PDA

View Full Version : Around the Annapurna ( Annapurna Circuit)



Snowball
10-03-2015, 21:07
Ngày đầu tiên trên dãy Annapurna, mình đặt chân đến Tal(1700m) lúc trời nhá nhem tối trong tình trạng mệt, sốt, tiêu chảy và lạnh.
Trước đó mình có 2 ngày ở Kathmandu thực hiện các thủ tục gia hạn Visa, xin giấy phép leo núi và chuẩn bị những đồ dùng cần thiết.

Dự định ban đầu của mình là đi một mình không cần người hướng dẫn và porter (người khuân vác). Tuy nhiên, một ngày trước khi khởi hành mình quyết định thuê 1 anh bạn hướng dẫn viên đi cùng thông qua một công ty du lịch. Một phần vì đi một mình khá buồn, một phần mình không muốn quá mạo hiểm vì bão tuyết mới chỉ qua đi được 20 ngày. Ngoài việc công việc hướng dẫn chỉ đường, anh còn giúp mang cho mình một chút hành lý, điều mà sau khi kết thúc chuyến đi mình cảm thấy cảm kích vô cùng vì nếu không có anh chắc mình khó có thể hoàn thành chuyến đi. Sau khi san sẻ cho anh bớt chiếc túi ngủ và áo khoác thuê ở Kathmandu nặng gần 5kg, hành lý trong ba lô mình phải mang theo còn khoảng 8kg. Vào buổi sáng ngày đặt chân lên điểm cao nhất Thorung La ở độ cao 5416m, mình mang theo có khi phải đến gần 5kg quần áo giày dép trên người.


https://i.imgur.com/f8G1RdE.jpg

Điểm khởi đầu hành trình của mình là Besi Sahar (830m), một thị trấn nhỏ thuộc quận Lamjung, những người muốn chinh phục cung đường Annapurna Circuit đều phải bắt đầu tại đây. Annapurna Circuit là một trong những cung đường leo núi phổ biến nhất tại Nepal. Nó bao gồm một hành trình đi một vòng tròn men theo rìa ngoài của dãy Annapurna. Nó cũng đồng thời được chia làm 2 Part, từ Besi Sahar đến Muktinath là Part I, trung bình mất 10 – 14 ngày dành cho những người chưa từng làm quen với độ cao trên 4000m. Part II là từ Muktinath về lại Pokhara, mất khoảng 4 – 7 ngày để hoàn thành nếu chỉ đi bộ. Mình hoàn thành toàn bộ cung Annapurna Circuit trong vòng 6 ngày, bao gồm đi bộ, xe Jeep và cả máy bay.


https://i.imgur.com/2NpkH0m.jpg

Ngày đầu tiên mình đi xe Jeep và đi bộ. Do địa hình đồi núi cao, những con đường xuyên dãy Annapurna thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng. Có những điểm sạt lở xe Jeep không thể đi được nên sau khi bạn đi xe Jeep đến một nơi nào đó, bạn phải đi bộ ít nhất vài tiếng để có thể tới được chỗ có xe Jeep tiếp theo. Những con đường được tạo nên bằng cách men theo những vết cắt lưng chừng núi, người và xe di chuyển ngay bên cạnh những vách núi cao hàng trăm mét. Mình chỉ biết nín thở và cầu nguyện mỗi khi xe đi qua những đoạn đường như thế. Mà hầu hết là những quãng đường như vậy trên suốt hành trình. Con đường nhỏ đến nỗi mình có cảm giác chỉ một chiếc xe đi còn khó nhưng không hiểu sao những chiếc xe chạy ngược chiều nhau vẫn lách qua được.


https://i.imgur.com/gaMkCgi.jpg

https://i.imgur.com/kk0tyfn.jpg

https://i.imgur.com/fL2O9kC.jpg

Vào hơn 3h chiều ngày đầu tiên, xe Jeep của mình đến được Chamje (1410m), điểm sạt lở đầu tiên. Mình phải đi bộ đến Tal là điểm gần nhất tiếp theo có xe Jeep. Quãng đường từ Chamje đến Tal mất gần 3 tiếng. Anh bạn hướng dẫn khuyên mình ở lại Chamje vì sợ không kịp đến Tal trước lúc trời tối vì ở Annapurna, mặt trời lặn rất sớm từ lúc 5h thay vì 6h như ở Kathmandu hay Pokhara. Tuy nhiên mình quyết tâm phải đến được Tal trong ngày đầu tiên nên quyết định không ở lại Chamje. Chặng đường từ Chamje đến Tal khá vắng vẻ, thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài người dân địa phương. Mình đi chung và làm quen với 2 mẹ con người Nepal đi cùng xe Jeep. Họ đang trên đường đến Manang (3540m). Đôi chân của bà mẹ thoăn thoắt đi trước làm mình dù mệt cũng phải cố gắng đi theo. Thằng nhóc vừa đi vừa lấy mì gói ra bóp vụn rồi ăn liên tục, nó cũng khá lịch sự và thân thiện khi mời cả mình ăn nữa.

Đi được một lúc thì trời đổ mưa, mình vội lấy áo mưa ra và mang vào. Khổ nỗi áo mưa của mình chỉ che được phần thân phía trên nên vẫn bị ướt khá nhiều. Do là ngày đầu tiên và không nghĩ là trời sẽ mưa nên mình vẫn mang quần lửng và mang giày đi bộ, điều này gây khó khăn không ít khi cố gắng di chuyển qua những vách núi hẹp và trơn trượt.

Sau hơn 2 giờ đi liên tục, mình đến Tal lúc trời đã gần tối hẳn. Hai mẹ con người Nepal quyết định không ở lại Tal mà tiếp tục đi lên trên trạm dừng chân phía xa để tiếp tục đón xe Jeep. Mình không chắc là sẽ còn có xe Jeep vào thời điểm đó và không biết điều gì đang chờ đợi mình nếu ở trên một chiếc xe Jeep trong lúc trời tối, đường trơn trượt vì mưa và một bên là vực sâu thăm thẳm. Mình chào tạm biệt hai mẹ con họ và di chuyển về ngôi làng Tal phía xa. Trước khi tạm biệt mình mời họ một thanh socola Kit Kat và chúc họ may mắn. Lúc mình di chuyển gần đến Tal cũng là lúc thấy 2 mẹ con họ bước lên xe Jeep từ phía xa xa.

Tal là một ngôi làng có vị trí vô cùng đặc biệt. Tal nằm dưới chân một ngọn thác cao hàng trăm mét đổ thẳng xuống ngôi làng, phía trên là đỉnh núi tuyết phủ cao hàng ngàn mét, bên cạnh là con sông uốn lượn bắt nguồn từ đâu tận Thorung Phedi (Thorung La Base Camp, 4540m).


https://i.imgur.com/VDLfCLB.jpg

https://i.imgur.com/4B4EKCr.jpg

Chỗ nghỉ ở Tal có khá nhiều, lúc mình đến thì thấy những người leo núi khác đã ngồi trong các chỗ nghỉ khác và ăn uống xong xuôi hết từ lúc nào. Mình và bạn hướng dẫn chọn một nhà nghỉ nhỏ và mình là vị khách duy nhất đêm hôm đó. Chủ nhà là một bác gái đã lớn tuổi ở với con gái và 2 đứa cháu nhỏ. Họ đã rất tử tế khi xếp cho mình một căn phòng 2 giường nhưng chỉ lấy tiền với giá phòng 1 giường. Mình dùng 1 giường để ngủ và cái còn lại dùng để quăng ba lô và các thứ linh tinh khác. Sau khi thay bộ quần áo bị ướt, mình ra ăn tối trong phòng ăn trong lúc 2 đứa trẻ đang ngồi xem tivi. Mình bắt chuyện với chúng nó và tiếng Anh của chúng có vẻ khá tốt. Mình hỏi 2 đứa có muốn ăn socola hay không, chúng bảo có và mình về phòng lấy cho chúng một thanh KitKat. 2 đứa trẻ ăn chầm chậm để thưởng thức và có vẻ khá thích thú. Lúc sau có thêm 2 đứa trẻ hàng xóm tới, mình lại về phòng lấy thêm socola cho chúng.


https://i.imgur.com/Daec1Xv.jpg

Đêm đầu tiên ở Tal, mình bị tiêu chảy nhẹ, sốt và lạnh vì trước đó bị ướt. Sau khi uống thuốc và cầu nguyện, mình làm một giấc đến sáng. Khi còn ở Tây Tạng, khi đến Yak Drepa, mình đã xin một sợi dây chuyền tượng trưng cho vị thần bảo hộ cho chuyến đi và đeo ở cổ. Mình nhớ đã thắt nút sợi dây chuyền rất chặt tuy nhiên sau khi mình kết thúc hành trình ở Muktinath, lúc chợt nhớ ra và đưa tay lên cổ thì sợi dây chuyền đã không còn nữa.