).


5. Đi xe bus
Chờ mãi ở bến xe Narayangarh đến 10am, xe mới chạy. Chạy miệt mài đến 12.50 giờ trưa, xe đến Butwal thì lại dừng lại giữa đường, gần 1 chiếc xe khác cũng đã gần đầy khách.


6. Chuyển xe bus
Tất cả mọi người lục đục xuống xe, lên xe lôi về nhà, còn bpk thì được dắt sang 1 xe local bus khác (nói đúng ra là bị bán sang xe khác) đẩy lên xe để đi tiếp đến ngã 3 Bhairawa-Lumbini.


7. Lại chuyển xe bus
Đến ngã 3 Bhairawa, nơi con đường rẽ 2 hướng, 1 ra biên giới, 1 để vào Lumbini, xe lại dừng. Và bpk lại lót tót cõng balo chuyển sang 1 cái xe bus địa phương khác nữa để đi Lumbini. Đến Lumbini, bpk nhìn đồng hồ và ghi lại, đúng 3.04pm. Thế là bpk đã có 1 hành trình từ 7am đến 3.04pm cho khoảng 200km, với 7 lần thay đổi phương tiện đi (mỗi đợt đi bộ cũng tính là 1 lần – cho nó nhiều (!?)). Mà sáng nay đi từ Sauraha, bpk đã không kịp ăn sáng, đến lúc chờ xe ở Narayangarh chỉ mua vài cái bánh (giống bánh tiêu) lên xe ăn tạm, rồi không ăn trưa... mãi đến bây giờ.


Tổng cung đường dài khoảng 200km này tổng chi chi phí tất tần tật là 340Rps # 78.000VND (nếu mua vé từ Sauraha mất đâu 700-800Rp gì đó) nhưng bpk đã có 1 chuyến đi vô cùng đáng nhớ, trong một ngày mùa thu nhưng vẫn nắng nóng sục sôi ở miền đồng bằng Nepal. Dù sao bpk cũng tự AQ an ủi mình, a/ âu đây cũng là 1 thử thách nhỏ cho mình trước khi đến được miền đất Phật; b/ với cái balo đó mà bpk vẫn đeo đi bộ được vài km, tức là vẫn có khả năng mua thêm đồ lưu niệm gì đó chất vào balo được!!!


(tbc.)

backpackervn
03-11-2009, 11:12
(cont.)


Lumbini, còn hay được phiên âm là Lâm Tỳ Ni, là một phố nhỏ, rất nhỏ và bụi, rất nhiều. Gió và bụi đỏ vần nhau mịt mờ cả đất trời khi chiếc xe bus dừng lại ở ngã 3 đi vào làng cũ Lumbini, cũng là bến cuối. Chẳng hiểu vì đói, vì mệt, vì cả ngày lắc lư trên xe… hay sao mà bpk lơ mơ không định hướng được khi bước xuống xe. Ngồi ở chiếc ghế đá ven đường 1 lúc lâu, bpk hỏi thăm đường đi đến 1 nhà nghỉ, để lấy đó làm cột mốc định hướng rồi mới xác định được phương hướng, ở cái phố bé tẹo chỉ có vài con đường chính này.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150422.jpg
Đường vào chùa Maya Devi và Làng chùa lúc cuối ngày


Mặc dù là thánh địa rất quan trọng cho những khách hành hương, Lumbini không giống các thánh địa của các tôn giáo khác. Khách hành hương, Phật tử trên toàn thế giới không ồ ạt kéo đến theo từng mùa cao điểm như Mecca… mà chỉ từ từ từng đoàn người, chậm rãi từ ngày này đến năm nọ, sẽ đến thăm khi có được cơ hội mơ ước trong đời. Khác với các tôn giáo khác một số người còn dừng lại nơi đây một thời gian để tu tập trong các các chùa chiền và thiền viện xung quanh, đang dần mọc lên ngày càng nhiều. Có nhiều khách, chưa theo đạo Phật nhưng khi đến đây, dừng chân trong chốn trang nghiêm, lòng lắng lại, cũng muốn tìm hiểu thêm cuộc sống Phật tử, thế là xin vào tu tập vài ngày, hoặc vài tuần… và các thiền viện ở đây đều dang tay đón chào.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150485.jpg
Khu vườn thiêng quanh chùa Maya Devi


Điểm viếng thăm quan trọng nhất ở Lumbini là ngôi chùa Maya Devi, được đánh dấu chính xác là nơi hoàng hậu Maya Devi đã lâm bồn và hạ sinh ra hoàng tử Gautama Siddhartha của vương triều Kapilavastu, chính là Đức Phật sau này. Xung quanh ngôi chùa là khu vườn thiêng với nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là cây cột đá của quốc vương Ấn Độ Ashoka.


Sau nhiều năm nghiên cứu ở Lumbini, các nhà khảo cổ học đã chắc chắn rằng, hoàng tử Gautama Siddhartha đã được sinh ra ở Lumbini vào năm 563 trước Công nguyên. Sau khi ngài thành chánh quả, dù không chọn Lumbini làm nơi giảng truyền kinh kệ nhưng người đời và các Phật tử đã tập trung về đây để xây dựng các chùa chiền, thiền viện, bảo tháp xung quanh nơi ngày xưa ngài được sinh ra. Vào những năm 200-300 trước CN, một phức hợp khổng lồ các chùa chiền, thiền viện, bảo tháp… đã được dựng lên ở đây bởi các truyền nhân của Đức Phật và cả quốc vương Ashoka khi ông hành hương đến đây vào năm 249 trước CN, và đã cho dựng lên cây cột đá Ashoka nổi tiếng tại đây.


(tbc.)

backpackervn
03-11-2009, 11:15
(cont.)



Không bao lâu sau, vì những biến động dâu bể mà cho đến nay người ta vẫn chưa rõ, Lumbini và cả vương quốc Kapilavastu đã bị tàn phá và bỏ hoang. Khi cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường, TQ ghé nơi đây vào thế kỷ VII Công nguyên, ông đã thấy nơi đây đã rơi vào hoang phế. Ông đã thấy cả ngàn ngôi chùa, tu viện giờ đây rơi vào hoang tàn, đổ nát… cả cây cột đá của quốc vương Ashoka cũng đã nằm lăn lóc trên miền đất hoang phế ngày nao mới đây còn rất huy hoàng.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150474.jpg
Hoàng hôn ở Lumbini


Tuy nhiên, Lumbini cũng chưa hẳn đã rơi vào quên lãng hoàn toàn. Vào năm 1312, vào thời vương triều Malla, vua Nepal Ripu Malla đã làm 1 cuộc hành hương đến đây. Người ta cho rằng chính ông là người đã để lại bức tượng mô tả sự sinh nở của hoàng hậu Maya Devi lại nơi đây, góp phần làm sáng tỏ thêm về nguồn gốc của hoàng tử Gautama Siddhartha. Lý do vua Nepal đến đây và ghi lại dấu tích về đức Phật lại không liên quan đến Phật giáo mà lại liên quan đến đến 1 tôn giáo khác, Hindu. Đó là 1 điều đặc biệt và là những mối liên hệ chồng chéo qua lại giữa các tôn giáo mà người ngoại đạo như bpk rất khó hiểu.


Làn sóng xâm lăng của các quốc vương Hồi giáo (Mughal) tràn đến xứ xở này vào cuối thế kỷ XIV đã tàn phá những gì còn lại của Lumbini. Vùng đất này trở nên hoang tàn hơn bao giờ hết và rơi vào cảnh hoang dã hoàn toàn. Con người đã đi khỏi vùng đất này, trả lại Lumbini cho đất mẹ thiên nhiên, cho rừng rậm, đầm lầy… mãi cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, khi các nhà khảo cổ học khám phá ra cây cột đá Ashoka, vào năm 1896. Thông tin được truyền lại từ hơn 2 thiên niên kỷ trước của cây cột đá đã xác nhận, chứng minh rõ ràng về sự ra đời, sự hiện diện có thật của một đấng hiền triết trên cõi nhân gian nhiều phiền muộn này, cũng như đã làm sống lại vùng đất Lumbini.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150483.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150457.jpg
Dấu xưa

Ngôi chùa Maya Devi hiện nay nằm bao trùm một cách chính xác quanh vị trí ngày xưa Hoàng hậu Maya Devi đã hạ sinh hoàng tử Gautama Siddhartha. Các công cuộc khảo cổ đến năm 1922 đã phát hiện nhiều dấu tích của ít nhất 2.200 năm về trước, tiết lộ những dấu tích, những thông tin phù hợp với chỉ dụ, những thông tin mà quốc vương Ashoka đã để lại trên chiếc cột đá nổi tiếng của ngài.


Trong ngôi chùa Maya Devi mới này, ngoài các di tích được khai quật của ngôi chùa từ nhiều ngàn năm trước, khách hành hương không thể không đến viếng bức phù điêu đá mô tả sự ra đời của hoàng tử Gautama, được làm bởi vua Ripu Malla của Nepal vào đầu thế kỷ XIV. Lý do vị quốc vương theo đạo Hindu này lưu lại bức phù điêu này là vì lúc đó hoàng hậu Maya Devi được xem như là 1 hoá thân của nữ thần Hindu. Tuy các chạm khắc trên phù điêu đã bị thời gian bào mòn nhưng cũng có thể gợi cho chúng ta hình ảnh hoàng hậu Maya Devi đang đứng với lấy 1 nhánh cây sala và đang hạ sinh hoàng tử Gautama, với sự chăm sóc của thần Indra và thần Brahma.


(tbc.)

oilman
04-11-2009, 06:22
Lonely Planet vừa công bố 10 điểm du lịch hàng đầu của 2010 trong đó có Nepal. Theo như tờ báo SMH: http://www.smh.com.au/travel/traveller-tips/lonely-planet-names-top-10-destinations-for-2010-20091103-hupk.html

"NEPAL

2008 was a watershed year for Nepal – the rebels became the government, the kingdom became a republic and the king became a civilian. With the end of the Maoist uprising, trekkers are once again pitting might and muscle against some of the most challenging trails on the planet. Trekking in Nepal is one of those travel benchmarks, like seeing the Taj Mahal, or diving the Great Barrier Reef, or the first time you eat fried locusts. By the end of your trek, you may vow never to climb anything higher than the stairs around your home town, but the experience of the Himalaya will stay with you for a lifetime."

backpackervn
04-11-2009, 11:51
@ oilman, bpk rất thích đất nước Nepal thanh bình, con người hiền hòa, mến khách và rất vui mừng khi nghe tin này. Vào thời điểm bpk đi, 2008 mọi việc cũng đã yên bình khi nhóm Maoist đã tham gia điều hành đất nước. Đúng là con người lòng tham không đáy, cứ chộn rộn mãi khi nghe những thông tin kiểu này, cứ mong được quay lại nơi đây. Bao giờ cho đến tháng Mười…
...............................................


(cont.)


Rời khỏi Lumbini Village Lodge lúc đã hơn 4pm, sau khi đã tẩy sạch bụi bặm của 1 ngày dài để người được sạch sẽ thanh tịnh hơn khi viếng miền đất thiêng, bpk đã xác định ngay mục tiêu buổi chiều tối ngày hôm nay chỉ là ngôi chùa Maya Devi và khu vườn thiêng bao quanh – không chạy đua tốc độ đến các nơi nào khác. Vẫn chưa có gì lót bụng, bpk thẳng tiến trên con đường làng đầy bụi để vào chùa Maya Devi nằm trong khu vườn thiêng mênh mang cờ phướn trong trời chiều thu xanh.


Ngôi chùa mới Maya Devi nhìn bên ngoài đã không giống các ngôi chùa khác, nhưng khi vào bên trong, mọi thứ lại khác hẳn. Nhìn từ bên ngoài, ngôi chùa giống như 1 pháo đài thu nhỏ ôm quanh một bảo tháp. Pháo đài gạch đỏ, bảo tháp trắng có chóp vàng nằm trong 1 khu vườn cỏ xanh mướt làm cho ngôi chùa càng nổi bật. Do vậy, sẽ dễ nhầm tưởng bên trong chùa là chánh điện lộng lẫy với những bức tượng hoành tráng.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150438.jpg


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150445.jpg
Chùa Maya Devi


Nhưng không, bên trong chùa không có tượng Phật hoành tráng hay đèn hoa lộng lẫy nơi điện thờ… mà chỉ hoàn toàn là các phế tích của 2.000 năm trước. Ngôi chùa ôm lấy che chở cho những dấu tích xưa, những ngôi chùa của ngày xa xưa. Những di tích của 2.000 năm trước giờ nằm yên nhìn những hàng người thành kính xếp hàng rồng rắn để đi đến phiến đá đánh dấu nơi ngày xưa hoàng hậu Maya Devi đã hạ sinh hoàng tử Gautama. Phiến đá giờ đây đã mờ, đã nhiều hư hỏng. Bên trên kế bên là bức phù điêu của quốc vương Nepal Ripu Malla mô tả cảnh lâm bồn của hoàng hậu Maya Devi, cũng đã mòn nhẵn vết thời gian. Bpk cũng lặng lẽ theo dòng người thành kính đến khấn vái.



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150425.jpg
Những di tích của 2.000 năm trước bên trong chùa Maya Devi


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150426.jpg
Dòng người thành kính xếp hàng chờ đến lượt


Khác với các bạn trẻ Nepal bị chú bảo vệ kêu đi nhanh nhường chỗ cho người đến sau, bpk được chú cho phép đứng sang 1 bên, thật lâu tại nơi này. Bpk thành tâm khấn niệm những điều tốt đẹp cho gia đình và người thân rồi lặng lẽ chiêm bái, như muốn được lưu giữ lại phần nào không khí trang nghiêm, thiêng liêng của miền đất Phật…



https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150433.jpg
Phiến đá đánh dấu nơi hoàng hậu Maya Devi lâm bồn


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB150430.jpg
Phù điêu của quốc vương Nepal Ripu Malla từ thế kỷ XIV đã mòn nhẵn theo thời gian


https://i395.photobucket.com/albums/pp37/backpackervn/PB160740.jpg
Một phiên bản mới của bức phù điêu, ở ngôi chùa Bihari ở kế bên


Hồi lâu, tôi thành kính khấn vái, cúi đầu, lặng lẽ bước ra khu vườn xanh, đã vàng ruộm nắng cuối ngày…


(tbc.)

oilman
06-11-2009, 07:01
Không muốn đi lạc với cuộc hành trình của bpk nhưng vì oilman đi cung đường Kathmandu-Pokhara nên chỉ có thể loanh quanh trên quốc lộ Prithvi.
--------

Khoảng 2/3 quảng đường từ Kathmandu đến Pokhara, dừng lại ở Dumre rồi bắt xe đi đoạn đường núi dốc 10km sẽ tới Bandipur. Bandipur là một thị trấn nhỏ trên dãy Himalaya. Khá đặc biệt vì từng một thời là điểm dừng chân mua bán nhộn nhịp của các thương lái giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Nhưng từ lúc có quốc lộ Prithvi, Bandipur trở nên bị cô lập và dần trở thành điểm du lịch phố cổ. Nếu có nhiều thời gian cho Nepal, có thể dừng ở Bandipur để tận hưởng cuộc sống miền núi, nghĩ đêm tại một trong những nhà khách với căn phòng nho nhỏ theo kiểu Newar, tìm hiểu thời vàng son đã qua của Bandipur với những cụ già rồi tiếp tục hành trình đi Pokhara. Bandipur không phải là must see, nhưng nếu muốn tìm cái vắng vẻ sau một đoạn đường ngoằn ngoèo Prithvi trên nóc xe đò thì Bandipur cũng không tệ lắm.

Trên đoạn đường đèo dốc từ Dumre tới Bandipur
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=866&pictureid=21054

Căn nhà khách duy nhất ở đây bên ngoài không có vẻ Newar
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=866&pictureid=21052

Một buổi sáng ở Bandipur
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=866&pictureid=21051

Bandipur một chút "vàng son" đã qua
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=866&pictureid=21050

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=866&pictureid=21046

Đi bộ xa ra ngoài một chút là những làng nhỏ
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=866&pictureid=21049

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=866&pictureid=21048

The Drifter
08-11-2009, 00:13
Tuyệt vời! Mình ngồi xem 1 mạch 15 trang chia sẻ đầy ắp cảm xúc của bạn đó.
Mình cũng rất thích đi, nhưng kẹt tùm lum thứ, trong đó kinh phí là ít kinh nghiệm nhất :-(
Bạn có thể chia sẻ chuyến đi vừa rồi đã dùng hết bao nhiêu ngân lượng?

backpackervn
09-11-2009, 11:18
@ oilman, cảm ơn bạn đã gợi lại về miền đất yêu thương Bandipur. Theo bpk, Bandipur nên là điểm must-see mới đúng. Lúc mới rời Bandipur để đi Pokhara, bpk không thích Pokhara bằng Bandipur đâu. Có lẽ là do kỳ vọng quá nhiều nên lúc mới đến Pokhara hơi thất vọng, từ từ mới “thấm” được Pokhara. Còn Bandipur á, bpk kết nó ngay từ lúc đi trên con đường đèo hun hút gió từ Dumre vào rồi. Nhớ làm sao cái buổi hoàng hôn say lãng đãng trên đồi Tundikhel ở Bandipur… Bạn vào kể tiếp đi nhé. Mình gần xong rồi.


@ The Drifter, bạn cứ đi, rồi sẽ đến, việc gì cũng có lần đầu mà. Về kinh phí chuyến đi này, không tính chuyện bay đến và rời khỏi Nepal (vì bpk đi bằng đường bộ vào và ra Nepal), chi phí không quá 700$ cho gần 1 tháng đó, nếu bạn trừ chi phí bia bọt và internet (đắt chứ không rẻ như ở VN) thì còn khoảng chừng 1/2 – 2/3 số tiến này.
.................................................. ............................

(cont.)


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150467.jpg
Nắng chiều thắp sáng trên những ngọn cây trong vườn chùa.


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150446.jpg


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150451.jpg
Cờ phướn bay trong vườn chiều


Rời chùa Maya Devi, bpk bước ra khoảng sân chiều đã không còn nắng, chỉ còn nắng thắp nến trên những ngọn cây. Ngay kế bên hông chùa là cột đá Ashoka Pillar, được xây dựng vào năm 249 BC khi quốc vương Ashoka hành hương đến nơi đây. Trải qua bao binh biến, cột đá bị vùi lấp theo cát bụi thời gian và mãi đến 1896 mới được trở về vị trí đúng của nó. Trên phiến đá đã phai mờ, vẫn còn sót những dòng chữ (bạn nào đọc được thì nhớ báo cho bpk nhé, bpk sẽ gửi file hi-res cho bạn) là những chỉ dụ, thông tin của ngài từ những ngày xa xưa đó. Cũng chính nhờ những thông tin quý báu đã được lưu lại này, các nhà khoa học đã có thêm tư liệu để chứng minh rằng cuộc đời của Đức Phật không chỉ là huyền thoại.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150468.jpg

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150442.jpg
Cột đá Ashoka


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150443.jpg
Chỉ dụ trên cột đá



Bao quanh bởi hàng rào, cây cột đá giờ đứng trong yên bình. Bên hàng rào, người mộ đạo đã khoác lên thật nhiều những lá cờ phướn kiểu Tibet nhiều màu rực rỡ, càng tôn thêm vẻ bình dị của chiếc cột đá nhiều ngàn năm tuổi. Nhiều thiện nam tín nữ, Phật tử thành tâm khấn vái cúng dường nơi đây, như là điểm đến thứ 2 sau khi viếng thăm bên trong chùa Maya Devi. Bpk cũng vậy, nhưng thay vì đi sang nơi khác trong vườn, bpk lại lui ra ngồi trên bãi cỏ để nhìn ngôi chùa, chiếc cột đá trước giờ chỉ được biết qua sách vở, thật lâu trước khi lững thững ra sau khu vườn thiêng.


(tbc.)

backpackervn
09-11-2009, 11:21
(cont.)


Điểm nhấn thứ 3 của khu vườn thiêng là chiếc hồ sen mà hoàng hậu Maya Devi đã tắm ngay trước khi lâm bồn. Hồ xưa nay chẳng còn. Chiếc hồ sen ngày nào giờ chỉ là 1 cái ao xi măng vuông vắn, chẳng có sen mà cũng chẳng có cây cối gì cả, chỉ có mấy chú rùa được phóng sinh chậm rãi bò bên dưới hay bên thành hồ. Bên cạnh hồ là 1 cây đa rất nhiều tuổi tỏa bóng râm mát xung quanh. Bên dưới cây đa rất nhiều tu sĩ và cả những holy-man của Hindu giáo cũng đang ngồi thiền, khấn nguyện hay chỉ ngồi nhìn dòng đời đang trôi, ai nào biết…



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150456.jpg

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150453.jpg
Chiếc ao sen ngày xưa


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150463.jpg
Du sĩ trong vườn thiêng


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150481.jpg
Bpk cũng thật may mắn vì di tích này cũng chỉ mới được mở rộng cửa trong mấy năm gần đây


Trong vườn còn có rất nhiều các dấu tích của các stupas và dấu tích của chùa chiền xưa xung quanh, giờ chỉ còn là di tích. Trong vườn cũng có rất nhiều cây cổ thụ xanh um tùm và được giăng đầy những dây cờ phướn nhiều màu bay phần phật trong gió chiều. Những tín nữ Nepal hay Ấn độ trong những chiếc saree nhiều màu rực rỡ, những dây cờ phướn Tây Tạng đa sắc, những khu vườn, hàng cây xanh mướt tràn đầy sức sống chen lẫn với những phế tích xưa cũ ngàn năm đã mòn nhẵn, đã rạn vỡ, đã bạc màu thời gian lặng lẽ nằm miên man trong khu vườn rộng tạo cho khu vườn một gam màu rất lạ, cho lòng du khách những cảm giác rất lạ. Nhất là khi những tia nắng cuối ngày chợt trở nên vàng hoang hoải, khi những cơn gió lạnh chiều chợt rung lên rủ rê những tiếng vỗ về lao xao của hàng triệu triệu những cờ những phướn… Lumbini một chiều thu muộn làm lòng khách bỗng lãng đãng vô cùng.



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150484.jpg
Đêm đã về trên khu vườn thiêng


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB150478.jpg
Hoàng hôn chùa Maya Devi


Sau khi lang thang, chụp hình "đầy đủ" các di tích cần lưu, bpk ra trước bãi cỏ vắng trong khuôn viên chùa, xa xa trước Ashoka Pillar, ngồi im lặng, khấn nguyện, nghĩ suy mông lung về cuộc đời dâu bể, rồi chẳng suy nghĩ gì nữa, cứ ngồi một mình... mãi đến khi đêm đã xuống thật sâu trên miền đất Phật thiêng liêng.

oilman
10-11-2009, 09:41
Chỉ vào viết ké thêm vì thấy bpk đi hầu như khắp Nepal và còn có chuyến hành hương đất Phật quá đẹp. Trong các chuyến đi của oilman thì chuyến Nepal khá ngắn nhưng lại có nhiều cái hay. Lần đó đi vào dịp lể Holi hay Festival of Colours, đi ra đường có thể bị lãnh một bịt nước vào lưng, có khi bị tát nước nhưng mọi người đều vui. Cũng là dịp Nepal chuẩn bị bầu cử, lính UN xuôi ngược trên Prithvi và là lúc vua Nepal thoái vị. Khi tới Pokhara lại thấy người Tây Tạng xuống đường vì tình hình ở Tây Tạng. Mỗi nơi mỗi đẹp và không có gì phải vội vã.

backpackervn
10-11-2009, 11:38
*Mượn tên cuốn sách của thầy Huyền Diệu



@ oilman, bạn cứ tiếp tục chia sẻ, cả những câu chuyện ở Kathmandu, Pokhara… vì mỗi cảnh mỗi vật đều sẽ được nhìn dưới những góc cạnh, những thời điểm, những cảm giác… rất khác nhau của từng người. Do vậy, càng đa chiều, càng nhiều khía cạnh được chia sẻ sẽ hay hơn rất nhiều. Mình sống cả đời ở 1 đất nước nào đó mà còn rất nhiều chuyện chưa hiểu, chưa biết… huống gì chỉ mới cỡi ngựa xem hoa lướt qua lướt lại một quốc gia, mà ngay cả ngôn ngữ bpk mới biết chưa được 10 từ!!! Do vậy bạn cứ vào “tám” cho vui hén.
…………………………………..



https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB160557.jpg
Hồng hạc đã bay về trên miền đất thiêng Lumbini.


Đêm qua, Lumbini thật yên bình. Sau khi từ vườn thiêng trở về và sau cả ngày dài miệt mài chỉ ăn mấy cái bánh cầm hơi, bpk đã có 1 đêm thật nhẹ nhàng thú vị nơi đây. Từ vườn thiêng trở ra, bpk định mon men đi lên Làng chùa nhưng thấy trời tối và vắng quá, với lại không ước lượng đường đất bao xa nên để luôn sáng mai sẽ đi. Về phố nhỏ, con đường đầy bụi đi xuống làng hôm nay cúp điện tối đen tối mò nên bpk cũng chỉ đi một đoạn rồi quay lại, phát hiện có 1 nhà hàng ngoài trời trên sân thượng, cũng chỉ là tầng 1 của một ngôi nhà, cách Lumbini Village Lodge vài căn, thế là bpk mò lên đó. Hỏi nửa đùa nửa thật là có bia hay không thì được trả lời là có. Quên mất mình vừa trong chùa ra, quên mất bao suy nghĩ vấn vương để tự tra vấn tội lỗi của mình lúc còn trong chùa, quên mất… chỉ nhớ đêm nay là 1 đêm hạnh phúc, đêm nay là 1 đêm lạnh cô đơn, đêm nay là 1 trong những đêm cuối ở Nepal… và gọi bia :T.


Chờ một hồi thì nhóm khách ở cái bàn bên ngoài, gần lan can rời quán, bpk xông ra chiếm đoạt ngay cái bàn ngoài cùng ngoài sân đó, nhìn được xuống phố đêm cúp điện tối đen với những ngọn đèn leo lắt, chập chờn, những bóng người di chuyển chầm chậm trong đêm đen như hư như ảo… Bpk ngồi mãi đến khi sương khuya ướt đẫm cả chiếc bàn đá mới lon ton ra về rồi chìm trong 1 giấc ngủ thật sâu và yên bình.




https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB160500.jpg
Tụ tập bàn tán về đình công


https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB160506.jpg

https://i764.photobucket.com/albums/xx289/backpackervn-1/PB160768.jpg
Rạch nước chia làng chùa thành 2 nhánh đông tây, gồm các tu viện của nhiều quốc gia, bpk sẽ cùng bạn đi viếng hết luôn nghen.


Nhưng sáng nay, Lumbini lại không yên bình – có biểu tình và đình công xảy ra trong phố nhỏ. Chèn đét quỷ thần ơi, cả 1 hành trình dài của bpk trên đất Nepal thật yên bình, đến những ngày này lại gặp biểu tình, đình công. Lý do là có vài vị cán bộ nào đó đấu tranh cho quyền lợi của dân làng vừa bị bắt cóc (?!) trong mấy ngày trước nhưng chính quyền không có động thái gì cho việc tìm kiếm. Thế là dân làng biểu tình, đình công để đòi hỏi tiếng nói từ nhà cầm quyền. Lúc đầu là biểu tình ngay ở gần bến xe gần nhà trọ bpk đang ngụ, sau đó là dời ra đường cái chính, cách đó hơn km. Việc đình công, không cho xe bus chạy mới khổ cái thân bpk, phá vỡ kế hoạch đi thăm phế tích của kinh thành cổ Tilaurakot, của vương triều Kapilavastu, nơi hoàng tử Gautama đã sống 29 năm hạnh phúc trước khi giác ngộ ra con đường cần phải đi. Nhưng thôi, chuyện biểu tình này còn dài, bpk sẽ kể sau, bây giờ là chuyến đi thăm Làng chùa, với ngôi chùa đầu tiên được xây ở đây, Việt Nam Phật Quốc Tự, nơi hồng hạc đã bay về trên miền đất thiêng…


(tbc.)

TINYCAT
11-11-2009, 21:57
Bài viết hay, hình ảnh đẹp. Cảm ơn bạn bpk. Nhìn và đọc thật thỏa nhãn.

mitalead
12-11-2009, 18:40
vỗ tay khen thật là khen cho bạn bpk!!
chú thích rất chu đáo và rất hay.
ai đó cóp lại in ra là thành sách luôn đó!
chắc sẽ bán dắt lắm!!
xin cám ơn

backpackervn
13-11-2009, 11:38
@ TINYCAT, mitalead, cảm ơn 2 bạn đã quá khen, bpk không dám nhận nhiều thế đâu ạh (beer).
.........................................

(cont.)

Sáng nay bpk đã thuê chiếc xe đạp cũ rích cũ xì ở Lumbini Village Lodge, nên việc đi đứng cũng dễ dàng hơn. Lúc sáng sớm, ông chủ trẻ của nhà nghỉ khuyên bpk không nên đi vội, vì tình hình biểu tình đình công còn chưa ổn lắm – dù họ ít khi đụng chạm đến du khách. Có lẽ anh ấy nói vậy vì giờ nhìn thấy bpk rất giống cư dân địa phương với cái nước da được tắm nắng, tẩm bụi đường sau hơn 2 tháng trời lang bạt chăng? Do vậy lúc bắt đầu thì cũng đã hơi trễ trễ, nên bpk tranh thủ đạp nhanh.


Đi vào làng chùa, cũng bắt đầu bằng con đường vào chùa Maya Devi nhưng thay vì đi vào chùa, bạn rẽ trái và đi tiếp sẽ đến 1 ngã 3, nếu tính con hào nước là 1 con đường thì đó là ngã 4. Nếu đi con đường bên phải, còn gọi là con đường Đông, sẽ gồm các chùa Thái, Myanmar, Sri -Lanka… Nếu đi con đường bên trái, con đường Tây, sẽ có các chùa Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Do xác định tư tưởng là sẽ viếng Việt Nam Phật Quốc Tự và có thể sẽ dừng lâu ở đây nên bpk chọn con đường bên bờ Tây trước.


Theo L.P thì khu làng chùa này được xây dựng bắt đầu từ năm 1978. Theo cuốn “Khi hồng hạc bay về” (mà bữa giờ kiếm lại chưa ra nên chỉ nhớ mang máng) của thấy Huyền Diệu thì chùa Việt Nam là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở đây và ông cũng đã đóng góp nhiều công sức cho việc cải thiện cuộc sống dân làng ở đây. Với bpk, khi trả giá (hay dùng từ “thương lượng” cho nó sang hén, vì bpk đi một mình bị nhét vào phòng đôi nên phải thương lượng, để dành tiền uống bia!!! – cho thanh minh thanh nga tý) với ông chủ nhà trọ thì được ưu tiên giảm giá vì “mày là người Việt àh? giảm giá cho mày vì khi xưa thầy Huyền Diệu có dạy tao”. Chẳng biết là có thiệt hay là selling-skill của anh chàng đó nhưng cũng vui vui. Lại lạc đề rồi, quay lại bờ Đông thôi.


Ngay tại điểm chia đôi 2 con đường cũng là nơi có ngọn lửa vĩnh hằng cháy sáng. Ngọn lửa này được thắp lên từ ngày 01.11.1986, do vị chủ tịch của Tổ chức Phát triển Lumbini. Năm đó cũng được chọn là năm hòa bình thế giới. Xung quanh đây, dân chúng cũng lễ viếng nhiều để mong cầu cho hòa bình và hạnh phúc như mong muốn của nhà Phật.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160507.jpg
Ngọn lửa vĩnh hằng


Bắt đầu ngay bên cánh Tây là Trung tâm tu tập Panditarama International Vipassana nằm lặng lẽ sau khu vườn xanh và cánh cửa đóng im ỉm. Chẳng hiểu làm sao cửa nhà Phật lại đóng và vắng tênh nên bpk không dám gõ cửa để vào viếng, chỉ lặng lẽ ngang qua.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160508.jpg
Trung tâm tu tập Panditarama International Vipassana



Lên tiếp nữa thì vườn tược đã không còn, chỉ có ngôi bảo tháp Drubgyud Choling Gompa, theo kiểu tu viện Tibet truyền thống, được xây dựng 2001 bởi Phật tử Nepal & Singapore, nhỏ nhắn và trắng tinh khôi bên cạnh những đất đá ngổn ngang của những công trình, những ngôi chùa khác đang mọc lên. Kế bên là 1 bảo tháp đang xây dựng cũng đã gần xong.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160512.jpg
Bảo tháp Drubgyud Choling Gompa


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160509.jpg
Một bảo tháp xây dựng đã gần xong


(tbc.)

backpackervn
13-11-2009, 11:41
(cont.)


Đi lên tiếp nữa, đập vào mắt bạn và không thể lẫn vào đâu được là ngôi chùa Trung Hoa Zhong Hua. Đặc biệt, ngoài kiến trúc vàng vàng đỏ đỏ, ngôi chùa này còn giống giống kiến trúc của Tử cấm thành. Một ngôi chùa nhỏ, cũng là cửa ra vào, bên trong là các vị thần trấn giữ cửa (không cho chụp hình bên trong chùa nên các bạn chịu khó nhìn xa xa vậy). Ôm quanh là bờ rào được xây dựng như bờ thành, màu đỏ với mái vàng bên trên, nhìn không thể nào không biết đó là chùa Trung Hoa.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160522.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160521.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160514.jpg
Chùa Trung Hoa Zhong Hua hoành tráng sắc màu rực rỡ


Kế bên chùa Trung Hoa là 1 thiền viện đã cũ và 1 đại quốc tự đang xây của Hàn Quốc. Ở thiền viện này, bạn có thể trọ miễn phí được 3 đêm, đến đêm thứ 4 thì phải báo cho chùa biết. Vậy bạn nào muốn tiết kiệm mai mốt vào đây ngụ, rồi đóng góp tiền công đức cho chùa là được rồi nghen. Thiền viện cũ nhưng rất sạch sẽ ngăn nắp và có rất nhiều các bạn trẻ, các học sinh Nepal đang trú ngụ ở đây. Ngôi đại quốc tự tuy đang dở dang nhìn nhìn ngôi chùa 3 tầng đang xây này cũng biết 1 tương lai hoành tráng mai sau.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160516.jpg
Thiền viện Hàn Quốc cũ kỹ


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160517.jpg
Đại tự Hàn Quốc đang xây




Và từ lúc rẽ vào con đường để viếng chùa Trung Hoa, chùa Hàn Quốc, tầm nhìn của bpk đã vấn vương bởi một khu vườn xanh ngắt xa xa, có hàng tre thân thương bao quanh đang mềm mại đong đưa trong nắng trong gió và thoắt ẩn thoắt hiện là những mái ngói đỏ, những đầu hồi uốn cong nhẹ nhàng với những con rồng đang hiên ngang vươn lên trời xanh… Tầm nhìn đã vương vấn, lòng người đã bấn bíu… thế là viếng nhanh 2 ngôi chùa trên, bpk phi như bay đến khu vườn xanh xanh mang hình dáng quê nhà thân quen. Nhưng đến nơi thì hỡi ôi, “thôi rồi còn chi đâu em ơi”!!!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160526.jpg
Một góc quê hương trên xứ người


(tbc.)

backpackervn
17-11-2009, 17:24
(cont.)


Chèn đét quỷ thần ơi, đã lặn lội từ ngàn dặm xa xôi cách trở, nay thấy bóng dáng quê hương nơi xa xa bpk liền đem hết sức mình chạy đến. Dù chưa biết thực sự đây có là chùa Việt hay không, nhưng sao thấy thân quen quá. Đến nơi, nhìn vào cổng thì thấy càng vui mừng hơn khi thấy chữ S yêu mến thân thương nằm ngay trên cánh cửa. Quê nhà là đây rồi!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160571.jpg
Chữ S thân quen trên cánh cửa chùa


Nhưng cũng do chú tâm tìm kiếm những nét thân quen của quê nhà nên bpk mới không để ý nơi đây sao quá vắng lạnh. Và sao ở ngay đường vào chùa lại có 1 đống gai nằm chắn đường đi. Có lẽ nào các chú tiểu hay những người giúp việc hay người làm công quả dọn dẹp rồi để đây chưa kịp mang đi đốt. Bèn loay hoay tìm đường khác đi vào.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160573.jpg
Nhưng sao lại rào gai để chắn lối!


Nhưng làm sao đi vào trong đây, vì khi đến gần hơn mới thấy tấm bảng ghi rõ là “nơi này đang xây dựng nên tạm thời không mở cửa”. Lòng bỗng trĩu nặng, người lơ mơ chẳng biết làm gì nữa, bèn đứng thẩn thơ ven chùa, bồi hồi xốn xang trong dạ, tư tưởng càng thêm mông lung, nhất là khi thấy 1 tốp các em học sinh Nepal đến hỏi han người gác cổng gì gì đó, rồi xúm xít nhau kéo đi mất, để lại đám bụi đỏ mịt mù bay quanh bpk đang đứng ngơ ngẩn.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160572.jpg
Tấm bảng lạnh lùng




(tbc.)

chuotchitxu
18-11-2009, 15:08
(cont.)


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/PB160573.jpg
Nhưng sao lại rào gai để chắn lối!


(tbc.)

Ừa... tự nhiên thấy tủi thân quá, bác nhỉ.
Nhưng đừng vì buồn mà ngưng viết bài. Hãy tiếp tục nghen bác.
Nhà iem là ngóng bài của bác lắm đấy (wait) :L

backpackervn
20-11-2009, 12:40
@ chuotchitxu, cám ơn bạn, bpk đang “làm màu” tý ấy mà!

......

(cont.)



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160527.jpg
Chiếc cầu và con rạch nên thơ trước cổng chùa


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160528.jpg
Cánh cổng mang 2 chữ S vẫn đóng im ỉm


Đừng tần ngần một hồi, bpk quyết định nên làm một điều gì đó, trước khi bỏ đi. Cứ hỏi thôi, chỉ có được chứ có gì để mất đâu. Thế là bước đến cổng, chờ đến khi một chú người Nepal đang quét dọn trong sân bước ra đến gần cổng bpk bèn lên tiếng hỏi. Chỉ mới vừa cao giọng “xin lỗi, cho tôi hỏi thăm” thì đã bị chú ấy quát lên một tiếng rồi lấy tay chỉ vào tấm bảng thông báo lạnh lùng. Đợi cho chú ấy quát xong, bpk nói tiếp “tôi là người Việt…” mới nghe đến đó, chưa kịp tròn câu là chú ấy giương mắt nhìn kỹ bpk để xác minh, xong à lên một tiếng rồi vội vàng ra mở cửa cho bpk vào. Chắc chú ấy cũng không hiểu nhiều tiếng Anh lắm nên cuộc trao đổi giữa 2 bên hết sức ngắn gọn. Kết thúc cao trào là chú ấy khua tay chỉ khắp khu vườn cho bpk, như muốn kêu bpk đi tham quan cho hết. Thế là bpk mừng quá, cám ơn rối rít và bắt đầu lang thang trong chùa, một mình một cõi, trong cái khuôn viên mênh mang của chùa Việt Nam Phật Quốc Tự.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160531.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160545.jpg
Chùa đang xây dựng ngổn ngang đất đá và các công trình chưa hoàn thiện.


À, có một điều bpk thiết nghĩ cũng nên nói rõ là ngôi chùa này thật sự đang trong giai đoạn sửa chữa chứ không như có một vài ý kiến khác bpk lang thang trên net có đọc được. Trong khuôn viên chùa còn ngổn ngang những đống đất đá nằm đó đây cũng như những chiếc liên kiều còn đang làm dang dở. Không biết vì lý do gì mà việc sửa chữa này có vẻ chậm, bpk cảm giác vậy. Hôm bpk đến viếng, không có công nhân làm việc trong chùa mà chỉ có 2 chú già già quét dọn, làm vườn mà thôi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160529.jpg
Lời “giáo huấn” trong chùa, rất thích hợp cho kẻ lang thang vô công rồi nghề (!?) bpk


Ngay khi vào cổng, chùa đã đón khách thập phương bằng những dòng chữ Việt, các triết lý nhà Phật, …, đặc biệt với câu giáo huấn “Thường xuyên bạn phải có cuộc sống lý tưởng và làm việc với tất cả nhiệt huyết và tâm hồn cho công việc…”! Chèn đét ơi, xấu hổ quá, xấu hổ quá! Bpk đọc xong rồi cứ đứng ngẩn ngơ mà xấu hổ cho mình. Chẳng biết nói thế nào nữa, đành lấy hết sức lực nuốt cái cục nghẹn đó xuống cổ, rồi đi tiếp vào trong. Nhà Phật dạy là nên giảm thiểu sân si đến mức có thể mà, từ từ mai mốt về phấn đấu sau vậy! Mà có làm được không đây hả trời!!!


(tbc.)

backpackervn
24-11-2009, 14:32
(cont.)



Ngẩn ngơ đọc xong mấy câu giáo huấn, cố gắng để có được giác ngộ đôi điều gì hay chăng (!?) mà lâu lắm thấy thấy gì lóe sáng trong cái đầu u u minh minh của mình, bpk mới lần hồi bước mon men vào khu vườn chùa mang dáng vẻ một miền quê Việt thanh bình, khác hẳn vẻ lộng lẫy đỏm dáng nhiều sắc màu của ngôi chùa Trung Hoa cũng gần gần đây đó.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160532.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160534.jpg
Vườn chùa thênh thang


Không rành lắm về kiến trúc chùa chiền nhưng bpk thấy kiến trúc bên ngoài của chùa này cũng giống như các chùa ở làng quê Việt Nam. Nhất là khuôn viên chùa nằm trong 1 khu vườn tre và nhiều ao hồ nằm rải rác trong đó. Nỗi nhung nhớ quê hương hay niềm mong muốn được giới thiệu đến khách thập phương một góc quê hương Việt Nam mà trong khu vườn chùa thầy Huyền Diệu đã đặt rải rác đây đó những chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu mơ màng thổi sáo, những chú cò lang lang đây đó nơi bờ tre gốc chuối… Tuy chỉ là những mô phỏng, những bức tượng hết sức thô mộc chân phương… nhưng sao những hình ảnh này đã gợi nhớ trong bpk cả một trời yêu thương.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160551.jpg
Làng quê Việt thanh bình với những chú mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu


Xa xa, còn thấp thoáng ngôi chùa một cột nằm giữa một ao nhỏ, nối với bờ bằng chiếc cầu là những đóa sen như truyền thuyết ngày xưa về Đức Phật. Trong ao có những chú hồng hạc đang quanh quẩn. Có cả 1 câu chuyện dài về những chú hạc này mà bạn có thể tìm đọc trong cuốn “Khi hồng hạc bay về” của thầy Huyền Diệu. Chỉ biết là mấy chú chim này rất dạn người, mà như vậy thì chỉ sống trong chùa thôi nhé chim, chứ mấy chú ra ngoài đời, thấy người cứ đứng yên giương đôi mắt ngây thơ lên nhìn như vậy, có mà sớm được chuyển thêm 1 kiếp luân hồi, nhất là nếu có lạng quạng bay về miền đất cong cong nơi miền Viễn Đông xa xôi… (!)



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160543.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160549.jpg
Hồng hạc đã bay về chốn này


(tbc.)

backpackervn
26-11-2009, 11:43
(cont.)


Trong chiếc ao ven góc khuôn viên, thầy Huyền Diệu còn cho làm 1 ngôi chùa Một cột duyên dáng nằm giữa hồ. Để băng qua ao nhỏ vào chùa, thay vì xây một chiếc cầu, dù tre thô sơ hay gỗ mộc mạc cũng sẽ phá vỡ cảnh quanh không gian hơi khiêm tốn nơi đây, thầy đã sáng tạo nên những đóa sen hồng nở dịu dàng trong ao và làm thành chiếc liên kiều duyên dáng dẫn khách du sang viếng ngôi chùa Một cột yêu kiều.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160542.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160548.jpg
Chùa Một cột gợi nhớ quê hương, bên liên kiều thanh thoát


Nãy giờ bpk đi lang thang cùng bạn khắp nơi khắp chốn nhưng vẫn chưa đưa bạn viếng thăm chùa chính phải không. Theo thiển ý của bpk, chùa Việt Nam Phật Quốc Tự bên trong có thể rất đẹp, rất lộng lẫy hoành tráng, nhưng những gì bpk thích chính là ở khuôn viên bên ngoài, nơi bpk có thể thấy bóng dáng chùa trong bóng quê hương.


Ở góc vườn này, bpk có thể ngôi dưới bóng râm của mái đình này nhìn sang chùa xa xa, qua những nhánh cây đong đưa đằng kia. Ở góc vườn xanh, bpk lại nhìn thấy chùa cao vời vợi khi nhìn lên cao khỏi 2 hòn đá lớn mới thấy được ngôi chùa thanh thoát nằm trên cao. Ở 1 góc trống nọ nhìn qua bụi chuối hàng trúc, bpk lại thích thú ngằm ngôi chùa tinh khôi nổi bật trên nền xanh ngăn ngắt của khu vườn…



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160563.jpg
Thích nhìn chùa qua những chiếc mái cong cong dịu dàng vươn đó đây 1 cành khô hao gầy


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160552.jpg

https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160535.jpg
Thích nhìn ngôi chùa thanh thoát cao cao trên kia


(tbc.)

backpackervn
26-11-2009, 11:48
(cont.)



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160559.jpg
Thích ngồi bên hiên, nhìn chùa từ góc vườn, băng qua chiếc ao, băng qua liên kiều duyên dáng


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160554.jpg
Thích ngồi dười gốc cây, lười nhác nhìn chùa qua khu vườn cỏ cây xứ Việt thân quen của khuôn viên chùa


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160537.jpg
Thích nhìn những chữ S thân quen nằm trong những phù điêu trang trí quanh chùa.


Bpk lang thang một mình trong chùa một hồi lâu, nhưng chỉ vái lạy dưới chân chùa, trước lư hương mà không lên cao để vào chùa, vì thấy cửa hình như đang đóng và không thấy một bóng dáng ai trong chùa ngoài 2 chú lao công già già. Mấy lần cũng định lên cao để vào chùa nhưng thấy cửa vẫn đóng và chùa lặng lẽ quá nên ngần ngại, đành thôi vậy. Bpk cũng có nhủ với lòng rằng mình cũng có chút tâm làng, mong đến được đây và giờ được vào lang thang trong Việt Nam Phật Quốc Tự là may mắn lắm rồi, không nên đòi hỏi và làm phiền gì hơn nữa.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160565.jpg
Thích đứng dưới chân chùa nhìn lên ngôi chùa nằm trên cao.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160540.jpg
Đường lên chùa cao cao dốc dốc


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160538.jpg
Lư hương ghi dấu ngày khởi công và hoàn thành chùa VNPQT


Mãi cho đến trưa, bpk trên đường đi ra thì lại gặp một một vị sư người Việt, trạc chừng hơn 50 tuổi. Vui mừng bpk dừng lại hỏi thăm thì mới biết là thầy Huyền Diệu đã sang Ấn Độ, chỉ có mình thầy đang ở đây trông chùa. Thầy là Việt kiều Canada, quê ở Saigon, đâu quận 11, mỗi năm thầy sang ở đây chừng 6 tháng. Thầy cũng có nói bpk mai mốt đến Lumbini thì ghé vào chùa ngụ cho tiện. Ừ, thì mai mốt!



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160574.jpg
Chào nhé, Việt Nam Phật Quốc Tự, bpk đi đây!


Thầy đang chuẩn bị đi hái rau trong vườn chuẩn bị cho bữa trưa nên bpk thấy không tiện lắm, cám ơn, xin phép thầy ra về. Dĩ nhiên là không quên cám ơn 2 chú lao công tốt bụng và lần lữa chào ngôi chùa, chào một góc quê hương thêm vài lần nữa, trước khi một mình, lầm lũi, lặng lẽ đi trên con đường trưa hanh hao gắt nắng, bay đầy bụi đỏ mịt mờ - như lòng người cũng đang mờ mịt, đang chùng xuống, đang chơi vơi, đang buông lơi…

(tbc.)

backpackervn
03-12-2009, 15:37
(cont.)


Rời Việt Nam Phật Quốc Tự, bpk tiếp tục lang thang trong trưa Nepal hanh hao nắng nóng. Đi tiếp lên nữa của cánh Tây là cánh đồng hanh khô cỏ vàng cháy úa dưới nắng nằm bao quanh những công trình ngổn ngang của nhiều ngôi chùa lớn đang xây dựng. Các phức hợp chùa và thiền viện của Áo, Geden International Foudation, của Bhutan… đang được chuẩn bị để đón chào các tăng lữ và thiện nam tín nữ trên khắp thế giới về thăm miền đất Phật.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160577.jpg
Chùa chiền giữa đồng khô cỏ cháy


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160589.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160579.jpg
Rực rỡ soi bóng bên hồ

Đi tiếp lên nữa, không khí chợt dịu hơn nhờ một hồ nước rộng nằm trước mắt một cụm các chùa chiền khác. Các chùa chiền, thiền viện này nhìn rất lộng lẫy, phục vụ rất chu đáo… có cả vòi nước để khách rửa chân sau khi cởi bỏ dày giép, tránh mang bụi trần vào cõi Phật. Nhưng vì chúng mới quá, lộng lẫy quá, sáng ngời trong nắng quá… nên bpk lại có cảm giác khác.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160580.jpg
Đại bảo tháp Great Drigung Kagyud Lotus Stupa


Có rất nhiều du khách đang viếng thăm các cụm chùa mới này, đặc biệt là các thanh niên nam nữ Nepal và Ấn Độ rất thích chụp hình và được chụp hình ở đây. Trước khi vào chùa, bpk lang thang lòng vòng quanh quẩn bên ngoài để tìm xem có ngõ ngách nào, hẻm hóc nào dẫn đến một ngôi chùa nhỏ, căn nhà nhỏ, thôn xóm nhỏ… nhưng không có.


Bèn vào chùa.


(tbc.)

voicon
10-01-2010, 19:59
Em vừa đi Nepal về, cho em thêm tý mắm muối:

Em đến Nepal ngay giữa 1 cuộc biểu tình. Tất cả hàng quán đều đóng cửa, dân tình ở tịt trong nhà, đường xá vắng tanh.

https://farm5.static.flickr.com/4002/4212599435_a25136e4e9.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2537/4213364694_52e1834e6d.jpg

Mãi đến 1 ngày sau mới thấy diện mạo tấp nập của Kathmandu đầy màu sắc.

https://farm5.static.flickr.com/4023/4212603433_1e707bcb11.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4057/4258765913_d6e51e9eee.jpg

Nhưng thật tình mà nói em không thích Kathmandu, em yêu Pokhara yên bình và mến khách hơn nhiều.

Đây, Pokhara from the sky.

https://farm5.static.flickr.com/4028/4260771531_d87ec293be.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2717/4260770587_5f3716f3f1.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2681/4261480984_5f560d0ce7.jpg

voicon
11-01-2010, 00:37
Xe đò thì các bác thấy rồi, còn đây là "xe dù" ở Pokhara

https://farm3.static.flickr.com/2717/4262509086_acb9bf6ba3.jpg

bay vào mây

https://farm5.static.flickr.com/4046/4262476446_176d44043e.jpg

trên đỉnh núi

https://farm5.static.flickr.com/4034/4261752449_a09494295b.jpg

Bay đôi (tandem)

https://farm3.static.flickr.com/2423/4261728549_08b0a96f8f.jpg

ruộng bậc thang

https://farm3.static.flickr.com/2686/4261679221_2d3603c5c4.jpg

LZ

https://farm5.static.flickr.com/4072/4261723987_71e56ced47.jpg

backpackervn
06-03-2010, 13:05
(cont.)



Haizzz, lâu quá không “ghé” Nepal. Hôm nay thứ 7 mà vẫn phải đi mần mướn, chán quá, ngồi lên mạng lướt net, lại mơ màng nhớ về Nepal xanh. Lôi topic này ra, bổ sung tiếp ít thông tin, vài hình ảnh cho đỡ nhớ “nhà”.

………………………………






https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160585.jpg
Đường vào bảo tháp, cái xe đạp chơ vơ giữa đường, giống chủ nó ghê luôn hén?



Đại bảo tháp Great Drigung Kagyud Lotus Stupa thật to lớn và lộng lẫy. Trước khi vào bạn phải cởi giày dép ra, rửa chân bằng cái vòi nước nhỏ, cho sạch sẽ rồi mới tung tăng chân trần vào bên trong bảo tháp.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160591.jpg
Đại bảo tháp Great Drigung Kagyud Lotus Stupa lộng lẫy trong nắng trưa


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160593.jpg
Nhưng tôi lại thích chiếc hồ bé có những đóa súng vươn cao trong nắng…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160595.jpg
… và 2 cô gái Nepal / Ấn Độ xinh giòn


Bảo tháp lộng lẫy lắm, ngoài các phướn treo giống như các chùa Tây Tạng có thể nhận dạng từ xa, khắp các bức tường của bảo tháp là những bức tranh về Phật giáo Tây Tạng và cả những Mandala của đạo Phật nữa, và nhất là không thể thiếu các bánh xe Pháp luân, còn mới, nên chói sáng trong trưa Nepal mùa thu vẫn hừng hực nắng.



(tbc.)

backpackervn
08-03-2010, 10:20
(cont.)





https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160605.jpg
Chánh điện của Đại bảo tháp Great Drigung Kagyud Lotus Stupa, có thờ Đức Dalai Latma XIV


Các vị sư trong chùa này rất dễ thương và mến khách, tuy sự cách biệt về ngôn ngữ cũng làm có chút trở ngại nhưng cũng không khó khăn gì để nhận được sự thân thiện của họ. Nhất là khi tôi kê cái máy hình lên bờ tường để tự chụp cho mình một tấm hình (!?) thì nhận được ngay sự giúp đỡ.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160606-1.jpg
Mandala – vũ trụ thu nhỏ…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160604.jpg
Mandala? Hay vòng luân hồi?...



Những bức tranh trên tường và trong trần thật sống động và nhiều màu sắc. Thú thực là lúc ở Tibet, cũng có nghe giới thiệu nhiều về các bức tranh, các nhân vật, các câu chuyện… nhưng hỡi ôi, “nước đổ đầu vịt”! Giờ đây chẳng còn nhớ gì cả. May ra tìm được cuốn sách nào đọc, rồi xem lại thì có thể nhớ ít nhiều…



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160600.jpg
Chuyện Đức Phật cắt thịt cho hổ mẹ ăn thì bpk có biết (mà không biết có hợp với hình này không?)




https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160602.jpg



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160601.jpg
Hình ảnh này thì bpk không biết (!?)



Bảo tháp này rất đông khách viếng, sau này tôi mới biết lý do phụ là các chùa xung quanh (khu bờ Tây) phần lớn đang đóng cửa. Không kể Việt Nam Phật Quốc Tự, cả chùa Linh Sơn và một số chùa khác nữa, cũng gần đó đều đóng cửa luôn, do vậy du khách lẫn khách hành hương cũng không có nhiều cơ hội lắm…


(tbc.)

backpackervn
09-03-2010, 11:12
(cont.)




https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160609.jpg
Đức Phật ở Bodhgaya (hay Sarnath? vì dường như lúc này Người đang giảng đạo).



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160608.jpg
Đức Phật ở Kushinagar



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160615.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160617.jpg
Một số các vị Phật của Phật giáo Mật Tông (? - Không biết nữa, đoán vậy)


Những bức tranh “xinh đẹp” trong Đại bảo tháp Great Drigung Kagyud Lotus Stupa làm tôi nhớ ngày xưa còn bé đi chùa hay lúc còn mê mẩn đọc những cuốn truyện tranh về cuộc đời của Đức Phật. Dĩ nhiên là những thứ ngày xưa ấy lúc ấy cũ kỹ và mòn sơn tróc hình chứ không được tươi mới như ở đây, nhưng sao thân thương vô cùng…




https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160624.jpg
Chào nhé Đại bảo tháp Great Drigung Kagyud Lotus Stupa.



Rồi tôi cũng rời Đại bảo tháp Great Drigung Kagyud Lotus Stupa ra đi. Đi tiếp vào quần thể chùa chiền bên trong thì đều cửa đóng then cài, kể cả Linh Sơn Tự như tôi đã có đề cập phía trên. Nơi đây cũng là cụm chùa cuối cùng của cánh Tây, do vậy, giờ tôi chỉ còn 1 hướng duy nhất, thẳng tiến ra quốc lộ, cũng là nơi World Peace Pagoda, ngôi chùa Hòa Bình Thế Giới của người Nhật, đang lừng lững cô đơn trắng toát giữa cánh đồng khô cháy rực.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160627.jpg
Chùa Hòa Bình Thế Giới ở Lumbini


(tbc.)

Chitto
09-03-2010, 11:30
https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/PB160604.jpg
Mandala? Hay vòng luân hồi?...[/I][/CENTER]

Xin viết thêm (dài dòng chút): Ảnh trên là bức đồ "Lục đạo luân hồi" mô tả Nhân sinh quan Phật giáo (khác với Vũ trụ quan thể hiện qua Mandala).

Từ trong ra, ở giữa là ba con vật gà, rắn, lợn thể hiện Tham - Sân - Si
Nửa trắng thể hiện cái Thiện, nửa đen thể hiện cái Ác
Sáu phần tiếp theo thể hiện Sáu cõi luân hồi: (theo chiều kim đồng hồ, từ trên xuống) là : Thiên - Atula - Ngạ quỷ - Địa ngục - Súc sinh - Người.

Vòng ngoài là 12 nhân duyên, thể hiện qua 12 hình ảnh.

Bức tranh có vị ngồi ôm đàn, vị ngồi cầm cái lọng... là Tứ đại Thiên vương của bốn phía núi Tu Di.

backpackervn
10-03-2010, 11:34
@ Chitto, cảm ơn bạn rất nhiều, rất thật lòng!

Không phải là bpk lười nhác không muốn biết hoặc không chịu tìm kiếm những thông tin này nhưng vì cuộc sống còn nhiều tham sân si quá, nhiều lúc tự nhủ là mình phải làm cái này, thực hiện việc kia… rồi cuối cùng mọi thứ đều chơi vơi lơ lửng. Rất may là bpk đã học hỏi được nhiều điều, không chỉ là kiến thức, từ đây...
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)


Chùa Hòa Bình Thế Giới ở Lumbini cũng to đẹp, nhưng cũng giống y chang Chùa Hòa Bình Thế Giới ở Pokhara, có phần nào kém sắc hơn vì đứng giữa đồng khô cỏ cháy, còn ngôi chùa kia đứng trên ngọn đồi cao, bao quanh là núi tuyết Himalaya bàng bạc kiêu phong, bên dưới hồ Phewa xanh thắm uốn lượn dịu dàng… làm tôn thêm vẻ đẹp của chùa.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160628.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160636.jpg
Chùa Hòa Bình Thế Giới Lumbini trắng toát giữa đồng hoang cỏ cháy


Cấu trúc của Chùa Hòa Bình Thế Giới nghe đồn là giống nhau y chang. Còn mấy cái nữa bpk chưa được diễm phúc viếng thăm nhưng 2 chùa ở Pokhara và Lumbini này giống nhau y hệt à. Quan trọng nhất trong Chùa Hòa Bình Thế Giới này 4 bức tượng ở 4 hướng của chùa thể hiện 4 vùng thánh tích của Phật Giáo, Lumbini, Bodgaya, Sarnath và Kushinagar. Lúc này, bpk chỉ mới đến được vùng thánh tích đầu tiên là Lumbini nên vẫn luôn khấn nguyện là sẽ được viếng thăm cả 3 vùng đất còn lại. Rất chân thành.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160632.jpg
Tượng Phật lúc ngài Đản sinh ở Lumbini



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/PB160637.jpg
Chùa hoành tráng và phận người nhỏ bé. Giữa trưa nắng chát chúa, một người đàn ông Nepal vẫn lam lũ chùi từng vết bẩn, cạy từng gốc cỏ trên cái sân thênh thang cháy nắng...



Trưa nay, chỉ có mình bpk ở Chùa Hòa Bình Thế Giới. Cái nắng chói chang được nhân lên gấp bội bội bởi khoảng sân trống hứng trọn cái nắng để hắt lên, bởi ngôi chùa trắng toát cũng nhận cái nắng từ trên xuống, từ dưới lên, rồi hắt trả lại… làm con mắt kèm nhèm của bpk mở lên không nổi. Do vậy, chỉ lang thang trong chùa một lúc, bpk lại ra về. Lại gặp đoàn người biểu tình – lý do mà bpk không đi viếng được kinh thành cổ Tilaurakot của vương triều Kapilavastu, nơi hoàng tử Gautama đã sống 29 năm hạnh phúc trước khi giác ngộ ra con đường cần phải đi. Len lén thậm thụt đi theo sau bpk xem thử mình có khả năng làm “phóng viên” chiến trường được hay không…. (!?).



(tbc.)

machnhutien
12-03-2010, 16:34
(Cont.)

Loanh quanh ở Durbar Square đã đời, bpk lò dò men lối xưa rêu phong cỏ úa gạch mòn lần mò qua Quảng trường Đất sét. ....
(tbc.)

Mình cũng nghe nói nhiều về Quảng trường Đất sét, bài viết của bạn ấn tượng lắm, làm cho mọi người đều mong muốn một lần được đặt chân đến đất nước Nepal xinh đep....thanks for sharing :)

backpackervn
16-03-2010, 15:38
Một trong những điểm đến bpk yêu thích ở Nepal là Bandipur. Chắc chắn là bpk cũng đã thể hiện rất rõ trong topic này (https://www.phuot.vn/showthread.php?t=3754&page=9) cũng như khi có các bạn hỏi thăm hay kêu bpk lên giúp một hành trình Nepal. Do vậy, khi mấy cái dòng văn tự lôi thối lếch thếch, lủng cà lủng củng kia của bpk được bạn của bpk hì hục chỉnh sửa đêm ngày… rồi gửi đến tờ báo trên (cam đoan 100% là chưa ai ở đây biết tờ báo này – ít ra đến giờ phút này) là bpk đã thấy xấu hổ lắm rồi... Nỗi niềm chẳng dám thố lộ cùng ai. Rồi thời gian cứ vùn vụt trôi qua, bpk chẳng còn nhớ gì câu chuyện cũ...



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P3150377-2.jpg
Bandipur đây – ai đi không nào


Theo tin từ mấy chú xe ôm, bpk được biết là bài đó bị loại ngay từ vòng gửi xe, nhưng cuối cùng báo bị hụt 2 trang, nên ban biên tập cắn răng nhét đại bài “báo” này vào. Và nhờ vậy, bpk có chút tiền còm đi uống bia cùng bạn bè.




https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P3150378.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P3150382.jpg
Bandipur của tui nhiều hình đẹp quá trời sao chỉ đưa mấy hình này lên… hix!!!


Dzậy, mai mốt, có bạn nào tốt bụng thì tiếp tục giúp bpk giống dzậy để kiếm tiền uống bia hay đi nhậu nghen. Cảm ơn trước, nhiều nhiều… và dĩ nhiên là sẽ mời bạn ấy đi cùng (phải nói rõ ràng để các bạn nhiệt tình giúp đỡ chứ)!!!


Cám ơn và xin hết ạ!

seabee
25-03-2010, 00:57
Có người mời hoài mà hỏng chịu đi kìa. :)

Bi hỏng kịp đi Lumbini, nhưng đúng là Peace World stupa giống ở Pokhara hén. Bi làm model chỗ này ở Pokhara nè, cho ké tấm hình đi nha :))

Winsa
15-04-2010, 15:56
Anh ơi, còn gì nữa viết tiếp đi. Em đọc hết 18 trang rồi mới comment.
Thật sự là phải lòng với cách viết & chú thích chi tiết của anh. (Đến từng bức ảnh cũng chú thích chi tiết & dùng 1 font chữ khác). Bài viết nào cũng in thành cẩm nang cho dân phượt được đấy.

Có lẽ điểm đến nào của anh được ghi chép lại cũng làm cho mọi người mong được đến mất thôi.

Spiderman
17-08-2010, 13:22
Bài viết của bạn bpk hay quá, rất chi tiết, chả thấy nút tks ở đâu nên gửi lời cảm ơn bạn về thông tin bổ ích, cuối tháng này mình cũng định đi Nepal, do thời gian ngắn chắc chỉ 1-2 ngày rảnh ở Nepal, nên bạn có thể khuyên nên đi chỗ nào loanh quanh trong vòng Kathmandu? Tôi cũng đọc qua vài nơi, nhưng nói thật tên địa danh khó nhớ quá.

Icarus
19-09-2010, 02:24
Cám ơn backpackervn. Đọc mà vừa ghen tị lòi mắt vừa khâm phục tinh thần đi phượt của backpacker. Năm sau mình cũng sẽ làm tour Tibet-Nepal. Có gì chắc phải nhờ vả thêm chút thông tin về đi đứng bằng cách nào khi đã lên lịch chính xác sẽ đi đâu.

haart
31-07-2011, 13:02
Bác backpackervn ơi, bác dạo này không biết có còn lang thang vào topic này không, cho em hỏi một chút ạ :>

Em và con bạn định di Nepal tháng 10 này, cũng đúng dịp Diwali như bác đi, và đi bằng đường bộ từ Delhi. Bọn em định đi tàu từ Delhi đến Varanasi, nghỉ lại 1 ngày sau đó bắt xe từ Varanasi đi Sunauli, rồi từ Sunauli đi Kathmandu.

Dự kiến là như vậy nhưng chúng em chỉ có 2 đứa con gái thôi, cũng không thích rủ thêm người đi cùng vì 2 đứa hợp nhau và đi đông người khó thống nhất ý kiến. Bác cho em hỏi liệu tình hình 2 đứa đi như thế thì có an toàn không bác? Đi tàu xe đêm cũng nhiều, chúng em thì không ngại nhưng muốn hỏi ý kiến ng đã từng đi xem thực tế nó thế nào.

Có gì bác cho em ít ý kiến, cảm tạ bác :D

backpackervn
02-08-2011, 11:05
@ các bạn đã đọc và chia sẻ, cảm ơn nghen.

@ haart, lâu quá, bạn ‘’khai quật’’ cái topic này lên, cũng ‘’khai quật’’ cả một trời nhớ trong tôi. Mà hình như, ngày quay lại Nepal của tôi chắc cũng không còn xa.


Thứ nhất, trả lời bạn về chuyện ‘’an toàn hay không’’. Thật ra về chuyện này thì không ai dám chắc, lỡ tôi ''chắc'' với bạn, rồi bạn đi, rồi rủi xui có.... ai chịu trách nhiệm. He he he... Chỉ chia sẻ với bạn là tôi có ‘’những’’ người bạn nữ, người Việt, cũng đã lang thang India, Nepal một mình, nhiều lần không gặp vấn đề gì. Còn các bạn nữ nước ngoài du lịch ba-lô 2 nước này một mình thì tôi gặp rất nhiều. Tuy nhiên, các bạn đó đều có những kinh nghiệm, kỹ năng cũng như sức chịu đựng khá tốt. À, mà đôi lúc cũng xem ‘’vấn đề an toàn ở đây’’ là gì. Tỷ như với các bạn tôi, chuyện quấy rối sàm sỡ… các bạn ấy coi như ‘’muỗi’’, nhưng có thể các bạn khác sẽ khóc thét lên đòi về nhà…. Do vậy, bạn cứ xem xét. Và bạn có đến 2 người chắc sẽ ‘’đỡ’’ lo hơn. Ít ra cũng có người canh balo cho bạn đi toilet thay vì phải cõng nguyên đồ đạc đi toilet khi đi trên những chuyến tàu dài!!! !!!


Từ Varanasi đi Sunauli tôi không biết có chuyến tàu/xe đi thẳng hay không. Lúc đó tôi đi từ Sunauli về Gorakhpur, rồi từ Gorakhpur mới đi tàu đến Varanasi. Do vậy, nếu đi thẳng không có tuyến, bạn đi nối chuyến như tôi cũng được.


Còn sang bên Nepal, từ biên giới bạn phải đi xe pick-up hay dạng xe giống tuk-tuk, khoảng 15-20p, để đến Bhairawa. Từ đó sẽ có xe đi Kathmandu.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB101292-2.jpg
Chia sẻ với bạn bình minh sương hồng Bandipur, để bạn có thêm khí thế đi Nepal.



Chúc bạn có chuyến đi vui.


--------------------


Lumbini, khi hồng hạc bay về - 14



Sau khi viếng thăm những ngôi chùa, thiền viện bên nhánh tây, tôi về phố trưa lang thang. Đầu giờ chiều, tôi bắt đầu viếng thăm nhánh đông của Lumbini.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160768.jpg
Tấm bảng này chưa cập nhật kịp với tốc độ chùa chiền mới đang được xây dựng ở Lumbini


So với nhánh tây, nhánh đông này chùa chiền ít hơn, nhỏ hơn, có vẻ hoang tàn hơn và đặc biệt, nhánh đông là nhánh của Phật Giáo Tiểu Thừa. Chẳng hiểu sao sự phân chia rạch ròi này làm tôi thấy nó sao sao ấy.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160651-1.jpg
Tấm bảng hướng dẫn đã phai mòn tróc lóc…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160652-2.jpg
…và kiến trúc rất khác của một ngôi chùa. Bạn có nghĩ rằng đây là một ngôi chùa?


Tôi lon ton đến ngôi chùa có tấm bảng hướng dẫn sơn đã tróc lóc nằm khép nép bên đường. Mà giữa trưa nắng chói lói Lumbini, nếu tôi không ‘’tình cờ’’ phát hiện ra tấm bảng đó, chắc tôi đi ngang qua luôn vì nhìn vào kiến trúc ‘’vuông tròn’’ đó, lúc đầu tôi không nghĩ đó là một ngôi chùa. Bạn ngó thử cái xem sao.

nhok
02-08-2011, 11:24
@Bpk anh ơi, đọc bài của anh thật sự là khâm phục và...ghen tị lắm lắm. Chẳng biết từ khi nào mà em có cái thói quen là lên phuot.com và search tìm bài viết cùa Bpk. Cảm ơn những thông tin rất chi tiết mà anh cung cấp vì em cũng chỉ hay lang thang 1 mình thôi. Sau 2 ngày nghiền ngẫm cái topic này thì em đã có đủ động lực để lên đường lượt phượt 1 mình rồi.

haart
02-08-2011, 12:44
@backpackervn: cảm ơn vì những lời góp ý chân thành của bác! Em hỏi lại bác cho chắc chứ tinh thần lên đường của chúng em cao lắm rồi! Em với nó cũng đều đã từng đi tàu xe, máy bay một mình, thấm thía cái cảnh đi toilet mà túi nhỏ quàng vai còn túi lớn đeo lưng không thì cũng phải để đâu đó mà nơm nớp lo sợ, đi đâu cũng cứ phải nhanh nhanh chóng chóng! Nên lần này 2 người là ổn rùi ạ, không chơi độc hành như bác ^^
Chuyện sàm sỡ cũng ... phình phường thui ạ, nhưng kinh nghiệm em ở Delhi và con bạn em ở Hyderabad cho thấy người Ấn hiền và tốt, cảnh lừa lọc em cũng chưa gặp bao giờ, không giống những gì mọi người dọa trước lúc sang. Đàn ông Ấn có nhìn thì nhìn thật nhưng ... chưa thấy làm gì :)) Thôi em cũng cứ phỏng đoán như thế cho đàn ông Nepal nữa. Tinh thần cảnh giác thì vẫn phải nâng cao nhưng 2 đứa chắc đi ok ròi bác nhỉ!
Nói thật là cũng nhờ topic của bác nên tinh thần của chúng em mới cao thế, chứ Ấn Độ rộng lớn còn nhiều kì thú mà bọn em nhắm mắt bỏ qua nhiều. Em đang ở Delhi, tiếc là chuyến đi Delhi của bác sau Nepal ngắn quá, chứ bác ở lâu còn nhiều chỗ đi lắm :) Em còn ở Delhi đến tháng 12, bác có quay lại Nepal và Ấn, có ghé Delhi và có nhã hứng thì ới em một tiếng ạ!

Trong thời gian planning, chúng em có thể còn hỏi bác vài chi tiết đi lại ăn ở nữa, mong bác không phiền, cảm ơn bác :)

backpackervn
04-08-2011, 11:28
@ haart, bạn cần thông tin gì thêm thì cứ hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời. Còn không bạn nhờ anh Google há.

Về chuyện người Ấn Độ và người Nepal, nếu bạn đã lang thang ở Ấn Độ rồi, qua Nepal bạn sẽ bị “sốc”! Vì người Nepal, nhất là nam giới đẹp “chai” hơn, và dễ thương hơn người Ấn Độ rất nhiều lần. He he he, những người bạn nữ tôi đã đề cập bên trên, đã mém để quên con tym ở bển đó. Hy vọng bạn còn nguyên vẹn mang dzìa. Về sự hiền lành mến khách, theo những gì tôi đã va chạm ở Nepal và vài nước khác, tôi thấy nhiều lúc họ có phần chân tình hơn cả những người dân Lào, hay Thái Lan hiền hòa… mà tôi đã nhiều lần “sốc”, khi đi từ nước Nam mình qua bển!



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB130198.jpg
Ôi, nhớ làm sao hoàng hôn vàng, nhấm nháp ly bia vàng ngọt lịm bên sông bên rừng Chitwan,… - “Tặng” bạn thêm 1 tấm hình, để nhớ những ngày Nepal.




*****************


Lumbini, khi hồng hạc bay về - 15



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160658.jpg



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160656.jpg
Các góc của ngôi chùa Sri Lanka



Kiến trúc vòng cung của ngôi chùa Sri Lanka thật lạ, nhưng lạ hơn nữa là pho tượng Phật duy nhất lại được che phủ trong phiến vải vàng. Những hàng trụ cao thanh thoát của những tháp vuông vắn xinh, bên mái xám vòng cung ôm theo “chánh điện” (!?) mỏng manh thanh thoát, chắc ngày ngôi chùa mới vừa xong chắc rất tinh khôi rạng ngời. Còn bây giờ, ngay cả pho tượng Phật duy nhất giữa “chánh điện” cũng được phủ trong phiến vải vàng để che chở. Giờ ngôi chùa đã xuống màu thời gian và vắng thênh thang, nên tôi cũng chẳng biết gặp ai để hỏi han gì.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160654.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160653.jpg
Chờ một ngày lại tinh khôi…



Tôi thật bối rối khi đến ngôi chùa Sri Lanka. Ngôi chùa hoang vắng, và có phần hoang phế. Kiến trúc xám lại càng thêm tối màu. Khi rêu phong, hoen gỉ, hư hại của mái ngói cũ, của bức tường trơn chưa hoàn thành đã xanh rêu… hắt lên màu buồn trong ánh sáng vàng vọt của buổi chiều nắng mờ sau mây.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB160659.jpg
Chùa vắng trong chiều vắng


Chùa vắng tanh, cây cối um tùm và cỏ hoang rậm rịt vây quanh, ngăn bước… làm ngôi chùa như rơi vào quên lãng đã từ lâu. Biết rằng Sri Lanka còn rất nghèo, nhưng khi nhìn ngôi chùa lạnh này, lòng tôi sao thêm buồn.

hahuta22
05-08-2011, 16:14
Nhìn chai bia của bác lại thèm, ở Nepal bia đắt thật, cắn răng ngày làm đôi chai cho đỡ thèm mà thấy xót quá, mà ở Lumbini này mua bia khó thật, loanh quanh mãi mới tìm đc 1 hàng bán.

backpackervn
08-08-2011, 12:28
Lumbini, khi hồng hạc bay về - 17


Bia há, ừ thì bia Nepal.



Thực ra, theo tôi bia Nepal, giá dao động từ 120 Nepal Rupee đến 250 NRp, tùy theo bạn uống trong nhà hàng hay mua bia lạnh ở các cửa hàng tạp hóa, rồi vác ra quảng trường, lề đường mà uống. Các quán bình dân hơn thì giá khoảng 180NRp. So với thời điểm tôi ở đó, 1US$ # 80NRp # 18.000VND thì 1 chai bia 650ml khoảng 1,5US$ đến 3US$ (#27.000 – 54.000VND) thì hoàn toàn chấp nhận được. Bia ở Ấn Độ đắt hơn, ít chủng loại hơn, không ngon bằng và hơi khó kiếm hơn.




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PA250485.jpg
Bia với nguồn nước từ nóc nhà thế giới, trên nóc nhà Kathmandu…


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PA260585.jpg
…hay một trưa trốn nắng như mèo con lười nhác bên quảng trường Dubar, nhâm nhi ly bia mát lạnh thấy đời sao chẳng còn gì bằng…



Bia uống một mình thì quan trọng là chỗ ngồi và cảm xúc. Có những đêm cũng cần vào quán để nghe những bài tình Nepal nỉ non da diết để thấy lòng sao còn mềm hơn ly nước vàng đang sóng sánh kia. Có nhiều chiều chỉ thích cõng bia lên đền xưa tháp cũ, bơ vơ ngắm hoàng hôn rơi trên núi tuyết xa xa. Có hôm uống đến lơ mơ lại thấy dòng sông người đông đặc bên dưới kia sao cứ hoài chen chúc đuổi xô nhau, mãi từng ngày, cả một đời,… sao vẫn mãi mê. Có hôm mải mê cõng bia lội bộ 2 tiếng đồng hồ lên lên xuống xuống để tới đồi cao ngắm hoàng hôn, khi khui bia bọt phun trào như champagne thơm nồng nàn…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PA250504.jpg
Chán chê với Everest, lại tìm cảm giác mới với Nepal Ice…


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB081011.jpg
…rồi Gorkha, bia của xứ sở những anh hùng, chỉ dành cho những anh hùng (!?)…


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB020278.jpg
…hay chỉ uống bia dành cho những Ngôi sao.


Bia, có những trưa trốn nắng chui vào quán vắng khép hờ cánh cửa nhìn dòng đời đuổi trôi. Rồi trưa nắng nào lại ngồi một mình giữa nương đồi vắng thênh thang, có những hoàng hôn trên đồi cao, có những khuya một mình trong vườn đêm không biết hương houblon hay hương hoa đêm nồng nàn mụ mị mà chai chưa cạn đã say….




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB020318.jpg
Nhưng chẳng còn nhớ là bia gì nữa, chỉ biết là 1 hoàng hôn rực rỡ hồng trên Hymalaya tuyết trắng…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/PB010087.jpg
…hay những nương đồi đẹp hơn tranh, một trưa nắng nào xưa lắm, mà sao giờ vẫn cứ lãng đãng mãi trong những giấc mộng mị…


...

nhok
09-08-2011, 18:02
Ghen tị với anh Bpk quá quá. Nhưng, sao Bpk ko là nhà văn nhỉ? Đọc những bài viết của anh mà Nepal hiện ra thật lung linh sắc màu. Thanks anh

hocap
01-10-2011, 22:31
Mê mải đến 19 trang , tối thứ 7 hôm nay giá trị vì được nhớ về nepal Thân thiện mà mình vừa rời xa đúng 1 tháng
chỉ có 4 ngày ghé qua đi vườn Lâm tỳ ni , coi Kathmandu chỉ là nơi transit thế mà ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp kỳ ảo và chân thành hiếm có của người nepal . một ký ức đẹp , quá đẹp .
Tại trung tâm mình có chụp được một bức tượng cực kỳ đẹp thoát tục tao nhã nhưng bị bẩn nhoe nhoét vì nghèo khổ , vì bẩn ở khu chợ và bị Nến chảy tràn trên mặt , nhưng nàng rất đẹp , Mình nghĩ nàng giống người dân đất nước này quá .Giá gì Nàng đừng bị khổ đau như thế được thanh tẩy sạch sẽ , được xếp đúng đẳng cấp thực sự cuả nàng là nữ hoàng của các nữ hoàng . Nepal cũng thế Nepal đẹp , giàu chân thiện nhưng nghèo . Nhưng không vì nghèo mà sự thân thiện sự mến khách và tốt bụng giảm đi .
Nhớ nepal ở những giờ khắc vô cùng ngắn ngủi .
Bạn viết tiếp đi , cảm ơn bạn lắm

junbeo
02-10-2011, 21:48
Em vừa coi supernaturalist trên discovery... có nói về thầy tu luyện công bay lên được.. Có quay phim nữa. Cái này có ko bác..hihix. Dù sao tks bác bài hay quá!

haart
18-10-2011, 20:12
Em đã làm 1 vòng Ấn Độ và Nepal về, đi miệt mài 2 tuần on the road, liên liếp được nhìn thấy sự kì diệu của thiên nhiên và con người. Trên cả quãng đường đi em với con bạn suốt ngày trích dẫn văn của bác backpacker, nghĩ lại thấy bác thực sự là nguồn cảm hứng dồi dào cho chuyến đi của chúng em! Một lần nữa phải gửi lời cảm ơn bác!

Thu xếp xong công việc em sẽ cố gắng post report lên chia sẻ cho các anh chị em, giá cả của bác backpacker cũng hơi tụt hậu mất rồi ạ :P