PDA

View Full Version : 7 ngày, Sài Gòn, Campuchia, Mũi Né



hanguyen87
08-03-2012, 17:41
Sáng đến văn phòng, bỗng dưng cảm giác muốn làm việc bay hết khỏi người. Ngồi đọc lại những bài viết của Hoàng Yến Anh về những nơi mà chị đã đi qua: Paris – Nơi tôi vẫn mơ về một ngày đứng dưới chân tháp Effient, Lucerne – Nơi tôi vẫn mơ một ngày sẽ nắm tay người ấy đi dọc cây cầu cổ…Lên google search bài viết: “Đam mê xe dịch trên chiếc giày cao gót” thấy các chị ấy thật đáng ngưỡng mộ. Và…tôi tin, một ngày nào đó, tôi cũng sẽ đặt lại dấu chân lên những nơi mà các chị đã đi qua.

Quay lại mục đích chính, bài viết này lấy tâm điểm là chuyến đi Sài Gòn – Campuchia – Mũi Né.Ngày 15/02, buổi sáng lên công ty xử lý nốt những công việc còn lại, qua bữa trưa, tôi quay trở về nhà chuẩn bị đồ đạc ra sân bay. Nhận được tin xầu from chiến hữu. Em ốm, trời ơi lúc đấy đã tập xác định 1 mình thì cũng phải lên đường. Nhờ trời 2 đứa cũng bay được đến Sài Gòn.

Về tới khách sạn lúc hơn 10h đêm, lên phòng thay đồ, đi lượn phố tây. Sài Gòn về đêm mát mẻ, đường xá nhộn nhịp, vài quán bar nhạc nhẽo tưng bừng. Cảm giác Sài Gòn về đêm…nhộn nhạo hơn Hà Nội về đêm ở khu phố Tây. Chúng tôi đi bộ dọc Phạm Ngũ Lão tới VP Mai Linh thăm dò đường xá để sáng hôm sau đi sớm. Vé bus của Mai Linh từ Sài Gòn đi Phnom Pênh hôm đó khuyến mại còn 190k/vé/người. Các bạn có thể mua ở Hà Nội, muốn chắc chắn thì lên VP của Mai Linh ở Bến xe nước ngầm thanh toan tiền và lấy receipt. Quân tử phòng thân, đi lại xe cộ phải chắc ăn, chúng tôi lấy vé từ Hà Nội chiều ngày 15/02.

Bonus thêm thông tin khách sạn ở Sài Gòn: Các bạn nếu chỉ qua đêm ở SG để sáng hôm sau đi sớm nên chọn ks ở đường Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, Phạm Ngũ Lão thì nên ở phía đầu giáp với Đề Thám. Cá nhân tôi thấy nếu ai ham vui thì nên ở Đề Thám hơn là Phạm Ngũ Lão. Mấy Hostel hay guesthouse ở đây giá cả từ 16$ - 20$ /đêm không ăn sáng, 2 giường or 1 giường to uỵch. Đêm hôm đó chúng tôi ở Long Guesthouse thông qua tìm hiểu qua Tripadvisor. Cô chủ khá tốt bụng. Giá phòng 18$/2 người có ăn sáng, không ăn sáng bớt 2$. Điều hòa, nóng lạnh đầy đủ. Đêm đầu tiên của chúng tôi ở Sài Gòn qua đi như thế.

Ngày 16/02: Sáng sớm chúng tôi thức dậy, hành lý và lương thực thực phẩm đã được gói gém từ đêm qua. Làm công tác cá nhân xong, hai đứa lóc cóc xuống trả phòng, ngay đầu hẻm 273 Phạm Ngũ Lão là một khu chợ nhỏ họp buổi sáng, bán cơ man nào là thịt cá, rau quả, hàng quán. Sài Gòn nhộn nhịp từ tinh mơ. Mua gói xôi nhỏ 5k cho bữa sáng theo chính sách tiết kiệm, tiết kiệm, tích cực tiết kiểm, chúng tôi đến văn phòng của Mai Linh với 2 cái ba lô to sụ. 6h sáng Sài Gòn đã có nắng báo hiệu một ngày thời tiết không được dễ chịu cho lắm. Yên vị trên xe, tôi bắt đầu ngắm nhìn Sài Gòn. Đường xá thật rộng, vài tuyến phố hai hàng cây xanh, vỉa hè rộng đầy lá. Sài Gòn có nhiều quán café thật đẹp. Lại nói về xe cộ, xe Mai Linh khá okie, có phục vụ khăn lạnh và nước uống, có phục vụ nhạc + phim ảnh trên đường đi. Tuy nhiên xe không có nhà vệ sinh giống như Mekong Express mà tôi sẽ đề cập đến trong những phần sau. Đi qua đường Cộng Hòa, gần chỗ quẹo vào nhà cô bạn mà chúng tôi ở 2 năm trước khi đi Xuyên Việt, đi qua đoạn đường gần chỗ ấy nữa. Đường cộng hòa vừa xa lạ vừa thân quen. Qua hầm Thủ Thiêm, tôi làm một giấc tới khơi anh phụ xe báo đã đến cửa khẩu Mộc Bài. Hộ chiếu thì Mai Linh đã thu trước và làm tờ khai nhập cảnh cho cả đoàn. Phải nói là cửa khẩu Mộc Bài làm ăn vô cùng bát nháo. Đông đúc, lộn xộn. Chiều đi là một chuyện, chiều về còn lộn nhộn hơn. Chừng khoảng 30 phút cả xe làm thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam, trèo lên xe 5 phút sang cửa khẩu Ba Vẹt nước bạn. Bên này có vẻ làm ăn cẩn thận hơn, tất cả các hành khách đều phải tự xếp hàng, chụp ảnh, lấy dấu vân tay cả 2 bàn. Anh làm thủ tục nhập cảnh vào Campuchia nói được tiếng Việt và cưới 1 cái rõ tươi, đóng cộp cái dấu rồi tôi mang ra trình cho 1 anh Campuchia khác kiểm tra và lao thẳng ra xe. Ngay ở cửa khẩu Bavet đã có vô số các Casino lớn nhỏ phục vụ nhu cầu bài bạc của dân Việt nhà mình từ Tây Ninh hay Sài Gòn qua đánh cược đỏ đen. Đi chừng khoảng 30 phút Mai Linh cho dừng lại ở một nhà hàng bé bé ăn trưa. Lúc đó mới hơn 10h thì ăn trưa gì. Chúng tôi mua một ít quýt, ngô luộc (người Việt bán) dự phòng cho bữa trưa. Ở đây các bạn cũng có thể đổi tiền Ria, mua sim điện thoại (70k chỉ gọi nội mạng) và mua thêm thẻ nạp để gọi quốc tế. Tại thời điểm đó song Vietel, Vinaphone của Việt Nam vẫn căng đét. Chúng tôi quyết định không mua sim điện thoại và 4 ngày tiếp theo đã chứng minh đó là một quyết định hoàn toàn thông minh và vô cùng sáng suốt. 4 ngày không điện thoại, không công việc, không khách hàng thật là sung sướng. Hoàn toàn thư giãn.

Ấn tượng đầu tiên về Campuchia trên đường đi là…nắng, đồng trơ gốc, không thấy dấu hiệu của nước nhưng lại có những cái Cổng xây có hình thần rắn Naga cực hoành tráng, sau này mới biết đó là cổng chùa. Mà chùa ở Campuchia do người dân tự đóng tiền mà xây dựng lên. Xây cho làng mình xong thì xây cho làng bên cạnh. Chùa càng to đẹp thì dân làng ấy càng giàu có sung túc. Cách một quãng lại có cờ của đảng CPP, đảng cầm quyền do thủ tướng Hunsen của đất nước Campuchia hiện thời. Đến những ngày sau đó, đây chính là điều cô bạn tôi thắc mắc kinh điểm. “Cambodian People’s Party” là cái gì hả bác? Trong lần đi Campuchia tiếp theo, tôi được biết hiện thời có 5 đảng lớn hoạt động ở Campuchia bên cạnh vô số các đảng phái chính trị khác.

Xe đưa chúng tôi qua sông bằng Phà Nek Lương, hai bên bờ sông, vài đứa bé đen nhẻm “tắm tiên” – những đứa trẻ trời sinh trời nuôi. Đi dọc qua đại lộ Monivong (Đại lộ này tập trung nhiều ĐSQ và được coi là khu phố có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc sinh sống) Chúng tôi đến thủ đô Phnom pênh khi đã quá trưa. Bến xe của Mai Linh nằm trên đường Sihanouk Ville gần khu phố Tây cũ. Nhìn trên bản đồ tìm vị trí khách sạn mà chúng tôi đã đặt trước định bụng đi bộ tới nhưng nhìn qua bản đồ, hai đứa quyết định trèo lên xe Tuk Tuk. 3$/xe từ bến xe về tới khách sạn. Nắng và gió!

Người lái xe Tuk tuk có biết một vài câu tiếng Việt đơn giản đưa chúng tôi làm 1 vòng qua các con phố của Phnompenh trước khi đến đường 104 vuông góc với Sisowath Quay. Rút kinh nghiệm từ vụ Tuk Tuk các lần sau chúng tôi đều mặc cả nhiệt tình (2$/xe). Khách sạn chúng tôi ở tọa lạc ngay trong khu phố tây mới đông vui nhộn nhịp, gần với văn phòng của Mekong Express và cũng gần bến tàu đi Siemriep. Cũng nên đề cập rằng phố 104 tập trung tương đối nhiều quán Bar và các dịch vụ khác mặc dù con phố này chỉ dài gấp đôi Phố Hồ Gươm nhà mình. Bản thân khách sạn chúng tôi ở, tầng 1 cũng là bar. Nhắc đến vụ quán Bar, tôi nhớ đến vụ bia bọt. Ở Campuchia có 2 loại bia chính: Cambodia Beer và Angkor beer, người ta so sánh nó giống như Sài Gòn Xanh và Sài Gòn đỏ, giá cả chênh nhau chút xíu nhưng Cambodia beer uống đau đầu hơn là Angkor beer. Giá của 1 chai Cambodia beer trong bar loại nhỏ khoảng 2.5 – 3$/chai, giá bán ở ngoài khoảng 1.25$. Angkor beer giá cũng giao động từ 1.8$ - 2.2$ loại chai nhỏ ở nhà hàng. Bia Campuchia uống nhẹ hơn beer Lào, nồng độ cồn chỉ có 4 – 5 độ. Quay trở lại với hành trình thăm quan. Chiều hôm đó sau khi hoàn tất công việc gặp gỡ đối tác. Chúng tôi bắt đầu thăm quan thủ đô Phnompenh. Đường xá bên này tương đối sạch sẽ, lượng xe cộ không đông đúc như Sài Gòn hay Hà Nội. Điểm đầu tiên trong buổi chiều thăm quan là bảo tàng Quốc Gia, giá vé vào cửa bảo tàng này là 3$/khách. Đây là “Bảo tàng khảo cổ và văn lịch sử hàng đầu của Campuchia. Ở đây có các hiện vật là bộ sưu tập nghệ thuật Khmer lớn nhất thế giới dù cho trung tâm lịch sử của Khmer có xu hướng bị che khuất bởi quần thể Angkor và các bảo tàng liên quan ở Xiêm Riệp. Bảo tàng được xây năm 1917-1920 bởi chính quyền thực dân Pháp theo phong cách kiến trúc Kmer với ảnh hưởng của kiến trúc Pháp” Cảnh quan khu bảo tàng tương đối đẹp, bên trong có 2 hồ nước nhỏ thả nhiều hoa súng. Phía trước cửa chính của Bảo Tàng có biểu diễn múa Apsara trong trang phục Xà rông truyền thống phục vụ khách thăm quan. Lại nói về múa Apsara, những lần tiếp theo chúng tôi có xem lại show diễn này, hầu như chỉ có vài điệu cơ bản nhưng so ra chúng tôi vẫn ấn tượng mãi sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt của cô gái biểu diễn trong bảo tàng. Cô bạn Rady cho biết đối với những vũ nữ múa Apsara trong Hoàng Cung xưa kia nếu muốn theo nghề thì suốt đời không được kết hôn.

hanguyen87
08-03-2012, 17:43
Vốn không có nhiều năng khiếu về lịch sử nên chúng tôi chỉ thăm quan 1 vòng bảo tàng rồi đi ra. Băng qua khu đất trống rộng tới con đường với 2 hàng cây rợp bóng, chúng tôi bắt gặp vài ông sư mặc cà sa đoán chừng đang đi khất thực. Điểm tiếp theo, chúng tôi mua vé vào thăm Hoàng Cung. Theo thông tin tìm hiểu trước trên mạng, giá vé thăm Hoàng Cung là 6$/người song đến thời điểm này giá vé đã tăng lên 6.25$ đối với khách du lịch là người nước ngoài. Khu Hoàng Cung (Cung điện hoàng gia) là nơi vị vua hiện tại của Campuchia là Norodom Sihamoni đang sinh sống. Khu nhà ở của vua nằm ngay sau Phòng khánh tiết: là nơi quan trọng nhất trong hoàng cung, nơi tổ chức lễ lên ngôi, các nghi thức ngoại giao và một số nghi lễ truyền thống. Theo những người dân nơi đây, khác với vua cha của mình là Norodom Sihanouk, vị vua hiện tại không nắm nhiều quyền lực và không được người dân yêu mến như vua cha của mình. Hôm chúng tôi đến, lá cờ trước cửa được kéo lên, nhà vua đang ở nhà. Cô bạn nói, hoàng cung là của vua vì vậy vua thích thì mở cửa cho khách thăm quan, không thích thì đóng cửa miễn hỏi. Hoàng Cung có cả thảy 5 cổng, mỗi cửa đều có chức năng riêng. Song cửa chính đối diện với Phòng Khánh Tiết là nơi vua ra vào. Phía bên tay phải của Phòng Khánh Tiết gần cổng chính là “..Sân khấu Chanchhaya còn được gọi là sân khấu Ánh trăng. Mặt trước sân khấu hướng ra đường Sothearos. Sân khấu là nơi tổ chức các điệu múa cung đình, là khán đài để nhà vua diễn thuyết trước nhân dân và cũng là nơi tổ chức các sự kiện và những bữa tiệc lớn của hoàng gia. Năm 2004, nhân ngày quốc vương Norodom Sihamoni lên ngôi khu sân khấu đã được sử dụng để tổ chức bữa tiệc lớn mừng tân quốc vương đăng quang.” Ngay sau đó là Điện Napoleon III, Điện duy nhất theo lối kiến trúc Châu Âu trong quần thể Hoàng Cung đang được tu sửa. Ngày chúng tôi tới đây, hầu hết các khu đều đóng cửa không cho khách thăm quan. Nằm rải rác trong khuôn viên Hoàng Cung, bạn cũng có thể dễ dàng quan sát thấy rất nhiều ngọn tháp để tro cốt của những người trong hoàng tộc. Rời khỏi Phòng Khánh Tiết, chúng tôi sang thăm quan Chùa Vàng, Chùa Bạc, thực chất đúng như nhiều bài viết đề cập đến, Chùa Bạc, Chùa Vàng thực ra là một Tưởng là hai chùa, thật ra chỉ có một mà thôi.
Phía sau các tượng Phật có để “long xa”. Thật ra đây chỉ là một cái ghế có các thanh dọc để 12 người khiêng đức vua ngồi trên đó và diễn hành trong ngày đăng quang. Ở Campuchia, ghế ngồi của vua hay phủ vàng, phần làm bằng vàng của cái ghế nầy nặng 23kg.

Trước sân chùa có tượng vua Norodom cỡi ngựa. Hai bên có hai tháp làm bằng xi măng trắng bên trong là tro cốt của hai vua Norodom và Ang Duong. Vòng qua Chùa Bạc là một Đài nước nhỏ có rất nhiều cá, phía trên người ta dựng lại mô hình thu nhỏ của Angkor Wat.

Phía lối ra là khu đồi nhân tạo, người Campuchia tạo lên cho hợp phong thủy. Phía dưới, có một khe nước nhỏ, người dân và du khách tới đây thường lấy nước rửa mặt hoặc uống để cầu bình an, may mắn. Phía củng cũng có một bản đồ do Pháp vẽ trong thời gian đế chế Khmer còn hùng mạnh. Điểm đặc biệt của Hoàng Cung còn có trồng cây Sala (Cây Móng rồng) tương truyền rằng Đức Phật nhập Niết Bàn dưới gốc cây này.
Thăm quan xong Hoàng Cung, trời đã tắt nắng. Chúng tôi tìm một góc ngồi nơi quảng trường nằm trên đại lộ Sisowath Quay. Cơ man nào là Bồ Câu. Hoàng hôn ngả bóng dần trên dòng sông Tonle Sap. Tôi lại mơ đến ngày đứng giữa đất trời Châu Âu.

Cả buổi chiều thăm quan ngốn đi của tôi khá nhiều sức lực, đến lúc dạ dày biểu tình. Mừng ngày đầu tiên ở Phnompenh, 2 đứa chơi sang, đánh liều vào cửa hàng Pizza Company đánh chén bữa tối. Thiệt hại 9.5$ cho 2 đứa bao gồm cả đồ uống. Các bạn có điều kiện thì thấy số này quá bình thường song với chính sách thắt lưng buộc bụng thì chúng tôi cho rằng “hơi xõa”. Xong xuối, chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi trước khi lang thang phố phường vào buổi tối. Không khí thật dễ chịu, ven đường khách du lịch đi tản bộ, người dân tập thể dục (giống Arobic nhà mình ạ), hàng quán lấp lánh. Tôi bắt gặp 1 quán café gần giống City view trên tầng thượng của tòa nhà River View. Cảm giác thèm 1 tách café trên cao lộng gió.
20h00 đã lấy lại sức, chúng tôi lại lóc cóc cuốc bộ sau khi đã lo xong vụ vé oto đi Siemriep. Lại nói về phương tiện tới Siem Riep. Có khá nhiều xe tới Siemriep từ Phnompenh nhưng cá nhân tôi thấy có 2 hãng lớn là Mekong Express và Virak Express, giá vé của Mekong là 11$/người, các loại xe khác 10$. Mekong có khăn lạnh, ăn nhẹ, nước uống. Phục vụ rất chu đáo. Mekong có 3 – 4 chuyến/ngày từ Phnompenh đi Siemriep. Chuyến sớm nhất lúc hơn 7h, tiếp theo là 8h30, 2 chuyến vào buổi chiều lúc 12h30 và 14h00 (Giờ khởi hành chỉ mang tính chất tương đối). Hãng xe này có xe trung chuyển đón khách bằng xe nhỏ từ khách sạn đến bến xe. Điểm cộng cho Mekong Express khiến chúng tôi mua luôn cả vé khứ hồi từ Siemriep về thẳng Sài Gòn. Bản thân tôi cho rằng, chúng tôi đã có thêm một quyết định sáng suốt khi lựa chọn hang xe này. Phần vì dịch vụ okie, phần vì anh HDV trên xe vừa dễ thương, vừa nói tiếng anh hay, lại vừa có nụ cười rất chi là dễ làm tim chị em đập nhỡ vài nhịp. Phần vì vụ rơi máy ảnh làm thót tim cả hai đứa vào ngày hôm sau. Sự việc này tôi sẽ nhắc lại ở phần tiếp theo. Ngoài sự lựa chọn về phương tiện di chuyển bằng oto, bạn cũng có thể hoàn toàn có sự lựa chọn khác mà theo tôi có phần thú vị không kém là tới SiemRiep bằng tàu Cao Tốc. Bến tàu đối diện đường 104, gần nhà hàng Mekong đẹp long lanh. Giá vé tàu 1 lượt là 35$/người. khởi hành lúc 7h – 8h00 sáng. Bạn có thể chọn cách đi tàu cao tốc lượt đi và lượt về bằng oto chạy thẳng Sài Gòn. Tại sao tôi lại nói chi phí dù bạn đi oto hay đi oto và tàu cao tốc chi phí lại bằng nhau trong khi nhìn qua thì giá tàu cao tốc cao hơn 3 lần giá vé xe oto. Sở dĩ nó liên quan mật thiết đến vụ đi Biển Hồ. Điểm trừ duy nhất mà chúng tôi gặp trong chuyến đi. Xin phép làm rõ khi viết về Siemriep.

Buổi tối ngày đầu ở Phnompenh, chúng tôi chọn phương án đi bộ để nhìn ngắm chứ không đi Tuk tuk. Cầm trong tay bản đồ, cô bạn đồng hành có năng khiếu trong việc xác định phương hướng nên chúng tôi cứ thế đi. Nhiều bạn đi campuchia về có lưu ý tình trạng an ninh về đêm ở Phnompenh không tốt lắm nên hai đứa cũng hơi lo lắng. Song mọi lo lắng gần như đều qua đi. Băng qua vài đường nhỏ, chúng tôi tới đại lộ Norodom. Đây là một trong những tuyến phố chính của Campuchia gần giống như đường Hùng Vương. Dọc 2 bên đường trồng rất nhiều Bằng Lăng, có lẽ vì khí hậu nóng nên loài hoa này nở quanh năm trên phố phường nơi đây. Mục tiêu trong buổi tối của chúng tôi là “Tượng Đài Độc Lập được xây dựng khoảng năm 1958 sử dụng hầu như tất cả các mô típ truyền thống của kiến trúc Khmer cổ truyền. Tượng đài có hình dạng stupa (hoa sen) mô phỏng Angkor Wat và các địa điểm lịch sử khác của Campuchia” Qua quảng trường đi dịch xuống dưới là Naga World, khách sạn 5 sao và cũng là Casino lớn nhất ở Phnompenh. Gần đó có rạp chiếu phim Legend phục vụ nhu cầu về điện ảnh của người dân cũng như du khách. Sức đã thấm mệt sau 1 ngày đi bộ, chúng tôi lang thang thêm 1 lúc qua khu khách sạn 5 sao như Campodiana Hotel đẹp long lanh mà Naga World phải gọi bằng đại sư phụ (theo ý kiến cá nhân). Chúng tôi trèo lên xe Tuk Tuk về khách sạn. Ấn tượng ngày đầu tiên ở đất nước này thật đẹp. Về khách sạn, hai đứa “xõa tiếp” tập 2, ngồi bar gọi 2 chai Cambodia Beer uống mừng Phnompenh. Sau này, lần thứ 2 tôi đi bar ở khu vực phố Tây cũ nằm trên đường 174 có tên gọi DJ Bar cách Do it All Bar không xa mới thấy hóa ra đi Bar lành mạnh cũng có cái thú của nó, uống 1 chai Ken, lắc nhẹ người theo nhạc, cảm giác như mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và tươi đẹp hơn. Ngủ một giấc thật ngon, sáng mai chúng tôi sẽ dậy sớm đi bộ lên Chùa Watphnom – Chùa Núi hay chùa bà Pênh, một trong những ngôi chùa cổ quan trọng nhất của Phnompenh.

-------------------------------------

Còn tiếp…

Trích: http://vn.360plus.yahoo.com/cherly666/article?new=1&mid=686

hanguyen87
01-04-2012, 01:23
Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm, đi bộ lên chùa Wat Phnom. Sáng sớm trời mưa nhỏ, chúng tôi đi bộ từ khách sạn chừng 10 phút thì tới Wat Phnom. Của đáng tội, sớm quá nên chùa chưa mở cửa cho khách thăm quan. Hai đứa quanh quẩn một lúc chụp hình với tháp đồng hồ kết bằng hoa rồi lóc cóc quay về khách sạn cho kịp giờ xe. Sau này, khi tôi trở lại Campuchia có lên thăm chùa này. Người ta nói rằng, đến chùa hãy cầu công danh, học hành, sự nghiệp, đừng cầu duyên…vì cầu duyên là đứt bởi bà Pênh sống độc thân cả cuộc đời. Một phần của chùa đang được tu bổ nên thăm quan không được nhiều. Trên chùa còn có bán chim sẻ để du khách phóng sinh. Lần đó đoàn khách của chúng tôi mua gần hết số lồng của người bán. Giá cho 1 lồng chừng 10 – 25$/lồng (15 – 25 con chim sẻ). Lại nhắc về chuyến đi đầu tiên, chúng tôi kiếm được 1 xe hàng bán đồ ăn sáng, chị bán hàng có nói được tiếng Việt Nam, 2 đứa làm 1 suất mỳ xào về khách sạn chiến rồi tiếc hùi hụi vì mua có 1 suất.

Làm thủ tục trả phòng xong, ra đến cửa trời mưa xối xả, thân gái liều mình phi thẳng qua làn mưa dày tới bên kia đường là văn phòng của Mekong Express. Chờ 1 lát thì xe minibus đến đón ra bến xe. Xe nội hạt của ME không được mới cho lắm nhưng bù lại khá sạch sẽ, nhà vệ sinh khá ổn. Nhân viên phục vụ rất dễ thương. Trên xe chủ yếu là các bạn Tây, cấm có thấy bạn người Việt nào. Nói đến anh HDV trên xe, nghe anh ấy nói, nhìn anh ấy làm tặc lưỡi bảo đến khi nào các bác xe tuyến ở Việt Nam mới được 2/3 như thế. Trên xe được phát mỗi khách một hộp bánh ngọt. chúng tôi xoay 1 hồi hóa ra là hàng Make in Việt Nam. :D Quãng đường từ Phnompenh đi Siemriep khá xa, chúng tôi đi mất chừng hơn 6 tiếng. Trên đường đi có bắt gặp rất nhiều cây cầu nhưng phần nhiều là do chính phủ Nhật Bản tài trợ xây dựng. Trên đường đi, chúng tôi dừng ăn trưa tại Kampong Thong, một trong những điểm đến của Campuchia. Do thời gian hạn hẹp nên chúng tôi không có dịp thăm quan nơi đây. Cách nơi này chừng vài cây số là chợ nhền nhện, nơi khách du lịch có thể thử các món côn trùng, trái thốt nốt. Nhắc đến cây Thốt Nốt, trước tôi nghe đồn giống trái dừa xiêm nhưng kì thực không hẳn. Nhìn bề ngoài thì giống nhưng bổ ra nó có ba múi, phải lột vỏ ăn phần màu trắng trong phía trong, vị ngọt ngọt, ngậy ngậy nhưng không ngon bằng cùi dừa nhà mình. Nước Thốt Nốt cũng không phải lấy từ trái thốt nốt mà lấy từ thân cây đực. Người ta làm đường Thốt Nốt cũng từ cây thốt nốt đực. Khách du lịch có thể mua Đường Thốt nốt về làm quà, giá cả khoảng từ 3 – 5$/kg tùy loại/ Đường thốt nốt người campuchia đóng gói và cho vào 1 chiếc giỏ nhỏ rất đẹp mắt. Sau bữa trưa chúng tôi đi thẳng đến Siemriep, đi bus nên chũng tôi cũng không có cơ hội tới thăm cây cầu cổ hơn 1000 năm tuổi.

Bến xe bus của Siemriep cách trung tâm khu phố tây khá xa. Đi tuk tuk cũng mất 20 – 25 phút. Khu này tương đối vắng vẻ, dân cư thưa thớt như những vùng ngoại ô của Hà Nội. Vừa đến nơi, người của khách sạn đã chờ đón sẵn ở bến xe. Chúng tôi đặt phòng trước ở khách sạn Tanei gần khu phố Tây (20$/phòng/đêm đã bao gồm ăn sáng, khách sạn có bể bơi, phòng ốc đẹp, có điều hòa và nước nóng. Wifi miễn phí). KẾ hoạch của chúng tôi ngày nay phải tới thăm Biển Hồ, Hồ nước ngọt lớn nhất ĐNA. Lục tìm máy ảnh đi tác nghiệp thì ôi thôi….không thấy. Phân tích 1 hồi có lẽ rơi trên xe, chúng tôi đề nghị bác Tuk Tuk đưa chúng tôi quay lại bên xe để tìm. Vừa hớt ha hớt hải vào đến nơi, các bạn Campuchia đã cười rồi hỏi, Camera? Đúng là phúc đức, các bạn ấy mang ra đưa và khuyến mại 1 câu: “Mekong Express, No Problem” J chúng tôi gửi 1 chút gọi là cảm ơn rồi hớn hở trèo lên xe – Biển Hồ thẳng tiến. Trộm vía cũng may là dân Campuchia tốt bụng chứ không thì lại 1 em máy ảnh hy sinh trên đường giống như vụ xuyên việt hồi 2010.

Đường từ TT đến Biển hồ khá xấu, nghe nói năm 2011 ngập lụt dân tình cũng phải đi thuyền giống như Hà Nội mình mùa lũ năm ấy. Hai bên đường dân trồng rất nhiều hoa sen, cả 1 đầm lớn rộng mênh mông. Bác nào thích ảnh ót chắc sẽ không bỏ lỡ. Đến Biển Hồ, bọn Hàn Xẻng mới thầu và xây dựng khu bến thuyền, thu phí 2$/người vào cổng. vào đến nơi lại phải thuê thuyền. 15$/người cho chương trình 2 tiếng. Tặc lưỡi 2 đứa mua vé rồi long nhong lên thuyền. 2 đứa/thuyền. Quá hoành tráng, nhà tàu lại khuyến mại cho 1 anh chàng lắm lời, làm hàng rồi xin tiền. Rõ cáu, không phải ai cũng nice cả, đất nước nào cũng có người này người kia không thể tránh. Anh chàng này chem. Gió rất nhiệt tình, rồi mời vào mua đồ để làm từ thiện cho trường học Việt Nam. Hai đứa cũng đồng ý, vì anh chàng nói quá lắm. Đến nơi, các bạn ấy khuyên mua gạo cho các em, mình hỏi mua mỳ gói có okie không, hoặc mua sách vở…các bạn ấy cứ nhất nhất phân tích về dinh dưỡng rồi chốt lại là mày mua gạo đi. Hỏi giá các bạn ý bảo 1.2$/kg. Hai đứa áng chừng cũng được, bảo bạn ấy đóng cho bịch 10kg vì chúng tao cũng không có nhiều xiền gọi là của ít lòng nhiều. Trời, nhưng không, các bạn ấy không bán 10kg, các bạn ấy bán cả bao….50 – 100kg. Oh my god, thảo nào bạn ấy cứ chào mua gạo mua gạo. Chúng tôi quyết định chuyển sang mua mỳ, 20$/thùng Vifon. Mua một thùng bạn ấy bảo sao mua ít thế, các em đông lắm. Haize, nhưng không, tao chỉ mua thế thôi. Nói ra điều này để bạn nào có ý định đi biển hồ nên chuẩn bị những đồ này từ trước để ủng hộ dân mình bên đó vì thực tình dân mình bên đó nghèo quá. Nhưng chuẩn bị trước để tránh mua bực mình. Trường học của VN ở biển hồ có 2 ngôi trường. Một của thầy Tư từ Tây Ninh sang dạy, một là trường Catholics bên Thiên Chúa Giáo, trường này do dân bắc mình làm. Các đoàn Việt Nam hay vào trường của Thầy Tư hơn nên lần 1 em vào trường thấy Tư còn lần sau đó chuyển sang trường Catholics. Rời khỏi biển hồ khi trời nhá nhem, tôi rút ra kinh nghiệm, nếu bạn nào đi từ Phnompenh có thể đi tàu cao tốc tới Siemriep, bến tàu tới ở Siemriep nằm ngay ở Biển Hồ, gần bến thuyền. Nên so giá thì đắt hơn bus nhưng lại lợi là được thăm thêm Biển Hồ, cộng lại thì giá bus cũng tương đương với tàu cao tốc mà còn được trải nghiệm bằng phương tiện khác.

Chúng tôi về khách sạn mang theo những kinh nghiệm mới đúc rút được. Ngủ 1 lúc lấy sức, 8h tối chúng tôi đi bộ ra chợ đêm cách khách sạn chừng 5 – 7 phút đi bộ. Khu chợ đêm khá rộng, chia làm 2 khu vực là Angkor Night Market và Night Market. Hàng hóa cũng tương tự nhau. Chúng tôi lượn 1 vòng thăm dò chứ chưa mua ngay. Các đồ lưu niệm khá đẹp mắt mà giá cả cũng phải chăng. Loanh quanh một vòng chúng tôi cũng rinh được ít đồ về làm quà. Khăn Khmer: Loại nhỏ 1$, loại to 3$ 2 cái, nến thơm 10$ cho 7 hộp….cơ bản, các bạn cứ mặc cả nhiệt tình, mặc cả 1/3 giá cũng okie. Ngoài mua sắm, Night Market còn có tiết mục Massage chân truyền thống hoặc Massage cá. Giá từ 1 – 2$/ 15 phút. Đi thẳng Night Market, quẹo phải là Pub Street, con phố đông vui và nhộn nhịp với nhiều quán bar đủ màu sắc…

Ngày đầu ở Siemriep đã thấm mệt, chúng tôi để dành cho tối hôm sau khám phá tiếp. Cuốc bộ về khách sạn lúc gần 10h đêm. Đã được khuyến cái không nên đi bộ ngoài đường sau 10h đêm. Tuy nhiên vấn đề này xem ra cũng không phức tạp lắm vì hầu như các khách sạn đều có 2 – 3 anh an ninh bảo vệ đổ bộ khi đêm xuống. Hứa hẹn tối hôm sau xổ lồng, hôm nay như vậy là đủ, về nghỉ dưỡng sức cho cả ngày hôm sau thăm quan Angkor Wat và Angkor Thom.
Đêm về…chúng tôi chìm vào giấc ngủ sau một ngày đầy trải nghiệm…

(Còn nữa)

hanguyen87
02-04-2012, 22:27
Sáng sớm, chú Tuk Tuk dễ thương chờ chúng tôi tại cửa khách sạn. Ăn vội bữa sáng, 8h chúng tôi xuất phát đi. Thời tiết mát mẻ dễ chịu, có lẽ thời điểm thích hợp để sang thăm đất nước này kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, bởi thời tiết không quá nóng, ít mưa. Chúng tôi đến campuchia trong những ngày gần cuối của tháng hai. Từ phố tây ra Angkor không quá xa, xe tuk tuk sẽ đưa khách du lịch 1 vòng chạy qua chợ cũ, vòng qua con phố rộng rãi khá nhiều cây xanh nơi tọa lạc các khách sạn cao cấp 4 – 5 sao của Siem Riep. Gần khu khách sạn Sofitel là bảo tàng và một vài trung tâm hàng thủ công mỹ nghệ. Bạn có thể tản bộ ngắm phố phường dưới những con đường đấy lá giống như phố Phan Đình Phùng của Hà Nội. Nói vế giá cả của phương tiện đi lại, bạn chỉ cần phải trả 13 – 15$ cho 1 xe tuk tuk (có thể ngồi 4 người) cho cả ngày thăm quan Angkor. Để bắt đầu khám quá quần thể kiến trúc đồ sộ này bạn cần dừng chân để mua vé vào cửa. Phía ngoài dành cho những du khách muốn khám phá nơi đây dài ngày, có thể là 2 cũng có thể là cả tuần. Đi vào phía sau là quầy soát vé dành cho những du khách thăm quan 1 ngày. Đứng xếp hàng, nhìn thẳng camera và cười thật tươi, cô bán vé sẽ đưa cho bạn tấm vé vào cửa 20$ cho hành trình 1 ngày có hình của bạn.
Xong thủ tục mua vé, chúng tôi lại trèo lên xe tuk tuk đã đợi sẵn ở cổng kia. Đến trạm đầu tiên, mấy chàng soát vé bấm 1 lỗ tròn vào đúng ngày bạn thăm quan trong 30 ngày của tháng.
Chúng tôi tới thăm Angkor Wat trước khi khám phá Angkor Thom, điều này nên làm nếu như thời tiết quá nóng tuy nhiên, hãy đảo ngược lịch trình nếu như thời tiết dịu và bạn muốn có những shoot hình ưng ý ở Angkor Wat. Lối vào của Angkor Wat khá đẹp, con đường trải nhựa rộng với hai hàng cây lớn rợp bóng. Phía ngoài là 2 hồ nước xanh được thiết kế theo phong thủy của người Campuchia. Sát phía lối vào là một cây cổ thụ đã rất nhiều tuổi mà tôi chắc mẩm cũng phải mấy trăm. Lối vào chính giữa hai hồ được lát bằng những khối đá tảng lớn cỡ vài người to béo ôm. Một số đã bị hư hỏng, một số là nguyên bản, một số là đá mới được đánh số do con người trùng tu sau này. Quần thể Angkor Wat không quá rộng, trên tường khắc những hình nàng Apsara đang nhảy múa ở các tư thế khác nhau, có những bức tường lại kể lại câu truyện về chú khỉ trong sử thi của ấn độ, hoặc là mô tả quá trình đấu tranh bảo vệ bờ cõi của Campuchia. Tôi mạo muội không đề cập đến quá nhiều về kiến trúc cũng như sự hiểu biết còn quá ít ỏi về công trình kiến trúc này. Các bạn có thể search google sẽ ra vô số những bài viết ca ngợi về độ tinh xảo của kiến trúc nơi đây. Đi sâu vào phía trong, xếp hàng từng nhóm, bạn sẽ lên được Thiên Đường, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn toàn bộ quần thể Angkor Wat.
Sau 2 tiếng thăm quan, chúng tôi ra phía ngoài tiếp tục hành trình khám phá Ankor Thom, chúng tôi vào từ cửa Nam để đến ngồi đền nổi tiếng với hàng trăm tượng mặt phật đang cười – Đền Bayon. Nụ cười của Phật hiện hữu khắp nơi. Cấu trúc của Bayon gồm ba tầng mà cả ba tầng đều đổ nát nhiều, gạch đá nằm ngổn ngang khắp nơi. Hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng ba được sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp mà các mặt đá có hình khuôn mặt. Dãy hành lang ở tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11 ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1200 mét, một tổng hợp liên quan đến lịch sử lẫn các truyền thuyết, miêu tả cảnh diễn hành của vua và hoàng gia, những trận đánh của vua Jayavarman với Chiêm Thành bằng cả thủy lẫn bộ chiến, ngoài ra còn miêu tả đời sống văn hóa, xã hội của một nền văn minh đã bị lãng quên từ bao thế kỷ. Nhiều khoảng tường công trình vẫn còn dở dang, chỉ còn để lại nét phát họa. Có lẽ bị bỏ dở khi vua Jayavarman qua đời.
Hình ảnh nổi bật nhất của Bayon vẫn là những ngọn tháp cao vút ở trung tâm bằng đá tảng, chạm khắc thành 2, 3 và chung chung là 4 khuôn mặt nhìn bốn hướng. Những khuôn mặt có nụ cười bí ẩn như nụ cười của nàng Mona Lisa trong bức danh họa La Joconde của Leonardo Da Vinci. Kiến trúc của Bayon được xem như có phong cách của trường phái baroque, trong khi Angkor thuộc phái cổ điển.
Sự tương đồng của vô số khuôn mặt khổng lồ ở trên các tháp của đền Bayon với các bức tượng khác của vua Jayavarman VII khiến nhiều học giả đi đến kết luận đây chính là khuôn mặt của nhà vua. Người khác thì cho là của Quán Âm Bồ Tát (Avalokitesvara hay Lokesvara). Nhà học giả chuyên về Angkor học Mr. Coedes thì lý luận rằng vua Jayavarman theo truyền thống của các vua Khmer tự cho mình là vua thần (devaraja), khác với các vua trước theo Ấn Giáo tự cho mình là hình ảnh của thần Shiva, trong khi Jayavarman là một phật tử nên cho hình ảnh Phật, và Bồ Tát là chính mình. Có tất cả 37 tháp đền đá tạc hình nhiều khuôn mặt nhìn xuống và nhìn đi bốn hướng như thể quan sát chúng sanh và che chở cho đất nước.
Bên trong đền có hai dãy hành lang đồng tâm ở tầng dưới, và một dãy ở tầng trên. Tất cả nằm dồn lại với nhau trong một không gian hạn hẹp bề 140 m và bề 160 m, trong khi phần chính của ngôi đền nằm ở tầng trên lại còn hẹp hơn với kích thước 70 m x 80 m; khác với Angkor Wat, người ta phải trầm trồ với qui mô to lớn và thoáng rộng của nó. Ta có thể ví von sự xây dựng Bayon trong một không gian chật hẹp như xây một giáo đường lớn trên vị trí của một nhà thờ làng. Từ xa nhìn vào Bayon rải dài theo chiều ngang như một đống đá lổn chổn muốn vươn lên trời cao. Kết cấu của nó là một mớ bòng bong lộn xộn nhưng khi đã đặt chân lên tầng trên người ta bỗng thấy trầm lắng lại. Cảm thấy nhỏ bé trước vẻ uy nghi của những khuôn mặt khổng lồ tạc trên đá, người ta không còn quan tâm đến cái tổng thể hay cái mớ hỗn mang của đồ án nữa. Bâng khuâng giữa hàng chục tháp đền với vô số khuôn mặt với nụ cười bí hiểm được hình thành vượt khỏi tỷ lệ thông thường, xa vời với mọi qui ước của kiến trúc, người ta chỉ chú ý đến vẻ mặt của từng khuôn mặt. Dần dần cái mớ bòng bong vô trật tự ấy lại trở thành rất trật tự, người ta thấy nơi cái vô số tháp đền đó như tổng hợp của nhiều phân tử gom lại ở trung tâm dưới hình thức một bó. Cái cấu trúc của khu đền không còn là vấn đề nữa mà chính biểu tượng của nó mới đáng kể. Một trong bốn khuôn mặt nhìn bốn hướng với nụ cười thần bí tạc trên tháp trung tâm. Đây là tượng được nhiều du khách đứng cạnh để chụp hình nhất vì người ta tin sẽ được mang lại nhiều may mắn. Các tháp có kích cỡ cao thấp khác nhau, có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thắng vào mắt của du khách. Đi theo những lối đi quanh co, người ta có cảm giác như đi lạc vào một mê trận. Bất cứ rẽ vào lối nào du khách cũng trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Người ta hẳn đều phải tán đồng với Pierre Lôti qua lời nhận xét của ông: "Máu tôi như đông lại…Tôi thấy như mình bị quan sát từ mọi phía." Henri Parmentier, người đã dành hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình cho việc tái xây dựng một Angkor điêu tàn, đã gọi đền Bayon là "hết sức ấn tượng và lãng mạn. Du khách thường bị ám ảnh bởi những cảm xúc ghê rợn." Henri Marshall, người quản thủ khu Angkor, đã viết trong cuốn Cẩm Nang Khảo Cổ Về Các Đền ở Angkor của mình như sau: "Đặc biệt vào những đêm trăng, người ta có cảm tưởng như đang viếng một ngôi đền thuộc một thế giới khác…Người ta cảm giác như mình đang sống trở lại với một thời đại của những chuyện thần tiên, lúc mà thần Indra xây dựng một đền thờ dành cho đám cưới của con trai mình lấy con gái của vua rắn Nagas nhiều đầu."
Trong số hằng trăm ngôi đền nơi quần thể Angkor, Bayon khiến cho các nhà khảo cổ thắc mắc nhiều nhât. Bayon hiện vẫn bao trùm nhiều bí ẩn mà lời giải đáp vẫn đang còn được tranh cãi: nó được xây với biểu tượng gì, để thờ ai? Có lẽ thích hợp với lời giải thích nhất vẫn là khuôn mặt với nụ cười hết sức bí ẩn nằm ở tháp trung tâm. Một số dân Khmer cho rằng Bayon được xây dựng vào thời vương quốc này được chia thành 54 tỉnh, những đôi mắt của những bức tượng này nhìn về phía muôn dân trong các tỉnh đó để cứu độ (dưới hình ảnh bồ tát Quán Âm), để che chở (dưới hình ảnh của vua Jayavarman).”

hanguyen87
02-04-2012, 22:28
Chúng tôi xử lý bữa trưa với bánh mỳ, xúc xích và vài quả quýt trước khi đi bộ sang thăm quan Đền Baphuon, khu cung điện Phimeanakas của vua Suryavarman I, Sân voi, và Sân tượng vua "cùi" được sát nhập vào khu vực hoàng cung. Ngôi đền sau cùng được biết đã xây thêm trong khu vực Angkor Thom là Mangalartha vào năm 1295. Về sau các công trình sẳn có được thêm thắt ít nhiều nhưng không tồn tại lâu vì được dùng những vật liệu không có độ bền cao. Angkor Thom vẫn tiếp tục được chọn làm kinh đô nhưng tàn lụi dần mãi đến khi bị bỏ hoang phế. làm kinh đô nhưng tàn lụi dần mãi đến khi bị bỏ hoang phế.
“Thành Angkor Thom cao 8 mét, vuông vức bốn cạnh mà mỗi cạnh dài 3 cây số, che chở một kinh đô rộng gần 10 cây số vuông. Bên ngoài bao bọc bằng một hệ thống hào rộng chừng 100 mét mà theo truyền khẩu thời ấy chứa đầy loài sấu hung dữ. Hào vừa được dùng đề bảo vệ thành vừa làm hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho dân chúng. Thành làm bằng đá ong ở hai mặt, giữa phủ đầy đất. Ở giữa bốn mặt thành nhìn ra các hướng đông, tây, nam, bắc có cổng thành với tháp đền cao 23 mét nằm bên trên, được tạc hình bốn khuôn mặt trông ra bốn hướng. Ngoài ra, 500 mét về phía bắc cổng phía đông một cổng khác được xây thêm và có tên là Cổng Chiến Thắng, con đường đi vào cổng này chạy song song với đường vào cổng phía đông, đi vào công trường Chiến Thắng và hoàng cung, lệch về phía bắc của khu đền Bayon. Lối vào các cổng thành là một cầu đá chạy qua hào nước, hai bên có hình tượng các quỉ thần đang ôm kéo rằn thần Naga mà bên trái là 54 thần devas và bên phải là 54 quỉ asuras như thường thấy ở Angkor Wat và một số đền khác. Đây có lẽ là hình ảnh tiêu biểu cho truyền thuyết Khuấy Động Biển Sữa để tìm thuốc trường sinh, một truyền tích thấy đầy dẫy trên những tranh chạm khắc trong các đền ở Angkor. Đây được xem như là nơi chuyển tiếp giữa thế giới người với thế giới quỉ thần”
Đi bộ khá rã rời chân, chúng tôi kết thúc khu vực thăm quan này để sang thăm đền Takeo, đền này không đặc biệt lắm nên hầu như ít khách du lịch tới thăm quan. Cô bạn đi cùng tôi xếp chân ngồi đợi phía dưới để mặc mình tôi leo chót vót lên cao. Gió lớn, qua các ô cửa, cảm giác giống như ở thiên đường.
Điểm tiếp theo cũng là điểm cuối cùng trong ngày thăm quan của chúng tôi là Đền Ta Prohm, nơi đóng bộ phim “Bí Mật ngôi mộ cổ” nổi tiếng. Khu đền này quả thực như tôi đã tìm hiểu trước, bị hư hại rất nhiều, 1 trong những lối vào cửa của khu đền này đang bị tu sửa. Dọc lối vào bằng đường đất vào trong khu trung tâm của đền là một vài “ban nhạc” họ là những người bị khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể có thể do tai nạn, có thể trong chiến đấu, khách du lịch nước nào đi qua, ban nhạc sẽ chơi nhạc của đất nước đó, du khách hảo tâm có thể đóng góp chút chút cho cuộc sống khó khăn của họ.
Đền Ta Prohm còn nổi tiếng với tên gọi Lăng mộ Hoàng hậu: nơi những cây cổ thụ vĩ đại bao phủ nhiều công trình tạo nên những hình thù cổ quái và hấp dẫn. Tại đây còn có một hành lang kỳ bí, đi bên trong nó, nếu đập nhẹ tay lên ngực sẽ nghe được tiếng đập vọng về rất mạnh qua những bức tường thành.”
Dự định sẽ ngắm hoàng hôn trên đỉnh đồi Phnom Bakheng nhưng sức đã cạn, hơn nữa hôm đó mặt trời cũng không nhìn thấy thành ra âu cũng là cái số. Chúng tôi quyết định về khách sạn nghỉ ngơi, phục sức chơi buổi tối. Lần sau này, may mắn thay, tôi cũng có dịp chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn trên ngọn đồi này.
Đồi Bakheng nằm giữa Angkor Thom và Angkor Wat là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn cảnh hoàng hôn trên hồ Tonle Sap và cảnh Angkor Wat xa xa trong rừng già. Trên đỉnh đồi là ngôi đền Ấn giáo Phnom Bakheng thờ thần Shiva trên 1000 năm tuổi, được xây vào cuối thế kỷ thứ 9 dưới thời vua King Yasovarman (889-910). Đền Phnom Bakheng được xây trước Angkor Wat hai thế kỷ và được cho là ngôi đền chính của vương quốc Angkor ngày xưa. Ngôi đền nhìn về hướng đông, có hình kim tự tháp 6 tầng. Xung quanh đền là 108 tháp nhỏ mà hầu hết đều sụp đổ. Còn có hào sâu để bảo vệ đền và 4 con đường dưới chân đồi chạy ra bốn hướng.
Để lên được Đồi này, bạn phải đi bộ qua một con dốc thoải chừng 2 – 3km, hai bên cây cối um tùm, không điện không đèn thế nên người ta mới khuyến cáo không nên mải mê với cảnh sắc mà đợi trời tối mới xuống. Để lên được chính đồi để ngắm hoàng hôn, khách du lịch phải xếp hàng dài, mỗi lượt chỉ được phép lên 15 người, đúng 5h chiều, kiểm soát sẽ chắn, các bạn nào chậm chân vui lòng ngắm hoàng hôn dưới…chân đồi. Từ trên đồi có thể nhìn toàn cảnh Angkor wat, Angkor thom và một phần của biển hồ.
Ngủ một giấc, 2 đứa lại cuốc bộ đi chợ đêm, lại lích kích xách một mới đồ. Măm cánh gà rán tại Quán café trong trung tâm chợ Angkor Night. Định bụng quay về, nhưng bản tính tò mò chúng tôi lượn một vòng nữa thì nhìn thấy con phố “Pub Street” mà hôm trước anh chủ khách sạn có nhắc đến.
Cũng cơ man là đồ lưu niệm, quần áo, nhưng mà chắc mẩm đồ ngoài shop đắt hơn chợ nên chúng tôi cũng không táy máy. Dọc con phố dẫn vào Pub Street, có khá nhiều hàng quán bình dân, các bạn tây ăn ở đây rất nhiều. “Red Piano” và The Temple là hai Bar – Café khá lớn trên con phố này. Nhìn ngoài thì Red Piano khá đẹp, tông màu chủ yếu là màu đỏ, nhìn lên không gian có vẻ như khá phù hợp với bạn nào chỉ thích nhâm nhi café và ngắm nhìn đường phố.
Người ta bảo đi Campuchia mà chưa coi múa Apsara là một sơ sót. Ngắm thấy The Temple trên tầng 2 có biểu diễn miễn phí, miễn phí mà, miễn phí thì phải thử. Tầng 1 là bar nhạc đập xập xình, tầng 2 là nơi café, ăn uống và thưởng thức múa Apsara. Sau 9h chương trình múa kết thúc, chủ quán câu kéo khách bằng chương trình “Mua hai tặng 1 với các loại đồ uống như Cocktail. Quả cũng không thiệt thòi. Xong xuôi, chúng tôi về khách sạn cũng khá khuya, ủ mưu kiếm Trứng vịt lộn giữa đất Campuchia ăn đêm bất thành, chúng tôi về phòng, sửa soạn đồ chuẩn bị ngày mai đi sớm. Sẽ là một ngày dài vì chúng tôi sẽ di chuyển thẳng từ SiemRiep về tới Phnompenh và chuyển xe về thẳng Sài Gòn.
Những cung đường đi qua, Campuchia chúng tôi đã đến. Chợt cười mỉm vì cuối cùng những nơi tôi vẫn mơ đã có dấu chân tôi hiện hữu.
Sài Gòn về đêm, từ trên tầng 5 nhiều gió, một đêm nữa, mai chúng tôi đón chuyến xe sớm đi Mũi Né – Sóng biển và những đồi cát bay.

(Còn nữa)

hanguyen87
02-04-2012, 22:31
https://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0572.jpg

https://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_7684.jpg
Cây Thốt Nốt

https://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_7672.jpg
Chợ dân sinh

https://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_7666.jpg
Nào thì côn trùng nướng

https://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0621.jpg
Bến Xe của Mekong Express

https://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0595.jpg
Đền Taprhom

https://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0572.jpg
Đền Bayon

hanguyen87
02-04-2012, 22:34
Hix, không chèn được ảnh lên là sao. Ai biết chỉ tớ với

tctk
09-04-2012, 19:35
https://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/?action=view¤t=IMG_0572.jpg
<a href="http://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/?action=view&current=IMG_7684.jpg" target="_blank"><img src="http://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_7684.jpg" border="0" alt="Photobucket"></a>
Cây Thốt Nốt
<a href="http://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/?action=view&current=IMG_7672.jpg" target="_blank"><img src="http://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_7672.jpg" border="0" alt="Photobucket"></a>

Chợ dân sinh
<a href="http://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/?action=view&current=IMG_7666.jpg" target="_blank"><img src="http://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_7666.jpg" border="0" alt="Photobucket"></a>
Nào thì côn trùng nướng
<a href="http://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/?action=view&current=IMG_0621.jpg" target="_blank"><img src="http://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0621.jpg" border="0" alt="Photobucket"></a>
Bến Xe của Mekong Express
<a href="http://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/?action=view&current=IMG_0595.jpg" target="_blank"><img src="http://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0595.jpg" border="0" alt="Photobucket"></a>
Đền Taprhom
<a href="http://s329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/?action=view&current=IMG_0572.jpg" target="_blank"><img src="http://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0572.jpg" border="0" alt="Photobucket"></a>
Đền Bayon
bạn chèn ảnh như sau:

ví dụ: Đền Bayon
[img]http://i329.photobucket.com/albums/l375/cherly666/IMG_0572.jpg[/img ]
bỏ khoảng trắng ở trước dấu "]" cuối đi nha

PeterPan
09-04-2012, 19:45
@hanguyen87: Tôi đã sửa lại bài viết của bạn để ảnh hiện bình thường. Bạn có thể bấm vào Sửa Bài Viết để xem lại xem tôi đã sửa như thế nào.

Nếu vẫn chưa hiểu, bạn chịu khó xem kỹ topic này (https://www.phuot.vn/threads/2838-H%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%E1%BA%ABn-c%C3%A1ch-t%E1%BA%A1o-Album-c%C3%A1-nh%C3%A2n-v%C3%A0-up-%E1%BA%A3nh-l%C3%AAn-server-c%E1%BB%A7a-Ph%C6%B0%E1%BB%A3t) nhé.

Chúc bạn có topic thú vị!