PDA

View Full Version : Hai lần hành xác ở mũi Đôi



Sư thầy
22-04-2017, 12:24
FBI cảnh báo: bài viết mang nặng tính thành tích, nên cân nhắc trước khi xem ;)

Đó là hai lần tôi đi tới mũi Đôi bằng cách nhảy đá men bờ biển và cũng là hai lần độc hành tới mũi Đôi. Lần thứ nhất vào tháng 3/2014 mất bốn ngày, lần thứ hai vào tháng 4/2017 mất hai ngày.

Để tới mũi Đôi, có nhiều cách đi; bạn có thể chọn cách đi tàu; có thể băng rừng, qua những đồi cát nắng cháy, luồn dưới rừng cây bụi đầy gai góc; hoặc có thể nhảy đá. Tôi thì chẳng chọn gì cả, đơn giản nó đến thì làm thôi (just do it). Con đường tôi đi đã được người trước đó gọi là đường ghềnh, tôi thấy chữ “ghềnh” ở đây có vẻ không đúng lắm nên tạm gọi là nhảy đá; có thể đi theo nhánh phía Bắc hoặc đi theo nhánh phía Nam. Nhánh phía Nam xuất phát từ bãi Na. Nhánh phía Bắc có thể xuất phát nhà chú Ba Thanh, dài hơn thì từ nhà chú Hai Châu, hoặc có thể dài hơn nữa.

Nhóm đầu tiên khai phá theo nhánh phía Bắc là nhóm fatjoe92 (Hoàng Minh Khôi) vào năm 2012, nhóm này đi nhảy đá và về bằng đường rừng. Sau đó, một số nhóm có khai phá theo nhánh phía Nam nhưng thông tin không công khai. Năm 2013, nhóm 7 người có nick facebook là Trung Pham, Chu Du (Nguyễn Tiến Hùng), Tuấn Lê, Rồng Ẩn Mình, Thích Ăn Chay (Tân Thanh Lê), Panda Panda (nữ duy nhất), Đỗ Lạ đã đi trọn hai nhánh trong ba ngày: đi nhánh Nam, về nhánh Bắc. Sự thành công của nhóm này đã khởi nguồn cho phong trào đi mũi Đôi toàn nhảy đá.

Mũi Đôi đến với tôi hoàn toàn tình cờ, khi tranduykts (Trần Duy) tạo topic “Cực Đông nhảy ghềnh, vờn sóng đêm trăng”; trước đó, tôi đã nghe qua về địa danh này nhưng chưa có dịp trải nghiệm. Để luyện tập cho chuyến đi, Trần Duy đã khai phá ra cung leo Bà Đen mà bây giờ gọi là Đá Trắng. Trong chuyến luyện tập này, tôi vừa đi vừa ngủ do tối hôm trước phải làm việc đến gần 2 giờ sáng, sau đó chạy đi đón ôm rồi phi lên Tây Ninh, tới nơi là 5 giờ sáng, chỉ kịp chợp mắt chút. Vừa tự ái do bị Trần Duy nghi ngờ về sức khỏe, vừa để tranh thủ đi sớm để cuối tháng 4 tham gia chuyến leo Fansipan từ Lai Châu (chuyến này cuối cùng tôi không đi được) nên tôi quyết định nhảy đá một mình vào tháng 3/2014.

Tháng 9/2015, nhóm Tran Minh Tuyen (mrlonely909) mất một ngày để nhảy đá từ bãi Na ra mũi Đôi nhưng sau đó không đủ sức phải về bằng đường rừng. Nghe nói đầu năm 2016, nhóm Tran Minh Tuyen đi trọn 2 nhánh trong 15 giờ, xuất phát từ bãi Na, không rõ điểm kết thúc ở nhánh phía Bắc. Tin này đến khiến tim tôi lại rộn ràng, lại muốn thử sức một lần nữa. Nhưng cũng phải hơn một năm, tôi mới có thể thu xếp cho chuyến đi thứ hai này, tháng 4/2017.

Sư thầy
22-04-2017, 13:28
Xuất phát từ TP.HCM, tôi đi xe khách đến chân đèo Cổ Mã, tại đây có lối rẽ đi Đầm Môn; có rất nhiều xe, tôi chọn Phương Trang. Từ bến xe Miền Đông, xe xuất bến khá đúng giờ, chạy mất khoảng 9 tiếng rưỡi để đến chân đèo Cổ Mã. Lần trước, tôi đi chuyến 20h nên tới 5h30 sáng thì xuống xe, bắt xe ôm vào Sơn Đừng ngay. Lần này, do không nhớ nên tôi đi chuyến 19h, hơn 4 giờ sáng, bị phụ xe đánh thức, tôi vẫn còn ngái ngủ ; 4 giờ 20 sáng, cách lối vào Đầm Môn khoảng 400m thấy hai bên hàng quán tối om nên xuống xe ngay gần quán hàng ăn sáng đèn.

Vào quán, chị chủ quán đang lui cui chuẩn bị hàng chợ, vẫn chưa có gì ăn; tôi đành ngồi ghế chờ. Một người đàn ông từ võng kế bên đi ra hỏi thăm, tôi chả rõ ai, cứ gọi đại là anh; mà nghe tiếng được tiếng không vì giọng vùng này tôi nghe không quen, họ phát âm “a” thành “e”. Đến khổ, tôi làm nghề dịch vụ lâu nên ai cũng gọi là anh, là chị được. Mà người đó cũng nói trỏng với tôi nên tôi không phân biệt được. Mãi về sau, khi ăn xong mới có dịp đối chiếu lại người này với chị chủ quán và một người, có lẽ là mẹ chị thì mới bổ ngửa ra. Chú ấy bảo tôi ra võng nằm nghỉ trong lúc chờ có đồ ăn sáng. Tôi ban đầu nghĩ chỉ có một võng thôi nên còn giữ ý, bảo thôi, anh cứ nằm đi, em ngồi ghế đợi được rồi. Ngó ra thì thấy có hai võng, nghĩ chả dại gì ngồi đợi, tranh thủ ngủ thêm chút nữa. Thế là, trùm hai ống tay chống nắng vào (cũng chống lạnh luôn), tôi ra võng nằm khoèo, không quên ôm theo hành lý.

Nằm được một lúc thì ông chú đánh thức tôi dậy, kêu ra ăn sáng. Hàng ăn chả biết có gì, thấy hai tô cháo ai đã ăn từ trước đó, tôi cũng kêu một tô cháo. Cháo lòng ăn cũng được, 10.000 đồng một tô. Vừa ăn vừa hỏi xem có ai chạy xe ôm không để vào Sơn Đừng. Ở đây, họ gọi xe ôm là xe thồ; từ này tôi đã nghe thấy ở M’Drak (Đắk lắk) nên không thấy lạ. Xe ôm đến, tôi lại gặp lại người quen; đó là chú Thanh, người đã chở tôi vào Sơn Đừng và từ Sơn Đừng ra trong chuyến đi ba năm trước. Ban đầu, tôi không nhận ra, khi chú mở lời thì tôi nhận ra luôn. Số điện thoại của chú, tôi vẫn lưu từ ba năm trước nhưng không gọi vì e lâu quá, chú không có chạy nữa. Thế là tôi đeo camera hành trình lên vai, đội nón bảo hiểm rồi hai chú cháu xuất phát vào Sơn Đừng.

Sư thầy
22-04-2017, 14:07
Đường từ Cổ Mã vào Sơn Đừng trải nhựa đẹp. Tỉnh mới làm thêm một đường nữa trải bê tông xi măng từ ngoài Quốc lộ 1 vào, giao với đường trên. Từ Cổ Mã vào đến gần Đầm Môn, nồng mùi hải sản. Bên phải đường, những vuông nuôi tôm với cơ cấu trục gì đó, có lẽ là sục khí, đang liên tục quay. Mấy chiếc tàu gỗ nhỏ đang đậu gần bờ, vài người khuân vác, vận chuyển cá, vài người họp chợ. Đi sâu hơn nữa là một đoạn rừng ngập mặn nhưng không hiểu vì lý do gì mà thấy nhiều cây trơ gốc, cháy đen. Bên trái vẫn là những trảng cát chạy dài. Chú Thanh nói đường đang được mở rộng thêm nhiều làn xe để cho xe chạy vào trong cảng cá Đầm Môn. Phía ngoài Quốc lộ 1, cũng có một đoạn đường nữa đang làm, có lẽ phục vụ cho xe vào cảng cá Đầm Môn sau này hoặc để tránh khu dân cư. Đã bắt đầu xuất hiện vài quán nhậu hải sản và cà phê mà ba năm trước, tôi không thấy có. Chẳng mấy chốc, con đường làm xong, hai bên đường sẽ lại tấp nập hàng quán như bao khu vực phát triển khác. Ngã ba Đầm Môn – Sơn Đừng còn thấy cắm biển du lịch sinh thái, tôi không nhìn kỹ nên không rõ nội dung.

Vào sâu trong Sơn Đừng, không còn thấy nhà cửa gì nữa. Con đường ngút ngát với hai bên là những đồi cát, phi lao. Tuy nhiên, có vài chú bò nhởn nhơ hay những vệt cát trên đường có thể làm đo ván bất cứ tay lái lụa nào. Hãy cẩn thận.

Tới đầu đường mòn, tôi gửi lại chú Thanh camera hành trình vì tôi thấy nó không ổn định khi di chuyển. Trả tiền chú Thanh, tôi kiểm tra lại số điện thoại của chú đã lưu, vẫn số cũ. Số tiền vẫn như cũ, 80.000 đ cho khoảng 20 km từ Cổ Mã vào (lần trước có hơn, khoảng 28 km vì tôi vào sâu hơn, không đi theo đường mòn). Cảm giác mọi thứ ở đây chưa kịp thay đổi nhiều, vật giá khá rẻ.

Sư thầy
22-04-2017, 17:34
6:30: xuất phát từ đường mòn

Để đến bãi Na, tôi đi theo đường mòn từ Sơn Đừng qua các đồi cát để đến nhà chú Hai Châu. Đi khoảng nửa đường thì có đường mòn ngoặt sang phải để đến bãi Na. Đường mòn ra bãi Na khá rõ; tuy nhiên, nếu không rành đường hoặc không có định vị thì tôi khuyên bạn hãy cẩn trọng trước khi đi vào. Chuyến đi này, đường mòn sang bãi Na được tôi tạm vạch ra trên máy định vị sau khi xem bản đồ vệ tinh trên Google Maps nhưng cũng thấy khá chính xác. Vùng đồi cát khô cằn không nhiều loài thực vật có thể tồn tại được. Thỉnh thoảng lại thấy vài chỗ cát nhô hẳn lên, nơi đây là chỗ có loài thực vật nào đó sống, làm chỗ bám cho cát; thực vật bám cát để tồn tại, cát bám thực vật để khỏi bị thổi bay, như một lẽ sinh tồn phải nương tựa nhau mà sống.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140843&d=1492856638

Bước chân nặng nhọc đi cao lên chút nữa, tôi có thể thấy biển phía vịnh Vân Phong. Thấy biển đem lại cho người ta cảm giác mát mẻ hơn khi phải dặm dài bước trên con đường gần như hoang mạc.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140844&d=1492856638

Trong chuyến đi lần trước, tôi chưa biết có đường mòn này nên đã cắt ngang các đồi cát từ cuối Sơn Đừng sang bãi Na. Cũng vẫn là cảnh tượng thực vật khô cằn nhưng tôi lại thấy đường dây điện và từ đây thấy vịnh Vân Phong rõ hơn. Theo lối cắt ngang này, tôi phải chui luồn qua các khóm cây bụi , bị kiến chui vào lưng, bị vướng mà phải bỏ ba lô ra rồi mới qua được.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140845&d=1492856638

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140848&d=1492857217

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140847&d=1492856638

tuan0612
22-04-2017, 18:54
Phải có sức khỏe tốt lắm mới Sáng ra, Chiều về! Nhưng ngủ 1 đêm là tuyệt vời nhất!

Sư thầy
23-04-2017, 09:33
Phải có sức khỏe tốt lắm mới Sáng ra, Chiều về! Nhưng ngủ 1 đêm là tuyệt vời nhất!

Hiện tại, theo thông tin mình biết, với việc đi nhảy đá, về nhảy đá thì chưa có nhóm nào Sáng ra, Chiều về. Nhóm Tran Minh Tuyen đi 15 giờ cũng là đến bãi Na từ chiều tối hôm trước rồi hôm sau dậy đi từ sớm.

Linhmoitote
24-04-2017, 10:48
Tiếp đi bạn. Tôi cũng đã 1 mình đường nhảy đá từ bãi Na đầu tháng 1/2015 định đi toàn bộ đường nhưng chỉ được 1 chặng. Xuất phát bãi Na 2h30 chiều hôm trước thì đến mũi Đôi 2 giờ chiều hôm sau. Ngủ đêm dọc đường nằm trên 1 tảng đá gặp mưa lạnh, biển động không có chỗ dựng lều. Tôi tưởng mình khỏe nên vác ba lô nặng hơn 20 kg mang đồ ăn hoành tráng định 1 mình phè phỡn ở mũi Đôi. Ai dè đi mệt quá nên tôi không chụp được nhiều ảnh mặc dù đã tập luyện thể lực rất nhiều trước đó. Đến mũi Đôi bị kiệt sức, thiếu nước về đường rừng lên hết con dốc về đầu tiên còn bị chuột rút. Kỷ niệm không thể quên.

Sư thầy
24-04-2017, 11:32
@Linhmoitote: cứ từ từ bạn ạ, mình mới về hôm thứ 7 mà. Với lại, phải nhớ lại cả hành trình 3 năm trước nữa nên không nhanh được.

Mang 20kg là quá nặng cho cung này vì sẽ làm chậm hành trình; chuyến đầu mình mang chỉ chừng 11kg, chuyến sau mình chỉ mang chừng 3kg, vậy mà vẫn thấy lặc lè.

Vấn đề lớn nhất của cung này là nước; có ít nhất 3 điểm lấy nước ngọt ở nhánh phía Bắc mà mình sẽ đề cập sau.

Sư thầy
24-04-2017, 12:04
Càng tiến đến gần biển, các bụi cây càng có vẻ xanh tốt hơn. Đã lác đác thấy những bông hoa mà tôi không biết tên; kiểu hoa trông rất giống hoa phượng vỹ hay hoa ban, tất nhiên, màu sắc thì khác. Dù gì thì giữa một hoang mạc đầy cát với cây bụi thế này thì đây cũng xứng đáng là hoa hậu chứ nhỉ.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140869&d=1493009960

Nụ hoa e ấp cũng đẹp đó chứ.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140867&d=1493009622

Một cây thân gỗ hiếm hoi ở nơi này. Để thích nghi với điều kiện khô hạn, một số loài cây có lá biến thành gai hay lá bọc sáp để hạn chế sự thoát hơi nước; một số loài cây dự trữ nước trong thân; phần lớn các loài cây có thân lùn nhưng với bộ rễ rất lớn và dài để có thể hút nước dưới sâu.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140868&d=1493009747

Vòm cổng tiến vào thiên đường :)

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140866&d=1493009300

7:30: đến bãi Na, mất một giờ đồng hồ. Trong chuyến lần trước, tôi xuất phát từ cuối Sơn Đừng từ khoảng 7h30 và tới bãi Na lúc 9h30, mất khoảng hai giờ đồng hồ.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140865&d=1493009164

Linhmoitote
24-04-2017, 12:44
Xin phép bạn góp vài cái ảnh nhé, nó cũng phần nào cho thấy cung đường này gian khổ thế nào.
Đây là tracklog mình đi.
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=127939&d=1434734934
Đi một mình có lúc phải dùng dây thế này, trông gần thế này thôi chỗ này sâu khoảng hơn 2 mét, ở giữa lại có cái khe sâu thêm khoảng 3 mét. Nhảy xuống ngã cái là toi. Phải cho ba lô xuống trước rồi vòng chỗ khác mới nhảy được.
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140870&d=1493011146
Hoàng hôn ngày thứ nhất
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140871&d=1493011146
Chỗ ngủ đêm chụp buổi sáng thức dậy.
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140872&d=1493011146
Bình minh
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140873&d=1493011146
Khe nước không thể vượt qua nếu đi 1 mình vác ba lô nặng
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140874&d=1493011146
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140875&d=1493011146
Không qua được khe nước thì phải vượt cái vách đá khổng lồ cao như tòa nhà 3 tầng này.
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140876&d=1493011146
Cả ngày trên đầu là mặt trời, dưới chân là đá nóng. Nghĩ lại nhớ món thịt bò nướng đá. Hiếm hoi lăm mới có chỗ nghỉ ngơi thế này.
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140877&d=1493011229
Và đây là chỗ nghỉ chân gió thổi lồng lộng lúc 1 giờ 30 chiều ngày thứ hai, đói quá lôi đồ ra ăn, ngồi 1 lúc mới nhận ra mình đã đến gần mũi Đôi chừng nào. Mũi Đôi ngay trước mắt.
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140878&d=1493011229
Giờ nghĩ lại vẫn nhớ những cú nhảy nguy hiểm ở đấy.
Kết luận: Đi 2 người sẽ an toàn hơn nhiều vì mình mang 3 lô nặng nhiều chỗ rất khó nhảy, nhảy xuống đã khó mà nhảy qua khe để bám vào 1 tảng đá cao hơn còn khó và nguy hiểm hơn. Một mình không nên thử sức cung đường này vì khi bạn bị ngã, không ai biết bạn ở đâu mà cứu (chỗ này sóng điện thoại phập phù, hầu như không có). Lúc đi chặng này nhiều lúc tiến không được mà lùi không xong. Lúc đấy mới thấy mình ngu. Ăn chơi nghỉ ngơi không muốn lại đi hành xác, lơ mơ còn mất xác.

Sư thầy
24-04-2017, 13:03
@Linhmoitote: ây da, nhảy đá mà mặc quần cụt à ? Mình chơi quần dài thôi, dễ trầy xước lắm.

Chỗ khe nước ấy, đi vòng chữ U theo đúng hình khe nước; bên kia có chỗ bám trèo lên, nhưng vác ba lô 20kg thì hơi ớn :D. Thực ra, đi như vậy là ăn gian vì nhảy đá đúng nghĩa thì phải đi vòng qua mũi đá lởm chởm ở bên phải nhưng chắc đó là điều không thể. Trên đường đi ở nhánh phía Bắc có rất nhiều chỗ nếu cắt ngang như vậy sẽ tiết kiệm nhiều sức lực và thời gian.

Sư thầy
24-04-2017, 13:08
Bãi Na hoang sơ không một bóng người, cũng không có rác luôn. Nhìn từ góc này đâu thua bất cứ bãi biển nổi danh nào (thông cảm, trình chụp ảnh còi, máy chụp ảnh cùi, không làm toát lên vẻ đẹp trinh nguyên của em nó).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140880&d=1493013123

Trên bãi cát, một loài thực vật mọc bò lan, trông như một con bạch tuộc đang vươn những cánh tay ra đe dọa tôi không được làm phiền đến sự yên bình của bãi biển này.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140881&d=1493013154

Chuyến này, để tranh thủ thời gian, tôi đi ngay, không có thời gian tắm biển. Còn lần trước, tôi không kìm được ý muốn lao xuống dòng nước. Cởi hết quần áo (cởi hết nhá), để lại cặp mắt kính ở bờ cát, tôi nhảy xuống, thỏa sức vẫy vùng với làn nước mát.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140882&d=1493013198

Thật không may mắn, sau đó ít phút, trời sẫm lại, biển nổi sóng, buộc tôi phải lên bờ sớm. Lúc đó, màu nước biển xanh như màu vỏ chai, giống như trong bài văn sách cấp một tôi đã đọc từ nhỏ (hình chụp từ máy Olympus chống nước cùi, vừa bơi vừa chụp).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=140879&d=1493012735

Lên bờ, điều không may mắn hơn nữa là cặp mắt kính mất tiêu, có lẽ để gần mép nước quá, bị sóng cuốn trôi rồi. Còn cặp mắt kính dự phòng trong ba lô, tôi dò dẫm lấy ra sử dụng. Vì cận thị nặng, gần như trong các chuyến đi xa, tôi luôn thủ sẵn một cặp mắt kính dự phòng; tôi khuyên các bạn phải đeo kính cũng nên như vậy nếu không muốn trở thành gánh nặng cho bạn đồng hành khi mất kính, hoặc tệ hơn, trở thành tai họa cho chính mình.

Đeo mắt kính xong, vừa chổng mông mặc quần thì nghe tiếng nói phía sau. Hai người đàn ông mặc quần dã chiến của bộ đội đang xách một can khoảng 20 lít, có lẽ trong đó là nước. Tôi và họ cất tiếng chào rồi họ đi về cuối bãi Na, phía ấy có trạm gác yến sào. Họ tranh thủ tắm rửa dưới biển; khi thấy tôi có ý định đi mũi Đôi, họ có nhã ý chỉ đường rừng nhưng tôi đã quyết định nhảy đá rồi nên không để ý đường họ chỉ là đường nào. Lúc đó khoảng 10h30.

Còn lần này, đi tới trạm gác yến sào, thấy tôi, một người đàn ông lớn tuổi cất tiếng: “Chào sếp”. Tôi vội nói: “Em không phải là sếp. Em đang ra mũi Đôi” (như đã nói ở trên, lại quen miệng gọi là anh, mặc dù người đó khá lớn tuổi). Hình như, trong ý nghĩ thông thường của mọi người, cứ ai mặc đồ rằn ri là bộ đội; hay là trông tôi giống bộ đội nhỉ. Lúc đó tôi mặc quần dã chiến của chỉ huy chứ không phải lính nhưng lại mặc áo thun, đầu mang mũ tai bèo, mang mắt kính. Lúc ở bến xe Miền Đông cũng vậy, khi thấy tôi, anh phụ xe hỏi tôi: “Bộ đội à ?”. Tôi trả lời không thì anh lại bảo: “Bộ đội thì mới mặc thế này chứ ?”.

Vừa đến trạm gác yến sào được một phút thì phía biển có tiếng í ới. Một tàu gỗ đưa hai người cập bến, người đàn ông lớn tuổi ra đón. Từ xa, thấy hai người trẻ tuổi mang mũ tai bèo, một mặc áo cờ Việt Nam, tôi tưởng họ đi du lịch nên cất tiếng hỏi: “Đi mũi Đôi về à ?”. Một người đáp: “Ở mũi Đôi cả tháng rồi, muốn về mà không được ấy chứ”; thì ra họ làm ở Công ty yến sào. Chào họ, tôi bắt đầu bước nhảy đá đầu tiên; cậu trẻ tuổi e dè: “Đi mũi Đôi đường đó sao được !”, “Được mà, mấy năm trước mình đi thế này rồi, chỉ là đi lại thôi”, tôi trả lời.

Linhmoitote
24-04-2017, 13:25
@Linhmoitote: ây da, nhảy đá mà mặc quần cụt à ? Mình chơi quần dài thôi, dễ trầy xước lắm.

Chỗ khe nước ấy, đi vòng chữ U theo đúng hình khe nước; bên kia có chỗ bám trèo lên, nhưng vác ba lô 20kg thì hơi ớn :D. Thực ra, đi như vậy là ăn gian vì nhảy đá đúng nghĩa thì phải đi vòng qua mũi đá lởm chởm ở bên phải nhưng chắc đó là điều không thể. Trên đường đi ở nhánh phía Bắc có rất nhiều chỗ nếu cắt ngang như vậy sẽ tiết kiệm nhiều sức lực và thời gian.

Lúc đầu tôi mặc quần dài (quần tháo ống được do mình tự thiết kế và đặt may phục vụ việc đi bụi). Sau nóng quá tháo cả ống, bỏ cả tay áo chống nắng, chỉ bôi mỗi tí kem chống nắng. Về đến nhà kiểm tra thấy xây xát hết cả 2 đầu gối, ống chân, cùi trỏ, bàn tay, cổ tay, găng tay cũng rách tóe loe, người thì đen nhẻm.
Cái đoạn khe kia tớ chịu không qua được phải vòng đường rừng 1 đoạn qua khu rừng táo hay cây gì đó thấp thấp ngang bụng, lại còn nhiều gai nữa, cúi người xuống dùng cả tứ chi để bò vẫn bị mắc ba lô. Can tội mang vác cồng kềnh, cả lều lẫn túi ngủ. :D

giangtran2510
24-04-2017, 15:21
Khâm phục 2 bác thật :D

vubu5
24-04-2017, 16:03
thanks ad da chia se cho moi nguoi.

HuyenTonKin
26-04-2017, 14:28
Bãi Na có cách khu dân sinh xa không bác ơi?

Sư thầy
27-04-2017, 12:05
Từ ngã ba Đầm Môn - Sơn Đừng đi đến điểm rẽ vào đường mòn đi mũi Đôi khoảng 1,5 km đường nhựa (đo trên Google Maps).

Từ ngã ba Đầm Môn - Sơn Đừng đến khu dân cư ở Đầm Môn khoảng 500 m đường nhựa (đo trên Google Maps).

Từ điểm đầu đường mòn đến bãi Na, mình đi hết 1h đồng hồ (hành lý nhẹ).

Sư thầy
03-05-2017, 13:21
Những bước nhảy đá đầu tiên của chuyến đi khá oải. Nhảy một chút đã thấy mệt; có thể buổi sáng, cơ thể chưa quen với vận động mạnh, hoặc cũng có thể, bức xạ mặt trời buổi sáng khá lớn. Buổi sáng đầu tiên, nhảy được khoảng nửa giờ là thấy oi bức, tôi thỉnh thoảng phải núp dưới bóng râm của những tảng đá để tránh nắng và nghỉ đôi chút (hình chụp gần trưa ngày đầu tiên, chuyến đi đầu)

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141118&d=1493792122

Trang phục trong chuyến đi đầu tiên của tôi có chút không phù hợp: áo thun mùa đông của bộ đội, dài tay nhưng lại có màu tím than, mũ (nón) tai bèo màu đen; màu sẫm và bề mặt xốp của trang phục làm tăng việc hấp thụ bức xạ mặt trời khiến cơ thể khá khó chịu. Quần dã chiến của lính kiểu cũ với túi hộp hai bên đùi có thể bỏ nhiều thứ vào, khá tiện lợi. Giày bộ đội bám đá khá tốt. Đôi tay trần cũng đảm bảo việc bám víu nhưng đá granit với bề mặt nhám sắc đã làm cho hai bàn tay trầy trụa.

Rút kinh nghiệm, chuyến này tôi vẫn mặc quần dã chiến (của sỹ quan) nhưng áo thun ngắn tay trắng, nón tai bèo xanh rêu. Để chống nắng cho tay, tôi mua hai ống tay chống nắng; đồng thời, trang bị thêm bao tay hạt nhựa để bảo vệ hai bàn tay. Ống tay chống nắng và bao tay, tôi đều mua ở sieuthiphuot.com; ở đây, tôi mua thêm cả đèn pin đội đầu nữa vì không có nhiều thời gian chuẩn bị (sáng mua, tối lên xe). Hàng hóa của cửa hàng cũng tương đối đa dạng, giá cả tương đối được. Một điểm trừ là nhân viên bán hàng không mấy xởi lởi. Hai người bán thì một người lấy hàng, một người hơi có ý canh chừng kiểu sợ bị lấy trộm; tôi không muốn bình luận gì thêm. Đây là lần đầu tiên sử dụng ống tay chống nắng nhưng tôi thấy ống tay chống nắng Let’s Slim khá hiệu quả; không rõ các sản phẩm khác thế nào.

Trở lại với chuyến đi lần đầu, những lúc nghỉ ngơi cũng là lúc tôi được thưởng thức cảnh tượng tuyệt đẹp, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, biển xanh. Sẽ thật là sảng khoái nếu nằm dài trên ghế, dưới một cây dù ở bãi biển mà ngắm cảnh này; nhưng giờ thì tôi đang thở hồng hộc, mặt đỏ bừng, mồ hôi tuôn ra ướt áo nên chỉ mong có được cơn gió mát, thế là đủ. Bữa trưa diễn ra sau lúc nghỉ trưa, tôi vừa trệu trạo nhai lương khô vừa chiêu thêm nước cho dễ nuốt. Khẩu phần lương khô trong bữa đầu tiên rồi cũng xong. Nước dùng phải hết sức tiết kiệm vì không rõ cả hành trình còn lại có thể lấy nước ở đâu. Cho chuyến đầu này, tôi mang theo 3,66 lít nước (sáu chai 0,5 lít và hai chai 0,33 lít). Và bữa trưa đã tiêu tốn hết nửa chai 0,5 lít. Trong chuyến thứ hai, vì đã biết rõ điểm lấy nước, tôi chỉ mang một chai 0,5 lít nước.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141119&d=1493792264

Sư thầy
03-05-2017, 16:44
Sơ bộ hành trình hai chuyến đi. Đường đỏ là của chuyến đi đầu. Đường xanh là của chuyến đi sau.

<iframe src="https://www.google.com/maps/d/embed?mid=1YvDGt_ZOktoiLUwLoy31VnnN-WM" width="640" height="480"></iframe>

-------------------------------
Lỗi gì vậy ta ? Sao không nhúng bản đồ vào bài viết được nhỉ ?

Sư thầy
04-05-2017, 13:34
Sơ bộ hành trình hai chuyến đi. Đường đỏ là của chuyến đi đầu. Đường xanh là của chuyến đi sau.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141121&d=1493879583

Để coi bản đồ rõ hơn, xin mời vào đây:

https://drive.google.com/open?id=1YvDGt_ZOktoiLUwLoy31VnnN-WM&usp=sharing

Sư thầy
04-05-2017, 20:19
Sau bữa trưa đầu tiên, tôi tiếp tục công cuộc hành xác, lúc đó khoảng 1 giờ chiều. Lại một chuỗi các bước đắn đo tìm lối đi, lấy đà, nhảy, đắn đo tìm lối đi, bám đá, đu lên, đu xuống. Thời điểm nghỉ ngơi luôn là lúc sảng khoái nhất của hành trình.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141178&d=1493903493

Đằng xa có phiến đá thật bằng phẳng, tôi zoom ống kính lại gần. Có vẻ như khối đá không cùng loại granit với các khối đá khác. Ngủ ở đây thì thật là tuyệt, nhưng có vẻ còn quá sớm để nghĩ đến điều đó; lúc này chắc khoảng 2 giờ chiều hoặc cũng có thể là trước giờ nghỉ trưa.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141179&d=1493903516

Không gian thật khoáng đạt, đê mê.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141180&d=1493903546

Đôi khi, lối đi của tôi lại là một khe hẹp thế này.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141181&d=1493903557

Trên đầu nắng, dưới chân sóng đánh liên hồi như trống trận. Các tảng đá ướt là ngôi nhà lý tưởng của cơ man nào cua và cá lác (cá thòi lòi).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141182&d=1493903674

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141183&d=1493903674

Nhìn những chú cá này tôi lại nhớ đến những ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng được ra sông chơi. Nhà tôi ngay sát sông nhưng bố mẹ hạn chế cho ra, vì sợ chết đuối; mãi cuối năm lớp 8 mới được đi tập bơi ở bể bơi có huấn luyện viên. Thế giới ở bờ đê ngăn con sông với khu dân cư thật là thú vị. Những lúc nước sông xuống thấp, bùn nhiều là lúc cá lác đua nhau nhảy nhót trên bùn hoặc bám vào những cây cói. Chúng tôi thường rón rén, cố gắng chụp chúng nhưng thường là không thành công, chúng rất tinh, phóng ngay xuống nước hoặc đi chỗ khác. Người lớn thì bắt chúng bằng bẫy bằng tre, cắm xuống bùn. Tôi thì chưa được tận mắt chứng kiến chúng đánh nhau nhưng được nghe nói giữa chúng thường xuyên xảy ra chiến trận để tranh giành lãnh thổ, nên mới có câu “võ mồm con cá lác”. Tôi không hiểu sao, câu đó lại biến thành “vỡ mồm con cá lác” để chỉ tình huống không đỡ được. Hồi nhỏ, chúng tôi chỉ bắt chúng để chơi hoặc làm mồi câu cáy, ếch nhái, chão chuộc. Giờ thì chúng trở thành đặc sản rồi đó.

Sư thầy
05-05-2017, 21:10
Nói chung, trong ngày đầu của chuyến đi lần đầu, đường đi không có quá khó. Chỉ thi thoảng có những chỗ, tảng đá tiếp theo hơi cao, bề mặt lại dốc, tôi phải quăng ba lô lên trước, rồi rướn người bám lên sau. Lúc này nếu lựa chọn một đường đi khác thì mất khá nhiều thời gian để cân nhắc, đi vòng lại mà chưa chắc đường khác lại dễ hơn. Cứ tiến lên thôi, sẽ có đường đi, leo lên hoặc chui xuống. Cũng có đôi khi, bạn chỉ cần đi lệch cao hơn hay thấp hơn một tảng đá thì đã dễ hơn hay khó hơn rất nhiều.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141228&d=1493991083

Mặt trời ngả dần về hướng Tây, tôi nhìn lại con đường mình đã vượt qua, lúc này khoảng 4 giờ chiều ngày thứ nhất.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141231&d=1493992863

Phía trước có vật lạ, sản phẩm của nền văn minh trên con đường hoang sơ này.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141230&d=1493992863

Hình ảnh khi đến gần.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141232&d=1493992863

Những gì còn sót lại của một chú cua, không rõ sao chú ta lại có mặt ở đây được. Ở đây khá cao so với mực nước biển để chú có thể bị đánh văng lên đây. Có thể chú là nạn nhân có liên quan đến sản phẩm của nền văn minh kia.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141229&d=1493992096

Đã khoảng 5 giờ chiều, mặt trời hạ xuống sau rừng cây bụi cùng những tảng đá lô nhô, tôi tạm dừng chân trên một phiến đá đủ rộng, dựng lều và nghỉ ngơi. Phiến đá không bằng phẳng lắm nhưng chả biết phía trước có được chỗ nghỉ tốt hơn không nên thôi thì cứ hưởng thụ cái đã. Trong lều, tôi trải tấm chiếu du lịch nằm cho đỡ đau lưng, rồi bắt đầu thoát y. Buổi tối trong lều khá oi bức, tôi tháo hẳn miếng che mưa trên mái lều ra, mở cửa lều, chỉ để cửa chống muỗi, mà vẫn thấy khó chịu. Chui ra khỏi lều, tôi hứng lấy từng cơn gió biển nhưng cũng chẳng ngồi được lâu, lũ muỗi vo ve bắt đầu chuẩn bị buổi đại tiệc mà lâu ngày chúng mới được thưởng thức. Từ khi đi biết đi bụi đến tối hôm đó, tôi khá xa lạ với các loại kem chống muỗi và côn trùng, luôn coi việc sử dụng chúng là yếu đuối, chỉ dùng cho chị em phụ nữ, giờ mới thấy việc cần thiết của những sản phẩm đó. Lại chui vào lều nằm, tôi treo chiếc đèn pin đội đầu lên đỉnh lều. Một mình ở không gian thế này, con người ta cảm thấy thực là cô đơn. Đây là chuyến đi bụi độc hành đầu tiên của tôi.

Khoảng 8 giờ tối, có tiếng ca nô ngay gần bờ, tôi vội tắt đèn pin. Khẽ nhìn ra, một vầng sáng quét qua quét lại trên mặt biển. Chiếc ca nô đảo qua đảo lại vài vòng. Tự dưng, tôi nghĩ đến hải tặc. Đó cũng có thể là một chiếc tàu đánh cá đêm. Hoặc, có khả năng hơn là tàu của bộ đội biên phòng hay cảnh sát biển. Dù thế nào, tôi nghĩ tốt hơn hết là giữ yên lặng. Tôi thấp thỏm lo ánh đèn không mời kia quét lên trên phiến đá nơi tôi dựng lều, màu sắc chiếc lều khá sặc sỡ để nhận thấy qua ánh đèn. Tôi cứ nằm thao thức, chập chờn rồi ngủ lúc nào không hay. Đến khoảng nửa đêm, cảm thấy gió lạnh, tôi trở dậy mặc quần áo vào rồi quất một giấc luôn tới sáng.

Sư thầy
06-05-2017, 12:40
Ngày thứ hai của chuyến đi thứ nhất bắt đầu khá trễ, đâu như gần 6 giờ sáng. Rục rịch chui ra khỏi lều ngồi một lúc mới quen được chỗ tá túc tạm thời. Thử ngắm nghía chỗ tá túc đêm qua nào.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141233&d=1494047446

Sau khi làm xong những thủ tục đầu ngày, tôi lại lôi lương khô ra nhá với nước. Khẩu phần một phong lương khô mỗi bữa không được sử dụng hết, tôi bỏ trở lại ba lô, phần bụng lẽ ra lấp đầy bằng đồ ăn thì tôi thay nó bằng chút đỉnh nước. Mặt trời đã không còn ở đường chân trời nữa mà nhô lên khá cao, các tàu cá đã ra trở lại nhịp điệu hàng ngày từ lâu.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141234&d=1494048374

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141235&d=1494048411

Thử độ đen tối của bạn: hãy nói cho tôi biết, các bạn nhìn thấy cái gì ?

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141236&d=1494048558

Liệu đây có phải là sản phẩm của nước ? Nếu đúng thì chắc chắn phải trải qua một thời gian rất rất dài. Nhưng nếu nước bào mòn, hòa tan đá thì các cặn lắng sau khi nước bốc hơi biến đi đâu ?

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141237&d=1494048649

Thu dọn xong lều, gần 7 giờ sáng mới xuất phát được.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141238&d=1494048862

Sư thầy
08-05-2017, 18:14
Nhìn lại lần nữa về phía bãi Na.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141301&d=1494241031

Lại vẫn là sản phẩm của nền văn minh. Trong chuyến đi thứ hai, tôi cũng gặp lại hình ảnh này; đã ba năm qua, chúng nằm ở đây và không biết còn đến bao giờ nữa.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141302&d=1494241180

Sóng dưới chân vẫn đánh thùm thụp dưới chân.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141303&d=1494241313

Tôi đang nhảy trên những tảng đá dưới thấp. Tại đây, nước biển theo từng con sóng đánh tung lên, gây ướt bề mặt đá. Con đường đang êm dịu bỗng trở thành đường cụt, tảng đá phía trước khá cao so với tảng đá tôi đang đứng. Đang chưa biết làm thế nào, tiến một chút nữa, tôi thấy phía bên trái có một khe hẹp. Khe này chỉ vừa người đi khiến cả ba lô lẫn chiếc lều giắt ngang ba lô của tôi bị giắt lại. Buộc lòng tôi phải sử dụng dây, một đầu cột vào ba lô, đầu kia cột vào thắt lưng. Theo khe hẹp đó, tôi đi lên trước rồi dùng dây kéo ba lô lên sau.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141304&d=1494241730

Nhìn kỹ lại khe hẹp.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141305&d=1494241730

Trong chuyến đi lần thứ hai, tôi không gặp chỗ này, có lẽ do đã đi ở những tảng đá cao hơn. Tảng đá chỗ tôi trèo lên khá lớn nhưng hơi dốc, trơ trọi dưới ánh nắng gay gắt gần trưa, lúc đó gần 11 giờ ngày thứ hai. Nhìn ra một con tàu gần bờ với hai ngư dân trên boong, tôi ngẫm nghĩ, không biết họ có thấy tôi hay không, nếu có thấy không biết có nghĩ cái thằng khùng này đang làm gì lúc nắng gay gắt thế này không.

Thu dây về, bỏ vào ba lô, nhảy được vài bước thì tôi lại phải sử dụng đến nó. Tảng đá tôi đang đứng khá cao so với tảng đá phía trước. Độ cao khoảng 1,6 – 1,7m vốn chả có gì ghê gớm, hoàn toàn có thể phi xuống được nhưng tình huống này lại không được như thế. Tảng đá phía trước có bề mặt dốc, tôi e ngại nhảy xuống có thể gây trật khớp. Lại cột dây, tôi thả ba lô xuống trước. Không dám nhảy, tôi tì lưng vào tảng đá rồi từ từ tụt xuống. Phần gấu áo thun ngoài tuột ra khỏi lưng quần, may mắn là còn lớp áo ba lỗ bên trong giữ cho lưng khỏi chà xát trực tiếp với đá, nếu không tất sẽ có đổ máu.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141306&d=1494241730

Sau hai lần phải sử dụng dây liên tiếp, tôi quyết định không tháo đầu dây cột ba lô, chỉ thu đầu kia lại, nhét vào ba lô rồi cứ thế tiếp tục hành trình.

Sư thầy
08-05-2017, 18:53
Một bãi cát dài bỗng xuất hiện, thay thế cho con đường đá lô nhô. Phía bên trái, một ngôi miếu ẩn hiện sau những hàng cây thấp. Phía sau đó là một ngôi miếu nhỏ hơn. Tôi quăng ba lô ra cửa miếu chính, tranh thủ nghỉ ngơi. Lúc đó khoảng 11 giờ 15 phút sáng ngày thứ hai.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141307&d=1494244271

Ngôi miếu phía đằng sau.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141308&d=1494244271

Còn quá sớm để nghỉ trưa nên tôi lại tiếp tục lên đường.

Sư thầy
08-05-2017, 19:47
Trong chuyến đi thứ hai, tôi đến miếu lúc khoảng 11 giờ 30 phút. Tôi quyết định nghỉ trưa ở đây nên nghiêng ngó đôi chút.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141309&d=1494247123

Trong miếu, vương một mẩu da rắn lột, trông còn khá mới.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141310&d=1494247123

Đồ vật ở miếng trông khá hoang tàn. Nải chuối trên bệ thờ đã bị ăn gần hết; phần bóc vỏ chắc chắn do người ăn, còn phần nguyên vỏ, có thể do rắn ăn.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141311&d=1494247123

Trước cửa miếu trông cũng chẳng khá hơn. Cốc đựng hoa đổ nghiêng, bát nhang không còn nằm đúng vị trí của nó nữa.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141312&d=1494247123

Dựng đứng lại mọi thứ, tôi thắp ba nén nhang cho cho ba bát nhang, hai trước cửa và một ở trong mà quên béng cái miếu phía sau. Bát nhang chính, tôi đốt thêm một điếu thuốc lá, cắm vào chân nhang cũ. Phủi cát trên nền xi măng, tôi nằm dài trước cửa miếu, mặc kệ con rắn nào đó có thể lảng vảng quanh đây. Nỗi sợ lớn nhất trong các chuyến đi vào nơi hoang dã của tôi là rắn cắn và ong đốt. Vì vậy, trong các chuyến đi, tôi thường mang theo hùng hoàng để trị rắn cắn; nhưng chuyến này, để tiết giảm trọng lượng hành lý, tôi đã mạo hiểm để nó ở nhà.

Mái của ngôi miếu.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141313&d=1494247123

Zoom gần hơn.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141314&d=1494247123

Nằm một chút, tôi nhỏm dậy, đi ngó nghiêng. Phía hông của miếu có một vệt trông như đường mòn nhưng tôi không có thời gian để kiểm tra kỹ hơn. Phía trước của miếu nhỏ, có một cây bàng với thân rất kỳ dị. Nó có hình chữ H với một bên thân có gốc khô héo nhưng phía trên thân đó vẫn đầy những cành cây với lá xanh um.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141315&d=1494247123

Hồi còn đi học phổ thông, trong sân trường tôi cũng có vài cây bàng và rất nhiều cây phượng vỹ, cây ba đậu/ bã đậu (mà khi đó, chúng tôi thường gọi là cây gạo). Chúng tôi hay lấy lá bàng làm mũ cánh chuồn, đội lên đầu, bắt chước các quan văn ngày xưa. Cột cuống hai lá với nhau, lá thứ ba cột cuống vuông góc; rồi uốn phần mũi của cả ba lá lại, dùng que tăm xỏ lại, thế là có phần mũ chính. Thêm hai lá nữa, thế là đã có một chiếc mũ cánh chuồn vô cùng oai vệ. Trên cây bàng, rất nhiều sâu róm đáng sợ nhưng quả bàng thì lại vô cùng tuyệt vời; chúng tôi hay nhặt quả bàng chín vàng rụng, ăn phần thịt quả bên ngoài, lấy gạch ghè vỡ hạt, ăn phần nhân bên trong.

Sư thầy
08-05-2017, 20:29
Tản mạn một chút về rắn.

Như đã nói ở trên, trong các chuyến đi vào nơi hoang dã, tôi sợ nhất là bị rắn cắn và ong đốt. Với ong đốt, tôi chưa đọc được biện pháp chống chọi nào khả thi. Còn với rắn cắn, tôi thường mang theo một bịch hùng hoàng.

Hùng hoàng là một loại khoáng vật tự nhiên, ở dạng bột hoặc cục, có màu sắc từ đỏ, da cam đến vàng, là hợp chất của asen và lưu huỳnh. Hùng hoàng độc, khi gặp nhiệt độ cao, giải phóng chất độc thạch tín (ngày xưa hay dùng để đầu độc). Khi bị rắn cắn thì bôi bột hùng hoàng vào vết cắn, tài liệu y học chỉ nói vậy, không rõ còn thêm thao tác gì không. Hùng hoàng cũng có thể dùng để đuổi rắn rất công hiệu. Để mua hùng hoàng, có thể đến các tiệm thuốc bắc, hỏi “hồng hoàng”. Một số thông tin trên mạng cho rằng lưu huỳnh có thể đuổi rắn, tôi nghĩ đó là nhầm lẫn.

Tôi không nhớ rõ đã đọc ở đâu là có thể dùng thuốc lào trị rắn cắn. Nhai một nắm thuốc lào, nuốt lấy nước, bã đắp vào vết cắn.

Một số loại cây cũng áp dụng tương tự thuốc lào, chẳng hạn cây đơn kim. Cây đơn kim, còn gọi là đơn buốt, quỷ châm thảo thuộc họ cúc; bị rắn cắn thì nhai lá, nuốt nước, bã đắp. Khi tôi còn nhỏ, thường cùng bọn trẻ trong xóm ra bờ đê chơi, ngắt phần có gai móc (mà tôi chả biết gọi là gì) đem ném nhau như phi tiêu. Chúng có gai móc nên bám chặt vào quần áo, chúng tôi nói bậy là quần áo mày dính toàn lông l*n.

Trong cuốn Sinh tồn nơi hoang dã của Phạm Văn Nhân có đề cập đến vài phương thuốc ngoại khoa trị rắn cắn. Bắt 7 – 9 con rệp nuốt sống với nước sôi để nguội, đồng thời, bóp nát vài con bôi vào vết cắn. Hoặc dùng dịch âm đạo của phụ nữ bôi vào. Tác giả khẳng định đã tận mắt thấy 3 người được cứu bằng những phương pháp này. Phương pháp sau xem chừng không khả thi; chả lẽ dắt theo cô bồ, đến lúc bị rắn cắn thì bảo: em cho anh ấy ấy hay em ấy ấy để anh chữa rắn cắn à :D

Sư thầy
08-05-2017, 22:33
Rời miếu, tôi tiếp tục lên đường. Trong chuyến thứ hai, đó là lúc 1 giờ chiều. Tôi băng qua một bãi rộng những đá nhỏ, sỏi, cây bò trước khi tiếp bước công cuộc nhảy đá. Trong chuyến đầu tiên, tôi nhảy đá chừng 30 phút nữa rồi nghỉ trưa dưới bóng một tảng đá lớn. Lột hết quần áo ra, chỉ để lại cái quần xì cho khỏi nóng bức, việc quái gì phải ngại, có ai đâu nhỉ.

Ăn trưa, xong, tôi vừa nằm nghỉ, vừa ngắm mấy chú cá lác nhảy nhót dưới nắng. Thật kỳ lạ, những tảng đá ở nhánh phía nam hoàn toàn không có hà bám; trong khi đó, nhánh phía bắc thì có vô số vỏ hà bám vào, sẵn sàng cứa đứt chân bất cứ kẻ bạo gan nào.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141316&d=1494257288

Trời biển xanh, mây trắng, nắng vàng.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141317&d=1494257288

Một ngư dân cưỡi thuyền thúng vào bờ. Anh nhìn tôi; tôi, lúc đó có độc chiếc quần xì trên người, nghĩ không biết anh cho tôi là một thằng điên không.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141318&d=1494257288

Zoom gần một chút. Không rõ anh vào bờ làm gì, lúc đó tôi không để ý lắm. Giờ mới nghĩ, có thể anh vào lấy nước ngọt; nếu vậy thì thật tiếc là tôi đã không để ý, bởi tôi vẫn chưa biết điểm có thể lấy nước ngọt ở nhánh phía nam.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141319&d=1494257288

Toàn cảnh (panorama lỗi).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141320&d=1494257288

Cố gắng chống lại cám dỗ của nền đá ẩm ướt, từng cơn gió mát rượi, tôi lại phải lên đường. 2 giờ chiều.

Sư thầy
08-05-2017, 23:04
Nhánh phía nam có một nút thắt dễ làm nản lòng chiến sỹ. Một khe nước rộng, sóng đánh ầm ầm bên dưới. Cả hai lần đi, tôi đều không lưu lại tọa độ chỗ này, nhưng coi trên Google Maps thì có lẽ ở vị trí này.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141321&d=1494259061

Tảng đá này trông giống một chú cá hề ghê.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141324&d=1494259126

Phía đuôi của chú cá hề chính là đường thoát, trước đó cần đi theo đúng hình chữ U của khe nước.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141323&d=1494259126

Một hình ảnh thật không đẹp mắt chút nào. 01 vỏ chai trà Dr Thanh, 01 vỏ chai trà xanh 0 độ, 01 vỏ chai Revive của nhóm nào đó bỏ lại (hình chụp trong chuyến đi lần hai).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141322&d=1494259126

minhon
12-05-2017, 20:04
thấy chị mình đi kể mà khâm phục c ý lắm

Sư thầy
15-05-2017, 01:18
Một nút thắt thứ hai ở phía nhánh Nam là eo Gió. Trong chuyến đi đầu tiên, tôi mất gần nửa giờ đồng hồ ở chỗ này để tìm đường đi. Leo lên phía trên các tảng đá thì không được, vì quá cao. Chui dưới các tảng đá thì không xong, vì đá trơn, và đi từ tảng nọ sang tảng kia ở thế chênh vênh. Cuối cùng, tôi cũng tìm được lối đi, đó là chui dưới các tảng đá. Tại chỗ này, lúc còn đang lần mò tìm đường, tôi nằm khoảng 15 phút, hứng từng cơn gió mát rượi, trên nền đá ẩm ướt. Đúng với tên eo Gió, ở đây, gió thổi lồng lộng, mát rượi, một cảm giác thật đê mê, cám dỗ. Lần thứ hai tôi đi, đá bớt trơn hơn và gió cũng ít hơn một chút. Đang nằm chỗ này mà ngồi dậy thì phải cẩn thận kẻo bị cộc đầu vào đá, tôi đã bị một cú đau điếng trong lần đi thứ hai.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141479&d=1494785476

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141480&d=1494785476

Chui luồn qua mấy tảng đá, tôi sang được bên kia. Một bệ thờ nhỏ bằng gỗ, mái tôn hiện ra. Ở chuyến đi lần sau, mái tôn của bệ thờ đã xuất hiện những vết rỉ sét khá nhiều.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141481&d=1494785476

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141482&d=1494785476

Một sợi cáp khá dài được kéo ra ngoài khơi, có lẽ để neo đậu hoặc làm điểm cho thuyền bè cập bờ. Nếu nhìn toàn cảnh, có thể thấy chỗ này là địa điểm lý tưởng để cập bến, tuy chưa dám nói là tránh gió bão.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141483&d=1494785476

Đã đến rất gần mũi Đôi, nhưng trở ngại chưa hết. Tôi lại phải chui luồn một lần nữa. Cái gì thế kia, có vẻ có một chút may mắn; một trái dừa bị sóng đánh vào, mắc kẹt dưới mấy tảng đá, nơi tôi chui xuống. Sẵn rựa mang theo, tôi tước hết lớp vỏ bên ngoài, chỉ để trơ lại gáo dừa rồi bỏ vào ba lô. Có vẻ trái dừa bị ngâm nước khá lâu nên tôi tước lớp xơ dừa không khó khăn lắm. Dù sao, đây cũng là một nguồn bổ sung thực phẩm quý giá; hai ngày nay, toàn nhá lương khô, tôi ngán lắm rồi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141484&d=1494785589

Tôi đang đứng trên một tảng đá cao khoảng 1,5 mét so với mực nước bên dưới, để đi tiếp thì phải trèo xuống dưới. Thế đá chỉ có thể xuống, gần như không thể trèo lên. Cách điểm đặt chân mấy bước là nước, tôi không thể nhìn được xem mực nước có sâu không. Đành phải mạo hiểm thôi. Cột dây vào ba lô, tôi thả ba lô xuống trước, rồi bám đá trèo xuống sau. Đặt chân xuống dưới nước mà trong lòng không yên tâm chút nào. Quả là may mắn, nước chỉ xâm xấp, ướt giầy mà thôi. Trong chuyến đi thứ hai, tôi không nhớ có qua vị trí này hoặc có thể là mực nước thấp hơn nên không để ý.

Nhưng nào đã hết, phải lội vòng qua một tảng đá. Lần này thì chả còn vận may nào nữa. Dù chỉ lội mấy mét nhưng nước khá sâu, đến ngang hông, ngập qua túi đựng máy chụp hình tôi đang gài ở thắt lưng. Vậy là xong, ướt cả khăn ống và điện thoại để túi quần, ướt máy chụp hình. Việc đầu tiên khi lên chỗ khô là tháo ngay pin điện thoại và pin máy chụp hình để riêng. Sau đó mới là lột giày, tất, vắt cho bớt nước chứ chả hy vọng gì khô kiệt. Tuy vậy, khi xỏ giầy vào, nước lại chảy xuống; mỗi bước đi hay nhảy, lại nghe tiếng bòm bọp trong giầy, thật khó chịu. Chuyến đi thứ hai, tôi đi ở vị trí cao hơn nên đỡ cảnh ướt át này.

Sư thầy
15-05-2017, 15:34
Đã 5 giờ chiều, những tia nắng khuất sau rừng đá lô nhô và rừng cây bụi đang tắt dần. Tôi tới một bãi đá khổng lồ, so với chúng, tôi thấy mình thật bé nhỏ. Một tháp canh hiện ra trông khá hoang tàn.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141485&d=1494836597

Dò tìm điểm mũi Đôi nhập sẵn trên máy định vị, tôi thấy mình đi quá vài mét, lại phải quay lại.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141486&d=1494836597

Trên mặt đá, vương vãi dây nhợ của nhóm nào đó để lại.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141487&d=1494836838

Dù hơi trễ nhưng tôi vẫn trèo lên tảng đá gắn inox ngắm nghía một chút. Cái máy chụp hình cùi bắp bị ướt đã hoạt động trở lại.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141488&d=1494836838

Trở xuống, dựng lều xong thì cũng gần 6 giờ, cảnh sắc xung quanh mờ ảo chìm dần vào bóng tối. Việc đầu tiên là mang trái dừa ra, dùng rựa đập vỡ vỏ cứng, tôi chắc mẩm là bữa ăn tối sẽ được cải thiện đôi chút. Nhưng không, cùi dừa có vị hơi mặn và phảng phất mùi xà phòng. Có lẽ nước biển đã thẩm thấu vào trong, qua lớp vỏ cứng. Ai đã trải qua những giờ hóa học hữu cơ phổ thông có lẽ đều biết đến phản ứng xà phòng hóa chất béo. Trong môi trường kiềm, chất béo phản ứng, sinh ra xà phòng. Ở đây, trong cùi dừa có nhiều chất béo, nước biển là môi trường hơi kiềm, độ pH từ khoảng 7,5 – 8,4 (tắm biển xong mà không tắm lại bằng nước ngọt sẽ thấy người nhớt nhát là vì thế), đủ kiều kiện có thể điều phỏng đoán trên đã xảy ra. Vậy là mất toi bữa ăn ngon, ta trở về chung thủy với món lương khô thôi.

Tối nay, độ ẩm có vẻ hơi cao và thoảng có gió lạnh, tôi cứ sợ trời sẽ mưa. Nếu mưa, lều của tôi không chắc có chống chọi được hay không. Miếng che đỉnh lều, ngay từ lúc mua, thay vì móc được 4 góc thì chỉ móc được có 3 góc thôi. Nó sẽ trở thành mồi ngon cho những cơn gió mạnh và cơn mưa lớn. Dù vậy, tôi vẫn cởi quần áo, trải lên mấy phiến đá quanh lều với hy vọng, cho tới sáng ngày mai, gió sẽ làm khô nó đi.

Bữa tối qua đi nhanh chóng. Lại một đêm dài trôi qua. Vẫn lại tiếng nổ của động cơ và ánh đèn quét loang loáng trên mặt biển. Tôi xin đính chính một chút, có lẽ đây là tiếng của động cơ xuồng máy chứ không phải ca nô như tôi đã viết trước đó; bởi vì, nó lướt đi khá nhanh. Rồi mọi vật chìm vào trong giấc ngủ mê mải.

Sư thầy
15-05-2017, 16:36
Buổi sáng, tôi thức dậy khi mặt trời chưa mọc, những mong được ngắm cảnh bình minh trên biển nơi mũi Đôi. Chòi canh vẫn sừng sững ở đó, như người lính gác thầm lặng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Con trăng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141489&d=1494840570

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141490&d=1494840570

Run run bám vào dây thừng neo sẵn, tôi trèo lên tảng đá, nơi gắn chóp inox. Buổi sáng, cơ thể chưa quen với vận động, lại thêm cái bệnh sợ độ cao khiến loay hoay một hồi, tôi mới lên được đến nơi. Bình minh lên.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141491&d=1494840570

Nơi mũi Đôi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141492&d=1494840570

Cao hơn một chút.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141495&d=1494840935

Từ trên, nhìn xuống chỗ tá túc đêm qua.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141493&d=1494840570

Tự sướng một hồi, rồi cũng đến lúc phải leo xuống. Đây là bữa tối hụt của ngày hôm qua, đành bỏ thôi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141494&d=1494840570

Ăn xong, thu dọn rồi lại phải lên đường thôi, lúc đó là 7 giờ sáng ngày thứ ba của hành trình.

Sư thầy
15-05-2017, 17:16
Với chuyến đi thứ hai, có chút dễ dàng hơn. Do biết rõ địa hình, hành lý lại gọn nhẹ, tôi đến mũi Đôi lúc 3 giờ 30 phút chiều ngày thứ nhất. Chóp inox nổi bật trên nền trời xanh.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141496&d=1494843005

Trèo lên tự sướng một hồi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141497&d=1494843005

Tọa độ đo tại chóp inox (trong hệ WGS-84).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141353&d=1494311328

Chóp rất đẹp, đã được làm sạch rỉ sét, sáng bóng hơn so với hình ảnh trong chuyến đi lần trước của tôi. Chỉ tiếc là tọa độ khắc trên chóp không chính xác. Chi tiết xin xem tại đây:

https://www.phuot.vn/threads/337419-V%E1%BB%81-t%E1%BB%8Da-%C4%91%E1%BB%99-kh%E1%BA%AFc-tr%C3%AAn-ch%C3%B3p-inox-%E1%BB%9F-m%C5%A9i-%C4%90%C3%B4i-v%C3%A0-%C4%91i%E1%BB%83m-c%C3%B3-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ng%E1%BB%8Dt-%E1%BB%9F-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-gh%E1%BB%81nh-ph%C3%ADa-B%E1%BA%AFc

4 giờ, tôi lại lên đường.

Sư thầy
15-05-2017, 23:18
Từ giờ phút này trở đi, vấn đề gay go nhất là nước. Như đã nói từ đầu, chuyến đi đầu tiên, tôi mang 3,66 lít nước. Sau bữa sáng của ngày thứ ba, tôi chỉ còn chừng 1 lít nước cho cả đoạn hành trình còn lại. Nhìn trên lộ trình vạch sẵn, quãng đường còn lại dài hơn hẳn, còn nước thì lại ít hơn hẳn so với quãng đường đã vượt qua; không ổn tẹo nào. Trước chuyến đi này, tôi không có được bất kỳ thông tin nào về chỗ có thể lấy nước trên toàn tuyến nhảy đá.

Nghỉ chút nào. Phía trước, một doi “đất” nhô ra, toàn là đá tảng. Từ xa, thấy một màu xanh xanh ngăn cách doi “đất” đó với bán đảo.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141542&d=1494864556

Tiếp tục nhảy nào. Tôi đến một dải cát hẹp với đầy rác rưởi và chai lọ, có thể do khách du lịch xả, có thể do thủy triều cuốn vào và nằm lại đó. Chợt tôi thấy dưới chân một chai nước. Có vẻ như còn nước bên trong. Mở nắp chai và thử nào. Nước uống được các bạn ạ. Có lẽ chai nước này là của ai đó trên đường ra mũi Đôi đánh rơi hay bỏ lại. Dù bất cứ lý do gì, đó cũng là lộc trời cho tôi trong hoàn cảnh khó khăn này; cỡ 0,1 – 0,15 lít nước chứ ít à.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141543&d=1494864556

Kể từ lúc có được “lộc trời”, tôi cứ vừa đi, vừa nhìn quanh quất xem có gì khả dĩ dùng được không; tôi bắt đầu “nhặt rác”. Trong những vũng còn ngập nước biển khi thủy triều xuống, nghoe nguẩy những cánh tay của một loài động vật bậc thấp nào đó mà tôi không biết tên. Nếu nó lớn hơn, dễ làm ta liên tưởng đến những cánh tay của loài bạch tuộc. Nhưng nó nhỏ, dài cỡ 10 – 20 cm, thay cho những xúc tu như bạch tuộc là những râu lởm chởm.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141544&d=1494864556

Một chai trông giống thuốc, trên nắp chai toàn chữ tượng hình (chỗ này quên không chuyển sang chế độ chụp cận cảnh). Mở chai ngửi, mùi thơm hơi hơi giống thuốc ho Bổ phế chỉ khái lộ. Quẳng vào ba lô và tự nhủ, nếu không ở bước đường cùng thì không bao giờ dùng. Thứ nhất, chả biết trong đó là cái gì. Thứ hai, trông chữ tượng hình như chữ Trung Quốc, lòng tự tôn dân tộc lại nổi lên.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141545&d=1494864556

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141548&d=1494864643

Tôi lại lom dom đi, ngó quanh quất dải cát đầy rác này xem còn gì hữu dụng hơn. Ồ, cái gì thế kia; một ống cao su dẫn nước từ khe đá chảy ra trên nền đá toàn rêu. Tôi nếm thử nước và cảm thấy không có gì tuyệt vời hơn hình ảnh này; là nước ngọt có thể uống được. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141547&d=1494864556

Sư thầy
17-05-2017, 13:55
Điểm lấy nước này có tọa độ: 12 độ 39’ 04.0’’ vĩ Bắc, 109 độ 27’ 31.5’’ kinh Đông. Tôi chưa từng đi mũi Đôi bằng đường xuất phát từ nhà chú Hai Châu hay chú Ba Thanh nên không biết chính xác, nhưng coi hình ảnh các đoàn trước đã đi từ bãi Rạng ra mũi Đôi thấy có nhảy đá một quãng nữa nên có lẽ đây chính là điểm lấy nước ở mũi Đôi mà các topic trước đó đã từng đề cập.

Từ điểm lấy nước nhìn về phía sau.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141550&d=1495003802

Nhìn về phía trước.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141551&d=1495003802

Phấn khích khi tìm được nguồn nước, tôi xếp đá san hô thành hình chữ N (nước) trên phiến đá lớn.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141552&d=1495003802

Tại điểm này, nước lấy khá dễ dàng, chỉ khoảng 10 phút là đầy chai 0,5 lít. Tôi uống cạn một chai rồi tranh thủ hứng đầy tất cả các chai rỗng, sau đó lại lên đường, lúc đó là 8 giờ 30 phút sáng ngày thứ ba.

Trong chuyến đi lần thứ hai, tôi đến điểm lấy nước này lúc 5 giờ chiều. Những viên đá san hô tôi xếp thành hình chữ N vào 3 năm trước đã không còn. Đầu ống cao su dẫn nước đầu lồng vào trong một vỏ chai nước cắt ra. Tôi tranh thủ hứng đầy chai nước duy nhất mang theo. Trước đó, trước khi đến chóp inox, tôi đã uống cạn nước mà không mảy may lo lắng, bởi đã biết rõ điểm lấy nước này qua lần đi đầu tiên.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141354&d=1494311990

Toàn bộ hành lý của chuyến đi thứ hai (máy định vị và máy chụp hình đeo bên người).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141553&d=1495003802

Hành lý chuyến đi thứ hai khá gọn nhẹ, không kể những thứ mang trên người thì bao gồm: 8 thanh lương khô (đến thời điểm này chỉ còn 7 thanh); 1 chai nước 0,5 lít; 1 áo thun sơ cua; 1 quần nhanh khô được tháo ống cho gọn; 1 quần lót; 2 cặp pin AA sạc sơ cua cho máy định vị và máy chụp hình; 1 đèn pin đeo đầu với đầy đủ pin; tất cả để trong 1 túi bao tử; tổng trọng lượng chưa đến 3 kg. Ban đầu, tôi định cột túi bao tử quanh bụng nhưng thấy không ổn vì nặng, để túi trước bụng thì ảnh hưởng cột sống, để túi sau lưng thì áp lực tì vào bụng gây sóc, rất dễ đau bụng. Sau cùng, tôi quyết định nới rộng dây và quàng qua vai, mặc dù khóa dây tì vào vai không mấy thoải mái nhưng cũng dễ chịu hơn hai cách trên.

Hành lý chuyến trước đó thì cồng kềnh hơn do là chuyến đầu tiên, không rõ về hành trình:

3,66 lít nước;
1,2 kg lương khô;
1 lều đôi, nặng khoảng 1,8 – 2 kg;
1 chiếu du lịch;
1 cuộn dây, khoảng 1 kg;
1 dao rựa, khoảng 0,5 kg;
1 máy chụp hình siêu zoom;
1 máy chụp hình cùi bắp, đeo bên thắt lưng;
1 máy chụp hình chống nước cùi bắp;
4 cặp pin sạc AA sơ cua cho máy định vị và máy chụp hình;
1 điện thoại sơ cua;
Quần áo dài, quần áo lót, tất;
1 đôi dép kẹp;
Linh tinh khác: giấy vệ sinh, giấy ướt, nước súc miệng, nước rửa tay khô, kẹo sing-gum;

Tổng trọng lượng khoảng 11 kg.

Đã có nước, tôi tranh thủ nhá một chút lương khô. Lần này, nước chảy có vẻ chậm hơn lần trước, khoảng 15 phút mới đầy chai 0,5 lít. Ăn vào, bụng thấy ấm ách, khó chịu. Sau khi nôn ói ra, tôi mới có thể tiếp tục lên đường, lúc đó là 5 giờ 30 chiều ngày đầu tiên của chuyến đi thứ hai.

minhon
19-05-2017, 14:07
nhìn như kiểu phải đi qua sa mạc ý sợ quá

Sư thầy
22-05-2017, 20:44
Chuyến đi đầu tiên, 9 giờ 30 phút, bãi Rạng.

Nắng khá gắt, tôi ngồi trú dưới bóng râm của một tảng đá. Phảng phất một mùi hương không mấy dễ chịu, chất thải của các đoàn du lịch trước đã để lại. Một bát nhang làm bằng vỏ lon đồ hộp cũ, trong đổ đầy gạo, trông khá thô sơ. Một bộ xương san hô đen trông khá lạc lõng. Xuống vầy nước một lúc là chán, tôi đi loanh quanh trên bãi sỏi. Một vài chiến lợi phẩm tôi nhặt được: một chú cá ngựa khô, vài vỏ ốc màu tím khá đẹp (lại quên không chuyển sang chế độ cận cảnh rồi). Chú cá ngựa khô này, tôi cho vào trong hộp đựng kính bơi, làm kỷ niệm; nhưng đem về được khoảng một tuần, bỏ ra thấy hôi hôi nên đành bỏ đi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141677&d=1495460281

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141678&d=1495460281

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141679&d=1495460281

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141680&d=1495460281

Không có gì để chơi, để ngắm, cũng như không có chỗ có thể ngồi lâu, tôi rời bãi Rạng lúc quá 10 giờ sáng một chút.

Sư thầy
22-05-2017, 20:47
Chuyến đi thứ hai, tôi đến bãi Rạng lúc 5 giờ 45 phút chiều. Cảnh vật đã thay đổi khá nhiều so với ba năm trước. Một cái chòi được dựng lên trông khá tạm bợ: khung cây gỗ, mái và vách lợp tôn. Chòi được cơi nới ra với khung cũng bằng cây gỗ, mái phủ bạt. Mái phần cơi nới rách rưới, hoang tàn.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141681&d=1495460416

Gần đó, một “công trình” khác cũng đang được dựng lên, hứa hẹn nơi đây sẽ đón thêm nhiều khách du lịch nữa.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141682&d=1495460416

Trước phần cơi nới của cái chòi, một tấm biển gỗ được dựng lên, ghi thông tin cần liên hệ của chủ cái chòi này.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141683&d=1495460416

Bên hông chòi, cơ man nào vỏ chai lọ vứt lăn lóc, lổn nhổn trông thật mất thẩm mỹ. Xem chừng, việc đón thêm càng nhiều khách du lịch nữa, bãi Rạng sẽ càng nhanh chóng đổi tên thành bãi Rác mất.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141684&d=1495460416

Ngồi khoảng 10 phút ở “bãi Rác” này, tôi lại đi.

Sư thầy
22-05-2017, 21:23
Rời bãi Rạng, tôi lại hành xác dưới cái nắng chói chang. Khoảng 11 giờ trưa, tôi tới một nút thắt khá hiểm của nhánh phía Bắc. Giữa khối đá tôi đang đứng với khối đá kế tiếp là một khoảng trống từ 2 đến 3 mét, bên dưới sóng vỗ ầm ầm. Loanh quanh một hồi mà không vượt qua được, tôi đành quay lại. Vòng một quãng kha khá, tôi quyết định bọc lên phía trên cao, phía ấy là rừng cây bụi.

Để lên phía trên, tôi vượt qua một mái dốc bằng đất khô rang nhưng hoàn toàn không chắc chắn, tay bám vào những bụi cỏ tranh sắc lẻm. Vừa bò lên, lòng vừa nơm nớp sợ bị trượt khỏi mái đất. Rồi cũng qua khỏi mái đất, lúc đó đã gần 11 giờ 30, tôi buộc phải tim chỗ nghỉ trưa. Gần đó có một bụi cây dứa dại, dưới gốc dứa có một khoảng trống, có thể nằm nghỉ được. Tôi dùng rựa chặt bỏ một nhánh dứa vươn ra để lấy khoảng trống trải chiếu. Chỗ nằm nghỉ trông cũng ngon lành đó chứ.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141685&d=1495462734

Thế nhưng, bên dưới là khoảng trống. Để nằm nghỉ trưa ở đây, tôi phải lấy dây cột thân mình vào gốc dứa, sợ lúc cựa mình sẽ lăn xuống thì có trời cũng chả cứu được.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141686&d=1495462734

Đây là hình ảnh bên dưới, thật là khoáng đạt phải không nào ?

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141687&d=1495462734

Thử độ đen tối của bạn: hãy cho tôi biết, bạn nhìn thấy cái gì nào :D

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=141688&d=1495462734

Lengo
23-05-2017, 22:10
Khám phá thêm được chổ này rồi nhe, cám ơn chủ xị

kedachet
13-06-2017, 21:51
bác có Thể viết chi tiết hơn và nhìu ảnh chụp hơn, ảnh map nhìu hơn dc ko, em đang dưỡng sức tết này solo. mong được các bác giúp đỡ để có tư liệu đi. em cảm ơn.

Tieu_Anh
16-06-2017, 16:51
Hiện tại, theo thông tin mình biết, với việc đi nhảy đá, về nhảy đá thì chưa có nhóm nào Sáng ra, Chiều về. Nhóm Tran Minh Tuyen đi 15 giờ cũng là đến bãi Na từ chiều tối hôm trước rồi hôm sau dậy đi từ sớm.

Bạn ơi, nhóm mình 02 người không dẫn đường sáng 06h xuất phát và tối 6h có mặt tại đường quốc lộ. Nhưng mình không khuyến khích đi kiểu này vì hôm sau sẽ bị tê liệt :)).

Sư thầy
16-06-2017, 18:46
Bạn ơi, nhóm mình 02 người không dẫn đường sáng 06h xuất phát và tối 6h có mặt tại đường quốc lộ. Nhưng mình không khuyến khích đi kiểu này vì hôm sau sẽ bị tê liệt :)).

Bạn đi về bằng thuyền mà, đâu có nhảy đá.

Sư thầy
16-06-2017, 18:55
Gió hiu hiu mát rượi khiến cho buổi nghỉ trưa của tôi kéo dài, thu dọn hành lý xong cũng gần 2 giờ chiều. Tôi đi lại loanh quanh khu vực đó một hồi thì phát hiện một lối vào rừng. Rừng cây bụi nhưng khá rậm rạp; tôi quyết định chỉ cầm rựa theo rồi bỏ ba lô ở cửa vào, không quên ghi lại tọa độ của điểm hạ ba lô. Trong rừng, có một con đường mòn nhưng đi một chút thì mất dấu, có vẻ như đã lâu lắm không có người qua lại. Tôi bám theo các khối đá để đi, quanh các khối đá, cây cối có thưa thớt hơn chút. Thỉnh thoảng, tôi lại phải dùng rựa phát quang những gai góc, cành cây để lấy lối đi. Loanh quanh một hồi nữa, tôi lên được một khối đá cao. Từ đây nhìn xuống, có thể trông thấy khu vực nút thắt bên phía dưới; phía xa xa là Hòn Đôi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142310&d=1497613729

Zoom gần hơn khu vực nút thắt.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142311&d=1497613729

Từ khối đá này, không còn đường đi tiếp, tôi buộc phải quay lại tìm đường khác. Sau khi chui qua khe trống giữa hai khối đá lớn đứng chơ vơ, tôi tìm đường đường đi bằng cách nhảy giữa các tảng đá. Lại tắc rồi; khi đứng trên đá, tôi không thấy gì, chỉ một màu xanh của lá cây. Lùm cây phía trước có dấu hiệu của lối đi vì lá cây không dày đặc, tôi đánh liều trèo xuống, chênh lệch độ cao giữa mặt đá và mặt đất cũng kha khá. Qua đến đây thì có thấy có đường thoát rồi, tôi quay lại thôi.

Quay lại tìm ba lô cũng là một vấn đề nan giải. Lối đi đầy gai góc, đường không rõ ràng, các đường được ghi trên máy định vị thì di dít đan xen nhau. Trước đó, tôi đã cài đặt máy định vị ghi tracklog theo cả quãng đường và thời gian (3 phút lại ghi một lần); mà máy định vị nào thì cũng có sai số, với cùng một điểm, qua hai lần định vị thì sẽ cho hai tọa độ khác nhau (chênh vài mét). Vì vậy, chỗ nào mà đường đi khó hoặc ngồi nghỉ mà không tắt máy định vị thì y như rằng, chỗ đó, tracklog thành đống bùi nhùi. Mất kha khá thời gian mới quay lại được chỗ để ba lô.

Để đi đúng con đường đã tìm được lại cũng nan giải chả kém, cũng bởi lý do như trên. Rút cục, để vượt qua nút thắt này, tôi mất gần 2 giờ đồng hồ. Khi rời khỏi những lùm cây bụi ở phía bên kia, tôi bắt gặp một chú sóc trên nền đất đang lom khom làm gì đó. Chưa kịp rút máy chụp, chú ta đã chạy biến. Còn đây là hình ảnh phía bên kia của nút thắt.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142309&d=1497613729

Qua được nút thắt quả là đáng mừng, nhưng quãng đường phía trước còn dài, tôi không dám nghỉ ngơi quá lâu. Lại một tảng đá khác trông như chú cá hề trên đường đi của tôi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142313&d=1497613972

Ở mũi đất nhô ra ngoài biển, có một vùng trũng có thể đi được. Với dự định nhảy đá ban đầu, tôi không muốn đi vào vùng trũng đó nên đã tiếp tục nhảy lên các tảng đá cao ngất. Thế nhưng, loanh quanh một hồi cũng không thể vượt qua mà trời đã về chiều, tôi quyết định dời xuống các tảng đá thấp hơn rồi dựng lều. Lúc đó khoảng 5 giờ 30 phút chiều ngày thứ 3 của chuyến đi đầu.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142312&d=1497613729

Trong hình trên, đường đỏ là tracklog của chuyến đi đầu, đường xanh là của chuyến đi sau.

Sư thầy
16-06-2017, 20:26
bác có Thể viết chi tiết hơn và nhìu ảnh chụp hơn, ảnh map nhìu hơn dc ko, em đang dưỡng sức tết này solo. mong được các bác giúp đỡ để có tư liệu đi. em cảm ơn.

Mình không biết bạn định đi con đường nào và bạn cần thông tin gì nên không thể giúp nhiều được. Ảnh thì có nhiêu thôi; nói thật, đi nhảy đá kiểu này thì chả có dư thời gian và sức lực để chụp nhiều được.

Để có cái nhìn tổng quan, bạn có thể coi blog của Trần Minh Tuyên (thành viên nhóm nhảy đá 15 giờ) nhé:

https://tranminhtuyen.wordpress.com/2016/04/19/tong-hop-cac-cung-duong-o-cuc-dong-mui-doi/

kedachet
16-06-2017, 21:38
Mình không biết bạn định đi con đường nào và bạn cần thông tin gì nên không thể giúp nhiều được. Ảnh thì có nhiêu thôi; nói thật, đi nhảy đá kiểu này thì chả có dư thời gian và sức lực để chụp nhiều được.

Để có cái nhìn tổng quan, bạn có thể coi blog của Trần Minh Tuyên (thành viên nhóm nhảy đá 15 giờ) nhé:

https://tranminhtuyen.wordpress.com/2016/04/19/tong-hop-cac-cung-duong-o-cuc-dong-mui-doi/

Dạ em đi và về theo cái đường màu xanh dương đó bác. Mong bác giúp đỡ

https://i640.photobucket.com/albums/uu123/nguoinamxuong/anh/linhtinh/cuc-dong-mui-doi.png (http://s640.photobucket.com/user/nguoinamxuong/media/anh/linhtinh/cuc-dong-mui-doi.png.html)

Sư thầy
17-06-2017, 10:38
Dạ em đi và về theo cái đường màu xanh dương đó bác. Mong bác giúp đỡ

https://i640.photobucket.com/albums/uu123/nguoinamxuong/anh/linhtinh/cuc-dong-mui-doi.png (http://s640.photobucket.com/user/nguoinamxuong/media/anh/linhtinh/cuc-dong-mui-doi.png.html)

Đường đó (gọi là đường rừng) vốn là đường đi của hầu hết các nhóm, nhưng mình lại chưa đi bao giờ. Vì vậy, bạn có thể hỏi bất cứ ai đã đi mũi Đôi, trừ mình :D

Hoặc bạn có thể cầm theo smartphone hay máy tính bảng, bật định vị lên và đi. Đường mòn đó hiện rõ trên Google Maps.

Sư thầy
17-06-2017, 13:33
Đêm đó thật là yên tĩnh, không còn sợ tiếng động cơ làm phiền nữa vì vị trí cắm trại nằm tương đối khuất. Buổi tối hôm đó, kiểm tra lại quãng đường còn phải vượt qua thấy còn khá dài nên tôi quyết định sẽ dậy và đi sớm vào ngày hôm sau. Sáng hôm sau, tôi trở dậy từ 4 giờ sáng. Sau khi xong mọi thủ tục thì cũng quá 4 giờ 30, tôi lên đường. Con trăng còn chênh chếch trước mặt, không đủ ánh sáng soi rọi cho những bước chân nặng nhọc; tôi bật đèn pin đội đầu lên. Còn sớm quá, cơ thể chưa kịp quen với vận động mạnh, cộng với ánh sáng yếu ớt, tôi bước đi mà cứ biêng biêng.

Hừng đông, quả cầu lửa đỏ ối nhô lên khỏi mặt biển, một ngày mới lại bắt đầu. Tôi ngồi nghỉ, tranh thủ nhá một chút lương khô; lúc sáng trở dậy, bụng rỗng nhưng không muốn ăn.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142314&d=1497680514

Khoảng 9 giờ sáng, tôi tới một dải cát hẹp ven biển. Theo quán tính, tôi lại ngó nghiêng xung quanh, lần này không phải do thiếu nước mà là do tò mò. Trong những hốc đá nước biển còn giữ lại, những chú cá nhỏ xíu đang tăng tăng bơi lội. Dọc theo thân mình mấy chú có sọc chạy dài, hệt như loài cá ngựa vằn người ta nuôi làm cảnh.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142315&d=1497680514

Một chai có chứa nước bị vùi gần hết dưới cát; thấy có nước, tôi liền moi lên. Trong chai đầy nước có thể uống được; tôi bỏ vào ba lô phòng thân sau khi đã rửa sạch cát bên ngoài.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142316&d=1497680514

Một vỏ chai nước chanh muối Icy của Vinamilk có lẽ do sóng biển đánh vào, bị mắc lại trên bờ cát; trong chai, vẫn còn sót một chút nước. Ngửi thấy không vấn đề gì, tôi uống ngon lành phần nước sót lại đó. Hương vị quả là không tệ.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142317&d=1497680514

Ở nơi khô cằn này, không có nhiều loài thực vật có thể sống được; lác đác đây đó, vài bụi cây dứa dại vẫn vươn mình với những khóm lá răng cưa đầy sức sống.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142318&d=1497680514

Sóng đánh vào bờ đủ thể loại rác thải của con người, từ vỏ chai, lưới đánh cá, phao xốp đến cả một cái tủ đông với kích thước lớn nữa. Cái tủ đông nằm lại trên những tảng đá lớn, trong đầy nước, và co ro một chú chuột nhắt. Chú ta sơ sẩy chui vào và bị mắc kẹt ở đây. Nếu cứ thế này, chú ta sẽ đầu hàng số phận với tiếng kêu gào của dạ dày dưới ánh nắng như thiêu như đốt thế này. Thôi thì giải cứu cho chú ta vậy, tôi đặt vào đó một tấm ván gỗ, có lẽ là cái thành giường; chú ta phóng lên và chạy biến.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142321&d=1497681175

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142320&d=1497680514

Cũng trên hành trình này, gần trưa, tôi bắt gặp một chú kỳ đà khá lớn, chiều dài cả đuôi khoảng 70 – 80 cm. Chú ta đang nằm phơi nắng hay làm gì đó mà chăm chú nhìn vào một hốc đá. Nhẹ nhàng tiến lại gần, tôi mở bao đeo máy ảnh, định sẽ có một tấm hình để đời. Thật không may, nghe tiếng lách tách, chú ta quay lại, ngó thấy tôi liền chạy biến vào trong hốc đá.

Sư thầy
17-06-2017, 17:24
Gần trưa, tôi tới được mũi Đá Chôn, là nơi có trạm gác yến sào.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142325&d=1497694865

Từ xa, ba khối đá khổng lồ ngạo nghễ chồng lên nhau, nổi bật trên nền trời trong xanh; bàn tay sắp xếp của thiên nhiên thật kỳ ảo. Nếu hình ảnh này có liên quan đến cái “mũi Đá Chôn” thì có lẽ cái tên đó phải là “mũi Đá Chồng” mới đúng.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142322&d=1497694865

Zoom lại gần một chút.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142323&d=1497694865

Thêm vài bước nữa thì thấy thấp thoáng lá cờ bay phấp phới theo từng làn gió biển. Gần hơn là một căn chòi cũ dựng trên các thân tre đã mục nát. Hình dạng căn chòi dễ làm ta liên tưởng đến cái cầu tiêu; nhưng giữa đất trời mênh mông này, họ làm cầu tiêu làm gì, lấy chất thải để trồng cây chăng ? Dù gì, giữa trưa nắng gắt thế này, tôi cũng không muốn đến tận nơi để tìm hiểu cụ thể, quỹ thời gian còn lại rất hạn hẹp. Trong lần thứ hai, quay trở lại chỗ này, căn chòi rách nát này đã không còn.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142324&d=1497694865

Lặng lẽ tiến về phía trạm gác yến sào trên con đường trống trải dưới cái nắng gay gắt buổi trưa. Trạm gác có hai người, một người đã trông thấy tôi nên la lớn: “Ai đó ?”. “Em đi mũi Đôi về. Anh cho em đi qua nhờ một chút !”, tôi trả lời. Tiến lại gần hơn, tôi hỏi đường đi tiếp và được chỉ dẫn tận tình. Đi được một chút thì đã 12h giờ 30 phút, tôi nép vào bóng râm của khối đá lớn để nghỉ ăn trưa. Cũng chả ăn được nhiều, lại lên đường.

Sư thầy
18-06-2017, 20:34
Từ trạm gác yến sào, tôi phải băng qua hai dải cát hẹp mới có chỗ chui vào rừng. Cuối dải cát thứ hai, một khối đá chắn lối, trên có sơn chữ “Lối vào” kèm mũi tên chỉ; khối đá tuy không lớn lắm nhưng lúc này sức lực đã kiệt rồi nên tôi đi theo chỉ dẫn. Đường mòn trong rừng quanh co, nhưng tôi có thể từ tốn đi, không mất sức như khi nhảy đá dưới cái nắng gay gắt.

Sau khi chui ra khỏi rừng cây bụi, vượt qua một khoảng trống ngắn nữa, tôi thấy thấp thoáng mấy cái võng mắc sẵn dưới tàng cây râm mát. Chà, thiên đường là đây, tôi thầm nghĩ. Còn gì sung sướng bằng khi được nằm võng, hưởng từng làn gió mát rượi sau những phút hành xác thế này.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142365&d=1497792165

Gần đó là căn nhà vách tôn, mái tôn của chú Ba Thanh.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142366&d=1497792165

Lúc đó khoảng 1 giờ 45 phút, không có ai ở nhà, cửa đóng, then cài. Chỉ có mấy con gà, hoặc được nhốt trong lồng, hoặc thả rông. Mấy cái lồng gà đặt dưới gốc cây dứa dại, được che chắn bằng bao xác rắn tạm bợ.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142368&d=1497792165

Cây dứa dại đã có vài cụm quả ngả sang màu cam rất hấp dẫn, có lẽ sắp chín.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142367&d=1497792165

Đây là loài thực vật thuộc họ Dứa dại, có khi gọi là họ Dứa gai (tên khoa học Pandanus). Trong họ này có khá nhiều loài trông bên ngoài na ná nhau, thực sự là thách đố lớn đối với dân ngoại đạo chúng ta. Loài mà chúng ta đang nhìn thấy ở đây có lẽ là loài dứa mập (tên khoa học Pandanus odoratissimus), nó còn được chia nhỏ hơn nữa thành dứa Huế và dứa Việt. Theo nhiều tài liệu tôi đọc được, phần lớn các loài trong họ này có thể dùng làm thuốc.

Dưới bóng cây râm mát, vài cái pa-let bằng gỗ được xếp chồng lên nhau, có lẽ để làm chỗ nghỉ tạm hoặc kê đồ. Bề mặt pa-let toàn cát với bụi nên tôi không nghỉ ở đó, chỉ quăng tạm ba lô lên rồi ra võng nằm. Nằm nghỉ một lúc chán, tôi nảy ra ý định nếm thử mùi vị của thứ quả lạ kia, mặc dù khi đó, tôi chả biết tí gì về nó, chỉ là thấy nó giống dứa thì muốn thử thôi. Lúc đó, quả thực cũng đói bụng, mà lương khô thì quá sức ngán ngẩm rồi.

Sau khi lựa được quả xem chừng chín nhất, tôi cầm rựa phạt xuống (cái gọi là quả đó thực ra là một cụm quả). Tiếp tục kê quả chặt được xuống phản, tôi băm băm chặt chặt. Không dễ dàng chút nào, các múi (các quả) liên kết khá chặt với nhau. Loay hoay một hồi rồi cũng xong. Giữa quả đó có một lõi trắng trông khá ngon mắt.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142369&d=1497792165

Tôi tách thử một múi ra, kê lên phản và phạt bỏ phần đầu đi. Ái chà chà, trông ngon lành như múi mít ấy nhỉ. Đưa lên miệng cắn, cứng quá, toàn xơ, chả có vị gì. Tôi tách phần lõi trắng và ăn thử, cũng thua luôn, chả được vẹo gì, đành để lại trên phản.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142370&d=1497792165

Nghĩ rằng mình đã tự tiện chặt quả của người ta, tôi đặt tờ 20.000 đ bên dưới nửa quả dứa. Kèm theo đó là mảnh giấy với lời lẽ: xin lỗi vì đã chặt cây khi chưa được sự đồng ý của chú, xin gửi lại một ít tiền … Thực ra, cây dứa dại mọc hoang trên bãi biển, không thuộc quyền sở hữu của ai cả. Nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ là mình đã xâm phạm khu vực của người ta thì tôn trọng, thế thôi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142371&d=1497792165

Đang lúi húi thì nghe có tiếng động, tôi ngẩng lên thì thấy anh ở trạm gác yến sào, người đã chỉ đường cho tôi trước đó hơn giờ đồng hồ. Anh hỏi: “ Giờ mới đến đây à, sao đi chậm thế ?”, tôi chỉ ậm ừ. Anh và tôi trao đổi vài câu; anh nói đi lượm phân bò về trồng cây. Lúc đó, tôi chuẩn bị lên đường, anh chỉ cho một đường mòn nào đó, nhưng tôi không để ý vì đã có chủ định đi theo hành trình nhảy đá. Lúc đó khoảng 2 giờ 15 phút chiều ngày thứ tư của hành trình.

cophaymeo
21-06-2017, 09:23
bác rất chuyên nghiệp

Sư thầy
21-06-2017, 20:53
Rời nhà chú Ba Thanh, tôi lại cắm cúi nhảy đá. Từ lúc này trở đi, phần vì đuối sức, phần vì hành trình đã kéo dài tương đối, độ hứng thú trong tôi đã hơi giảm xuống, ảnh chụp ít đi rất nhiều. Đây là một trong những hình ảnh cuối cùng trên bước đường nhảy đá; từ mũi đất nhô ra, trước khi tới nhà chú Hai Châu, nhìn về phía nhà chú Ba Thanh.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142774&d=1498052703

Đã tới nhà chú Hai Châu, từ xa, đã nghe thấy tiếng chó sủa. Ba con chó tiến lại phía tôi sủa vang, tôi mặc kệ, lầm lũi tiến về phía ngôi nhà. Nhà chú Hai Châu cũng cửa đóng then cài, có lẽ không phải mùa du lịch nên không ai ở đây. Lúc này khoảng 4 giờ 45 phút chiều.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142775&d=1498052703

Lại nhảy đá, hành trình ban đầu vẽ ra là vượt xa nhà chú Hai Châu, cắt ngang đồi cát ra đường nhựa. Tuy nhiên, nhảy được một quãng ngắn thì gặp chướng ngại, không vượt qua nổi. Lúc này đã 5 giờ chiều, tôi vượt qua mái dốc đất lở thì thấy con đường mòn nên quyết định về luôn. Trên đường ra, lác đác vài bụi muống biển, cánh hoa đã tàn lụi.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142778&d=1498053139

Trong đầu tôi, văng vẳng câu hát về “Chuyện tình hoa muống biển”:

“… Thuở loài người có tên trước biển
Và không ai gọi biển như bây giờ
Có chàng trai tên Biển
cùng yêu thương cô Muống chân tình
Biển mải mê khơi tìm luồng cá
Con nước vô tình cuốn Biển trôi xa.

Muống âu sầu, rồi chết bên bờ
Đời gọi tên từ đó loài hoa, loài hoa muống biển
Đời gọi tên từ đó:
bông hoa trắng xinh xinh, nhụy hoa buồn tim tím…”

Loài muống biển, còn có tên gọi bìm chân dê (tên khoa học Ipomoea pes-caprae) thuộc họ Bìm bìm; là cây cố định cát ở bãi biển. Lá cây tươi giã nát có thể dùng trị rắn cắn. Y học cổ truyền Thái Lan dùng lá cây muống biển tươi trị nọc độc do sứa biển.

Con đường mòn tôi đi ra.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142776&d=1498052703

Trên đường ra, tôi gọi đặt vé xe Phương Trang hướng từ Quy Nhơn ra Thành phố (lúc đó, Phương Trang chưa có xe chạy tuyến TP.HCM – Tuy Hòa; cuối tháng 5/2017, Phương Trang mới khai trương tuyến này); tôi cũng gọi luôn chú Thanh xe thồ, hẹn chú đón tôi ở đường nhựa. Hình ảnh cuối cùng của chuyến đi, tảng đá chỉ hướng đi vào mũi Đôi; ngày đầu tiên, tôi không chụp được do đi đường khác.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142777&d=1498052703

Ra đến nơi thì đã hơn 6 giờ, ngồi chờ vài phút thì chú Thanh cũng phóng xe đến. Tôi thay quần áo ngoài trước khi ngồi lên xe chú; bốn ngày vật lộn ngoài trời, người hôi không thể tả, tôi hơi ngại. Tôi nhờ chú chở ra chỗ nhà nghỉ nào đó để tắm rửa. Chú bảo mới đi đám cưới xong, về nhà chú luôn; vậy cũng ổn nhỉ, hi hi. Con đường tối thui, thỉnh thoảng lại có bẫy là những vệt cát chạy dài đến nửa mặt đường nhưng chú Thanh chạy khá cẩn thận.

Đã đến nhà chú, tôi tranh thủ tắm rửa, thay đồ. Chú dọn cơm, cô đã ăn rồi, chỉ còn chú thôi. Tôi thấy chú cắt dưa hấu thì tự nhủ: quái, sao chuẩn bị đồ tráng miệng sớm thế. Ngồi vào mâm mới bật ngửa khi thấy chú chấm dưa hấu vào mắm, ra là ăn thay rau. Tôi cũng làm theo, hương vị cũng không tệ; bữa cơm có cá và quả trứng luộc, tôi lùa được hai lưng cơm. Cơm nước xong xuôi, vừa ngồi coi vô tuyến, vừa nói chuyện. Nhà chỉ có cô chú với đứa cháu ngoại; cô lớn cùng chồng làm việc ở Nha Trang, cậu em cũng học ở Nha Trang.

Ngồi mãi đến 9 giờ tối mà chưa thấy xe sau vài cuộc gọi của tôi cho phụ xe, có vẻ đến giờ ngủ của gia đình, tôi xin phép cô chú ra ngã ba đợi. Tôi định gửi thêm một chút cho gia đình nhưng chú Thanh chỉ nhận đúng 80.000 đ tiền xe chở từ Sơn Đừng ra Cổ Mã. Ngồi quán nước, tôi làm liên tục 3 – 4 chai nước ngọt, bù vào những ngày hành xác đã qua. Khoảng 10 giờ tối xe mới đến, suýt nữa chạy luôn nếu tôi không gọi cho phụ xe. Về đến thành phố, tôi quăng đi cái quần do bị đá granite nhám chà nham nhở (tôi định quăng luôn thùng rác nhưng cánh xe ôm xin nên cho luôn); đôi giày thì về đến nhà cũng bỏ luôn do cao su dưới đế đã mòn vẹt. Vậy là kết thúc một chuyến đi không dám nói là toàn vẹn nhưng chuyến độc hành đầu tiên của tôi đã diễn ra ổn thỏa.

thunderboyz
22-06-2017, 11:56
cảm ơn anh, bài viết gây nhiều cảm xúc cho người đọc

Sư thầy
22-06-2017, 20:26
Trở lại chuyến đi thứ hai, tôi rời bãi Rạng lúc đã gần 6 giờ tối. Những bước nhảy của tôi gấp gáp, vội vã bởi tôi dự định vượt nút thắt ở nhánh phía Bắc trước khi trời tối. Đi được một quãng ngắn thì tôi lại gặp một điểm có nước ngọt thứ hai.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142927&d=1498137491

Điểm này có tọa độ: 12 độ 39’ 13.9’’ vĩ Bắc, 109 độ 27’ 25.6’’ kinh Đông. Tại đây, mạch nước chảy qua kẽ đá và tràn trên mặt đá, nếu để nguyên thì không sử dụng được. Do còn nguyên một chai nước, lại vừa uống xong nên tôi không quan tâm lắm đến điểm này, chỉ đo tọa độ rồi đi luôn; không rõ có thể cải tạo để lấy nước được không.

Đã 6 giờ tối, tôi đến nút thắt ở nhánh phía Bắc. Nhìn vào máy định vị, biết đã đến đường vòng nên tôi trèo lên luôn mái dốc đất và tìm đường chui vào rừng cây bụi. Chả hiểu chui rúc thế nào lại lên đến tảng đá cao, nơi nhìn xuống nút thắt, tôi lại nhảy xuống tìm đường. Thế nhưng, loanh quanh một hồi mà không tìm được lối đi ba năm trước; tôi biết rằng dự định vượt qua nút thắt này trước khi trời tối không thể thực hiện được. Trời tối rất nhanh, không thể tiếp tục tìm đường, tôi đành quay lên tảng đá cao khi nãy. Nơi đó thoáng đãng, bằng phẳng, không sợ rắn rết (đây là điều tôi sợ nhất). Tôi rất kỵ di chuyển trong rừng khi trời tối, bởi đó là lúc nhiều loài động vật đi săn mồi, trong đó có phần lớn các loài rắn.

Lên đến nơi, trời gần tối hẳn, tôi thoát y cho thoáng. Thế nhưng, khi ánh mặt trời vừa tắt thì lũ muỗi đã bắt đầu chuẩn bị đại tiệc. Chúng vo ve, bâu xâu vào tôi bất kể tôi xua đuổi thế nào. Rút kinh nghiệm lần đầu, trước chuyến đi này, tôi đã chuẩn bị tuýp kem chống muỗi Soffell. Thế nhưng, loay hoay thế nào cũng không thể nhét vừa túi. Chết với cái tội ham ăn, lúc nào cũng lo đói; khi đi, tôi nhét vào túi 8 thanh lương khô năng lượng cao, không còn chỗ nào cho tuýp kem vào nữa.

Chuyến đi trước, sử dụng lương khô bay, lương khô bộ binh của Công ty 22, tôi thấy khá khô, khó nuốt trong điều kiện thiếu nước và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, chuyến này, tôi đầu tư vào chuyện ăn uống, mua lương khô năng lượng cao SOS của Mỹ. Mất đứt hơn 300k cho hộp 9 thanh lương khô, địa chỉ mua ở đây:

https://www.phuot.vn/threads/302946-Th%E1%BB%A9c-%C4%83n-%C4%91i-du-l%E1%BB%8Bch-ph%C6%B0%E1%BB%A3t-3600-Kcal-Made-in-USA-H%E1%BA%A1n-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-5-n%C4%83m?p=1519356#post1519356

Trưa nhận hàng ship xong, khử luôn một thanh, thấy khá ngon, thơm mùi bơ sữa, thế là quyết định tối mang luôn 8 thanh còn lại. Nghịch lý ở chỗ: đồ ăn thì đủ cho hơn 2 ngày, còn đồ ngủ thì chả có. Lúc đó, tôi vẫn còn kiêu ngạo, tự tin với sức của mình có thể thực hiện hành trình trong 1 ngày. Thế nhưng, “xôi hỏng bỏng không”, thời gian thì kéo dài thành 2 ngày mà trong điều kiện cơ thể thiếu nước, lương khô này cũng chả dễ nuốt hơn, người thì lại làm mồi ngon cho lũ muỗi.

Để chống lại lũ muỗi, tôi trở dậy, mặc quần áo vào, trùm ống tay chống nắng, mang bao tay, mang tất, lại lấy áo thun sơ-cua phủ lên mặt. Nằm nghe sóng biển và hưởng thụ từng cơn gió mát được một lúc, đến khoảng 8 giờ tối thì thấy không còn mát nữa, mà là lạnh. Tảng đá tôi đang nằm có địa thế trống trải ba mặt, đón từng cơn gió biển thốc vào. Thấy không ổn, không thể chống chọi qua đêm với điều kiện này, tôi lồm cồm bò dậy, thu dọn đồ và trèo xuống, tìm chỗ nghỉ khác. Đi loanh quanh, búa xua, rồi cũng tìm được một chỗ khả dĩ có thể qua đêm. Một tảng đá nằm thấp hơn, khuất hơn, không sợ gió, không sợ rắn rết, có chăng chỉ còn lũ muỗi; nhưng thôi, có còn hơn không.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142928&d=1498137491

Xung quanh chỗ nghỉ đêm là những bờ bụi, gai góc, hầm hố.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142929&d=1498137491

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142930&d=1498137491

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142931&d=1498137491

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=142932&d=1498137491

Lại phủ tấm áo thun sơ-cua lên mặt, tôi chập chờn đi vào giấc ngủ.

Sư thầy
18-02-2018, 14:59
Topic này phủ bụi cũng khá lâu rồi; ngày Tết rảnh rỗi, viết tiếp vậy.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khá sớm, lúc 5 giờ; phần vì nằm trên tảng đá không được thoải mái, trở mình luôn, phần vì phải tìm đường đi tiếp. Lúc này, trời vẫn còn nhập nhoạng tối. Tôi nhìn lại chỗ mình nghỉ đêm qua rồi chụp đại vài tấm, vẫn phải dùng flash mới nhìn được; đó chính là hình đã post ở bài trước. Với tay lấy túi bao tử mắc ở nhánh cây sát đó, đã thấy vài chú kiến đen bên ngoài. Mở túi ra, bên trong đông đặc kiến; chúng đã theo khe hở chỗ khóa kéo tiếp xúc phần thân túi, chỗ không thể kéo kín. Có lẽ chúng bị hấp dẫn bởi mùi bơ sữa của thanh lương khô tôi đang ăn dở. Đuổi sạch lũ kiến đi, tôi gặm nốt phần đang ăn dở đó, chiêu với chút nước hứng được từ chiều ngày hôm trước; vậy là xong bữa sáng.

Chuẩn bị xong hành trang, tôi lại loanh quanh tìm lối đi. Trèo lên tảng đá cao là chỗ ban đầu định nghỉ đêm qua, tôi nhìn xuống khu vực nút thắt. Lôi máy chụp hình ra, tôi rê máy chụp vài tấm từ phía biển về đất liền. Khe nước này kéo dài lên tận phía trên; nhìn trong tấm hình cuối, đó chính chỗ giữa của hai mảng thực vật khác nhau.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144681&d=1518939589

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144682&d=1518939974

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144683&d=1518939974

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144684&d=1518939974

Lại nhảy xuống, lần mò một lúc thì ra lại chỗ nghỉ trưa trước khi vượt nút thắt của chuyến đi lần thứ nhất. Từ đây nhìn về phía xa, thấy thấp thoáng một mảng màu xanh của mái chòi tại “bãi Rác” (bãi Rạng).

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144685&d=1518939974

Nhìn về phía Hòn Đôi, bình minh lên làm ửng hồng bầu trời và làn nước còn chưa kịp sáng hẳn, như một cô gái mới ngủ dậy đã bắt đầu trang điểm, hi. Mặt trời trời cũng bắt đầu nhô cao, tỏa sắc đỏ ối như quả cầu lửa, đem sức sống lại cho vạn vật sau một đêm dài lạnh lẽo.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144686&d=1518939974

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144687&d=1518939974

Phuc_OreK
23-02-2018, 18:01
rất nể bác đi một mình luôn, mình cũng đi từ hướng nam năm 2016 về bằng đường rừng. Công nhận phải khỏe lắm mới đi trọn hết cung này

lengkeng1minh
20-03-2018, 07:02
Hôm trước tết cậu bảo sẽ đi lại mà, chờ qua t4 nhé không được đi trước đấy
Tạm đi lại hố thiên thạch đi nhớ ghi track đầy đủ để hè mình dẩn đại quân vào.
Mình cũng chiến mũi đôi 2 lần với 2 hướng khác nhau, thật ra khoét lổ chui vào các cây bụi nằm vừa kín gió lại ấm, riêng khoảng côn trùng hay bò sát thì cứ chơi xịt muỗi xung quanh là xong, cái này mình học từ người dân đi lượm ve chai ở cực đông.

Sư thầy
20-03-2018, 10:21
Hôm trước tết cậu bảo sẽ đi lại mà, chờ qua t4 nhé không được đi trước đấy
Tạm đi lại hố thiên thạch đi nhớ ghi track đầy đủ để hè mình dẩn đại quân vào.
Mình cũng chiến mũi đôi 2 lần với 2 hướng khác nhau, thật ra khoét lổ chui vào các cây bụi nằm vừa kín gió lại ấm, riêng khoảng côn trùng hay bò sát thì cứ chơi xịt muỗi xung quanh là xong, cái này mình học từ người dân đi lượm ve chai ở cực đông.

Từ giờ đến giữa tháng 7, chắc em không đi đâu được bác ạ. Bận mất rồi.

Sư thầy
20-03-2018, 11:24
Từ chỗ nghỉ trưa trước khi vượt nút thắt của chuyến đi lần thứ nhất, tôi quyết định ra hẳn khỏi rừng cây bụi, bám theo mái dốc đất khô rang, đầy nguy cơ trượt lở, để tìm lại lối vào khác. Rồi cũng tìm thấy lối vào năm nào, tôi nhanh chóng tìm được đường đi, dù cây bụi và gai đã che lối khá nhiều. Đang đi giữa rừng cây bụi, đột nhiên thấy có phía trước có ánh sáng, tôi biết là thoát rồi. Nổi bật lên giữa rừng cây bụi là hai khối đá lớn, cao cỡ 3 – 4m, tì sát nhau, nom tựa như hòn Trống Mái. Dưới chân hai khối đá lớn là một khe hở, người chui qua thoải mái, đó chính là lối thoát.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144826&d=1521519362

Qua được bên kia của khe hở, tôi phải trèo lên một khối đá lớn, lại nhảy qua một khối đá lớn khác, rồi trèo xuống thấp mới tới được đường mòn nằm khuất dưới tán lá cây dày.

Qua được nút thắt thì đã 7:30. Nhìn về phía nút thắt, đây là hình ảnh cuối cùng tôi chụp được trong chuyến đi này.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=144827&d=1521519675

Sư thầy
24-03-2018, 22:28
Mới sáng sớm mà đã oi bức quá, hay là cơ thể chưa quen với vận động mạnh ? Nóng quá, khát quá, chai nước hứng được từ chiều hôm trước đến giờ chỉ còn phân nửa mà quãng đường còn lại thì khá dài. Không còn cách nào khác, phải tiết kiệm nước thôi. Nhấp xong ngụm nước nhỏ, tôi lại tiếp tục hành trình, trong đầu bắt đầu nảy ra một ý định điên rồ: không nhảy nữa mà xuống biển bơi, có khi bớt nóng, bớt khát chăng ?

Cả ngày dài hôm trước thiếu nước làm tôi mệt mỏi quá thể, cứ chốc chốc lại phải dừng lại nghỉ; và lúc đó, trong đầu lại vang lên tiếng nói thôi thúc: xuống biển bơi. Các công đoạn nhảy – mệt – dừng nghỉ – muốn bơi đó lặp đi lặp lại làm vài lần tôi suýt không kiềm chế được.

8h, tôi dừng lại nghỉ, lại muốn bơi. Chừng khoảng 10 phút sau, ý nghĩ muốn bơi đó đã chiến thắng. Dốc nốt phần nước còn lại, khoảng một phần tư chai, vào cổ họng khô khốc, tôi hấp tấp đánh rơi cả vỏ chai xuống biển. Ban đầu còn muốn vớt lên để bảo vệ môi trường nhưng khi nhìn thấy những tảng đá với đầy vỏ hà sắc lẻm, tôi từ bỏ ý định đó ngay.

Tôi cởi bỏ tất cả, chỉ để lại quần xì. Giày, vớ (tất), áo thun, áo lót được tôi tống vào trong hai ống quần đã được cột chặt. Sau khi dùng dây giày buộc túm lưng quần lại rồi quàng lên vai, tôi cho nốt mắt kiếng và máy định vị và điện thoại vào túi bao tử, 8h20. Dò dẫm xuống biển, thế là bơi, há há.

Vốn định giữ đồ trong túi bao tử khô ráo, tôi cố gắng giơ túi bao tử lên cao ngang đầu. Thế nhưng, chẳng được mấy chốc, tôi phải chịu thua cụ Newton, nặng quá, không chịu được. Bình thường, tôi đã chả phải thằng bơi giỏi gì; bây giờ, lại thêm quần áo quàng lên vai, rồi hai tay đưa phía trước để giơ cao túi bao tử, chịu không thấu. Như trước đã nói, tôi vốn là thằng kiêu ngạo, thường xuyên đánh giá quá khả năng của mình, hay nôm na là ATSM (ảo tưởng sức mạnh). Quả thực, phải lâm trận rồi mới biết rõ giới hạn của mình ở đâu. Và cái gì phải đến đã đến, tôi hạ túi bao tử xuống mặt nước, ban đầu với ý định làm phao bơi, vì nó làm bằng chất liệu không thấm nước. Thế nhưng, khóa kéo thì làm sao kín được; chỉ phút chốc, nước biển đã tràn vào túi bao tử, toi công gìn giữ, há há.