PDA

View Full Version : Ký sự Ai Cập.



HDD82
27-07-2015, 02:52
Chiếc Boeing của hãng Hàng không Egypt Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo – Ai Cập vào một buổi sáng sớm, khí trời còn khá mát mẻ. Giọng của phi cơ trưởng cất lên trên loa mời tất cả hành khách chuẩn bị hành lý xuống sân bay. Hòa theo dòng người đến khu vực kiểm soát hộ chiếu với visa Ai Cập trên tay mà tôi cũng hơi run, không rõ có trục trặc gì không?

Tay cảnh sát cửa khẩu gương mặt nghiêm nghị cầm cuốn Hộ chiếu Việt Nam hết lật đi lật lại, lại gõ gõ chiếc bút xuống bàn có vẻ khó hiểu cân nhắc ghê lắm. Sau một hồi đắn đó, anh ta chạy đến tay sỹ quan diện bộ đồ quân phục màu trắng tinh đang ngồi trong góc phòng để hỏi ý kiến. Tay này lướt mắt qua cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây rồi gật đầu một cái…

Thế là…

“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” trong ngoặc được phép ra đời!

Sở dĩ như vậy vì xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm”, “Xác ướp Ai Cập”, của “Alibaba và 40 tên cướp” này thật khác xa với những quốc gia mà tôi đã từng đặt chân tới, khác xa với những trải nghiệm tôi có với các nước trong khu vực và Châu Âu, Mỹ. Rồi đến lượng thông tin ít ỏi tìm được về Châu Phi nói chung, Ai Cập nói riêng càng làm cho mọi thứ ở đây thêm đầy rẫy những điều ngạc nhiên khiến tôi đến tận bây giờ cũng không dám nói trước điều gì…

Nhưng cho dù đi với phương tiện gì, đi đâu đi chăng nữa thì mục đích của tôi là nhằm chia sẻ với các bạn những câu chuyện bình thường, những bức hình chụp bình thường về cuộc sống đời thường tại một đất nước Bắc Phi, với cách giải thích còn lắm hạn chế với mong ước rằng: Các bạn hãy lên đường khám phá thế giới! Thế giới quả là rộng lớn và thú vị! Hãy lên đường theo cách riêng của bạn. Đừng ngại ngần! Đừng sợ hãi!

Bởi vì…

“SỐNG ĐỂ ĐI – LIVE TO RIDE”

HDD82
27-07-2015, 02:53
Một tay Châu Á lững thững đẩy chiếc xe bên trên có chiếc vali màu đỏ thân thuộc – người bạn đường trong hai tháng đi dọc Nước Mỹ trên chiếc Honda Trail 90cc. Gương mặt tỏ vẻ thờ ơ nhưng trí óc hắn lại hoạt động hết công suất quan sát những con người lạ lẫm tại một đất nước Hồi Giáo lạ lẫm. Từ cách ăn mặc, nói chuyện, tới hình dạng bên ngoài của mọi người ở đây trông thật thú vị…

Hắn bước ra ngoài sảnh nhà ga quốc tế Cairo đảo mắt tìm quanh có người nào cầm tấm bảng ghi chữ “Dong” để đón về khách sạn hay không? Không thấy! Đi tới đi lui thêm mấy vòng nữa giữa cái đám đông khoảng vài chục người mà vẫn không thấy tăm hơi?!!

Thường thì tình huống này có thể làm vài người mồ hôi đầm đìa toát ra như tắm, nhưng mồ hôi tại mùa hè xứ sa mạc Sahara này quý lắm... Hắn thong thả ngồi xuống lục trong cái túi màu đỏ mấy cái bánh quy, và quan sát mọi vật xung quanh:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/IMG_3210_zpswk1tsg9p.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/IMG_3211_zps3pavvfjv.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/IMG_3212_zpshzwaih91.jpg

Trên tay một mảnh giấy, hắn tiến tới một gia đình Ai Cập gần đó và nói với người đàn ông đang cầm chiếc điện thoại trên tay:
- Thưa ông, tôi đang chờ người từ khách sạn tới đón nhưng không thấy họ đâu cả. Làm phiền ông gọi điện tới khách sạn theo số máy này được không? Xong hắn chìa mảnh giấy ra kèm thêm nụ cười toét đến tận mang tai.
- Okie, anh bạn! Số điện thoại này hả? "Vâng, đúng rồi!". Sau tiếng alo điện thoại là hàng tràng tiếng Ả Rập vang lên như súng bắn. “Xe khách sạn đang tới đấy, mày chịu khó chờ một lát nhé”.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_052426_zpsfylfqgiz.jpg

30p… 1 tiếng… 1 tiếng 30 phút trôi qua mà cái từ “một lát” vẫn chưa chấm dứt. Cuối cùng thì một chàng trai trẻ cũng xuất hiện với chữ “Duong” trên tờ giấy trắng nhàu nát…

- Chào Dong! Xin lỗi vì tôi tới trễ! Chúc mừng anh tới Ai Cập, tới tháng Ramadan của người Hồi Giáo!

HDD82
27-07-2015, 02:55
Về vị trí địa lý, Ai Cập nằm ở phía Bắc Châu Phi. Biên giới phía Nam giáp Sudan, phía Tây giáp Lybia, phía Đông giáp Israel. Đất đai phần lớn là sa mạc, trong đó phía Tây là sa mạc Sahara khô cằn. 90 triệu người dân ở đây chủ yếu tiếp nhận nguồn nước ngọt từ sông Nile – con sông dài nhất Thế giới, chảy qua các nước như Uganda, Ethiopia, Sudan, Ai Cập, rồi đổ ra biển Địa Trung Hải.

Đất đai sa mạc là do Ai Cập có khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa hàng năm rất thấp, khí hậu vào mùa hè thì rất nóng, mùa đông thì dịu mát hơn vào ban đêm. Cư dân ở đây canh tác nông nghiệp chủ yếu dọc theo lưu vực sông Nile, trải dài từ phía Nam với thành phố lớn nhất là Aswan, tới phía Bắc thủ đô Cairo. Sông Nile sau khi chảy qua Cairo thì tách ra nhiều nhánh nhỏ cung cấp nước ngọt cho cả vùng đất rộng lớn phía Bắc Cairo.

Thủ đô Cairo với dân số khoảng 20 triệu người là một trong những thành phố đông và nhộn nhịp nhất Thế giới. Tưởng tượng Cairo đông và rộng gấp đôi Tp. HCM cũng có thể hình dung sơ sơ quy mô thành phố như thế nào.

Về kinh tế, GDP của Ai Cập năm 2013 là 270 tỉ USD, so với GDP Việt Nam khoảng 120 tỉ USD và với cùng số dân thì phải nói Ai Cập tuy là nước đang phát triển nhưng thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhiều. Với vị trí địa lý Bắc Phi, gần với Châu Âu, có kênh đào Suez rút ngắn quãng đường di chuyển của tàu thuyền từ Địa Trung Hải ra Biển Đỏ, không ngạc nhiên khi Ai Cập có nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào du lịch.

Về mặt tôn giáo, 90% người dân theo đạo Hồi (Muslim), tháng Ramadan bắt đầu từ 18/06 và kéo dài tới 17/07. Chàng trai trẻ tuổi chở tôi về khách sạn đang thực hiện các nghi lễ Ramadan, trong đó có điều cấm không ăn không uống từ 3h sáng đến 7h tối. Giữa cái xứ sở sa mạc này mà không uống nước cả ngày thì đúng là khổ sở thật! Nghĩ bụng vậy nên tôi coi như chuyện anh đến sân bay đón tôi trễ là chuyện… “nhỏ như con thỏ”.

Okie! Tới khách sạn nhận phòng rồi!!!

Khách sạn này nằm ngay trung tâm Cairo với hệ thống thang máy thoát hiểm, báo cháy, tivi 3D plasma nhìn được cả 4 bức tường chạy qua trước mắt sẽ đưa bạn lên tầng 4 trong vòng không quá 3p:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_113036_zpsydq4evtm.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_113129_zpsqs4tybi5.jpg

Chào mừng đến với "Khách sạn của tôi (My Hotel)". Tiền sảnh của “khách sạn” được kiến trúc sư thế kỷ 18 thiết kế theo phong cách chung cư của thế kỷ 19:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_113137_zpsb9b6dkrw.jpg

Tiếp tân là không cần thiết, kể cả ông già mù lòa cả hai mắt này cũng có thể làm tiếp tân, vì toàn bộ đều điều khiển tự động… bằng tay. Chào mừng đến với xứ sở "nghìn lẻ một đêm"... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150711_085746_zpsfv5iohue.jpg

HDD82
27-07-2015, 02:56
Tôi đã từng chia sẻ rằng các nhà trọ kiểu ký túc xá dành cho dân du lịch bụi, tức là nhiều giường trong một phòng, là một “trường đại học” không hề thua kém bất cứ ĐH danh tiếng nào, kể cả Harvard. Những “người thầy” tại đây có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ với chút công lao và tầm nhìn hạn hẹp của mình. Không phải là lượng kiến thức lý thuyết trong đầu, mà bằng câu chuyện thực tế, câu chuyện đời sẽ giúp bạn thấy rằng thế giới này thật nhỏ bé.

Nhưng không phải ai cũng dễ dàng bước ra khỏi căn phòng của riêng mình trong khách sạn, chấp nhận hòa vào môi trường ồn ào, kém tiện nghi với đầu óc rộng mở, tâm thế sẵn sàng học hỏi… Đó là điều mà tôi thấy những cặp đi du lịch theo đoàn, theo nhóm đôi khi không có được!

Người đầu tiên tôi gặp là một vị bác sỹ 59 tuổi người Mỹ, Clark. Chính xác Clark là bác sỹ tình nguyện sang làm việc tại một đất nước mà nói ra nhiều người sẽ không biết ở đâu: Nam Sudan! Một đất nước Trung Phi theo lời ông kể là tràn ngập nghèo đói và tình trạng y tế tồi tệ đến mức khủng khiếp 100.000 người dân mới có 1 bác sỹ. Chỉ với $5 đã có thể tiến hành cuộc phẩu thuật cứu một mạng người. $5 cho một cuộc phẩu thuật phức tạp? Vâng! Và $2 cho phẩu thuật thông thường. Tình trạng bệnh tật tràn lan và thuốc men thiếu thốn ở đây được ông diễn tả bằng giọng điệu đầy thiện cảm với người dân Nam Sudan, thỉnh thoảng ông lại khoa tay biểu đạt sự bất lực của mình trong nhiều trường hợp mà ông không thể làm gì được hơn vì thiếu phương tiện.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_073952_zpspdebffnd.jpg

- Thế tại sao ông lại ở đây: Cairo?
- Tao bị mất hộ chiếu ở Sudan, tại Sudan không thể làm được gì. Tao phải tới ĐSQ Mỹ tại Cairo để hỏi xem phải làm gì? Vì ĐSQ Mỹ ở đây là lớn nhất. Trên đường đi tao còn mất thẻ tín dụng tại máy ATM vì nhập sai mật mã nhiều lần. Ông nói với giọng buồn rầu. "Còn mày? Tại sao mày lại tới đây?"
“Tại sao à? Tao không biết nữa”. Nói rồi tôi quăng phịch người xuống chiếc giường trả lời bâng quơ. “Để tao nằm suy nghĩ xem lý do tại sao tao ở đây”.

Clark phá lên cười khùng khục rung cả cái giường…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_072539_zpsou4p1nvw.jpg

Câu chuyện cứ thể tiếp diễn với chuyến hành trình của tôi tại Mỹ trên chiếc xe Honda Trail 90cc năm ngoái, kèm lời nói đùa rằng nếu gặp phải chú gấu nào trên đường thì có lẽ vứt xe mà chạy bộ thì còn nhanh hơn. Lại tràng cười khùng khục vang lên và câu chuyện cứ thể tiếp diễn …

Trên đường phố Cairo:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_111236_zpsyokvlfrd.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_112106_zpshr30pdcy.jpg

Một Cairo với nhiều tòa nhà cổ xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_112945_zpsp9tb4eqg.jpg

Và một tay Châu Á đang sửa soạn món ăn theo kiểu "kiến trúc" Việt Nam:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_121150_zpsma88mdqa.jpg

HDD82
27-07-2015, 02:58
Thủ đô Washington D.C Nước Mỹ. Một năm trước… Tháng 05/2014.

Hơn 200 bạn trẻ khắp nơi trên Thế giới tề tựu về Khách sạn Marriot để cùng nhau chia sẻ về công việc và học tập, và kết nối với nhau. Toàn bộ họ đều theo chương trình gọi là Professional Fellows Program của Bộ ngoại giao Mỹ. Kết nối tức là thêm bạn bè, mở rộng quan hệ và học hỏi lẫn nhau. Kết giao với các thành phần ở các nước phát triển như Âu, Mỹ là ưu tiên của nhiều bạn trẻ. Ai cũng muốn chụp hình với các tay mắt xanh, tóc vàng, da trắng. Tuy nhiên, cũng có tay Châu Á cứ thấy ai đến từ Châu Phi là nhảy bổ lại, đòi chụp hình chung, hỏi địa chỉ email và tất tần tật mọi thứ về Châu Phi…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_7880_zpspv9z19mg.jpg

Trong vài chục người đến từ Châu Phi có vài người sau chương trình kết thúc vẫn còn trả lời email của hắn. Trong vài người đó, có một hai người sẵn sàng giúp đỡ về các thủ tục giấy tờ visa, thông tin v.v... Thế là đủ!

Một năm sau, hắn đã ở Châu Phi, đang chờ gặp một người bạn Ai Cập trong Professional Fellows Program, mang cái tên rất “Hồi giáo”: Mostafa Fathi. 35 tuổi, đã có gia đình với 2 con, cha mẹ ông bà xuất thân từ Cairo, sinh ra ở Cairo, nói chung từ móng chân, móng tay cho tới cọng lông của hắn đều có nguồn gốc từ Cairo. Một người Ai Cập điển hình không lẫn vào đâu được!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_180417_zps4jtmwfxc.jpg

Mostafa là một phóng viên kỳ cựu của một tờ báo Ai Cập, đã đạt 02 giải thưởng danh giá thể loại bài viết xuất sắc dành cho phóng viên, và theo đánh giá của tôi hắn là một tay có cái nhìn rất sắc bén về chính trị. Mostafa đến khách sạn khi tôi đang nói chuyện với Clark, không ngần ngại, ba người đàn ông đến từ ba châu lục lập tức làm quen với nhau theo kiểu “bạn của bạn tức là bạn”. Tôi không rõ "kẻ thù của kẻ thù" có phải là bạn hay không? Nhưng trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, tất cả đều là bạn.. Chúng tôi kéo nhau đi bộ ra ngoài theo lời mời của Mostafa để đi ăn tối.

Nhà hàng nằm trên nóc của tòa nhà trụ sở báo chí, nơi các phóng viên Cairo thường tới tụ tập:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_180411_zpsxdcmqhkl.jpg

Thức ăn được dọn ra sẵn sàng chờ đến thời điểm 7h tối, lúc tất cả mọi người được phép bắt đầu ăn uống. Mọi người ở các bàn xung quanh nói chuyện bàn tán sôi nổi trong một bức tranh thú vị: người cầm sẵn dao trên tay, kẻ cầm nĩa, người rót nước uống đầy ra cốc chỉ chờ tiếng chuông nhà thờ báo hiệu 7 giờ là... "a lê hấp"...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_184921_zps9msl8rrw.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_182209_zpsdnuzoon4.jpg

Có một người bạn địa phương là một bảo vật vô giá vì hắn ta sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích từ thời tiết, chính trị, kinh tế tới nhà hàng ngon giá rẻ v.v… trừ một điều… hắn không biết nhiều về xe gắn máy và khuyên tôi không nên thử vì “Đây là Châu Phi, là Ai Cập. Mọi thứ ở đây rất khác”. Xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm” rất nhiều điều bí ẩn thường cười nhạo khi tôi cố đem kinh nghiệm trước đây của mình ra để dự đoán hay giải thích nó…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_184956_zpsw60atgk0.jpg
.

HDD82
27-07-2015, 19:32
"Ăn quả nhớ người trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn". Phải gửi lời cảm ơn tới những người bạn Mỹ, nếu không có họ thì hắn chẳng thể nào qua được Mỹ mà gặp mấy tay cùng chương trình ở Châu Phi, và đương nhiên chẳng thể nào có Mostafa Fathi lẫn Ai Cập ở thời điểm này.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_184939_zpsa42dqj6q.jpg

Cảm ơn suông thì không hay ho gì, nhất là tôi đang ở nước Hồi giáo trong tháng Ramadan, không được phép làm điều gì không hay ho. Thôi mời ông bạn bác sỹ người Mỹ dĩa cơm gà theo kiểu Việt Nam vậy... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_173428_zpsfmokwocs.jpg

HDD82
27-07-2015, 19:35
Ramadan là gì?

Ramadan là tên gọi của khoảng thời gian 30 ngày trong 1 năm mà người Hồi giáo (Ai Cập) không được phép làm nhiều điều, chẳng hạn không ăn uống, không làm điều gì xấu (vd như nói dối), không gần gũi nam nữ v.v… từ 3h sáng tới 7h tối của ngày hôm đó. Tại sao lại như vậy và ý nghĩa của Ramadan là gì? Tôi không nghĩ là mình biết nhiều lý thuyết sách vở cho lắm! Các điều cấm kỵ này có lẽ cũng tương tự như việc đi vào chùa tu ở VN vậy. Khi đi tu thì chúng ta sẽ tuân theo các điều cấm kỵ để tu dưỡng phẩm hạnh được tốt hơn. Để được thánh Allah ban phước, phù hộ, giống như được Phật phù hộ chăng? Tôi không chắc! Tốt hơn hết là tìm hiểu các tục lệ mà người dân ở đây thực hiện trong tháng Ramadan để rồi tự rút ra ý nghĩa theo quan điểm của riêng mình vậy.

Thứ nhất là người Hồi giáo ở Ai Cập không uống thức uống có cồn nói chung. Thật khó tưởng tưởng một quốc gia 90 triệu dân trong 1 tháng không tiêu thụ một lon bia, một chai rượu nào. Trên đường phố tuyệt đối không có các quán nhậu với tiếng “dzô, dzô”, không có cảnh tụ tập với ly bia trên tay, không có quán bar, không có massage hay đại loại vậy… Chưa thành phố nào tôi chứng kiến điều này! Có lẽ một phần lý do như vậy mà tháng Ramadan rất ít khách du lịch tới Ai Cập chăng? Vì xét ra thì chẳng mấy người chịu nổi không bia rượu trong một tháng??!

Cảnh tượng của xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” rất vui mắt khi thấy các chàng trai Ả Rập to cao lực lưỡng, râu ria xồm xoàm rất đàn ông lại tụ tập ngồi uống… nước ngọt:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_215531_zps5zuujkt1.jpg

Hết uống nước ngọt các chàng lại thu lu ngồi… đọc sách. Cả đường phố khắp nơi đều thấy cánh mày râu ngồi uống trà chanh với nước ngọt ngồi đọc sách…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_213331_zps7nnks3sl.jpg

Tôi gọi cho mình một ly trà kiểu Ai Cập:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_212102_zpsvqpqzxas.jpg

Còn tay Mostafa Fathi này thì luôn tay luôn chân nói chuyện về đề tài "trùm sò" ưa thích của hắn là chính trị, như tự do ngôn luận, các nhóm đạo Hồi cực đoan Muslum Brotherhood, v.v… và v.v…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_212856_zpsbfcjan4d.jpg

Nếu bạn buộc phải không ăn uống trong khoảng 16 tiếng, bạn sẽ làm gì?
Đương nhiên là phải tận dụng quãng thời gian ban đêm từ 7h tối đến 3h sáng hôm sau để ăn uống, ngủ nghỉ, tích nạp năng lượng cho cơ thể. Bởi vậy Cairo còn được mệnh danh là “Thành phố không ngủ”.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_212841_zpsltbi5w6s.jpg

Kể cả dịch vụ đi thuyền trên sông Nile cũng ... không ngủ nốt. Càng về đêm không khí càng mát mẻ, mọi người càng ùa ra đường phố vui chơi nhiều:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_224421_zpsfxvo7ilo.jpg

Và đây, sông Nile:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150706_230422_zps64goh3pc.jpg

HDD82
27-07-2015, 19:39
Kể từ sau chuyến đi Trung Quốc, tôi mới nhận rõ một điều, điều tôi chưa từng làm trước đó: Tìm hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, địa lý, kinh tế, thậm chí cả chính trị tại đất nước mà mình tới thăm sẽ giúp phong phú thêm trải nghiệm và bổ sung vào chuyến đi thêm nhiều điều thú vị. Du lịch lướt qua các danh lam thắng cảnh cũng tương tự như ngửi thấy mùi thơm của một ly café – như vậy chưa đủ - cần phải thưởng thức nó trong một khung cảnh phù hợp, với một lượng kiến thức vừa đủ về cách pha chế, nguyên liệu v.v… và v.v… để có thể nói là trải nghiệm.

Điều kiện cần cho việc trên là bạn phải có thời gian; cái này là khó nhưng không phải quá khó! Điều kiện đủ là chấp nhận “du lịch chậm”. Du lịch chậm – hay nói cách khác: sống chậm – là điều khó chấp nhận hơn nhiều.

Tại sao? Mọi người đều muốn nhanh chóng đi càng nhiều địa danh càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Đó cũng là thói quen hằng ngày của chúng ta trong công việc, ai cũng muốn làm được nhiều việc nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Vô hình chung thói quen đã điều khiển hành vi du lịch của mỗi người. Bạn có thể tìm thấy ví dụ này khắp nơi: các tour du lịch một tuần đi khắp Châu Âu, 04 ngày vòng quanh Ai Cập, 10 ngày vòng quanh Châu Phi, còn các tay du lịch ở nhà trọ thì chạy ra chạy vào liên tục…

Một trong những việc đầu tiên tôi làm khi tới Cairo là lân la tại các khu chợ tìm mua thức ăn, và quan sát hoạt động thường ngày của dân thường. Người Hồi giáo không ăn thịt heo, có thể vì quan điểm rằng heo là con vật bẩn thỉu, heo ăn gần như tất cả mọi thứ, lây truyền dịch bệnh nguy hiểm, sống dơ bẩn chăng? Tôi không rõ lắm! Điều tôi nhận thấy là giá cả nói chung không mắc lắm so với Việt Nam.
- Mắc quá, mắc quá! Tôi nhăn nhó với ông già bán hàng ở quầy tạp hóa khi cầm lên 4 cái đùi gà bóng mỡ to bằng bàn tay. Giá cả là khoảng 60 nghìn VNĐ.
- Không, không! Ông già lắc cái đầu hói béo ụ, nói: “Đây là tháng Ramadan nên thực phẩm giảm giá nhiều lắm đấy”.
Ông già vui vẻ cho tôi chụp hình:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_094609_zpscrgwam6f.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_094835_zpsisr3tbw6.jpg

Hoa quả, trái cây nói chung cũng rẻ và không có cảnh tranh mua, giành bán như mọi khu chợ trung tâm khác. Cậu bé bán hàng (nếu nhìn kỹ thì gương mặt của cậu đúng là điển hình của một người Ai Cập – Bắc Phi) thậm chí không có tiền lẻ thối cho 02 bó rau cải giá 02 đồng bảng Ai Cập (tương đương 6 nghìn VNĐ) khi cầm trên tay tôi đưa tờ 5 đồng…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_094948_zpsimt1ikg1.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_095552_zpsdyc1hngq.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_095530_zpsowkjczfz.jpg

Đã đủ nguyên liệu để nấu cho mình một bữa ăn trưa. Cái bếp duy nhất của nhà trọ nằm ở khu vực tiếp tân nên không tránh khỏi mùi thức ăn bay ra ngào ngạt... lại đúng vào lúc các anh Hồi giáo đang phải nhịn ăn nhịn uống đói khát ... Có lúc tiếng cầu nguyện kinh Koran buổi trưa trong khu tập thể im ắng một lúc kèm theo hương thơm của mùi thức ăn quyến rũ lan tỏa khắp các khán phòng. Hic, nhưng biết làm sao được? :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_114844_zpsnh44edg3.jpg

HDD82
29-07-2015, 12:44
Có 03 lý do khiến cho lượng khách du lịch tới Ai Cập tại thời điểm này nói chung rất ít:

Thứ nhất là tháng Ramadan. Nguyên tắc không uống bia rượu, kể cả bán cho khách du lịch, trong đợt Ramadan làm giảm sút lượng Tây balo. Ai cũng biết Tây balo thích uống bia như thế nào. Văn hóa của Tây balo nói chung là thường tìm đến các Bar club vào buổi tối, uống bia, kết giao bạn bè, thậm chí cả gái gú. Không bia, không bar club thì còn gì hấp dẫn Tây balo? Đương nhiên lượng khách từ Châu Á như tôi đây cũng có, nhưng nói chung không đáng kể.

Thứ hai là thời tiết nóng nực mùa hè. Nhiệt độ ngoài trời thường khi lên 35 độ tại Cairo, càng xuống phía Nam thì càng nóng, có thể tới 45 độ tại Tp. Aswan. Tháng 6, 7, 8 là cao điểm mùa hè và rõ ràng là chẳng ai thích nóng nực như vậy tí nào cả. Mùa đông hoặc xuân mới là mùa cao điểm du lịch. Giá cả phòng trọ phản ánh rất rõ xu thế du lịch theo mùa này.

Thứ ba cũng không kém phần quan trọng là bất ổn chính trị. An toàn là điều khiến mọi người lo ngại khi đi du lịch. Nhưng tại sao lại có bất ổn chính trị? Ai Cập đã từng có thời gian ổn định 30 năm dưới thời của Tổng thống Hosni Mubarak. Ba thập niên làm tổng thống khiến nhiều người – nhất là lớp trẻ Cairo – không thích và xem ông như là kẻ độc tài, người đã làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, hạn chế tự do ngôn luận, khiến tham nhũng, lạm phát tăng cao cùng nhiều vấn đề khác

Đỉnh điểm của sự phản đối của dân chúng với chế độ T.T Mubarak là vào tháng 1 năm 2011 khi biểu tình bùng phát khắp cả nước, nhất là tại Cairo. Hơn 02 triệu người đã tập trung tại Quảng trường Tahir để thể hiện sự phản đối. Biểu tình nhanh chóng trở thành bạo loạn lật đổ, khi người dân dường như được tiếp thêm niềm tin từ “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia, nơi lần đầu tiên một tổng thống Ả rập bị lật đổ bởi sức mạnh của nhân dân. Kết cục thì ai cũng biết, ông Mubarak bị bắt giam và Ai Cập có tổng thống mới thông qua bầu cử.

Tuy nhiên, phe ủng hộ T.T cũ thành lập một tổ chức gọi là Moslim Brotherhood thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công, đánh bom xe gây bất ổn. Mục đích là hạn chế số lượng khách du lịch tới Ai Cập và tổ chức này đã thành công, mặc cho nỗ lực của chính phủ mới cố gây dựng lại hình ảnh an ninh.

Dưới con mắt người du lịch như tôi thì T.T. Cairo vẫn là nơi rất yên bình. Nhiều ngày lưu trú tại đây và chứng kiến cuộc sống bình thường của người dân, kể cả ban đêm, thì nói chung mọi thứ đều... ổn... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_132159_zps5ldqkxxc.jpg

Tôi vẫn thường ngày đi vào chợ thử xem các loại thức ăn lạ mắt, tôi thử mua mấy loại rau củ ngâm dấm này và đã mắc sai lầm: Mùi vị của chúng thật khủng khiếp!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_133110_zpselb03gwh.jpg

Cairo có nhiều loại thức uống mát và ngon. Thích nhất là loại màu trắng sữa vừa ngọt, vừa bùi và béo ngậy. Tên của nó là Sô-bi-a:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150710_112724_zpsmzo2razz.jpg

HDD82
29-07-2015, 12:45
Tay Châu Á trong phòng trọ lặng lẽ mở túi đựng quần áo lấy ra chiếc mũ bảo hiểm trùm đầu màu đen bóng – chiếc mũ chiếm gần một nửa khoang chứa đồ - được bọc cẩn thận. Chiếc mũ bảo hiểm của người đi xe moto cũng giống như thanh kiếm của một kiếm sỹ, nó là mục đích quan trọng nhất khiến hắn đang ở đây.

Nhưng… Hắn đặt chiếc mũ bảo hiểm xuống với một thoáng ngần ngại…

Giao thông ở Cairo là một thứ kỳ quặc mà hắn chưa bao giờ được chứng kiến trong đời: người người băng qua đường một cách đột ngột – kể cả băng qua đường cao tốc, oto thì chạy như điên chuyển làn bất kể luật giao thông, xe máy đầu trần lạng lách khắp nơi, cả thành phố chỉ có vài biển báo giao thông, không ai đội mũ bảo hiểm. Ba ngày đầu tiên tới Cairo hắn không dám băng qua đường, vì mọi phương tiện chạy trên đường dường như không có quy tắc, thật nguy hiểm!

Muốn chạy xe an toàn tại một nước nào đó thì trước tiên phải hiểu suy nghĩ thói quen của người bản xứ, cách chạy xe của người bản xứ! Đó là nguyên tắc an toàn hắn đặt ra khi quyết định chạy xe máy tại bất cứ quốc gia nào.

Bạn bè hắn tại Cairo từng cảnh báo trước nhưng hắn muốn "mục kỷ sở thị" tận mắt để tìm cách xử lý vấn đề dựa trên kinh nghiệm mà hắn có. Từ đó, hắn dành thời gian nhiều ngày đi ra ngoài đường quan sát các phương tiện di chuyển, hỏi han người bản xứ, trong đầu suy nghĩ cách thức xử lý, cách thoát ra khỏi dòng oto đông đúc, cách di chuyển ra khỏi Cairo với xe gắn máy giờ nào là thuận lợi nhất… Trong đầu tính toán hết nhưng điều đầu tiên dễ nhận thấy là tai nạn xảy ra khá nhiều trên đường phố. Một vụ tai nạn:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150711_200726_zpsdlsl54ve.jpg

Có hôm, hắn thuê một chiếc xe taxi chở ra ngoài ngoại thành và quan sát cách chạy xe của người bản xứ. Tệ hơn trong thành phố, ở ngoài nông thôn không hề có biển báo tốc độ lẫn biển chỉ đường. Xe khách Ai Cập chắc chấp mấy chú xe khách Việt Nam chạy trước cả tiếng cũng không sợ bị tụt lại phía sau... Quá nhanh! Hắn lại chứng kiến thêm một vụ tai nạn khác...

Một điều hắn cũng không hiểu là các trạm kiểm soát quân đội, với lính gác mặc áo chống đạn màu đen, thiết giáp, súng vũ trang quanh người. Các trạm kiểm soát được đặt dọc khắp trên đường. Rồi cũng có cảnh dừng xe khám xét, cũng có cảnh hối lộ. Quân đội tại sao lại ở nông thôn và thực hiện an ninh?

Hắn về phòng khách sạn, lấy chiếc mũ bảo hiểm ra chùi chùi xong lại cất vào trong túi xách với thoáng chần chừ... Đam mê không bao giờ cạn nhưng có nhiều điều vẫn còn bí ẩn tại xứ sở "nghìn lẻ một đêm" này!

Trên một đường phố Cairo:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150707_153201_zpsebephpw9.jpg

HDD82
29-07-2015, 12:46
Người Ai Cập cổ đại có câu: “Con người bị khuất phục bởi thời gian. Còn thời gian bị khuất phục bởi kim tự tháp”.

Con người thì lớn lên, già đi theo năm tháng, nhưng kim tự tháp thì gần như trường tồn mãi với thời gian. Kỳ quan duy nhất trong 07 kỳ quan của thế giới cổ đại vẫn còn đến ngày nay ước tính được xây dựng vào năm 2.600 trước Công nguyên, tức đã hơn 4.600 tuổi. Các nhà khoa học dự đoán rằng khoảng 36.000 năm nữa các khối đá Kim tự tháp mới hoàn toàn biến mất khỏi Trái đất.

Ai Cập có bao nhiêu kim tự tháp? Chúng nằm ở đâu? Ai đã xây dựng nó? Tại sao? Thiết kế của kim tự tháp như thế nào? Ý nghĩa là gì? Xây dựng bằng kỹ thuật gì mà lại trường tồn như vậy? vv… và v.v… Khoa học đã giải mã được nhiều câu hỏi, nhưng Kim tự tháp sừng sững trên sa mạc vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn…

Phần 1: Kim tự tháp Dahshur

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3275_zpsxgstr7rx.jpg

Nền văn minh Ai Cập là một trong những nền văn minh cổ xưa nhất trên quả đất, hơn 5.000 năm. Khi khảo cổ học phát hiện ra các tảng đá 5.000 tuổi có các chữ viết tượng hình gồm các con chim, thú, ngôi sao, mặt trời v.v.. họ phát hiện thấy hai điều thú vị.

Thứ nhất là nền văn minh Ai Cập cổ phát triển đến mức độ rất cao. Cụ thể như các thầy tu thời đó đã biết cách ướp xác để bảo quản, từ mổ ruột lấy ra nội tạng, tẩm hóa chất, pha chế các loại thảo dược phức tạp, đến thực hành các nghi lễ ướp xác phức tạp. Thiên văn học người Ai Cập cũng là bậc thầy. Họ cũng biết chế tạo ra các bẫy thú rất tinh vi, biết làm ra bia để uống, sáng tạo ra loại giấy viết (gọi là Papylus) từ một loại cây và nhiều thứ khác…

Thứ hai là loại mực để vẽ là loại mực gì mà màu sắc còn tươi như mới sau chừng ấy thời gian? Công thức chế tạo như thế nào? Khi nhìn vào các bức họa, ta cảm thấy chúng rất sinh động với nhiều màu sắc và không nghĩ rằng chúng đã 5.000 năm tuổi.

Kim tự tháp Đỏ khi nhìn gần:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3220_zps5za7byba.jpg

Kim tự tháp chào đón tôi với vẻ uy nghi, hùng dũng và... im lặng. Không có bóng dáng khách du lịch nào! Chỉ có một chiếc xe quân đội với mấy anh lính mang súng tiểu liên và áo giáp, khi thấy tôi không có biểu hiện gì khác lạ thì họ lái xe đi chỗ khác, để lại một kim tự tháp yên tĩnh cho tôi tha hồ khám phá:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3227_zpsfc1ylhem.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3229_zps22pfkftz.jpg

Từ kim tự tháp nhìn ra xung quanh, đây là khu vực được quân đội kiểm soát:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3230_zpsflh989jr.jpg

Bốn bề là sa mạc:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3235_zpsfijrp7cv.jpg

HDD82
29-07-2015, 12:49
Kim tự tháp là ngôi mồ bằng đá khổng lồ đựng quan tài xác ướp của Pharaon. Tín ngưỡng Ai Cập cho rằng linh hồn của vua vẫn còn sống sau khi cơ thể chết đi. Bằng cách ướp xác vị vua, họ tin rằng một ngày nào đó linh hồn sẽ nhập vào thể xác và vua của họ sẽ sống lại. Khi mổ bụng lấy ra các cơ quan nội tạng của xác chết, các thầy tu đã đặt chúng vào một cái bình nhỏ để ngay dưới chân xác ướp. (Chắc để khi xác ướp sống dậy còn biết đường lấy ra mà xài).

Họ lấy ra tất tần tật mọi thứ trong bụng, trong não của cái xác, chỉ chừa lại một thứ: Trái tim! Nếu thiếu trái tim trong lồng ngực, vua của họ sẽ không thể thành người. Các đạo diễn Hollywood đã dựa vào chi tiết này để viết lên kịch bản bom tấn "Xác ướp Ai Cập" rùng rợn với Tutakhamon mà ai cũng biết.

... Nhưng không phải ai cũng biết có một đường hầm dài 67m đi xuyên qua Kim tự tháp đến thẳng 03 căn phòng đặt xác ướp của vị Pharaon Snefekhu sâu trong lòng đá...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3234_zpsuqppzmku.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3239_zpscavgosku.jpg

HDD82
29-07-2015, 12:50
Sneferu là cha của Khufu – vị vua đã cho xây dựng đại kim tự tháp Giza ở Cairo. Cửa đường hầm này nằm ngay giữa kim tự tháp với độ cao chỉ nữa mét khoét sâu hun hút xuống phía dưới.

"Không được đem máy ảnh! Không được đem máy ảnh!". Tay Ai Cập to béo, bộ râu xồm xoàm, áo quần cáu bẩn vừa nói vừa chỉ vào chiếc máy ảnh đang tòn ten trước ngực tôi. Bất đắc dĩ tôi phải đưa máy ảnh cho hắn, trong đầu ngầm tính toán phương án khác... Như đọc được suy nghĩ trong đầu của tôi, hắn lại lên tiếng: "Không được đem điện thoại! Không được đem điện thoại!", rồi điện thoại cũng tịch thu nốt.

Không máy ảnh, không điện thoại thì lấy gì để tường thuật lại với anh em ở nhà???

E hèm... Tôi giả bộ móc chầm chậm trong ví ra mấy tờ tiền Ai Cập để xem phản ứng của hắn ntn. Quả thật, đôi mắt hắn chợt sáng lên long lanh như đèn pha trong bóng đêm. "Đưa tiền đây, rồi tao sẽ cho mày chụp ảnh!", hắn nói mà mắt vẫn không rời mấy đồng tiền. "5 đồng!", hắn ra giá. (5 đồng Ai Cập tương đương chưa tới 15.000 VNĐ).

Thấy con mồi đã cắn câu, tôi lập tức gật đầu cái rụp! Nhưng tìm mãi trong túi không có tờ nào 5 đồng, chỉ có tờ 20 đồng là nhỏ nhất. "Mày có tiền thối không?" Tôi hỏi. Hắn lần lượt móc các túi trống rỗng ra cho tôi xem với ý rằng chẳng có khách du lịch nào từ lâu rồi... Vẻ mặt giả vờ ngao ngán chán nản, tôi đưa tờ 20 đồng cho hắn mà mắt liếc đi chỗ khác vì tiếc: "Nhiều quá, nhiều quá!" Tôi hắn. Hắn cầm tờ 20 đồng và rú lên cười đắc ý vang vọng cả sa mạc... Còn tôi nhanh chóng lủi vào trong đường hầm kim tự tháp...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3265_zpsvgvykky4.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3238_zpsgiepwrjf.jpg

Không khí bên trong đường hầm khá mát mẻ, nhưng cảm giác cũng hơi lạnh xương sống khi nghĩ tới mình đang ở dưới cả triệu mét khối đá và sắp tới ngôi mộ của một vị vua Pharaon:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3262_zpsgehmfyto.jpg

HDD82
29-07-2015, 12:51
Đá để xây kim tự tháp là loại đá vôi - rất phổ biến ở vùng này. Đá vôi có thể đục đẽo bằng các dụng cụ bằng kim loại khá dễ dàng vì mềm. Người ta chỉ đặt câu hỏi là người Ai Cập cổ đã vận chuyển những hòn đã - có khi nặng hơn 2 tấn - bằng cách nào?Nhất là càng lên cao thì vận chuyển càng khó? Tuy nhiên, đá xây dựng đường hầm này là đá granite. Loại đá cực kỳ cứng, được vận chuyển từ thành phố Aswan, 800km đến Cairo, được cắt đẽo như thế nào?

Tôi vừa đi vừa lấy tay sờ vào từng phiến đá granite được mài nhẵn thín. Từng phiến đá được gắn với nhau chính xác đến độ tôi lấy ra một tờ giấy và đút tờ giấy vào giữa hai khe của hai phiến đá mà tờ giấy không lọt... Họ đã làm như thế nào? Định vị đường hầm 67m trong kim tự tháp thế nào (giống đào hầm trong đèo Hải Vân) như thế nào? Tất cả vẫn còn chưa được giải đáp thỏa đáng!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3259_zpslbgi7yxp.jpg

Con đường dẫn tới một căn phòng mà dưới ánh đèn lờ mờ, trong không gian im ắng đến... rợn người, tôi nhận thấy căn phòng có hình dạng hình chóp nhọn, cấu trúc lạ mắt. Không có vị Pharaon nào lại muốn chết một mình, ba căn phòng được xây dựng để đựng châu báu của cải, đựng của ngon vật lạ và nghe đâu còn có căn phòng dành cho vợ của ngài...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3258_zpssdryrjsr.jpg

HDD82
29-07-2015, 12:52
Chôn theo của cải kho báu mới đầu nghe thì là ý tưởng hay, nhưng thật ra nó lại mang đến nhiều rắc rối (kiểu như "Mật ngọt thì ruồi bu"). Kho báu chôn theo lăng mộ thu hút bọn trộm cổ vật vốn rất thịnh hành thời bấy giờ. Bọn trộm cổ vật đã đào phá nhiều lăng mộ Pharaon trước đó và là nỗi đau đầu đối với vị vua Sneferu. Rất may, dưới trướng của Pharaon Sneferu có vị thầy tu, cũng là kiến trúc sư, tên ông là Imhotep! Imhotep là người đóng vai trò kiến trúc sư trưởng xây dựng các kim tự tháp bất tử với thời gian.

Imhotep đã nghĩ ra một "cái bẫy" có thể khóa lăng mộ từ bên trong sau khi nó hoàn thành. Ngôi mộ phải được khóa chặt bằng các tảng đá che kín lối đi vào để ngăn kẻ lạ xâm nhập! Nhưng bằng cách nào? Cấu trúc hình chóp nhọn với các rãnh bậc thang đã tiết lộ cơ cấu hoạt động của "cái bẫy" này! Những tảng đá được xếp bên trên mái các phòng, và sau khi xác của Pharaon được đưa vào mộ, tất cả mọi người sẽ rút ra ngoài chừa lại một số người ở lại kích hoạt "cái bẫy" làm sập tất cả tảng đá xuống theo trình tự khóa chặt lối ra vào...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3246_zpsocbk6mqh.jpg

Cấu trúc hình chóp nhọn cũng giúp phân tán sức nặng đè xuống của hàng triệu tấn đá bên trên, lực được phân tán ra hai bên tránh làm sập căn hầm.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3240_zpsrsej6lny.jpg

Hành lang nối giữa hai căn phòng với nhau cao và dễ đi hơn. Không khí ở đây âm u, rờn rợn kiểu gì đó khó tả... Có lẽ đầu óc tôi bị ảnh hưởng bởi bộ phim "Xác ướp Ai Cập" chăng?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3251_zps3yh5lwrk.jpg

toiyeucafengon
29-07-2015, 12:59
Post tiếp hình đi bạn, tuyệt quá!

HDD82
30-07-2015, 12:01
Căn phòng thứ ba - nơi đặt hầm mộ của Sneferu - cuối cùng cũng lộ diện. Chỗ đã lõm vào là nơi người ta tìm thấy xác ướp của ông. Xác ướp hiện nay đang được bảo quản trong Bảo tàng Ai Cập với còn nguyên da thịt, tóc tai. Đôi tay ông đặt chéo trước ngực thể hiện quyền uy của một vị Pharaon:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3248_zpsfmkfu3hi.jpg

Căn phòng đá lạnh âm u của một xác ướp... "Má ơi, chui lên gấp thôi"... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3249_zpsyvmcqjas.jpg

HDD82
30-07-2015, 12:03
Tôi vừa lom ngom ra khỏi đường hầm thì tay bảo vệ đã chực sẵn với vẻ mặt hơi hốt hoảng hỏi: "Mày làm gì ở dưới đó mà lâu thế? Tao tưởng mày bị gì ở dưới đó rồi!". Có lẽ tôi mải mê chụp hình quá mà quên mất thời gian mình ở đó lâu hơn bình thường một chút... "Đâu có! Có nhiều cái thú vị lắm, nhưng tao không thích ở dưới đó luôn tí nào cả". Tay Ai Cập nghe xong phá lên cười sằng sặc...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3268_zpsajwlftwx.jpg

Tôi lại lắc đầu giả vờ ngán ngẩm nhắc lại vụ tiền bạc: "Nhiều quá, nhiều quá!". Tay này nghe vậy lại càng khoái chí hơn, hắn lôi tôi lại luyên thuyên các chuyện từ tháng Ramadan vất vả như thế nào đến gia đình hắn, rồi đến đàn bà... Nhìn xung quanh vắng vẻ không bóng khách du lịch, tôi cảm thấy nếu mình ở vị trí hắn sẽ cô đơn thật sự. Nghĩ vậy nên cả hai cứ vui vẻ trò chuyện một hồi lâu... Hắn lấy máy hình chụp cho tôi một tấm trước đường hầm:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3270_zpsx02afiqi.jpg

"Có qua có lại mới toại lòng nhau"... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3272_zpswwxgncep.jpg

HDD82
30-07-2015, 12:04
Cách không xa khu mộ vua Snefekhu là bao du khách có thể thấy Kim tự tháp cong (Bend Pyramid). Các nhà khoa học đặt tên như vậy vì họ thống nhất đây là "sản phẩm lỗi" của kiến trúc sư Immotep. Hay nói cách khác, đây là thất bại! Tại sao? Câu trả lời nằm ở góc xây dựng kim tự tháp - góc tạo bởi cạnh đáy và cạnh ngang của tiết diện bên. Với cùng diện tích mặt đáy, nếu góc xây dựng này càng lớn thì kim tự tháp sẽ càng cao và ngược lại. Bài toán đặt ra với Immotep là: "Góc tối ưu để xây kim tự tháp là bao nhiêu độ?".

Immotep đầu tiên đã cho xây dựng Kim tự tháp với góc 52 độ. Khi xây được 2/3 chiều cao, ông mới "tá hỏa tam tinh" phát hiện thấy các khối đá nền bên dưới bắt đầu bị rạn nứt dưới sức nặng bên trên, nếu tiếp tục xây cao nữa thì sức ép xuống dưới càng lớn, càng khối đá nền sẽ không chịu nổi và "rầm"... sụp đổ. Để sửa chữa lỗi lầm, Immotep đã cho "chỉnh" lại một góc nhỏ hơn (để giảm chiều cao của tháp). Kết cục là Kim tự tháp này có hình dạng cong cong khá khôi hài như ngày nay.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3273_zpsngrhu8jm.jpg

Sự khác biệt giữa 02 tấm hình trên và dưới không phải là ở hình dáng tay du lịch đến từ Châu Á đang dơ tay hay khép chân một cách thô thiển hay không, mà Immotep đã rút kinh nghiệm thất bại ở trên khi làm nhỏ góc xây dựng kim tự tháp từ 52 độ xuống còn 45 độ ở hai kim tự tháp này! Bạn có nhận thấy sự khác biệt không?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3279_zpsqmbyg1sf.jpg

Nếu câu trả lời là "Không" thì bạn giống tôi rồi đấy, vì tôi chẳng thấy có khác biệt quái nào cả... :D

HDD82
30-07-2015, 12:06
Phần 2: Kim tự tháp Saqqara

Saqqara là tên gọi của một thị trấn nhỏ bên lưu vực sông Nile, cách thủ đô Cairo 30km về phía Nam. Nên biết rằng thủ phủ của các Pharaon ngày xưa không phải là Cairo ngày nay mà là Memphis, chỉ cách Saqqara vài km, cho nên kim tự tháp tại đây còn được gọi là "cha của các kim tự tháp" Cairo.

Tại đây tôi có dịp ghé thăm Kim tự tháp bậc thang (Step Pyramid) để thêm tin rằng con người phải học hỏi từ thất bại rất nhiều trước khi làm được cái gì đó tạm gọi là vĩ đại...

Immotep không phải là vị kiến trúc sư thiên tài bẩm sinh! Có thể khẳng định như vậy khi chứng kiến thêm một ví dụ nữa là Kim tự tháp bậc thang: Một phương án xây dựng thú vị bằng các viên đá nhỏ xếp chồng lên nhau và gấp khúc bậc thang. Vâng! Nếu kim tự tháp được xây dựng bằng các viên đá nhỏ như thế này thì có thể đơn giản hóa được bao nhiêu vấn đề: Từ việc khỏi phải vận chuyển các khối đá hàng tấn, đến xây dựng, lắp ráp, chế tạo, đục đẽo, tiết kiệm được nhân công, thời gian v.v... và v.v...

"Nhìn xa thì tưởng Thúy Kiều/ Lại gần thì hóa người yêu Chí Phèo"... Có lẽ khi chứng kiến thành quả của Immotep, vị vua hẳn đã nhăn nhó đến dường nào, và thật tình chẳng hoàng đế nào muốn "yên giấc ngàn thu" dưới đống đá xấu xí như thế!!!!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3324_zpsqib7p77s.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3302_zps04qe0qcg.jpg

Trông như cái lò nung gạch! Và đương nhiên, chẳng có du khách nào trời nắng chang chang lại đi 30km tới đây để khoe với bạn bè hình chụp mình với cái "lò gạch" này... Đúng không?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3333_zps7fim2x19.jpg

HDD82
30-07-2015, 12:07
...Tuy nhiên, bạn đã lầm to!!!

Saqqara không chỉ có Kim tự tháp bậc thang, đây là một đại công trình mà người Ai Cập cổ đại đã xây dựng dưới thời các vị vua Pharaon. Tôi đã nói rằng thủ đô ngày xưa của Ai Cập không phải ở Cairo mà ở tại khu vực này. Nói cách khác, Saqqara đã từng là thành phố sầm uất cách đây 5.000 năm. Ngoài các Kim tự tháp, khi tới đây bạn có thể lang thang hàng ngày trên những khu vực rộng lớn đang được các nhà khoa học khai quật, nằm sâu dưới hàng chục mét cát sa mạc...

Sông Nile ngày xưa không phải cách Saqqara hàng chục km như bạn thấy ngày hôm nay. Ngày xưa sông Nile cực kỳ rộng lớn , vào mùa mưa lũ nó tràn bờ gây ngập lụt bồi đắp rất rộng. Trải qua nghìn năm địa chất thay đổi, khí hậu Trái Đất trở nên khô cần hơn đã làm sa mạc hóa đất đai, dần chôn vùi cả bí ẩn Saqqara dưới hàng chục mét cát.

Cho đến cách đây vài năm, người ta mới phát hiện thấy và tiến hành khai quật một số khu vực đã từng bị sa mạc Sahara nuốt chửng này:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3318_zpsudchfpln.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3316_zps07b8i2q7.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3315_zpsyees91vs.jpg

Cả một thành phố dưới lòng đất đang dần dần hiện lên dưới bàn tay của các nhà khảo cổ, bên cạnh kim tự tháp:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3283_zps6bgltuog.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3298_zpsfvzytayi.jpg

HDD82
31-07-2015, 15:05
Cuộc đời con người dăm bảy chục năm tất bật ganh đua, người này có thể sống lâu hơn người kia chục năm, dăm năm. Khoảng thời gian đó tưởng dài nhưng cũng như cái chớp mắt dưới hàng nghìn năm lịch sử tại Saqqara. Do đó, hãy dành cho bạn đủ thời gian để lang thang hết khu vực rộng lớn này, để có một vài phút trong một năm trí óc bạn nhìn vào quá khứ mà không mãi bận tâm về tương lai.

Rồi cũng như nhiều topic khác tôi đã từng chia sẻ, tôi không có tham vọng nói hết tất cả những gì mình biết (hay chưa biết) về vùng đất mà mình tới. Điều đó là vô nghĩa! Tôi chỉ muốn chia sẻ đến một chừng mực nào đó với mong ước khơi lại đam mê lên đường trong mỗi cá nhân, mà vì nhiều lý do đã kể trên, đã bắt đầu dần nguội lạnh...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3320_zpsb1chass8.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3313_zps47gzfsww.jpg

Chú lạc đà nằm phơi mình giữa sa mạc:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3305_zps9cadotqw.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3306_zpsfwvrbggl.jpg

Một tay du thủ du thực:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3307_zps85qykuf7.jpg

HDD82
31-07-2015, 15:07
“Người thầy” thứ hai của tôi trong nhà trọ kí túc xá là Jose, người đàn ông 55 tuổi quốc tịch Đức, gốc Guatemala. Thân hình nhỏ bé, trắng trẻo, tóc xoăn, kính cận, cơ bắp không mấy phát triển tiết lộ công việc của ông là dân văn phòng. Jose là kỹ sư IT đang làm việc tại Madrid, Tây Ban Nha. Nói chuyện với ông tôi mới phát hiện thấy rằng IT cũng là nghề hay: lương khá, lại có thể làm việc linh hoạt từ xa… Jose cho tôi xem một bộ CPU máy tính có kích cỡ chỉ bằng bao thuốc lá và giải thích về dự án mà ông đang ấp ủ: đại khái là một giải pháp công nghệ thông tin kiểm soát các mạng máy tính lớn gì gì đó…

IT thì tôi không rành nên chưa chú tâm nghe lắm. Nhưng... Guatemala ư? Đó là một nước nằm ở khu vực Trung Mỹ. Chưa bao giờ tới Guatemala? Không vấn đề gì! Với nhiệt tình vô bờ bến, Jose lần lượt giới thiệu với tôi những tấm hình ông chụp về Guatemala và mời tôi tới chơi vào một dịp nào đó (khi ông về nước). Đương nhiên là tôi vui vẻ nhận lời!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_065233_zpsgojdnwzu.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_065321_zpsij3y2nsq.jpg

Bạn chẳng bao giờ biết được những người bạn của mình ngày hôm nay có tầm quan trọng như thế nào vào ngày mai, đúng không?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_070248_zpsvjmadf5h.jpg

HDD82
31-07-2015, 15:09
Buổi tối, tôi cùng Clark và Jose cùng nhau đi ăn tối. Chúng tôi thấy một hàng người dân địa phương đang ngồi chờ được dọn ăn nên ghé vào hỏi thăm xem chúng tôi có được phép trả tiền để ăn hay không?

“Không, không! Ngồi xuống đi anh bạn. Anh cứ ngồi xuống, chúng tôi sẽ phục vụ cho anh!” Người đàn ông quản lý trả lời chúng tôi mà chẳng thèm bận tôi chúng tôi (nhất là tay IT) có “nghèo” thật hay nghèo giả? Và đến từ quốc gia nào?

Thì ra đây là tháng Ramadan: người Hồi giáo sẽ không ăn uống từ 3h sáng tới 7h tối. Khỏi nói cũng biết là buổi tối là buổi ăn quan trọng nhất cho cả một ngày đói khát. Họ xếp hàng ngồi xung quanh bàn ăn từ 6h, bàn chuyện tùm lum chờ tiếng nhạc hiệu vang lên từ nhà thờ báo hiệu thời gian Ramadan trong ngày đã hết… và… ĂN! Không! Chính xác là họ uống một ngụm nước trắng trước khi ăn!

Tục lệ tháng Ramadan là người giàu (chính xác là người có điều kiện tốt hơn) sẽ cung cấp các bữa ăn miễn phí cho người nghèo. Cái này khá giống với Cơm 2.000 đồng phát cho người bán vé số, đạp xích lô v..v… tại Việt Nam. Nhưng ở đây bạn không phải trả đồng nào cả, cứ ngồi xuống và “thưởng thức miễn phí” một thông lệ nhân văn của người Hồi giáo Ai Cập:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_190217_zpsiohiscne.jpg

Cơm ở đây không phải cơm trắng như Việt Nam, mà cơm có trộn cái gì đó màu nâu sậm ăn cũng ngon. Người Hồi không ăn canh rau, hoặc canh thịt, mà ăn súp đậu trắng (hoặc đôi khi là khoai tây), kèm thêm mấy cái bánh giống bánh rán ở VN chấm vào nước súp và ăn bốc bằng tay (cũng có người ăn bằng thìa). Đang ăn thì một người đàn ông mang một xô thịt bò tới và lần lượt bốc tay cho thêm vào khẩu phần ăn của mỗi chúng tôi:

Súc – cờ - ràn! Cảm ơn! (tiếng Ai Cập).
Vừa nói tôi vừa nhìn bàn tay đen nhẻm chìa năm ngón tay như năm cái xẻng “xúc” từng miếng thịt trong xô bỏ vào dĩa từng người…
Ngoài chuyện đó ra thì mọi chuyện khác đều tuyệt vời! Hoan hô Ramadan!!!

Một ly nước mía khổng lồ không thêm đá giá chỉ 3 đồng bảng Ai Cập (chưa tới 9.000 VNĐ). Quất luôn 2 ly cái thứ nước ngọt lịm từ mía sông Nile này:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_195308_zps1g2gnzzc.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150708_195315_zpsx53vg1k0.jpg

HDD82
31-07-2015, 15:11
Youssara El-Kharawy, một nữ ký giả, một người bạn khác nữa cùng chương trình Professional Fellows Program 2014, là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên uống mời tôi cafe tại Cairo. Phụ nữ các nước Hồi giáo thì ai cũng biết rồi: hoặc là trùm kín khăn che mặt chỉ chừa hai con mắt, hoặc quấn đầu bằng tấm vải rộng. Áo quần lúc nào cũng kín như bưng, từ trên xuống dưới đều "kín cổng cao tường" không thấy hở một cm2 da thịt nào - chứ đừng nói tới khoe cả mảng lưng trần, nội y lồ lộ như Việt Nam... ;). Nam nữ trên đường phố không thấy cảnh nắm tay nhau, nói tới chi ôm eo, khoác vai hoặc hôn hít tá lả trong lùm...

Hiểu sơ sơ quy tắc Hồi giáo vậy nên tôi rất "cẩn trọng" khi gặp Youssara. "Cẩn tắc vô ưu", nhất là khi cô nàng 29 tuổi được hộ tống bởi người bạn trai sắp cưới hộ pháp, cao gần 1.9m, người nhìn cứ như đô vật. Hai cánh tay của chàng ta khuỳnh khuỳnh ra hai bên, lúc nào cũng đi trước chúng tôi sẵn sàng dẹp bất cứ "rào cản" nào trên đường... Nói đùa vậy thôi chứ chàng ta là giáo viên dạy môn nhạc kịch tại một trường ĐH ở Cairo, rất hiền và tốt bụng!

Bức ảnh chụp chung hai chúng tôi dưới đây là minh chứng: đứng cách xa cả mét, tay chân không được phép rời xa thân mình nửa giây... Cười thì cũng chỉ cười gượng gạo gọi là cho có:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150709_215541_zpsem9pe7sb.jpg

Khác hẳn với bức mình hắn chụp chung với con gái Mỹ, hai bên sáp lại tràn đầy tình thương mến thương...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_2284_zpsq9sv2j7x.jpg

Nếu nhìn kỹ bức hình này thì bạn sẽ thấy là cô nàng này mắt xanh nước biển, không bình phẩm tới thân hình nhưng rõ ràng khuôn mặt có nét Châu Âu: gương mặt nhỏ, sống mũi cao, mắt xanh. Giống người Ai Cập rất kỳ lạ, có cả giống người tóc vàng và mắt xanh nữa (tôi gặp cũng tương đối trên đường phố) chứ không phải cứ Châu Phi là đen thui với xấu quắc hết...

Chụp cạnh người yêu sắp cưới nên cô nàng cười tươi gớm... Dù sao thì so với tiêu chuẩn đẹp trai của Ai Cập tôi biết mình hoàn toàn không có cửa: Thứ nhất là mặt mũi mày râu nhẵn nhụi, ít râu! Thứ hai là tay chân không có lông lá! Thứ ba là bụng nhỏ, ở đây toàn những tay bự con như hộ pháp! :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150709_215605_zpsugjztf7d.jpg

HDD82
31-07-2015, 15:13
Dạo quanh một vòng các đường phố tại Cairo có thể thấy vô số loại thức ăn, thức uống lạ mắt và hấp dẫn. Hỡi các tâm hồn ăn uống, hãy lên đường tới Ai Cập!!!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150710_113633_zpsdgem7j1j.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150710_113643_zpsmjcxq9ki.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150710_113710_zpsghvswrzh.jpg

pinky2510
31-07-2015, 17:40
Miền đất mơ ước, đã mơ, đang mơ và sẽ tiếp tục mơ cho đến khi nào đến được mới thôi :D

HDD82
02-08-2015, 01:11
Hy vọng bạn pinky2510 sớm thực hiện được ước mơ của mình!

HDD82
02-08-2015, 01:13
Phần 3: Quần thể Kim tự tháp Giza, Cairo.

Sừng sững như mọc lên từ dưới lòng đất, hoặc do người ngoài hành tinh xây dựng, là điều nhiều người liên tưởng khi tới quần thể kim tự tháp Giza, cách trung tâm Cairo hơn 20km, nằm ở rìa sa mạc Sahara.

Một bức tượng nhân sư khổng lồ (tượng nhân sư đầu người, mình sư tử) sừng sững chắn trước ba Kim tự tháp, trong đó Đại kim tự tháp Khufu là kim tự tháp lớn nhất. (Khufu là con trai của Sneferu, vị vua đã cho xây các kim tự tháp ở các bài trước). Bức tượng nhân sư này có ý nghĩa là gì? Vẫn còn chưa thực sự rõ ràng, có thể là biểu tượng bảo vệ cho các Pharaon? Chỉ biết nhân sư là nhân vật được lấy ra từ truyện thần thoại Hy Lạp. Nhân sư có khuôn mặt của một người phụ nữ, trên đầu quấn chiếc khăn xòe ra hai bên theo kiểu Ai Cập cổ đại, mình nhân sư là sư tử (có cả đuôi).

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3377_zpswjjbkhjq.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3380_zpsgythyfv9.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3382_zpspcmmus9j.jpg

Trong thần thoại Hy Lạp, nhân sư đứng gác trên con đường lên núi. Ai đi ngang qua cũng bị nhân sư chặn đường để đặt một câu hỏi, trả lời sai sẽ bị nhân sư xé xác ngay lập tức. Theo tôi biết (không chắc lắm), câu hỏi của nhân sư là:
“Con gì buổi sáng đi bằng bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân?”

Con gì đây? Con gì mà lạ quá vậy? Trí óc thường hay liên tưởng tới các loài thú trong rừng sâu núi thẳm, hay các loài chim trên trời... Nhưng vô số đáp án kiểu như vậy đều bị nhân sư xé xác quăng xuống núi. Duy có một chàng trai trả lời: “Con người”! Con người mới sinh ra yếu ớt bò đi bò lại bằng hai tay hai chân, cứng cáp rồi thì đi bằng hai chân, già nua đi hết nổi thì phải chống gậy, vậy là ba chân.

Ý nghĩa sâu xa của câu truyện (theo tôi) con người hay lướt mắt tìm câu trả lời từ bên ngoài, mà quên mất câu trả lời nằm ở chính ngay bản thân mình. Đầu óc, tai mắt người ta hay nhìn ra ngoài để phán xét, góp ý… người khác mà rất ít khi nhìn lại chính bản thân mình!

Đây là hình ảnh biểu tượng của Ai Cập, xuất hiện trong rất nhiều phim ảnh, sách, và trên cả đồng tiền nước này:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3381_zpsfbfi8xot.jpg

HDD82
02-08-2015, 01:17
Khufu là Pharaon muốn trở nên vĩ đại hơn cả cha mình, đã lệnh cho Immotep phải xây dựng một kim tự tháp lớn nhất, vững chắc nhất và đẹp nhất từ trước tới nay. Huy động một lực lượng hơn hai mươi ngàn người, làm việc cật lực trong hai năm năm. Đã đứng sừng sững trên Trái Đất 4.600 năm, và sẽ còn đứng đó thêm 36.00 năm nữa...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3360_zpskcqa5ig2.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3362_zpsebfpfvyw.jpg

Bốn cạnh của Kim tự tháp vuông góc 90 độ và hướng về 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc với sai số chưa tới 1.2 độ. Chiều dài của mỗi cạnh là 156m, sai số chưa tới 5cm. Khoa học gần đây mới giải thích được cách Immotep đã sử dụng kiến thức về thiên văn học, quan sát các vì sao trong tính toán thiết kế kim tự tháp.

Nội việc phải vận chuyển các khối đá nặng trung bình 2.5 tấn lên tháp dưới điều kiện thô sơ đã là một kỳ tích. Nhất là càng lên cao thì vận chuyển lại càng khó! Họ đã làm thế nào? Có thể là vận chuyển theo một đường xoắn ốc quanh tháp, hoặc một đường thẳng rất dài nối từ mặt đất lên tới đỉnh. Nhìn dưới góc độ quản lý dự án, quản lý hơn hai mươi ngàn người làm việc trong 25 năm sao cho hiệu quả đến thời đại bây giờ còn khó, nói chi tới 4.600 năm trước. Các hình vẽ trên đá tiết lộ cách quản lý chia tốp nhỏ, mỗi tốp là các thành viên trong một gia đình. Cách này cũng góp phần tạo môi trường cạnh tranh nhau một cách lành mạnh!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3372_zpsht8dz8mr.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3370_zpsz63hnyu2.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3364_zpsgav3oai4.jpg

HDD82
02-08-2015, 01:20
Khác với Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc được xây dựng dưới thời Tần Thủy Hoàng: Ông vua tàn bạo bóc lột sức lao động và sự hy sinh của nghìn người dân để xây dựng hệ thống tường thành phòng thủ vòng quanh các đỉnh núi. Kim tự tháp là sự cống hiến của người Ai Cập cổ đại cho vị Pharaon của họ. Tín ngưỡng rằng khi Kim tự tháp là cánh cổng đưa linh hồn của vị vua lên thiên đường, là cầu thang nối giữa mặt trời và mặt đất. Trên thiên đường, Pharaon sẽ phù hộ cho vương quốc tránh khỏi các thiên tai, bệnh tật và quốc gia thêm thịnh vượng. Đội quân xây dựng Kim tự tháp khác với đội quân khổ sai xây dựng Vạn Lý Trường Thành là như thế…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3353_zpswfxquvoi.jpg

HDD82
02-08-2015, 01:22
Immotep không phải là kiến trúc sư thiên tài bẩm sinh. Không phải Đại kim tự tháp Khufu tự nhiên mọc lên sừng sững đó, mà trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại của Immotep, nhiều phương án thất bại... Tôi không rõ là các du khách khác có suy nghĩ như vậy khi tới thăm Giza hay không?

Vẫn còn rất nhiều ông bố bà mẹ dạy dỗ con cái theo kiểu không cho mắc sai lầm, hạn chế con trẻ được phép làm điều sai. Rất nhiều công ty trừng phạt nhân viên mỗi khi họ mắc sai lầm. Rất nhiều ông thầy, bà cô vẫn chê bai học sinh mỗi khi các em làm điều gì sai, không khuyến khích các em mạnh dạn với các ý tưởng mới (cho dù đó là sai)... Và bởi vì cả xã hội thử nghiệm quá ít điều sai, nên xã hội cũng chẳng làm được cái gì to tát! Không có thử nghiệm, không có sai sót, làm sao học hỏi được cái mới, làm sao để hoàn thiện? Nếu không có vị Pharaon Sneferu rộng lượng cho phép mắc sai lầm, liệu có Immotep tài ba, liệu có Đại kim tự tháp ngày hôm nay?

Với những người vẫn còn khăng khăng rằng hạn chế sai lầm là tốt, hãy nhìn vào lịch sử 5.000 năm của Ai Cập!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3346_zpsntsf0set.jpg

HDD82
02-08-2015, 01:24
Một dòng chữ Ai Cập cổ được giới khảo cổ phát hiện thấy trên một phiến đá vào ngôi đền nhỏ. Giới khảo cổ Việt Nam giải mã ý nghĩa của dòng chữ này như sau:

"Nếu bạn đọc topic đến thời điểm này mà chưa chịu Like hay Comment thì bạn sẽ phải nằm trong kim tự tháp" :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3330_zpseh2vigow.jpg

Còn tiếp... ;)

HDD82
03-08-2015, 14:31
Muốn lái xe an toàn ở nước ngoài trước tiên cần hiểu suy nghĩ của người dân địa phương, tập quán, thói quen của họ cũng như luật lệ giao thông!

Va quệt giao thông xảy ra nhiều trên đường phố. Người Ai Cập cũng cãi nhau rất hăng: hét to vào mặt nhau, xông vào nhau (nhưng không đánh lộn), quát tháo quyết liệt. Không rõ có phải do tháng Ramadan cấm đánh nhau ngoài đường hay không, nhưng rất có thể va quệt kiểu này sẽ thành ẩu đả. Giao thông phản ánh rõ rệt thói quen của con người trong tháng Ramadan này. Cụ thể ư? Đây...

Buổi sáng sớm đến trưa, đường phố ít xe nhất trong ngày. Xe cộ lưu thông từ tốn chậm rãi (xu hướng tiết kiệm sức lực cho cả ngày không ăn uống). Càng dần về chiều, đặc biệt tầm trước 7h tối (thời điểm được phép ăn uống) xe cộ chạy bát nháo, bóp còi inh ỏi, chen lấn từng cm trên đường. Buổi tối đến khuya là thời điểm nguy hiểm nhất, người người ùa ra đường sau bữa ăn no nê, thời tiết ban đêm cũng mát mẻ hơn và chạy xe lúc này thì phải nói là điên cuồng!

Trong đầu từ đó đã phác thảo kế hoạch "thoát" ra khỏi Cairo ngay khi có xe máy xong...

Bắt đầu bước 1: Liên lạc với những người muốn bán xe trên mạng Internet. Tay quản lý khách sạn là người hỗ trợ trong việc gọi điện, và hắn hỗ trợ tôi rất nhiệt tình. Thông tin phản hồi nghe qua khá khả quan: người bán sẽ tới ks trong vòng 1 tiếng nữa, hoặc ngày mai tôi có thể tới xem v.v... và v.v... Kinh nghiệm các lần mua xe ở nước ngoài thường cho thấy Bước 1 là bước dễ nhất. Tuy nhiên, xứ sở "Alibaba và 40 tên cướp" đã chơi khăm: Không ai tới, không nghe điện thoại sau đó nữa. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như vậy. Tại sao? Thật sự khó hiểu!

"Biến tấu" một chút: Bỏ không lên mạng coi bán xe nữa, cứ xuống phố thấy chiếc máy nào ưng ý là hỏi thẳng luôn người chủ có muốn bán không? Kết quả tốt đẹp không ngờ! Toàn bộ những người được hỏi đều sẵn lòng bán xe luôn! Chỉ cần mặc cả giá, ưng ý là ai cũng sẵn lòng bán tuốt! :D

Công việc phức tạp hóa trở thành đơn giản: Mỗi lần tôi và Jose xuống phố đi ăn cơm, chúng tôi đều tranh thủ "shopping" xe gắn máy kiểu như vậy... Vừa thú vị, vừa hài hước...

Người Hồi cũng ăn tất tần tật các bộ phận của bò, dê. Từ mắt, mũi, chân, tay, da, lòng, mề, gan... ăn tuốt!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150710_114206_zpsgubjhzps.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150710_114036_zpswgyenixs.jpg

Phần cơm này có giá 13 đồng bảng (khoảng 40.000 VNĐ).

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150710_114305_zps40kfbwq9.jpg

HDD82
03-08-2015, 14:32
6 giờ 30 phút sáng ngày Thứ 7, một tiếng nổ "BÙM" chát chúa xé nát bầu không khí yên tĩnh một buổi sáng sớm Ramadan tại Trung tâm Cairo!

Tôi đang nằm trên giường bỗng bật dậy, thấy cửa sổ phòng rung bần bật dưới sức ép không khí từ vụ nổ. Nhìn sang giường bên cạnh, tôi thấy Jose đang dụi mắt, mặt tái xanh. Cả hai chúng tôi đồng thanh la lên: "Khủng bố"! Tôi mở cửa ban công bước ra ngoài, thấy lố nhố người ở các chung cư bên cạnh cũng đang ló đầu ra... Chừng 5p sau, tiếng còi xe cảnh sát rú lên inh ỏi "tò te, tò te, tò te" tám phương bốn hướng chạy vèo qua trước khách sạn, hướng về cột khói, nơi có cây cầu đường cao tốc, cách tôi đang đứng chừng hơn 500m.

Thoạt đầu, tôi và Jose chưa dám ra khỏi khách sạn ngay. Jose lên mạng tra cứu tin tức... Tin tức lan truyền rất nhanh: Một vụ nổ bom xe ngay cạnh Lãnh sự quán Italia gần đường Ramsey, chỉ cách quán ăn chúng tôi ghé hôm trước hơn 100m. Nửa tấn thuốc nổ được cài sẵn trong một chiếc oto và cho kích nổ từ xa. Sức ép từ khối thuốc nổ phá sập một phần ba tầng của văn phòng Lãnh sự quán Italia. Thống kê sơ bộ: 5 người bị thương, 2 người chết tại chỗ...

Vụ nổ bom từ những phần tử quá khích Muslim Brotherhood (phe ủng hộ cựu T.T Mobarak) nhanh chóng được các hãng thông tấn lớn trên TG phát đi trên kênh thời sự nhanh. Video clip sau được lấy từ bản tin thời sự của Hãng Reuters:


https://www.youtube.com/watch?v=o09aO-mMOIE

HDD82
03-08-2015, 14:34
Ngay khi hãng Reuters nổi tiếng TG vừa đưa tin xong, hãng thông tấn xã Suvietnam cũng ngay lập tức điện thoại "cử" phóng viên đang du lịch tới ngay hiện trường để tìm hiểu... Tròng vào chiếc áo khoác chống đạn dày 0.5mm Made in Vietnam, chân mang đôi dép Lào có chức năng cảnh báo và dò mình, đầu đội mũ tai bèo cũng chống đạn nôt, phóng viên Suvietnam lăm lăm máy ảnh trong tay chạy tới "hiện trường".

Trên đường đi, có thể thấy rằng dưới sức ép của vụ nổ, cửa kính các tòa nhà quanh khách sạn đều bể hết:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3386_zpsiturdaos.jpg

Người ta căng dây để người đi đường không đi vào khu vực nơi các tấm kính rơi. Càng gần tới nơi xảy ra vụ nổ, kính bể càng nhiều văng khắp nơi:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3387_zpsshwcjdxe.jpg

Hiện trường mặt sau tòa nhà của Lãnh sự quán Italia còn ngổn ngang tường ngói, nước tràn lan khắp nơi (chắc là nổ phá hư đường ống nước). Nữa tấn thuốc nổ chứ không phải ít!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3389_zpsnhjum52e.jpg

Phía trước con đường chính, một đám đông gồm người dân, cảnh sát, phóng viên v.v... tụ tập. Một nhóm tụ tập hướng về tòa Lãnh sự quán hò hét quyết liệt, không rõ là lý do gì? Tóm lại, một khung cảnh không lấy gì làm hòa bình cho lắm...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3393_zpsdctcq3jt.jpg

HDD82
03-08-2015, 14:36
Ngôi nhà 3 tầng màu đỏ khá kiên cố bị thổi bay mất một mảng lớn, nó nằm trên đại lộ đông đúc người đi bộ và xe oto tại trung tâm Cairo. Thời điểm xảy ra vụ nổ rất may là vào lúc sáng sớm, khi phần lớn mọi người còn đang ngủ (hoặc đây chủ ý của người đánh bom chăng?) nên thương vong ít. Chiếc xe đặt bom cũng không nằm trên đại lộ lớn, mà nằm ở con hẻm ngay cạnh, mà phía đối diện nó lại là bãi đất trống không người ở... Cố tình gây ít thương vong chăng?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3394_zpsx8nprmeo.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3395_zpswpazaym3.jpg

Bên kia đường, đám đông tụ tập hò hét dữ dội tỏ vẻ phản đối hành động khủng bố. Đôi khi họ lại hát bài hát gì đó dưới sự "cầm đầu" của người đàn ông trọc đầu mặc áo đỏ sọc trắng. Dưới cái nắng gay gắt, cảnh sát ra sức điều tiết làn xe cộ và cả đám đông càng lúc càng đông. Khung cảnh hỗn loạn, dường như chỉ có tôi và tay Jose là khách du lịch với kiểu ăn mặc khác dân địa phương. Đám đông này mà đổ hô tôi là "nghi phạm khủng bố" thì cũng gay go à nha...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3399_zpsryvceqlu.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3400_zpshev0oy45.jpg

HDD82
03-08-2015, 14:37
Tàn dư của chế độ cũ vốn đã tồn tại 30 năm đâu dễ gì năm một, năm hai mà xử lý xong? Jose có thể nói một chút tiếng Ả rập tiến lại bắt chuyện với một người đàn ông địa phương. Anh ta giải thích với chúng tôi rằng đám đông tập hợp ở đây để thể hiện sự phản đối hành động khủng bố, phản đổi đánh bom xe, ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Hành động đánh bom cạnh Lãnh sự quán Italia là có mục đích triệt hạ nền du lịch của Ai Cập, tạo hình ảnh xấu cho đất nước "nghìn lẻ một đêm", khiến du khách phải tránh xa. Thực tế cho thấy là âm mưu nham hiểm này của nhóm Muslim Brotherhood đã thành công, kể từ sau Cuộc cách mạng 2011 (mà người Ai Cập dùng từ Revolution) lượng khách tới đây sụt giảm chắc phải hơn 80%...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3405_zpsukda8nbv.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3403_zps5otdfwkp.jpg

Theo quan điểm của tôi, mục đích của nhóm khủng bố không phải là giết thật nhiều người (đặc biệt là du khách nước ngoài). Nếu không thì tại sao lại nổ bom vào buổi sáng sớm ít người? Tại sao lại đặt bom xe cạnh khu vực trống trải? Mà không phải là ngay trên đường phố đông đúc?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3395_zpswpazaym3.jpg

Nói thì nói vậy thôi chứ chụp xong bức ảnh này tôi phải tìm đường "chuồn" thật nhanh! Lỡ có quả bom xe nào quanh đây còn chưa nổ thì...có mà chạy không kịp! hehe.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3397_zpsvqbsyofx.jpg

Bạn thấy đấy, xứ sở của "Nghìn lẻ một đêm" đôi khi cũng có thể trở thành "Nghìn lẻ một...quả bom". Nó không hẳn là hoàn toàn giống như tưởng tượng của bạn lúc còn ở nhà...

HDD82
04-08-2015, 17:09
Tầm gần 7h tối, tôi và Jose cùng nhau xuống phố tìm “quán ăn” miễn phí dọc đường. Thường thì Jose hoặc tôi, sau khi chọn được “quán ăn” ưng ý xong, giả bộ hỏi: “Chúng tôi có được phép ngồi đây và trả tiền cho món ăn không?”. Câu trả lời tiếp theo thường là “Ồ! Ngồi xuống đây hai anh bạn, chúng tôi sẽ phục vụ cho hai anh miễn phí!”. Thế là chúng tôi cứ đàng hoàng ngồi xuống, làm bộ hơi rụt rè, chờ những dĩa thức ăn miễn phí trong tháng Ramadan dọn ra cho mình. Mỗi “quán” phục vụ một số món ăn khác nhau, ví dụ như quán này là spagetti với hai viên xúc xích được làm từ gan bò.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150711_185906_zpsyiluar0j.jpg

Chỉ có những người dân lao động nghèo mới ngồi tụ tập ở các quán ăn như vậy. Tuy là dân lao động nghèo nhưng tôi và Jose rất bất ngờ nhận được khi thì cái thìa để xúc cơm, khi thì nước uống, khi thì trái táo tráng miệng từ chính phần ăn của họ. Vài người ngồi cạnh còn lớn tiếng gọi người phục vụ mang thức ăn tới nhanh cho chúng tôi, hoặc lấy tay đẩy dĩa thức ăn của mình về phía chúng tôi, kèm theo điệu bộ có thể hiểu rằng “Anh hãy cứ ăn tự nhiên, đừng khách sáo”. Không khí thật đầm ấm!
“Người có điều kiện hơn hãy giúp đỡ người nghèo hơn” rõ ràng là một truyền thống tốt đẹp trong tháng Ramadan. Hồi giáo đang ngày một phát triển tại các nước Châu Âu có lẽ cũng vì những điều này chăng?

Đến 7h rồi... uống nước rồi ăn thôi!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150711_185914_zpsjsvdpcop.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150711_190006_zpsnxyzma18.jpg

HDD82
04-08-2015, 17:11
Một hôm trước khi nằm nghỉ, tôi bâng quơ hỏi Jose:
- Jose! Ông có thể chia sẻ cho tôi câu chuyện tại sao ông lại nhập quốc tịch Đức không?
- Đương nhiên rồi Đông. Cách đây hơn 30 năm, Guatemala có một số người du học sinh sang Đức học. Sau khi học xong, hồi đó nước Đức cần kỹ sư lắm, Đức có các chương trình đãi ngộ những kỹ sư như tôi ở lại làm việc. Điều kiện làm việc và lương tốt lắm! Rồi tôi quen một cô gái người Đức, sau vài năm tìm hiểu thì chúng tôi quyết định cưới nhau…
- Rồi sao nữa?
- Sau đó chúng tôi có một đứa con gái, tên là Maria! Chúng tôi sống khá hạnh phúc! Lúc đó, tôi vẫn luôn có suy nghĩ trở về Guatemala với cha mẹ và gia đình mình. Thế rồi tôi động viên vợ cùng tôi trở về Guatemala sinh sống.
- À!
- Nhưng cô ấy tỏ vẻ không đồng ý! Tôi thì làm công việc kỹ sư phần mềm cho công ty lớn nên đi suốt ngày... Rồi một hôm, tôi phát hiện thấy cô ấy dẫn người đàn ông khác về nhà. Tôi đã rất tức giận và chúng tôi quyết định dắt nhau ra tòa ly hôn. Cưới một phụ nữ Đức thì dễ, ly dị thì rất phức tạp và tốn kém…
- Vậy sao?
- Đúng vậy! Tôi gần như khánh kiệt về tinh thần, không hiểu nổi tại sao cô ấy lại phản bội mình? Và số tiền ly hôn cũng là số tiền lớn… Một thời gian dài tôi chìm vào khủng hoảng! Tôi rời bỏ công việc tại công ty phần mềm lớn và tìm cho mình một công việc tại công ty nhỏ hơn gần nhà để tiện thăm đứa con gái chung của chúng tôi, Maria. Sự đổ vỡ hôn nhân khiến tôi cảm thấy sợ phải lập gia đình lần nữa và sống độc thân hơn 20 năm nay.
- Ờ… Cảm ơn anh đã chia sẻ, Jose! Tôi nói rồi ý định không hỏi thêm nữa để khỏi phải khơi lại quá khứ buồn của anh…
Căn phòng chìm trong bóng tối yên lặng một lúc lâu, đột nhiên Jose hỏi tôi:
- Đông, có bao giờ mày cảm thấy đơn độc không?
- Có chứ! Nhưng cảm giác đó không thường xuyên và không nhiều.
- Ờ… Đôi khi tôi thấy cô đơn. Đứa con gái tôi dường như hiểu nên thường tới chơi với tôi vào mỗi cuối tuần. Nó biết lỗi không phải từ tôi…
- Thế anh có ý định gì cho tương lai không? Tôi chuyển hướng câu chuyện.
- Tôi muốn trở về Guatemala phụng dưỡng cho bố mẹ già. Năm nay họ đã gần 80 tuổi và năm sau tôi có kế hoạch trở về hẳn Guatemala, mở một trường học để chia sẻ kinh nghiệm IT, và để chăm sóc hai cụ. Hơn 30 năm nay, lúc nào tôi cũng muốn về quê! Cho dù tôi phải trả giá cho ý định đó bằng gia đình của mình ở Đức, thì tôi vẫn không từ bỏ!

Tôi thực sự cảm mến Jose không phải vì trình độ IT tuyệt vời của anh, mà vì câu chuyện này. Có cái gì đó gần gũi cảm thông giữa hai tay du lịch ở hai châu lục tình cờ gặp nhau tại Cairo. Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều rằng:

"Thiện căn bởi tại lòng ta.
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài."

Có rất nhiều người trong cuộc sống bạn gặp khoe mình có tài này nọ: tài kiếm tiền, tài đi du lịch, tài viết lách, tài lãnh đạo, tài kinh doanh v.v… Những người này với tôi thật ra không để lại nhiều ấn tượng lắm. Cũng có những người thao thao bất tuyệt hàng giờ liền nào là chữ tâm, nào là hiếu, nào đạo đức, nào là văn hóa v.v… Nhưng hành động của họ lại khác. Còn những người thầy tôi gặp tại đây đng giảng giải cho tôi thấy bằng thực tiễn câu chuyện cuộc đời mình!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150711_173639_zpsprnhqquw.jpg

HDD82
04-08-2015, 17:13
Để tránh bị mang tiếng khi ăn hoài một chỗ, chúng tôi dùng chiến thuật thay đổi “quán ăn” hàng ngày. Tối hôm nay ăn quán này, ngày mai chọn quán khác. Khi nào hết một vòng rồi mới quay lại chỗ cũ… Hoan hô Ramadan!
Mỗi một quán ăn khác đều có thức ăn phục vụ khác nhau, ví dụ như quán này có kèm dưa hấu tráng miệng khá hấp dẫn. Nhiều khi chúng tôi vừa ngồi xuống thì một người đẩy cho chúng tôi hai dĩa thức ăn, người khác đưa cái thìa, người khác thì nhường cho ly nước uống. Cảm giác dường như chúng tôi là một phần của cộng đồng Hồi giáo ở đây! Họ không hỏi chúng tôi là ai, từ đâu tới, và tại sao tới đây? Họ chỉ biết chúng tôi chưa có thức ăn và tất cả đều sẵn sàng sẻ chia phần của mình!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150713_184756_zpsbbn3lohv.jpg

Anh thanh niên này nhường một phần súp, lý do là thấy tôi húp lấy húp để tô súp như kiểu chết đói từ lâu:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150713_185015_zpssu7lsigg.jpg

Mấy đứa con nít thì xúm xa xúm xít lại tò mò nhìn tôi và Jose. Jose thì bề ngoài khá giống với người Ai Cập. Còn tôi quần đùi, dép lê, mũ tai bèo, mày râu nhẵn nhụi lại đeo kính thì rõ ràng là một giống người ngoài hành tinh với chúng. Người Ai Cập không có từ “mũ”, “nón” trong tự điển. Họ không đội mũ! Đàn ông, trẻ em đều đầu trần dưới nắng gắt nên tóc xoăn tít thò lò. Phụ nữ, con gái thì quàng khăn trùm đầu kín mít, không rõ là có tóc hay không?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150713_185224_zpsynsvcu9m.jpg

Người lớn nên bắt chước trẻ em cười nhiều hơn, vì "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ":

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150713_185235_zpspvdim2ly.jpg

Bé gái Ai Cập:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150713_185122_zpsbiua0hiu.jpg

HDD82
04-08-2015, 17:15
Sau vụ nổ bom xe cạnh tòa nhà Lãnh sự quán Italia, an ninh – đặc biệt tại khu trung tâm – được siết chặt hơn. Cảnh sát, quân đội đứng rải rác trên đường với súng ống lăm lăm, đôi khi bắt xuất trình giấy tờ hay hộ chiếu. Chính phủ Italia cũng ngay lập tức tỏ thái độ giận dữ với Ai Cập bằng cách cắt bỏ các chuyến bay tới đây, đồng thời yêu cầu xác minh rõ ai đứng sau vụ khủng bố? Với phương tiện truyền thông nhạy bén với tin tức khủng bố tại Châu Âu, rõ ràng là cả Châu Âu đều biết du lịch tới Ai Cập là không an toàn! Nền kinh tế du lịch nước này thật sự đang khốn đốn…

Một tay Châu Á cũng đang khốn đốn, vật vã với vụ xe cộ. Xe thì ai cũng có thể bán cho tôi, nhưng vấn đề là ai cũng đều yêu cầu tới đồn cảnh sát sang tên đổi chủ. Vụ này thì tôi luôn tránh nếu có thể, vì bản thân mình là khách du lịch ngắn hạn, tới đồn cảnh sát sang tên thủ tục không rõ, lại tốn thời gian. Ngay tại Mỹ, khi mua xe tôi cũng chỉ cầm giấy tờ xe mà đi thôi, không cần sang tên gì cả! Nhưng tại sao ở đây lại khó khăn như vậy? Tôi không rõ!

Đã nhiều ngày trôi qua mà kết quả vẫn không khả quan... Tôi nghĩ đã đến lúc phải ra quyết định! Nếu không chuyến du lịch tại Ai Cập của tôi có nguy cơ thất bại. Bởi vì: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”! Cho dù đã có kinh nghiệm, đã có kế hoạch, đã có sự chuẩn bị nhưng… bạn biết đấy, mọi chuyện đều không diễn ra suôn sẻ!

Giống như lần đi qua cửa khẩu Chalo vào Lào không suôn sẻ với chiếc Honda Maga 750, lúc đó tôi phải gửi chiếc Honda tại đồn biên phòng, quá giang trên một chiếc container vào Lào tại topic “Ký sự Đông Dương – Phần 2”. Nếu cứ khăng khăng vào kế hoạch cũ thì sẽ thất bại…

Bầu trời khuya của Cairo lấp lánh vì sao, không khí trong lành và mát mẻ. Ngoài ban công khách sạn, một tay Châu Á đang lặng lẽ nghe vài điệu dân ca hòa tấu Việt Nam. Điệu nhạc du dương từ chiếc đàn bầu vang lên trong bóng tối tịch mịch:

“Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/ Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khuya nước ven sông/

Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che/ Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm/
Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một Mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người/”

Ở quê nhà, chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” vẫn diễn ra đều đặn 02 tuần/ lần tại BV Ung thư Đà Nẵng nhờ các thủ lĩnh tình nguyện tâm huyết. Mọi chuyện ở nhà vẫn ổn… Bóng tay Châu Á trải dài ra nền nhà dưới ánh trăng Ai Cập, tâm hồn tĩnh lặng theo từng điệu nhạc quê hương

Sáng hôm sau hắn nhảy lên xe buýt đi vào sa mạc Sahara, bỏ lại ngoài ban công bản kế hoạch dang dở…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3539_zpsudezhuq1.jpg

pinky2510
05-08-2015, 10:43
Như vậy là kinh nghiệm nên đi Ai Cập vào tháng Ramadan để có bữa ăn ban ngày miễn phí nhỉ :D

HDD82
05-08-2015, 15:45
Như vậy là kinh nghiệm nên đi Ai Cập vào tháng Ramadan để có bữa ăn ban ngày miễn phí nhỉ :D

Bữa ăn ban ngày miễn phí và xem trình diễn cháy nổ miễn phí... ;)

HDD82
05-08-2015, 16:09
Phần 4: Ốc đảo Brahyia - Sahara:

Những dòng chữ Ả rập chi chít tại nhà ga xe bus trung tâm Cairo dường như không làm tay Châu Á, đang kéo chiếc vali màu đỏ to tướng, bận tâm mấy. Không có dòng chữ tiếng Anh nào tại các nhà ga cũng là điều bình thường, giống như tại Trung Quốc, hoặc Thái lan, Campuchia. Đám đông người qua lại tấp nập, tiếng loa huyên náo ồn ào của Tp hai mươi triệu dân cũng không làm hắn khiếp sợ, bởi không nơi nào đông đúc hơn tại nhà ga New York, Mỹ.

Hàng chục quầy vé, hàng chục hãng xe, xe nào tới Brahyia? Hắn tới cạnh một dòng người đang xếp hàng trước một quầy bán vé, hỏi thăm một anh thanh niên trẻ tuổi:

- Brahyia? Anh ta hỏi lại tôi thăm dò. "Nó là ốc đảo đấy nhé, không có khách du lịch đâu. Anh có chắc là anh muốn tới Brahyia?". "Đúng rồi! Mong anh giúp đỡ chỉ cho quầy bán vé". Anh ta chỉ tay tới một quầy bán vé trống trơn, không có ai xếp hàng...

- Salam Alây ri cum! Tôi chào anh chàng bán vé. "Brahyia".
- Alây ri cum salam! "65 đồng" (hơn 200k VNĐ). Anh chìa ra tờ vé cũng chẳng có lấy nổi một chữ cái Latin trên đó...
- Su-cơ-ràn. Cảm ơn!

Một tiếng đồng hồ sau, chiếc xe buýt màu xanh nước biển cũ kỹ của hãng Upper Egypt Company chở theo mấy chục hành khách bản xứ và một tay ngoại quốc nhằm hướng sa mạc thẳng tiến. Ngồi cạnh hắn là một người đàn ông Ai Cập to béo, bồng đứa con nhỏ, đi theo sau là hai bà vợ tướng tá hộ pháp, toàn thân diện một màu đen che kín chỉ trừ cặp mắt. Giống dân Ai Cập cũng có tính tò mò rất cao: Hai bà vợ ngồi xéo bên trái cứ liếc mắt nhìn tôi ra vẻ rất tò mò, tay Ai Cập cũng cười xòa xòa hỏi han tôi vài câu, nhìn gương mặt nhẵn nhụi của tôi ra vẻ thắc mắc tại sao đàn ông mà ít râu ria, lông lá quá vậy???

Xe lăn bánh được chừng hơn một tiếng, hành khách trên xe bắt đầu ngủ gà ngủ vịt. Tài xế bật bài tụng kinh Koran trên đĩa CD, là bài tụng kinh không có kèm theo âm nhạc phụ họa (giống như tụng kinh niệm Phật có tiếng gõ mõ cốc cốc), mà chỉ có một giọng đàn ông khàn khàn, lúc lên lúc xuống, lúc trầm lúc bổng như thôi miên trí óc người ta. Nhưng hắn không bị thôi miên bởi giọng đọc kinh Koran, mà bởi cảnh sa mạc với các đụn cát màu vàng trơ trụi, ánh mặt trời chiếu bỏng rát khắp nơi không có lấy một bóng râm, dù là nhỏ nhất. Không hề có dấu hiệu nào của sự sống: Không làng mạc, không cây cối, không chim chóc, không bóng râm, không có gì cả! Hắn tự hỏi: Đây là Trái Đất hay là bề mặt Sao Hỏa??? Thế rồi, đầu óc hắn dần dần mụ đi dưới tiếng kinh koran đều đều như tiếng ve kêu...

Bỗng thức giấc nghe tiếng người xôn xao, mọi người đang lục đục xuống xe. Đồng hồ lúc này chỉ hơn 12h trưa, tức 6 tiếng đã trôi qua rồi. Luồng hơi nóng hầm hập xô vào người khi vừa bước ra ngoài cửa xe. Hơn sáu tay thanh niên địa phuơng chờ sẵn ùa tới, kẻ kéo tay, người nắm chân lôi, giựt. "Về nhà trọ của tao nhé". Một người nói chưa kịp xong thì... "Không, mày về khách sạn của tao...". Chờ cho đám đông ẩu đả chán chê, tôi mới thong thả nói: "Các anh cứ ngồi xuống đây đã. Nhiều người nói quá thì tôi không nghe gì cả. Từng người một nói nhé, đầu tiên là anh này...".

Thấy không ăn thua với tay Châu Á tỏ vẻ đầy kiên nhẫn và từ tốn này, đám đông dần dần dịu lại. Tôi để ý đến một tay trung niên, khuôn mặt dài như mặt ngựa, mặc áo váy dài màu xanh nhạt, đặc biệt nài nỉ tỏ ra rất cần tiền. Hễ ai ra giá nào, hắn liền nài nỉ tôi với giá thấp hơn. "Tốt! Tay nào càng nôn nóng chứng tỏ cần tiền, càng dễ thương lượng". Tôi nghĩ thầm. Rồi tôi và Aiman (tên của người đàn ông) về khách sạn, giá phòng 50 đồng bảng/ngày (khoảng 140k). Cả khách sạn rộng mà trống trơn, không một bóng khách du lịch. Rõ ràng nền kinh tế du lịch Ai Cập đang không được tốt!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_181507_zpsjzplmqq1.jpg

Vài cây xanh hiếm hoi đem lại bóng mát cho con người:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3411_zpsoqit7pbb.jpg

HDD82
05-08-2015, 16:11
Cảnh sinh hoạt bình thường của người dân tại Brahyia:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_182730_zpscsop0uos.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_182651_zpsfng4dhxe.jpg

Và "Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)", với chữ "bằng xe gắn máy" trong ngoặc, khiêm tốn từ từ lăn những vòng quay đầu tiên sau 10 ngày tại Ai Cập...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150717_085822_zpsix3jjtvj.jpg

HDD82
05-08-2015, 16:13
Ốc đảo là nơi duy nhất trên sa mạc tồn tại màu xanh của cây cối! Lý do tại sao giữa sa mạc lại có nước? Tôi không rõ lắm. Các mạch nước ngầm chảy như thế nào mà tự dưng nước lại trào lên giữa sa mạc để sự sống sinh sôi tươi tốt? Có một điều chắc chắn Sahara hàng trăm nghìn năm trước không phải là vùng đất chết, mà ngược lại: Nó từng là đáy đại dương, bị tác động bởi lực nâng khi va chạm của hai mảng lục địa Âu - Phi. Các nhà địa chất học phát hiện thấy nhiều hóa thạch vỏ sò, ốc biển thời cổ đại và rất nhiều bằng chứng khác ngay tại Sahara. Ngoài ra, nó từng là vùng đồng bằng rộng lớn, trù phú, tươi tốt với nhiều bộ lạc sinh sống. Các hình vẽ của người cổ đại trong nhiều hang động ở sa mạc đã cho thấy điều đó. Khí hậu Trái Đất hàng trăm nghìn năm qua rõ ràng đã có những sự thay đổi rất lớn. Sự thay đổi nhiệt độ, thay đổi các dòng nước đối lưu, sự kiến tạo địa chất do va chạm lục địa v.v... đã biến những vùng đất từ rừng rậm thành sa mạc, và ngược lại.

Nói rộng ra hơn một chút, Châu Phi lục địa không có hình dạng bằng phẳng như Châu Úc. Châu Úc như một chiếc bánh rán khổng lồ, trung tâm châu lục này hoàn toàn khô cằn và bằng phẳng. Còn các nước ở "giữa" Phi châu như Ethiopia, Sudan, Tanzania, Zimbawue v.v... có độ cao tương đối so với mặt nước biển, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, nằm gần đường xích đạo hơn so với Ai Cập nhưng do mưa nhiều nên có các khu rừng nguyên sinh rậm rạp, khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Các con sông thường có nguồn gốc từ các đỉnh núi cao tại trung tâm châu lục này, ví dụ như sông Nile chẳng hạn. Còn các nước Bắc Phi như Ai Cập thật ra lại nóng nhất và khô hạn nhất, cho dù nó nằm ở "ngoài rìa" châu lục, nằm xa đường xích đạo.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3415_zpscfjcaesk.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3419_zpsssjy6jae.jpg

"Ở đâu có sự sống, ở đó có nước"... ý lộn... "Ở đâu có nước, ở đó có sự sống":

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3422_zpsqork4yyk.jpg

HDD82
05-08-2015, 16:15
Nước được bơm lên từ các giếng khoan sâu 400m, 600m, 1000m vào lòng đất. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp và du lịch. Du lịch thì tập trung vào mùa đông, vì bớt khắc nghiệt hơn. Mùa hè thì họ trồng trọt. Thời tiết ở sa mạc Sahara có hai mùa rõ rệt: mùa đông và mùa hè. Mùa đông thì ban ngày nóng, ban đêm lạnh. Mùa hè thì ban ngày và ban đêm đều nóng (nhưng ban đêm mát mẻ hơn), nhiệt độ ban ngày có thể lên 50 độ C, không khí rất khô. Ước lượng mỗi năm ốc đảo này tiếp nhận không quá ... 4 cơn mưa, lượng mưa mỗi năm không quá vài chục mililit.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3423_zps1qiffzqz.jpg

Do lượng mưa ít như vậy nên cây ở đây có lá nhỏ (dạng lá gai) để hạn chế nước bốc hơi:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3425_zps3wlxpsqk.jpg

Cây chà là là cây trồng chính của dân địa phương. Hạt cây chà là béo và ngọt dùng chế tạo nhiều loại thực phẩm ngon và có giá trị kinh tế cao. (Một kg hạt chà là khi thu hoạch có giá cỡ 100 đồng bảng Ai Cập). Dưới cái nắng khủng khiếp của sa mạc, có thể hình dung những chùm chà là trĩu quả khi chín sẽ ngọt như thế nào (tương tự như Bình Thuận có giống nho trồng trên cát rất ngọt). Chà là tôi không biết ở Việt Nam có vùng nào trồng không, nhưng đây là loại cây rất phổ biến ở Ai Cập: dọc lưu vực sông Nile và rất nhiều tại các ốc đảo.

Một vườn cây chà là của người dân:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3427_zpskyb9xqrs.jpg

Thân của chúng trông khá lạ mắt. Một cây trưởng thành cho thu hoạch trung bình 90kg hạt. Một năm người dân thu hoạch một lần vào tháng 9, tháng 10. Thời điểm tháng 7 là lúc các hạt còn đang non và xanh.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3428_zpsgf7g8khu.jpg

Phanthanh
05-08-2015, 21:25
Mình xin có ý kiến với chủ thớt trong tinh thần dè dặt thôi, mong chủ thớt thẩm tra lại. Thứ 1, xứ "nghìn lẻ một đêm" hình như là vùng Iran và Irag hiện nay, với thành phố đặc trưng là Bá Đa, chứ không phải là Ai Cập. Thứ 2, tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ tổng thống Mohamed Morsi chứ không phải tổng thống Mubarak. Nếu có gì không đúng thì xin bỏ quá cho.

doun
07-08-2015, 01:48
Mình xin có ý kiến với chủ thớt trong tinh thần dè dặt thôi, mong chủ thớt thẩm tra lại. Thứ 1, xứ "nghìn lẻ một đêm" hình như là vùng Iran và Irag hiện nay, với thành phố đặc trưng là Bá Đa, chứ không phải là Ai Cập. Thứ 2, tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ tổng thống Mohamed Morsi chứ không phải tổng thống Mubarak. Nếu có gì không đúng thì xin bỏ quá cho.

Em cũng trên tinh thần dè dặt mà có đôi nhời còm-men. Hình như em cũng đồng ý với bác Phanthanh về vụ Nghìn đêm lẻ 1 và anh chàng Alibaba có quê gốc ở xứ Ba Tư. Vụ băng đảng Anh em Hồi giáo thì em tịt

à, mà còn vụ Câu đố Nhân sư nổi thì hình như là của con Nhân sư ở bờ bên kia Địa Trung Hải, ở xứ sở của 2 cậu họ Héc là Héc-To, Héc - Quin và anh chàng A-Sin. Con nhân sư này hình như là con cái. Bo - đì của nó là: Mặt mỹ nhân, mình sư tử, đuôi rắn, cánh chim. Nó gác cổng thành phố Thebes. Ngoài cái câu hỏi về con vật 2-3-4 chân nó còn có câu hỏi nữa là "Một người sinh ra người kia và người kia lại sinh ra người này". Sau vụ bị Oedipus tìm ra đáp án, nó xấu hổ quá nhảy lầu quyên sinh.

https://farm1.staticflickr.com/334/20356464421_2ef973caf1_o.jpg (https://flic.kr/p/x1QcEv)1-6783-1434443556 (https://flic.kr/p/x1QcEv) by doun123 (https://www.flickr.com/photos/82584846@N03/), on Flickr

Hehehe, góp vui với bác cho nó có thành tích bốt bài. Nhà em mời bác HDD82 tiếp tục biên chuyện. Em thích bác rồi đấy.

HDD82
07-08-2015, 23:23
Một hạt cây chà là rơi rụng dưới đất... Chúng là nơi trú ngụ lý tưởng cho các loại sâu bọ vì bên trong ẩm, lại có đường ngọt:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3431_zpssinlmlsw.jpg

Chùm cây sai trĩu quả:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3433_zpst8npktg9.jpg

Đi sâu vào bên trong vườn, người dân trồng cả mía xen lẫn với chà là. Thời tiết trong này mát mẻ và dễ chịu hơn gấp trăm lần ngoài sa mạc (chỉ cách đó khoảng vài trăm mét):

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3434_zpsslxh9agu.jpg

Tôi hái thử một quả còn xanh cho vào miệng nếm thử, vị chát và cứng gần như không ăn được:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3437_zps0jbv5tku.jpg

HDD82
07-08-2015, 23:26
Người đàn ông này đang chuẩn bị tháo nước từ một hồ chứa nhỏ để tưới cho cây trong vườn. Cách khoảng một tuần người ta lại tháo nước vào vườn một lần. Chà là đang độ chín quả nên cần chăm sóc tưới tiêu đều đặn. Điều tốt là người dân địa phương xây dựng một nhà máy chế biến quả cây và xuất khẩu trực tiếp sang các nước Châu Âu với giá thành tốt. Còn trồng trọt xong mà không chủ động được khâu chế biến, tiêu thụ để rồi bị thương lái ép giá thì rõ ràng là không tốt.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3439_zps6oxhricf.jpg

Dòng nước xối xả chảy vào vườn cây:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3440_zpswlsjcsdt.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3441_zpsu4am0aux.jpg

"Một cây trưởng thành có thể mất 20-25 năm. Hai đốt đầu tiên của cây cần 1 năm. Hai đốt tiếp theo cần 2 năm." Aiman giải thích cho tôi cách ước lượng tuổi của cây.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3444_zps95h4bher.jpg

HDD82
07-08-2015, 23:28
http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150717_085407_zpshsns9vnr.jpg

Ông già cưỡi lừa này phóng nhanh quá. Tôi dừng xe lại canh lúc ông chạy qua để chụp mà không kịp, đành bị lố:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150717_085411_zpsfd9qjtzn.jpg

Chiếc xe tôi đang lái ở trên là thuê của Aiman, chứ không phải mua! Mua xe máy tại đây cũng phải sang tên đổi chủ, không có gì thay đổi !

Xe gắn máy tại Cairo và Brahyia 90% là xe Trung Quốc với các thương hiệu nhìn biết ngay xuất xứ “Hồ Cẩm Đào” như Dayun, Keweseki v.v… Người lao động, người có thu nhập thấp sử dụng chúng trong các hoạt động đi lại hàng ngày vì giá rẻ. Một chiếc xe dạng như hình bên dưới đời 2015 có giá hơn 7.000 bảng Ai Cập (18-20tr VNĐ). Giá rao bán trên mạng một chiếc đời 2014 khoảng 6.000 bảng, đời 2013 khoảng 5.000 bảng, đời 2011 khoảng 3.000 bảng. Những chiếc đời 2011 phải nói là khá “nát”, bề ngoài thường rất xập xệ và không đáng tin cậy cho lắm vì là xe Trung Quốc. Xe phân khối lớn mới có hiệu Honda, Kawasaki, Suzuki và giá cả thì cao tương đương như Việt Nam.

Điều kiện để lưu thông trên đường là xe phải có đăng ký, bảo hiểm và giấy đăng kiểm còn thời hạn. Nếu như tại VN , việc mua xe máy không sang tên là chuyện quá phổ biến và dễ dàng, ngay tại Mỹ tôi cũng mua một xe máy không cần sang tên, thì tại Ai Cập lại khác hẳn. Có lẽ là vấn đề an ninh (mà tôi sẽ tiếp tục chia sẻ ở các bài viết sau) và ý thức của người dân. Ý tưởng mua một chiếc xe máy khi đi du lịch, chạy xong rồi bán lại, là ý tưởng hay nhưng không khả thi tại Ai Cập, bởi vì khi du lịch bạn không có nhiều thời gian.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_181735_zpssqzwdhow.jpg

HDD82
07-08-2015, 23:32
Ốc đảo Barahyia có một khu quân sự ở đầu làng, có nhiệm vụ canh phòng, một trạm gác khác ở ngay giữa làng. Không như các quốc gia khác, các trạm gác dựng chướng ngại vật, rào chắn, thùng phi ngay trên đường, và quân đội (mặc dù tỏ vẻ thân thiện) vẫn súng tiểu liên, súng ngắn, áo giáp chống đạn, ngồi trong lô cốt, xe thiết giáp tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ở giữa làng là một ụ gác với xe thiết giáp và rào chắn là tấm thép kim loại chống đạn. Cảnh tượng giống như Việt Nam ta thời còn chiến tranh chống Mỹ trong phim tư liệu. Sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi chưa từng thấy cảnh quân đội canh gác làng mạc như vậy. Cảm giác luôn luôn có gì đó bất an, không hiểu tại sao nhưng cảm giác bất an cứ quanh quẩn trong tâm trí…

Dù sao cũng thông cảm với nhân dân Ai Cập đang ở tình trạng chính trị chưa ổn định. Nhóm Hồi giáo Muslim Brotherhood đánh bom xe khủng bố tại một số thành phố, ngoài ra còn lấy cảnh sát và quân đội làm mục tiêu tấn công. Ốc đảo trên sa mạc cũng không phải ngoại lệ: cách đây 4 tháng, chúng dùng vũ khí tấn công một trạm gác tại ốc đảo Frafara giết hơn chục người. Thêm nữa, sa mạc Sahara là khu vực biên giới chung giữa Ai Cập và Lybia. Lybia cũng đang rơi vào tình trạng phiến quân tấn công và mất an ninh. Nơi tôi đang đứng – Brahyia – cách Lybia chỉ 500km về phía Tây mà thôi… Bên trong mất ổn định với nhóm Muslim Brotherhood, bên ngoài biên giới Ai Cập với các nước láng giềng cũng xảy ra xung đột. Ác liệt nhất là miền Bắc Sinai (giáp với Israel). Bán đảo rộng lớn này từ lâu bị cá nhóm nổi dậy chiếm quyền kiểm soát và liên tục tấn công vào quân đội, âm mưu mở rộng lãnh thổ, tuần trước chúng đã lần đầu tiên tấn công bằng tên lửa vào chiến hạm trên biển của Hải quân Ai Cập.

Nên nhớ Ai Cập đang sở hữu kênh đào Suez với giá trị kinh tế lớn, Bắc Sinai là nơi giáp với khu vực này nên chính phủ hoàn toàn không muốn tình hình ở đây bất ổn… Thời sự tin tức những ngày qua chiếu cảnh các tiêm kích của không quân Ai Cập xuất kích bay lượn trên bầu trời, vừa phô trương thanh thế, vừa trấn áp nổi loạn tại Bắc Sinai cả trên không, trên biển và trên bộ. Bắc Phi, Trung Đông rõ ràng có phong cảnh đẹp nhưng là khu vực bất ổn nhất trên Thế giới…

Trở lại với ốc đảo Brahyia, nơi đây hoàn toàn bình thường, nhưng sự hiện diện của quân đội với độ sẵn sàng cao luôn khiến du khách cảm thấy có điều gì đó bất an… Mỗi lần lái xe qua các trạm gác, tôi cố tỏ ra bình thản nhưng thật sự chỉ muốn vượt qua thật nhanh. Sa mạc Sahara với nhiều ngóc ngách chưa được khám phá luôn vẫy gọi, mời chào. Vâng! Cairo có thể giữ cho mình bí ẩn Kim tự tháp Pharaon, Luxor cất giấu vẻ đẹp của các đền thờ thần cổ đại, còn Sahara là một kho báu bất ngờ Ai Cập gửi tặng cho du khách, kho báu của “Alibaba và 40 tên cướp”…

Ngọn núi đá đen nằm cạnh làng Brahyia. Không phải đứng ngắm nghía "người đẹp" từ xa...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3448_zpsxkmzelsi.jpg

... mà tiếp cận lại gần...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3453_zpsjpqwkxus.jpg

... sờ nắn, xoa bóp...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3454_zpsllsgz83p.jpg

... lật tới, lật lui...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3457_zpshnb55lkn.jpg

Vậy mới thật là đã!!!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3459_zpsi9hqkffe.jpg

tunbo
08-08-2015, 14:37
Một dòng chữ Ai Cập cổ được giới khảo cổ phát hiện thấy trên một phiến đá vào ngôi đền nhỏ. Giới khảo cổ Việt Nam giải mã ý nghĩa của dòng chữ này như sau:

"Nếu bạn đọc topic đến thời điểm này mà chưa chịu Like hay Comment thì bạn sẽ phải nằm trong kim tự tháp" :D



(Phải) nằm trong kim tự tháp, cùng lắm là ... chết chứ gì. Chết mà được táng trong kim tự tháp thì cũng không phải là cái gì đó quá thiệt thòi.
Mặc dù biết bạn này đùa, nhưng comment ở đây, không phải là sợ "phải nằm trong kim tự tháp" :D


1. Ngay bài đầu tiên bạn nói :


Thế là…
“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” trong ngoặc được phép ra đời!
Sở dĩ như vậy vì xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm”, “Xác ướp Ai Cập”, của “Alibaba và 40 tên cướp” này thật khác xa với những quốc gia mà tôi đã từng đặt chân tới, khác xa với những trải nghiệm tôi có với các nước trong khu vực và Châu Âu, Mỹ



Lời Comment thế này : Bộ sách "Nghìn lẻ một đêm", tuy bản lưu truyền ngày nay được cho là xuất phát từ Ai Cập hồi thế kỷ XV, nhưng nguồn gốc của nó là tập hợp những truyện thần thoại Ba Tư cổ từ những thể kỷ IX hay X trước đó.
Về nội dung, tuy rất đa dạng trong nhiều câu chuyện, nhưng đại khái bối cảnh là việc cô nàng Sheherazade kể chuyện hầu ông vua Ba Tư để tìm cách thoát cái chết. Bối cảnh của các chuyện của nàng kể, xảy ra ở phương Đông, phần lớn xoay quanh các thành phố huyền thoại Bagdad, Cairo và Damascus.
Ngày nay, khi nói [sứ sở "nghìn lẻ một đêm"], người ta ám chỉ vùng Trung Đông - đại diện của Ba Tư ngày xưa, giờ là Iran, Iraq; hay khi nói [thành phố "nghìn lẻ một đêm"], là người ta nói đến thành Bagdad.

Bạn nói Ai Cập là xứ sở của "Nghìn lẻ một đêm" nghe không hẳn sai, nhưng quá khiên cưỡng; nói Ai Cập là xứ sở của "Alibaba và 40 tên cướp" còn khiên cưỡng hơn nữa, vì dẫn truyện của nàng Sheherazade nói rằng anh em Cassim và Ali Baba là người Ba Tư, không phải Ai Cập.

(Có lẽ có truyện "Aladin và cây đèn thần" thì liên quan đến Ai Cập nhiều hơn)



2. Sau đó bạn có nói :

Kể từ sau chuyến đi Trung Quốc, tôi mới nhận rõ một điều, điều tôi chưa từng làm trước đó: Tìm hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, địa lý, kinh tế, thậm chí cả chính trị tại đất nước mà mình tới thăm sẽ giúp phong phú thêm trải nghiệm và bổ sung vào chuyến đi thêm nhiều điều thú vị. Du lịch lướt qua các danh lam thắng cảnh cũng tương tự như ngửi thấy mùi thơm của một ly café – như vậy chưa đủ - cần phải thưởng thức nó trong một khung cảnh phù hợp, với một lượng kiến thức vừa đủ về cách pha chế, nguyên liệu v.v… và v.v… để có thể nói là trải nghiệm.


Không biết có phải chuyến đi Trung Quốc ấy là chuyến này không : https://www.phuot.vn/threads/111242-Nh%E1%BA%ADt-k%C3%BD-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-Trung-Qu%E1%BB%91c-T%C3%A2y-T%E1%BA%A1ng-b%E1%BA%B1ng-xe-g%E1%BA%AFn-m%C3%A1y/page13
Nghe đoạn tự sự nói trên thật đầy tính triết lý, với những ví von tuyệt vời, tiếc rằng dù bạn nói như thế, nhưng khi tìm hiểu về Ai Cập, bạn vẫn còn chưa tìm hiểu kỹ.
Về việc gọi Ai Cập là [xứ sở của "Nghìn lẻ một đêm"], hay [sứ sở của "Alibaba và 40 tên cướp"], đã nói ở trên rồi.

Đây nói đến việc khác :



Thứ ba cũng không kém phần quan trọng là bất ổn chính trị. An toàn là điều khiến mọi người lo ngại khi đi du lịch. Nhưng tại sao lại có bất ổn chính trị? Ai Cập đã từng có thời gian ổn định 30 năm dưới thời của Tổng thống Hosni Mubarak. Ba thập niên làm tổng thống khiến nhiều người – nhất là lớp trẻ Cairo – không thích và xem ông như là kẻ độc tài, người đã làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, hạn chế tự do ngôn luận, khiến tham nhũng, lạm phát tăng cao cùng nhiều vấn đề khác

Đỉnh điểm của sự phản đối của dân chúng với chế độ T.T Mubarak là vào tháng 1 năm 2011 khi biểu tình bùng phát khắp cả nước, nhất là tại Cairo. Hơn 02 triệu người đã tập trung tại Quảng trường Tahir để thể hiện sự phản đối. Biểu tình nhanh chóng trở thành bạo loạn lật đổ, khi người dân dường như được tiếp thêm niềm tin từ “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia, nơi lần đầu tiên một tổng thống Ả rập bị lật đổ bởi sức mạnh của nhân dân. Kết cục thì ai cũng biết, ông Mubarak bị bắt giam và Ai Cập có tổng thống mới thông qua bầu cử.

Tuy nhiên, phe ủng hộ T.T cũ thành lập một tổ chức gọi là Moslim Brotherhood thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công, đánh bom xe gây bất ổn. Mục đích là hạn chế số lượng khách du lịch tới Ai Cập và tổ chức này đã thành công, mặc cho nỗ lực của chính phủ mới cố gây dựng lại hình ảnh an ninh.


Chỗ này bạn viết nhầm lẫn nghiêm trọng. Cuộc biểu tình lớn năm 2011 khiến tổng thống Mubarak bị lật đổ là do lực lượng Muslim Brotherhood làm nòng cốt, chứ viết như bạn, người ta lại hiểu thành Muslim Brotherhood ủng hộ tổng thống (cũ) Mubarak.
(Có thể tạm coi) Muslim Brotherhood lật đổ Mubarak, thì người của Muslim Brotherhood là Mohamed Morsi lên làm tổng thống Ai Cập ngày 30.6.2012 thông qua bầu cử dân chủ, nhưng đến 3.7.2013 thì chính ông Morsi bị lật đổ bởi lực lượng quân đội Ai Cập (và dân chúng, dĩ nhiên). Kể từ khi Morsi bị lật đổ, tổ chức Muslim Brotherhood bắt đầu tổ chức các cuộc tấn công, đánh bom gây bất ổn.

Bạn viết :

6 giờ 30 phút sáng ngày Thứ 7, một tiếng nổ "BÙM" chát chúa xé nát bầu không khí yên tĩnh một buổi sáng sớm Ramadan tại Trung tâm Cairo!
...
Vụ nổ bom từ những phần tử quá khích Muslim Brotherhood (phe ủng hộ cựu T.T Mobarak) nhanh chóng được các hãng thông tấn lớn trên TG phát đi trên kênh thời sự nhanh...

Đọc đoạn bôi đậm tôi nghi ngờ quá, người dân thường như tôi còn thấy sai, làm gì có chuyện các hãng thông tấn lớn trên thế giới phát đi thông tin vớ vẩn [Muslim Brotherhood (phe ủng hộ cựu T.T Mobarak)] như thế được.


3. Đọc tiếp đoạn sau (qua cái post - đùa - đòi like với comment của bạn) tôi mới thấy có bạn Phanthanh cũng đã chỉ ra mấy cái điểm sai của bạn :

Mình xin có ý kiến với chủ thớt trong tinh thần dè dặt thôi, mong chủ thớt thẩm tra lại. Thứ 1, xứ "nghìn lẻ một đêm" hình như là vùng Iran và Irag hiện nay, với thành phố đặc trưng là Bá Đa, chứ không phải là Ai Cập. Thứ 2, tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ tổng thống Mohamed Morsi chứ không phải tổng thống Mubarak. Nếu có gì không đúng thì xin bỏ quá cho.

Bạn Phanthanh góp ý rất lịch sự, và góp ý đúng, nhưng sau đó bạn vẫn vào tiếp tục paste tiếp bài, không đả động gì ý kiến góp ý của bạn ấy, coi như việc sai ấy là của ai chứ chả phải của bạn?

Sai, nhầm lẫn,... là chuyện bình thường trong cuộc sống, có cái sai sửa được, có cái không sửa được. Cái sửa được thì sửa chứ có gì đâu nhỉ?
Không biết bạn không đọc góp ý của độc giả theo dõi câu chuyện của bạn, hay thế nào?
Đoạn trước bạn "nhắc" khéo mọi người like và comment, nhưng lúc người ta comment vạch cái sai của bạn, bạn lờ đi như chả có chuyện gì? Like bạn đấy :D
Còn nếu bạn không sửa (những cái sai người ta chỉ ra) thì ít nhất bạn cũng nên lên tiếng - ngắn gọn - là "Tôi không sai" cho người ta biết để ... tìm hiểu lại. Hay việc lên tiếng đáp lại đó, bạn cho là không cần thiết?

Lâm Đại Ngọc
09-08-2015, 16:22
@Tunbo, Phanthanh, doun: Các bác thông cảm, chủ thớt tuy là giảng viên nhưng kiến thức thường lắm :D. Với tinh thần duy ngã độc tôn nên tư tưởng vẫn còn bảo thủ, việc nhận sai vấn đề j đó hình như quá nguy hiểm với anh ấy :shrug:. Ở thớt kia, chủ thớt k nhận dạng đc đâu là Tibet và đâu là không thuộc Tibet, thông tin lằng nhằng, nhầm lẫn, đánh đố bạn đọc thì ở thớt này việc ấy cũng thường thôi =))

doun
09-08-2015, 23:32
Không ai hiểu biết hết cái thế giới này. Không nên quá căng thẳng phê phán nhau với giọng cay cú.
Cái gì hay thì đọc, không thích thì bỏ qua. Chân tình thì góp ý. Có ảnh hưởng đến thu nhập hàng tháng của mình đâu nhỉ
Mang cái bực dọc vào người chẳng có lợi gì cho chính bản thân.

volty
10-08-2015, 14:01
khoái bạn đông lâu rồi, doc rat nhiều topic cua ban, vẫn giọng văn đầy dí dỏm, mong duoc tiep tuc cùng bạn trên những chặng đường Ai cập....sức khỏe nhé bạn

HDD82
10-08-2015, 17:22
Mỗi lần lái xe tại nước ngoài đều mang tới rất nhiều cảm xúc, và phải thú nhận là cảm xúc này điều khiển chiếc xe loạng choạng trong những mét đầu tiên. Lần nào cũng vậy, xe gì cũng thế, cứ loạng choạng… Nếu cứ đem những kinh nghiệm sẵn có của mình ra để suy luận thế giới thì thuê xe máy tại Ai Cập sẽ dễ dàng, như kiểu tại Việt Nam muốn thuê xe lúc nào chẳng có? Có phải vậy không?

Aiman theo Đạo Hồi, ông nội là người Lybia, không lạ gì trong làng có nhiều người gốc Lybia vì thời xưa nhiều bộ lạc từ Lybia tràn từ sa mạc qua đánh chiếm vùng đất nhiều tài nguyên nước này, nhiều người trong số đó định cự tại đây. Tôi thấy trong giọng nói cũng như cử chỉ Aiman có vẻ gì đó thành thật. Khi tôi đặt vấn đề thuê xe, lão tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên và đặt nhiều thắc mắc. Tôi có thể đọc thấy sự ngạc nhiên trong ánh mắt lão, khuôn mặt lão ngây ra một lúc: Xe máy thì có gì hay? Rồi nếu tôi gặp vấn đề gì (như tai nạn chẳng hạn) thì lão sẽ thấy rất áy náy. Lão cứ nhắc đi nhắc lại như vậy một cách ái ngại. Một cách chân thành, không có nhiều người cho thuê/mượn xe lại quan tâm đến vấn đề an toàn hành khách, vấn đề là đưa tiền đây rồi anh có thể đi, thế thôi! Nhưng có vẻ như Đạo Hồi nghiêm cấm (hoặc bản tính từng người) đã tạo nền tảng đạo đức xã hội tương đối tốt, đó là điều tôi cảm thấy.

Aiman một hôm mời tôi về nhà ăn tối một bữa cùng gia đình lão. Đây là dịp may để tôi có thể quan sát sinh hoạt trong một gia đình Hồi giáo. Với rất nhiều điều cấm kỵ dành cho phụ nữ, trong sinh hoạt nói chung nên tôi phải hết sức cẩn thận trong giao tiếp, ứng xử, hành vi để không mắc phải điều gì đó có thể khiến họ tức giận.

Khoảng gần 7h tối, tôi có mặt tại nhà Aiman. Nhà của người dân ở đây xây bằng đất thấp lè tè, bề ngoài nhìn rất lụp xụp, ngoài đường toàn đất cát còn tệ hơn nhiều vùng nông thôn Việt Nam. (Đối lập với các Nhà thờ luôn sang trọng, đẹp đẽ). Aiman sống trong gia đình lớn bao gồm gia đình người anh trai, bố mẹ. Thằng cháu trai Aiman mở hé cửa dòm dòm nhìn tôi một lúc xong chạy vào trong kêu toáng lên “Đến rồi”, thông báo cho cả nhà cùng biết. Vợ Aiman phải đeo khăn trùm kín mặt nên tôi không được phép ăn chung mâm (có lẽ khi ăn, người phụ nữ phải dỡ khăn lên để cho thức ăn vào miệng, và nguy cơ bị khách nhìn thấy mặt là rất cao), mà ngồi riêng một mâm tại phòng khách cùng Aiman. Thằng cháu Aiman tên là Admet bưng lên cho tôi và Aiman cái mâm gồm hai dĩa: Dĩa trái chà là màu vàng vàng, trái nào trái nấy căng tròn mập ú, và một dĩa dưa sọc. Tháng Ramadan đã rất vất vả, ở sa mạc lại càng vất vả hơn vì cơ thể con người cần rất nhiều nước. Âm thanh báo hiệu 7h tối vang lên, Aiman chụp lấy ly nước kê lên bờ môi nứt nẻ uống lấy uống để... Tôi thì giơ tay bốc ăn thử trái chà là màu vàng hấp dẫn và cắn một phát: một dòng nước ngọt lịm tứa ra mát lạnh, ngon lành không thể tả!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_190550_zps7bvmwrq3.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_190720_zpsxiehybgz.jpg

Lão Aiman ăn vội vàng xong mấy trái cây thì đứng dậy xin lỗi, nói rằng lão phải tới nhà thờ nghe đọc kinh Koran, xong mới được về nhà ăn tiếp. Tranh thủ lúc Aiman vừa đi, tôi giao tiếp với thằng cháu Admed vài câu tiếng Anh, thằng này mới lớp 5 mà lớn tướng, tiếng Anh cũng không tệ, chúng tôi nói chuyện vài câu vui vẻ… Không khí đã thấy gần gũi hơn.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_191055_zpsiunodb9i.jpg

"Có qua có lại, mới toại lòng nhau":

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_190910_zps8xjkacuf.jpg

HDD82
10-08-2015, 17:24
Tranh thủ lúc Aiman và nhiều đàn ông trong làng đi vào Nhà thờ nghe kinh Koran, tôi ra khỏi phòng khách nói chuyện với mọi người trong nhà. Hầu hết họ đều vui vẻ và lịch sự, miễn là bạn tỏ ra khiêm tốn và tôn trọng. Bàn ăn gia đình nhà Aiman, trước khi ăn (ăn bốc) nên người dân có tục lệ rửa tay trong cái chậu nhôm kim loại. Họ thường dùng tay phải kẹp thức ăn bằng cái bánh như cái bánh rán, tay trái đôi khi cũng tham gia vào bữa tiệc ăn uống (nhưng không nhiều - vì tay trái được dùng vào việc khác... )

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_190449_zps61laikei.jpg

Cô bé gái 05 tuổi mắt tròn xoe, tóc xoăn tít kiểu Ả-rập không lẫn vào đâu được... Lúc đầu cô bé còn ngại nên đứng xa xa cách tôi một quãng, nhìn tò mò:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_191426_zpsirgrdliy.jpg

Sau thấy tôi nói chuyện với ông anh cũng vui vẻ, dần dần cô bé cũng tiến tới chơi vui hơn:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_192406_zpsbujevlla.jpg

Khoảng 15-20p Aiman đi lễ Nhà thờ về, dưới nhà dọn lên tiếp cho chúng tôi bữa ăn thứ hai thịnh soạn hơn. Bánh này do mẹ Aiman nấu, và tôi phải thừa nhận mặc dù mình không thích ăn bánh trong các bữa ăn, nhưng bà nấu rất ngon. Chúng tôi cứ thế dùng tay quệt, bốc, rơi xuống đất, lượm lên ăn, lại quệt, bốc... Aiman thấy tôi cũng bốc ăn khí thế nên tỏ vẻ khoái chí lắm.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_193015_zpsw5f6rov0.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_193347_zps4n6didyy.jpg

Ăn xong, thằng cháu Admed dẫn tôi đi một vòng quanh nhà ra ngoài vườn. Tôi thấy nhà cửa của họ quá đỗi bình thường và nghèo. Phòng khách tôi ngồi là nơi sạch và đẹp nhất, còn lại trống trơn không có đồ vật gì quý giá. Admed bật đèn pin dẫn tôi ra vườn xem hai con ngựa, hai con chó dữ như chó săn, một bầy thỏ khoảng 5-7 con, và bầy gà tây cũng chừng 5-7 con. Thấy tôi có vẻ thích mấy con thỏ, Admed hăng máu mở lồng ra, nhảy vào chiếu đèn pin, bắt cho bằng được một con đưa lại cho tôi coi. Hậu quả là lão Aiman ra vườn phát hiện thấy la mắng Admed một hồi, cu cậu cứ tỉnh queo dứ dứ con thỏ bắt được cho tôi sờ vào mới chịu thôi...

Sau đó cậu dẫn tôi về lại khách sạn, cách chừng 1km. Chúng tôi vừa đi bộ dưới không khí ban đêm yên tĩnh mát mẻ của sa mạc, vừa cùng nhau trò chuyện vài câu ngắn ngắn tiếng Anh. Tôi cảm thấy dường như đây chúng tôi không phải đang đi dưới ánh trăng Ai Cập mà là đang đi tại vùng nông thôn Việt Nam nào đó... Tôi móc túi đưa cho cậu 5 đồng bảng dặn về nhà mua kem ăn, cậu bé cười sung sướng, lộ hàm răng trắng mẩy trong bóng tối.

Cô cháu nhà Aiman:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_193546_zps9gkf0wyl.jpg

HDD82
10-08-2015, 17:25
Dường như đoán được ý định của tôi, Aiman lâu lâu lại nhắc nhở: “Mày không được chạy xe vào sa mạc nhé! Không được đâu đấy!”. Để cho Aiman yên tâm, tôi ngây thơ trả lời: “Đương nhiên rồi! Ai dám chạy vào sa mạc chứ”. Rồi vỗ vỗ vai lão vài cái cho lão yên tâm. Hy vọng lão không có họ hàng với cô bé Tenzi người Tây Tạng, Trung Quốc. Cô nàng Tenzi cho tôi thuê xe trong chuyến đi năm trước cũng õng ẹo bắt tôi phải cõng theo nào dầu nhớt dự phòng, bàn chải chải xích, đống giẻ lau xe và còn “cam kết” chải xích mỗi ngày. Kết cục là chiếc Honda ủn vào đống bùn đất cạnh sông Mêkông cao đến cả nửa mét, ngập đến tận yên xe, người phải trầy trật lắm mới thoát ra khối đất nhão đó nói chi xe!!!

Nhưng thật ra một phần trong câu trả lời trên là đúng: chiếc Dayun Trung Quốc của Aiman thật sự khá cũ (mặc dù đời 2011), máy móc ọp ẹp và lốp thì mòn. Từng chạy chiếc Honda Trail 90cc sản xuất năm 1979 qua vài tiểu bang nước Mỹ, hành lý cồng kềnh nhưng luôn có cảm giác yên tâm. Ngược lại, chiếc TQ này thì máy móc tuy mới nhưng cà trẹo, cà trẹo như xương bà lão 90 tuổi phải vận động, không biết “đứt” lúc nào?!!

Khuya hôm đó, có một tay Châu Á lẳng lặng lôi từ trong hành lý ra chiếc mũ bảo hiểm màu đen chưa một lần sử dụng tại Ai Cập. Đặt chiếc mũ qua một bên, hắn thò tay vào tiếp tục lôi ra bộ đồ sửa xe, tiếp đó là đôi găng tay. Tất cả được xếp gọn gàng vào chiếc túi xách màu đen nhỏ khoác vai, kèm theo chai nước uống loại lớn 1.5l. Bình mình vừa ló dạng, hắn leo lên con chiến mã Hồ Cẩm Đào chạy ra khỏi ốc đảo, vượt qua trạm kiểm soát quân đội lập tức tăng tốc nhằm hướng sa mạc thẳng tiến: Sa mạc đen – Black Desert:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150717_071930_zpshjdrmpxi.jpg

Buổi sáng sa mạc khí trời còn tương đối dễ chịu, nhưng hắn biết chỉ một lúc nữa thôi khi mặt trời lên cao một chút, cả nơi này sẽ như cái lò vi sóng “quay chín” mọi thứ ở trong đó. Được mệnh danh “sa mạc của sa mạc”, sẽ khó tìm thấy bụi cây hay ngọn cỏ nào, ngoài những bãi cát vàng mênh mông và đá. Trong chuyến hành trình Nước Mỹ, nếu ai còn nhớ đoạn tôi chạy qua sa mạc Nevada trước khi tới Grand Canyon: Sa mạc Nevada tuy khô cằn, bỏng cháy mà vẫn còn nhiều bụi rậm cây xanh tồn tại được. Nhưng ở Sahara này thì không! Bạn cảm thấy như đang lái xe trên bề mặt Sao Hỏa! Và tôi biết mình phải tiết kiệm thời gian trước khi mặt trời lên cao…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150717_081023_zpskjcguchh.jpg

HDD82
10-08-2015, 17:27
Con đường nhựa màu đen xuyên qua dãy cái vàng mênh mông, bỗng nhiên cát chuyển sang màu đen. Xuất hiện các đụn cát và đá lớn hoàn toàn là màu đen. Chúng có lẽ là tàn tích của một khu vực núi lữa từng hoạt động thời xa xưa chăng? Sa mạc đen – Black Desert – là kho báu số 1 của chàng “Aladin và cây đèn thần”.

Các ngọn núi màu đen đang bị phân rã dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đây. Đá vụn đen vương vãi khắp sa mạc:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3555_zpsy2d3yqcc.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3552_zpsz0hgtyve.jpg

Bạn có nhìn thấy sinh vật nào trong ảnh?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3558_zpsd2icgnxe.jpg

Nó đây! Một loại thằn lằn da trắng phau phau như đến từ... Bắc Cực! Chúng ăn cái gì ở đây để tồn tại? Tôi không biết! Có lẽ là một số côn trùng bay hay một vài loài kiến nào chăng?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3559_zpsmubki8y3.jpg

Nắng lên rồi... Nóng quá! Chụp xong tấm này là dzọt lẹ:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3560_zpss4omg5km.jpg

HDD82
10-08-2015, 17:30
Thói thường đi xe máy, hễ thấy cảnh nào đẹp là dừng lại chụp ảnh, hoặc nghĩ ngơi. Trong quá khứ, chỉ duy nhất một lần tôi gặp rắc rối khi dừng xe dọc đường là tại Đan Mạch: Lúc chạy trên đường thấy cánh đồng lúa đẹp quá liền dừng xe máy Suzuki 550cc cạnh con đường nông thôn, nằm xuống nghỉ. Bỗng ba chiếc oto tấp vào lề dừng lại, mấy người đàn ông và phụ nữ chạy tới tôi (lúc đó còn đang nằm dưới cỏ), hỏi: “Mày có sao không?”, “Mày bị bệnh hả?”, “Mày bị mệt hay sao? Có cần giúp đỡ không?”. Sau khi nghe tôi giải thích cặn kẽ rằng chỉ dừng xe để nghỉ thôi, không có vấn đề gì cả, họ mới yên tâm lên xe từ biệt.

Lần này khi tôi đang dừng xe bên đường chụp ảnh thì không phải ba chiếc oto, mà ba chiếc xe thiết giáp quân sự, từ từ dừng lại… Chết! Xe quân sự nào đây??? Định thần nhìn kỹ tôi thấy đây là xe thiết giáp sơn màu vàng cát, bên trên có súng máy gắn cố định chống đạn, thùng sau chở quân lính có mang theo vũ khí súng tiểu liên. Loại xe thiết giáp màu vàng này tôi mới chỉ nhìn thấy trên bản tin thời sự Iraq, phiến quân IS chứ chưa gặp tại VN bao giờ. “Không hay rồi!!! Giữa sa mạc không có sóng điện thoại, tự dưng có tay moto tay cầm máy ảnh chụp tía lia, đầu đội mũ bảo hiểm nhìn lạ hoắc, quân đội có thể cho rằng tôi là một gián điệp chứ chẳng chơi”. Tia suy nghĩ lóe lên trong đầu.

Lấy hết sức bình tĩnh, tôi nở nụ cười và vẫy tay chào “Salam Alâyricum” với chiếc xe đầu tiên đang từ từ giảm tốc. Mấy người lính mặc áo giáp ngồi trên xe nhìn tôi một lúc. Khoảnh khắc vài giây hai bên nhìn nhau mà tưởng như… vô tận. Cuối cùng cũng có tiếng một anh lính đáp lại chào tôi: “Alâyricum Salam”, và chiếc thứ nhất đi qua bình yên vô sự. Tôi lập lại chiến thuật vừa rồi cho chiếc xe thứ hai; và cũng thành công!!! Chiếc thứ ba thì chiến thuật này bị phá sản. Chiếc xe bọc thép dừng lại hẳn ngay bên cạnh chiếc xe máy, với một tay Châu Á đang cầm máy ảnh đang rét run giữa sa mạc Sahara. Một người mang quân hàm nai nịt gọn gàng mở cửa xe nhảy xuống… Anh này cao lớn nghe chắc chừng là chỉ huy toán lính này.

- Xin chào! Anh là ai? Anh ta cất giọng hỏi.
Tôi ú ớ…
- Xin chào! Tôi là khách du lịch.
- Anh từ đâu tới? Giọng nhà binh nghe cứng rắn. Kèm theo ánh mắt sắc như dao.
Lại một giọng ú ớ…
- Tôi từ Brahyia tham quan tới đây.

Người chỉ huy yêu cầu kiểm tra passport. Trong khi tôi lục tìm hộ chiếu đưa cho anh thì cả toán lính trên xe nhìn chằm chằm vào mặt tôi dò xét từng biểu hiện, cử động. Nhìn súng ống ai cũng lăm lăm mà tay tôi lạnh ngắt. Lỡ họ thấy tôi mà rút ra cục gì đen đen rồi tưởng lầm là lựu đạn hay bom xe thì… Hic… Không có tiếng súng nào vang lên…

- Dạ đây. Hộ chiếu của em đây!

Tay chỉ huy với tay cầm quyển hộ chiếu màu xanh lá cây. Rồi trong khi viên chỉ huy lật lật kiểm tra hộ chiếu, tôi lấy hết sức lực bình sinh nhìn thẳng vào mắt mấy anh lính trên xe vẫn đang dò xét, kèm theo nụ cười tươi nhất có thể, như muốn nói “Tôi chỉ là một du khách bình thường thôi mà mấy anh ơi”. Mười phút tiếp theo trôi qua như mười thế kỷ… Chiếc xe thứ ba cuối cùng cũng lăn bánh... Còn tôi thì cũng không thấy lưu luyến gì ở lại đây lâu thêm nữa!!! Dzọt lẹ…

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3564_zpsd59bsvve.jpg

HDD82
12-08-2015, 08:12
Hỏi: Đi du lịch để làm gì?
Đáp: Đi du lịch để trải nghiệm!
Hỏi tiếp: Trải nghiệm để làm gì?
Đáp: ???

Tất cả đều có thể trả lời câu hỏi "Đi để làm gì?" dễ dàng! Đôi khi tôi hay trích dẫn câu nói: "Đi chỉ vì được đi" mà thực chất là đi để khám phá, để trải nghiệm. Còn câu hỏi thứ hai "Trải nghiệm để làm gì?" khó trả lời hơn nhiều. Có người cười và đơn giản trả lời: "Trải nghiệm là trải nghiệm chứ để làm gì!".

Xin trích dẫn một câu chuyện để chúng ta cùng bàn luận vấn đề trên như sau:

"Ngày xưa, có một người nổi tiếng bắn cung rất giỏi tên là Triệu Khuông Dẫn. Không những bách phát bách trúng mà anh còn có thể bắn cùng lúc nhiều mũi tên hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau, với thời gian nhanh như chớp mắt. Đúng là một tài năng hiếm có! Tên tuổi của anh vì thế mà nức danh thiên hạ. Triệu Khuông Dẫn có người bạn tên là Bàng Khôn, cũng có tài bắn cung, tuy không chính xác bằng. Bàng Khôn thấy bạn mình suốt ngày "biểu diễn" được nhiều người khên nên ngày càng tỏ ra tự phụ, muốn khuyên nhủ bạn nhưng chưa tìm ra dịp nào hợp lý. Một hôm hai người cùng đi chơi tới một ngọn núi cao chót vót, vách núi dựng đứng rất nguy hiểm, Bàng Khôn bèn nói với Triệu Khuông Dẫn:

- Anh có tài bắn cung thiên hạ vô địch, đúng thật! Nhưng đó là lúc anh đứng trên đất bằng phẳng, khung cảnh xung quanh anh đều rất đỗi quen thuộc. Nay chúng ta thử đổi môi trường thử xem sao? Tôi thách đố anh cầm cây cung đó, đứng cạnh mỏm đá cheo leo đằng kia mà bắn. Nếu anh vẫn còn bắn được bách phát bách trúng thì tôi mới thật sự phục anh!

Triệu Khuông Dẫn bị khích tướng, lập tức hùng hổ nhảy xuống ngựa, cầm cung tiến lên phía mỏm đá. Khi chỉ còn cách vài bước chân là tới vực, bèn quay lại hỏi "Như vậy được chưa?". Bàng Khôn mỉm cười: "Chưa được, ra xa nữa". Triệu Khuông Dẫn tiếp tục mon men ra tới tận vực, quay lại hỏi: "Được chưa". "Chưa, lại tiến ra xa thêm bước nửa". Tiến thêm một bước, Triệu Khuông Dẫn nhìn xuống thấy quá sức nguy hiểm, vách núi dựng đứng, chỉ cần sẩy chân một chút rơi xuống là tan xương nát thịt, bất giác thấy lạnh gáy... Lại nghe Bàng Khôn nói:

- Tiến thêm nữa bước nửa, rồi hãy xoay lưng lại vực mà bắn!

Triệu Khuông Dẫn toàn thân toát mồ hôi lạnh, tay run rẩy cầm cung không nổi, bèn chịu thua. "Anh bắn thử xem". Triệu Khuông Dẫn bực tức nói. Bàng Khôn ung dung cầm cung tiến ra thậm chí xa hơn, nửa thân người nhô ra khỏi mép vực, tựa như chỉ một cơn gió mạnh là có thể hất khỏi vực thôi. Điềm tỉnh quay lưng lại, thần sắc không hề thay đổi, Bàng Khôn giương cung bắn bách phát bách trúng.

Theo tôi, câu chuyện muốn nói rằng: Bàng Khôn đã rèn dũa tinh thần đạt đến trạng thái tĩnh lặng trong mọi tình huống, cái "tài" của anh là nằm ở bên trong: tinh thần, nội tâm vững chắc! Không phải kỹ năng kỹ xảo bên ngoài.

Quay trở lại với câu hỏi phía trên: "Trải nghiệm để làm gì?". Qua tình huống đối mặt với quân đội trơ trọi giữa sa mạc, tôi thấy còn lâu tinh thần mình mới đạt đến mức độ bình thản. Khả năng còn rất yếu kém, chưa là gì cả! Và bởi vì nhận thấy được cái dở, cái yếu của mình nên tôi không lấy trải nghiệm đó để tự phụ, mà thấy cần rèn luyện nhiều thêm. Các chuyến đi như vậy thực sự bạn có nhiều dịp để cho cái dở bản thân lộ diện, mà hàng ngày tất cả chúng ta đều "bắn cung trên đất bằng phẳng" nên không thấy. Vì thấy mình dở, nên cái TÔI của bản thân cũng vì vậy theo năm tháng dần thấp xuống. Mà cái TÔI đã hạ thấp thì gặp ai cũng vui, gặp người nào cũng trò chuyện được, gặp người lao công, người bán hàng rong, dọn dẹp khách sạn cũng vui, đi đâu cũng dễ kết bạn bè...

Ngược lại, cũng có trường hợp càng đi nhiều, càng trải nghiệm nhiều lại càng tưởng mình quan trọng, mình giỏi hơn người khác, mình là số một. Mình phải đáng được gọi là "Phượt tổ", không Phượt tổ thì cũng là "Phượt tổ của tổ", phải có danh xưng thứ bậc, rồi từ đó bắt đầu thích chê bai người khác, khó hợp tác...

Rõ ràng, trải nghiệm nhiều có thể khiến bạn cảm thấy khiêm tốn hơn, cuộc sống có nhiều hạnh phúc hơn, hoặc có thể làm bạn là trở nên tự phụ, kiểu như Triệu Khuông Dẫn có vài kỹ xảo bắn cung ở trên, cuộc sống cũng vì vậy mà dần nhàm chán!

Aiman chở tôi bằng xe oto vào Sa mạc trắng - White Desert, cách ốc đảo Brahyia chừng 200km:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3484_zpssgtvthts.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3478_zps5blv8fkw.jpg

Đây lại là kho báu thứ hai của chàng "Aladin và cây đèn thần":

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3488_zpsgnjako2v.jpg

HDD82
12-08-2015, 08:15
Vâng, Cairo có thể giữ cho mình bí ẩn của Kim tự tháp Pharaon, còn Sahara sẵn sàng đền đáp cho kẻ lữ hành nào chấp nhận rời bỏ lưu vực sông Nile mát mẻ để dấn thân vào nó:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3500_zpsyeyjsh61.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3493_zpsu5tpvhel.jpg

Bóng cây xanh gần như duy nhất trên cả trăm kilomet sa mạc:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3505_zpsb6wrykrq.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3509_zpsmssxqp1r.jpg

HDD82
12-08-2015, 08:17
Nghe kể đi sâu vào tận giữa Sahara còn có các hang động thạch nhũ (như Phong Nha, Quảng Bình). Khí hậu, địa chất Trái Đất công nhận đã có sự thay đổi khủng khiếp! Có thể 1 triệu năm sau, những Hạ Long - Quảng Ninh hay Phong Nha có thể thành khung cảnh như vậy... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3518_zpsrphkhj5y.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3519_zpsutaigkvf.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3521_zpsom0izusu.jpg

Đá ở đây là đá vôi, sờ vào bóp cái là nát vụn.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3527_zpsqwvq7qyk.jpg

HDD82
12-08-2015, 08:19
Thêm vài tấm trước khi chạy trốn dưới cái nắng sa mạc. Màu trắng ánh nắng phản chiếu hắt lên làm tối mặt tối mũi, mắt hoa lên lảo đảo. Nếu không có nước, tôi nghĩ con người có thể chết trong 6 tiếng. Nốc ừng ực 3 lít nước mà không đ... ra được một giọt, người cảm thấy như là xác ướp Ai Cập: khô rang, cong queo!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3530_zpsekgnwnen.jpg

Dấu chân của một con thú nào đó, có thể là một loại chó (cáo) sa mạc chăng?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3495_zpsqwzllvew.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3485_zpsvlrrayth.jpg

HDD82
12-08-2015, 08:21
Những ngày tôi ở Brahyia, người dân đang tổ chức ăn mừng tháng Ramadan kết thúc. Đây là dịp lễ lớn! Mọi người ăn uống suốt ngày, mặc những bộ đồ đẹp nhất (phải là đồ mới, chưa mặc lần nào trong năm) dạo phố. Người ta còn bắn cả pháo hoa lên trời, giống như Tết nguyên đán ở Việt Nam. Con nít phóng ra đường chơi ầm ầm suốt ngày, người lớn thì ăn uống không ngơi nghỉ, không biết mệt, hết ăn lại tới uống trà, uống xong thì đến sisha (một loại thuốc lá). Được cái là không có bia rượu nên không thấy có say xỉn dẫn tới đánh nhau, tông xe tai nạn v.v... Thôn quê mà cũng rất trật tự: không bia, không rượu. Chứ như VN thì ai cũng biết là nông thôn nhậu như thế nào...

Tôi ngờ rằng Ramadan không làm cho dân địa phương gầy hơn do nhịn ăn uống, mà ngược lại, còn làm mập thêm ra. Tại sao? Họ ăn đêm, ăn khuya nhiều, lại ăn làm nhiều bữa trong khoảng thời gian từ 7h tối tới 3h sáng hôm sau. Một số nói rằng sau Ramadan họ cảm thấy cơ thể khỏe hơn, chịu đựng dai sức hơn, và hầu hết không thích tháng Ramadan nhưng công nhận nó tốt cho sức khỏe. Khoa học ngày nay chứng minh một tuần bạn ăn ít (hoặc ăn chay) hai, ba buổi thì rất tốt... Vì ngày nay con người ta toàn bộ mắc các chứng bệnh do ăn nhiều, do ít vận động chứ mấy ai bị bệnh do ăn ít đâu?

Aiman nhiệt tình mời tôi tới nhà ăn tối tập hai... Và lời mời hấp dẫn này là không thể từ chối! Lần này tôi tới sớm, gia đình Aiman đã quen hơn nên sau bữa ăn họ mời tôi cùng uống trà với gia đình. Loại trà truyền thống Ai Cập này được uống khắp mọi nơi, pha chế bằng cách cho nước sôi vào một ly thủy tinh nhỏ có sẵn vài thìa trà, thêm đường vào, quậy lên và uống... Loại trà này mùi vị thơm và dễ uống. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ là người Ai Cập rất thích đường! Có thể nói là họ uống quá nhiều đường. Một ly trà nhỏ mà Aiman và gia đình lão thường cho ba muỗng đường. Mà nào phải uống một ly? Uống 5 ly liên tục! Làm phép tính nhỏ, trong một buổi đã có 15 thìa đường. Khiếp! Chưa kể nhiều thứ ở đây cũng rất ngọt: Bánh ngọt ngọt gấp đôi Việt Nam, trái cây như mía, xoài, dưa sọc v.v.... đều rất ngọt (tự nhiên) và rẻ nên ai cũng dùng nhiều. Người Việt Nam do bia rượu nhiều nên hay bị Gút, mỡ trong máu, tim mạch, viêm gan. Còn người Ai Cập thường có vấn đề với đường (tiểu đường, rối loại chuyển hóa insulin).

Aiman tặng tôi 1kg chà là (do thấy tôi cứ mút chụt chụt mấy cái hột chà là vừa ăn xong) mang về khách sạn. Ngoài kiểu chà là được chế biến như trên, người dân còn ngâm chúng để lên men.

Cô cháu gái mặc đồ đẹp để đi chơi...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150717_143636_zpsbyzazm9a.jpg

Mấy ngày lễ này, tiếng đọc kinh Koran phát ra từ chiếc loa đầu làng cứ ra rả suốt ngày. Phải thừa nhận là tiếng đọc kinh rất khó nghe với tôi: Độc có giọng thầy tu lúc lên, lúc xuống mà không kèm theo âm nhạc gì cả, nghe rất khó ngủ. Thức dậy sớm, tôi nấu cho mình tô miến rồi lên xe bus tiếp tục hành trình đến Ốc đảo Dakla:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150717_193143_zpsijd17vfp.jpg

Còn tiếp...

Doidepda
12-08-2015, 09:59
Bạn chịu khó lăn lộn nhỉ !!!
Hết giá rét Tây Tạng lại đến nắng gió cát bụi của Sahara

HDD82
13-08-2015, 09:28
Mon men ra đầu xe ngồi cạnh bác tài xế là thói quen của tôi khi đi xe bus. Các bác tài đường dài thường tâm lý muốn có người nói chuyện cho vui, nên xác suất được cho phép ngồi cạnh rất cao (đôi khi gặp may còn được bố trí cho ngồi ghế phụ). Ngủ là cách mọi người thường chọn khi đi xe bus, nhưng cũng có cách khác hay hơn...

Bác tài lớn tuổi nhiệt tình cho tôi ngồi cạnh (chỗ bậc cầu thang lên xuống), khi ngồi cạnh bác tài rồi thì khi uống trà, uống nước không lẽ bác không mời vị khách ngoại quốc một tiếng? Phải có phép lịch sự chứ? Chỉ chờ có thế tôi cứ gật đầu lia lịa, rồi nào là trà nóng để uống, bánh để ăn, thậm chí có cả táo ăn tráng miệng. Bác phụ xe bẻ trái táo ra làm đôi bằng tay trần, loay hoay thế nào mà rớt một miếng táo xuống đất, bác lượm lên phủi phủi rồi (trước sự ngạc nhiên của tôi) mời tôi ăn miếng táo còn nguyên trên tay, trong khi bác lại ăn miếng vừa rớt xuống đất...

Quân đội Ai Cập thiết lập một hệ thống phòng thủ khá dày đặc trên tuyến đường sa mạc, cứ mỗi hơn 100km lại có một trạm kiểm soát quân sự, gồm gờ giảm tốc, chướng ngại vật, xe thiết giáp, ụ lô cốt, súng máy v.v... Tôi để ý thấy hướng phòng thủ của nhiều trạm quân sự hướng thẳng về biên giới Lybia. Nên biết việc đi vào sa mạc phải có giấy phép quân đội, và ngủ qua đêm trên sa mạc đã bị cấm do vấn đề an ninh. Bởi vì tôi ngồi đầu xe nên thường khi quân lính yêu cầu dừng xe, mở cửa ra để họ lên kiểm tra tôi. Đa số các anh lính trẻ thì đều vui tính, thân thiện với du khách, tuy các tay sĩ quan thì mặt mũi nghiêm trọng hơn.

Dưới góc nhìn của một người thích du lịch xe máy, để thực hiện chuyến xe máy vòng quanh Ai Cập thì theo tôi phải khắc phục được hai điều chủ yếu sau:

1. Tìm một chiếc phân khối lớn hiệu Nhật Bản (chứ không phải loại Trung Quốc) đáng tin cậy để đồng hành trên sa mạc.
2. Vượt qua các trạm kiểm soát quân sự dày đặc một cách trót lọt. (làm thế nào thì tôi không rõ).

Điều hai rõ ràng khó hơn điều một, bởi vì chúng ta là người ngoại quốc nên chắc chắn sẽ bị họ hỏi han nhiều. Trước mắt thì đi xe gắn máy xuyên Ai Cập là điều khó khả thi, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trên diễn đàn này vì... Tương lai biết đâu lại có người Việt Nam nào đó hội đủ các yếu tố xuyên Châu Phi lần đầu tiên bằng xe gắn máy? Ai biết được chứ? Năm, bảy năm trước có ai nghĩ tới chuyện xuyên Đông Dương bằng xe máy lại dễ dàng như vậy?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150718_184013_zpsep1xhic2.jpg

HDD82
13-08-2015, 09:30
Phương châm "Bạn của bạn là bạn" và "Khách của bạn cũng là... bạn", Aiman giới thiệu tôi người bạn Ai Cập khác ở ốc đảo Dakla. Samas: 33 tuổi, làm chủ một khách sạn nhỏ, người chắc nịch đậm, xã giao tốt, đẹp trai, độc thân, và thường suy tư về... gia đình. Đúng là con người ta thường nghĩ về những cái gì mà mình... chưa có, chứ ít khi nghĩ về cái mình đang có! Ví dụ: Đang có tự do lại nghĩ tới lập gia đình, đến khi vướng víu chuyện gia đình rồi lại ước mơ tự do. Làm gì có chuyện vế thứ hai xảy ra dễ dàng được... hehe. Thực tế đã chứng minh điều đó!

Trong buổi đầu tiên chúng tôi gặp mặt, Samas và tôi cùng nhau đi ăn tối. Tại bữa ăn, trong khi tôi thắc mắc nhiều câu hỏi liên quan tới thành phố Dakla thì tay Samas lại tỏ ra hết sức dửng dưng, hắn trả lời ậm ừ một hai câu cho có rồi lại ăn tiếp. Nếu ở Việt Nam thì có thể xem hành động này là hơi bất lịch sự, nhưng không sao! Tôi bắt đầu quan sát kỹ hơn tâm trạng của hắn và tập trung giống như vậy. Hắn chỉ ngồi ăn thì tôi cũng lúi húi ăn, hắn không vồ vập lắm thì tôi cũng cứ thong thả, hắn nói ít thì tôi cũng kiệm lời. Hai bên chơi trò "tâm lý chiến" đến khi kết thúc bữa ăn... Cuối cùng, để phá tan sự im lặng, Samas bắt đầu thả các "lá bài" của hắn xuống:

- Đông! Anh là bạn của Aiman nên cũng là bạn của tôi. Chào mừng anh đến với Ai Cập, chào mừng anh đến Dakla! Khách sạn tôi sẵn sàng cung cấp các dịch vụ như: đi tham quan suối nước nóng, đi thăm làng nghề thủ công mỹ nghệ, lái xe trên đồi cát sa mạc... Vì anh là bạn của Aiman nên giá cả tôi đưa ra sẽ tốt nhất!

À, thì ra tay này quan tâm đến chuyện tour! Okie, để xem sao... Samas lôi ra một xấp ảnh minh chứng cho các tour du lịch khách sạn hắn. Tôi nhìn xấp ảnh: một tay Châu Á điệu đà nào đó, trên người còn nguyên quần áo đứng cạnh suối nước nóng làm dáng chụp ảnh. Một tấm ảnh khác chụp cắm trại trên sa mạc, tôi nhìn tấm ảnh cứ như cắm trại trong rạp xiếc: giữa sa mạc bốn phía là oto quây quần chăng mùng, chăng màn màu mè đến gió còn không lọt, phía trong "lâu đài nhân tạo" đó là mấy du khách đang ... cắm trại, ăn uống tiệc tùng. Rồi tấm ảnh chụp thiếu nữ (cũng lại Châu Á) e ấp một con thú nhồi bông đang đứng cạnh chiếc xe gắn máy ở... đồi cát sa mạc.

"Cái quái gì thế này? Sao lại có thú nhồi bông đi xe máy? Giống kịch bản trong phim Hollywood thế?". Tôi thầm nghĩ trong bụng...

Kiên nhẫn chờ Samas tung hết "bài" thuyết trình xong xuôi, tôi mượn hắn một mẩu giấy, lấy cây viết ra viết 03 việc mà tôi muốn hắn giúp đỡ tại Dakla.

Việc thứ nhất là...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_060701_zpsshfpowfi.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3573_zpstb2kkdzr.jpg

HDD82
13-08-2015, 09:33
Toàn Ai Cập có bốn ốc đảo sa mạc: Brahyia, Farafara, El Dakla, và El Khagra. Mỗi cái cách xa nhau chừng 200 - 300 km. Dân số sống tại ốc đảo chiếm chưa tới 10% tổng dân số cả nước. Ba ốc đảo ở sau (Farafara, Dakla và Khagra) tạo thành một quận gọi là New Valley. Điểm chung của mọi ốc đảo là... nóng. Càng đi về phía Nam lại càng nóng! Nóng nhất trong ngày là khoảng thời gian từ 10h sáng tới 5h chiều: đường phố không một bóng người, vắng tanh. Lạ thay, dân Ai Cập khi ra đường lại không bao giờ đội mũ nón, kể cả đàn bà con gái! Ấy vậy mà con gái tại Dakla em nào cũng trắng phây phây, khuôn mặt thanh tú đẹp dịu dàng. Mắt to, lông mày cong vút, cằm thon, mũi cao, khuôn mặt hình chữ V tự nhiên mà không viện tới bác sỹ trong các thẩm mỹ viện. Rõ ràng, con gái vùng này theo tôi là đẹp hơn hẳn nhiều khu khác tại Ai Cập. Cũng giống như VN có một số vùng mà phụ nữ con gái đẹp hơn các vùng khác vậy.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_071801_zpsobdzvctg.jpg

Phụ nữ phải trùm khăn, che đầu là để tránh... quyến rũ đàn ông! Đàn ông ở đây cũng ít khi nhìn chằm chằm vào phụ nữ hoặc bình phẩm này nọ (vì thể hiện sự thiếu tôn trọng, theo tín ngưỡng Hồi giáo). Quán cafe ở Dakla thường chia làm hai nửa dành cho hai giới, ở giữa ngăn cách bằng một hàng cây rậm. Chắc họ cũng rành tâm lý là đàn ông uống cafe hay rãnh rỗi liếc mắt tùm lum nhìn ngó phụ nữ, nên chủ động ngăn cách ra. Việc nhìn ngắm các cô gái, theo tôi nếu có, cũng diễn ra lén lút và nhanh chóng chứ không lộ liễu công khai "ồ" lên hoặc trầm trồ huýt sáo như Việt Nam. Nhìn các cô thôi đã khó vậy, chụp hình các cô gái là điều... nguy hiểm và theo tôi là không nên thử!

Chụp hình phụ nữ thì không được, nhưng ông già với con nít thì... cứ thoải mái! :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_070137_zpsv4moyw9j.jpg

Ông già nhảy xuống xe, bắt tay tôi bằng đôi bàn tay to kềnh và thô nhám của người nông dân, trò chuyện vài câu bằng tiếng địa phương - đương nhiên là tôi không hiểu gì nên chỉ cười và gật đầu - thân thiện và vui vẻ. Theo tôi, người dân Ai Cập thuộc dạng tốt bụng và thân thiện nhất Thế giới (hình như đất nước nào tôi tới thăm cũng đều cho nước đó thân thiện nhất TG cả...).

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_070157_zpsy70vfn4z.jpg

HDD82
14-08-2015, 12:23
[#@@] Thời sinh viên tại BKHN, trong phòng kí túc xá có mấy đứa lén hút thuốc lào trong phòng, đám sv hút thuốc lào không biết từ lúc nào đã "nâng tầm" thói quen này lên tầm cao mới bằng mấy câu thơ đại loại như:

Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện
Thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao
Nâng điếu lên như... Triệu Tử cầm đao
Nhả khói ra như... Khổng Minh gọi gió?!!

Tôi ngờ rằng dân Ai Cập cũng có những câu thơ tương tự cho việc hút shisha. Vì khắp mọi ngõ ngách tại đây đều thấy thanh niên, ông già hút shisha say sưa. Mà không phải rít vài hơi như thuốc lào rồi nhả khói ra đâu, mà cái ống hút shisha dính như keo vào mồm mấy tay thanh niên hút suốt cả tiếng. Vừa đọc báo, vừa nói chuyện, chơi game vừa ngậm chặt ống hút như ngậm sữa mẹ vậy... Với chút nước nhỏ xíu ở dưới làm nhiệm vụ lọc khói thuốc thì áng chứng kiểu hút shisha này "nặng đô" ngang ngửa thuốc lào chứ không kém.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150718_160231_zpsdetgipe6.jpg

Quang cảnh đường phố tại các ốc đảo rất nhếch nhác, bụi bặm không có gì đáng nói cả. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi thỉnh thoảng bắt gặp dân địa phương lấy nước để... tưới đường, rửa xe máy, rửa xe oto lênh láng, trong khi suy nghĩ của tôi phải là nước quý lắm mới phải? Nếu có thắc mắc thì thường chỉ là cái nhún vai: "Ohhh, Egytian" (Ồ, người Ai Cập ấy mà).

Trên một đường phố tại ốc đảo:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150718_160155_zpslfftkphh.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150718_161307_zpsvexfyifq.jpg

Đến tầm trưa là đường phố vắng tanh không một bóng người, dân địa phương ngủ ngày nhiều để tránh nóng và sinh hoạt "bù" vào ban đêm.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150719_114337_zpsne1vckrp.jpg

HDD82
14-08-2015, 12:25
Nhưng buổi tối là một bức tranh khắc hẳn ban ngày: mọi người ùa ra đường đi dạo, đám thanh niên thì thích nẹt pô inh ỏi làm giật mình người khác, xe oto chạy vào làn đường ngược chiều, ngã tư ngã ba còi bóp điếc tai, phương tiện chạy xe không theo luật lệ nào (y chang như tôi từng mô tả cảnh đường phố Cairo). Đáng lưu ý là tầm hơn 10h tối, quân đội có sắc phục và không sắc phục đứng giới nghiêm tại các ngã tư với súng ống đầy đủ và trông khá nghiêm trọng. Nên biết là quân đội luôn đề phòng nhóm Hồi giáo cực đoan Muslim Brotherhood tấn công. Nhưng tôi cũng thấy lạ là ATM mà cũng có cảnh sát đứng gác nữa??!

Hiểu được quy luật giao thông ở đây nên tôi không chọn buổi tối để lái xe. Vào lúc mặt trời vừa mọc, khi cả thị trấn còn đang chìm vào giấc ngủ, một tay Châu Á lặng lẽ lên xe phóng ra ngoài sa mạc, lao mình vào khoảng không gian rộng lớn, tìm cho mình chút khung cảnh yên bình buổi sáng sớm... Có lúc tôi phóng qua một anh cảnh sát đang mơ màng đứng gác, anh chàng giật mình (có lẽ vì tôi đội mũ bảo hiểm lúc sáng sớm) xách súng chạy ra đường theo phản xạ, nhưng nhanh chóng nhận được cái chào và nụ cười của tôi nên mọi chuyện đều êm thỏa.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3568_zpssfanfyry.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3571_zpsqgbb7nuk.jpg

Thói quen thường chọn những con đường nhỏ nối giữa hai thôn bản để chạy luôn mang đến những trải nghiệm tốt. Hình ảnh mang đến cho du khách một đất nước Ai Cập đẹp và yên bình.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_071808_zps9z3ijpy4.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_062436_zpsokitdep0.jpg

Mang theo chút thức ăn, lượng nước uống vừa đủ, và...

"Sống để đi - Live to Ride"

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_063039_zps4l4x3xv1.jpg

HDD82
14-08-2015, 12:29
Thường thì thức ăn bên này quá khô, đặc biệt là cái bánh rán làm bằng cái bột gì mà khô và rất khó nuốt. Thức ăn họ không nấu theo kiểu súp hay canh như Việt Nam. Ăn một hai buổi trong ngày thì được, ăn cả ngày và liên tục cả tuần thì cơ thể quả thực là chịu không nổi. Thế là có tay Châu Á lúi húi trong phòng với chiếc nồi cơm điện, hâm nóng cho mình giấc mơ vòng quanh Ai Cập... Trong phòng có 03 giường, nhưng chỉ có mình tôi ở. Nếu nói rộng ra một chút, trong khách sạn có 10 phòng, nhưng chỉ có mình tôi ở. Mùi thức ăn cứ thế thoang thoảng khắp nơi mà không thấy ai gõ cửa phàn nàn gì...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150719_121332_zpsixhkdpve.jpg

Câu thần chú của chàng Alibaba xứ xở Nghìn lẻ một đêm: "Vừng ơi, mở ra!!!"

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150719_123000_zps4emj5qxx.jpg

Một ngày/lần, tôi lại ra nhà hàng nào đó gọi thức ăn ăn. Họa hoằn lắm mới gọi trúng được món cơm với thịt gà nướng như thế này, còn lại gọi tầm bậy là phần nhiều (dù dân địa phương cũng giao tiếp được chút Tiếng Anh). Kiểu gì thì tôi cũng vẫn vui vẻ ăn vì đó là một phần tất yếu của du lịch. Mỗi phần ăn như thế này có giá 50 đồng Ai Cập, khoảng 140k VNĐ:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150715_180100_zps3cchsbru.jpg

Đường đến tiệm Internet post bài... Bọn con nít ở đây cứ thấy tôi ngoài đường là "Hello", một số chúng Tiếng Anh giao tiếp cũng được vài câu.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_180819_zpsndxxzwxx.jpg

Nông thôn Ai Cập:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150716_180741_zpsbzcksrac.jpg

HDD82
14-08-2015, 12:32
Một con tàu di chuyển theo hướng nào là do bánh lái quyết định. Nói cách khác, bánh lái là bộ phận nhỏ nhưng quyết định hướng đi của cả con tàu. Một con tàu không có bánh lái sẽ trôi dạt lững lờ, mất phương hướng cho đến khi bị mắc kẹt vào đám rong biển. Nhưng thường thì người ta chỉ thấy con tàu, chứ ít khi để ý đến... bánh lái ! Tại sao? Vì kích thước của bánh lái chiếm chưa tới 1% kích thước của con tàu. Rất khó thấy!

Đâu đó trong các topic dài 25 trang, 30 trang với hàng nghìn chữ xuất hiện thoáng qua vài dòng về một nhân vật đã trở thành biểu tượng của tự do, phiêu lưu của hàng ngàn bạn trẻ trên khắp Thế giới: Che Guevara ! Nội dung các bài viết này chiếm chưa tới 1% nội dung tổng thể chuyến đi, rất khó nhớ, khó nhận thấy... Nhưng đó lại là bánh lái của con tàu!

Thấp thoáng tại Venice Ý hình ảnh Che Guevara với đôi mắt sáng ngời, ngôi sao năm cánh lấp lánh trên chiếc mũ du kích quân:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_4204_zpsy74ocdwm.jpg

Và đâu đó trên đường phố Ai Cập một Che Guevara đang hút điếu xì gà Cuba to tướng. Hình ảnh đã trở thành biểu tượng!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150729_165402_zpse0jcwrp2.jpg

Chuyến đi Úc và Châu Âu, có người nhận xét: Không biết Tiếng Anh, làm sao đi được? Chuyến đi Trung Quốc, có người hoài nghi: Không biết Tiếng Trung, làm sao đi được? Chuyến đi Ai Cập, có người ngần ngại: Không biết tiếng Ả Rập, làm sao đi? Ngoại ngữ đương nhiên là một lợi thế! Khi thông thạo ngoại ngữ, có thể giao tiếp với dân địa phương dễ dàng, hiểu văn hóa bản địa hơn, và làm cho chuyến đi thú vị hơn. Nhưng ngoại ngữ cũng chỉ như nước sơn bên ngoài làm con tàu của bạn trông đẹp hơn, bóng bẩy hơn, đi dưới nước trơn tru hơn. Vậy thôi! Nước sơn làm sao có thể ngăn cản con tàu đi tới đích?

Hãy tập trung vào "bánh lái" của bản thân mình!

HDD82
15-08-2015, 08:37
Lúc gặp mặt Samas tôi có lấy bút viết viết ra ba việc nhờ hắn giúp đỡ. Việc thứ nhất đã xong, tiếp theo đến việc thứ hai. Samas đưa tôi đến một đồi cát vàng mênh mông cách đó khoảng chừng 30-40km. Đứng trên đồi cát, tôi nheo mắt nhìn quanh bốn phía không hiểu điều thứ hai nằm ở đâu?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3574_zpsgsfjzeeq.jpg

Tay Samas ra bộ bí hiểm cứ biểu tôi đi bộ một lúc trong đồi cát. Rồi đột nhiên tôi thấy có mấy chấm đen đen nằm dưới đồi cát. Lại gần hơn thì thấy dưới thung lũng cát một bầy lạc đà tầm 30-40 con đang nằm nghỉ. Cạnh đó là người đàn ông mặc bồ đồ màu đen, trên đầu quấn khăn, trên tay anh ta là sợi dây thừng đang vẫy vẫy chúng tôi. Anh ta là người chăn lạc đà, ngủ chung với đám lạc đà này qua đêm trên sa mạc. Samas nhìn lên bầu trời xanh ngắt không một bóng mây, cái nhiệt đang từ từ tăng lên nhanh chóng, cười nói với tôi: "Đấy, của anh đấy!" rồi quay lại lên xe phóng đi mất. Còn tôi cùng anh "sa dân" (đi biển thì gọi là ngư dân, làm nông nghiệp thì gọi là nông dân, chăn lạc đà sa mạc thì tạm gọi là "sa dân" vậy) bắt đầu lùa đám lạc đà này đi ăn, thử trải nghiệm cảm giác chăn lạc đà là như thế nào...

Đám lạc đà bỗng xuất hiện dưới thung lũng đồi cát:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3576_zpsw3dbbous.jpg

Mohamed chuẩn bị cho tôi một con lạc đà cái trưởng thành màu trắng. Con này ra bộ là "hoa hậu" trong cả đàn này, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra đây không phải là con đầu đàn. Đầu đàn là một con lạc đà bướu cao, có lông màu vàng, dáng vẻ uy quyền không cho phép bất cứ con lạc đà nào đi trước nó. Nó lúc nào cũng quay lại quan sát cả đoàn và thúc giục đứng dậy đi.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3579_zpsqysep3af.jpg

Khi con lạc đà tôi cưỡi đứng lên và gia nhập đàn, cả đám lạc đà ùa lại: con to, con nhỏ hít hít chạy lại, đưa cái mõm hít hít một cách tò mò. Có ai nghĩ lạc đà kém thông minh, chứ riêng tôi thì biết chúng có trí khôn rất tuyệt. Mấy con lạc đà con là "hí hố" và lăng xăng nhất. Mấy con trưởng thành thì bướu trên lưng nhỏ, chứ mấy con non bướu rất to, là nơi tích trữ năng lượng cho cơ thể. Chúng không ngại tiến lại gần dí cái mõm vào chân tôi hít hít, xong lăng xăng đùa nghịch với nhau. Nhìn đám lạc đà béo tốt đủ biết tay này chăn lạc đà rất chu đáo.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3582_zpso02pmco6.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3581_zps226ymfzf.jpg

HDD82
15-08-2015, 08:41
"Dzố, dzố". Tiếng thúc giục từ người chăn lạc đà khiến cả đàn nhanh chóng đứng dậy, theo chân con đầu đàn đi về phía trước (thật ra tôi không biết phía trước là phía nào, vì bốn phía toàn là cát). Bọn lạc đà có nhiều mỡ dưới bàn chân, khi thả chân xuống cát thì bàn chân nó xòe rộng ra rất to giúp lạc đà đi qua các đụn cát lún một cách đơn giản. Thỉnh thoảng đi qua một số cây xanh, cả đám lại hí hửng phóng tới (nhất là mấy con non) ăn lấy ăn để, mặc cho anh chăn lạc đà chạy qua chạy lại "Dzố, dzố" liên tục...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3584_zpsvdmedni5.jpg

Cận cảnh vẻ điển trai của một anh trong đàn:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3594_zps7sfprz0p.jpg

Sau khi bị quát tháo tợn quá, cả đoàn không tiếp tục ăn nữa mà lại lên đường. Mặt trời bắt đầu lên cao, tỏa sức nóng như thiêu đốt khắp vạn vật - trừ bọn lạc đà. Nghe kể rằng chúng có thể nhịn ăn, uống một tháng trên sa mạc mà vẫn sống sót. Đó là nhờ cái bướu trên lưng như một kho thực phẩm đựng thức ăn, nước uống mà cơ thể lạc đà sẽ tiêu hóa dần dần... Sức khỏe dẻo dai, lại nhịn khát tốt nên từ xa xưa lạc đà đã được sử dụng để chuyên chở hàng hóa trên sa mạc.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3596_zpsx7qjjc83.jpg

Cả đoàn lạc đà cứ đi trong trật tự cho đến khi ... gặp thức ăn! Mấy con non háu ăn bắt đầu phóng như bay về phía các bụi cây xanh và ngoạm lấy ngoạm để. Các con trưởng thành thì thong thả hơn, chúng dùng cái cổ dài ăn lá trên các đọt cây cao.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3599_zps4lqey2qp.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3617_zpspwv6njl9.jpg

HDD82
15-08-2015, 08:44
Trong bộ phim "Xác ướp Ai Cập" với diễn viên cơ bắp The Rock, có cảnh anh cưỡi lạc đà chạy như bay trên cát vàng, dáng vẻ hùng dũng. Đây là một trong nhiều cảnh quay lãng mạn "hớp hồn" chị em: bầu trời trong xanh, cát vàng, anh đẹp trai cơ bắp, cưỡi lạc đà phong độ. Nhưng ngồi một lúc sẽ biết đau bàn tọa ê ẩm. Khi lạc đà chạy xốc lên xốc xuống, làm cái bàn tọa đập lên đập xuống nữa thì "Thôi rồi Lượm ơi"... Tiếp theo là thời tiết sa mạc, cởi trần trùng trục như The Rock trong phim chắc được tối đa 15p, vì chắc chắn người anh sẽ cháy thành than hết. Thời tiết càng nóng, người đi sa mạc càng phải giữ hơi ẩm, giữ nước cho cơ thể bằng cách quấn thêm vài lớp vải mỏng quanh người. Không ai làm chuyện ngược lại: càng nóng càng cởi bớt đồ cho mát, như vậy càng làm mất nước nhanh hơn!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3592_zpsstjwteqb.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3608_zpshrppqvxa.jpg

Trong bộ phim "Xác ướp Ai Cập" với diễn viên cơ bắp The Rock, có cảnh anh cưỡi thúc lạc đà chạy như bay trên cát vàng, dáng vẻ hùng dũng oai hùng. Cảnh quay nhìn rất lãng mạn: bầu trời trong xanh, cát vàng, đẹp trai cơ bắp, cưỡi lạc đà phong độ, nhưng thật ra ngồi một lúc sẽ đau bàn tọa ê ẩm. Nhất là khi lạc đà chạy xốc lên xốc xuống, làm cái bàn tọa đập lên đập xuống thì thôi rồi Lượm ơi... Chưa kể thời tiết sa mạc, cởi trần trùng trục như The Rock chắc cháy hết da. Thời tiết càng nóng, người đi sa mạc càng phải giữ hơi ẩm cho cơ thể bằng cách quấn thêm vài lớp vải mỏng quanh người. Không có ai làm chuyện ngược lại: tức là càng nóng càng cởi bớt đồ cho mát như anh The Rock cả! ;)

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3620_zpsiykylmbp.jpg

Công việc chăn lạc đà quả thực hết sức cực khổ, tôi nghĩ chăn trâu ở Việt Nam còn sướng hơn! Vì ít ra còn tìm được chút bóng mát trên đồng để ngã lưng nằm nghỉ. Trên sa mạc thậm chí không đứng nghỉ được, vì đứng lại còn khó chịu hơn là tiếp tục đi. Lâu lâu có mấy ngọn gió thốc cát quất cho vào mặt nữa thì "Thôi rồi Lượm ơi!"... Nhìn anh "sa dân" sau một hồi chăn lạc đà kê miệng vào vòi nước tu ừng ực như thế này cũng đủ biết !

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3626_zpswkp2hgbt.jpg

HDD82
15-08-2015, 08:49
"Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc
Và đường về nhà còn xa lắm, xa lắm..."

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3618_zpscn227gul.jpg

volty
18-08-2015, 15:22
tiếp tục nhé Đông

HDD82
19-08-2015, 18:01
Khách sạn của Samas (thực chất là của ông bố hắn giao cho hắn quản lý) ở vị trí khá thuận tiện: ngã ba trung tâm thành phố. Ông bố Samas trước khi về hưu từng giữ vị trí quản lý cao nhất của vùng New Valley (gồm 03 ốc đảo), tất nhiên rất quyền lực. Quyền lực được ông tô điểm thêm bằng vô số tấm hình chụp với chính trị gia này nọ treo mọi ngóc ngách tại tràn tiền sảnh khách sạn. Với những người "yêu" bản thân mình đến mức đó thì thường là... gia trưởng. Người ông ta cao nhẳng, gầy đét, mặt diều hâu, mũi khoằm, nói gằn giọng luôn áp đảo đối phương. Xã giao mấy câu thôi nhưng chứ thật tình không muốn nói chuyện lâu với kiểu người này.

Rồi cũng chẳng có gì đáng nói nếu như buổi tối nọ không có 6, 7 chiếc xe cảnh sát chạy tới đậu trước nhà ông anh Samas (ngay kề bên khách sạn tôi trú ngụ). Cảnh sát thông báo có người điện thoại cảnh báo ông anh Samas có... bom trên xe, nên cảnh sát đến yêu cầu kiểm tra an ninh. Đương nhiên, chẳng có bom xe lẫn bom xăng nào cả vì đây chỉ là tin đồn thất thiệt ! Tuy nhiên, giữa lúc cả nước Ai Cập rất nhạy cảm với cụm từ "bom xe" thì đây có thể gọi là hành động phá hoại. Thà rằng thông báo có bom trong.. toalet, bom trong phòng ngủ, bom ngoài vườn cây bất cứ đâu cũng vẫn ít nhạy cảm hơn là bom... xe!

"Kinh doanh, anh biết đấy Đông, ông anh tao làm kinh doanh nên có nhiều người không thích!", Samas giải thích. Hắn ta sau đó xin số điện thoại của anh bạn ký giả của tôi ở Cairo - Mostafa Fathi - để nhờ "điều tra manh mối" về cái người đã gọi điện thoại báo cảnh sát. "Tao nghi ngờ cảnh sát ở đây tham nhũng hết rồi. Không thể tin tưởng được!", hắn nói. Tay bạn Mostafa Fathi của tôi đương nhiên không quen biết ai ở Dakla cả, nhưng hắn có anh bạn là cảnh sát ở vùng lân cận, El Kharga. Mostafa Fathi nói là là sẽ hỏi giùp cho tay Samas. Tôi không rõ câu chuyện như thế nào, nhưng sau đó có một anh cảnh sát xuất hiện trước khách sạn. Anh ta cứ ngồi lỳ trước khách sạn tôi trú ngụ từ sáng sớm và không đi đâu cả. To cao, đeo quân hàm, phù hiệu, hông mang súng ngắn. Để làm gì ư? "Để bảo vệ an ninh cho anh, du khách tại Dakla!", Samas nói.

Hừm... Đương nhiên là tôi không thích! Vì như vậy càng tăng thêm sự chú ý của dân địa phương. "Buổi tối anh có thể về nhà chứ?". Tôi hỏi anh cảnh sát. Anh thân thiện cười lắc đầu. Tối hôm đó anh ta mang theo chăn màn đến ngủ luôn tại tiền sảnh khách sạn. "Hừm... Giả sử có nổ bom xe thật thì một tay cảnh sát có thể làm được gì chứ". Tôi nghĩ thầm.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_123320_zps0su7skfb.jpg

Cảm giác có người theo dõi các hoạt động của mình như vậy rất khó chịu, đành rằng đây là ý tốt! Vâng, xứ sở "Nghìn lẻ một đêm" có thể trở thành "Nghìn lẻ một ... quả bom" bất kỳ lúc nào. Từ đó, mỗi khi nghe tiếng xe máy nẹt pô hay tiếng động lớn ngoài đường phố ban đêm là tôi lại giật mình thon thót. "Ai rồi cũng... "đi xa"! Nhưng "đi xa" trên sa mạc tại một đất nước xa xôi bởi một quả bom vô thưởng vô phạt thì đúng là lãng xẹt...". :lol:

Một buổi trưa, Samas mang tới cho tôi phần cơm của mẹ hắn nấu. Đây là phần cơm nấu ngon nhất, giống khẩu vị Việt Nam nhất từ khi tới Ai Cập đến giờ. Vừa ăn tôi vừa nghĩ bụng tên Samas thật may mắn khi có người mẹ nấu ăn ngon như vậy:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_115834_zpsctbhkwvd.jpg

HDD82
19-08-2015, 18:05
Để thực hiện điều số ba, tôi và Samas lủi theo cửa sau khách sạn để không bị anh cảnh sát để ý, rồi cứ thế chúng tôi chạy tầm 30-40km vào sa mạc...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_184002_zpsttdzqqpi.jpg

Để làm gì ư? Để... ngủ!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_190150_zpsxbwsjq61.jpg

Tay này thấy tôi vừa bung lều lên thì tí tởn chạy lại đòi... mua! "Đông, cho tao chiếc lều này nhé. Tao sẽ mua lại cho mày một món quà". Người Ả-rập nổi tiếng giỏi về buôn bán, từ lâu đã thông thương hàng hóa với nhiều nơi trên Thế giới. Quyển sách "Người bán hàng vĩ đại" đề cập tới triết lý bán hàng thành công - Cho đi trước khi nhận lại - cũng xuất phát từ câu chuyện một người buôn Ả-rập. Tôi thừa nhận lý thuyết trên là đúng. Đa số người Ai Cập tôi gặp đều có khả năng thuyết phục bán hàng rất tuyệt vời, kỹ năng sành sỏi. Nhưng trong trường hợp này, tay Samas rõ ràng không biết hắn đang đề cập tới cái gì: Đây không phải là cái lều bình thường!

Tức đây là cái lều... bất bình thường! Bất bình thường ở chỗ kể từ khi mua nó cách đây 5 năm, sử dụng nhiều lần: ngủ lần đầu từ Thụy Điển tới Na Uy, tới cắm trại ở độ cao 4.000m gần biên giới Tây Tạng, tới ngủ tại Grand Caynon năm ngoái, mà chưa lần nào ... giặt! :lol: Chưa giặt lều bao giờ! :lol: Nên rõ ràng là bất bình thường!

"Xin lỗi! Anh đang đề cập tới chuyện mua một chiếc lều. Nhưng đây là chiếc lều không phải để bán! Tôi có thể tặng chiếc lều này cho một người bạn trẻ tuổi nào đó với ước mơ vòng quanh TG trên xe gắn máy, còn bán thì không!" Tôi nghĩ bụng và nhìn tay Samas. Cũng trạc tuổi tôi mà mặt lúc nào cũng tỏ ra nghiêm trọng hóa vấn đề, cả ngày bói không ra được nụ cười trên mặt... Nói vậy thôi chứ hắn là một người rất tốt bụng!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_184637_zpsxtjjhfsd.jpg

HDD82
19-08-2015, 18:08
Hoàng hôn dần buông xuống nhuộm một màu vàng nhạt lên sa mạc. Bầu trời ban ngày lúc nào cũng không một bóng mây, nắng chói chang thì bắt đầu buông rèm sân khấu cho muôn vàn tinh tú xuất hiện. Cả triệu vì sao long lanh, lấp lánh trên bầu trời trong xanh. Khí hậu sa mạc chứa ít hơi nước nên không làm ánh sáng phát ra từ các ngôi sao bị khúc xạ, cả ngôi sao nhỏ nhất, xa nhất vì vậy cũng có mặt trên sân khấu mang tên Dải thiên hà. Cứ vài chục phút lại thấy một ngôi sao băng xẹt qua, điều tôi đã không thấy từ sau chuyến đi Tây Tạng. Chỉ có bầu trời trên cao nguyên Tây Tạng mới có thể quan sát rõ cả triệu ngôi sao như vậy. Nhưng thiên nhiên ở độ cao 4.000m rất khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 0 độ C và băng giá bám đầy lều, tiết trời ban đêm như vậy khiến “khán giả” muốn chui vào lều tránh rét hơn.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_185442_zpsgcnslwtc.jpg

Nhìn cảnh sa mạc, bất kỳ một tay moto nào cũng muốn lái một chiếc xe địa hình mà lao vào khám phá: không đường sá, không nơi đến cụ thể, không luật lệ, không giới hạn… Giới hạn lúc này chỉ là bạn và khả năng của chú ngựa sắt tới đâu, đi được bao xa???
Đốm lửa trại được nhóm lên... Đi moto tới vùng đất nào đó mới, được cắm trại và đốt lửa là điều đáng mơ ước. Thật tế cắm trại chẳng mấy khi được nhóm lửa, ở chuyến đi Mỹ năm ngoái duy nhất được 01 lần (vì lý do cháy rừng nên đa phần cấm lửa trại), ở Châu Âu thì còn chẳng được lần nào. Khi nhìn ngọn lửa trong bóng đêm tịch mịch sa mạc Châu Phi, trong một không gian như vậy chúng ta cảm thấy như được trở về với phần tổ tiên xa xưa tưởng như đã biến mất hẳn trong con người mình...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150720_204832_zpstzgkp0ww.jpg

HDD82
19-08-2015, 20:37
Kéo vali ra khỏi khách sạn khi tay cảnh sát còn đang mơ ngủ trên ghế salon, tôi ra xe bus tới Thành phố Assut từ đó đi tiếp tới Thành phố Luxor. Chính thức ra khỏi sa mạc bắt đầu tìm hiểu cuộc sống dọc lưu vực sông Nile phía Nam Ai Cập!

Chiếc xe bus cũ kỹ vừa lăn bánh thì cũng là lúc tôi áp dụng "chiến thuật" cũ: mon men tới nói chuyện với bác tài xế, đồng thời xin phép ngồi cạnh đó để ngắm cảnh hai bên đường. Bác tài nhiệt liệt hoan nghênh và còn cấp cho tôi một cái đệm lót dưới sàn xe cho đỡ đau mông. Trong xe có thể nóng nực chứ vị trí lái xe của bác tài luôn mát mẻ, điều hòa hoạt động hết công suất, và đương nhiên các lời mời uống trà, ăn bánh luôn được gật đầu ngay mà không cần phải nhắc lại...

Xe chạy bon bon được một lúc thì lốp sau bị hư cần phải thay thế, toàn bộ hành khách xuống xe tìm bóng râm ngồi đợi... Tôi quan sát thấy người Ai Cập nói chung có cách nói chuyện nhìn rất căng thẳng, hai bên (mặc dù không có gì to tát) vẫn lớn tiếng dữ dội như sắp sửa đánh nhau, không ai chịu ai và dường như không có sự tôn trọng đối phương. Một chuyện nữa, đó là chủ đề ưa thích của đàn ông mỗi khi hỏi du khách vẫn là về... phụ nữ. Lập gia đình chưa? Có mấy con rồi? Có bạn gái chưa? Mày xxxx lần nào chưa? v.v... và v.v... Theo tôi, vì tín ngưỡng Hồi giáo khắt khe (so với Việt nam), việc gần gũi nam nữ hoàn toàn bị cấm cho đến khi lập gia đình (và không có "phở", "cháo" gì khác), lại ít bia rượu, nên chuyện họ quan tâm nhiều tới chủ đề trên cũng là dễ hiểu. :D

Tranh thủ lúc sửa xe mấy tay đàn ông ngồi tám chuyện:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150722_094305_zpsnbsewohm.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150722_094323_zpslkertyzv.jpg

Xe không sửa được! Một chiếc xe khác cà tàng tới và chúng tôi phải leo lên nhập chung để đi tiếp. Vị trí ngon lành của tôi ở hàng "tiền đạo" do đó không còn, thay vào đó là "hậu vệ": ngồi hàng ghế cuối cùng của xe và nóng như đổ lửa. Hành khách trên xe cũ và hành khách mới (từ xe tôi) cãi nhau kịch liệt tìm chỗ ngồi, có người văng tục chửi thề nhà xe nhưng vẫn phải đứng suốt trên đường đi (vì cũng chẳng còn xe nào khác). Dân địa phương nói chung nhiều người hôi hám và ăn mặc khá bẩn thỉu. Áo quần, tay chân cáu ghét... Vệ sinh cá nhân của nhiều người rất tệ! Tôi ngồi cạnh một tay thanh niên mặt mũi thân thiện nhưng bốc mùi kinh khủng. Bộ áo hắn mặc như kiểu vài tháng chưa giặt, từ màu trắng (có lẽ) thành màu cháo lòng. Mỗi lần hắn giơ cánh tay lên gối đầu thì "Thôi rồi Lượm ơi", mùi hôi nách xông ra muốn ói lộn ruột ! Cái mùi khiếp không thể tả! Suốt sáu tiếng đồng hồ, tôi chỉ cầu thánh Alla cho hắn đừng có giơ tay lên khoe nách mà thôi...

Sáu tiếng trên xe bus tới Tp. Assut tôi quyết định đi tàu tiếp tới Tp. Luxor mà không nghỉ lại. Kéo cái vali nặng trịch giữa trời nắng chang chang tìm ga xe lửa, đầu óc vẫn chưa hết quay cuồng với cái mùi hôi nách của tay Ai Cập, mà bụng đói meo... Trổ hết sức bình sinh lê lết tới ga xe lửa. Hết vé! Tôi quyết định sẽ mua vé tàu đứng đi Luxor vào buổi trưa cùng ngày. "Đứng thì đứng, cùng lắm là như tàu chợ Việt Nam đứng phía ngoài khoang thôi chứ gì...", nghĩ bụng tôi đi tìm mua mấy món ăn bậy bạ cho đỡ đói, chờ lên tàu.

Một lần nữa, kinh nghiệm đã có trong quá khứ lại trở thành con dao hai lưỡi: Đây không phải là tàu chợ như Việt Nam mà còn đông đúc hơn nhiều. Cả nghìn người ùa như kiến vỡ tổ khi đoàn tàu vừa dừng bánh, cảnh tượng chen lấn như kiểu nhồi thịt người trong tàu cao tốc ở Nhật Bản. Không còn một chổ để đứng cho đàng hoàng đừng nói phải chen lấn cái vali to tướng. Biết là quyết định sai lầm nhưng đã quá muộn để quay trở lại: đám đông cứ thế ùn ùn kéo lên...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150722_183924_zpskay43j5y.jpg

Đoàn tàu lăn bánh được một lúc thì đám thanh niên địa phương bắt đầu lấy thuốc ra hút, còn tôi lắc lư một lúc trên một chân thì thấy đuối, muốn tìm chỗ ngồi mà không có. "Căng đây, sáu tiếng đứng trên tàu kiểu này chắc ngồi xe lăn quá!". Tôi thầm nghĩ trong đầu, mắt quan sát và nhẩm tính. Đứng cạnh tôi là ông già làm nhiệm vụ mở khoang đựng hành lý của khách, tôi lấy ra mấy tờ tiền cố giải thích rằng nếu ông tìm cho tôi chỗ để ngồi thì tôi sẽ gửi cho ông tiền. Ông già gật đầu ra bộ hiểu ý và mở chìa khóa khoang hành lý kích thước cỡ 70x50. Sắp xếp lại hành lý trong khoang thì vẫn còn chỗ trống vừa đủ để kê cái mông, tôi cảm ơn, gửi ông 10 đồng Ai Cập, và cuộn mình lại như con mèo cố làm một giấc giữa mùi khói thuốc, mùi hôi và tiếng động từ cả trăm thứ âm thanh gộp lại... Amen!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150722_142813_zpsrgebghyv.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150722_142443_zpsv12sqexg.jpg

HDD82
19-08-2015, 20:38
Thành phố Luxor, phía Nam Ai Cập, bị sông Nile chia cắt làm 02 phần: Phía Đông thành phố là nơi dân cư đông đúc sầm uất, tập trung các tòa nhà hành chính, khách sạn, gọi là East Bank. Phía Tây diện tích nhỏ hẹp hơn, cư dân phần lớn làm nông nghiệp, du lịch, gọi là West Bank. Phần lớn việc di chuyển giữa hai bờ là bằng xà lan. Các sà lan và tàu nhỏ hoạt động tấp nập dọc hai bờ sông để chuyên chở khách qua lại. Từ nhà ga xe lửa, tôi đi taxi tới bến phà, sau đó đi tàu qua bờ Tây, đi bộ tiếp hơn 500m tới khách sạn. Giá vé là 5 đồng bảng/lượt cho tàu nhỏ cao tốc, và 1 đồng bảng cho tàu lớn hai tầng.

Dù vị trí địa lý có sông Nile chảy qua, Luxor có khí hậu nóng và khô như sa mạc. Nhiệt độ tại Luxor nóng hơn nhiều so với tại Cairo, thậm chí có ngày lên tới hơn 40 độ C. Tóm lại, Ai Cập như một đất nước không... bóng mây. Từ khi qua Ai Cập đến nay, thấy được bóng mây trên bầu trời cũng giống như được nhìn thấy ... nguyệt thực vậy, rất hiếm! Còn nếu có mưa giữa mùa hè thì có thể ví với việc nhìn thấy... nhật thực, không bao giờ xảy ra! Do đặc điểm thời tiết, cư dân Luxor giữ thói quen "Thức khuya, dậy trễ" cho tiện việc sinh hoạt. Tầm 6h đến 10h sáng đường phố rất thưa thớt, hàng quán còn chưa mở cửa. Đây là thời điểm một tay Châu Á vẫn duy trì thói quen "Không thức khuya, không dậy trễ" tản bộ ra sông Nile. :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150727_095754_zpshf93jypr.jpg

Bến phà Luxor:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150727_100207_zpsqoiuowwd.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_113828_zpsiqyl3bwo.jpg

Ước mơ lãng mạn của nhiều chị em phụ nữ đó là một lần đi thuyền trên sông Nile êm đềm, thơ mộng vào buổi chiều (sáng) ngắm hoàng hôn (bình minh). Tôi thì không có ước mơ đó, nên không biết nguồn gốc xuất xứ của ước mơ đó từ đâu? Ngờ rằng dưới tác động của sách báo, phim chưởng... ý lộn... sách báo, phim ảnh đã làm nên giấc mơ đó chăng? Nếu đúng vậy thì phương tiện truyền thông ngày nay đã có sự tác động rất lớn tới nhận thức, suy nghĩ của con người. Bởi sự thật, theo tôi, sông Nile cũng... bình thường! Cái thú vị hơn con sông là văn hóa ở đây. Vượt qua trở ngại là hàng chục những anh chàng cò mồi mua hàng, lao tới giựt áo, giành hành lý du khách, mời lên xe, đi tour để hòa vào nhịp sống bình thường của người dân Luxor, để tìm hiểu thói quen, tính cách và sinh hoạt hằng ngày của họ, thì bạn sẽ thấy Ai Cập có nhiều điều thú vị...

Người dân địa phương trên tàu. Nhiều người tò mò quan sát tôi trong khi tôi tò mò quan sát họ. Có người đàn ông địa phương tới bắt tay với tôi và hỏi dăm ba câu. Bà vợ to béo choàng áo kín người, đứng phía sau lưng ông chồng, bị ông chồng giục liên tục cũng tới bắt tay và cười... Té ra Hồi giáo cũng không đến nỗi khắt khe lắm! :lol:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150727_081018_zpsavd0d2wa.jpg

Sông Nile vào buổi sáng sớm:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150724_063920_zpsdhthc2ob.jpg

HDD82
20-08-2015, 16:47
Đền Kanab

Đền Kanab (Tên Tiếng Anh: Kanab Temple) nằm ở phía bờ Đông, là địa điểm tôi tới thăm đầu tiên khi tới Luxor. Người Ai Cập cổ, cũng như nhiều giống dân khác, thờ rất nhiều vị thần trong tín ngưỡng của họ. Thần Đất, Thần Nước, Thần Phân bón, Thần Mặt trời, Thần Chết, Thần Nông nghiệp v.v... sẽ bảo vệ cho người dân khỏi các điềm xấu, may rủi. Ước chừng có hơn 400 vị thần tồn tại trong đời sống tín ngưỡng của người dân. Sau một năm trồng trọt nông nghiệp, người Ai Cập cổ tin rằng đất đai, nước nôi nuôi sống họ sẽ trở nên "mệt mỏi" (giống như con người vậy), các vị thần sẽ mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Đền Kanab là nơi người dân tổ chức các buổi cúng tế dâng lên các vị thần, dưới sự chủ trì của các nhà sư và nhà vua. Đền cũng là nơi tổ chức tiệc tùng vui chơi sau một năm lao động mệt nhọc của người dân xứ Thebes.

Tín ngưỡng đó không thay đổi suốt nhiều trăm năm. Đền Kanab, do đó, lần lượt được hàng chục vị Pharaon nối tiếp nhau xây dựng, mở rộng, hoàn thiện để dần trở thành ngôi đền rộng thứ hai trên Thế giới, sau quần thể di tích Angkor Wat Campuchia. Đáng tiếc là đền Kanab đã bị phá hủy nhiều do con người và thiên nhiên, những nỗ lực khai quật, phục chế của các nhà khoa học sau này dù sao cũng đem đến cho du khách một cảm nhận hùng vĩ về ngôi đền nghìn năm tuổi này...

Thời điểm sáng sớm là lúc thích hợp nhất để viếng thăm vì thời tiết còn khá mát mẻ. Tôi là một trong vài vị khách đầu tiên vào buổi sáng đó, tới nơi khi người bán vé vẫn còn đang... ngủ! (Tuy nhiên, cảnh sát ở vòng ngoài thì lúc nào cũng thấy súng ống sẵn sàng).

Hàng nhân sư xếp hàng hai bên lối vào đền:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3723_zps7xbchdwd.jpg

Qua được hàng nhân sư, chúng ta phải đi vào một lối đi hẹp xuyên qua bức tường thành cao vài chục mét. Một phần của bức tường được chụp từ bên trong:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3636_zps647zy0cn.jpg

Thủ đô của xứ Ai Cập lúc này không còn ở Cairo nữa, mà được dời về Luxor (có lẽ vì họ thấy vị trí phía Bắc xa xôi của Cairo, và muốn dời về nơi nào ở giữa đoạn sông Nile, nằm gần Tp. Aswan ở phía Nam hơn). Tên gọi khi đó của nó là Thebes.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3646_zpsyi7qkklg.jpg

Tư thế bức tượng với hai tay đặt chéo nhau lên ngực là biểu tượng quyền lực chỉ có của Pharaon. Không chỉ có tượng mà xác ướp của vua cũng được đặt chéo tay lên ngực như thế! Đầu đội chiếc mũ (head cover) xòe rộng ra nhìn có vẻ... bề thế. Kích thước cơ thể của nhiều vị Pharaon thật ra không to lớn lắm, một số bức tượng nhỏ còn mô tả vua có đầu hói, bụng phệ và ục ịch. Xác ướp trong Bảo tàng Ai Cập tại Cairo cũng cho thấy chiều cao thật sự của các Pharaon phổ biến dưới 1.7m. Nhưng tượng của các Pharaon thật sự hoàn hảo với tỉ lệ chiều dài tay, chân đẹp, vòng eo nhỏ, vai rộng. Có thể đây là tiêu chuẩn vẻ đẹp mà người Ai Cập cổ hướng đến chăng?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3653_zpstm9irazr.jpg

HDD82
20-08-2015, 16:49
Chính giữa ngôi đền là một "quảng trường" với các cột đá chạm trổ đứng sừng sững. Tôi không biết ý nghĩa của các hình ảnh chạm trổ này là gì? Chỉ thấy sự tinh xảo, mêng mông và màu sắc vượt thời gian của chúng cũng là đáng kinh ngạc:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3669_zpsh99fus0k.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3662_zpsiafjuzjr.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3663_zpsngxkuoep.jpg

Bên cạnh các họa tiết tinh xảo thì màu vàng cát sa mạc của ngôi đền, kết hợp với màu xanh biêng biếc của bầu trời là điều mới mẻ trong mắt mọi du khách...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3678_zpswdjzdh6w.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3677_zpskvv1dr76.jpg

Có nhiều người địa phương tự xưng là "hướng dẫn" sẵn sàng thao thao bất tuyệt với bạn hàng tràng các câu chuyện về đền Kanab để kiếm chút tiền nuôi sống gia đình. Tôi chỉ lịch sự từ chối lời đề nghị của họ, vì không muốn mình bị lôi đi xềnh xệch hết góc này đến góc khác. Và chỉ muốn "thẩm thấu" vào đầu óc vẻ đẹp của đền Kanab theo nhịp độ vừa phải ưa thích của mình... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3680_zpsojisrieg.jpg

HDD82
20-08-2015, 16:52
Điều đáng tiếc duy nhất, theo tôi, là ngôi đền đã bị phá hủy nặng nề bởi chiến tranh và thiên nhiên. Công việc phục dựng của các nhà khoa học đã tái hiện phần nào hình dáng ban đầu của nó, nhưng họ đã để lại "dấu vết" của công việc khắp mọi nơi, tạo nên cảm giác du khách không được xem một bộ phim "nguyên bản" của người xưa. Xung quanh đền ngổn ngang hàng nghìn hiện vật, tảng đá được đánh mã số, chờ các nhà khoa học phục dựng. Việc khai quật ngôi đền hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn, nhiều kiến thức mới do đó được phát hiện. Xâu chuỗi với nhau các câu chuyện từ đầu topic, nơi những bí mật về Kim tự tháp vẫn còn đang được tìm hiểu, rõ ràng kiến thức nhân loại đối với lịch sử cổ đại nói riêng, lịch sử nói chung là nhỏ bé!

Nếu bạn còn nhớ trong "Nhật ký Nước Mỹ" hình ảnh chụp một tượng đài có hình dạng giống cây viết chì giữa quảng trường Thủ đô Washington D.C. Ngờ rằng nếu người Ai Cập cổ đại có sống lại, chắc chắn họ sẽ đòi bản quyền cho thiết kế cây viết chì này.... "Cây viết chì" của người Mỹ có tuổi đời cũng như em bé sơ sinh so với cụ già sống lâu nhất Thế giới. Tượng đài tại Washington gần 100 tuổi với bức cột bằng đá 3.000 năm tuổi...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3684_zpszbp0gkih.jpg

Xung quanh ngôi đền:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3674_zpsphw144b2.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3683_zpsxtgnvvvd.jpg

HDD82
20-08-2015, 16:53
Bổ sung vào di sản của ngôi đền là chùm cây chà là cao, sai trĩu quả. Nếu theo cách tính tuổi cây thì chúng có lẻ phải hơn trăm tuổi. Đứng lẻ loi giữa không trung, chịu đựng nhiều nắng gió và tác động thiên nhiên, thân của chúng vút cao dẻo dai, chắc nịch. Hình ảnh khác hẳn với vườn cây chà là ăn trái của anh Aiman tại ốc đảo Brahyia. Con người muốn trưởng thành thì cũng phải như cái cây kia: Phải để cho bản thân tự chống chọi với các điều kiện khắc nghiệt, để trở nên cứng cáp và phát triển chắc chắn. Điều này có thể áp dụng với mỗi người, với cha mẹ khi chăm sóc con cái tránh đùm bọc quá đáng, nền giáo dục thầy cô tránh để học trò va chạm trải nghiệm, với công ty được "bảo vệ" thoát khỏi nền kinh tế thị trường yếu kém...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3670_zps2dig5ngi.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3668_zpstkvdkouu.jpg

Hy vọng "phát hiện mới" về cây chà là đền Kanab này chưa được đưa vào sách du lịch tham khảo nào... :))

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3689_zpsdirwlckn.jpg

HDD82
20-08-2015, 16:54
http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3695_zpsqhikh9bz.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3697_zpsci5ksjcx.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3712_zpsruu1i32s.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3698_zpsq8lxez8o.jpg

HDD82
20-08-2015, 16:56
Bản thân ngôi đền tự bản thân nó đã thú vị, nhưng mối quan hệ giữa nó với đền Luxor (cách 2km) và vai trò của nó trong việc định vị xây dựng đền nữ hoàng Hatshepsut 10km ở bờ bên kia sông Nile cũng thú vị không kém... Nhưng cũng như nhiều topic khác, mục đích của tôi không phải là chia sẻ thật nhiều những cái mình biết (và chưa biết) trong mỗi chuyến đi. Điều đó là vô ích! Hơn hết, tôi muốn qua đây tiếp thêm đam mê để mỗi người lên đường khám phá thế giới tươi đẹp xung quanh.

"Hãy thật khao khát. Hãy thật dại khờ." (Steve Jobs). Hãy khao khát lên đường như đứa bé khát bầu sữa mẹ! Đừng để sợ hãi ngăn bước chân bạn. Cũng đừng ngại ngần... Vì thế giới này là của bạn, và bạn chỉ sống một cuộc đời mà thôi !

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3726_zps9aj6dojm.jpg

HDD82
20-08-2015, 16:57
Lâu lâu tự sướng một tấm, không có người thắc mắc HDD82 không biết "tự sướng"... :))

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150724_095900_zpsho1ns1hb.jpg

... hòa chung không khí tự sướng cùng các thôn nữ Hồi giáo xinh đẹp... :))

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150724_100152_zpsaa36rqe9.jpg

HDD82
22-08-2015, 12:16
- Hello, China?
- No.
- Japan?
- No.
- Taiwan?
- No!!!
"Thế mày đến từ nước nào?". "Việt Nam", tôi nói.
- Ồ, Việt Nam? Pằng, pằng America...
- Không! Chiến tranh kết thúc rồi. Chúng ta bây giờ đã là bạn.

Từ các tay bán hàng ở ngoài phố, tới dân địa phương, chủ khách sạn, người làm công v.v... đều hay sử dụng mẫu đối thoại tương tự như trên. Việt Nam trong con mắt của người Ai Cập là các bộ phim chiến tranh với Mỹ, là bom đạn... Thông tin về Việt Nam với người Ai Cập cũng giống như thông tin Ai Cập tại Việt Nam vậy. Rất hạn chế! Nên mỗi khi có cơ hội, tôi lại giới thiệu VN trên đường đi du lịch.

Câu chuyện tới đây khiến tôi liên tưởng tới ông Jose Victor, người đàn ông Guatemala làm kỹ sư IT. Dù hơn 30 năm sống tại Đức, có vợ (cũ) và con tại Đức, đi đâu ông cũng giới thiệu mình là người Guatemala. Cái giọng ngân nga tự hào khi giới thiệu đất nước Trung Mỹ nhỏ bé, từ một người đàn ông nhỏ bé, khiến mọi người rất chú ý. Không những nhiều người Việt Nam hay có suy nghĩ chê bai quê hương, chán nản chính kiến, luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ tới "ước mơ Mỹ", "chân trời Âu, Úc" và sẵn sàng từ bỏ quốc tịch VN ngay khi có cơ hội, mà nhiều người nước ngoài tôi gặp cũng có thái độ tương tự. Tôi còn nhớ một anh chàng da đen tôi gặp ở Cairo vỗ ngực tự hào mình có quốc tịch Na Uy, và nói chuyện theo kiểu đó là một "thành tích" tuyệt vời nhất trong cuộc đời mà anh từng đạt được. Trái ngược hoàn toàn, Jose lại luôn nói về đất nước Guatemala với niềm tự hào, là điều, theo tôi, đáng để học tập!

Và giữa thành phố Luxor triệu dân, tôi và Jose có dịp tái ngộ. Hai người tay bắt mặt mừng sau gần 2 tuần chia tay tại Cairo. Jose vừa mới khỏi bệnh cúm hành hạ anh suốt tuần qua, và vừa tới thăm người bạn của anh tại Luxor. Nơi chúng tôi trọ ở cùng Bờ Tây, không xa lắm, và việc chúng tôi làm đầu tiên là tìm cho mình một ly nước mía...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150729_162953_zpsw84obbdc.jpg

Trái ngược với nước uống mượt mà, thức ăn tại đây chỉ có "ngậm đắng nuốt cay" mà nuốt...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_113416_zps4u1gwlty.jpg

Rồi cũng như cô bé Maya Sato trong chuyến Đông Dương phần 2, tôi "lên lớp" Jose một bài về lợi ích của việc đi xe gắn máy. Với kinh nghiệm vài lần lái xe đạp ở nước ngoài, không mất quá nhiều thời gian để thuyết phục, Jose phóng lên chiếc xe gắn máy sau lưng tôi và... Bạn biết đấy... Maya hay Jose cũng thừa nhận xe máy là phát minh vĩ đại nhất của con người để ... du lịch!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3729_zpsawna6rhj.jpg

Tiếp tục lên đường thôi...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3732_zpsue3b55bc.jpg

HDD82
22-08-2015, 12:19
Đền Hatshepsut:

Quyền lực và chính trị tưởng chừng như "trò chơi" chỉ dành cho đàn ông. Nhưng lịch sử đã cho thấy một khi phụ nữ lên nắm quyền hành, mặc dù rất hiếm hoi, họ thường tạo ra những chuyện "kinh thiên động địa", những bước ngoặt tạo nên dấu ấn sâu đậm trong văn hóa xã hội đương thời. Ví dụ như trong lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên là nhân vật kiểu như thế. Sau này có Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, một người có vai trò lớn trong "Bè lũ bốn tên" thời Cách mạng văn hóa, cũng có tác động lớn đến đời sống người dân lúc đó. Nước Nga thì có Nữ hoàng Ekaterina, còn có tên Ekaterina Đại đế, người có công đưa nước Nga trở thành cường quốc hùng mạnh tại Châu Âu thế kỷ 18, quân đội của Nga dưới thời đó đánh bại quân đội Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam chúng ta thì ai cũng biết là Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, hình ảnh thật oai hùng!

Còn Ai Cập? Vâng, đó là Hatshepsut ! Hatshepsut là vị Pharaon thành công nhất trong lịch sử Ai Cập. Bà là Pharaon thứ 5, thuộc triều đại lịch sử thứ 18, cai trị Ai Cập cách đây 3.500 năm. Vị Pharaon này phải cải trang thành nam giới bằng cách đeo râu giả mỗi khi xuất hiện, lên nắm quyền hành vương quốc khi con trai là Thutmose III được giao ngôi hoàng đế khi còn quá nhỏ. Hatshepsut là vợ của vua Thutmose II, còn Thumose III là con của Thumose II. Hình ảnh mang râu giả của Hatshepsut được thể hiện trong các bức tượng: Tượng của bà thường đội chiếc mũ miện cao, bên dưới có quàng một sợi dây bên trên qua má để giữ chòm râu giả (vì thời bấy giờ chưa phát minh ra... keo dán, nếu có keo dán thì chỉ cần dán râu lên là xong), mặt của bức tượng được vẽ màu đỏ.

Chúng tôi tới Đền Hatshepsut, phía Tây sông Nile, vào buổi sáng sớm để tìm hiểu xem khi phụ nữ lên nắm quyền, họ có thể tạo nên cuộc "cách mạng" như thế nào? Và đây, Đền Hatshepsut 3.500 năm tuổi dưới góc máy ảnh Canon 35 năm tuổi... ý lộn... 10 năm tuổi...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3736_zpskdaz4ebu.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3739_zpst7yzg7uf.jpg

Kiến trúc ngôi đền như thế nào so với đền Kanab ở trên? Hoàn toàn khác biệt! Hatshepsut đã "phế bỏ" kiểu kiến trúc cột cao, tường to sừng sững, hoành tráng bề thế của các vị Pharaon nam giới "tiền nhiệm". Thay vào đó là thiết kế mới: Một quảng trường rộng mênh mông với nhiều bậc thang dài nối tiếp nhau đi lên, cuối mỗi bậc thang dẫn tới một khu vực trong đền. Tất cả có kết cấu phần mái bằng phẳng và không gian... thông thoáng! Không có kiểu chen lấn trong ngôi đền chật chội và đông đúc như kiểu đàn ông thường làm! ;)

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3740_zpsocekxqev.jpg

Mặt trước của ngôi đền là một loạt bức tượng chân dung của chính Hatshepsut to lớn, hoành tráng. Bức nào bức nấy giống nhau như đúc, được xếp hàng loạt tạo ấn tượng quyền lực mạnh mẽ. Một sự khẳng định chăng? Gương mặt mỗi bức tượng còn lưu dấu sơn màu đỏ sau hàng nghìn năm, đường nét thanh tú mềm mại, và đặc biệt là thân hình... Thân hình tròn trịa hông to, bụng nở đúng kiểu phụ nữ! Trên má, nếu để ý kĩ, vẫn thấy dấu vết của một đường kẻ chỉ, là nơi gắn chòm râu giả.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3742_zpsheziqtxm.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3743_zpsbexefzb2.jpg

HDD82
22-08-2015, 12:20
Bạn có nhìn thấy không gian thoáng đãng của ngôi đền so với đền Kanab không? Con chim này là đại diện cho thần chết! Phía Tây sông Nile được người dân quan niệm không phải nơi để sống, mà là nơi chôn cất người chết! Hai khu vực sinh sống và chôn cất người chết cách nhau bởi con sông Nile. Sau khi Hatshepsut mất, phần lớn ngôi đền bị hủy hoại nghiêm trọng. Hầu hết các bức tượng của vị Pharaon này bị phá hủy khuôn mặt. Công trình tái tạo đền là một dự án vĩ đại không những là nỗ lực của Ai Cập mà từ các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên Thế giới.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3750_zpsmjasqzrf.jpg

Ngôi đền và cả lăng mộ của Hatshepsut ăn sâu vào vách núi. Lăng mộ của bà, trong bộ phim phóng sự mới đây, được đào ngầm dài hàng trăm mét vào dưới lòng đất. Đây là một cuộc cách mạng thứ hai: Lăng mộ của vua không nằm trong Kim tự tháp hướng lên trời nữa, mà được đào sâu vào lòng đất. Rất sâu.

Tại sao vị Pharaon này lại làm chuyện ngược lại hoàn toàn với truyền thống như vậy? Tôi không rõ! Có thể tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân đã thay đổi một phần so với trước kia, hoặc người ta thấy việc xây Kim tự tháp quá tốn kém, hoặc giả là Kim tự tháp lộ thiên như vậy rõ ràng là mục tiêu "dễ xơi" của tất cả bọn trộm cắp. Còn đào huyệt vào lòng núi ư? Đương nhiên là việc tìm kiếm cửa hầm nằm ở đâu trên ngọn núi đã phức tạp hơn ngàn lần, chưa nói chui vào huyệt là một ma hồn trận địa để trộm cắp kho báu. Đào mộ trong lòng núi là một ý tưởng cách mạng! Hàng chục vị Pharaon sau này đã theo dấu chân Hatshepsut: đào mộ dưới lòng đất, để rồi cuối cùng hình thành nên Thung lũng của các vị Vua (Valley of the Kings) với hơn 50 ngôi mộ ẩn trong núi, nhiều số chúng đến nay vẫn chưa mở cửa cho du khách tham quan.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3752_zpsau5ccydt.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3747_zpsvmo0obrf.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_083839_zpsinaxortf.jpg

Nhiều hình vẽ mô tả các cuộc khám phá chinh phạt của quân đội Ai Cập dưới thời Hatshepsut ra nhiều nước Châu Phi lân cận, thu gom nhiều loại súc vật, cây cối mới lạ về cho vương quốc:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3748_zpsjfwwfsew.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_090020_zpswbygebfd.jpg

Với đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, khoa học sau hơn 30 năm tại Đức, Jose Victor với niềm đam mê Ai Cập thật sự là một quyển sách sống về lịch sử Ai Cập. Từng phòng, từng khu vực một trong đền đều có ý nghĩa riêng. Từng hình vẽ trên tường cũng là một câu chuyện thú vị. Bạn có thể đến ngôi đền này thêm nhiều lần nữa mà vẫn còn khám phá ra được nhiều cái mới mẻ. Ngay cả giới khoa học cũng đang tiến sâu vào lòng núi kiếm tìm xác ướp của Pharaon Hatshepsut vẫn chưa rõ ở nơi nào...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3745_zpsd3ecituq.jpg

HDD82
22-08-2015, 12:38
Giữa Phương Đông và Phuơng Tây tồn tại sự khác biệt về văn hóa, về suy nghĩ và cả phong cách đi du lịch. Tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán, các món ăn địa phuơng, và địa danh tại các thành phố là điểm chung giữa hai phái. Nhưng người Mỹ và Châu Âu có thói quen tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, thích các viện bảo tàng địa phuơng, họ cũng hay đọc các loại sách du lịch hơn. Sử dụng máy ảnh hiện đại, cồng kềnh không phải là ưu tiên hàng đầu của dân Phương Tây, tương tự là chia sẻ sau chuyến đi với mọi người trong cộng đồng. Sở dĩ như vậy vì, theo tôi, tư tưởng độc lập, cá nhân trong văn hóa đã thể hiện trong cách đi du lịch của họ. Du lịch khám phá là công việc của mỗi cá nhân, trải nghiệm cá nhân.

Người Châu Á thường chuộng các loại máy ảnh nặng, nhiều tính năng chụp ảnh trên đường đi cất giữ và chia sẻ, trong khi dành ít thời gian đọc các loại sách lịch sử. Nói chung, tư tưởng tập thể và cộng đồng của người Châu Á cao hơn, nên thường đi du lịch theo nhóm để hỗ trợ nhau. Nói chung, họ vẫn ít liều lĩnh và xông pha hơn người Châu Âu cũng vì tư tưởng đó: làm gì cũng nhìn trước ngó sau, hỏi ý kiến người này người nọ xem tất cả đồng ý hết thì mới làm, còn không thì... "mai hẵng tính". :D

Người Ai Cập có thể hình cao to, lực lưỡng như người Châu Âu. Đàn ông bên này dáng chắc, đậm và cơ bắp khỏe. Theo tôi, họ mang nhiều đặc điểm của người Phương Tây hơn. Đặc biệt là trong vấn đề... tiền nong. Những tay Ai Cập ở các địa điểm du lịch rất thích mặc cả tiền bạc cho các giao dịch. Những nơi nào không được phép tham quan trong tại đền đều có thể thương lượng được để vào bên trong. Không cho phép chụp ảnh thì có thể ra giá để chụp ảnh, miễn là mức giá đưa ra hợp lý: 10 đồng bảng Ai Cập (khoảng 27k VNDD) là họ sẵn sàng dẫn bạn đi khắp nơi mọi chỗ rồi.

Đền Habu Temple là một ví dụ điển hình cho câu chuyện kể trên. Anh chàng Ai Cập da đen dẫn lối cho tôi và Jose đi khắp các hang hóc, hầm hào có cắm biển "Cấm vào" tại đền Habu. Đây là viện bảo tàng ngoài trời khổng lồ, một di tích lịch sử được Unesco công nhận.

Đền Habu Temple:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3774_zpstoz126ch.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3770_zpsqq2vtun9.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3769_zpsgn4iszge.jpg

HDD82
22-08-2015, 12:42
"Đông, xem này...", Jose nói to thích thú với tôi rồi chỉ tay trỏ tới một đoạn trong quyển sách Lonely Planet phiên bản Tiếng Đức.
- Gì vậy, Jose? Tôi hỏi.
- Trong này ghi là vài bức tường tại đền Habu có mô tả lại cảnh hành hình nô lệ.
- Pharaon hành hình các nô lệ à?
- Đúng thế. Họ chặt tay các nô lệ (chặt tay phải) và còn cắt c... luôn.
- Hả? Cắt c.... luôn hả? Tôi và Jose không hẹn đều la lên thích thú.
- Đi tìm mau thôi...
Chúng tôi háo hức chia nhau ra tìm bức tường kể trên trong ngôi đền bao la...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3755_zpsxj2ihx0g.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3757_zpsamvbslu1.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3759_zpsqzb5sa7c.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3763_zpsszfeivap.jpg

HDD82
22-08-2015, 12:46
"Diễm ơi! Em ở đâu? Em có biết là anh đang tìm em đó không?"

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_105408_zpspybqktpo.jpg

"Cầu vua Pharaon linh thiêng phù hộ cho con tìm ra... Trúc!"

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_105202_zpsgs83in8i.jpg

Và anh đã tìm ra Phuơng đây rồi! Nếu để ý kỹ sẽ thấy một đống bàn tay chất thành đống trên hình vẽ trên tường. Hình phía dưới miêu tả một đống con c... chất thành đống nữa. Ngồi trên chiếc ghế to lớn nhất là Pharaon, còn kẻ thù bị bắt làm nô lệ xếp thành hàng nhỏ nhỏ bên dưới chịu hình phạt:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_110138_zpsh7h62tt6.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_110310_zpsfafxwtm7.jpg

HDD82
22-08-2015, 12:47
Topic đến đây cũng đã tương đối dài... Việc theo dõi thường xuyên một topic dài không hề dễ, nhất là các chuyến đi của HDD82 không phải 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần mà có khi tới 1 tháng, nhiều tháng. Theo dõi topic dài cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn nhất định... Thiết nghĩ nếu bạn chưa có nhiều kiên nhẫn chỉ để đọc thôi thì khi bạn thực hiện chuyến đi dài tương tự cũng sẽ rất khó mà kiên trì đến cuối hành trình, vì trên đường đi sẽ có rất nhiều chuyện xảy đến khiến bạn chỉ muốn rút lui, muốn trở về nhà, muốn bỏ cuộc. Vậy hãy kiên trì với chính bản thân mình!

Nụ hôn "gió" từ thiếu nữ Ai Cập gửi tới các bác vẫn đang còn sức đọc... :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3781_zpsmicok1qn.jpg

LiamTruong
23-08-2015, 01:41
Mình đã theo dõi từ đầu bài viết đến giờ :D. Hi vọng sớm được xem tiếp những ký sự sắp tới của bác. Thanks!

HDD82
23-08-2015, 09:59
Mình đã theo dõi từ đầu bài viết đến giờ :D. Hi vọng sớm được xem tiếp những ký sự sắp tới của bác. Thanks!

Chào thân ái và quyết thắng! ;)

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150727_091131_zpsgzvimm5r.jpg

HDD82
23-08-2015, 10:01
Hai anh chàng Ai Cập này là bạn của Jose, dù tháng Ramadan đã kết thúc từ lâu nhưng hai anh vẫn giữ thói quen thức đến 3-4 giờ sáng, và ngủ dậy thì lúc nào cũng 12h trưa... Chuyện "hẹn hò" với các chàng trai Ai Cập này đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ. Các anh thường "hét" 7h sáng sẽ có mặt tại địa điểm hẹn, nhưng bạn hãy cứ yên trí rằng 7h30 các anh mới bò từ trên giường dậy và còn đang ngáp ngủ. Công việc kinh doanh nếu đều diễn ra theo kịch bản như vậy thì thật là thảm họa. Sẽ chẳng có nhà đầu tư nước ngoài nào chịu đến Ai Cập đầu tư làm ăn cả!

Thực tế là người địa phương vào thăm di tích còn bị cản trở khó khăn bởi vấn đề an ninh hơn là khách du lịch. Thật là hài hước! Các tay cảnh sát súng ống lăm lăm đứng quanh các di tích rất ngại thấy dân địa phương vào di tích, chắc họ e ngại khủng bố, hoặc bom xe đến từ các thành viên Muslim Brotherhood. Cách đây vài tuần tại đền Kanab xảy ra vụ nổ bom xe, nhưng vì cảnh sát đã ngăn chặn được từ xa nên vụ nổ chỉ ở phía ngoài đền, hư hại không đáng kể. Toàn bộ người Ai Cập tôi hỏi đều bực tức bọn khủng bố vì nguồn thu từ khách du lịch đã giảm mạnh (theo tôi tới 80%) kể từ 3, 4 năm trở lại đây.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_100050_zpsghyr6t4u.jpg

Jose hào phóng mới tôi cùng hai anh bạn đi ăn trưa tại một nhà hàng ở Luxor. Nhiệt độ ngoài trời buổi trưa tại Luxor có thể lên tới 45 độ. Tôi quan sát người dân ở đây hoàn toàn không biết tới mũ hay nón. Đàn ông, đàn bà, con nít cứ phằm phằm đi ngoài đường, vợ chồng bồng trên tay đứa con nhỏ xíu cũng cho nó ngửa mặt lên trời mà... ngủ. Hai vợ chồng chẳng cần che đậy cho đứa bé gì cả mà nó vẫn ngủ ngon lành. Đúng là Châu Phi! :lol:

Anh chàng trong ảnh tên là Madmood. Người Hồi giáo Ai Cập nếu không đặt tên con là Mohamed thì cũng là Mostafa, hoặc Admed. Ông bố nếu tên là Mohamed, thì đứa con nhiều khả năng sẽ là... Mostafa. Cứ xoay vòng đặt tên như vậy! Cược rằng nếu giữa đám đông 50 người mà bạn hô to lên: "Madmood" chắc cũng có hơn 10 người quay lại nhìn bạn rồi. Vâng! Madmood vẫn giữ thói quen tò mò về con gái Việt Nam giống như nhiều tay thanh niên khác tôi từng gặp. "Con gái Việt Nam trông như thế nào?", "Thế mày lập gia đình chưa?", "Mày xxx lần nào chưa?" kiểu đại loại vậy. Xong hắn cứ đòi mượn điện thoại của tôi để xem hình ảnh Việt Nam, bất kỳ hình ảnh gì, đương nhiên thời gian hắn dừng lại lâu hơn là các hình về phụ nữ... :lol:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/20150726_113840_zpszv6ikrpn.jpg

HDD82
23-08-2015, 10:03
Ai đã tới thăm mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều thừa nhận địa thế rất đẹp, phong thủy "sơn kê, thủy tụ". Nghĩa là nơi đặt mộ "kê" dưới ngọn núi cao, giống tư thế người nằm ngủ kê đầu lên chiếc gối cao, nhìn xuống dưới chân là "thủy tụ" - sông nước chảy êm đềm, sóng gió yên tĩnh. Một nơi để Đại tướng yên giấc ngàn thu vĩnh hằng! Thật ra, theo tôi, con người lúc cuối đời cũng chẳng còn nhiều ham muốn, tranh đấu nữa. Chỉ cần một nơi yên tĩnh hòa vào thiên nhiên, thế là đủ!

Tại thành phố Luxor này, phía Bờ Tây (Western Bank), có một địa điểm với phong thủy cũng tuyệt vời tương tự, nơi con sông Nile uốn lượn hài hòa phía dưới chân, sau lưng có một rặng núi mọc lên sừng sững chắn gió chắn cát từ sa mạc, dãy núi nhìn xa xa có hình dạng một con mãng xà khổng lồ đang tư thế phồng mang săn mồi. Đó là nơi hơn 60 vị Pharaon đã chọn làm nơi yên nghĩ ngàn năm cho mình: Thung lũng của các vị vua (Valley of the Kings)!

Địa thế của thung lũng nhìn từ trên cao (Nguồn: National Geographic)

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/valley-of-kings_24746_600x450_zpsnjlawwxx.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/valley-kings-egypt-968681-sw_zpswrc0ngo1.jpg

Theo sau cuộc cách mạng của nữ hoàng Hatshepsut khi xây dựng lăng mộ đào sâu vào lòng Trái đất, hơn 60 lăng mộ của các Pharaon lần lượt đục sâu vào dãy núi đá vôi này các đường hầm dài tới 300m, 400m, 600m với chi chít các họa tiết điêu khắc tinh xảo. Ở cuối đường hầm thường là căn phòng chứa xác ướp Pharaons. Năm 1922, người ta đã phát hiện thấy hầm mộ của Tutankhamun tại Thung lũng các vị vua. Sau khi xác ướp Tutankhamun tìm thấy, các lời nguyền, những rủi ro liên tục ập đến giết chết những người liên quan khiến cho mọi người kinh sợ. Lời nguyền ám ảnh đó lại là cảm hứng cho đạo diễn Hollywood bấm máy bộ phim "Xác ướp Ai Cập" ám ảnh một tay Châu Á cho tới ngày nay...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083439_zps0uxx3sh0.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083455_zpsxfcny3f9.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083334_zpsgkdgnzsj.jpg

"Xem có gì ở trỏng không?" :D

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083352_zps8uejoswq.jpg

HDD82
23-08-2015, 10:06
- Không được chụp ảnh! Không được phép chụp ảnh!

Tất cả máy ảnh của du khách đều bị "tịch thu" trước khi vào Thung lũng các vị vua. Điện thoại thì họ không thu nên chúng tôi vẫn mang vào bình thường. Phía trước mỗi căn hầm mộ có một nhóm người kiểm tra vé và đi theo du khách để chắc chắn họ tuân thủ nội quy. Nhìn các gương mặt "chờ đợi" của các tay soát vé là tôi biết ngay kiểu gì cũng có "cửa" làm ăn. Cuộc "mặc cả" bắt đầu:

"100 đồng bảng cho 1 tấm hình." Tay Ai Cập hét giá... Một cái nhún vai và tôi đút tay túi quần lơ đễnh bước đi không cần để ý. "Thôi được, 50 đồng bảng cho 1 tấm hình nhé". Nhìn vẻ mặt thấp thỏm chờ đợi của anh chàng Ai Cập, tôi lại càng tỏ vẻ nhởn nhơ không vội vã... "Thôi được rồi, giá cuối cùng: 20 đồng bảng. Chụp hình thoải mái nhưng không được phép để người khác thấy đấy nhé!". "Okie!". Tôi nói rồi chui vào căn hầm sâu hun hút dưới lòng đất, không khí ngay lập tức mát rượi chứ không nắng oi ả như ngoài kia...

Hành lang vào một hầm mộ... Trong tổng số hơn 60 lăng mộ được tìm thấy, chỉ có một số là mở cửa cho du khách (vì lý do an toàn, các hầm mộ phải còn tương đối chắc chắn thì du khách mới được phép vào). Nhà cầm quyền hạn chế số lượng du khách vào hầm mỗi ngày để khống chế độ ẩm hơi nước có thể làm hư hại các hình vẽ (độ ẩm không khí ở đây rất thấp là lý do các hiện vật vẫn được lưu trữ rất tốt đến ngày nay, trong khi nhiều người vào quá sẽ làm tăng độ ẩm không khí dưới đất và làm hư hại chúng).

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_092510_zpsg3mmfpa9.jpg

Tay Ai Cập soát vé kiêm luôn nhiệm vụ "ra giá" cho việc chụp ảnh... Tất cả các bức hình đều được chụp bằng điện thoại, và chụp một cách lén lút. Kiểu như ăn vụng trộm vậy... Rất thú vị!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083755_zpsbecgc9pi.jpg

Hầm mộ thường được xây trước khi vua Pharaon băng hà khoảng 15 năm. Câu hỏi là: Làm sao biết mình chết năm nào mà xây hầm mộ trước 15 năm? Tôi không rõ! Nghe nói có một hầm mộ chưa xây xong thì vị Pharaon lăn đùng ra chết. Báo hại cả đội xây dựng làm cật lực cũng không xong, và vẫn còn dang dở.

Ấn tượng đầu tiên với du khách là 3.000 năm trước, chỉ với bằng hai bàn tay, cộng với sức người và vài dụng cụ giản đơn, làm sao người Ai Cập cổ đại có thể xây một hầm mộ đẹp đẽ, thẳng thớm như vậy? Định vị xây dựng như thế nào? Vì thường khi đào hầm người ta hay bị lệch hướng sang trái, sang phải nhiều lần để rồi đường hầm trở nên ngoằn nghèo như con rắn... Không phải là đường hầm 60-70m trong Kim tự tháp, mà ở đây dài 300, 400m, có nơi dài 600-700m, với nhiều phòng ốc và nhiều nhánh rẽ khác với lối đi chính. Có thể hình dung lớp đá vôi phía ngoài cùng hẻm núi còn tương đối mềm và dễ đào xới, nhưng lớp đá phía trong mới thật phức tạp, càng đào sâu thì lớp đá bên trong càng khó dự báo: có chỗ thì cứng, có chỗ lại mềm quá có thể gây sập hầm (trong hầm không có trụ chống gì cả). Làm sao họ xây dựng được? Và tất cả còn mới như ngày hôm qua?

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_084356_zpsz7mvdm7c.jpg

Đường hầm dốc thẳng xuống lòng đất, chia làm nhiều tầng, ngăn cách bởi những chiếu nghỉ (giống cầu thang ở nhà vậy). Hầm mộ còn quan trọng hơn cả cung điện, vì cung điện vua chỉ sống trong đó cùng lắm là 100 năm, còn đây là cả nghìn năm. Quan trọng hơn cả, hầm mộ phải có những hình vẽ điêu khắc thể hiện những nghi thức tín ngưỡng phức tạp, hướng dẫn linh hồn Pharaon cách để lên được thiên đường. Toàn bộ công việc trang trí hầm mộ phải được hoàn thành trong khoảng thời gian chính xác 70 ngày. 70 ngày là khoảng thời gian để các thầy tu thực hiện nghi thức ướp xác Pharaon, gồm nhiều công đoạn nối tiếp nhau, từ rửa sạch xác chết, tẩm ướp hương liệu, đến mổ xẻ lấy ra toàn bộ nội tạng, não (trừ trái tim) cho vào bốn cái bình lớn, dùng sáp (nhựa cây) phủ lên cơ thể, ngâm trong bể chưa hóa chất tự nhiên (ví dụ như muối) v.v...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083522_zpsbgz7o41k.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083641_zpsmvtlyhkv.jpg

HDD82
23-08-2015, 10:07
Xác ướp Pharaon được đặt vào bộ quan tài đá granite to và nặng khủng khiếp. Bộ quan tài gồm phần đựng xác ướp và nắp quan tài đều được điêu khắc tinh vi trên đá granite. Nó quả thật là nặng trình trịch, giới khoa học ước lượng có bộ nặng hơn 10 tấn. Người ta bằng cách nào đó vận chuyển bộ quan tài đá, cùng với hàng trăm bức tượng vàng và châu báu khác, từ Bờ Đông sông Nile sang bờ Tây, vượt thêm hơn 5km đường sỏi đá dốc đứng. Tiếp tục khuân vác bộ quan tài lên vách núi cao, rồi bằng phương tiện gì đó "đút" lọt vào đường hầm sâu hun hút này. Chúng tôi quan sát kích thước của bộ quan tài và so sánh nó với chiều cao của đường hầm, kết quả làm chúng tôi kinh ngạc: bộ quan tài gần như khít với đường hầm. Bằng cách nào người ta đưa được quan tài đá nặng 10 tấn vào căn phòng cuối cùng của đường hầm? Tôi không rõ!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_083316_zpsxswszitp.jpg

HDD82
23-08-2015, 10:09
Trong vòng 500 năm, hơn 60 hầm mộ của các vị Pharaon với đủ chiều dài khác nhau, nằm ở dưới độ sâu khác nhau, độ phức tạp khác nhau, bằng cách nào đó bố trí trong một thung lũng mà không bị đâm xuyên ảnh hưởng lẫn nhau. Vì trong lòng đất tối tăm, làm sao biết được chính xác đường hầm mình đang đào cách vị trí hầm hiện hữu bao xa? Hầu hết các hầm mộ đều bị cướp phá sau khi Ai Cập trải qua một giai đoạn đi xuống trong lịch sử (khoảng 1.000 năm trước Công nguyên) với nạn tham nhũng, giặc cướp tấn công từ sa mạc, bất ổn chính trị v.v... Bọn trộm mộ đã lấy đi gần như toàn bộ các xác ướp trong hầm và cất trữ trong một hang núi hẹp cách đó không xa. Chỉ bằng một sự tình cờ ngẫu nhiên mà người ta đã phát hiện ra hang núi này, và tìm thấy nguyên vẹn các xác ướp. Hiện chúng được bảo quản trong Bảo tàng Ai Cập tại Cairo.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/ValleyoftheKings2c_zpsiamdl6ew.jpg

HDD82
24-08-2015, 17:30
Sự phá hủy còn tiếp diễn trong thời chiến tranh liên miên sau đó, khi đất nước Ai Cập bị quân đội Hy Lạp và Châu Âu tấn công đánh bại. Các lăng mộ bị đào xới thêm lần nữa, và kẻ thắng trận, khi vào đây, đã để lại nhiều dấu vết phá hủy khắp nơi, kèm theo đó là lấy đi tất cả các vật có giá trị sót lại...

Nhưng sự tàn phá của con người vẫn chưa bằng sự tàn phá của thiên nhiên. Thung lũng các vị vua, trong khoảng 100 năm, đã bị tấn công bởi các cơn mưa giông lớn. Hàng tấn nước ào ào xối xuống đã tràn vào hầm mộ cuốn theo hàng nghìn tấn đá vôi, đất cát, bùn sỏi. Thung lũng thực sự bị chôn vùi và trở nên hoang vắng.. Cho đến khi một người Italia phát hiện ra các lăng mộ tại Luxor này vào khoảng thế kỉ 19.

Biết như vậy để khi vào thăm Lăng mộ của vua Ramses IV (hay là Ramses VI, tôi không nhớ rõ) gần đó, tôi và Jose đã "Ồ" lên hết sức thích thú khi thấy khung cảnh vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Các mảng điêu khắc, các hình vẽ các vị thần chết, các nghi thức mai táng phức tạp, các mô tả về thế giới bên kia v.v... còn rất mới với màu sắc đỏ, xanh, vàng, cam đậm nét.

Thấy bản mặt háo hức của chúng tôi, tay Ai Cập soát vé cửa vào hầm mộ Ramses IV bèn tận dụng mà tha hồ hét giá. Từ 100 đồng bảng giá ban đầu, chúng tôi chỉ có thể thương lượng xuống mức giá 40 đồng thì hắn cứ một mực khăng khăng không chịu xuống giá thấp hơn nữa... "40 đồng! Không thì không được chụp ảnh! Và nhất là không được nói với ai đấy nhé!" Hắn nói chắc cú như đóng cột. Chúng tôi đành ngậm ngùi móc ra 40 đồng dưới vẻ mặt hết sức hí hửng của tay Ai Cập. "Đừng có nói với ai đấy... Tao còn có vợ nhỏ con thơ ở nhà..." Hắn vừa nói vừa cười lộ ra hàm răng trắng bóng trên khuôn mặt đen nhẻm.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_104924_zpsckl6rwm7.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_104912_zpsvkkfdmay.jpg

Đường hầm này sâu hun hút và thiết kế cấu trúc rất phức tạp: nhiều nhánh rẽ, nhiều phòng ốc. Kiểu như một cung điện dưới lòng đất vậy:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_104718_zpsqnmmp0pf.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_104627_zpsty0eroiw.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_104428_zpsjewpmiye.jpg

HDD82
24-08-2015, 17:32
Trong các loạt phim Indiana John, tiến sỹ John do diễn viên Harrison Ford diễn đi tìm châu báu hết tập này đến tập khác. Có tập tiến sỹ John đi trong hầm mộ tới kho báu phải vượt qua nhiều cạm bẫy máy móc tinh vi chết người, một trong cái bẫy là một cái hố sâu, muốn đi qua nó mà không bị sập xuống thì phải dẫm chân lên các phiến đã được "mã hóa". Chi tiết này là có thật! Trong đường dẫn hầm mộ có một cái hố rất sâu, mà tôi ngờ rằng nó được đào sau khi bộ quan tài chứa xác ướp đã được đưa vào trong, mục đích là để "bẫy" những kẻ không mời mà tới đi trong hành lang tối tăm này.

Cuối đoạn đường hầm là một căn phòng lớn, nơi đặt xác ướp Pharaon Ramses IV...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_104700_zpstxbd9cug.jpg

Trần của căn phòng:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_102737_zps64nggin2.jpg

Các cột được chạm trổ trên đá hết sức tinh vi. Câu hỏi làm sao có thể đưa được bộ quan tài hàng chục tấn xuyên qua hành lang chật hẹp này vẫn không rõ...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_102714_zpsqrkdjsvg.jpg

... chỉ rõ một điều: HDD82 cũng biết "tự sướng"! ::))

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_103352_zpsbnltujgz.jpg

HDD82
24-08-2015, 17:34
Xung quanh thành phố Luxor có nhiều hàng rào an ninh cảnh sát dựng lên để kiểm soát phương tiện. Thật khó để nói rằng lái xe máy tại Ai Cập là điều thú vị và tôi thật sự không biết làm thế nào để (nếu đi xe máy một mình) đi quả được cả chục trạm kiểm soát quân đội này một cách bình thường. Chó nghiệp vụ, súng máy, xe thiết giáp, áo giáp chống đạn... là những hình ảnh mà du khách không muốn thấy. Có lẽ nhiều năm nữa, khi tình hình chính trị tại Ai Cập đã ổn định hơn, ước mơ du lịch tự do bằng xe gắn máy của du khách mới khả thi. Tuy có nhiều danh thắng với bề dày lịch sử tuyệt vời, cảm giác tự do đi lại trong các khu du lịch, ví dụ như tại Angkor Wat chúng tôi có thể chạy xe máy vào trong khu di tích, tới các đền thờ, thoải mái tìm hiểu và đi lại trên chiếc xe hai bánh, thì tại Ai Cập là không thể.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150725_125108_zpsvxzuur9t.jpg

Theo tôi, Ai Cập không nằm trong danh sách điểm đến thú vị cho người thích xe gắn máy, xét trên hai tiêu chí: tự do khám phá và thiên nhiên hoang dã. Châu Âu có lẽ cũng không nằm trong danh sách này, ngoại trừ Na Uy, Hy Lạp và phần nào của Cộng hòa Séc. Châu Âu đẹp và yên bình! Nhưng đó là một "bức tranh" được sáng tác dưới bàn tay, khối óc của một họa sỹ thiên thiên về lý trí, thực dụng. Cánh đồng hoa lúa mạch vàng rực, hay rừng hoa cúc vàng, hàng cây với bãi cỏ xanh mát đẹp thật, nhưng đó là vẽ đẹp đã được "dàn dựng" công phu bởi con người. An-phơ là dãy núi hùng vĩ với đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, bạn cũng có thể tự do khám phá, nhưng với nhiều đoàn xe moto và oto chạy qua lại liên tục trên đường đã triệt tiêu yếu tố "hoang dã" đã nói ở trên.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_4142_zpsfpevzxd9.jpg

Tây Úc là một công viên quốc gia khổng lồ và cảm giác hoang sơ đến.. rợn người nếu bạn chưa quen với việc lái xe hàng giờ trên đường cao tốc mà không đụng bất cứ chiếc xe ngược chiều nào. Châu Úc rộng lớn hơn cả Châu Âu mà chỉ với hai mươi triệu dân phân bố trên đó thì thử hỏi không hoang sơ đến... rợn người sao được? Trải nghiệm về sự tự do và hòa mình vào thiên nhiên hoang dã Châu Úc là điều nên thử một lần trong đời! Nhưng khung cảnh tại đây tương đối... nhàm chán. Văn hóa, cảnh sắc không thay đổi là bao cho dù bạn đã chạy xe vài nghìn cây số. Một bức tranh hơi nhạt một chút vì kém đa dạng là một điểm trừ bên cạnh con số 8 và vị trí thứ ba...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_2141_zps1chc4yfr.jpg

Nước Mỹ với Grand Canyon có thể làm choáng ngợp tâm trí mọi du khách lần đầu tiên đặt chân đến. Arizona và Utah có lẽ là hai bang tuyệt vời nhất cho mọi tay đam mê xe gắn máy. Các cung đường ngoằn ngoèo giữa những hẻm núi chọc trời trên sa mạc mang đến cho người đi moto cảm giác lâng lâng khó tả, như chàng cao bồi cưỡi xe máy trên các bộ phim Miền viễn Tây. Lái xe giữa một bức tranh siêu thực, nhưng lại... có thực trên Trái đất, là trải nghiệm không bao giờ quên được. Bờ bắc Grand Canyon, theo tôi là hoang sơ, hùng vĩ và tự do tự tại hơn Bờ Nam. Tuy vậy, bạn vẫn chưa hoàn toàn thoát ra được cảm giác mình đang đi giữa một đất nước cường quốc của một thế giới, một nước tư bản phát triển bậc nhất. Mọi rủi ro, mọi phí tổn đều có thể được trả bởi bảo hiểm, và bạn biết chắc mình sẽ không bao giờ đối đầu với nguy hiểm thực sự. Đây là điểm trừ bên cạnh con số 9, kèm theo vị trí thứ hai...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_2452_zpsyf3vjlyx.jpg

Đứng thứ nhất trong danh sách các cung đường tuyệt vời, không ai khác là Tây Tạng. Khi tôi viết trong "Nhật ký hành trình Trung Quốc - Tây Tạng" rằng nước mắt mình bất giác trào ra khi thấy ánh đèn điện xa xa trên thảo nguyên, dưới cái lạnh khiến toàn thân không còn cảm giác trên độ cao hơn 4.000m, đêm tối, không một bóng người, mưa dầm lạnh buốt giá, con đường gập ghềnh bên núi bên vực thử thách thần kinh, thể xác đến giới hạn cuối cùng... Khoảnh khắc đáng sợ với mọi tay lái moto. Nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết đồng thời cũng mang đến những giây phút diệu kỳ khi cho bạn được thấy những ngọn núi cao 6.000 - 7.000m trùng điệp nối dài, những thảo nguyên xanh mướt bạt ngàn chân trời của một bức tranh siêu thực. Tây Tạng! Nơi phải đến một lần trong đời trên chiếc xe gắn máy! Và có thể đến lần 2, lần 3...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_1867_zpsg4bd5row.jpg

HDD82
24-08-2015, 17:37
Tại nhà trọ tôi làm quen với Brad, một thanh niên Úc cao kều hơn 1.8m, người mảnh khảnh như cây sậy. Anh đang là sinh viên năm thứ hai ĐH RMIT Úc. Bề ngoài của anh cũng giống như mọi sinh viên năm thứ hai khác, nghĩa là nuôi tóc dài cho thật dài, nuôi ria mép xoăn tít, gương mặt lúc nào cũng trầm ngâm để trông có vẻ già dặn hơn tuổi thật. Vâng, ai cũng từng trải qua một thời sinh viên ham vui và nổi loạn, nhưng nổi loạn như anh bạn này (bỏ học để đi chơi gần nửa năm) thì cũng quá đáng lắm... :lol: Mặc dù anh cố tình làm ra vẻ già dặn, từng trải nhưng nếu quan sát cách sinh hoạt, đồ đạc anh mang theo, và nhất là thái độ hấp tấp, cử chỉ, phản ứng nóng nảy của anh đối với sự việc, con người và môi trường xung quanh, tất cả đều cho thấy điều ngược lại... :D

Người thứ hai là Maggie, cô bé Hongkong trạc 23-24 tuổi đang trên đường vòng quanh các nước Châu Âu, Trung Đông. Dáng trắng trẻo, thư xinh, làn da trắng bóc, tôi thấy Maggie suốt ngày ở trong phòng máy lạnh, hỏi ra thì cô nàng sợ... trời nóng! Ra ngoài trời nắng một tí là nàng ta mồ hôi ròng ròng, thế là ban ngày nàng ta cứ trốn tịt trong phòng, muốn ăn thì cô alo điện thoại mang thức ăn tới tận giường. "Nếu sợ nóng, tại sao cô lại chọn du lịch Ai Cập vào mùa hè?". Tôi thắc mắc với cô nàng. "Tại vì tôi muốn qua Israel, còn Ai Cập chỉ ghé chơi cho biết mà thôi". Cô nàng ngúng nguẩy...

Một buổi tối, tay Brad mang ra một bộ bài và rủ cả đám cùng chơi. Đây là kiểu chơi bài tôi chưa từng chơi bao giờ, gọi là KABOO, cách chơi thiên về nhớ vị trí quân bài của mình và của đối phương. Brad tận tình hướng dẫn tôi cách chơi bài KABOO và... rủ đánh bài ăn tiền! Kết quả sau 15 ván bài là Brad thắng 14, Dong thắng 1, còn Maggie thắng... zero!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/11828727_10207514586645977_5443444399383924865_n_z psuva2lrik.jpg

HDD82
25-08-2015, 17:36
Hỏi: Càng già, càng lớn, càng có nhiều trách nhiệm và ràng buộc xã hội thì càng khó bứt ra để thực hiện đam mê bản thân?
Đáp: Đúng và không đúng!

Không ai phủ nhận là theo thời gian con người càng lúc càng "gồng gánh" trên lưng mình nhiều trách nhiệm hơn: trách nhiệm với gia đình, con cái, vợ, với người thân, trách nhiệm với công ty, tập thể, xã hội, v.v... và v.v... Nhưng chuyện gánh thêm nhiều công việc, trách nhiệm không có sự liên quan rõ ràng tới chuyện chúng ta có thể "giải thoát" tất cả để thực hiện đam mê cá nhân. Chỉ chừng nào bạn cho rằng vị trí của bạn là quan trọng, là không thể thay thể thì điều đó đúng. Bạn sẽ suốt ngày vùi đầu vào công việc vì lo sợ rằng không có mình thì công việc sẽ không chạy, rằng mọi chuyện sẽ rối tung lên.

Còn khi cho rằng bản thân mình không phải là trung tâm của mọi việc, không phải là cái rốn của vũ trụ, rằng "không mợ thì chợ vẫn đông" thì điều đó là không đúng. Bằng cách giao việc lại cho người khác, tuyệt đối tin tưởng vào khả năng của họ, và không tiếc việc "bỏ bớt", bạn hoàn toàn có thời gian dành cho bản thân mình. Có phải vậy không? Dự án tình nguyện "Một bức tranh - Nhiều hy vọng" vẫn đều đặn diễn ra 02 tuần/ lần tại BV Ung thư Đà Nẵng. Nhiều người cho rằng khi tôi không có mặt, dự án sẽ không thể triển khai. Nhưng sự thật là khi không có ai trong dự án xem mình là cái rốn của vũ trụ, thì tự bản thân dự án đã có sức mạnh rất lớn để hoạt động ổn định, dưới sự gánh vác của nhiều cá nhân.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/11892367_817413601709518_4513982964252798626_o_zps 7ofyopzo.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/11892336_817413351709543_3859653813530093779_o_zps pbbtopun.jpg

Ngồi nhìn mặt trời dần buông trên đỉnh Thung lũng các vị vua, tâm trí lướt qua qua một loạt các chuyện đã xảy ra tại Ai Cập. Dù kế hoạch ban đầu đi xe máy vòng quanh Ai Cập không thành (và cũng bất khả thi), thì chuyến đi đã đưa tới nhiều trải nghiệm và khám phá mới mà nếu đi xe máy chưa chắc tôi đã có được. Rồi câu chuyện đầy cảm hứng về Muhammad Ali chợt hiện ra trong trí nhớ. Vâng! Hãy sống như Muhammad Ali đã sống, hãy nói như Muhammad Ali đã nói khi nằm trên giường bệnh đếm từng giây phút cuối của cuộc đời, hãy vững vàng nói với người thân của bạn rằng: "Đừng tiếc thương cho tôi, cũng đừng khóc cho tôi. Tôi không cảm thấy đau đớn gì cả. Tôi đã làm được tất cả những gì mình muốn trong cuộc đời này rồi! Tôi thấy mình thanh thản lắm!"

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150724_194030_zpspjblcgcx.jpg

Hôm sau tôi bắt xe bus tới Thành phố Hurghada, tới địa điểm cuối cùng tại Ai Cập mà tôi muốn tới: BIỂN ĐỎ - RED SEA!

HDD82
25-08-2015, 17:40
Tại Stockholm, Thụy Điển năm 2010, một tay Châu Á lần đầu tiên được thấy Bắc Băng Dương trong cuộc đời. Lần đó giá biển lạnh thấu xương và không thể tắm được nhưng tay Châu Á bắt đầu mơ ước một ngày nào đó sẽ được chứng kiến tất cả các Đại Dương. Để làm gì ư? Tôi không rõ. Thật khó để giải thích tại sao mình lại ưa thích việc này mà không phải việc kia!

Bỏ qua tất cả... Và đây... BIỂN ĐỎ!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150728_175936_zpsz3eo8grz.jpg

Cảm xúc hào hứng dần trở thành ... cụt hứng! Biển gì mà không có sóng? Cả bãi biển phẳng lặng vài gợn nước lăn tăn như... bể bơi trong nhà! Nếu tìm hiểu trên bản đồ, Biển Đỏ có diện tích khá nhỏ, nằm lọt thỏm giữa hai châu lục với kênh đào Suez nối với Đại Trung Hải, không bao la như Thái Bình Dương nên không có sóng to lẫn gió mạnh! Biển gì mà dân địa phương mang ghế ra ngồi tắm biển như thế này? Biển gì mà lội bộ ra xa bờ cả ba, bốn trăm mét mà nước chưa ngập tới... mông. Thật kỳ lạ!!! :lol:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150728_175941_zps3jo6twgm.jpg

Nước ở đây không có màu... đỏ mà là một màu xanh biếc như mực:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3792_zpsu3zfdjxc.jpg

Nhưng chưa hết, đây là thiên đường của dân du lịch lặn biển:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3796_zpsse3m2hrz.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3797_zpsatgau748.jpg

HDD82
25-08-2015, 17:45
Tưởng đâu phụ nữ Hồi giáo khi xuống tắm biển sẽ được... khoe da thịt như đàn ông, nhưng không phải vậy! Phụ nữ có loại đồ bơi riêng (giống như thợ lặn) khi xuống nước, và nó che kín hết cơ thể của họ từ đầu cho tới gót chân. Tóm lại là bít bùng! Thế mới biết phụ nữ ở xứ Ai Cập khổ sở như thế nào. Riêng cánh đàn ông thì tôi ngờ rằng họ cũng liếc ngang, liếc dọc các quý bà, quý cô Phương Tây mặc bikini hai mảnh trên bãi biển không tí. Rồi cũng không thiếu những cặp "tình nhân" chồng là một chàng trai trẻ Ai Cập đẹp trai, khỏe mạnh, mặt lún phún râu tơ, tay trong tay với một bà lão to béo, xập xệ, già nua đến từ một nước Châu Âu nào đó. Không như ở Việt Nam, những tay đào mỏ (theo ý kiến của tôi) Ai Cập âu yếm các "bà lão" tại nơi đông người với vẻ mặt khá tự hào, kiểu như đó là một thành công vang dội nhất trong cuộc đời của hắn, mà phần thưởng của nó là tấm vé tới Châu Âu, kèm theo quốc tịch Châu Âu (nếu muốn)...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150730_111332_zpsv9b0exx0.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3795_zpseigrosn6.jpg

Những chú chim hải âu chao lượn trên bầu trời, chú vút lên cao phóng tầm mắt vượt ra ngoài dãy núi xa tít tắp đằng chân trời. Giới hạn khám phá của chú chính là khả năng, động lực của bản thân mà thôi, còn bầu trời là vô cùng vô tận. Còn chú chim trong chiếc lồng chật hẹp, tuy được sơn son thiếp vàng, được người chủ cho ăn uống no đủ hàng ngày nhưng nó sẽ chẳng bao giờ biết được khả năng thật sự của bản thân, cũng như vẻ đẹp của thế giới bên ngoài chiếc lồng đó...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3791_zpsmsxpllvy.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3788_zpsz49xg5bf.jpg

HDD82
25-08-2015, 17:47
"Học mà không chơi: phí đời tuổi trẻ,
Chơi mà không học: bán rẻ tương lai !
Thôi thì ta chọn cả hai,
Vừa chơi vừa học tương lai huy hoàng."

Chơi là phải chơi cho hết sức! Đứng trước bãi biển đẹp như vậy mà chỉ có... tắm biển không thôi thì thấy người bứt rứt không yên, cảm giác cứ thiếu thiếu cái gì đó... Tôi không hiểu mình thiếu cái gì cho đến khi đi ngang qua cửa hàng bán đồ trang thiết bị lặn biển. Đây rồi!!! Tôi la lên... Đúng là mình thiếu những cái này: Bộ mặt nạ và ống thở lặn san hô...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150801_075849_zpstlegfl2v.jpg

Trang bị thêm đôi giày lặn biển (bảo vệ chân khỏi bị san hô cào xước)

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150801_075542_zps3awgwaec.jpg

Chơi thêm quả dưa sọc tráng miệng bồi bổ cơ thể...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150731_171725_zpsyqqzc1se.jpg

Và một bữa cơm hoành tráng, bổ dưỡng nhất từ trước tới nay:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150730_174049_zpsaej3vqlq.jpg

Xong xuôi... bước ra khỏi khách sạn độc đáo và hiếm có nhất thành phố, với một sợi dây tòng teng thay cho cái núm cửa. Khách sạn này giống như vừa trải qua một trận đánh bom khủng bố Al Queda: khó mà tìm thấy thứ gì còn nguyên vẹn hoặc lành lặn ở đây... :))

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150729_110957_zpsyqzj5guk.jpg

HDD82
25-08-2015, 17:52
Trên chuyến tàu chở du khách ra ngoài khơi lặn san hô, tôi ngồi cạnh cặp vợ chồng Ai Cập - Châu Âu với tay chồng là một tay Ai Cập da đen trẻ tuổi, người vợ là một bà lão tuổi đời áng chừng 70. Tay da đen tỏ ra là một tay "lợi hại" về khoản tán tỉnh phụ nữ, hắn huyên thuyên liên tục những lời đường mật, thề thốt với bà lão đáng tuổi mẹ những câu kiểu như: "Anh muốn sống bên em trọn đời", "Đời chúng ta bây giờ đã thuộc về nhau", "Anh sẽ bảo vệ em mãi mãi", hay đại loại vậy. Và bà lão đến từ Thụy Sỹ xem ra đã xiêu lòng từ lúc nào, tôi thấy cặp mắt bà nheo nheo nhìn về phía biển cả xa xăm ra chiều xúc động lắm...

Tay Ai Cập cứ nói chuyện mãi tía lia không thôi, lúc đầu tôi cũng lịch sự trả lời vui vẻ, sau đó thấy hắn ta liên tục than vãn nói những điều không mấy hay ho về Ai Cập: nào là kinh tế thê thảm quá, không có tự do ngôn luận, nền giáo dục quan liêu v.v... và v.v... thì tôi tìm cách lảng đi chỗ khác, vì không muốn đầu óc mình bị "nhiễm" trong cái bầu không khí xám xịt, bi quan đó. Tôi có sự lựa chọn, lựa chọn đó là hướng mắt tới những điều lạc quan tốt đẹp trong cuộc sống và bằng hành động cải thiện tốt đẹp hơn!

Một chú cún con hoảng sợ nép mình dưới ghế tàu, toàn thân chú run rẩy khi lần đầu tiên thấy đại dương:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3783_zpseh04kwbc.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3785_zpsky6vrldm.jpg

Chú bé Ai Cập:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150730_093747_zps2eljrrwc.jpg

Thanh niên Ai Cập có khả năng ngoại ngữ khá tốt, đây là thuận lợi không hề nhỏ với một đất nước muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việt Nam cũng nổi tiếng là đất nước thân thiện, người dân luôn nở nụ cười thiện cảm với người nước ngoài. Nhưng tôi ngờ rằng vì khả năng ngoại ngữ của chúng ta còn hạn chế, gặp khách du lịch không biết nói gì cả nên chỉ biết cười cười hoài thôi chứ làm sao??? :lol:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150730_122305_zpsufw16qhj.jpg

HDD82
25-08-2015, 17:55
Con tàu chợt đi ngang qua một đàn cá heo nhỏ, ước chừng 5-6 con. Đàn cá heo dường như quá quen với việc bơi trước mũi tàu nên chúng thi nhau phóng lên khỏi mặt nước, để rồi thả mình xuống "Bùm" tung bọt trắng xóa...

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150801_091906_zpshnfo6bfz.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150801_091911_zpshjagkhyk.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150801_091917_zpsqhqhvm8i.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150801_091950_zpsqac19tt6.jpg

Con tàu dừng lại để du khách lặn ngắm san hô không xa nơi các chú cá heo đang bơi lội là bao. "Ùm, ùm"... hàng chục người mang áo phao phi thân từ trên tàu xuống nước. Tay thuyền trưởng Ai Cập hất hàm về phía tôi nói: "Ê, Việt Nam! Swim? Mày biết bơi không?". Tôi cười cười gật đầu. Thật ra Biển Đỏ có nước rất mặn, lượng muối trong nước nhiều tạo lực đẩy lớn, khi nhảy xuống nước người bạn sẽ nổi lềnh bềnh chứ không chìm ngỉm, chỉ cần biết bơi sơ sơ thôi là đã không lo chết đuối rồi... Trò lặn biển ngắm san hô này khá thú vị! Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảm giác tự bơi giữa rừng san hô và đàn cá biển màu sắc rực rỡ. Tuyệt vời hơn nữa là Biển Đỏ không có sứa, sứa vốn là kẻ thù đối với người đi tắm biển. Còn nhớ lần ở Phuket lặn san hô, tôi đã bị một con sứa độc quất vào tay như phóng điện, mặc dù đã dùng dấm thoa vào vết cắn nhưng đau nhức tới tận mấy ngày liền.

Đang hụp dưới nước ngắm san hô thì bỗng nhiên tôi nghe loáng thoáng ai đó gọi tên mình. "Dong, Dong!". À, thì ra tay Ai Cập da đen đi cùng bà vợ lúc nãy đang réo tên tôi. "Ê, teacher". Hắn lại la lên. "Có việc gì vậy?", tôi hỏi. "Vợ tao làm rớt chiếc ống thở xuống nước rồi, mày lặn xuống lấy giúp tao với!". Rồi hắn chỉ chỉ vào chiếc áo phao cứu sinh đang mặc trên người, ý nói là tại vì hắn đang mặc áo phao nên không lặn xuống nước được... Tôi nhìn theo vị trí hắn chỉ thì thấy chiếc ống thở của bà vợ đang bị kẹt giữa hai rặng san hô, ở độ sâu khoảng 7-8m. "Sâu quá!", tôi nói, cảm thấy độ sâu này khá nguy hiểm, hơn nữa mình chưa bao giờ lặn xuống sâu như thế. "Chịu thôi, tao không lặn được". Tôi lắc đầu từ chối, không muốn làm "anh hùng cứu mỹ nhân"... Ý nhầm... "anh hùng cứu mỹ nam".

Tay này quay qua bà vợ U70 nhún vai. Bà vợ nhìn với ánh mắt năn nỉ: "Anh vừa thề thốt trên tàu lúc nãy mà. Anh lặn xuống lấy giúp em đi". Tay da đen Ai Cập rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, lặn thì không dám, mà không lặn thì mất sĩ diện với người tình trăm năm quá! Thế là tôi thấy hắn hùng hổ cởi phăng áo phao, phùng mang trợn mắt hít một hơi thật sâu như muốn bể phổi, rồi ngụp đầu lặn xuống nước. Dưới mặt nước, tôi thấy chàng ta quẫy quẫy được hai ba cái, thời gian ở dưới nước chưa tới 1s thì đã vội vã trồi lên, mặt xanh như tàu lá chuối vớ lấy vớ để phao cứu sinh... Hehe, tôi tiếp tục ngắm san hô... Nhưng đầu óc sực nhớ lại lúc nãy, khi tôi đang loay hoay với mặt nạ và ống thở không biết sử dụng như thế nào, bà Châu Âu đã tiến tới chỉ dẫn cho tôi một cách ân cần, cặn kẽ. Cảm thấy không nỡ, tôi quay lại chỗ chiếc ống thở đang bị mắc kẹt, hít một hơi thật sâu, đạp mạnh hai chân lên trời đẩy mình về phía rặng san hô... Hai vợ chồng rối rít cảm ơn khi lên thuyền, trong khi tôi chỉ lắc đầu: "Không có gì, không có gì".

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3797_zpsatgau748.jpg

Gần 1 tuần tại Biển Đỏ có lẽ cũng đủ... Phù... Nghỉ mệt tí!

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_20150730_095833_zps8psve4jl.jpg

HDD82
25-08-2015, 17:59
Chiếc Boeing của hãng Hàng không ABC hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Giọng của phi cơ trưởng cất lên trên loa mời tất cả hành khách chuẩn bị hành lý xuống sân bay. Tôi lục đục lấy hành lý, hòa theo dòng người đến khu vực kiểm soát hộ chiếu. Anh cảnh sát cửa khẩu gương mặt nghiêm nghị cầm cuốn Hộ chiếu Việt Nam hết lật đi lật lại, lại gõ gõ chiếc bút xuống bàn có vẻ khó hiểu cân nhắc ghê lắm. "Anh là hướng dẫn viên du lịch à?". "Dạ không. Em chỉ là một người bình thường." Anh sỹ quan lướt mắt trên cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây lần nữa rồi đóng dấu cái rụp…

Thế là…

“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” xin được kết thúc tại đây! Cảm ơn toàn thể quý vị Anh/Chị/Bạn đã quan tâm, ủng hộ và theo dõi!

Phần kết:

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_3320_zpsb1chass8.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/Egypt/IMG_2933_zpshbxuvubd.jpg

Sự khác biệt giữa hai bức ảnh trên đây không nằm ở khung cảnh, càng không phải ở bộ y phục, từ chiếc giày, dép, quần, áo không có gì khác biệt... Sự khác biệt nằm ở chỗ: Đã có nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ! Tôi nghĩ rằng du lịch an toàn, tiện nghi, thoải mái dĩ nhiên là điều tốt, đó là điều mà xã hội nên và phải hướng tới. Chúng ta cần những trang thiết bị hiện đại hơn, du lịch an toàn hơn, chiếc xe máy đời mới hơn, bộ đồ bảo hộ chắc chắn hơn, khách sạn sang trọng hơn, ăn uống ngon lành hơn v.v... Nhưng tôi ngờ rằng tất cả những tiện nghi đó không giúp ích gì nhiều trong việc khiến bạn thay đổi hành vi và suy nghĩ, mà ngược lại... Càng ở trong vòng tròn an toàn nhiều bao nhiêu, chúng ta càng học hỏi được ít bấy nhiêu! Vì vậy, hãy lên đường với hành lý gọn gàng nhất có thể, hãy trải nghiệm càng nhiều điều mới mẻ càng tốt với một tâm hồn và đầu óc rộng mở. Hãy khát khao khám phá thế giới, hãy tin rằng thế giới có rất nhiều điều tốt đẹp, rất nhiều những con người thân thiện, tốt bụng. Như vậy bạn sẽ dần trở nên hoàn thiện hơn trong mỗi chuyến đi, khiêm tốn hơn và luôn vui vẻ, yêu đời hơn. Đó là điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với bạn trong topic này...

"Sống để Đi - Live to Ride"

Hết!

Casanova0839
26-08-2015, 11:01
Rất cảm ơn bạn HDD82 ! chúc bạn luôn khỏe và có nhiều chuyến đi hơn !

volty
26-08-2015, 13:19
đi Ai cập với bạn Đông mệt quá hahaha

HDD82
02-09-2015, 10:03
Mỗi người có cơ hội được đi đây, đi đó du lịch (cho dù ở bất cứ hình thức gì) cũng đã là những người may mắn trong xã hội. Thứ nhất là chúng ta có sức khỏe, thứ hai là chúng ta có thời gian, và thứ ba là vật chất (có thể không nhiều). Đối với bệnh nhân ung thư, sức khỏe họ đã suy kiệt, thời gian sống trên thế gian thật chẳng còn là bao lâu, và mọi của cải đều đổ vào việc điều trị bệnh. Niềm mơ ước của họ không phải là đi đây, đi đó chụp ảnh thưởng ngoạn, mà chỉ là được hít thở không khí trong lành ở bên ngoài trong giây lát...

Những người đi đây đó nhiều ắt cũng phải có bản lĩnh! Hãy sử dụng chúng để chung tay góp sức cho cộng đồng trong các hoạt động tình nguyện. Mỗi người bằng hành động nhỏ cũng có thể góp phần xây đắp văn hóa tình nguyện trong cộng đồng. Các bác có tài năng, năng khiếu chụp hình, vẽ tranh có thể gửi tác phẩm của mình về dự án "Một bức tranh - Nhiều hy vọng". Các tác phẩm vốn dĩ chỉ nằm trên laptop hoặc chia sẻ ít ỏi trên diễn đàn có thể được in ra để trang trí tại bệnh viện, giúp cho các bệnh nhân có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống.


https://www.youtube.com/watch?v=KT5V78eL8Aw

Thân chúc các Anh/Chị sức khỏe, thành công!

tuanheovang
06-10-2015, 10:19
Hi Bạn Đông

Cám ơn bạn đã post bài, hay quá, đọc bài của bạn tôi thấy hình ảnh tôi khi còn trẻ, tuy nhiên chỉ là ước mơ giống thôi. Thực tế không đi nhiều như bạn. Bài bạn viết, chân thực, đấy cảm xúc. Có nhiều hạt sạn (chưa chắc), nhưng tôi chỉ quan tâm đến những viên kim cương trong bài viết của bạn mà thôi.

Cám ơn bạn.

levietnam139
23-10-2015, 11:42
ước mơ, cũng chỉ là mơ ước :(

HDD82
25-12-2015, 22:19
Cậu nhóc bé xíu oằn cong tấm lưng trên giường bệnh, đôi tay cậu nắm chặt lấy gối gào khóc mỗi khi chị y tá đưa miếng bông cồn chấm rửa vết thương trên ngực. Cô y tá hết sức nhẹ nhàng khuyên nhủ, vết thương hở để truyền dịch cần được vệ sinh, cô biết vậy nên vừa nhẹ nhàng hết sức vừa nói chuyện cho cậu nhóc khỏi khóc to hơn. Còn cậu nhóc vừa gào thét vì đau, người nó gồng cứng lên mỗi khi bị chạm vào vết thương.
Dự án tình nguyện của chúng tôi làm tất cả chỉ mong được nhìn thấy nụ cười trên gương mặt các em, các bệnh nhân ung thư! Hiểu được nỗi đau mà mọi người phải chịu đựng, thấy được sự dày vò thể xác bởi tác dụng của thuốc men, chúng tôi thầm nhủ rằng các hoạt động của mình thật nhỏ bé lắm, chẳng giúp được gì nhiều cho họ cả. Nhỏ bé, thật sự rất nhỏ bé...
Cảm ơn các anh chị phóng viên truyền hình đã chủ động liên lạc và đêm hôm tới Bv ung bướu để thực hiện các thước phim phóng sự. Đối với tôi, đây là sự động viên và thừa nhận của xã hội dành cho tất cả các TNV của dự án. Họ, chính họ, mới là những con người tuyệt vời cần động viên và tuyên dương bởi những hành động âm thầm của mình. Có quá nhiều những con người tuyệt vời như thế trong dự án! Các bạn đang góp phần xây dựng nên văn hóa mới, tự tin, tốt đẹp, tin tưởng lẫn nhau trong xã hội. Còn tôi chỉ là một phần rất nhỏ trong cái nhỏ bé ấy mà thôi !


https://www.youtube.com/watch?v=ijyJ2zB-7Hk

hungvu933
06-01-2016, 15:00
Đọc xong bài viết của thớt,tự nhiên có hứng,muốn đi phượt thử 1 lần cho biết,nhưng lại sợ nên lại thôi.. :(

khamphahanhtrinh
19-02-2016, 14:56
bài chia sẻ tuyệt vời

hinchan
24-03-2016, 16:28
Em đi Ai cập từ năm 2012 rồi mà em thấy rẻ lắm ạ. Đi 10 ngày chi phí ở đấy hết tầm 350e là hơn 10tr. Đi Alexandria, Cairo, Luxor, Aswan, Abu simbel. Đại khái là từ đầu đến cuối sông Nile. Giữa các thành phố đi tàu (trừ Cairo-Alexandria), mua tour, cưỡi lạc đà, bay khinh khí cầu... đã đời luôn. Chi phí Ai cập phải nói là siêu rẻ. Các bác mạnh dạn lên không có gì sợ đâu :))

MrRuoi
04-04-2016, 19:14
Một chuyến đi đáng để đời đấy bạn HDD82 ạ!

cricket-travel
11-04-2016, 21:55
Chuyến đi của bạn quá thú vị, nhiều trải nghiệm qua những vùng đất mà không nhiều người Việt có cơ hội được đến. Mình cũng có nhiều ước ao và hoài vọng khám phá tương tự như thế, những kinh nghiệm của bạn phần nào sẽ là hành trang kiến thức rất tốt cho mình. Hi vọng sẽ được thưởng thức thêm những cuộc chinh phục khác của bạn HDD82.

HDD82
03-05-2016, 12:26
Để sau mỗi kỳ nghỉ lễ tết, Sơn Trà yêu thương không còn là nơi ngập rác...
"Mùa hoa Lim Xẹc - Sơn Trà (cây gỗ quý của thế giới)
Dự án "MỘT BỨC TRANH - NHIỀU HY VỌNG." Số 34.
Ngày chủ nhật tại núi Sơn Trà..
Với những cống hiến hết mình của tình nguyện viên dự án đã đem đến thành công lớn, ai cũng vui vì sự đồng lòng chung sức và trách nhiệm.
Sáng nay chương trình được đông đảo sinh viên tham gia nhặt rác khu bãi biển hoang dã Bãi Cát Vàng (khu quân sự) ....trong đó nhóm thủ lĩnh đã đến tiền trạm từ ngày hôm trước, ở lại sinh hoạt đêm... Ai cũng vui... mắt đò đẩn vì ngái ngũ.. "Ui ! Sướng quá vì một đêm sống với thiên nhiên.hihihi."...
Dự án đã treo nhiều biểu ngữ để nhắc nhở du khách về chuyện rác, với đề nghị: "Sơn Trà sẽ đón bạn trong hân hoan, nhưng xin bạn hãy mang tất cả vật dụng sử dụng xuống núi. Sơn Trà không nhận rác"

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13055109_1725526607663047_7126208879948552401_o_zp sid2wvbnm.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/12984043_1725538740995167_4817302242884607350_o_zp sawyf4ak7.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13055889_1725525297663178_4705684550481894472_o_zp su5v89fxq.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13048197_1725528324329542_6456098150733138944_o_zp soxzmt6lu.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13029582_1725527220996319_812876759719241709_o_zps zpr6kdza.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/12998404_1725538757661832_4547535237917061689_o_zp sprimlizv.jpg

myly2409
27-05-2016, 11:48
ôi thần linh ơi, như thế này mới gọi là " Phượt thực thụ" chứ! hâm mộ bạn quá! khi nào mình mới có thể thực hiện được ước mơ đây, huuuu

HDD82
02-06-2016, 15:39
CHIỀU CHỦ NHẬT VUI.
Dự án "Một Bức Tranh - Nhiều Hy Vọng " số 36, ngày 29/05/2016.
tại Bệnh Viện Ung Bướu Đà Nẵng.
Đong đầy cả yêu thương dành tặng sinh nhật tháng 5 của bệnh nhân... Khẽ chạm vào trái tim nhân ái. Vui vui với những khúc ca để vơi đi chiều chủ nhật trống vắng. Không đồ sộ hoành tráng nhưng cũng tạm tạm ấm lòng của những người dự khán...
Rồi cất lên khúc ca "Gánh đêm". Mẹ tôi liêu xiều đi về trên phố, phố đã xuống đèn. Ôi! Mẹ của tôi ơi! Thân gầy, già, ốm, yếu lặng lẽ gánh về trong đêm khuya... Bài hát tặng mẹ đang điều trị tại bệnh viện của cô Hương làm không khí chững lại sau những tiếng nấc buồn... Lại vỗ tay động viên người đang hát, rồi hòa cả tiếng cười ha ha ha của cụ bà bước theo nhịp vòng xoay yoga cười... Xua tan đi hết đám mây buồn...
Ôi 60 năm cuộc đời của chú! "Em ơi, 60 năm cuộc đời_Sung sướng không bao lâu... là thế...gắng sống mà yêu nhau." lời ca tiếng hát của bác sỹ Ngọc cũng cháy theo niềm vui, không còn giới hạn giữa bệnh nhân và bác sỹ, ai ai cũng hoà chung một nhịp đề ước mơ, để chia sẻ và nối lại tình yêu thương cho những ngày kế tiếp của cuộc đời...
Cảm ơn đời đã cho tôi được nhìn một nụ hoa trắng tinh khôi nở trong mỗi sớm mai.

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13268568_1740047076211000_3782066090554754993_o_zp s1pikyppi.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13320831_1740048386210869_133041438310317550_o_zps p6aekowh.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13323515_1740047826210925_6388685887354136945_o_zp srjyw6gsr.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13320760_1740045832877791_78867500202052829_o_zpsx iypyln5.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13308666_1740053166210391_8429618019782694931_o_zp sennopsgj.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/12322599_1740049896210718_4920402692667796762_o_zp sbfxpfboo.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13316873_1740051502877224_3222437710311277137_o_zp snozemxzm.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13329333_1740050559543985_5163371716307144757_o_zp seterwfvw.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13316814_1740052116210496_6104080287842759734_o_zp slvmop9ul.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13319725_1740054202876954_9009367766007569646_n_zp sbyizqdru.jpg

Sarachiu
07-06-2016, 15:24
Mình quen với 1 anh bạn người Ai Cập, thấy anh ấy chụp ảnh nơi anh ấy sống gửi cho mình nhìn cũng đẹp lắm. Nhưng mà ở Ai Cập m.n sùng bái đạo khủng khiếp nhỉ. Nên có đi du lịch cũng hơi sợ. Nhỡ may có làm gì sai sai, họ bắn bòm cái chết toi thì đau. huhu

HDD82
07-07-2016, 14:50
Dự án "Một Bức Tranh - Nhiều Hy Vọng". Số 38(3/7/2016)
CHỦ NHẬT VUI.
Nắng chói chang mùa hè tháng bảy có những bàn tay khẽ chạm vào tình người, mang thêm yêu thương, tiếng cười vui nhằm cố quên nỗi đau mà bà con bệnh nhân tại bệnh viện Ung Bướu đang từng giây phút chịu đựng.Tranh, ảnh, sách, văn nghệ, lời chia sẻ nỗi lòng đang dần đánh tan những ức chế thuộc về tinh thần của người bệnh ung thư... vơi đi nỗi đau thể xác, vơi nhiều lắm nỗi đau tinh thần và những nụ cười tươi nở trên môi, trong ánh mắt cười rộn ràng hớn hở..
_"Chú ơi tôi từ Quảng Nam đưa bố chồng về điều trị bệnh tại đây, nhưng tôi và bố cứ ngóng đợi ngày chủ nhật để được vui cười...sao mà chương trình tổ chức rất đơn giản nhưng nhìn nụ cười của mọi người luôn nỡ rộ thì mới nhận ra được sự to lớn chứa chan nhiều tấm lòng nhân ái mà không nơi nào có được.!.Tôi ước gì mấy chú, các em lên Trà My tổ chức giúp để người dân trên đó được hưởng niềm vui này..hihihi"...Đây là lời của cô Phan Thị Hồng thôn Dương Tân, xã Trà Dương, Bắc Trà My, Quảng Nam hiện đang nuôi bệnh nhân Phạm Lương Sơn 84 tuổi phòng 619 Bv Ung Bướu ĐN...
Giữa cuộc đời luôn có những nụ xuân tô thắm, trong cuộc sống hiện tại con người dần mất niềm tin..chúng ta cần đứng laỊ và nhìn quanh để kiểm soát niềm tin của chính mình..hãy sống sao cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn..Chúng ta hãy quên đi những suy nghĩ yếu hèn,những thói đời ích kỷ.. Và thật ra chính chúng ta đã nhận được niềm hạnh phúc vui từ những việc mà chính chúng ta đã làm cho cộng đồng...
Một ngày chủ nhật vui tràn ngập yêu thương..
Cuộc sống đẹp dường nào..phải không mọi người.?
Đà Nẵng 04/07/2016
By Nhiếp ảnh gia dự án cộng đồng "MBT_NHV".
Tác giả: Đặng Hữu Hùng

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13584829_1753307498218291_1604485740515470726_o_zp sjr7g4nca.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13576879_1753307248218316_1242921267345466948_o_zp sshgiq5vn.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13613655_1753308571551517_3901310616094984128_o_zp shnlrpbkg.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13613315_1753310508217990_1597768442138796616_o_zp sai5zztes.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13580605_1753308531551521_8634946197250179272_o_zp s2fpuz0pj.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13575969_1753311131551261_3753464987775906292_o_zp sdeyagsbn.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13576617_1753317541550620_1643461266976800473_o_zp svyxirel5.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13559202_1753319771550397_4976918074187656543_o_zp s6pga8sln.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13569020_1753321648216876_5470831981318230026_o_zp sd2qpxelk.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/13558800_1753321614883546_1367393675126939090_o_zp s49kin8hr.jpg

HDD82
09-08-2016, 15:35
Mặc dù thời tiết nóng nực nhưng các bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K cơ sở 3, Hà Nội đã tập trung từ rất sớm khi nghe thông báo có chương trình văn nghệ

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3773_xyxg_zpswejbcvda.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3763_vuse_zpsxxuy3ybu.jpg

Từ trẻ con tới người già, ai cũng háo hức trước sự sôi động của đoàn văn nghệ tới từ các bạn sinh viên tình nguyện.

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3784_ibuv_zpsklystcyu.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3782_whxx_zpsed8nndww.jpg

Tay vẫn còn truyền dịch nhưng bệnh nhân này vẫn muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất.

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3757_mpoj_zps4ux91vzr.jpg

Ai cũng muốn giữ cho mình những giai điệu sôi động mà ngày thường ít khi được nghe thấy.

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3778_ydxy_zpshyixh3cz.jpg

Đáp lại những tình cảm ấy, các bạn sinh viên đã đem tới các tiết mục vô cùng sôi động và hấp dẫn

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3762_amsi_zpsqssmu2vd.jpg

Ngồi trên cao để xem cho rõ:

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3788_ogmq_zpspff2sill.jpg

Những khán giả đặc biệt của chương trình, tay còn tiêm dịch truyền nhưng vẫn háo hức tới xem

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3775_mtkg_zpsvzur7xkf.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/img3796_kfhz_zpsl584zprz.jpg

HDD82
09-08-2016, 15:36
Cô Lã Thị Ngát, đang trong quá trình điều trị ung thư vú giai đoạn 2 nhưng vẫn niềm nở cho biết: "Lúc nào cô cũng tươi cười, múa hát để quên đi đau đớn. Cô rất cảm ơn những lời ca tiếng hát của các cháu, đem niềm vui tới cho các bệnh nhân ở đây".

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82003/img3861_mwvx_zpsihtylka6.jpg

Ngoài thưởng thức văn nghệ, các khán giả còn được tập cười để lạc quan và yêu đời hơn:

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82003/img3823_guws_zpsmosuep2o.jpg

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82003/img3832_vymi_zpslvpxha49.jpg

Những nụ cười rạng rỡ của mọi người như xua tan lo âu, đau đớn của căn bệnh ung thư quái ác

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82003/img3854_ymip_zpsisfoxztg.jpg

"Hát cho bệnh nhân tôi nghe" nằm trong dự án "Một bức tranh - Nhiều hi vọng", được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kết hợp cùng các bạn sinh viên tại Hà Nội thực hiện. Đây là lần đầu tiên Dự án đến với Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Tiếp nối thành công ở Đà Nẵng và Huế, Dự án được triển khai tại Hà Nội với hi vọng mang nghệ thuật tới với bệnh nhân, giúp họ vượt qua nỗi đau và bệnh tật.

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82003/img3944_lxws_zpsz6qphd3s.jpg

Ngoài các chương trình văn nghệ, Dự án tại Hà Nội còn triển khai các lớp học vẽ, làm thiệp và tủ sách niềm tin dành tặng cho bệnh nhân.

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82003/img3899_lhgz_zpsiycyplju.jpg

Chương trình "Hát cho bệnh nhân tôi nghe" sẽ được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Bệnh viên K cơ sở Tân Triều. (Nguồn: kienthuc.net.vn)

https://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82003/img3912_wkzu_zps7ylth00y.jpg

Vietanh360
25-08-2016, 15:39
Ngưỡng mộ bác chủ thớt quá
Em cũng ước mơ và khát khao 1 lần trong đời được đi Ai cập ngắm Kim tự tháp ahhhhhh

Cảm ơn bác về những tấm hình!!!! :X:X:X:X

Em mới tham gia nên hem biết nút like ở đâu để cho bác 1 ít bão like ạ :X:X:X:X

HDD82
12-09-2016, 20:10
Đà Nẵng đang chuẩn bị đón bão, nhưng hôm qua CN 11/09/2016 tại Bệnh viện Ung bướu ĐN rất ấm áp các bạn có biết không?
" CHỦ NHẬT VUI RẰM THÁNG 8.
Dự án Một Bức Tranh_Nhiều Hy Vọng, số 43_Ngáy 11/9/2016.
Một chặng đường dài đầy gian khó, với 43 số sự kiện vui cùng bệnh nhân ung bướu bệnh viện Ung Bướu thành phố Đà Nẵng thì dự án đã được đón nhận nhiệt tình của cộng đồng, trong đó đặc biệt nhất là của bà con bệnh nhân đã luôn đồng hành trong tâm trạng phấn khởi.
Hôm nay để vui đón tết trung thu cho các em bé đang điều trị và tổ chức sinh nhật cho bệnh nhân có sinh nhật là tháng 9...
Trời tháng 9 chợt nắng chợt mưa ...số 42 chạy loạn vì mưa lớn..
ái dzà ..mần răng chừ hè..? Tổ chức hội trường thì quá bé, lại nóng nực..gần cả 700_800 người..show bể trận? Chú cháu bàn nhau..hihihi.
Vái lạy ông trời..liều mạng còn 5 phút nữa là giờ G..Hò dzô mọi người một tay khiêng dàn âm thanh ra trận....Rộn ràng vui..ngoài sân bệnh viện gió mát mẽ..vui nhộn sắc màu của điiệu múa lân theo nhạc RAP. Có thêm ca sỹ hải ngoại Thu Phương cùng san sẻ với bà con..mấy biên tập viên truyền hình DRT cũng ngỡ ngàng ...vì một chương trình dài 2 giờ rưởi, không kịch bản...xáp dzô là làm bởi chung một tình yêu vì lòng nhân ái....có nhiều tiếng cười vui của bệnh nhân.". Mắt nai ơi xin đừng đi cha cha cha"như lời tự tình yêu đời của cô bệnh nhân... những tràng pháo tay dài vô tận cùng tận hưởng tết trung thu đầy ấm cúng của tình yêu trong một buổi chiều chủ nhật mùa thu mát mẻ.
Sự chung tay của cộng đồng đã tạo nên môi trường sống ở tại bệnh viện Ung Bướu được vui và ấm áp hơn vào mỗi chiều chủ nhật.Mang theo nhiều nụ cười ....thật không kể xiết được.Có người vừa hóa trị xong thở hết nỗi, rứa mà vội vã đăng ký để được hát..khán giả thì vừa nằm trên giường bệnh đang chuyền thuốc cũng muốn được tận mắt nhìn và cười vui....tâm nguyện tại đây là : nụ cười vui.
Với 43 số của chương trình đã thành công lớn, nhưng chưa có một buổi họp để đánh giá về giá trị thực...Ái dzà..." mần răng mà bệnh nhân ung bướu cười, cười nhiều là được" ... thành công của dự án lớn nhất là ở chỗ đó.
Giá trị đích thực của lòng nhân ái thuộc về cộng đồng đang kết nối việc giáo dục thêm tình yêu thương đến với sinh viên tình nguyện và cũng là hành trang để cho các em mang theo vào đời cái giá trị sống thực trong tình yêu thương con người.
Nhóm ca sỹ Phật Tử, rồi Nhật Cường, Hoàng Kim..các bé...vui thật nhiều....Một rằm tháng 8 trọn vẹn nghĩa,tình.
Số 43 sẽ còn 44..v.v...
Mong tiếp nối nhiều hơn nữa những NỤ CƯỜI VUI.
Cảm ơn mọi người."
Bài và ảnh: Đặng Hữu Hùng.

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14249698_1780929032122804_6442566157747101108_o_zp srk583rsu.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14324380_1780935795455461_4218932996787938231_o_zp sobv61ypa.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/14241514_1780976788784695_8202667132936692315_o_zp splnskeg5.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14310302_1780936778788696_2358491363508252425_o_zp s0dbv94ce.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14324413_1780937368788637_836618821026861950_o_zps nvfguw7p.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14344213_1780976522118055_5614699034706519111_n_zp sfcpi6tli.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14355002_1780936088788765_3791101205910725707_n_zp snjzsqftr.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14324653_1780936992122008_8569722908161522128_o_zp s3rn5c2yd.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14289936_1780937282121979_746505528668743080_o_zps kgypgjtd.jpg

http://i276.photobucket.com/albums/kk35/HDD82/HDD82004/14242384_1780984328783941_8265397542435477719_o_zp skbajyn9w.jpg

TrixieCafe
01-04-2017, 11:29
Bài viết của bác hay quá, cảm ơn bác nhé. Em thích Ai Cập từ hồi đọc truyện "Nữ hoàng Ai Cập" :)) xong rồi cũng tìm hiểu về các vị vua và kim tự tháp, chỉ ao ước được 1 lần tận mắt nhìn thấy kim tự tháp Ai Cập >.<

Ngoctran07
28-06-2017, 16:07
Bài viết của bạn hay quá , đang tính đi Ai cập mà sợ đi 1 mình nên do dự đọc bài này lại thêm quyết tâm, bạn cho m mail liên hệ để m hỏi xin thêm it thông tin nhé?