PDA

View Full Version : Sáu ngày lang thang 5 tỉnh Miền Tây! Thông tin chính xác từ người Hà nội.



vũ thị bích hằng
03-12-2014, 15:17
Tôi đã trở về Hà nội với đầy ắp trong tim những kỷ niệm đẹp về Miền Tây và một cái túi tiền rỗng tuếch vì đã chi đến đồng xu cuối cùng cho một cuộc ăn chơi chỉ kém Công tử Bạc liêu. Tôi khuyên các bạn đừng ghé thăm nhà ông ấy vì nhà tuy đẹp thật nhưng bị ông ấy truyền bá cho cách đốt tiền giống ông ấy như tôi thì chỉ có nước bị gậy!!!:D
Trước hết, tôi xin cảm ơn bác Doigiaymoi đã chỉ dẫn tôi cặn kẽ để tôi có được hành trình lý thú đến vậy!
Cảm ơn Diễn đàn của Phuot đã đăng tải những thông tin hữu ích mà tôi luôn phải sử dụng trong suốt chuyến đi!
Cảm ơn các bạn ghé thăm, đọc và chia sẻ!
Tôi xin bắt đầu ngay bằng hành trình ngày thứ nhất: Hà nội- Cần thơ- Cà mau.
Nghe thông tin có vé rẻ của Vietjet đi Cần thơ tôi liền tiến hành đặt vé và cuối cùng cũng đặt được 2 vé khứ hồi với chỉ 3,3 triệu. Ok! Lên đường! Sau khi tham khảo ý kiến của mọi người tôi hỏi thăm các khách sạn, các hãng xe, giờ tàu cao tốc để có thể xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng ngày và rất may hành trình hầu như khớp hết trừ đoạn chót di chuyển từ Nội bài về Hà nội bằng bus của Vietjet thì ôi thôi... đúng bằng giờ bay Cần thơ-Hà nội.=))
May cho chúng tôi, ( Nếu tôi có xưng tôi thì cũng có nghĩa là hai vợ chồng tôi nhé) máy bay cất cánh đúng giờ, chuyến bay không có gì đáng kể,nó hạ cánh sau 1h45' bay và đúng 13h' chúng tôi đã lên Face với status: Cần thơ kính chào quý khách!
Do đã nhận được thông tin từ các bạn trên diễn đàn mà tôi biết rằng VJA có cân hành lý xách tay, dù có đơn giản đến mức tối đa thì hành lý của chúng tôi cũng cũng gần chạm ngưỡng cho phép. May quá không bị phạt quá cân!!!
Tiếp theo chúng tôi ngồi chờ xe Phương trang đến đón. Do tôi nhìn sai giờ cất cánh nên khi đến chúng tôi vẫn kịp đi chuyến xe 14h đi Cà mau nhưng không có vé nên đành ngồi chơi chờ xe đón. Già rồi đâm đôi lúc cũng hay lẫn!:))
Xe Phương Trang được cái hay là nếu bạn đi chuyến dài như: Cần thơ- Cà mau, ngược lại hoặc Sài gòn- Cần thơ v.v. thì họ sẽ cho xe đón miễn phí với điều kiện bạn phải đi bộ ra ngoài trạm thu thu phí. Không may cho tôi trời Cần thơ đổ mưa khá nặng hạt, nên dù trạm thu phí không quá xa chúng tôi vẫn phải trả tiền qua trạm để xe vào tận nơi đón, mất toi 50.000 đầu tiên.
Post bài lên mất ngay một khúc mà thời gian lại không có để viết lại, hẹn các bạn ngày mai vậy!

anhpainter
03-12-2014, 16:33
Ngưỡng mộ cô và chú quá!!!!!!!!Đợi bài của cô...kể ra có ảnh thì tuyệt cô nhỉ?

Linhmoitote
03-12-2014, 23:42
Chúc mừng anh chị có chuyến đi thành công.
Em xin góp chút ý kiến, có j sai chị thông cảm nhé. Nếu anh chị đi vé giá rẻ thì bị hạn chế lượng xách tay, nếu cần mang thêm đồ cần thiết anh chị có thể mua vé gửi hành lý, em nhớ ko nhầm thì chỉ khoảng 150k là được thêm 20kg 1 chiều. Như vậy anh chị có thể mang thêm nhiều đồ cần thiết hơn, mang được nhiều đồ hơn cũng có nghĩa là giảm được bớt chi phí mua sắm trang bị cần thiết cho hành trình mà giới hạn hành lý khó đáp ứng. Ví dụ chỉ riêng món quần áo (mặc ngoài, lót trong, áo gió...) cũng khá tốn cân đấy. Ngoài ra anh chị chắc cũng muốn mang thêm 1 số đồ cá nhân mà hành lý xách tay ko được mang (dao, chai rượu ngâm tẩm bổ đặc chủng do ông anh thửa riêng chẳng hạn... ;D ).
Chúc anh chị có tiếp những chuyến đi thành công. Em đang ngóng xem phần tiếp của chị đấy.

vũ thị bích hằng
04-12-2014, 15:10
Dạ cảm ơn các bạn đã ghé thăm và đóng góp ý kiến. Hôm qua viết bài xong post bài lên mất luôn một nửa, tụt hết cảm hứng lại hết giờ làm việc đi về nên hôm nay mới viết tiếp các bạn ạ!
Kể ra bây giờ cũng thật tiện. Sáng bạn ăn sáng, uống coffee ở Thủ đô, ăn trưa giữa chín tầng mây và ăn tối ở nơi gần tận cùng đất nước.
Cà mau với những địa danh tôi đã thuộc lòng, yêu mến và mơ về nó từ những ngày còn thơ bé qua Đất rừng phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi và sau đó được dựng thành phim Đất phương Nam. Thế mà giờ đây tôi từng bước, từng bước được đặt chân đến với cảm giác vừa lạ lẫm vừa thân quen. Xe trực chỉ Cà mau sau khi nghỉ giữa đường ở Sóc trăng. Xe Phương trang khá tốt, rộng rãi, sạch sẽ, không có mùi khói thuốc, mỗi tội không có wifi như quảng cáo, điều tôi thấy hơi khó chịu vì trên xe tôi vẫn phải dùng wifi để làm việc. Ở trạm nghỉ hoa quả đắt như Hà nội, 60k/kh vú sữa; 50k/kg bưởi da hồng. Chúng tôi ăn nếm bún nước lèo, đặc sản Sóc trăng. Vì đã ăn khá nhiều hoa quả nên tôi chỉ mua một suất chia nhau ăn. Mấy chị bán hàng thấy ngộ quá cứ chỉ trỏ, xì xào, mải ăn không để ý đến lúc ăn xong tôi ngẩng lên nhìn thấy các chị cười, tôi cũng cười đáp lễ và khen bún ngon. Các chị thích lắm cười tít mắt hỏi ở đâu tới, tôi đáp Hà nội, cảm ơn các chị và vội vã ra xe. Của đáng tội tôi vốn rất dị ứng các món ăn cho đường nhưng với bún nước lèo Sóc trăng ở quán này tôi thấy ngon vì nước không ngọt đường quá, các thức thịt quay, tôm và cá tươi tạo cho tôi cảm giác an tâm.
Trời đã về chiều, trên cánh đồng Sóc trăng đã hoàng hôn, tôi miên man nghĩ về những con người, những vùng đất mới mà tôi sắp tới mà lòng bồi hồi .... Ông chồng tôi chắc cũng có cảm giác ấy nên suốt cả chặng đường không thấy chợp mắt lúc nào vì còn mải ngắm những cánh đồng, thấp thoáng phía xa những mái chùa Khơ me cong cong trong bóng tà dương.
19h tối, chúng tôi được xe trung chuyển đến khách sạn Công đoàn Cà mau, nơi chúng tôi sẽ nghỉ đêm. Khách sạn này ngay gần chợ đêm, sau bữa ăn chúng tôi có đi dạo một vòng nhưng không có gì đặc sắc nên lại quay về phòng nghỉ để lấy sức mai tiếp tục hành trình đi Đất mũi, mục tiêu quan trọng nhất của chuyến đi, nơi mà cả hai vợ chồng tôi đã cùng mơ và cùng xây dựng lịch trình cho nó!
Cà mau không như trong tưởng tượng của tôi nữa rồi, bây giờ đã là một thành phố khá hiện đại với những dãy đèn quảng cáo nhấp nháy, những cây cầu hiện đại nối những bờ vui. Thực ra thì ở Cà mau có khá nhiều điểm du lịch hấp dẫn nhưng do thời gian không có nên chúng tôi quyết định chỉ đi Đất mũi, bỏ qua những điểm khác mà cũng thấy rất tiếc, nhưng biết làm sao??? Không có gì là đủ với bạn nhất là thời gian thì hữu hạn cho tất cả mọi người!
Kết thúc ngày thứ nhất với một giấc mộng đẹp về ánh bình minh trên Đất mũi!

vũ thị bích hằng
04-12-2014, 16:34
Ngày thứ hai: Đất mũi- Cà mau- Bạc liêu
Mặc dù mệt, nhưng đã có kế hoạch từng giờ, làm gì, ăn gì, ở đâu nên tâm thế chúng tôi rất sẵn sàng cho một cuộc thử sức vượt sóng Gành hào, con sông sẽ đưa chúng tôi đến Đất mũi- Cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc. Đúng 6h30' chúng tôi rời khách sạn cho chuyến đi dự tính sẽ khởi hành chuyến 7h sáng. hai anh chị già tung tăng trong cặp áo cờ đỏ sao vàng vừa đặt chân đến bến tàu phường 7 đã được anh tài công kéo tuột vào khoang với câu hỏi dù đã biết rõ câu trả lời: Đi Đất Mũi phải không? Ơ may thế chúng tôi kịp chuyến 6h40', sớm hơn dự định rồi. Hôm ấy sương mù khá dày, tàu chạy chậm chậm và chưa có nhiều khách lắm chỉ khoảng hơn mười người trong chiếc tàu cao tốc mỗi bên có 9 băng ghế, chứa khoảng 36- 40 người kể cả tài công. Bình minh ló rạng trên sông Gành hào, con sông tôi đã biết tên từ khi chưa nhìn thấy nó, nhấp nhô hai bên bờ sông là những rặng dừa nước, những mái nhà tôn cao, thấp thụt, thò.... Cảm giác này tôi thấy quen quen vì đã từng đi ghe luồn lách trên sông Hậu thăm chợ nổi Cái răng mấy năm trước. Trên sông cuộc sống của bà con rất sống động và dường như có vẻ đúng chất sông nước hơn là trên thành phố. Nó vẫn có vẻ hoang sơ, mộc mạc đúng như được tả trong Đất rừng phương nam. Tàu luồn lách trên sông, ghé từng bến lẻ đón khách, lúc ra bến tưởng còn thời gian nghỉ ngơi, vệ sinh rồi mới xuống tàu, ai ngờ bị kéo tuột xuống khoang, cứ tưởng như tàu cánh ngầm có nhà vệ sinh... Ai ngờ! Chỗ ngồi còn chật lấy đâu ra toalett.

Linhmoitote
05-12-2014, 10:50
Chị cho thêm vài cái ảnh để bọn em ngó cho sinh động.

vũ thị bích hằng
05-12-2014, 14:42
Khách trên tàu chủ yếu là bà con đi lại làm ăn, hoặc đi thăm thân, đi chơi thì chỉ có hai thân già này. Mọi người cùng nhau chuyện trò vui vẻ về rất nhiều đề tài... Con tàu vẫn băng băng đạp sóng lướt tới với tiếng động cơ ồn ào kinh khủng.

vũ thị bích hằng
05-12-2014, 14:45
Các bạn giúp tôi với! cứ viết được một đoạn post lên lại báo bạn chưa đăng nhập! Đăng nhập lại thì mất bài!
Ảnh thì toàn chụp bằng Ipad nhìn thì đẹp nhưng không post được! Nản quá! Từ hôm qua tới giờ viết được mấy đoạn mà mất hết! Hu Hu

vũ thị bích hằng
05-12-2014, 15:18
Mà trước khi viết phải đăng nhập thì mới viết được chứ. Lần trước viết về Fans có vấn đề gì đâu!!! Hú HÚ Hú

vũ thị bích hằng
08-12-2014, 13:45
Quanh đi quẩn lại vẫn chưa ra đến Đất mũi chỉ vì mạng lỗi hay sao ấy! Với lại post không được mất hết cảm hứng, nhưng lại tiếc những cảm xúc có được trong hành trình nên lại cố viết tiếp, không biết có post được ko, ko được nữa là iem buông bút,rời chuột luôn đấy các bác ạ!
Em post thử đoạn này xem sao nhé!

vũ thị bích hằng
08-12-2014, 14:08
Ơn giời, Cậu đây rồi!
Đã đủ tự tin để tiếp tục!
Tàu cứ chạy băng băng và đón khách nhiệt tình. Ngồi trò chuyện với bà con thấy rất vui nhưng trong lòng vẫn có một mối lo cánh cánh: mót tè mà không có chỗ để giải quyết. Nhịn không được tôi đành tâm sự với chị ngồi ghế sau, chị bảo đến chỗ nào tàu đón khách thì tranh thủ mà lên chứ: Cầm lòng sao đậu cô ơi! Để làm gương, khi cô con gái nhỏ của chị kêu mót tè, chị bảo ngồi xuống đây nè và em bé ngồi tè ngay sàn tàu, nơi có một cái giẻ lau sàn nằm đó>..=))
Tàu đến bến Năm căn, nơi trước kia được biết đến với một xóm nhỏ có năm căn chòi, và chỉ một vài con người nhỏ bé nhưng gan dạ dám chống lại thiên nhiên hoang dã để mưu sinh, thế mà nay đã là một thị trấn sôi động, trên bến dưới thuyền, bán buôn khá nhộn nhịp. Trái tim tôi dạt dào xúc động, khi hiện lên trong đầu tôi những đoạn dài miêu tả cuộc sống hoang sơ nơi đây trong tiểu thuyết Đất rừng Phương Nam.... Tôi nhớ lại những ngày tôi gom góp từng đồng xu nhỏ để cuối cùng mua được quyển sách và về đọc say mê không biết bao nhiêu lần, dường như đắm chìm trong thân phận côi cút, bơ vơ của chú bé An bỗng một ngày xa lìa vòng tay cha, mẹ, sống cuộc đời lưu lạc trong sự bao bọc của những người nông dân miệt rừng với tâm lòng nghĩa hiệp, vì người quên thân.
Trở lại với thực tế, do truyện trò cởi mở với những người dân sinh sống ven sông Gành hào mà tôi có được sự thay đổi hợp lý trong hành trình. Theo như các bạn trên diễn đàn chia sẻ thì chúng ta sẽ cập bến Rạch tàu, đi thăm quan Đất mũi, sau đó còn thời gian thì đi thăm Khai long, sau đó lại quay về bến tàu để trở về Cà mau. Nhưng bến Khai long lại trước bế đất mũi, nên chúng tôi đã lên bến Khai long, sau khi thăm Khai long sẽ đi Đất mũi, quay trở lại Rạch tàu như thế sẽ thuận đường hơn và có nghĩa là chúng ta tiết kiệm được công sức và thời gian.

vũ thị bích hằng
08-12-2014, 14:48
Đến Khai long mới chỉ 9h30', chúng tôi đã thấy hai chú xe ôm sẵn sàng rước khách lên đường. Thì ra cô chủ tàu tốt bụng đã điện thoại gọi hai chú này ra rước khách. Tôi rất thích cung cách làm việc của mấy chú xe ôm ở các tỉnh Miền Tây vì: thái độ thân thiện, không chặt chém khách vì hầu hết đều có nghiệp đoàn quản lý, chạy xe đúng tốc độ, mà chúng tôi thì hơi bị phụ thuộc vào xe ôm.
Khai long bây giờ mới chỉ có một rersost mà hầu như chưa có khách mặc dầu ở đây khung cảnh khá đẹp với bãi dài phi lao, những dãy bungalow còn thơm mùi gỗ, rực rỡ hàng rào hoa tím, hoa vàng đẹp mắt. Bãi biển ở đây không tắm được vì là bãi phù sa đêm ngày làm công tác lấn biển chứ không phải bãi cát trắng như các khu khác. Xa xa là Hòn Khoai với mỏ nước ngọt năm xưa là nguồn sống chủ yếu cho bà con Đất mũi và cũng là căn cứ của bộ đội thời đánh Mỹ. Tượng Phật bà Nam hải đứng nhìn ra biển khơi lộng gió, nét mặt an nhiên, thư thái làm lòng ta bỗng thấy ung dung lạ!
Chụp vài tấm hình kỷ niệm xong, chúng tôi lên đường đi Đất mũi trăm mến ngàn thương. Ngang qua dãy Bungalow chúng tôi thấy một người đàn ông trung niên đang trầm tư mặc tưởng, đi đi, lại lại dường như đang nung nấu một điều gì to lớn lắm... Các chú xe ôm tiết lộ: người đàn ông này đến thuê nhà ở đây một mình, cả tiền ăn và tiền phòng 10tr/ tháng.... Tôi đồ rằng đây là một lều văn, hoặc lều thơ nào đấy đang cô đơn giữa trần thế để thai nghén một tác phẩm để đời mà sau này có cơ đoạt giải văn chương gì đó chẳng hạn... Biết đâu đấy???
Trên đường đi Đất mũi: Tôi thấy một cảm giác thanh thản lạ kỳ khi xe lướt đi giữa hàng đước, hàng cây mắm, giữa các vuông tôm và giữa các cánh đồng hoa lau bát ngát... Tôi dang rộng hai tay, miệng: aaaaaaaaaaaaaaakhoong ngớt làm chú xe ôm cứ tủm tỉm cười.Lát sau chú hỏi: Cô vui lắm sao cô??? Tôi trả lời: Tôi đã quẳng được gánh lo đi và hòa nhập với thiên nhiên nơi tận cùng Tổ quốc và còn gì hạnh phúc hơn, bởi vậy tôi muốn được thể hiện tất cả những gì tôi muốn đó là gào lên như con nít. Không bao giờ là quá trễ để bạn làm việc này!
Ông chồng tôi thì thâm trầm hơn. Anh cảm nhận tất cả bằng ánh mắt của người lính đã qua trận mạc, anh bảo: Đẹp quá em ạ! Anh không ngờ có ngày vợ chồng mình cùng đứng ở nơi đây, thực hiện ước mơ chinh phục Cực Nam khi đứng trên tháp cột cờ Lũng cú tháng 10/2013. Có lúc chúng tôi cùng ngồi trên một xe để trao đổi chuyện về cảnh về người trên một chặng dài, để hai chú xe ôm tự chở nhau...
Nghe nói cua Cà mau ngon lắm, đặc biệt là cua cốm, chúng tôi dừng chân tại một vựa hải sản để mua vài con làm bữa trưa. Giá khá rẻ: 320k/kg cua cốm không dây (dây rất nhỏ để trói cua chứ không phải loại dây nặng hơn cua như ở nơi khác), vài con bạch tuộc nữa thế là xong bữa trưa vì chúng tôi đã mua xôi gà mang theo. Ở vựa này có bề bề to như cẳng tay tôi, nặng chừng 3con được một kg, nhưng giá đắt quá 750k/kg....
Trên đường qua xóm làng Đất mũi, tôi thấy dân cứ khá đông đúc, nhà được xây cất đàng hoàng và trước sân nhà nào cũng phơi khô cá khoai hoặc tôm, mực. Biết là ngon và rẻ nhưng tôi không mua vì còn đi khá nhiều nơi đây chỉ là bước ban đầu nên tôi đành ngậm ngùi nuốt nước bọt. Giữa trưa nắng chúng tôi đến Cực Nam của Tổ quốc nơi có mốc tọa độ GPS bằng 0, có hình tượng con tàu hướng mũi ra biển khơi, có đài quan sát để ngắm toàn cảnh đất Mũi và chụp ảnh kỷ niệm. Loanh quanh tham quan tôi được một anh bán cua biển chỉ cho chỗ để chụp ảnh mỏm đất cuối cùng của Tổ quốc mà trên bản đồ chúng ta nhìn thấy nó là điểm tận cùng. Chúng tôi không khỏi xúc động ứa nước mắt khi cùng đến Đất mũi lúc này có một đoàn các bác khá cao tuổi cũng cùng đến tham quan nơi này. Trong bộ áo đôi cờ đỏ sao vàng chúng tôi thấy thiêng liêng, tự hào khi được đến đây, ngắm nhìn trời biển bao la, nhìn những con sóng cần mẫn ngày đêm chở từng hạt phù sa lấn biển, kéo dài mãi thêm dáng hình Tổ quốc.
Tôi thật kém khi không post được một vài tấm hình lên đây, nhưng tôi chắc các bạn đã được xem rất nhiều hình ảnh Đất mũi qua các tay máy chuyên nghiệp, thôi thì chịu khó chia sẻ cảm xúc vậy!

vũ thị bích hằng
08-12-2014, 15:10
11h30' chúng tôi đi ăn trưa trong một quán cơm ngay sát bờ sông Gành hào, bến tàu Rạch tàu dưới mái tôn nóng hừng hực. Chúng tôi cứ bảo nhau là dân Phượt mồm, đi thì ít mà ăn thì nhiều, nhưng các bác thông cảm: có thực mới vực được đạo, nên các bác cho chúng em hưởng thụ tý chứ nhịn nước còn được chứ nhịn ăn thì chúng em chết!
Số là, suốt ngày di chuyển trên các phương tiện công cộng nên không thể dừng lại bất kỳ để xả thải nên chúng tôi đã phải hạn chế uống nước, mà người già thì van vịt kém, có nhu cầu là không nhịn được, nó mà vỡ bể phốt thì chết bà con ạ!
Bữa trưa đơn giản với hai chú cua cốm, hai chú bạch tuộc và một suất xôi gà đã cẩn thận mua ở trên bờ trước lúc khởi hành. Ông chồng tôi muốn uống rượu nhưng quán chỉ bán cả chai không bán lẻ, bia thì ăn hải sản ông chông tôi tối kị, lại sắp lên tàu chạy 3,5 giờ thì có biếu ông ấy cũng không uống. Ăn xong lại muốn được sử dụng restroom chúng tôi đi sang quán coffee cạnh bến, mua hai ly để có cớ đi ké. Cà phê khá ngon và rẻ nữa có 7000/ly, chúng tôi ngồi nghỉ ngơi, đợi tàu khởi hành.
Đúng 12h40' theo giờ thông báo, tàu khởi hành với chỉ khoàng hơn 10 khách. Chú xe ôm sau khi đã nhận được tiền công 150k theo quy định bảo chúng tôi cứ yên tâm chờ tàu, sắp chạy họ sẽ gọi, đúng thế tàu hú một hồi còi the thé báo hiệu khởi hành là chúng tôi lên tàu. Tôi cứ lo tàu chạy đón khách nhiều sẽ muộn giờ về bến nhưng chú an ủi chúng tôi là đừng lo tàu về chạy nhanh lắm, không trễ giờ đâu. Lòng tràn đầy hy vọng, chúng tôi mở máy xem lại những tấm hình đã chụp, chia sẻ trên Face với bạn bè, người thân những cảm xúc đang dạt dào trong hai trái tim già cỗi đang thổn thức, phập phồng vì đã hoàn thành ước nguyện!

vũ thị bích hằng
08-12-2014, 16:21
Đường về mới thật gian nan. Cả buổi sáng hết ngồi tàu đến ngồi xe ôm, buổi trưa không được ngả lưng hai cái thân già đã mệt mỏi hết sức.... Lúc đầu tưởng tầu vắng, nhưng sau khi bắt khách cả hai bên sông thì chỉ sau một giờ đồng hồ tàu đã chật cứng khoảng 50 khách. Có những em bé lần đầu tiên bị ngồi một chỗ chật và bí như vậy cứ khóc ngằn ngặt, cộng thêm tiếng động cơ ồn ào nữa làm cho người ta thật càng thêm mệt mỏi..
Nếu tàu ngồi đúng số khách thì sẽ có khoảng trống để gió sông lùa vào, nhưng khi tàu chật thì oi bức kinh khủng. Chưa hết, khoảng 5 ông hút thuốc lá tự nhiên với ba ông vừa nhậu bữa trưa ngà ngà nói chuyện như cãi nhau, hơi thở nồng nặc mùi cồn và mùi thức ăn thì cha mẹ ơi các bạn đã hiểu làm sao mà tôi ứa nước mắt khi thấy các bác hơn 70 tuổi đi thăm Đất mũi! Mặc dầu vậy, trong tôi vẫn dạt dào cảm xúc, tôi xem lại kế hoạch di chuyển chiều nay đi Bạc liêu với một giấc mơ đẹp về Công tử Bạc liêu!
Chậm thì chậm, đúng 16h chúng tôi đã có mặt tại bến tàu phường 7 với bộ dạng khá là mệt mỏi. Tôi giả vờ cắm đầu vào cái điện thoại để tránh bị các chú xe ôm chèo kéo, lẻn ra cửa bến an toàn, chúng tôi lựa hai bác đứng tuổi và bảo chở về khách sạn dọn đồ rồi ra bến xe đi Bạc liêu ngay. Do đã làm xong thủ tục trả phòng nên chúng tôi chỉ việc nhận hành lý là ra bến luôn. Cà mau đi Bạc liêu là chặng ngắn nên xe Phương Trang không đón khách và phải mua vé như bạn đi Cần thơ nhé! Đi với hai bác già thì chạy cẩn thận mà không câu đường như bọn trẻ, đỡ tốn thời gian mà giá cả phải chăng. Chúng tôi ra đến bến lúc 16h25', may vẫn còn vé, vừa kịp giờ khởi hành. Nghỉ ngơi thư giãn chút gần 18h chúng tôi đã đến Bạc liêu. Hồi chiều, sau khi dặn giữ phòng ở Khách sạn Công tử Bạc liêu tôi đã kịp hỏi: từ bến xe về khách sạn bao xa để còn định giá xe ôm. Tôi lại gọi hai bác tài già chạy cho cẩn thận, đường khá gần nên chỉ vài phút sau chúng tôi đã đến nhà một con người đã đi vào huyền thoại với những cuộc chơi: "Trăm ngàn đổ một trận cười như không!"
Tôi dỗ dành ông chồng tôi: Ngày mai em sẽ cho anh ngủ thoải mái vì mình đã đến Bạc liêu rồi, không còn lo chạy đua với thời gian như ngày hôm nay nữa. Ông chồng tôi vốn dĩ cái lưng hay đau nên đi nhiều cũng thấy hơi oải nên tôi cứ phải động viên suốt để mọi điểm đến dự tính sẽ được hoàn thành đúng kế hoạch.
Cuối cùng, mơ ước được trở thành những con người có cuộc sống xa hoa bậc nhất Lục tỉnh đã thành hiện thực khi cánh cửa phòng mà chúng tôi sẽ nghỉ lại một đêm đã được mở ra. Tôi thực sự shock...... Còn shock thế nào? Xin được hạ hồi phân giải!
Hết ngày thứ hai!!!:D

anhpainter
08-12-2014, 16:58
Cô ơi! Cô làm trên word rồi copy vào cô ạ! Không tụt hết cảm xúc thì tiếc lắm ạ!

vũ thị bích hằng
08-12-2014, 21:52
Cô ơi! Cô làm trên word rồi copy vào cô ạ! Không tụt hết cảm xúc thì tiếc lắm ạ!

Cám ơn Anhpainter! Có lẽ phải làm thế thật. Bài này viết 4 lần rồi đấy, mỗi lần ngắn đi một đoạn vì nản quá!

vũ thị bích hằng
11-12-2014, 10:16
Tiếp tục các bạn nhé!
Khi cánh cửa phòng khách sạn mở ra thì chúng tôi hơi bị shock! Lý do: nó đẹp và bài trí khá trang nhã với tông chủ đạo là màu trắng. Hai chiếc giường đôi lớn,chăn ga gối trắng tinh, sạch sẽ thơm tho. Một bàn phấn, những chiếc ghế tựa, tủ để đầu giường, giấy dán tường tất cả đều rất trang nhã, dịu mắt. Phòng vệ sinh với buồng tắm đứng, lavabo, bồn cầu tất cả đều sạch sẽ tinh tươm…. Trong phòng có một mùi hương dịu nhẹ được tỏa ra bởi một máy lọc không khí đặt ở góc phòng. Ánh sáng vừa đủ không quá chói hoặc quá tối v.v. Không phải là tôi chưa từng biết đến các phòng hạng sang ở khách sạn 5 sao, nhưng ở đây với giá phòng 600k/đêm thì đúng là quá sức tưởng tượng, nhất là trong hoàn cảnh vừa ở tại một khách sạn thời bao cấp mà bước chân đến đây… Nhưng tôi còn shock hơn khi phòng cạnh tôi có đến 4 người lớn vảo ở, thế thì quá rẻ rồi.
Khi đặt phòng nghỉ lại trong nhà Công tử Bạc liêu, trong đầu tôi nghĩ đến một căn nhà cổ, mình sẽ được nghỉ một trong các căn buồng mà gia đình Công tử đã sử dụng từ đầu TK 20, nên tôi hỏi kỹ: phòng có điều hòa không, có nước nóng để tắm không, có muỗi không??? Cậu nhân viên lễ tân cười ầm lên và bảo: phòng đầy đủ hết, hoành tráng lắm cô ơi!!!
Thế mà, giờ đây tôi đã được ngả lưng trên chiếc giường to, rộng, êm ái với chăn ga gối sạch sẽ, trắng muốt… Theo các bạn toi có lí không khi hơi shock.
Sau khi gột rửa bụi trần mà chúng tôi có được khi tham quan Đất mũi, nghỉ ngơi chút cho lại sức, chúng tôi lang thang ra phố, định bụng tìm chỗ ăn cho đã sau một ngày vất vả nơi cuối đất cùng trời… Đi bộ một chút vòng quanh khu phố không thấy quán ăn nào khả dĩ, lại thấy bà con tấp nập đến nhà hàng Công tử bạc lieu để ăn tối và xem bóng đá ( trận Việt nam gặp Phil) tôi bảo chồng: Người ta ở đâu kéo nhau đến đây ăn, mình ở đây lại kéo nhau đi là sao??? Thế là chúng tôi quay lại nhà hàng Công tử Bạc liêu để ăn tối.
Nhà hàng nằm trong khuôn viên của nhà Công tử Bạc liêu, toàn bộ khu nhà rộng khoảng 1ha, vuông vắn và nằm trong một khu phố nhỏ êm đềm với các cây ban hồng được trồng trên hè phố. Có nhiều những phòng ăn mái lợp ngói kiểu cũ, thoáng rộng mà ngồi đây ta có thể nhìn ra sân vườn có nhiều cây hoa, có cả những túp lều xanh bóng lá, được thiết kế, chăm sóc khá công phu từ những cây dây leo, để ta ngồi nhâm nhi café sáng, nhìn dòng chảy cuộc sống từ từ trôi qua thì lãng mạn không còn gì để nói!
Lẩu cá kèo là thực đơn tối được chúng tôi thống nhất lựa chọn vì đây là đặc sản Miền Tây đã được đánh dấu trong lịch trình. Tôi lại bị shock khi mở vung nồi lẩu: những con cá đang còn quẫy trong nồi, ông chồng tôi đậy vội vung lại: suýt chết bỏng, ông kêu lên. Tôi hỏi nhân viên sao lại thả cá sống thế, cháu cười tươi: cô ơi món này nó zậy!!! Thiện tai! Thiện tai!
Còn gì phê hơn khi thưởng thức đặc sản Miền Tây đúng điệu lại còn trong bầu không khí sục sôi không kém nồi lẩu của trận bóng đá mà phần thắng nghiêng về tuyển Việt nam! Kết thúc bữa ăn tối, chúng tôi trở về phòng nghỉ ngơi, xem tiếp những phút còn lại của trận đấu thần thánh trong phòng nghỉ, tận hưởng hết những gì có thể theo lối của Công tử Bạc liêu!
Đêm ấy, mỗi người chúng tôi một giường rộng, tha hồ dang tay, dang chân ngủ cho lại sức. Thực ra khi buồn ngủ tôi đã có ý định ngủ chung với Công tử Bạc tóc nhà tôi, nhưng ổng gạt đi và bảo: Tối nay Công tử bận tiếp khách!!! Vả lại mất tiền thuê hai giường sao phải ngủ một giường cho phí!!! Thế là chúng tôi làm phiền nhân viên phục vụ phải dọn dẹp hai giường rồi!!! He He He!!! Làm vợ Công tử khổ thế đó, không phải cứ muốn nằm chung giường với ổng mà được, thôi đành nín nhịn chứ biết làm sao bây chừ!!!
Hết đêm thứ hai với giấc mộng đẹp không thành! Đúng là: Người mơ không đến bao giờ!!!=))

vũ thị bích hằng
11-12-2014, 11:17
Ngày thứ ba!!!
Sau một đêm dài với giấc mộng không thành chúng tôi thức giấc trong bình minh chim hót ở khuôn viên nhà một con người được cho là giàu nhất tỉnh Bạc liêu thuở đó. Đã dự định từ tối hôm trước, do dạy sớm đã quen giấc, tôi một mình lang thang trên các con phố nhỏ, cảm nhận không khí thanh bình của thành phố nhỏ xinh xắn dưới bóng rợp của những cây ban hồng đang rộ hoa và những vạt hoa vàng xinh xắn được trồng xung quanh gốc ban. Những chiếc xe lôi với dáng cần mẫn của người đạp xe kéo tôi trở lại với những thước phim tả về cuộc sống của người dân xứ này từ đầu thế kỷ 20, những hình ảnh rất ít còn sót lại mà tôi chỉ được gặp khi đi Bạc liêu và Châu đốc và tôi đã thử cảm giác ngồi xe lôi ở Châu đốc…. Nghe cậu đạp xe lôi kể là các du khách nước ngoài buổi chiều thường hay ngồi xe lôi đi dạo thành phố Châu đốc. Cảm nhận của tôi là rất thư thái, lại rất thân thiện với môi trường vì không ồn ào mà lại không khói xăng. Ngày xưa, nếu ngồi xe xích lô bị cho là bóc lột nên có những thời gian dài người ta không đi xích lô và những người làm nghề bị thất nghiệp. Nhưng bây giờ, tư duy đã thay đổi, nếu ta sử dụng dịch vụ đó thì có nghĩa là ta đã tạo ra công việc cho họ và giúp họ có thu nhập, đặng trang trải cuộc sống hàng ngày. Vả lại, các xe xích lô và xe lôi ngày nay đã được cải tiến nên khá nhẹ nhàng cho người sử dụng nó. Riêng xe lôi tôi đi thì thấy hơi sơ sài, chỗ ngồi không được sạch lắm!
Rất nhanh, cảnh bình yên đã nhường chỗ cho một cuộc sống sôi động hiện hữu, những chiếc xe máy với động cơ ồn ào đang chở những em bé đi học, tuy là thứ bảy nhưng hs trung học phổ thông và trung học cơ sở vẫn đến trường nên không phải đã là một ngày nghỉ trọn vẹn cho một số người. Tuy vậy, sau khi đưa các bé đến trường với suất quà sáng trên tay xong, những ông bố sà vào các quán cafe vỉa hè quanh các con phố nhỏ rợp bóng cây. Cảnh tượng thật thanh bình. Các bác cao tuổi sau buổi tập thể dục sáng cũng ghé các quán này ngồi ăn sáng và trò chuyện rôm rả, ngắm những lữ khách đường xa đang lang thang, tìm hiểu thành phố của mình…
Tôi quay lại khu nhà hàng Công tử Bạc liêu, vào túp lều xanh đã giữ chỗ từ tối qua để ăn sáng và uống café, (thói quen cố hữu đã có từ rất lâu mà thỉnh thoảng trên đường thiên lý vẫn phải bỏ khi không có thời gian, như sáng qua chẳng hạn). Cảm giác thư thái, an nhiên, ngắm nhìn dòng đời chậm rãi trôi qua hàng rào xưa cũ của một gia tộc vang bóng một thời làm trái tim tôi se thắt khi nghĩ đến những người thân yêu chưa được hưởng cảm giác tuyệt vời này; đó là những đứa con tôi, những người bạn tôi vì rất nhiều lý do mà chưa được nếm trải…. Hai vợ chồng tôi gọi món: Bánh tầm xíu mại, món mới tôi chưa từng ăn, nếu chưa có chuyến đi này. Một suất ăn bao gồm bánh tầm là những sợi như sợi bún, trắng muốt nhưng to hơn, xíu mại là một khuôn vuông như kiểu thịt lợn nạc nấu cho đông lại, rưới nước sốt và ăn cùng các loại rau gia vị, dấm ớt tùy thich… Cảm nhận là khá ngon và là món ăn ở xứ nóng chứ nếu rét mà ăn món này thì có lẽ không hợp.
Giá ở nhà hàng khá hợp lý. Nhìn chung ở Bạc liêu sự chi tiêu khá ổn, vật giá dường như rẻ hơn ở Hà nội.
Chuông điện thoại đã reng, giờ hẹn với hai bác xe ôm già đã đến, chúng tôi chuẩn bị đi thăm một số địa danh của Bạc liêu theo chỉ dẫn: Chùa Xiêm cán, vườn nhãn cổ, vườn chim, Nhà mát, tượng Phật bà Nam hải….
Trước khi lên đường, chúng tôi tranh thủ thăm nhà chính của Công tử Bạc liêu. Vào cửa có thu vé nhưng bạn sẽ được miễn nếu đã có chìa khóa phòng ở đây.
Tôi lại bị tẽn tò khi biết rằng đây mới là nhà chính, còn cái dãy tôi nghỉ đêm qua có lẽ chỉ là dãy nhà ngang đã cải tạo lại cho sang trọng để cho thuê nghỉ chứ làm sao lại cho khách nghỉ trong nơi được dành để bán vé tham quan này!!! (Hay dãy tôi nghỉ đêm qua là dành cho gia nhân nhỉ???).
Nhà chính là một tòa nhà xây vững chãi, tường dày, bề thế, hướng mặt chính ra sông Bạc liêu, một con sông nhỏ, êm đềm, lặng lẽ trôi với những chiếc thuyền nhỏ, trĩu nặng phù sa, miệt mài hướng ra cửa biển Nhà Mát.

vũ thị bích hằng
11-12-2014, 14:49
Nhà chính hay còn được gọi là nhà lớn là một tòa nhà xây vững chãi, tường dày, bề thế, hướng mặt chính ra sông Bạc liêu, một con sông nhỏ, êm đềm, lặng lẽ trôi với những chiếc thuyền nhỏ, trĩu nặng phù sa, miệt mài hướng ra cửa biển Nhà Mát. Một hàng rào sắt uốn mỹ thuật vẫn còn nguyên vẹn và đẹp đẽ cùng thời gian không làm mất đi vẻ duyên dáng của tòa nhà khi nghiêng bóng trên dòng sông nhỏ mỗi hoàng hôn. Trong các phòng chủ yếu trưng các bộ giường, tủ, sập, bàn ghế gỗ quý được khảm ốc (xin thưa là vỏ ốc mới quý, chứ khảm trai vẫn là thường, vỏ ốc thường là ốc cửu khổng, loại vỏ này bây giờ có giá hàng triệu đồng/kg). Điều đặc biệt là trong các phòng không có một cái quạt trần hoặc quạt bàn nào, không phải vì thời đó chưa có quạt mà chỉ đơn giản tòa nhà này hứng trọn gió từ sông đưa vào, lồng lộng thổi thẳng ra khu vườn rộng phía sau, tường lại dày, cản toàn bộ ánh nắng không thể làm nóng bầu không khí trong nhà nên không cần dùng bất cứ một thể loại đồ dùng làm mát nào cả. Các cửa đi hoặc cửa sổ rất rộng mở ra bốn phía khiến tòa nhà luôn tràn trề ánh sang và không khí trong lành ngay cả thời điểm chúng ta vào tham quan tức là cách thời gian tòa nhà được xây dựng gần trăm năm! Tòa nhà có màu trắng, cầu thang lên tầng hai rộng rãi với những con tiện bằng đá hoa cương đã lên nước cùng thời gian chỉ làm tăng thêm vẻ sang trọng chứ không thấy cổ kính đi cùng thời gian. Kiến trúc của tòa nhà đơn giản, hài hòa không cầu kỳ như những tòa biệt thự theo kiểu châu Âu thời nay, luôn rối rắm với đủ thứ được cài cắm, gắn kết lên mặt tiền chỉ với một công năng khoe cho thiên hạ biết rằng: “Nhà tôi chẳng có gì ngoài điều kiện”!
Ngay bên hông nhà lối đi ra sân sau bây giờ là nơi trưng cái xe oto gắn biển: “ xe của Công tử Bạc liêu” với nước sơn đen bóng sang trọng, cái xe này là một trong những chiếc xe mà Công tử đã sử dụng may sao còn sưu tập được bởi nó rất cổ, mà tôi một kẻ dốt đặc về xe hơi quên không xem nhãn hiệu. Ngoài thềm có một người bảo vệ ngồi để soát vé tham quan. Chúng tôi bước vào mà không để ý một cái bàn kê khiêm nhường phía tay phải, ở đó có một người đàn ông ngoại sáu mươi với vẻ mặt hồn hậu và mái tóc muối tiêu, lập tức người bảo vệ giới thiệu: đây là con trai của Công tử Bạc liêu! Nhân chứng lịch sử đây chứ đâu! Chúng tôi tiến lại bàn chào hỏi và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm cùng ông Trần Trinh Đức, giờ được mời về làm nhân viên trong chính tòa nhà của cha ông để lại, nơi mà ông được sống 6 năm, từ năm lên bảy tới năm 13 tuổi. Ông ngồi đó trao đổi chuyện trò, chụp ảnh với khách và bán quyển tiểu thuyết : Công tử Bạc liêu có lời đề tặng độc giả của ông, do nhà văn Nguyễn Hùng viết, nhà xuất bản Công an nhân dân. Những thăng trầm của thời gian đã khiến ông từ một người con của một gia tộc giàu có nhất tỉnh đã có lúc phải chạy xe ôm để mưu sinh, thậm chí không có cả một mái nhà che mưa gió!!!
May thay, ông đã được cấp một căn nhà trong một hẻm gần ngay ngôi nhà xưa và được thuê làm nhân viên, nhân chứng sống cho điểm tham quan này với mức lương không được tiết lộ.
Thế mới biết rằng thân phận con người thật quá nhỏ bé, mong manh trước các biến cố của cuộc đời… Không ai có thể hiểu ông Đức nghĩ gì khi ngồi đó với những kỷ niệm của một thời thơ ấu ấm êm, trong ngôi nhà bây giờ vẫn là giấc mơ không thể chạm tay của rất nhiều người trong chúng ta…
Nếu là tôi chắc tôi không thể cầm được nước mắt khi nghĩ về những ngày đó… Ông luôn cười với khách, nhưng tôi, tôi có thể hiểu một chút trong lòng ông nghĩ gì vì nụ cười ấy gượng gạo và cơ học quá…Ông được trả lương để cười mà…
Chia tay ông Đức, chúng tôi mua một cuốn Công tử Bạc liêu và những ngày này, mỗi khi đọc những trang trong cuốn tiểu thuyết đó tôi có thể tưởng tượng được tất cả những sinh hoạt đời thường đã diễn ra trong tòa nhà ấy. Tôi như thấy các nhân vật của tiểu thuyết đi lại, nói cười, yêu thương, hờn giận giữa các khung cảnh mà tôi đã được sống trong đó không đầy 18h, tuy vậy nó vẫn tạo cho tôi một cảm xúc khá mạnh và tôi muốn dành thời gian lâu hơn trong ngôi nhà đặc biệt này, nhưng phải là lần đến tiếp theo,chứ lần này thì lịch trình đã kín đặc, giục giã chúng tôi lên đường vào cuộc phiêu lưu mới.

Yamaha_1958
13-12-2014, 10:13
Xin cảm ơn bạn vì những thông tin hết sức bổ ích cho người xem. Mình là dân miền Tây đã từng đến đó, nhưng có lẽ cảm xúc và suy nghĩ của mình không được như bạn. Cuộc đời của một con người nổi tiếng với danh xưng công tử Bạc Liêu, nhưng hiện nay nơi an nghỉ của ông thì thiếu người chăm sóc, hoang tàn ( mình chỉ nghe thông tin sau lần đến Bạc Liêu - Không biết có là chính xác không ? ). Đúng là đời cha ăn mặn thì đời con khát nước.

vũ thị bích hằng
13-12-2014, 21:12
Xin cảm ơn bạn vì những thông tin hết sức bổ ích cho người xem. Mình là dân miền Tây đã từng đến đó, nhưng có lẽ cảm xúc và suy nghĩ của mình không được như bạn. Cuộc đời của một con người nổi tiếng với danh xưng công tử Bạc Liêu, nhưng hiện nay nơi an nghỉ của ông thì thiếu người chăm sóc, hoang tàn ( mình chỉ nghe thông tin sau lần đến Bạc Liêu - Không biết có là chính xác không ? ). Đúng là đời cha ăn mặn thì đời con khát nước.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm và chia sẻ cảm xúc cùng tôi! Rất tiếc chỉ chụp ảnh bằng Ipad nên không có ảnh minh họa mà toàn phải diễn tả cảm xúc bằng văn xuôi, vậy mà các bạn vẫn dành thời gian và cả sự kiên nhẫn để đọc hết. Tôi cảm động quá!

vũ thị bích hằng
18-12-2014, 10:21
Tôi tính toán, đi xe ôm hay taxi thì giá chắc cũng bằng nhau, nhưng mấy ngày vừa rồi toàn ngồi hết tàu cao tốc đên oto nên chúng tôi muốn đi xe ôm cho thoáng, có thể dừng nghỉ theo ý và có thể đến những chỗ mà taxi không thể vào được, hoặc các chú lái xe trẻ không phải người địa phương không thể biết những điều về cuộc sống thường ngày mà chúng tôi muốn tìm hiểu qua chuyến đi này.
May là tất cả những điểm định tham quan đều cùng một tuyến. Đầu tiên chúng tôi định ghé thăm vườn chim Bạc liêu, trên đường rẽ vào gần tới nơi tôi chợt nhớ ra rằng đến sân chim nên đến buổi chiều thì mới thấy hết được các hoạt động của muôn loài chim. Đó là lúc những con chim kiếm ăn ban ngày quay về tổ và cũng là lúc bọn ăn đêm chuẩn bị lên đường, mọi hoạt động của chúng sẽ rất sôi nổi và đặc trưng chứ vào 9h sáng này chắc chỉ còn chim non nằm trong ổ, thôi đành để dịp khác vậy!
Chúng tôi đi chùa Xiêm cán. Đây là một ngôi chùa Khome lớn gần như nhất vùng, cách trung tâm Bạc liêu chừng 12km. Vừa đi vừa trò chuyện tôi mới vỡ lẽ một điều rằng không có khu vườn nhãn cổ nào cả mà trên đường chúng ta đi chùa Xiêm cán, dọc hai bên đường đều là những vườn nhãn cổ thuộc về các gia đình, chủ yếu là người Tiều ( gốc Hoa???). Khi đọc trên diễn đàn tôi thường nghĩ rằng đó là một khu vườn riêng biệt, rộng lớn và dưới các gốc nhãn cổ thụ là các hàng quán bán hàng ăn uống, hay lưu niệm cho du khách, hoặc giả là nó nằm sát mép biển, nơi ta có thể mắc võng nghỉ ngơi và thưởng thức hải sản, đắm mình trong gió biển mặn mòi và trong cái cảm giác tuyệt vời đó ta có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn những đồng muối trắng tinh phơi mình trong nắng gắt…
Tuy vậy, ta có thể thấy những cây nhãn hàng trăm năm với thân hình vặn vẹo, xù xì tỏa bóng rợp trong các khu vườn suốt dọc đường đi. Đường khá đẹp, tráng nhựa phẳng lỳ và khá mát mẻ, những ngôi nhà xinh xắn với các hàng rào cây xanh trổ hoa rực rỡ rất vui mắt, tạo cho người đi một cảm giác thật yên ả. Rất ít xe máy, oto dường như không có, lâu lắm tôi mới được đi trên con đường bình yên đến vậy.
Đã đến chùa Xiêm cán. Chùa mới được trùng tu, với các tòa tháp mới xây thếp vàng rực rỡ, nhưng ngôi chùa cổ thì vẫn giữ nguyên được vẻ thâm u trầm mặc vốn có. Chúng tôi đến thăm không đúng ngày lễ hội nên rất vắng vẻ, yên tĩnh… Chùa Khome hay các chùa tôi được tham quan khi đi Mianma đều rất ít ban thờ, rất ít tượng, gần như chỉ có một ban chính, chứ không nhiều tượng, nhiều ban thờ như chùa ở Việt nam…Đi vòng quanh chùa chụp ảnh tôi thấy có một lớp học mà thày giáo là một Ông Lục và các học trò là những chú thiếu niên cởi trần quàng chéo tấm khăn vàng. Hình như đang giờ học về toán, vì tuy thày giảng bằng tiếng Khome tôi vẫn nghe lõm bõm vài từ: decimet, centimet…nên tôi đoán vậy…
Khuôn viên chùa rộng, có một ngôi nhà trưng bày các hiện vật của người Khome được làm hoàn toàn bằng gỗ, các cầu thang, sàn nhà, rui, mè đều có vẻ cổ, đã ngả màu và khi bước lên thấy rung rinh, cọt kẹt… Chúng tôi ngồi nghỉ một chút, tận hưởng cảm giác thanh thản chỉ có nơi chùa chiền thanh vắng mới có, cảm giác này bây giờ cũng khó tìm và có thể là không thể có nếu bạn đi những chùa lớn như chùa Hương hay chùa Bái đính ngày lễ hội! Ồn ào quá! Xô bồ quá! Dung tục quá! Đó là cảm giác tôi nhận được qua rất nhiều lần đi lễ chùa của tôi. Vì vậy khi đến nơi đây tôi đã tìm thấy cảm giác thanh thản như ngày thơ bé, khi Cha, Mẹ tôi dắt chị em tôi lên chùa Quán sứ nghe giảng kinh mỗi sáng Chủ nhật cách đây khoảng 55 năm về trước! Bao giờ cho đến ngày xưa!
Dù không muốn chúng tôi vẫn phải rời ngôi chùa yên tĩnh này để di chuyển đến một nơi ồn ào hơn đó là biển Nhà Mát. Bác xe ôm cho biết, đối với người Khome, uy tín của các Ông Lục là rất lớn, họ như là một người cai quản về mặt tinh thần cho người Khome, có thể họ còn có uy tín hơn cả những người có chức có quyền ở địa phương…
Trên đường đi, qua một vài nhà bán bánh xèo nổi tiếng, nhất là nhà A Mật, nhưng vì mới ăn sáng xong còn khá no nên chúng tôi đành bỏ qua cơ hội nếm món bánh xèo được truyền tụng trên diễn đàn.
Ghé mua 1kg nhãn của một nhà dân trên đường đi, nhãn quả nhỏ nhưng khá ngọt, 25k/kg, có nhãn tiêu, hạt bé cùi dày nhưng đã được hái khá lâu, bị quá nước nên tôi không mua mà mua loại nhãn thường để nếm. Trên đường trở ra, trong khu vườn nhãn có một cây xoài cổ 300 năm, gốc khoảng 3-4 người ôm không xuể, dưới gốc cây có bát hương và ban thờ nhỏ… Theo dân gian thì những cây cổ thụ đều có linh thần nên người dân thờ cúng. Tôi cũng vái lạy cho đúng phép vì mình đi đường xa, không nên khinh suất, vả lại, có mất gì đâu cho một nghi lễ…. Bao quanh gốc cây là rất nhiều ngôi mộ của người Tiều được xây cất cẩn thận, đây là khu vực có rất nhiều người Tiều sinh sống, họ là một trong những nhánh người Hoa gốc nhà Minh đã bỏ quê hương sang đây để lánh nhà Minh và sinh cơ lập nghiệp tại đây, chủ yếu là trồng nhãn. Điều này tôi được biết khi đọc tiểu thuyết Công tử Bạc liêu…
Trên đường đi chùa Xiêm cán và trở ra có rất nhiều hàng bánh xèo, hai anh xe ôm nói bánh xèo hàng A Mật là ngon nhất, tôi định ghé vào ăn cho biết mùi thì ông chồng không đồng ý vì mới ăn sáng xong vẫn còn no nguyên…. Tiếc quá!!! Già rồi nó khổ thế đấy, no quá cũng không chịu được, như thanh niên thấy sướng ăn cái gì cũng ngon, ăn lúc nào cũng ok!!!
Xe chở chúng tôi ra lễ Phật bà Nam Hải ở khu vực biển Nhà Mát. Tượng Phật bà rất lớn, hướng mặt ra biển, dáng vẻ hiền từ với một nét mặt từ bi mang lại cho mọi người một cảm giác yên bình, chở che….khiến cho tâm ta như tĩnh lặng, hướng thiện hơn khi đứng dưới bóng Bà!
Khu vực tâm linh này được quản lý khá tốt, phía ngoài cổng được bảo vệ không cho hàng rong vào trong bán hàng nên khá trật tự. Tôi được biết nếu vào những ngày lễ thì khu vực này rất đông người đến lễ bái và thường xảy ra kẹt xe, nhưng hôm chúng tôi đi thì không, mọi việc đều ổn thỏa.
Rời khu vực tâm linh chúng tôi đi ra khu biển Nhà Mát. Biển ở đây là cửa sông nên toàn là bùn và bị chắn tầm nhìn bởi hàng cây chắn sóng. Ở đây có khu vực biển nhân tạo với hồ bơi, các khu vui chơi dành cho trẻ em… Thất vọng vì không được ngắm biển chúng tôi tìm quán ăn hải sản. Giữa trưa nắng như đổ lửa chúng tôi tìm đến một dãy quán mái lợp tôn có những quầy bán hải sản. Thôi thì đủ cả: tôm, cua, ốc, ghẹ, mực, bề bề…Nghêu sò nữa chứ. Đã ra đến đây mà không ăn cũng phí, chúng tôi vào một quán ở gần cuối chợ mua mấy con ghẹ. Không có ghẹ bơi chỉ có ghẹ đã chết nhưng còn tươi, chủ quán quảng cáo, hàng em tươi lắm các anh chị cứ hỏi khách đang ăn xem ạ! Tôi hỏi một gia đình đang ngồi ăn thì được biết ghẹ chắc, tươi…thế là tôi gọi hai con ghẹ một thịt, một gạch ăn xem sao. Chủ quán tự chọn và đưa cho một người đàn bà khác luộc và dọn cho chúng tôi hai đĩa muối ớt… Ăn xong thấy ngon và chắc tôi lại bảo chọn hai con nữa. Tổng cộng mất hai trăm ngàn cho 4 con ghẹ khá ngon. Trời nắng chang chang, trên đầu mái tôn nóng hừng hực, hàng quán sơ sài không có quạt…Thật sự là đói và muốn ăn hải sản mà phải ngồi thế này chứ mồ hôi cứ rịn ra khiến người nóng muốn phát điên. Rồi bữa ăn cũng kết thúc với cái nóng lử người, chúng tôi trở về khách sạn, tạm biệt xứ Công tử Bạc liêu với bao nuối tiếc…Đến Sóc trăng, thành phố nhỏ với rất nhiều ngôi chùa Khome nổi tiếng.