PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Trường Sa ... viết về nơi tôi đã một lần đến



VietGaz
08-05-2009, 22:45
Trước hết tôi rất xin lỗi vì lời hứa viết ngay về chuyến đi của tôi để chia sẻ cùng các bạn những cảm nhận của cá nhân trong chuyến đi Trường Sa vừa rồi. Thật đáng tiếc vì thời gian vừa rồi quá nhiều việc cần giải quyết nên tôi chưa thể làm được, tuy vậy những cảm nhận trong chuyến đi này vẫn còn in đậm trong tôi không hề phai nhạt. Tôi luôn tin rằng mình có thể viết lại vào bất kỳ thời gian nào.

Hôm nay cho phép tôi quay lại diễn đàn, chia sẻ cùng các bạn những cảm nhận của cá nhân về chuyến đi với tôi đó là lịch sử. Những bài viết này, khi nhận được góp ý của các thành viên và bạn bè tôi sẽ gửi tặng các chiến sỹ, thủy thủ mà tôi đã rất ngưỡng mộ.

Có một điều tôi luôn mong muốn và chúc cho các bạn đang nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng "ra với Trường Sa" đó là hãy đừng dừng lại, tiếp tục ước mơ rồi một ngày ước mơ sẽ thành sự thật như chính ước mơ của tôi. Chỉ có điều rằng đó không phải là cuộc dạo chơi đơn giản, đó là thử thách các bạn phải vượt qua, nhưng tôi cam đoan đó thực sự là điều thú vị mà trong đời hãy cố gắng để được một lần cảm nhận.

Trong những bài viết của tôi, xin phép sẽ không đưa tên từng người cụ thể, hãy coi như tôi đang viết về các anh những người con của tổ quốc, đang hiến dâng tuổi trẻ của mình cho nhiệm vụ cao cả thiêng liêng "Giữ toàn vẹn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc". Xin được cảm ơn tất cả những người đã cho tôi cảm hứng để viết được loạt bài này, và cũng xin được cảm ơn các bạn đã đọc và góp ý giúp tôi có cơ hội hoàn chỉnh hơn.

Cảng Lữ đoàn 125, nơi chúng tôi khởi hành ra Trường Sa:
https://img7.imageshack.us/img7/3438/canglu125.jpg

Tàu Trường Sa 19 bắt đầu rời cảng:
https://img27.imageshack.us/img27/1511/truongsa19rky.jpg

Những con sóng bắt đầu đón tàu chúng tôi:
https://img142.imageshack.us/img142/5593/songa.jpg

https://img15.imageshack.us/img15/3933/song1.jpg

Bình minh trên Biển Đông:
https://img135.imageshack.us/img135/7015/binhminh.jpg

https://img135.imageshack.us/img135/9907/binhminh1.jpg

VietGaz
08-05-2009, 22:50
Những chiến hạm cùng chúng tôi ở Trường Sa:
https://img518.imageshack.us/img518/1088/chienham.jpg

https://img518.imageshack.us/img518/8304/chienham1.jpg

Đảo Trường Sa mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc:
https://img518.imageshack.us/img518/8050/truongsa.jpg

TRƯỜNG SA 19 VÀ LỜI TIỄN HẢI LỘ BÌNH AN

Hôm tôi nhận được tin mình đã có tên trong danh sách đi Trường Sa, cảm giác lúc ấy thật khó tả : vui mừng, lo lắng, bồn chồn ... quả thật là đứng ngồi không yên. Một trong những điều tôi lo lắng nhất đó là lỡ không được đi vào phút cuối cùng! Quả thật tôi bồi hồi cho chuyến đi Trường Sa hơn rất nhiều so với chuyến đi Hoa Kỳ trước đó. Vì công việc tôi đã từng làm việc trong khá nhiều lĩnh vực, trong đó có hơn 200 giờ bay kỹ thuật ở độ cao dưới 2km, lắc dằn giống như đang đi xe u oát trên đường xấu, vậy mà mọi người vẫn cảnh báo với tôi rằng đi Trường Sa còn vất vả hơn thế. Tôi mong ước được ra Trường Sa, tôi mong ước được ra với đại dương, được lênh đênh trên biển, được thấy nỗi nhọc nhằn vất vả mà những người đi biển đang đối mặt hàng ngày và thử xem khả năng chịu đựng gian khổ của mình tới được đâu!

Đoàn chúng tôi có hai chiến sỹ được giao nhiệm vụ vào Vũng Tàu trước hai ngày để chuẩn bị đồ đạc cần thiết cho chuyến đi, còn chúng tôi sẽ có mặt ở Vũng Tàu một đêm trước ngày khởi hành. Chúng tôi đáp chuyến bay 6 giờ 30 sáng của Việt Nam Airlines vào TP. Hồ Chí Minh và có mặt ở Vũng Tàu vào buổi chiều, đoàn chúng tôi được bố trí ở trong nhà khách Lữ đoàn 175 cùng với đoàn Văn công Hải quân. Cả buổi tối hôm đó, tôi chỉ mong sao được thủ trưởng điều động vào trong cảng để ngắm con tàu mà tôi sẽ được cùng ra khơi vào sáng ngày hôm sau. Nhưng khi họp đoàn, thủ trưởng chỉ thông báo ngắn gọn sẽ xếp hàng của chúng tôi lên tàu vào buổi sáng ngày hôm sau, kết quả là suốt đêm hôm đó tôi thao thức mãi không ngủ được chỉ mong sao trời nhanh sáng để được vào cảng.

Cuối cùng thì cũng đến giờ vào cảng, 8 giờ sáng chúng tôi bắt đầu xếp hàng lên xe ô tô để chuyển vào khu vực cảng của Lữ đoàn 125. Tới nơi, thủ trưởng chỉ con tàu mang số hiệu Trường Sa 19 và nói với chúng tôi kia là tàu sẽ đi Trường Sa, sau vài phút ngắm nghía tôi bắt đầu bước chân lên cầu để sang mạn tàu, thuỷ thủ trên tàu cũng đang hối hả xếp nốt những thùng thực phẩm cuối cùng. Cũng phải mất gần hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới chuyển hết hàng xuống tầng dưới cùng, nơi chúng tôi sẽ tạm trú trong suốt hành trình. Khi chúng tôi sắp xếp xong hàng cũng là lúc trên cầu cảng xuất hiện thêm các đoàn công tác khác: Đoàn của Đài truyền hình Việt Nam với cơ man nào là trang thiết bị, mãi sau này tôi mới biết đó là toàn bộ êkíp làm chương trình Chúng tôi là Chiến sỹ, rồi đoàn Văn công Hải Quân với rất nhiều diễn viên nữ, bụng bảo dạ chuyến đi này chắc sẽ vui đây. 10 giờ, tất cả thuỷ thủ đoàn và các đoàn công tác đã có mặt trên tàu và được triệu tập đến buổi họp ngắn tại khu vực boong chìa (phần ô văng đua ra từ tầng hai ngay trên nắp hầm hàng). Chúng tôi được thông báo những quy định chung, nhiệm vụ của tàu, thuỷ thủ đoàn và các đoàn công tác có mặt trên tàu. Theo đó, chỉ huy trưởng của tàu đồng thời là trưởng đoàn công tác là Phó chính uỷ Vùng 4 Hải quân, một thuyền trưởng, một chính trị viên tàu và hai thuyền phó cùng thuỷ thủ đoàn. Quân số trên tàu là hơn 70 người trong đó thuỷ thủ đoàn gồm 32 chiến sỹ. Chúng tôi được thông báo về nhiệm vụ chính của tàu là vận chuyển 1 nghìn tấn hàng ra Trường Sa kết hợp đưa bốn đoàn công tác ra đảo bao gồm: Đoàn VTV3 và người thân chiến sỹ, đoàn Văn công Hải quân, đoàn Cục Bản đồ Bộ Tổng Tham Mưu, đoàn Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga. Chúng tôi cũng được phổ biến các quy định an toàn trên tàu, nội quy sinh hoạt, chế độ báo cáo quân số hàng ngày. Và tất cả các thành viên trong đoàn công tác đều hết sức cảm động khi biết rằng: Thuỷ thủ đoàn tàu Trường Sa 19 được lệnh nhường tất cả các buồng ngủ cho các đoàn công tác, thuỷ thủ sẽ ngủ bằng võng ngoài ngoài hành lang và boong chìa. Để đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho các đoàn công tác, chỉ huy Vùng 4 Hải quân cũng đã bổ sung cho tàu nhóm cấp dưỡng gồm 5 chiến sỹ. Chúng tôi được lệnh nhổ neo vào lúc 11 giờ và dự kiến sẽ đến Trường Sa sau 48 giờ - Lời cuối cùng của buổi họp mà chúng tôi nhận được từ Trưởng đoàn công tác đó là lời chúc: ‘chúc các đồng chí hải lộ bình an’.

Đúng 10 giờ 30 thuỷ thủ đoàn được lệnh chuẩn bị nhổ neo, tất cả đều mặc quân phục chỉnh tề, riêng nhóm neo và dây ở mũi tàu còn phải khoác thêm áo phao cứu nạn. Các tàu cặp mạn với Trường Sa 19 đều đã rời mạn, di chuyển đến vị trí mới nhường một lối vừa đủ để Trường Sa 19 quay mũi, trên buồng lái thuyền trưởng bắt đầu nhiệm vụ chỉ huy của mình. 11 giờ đúng những sợi dây chão lớn, mối liên kết duy nhất giữa tàu và bờ cảng cũng đã được thu hết lên tàu, Trường Sa 19 từ từ rời bờ cảng sau ba hồi còi dài chào tạm biệt. Tất cả các thành viên có mặt trên tàu đều đứng hết ra mạn để vẫy tay tạm biệt đất liền, chứng kiến động tác quay mũi rời cảng và tránh phao tiêu phía bên bờ đối diện được thuyền trưởng chỉ huy một cách hoàn hảo, tàu rời khỏi cảng được chừng 1 hải lý lại nhận được ba hồi còi chào tạm biệt của một tàu mang số hiệu Trường Sa khác đang buông neo bên mạn phải, tiếng còi dài mạnh mẽ như một lời chúc may mắn Trường Sa 19. Chúng tôi đã bắt đầu cuộc hải trình 48 tiếng với tàu Trường Sa 19 như vậy đó.

VietGaz
08-05-2009, 22:54
TRƯỜNG SA 19 VÀ LỜI TIỄN HẢI LỘ BÌNH AN (TIẾP)

Mãi đến khi thành phố Vũng Tàu chỉ còn là một vệt dài phía đuôi tàu tôi mới quay về cabin của mình dưới tầng một. Tầng một là tầng thấp nhất và là nơi ít bị lắc ngang nhất ở trên tàu nhưng đổi lại đây lại là nơi ồn nhất và luôn hôi nồng mùi dầu máy. Đoàn chúng tôi có 5 người được bố trí ở trong một cabin có bốn giường tầng, đón chúng tôi là những chủ nhân của cabin này trong đó có một bạn là y tế duy nhất trên tàu, ba thành viên còn lại đều là ba lái chính. Ngoại trừ chính trị viên tàu là người lớn tuổi, còn lại thủy thủ đoàn đều là những thanh niên còn rất trẻ và rất dễ thương, những chàng trai da sạm nắng gió biển khơi, rắn chắc nhưng lại ngại ngùng trước sự có mặt của nhiều chị em trên tàu, tất cả đều nói rằng đây là chuyến đi biển đặc biệt nhất của tàu Trường Sa 19. Tôi bắt đầu làm quen với thuỷ thủ đoàn và chui vào mọi ngõ ngách của tàu, từ buồng máy lên buồng lái, từ đuôi tàu lên mũi tàu, từ nhà bếp đến nhà ăn. Càng về chiều sóng biển càng lớn hơn, mặc dù tàu đã chất đủ tải nhưng qua ô cửa sổ tròn trong cabin, con tàu lao xuống đáy sóng rồi lại ngóc đầu lên, những con sóng lớn tràn qua làm nhạt nhoà ô cửa kính trong nắng chiều vàng rực trên biển.

Chúng tôi bắt đầu bữa ăn tối lúc 6 giờ, hầu hết các thành viên nữ đã bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi. Cảm giác ngồi ăn trên tàu khi ở ngoài khơi cũng rất đặc biệt, bạn sẽ được ngồi ăn trong tiếng ầm ĩ của động cơ tàu, trong tiếng ầm ào của sóng biển, trong tiếng cười đùa huyên náo của những thành viên còn khoẻ mạnh và thật đặc biệt, mặc dù trên tàu không phải làm gì những nếu không say sóng thì cảm giác đói đến rất nhanh và bữa ăn nào cũng thấy ngon miệng, tất nhiên là không phải là sóng gió cấp 6 cấp 7 rồi nhé. Bạn có đi tàu mới thấy được cái vất vả của những người cấp dưỡng, vì số người trên tàu Trường Sa 19 đông nên phải chia làm ba khu ăn: Trong nhà bếp, ngoài lan can tầng 1 và trên boong chìa, chỉ cần mang được đồ ăn lên và dọn dẹp sau bữa ăn đã không phải nhiệm vụ đơn giản rồi, nhất là điều kiện sóng to gió lớn. Ngoại trừ nhà ăn ra, hai khu ăn còn lại cũng là khu mắc võng của các thuỷ thủ nên mỗi khi đến giờ ăn, tất cả anh em lại tháo bỏ và thu gọn ‘giường ngủ’ của mình lại để nhường chỗ cho hành khách đi tàu.

Buổi tối đầu tiên trên tàu quả là khó ngủ với tôi, phần vì cảm giác bồng bềng đung đưa lạ lẫm, phần vì háo hức ngắm trời biển về đêm và đợi tàu chạy ngang qua khu vực khai thác dầu khí. Tôi đã thức gần hết đêm với ba lần đổi ca hàng hải (mỗi ca hàng hải kéo dài 3 tiếng đồng hồ) đều có mặt trên buồng lái. Buồng lái tàu Trường Sa 19 không được trang bị những hệ thống dẫn đường thế hệ mới như ECS hay ECDIS, hải đồ giấy và chiếc máy định vị vệ tinh GPS được sử dụng để lập hải trình, tính toán góc phương vị để điều khiển tàu bám sát hải trình đã lập. Biển đêm sẫm màu, hoa tiêu phải căng mắt về phía trước và màn hình radar mà quan sát và xử lý tình huống. Đã rất nhiều lần đi tàu ở nước ngoài (tất nhiên chỉ đi ven bờ trên các tàu thử nghiệm), tôi thấy công việc điều khiển tàu đối với họ sao đơn giản thế, hải đồ giấy chỉ còn là thứ để kiểm tra đối chiếu, người láu tàu được trang bị một màn hình lớn chạy ECS hoặc ECDIS với hải đồ điện tử làm nền, vị trí của tàu luôn được thông báo bằng một chấm sáng trên nền hải đồ biết tự động điều chỉnh độ sáng dựa theo giờ mà máy tính cung cấp, chấm sáng này luôn có các thông tin đi kèm như hướng và tốc độ dịch chuyển, điểm dẫn đường kế tiếp, thời gian cần để đến điểm đó, thông tin về các tàu đang di chuyển trong khu vực lân cận, ranh giới các quốc gia trong khu vực, độ sâu tại vị trí tàu đang đi qua, các khu vực nguy hiểm trong suốt hải trình … và người lái tàu chỉ việc đưa ra quyết định dựa trên những thông tin liên tục, thời gian thực và trực quan này. Nhưng trên tàu Trường Sa 19 công việc không đơn giản như vậy, không có hệ thống máy tính dẫn đường, lộ trình được vạch và tính toán trên hải đồ giấy và được hoa tiêu thông báo trực tiếp cho người lái tàu, vị trí và tốc độ di chuyển của tàu có thể quan sát được qua màn hình đen trắng của máy định vị vệ tinh GPS Coden treo ngay trên bàn đọc hải đồ. Tôi biết, chỉ cần cải tạo một chút thôi công việc trên buồng lái của tàu Trường Sa 19 sẽ bớt vất vả đi rất nhiều và quan trọng nhất các anh luôn biết được rằng tàu mình đang nằm ở trên vùng biển nào một cách chính xác nhất. 10 giờ đêm chúng tôi cùng nhau ngồi ăn đêm là nồi chè đỗ xanh thơm phức, hôm đó nhằm đúng ngày rằm, mặt trăng tròn vành vạnh trên cao, ánh sáng soi rọi xuống mặt biển như dát bạc, những con sóng va vào mạn tàu vỡ oà cùng với ánh trăng. Tôi ngồi nói chuyện với anh em thuỷ thủ tới gần sáng với đủ thứ chuyện trên đời, chuyện về biển, chuyện vệ những nhiệm vụ các anh được giao, chuyện về những chuyến bám biển theo dõi tàu xâm phạm đáng nhớ, chuyện về những đàn cá heo các anh vẫn gặp, chuyện những đêm tối trời dừng tàu thả trôi để câu cá câu mực … với tất cả lòng cảm phục, trong tôi, họ thực sự là những người hùng. Tôi đã được nhìn tận mắt, rất gần toàn bộ khu vực giàn khoan dầu khí về đêm, ánh điện và ánh lửa đốt khí đồng hành sáng rực cả một vùng biển, những dàn khoan cao sừng sững trên biển, hàng chục chiếc tàu dàn hàng vây quanh, nhìn cả khu vực không khác gì một thành phố nổi sầm uất giữa biển khơi. Tôi về cabin lúc đã gần sáng, anh em thuỷ thủ nằm ngủ ngon lành ngay trên buồng lái, tiếng tíc tè điện đàm vẫn đều đều vọng ra, tôi bước xuống cầu thang, trên hành lang kín võng, ngoài boong chìa cũng vậy. Ngả lưng xuống giường tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi viết lại những dòng này, có thể các anh trên tàu không bao giờ đọc được nhưng hãy coi đó là lời cảm ơn mà tất cả những thành viên trong đoàn gửi tới các anh, những thuận lợi mà các anh đã dành lại cho chúng tôi trong suốt hành trình ra với Trường Sa.

Sau 48 tiếng lênh đênh trên biển, tàu Trường Sa 19 đã đưa tất cả hành khách của mình đến đảo Trường Sa. Những ngày trên đảo, mặc dù công việc bộn bề nhưng ngày nào chúng tôi cũng dành thời gian để đứng nhìn về phía tàu Trường Sa 19 đang hối hả dỡ hàng trên bờ cảng, thủy thủ đoàn chắc cũng đang mong chúng tôi về với tàu. Chúng tôi cùng thuỷ thủ đoàn lại có một buổi tối liên hoan cùng nhau trên tàu vào buổi tối thứ hai mà tàu neo tại Trường Sa, hôm đó tất cả chúng tôi đều cùng nâng cốc chúc mừng nhau và vui vẻ đến nửa đêm trước khi rời tàu về lại trên đảo.

VietGaz
08-05-2009, 22:57
TRƯỜNG SA 19 VÀ LỜI TIỄN HẢI LỘ BÌNH AN (CUỐI)

Ba ngày sau chúng tôi nhận được lệnh rời Trường Sa, Trường Sa 19 lại làm nhiệm vụ đưa chúng tôi về với đất liền. Giờ chia tay, tất cả chúng tôi xếp hàng dọc mạn tàu để chia tay với đảo thân yêu, trên bờ là các chiến sỹ đảo Trường Sa, dưới mạn tàu là các thành viên đoàn công tác và thuỷ thủ tất cả cùng hát vang ca khúc Hát mãi khúc quân hành, có rất nhiều người đã khóc khi chia tay. Lúc Trường Sa 19 từ từ rời bờ cảng, tiếng gọi người thân của một chiến sỹ vang lên trong đêm tối, lan rộng trên mặt biển càng làm cho mọi người cảm động hơn, tàu từ từ quay mũi hướng vào đất liền. Rời khỏi Trường Sa khoảng một giờ đồng hồ, tàu chúng tôi đi vào vùng thời tiết xấu, con tàu bắt đầu lắc dữ dội bởi sóng lớn, mưa nặng hạt thêm vào đó toàn bộ hàng đã được bốc hết, tàu không tải nhẹ và lắc lư mạnh hơn. Mọi người bắt đầu thấm mệt và say sóng, sau hai tiếng đồng hồ vật lộn với sóng lớn hầu hết mọi người, nhất là chị em đều mệt mỏi phờ phạc, bữa ăn đêm và sáng chỉ lác đác khách đi tàu có mặt. Không say sóng cũng không mệt mỏi, tôi lại được thức đêm ngắm trăng, ngắm biển, tán gẫu đủ thứ chuyện ở buồng lái với anh em, lại bắt đầu một hành trình 48 giờ liên tục để về với đất liền.

Gần trưa ngày hôm sau nữa, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy thàn phó Vũng Tàu từ xa xa, thuyền trường cho biết giờ này không thể vào cảng được bởi con nước đang thấ rất dễ mắc cạn nên chúng tôi được phép thả neo ngoài khơi ngoài bãi trước nhìn vào thành phố để tổ chức liên hoan chia tay đồng thời đợi đến chiều khi con nước lên mới nhổ neo để về cảng. Anh em đều tập trung ra mũi và mạn tàu để đợi và vẫy những tàu đánh cá để mua cá và mực tươi cho buổi liên hoan, đợi và vẫy gọi một hồi nhưng chỉ mua được cá, hai con cá bông lau thật lớn và tươi rói. Đợi thêm hồi lâu vẫn không mua được mực, thuyền trưởng cho phép hạ canô để vào bờ mua mực tươi, đúng như mong ước của chị em ham chơi trên tàu. Hai chiếc canô được thả xuống hai mạn tàu, chị em tưng bừng phấn khởi quên hết cả mệt nhọc say sóng chen chân lên canô để vào bờ. Buổi liên hoan chia tay của chúng tôi thật đặc biệt và chan chứa tình cảm, trưởng đoàn VTV3 cô gái mạnh mẽ đã từng xuất hiện rất nhiều trên sóng VTV3 là người đầu tiên chia sẻ cảm xúc của mình với tàu Trường Sa 19 bằng bài thơ cô đã sáng tác sau những đêm mệt nhọc trên tàu, được cô chép lại cẩn thân trong cuốn nhật ký ghi tặng lại tàu, mọi người trong buổi liên hoan đều lặng đi vì cảm động và cô cũng chỉ đọc được một phần ba thì bật khóc và không thể đọc tiếp được nữa, nước mắt mọi người đều rưng rưng. Rồi lần lượt trưởng các đoàn công tác có mặt trên tầu nói lời cảm ơn những tình cảm mà thủy thủ đoàn đã dành cho đoàn - những hành khách đi nhờ trên tàu, rồi thuyền trưởng, thuyền phó, chính trị viên, anh em thuỷ thủ đều run run với những lời tâm sự từ đáy lòng trước lúc chia tay. Người kết thúc là đồng chí đoàn trưởng - Phó chính uỷ Vùng 4 Hải quân, dành những lời cảm ơn trân trọng nhất cho thuỷ thủ đoàn, những lời chúc tốt đẹp và lời hẹn gặp lại đối với các đoàn công tác. Hơn bảy mươi người trên tàu đã cùng nhau hát vang, hát như chưa bao giờ được hát, có lẽ chúng tôi đã đập bẹp hết vung xoong nồi ở trên tàu để làm nhạc nền cho những bài ca. Hai giờ chiều, tàu bắt đầu nhổ neo để vào cảng Lữ đoàn 125, chúng tôi vẫn tiếp tục hát vang mọi bài hát có thể hát được. Hơn một giờ sau Trường Sa 19 dõng dạc kéo ba hồi còi dài chào bến cảng thân yêu, các tàu đậu trong cảng đã rời ra nhường lại khoảng vừa đủ cho Trường Sa 19 từ từ cập mạn. Trên bờ có rất nhiều anh em bạn bè, người thân, cán bộ chiến sỹ, và cả những thành viên đã có mặt ở Vũng Tàu nhưng không được lên tàu trong chuyến hành trình vì những lý do khác nhau. Tất cả chúng tôi tập trung hết về bên mạn tàu để được ngắm nhìn bến cảng, để được thấy tàu từ từ vào bến, không ai nói với ai nhưng tất cả đều biết rằng chúng tôi đang rất gần với giờ chia tay. Khi tàu được neo chặt vào bờ, chúng tôi bắt đầu chuyển hàng lên bờ, tất cả mọi người đều chung tay chuyển hàng của đoàn VTV3, đoàn mà hành lý xếp cả lên xe tải còn chưa đủ chỗ. Khi hàng hoá đã lên bờ hết, tất cả mọi người đều tranh thủ chụp ảnh, những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt trước giờ chia tay. Sau hơn một giờ trên bờ cảng chúng tôi bắt đầu lên xe về Thành phố Hồ Chí Minh để nhiều người sẽ bay tiếp chuyến đêm về lại Hà Nội. Tối hôm về lại Thành phố Hồ Chí Minh là tối của các cuộc điện thoại, chúng tôi nhận điện thoại từ đảo Trường Sa, từ các thuỷ thủ tàu Trường Sa 19. Điều làm chúng tôi nhớ mãi về Trường Sa 19 đó là chiều hôm sau khi chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, thuyền phó tàu Trường Sa 19 cùng mấy anh em thuỷ thủ đã có mặt ở sân bay để chia tay chúng tôi một lần nữa.

Cuộc sống này đã phân công mỗi người giữ một nhiệm vụ, thuỷ thủ đoàn tàu Trường Sa 19 với bốn ngày nằm võng, nằm phản trên lối đi mà vẫn phải đảm bảo sức khoẻ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nhường lại cho những hành khách chúng tôi mọi thứ tốt nhất có được trên tàu chỉ với một lý do ‘chúng em đã quen vất vả rồi, chỉ lo các anh chị mệt thôi’. Đó thực sự là những tình cảm thật vô cùng đáng quý, là nguồn động viên lớn cho những người không quen được với sóng gió biển khơi như chúng tôi. Những nhiệm vụ bất thường trong hành trình đi biển dài ngày của các anh, những nguy hiểm nơi biển khơi luôn dình dập, những khó khăn thiếu thốn mà các anh đang phải đối mặt và vượt qua để góp phần bảo vệ chủ quyền hải đảo thiêng liêng của tổ quốc thực sự là những điều mà với chúng tôi khó có thể làm được vậy mà với các anh lại là những việc thường ngày. Đất liền luôn luôn hướng về các anh và chúc các anh luôn luôn mạnh khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mến thương tặng thủy thủ đoàn tàu Trường Sa 19 và tất cả những thành viên trong đoàn công tác!

greenline
08-05-2009, 23:00
Tôi đã được nhìn tận mắt, rất gần toàn bộ khu vực giàn khoan dầu khí về đêm, ánh điện và ánh lửa đốt khí đồng hành sáng rực cả một vùng biển, những dàn khoan cao sừng sững trên biển, hàng chục chiếc tàu dàn hàng vây quanh, nhìn cả khu vực không khác gì một thành phố nổi sầm uất giữa biển khơi.

Bác xom2009 à? Đoạn này chắc đẹp lắm, có hình không bác? Mấy hình đầu của bác hình như hơi tối? :)

VietGaz
08-05-2009, 23:09
Bác xom2009 à? Đoạn này chắc đẹp lắm, có hình không bác? Mấy hình đầu của bác hình như hơi tối? :)

Hầu như hải trình của các tàu vận tải xuất phát từ cảng Lữ đoàn 125 đều đi kẹp giữa khu vực này (Mỏ Rồng và Đại Hùng thì phải). Rất tiếc mình không phải là dân chuyên nghiệp về ảnh, không chuyên đến mức buổi tối không biết chỉnh thế nào để chụp ảnh nữa. Sẽ cố gắng phân loại để tìm những ảnh đẹp nhất tặng các bạn. Trường hợp mà không có được, biết đâu lại chảng có một lời hứa quay lại Trường Sa năm 2010.

VietGaz
09-05-2009, 16:28
Rất cảm ơn các bạn đã đọc, cá nhân tôi rất mong rằng một ngày nào đó các Anh, Chị, Em, Lão Phượt Gia có thể đàng hoàng thoải mái mà ra thăm đất của ta.
Xin phép mọi người cùng tiếp tục nhé.

Đã rất lâu rồi mới lại được nằm trên chiếc giường "Hạnh Phúc" kiểu như thế này. Ảnh này chụp trong lúc đang tá túc ở nhà khách Lữ đoàn 175:
https://img141.imageshack.us/img141/341/1giuonghp.jpg

Còn đây là cabin buồng của đoàn mình. Không xịn bằng cabin trên Titan nhưng như thế này là quá ổn rồi:
https://img228.imageshack.us/img228/7690/44cabintau.jpg

Những chiếc tàu SAR mới nhất của Việt Nam, nhìn đâu có kém USCG các bác em nhỉ:
https://img80.imageshack.us/img80/5339/2tausar.jpg

Bốn chiến hạm em chụp được dọc đường đi ra cửa biển Vũng Tàu:
https://img22.imageshack.us/img22/8788/3tauphaovt.jpg

Trên buồng lái đơn giản của tàu Trường Sa 19, lúc này bọn em đang chạy thử một máy GPS cầm tay nữa có đưa hải đồ đơn giản vào làm nền:
https://img218.imageshack.us/img218/1042/4buonlaits19.jpg

Đây là cảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy sau 48 giờ lênh đênh trên biển. Thú thực là bất kể một cái gì nổi trên mặt biển đã là tuyệt lắm rồi nói gì đến một hòn đảo xanh tốt đến như vậy. Nếu muốn được trải nghiệm cảm giác thiêng liêng, hãy một lần nhìn thấy Trường Sa:
https://img133.imageshack.us/img133/7631/6tssau48h.jpg

Chỉ nhìn gương mặt những người đứng chụp ảnh này thôi các bạn cũng có thể đoán được nỗi vui mừng khi được ra với Trường Sa:
https://img100.imageshack.us/img100/615/7daotsa.jpg


RỦI RO ĐẦY MAY MẮN

Chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn vào buổi sáng sớm đúng như lịch trình đã dự kiến, khi bắt đầu nhìn thấy đảo qua ống nhòm tôi mới thấy vẻ căng thẳng bớt đi trên khuôn mặt của thuyền trưởng và chính trị viên tàu Trường Sa 19, con tàu được giao nhiệm vụ đưa tới bốn đoàn công tác ra Trường Sa lần này. Khi còn cách đảo khoảng vài hải lý, thuyền trưởng thông báo cho các thành viên trên tàu biết rằng, tàu chưa được phép cập cảng ngay bởi trên đảo đang diễn ra sự kiện quan trọng và chỉ được phép lên bờ vào sáng sớm ngày hôm sau. Hầu hết mọi thành viên trong đoàn công tác kể cả tôi đều cố nén tiếng thở dài tiếc rẻ vì đảo chỉ còn cách chúng tôi có vài trăm mét, vậy mà sẽ phải đợi đến 24 tiếng đồng hồ nữa mới được lên bờ, nhưng biết làm sao được với quân đội thì “Quân lệnh như sơn”. Nhưng quả là trong cái rủi luôn có cái may, tuy không được lên đảo ngay lập tức nhưng đổi lại chúng tôi đã được chải nghiệm một ngày đêm thả neo với bao hoạt động theo kiểu “tự sướng” và quan trọng là tha hồ ngắm đảo từ xa và lấy đảo làm nền để chụp ảnh. Tàu chúng tôi có tới ba đoàn công tác và chỉ huy cao cấp nhất trên tàu là Phó Chính uỷ Hải quân Vùng 4. Đoàn trẻ nhất, đông nhất và nhiều hành lý nhất là đoàn làm chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” của VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, với một ê kíp bao gồm đạo diễn, dẫn chương trình, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, quay phim, hành chính, người thân của chiến sỹ ... chính là đoàn nòng cốt của mọi hoạt động “vui vẻ tưng bừng” của tàu Trường Sa 19. Đoàn xinh nhất và say nhiều nhất là Văn công Hải Quân, đa phần các cô gái của đoàn “nằm sàn” đợi say sóng ngay từ khi rời bến và rất ngạc nhiên họ không phải là những “hoạt náo viên” chính trên tàu. Ngoài ra trên tàu còn có sự góp mặt của Cục Bản đồ Bộ Tổng Tham Mưu và Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga.

Chúng tôi bắt đầu buổi sáng của ngày chờ đợi bằng việc làm quen và lôi nhau ra chụp ảnh, chỉ khi tàu thả neo mới thấy bóng dáng chị em tung tăng trên cầu thang, trên boong, trên mũi tàu. Mất gần ba tiếng đồng hồ vật nhau với máy ảnh, với chị em với anh em, tất cả thuỷ thủ đoàn và khách đi tàu cũng đã có được những tấm ảnh như ý, các bạn phóng viên bên VTV3 cũng đã bắt đầu bắc máy tranh thủ làm phóng sự trong lúc đợi lên bờ. Và các bạn có biết không, tàu Trường Sa 19 của chúng tôi bỗng nhiên trở thành “ông sao” giữa khu vực neo tàu đảo Trường Sa lớn và giữa Biển Đông, thuyền trưởng tàu chúng tôi cho biết chưa bao giờ thấy ngoài đảo có nhiều tàu như lần này, ở khu vực thả neo tạm chúng tôi đếm được cả thảy có 12 tàu đang buông neo trong đó có một tàu pháo hạm, hai tàu tên lửa trong đó có chiếc tàu tên lửa Tarantul mới tinh, một tàu tiếp nhiên liệu, một tàu tiếp nước, một tàu thăm dò khảo sát còn lại là các tàu vận tải và tàu hỗ trợ huấn luyện. Thuỷ thủ đoàn trên các tàu đậu gần tập trung hết về mạn hướng về tàu Trường Sa 19 bởi Trường Sa 19 đang ‘sở hữu’ tới hơn mười thiếu nữ xinh đẹp chạy tung tăng trên bong và lên xuống các tầng, rồi ngả, rồi ngiêng, rồi đứng, rồi ngồi, rồi đứng đơn, rồi đứng kép tạo dáng để ... chụp ảnh và ghi hình, mỗi thành viên trên tàu Trường Sa 19 đều có những tấm ảnh để đời với nền là đảo Trường Sa, là hình ảnh tàu chiến, tàu vận tải ... Chúng tôi cũng được xem ‘trực tiếp’ toàn bộ quy trình tiếp nhiên liệu trên biển của các tàu chiến, từ khi tiếp cận, ném dây mồi đến cả hai ba tiếng bơm nhiên liệu liên tục. Được ngó ngiêng ở khoảng cách rất gần những ụ pháo, bệ phóng tên lửa và dáng vẻ hùng dũng của những chiếc chiến hạm hải quân. Và tất nhiên tiết mục không thể thiếu mỗi khi neo tàu đó là câu cá, cả thuỷ thủ đoàn và khách có tới 20 tay câu chia đều trên hai mạn thi nhau thả, có khách còn cầu kỳ mang theo cả chiếc cần câu hiệu Shimano ra để thi thố, các bạn không thả câu được dịp chạy qua lại xem và hò reo cổ vũ mỗi khi có tay câu nào đó kiếm được một chú cá. Cá lớn cá bé cá mẹ các con, lần lượt dính câu, những chú cá bé ngay lập tức được xả thịt để ... làm mồi nhằm kiếm được chú cá to hơn và những chú cá to hơn cũng ngay lập tức được xả thịt để ... làm mồi cho buổi liên hoan, theo chương trình sẽ được tổ chức ngay trên tàu vào bữa trưa, sàn tàu rất nhiều cá bò, cá mú đỏ ... nhưng không có một chú cá nào to như thuỷ thủ kể cho chúng tôi nghe, tiếc quá tiếc quá.

VietGaz
09-05-2009, 16:55
RỦI RO ĐẦY MAY MẮN (CUỐI)

Buổi trưa của ngày chờ đợi cập cảng là buổi liên hoan đầu tiên tất cả chúng tôi tổ chức kể từ khi bắt đầu cuộc hải trình từ Vũng Tàu. Bàn tiệc được bày ra trên bong chìa tầng hai và gầm bong chìa tầng một, một bữa tiệc thịnh soạn như trên đất liền với đủ món ngon và đặc biệt nhất là món cá vừa câu nướng. Bữa tiệc của chúng tôi bắt đầu từ 12 giờ trưa và kết thúc sau hai giờ liên tục với lời hẹn giao lưu văn nghệ giữa thuỷ thủ và khách đi tàu vào buổi tối.

Quả thật, chúng tôi là những người gặp may mắn trong rủi ro, mặt trời bắt đầu lặn ở phía tây, mặt biển phía chân trời chuyển từ màu đỏ sang tối sậm, màn đêm bắt đầu xuống thì cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được cảnh tuyệt đẹp của bầu trời đầy trăng sao, đặc biệt là mặt trăng tròn, rực sáng soi rõ những con tàu đang thả neo và những mỹ từ chỉ thấy trong sách và và tiểu thuyết như “mặt biển lóng lánh như dát bạc” hay “ánh trăng như dát bạc” ... được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, bạn hãy thử tưởng tượng một vùng trời nước bao la với những con sóng nhấp nhô được thắp sáng bởi ánh trăng lung linh kéo dài xa tít tắp, đẹp không bút nào tả xiết. Cả mười hai chiếc tàu đang buông neo đều lung linh ánh đèn, tất cả đều đẹp hơn so với ban ngày ánh sáng soi rõ cả thân tàu, cột cờ, nòng súng, ụ pháo, tháp tên lửa ... tất cả đều nhấp nhô lay động bởi những con sóng trên nền biển được dát bằng ánh trăng. Bữa tối trên trên tàu của chúng tôi bị gián đoạn bởi những tiếng nổ rát tai ngay trước mũi tàu, tất cả anh em đều buông bát đũa chạy về phía mũi tàu để “nhìn thấy” tiếng nổ, cả tôi cũng vậy, không kịp xỏ dép, tôi chạy thật nhanh ra mũi tàu. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy những khẩu súng lớn nhỏ thi nhau nhả đạn, toàn đảo đang có báo động và huấn luyện bắn. Tiếng loa phóng thanh, tiếng tạch tạch của AK và súng ngắn, ánh lửa khạc ra từ những khẩu pháo ven bờ, tiếng nổ đầu nòng chát chúa, cả viền quanh đảo sáng rực sau những tiếng nổ chói tai, nửa tiếng đồng hồ sau cả vùng biển ngập khói và khét mùi thuốc súng, cảnh tượng thật hoành tráng.

Cả tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới kết thúc được bữa tối và bàn giao lại “mặt bằng” cho thuỷ thủ tàu chuẩn bị sân khấu cho đêm giao lưu. Và một lần nữa, chúng tôi lại làm náo động cả khu vực neo đậu tàu của đảo Trường Sa Lớn bằng những bài hát, những bản nhạc kéo dài đến nửa đêm. Trường Sa 19 lại trở thành tâm điểm của cả khu vực bởi ánh đèn sáng, tiếng hát, tiếng nhạc tiếng cười nói hò reo vui vẻ vang cả một vùng biển trời của tổ quốc. Chúng tôi đứng bên mạn và chia tay với đội tàu chiến lúc gần nửa đêm, ba chiếc chiến hạm lẫm lũi theo đội hình chữ A, hú những hồi còi chia tay và dần khuất dạng vào trong biển đêm. Sau lưng chúng tôi, đảo Trường Sa rực sáng ánh đèn cao áp, ánh đèn chiếu rọi những tán cây bão táp, cây bàng xanh ngát trên nền biển đêm sáng rực ánh trăng. Tôi gọi việc không được cập bến lên bờ ngay khi đến Trường Sa là việc “Rủi ro đầy may mắn”.

Và bây giờ mời các bác em tham dự bữa tiệc liên hoan các loại tàu nhé, cái nào còn thiếu em sẽ bổ sung từ từ dần dần. Em có thể không đi được nhiều đảo trong chuyến này, nhưng chắc chắn em hơn các bác là số lượng tàu tại thời điểm em đến thì chắc vô địch rồi. Theo em tàu bè rất quan trọng trong chiến tranh nhưng nếu kết hợp giữa tàu bè và cách đánh thì mới tạo nên sự khác biệt bởi tàu thì dần dần các nước cũng sẽ như nhau thôi.

Cậu em của đoàn nhìn rất hầm hố nhưng vô cùng chịu khó, tác nghiệp ngay và liên tục:
https://img8.imageshack.us/img8/4684/8cauem.jpg

Cano CQ (Chủ Quyền thì phải) là phương tiện xua đuổi những kẻ lang thang hay bám lẵng nhẵng ngoài đảo của ta. Có em này vô cùng tiện lợi, sóng to không cập cảng được em này sẽ làm cầu nối (tất nhiên là cả cano trên tàu). CQ cũng được trang bị vũ khí hạng nhẹ đấy. Hôm bọn em trên đảo có đội 5 chiếc CQ dàn hàng chạy hết tốc quanh đảo để ghi hình nhìn cũng đã lắm:
https://img301.imageshack.us/img301/5446/9canocq.jpg

Tàu tiếp nhiên liệu, em này có nhiệm vụ khi các em có số má trên kia đi đến vùng nào thì xe phải đi theo đến vùng ấy để cho các em nó còn ăn, các em kia chạy trên ba chục lý giờ đâm ra tốn kém lắm. Bọn em được chứng kiến bơm xong cho chiếc 261 và 376 em Biển Đông này nổi mớn nước lên cả mét:
https://img216.imageshack.us/img216/1279/11cqvataudau.jpg

Đây là khu vực mà ba em chiến hạm cùng đậu vào đầu giờ sáng lúc tàu Trường Sa 19 đến. Lọt giữa chiếc HQ376, HQ371 và HQ261 là em tàu HP 17 chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc khảo sát trên biển và trên đảo (Biên chế hải quân đấy nhé). Các bác có thể thấy em 376 là em Tarantul mới nhất của Hải quân Việt Nam, mỗi bên lườn em ấy có 8 tên lửa, tổng cộng em nó có 16 tên lửa. Chiếc 372 cũng mang tên lửa những là tàu thế hệ trước (Em chưa kịp đọc là lớp gì nữa) còn 261 là pháo hạm thế hệ cũ rồi.
https://img301.imageshack.us/img301/9305/12baitauts.jpg

Chiếc 261 đang được tiếo nhiên liệu từ Biển Đông:
https://img412.imageshack.us/img412/1686/14261andau.jpg

Tarantul 376 chiếc tàu tên lửa thế hệ mới nhất của Việt Nam, nhìn cũng đã con mắt đấy chứ các bác em nhỉ:
https://img2.imageshack.us/img2/7654/15tarantul376.jpg

Và cuối cùng là em Tital chuyên đưa khách VIP ra với Trường Sa. Em này đăng kiểm Đức, tuổi thọ khá cao, đất dầu như uống nước lã, có hệ thống tự lọc nước biến, có thể lênh đênh trên biển khoảng 3 tháng, chịu được bão cấp 12 gì đấy. Nguyên của nói là tàu cứu nạn (Rescue Zone). Đi chiếc này tất nhiên là sẽ yên tâm hơn những chiếc khác rồi.
https://img27.imageshack.us/img27/9615/16titan.jpg

Hẹn gặp các bác vào ngày mai với phần em bắt đầu lên đảo!

greenline
09-05-2009, 18:25
RỦI RO ĐẦY MAY MẮN (CUỐI)


Em thề là bác không phải may mắn mà là quá may mắn. Bác vừa chứng kiến cảnh nên thơ (trăng sáng dát bạc trên biển) vừa chứng kiến cảnh khói lửa (tập trận) rồi cuối cùng nhảy múa hát ca. Bữa tiệc no nê thịnh soạn thế thì ai mà chịu nổi. :shrug: Thật GATO không phím nào tả xiết. :((

Theo em bác viết từ từ thôi, nhưng viết đến đâu "đủ" đến đó. Nhân dịp dư âm cảm xúc đang nóng hổi chơi láng luôn đi bác. Đời người chẳng mấy khi có dịp vậy đâu.

GATO quá thể! :S

linhnam
09-05-2009, 20:37
Trời ! thật ganh tỵ hết sức - không biết khi nào em mới được biết thế nào là Trường Sa mến yêu của Tổ Quốc, cám ơn anh - những tấm hình đẹp quá!

rongden
10-05-2009, 10:26
Bốn chiến hạm em chụp được dọc đường đi ra cửa biển Vũng Tàu:
https://img22.imageshack.us/img22/8788/3tauphaovt.jpg


Đây là tàu HQ09,HQ11,HQ15,HQ17, đang nằm tại cảng Chí Linh, Vũng tàu, Bác VietGaz nói đi qua đây khi ra cửa biển vũng tàu thì chắc là bác xuất phát từ cảng Cát Lở đúng không ạ, đây là những con tàu mà em đả có dịp nói trong toppic của bạn Chauha. Trước đây em đóng quân trên tàu HQ17, sẽ có dịp em sẽ kể với các bác những kỷ niệm khi sống trên tàu.

VietGaz
10-05-2009, 12:37
NGÀY ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA

Thế là cuối cùng, sau bao năm chờ đợi tôi cũng đã đặt chân lên đảo Trường Sa, tôi đã làm được điều mà mình hằng mơ ước kể từ khi biết tìm hiểu về lịch sử của Trường Sa – Ra đảo, ngủ trên đảo và thức dậy đón ngày mới cùng với những người lính trên đảo. Phải thú thực rằng, chính quãng thời gian đợi chờ được ra đảo đã làm cho hình ảnh những người lính trên đảo ít nhiều phai nhạt trong tôi, nhưng bây giờ thì không còn là hình ảnh nữa mà là người thực việc thực. Quả thật, cha ông ta đã không sai khi nói rằng “trăm nghe không bằng một thấy”.

Đón tôi về nơi ở là một chiến sỹ quê Nam Định, gương mặt gai góc, nước ra cháy nắng, dáng cao gầy nếu không muốn nói là hơi khẳng khiu. Cậu ta cười với tôi đầy thiện cảm, quả thật gần bốn mươi tuổi đời, lần đầu tiên tôi bắt gặp nụ cười hồn hậu và vô tư đến như vậy nở trên khuôn mặt mà theo tôi vẫn là “gai góc” ở một nơi mà những khó khăn không bao giờ viết hêt. Vừa cười vừa nói “anh sẽ ngủ ở giường này, đây là giường của em”, tôi hỏi “vậy em sẽ ngủ ở đâu?”, cậu ta đáp “anh yên tâm, bọn em trực theo ca mà, em sẽ xuống dưới hầm, ngay bên dưới anh thôi”. Ngạc nhiên nhất là ngay trên đầu giường hai chiếc quạt máy tôi chưa từng thấy trên đời (nhưng các bạn sẽ được thấy ngay dưới đây), hai chiếc quạt có mô tơ điện 12V DC được đấu cùng vào một công tác có chỉ số tốc độ đàng hoàng nhưng lại gắn trực tiếp vào … thành giường. Cậu lính đảo bắt đầu thu dọn hết bộ quần áo lính thuỷ đang treo trên mắc ngay trên đầu giường, vẫn cái cách nhanh nhẹn, vừa làm vừa nói “anh sẽ treo quần áo ở đây, bên phải là quần dài còn bên trái là áo nhé, đồ đạc anh để gọn dưới gầm giường này”. Vòng xuống chân giường, câu ta cúi xuống chỉ tôi “đây là chỗ anh để giày, anh có thể đi đôi dép rọ này của em, chắc là không đẹp bằng dép của anh nhưng anh chẳng bao giờ được đi đâu” rồi nháy mắt tinh nghịch với tôi. Nhận xong bàn giao, tôi đứng tần ngần nhìn bộ chăn màn được gấp vuông vắn, đẹp đến mức mà tôi chẳng muốn phá nó ra nữa, bởi cũng ngần ấy năm tôi chưa bao giờ biết gấp chăn màn vuông vắn được như vậy. Thấy vẻ tần ngần của tôi cậu ta lại tiếp “anh đi tắm đi rồi ngủ sáng mai còn dạy sớm mà đi làm” mà không biết rằng tôi đang phân vân liệu sáng mai mình có gấp lại đẹp được như thế kia không? “Thôi em đi đây, hôm nay em trực ca đêm”, tôi giật mình chỉ kịp nói “anh cảm ơn em” thì cậu ta đã ra đến cửa mất rồi, vừa bám cửa để xỏ chân vào đôi giầy vải bộ đội cậu ta còn dặn với “khi nào ngủ anh nhớ đóng cửa vào không thì trăng ngoài đảo sáng lắm anh sẽ không ngủ được đâu” tôi chỉ kịp ừ thì cậu ta đã mất dạng phía lối đi trải bê tông mát rượi bóng bàng và bóng cây tra mất rồi. Tôi thấy mình quá vô tâm vì vẫn chưa biết tên cậu ta là gì.

Phần ảnh mô tả xin hẹn các bác vào buổi tối, em đang cố gắng viết cho kịp cảm xúc!

VietGaz
10-05-2009, 12:38
NGÀY ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA (CUỐI)

Mất mười phút tôi mới ổn định được chỗ ở cho mình, căn phòng rộng rãi thoáng mát với tường sơn màu xanh thẫm của biển, chín chiếc giường cá nhân phân thành hai hàng chia đều trên khắp gian phòng, dãy tủ cá nhân kê gọn gàng trong góc. Gọi là phòng chứ thực ra cả dãy nhà đều được thông với nhau qua qua những ô cửa lớn, quân tư trang được đặt trên giá cao, tất cả đều vuông vức, ngay ngắn và thẳng hàng. Tôi định bụng sẽ đi dạo một vòng quanh dãy nhà tôi ở, ngoài cửa lại xuất hiện một chiến sỹ trẻ khác, cũng vẫn nụ cười tươi vui trên gương mặt rắn rỏi, ngồi xuống cạnh tôi trên giường cá nhân, cậu ta nói ngay “anh đi tắm đi cho mát, ra cửa rẽ tay trái là tới bể ngầm nước ở đấy dùng đánh răng rửa mặt, rẽ tay phải là ra giếng để tắm giặt. Vì anh là khách nên em đã thông báo với nhà bếp để anh tắm chỗ bể nước ăn, chứ để anh tắm nước giếng sợ anh không quen”, tôi cười đùa lại cậu ta “anh đâu có ra đây để chọn chỗ tắm, anh muốn tắm như bộ đội vẫn tắm để xem anh có thành lính đảo được không”, cậu lính trẻ đáp “vậy anh cứ thoải mái nhé, em phải đi đây”, loáng một cái vẫn cái lối đi mát rượi bóng bàng và bóng tra đã khuất dạng cậu lính đảo.

Vậy là tôi đã chính thức là thành viên của đảo Trường Sa, hòn đảo thân yêu và đầy tự hào của Tổ quốc. Cảm giác trong tôi lâng lâng thật khó tả, rảo bước ra ngoài đường băng ngay trước khu nhà tôi phóng tầm mắt, ngắm đủ một vòng quanh hòn đảo xanh tươi màu lá, làm nền cho những mái ngói đỏ tươi, hàng đèn chiếu sáng mới tinh và những chiếc chong chóng chạy bằng sức gió đang quay tít cung cấp điện sinh hoạt cho toàn đảo. Trường Sa hôm nay đã thực sự đổi thay. Tiếng loa phóng thanh phát đi từ khu nhà chỉ huy, nhắc nhở đoàn khách ra đảo chuẩn bị cho bữa cơm trưa đầu tiên. Tôi quay vào nhà trút vội bộ quần áo đi tàu, xỏ chân vào đôi dép rọ rồi rảo bước qua đường băng hướng về phía cột mốc chủ quyền, nơi mọi người đã bắt đầu cười nói râm ran dưới tán cây bàng vuông xanh ngát.

VietGaz
10-05-2009, 12:41
Đây là tàu HQ09,HQ11,HQ15,HQ17, đang nằm tại cảng Chí Linh, Vũng tàu, Bác VietGaz nói đi qua đây khi ra cửa biển vũng tàu thì chắc là bác xuất phát từ cảng Cát Lở đúng không ạ, đây là những con tàu mà em đả có dịp nói trong toppic của bạn Chauha. Trước đây em đóng quân trên tàu HQ17, sẽ có dịp em sẽ kể với các bác những kỷ niệm khi sống trên tàu.

Rất cảm ơn bác Rồng, vậy là vui rồi em sẽ có thêm tư liệu để viết cho hoàn chỉnh hơn.
Đúng rồi bác em đi từ cảng Cát Lở, cảng lên hàng là đá, cát sỏi, xi măng, sắt thép ấy bác. Có nhiều ảnh nhưng em nghĩ nó cũng khá là nhạy cảm nên em không pót ở đây được.

vaputin
10-05-2009, 23:10
Khi còn cách đảo khoảng vài hải lý, thuyền trưởng thông báo cho các thành viên trên tàu biết rằng, tàu chưa được phép cập cảng ngay bởi trên đảo đang diễn ra sự kiện quan trọng và chỉ được phép lên bờ vào sáng sớm ngày hôm sau.
Và các bạn có biết không, tàu Trường Sa 19 của chúng tôi bỗng nhiên trở thành “ông sao” giữa khu vực neo tàu đảo Trường Sa lớn và giữa Biển Đông, thuyền trưởng tàu chúng tôi cho biết chưa bao giờ thấy ngoài đảo có nhiều tàu như lần này, ở khu vực thả neo tạm chúng tôi đếm được cả thảy có 12 tàu đang buông neo trong đó có một tàu pháo hạm, hai tàu tên lửa trong đó có chiếc tàu tên lửa Tarantul mới tinh, một tàu tiếp nhiên liệu, một tàu tiếp nước, một tàu thăm dò khảo sát còn lại là các tàu vận tải và tàu hỗ trợ huấn luyện.


Hay quá, cám ơn bác. Bác cũng là nhà báo à?
Hôm đó bác đụng nhằm "VIP" rồi. Tổng tham mưu trưởng cùng một bộ trưởng, mấy thứ trưởng + tùy tùng ra đảo nên không vào đảo được đâu.
Cũng vì lý do đó mà "bảo tiêu chi cục" được tăng cường đến mức kỷ lục đúng như đồng chí thuyền trưởng nói(beer)

vaputin
10-05-2009, 23:14
HQ-17 của bác Rồng
http://i177.photobucket.com/albums/w223/Antiship/PetyaHQ-17.jpg
Chiếc này mới được tân trang, bác xem có gì mới không?

vaputin
11-05-2009, 00:10
RỦI RO ĐẦY MAY MẮN (CUỐI)

Tàu tiếp nhiên liệu, em này có nhiệm vụ khi các em có số má trên kia đi đến vùng nào thì xe phải đi theo đến vùng ấy để cho các em nó còn ăn, các em kia chạy trên ba chục lý giờ đâm ra tốn kém lắm. Bọn em được chứng kiến bơm xong cho chiếc 261 và 376 em Biển Đông này nổi mớn nước lên cả mét:

Đây là khu vực mà ba em chiến hạm cùng đậu vào đầu giờ sáng lúc tàu Trường Sa 19 đến. Lọt giữa chiếc HQ376, HQ371 và HQ261 là em tàu HP 17 chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc khảo sát trên biển và trên đảo (Biên chế hải quân đấy nhé). Các bác có thể thấy em 376 là em Tarantul mới nhất của Hải quân Việt Nam, mỗi bên lườn em ấy có 8 tên lửa, tổng cộng em nó có 16 tên lửa. Chiếc 372 cũng mang tên lửa những là tàu thế hệ trước (Em chưa kịp đọc là lớp gì nữa) còn 261 là pháo hạm thế hệ cũ rồi.

[/B]


HQ-376 là tàu cao tốc tên lửa Molniya (Tia chớp) Project 1241.8. Chiến hạm mới này thuộc lớp Tarantul tương tự như những chiếc Tarantul HQ-371,HQ-372, nhưng có hỏa lực vượt trội hơn hẳn với 16 tên lửa chống hạm Uran-E SS-N-25 (Thay vì 4 hỏa tiễn P-15 ở Tarantul Nhện độc1241RE).

HQ-261 là tàu pháo tuần tiểu cao tốc Svetlyak

Tất nhiên cả ba ông này chạy nhanh (chuyên hit and run) nhưng tốn dầu lắm

VietGaz
11-05-2009, 08:34
Hay quá, cám ơn bác. Bác cũng là nhà báo à?
Hôm đó bác đụng nhằm "VIP" rồi. Tổng tham mưu trưởng cùng một bộ trưởng, mấy thứ trưởng + tùy tùng ra đảo nên không vào đảo được đâu.
Cũng vì lý do đó mà "bảo tiêu chi cục" được tăng cường đến mức kỷ lục đúng như đồng chí thuyền trưởng nói(beer)

Dạ thưa Bác em chưa bao giờ được là nhà báo mí chán chứ, ví thử em mà nhà báo chắc em vít còn máu hơn nữa. Chắc quả này xem có báo nào tuyển em phải dự phát xem sao, em cũng bắt đầu máu làm báo lắm rồi đây.
Chuẩn đó Bác, các Thủ trưởng đi mấy em tàu chiến đó, mãi tối muộn mí rời đảo. Bọn em mấy một ngày đêm nằm đợi nhưng cũng bõ công vì được trận ngắm nghía, nhảy múa xem súng đạn mà trên bờ chẳng mấy khi cs dịp.

vaputin
11-05-2009, 09:23
Dạ thưa Bác em chưa bao giờ được là nhà báo mí chán chứ, ví thử em mà nhà báo chắc em vít còn máu hơn nữa. Chắc quả này xem có báo nào tuyển em phải dự phát xem sao, em cũng bắt đầu máu làm báo lắm rồi đây.
Chuẩn đó Bác, các Thủ trưởng đi mấy em tàu chiến đó, mãi tối muộn mí rời đảo. Bọn em mấy một ngày đêm nằm đợi nhưng cũng bõ công vì được trận ngắm nghía, nhảy múa xem súng đạn mà trên bờ chẳng mấy khi cs dịp.

Hi bác có khiếu viết văn đới, cần phát huy
Xuồng CQ thì nghe bảo là viết tắt của cụm từ "ca nô quân sự" chứ chả phải Chủ quyền đâu (bác chắc có đọc CQ-88 nên liên tưởng chăng?)
CQ-01 do Viện kỹ thuật HQ thiết kế, sx tại X70, giá mỗi em có... 2 tỷ 3

VietGaz
12-05-2009, 02:14
Đây là đồng chí chính trị viên của tàu Trường Sa 19 đang nhìn về nơi xa, em không biết bác ấy đang nghĩ gì nhưng tiện máy buổi sáng đợi chụp mặt trời thế là em cũng lia được một kiểu nhìn cũng vui mắt phải không các bác:
https://img142.imageshack.us/img142/8149/1chinhtrivien.jpg

Khi trời sang là đồng chí chính trị viên lại đổi khác ngay, tươi tỉnh nhanh nhẹn và câu cá thì thôi rồi:
https://img510.imageshack.us/img510/4971/3caucah.jpg

Nhìn các bạn câu cá ở topic bên cạnh mà thèm quá thể, bên em chỉ câu được cá dư thế này thôi, nhưng mà đảm bảo là vui và nướng ăn thì ngon tuyệt vời:
https://img83.imageshack.us/img83/7809/2cauca.jpg

Hàng ngày bọn em ở trên thuyền ăn uống nó như thế này này các bác ạ, hơi bị vui vẻ, anh em không say chen vai hích cánh ăn thủng nồi trôi dế luôn:
https://img518.imageshack.us/img518/752/4buaan.jpg
https://img139.imageshack.us/img139/8194/5buaan.jpg

Nhớ quán trà quá, bọn em trên tàu tự sướng như thế này. Lúc nào yên ả tí là mang chiếu ra ngồi uống nước nhưng chỉ có trà nóng chứ không có trà đá các bác ạ:
https://img156.imageshack.us/img156/2125/6quantra.jpg

Và để liên hoan buổi tối các thuỷ thủ chuẩn bị khá là nhiều món, quan trọng nhất là nhạc, nhạc trên tàu "máu" như trong bar nhá:
https://img87.imageshack.us/img87/1779/7lienhoan.jpg

VietGaz
12-05-2009, 02:22
“NHÀ HÀNG” TRƯỜNG SA LỚN

Vì đặc thù công việc, tôi cũng hay phải di chuyển đây đó cả trong và ngoài nước, việc ăn cơm hàng ngủ khách sạn là chuyện thường xuyên, nhưng quả thật tôi chưa có dịp được ngồi ăn ở đâu giống như ngồi ăn ở “nhà hàng” của các chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn.

Nếu đi từ cầu cảng, vượt qua cột mốc chủ quyền “nhà hàng” nằm ngay bên tay trái cột mốc, dưới tán bàng ta, bàng vuông, tra. Tán lá ken dày đến mức bạn có ngửa mặt lên cũng khó mà nhìn được mặt trời chói chang ngay ở trên đầu, thi thoảng những cơn gió thổi qua lay động tán lá tạo ra các khe hở nhỏ để những tia nắng lọt qua tầng lá nhảy nhót dưới đất, trên mặt bàn ăn leo lên cả người thực khách trông thật vui mắt.

Đây là nơi đón tiếp các đoàn khách ra với Trường Sa, là điểm dừng chân đầu tiên của tất cả mọi người và đặc biệt hơn đây chính là “nhà hàng”, nơi tổ chức những bữa ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Những dãy bàn inox sáng bóng và ghế nhựa xanh được kê ngay ngắn, hướng ra phía đường băng, “nhà hàng” còn được tô điểm bằng một vuờn hoa lớn với những chậu cây cảnh được chăm sóc chu đáo, cắt tỉa gọn gàng. Mỗi bữa ăn đều là những buổi gặp mặt đông đủ nhất của tất cả các đoàn đang có mặt trên đảo. Như chúng tôi, ra Trường Sa có tổng cộng bốn đoàn quân số hơn 40 người nên phải chia nhau ra ở các phân đội khác nhau trên khắp đảo, đoàn nào có việc của đoàn ấy nên chỉ gặp nhau đúng vào bữa ăn ở “nhà hàng” để cùng nhau tán chuyện, khi đó “nhà hàng” không chỉ là nơi ăn uống mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu của mọi người. Giờ ăn và thành phần khách được mời đến dự bữa ở “nhà hàng” cũng được phổ biến theo cách riêng, trước mỗi bữa ăn khoảng 15 phút, hệ thống loa phóng thanh được lắp đặt trên khắp đảo phát đi thông báo tới từng phân đội.

Không sơn hào hải vị, không rượu ngoại tràn lan, nhưng không phải vì thế mà bữa ăn trên đảo kém phần hấp dẫn. Ở nơi đây thịt hay cá không phải là những món ăn được quan tâm, món đáng giá ở đây chính là rau xanh. Môi trường khắc nghiệt, phương tiện chế biến và thiết bị bảo quản không có nên rau xanh đã trở thành “của hiếm”. Phải được tận mắt thăm quan những vườn rau và chứng kiến các chiến sỹ chăm bón mới thấy được giá trị của những cọng rau xanh nơi đây. Để tránh gió bão và nước mặn, vườn rau được xây tường gạch vững chãi cao ngang đầu người, các chiến sỹ cũng “canh tác” khá nhiều loại rau khác nhau: rau cải, rau muống, mướp, bí, rau thơm, hành ... Khó khăn là vậy những không bữa ăn ở “nhà hàng” mà chúng tôi thiếu món rau xanh cùng với cá, thịt lợn, thịt gà. Bữa chia tay, là hôm trên đảo tổ chức mổ lợn, chúng tôi còn được thưởng thức món “khoái khẩu” của “dân nhậu” trên đất liền là lòng lợn. Hãy ra với Trường Sa để có cơ hội ngồi ăn dưới “nhà hàng” bàng vuông, để được hàn huyên với cán bộ chiến sỹ nơi đây và để thưởng thức những bữa ăn ngon với khung cảnh mà sẽ không bao giờ bạn có thể quên được.

VietGaz
12-05-2009, 02:39
Đây là một ít phụ nữ trên tàu em đi cùng, mà đen thế nào ấy phụ nữ đẹp vẫn đang "cối say" ở trong phòng, tìm mãi mới được một đội chị em. Mà đội này là còn đỡ đẹp hơn đội đang say đấy các bác ạ (Bạn nào mà có đọc được xin lỗi nhá):
https://img74.imageshack.us/img74/3596/8truockhilenbonu.jpg

Rồi tàu bọn em cũng được mon men đến gần đây này, các bác nhìn như thế này thử hỏi có xúc động khi bước qua mạn tàu lên trên bớ không kia chứ?
https://img259.imageshack.us/img259/4839/9caucangts.jpg

Tiếc quá lúc em chuyển xong đồ vác được cái máy ảnh ra bà con đã lên bờ hết cả rồi, tiếc ơi là tiếc thôi đành chụp một cái vậy:
https://img151.imageshack.us/img151/7666/10capben.jpg

Đây là hai bạn cún một đen một vàng đi cùng với bọn em cả chuyến này. Phần sau em sẽ có một bài viết về những chú cún ở Trường Sa:
https://img151.imageshack.us/img151/3701/11haichucun.jpg

Em chọn chụp cột mốc chủ quyền về đêm nhá, nhân tiện có văn công biểu diễn. Chỗ mấy cái đèn xanh xanh đằng sau mốc có một phòng các bạn VTV3 biến thành phòng thu âm, nhạc nhẽo tưng bừng phấn khởi lúc mọi người đi ngủ trưa.
https://img144.imageshack.us/img144/4039/12mocchuquyen.jpg

Giới thiệu với các bác đây là giường ngủ của em. Em cũng phải nói thật là đã cố tập gấp rồi nhưng chăn và màn không thể vuông nổi, thôi đành mượn cái miếng bìa để cho nó vuông luôn. Quan trọng ở đây, các bác nhìn thấy là quả "song quạt hợp bích" trên giường em, quả thật là khả năng cơ khí của chiến sỹ hơi bị được,áong quạt này mát ra phết các bác ạ, các bác quan sát kỹ nhé công tác điện gắn trực tiếp vào ... đầu giường lại có cả điều chỉnh tốc độ quay, nói chung là không có gì để nói, TUYỆT:
https://img100.imageshack.us/img100/539/13giuongem.jpg

Và cuối cùng của sáng hôm nay là cảnh trăng, đèn ở Trường Sa gửi tặng các bác. Em ước gì em chụp ảnh giỏi như bác Đường Xanh (Greenline), viết hay như các bác nhà báo có phải ổn không. Thôi thì cứ viết cức chụp theo cách của mình cho nó tự sướng cái đã. Tấm này em khá là ưng, nhất là khi zoom to lên nhìn mặt trăng tròn vành vạnh:
https://img522.imageshack.us/img522/4276/14trangden.jpg

VietGaz
12-05-2009, 02:49
MÀU XANH TRƯỜNG SA

Đến Trường Sa Lớn, bạn sẽ thấy hai màu xanh đặc trưng: màu xanh thăm thẳm của đại dương và màu xanh ngát của những tán lá. Để viết đủ, viết đúng về đặc điểm của các loài cây chắc chắn tôi không làm được, bởi tôi không phải là dân chuyên nghiệp. Nhưng cũng xin được viết về một số loài cây mà tôi đã hỏi thăm những chiến sỹ trên đảo cũng không phải là dân chuyên nghiệp như tôi.

Màu xanh của cây lá trên đảo được tạo bởi các loài cây như cây tra, bàng ta, bàng vuông, bão táp, phong ba, dừa, nhàu, muống biển những chậu cảnh và cả những luống rau lên xanh dưới bàn tay khéo léo của những người lính đảo. Cây xanh trên đảo Trường Sa có sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ, chúng lớn lên, xanh tươi mơn mởn, hiên ngang trước nắng gió khắc nghiệt của biển trời. Hầu hết những loại cây trên đảo đều có chung một đặc điểm là thân thấp, tán xoè rộng, lá to, dày và xanh mướt. Nếu chỉ nhìn tán cây thôi, sẽ không ai nghĩ rằng chúng đang mọc trên vùng đất san hô cằn cỗi và khắc nghiệt. Trước hết là cây tra, loài cây mà chiến sỹ trên đảo thường gọi đùa là “nho Trường Sa”, cây tra chiếm diện tích phần lớn của đảo Trường Sa, thân và cành đều mập có gốc khá to, lá tròn và dày, cuống lá đỏ mọng. Hoa và quả kết thành trùm gần giống như trùm nho, khi chưa chín quả có màu xanh của lá, ăn có vị chát và vị mặn mòi của muối biển, khi quả chín cả trùm quả lớn chuyển sang màu tím đậm ăn có vị ngọt. Đặc biệt nếu ăn gỏi cá trên đảo thì là non của cây tra là món rau không thể thiếu được, tôi có lẽ là người may mắn nhất bởi tôi được các chiến sỹ trong cụm chiêu đãi cả quả tra xanh, tra chín và món lá tra chua chua chát chát không cần chấm muối vẫn mang vị mặn của gió biển. Đặc biệt tra là loài cây rất dễ sống, chỉ cần bẻ cành cắm xuống đất là có thể mọc lên những cây tra non.

Sau tra có lẽ là bàng ta, để thích nghi với điều kiện sóng gió Trường Sa, thân cây bàng to nhưng không mọc cao như trong đất liền, những cây bàng nhiều tuổi cũng chỉ cao ngang những mái nhà hai tầng trên đảo, nhưng tán lại rất rộng, lá dày và xanh ngắt. Bạn sẽ thấy ấn tượng với bàng ta ngay khi đặt chân lên đảo, để tới được khu vực cột mốc chủ quyền nằm giữa đảo, bạn sẽ đi trên con đường rợp mát hai hàng bàng ta đều tăm tắp. Cũng như tra, bạn sẽ bắt gặp bàng ta ở bất kỳ đâu trên đảo Trường Sa.

Tấm lá chắn bảo vệ và ngụy trang tốt nhất cho các chiến sỹ trên đảo chính là cây bão táp. Gần giống loài cây bụi, bão táp có cành khá to nhưng lại không vươn cao mà thường nằm song song và cách mặt đất chỉ một vài mét, cành và lá đều mập mạp, lá đặc biệt dày và xanh và có sức sống vô cùng mãnh liệt. Khác với tra và bàng ta thường chỉ mọc ở phần diện tích phía trong của đảo, cây bão táp có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió, tạo thành bức tường vững chãi bao quanh và bảo vệ vòng ngoài của đảo sát bên kè đá.

Đặc biệt nhất trên đảo Trường Sa chính là bàng vuông, cây bàng vuông lớn nhất trên đảo mọc ngay trước sân của khu nhà chỉ huy, cùng với tra và bàng ta làm thành cái ô che nắng tự nhiên rất đẹp, các chiến sỹ đã biến chiếc ô này thành khu “nhà hàng” dành làm nơi tiếp tất cả những đoàn khách trong đất liền ra thăm. Bàng vuông khác biệt với bàng ta khá nhiều, lá thon dài và xanh mướt, cuống lá đỏ tươi và đặc biệt nhất là hoa và quả bàng vuông, hoa bàng vuông màu xanh hơi giống con sò lớn có hai nắp mở ra ở phía trên, nhụy hoa như chiếc vòi chui qua khe hở giữa hai nắp vươn dài ra phía ngoài, mỗi nhành ra hoa chỉ có một bông. Quả bàng vuông có kích thước rất lớn, to bằng hai nắm tay người lớn, màu xanh có bốn cạnh với đường gờ nổi bật làm cho quả bàng gần như có hình vuông trong khi quả bàng ta có hình dạng gần giống hình thoi với hai cạnh và chỉ to bằng đầu ngón tay cái. Bàng vuông là món quà mơ ước cho bất kỳ ai đã từng một lần đến thăm Trường Sa.

Ở Trường Sa, cây phong ba cũng không phải loại cây chiếm ưu thế, cũng phải khó khăn tôi mới tìm thấy được một cây phong ba ngay sát bờ kè biển, theo mấy chiến sỹ ở phòng tôi ở thì cây phong ba này là cây to nhất trên đảo. Thân cây phong ba cao hơn bão táp, cây phong ba mà tôi đến chụp ảnh khá cao, thân cành già cỗi, lá xanh nhạt kết thành chùm ở đầu cành, dưới ánh nắng mặt trời lá cây phong ba như được trang điểm bằng một lớp phấn trắng làm cả tán cây bừng sáng và rất dễ phân biệt với những tán cây khác. Ngoài ra khi đến Trường Sa, khách cũng sẽ được nghe kể về cây nhàu, nhàu mọc thành từng khóm, thân cây vươn thẳng lá dài mà xanh gần giống lá xoài nhưng gân lá nổi rõ hơn, lá mọc từ chân lên đến ngọn cây. Tôi không có thời gian tìm hiểu kỹ hơn, nhưng được biết rằng dễ cây nhàu là một loại dược liệu quý. Muống biển cũng góp phần tạo nên màu xanh cho Trường Sa, rất dễ gặp những vạt muống biển xanh non, ở những khu đất mà tra, bàng, bão táp chưa kịp che phủ. Muống biển cũng giúp phủ một màu xanh lên những kiến trúc bê tông, những bãi gạch đá, bãi san hô mới được san lấp.

Ngoài ra trên đảo, còn có thể nhìn thấy rõ những khóm dừa, bụi mù u, phi lao, những vạt cỏ và hoa trinh nữa dọc hai bên đường băng và lối đi, những cây đa mới chồng, những vạt rau tăng gia của các phân đội quanh năm xanh tốt, những chậu cây cảnh mới được mang ra từ đất liền với hoa giấy, hoa sứ, hoa đá ... đã tạo ra sự khác biệt cho cảnh quan môi trường ở đảo Trường Sa.

pvnguyen
12-05-2009, 11:30
HY vọng các chiến sỹ sẽ có thêm đồ chơi mới vơi món này !

"......Theo các tài liệu y học, cây nhàu (tên khoa học là Morinda citrifolia L. Rubiaceae) xa xưa thường mọc hoang. Người dân hái trái nhàu về chấm muối ăn như một ''bài thuốc dân gian'' chữa lị, điều kinh, giảm ho. Rễ, thân, lá cây nhàu cũng được dân gian phát hiện có những công dụng nhất định nên trồng nhiều ở miền Trung và Nam Bộ. Tại các chợ quê miệt Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là An Giang, dễ dàng tìm thấy trái nhàu được bán rất rẻ tại các sạp rau quả, dùng làm thực phẩm, chế biến thành trà uống như một thú tiêu khiển bình dị hoặc ngâm rượu với hy vọng nó có thể chữa đau lưng, nhức mỏi chân tay.

Gần đây, Công ty Hùng Phát (TP.HCM) từng xuất thành công nhiều lô hàng nước cốt trái nhàu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Úc... với giá 2 USD/chai và cả sản phẩm trà trái nhàu túi lọc. Nước cốt trái nhàu của Hùng Phát là loại nguyên chất, chắt ra sau khi ủ quả tươi suốt 3 tháng, không đường, không chất bảo quản, được các khách hàng ''ngoại'' ưng ý vì cho rằng có tác dụng trị tiểu đường. Cơ sở Hương Thanh (441/19/28 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng cho ra lò sản phẩm ''Nước cốt trái nhàu mật ong'' khá thơm ngon mà không quá đắt tiền. Vừa qua, trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội kết hợp với Xí nghiệp Dược phẩm TW 25 TP.HCM sản xuất viên nang Uphamorin 500 có nguồn gốc từ trái nhàu, tác dụng: ổn định và hạ huyết áp, tăng cường miễn dịch (khuyến cáo: không dùng cho các bệnh nhân suy gan, thận, tim và trĩ).
...........



MÀU XANH TRƯỜNG SA

........ Ngoài ra khi đến Trường Sa, khách cũng sẽ được nghe kể về cây nhàu, nhàu mọc thành từng khóm, thân cây vươn thẳng lá dài mà xanh gần giống lá xoài nhưng gân lá nổi rõ hơn, lá mọc từ chân lên đến ngọn cây. Tôi không có thời gian tìm hiểu kỹ hơn, nhưng được biết rằng dễ cây nhàu là một loại dược liệu quý. .................

VietGaz
12-05-2009, 11:38
HY vọng các chiến sỹ sẽ có thêm đồ chơi mới vơi món này !

Em xin phép bác Old em cho em bổ túc cái đoạn này vào bài viết của em nhá?

greenline
12-05-2009, 11:52
Em ước gì em chụp ảnh giỏi như bác Đường Xanh (Greenline), viết hay như các bác nhà báo có phải ổn không.

Bác khiêm tốn rồi. Nhìn dòng thanks dài dằng dặc ở topic này là đủ hiểu mọi người hâm mộ bác đến mức nào. :D Em không dám nói chụp ảnh giỏi. Nhưng nếu đổi máy ảnh lấy "những khoảnh khắc may mắn" của bác thì em cũng đổi liền. :S

vaputin
12-05-2009, 12:55
Nhìn các bạn câu cá ở topic bên cạnh mà thèm quá thể, bên em chỉ câu được cá dư thế này thôi, nhưng mà đảm bảo là vui và nướng ăn thì ngon tuyệt vời:
https://img83.imageshack.us/img83/7809/2cauca.jpg


Và để liên hoan buổi tối các thuỷ thủ chuẩn bị khá là nhiều món, quan trọng nhất là nhạc, nhạc trên tàu "máu" như trong bar nhá:
https://img87.imageshack.us/img87/1779/7lienhoan.jpg

Cá rạn san hô không to lắm. Bác câu được con cá hồng bé tí. Con này nếu lớn thì phải 20-30 Kg. Lưu ý cá rạn san hô cũng có nhiều con độc ăn vào bị ngộ độc ngay. Cho mình hỏi cái món gì hồng hồng vậy? Cá à?

spartans
12-05-2009, 14:10
Cá rạn san hô không to lắm. Bác câu được con cá hồng bé tí. Con này nếu lớn thì phải 20-30 Kg. Lưu ý cá rạn san hô cũng có nhiều con độc ăn vào bị ngộ độc ngay. Cho mình hỏi cái món gì hồng hồng vậy? Cá à?

Em đoán cái món hồng hồng trong ảnh không phải là cá mà là dưa hấu, vì nó xếp chung đĩa với bưởi, món này chắc mang ra chiêu đãi mấy anh lính đảo đã có công câu cá.

VietGaz
12-05-2009, 14:17
Vâng đó là bưởi và dưa hấu ạ, tối hôm đấy trên tàu bọn em tổ chức liên hoan ngọt lịm, vài bạn mặc váy, hoa quả và hát hò. Ầm ĩ cả biển khơi các bác ạ.
To bác Greenline: Rất cảm ơn bác, khi nào em có dịp em sẽ quyết nhờ bác chỉ cho em một ít kiến thức về chụp ảnh. Hôm trước em có down được quyển SHOT LIKE A PRO cơ mà chưa lúc nào ngó được bác ạ. Môn này cũng là môn em hâm mộ lắm đấy.
Sẽ làm việc liên tục để đêm về lại pót ảnh tiếp, hơi lâu một tí những được cái vui vì mang lại được chút ít thông tin phục vụ tất cả đại gia đình.
Trước khi ra với Trường Sa là em đã sang chỗ này, nên hôm trước em có hơi buồn cười bạn gì ấy một tí! Khi người ta lớn hơn người ta sẽ thấy những cái lớn nhỏ đi một tí và những cái rất nhỏ lại lớn hơn một tí.
Chỗ này là bên trong văn phòng C2CEN (Các bác search nhé) của USCG. Sau đó bọn em đi thăm một trạm GWEN chuyển đổi của US Air Force:
BTW: em không có trong này nhá vì em là thằng chụp ảnh!

https://img528.imageshack.us/img528/1506/uscgc2cen.jpg

vaputin
12-05-2009, 15:13
Để minh họa cho công phu trồng cây của lính TS mình gửi đến các bạn mấy cái ảnh TS lớn hồi xưa

Năm 1974

https://i398.photobucket.com/albums/pp61/vaputin/DBP/TruongSa_Page_1_Image_0001-1.jpg

https://i398.photobucket.com/albums/pp61/vaputin/DBP/TruongSaXaThatLaXa_Page_5_Image_000.jpg

vaputin
12-05-2009, 15:15
Năm 1984

Cột CQ

https://i398.photobucket.com/albums/pp61/vaputin/DBP/luuvanloi_1996_sinovietnamesedif-6.jpg

bây giờ

http://img144.imageshack.us/img144/4039/12mocchuquyen.jpg

vaputin
12-05-2009, 15:31
Cột CQ

1974
https://i398.photobucket.com/albums/pp61/vaputin/DBP/img006.jpg

2009
https://i398.photobucket.com/albums/pp61/vaputin/DBP/img_6541.jpg

Tính ra ở TS đã 5 lần xây cột CQ

Thời Pháp 1
Thời VNCH 2 lần
Thời CHXHCN VN 2 lần

greenline
12-05-2009, 16:04
To bác Greenline: Rất cảm ơn bác, khi nào em có dịp em sẽ quyết nhờ bác chỉ cho em một ít kiến thức về chụp ảnh. Hôm trước em có down được quyển SHOT LIKE A PRO cơ mà chưa lúc nào ngó được bác ạ. Môn này cũng là môn em hâm mộ lắm đấy.


Bác làm em ngượng rùi, em chụp chưa đâu vào đâu cả. Em cũng mắc bệnh giống bác là có một đống sách nhưng chưa đọc. :D Có điều nói nhỏ với bác là đụng vào cái món này mất thời gian và ... rất tốn tiền. Đề nghị bác suy nghĩ kỹ trước khi hỏi. :D Giỡn vậy chứ trong phượt cũng có topic về kỹ thuật chụp ảnh. Bác vướng gì thì cứ trao đổi nhé. :)

Em vẫn đang theo dõi bài của bác. Cảm ơn bác vaputin đã nhiệt tình cung cấp thêm thông tin. :)

VietGaz
12-05-2009, 16:11
Bác Putin toàn hàng độc thôi! Rất rất cảm ơn bác đã giúp sức cho em minh hoạ thêm về Trường Sa. Em sẽ có bài tiếp, theo em là khá được, trong đó em viết về những đổi thay ở Trường Sa theo kiểu ... đoán. Nhưng có vẻ như em đang đoán đúng phết đấy bác ạ.
To Greenline: Chắc sẽ phải học thôi, chỉ vì cái sự đa mang mà đến giờ vẫn còn lận đận!
To Vaputin: Bác có biết không cái mà em không ưng nhất là: rất khó xoay để có thể chụp được cái mặt trống đồng trên cột mốc sáng như gương bác ạ, ánh nắng và bóng cứ làm cho nó tối đi mất mới tức chứ!

VietGaz
12-05-2009, 16:36
Em tạm thời sẽ không tra tấn các bác bằng chữ nghĩa văn vẻ lung tung của em nữa để chuyển sang làm tí ảnh mô tả cụ thể cho mấy bài văn ngô ngọng bên trên các bác nhá:

Một góc màu xanh Trường Sa nhìn từ cầu cảng:
https://img148.imageshack.us/img148/7739/1tsxanh.jpg

Nhà hàng Trường Sa Lớn với một màu xanh ngát:
https://img148.imageshack.us/img148/3035/2nhahangts.jpg

Dưới tán cây bàng vuông:

Quả bàng vuông, em mượn được quả bàng này của một em rất nổi tiếng đến nỗi nói cái ai cũng biết em ấy là ai ... nên em không cần phải nói nữa. Nhưng mà quả thật là được quả bàng vuông khô như thế này không phải là đơn giản. Em pót 2 cái cái thứ nhất để thấy quả nó to thế nào (so với tay em) cái thứ hai để thấy nó vuông thế nào:
https://img89.imageshack.us/img89/9600/4bangvuong1.jpg

https://img89.imageshack.us/img89/3963/5bangvuong2.jpg

Đây là cây tra các bác em, như trong bài em đã viết về cây này đấy ạ. Ăn gỏi trên đảo là có lá non của cây này, em liên tưởng mà ăn nem tai (Bà Hồng chẳng hạn) có lá non này thì tuyệt:
https://img89.imageshack.us/img89/9131/6tra.jpg

Đây là trùm quả tra non và trong bài em viết rằng ngoài này gọi là "nho Trường Sa". Chỉ còn quả xanh vì mấy quả chín em lỡ ăn hết mất rồi:
https://img89.imageshack.us/img89/8060/7quatraxanh.jpg

VietGaz
12-05-2009, 16:47
Đây là bàng ta này, hai hàng bàng ta trên lối vào đảo cũng đẹp lắm các bác ạ. Em có chụp nhưng mà đang để chỗ nào ấy, hôm nào tìm thấy em pót sau:
https://img89.imageshack.us/img89/4427/8bangta.jpg

Đây là bão táp này, mùa bão cây này sẽ bị táp và rụng hết lá (em nghe chiến sỹ kể thế các bác ạ). Em cũng đã đi xem thì đúng là vùng rìa đảo chỉ còn cành khô thôi:
https://img89.imageshack.us/img89/1700/9baotap.jpg

Đây là gốc nhàu khá lớn cạnh mấy cây đu đủ độ này ít quả này:
https://img9.imageshack.us/img9/968/10nhaududu.jpg

Đây là gốc cây phong ba cổ thụ nhất trên đảo Trường Sa Lớn này. Các bác thông cảm vì lý do an toàn nên em không thể chụp thấp xuống dưới thân cây được. Nhưng mà đúng là cây phong ba này như một cây thế tuyệt đẹp:
https://img9.imageshack.us/img9/9105/11phongbagia.jpg

Một dải dọc đường băng này cũng được chia ra làm rất nhiều đoạn cây khác nhau. Đây là đoạn toàn bão táp này (hình như có cả mù u nữa):
https://img9.imageshack.us/img9/6905/12toanbaotap.jpg

Nhưng tiếp nối theo đoạn ấy sang đoạn này lại toàn là tra này:
https://img9.imageshack.us/img9/6546/13toantra.jpg

Và cuối cùng là những vạt muống biển nằm trên nền ... san hô và vỏ sò ốc trắng muốt, đẹp tuyệt với cho cái nền muống xanh tươi:
https://img9.imageshack.us/img9/9052/14muongbien.jpg

Tạm thời thế đã, mong các bác vẫn còn hào hứng để đón tiếp phần sau của em nhé!

vaputin
12-05-2009, 20:39
Mình hứng thú với ảnh cây cỏ của bác lắm vì các ảnh về thủy hải sản TS mình có nhiều rồi nhưng ảnh chim và cây cỏ TS thì không được bao nhiêu.
Trong quyển Một thủa của PHẠM ĐÌNH TRỌNG có viết:" Trường Sa là nơi duy nhất trên đất nước ta có ba loài cây lạ: cây sâm đất, cây bàng quả vuông và cây phong ba". Các bạn thường chỉ chú ý bàng vuông và phong ba mà hay quên sâm đất. Hy vọng lần này bác có ảnh sâm đất. Nếu không thì lần sau nhớ chụp vài kiểu. Còn một cây nữa gọi là cà phê dại, mình cũng chưa thấy ảnh bao giờ.

Về cây nhàu (noni) và cây tra thì rất phổ biến ở miền Nam. Các bạn cẩn thận là cây nhàu đang được lăng xê lên như một loại thần dược. Ba xạo đó. Cây nhàu xưa nay mọc hoang, rễ làm thuốc nam, quả thì thời trước dùng để giặt quần áo ở nơi nào không có xà phòng, sau này thấy bà con xắt mỏng phơi khô nấu nước uống cho mát, chả phải là dược liệu quý giá gì đâu. Cây tra và rau muống biển thì mọc nhiều dọc bờ biển chổ có bãi cát. Tra đang mùa ra hoa kết quả, trái chín tim tím ăn ngọt ngọt nhưng trẻ con bây giờ có nhiều thứ để ăn nên quả tra chín và rau muống biển là món khoái khẩu của thỏ rồi sau đến lợn. Bò thì không thích ăn rau muống biển vì mùi vị của nó hăng. Có một số nơi nấu lẩu cá mập kèm rau muống biển nhưng mình chưa ăn qua bao giờ, Bạn nào thử rồi cho biết cảm tưởng nha

vaputin
12-05-2009, 20:59
Trồng cây ở TS vất vả gấp chục lần ở đất liền.
Để có được màu xanh như ngày hôm nay không phải là chuyện đơn giản bởi đặc điểm thổ nhưỡng nơi đây chủ yếu là cát và san hô, do quá trình san hô liên kết nên phần phía dưới lớp cát có lớp san hô này rất rắn, cứng, không khác gì đá. Chính vì vậy, để trồng được cây phải cần đến hai hoặc ba chiến sỹ khỏe mạnh dùng đến xà beng và búa tạ đào rồi bẩy từng tảng san hô lên. Lấy hết phần cứng của san hô ra, để cho hố sâu được khoảng 1 mét sau đó dùng số đất màu mang từ đất liền ra và chất mùn để tạo phân cho cây tươi tốt. Tuy nhiên, quá trình để tạo một chiếc hố để có thể trồng được một cây xanh trên đảo Trường Sa cũng phải mất từ 20 đến 30 ngày. Cũng có nhiều trường hợp, mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ các khâu đào hố, trồng cây, bón phân nhưng nhiều cây vẫn không thể nảy chồi do không chịu được cái thời tiết khắc nghiệt của những tháng cuối năm và đầu năm tại Trường Sa.

Bạn Vietgaz chắc có lưu ý là cây trên đảo thường được trồng nhiều lớp như lớp ngoài cùng là rau muống biển, cỏ chông xong đến tra, phong ba bảo táp, rồi đến bàng, dương. Cây ăn quả thường được trồng ở trung tâm đảo. Lý do là ngoài bão tố thì gió biển cũng diệt cây không kém.

Đã nghèo còn mắc cái eo. Mỗi năm đều dính vài trận bão thì cầy đi đằng cây đảo đi đằng đảo. Tuy vậy vẫn phải trồng cây vì đó là nhiệm vụ.

VietGaz
12-05-2009, 22:16
THỊ TRẤN KHÔNG XE MÁY

Thực tế thì thị trấn không chỉ không có xe máy mà còn không có bất kỳ phương tiện giao thông nào khác: không ô tô, không xe đạp và lẽ dĩ nhiên sẽ không có sự ôm nhiễm khói bụi nào do các phương tiện giao thông gây ra. Chủ tịch thị trấn Trường Sa nói đùa với chúng tôi “Thị trấn của chúng tôi có karaoke nhưng không có quán cà phê và chắc chắn là thị trấn duy nhất trong cả nước không có xe máy và không có cảnh sát giao thông”. Gần một tuần sống trên đảo, tôi không còn phải nghe thấy bất kỳ tiếng “bim bim” nào nữa, không còn cảm giác lo sợ và căng thẳng mỗi khi dắt xe máy ra khỏi nhà vào buổi sáng để đi làm và dắt xe máy ra khỏi cổng cơ quan để đi về. Không còn cảnh nườm nượp người và xe cùng nhau chen lấn vội vàng để lao về phía trước, như lo sợ nếu không đi cho nhanh thì con đường sẽ biến mất ngay trước mắt. Cách di chuyển duy nhất ở trên đảo là đi bộ, nhưng chắc chắn bạn sẽ thích khi được đi bộ ở đây. Giữa trưa, mặt trời như thiêu đốt những vẫn không đủ sức xuyên qua các tán cây để đốt nóng những con đường bê tông chạy vòng quanh đảo, có vẻ như trên cao càng nóng thì những con đường nằm dưới những tán cây càng mát hơn và có thể yên tâm chân trần đi bộ quanh khắp đảo mà không sợ bàn chân bị phồng vì nóng. Khi đã quá mệt mỏi với phố phường, chỉ cần vắng bóng xe cộ thôi bạn đã cảm thấy mình đang ở trên thiên đường rồi.

Ngày mai em lại phải đi công tác mất rồi, không biết có xong sớm không nữa, đang máu.

VietGaz
12-05-2009, 23:00
Bạn gà này vui vẻ dẫn hai bạn gà khác đi kiếm ăn ngay cạnh đường băng:
https://img17.imageshack.us/img17/4753/binhyen1.jpg

Em thấy Trường Sa Lớn có vẻ ít chim, đi làm mấy ngày mí thấy hai em này:
https://img10.imageshack.us/img10/4914/binhyen2l.jpg

Lại mấy bạn gà em gặp trên đường đi tìm dây cáp này:
https://img136.imageshack.us/img136/1463/binhyen3.jpg

Em đố các bác biết em chụp cái gì? Em chắc là cũng sẽ có nhiều bác đoán được ra. Có lẽ cũng có nhiều nhà báo, anh em săn ảnh đến Trường Sa nhưng không biết có bác nào lọ mọ như em không nữa??? Lúc đi làm thì thôi chứ rảnh là em chui rúc khắp nơi. Các bác có thích cái này không?
https://img136.imageshack.us/img136/4672/binhyen4.jpg

Em chỉ biết chụp ảnh theo cảm hứng rồi tự khen lấy là đẹp, nếu có bác nào khó chịu thì bỏ quá cho em nhé. Cái ảnh này em cũng thích lắm đây này:
https://img91.imageshack.us/img91/3707/binhyen5.jpg

Hôm trước em đã đề cập đến cái quạt trên giường em, hôm nay em pót tiếp cái quạt bên giường bạn em và cái quạt "song quạt hợp bích" của em lúc chạy nó dư thế nào nhá:
https://img18.imageshack.us/img18/5748/quatbaneme.jpg

https://img512.imageshack.us/img512/7596/quatem.jpg

vaputin
12-05-2009, 23:47
Em đố các bác biết em chụp cái gì? Em chắc là cũng sẽ có nhiều bác đoán được ra. Có lẽ cũng có nhiều nhà báo, anh em săn ảnh đến Trường Sa nhưng không biết có bác nào lọ mọ như em không nữa??? Lúc đi làm thì thôi chứ rảnh là em chui rúc khắp nơi. Các bác có thích cái này không?
https://img136.imageshack.us/img136/4672/binhyen4.jpg




Có một tấm ảnh xuất hiện gần đây trên mạng nhưng ở góc độ khác tấm trên một tí

http://www.panoramio.com/photos/original/21288909.jpg

Tuy nhiên xét về mọi yếu tố trên ảnh thì chắc cùng một tác giả:)

Cái quả cầu này xuất hiện gần đây cùng với trạm định vị GPS mới xây bên cạnh trạm KTTV nên mình đoán nó là một vật trang trí để kỹ niệm sự ra đời của trạm GPS này, Hoặc một thiết bị gì đó liên quan đến GPS.

Ảnh bác chụp như thế là pro rồi, trong đó có nhiều ảnh độc như ảnh chiếc HQ-376 lần đầu tiên xuất hiện trên mạng đó, GPS này cũng thế.

raklei
13-05-2009, 09:20
Đấy là cái đo số ngày nắng đặt trong các trạm khí tượng

https://visual.merriam-webster.com/images/earth/meteorology/meteorological-measuring-instruments/measure-sunshine.jpg

vaputin
13-05-2009, 16:47
Đấy là cái đo số ngày nắng đặt trong các trạm khí tượng



Cái này có nguyên lý hoạt động thế nào vậy bạn?

anhminh
13-05-2009, 17:43
tớ nghĩ là mặt trời sẽ đốt nóng cái tấm "phim" ở dưới. Dựa trên cái phim đấy (có chia vạch sẵn theo ngày thì người ta sẽ tính được số giờ nắng.
Nhưng mà chúng ta đang lạc đề đấy.

VietGaz
13-05-2009, 18:27
Đúng rồi ạ! Cái này em chụp trong vường khí tượng của đảo Trường Sa. Xin lỗi các bác tự em làm lạc đề. Em đã xong việc tối nay có thể tiếp chuyện các bác được rồi!

rongden
13-05-2009, 22:37
HQ-17 của bác Rồng
http://i177.photobucket.com/albums/w223/Antiship/PetyaHQ-17.jpg
Chiếc này mới được tân trang, bác xem có gì mới không?
Cám ơn bác Vaputin, vẫn không có gì thay đổi bác ạh, chỉ có nước sơn là mới hơn thôi, những con tàu này cứ 2 năm lại lên xưởng Ba son sửa chữa một lần, 1 lần lên đốc cũng khoảng 1 năn các bác ạ. Em đã sống trên con tàu này gần ba năm, Trên tàu có 2 ụ pháo 76 ly, em đã có dịp được đi bắn trong các đợt diễn tập, còn các bác thấy sau gần đuôi tàu có 2 ụ mà che tấm bạt đó là ngư lôi săn ngầm có đầu tự dẫn, em cũng không chắc là có còn sử dụng được hay không nữa, Trên boong lửng gần trước mũi tàu có 2 cục tròn đó là 2 giàn phóng RBU đối hải. Biên chế của tàu nếu đầy đủ khoảng 120 người nhưng khi về đến HQVN thì một số tính năng không còn sử dụng được nên giảm biên chế còn khoảng 60-80 người. Tàu có lượng giãn nước 1000 tấn, tốc dộ trung bình khoảng 30 hải lý/h, khi sử dụng động cơ tuốcbin thì 42 hải lý/h nhưng ít khi sử dụng vì rất tốn nhiên liệu trừ những lúc diễn tập, một lần đi tuần tra từ 20 ngày đến 1 tháng. Nhìn con tàu to thế chứ cái vô lăng lái của nó chỉ bằng cái vòng đeo tay của mấy chị em hay đeo thôi các bác ạh, thôi sơ qua vài dòng giới thiệu con tàu, hen các bác hôm sau nhé.

VietGaz
14-05-2009, 09:12
“CÚN” Ở TRƯỜNG SA

Theo tàu chúng tôi ra Trường Sa là hai chú cún cưng xinh xắn, một vàng một đen. Có lẽ hai chú cún và cây đa đỏ là những bạn được đưa lên trên tàu vào những phút cuối cùng. Tôi không quan tâm lắm đến cây đa đỏ, nhưng hai chú cún con thì cuốn hút tôi ngay từ khi chúng lên tàu không qua đường cầu thang. Khi HQ19 bắt đầu cuốn dây neo, chiếc xe máy đỗ xịch ngay mạn, cậu thanh niên ngồi trước nhanh nhẹn nhảy qua mạn lên tàu, cậu ngồi sau cắp mỗi bên nách một chú cún con. Hai chú cún được đưa qua mạn lên tàu, sau khi đón từ tay người trên bờ, cậu thanh niên cho hai chú cún chào tàu, cả hai chú được thả xuống nắp hầm hàng, bỡ ngỡ với địa điểm mới hai chú cún gần như nằm phủ phục trên nắp bong, không dám đứng thẳng người lên nữa. Nhưng cũng chỉ năm phút, hai chú cún đã được thuỷ thủ trên tàu HQ19 mang đi “cất”. Sáng hôm sau tôi thứ dạy từ lúc 4 giờ 30 sau khi đi hai ca hàng hải cùng những thuỷ thủ mới quen trên buồng lái. Tôi dạy thật sớm với ý định chụp được cảnh bình mình trên biển, nhưng thật đáng tiếc trời nhiều mây đến mức mặt trời chỉ kịp ló ra có vài phút rồi lại mất dạng. Đứng trên buồng lái nhìn xuống đuôi tàu, chỗ có một chuồng ngan vịt và khu trồng rau, tôi giật mình khi thấy hai chú cún con thản nhiên chạy đuổi nhau ngay gần lan can tàu chỉ được sử dụng để đỡ ... người. Tôi rời buồng lái, xuống tầng dưới để thăm mấy chú cún tôi gặp lúc lên tàu hôm trước, thật ngạc nhiên vì các thuỷ thủ không hề nhốt hai chú nhóc này vào đâu cả, chúng có một cái ổ con con làm bằng thùng giấy. Thấy có người đi ra hai chú cún lại nhanh chân chạy tót vào nhà của mình. Tôi nép vào sau cánh cửa buồng máy, đợi một chút thấy không có người qua lại hai chú nhóc lại phi ra sàn tàu đùa rỡn, cảm giác lạ lẫm sợ sệt và run rảy lúc lên tàu đã biến mất hoàn toàn. Hầu hết những chú cún bắt đầu làm quen với cuộc sống mới giữa biển khơi của mình như vậy đó.

Hôm tàu HQ19 cập cảng, hai chú cún được thả ngay trên cầu cảng, chú màu đen vẫn rất nhanh nhẹn, có chú màu vàng chắc hơi bị say sóng một chút, sau vài phút đứng dưới cầu cảng, cả hai chú được đặt lên thùng xe ba gác cùng với đồ đạc để vào đảo. Khi đến khu nhà cột mốc chủ quyền, hai chú cún con được các bạn cún lớn trên đảo đón tiếp ngay, chúng đứng nhìn nhau vừa quấn quít vừa lạ lùng.

Đã từng nghe kể nhưng lần này tôi được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai động tác và tên của những chú cún trên đảo Trường Sa. Ban ngày chúng khá hiền lành, thường sẽ không nghe thấy tiếng chúng sủa ngoại trừ khi những người lạ đi lại là ... phụ nữ, chắc có lẽ sự xuất hiện hiếm hoi của phụ nữ ở nơi này gây cho chúng sự ngạc nhiên mặc dù những chú cún này đều được đặt bằng những cái tên khá là mỹ miều như “Hương”, “Hoa” ... tôi hỏi một chiến sỹ tại sao chúng lại có những cái tên hay như vậy, cậu lính cười bảo “Bọn em ngoài này ít được gặp phụ nữ, nên những chị em nào tên đẹp và dễ thường ra thăm đảo và để lại nhiều tình cảm nơi đảo xa, bọn em sẽ lấy tên đặt cho những chú cún này, mỗi khi nhắc tên cũng thấy ấm áp”. Trong bữa ăn, những chú cún này có cách đòi ăn khá ngộ nghĩnh và dễ thương chúng luôn đứng gần với ghế của khách và ngẩng mặt chờ đợi, nếu đợi một lúc mà không thấy được khách nhìn hay có được thức ăn, chúng sẽ dụi đầu vào chân khách, lấy chân trước kéo nhẹ vào tay những vị khách ra thăm đảo để nhắc nhở về sự chờ đợi đồ ăn đã lâu, thật đáng yêu. Nếu bạn là người cho một chú cún ăn một lần, chú ta sẽ đứng đợi lần tiếp theo và các chú cún khác cũng kéo đến đứng đợi ăn, nhưng nếu đợi và nhắc nhở không có kết quả, những chú cún lại lần lượt đi tìm những vị khách mời “hảo tâm” khác.

Buổi tối, đối với những người đã ở trên đảo lâu những chú cún này không để ý tới việc di chuyển của họ, nhưng đối với chúng tôi những người mới ra thăm đảo, nhất cử nhất động của chúng tôi khi ra khỏi khu nhà ở chắc chắn là được theo dõi bởi những chú cún này, chỉ cần chúng tôi đi khỏi khu nhà hay đi vào những con đường tối là ngay lập tức có tiếng chúng sủa, đặc biệt ngay sau khi có tiếng sủa đầu tiên sẽ là tiếng sủa râm ran cả một góc đảo báo hiệu sự di chuyển của người lạ mặt trên đảo. Các chiến sỹ trên đảo vẫn nói rằng “Chúng là những người bạn, người lính gác tin cậy ở Trường Sa. Không ai có thể qua mặt được chúng”. Còn bạn nếu không tin, hãy một lần ra với Trường Sa để gặp những chú cún thử xem.

vaputin
14-05-2009, 21:26
Vấn đề chó sủa phụ nữ trên đảo TS theo các nhà khuyển học là do...mùi lạ. Chị em đến thường với mùi nước hoa, son phấn và đàn chó quanh năm sống quen với mùi lính cảm thấy bất an khi đánh hơi được các mùi này.

VietGaz
15-05-2009, 08:44
Vấn đề chó sủa phụ nữ trên đảo TS theo các nhà khuyển học là do...mùi lạ. Chị em đến thường với mùi nước hoa, son phấn và đàn chó quanh năm sống quen với mùi lính cảm thấy bất an khi đánh hơi được các mùi này.

Em cũng nghĩ thế, chắc các bạn cúng không quen được mùi hương phấn. Hôm đoàn em ra có mấy cô văn công mặc quần áo "phản quang óng ánh" làm các bạn cún mỏi rã rời các bác ạ.

VietGaz
15-05-2009, 09:22
Xin phép bác MOD và bác MIN cùng toàn thể các bác kính mến đang theo dõi topic, và cùng em bổ sung thông tin giúp tất cả mọi người quan tâm có cái nhìn gần gũi hơn với Trường Sa. Hôm qua em có một chuyến công tác xuống Hải Phòng, em cũng đã có buổi nói chuyện khá là thân tình với một số đồng chí cán bộ. Đồng thời theo dõi topic của bạn Chauha, em thấy có rất nhiều bạn muốn gửi sách báo truyện ra Trường Sa.

Thỉnh MOD, MIN và các Phượt gia em xin có ý kiến (sau khi đã tham khảo ý kiến chính thống): Em muốn chúng ta (có thể em là người khởi động) sẽ tổ chức góp sách, báo, tài liệu một cách nghiêm túc để gửi ra Trường Sa xây dựng tủ sách ngoài đó. Em cũng biết rằng có nhiều nơi trên đất nước chúng ta cũng còn vô cùng khó khăn và thiếu thốn chứ không riêng gì Trường Sa, nhưng nói gì thì nói ở những nơi thiếu thốn này vẫn còn là đất liền, ngoài kia là biển khơi là bão tố, là đối diện với những cái chỉ nghĩ đến thôi chúng ta cũng đã không muốn nghĩ tiếp rồi. Nếu tất cả các bác vỗ tay ủng hộ, em sẽ lập một topic riêng về chủ đề này và kêu gọi cá nhân tổ chức cùng chung tay. Tạm thời em xin phép được đề xuất phương án:

1. Ngoài đảo chủ yếu là sách tài liệu chính trị. Hôm rồi có cán bộ lớn của Hải Quân cũng đã đề cập đến việc nhiều sách báo tài liệu chính trị ---> Vậy Phượt bỏ qua tài liệu này không góp nữa.

2. Ngoài đảo ít sách văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài của Việt Nam và tất nhiên là của cả thế giới ---> Phượt Gia sẽ tập trung vào mảng này.

3. Các chiến sỹ ngoài đảo cũng rất muốn được trang bị cho mình một kiến thức chuyên môn nào đó (tìm hiểu về động cơ, sửa chữa xe máy xe đạp, máy nổ, máy bay, tàu chiến, tàu hàng ....). Nhưng tuyệt nhiên ngoài đảo không có những cuốn sách về khoa học kỹ thuật dạng này, hướng dẫn dạy nghề ... ---> Nếu Phượt Gia làm tốt phần này sẽ là điều mà chưa ai làm được. Chiến sỹ có rất nhiều tài lẻ, ví như cậu em vác AK mà hôm nào em pót ảnh, cậu ấy nhảy hip-hop trong chương trình CHÚNG TÔI LÀ CHIẾN SỸ quay ở Trường Sa thì mấy bạn hip hopper trên đất liền chắc tắt điện. Vậy chúng ta nên đầu tư vào mảng này sách khoa học kỹ thuật.

4. Các loại tạp chí hay ho trong và ngoài nước có chủ đề thiết thực với chiến sỹ ngoài Trường Sa là hay nhất.

5. Nếu các bác vỗ tay ủng hộ, em sẽ ra ngoài lập một topic riêng với những chỉ dẫn cụ thể. Em cũng sẽ muốn vài bác cùng em leading vụ này và cũng sẽ cố gắng để một ngày không xa những gì chúng ta góp được sẽ có mặt tại Trường Sa với những thùng hàng có gắn logo PHƯỢT. Có thể em không quen biết nhiều, quan hệ rộng bằng các bác ở trên 4rum này, nhưng sẽ cố gắng hết sức để có được một vài điều mà biết đâu anh em đang hằng mơ ước.

Kính các Phượt Gia và rất mong có ý kiến phản hồi để em mở topic mới! Em cũng là thằng cẩn thận nên chỉ muốn làm khi khả năng thành công là 50+1 thôi, mong các bác thông cảm khi thấy những dòng này ở đây.

CVN
15-05-2009, 09:52
Nhà cháu tán thành đề xuất của bác. Bác cứ mở topic mới đi, nhà cháu tin là các bạn Phượt sẽ ủng hộ sáng kiến này!

greenline
15-05-2009, 10:28
Kính các Phượt Gia và rất mong có ý kiến phản hồi để em mở topic mới! Em cũng là thằng cẩn thận nên chỉ muốn làm khi khả năng thành công là 50+1 thôi, mong các bác thông cảm khi thấy những dòng này ở đây.

Ngày xưa các cụ có câu: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc. Em thấy chẳng có cái gì mà tự nhiên thành công được cả, mất công mất sức tích tiểu thì mới thành đại. Vậy nên máu thì chơi đi bác, admin đã có lời ủng hộ rùi. :))

Lần sau bác có về HP thì nhắn nhe em cái. Em mời bác đi uống cafe để trả công nhờ bác chuyển sách hộ. :D

chauha
15-05-2009, 10:47
Hoàn toàn ủng hộ ý kiến của bác VietGaz, nhưng theo em, muốn làm tốt việc này, ta nên có kế hoạch làm việc cụ thể với Quân chủng Hải Quân - nơi trực tiếp tiếp nhận, phân loại quà tặng.
Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao ở ngoài đảo lại chỉ có toàn sách lý luận, chính trị, em thiết nghĩ, bên Quân đội có cả một nhà xuất bản Quân đội, không phải là họ không có sách để gửi ra đó, rồi còn nữa, các nhà xuất bản khác nữa cũng luôn sẵn sàng ủng hộ, v.v. Vậy tại sao tủ sách ngoài đảo chỉ khiêm tốn đến thế.
Em xin nêu một ví dụ cụ thể: Chuyện phủ sóng điện thoại ở đảo.
Để cho phép phủ sóng Viettel ngoài đảo cũng là cả một vấn đề mà các bác quân đội đã nghiên cứu nát óc rồi mới quyết cho bởi cái gì cũng có 2 mặt của nó : Mặt tích cực thì đương nhiên thấy rõ rồi, tạo cho anh em chiến sĩ cảm thấy gần gũi với đất liền hơn, có thể trực tiếp trò chuyện hàng ngày với người thân, rút bớt khoảng cách xa nhớ. Nhưng đôi khi cũng lại là phản tác dụng, làm cho tinh thần chiến sĩ ít nhiều xáo động, đơn cử như : chuyện hàng ngày ở nhà vợ con ốm đau thế nào, bố mẹ khỏe yếu ra sao, rồi bố mẹ mất mà không được về chịu tang, v.v. đã tác động không ít đến tinh thần rèn luyện và ý chí chiến đấu của các chiến sĩ v.v.
Chúng ta chỉ nhìn sự việc dưới góc độ của dân sự nên đôi khi không đúng với chủ trương của các bác quân sự.
Vậy theo em ta nên nghiên cứu kỹ thể loại sách gửi ra đó để tránh lãng phí và có hiệu quả sử dụng thực tế nhất. Có thể các sách về kỹ thuật phù hợp ạ.

VietGaz
15-05-2009, 13:37
Hoàn toàn ủng hộ ý kiến của bác VietGaz, nhưng theo em, muốn làm tốt việc này, ta nên có kế hoạch làm việc cụ thể với Quân chủng Hải Quân - nơi trực tiếp tiếp nhận, phân loại quà tặng.

Rất cảm ơn bạn chauha, hôm trước mình đi HP cũng rẽ qua cơ quan là vì việc đó. Mình đã được giới thiệu với người phụ trách và hẹn tuần sau mình sẽ gặp chính thức. Cũng nhân tiện là hôm trước có lãnh đạo HQ đã đề cập đến vấn đề này.
Mình sẽ nghiên cứu và xem xét cẩn thận để anh em mình thứ nhất là không mất công, thứ hai là đi đúng hướng và thứ ba là có thể ... thôi thì cứ phải ước mơ thôi.

vaputin
15-05-2009, 15:47
Ý hay lắm, mình cũng ủng hộ nhưng mình muốn nhắc các bạn là các đảo TS là do quân đội quản lý không phải tự do như các phần khác của đất nước. Sách thì nhà nước có không thiếu nhưng mình nghĩ rằng sách đem ra đảo chắc có sự kiểm duyệt theo tinh thần của quân đội. Ngay cả mấy cuốn ebook mình soạn mình cũng cứ in ra rồi gửi nhưng mình không chắc là ngoài đó nhận được.

Tiện góp ý bác VietGaz về các chủng loại sách

1-OK thôi khỏi. (món này ngấy lắm)
2-Các sách về TS như các tiểu thuyết, ký, tài liệu về lịch sử TS-HS phải đưa lên hàng đầu. Các tiểu thuyết khác thì không biết loại nào được duyệt loại nào không nhưng văn học cổ điển thì chắc được. Bác VietGaz khi làm việc với bên HQ phải hỏi cho rõ loại nào OK.
3-Sách dạy nghề nên cung cấp theo dạng "on demand" chứ gửi chung chung thì khó
Phần lớn các sách có thể tìm trên mạng. Chỉ cần Phượt gia ta quyên góp tiền in ra rồi gửi đi thôi.

hd128
15-05-2009, 19:51
Tôi cũng xin góp một tay, các phượt gia cứ thông báo, xin ủng hộ điều tâm đắc nhất.

hoaxoantrang
16-05-2009, 09:17
Nhà cháu rụt rè giơ tay ủng hộ các bác ạ !...

VietGaz
16-05-2009, 18:37
Ý hay lắm, mình cũng ủng hộ nhưng mình muốn nhắc các bạn là các đảo TS là do quân đội quản lý không phải tự do như các phần khác của đất nước. Sách thì nhà nước có không thiếu nhưng mình nghĩ rằng sách đem ra đảo chắc có sự kiểm duyệt theo tinh thần của quân đội. Ngay cả mấy cuốn ebook mình soạn mình cũng cứ in ra rồi gửi nhưng mình không chắc là ngoài đó nhận được.

Tiện góp ý bác VietGaz về các chủng loại sách

1-OK thôi khỏi. (món này ngấy lắm)
2-Các sách về TS như các tiểu thuyết, ký, tài liệu về lịch sử TS-HS phải đưa lên hàng đầu. Các tiểu thuyết khác thì không biết loại nào được duyệt loại nào không nhưng văn học cổ điển thì chắc được. Bác VietGaz khi làm việc với bên HQ phải hỏi cho rõ loại nào OK.
3-Sách dạy nghề nên cung cấp theo dạng "on demand" chứ gửi chung chung thì khó
Phần lớn các sách có thể tìm trên mạng. Chỉ cần Phượt gia ta quyên góp tiền in ra rồi gửi đi thôi.

Lĩnh hội ý kiến bác, rất nhiều các bác ủng hộ thế này là hay lắm rồi. Tuần sau em đã hẹn đước bác Chính trị gia bên ấy, em sẽ nhờ bác ấy tư vấn cụ tỉ như thế nào. Em sẽ update lien tục vì tuần sau em chắc sẽ ở dưới HP cả tuần cơ.

VietGaz
16-05-2009, 18:52
ĐỔI MỚI Ở TRƯỜNG SA

Lần đầu tiên được ra với Trường Sa nhưng lại chọn viết về những đổi mới ở Trường Sa có lẽ không phải là lựa chọn hợp lý, nhưng tôi thực sự muốn viết để so sánh về những gì tôi đã được đọc trước đây và những gì tôi đã được tận mắt chứng kiến, trong chuyến đi Trường Sa đầy may mắn của mình và để sự lựa chọn của mình không quá vô lý, tôi tự đưa ra quy ước rằng những gì mới được xây dựng trên đảo sẽ được coi là sự đổi mới ở nơi đây.

Năng lượng tự nhiên - Nguồn sáng mới ở Trường Sa:
Năng lượng luôn là sự sống còn đối với bất kỳ cộng đồng dân cư nào tồn tại trên trái đất này, đó có thể là cây lá, củi khô để nấu chín thức ăn đồ uống, đó là than là điện phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Như đã nói trong bài trước, chúng tôi là những người may mắn trong rủi ro, vì không được cập cảng Trường Sa ngay khi đến đảo, chúng tôi lại có được cơ hội ngắm toàn cảnh Trường Sa về đêm. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc đảo Trường Sa hiện ra lung linh trên nền biển đêm thẫm màu, ánh sáng từ những ngọn đèn cao áp soi tỏ những tán cây xanh mướt, làm rực sáng những nếp nhà mái ngói đỏ tươi, những con đường bê tông uốn lượng quanh đảo, khu đường băng rộng thênh thang và những chiếc quạt gió phát điện đang quay miệt mài ngày đêm. Cảnh đẹp mê hồn này sẽ chẳng bao giờ chúng tôi có may mắn được ngắm nhìn thoả thích nếu chúng tôi được phép lên đảo ngay trong buổi sáng hôm đó. Sáng hôm sau khi tàu được phép cập cảng, đặt bước chân hồi hộp đầu tiên lên cầu tàu, tôi thực sự bị hút hồi bởi những cột đèn đã chiếu sáng cả đảo đêm hôm qua, những chiếc chong chóng phát điện bằng sức gió, những tấm pin mặt trời kích thước lớn lắp trên nóc nhà sáng choang dưới nắng mặt trời và một màu xanh ngát cây lá Trường Sa. Tôi có cảm giác như đây là vùng đất văn minh của một quốc gia nào đó ở Bắc Âu chứ không phải là đảo Trường Sa vẫn còn vô vàn gian khó.

Nguồn cung cấp năng lượng cho toàn đảo tới thời điểm hiện tại đến từ tự nhiên 100%, những cột đèn chiếu sáng mà chúng tôi thấy sáng rực đêm qua là những cột đèn chạy bằng năng lượng mặt trời, tấm pin mặt trời được lắp trên đỉnh cột, điện được tạo ra từ đây và nạp cho các ắc quy lắp phía dưới chân cột, đèn chiếu sáng sử dụng hàng chục các bóng nhỏ công nghệ LED ánh sáng xanh và đặc biệt sáng, ngay cả khi không có mặt trời, điện được nạp trong ắc quy cũng đủ để chiếu sáng cho ba đêm tiếp theo. Các cột đèn này hoạt động độc lập và tự động hoàn toàn, thiết bị cảm biến ánh sáng sẽ tự động điều khiển thời gian bật hay tắt. Hệ thống phân phối điện cao thế phục vụ sinh hoạt đã được hoàn tất, toàn bộ hệ thống dây dẫn đều được đi ngầm trong các hộp bê tông kỹ thuật dọc theo những con đường. Điện cao thế trên đảo được lấy từ hai nguồn, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, tổng cộng trên đảo Trường Sa có 13 chong chóng phát điện, mỗi khu nhà phát điện gió được hợp bởi 3 chóng chóng, duy nhất có một trạm phía bắc đảo có tới 4 chong chóng. Các chong chóng được thiết kế đặc biệt thích nghi với môi trường khắc nghiệt ở nơi đây, trung bình chúng có thể chịu được sức gió 12 mét/giây và khi bão đi qua với gió giật tất cả các chong chóng này đều có hệ thống tự động điều khiển cho chúng đổi sang hướng nằm ngửa như chong chóng lớn của máy bay trực thăng và ngừng hoạt động hoàn toàn để đảm bảo an toàn. Tuốc bin của những chong chóng này tạo ra nguồn điện 24V qua hệ thống nạp vào hàng chục chiếc ắc quy dung lượng lớn được lắp đặt trong trạm, nguồn điện 24V từ ắc quy sẽ được đưa qua bộ chuyển đổi để tạo ra dòng điện 220V, ngoài ra hệ thống điều khiển trong trạm còn cho phép trạm tự động “đốt” bớt nguồn điện năng dư thừa khi không có tải. Ngoài ra trên mỗi nóc trạm điện này còn được lắp đặt hàng chục mét vuông các tấm pin mặt trời, nguồn điện tạo ra từ những tấm pin mặt trời này cũng được dẫn chung vào với hệ thống xử lý nguồn tạo ra từ các chong chóng nói trên. Ngoài ra bạn còn có thể bắt gặp rất nhiều các tấm pin mặt trời đơn lẻ khác được lắp đặt ở rất nhiều khu nhà trên đảo. Khi tôi ra với Trường Sa cũng là lúc đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện những chong chóng và pin mặt trời cuối cùng để sớm bàn giao hệ thống sản xuất và cấp điện cho huyện đảo, có thể nói rằng Trường Sa đã đi sớm hơn một bước so với đất liền trong việc khai thác tối đa nguồn năng lượng tự nhiên phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển ở nơi đây.

VietGaz
16-05-2009, 18:55
ĐỔI MỚI Ở TRƯỜNG SA (TIẾP)

Dân cư - Sức sống mới của Trường Sa

Ở đâu có tiếng cười trẻ thơ thì nơi đó sự sống mới thực sự đang tồn tại. Trường Sa cũng vậy, nếu chỉ có những người lính giữ gìn đảo xa thì không thể nói rằng Trường Sa đang thực sự đổi mới. Trường Sa bây giờ đã ríu rít tiếng cười nói nô đùa của lũ trẻ, chỉ nhìn chúng chạy chơi hồn nhiên trên đảo là bao khó khăn đời thường đã bớt đi được bội phần. Trên đảo có hẳn một khu dân cư mới xây dựng với bảy căn biệt thự đẹp như như mơ, mái ngói đỏ tươi, tường rào, sân vườn thoáng đãng. Dãy biệt thự liền kề nằm giữa những lùm cây bão táp xanh tươi hướng mặt ra biển, mỗi gia đình ở đây đều có từ một đến hai cháu. Nhà văn hoá huyện đảo cũng đồng thời là trường học, trường có từ lớp mẫu giáo đến lớp 4, không gian mở và quang cảnh tự nhiên ở ngôi trường này thì hiếm có ngôi trường nào trên đất liền có thể theo kịp. Buổi chiều khi tôi đến thăm khu dân cư, tôi gặp bọn trẻ đang nô đùa vui vẻ dưới tán bàng, trên nóc lô cốt, đuổi nhau quanh những khóm bão táp xanh mướt, tất cả đều khá hòa đồng và mạnh dạn. Tôi ngồi nói chuyện, dẫn bọn trẻ đi chụp ảnh quanh khu nhà, nói chuyện với nhau như những người thân quen, tôi hỏi tất cả về việc học tập, vui chơi, về những ước mơ ngày mai. Đổi lại bọn trẻ dẫn tôi đi khoe vườn rau của gia đình, chúng say sưa kể về rau mồng tơi, mướp, ra cải, rau thơm …đang lên xanh mơn mởn. Sau đó tất cả chúng tôi kéo nhau ra phía bờ kè ngồi ngắm hoàng hôn dần buông, và những chiếc tàu đang neo tạp ở gần đảo. Tuy đã cố gắng hết mức có thể để chu tất cho bọn trẻ, nhưng dẫu sao cuộc sống nơi đây vẫn còn quá khó khăn và thiếu thốn đối với chúng, nhìn bọn trẻ nơi đây tôi chợt thấy nao lòng và thầm ước mong cuộc đời sau này sẽ luôn mỉm cười để bù đắp lại những tháng ngày thơ bé. Buổi tối hôm ấy, khi tôi ra xem biểu diễn văn nghệ dưới chân cột mốc chủ quyền, gặp lại những cô bé cậu bé buổi chiều được ba mẹ mặc những bộ quần áo đẹp hơn, chạy nhảy tung tăng trước sân khấu, hồn nhiên cổ vũ cho các ca sỹ biểu diễn trên sân khấu, tôi hỏi một em bé “lớn lên con thích làm gì?”, cười rất tươi cô bé trả lời “con thích làm ca sỹ”. Bọn trẻ ở Trường Sa như một luồng gió mới, một hình ảnh đẹp, một dấu gạch nối của tình quân dân và cũng sẽ là mục tiêu để các chiến sỹ nơi đây chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc và bảo vệ cuộc sống yên bình cho những chủ nhân tương lai.

Cơ sở hạ tầng - Nền tảng cho phát triển bền vững
Hệ thống đường giao thông trên đảo Trường Sa đã khá hoàn chỉnh. Phải nói đến trước tiên là hệ thống bờ kè chắn sóng bảo vệ đảo, toàn bộ viền ngoài của đảo được khép kín bằng kè đá bê tông, với các phiến bên tông tách sóng nằm sát dưới mặt nước, bờ kè uống cong có tác dụng triệt tiêu lực tác động của những con sóng lớn đồng thời có tác dụng hạn chế sự xâm nhập trái phép, theo bờ kè chắn sóng này tôi đã đi bộ được một vòng quanh đảo Trường Sa để ngắm những bãi đá ngầm dưới làn nước trong vắt, những dải cát trắng, những vạt rau muống biển, cây phong ba cổ thụ và những khóm bão táp. Từ bờ kè này, có thể thấy những con đường bê tông gọn gàng phẳng phiu dẫn đến từng phân đội, từng khu vực trên đảo. Hầu hết những con đường trên đảo đều rợp mát bới những tán bàng, tra và bão táp, cũng rất vô tình những tán cây xanh tốt này tạo nên những cổng vòm tuyệt đẹp ngay phía trên con đường để mỗi khi chiều xuống, đứng ở đầu này đường nhìn sang đầu kia nơi ánh sáng cuối ngày chênh chếch, bạn sẽ có cảm giác đang sắp bước vào con đường lung linh huyền diệu để đi đến miền bồng lai tiên cảnh. Ngoại trừ 2 chiếc xe công nông của bộ đội công binh sử dụng để vận chuyển nguyên vật liệu, trên đảo không có bất kỳ phương tiện giao thông nào khác, không khói, không bụi, không mùi xăng dầu, không chen lấn cướp đường, với tôi giao thông trên đảo Trường Sa là tuyệt vời nhất. Cho dù chỉ là một hòn đảo, nhưng việc hoàn thiện được cơ sở hạ tầng giao thông cũng sẽ là nền tảng cho sự phát triển ổn định của Trường Sa trong tương lai.

greenline
16-05-2009, 19:59
Xin lỗi cho tôi hỏi hình như bác VietGaz cũng chơi bên quansuvn.net? Em thấy 1, 2 tấm ảnh của bác ở bên đó nhưng @chữ ký khác. :)

Cảm ơn bác đã viết rất nhiệt tình. Bác về HP thì hú em một câu. :)

VietGaz
16-05-2009, 20:29
Xin lỗi cho tôi hỏi hình như bác VietGaz cũng chơi bên quansuvn.net? Em thấy 1, 2 tấm ảnh của bác ở bên đó nhưng @chữ ký khác. :)
Cảm ơn bác đã viết rất nhiệt tình. Bác về HP thì hú em một câu. :)

Em không chơi bên đó. Ảnh em mà đẹp đến nỗi các bạn mang đi chơi thế thì tốt quá.
Tuần sau em ở dưới kia rất khoát sẽ ới bác, để em hẹn hò cán bộ rồi em với bác đi cùng nhé. Ai mà ngờ lại được off ở Hải Phòng nhở.

nguyen
16-05-2009, 23:47
Em không chơi bên đó. Ảnh em mà đẹp đến nỗi các bạn mang đi chơi thế thì tốt quá.
Tuần sau em ở dưới kia rất khoát sẽ ới bác, để em hẹn hò cán bộ rồi em với bác đi cùng nhé. Ai mà ngờ lại được off ở Hải Phòng nhở.

Tuần sau là hôm nào đấy các đồng chí :D :D em xem có về HP đc ko nào ?

hd128
17-05-2009, 07:45
Tks Mr Nguyễn, chữ ký rất hay!

greenline
17-05-2009, 11:30
Tuần sau là hôm nào đấy các đồng chí :D :D em xem có về HP đc ko nào ?

Ơ ơ, thấy nhậu nhẹt là có mặt lão nguyen liền. :LL Tuần sau em hơi kẹt buổi tối chút nhưng các bác cứ hô là có em. Hôm lào nà hôm lào thì phụ thuộc vào bác VietGaz rồi. :D

@VietGaz: Bài trên bác trích lại bài của em buồn cười quá. :))

VietGaz
17-05-2009, 19:56
@VietGaz: Bài trên bác trích lại bài của em buồn cười quá. :))
Ơ kìa bay đâu mất chữ Cảm nhở! Trình độ I tờ của em lởm khởm quá! Sozy bác em!

VietGaz
17-05-2009, 20:51
Thông tin liên lạc, an toàn hàng hải - Khẳng định chủ quyền
Cuộc sống ở Trường Sa như gần với đất liền hơn rất nhiều bởi bạn có thể sử dụng điện thoại di động phủ sóng của Viettel ngay trên đảo. Tuy số lượng cuộc gọi tại mỗi thời điểm còn bị hạn chế, nên việc “nấu cháo” như trên đất liền không thể thực hiện được, mỗi khi có nhiều đoàn công tác cùng lúc ra với đảo, việc kết nối được với đất liền để thoại khá khó khăn, với tôi lựa chọn luôn là những cuộc gọi vào buổi đêm hoặc nhắn tin thì yên tâm là hệ thống hoạt động gần với chế độ thời gian thực. Như vậy cũng đã là một bước tiến dài trong việc đưa đảo gần về với đất liền hơn rồi, hầu như mọi chiến sỹ trên đảo đều sử dụng điện thoại di động, họ luôn có được thông tin từ gia đình, bạn bè ở đất liền hàng ngày, điều mà trước đây chỉ có được qua những cánh thư và thư cũng phải đợi để có những chuyến tàu công tác mới có thể chuyển ra đảo được, nhiều khi những chuyện đã rồi đến cả hàng tháng thì những người trên đảo mới nhận được tin tức. Với Internet hiện còn khó khăn hơn nữa, khả năng kết nối thành công rất thấp bởi băng thông hạn chế nên Internet vẫn còn là hàng “xa xỉ” ở Trường Sa. Hy vọng rằng với việc đưa vào khai thác vệ tinh VINASAT I, cơ hội mở rộng băng thông tăng cường dung lượng cuộc gọi và các dịch vụ gia tăng sẽ được các Bộ, Ban ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, khi đó trên đảo chắc hẳn sẽ có các lớp đào tạo về công nghệ thông tin, máy tính văn phòng cho chiến sỹ và người dân nơi đây để khi hết nghĩa vụ quay về với đất liền những người lính đảo cũng đã có sẵn hành trang và những kỹ năng để hoà nhập với cuộc sống và công việc nơi đất liền. Ngoài ra trên đảo hiện cũng đang tiến hành xây dựng hải đăng Trường Sa và trạm phát tín hiệu hiệu chỉnh tín hiệu định vị vệ tinh DGPS MSK phục vụ cho dẫn đường hàng hải theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng hải Quốc tế IMO và Công ước An toàn sinh mạng con người trên biển SOLAS, như vậy tàu bè qua lại nơi đây sẽ được đảm bảo bởi thông tin và cơ sở hạ tầng an toàn hàng hải của Việt Nam.

Hàng không dân dụng - Không xa đâu Trường Sa ơi!
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng một ngày nào đó sẽ có đường bay từ đất liền ra với Trường Sa. Hiện tại đường băng trên đảo Trường Sa đã hoàn thành xây dựng giai đoạn một và đang tiếp tục được nghiên cứu tìm giải pháp cho giai đoạn hai. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận một điều rằng những khó khăn về kinh tế, hạn chế về kỹ thuật công nghệ sẽ là những rào cản lớn trong quá trình thúc đẩy nhiệm vụ hoàn thiện sân bay ở Trường Sa và ngay cả khi nhiệm vụ xây dựng sân bay đã hoàn tất thì chủng loại máy bay phù hợp, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến bay ra với Trường Sa cũng sẽ là những nhiệm vụ không hề đơn giản. Khi có đường bay ra đảo quãng thời gian đến với Trường Sa sẽ giảm đi rất nhiều, lại một lần nữa Trường Sa tiến gần hơn về với đất liền và quan trọng hơn chúng ta cũng khẳng định được một điều rằng với lòng quyết tâm, một dân tộc có truyền thống anh hùng sẽ xây dựng lên tất cả.

Giao lưu văn hoá - Vững vàng tinh thần nơi tuyến đầu
Đời sống tinh thần của quân dân Trường Sa cũng là điểm sáng trong những năm gần đây. Mỗi năm có khá nhiều các đoàn văn công văn nghệ từ đất liền vượt nghìn trùng sóng gió mang tiếng hát, lời ca và những ấn phẩm văn hoá ra với Trường Sa. Các đoàn văn nghệ từ trung ương đến địa phương, của rất nhiều các ban ngành, của lực lượng thanh niên tình nguyện nối tiếp nhau ra Trường Sa. Mặc dù chúng tôi chỉ lưu lại đảo trong khoảng thời gian ngắn, nhưng đã có đoàn Văn công Hải quân, đoàn Đài truyền hình Việt Nam ra ghi hình trực tiếp chương trình Chúng tôi là Chiến sỹ, đoàn Chèo Hà Nội, ... biểu diễn trên đảo. Các cán bộ chiến sỹ trên đảo cũng thực sự là những cây văn nghệ có hạng, chúng tôi những vị khách từ đất liền cũng đã được xem những màn múa võ, nhảy hip-hop của lính đảo với kỹ thuật điêu luyện không kém gì những nhóm múa, nhóm nhảy chuyên nghiệp trên đất liền. Thêm vào đó tất cả các phân đội trên đảo Trường Sa đều có vô tuyến, thông tin về các sự kiện đã đang và sẽ xảy ra trong và ngoài nước, những bộ phim hay, những chương trình ca nhạc ... đều được các chiến sỹ theo dõi hàng ngày sau những giờ luyện tập. Có thể nói rằng đời sống tinh thần của chiến sỹ Trường Sa ngày càng được đáp ứng và hoàn thiện hơn.

Đoàn kết - Sức mạnh tổng hợp
Lực lượng quân sự chính quy trên đảo bao gồm đầy đủ các quân binh chủng hiện có trên đất liền, chỉ có điều khác biệt là tinh thần sẵn sàng chiến đấu ở nơi đây luôn được đặt lên trên hết. Khi chúng tôi ra với Trường Sa, ngoài lực lượng chính quy, trên đảo bây giờ còn có thêm sức mạnh của những người dân ra lập nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió, của những cán bộ trạm khí tượng hải văn Trường Sa, của những kỹ thuật viên ra thi công các công trình dân sinh trên đảo ... nếu có dịp ra nơi này, tôi cam đoan bạn sẽ bắt gặp ánh mắt thân thiện, những cái bắt tay chặt cứng, những nụ cười chan chứa tình cảm của tất cả mọi người. Ngày chúng tôi ở trên đảo Trường Sa cũng là ngày đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ động thổ xây dựng khu nhà khách Hà Nội, đoàn công tác của tỉnh Nghệ An động thổ xây dựng khu vườn và tượng tưởng niệm Bác Hồ. Có thể nói sức mạnh ở Trường Sa bây giờ là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của ý trí, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam.

Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả so với đất liền, nhưng những đổi thay đang diễn ra từng ngày từng giờ ở Trường Sa là minh chứng cho sự phát triển tất yếu ở nơi đầu sóng ngọn gió và cũng lời cam kết của đất liền luôn hướng về Trường Sa, dành tất cả cho Trường Sa vì sự phát triển và vững mạnh ở nơi đây.

HaiLePhotography
17-05-2009, 22:09
Tuyệt Vời thưa bác VietGaz, những hình ảnh của bác thật đáng quý, khi nào bác có hình em Kilo Class mong bác up ngay cho mọi người mừng nhé.

friendly
18-05-2009, 10:23
Thật hạnh phúc khi sự hiểu biết về quê hương đất nước ngày càng nhiều lên. và chẳng sung sướng nào bằng khi thực hiện được một ước mơ. Nếu được gọi tên bằng "LỮ KHÁCH GIANG HỒ" Tôi sẽ đi tất cả những nơi tôi muốn đến.
Và thật ngưỡng mộ những ai đa được trãi nghiệm tại những vùng đất xa xôi, khâm phục những người đã được cống hiến sức mình cho tổ quốc. Một chút ngưỡng mộ những ai đã đưa cái đẹp thiên liêng đến với mọi người.
Mong hoàn thiện ước mơ! Chúc các bác càng đến gần đỉnh cao mơ ươc!
Tạm biệt hẹn gạp lại

Nguyễn Tuấn Vũ
18-05-2009, 22:57
biết bao giờ em mới có phát đi như bác đây

vaputin
19-05-2009, 11:16
Hix
Cuối cùng thì mình cũng làm xong cuốn "Nhà giàn DK" . Cảm ơn sự góp ý nhiệt tình của các bạn.
Bản v1 các bạn có thể download ở đây
http://www.megaupload.com/?d=UHWJ6DRE

Mình nhờ bác VietGaz tiện hỏi giúp xem cuốn này có thể in ra gửi tặng các nhà giàn được không?

VietGaz
19-05-2009, 11:25
Hix
Cuối cùng thì mình cũng làm xong cuốn "Nhà giàn DK" . Cảm ơn sự góp ý nhiệt tình của các bạn.
Bản v1 các bạn có thể download ở đây
http://www.megaupload.com/?d=UHWJ6DRE

Mình nhờ bác VietGaz tiện hỏi giúp xem cuốn này có thể in ra gửi tặng các nhà giàn được không?

Bác đợi em mai em làm luôn.
@To Greenline đã nhận số đt, hẹn được cái mình ới luôn.

greenline
19-05-2009, 11:31
Bác đợi em mai em làm luôn.
@To Greenline đã nhận số đt, hẹn được cái mình ới luôn.

Có gì đâu bác ơi, rảnh thì đi nhậu chơi thôi. Nhân tiện em hóng chuyện TS của bác tí thôi. :D Bác nói hẹn được cái làm em không hiểu?

Stylishman
19-05-2009, 16:06
Đề xuất mở tuyến du lịch Trường Sa để người dân Việt Nam có thể ra thăm và tăng thêm nhận thức về chủ quyền biển đảo, đồng thời giúp các chiến sĩ đỡ buồn khi mỗi năm chỉ có một vài đoàn ra thăm!

Mình nghĩ mức chi phí khoảng 1 hay vài chục triệu/ người ko phải là quá cao, vấn đề ở đây là các bác nhà mình có sợ gián điệp các kiểu hay ko, nhưng nếu tổ chức tốt, quy định các đảo nào được tới, các khu vực nào được tham quan... thì chắc ko có vấn đề gì!

Vài lời chia sẻ!

VietGaz
20-05-2009, 17:34
THĂM TRƯỜNG SA - HÃY CHO TẤT CẢ MỘT CƠ HỘI

Tôi muốn nhắc lại một điều rằng: Tôi đã ôm ấp niềm mơ ước được ra thăm Trường Sa từ rất nhiều năm và cuối cùng tôi đã thực hiện được. Tôi cũng muốn chúc cho những ai có cùng mơ ước với tôi, sẽ thực hiện được ước mơ của mình vào thời điểm mà mọi việc không thể coi là quá muộn. Tại sao vậy? Với tôi câu trả lời vô cùng giản đơn, đi để cảm nhận sự thiêng liêng khi được đặt chân nên vùng đất xa nhất của Tổ quốc và để thêm yêu đất nước mình hơn.

Hãy sẵn sàng cho chuyến đi của bạn, đi Trường Sa ở thời điểm này không phải chuyến đi dễ dàng thực hiện cho tất cả mọi người. Không dễ dàng để được đi và khi được chấp nhận đi rồi sẽ lại không dễ dàng để thực hiện chuyến đi ấy, sẽ là rất nhiều vất vả phải vượt qua ở phía trước. Nếu bạn không có sức khoẻ, khi di chuyển trên đất liền bạn có thể thay ôtô bằng xe máy, thay xe máy bằng tàu hoả, thay tàu hoả bằng máy bay, thay máy bay bằng xe đạp, thay xe đạp bằng đi bộ … Nhưng để ra được Trường Sa bạn sẽ không có được sự lựa chọn và quyền thay đổi phương tiện giao thông như mình mong muốn. Nếu may mắn, bạn sẽ được đi ra đảo trên những tàu có trọng tải lớn hơn, độ ổn định cao hơn một chút mà thôi. Và nếu bạn đã có may mắn đi trên con tàu tốt hơn đó nhưng khi ra khơi, gặp phải áp thấp nhiệt đới hoặc những vùng biển có khí tượng thay đổi bất ngờ, với gió to hơn, sóng lớn hơn thì con tàu may mắn kia của bạn cũng không còn nhiều ý nghĩa lắm. Bốn mươi tám tiếng lênh đênh trên biển là bốn mươi tám tiếng để bạn cảm nhận được mình, tìm thấy một con người khác ở mình, con người dũng cảm và mạnh mẽ, con người của sự chịu đựng và can đảm. Hãy hình dung xem nếu bạn là người say sóng, bạn sẽ có cơ hội “được” say cả bốn mươi tám tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ, nếu nằm co và nhắm mắt lại bạn sẽ ổn hơn được chút ít, nhưng chỉ cần mở mắt ra thôi bạn sẽ lại nôn thốc nôn tháo nói gì tới chuyện đi lại, chạy nhảy tung tăng hay tìm kiếm những điều thú vị. Tôi đã được chứng kiến chuyện này ngay trên tàu Trường Sa 19, kíp cấp dưỡng mới gồm 5 người chỉ qua một lần biển động đã “nằm sàn” mất 3 chiến sỹ trẻ, mặc dù tàu cũng có trọng tải một nghìn tấn và được dằn đủ hàng trước lúc lên đường, như vậy cũng đủ biết rằng chỉ sóng thôi cũng là một thử thách làm bạn lớn lên rất nhiều rồi. Bạn sẽ phải làm quen với việc đi lại ngả nghiêng, tìm thế đứng thật vững vàng mỗi khi đi tắm, đi giặt hay khi đặt chân vào nhà vệ sinh, nghe tiếng động cơ tàu ồn ã, nắng nóng, bứt dứt khó chịu của gió biển mang hơi nước mặn mòi và nỗi cô đơn cả ban ngày lẫn khi màn đêm buông xuống. Có lẽ lênh đênh trên biển là sự trải nghiệm về nỗi cô đơn thấm thía nhất, sau gần mười tiếng rời khỏi quân cảng nước biển đã không còn màu xanh như tôi vẫn thường thấy mỗi lần ra biển nữa, thay vào đó là một màu xanh thăm thẳm của nước biển ở độ sâu hàng nghìn mét. Mặt biển đã bắt đầu thưa thớt bóng tàu qua lại, thi thoảng mới thấy xa xa những chiếc tàu viễn dương trọng tải cả trăm nghìn tấn, mà mỗi khi cập cảng chúng to như những con quái vật “nuốt” gần chọn cả cầu cảng, vậy mà khi ra giữa biển khơi chúng cũng chẳng hơn chiếc lá tre thả trong hồ nước là mấy. Khi màn đêm buông xuống là lúc mà sự đơn độc trên biển càng được thể hiện rõ ràng hơn, bên trái, bên phải, phía trước mũi tàu phía sau thân tàu - bốn phía đều là nước, trên đầu là bầu trời đầy mây tối đen như mực, con tàu thì quá nhỏ nhoi và mong manh trước trước những con sóng lừng đang gầm gừ tận đáy sâu đại dương.

Tôi chủ tâm viết về những khó khăn không phải để xây dựng hình ảnh hay cố gắng dựng lên một bức tường để cản bước, điều tôi muốn nói ở đây chính là việc bạn có bốn mươi tám tiếng trải nghiệm những khó khăn, gian khổ để đến khi trước mắt bạn hiện ra đảo Trường Sa Lớn tươi xanh nằm giữa đại dương mênh mông bạn mới có được cảm giác đã được đền đáp như thế nào. Với tôi đó là đó là cảm giác an toàn, ấm lại lòng mình, và quan trọng nhất là mình đã vượt qua được tất cả khó khăn để được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc. Một trải nghiệm mà chắc cả đời này tôi sẽ chẳng có dịp để tìm lại được một lần thứ hai và cũng cả cuộc đời này tôi sẽ mãi không quên được cảm giác run run khi bước qua mạn tàu để chính thức đặt chân lên đảo, hay khi nghiêm trang đứng chụp ảnh kỷ niệm dưới chân cột mốc chủ quyền. Dù gì đi chăng nữa, ra với Trường Sa cũng sẽ là cách giáo dục tốt nhất về tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc góp phần vào việc khẳng định chủ quyền quốc gia. Vậy tại sao không biến ước mơ thành hiện thực? Tại sao lại không dành cho tất cả mọi người có được một cơ hội ra thăm vùng đất chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc đã, đang và sẽ được giữ gìn bảo vệ bằng xương máu của chính chúng ta những người con dân nước Việt. Dẫu rằng đi thăm Trường Sa không phải là một chuyến đi đơn giản được thiết kế cho tất cả mọi người, nhưng một lần nữa hãy dành cho tất cả mọi người một cơ hội để biến tất cả thành những con người mạnh mẽ hơn, quả cảm hơn và biết sống, suy nghĩ và hy sinh vì Tổ Quốc.

vaputin
21-05-2009, 12:02
Bác VietGaz đi HP về chưa?
Mình mới tìm được hai bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa
Các bạn xem ở đây


http://vaputin.blogspot.com/

VietGaz
21-05-2009, 19:28
Bác VietGaz đi HP về chưa?

@To Greenline: Mấy ngày dưới ấy busy quá nên chưa có lúc nào ới anh em được. Chắc lại để tuần sau vậy.

Báo cáo các bác đang quan tâm đến tình hình sách vở gửi ra Trường Sa.
1. Về định hướng là OK.
2. Em sẽ phải làm một cái văn bản chính thức (cái này em sẽ tự viết rồi sẽ PM cho các bác thực sự quan tâm).
3. Người có trách nhiệm sẽ duyệt và cho ý kiến chỉ đạo.
4. Anh em sẽ cắt cử người để làm theo đúng tinh thần hướng dẫn.
5. Đóng gói và biết đâu một ngày đẹp trời sóng yên biển lặng.

Ngày mai em soạn giấy tờ và PM cho các bác quan tâm cùng các lãnh đạo tinh thần Min Mod.

Chitto
22-05-2009, 17:49
Bác VietGaz đi HP về chưa?
Mình mới tìm được hai bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa
Các bạn xem ở đây


http://vaputin.blogspot.com/

Bản đồ của bác tìm ra rất hay.

Tuy nhiên tôi có một điều băn khoăn, là với bản đồ đó, thì vùng đất Nam bộ của Việt Nam hiện nay, cũng như đảo Phú Quốc,..., thuộc về Vương quốc Campuchia (Roy de Camboja).

Do đó nếu sử dụng bản đồ này như là một minh chứng cho chủ quyền ở Hoàng Sa, thì cũng gián tiếp nhận chủ quyền của Campuchia trên Nam bộ và trên Phú Quốc, là điều mà một số người Campuchia đang đòi hỏi...

vaputin
22-05-2009, 22:49
Vấn đề là sự thiết lập chủ quyền của người đến sau có "hợp pháp" không bác ạ. Đất thủy Chân lạp người Khmer đến trước nhưng chính quyền trung ương của người Khmer chưa bao giờ đặt ra chính quyền về mặt hành chính hay hệ thống cai trị của vùng này như xã, quận, tỉnh... Người Việt còn đến sau người Hoa nhưng đã nhanh chóng thiết lập chính quyền. Khi Xi ha núc lên nắm quyền ông này cũng lu loa đòi lại Khmer Krom và đảo Phú quốc và một vài đảo trong vịnh Thái Lan nhưng lu loa thế thôi chứ ông này dek có cái gì mà đi kiện giống như ông đã thắng Thái lan trong vụ kiện đền Preah Vihir.

Về các đảo thì mình cũng nhắc cho bạn luôn là có lúc hầu như người Khmer không còn tí biển nào khi dâng các tỉnh Cần Bột (Cambot) Hương Úc (Kong Pong Xom) cho chúa Nguyễn, Đến thời Pháp thuộc thì tất cả các đảo trên Vinh Thái Lan (kể cả Koh Kong gần biên giới Thái Lan đều thuộc huyện Hà Tiên cho đến năm 1939 thì mới có chuyện Pháp vạch ra đường Brevie giao lại một số đảo cho Cam pu chia. Việt Nam đi đòi lại các đảo thì có lý hơn. Trong quá khứ và hiện tại người Cam pu chia chưa bao giờ là một dân tộc đi biển, họ sợ biển,,,

Còn TS và HS thì bác cũng biết ai là quân ăn cướp. Có điều quân cướp này không phải loại tầm thường, hic

Chitto
22-05-2009, 23:03
Vầng lập luận là thế, vấn đề là thế, và xứ Cam thì cũng không phải không học được nhiều từ anh láng giềng và ông cố vấn từ phương bắc.

Cho nên ta đấu tranh, nhưng cũng không nên tạo lý do cho người khác "đấu tranh" lại với ta. Cơ mà chuyện chính trị này, nói ra thì dễ, làm thì mới khó.

Thôi, không đi lạc đề nữa ạ (dù rằng không lạc đề thật là khó) !!!

vaputin
22-05-2009, 23:25
Tóm lại:
Nếu đồng ý đưa ra tòa án quốc tế: Ta thắng Cam thua. Tàu thua ta thắng :D
Vấn đề là Cam không kiện ta còn ta đòi kiện Tàu thì nó không chấp nhận ra tòa . Hai chuyện khác nhau nhưng giống nhau là ta đành pó tay với tòa án QT.

Về tranh chấp đảo với Cam thì bây giờ xong rồi sau khi ta trả pulo Vai lại cho Cam, chỉ còn phải giải quyết vùng biển lịch sử thôi mà cái này cũng rắc rối là văn bản gốc về đường Brevie không còn nên ở vùng biển lịch sử ngư dân hai nước được quyền đánh cá chung, thế mới có chuyện cướp biển (hay cảnh sát biển) Cam pu chia lâu lâu sang cướp thuyền đánh cá của ta

VietGaz
25-05-2009, 08:45
Em đang đọc cuốn viết về vụ kiện Pedra Branca của Singapore và Mãlai. Thấy cũng có nhiều điều đáng để quan tâm. Nhưng em cũng phải nói thật liệu trình nhà mình có làm được không mới là vấn đề???? Quân ta chỉ giỏi tự táng nhau thôi (thời bình) chứ còn đi táng thằng khác vào thời này, theo ngu ý em la chưa thuận lắm.

homeless man
25-05-2009, 09:41
Đây này các bác này. Đây là lúc ta phải làm hơn là nói. Các bước làm trong tương lai thì rất rõ rồi. Vấn đề là ta kiên quyểt đến mức nào thôi:help.

http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6985/index.aspx

Em cũng có được tham khảo Hồi ký của nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Việt Nam (Không tiện nêu tên) kể về việc đấu tranh với Tầu giai đoạn 1975-1997 thấy hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bác VietGaz

"Quân ta chỉ giỏi tự táng nhau thôi (thời bình) chứ còn đi táng thằng khác vào thời này, theo ngu ý em la chưa thuận lắm".

Chúng ta hy vọng hành động của chúng ta ngày hôm nay sẽ không để lại dấu ấn xấu với tổ tiên, với lịch sử như Lê Chiêu Thống đã từng làm :(.

TuyetXuan
27-05-2009, 17:29
trời ơi em ganh tị với bác quá, đọc mà cảm nhận được mùi vị và niềm vui của bác luôn

tranvuhoang2005
30-05-2009, 19:02
Có một số nơi nấu lẩu cá mập kèm rau muống biển nhưng mình chưa ăn qua bao giờ, Bạn nào thử rồi cho biết cảm tưởng nha


Bác ơi, rau muống biển ăn nhiều vào là ngộ độc dẫn đến tèo đấy.

tranvuhoang2005
30-05-2009, 19:19
Rất cảm ơn bạn chauha, hôm trước mình đi HP cũng rẽ qua cơ quan là vì việc đó. Mình đã được giới thiệu với người phụ trách và hẹn tuần sau mình sẽ gặp chính thức. Cũng nhân tiện là hôm trước có lãnh đạo HQ đã đề cập đến vấn đề này.
Mình sẽ nghiên cứu và xem xét cẩn thận để anh em mình thứ nhất là không mất công, thứ hai là đi đúng hướng và thứ ba là có thể ... thôi thì cứ phải ước mơ thôi.

Nhất trí với đề nghị của bạn. Tôi cũng xin đóng góp it nhiều cho "Tủ sách vì Trường Sa thân yêu".

vaputin
02-06-2009, 17:56
Trước đây mình không quan tâm đến TS-HS lắm nhưng vài tháng gần đây mình tham gia soạn ebook với anh em nên lúc nào rỗi là mình đọc sách về TS-HS. Sau khi làm xong cuốn DK mình nhận ra một điều là vấn đề tranh chấp TS nhà nước cần phải tìm cách giải quyết sớm vì cứ đóng băng như hiện tại thì TS, DK nói riêng và việc hiện đại hóa HQ là một gánh nặng kinh tế của Việt Nam. Không hiểu các bác trên chổ cao cao có thấy được điều này không. Tranh chấp TS, TQ tốn 1 thì mình tốn 5 nhưng nền kinh tế mình là gì so với TQ?

vaputin
02-06-2009, 18:01
Bác ơi, rau muống biển ăn nhiều vào là ngộ độc dẫn đến tèo đấy.

Hic biết là sách ghi không ăn được nhưng trên mạng bảo là có loại lẫu này nên mình tò mò không biết là ăn như thế nào? Vì rau muống biển rất dễ trồng nên nếu chế biến ăn được thì các anh ở TS có thêm rau để ăn

thanhvinh
03-02-2010, 08:16
Bạn gà này vui vẻ dẫn hai bạn gà khác đi kiếm ăn ngay cạnh đường băng:
https://img17.imageshack.us/img17/4753/binhyen1.jpg

Em thấy Trường Sa Lớn có vẻ ít chim, đi làm mấy ngày mí thấy hai em này:
https://img10.imageshack.us/img10/4914/binhyen2l.jpg

Lại mấy bạn gà em gặp trên đường đi tìm dây cáp này:
https://img136.imageshack.us/img136/1463/binhyen3.jpg

Em đố các bác biết em chụp cái gì? Em chắc là cũng sẽ có nhiều bác đoán được ra. Có lẽ cũng có nhiều nhà báo, anh em săn ảnh đến Trường Sa nhưng không biết có bác nào lọ mọ như em không nữa??? Lúc đi làm thì thôi chứ rảnh là em chui rúc khắp nơi. Các bác có thích cái này không?
https://img136.imageshack.us/img136/4672/binhyen4.jpg

Em chỉ biết chụp ảnh theo cảm hứng rồi tự khen lấy là đẹp, nếu có bác nào khó chịu thì bỏ quá cho em nhé. Cái ảnh này em cũng thích lắm đây này:
https://img91.imageshack.us/img91/3707/binhyen5.jpg

Hôm trước em đã đề cập đến cái quạt trên giường em, hôm nay em pót tiếp cái quạt bên giường bạn em và cái quạt "song quạt hợp bích" của em lúc chạy nó dư thế nào nhá:
https://img18.imageshack.us/img18/5748/quatbaneme.jpg

https://img512.imageshack.us/img512/7596/quatem.jpg
cho mình hỏi tý, cái quạt điện ở đất liền thiếu gì mà cũng có quá đắt đâu mà không trang bị cho lính TS cho tử tế nhỉ. Tôi ko nghĩ đất nước mình lại nghèo đến mức ko trang bị cho người lính đảo cái vật dụng tối thiểu

anhminh
03-02-2010, 08:22
Tớ nghĩ họ dùng mấy cái quạt kiểu đấy để dùng được điện 12V.

Binladen
08-02-2010, 15:25
Tuyệt vời...quả là một thread giá trị...Thật ngưỡng mộ và ghen tỵ với bác chủ thớt

VietGaz
13-07-2010, 10:42
Hình như em các bác lại có tên để đi Trường Sa rồi, quả này chắc em các bác ở đấy cả tháng luôn.

biendaikho
02-07-2011, 16:29
Một hành trình thật tuyệt vời! Cảm ơn bác đã chia sẻ!

tommytrananh
07-08-2011, 21:10
Cảm ơn bạn chủ thớt rất nhiều về bài viết,tôi nghỉ cả đời tôi củng chưa chắc đến được trường xa..thật may man(NO)

gin sme
16-08-2011, 12:25
Tuyệt quá, thú vị thật ^^
Cảm ơn mấy anh nhiều đã chia sẻ những thông tin thực tế như vậy.
Hì, hai tấm hình chụp ảnh bình minh đẹp quá..^^

thutrangle
17-08-2011, 17:57
Ươc mơ của mình là mong một ngày được ra Trường Sa 1 chuyến. Mà dọa này bộn bề công việc quá, trường Sa vẫn còn nằm trong kế hoạch, híc:(

meocoi
15-09-2011, 15:28
Biển Đảo quê hương thật đẹp. Bài viết thật hay và giá trị. Cảm ơn mọi người.

onlydalat
16-09-2011, 11:26
Đọc bài viết của các bác em lại nhớ đến Trường Sa nơi em đã từng sống tại đó 2 năm. Cảm ơn bác chia sẻ.

zzbutatozz
05-11-2011, 17:43
Em giơ 2 tay 2 chân ủng hộ ý tưởng quyên góp sách cho TS của bác. Bác kick-off đi, e theo

zzbutatozz
05-11-2011, 17:46
Hjx, viết xong reply rồi mới để ý topic này từ năm 2009, giờ còn vụ quyên góp sách cho TS nữa ko bác chủ thớt ơi :(

Lonely_Rebel
01-02-2012, 20:56
Hôm nay đi công tác, nằm khách sạn lang thang đọc hết bài viết của bác. Đúng là cứ ước mơ thôi bác nhỉ?. Giờ nó trở thành ước mơ của em.

Lâu không gặp, bác chắc bận việc quá?. Lúc nào bác rảnh alo, anh em ngồi uống với nhau ly rượu nhạt:)))

zzbutatozz
02-02-2012, 13:30
Hôm nay đi công tác, nằm khách sạn lang thang đọc hết bài viết của bác. Đúng là cứ ước mơ thôi bác nhỉ?. Giờ nó trở thành ước mơ của em.

Lâu không gặp, bác chắc bận việc quá?. Lúc nào bác rảnh alo, anh em ngồi uống với nhau ly rượu nhạt:)))

Cho e ké chân "châm tửu" nhá 2 đại ka :D

nguyenxuanphu
03-02-2012, 15:21
Cám ơn bác Vaputin, vẫn không có gì thay đổi bác ạh, chỉ có nước sơn là mới hơn thôi, những con tàu này cứ 2 năm lại lên xưởng Ba son sửa chữa một lần, 1 lần lên đốc cũng khoảng 1 năn các bác ạ. Em đã sống trên con tàu này gần ba năm, Trên tàu có 2 ụ pháo 76 ly, em đã có dịp được đi bắn trong các đợt diễn tập, còn các bác thấy sau gần đuôi tàu có 2 ụ mà che tấm bạt đó là ngư lôi săn ngầm có đầu tự dẫn, em cũng không chắc là có còn sử dụng được hay không nữa, Trên boong lửng gần trước mũi tàu có 2 cục tròn đó là 2 giàn phóng RBU đối hải. Biên chế của tàu nếu đầy đủ khoảng 120 người nhưng khi về đến HQVN thì một số tính năng không còn sử dụng được nên giảm biên chế còn khoảng 60-80 người. Tàu có lượng giãn nước 1000 tấn, tốc dộ trung bình khoảng 30 hải lý/h, khi sử dụng động cơ tuốcbin thì 42 hải lý/h nhưng ít khi sử dụng vì rất tốn nhiên liệu trừ những lúc diễn tập, một lần đi tuần tra từ 20 ngày đến 1 tháng. Nhìn con tàu to thế chứ cái vô lăng lái của nó chỉ bằng cái vòng đeo tay của mấy chị em hay đeo thôi các bác ạh, thôi sơ qua vài dòng giới thiệu con tàu, hen các bác hôm sau nhé.

RBU săn ngầm pác ạ !
Rocket RBU-6000 chống ngầm với 12 ống phóng mỗi dàn, sử dụng rocket cỡ 213 mm RGB-60 không điều khiển có khả năng bắn xuống mặt nước sâu từ 10-500m với tốc độ 11,5 m/s, tầm xa từ 350 – 5800 m. RBU-6000 được điều khiển bởi hệ thống Burya, ngoài nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm và tàu chiến khác, RBU-6000 còn dùng để oanh kích các mục tiêu bờ biển

hoinguyen
18-11-2013, 11:43
RỦI RO ĐẦY MAY MẮN (CUỐI)

Buổi trưa của ngày chờ đợi cập cảng là buổi liên hoan đầu tiên tất cả chúng tôi tổ chức kể từ khi bắt đầu cuộc hải trình từ Vũng Tàu. Bàn tiệc được bày ra trên bong chìa tầng hai và gầm bong chìa tầng một, một bữa tiệc thịnh soạn như trên đất liền với đủ món ngon và đặc biệt nhất là món cá vừa câu nướng. Bữa tiệc của chúng tôi bắt đầu từ 12 giờ trưa và kết thúc sau hai giờ liên tục với lời hẹn giao lưu văn nghệ giữa thuỷ thủ và khách đi tàu vào buổi tối.

Quả thật, chúng tôi là những người gặp may mắn trong rủi ro, mặt trời bắt đầu lặn ở phía tây, mặt biển phía chân trời chuyển từ màu đỏ sang tối sậm, màn đêm bắt đầu xuống thì cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được cảnh tuyệt đẹp của bầu trời đầy trăng sao, đặc biệt là mặt trăng tròn, rực sáng soi rõ những con tàu đang thả neo và những mỹ từ chỉ thấy trong sách và và tiểu thuyết như “mặt biển lóng lánh như dát bạc” hay “ánh trăng như dát bạc” ... được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, bạn hãy thử tưởng tượng một vùng trời nước bao la với những con sóng nhấp nhô được thắp sáng bởi ánh trăng lung linh kéo dài xa tít tắp, đẹp không bút nào tả xiết. Cả mười hai chiếc tàu đang buông neo đều lung linh ánh đèn, tất cả đều đẹp hơn so với ban ngày ánh sáng soi rõ cả thân tàu, cột cờ, nòng súng, ụ pháo, tháp tên lửa ... tất cả đều nhấp nhô lay động bởi những con sóng trên nền biển được dát bằng ánh trăng. Bữa tối trên trên tàu của chúng tôi bị gián đoạn bởi những tiếng nổ rát tai ngay trước mũi tàu, tất cả anh em đều buông bát đũa chạy về phía mũi tàu để “nhìn thấy” tiếng nổ, cả tôi cũng vậy, không kịp xỏ dép, tôi chạy thật nhanh ra mũi tàu. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy những khẩu súng lớn nhỏ thi nhau nhả đạn, toàn đảo đang có báo động và huấn luyện bắn. Tiếng loa phóng thanh, tiếng tạch tạch của AK và súng ngắn, ánh lửa khạc ra từ những khẩu pháo ven bờ, tiếng nổ đầu nòng chát chúa, cả viền quanh đảo sáng rực sau những tiếng nổ chói tai, nửa tiếng đồng hồ sau cả vùng biển ngập khói và khét mùi thuốc súng, cảnh tượng thật hoành tráng.

Cả tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới kết thúc được bữa tối và bàn giao lại “mặt bằng” cho thuỷ thủ tàu chuẩn bị sân khấu cho đêm giao lưu. Và một lần nữa, chúng tôi lại làm náo động cả khu vực neo đậu tàu của đảo Trường Sa Lớn bằng những bài hát, những bản nhạc kéo dài đến nửa đêm. Trường Sa 19 lại trở thành tâm điểm của cả khu vực bởi ánh đèn sáng, tiếng hát, tiếng nhạc tiếng cười nói hò reo vui vẻ vang cả một vùng biển trời của tổ quốc. Chúng tôi đứng bên mạn và chia tay với đội tàu chiến lúc gần nửa đêm, ba chiếc chiến hạm lẫm lũi theo đội hình chữ A, hú những hồi còi chia tay và dần khuất dạng vào trong biển đêm. Sau lưng chúng tôi, đảo Trường Sa rực sáng ánh đèn cao áp, ánh đèn chiếu rọi những tán cây bão táp, cây bàng xanh ngát trên nền biển đêm sáng rực ánh trăng. Tôi gọi việc không được cập bến lên bờ ngay khi đến Trường Sa là việc “Rủi ro đầy may mắn”.

Và bây giờ mời các bác em tham dự bữa tiệc liên hoan các loại tàu nhé, cái nào còn thiếu em sẽ bổ sung từ từ dần dần. Em có thể không đi được nhiều đảo trong chuyến này, nhưng chắc chắn em hơn các bác là số lượng tàu tại thời điểm em đến thì chắc vô địch rồi. Theo em tàu bè rất quan trọng trong chiến tranh nhưng nếu kết hợp giữa tàu bè và cách đánh thì mới tạo nên sự khác biệt bởi tàu thì dần dần các nước cũng sẽ như nhau thôi.

Cậu em của đoàn nhìn rất hầm hố nhưng vô cùng chịu khó, tác nghiệp ngay và liên tục:
https://img8.imageshack.us/img8/4684/8cauem.jpg

Cano CQ (Chủ Quyền thì phải) là phương tiện xua đuổi những kẻ lang thang hay bám lẵng nhẵng ngoài đảo của ta. Có em này vô cùng tiện lợi, sóng to không cập cảng được em này sẽ làm cầu nối (tất nhiên là cả cano trên tàu). CQ cũng được trang bị vũ khí hạng nhẹ đấy. Hôm bọn em trên đảo có đội 5 chiếc CQ dàn hàng chạy hết tốc quanh đảo để ghi hình nhìn cũng đã lắm:
https://img301.imageshack.us/img301/5446/9canocq.jpg

Tàu tiếp nhiên liệu, em này có nhiệm vụ khi các em có số má trên kia đi đến vùng nào thì xe phải đi theo đến vùng ấy để cho các em nó còn ăn, các em kia chạy trên ba chục lý giờ đâm ra tốn kém lắm. Bọn em được chứng kiến bơm xong cho chiếc 261 và 376 em Biển Đông này nổi mớn nước lên cả mét:
https://img216.imageshack.us/img216/1279/11cqvataudau.jpg

Đây là khu vực mà ba em chiến hạm cùng đậu vào đầu giờ sáng lúc tàu Trường Sa 19 đến. Lọt giữa chiếc HQ376, HQ371 và HQ261 là em tàu HP 17 chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc khảo sát trên biển và trên đảo (Biên chế hải quân đấy nhé). Các bác có thể thấy em 376 là em Tarantul mới nhất của Hải quân Việt Nam, mỗi bên lườn em ấy có 8 tên lửa, tổng cộng em nó có 16 tên lửa. Chiếc 372 cũng mang tên lửa những là tàu thế hệ trước (Em chưa kịp đọc là lớp gì nữa) còn 261 là pháo hạm thế hệ cũ rồi.
https://img301.imageshack.us/img301/9305/12baitauts.jpg

Chiếc 261 đang được tiếo nhiên liệu từ Biển Đông:
https://img412.imageshack.us/img412/1686/14261andau.jpg

Tarantul 376 chiếc tàu tên lửa thế hệ mới nhất của Việt Nam, nhìn cũng đã con mắt đấy chứ các bác em nhỉ:
https://img2.imageshack.us/img2/7654/15tarantul376.jpg

Và cuối cùng là em Tital chuyên đưa khách VIP ra với Trường Sa. Em này đăng kiểm Đức, tuổi thọ khá cao, đất dầu như uống nước lã, có hệ thống tự lọc nước biến, có thể lênh đênh trên biển khoảng 3 tháng, chịu được bão cấp 12 gì đấy. Nguyên của nói là tàu cứu nạn (Rescue Zone). Đi chiếc này tất nhiên là sẽ yên tâm hơn những chiếc khác rồi.
https://img27.imageshack.us/img27/9615/16titan.jpg

Hẹn gặp các bác vào ngày mai với phần em bắt đầu lên đảo!

Thích bài viết của Bác lắm, có mấy bài này giúp giới trẻ biết được sự khó khăn gian khổ của các chiến sĩ, chủ quyền VN mình, biển đảo nước mình, để đòi lại chủ quyền của Tổ Quốc đang bị giặc chiếm đóng...Em cũng ước mong 1 lần được ra, ra chỉ để phụ bưng thùng nước ngọt lên Đảo thôi cũng thấy sướng lắm rồi Bác ạ.

saigonsquirrel
19-11-2013, 22:21
Mảnh đất thiêng liêng quê hương, tôi mong một ngày không xa sẽ được du lịch ra đó :)

SnowyFox
25-11-2013, 23:56
Cho em hỏi Trường sa có cho mình ra tham quan ko hay chỉ đi công vụ thôi ạ ?