PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014



Gemini1976
23-12-2014, 12:09
Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.

Gemini1976
25-12-2014, 17:55
Nhân duyên với Kailash

Kailash - Ngân Sơn, như nhiều người yêu Tibet đều biết, là ngọn núi thiêng nằm ở phía Tây của Tibet, là điểm cao nhất của “mái nhà thế giới”. Về vị trí địa lý vô song và vị thế của Kailash trong tâm linh các thế hệ tín đồ mộ đạo, đã có quá nhiều tài liệu nói đến, trên diễn đàn cũng đã có topic của các bạn June và Tuanfreedom, tôi không nhắc lại nữa. Tôi chỉ tin chắc một điều, như Lama Anagarika Govinda đã từng viết “Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó, và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp một khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn”.

Ngàn năm nay và cả ngàn năm sau nữa, biết bao dòng người hành hương đã, đang và sẽ nối nhau về đây, bất tận cũng như dòng đời miên viễn. Hành hương đến Kailash, theo quan niệm của người Tạng, không chỉ là một hành trình của thân thể thế tục, mà chính là cuộc hành trình của nhận thức đi từ vô minh đến khai sáng, từ sự kiêu mãn và tham đắm vật chất đến nhận thức sâu sắc về tính tương đối của duyên nghiệp cuộc đời.

Kailash là niềm mơ ước của rất nhiều thế hệ người hành hương. Trước chúng tôi, có rất nhiều bạn trên diễn đàn đã thực hiện thành công vòng kora này. Sau chúng tôi, chắc chắn cũng có nhiều người còn mong ước một lần trong đời được chiêm bái và đi nhiễu quanh ngọn núi thiêng ấy. Chuyến đi của chúng tôi, có lẽ chỉ đặc biệt hơn các bạn một chút bởi nó diễn ra đúng vào năm 2014, năm con ngựa của người Tạng, cũng là năm có biết bao biến cố xảy ra khiến cho hành trình của chúng tôi trắc trở hơn mọi dự định ban đầu.

Nhân duyên với Kailash của chúng tôi bắt đầu từ chuyến Tibet mùa xuân năm 2011. Đã đọc nhiều sách và tài liệu, được tiếp thêm cảm hứng nhờ topic “Tây Tạng, những ngày xanh nắng hạ” của bạn June, chúng tôi cũng đã có ý định đi Kailash từ thời gian ấy. Nhưng do không sắp xếp được thời gian, cũng không biết trước cơ thể có thích ứng được với độ cao hay không, nên đành ngậm ngùi xếp lại kế hoạch Kailash. Rồi sau này, khi đọc tiếp topic “Kathmandu to Kailash – hành trình xuyên Hy Mã Lạp Sơn” của anh Tuanfreedom và cuốn “Đường xa nắng mới” của tiến sỹ Nguyễn Tường Bách, ước muốn hành hương để thực hiện nghi thức đi trọn một vòng kora quanh ngọn núi ấy ngày càng trở nên mãnh liệt hơn.

Trở về từ chuyến đi năm ấy, chúng tôi đã hẹn ước với nhau sẽ hành hương Kailash vào đúng năm 2014. Hẳn nhiều bạn đã biết, 2014 là năm con ngựa gỗ theo lịch Tạng. Đối với người Tạng, năm ngựa là năm đặc biệt, năm đản sinh và cũng là năm mất của Đức Phật Thích Ca. Người Tạng quan niệm rằng nếu đi Kailash kora vào đúng năm này thì sẽ gia tăng phước đức, một vòng kora (outer kora) sẽ được coi tương đương với 13 vòng kora của những năm bình thường. Hơn nữa, trong năm này, người hành hương cũng có thể đi thẳng vào inner kora (còn gọi là Nandi kora), một điều mà lẽ ra chỉ được phép thực hiện khi đã hoàn thành trọn vẹn đủ 13 vòng outer kora.

Có lẽ nhóm 5 người chúng tôi là một trong số ít ỏi những nhóm du khách Việt có cơ duyên đến được với Kailash vào đúng năm đặc biệt này. Còn nhớ, trên hành trình về phía Tây Tibet, lần đầu tiên nhìn thấy ngọn núi thiêng trắng xóa vươn cao uy nghi trên nền trời mùa thu xanh thẳm, lòng tràn ngập nỗi xúc động khôn tả, cũng là lúc tôi nghĩ đến những khó khăn mà chúng tôi đã phải trải qua để được đắm mình trong những phút giây đầy sâu lắng ấy.

https://www.flickr.com/photos/63300647@N03/15913503128/

Đây là ảnh bình minh Kailash trong ngày kora thứ hai, chụp bằng điện thoại HTC one. Nhân đây cũng xin kể, máy ảnh của tôi đã bị hỏng ngay từ ngày thứ 3 trong hành trình, khi vừa rời Lhasa đi Shigatse. Do vậy, hầu như toàn bộ ảnh của tôi đều chụp bằng điện thoại, và tôi đã không thể có được những bức ảnh cận cảnh Kailash hay ảnh hoàng hôn vì điện thoại không zoom được và khi vừa tắt nắng thì lập tức nước ảnh trở thành màu tím lịm. Vì muốn hành trang gọn nhẹ nhất cho những ngày leo núi nên tôi chỉ mang duy nhất chiếc máy ảnh Canon G12. Hỏng máy ảnh ngay từ đầu hành trình là một điều rất đáng tiếc, tôi đã quá buồn khi không thể ghi lại hình ảnh Kailash trong giây phút đầu tiên được diện kiến. Tuy nhiên, những trải nghiệm của hành trình sau này đã đem lại cho tôi niềm vui sướng hơn tất cả những gì mà ảnh có thể mang lại.

yilka
26-12-2014, 09:26
E chen ngang post lại ảnh của bác thay vì link, vì ảnh rất đẹp ^^

https://farm8.staticflickr.com/7575/15913503128_b715dcc179_b.jpg

Gemini1976
26-12-2014, 18:17
Lịch trình

Đây là hành trình thực tế tại Tibet của chúng tôi. Vì lý do năm nay visa Trung quốc loại single entry chỉ được cấp cho thời hạn trong 15 ngày (nếu muốn cấp trong 30 ngày thì phải có giấy mời và có ít nhất 3 lần từng nhập cảnh Trung Quốc), do đã mất 1 ngày quá cảnh tại Quảng Châu nên chúng tôi buộc phải tính toán để hành trình trên đất Tạng gói gọn trong vòng 14 ngày. Theo kế hoạch ban đầu, 14 ngày sẽ đủ để thăm quan các tu viện và thánh tích chính trên đường đi, đồng thời cũng có đủ thời gian thích nghi với độ cao trước khi thực hiện 4 ngày kora (1 ngày cho inner kora và 3 ngày cho outer kora), theo đó nhằm ngày Trung thu chúng tôi sẽ có mặt trên đỉnh đèo Dorma-la. Tuy nhiên, kế hoạch mà tôi thống nhất với Lhakpa (ông chủ của Tibet Fit Travel) đã hầu như thay đổi (trừ 3 ngày đi outer kora) vì những điều xảy ra trong hành trình mà tôi không thể lý giải được, cũng không biết nên gọi tên là “sự cố” hay “điều may mắn ngẫu nhiên”, dường như tất cả đều do sự sắp đặt của một bàn tay vô hình vậy (điều này tôi sẽ kể trong những phần tiếp theo)

- Ngày 0: Hà Nội - Quảng Châu - Thành Đô (bay VNA, nghỉ đêm tại sân bay Thành Đô)
- Ngày 1: Thành Đô - Lhasa (bay chuyến đầu tiên trong ngày của Sichuan Airlines/ chiều thăm Jokhang)
- Ngày 2: Lhasa (Potala, Bảo tàng Tây Tạng)
- Ngày 3: Lhasa - Shigatse (Yamdok lake, tu viện Pelkhor Chode với Kumbum)
- Ngày 4: Shigatse - Ngamring (thăm tu viện Tashilunpo/vì hỏng xe nên buộc phải dừng lại cả buổi chiều và nghỉ đêm ở Ngamring thay vì Saga như kế hoạch)
- Ngày 5: Ngamring - Dzongba (nghỉ đêm ở Dzongba)
- Ngày 6: Dzongba - Thirapuri (nghỉ đêm ở Thirapuri)
- Ngày 7: Thirapuri - Zanda (thăm Guge Kingdom và tu viện Tholing, nghỉ đêm tại Tholing)
- Ngày 8: Zanda - Darchen, nghỉ tại Darchen
- Ngày 9: Nghỉ tại Darchen, không đi được inner kora theo kế hoạch
- Ngày 10: Ngày Kora đầu tiên (Darchen – Dirakpuk theo đúng kế hoạch)
- Ngày 11: (Trung thu) Ngày Kora thứ 2 (Dirakpuk - Zuktulpuk theo đúng kế hoạch)
- Ngày 12: Ngày Kora thứ 3 (từ Zuktulpuk về Darchen sớm, rời Darchen đi thăm hồ Manasarovar, về nghỉ đêm tại Dzongba)
- Ngày 13: Dzongba - Saga - Zhangmu
- Ngày 14: Xuất cảnh sang Nepal, về Kathmandu.

Gemini1976
27-12-2014, 17:35
Hành trình xin permit - những ngày dài căng thẳng chờ đợi

Khi mới lập lịch trình cho chuyến đi, không ai trong chúng tôi lại nghĩ đường đến với Kailash khó khăn đến thế. Kinh nghiệm của lần đầu đi Tibet quá suôn sẻ khiến tôi hoàn toàn tự tin khi lập kế hoạch tiến độ các công việc cần chuẩn bị. Năm 2011, mọi việc đều xuôi chèo mát mái, chúng tôi thậm chí đã nhận được permit tận 18 ngày trước khi vào Tibet.

Có một chuyện khá thú vị mà tôi muốn chia sẻ với các bạn. Trước tết Giáp Ngọ, tôi có nhờ một người quen xem quẻ Dịch về việc đi Kailash. Sáu lần gieo đồng xu đã cho tôi quẻ Trạch Phong Đại Quá mà không động hào nào. Có chút ít kiến thức về Dịch nên tôi cũng hiểu quẻ Trạch Phong Đại Quá tượng trưng cho sự đổ vỡ. Và thầy cũng khẳng định chắc chắn rằng tôi không thể đi Kailash trong năm nay. Tôi lúc ấy đã không muốn tin, cho đến khi xảy ra sự kiện giàn khoan 981…

Đây là tóm tắt những mốc chính trong quá trình chuẩn bị của chúng tôi:

22/4:
Mua vé Hà Nội - Thành Đô.

01/5:
Xảy ra vụ giàn khoan 981, bắt đầu những ngày phấp phỏng lo âu;

Tháng 6:
Căng thẳng vụ 981 vẫn tiếp tục leo thang, quan hệ Nhật - Trung cũng căng thẳng không kém khi ngày 12/6, Nhật thông qua nghị quyết lên án việc TQ hạ đặt giàn khoan. Trong nỗi lo về khả năng khó xin visa TQ, tôi đã buộc phải đổi hộ chiếu vì cuốn hộ chiếu cũ dù chưa hết hạn nhưng có visa Nhật mới cấp hồi cuối năm 2013, lại còn đóng dấu JICA trainee;
Giữa tháng, lại có tin VNA hủy các chuyến bay Hà Nội - Thành Đô xuất phát trong tháng 7. Chúng tôi vẫn tự động viên nhau, hy vọng rằng chuyến bay cuối tháng 8 của mình không có vấn đề gì. Tôi đã tính đến phương án đi Kailash từ hướng Kathmandu nhưng Lhakpa và các bạn đồng hành đều cho rằng không nên đi theo hướng đó vì thủ tục xin visa đoàn phức tạp hơn;

03/7:
Đổi vé Hà Nội - Thành Đô thành Hà Nội - Quảng Châu - Thành Đô do VNA hủy (không thông báo) toàn bộ các chuyến bay HAN-CTU trong tháng 8, 9, 10.

07/7:
Nộp hồ sơ xin visa TQ.

14/7:
Gửi visa cho Tibet Fit Travel để xin permit, bắt đầu những ngày đợi chờ căng thẳng;

15/7:
TQ rút giàn khoan;

17/7:
Mua vé bay Thành Đô - Lhasa;

Tháng 8:
Với chúng tôi, những ngày chờ permit sao mà dài đến thế. Lhakpa viết thư bảo ngày nào tao cũng chạy lên Permit Office mà chưa có kết quả. Vẫn tiếp tục hy vọng trong khi tin tức cập nhật của các hãng lữ hành TQ đều cho biết chính quyền đã cấm du khách mang quốc tịch Việt Nam, Nhật Bản, Na Uy và Pháp vào khu vực Kailash trong năm 2014.
Tôi đã gửi thư đề nghị Lhakpa nếu chưa xin được Kailash permit thì cứ xin trước Tibet permit cho chúng tôi, khi vào đến Lhasa chúng tôi sẽ tiếp tục chờ Kailash permit.
Trong những lúc căng thẳng, tôi đã từng thoáng có ý nghĩ phải chăng quẻ bói đang vận vào mình. Chị bạn thân khuyên tôi làm kế hoạch dự phòng để dùng trong trường hợp không được vào khu vực Kailash. Nhưng thật sự không một phút nào tôi nghĩ đến kế hoạch 2, tôi không muốn lập cái kế hoạch ấy, tôi tự nhủ sẽ tiếp tục hy vọng dù cơ hội lách qua khe cửa hẹp này của chúng tôi chỉ có 1%.

23/8:
Đúng 5 ngày trước khi lên đường, tôi nhận được thư của Lhakpa:
“BIG GOOD NEWS!!!
Unbelieveable to say you that I got permit for Kailash even to Tibet, looking at current situation, it is out of question to obtain a permit to Kailash, especially to the Vietnamese passport holder. After a lot of hard works and crossed many departments, offices I got it, finally. It is a very special that you got the permit...Many groups can not get permit for Kailash...
Please, find out the attached file and those are your Tibet Permit and Name List.
Let me know any kind of question.
Yours sincerely and friendly
Lhakpa”
Cả nhóm vỡ òa trong niềm vui sướng; Chỉ còn mỗi việc mua vé chặng về Kathmandu - Kualalumpur và Kualalumpur - Hà Nội là mọi thứ đã sẵn sàng.

28/8:
Khởi hành.

bibo81
27-12-2014, 21:33
Trời, bạn làm mình thán phục quá, mình cũng đang muốn đi quá, hóng tiếp , bạn kể nhanh lên, hi

vubach2511
28-12-2014, 06:57
Bác vào đề hấp dẫn quá, ngóng hóng chuyến phiêu lưu của bác. Sao ghi top này 6 trang mà em chỉ đọc có một trang vậy bỏ lỡ bao nhiêu phía sau, có bác nào biết không chỉ em với

Thang_vf
29-12-2014, 13:50
Gemini viết nữa đi. Em mong đọc tiếp quá^^

Andong
29-12-2014, 13:53
Hay quá, tiếp đi bạn ơi.

sushi
29-12-2014, 20:51
Nhớ buổi sáng chủ nhật đẹp trời của tuần cuối cùng để khởi hành, mấy chị em ngồi mặt dài thượt, ai cũng tránh nói điều ko hay (ko xin kịp được permit trước ngày đi). Đã ngồi huých leader hay là mình chuẩn bị phương án 2. Rồi mọi người quả quyết, ko xin được permit Kailash thì vẫn đến Lhasa rồi tính tiếp. Nghe đến đây, 1 đứa chưa từng đặt chân đến Tibet như mình thấy yên lòng để chờ đợi tiếp ;)
Những ngày chộn rộn đó, niềm an ủi duy nhất cho chuỗi ngày thường cơm áo gạo tiền là đến lúc được khởi hành, được đặt chân đến miền đất hứa, được cúi mình trước Kailash thiêng liêng. Đến lúc đấy, những khó khăn thử thách cũng trở thành thi vị.

Gemini1976
29-12-2014, 22:24
Lhasa ngày trở lại

Trở lại Lhasa lần này, chúng tôi chỉ có hai ngày ngắn ngủi cho chặng dừng chân nơi đây. Lhakpa ra tận sân bay đón chúng tôi, vẫn nụ cười hồn hậu, vẫn những tấm khăn khata trắng choàng lên vai chúng tôi thay cho lời chào đón nồng nhiệt của người Tạng. Đáp lại lời cảm ơn của tôi về Kailash permit, ông chỉ bảo đó là một câu chuyện dài, nhưng tao không muốn nhắc lại làm gì, quan trọng là chúng mày đã ở đây và mọi thứ đã sẵn sàng cho chuyến hành hương.

Lhakpa vẫn bố trí cho chúng tôi ở khách sạn Tibet Gongkar, chỉ cách vài con ngõ là ra đến Jokhang và quảng trường Bakhor. Trở lại chốn xưa, cái khách sạn hai tầng nhỏ xinh sạch sẽ với mảnh vườn rực rỡ hoa nắng, cảm giác trở về căn phòng cũ sơn đỏ nơi mình đã từng ở 3 năm trước sao mà ấm áp. Tôi tự nhủ, hãy biết trân quý từng giây phút trên mảnh đất này, dù trong đời tôi, tôi chắc mình sẽ còn đi Tibet nhiều lần nữa.

Thành phố thủ phủ của Tibet giờ đã thay đổi chóng mặt, nhà cao tầng đã lan dần đến sát chân núi. Chợ Bakhor sầm uất ngày xưa không còn nữa, đường ra quảng trường giờ rộng rãi hơn nhưng sự hấp dẫn đặc trưng của sinh hoạt đường phố Tạng như dường không còn khi thiếu đi những sạp hàng bán đồ lưu niệm đủ màu sắc và vắng bóng những kẻ bán người mua trả giá tấp nập. Cậu hướng dẫn viên Samdrup bảo chợ đã bị dẹp từ hồi tháng 3 năm nay, tiểu thương buôn bán bây giờ tập trung vào siêu thị trung tâm mới xây có tên Times Square. Một điểm mới nữa ở Barkhor là các chốt check-in đặt ngay tại mỗi cửa ngõ vào quảng trường. Trong 2 ngày ở Lhasa, chúng tôi đã ra vào không biết bao lần qua những cái chốt ấy, mỗi lần vào lại phải bỏ balô đưa qua máy soi, sự kiểm soát dường như ngày càng thít chặt đến ngạt thở. Đường phố có vẻ ít bóng quân cảnh Trung Quốc hơn lần trước nhưng đi giữa phố, ngẩng đầu lên nóc nhà nào cũng thấy bóng cờ đỏ rực ngạo nghễ, ngay cả trên nóc Jokhang – ngôi chùa thiêng liêng nhất toàn cõi Tây tạng, trái tim của Lhasa cũng vậy.

Gemini1976
31-12-2014, 18:26
AMS - chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ

Với tất cả những ai đến Tibet nói chung, hành hương đến Kailash nói riêng, bệnh sốc độ cao - AMS (Acute Mountain Sickness) vẫn là nỗi lo thường trực. Chúng tôi cũng vậy, mặc dù trong nhóm có 3/5 người đã từng đi Tibet và lần trước chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh nhưng tất cả đều không thể biết trước cơ thể mình sẽ thích nghi như thế nào ở vùng đất này, đặc biệt khi hành trình lần này có 3 ngày leo núi từ độ cao 4.600m lên đến 5.680m.

Năm 2011, khi đến Lhasa, tôi và chị NL hầu như không bị phản ứng sốc độ cao, chỉ có Sói em là bị đau đầu chóng mặt mất một ngày đầu, sau đó đã dần thích nghi. Tuy nhiên, hồi đó, được bạn guide Tenzin chỉ dẫn, chúng tôi vẫn uống một thuốc uống thảo dược địa phương có tên là “Cao nguyên khang” để tăng cường tuần hoàn máu. Hành trình khi đó lên đến độ cao nhất là đèo Laken-la 5.190m, chúng tôi không hề bị sốc mặc dù liên tục nhảy nhót chụp ảnh kiểu “yomost”.

Lần này, nhờ tham khảo kinh nghiệm của nhóm chị Mèo bay, trước khi vào Lhasa 48 tiếng, chúng tôi đã dùng acetazolamide. Bản chất của loại thuốc này là ưu tiên tăng cường máu cho não và tim nên sẽ gây thiếu máu cục bộ ở chi dẫn đến tê các đầu ngón tay-chân (điều này có thể cảm nhận rõ nhất khi đi xe máy). Khi vào đến Lhasa, nhờ đã uống acetazolamide, cả nhóm đều khỏe mạnh bình thường, hầu như không có biểu hiện nào của sốc độ cao. Cẩn thận hơn, chúng tôi vẫn mua thêm “cao nguyên khang” để dùng tăng cường. Nhưng…

Đúng là mỗi lần đi là một trải nghiệm khác nhau, kinh nghiệm của lần đi trước khi áp dụng cho lần này lại hoàn toàn không có hiệu quả. Hai ngày đầu tiên ở Lhasa, có lẽ nhờ tác dụng của acetazolamide, tôi vẫn bình thường và không gặp bất cứ vấn đề gì về hô hấp. Nhưng đến ngày thứ 3, khi bắt đầu rời Lhasa, tôi đã có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, hai hốc mắt đau nhức, các bạn tôi cũng tương tự nhưng nhẹ hơn. Bản thân tôi trước khi vào Lhasa đã bị viêm họng và ho kéo dài hơn một tháng không khỏi, thậm chí vào đến Tibet rồi tôi vẫn phải uống thêm 5 ngày kháng sinh liều cao. Vì thế, khi đến tu viện Pelkhor Chode ở Gyantse, tôi đã không leo Kumbum để giữ sức. Mặc dù đã uống “Cao nguyên khang” và thậm chí mua thêm cả “Hồng cảnh thiên”, tình trạng của tôi cũng không khá hơn, thuốc có tác dụng rất nhanh nhưng chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn nên cứ 4 tiếng lại phải uống một lần. Mới uống xong thì rất khỏe nhưng chỉ chưa đầy 4 tiếng sau là lại cơn đau lại trở về như cũ.

Ngày đi Shigatse cũng là ngày tôi mệt nhất, cộng với nỗi thất vọng vì máy ảnh hỏng, khi qua hồ Yamdok tôi đã ngồi yên trong xe mà không buồn nhấc chân xuống ngắm lại màu nước xanh ngọc lục huyền diệu, nơi chúng tôi đã từng nhảy nhót chụp ảnh tưng bừng ba năm trước. Trong nhóm, có lẽ tình trạng của tôi và Sói em là tệ nhất, ngồi trên xe ngủ mê mệt, trong những cơn chóng mặt khi hai bên thái dương đang giần giật, tôi lại thoáng lo âu nghĩ về quẻ bói, có lẽ nào…

Buổi sáng ngày thứ 4, sau khi bảo nhau uống thuốc, cả nhóm sang thăm tu viện Taishilunpo. Nhờ tác dụng của thuốc, chúng tôi đã tận hưởng được một buổi sáng nắng đẹp và mê mải lạc lối giữa những con ngách nhỏ trong tu viện của Ban Thiền Lạt Ma. Lúc rời Taishilunpo đi ăn trưa cũng là lúc thuốc hết tác dụng, tôi mệt mỏi ngồi gục bên bàn ăn mà không hề biết chỉ đi sau tôi mấy bước, Sói em đã suýt ngất khi vừa xuống xe.

Buổi chiều hôm ấy có lẽ là buổi chiều ảm đạm nhất trong hành trình 14 ngày. Mưa, mưa và mưa suốt dọc đường đi, cộng với nỗi lo về tình trạng sức khỏe, tinh thần chúng tôi đã xuống dốc bởi khi đến Ngamring thì xe hỏng. Tình hình là xe sẽ không thể đi tiếp chặng đường dài những ngày tới nếu không thay thế phụ tùng. Tìm chỗ nghỉ cho 5 anh em chúng tôi xong, Samdrup và bác tài hối hả quay trở lại cái gara nghèo nàn bên đường vào thị trấn. Thật không may, phụ tùng thay thế không sẵn có và phải đợi người về Shigatse để mua. Chắc chắn là đến đầu giờ chiều hôm sau mới có thể đi tiếp được. Vậy là chúng tôi không đến được Saga như kế hoạch vì mất trọn vẹn một ngày ở thị trấn Ngamring. Cơn đau đầu lại đến vào lúc buổi chiều sập xuống cùng mưa ở thị trấn buồn tẻ càng làm chúng tôi thêm chán nản. Là người khỏe nhất trong nhóm, chị NL úp mỳ tôm và động viên chúng tôi cố gắng ăn một chút lấy sức. Nhưng khi vừa mới ngửi thấy mùi mỳ, ruột quặn lên và tôi lập tức phun ra 2 viên thuốc vừa uống để rồi sau đó nằm mê man trong những cơn mộng mị tưởng như dài bất tận. Tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau với cái bụng rỗng, tôi lại cảm thấy đầu nhẹ nhõm hơn. Và cũng từ đó, kể từ ngày thứ 5 trong hành trình, tôi đã bỏ thuốc. Trong những ngày tiếp theo, tôi hoàn toàn không uống một loại thuốc gì ngoại trừ một viên thuốc bổ Phamarton mỗi sáng, và khi đến Darchen để chuẩn bị cho vòng kora, tôi đã hoàn toàn khỏe lại, đủ để leo băng băng lên đèo Dorma-la vào ngày kora thứ hai. Trong đời, chắc tôi sẽ không bao giờ quên giây phút ấy, đúng 11h30 ngày rằm tháng Tám, tôi đã có mặt trên đỉnh đèo Dorma-la, ngắm cả một rừng lungta ngũ sắc tung bay giữa sắc trời thu xanh thẳm, ngắm hồ Đại Bi xanh như ngọc dưới chân đèo, tôi rưng rưng thầm cảm tạ đức Quan Thế Âm Bồ Tát và mẹ Tara xanh đã cho tôi có cơ duyên và sức mạnh hành hương đến miền đất thiêng.

Sau này nghĩ lại, tôi lại thấy sự cố hỏng xe ở Ngamring có lẽ là điều may mắn cho chúng tôi. Ngamring chỉ ở độ cao hơn 4.000m, nếu hôm ấy xe không hỏng có lẽ chúng tôi đã nghỉ đêm ở Saga với độ cao 4.700m theo đúng lịch trình. Ở độ cao ấy, không thể biết trước cơ thể sẽ phản ứng như thế nào sau mấy ngày di chuyển liên tục. Việc hỏng xe đã cho chúng tôi trọn vẹn một ngày được nghỉ ngơi tại Ngamring, và nếu không bị nôn ra mấy viên thuốc thảo dược vừa uống, có lẽ tôi sẽ vẫn tiếp tục bị phụ thuộc vào thuốc cho đến tận cuối hành trình. Phải chăng đây là sự sắp đặt của Quan Thế Âm Bồ Tát và mẹ Tara xanh?

bibo81
02-01-2015, 22:13
Hay quá, hóng tiếp, đúng là những ai đã từng hành hương Kailash đều phải được Kailash chọn, chúc mừng mọi người, gato quá.:)

Gemini1976
08-01-2015, 02:36
Tạm biệt Lhasa

Trước khi chia tay cả nhóm, Lhakpa mời chúng tôi đi ăn tối - lẩu bò yak, sau khi đã hỏi ý kiến chúng tôi thích ăn gì.
Chiều hôm ấy, dẫn chúng tôi đi qua khu phố cũ, khi đứng trên cây cầu vượt bắc qua phố Bắc Kinh Đông Lộ, Samdrup chỉ cho chúng tôi toà nhà nơi Lhakpa hẹn ăn tối - siêu thị trung tâm Times Square Mall. Đó là toà nhà cao tầng tọa lạc ngay tại khu phố trung tâm của Lhasa, giáp với khu old town. Samdrup bảo tiểu thương buôn bán đồ lưu niệm ở chợ Barkhor giờ bị dồn vào tầng hầm và tầng 1 siêu thị, còn các tầng phía trên là nhà hàng và những gian bán đồ may mặc, điện tử. Vào cửa siêu thị, leo lên thang cuốn, tôi bắt đầu có cảm giác như đang đứng giữa trung tâm của Thâm Quyến hay Thành Đô chứ không phải là Lhasa nữa. Thang máy, thang cuốn và những gian hàng với đèn rọi lấp lánh, cửa kính sáng choang của nhiều thương hiệu khá nổi tiếng, những building kiểu này đang mọc lên ngày càng nhiều ở Lhasa, tiến sát đến chân núi, biến thành phố thánh địa của Mật Tông Tây Tạng dần trở thành một đô thị thế tục.

Lhakpa hẹn chúng tôi ăn tối trên tầng 7, trong một nhà hàng lẩu tự chọn phong cách giống như những nhà hàng ở Thành Đô. 8h tối, nhà hàng đã hết chỗ và chúng tôi phải ngồi chờ khoảng 30 phút mới có bàn. Thực khách đến đây chủ yếu là lớp thanh niên, ăn mặc khá thời thượng, gọi lẩu tự chọn và coca-cola uống bằng ống hút. Ngồi ngoài chờ được xếp bàn, tôi không khỏi xót xa tự hỏi: năm mười năm nữa, với tốc độ Hán hoá như thế này, khi hàng hoá Trung Quốc cùng văn hoá tiêu dùng ô ạt xâm lược đời sống của người Tạng, lối sống chậm rãi và lớp người cũ mộ đạo cứ vắng dần đi, liệu Lhasa có còn cái hồn cốt muôn năm cũ, lớp trẻ Lhasa lớn lên có còn tết tóc đuôi sam, mặc áo dài truyền thống Tạng, ăn tsampa và uống trà bơ như cha mẹ họ nữa không?

Chia tay Lhakpa lúc 11h, cũng đã khá muộn, chúng tôi lặng lẽ đi bộ về khách sạn, lại qua chốt check-in đầu quảng trường Barkhor. Dọc con phố bên quảng trường, những người bán đồ lưu niệm bày hàng ngay trên vỉa hè, hình thành nên chợ đêm, không đông đúc sầm uất nhưng cũng đủ để bâng khuâng gợi nhớ về những màu sắc rực rỡ, những âm thanh mua bán rộn ràng của chợ Barkhor ngày trước.

Lại đi qua Jokhang.
Jokhang, vẫn là Jokhang - nơi đầu tiên chúng tôi đến thăm ngay khi vừa trở lại Lhasa, nơi chúng tôi cúi đầu trước tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni thập nhị tuế đẳng cầu xin được hành hương Kailash thành tựu; nơi ba năm trước, trong buổi sớm tinh sương trước giờ tạm biệt để ra sân bay, chúng tôi đã dậy sớm đi bộ ra đây chỉ để một lần cuối được ngắm những người Tạng thành kính đang hành lễ ngũ thể nhập địa trước cửa chùa; Mới chiều hôm qua, 5 anh em chúng tôi còn hoà vào dòng người miệng lầm rầm đọc chú và tay mải miết xoay mani đi trọn một vòng kora quanh chùa.

Đã tối muộn nhưng người hành lễ trước cửa chùa vẫn còn khá đông, lúc đi qua lò đốt hương bên trái cửa chùa, tôi bỗng chợt khựng lại khi nghe thấy giọng đọc kinh trong trẻo của một thiếu nữ tóc vàng. Thật kỳ lạ, giữa thành phố thủ phủ của người Tạng, lúc nửa đêm, có một người con gái phương Tây ngồi thành kính đọc kinh, âm điệu du dương như tiếng hát vậy. Vài du khách tò mò đứng xung quanh cô gái, có người bắt đầu đọc theo. Tôi cũng đứng lại, lắng nghe và chậm rãi hít khói hương đang bốc lên trong lò, đắm chìm trong cái không khí lành lạnh sâu thẳm của đêm Lhasa, và có lẽ tôi sẽ còn đứng mãi nếu không có tiếng gọi của chị NL: về thôi, sáng mai đi sớm rồi. Phải, sáng sớm mai chúng tôi lại rời đi, tạm biệt Jokhang, tạm biệt Lhasa để đi về phía Tây, cho một chuyến hành hương mơ ước.

bibo81
10-01-2015, 21:20
Hay quá, đoạn cuối bạn viết hay quá, chi bạn bắt gặp cô gáo phương Tây tóc vàng ngồi tụng kinh, giọng đọc du dương như tiếng hát… tuyệt thật. Cảm ơn bạn, ngày nào cũng mò vô đây để hóng .:D

hanchechat
12-01-2015, 12:36
Hình ảnh không có nhiều nhưng ngôn ngữ đầy cảm xúc trào dâng của tác giả.

Gemini1976
15-01-2015, 13:09
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Hành trình lần này lên phía Tây Tibet của chúng tôi vẫn đi theo một phần của cung đường mùa xuân năm ấy: Lhasa - Gyantse - Shigatse với những điểm đến chính trên đường gồm hồ Yamdok, sông băng Karola, đại tu viện Pelkhor Chode - Kumbum và tu viện Tashilunpo.

Năm nay, quay lại con đường cũ với sự chuẩn bị tâm thế cho chuyến hành hương, trong lòng vẫn còn cái cảm xúc hồi hộp kìm nén trên mỗi khúc cua nghẹt thở xe qua. Đường đã sửa đẹp hơn nhiều so với lần trước. Cung đường năm nay đi qua những cảnh sắc tuyệt đẹp của mùa thu, những hàng bạch dương đã chớm vàng lá, những cánh đồng lúa mạch đang độ chín, thảo nguyên vừa qua mùa mưa với sóng cỏ vàng óng ánh, những đàn cừu nhẩn nha gặp cỏ... Nhưng, ngay từ lúc xe đi dọc qua sông Yalung Tsangpo, khi định chớp vội qua cửa kính xe hình ảnh hàng cây soi bóng xuống dòng sông cũng là lúc tôi phát hiện ra máy ảnh đã hỏng. Và khi xe lên đến những điểm cao trên 4.000m, tôi đã bắt đầu cảm nhận cơn đau đầu, trán và gáy mỗi lúc một cảm thấy nặng trịch. Đến lúc này tôi mới thấy thấm thía một điều mà trong chuyến đi trước tôi chưa hề trải qua, thật đáng tiếc biết bao khi ta đang ở trên đất Tạng nhưng thân thể ta lại không đủ sức mạnh để mở rộng đôi mắt mà thâu nhận hết những màu sắc rực rỡ này, để cho tâm hồn ta thư thái hòa vào cái không gian khoáng đạt mà trong suốt, tĩnh lặng đến vô cùng này.

Hàng bạch dương chớm vàng lá bên dòng Yalung Tsangpo (Ảnh: Sói em)
https://farm8.staticflickr.com/7468/16282242151_42b466000e_z.jpg

Có những cung đường mà độ hùng vĩ hiểm trở của nó khiến ta vừa sợ hãi vừa háo hức được đi đến tận cùng. Lhasa - Gyantse - Shigatse là một cung đường như vậy. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đi trên con đường ấy, khi xe vượt dốc qua những khúc cua tay áo ngay sát bên miệng vực thăm thẳm, cho đến khi lên đến độ cao bốn - năm nghìn mét, mở ra trước mắt chúng tôi là trùng điệp những sườn núi với đủ sắc độ nâu đỏ, xám, xanh rêu và phía xa xa lấp lánh những đỉnh núi ngàn năm tuyết phủ. Khi đi trên độ cao ấy, trời và đất quá gần nhau, cái không gian trong suốt và cô tịch với những mảng màu dường như siêu thực đập vào đôi mắt hàng ngày vẫn quen với sự chật hẹp và khói bụi nơi phố thị, bỗng mở ra cho con người ta một cái nhìn đầy đủ về sự bao la vô cùng vô tận của vũ trụ, và ý niệm về sự miên viễn của vòng sinh tử đời người.
Trong hành trình về sau này, tôi còn gặp một con đường cũng hiểm trở không kém - đường đến Zanda. Trên vùng cao nguyên kỳ lạ này, khi cơ thể đã khỏe khoắn trở lại, dù ngủ rất ít nhưng tôi lại tỉnh táo một cách lạ thường, không khí loãng dường như làm cho đầu óc trong suốt và tập trung hơn. Tôi đã hầu như không chợp mắt, hay nói đúng hơn là không dám chợp mắt khi ngồi trên xe, tôi không muốn bỏ phí một phút giây quý giá nào để được ngắm cảnh sắc trên đường tôi qua: những trầm tích của “rừng đất sét” nâu đỏ trải dài đến chân trời, và vẫn là cái màu trời xanh đến vô tận mà tôi nghĩ chắc chỉ có ở đất Tạng trời mới xanh đến thế.

Hiếm có nơi nào mà đức tin lại thấm đẫm khắp cả vạn vật như vùng đất này. Có những đoạn đường, đi cả chục cây số không thấy một nóc nhà nhưng ở đâu cũng có thể bắt gặp những vách núi khắc câu lục tự chân ngôn “Om mani padme hum”, những chồng đá mani ngay ngắn xếp bên đường, bất kỳ đỉnh cao lộng gió nào cũng rực rỡ phấp phới sắc màu của lungta (phướn cầu nguyện của người Tạng, còn gọi là ngựa gió). Người Tạng in kinh lên phướn ngũ sắc và đem treo trước gió, họ tin rằng phước lành từ những câu kinh sẽ trải khắp không gian với sức mạnh của gió và tốc độ của ngựa.

Tôi vẫn nhớ lần trước, đường đi Gyantse đang sửa nên thường xuyên tắc nghẽn, sau thời gian chờ đợi từng đoàn xe nối dài được thông đường, qua biết bao khúc cua và những đỉnh núi chăng đầy lungta, cuối cùng, khi lên đến đỉnh đèo Kampa-la, chúng tôi đã ngỡ ngàng đứng lặng trước một mặt gương xanh ngọc trải dài uốn lượn giữa những vách núi và lóng lánh phản chiếu ánh nắng trưa: Yamdok - một trong bốn hồ thiêng của Tibet. Yamdok năm nay tôi trở lại, tôi chỉ đủ sức ngắm nhìn mặt hồ xanh bàng bạc phủ sương qua cửa kính ôtô và ngọn Nojin Kangstang phủ tuyết nhạt nhòa phía xa. Trên đỉnh Kampa-la, gió thổi mạnh đến nỗi các bạn tôi cũng chỉ dám xuống chụp vội vài kiểu ảnh rồi lại lao vào xe ngay. Trời hôm ấy cũng xám xịt ủ ê như tâm trạng tôi, mệt mỏi, mâu thuẫn, vừa lo sợ không đủ sức khỏe cho những ngày hành hương sắp tới, lại vừa tự an ủi mình rằng đây mới là ngày thứ ba của hành trình, ta vẫn còn thời gian để khỏe lại, cố lên.

Yamdok rực rỡ của năm 2011
https://farm8.staticflickr.com/7533/16096520098_38653e50ce_z.jpg

Yamdok năm 2011
https://farm8.staticflickr.com/7546/15661633384_853b75472f_z.jpg

Khi ấy, tôi còn nhảy nhót tưng bừng như thế này trên đèo Kampa-la
https://farm9.staticflickr.com/8673/16097919959_32935ede69_z.jpg

Gemini1976
19-01-2015, 21:15
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Yamdok năm nay, mặt gương xanh bàng bạc trong sương phủ một ngày đầu thu (Ảnh NL)
https://farm8.staticflickr.com/7479/15695156104_130c606d4d_z.jpg

Ngọn Nojin Kangstang ẩn hiện trong mây mù phía xa xa (ảnh NL)
https://farm9.staticflickr.com/8573/16291628676_d9db2fef54_z.jpg

Rời Yamdok, chúng tôi đi về phía băng hà Karola, nhưng không dừng lại ở dải băng lạnh thấu xương ấy. Đây là hồ nước nhỏ hình thành do băng từ Karola chảy xuống
https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG4638_zpsc067a82a.jpg

Phướn cầu nguyện ngũ sắc bên hồ
https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG4641_zps89d5457e.jpg

quynhtrangkcc
20-01-2015, 08:38
Vẫn mong tiếp ảnh ạ...

Gemini1976
20-01-2015, 17:26
Vẫn mong tiếp ảnh ạ...

Cảm ơn bạn, mình sẽ cố gắng viết và post ảnh dần. Tuy nhiên, ảnh không đẹp và cũng không nhiều vì chụp bằng điện thoại, cũng chỉ đủ để lôi ra gặm nhấm mỗi khi thấy nhớ trời, nhớ nắng nơi ấy thôi.

Gemini1976
20-01-2015, 17:32
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đến Gyantse. Thành phố lớn thứ 3 của Tibet đón chúng tôi trong bầu trời ảm đạm của một cơn mưa vừa dứt. Qua khỏi pháo đài Dzong đầu cửa ngõ thành phố là đến tu viện Pelkhor Chode - dấu tích vàng son của đô thị từng được coi là thủ phủ của Tây Tạng một thời. Trước đây, Gyantse đã từng giữ vị trí trọng tâm trên con đường huyết mạch nối Lhasa và Shigatse. Pelkhor Chode, vì thế, cũng đóng vai trò là trung tâm Phật giáo, đặc biệt là của tông phái Sakyapa (Tát Ca). Đại tu viện này đã từng là nơi tu hành của cả 3 tông phái lớn trong Mật Tông Tây Tạng là Kadampa, Sakyapa và Gelugpa. Nghe nói, thời vàng son có đến hàng nghìn vị sư tu tập ở đây, ngày nay con số này chỉ chưa đến 80.

Đi theo con đường hai bên có hàng chuyển luân chung bằng đồng, chúng tôi lần lượt xoay từng vòng chuông trước khi vào chính điện, rồi sang Kumbum

Kumbum đây rồi - Thập vạn Phật tháp, mandala ba chiều vĩ đại, công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất trên đất Tạng.
https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG4645_zps7adcbebe.jpg

Hai lần đến Kumbum, không hiểu sao lần nào tôi cũng liên tưởng đến Borobudur ở Yogyakarta, Indonesia - ngôi đền Phật giáo duy nhất trên đất nước đạo Hồi vốn có số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới. Cũng kiến trúc kiểu mandala 3 chiều cân xứng, Borobudur có cấu trúc 10 tầng gồm 3 tầng tròn phía trên và 7 tầng vuông phía dưới, biểu trưng cho quan niệm "trời tròn đất vuông" của người xưa. Tòa tháp này được thiết kế dựa trên thuyết Tam giới của Phật giáo: 2 tầng dưới cùng tượng trưng cho "dục giới", 5 tầng giữa là "sắc giới", và 3 tầng trên cùng là "vô sắc giới". Còn Kumbum có 9 tầng, thể hiện vũ trụ quan của người Tạng: thế giới hình thành từ 5 yếu tố: đất, nước, lửa, khí và thức. 5 tầng dưới của Kumbum hình vuông - tượng trưng cho đất, mang tính bền vững, ổn định. Các phần tiếp theo lần lượt có hình trụ - tượng trưng cho nước, hình nón - tượng trưng cho lửa, hình đĩa - tượng trưng cho khí và trên cùng là một chấm nhọn tượng trưng cho thức - nơi giao điểm giữa thế giới vật chất với thế giới tâm linh. Nếu như các tín đồ Phật giáo đến Borobudur cho rằng việc đi hết các tầng của ngọn tháp này cũng đồng nghĩa với sự giác ngộ và giải thoát thì người Tạng quan niệm hoàn thành một vòng kora quanh Kumbum từ dưới lên trên là đã trải quả một vòng từ tử sinh luân hồi cho đến Niết bàn.

Cả hai nơi này: Borobudur và Kumbum, chúng tôi đã từng đi kora từng tầng từ dưới lên, vừa đi mừa mê mẩn ngắm những tranh, tượng và phù điêu. Nếu như ở Borobudur, chúng tôi từng say mê những bức phù điêu tạc bằng đá núi lửa mô tả cuộc đời đức Phật, những tháp chuông trổ hình mắt cáo và đôi khi, còn đưa tay qua mắt cáo của các tháp chuông chỉ để được chạm tay vào vai tượng Phật thì ở đây - Kumbum, chúng tôi cũng đã mê mẩn những bức bích họa, tượng Phật, Bồ tát và Tara đầy màu sắc sống động, vừa đi kora vừa nghe tiếng chim câu gù trong không gian tĩnh lặng, để lòng quán tưởng sự an nhiên tự tại.

Kumbum năm nay đang được trùng tu, toàn bộ phần hình trụ và phía trên có vẽ bốn đôi mắt Phật ở bốn hướng đã bị bắc giáo che khuất. Tương truyền yếu tố nước mà phần tháp này biểu trưng chính là nước mắt từ bi của Phật và Bồ Tát đã chảy vì chúng sinh. Lần đến Kumbum này, dù rất muốn leo tháp để ngắm lại những bức tượng và bích họa, ngắm lại 4 pho tượng Độ Mẫu Tara đẹp rực rỡ ở tầng 4, nhưng tôi và Sói em đã quyết định ở lại. Lúc đứng dưới chờ anh T, chị NL và La leo tháp, hai đứa cứ thơ thẩn trong sân tìm lại hàng bạch dương xưa và ngắm nghía mãi mới nhận ra cái góc tường lần trước cả hai chị em đã từng chụp những bức ảnh nghiêng ngả và tập hành lễ ngũ thể nhập địa trước sân.

https://c2.staticflickr.com/8/7550/15703853513_e3ff3418e1_b.jpg
trước Kumbum - năm 2011 (ảnh Sói em)

Màu tường đỏ đã phôi pha, hàng bạch dương cao vút giờ không còn xanh lá nữa. Có nhiều thứ đã thành kỷ niệm, và tôi cứ miên man tự hỏi: trên tầng cao kia, sau lớp giàn giáo che lấp, liệu nước mắt của lòng bi mẫn có còn chảy, tương lai của người Tạng và cả một nền văn hóa - tôn giáo từng phát triển rực rỡ liệu rồi có tàn tạ như thành phố này?

https://farm9.staticflickr.com/8598/16137686259_3fb75615db_z.jpg
(ảnh NL)

Chiều muộn Kumbum, chỉ còn vài cụ già tay xoay mani, tay lần tràng hạt đang chậm rãi băng qua sân chùa để đi về phía tu viện nhỏ đằng xa. Phải tạm biệt Pelkhor và Kumbum thôi, chúng tôi vẫn còn chừng trăm cây số đường phía trước nữa, cái đích đến nghỉ tối là Shigatse.
https://farm8.staticflickr.com/7522/16297952076_9d5d821a3e_z.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
28-01-2015, 00:04
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Điểm dừng chân tối hôm thứ 3 của chúng tôi là Shigatse - thành phố lớn thứ 2 đã từng là thủ phủ của Tibet. Đây là nơi chúng tôi được bố trí chỗ nghỉ tươm tất nhất trong toàn bộ hành trình: khách sạn 4 sao “Shigatse Hotel” tại trung tâm thành phố với đầy đủ tiện nghi và tất nhiên, không thể thiếu wifi. Vậy mà nơi tiện nghi nhất lại là nơi chúng tôi cảm thấy khó ngủ nhất. Những cơn đau đầu lúc chiều mới chỉ là thoảng qua thì đến tối mới cảm nhận rõ rệt hơn. Uống thuốc xong, trằn trọc mãi rồi cuối cùng giấc ngủ cũng đến nhưng là những giấc ngắn và đứt quãng để rồi sớm hôm sau tỉnh giấc, cả nhóm hỏi nhau có thấy nặng gáy nặng trán không. Hầu như ai cũng bị đau đầu, chỉ có điều ở mức độ khác nhau mà thôi. Tôi bỗng thấy thầm hối hận, phải chi tối hôm đầu tiên ở Lhasa chúng tôi đã không thức khuya để ra Potala chụp ảnh cung điện về đêm, phải chi sáng ngày thứ hai chúng tôi cứ vào quán Mã Cát A Mễ ngồi thư giãn có khi lại hơn là đội mưa đi Bảo tàng Tibet, phải chi…
Sau bữa sáng, chị NL chia thuốc cho mọi người uống và bảo có lẽ phải mua thêm “Hồng cảnh thiên” để tăng cường. Tranh thủ wifi để gửi thư và gọi nốt mấy cuộc điện thoại viber về nhà rồi chúng tôi check out và bảo Samdrup dẫn đi mua thuốc trước khi sang thăm tu viện Tashilhunpo.

Tashilhunpo lần này tôi đến vẫn là một ngày nắng đẹp, nắng dát trên mái vàng của tu viện, nắng xuyên qua những tán lá tử đinh hương và in bóng trên những góc tường đỏ đậm. Tây Tạng đầu mùa thu vẫn rực rỡ hoa, ở Pelkhor hôm qua và cả Tashilunpo hôm nay, góc vườn nào cũng thấy rực rỡ sắc hoa bướm và hoa thược dược.
https://farm9.staticflickr.com/8619/16192282768_9b8f284dfe_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7309/16193622029_4050aabef3_z.jpg
tận hưởng một ngày nắng đẹp trong tu viện

https://farm9.staticflickr.com/8615/16378982432_e8858d5879_z.jpg
và mải mê lạc lối giữa những con ngách nhỏ

Có lẽ nhiều bạn đã biết, nhưng tôi vẫn nói qua một chút về Tashilhunpo - đại tu viện của Thành phố Shigatse đã gắn liền với danh tiếng của dòng Ban Thiền Lạt Ma.
Tashilhunpo là một trong 6 tu viện nổi tiếng thuộc Hoàng Mạo giáo (phái Gelugpa - Cách Lỗ) của Mật Tông Tây Tạng. Nằm trên đỉnh đồi Drolmari tại trung tâm Thành phố Shigatse, Tu viện Tashilhunpo được xây dựng vào năm 1447, là một trong những điểm thu hút hàng ngàn tín đồ hành hương và khách du lịch tới Tibet. Nếu như Potala là cung điện của Đạt Lai Lạt Ma thì Tashilhunpo là nơi cư ngụ của Ban Thiền Lạt Ma, người lãnh đạo tinh thần thứ hai chỉ sau dòng Đạt Lai trong cộng đồng chính - giáo Tây Tạng.

Cái tên Tashilhunpo có nguồn gốc từ vị trí của tu viện bởi công trình này nằm trên một ngọn đồi. Trong tiếng Tạng: tashi có nghĩa là cát tường và lhunpo là đồi. Chính vì vậy, tên của tu viện Tashilhunpo có ý nghĩa là ngọn đồi cát tường. Nằm trên sườn đồi với dãy tường dài bao bọc xung quanh, tu viện là một khu phức hợp bao gồm 57 tòa nhà với hơn 3.600 phòng và 50 ngôi tháp thờ. Ngay từ cổng vào đã nhìn thấy kiến trúc của tu viện gồm 4 tòa lớn: lần lượt là điện thờ Phật Di Lặc, tháp thờ có lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, khu lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 4 (vị này là thày dạy của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm - Lobsang Gyatso - là vị Đạt Lai Lạt ma vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng), và cuối cùng là khu lăng mộ của Ban Thiền Lạt Ma từ đời thứ 5 đến thứ 9, phía trên đỉnh đồi sau tu viện có thể nhìn thấy bức tường lớn dùng để treo bức thangka khổng lồ vào mỗi dịp lễ hội.

https://farm8.staticflickr.com/7307/16192081988_0e908f3638_z.jpg

Trong quần thể kiến trúc của Tashilhunpo, Tháp thờ Phật Di Lặc - vị Phật tương lai Maitreya là tòa tháp thiêng liêng nhất của toàn tu viện. Nơi đây có bức tượng đức Phật Di Lặc bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới. Có lẽ ấn tượng thu hút tôi cũng như nhiều bạn đến Tashilhunpo chính là bức tượng ấy. Khởi dựng vào năm 1914 bởi đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 9, với chiều cao gần 27 m, bức tượng được đúc và trang trí bởi hơn 279 kg vàng, 150.000 kg đồng, kim cương, ngọc trai và vô số các loại đá quý…tượng này được làm hoàn toàn thủ công trong suốt 9 năm trời bởi hơn 900 thợ thủ công giỏi của Tây Tạng. Có một điểm đặc biệt mà lần trước Tenzin đã giới thiệu: đây là bức tượng duy nhất ở Tây Tạng trình bày Đức Phật Di Lặc tọa trên tòa sen.
https://c2.staticflickr.com/8/7486/16315665716_3be9bfbbff_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Lần thứ 2 đến đây, tôi vẫn thấy xúc động như lần đầu được đảnh lễ Ngài. Đức Phật Di Lặc ngồi trên tòa sen với bàn tay trong tư thế ấn giáo hóa, với đôi mắt xanh nhân từ mà thấu suốt. Như mọi du khách đến đây, chúng tôi đã đi một vòng kora quanh bức tượng, để lặng ngắm khuôn mặt đầy vẻ an nhiên và thoát tục siêu phàm của Ngài, để chạm tay và áp trán vào tòa sen, để tạm thời gạt bỏ những sân si và để thâu nhận trong tâm những khoảnh khắc bình an tự tại, tuy ngắn ngủi thoáng qua nhưng đầy ý nghĩa trong đời. Những cánh sen dưới chân ngài sáng bóng lên, trăm năm nay, đã có biết bao bàn tay của những thế hệ tín đồ hành hương chạm vào, họ cầu xin điều gì, trong triệu ức những lời thì thầm cầu nguyện ấy, có bao nhiêu ước nguyện cháy bỏng cho ngày tự do trong tương lai của mảnh đất này?

https://c2.staticflickr.com/8/7400/16363203675_1bea539d4d.jpg
Bàn tay đức Phật trong tư thế ấn giáo hóa (ảnh sưu tầm)

Về phía đông của Tháp thờ Đức Phật Di Lặc là tháp thờ của các đời Ban Thiền Lạt Ma, trong đó có tháp Sisum Namgyel, nơi chứa lăng mộ của đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Sisum Namgyel được xây dựng và trang trí bởi hơn 600 kg vàng cùng với nhiều loại đá quý. Xác ướp của đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 được tôn thờ và bảo quản cẩn thận ở bên trong. Người ta nói rằng, đến nay, xác ướp của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu hư hoại và thậm chí kỳ diệu hơn, có người còn khẳng định vẫn thấy tóc và móng tay của Ngài tiếp tục phát triển. Chuyện về cuộc đời đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 cũng là một chương đầy bi tráng của lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Tôi sẽ kể tiếp trong phần sau.

Gemini1976
28-01-2015, 23:47
Tu viện Tashilhunpo

Đi khắp Tashilhunpo, hầu như ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những người Tạng mộ đạo. Đây, một cụ ông ngồi nghỉ chân bên gốc liễu, tay vẫn không ngừng quay mani.
https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG4702_zps9bbce9c1.jpg

Bà dắt cháu lên chùa
https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG4685_zps2cd99d17.jpg

Thành kính dâng lễ chư tăng
https://farm8.staticflickr.com/7512/15679139574_a211b19d59_z.jpg
(ảnh NL)

Mùa thu, những góc nắng ấm trong tu viện với hình ảnh bóng áo vàng
https://farm8.staticflickr.com/7521/16115378529_a24b50bae6_z.jpg
(ảnh NL)

https://farm8.staticflickr.com/7502/16301500065_791b66bbc7_z.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
31-01-2015, 01:06
Ban Thiền Lạt Ma thứ mười

Nằm ở phía đông của Tashilhunpo là toà tháp lớn cuối cùng trong 4 toà tháp chính của tu viện, có tên là Tashi-Langyar, nơi chứa lăng mộ của các Ban Thiền Lạt Ma từ đời thứ 5 đến đời thứ 9. Trong thời Cách Mạng văn hóa, linh tháp này đã từng bị Hồng vệ binh phá hủy, sau đó đã được đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 cho phục dựng lại vào năm 1985 và hoàn thành vào đầu năm 1989. Không bao lâu sau sự kiện khai quang lăng mộ của các đời Ban Thiền trước, đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã từ trần một cách bí ẩn tại chính Shigatse - thành phố gắn liền với dòng tái sinh của Ngài.

Từ sự kiện này, ngược dòng thời gian mới thấy cuộc đời của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã gắn liền với một giai đoạn đen tối, gắn với bi kịch chính trị của dân tộc Tạng và những thử thách to lớn đối với Mật Tông Tây Tạng, giai đoạn đất nước Tây Tạng phải trải qua cuộc xâm lăng bằng vũ lực của Trung Quốc.

Hẳn nhiều bạn đã biết, Ban Thiền Lạt Ma là danh hiệu mà Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã tặng cho thầy mình là trụ trì tu viện Tashilhunpo trong thế kỷ thứ 17. Vì Đạt Lai Lạt Ma được xem là hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát nên lúc đó Ban Thiền Lạt Ma được coi là hóa thân của Phật A Di Đà. Cũng như dòng Đạt Lai, dòng Ban Thiền được xem là một dòng tái sinh và hai dòng này đều có thể ấn chứng các vị hóa thân cho nhau.

Ban Thiền Lobsang Trinley Choekyi Gyaltsen được tái sinh năm 1938 tại Thanh Hải, đã được Lạt Ma Flak Lakho công nhận là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma thứ 9, và được Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ấn chứng là Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 vào năm 1951. Năm 1952, Ngài đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma tại Lhasa và sau đó đến cư ngụ tại tu viện Tashilhunpo ở Shigatse.

Cùng với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Ban Thiền thứ 10 đã trải qua nhiều sự biến chính trị của Tây Tạng. Tháng 9 năm 1954, hai Ngài đến Bắc Kinh để tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội Nhân dân, gặp Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác. Tháng 12 năm này, đức Ban Thiền đã được bầu làm uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trở thành Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc. Năm 1956, Ngài lại cùng với Đạt Lai Lạt Ma hành hương đến Ấn Độ, tại đây hai Ngài đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru.

Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 với Thủ tướng Ấn Độ Nehru và thủ tướng Miến Điện U Nu năm 1956 tại Ấn Độ
https://c1.staticflickr.com/9/8609/16215699030_8be8d86aed_z.jpg
(ảnh sưu tầm)

Năm 1959, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến vào Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma lưu vong sang Ấn Độ. Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, khi ấy mới 21 tuổi, đã quyết định ở lại Tây Tạng. Đầu những năm 1960, nhận thấy các chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng đã dẫn đến đói khổ và chết chóc cho người Tạng, vào tháng 5 năm 1962, Ngài đã viết bức Thất vạn ngôn thư nổi tiếng (bản kiến nghị dài 70.000 chữ) gửi Chu Ân Lai để tố cáo về cảnh sống khốn cùng của người Tạng đồng thời chỉ trích chính quyền đã cho phá hủy nhiều chùa chiền và di tích tôn giáo của Tây Tạng. Vì bản kiến nghị này, Ngài đã bị chính quyền Mao kết tội và cầm tù hơn 14 năm. Mãi đến năm 1978, Ban Thiền thứ 10 mới được trả tự do và “phục hồi” chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc.

Ra tù, Ngài đã du hành rộng rãi khắp Tây Tạng để hành động bảo vệ nền văn hóa Tây Tạng và cải thiện đời sống của đồng bào Tạng, phát đi thông điệp mạnh mẽ kêu gọi làm sống lại tinh thần "Hãy là một người Tạng" và "Hãy sống vì Tây Tạng". Ngài cũng chính là người đã xúc tiến việc thông qua đạo luật coi tiếng Tạng là ngôn ngữ chính thức của khu tự trị Tây Tạng vào năm 1987. Khi Ngài về thăm lại tu viện xưa Tashilhunpo sau 18 năm xa cách, các tín đồ đã đem di hài của 5 vị Ban Thiền mà họ đã mạo hiểm tính mạng để giữ lại trong thời cách mạng văn hóa trao lại cho Ngài.
Ban Thiền đã thỉnh nguyện Đặng Tiểu Bình và lãnh đạo Trung Nam Hải cho trùng tu lại tu viện Tashilhunpo và phục dựng linh tháp để hợp táng di hài của 5 vị Ban Thiền và được chấp thuận. Bắc Kinh đã đền bù bằng cách cấp 108 kg vàng, 1000 kg bạc để xây linh tháp.
Cuộc phục dựng kéo dài ba năm tám tháng. Linh tháp được hoàn thành vào cuối năm 1988 với diện tích 1.933m2, cao 33,1m, bên trong tháp thiêng cao 11,5m, được bao phủ bằng một lớp bạc và khảm đá quý. Di cốt của 5 vị Ban Thiền Lạt Ma trong năm hộp gỗ đàn hương được đặt bên trong tháp. Ở trung tâm của tháp là bức tượng đồng của Ban Thiền thứ 9. Lễ khai quang được cử hành trọng thể vào tháng giêng năm 1989 do Ban Thiền chủ trì và Bí thư đảng ủy khu tự trị Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn chúc mừng.

Sau lễ khai quang linh tháp, Ngài đã có buổi nói chuyện tại Shigatse, công khai phê phán chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng và tuyên bố sự trung thành của Ngài với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Sau tuyên bố này, khi chưa kịp về lại Bắc Kinh, vào ngày 28 tháng giêng năm 1989, đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã từ trần vì “đột ngột bị nhồi máu cơ tim”, thọ 51 tuổi.

Do cái chết đột ngột của Ngài, Đại pháp hội truyền chiếu - một sinh hoạt tôn giáo đã có truyền thống gần 500 năm ở Tây Tạng sắp tổ chức phải hoãn lại. Quyết định hủy bỏ Đại pháp hội truyền chiếu đã gây chấn động lớn trong dân chúng và Phật tử Tây Tạng. Tại Lhasa đã liên tục diễn ra các vụ diễu hành đòi độc lập mà đình điểm là cuộc xuống đường của hơn 2000 Phật tử ngày mùng 5 tháng 3 năm 1989, với hậu quả có 11 người chết, hơn 100 người bị thương.

Sau khi Ban Thiền từ trần, Bắc Kinh đã quyết định xây dựng một tháp thờ tại tu viện Tashilhunpo để bảo quản xác ướp của Ngài và tưởng nhớ đến cống hiến của Ngài đối với Phật giáo Tây Tạng. Trong một chuyến thị sát lên Tây Tạng vào năm 1990, chủ tịch Giang Trạch Dân đã có chuyến thăm đặc biệt đến tu viện Tashilhunpo để kiểm tra việc xây dựng lăng tháp. Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 9 năm 1990. Nhà nước đã phân bổ 64 triệu Nhân dân tệ từ quỹ đặc biệt, với 614 kg vàng và 275 kg bạc được sử dụng để xây tháp. Dự án này kéo dài ba năm và một buổi lễ khai quang hoành tráng đã được tổ chức vào tháng 9 năm 1993 để đưa xác ướp của Ngài táng vào trong tháp. Tháp đã được đặt tên là Sisum Namgyel, có nghĩa là Lễ đường của Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới).

Linh tháp Sisum Namgyel
https://c2.staticflickr.com/8/7318/16388062971_e58bf6f8e9_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Ngày này, khách hành hương đến Tashilhunpo sau khi chiêm bái bức tượng Phật Di Lặc nổi tiếng đều ghé thăm linh tháp Sisum Namgyel để được ngắm bức tượng của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 ngay tại trung tâm của tháp với kích cỡ bằng người thật. Một ngày đầu thu nắng ấm chan hòa, tôi quay lại nơi này, thăm lăng tháp của Ngài, chiêm bái lại hình tượng mandala Kalachakra tối thượng trên trần của linh tháp, lòng cứ mãi băn khoăn nghĩ về số phận của một vị Lạt Ma đã từng gắn liền với bi kịch chính trị của đất nước Tây Tạng. Sáu năm sau ngày Ngài viên tịch, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã ấn chứng một cậu bé 6 tuổi là hóa thân của Ngài. Nhưng bi kịch lại một lần nữa xảy ra khi vị Lạt Ma trẻ tuổi cùng gia đình đã bị đưa đến Bắc Kinh và không ai biết số phận của họ sau đó ra sao. Để rồi sau đó, nhà cầm quyền đã công nhận một cậu bé sáu tuổi khác là tái sinh của Ngài và dựng nên vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Bi kịch lại chồng lên bi kịch khi truyền thống Lạt Ma tái sinh đã bị lợi dụng vì mục tiêu chính trị để chi phối dân tộc Tạng.

Hình tượng Mandala Kalachakra trên trần linh tháp Sisum Namgyel
https://c1.staticflickr.com/9/8598/16203915727_dfe00a0b8b_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Có lẽ, di sản tinh thần cuối cùng của Ban Thiền thứ 10 chính là lời khuyên mà Ngài đã dành cho Lạt Ma Khenpo Phuntsok về việc chấn hưng Phật giáo Tây Tạng. Nhờ có sự khuyến khích của Ngài, năm 1980 Lạt Ma Phuntsok đã thành lập Học viện Phật giáo Sethar tại thung lũng Larung Gar thuộc vùng Garze - Tứ Xuyên, thu hút hàng nghìn tăng ni theo học Phật pháp. Ngày nay, Sethar đã trở thành trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Sethar - Larung Gar - mái nhà của vùng Kham, tôi vẫn ấp ủ kế hoạch một ngày đến đó để được thăm quan di sản cuối cùng của đức Ban Thiền, được lạc lối giữa màu đỏ của hàng ngàn căn nhà gỗ trải dài trên cả một vùng thung lũng tươi đẹp.

Gemini1976
07-03-2015, 01:57
Hành trình về phía Tây
Ngamring

Rời tu viện Tashilhunpo, tạm biệt Shigatse, chúng tôi bắt đầu hành trình về phía Tây Tibet và cái đích đến tối hôm đó sẽ là thị trấn Saga. Cung đường kỷ niệm đã khép lại, giờ sẽ đi tiếp trên cung đường mới, được ngắm những cảnh sắc và được trải nghiệm cảm xúc ở những vùng đất mới.
Con đường trải dài phía trước trong mây trời mùa thu
https://farm9.staticflickr.com/8580/16112263484_696c03a42c_z.jpg
(ảnh NL)

Núi ở đây bắt đầu mang dáng hình và khuôn mặt khác
https://farm9.staticflickr.com/8654/16708728706_c5fcbd277b_z.jpg
(ảnh NL)

Những thảm hoa cải vàng rực giữa thung lũng
https://farm9.staticflickr.com/8683/16733568472_1c818a0fe3_z.jpg
(ảnh NL)

https://farm9.staticflickr.com/8639/16733564022_803046415c_z.jpg

Phiên chợ bên đường
https://farm9.staticflickr.com/8608/16548654919_a0dccef349_z.jpg
(ảnh NL)

Lung ta trải giữa không gian mênh mông
https://farm9.staticflickr.com/8637/16112453164_712dd5351b_z.jpg
(ảnh NL)

Cảnh tượng này không khỏi làm tôi phấn khích, chỉ mong lần tiếp theo trở lại mảnh đất này sẽ là hành trình khám phá Tây Tạng trên xe đạp
https://farm9.staticflickr.com/8638/16833656155_17e63c23f5_z.jpg

Nhưng tâm trạng háo hức đáng lẽ phải có khi bắt đầu một cung đường mới đã phải nhường chỗ cho sự lo lắng khi cả mấy anh em đều bắt đầu cảm thấy thấm mệt sau 4 ngày di chuyển liên tục, riêng tôi và Sói em thì có lẽ tình trạng còn tệ hơn nhiều.
Buổi trưa hôm ấy chúng tôi dừng chân ăn trưa ở Lhatse - thị trấn nhỏ với dãy phố có những kiot ốp gạch mặt tiền đặc trưng kiểu Hán. Cột điện và đèn đường chi chít đã cho thấy tốc độ Hán hóa lan nhanh đến thế nào.
https://farm9.staticflickr.com/8619/16708847956_07b170e864_z.jpg
(ảnh NL)

Lúc chuẩn bị ăn trưa cũng là lúc “cao nguyên khang” hết tác dụng. Mệt mỏi, tôi ngồi gục đầu bên bàn ăn, đợi mãi không thấy Sói em đâu. Mãi một lúc sau mới thấy Samdrup cùng Sói em bước vào quán, hóa ra cô bé đã suýt ngất và bị ngã ngay khi vừa bước xuống xe.
Bữa trưa diễn ra lặng lẽ, thức ăn không hợp khẩu vị cộng với cái lạnh và mệt dường như đã làm chúng tôi thêm mất sức. Khi rời Lhatse, bắt đầu lên xe chị NL đã giục chúng tôi uống thử loại thuốc mới “Hồng cảnh thiên” để “vừa đi vừa lắng nghe cơ thể”. Uống hai viên thuốc mới, tôi bắt đầu hy vọng sẽ đỡ mệt dần. Nhưng cơn đau đầu không hết như mong đợi, nhìn sang Sói em và La, tôi thấy hai đứa cũng đang mệt nhọc ngả vào thành ghế, môi tím tái và mắt nhắm nghiền. Cung đường mỗi lúc một dốc, có những đoạn nhìn GPS thấy đã lên đến độ cao 4700 - 4800m. Những rặng núi tuyết bắt đầu gần hơn
https://farm9.staticflickr.com/8646/16735076695_a2f797f706_z.jpg
(ảnh NL)

Trời chuyển mây vẫn vũ và bắt đầu mưa
https://farm9.staticflickr.com/8566/16735080455_ff9ba418d2_z.jpg

Cơn mưa kéo dài mãi suốt cả buổi chiều hôm ấy. Dọc đường, cứ ì ạch leo dốc được một lúc bác tài lại cho xe dừng rồi mở nắp để kiểm tra. Giữa những giấc ngủ bị ngắt quãng, tôi vẫn cố mở mắt hỏi Samdrup xem có chuyện gì và lần nào cũng nhận được câu trả lời “no problem”. Và rồi, như tôi đã kể, bắt đầu đến Ngamring thì xe chúng tôi hỏng nặng và khó có thể đi tiếp 240km nữa theo đúng lịch trình. Vì thế, chúng tôi phải nghỉ lại tại thị trấn này thay vì đến Saga như kế hoạch ban đầu. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, tìm được chỗ nghỉ tươm tất, phòng ốc và chăn đệm sạch sẽ ở nơi hẻo lánh này cũng là may mắn dù phải xách balô leo lên tận tầng 3 trong thể trạng này. Quả thật, tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra, liệu chúng tôi có chịu nổi không khi phải đi thêm 240km và lên thêm 500m độ cao nữa, sự cố hỏng xe ở Ngamring đã làm thay đổi cả lịch trình nhưng cho đến giờ tôi vẫn nghĩ, đó là một điều may mắn kỳ lạ trong hành trình của chúng tôi.

Gemini1976
17-03-2015, 07:50
Hành trình về phía Tây
Ngày thứ 5: Ngamring – Dzongba

Sáng ngày thứ 5, tỉnh dậy trong cái yên ắng tịch mịch của buổi sớm nơi thị trấn nhỏ, tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Gáy vẫn còn hơi nặng nhưng cơn đau đầu dường như đã biến mất. Mưa đã tạnh, trời vẫn đầy mây nhưng những tia nắng đầu tiên chiếu qua cửa sổ cảm giác thật ấm áp. Qua cửa sổ, trong cái nắng lạnh đầu mùa, thỉnh thoảng lại thấy tuyết lất phất bay trên triền núi phía xa.

https://farm9.staticflickr.com/8599/16115714094_5562908fba_z.jpg
(ảnh NL)

Cả buổi sáng hôm ấy, chúng tôi không ra ngoài để giữ sức, nghỉ lại trong phòng đứa thì đọc sách, đứa nghiên cứu bản đồ. Samdrup đã ra gara ngoài thị trấn cùng bác tài. Mặc dù biết chắc rằng phải đến trưa mới có thể khởi hành và như vậy là lịch trình đã bị chậm lại mất một ngày, tôi vẫn không có cảm giác lo lắng lắm, có lẽ thể trạng nhẹ nhõm lúc này đã tạm xua đi nỗi lo lắng ấy. Tôi bắt đầu nghĩ đến phương án sẽ dồn lịch trình trong mấy ngày cuối, khi cơ thể đã thích ứng được với độ cao.
Đến trưa, xe đã sửa xong, Samdrup và bác tài về đón chúng tôi ra thị trấn ăn trưa. Vẫn như mấy ngày trước, chúng tôi gọi cơm trắng với canh rau cải. Trong những ngày ở vùng đất khắc nghiệt này, chỉ cần gọi cơm trắng với rau, thức ăn mang từ nhà đi có ruốc thịt, mắm tép chưng và gia vị chẩm chéo đã giúp chúng tôi “sống sót” qua những ngày mệt mỏi và chán ăn này .
Rời Ngamring lúc 2h chiều, Samdrup bảo sẽ cố gắng đi nhanh nhất, qua Saga để có thể nghỉ tối tại Dzongba.

Đường về phía tây chúng tôi sẽ đi
https://c2.staticflickr.com/8/7608/16153612714_bc9d7b9e5c_b.jpg

Tuy Samdrup bảo sẽ cố gắng đi nhanh, nhưng tôi biết với kiểu hạn chế tốc độ của Trung Quốc trên đất Tạng, chúng tôi cũng khó lòng mà đến Dzongba sớm. Có một điều mà bạn nào đã từng đi Tây Tạng hẳn đều biết: ở đây người ta không hạn chế tốc độ xe chạy trên đường cao tốc bằng cách bắn tốc độ như ở VN mà hạn chế bằng cách quy định thời gian tối thiểu xe chạy giữa hai điểm check-point trên đường. Cứ vài chục km lại bố trí một điểm check-point. Đến mỗi điểm, lái xe lại phải xuống đóng dấu và ghi giờ để tính giờ đến cho điểm tiếp theo, nếu đến sớm hơn sẽ bị phạt rất nặng.

Lúc xuất phát từ Ngamring, trời lại mưa xầm xì như thế này:
https://farm8.staticflickr.com/7614/16832707801_d25a99de5b_z.jpg
(ảnh NL)

Đi tiếp, trời mỗi lúc một sáng
https://farm9.staticflickr.com/8651/16551897009_ef177d2417_z.jpg
(ảnh NL)

Cảnh sắc bên đường làm quên nỗi mệt nhọc, những đàn bò yak nhẩn nha gặm cỏ.
https://farm8.staticflickr.com/7593/16833784905_cf5204ea5c_z.jpg
(ảnh NL)

Những cục bông di động trên thảo nguyên
https://farm9.staticflickr.com/8656/16646220928_5b18545248_z.jpg
(ảnh NL)

https://farm9.staticflickr.com/8627/16550449908_c707659ae7_z.jpg

9h tối chúng tôi mới đến Dzongba, nhà trọ to nhất thị trấn (được chứng nhận của Cục Du lịch khu tự trị) cũng chỉ có loại phòng dorm nhưng khá sạch sẽ, nhà ăn ấm áp ngay đầu hồi với bếp lửa đốt bằng phân bò yak. Nhận phòng xong, chúng tôi đi ăn tối. Đã tối muộn nên nhà ăn chỉ còn phục vụ trà bơ và mỳ, đã quen với mùi ngai ngái và vị mặn của trà bơ Tạng - thứ đồ uống giàu năng lượng giúp chống lại cái lạnh giá nhưng còn loại mỳ sợi to và vị chua này thì thật là khó nuốt. Khi không còn dùng thuốc thảo dược nữa, tôi đã bắt có cảm giác thèm ăn trở lại, cũng cố gắng ăn gần hết bát mỳ trong khi các bạn tôi chỉ khều khều mấy sợi và bỏ lại gần như nguyên bát.
Tối ấy, giấc ngủ đến với tôi thật nhẹ nhàng, ngày mai chúng tôi sẽ đi qua Darchen để đến Thirapuri, sắp được diện kiến Kailash rồi.

Gemini1976
18-03-2015, 16:04
PERMIT

Một số bạn đã hỏi tôi về thủ tục xin permit và địa chỉ liên lạc của hãng tour đã xin Kailash permit cho chúng tôi. Mặc dù có thể nhiều bạn đã biết, nhưng tôi vẫn chia sẻ ở đây thủ tục xin permit vào Tây Tạng nói chung và khu vực Kailash nói riêng:

1. Loại Permit: Thông thường, để có thể vào được Tây Tạng, được lưu trú và đi lại tại vùng đất này, cần có 3 loại permit sau:
- Tibet Entry Permit: là loại permit trước tiên phải có để được nhập cảnh vào Tây Tạng
- Alien’s Travel Permit: cho một số khu vực hạn chế đặc biệt như Everest, tu viện Tashilhunpo, tu viện Sakya, tu viện Samye…
- Tibet Military Permit: cho một số tour đặc biệt như tour leo núi Kailash hoặc các tour xuyên đường bộ từ Côn Minh hoặc Tứ Xuyên đi Lhasa.

2. Thủ tục:
Để có thể xin được permit, trước tiên bạn cần phải có visa Trung Quốc, sau đó bạn gửi bản quét visa cho hãng tour ở Tây Tạng để họ tiến hành xin permit.

3. Thẩm quyền cấp permit:
- Tibet Entry Permit do Cục du lịch khu tự trị (Tibet Tourism Bureau) cấp;
- Hai loại còn lại thì do Cục an ninh PSB (Public Security Bureau) cấp.

4. Thời gian xin permit:
Xin Tibet Entry Permit mất 2 tuần nhưng Kailash Permit thì lâu hơn. Các bạn nên gửi hồ sơ xin Kailash permit ít nhất 25 ngày trước ngày khởi hành bởi thủ tục xin cấp qua Cục an ninh sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Năm 2014 - năm con ngựa gỗ của người Tạng, dự đoán nhu cầu vào Kailash có thể tăng đột biến và do những khó khăn và phức tạp về mặt chính trị, chúng tôi đã gửi hồ sơ xin Kailash permit từ rất sớm: 45 ngày trước ngày khởi hành và permit chỉ được cấp trước khi chúng tôi vào Tibet có 7 ngày (ngày 21/8/2014). Tình hình năm 2015 có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, việc cấp permit còn tuỳ thuộc vào tình hình chính trị từng thời kỳ vì chính quyền Trung Quốc có thể ban hành lệnh cấm người nước ngoài vào Tây Tạng nói chung và từng khu vực đặc biệt nói riêng vào bất cứ lúc nào mà chẳng cần phải công bố lý do.

Vì vậy, tốt nhất là các bạn nên theo dõi thường xuyên tình hình qua các hãng lữ hành. Trước chuyến đi, ngoài thông tin từ Lhakpa, tôi thường cập nhật thông tin của Tibet Vista (một hãng tour chuyên cung cấp các tour du lịch đến Tây Tạng, Ấn Độ và Nepal, có văn phòng giao dịch ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc) thông qua trang web của hãng:
http://www.tibettravel.org/tibet-travel-permit/

Cá nhân tôi thấy đây là trang thông tin khá đầy đủ và hữu ích. 20 ngày trước khi khởi hành, thông tin cập nhật nhất của Tibet Vista về Kailash permit vẫn như thế này:
“Update 13: (07-08-2014)
Mt. Kailash is open to western tourists again, but there are still some restrictions. Such as, mix-nationality group is not allowed; French, Japanese and Vietnamese cannot get the permit; people that are over 70 years old cannot get the permit”

5. Hãng tour xin permit:
Nên chọn hãng có uy tín bởi Cục du lịch và Cục an ninh thường ưu tiên cấp permit trước cho hồ sơ do các hãng này xuất trình, mặc dù giá tour chắc chắn cao hơn các hãng nhỏ lẻ khác nhưng khả năng xin permit sẽ được đảm bảo hơn.
Cả hai lần đi Tây Tạng, chúng tôi đều đi với Tibet Fit Travel. Đây là hãng tour khá uy tín ở Lhasa đã được giới thiệu trên Lonely Planet. Ông chủ Lhakpa Tsering luôn tự hào rằng đây một hãng tour hoàn toàn do người Tạng điều hành và toàn bộ đội ngũ nhân viên, tour guide đều là người Tạng.

Tibet Kawa Karpo International Adventure
Tibet FIT TRAVEL
Xian Zudao Xigu Gongyulou
nan1 -15hao lhasa Tibet China
E mail: [email protected] hoặc [email protected]
Mobile: 13989011658
Office: +86 891 6349232
Fax: +86 891 6363812
Website: www.tibetfit.com
www. tibetkawakarpoadventure.com

Trong Lonely Planet cũng có giới thiệu contact của Tibet Fit Travel với địa chỉ liên lạc là hòm thư yahoo của Lhakpa ([email protected]). Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 7/2014, hòm thư này đã bị hack nên hiện nay các bạn nên liên lạc với Lhakpa bằng hòm thư hotmail ở trên.

Hồi đó, khi tình hình giàn khoan vẫn còn căng thẳng, một ngày chủ nhật đẹp trời đầu tháng 7, tôi nhận được mail xin tiền từ hòm thư yahoo của Lhakpa - kiểu xin tiền xưa như trái đất với nội dung “Hãy giúp tôi, tôi đang ở Philippin và bị kẻ gian lấy cắp hết tư trang tiền bạc…”.
Thật không may, trước đó đúng hai ngày, tôi vừa gửi toàn bộ bản scan hộ chiếu và visa của cả 5 thành viên trong nhóm vào hòm thư yahoo trên để làm thủ tục xin permit. Trong tình hình bất lợi khi ấy, thông tin cá nhân của cả 5 đứa chúng tôi có thể rơi vào tay kẻ xấu, điều đó đã khiến tôi lo lắng mãi cho đến ngày nhận được permit.

Và nỗi lo của chúng tôi chỉ được giải tỏa trước khi khởi hành có 5 ngày. Đây, niềm vui lớn nhất sau bao ngày đợi chờ căng thẳng:

https://c2.staticflickr.com/8/7629/16664771130_c048c411dd_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7609/16232128403_c82e1ffbdc_b.jpg

svma2
18-03-2015, 17:08
Em chưa đến kailash, nhưng đang làm việc tại tòa nhà kailash, đọc bài viết của bác thấy thêm yêu nơi mình làm việc :)

Gemini1976
20-03-2015, 12:48
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Dzongba, buổi sáng ngày thứ 6 của chúng tôi ở Tây Tạng là một ban mai tuyệt đẹp. Ngay từ sáng sớm mặt trời đã nhuộm hồng cả vầng mây trước cửa nhà trọ. Dậy từ sớm, cả lũ co ro chui vào nhà ăn goi trà bơ nhấm nháp, đã thấy bác tài đang ở đấy trộn tsampa.

Quang cảnh nhà ăn vắng vẻ lúc sáng sớm
https://c1.staticflickr.com/9/8644/16249547763_bf02aaaa95_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8603/16249585273_34ddc76c30_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/8/7649/16683428559_008581eb3c_b.jpg

Với người Tạng, lương thực dài ngày của họ chính là món bột lúa mạch rang giàu năng lượng này. Bột Tsampa được đựng trong ruột tượng và mang theo các chuyến đi dài ngày, đến bữa chỉ cần một ấm trà bơ hoặc chút bia để trộn bột là đã có một bữa ăn đủ năng lượng để có thể chống chọi lại cái lạnh của vùng cao nguyên. Tôi cũng tò mò đòi bác tài cho thử chút tsampa, mặc dù đã được nhào kỹ với trà bơ, tsampa vẫn đặc quánh, vị mặn và hơi khó nuốt, nhưng chiêu với trà bơ thì cũng không đến nỗi nào.

Nhà ăn - lúc nào cũng có nước sôi trên bếp cho khách trọ. Đây là bếp đun bằng phân bò yak, được thiết kế rất kín nên hoàn sạch sẽ và không có mùi
https://c1.staticflickr.com/9/8641/16249568563_973e7d4a0c_b.jpg

Bữa sáng vẫn không có sự lựa chọn nào khác ngoài mỳ sợi to, nhưng sáng nay rút kinh nghiệm chúng tôi gọi mỳ với trứng và bắp cải chứ không dùng thịt bò yak như tối hôm trước. Dường như đã quen với độ cao, sức khỏe đã hồi nên ăn uống cũng thấy ngon miệng hơn, ngồi trong căn phòng ấm áp, nghe tiếng nước sôi reo vui, chả muốn ra ngoài nữa.

Nhưng thôi, sáng hửng lên rồi, chuẩn bị lên đường thôi, hôm nay chúng tôi sẽ đi gần 400km đến Tirthapuri, chặng đường hứa hẹn nhiều cảnh đẹp trong một ngày nắng rực rỡ. Mới đi khỏi Dzongba một đoạn đã gặp cảnh này
https://farm9.staticflickr.com/8639/16738740005_a918e21d53_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7648/16153876904_7f70fa14a7_z.jpg
(ảnh NL)

https://farm9.staticflickr.com/8571/16590038149_bec24284a3_z.jpg
(ảnh NL)

Cả bọn ào xuống chạy nhảy và chụp ảnh:
https://farm9.staticflickr.com/8675/16551182448_7a3b3518c1_z.jpg

Thảo nguyên mùa thu, màu vàng óng của cỏ trải đến tận chân trời
https://farm9.staticflickr.com/8577/16738736795_7b0eedf4ee_z.jpg

Gemini1976
20-03-2015, 15:27
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Cảnh sắc trên đường thay đổi liên tục, mới nắng thế mà lên đến độ cao hơn 4500m đã thấy tuyết bay mù mịt thế này
https://farm9.staticflickr.com/8723/16844810146_2766082afe_z.jpg
(ảnh NL)

Trên những con dốc, tuyết bay phủ mờ cả đường và những dải lungta
https://farm8.staticflickr.com/7591/16248314424_bbed121635_z.jpg
(ảnh NL)

qua thị trấn nhỏ
https://farm9.staticflickr.com/8581/16844804926_d020b83ea1_z.jpg
(ảnh NL)

Rồi lại đổ dốc trên con đường nhựa mới trải, mây trắng và trời xanh phía trước đẹp đến nao lòng
https://farm8.staticflickr.com/7594/16870671505_2bdb9d7ed8_z.jpg
(ảnh NL)

Những rặng núi tuyết đã thấy gần hơn:
https://farm8.staticflickr.com/7626/16750372016_ec7a2d3ff8_z.jpg

Gần 12h trưa, xe bắt đầu vào địa phận Ali. Nhìn thấy tấm biển này, lòng đã chộn rộn vì sắp được diện kiến Kailash và Manasarovar
https://farm9.staticflickr.com/8665/16115623437_a8c84efc32_z.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
20-03-2015, 21:52
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Xe đi thêm đoạn nữa, đã nhìn thấy thấp thoáng trước mắt một mặt hồ xanh sẫm và những dải lungta ngũ sắc bay lượn trong ánh nắng trưa. Tôi vừa tự thầm hỏi "Manasarovar đây ư?" thì Samdrup đã bảo bác tài dừng xe và quay lại nói với tôi “Kailash over there”.

https://farm9.staticflickr.com/8586/16871819031_e55149d3f7_z.jpg

Chúng tôi xuống xe, ngỡ ngàng trước khung cảnh rực rỡ ấy, đứng lặng ngắm không gian mênh mông rộng mở phía trước, dõi mắt về chân trời phía xa. Kia rồi, trên nền trời xanh thẳm, lẫn vào giữa những đám mây trắng bồng bềnh là ngọn núi trắng xóa - ngọn núi mà trước đây tôi đã bao lần ngắm trong những bức ảnh. Có lẽ không bao giờ tôi quên được phút giây này, giữa không gian thăm thẳm nắng, giữa những màu sắc dường như siêu thực này, gió quá mạnh đập phần phật bên tai mà tôi dường như chỉ nghe thấy tiếng tim tôi đập thình thịch trong phút đầu diện kiến. Ngọn núi thiêng giờ đã ở trước mắt, sau bao khó khăn vất vả, nay chúng tôi đã được tận mắt chiêm bái.

https://farm9.staticflickr.com/8613/16737540211_02349bc593_z.jpg

Các bạn tôi đứng bên có lẽ cũng cùng tâm trạng. Đứng lặng một lúc, chị NL bắt đầu giơ máy ảnh lên chụp liên tục, dường như chị không tin giây phút này là có thực chăng?

https://farm9.staticflickr.com/8727/16584767880_43b0992837_z.jpg

https://farm9.staticflickr.com/8570/16738732425_d571b42516_z.jpg

Gemini1976
22-03-2015, 09:47
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Đến lúc này tôi mới thực sự thấy buồn vì điện thoại đã không thể ghi lại được rõ ràng hình ảnh của Kailash phía xa, cứ zoom lên là ảnh lại vỡ nét. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi mình rằng có lẽ hỏng máy ảnh cũng là điều hay, nó cho tôi cơ hội được nhìn ngắm và cảm nhận nhiều hơn nữa bằng đôi mắt và cả tâm hồn tôi, thay vì ngắm cảnh qua ống kính máy ảnh. Và tôi chắc chắn không ống kính và ngôn từ nào có thể diễn tả được hết cái hùng vĩ đầy uy lực của ngọn núi thiêng trước mặt chúng tôi, lột tả được hết cái sắc độ rực rỡ mà bao la trong suốt đến vô cùng vô tận trong không gian của vùng cao nguyên đặc biệt này. Ở đây, giữa không gian cô tịch này, dường như khái niệm về sự giới hạn của không gian và thời gian không còn tồn tại nữa, và càng đi tiếp tôi mới càng cảm nhận rõ điều đó. Phải chăng vì thế mà nhiều người đã cho rằng Tây Tạng là vùng đất duy nhất trên trái đất có thể khai mở được những biên giới của ý thức và cho con người những tầm cảm nhận cao hơn mà thông thường ta không đạt tới, ở đây con người ta có đầy đủ những yếu tố để sống một đời sống viễn ly và để vươn tới một mức độ tâm linh cao hơn.

Kể từ giây phút đầu tiên được chiêm bái Kailash, ngọn núi thiêng cứ luôn ở bên phải xe chúng tôi suốt một chặng đường dài ngày hôm ấy, cho đến khi chúng tôi rẽ vào hướng Tirthapuri. Thật may mắn là lúc này sức khỏe đã trở lại. Trên xe, tôi đã không hề chợp mắt, Không, tôi không dám chợp mắt vì không muốn bỏ lỡ một phút nào được ngắm cái màu trắng của đỉnh núi phủ tuyết giữa bầu trời trưa xanh thăm thẳm ấy, tôi biết không phải ai cũng có may mắn được chiêm bái ngọn núi thiêng trong thời tiết đẹp đến thế.
Hành trình xe chạy theo hướng tây bắc về phía Tirthapuri cũng gần trùng với hành trình đi quanh ngọn núi thiêng, nó cho chúng tôi thấy dáng hình và sắc độ luôn biến đổi của Kailash.

Lúc đầu là dáng hình nón cụt
https://farm8.staticflickr.com/7639/16857590996_1c9dbcf54e_z.jpg
(ảnh NL)

Đi tiếp đoạn nữa, núi đã chuyển dần thành hình kim tự tháp đều đặn
https://farm9.staticflickr.com/8675/16771125322_78373970e9_z.jpg

Lúc hiền hòa dưới mây trắng
https://farm8.staticflickr.com/7632/16584824770_ec90380dd4_z.jpg

Khi lại bừng lên đầy uy nghi trong nắng trưa
https://farm9.staticflickr.com/8734/16883438435_dfb3e233cb_z.jpg
(ảnh NL)

Mây trên trời trắng hơn hay tuyết trên núi trắng hơn?
https://farm9.staticflickr.com/8659/16771069221_2a0760900d_z.jpg

Ngày nắng đẹp, chim trời cũng đang hòa tấu những nốt nhạc vui trên bản nhạc trời xanh
https://farm8.staticflickr.com/7624/16882310542_5822d03233_z.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
23-03-2015, 12:05
Trưa hôm ấy, chúng tôi qua Darchen, thị trấn nhỏ dưới chân núi nổi tiếng vì là điểm check-in quan trọng cho khách hành hương vào Kailash.
Đường vào thị trấn, thấp thoáng vài dãy nhà lẻ loi dưới chân núi. Và Kailash kia, vẫn ở bên phải cùng chúng tôi
https://farm9.staticflickr.com/8567/16152232423_d7ef5f17c1_z.jpg

Điểm dừng ăn trưa ở ngoài thị trấn Darchen.
https://farm9.staticflickr.com/8685/16569029817_dfb3bf5b3f_z.jpg
(ảnh NL)

Việc kiểm tra giấy tờ tại chốt check-point đầu thị trấn (chưa phải là chốt làm thủ tục check-in vào khu vực trung tâm thị trấn để leo núi) cũng làm chúng tôi một phen thót tim. Khi xe dừng lại, còn chưa kịp vào trình giấy tờ, một toán cảnh sát của PSB đã nhảy lên xe hỏi han loạn xị, Samdrup moi vội tập giấy tờ trong balo, chưa kịp nói gì thì đã bị một chú hỏi:
- Nhóm này quốc tịch nào?
- Việt Nam – trả lời
- Việt Nam à? – cau mày rồi tiếp tục săm soi, lật đi lật lại tờ permit.

Mặc permit có đóng dấu của PSB đàng hoàng đã ghi rất rõ lịch trình qua các điểm, tôi vẫn chột dạ nghĩ tới cái lệnh cấm người mang hộ chiếu quốc tịch Pháp, Nhật Bản và Việt Nam vào khu vực Kailash trong năm nay. Sau màn kiểm tra permit, bắt đầu đến hộ chiếu.
Cuối cùng tôi cũng thở phào khi toán cảnh sát hết săm soi giấy tờ rồi lại nhìn tận mặt từng đứa, đã chịu xuống xe và cho chúng tôi đi tiếp. Và đây không phải là lần duy nhất chúng tôi phải thót tim hồi hộp vì bị soi giấy tờ, vẫn còn hai lần như thế và phải chờ đợi lâu hơn thế chúng tôi mới có thể bước chân được vào đường kora (chuyện này tôi sẽ kể sau).

Ảnh chụp từ xa chốt gác đầu thị trấn Darchen qua cửa kính xe - cũng là cái ảnh duy nhất chụp một điểm kiểm soát. Về sau, vì lý do an toàn cho chuyến đi, khi đi qua những điểm nhạy cảm như vậy, chúng tôi không bao giờ dám giơ máy ảnh lên nữa.
https://farm8.staticflickr.com/7589/16771044081_4b95424d9c_z.jpg

Lịch trình ban đầu của chúng tôi là đến thăm hồ Manasarovar trước. Nhưng do đã bị mất một ngày ở Ngamring nên chúng tôi phải tạm bỏ qua Manasarovar và đi Tirthapuri trước.
Chiều đến suối nước nóng Tirthapuri - buổi chiều thứ 6 trong hành trình, là lần đầu tiên các con giời mới được tắm (nói đúng hơn là dám tắm) kể từ khi đến Tây Tạng. Nhà tắm ở đây được xây khá đàng hoàng thành từng khu riêng biệt cho nam – nữ. Nước nóng từ suối được dẫn chảy vào các bể to có sức chứa cả chục người. 50 tệ cho một lần tắm nước nóng - cũng đáng tiền để đổi lại sự thoải mái và khỏe khoắn dễ chịu sau ngần ấy ngày đường. Tắm xong lúc chiều còn chưa tắt nắng, nhưng gió quá to, chúng tôi đã quyết định về luôn chỗ nghỉ trọ mà không thăm tu viện Tirthapuri, định bụng để khi từ Zanda quay trở về sẽ ghé vào. Đây là một sai lầm của Samdrup bởi cũng như chúng tôi, Samdrup tưởng là có thể quay lại tu viện. Thực tế là một khi bạn đã check-in vào rồi lại check-out ra khỏi khu vực này thì sau đó bạn không được phép check-in thêm một lần nữa. Hôm từ Zanda quay lại, chúng tôi đã không thể vào Tirthapuri để thăm quan tu viện nổi tiếng của Guru Rinpoche (Liên Hoa Sinh) với di tích dấu chân trên đá của vị đại sư và người phối ngẫu của ông - bà Yeshe Tsogyal cùng cái “hốc đá nghiệp lực”. Tương truyền trong khuôn viên tu viện có một cái hốc đá gọi là “Karma-testing hole”. Khách hành hương đến đây thường đưa tay vào trong hốc để chọn ra hai viên đá. Nếu đó là hai viên đá trắng thì bạn là người có thiện nghiệp, nếu là một viên đá trắng và một viên đá đen thì duyên nghiệp của bạn cũng tạm ổn. Còn kết quả là hai viên đá đen thì người đó có nghiệp chướng rất nặng. Trước đó, chúng tôi đã đùa nhau nhất định phải vào Tirthapuri để bốc thử, đằng nào cũng đi Kailash kora cơ mà, lo gì. Vậy là cuối cùng, không đứa nào có cơ hội để thử xem nghiệp lực của mình ra sao trước khi hành hương Kailash.

trangbluewhale
23-03-2015, 13:49
hay ta. nên thên nhiều phong cảnh hơn nữa thì tuyệt

Gemini1976
26-03-2015, 00:17
Tirthapuri

Nhớ cái nhà trọ ở Tirthapuri, bốn dãy nhà thâm thấp quây xung quanh khoảng sân rộng mênh mông trải sỏi với giếng nước nhỏ sâu dường như không thấy đáy. Đó là một buổi chiều nắng mê mải, khi chúng tôi từ suối nước nóng về, trời chưa tắt nắng nhưng trăng mùng 10 đã lơ lửng treo trên nền trời xanh ngắt.

Nhớ khoảng sân rộng chăng đầy dây phơi quần áo và đậu đầy xe, khách hành hương hôm ấy đổ về đông đúc, cả bốn chục gian phòng đã kín mít, hầu như toàn khách Nga. Bốn chục phòng mà chỉ có một cái WC, kiểu Tibetan-style toilet phổ biến mà những ai đã đi Tây Tạng hầu như đều có ấn tượng khủng khiếp, giống như kiểu hố xí hai ngăn ở miền Bắc nước ta thời bao cấp ấy.

Nhớ cái cảnh thuê được 3 phòng dorm nhưng lại ở 3 dãy nhà khác nhau, mấy chị em cứ í ới chạy đi chạy lại như mắc cửi giữa các phòng. Nhớ buổi chiều ấy trời nắng và gió to đến nỗi cái khăn mặt phơi ngoài cửa phòng chỉ một chốc đã khô thơm mùi nắng. Anh T tranh thủ giặt đồ, mấy đứa thấy nắng cũng muốn giặt nhưng khi nhòm xuống cái giếng sâu hut hút và nhúng thử tay vào gầu nước lạnh buốt mới kéo lên thì đã bỏ ngay ý định giặt giũ.

Nhớ cái nhà ăn nhỏ nhưng sạch sẽ, thức ăn chẳng có gì ngoài trứng và đậu phụ. Ở vùng đất khô cằn nắng rát này, rau xanh là thực phẩm xa xỉ, hẳn thế mà tiền ăn khá đắt.

Nhớ em gái chủ quán xinh xắn đôi mắt to tròn bẽn lẽn, tỏ ra bối rối khi chúng tôi gọi món trứng tráng. Mô tả cách làm mãi mà em không hiểu nên tôi và Sói em phải xông vào bếp tự làm.

Nhớ bữa cơm tối với canh rau cải, trứng tráng và mắm tép ngon miệng, ăn xong mấy đứa còn la cà trà bơ và buôn chuyện với mấy người bạn Nga mãi mới chịu đi ngủ.

Nhớ buổi sớm lạnh cóng hôm sau mấy anh em lọ mọ lại vào bếp tự nấu mỳ vì em gái chủ nhà còn chưa dậy. Chặng đường đến Zanda hôm ấy có 190km nhưng phải tạm biệt Tirthapuri sớm để chiều còn kịp thăm Tsaparang và tu viện Tholing.

Nhớ...

Vậy mà giờ đây, bới lại đống ảnh mấy chị em đã chụp, chẳng có cái ảnh nào về Tirthapuri. Chỉ đến buổi sớm khi rời đi mới kịp chụp vài tấm trên đường.

Đây, Tirthapuri buổi sớm mùa thu chúng tôi đi, bầu trời trong vắt
https://farm8.staticflickr.com/7597/16307294203_9b948c5511_z.jpg
(ảnh NL)

Nhớ mây trắng và nắng sớm dịu dàng tỏa khắp thảo nguyên
https://farm8.staticflickr.com/7643/16927333375_e71de4c9fd_z.jpg
(ảnh NL)

https://farm8.staticflickr.com/7585/16307283003_f9f7a17759_z.jpg

Nhớ sắc núi đổi màu dưới bóng mây
https://c2.staticflickr.com/8/7592/16739866668_241691c4f0_b.jpg
(ảnh La)

Lúc ấy, Tirthapuri chẳng để lại ấn tượng gì đặc biệt bởi nó chỉ là cái thị trấn nhỏ chúng tôi ghé qua mà không kịp thăm thú gì, cũng như bao nơi khác đã đi qua trên đường mà không kịp nhớ tên. Vậy mà giờ đây, sao lại nhớ đến thế… Tất cả đã trở thành một góc không thể thiếu trong cuốn nhật ký mười bốn ngày trên đất Tạng.

Gemini1976
28-03-2015, 10:12
Đường tới Zanda

Từ Tirthapuri, con đường bắt đầu uốn lượn, lên rồi lại xuống dốc
https://farm9.staticflickr.com/8737/16925986922_b249713069_z.jpg
(ảnh NL)

Những rặng núi tuyết bên đường
https://c1.staticflickr.com/9/8743/16305139354_44e360ea00_b.jpg
(ảnh La)

Sắc núi liên tục thay đổi
https://farm8.staticflickr.com/7653/16741077729_a82324b96b_z.jpg
(ảnh NL)

Xe chúng tôi đi, xuyên qua bức tranh rực rỡ những màu sắc của trầm tích ngàn năm
https://farm9.staticflickr.com/8745/16926295981_96acae2ed9_z.jpg
(ảnh NL)

Bắt đầu tiến vào "rừng đất sét" (clay forest)
https://farm9.staticflickr.com/8690/16719975237_bda98ce9ec_z.jpg
(ảnh NL)

Và mải miết đi giữa những trầm tích của thời gian, dưới bầu trời xanh, nắng và mây vời vợi
https://farm8.staticflickr.com/7588/16696173370_5dd44f9512_z.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
02-04-2015, 08:03
Zanda

Con đường lên phía tây vòng vèo qua nhiều đèo dốc và đi sâu vào vùng núi nhuốm một màu vàng của hoàng thổ với những rãnh cắt xẻ kỳ lạ.

https://farm8.staticflickr.com/7623/16965785445_7214f65f8f_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7627/16622660870_da7337dcd6_z.jpg

Qua những khúc quanh, toàn cảnh thung lũng Zanda đã rộng mở trước mắt. Xe chúng tôi dừng ở bên rìa thung lũng, nơi có cột đá ghi dòng chữ “Thổ lâm Tây Tạng - Công viên địa chất quốc gia Zanda”.

https://farm8.staticflickr.com/7626/16926262731_3b028dc7ae_z.jpg
(ảnh La)

Công viên địa chất quốc gia Zanda (Trát Đạt) nằm ở độ cao 3.700 đến 4.200m so với mực nước biển, từ đằng xa trông trùng điệp như những cánh rừng màu đất sét nên còn được gọi là “thổ lâm”. Toàn bộ khu vực Zanda có diện tích 2.464 km2, riêng khu bảo tồn rộng 457,12 km2, bao gồm 5 điểm thăm quan chính là Guge Kingdom, thung lũng Zanda, tu viện Tholing, thung lũng Maoci và Malang.

Theo các nghiên cứu địa chất, khoảng 2,8 triệu năm trước, Tây Tạng là một vùng biển, sau đó do lục địa Ấn Độ dịch chuyển và va đập với lục địa Á-Âu, hình thành những đứt gãy làm cho vùng cao nguyên ngày nay trồi lên và dần khô cạn. Sự kiến tạo vỏ trái đất vùng Himalaya cũng mở rộng dải đứt gãy sâu về phía tây, hình thành nên các dòng suối cạn và các lưu vực. Trải qua mưa nắng, lớp đất bề mặt bị bào mòn dần, tạo nên cảnh quan kỳ lạ như ngày nay.

https://farm8.staticflickr.com/7629/16975300146_ab396e9d9b_z.jpg

Zanda hôm nay trời trong vắt, đứng ở bên này thung lũng vẫn có thể nhìn thấy dải tuyết trắng của dãy Indian Himalaya trải dài phía trước, trời trong và không khí loãng làm cho mọi màu sắc trở nên rực rỡ một cách thuần khiết và sống động hơn và có lẽ đã gây ảo giác, khiến tôi tưởng dải núi tiếp giáp với biên giới Ấn Độ kia dường như rất gần, chỉ ở phía bên kia thung lũng. Nắng đầu thu trong veo và gió thổi tung bay những dải lung ta rực rỡ bên những chồng đá nguyện xếp ngay ngắn cạnh mép đường, có những chồng còn được quấn khăn khata trắng.

https://farm9.staticflickr.com/8711/16343503954_98fc9f347b_z.jpg

Hôm nay chỉ có 5 đứa chúng tôi với nắng, với gió, giữa khung cảnh mênh mông này.

https://c2.staticflickr.com/8/7645/16213408794_8a291e0622_b.jpg
(ảnh La)

Một vùng đất khô cằn khắc nghiệt mà đức tin vẫn thấm đẫm trong vạn vật

https://farm8.staticflickr.com/7649/16813847860_65b2207541_z.jpg

Chúng tôi đứng đây, đắm mình vào cái không khí thuần tịnh trong veo của thung lũng thổ lâm, ngắm mãi không chán những cồn cát vàng trải dài nối tiếp những rãnh núi hoàng thổ trập trùng và dải núi tuyết trắng cùng mây bồng bềnh phía xa.

https://farm8.staticflickr.com/7622/16739598618_513b9d8daf_z.jpg
(ảnh NL)

Rồi lặng lẽ xếp thêm những viên đá nhỏ vào chồng đá mani bên đường, gửi gắm chút niềm tin của những khách đường xa

https://farm8.staticflickr.com/7650/16632019279_ec7874938d_z.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
05-04-2015, 15:45
Tàn tích Tsaparang

Trong cái nắng như đổ lửa của buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đến Tsaparang – vùng đất cằn cỗi không một bóng cây của vương quốc cổ xưa – Cổ Cách (Guge Kingdom) – vương triều đã từng tồn tại hơn 700 năm trên mảnh đất viễn Tây của Tây Tạng và biến mất một cách bí ẩn vào đầu thế kỷ thứ 17.

Nằm cách Zanda county khoảng 20km trên bờ nam thượng nguồn con sông Tượng Tuyền (sông Sutlej), Tsaparang là một cụm di tích kéo dài từ sườn lên đến đỉnh của một ngọn đồi cao 300 m, bao gồm các điện thờ, lâu đài, pháo đài, hang và đường hầm với tổng diện tích sàn khoảng 720.000 m2.

Đường vào Tsaparang
https://farm8.staticflickr.com/7609/17030552852_bf046515ea_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7644/16845812649_e8deb9597d_z.jpg
(ảnh NL)

https://farm8.staticflickr.com/7636/16824559877_4e579e31ba_z.jpg
(ảnh NL)

Toàn cảnh khu di tích Tsaparang, có thể nhìn thấy lần lượt từ góc trái bên dưới lên là cổng vào màu đỏ của khu di tích, Tu viện Trắng, Tu viện Đỏ và trên cùng, nơi đỉnh cao nhất của ngọn đồi là cung điện xưa của các đời Cổ Cách vương.

https://farm9.staticflickr.com/8721/16409615184_ef5597ba86_z.jpg
(ảnh NL)

Nhìn lại lịch sử, Tsaparang đã được khảo cứu từ khá sớm. Năm 1930, nhà Tây Tạng học người Ý Giuseppe Tucci, trên đường thám hiểm vùng Tây Tây Tạng đã tình cờ đi qua đây và dừng lại nghiên cứu một thời gian. Ông chính là người đã đặt nền móng cho công việc khảo cổ Tsaparang, tuy nhiên các nghiên cứu của ông bấy giờ chủ yếu chỉ tập trung vào nghệ thuật bích họa cổ.

Năm 1948, Lạt ma Anagarika Govinda (tác giả của cuốn “Con đường mây trắng” nổi tiếng) đã đến Tsaparang cùng với vợ ông, Li Gotami, và chụp hình lại các tòa điện, tượng Phật và Bồ Tát cũng như đã ký hoạ lại hầu hết các bức bích họa trong cụm di tích.

Vào năm 1961, khi Tsaparang được đưa vào danh sách 180 di sản văn hoá trọng điểm quốc gia của Trung Quốc, thậm chí còn chưa có một chuyên gia nào trong Thường trực Hội đồng di sản quốc gia đã từng đặt chân đến di tích ở miền tây xa xôi này. Họ chỉ tình cờ nhìn thấy một số cảnh của Tsaparang trong một bộ phim tài liệu do một nhóm nhà làm phim từ Bắc Kinh đến Tây Tạng quay vào những năm 1950.

Rồi sau đó, đến năm 1967, Tsaparang cũng chịu chung số phận với nhiều công trình và di tích tôn giáo khác trên vùng Tây Tạng, bị Hồng vệ binh phá hoại và cho đóng cửa, để mặc cho mưa nắng hư hoại trong suốt thời kỳ Cách mạng văn hóa.

Phải đến cuối những năm 1970, các chuyên gia mới bắt đầu quá trình khảo cứu Tsaparang một cách quy mô. Tại đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được 445 cụm nhà bằng đất và gỗ, 879 hang động, 58 lô cốt, 4 đường hầm bí mật, 28 bảo tháp cùng hệ thống các kho thóc và kho vũ khí. Bên trong các hang di tích, người ta còn phát hiện một lượng lớn các các loại công cụ sản xuất, quần áo và đồ trang trí, khiên và cung tên. Chúng được bảo quản khá tốt trong điều kiện không khí lạnh khô của vùng cao nguyên này. Người ta cũng tìm thấy các thi thể không đầu được táng trong nhiều hang động. Ngày nay, Bảo tàng Khu tự trị Tây Tạng vẫn đang bảo quản xác ướp của một em bé khoảng 4 tuổi được tìm thấy chôn giữa các bức tường của tàn tích cổ này.

https://farm9.staticflickr.com/8698/16842781408_6aa8c9bfa0_z.jpg
(ảnh NL)

Năm 2011, để chống xuống cấp cho cụm di tích Tsaparang, chính quyền địa phương đã phân bổ 57,4 triệu nhân dân tệ (tương đương 9,3 triệu USD) để cải tạo các di tích và thiết lập một đội chuyên gia quản lý. Tháng 9/2014, thời điểm chúng tôi đến đây cũng là lúc dự án cải tạo này vừa được Cục quản lý di sản quốc gia công nhận đã hoàn thành và vượt qua được kỳ kiểm tra chuyên nghiệp sau 3 năm nỗ lực cải tạo.

Cảnh Tsaparang nhìn từ xa

https://farm8.staticflickr.com/7638/16408182854_0a229cff51_z.jpg
(ảnh NL)

Lối lên khu di tích

https://farm9.staticflickr.com/8622/16631868119_0d40966863_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7632/16842835118_6d188df874_z.jpg

Gemini1976
05-04-2015, 17:59
Tàn tích Tsaparang

Sừng sững ngay cổng vào di tích có hai tấm biển đá: một bên tiếng Trung, bên kia tiếng Tạng

https://farm8.staticflickr.com/7650/16853768829_ba43589904_z.jpg

Bên tiếng Trung, Sói em dịch:
“Đơn vị bảo vệ văn vật trọng điểm toàn quốc
Di chỉ vương quốc Cổ Cách”

https://farm9.staticflickr.com/8621/16630632000_183da03a95_z.jpg

Qua cổng vào là tấm bảng gỗ giới thiệu di chỉ Cổ Cách bằng hai thứ tiếng Trung và Anh, (mặc dù vừa mới xong dự án trùng tu cải tạo) chữ mờ đến mức luận mãi mới ra:

https://farm9.staticflickr.com/8740/16816877182_ca6a05dfd2_z.jpg

Gemini1976
07-04-2015, 13:32
Tàn tích Tsaparang

Năm 1948, Lat ma Govinda và vợ ông, sau 2 năm hành hương khắp Tây Tạng, đã ở lại Tsaparang hơn 3 tháng để chụp hình các Phật điện và tái hiện lại những bức tranh tường sống động trong kinh thành cổ xưa. Tsaparang khi ấy đã bị hư hoại nhiều sau gần 3 thế kỷ bị bỏ quên kể từ lúc vương triều Cổ Cách biến mất một cách đầy bí ẩn trong lịch sử. Cảnh tượng Tsaparang lúc ấy, mặc dù trong tình trạng “công trình của con người và tạo tác của thiên nhiên hầu như không phân biệt được nữa. Cổ điện đã biến thành cát đá, và cát đá vươn lên như cung điện uy nghi” nhưng những gì mà Govinda được tận mắt chứng kiến trong các Phật điện thì vẫn còn rất rực rỡ và huy hoàng. Hãy xem ông mô tả di tích xưa:

“Chúng tôi choáng ngợp trước uy lực của thực tại này, khi ngày hôm sau vào chính điện của hai ngôi đền lớn, đền “trắng” và “đỏ”, màu của vách tường bên ngoài, chúng đã trường tồn, thoát mọi tàn phá. Những bức tượng vàng to hơn người thật phát sáng giữa màu sắc ấm áp của các bích họa trên tường, và sinh động hơn tất cả những tượng chúng tôi từng thấy. Đúng, các bức bích họa đó là hiện thân cho cái thần của thành thị bị lãng quên này. Đó là những cái độc nhất mà thời gian không can thiệp được….
Những bức bích họa hẳn là toàn thiện nhất trong số những gì chúng tôi từng thấy trong hay ngoài Tây Tạng. Chúng che kín các vách tường, chỉ trừ đoạn dưới màu đỏ của vách lên đến trần. Chúng được thếp vàng không tiếc với sự chi li kỹ lưỡng nhất, ngay cả tại những góc tối tăm hay nằm hẳn trên cao không ai thấy tới, thậm chí mặt sau của những bức tượng"
(trích "Con đường mây trắng" - A. Govinda)

Vậy mà…

Tất cả chỉ còn là những hình ảnh đẹp trong quá vãng...

Chiều nay, chứng kiến cảnh hoang tàn của Phật điện dưới ánh sáng lờ mờ xiên giữa những hàng cột trong Tu viện trắng và Tu viện đỏ, tôi không khỏi xót xa nhớ về những gì mà Govinda đã từng tả lại trong cuốn Con đường mây trắng. “Những bức tượng vàng to hơn người thật” giờ chỉ còn là hình hài những đầu và cánh tay trên đống gạch đá đổ nát mà xưa kia hẳn là những bệ thờ với hình tòa sen trang trí công phu tinh xảo được Govinda ca tụng là “xứng đáng được viết bằng cả một cuốn sách về hệ thống biểu tượng Phật giáo”. Tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, tượng hộ pháp ở đây hầu hết đều đã bị mổ bụng bởi đám Hồng vệ binh ngày trước những tưởng có vàng bạc trong đó, đôi chỗ còn trơ lại những cẳng tay của tượng Phật bằng đất với lớp cốt rơm lộ ra xơ xác.

https://c1.staticflickr.com/9/8820/16867182257_ce2187101c_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

https://c1.staticflickr.com/9/8760/17062672651_f19391693a_z.jpg
(ảnh sưu tầm: tượng Phật Tỳ Lô Giá Na 3 mặt trong Tu viện Trắng)

Chỉ có hệ thống bích hoạ thì vẫn còn khá nguyên vẹn, kéo dài từ chân tường lên tới tận trần của Phật điện, dù nhiều chỗ đã nhạt nhoà và mất nét vì tường nứt. Đó là những bức tranh mô tả cuộc đời đức Phật và các sinh hoạt tôn giáo, trải qua nhiều thế kỷ màu sắc của các bích họa vẫn không hề phai nhạt. Thời gian làm cho chúng ngả sang những gam màu đậm đà mà ấm ấp, những màu đỏ sậm và rêu thẫm rất đặc trưng của nghệ thuật tranh Tây Tạng.

https://c2.staticflickr.com/8/7606/16778289858_30421a4b9c_z.jpg
(ảnh sưu tầm)

Đối với tôi, hình ảnh Phật, Bồ Tát và Tara ở đây thật là gần gũi và ấm áp, vừa có nét từ bi trang nghiêm lại vừa trong tư thế tạo hình sống động và tràn đầy mỹ cảm, thời gian hàng trăm năm vẫn không xóa nhòa nét vẽ sắc sảo trong cái màu nền đỏ đậm đà.

https://c1.staticflickr.com/9/8709/16778518670_c7f42d95b1_z.jpg
(ảnh sưu tầm)

Ngoài chủ đề tôn giáo còn có những cảnh hội hè, cảnh chăn nuôi gia súc và dựng nhà, những cảnh sinh hoạt đời thường của một thành phố cổ đã từng là kinh đô - điểm trung chuyển trên con đường giao thương tơ lụa ngày xưa, đầy sinh động.

https://c2.staticflickr.com/8/7711/16877237659_c061a658f4_z.jpg
(ảnh sưu tầm, trong các Phật điện đều có camera nên chúng tôi đã không chụp ảnh)

Gemini1976
08-04-2015, 13:18
Cổ Cách - nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Rời Tu viện đỏ với cánh cửa bằng gỗ tuyết tùng chạm khắc tinh xảo câu lục tự chân ngôn “Om mani padme hum”, chúng tôi bắt đầu khám phá kinh thành xưa của vương triều Cổ Cách.

https://c1.staticflickr.com/9/8634/16628512587_ca6442d7c4_b.jpg
(ảnh La)

Những bước chân đầu tiên lên kinh thành xưa

https://c2.staticflickr.com/8/7645/16648377910_9c9649ed0e_b.jpg
(ảnh La)

https://farm9.staticflickr.com/8669/16818140785_0beb3eb9b4_z.jpg
(ảnh Sói em)

Nhìn xuống, thấy cây sồi cô đơn trong gió cát mà hẳn nhóm nào đi Tsaparang cũng đều gặp

https://c1.staticflickr.com/9/8654/16648179638_148ed31b22_b.jpg

Cảnh thung lũng sông Tượng Tuyền nhìn từ pháo đài

https://farm8.staticflickr.com/7609/16610720387_f9b51827cb_z.jpg

Những phế tích chìm trong cát bụi thời gian

https://farm8.staticflickr.com/7650/16792142896_8b1acebef0_z.jpg


https://c2.staticflickr.com/8/7625/16696007918_a8b48d376c_b.jpg

Gemini1976
09-04-2015, 11:09
Cổ Cách - nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Mặc dù thời gian đã hủy hoại nhiều thứ, nhấn chìm kinh thành xưa trong cát bụi và nắng gió của miền viễn tây, nhưng leo lên đây, vẫn có thể nhận thấy rất rõ thành Cổ Cách được phân chia làm 3 cấp rõ rệt dựa vào phẩm cấp trong xã hội bấy giờ: dưới cùng là các hang động cho thường dân ở, tầng giữa là nhà của lớp quan lại và tăng lữ quý tộc, và trên cùng là cung điện của Hoàng gia.

https://farm8.staticflickr.com/7638/16408182854_0a229cff51_z.jpg
(ảnh NL)

Đây, những hang động ở tầng dưới của cư dân Cổ Cách. Trong đợt khảo cứu quy mô cuối những năm 1970, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 879 hang động như thế này

https://farm9.staticflickr.com/8780/16464382263_e1d30fc6bb_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7665/16896964630_b95b217153_z.jpg

Phần hang động tầng dưới được nối với tầng thứ 2 bởi các thông đạo này

https://farm9.staticflickr.com/8752/17058543486_46312e5266_z.jpg

Nhà ở của tầng lớp quý tộc và tăng lữ, nay chỉ còn trơ lại những bờ tường đất

https://farm9.staticflickr.com/8610/16816896791_98a9620968_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7602/16195671574_09f2ba0061_z.jpg

Vẫn có thể nhận thấy rõ cấu trúc ngôi nhà với phòng rộng nhất là phòng sinh hoạt chung ở chính giữa và các phòng chức năng bao xung quanh
https://c1.staticflickr.com/9/8564/16809842546_39736c3124_b.jpg

Và trên cùng, cung điện mùa hè của Hoàng gia, dấu tích vàng son một thời của vương triều Cổ Cách

https://farm8.staticflickr.com/7609/16195634204_37decb2554_z.jpg

Mảnh đất cằn khô tàn tạ như một hoang mạc không bóng cây này từng là kinh đô của một đế chế hùng mạnh ư? Đây là Vương quốc đã từng tạo nên một nền văn minh độc đáo, với đỉnh cao là những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kiến trúc, hội họa và luyện kim ư? Nơi đây một thời là điểm giao thương quan trọng trên con đường tơ lụa, một thời từng được xem là “cầu nối của các nền văn minh”, kết nối Trung Quốc, Nam Á và Trung Á ư? Hãy ngược dòng thời gian để tìm hiểu về sự ra đời và diệt vong của Vương triều Cổ Cách.

Gemini1976
09-04-2015, 17:27
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Ngược dòng lịch sử về thời kỳ Lãng Đạt Ma - vị vua cuối cùng của vương triều Thổ Phồn (Tubo) lên ngôi Tán Phổ năm 838, đã tuyên bố tiêu diệt các tín đồ đạo Phật, đốt kinh sách và phá hủy nhiều chùa chiền, di sản Phật giáo, gây biến loạn trong nước đồng thời đã đưa đến sự kết thúc của thời kỳ Phật giáo tiền truyền trên đất Tạng.

Sau khi Lãng Đạt Ma chết năm 842, không giống cha mình, hai người con của ông đều tin thờ Phật giáo. Người con cả Vi Tùng (Ösung) năm 5 tuổi đã quy y Phật giáo. Khi Vi Tùng khi trưởng thành, mẹ ông là Vi Thị lúc lâm chung đã dặn dò "Con là người kế thừa duy nhất của Thổ Phồn vương thống, nhất định phải giữ cho được huyết mạch của vương thất. Phải đi về phía Tây mới có hy vọng được phục quốc". Vi Tùng đã đáp lại: "Phía Tây là đất dữ của Tà giáo (Bon giáo), dù nước mất nhà tan cũng không đi về phía Tây".

Tuy nhiên, sau này con trai của Vi Tùng là Bối Khảo Tán (Pälkhortsän) đã xây dựng chính quyền ở vùng Nhật Khách Tắc (Shigatse), về sau bị quân khởi nghĩa bình dân giết chết. Con trai của Bối Khảo Tán là Cát Đức Ni Mã Cổn (Kyide Nyimagon) tuân theo di huấn của tổ tiên đã đến vùng A Lý để kiến quốc lập nghiệp. Tại vùng đất xa xôi thuộc miền tây Tây Tạng này, Cát Đức Ni Mã Cổn đã kết hôn với con gái tù trưởng A Lý. Năm 912, Ni Mã Cổn lập đô tại Cổ Cách rồi chia đất cho ba con cai quản, lập thành 3 vương triều riêng biệt. Người con cả của Ni Mã Cổn trở thành người cai trị Ladakh (ngày nay thuộc Ấn Độ), người con thứ hai cai trị vùng Cổ Cách - Phổ Lan (Guge - Burang) và người con thứ 3 cai quản vùng Zanskar.

Như vậy, trong bối cảnh chiến loạn liên miên trong nước, các hậu duệ của vương triều Thổ Phồn đã dịch chuyển dần về miền trung rồi đến phía tây Tây Tạng. Ở miền viễn tây này, họ đã tìm thấy đủ điều kiện để lập quốc, dần mở ra một thời kỳ vương quyền mới trong lịch sử Tây Tạng - vương triều Cổ Cách.

https://c2.staticflickr.com/8/7634/17086017311_73a4b61401.jpg
(Ảnh sưu tầm: Bức bích họa trong Tu viện đỏ ở Tsaparang mô tả một buổi lễ của tầng lớp quý tộc Cổ Cách. Có thể thấy sự phân biệt các tầng lớp trong xã hội ở đây: trên cùng là các thành viên quý tộc hoàng gia chiếm số lượng đông đảo, ở giữa là tầng lớp tăng sỹ cấp cao và dưới cùng là những tăng sỹ cấp thấp hơn cùng với dân thường)

Vương triều Cổ Cách đã tồn tại hơn 700 năm, có những thời kỳ phát triển mạnh mẽ đã kiểm soát cả con đường giao thương nối giữa Trung Quốc và Nam - Trung Á. Trong thời kỳ đỉnh cao, cư dân của Cổ Cách đã lên đến hơn 100.000 người, họ đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong luyện kim, chế tác vàng bạc. Về nông nghiệp, họ cũng đã có những bước phát triển nhất định. Nhà truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào nha António de Andrade, khi đến Cổ Cách vào năm 1624, đã mô tả ông trông thấy các kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Tượng Tuyền vào các cánh đồng tươi tốt giữa một vùng đất khô hạn và hoang vắng.

Tháp tu viện Tholing, công trình tiêu biểu cho thời kỳ Phật giáo phát triển đỉnh cao của Cổ Cách
https://farm8.staticflickr.com/7707/17074580442_bbba3a65a1_z.jpg

Về tôn giáo và văn hóa, thời đại Cổ Cách cũng là một thời kỳ phát triển đỉnh cao. Cổ Cách vương đời thứ hai là Ye shes' Od đã từng cử 21 học giả sang Ấn Độ tu học. Trong số 2 vị sư sống sót trở về từ Ấn Độ có Rinchen Zangpo, người đã có công dịch kinh sách sang tiếng Tạng, kiến lập hơn 108 tu viện trên toàn đất Tạng, sau này ông tu tập ở tu viện Tholing và trở thành vị đại dịch sư vĩ đại trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Với nhiệt tâm của Cổ Cách vương Ye shes 'Od, một làn sóng truyền bá Phật pháp đã khởi đầu ở miền tây Tây Tạng và cho đến khi Đại sư A-đề-sa đến Tây Tạng năm 1042 thì đã thực sự mở ra một thời kỳ đỉnh cao - thời kỳ Phật giáo hậu truyền trên đất Tạng, và cùng với đó là sự phát triển rực rỡ của kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo độc đáo trên vùng đất này.

Bức vẽ chúng tôi chụp được trong tu viện Tholing, nó mô tả thời kỳ vàng son một thời của tu viện, cũng là thời kỳ Phật giáo, nhờ nhiệt tâm của Cổ Cách vương Ye shes 'Od, đã phát triển đỉnh cao ở Cổ Cách.
https://c1.staticflickr.com/9/8765/16466641763_bbfce6d388_b.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
12-04-2015, 08:53
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Một vương triều phồn thịnh với hệ thống phòng thủ hùng mạnh như vậy, tại sao lại biến mất một cách đầy bí ẩn trong lịch sử? Các nhà nghiên cứu về sau đã khẳng định “Cổ Cách là một vương triều sinh ra vì tôn giáo, rồi cũng vì tôn giáo mà diệt vong".

Điều này có thể lý giải dưới góc độ của lịch sử Phật giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử vương quốc, các đời Cổ Cách vương đã ra sức hoằng dương Phật giáo, xây dựng nhiều chùa chiền tự viện, biên dịch kinh sách, làm cho tầng lớp tăng lữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - tôn giáo của vương quốc này. Các đời Cổ Cách vương về sau không thể không nhận thấy quyền lực của mình bị lấn át và đe doạ bởi tầng lớp tăng lữ đang ngày càng mạnh lên trong nước. Điều đó đã dẫn đến thái độ cởi mở tiếp nhận một tôn giáo mới của nhà vua để có thể hạn chế bớt quyền lực của lớp tăng lữ Phật giáo.

Năm 1624, nhà truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào Nha António Andrade đã đến miền tây Tây Tạng. Để thiết lập mối quan hệ mật thiết với tôn giáo mới, nhà vua đã cho phép vị giáo sỹ này xây dựng một nhà thờ ở Tsaparang. Vào đúng ngày lễ Phục sinh - ngày 12 tháng 4 năm 1626, Andrade đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ tại một khu đất ở phía đông của cung điện của hoàng gia. Bản thân nhà vua sau đó đã cải đạo và ước tính thời gian đó có khoảng hơn 400 cư dân Cổ Cách cũng đã trở thành tín đồ của Cơ đốc giáo.

Thái độ cởi mở của nhà vua đối với các tu sĩ dòng Tên đã khuấy động sự thù địch trong hàng ngũ tăng lữ. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh kéo dài đã mười tám năm với Ladakh càng làm suy yếu thêm vị trí của hoàng gia. Năm 1630, quân Ladakh chiếm đánh và bao vây Tsaparang, vị vua thân Cơ đốc giáo đã buộc phải đầu hàng để tránh nguy cơ tàn sát cho cư dân Cổ Cách, ông và cả hoàng tộc bị lưu đày sang Leh - Ấn Độ. Chỉ có hơn 200 cư dân của vương quốc từng có hơn 10 vạn dân ấy là sống sót nhờ chạy trốn theo một đường hầm bí mật và chạy đến vùng Qulong. Không ai biết sô phận họ về sau ra sao. Còn 400 cư dân theo Cơ đốc giáo cũng bị trả thù tàn bạo, một số đã theo hoàng tộc lưu vong sang Leh.

Đây là một bằng chứng cho thấy sự thù địch của tăng lữ trong nước đối với Cơ đốc giáo: Giữa những năm 1980, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một chiếc mặt nạ Phật giáo trong đống mũi tên tại một hang động gần Tsaparang. Đó là chiếc mặt nạ làm từ một hỗn hợp gồm đất sét, vải và giấy, đã được sử dụng trong các nghi lễ của Mật Tông. Nghiên cứu lớp giấy bồi bề mặt bên trong của mặt nạ, người ta thấy đó là loại giấy có in ký tự Latin. Khi được đưa đến Bắc Kinh để khảo cứu, mẫu giấy bồi đó được xác định chính là một trang Kinh Thánh viết bằng tiếng Bồ Đào Nha. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhận xét “Chiếc mặt nạ này không chỉ là một tạo tác của Phật giáo Tạng truyền, nó còn là một bằng chứng cho thấy sự oán hận của tầng lớp tăng lữ địa phương với Cơ đốc giáo, vốn được coi là “dị giáo” tại Cổ Cách vào những năm cuối của vương triều này”

Đây là bức ảnh chị NL chụp trên đường vào di tích thành Cổ Cách. Ban đầu chúng tôi vẫn tưởng đó là một kiểu tháp thờ (chorten) của Phật giáo thời kỳ này. Tuy nhiên, về sau khi lên mạng sưu tầm thêm hình ảnh về bích họa trong Tsaparang tôi mới được biết đó chính là Nhà thờ Cơ đốc giáo mà nhà truyền giáo António Andrade đã xây dựng vào năm 1626
https://farm9.staticflickr.com/8698/16842781408_6aa8c9bfa0_z.jpg

Còn đây là ảnh nhà thờ sưu tầm trên mạng
https://c1.staticflickr.com/9/8780/16490300193_18e923479f.jpg

Vậy là vương triều Cổ Cách, một đế chế hùng mạnh, có thời kỳ còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến tận vùng Kashmir và thượng Spiti, sau hơn 7 thế kỷ trị vì trên mảnh đất phía Tây này đã sụp đổ vì chiến tranh và tôn giáo, để rồi đến những năm 1670-1680, vùng đất này đã hoàn toàn bị đặt dưới quyền kiểm soát của Chính quyền trung ương Lhasa mà lãnh tụ chính là Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso, đánh dấu sự kết thúc của một triều đại oai hùng trong lịch sử Tây Tạng.

sushi
12-04-2015, 12:26
Sorry vì đã cắt ngang mạch của chị Gemini, là thành viên phụ trách vấn đề thuốc thang của cả đoàn, mình sẽ post list các thuốc mà đoàn đã chuẩn bị mang đi Tibet:
1. Thuốc hạn chế AMS
Đoàn mình đã chuẩn bị rất kỹ khâu này, nhưng rồi cuối cùng ai cũng dính cả, dù là ở các dạng khác nhau: người buồn nôn, đau tay chân, người ngất, khó thở, và phổ biến nhất là mất ngủ. Thật là ác mộng khi mấy đêm liên tiếp cứ trằn trọc cả đêm, hầu như ko chợp mắt được, buổi sáng ra thì lờ đờ do thiếu ngủ, mắt thâm như gấu trúc và nhất là tinh thần mệt mỏi....Trứoc khi đoàn khởi hành ngày đầu tiên đi Kailash, bạn tour guide vô cùng ngán ngẩm nói với chị NL là, mày bảo với các bạn mày là về Darchen chờ đi, chỉ 3 đưa mình đi thôi. Rồi bạn ấy hỏi H có ngủ được ko? Bạn ấy bảo đấy là do AMS đấy. Mình nhớ lúc đó trong đầu tôi lẩm bẩm lời hát Halleluja: "your faith was strong but you needed proof", biết sẽ chẳng ai trong 5 thành viên đến được đây và là người ở lại cả.... nhưng ko thể chỉ dựa vào niềm tin của mình mà cần cả bằng chứng nữa...
- Các biện pháp nhằm hạn chế AMS khi đặt chân đến Tibet chắc các bạn cũng đã biết, đặt biệt là trong mấy ngày đầu: đoàn mình đã ko tắm trong suốt hơn 1 tuần đặt chân đến Tibet (lúc đầu định đổi tên nhóm thành "Tibet đoàn quân kém tắm"), cố đi nhẹ nói kẽ cười duyên, cố gắng ăn uống và ngủ nghỉ điều độ. Nói chung là nên lắng nghe cơ thể mình, mệt thì nghỉ, đói thì ăn, lạnh thì mặc áo và nếu ăn no quá rồi thì cũng ko nên ăn thêm nữa, ko nên quá hào hứng với phong cảnh mà hoạt động quá đà :D.
- Theo kinh nghiệm truyền miệng trên diễn đàn, mọi người uống Acetazolamid 3 viên/ ngày,2 ngày trước khi khởi hành. Sau đó đến Tibet có một vài người vẫn uống tiếp. Thuốc này có phản ứng là sẽ làm tê đầu ngón tay, uống 1 vài lần thì hiện tượng này sẽ giảm, hoặc có thể giảm xuống uống 2 viên/ ngày.
- Đến Lhasa, đoàn nhờ bạn Samdrup mua thuốc chống AMS có bán ở đây. Các bạn nếu mua nhớ tính liều lượng và số lượng sao cho phù hợp, khỏi bị thừa. Đoàn mình chỉ uống trong 4 ngày đầu rồi sau đó ko ai phải dùng nữa. Nếu uống thuốc mà thấy người mệt hơn thì cũng ko nên tiếp tục uống thuốc nữa, nghỉ ngơi chờ để cơ thể tự thích nghi thôi.

2. Các thuốc khác
- Leader đã dặn mọi người trong đoàn nên uống thuốc bổ khoảng nửa tháng trước khi đi (Pharmaton) để bổ sung vitamin và khoáng chất. Đến Tibet vẫn tiếp tục uống, mỗi ngày 1 viên.
- Quan trọng nhất trong suốt cả chuyến đi mà ai cũng dùng chính là lọ xịt muối biển Steminar, ít nhất mỗi thành viên 1 lọ. Vì lên cao không khí khô, khó thở, xịt nước muối biển sẽ làm ẩm niêm mạc mũi, dễ thở, ngăn ngừa chảy máu cam nữa. (bên cạnh việc mỗi buổi tối đều cố xin 1 chậu nước để trong phòng cho ẩm)
- Thuốc cảm cúm Decolgen, nên tính mua cho tất cả mọi người
- Thuốc tiêu đờm: ACC, Acemuc
- Bổ sung nước điện giải: Hydrite. Có thể uống sau khi nôn, tiêu chảy hay người mỏi mệt cũng dùng được
- Gel bôi ngoài giảm đau chống viêm: Fortum, Voltaren hay Diclofenac đều được: để bôi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ sau 1 ngày vận động nhiều
- Thuốc chống dị ứng Telfast.
- Viên uống giảm đau
- Một số thuốc dùng khẩn cấp khi tình trạng AMS nặng nề có mua nhưng ko dùng đến là: Dexamethason, Ultracet
- Thuốc hỗ trợ tiêu hóa: đau dạ dày (Smecta), tiêu chảy, táo bón, men tiêu hóa, Biseptol
- Ngậm đau họng: Strepsil
- Miếng dán giữ nhiệt, gel rửa tay
- Gạc, băng, urgo.. dung dịch rửa povidon idod
- Trà gừng

Gemini1976
12-04-2015, 12:55
Ái chà, cả một tủ thuốc mang đi thế này mà mình chỉ được dùng mỗi lọ xịt mũi Steminar và mấy gói tiêu đờm ACC là sao hả Sushi :))

Gemini1976
12-04-2015, 14:17
ĐỒ DÙNG CẦN THIẾT CHO CHUYẾN ĐI

Nhân thể Sushi vừa post danh sách thuốc mang đi, và cũng đã có bạn pm hỏi nên tôi post lên đây luôn check-list đồ dùng cho Kailash trip. Tôi đã tổng hợp lại từ kinh nghiệm của chuyến đi Tibet trước và lần này chúng tôi đã chuẩn bị đồ theo check-list này và thấy thế là đầy đủ cho cả chuyến đi:

I. Đồ dùng chung cho đoàn:
1. Giấy tờ: (leader giữ)
- Permit ;
- Vé máy bay;
- Bản scan hộ chiếu và visa của cả nhóm;

2. Đồ ăn:
- Mắm tép chưng
- Ruốc thịt
- Phô mai dây
- Lương khô Mỹ
- Trà gừng
- Chẩm chéo
- Tương ớt...

3. Đồ y tế:
- Theo check-list của Sushi ở trên

4. Lặt vặt khác:
- GPS
- Đèn pin

II. Đồ dùng cá nhân:
1. Giấy tờ:
- Hộ chiếu
- Thẻ bảo hiểm du lịch
- Tiền mặt (RMB và USD) đựng cùng hộ chiếu trong túi travel blue hoặc bao bụng

2. Trang phục:
- 1 vali lớn đựng quần áo loại có tay kéo
- 1 ba lô nhỏ/ túi đựng vật dụng cần thiết (có áo mưa ba lô bên ngoài)
- Quần áo ấm (theo thứ tự từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong):
+ Mũ len hoặc nỉ;
+ Mũ rộng vành;
+ Kính râm hoặc kính đi tuyết có UV;
+ Khẩu trang (nên dùng khẩu trang y tế cho thoáng, dễ thở);
+ 2 Khăn quàng (1 mỏng, 1 dày);
+ Găng tay 2 lớp;
+ Áo khoác chống nước loại có mũ để mặc ngoài cùng;
+ Áo phao (hoặc lông vũ siêu nhẹ) mặc trong lớp áo chống nước;
+ Áo nỉ hoặc softshell mỏng ;
+ Áo giữ nhiệt mặc sát người;
+ Quần leo núi chống nước hoặc quần gió 2 lớp;
+ Quần legging hoặc quần tất mặc sát người;
+ Bó gối (mua ở Trịnh Hoài Đức);
+ Bó gót;
+ Tất leo núi;
+ Giày leo núi;
+ Dép nhựa crocs (để dùng lúc tối về chỗ nghỉ);
(Chú ý: nên mặc quần áo rộng, mặc nhiều lớp để dễ thích ứng với thời tiết, có thể cởi hoặc mặc thêm dễ dàng khi cần thiết)
- Gối hơi đeo cổ
- Túi ngủ

3. Đồ y tế:
- Thuốc bổ Pharmaton
- Thuốc dùng riêng

4. Mỹ phẩm:
- Kem chống nắng: SPF > 50
- Kem chống nẻ /vaseline
- Son dưỡng môi
- Dầu gội, sữa tắm

5. Đồ vệ sinh:
- Bộ đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, bộ sewing kits
- Giấy ăn khô/ướt
- Giấy vệ sinh…

6. Đồ điện tử:
- Điện thoại
- Máy ảnh
- Máy nghe nhạc
- Đồ sạc pin điện thoại, pin máy ảnh, pin dự phòng, power bank;

7. Lặt vặt khác:
- Dao đa năng (cho vào hành lý gửi)
- Bình nước giữ nhiệt loại 350 ml (rất quan trọng cho những ngày leo núi trong thời tiết lạnh, dùng để pha trà gừng mang dùng trong ngày)

Gemini1976
12-04-2015, 19:40
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Lại nói tiếp về nguyên nhân sụp đổ của vương triều Cổ Cách. Post trên tôi đã nói về nguyên nhân theo chính sử xưa nay vẫn biên lại. Tuy nhiên, bản thân tôi lại thấy có hứng hơn với nhưng câu chuyện có nguồn gốc “ngoại sử”. Dưới đây là một giả thuyết khác về nguyên nhân diệt vọng của vương triều kỳ lạ này.

Sự diệt vong của vương triều Cổ Cách cho đến nay vẫn là một bí mật không có lời giải. Theo các nghiên cứu trước đây, mặc dù Cổ Cách đã bị binh sỹ của Ladakh tấn công, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghi vấn. Thông thường, một kinh thành khi bị ngoại bang xâm chiếm chắc chắn phải bị tàn sát rất dã man, các công trình kiến trúc sẽ bị phá huỷ và bảo vật bị vơ vét. Nhưng Cổ Cách lại khác, rất nhiều công trình kiến trúc tôn giáo vẫn còn được bảo tồn cho đến khi bị đào trộm vào thế kỷ thứ 19. Kiến trúc của tòa thành tại Tsaparang hầu như vẫn còn nguyên vẹn hình dáng, chỉ bị bào mòn bởi mưa nắng và hiện tượng sa mạc hóa. Ngoài sự tàn phá của thời gian, hầu như mọi thứ vẫn chưa bị bàn tay của con người tác động đến. Các di tích Phật giáo vẫn còn nguyên cho đến khi bị Hồng Vệ binh tàn phá trong thời kỳ Cách mạng văn hóa vào cuối những năm 1960. Trước đó, năm 1948 khi Lạt ma Govinda đến đây, ông vẫn còn trông thấy “một thành phố vươn lên như đẽo từ đá, gồm toàn những đền đài và cung điện, thành phố của các nhà vua xưa”.

Bởi vậy mới có giả thuyết cho rằng vương triều Cổ Cách đã diệt vong vì một lý do khác.

Ngược trở lại dòng thời gian khi vương triều Thổ Phồn sụp đổ vì cuộc chiến tranh giành quyền lực sau khi vị Tán Phổ diệt Phật - Lãng Đạt Ma bị ám sát, một thứ phi của Lãng Đạt Ma là Vi thị đã dặn dò con cháu hãy đi về phía tây để tìm cơ hội phục quốc. Vi thị chính là hậu duệ của dòng họ Vi nổi tiếng thuộc vương triều Tượng Hùng (Zhangzhung) - một vương triều hùng mạnh từng đóng đô ở miền tây Tây Tạng cùng thời kỳ với vương triều Thổ Phồn ở Lhasa thời Tán Phổ Tùng Tán Can Bố đang trị vì. Thời bấy giờ, có hai dòng họ quý tộc nổi tiếng tại Tượng Hùng là họ Vi và họ Nương đã phản bội vương triều để chạy đến Thổ Phồn. Hậu duệ của hai dòng họ này về sau đều là những trụ cột trong vương triều của vua Tùng Tán Can Bố. Giả thuyết này cho rằng, Vi thị hẳn đã nắm được bí mật về kho báu của vương triều Tượng Hùng ở miền tây nên đã truyền lại cho con cháu với lời dặn dò tìm về đó để phục quốc. Tuân theo di huấn của tổ tiên, chắt trai của Lãng Đạt Ma là Cát Đức Ni Mã Cổn đã định đô ở A Lý và giao cho con trai thứ hai của mình là Trát Tây Cổn trị vì vùng Cổ Cách - Phổ Lan.

Kể từ thời Cổ Cách vương đời thứ nhất Trát Tây Cổn, vương triều Cổ Cách đã đóng đô ở Tsaparang. Việc vương triều Cổ Cách chọn vị trí xây dựng kinh thành ở đấy hẳn có mục đích bởi họ biết dưới lòng đất vị trí đó có kho báu. Việc họ xây dựng nhà ở dạng hang động dưới chân núi và cứ không ngừng đào sâu xuống dưới đất có lẽ là vì hy vọng có thể tìm thấy kho báu của tổ tiên Tượng Hùng để lại. Những kho báu chôn giấu trong lòng đất ấy hẳn phải chứa đựng nhiều binh thư và vũ khí cùng các bảo vật quan trọng đối với một quốc gia vừa lập quốc và đang khát khao lớn mạnh. Trong quá trình tìm kiếm qua nhiều thế kỷ, khi còn chưa chạm tới được kho báu ấy thì đã có một biến cố bí ẩn xảy ra làm cho mọi dấu tích về vương triều biến mất hầu như chỉ trong một đêm. Vì vậy, vương triều tồn tại hơn 700 năm trên miền đất viễn tây này đã bị diệt vong cũng chính vì kho báu ấy.

Truyền thuyết còn kể rằng vị Cổ Cách vương cuối cùng, khi đoán trước được số phận của vương triều, đã cho triệu vu sư đến làm phép để biến người vợ yêu thành một con mèo đen, gọi là Hắc Miêu Hoàng hậu, với hy vọng nàng có thể trốn được khỏi Cổ Cách khi kẻ thù chiếm thành.

Tôi đã từng đọc trong cuốn tiểu thuyết “Mật mã Tây Tạng” rằng Cổ Cách vương khi ấy đã nói “Kể từ nay, kẻ nào có được mèo đen, kẻ ấy sẽ trở thành chủ nhân của Cổ Cách". Tuy nhiên, khi vương triều bị diệt vong, Hắc Miêu Hoàng hậu không chịu trốn đi mà vẫn ở trong hình hài con mèo đen để bảo vệ những bảo vật do Cổ Cách vương để lại. Kẻ nào cướp phá bảo vật đều bị bà nguyền rủa. Và cho đến nay, lời nguyền của Hắc Miêu Hoàng hậu vẫn là một nỗi ám ảnh đối với những kẻ đào trộm cổ vật.

Dòng thời gian trôi chảy qua nhiều thế kỷ đã phủ một màn sương huyền bí lên số phận của vương quốc kỳ lạ này, những chứng cứ lịch sử và truyền thuyết đã hòa quện và đan xen với nhau càng làm cho mảnh đất miền tây nắng gió này thêm phần bí ẩn.

Buổi chiều thu ấy chúng tôi đã lạc lối giữa những thông đạo bằng đất sét, giữa những pháo đài và những bức tường đất đổ nát. Khi lên đến tầng cao nhất của thành Cổ Cách thì cả kinh thành đã nhuốm trong ánh nắng chiều vàng rực, vùng thung lũng sông Tượng Tuyền trải dài dưới chân thành với rừng đất sét phía xa cũng trập trùng trong sắc ráng chiều càng làm cho cảnh sắc nơi đây mang một dáng vẻ điêu tàn tráng lệ.

Lúc ấy, bỗng thấy câu thơ "Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" sao mà hợp với cảnh vật và tâm trạng đến thế.
https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG5517_zps4tabkcol.jpg

June
12-04-2015, 21:42
Gemini1976 khiến tôi nhớ cây sồi đứng một mình trong gió cát kia quá đỗi.

Trên đất Tạng nếu khởi phát một tâm nguyện hay lời hứa nào thì con người ta sẽ cứ canh cánh mãi trong lòng để làm được điều ấy bằng được mới thôi. Mà tôi đã trót ước ao nhiều quá khi ở trên mảnh đất ấy...

Viết tiếp đi bạn ơi !

Gemini1976
13-04-2015, 13:19
Trên đất Tạng nếu khởi phát một tâm nguyện hay lời hứa nào thì con người ta sẽ cứ canh cánh mãi trong lòng để làm được điều ấy bằng được mới thôi. Mà tôi đã trót ước ao nhiều quá khi ở trên mảnh đất ấy...


Cảm ơn bạn, June!

Mình yêu Tây Tạng từ lâu nhưng thực sự khởi phát tâm nguyện đi Kailash là nhờ topic của bạn. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã cho mình động lực. Quả thực chưa có nơi nào lại làm mình nhớ nhung và ám ảnh như đất Tạng, nhất định trong đời sẽ còn quay lại đó không chỉ một lần.

Gemini1976
13-04-2015, 13:29
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Buổi chiều bao giờ cũng khơi gợi nhiều cảm xúc, những nhớ nhung, tiếc nuối và cả những dự cảm lo lắng vô cớ. Chiều thu ấy, nắng nhuộm vàng trên cảnh cũ điêu tàn như ánh hồi quang của một giấc mơ hư ảo đã thuộc về quá vãng.
https://farm9.staticflickr.com/8701/16631861779_3317108398_z.jpg

Đứng giữa những phế tích của một triều đại đã từng huy hoàng, lòng như đã lạc lối giữa những thành quách cũ.
https://farm8.staticflickr.com/7646/16792111616_14d2cf5395_z.jpg

Bỗng nhớ chiều nào lang thang ở Rome, từ Palatine Hill sang Roman forum rồi sang Colosseo, ngơ ngẩn giữa những đền đài La Mã đổ nát từ ngàn năm trước. Chiều nay, ở đây, cũng vẫn bầu trời xanh vời vợi như chiều hôm ấy, vẫn nắng quện với bụi vàng cuốn dưới bước chân, vẫn những tàn tích của một đế chế oai hùng trong quá khứ.
https://farm8.staticflickr.com/7632/16842835118_6d188df874_z.jpg
(ảnh NL)

Biểu tượng của đức tin vẫn hiển hiện ở cả những góc đổ nát vô danh.
https://farm8.staticflickr.com/7653/16816901911_7022c776be_z.jpg


https://farm9.staticflickr.com/8700/16198041553_daf4d2d8d4_z.jpg

Có chiều nào như chiều nay...

Gemini1976
19-04-2015, 18:49
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Cả buổi chiều vắng lặng, chỉ có 5 đứa chúng tôi lang thang giữa những tàn tích này. Ngắm mãi không chán cái màu vàng của hoàng thổ phía xa xa.
https://farm9.staticflickr.com/8698/16263609073_07cea7ddab_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7641/16195633304_b88a9b6993_z.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7625/16307692343_2fd795b538_b.jpg
(ảnh La)

https://c2.staticflickr.com/8/7655/16926758751_431c1c00fc_b.jpg
(ảnh La)

https://farm8.staticflickr.com/7283/16696023018_84de86b10d_z.jpg

https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG5519_zpse2kuolgs.jpg

Khi chúng tôi bắt đầu đi xuống đến tầng dưới cũng là lúc một đoàn khách Tàu kẻ cười người nói ồn ầo, miệng chóp chép nhai kẹo cao su, vác theo lỉnh kỉnh những đồ đạc và chân máy ảnh bắt đầu leo lên. Thật may là chúng tôi đã không gặp họ ở trên kia, thật may là cả buổi chiều trên ấy với nắng, với gió, với lungta và bầu trời xanh vời vợi của 5 anh em chúng tôi đã không bị phá hỏng bởi đám người ồn ào, đi đến đâu cũng chen vai thích cách chụp ảnh ấy.

https://farm8.staticflickr.com/7655/16696187300_fcdab1566f_z.jpg
(ảnh NL)

Chúng tôi lặng lẽ ra bãi xe để trở về thị trấn Zanda, những dấu tích còn lại của kinh thành xưa đã bỏ lại sau lưng cùng với đám bụi vàng cuốn theo mỗi bước chân. Bất giác, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, chớp mắt, dưới ánh nắng chiều thu vàng màu hoài cổ, cả kinh thành sừng sững bỗng hiện lên chói sáng như một cơn mộng. Trong một tích tắc những hình ảnh hội hè tưng bừng, những màu sắc áo quần rực rỡ, những phiên chợ mua bán tơ lụa, cùng tiếng thanh la, tiếng vó ngựa, cả tiếng tụng kinh âm vang bay qua mái Phật điện… bỗng thoáng qua trước mắt và vẳng bên tai như cái vệt sáng hư ảo lướt qua những bức bích họa màu đỏ trầm ấm trong tu viện trên kia, tất cả vụt hiện lên rồi lại vụt biến mất như một giấc mơ đau đáu đã thuộc về một nơi rất xa, rất xa.

https://farm9.staticflickr.com/8709/17030591185_294d2ffdd8_z.jpg
(ảnh NL)

Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vắng tiếng loa xưa.
(thơ Vũ Đình Liên)
https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG5457_zpslrpdt0li.jpg

Gemini1976
20-04-2015, 13:15
Zanda county

Thời gian có hạn nên chúng tôi cũng không kịp đi thăm “động xác khô” Mummy cave trong quần thể tàn tích Tsaparang nữa mà về thẳng thị trấn để thăm tu viện Tholing. Từ thành Cổ Cách, đi thêm 20km nữa về đến Zanda county, không còn cái màu vàng bất tận của rừng đất sét nữa, mắt như dịu đi khi nhìn thấy những hàng bạch dương xanh, dòng Tượng Tuyền chảy dọc qua đây đã đem lại màu xanh cây cối cho thị trấn giữa miền gió cát này. Chỉ là một chấm nhỏ xíu ở cực tây của khu tự trị, Zanda được lập ra có lẽ chủ yếu vì mục đích phòng thủ. Thị trấn bé xíu có vài dãy phố, xen kẽ giữa nhà dân là những doanh trại và chốt gác, đi dạo một vòng chưa kịp mỏi chân đã hết.

https://farm8.staticflickr.com/7609/16409602154_1653c0bd1d_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7619/16824566517_48b339a8d8_z.jpg

Samdrup đưa chúng tôi về nhà trọ để nhận phòng và đặt ăn tối trước khi sang thăm tu viện Tholing (Thác Lâm tự).
Nhân nói đến chuyện ăn uống, kể từ nơi này, khi phát hiện ra nhà trọ có món dưa cải muối chua tương tự như món dưa muối ở nhà, Sói em đã yêu cầu món canh miến nấu dưa chua. Và cả khi về đến Darchen, mấy ngày liền chúng tôi đều gọi món này, rất đơn giản, dễ làm, lại ngon miệng, chỉ cần ăn với ruốc thịt là cũng đủ đưa cơm. Hầu hết các quán ăn ở Tây Tạng đều chỉ có món Tàu hoặc đồ ăn Tạng, rất nhiều dầu mỡ và ớt cay. Việc gọi món cũng khá khó vì dù đã mô tả rất kỹ nhưng vẫn không đúng yêu cầu, kể cả khi bạn gọi rau luộc và đã dặn không cho mỡ nhưng theo thói quen, đầu bếp vẫn cứ “chan” mỡ vào. Lần đi Tibet trước, tôi và Sói em đã phải vào tận bếp chỉ để yêu cầu đầu bếp không tưới mỡ vào rau và lấy ra được bát nước rau luộc không váng mỡ trong cái nhìn tò mò của mấy anh bếp tàu.

Đây, nơi chúng tôi trọ ở Zanda county - Touding Monastery Hotel and Restaurant, cách Tu viện Tholing có vài bước chân.

https://c1.staticflickr.com/9/8639/16649655119_afecb1df6b_b.jpg
(ảnh La)

https://c2.staticflickr.com/8/7606/16610709987_65b13dce16_b.jpg
(ảnh La)

https://c2.staticflickr.com/6/5323/17174318476_50383d0a22_b.jpg
(ảnh La)

Ở vùng đất hơn 300 ngày nắng trong một năm, năng lượng mặt trời sẽ được tận dụng như thế này

https://c1.staticflickr.com/9/8751/16740243790_547f495d57_b.jpg

Chiều biên viễn, nắng đổ bóng những hàng dương trên con phố vắng vẻ, tự nhiên cứ khơi gợi nỗi buồn xa xứ

https://c2.staticflickr.com/8/7672/16888377979_4b6e4d8b9e_b.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
22-04-2015, 00:40
Tu viện Tholing

Từ nhà trọ của chúng tôi, đi vài bước chân, sang bên kia trục đường chính của thị trấn là đã tới Tholing - tu viện nổi tiếng ở miền viễn tây đầy gió cát Zanda này.

Nằm ở trung tâm thị trấn với độ cao 3800m, hẳn vì thế tu viện được đặt tên “Tholing” - trong tiếng Tạng có nghĩa là “bay cao trên bầu trời mãi mãi”. Tu viện này được Cổ Cách vương đời thứ hai Y Tây Ốc Bá (Yeshes’ Od) cho xây dựng vào năm 997. Tholing là tu viện đầu tiên được xây dựng ở Tây Tạng vào thời kỳ đầu của làn sóng truyền bá Phật giáo lần thứ hai vào đất Tạng, còn gọi là thời kỳ Phật giáo Hậu truyền.

Như tôi đã kể, Cổ Cách vương đời thứ 2 Y Tây Ốc Bá rất sùng bái Phật pháp, ông đã từng cử 21 vị sư trẻ sang Ấn Độ tu học. Thời bấy giờ, vì đường xá xa xôi, điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt nên trong 21 vị sư được cử đi tu học, chỉ có 2 người sống sót trở về là Richen Zangpo và Lekpai Sherap. Rinchen Zangpo - người sau này được coi là vị Đại dịch sư vĩ đại trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng - chính là người đã xây dựng ba trong số 4 tòa Phật điện chính hiện còn lại ở ở tu viện Tholing.

Năm 1042, Cổ Cách vương Y Tây Ốc bá đã mời đại sư người Bengal A-đề-sa sang Tây Tạng. Đại sư A-đề-sa đã ở lại tu viện này 3 năm để giảng dạy Phật pháp. Kể từ đó, Phật giáo lại hồi sinh và được truyền bá khắp Tây Tạng. Tholing, vì thế mà đã trở thành trung tâm Phật giáo tại Tây Tạng bấy giờ. Và sau này, mặc dù vương triều Cổ Cách bị sụp đổ thì Tholing vẫn giữ vị trí quan trọng trên đất Tạng.

Kiến trúc ban đầu của Tholing, cũng giống như Tang Diên (Samye) - ngôi tự viện độ tăng đầu tiên được xây dựng năm 775 ở Tây Tạng trong thời kỳ Phật giáo Tiền truyền, là sự kết hợp của trường phái kiến trúc Tây Tạng với Ấn Độ và Nepal. Tương truyền, giai đoạn cuối thế kỷ thứ 10 - đầu thế kỷ thứ 11, rất nhiều thợ thủ công giỏi từ khắp Tây Tạng, Nepal và Ladakh đã đến đây, làm việc chăm chỉ không quản ngày đêm để xây dựng tu viện, sáng tạo nên một tổ hợp kiến trúc với hệ thống tượng Phật cùng bích họa mang dấu ấn hòa trộn của 3 phong cách Ấn - Tạng - Nepal. Ở thời kỳ đỉnh cao, tu viện Tholing là một quần thể kiến trúc rất tráng lệ với nhiều Phật điện lớn như Điện Jiasha, Bạch Điện, Xích Điện, Điện mười tám vị A La Hán, Điện Hộ Pháp, Điện Yeshes’ Od, Điện Rinchen Zangpo…cùng với các khu nhà tăng và một quần thể các tháp thờ.

Bức vẽ này chúng tôi chụp ở Điện Yeshes’ Od, nó mô tả lại cảnh tu viện Tholing thời kỳ vàng son, có tới 11 Phật điện và 5 bảo tháp trong khuôn viên tu viện và những buổi giảng pháp cùng các hoạt động lễ hội diễn ra nhộn nhịp cả trong và xung quanh tu viện.

https://c1.staticflickr.com/9/8765/16466641763_bbfce6d388_b.jpg
(ảnh NL)

Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1967-1977), Tholing đã chịu chung số phận với hàng ngàn tu viện và công trình tôn giáo khác trên đất Tạng: bị Hồng vệ binh hủy hoại và cướp phá. Nghe nói thời đó, có đến 60 chuyến xe tải đã chở toàn bộ các đồ thờ bằng đồng và đồ trang trí bằng kim loại đi khỏi Tholing. May mắn thay, các Phật điện chính của tu viện, vì được dùng làm kho để thóc lúa trong thời Cách mạng Văn hóa, nên vẫn giữ được hệ thống bích họa độc đáo và sống động cho đến ngày hôm nay.

Còn đây là sơ đồ tu viện Tholing ngày nay, quần thể tu viện bao gồm 4 tòa chính là (1) Điện Yeshes’ Od (Mandala Temple), (2) Dukhang (Xích Điện), (3) Lhakhang Karpo (Bạch Điện) và (4) Serkhang, chỉ còn lại 4 Phật điện so với con số 11 Phật điện tráng lệ của thời kỳ vàng son.

https://farm8.staticflickr.com/7644/17156746321_51b4d88125_z.jpg

Gemini1976
25-04-2015, 23:58
Hành hương Kailash có lẽ chưa bao giờ hết thử thách lòng người.

Mới sáng nay, một nhóm 8 bạn Việt Nam đã khởi hành từ Hà Nội, quá cảnh qua Quảng Châu và sớm mai sẽ bay đi Lhasa cho một hành trình hành hương đến ngọn núi thiêng ấy. Các bạn cũng có lịch trình tương tự nhóm chúng tôi hồi tháng 9/2014: Hà Nội – Lhasa – Kailash – Zangmu – Kathmandu – Hà Nội.

Vậy mà…

Trưa nay, một trận động đất 7,9 độ Richter đã làm rung chuyển thủ đô của Nepal, tin tức cập nhật con số thương vong tăng từng giờ thật không khỏi làm ta đau lòng. Thành phố hiền hòa trong lòng thung lũng Kathmandu ấy không hiểu giờ như thế nào, thấy thắt lòng khi nhớ tới những ngày lang thang ở khu Thamel và quảng trường Durban lúc vừa mới từ phía tây Tây Tạng trở về. Hồi ấy, một trận lở đất do hậu quả của lũ quét cũng đã vùi lấp và cuốn trôi nhiều đoạn trên con đường từ Kodari khiến chúng tôi phải leo bộ mất hơn 4 tiếng đồng hồ trước khi bắt xe để tăng bo về Kathmandu.

Năm nay, thiên nhiên lại tiếp tục nổi giận, trút họa xuống vùng Himalaya này. Không chỉ tàn phá Nepal, trận động đất còn ảnh hưởng đến cả Sikkim và Tây Tạng. Theo cập nhật mới nhất của bạn guide Samdrup và các trang lữ hành Tibet, dư chấn của động đất có thể cảm nhận thấy rõ cả ở Shigatse, Old Tingri và Nyalam. Có đến 70% số nhà cửa ở Nyalam – thành phố vùng biên của Tây Tạng giáp với Nepal đã sập đổ, đường bộ từ Tây Tạng sang Nepal đã hoàn toàn bị cắt đứt vì lở đá; chưa thấy cập nhật về ảnh hưởng của động đất tới khu vực Ngari.

Chặng đường các bạn đi những ngày tiếp theo chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai phía trước, thậm chí có thể phải thay đổi cả lịch trình nếu không thể rời Tây Tạng qua đường Nepal trong khi thời hạn visa chỉ có 15 ngày.

Lòng thầm cầu nguyện cho Kathmandu, cho Sikkim, Nyalam và mong cho các bạn chân cứng đá mềm, vượt qua mọi thử thách để hành hương thành tựu!

bibo81
26-04-2015, 12:15
Lòng quặn thắt khi đọc và nhìn những hình ảnh về Kathmandu, cầu cho mọi người sớm qua cơn đại nạn này.
2 nhóm đi Tibet dịp này đã gặp nhau, 1 nhóm SG phải rời lịch trình vì Namtso bão tuyết lớn, đoàn SG sẽ đi Tsedang , sau đó sẽ đi EBC…
Cầu cho tất cả 2 nhóm đi đều gặp may mắn, chân cứng đá mềm.
Góp 1 lời cầu nguyện nữa cho Nepal, đất nước mà tôi yêu mến qua được nạn này.

Gemini1976
05-05-2015, 23:31
Tu viện Tholing

Khách viếng thăm Tholing chiều hôm ấy chỉ có mỗi nhóm chúng tôi. Tu viện trong chiều muộn vắng hoe, gió bình yên thổi những hàng bạch dương rì rào quanh bờ tường đỏ thẫm.

https://farm9.staticflickr.com/8739/16198142463_dd991bbdae_z.jpg

Ở vùng đất đầy nắng cháy cùng gió và cát này, cây cối dường như vẫn có một sức sống mãnh liệt. Hướng dương và hoa bướm vẫn khoe sắc rực rỡ trong trong sân điện Serkhang.

https://farm8.staticflickr.com/7650/16198156353_e8d6642848_z.jpg


https://c2.staticflickr.com/8/7618/16835680905_35d11616d2_b.jpg
(ảnh La)

Tòa Xích điện đỏ rực trong nắng chiều
https://farm9.staticflickr.com/8729/16198153643_7a0069d596_z.jpg

Trong 4 Phật điện của Tholing ngày nay, chỉ có Bạch điện là vẫn giữ nguyên dáng vẻ kiến trúc ban đầu (các tòa điện khác đều đã được trùng tu lại trong những năm 1980). Đây, tòa Bạch điện ngay đối diện cổng vào của tu viện

https://farm8.staticflickr.com/7623/16883763885_d808d1e61a_z.jpg
(ảnh NL)

Phải đợi Samdrup đi gọi người mở cửa, chúng tôi mới có thể vào thăm bên trong các Phật điện. Cũng như ở Tsaparang, các Phật điện ở Tholing đều trưng biển “no picture” và có camera nên chúng tôi không chụp ảnh phía bên trong. Mặc dù những bức tượng Phật, Bồ Tát và Tara trong Bạch điện đã bị phá hủy thời Cách mạng văn hóa nhưng hệ thống bích họa hầu như còn nguyên bởi Phật điện này đã từng bị trưng dụng làm kho chứa lương thực trong những năm đen tối ấy. Ngay ở cửa vào, Samdrup đã chỉ cho chúng tôi thấy hình tượng mandala Kalachakra trên mảng tường giáp với trần. Bước vào bên trong Bạch điện, chúng tôi lại một lần nữa ngỡ ngàng trước những bức tranh tường sống động mang phong cách hòa trộn của nghệ thuật Tây Tạng và Ấn Độ. Trong cái ánh sáng mờ ảo giống như ở tu viện tại Tsaparang chiều nay, vẫn có thể nhìn rõ những mảng màu xanh rêu và đỏ thẫm đặc trưng của nghệ thuật bích họa Tây Tạng. Ngoại trừ một số chỗ sơn đã bong vì tường nứt, những đường nét của tranh vẫn hiện rõ mềm mại và đầy mỹ cảm.

https://c2.staticflickr.com/6/5346/17379326205_1a5e20bf16_z.jpg
(ảnh sưu tầm)

https://c1.staticflickr.com/9/8728/17160617097_cf12d2cfa9.jpg
(ảnh sưu tầm)

https://c2.staticflickr.com/8/7666/17180759580_a8e1b9f8bb.jpg
(ảnh sưu tầm)

Tượng Tara, sau khi bị Hồng vệ binh đập vỡ để tìm vàng, nay chỉ còn lại một cánh tay dập gẫy trên bệ thờ và đường viền trang trí tỉ mỉ sau thân tượng. Tuy nhiên, hình tượng các vị Bồ Tát trên mảng tường phía sau thì vẫn còn nguyên những màu sắc đậm đà và ấm áp.

https://c2.staticflickr.com/8/7678/17181708409_23174a39fb_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Gemini1976
07-05-2015, 13:15
Điện Yeshe’s Od

Nổi bật nhất trong số những Phật điện còn tồn tại đến ngày nay của Tholing là điện Yeshe’s Od, được xây dựng để thờ năm vị trong Ngũ phương Phật của Đại thừa Mật Tông.
Điện Yeshe’s Od còn được gọi là Mandala Temple bởi kiến trúc đặc biệt của nó. Bức họa này chúng tôi chụp ở ngay lối vào cửa điện, nhìn vào đó, có thể nhận ra ngay tòa điện mang hình dáng của một đàn tràng mandala lớn với bốn góc cân xứng.

https://c2.staticflickr.com/6/5325/16770871413_1692f90f8a_b.jpg

Ở những góc ngoài của điện Yeshe’s Od là bốn tháp thờ cao vút màu đỏ thẫm tượng trưng cho núi Tudi (mount Meru). Kiến trúc của tòa điện là một sự hợp nhất hài hòa của phong cách Tây Tạng, Kashmir và Newari. Tuy nhiên, toàn bộ phần phía ngoài của điện hiện nay là phần được xây dựng lại sau khi bị Hồng vệ binh phá hủy trong thời kỳ Cách Mạng văn hóa.
Rất tiếc, chúng tôi không có bức ảnh nào chụp toàn cảnh điện Yeshe’s O. Đây là một bức ảnh sưu tầm trên mạng, mặt trước của tòa điện

https://farm8.staticflickr.com/7747/17397085242_aa6c7d8a3d_z.jpg
(ảnh sưu tầm)

Trong số những di tích ở Tsaparang và tu viện Tholing chúng tôi đã đến thăm, không có nơi nào mà dấu tích của sự hủy diệt lại rõ ràng và hiển hiện như ở tòa điện kiến trúc hoành tráng này. Bước vào gian đầu tiên của Phật điện, chúng tôi đã thấy la liệt những mảnh còn sót lại của tượng Phật và Bồ Tát ngày xưa, những hình đầu Phật, cẳng tay và bàn chân dập nát xếp thành đống ở mỗi góc, một số hình nguyên vẹn hơn thì được bày trong những tủ kính nhỏ. Đây chỉ là những gì còn lại trong số những bức tượng, phù điêu và đồ thờ sau khi hơn 60 chuyến xe tải chở những bảo vật đã vơ vét của tu viện này ra đi mãi mãi vào cuối những năm 1960. Trong tòa điện, tranh tường cũng bị hư hại nhiều, toàn bộ số kinh sách nghe nói đã bị Hồng vệ binh thiêu sạch trong gần 10 năm của cuộc Cách mạng hủy diệt ấy.
Từ Phật điện đầu tiên, bước vào gian chính điện mới thấy hết quy mô của điện Yeshe’s Od. Trong chính điện cao và rộng ấy, ở chính giữa là gian thờ Phật Đại Nhật Như Lai (Vairocana) - Pháp chủ của Đại thừa Mật Tông - vị Phật trung tâm của đàn tràng Mandala. Bốn góc cân xứng ở xung quanh của Mandala này chính là gian thờ các vị còn lại trong ngũ phương Phật: Phật Bất Động Như Lai (Akshobhya) ở phía đông, Phật A Di Đà (Amitabha) ở phía Tây, Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) ở phía bắc và Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava) ở phía nam.

Nhìn lên vòm trần cao và đường viền phía sau thân tượng đã bị đập nát, mới thấy tầm vóc của những bức tượng Phật và Bồ Tát trước kia, hẳn phải cao đến hơn 3 mét và được trang trí rực rỡ lắm. Vậy mà, hình ảnh Ngũ Phương Phật cao lớn màu sắc sống động ngày xưa, nay chỉ còn là những hình hài này.

https://c2.staticflickr.com/8/7751/17342879366_e124dec5d9_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/17203073648_4670fa2841_zpsc4zqth6t.jpg
(ảnh sưu tầm)

https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/17203074188_f42d3f9f5c.jpg%20nh%20su%20tm_zpsy55fd k03.jpg
(ảnh sưu tầm)

Nơi thờ Phật A Di Đà, pho tượng ngày trước đã được thay thế bằng một bức tranh nhỏ treo trên tường

https://c2.staticflickr.com/8/7743/17342885826_3ed051035c_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Không còn tượng và bích họa, không còn những hàng giá đồ sộ chứa kinh sách, không ánh nến mỡ bò lung linh, Phật điện nguy nga ngày xưa giờ thật ảm đạm và thiếu sinh khí, cái vỏ ngoài hoành tráng của tòa điện ấy giờ đây có khác nào cái xác rỗng không hồn. Thật xót xa cho môt công trình tôn giáo tiêu biểu của phong cách Phật giáo vùng tây Tây Tạng, nơi đánh dấu sự phục hưng của Phật giáo Tạng truyền thời kỳ thứ hai.

Gemini1976
08-05-2015, 13:45
Điện Yeshe’s Od

Sư thầy trông coi điện Yeshe’s Od là người cởi mở hiếm thấy, chính ông là người đã chỉ bức tranh để ở góc hành lang khuất chỗ cửa điện cho chúng tôi chụp ảnh. Vào trong điện, ông lại dắt chúng tôi đi một vòng theo chiều kim đồng hồ qua từng gian thờ các vị trong Ngũ phương Phật. Ông còn chỉ cho chúng tôi thấy dấu vết của những đường viền trang trí phía sau thân tượng lên đến gần sát trần, có lẽ muốn nói những pho tượng ban đầu hẳn phải cao lớn và uy nghiêm lắm.

Ảnh chụp với sư thầy trông coi Điện Yeshe’s Od
https://farm9.staticflickr.com/8713/16882784861_dccec3a7cb_z.jpg
(ảnh NL)

Thăm hết các gian Phật điện phía trong Madala Temple, chúng tôi bắt đầu đi một vòng kora bên hành lang phía ngoài được bao bọc bởi bức tường đỏ có bốn bảo tháp tượng trưng cho núi Tudi. Vừa đi, tôi và Sói em vừa la cà dừng lại ngó nghiêng và chụp ảnh. Nắng chiều mê mải dát vàng trên đỉnh những ngọn tháp ở bốn góc tường. Mùa này, bạch dương bắt đầu đổ lá, những đám lá bạch dương rụng vàng dưới bước chân chúng tôi qua. Khi hai đứa còn đang mải đứng chụp lá vàng thì anh T cùng chị NL với La đã quay lại và bảo cửa vào Phật điện phía này đóng rồi, đường cụt nên phải quay lại cửa xuất phát. Hai đứa vẫn bảo nhau cứ đi hết vòng kora đã, xem cuối con đường thế nào. Chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ nghĩ đi đến hết con đường thì cánh cửa sẽ mở ra. Và, thật kỳ lạ, đến hết đoạn hành lang ấy, đang ngẩng đầu ngắm nốt ngọn tháp vàng rực mà chưa muốn quay lại thì nghe thấy tiếng lạch cạch then khóa, cánh cửa đã mở rộng và sư thầy đang đứng đó, trong bộ áo đỏ thẫm mỉm cười hồn hậu. Vậy là một vòng kora đã giáp, chúng tôi lại bước vào gian Phật điện ban đầu, còn sư thầy thong thả trở lại ghế ngồi tụng kinh. Phía đầu xuất phát kia, 3 bạn tôi đang í ới gọi cửa, nhưng cửa đã khóa và các bạn phải quay lại phía này theo đúng đường đi kora.

https://farm9.staticflickr.com/8602/16198143733_5bea84b94c_z.jpg

Đây, chính là cái lối này, đi thêm vài bước tưởng thành đường cụt, thì đột ngột sư thầy mở cánh cửa vẫn chờ, thế là chúng tôi được đi trọn một vòng kora
https://farm9.staticflickr.com/8657/16816992951_70b6116c7a_z.jpg

Chiếc lá bạch dương ở điện Yeshe's Od, giờ đang được ép trong cuốn Lonely Planet của tôi, đúng ở trang giới thiệu về tu viện Tholing
https://farm8.staticflickr.com/7684/17316859422_5e01eb5814_z.jpg
(ảnh Sói em)

Xoay nốt những vòng chuyển luân chung trước khi rời tu viện
https://c2.staticflickr.com/8/7608/16648211298_7b01d88e3f_b.jpg
(ảnh La)

Sau này đọc thêm tài liệu tôi mới biết Tholing nằm ở giữa một hẻm núi của thổ lâm Zanda, vì thế bức tường màu đỏ của tu viện đứng sừng sững trên bờ sông tương phản với màu vàng của vách núi tạo thành một cảnh quan tuyệt đẹp. Ở đoạn này của thung lũng sông Tượng Tuyền, vẫn còn tàn tích hàng trăm ngôi tháp của Tholing, tạo thành một vành đai dài dọc sông, là nơi rất ngoạn mục để ngắm bình minh và hoàng hôn trong thung lũng. Thật tiếc là chúng tôi đã bỏ qua mất cảnh này:
https://farm9.staticflickr.com/8852/17405765215_4226d55b0f.jpg
(ảnh sưu tầm)

https://farm8.staticflickr.com/7717/17403789402_e434d6f1b3.jpg
(ảnh sưu tầm)

Gemini1976
13-05-2015, 12:40
Tháp Yeshe's Od

Rời tu viện Tholing khi nắng chiều đã nhạt, anh T cùng chị NL và La về nhà trọ trước. Còn tôi và Sói em, hai đứa lững thững đi bộ sang tháp Yeshe’s Od ở cuối phố, phía bên ngoài khuôn viên tu viện. Đây là tháp thờ to nhất còn lại của Tholing, được đại dịch sư Rinchen Zangpo xây dựng để tưởng nhớ công lao phục hưng Phật giáo Tây Tạng của Cổ Cách vương đời thứ hai Yeshe's Od.

https://farm8.staticflickr.com/7707/17074580442_bbba3a65a1_z.jpg

Từ phía xa đã thấy màu đỏ của ngọn tháp nổi bật trên nền trời xanh. Nhưng cảnh quan xung quanh lại dường như đối lập với cái vẻ cổ kính. Dưới chân ngọn tháp cao giờ đã biến thành vườn hoa và sân chơi cho trẻ con. Chiều muộn, chỉ còn một đám trẻ đang í ới đuổi nhau phía ngoài hàng rào sắt bao quanh tháp. Chúng tôi lại gần chân tháp, ngắm những chồng đá khắc câu lục tự chân ngôn xếp la liệt.

https://c1.staticflickr.com/9/8785/17050097496_b3287794ff_b.jpg

http://farm9.staticflickr.com/8781/16888511180_2d3e11c2b9_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7686/17050100186_ee0caeaaae_z.jpg

Hàng chuyển luân chung ở mặt phía bắc của tháp
https://farm9.staticflickr.com/8642/16792192136_df344cc9b3_z.jpg

Ngọn tháp có cấu tạo 4 mặt với hình bậc thang, đặc biệt các chi tiết trang trí hình người phía gần đỉnh tháp mang phong cách Ấn Độ, đậm màu sắc của Bà La môn giáo.

https://farm9.staticflickr.com/8699/17110775477_64197ccd60_z.jpg
(ảnh Sói em)

Gemini1976
13-05-2015, 13:01
Tholing - Chiều biên viễn

Mặt phía bắc của ngọn tháp Yeshe's Od trông ra sông Tượng Tuyền. Đứng từ đây còn nhìn thấy bãi sông trải dài. Và hút tầm mắt phía bên kia sông, vẫn là màu vàng thổ lâm trập trùng trong hoàng hôn của bầu trời biên tái.

https://farm8.staticflickr.com/7640/16195715294_114d7dd39c_z.jpg

https://farm6.staticflickr.com/5342/17400107468_2b32813f3b_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7658/17401606029_c8bcea2389_z.jpg

Ngày xưa học thi pháp Đường thi, tôi vẫn nhớ những câu thơ đẹp nhất và buồn nhất chính là những câu thơ được sinh ra vào buổi chiều, trong không gian của vùng biên ải hoặc một dòng sông với cái tâm trạng của người khách lữ thứ.
Và chiều nay, dường như nỗi buồn “mang mang thiên cổ sầu” của Đường thi đã dồn cả về nơi này. Chiều nay - một chiều mùa thu bên dòng sông biên viễn, có hai kẻ xa nhà đang đứng bên đống đổ nát dưới chân ngọn tháp cổ, lặng lẽ ngắm dòng sông Tượng Tuyền chảy về xa.

https://farm9.staticflickr.com/8840/16967615013_2eae5c667f_z.jpg

https://farm8.staticflickr.com/7763/17316356332_e75ae9b3f2_z.jpg
(ảnh Sói em)

Có chiều nào như chiều nay?
Chỉ trong một buổi chiều, những gì đã nhìn thấy và cảm nhận thấy, từ phế tích của vương triều Cổ Cách ở Tsaparang cho đến những Phật điện hoang tàn lạnh giá ở Tholing… tất cả, tất cả đã quá đủ đầy ấn tượng và ám ảnh, đủ để cho ta thấm thía nỗi đau về cái đẹp đã mất.

Có chiều nào như chiều nay?
Dường như sức nặng của nỗi sầu toát lên từ những vẻ xưa cũ điêu tàn kia đã dồn cả về đây khiến chúng tôi cứ ngẩn ngơ đứng mãi bên bờ sông ấy, tưởng không thể nhấc chân đi được. Lòng cứ mãi băn khoăn về sự suy tàn của một vương triều đã từng oai hùng trong quá khứ. Và tôi chợt đau xót nhận ra rằng không chỉ Cổ Cách đã bị diệt vong mà cả Tây Tạng ngày hôm nay - một đất nước, một nền văn hóa - tôn giáo từng phát triển rực rỡ cũng đang lụi tàn, như những tia nắng cuối ngày đang tắt dần trên bầu trời kia.

Có chiều nào như chiều nay?
Chiều của đất trời, của đời người, tôi bỗng đau đớn nhận ra không chỉ mỗi con người sinh ra đều có một số phận, mà mỗi đất nước, mỗi dân tộc cũng phải mang trong mình một định mệnh không thể chối bỏ. Đất nước mà tôi hằng yêu mến này, sinh ra vì tôn giáo rồi cũng sẽ vì tôn giáo mà tàn lụi, những người dân của đất nước này đang trở thành người vong quốc trên chính mảnh đất quê hương của họ.

Nhưng thôi, quy luật của vạn vật là sinh - trụ - dị - diệt, tất cả đều là vô thường. Những tro bụi của mỗi kiếp người, của mỗi triều đại rồi cũng sẽ theo dòng Tượng Tuyền kia cuốn trôi ra biển Ả Rập, tan hòa vào những bọt sóng trắng xóa của đại dương và trở về với cái mênh mông miên viễn của vũ trụ mà thôi.

https://farm8.staticflickr.com/7701/17400119348_efc1b3fd95_z.jpg

kamkuyt
09-06-2015, 22:13
Em chỉ mong tụi nó cấp phép đến đc đây thôi chứ chưa dám mơ đến đc tận kailash. Đẹp quá bác ạ :D

Gemini1976
18-06-2015, 13:33
Em chỉ mong tụi nó cấp phép đến đc đây thôi chứ chưa dám mơ đến đc tận kailash. Đẹp quá bác ạ :D

Permit lên phía Tây Tibet năm nay không khó đâu bạn. Chỉ có đợt tháng 5 vừa rồi, sau trận động đất ở Nepal, chính quyền đã trưng dụng đường từ Shigatse lên Ngari để làm đường cứu hộ nên mới cấm thôi. Hiện nay khu vực phía Tây nói chung và Kailash nói riêng đã được mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài rồi.

Gemini1976
18-06-2015, 13:37
Tạm biệt Zanda

Tạm biệt Zanda trong buổi hừng đông mới lên

https://c1.staticflickr.com/9/8717/16818234555_b1e21a0997_b.jpg

Đứng trước bình minh, bỗng cảm thấy nỗi buồn của ngày hôm qua lắng dịu đi nhiều. Phải, mới ngày hôm qua, chúng tôi còn đứng bên bờ sông Tượng Tuyền, đau đáu về những vẻ đẹp điêu tàn đã thấy. Hôm nay, trong buổi bình minh rực rỡ trải dài phía chân trời của rừng đất sét, tôi sẽ rời mảnh đất đầy gió cát này, lòng vẫn mang theo nỗi buồn hoài cổ. Tôi biết, nỗi buồn ấy sẽ trở thành một phần trong chuyến đi của tôi, tôi sẽ mang nó trên con đường hành hương, một hành trang không mong muốn nhưng nó giúp tôi thêm nâng niu trân trọng hơn những khoảnh khắc trên mảnh đất yêu dấu này.

https://c2.staticflickr.com/8/7601/16304501244_49c2abbd9f_b.jpg
(ảnh Sói em)

Bình minh thảo nguyên trên đường từ Zanda về Darchen

https://i1058.photobucket.com/albums/t407/Gemini1976/IMAG5641_1_zpsqnujsyxi.jpg

Thảo nguyên mùa này, cỏ và cát vàng óng ánh trong nắng. Ở vùng đất của gió cát này, dường như mọi thứ đều chậm rãi trôi chảy theo một vòng quay tuần tự không thể đảo ngược của tự nhiên.

https://c1.staticflickr.com/9/8778/16453593304_116343c161_b.jpg

Gemini1976
22-06-2015, 21:18
Trở lại Darchen

Từ Zanda về Darchen, con đường quanh co vắt trên những sườn núi nâu đỏ không một bóng cây. Có những đoạn, đường hiểm trở chẳng kém gì con đường từ Lhasa đi Gyanste, GPS đã chỉ độ cao lên đến hơn 4000m, nhìn xuống thấy dòng sông mùa cạn chỉ còn là một dải ngoằn ngoèo giữa thung lũng trải dài một màu rêu thẫm.

https://c2.staticflickr.com/8/7646/16817115522_17f663076b_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7644/16195879844_66cc02dbdc_b.jpg

Địa hình thổ lâm trập trùng xen lẫn những dải thảo nguyên vàng óng sắc cỏ mùa thu

https://c2.staticflickr.com/8/7721/17050067526_aac198e715_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8687/16818230435_56196076f8_b.jpg

Và bầu trời sớm mùa thu phía trước, xanh đến nao lòng

https://c1.staticflickr.com/9/8779/17075295661_0060b9e97a_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7631/16817121042_63457ff79a_b.jpg

Gemini1976
22-06-2015, 22:52
Trở lại Darchen

Theo con đường 219, chúng tôi chạy qua Tirthapuri trước khi về Darchen. Như tôi đã kể, ý định quay lại Tirthapuri để vào thăm tu viện nổi tiếng với cái hốc đá nghiệp lực (Karma testing hole) đã không thực hiện được bởi chúng tôi đã từng check-in một lần vào thị trấn này rồi và không thể quay lại nữa.

Không còn điểm thăm quan nào dọc đường, vậy là sau bữa trưa ở Moincer, một thị trấn nhỏ gần Tirthapuri, chúng tôi chạy thẳng về Darchen.

Đã hết những dải núi quanh co, con đường thẳng tắp chạy một mạch qua thảo nguyên.

https://c1.staticflickr.com/9/8584/16817158102_1f16700feb_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7623/16198293903_29a2c78441_b.jpg

Và kia, đỉnh núi huyền thoại lại hiện ra, Kailash phủ tuyết trắng xóa vươn cao trên bình nguyên cằn cỗi, tự dưng bỗng thấy nghẹt thở và hồi hộp như sắp gặp lại một người bạn cũ vậy.

https://c1.staticflickr.com/9/8565/16818265315_a0be68b6ff_b.jpg

Biển mây xám không thể che phủ được cái uy lực của ngọn núi thiêng

https://c2.staticflickr.com/8/7636/16926917035_4504e08108_b.jpg
(ảnh NL)

Chạy tiếp đoạn nữa, khối kim tự tháp đều đặn ấy đã chuyển thành hình nón cụt, mây đã mỏng bớt còn bầu trời thì cứ mải miết xanh trên đỉnh tuyết trắng

https://c2.staticflickr.com/8/7624/16901620156_ffe3f59c2c_b.jpg

Darchen đã hiện ra dưới chân ngọn núi

https://c1.staticflickr.com/9/8586/16834231211_b0e7020f1e_b.jpg
(ảnh La)

kamkuyt
01-07-2015, 09:03
Permit lên phía Tây Tibet năm nay không khó đâu bạn. Chỉ có đợt tháng 5 vừa rồi, sau trận động đất ở Nepal, chính quyền đã trưng dụng đường từ Shigatse lên Ngari để làm đường cứu hộ nên mới cấm thôi. Hiện nay khu vực phía Tây nói chung và Kailash nói riêng đã được mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài rồi.

Thank bác, em cũng mong nó cứ như thế để làm 1 chuyến năm nay, nhưng lại nghe nói có thể sẽ có lệnh cấm vào Tibet tháng 9 này nên cũng đang lo lắm

Banker
03-07-2015, 21:25
Vậy là tôi đi trước đoàn các bạn mấy tháng, chúng tôi đi vào tháng 5/2014. Đã vào mùa hè mà tuyết vẫn rơi ngập gối. Vẫn những khung cảnh quen thuộc, cũng chặng đường mà gót chân phiêu du đã từng bước qua. Thậm chí cả những trạm dừng nghỉ cũng cùng địa điểm. La Sha - shegatse - saga. Chỉ khác là các bạn đi Kailash còn chúng tôi đi EBC. Đọc topic này mà thấy nôn nao, muốn khóc quá. Tibet mới chỉ một lần đặt chân tới mà nó đã có vị trí đặc biệt trong trái tim mình. Chắc chắn sẽ còn gặp lại Tibet ạ.

Danhhuynh
10-07-2015, 13:51
Tự nhiên thấy gợi nhớ lại chuyến đi xưa với nhiều cảm xúc. Cảm ơn bạn đã chia sẽ

an_bo_o_bui
12-07-2015, 22:53
Cảm ơn những thông tin trong bài viết của bạn. Tôi định đi Tibet trong tháng 10 này, ko biết có xin giấy phép được ko? Bạn cho mình hỏi thêm là có tour nào đi vào vùng Khả Khả Tây Lý ko? Tôi đọc nhiều topic về Tibet mà ko thấy ai nhắc đến địa danh này.

Gemini1976
13-07-2015, 12:29
@Cảm ơn bạn Kamkuyt, Banker, Danhhuynh và các bạn đã theo dõi topic của tôi. Đúng là trong những nơi tôi đã từng đặt chân đến, Tây Tạng vẫn là nơi mà tôi đau đáu muốn quay trở lại nhất, mảnh đất ấy đối với tôi đã có quá nhiều ấn tượng và kỷ niệm yêu dấu.

Nếu tôi không nhầm thì bạn Danhhuynh là một thành viên trong đoàn hành hương Kailash năm 2011 của TS Nguyễn Tường Bách, phải không ạ?


Cảm ơn những thông tin trong bài viết của bạn. Tôi định đi Tibet trong tháng 10 này, ko biết có xin giấy phép được ko? Bạn cho mình hỏi thêm là có tour nào đi vào vùng Khả Khả Tây Lý ko? Tôi đọc nhiều topic về Tibet mà ko thấy ai nhắc đến địa danh này.

@Bạn an_bo_o_bui than mến, tôi nghĩ permit vào Tây Tạng năm nay không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn đi vào tháng 10 và đặc biệt muốn hành hương Kailash thì cần cân nhắc vì thời điểm sau ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10, Chính quyền sẽ xiết chặt giấy phép đối với những khu vực nhạy cảm ở phía Tây Tây Tạng. Năm ngoái, khi chúng tôi rời khỏi Tây Tạng sau chuyến hành hương Kailash, vừa về đến Kathmandu thì đã được bạn guide Samdrup cập nhật tình hình: Chính quyền đã tuyên bố chính thức đóng cửa khu vực Kailash từ 01/10/2014 đến 01/4/2015 đối với tất cả du khách nước ngoài và người hành hương gốc Tạng (không thấy nói gì đến khách du lịch Trung Quốc, thật bất công). Về permit, bạn có thể đọc lại post số 27 (trang 3) trong topic này để có thông tin liên hệ nhé.

Còn về Khả Khả Tây Lý (Kekexili), bản thân tôi cũng vẫn ấp ủ mơ ước một chuyến đi rong ruổi tại khu bảo tồn này, nhưng chắc chắn sẽ phải tách ra thành một tour riêng biệt với Tibet bởi khu vực này nằm sâu trong vùng nội địa của cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, ở độ cao trung bình trên 4.600 mét, là khu vực bảo tồn quốc gia của Trung Quốc với hệ thực vật phong phú và nhiều loài động vật quý hiếm như linh dương, nai Tây Tạng, cáo đỏ… Nếu bạn đọc topic của bạn June sẽ thấy hành trình đi tàu từ Thanh Hải tới Lhasa của June có đi ngang con sông Đà Đà chảy qua một phần của khu bảo tồn rộng lớn này.

Tôi cũng đã từng tìm hiểu về tour Kekexili và thấy có một số Công ty lữ hành của Trung Quốc có tour này, bạn có thể tham khảo ở đây:
http://www.ecotourchina.com/kekexili.htm

Gemini1976
13-07-2015, 13:17
Check-in Darchen

Chiều hôm ấy, sau bữa trưa, chúng tôi rời Moncier chạy thẳng hướng Darchen. Mới hơn 2h đã chạm cửa ngõ thị trấn. Điểm check-in vào thị trấn là một tòa nhà phong cách nửa Tạng nửa Hán, ngay cửa vào có hai con sư tử đá nom rất chướng mắt. Vì lý do an ninh, chúng tôi chỉ ngồi trong xe mà không dám giơ máy ảnh lên chụp choẹt gì. Ngồi trong xe đợi, thấy Samdrup cứ chạy qua chạy lại, từ cửa nọ sang cửa kia, mặt mũi nhăn nhó. Trời nắng như đổ lửa, trong xe chúng tôi còn nóng lòng hơn. Hơn 45 phút căng thẳng trôi qua mà vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì, tôi đã chột dạ nghĩ về quẻ bói và cái lệnh cấm nghiệt ngã kia. Trên xe, có những giây phút tôi thấy thầm ghen tị với người dân Darchen. Họ được sống ở đây, quanh năm có ngọn thần sơn che chở, cuộc sống tuy lam lũ nhưng giản dị. Còn chúng tôi, đi hàng nghìn cây số đường đến đây, gạt bỏ hết những lo toan bon chen của cuộc sống thường nhật, cuối cùng để đổi lấy sự thanh thản và những khoảnh khắc an nhiên ngắn ngủi trong đời. Cuộc đời, hạnh phúc đôi khi thật đơn giản nhưng nhiều khi kiếm tìm cũng vất vả thay.

Rồi cuối cùng, cũng thấy Samdrup tươi cười chạy ra, bảo chúng tôi lấy hành lý và cầm hộ chiếu xuống xe. Toàn bộ hành lý được đưa qua máy soi, còn 5 con người thì lần lượt cầm hộ chiếu đi qua cửa để nhân viên PSB quét hộ chiếu và soi tận mặt từng đứa.

Đây là kết quả sau gần một tiếng đợi chờ căng thẳng của chúng tôi - Giấy phép check-in vào Darchen.

https://c2.staticflickr.com/8/7642/16792395816_5d7a714012_b.jpg

Tuy nhiên, năm nay, Chính quyền đã cấm du khách vào các tu viện Sắc Long Tự (Seralung) và Giang Trác Tự (Gyandruk), điều này cũng đồng nghĩa với việc cấm đi Inner kora (Nandi kora). Vậy là mơ ước được chiêm bái tu viện Seralung, Gyandruk và tiếp cận gần nhất với mặt phía Nam Kailash linh thiêng của chúng tôi sẽ không thể thực hiện được. Nhưng xét lại, chúng tôi cũng không còn đủ thời gian vì đã mất một ngày của hành trình tại Ngamring, việc còn lại bây giờ là phải nghỉ ngơi thật tốt để chuẩn bị cho vòng outer kora.

Vậy là đã check in được vào thị trấn, chúng tôi thở phào xếp lại hành lý và lên xe.

Darchen là đây, chiều đầu thu nắng chan hòa và bầu trời xanh thẳm trên dải Gurla Mandata phủ tuyết phía đầu thị trấn.
Darchen, so với những gì mà bạn June miêu tả, đã thay đổi nhiều. Cột đèn đường cao vút dọc hai con phố chính của thị trấn, có cả những siêu thị bán đủ mọi loại nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết cho chuyến leo núi như gậy, mũ, đồ ăn nhẹ…

https://c1.staticflickr.com/9/8754/16677084437_ffef71b54f_b.jpg
(ảnh La)

https://c2.staticflickr.com/8/7651/16611019667_08eec6e444_b.jpg

Phòng dorm ở trung tâm thị trấn khá sạch sẽ chứ không đến nỗi tệ như chúng tôi vẫn tưởng tượng, nhưng cái toilet thì khủng khiếp, vẫn kiểu Tibetan-style như các bạn đi Tibet đã từng biết và mô tả lại.

https://c1.staticflickr.com/9/8662/16817184871_857ab2a12a_b.jpg

Buổi chiều đầu tiên ở thị trấn, tranh thủ nghỉ ngơi một lúc, tôi và Sói em bắt đầu lang thang dạo khắp hai dãy phố chính để tìm quán ăn. Đi lòng vòng một hồi lại quay về gần chỗ trọ, hai đứa thử chui vào cái quán đối diện với doanh trại quân đội, cuối cùng lại tìm được địa chỉ ăn uống rất ưng ý cho cả thời gian trọ ở Darchen.
Quán Thần Sơn Như Ý (Shen Shan Ru Yi can guan - 深山如意餐馆馆) - địa chỉ chúng tôi highly recommend cho các bạn đến đây để hành hương Kailash

https://c1.staticflickr.com/9/8612/16631469128_b7353c6475_b.jpg

Quán Thần Sơn Như Ý, anh chủ quán rất dễ thương, niềm nở mà nhanh ý. Chả thế mà Sói em thì khen “anh chủ thông minh, khéo léo, tháo vát, đảm đang, nói đâu hiểu đấy. Hàng quán gọn gàng, sạch sẽ. Giá cả mềm mại, phải chăng. Sang Tibet, chưa bao giờ em đặt món ăn theo khẩu vị Việt mà nhàn như ở đây, đầu bếp hiểu ý nhanh và làm quá đúng ý. Kết cái quán nhà này quá đi”, còn cô Sushi-La trong đội chúng tôi thì cứ tấm tắc nhắc đi nhắc lại một câu “phải lấy người như anh”.

Phải lấy người như anh là đây :D

https://c1.staticflickr.com/1/256/19464874759_1f6769518f_b.jpg
(ảnh La)

an_bo_o_bui
13-07-2015, 15:17
Cảm ơn bạn Gemini76 nhiều.

Vậy tôi sẽ đi Tibet trước khi nào bạn lập group đi Khả Khả Tây Lý thì ới tôi một tiếng để tôi bám càng với (c)

an_bo_o_bui
21-07-2015, 15:32
@gemini1976 giúp tôi với: tôi định đi chương trình giống bạn chỉ khác là sau khi đi gugu king dom thì quay về Lhasa, với 14 ngày. Chi phí tour bạn là bao nuiêu? Tibet RIT Travel quote tôi là 2680$/pax cho Group 3 người. Vậy có vẻ như đắt hơn các mơi khác nhièu phải không?

Gemini1976
21-07-2015, 17:36
Bạn an_bo_o_bui thân mến,

Giá tour còn tùy thuộc vào loại xe, loại phòng và thời gian bạn đi có phải là cao điểm hay không. Năm ngoái nhóm chúng tôi (5 người) đi vào dịp tháng 9 cũng là cao điểm. Chúng tôi đi xe minibus, phòng 2 đêm ở Lhasa và 1 đêm ở Shigatse là 2* hoặc 3* (về sau ở Shigatse lại được ở phòng 4*), còn các nơi khác đều là phòng dorm.

Giá tour của nhóm tôi năm ngoái là $1570/pax, cụ thể như sau:
Tour cost includes:
• All necessary tibet permits
• Tibetan English speaking tour guide per itinerary
• Accommodation medium hotel with 2 people 1 twin bed room. 2 night in Lhasa and 1 night in Shigatse
• Accommodation guest house in Saga/Darchen/Guge/Kora
• Transport Mini Bus
• Driver
• Monastery entrance ticket
• Yamdrok Lake & Karo-la glacier entrance ticket
• Kailash & Lake manasarova entrance ticket
• Guge Kingdom entrance ticket
• Kailash kora porter or Yak for luggage
• Peiku Tso lake & road tax for clients & bus
• Guide & drive’s food and accommodation

Tour cost doesn’t include:

• Chinese visa fees
• Nepal part arrangement
• Lunch & dinner in Lhasa and Shigatse
• Meals; breakfast/lunch/dinner from Saga to Kailash/kora/Guge/Saga
• Personal expense of bar, bill, water...etc

Nhóm bạn có 3 người, hẳn là sẽ đi xe Landcruise? Tuy nhiên cái giá $2680 nhà tour quote bạn có vẻ cao quá nhỉ. Bạn nên deal lại với nhà tour xem thế nào.
Mình cũng recommend bạn nên đi xe Land cho thoải mái, còn lấy sức cho những ngày leo núi. Năm ngoái bọn mình đi xe minibus 24 chỗ, tuy rộng rãi nhưng xe cũ, giảm xóc kém nên rất mệt.

Gemini1976
21-07-2015, 18:26
Darchen

Nằm dưới chân Kailash huyền thoại thuộc dãy Bắc Himalaya, Darchen được biết đến là điểm check-in quan trọng cho Phật tử và khách hành hương lên phía Tây, điểm xuất phát của vòng kora quanh ngọn núi thiêng. Vốn chỉ là một ngôi làng nhỏ dưới chân núi hẻo lánh, do nhu cầu hành hương, Darchen ngày nay đã được mở rộng thành một thị trấn nhỏ với hai dãy phố chính và một doanh trại quân đội đồn trú. Ánh sáng văn minh đã đến theo lượng khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây nhưng điều kiện sinh hoạt cũng không khá hơn trước bao nhiêu. Đường đã được trải bê tông và bó vỉa khá sạch sẽ, đèn đường và những siêu thị mới mọc lên xen lẫn giữa những kiot bán hàng, toàn bộ mặt tiền các ngôi nhà dọc phố đều được quy hoạch và xây theo một kiểu thống nhất nhưng phía bên trong vẫn rất lụp xụp. Trên hai con phố chính, ô tô, xe máy cùng lưu thông với khách bộ hành và cả bò, dê, ngựa - rất tự nhiên, chả ảnh hưởng gì đến nhau.

https://c1.staticflickr.com/9/8713/16739555350_69cbf103e4_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/8/7633/16740799639_ea6f32a587_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8572/16611022207_f81a29bb1b_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8746/16304595164_9f7994e173_b.jpg
(ảnh NL)

Darchen chiều chúng tôi đến, nắng đổ rát trên phố và những dãy nhà thấp chạy dọc theo con dốc vào thị trấn. Tìm được một nhà trọ ở phía gần doanh trại quân đội với mảnh sân rải sỏi vừa làm chỗ đậu xe vừa kê mấy bàn bi-da, vừa nhận phòng xong, Samdrup đã bảo chúng tôi nếu thuê ngựa thì phải đặt tiền ngay. Trong năm đặc biệt này, chính quyền đã hạn chế khách vào Darchen và quy định số lượng khách check-in hàng ngày vào thị trấn không được vượt quá 90 người/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn cao nên ngựa và porter năm nay khá hiếm. Rút kinh nghiệm từ nhóm bạn June, chúng tôi đã phải thỏa thuận ngay từ đầu về người dắt ngựa. Giá thuê ngựa năm nay là 1380 RMB/ngựa (bao gồm cả nài) cho cả ba ngày leo núi và cả nhóm sẽ được luân phiên cưỡi ngựa (chứ không phải chỉ dành cho một người cưỡi trong suốt cả hành trình).

Do đã mất một ngày tại Ngamring vì hỏng xe nhưng cũng không thực hiện được kế hoạch đi Inner kora như dự kiến, chúng tôi vẫn có nguyên một ngày nghỉ ngơi ở Darchen. Sáng hôm ấy, tôi và Sói em dậy trước dạo phố và đặt ăn sáng. 6h30, bầu trời mới ửng hồng, thị trấn dường như vẫn còn ngái ngủ. Lúc chúng tôi bước vào quán Thần Sơn Như Ý cũng là lúc một đoàn khách hành hương bắt đầu khởi hành từ đầu thị trấn đi về phía doanh trại. Ngắm đoàn hành hương chừng 20 người trang bị nai nịt kỹ càng, người nào cũng hai tay hai gậy chầm chậm leo dốc, tôi bỗng thấy hồi hộp. Ngày mai chúng tôi cũng như họ, sẽ xuất phát sớm từ đây.

https://c1.staticflickr.com/9/8701/16818325455_f008c54ea7_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8600/16817214862_989f33593b_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7611/16818324385_f084a9ea98_b.jpg

an_bo_o_bui
21-07-2015, 18:58
Cảm ơn bạn nhiều,
Tour của tôi giá cũng include tương đương như bạn, Ở thì phần nhiều là báo ở dorm, đây bạn xem
price include
+ All necessary travel permits
+ English speaking tour guide per itinerary
+ Accommodation Medium Hotel in Lhasa /Gynagtse/Shegatse/Shegar/Lhasa
+ Accommodation from Everest/Saga/Darchen/Kailash kora/Manasarovar guest house with dome room
+ Transport Mini Bus
+ Everest ticket for Bus
+ Everest ticket for clients and guide
+ kailash and lake Manasarovar tickets
+ Admission tickets
+ Pekutso road tax
Tôi đi vào giữa tháng 10 này
Giá hiện đã giảm xuống 2350$/pax
Thấy nhiều bạn khen Tibet Fit mà giá thế này chắc phải tìm cty khác mất

Gemini1976
22-07-2015, 12:53
Darchen ngày chuẩn bị kora

Mùng 6/9/2014

Lúc ăn sáng cũng là lúc tôi nhận thấy tình hình sức khỏe của mọi người trong nhóm không ổn. Anh T hôm qua mới chỉ hắt hơi và hơi sụt sịt thì hôm nay bắt đầu ho mặc dù đã uống paracetamol, không biết có phải do ảnh hưởng của việc giặt giũ bằng nước giếng lạnh buốt hôm ở Tirthapuri hay không. Chị NL cũng có cảm giác ăn kém hơn mọi ngày, vẻ mệt mỏi lộ trên gương mặt và làn môi tím tái. Mọi loại thuốc kháng sinh, thuốc chống cảm cúm và xịt mũi bắt đầu được cuống cuồng lôi ra cho người ốm với hy vọng có thể phục hồi được trước khi bước vào vòng kora.
Bình thường, Sói em là người yếu nhất trong nhóm nên ban đầu chúng tôi chỉ định thuê một ngựa cho em. Nhưng sau khi bàn bạc, chúng tôi đã quyết định thuê hai con ngựa để mọi người trong nhóm có thể luân phiên cưỡi khi mệt. Cả ngày hôm ấy, chúng tôi chỉ lang thang quanh thị trấn để mua nốt vài thứ đồ cho chuyến leo núi như gậy, snicker, hoa quả mang theo…

Buổi sớm ở thị trấn
https://c2.staticflickr.com/8/7619/16719680447_e52fd7963f_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8717/16927033095_33e6c61757_b.jpg

quầy bán đồ lưu niệm bên đường
https://c2.staticflickr.com/8/7625/16739573680_07370438ab_b.jpg

Lung ta
https://c1.staticflickr.com/9/8651/16632201829_023ef78dc7_b.jpg

Những khuôn mặt đáng yêu
https://c2.staticflickr.com/8/7626/16792442736_c70b7b21e0_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8631/16792443076_6c4e60d06b_b.jpg

Buổi tối, cả nhóm bắt đầu chuẩn bị đồ cho 3 ngày leo núi, xạc pin tất cả máy ảnh, điện thoại và power-bank mang theo. Toàn bộ đồ ăn (bao gồm mỳ tôm, phô mai dây, ruốc thịt, chocolate, trà gừng…), các loại thuốc, túi ngủ, áo ấm dự phòng… đều được xếp gọn vào hai balo 65L để buộc lên lưng yak, mỗi đứa chỉ mang theo một balo 24L để đựng máy ảnh, đồ ăn, bình nước nóng và các vật dụng cá nhân. Chị NL còn cẩn thận bắt mỗi đứa phải cất một lọ cao nguyên khang vào balo cá nhân để dùng khi khẩn cấp. Tất cả vali và đống hành lý còn lại đều xếp hết lên ô tô. Lúc ấy, bỗng lại sống lại cái cảm giác hồi hộp y như hôm ở nhà khi chuẩn bị pack đồ cho chuyến đi dài ngày. Với tôi, lúc này dường như mới thực sự bước vào cuộc hành trình.

Trăng mười ba đêm ấy tuyệt đẹp, vầng trăng sáng rỡ giữa bầu trời trong vắt không gợn mây. Ở đây, trên độ cao 4600 này, trăng dường như cũng to tròn hơn khi ở nhà. Lại thấy háo hức nghĩ đến đêm mai - trăng mười bốn trên đường kora. Nhớ đến lời cụ Nguyễn trong Vang bóng một thời: “Trăng mười bốn bao giờ cũng khéo hơn trăng rằm. Ngày mười bốn là ngày vừng trăng đi tới chỗ toàn thịnh. Ngắm vừng trăng rằm, người tinh ý sẽ nhận thấy cái vẻ sắp tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì”

Phải, tôi vẫn mơ đến đêm trăng ấy từ lâu rồi, trăng tròn để dành cho ngày đi Kailash, lời hẹn ước đã sắp viên thành. Đêm mai, đêm mai chúng tôi sẽ được ngắm vầng trăng tròn đầy tỏa sáng trên ngọn núi thiêng ấy.

Nửa đêm, ánh trăng chiếu qua cửa sổ vào tận giữa phòng. Nằm thao thức mãi không ngủ được, bỗng thấy nhớ nhà quay quắt.

Đầu giường trăng sáng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Tĩnh dạ tứ - Lý Bạch)

Gemini1976
22-07-2015, 17:54
Kailash kora - ngày thứ nhất

Ngày 7/9/2014

Đêm hôm trước thao thức mãi không ngủ được, đến sớm mới chập chờn ngủ được một lúc thì Samdrup đã đập cửa gọi chúng tôi dậy để chuẩn bị khởi hành. Cả nhóm nhanh chóng dậy sắp xếp đồ đạc và khoác balo rời nhà trọ. Trời vẫn còn tối mịt, chúng tôi thập thững bước theo Samdrup ra con đường mòn trước nhà trọ, bác tài cũng mang giúp một balo đô đi cùng chúng tôi vào chân núi. Còn rất sớm nhưng đã có nhiều nhóm hành hương cũng khởi hành, chủ yếu là người Tạng. Trên con đường tối mờ lúp xúp những bụi cây thấp ven đường, chỉ thấy loang loáng ánh đèn pin và rì rầm tiếng niệm chú, lách cách tiếng quay mani của người hành hương buổi sớm.

Từ thị trấn Darchen vào điểm check-in ở chân núi khoảng 7 km, đây cũng là điểm tập kết đầu tiên cho các đoàn hành hương, quãng đường này vẫn có thể đi ô tô nhưng từ hôm trước chúng tôi đã thống nhất là sẽ đi bộ. 7 km đầu tiên này cảm giác sao mà ì ạch, có lẽ vì vẫn còn ngái ngủ. Riêng tôi, cảm giác còn khó chịu hơn vì sương táp làm mũi bít tắc không thở được (đây là hậu quả của đợt viêm họng kéo dài hơn một tháng trước khi lên đường mà vẫn chưa khỏi dứt, dù đã uống thêm 5 ngày kháng sinh liều cao khi đến Lhasa). Phải mất 30 phút mới quen bước chân.

Điểm check-in trong chân núi là một cái lều dã chiến khá rộng, nhân viên PSB mặc quân phục, khoác súng và mặt lạnh tanh đứng lố nhố cả trong và ngoài lều. Trời còn chưa tỏ, chúng tôi lại một lần nữa phải xuất trình hộ chiếu và đưa balô qua máy soi. Lại một màn hỏi han loạn xị và con dao đa năng trong balo của Sói em đã không qua được cửa máy soi, cuối cùng đành phải gửi bác tài cầm về Darchen vì nhân viên PSB không cho phép mang dao đi kora. Thật là nực cười.

Hoàn tất thủ tục check-in xong thì trời cũng bắt đầu hửng sáng, cả nhóm tranh thủ ngồi nghỉ chân gặm lương khô, đợi Samdrup gọi người dắt ngựa đến và hỏi thuê bò yak chở đồ. Kết quả là không có yak trong khi chưa ai có nhu cầu cưỡi ngựa, chúng tôi đành chất tạm mấy cái balo to tướng lên lưng hai con ngựa.

Những bước chân đầu tiến vào Thành thiên đế, những sắc núi mang khuôn mặt thời gian.

https://c2.staticflickr.com/8/7605/16696258758_f9286df061_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8589/16647183420_ddddcd8a40_b.jpg
(ảnh NL)

Gần tới chorten đầu tiên ở Taboche, trời đầy mây nên chúng tôi đã không thể nhìn thấy Kailash (vốn nằm ở góc phải phía trên của ảnh)

https://c2.staticflickr.com/8/7641/16739455458_9edcf047de_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/8/7594/16901199216_b35b84a015_b.jpg
(ảnh NL)

Nếu lúc ấy trời nắng, ở góc đó chúng tôi đã có thể thấy được Kailash như thế này

https://c1.staticflickr.com/1/535/19723254030_540dc59802_z.jpg
(ảnh sưu tầm)

Gemini1976
30-07-2015, 19:02
Tarboche

Chorten đầu tiên ở Tarboche, hướng quay về phía thị trấn Darchen:

https://c1.staticflickr.com/9/8702/16719815847_6991afea72_b.jpg
(ảnh NL)

Tương truyền, đây là nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết pháp cho 500 vị Bồ Tát và A La Hán. Theo truyền thuyết, đây cũng là nơi chôn cất thi hài 84 vị đại Lạt Ma học trò của tổ sư Liên Hoa Sinh. Tarboche là một trong năm điểm quan trọng trên đường hành hương Kailash kora. Theo quan niệm của Mật Tông Tây Tạng, vòng Kailash kora có 4 ngôi chùa theo nằm theo phương vị của Mandala Ngũ Trí Như Lai: (1) Tarboche nằm ở phương vị của Diệu Quán Sát Trí - Bảo Sinh Như Lai, (2) Dirapuk nằm ở phương vị của Bình Đẳng Tánh Trí - A Di Đà Phật, (3) Zutupuk nằm ở phương vị của Thành Sở Tác Trí - Bất Không Thành Tựu Như Lai và (4) Seralung nằm ở phương vị của Đại Viên Cảnh Trí - A Súc Như Lai. (Seralung chính là ngôi chùa nằm ở ngay cửa ngõ vào Kailash, trên đường đi Inner Kora, nơi khách hành hương bị cấm vào trong năm con ngựa 2014). Còn ngôi chùa thứ 5 ở trung ương đàn tràng Mandala Ngũ Trí Như Lai chính là đỉnh Kailash - bàn thờ linh thiêng, nơi tôn thờ Pháp Thân Phật Tỳ Lô Gia Na, là núi Tudi trong Phật giáo.

Đứng từ đây hướng về phía Kailash, đã thấy cả không gian ngập chìm trong lung ta ngũ sắc. Đây chính là nơi diễn ra lễ Saga Dawa - ngày lễ quan trọng nhất của Mật tông Tây Tạng. Lễ hội này thường rơi vào ngày trăng tròn tháng tư theo lịch Tạng - là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt giác ngộ và nhập Niết Bàn. Trong ngày lễ thiêng liêng này, người Tạng thay cột phướn cũ bằng cột phướn mới trong một nghi lễ long trọng do các vị Lạt ma chủ trì và rất đông người hành hương tham dự. Cột phướn mới dựng nếu thẳng đứng sẽ là điềm lành cho một năm no ấm, mùa màng bội thu.

https://c1.staticflickr.com/9/8670/16198433253_7e7c9d1259_b.jpg

Phước lành từ kinh Phật trên lungta theo gió trải khắp không gian. Những người Tạng hành hương đến đây đều thực hiện nghi thức đi kora quanh cột phướn cầu nguyện này.
https://c1.staticflickr.com/9/8745/16599891227_aa303e6457_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8638/16300127851_0a644888d1_b.jpg
(ảnh NL)

Bầu trời phía trước chúng tôi vẫn đầy mây xám che mờ cả ngọn núi thiêng, nhưng ngoảnh lại, phía thị trấn Darchen chan hòa trong một ngày nắng đẹp

https://c2.staticflickr.com/8/7616/16806050991_4ccd9e8c90_b.jpg


https://c2.staticflickr.com/8/7591/16781298776_994841b50b_b.jpg

sushi
02-08-2015, 10:57
Trời lại vào thu rồi, mưa lâm thâm dễ khiến người ta ăn mày dĩ vãng, nhớ lại những nơi đã đi qua. Cảm ơn chị Gemini nhiều, vì chính em đã trải qua cùng chị nhưng cũng ko thể nhớ thật chi tiết như chị được :D. Những ngày ở Darchen phải nói là những ngày chật vật, khó khăn nhất của cuộc hành trình. Chị quên ko kể lại đêm đầu tiên ở Darchen mà hầu như ko ai ngủ được. Cả đêm là những tiếng thơ dài khe khẽ, những cái trở mình trằn trọc. Việc mất ngủ như giọt nước tràn ly, làm cho ai cũng trong tâm trạng bức bối, nóng tính, và cáu bẳn được dồn nén trong suốt hành trình dài. Không chỉ những khó khăn về ngoại cảnh, mà chính những suy nghĩ bên trong bên trong mỗi người cũng khiến khuôn mặt ai cũng đăm chiêu. Nhưng rồi, vượt qua tất cả, chúng ta đã có 3 ngày kora thật đẹp. Nhìn lại chặng đường đã đi qua thấy sao thong thả, bình yên đến thế... Chỉ biết ngả mũ, cúi đầu, cảm ơn Ngài đã chọn chúng ta...
P/s:@ Chị Gemini ơi, sao có nhiều ảnh bị lỗi hay sao ấy mà ko xem được?

Gemini1976
04-08-2015, 00:11
Những khuôn mặt gặp trên đường kora

Mới ngày đầu trên đường kora, tôi đã gặp biết bao khuôn mặt như thế, những người Tạng mộ đạo. Chúng tôi gặp họ, không biết nói gì ngoài câu chào “Tashi deleg”, và nhận lại là những nụ cười, những ánh mắt đầy thân thiện trìu mến.

Người phụ nữ này đi hành hương cùng đứa con nhỏ chừng 3 tuổi. Chúng tôi gặp hai mẹ con chị lúc vừa đi qua Tarboche. Người mẹ thành kính hành lễ tam bộ nhất bái, em bé cứ lũn cũn đi theo mẹ. Hành lễ được một đoạn, chị lại dừng lại để lau mũi cho con và tranh thủ cho em bé ăn uống.

https://c2.staticflickr.com/8/7591/16621043649_1fe7baef57_b.jpg

Một người Tạng khỏe mạnh có thể hoàn thành vòng kora trong 14 tiếng đồng hồ. Chúng tôi, những khách đường xa đến đây sẽ mất 3 ngày để đi nhiễu quanh ngọn núi thiêng. Còn hai mẹ con chị, một người phụ nữ hành hương theo nghi thức tam bộ nhất bái với một đứa con nhỏ đi cùng, những ngày tiếp theo sẽ là những con dốc dựng đứng toàn đá hộc, là ngọn đèo cao hơn 5.600m, là cái lạnh như cắt da cắt thịt, họ sẽ mất bao lâu? Sự nhẫn nại của họ dường như đã cho tôi câu trả lời: bao lâu không quan trọng bởi lòng mộ đạo nhất định sẽ đưa họ đến đích.

Đây là một gia đình trên đường hành hương, có cả người già và trẻ nhỏ. Họ vui vẻ đáp lại lời chào “Tashi deleg” của chúng tôi và sẵn sàng chỉ cho chúng tôi trên bản đồ vị trí mình đang đứng.

https://c1.staticflickr.com/9/8739/16620994199_97e88493a4_b.jpg

Người mẹ trẻ ẵm con theo gia đình đi hành hương, ánh mắt như biết nói vậy

https://c2.staticflickr.com/8/7627/16806060061_38ca6c9204_b.jpg

Còn đây, hai thiếu phụ cũng đang hành lễ tam bộ nhất bái

https://c1.staticflickr.com/9/8692/16739421708_b472a6a557_b.jpg
(ảnh NL)

Khi thấy ống kính hướng về phía mình, liền đứng thẳng và chắp tay trước ngực mỉm cười, nét mặt ngời lên thật an nhiên và tươi tắn.

https://c2.staticflickr.com/8/7648/16647343550_b6322a7b7f_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/8/7616/16696619720_8f1c3d172b_b.jpg
(ảnh NL)

Họ từ khắp nơi trên đất Tạng hành hương về đây, chặng đường biết bao khó nhọc. Khuôn mặt họ còn hằn những nét lam lũ nhưng ánh mắt vẫn ngời lên đức tin sâu thẳm. Lần trước Tenzin đã từng bảo tôi có những người cả đời dành dụm vất vả chỉ để một lần trong đời được đi hành hương Kailash. Ở vùng đất mà hơn nghìn năm nay, đạo Phật như một đóa tuyết liên vẫn âm thầm tỏa hương trong cái khắc nghiệt của cao nguyên, niềm tin tôn giáo đã thấm nhuần vào đời sống, vào tâm thế và cách hành xử của con người. Cứ thế, đời này qua đời khác, những con người ấy, họ nối dài thêm những đoàn người hành hương, làm thành một dòng chảy miên viễn, vô thủy vô chung của đức tin vĩnh cửu trên vùng đất thiêng.

https://c1.staticflickr.com/9/8577/16834323865_f3b82a355c_b.jpg


https://c1.staticflickr.com/9/8699/16781469806_63e649144c_b.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
05-08-2015, 00:12
Kailash kora - ngày thứ nhất

Ngày kora đầu tiên là chặng đường khoảng 20km, đi từ độ cao 4.660m đến 5.080. Đường đi dọc sông Lhachu, không quá dốc nên chúng tôi xác định cả ngày hôm nay cứ đi thong thả để vừa ngắm cảnh vừa giữ sức cho ngày kora thứ hai. Từ Tarboche, hòa vào dòng người hành hương, chúng tôi tiếp tục tiến vào Thành Thiên Đế. Lúc này trời đã bớt mây, cả vùng thung lũng sông Lhachu ngập tràn trong cái nắng đầu thu trong trẻo lành lạnh.

https://c2.staticflickr.com/8/7653/16196187504_3179596b36_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8702/16184826744_e8e312033c_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7635/16719741507_76fa085b37_b.jpg
(ảnh NL)

Đến Teahouse đầu tiên ở Sershong, cả nhóm ghé vào gọi trà bơ nhấm với lương khô. Căn lều chật chội và ấm sực, nồng mùi trà bơ. Chị chủ quán người Tạng có đứa con trai thật là láu lỉnh, chú bé rất bạo dạn, chụp ảnh chung với khách rất tự nhiên và háo hức lao vào đòi xem ảnh ngay lập tức.

https://c1.staticflickr.com/1/371/19661839534_db7a43073c_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7638/16212167274_8df4d27835_b.jpg

Khách Tạng thường ghé vào đây mua trà bơ để nhào tsampa, 20 tệ cho một phích trà loãng toẹt.

https://c2.staticflickr.com/8/7596/16833403802_97294b9616_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7650/16833429621_2d5641ceaa_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7634/16646984218_2d85414e11_b.jpg

Gemini1976
05-08-2015, 00:49
Kailash kora - ngày thứ nhất

Qua khỏi Teahouse đầu tiên, con sông Lhachu đã mở rộng hơn về phía thượng nguồn. Con đường vẫn mải miết kéo dài một vệt bên bờ phía đông của con sông. Trên vách núi phía xa ở bờ tây sông Lhachu, thấy thấp thoáng những dải lungta ngũ sắc bao quanh một tu viện nằm cheo leo trên vách đá. Lúc đó không có Samdrup ở gần để hỏi nhưng tôi đoán chắc chắn đó là Tu viện Chuku của Latma Gotsangpa.

https://c1.staticflickr.com/9/8636/16807160955_a5eddf5cbe_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8656/16626921207_1155565084_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8684/16806244262_dc04f3f6e3_b.jpg

Đàn ngựa gặm cỏ trong thung lũng bình yên

https://c2.staticflickr.com/8/7606/16807340305_0e16f71cd0_b.jpg

Còn đây là chàng guide của chúng tôi bên 2 con ngựa mới thuê

https://c1.staticflickr.com/9/8661/16301921545_57ce265d5f_b.jpg
(ảnh NL)

Những đàn yak lầm lũi chở đồ, bao tải chất nặng trên lưng

https://c2.staticflickr.com/8/7588/16631149450_98ae8d9f67_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7612/16611225627_ac5234ccb6_b.jpg

Lại gặp lại gia đình người Tạng lúc sáng đang nghỉ chân nhóm bếp đun trà

https://c2.staticflickr.com/8/7623/16818531155_595909ddf9_b.jpg

Đá nguyện bên đường

https://c2.staticflickr.com/8/7586/16817485012_dfe0c948a5_b.jpg

Gemini1976
08-08-2015, 00:50
Kailash kora - ngày thứ nhất

Bữa trưa nhanh gọn diễn ra trên đường với lương khô và chocolate. Cái balo cá nhân lúc này với Sói em dường như đã quá nặng. Cô bé đành chất balo lên lưng ngựa nhưng vẫn kiên quyết đi bộ chứ chưa dùng đến “quyền trợ giúp”. Đường đi lúc này đã bắt đầu có những đoạn dốc men theo dọc sông. Chúng tôi chỉ có 5 người nhưng tốc độ không đều nhau nên qua bữa trưa thì đã chia thành 3 nhóm. Chị NL và La luôn dẫn đầu, anh T đi giữa, Sói em mệt nhất đi sau cùng nên tôi nán lại đi cùng em để chốt đoàn luôn.

https://c2.staticflickr.com/4/3762/19751597874_46dee8b48b_b.jpg
(ảnh NL)

Con đường nhỏ bám theo dòng Lhachu, có những đoạn nước chảy khá xiết

https://c1.staticflickr.com/9/8615/16621212619_ab05a06193_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/487/20374239035_ca9e23a81e_b.jpg
(ảnh NL)

Có những đoạn dòng nước lại cạn khô để lộ ra bãi sông đầy sỏi đá. Chúng tôi cứ chậm rãi đi. Đằng trước và đằng sau, những nhóm khách hành hương cũng đang cắm cúi trên con đường cuốn đầy bụi, một bên là bãi sông mùa cạn, một bên là những dãy núi hình thù kỳ dị. Và trên đầu, trời cứ mải miết xanh, mây cứ mải miết trắng. Có những lúc, đầu óc dường như không còn nghĩ đến việc gì khác ngoài việc kìm nén đếm từng hơi thở để giữ bước chân theo một quán tính đều đều.

https://c2.staticflickr.com/4/3691/20374824155_a0d6c40c5a_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/494/19753220694_b2a0d94151_b.jpg

Gemini1976
08-08-2015, 01:12
Kailash kora - ngày thứ nhất

Đi tiếp con dốc nữa, trước mắt lại hiện ra những mảng màu rực rỡ và tai đã nghe thấy tiếng phần phật của lung ta ngũ sắc bay trong gió. Vậy là đã sắp đến điểm hành lễ thứ hai trên đường kora ngày đầu (sau điểm hành lễ đầu tiên ở Tarboche), cũng có nghĩa là sắp được chiêm bái mặt tây nam của Kailash. Bỗng dưng thấy phấn chấn hẳn lên, bước chân cũng nhẹ nhàng hơn.

https://c1.staticflickr.com/1/530/20331585106_dda8c731b7_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/4/3698/20349344562_fdb52ae085_b.jpg

Và đây, phần chân của tấm gương lõm khổng lồ đang dần hiện ra trong màn mây.

https://c1.staticflickr.com/1/513/19735182904_9dc00e691e_b.jpg

Vài phút sau, ngọn núi thiêng lóng lánh tuyết phủ đã hiện ra uy nghi giữa trời xanh và mây trắng - mặt tây nam của Kailash lúc 14h20.

https://c1.staticflickr.com/1/267/20357780205_4ff61edc4f_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/274/20331531296_9ac06a0ebd_b.jpg

Dường như không khí loãng trên độ cao 4800m này lại gây ảo giác khiến cho tôi nhìn thấy đỉnh núi ở rất gần, tưởng như chỉ leo lên thêm vài chục bước là có thể tiếp cận sát được. Cảm giác lúc này thật là khó tả, sau hơn 7 tiếng đồng hồ đi bộ từ lúc sáng sớm, bước chân nhiều lúc đã thấy rã rời bỗng ngọn núi thiêng hiện ra ở ngay trước mặt, gần đến mức dường như có thể sắp chạm tới được, tâm thức bỗng trở nên bừng sáng trước tấm gương lấp lánh đầy uy lực trước mắt - khiến cho ta cảm nhận được cả sức hút từ những năng lực vô hình quy tụ xung quanh đỉnh tuyết sáng chói kia.

https://c1.staticflickr.com/1/481/20349291072_8243a306b7_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7614/16818576465_64d59a03d0_b.jpg

Thời tiết thay đổi rất nhanh và tốc độ di chuyển không đều nhau đã cho chúng tôi có được những tấm ảnh mặt tây nam Kailash ở những sắc độ khác nhau. Trước tôi chừng 15 phút, chị NL và La đã ghi lại được hình ảnh ngọn núi như thế này

https://c1.staticflickr.com/1/533/20349871516_b324627f12_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/1/400/20349888886_c0f7b8f488_b.jpg
(ảnh NL)

Kailash - đoạn trước cửa Teahouse thứ hai

https://c2.staticflickr.com/8/7286/16212286704_1389f0a4bb_b.jpg
(ảnh La)

langthang06
18-08-2015, 12:20
Thời tiết khi bạn đi Kailash có vẻ thuận lợi.
Tháng 9 băng tan nên quang cảnh đường đi nhiều mầu sắc thật.
Thời gian mình đi xung quanh chỉ một mầu trắng và xám. Xem ảnh của bạn như nhìn thấy lại được cảnh sắc, núi non mình đã từng đi qua.

Đôi chân lại muốn nhúc nhích lại :).
Lại thèm cái cảm giác trời mây cao rộng, nhớ không khí đậm chất Tibet. Nhớ những con đường mòn Kailash


Chia sẻ với bạn vài ảnh Kailash ở một thời điểm khác (tháng 5)

Tuyết rơi mau khi chúng tôi bắt đầu hành trình Kailash

https://i136.photobucket.com/albums/q176/hot07vn/Kailash/IMG_3721a.jpg (http://s136.photobucket.com/user/hot07vn/media/Kailash/IMG_3721a.jpg.html)



Trời xanh trong được một lát khi bắt đầu bước vào tượng đài huyền thoại Gompopang (theo trong vòng tay Sambala)

https://i136.photobucket.com/albums/q176/hot07vn/Kailash/IMG_3735%201.jpg (http://s136.photobucket.com/user/hot07vn/media/Kailash/IMG_3735%201.jpg.html)


Khi đến chân Kailash, gần lều tạm nghỉ, trời lại mây tuyết giăng kín

https://i136.photobucket.com/albums/q176/hot07vn/Kailash/Kailash%201.jpg (http://s136.photobucket.com/user/hot07vn/media/Kailash/Kailash%201.jpg.html)

Gemini1976
23-08-2015, 22:15
Tượng đài Gompopang

Cảm ơn bạn Langthang06 đã chia sẻ những hình ảnh về hành trình của bạn. Hôm nay cũng là vừa tròn một năm ngày chúng tôi nhận được Kailash permit sau thời gian dài đợi chờ căng thẳng. Lại thấy da diết nhớ những ngày kora mùa thu năm ngoái. Hồi chúng tôi đi là đầu tháng 9, tiết trời cuối hạ đầu thu, ban ngày hơi se lạnh và nắng chan hòa nên đúng là mọi cảnh vật hiện lên trong suốt và rực rỡ hơn, ban đêm rất lạnh nhưng có lẽ chỉ có ở những nơi rất cao mới có tuyết rơi. Buổi trưa ngày kora thứ hai khi chúng tôi lên đến đỉnh đèo Dorma-la vẫn thấy tuyết phủ đầy trên Lungta và đang tan chảy thành từng vệt dài trên đường.

Đúng là trời nắng thì cảnh sắc tươi sáng hơn nhưng tôi lại thấy rất thích tấm ảnh mặt tây nam Kailash bí ẩn trong làn hơi mây và tuyết phủ mờ này của Langthang06:


https://i136.photobucket.com/albums/q176/hot07vn/Kailash/Kailash%201.jpg (http://s136.photobucket.com/user/hot07vn/media/Kailash/Kailash%201.jpg.html)

Về tượng đài Gompopang: trong thời gian chuẩn bị hành hương Kailash, chúng tôi cũng đã đọc khá nhiều tài liệu và “Trong vòng tay Sambala” là một trong những cuốn thuộc loại must-read. Khi bắt đầu tiến vào đường kora, tôi cũng đã cố thử liên hệ những điều đã đọc được với những mỏm núi hình thù kỳ dị bên đường, đặc biệt là mỏm đá huyền thoại trên cửa ngõ vào Thành Thiên Đế - Tượng đài Mỹ La Tinh như TS Mundashev và cộng sự của ông đã từng gọi.

Theo luận điểm của Mundashep, toàn bộ khu vực Thành Thiên Đế bao gồm rất nhiều kim tự tháp, được xây dựng bởi bốn chủng người là người giống Tiên, giống Ma, người Lemuri và người Atlan trong thời gian cách đây khoảng 850 ngàn năm. Tượng đài Gompopang là một trong nhưng tác phẩm nghệ thuật đồ sộ được xây dựng thời kỳ ấy, nó khắc họa hình ảnh 4 giống người ưu tú đã tạo nên tổ hợp Thành Thiên Đế kỳ vĩ và bí ẩn này.

https://c2.staticflickr.com/8/7286/16808785716_137679d93a_b.jpg

Theo Phật giáo Mật tông, đây cũng là một trong những tượng đài thiêng liêng nằm trong Mandala Kalachakra vĩ đại mà trung tâm là ngôi đền thiên tạo Kailash. Từ lúc bước vào đây, chúng tôi đã cảm thấy cảnh vật xung quanh chứa đựng một bầu không khí đầy bí ẩn, dường như những năng lượng vô hình với sức mạnh tàng ẩn trên cái đỉnh đá kia đang tỏa khắp không gian quanh nơi chúng tôi đứng và trong tâm tưởng như đã thấu triệt rằng “trong Thành Thiên Đế kỳ lạ này, mọi cái đều sâu đậm hơn, cả cảm xúc lẫn ý nghĩ và nhiều cái khác” (lời Mundashep). Chúng tôi cũng đã dừng lại nơi này, ngắm mỏm đá huyền thoại ấy rất lâu, cố gắng tưởng tượng ra những hình người và cái thang bắc lên trời trên đó nhưng vẫn cứ cảm thấy nhưng suy luận của Mundashev có vẻ khiên cưỡng. Cá nhân tôi vẫn nghiêng về quan điểm đây là tạo tác vĩ đại của tự nhiên, là kết quả quá trình bào mòn lâu dài của gió và nước hơn là sản phẩm của bàn tay con người.

https://c2.staticflickr.com/8/7633/16214723153_a5c6fd42d8_b.jpg
(ảnh La)

https://c1.staticflickr.com/9/8696/16631031598_0e3fb2dedf_b.jpg

Gemini1976
24-08-2015, 20:20
Kailash kora - ngày thứ nhất (tiếp)

Kailash đoạn qua Teahouse thứ hai

https://c1.staticflickr.com/1/723/20221785053_dfc0f7c4ab_b.jpg

Qua khỏi tượng đài Gampopang, con đường vẫn mải miết kéo dài trong thung lũng. Samdrup cùng hai chú nài đã dắt ngựa đi tít lên phía trước. Lúc này mới khoảng 4h30 nhưng nắng nhạt dần và phía trước con đường, mây mù đã tràn tới, bầu trời mọng nước báo hiệu một cơn mưa sắp đến.

https://c2.staticflickr.com/6/5821/20833211562_bde6ddca73_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5713/20816480946_8b4e606b54_b.jpg

Và cơn mưa tới khi chúng tôi vừa chạm cây cầu quấn đầy phướn ngũ sắc bắc ngang sông Lhachu để sang bờ tây - hướng về phía tu viện Dirapuk. Mưa không tầm tã nhưng cũng đủ làm bầu không khí trở nên ẩm ướt và thấm lạnh. Phía trước lại thấy thấp thoáng cột phướn cầu nguyện lẫn trong làn mây phủ lành lạnh, vậy là đã sắp đến tu viện Dirapuk.

https://c2.staticflickr.com/6/5661/20656035459_1c57f8f1e4_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5632/20842751695_22eb14a6b9_b.jpg

Ngoảnh mặt lại phía bờ đông của con sông, chợt thảng thốt thấy những khối kim tự tháp của Thành Thiên Đế chìm trong màn mây chờn vờn càng thêm bí ẩn, và dòng Lhachu chảy thành một vệt lấp lánh trong ánh nắng còn sót lại của cơn mưa chiều. Ráng chiều chạng vạng như đã nhuộm tất cả cảnh vật trong cái ánh sáng huy hoàng mà cũng đầy thê lương của buổi chiều mưa giông nơi sơn cốc.

https://c2.staticflickr.com/6/5835/20654755488_7d72084b90_b.jpg

Gemini1976
25-08-2015, 08:23
Kailash kora - ngày thứ nhất (tiếp)

Trong cái cảnh sắc chạng vạng ấy, tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng vì nếu cơn mưa cứ kéo dài mãi thì có lẽ chúng tôi sẽ không thể thấy được mặt phía bắc của Kailash.
Và thật là kỳ diệu, cơn mưa tạnh rất nhanh cũng y như khi nó đột ngột kéo tới, trong chốc lát cả triền núi bỗng lại sáng bừng lên dưới bầu trời xanh nắng.

https://c1.staticflickr.com/9/8594/16198646453_db9595437f_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7286/16818634655_d893bd1962_b.jpg

Mặt phía bắc của Kailash linh thiêng đang dần hiện ra sau màn mây trắng

https://c1.staticflickr.com/9/8594/16792764926_8c834bc550_b.jpg

Chúng tôi ngồi lại nghỉ chân và say sưa ngắm cái màu trắng sáng của tuyết trên ngọn núi thiêng đang dần hiện rõ. Vậy là đã bắt đầu vào đến tu viện Dirapuk, chặng đường ngày kora đầu tiên đã sắp hoàn thành, cảm giác lúc này thật là thư thái, bao mệt nhọc bỗng tan biến hết.
Toàn cảnh chỗ nghỉ chân trước khi vào tu viện Dirapuk đây, còn gì sung sướng hơn khi được ngồi giữa không gian khoáng đạt này, hít thở cái không khí lành lạnh trong trẻo của bầu trời vừa tạnh mưa, ngắm núi, ngắm mây và lungta.

https://c2.staticflickr.com/8/7649/16611321597_b928740151_b.jpg

Gemini1976
31-08-2015, 23:27
Tu viện Dirapuk

Đối diện với mặt phía bắc Kailash linh thiêng, tu viện Dirapuk tọa trên một sườn núi với độ cao 5080m, ở phương vị của Bình Đẳng Tánh Trí - A Di Đà Phật trong Mandala Ngũ Trí Như Lai, là một trong năm điểm quan trọng trên vòng kora quanh núi Kailash. Trong tiếng Tạng: Dira nghĩa là sừng bò yak cái, còn puk nghĩa là hang động. Cái tên tu viện Dirapuk bắt nguồn từ tên gọi của một thạch động nhỏ nằm ngay trong tu viện, nơi vốn là hang thiền định của Đại sư Gotsangpa. Latma Gotsangpa đã từng tu tập ở đây trong vòng 5 năm (từ năm 1213 đến năm 1217). Tương truyền, ông chính là người đã mở con đường kora quanh núi Kailash. Khi khai phá con đường hành hương quanh ngọn núi thiêng, vị đại sư đã được một con bò yak vốn là hóa thân của nữ thần Dakini - vị nữ thần bảo hộ con đèo Khandro Sanglam-la dẫn đường đến Tu viện này.

Dirapuk chiều chúng tôi đến là buổi hoàng hôn nắng bừng lên một quãng ngắn giữa hai cơn mưa. Ngay cửa ngõ vào tu viện là những dãy stupa màu trắng.

https://c1.staticflickr.com/9/8622/16198700243_a1525ec645_b.jpg

Đứng từ đây hướng tầm mắt về phía dưới thung lũng là một bức tranh đẹp đến nao lòng: cả vùng lũng sông Lhachu vàng rực trong nắng chiều, hàng stupa trắng nổi bật dưới cái bóng sẫm màu của những ngọn núi bảo hộ bao quanh đỉnh núi thiêng, và Kailash uy nghi đứng giữa với màu tuyết tỏa sáng trên bầu trời vừa tạnh mưa.

https://c2.staticflickr.com/8/7641/16817523782_d8b61b4323_b.jpg

Tu viện năm nay đang được trùng tu, một xưởng mộc dã chiến được dựng lên ngay trên đường vào các Phật điện.

https://c2.staticflickr.com/8/7654/16817562902_636a528649_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8695/16817561022_48bf01e733_b.jpg

Đứng từ dưới vọng lên, toàn bộ tu viện là những khối nhà với kiến trúc choãi chân vững chãi kiểu “thượng thu hạ thách” đặc trưng của chùa chiền Tạng, các Phật điện xung quanh vẫn còn nguyên màu tường gạch mới xây, riêng gian chính điện ở giữa đã được sơn đỏ nổi bật.

https://c1.staticflickr.com/9/8661/16818629125_93073e2826_b.jpg

Những bậc thang đá cao vút dẫn lên chính điện

https://c2.staticflickr.com/8/7596/16792761156_af3933dc36_b.jpg

Gemini1976
01-09-2015, 22:34
Tu viện Dirapuk

Tu viện Dirapuk hôm ấy có lễ. Chiều chúng tôi đến cũng là lúc buổi lễ đã vãn nhưng trong chính điện vẫn còn khá đông Phật tử. Đang ở ngoài trời lạnh, bước vào gian chính điện bỗng thấy ấm hẳn. Phật điện mờ ảo trong ánh nến mỡ yak, những hàng nến xếp quanh bàn thờ thành một dãy dài lung linh cháy sáng, tỏa khắp không gian mùi bơ yak nồng nồng ấm áp đặc trưng của những lễ đường Tây Tạng.
Bỏ lại ngoài cửa những đôi giày lấm láp và cất balô vào một góc điện, tôi với chị NL và La cũng lặng lẽ ngồi xuống cùng những Phật tử Tạng, lắng nghe các thầy tụng kinh. Đã nhiều lần nghe các bậc đại sư Tây Tạng tụng kinh, nhưng lần nào tôi cũng thấy xúc động như thế bởi thứ âm điệu trầm ấm mà có sức rung mạnh mẽ, dường như không phải là thanh âm phát ra từ cổ họng con người mà là thứ thanh âm trầm hùng của những pháp khí Mật tông, thứ âm thanh chỉ có được nhờ công lực nhiều năm khổ luyện tu tập của các bậc chân sư, thứ âm thanh có sức lay động mạnh mẽ, vọng lên mái Phật điện và dội cả vào trái tim người nghe.

Bỗng nhớ chiều năm nào ở Jokhang, cũng ánh nến mờ tỏ soi trên những bức tượng thếp vàng, cũng tiếng tụng kinh âm vang bay khắp Phật điện. Chiều nay, giữa vùng sơn cốc này, tôi lại tìm thấy tôi sau cả ngày đường mỏi rã rời, được ngồi thanh thản trong gian chính điện ấm áp, dưới cái bóng đầy uy lực của ngọn núi thiêng sừng sững trước Phật điện, nghe tiếng tụng kinh thấy bình yên kỳ lạ, bao mệt mỏi dường như đã bỏ lại ngoài cửa, để lòng lắng đọng trong cái không khí đầy trang nghiêm sâu thẳm ấy.

Một điều may mắn nữa là do hôm nay có buổi lễ, thạch thất phía trong tu viện cũng được phép mở cửa. Vì thế, chúng tôi đã có cơ hội được vào đảnh lễ trong cái hang sừng yak (cave of female yak horns) nổi tiếng này. Khuôn cửa hang được trổ hình tò vò khá nhỏ, chỉ đủ để cho một người khom lưng chui vào. Bên trong cũng lung linh ánh nến mỡ bò, có tượng Tổ sư Milarepa và Đại sư Gotsangpa - người có công khai phá con đường kora quanh núi thiêng và đã từng dành 3 năm để thiền định trong thạch động này.

Lúc chúng tôi vào hang đã thấy mấy Phật tử người Tạng đang hành lễ trước bàn thờ, còn phía bên phải lễ đường có một người đàn ông tóc vàng đang ngồi thiền, mắt nhắm nghiền bất động. Tiếng áo quần sột soạt của những người hành lễ dường như đã làm kinh động đến con người đang trụ thiền kia, ông ta bỗng mở choàng mắt và một ánh giận dữ thoáng qua trong đôi mắt xanh rồi lại nhắm lại. Mấy đứa bấm nhau rón rén chui ra và thì thào bảo nhau: bác này có nhẽ chưa đủ trình thiền định, vẫn còn kinh động và giận dữ như thế thì còn phải tu tập nhiều nữa :))

Phật điện không cho phép chụp ảnh nên chúng tôi đã không thể ghi lại được hình ảnh buổi lễ cũng như thạch động lung linh ánh nến. Đây là ảnh hang thiền định của Latma Gotsangpa sưu tầm trên mạng

https://c2.staticflickr.com/8/7644/17013336419_981b5518f0_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

https://c2.staticflickr.com/6/5457/17197829542_5891515ff2_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Từ Phật điện mờ tỏ ánh nến bước ra ngoài, chúng tôi đã phải giụi mắt, lặng đi trước cảnh tượng này, bầu trời xanh thăm thẳm như trước đó chưa từng mưa giông, mây và tuyết trắng như trước đó chưa từng vần vũ. Cả ba chị em cứ ngồi say sưa chỉ cho nhau hình những khuôn mặt Phật trên những rãnh cắt xẻ phủ tuyết của ngọn thần sơn.

https://c2.staticflickr.com/6/5727/21056338835_f69891bd1e_b.jpg

Cận cảnh Kailash, các bạn thử đếm xem có mấy khuôn mặt Phật ở đây

https://c2.staticflickr.com/6/5763/20873191640_4c90f8b8fa_b.jpg
(ảnh NL)

Và đây, ba ngọn núi thần bảo hộ quanh Kailash linh thiêng

https://c2.staticflickr.com/8/7650/16611318817_09b3c7b624_b.jpg

Lâm Đại Ngọc
04-09-2015, 10:04
Tuyệt quá! E nhớ Tibet vô cùng và mong đc quay trở lại nhất là Kailash nơi mà e chưa đc đi. Tibet như ở trong tim em, vừa gần vừa xa, vừa như hiện thực vừa như ảo mộng. Tiện đây các bạn có vào topic này mà chưa kora Kailash, cta có thể cùng nghiên cứu để đến đây ít nhất một lần trong đời :)

hanhuyen1188
04-09-2015, 17:24
Năm nay em đi Tứ Xuyên, sang năm bác Lâm Đại Ngọc có đi Tibet thì cho em theo với nhé ;) em với bác đồng hương ạ

Gemini1976
04-09-2015, 22:04
Những ngọn núi hộ thần

“Có những ngọn núi chỉ là núi, nhưng cũng có những ngọn núi có tính cách riêng rõ rệt. Tính cách của một ngọn núi không chỉ là hình dáng kỳ lạ khác với những ngọn khác - cũng như khuôn mặt đặc biệt hay thái độ khác lạ của một người chưa nói lên nhân cách của người đó”
(Con đường mây trắng - Anagarika Govinda)

Kailash, ngọn núi được mệnh danh là “vũ trụ tâm linh” mà kinh Phật gọi là núi Tu Di, là nơi duy nhất ngày xưa Đức Phật và 500 vị A la hán đặt chân đến. Với độ cao 6714m, Kailash là ngọn núi nằm ở trung tâm trong dãy Bắc Himalaya (dãy Sven Hedin - mang tên của nhà thám hiểm nổi tiếng người Thụy Điển), tuy không phải ngọn núi cao nhất nhưng vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tạng. Kailash là linh địa được bao quanh bởi những quả núi của các vị Phật và Kim Cương trong Ngũ Trí Như Lai, các đỉnh núi này được coi như hộ thần bảo vệ xung quanh ngọn núi Tu Di thiêng liêng.

Hãy nhìn vị trí linh địa của ngọn Thần sơn vĩ đại ấy với những ngọn núi hộ thần bao quanh trong bức ảnh dưới đây để cảm nhận được uy lực của những năng lượng vô hình quy tụ tại vùng đất được coi là tâm điểm của mọi xứ sở này.

https://c1.staticflickr.com/1/729/20516860213_a3b86846a6_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Về vị trí địa lý vô song và vị thế tâm linh của Kailash thì hẳn nhiều bạn đã biết. Ở đây, tôi muốn kể thêm về những ngọn núi bao quanh ngọn Thần sơn ấy, những ngọn núi cũng có “tính cách riêng rõ rệt” trên vùng siêu thánh địa này.

https://c2.staticflickr.com/6/5802/20431867013_d97ae9db48_b.jpg

1. Núi Changna Dojre
Ở phía tây của Kailash, núi Changna Dorje cao 5.960 mét, tượng trưng cho Bồ Tát Kim Cương Thủ (tiếng Phạn gọi là Vajrapani). Đây là vị Bồ Tát tay cầm chày Kim Cương - biểu hiện của sự bất hoại. Ngài là vị thần của Mật tông, người chống lại các lực lượng của hắc đạo và của sự hủy diệt. Ngài nắm giữ sức mạnh chuyển hóa, hàng phục thiên ma, ngoại đạo và quỷ thần.

Là một trong những vị Bồ tát đầu tiên của Phật giáo Đại thừa, ngài là người bảo vệ và hướng dẫn của nhà Phật, và tượng trưng cho quyền năng của chư Phật.

Kim Cương Thủ thường được kết hợp với Phật Thích Ca Mâu Ni, trong cuộc đời đức Phật, sự hiện diện của ngài được gọi bởi cụm từ Sự hùng mạnh của một con voi - Đại Thế Chí Bồ Tát. Biệt hiệu này được sử dụng đặc biệt khi Ngài đứng cạnh Vô Lượng Thọ Phật (hóa thân của A Di Đà Phật) cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát. Trong tranh tượng Phật giáo, Ngài thường được trình bày đứng bên trái trong khi Quan Thế Âm Bồ Tát đứng bên phải của Phật A Di Đà.

2. Núi Jampelyang
Về phía đông của Kailash là ngọn núi Jampelyang tượng trưng cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tiếng Phạn gọi là Manjusri. Ngài là vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ. Tranh tượng Phật giáo thường trình bày Văn Thù với tay trái bên hông kết ấn Chuyển Pháp Luân cầm cành hoa sen xanh, với cuốn Kinh Bát Nhã ở bên trên, còn tay phải của Ngài nâng cao cây kiếm trí tuệ bốc lửa. Lưỡi kiếm sắc bén ấy được xem là biểu tượng trí huệ chém màn vô minh.

Người Tây Tạng tin rằng các đời vua anh minh hay các bậc thành tựu giả đều là Hoá thân chuyển thế của Văn Thù Sư Lợi. Những tổ sư truyền thừa của Mật giáo như Biện Trí Đạt, Long Khiếm Ba Tôn Giả, Tông Khách Ba đều là Hoá thân chuyển thế của Đức Văn Thù. Tạng vương Xích Tùng Đức Tán cũng là Văn Thù hoá thân.

Dưới cái tên Diệu Âm (nghĩa là Người có tiếng nói êm dịu), Văn-thù Sư lợi Bồ Tát thường được tán tụng trước khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh điển thuộc hệ Bát nhã ba la mật đa (prajnaparamita). Văn Thù là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ đạt được bằng phương tiện tri thức.

Cũng có khi, Văn Thù xuất hiện dưới dạng một phẫn nộ thân, có tên gọi là Diêm Mạn Đức Ca - "Người chiến thắng tử thần" (yamantaka), có dạng vị thần mang đầu bò. Dạng này là Thần thể quan trọng của phái Cách Lỗ tại Tây Tạng.

https://c2.staticflickr.com/8/7609/16904109185_5e1f43d48e_z.jpg

3. Núi Chenresig
Tọa giữa hai ngọn núi Changna Dojre và Jampelyang là núi Chenresig - tượng trưng cho Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) - một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Đại thừa. Cái tên của Ngài - Quán Thế Âm đã nói lên đầy đủ ý nghĩa: vị Bồ Tát lắng nghe và thấu hiểu mọi tiếng thế gian.

Quán Thế Âm là thể hiện của một trong hai dạng quan trọng của Phật tính: Trí huệ và Từ bi. Nếu như Bồ Tát Văn Thù thể hiện tính Trí huệ thì Bồ Tát Quán Thế Âm thể hiện tính Từ bi. Vì vậy, người ta cũng gọi Ngài là bậc Đại Bi. Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu để cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến mình lúc gặp hiểm nguy.

Tại Tây Tạng, Quán Thế Âm là "người bảo vệ xứ tuyết" và có ảnh hưởng quan trọng trong truyền thống Phật giáo tại xứ sở này. Người Tạng xem Bồ Tát là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá trên đất Tạng. Đạt Lai Lạt Ma cũng được xem là hiện thân của Quán Thế Âm. Câu mantra Om Mani Padme Hum được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và cho đến ngày nay vẫn là thần chú được tụng niệm nhiều nhất ở xứ tuyết này.

maysaytoc
05-09-2015, 11:11
Đẹp & hùng vĩ, mong lắm 1 ngày đến đây(wait)

Gemini1976
05-09-2015, 16:32
Dirapuk

Tu viện Dirapuk có một guesthouse ngay dưới chân núi, nhưng hôm ấy cũng không còn chỗ, Samdrup bảo chúng tôi sẽ nghỉ tối ở nhà nghỉ bên kia sông Lhachu. Lễ xong, tôi vội vàng rời Phật điện xuống tìm Sói em. Lúc này cô bé đã quá mệt, không thể leo lên chính điện được nên đành ở dưới vái vọng lên. Cả nhóm lặng lẽ rời tu viện khi trời khi đầy mây đen và phía bên này sông một cơn mưa nữa lại bắt đầu kéo đến.

https://c1.staticflickr.com/1/724/20873179040_82ac30ffcd_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/6/5697/21069174731_b714a9bb25_b.jpg
(ảnh NL)

Vượt qua cây cầu sắt nhỏ phía thượng nguồn con sông cuồn cuộn trắng xóa để về lại bờ đông, phía bên Dirapuk trời đã bắt đầu lất phất mưa trong khi bên kia vẫn nắng

https://c1.staticflickr.com/9/8716/16631069618_d7f6d5629b_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8722/16792747416_f89a693dde_b.jpg

Mệt đứt hơi nhưng vẫn cứ phải chụp ảnh cái đã. Chút nắng cuối cùng của ngày tàn cùng với sự cố gắng của Sói em đã cho tôi có được bức ảnh đáng nhớ này.

https://c2.staticflickr.com/8/7603/16632506539_d1ccc69c22_b.jpg

Cái chỗ này còn đáng nhớ bởi một lý do nữa. Chính ở đó, tôi đã không kiềm chế được cơn giận và cho Samdrup ăn một trận mắng :)). Lúc ấy Sói em đã mệt đến mức mặt mày tái mét tưởng sắp ngất đến nơi, đợi anh T, chị NL và La tập hợp đầy đủ thì Samdrup cũng từ phía nhà trọ đi tới. Tôi hỏi “ngựa đâu?”, cậu chàng hồn nhiên trả lời “tao dắt về nhà trọ rồi”. Thế là tôi bắt đầu tuôn một tràng mắng mỏ, nào là ai cho mày dắt ngựa về, đáng ra phải để ngựa đi theo để bọn tao cưỡi bất cứ lúc nào thấy mệt chứ, nào là nhiệm vụ của mày không phải là dắt ngựa mà là take care bọn tao, tại sao cả ngày hôm nay mày cứ dắt ngựa làm gì… Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy hơi áy náy vì đã mắng Samdrup trước mặt ngọn núi thiêng, trong trí tưởng tượng của chúng tôi, nơi thiêng liêng ấy là để con người ta nói những lời “có cánh” với nhau chứ đâu phải để mắng mỏ nhau. Tội nghiệp cậu chàng, biết mình sai nên mặt cứ thộn ra không cãi được câu nào.

Dirapuk nhìn từ cây cầu trên sông Lhachu

https://c2.staticflickr.com/8/7283/16632508789_d70159c596_b.jpg

Trời nổi gió và cơn mưa bên bờ đông đã đuổi theo chúng tôi sang bên này sông. Dù rất mệt nhưng cả nhóm vẫn cố rảo bước thật nhanh và may mắn thay, chúng tôi đã kịp về đến nhà trọ khi mưa bắt đầu nặng hạt. Đợi mất chừng 10 phút mới được bố trí một phòng chật chội trong dãy nhà thấp độ chục phòng ấy. Căn phòng ẩm mốc thấp lè tè với khuôn cửa sổ mờ mờ bé xíu và cái cửa đi cọt kẹt đã hỏng then khóa. Chui vào phòng trong khi người đã ẩm ướt vì ngấm mưa, vẫn còn thấy mình may mắn khi ngoài sân, một đoàn khách Nga chừng chục người vẫn còn đang cãi vã thắc mắc òm tỏi vì chưa có phòng.

https://c2.staticflickr.com/8/7622/17197830372_a8ac7d52a9_b.jpg
(ảnh nhà nghỉ do một người bạn gửi cho, lúc ấy trời đã mưa và tối nên chúng tôi không chụp ảnh)

Gemini1976
05-09-2015, 16:56
Đêm ở Dirapuk

Phòng trọ bé xíu và lạnh cóng có 5 giường với một cái ghế tựa dài chân cập kênh, tiêu chuẩn được một phích nước nóng. Cả lũ vứt hết ba lô lên ghế tựa và bắt đầu chuẩn bị đồ ăn. Bữa tối có mỳ tôm úp với ruốc thịt và phô mai dây, lại còn có cả chanh với tương ớt Mường Khương nữa, thế đã là quá thịnh soạn trong điều kiện phòng ốc tồi tàn như thế này. Năm cái đầu chụm vào nhau sì sụp húp mì trong ánh đèn pin le lói, vị mỳ cay nóng và vị mặn của pho mai dây đã nhanh chóng làm chúng tôi ấm người lại. Nhưng anh T và Sói em, do đã mệt từ trước và lại bị ngấm lạnh trong cơn mưa lúc chiều nên bắt đầu ho sù sụ và lên cơn sốt. Giục hai anh em uống thuốc, dán miếng giữ nhiệt và lên giường nằm sớm xong, chúng tôi cũng lục tục dọn đồ chuẩn bị đi ngủ. Biết làm gì đây khi ngoài trời mưa vẫn tầm tã và tối om, thế là giấc mơ ngắm trăng mười bốn tỏa sáng trên đỉnh núi thiêng tuyết trắng chắc không thực hiện được rồi.

https://c2.staticflickr.com/6/5461/17199476325_e4fc5e83c5_b.jpg
(Đây là ảnh về sau tìm thấy trên mạng, đúng cái kiểu phòng trọ với khuôn cửa sổ bé xíu này, nơi chúng tôi đã nghỉ đêm đầu tiên trên chặng đường kora)

Cái cửa phòng then khóa hỏng được thay bằng móc bằng dây thép uốn cứ chốc chốc lại tuột ra và kêu đánh rầm. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành đẩy cái ghế tựa chất đầy ba lô chẹn vào. Nằm thao thức trong tiếng thở đều đều của các bạn tôi, tôi bắt đầu lo lắng nghĩ đến ngày mai. Ngày mai sẽ là thử thách lớn nhất với tất cả chúng tôi, ngày mai chặng đường kora sẽ là những con dốc gắt đầy đá hộc, là ngọn đèo Dorma-la cao 5680m, còn chưa biết thời tiết có trở chứng bất thường như hôm nay không, sẽ là nắng hay mưa, hay là bão tuyết đây?

Tôi đã từng đọc nhiều tài liệu và hiểu rõ về sự hiểm nguy tiềm ẩn trên con đèo của ngày kora thứ hai. Rồi sau này đọc topic của anh Tuanfreedom về chuyến hành hương năm 2012 của đoàn KVG do TS Nguyễn Tường Bách dẫn đầu, từng biết trong nhóm anh đã có những người phải tự đưa ra sự lựa chọn quyết liệt giữa tâm nguyện hành hương tha thiết và giới hạn khả năng chịu đựng của cơ thể để rồi phải dừng giấc mơ kora ở đây để quay lại Darchen, tôi biết ngày mai điều đó có thể cũng có thể xảy ra với chúng tôi.

Năm đứa chúng tôi, thể trạng khác nhau và đến giờ phút này vẫn còn diễn biến phức tạp, không biết ngày mai sẽ thích ứng như thế nào. Nhưng ngay từ lúc còn ở nhà, kể cả trong những giờ phút căng thẳng nhất, chưa từng bao giờ chúng tôi từ bỏ ước muốn được thực hiện nghi thức đi trọn vòng kora quanh ngọn Thần sơn. Giờ đây, đã hoàn thành được 1/3 con đường rồi, hy vọng ngày mai cả năm đứa sẽ cùng vượt qua được trở ngại khó khăn nhất của chặng đường hành hương.

Trong miên man suy nghĩ, tôi thiếp đi tự lúc nào không biết để rồi khi choàng tỉnh dậy, nhìn sang phía bên phải, khuôn cửa sổ mờ mịt lúc tối giờ đã tràn đầy thứ ánh sáng bạc dịu dàng lan tỏa. Phải, bên ngoài chắc chắn đã tạnh mưa, hẳn trời trong và trăng sáng lắm, ánh trăng đã trùm hết khuôn cửa sổ, chiếu sáng trên giường em La và hắt cả vào giường tôi. Trời ơi, tôi muốn ra ngoài ngắm ngọn núi bạc tỏa sáng dưới vầng trăng tròn đầy quá, tôi đã mong đợi đêm trăng này biết bao nhiêu. Tôi đã vượt cả ngàn cây số đường để đến với vùng đất này, để được chiêm bái và đi nhiễu quanh ngọn núi, tôi muốn được "quan sát núi lúc mặt trời mọc và lặn, giữa trưa và cả trong sự tĩnh lặng nửa đêm, trong ngày mưa tối và dưới bầu trời xanh" (lời Govinda) để cảm nhận được hơi thở và nhịp sống cũng như thấu triệt được "tính cách phi thường" của ngọn Thần sơn. Giờ đây, cái đỉnh tuyết tỏa sáng kia đang ở rất gần, chỉ cách tôi có bức tường kia thôi, tôi chỉ cẩn đẩy cửa ra ngoài là đã có thể được đắm chìm trong đêm trăng mười bốn sáng rỡ trên đỉnh tuyết sáng lóng lánh ấy.

Nhưng...

Các bạn tôi đang vẫn ngủ say trong tiếng thở đều, có người còn đang mê man chìm trong cơn sốt. Tôi không thể vì ước muốn của riêng mình mà đẩy cái ghế sắp gẫy chân và cái cửa cọt kẹt chết tiệt kia ra được, sẽ cắt ngang giấc ngủ ngon của các bạn mất. Đành nằm cuộn tròn trong túi ngủ và đau đáu hướng về phía cái cửa sổ đầy ánh trăng. Đêm nay, ngọn núi và vầng trăng ấy sẽ tỏa sáng trong tâm tưởng tôi, thế cũng đã thỏa nguyện rồi.

https://c2.staticflickr.com/6/5767/20537024063_fc1f160887_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Gemini1976
07-09-2015, 22:23
Kailash kora - ngày thứ hai

P là người bạn tôi mới quen trước chuyến đi Kailash chưa lâu. Mùa thu năm 2013, nhóm 5 thành viên của P đã hành hương Kailash từ phía Nepal, thực hiện được cả vòng Inner và Outer Kora. Hồi ấy, trước khi sang Tây Tạng, nhóm của cô đã từng đi đảnh lễ nhiều chùa ở Kathmandu và được tiếp kiến Đại sư Drupon Sonam Rinpoche (vị Đại sư mà TS Nguyễn Tường Bách từng nhắc tới trong cuốn "Đường xa nắng mới" khi nhóm hành hương của ông đã tiếp kiến Ngài trước ngày nhập Tạng). Cũng như nhóm của bác Nguyễn Tường Bách, nhóm P đã được Đại sư Sonam ban cho thuốc pháp (Dharma pills) để đi hành hương.

Mùa hè năm 2014, trong thời gian chúng tôi chuẩn bị cho chuyến hành hương này, lúc tôi căng thẳng nhất vì tình hình permit cực kỳ ngặt nghèo, chính P là người đã động viên tôi rất nhiều và khuyên tôi đừng bao giờ từ bỏ ước nguyện. Trước ngày tôi khởi hành, cô gọi điện và nói nhất định phải gặp để tặng tôi gói thuốc pháp đã được thầy Sonam ban cho hồi năm 2013. Trước đó chúng tôi chỉ chuyện trò với nhau qua điện thoại hoặc chat online nên hôm gặp P để lấy thuốc cũng là lần đầu tiên gặp mặt, nhưng cả hai chúng tôi đều cảm thấy gần gũi và ấm áp như đã quen nhau từ lâu rồi, có lẽ cái tâm nguyện hướng về miền đất thiêng đã kết nối chúng tôi với nhau chăng?

Trước khi tạm biệt, P còn dặn dò tôi rất kỹ về cách dùng thuốc. Cầm gói thuốc trên tay, những viên thuốc màu nâu sẫm to nhỏ khác nhau mà P bảo là được bào chế từ các thảo dược quý của Nepal, có những viên còn chứa xá lợi của các bậc cao tăng, và quan trọng hơn hết là đã được thầy Sonam niệm chú gia trì, tôi thầm tâm niệm sẽ để dành thuốc này chia cho cả nhóm dùng khi chúng tôi bắt đầu ngày kora thứ hai, ngày thử thách lớn nhất trong cả chặng đường, mong sao đó sẽ là động lực tiếp sức cho chúng tôi vượt qua ngọn đèo cao 5680m, điểm cao nhất và nguy hiểm nhất trên con đường hành hương.

Chính vì tâm niệm ấy mà sau một đêm "thôi đành ru lòng mình vậy" với hình ảnh Kailash trăng mười bốn, buổi sáng ngày kora thứ hai, khi tỉnh dậy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là đi lấy nước nóng để pha thuốc. Những viên thuốc tuy nhỏ nhưng khá cứng nên khi còn ở Darchen, tôi đã tán ra thành bột để thuốc dễ được hòa tan hơn.

Buổi sáng ấy, lúc từ phòng trọ chay sang lều Samdrup lấy nước, tôi bỗng ngỡ ngàng khi nhìn thấy Kailash ở vị trí quá gần. Lúc ấy, trăng đã xế lưng núi nhưng chưa lặn hẳn. Trước mắt tôi là mặt phía bắc đỉnh núi thiêng trong những giây phút của đêm tàn, đẹp như một tấm gương bạc khổng lồ dịu dàng tỏa sáng giữa bầu trời thăm thẳm. Tiếc rằng không có máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời ấy.

Tỉnh dậy sau ngày một ngày leo núi mệt rã rời, kể cả người khỏe nhất trong nhóm cũng thấy uể oải. Sói em, sau ngày kora đầu tiên từ chối cưỡi ngựa, hôm nay đã tình nguyện sử dụng "quyền trợ giúp", anh T dù ho và sốt vẫn sẽ cố gắng đi bộ. Tôi cũng chất balo cá nhân lên lưng ngựa, chỉ nhét bánh lương khô và chai nước vào túi áo khoác để ăn dọc đường.

Chuẩn bị khởi hành lúc trời còn chưa tỏ, tôi chia cho mỗi người một cốc nước nóng đã hòa tan thuốc pháp. Theo lời dặn của P, chúng tôi cùng hướng về phía đông, thầm niệm câu lục tự chân ngôn Om mani padme hum trước khi uống hết cốc nước thơm ngát mùi thảo dược ấy.

Samdrup và hai bác nài đã chờ ngoài sân, chúng tôi lại bắt đầu khởi hành. Lại thập thững bước đi trên con đường đầy đá củ đậu, lại vẫn là cảm giác ì ạch khi cất bước trên đoạn đường đầu tiên gió táp lạnh cả mặt, mũi bít tắc và đầu gối vẫn cứng như chưa quen bước chân đi. Phía trước con đường, bình minh bắt đầu hé rạng. Và tôi chỉ thực sự tỉnh táo hẳn khi gặp cảnh tượng này lúc sắp tới Jarok Donkhang.

https://c2.staticflickr.com/8/7575/15913503128_b715dcc179_b.jpg

Gemini1976
09-09-2015, 18:28
Kailash kora - ngày thứ hai

"Ngân Sơn có một năng lực kỳ lạ. Nó như một thứ gương lõm, thu liễm và phóng đại tất cả nghiệp lực của con người trong vòng ảnh hưởng của núi. Hình như nó làm tăng trưởng rất nhanh, chuyển hóa rất sớm mọi hạt giống, mọi nhân duyên. Đối với những ai biết chú ý, năng lực của Ngân Sơn là khả năng chiếu rọi tâm với một thứ ánh sáng của tri kiến và cho một thứ lực làm tâm ổn định"
(Đường xa nắng mới - Nguyễn Tường Bách)

https://c1.staticflickr.com/1/657/21075505710_cb87b3af89_b.jpg

Vòng kora quanh Ngân Sơn - Kailash dài 52km với điểm cao nhất trên con đường kinh hành là ngọn đèo Dolma-la 5680m. Chặng đường ngày kora thứ hai dài 22km xuất phát từ Dirapuk, men theo bờ sông Dolma-chu, đi qua Jarok Donkhang, qua Shiva Tsal rồi lên đèo Dolma-la, xuống thung lũng sông Lham-chu và về tu viện Zutupuk (đoạn đường màu xanh trên bản đồ). Chúng tôi đã bắt đầu chặng kora ngày thứ hai trong buổi bình minh không thể đẹp hơn. Giây phút được chiêm bái ngọn núi thiêng dát vàng trong ánh nắng buổi sớm đã cho tôi ấn tượng không quên. "Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở". Phải, đời người có lẽ cũng chỉ cần những giây phút như thế.

Mặt phía bắc của Kailash lúc 7h15 ngày kora thứ hai

https://c2.staticflickr.com/8/7631/16453677104_ba1dbebd05_b.jpg

Đi sau tôi chừng 20 phút, chị NL và La lại có được hình ảnh của Kailash như thế này

https://c1.staticflickr.com/9/8658/16809029786_0de5373d58_b.jpg
(ảnh La)

https://c1.staticflickr.com/9/8699/16261976834_e24895d1c7_b.jpg
(ảnh NL)

Sau này, khi đã trở về, lúc xem lại ảnh, tôi vẫn thấy sống lại nguyên vẹn cái cảm giác hồi hộp xúc động, thở không ra hơi khi nhìn thấy tấm gương chói sáng ấy, vẫn còn cảm giác như thấy hơi lạnh của tuyết đang bốc lên ở phía trên của triền núi, vẽ nên một một đường viền vừa đậm nét lại vừa như ảo ảnh trên nền trời xanh thẫm của buổi bình minh.

Cả chặng đường này, không có Samdrup đi cùng nên tôi cũng không biết mình đã qua tảng đá in dấu chân Đại hành giả Milarepa lúc nào. Còn bên phải chỗ tôi đứng lúc bấy giờ là con đường nằm giữa núi Chenresig và núi Jampelyang, hai ngọn núi của Quán Thế Âm và Văn Thù. Nhờ đọc tài liệu mà tôi được biết đó chính là con đường độc đạo dẫn vào Thung lũng Tử thần, nơi có hai con chó đá bốn mắt canh giữ tòa án lương tâm của Tử vương Lama và tấm gương lõm của Đại Pháp Vương Tử, nơi có con đèo Khandro Sanglam-la còn cao hơn cả đèo Dolma-la. Theo tục lệ của người Tạng, chỉ có những bậc đại thành tựu giả hoặc những tín đồ đã hành hương đủ 12 vòng Kailash kora mới được phép theo con đường này để tiến vào thung lũng bí ẩn kia. Người Tạng cho rằng sức mạnh dữ dội của những luồng năng lượng vũ trụ quy tụ trong tấm gương lõm sẽ làm tâm thức người ta tự hiển bày và được phán xét, cho nên tùy vào nghiệp lực của người hành hương, nó có thể dẫn đến cái chết hoặc dẫn đến đến tự sự giác ngộ của hành giả.

Trên bản đồ, chỗ tôi đứng chiêm bái ngọn núi chính là cửa ngõ dẫn vào Thung lũng Tử thần, là con đường này đây.

https://c2.staticflickr.com/6/5772/20645446584_66ebea5f69_b.jpg

Tiến vào Jarok Donkhang cũng là lúc độ cao bắt đầu thay đổi, trước mặt đã là những con dốc ngắn liên tiếp đầy đá lổn nhổn. Tôi và anh T đi trước, chị NL và La đi sau cùng Samdrup, còn Sói em đợi ngựa nên xuất phát sau cùng, giờ chắc vẫn ở phía dưới. Anh T lúc này đã rất mệt, đường dốc cùng với cơn sốt vẫn đang hành hạ làm mất sức ghê gớm. Tranh thủ nghỉ chân đợi chị NL và La đi lên, tôi động viên anh hãy dùng ngựa và đừng cố đi bộ, vì chặng đường ngày hôm nay vẫn còn hơn 20km nữa với ngọn đèo cao ngạo nghễ phía trước.

Đây cũng là lời khuyên chân thành của tôi với các bạn có ý định đi Kailash kora. Tôi biết, đã lên đường hành hương, chúng ta ai cũng muốn tự đi nhiễu quanh ngọn núi thiêng bằng chính đôi chân của mình. Khi bạn sung sức, bạn có thể hành cước hoặc thậm chí hành lễ Tam bộ nhất bái quanh Kailash. Nhưng khi không đủ sức khỏe, bạn cũng đừng cố chấp, hãy đừng ngần ngại dùng đến sự trợ giúp của ngựa, hãy sử dụng "quyền trợ giúp" này như một phương tiện đưa chúng ta tới đích. Dù cưỡi ngựa hay hành cước thì với lòng thành kính, chúng ta cũng vẫn có thể thâu nhận trọn vẹn những trải nghiệm của cuộc hành hương và phước lành mà ngọn núi thiêng dành cho.

Đường lên Jarok Donkhang, con đường mòn men theo bờ sông Dolma-chu

https://c2.staticflickr.com/8/7606/16611478987_154bdd05ec_b.jpg

Tiếp nối những con dốc đầy đá

https://c1.staticflickr.com/1/744/20644781323_45bb1b9622_b.jpg

Đá nguyện bên đường

https://c2.staticflickr.com/6/5707/21265926635_991c4f006f_b.jpg

Gemini1976
10-09-2015, 18:08
Kailash kora - ngày thứ hai

Kể từ lúc anh T lên ngựa đi cùng Sói em, tôi bắt đầu đi một mình vì chị NL với La và chàng guide Samdrup còn đang ở tít phía dưới. Trước mặt vẫn là Jarok Donkhang với địa hình và độ cao đã thay đổi rõ rệt so với đoạn đường ban đầu. Trời đã rạng dần, nắng sớm thu chan hòa cả vùng thung lũng sông Dolma-chu phía dưới. Kailash lúc này không còn cái màu vàng rực như lúc sớm mà đã chuyển sang màu trắng sáng, ngọn núi thiếng ẩn hiện trong mây cùng những ngọn núi hộ thần vẫn ở bên phải với tôi trên suốt chặng đường.

https://c1.staticflickr.com/9/8585/16196429454_db74d0b44d_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7632/16889894569_ea211f8f4f_b.jpg

Một gia đình người Tạng hành hương từ sớm

https://c1.staticflickr.com/9/8592/16631219478_05335dd394_b.jpg

Những người Tạng miệt mài và nhẫn nại hành lễ Tam bộ nhất bái, dường như họ không quan tâm đến quãng đường là bao xa

https://c1.staticflickr.com/9/8642/16611517977_1cb176089d_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8585/16632692089_704372152a_b.jpg

Lại một con dốc nữa trước mắt với bóng lung ta chăng đầy qua những mỏm đá

https://c2.staticflickr.com/6/5673/21301251621_f4c11b59c6_b.jpg

Qua con dốc ấy, thấy lẫn trong các hốc đá chăng lungta là những đám quần áo cũ, tôi biết mình đã đến Shiva Tsal

https://c1.staticflickr.com/1/672/21282533152_0f0654475a_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5753/21105240348_3b4a1c7ec2_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5671/21106237389_96fd704b4c_b.jpg

Gemini1976
10-09-2015, 23:51
Shiva Tsal

Những dòng người nối nhau lên Shiva Tsal

https://c2.staticflickr.com/6/5661/20670441014_f3f56c53f6_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5650/21105005710_b82aa659e3_b.jpg

Ở độ cao 5330m, Shiva Tsal là một bãi đá rộng, thoai thoải trên sườn núi, được cho là một bản sao của bãi táng huyền thoại tại Bodhgaya ở Ấn Độ. Theo quan niệm của người Tạng, khách hành hương đến đây đều phải đối mặt với Tử vương Lama và trải qua cái chết có tính tượng trưng. Tại bãi đá này, họ bỏ lại kiếp sống cũ bằng cách để lại đây quần áo đang dùng hoặc một giọt máu, một cái răng hay lọn tóc và cho đến khi vượt qua đỉnh đèo Dolma-la trên kia, họ sẽ được gột rửa mọi tội lỗi nghiệp chướng để tái sinh sang một kiếp mới. Chính vì thế mà bãi đá rộng được gọi là "nghĩa địa" này mới la liệt những khăn áo cũ bị bỏ lại như thế.

https://c1.staticflickr.com/1/611/20672009253_cf2767e627_b.jpg

Toàn cảnh bãi đá Shiva Tsal

https://c1.staticflickr.com/1/614/20670409134_5bc7b5213f_b.jpg

Qua chỗ này, cái không khí có vẻ hơi rờn rợn và thê lương, tôi cắm cúi gắng đi thật nhanh dù vẫn thấy những người Tạng dừng nghỉ chân ở đây

https://c1.staticflickr.com/1/777/20672003463_1bcf3b4e44_b.jpg

Ngẩng đầu lên, trước mắt lại một con dốc khác với thấp thoáng bóng lungta trong nắng

https://c2.staticflickr.com/8/7623/16453691234_94b5bda65d_b.jpg

Qua khỏi con dốc ấy, đứng nghỉ chân và nhìn xuống phía dưới, những dòng người hành hương vẫn nối dài tới đây và vắt lên con đèo trên kia. Giờ đây, tôi cũng là một giọt nước trong cái dòng chảy vô tận ấy. Và tôi biết, dưới cái bóng của ngọn núi thiêng đang chở che mảnh đất này, dòng người ấy vẫn sẽ tiếp tục chảy bất tận, cũng như dòng đời miên viễn.

https://c1.staticflickr.com/9/8650/16647527030_fdcdcb2ae0_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8712/16631438040_b26b143511_b.jpg

Gemini1976
13-09-2015, 18:40
Kailash kora - ngày thứ hai (tiếp)

Qua khỏi con dốc phía trên Shiva Tsal một đoạn, con đường vắt ngang núi tương đối bằng phẳng khiến bước chân lại được thư giãn. Từ góc này trông về phía Kailash, thấy đỉnh núi thiêng chỉ còn là một góc trắng xóa bị che khuất bởi những đỉnh nhọn lởm chởm của núi Jampelyang - ngọn núi của Bồ Tát Văn Thù.

https://c2.staticflickr.com/8/7649/16818821265_a9582f8823_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8747/16631211048_91b4256969_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7615/16868738167_ce906431e7_b.jpg

Đây là tảng đá ven đường mà tôi thấy người Tạng nào đi qua cũng quỳ xuống và chạm trán vào đó, tảng đá có một vệt lõm đã sẫm màu mà tôi đoán chính là dấu chân của Tổ sư Milarepa, dấu chân sẫm màu bởi bao thế hệ người hành hương đã từng thành kính chạm tay và áp trán vào đó. Theo chân những người Tạng, tôi cũng khẽ khàng quỳ xuống chạm trán vào tảng đá quấn khăn khata trắng ấy.

https://c1.staticflickr.com/9/8717/17050188856_4dc7ef5c75_b.jpg

Không biết có phải do tác dụng của thuốc pháp hay không mà hôm ấy tôi leo băng băng lên dốc hầu như không thấy mệt, cứ hết dốc này lại đến dốc khác. Các bạn tôi, hai bạn đã cưỡi ngựa đi trước, còn hai bạn nữa và Samdrup đi sau một quãng khá xa, một mình tôi với con đường, không chậm rãi cũng không mải miết, vừa đi vừa thảnh thơi ngắm cảnh. Trời hôm nay nắng rực rỡ chứ không ảm đạm và thất thường như hôm qua. Nắng chói trên những con dốc phía trước soi chiếu qua những bóng lungta ngũ sắc bay lượn càng làm cho tôi cảm nhận rõ ràng cái sắc độ vừa rực rỡ vừa trong suốt đến vô tận của không gian ở độ cao trên 5300m này.

Đây là con dốc cuối cùng trước khi chạm chân đèo Dolma-la, đỉnh băng hà trắng xóa bên phải chính là một phần của con đường băng qua đỉnh đèo Khandro Sanglam-la, đỉnh đèo cao ngất nằm trong thung lũng Tử thần mà chỉ những hành giả đã thực hiện đủ 12 vòng outer kora mới được phép đi vào.

https://c2.staticflickr.com/8/7636/16198886773_5de75f6a2d_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5802/21152296279_30392c3e2d_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5751/21152294159_dbed3b00e3_b.jpg

Gemini1976
13-09-2015, 22:32
Đèo Dolma-la

Cuối cùng, sau hai tiếng rưỡi xuất phát từ Dirapuk, tôi đã đứng dưới chân con đèo do mẹ Tara xanh cai quản. Dolma-la - con đèo dài khoảng 8 km với đỉnh đèo cao 5680m, nằm trên hành trình outer kora quanh núi thiêng Kailash. Trước khi đi hành hương, đã đọc nhiều tài liệu nên chúng tôi ý thức đây là khu vực rất nguy hiểm bởi độ cao của nó với thời tiết thất thường và khắc nghiệt, hầu như năm nào cũng có vài chục khách hành hương bỏ mạng ở đây vì sốc độ cao, vì lở tuyết và sụt đất đá.

Những bước chân đầu tiên lên đèo. Nắng chói chang trên dốc dá lởm chởm. Mặc dù không thấy mệt nhưng tôi bắt đầu giảm tốc độ, đi chậm lại và cố gắng thở bằng bụng, giữ nhịp thở đều đều để tránh mất sức.

https://c2.staticflickr.com/6/5664/21328405052_753b2ff31d_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5714/21328407982_b79e6d1700_b.jpg

Đoạn đầu chưa dốc lắm nên vẫn còn có người cưỡi ngựa được.

https://c1.staticflickr.com/1/772/21312679106_ee85b17808_b.jpg

Bò yak lầm lũi chở đồ, em yak lông vằn này thật đáng yêu.

https://c2.staticflickr.com/6/5655/20716197394_1d2a4cac7b_b.jpg

Những góc nhìn cuối cùng mặt bắc của Kailash khi lên đèo Dolma-la.

https://c1.staticflickr.com/1/747/21152276609_4953f21de6_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/645/21152300249_25d8b1cccb_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5711/21328433842_502cbce7f9_b.jpg

Cuối cùng, đỉnh núi thiêng chỉ còn là một góc nhỏ trắng sáng khuất sau màn mây và những ngọn núi hộ thần xung quanh.

https://c2.staticflickr.com/6/5620/21347364021_95d67f615c_b.jpg

Tôi đoán lúc này Anh T và Sói em có lẽ sắp lên đến đỉnh Dolma-la rồi, còn dưới kia chị NL với La và Samdrup không biết đã đi đến đâu. Trưa hôm ấy, khi tất cả cùng tập hợp về đến trạm nghỉ chân phía bên kia đèo, tôi mới biết Samdrup cũng bị sốt. Cả chặng đường hôm ấy, dù sốt và mệt đứt hơi, chàng guide vẫn đeo ba lô giúp La và còn kéo em đi qua những đoạn dốc nhất. Chị NL còn kể, có đoạn cả ba đứa mệt phờ ngồi nghỉ chân, mặt mày tái mét, những người Tạng hành hương đã cho mấy chị em những viên thuốc tễ để ngậm cho lại sức. Xúc động biết bao cái tình của người hành hương. Tôi đã đọc đâu đó rằng: người Tạng quan niệm những ai đã từng hành hương Kailash đều được coi như người cùng một gia đình. Và tôi càng thấm thía điều này khi đã qua đèo, lúc đang xuống dốc thì tôi bị trượt chân và được một cậu bé người Tạng giữ tay kéo lại, sau đó cậu còn khéo léo dắt tôi qua những đoạn dốc dựng đứng cho tới khi hết đoạn đường trơn trượt.

Toàn cảnh đoạn đầu tiên của Dolma-la

https://c2.staticflickr.com/6/5787/20717722423_abaaced53f_b.jpg

Gemini1976
15-09-2015, 12:33
Dolma-la, ngày rực rỡ

Con đường lên đèo, sau đoạn đầu tương đối thoai thoải, bắt đầu dốc, dốc và dốc lên mãi. Những khách cưỡi ngựa cũng đã phải xuống đi bộ. Cứ leo độ mười phút, tôi lại đứng nghỉ chân một lần. Đây cũng là kinh nghiệm của tôi: nghỉ chân khi leo núi nên đứng chứ không ngồi. Khi đứng nghỉ, cố gắng thở sâu bằng bụng để điều hòa lại nhịp tim. Không nên nghỉ ngồi vì khi đang trong trạng thái leo tích cực, nếu ngồi ngay bạn sẽ có thể bị nhược cơ và không muốn đứng dậy để leo tiếp nữa. Lần này leo núi không biết mệt cũng phải kể đến sự hỗ trợ của đôi băng gối. Trước khi lên đường, tôi đã bị dãn dây chằng gối trái, nhưng nhờ có đôi băng chun bó gối ấy mà cả mấy ngày leo núi đều không thấy đau.

Đoạn đường đầu ướt lép nhép mà khi lên đến đỉnh đèo tôi mới biết là do tuyết tan chảy xuống.

https://c2.staticflickr.com/6/5745/21152116819_9ff1c049a5_b.jpg

Dốc nối dốc, toàn đá tảng to lổm ngổm.

https://c1.staticflickr.com/1/747/21339001025_306a32e5b1_b.jpg

Những người Tạng vẫn miệt mài hành lễ Tam bộ nhất bái trên con dốc lổn nhổn đá. Tôi ngưỡng mộ họ, và tôi tin rằng cũng chỉ người Tạng mới có đủ sức khỏe và nhiệt tâm để thực hiện nghi thức kora với một tấm lòng sùng kính như thế. Tôi cũng tin rằng mưa hay bão tuyết cũng không ngăn cản được bước chân họ.

https://c2.staticflickr.com/6/5695/21312711496_dc02f6d16c_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7722/17133083289_e15a95d17c_b.jpg

Đây là nhóm 3 bạn người Hoa, tôi đã để ý họ từ lúc dưới chân đèo, thấy họ vẫn mải miết và nhẫn nại chăng lungta suốt từ dưới lên tận đỉnh Dolma-la.

https://c1.staticflickr.com/1/782/20717716813_9b5fbb2b94_b.jpg

Đường cứ dốc mãi, dốc mãi, có những khách hành hương mệt quá đã vứt ba lô nằm vật ra như thế này.

https://c2.staticflickr.com/8/7726/16699056653_7a14b1ebfd_b.jpg

Đỉnh đèo đã ở rất gần rồi

https://c1.staticflickr.com/1/601/21338984845_6f12b7dd0d_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/717/21152045409_1ecc42079f_b.jpg

donghocat
15-09-2015, 13:09
Những hồi ức của chị thật nhiều cảm xúc, em đọc cứ như bị cuốn vào.. Cám ơn chị đã chia sẻ.

Gemini1976
15-09-2015, 16:34
Dolma-la, ngày rực rỡ

Lại tiếp tục leo, một lúc sau ngửng lên đã thấy cả rừng lungta chăng kín trên đầu. Ánh nắng buổi trưa chói lọi chiếu qua những dải lungta ngũ sắc tạo thành những khoảng sáng cầu vồng lung linh. Thật sung sướng biết bao khi được thả bước dưới những luồng ánh sáng ngập tràn phúc lạc ấy.

https://c2.staticflickr.com/6/5640/21151104718_c879d3b05c_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/704/21338979225_7aa09fc3e7_b.jpg

Đây, đỉnh đèo của mẹ Tara xanh đã hiện ra, rực rỡ giữa trời xanh mây trắng và năm sắc phướn cầu nguyện.

https://c2.staticflickr.com/6/5723/21312562496_c827862b87_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/690/21150983168_fd372dffc3_b.jpg

Tuyết rơi từ đêm qua, phủ đầy những dải phướn, đã gần trưa mà vẫn chưa tan hết.

https://c2.staticflickr.com/6/5812/21151005258_bce6ff40b5_b.jpg

Đúng 11h30 ngày hôm ấy, ngày rằm tháng tám, tôi đã có mặt trên đỉnh đèo của mẹ Tara xanh, nắng tháng tám rực rỡ và gió rào rạt thổi những dải phướn bay lượn. Đến lúc này tôi mới ngồi nghỉ chân, xung quanh tôi là những khuôn mặt người Tạng lam lũ mà thân thiện với tiếng chào "Tashi deleg" rộn rã, có người cũng thư thái ngồi nghỉ như tôi, có người lại mải miết chăng lungta, góp thêm những dòng kinh Phật để trải phúc lành bay khắp con đèo cao.

https://c1.staticflickr.com/1/736/21338922535_26a7d6dec5_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/650/21150715920_caa9f31a24_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/6/5630/21312560716_28933fa3c4_b.jpg

Lặng nghĩ về chặng đường đã qua, tôi thầm cảm tạ đức Quán Thế Âm Bồ Tát và mẹ Tara xanh đã phù hộ cho tôi có đủ duyên nghiệp và sức mạnh để hành cước đến nơi này. Tôi nhớ về những ngày thấp thỏm xin visa và căng thẳng chờ Kailash permit, tôi nhớ cái buổi chiều mưa dai dẳng và đầu đau như búa bổ ở Ngamring, tôi nhớ cả cái ngày của năm trước khi tôi gieo phải quẻ bói quái gở kia. Và đến lúc này, tôi chợt ngộ ra, có thể quẻ bói ấy là thử thách đầu tiên trong số những thử thách mà đức Quán Thế Âm và mẹ Tara xanh đặt ra cho chúng tôi trước kế hoạch hành hương. Nếu như ngay từ lúc ấy tôi ngã lòng mà từ bỏ ước nguyện, thì có lẽ mãi mãi tôi sẽ không có cơ duyên được hành hương đến miền đất thiêng này, được cúi đầu trước ngọn Thần sơn và đắm mình trong những giây phút lắng đọng trên đỉnh cao rực rỡ này.

Mỗi thời khắc ở đây - nơi đỉnh cao bầu trời xanh thăm thẳm và ngập tràn phước lành bay tỏa trong gió, đối với tôi đều đáng trân quý. Tôi trân trọng và sẽ mãi mãi nhớ từng khoảnh khắc của đời tôi được trải qua ở chốn linh thiêng này. Ba năm nay tôi đã mơ đến ngày được ngắm lungta ngũ sắc trên nền tuyết trắng ở ngọn đèo của mẹ Tara xanh. Và giờ đây, tôi đã tìm thấy tôi, trên đỉnh đèo rực nắng này, sau những phút giây xúc động khôn tả là niềm an nhiên tuyệt đối.

https://c2.staticflickr.com/6/5695/21151917259_b97b0450f5_b.jpg

June
15-09-2015, 22:13
Mới có vài năm mà Darchen đã khác trước nhiều quá, khác vì đã có quá nhiều những cột điện và đường bê tông kiên cố cùng các cửa hàng với biển hiệu tiếng Hán san sát mọc lên. Tôi vẫn còn nhớ Namsay từng nói với tôi mày yên tâm người TQ không chịu nổi độ cao này đâu, họ chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Lhasa thôi. Ấy vậy mà điều Namsay nói giờ không đúng nữa rồi.. Nhưng chặng đường kora thì tôi tin có lẽ vạn ngày sau cũng sẽ vẫn thế thôi. Thật là kỳ lạ là sau rất nhiều năm đã qua và tôi đã đi qua rất rất nhiều những nơi chốn khác nhưng không có một nơi nào trên thế giới này có thể khiến tôi nhớ tới từng cành cây ngọn cỏ như cái xứ sở trên cao ấy… Và tôi vẫn mong về 1 ngày nào đó lại có thể bắt đầu hành trình phía Bắc của khu tự trị.

Các bạn thật có nhiều duyên may vì thời tiết đã ủng hộ hành trình này quá đỗi. Các bạn đã được chiêm bái núi thiêng Kailash ở mọi hướng của chặng kora trong bầu trời xanh nắng mùa thu đẹp tới nao lòng. Bạn Samdup thì hiền và ít nói, chẳng bù cho Namsay hay Tenzin và Lhakpa trong những lần rong ruổi cùng chúng tôi, nhưng chưa thấy bạn nhắc tới bác tài nhỉ? Tài xế của các bạn lần này là ai vậy ?

Gemini1976
15-09-2015, 22:15
Đèo Dolma-la

Dolma-la ngập chìm trong rừng lungta rực rỡ buổi trưa ngày Trung thu.

https://c2.staticflickr.com/8/7641/16793031816_01563c9dc9_b.jpg

Đỉnh đèo được phủ kín lungta đến nỗi tôi không thể nhận ra đâu là tảng đá Dolma (Dolma's Rock) nổi tiếng, nơi có 21 con sói đã hóa thân vào. Truyền thuyết kể rằng, Đại sư Gotsangpa khi khai phá con đường kora quanh Kailash đã bị đi lạc vào thung lũng Polung nơi có con đèo Khandro Sanglam-la cao ngất. Ở đó, ông đã được 21 con sói (vốn là 21 dạng hóa thân của mẹ Tara xanh - vị nữ thần bảo hộ của đèo Dolma-la) dẫn dắt trở lại con đèo này. 21 con sói đó, khi dẫn Gotsangpa trở lại Dolma-la, đã nhập làm một và biến mất vào trong tảng đá Dolma này.

Tôi đoán Dolma's Rock chính là tảng đá lớn này, vì có một khách hành hương người Hoa (nói được tiếng Anh) đã giải thích với tôi rằng người Tạng thường dán tiền và ảnh những người thân đã quá cố lên tảng đá để mong cho người đã chết được xá hết mọi tội lỗi trần gian và siêu thoát.

https://c1.staticflickr.com/1/593/21429633932_e4f383745a_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7650/16631350468_a659b79123_b.jpg

Còn đây là ảnh tảng đá Dolma tìm thấy trên mạng.

https://c2.staticflickr.com/8/7623/17013351989_1619a09003_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Đi sau tôi chừng một giờ đồng hồ, chị NL và em La lại được chứng kiến Dolma-la khi mây trời bắt đầu chuyển vần vũ. Ở trên độ cao ấy, thời tiết thay đổi rất nhanh, chúng tôi vẫn được cảnh báo là qua buổi trưa trời sẽ đổi gió và có thể có mưa hoặc bão tuyết dù trước đó vẫn nắng rực rỡ.

https://c1.staticflickr.com/9/8633/16647508300_6852892a4f_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/1/577/21353688926_9d0c150415_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/6/5777/21379876425_d3a366645f_b.jpg
(ảnh NL)

Người Tạng làm lễ đốt sang-sol (lá thơm và các hương liệu) trên đèo. Tôi được biết người Tạng thường thực hiện nghi thức này ở ngoài trời, những nơi quang đãng hoặc trên các đỉnh cao vì đó là nơi cư ngụ của các vị hộ thần, và khi kết thúc buổi lễ họ thường tung bột tsampa lên trời.

https://c2.staticflickr.com/6/5757/21379847005_27b3af6530_b.jpg
(ảnh NL)

Và đây, một thực tế đau lòng không thể phủ nhận của những điểm hành hương nổi tiếng - rác thải bừa bãi trên đỉnh đèo.

https://c2.staticflickr.com/8/7784/17293344966_81bbee49e3_b.jpg
(ảnh La)

Gemini1976
16-09-2015, 11:37
Mới có vài năm mà Darchen đã khác trước nhiều quá, khác vì đã có quá nhiều những cột điện và đường bê tông kiên cố cùng các cửa hàng với biển hiệu tiếng Hán san sát mọc lên. Tôi vẫn còn nhớ Namsay từng nói với tôi mày yên tâm người TQ không chịu nổi độ cao này đâu, họ chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Lhasa thôi. Ấy vậy mà điều Namsay nói giờ không đúng nữa rồi.. Nhưng chặng đường kora thì tôi tin có lẽ vạn ngày sau cũng sẽ vẫn thế thôi. Thật là kỳ lạ là sau rất nhiều năm đã qua và tôi đã đi qua rất rất nhiều những nơi chốn khác nhưng không có một nơi nào trên thế giới này có thể khiến tôi nhớ tới từng cành cây ngọn cỏ như cái xứ sở trên cao ấy… Và tôi vẫn mong về 1 ngày nào đó lại có thể bắt đầu hành trình phía Bắc của khu tự trị.

Các bạn thật có nhiều duyên may vì thời tiết đã ủng hộ hành trình này quá đỗi. Các bạn đã được chiêm bái núi thiêng Kailash ở mọi hướng của chặng kora trong bầu trời xanh nắng mùa thu đẹp tới nao lòng. Bạn Samdup thì hiền và ít nói, chẳng bù cho Namsay hay Tenzin và Lhakpa trong những lần rong ruổi cùng chúng tôi, nhưng chưa thấy bạn nhắc tới bác tài nhỉ? Tài xế của các bạn lần này là ai vậy ?

Đúng đấy June ạ, Darchen giờ đã thay đổi, người Hán lên đây lập nghiệp cũng khá nhiều. Trong chuyến đi năm ngoái, bọn mình gặp nhiều đoàn khách TQ lên phía Tây Tây Tạng, từ Darchen cho đến Tirthapuri và Zanda, đâu đâu cũng thấy khách TQ. Mà người Tàu thì ai cũng biết rồi đấy, đi đến đâu cũng ồn ào, nói to, cười to, hay khạc nhổ, chen vai thích cánh chụp ảnh (kể cả trong Bảo tàng Tây Tạng cũng thế). Hihi, tính mình hay để ý quần áo, cứ thấy nhóm nào mặc đồ outdoor màu mè nhãn hiệu Toread hoặc Kailas (không phải Kailash), chưa cần nghe họ nói cũng biết là khách từ đại lục lên rồi. Tuy nhiên, thấy bạn guide Samdrup bảo 2014 là năm Kailash nên khách hành hương người Hán cũng nhiều hơn mọi năm. Còn một điều cực kỳ vô lý và bất công nữa, mà Samdrup đã cập nhật ngay sau khi bọn mình về nước, là trong năm Kailash này, sau ngày Quốc khánh 1/10, Chính quyền đã cấm khách hành hương người nước ngoài và người Tạng vào Kailash nhưng vẫn cho phép khách TQ vào khu vực này.

Nhóm mình đi Kailash đúng vào năm con ngựa gỗ của người Tạng, từ quá trình chuẩn bị cho đến chặng đường những ngày đầu có quá nhiều khó khăn vất vả nhưng cuối cùng kết quả lại rất ngọt ngào. Thời tiết quá chiều lòng người suốt chặng đường 3 ngày kora. Chuyến hành hương đã thành tựu viên mãn và cho đến bây giờ mình vẫn nghĩ đó là cơ duyên màu nhiệm với cả 5 đứa bọn mình.

Lần này bọn mình đi xe van 24 chỗ, em xe mà cô Sói nhóm mình bảo là "trông trẻ trung, tươi mát giống như La - em gái trẻ nhất đoàn, nhưng kỳ thực đã già lão, rệu rã lắm rồi, giảm xóc long như răng bà cụ":)). Cả hai lần Tibet đều đi van 24 chỗ, có lẽ lần 3 sẽ phải yêu cầu xe Land ngồi cho thoải mái.

https://c1.staticflickr.com/1/602/20833352783_720ceb721a_b.jpg
(ảnh Sói em)

Còn đây là bác tài của nhóm mình (đứng ngoài cùng bên phải), cũng như bạn Samdrup: rất hiền lành ít nói, tuy không tinh tế và lịch lãm như bác tài Pasang trong chuyến Tibet 2011 :)).

https://c2.staticflickr.com/6/5762/21452619935_e92a65a6da_b.jpg

Gemini1976
16-09-2015, 18:13
Tái sinh

"Ai đã thực hiện nghi thức đi vòng quanh ngọn núi thiêng với lòng tin tưởng hoàn toàn và tâm thức tập trung, người đó đã đi trọn một vòng sống chết" (Anagarika Govinda)

Trên chặng đường kora ngày thứ hai, nếu như tại Shiva Tsal người hành hương phải chịu sự phán xét của Tử vương Lama và trải qua cái chết có tính chất tượng trưng, thì khi tiếp tục leo qua đèo Dolma-la họ sẽ được tái sinh sang một kiếp sống mới và được công nhận trở thành con người mới.

Qua cửa tái sinh trên đèo Dolma-la, từ đỉnh đèo trông xuống là một mặt hồ xanh biếc màu ngọc lục phản chiếu bóng núi - hồ Đại Bi (mà người Hindu gọi là hồ Gauri Kund). Mới đầu mùa thu nên mặt nước hồ chưa bị đóng băng, thời tiết quá đẹp khiến nhiều khách hành hương người Tạng đã xuống tận nơi để chiêm bái và đi kora quanh hồ. Nhìn từ trên xuống cứ tưởng đây chỉ là một vũng nước nhỏ, nhưng kỳ thực sâu đến hơn 20m. Theo truyền thuyết Hindu giáo, hồ này gắn với câu chuyện về vị thần đầu voi mình người Ganesha - con trai của nữ thần Parvati. Chính tại Gauri Kund này, vị nữ thần đã tạo ra con trai mình bằng cách nặn bọt xà phòng trên cơ thể mình và thổi sự sống vào đó. Pravati đã đặt Ganesha ở cổng nhà để canh gác khi nàng đang tắm. Khi thần Shiva đi qua đây và bị Ganesha chặn lại, đã tức giận chặt đầu Ganesha. Quá đau buồn, nữ thần Pravati yêu cầu Shiva phải cứu sống cậu bé. Shiva đi vào rừng và đã thề sẽ chặt đầu người đầu tiên ông gặp để cứu Ganesha. Nhưng đi mãi đi mãi mà ông chỉ gặp một con voi. Cuối cùng, vị thần của Hủy diệt đã chặt đầu con voi để chắp vào thân mình thần Ganesha.

https://c2.staticflickr.com/6/5834/21380105275_98000422cf_b.jpg
(ảnh NL)

Đường lên Dolma-la đã dốc, chặng đường xuống đèo còn dốc hơn nhiều. Đây là ảnh sưu tầm trên mạng, cho thấy độ cao và độ dốc của con đường kora ngày thứ hai qua Dolma-la. Trong lúc đang đổ dốc, tôi đã gặp một nhóm người Tạng đang hì hục leo lên theo chiều ngược lại. Đi kora ngược chiều kim đồng hồ, họ chắn chắn là những tín đồ của Bon giáo. Giờ đây đã qua đèo rồi, nhìn lại con dốc dựng đứng sau lưng mà thấy ớn.

https://c2.staticflickr.com/6/5738/21215157900_f8b5217f97_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Dòng người từ Dolma-la đổ xuống

https://c1.staticflickr.com/1/554/19694589914_fdf6cb7221_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8740/17319354975_9eb75dc7e4_b.jpg
(ảnh La)

Đổ dốc được một đoạn đã nhìn thấy trên rặng núi đen thẫm với những rãnh cắt xẻ ngang dọc kỳ dị phía xa nổi bật mỏm đá hình lưỡi rìu mà người Tạng gọi là dấu hiệu của thần chết - Rìu Nghiệp lực (The Axe of Karma) của Tử vương Lama. Người Tạng đi qua đây không ai dám nhìn lâu vào khối đá đáng sợ ấy vì cho rằng nghiệp báo từ vô lượng kiếp đổ về sẽ dẫn đến việc trả nghiệp dồn dập quá sức chịu đựng. Nhưng tôi biết, trước lòng từ bi của mẹ Tara xanh, cái rìu ấy sẽ mất đi sự đáng sợ bởi lòng từ bi có sức mạnh hơn nghiệp chướng.

https://c2.staticflickr.com/6/5718/21380683425_09fbf2d6d6_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/1/716/21389116131_eb7896b3d9_b.jpg
(ảnh NL)

Dải băng hà trên đường xuống dốc.

https://c1.staticflickr.com/1/758/21354589976_1a7c32b6fb_b.jpg
(ảnh NL)

Hết dốc đá rồi lại đến dốc đất trơn trượt. Chỗ này chính là nơi tôi đã được một cậu bé người Tạng dắt tay đi qua khi vừa mới bị trượt chân.

https://c2.staticflickr.com/8/7606/16793075586_27bd39976d_b.jpg

Teahouse phía đằng xa, trong lòng thung lũng sông Lham-chu.

https://c1.staticflickr.com/9/8724/17293396326_1ecd4cb605_b.jpg
(ảnh La)

Quang cảnh trong Teahouse

https://c2.staticflickr.com/8/7607/16833704472_702d83e142_b.jpg

Lúc tôi về đến Teahouse, thấy anh T và Sói em đã ăn trưa xong và đang ngồi nghỉ. Trong căn lều nóng sực và nồng nồng ngai ngái mùi của trà bơ, của mỳ tôm và các loại thức ăn nhanh, khách hành hương kẻ đứng người ngồi, có những cụ bà người Tạng ôm gậy ngồi thở dốc, mệt mỏi nhưng đầy mãn nguyện. Ngồi nhấm nháp trà bơ, tôi để ý cặp vợ chồng trung niên ở bàn đối diện. Qua nét mặt và phong thái của họ, tôi đoán anh chị là người Nhật. Người vợ ngồi gục đầu vào vai chồng, mắt nhắm nghiền mỏi mệt. Anh chồng quãng 50 tuổi, tóc đã điểm bạc, đôi mắt hiền từ sau cặp kính trắng, lặng lẽ ngồi uống trà, thỉnh thoảng lại quay sang âu yếm hôn tóc vợ. Tôi cứ ngắm mãi hai con người này, ở họ toát lên cái nét văn minh, vẻ trầm tĩnh và từng trải sâu sắc, cái an nhiên tự tại của người biết mình vừa đi trọn một vòng sinh tử của đời người. Tôi cảm nhận được tình yêu sâu thẳm mà anh chị dành cho nhau. Nghĩ đến cái lệnh cấm người mang quốc tịch Pháp, Nhật, Việt Nam và Na Uy vào Kailash trong năm con ngựa này, tôi ngạc nhiên tự hỏi "Người Nhật ư, làm sao mà họ đến được nơi này?" để rồi lại tự trả lời "Cần gì phải giải thích, họ và chúng tôi, đã có cơ duyên được ngọn núi thiêng chọn lựa, ấy là cái duyên may mắn lớn nhất trong đời người". Trong khoảnh khắc đối diện với những con người ấy, tôi thấy như đang đối diện với một tấm gương trong suốt phản chiếu lại chặng đường tôi đã đi qua, tôi thấy được sợi dây vô hình và vi tế nối tôi với họ qua những chứng nghiệm chung mà chúng tôi cùng trải qua trên vùng linh địa này. Trong giây phút ấy, tôi ý thức một cách đủ đầy và sâu sắc rằng tôi cũng vừa được tái sinh.

Gemini1976
17-09-2015, 12:52
Đường về

Ăn uống nghỉ ngơi ở Teahouse xong đã lâu, chúng tôi đợi mãi mà chưa thấy chị NL với La và Samdrup đâu. Đang chuẩn bị đi tiếp thì 3 bạn cũng vừa về tới. Khổ thân chàng guide Samdrup, trút hai cái ba lô trên vai xuống rồi ngồi thượt ra vì vẫn còn hâm hấp sốt. Gọi trà bơ và mỳ tôm cho các bạn rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Anh T vẫn cưỡi ngựa, còn tôi và Sói em thong thả đi bộ, theo con đường bên bờ tây sông Lham-chu để về thung lũng của Bất Không Thành Tựu Như Lai, cái đích cuối ngày sẽ là tu viện Zutupuk.

Thênh thang đường về

https://c1.staticflickr.com/9/8699/16697165464_804415e7d9_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7593/16833878112_29bf6d3c23_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7594/16833919141_c699ac6914_b.jpg

Đoạn đầu tiên xuất phát từ Teahouse chính là điểm gặp nhau giữa con đường từ đèo Dolma-la và đèo Khandro Sanglam-la đi xuống (chỗ đánh dấu màu đỏ trên bản đồ). Ở đây, nếu đi bên bờ tây sông Lham-chu sẽ không có cơ hội nhìn thấy mặt đông của Kailash. Tôi và Sói em vẫn bám theo con đường bờ tây nên đã bỏ lỡ mất hình ảnh tuyệt đẹp ấy.

https://c1.staticflickr.com/1/725/20789407934_3afcd27979_b.jpg

May mắn thay, chị NL và La đi sau đã sang phía bờ đông của dòng Lham-chu, vì vậy đã ghi lại được hình ảnh mặt phía đông của ngọn núi thiêng. Đây là ảnh của chị NL, tấm ảnh duy nhất nhóm tôi chụp được mặt phía đông - mặt pha lê của Kailash. Trong ảnh, vẫn có thể nhận thấy phần góc lõm chếch phía bên phải chính là mặt bắc của ngôi đền thiên giới vĩ đại.

https://c2.staticflickr.com/6/5710/21193410868_c520e381a3_b.jpg
(ảnh NL)

Bức ảnh này cũng làm tôi nhớ đến một bức ảnh em La đã chụp trên đường đi Tirthapuri, chính là ảnh mặt tây - mặt ruby của Kailash, ở chiều ngược lại so với mặt đông, với góc lõm nằm phía bên trái của đỉnh núi.

https://c2.staticflickr.com/8/7658/17132575319_c1b0ffbacd_b.jpg
(ảnh La)

Gemini1976
22-09-2015, 17:57
Đường về

Đường về Zutupuk chiều thu ấy, thung lũng Lham-chu chan hòa nắng và gió. Con đèo ngạo nghễ đã bỏ lại sau lưng, bước chân kẻ hành hương nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.

https://c1.staticflickr.com/1/684/21195105469_1d71d44c49_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/8/7591/16648695509_b0b8178bd2_b.jpg
(ảnh La)

Mây trời phía trước đẹp đến nao lòng

https://c1.staticflickr.com/1/638/21622480655_c241ab5bf7_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/608/21370787462_33908ca6cc_b.jpg
(ảnh NL)

Đường về Zutupuk chiều thu ấy, lối về mải miết tới tận chân trời đầy mây trắng, không còn những đoạn dốc gắt nữa, con đường thoai thoải xuyên qua lòng thung lũng Lham-chu, bãi sông mùa cạn những đàn yak nhẩn nha gặp cỏ thật yên bình

https://c2.staticflickr.com/6/5818/21499985211_820e4f3224_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/1/575/21491212625_a5a7981fd0_b.jpg

Đường về Zutupuk chiều thu ấy, thời tiết thật kỳ lạ, trời đang nắng bỗng đổ mưa bóng mây, rối bỗng chốc lại thấy cả những bông tuyết lất phất nhẹ đậu trên vai áo kẻ hành hương.

https://c1.staticflickr.com/9/8639/16817865631_e3141e6fb3_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7635/16589375490_f43c918525_b.jpg
(Bạn tây này gặp từ sáng, trang bị đầy người, thậm chí còn đeo cả tấm kê mông để ngồi nghỉ chân nữa)

Bình yên một thoáng cho tim mềm

https://c2.staticflickr.com/8/7640/16631562180_b7d9b99f50_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/639/21434382220_a830afce53_b.jpg

Đường về Zutupuk chiều thu ấy, chúng tôi gặp lại người đàn ông Tạng Thanh Hải trọ cùng guesthouse ở Darchen. Hôm đầu tình cờ gặp anh trong quán Thần Sơn Như Ý, tôi đã khá ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy một người Tạng có phong thái tây đến thế. Hai hôm ở Darchen cứ suốt ngày chạm mặt anh chàng to như hộ pháp ấy, lúc thì ở nhà trọ, lúc ở quán Thần Sơn, lũ chúng tôi đã goi anh là Trác Mộc Cường Ba (tên nhân vật chính trong tiểu thuyết "Mật mã Tây Tạng" của Hà Mã). Bây giờ hỏi chuyện mới biết trong vòng mấy hôm nay anh Trác Mộc đã thực hiện được 3 lần Kailash kora, lần đầu đi với bố hết 2 ngày, lần thứ hai đi với em gái hết 1 ngày và đây là lần thứ 3 cũng hết có 1 ngày. Thật đáng ngưỡng mộ. Con người ấy hẳn phải có niềm tin sâu sắc với Phật Pháp mới có thể thực hiện liên tiếp 3 vòng kora như thế. Đi cùng chúng tôi một đoạn thì anh chia tay để về Darchen ngay trong hôm ấy. Nhìn anh sải những bước chân dài mạnh mẽ đi trước, hai chị em bảo nhau, anh ấy có thừa khả năng đi liên tiếp cả 13 vòng kora ấy chứ. Tiếc là chả có cái ảnh nào của anh Trác Mộc cả.

Gemini1976
22-09-2015, 18:08
Zutupuk

Đường về Zutupuk

https://c1.staticflickr.com/9/8822/17133109439_5fee69d09a_b.jpg

5h30 giờ chiều ngày kora thứ hai, tôi và Sói em đến tu viện Zutupuk. Anh T đã về trước đó. Đợi chừng nửa tiếng nữa thì 3 bạn đi sau cũng về. Trong lúc Samdrup đi liên hệ phòng nghỉ, chúng tôi lên tu viện Zutupuk.
Zutupuk - cái tên này bắt nguồn từ thạch động phía bên trái tu viện: "Zutu" nghĩa là thần diệu, "puk" là hang động. Bởi vậy Zutupuk mang nghĩa cái hang thần diệu - nơi vốn là hang thiền định của Tổ sư Milarepa. Nơi đây cũng xảy ra trận đấu phép huyền thoại giữa vị Đại sư với một giáo sỹ của Bon giáo là Naro Bonchung. Truyền thuyết kể rằng Milarepa và Naro Bonchung đã thỏa thuận cùng xây thất tu tập ở nơi này, tuy nhiên vị Tổ sư của Mật Tông đã làm trước mái nhà mà không cần gá lên bức tường do Naro Bonchung xây sau đó. Khi nhận ra là mái nhà quá cao, Milarepa đã dùng lực bàn tay để ấn cho mái nhà xuống thấp hơn, quá trình vận công này đã để lại dấu chân của vị Đại sư ngay chỗ cửa cái hang thần diệu.

Cũng như tu viện Dirapuk, Zutupuk năm nay đang được trùng tu. Toàn bộ tượng và đồ thờ trong gian chính điện được chuyển sang gian chứa kinh sách phía ngoài, nổi bật trong số các pho tượng ấy có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, và tượng Đại sư Liên Hoa Sinh với hình tướng dữ tợn như vẫn thường thấy trong các chùa trên đất Tạng.

Đã mệt nên 5 anh em chúng tôi chỉ làm lễ trong tu viện mà không sang thăm hang thần diệu nữa. Nhận phòng xong, tôi và Sói em đi tìm mua đồ ăn nhưng các Teahouse xung quanh chẳng còn bán gì ngoài trà bơ. Cuối cùng, nhờ Samdrup mà 5 anh em chúng tôi mua được 5 suất cơm và trứng luộc. Cơm 15 tệ/5 bát, còn trứng luộc thì đắt lè lưỡi: 100 tệ/5 quả, cộng với phích nước nóng 15 tệ nữa. Trong ánh sáng nhá nhem của ngày tàn hắt qua cửa sổ, cả lũ ngồi nhá cái thứ cơm đã lại gạo khô khốc với trứng luộc và ruốc mang theo, suất ăn mà mấy anh em cứ đùa nhau là "mỗi đứa một bát cơm - quả trứng". Buổi tối kết thúc bằng tiết mục đánh răng dưới trăng. Giấc ngủ đến nhẹ nhàng khi trăng rằm sáng vằng vặc ngoài cửa sổ. Chặng đường đã sắp hoàn thành, ngày mai chỉ còn 10km đường về Darchen nữa thôi là vòng kora quanh núi thiêng sẽ khép lại.

Gemini1976
23-09-2015, 13:03
Kailash kora - ngày thứ ba

Ngày kora thứ 3, chúng tôi dậy sớm và khởi hành từ lúc 5h30. Ngoài trời, trăng vẫn sáng vằng vặc. Tôi với chị NL và La khoác ba lô đi trước, hai bạn còn lại sẽ đi ngựa về sau với Samdrup. Trên con đường hành hương ban sớm, chúng tôi không cảm thấy cô đơn, bạn đồng hành với chúng tôi là vầng trăng vành vạnh giữa trời, là những người Tạng cũng đang hoàn thành nốt chặng đường kora, là tiếng lầm rầm niệm chú và tiếng lách cách quay mani.

Chặng đường ngày kora thứ 3 tương đối bằng phẳng, dễ dàng với độ dài khoảng 10km, là con đường mòn từ thung lũng phía đông dẫn tới vùng đồng bằng để về lại thị trấn Darchen. Trăng lặn dần, bầu trời nhạt nhòa dần ửng một màu hồng phía trước. Ba chị em đã đi từ bóng tối ra đến bình minh của đồng bằng Barkha. Bên kia dải bình nguyên, phía chân trời xa dải mây hồng như tấm khăn nhẹ vắt trên dãy Gurla Mandhata phủ đầy tuyết trắng.

https://c2.staticflickr.com/8/7610/16817937382_f904db95a1_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8708/16793151856_9ac03d136b_b.jpg

Những người Tạng hành hương buổi sớm

https://c1.staticflickr.com/9/8707/16819043655_e9d9c48e7e_b.jpg

Nhìn lại con đường chúng tôi vừa đi qua

https://c2.staticflickr.com/8/7636/16611744977_b55bcf8e14_b.jpg

Chorten cuối cùng trên đường kora, nắng sớm chan hòa trên những dải phướn cầu nguyện và đống đá mani xếp bên đường.

https://c1.staticflickr.com/9/8718/16698371189_6792827944_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8576/16199108253_30d81e4598_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7620/16793166236_31884d2fae_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8746/16631476808_d7c627bafb_b.jpg

Gemini1976
23-09-2015, 20:50
Kailash kora - ngày thứ ba

Những người Tạng này đang nhẫn nại hoàn thành nốt chặng cuối cùng của vòng kora theo nghi thức ngũ thể nhập địa. Không biết họ mất bao nhiêu ngày để hoàn tất chặng đường hành hương. Tôi bỗng nhớ đến hai mẹ con người phụ nữ Tạng đã gặp ngày kora đầu tiên lúc vừa qua Tarboche, băn khoăn tự hỏi giờ này mẹ con chị đã đi đến đâu rồi, mong cho những ngày tiếp theo trời vẫn nắng đẹp thế này để hai mẹ con về đích bình an.
https://c1.staticflickr.com/9/8741/16883489381_b52026718e_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8670/16817929172_7d3ffdd1fa_b.jpg

Người hành lễ ngũ thể nhập địa vẫn cứ miệt mài trên những đoạn đường cuối, để lại phía sau họ những dấu vết này trên mặt đất - những vòng tròn do cánh tay vẽ nên khi quỳ xuống bái lạy rồi lại quạt ra sau, chống xuống đất để lấy đà đứng lên. Phía sau họ, chúng tôi khẽ khàng đi sang bên cạnh, không dám dẫm lên những dấu vểt của lòng mộ đạo ấy dù vẫn biết rồi gió sẽ cuốn đi tất cả.

https://c1.staticflickr.com/9/8598/16196684954_917d048a3b_b.jpg

Đường về

https://c2.staticflickr.com/8/7652/16819027245_792e921ee4_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7602/16793158896_a187e7be5f_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8727/16631651540_3d0dfc883e_b.jpg

9h sáng, nhìn sang phía bên phải thấy một dãy lều bạt, có gắn biển của PSB. Chắc chắn đây là điểm check-in vào chân núi rồi. Sáng ngày kora thứ nhất vì trời quá tối và nhân viên PSB quá đông nên chúng tôi không tưởng tượng được nó lại như thế này. Dãy lều giờ đây vắng hoe, chỉ có một nhân viên PSB đang ngồi trực. Năm nay, lượng khách vào Kailash bị hạn chế không quá 90 lượt người mỗi ngày nên có lẽ nó chỉ đông đúc vào lúc sáng sớm khi làm thủ tục check-in cho người hành hương mà thôi.

https://c1.staticflickr.com/9/8732/17317817142_63e9ddc348_b.jpg
(ảnh La)

Cổng chốt check-in

https://c2.staticflickr.com/8/7589/16627813227_53f3a942af_b.jpg
(ảnh La)

Phía cuối con đường, thị trấn Darchen đã hiện ra

https://c2.staticflickr.com/8/7788/17319664465_1d2d74632c_b.jpg
(ảnh La)

Gurla Mandhata (7728m) trong làn mây buổi sớm

https://c1.staticflickr.com/9/8701/16262085384_5d31dc9e07_b.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
23-09-2015, 21:22
Tạm biệt Darchen

9h30 sáng ngày hôm ấy, chúng tôi đã về đến thị trấn Darchen, khép lại vòng kora trong mơ. Thị trấn đón chúng tôi trong nắng sớm dịu dàng, đường vẫn vắng người qua lại. Đây, cây cầu bắc qua sông đầu thị trấn, lungta chăng kín chẳng nhìn thấy dòng sông.

https://c1.staticflickr.com/9/8572/16196680564_9c79a4f23e_b.jpg

Và phía trên kia, một góc của mặt nam Kailash trắng xóa nổi bật trên nền trời xanh thẳm.

https://c1.staticflickr.com/9/8751/16858551036_fe3e767e51_b.jpg
(ảnh NL)

Ba chị em check-in Darchen, khép lại chặng đường hành cước.

https://c2.staticflickr.com/6/5722/21438275800_672a3b5941_b.jpg

Lại đi qua cái nhà trọ quen thuộc

https://c2.staticflickr.com/6/5667/21298315688_cb3ba9e51e_b.jpg

Kết thúc vòng kora, chúng tôi về lại quán Thần Sơn Như Ý, mấy anh em quây quần quanh ấm trà bơ. Nhấm nháp cái hương vị giờ đã trở nên quen thuộc, để vị mặn lan tỏa thấm thía đầu lưỡi, để tận hưởng niềm an nhiên của người hành hương đã đến đích.

https://c2.staticflickr.com/6/5669/21627280585_1a801537f3_b.jpg
(ảnh La)

Darchen mơ màng trong nắng sớm. Darchen của tôi, cái thị trấn nhỏ yêu dấu tôi mới ở có hai ngày đã thấy thân thiết. Sắp tạm biệt rồi, biết bao giờ có ngày trở lại đây, tôi vẫn còn vòng Inner kora chưa thực hiện được. Không biết khi tôi trở lại, thị trấn sẽ thay đổi như thế nào. Nhưng, có lẽ như bạn June đã nói, vòng kora quanh núi thiêng chắc ngàn vạn năm sau vẫn mãi như thế bởi nó chỉ dành cho những ai đi hành hương với "lòng tin tưởng hoàn toàn và tâm thức tập trung", những người đã nghe thấy tiếng gọi đánh thức mình ra khỏi sự tự mãn bản thân và lòng ước ao về những gì cao đẹp vẫn còn thôi thúc, những người đó sẽ tiếp tục làm thành một dòng người hành hương miên viễn và vô tận lặng lẽ chảy quanh ngọn núi thiêng.

Darchen, nơi lời ước hẹn của chúng tôi đã viên thành sau 3 năm chờ đợi. Thị trấn yêu dấu, giây phút tạm biệt.

https://c2.staticflickr.com/6/5674/21299215559_564cca4080_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/689/21475089722_8ac429bf65_b.jpg
(ảnh Sói em)

Tạm biệt anh chủ đáng mến của quán Thần Sơn Như Ý.

https://c1.staticflickr.com/1/645/21298095180_e4d7182ef3_b.jpg
(ảnh Sói em)

Phải vội vàng chia tay thị trấn nhỏ giờ đã trở thành một góc đáng nhớ của tâm hồn, bởi chúng tôi chỉ còn trọn vẹn 2 ngày trên đất Tạng nữa thôi. Samdrup bảo hôm nay chúng tôi phải cố gắng chạy về Dzongba nghỉ tối, còn bây giờ trên đường sẽ ghé thăm thánh hồ Manasarovar.

https://c1.staticflickr.com/9/8754/16677084437_b4d704c3dc_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8586/16834231211_b0e7020f1e_b.jpg
(ảnh La)

Gemini1976
24-09-2015, 13:12
Manasarovar

Nằm ở phía nam ngọn Thần sơn Kailash là hai hồ thiêng, mang ý nghĩa của hai cặp phạm trù đối lập: Thiện - Ác, Sáng - Tối, Giác ngộ - Vô minh, đó là hồ Manasarovar (Mã Bàng Ung Thác) và hồ Rakastal (Lạp Ngang Thác), còn gọi là hồ Thần và hồ Quỷ. Những ý niệm về Thiện - Ác này thể hiện trong tên gọi của hai hồ: manas có nghĩa là tỉnh thức - khai sáng, mang sức mạnh của giác ngộ; rakas là ma quái, nên Rakastal còn được gọi là hồ quỉ. Nếu như Manasarovar nằm ở phía đông - nơi ngày mới bắt đầu và có hình mặt trời, biểu tượng cho sức mạnh của ánh sáng, thì Rakastal lại nằm ở phía Tây - nơi bóng tối ngự trị và có hình trăng lưỡi liềm, biểu tượng cho sức mạnh ẩn tàng của bóng đêm, hiện thân cho những năng lực đen tối của ma quái.

https://c2.staticflickr.com/6/5781/21401199970_00b184db66_b.jpg
(ảnh sưu tầm)

Bản thân tôi trước đây đã khá băn khoăn khi biết Manasarovar còn có tên là "Hồ ngọc bích vô địch", và khi khi tìm hiểu về nguồn gốc cái tên của Manasarovar cùng cái hồ song sinh Rakastal, mới biết từ "vô địch" là do có một sự tích liên quan đến lịch sử các vương triều cát cứ trên mảnh đất cao nguyên kỳ bí này, điều này cũng làm cho tôi thấy có hứng thú hơn so với những gì đã từng đọc trước đó.

Đây là sự tích về tên gọi của hai hồ:

Khoảng thế kỷ thứ sáu - thứ bảy sau công nguyên, cao nguyên Tây Tạng cũng ở trong tình trạng tương tự như thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Nguyên, nổi lên một loạt các nước cát cứ tranh hùng xưng bá: miền trung có Thổ Phồn, phía Đông có Đa Di, Đảng Hạng, Bạch Lan, phía Bắc có Tô Tì, Thổ Cốc Hồn, Hoắc Nhĩ, phía Tây có Tượng Hùng và một loạt các nước chư hầu nhỏ khác.

Thổ Phồn là quốc gia đóng ở miền trung Tây Tạng, cai trị một vùng rộng lớn trên lưu vực sông Nhã Lung (Yarlung Tsangpo). Về sức mạnh và tiềm lực quân sự, đến thời Tán phổ Tùng Tán Can Bố, có thể nói là hơn hẳn các nước như Tô Tì, Bạch Lan, Đảng Hạng, Thổ Cốc Hồn. Tuy nhiên, so với Tượng Hùng - một quốc gia cường thịnh nhất ở phía Tây thì Thổ Phồn vẫn chưa phải là đối thủ xứng tầm bởi Tượng Hùng đất rộng người đông, lãnh thổ trải dài toàn bộ phần phía tây và tây bắc của Tây Tạng, binh lực hùng hậu, địa hình lại hiểm yếu, không dễ chinh phạt.

Tán phổ Tùng Tán Can Bố tương truyền từ nhỏ đã thể hiện khí chất của một bậc kỳ tài quân sự xuất chúng. Mới mười ba tuổi đã lên ngôi và quyết tâm thống nhất cao nguyên, vị Tán phổ trẻ tuổi biết rằng, muốn Thổ Phồn phát triển hùng mạnh, phải chinh phạt quốc gia mạnh nhất là Tượng Hùng. Tuy nhiên, với tiềm lực quân sự của Thổ Phồn bấy giờ, chưa thể đánh Tượng Hùng ngay được. Theo sách lược của Tùng Tán Can Bố, Thổ Phồn dần dần thu phục các bộ tộc cát cứ như Tô Tì, Đạt Ba, chinh phạt Thổ Cốc Hồn và Đảng Hạng, thậm chí còn vươn tới tận Trung Nguyên, nhiều phen giao tranh với cả Đại Đường.

Đúng vào thời kỳ này (như tôi đã từng chia sẻ trong phần viết về Tsaparang), có hai dòng họ quý tộc của Vương triều Tượng Hùng là họ Vi và họ Nương đã phản bội vương triều để chạy sang Thổ Phồn, mang theo nhiều bí mật quân sự của vương triều hùng mạnh ở miền viễn Tây sang với Tùng Tán Can Bố. Thời kỳ này, Tùng Tán Can Bố cũng đã gả em gái của mình là công chúa Trại Mã Cát cho vua Ligmikya của Tượng Hùng không ngoài mục đích do thám tin tức quân sự. Được sự phò tá của họ Vi và họ Nương, cùng với những mật tin do Trại Mã Cát gửi về, Tán phổ Tùng Tán Can Bố đã dần dần gây dựng được một lực lượng quân đội hùng mạnh và thiện chiến để đối đầu với vương triều phía tây. Sau nhiều năm củng cố binh lực, năm 634 Thổ Phồn đã xuất quân lên miền tây Tây Tạng chiếm đánh Tượng Hùng - tiến hành một trận chiến long trời lở đất, đánh bại đế chế mạnh nhất ở miền viễn tây và thống nhất toàn bộ vùng cao nguyên Tây Tạng.

Trận chiến thư hùng trên mảnh đất miền tây ấy đã quét sạch mười vạn đại quân của Tượng Hùng, loại bỏ chướng ngại cuối cùng trong công cuộc thống nhất lãnh thổ Tây Tạng, chấm dứt tình trạng cát cứ tranh hùng và đưa Tùng Tán Can Bố trở thành vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử cao nguyên. Để kỷ niệm chiến thắng này, hồ Manasarovar đã được đặt tên thành hồ Thần - hồ Bất Bại, còn hồ Rakastal phía bên Tượng Hùng trở thành hồ Quỷ - nơi ấy âm hồn của mười vạn quân Tượng Hùng muôn đời không tan, oán khí kết tụ. Bởi vậy, Rakastal mặc dù cảnh đẹp chẳng kém gì Manasarovar nhưng luôn gây cho người ta cái cảm giác u ám lạnh lẽo, trong khi phía bên Manasarovar có rất nhiều tu viện và thất độc cư của các hành giả Mật Tông thì bên Rakastal lại luôn quạnh vắng, buồn bã.

Manasaravar - hồ Bất Bại là đây, tôi đến vào buổi trưa ngày trăng tròn sau khi vừa kết thúc vòng kora quanh núi thiêng Kailash. Mùa thu, cỏ ven hồ đã ngả sang màu thắm đỏ. Bên hồ xanh, nổi bật lên mái vòm trắng xóa của ngôi đền thiên giới. Chợt nhớ về sự tích cái tên hồ Bất Bại, mới thấy chiến tranh binh lửa nào rồi cũng qua đi, cái còn mãi là những khoảnh khắc yên bình giữa không gian khoáng đạt này.

https://c2.staticflickr.com/8/7612/16611796547_a065ff05c5_b.jpg

Gemini1976
27-09-2015, 11:35
Manasarovar

"Trên trái đất khó có chỗ nào đáng được quí trọng và xứng đáng để xem là địa đàng như vùng Ngân Sơn - Manasarovar, mà người Tây Tạng xem là trung tâm của Nam Thiệm bộ châu (thế giới loài người), tâm điểm của mọi xứ sở, mái nhà của thế giới và xem nó là xứ sở của vàng ngọc, suối nguồn của bốn con sông lớn" (Anagarika Govinda)

Manasaravar, chúng tôi đến vào một trưa tháng tám nắng rực rỡ, đi từ xa đã nghe thấy tiếng hát rộn rã, những giai điệu tưng bừng, lại gần chỗ cột phướn mới thấy một đoàn khách hành hương Ấn Độ đang quây quần ăn uống và hò hát bên hồ.

https://c2.staticflickr.com/8/7584/16632907969_4d5eb6c042_b.jpg

Đây là chỗ chúng tôi đã dừng chân tại hồ Thần này, từ đây có thể nhìn được về phía mặt đông nam Kailash.

https://c1.staticflickr.com/1/643/21024023504_679b444820_b.jpg

Chúng tôi đứng đây, một bên là đỉnh núi uy nghi vươn cao - trú xứ của Demchog, một bên là mặt hồ xanh bí ẩn, trú xứ của Nữ thần Dorge Phangmo - người phối ngẫu của Demchog. Người Tạng quan niệm Demchog và Dorge Phangmo tượng trưng cho chủng tử âm và dương đầu tiên tạo ra đất trời và vạn pháp. Từ chỗ này có thể thấy được cả ngôi đền thiên giới Ngân Sơn và mặt gương xanh huyền bí của Manasarovar - hai biểu tượng của tình yêu tối thượng.

https://c1.staticflickr.com/9/8632/16611796847_13878765c2_b.jpg

Lặng ngắm mặt gương kia biến đổi đầy ảo diệu trong nắng trưa. Dưới bóng mây, mặt nước hồ mang màu xanh lục nhạt như thế này.

https://c1.staticflickr.com/9/8835/17319724565_1c04c96e71_b.jpg
(ảnh La)

Nhưng thật kỳ lạ, chỉ vài giây sau, lúc mặt trời chói lóa hiện ra sau màn mây thì cái gương ấy lại chuyển sang màu đậm hơn, càng xa bờ màu xanh lại càng thẫm và phản chiếu trên mặt nước hàng ngàn ngôi sao lấp lánh.

https://c1.staticflickr.com/9/8721/16196747944_0bf72f4290_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8632/16793223526_91ff1b753f_b.jpg

Ảnh quét panorama cho thấy nhưng góc độ xanh kỳ ảo của mặt hồ.

https://c2.staticflickr.com/8/7585/16817982892_0a0499f48e_b.jpg

Đôi lúc, ta chỉ phân biệt được màu xanh của mặt gương Manasarovar và bầu trời thăm thẳm phía trước nhờ dải núi và những đám mây trắng bồng bềnh cuối chân trời.

https://c1.staticflickr.com/9/8641/16819021105_8811ceb5fa_b.jpg

Tu viện Chiu bên hồ

https://c1.staticflickr.com/9/8747/16817983942_d0237a626f_b.jpg

Gemini1976
27-09-2015, 12:01
Manasarova

Manasarovar, chặng dừng chân ngắn ngủi không đủ để ngắm những sắc độ xanh kỳ diệu của mặt nước hồ thiêng và cũng không kịp lên thăm tu viện Chiu Gompa. Dừng lại nơi này, như những khách hành hương đến đây, chúng tôi đã xuống hồ lấy nước uống và rửa mặt, gột đi những bụi đường xa. Lội ra khá xa nhưng nước cũng chỉ ngang bắp chân. Giữa trưa, nắng chói chang mà nước hồ vẫn buốt giá. Mặc dù khi ở nhà, tôi có thói quen tắm nước lạnh trong mùa đông, nhưng ở đây, giữa mặt nước lộng gió này, vẫn thấy cái lạnh tê tái như kim đâm vào chân, cái lạnh thấm rất sâu, rất sâu. Khi đứng một lúc thấy quen rồi thì lại thấy lan tỏa một cảm giác thật nhẹ nhàng thanh thoát. Chúng tôi xin nữ thần Dorge Phangmo lấy nước hồ mang về cho người thân rồi mới bắt đầu rửa mặt.

https://c2.staticflickr.com/6/5713/20865008463_ae97467916_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/707/20865011233_6019380c43_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8669/16802055481_a29988fc39_b.jpg

Những giây phút thư thái...

https://c1.staticflickr.com/9/8722/17317883062_04f2c45aa2_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7634/16196748804_e0a7ac391c_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7584/16611788387_7675b0a4bd_b.jpg

Vẫn còn muốn ở lại đây lâu hơn, để được đi dạo và ngắm những sắc xanh biến ảo của mặt nước Manasarovar. Nhưng thời gian không còn, mặc dù trong kế hoạch ban đầu chúng tôi còn dự định sẽ đi thăm tu viện Seralung ở phía bờ đông của hồ để được chiêm bái ngọn Thần Sơn in bóng trong gương nước hồ thiêng, nhưng giờ đây vẫn còn cả chặng đường dài về Dzongba.

Manasarovar, giây phút tạm biệt.

https://c2.staticflickr.com/8/7622/16611724737_c7ae2227fa_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8742/16699476703_9389982b9e_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8672/16196744924_6c9cef8cd1_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7633/16196740794_6b042273cf_b.jpg

Gemini1976
27-09-2015, 18:08
Kailash - những hình ảnh cuối cùng

Xe đưa chúng tôi theo con đường uốn lượn quanh hồ thiêng để hướng về phía quốc lộ 219. Phải rời Manasarovar cũng là rời xa Kailash. Từ phút ấy, tôi không dám rời mắt khỏi cửa kính xe, tôi cố gắng thâu nhận nốt những hình ảnh cuối cùng của mặt gương xanh kỳ ảo và ngọn núi thiêng ở bên trái con đường tôi đi.

https://c2.staticflickr.com/8/7628/16698476629_1b35b4bfa4_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/9/8708/16883401332_77ef97016d_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7609/16884599335_b9c8accf6f_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/8/7593/16698507889_4fec42ba46_b.jpg
(ảnh NL)

Tôi vẫn nhớ, kể từ giây phút đầu tiên được diện kiến, Kailash linh thiêng đã ở bên chúng tôi trong suốt hành trình bảy ngày. Bảy ngày đáng nhớ ấy, sau cả ngàn cây số đường xa, tôi đã được chiêm bái ngọn Thần sơn, có những phút ở gần đến mức tưởng như chỉ leo thêm vài bước và với tay là chạm tới được. Bày ngày ấy, tôi đã được hít thở không khí tràn đầy những nguồn năng lực vô hình bao quanh cái đỉnh tuyết vĩ đại ấy, từ lúc bình minh cho đến khi mặt trời lặn, trong ngày nắng rực rỡ cũng như những lúc cơn mưa bất chợt đuổi sau lưng, dưới bầu trời mây vần vũ cũng như đêm trăng mười bốn vằng vặc trong tâm tưởng. Bảy ngày đáng nhớ ấy, tôi đã được sống cùng ngọn núi và đã cảm nhận được phần nào hơi thở, nhịp sống cũng như "tính cách phi thường" của núi thiêng. Vậy mà giờ đây, tôi sắp phải chia xa rồi. Xe đã chạy ra đường 219. Trước mặt tôi là con đường đầy mây trắng xuyên giữa thảo nguyên vàng cỏ mùa thu,

https://c1.staticflickr.com/9/8694/16199219393_8859fa568c_b.jpg

còn sau lưng tôi, đỉnh núi thiêng cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi hút tầm mắt. Tôi ngoái đầu lại, cố thu vào mắt mình lần cuối hình ảnh cái kim tự tháp trắng xóa ấy, bỗng thấy tim mình như bị bóp nghẹt lại, cố hít một hơi thật sâu để ngăn những giọt nước mắt sắp rơi, rồi lặng lẽ đeo kính để giấu đi đôi mắt đỏ hoe.

https://c1.staticflickr.com/9/8605/16819113375_1bdb97248c_b.jpg

Buổi chiều chia tay Kailash và Manasarovar ấy, tôi đâu biết cơn mưa giông mây đen giăng kín trời đang chờ chúng tôi ở phía Dzongba.

https://c2.staticflickr.com/8/7588/16835281825_35bbce95da_b.jpg
(ảnh NL)

Mưa đến ào ạt cùng sấm chớp và cũng vội đi thật nhanh, để lại bầu trời chạng vạng bỗng bừng lên trong sắc cầu vồng và một hoàng hôn dữ dội màu thương nhớ, cháy như tâm trạng của chúng tôi khi phải chia xa ngọn núi và mặt hồ thiêng, buổi hoàng hôn không thể quên trong đời.

https://c2.staticflickr.com/8/7607/16834247891_ffc38af16c_b.jpg
(ảnh La)

https://c1.staticflickr.com/9/8724/16196821114_8c5c35988f_b.jpg

Gemini1976
05-10-2015, 21:42
Saga county

Hành trình trên đất Tạng của chúng tôi đã đi đến những ngày cuối cùng. Những đêm cuối của hành trình, tôi hầu như không ngủ được, tâm trạng vui sướng nhẹ nhõm khi hoàn thành chặng kora quanh núi thiêng giờ đã nhường chỗ cho nỗi bâng khuâng tiếc nuối bởi thời gian ở lại đất Tạng cứ ngắn dần. Trên vùng cao nguyên này, không khí loãng khiến cho đầu óc tôi trở nên trong suốt, cả hành trình mười bốn ngày, tôi hầu như ngủ rất ít nhưng vẫn thấy tỉnh táo một cách kỳ lạ. Chỉ có duy nhất đêm rằm tháng tám, khi đã qua đèo Dolma-la là ngủ ngon. Nếu như những đêm đầu không ngủ được là do tâm trạng bồn chồn lo lắng trước khi bước vào vòng kora thì những đêm sau lại là nỗi trăn trở thao thức khi sắp phải rời xa mảnh đất yêu dấu đã trở thành một phần của trái tim tôi.

Ngày thứ 12 trên đất Tạng, chúng tôi rời Dzongba để về Zhangmu - thị trấn vùng biên nằm giáp ranh giữa Tây Tạng và Nepal, trên đường ghé qua thị trấn Saga và Nyalam.

Buổi sáng rời Dzongba, vầng trăng mười sáu vẫn còn lơ lửng trên bầu trời đã ửng sắc hồng của ngày mới. Con đường về Saga, cảnh thảo nguyên mùa thu đẹp đến nao lòng, càng làm chúng tôi thêm day dứt nghĩ đến giây phút phải rời xa đất Tạng.

https://c1.staticflickr.com/1/678/21778962210_597c463c9c_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/1/725/21337799363_ccc1231003_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/660/21699608085_2a292d6c7d_b.jpg

Saga đây, cái tên trong tiếng Tạng mang nghĩa "miền đất hạnh phúc", thị trấn mà nhẽ ra chúng tôi nghỉ lại vào đêm thứ 4 trong hành trình lên phía Tây Tây Tạng, nhưng do hỏng xe nên phải dừng ở Ngamring trong một chiều mưa ủ dột. Thị trấn vùng biên nơi giao nhau giữa Quốc lộ 219 và đường cao tốc Hữu Nghị 318, giờ đây như một đại công trường, đâu đâu cũng thấy máy trộn bê tông và giàn giáo. Đường trong thị trấn đang được bê tông hóa toàn bộ với vỉa hè và đèn đường cao vút, theo đó nhà cửa cũng mọc lên bám sát hai bên, những tòa nhà ốp đá mặt tiền theo phong cách Hán.

https://c2.staticflickr.com/8/7588/16631687238_0974a2d061_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8692/16633130149_d91d0f2d06_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/605/21345990924_e40f40aed3_b.jpg

Vào đến khu phố chính, chúng tôi xuống xe tìm chỗ ăn sáng. Con phố chính của thị trấn biên giới san sát những cửa hàng với môt rừng biển hiệu tiếng Hán. Những năm gần đây, chính sách khuyến khích người Hán từ đại lục lên định cư tại Tây Tạng của Chính quyền đã làm cho lượng người Hán tăng đáng kể ở các thị trấn đầu mối giao thông quan trọng như Saga và ngày càng đẩy lùi người Tạng về những vùng hẻo lánh. Saga giờ đây người Hán đã chiếm hầu như các khu phố chính và thiết lập nên căn cứ quân sự đồn trú để kiểm soát toàn bộ vành đai biên giới Tây Tạng - Nepal, và người Tạng đang dần trở thành người vong quốc trên mảnh đất quê hương của chính mình - "miền đất hạnh phúc" ấy.

https://c1.staticflickr.com/9/8677/16611943547_2eb1c99f4f_b.jpg

Gemini1976
06-10-2015, 12:46
Peiku-tso

Từ Saga, chúng tôi tách khỏi quốc lộ 219, hướng vào đường cao tốc Hữu Nghị 318, đi về phía biên giới Nepal. Đây là hồ nước mặn Peiku-tso nổi tiếng nằm trên đường về Nyalam. Peiku-tso chúng tôi đến vào buổi trưa nắng rực rỡ, khoảng dừng chân cũng ngắn ngủi như lúc ở Manasarovar.

https://c1.staticflickr.com/1/724/21973682992_222962f145_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/749/21280175904_1fab1fabdd_b.jpg
(ảnh Sói em)

https://c2.staticflickr.com/6/5763/21279928044_fa2b4238c1_b.jpg

Những sắc xanh biến ảo kỳ diệu dưới bóng mây.

https://c1.staticflickr.com/1/663/21955138382_d11cc80453_b.jpg
(ảnh NL)

https://c2.staticflickr.com/6/5738/21780369369_9e351ce723_b.jpg
(ảnh NL)

https://c1.staticflickr.com/1/570/21714760660_9f1e024326_b.jpg

Chặng dừng chân không đủ để xuống tận hồ chạm tay vào làn nước biếc ấy mà cảm nhận được cái hơi lạnh của mặt nước ở độ cao 4600m. Cả nhóm cùng ngồi thư giãn, lặng ngắm hồ xanh, ghi lại lần cuối hình ảnh mặt gương Peiku-tso,

https://c1.staticflickr.com/9/8625/16835359955_fbd420ecb5_b.jpg
(ảnh La)

và dải Shishapangma (8027m) hùng vĩ phủ tuyết phía xa.

https://c2.staticflickr.com/6/5689/21281608303_51996a8755_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/684/21346130053_004ababc6e_b.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
07-10-2015, 12:07
Nyalam - một trời quan tái


Chiều nay, chúng tôi đang đi về phía biên giới Nepal, ngày mai sẽ phải rời xa mảnh đất yêu dấu này.

Nyalam chiều nay, trên con đèo Thong-la, nơi lần cuối trong hành trình này, tôi còn được hít thở cái không khí đậm chất cao nguyên, và được nhìn ngắm lần cuối những sắc màu rực rỡ của đức tin, của phước lành đang tung bay trong gió. Đứng từ đây, hướng tầm mắt ra xa để thấy một vùng đất khô cằn nơi thời gian như ngừng lại trong sự cô tịch mênh mang bao trùm cả bầu trời chiều mây xám và những rặng núi ngút ngàn phía chân trời. Tôi yêu biết bao cái không khí hanh hao ánh vàng sắc cỏ mùa thu này, tôi muốn đắm chìm mãi trong mang mang chiều biên tái ấy. Ở vùng đất này, cỏ cây không vội hư mục để rồi lại nảy lộc đâm chồi mạnh mẽ, vạn vật cứ lặng lẽ đổi thay, mùa nối mùa, theo một vòng quay chậm rãi không thể đảo ngược của tự nhiên.

Tôi cứ muốn đứng đây thật lâu, để được ngắm lần cuối dãy Shishapangma phủ tuyết phía bên kia con đèo, để được chậm rãi hít đầy lồng ngực hơi thở bình yên và thuần tịnh của buổi chiều cao nguyên bởi vì chỉ lúc nữa thôi, khi đổ hết con đèo này, vài chục cây số đường nữa là sẽ sang một vùng đất khác, một thị trấn vùng biên vẫn mang tên Tây Tạng nhưng không còn cái chất Tạng nữa, nơi ấy là vùng biên mậu tấp nập, là những rặng núi ẩm ướt phủ sương mù và đầy màu xanh ào ạt của cỏ cây.

https://c1.staticflickr.com/1/577/21984181836_e9b4d4fbb9_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7627/16632015690_f7d2d96954_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/1/768/21281786163_7b375993e2_b.jpg
(ảnh Sói em)

Đứng giữa chốn mênh mông cô tịch này, sao tôi nhớ quá sắc nắng thu chan hòa trên những con đèo cao lộng gió và rực rỡ đại kỳ ngũ sắc, tôi nhớ núi, nhớ mây và nhớ và thảo nguyên mùa thu, nhớ cái cảm giác an bình thoát tục trong những Phật điện âm vang tiếng tụng kinh. Còn chưa ra khỏi đất Tạng mà sao tôi lại thấy lòng nhớ nhung quyến luyến da diết thế này, nỗi nhớ day dứt và đau đớn như thể tôi đã thuộc về miền đất này từ kiếp nào xa lắm.

Nyalam - một trời quan tái.

https://c2.staticflickr.com/6/5820/21997693862_2d4c404503_b.jpg

"Chiều nay, thương nhớ nhất chiều nay"
(thơ Nguyễn Bính)
https://c2.staticflickr.com/8/7602/16819392795_219bcde2d6_b.jpg

Gemini1976
08-10-2015, 12:46
Zhangmu

Những cảnh sắc cuối cùng còn mang chất Tạng trên đường về Zhangmu, cánh đồng lúa mỳ đang vụ chín.

https://c2.staticflickr.com/8/7586/16197048784_9f4cb158d8_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7591/16632010880_6bfe8b4763_b.jpg

https://c2.staticflickr.com/8/7647/16612097747_b949297ab7_b.jpg

https://c1.staticflickr.com/9/8699/16793529276_d659a698a4_b.jpg

Về đến Zhangmu, con đường liên tục đổ xuống những khúc quanh ngoằn ngoèo, một bên là vực sâu, mây lẫn trong sương bảng lảng bay.

https://c2.staticflickr.com/6/5643/21780414109_8856b2411a_b.jpg
(ảnh NL)

Những đoàn xe biên mậu nối dài khiến cho con đường hẹp bên bờ vực mờ sương lại càng thêm tắc nghẽn.

https://c1.staticflickr.com/1/776/21876852336_d1f38b9998_b.jpg
(ảnh NL)

Zhangmu, thị trấn vùng biên ẩn hiện trong mây mà người ta vẫn gọi tên "vân thượng biên thành" là đây. Về đến Zhangmu nghĩa đã sang một địa hình khác, khí hậu khác, không còn cái hanh hao đã trở nên quen thuộc mười mấy ngày qua. Từ vùng cao nguyên xuống đây, tôi bỗng thấy bứt rứt không sao quen được cái không khí ẩm hơi sương và cỏ cây hoa lá um tùm này.

https://c1.staticflickr.com/1/773/21715183938_b378c98751_b.jpg
(ảnh Sói em)

https://c1.staticflickr.com/1/751/21891051262_a240a87015_b.jpg
(ảnh Sói em)

https://c1.staticflickr.com/1/754/21891046632_8cfa0d7795_b.jpg
(ảnh Sói em)

Đêm ở Zhangmu, trong căn phòng nhỏ cửa sổ chênh vênh trông ra miệng vực, đêm cuối cùng của hành trình trên đất Tạng cũng lại là một đêm không ngủ, nằm trăn trở thao thức, nghe rả rích tiếng mưa rơi để lòng thấm thía nỗi buồn sắp chia xa.

https://c2.staticflickr.com/6/5769/21843910659_844d1ae910_b.jpg
(ảnh La)

Gemini1976
08-10-2015, 13:04
Khép lại hành trình

Đây là cây cầu giữa biên giới Tây Tạng - Nepal

https://c1.staticflickr.com/1/766/21779231440_9dda2e71f6_b.jpg
(ảnh NL)

Ngày 11/9/2014, chúng tôi đã rời Tây Tạng qua cây cầu này để sang đất Nepal, kết thúc hành trình mười bốn ngày rong ruổi trên vùng đất Chư thiên và chặng đường kora mơ ước. Không thể tả hết nỗi day dứt và nhớ nhung khi lần thứ hai trong đời phải chia xa vùng đất ấy. Tôi biết, mình đã quá may mắn khi thực hiện thành tựu chặng hành cước quanh ngọn núi thiêng trong cái năm đặc biệt này - năm con ngựa gỗ của người Tạng, và tôi thầm cảm ơn những người bạn thân thiết đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi của đời người. Tôi vẫn luôn nghĩ chuyến đi này là một điều màu nhiệm, là cơ duyên may mắn hiếm có trong đời chúng tôi, là niềm hạnh phúc mà vị ngọt của nó đã quá đủ cho một đời viễn du.

Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, đã hơn một năm kể từ chuyến đi ấy, tôi vẫn thấy sống lại nguyên vẹn cảm xúc của những ngày mùa thu năm trước, tôi đã gặp lại chính tôi trong hành trình rong ruổi trên miền đất tuyết - là tôi lúc cơ thể ốm yếu và tận cùng lo lắng không biết mình có đủ sức thực hiện chặng kora, là tôi trong buổi hoàng hôn bên dòng sông biên tái đau đáu nỗi buồn trước cảnh cũ điêu tàn của vương triều xưa, tôi của những giây phút bình an thoát tục khi cúi đầu trước Kailash linh thiêng, và tôi trong niềm an nhiên tuyệt đích khi đứng trên đỉnh đèo rực rỡ của Mẹ Tara xanh buổi trưa ngày Trung thu. Chuyến đi này không chỉ tiếp nối cho tôi những cảm xúc về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ vô song của đất Tạng mà còn là một hành trình trải nghiệm đặc biệt giúp tôi thấu triệt những giá trị tinh thần to lớn: niềm tin bất tận, sự kiên trì và quyết liệt dám sống với mơ ước và tâm nguyện của những con người trên vùng đất khắc nghiệt này. Kết thúc hành trình rồi tôi mới càng thấm thía những điều mà P - người bạn tặng tôi thuốc pháp trước ngày hành hương - đã chia sẻ: "Mọi kinh nghiệm đêu có thể sai, chỉ có trải nghiệm của bạn là có thật, mọi sự chuẩn bị về thể lực đều cần thiết nhưng để có một chuyến hành hương Kailash thành tựu, duyên nghiệp của bạn quyết định rất nhiều".

Trước chuyến đi, đã có quá nhiều khó khăn khiến chúng tôi đôi lúc phải nản lòng chùn bước, nhưng rồi niềm tin và sự đồng lòng đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả để thực hiện trọn vẹn hành trình kora mơ ước ấy. Sau chúng tôi, một nhóm bạn lên đường hành hương vào tháng 4/2015 đã không may mắn khi phải thay đổi cả hành trình vì trận địa chấn khủng khiếp tại Nepal đã cắt đứt con đường lên phía Tây Tây Tạng trong nhiều ngày. Tôi biết, các bạn đã rất buồn, nhưng đừng bao giờ từ bỏ tâm nguyện. Ngọn núi thiêng vẫn ở đó gọi tên những ai biết từ bỏ chấp ngã và sự tự mãn bản thân mà lên đường hành hương với "niềm tin tưởng hoàn toàn và một tâm thức tập trung". Bản thân chúng tôi vẫn còn vòng Inner kora chưa thực hiện được. Và chúng tôi vẫn mong ngày trở lại miền đất yêu dấu ấy để lại một lần nữa được chiêm bái và đi nhiễu quanh ngọn núi thiêng, để được tiếp cận gần nhất với mặt phía nam của ngôi đền thiên giới vĩ đại, và lần nữa lại được hít thở đầy lồng ngực cái bầu không khí tràn đầy năng lượng của vùng đất vô song trên địa cầu. Với tôi, nơi ấy "đất đã hóa tâm hồn".

Và tôi biết, trong tim chúng tôi, ngọn Thần Sơn ấy sẽ tỏa sáng, mãi mãi.

https://c2.staticflickr.com/6/5688/22031048885_4bfe4bb417_b.jpg
(ảnh NL)

Gemini1976
10-10-2015, 10:03
Khúc vĩ thanh

Tây Tạng - cái tên ấy vẫn là niềm mơ ước của bao thế hệ Phật tử và khách hành hương. Mỗi chúng ta đều có một lý do để tìm thấy cảm hứng viễn du về miền đất bí ẩn ấy. Khúc vĩ thanh này tôi muốn viết về một trong những điều đã khơi gợi cho chúng tôi nguồn cảm hứng tìm hiểu và lên đường đến với Tây Tạng.

Với chúng tôi, từ nhiều năm trước, cảm xúc về vùng đất tuyết lại tình cờ bắt nguồn từ Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu - vị Lạt Ma đa tình - người có số phận kỳ lạ nhất trong 14 đời Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng, ông là Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso). Trong số 14 vị Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, tôi ấn tượng nhất với Thương Ương Gia Thố bởi cuộc đời sóng gió và mối tình bi thương của ông. Là hóa thân chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso - người đứng đầu phái Cách Lỗ (Gelug-pa) trong Mật Tông Tây Tạng nhưng bản thân gia đình ông lại theo truyền thống của phái Ninh Mã (Ningma-pa), do đó tư tưởng của Thương Ương Gia Thố vẫn mang đậm chất phóng khoáng của dòng Hồng mạo giáo. Truyền thuyết kể rằng, trước khi được ấn chứng làm người lãnh đạo tối cao trong chính giáo Tây Tạng, ông đã có mối tình sâu đậm với nàng Mã Cát A Mễ - một người bạn thanh mai trúc mã ở quê nhà. Tình yêu thánh khiết và sâu sắc ấy đã khiến cuộc đời 10 năm tu hành trong cung điện Potala của ông trở thành chuỗi thời gian dài mâu thuẫn giằng xé giữa đạo tu và tình đời. Năm 25 tuổi, bị nhiếp chính Thiết Bổng Lạt Ma tố cáo không giữ đạo tu, ông bị triều đình nhà Thanh phế truất và lưu đày lên phương bắc. Trên đường áp giải, ông đã mất tích ở Thanh Hải. Lịch sử cuộc đời ông có nhiều dị bản, cũng có bản cho rằng sau khi trốn thoát tại Thanh Hải, ông đã chu du khắp vùng Hy Mã và mất năm 64 tuổi ở Mông Cổ.

Thương Ương Gia Thố cũng là một nhà thơ nổi tiếng tài hoa. Do ảnh hưởng tư tưởng của Hồng Mạo giáo, thơ của ông (hiện còn lưu truyền hơn 60 bài) mang nhãn quan của một tuệ tâm, vừa có nét thanh tao thoát tục lại vừa thể hiện những cảm xúc rất tự nhiên đời thường, rất con người, cho thấy cái thế giới tinh thần bao la trong tư tưởng xuất thế của vị Lạt Ma này.

Có lẽ, đúng như Bạch Lạc Mai, trong cuốn "Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất", đã viết: "Khi tôi biết rằng có rất nhiều người bởi vì đọc thơ tình của Thương Ương Gia Thố, mà quyết định thu thập hành lý đi lên Tây Tạng, trong lòng nảy sinh hàng ngàn cảm xúc khác nhau. Tôi luôn tin tưởng, những người này đi Tây Tạng, không đơn giản là vì tìm hiểu Thương Ương Gia Thố của kiếp trước hay kiếp này, mà bọn họ muốn biết, ở nơi phong cảnh lãng mạn đó, rốt cuộc là có một cuộc tình không giống người bình thường ra sao. Kết quả là làm thế nào mà một vị Đại Lai Lạt Ma có thể viết được ra hai câu thơ:
Thế gian nào có đôi đường vẹn
Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng"

trước khi đến với Tây Tạng, cảm xúc của chúng tôi đối với vùng đất kỳ lạ này cũng một phần xuất phát từ những bài thơ của vị Đạt Lai Lạt Ma đa tình ấy. Trôi trong dòng tư liệu về Thương Ương Gia Thố, chúng tôi đã từng say mê những bài thơ (được cho là) sáng tác của ông, những bài thơ ẩn chứa đầy tâm trạng mâu thuẫn, da diết đau đớn như “Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng”, “Một đêm ấy”, “Hạc trắng”… Trong đó, “Gặp hay không gặp” (kiến dữ bất kiến) là một trong những bài thơ được mến mộ nhất.

Đây là một trong nhiều bản dịch tiếng Việt của “Gặp hay không gặp” (tôi cũng chưa tra cứu được chính xác là ai dịch) - một bản dịch mà tôi tin là từng làm thổn thức bao trái tim ngưỡng mộ chuyện tình của Đạt lai Lạt Ma thứ sáu:

GẶP HAY KHÔNG GẶP

Nàng gặp, hay không gặp ta
Ta vẫn ở đây
Không mừng, không lụy

Nàng nhớ, hay không nhớ ta
Tình vẫn ở đây
Không còn, không mất

Nàng yêu, hay không yêu ta
Yêu vẫn ở đây
Không thêm, không bớt

Nàng theo, hay không theo ta
Tay ta vẫn nơi nàng
Không lơi, không siết

Hãy ngả vào lòng ta
Hoặc là
Dành cho ta một chỗ trong trái tim nàng
Bình lặng yêu nhau
Âm thầm thương tưởng.

Tôi sẽ không nói về bản phiên âm Hán Việt của bài thơ bởi âm điệu đã bị Việt hóa không còn cái du dương nguyên bản nữa. Bản dịch tiếng Anh của “Gặp hay không gặp” dưới đây, có tên "See or not", tôi rất thích và cho rằng đó là bản bám sát nghĩa và có âm điệu hay nhất.

SEE OR NOT

(by Tsangyang Gyatso)

You see me, or not see me
I am there
Not sad, not happy.

You miss me, or not miss me
The feeling is there
Not coming, not going.

You love me, or not love me
The love is there
Not more, not less.

You follow me, or not follow me
My hands are in yours
Not giving up, not abandoning.

Come into my arms
Or
Let me live in your heart
In silence, in love
In stillness, in joy.

Do tính hàm súc và cô đọng của nó, bài thơ có nhiều tầng lớp nghĩa và ngay từ đầu đã gợi cho nhiều độc giả nghĩ đến mối tình đau đớn của Thương Ương Gia Thố với Mã Cát A Mễ. Và hầu hết những tư liệu chúng tôi từng đọc đa phần đều cho rằng bài thơ này (dưới cái tên "Kiến dữ bất kiến") là của Thương Ương Gia Thố.

Nhưng sau này, khi tiếp tục tìm hiểu thêm về Tây Tạng và Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu, chúng tôi mới được biết những câu thơ da diết ấy lại là sáng tác của một nữ sỹ ở thời đại sau câu chuyện tình bi thương kia hơn 300 năm - Trát Tây Lạp Mẫu Đa Đa (tên thật là Đàm Tiếu Tĩnh, người Quảng Đông, sinh năm 1978).

Bài thơ "Kiến dữ bất kiến" xuất hiện lần đầu trên blog cá nhân của tác giả Đàm Tiếu Tĩnh (bút danh Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa) vào tháng 5/2007, với cái tên "Ban trát Cổ lỗ Bạch mã đích trầm mặc" (Sự trầm mặc của Kim Cang Thượng sư Liên Hoa), nằm trong tập “Nghi Tự Phong Nguyệt” của cô. Năm 2008, tạp chí “Độc giả” đăng tải bài này với tiêu đề “Gặp hay không gặp”, đồng thời đề tên tác giả là Thương Ương Gia Thố. Tháng 12/2010, nhờ bộ phim "Phi thành vật nhiễu 2" (mà ở ta dịch là “Nếu em là người tình”) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, bài thơ “Gặp hay không gặp” được biết đến rộng khắp. Trong bộ phim "Cung Tỏa Tâm Ngọc" được trình chiếu hồi tháng 1/2011, đây cũng chính là nội dung lá thư tình mà hoàng đế Ung Chính viết cho nàng Tình Xuyên. Trong phim cũng có đoạn nhân vật chính Xuyên Xuyên ngâm nga từng chữ trong bài "Kiến dữ bất kiến".

Những người quan tâm còn có thể tìm thấy nhiều bản dịch tiếng Anh tâm đắc dành cho "Gặp hay không gặp", đa phần đề tên tác giả Thương Ương Gia Thố, bản tiếng Hán trên các diễn đàn và blog của Trung Quốc cũng vậy.

Chỉ cho đến tháng 3/2011, khi Đàm Tiếu Tĩnh lên tiếng khởi kiện Nhà xuất bản Châu Hải xâm phạm bản quyền khi không được sự đồng ý của cô đã xuất bản tập thơ “Một ngày đó, một tháng đó, một năm đó” (那一天那一月那一年) trong đó có bài "Ban trát Cổ lỗ Bạch mã đích trầm mặc" thì người yêu mến Thương Ương Gia Thố mới vỡ lẽ đây không phải là thơ ông.

Về lý do của cái tên "Ban trát (Vajra = Kim Cang) Cổ lỗ (Guru) Bạch mã (Padme) đích trầm mặc", tác giả Đàm Tiếu Tĩnh có giải thích: Ý tưởng của bài thơ bắt nguồn từ câu chú của Đại sư Liên Hoa Sinh, đại ý “Ta không bao giờ rời bỏ người tín ngưỡng ta, hay người không tin ta, cho dù các con không thấy được ta, nhưng lòng từ bi của ta mãi mãi che chở các con”. Bài thơ là sự thể hiện tình yêu thương quán chiếu của Đại sư với chúng đệ tử của Ngài, chứ hoàn toàn không liên quan đến chuyện luyến ái nam nữ.

Đặc trưng của thơ ca là vậy, vừa có tính điển hình lại vừa mang tính cá thể. Mỗi độc giả đều có thể tìm thấy những mảnh cảm xúc, những hình bóng thân quen trong sáng tác thi ca và gán cho nó một cách hiểu riêng. Cho nên, với một bài thơ ngôn từ cô đọng như thế này, việc liên tưởng đến chuyện tình của Thương Ương Gia Thố cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Dưới đây là bản dịch của Sói em trong nhóm tôi, xin giới thiệu để các bạn cùng thưởng thức. Tôi tin rằng, khi biết được tinh thần đích thực của bài thơ, sự mến mộ của độc giả với thi phẩm này cũng như niềm yêu mến Tây Tạng và Thương Ương Gia Thố không vì thế mà thay đổi, bởi cái tình mà Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa nhắc đến ở đây, vượt ra ngoài tình luyến ái nam nữ, là thứ tình rộng lớn và phổ quát, thứ tình yêu bao la quán chiếu của đạo pháp với nhân sinh.

SỰ TRẦM MẶC CỦA ĐẠI SƯ LIÊN HOA

Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa
(Sói em dịch)

Người thấy, hay không thấy ta,
Ta vẫn ở đó,
Không buồn, không vui.

Người nhớ, hay không nhớ ta,
Tình vẫn ở đó,
Không rời, không chuyển.

Người yêu, hay không yêu ta,
Niềm yêu vẫn đó,
Không thêm, không giảm.

Người cùng, hay không cùng ta,
Tay ta vẫn trong tay người,
Không buông, không bỏ.

Đến đây trong lòng ta,
Hay là,
Để ta trú trong trái tim người.
Mặc nhiên yêu thương,
Lặng thầm hoan hỉ.

Hơn ba trăm năm đã trôi qua, chuyện về vị Đạt Lai Lạt Ma đa tình đã không còn phân biệt được đâu là truyền thuyết và đâu là lịch sử nữa. Tôi không biết liệu có bao giờ chúng tôi đạt đến được cái cảnh giới “Không buồn - không vui, Không rời - không chuyển, Không thêm - không giảm, Không buông - không bỏ" hay không? Với tôi, có lẽ chỉ cần có được sự bình thản luôn an trú trong trái tim để cho tâm hồn “mặc nhiên yêu thương, lặng thầm hoan hỉ” là đủ. Và tôi biết, trong đời tôi, những khoảnh khắc ấy tôi đã từng tìm thấy, trên đất Tạng.

bibo81
02-11-2015, 01:01
Thấm thoát đã 1 năm rồi chị Gemini1976 nhỉ ( em đoán chị sn 76 nên gọi là chị ), tình yêu với Tibet và Kailash vẫn còn nguyên trong em, tiếc là em vẫn chưa đủ duyên để đến được Tibet 1 lần ( chưa dám nói đến Kailash ) , tháng 4 -2015 vừa rồi em cũng k có may mắn đi theo đoàn của Linh vì lí do sức khỏe.
Vừa rồi em đi Cửu Trại Câu mới lên đến độ cao 4000m mà 1 lúc sau hơi đau đầu ko biết năm tới có ấp ủ đi Tibet được ko, còn Kailash nữa, làm thế nào để được chiêm bái Người?

Gemini1976
09-12-2015, 10:18
Thấm thoát đã 1 năm rồi chị Gemini1976 nhỉ ( em đoán chị sn 76 nên gọi là chị ), tình yêu với Tibet và Kailash vẫn còn nguyên trong em, tiếc là em vẫn chưa đủ duyên để đến được Tibet 1 lần ( chưa dám nói đến Kailash ) , tháng 4 -2015 vừa rồi em cũng k có may mắn đi theo đoàn của Linh vì lí do sức khỏe.
Vừa rồi em đi Cửu Trại Câu mới lên đến độ cao 4000m mà 1 lúc sau hơi đau đầu ko biết năm tới có ấp ủ đi Tibet được ko, còn Kailash nữa, làm thế nào để được chiêm bái Người?

Bibo81 thân mến,

Đã lâu không lên diễn đàn, cảm ơn em vẫn theo dõi hành trình của chị. Hơn một năm rồi nhưng chị hầu như không quên chi tiết nào của chuyến đi ấy. Đối với chị, Tây Tạng vẫn luôn là vùng đất yêu dấu mà chị mong muốn trở lại nhất.

Chị nghĩ việc bị đau đầu khi mới lên độ cao 4000m có thể là do lúc đó em chưa ở trong thể trạng tốt nhất và cũng chưa đủ thời gian để thích nghi với độ cao thôi.
Năm nay chị không quay lại Tây Tạng nhưng cũng vừa thực hiện chuyến đi 3 tuần tới vùng Kham thuộc địa phận Vân Nam và Tứ Xuyên. Bọn chị đã có đủ thời gian thích nghi độ cao nên trekking lên 4.800m mà vẫn khỏe, không phải dùng bất cứ loại thuốc gì.

Đừng từ bỏ tâm nguyện nhé, có duyên ắt sẽ đến được với núi thiêng. Chúc em sang năm hành hương thành tựu.

thichcovua
09-12-2015, 15:28
Cảm ơn c chủ top vì những chia sẻ rất chi tiết về chuyến đi. E cũng cực thích Tây Tạng