PDA

View Full Version : [Tổng hợp] Kể chuyện Tây Nguyên



namnguyen
23-08-2015, 01:00
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=106391&d=1383277851
Hoa dã quỳ Đơn Dương (Lâm Đồng)

Đã từ lâu, tôi muốn viết về Tây Nguyên, viết cho chính mình, cho tình cảm của mình với vùng đất cao nguyên này. Tôi viết những gì tôi đã tìm hiểu, cả qua sách, báo, qua mạng và qua những lần lang thang Tây Nguyên. Tôi cũng không biết có hoàn tất được topic không, nhưng cứ viết vậy, gọi là chút chia sẻ.

Tây Nguyên là vùng đất thuộc miền Trung Việt Nam, hiện có năm tỉnh, theo thứ tự từ Bắc vào Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cách ghi tên như vừa rồi được xem là tên chính thức trong các văn bản hành chính, còn câu chuyện về tên gọi và các tên khác của từng tỉnh, tôi sẽ kể lần lượt sau.

Như những câu chuyện thường kể về các vùng đất, phần đầu tiên là lịch sử ...

namnguyen
23-08-2015, 01:52
Vùng đất Đông Dương nói chung là vùng đa sắc tộc, trong đó ngữ hệ Môn-Khmer chiếm đa số. Các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khmer đa phần sống ở vùng đồng bằng, một thiểu số sống ở vùng núi và vùng bán sơn địa.
Một nhóm sắc tộc khác di cư bằng đường biển đến thuộc ngữ hệ Nam Đảo, nhóm này hầu hết sống ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung hiện nay.

Người Tây Nguyên cũng gồm hai nhóm trên. Nhóm theo ngữ hệ Môn-Khmer, hiện nay là các dân tộc Ba Na, Cờ Ho, Mạ, M'Nông, Bru, Xơ Đăng, ... Nhóm theo ngữ hệ Nam Đảo là Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chu Ru, di cư từ vùng đồng bằng ven biển lên.

Sử liệu đầu tiên của người Việt viết về Tây Nguyên là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, viết vào thế kỷ XVIII.

"Hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương nước Nam Bàn, nước này có 50 làng lệ thuộc, trong đó có núi Bà Nam. Núi rất cao và lớn, làm trấn sơn cho một phương
Thủy Vương ở về phía đông núi Bà Nam, còn Hỏa Vương ở về phía tây núi, có địa phận riêng và làm nhà gác bằng gỗ để ở, bộ hạ có đến mấy trăm người.
Khi vua đi đâu thường cưỡi voi, có hơn chục người tùy tùng đi theo, đến làng nào thì đánh ba hồi chuông, dân làng đều ra, họ làm một cái lều tranh cho vua ở (vì kiên không vào nhà dân). Họ dâng lên vua những thứ như: nồi đồng, tấm vải trắng, hoặc một cây mía, một nải chuối chẳng hạn. Vua cứ việc nhận lấy các lễ vật ấy không nề hà gì. Thu nhận lễ vật cũng không ghi chép gì, xong thì nhà vua đi
Hai Vương mặt đen và xấu nhưng vợ và thiếp thì người nào cũng có nhan sắc đẹp đẽ, họ đều bận xiêm áo của Chiêm Thành có xiêm hoa rực rỡ".

Theo tôi tìm hiểu, các học giả Pháp cho rằng đoạn chép trên nói về người Thượng ở vùng rừng núi phía Tây của vùng Vijaya của Chiêm Thành xưa. Đây là vùng của người Gia Rai.

Tuy nhiên, các học giả Pháp cho rằng Thủy Vương - Hỏa Vương (Vua Nước - Vua Lửa) là cách gọi của người Việt, chứ người Thượng không tự gọi như thế. Theo đó, cách gọi Thủy Xá - Hỏa Xá (Xứ Nước - Xứ Lửa) cũng không phải là cách mà người Thượng gọi xứ của mình.


https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=130918&d=1440473616


Bản đồ các nước khu vực Đông Dương thế kỷ X. Vùng Tây Nguyên thuộc vương quốc Khmer (màu đỏ), tuy nhiên dân cư Khmer chủ yếu sống ở đồng bằng. Vùng núi và vùng đầm lầy cửa biển không được chính quyền coi trọng.

namnguyen
23-08-2015, 02:02
Có vài khái niệm cần giải thích:

Thượng - Người Thượng

Giải thích một cách chữ nghĩa thì:
Thượng là trên, ở trên
Người Thượng là người sống ở vùng cao

Từ tương đương Người Thượng trong tiếng Pháp là Montagnard, nghĩa là Người miền núi. Như vậy, cách dùng từ Thượng không hề có ý khinh miệt, mà chỉ xuất phát từ cách gọi nơi cư trú.

Như vậy, người Thượng là những người thuộc các sắc tộc bản địa sinh sống trên vùng cao.

Moï
Theo từ điển Petit Larousse, trang 1545, dòng 45, 46: Moï: Peuple du Sud Viêt Nam, habitant les regions montangneuses du pays.
Tạm dịch: Moï: người ở miền Nam Việt Nam, sinh sống ở vùng miền núi.
Cần phân biệt với Moi, khác nhau ở chữ ï và i.

Chưa có luận cứ nào khẳng định từ "Moï" trong tiếng Pháp dành riêng cho người Tây Nguyên có sự liên hệ với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng trong sử liệu triều Nguyễn. Tuy nhiên, sự tương đồng là có thể nhận thấy rõ ràng.
Liên hệ thêm: có một số từ tiếng Pháp đề cập đến nước Việt và người Việt có ý khinh miệt, nên từ "Moï" có lẽ không khác biệt.

Đề Ga - Đêga - Degar

Đề Ga hay Đêga là cách đọc một từ cổ, có nghĩa là vùng đất trên cao, tương đương cao nguyên. Tuy nhiên, chưa có sử liệu nào cho biết từ này được dùng như tên nước cho đến thế kỷ XVIII.

namnguyen
23-08-2015, 02:26
Cuối thế kỷ XV, Đại Việt của người Việt đánh thắng Chiêm Thành của người Chăm, chiếm được hai vùng Amaravati và Vijaya, phá hủy kinh đô Đồ Bàn. Lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng đến vùng đầm phá Xuân Đài. Sau đó, các chúa Nguyễn Nam tiến, lãnh thổ không ngừng được mở rộng về phía Nam.
Sử triều Nguyễn dùng từ Mọi để chỉ các sắc tộc bản địa. Hầu hết họ phải di cư lên vùng cao. Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy cho rằng Mọi Đá Vách tương ứng với người Hré, Mọi Hời là Hroi, Kor, Bru, Cơ Tu và Pacoh, Mọi Đá Hàm là Gia Rai, Mọi Bồ Nông là M'Nông, Mọi Bồ Van là Ê Đê, còn có tên là Rhadé Epan, Mọi Vị là Ra Glai, Mọi Bà Rịa là Mạ. Người Việt cũng di dân lên vùng bán sơn địa, tương ứng với vùng đệm giữa Tây Nguyên và các tỉnh ven biển hiện nay.

Đế quốc Khmer lúc này đã suy vong, bị vương quốc Ayutthaya của người Thái đánh bại, chạy về phía Nam. Thời kỳ sau đó, Campuchia bị kẹp giữa người Thái và người Việt (chúa Nguyễn), họ không những phải bỏ những vùng đất không giá trị với họ, mà còn liên tục mất đi, thậm chí tự cắt đất dâng cho hai thế lực trên.
Tây Nguyên vốn dĩ không bị ảnh hưởng bởi Khmer, sau khi đế quốc Khmer suy vong thì hoàn toàn không bị quản lý. Đây là vùng đất của các bộ tộc, có phát triển, một số sắc tộc phát triển thành quốc gia sơ khai chứ chưa hoàn chỉnh như Ê Đê, Gia Rai, Mạ. Có thể nói Tây Nguyên thời này là vùng tự trị, chịu ảnh hưởng bởi các chúa Nguyễn. Đây là một dấu mốc trong tiến trình Tây Nguyên thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Người Việt cũng thể hiện sự quan tâm đến vùng đất miền cao hơn người Khmer.


https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=130919&d=1440474307

Bản đồ năm 1650, người Việt đã chiếm được đến Phú Yên hiện nay, Chămpa còn lại đất ven biển tương đương Khánh Hòa đến Bình Thuận. Vùng Tây Nguyên có các quốc gia sơ khai của người Gia Rai (Jarai), M'Nông, Lạt và Mạ, trong đó người Mạ phân bổ xuống vùng đồng bằng tương đương với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dấu ấn rõ nét đầu tiên của người Tây Nguyên vào lịch sử Việt Nam là Tây Sơn Thượng Đạo, đây là vùng An Khê (Gia Lai) hiện nay, là căn cứ của khởi nghĩa Tây Sơn. Người Thượng đã tham gia vào khởi nghĩa, đóng góp đáng kể nhất là huấn luyện voi chiến.

namnguyen
23-08-2015, 02:30
Trong giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Tây Nguyên là vùng tự trị, và đã có một số sắc tộc lập nên những quốc gia sơ khai, các nhà sử học gọi là tiểu quốc, gồm có:
- Tiểu quốc Jarai của người Gia Rai và người Ê Đê
- Tiểu quốc Mạ của người Mạ
- Tiểu quốc Adham của người Ê Đê
- Tiểu quốc của người M'nông
- Tiểu quốc của người Lạt (Cơ Ho)

Tiểu quốc Jarai
Tiểu quốc Jarai có tên trong sử Việt là Nam Bàn, ngoài ra còn có tên Ala Car Pơtao Đêgar (Pơtao là Vua, Đegar là Cao nguyên). Một số tên gọi khác ít phổ biến là Dhung Vijaya, Nam Vijaya, Chămpa Thượng theo vị trí của tiểu quốc này so với Chămpa.
Tiểu quốc này là của các bộ lạc theo ngữ hệ Nam Đảo (cùng ngữ hệ với Chămpa), chủ yếu là người Gia Rai và người Ê Đê. Vùng phân bổ tương ứng với một phần tỉnh Gia Lai và một phần tỉnh Đắk Lắk.
Tiểu quốc này tồn tại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX thì tan rã thành các bộ lạc theo sắc tộc.

Tiểu quốc Adham
Tiểu quốc này còn có tên là Dham, của người Ê Đê tồn tại trong giai đoạn thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. Vùng đất của tiểu quốc này là vùng Buôn Hồ, Cư Mgar, Krông Buk và Êa Hleo. Có một số tài liệu cho rằng tiểu quốc này do nhóm Ê Đê Dham tách ra từ tiểu quốc Jarai.
Tiểu quốc Adham phát triển mạnh, lãnh thổ được mở rộng theo bờ sông Sêrêpôk đến sông Ea H'Leo, phía Đông Bắc đến sông Krông Năng. Đáng chú ý là thủ lĩnh hùng mạnh nhất của tiểu quốc này là phụ nữ, được gọi là Mtao Ya (vua bà), tên là YA H'Bia Wăm. Khi tôi đến Buôn Đôn, người thuyết minh còn kể bà có mối quan hệ tình ái với vua săn voi Y Thu Knul.
Thế kỷ XVIII, bà cắt phần đất phía Tây Bắc cho Y Thu Knul người M'nông. Người M'nông, người Lào và người Thái đã khai phá vùng đất này, tại nên Buôn Đôn và Yok Đôn bây giờ.
Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Pháp chiếm vùng được Adham.

Tiểu quốc của người M'nông
Người M'nông thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Tiểu quốc này chưa có nhiều tài liệu đề cập đến, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Nam, đã có tên gọi Đắk Lắk từ cuối thể ký XVIII về vùng đất này. Tiểu quốc này được cho là ở vùng từ Krông Bông đến hồ Lak hiện nay. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Pháp chiếm được vùng này.

Tiểu quốc Mạ
Tiểu quốc Mạ của người Mạ, thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Tiểu quốc Mạ từng là một tiểu quốc rộng lớn, từ cao nguyên Diring (Di Linh) phía Tây Nam xuống đến Biên Hòa, phía Nam xuống đến Bà Rịa, Xuyên Mộc. Người Mạ vốn sống cả ở vùng cao nguyên lẫn vùng đồng bằng, tuy nhiên bị người Việt và sau là Pháp đẩy lên vùng cao, co cụm ở cao nguyên Di Linh. Tiểu quốc này không bị người Pháp chiếm hoàn toàn, tuy nhiên thu hẹp lại trong những vùng phản kháng ở Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc và Đạ Huoai.

Tiểu quốc của người Lạt
Hầu hết các nhà nghiên cứu cho là Lạt là tên gọi cũ của người Cơ Ho, tuy nhiên nhiều người cho là Lạt là Cơ Ho Lạch, một nhánh của người Cơ Ho. Cơ Ho theo ngữ hệ Môn-Khmer.
Tiểu quốc Lạt được cho là nằm từ Đà Lạt và Lạc Dương đến Krông Nô. Tiểu quốc này cũng giống như Mạ, bị người Pháp đẩy vào vùng rừng sâu.

namnguyen
25-08-2015, 12:44
Tây Nguyên lần đầu tiên được đưa vào bản đồ Việt Nam vào năm 1838, trong Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng.
Lưu ý: ban đầu, các học giả Việt Nam Cộng Hòa cho là bản đồ này lập năm 1834, tuy nhiên sau đó các nhà sử học cho là tên gọi Đại Nam bắt đầu năm 1838, nên bản đồ này sớm nhất là năm 1838.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=130927&d=1440481293

Đây là cột mốc đáng chú ý trong lịch sử Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn chỉ là lãnh thổ nhà Nguyễn bảo hộ, chứ chưa thật sự nắm được vùng đất cao nguyên này. Các thủ lĩnh người Thượng vẫn trực tiếp cai trị. Cũng chưa có tên gọi nào cho vùng đất này.

Năm 1884, nhà Nguyễn ký Hòa ước Patenôtre, trở thành xứ bảo hộ của Pháp.

namnguyen
25-08-2015, 13:41
Nhiều người vẫn cho là Đà Lạt là lãnh thổ đầu tiên được người Pháp khai phá ở Tây Nguyên, thực ra không phải như vậy. Dấu ấn đầu tiên của người Pháp ở Tây Nguyên là một câu chuyện có phần hài hước.

Nhà thám hiểm đầu tiên của Pháp lên Tây Nguyên là Marie-Charles David de Mayréna. Ông sinh năm 1842 tại Toulon, Pháp, là một nhân viên ngân hàng ở Paris. Năm 1883, ông trốn đến Java (khi đó thuộc Hà Lan) vì dính líu đến một vụ lừa đảo hoặc biển thủ công quỹ ở Paris. Đến năm 1886, ông bị trục xuất vì lừa đảo một người Hà Lan. Ông đến Sài Gòn, sở hữu một đồn điền lớn ở Nam Kỳ và làm lái buôn vũ khí.

Năm 1888, Mayréna xin phép chính quyền Pháp đi thám hiểm khu vực Tây Nguyên để thỏa thuận với các dân tộc thiểu số ở đây và được chấp thuận. Sau đó, Mayréna đi đến Quy Nhơn để chuẩn bị thám hiểm khu vực Tây Nguyên. Tháng 4/1888, ông rời Quy Nhơn với một người bạn là ông Alphonse Mercurol, một phiên dịch viên, một người đầu bếp, bốn người Trung Quốc và 80 người hầu. Trong thời gian này, ông chữa bệnh cho một số người dân tộc thiểu số và được một số làng ở khu vực này phong làm trưởng làng hoặc tôn lên làm thần thánh. Lợi dụng điều này, ông thuyết phục một số dân tộc thiểu số rằng họ có thể thành lập một vương quốc riêng, hoàn toàn độc lập. Người Xơ Đăng đã đồng ý nghe theo ông.
Ngày 3/6/1888, vương quốc Sedang (Pháp hóa cách đọc Xơ Đăng) được thành lập với Mayréna là vua, lấy hiệu là Vua Marie đệ nhất. Thủ đô tên là Pelei Agna (nghĩa là Thành phố vĩ đại), lập tại làng Kon Gung, hiện nay thuộc xã Dak Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Theo Wikipedia, Vương quốc Sedang có hiến pháp, cờ, quốc huy, khẩu hiệu và tiền tệ.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/1/19/Flag_of_Sedang.svg/600px-Flag_of_Sedang.svg.png
Cờ Sedang

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/4/45/Arms_Sedang.gif
Quốc huy Sedang

Sau khi thành lập vương quốc Sedang, Mayréna quay về Quy Nhơn và thuyết phục chính quyền thực dân Pháp mua lại vương quốc Sedang đổi lấy độc quyền thương mại cho ông, nhưng Pháp từ chối. Năm 1889, Mayrena đi Hồng Kông với ý định bán lại vương quốc Sedang cho người Anh, nhưng cũng bị từ chối.
Sau khi bị từ chối ở Hồng Kông, Mayréna đi đến Bỉ và thỏa thuận với một người Bỉ có tên Somsy, qua đó Somsy cung cấp vũ khí và tiền cho Mayréna đổi lấy độc quyền khai thác khoáng sản ở vương quốc Sedang. Khi Mayréna trở về Việt Nam, ông bị hải quân Pháp chặn lại, tịch thu toàn bộ số vũ khí và trục xuất ông. Ngay sau đó, người Pháp đưa quân đội lên sát nhập vương quốc Sedang vào lãnh thổ bảo hộ của Pháp. Để ngăn chặn bước tiến của Xiêm (Thái Lan) lúc này đã chiếm được Nam Lào, người Pháp cũng mở rộng vùng bảo hộ ở phía Bắc Tây Nguyên, tương đương với Kon Tum hiện nay.

namnguyen
25-08-2015, 14:02
Hơn 3 năm sau khi nhà thám hiểm bịp bợm Mayréna lên Kon Tum, một nhà thám hiểm khác bắt đầu những chuyến đi lên Tây Nguyên. Nhưng đây là một nhà thám hiểm vĩ đại.
Ông là bác sĩ Alexandre Yersin.


https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/2/2a/Petit-Yersin.jpg

Theo Wikipedia, bác sĩ Yersin tên là Alexandre Émile Jean Yersin, sinh năm 1863 tại Aubonne, Thụy Sỹ. Ông học y khoa ở Lausanne, và sau đó là ở Marburg, Đức. Trong thời gian lưu trú ở Marburg, qua báo chí Yersin đọc biết về David Livingstone – nhà truyền giáo và nhà thám hiểm người Scotland – và Livingstone trở thành hình mẫu của ông. Yersin đã từng viết trong thư gửi mẹ là ông muốn trở thành một Livingstone khác.
Sau đó, Yersin về Paris, và trở thành Tiến sĩ năm 25 tuổi. Trong thời gian ở Paris, ông nhập quốc tịch Pháp, cũng như bắt đầu quan tâm đến Đông Dương, vùng đất mà người Pháp mới bắt đầu "khai phá".

Năm 1890, Yersin quyết tâm rời Paris đến Đông Dương. Trong thư gửi cho mẹ, ông viết: "Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời". Ông xin làm bác sĩ trên tàu, ban đầu là tuyến Saigon - Manila, sau đó là tuyến Saigon - Hải phòng. Tuyến Saigon - Hải phòng thường ghé cảng Nha Trang, và ông rất ấn tượng với vùng đất này.
Năm 1891, Yersin nghỉ việc ở hãng tàu, mở phòng khám ở Nha Trang. Ông chỉ lấy tiền của người giàu, và khám miễn phí cho người nghèo. Ông bắt đầu những chuyến thám hiểm vào vùng đất của người Mọi quanh Nha Trang (đa phần là người Ra Glai).

Năm 1891, Yersin đi từ Nha Trang vào Sài Gòn bằng đường bộ. Ông đi theo đường ven biển đến Phan Rí, rồi ngược rừng lên men theo những dãy núi, khám phá ra cao nguyên Diring (Di Linh), thuộc vùng đất của người Mạ. Nhưng do không thể đi tiếp được, ông đi xuống miền biển và đến Phan Thiết, từ đó trở lại Nha Trang bằng tàu.

Cao nguyên Di Linh, cao nguyên phía Nam của Tây Nguyên đã được nhà thám hiểm huyền thoại Yersin khám phá, mở đầu cho những chuyến thám hiểm của ông lên Tây Nguyên.

namnguyen
25-08-2015, 14:48
Năm 2009 và 2010, tôi có cơ may được một người bạn làm quân báo nghỉ hưu rủ đi trek vùng Lâm Đồng. Anh bạn tôi rất gắn bó với Lâm Đồng, và quen với các cơ quan công an, kiểm lâm và kiểm soát quân sự tỉnh. Trong giai đoạn đó, tôi đã được đi trek hầu hết các cung rất hot sau này như Tam Bố, Tà Hine - Kalon, Tà Năng - Phan Dũng, Pró - Ma Nới, ... Rất tiếc là thời điểm đó, khi đi trek, tôi không theo máy ảnh, một phần vì nặng, ngại vác, một phần vì lão H. dọa là đi sẽ gặp cướp, lâm tặc, không được mang theo đồ đắt tiền.

Sau này, khi tìm hiểu về Yersin, tôi đoán trong chuyến đi thám hiểm đầu tiên, ông từ Phan Rí lên Diring theo đường Tam Bố hoặc đường đèo Gia Bắc. Yersin không có ghi chép nào về chuyến đi này trừ ghi chép về điểm đến mà sau này gọi là Diring. Ngoài ra, ông có nhắc đến chuyến đi này trong nhật ký chuyến đi năm 1893, khi đến Ca-long (Kalon). Yersin cho biết năm 1891, ông có đi qua Ca-long.

namnguyen
25-08-2015, 15:17
Năm 1892, Yersin thực hiện chuyến thám hiểm lớn đầu tiên. Ông mang theo nhiều người hơn, dùng cả voi, ngựa, mang theo máy kinh vĩ để ghi lại tọa độ các bản làng và vẽ bản đồ. Từ Nha Trang, lần này ông đi theo hướng Bắc, đến Ninh Hòa và theo những dãy núi đi lên. Đây chính là cung đường đèo Phượng Hoàng quen thuộc với chúng ta hiện nay.
Yersin khám phá ra cao nguyên Buôn Ma Thuột, tuy nhiên vùng đất này đang được người Rhade (Ê Đê) và người M'nông giữ và chống lại người Pháp dữ dội. Yersin cùng đoàn đi theo dòng sông Sêrêpốk đến tận Stung Treng của Campuchia, từ đây ông đi thuyền về Phnom Penh rồi về Sài Gòn.
Chuyến đi này Yersin tự thực hiện, và ông nhận thấy cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền, cụ thể là quân đội khi đi thám hiểm.

Từ cuối năm 1892 đến đầu năm 1893, Yersin ở Sài Gòn làm việc cùng bác sĩ Calmette. Ông quyết định sẽ thực hiện một chuyến thám hiểm từ Sài Gòn lên Di Linh, nơi ông đã đến trong chuyến đi không thành công vào năm 1891.

namnguyen
25-08-2015, 18:55
Cũng trong thời điểm này, ở phía Bắc Tây Nguyên, người Pháp đã lấy được khu vực người Bana và người Xơ Đăng ở Kon Tum (mở rộng từ vương quốc Sedang) và khu vực miền núi giáp Phú Yên (tương ứng Ayun Pa) ngày nay. Năm 1892, người Pháp đặt tòa đại lý hành chính Kon Tum bên bờ sông Đắk Bla, đây là cơ quan hành chính đầu tiên của người Pháp tại Tây Nguyên. Kon Tum cũng là đơn vị hành chính đầu tiên của Tây Nguyên, cấp đại lý hành chính (tương đương huyện - thị xã), thuộc tỉnh Bình Định.
Theo tiếng Bana, Kon nghĩa là làng, Tum nghĩa là hồ, đây là ngôi làng ở bên hồ gần sông Đắk Bla. Hiện nay tại thành phố Kon Tum vẫn còn dấu vết của làng này.

http://farm4.static.flickr.com/3363/3641025891_1586d273dc_o.jpg
Dòng sông Đắk Bla

namnguyen
25-08-2015, 20:59
Trước khi tôi viết về chuyến đi năm 1893 của bác sĩ Yersin, tôi giới thiệu một câu chuyện rất thú vị nhưng ít người biết.

Có thể nói, về khám phá Tây Nguyên thì người Pháp đi trước người Việt. Ở đâu có người, ở đó có dấu chân các giáo sĩ truyền giáo. Việc tổ chức khám phá những vùng đất, khai hoang thì người Việt chủ yếu làm ở vùng đồng bằng, sau này là vùng đầm lầy, đầm phá, chứ chưa lên được vùng cao. Người Việt hầu như chỉ đến được vùng rìa của Tây Nguyên, tương ứng với An Khê, A Yun Pa, Ma Đrăk, Khánh Sơn hiện nay.

Nhưng có một người Việt bày tỏ quyết tâm thám hiểm vùng núi, đó là ông Nguyễn Thông. Ông sinh năm 1827, là người Gia Định. Ông làm Án sát rồi Bố chánh Quảng Ngãi, đến năm 1873 ông về Sơn Trung (thuộc Bình Thuận) dưỡng bệnh.
Tại đây, ông tụ họp các địa chủ, học giả, quyết tâm khai khẩn vùng núi giáp Bình Thuận (tương ứng Lâm Đồng). Ông dâng sớ lên vua, nói vùng này "không có bãi xa truông rậm nguy hiểm, không bị đầm lớn sông dài chia cách", đề nghị "nên chiếm lấy đầt ấy để mở rộng bờ cõi, cày lấy ruộng ấy để thêm nhiều lương thực" [Khai sơn quốc nghị].
Ngay sau đó, ông bị điều ra Huế, làm đến năm 1877 thì lại được cho về Bình Thuận và chấp thuận cho ông khai hoang vùng đất miền núi mà ông gọi là Sơn Quốc. Ngay trong năm 1877, Nguyễn Thông lập đoàn khai sơn, cùng Tuần phủ Trương Gia Hội đến khu vực La Ngư - Bà Dầu. Khu vực đó chính là sông La Ngà - Lạc Tánh hiện nay.
Một bộ phận trong đoàn do Nguyễn Văn Trị dẫn đầu đã tách khỏi đoàn để khảo sát các làng Thượng (Man sách) ở ven sông Dã Dương. Sớ viết: "Ngày mùng 8 tháng 6 thì đến sông lớn Đà Đàn, rộng khoảng năm sáu mươi trượng, nước đục ngầu, giữa các đảo dài. Người Man gọi nước là "Đà", gọi lớn là "Đàn", cũng như người Việt nói là "sông lớn". Đà Đàn, người Việt gọi là sông Dã Dương, hạ lưu là sông lớn Thần Quy".
Sông Dã Dương chính là thượng lưu của sông Đồng Nai, trên bản đồ còn được gọi là Da Dung. Đảo dài chính là cù lao nằm giữa nơi hợp lưu của hai dòng sông Đạ Huoai và Đồng Nai. Sông Đồng Nai chính sông Thần Quy.

Chuyến đi năm 1877 đã tìm ra một phần vùng Đạ Huoai của Tây Nguyên, cũng là vùng rìa của Tây Nguyên.

Nguyễn Thông muốn thực hiện những chuyến đi tiếp theo, nhưng sức khỏe ông sút giảm nghiêm trọng. Sau đó không lâu, ông ốm nặng, và mất. Cuộc khám phá Tây Nguyên của người Việt bị dừng lại.

namnguyen
25-08-2015, 22:04
Đến đây, tôi xin kể với các bạn câu chuyện ít người biết: bác sĩ Yersin không phải là người Pháp đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang). Nhưng khoan ném đá tôi, để tôi kể đã.

Nhà thám hiểm tiên phong là bác sĩ Paul Néis, thuộc hải quân Pháp. Năm 1880, ông đi tìm hiểu về vùng người Mạ ở Bà Rịa. Đầu năm 1881, ông thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên lên vùng cao, hành trình quanh 3 con sông La Ngà, Đồng Nai và Đạ Huoai. Chuyến đi này có thể xem là gần giống với chuyến đi của Nguyễn Thông năm 1877. Cũng trong chuyến đi này, người Thượng nói cho ông biết về đầu nguồn sông Đồng Nai.

Ngay sau đó, ông thực hiện chuyến đi lên đầu nguồn sông, từ ngày 11/2 đến giữa tháng 4/1881. Cùng đi với ông có một trung úy thủy quân lục chiến phụ trách về trắc địa tên là Albert Septans và một tù trưởng người Mạ ở vùng sông La Ngà. Theo báo cáo của đoàn thám hiểm được công bố cùng năm, Néis và Septans đã vượt núi Tion-lay (khu vực gần đèo Bảo Lộc) và đến được một nơi gặp một dãy núi với hai ngọn: Delmann và Mnil. Đây là điểm nút của một loạt ngọn đồi có cây cối; các ngọn đồi đó được nối tiếp về phía Đông bắc bởi "một cao nguyên thứ hai trơ trụi, bao gồm một loạt các quả đồi hoàn toàn trọc, có độ cao trung bình từ 30 đến 40m. Cao nguyên đó được bao quanh về phía Bắc bởi một dãy núi có hình dáng độc đáo, dễ nhận ra từ xa, phần phía Tây trơ trụi, phần phía Đông có rừng; đó là núi Lang Bian. Chính đó là đầu nguồn của sông Đồng Nai mà cho đến nay, vẫn chưa được biết đến".

Trong số các làng đoàn đã đặt chân đến, có một làng đáng chú ý: làng Late, nơi đoàn đã cư trú từ 16 đến 20/3/1881. Theo mô tả, làng này nằm cách điểm hình thành của dòng Da Dong (tức Da Dung) chừng 10 km, với một thác nước cao 4-5m, và nhiều ghềnh đá; nơi đây sông rộng trung bình 10m, sâu 1m, lòng sông lởm chởm đá. Làng Late nằm trên cao nguyên Lang Bian, nhưng ở phía Dankia - Ankroêt chứ không phải phía Đà Lạt ngày nay.

[Theo Mai Thái Lĩnh - Nguyễn Hữu Tranh - Trương Ngọc Xán dịch từ Paul Néis et Albert Septans, Rapport sur un voyage aux sources du Dong-Nai, Excursions et reconnaisances]

Như vậy, bác sĩ Néis và trung úy Septans mới là người đầu tiên đặt chân đến Lang Biang và công bố trong giới thám hiểm Pháp.

Sau chuyến đi của Néis và Septans, một loạt các nhà thám hiểm khác đã lên đường như A. Gautier (1882), L. Nouet (1882), Humann (1884). Trong Nhật ký của Yersin, ông có viết đến Néis và Humann, như vậy đã có sự thừa hưởng thành quả của những nhà thám hiểm đi trước. Thậm chí khi khởi hành năm 1893, Yersin có cả tấm bản đồ của Humann.

Nhưng Yersin đã làm khác những nhà thám hiểm trước như thế nào, và tại sao vẫn nói ông là người tìm ra cao nguyên Lang Biang?

namnguyen
26-08-2015, 18:56
Nhờ những sự giới thiệu, đầu năm 1893 Yersin gặp được Toàn quyền Đông Dương De Lanessan. De Lanessan là một quan chức rất xem trọng trí thức, ông nể trọng Yersin và Calmette. Sau khi nghe Yersin trình bày, De Lanessan đồng ý hỗ trợ Yersin tiếp tục chuyến thám hiểm, theo đó nhiệm vụ của Yersin là khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Ngoài ra, Yersin còn phải tìm hiểu về tài nguyên trong vùng: lâm sản, khoáng sản, khả năng chăn nuôi, ... Địa bàn thám hiểm được chỉ định là "một vùng ở Nam Trung Kỳ, nằm giữa bờ biển và sông Mékong, là vùng đầu nguồn của các con sông Đồng Nai và Sé-Bang-Kane".
Chú thích: sông Sé-Bang-Kane là cách gọi khác của sông Sêrêpôk.

Trong Sept mois chez les Mois (Bảy tháng ở xứ Thượng), Yersin cho biết ông nghiên cứu những công bố của Neis và Septans năm 1881, cũng như bản đồ của Humann. Kết hợp với nhiệm vụ khảo sát cho việc làm đường, ông bắt đầu theo hành trình mà đa số các nhà thám hiểm đã đi: lưu vực sông La Ngà. Khi đó, ông dự đoán con đường lên xứ Thượng sẽ là từ Trà Cú đến sông La Ngà và lên miền núi.

Ngày 24/2/1893, Yersin khởi hành, đi cùng ông là nhiều người hỗ trợ, ông mang theo nhiều máy móc đo đạc, cũng như mang nhiều thuốc để tiêm chủng cho dân dọc đường. Từ Sài Gòn, ông đi đến Biên Hòa rồi đi theo bờ sông đến Tân Uyên (Bình Dương). Từ đây, đoàn đi thuyền qua sông Đồng Nai rồi bắt đầu đi về lưu vực sông La Ngà.

Trích:

Ngày 28 tháng 2, chúng tôi đi xe trâu từ Trị An đến Trà Cú. Chiếc xe toàn bằng gỗ, bánh xe có đường kính hơn 1,5 mét. Một chiếc mui nhỏ che hành khách và thùng hàng. Bánh xe cọ vào trục tạo ra một âm thanh đinh tai và đều đều vang đi rất xa. Điệu nhạc kinh khủng này không làm thú rừng hoảng sợ. Từ xe trâu, chúng tôi có thể bắn trúng nai, trâu rừng.

Con đường chỉ là một khoảng trống trong rừng. Xe lên dốc, xuống suối, leo lên trên rễ cây. Khoảng cách được tính theo trạm. Một trạm khoảng một giờ xe trâu đi (3-4km). Khi đến mỗi trạm, chúng tôi tháo ách và cho trâu uống nước.

Từ Trị An đến làng Thượng đầu tiên Vio-yang mất một ngày đường. Rừng bằng lăng rất đẹp. Người Việt đẽo thân cây dầu để cho dầu chảy ra rồi thỉnh thoảng dùng thìa gỗ múc dầu. Ở đây còn tìm thấy cây sao, vênh vênh,...

Cũng như các làng Thượng ở Nam Kỳ, Vio-yang có một nhà chính dài và nhiều căn nhà nhỏ khác nằm rải rác trên một khoảng đất rất rộng. Chủ làng - gọi là Tổng Man - ở trong căn nhà chính. Một nhà dài được dùng làm nơi ở chung cho nhiều gia đình.

Người Thượng ở Nam Kỳ có thân hình rất cân đối, nước da màu nâu đậm, tính tình hiền lành, nhút nhát, không thích sống xa quê hương. Họ trồng lúa rẫy, bắp và một ít thuốc lá. Khi thiếu gạo, họ ăn các loại củ tìm thấy trong rừng. Họ dùng cung tên săn mồi. Trên trần nhà, chúng tôi nhìn thấy nhiều hàm răng dưới của con nai được giữ gìn như chiến lợi phẩm trong những chuyến đi săn.

Từ Vio-yang đến Trà Cú, chúng tôi đi ngang qua các làng Tiouk Trem, Thao Vieuk và Võ Đắt. Từ làng này đến làng khác, đường đi không thẳng tắp mà quanh co. Gần Trà Cú, chúng tôi ra khỏi rừng và vượt qua một cánh đồng rộng ngập lụt vào mùa mưa. Dòng sông La Ngà chảy ngang qua cánh đồng.

Từ Trà Cú đến Tánh Linh, chúng tôi đi trong rừng mất 3 giờ. Tánh Linh là một làng Chăm gồm có một chục thôn nhỏ nằm giữa ruộng lúa. Cánh đồng Tánh Linh được giới hạn như sau: núi Ông về hướng Đông, núi Cà Tong về hướng Tây; sông La Ngà và dãy núi La Ngà về hướng Bắc, rừng ở hướng Nam. Một dòng suối lớn- suối Lạc - làm ngập cánh đồng vào mùa mưa.

Người Chăm ở Tánh Linh không nhiều, khoảng hơn một trăm người.

Cánh đồng Tánh Linh đầy thú rừng: nai, hươu, trâu, heo rừng. Đêm đêm chúng tôi nghe tiếng voi hú quanh trại. Một hôm, khi đi săn, chúng tôi gặp hai con voi cái chạy trốn ngang qua một vùng đầm lầy.

Tôi đề nghị với người chủ làng được chích thuốc cho toàn dân trong làng. Ông chấp nhận ngay và dân nhiều buôn Thượng quanh vùng đến xin được chích thuốc.

Như vậy Vio-yang gần Trị An, tuy nhiên khó có thể xác định Trị An và Vio-yang chính xác là ở đâu. Tôi đoán Vio-yang là Phú Cường (Định Quán, Đồng Nai), thông qua thông tin người Pháp có đồn điền cà phê ở đây. Tiouk Trem thì chắc chắn chính là Túc Trưng (Định Quán). Cánh đồng Tánh Linh và dòng sông Lạc thì là khu vực Tánh Linh - Biển Lạc. Núi Ông cũng ngay gần đó (gần Tà Pao và Tà Pứa rất quen thuộc với dân phượt), nhưng nếu là núi Tà Cú thì lại quá xa. Có lẽ, Trà Cú là một nơi khác gần khu vực này.



https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=130961&d=1440590083
Bản đồ các dòng sông chính khu vực Đồng Nai.

Từ Tánh Linh, Yersin theo đường mòn về Phan Thiết, và sau đó ông về lại Nha Trang để chuẩn bị cho chuyến đi theo hướng khác.

namnguyen
26-08-2015, 20:36
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=130962&d=1440595181

Trên đây là bản đồ chuyến đi của Yersin. Đường ..... là hành trình của ông từ tháng 2 đến tháng 5/1893. Đường ----- là hành trình trong tháng 6/1893.

Từ Nha Trang, Yersin quay lại Phan Rí. Ngày 8/4/1893, Yersin rời Phan Rí để lên vùng núi. Yersin chép là đoàn có đến 80 dân phu đi cùng. Đoàn đến một làng Chăm là Kalon-Madai (hiện nay còn địa danh Kalon ở Bắc Bình).

Yersin viết: Có 2 nẻo đường từ Ca-long lên cao nguyên: một nẻo đi ngang qua Ta-ly đến Ta-la (2 ngày đường) và một nẻo khác đến Lao-Gouan (1 ngày đường). Tôi đã biết con đường thứ nhất. Hai năm về trước, tôi đã đi trên con đường này trong chuyến lên miền Thượng đầu tiên. Lúc bấy giờ, thời tiết rất xấu. Tôi còn nhớ mãi tôi đã vượt hai ngọn đèo cao 900 và 1.200m trong một cơn mưa tầm tã.

Như vậy, trong chuyến đi trước đó vào năm 1891, Yersin từ Phan Rí đến Kalon-Madai và lên Ta-la. Theo bản đồ của Yersin thì Ta-la nằm trong vùng Di Linh hiện nay. Lao-Gouan là làng Laouan Krela, nay thuộc huyện Đức Trọng. Như vậy, Yersin lên Di Linh trong lần năm 1891 không đi theo đường qua các ngả Tà Năng, Tà Hine hay Ninh Gia, rất có thể ông đi theo đường Tam Bố.

Còn trong chuyến này, ông đi lên Lao-Guoan. Từ Kalon lên Lao-Guoan sẽ có 3 đường trên: Tà Năng, Tà Hine hoặc Ninh Gia (thực ra là 2 đường, vì Tà Hine hay Ninh Gia chỉ khác nhau ở vài nhánh).

namnguyen
26-08-2015, 21:03
Sau một ngày leo dốc liên tục đoàn đến Lao-Guoan. Tại đây, Yersin gặp Tong Vit Ca, một người Việt lo việc thu thuế người Thượng cho Phan Rí, Tong Vit Ca đưa Yersin đi tiếp.
Ngày 14.4 đoàn rời Lao-Gouan tiến về phía Bắc, vượt dòng Da Gnine (tức Đa Nhim), sau một ngày đi bộ, Yersin đến làng Rioung, nằm gần nhánh thứ hai của sông Đồng Nai: Da Dong (tức Đa Dung). Rioung (có thể là làng Riong Bolieng ngày nay, thuộc huyện Lâm Hà). Cao nguyên xung quanh Rioung trơ trụi, những đàn nai đông đảo thường chạy qua đó. "Nếu từ Rioung, người ta tiếp tục đi về phía Bắc, điạ hình sẽ trở nên rất nhấp nhô và dâng cao dần cho đến núi Lang Bian. Núi này, cao hơn 2.000m, đã được các ông Néis và Umann thám sát. Đó là nơi phát nguyên của sông Đồng Nai".
Chú thích: Umann là Humann, có lẽ Yersin ghi nhầm.

Tuy nhiên, trọng tâm của Yersin là tìm một con đường lên cao nguyên. Ông cần đến Ta-la, nơi đã đến vào năm 1891, và tìm đường nối từ Ta-la đến sông La Ngà.

Đoàn rời Rioung đi về hướng Tây Nam và đến Ta-la. Những ghi chép của Yersin về mỏ thiếc, về những địa danh có chữ Ia củng cố giả thiết là Ta-la là phụ cận phụ cận thị trấn Di Linh ngày nay.
Từ Ta-la, Yersin về lại Tánh Linh.

Sau đó, từ Tánh Linh, Yersin tìm cách đi lên lại cao nguyên theo đường khác. Ông đi đến Me Pou (Mê Pu, Bình Thuận), Đạ Cai, nhưng sau đó không thoát ra khỏi được vùng hữu ngạn sông La Ngà. Yersin về lại Tánh Linh. Khi đó là cuối tháng 5/1893.

namnguyen
26-08-2015, 21:17
Ngày 30 hoặc 31 tháng 5/1893 Ông tiếp tục lên đường theo hướng đã đi từ Droum xuống Tánh Linh. tại đây, ông tìm đường lên hướng sông Đồng Nai. Ngày 11/6/1893, ông đến Bross, nằm ở đáy một thung lũng sâu có sông Đồng Nai chảy qua, phía Bắc là ngọn núi Tadoung. "Ngọn núi này nhìn từ xa tựa như một chiếc mũ lớn nhọn đầu đặt trên cao nguyên, nằm cạnh một thứ mê lộ gồm các đỉnh cao và các thung lũng sâu, dưới đáy các thung lũng là những dòng nước lạnh ngắt. Người ta tưởng chừng đang ở vùng núi Alpes". Yersin đã băng qua mây mù và mưa để leo lên đỉnh núi cao nhất. Rừng khá rậm, ông phải trèo lên cây để quan sát, nhưng những màn mưa dày đặc không cho phép ông định vị một cách chính xác.

Núi Tadoung rất giống tên núi Tà Đùng, nhưng như vậy lại quá xa Rioung nay thuộc huyện Lâm Hà. Tuy nhiên, rất phù hợp về mặt mô tả. Từ núi Tà Đùng có thể băng rừng đế đến Tân Hà, Lâm Hà.

Từ Tadoung, Yersin xuống núi để trở lại Rioung. Để lại hành lý nơi đây, ông cùng với bốn người phu khuân vác lên đường thám hiểm vùng núi Lang Bian.

Từ Rioung, Yersin đi đến bờ sông Da N'Tâme (tức Da Tam), một chi lưu của sông Đa Nhim. Ngược dòng Da Tam, ông đi đến các làng Kréan (gần núi Mnil), Brenne (tức Prenn, gần thác Prenn); sau đó đi về phía Tây-Bắc, rồi bắt đầu leo núi. Sau gần một giờ leo núi, ông bước ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lang Bian. Lúc này là 15g30 ngày 21/6/1893. Trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt "3h30: grand plateau dénudé mamelonné" (3g30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi).

Trong hồi ký, ông mô tả như sau "Khoảng 15 đến 20 km trước khi đến chân núi chúng tôi ra khỏi rừng và thấy mình đang đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ toàn cỏ. Mặt đất như những lượn sóng dài làm cho ta có cảm tưởng đang đi trên một đại dương bị xao động bởi những đợt sóng khổng lồ. Dãy Lang Biang sừng sững ở giữa như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi ta đến gần. Trong những cánh đồng bao la ấy, ta dễ tính sai cự ly. Dưới đáy thung lũng, đất màu đen và có than bùn. Những đàn nai lớn cho phép đến gần khoảng một trăm mét, rồi vụt bỏ chạy ra xa, ngoái đầu lại nhìn chúng tôi một cách tò mò".

Vào lúc 15g45 cùng ngày, Yersin vượt qua dòng suối Cam Ly để đi về phía Tây - Bắc. Ông đến làng Deung vào lúc 17g55, sau đó vượt dòng Da Dong (tức Da Dung) và đến 18g15 thì đến làng Dan Dia (Dan Ya). Yersin ghi chép người ở cao nguyên này là người M'Lates. Vùng đất cao nguyên này ông ghi là D'Lat (của người Lạt).
Chú thích: Dan Dia hay Dan Ya là Đankia.

Từ Dan Dia, Yersin trở lại làng Deung rồi về làng Rioung. Từ đây, ông theo thung lũng sông Đa Nhim tìm đường về Phan Rang. Các ghi chép chưa cho biết chính xác Yersin xuống khỏi cao nguyên theo đường nào. Các làng người dân tộc trong ghi chép phù hợp với mô tả về người Ra Glai và người Chăm. Ngày 26/6/1893, ông về đến Phan Rang.

namnguyen
26-08-2015, 21:52
Ngày 8/9/1893, Yersin từ Nha Trang trở lại Phan Rang, ông lên lại Đrăn (Đran), đi xuống Ta-la và về lại Tánh Linh. Trong chuyến đi này, các sơ đồ được làm rõ hơn, phục vụ cho công tác làm đường.
Nghiên cứu của Yersin không hoàn toàn giúp người Pháp trong việc mở đường lên cao nguyên. Ông không cho rằng có thể làm đường qua vùng Tánh Linh và lưu vực sông La Ngà.

Năm 1894, Yersin lại từ Phan Rang lên Đran, lần này ông tìm được đường đi từ Đran lên Đankia không qua Brenne hay Rioung.

Năm 1897, Đông Dương có một Toàn quyền mới là Paul Doumer. Doumer là một nhà lãnh đạo giỏi, năm 1895 ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ông chủ trương khai thác đến cùng kiệt tài nguyên của các thuộc địa, kết hợp xây dựng hạ tầng giao thông cũng như các công trình công vụ.
Ngay trong năm 1897, Doumer muốn xây dựng một nơi nghỉ mát cho quan chức Pháp, mà ông gọi là trạm điều dưỡng. Ông viết: "Trong tất cả các thuộc địa vùng nhiệt đới được cai trị một cách hợp lý, người ta quan tâm đến việc tìm ra những vùng đất có khí hậu gần giống với khí hậu châu Âu để người da trắng có thể bảo tồn hay phục hồi sức lực. Các trạm điều dưỡng (station sanitaire) ấy được sử dụng làm địa điểm nghỉ mát để khôi phục sức khỏe cho những người bị buộc phải cư trú ở những nước có khí hậu kém lành mạnh; chúng được dùng làm nơi đặt các công sở, các cơ quan, các đạo quân không bắt buộc phải bố trí ở các nơi khác".
[Paul Doumer, L'Indochine francaise (souvenirs), Vuibert et Nony, Paris, 1905.
Mai Thái Lĩnh - Nguyễn Hữu Tranh - Trương Ngọc Xán dịch]
Doumer viết thư cho các Khâm sứ, cũng như các nhà nghiên cứu nổi tiếng, trong đó có Yersin. Ngày 18/7/1897, Yersin trả lời thư Doumer giới thiệu cao nguyên Lang Biang, và Doumer quan tâm đến địa điểm này.
Tháng 10/1897, Toàn quyền Doumer cử một phái đoàn khảo sát lên cao nguyên Lang Biang, dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard. Tháng 10/1898, Thouard kết luận là con đường có thể làm là từ Phan Rang lên Đran, băng qua thung lũng sông Đa Nhim. Phái đoàn cũng đề nghị khảo sát một tuyến đường từ Sài Gòn, men theo thung lũng sông Đồng Nai, để tránh các bờ núi dốc đứng. Do đề nghị này, một số phái đoàn đã được cử làm nhệm vụ khảo sát tuyến đường từ Sài Gòn trong thời gian 1898-1990 (các phái đoàn Odhéra, Garnier và Bernard).

Kết quả chuyến khảo sát làm hài lòng Doumer. Tháng 3/1899, đích thân Doumer đi cùng Yersin lên Lang Biang.
Từ Phan Rang, đoàn đến Krong Pha (Sông Pha), vượt đèo Krong Pha sau này được đặt tên là Bellevue (tạm dịch: cảnh đẹp) đến Đran và lên Lang Biang. Sau đó đoàn đến Dankia. Doumer hoàn toàn hài lòng với cao nguyên Lang Biang. Sau đó, đoàn trở lại Phan Rang theo đường cũ.

Ngay trong tháng 4/1899, Doumer phái đại úy Guynet làm con đường Phan Rang lên cao nguyên, hoàn thành vào tháng 6/1900.

Ngày 1/11/1899, Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) và bao gồm lưu vực phía trên của sông Đồng Nai. Tòa công sứ của tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai Thượng được đặt tại Djiring, và hai trạm hành chính (poste administratif) được thiết lập tại Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang.

Như vậy, dù Yersin không phải là người Pháp đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Lang Biang, nhưng ông đã là người ghi chép và vẽ bản đồ cụ thể nhất, có những nghiên cứu đầu tiên về vùng cao nguyên này, và giới thiệu đến Toàn quyền Doumer để xây dựng trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang. Yersin cũng đưa ra con đường Phan Rang - Đran - Đà Lạt để xây dựng, chứ không làm đường dọc theo sông Đồng Nai như con đường Néis và Septans đã đi.

Tòa công sứ đặt tại Djiring, bao gồm Ta-la và vùng phụ cận. Theo Yersin thì Ta-la là nơi đông dân nhất, và có nhiều người giàu có. Djiring được cho là tên của một làng ở Ta-la, đặt theo tên thủ lĩnh làng này, hoặc người có công khai phá vùng này.

Tỉnh Đồng Nai Thượng là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên.

namnguyen
26-08-2015, 22:09
Năm 1904, Pháp thành lập tỉnh Plei Ku Der, bao gồm hai đại lý hành chính là Kon Tum và Cheo Reo (vốn thuộc tỉnh Phú Yên).
Theo thầy Kpă Pual công tác tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Gia Lai, cái tên này là Pháp hóa Pơlơi Kơ Dưr, nghĩa là làng trên cao.
Đến năm 1907, Pháp lại bỏ tỉnh Plei Ku Der, đại lý hành chính Kon Tum lại thuộc Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo lại trở về Phú Yên.
Ngày 9/2/1913, Pháp thành lập tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý hành chính Kon Tum tách ra từ Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo tách ra từ Phú Yên, và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Năm 1917, Pháp thành lập đại lý hành chính An Khê thuộc tỉnh Kon Tum.

Như vậy, Kon Tum là tỉnh được thành lập sau tỉnh Đồng Nai Thượng, là một tỉnh rất lớn, tương đương các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và một phần tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Tây Nguyên lúc này gồm hai tỉnh trên và vẫn chưa có tên gọi cho vùng.

doun
26-08-2015, 23:14
Có vài khái niệm cần giải thích:
Moï
Chưa có luận cứ nào khẳng định từ "Moï" trong tiếng Pháp dành riêng cho người Tây Nguyên có sự liên hệ với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng trong sử liệu triều Nguyễn. Tuy nhiên, sự tương đồng là có thể nhận thấy rõ ràng.
Liên hệ thêm: có một số từ tiếng Pháp đề cập đến nước Việt và người Việt có ý khinh miệt, nên từ "Moï" có lẽ không khác biệt.


Bạn có vẻ hiểu biết nhưng lý giải trên của bạn là sai.

Từ "Mọi" không có nguồn gốc từ chữ "Moi" trong tiếng Pháp đâu bạn nhé. Mặc dù từ ngữ Việt cũng vay mượn từ tiếng Pháp kha khá.

Nó xuất phát từ những từ: man, di, mọi, rợ, địch, nhung.... thế còn những từ này từ đâu thì mời bạn tìm hiểu tiếp.

namnguyen
26-08-2015, 23:49
Bạn có vẻ hiểu biết nhưng lý giải trên của bạn là sai.

Từ "Mọi" không có nguồn gốc từ chữ "Moi" trong tiếng Pháp đâu bạn nhé. Mặc dù từ ngữ Việt cũng vay mượn từ tiếng Pháp kha khá.

Nó xuất phát từ những từ: man, di, mọi, rợ, địch, nhung.... thế còn những từ này từ đâu thì mời bạn tìm hiểu tiếp.

Chào bạn, bạn đã không đọc kỹ bài của tôi.
Như bạn đã trích dẫn không đầy đủ, tôi trích dẫn lại và nói rõ:

Moï
Theo từ điển Petit Larousse, trang 1545, dòng 45, 46: Moï: Peuple du Sud Viêt Nam, habitant les regions montangneuses du pays.
Tạm dịch: Moï: người ở miền Nam Việt Nam, sinh sống ở vùng miền núi.
Cần phân biệt với Moi, khác nhau ở chữ ï và i.

Chưa có luận cứ nào khẳng định từ "Moï" trong tiếng Pháp dành riêng cho người Tây Nguyên có sự liên hệ với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng trong sử liệu triều Nguyễn. Tuy nhiên, sự tương đồng là có thể nhận thấy rõ ràng.
Liên hệ thêm: có một số từ tiếng Pháp đề cập đến nước Việt và người Việt có ý khinh miệt, nên từ "Moï" có lẽ không khác biệt.

Như vậy, tôi không hề nói chữ "Mọi" có nguồn gốc từ chữ "Moï" trong tiếng Pháp. Ngược lại, tôi cho là từ "Moï" có sự tương đồng với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng từ trước.

Thân.

namnguyen
27-08-2015, 00:30
Như vậy vào tháng 6/1900, con đường Phan Rang lên Lang Biang được hoàn thành. Người Pháp bắt đầu xây dựng những công trình ban đầu ở cao nguyên, trong đó có một trại lính. Kế hoạch chưa đi đến đâu thì năm 1902, Paul Doumer về nước. Người thay ông là Paul Beau không hứng thú với việc phát triển trạm điều dưỡng. Toàn bộ các dự định về Lang Biang bị ngưng trệ.

Năm 1903, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh (tương đương huyện), thuộc tỉnh Bình Thuận.

Năm 1916, lập tỉnh Lâm Viên, Việt hóa từ Lang Biang. Tỉnh Lâm Viên gồm hai đại lý hành chính là Di Linh và Đà Lạt. Tỉnh lỵ được đặt tại Đà Lạt. Các cơ quan hành chính được xây dựng ở khu vực suối Cam Ly gần Brenne, cách Dankia khoảng 15km.
Đó là lần đầu tiên, tên gọi Đà Lạt được dùng trong văn bản hành chính.

Câu chuyện về tên gọi này thì rất nhiều. Tuy nhiên, theo tôi, có hai cách lý giải hợp lý hơn cả.
Một là, Đà Lạt là Suối của người Lạt, với Đà (như Đa, Đạ) chỉ nước, suối, sông. Lạt là sắc tộc bản địa. Nhưng tại sao chỉ mình Đà Lạt lại là Đà, còn tất cả địa danh gần gũi là Đa?
Hai là, Đà Lạt xuất phát từ cách ghi D'Lat (của người Lạt) mà Yersin ghi trong bản đồ, cũng như trong ghi chú của Doumer. Trong ghi chú của bác sĩ Etienne Tardif, một thành viên của phái đoàn Guynet (1899-1900) cũng ghi là D'Lat. Tuy nhiên, D'Lat đọc là Đờ Lạt chứ không phải Đà Lạt.
Các cách giải thích khác, tôi không thấy thuyết phục mấy. Dù chưa hoàn toàn thuyết phục bởi cách giải thích đầu tiên, nhưng tôi cho là đây là cách giải thích hợp lý nhất.

Năm 1920, tỉnh Lâm Viên lại được đặt lại tên là tỉnh Đồng Nai Thượng. Tỉnh lỵ lại dời về Di Linh.

Cũng trong năm 1920, một Toàn quyền mới đến, đó là Maurice Long. Sau gần 20 năm mới có lại một Toàn quyền quan tâm đến Đà Lạt. Maurice Long cử Ernest Hébrard làm chủ sự quy hoạch thị trấn Đà Lạt. Cần phải nói về Hébrard, ông là kiến trúc sư, nhà quy hoạch, đồng thời là nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử. Ông là Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp. Ông được xem là người khởi nguồn phong cách kiến trúc Đông Dương. Năm 1923, Hébrard hoàn thành Đồ án quy hoạch thị trấn Đà Lạt.

Với quy hoạch của Hébrard, Đà Lạt được xây dựng và sau khoảng 15 năm thì được gọi là "thủ đô mùa hè" của Liên bang Đông Dương. Đà Lạt khi đó có các cơ quan công quyền, trại lính, khu nhà cho người Pháp và khu nhà cho người Việt cũng như người bản địa. Năm 1923, Đà Lạt có khoảng 1.500 dân, đến năm 1942 thì có hơn 20.000 dân. Người Việt cũng lên Đà Lạt nhiều hơn. Đà Lạt bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ và bền vững với những danh xưng mĩ miều. Vào năm 1937, một câu khẩu hiệu tiếng Latin của Đà Lạt được tạo ra và gắn lên chợ Đà Lạt là Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe.

Chú thích: câu chuyện cho là cái tên Đà Lạt được ghép từ câu khẩu hiệu này là sai hoàn toàn, vì cái tên Đà Lạt ra đời trước câu này hơn 20 năm, và ở Việt Nam không có bất kỳ địa danh nào được đặt bằng cách ghép từ hay chữ từ tiếng Latin



Năm 1928, tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng lại dời lên Đà Lạt. Đến năm 1941, tỉnh Lâm Viên tách ra, tỉnh lỵ là Đà Lạt, còn tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng lại dời về Di Linh.

Như vậy, đến giữa thập niên 1940, có hai tỉnh là Đồng Nai Thượng và Lâm Viên trên phần đất của tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

namnguyen
27-08-2015, 00:51
Tỉnh Darlac được thành lập vào năm 1904, tách ra từ đại lý hành chính Kontum cũ. Địa bàn Darlac bao gồm Đắk Lắk ngày nay và một phần tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên đến năm 1913 thì trở thành đại lý hành chính của tỉnh Kon Tum.
Đến năm 1923, tỉnh Darlac lại được tách ra.

Tên gọi Darlac xuất phát từ Đắk là nước, Lắk là tên hồ.

Đến năm 1932, tỉnh Plei Ku được thành lập, tách ra từ tỉnh Kontum. Địa bàn tỉnh Plei Ku gần như tương đương tỉnh Gia Lai ngày nay.
Tên gọi Plei Ku vốn từ tên tỉnh cũ là Plei Ku Der.

Như vậy đến thập niên 1940 thì Tây Nguyên có 5 tỉnh, từ Bắc xuống Nam là Kontum, Plei Ku, Darlac, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Trong đó, tỉnh Lâm Viên rất nhỏ.

Cách ghi các từ Kontum - Kon Tum, Plei Ku - Pleiku, Darlac - Daclac bị chính người Pháp dùng lẫn lộn.

namnguyen
27-08-2015, 10:07
Cho đến thập niên 1940, vẫn chưa có một tên gọi nào cho vùng Tây Nguyên.

Giai đoạn đầu thế kỷ XX, sau khi người Pháp đã lập các cơ quan công quyền ở Tây Nguyên, vùng đất này được gọi là cao nguyên ở Trung Kỳ, do thuộc Trung Kỳ.
Người Pháp còn gọi là Les Hauts Plateaux du Sud (Cao nguyên miền Nam).

Cho đến thập niên 1940, dân cư cao nguyên chủ yếu tập trung ở Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. Các tỉnh lỵ Di Linh, Pleiku và Kon Tum cũng có dân nhưng thưa thớt.

Khi tôi tìm hiểu về Buôn Ma Thuột, tôi nhận thấy người Pháp khi xây dựng một vùng ở cao nguyên, họ sẽ chọn một vùng mà người bản địa hợp tác với người Pháp và người Việt, không nhất thiết là một khu dân cư bản địa đã phát triển. Điều này phù hợp với Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Di Linh, ...
Trong trường hợp Buôn Ma Thuột, khi đó có hai nơi mà người M'nông rất đông và phát triển là Lăk và Bản Đôn, nhưng người Pháp chọn vùng đất dọc theo suối Ea Tam. Lịch sử ghi lại những trận chống trả rất quyết liệt giữa người M'Nông với người Pháp ở Lăk và Bản Đôn, có lẽ vùng Ea Tam ôn hòa hơn. Vùng đất này do tù trưởng Ama Y Thuột hoặc Ama Thuột đứng đầu, và được gọi chung là Buôn Ama Y Thuột hay Buôn Ama Thuột. Buôn Ma Thuột là cách gọi biến âm từ tên này.
Ngay trong những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã làm con đường Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột, nay là Quốc lộ 26.

Từ Buôn Ma Thuột, người Pháp đã trấn áp hoàn toàn người M'nông, người Ê Đê các vùng lân cận, nhất là sau khi tuyến đường từ Ninh Hòa lên hoàn tất. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của vùng. Năm 1930, Pháp nâng thị trấn Buôn Ma Thuột lên thành thị xã.

Cũng trong các văn bản hành chính của Pháp, người Pháp đôi khi ghi là Ban Ma Thuột. Buôn và Bản là những từ được dùng lẫn lộn trong giai đoạn đó.

bitroichan
27-08-2015, 14:36
Like mạnh cho bác, tôi thích cách vào bài của bác. Tiếp đi bác chủ.

namnguyen
29-08-2015, 10:14
Sau năm 1945, Đồng Minh cho quân Anh-Ấn vào giải giáp quân Nhật ở miền Nam, đến cuối năm 1945 thì bàn giao cho Pháp. Ở Tây Nguyên, người Pháp lập ra Xứ Thượng Nam Đông Dương (Pays Montagnard du Sud Indochinois, viết tắt là PMSI) vào tháng 5/1946. Đây là lần đầu tiên, Tây Nguyên có một tên gọi chính thức. Tên này cũng rất dễ hiểu, xứ của người Thượng ở miền Nam Liên bang Đông Dương.
Xứ Thượng Nam Đông Dương là xứ tự trị, thuộc Liên bang Đông Dương, gồm 5 tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac, Lang Biang và Đồng Nai Thượng. Thủ phủ được đặt tại Đà Lạt tỉnh Lang Biang, sau đó chuyển về Buôn Ma Thuột tỉnh Darlac.
Ngày càng nhiều người Việt tránh chiến tranh di cư lên xứ Thượng nói chung và Đà Lạt cũng như Buôn Ma Thuột nói riêng. Hai thị xã này ngày càng đông dân.


https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/b3/Flag_of_the_Montagnard_country_of_South_Indochina. svg/1024px-Flag_of_the_Montagnard_country_of_South_Indochina. svg.png
Cờ Xứ Thượng Nam Đông Dương

Tình thế chiến tranh thay đổi. Theo học thuyết chiến tranh của Mỹ, Pháp không thể trực tiếp cai trị mà phải thông qua một chính thể. Năm 1947, cựu hoàng Bảo Đại (khi đó đang ở Hồng Công) đồng ý đàm phán thành lập chính phủ. Năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập, và đến năm 1949 thì Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam là thành viên của Liên hiệp Pháp.
Xứ Thượng Nam Đông Dương được Quốc gia Việt Nam đổi tên là Hoàng triều cương thổ.
Hoàng triều là triều đại đang trị vì, cương thổ là vùng đất đai ở biên giới. Hoàng triều cương thổ là vùng đất đai ở biên giới, thuộc sự quản lý của triều đại đương thời.

Thủ phủ của Hoàng triều cương thổ là Đà Lạt. Đứng đầu Hoàng triều cương thổ là Khâm mạng Hoàng triều. Vị Khâm mạng Hoàng triều đầu tiên là Nam tước Pierre Didelot, nhà quý tộc này là Đại tá quân đội Pháp. Didelot và Bảo Đại là anh em cọc chèo, ông lấy chị ruột của Nam Phương Hoàng Hậu.

namnguyen
31-08-2015, 10:15
Năm 1955, Ngô Đình Diệm thắng Bảo Đại trong cuộc trưng cầu dân ý. Nước Việt Nam Cộng Hòa ra đời ở miền Nam Việt Nam.

Tên gọi Tây Nguyên bắt đầu xuất hiện trong các văn bản hành chính của VNCH. Một tên gọi khác được dùng song song là Cao nguyên Trung phần.

Cũng từ thời kỳ này, cánh cửa Tây Nguyên mở rộng cho người Kinh lên lập nghiệp. Trong đó, người Bắc di dân năm 1954-1956 chiếm số lượng khá đông. Ngoài ra, khi chiến sự ác liệt, nhiều người ở vùng Trị - Thiên và xứ Quảng cũng chạy lên Tây Nguyên. Đây là lý do người Kinh ở Tây Nguyên, nhất là từ Gia Lai trở vào rất nhiều người gốc Bắc và gốc xứ Quảng.

Đã có khoảng 1,2 triệu người Bắc di dân vào Nam trong giai đoạn 1954-1956. Ông cậu của tôi (em họ của bà ngoại tôi) làm trong Bộ Công chánh VNCH nói khoảng 700.000 người được đưa lên Tây Nguyên.

Tỉnh Lang Biang hay Lâm Viên (được dùng trong thời Pháp) được đổi tên thành tỉnh Tuyên Đức. Phần cao nguyên M'Nông của tỉnh Darlac được tách ra lập tỉnh Quảng Đức. Tỉnh Đồng Nai Thượng được đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng. Các tỉnh Kontum, Pleiku giữ nguyên. Như vậy, Tây Nguyên gồm có 6 tỉnh.

Về tên gọi Tuyên Đức và Quảng Đức, tôi không tìm được nguồn nào giải thích ý nghĩa. Ông cậu của tôi nói đó là do Hội đồng đặt tên, vốn chuộng những tên Hán - Việt, và không hoàn toàn dựa vào nguồn gốc của tỉnh để đặt tên. Trong giai đoạn đầu của VNCH, một loạt tên gọi tỉnh mới đã ra đời, khác với tên từ thời Minh Mạng. Tuyên Đức và Quảng Đức là những tên gọi mới. Tương tự là Quảng Tín (tách ra từ Quảng Nam), Kiến Phong, Kiến Tường, Kiến Hòa, Chương Thiện, ...

Cũng trong thời gian này, một số địa danh ở Tây Nguyên được đặt thêm tên tiếng Việt, để phù hợp với việc đưa người Bắc di dân lên lập nghiệp.

Năm 1962, phần đất Cheo Reo (một trong những đại lý hành chính đầu tiên thời Pháp) được tách ra lập tỉnh Phú Bổn. Năm 1967, thị xã Đà Lạt được mang quy chế riêng, tách ra khỏi tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Tuyên Đức chỉ còn lại 3 quận là Đơn Dương (Đran cũ), Đức Trọng và Lạc Dương. Tỉnh lỵ của Tuyên Đức dời từ Đà Lạt xuống Tùng Nghĩa (Đức Trọng).


https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/2/2d/Southvietmap.jpg/441px-Southvietmap.jpg

Bản đồ Việt Nam Cộng Hòa năm 1967

Bản đồ cho biết tỉnh lỵ của 7 tỉnh và 1 thị xã Tây Nguyên năm 1967. Cụ thể như sau:

- Thị xã Đà Lạt
- Tỉnh Kontum, tỉnh lỵ là thị xã Kontum
- Tỉnh Pleiku, tỉnh lỵ là thị xã Pleiku
- Tỉnh Phú Bổn, tỉnh lỵ là thị xã Hậu Bổn (tên cũ là Cheo Reo)
- Tỉnh Darlac, tỉnh lỵ là thị xã Ban Mê Thuột
- Tỉnh Quảng Đức, tỉnh lỵ là Gia Nghĩa
- Tỉnh Tuyên Đức, tỉnh lỵ là Tùng Nghĩa
- Tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ là thị xã Bảo Lộc

Thị xã Đà Lạt có thể xem là trực thuộc trung ương, tuy nhiên chỉ sau vài năm thì lại quay trở lại hành chính tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức lại dời về thị xã Đà Lạt. Tây Nguyên lại chỉ còn 7 tỉnh.


https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/d/d7/RVN-Administrative.png/800px-RVN-Administrative.png

Bản đồ Việt Nam Cộng hòa năm 1972

Có thể nói, Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, thậm chí là bùng nổ dưới thời VNCH. Dân số Tây Nguyên lên đến gần 1 triệu người, trong đó một nửa tập trung ở hai tỉnh Darlac và Tuyên Đức. Quy hoạch của Đà Lạt bị vỡ ngay từ những năm đầu thời kỳ này.
Khi dân cư Tây Nguyên phát triển, con đường từ Lào và Campuchia qua trở nên dễ dàng hơn, Tây Nguyên và các tỉnh biên giới từ Tây Ninh đến Phước Long trở thành cánh cửa cho quân giải phóng. Năm 1975, từ Tây Nguyên, quân giải phóng xé toang vùng II, từ đó tạo thành bàn đạp cho chiến dịch thống nhất đất nước.

namnguyen
31-08-2015, 10:41
Sau năm 1975, Tây Nguyên được chia thành 3 tỉnh.

1. Tỉnh Gia Lai - Kon Tum gồm 3 tỉnh cũ là Pleiku, Kontum và Phú Bổn. Tỉnh lỵ là thị xã Pleiku. Đây là tỉnh lớn nhất Việt Nam năm 1976.
2. Tỉnh Đắc Lắc gồm 2 tỉnh cũ là Darlac và Quảng Đức. Tỉnh lỵ là thị xã Ban Mê Thuột. Đây là tỉnh lớn thứ nhì Việt Nam năm 1976.
3. Tỉnh Lâm Đồng gồm 2 tỉnh cũ là Lâm Đồng và Tuyên Đức. Tỉnh lỵ là thị xã Đà Lạt.


https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/6/6d/Vietnam_map_1976.GIF

Bản đồ Việt Nam 1976, không có ghi tên tỉnh nên ráng mò nhe.

Trong thập niên 1990, Gia Lai - Kon Tum tách ra là Gia Lai và Kon Tum. Đắc Lắc tách ra là Đắc Lắc và Đắc Nông. Lâm Đồng giữ nguyên. Rồi 2 tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông được đổi tên là Đắk Lắk và Đắk Nông.
Tây Nguyên hiện có 5 tỉnh kể tên trên.


https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=131008&d=1440993003

Bản đồ Việt Nam

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=131007&d=1440993003

Bản đồ Tây Nguyên

Cái này đọc cho vui: Biển số xe giai đoạn đầu sau 1975
Chuyện là ở trên quê tôi có một chiếc xe Simson biển 40. Bố tôi nói đây là biển số cũ của Thanh Hóa. Tôi cũng không để ý lắm, nhưng sau đó thì thấy một chiếc xe biển 44 ở Quy Nhơn, một chiếc xe biển 46 ở Kon Tum, tôi mới tìm hiểu. Thì ra đã có một thời các tỉnh miền Trung mang biển số 40-49, cụ thể thế này:
40: Thanh Hóa, nay là 36
41: Nghệ Tĩnh, nay là Nghệ An 37 và Hà Tĩnh 38
42: Bình Trị Thiên, nay là Quảng Bình 73, Quảng Trị 74 và Thừa Thiên - Huế 75
43: Quảng Nam - Đà Nẵng, 43 giữ cho Đà Nẵng, còn Quảng Nam là 92
44: Nghĩa Bình, nay là Quảng Ngãi 76, Bình Định 77
45: Phú Khánh, nay là Phú Yên 78, Khánh Hòa 79
46: Gia Lai - Kon Tum, nay là Gia Lai 81, Kon Tum 82
47: Đắc Lắc, 47 giữ cho Đắk Lắk, còn Đắk Nông lấy số 48
48: Thuận Hải, nay là Ninh Thuận 85, Bình Thuận 86
49: Lâm Đồng, giữ nguyên
Tất cả các biển số 40-42, 44-46 và 48 cũ đều không còn hiệu lực nhe, bắt buộc phải đổi qua biển mới hồi cuối 80 đầu 90. Cái xe biển 40 ở nhà tôi giờ chỉ xếp xó, một phần là chưa dọn lại, một phần là chạy xuống tới thành phố bị bắt chắc bỏ xe.

bitroichan
31-08-2015, 15:24
Lót dép hóng........................

namnguyen
03-09-2015, 14:38
Lịch sử Tây Nguyên là phần mở đầu cho chuyện kể về Tây Nguyên của mình. Lịch sử nói chung là kén người đọc.

Mình xin tóm tắt rất ngắn gọn để các bạn dễ hình dung.

Tây Nguyên là vùng đất chưa được các triều đại phong kiến trong khu vực chú ý đến. Từ thời Chúa Nguyễn, người Việt bắt đầu quan tâm đến Tây Nguyên. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp tiến hành thăm dò, thám hiểm và khai phá Tây Nguyên. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa, Tây Nguyên bùng nổ về dân cư với số lượng lớn người Việt di dân lên.

Hiện nay, dân cư Tây Nguyên hơn 5 triệu người. Về thành phần dân cư, theo số liệu năm 2009 thì người Kinh chiếm khoảng 64,7%. Người Gia Rai khoảng 8%, Ê Đê 6%, Ba Na 4%, Cơ Ho 2,9%, và các dân tộc thiểu số khác.

Tiếp theo, là những câu chuyện về Tây Nguyên.

namnguyen
03-09-2015, 15:01
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=131202&d=1441266173

Ga Đà Lạt

Đà Lạt có một nhà ga đẹp, và từng có một tuyến đường sắt độc đáo, đó là tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang.

Năm 1900, Toàn quyền Doumer tiến hành khảo sát làm đường sắt từ ga Tháp Chàm của Phan Rang lên Đà Lạt. Khi đó, con đường bộ đã được hoàn tất. Đoàn khảo sát của đại uý Baudesson tiến hành khảo sát trong hai năm 1901-1902, và tiến hành khởi công vào năm 1902 hoặc 1903.


http://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRailMap3.jpg

Bản đồ phác thảo đường sắt răng cưa

http://www.vnafmamn.com/photos/railmap.jpg

Bản đồ và độ cao tuyến đường sắt

Các địa danh tương đương
Arbre Broye - Trạm Hành
Dran - Đơn Dương
Krong Pha - Sông Pha (Krông nghĩa là sông)
Eo Gió - Bellevue - Ngoạn Mục


Năm 1913, đoạn đường từ ga Tháp Chàm đến Tân Mỹ hoàn tất.
Năm 1919, đoạn từ Tân Mỹ đến Krong Pha hoàn tất.
Năm 1928, đoạn từ Krong Pha đến Eo Gió hoàn tất.
Năm 1929, đoạn từ Eo Gió đến Dran hoàn tất.
Năm 1930, đoạn từ Dran đến Trạm Hành hoàn tất.
Năm 1932, đoạn từ Trạm Hành đến Đà Lạt hoàn tất.

Đường sắt tuyến Đà Lạt - Krong Pha là loại hình đường sắt răng cưa (cog) độc đáo trên thế giới. Đó là hệ thống đường ray dạng răng cưa, ngoài hai thanh ray đỡ, ở chính giữa còn có thêm một thanh ray có răng móc như lưỡi cưa, ăn khớp với bánh răng của đầu tầu kéo, để kéo đoàn tàu lên dốc và giữ cho đoàn tàu không bị tuột nhanh khi xuống dốc.

http://www.vnafmamn.com/photos/serrated_rail4.jpg

Tuyến này cũng phải làm 5 hầm qua núi.

http://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail25.jpg

Đào hầm qua núi (đoạn Krong Pha - Eo Gió)

http://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail59.jpg

http://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail61.jpg

Công trình sử dụng nhiều lao động người Thượng


Các ảnh tư liệu của Vnafmamn. Tôi sẽ giới thiệu thêm nhiều ảnh quý của Vnafmamn về Đà Lạt trong các bài viết khác.

Oanhmto2
03-09-2015, 18:15
Quá hay bác ơi !

namnguyen
04-09-2015, 10:39
Một số hình ảnh về tuyến đường sắt kỳ công này:

https://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail28.jpg

https://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail58.jpg

https://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail46.jpg

Bạn có thể thấy rãnh thoát nước được đắp bê tông bên phía sườn núi.

Nhà ga Đà Lạt được khởi công năm 1932, do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế theo phong cách Art-Deco.

Tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang cũng như các tuyến khác do Công ty Hỏa xa Pháp CFI khai thác, chính thức khánh thành vào năm 1936.

https://www.vnafmamn.com/photos/dalat_indochine22.jpg

Vua Bảo Đại và Toàn quyền Đông Dương Gene Robin dự lễ khánh thành

https://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail47.jpg

https://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail29.jpg

Một đoạn vòng dốc rất gắt

https://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail31.jpg

Đoạn Dran - Trạm Hành

namnguyen
04-09-2015, 11:15
Chuyện về những chiếc đầu máy

Năm 1924, CFI mua 7 đầu máy HG 4/4 – trong đó 5 đầu máy do Công ty Thụy sĩ SLM Winterthurand (Schweizerische Lokomotiv - und Maschinenfabrik Esslingen) sản xuất và 2 đầu máy HG 4/4 do Công ty Đức MFE (Maschinenfabrik Esslingen) sản xuất theo nhượng quyền. Khi đưa vào sử dụng giai đoạn 1924 – 1929 tất cả các đầu máy trên mang số hiệu lần lượt từ CFI 40-301 đến CFI 40-307.
Năm 1930, CFI mua 2 đầu máy HG 4/4 đã qua sử dụng của công ty Thụy Sỹ Furka-Oberwald và đưa vào khai thác với số hiệu CFI 40-308 và 40-309.
Đến giai đoạn Nhật chiếm đóng Đông Dương, công ty CFI bị mất 4 đầu máy HG 4/4. Còn lại 5 đầu máy.
Năm 1947, CFI mua 4 đầu máy HG 3/4 đã qua sử dụng cũng của công ty Furka-Oberwald, mang số hiệu CFI 31-201 đến 31-204.
Khi Pháp rút khỏi Đông Dương, CFI còn lại 9 đầu máy và bàn giao cho Hỏa Xa Việt Nam, thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Trong thời Việt Nam Cộng Hòa, tuyến đường sắt hoạt động kém hiệu quả dần. Số chuyến giảm dần, do hệ thống đường bộ lên Đà Lạt lúc này đã hoàn thiện. Tuyến Sài Gòn - Đà Lạt qua đèo B'Lao, Phan Thiết - Đà Lạt qua đèo Yabak và Phan Rang - Đà Lạt qua đèo Sông Pha đáp ứng chủ yếu nhu cầu đi lại đến Đà Lạt. Một lý do khác là do chiến sự ngày càng ác liệt.
Năm 1967, tuyến đường sắt này không còn chuyến hàng ngày, bắt đầu hoạt động cầm chừng, đến năm 1968 thì tiếp tục giảm chuyến, ngưng chở hành khách, chủ yếu chỉ còn chở nông sản, than và hàng hóa, đến năm 1972 thì ngưng hoạt động. Năm 1973, ngân sách Việt Nam Cộng Hòa bị cắt giảm mạnh do đồng minh tháo chạy, chính phủ cắt giảm những ngành đang bù lỗ. Tuyến đường sắt này bị xóa sổ. Toàn bộ công nhân ngành đường sắt trong tuyến này bị chuyển đi. Trong 3 năm 1972-1975, các đầu máy và toa tàu bị bỏ hoang ở ga Đà Lạt. Thậm chí, không có người trông coi ga, học viên trường Lữ Gia kiêm trông coi ga Đà Lạt và các đầu máy, toa tàu.
Năm 1975, ngành đường sắt Việt Nam tiếp nhận 7 đầu máy (như vậy đã có 2 đầu máy bị thất lạc trong giai đoạn 1955-1975). Tháng 6/1975, tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang lại đưa vào khai thác trở lại, nhưng chỉ được 27 chuyến (có tài liệu nói 7 chuyến) thì ngừng hoạt động vào tháng 8/1975 vì không có khách.

Năm 1990, chính phủ Thụy Sỹ giao cho công ty Dampfbahn Furka-Bergstrecke (DFB) khai thác tuyến đường sắt miền núi Furka ở Thụy Sĩ, trên dãy núi Alps. DFB lấy lại tên cũ của tuyến là Glacier Express, và tìm lại những đầu máy hơi nước HG 3/4. Khi đó, họ được biết toàn bộ các đầu máy HG 3/4 ở châu Âu đã bị phá hủy trong thế chiến thứ hai. Khi tìm lại những tài liệu cũ, họ thấy CFI từng mang những đầu máy HG 3/4 qua Đông Dương.
Ngay trong năm 1990, DFB và đường sắt Thụy Sỹ đến Hà Nội và sau đó là Đà Lạt. Họ bất ngờ khi không những thấy các đầu máy HG 3/4, mà còn thấy cả đầu máy HG 4/4, điều mà họ không ngờ được.
Ngay lập tức, chương trình "Back to Switzerland" được triển khai, với hình thức thanh lý thiết bị hư hỏng, hết khấu hao. Giá bán 7 đầu máy và một vài toa tàu được Đường sắt Việt Nam đưa ra là 1 triệu USD, và cuối cùng chốt giá 650.000 USD. Mức giá này là món hời với Thụy Sỹ, và là nguồn cứu trợ cấp thiết cho đường sắt Việt Nam trong cơn khủng hoảng.

http://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/gtvt2015/DFB-sign01.jpg

https://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/gtvt2015/DFB-sign03.jpg

https://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/gtvt2015/DFB-sign04.jpg

Hình ảnh buổi ký hợp đồng bán thanh lý thiết bị hư hỏng. Với ĐSVN, đó là phế liệu. Với Thụy Sỹ, đó là kho báu.

https://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/gtvt2015/DFB-loco03.jpg

http://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/gtvt2015/DFB-transport06.jpg

http://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/gtvt2015/DFB-transport10.jpg

http://i270.photobucket.com/albums/jj109/fbuis/gtvt2015/DFB-transport20.jpg

7 đầu máy được đưa về Đức để sửa chữa, và sau đó đưa vào hoạt động trên tuyến đường sắt Furka.

Sau này, Đường sắt Việt Nam mua của Trung Quốc một đầu máy 131 do Nhật Bản sản xuất, đưa về Đà Lạt để trưng bày. Đầu máy này hiện chạy tuyến Đà Lạt - Trại Mát dài 7km phục vụ khách du lịch.

bitroichan
05-09-2015, 12:50
Hay quá, những thông tín mình mới nghe...Thanks

haianh
06-09-2015, 06:56
Rất hay, rất kỳ công. Vô cùng cám ơn những người có tâm huyết như em.

arlupin
06-09-2015, 11:23
Chuyện về những chiếc đầu máy

7 đầu máy được đưa về Đức để sửa chữa, và sau đó đưa vào hoạt động trên tuyến đường sắt Furka.

Sau này, Đường sắt Việt Nam mua của Trung Quốc một đầu máy 131 do Nhật Bản sản xuất, đưa về Đà Lạt để trưng bày. Đầu máy này hiện chạy tuyến Đà Lạt - Trại Mát dài 7km phục vụ khách du lịch.

Bán đồ thiệt mua đồ giả về trưng bày :)) về kinh tế thì có vẻ khôn ngoan nhưng về mặt lịch sử thì quá đáng tiếc.

haianh
06-09-2015, 11:49
https://www.vnafmamn.com/photos/Dalat_CogRail31.jpg

Đoạn Dran - Trạm Hành
Tấm hình này rất đẹp, ngay khúc cua mà đường sắt cặp sát với đường bộ. Tại điểm này, biết bao thế hệ người D'ran đã dừng lại, tất cả cùng ngậm ngùi, bồi hồi nhớ về một thời quá khứ đã xa.




Đầu tiên là những thanh tà vẹt phục vụ đường sắt Bắc Nam, rồi cả những thanh ray và đoạn răng cưa được đưa về các nông trường, nhà máy. Tiếp theo là những chiếc đầu máy, và rồi chứng nhân cuối cùng - chiếc cầu sắt ở D'ran - cũng bị rã thịt mặc cho bao nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Lâm Đồng.


https://farm6.staticflickr.com/5629/20989004168_9d802fa1ab_b.jpg (https://flic.kr/p/xYJ8G)
Nơi đã từng có chiếc cầu bắc qua sông





Người Pháp đã mất tổng cộng tới 30 năm để hoàn tất 84 cây số đường và người Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi, cả sự tủi nhục. Trong chiến tranh, từng km đường được gìn giữ; vậy mà, chỉ một cái gật đầu, báu vật trở thành sắt vụn. Ước mơ bị đóng chặt với người này lại mở ra sự hồi sinh cho người khác, nhân dân Thụy Sĩ hẳn rất biết ơn nhà nước ta.


https://farm6.staticflickr.com/5760/20989340748_d9419ca9f8_b.jpg (https://flic.kr/p/xYKRKj)
Ga Eo Gió, nơi gắn bánh răng cưa để chuẩn bị lên đèo


https://farm1.staticflickr.com/643/21176910085_cdf300a454_b.jpg (https://flic.kr/p/ygkczp)

Những dòng chữ vẫn rõ nét với thời gian




Quá khứ bị bán rẻ, giá trị văn hóa không bảo tồn, giờ muốn hồi sinh, câu nói sao quá dễ dàng


https://farm6.staticflickr.com/5687/20554486784_55c31462c4_c.jpg (https://flic.kr/p/xjk7Pb)


Hầm chui Eo Gió




Đã không còn là nỗi đau của người Dalat hay D'ran mà là niềm đau chung của mọi người.




https://farm1.staticflickr.com/674/21176948785_5f409329bd_c.jpg (https://flic.kr/p/ygkp5D)
Trụ móng trơ gan cùng tuế nguyệt



Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Lịch sử rất công bằng, sẽ phán xét tất cả những gì của ngày hôm nay.

Quoccanh
06-09-2015, 14:16
Cũng trong thời điểm này, ở phía Bắc Tây Nguyên, người Pháp đã lấy được khu vực người Bana và người Xơ Đăng ở Kon Tum (mở rộng từ vương quốc Sedang) và khu vực miền núi giáp Phú Yên (tương ứng Ayun Pa) ngày nay. Năm 1892, người Pháp đặt tòa đại lý hành chính Kon Tum bên bờ sông Đắk Bla, đây là cơ quan hành chính đầu tiên của người Pháp tại Tây Nguyên. Kon Tum cũng là đơn vị hành chính đầu tiên của Tây Nguyên, cấp đại lý hành chính (tương đương huyện - thị xã), thuộc tỉnh Bình Định.
Theo tiếng Bana, Kon nghĩa là làng, Tum nghĩa là hồ, đây là ngôi làng ở bên hồ gần sông Đắk Bla. Hiện nay tại thành phố Kon Tum vẫn còn dấu vết của làng này.

http://farm4.static.flickr.com/3363/3641025891_1586d273dc_o.jpg
Dòng sông Đắk Bla
Hi

bạn cho phép mình góp vài hình về dòng sông chảy ngược Đắk Bla với nhé..Thanks

url=https://flic.kr/p/xWALZE]https://farm6.staticflickr.com/5629/20964935760_02e24654cc_c.jpg[/url]Picture 041 (https://flic.kr/p/xWALZE) by Quoc Canh Banh (https://www.flickr.com/photos/134012163@N07/), trên Flickr
url=https://flic.kr/p/xhcGAh]https://farm6.staticflickr.com/5720/20530406524_2fcc22f43f_c.jpg[/url]Picture 040 (https://flic.kr/p/xhcGAh) by Quoc Canh Banh (https://www.flickr.com/photos/134012163@N07/), trên Flickr
https://farm1.staticflickr.com/760/20530406964_7af48694e1_c.jpg (https://flic.kr/p/xhcGHS)Picture 039 (https://flic.kr/p/xhcGHS) by Quoc Canh Banh (https://www.flickr.com/photos/134012163@N07/), trên Flickr
https://farm6.staticflickr.com/5721/20531976553_c6baa57556_c.jpg (https://flic.kr/p/xhkKiK)Picture 038 (https://flic.kr/p/xhkKiK) by Quoc Canh Banh (https://www.flickr.com/photos/134012163@N07/), trên Flickr
url=https://flic.kr/p/xhcGUo]https://farm6.staticflickr.com/5689/20530407574_b346d6408f_c.jpg[/url]Picture 037 (https://flic.kr/p/xhcGUo) by Quoc Canh Banh (https://www.flickr.com/photos/134012163@N07/), trên Flickr
url=https://flic.kr/p/yee5ZK]https://farm6.staticflickr.com/5712/21153084285_35cd830137_c.jpg[/url]Picture 036 (https://flic.kr/p/yee5ZK) by Quoc Canh Banh (https://www.flickr.com/photos/134012163@N07/), trên Flickr

namnguyen
19-10-2015, 14:12
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=106390&d=1383277851

Nghĩ đến loài của hoa Tây Nguyên, tôi nghĩ đến hoa dã quỳ. Tuy nhiên, hoa dã quỳ không phải loài hoa bản địa, mà mới chỉ xuất hiện ở Tây Nguyên hơn một thế kỷ. Câu chuyện sự tích hoa dã quỳ mà các hướng dẫn viên kể về chuyện tình chàng K'lang với nàng H'linh nào đó có lẽ do chính dân làm du lịch chế ra, chứ không phải của người Tây Nguyên.

Hoa dã quỳ còn có tên là cúc quỳ, quỳ dại, sơn quỳ, là loài hoa thuộc họ cúc, phân bổ ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Danh pháp hai phần là Tithonia diversifolia. Hoa dã quỳ được xem là hoa bản địa của Trung Mỹ, đặc biệt là Mexico.
Hoa dã quỳ được người Pháp đưa vào Việt Nam, trồng tại các đồn điền ở Lâm Đồng, để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Thân cây chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ mọc, sức sống mạnh mẽ và hợp với đất Tây Nguyên nên loài hoa này nhanh chóng lan ra, chiếm lĩnh các nơi hoang dại khắp Tây Nguyên. Người Pháp cũng đưa hoa dã quỳ trồng tại một số nơi Bắc Trung Bộ, vùng núi và trung du phía Bắc.
Cũng giống như nhiều loài hoa thuộc họ cúc, dã quỳ có một số dược tính. Chế phẩm được dùng trong chữa bệnh về gan, cũng như bàng quang. Khi dùng ngoài da, có tác dụng chữa nấm, ghẻ.

Khi những mùa mưa đã ngớt, cái nắng đầu đông về trên phố núi là hoa dã quỳ bắt đầu nở rộ, báo hiệu mùa đông đến, mùa khô bắt đầu. Đầu tháng 11 hàng năm, khi đến tiết Lập đông chính là mùa đẹp nhất của hoa dã quỳ.
Hoa dã quỳ rất phổ biến ở các tỉnh Tây Nguyên, nhưng ở Lâm Đồng là nhiều nhất. Trong Lễ hội hoa đầu tiên của Đà Lạt vào năm 2005, hoa dã quỳ được chọn là hoa biểu tượng của lễ hội.

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=50874&d=1295589427

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=106304&d=1383061600

https://farm8.staticflickr.com/7533/15134889324_159e24ea9f_c.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7524/15752970051_baa5dee4eb_c.jpg

yetoto
20-10-2015, 11:16
Tuyệt vời. Cảm ơn anh NamNguyen rất nhiều vì những thông tin của anh :)

rebel
23-10-2015, 11:24
ace cho mình hỏi ở Đắc lắc có hoa dã quỳ hông? tnks nhé

thanhtrungZnAl
28-10-2015, 13:44
Em xin lót dép hóng các bài tiếp theo của anh.
Em bị cuốn theo và phải đọc 1 lèo luôn ^^.
Niềm hứng thú khám phá các địa danh theo bài này của anh lại trỗi dậy (em cũng chỉ mới khám phá xong dc mỗi Bình Thuận với các con đèo uốn lượn và các bờ biển vắng đấy cát trắng).

langkhachdlk
31-10-2015, 10:59
Tấm hình này rất đẹp, ngay khúc cua mà đường sắt cặp sát với đường bộ. Tại điểm này, biết bao thế hệ người D'ran đã dừng lại, tất cả cùng ngậm ngùi, bồi hồi nhớ về một thời quá khứ đã xa.




Đầu tiên là những thanh tà vẹt phục vụ đường sắt Bắc Nam, rồi cả những thanh ray và đoạn răng cưa được đưa về các nông trường, nhà máy. Tiếp theo là những chiếc đầu máy, và rồi chứng nhân cuối cùng - chiếc cầu sắt ở D'ran - cũng bị rã thịt mặc cho bao nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Lâm Đồng.


https://farm6.staticflickr.com/5629/20989004168_9d802fa1ab_b.jpg (https://flic.kr/p/xYJ8G)
Nơi đã từng có chiếc cầu bắc qua sông



Người Pháp đã mất tổng cộng tới 30 năm để hoàn tất 84 cây số đường và người Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi, cả sự tủi nhục. Trong chiến tranh, từng km đường được gìn giữ; vậy mà, chỉ một cái gật đầu, báu vật trở thành sắt vụn. Ước mơ bị đóng chặt với người này lại mở ra sự hồi sinh cho người khác, nhân dân Thụy Sĩ hẳn rất biết ơn nhà nước ta.


https://farm6.staticflickr.com/5760/20989340748_d9419ca9f8_b.jpg (https://flic.kr/p/xYKRKj)
Ga Eo Gió, nơi gắn bánh răng cưa để chuẩn bị lên đèo


https://farm1.staticflickr.com/643/21176910085_cdf300a454_b.jpg (https://flic.kr/p/ygkczp)

Những dòng chữ vẫn rõ nét với thời gian




Quá khứ bị bán rẻ, giá trị văn hóa không bảo tồn, giờ muốn hồi sinh, câu nói sao quá dễ dàng


https://farm6.staticflickr.com/5687/20554486784_55c31462c4_c.jpg (https://flic.kr/p/xjk7Pb)


Hầm chui Eo Gió




Đã không còn là nỗi đau của người Dalat hay D'ran mà là niềm đau chung của mọi người.




https://farm1.staticflickr.com/674/21176948785_5f409329bd_c.jpg (https://flic.kr/p/ygkp5D)
Trụ móng trơ gan cùng tuế nguyệt



Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Lịch sử rất công bằng, sẽ phán xét tất cả những gì của ngày hôm nay.

Đọc bài của bác đến đoạn này tự nhiên thấy đau xót quá bác ạ, có 1 cảm giác gì đó mà không thể gọi thành tên

TANSPACE
06-11-2015, 09:34
Bài của bác quả thật có ích. Cám ơn bác nhiều về những kiến thức và tư liệu của bác để moj người hiểu thêm! Mong thêm nhiều bài viết từ bác

chantam
07-11-2015, 13:48
đầu kéo xe lửa của tuyến đường sắt răng cưa có thể được coi là 1 bảo vật của vùng đất xứ cao nguyên, giờ đây chỉ còn trong hoài niệm, tiếc quá .. phải chi còn giữ lại được để làm dịch vụ du lịch thì tốt biết mấy..

namnguyen
09-11-2015, 08:54
Tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang là một hoài niệm buồn, tuy nhiên đó là một thời điểm rất khó khăn. Chúng ta tiếc, nhưng có thể hiểu phần nào nguyên nhân dẫn đến vụ mua bán đó. Khi đó, toàn bộ các đầu máy và toa tầu bỏ không, hư hại, rỉ sét, ngành đường sắt không có kinh phí để duy trì, đầu máy này cũng không dùng cho các tuyến đường Bắc Nam được.

namnguyen
09-11-2015, 09:42
Một công trình kiến trúc tuyệt đẹp và đặc biệt ở Kon Tum là Nhà thờ Chính tòa Kon Tum.

Giáo phận Kon Tum là giáo phận đầu tiên ở Tây Nguyên. Thời vua Tự Đức cấm đạo Công giáo, các giáo sĩ người Pháp đã ủy thác một số thầy người Việt lên vùng người Thượng ở An Khê, thuộc Quy Nhơn để tìm nơi truyền đạo. Kon Tum trở thành vùng đất truyền đạo đầu tiên.

Năm 1913, Nhà thờ Làng Kontum được xây dựng, nằm trong Plei Kontum Kơnâm. Người khởi công trực tiếp xây dựng nhà thờ là Cha Joseph Décrouille Đệ, do một Bá tước người Pháp tài trợ kinh phí. Cha Joseph Décrouille Đệ cũng là người thiết kế nhà thờ, tham khảo ý kiến của Cha Kemlin Văn, một kiến trúc sư. Triển khai thi công là Cha Phước và Cha Lê. Thợ mộc làm nhà thờ là người Việt từ Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam lên làm. Nhà thờ còn được gọi là Nhà thờ Địa sở Kon Tum hay Nhà thờ Kon Tum.

Nhà thờ được xây theo kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na – sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là gỗ cà chít. Các bức tường của nhà thờ đều được xây bằng kiểu vữa trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam.

Năm 1918, nhà thờ được xây xong. Tường trình của Đức cha Phụ tá Jeanningros gửi về Hội Thừa sai Paris năm 1918 có đoạn:

“Quang cảnh ngày lễ Ba Vua càng trọng đại tại Kontum, nghi thức làm phép ngôi thánh đường mới đưa vào phụng tự. Đây là một toà nhà rộng rãi và quí giá, được xây dựng bằng danh mộc do Cha Bề trên Kemlin hướng dẫn, và nhờ lòng thiệt thành và rộng rãi tài trợ của Bá Tước De Kergolay; chúng tôi biết ơn cách sâu xa ông Bá tước đã thay thế nhà thờ bằng tranh nứa xưa đã bị hoả hoạn cách 7 năm về trước bằng ngôi thánh đường đẹp này”.

https://pik.vn/201508b27d49-835c-4e3c-bf72-bb4e1cf39b0b.jpeg
Nhà thờ Kon Tum năm 1927
Nguồn: Giáo phận Kon Tum

Năm 1932, Giáo phận Kon Tum chính thức thành lập, nhà thờ trở thành Nhà thờ Chính tòa Kon Tum.

Năm 1994, Giáo phận Kon Tum tiến hành tu sửa nhà thờ. Sau một thời gian chọn kiến trúc sư, giáo phận đã chọn Kiến trúc sư Nguyễn Hữu An, một người Công giáo, sinh trưởng tại Kon Tum, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Sài Gòn thời Đệ nhất Cộng hỏa (giai đoạn 1955-1963). Với tâm huyết mình, KTS Nguyễn Hữu An và các đồng sự đã trùng tu nhà thờ giữ lại gần như nguyên vẹn, đặc biệt là mặt chính. Mặt tiền nhà thờ khi mới nhìn vào tưởng chừng cao như cũ, nhưng đã tăng cao hơn một thước, theo kích cỡ nhà thờ đã nới rộng ra, tương xứng với hai hành lang hai bên. Cửa sổ vitraux vẫn ở giữa mặt tiền như cũ, chỉ khác là cửa này kết dính bằng nhiều tấm kính nhỏ, các màu sắc tạo hình cảnh Tây Nguyên, có dòng sông Dak-Bla, có mặt trời ánh sáng rực rỡ toả xuống, có chú voi kéo gỗ, và những người dân tộc trong buôn làng…

Rất tiếc là ảnh những chuyến đi sau này của tôi đến Kon Tum bị mất, nên tôi chỉ còn vài ảnh chụp năm 2009, các bạn xem tạm.

http://farm4.static.flickr.com/3336/3641517164_ccdca5ab86_o.jpg

http://farm4.static.flickr.com/3376/3641516868_ff836ba5d4_o.jpg

http://farm4.static.flickr.com/3353/3641517412_2f18670c9d_o.jpg

http://farm3.static.flickr.com/2434/3640692873_6986a33799_o.jpg

http://farm4.static.flickr.com/3389/3641501300_e0a810b66f_o.jpg

http://farm3.static.flickr.com/2460/3640687715_31b3218e8d_o.jpg

http://farm4.static.flickr.com/3626/3641492514_8587f5621c_o.jpg

namnguyen
17-11-2015, 22:50
Nghĩa một số từ trong địa danh Tây Nguyên

Theo tiếng Êđê (ghi theo từ điển Êđê-Pháp của Durisbourne, Paris 1965)
Krông: suối, sông nhỏ
Ea: nước, sông nói chung
Dak: sông lớn
Chư: núi (gần giống tiếng Chăm là Chơ)
Buôn: làng
Buk: tóc
Jut: cây trúc
Hlang: cỏ tranh

Tiếng Bahnar (theo đại tự điển Bahar-Pháp của Gulleminet)
Dak: nước, sông
Kon: người, làng, bản
Ngok: núi
Tum: đầm lầy, hồ, ao

Tiếng Mnông
Dak: nước

Tiếng Jarai
Plei: làng (gần giống tiếng Chăm là Pơlei)
Ya hay Ia: nước, sông, suối

Tiếng Cơ ho
Đa, Đạ: nước, sông, suối (gần giống tiếng Ê đê là Đak)

namnguyen
30-11-2015, 09:01
Loạt bài tiếp theo, tôi sưu tầm một số ảnh về Đà Lạt xưa.

1. Đà Lạt, khoảng năm 1925 - 1930

https://lh5.googleusercontent.com/-oLcNCVqUtOY/T9Au4guFBtI/AAAAAAAAAnE/MF8dHW0KKiY/s805/Dalat2_indochine1.jpg

2. Đà Lạt, khoảng năm 1925-1930

https://lh5.googleusercontent.com/-AEvI7ob0_8k/T9Au9O5jBGI/AAAAAAAAAn4/Y5Z5-s0as-k/s748/Dalat2_indochine2.jpg

3. Hồ Xuân Hương, khoảng năm 1925-1930

https://lh6.googleusercontent.com/-VccomAamEXo/T9Au-3d9NuI/AAAAAAAAAoM/WaoP9lGjs7s/s803/Dalat2_indochine5.jpg

4. Khách sạn Palace, năm 1930

https://lh3.googleusercontent.com/-tz5daxTGQ6s/T9AvBj6K3hI/AAAAAAAAAos/hjTbC72TcDw/s761/Dalat2_indochine7.jpg

5. Đường phố Đà Lạt

https://lh4.googleusercontent.com/-3YLrT5b2EfA/T9AvB1itduI/AAAAAAAAAow/AnYutAef9LE/s786/Dalat2_indochine8.jpg

6. Nhà của bác sĩ Yersin ở Đà Lạt

https://lh5.googleusercontent.com/-UkedTfaPvzk/T9AvJhpwnxI/AAAAAAAAAqM/-mbNJ9ZZs5c/s864/LangBian_photo5.jpg

7. Hồ Xuân Hương, năm 1920

https://lh6.googleusercontent.com/-TJ4LWyhtkPM/T9AvHKWJcaI/AAAAAAAAApw/ioPEK0mTcUU/s813/LangBian_photo7.jpg

namnguyen
30-11-2015, 09:07
8. Thác Liên Khàng, khoảng năm 1925 - 1930 (còn gọi là thác Liên Khương, nay không còn do làm thủy điện)

https://lh3.googleusercontent.com/-hBnLdPJ4qnE/T9Au5Pr_tRI/AAAAAAAAAnM/kqEYmwAhfm0/s537/Dalat2_indochine11.jpg

9. Thác Pongour, khoảng năm 1925 - 1930 (hiện nay không còn nhiều nước do làm thủy điện)

https://lh6.googleusercontent.com/-Hd79JNXZHB0/T9Au6ihtQOI/AAAAAAAAAnc/UE3g_6T7oaQ/s527/Dalat2_indochine12.jpg

10. Thác Cam Ly, khoảng năm 1925 - 1930

https://lh6.googleusercontent.com/-FOZndxxit5w/T9Au7VWWrCI/AAAAAAAAAno/TRVtuVaEuxU/s541/Dalat2_indochine13.jpg

11. Thác Gougah, khoảng năm 1925 - 1930 (nay không còn do làm thủy điện)

https://lh3.googleusercontent.com/-SteAlj_AzI8/T9Au7RZtb7I/AAAAAAAAAng/8ZZogbrCXPU/s525/Dalat2_indochine14.jpg

12. Quang cảnh khu vực hồ Xuân Hương ngày trước và khách sạn Palace, năm 1948

https://lh5.googleusercontent.com/-zP70H8HXMC4/T9Au-lCGl_I/AAAAAAAAAoY/_STb_MtaIig/s792/Dalat2_indochine16.jpg

13. Chợ Hòa Bình (chợ Đà Lạt) năm 1940)

https://lh3.googleusercontent.com/-BOXQ901C3nk/T9AvJ0np3GI/AAAAAAAAAqQ/uN3c7T_KYd8/s576/Old_Dalat23.jpg

14. Chợ Đà Lạt năm 1950

https://lh5.googleusercontent.com/-bOzbJsZ8-L0/T9AvIqkxBSI/AAAAAAAAAp8/cKmFfqcUojw/s504/Old_Dalat14.jpg

15. Nhà Địa Dư thập niên 40

https://lh4.googleusercontent.com/-wJCDJ1bjz8g/T9AvLsZVfDI/AAAAAAAAAqs/pr-tV0UZEGQ/s576/Old_Dalat26.jpg

16. Hồ Xuân Hương thập niên 50

https://lh6.googleusercontent.com/-3YisUKDY-9o/T9AvuRW9I6I/AAAAAAAAAuU/SncDGeEAjB4/s713/Old_Dalat6.jpg

17.

https://lh3.googleusercontent.com/-h6ST_VAFZgU/T9AvxHBpC_I/AAAAAAAAAuw/TikL9B40OIA/s717/Old_Dalat63.jpg

namnguyen
30-11-2015, 09:13
Loạt ảnh về Lycee Yersin (Trường Cao đẳng Đà Lạt) năm 1948

18.
https://lh3.googleusercontent.com/-WUOpfJCGNfY/T9AwLzhDYYI/AAAAAAAAAzY/rk_YbPih-gA/s565/dalat_indochine5.jpg

19.
https://lh4.googleusercontent.com/-XmhvDHAnPs0/T9AwMCoHaiI/AAAAAAAAAzQ/ZgJNFpeiFO4/s565/dalat_indochine4.jpg

20. Sinh viên trường Lycee Yersin

https://lh3.googleusercontent.com/-bYlD_hoMyP4/T9AwMGI_2dI/AAAAAAAAAzU/bZoyZYIO8oE/s720/dalat_indochine6.jpg

21.
https://lh4.googleusercontent.com/-ydp8WQeAgsM/T9AwNY1avVI/AAAAAAAAAzw/AvXWRw2ZGXU/s723/dalat_indochine7.jpg

namnguyen
30-11-2015, 09:17
22. Nhà Địa Dư, năm 1948

https://lh3.googleusercontent.com/-fruFgRM9GLw/T9Av-3JhSeI/AAAAAAAAAxo/Z0ZPjETwoLw/s747/dalat_indochine10.jpg

23. Nhà Thánh Vincent-de-Paul (còn gọi là Nhà thờ Domaine de Mairie) năm 1948

https://lh5.googleusercontent.com/-zKxBoRqgSEg/T9Av9Ei6FxI/AAAAAAAAAxY/gvTgVdsrzes/s765/dalat_indochine11.jpg

24. Nhà thờ Con Gà, 1948

https://lh4.googleusercontent.com/-NXBH_LEHwqI/T9AwIR5gEfI/AAAAAAAAAyo/n1J1U6LULw8/s565/dalat_indochine19.jpg

25. Ga Đà Lạt, 1948

https://lh6.googleusercontent.com/-Ws0OMZDgwRM/T9AwDTosGgI/AAAAAAAAAyI/pJEXqG5hDm0/s745/dalat_indochine2.jpg

26. Ga Đà Lạt, 1948

https://lh4.googleusercontent.com/-E-7VDYQ4DPE/T9Av7iYoefI/AAAAAAAAAxE/3VTk843epgs/s755/dalat_indochine1.jpg

27. Đập Suối Vàng, 1948

https://lh4.googleusercontent.com/-5Zhq6tMUXXg/T9Av9DLNlYI/AAAAAAAAAxU/o1QdCFpl_vc/s565/dalat_indochine12.jpg

28. Hồ Xuân Hương, thập niên 50

https://lh6.googleusercontent.com/-3YisUKDY-9o/T9AvuRW9I6I/AAAAAAAAAuU/SncDGeEAjB4/s713/Old_Dalat6.jpg

29. Cầu Ông Đạo, năm 1957

https://lh3.googleusercontent.com/-7zpKVaI2N50/T9AvvVEgd1I/AAAAAAAAAug/idZWbDe8mCE/s720/Old_Dalat60.jpg

30. Nhà hàng Thủy Tạ 1960

https://lh4.googleusercontent.com/-_o1EIoREhSM/T9Avy4d9ItI/AAAAAAAAAvM/5xJ6N4ARrs8/s720/Old_Dalat7.jpg

namnguyen
30-11-2015, 09:32
31. Giáo Hoàng Học Viện, thập niên 60

https://lh5.googleusercontent.com/-BHNZF1CJNNI/T9AvDnc2dBI/AAAAAAAAApE/Hn_uqROmpHM/s723/Dalat_GHHV1.jpg

32. Chợ Đà Lạt, năm 1961

https://lh4.googleusercontent.com/-f-tCP11ltPM/T9AvLuYur4I/AAAAAAAAAqk/Q7BkP8DYG_w/s773/Old_Dalat25.jpg

33. Đường phố Đà Lạt, năm 1961

https://lh5.googleusercontent.com/-YARKb9EJ3Wc/T9AvM8H5KQI/AAAAAAAAAq8/P53kx97j8Pc/s565/Old_Dalat27.jpg

34. Thác Ponggour năm 1968

https://lh3.googleusercontent.com/-I7fTgC27hWQ/T9AvOA7JMtI/AAAAAAAAArI/xVnUP29p2Po/s803/Old_Dalat33.jpg

35. Trung tâm Đà Lạt năm 1968

https://lh6.googleusercontent.com/-YSzonjk50cc/T9AvO7PthNI/AAAAAAAAArM/IYcIdIq0ep0/s720/Old_Dalat34.jpg

36. Đà Lạt, 1969

https://lh3.googleusercontent.com/-MwD36Q2DXl8/T9AvQ-mTs4I/AAAAAAAAArY/3VMwTIvGUkM/s756/Old_Dalat36.jpg

37. Lycee Yersin, thập niên 60

https://lh4.googleusercontent.com/-yDwjPfYxHjM/T9AvRK_wlTI/AAAAAAAAArc/Lr7o-Dk5h5s/s753/Old_Dalat37.jpg

38. Khu Hòa Bình, 1968

https://lh6.googleusercontent.com/-W34Am0twy7w/T9AvXWVtvyI/AAAAAAAAAsc/jIfxvYtu7KM/s784/Old_Dalat44.jpg

39. Sân bay Liên Khương, 1968

https://lh3.googleusercontent.com/-T6naiI-Fwrk/T9AvY3tXUAI/AAAAAAAAAss/Nwgj5JFAm1w/s798/Old_Dalat46.jpg

40. Sân bay Liên Khương, 1968

https://lh3.googleusercontent.com/-HKwS9WnjiCE/T9AvZMSvW2I/AAAAAAAAAsw/9YiEwYPypgo/s809/Old_Dalat47.jpg

dochanh90
30-11-2015, 13:55
Bác chủ thread đã trở lại sau 1 thời gian dài im hơi lặng tiếng :D

danngoc
02-12-2015, 15:48
Ủng hộ bác ảnh chụp Nhà thờ gỗ Kon Tum tôi chụp hồi tháng 4/2015

https://i653.photobucket.com/albums/uu255/danlythe/Bali%202015%20-8/FB_IMG_1449044674580_zpsrz9tbuoe.jpg (http://s653.photobucket.com/user/danlythe/media/Bali%202015%20-8/FB_IMG_1449044674580_zpsrz9tbuoe.jpg.html)

https://i653.photobucket.com/albums/uu255/danlythe/Bali%202015%20-8/FB_IMG_1449044657841_zpsf8qgubm5.jpg (http://s653.photobucket.com/user/danlythe/media/Bali%202015%20-8/FB_IMG_1449044657841_zpsf8qgubm5.jpg.html)

vinastarair
12-01-2016, 19:24
Bác chủ nhìu tư liệu về dalat .....rất hay ah ...!

namnguyen
17-02-2016, 15:08
Định kể chuyện cà phê Tây Nguyên nhưng thật đáng tiếc là ảnh mình chụp hoa cà phê bị mất trong lần hư cái ổ WD. Mấy hôm nay có ảnh hoa cà phê của AnnieLe, mình mượn ảnh để minh họa cho câu chuyện về cà phê Tây Nguyên.

Cà phê xuất phát từ Ethiopia, châu Phi, lan ra các nước Bắc Phi và vùng Vịnh, rồi theo các thương nhân Hồi giáo đến Ý qua Thổ Nhĩ Kỳ. Café góc từ Kahveh của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Kahveh gốc từ Qahwa trong tiếng Ả Rập. Đến thế kỷ XVIII, Pháp là nước tiêu thị cà phê nhiều nhất châu Âu, nguồn cà phê chủ yếu cung cấp cho Pháp là từ các nước thuộc địa châu Phi, lớn nhất là Bờ Biển Ngà.

Thể kỷ XIX, người Pháp đến Đông Dương, và các nhà khoa học của họ nhận ra Việt Nam và Lào có thể là nguồn cung cấp cà phê bổ sung cho Bờ Biển Ngà. Cây cà phê được trồng thử để theo dõi đầu tiên là trong Vườn Bách Thảo ở Sài Gòn vào năm 1865 và được đánh giá là hợp thổ nhưỡng. Sau đó vài năm, khoảng năm 1870, cà phê bắt đầu được trồng thành đồn điền ở Quảng Bình và Quảng Trị, đây là nơi trồng cà phê đầu tiên ở nước ta. Tuy nhiên, chất lượng cà phê không được đánh giá cao. Sau đó, cà phê được trồng thử nghiệm ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La, nhưng cũng không được đánh giá cao.

Khoảng năm 1890-1892, người Pháp tấn công các bộ tộc ở vùng Đak Lak hiện nay, và sau khi chiếm được, họ mở con đường từ Ninh Hòa lên Buôn Đôn, nay là quốc lộ 26. Sau đó, họ tổ chức lập các đồn điền lớn, trong đó có cà phê. Những đồn điền cà phê đầu tiên ở Tây Nguyên là ở phía Đông Buôn Ma Thuột và Krong Pak ngày nay. Đó là sự khởi đầu cho cà phê Tây Nguyên.

Khoảng năm 1912-1914, Công ty Cao nguyên Đông Dương (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois - CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (Compagnie Agricote d'Asie - CADA) mới đầu tư trồng 260ha cà phê từ km 18 đến km 34 ven quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26). Đó là thời điểm cà phê được người Pháp chính thức trồng tập trung, quy mô lớn tại Buôn Ma Thuột. Cà phê Buôn Ma Thuột được đánh giá là ngon hơn hẳn cà phê Bắc Phi, và người Pháp tiến hành nhân rộng ra một vùng rộng lớn, phía Nam mở rộng đến ĐaK Mil và Di Linh, phía Bắc mở rộng đến Kon Tum.

Đến năm 1925, có khoảng 30 đồn điền cà phê của Pháp được thành lập ở các vùng xung quanh Buôn Ma Thuột, mỗi đồn điền rộng từ vài chục đến hàng trăm hécta.

Trong "Địa chí tỉnh Đăk Lăk" ấn hành năm 1931, Fleur đã mô tả đồn điền cà phê CADA - Công ty Nông nghiệp An Nam như sau: "Công ty Nông nghiệp An Nam có một nhượng địa rộng 8.000 mẫu tây, khai thác được 1.800 mẫu, trồng cà phê 1.000 mẫu, chè xanh 800 mẫu ... Công ty có những cơ xưởng lớn sửa chữa máy móc, nhà để xe, kho tàng, nhà ở của giám đốc, chủ đồn điền... tất cả đều rộng rãi, an toàn và có điện thắp sáng. Nơi ăn ở của công nhân bản xứ tập trung ở hai ngôi làng lớn là Ea Knuêk và Ea Yông. Các đồn điền đều có triển vọng tốt đẹp, cây cà phê được trồng và chăm sóc tốt...".

Chú thích: hai làng trên nay thuộc Krong Pak

namnguyen
18-02-2016, 17:02
Cà phê được chia thành 3 loại chính:
1 là cà phê Arabica (Coffea arabica), tên tiếng Việt là cà phê chè
2 là cà phê Robusta (Coffea canephora), Việt Nam gọi là cà phê vối
3 là cà phê Liberia (Coffea excelsa), gọi là cà phê mít

Cà phê Arabica được đánh giá cao hơn và có giá cao hơn. Arabica có 2 loại là Moka và Catimor. Việt Nam gọi là cà phê chè do loài cà phê này có lá nhỏ, để thấp giống cây chè.
Brasil và Colombia là 2 nước xuất khẩu cà phê Arabica nhiều nhất.
Cây cà phê Arabica ưa sống ở vùng núi cao. Người ta thường trồng nó ở độ cao từ 1.000-1.500 m. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4–6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt cà phê.
Cà phê Arabica sau khi trồng khoảng 3 đến 4 năm thì có thể bắt đầu cho thu hoạch. Thường thì cà phê 25 tuổi đã được coi là già, không thu hoạch được nữa. Thực tế nó vẫn có thể tiếp tục sống thêm khoảng 70 năm. Cây cà phê Arabica ưa thích nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm.
Vị của Arabica là thơm và chua chuyển sang đắng.

Việt Nam ban đầu trồng Arabica, nhưng vùng trồng chỉ cao khoảng 500-1000m. Hơn nữa, Arabica hay bị sâu bệnh hơn so với Robusta nên sau này Việt Nam chuyển qua trồng Robusta là chủ yếu.

Cà phê Robusta được gọi là cà phê vối vì cây gỗ, mọc cao, quả hình tròn. Cà phê Robusta phù hợp trồng ở nơi có độ cao dưới 1.000m, Nhiệt độ ưa thích của cây khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1.000 mm. Cây cà phê vối cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè.
Robusta có nhiều caffein hơn, vị đắng hơn, đậm hơn nhưng ít thơm hơn Arabica.

Cà phê Liberia gọi là cà phê mít vì cây cao trên 2m, lá to. Vị Liberia chua nhiều hơn Arabica. Đặc trưng của cà phê mít là cây có khả năng chịu hạn cao, thân cao, to, chắc khỏe, dễ trồng nên hay được trồng làm bờ bao cho các vườn cà phê, và làm gốc ghép các loại cà phê khác.

Hiện nay ở Việt Nam sản lượng Robusta chiếm gần 90%. Arabica chiếm khoảng 10%, và Liberia khoảng 1%. Liberia thường dùng để trộn với Arabica và Robusta.

Người Việt Nam cũng chuộng uống cà phê Robusta hơn vì chuộng vị đắng. Arabica thường bị chê là nhạt và hơi chua. Thậm chí cách rang và cách pha Arabica ở Việt Nam bị đánh giá là làm mất cả vị.
Arabica hơn Robusta ở hương thơm. Để giữ hương thơm của Arabica, các công ty ở châu Âu, châu Mỹ, nói chung là trừ Việt Nam sẽ rang Arabica trong nồi kín, còn Việt Nam lại hay cho vào chảo lớn, rang và đảo, như vậy mất đi rất nhiều hương thơm. Arabica cũng không phù hợp với cách pha phin, mà hợp với pha bằng áp suất, hoặc ít ra thì pha bằng vợt hoặc túi lọc.

namnguyen
26-02-2016, 14:34
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=133880&d=1456470961

Từ khoảng giữa tháng 1, Tây Nguyên vào mùa hoa cà phê. Tháng 1, Tây Nguyên mát lạnh, hoa cà phê thơm nồng len trong không khí. Chạy xe qua những rẫy cà phê ở Tây Nguyên vào mùa hoa cà phê mang lại một cảm giác rất thích thú. Ở những rẫy cà phê lớn và tưới đồng loạt, hoa nở trắng một vùng.

Hoa cà phê mọc trên nhánh, phía trên của lá. Cây cà phê ra hoa nhìn khá lạ mắt, không giống như đa phần những cây khác khi ra hoa. Nhìn hoa cà phê giống như những bông tuyết rơi xuống, đọng trên cành cây.


https://farm2.staticflickr.com/1698/25047679845_c4c6423b34_c.jpg
Ảnh: AnnieLe

https://farm2.staticflickr.com/1697/24954388451_3ff3e758b2_c.jpg
Ảnh: AnnieLe

Pretty Women
03-03-2016, 10:24
Cám ơn namnguyen đã chia sẻ, mong sẽ được đọc tiếp bài:L

longsu
03-03-2016, 10:55
hản bạn là con người rất am hiẻu vùng đất này. cảm ơn bạn đã có những chia sẽ giúp mọi người hiểu hơn về một vùng đất.