PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao



backpackervn
28-03-2011, 09:08
Trung Nguyên, mùa xuân trên non cao


Xuân đã sang, sao vẫn còn gió đông.

Xuân, sao giá băng vẫn chen về nơi miền quê xa nghèo.

Xuân, sao trời như buốt lạnh.

Xuân, sao vẫn lòng vẫn lạnh giá…



Tôi đi Trung Nguyên những ngày xuân Sài Gòn mưa sao về quá sớm. Bầu trời quang đãng những ngày xanh nắng tháng 3 sao vội tối sầm khi chiều xuống. Một chiều hối hả chạy qua cơn mưa trên con đường nhiều những cơn trốt hoa dầu bay tung trong gió lốc, một đêm bó gối trong quán nhìn mưa lạ, nghe gió lạnh hun hút thông thốc lùa qua quán, sao thấy chùng sâu…


Rồi tôi đi.

Bạn hỏi, sao đi hoài?

Bạn hỏi, đi chừng nào về?

Bạn hỏi, lại đi một mình nữa sao?

Bạn hỏi, vẫn còn tiền để đi sao?

Bạn hỏi, không sợ những cơn mưa axit, mưa phóng xạ sao?


…….


Tôi hỏi, sao tôi đi?


Rồi tôi đi.



23.03.2011. Đêm tháng Ba, Sài Gòn mưa đổ trắng trời…

backpackervn
28-03-2011, 09:12
24.25.26-02-2010 Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa..



Mùa xuân – mùa của nắng biếc, hoa tươi, gió xuân nhẹ dịu dàng

Mùa xuân – không là mùa của mưa dầm, gió buốt, ngày mùa mây không mặt trời.

Đã 3 ngày, tôi không thấy mặt trời – vậy bây giờ có đang là mùa xuân?


Đã 3 ngày, những cơn mưa trắng trời mờ đất trên miền cao nguyên Vân Quý, bây giờ có còn là mùa xuân?



***



Gió xuân – vốn thường dịu dàng

Gió lạnh – thường ít gặp ngày xuân.

Lòng người lạnh, gió xuân ấm áp dịu dàng vẫn buốt.

Lòng người đã lạnh, gió xuân đã buốt, cảm giác tê tái giá băng.



***


Tôi ra đi tìm một mùa xuân trên non cao. Những miền cao nguyên đẹp thường càng đẹp khi mùa xuân về - tôi khờ khạo nghĩ, như Đà Lạt của mình. Nên tôi lên cao nguyên đi tìm mùa xuân đẹp, cho hồn tươi, cho người mới…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3250584.jpg
Nhà Trống đồng ở Nam Ninh. Chim Việt rồi bay về đâu?



Để lại Sài Gòn những ngày xuân mưa mù, tôi ngược Nam Ninh, lần chần do dự lúc đi lúc ở nơi miền đất đã từng ghé nhưng chưa từng ở… tôi muộn màng leo lên chuyến tàu trưa, thả tôi xuống miền Quý Dương lúc gần 1 giờ sáng.

backpackervn
28-03-2011, 09:14
Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa.


Nam Ninh lạnh, đã lạnh vô cùng, sao tôi còn lên cao nguyên? Tôi đi cao nguyên Quý Châu vì ít người đi. Tôi đi Quý Châu vì tò mò về vùng đất của Bình Định Vương Ngô Tam Quế. Tôi đi Quý Châu vì nghe câu chuyện buồn Quý Châu tuy không thua hương kém sắc với người bạn Vân Nam hàng xóm cùng nằm trong cao nguyên Vân Quý hương sắc giờ đã bay lừng. Tôi đi Quý Châu vì tôi thương những phận hèn thua thiệt, như mình. Tôi đi Quý Châu vì…vì … vì… Nên giờ tôi đang hạnh phúc trong giá buốt ở Quý Châu.


Nằm ở độ cao hơn cả Đà Lạt, nhiệt độ trung bình của Quý Châu là 15oC. Vậy trong những ngày giá buốt tràn về Bắc Việt, ngập khắp Nam Ninh, miền cao nguyên này lạnh lẽo cỡ nào? Tôi không biết, chỉ biết là rất lạnh – còn vì nhiều lẽ.


Đêm, hay ngày mới, xuống Quý Dương tôi ngồi trên chiếc xe Honda ôm chạy từ nhà ga về nhà nghỉ, cắn răng không lôi chiếc mũ ra đội. Về đến nơi, tai tôi mất cảm giác và tôi tưởng rằng nó đã giòn tan, nếu gõ mạnh, có thể sẽ vỡ vụn.


Sáng, tôi dù biết không có nhiều thời gian nơi đây, dù cài báo thức lúc 6.30am, đến 9.30am tôi mới thò chân xuống đất, dù tôi đã thức giấc lúc 6.30am, vì quá lạnh.


Nhưng đêm đó, tôi vẫn lang thang Quý Dương phố khuya dù check-in xong đã gần 2 giờ sáng.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3260723-1.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3260699-1.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3260714-2.jpg
Thác ngày mưa. Huangguoshu Water Fall cao 74m, rộng 81m!!!



Rồi ngày hôm nay, tôi vẫn lặn lội trong mưa gió lạnh buốt đi thăm danh thắng bậc nhất Quý Dương, thác nước lớn nhất nhì Trung Quốc – Huangguoshu Water Fall.

backpackervn
28-03-2011, 09:15
Nanning, Guiyang - những ngày mùa xuân mưa.



Mùa xuân, không phải là mùa vàng, đó là mùa thu.

Mùa xuân, không phải là mùa hoa cải, đó cũng là mùa thu

Mùa xuân, không phải là mùa vàng mờ trong mưa, đó càng là mùa thu.


Nhưng ở miền cao nguyên này, tôi đã gặp một mùa xuân hoa cải vàng rờ rỡ lúc mờ mịt trong mưa sa lúc lộng lẫy dưới trời hanh còn vương chút sương mù…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3260728.jpg
Hoa cải vàng mùa xuân mưa



Tôi đi tìm mùa xuân trong mơ, tôi đã gặp mùa thu trong mưa…



***


Hoa đào, hoa của những ngày đầu xuân, ngày Tết.

Hoa đào, không phải là hoa của những ngày đã cuối mùa xuân

Hoa đào, vốn đẹp dịu dàng trong những ngày xuân trời trong xanh gió nhẹ, vì hoa chỉ vốn hồng dịu dàng không nồng nàn như mai vàng phương nam

Hoa đào, vốn mong manh, sẽ mau tan nát dưới giá băng gió lạnh.



Nhưng, những ngày xuân mưa mù gió lạnh cao nguyên Quý Châu, đào vẫn dịu dàng trong gió táp mưa sa, mây xám lạnh lùng. Chút hồng dịu dàng của đào phai, chút nồng nàn ấm áp của bích đào, vẻ mong manh trong trắng của bạch đào, của những triền đồi miên man cùng hoa cải vàng hay những hàng cây lặng lẽ rũ trong mưa gió ngày xuân mưa... đã làm lòng khách phương sa có thêm chút ấm.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3260626.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3260621.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3260637.jpg
Đào ngày mưa



Tôi không đi tìm, nhưng tôi may mắn là kẻ khờ từ phương nam nắng ấm đang chơi vơi ngày xuân với hoa đào.

___________________________

* Tất cả những lý do đi Quý Dương, tôi đã nêu, chỉ còn một lý do phát sinh, mà nếu tôi không kể liền, tôi sẽ rất ân hận. Đêm thứ hai tôi lang thang ở Quý Dương, cũng đã khuya, tôi vào quán ven đường gọi đồ ăn. Bàn kế bên có 2 nam một nữ. Câu thoại duy nhất họ trao đổi với tôi là khi cô bé chủ quán hỏi tôi có ăn ớt hay không, bằng tiếng Hoa, rồi cô gái bàn bên dịch giúp tôi, rồi tôi cảm ơn bạn. Vậy thôi, không thêm một câu nói, không bớt một nụ cười. Tôi cứ cắm cúi vào sách, vào bia, vừa lọ mọ nhai, lụi hụi đọc, hì hục uống… đến khi họ đứng lên, chào tôi đi, rồi cô gái nói là đã trả tiền bữa tối cho tôi rồi. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ, chỉ kịp lắp bắp hỏi lại, còn chưa kịp cảm ơn, thì họ đã bước ra ngoài. Tôi bối rối đến sững người, rồi lặng lẽ ngồi xuống. Tôi cũng đã từng được may mắn, cũng như từng kể với nhiều bạn bè, là tôi vẫn được trả tiền các bữa ăn khi lang thang ở Lào, Thái. Còn ở Trung Quốc, một miền đất còn rất nhiều “dấu nặng” trong các câu chuyện, trong các hành trình. Nhưng mà, vậy đó Quý Dương!

Nếp
29-03-2011, 14:16
Bpk đã vác ba lô đi làm vài chai bia Thanh Đảo nữa rồi! Em đang nhắm Quế Lâm, Quảng Tây, Vân Nam mùa xuân này, hóng tin của bpk!

backpackervn
29-03-2011, 23:42
27-28.03.2011 – Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.



Tôi vẫn chưa chia tay cao nguyên Quý Châu. Sao nỡ vội vàng đến thế. Nên tôi đi Kaili, một góc nhỏ quê xưa vẫn được nhắc nhớ nhiều khi khách du lạc về chốn Quý Châu.



Tôi đến Kaili từ Guiyang một chiều thật muộn, vì 1 lý do ngoài ý muốn. Khách sạn rẻ tiền nhất Kaili, theo LP, giờ đã nâng cấp thành 4*. Những KS bình dân khác dù giá đến 120Y/phòng vẫn không nhận khách nước ngoài. Đã gần 10pm, tôi đã lang thang trên phố đêm, dừng chân hơn 10 lữ quán (nói đúng ra là nhà trọ bình dân rẻ tiền, có nhiều khách ngụ theo giờ!!!), đều bị từ chối phũ phàng, chỉ vì không có Chinese ID. Trước khi quay lại KS, với phòng rẻ nhất 180Y, tôi thử ghé vào lữ quán cuối cùng, xí lố xí là một hồi, tôi hạnh phúc quăng balo vào phòng, 30Y cho 1 đêm trong căn phòng lạnh buốt những ngày xuân lạnh giá miền cao nguyên. Dù sao, tôi cũng may mắn. Tôi đã tiết kiệm được 150Y! Chơi gì cho hết đêm nay?


***


Ồn ào náo nhiệt, thường là chốn đô thành dù nhiều ít phồn hoa.

Yên ả, vắng vẻ, đó là chốn làng quê, dù làng quê bây giờ có thể rất không yên bình, có rất nhiều “sóng ở đáy sông”.

Làng quê nếu vắng vẻ, thanh bình, dù cổ xưa, dù ngàn năm tuổi, dù đầy di tích… cũng chỉ thu hút cò con dăm ba khách du lạc loài yêu thích chút hương xưa.

Để lôi cuốn nhiều hơn khách thập phương, để cạnh tranh với những làng quê khác, làng quê cần có những ngày hội hè. Phải không vậy, làng quê nhà tôi?



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280011.jpg
Đón khách từ cổng làng, vui như hội, mỗi ngày.



Nhưng làng quê có 365 ngày hội hè hàng năm, có còn là làng quê yên ả, thanh bình? Làng quê với hàng đoàn những chuyến xe khách đổ người đông đen xuống mỗi ngày, có còn vắng vẻ… có còn là làng quê?



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280162.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280183.jpg
Rồi chiều về, trai xinh gái lịch vui hoan ca


Xijiang,làng quê của người Miao, bây giờ có còn là làng quê?



***

backpackervn
29-03-2011, 23:45
Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.


Xijiang, một làng quê mà Quý Châu đang cố xây dựng thành điểm du lịch chính của tỉnh. Trên chuyến xe bus chỉ có 1 khách địa phương, còn toàn là khách du lịch – người Hoa. Giá vé bây giờ là 20Y, nhưng trên tấm bảng trong phòng vé là 100Y, có lẽ cho 1 ngày không xa. Vậy, có nên tranh thủ về Xijiang? Vẫn rất nên!


Nếu mai mốt bạn đi, vườn cải ngày xuân có còn yên ả vàng hoa chào nắng xuân mới.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280131.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280122.jpg
Ruộng nương này mai mốt có còn


Nếu mai mốt bạn đi, những bích đào, đào phai có còn dịu dàng tỏa sáng bên những ngôi nhà xám đen.

Nếu mai mốt bạn đi, Miêu nữ có còn nghiêng nghiêng ánh dao cau chào đón bạn.

Nếu mai mốt bạn đi, cụ ông người Miao có ghé ngồi chung bàn, có cùng sẻ chia miếng ăn, cái uống với bạn?



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280207.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280236.jpg
Hoàng hôn Xijiang



***

backpackervn
29-03-2011, 23:47
Kaili, Xijiang, non cao xuân về trong nắng mới.



Miao, là tên tiếng Anh của người dân tộc của Xijiang.

Miêu, là tên Việt hóa, thường được dùng trong các tác phẩm của Kim Dung.

Mèo, là tên gọi xa xưa của người Việt dành cho họ.

H’mong là tên thông dụng phổ biến hiện nay nhà nước Việt Nam yêu cầu sử dụng.

Nhưng, tôi thích từ Miêu nữ. Không biết bao nhiêu cô gái ở đây là con cháu của Ngũ Độc giáo chủ Lam tỷ tỷ mà sao ai nấy mắt như dao cau, cười giòn tan như pha lê vỡ.



***


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280107.jpg
Miêu nữ với chén sừng trâu, sẵn sàng chuốc mềm môi khách giang hồ si dại



Tôi đâu có phải Lệnh Hồ đại ca, sao Miêu nữ đón chào tôi bằng những chén sừng trâu rượu nồng vào mai sớm. Tôi chỉ biết rượu bồ đào nên dùng chén dạ quang. Còn chén sừng trâu dùng với rượu nào phải hỏi Tổ đại hiệp, nhưng tôi chỉ biết những chén rượu sừng trâu đón khách từ cổng làng, mà mọi người đều từ chối hoặc nhấp môi, còn tôi dốc chén ngược.

Làm ngày vui Xijiang của tôi không đợi đến đêm về.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280138.jpg
Bạch đào càng rực rỡ bên ngói trầm màu thời gian.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280041.jpg
… dù rất gần, hay xa xa vẫn rạng ngời sáng


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280049.jpg
Đây có phải là hoàng đào? Sao tôi không biết?


Làm Xijiang không chỉ rực rỡ hoa cải vàng hay đào lung linh sắc, làm nụ cười Miêu nữ thêm nồng nàn khi nâng chén duyên…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3280035.jpg
Xuân về theo sắc hoa đào


Xijiang, non cao mùa xuân đã về trong nắng mới.

backpackervn
31-03-2011, 22:32
29.30.31 Đường về Trùng Khánh.



Trong ký ức của tôi, Trùng Khánh là một trong những cái tên về một vùng đất xa xôi được tôi nhớ đến nhiều nhất. Chẳng hiểu vì sao, trong tủ sách còn sót lại sau những biến động năm 1975 – và nhiều năm sau đó, của nhà tôi có 1 cuốn sách cũ mất bìa, mất nhiều trang trong, úa vàng, quăn mép… có tựa đề là “Đường về Trùng Khánh”. Lúc còn nhỏ, tôi đã lọ mọ đọc nhiều cuốn sách không phải của NXB Kim Đồng, cũng có hiểu lơ mơ, chỉ duy nhất cuốn này là tôi không hiểu rõ cho lắm là nó nói gì. Tôi chỉ nhớ láng máng là nó liên quan đến cuộc chiến tranh Trung Nhật, nói về hành trình ngày tao loạn của những người thương nhau… nhưng tôi cứ mường tượng về một miền đất lạ, đẹp mơ hồ Trùng Khánh. Không hiểu sao, cái tựa đề sách cứ ám ảnh mãi trong tôi, dù hầu như tôi đã quên mất nội dung cốt truyện. Sau này, khi thông tin trên mạng đã thuận tiện, tôi có tìm được cuốn sách này, tải về, nhưng tôi không đọc. Tôi muốn giữ một chút ký ức đẹp cho mình về những ngày xưa leo lên sân thượng trốn việc nhà nằm nghêu ngao đọc sách, rồi gởi hồn cho đám mây lang thang mang đi về Trùng Khánh.


***


Tôi dự định đi Fenghuang từ Kaili. Tuy 2 vùng này thuộc 2 tỉnh khác nhau nhưng lại gần nhau. Từ Kaili, đi khoảng 3.1/2h là đến Huaihua, Hồ Nam. Từ Huaihua đi thêm 2h nữa là đến Fenghuang. Khoảng cách như vậy là rất gần (so với TQ) nhưng tôi vẫn không chủ quan. Từ Xijiang, sau khi dậy sớm lang thang hy vọng tìm thấy nếp nhà xưa trong sương sớm… tôi đi chuyến xe sớm về đến Kaili lúc chưa được 10am. Hớn hở vào bến xe hỏi, hỏi đi hỏi lại thì mỗi ngày chỉ có duy nhất 1 chuyến xe đi Huaihua vào 3pm, có nghĩa là đến đó không còn xe đi Fenghuang. Thêm nữa là tôi sẽ làm gì từ 10am đến 3pm ở Kaili buồn tênh. Hỏi thêm 1 vài cung đường nữa đều không được, tôi quyết định nhảy lên xe về lại Guiyang, mà tôi nghĩ là tôi sẽ không còn quay lại. Về đến Guiyang lúc 1.30pm, tôi nhảy tiếp lên chuyến xe đi Trùng Khánh lúc 1.50pm.


***


Như vậy, tôi có duyên với Trùng Khánh hay tôi chưa có phận với Hồ Nam – dù dự định của tôi cho hướng đi qua đó, và sau đó nữa, là rất chi tiết?


***


Tôi đến Trùng Khánh lúc hơn 7pm, xuống xe ở 1 bến xe xa lắc, không nằm trong 1 hướng dẫn nào của LP. Trời mưa lất phất. Lạnh. Gió. Mệt mỏi vì dậy sớm ở Xijiang lạnh ngắt, long xòng xọc trên xe từ sáng giờ, tôi đã trả giá honda ôm từ 40Y xuống còn 25Y, định đi luôn về nhà trọ cho gọn, nhưng còn đang chần chừ làm màu một tý (!?). Thấy tôi ngơ ngáo, 1 bạn trẻ giúp tôi xác định hướng đi về bến xe Caiyuanba để nối chuyến dễ hơn sau đó. Đến nơi, khi tôi hỏi đường đi tiếp, 1 bạn trẻ khác nhiệt tình dắt tôi đi đến bến Caiyuanba vì từ điểm dừng bus đến bến xe khá xa. Bạn ấy không biết nói tiếng Anh, gọi điện thoại cho bạn của bạn ấy biết nói tiếng Anh, đưa máy cho tôi hỏi tôi đi đâu để chỉ tiếp. Nhưng vì chỗ tôi đến, và cách tôi phát âm địa danh đó bằng tiếng Hoa không chuẩn nên, bạn ấy không biết, tôi cũng cảm thấy ngại quá, nên đành cảm ơn rồi đi tiếp. Ra đến bốt cảnh sát hỏi thăm thì được 1 nữ chiến sĩ dắt tôi ra đến bus-stop có chuyến xe đến chỗ tôi cần đi, chỉ cho tôi đường đi. Đến điểm dừng xe bus, tôi lại ngơ ngáo đi tìm GH không ra, vì nó nằm trong hẻm, khu đó tối thui và đặc biệt là cái GH đó nó vừa đổi tên, dời địa điểm dù chỉ gần đó mấy bước nhưng đổi luôn số điện thoại. 2 bạn trẻ đang tâm sự gần đó, thấy tôi ngơ ngáo cõng balo qua lại mấy lần mới hỏi thăm, rồi đi hỏi lòng vòng, rồi dắt tôi vào con hẻm, mà nếu tự đi chắc đợi sáng tôi mới dám vào đúng GH đó. Đến nơi, đã hơn 9pm! Đợi tôi vào, chắc chắn mọi việc, 2 bạn ấy mới chào tôi đi.


Đường về Trùng Khánh của tôi là vậy đó! Bạn có muốn về Trùng Khánh không?



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3300400-1.jpg
Thanh thoát. Dazu – Unesco Herritage.


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P3300432-1.jpg
Làm gì khép nép bên ruộng cải vậy đào ơi?



Về Trùng Khánh đi để ngắm những di tích ngàn năm tuổi giờ vẫn rạng ngời, những cánh đồng mùa hoa cải miên man vàng bên những nụ đào hồng dịu dàng ngày xuân nắng nhẹ…


Về Trùng Khánh đi, để một chiều ngồi bên dòng Trường Giang sương mây mờ mịt nâng chén tiêu sầu cùng tôi ngâm nga câu ca sao thấy lòng nhẹ bỗng “Trường Giang cuồn cuộn đổ về đông. Bao lớp sóng xô mấy anh hùng. Ngoảng mặt lại nhân tình thế thái. Được mất bại thành hóa hư không.”


Về đi… Về Trùng Khánh cùng tôi đi!!!...

likemoon
01-04-2011, 10:05
Trời ơi, thèm thèm thèm...hik hik....
Một đêm lạnh gió rét bên hồ Sayram bọn tớ cũng được chia sẻ chỗ ngủ ấm trong lều của 1 đôi bạn bpk, còn được mời ăn sáng nữa...TQ nói chung cũng có nhiều người tốt :)

007
01-04-2011, 22:00
Cách viết bài rất hay, nhẹ nhàng, nhiều suy tư.
Keep moving bpk...

backpackervn
03-04-2011, 00:11
Đường về Trùng Khánh



Trùng Khánh, tên cũ là Chungkinh, tên mới Chongqing có nghĩa là Double Happiness (Song Hỷ), một cái tên nói lên ước vọng của những người dân ở miền đất có quá nhiều những tang thương dâu bể trong vài thế kỷ vừa qua, và đặc biệt trong những năm 40 thế kỷ trước.



Thời còn thuộc về Tứ Xuyên, Chungkinh là miền đất giao tranh đẫm máu của nhà Minh với quân nổi loạn và cả của đoàn quân hùng mạnh Mãn Châu từ phương Bắc. Bao nhiêu phận người đã ngã xuống, máu đã nhuộm đỏ miền đất hoang tàn sau chiến tranh đến nỗi nhà Thanh đã yêu cầu những cuộc di dân từ miền Lưỡng Quảng, Nhị Hồ… đến đây. Sự pha trộn giữa nhiều sắc dân, của nhiều nền văn hóa đã đem lại sức sống mới cho một Trùng Khánh hoa lệ thời bấy giờ.




https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310571-1.jpg


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310549-1.jpg
Những người cộng sản đã nằm xuống năm 49 ở Trùng Khánh – sao trông họ đẹp và buồn quá vậy?



Rồi đến cuộc chiến Trung Nhật, WW II, Trùng Khánh trở thành thủ đô của chính quyền Quốc Dân Đảng lâm thời. Máu lại một lần nữa tưới đỏ miền đất này. Rồi đến những ngày năm 49, máu của những người cộng sản lại một lần nữa nhuộm hồng,… cho một Trung Hoa thống nhất.



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310678-1.jpg


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310663-1.jpg
Sheraton lộng lẫy đến kinh ngạc bên bờ sông dữ Trường Giang.




Sau bao tang thương, Trùng Khánh giờ đã khác. Tách ra khỏi Tứ Xuyên để trở thành khu Hành chánh trực thuộc Trung ương Trùng Khánh, tiền của, nhân lực… đã được đổ dồn về miền đất này, song hành cùng chính sách Tây Tiến của nhà cầm quyền Hoa lục. Thành phố đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trùng Khánh bây giờ là những đường phố hoa lệ, những con đường 4 – 5 tầng, những tòa nhà chọc trời mọc lên kiêu ngạo một cách đáng ngờ ngay bên bờ dòng Dương Tử giang cuồn cuộn.



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3290331-1.jpg
Trường Giang đêm về….



Có còn gì không một Trùng Khánh của ngày xưa, một Trùng Khánh của những quá khứ hào hùng, của những di tích lịch sử, của những giá trị văn hóa xưa cũ giờ mọi người lại đang quay lại kiếm tìm...


***

backpackervn
03-04-2011, 00:19
Đường về Trùng Khánh



***



Những ngày xuân này, Trùng Khánh mưa bay mờ.



Thành phố cao nguyên, “Mountain City” – một tên thường gọi của Trùng Khánh, những ngày xuân mưa trời xám. Bối rối trước 1 thành phố thênh thang rộng, mênh mang biển người,… tôi vội vã lên nhiều những chuyến xe trong mưa mờ tìm về Dazu, nơi những triền núi đá đã được người xưa tạc những bức tượng từ thời nhà hơn ngàn năm trước.... Khu di tích lịch sử ít được biết đến này (!?) đã được Unesco đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới cùng với Vân Cương Thạch Động (Datong), Đôn Hoàng… Điều ngạc nhiên và rất mắc cỡ là tôi lại chưa nghe đến địa danh này, cho đến lúc tôi ngồi trên chuyến xe Quý Dương – Trùng Khánh!!!



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3300421-2.jpg


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3300375-1.jpg
Tượng khắc vào trong đá – Đức Phật nhập Niết Bàn (31mx5m)



Tôi đến Dazu khi đã gần 3 giờ chiều, nghĩa là tôi chỉ còn khoảng 90p để lang thang, nếu tôi không muốn ở lại đây đêm nay. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó với Dazu, tôi biết một lần nữa duyên may lại đến với mình.




https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3300362-1.jpg
Đạo giáo


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3300414-1-1.jpg
Khổng giáo


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3300367-1.jpg
Phật giáo… - tất cả đều ở Dazu



Đêm, tôi về bến Trường Giang đèn màu rực rỡ trong sương mưa, đã biết rằng một phần hồn tôi còn lang thang chưa về trên những tượng đá ngàn năm, những con đường hoa cải vàng như nắng xuân lạc loài, men theo những vách tường chùa đỏ thâm trầm, bạch đào trắng trong ngây thơ…



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3300427-2.jpg
https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3300436-1.jpg
Xuân thì…


Dazu, ngàn năm trước giờ này có đang là mùa xuân?

CHIPCHIP
03-04-2011, 13:21
Cách "tường thuật" của bpk thật xúc động. Cảm thấy bị cuốn hút vào hành trình của bpk. Chúc cho những hành trình của nhà Phượt luôn thú vị như thế...

backpackervn
05-04-2011, 19:45
Đường về Trùng Khánh



Dù mưa bay dài lê thê mỏi mòn, Trùng Khánh cũng có những lúc hửng sáng, dù mặt trời còn mãi yên giấc mộng lành sau đám mây xám dày. Chỉ chút hanh hao hừng sáng cũng đem lại cho Trùng Khánh, cho những di tích lịch sử, những đền xưa chùa mới, những con đường miên man anh đào đang rộ trong mưa lạnh… những nét duyên bên cạnh những đông đúc lấn chen bộn bề.


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310459-1.jpg
Tòa nhà People Hall lộng lẫy của Trùng Khánh


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310597-1.jpg
Người Trùng Khánh bây giờ


Bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân qua thời gian dài, đặc biệt là những trận bom kinh hoàng vào WWII, Trùng Khánh hầu như được xây mới. Nhưng đâu đó trong thành phố thênh thang, vẫn còn sót lại những góc xưa, chùa cũ… còn giữ chút bình yên vắng xa Trùng Khánh tấp nập phố đông ngoài kia.



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P4010032-1.jpg

https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P4010028-1.jpg
Trong ngôi chùa Luohan hơn ngàn năm tuổi.



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310503-1.jpg

https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310525-2.jpg
Ngôi chùa Huayan thanh thoát giữa Trùng Khánh hoa lệ



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310590-1.jpg
Bên hội quán của những người di dân từ các miền về Trùng Khánh



Tất tả ngược xuôi trên chuyến chuyến xe bus kìn kịt người dài lê thê dằng dặc… tôi đã tìm về được một Trùng Khánh lắng đọng những ngày mùa xuân mưa bay.

backpackervn
05-04-2011, 19:48
Đường về Trùng Khánh


Trong những điểm nhấn của Trung Quốc theo LP, Trùng Khánh được nhắc đến không vì di tích lịch sử Unesco Dazu, hay ngôi Hugang Guild lộng lẫy của những di dân Lưỡng Quảng, Nhị Hồ, ngôi chùa Luohan từ hơn ngàn năm trước… mà vì 2 điều rất ngộ. Lẩu Trùng Khánh nổi tiếng khắp Trung Quốc cũng như trên thế giới, mà lẩu Tứ Xuyên ở Thành Đô… cũng bắt nguồn từ đây. Dĩ nhiên là tôi phải “nghe lời LP, dù tôi chỉ đi một mình. Cũng không dễ dàng gì khi chiến đấu với 1 cái lẩu, theo đúng khẩu phần “ăn nhiều” của người Trung Quốc… nhưng hôm đó, đêm trước ngày chia tay Trùng Khánh, tôi đã có 1 đêm đáng nhớ. Tôi, kẻ ngây ngô, lóng ngóng, một mình với cái lẩu Trùng Khánh, nhưng với nhiều bia Trùng Khánh, và rất nhiều những sự chăm chút, tình cảm của những người Trùng Khánh….



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310701-1.jpg
Trùng Khánh lẩu – tổng chi phí (có thêm một cơ số bia) chỉ 40Y (bằng 2 chai bia bên bờ Trường Giang thôi mà)!




Một điểm nhấn nữa được LP dành nguyên 1 chương là hành trình trên sông Trường giang (Dương Tử giang) xuôi về Hồ Bắc, đặc biệt ngang qua Tam Hiệp nổi tiếng.


Tôi không có tiền và thời gian cho những con tàu du lịch hoa lệ đi ít nhất 3 ngày 3 đêm đó. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi không thể tưởng tượng tôi có thể ngồi bó gối trên con tàu suốt 3 ngày đêm trên con sông mùa này cạn lờ, nước lơ thơ chảy và đặc biệt sương mưa cứ mịt mờ. Tôi còn nhớ, hồi tôi đi trên tàu từ Pak Beng về Luang Prabang ở Lào. Chỉ 1 ngày trên sông mà tôi đã buồn chán đến cỡ nào. Nên tôi không cỡi sóng Trường Giang. Hẹn hôm nào có chúng bạn đi chung, may ra còn bù khú để qua những ngày dài chứ một thân một mình lận đận cỡ này thì…. Hẹn hôm nào!!!



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310448-1.jpg


https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310663-1-1.jpg
Bay ngang qua dòng Dương Tử




Tôi không cỡi sóng xuôi Trường Giang được thì tôi bay ngang sông vậy. Thay vì tốn cả 1.000Y cho chuyến tàu dọc trên sông, tôi chỉ tốn 2Y cho cáp treo bay ngang qua sông! Sao bạn không lựa chọn phương án con nhà nghèo này. Bay ngang qua ngang lại con sông, không chỉ cảm nhận được 1 Trường Giang khác, một Trùng Khanh khác… tôi còn gặp những cảm giác khi qua bên kia sông – qua “bên nớ” như P.D, nơi những miền quê nghèo, dù chỉ cách trở 1 con sông, thường có nhiều những tấm chân tình chan hòa, và tôi đã gặp, đã nhớ…



https://i1026.photobucket.com/albums/y328/bpkvn2/P3310687-1.jpg
Chiều xuống mờ sương bên dòng Trường Giang




Tôi rời Trùng Khánh vội vã một chiều mưa bay trắng trời, nhưng tôi không biết mưa ngoài trời hay mưa trong lòng nhiều hơn…

Nếp
05-04-2011, 20:23
Đạo diễn Vương Gia Vệ của điện ảnh Hương Cảng có phim Chungking express rất lãng mạn, mặc dù nội dung phim chả liên quan gì đến Trùng Khánh cả. Vai anh cảnh sát do Lương Triều Vĩ đóng, khi Lâm Thanh Hà nói đang để dành tiền để đi Cali xem nó nắng thế nào, và hỏi anh Lương là anh có thích đi không, thì ảnh biểu là ảnh chỉ thích ở một chỗ thôi!

Sửa lại cho đúng tên diễn viên :)

pcph
06-04-2011, 15:24
Cảm ơn bạn backpackervn rất nhiều vì những bài viết của bạn, những bài viết khiến người ta nhớ về những nơi đã đi qua và mơ về những nơi chưa được tới.

Đang hồi hộp theo dõi hành trình của bạn sau Trùng Khánh. Sẽ là Tây Tứ Xuyên với Khang Định - Hải Loa Câu - Daocheng Yading chăng? Sẽ là Hành lang Hà Tây với Lan Châu - Trương Dịch - Gia Dụ Quan - Đôn Hoàng chăng? Sẽ là cung đường thảo nguyên từ Thanh Hải qua Nam Cam Túc đến Bắc Tứ Xuyên, với những Rebkong (Tongren) - Labrang (Xiahe) - Langmusi - Hongyuan chăng? Thật khó đoán, nhưng chắc chắn cung đường bạn đi luôn độc đáo, ấn tượng và bạn sẽ chia sẻ với mọi người một cách đầy cảm xúc. Chúc bạn chân cứng đá mềm, thượng lộ bình an!

backpackervn
09-04-2011, 18:49
Chút lãng đãng cung đường mùa xuân non cao.



Đối với miền Nam nước Việt, mùa xuân là một cụm từ dường như hơi nhiều tính hoa mỹ.


Miền đất hồn hậu này, thường chỉ có những ngày xuân ngắn, những ngày nắng vẫn vàng nhưng nhẹ nhàng, trời xanh thênh thang, gió dìu dịu nhẹ,… thường đâu khoảng mươi hôm trước Tết và sau đó - những ngày xuân ngắn ngủi khi mai vàng rực rỡ đất trời soi bóng áo mới em thơ, má hồng thiếu nữ, mặt đỏ trai làng…


Miền đất này, chỉ có 2 mùa, mùa mưa và mùa nắng.


Mùa nắng, đương nhiên là nhiều nắng.


Mùa mưa, lại cũng có rất nhiều nắng. Trong mùa mưa, vẫn có nhiều ngày nắng giữa những ngày mưa. Những ngày mưa lại cũng có nhiều nắng, chỉ có những cơn mưa đâu đó vài giờ.


Mùa mưa, hay mùa nắng, những ngày chưa xuân… đôi lúc cũng có vài ngày nắng nhạt, trời mát, gió dịu nhẹ là lạ với đất miền Nam… Đó là những lúc lòng quặn đau vì bão đang về, đâu đó, ngoài kia xa thân…


Do vậy, thường khái niệm mùa xuân đối với phần lớn người Nam đất Việt có tính lý thuyết, sách vở…


***


Mùa xuân, những ngày còn nhỏ dại là niềm vui những ngày chờ Tết, chẳng biết là mùa xuân đổ thêm nhiều biết bao nhiêu là lo toan trên vai mẹ đã gầy càng thêm gầy.


Mùa xuân, thời còn thơ ngây chưa toan tính ngày ngày lên giảng đường là những dịp vui về quê gặp bạn cũ, để tạm quên những ngày lên lớp với cái bụng lép kẹp và trong tay chiếc muỗng gõ nhịp mong mau hết những giờ giảng chán ngắt của thầy cô.


Mùa xuân, của những ngày đi làm là những ngày bắt đầu công việc nặng nề cho cả một năm dài, cho chỉ tiêu, cho kế hoạch, cho thách thức, cho vị trí, cho hơn thua được kém… cho cơm áo gạo tiền...


Nên, bây giờ, mùa xuân là mùa tất bật, chẳng còn ai nghĩ đến việc rong chơi. Bạn cứ xem, trên nhiều các diễn đàn, mùa xuân thường chỉ là mùa bắt đầu tìm bạn cho những chuyến đi vào 30.4, 2.9… hay những chuyến đi biển xanh mùa hạ, núi cao mùa thu vàng…


Nên, lãng đãng đi với mùa xuân, chắc cũng là việc chẳng còn nhiều người nghĩ đến…


***


“Bao nhiêu mộng mơ đó đã tan theo một cơn gió… Thân ta giờ ngao ngán mong manh giòn khô rơm rác. Bao năm còn ngơ ngác, theo dòng đời tới lui. Cuộc đời quẩn quanh giành tranh chẳng qua một chớp mắt! Sẽ cho em hạnh phúc? Có không em? Sẽ cho ta bình yên? Vẫn đang xin!...” *



Nên mùa xuân tôi đi về non cao xứ lạ, tìm chút hương xa, mong niềm vui cũ… dù chẳng biết có còn không?


Đường rong ruổi chân tôi phiêu bạt như theo ý người. Dự tính đều thay đổi. Nhưng có hề gì. Khi con đường chỉ là con đường đi. Khi mùa xuân vẫn là mùa xuân. Dù mùa xuân nào. Dù mùa xuân nơi nao.


Mùa xuân non cao – không, những ngày gần như đã cuối mùa xuân này tôi đi sao tôi gặp không chỉ một mùa xuân?


***


Dò dẫm từ miền cao nguyên Vân Quý, nơi tôi như đã mãn nguyện với mùa xuân lạ bên nương cải vàng hừng hực dù nắng xuân ấm áp rải hay mưa xuân lạnh lùng bay… tôi thong dong đi. Tôi xem như tôi đã gặp những gì tôi cần tìm, tôi đã thấy mùa xuân non cao.


Nhưng! Tôi nào ngờ! Như tôi vẫn nào ngờ!


Miên man giữa những thành xưa quách cũ, lầu son gác tía, non cao núi cả… sau khi đã quên mùa xuân hạnh phúc tìm thấy… tôi không tìm nữa nhưng sao tôi lại gặp.


Tôi lại gặp mùa xuân?


Tôi không chỉ gặp lại mùa xuân. Tôi gặp lại xuân tươi nồng nàn, dù nương cải vàng mùa xuân hôm nao giờ chỉ còn trong miền ký ức. Mùa xuân bây giờ hồng nhẹ nhàng những con đường miên man hoa anh đào. Mùa xuân bây giờ non cao hoa đào điểm tô rực rỡ những triền núi cả. Mùa xuân bây giờ, bên chùa cũ, bích đào rực lên như lửa hồng ngày xuân xanh…



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4040014.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4030415-1.jpg
Xuân hồng



Một trưa xanh, lang thang giữa những thành quách cũ, chùa chiền xưa… tôi chẳng biết tự bao giờ nắng đã lên xanh, mây đã tan vèo, trưa đã nồng... Tôi lại thấy mình như đang trong hạ đỏ. Trên cao xanh ngăn ngắt không chút mây trắng điểm tô, chỉ có mặt trời rực rỡ giữa bầu trời xanh thanh cao mùa hạ đổ nắng vàng cho thành xưa thêm cũ, cho vàng xưa thêm duyên… giờ tôi đang chơi vơi chốn nào?



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080848.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080835.jpg
Hạ xanh



Rồi hôm nao, màu trời đã bớt ngăn ngắt, chỉ còn dịu dàng xanh, chỉ gió dìu dìu nhẹ.. đang rong chơi tôi lại lạc lối gặp thu vàng giữa những hàng cây trơ trụi lá, chờ mai cơn mưa nào đến để “hiu hắt đứng trong mưa”, để tôi khỏi mong chờ mùa thu **.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4090032.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080793.jpg
Thu vàng



Nhưng lạ lùng nhất, và có lẽ tôi thích thú nhất khi tìm thấy mùa đông giá giữa những nương đồi trên non cao ngày đã gần cuối của mùa xuân. Hôm nào nương cao sẽ lên xanh, ai đó nếu tìm về có thể sẽ cho rằng những nương đồi này không bằng Y Tý, Tú Lệ, Nguyên Dương, Banaue,… Nhưng, dưới nắng xuân mỏng mảnh đã len lén tìm về non cao, giữa những bông tuyết nhẹ nhàng bay bay trong nắng lên đầu ngày, phong phanh co ro trong cái lạnh buốt giá, hạnh phúc muốn tìm người sẻ chia sao đâu thấy … bên những nương đồi trắng tuyết, tôi đã gặp mùa xuân trên non cao của mình.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4070572.jpg
Đông trắng



Có còn mùa xuân nào trên non cao?




___________________________

* Vũ Thành An - 07, mạn phép thay 1 từ
** Mượn ý Tùng Giang - Nam Lộc.

backpackervn
11-04-2011, 19:36
02.03.04.05 Ngược Trường Giang về Trường An



Chuyến tàu Trùng Khánh – Trường Giang (Changan, Tây An, Xi’an) đến nơi vào 5 giờ sáng. Mùa xuân Xi’an sao sớm nay lạnh quá lạnh, hay vì còn trời đêm. Mưa chỉ bay nhè nhẹ trên phố nhưng chắc đêm qua đã có cơn mưa khuya nào loáng nước lấp lánh đường đen. Phố lúc đêm chưa vội đi, ngày chưa kịp đến vàng vọt ánh đèn vàng trong mưa mộng mị. Những sợi tơ mưa bay xiên xiên, nhè nhẹ rớt xuống mặt nghe lành lạnh trong gió buốt. Tôi vào quán Chinese KFC vắng vẻ bên kia sân ga, ôm ly café lạnh ngắt lạt lẽo nhìn quán im thớt thưa vài lữ khách mệt mỏi gục đầu ngủ vùi trên bàn, chờ chuyến tàu đi hay chờ ngày đến để về chốn nương thân, nhìn phố phường lặng lẽ qua khung của kính, nghe KL ơ hờ “Ta khổ đau một đời để chết trong tình cờ. Ta tìm nhau một thời để mất nhau vài giờ. Bàn tay làm sao níu một đời vừa đi qua. Bàn tay làm sao giữ một thời yêu thiết tha…”. Nghe lòng sao hoang mang…



***



Tôi tìm về Trường An sau một lần lỗi hẹn, sau khi bị cuốn hút bởi mùa thu mênh mang Mông Cổ. Thưở còn đọc những sách về giai nhân mặc tướng, những năm 80 lần đầu háo hức được xem vẻ lộng lẫy kiêu sa của nàng Võ Tắc Thiên – Phan Nghinh Tử… tôi đã luôn mơ một ngày Trường An.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4020319-1.jpg
Lý Bạch tiên sinh nâng chén có mời ta chăng?



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4020312-1.jpg
Chiều đã rơi trên Đại Nhạn Tự, hồn ta rơi về đâu?



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4020349-1.jpg
Trong thành Trường An lộng lẫy đèn đỏ treo cao kia có mỹ nhân nào đợi ta không?




Có còn không, một Trường An huy hoàng lộng lẫy ngày nao?

Red_Sun
12-04-2011, 23:09
Bác ơi, bác còn đi những nơi nào nữa. Bác có lên đến Bắc Kinh không? Em đang ở Bắc Kinh. Đọc những bài viết của bác em muốn mời bác một ly cacao nóng, cho đào hồng thêm thắm, cải vàng thêm rực rỡ và cho xuân thêm ấm nồng trên mỗi bước đường bác qua. Cái cách bác đặt tình cảm vào từng câu chữ, viết về nơi mình đến và qua thật khiến cho người ta muốn đi, muốn cảm.
À, loài hoa màu vàng ở đây hay gọi là hoa "nghênh xuân". Vì hoa nở khi thời tiết bắt đầu ấm áp, khoe sắc nghênh đón một mùa xuân mới.

backpackervn
13-04-2011, 17:59
@ Red_Sun, cảm ơn ly ca cao nóng của bạn, rất ấm áp trong những ngày xuân lạnh này. Nhưng bpk không uống ca cao, hình như là chưa bao giờ, từ nhỏ đến giờ. Chỉ thích những gì cay, đắng thôi :T, không thích ngọt ngào. Kỳ này bpk không đến được Beijing.

________________________


Ngược Trường Giang về Trường An


Chẳng có mỹ nữ nào cả, chỉ có nỗi mệt mỏi nhọc nhằn đầu ngày đón chào lữ khách đến miền đất mới. Thật không đáng!


Trường An đón tôi bằng một buổi sáng mưa phùn rả rích, lạnh tê tái và 1 hành trình dài đi tìm nhà trọ gần 3g đồng hồ. Chủ quan, tôi không gọi điện trước và thấy rằng trong LP, ở TA có rất nhiều Youth Hostel, nào ngờ, tất cả đều kín phòng, dù chỉ mới 7g sáng. Sau khi đã cõng balo đi đến 3 hostel cũng ở gần gần, tôi không đi nữa, bắt đầu gọi điện. Tất cả đều hết dorm, cả phòng đơn cũng hết. Tần ngần một hồi, tôi bắt đầu cõng balo đi tìm các khách điếm bình dân. Cái thì chủ chưa đến, cái thì quá xập xệ, bốc mùi. Mưa lạnh nhự vầy mà đắp lên người mấy cái mềm ẩm mốc đó thì ôi thôi… có tiết kiệm mấy cũg phải chừa chỗ! Cuối cùng quá mỏi mệt, dù may mắn là trời lạnh nên đi bớt mệt, tôi bắt đầu đi tìm khách sạn… đi miết, từ giá 150Y… cuối cùng tôi tìm được 1 phòng sạch sẽ, toilet western style, giường có nệm điện, wifi… giá chỉ 80Y. Tôi mệt mỏi quẳng balo vào, đã gần 10g sáng.

Vì đâu nên cớ sự này? Thì ra, hôm nay là Tết Thanh Minh của người Hoa. Dân du lịch 4 phương 8 hướng đổ về Trường An. Không chỉ hôm đó, mà đến hôm tôi ra đi, tôi có hỏi thăm đi, thăm lại mấy lần, các dorm vẫn đều kín chỗ. Thế mới kinh. Dù tôi đã kinh nghiệm tránh mấy cái 1.5, 1.10… nhưng lại rơi vào cái bẫy Thanh Minh tại Trường An.



http://farm6.static.flickr.com/5222/5616064384_10a173c098_b.jpg

http://farm6.static.flickr.com/5070/5615485811_c65cbcddc1_b.jpg
Hoa trên mái rêu phong và hoa rực rỡ trong khuôn viên thánh đường Hồi giáo. Mỗi vẻ đều vẹn mười (!?)


Đã trễ, nên ngày hôm nay tôi quyết định không đi xa, chỉ thăm viếng các điểm must-see trong nội thành Trường An. Trường An bây giờ phát triển kinh khủng, nhà cao tầng lớp lớp, siêu thị, ngân hàng trùng trùng dẫy dẫy… Tuy nhiên, thành cũ cũng được phục dựng, mấy cái lầu chuông lầu trống xanh xanh đỏ đỏ cũng hiên ngang nằm giữa phố đông tấp nập. Mấy bạn nhà mình cứ hớn ha hớn hở điệu đàng bắn phá ì đùng nơi đây.


http://farm6.static.flickr.com/5148/5616065410_86a6133f90_b.jpg


http://farm6.static.flickr.com/5261/5615486809_57f8f50286_b.jpg
Thánh đường ngày xuân mưa vẫn rực rỡ.




Rời phố đông, tôi men theo 1 con đường nhỏ về thánh đường Hồi giáo, con đường này khác với con đường ồn ào nằm ngay lầu trống. Tôi đi lang thang vớ vẩn vô định, cuối cùng lại lạc vào đây. Thánh đường Hồi giáo gần 1400 năm tuổi, được xây dựng từ thời nhà Đường, vẫn vắng lặng dù Trường An đang kìn kìn người ngoài kia theo tôi là điểm cần ghé – hơn cả cái Muslim Square ồn ào, cũng gần kế bên, theo 1 hướng khác.



http://farm6.static.flickr.com/5146/5616068934_72054797c7_b.jpg
Tòa minaret đơn giản như một lầu chuông, chẳng cao vút cách xa


http://farm6.static.flickr.com/5102/5616070492_880b26a0c8_b.jpg
Sảnh điện mộc mạc


Rời thánh đường Hồi giáo, tôi bâng khuâng ra đi…

backpackervn
14-04-2011, 21:41
Ngược Trường Giang về Trường An.


Quên, nói đến Trường An, thế nào cũng phải nhắc đến Tháp Chuông và Tháp Trống tý chứ. Theo một số báo nước nhà, những ngôi tháp được xây dựng từ TK XIV và trùng tu vào thế kỷ XVIII này là thắng cảnh đặc trưng của thành Tây An mà, không nhắc sao được. Có điều, những ngày này mưa bay mây xám, dù tháp có rực rỡ khi nhìn bằng mắt thường do những sơn son thếp vàng, lọt vào khung hình xám vẫn trở nên xám buồn, làm “hình tượng” của thành Trường An mới xuống giá làm sao.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020126.jpg
Đây lầu chuông…



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020076.jpg
… kia lầu trống – trong một sáng mưa gió não nề Trường An.


----------------



Rời Đại thánh đường Hồi giáo, chen lấn qua đám đông du khách đang ồn ào mua mua bán bán nói nói cười cười ở Muslim Square rất ồn ào kế ngay bên ngôi thánh đường im vắng, tôi lại ra phố. Nhảy lên xe bus định đi tháp Tiểu Nhạn, nào ngờ nhầm chuyến. Quay lại bến, nhảy lên chuyến xe khác hướng về Tiểu Nhạn, lòng mơ không biết nàng Võ Tắc Thiên có đang chờ tôi nơi đó (!?).



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020152.jpg
Xa xa, Tiểu Nhạn thấp thoáng trong ngày xám



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020144.jpg
… Soi bóng bên hồ trầm



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020140.jpg
… lặng lẽ bên vườn xuân




Tiểu Nhạn được xây dựng từ 707-709, nằm bên ngôi chùa Jianfu được xây dựng vào năm 684 của nàng Võ Mỵ Nương sau khi vua Cao Tông qua đời, cũng vắng tênh (sau này tôi mới biết mấy ngày đó người ta đi đâu!). Có thể bạn đã từng đến Đại Lý, viếng Tam Tháp? Như vậy bạn sẽ thấy kiến trúc và những chạm khắc có nguồn gốc Ấn Độ rất giống nhau giữa Tiểu Nhạn và Tam Tháp Đại Lý. Một điểm cũng khá lý thú phải không?



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020136.jpg
Thanh thoát Tiểu Nhạn.




Ngôi tháp cao thanh mảnh nằm giữa khuôn viên thoáng đãng, soi bóng bên hồ xanh dù ngày trời không nắng cũng thật duyên dáng. Tôi tìm hoài, nhưng chẳng thấy bóng dáng nàng Võ thị yêu dấu của tôi đâu, dù tôi đã leo tít lên mười mấy tầng cao của tháp để tìm, tôi vẫn không thấy.


Nên tôi buồn quá, tôi lại đi.

backpackervn
20-04-2011, 13:29
Ngược Trường Giang về Trường An




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020276-1.jpg
Đường phố Xian ngày xuân xám vẫn lộng lẫy (!?)



Rời Tiểu Nhạn, tôi hướng về Đại Nhạn. Lòng hy vọng, nếu mỹ nhân họ Võ vẫn không chờ, may ra sư thầy Huyền Trang sẽ thương thân phận lạc loài lặn lội xa xôi tìm đến, rút vài trang kinh kệ từ Đại Nhạn cho đứa trò nhiều sân si, lắm tội lỗi… để bớt chút lòng quá trần. Sao mong lắm vậy!



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020186-1.jpg
Cặp rồng tinh xảo từ thời Chiến Quốc (II-III BC)



Tôi chờ xe bus không được, bèn đi bộ. Tôi vừa đi, xe bus vừa qua bến. Cứ thế, tôi đi, xe ngang qua… tôi đi bộ từ Tiểu Nhạn đến Bảo tàng Gansu (chắc gần 5-6km). Thấy bảo tàng cửa còn mở, tôi ghé vào bảo tàng, may ra tìm đâu được bóng hình người xưa trong đó.




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020239-1.jpg
Viên gạch có chạm trổ tinh xảo


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020248-1.jpg
Thâm trầm



Bảo tàng Gansu quả danh bất hư truyền. Có 2 phần, phần miễn phí và phần bán vé. Phần bán vé, tôi không đi, vì theo tôi bảo tàng thì nên miễn phí, để người khác biết đến nhiều hơn về giá trị lịch sử của dân tộc mình. Kiếm tiền thì còn khối gì cách. Nhưng chỉ phần miễn phí cũng rất tuyệt, làm tôi cứ bồn chồn mong đến ngày mai được lên xe đi.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020188-1.jpg
Và đây, một phần Binh Mã Dõng được đưa về, làm tôi cứ bồn chồn… mong ngày mai…



....

backpackervn
20-04-2011, 13:30
Ngược Trường Giang về Trường An



Rồi tôi cũng lê gót giày, đã mòn, đã rách đến được Đại Nhạn Tự, lúc chiều đã rơi gần rụng.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020286-1.jpg
Đại Nhạn trong chiều muộn



Chiều muộn, mặt trời chiều hồng le lói qua được đám xám dày phủ lên tháp xưa một hoàng hôn màu lạ. Xung quanh Đại Nhạn bây giờ là công viên người người đông đúc. Con đường vào chùa ken dày những hàng hàng quán quán, những kios bán đồ lưu niệm, các hoàng tử công chúa (giả) chen nhau chụp hình nên Đại Nhạn không có được sự yên bình như Tiểu Nhạn.




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020315-1.jpg
Hoàng hôn Đại Nhạn



Tôi chờ mãi, sư thấy Huyền Trang chẳng cho ai mang cho tôi miếng kinh tờ kệ nào. Người đẹp năm xưa cũng chẳng đâu bóng hình… chỉ có Lý Bạch tiên sinh đang ung dung tự tại nâng chén hào sảng giữa chốn người đông mà xem như không. Sao tôi không học hỏi được chút nào vậy?.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020291-1.jpg
Anh Đào lạnh trong chiều lạnh Đại Nhạn



Vậy là tôi lại có một chiều lạnh rất lạnh, lãng đãng bên Đại Nhạn, ngắm hoàng hôn màu lạ đang rơi rất chậm trên chùa xưa, trên hồ xanh lạnh giá… và trên cả những cánh đào phai mong manh nhợt nhạt vì gió buốt bỗng hồng lên rực rỡ lạ kỳ trong ráng đỏ chiều hôm.




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4020325-1.jpg
Đại Nhạn mờ mờ sau điệu nhạc nước lung linh… xa xa, có thấp thoáng bóng mỹ nhân?!!!!



Lãng đãng trong lúc chập chờn hoàng hôn mờ, tôi như thấy bên kia hồ thướt tha bao mỹ nữ của thành xưa Hàm Dương như chào đón, cả nàng Dương Quý Phi xinh đẹp cũng tha thướt múa khúc Nghê thường dâng xuân… Giật mình tỉnh giấc chợt thấy gió buốt hoang lạnh, chai cạn khô khốc, chỏng chơ trên cỏ mượt… và như thoảng trên môi đá nụ cười nhạo của Lý Bạch tiên sinh.


Xấu hổ quá, tôi bỏ về.

backpackervn
20-04-2011, 17:46
Chút tản mạn trên cung đường mùa xuân


Bạn hỏi tôi “Về Sài Gòn rồi sao mà bữa giờ không thấy gõ bài?”. … vì hiểu thói quen của tôi…


Nhưng tôi chưa về. Tôi vẫn còn đang lang thang…


Vậy sao không gõ bài… Giờ đang ở đâu rồi…


***

Tôi đã gõ, gõ rất nhiều, nhưng chưa đưa lên, vì nhiều lý do – khách quan và chủ quan. Ví dụ như mỗi ngày bạn phải dậy lúc 6 giờ sáng (tương đương khoảng 4 giờ sáng, vì phải theo giờ Beijing) vội vã lên đường. Rồi mỗi chiều chân cẳng sưng vù, bụng đói mốc meo, người như lả đi vì lúc nóng quá nóng, vì lạnh quá lạnh, vì… thì làm sao bạn dám đưa những gì bạn vừa vội gõ, như chỉ là để lưu giữ ký ức. Chưa kể là những đêm xuân thường lãng đãng nơi mùa xuân lạ xứ người….


***

Chưa kể là cung đường mùa xuân lạ lùng này…




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4030415-1.jpg
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi… (Xuân Diệu).


Có những buổi sáng mùa xuân ngất ngây vì những rặng anh đào hồng rực khắp phố, đem lại hương xuân nồng nàn… thì buổi trưa tôi đã lên non cao xanh ngắt lạnh buốt… buổi chiều tôi đã về phố vắng tênh miền ngược, cảm giác hoang lạnh lại theo về.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100109.jpg
Lang thang giữa sa mạc nắng buốt…


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140050-1.jpg
… rồi đến “biển băng” gió lạnh, ngơ ngác cánh mỏng hải âu bay...


Lại có những ngày lang thang miền xuân vẫn còn lạnh giá, nhìn cánh hải âu bay trên biển băng, mơ màng ngỡ mình lạc loài xứ tuyết nào miền cực… rồi một chiều trên đồi cao nhìn xóm làng rực sáng trong tuyết trắng, trong nắng sáng ngày xuân,… và cả những mái vàng lấp lánh chùa cao… tôi chẳng còn biết mình đang ở đâu…




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4160510-2.jpg
Lấp lánh mùa xuân



Và mùa xuân non tươi, mùa xuân của những nàng gái xinh dịu dàng tha thướt lơi lả những bước chân huyền hoặc, các nàng có là con cháu Dương mỹ nhân xưa?



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4030583-1.jpg
Em như cô gái hãy còn xuân… (Nguyễn Bính)




Rồi mùa xuân, cành khô vẫn hao gầy, rừng đông vẫn khô lạnh hoang vắng… nhưng mầm xuân đã lên xanh rì nơi con thác nhỏ, nơi những đóa hoa tím biếc sớm nở chợt mong manh ngơ ngác lạc loài lẻ loi ….



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4180081-1.jpg
Xuân về bên cành khô hao gầy...


Nhất định tôi sẽ kể bạn nghe những câu chuyện trên cung đường mùa xuân chứ! Sao lại không!




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4070644-1.jpg
Một vạt nắng mới qua con đèo chỉ kịp nhuộm màu một nửa hồ xanh ngày xuân



Nhưng bây giờ, hãy để tôi chơi vơi cùng mùa xuân…

backpackervn
25-04-2011, 11:43
Trường An, dấu xưa oai hùng.



Nói đến Trường An, hay thành Hàm Dương xưa, không thể không nhắc đến vị hoàng đế lừng danh Tần Thủy Hoàng. Vị hoàng đế này, về cả tài năng chiến lược lẫn tính cách bạo tàn… cho đến giờ vẫn là đề tài bất tận cho nhiều các tác giả, tác phẩm về văn hóa nghệ thuật, kiến trúc…, không chỉ với Trung Quốc mà còn thu hút cả Hollywood.



Những gì ông để lại, mà người ta được biết, quả đã là những bí ẩn lạ thường. Binh Mã Dõng, Đội quân Đất Sét là một trong đó. Người ta nói, đến Trường An, mà không đến Binh Mã Dõng, thì hầu như là chưa đến vậy.



Đã rất nhiều tài liệu về đoàn binh đất sét này. Đây là một “kỳ quan”, không riêng gì Trung Quốc mà cả thế giới đều rất ngưỡng mộ. Thông tin tràn đầy trên mạng lẫn sách vở. Về du lịch, cũng đã rất nhiều các bạn Việt Nam đã đến đây, nên tôi cũng không nhắc gì nhiều ở đây. Chỉ có thể nói lại, nói nhiều 2 từ, thán phục.



***



Tôi chỉ mất có 7Y đi bằng xe bus cho cung đường khoảng 45km, nhưng đã mất hơn 1 giờ xếp hàng chờ xe, dù xe chạy liên tục, hết xe này nối tiếp xe kia, không 1 phút nghỉ. Xe đậu kịch một cái, đoàn người tràn lên, xe chạy, xe khác lại nối đuôi đậu kịch một cái… cứ thế, cứ thế… mà hàng người vẫn chạy dài tít tắp. Hàng người xếp hàng dzíc-dzắc gấp tới gấp lui 5-6 lần, dài dằng dặc… Hầu như mọi người đến Xian du lịch dịp lễ Thanh Minh đều đổ về Binh Mã Dõng hôm nay.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030404-1.jpg
Tôi mê mẩn với những vụn vỡ này hơn những nguyên vẹn hoành tráng…



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030427-1.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030566-2.jpg
Và đây, Binh Mã Dõng oai hùng


Nhưng, tôi không hề có chút phàn nàn nào hết, vì đến được một nơi mình hằng mơ ước thì có quản ngại gì chút nhọc công bé mọn.

backpackervn
26-04-2011, 13:24
Thông tin trong toàn bộ sub-entry dưới đây là từ internet, chỉ có hình là của bpk.


“Ngày 29/3/1974, một số nông dân ở thôn Tây Dương, huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc cùng đào giếng lấy nước chống hạn tại một bãi đất hoang cách làng không xa. Ở độ sâu chừng vài mét họ thấy lẫn trong đất cát đưa lên có những bộ phận của tượng người bằng gốm. Mọi người đều chỉ coi chúng là thứ gạch đá bỏ đi nên đã vứt ra xung quanh. Họ không biết rằng ngày mà họ vứt những mảnh sành sứ ấy sau này đã đi vào lịch sử thế giới hiện đại: Ngày phát hiện ra một trong những "kỳ quan thế giới" - quần thể tượng binh mã dõng thuộc khu mộ Tần Thủy Hoàng (năm 134 đến năm 171 trước Công nguyên), vị hoàng đế đã có công thống nhất Trung Quốc thời cổ đại.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030486-1.jpg
Cụm tượng kinh điển (có thể thấy trong postcard, vé, sách, poster…) tìm được khi khai quật Binh Mã Dõng


Chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hiện, binh mã dõng trong hầm mộ Tần Thủy Hoàng đã trở nên nổi tiếng không những ở Trung Quốc mà cả thế giới. Tổng thống Pháp Sarkozy trong một lần tới thăm đã phải thốt lên: "Thế giới có 7 kỳ quan, hầm mộ Tần Thủy Hoàng xứng đáng được gọi là kỳ quan thứ 8".




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030562-1.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030566-1.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030541-1.jpg
Một số hình ảnh trong bảo tàng – cũng là hiện trường khai quật.



Các nhà khoa học của Trung Quốc và thế giới cùng có chung nhận xét rằng: Nếu đặt bên cạnh các tác phẩm tượng điêu khắc cổ Hy Lạp hoặc cổ La Mã thì có thể binh mã dõng không tinh xảo bằng. Nhưng cái tạo cho binh mã dõng vị thế nổi trội là sự "kỳ lạ" của nó. Theo Viện trưởng Viện Bảo tàng Trung Quốc Viên Trung Nhất, cái "kỳ lạ" của binh mã dõng nằm ở 3 chữ "Đại, Đa, Chân" (to, nhiều, chân thực).


"Đại" là kích thước của hàng vạn binh mã dõng đều bằng kích thước người thực (kể cả các tượng khác như ngựa, xe, các loại vũ khí). "Đa" là nói về số lượng. Số lượng của binh mã dõng thật đáng kinh ngạc: chỉ tính các hầm số 1, 2, 3 thì số binh mã dõng đã lên tới hơn 8 nghìn (riêng hầm số 1 hơn 6 nghìn). Số lượng khổng lồ này đã khiến Đặng Tiểu Bình cũng phải giật mình: "Không thể tưởng tượng được".



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030561.jpg
Thênh thang



Còn về tính chân thực của binh mã dõng thì Viện trưởng Viên Trung Nhất cho biết: Binh mã dõng được tạo ra từng tượng một, chứ không phải dùng khuôn đúc hàng loạt. Theo các nhà nghiên cứu chỉ tính riêng số thợ cả tham gia nặn tượng đã là 870 người với những thành phần và phong cách khác nhau: Có người là thợ cung đình, có người là thợ tài tử, cũng có người là thợ dân gian đến từ khắp các địa phương trong toàn quốc. Vì thế các binh mã dõng được tạo ra đều mang phong cách, thần thái khác nhau….”



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030458.jpg
Đến viếng Binh Mã Dõng, tôi còn ngẩn ngơ với vườn anh đào rực rỡ nơi đây.


Tôi đã lang thang trong khuôn viên Bảo tàng Binh Mã Dõng này hơn nửa ngày, đến khi tôi thoát ra được để hướng về khu Lăng Tần Thủy Hoàng thì trời đã xế chiều – bụng đói meo.

backpackervn
26-04-2011, 13:27
Trường An, dấu xưa oai hùng.


Hồi tôi còn nhỏ, trong những cuốn sách được “đổi”, chuyền tay… có 1 cuốn mà tôi còn ấn tượng đến giờ “Đào mộ Tần Thủy Hoàng”. Ấn bản được in trước năm 75 này, chắc chắn vào lúc người ta còn chưa biết đến Binh Mã Dõng (phát hiện vào 1974), nhưng sự rùng rợn mê hoặc của nó đã làm tôi bao đêm giật mình, nhất là khi đọc trong ánh đèn tù mù của những năm 80, thời mỗi tuần cúp điện 5-6 đêm.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030673.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030678.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030613-1.jpg
Lung linh


Do vậy, dù LP và nhiều người nói rằng chẳng có gì ở khu di tích Lăng Tần Thủy Hoàng, tôi vẫn lần mò đến đó.


Đúng là ở đây “chẳng có gì” thật, vì lăng vẫn được giữ kỹ, chưa khai quật. Lăng bây giờ là 1 quả đồi um tùm tùng bách… đó đây và lùm đất nho nhỏ, nhìn kỹ thấy dấu vết của những viên gạch đã mòn nát theo thời gian mưa gió, với những tấm bảng ghi chú đây là thành trong, tường ngoài… này nọ, mà trí tưởng tượng phải cỡ siêu sao mới hình dung ra nổi... Nhưng việc đi lòng vòng quanh 1 cụm đồi mênh mông, bao quanh xanh ngắt tùng bách, hồng rực anh đào,… ngó nghiêng vào cánh rừng um tùm bên trong thi thoảng có tiếng chim chao chát giật ngược, mơ lụm được cục vàng của Tần Vương há chẳng thú vị lắm sao?



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030679.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030666-1.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030695.jpg
Rực rỡ


Hơn nữa, ngay trước lăng có 1 sân khấu nhỏ, nơi con cháu Tần Vương, chắt chít của mỹ nữ cung A Phòng hay hậu duệ của nàng mỹ nhân họ Dương… vẫn đang yêu kiều tha thướt dâng cho đời những điệu múa lả lơi mời mọc.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4030720.jpg
Con đường cầu vồng


Sao bạn không đến, để đón những nụ cười lẳng như có như không… Trường An đang là mùa xuân mà?


Lòng vẫn bay bổng cùng mỹ nữ và những nụ cười che ngang, nhưng tôi phải về… để mai tôi đi. Mai tôi sẽ lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến!!!

backpackervn
27-04-2011, 11:35
Lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến.



Ngộ hén! Võ lâm thiên hạ lên Hoa Sơn chỉ để luận võ hay luận kiếm, hoặc đi tìm Phong sư thúc xem người còn miếng bí kíp nào của Độc cô Cầu bại tiền bối không, truyền cho chút chứ làm gì có việc lên Hoa Sơn để luận Thần Hành Bách Biến!



Nhưng không có Thần Hành Bách Biến, tôi đã không viếng được Hoa Sơn. Vậy, xem như tôi mượn đỡ chút công phu của Vi tiểu ca để len lén lên Hoa Sơn vậy!



Sự việc nó là như vậy. Khi tôi lon ton đến một Youth Hostel để hỏi thăm tour đi Hoa Sơn, thấy giá nó tăng vọt từ 300Y lên 400Y, lòng đang bối rối thì cô bé tiếp tân mới thỏ thẻ “Mà anh đi tour làm gì, bây giờ xe cộ dễ đi lắm, mai tụi em cũng tự đi nè!” Tôi nghe lùng bùng lỗ tai và lòng đang chửi 18 đời con rùa đen cuốn LP China 2009, vẫn nói về việc hầu như là “bất khả thi” nếu muốn đi Hoa Sơn bằng bus – lý do mà tôi phải đi hỏi mua tour. Hỏi thăm thêm cô bé tốt bụng, đang bán tour mà lại chỉ đường cho khách tự đi bằng bus…, tôi quyết định sáng mai sẽ đi chuyến bus sớm nhất 8am đến Hoa Sơn.



https://i1225.photobucket.com/albums/ee388/bpkvn6/P4040057-1.jpg
Con đường dốc này vẫn chưa phải là Soldier Trail, không bằng 1 góc!!!


Rồi tôi cũng ra bến xe thật sớm, trước đó còn bon chen chen lấn vào mua một cái vé tàu cho hành trình phía trước nữa, tôi hớn hở leo lên chuyến xe sớm nhất ngồi. Đến nơi, cũng đã hơn 9.30am. Lòng vòng đi từ làng, nơi xe dừng, đi qua cổng đông, mua vé vào cổng, rồi lên xe bus đến chân Bắc Phong… đã gần 11am. Nhìn hàng người đông đen đang xếp hàng chờ xe cáp treo, cũng như dòng người đang nhích từng bước chậm trên con đường mòn dựng đứng có tên chính thức Soldier Trail, tôi phải hạ quyết tâm sắt đá trong lòng. Nếu muốn đi lên hết cả 5 đỉnh của Hoa Sơn, mà theo LP mất ít nhất 6 giờ, nhất định là tôi phải bay nếu còn muốn về lại Trường An đêm nay. Nhưng mà tôi lại không biết bay, nên cuối cùng tôi phải mượn khinh công Thần Hành Bách Biến của Vi tiểu ca mà chạy lăng quăng trên Hoa Sơn.




https://i1225.photobucket.com/albums/ee388/bpkvn6/P4040104-1.jpg
Đây Hoa Sơn


Giờ nghĩ lại còn thấy hãi hùng!

backpackervn
28-04-2011, 13:01
Lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến.




Huashan, hay Hoa Sơn, một trong những ngọn núi thiêng của Đạo giáo, một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc, di sản thiên nhiên Unesco… cũng là một trong những ngọn núi mà bọn đệ tử của Kim Dung tiên sinh đều mơ ước được đặt chân đến. Nghe nói, cả những bọn nữ đệ tử cũng mong tìm đến, để được lang thang dưới con thác lộng lẫy, mơ thấy Xung – Linh kiếm pháp dịu dàng, ước ao gặp được người trai chung tình như Lệnh Hồ đại ca…



Không lộng lẫy như Nga My hay Thái Sơn… nhưng Hoa Sơn thu hút du khách không chỉ vì lý do tôn giáo hay ‘văn học’ mà còn do vẻ hùng tráng của nó. Kiến tạo chủ yếu bằng đá vôi, Hoa Sơn không có nhiều cây cỏ, nhưng đặc biệt với những gốc thông, tùng, bách xanh ngời với những tư thế, dáng vẻ đặc biệt, xanh ngời trên đá trắng. Theo Wiki “Hoa Sơn là một ngọn núi thuộc đoạn đông dãy Tần Lĩnh ở phía nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An khoảng 100 km về phía đông. Hoa Sơn có năm đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất Nam Phong (ở phía nam) có tên Lạc Nhạn cao 2.154,9 m. Ngọn núi bao bọc bởi toàn đá hoa cương, từ xa vọng về, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là Hoa Sơn. Hoa Sơn nổi danh là nơi hiểm nguy, thử thách tài nghệ của những dũng sĩ leo núi.”




https://i1225.photobucket.com/albums/ee388/bpkvn6/P4040008.jpg


https://i1225.photobucket.com/albums/ee388/bpkvn6/P4040014.jpg
Đầu mùa xuân cùng ai đi lễ? – Chùa dưới chân Hoa Sơn rực rỡ anh đào xuân



He he he… nghe nói Hoa Sơn là nơi thử thách tài nghệ của những dũng sĩ leo núi và khi thấy ở quầy vé có bán thêm 1 mục mới lạ cho du khách “Bảo Hiểm”… tôi càng hạ quyết tâm. Và cho dù đã tiết kiệm được cả đống tiền do cái thẻ sinh viên quốc tế giả hiệu, tôi vẫn kiên quyết không bỏ ra 5Y để mua bảo hiểm… Dân chơi thì sợ gì mưa rơi há?



https://i1225.photobucket.com/albums/ee388/bpkvn6/P4040156-1.jpg
Bạn có thấy con đường cheo leo dốc đứng men vách núi…



https://i1225.photobucket.com/albums/ee388/bpkvn6/P4040145.jpg
… bạn có thấy ngôi chùa nho nhỏ trên đỉnh Nam Phong xa xa


https://i1225.photobucket.com/albums/ee388/bpkvn6/P4040161-1.jpg
… để khi lên đến nơi, ngỡ ngàng trước những thân tùng đẹp ngạo nghễ.




Cứ thế tôi lên Hoa Sơn, với công phu Thần Hành Bách Biến của Vi tiểu ca, mong lượm được bí kíp của Phong Thanh Dương tiền bối, hay chí ít cũng cái vò rượu cũ của Lệnh Hồ huynh… Suốt hành trình, tôi chỉ có khờ dại sử dụng cáp treo cho lượt đi lên, vì muốn bảo quản sức khỏe cho cuộc chạy đua lên 5 đỉnh của Hoa Sơn, cũng như cho lượt về… Mà tôi cũng đã mất hơn 1 giờ để xếp hàng chờ cáp treo. Dường như hôm qua cả thành Trường An đổ về Binh Mã Dõng, còn hôm nay họ lại dồn về Hoa Sơn. Rút kinh nghiệm từ chuyến đi này, tôi chân thành khuyên các bạn đi sau, nếu muốn tham quan Hoa Sơn nên nghỉ đêm lại đây để có thời gian thư thả chứ vừa đi thăm thú ngó nghiêng, vừa phải luôn miệng “Excuse me!” để chen lấn giành đường, để bon chen vừa đi vừa chạy… như tôi thì quả là mất hứng thú. Tôi xin thề là hôm đó, từ lúc tôi đặt chân xuống cáp treo, tôi chỉ có nghỉ ngơi khoảng 15p, là lúc đói bụng quá, ăn tô mì ăn liền giá cắt cổ 15Y, còn toàn bộ khoảng thời gian còn lại là tôi di chuyển. Chỉ có dừng lại để chụp hình mà thôi, vì không thể vừa đi vừa chụp hình được. Mà nếu làm vậy được, chắc tôi cũng đã làm.

backpackervn
04-05-2011, 11:45
Lên Hoa Sơn luận Thần Hành Bách Biến.




Tôi lòng vòng quá há! Đi mãi mà vẫn chưa rời Hoa Sơn!


Chia sẻ thêm với các bạn chút thông tin. Hoa Sơn, gồm 5 ngọn. Có 3 cách để lên Hoa Sơn từ chân núi. Cách thứ nhất là bắt đầu leo núi từ chùa Ngọc Hoàng, từ làng nằm ở phía bắc, dưới chân núi, nơi các xe từ Trường An sẽ đổ khách xuống. Cách này thường mất khoảng 3-5g để lên đến Bắc Phong, đỉnh đầu tiên của Hoa Sơn, mà cả 2 cách đi kia cũng thường chọn làm điểm đến đầu. Cách thứ 2, là từ làng đi taxi hoặc đi bộ đến cổng đông, cũng là cổng chính lên Hoa Sơn, mua vé xe bus (sau khi mua vé vào Hoa Sơn) đi lên đến điểm tập kết, ngay dưới chân cáp treo. Sau đó,leo núi bằng con đường chạy thẳng đứng nằm ngay dưới chân cáp treo. Con đường Soldier Path dẫn đến Bắc Phong này cũng sẽ lấy mất khoảng 2g. Cách thứ 3, là đi cáp treo, từ điểm dừng xe bus, cũng đến Bắc Phong và mất chỉ 15p. Đi xuống cũng vậy, đây là điều lạ, vì đường rất dốc, nguy hiểm nên tốc độ bị chậm lại. Hơn nữa, đường nhiều khi chỉ 1 người đi nên muốn đi nhanh cũng khó lòng. Còn khi đã đến được Bắc Phong, nếu muốn đi cả Đông Phong, Trung Phong, Nam Phong, Tây Phong (thường mọi người vẫn đi theo thứ tự này) bạn sẽ cần thêm 4g, tính từ Bắc Phong. Và bạn cũng cần tính thêm gần 2 giờ để đi bộ từ Bắc Phong xuống đến bến xe bus theo con đường Soldier Path – mà hôm đó tôi đã chen lấn xô đẩy chạy xuống trong vòng 1g5p – “hàng thật giá đúng” vui lòng không trả giá, để có thể kịp đón xe bus về lại Trường An trong đêm.




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4040031.jpg
Một đoạn ngắn của Soldier Path


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4040132.jpg
… những con đường chênh vênh lên Hoa Sơn…


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4040100.jpg
…cheo leo ven sườn núi…


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4040170-1.jpg
… nắng lên nhưng tuyết vẫn lạnh lẽo đường lên Hoa Sơn




Những ngày xuân này, Hoa Sơn như vừa qua mùa đông hay vẫn đang còn trong những ngày đông cuối. Dù hôm nay nắng rỡ ràng, những con suối vẫn phủ đầy băng tuyết. Băng tuyết vẫn còn nằm ven đường đi hay lấp loáng dưới những vạt tùng xanh ngắt, dù con đường đi dốc và nắng đang làm áo bạn sũng ướt. Sự tụ tập của quá đông người nên cảnh quan dù có đẹp, có thâm nghiêm đến mấy cũng bị đập tan, nhất là ở Bắc Phong, nơi các khách du lịch theo tour, và những người bỏ cuộc thường tụ tập nơi đây. Nhưng có 1 điều lạ, đứng tại các đỉnh của Hoa Sơn thì không cảm giác gì, nhưng nhìn sang các đỉnh khác thì rất đẹp và lôi cuốn. Nhìn ngọn núi cao chót vót vẫn nhìn thấy rõ ràng trong ngày nắng đẹp trời quang, nhìn những mái chùa thâm nghiêm nhỏ bé nép bên đá trắng, tùng xanh, con đường dốc đứng có những bóng người bé li ti đang đi lên, trong không gian văng vẳng tiếng những bài đạo ca… thế là lòng muốn đi đến. Dù nhiều khi đi đến xong lại hỏi mình tại sao lại cực nhọc leo đến đây?! Nhưng lại vẫn mệt nhọc lê bước cho đến khi đến Tây Phong, nhìn bóng chiều đổ vàng, nhìn con đường xa thăm thẳm, nhìn vào đồng hồ trên màn hình điện thoại… lòng vẫn hỏi, tại sao mình đến đây, rồi đêm nay chắc mình sẽ có 1 đêm Hoa Sơn như thế nào…




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4040123.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4040113.jpg
Chùa ơi, sao nằm chênh vênh chót vót, chân mỏi làm sao tìm về…



Hỏi đi hỏi lại, cũng chỉ có mình với mình… rồi lại vất vưởng xuống núi. May mà cũng còn cho phép dừng lại trên con đường diệu vợi để ngắm (và chụp hình, rồi bỏ) những cụm hoa đào khẳng khiu nhợt nhạt giữa Hoa Sơn hùng vĩ, ngó nghiêng vào cánh tùng âm u xanh giữa tuyết trắng, ngỡ ngàng trước những dáng tùng ngạo ngễ giữa cao xanh, ngơ ngẩn trước tiếng chuông xa bài kệ gần… cuối cùng tôi cũng lê xác lên được chuyến xe rời Hoa Sơn lúc 6.30pm. Khi biết rằng đây vẫn chưa phải là chuyến xe cuối về Trường An, tôi lại tiếc nuối sao mình đã quá vội.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4040175.jpg
Mong manh đào mỏng trên đá Hoa Sơn ngày xuân nắng lạnh



Ôi, Hoa Sơn của tôi, Hoa Sơn của những ngày mê mệt luyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, lòng tự hỏi có chăng những khối tình chung, Hoa Sơn của những ngày mùa xuân lạnh mong manh những cánh đào, Hoa Sơn của những con đường dốc hun hút lên cao xanh mê mải lê gót, …Có còn chăng là Hoa Sơn trong mộng?… Tôi đã đến rồi, sao như chưa đến!


Có bao giờ tôi còn về lại Hoa Sơn…

backpackervn
04-05-2011, 12:25
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Famen Si, Famen Temple hay Chùa Pháp Môn là 1 điểm đến LP dường như miễn cưỡng khi nhắc đến, nhưng lại là điểm khó có thể bỏ qua, nếu như bạn là người mộ đạo, nếu như bạn đã mong muốn hoặc đã từng lang thang đến những miền Phật tích ở Nepal, India, hay ngay trên đất Trung Nguyên này.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050235.jpg
Đây là “biểu tượng” Pháp Môn Tự bạn nhìn thấy khắp nơi ở Trường An… (!?)


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050226.jpg
Và đây là đường vào “Pháp Môn Tự” hoành tráng… (!?).




Ngôi chùa, được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ II Công Nguyên này, có xá lợi của Đức Phật, mà quốc vương mộ đạo Asoka đã dâng tặng. Qua bao dâu bể, ngôi chùa cũng đã được tái thiết nhiều lần, nhưng gần đây nhất là vào 1981, cũng là lúc mà người ta phát hiện kho di sản đã hơn thiên niên kỷ nằm bên dưới, khi bắt đầu việc tu sửa, tái thiết chùa vào 1987. Cùng với những chén ngọc lung linh chứa xá lợi, những cổ vật này, từ hộp vàng chén ngọc, vương trượng, các pho tượng Phật, Bồ Tát đẹp rạng ngời… đến đặc biệt nhất là các “tantric mandala” (lạ lùng với những mandala mà tôi may mắn được thấy ở các chùa Tạng) làm Pháp Môn Tự càng thêm thu hút khách thập phương. Theo nhiều tài liệu, việc phát hiện ra các di tích bên dưới chùa Pháp Môn chỉ đứng sau việc phát hiện ra các hang động tại Đôn Hoàng…




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050300.jpg
Xá lợi của Đức Phật trong chén ngọc ở Pháp Môn Tự



Dù Pháp Môn Tự giờ đã thay đổi. Dù Pháp Môn Tự giờ đã quá khác xưa…, nhất là nếu bạn chỉ đi theo tour. Nhưng, may mà tôi không đi…

backpackervn
04-05-2011, 12:34
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Nếu chưa biết gì (như tôi), nếu không biết tiếng Hoa (như tôi), nếu vội vã (như tôi)…. nếu lơ đãng (như tôi), bị ấn tượng bởi một ngôi chùa hoành tráng, những pho tượng Phật, Bồ Tát cao vài chục mét nằm lung linh trên con đường hơn cây số dẫn đến một ngôi chùa hoành tráng cao cả trăm mét, là biểu tượng trên các pano, áp phích, vé, poster… bạn sẽ rất dễ lướt qua 1 con ngõ nhỏ dẫn đến Pháp Môn Tự, nếu bạn nghĩ rằng ngôi chùa to lớn kia chính là Pháp Môn Tự.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050321.jpg
Pháp Môn Tự ngày xuân xám



Ban đầu, tôi cũng nghĩ như vậy. Vì khi đón xe bus đi Famen Temple, mà tôi hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần, chiếc xe đã dừng trước cổng của ngôi Đại Tự kia… vì khắp nơi nơi ở Trường An, tôi đếu thấy hình ảnh của ngôi Đại Tự kia… và đặc biệt là hầu như không có bảng ghi chú bằng tiếng Anh nào ngay trước cửa ngôi Đại Tự,… nên tôi vẫn nghĩ ngôi chùa đó là Pháp Môn Tự. Cho đến khi tôi lang thang trong giá lạnh trên sân ngôi Đại Tự, nhìn xa xa có 1 ngôi chùa nho nhỏ trong bóng cây, nơi có vài du khách từ Đại Tự rẽ vào, tôi quyết định sẽ ghé đến đó, dù hôm nay thời gian tôi không có nhiều.




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050384.jpg
… vẫn lung linh bên đào hoa



Và tôi đã chôn chân mình ở đó. Ở Pháp Môn Tự ngày xuân xám nhưng hoa đào đã rực rỡ bung mình trong giá buốt để đem mùa xuân hồng về trên chùa xưa

backpackervn
05-05-2011, 16:28
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Cạnh ngôi chùa Pháp Môn, người ta đã xây dựng một ngôi chùa cực kỳ lớn. Nếu nói về độ to lớn, có lẽ đây là ngôi chùa lớn nhất tôi từng thấy. Từ ngoài cổng đến chùa, có xe điện để đưa khách vào. Dọc theo con đường đi là tượng của các vị bồ tát vàng rực. Chắc một ngày trời xanh nắng trong, những tấm hình được chụp ở đây sẽ rất lung linh.




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050220.jpg
Đường vào Đại Tự


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050198.jpg
Chỉ cái Bell Tower không cũng đủ thấy hoành tráng!



Tuy nhiên, bên cạnh cái “to lớn”, các tượng hoành tráng,… các nhà xây dựng ở đây đã làm được 1 điều cũng hay hay – kể lại câu chuyện tu hành của Đức Phật bằng những cụm tượng đá nho nhỏ, nằm trong những vườn cây xanh mát. Những pho tượng rất sinh động và đẹp này lại ít thu hút tín đồ đến thắp nhang khấn vái như những tượng lớn ngoài kia, nên lại là những điểm dừng rất thú vị.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050393.jpg
Ngày giác ngộ. Bức tượng về “Tử” (thứ 2 từ phải sang), sao gợi nhớ sông Hằng



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050222.jpg
Nỗi đau buồn của các đệ từ ở Kushinagar



Còn trong Đại Tự lấp lánh ánh vàng là những bức tượng Phật to lớn và hàng ngàn những tượng Phật nhỏ trên các vách, cột…, theo mô hình “Động Ngàn Phật”. Tuy có bảng Cấm chụp hình bằng tiếng Hoa lẫn Anh và rất nhiều bảo vệ trong sắc phục Công An (!?) canh gác, nhưng việc chụp hình, với cả đèn flash, của các du khách bản địa vẫn nhoay nhoáy. Và có lẽ chẳng ai biết tôi là người “ngoại quốc”, nên tôi cũng không ngoại lệ, dù hình chụp bằng máy cùi bắp dị òm.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050252.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050270.jpg
Bên trong Đại Tự


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050273.jpg
Bên ngoài cũng óng ánh không kém



Nhưng dù sao cũng chia sẻ chút ít với các bạn, vì chùa mới này chính là điểm đi theo tour của các du khách bản địa, mà tôi thấy họ cũng chỉ được dắt đi thăm viếng ở tầng dưới cùng, còn không được lang thang lên các tầng trên, để may mắn “phát hiện” ra Pháp Môn Tự xa xa bên kia, như tôi.

backpackervn
05-05-2011, 16:31
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Lang thang trong Đại Tự với thời gian tốc hành, tôi men theo con đường nhỏ sang ngôi chùa tháp đang ẩn mình xa xa, đến nơi mới thấy tấm bảng nhỏ ghi rõ bằng tiếng Anh, Famen Temple, lúc đó tôi mới hết lầm bầm, như từ sáng đến giờ.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050383.jpg
Toàn cảnh Pháp Môn Tự


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050343.jpg
Pháp Môn Tự ở góc nhìn thường gặp trên mạng


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050337.jpg
Pháp Môn Tự mùa xuân



Trong bảo tàng, có hình của Pháp Môn trước khi trùng tu và bây giờ, cũng không khác nhau nhiều lắm. Ngôi chùa dạng tháp thanh thoát giữa một khuôn viên xanh tươi. Điều đặc biệt là chùa chỉ cho khách thăm viếng tầng hầm, nơi phát hiện ra những di tích cổ, cũng là nơi hiện đang trưng bày 2 ly ngọc có xá lợi Đức Phật. Khách đông ơi là đông, và bảo vệ cũng nhiều. Mọi người bị đẩy đi theo vòng, không muốn đi cũng bị đẩy. Tôi may mắn lượn ngang lách dọc nên cũng chụp được tấm hình ly ngọc, nằm sau lớp kính dày, trong những hào quang sáng chói của stupa nhỏ lấp lánh vàng…



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050297.jpg
Tầng hầm Pháp Môn Tự



Sau khi làm được việc tâm nguyện, viếng được xá lợi, tôi bắt đầu lang thang trong Pháp Môn Tự. Thời tiết Trường An những ngày xuân này thật lạ, cứ một ngày nắng rồi một ngày mưa. Hôm qua, Hoa Sơn nắng chói chang, hôm trước, Binh Mã Dõng mây xám, còn hôm nay, Pháp Môn mưa nhẹ… tuy nhiên, những vườn anh đào quanh Pháp Môn tự đã nở tưng bừng trong gió lạnh, đem lại sắc xuân cho ngôi chùa xưa.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050329.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050385.jpg
Mùa xuân quanh Pháp Môn Tự



Ngoài ngôi chùa chính, còn nhiều ngôi chùa nhỏ nằm quanh đây đó. Trong đó có ngôi chùa Nghìn Phật cũng rất độc đáo. Tranh thủ ông từ canh chùa đang ngủ gà ngủ gật, lúc đi mấy vòng kora quanh tượng Phật đẹp, tôi cũng làm được vài tấm!




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050334.jpg
Tượng đẹp.



Một điểm đến dễ bị bỏ qua nhưng nhất thiết bạn phải đến là cái bảo tàng nho nhỏ nằm hơi khuất, nơi mà LP cho là lưu giữ những báu vật còn giá trị và đẹp đẽ hơn những thứ đang trưng bày trong Bảo Tàng Thiểm Tây. Tôi thấy hình như đúng thiệt!!!

backpackervn
05-05-2011, 16:34
Pháp Môn, cổ kính chùa xưa bên mùa xuân mới.



Tuy phần lớn những cổ vật phát hiện bên dưới Pháp Môn Tự ở thời Đường, nhưng cũng có những cổ vật lâu đời hơn, cũng như có những di tích Phật giáo của thời kỳ trước đó,… Tiếc là tôi đi một mình, không biết tiếng Hoa nên có nhiều cổ vật không có ghi chú tiếng Anh là tôi mù tịt.


Tuy nhiên, cũng có nhiều bảng phụ chú tôi có thể đọc được, vỡ vạc ra ít nhiều, như những hộp Mandala.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050350.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050371.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050369.jpg
Tantric Mandala



Trước giờ, bắt đầu biết thêm chút ít về Phật giáo, về Mandala từ những ngày lang thang tìm về Tây Tạng, tôi chỉ biết đến những Mandala tròn vành vạnh vẽ trên tường, làm bằng cát, những hạt đậu trong chùa, thêu trên thangka hay những Mandala 3 chiều lóng lánh ánh vàng… chứ tôi chưa biết đến những Mandala hình khối này.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050373.jpg
Quý.




Những tượng Phật, chủ yếu của thời nhà Đường này, thời đại huy hoàng nhất của văn hóa Trung Hoa, cũng đẹp và là lạ… Lang thang trong các khu vực của bảo tàng nhỏ nhắn nhưng tinh tế này, tôi thực sự bị lôi cuốn.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050348.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050356.jpg
Lạ



Một điều hay nữa, tôi khuyến cáo các bẹn nên ghé thăm bảo tàng này, là khi bạn leo lên tầng 3 và ra ngoài lan can, bạn sẽ có được những tấm hình toàn cảnh về Pháp Môn Tự, mà bạn không thể nào có khi đi lòng vòng dưới sân chùa.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4050325.jpg
Chia tay Pháp Môn



Dự định chỉ dành ít thời gian cho Pháp Môn, khi tôi nhìn lại đồng hồ, tôi giật mình. Ngày mây xám nên tôi nào ngờ chiều đã thật muộn. Vội vã băng qua những con đường thênh thang dài hun hút bên Đại Tự, tiếc nuối lướt qua những hàng anh đào, bạch đào,… tôi leo lên chiếc xe rời Pháp Môn Tự… lòng còn mãi vấn vương về ngôi chùa xưa…

backpackervn
05-05-2011, 16:40
06.04.2011 Những ánh mắt ga đêm Thiên Thủy.



Có lẽ, chắc là sẽ rất lâu tôi mới quên được những ánh mắt ấy, từ khung cửa sổ kính đã mờ đục của chuyến tàu đêm Xi’an – Lanzhou, trên sân ga Tianshui lúc 2.15 sáng.



Thực ra, tôi cũng biết tính sân si còn rất nặng của mình còn lâu mới giảm bớt. Đó cũng là căn nguyên của nhiều câu chuyện vui buồn đan xen mãi vào nhau trên những cung đường lang bạt, cũng như của câu chuyện này. Tôi đã mua vé chuyến tàu đêm Xi’an – Lanzhou, theo đúng tính toán tiết kiệm là sẽ ngủ trên tàu một đêm, để đến Lanzhou lúc hơn 6 giờ sáng – khỏi tốn 1 đêm nhà trọ. Mua vé xong xuôi, trên những chuyến xe bus rảnh rỗi, đọc tới đọc lui và nhớ lại “Con đường tơ lụa” – Xa Mộ Kỳ, tôi thấy Tianshui cũng hay quá, bèn quyết định sẽ dừng lại ở đây, thay vì đi thẳng đến Lanzhou. Có lẽ tôi đã đúng trong việc chọn điểm dừng, nhưng tôi đã sai khi có quyết định đó vào thời điểm những ngày lễ Thanh Minh này ở TQ. Tôi không thể đổi vé được, vì không có đúng chuyến tàu hoặc nếu có thì không còn vé ghế ngồi, vé nằm thì quá đắt, đắt hơn cái vé ghế ngồi đến Lanzhou, dù đoạn đường chỉ phân nửa. Do vậy, tôi quyết định dùng cái vé tàu Xi’an – Lanzhou đã mua để đi và xuống tàu ở ga Tianshui – dù biết trước là phải xuống tàu lúc khoảng 2-3 giờ sáng giữa những ngày xuân, đang ngày càng lạnh hơn khi tôi đi lên hướng bắc.



Và câu chuyện này của tôi thành đề tài bàn tán sôi nổi lúc nửa đêm giữa những người phụ nữ TQ theo đạo Hồi ở Lanzhou và một cô gái trẻ ở một góc toa tàu. Lúc đầu, tôi rất ngại giao tiếp với họ. Lý do là khi đi tàu tôi thường cõng theo bia (để dễ ngủ) (!?). Do vậy, tôi rất ngại việc lôi bia ra uống trước những người xem việc đó là không phù hợp vì lý do tôn giáo họ cấm đoán tuyệt đối việc đó, thêm nữa, họ là phụ nữ. Do vậy, tôi lặng lẽ nép vào 1 góc nhỏ, dấu mặt sau những trang sách và một khoảng cách xa vắng tạo ra bởi những lon bia. Đến lúc người soát vé đến, tôi ú ớ giao tiếp, rồi hỏi về việc khi nào đến Thiên Thủy, để tôi xuống ga của mình…, họ mới biết tôi không phải là người Hoa, bèn bắt đầu hỏi thăm tôi và hành trình – thông qua thông dịch viên là cô gái trẻ.



Đến khi biết được khả năng Hoa ngữ của tôi, cùng với hành trình kỳ cục xuống ga lúc nửa đêm về sáng, họ bắt đầu lo lắng cho tôi. Họ xôn xao bàn tán cách giúp đỡ. Còn cô gái thì vội vã và nhiệt tình chuyển ngữ những câu giao tiếp cần thiết sang tiếng Hoa trên những mảnh giấy để tôi thuận tiện sử dụng hỏi han đường xá… Họ bàn tán rôm rả, những người khác ở xa hơn cũng ngó nghiêng tôi, làm tôi rất ngại. Họ dặn dò tôi đủ mọi thứ điều, khuyên nhủ tôi đủ thứ… cho đến lúc tàu dừng tại ga Tianshui và tôi xuống tàu, sau khi mang đầy túi những mảnh giấy ghi đủ lời hướng dẫn, và lòng trĩu nặng vì lời mời ghé nhà họ ở Lanzhou dùng cơm tối!!!



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4060408-1.jpg
Những người tốt trên chuyến tàu



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4070568.jpg
Những mảnh giấy đong đầy những ân tình



Chuyện đến đây có lẽ là xong. Nhưng sau khi cuốn theo dòng người chen lấn đẩy tôi trôi tuột xuống cửa tàu, tôi nghĩ mình nên quay lại, dù chỉ để vẫy tay chào tạm biệt. Tôi đi nép sát vào con tàu để tránh dòng người đang ùa ra. Đến khi thấy khung cửa sổ, tôi mới thấy cả nhóm họ đang nháo nhác dán mắt vào khung cửa kính để nhìn tìm tôi nhưng không thấy vì tôi đang men sát con tàu, tôi bồi hồi thấy rõ sự lo lắng trong ánh mắt của họ khi không thấy tôi... Khi tôi gõ gõ vào cửa kính, họ mới nhìn xuống, thấy tôi và vỡ òa lên kinh ngạc, mừng rỡ… Tôi vẫy tay chào, cúi người xuống, một lần nữa. Rồi tôi lặng quay bước...


***


Có lẽ, chắc sẽ còn rất lâu tôi mới quên được những ánh mắt ấy, của một đêm lạnh trên sân ga Tianshui!!!


***


Có lẽ, tôi cũng sẽ khó quên ánh mắt của một người phụ nữ “thanh lịch” ở thành Lan Châu, một ngày sau đó, đã khạc nhổ, sau khi lùi lại vài bước, trừng mắt lên… khi tôi cầm cuốn LP bước tới hỏi đường…



***


Có lẽ, không nên có phần gõ thêm này. Nhưng đó mới là cuộc đời…

backpackervn
09-05-2011, 10:31
06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật



Dự định ban đầu của hành trình này là tôi sẽ chỉ lang thang trên đất Trung Hoa khoảng 2 tuần, sau đó vòng về Lào qua ngã Kunming-Jinghong-Boten-Luang Prabang để nhảy nhót với Tết Té nước Bun Pimai Lào với chúng bạn, đã hẹn hò sẽ gặp nhau ở đó. Rồi sẽ ngược Mekong sang Thailand, đến Chiangmai nhảy nhót tiếp ở Songkran muộn. Mấy hôm trước, bạn đã sms báo tin là đặt phòng ở LPQ cho mấy ngày Pimai bận rộn rồi… chuẩn bị sang nghen!!!



Dự tính là như vậy, nhưng lang thang Trung Nguyên mùa xuân, trên cung đường lạ và quá hấp dẫn này, tôi thấy khó lòng cắt ngang để quay về được (!?). Sau nhiều lần đắn đo, tôi đành bấm máy nhắn tin là sẽ lỗi hẹn mùa Pimai năm nay, xin lỗi bạn. Xong rồi tắt máy, vì sợ bị chửi!!! Mà có đáng bị hay không…?! :T :T :T



Những ngày ở thành Trường An, tôi cứ phân vân là sẽ đi lên, đi ngang, hay đi xuống… cuối cùng tôi chọn cung đường đi xiên xiên về hướng Tây Bắc, đi theo Con đường tơ lụa ngày xưa, cũng xuất phát từ thành Trường An này. Như vậy, sau những ngày Trung Nguyên xuân trên non cao, tôi không biết Đường tơ lụa mùa xuân của tôi sẽ lang thang đến tận đẩu tận đâu…, rồi có lạc qua Tây Tạng mùa xuân hay Tân Cương mùa xuân gì gì nữa không… Chỉ biết là tôi sẽ đến Thiên Thủy, một điểm đến quan trọng trong Con đường tơ lụa, mà tôi còn nhớ láng máng Xa Mộ Kỳ đã đề cập đến trong cuốn sách CĐTL của ông, dù cuốn sách đó tôi đã để lại lữ quán Khongor tận Ulanbatar, Mông Cổ….




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060508.jpg
Có nhiều, rất nhiều ấn tượng về Mạch Tích Sơn, nhưng tôi ngẩn ngơ nhất là những “nụ cười Mona Lisa” của Đức Phật và các vị Bồ tát…




P/S: Trong nhiều những tấm hình về Maiji Shan, các bạn sẽ thấy có bóng đen loáng thoáng ngang dọc trên đó. Lý do là những tấm hình đó được chụp xuyên qua những ô cửa lưới (!) hoặc những lỗ khoét rộng hơn trên các mắt lưới….

backpackervn
09-05-2011, 12:24
06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật




Tôi đã có đêm rất đáng nhớ tại ga lạnh Thiên Thủy, nếu không muốn nói là hơi hãi hùng. Khác với dự tính của tôi, ga Thiên Thủy quá nhỏ, không có 1 cái KFC hay Chinese Fast-Food 24h nào – nghĩa là không có chỗ cho tôi tạm tá túc chờ trời sáng.


Tôi lang thang tìm một cái quán ăn nào đó để chui vào ngồi tạm, lúc khoảng 2 giờ 30 sáng, nhưng không có. Quanh sân ga vắng ngắt, tối và có vẻ nguy hiểm… nên tôi lui về ngồi chờ trên băng ghế trước phòng vé. Gió khuya hun hút lạnh, càng lúc càng lạnh. Ngồi cũng lạnh, đứng lên đi lòng vòng cũng lạnh, không lý bây giờ chạy lòng vòng cho nó bớt lạnh… tình cảnh của tôi lúc đó, nói thiệt, khá thảm… Cuối cùng lạnh quá chịu không nổi, tôi lò dò mò sang cái tòa nhà giống giống như nhà trọ, bên tay trái nhà ga, mà tôi vừa thấy có vài người đi vào đó, khi một chuyến tàu nào đó vừa đến. Té ra, đó vừa là nhà trọ, nhưng có 1 quán ăn nằm kế… Tôi chưa bao giờ mừng đến vậy, lọt tọt chui vào quán, hươ tay múa chân một hồi, chui vào một góc nhỏ, và kiên trì gục đầu xuống bàn ôm balo cố thủ ở đó đến 7 giờ sáng, lúc trời cũng chỉ mới hừng sáng… Rồi cũng qua một đêm Tianshui.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060482.jpg
Dãy Tần Lĩnh và Mạch Tích Sơn ngày xuân xám.




Hơn 7g, tôi ra trước ga, đón chuyến bus 34 sớm nhất đi Mạch Tích Sơn. Trời rất lạnh, lạnh đến nổi chỉ có mất cái lỗ nhỏ trên kính xe gió đã thun thút quét buốt giá nên tôi phải lấy mấy cái postcard che lại tránh gió, rồi tiếp tục ngủ gà ngủ gật trên xe. Điều đó làm cho cô bán vé biết tôi là “người nước ngoài”, nên đã nhiệt tình kêu bác tài xế chạy xe đến thẳng phòng vé của khu bảo tồn Maiji Shan – lúc đó trên xe chỉ còn mình tôi là khách. Sự nhiệt tình này mém nữa đã hại tôi. Lúc về, tôi cũng tưởng xe bus sẽ chạy như cũ, tức là có ghé lại điểm dừng lúc sáng nên tôi ngồi đó chờ. Chờ mãi, mấy thanh niên địa phương tới hoa tay múa chân chỉ trỏ gì đó tôi cũng không biết. Chờ lâu quá, đến lúc có 1 nhóm khách xuống núi, hỏi họ và báo cho tôi biết là phải đi ra làng mới có xe chứ xe bus không ghé đây. Trời ơi, may mà họ xuống núi sớm chứ họ xuống trễ chắc tôi ở lại Thiên Thủy thêm đêm nữa quá.


Tôi đến Mạch Tích Sơn quá sớm, phải chờ đến 8.30g các cô bán vé mới lục tục kéo đến. May mà dù không có nắng lên xanh ngắt, nhưng đã có những vạt nắng hiếm hoi lung linh ở Mạch Tích Sơn lúc tôi đến.


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060419.jpg
Xa xa. Tôi cứ ngỡ mình đi lạc đến chùa treo Huyền Không Tự khi vừa mấp mé đến chân Mạch Tích Sơn…


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060438.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060448.jpg
… để rồi ngẩn ngơ trước Mạch Tích Sơn




Tôi ngỡ ngàng….

backpackervn
10-05-2011, 13:08
06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật



Thiên Thủy, Mạch Tích Sơn, ngoài việc là từng là điểm dừng quan trọng trên Con đường tơ lụa, cũng có 1 lịch sử riêng khá thú vị, liên quan đến cả Tần Thủy Hoàng, Gia Cát Lượng, Đỗ Phủ… Tuy nhiên, đó Thiên Thủy cổ, thành Tần Châu, chứ Thiên Thủy mà ga tàu dừng là khu phố mới, chỉ thấy những khu nhà chung cư block quen thuộc của Trung Hoa, đã xuống cấp làm phố hơi u ám. Vậy mà chỉ cách đó khoảng 50km, bạn sẽ gặp một Mạch Tích Sơn cực kỳ thú vị.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060443.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060487.jpg
Những nụ cười huyền diệu sau cửa lưới



Trong CĐTL, có nói “Nhà mỹ thuật nổi tiếng Lưu Khải Cừ nói: “Nếu Đôn Hoàng là trung tâm hội họa lớn của bích họa thì Mạch Tích sơn là trung tâm điêu khắc tượng lớn của các triều đại ở Trung Quốc”.




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060425.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060421-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060438.jpg
Hoành tráng…


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060471.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060473.jpg
Lộng lẫy.




Sau này tôi được nghe thêm, Vân Cương Thạch Động nổi tiếng về điêu khắc, Đôn Hoàng đặc sắc về hội họa, còn Mạch Tích Sơn thì kết hợp cả 2. Và sau khi đã may mắn đi thăm viếng được cả 3 nơi, tôi thấy nhận xét này, theo tôi, phù hợp hơn.

backpackervn
10-05-2011, 14:10
06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật.



Với 194 hang động, hơn 7.000 bức tượng, chủ yếu bằng đất sét, vẫn còn rạng ngời dù được xây dựng từ thế kỷ V CN đến giờ (từ đời Nam Bắc triều, Tùy, Đường, Ngũ Đại đến đời Tống), Mạch Tích Sơn (MTS) thật sự sẽ làm bạn choáng ngợp.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060479.jpg
Sau hàng rào…


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060520.jpg
Sau mắt lưới


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060512.jpg
Giữa đất trời.



Ngoài 2 cụm tượng Phật to lớn nhìn thấy ngay từ rất xa, trong đó có bức tượng Phật ngồi cao đến 50m, MTS có rất nhiều những bức tượng vừa vừa, do nằm sâu trong các hang động nên vẫn giữ được ít nhiều những màu sắc đã gần 1500 tuổi. Nhưng, như tác giả CĐTL đã nhấn mạnh (và tựa đề của sub-topic này “… những nụ cười Mona Lisa” cũng được mượn từ CĐTL), điểm lôi cuốn dễ làm du khách ngẩn ngơ là những đường nét sắc xảo sinh động lạ thường, cao quý nhưng vẫn gần gũi hiền hòa,… của các pho tượng. Và một điều bạn sẽ rất thích là ở đây rất ít du khách, rất vắng bảo vệ, không có cả HDV nữa, nên bạn tha hồ lang thang ngơ ngẩn nơi đây. Ở đây, những gì cho du khách thăm viếng là mở cửa, dù có hàng rào kính bảo vệ, hay những cánh cửa lưới chở che, nhưng bạn vẫn được thoải mái ngắm, có thể chụp hình qua cửa lưới, hay cả những mắt lưới mà những khách nào đó đã cơi nống ra cho rộng thêm một chút, có thể ghé sát P&S vào đó mà chụp hình – thật khác xa Mogao, hay các nơi khác.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060454.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060476.jpg
Sắc màu và thời gian



Tuy nhiên, ở MTS, các thông tin bằng Tiếng Anh lại rõ ràng nhất, chi tiết nhất. Rút kinh nghiệm, các bạn nên đọc kỹ các thông tin đó để biết trước điểm đặc trưng của các hang động, đều được đánh số, do vậy, những hang động sẽ càng hấp dẫn hơn, và bạn sẽ lưu lại được những tấm hình ưng ý hơn!

backpackervn
10-05-2011, 14:12
06.04 Đường lụa tơ mùa xuân – Mạch Tích Sơn, những nụ cười Mona Lisa trên đất Phật.



LP nói rằng chỉ cần 1 buổi là đủ cho Mạch Tích Sơn, tôi nghe theo, rồi mới biết mình dại. Bạn sẽ cần nhiều thời gian cho MTS. Cũng may là tôi không có màn chụp hình “chân dung” nên tiết kiệm được khá nhiều thời gian, chỉ dành thời gian để dán mắt vào các pho tượng lung linh hay len lén cơi nới mấy cái lỗ trên lưới sắt cho nó rộng rộng thêm tý để kê máy vào.




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060456.jpg
Hiên vắng


Mùa xuân, nhưng ngày này MTS mây xám, lâu lâu mới có tý nắng thơ thẩn đâu đó lọt vào các hang động làm các pho tượng thêm sinh động, những nụ cười hơn ngàn năm tuổi thêm thâm trầm huyền bí. Tôi lang thang trong khuôn viên vắng vẻ, cô đơn trên những con đường sạn đạo chênh vênh lưng núi, ngẩn ngơ ngắm, mê mải nhìn, lơ đãng bước… không muốn xa, chẳng muốn rời… nhưng cuối cùng cũng phải ngậm ngùi lặng lẽ xuống núi.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060483.jpg



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4060505.jpg
Huyền hoặc những nụ cười Mạch Tích Sơn



Nhưng những nụ cười huyền hoặc Mạch Tích Sơn sẽ là những ký ức khó phai trên bước đường lang bạt…

backpackervn
10-05-2011, 15:17
07.04 Đường lụa tơ mùa xuân - Bính Linh Tự, ngỡ ngàng xuân lạnh bên núi thiêng



Tôi đến thành Lan Châu khi đêm đã hun hút gió, lạnh buốt… sau chuyến tàu nhờ muộn màng mà tôi mới bắt kịp, khi trễ tràng về lại Thiên Thủy từ Mạch Tích Sơn. Từng ghé Lan Châu một lần, nhưng chưa qua đêm, sau khi mua được vé tàu cho hành trình đêm mai, lười nhác tôi chui vào một quán trọ gần ga, sau khi kiểm tra và thấy những chỉ dẫn của LP 2009 đã rất lạc hậu. Quán trọ này tương đối sạch, nhưng là 1 trong những nơi “quái dị” nhất mà tôi từng tạm trú trên tháng ngày lang bạt. Chắc tại Lan Châu đêm đó lạnh quá, nên người ta không ngủ được, rên rỉ suốt đêm (!!!???). Nói chung là nếu đêm đó, tôi không có cái headphone để nhét vào tai, nghe YL thỏ thẻ dụ dỗ “Em chỉ muốn là tình nhân”… thì chắc tôi đã có một đêm trắng :gun.



Quanh thành Lan Châu không có nhiều những điểm du lịch, mà tôi cũng ít thấy các bạn kể đến, nên tôi quyết định chỉ chọn 1 cung đường duy nhất, dù LP đã nói rõ là cung đường này hơi bất tiện khi đi một mình ở mùa thấp điểm tháng 4 này, nếu bạn không phải đang rủng rỉnh quân Nguyên. Khởi đầu cho ngày hôm nay cũng không khả quan lắm, nhất là tôi không những chỉ gặp người phụ nữ “thanh lịch” mà tôi đã đề cập, mà còn gặp vài người cũng gần gần giống vậy,… vì thời tiết giá lạnh tuyết bay lênh đênh giữa trời dù mới đầu ngày,… cho đến lúc tôi đặt chân được đến được bến tàu/ghe để đi Bingling Temple, chỉ một mình tôi long đong chờ khách để chia sẻ tiền tàu thuyền, chờ mãi hơn 90p vẫn chẳng thấy ai… Tôi cứ nghĩ mình chắc chưa có duyên với Bính Linh Tự.



http://farm4.static.flickr.com/3081/5705942633_84119c633a_b.jpg
Đường đến Bính Linh Tự



Nhưng, có lẽ tôi còn chút duyên mọn nào được ơn trên ban phát, nên đến lúc tôi quay lưng ra đường chuẩn bị bắt xe để quay về Lan Châu, cho kịp chuyến tàu đêm, Bính Linh Tự đã mỉm cười với tôi.



http://farm4.static.flickr.com/3064/5706507146_94bdb77f67_b.jpg
Những cánh đồng bậc thang trắng tuyết này là điều tôi chưa hề nghĩ đến mình may mắn được gặp!


http://farm4.static.flickr.com/3533/5709712530_e6e37aaa13_b.jpg
Bính Linh Tự ở đâu, bên những vách núi đá nào?


Và không chỉ có vậy!!!

backpackervn
11-05-2011, 13:22
07.04 Đường lụa tơ mùa xuân - Bính Linh Tự, ngỡ ngàng xuân lạnh bên núi thiêng



Từ thành Trường An ngày xưa, con đường tơ lụa sẽ phải vượt qua sông Hoàng Hà để đi tiếp về hướng Tây Bắc. Chùa Bính Linh, nằm trên vách núi đá ven Hoàng Hà, được cho là nằm gần bến đò vượt Hoàng Hà ngày xưa của CĐTL. Từ những năm 1974, người ta đã xây con đập Kẽm Lưu Gia (đập lớn nhất TQ thời bấy giờ) chặn dòng Hoàng Hà ở huyện Vĩnh Tĩnh, và con đường bộ dẫn đến bến đò, đến Bính Linh Tự đã chìm sâu dưới dòng nước có tên Hoàng Hà nhưng sao xanh ngơ xanh ngắt nơi miền thượng lưu này. Trong CĐTL của Xa Mộ Kỳ, cũng như LP (version 2009, mà tôi ngờ rằng version 2011 chắc cũng còn thông tin này) đều nhấn mạnh về việc chỉ đi đến được Bính Linh Tự bằng ghe tàu hoặc cano, thường chỉ đi được từ tháng 5, khi nước sông/hồ dâng cao…, từ bến đò nằm ở ngoại vi huyện Vĩnh Tĩnh, ngay bên chân con đập.



Con đường từ thành Lan Châu đến Vĩnh Tĩnh rất lạ, chạy qua các vùng tiểu khí hậu rất khác nhau. Phần lớn đi ngang qua những vùng mênh mang tuyết trắng, mây xám mịt mờ… nhưng đến đập Kẽm Lưu Gia thì trời hửng nắng, không có tuyết nhưng vẫn lạnh buốt. Bến đò đông đen tàu nhưng vắng tênh khách. Theo lệ thường, họ chỉ chở đủ khách cho 1 cano (khoảng 6-8 người), hoặc nếu như ai đó trả đủ tiền 500Y bao nguyên chuyến. Nhưng hôm đó không có ai đi Bính Linh Tự hết. Tôi chờ hơn 1 tiếng tại bến tàu lạnh quá, bèn đi lòng vòng, quyết định là nếu chờ 90p mà vẫn không có người đi thì tôi về. Xem như tôi chưa có duyên đến Bính Linh Tự.



Đi lòng vòng ngó nghiêng, tám… có mấy bác tài taxi bỗng nhiên kêu chở đi Bính Linh Tự bằng xe. Ngạc nhiên vì trước giờ có thấy ai nói đi đến đó bằng xe. Tôi nghĩ rằng đi xe chắc đến gần gần đâu đó (vì Bính Linh Tự giờ không chỉ là khu chùa mà còn cả 1 khu phức hợp du lịch – điều mà mấy bạn TQ hay làm) mà thôi, chắc không vào Bính Linh Tự được. Tôi hỏi thăm mấy cô bé dễ thương bán vé tàu rằng nếu đi xe đến đó có thăm viếng, chụp hình được không thì nhận được những cái lắc đầu (!?). Lang thang, tám mãi, có 1 chú kia cũng dễ thương, vẽ đường cặn kẽ cách đi bằng xe và đi bằng đường bộ đến đó như thế nào, đi về mất 110km… sao sao, giá từ 300Y chú hạ xuống 200Y, rồi xuống 150Y cho 110km đi về là rẻ lắm rồi… Tôi chỉ vào mấy tấm hình trong poster, chụp các tượng trong hang Bính Linh hỏi rằng đi xe đến đó thì có chụp được không, chú thật thà trả lời là không, nhưng chú chỉ vào tấm hình toàn cảnh nói là chụp được. Chỉ còn mấy phút nữa là hết 90p chờ đợi, nhưng vẫn không có ai đến. Nghĩ rằng taxi đi về 110km mà chỉ khoảng 150Y (gần 500K) tới đó xem mấy cái “toàn cảnh” đó chắc cũng được (rẻ hơn ở VN nhiều), vì biết chừng nào mới quay lại Lan Châu… tôi bèn quay lưng ra đường cười cười nói nói “thôi, 100Y thì tui đi, sinh viên mà, nghèo lắm, nếu không tui ra đón xe về Lan Châu”. Đi mấy bước thì ông chú chạy ra lôi tôi lại và đồng ý cho hành trình 110km, cả chờ đợi nữa là 100Y (khoảng 320K). Ok, tôi nhảy lên xe.



http://farm3.static.flickr.com/2370/5708939009_e3fdbe7637_b.jpg
Đã rất gần đến Bính Linh Tự



Té ra, chưa có ai thiệt thà như ông chú đó – cũng như thông tin của LP đã quá lạc hậu. Có 1 con đường vừa làm xong, chạy thẳng đến Bính Linh Tự luôn, vừa nhanh vừa rẻ. Mai mốt chắc con đường này sẽ dập dìu khách du ghé thăm Bính Linh Tự. Đến nơi vẫn thăm viếng được hết các hang động. Bến tàu từ đập Lưu Gia Kẽm vào cũng đậu ngay bên đích đến của con đường. Còn mấy tấm hình tôi hỏi mà ông chú trả lời là không chụp được, là vì người ta cấm không cho chụp, nên ông chú trả lời thiệt tình như vậy luôn, chứ không phải là không đến gần để chụp được, như tôi đã lầm tưởng ban đầu!



http://farm4.static.flickr.com/3596/5708938939_34a757eac4_b.jpg
Một góc rất khác của Bính Linh Tự, khác xa với Mạch Tích Sơn,…


Nhưng không chụp hình được làm sao chia sẻ với các bạn hén! Mà cũng nhờ liều mạng “hy sanh” 100Y, tôi mới may mắn có duyên được viếng Bính Linh Tự… Nhớ nghen bạn, đi chơi đôi lúc cũng cần “liều mạng”… :gun

backpackervn
11-05-2011, 16:13
07.04 Đường lụa tơ mùa xuân - Bính Linh Tự, ngỡ ngàng xuân lạnh bên núi thiêng



Khi đã leo tót lên taxi, xe bắt đầu chạy thì trong tôi bắt đầu dậy lên nỗi lo âu khác. Bây giờ đã gần 2pm, đi về mất 110km, thăm thú ngó nghiêng, rồi từ Vĩnh Tĩnh về bến xe Tây Lan Châu mất 2g như buổi sáng, rồi từ bến xe Tây Lan Châu về đến ga mất 40p (như buổi sáng đi)… Làm sao tôi có thể về kịp chuyến tàu 9pm tối nay rời Lan Châu. Định nói chú tài xế chạy nhanh thì thấy con đường đèo dốc hun hút lại ngại. Với lại, mình xúi chú chạy nhanh, lỡ xui rủi có chuyện gì thì sao… đành cắn răng nhắm mắt đưa chân vậy…


Nhưng đi nửa đường rồi mới thấy tiếc cho 90p ỏng eo chờ tàu, không chịu đi taxi sớm, lầm bầm chửi thông tin LP… vì con đường đi quá đẹp. Đẹp lạnh lùng kiểu Băng tuyết mỹ nhân!!!



Ở Vĩnh Tĩnh, nắng đã lên, đồng cỏ, ruộng nương vừa qua mùa đông xác xơ cháy xạm, loang lổ chỗ đen vạt úa… nhưng đi chỉ vài hơn km, leo lên những con đèo cao ngút có dòng Hoàng Hà xanh ngăn ngắt uốn lượn ôm quanh… con đường bắt đầu đi vào xứ tuyết. Tuyết chắc đã rơi đâu mấy hôm rồi, đang bắt đầu tan dưới nắng trưa… Con đường xanh ngắt nắng, trắng lóa tuyết đang hun hút qua những vách núi bỗng trời ơi… hai bên đường bắt đầu xuất hiện những cánh đồng bậc thang phủ tuyết trắng… chưa bao giờ tôi được thấy. Lúc đó, cũng chỉ nghĩ đến Bính Linh Tự cũng không viếng được nhiều vì không đi thuyền, không vào được chùa, nhưng tôi thầm nhủ, bỏ 300K đi ngắm những cánh ruộng bậc thang tuyết trắng này cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi…



http://farm4.static.flickr.com/3369/5709759480_862fd4f73c_b.jpg
Đường vào xứ tuyết mùa xuân



Trời lại lúc xanh nắng, lúc xám mây, những cánh ruộng bậc thang cứ thênh thang đuổi nhau chạy. Đất đen trên những cánh đồng, chắc do đốt rạ, làm cho tuyết trắng càng thêm trắng. 2 bên đường, những hàng cây xác xơ hao gầy điểm tô làm những cánh đồng thêm lạnh đẹp, rồi những làng mạc với những mái nhà tuyết phủ óng ánh được nhấn nhá bởi những cây cổ thụ phất phới những dãy khăn khatag đỏ… làm con đường cứ như đi vào cõi mơ….

Dù biết thời gian không có nhiều, tôi vẫn cứ yêu cầu bác tài dừng lại để tôi lang thang ngắm nhìn và chụp hình… nhưng tôi đã hơi dại vì đã vội dừng quá sớm… Khi càng đi sâu vào trong, những cánh đồng càng đẹp thì thời gian của tôi gần như đã hết. Tôi đành nhủ lòng, biết đủ là đủ vậy, mình đâu có mong chờ mà vẫn may mắn chiêm ngưỡng cảnh đẹp khó gặp này… Biết đủ là đủ vậy…



http://farm4.static.flickr.com/3489/5709195191_ec27ece784_b.jpg


http://farm3.static.flickr.com/2732/5709195163_b3a3f431e2_b.jpg
Những cánh đồng bậc thang vẫn trắng hoài trong tôi trong những giấc chập chờn…



Làm sao tôi có thể quên được con đường vào chùa thiêng Bính Linh đẹp lạnh lùng mùa xuân băng giá này…

backpackervn
12-05-2011, 13:17
07.04 Đường lụa tơ mùa xuân - Bính Linh Tự, ngỡ ngàng xuân lạnh bên núi thiêng



Qua những con đường mênh mông nương đồi tuyết trắng, con đường đổ dốc xuống thung lũng với hồ xanh núi đỏ, cũng là lúc nắng chiều bắt đầu len lén qua những con đèo hanh hanh rải xuống Bính Linh.



http://farm4.static.flickr.com/3544/5712492718_c137c5c8b7_b.jpg
Đường đến Bính Linh Tự


http://farm3.static.flickr.com/2487/5711931491_0757882607_z.jpg
…sẽ ngang qua ngôi chùa chênh vênh này




Không được xếp vào tứ đại danh động Mạc Cao, Vân Cương, Mạch Tích, Long Môn (LP), điểm lôi cuốn của Bính Linh là những kiến trúc “kiến trúc lạ” (sẽ nói đến sau) và sự nguyên vẹn của nó, theo 2 ý; chưa được trùng tu nhiều và không bị tàn phá bởi những Cách Mạng Văn Hóa, Trăm Hoa Đua Nở… của Trung Hoa. “Sự nguyên vẹn” này là do chùa hang động Bính Linh nằm ở 1 vị trí tương đối hiểm trở cách biệt.



http://farm3.static.flickr.com/2614/5711931367_9a79c9ebf1_b.jpg
Giờ cách trở, nhưng ngày xưa, khi Con đường tơ lụa còn ngang qua, Bính Linh Tự đã pha trộn, hấp thu những nền văn hóa khác. Bạn có thấy nét “kiến trúc lạ” trong những pho tượng Phật này?


Dòng Hoàng Hà từ cao nguyên Thanh Tạng đang xuôi về đông, đến Vĩnh Tĩnh bỗng lạ lùng chuyển dòng, chảy ngược về tây, chạy giữa những núi đá có kiến tạo giống các núi đá vôi nhưng lạ lùng là có màu đỏ, nên cảnh tượng sông xanh núi đỏ vô cùng ấn tượng. Cũng nhờ những dãy núi đá vôi hiểm trở và dòng Hoàng Hà sóng dữ cuồn cuộn, và có lẽ bến đò vượt Hoàng Hà sau đó chuyển về thành Lan Châu, Bính Linh Tự trở nên cách biệt, nằm xa khu dân cư… nên may mắn “rơi vào quên lãng”… cho đến ngày những giá trị xưa cũ được tôn vinh trở lại, trên 1 miền đất đã có quá nhiều biến động, chỉ trong 1 thời gian rất ngắn gần đây.

backpackervn
13-05-2011, 14:21
07.04 Đường lụa tơ mùa xuân - Bính Linh Tự, ngỡ ngàng xuân lạnh bên núi thiêng



Cụm từ “kiến trúc lạ” tôi dùng ở đây có lẽ hơi bị quá nhiều tính tu từ, mà nôm na là “nói quá”. Lý do là trước giờ chúng ta thường rất quen thuộc với những tượng Phật mang nét thân quen của những ngôi chùa Việt, chùa Hoa (kể cả chùa Tây Tạng) mà hay lơ đãng “quên” rằng đạo phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, và trải qua thời gian dài mới có sự thay đổi, chuyển hóa dần dần các hình dáng, đường nét, các chạm trổ, điêu khắc… Nên thấy cái gì khang khác, còn mới lạ, thì cho là “kiến trúc lạ”, đơn giản vậy thôi, tôi không có ý gì khác.



http://farm3.static.flickr.com/2415/5715416056_6825ea1ef1_b.jpg


http://farm3.static.flickr.com/2242/5714853015_c439fa0f9d_b.jpg


http://farm4.static.flickr.com/3289/5714850313_7b5b5f4de8_b.jpg
Những nét đẹp lạ



Nằm trên con đường tơ lụa, Bính Linh Tự, được bắt đầu xây dựng từ thời Tây Tần (317 – 420 CN) qua các vương triều của Trung Hoa cho đến đời Minh (1368 – 1644). Tuy nhiên, cái tên Bingling lại có nguồn gốc từ tiếng Tạng, có nghĩa là “Hang ngàn Phật” – một cái tên phổ biến cho các chùa hang động tại TQ. Theo tài liệu thì thực ra cái tên Bingling này mới có vào thời nhà Nguyên (1271 – 1368), còn vào thời nhà Đường (618) chùa có tên là Lingyan, và sau nhà Nguyên, thời nhà Minh, người ta lại dùng lại cái tên này.



http://farm4.static.flickr.com/3522/5714849307_afbe6a0c40_z.jpg


http://farm4.static.flickr.com/3441/5715415500_2431b3851d_b.jpg


http://farm3.static.flickr.com/2685/5715413452_11c8c94d7a_b.jpg
Sắc màu Bính Linh Tự



Theo các nhà khảo cổ, các tượng Phật trong hang 169 được làm trước tiên, vào năm 420CN, đây cũng là thời gian sớm nhất được ghi nhận cho tất cả các kiến trúc trong các chùa hang động toàn TQ. Như vậy, sự ra đời của Bính Linh tự có thể nói là rất sớm.



http://farm4.static.flickr.com/3623/5714856659_3bd307d92f_b.jpg
Trên cao, xa xa… Nếu muốn xem các hang động này phải đóng thêm 300Y. Haizzz….!!!!



Khác với một số thạch động không nằm trên con đường tơ lụa như Vân Cương,… thường có các pho tượng Phật, Bồ Tát, hay các chạm trổ điêu khắc bên trong thuần “Hán”, các pho tượng, chạm khắc ở Bính Linh có những nét khác, yếu tố “kiến trúc lạ” như tôi đã nói ở trên. Chúng ta có thể thấy những nét uyển chuyển ở các pho tượng Bồ Tát, những nét “India” ở một số pho tượng Phật,… Điều đó cho thấy sự qua lại của các thương nhân và khách giang hồ trên con đường tơ lụa đã mang đến những ảnh hưởng văn hóa...

backpackervn
13-05-2011, 14:25
07.04 Đường lụa tơ mùa xuân - Bính Linh Tự, ngỡ ngàng xuân lạnh bên núi thiêng




http://farm3.static.flickr.com/2624/5714853737_d9741f6c70_b.jpg
Chạm khắc vào vách núi đá


Đặc biệt, có tài liệu còn cho rằng pho tượng “nổi” nhất ở Bính Linh, tượng Đức Phật Maitreya (Future Buddha) cao 27m có nhiều điểm tương đồng với pho tượng Bamiyan, cũng nằm trên Con đường tơ lụa ở 1 miền xa lắc xa lơ khác…




http://farm4.static.flickr.com/3233/5714858269_538f05f2cb_b.jpg
Đường vào Bính Linh Tự, nhìn thấy pho tượng Đức Phật Maitreya soi bóng trên hồ xanh từ xa xa


http://farm3.static.flickr.com/2306/5715419266_86c4a19c45_b.jpg
Nhưng vào trong, xui quá, pho tượng đang bị quây lại để tu sửa gì đó.


Tất cả những thông tin trên càng làm cho Bính Linh Tự phủ thêm những làn sương huyền hoặc. Nhất là hôm đó, khi nắng chiều muộn hanh hao vừa rải xuống, chỉ một mình tôi lang thang trong Bính Linh vắng vẻ,.. thì những bông tuyết bắt đầu bay thênh thang trắng đất trắng trời….



http://farm4.static.flickr.com/3601/5715420716_bac73e48e9_b.jpg


http://farm3.static.flickr.com/2601/5715415202_c151cf0121_b.jpg


http://farm3.static.flickr.com/2780/5714849625_c2aec55b2d_b.jpg
Bính Linh Tự - những nét duyên lạ!



Rồi tôi đi. Tôi may mắn bắt kịp chuyến xe cuối từ Vĩnh Tĩnh về Lan Châu, cũng vừa kịp chuyến tàu 9 giờ đêm rời Lan Châu hướng về sa mạc. Gần như chập chờn một đêm ngồi gật gù trên chuyến tàu xập xình… tôi vẫn còn lơ mơ thấy mình như đang ở chùa thiêng Bính Linh bên mùa xuân lạnh.

godpro442
16-05-2011, 02:02
Ôi, Trung Quốc quê hương tôi!... Từ khi mới sinh ra không có 1 lần đặt chân thăm lại họ hàng!

backpackervn
16-05-2011, 11:23
08.04 CĐTL mùa xuân - Gia Dụ Quan, mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng…



Chuyến tàu đêm Lanzhou – Jiayuguan đêm đó không yên bình. Hành khách ngồi gần tôi là những người thô lỗ, đầy những vết sẹo trên mặt, trên người, đánh bài, uống rượu, la hét ồn ào,… đến khuya. Đến khi khách đi tàu lên lên xuống xuống… tôi kiếm được 1 góc trống đầu toa tàu thì ngày mới đã gần đến. Đêm rất lạnh, có thể thấy tuyết trắng trời bên ngoài cửa sổ, tôi thì vẫn cứ gật gà gật gù chập chờn mơ về Bính Linh mùa xuân tuyết lạnh…




http://farm3.static.flickr.com/2213/5724742877_dab990d7a8_b.jpg
Con đường tơ lụa… (màu đỏ)


http://farm6.static.flickr.com/5210/5724749241_b9ed76f875_b.jpg
…và cung đường tôi dự định sẽ đi (màu xanh).



Đến gần 6am, sớm hơn giờ dự định đến Gia Dụ Quan khoảng 30p theo giờ tôi hỏi cô bán vé ở ga Lan Châu, tàu dừng lại, hành khách ùn ùn kéo xuống tàu. Đang mơ màng chập chờn sau 1 đêm mệt nhoài, tôi thấy có 1 cậu trẻ có vẻ hiền lành, đưa cái vé, chỉ vào đó và “hỏi” có phải đây là “Jiayuguan”? Cậu lắp ba lắp bắp “Jiuquan” gì đó… Tôi đang lơ mơ, nghe thấy Jiuquan cũng gần giống Jiayuguan (!?), thấy giờ giấc cũng gần giống, thấy mọi người đang ùn ùn kéo nhau xuống hết,… bèn vác đồ nhảy xuống luôn. Cậu trẻ đó cũng ngần ngừ lắp bắp rồi nhảy xuống luôn, đi sau tôi lầm bầm gì đó, nhưng ngôn ngữ bất đồng nên tôi cười cười chào rồi bon chen len theo dòng người ra cổng ga.



Mừng rỡ vì đến được Gia Dụ Quan nổi tiếng hằng mơ ước, tôi chụp đại một tấm hình nhà ga, như vẫn thường ghi dấu ở các điểm đến, chen nhau leo lên xe bus để đi về phố. Vẫn là xe bus số 1, ga tàu nằm ở xa thành phố… y chang như hướng dẫn của LP... về Gia Dụ Quan, nên tôi yên tâm ngồi trên xe thưởng thức bình minh bạc sa mạc. Mặt trời buổi sáng không qua nổi bụi cát sa mạc lẫn bụi khói công nghiệp nên chỉ lóng lánh như mặt trăng bạc… Tôi khoái trá ngắm nhìn… mãi đến lúc xe ngang qua 1 tấm bảng có đề “Rẽ trái, Jiayuguan 24km” tôi mới giật mình.



Pà mẹ Việt Nam anh hùng! Xuống xe bus rồi tôi mới biết tôi đã nhảy bậy bạ xuống cái thành phố lạ huơ lạ hoắc nào đó chứ không phải Gia Dụ Quan. Thành phố nào tôi cũng chả biết vì khi tôi gí chữ Gia Dụ Quan bằng tiếng Hoa trong LP để hỏi mọi người đây có phải là GDQ không, thì mọi người đều lắc đầu, rồi (chắc là) nói thêm ở đây là “…” gì gì đó bằng tiếng Hoa, làm sao tôi biết hả trời. Mà lúc sáng sớm đó, nhiều người thấy tôi vừa nhếch nhác, vừa cầm cuốn LP dày cộp bằng tiếng Anh xông tới là họ đều lùi lại, lắc đầu, chứ chưa đợi tôi hỏi. Mãi mới gặp 1 thanh niên trẻ, rồi cô gái trẻ chịu khó nhìn vào LP, lắc đầu, rồi chỉ tôi cuốc bộ đến trạm xe bus, may là cũng gần gần đó để đi Jiayuquan. Trên đường đi, ngang qua một ngân hàng có bảng biển tiếng Anh to đùng, tôi mới biết thành phố tôi tình cờ rớt xuống là Jiuquan.



http://farm3.static.flickr.com/2326/5724742493_fea03b18c8_b.jpg
Ga Jiayuguan của tôi nè (!?). Bạn nào biết tiếng Trung đọc đừng cười!!!



Trời ơi, đúng là chưa có thằng nào cùi bắp như tôi, vừa dốt nát mà còn lười nhác… nên đi đâu suốt ngày cứ hỏi han hết người này đến người khác… rồi lạc tới lạc lui. Nhưng mà nghĩ lại cũng hay (!?). Nếu không có vụ đi lạc này, có đời nào tôi biết đến Jiuquan, chính là Tửu Tuyền, thành phố được nhiều người nhắc đến nhưng tôi tìm trong LP không thấy, và khi tới Tửu Tuyền nghe-nói-tới-đã-nhiều-này, tôi mới biết lý do tại sao LP không nhắc gì đến nó – Tửu Tuyền ngày nay không còn gì của ngày xưa cả. Cũng may, nhờ đi lạc kiểu này, tôi mới không ấm ức nếu có ai hỏi “Mày đã tới Tửu Tuyền” chưa?!



http://farm3.static.flickr.com/2770/5725299564_41983eb646_b.jpg
Và đây mới là Gia Dụ Quan!


Thằng ngốc mà dám đi bụi một mình mới dzui há!? :T Bởi dzậy mới biết sao ngày xưa “Tư Ếch lên Sài Gòn” ăn khách đến vậy!

LinhEvil
16-05-2011, 11:26
Dạo này Backpackervn văn phong như của người đang yêu í nhỉ

backpackervn
17-05-2011, 16:02
@ LinhEvil, bpk lúc nào mà chẳng đang yêu! Hồi nhỏ yêu ba má, ông bà, anh chị em… Giờ yêu thêm những con đường, mê mệt :gun :Dam :T!!!


:::::::::::::::::::::::::::::::::::::



“Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh bắt đầu từ điểm phía đông tại Sơn Hải Quan, gần Tần Hoàng Đảo, ở tỉnh Hà Bắc gần Vịnh Bột Hải. Kéo dài qua chín tỉnh và 100 huyện, 500km cuối cùng vẫn còn nhưng đã thành những đống gạch vụn, và hiện nay nó kết thúc ở điểm cuối phía tây di tích lịch sử Gia Dục Quan (嘉峪关), nằm ở phía tây bắc tỉnh Cam Túc tại biên giới với Sa mạc Gobi và những ốc đảo của Con đường tơ lụa. Gia Dục Quan được xây để tiếp đón những nhà du hành dọc theo Con đường tơ lụa. Mặc dù Vạn Lý Trường Thành kết thúc ở Gia Dục Quan, tại đó có rất nhiều "phong hoả đài" (烽火台) trải dài về phía Gia Dục Quan dọc theo Con đường tơ lụa. Những đài quan sát đó dùng dấu hiệu bằng khói để cảnh báo có xâm lược.” – Thông tin từ wiki.


Theo tài liệu, Gia Dụ Quan được xây dựng vào năm Hồng Vũ thứ 5 thời nhà Minh (1372), nơi cuối của Vạn Lý Trường Thành nhà Minh. Sở dĩ tôi nhắc lại, “Vạn Lý Trường Thành nhà Minh”, vì có nhiều VLTT khác nhau, và sau đó tôi đã đến thăm được 1 đoạn của VLTT từ thời nhà Hán, của hơn 1 thiên niên kỷ trước đó.


****


Tôi đến Gia Dụ Quan từ Tửu Tuyền, chỉ tốn có 2Y (!), cho chuyến xe bus sớm. Có điều, xe bus liên huyện này không dừng trong bến xe mà chạy lơn tơn, dừng vô cớ ở giữa đường. Phố lại đổi tên đường, giao tiếp Anh ngữ kém, dân tình cứ thấy cuốn LP dày cộp là lắc đầu rút lui, không chịu nhìn vào những chữ Hoa trong đó, mà những chữ Hoa đó thiệt tình cũng nhỏ lí rí khó thấy… nên tôi mất thời gian đi lòng vòng mới về được bến xe Gia Dụ Quan, nơi tôi có thể xác định được phương hướng, nhà nghỉ,… May mà hôm đó trời lạnh buốt nên cõng balo đi lang thang không mệt lắm, lại có dịp tí ta tí tởn hoa tay múa chân với dân tình để hỏi đường, vừa thăm thú ngó nghiêng… Nên sau khi đến được bến xe GDQ, xem như tôi rất rành đường phố GDQ (!).



http://farm4.static.flickr.com/3212/5729173149_33477a9ffc_b.jpg
Tháp đồng hồ của bến xe. Lúc chỉ đường cho tôi, một ông chú nói tôi cứ đi tới tháp đó là sẽ tới. Thiệt là tiện dụng!



Gần bến xe có 2 khách sạn nhỏ, có chợ đêm, chợ ngày kiêm phố ẩm thực, có tuyến xe bus số 1 đi đến ga… nói chung rất tiện. Có điều, là phố du lịch cũng nổi tiếng nhưng giao tiếp Anh ngữ ở đây hơi kém, dù mọi người rất nhiệt tình. Hỏi thăm tuyến xe bus đi thành cổ Gia Dụ Quan, Vạn Lý Trường Thành, đều bị lắc đầu nói là không có, phải đi taxi. Đi theo hướng dẫn của LP tìm đến chỗ thuê xe đạp, dù được người dân địa phương nhiệt tình dắt đi, đến nơi lại lắc đầu, “nghỉ cho thuê lâu lắm rồi mà”,… Đang tính nhảy xe lôi chở hàng lẫn người của dân địa phương để đi,… nghĩ sao lại mò vào trong bến xe hỏi thăm giờ giấc cho chuyến đi ngày mai, gặp cô bán vé dê thương chỉ cho tuyến xe bus số 4 đi thành cổ Gia Dụ, mất chỉ 2Y, thay vì ít nhất 50Y, như theo LP!



http://farm4.static.flickr.com/3490/5729172889_c0754c666e_b.jpg
Đông Môn của Gia Dụ Quan


http://farm4.static.flickr.com/3157/5729172667_90d1031dfe_b.jpg
Thành xưa bên hồ xuân vẫn băng tuyết lóng lánh giữa nắng trưa ngời ngời…


Hớn hở, tôi lon ton ra trạm xe bus nhảy tót lên xe, thẳng tiến về thành Gia Dụ. Nắng đã lên cao, gió mùa xuân lạnh vẫn hun hút thổi buốt phố phường Gia Dụ Quan…

backpackervn
18-05-2011, 14:24
08.04 CĐTL mùa xuân - Gia Dụ Quan, mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng…



Những ngày mùa xuân ở miền ven sa mạc này thật lạ lùng. Cảnh quang cứ thay đổi như nhiều mùa đi qua trong một ngày. Những con đường buổi trưa nắng vàng rực, những hàng cây trơ trụi lá khẳng khiu giữa bầu trời xanh ngăn ngắt, lãng đãng điểm tô chút bông nõn, hồ nước xanh xanh óng ánh băng, lấp lánh tuyết, đồi núi cỏ vàng vọt úa, xác xơ cuối rạp trước những cơn gió cuồn cuộn từ sa mạc về lôi theo những đám bụi vàng đục thi thoảng che mờ trời xanh Gia Dụ Quan…



http://farm4.static.flickr.com/3522/5732384951_ea1e7290fa_b.jpg
Đường nắng trưa về thành Gia Dụ. Hàng cây mùa xuân sao vẫn hao gầy!



Giữa mênh mông trưa nắng, bên hồ xanh lấp lánh tuyết, trong màn bụi vàng gió sa mạc,… thành cổ Gia Dụ Quan chợt ẩn chợt hiện như ảo ảnh.



http://farm6.static.flickr.com/5188/5732446235_0d2561b889_b.jpg
Đường lên thành hiểm trở (!?)



Và khi lũ gió hoang đàng của sa mạc rủ nhau đi đâu mất, trả lại bầu trời trong xanh… ngôi thành xưa bỗng hiện lên rỡ ràng, đẹp rạng ngời cái trong nắng mùa xuân vàng rực, làm tăng lên màu vàng nâu giản dị của ngôi thành xưa đã gần 700 năm tuổi.



http://farm4.static.flickr.com/3365/5732991640_f66cb21721_b.jpg
Đây, thành Gia Dụ!


http://farm6.static.flickr.com/5301/5732384203_15809f9688_b.jpg
Vừa vào trong thành lũy thứ 1


http://farm6.static.flickr.com/5268/5732929802_a10cec91aa_b.jpg
Thành lũy thứ 2


http://farm3.static.flickr.com/2280/5732384603_6e62745447_b.jpg


http://farm4.static.flickr.com/3358/5732384425_cd926e0927_b.jpg
Trùng trùng lớp lớp thành lũy



Nằm dưới chân núi Văn Thù, giữa 2 dãy Kỳ Liên Sơn và Hắc Sơn, vị trí hiểm yếu của hành lang Hà Tây, Gia Dụ Quan cùng với Vạn Lý Trường Thành được nhà Minh xây dựng để đề phòng sự tấn công từ thảo nguyên Mông Cổ của vị vua lừng danh Thiết Mộc Nhi – Timur Lenk. Truyền thuyết kể rằng, khi viên tướng phụ trách việc xây dựng hỏi người kiến trúc sư về các nguyên liệu cần để xây dựng Gia Dụ Quan, ông này đưa ra một con số về lượng gạch cần thiết để xây dựng Gia Dụ Quan. Khi viên tướng hỏi lại rằng bây nhiêu đó là đủ hay chưa, ông chỉ cộng thêm 1 viên gạch nữa. Và khi Gia Dụ Quan xây dựng xong, người ta chỉ thấy dư ra duy nhất mỗi viên gạch này!

backpackervn
18-05-2011, 14:28
08.04 CĐTL mùa xuân - Gia Dụ Quan, mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng…



Theo cảm quan của tôi, kiến trúc vừa giống pháo đài, đồn lũy vừa giống thành, vừa là cửa ải… đã tạo cho Gia Dụ Quan những nét đặc sắc riêng. Không biết trong những “di tích” hiện tại, cái nào là “hàng thật giá đúng”, cái nào là hàng “trùng tu”… nhưng nói chung Gia Dụ Quan không bị những gam màu rực rỡ, như thường thấy của các khu di tích khác ở Trung Quốc, làm chói mắt. Có lẽ, một phần cũng nhờ gió cát sa mạc đã phủ nhanh lớp bụi thời gian lên nơi đây.



http://farm6.static.flickr.com/5103/5732929872_c9a551c89c_b.jpg
Ngày mai, chúng ta sẽ tấn công về hướng tây. Bão cát Gobi sẽ hỗ trợ ta cản bước tiến của Thiết Mộc Nhi!



http://farm3.static.flickr.com/2157/5732930092_d7905322b7_b.jpg
Và chiều nay chúng ta sẽ hiệu triệu binh sĩ, thao dợt để chọn ra đội quân tiên phong tinh nhuệ nhất!


Thành Gia Dụ Quan có chu vi 733m, bao phủ một diện tích 33.500m2, chiều cao tường thành cao 11m, gồm nhiều lớp tường thành từ ngoài vào trong, thêm vào nhiều tháp canh, lầu chuông, tháp trống,… đều được “giữ gìn” tương đối tốt. Nhưng bên cạnh những kiến trúc “hoành tráng” đó, điều làm tôi ngạc nhiên là những cầu thang đá dẫn lên thành, đã mòn vẹt, chia đôi 2 đường, những bậc thang cho bộ binh và những con đường đá dốc cho kỵ binh. Thêm vào đó là những ngôi chùa thờ phụng Quan Công hay Đức Phật,… và ngạc nhiên làm sao, 1 sân khấu nhỏ.



http://farm3.static.flickr.com/2119/5732384327_a2cf4b5a77_z.jpg
Đường lên thành có 2 lối, cho bộ binh và kỵ binh



http://farm4.static.flickr.com/3024/5732384271_5c2309ca2e_b.jpg
Sân khấu nhỏ (bên trái) khép nép bên thành



Lang thang chiều xuân nắng lạnh Gia Dụ, tôi bãng lãng mơ về đêm xưa, gió xuân đêm sa mạc lạnh lùng cuồng nộ,… trên cao kia có mỹ nữ nâng chén ngang mày, thướt tha lả lơi thân mềm mời mọc,… vẳng trong tiếng gió gào giọng ca liêu trai ai oán khóc than khúc xuân thì đời kỹ nữ nơi biên cương… Bên dưới, những bát rượu đong đầy, những chén rượu cụng nhau hào sảng tiêu sái… có đưa hồn những chiến binh oai hùng thành Gia Dụ trôi về quê hương xa ngái, có làm lòng mơ về ngày đoàn viên hạnh phúc, mong vòng tay êm ấm vợ hiền, nhớ nụ cười thơ ngây con trẻ…


....

backpackervn
18-05-2011, 14:30
08.04 CĐTL mùa xuân - Gia Dụ Quan, mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng…




http://farm6.static.flickr.com/5108/5732930044_a5fbc15a7c_z.jpg
Tháp canh hiên ngang giữa cát bụi sa mạc.



http://farm3.static.flickr.com/2121/5732384627_95fd5dffd3_b.jpg
Khu doanh trại dành cho tướng lĩnh


“Đệ nhất Hùng quan” Gia Dụ những ngày xuân xanh nắng vàng, dù thật uy nghi, thật rạng rỡ… nhưng sao chỉ gợi trong tôi cảm giác thật hoang lạnh… nhất là khi tôi mệt mỏi lặng lẽ bó gối ngồi dưới chân tường thành nhìn những cơn gió sa mạc vần vũ trên thành xưa. Ngàn năm qua, muôn ngàn năm qua… gió vẫn mải miết thổi, bụi vẫn mịt mù bay… còn người ngàn năm trước, còn người trăm năm sau?




http://farm6.static.flickr.com/5269/5732384495_30a85e120e_b.jpg



http://farm3.static.flickr.com/2778/5732384403_dc19f20785_b.jpg
Bên ngoài thành, như ngàn xưa, lũ lạc đà vẫn kiên nhẫn chờ khách thương tiến vào Gobi (!?)



Chiều. Nắng vẫn rực vàng. Gió về. Lắng trong tiếng gió chiều sa mạc gào hú, trong tiếng cờ bay phần phật,… tôi như nghe tiếng vó ngựa văng vẳng, gươm dáo lanh canh, tiếng chiêng trống xập xình, tiếng xôn xao ai đó nói cười…



http://farm3.static.flickr.com/2031/5732384451_372318a515_b.jpg
Thành Gia Dụ xuôi về Huyền Bích Trường Thành



Chiều sa mạc. Chiều xuân. Chiều Gia Dụ. Chiều biên cương… Lòng tôi cũng đã chiều! Mờ trong bóng chiều sa mạc, mờ trong bóng chiều xanh,… như có dư hình của đoàn quân nào thấp thoáng…

backpackervn
19-05-2011, 12:22
08.04 Đường tơ lụa mùa xuân ngang qua Vạn lý trường thành




Người Trung Quốc thường nói: “Bất đáo trường thành phi hảo hán – Chưa đến Vạn Lý Trường Thành chưa phải là hảo hán”. Do vậy, nhiều năm trước, khi có dịp đi công tác ở Beijing, tôi tranh thủ nghỉ một ngày, nhảy xe đến thăm Vạn Lý Trường Thành (VLTT) ở đó. Phải nói là tôi rất ấn tượng bởi đoạn trường thành hùng vĩ Bát Đạt Lĩnh này. Quả thật là hoành tráng, nhưng dường như nó đã được “trùng tu” “phục chế” quá nhiều. Lúc đó, thấy tôi đứng ngơ ngác nhìn ra miền đất hoang hóa khô cằn từ xa xa bên kía trường thành, một người Hoa tốt bụng đứng kế bên đã bảo tôi đó là miền Nội Mông… Nghe vậy, tôi lơ mơ nghĩ đến cát bụi sa mạc, đến vó ngựa trường chinh của Đại Hãn… Hồi đó, thỉnh thoảng tôi cũng có đi đây đi đó, nhưng máu giang hồ chưa có,… Có phải chăng, từ những chuyến đi vặt vãnh, từ những lúc thả hồn viễn vông lạc điệu như thế này… mộng giang hồ bắt đầu được nuôi dưỡng trong tôi?



Từ đó, tôi chưa quay lại Bát Đạt Lĩnh, cũng như chưa viếng thăm một VLTT nào khác, cho đến chiều nay, một buổi chiều mùa xuân lạ, lúc hồn còn vương vất bên cát bụi thành Gia Dụ,… tôi lại lần mò lò dò đến được một Vạn lý trường thành nữa – Huyền Bích trường thành, nơi Con đường tơ lụa ngang qua.



http://farm3.static.flickr.com/2014/5735377195_475741f6e8_b.jpg
Rời bỏ Thủy môn rực rỡ, có hoa đào mùa xuân, có đèn lồng đỏ treo cao…



http://farm3.static.flickr.com/2236/5735377391_7ed2d3e23a_b.jpg
… tôi lang thang leo lên Hắc Sơn làm hảo hán (!?).



Rời thành Gia Dụ, lúc đầu tôi định đi bộ lon ton đến đó. 7km không phải xa lắm, đi bộ giữa mùa xuân biết đâu có thể “chộp” được những khoảnh khắc đẹp bất ngờ… (!?). Nhưng nắng, gió, cát, bụi sa mạc vừa dữ dội, vừa hoang đàng, vừa ngang tàng, vừa bốc đồng,… đã chặn đứng ý tưởng ngang ngược đó của tôi ngay từ những bước chân đầu. Cuối cùng, tôi hoa chân múa tay nhảy lên chiếc taxi, đi về mất 40Y. Dù giá niêm yết là 50Y, sau đã tôi dùng động từ “to quơ” trả giá và giả bộ làm ngơ bỏ đi 3 lần mới được một bác tài gái đồng ý. Bác tài thật dễ thương, chở tôi đến nơi, ghi vào tờ giấy là tôi có 30p ở đó, nhưng hơn 90p sau tôi mới ra, cười hì hì… Bác gái từ nhăn nhó cũng chuyển sang cười hề hề… Xong!


...

backpackervn
23-05-2011, 11:47
08.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân ngang qua Vạn lý trường thành



Nằm cách thành Gia Dụ khoảng 7km, Huyền bích trường thành (Overhanging wall) được xây dựng trễ hơn thành Gia Dụ, vào năm 1539 và việc xây dựng đã hoàn tất chỉ 1 năm sau đó. Cũng xây dựng vào thời nhà Minh, nhưng khác với Bát Đạt Lĩnh gần Bắc Kinh, Huyền Bích trường thành được xây dựng bằng các lớp đất vàng và đá cũng màu vàng.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080809-1.jpg
Mùa xuân hao gầy, tôi lên Huyền Bích


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080815-1.jpg
Overhanging wall



Việc xây dựng Huyền Bích trường thành dựa trên chiến thuật phòng thủ của nhà Minh với những kẻ ngoại xâm đến từ Gobi. Do nằm bên sườn đông dãy Hắc Sơn, từ sa mạc phía tây nhìn về, người ta sẽ không thấy được nó. Không những thế, Huyền Bích trường thành trấn giữ ở vị trí hiểm yếu trong hẻm núi Hắc Sơn, trên con đường vể Trung Nguyên từ Gia Dụ Quan. Nếu như thành Gia Dụ thất thủ, những đội quân từ sa mạc Gobi, Trung Á,… cứ tưởng sẽ hát khúc hoan ca và dễ dàng tiến sâu vào Trung Nguyên thì lúc này sẽ gặp một Huyền Bích trường thành kiên cố chống trả.




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080835-1.jpg
Huyền Bích & Hắc Sơn giữa chiều xuân xanh


Chạy dài trên một sườn dốc của Hắc Sơn, màu vàng nâu sẫm nổi lên trên núi đá đen, Huyền Bích trường thành trông xa giống như một con rồng bay giữa đất trời – đó cũng là lý do thành có tên overhanging wall. Lúc đầu, thành dài khoảng 1,5km nhưng đoạn thành bây giờ chỉ còn khoảng 750m. Thực ra, gió bụi thời gian đã tàn phá nặng nề thành cũ, trường thành hiện nay hầu như đã được phục chế hoàn toàn, từ 1987.




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080829-1.jpg
Sa mạc quanh Huyền Bích



Nhưng, một chiều muộn mùa xuân lang thang Huyền Bích Trường Thành, lòng tôi cứ mênh mang mênh mang không chỉ vì được lại đặt chân lên Vạn Lý Trường Thành, mà còn vì Con đường tơ lụa thênh thang chạy đang mê mải chạy vào chiều hôm đang dần tắt nắng…



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080850-1.jpg
Rời Huyền Bích, đoàn lữ khách theo Con đường tơ lụa hướng về sa mạc Gobi…



…..

backpackervn
24-05-2011, 13:29
08.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân ngang qua Vạn lý trường thành



Dưới chân Huyền Bích Trường thành có quảng trường Tơ lụa Cổ đạo, nơi ngày xưa những đoàn lạc đà và khách thương tập trung trước khi bắt đầu hành trình tây tiến. Bây giờ không còn là ngày xưa, con đường tơ lụa giờ đã nhòa trong gió cát thời gian,… nên nơi quảng trường Tơ lụa cổ đạo giờ chỉ còn những con lạc đà bằng xi măng sắt thép. Tuy nhiên, leo lên cao xa xa, bớt chút thực tế, nêm nếm chút mơ mòng… bạn như sẽ thấy đoàn lạc đà đang rùng rùng chuyển động đi vào sa mạc. Đến khi gió cát quất vào mặt rát bỏng, tỉnh giấc mộng ngày mới thấy là gió đang đi, cát đang bay,… và đoàn lạc đà vẫn nhẫn nại đứng yên….



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080845-1.jpg
Trên con đường tơ lụa


Con đường lên đỉnh của Huyền Bích trường thành dốc 45độ, cũng không mệt lắm nếu bạn không phải đương đầu với những cơn gió sa mạc. Đến tiền đồn cao nhất, bạn có thể leo tiếp lên Hắc Sơn, nơi bạn có thể khắc, có thể đục những trái tim lồng tên bạn và người nào đó trên đá núi, ước mong rằng tình yêu bạn sẽ vững bền như Hắc Sơn bao năm vẫn sừng sững trong gió bụi thời gian, cát bụi sa mạc… Còn nếu bạn không có đủ 2 cái tên để khắc vào đá, bạn nên tránh qua một bên đừng quấy rầy những trái tim đang yêu….



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080824-1.jpg
Bên dưới Huyền Bích



Tôi xuống núi bằng con đường có những bậc thang khá chênh vênh men theo Hắc Sơn thay vì xuôi theo trường thành. Đi bằng con đường này, bạn sẽ có những góc nhìn đẹp hơn để chụp hình trường thành. Hơn thế nữa, bạn sẽ đến thẳng quảng trường Tơ lụa cổ đạo, nơi không chỉ có những đàn lạc đà, mà bạn còn được gặp những danh nhân tên tuổi gắn liền với Con đường tơ lụa, với những cuộc viễn chinh về miền tây Trung Nguyên.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080843-1.jpg
Chùa nhỏ vắng im bên Hắc Sơn


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080811-1.jpg
Xa xa, Minh Tường trường thành


...........

backpackervn
24-05-2011, 13:31
08.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân ngang qua Vạn lý trường thành



Dù được xây dựng từ rất trễ, rất lâu sau những bước chân viễn du của Trương Khiên, Huyền Trang,… những vó ngựa viễn chinh của Hoắc Khứ Bệnh… nhưng vì vắt ngang qua Con đường tơ lụa nên Gia Dụ Quan được xem như đã từng là nơi dừng bước của những danh nhân hùng tướng xưa. Bên chân Huyền Bích Trường Thành, người Trung Quốc đã cho dựng nên những bức tượng của họ, có cả Marco Polo, người cũng đã từng “đưa” Con đường tơ lụa đến với thế giới phương tây, người cũng đã từng lang thang trên chính con đường này.




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080858-1.jpg
Trương Khiên uy nghiêm…


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080854-1.jpg
…Huyền Trang thanh cao



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080859-1.jpg
…Hoắc Khứ Bệnh oai phong



Chiều đã nhạt màu, gió bụi sa mạc vẫn cuồn cuộn từng cơn cuồng nộ,… đoàn người vẫn lặng lẽ tiến bước. Huyền Trang thanh cao lặng lẽ bước bên Trương Khiên uy nghiêm, Hoắc Khứ Bệnh oai phong bên Marco Polo thông thái… Vốn rất dị ứng với việc “tô vẻ, thêm thắt” của các bạn TQ ở các danh lam thắng cảnh, nhưng thật sự tôi rất ấn tượng về những pho tượng này. Có lẽ phông nền của một Huyền Bích trường thành, thấp thoáng ngoài kia là Minh Tường trường thành, xa xa hơn nữa và gần gần hơn nữa là cát bụi sa mạc… đã xóa mờ những dị biệt về thời gian, về không gian,… hay chính danh tiếng, sự ngưỡng mộ của tôi đối với họ… đã làm cho những pho tượng đá kia như sống lại, như họ vẫn đang tiếp tục con đường viễn du của mình…



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4080869-1.jpg
Chùa vắng bên Hắc Sơn




Lặng lẽ ngồi bên hiên chùa vắng, trong sa mạc, nghe gió hú, nhìn chiều đi, từng bước chậm, trên trường thành,… rồi tôi đi. Tôi chia tay Huyền Bích, Minh Tường, Gia Dụ… theo con đường tơ lụa tiến vào Gobi… còn lại đây một chút tình, cho những cơn gió sa mạc, cuốn bay…

backpackervn
25-05-2011, 10:59
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



Từ Gia Dụ Quan, tôi lên chuyến xe lúc 9 giờ sáng, đến thành Đôn Hoàng vào xế chiều. Bến xe Đôn Hoàng đã dời đến địa điểm mới nên tôi phải cõng balo đi lơn tơn vào phố một hồi mới xác định được phương hướng. Đi lon ton, gặp lại anh ku mắt vàng tóc xanh đi cùng chuyến xe cũng đang ngơ ngác đi tới đi lui. Nó bèn rủ rê đến ở cái Youth Hostel mà LP không nói đến nên lúc đầu tôi cũng hơi ngại. Chần chừ một hồi, 2 thằng nhảy lên taxi tới đó, mất 5Y cho 2 đứa, nghĩa là 2,5Y cho mỗi thằng. Ấn tượng đầu tiên là dân Đôn Hoàng rất thiệt thà!



Tới cái YHT đó, thì ra nó nằm gần cái bến xe hồi nãy tôi vừa nhảy xuống! Cái YHT này ngộ thiệt, là hostel cho dân du lịch bụi mà chủ nhân trẻ cùng nhóm nhân viên đều không biết tiếng Anh, được cái rất nhiệt tình nên hoa tay múa chân một hồi rồi cũng xong. Cũng may nhờ ở đây mà những ngày lang thang ở Đôn Hoàng thật tiện lợi, tỷ như lần mò đến được thành phố ma Yadan, hay biết được con đường chui vào đồi cát hát Minh Hà không tốn vé, tiết kiệm được 120Y (để rồi quy ra alcohol!!!)…



Xong xuôi, tôi có cả một chiều xanh, một đêm xuân để “khám”, “phá” Đôn Hoàng…



*******


Nằm sâu trong Gobi, cách thành Đôn Hoàng 180km về hướng Tây Bắc, hướng về Thổ Lỗ Phồn, “thành phố ma” Yadan chỉ cuốn hút được một số ít du khách tưng tửng không bị ánh hào quang của Mogao làm mờ mắt, còn đủ tỉnh táo để lò dò khám phá Dunhuang & Gobi.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4100080-2.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4100119-2.jpg
Thành phố ma Yadan mờ trong gió cát Gobi.




……………………

backpackervn
26-05-2011, 11:47
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4100068-1.jpg
Nắng đã lên, Gobi vẫn gió cát từng cơn


Giữa cát bụi Gobi, “thành phố ma” Yadan trải dài khoảng 25km từ bắc xuống nam và bề ngang đâu chừng 2km, nổi tiếng với những “pho tượng”, “kiến trúc” độc đáo được hình thành từ 12.000 năm về trước. Ngày xưa, xưa hơn nữa, nơi đây từng là lòng hố, lúc đó chắc Gobi còn tươi xanh cây lá… trải qua thời gian, miền xanh giờ là cát bụi, hồ xưa giờ khô khốc, gió bụi thời gian, sự xói mòn của nước…đã tạc vào thiên nhiên những “pho tượng”, “kiến trúc”… sinh động – điểm cuốn hút của Yadan.




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4100059-1.jpg
Không phải hình bị out mà vì những cơn gió cát. Những hạt cát nhẹ đã bị cuốn trôi đi hết, chỉ còn cát to, nặng như những hạt sỏi nhỏ nên khi gió nhẹ (!) chúng chỉ quẩn quanh bên chân, để chờ những cơn gió lớn bốc lên…



Do thời gian có hạn và bão cát đang mùa… nên tôi không tìm thấy được các “pho tượng” do thiên nhiên, do gió dữ sa mạc,… chạm trổ thành những cung Potala (Tibet), chùa Thiên Đường (Beijing), Kim Tự Tháp & Nhân Sư (Ai Cập)… thu nhỏ ở Yadan, nhưng những gì tôi được chiêm ngưỡng trong một buổi sáng mùa xuân giữa sa mạc lạnh buốt, gió cát quất xước mặt, đẩy tôi đi liêu xiêu mỗi lần nhảy xuống xe, chui đầy vào quần áo, máy ảnh… quả là rất ấn tượng.




https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4100102-1.jpg
Ở sa mạc, nhìn gần nhưng đi rất xa. Bạn có thấy cái “chấm người” bé xíu xa xa…?



.....

backpackervn
27-05-2011, 13:50
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



Chúng tôi đi Yadan từ rất sớm. Sở dĩ phải là “chúng tôi” vì phải gom đủ 4 người, vừa đủ 1 chiếc taxi, mới có giá đi Yadan hợp lý. Không có tuyến xe bus nào đến đây, mua tour trong ngày thì giá nó ở trên trời, nên phần lớn các bạn du lịch balo thường gom góp đủ người để cùng đi. Ban đầu, tôi cũng không tính sẽ đến đây, dự định là sẽ đi Mogao trước, nhưng khi chiều lang thang, đọc thêm về nơi này, xem loáng thoáng mấy cái hình về nó bắt đầu tò mò,… rồi khi đêm ngật ngưỡng lếch thếch lê thân về YHT, ku người Pháp (đến lúc rời Đôn Hoàng tôi cũng không hỏi nó tên gì, nó cũng vậy, nên không biết tên họ mà gõ vô đây) trong thời gian buổi tối la cà ở YHT đã gặp, bị gạ gẫm bởi 2 bạn người Hoa khác, cần phải lôi kéo thêm 1 đồng minh nữa để tiết kiệm chi phí, nên rủ rê tôi. Nghe nói chỉ mất 80Y cho cung đường hơn 360km đi về, có ghé các điểm du lịch khác nữa… nên tôi gật đầu cái rụp luôn. Mogao sẽ được lùi lại một hôm. Và dù đã mệt mỏi (!?) vì “khám” “phá” Đôn Hoàng cả một đêm dài, sáng hôm sau, 6.30g tôi đã phải lồm cồm bò dậy. Sở dĩ tôi phải “nhấn mạnh” 6.30am vì dù Đôn Hoàng cách xa Bắc Kinh nhiều ngàn dặm về phía tây nhưng vẫn dùng múi giờ Bắc Kinh. 6.30am ở Đôn Hoàng là khoảng 4.30am, nếu đúng múi giờ theo tự nhiên.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4090003-1.jpg
He he, lang thang vào Gobi mùa xuân lạnh. 0độ đó nghe!



Hơn 180km, đường xấu, chỉ là đường đất, nên đi hơn 3 giờ mới đến nơi. Con đường này, thông tin trên mạng nói là nó chạy dọc theo Con đường tơ lụa ngày xưa. Điều này có thể đúng vì nó chạy ngang qua hoặc gần gần một số di tích của Con đường tơ lụa ngày xưa, trong đó có thể kể đến Ngọc Môn Quan lừng danh... Hơn 10 giờ sáng nhưng mặt trời vẫn còn ngủ nghê sau những đám mây dày và cả gió bụi sa mạc. Gió rất mạnh và trời rất lạnh. Mùa gió ở đây là từ tháng 2 đến tháng 6. Lúc taxi dừng lại, chỉ đi từ xe vào nhà bảo tàng của Yadan một đoạn ngắn mà gió quất rát mặt, xô tôi ngả nghiêng đến nỗi tôi phải quay mặt, đưa lưng về hướng gió để bước xà lui… vào nhà.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100115.jpg
Yadan vắng tênh – hiếm thấy ở các khu du lịch đất trung Nguyên.



Do chúng tôi đi rất sớm nên giờ này chỉ có 4 tên lang thang vào sa mạc, trên chuyến xe bus của khu bảo tồn, và thêm 1 bạn hướng dẫn nói tiếng Hoa cứ tủng xoẻn rổn rảng – bạn phải trả thêm chi phí 20Y cho việc này, dù chiếc taxi của bạn có thể đi vào sa mạc bình thường, nhưng lại bị cấm.



Thời khắc này là lúc gió đang rất mạnh, do vậy, dù mặt trời đã bắt đầu lên cao, nhưng vẫn rất lạnh. Hôm trước, lúc còn ở Gia Dụ Quan, nhiệt độ trong ngày dao động từ 0-11độC, theo bảng thông báo nhiệt độ ở khách sạn. Ở đây, giữa Gobi, chắc còn lạnh hơn nữa, nhất là có thêm sự hỗ trợ của gió.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/giasamc.jpg
Yadan đầu ngày, bạn có nghe tiếng gió cát sa mạc thét gào?



HDV cứ tủng xoẻn, ku người Quảng Châu nhiệt tình dịch qua dịch lại cho ku người Pháp, tôi thì chui xuống cuối xe, nơi cửa sổ có thể mở ra được để chụp hình, nhưng cũng không mở cửa lâu được vì gió cứ thốc cát bụi tung tóe vào trong xe, vào trong máy chụp hình… Sau vài lần như vậy, cáu tiết, tôi kêu dừng hẳn xe lại và nhảy ào xuống sa mạc, kệ cho gió quất, kệ cho cát chui vào người, kệ cho lạnh giá làm tay cóng lên lẩy bẩy muốn rớt máy hình… Mấy tên kia lúc đầu xót cho những máy chụp hình đắt tiền nên ở lại trên xe. Dần dần nắng lên cao, gió bắt đầu nhẹ hơn… các tên đó mới nhảy xuống xe đi lon ton vào sa mạc. Tôi thì giờ đã có kinh nghiệm hơn (!?) - ở 4 mặt của chiếc xe bus, sẽ có một mặt được che chắn gió… tôi chui vào góc đó ngắm nhìn Yadan.


.....

backpackervn
27-05-2011, 13:53
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



Là bối cảnh cho những thước phim cuối của Hero, bộ phim kiếm hiệp nổi tiếng của đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu, Yadan National Park ngày càng thu hút du khách nhiều hơn, sau khi bộ phim Hero đã lôi cuốn một số lớn khán giả trong và ngoài Trung Quốc. Nói đến Yadan, người ta hay nhắc đến những tác phẩm “điêu khắc” mà thiên nhiên đã tự tạo. Tuy nhiên, ngoài một số “tác phẩm” mà bạn có thể dễ dàng hình dung, các “tác phẩm” còn lại đòi hỏi bạn 1 trí tưởng tượng rất cao, để có thể hình dung ra đó là gì.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/linhcu.jpg
Linh Cẩu đang giữ nhà?


Còn tại sao Yadan còn có tên là Thành phố ma? Nhiều truyền thuyết. Rất nhiều nữa là khác. Theo bạn HDV (và 1 số tài liệu trên mạng) kể rằng là ngoài nhiều những bức tượng mang dang dấp của quỷ dữ, mỗi khi chiều đi đêm xuống, hoàng hôn đổ nắng đỏ như máu xuống Yadan, những pho tượng đó càng thêm hung dữ khắc nghiệt, rồi những cơn gió đêm bắt đầu hú hét gào thét những âm thanh như oán đất, trách trời, hờn than, nỉ non, khóc lóc… làm những đoàn khách thương ngày trước mỗi lần ngang qua đều sởn tóc gáy… và cho rằng đây là nơi trú ngụ của ma quỷ. Hơn nữa, việc tự nhiên giữa sa mạc mênh mông không một bóng người tự nhiên lại có những kiến trúc “từ trên trời rơi xuống” như vậy, chỉ có thể là do ma quỷ làm chứ còn ai vào đây nữa!!!




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/kimtthp.jpg
Kim Tự Tháp?


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/csn.jpg
Nhân sư?


Tôi chỉ ở đây trong buổi sáng, nhưng cũng được nghe tiếng hú hét của lũ gió sa mạc điên cuồng, cũng đã lang thang bên những kiến trúc lạ lẫm của sa mạc, cũng ngơ ngác nhìn chúng lạ lùng đổi màu từ xám chuyển sang vàng lúc nắng lên… nên cũng có thể hình dung được nỗi sợ hãi của người xưa khi đêm xuống ở bên Thành phố ma Yadan này.


.....

backpackervn
27-05-2011, 13:55
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



Con đường và khu bảo tồn dừng lại ở “đoàn chiến thuyền trên đại dương” – những mô đá thẳng dài sắp xếp trên cát sẫm nhìn từ xa cũng giống giống những con thuyền thật. Chúng tôi được khuyến cáo không nên đi xa hơn khu vực đó vì cát lún, vì eo gió nên gió rất mạnh, vì thời gian có hạn… nhưng thật tình mà nói nếu có muốn đi xa hơn chỗ đó chắc mất cả ngày. Cát lún, làm bước đi rất nặng. Gió cát quất phần phật, làm cản bước tiến. Và nắng sa mạc giữa trưa đã xua tạn cái lạnh buốt ban sáng đi đâu mất. Đúng là thời tiết sa mạc có sự chênh lệch giữa đêm và ngày rất lớn. Gió mạnh vậy mà tôi đổ mồ hôi ướt đẫm khi lê bước chiêm ngưỡng những “tác phẩm” điêu khắc của thiên nhiên.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/hithuyn.jpg
Đoàn chiến thuyền




Nào là Kim Tự Tháp, nào là rùa biển, nào là sư tử… nhưng “pho tượng” rõ nhất là pho tượng “Nhân sư” này, và đây cũng là 1 trong vài pho tượng được rào lại để bảo vệ. Bạn cứ tưởng tượng là họ sẽ làm một cái hàng rào sắt trong cát lún sa mạc như thế nào đi nhé! Và việc bạn có tưởng tượng ra “pho tượng” này có phải là nhân sư hay không thì cũng tùy bạn luôn há!



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/ludumc.jpg
Lều du mục?


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/nhns.jpg
Công?



Nắng đã rất gắt. Trên đường lang thang từ “ chiến thuyền trên biển” về, tôi vừa đi vừa tìm nhặt những viên đá sa mạc nho nhỏ có màu huyết dụ và màu trắng trong như ngọc rất đẹp. Mang theo chúng đi suốt hành trình, rồi về tới quê nhà, những lúc rảnh rỗi tôi thỉnh thoảng mang ra nhìn, tưởng như còn nghe đâu đây tiếng gió sa mạc hú gào giữa thành phố ma Yadan.



Rồi chúng tôi chia tay Yadan, tiến về Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thời nhà Hán, sau 2000 năm vẫn còn, trong gió cát Gobi.

pcph
27-05-2011, 17:55
Pho tượng "Nhân Sư" ở trên được các bạn Tàu gọi là "Khổng Tước". Các bạn có thấy giống con công không?

backpackervn
29-05-2011, 10:40
@pcph, cảm ơn bạn, đó là lý do bpk đã để dấu (?) sau các chú thích. Có lẽ bạn đúng. Bpk có chỉnh sửa lại 1 vài chú thích.

………….


09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …




Vạn Lý Trường Thành, tôi vừa mới lang thang ở Huyền Bích trường thành, Gia Dụ Quan, vậy còn ham hố gì ở đây nữa?



Vạn Lý Trường Thành, được xây dựng, không phải bắt đầu từ thời Tần Vương thống nhất Trung Nguyên, mà là từ thời Chiến Quốc trước đó, lúc đó chỉ là những trường thành rời rạc, của các vương quốc nhỏ. Chính Tần Thủy Hoàng mới là người xây dựng thêm, vừa củng cố những đoạn thành cũ, vừa xây mới những đoạn thành mới, nối các thành cũ với nhau, vừa nối dài thêm để che chắn cho 1 Trung Nguyên vừa thống nhất rộng lớn của mình. Vạn Lý Trường Thành bắt đầu được biết đến như một “kiệt tác” của Tần Vương.



Nhưng, Vạn Lý Trường Thành được “đề cập” nhiều nhất, còn hiện diện rõ nhất hiện nay là Vạn Lý Trường Thành của nhà Minh, cho dù sau thời nhà Tần, đã có thêm 3 lần nữa trường thành được xây dựng ở các vương triều Hán, Tùy, Nam Tống, rồi mới tới Minh. Về kiến trúc, Vạn Lý Trường Thành của nhà Tần, Hán, Tùy được xây dựng khác với Vạn Lý Trường Thành của thời Nam Tống, Minh. Do vậy, so với Vạn Lý Trường Thành nhà Minh còn được bảo quản khá tốt ở nhiều nơi, đoạn Vạn Lý Trường Thành nhà Hán, được xây dựng từ thế kỷ I trước Công Nguyên, vẫn còn tồn tại sau hơn 2.000 năm, giữa gió cát cuồng nộ của sa mạc Gobi, dù chỉ được xây dựng bằng những vật liệu đơn giản,… vẫn là một điều bí ẩn và có một sức hấp dẫn rất lớn với những kẻ giang hồ (vặt) tò mò tọc mạch, như tôi.




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100128-1.jpg
Vạn Lý Trường Thành - hơn 2.000 năm giữa gió cát Gobi cuồng nộ…



…..

backpackervn
03-03-2012, 10:47
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



Tôi đến Vạn Lý Trường Thành của đời nhà Hán vào giữa trưa tháng 4. Nắng đã đổ lửa xuống sa mạc Gobi hoang vắng, biến sa mạc tê cóng buốt giá chỉ vài giờ trước đó giờ như chảo lửa. Chỉ thấy thênh thang mênh mang vàng cát bụi sa mạc, không một dấu hiệu mong manh màu xanh cuộc sống, dù một chút nhỏ nhoi… Nhưng, hơn 2.000 năm trước, nơi đây người ta đã xây dựng nên một bức tường thành hùng tráng, chỉ bằng rễ cây, bùn đất... Và chúng vẫn còn tồn tại đến giờ, dù dĩ nhiên là không nguyên hình nguyên vẹn, sau hơn 2 thiên niên kỷ giữa sa mạc cuồng nộ.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100146-1.jpg
Đoạn trường thành còn tương đối nguyên vẹn của Han Great Wall


Được Hán Vũ Đế cho xây dựng từ 101 trước CN, trong vòng 20 năm, lúc nhà Hán đang hùng cứ Trung Nguyên, ở đoạn Vạn Lý Trường Thành còn lại này, người ta thấy rằng chúng chỉ được làm từ rễ cây, đá sỏi nhỏ và bùn đất, được đầm, nén nhiều lần với một chất kết dính đặc biệt nào đó mà bây giờ vẫn chưa rõ - dù có nhiều giả thuyết giải thích cho việc chỉ với các nguyên liệu đơn giản vậy, trường thành có thể tồn tại giữa sa mạc cuồng nộ qua 2.000 năm. Chẳng thà chúng bị chôn vùi đâu đó, giờ khai quật được, chẳng thà chúng mọc lên ở những nơi môi trường không quá khắc nghiệt… còn có thể dễ hơn cho các nhà khoa học trong việc lý giải… chẳng thà…



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100135-1.jpg


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100136-1.jpg
Những gì người ta đã dùng để xây dựng nên trường thành.



Và có lẽ trong những VLTT tôi ngang qua, chỉ có đoạn thành này là “hàng thiệt giá đúng” chứ không phải bị “mông má” quá nhiều như ở những nơi khác, kể cả Gia Dụ Quan, Huyền Bích Trường Thành… chứ nói gì đến những đoạn VLTT ở gần Beijing.


...

backpackervn
05-03-2012, 13:11
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



Sáo rợ buồn chi lời chiết liễu
Gió xuân chẳng vượt Ngọc Môn Quan


(Vương Chi Hoán, Nguyễn Hiến Lê dịch).



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100151-2.jpg
Ngọc môn quan.


Ngọc môn quan! Ngọc môn quan! Ngọc môn quan!.....

Tôi đến Ngọc môn quan ngày mùa xuân!

Không có gió xuân, nhưng có gió, rất nhiều gió.

Gió lạnh buốt. Gió lạnh tê tái. Gió cát quất rát – khi tôi dừng chân nơi đây lúc mai sớm.

Gió nóng hầm hập. Gió nung người. Gió cát bỏng rát – khi tôi dừng chân vào giữa trưa.

Không một tiếng sáo. Chỉ có tiếng gió rít. Chỉ có tiếng gió gào.

Không một nhành liễu. Chỉ hoang mạc xác xơ. Chỉ có đám cỏ vàng úa, vàng cháy, tưởng như lát nữa sẽ bốc cháy dưới cái nắng trưa sa mạc…



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100149-1.jpg
Ngọc môn quan trưa tháng tư.


Ngọc môn quan!

backpackervn
13-03-2012, 14:57
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …


“Nhạn Môn Quan ở phía Bắc chim nhạn bay kín trời, là nơi Chiêu Quân sang xứ Hồ. Ngọc Môn Quan ở phía Tây, nhưng không phải thò tay xuống đất là có ngọc cầm chơi, mà chỉ vì tất cả ngọc nhập vào đất Trung Hoa đều đi qua cổng này.

Ngọc Môn Quan là trạm biên giới xa nhất về phía Tây của Trung Hoa lúc đó. Khu vực này khoảng 373km². Ngọc Môn Quan được xây bằng đất hoàng thổ, dài 24,7m, ngang 26,5m và cao 10,7m.
Tục gọi thành Tiểu Phương Bàn, khoảng 90km về phía Tây Bắc của thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc là một trong những cái ải quan trong nối liền con đường tơ lụa với địa phận Trung Quốc được thiết lập 2 lần vào đời Hán và Đường, Ngọc Môn Quan là nơi văn nhân mặc khách ngâm vịnh của Trung Quốc từ ngàn xưa.

Ngọc Môn Quan bây giờ đã là phế tích, nằm chơ vơ trên đồi nắng, làm bạn với gió và những bụi cỏ có tên "cỏ gai lạc đà” vì chỉ có lạc đà mới có thể nhấm nháp được chúng mà thôi. Bên kia đồi là một hồ nước trắng bạc một màu sương tuyết, xa xa là trập trùng núi.

Ngày đó thương nhân mang đá quí và ngọc thạch từ phương Tây qua cửa quan này để đưa vào Trung quốc nên cửa ải này mang danh "Ngọc Môn", thế nhưng nó nằm trong một vùng sa mạc vô cùng hẻo lánh. Ngọc Môn quan không chỉ kinh hoàng đối với Huyền Trang mà đối với cả quan quân sống ở miền biên tái lạnh lẽo” – Từ wiki & net.



Lúc ở trên xe, anh bạn người Pháp rất ngạc nhiên khi tôi và 2 bạn trẻ người Hoa rất phấn khích khi nói về Ngọc Môn Quan. Cậu chàng càng ngạc nhiên hơn khi xe dừng giữa đồng trống, xa xa, sau cánh cổng, sau hàng rào xiêu vẹo là mộ ụ đất như đã sạt lở gần hết nằm giữa đồng nắng cỏ cháy… Nhưng tôi nghĩ nhiều bạn sẽ hiểu rõ được sự phấn khích đó… Nhưng.


Ngọc môn quan, giờ còn đâu!


Cửa thành nổi tiếng mà người xưa kinh hoàng khi chuẩn bị ngang qua để tiến về Tây Vực xa xăm, từ Huyền Trang đến Hoắc Khứ Bệnh đến Trương Khiên…. tất cả đều khiếp sợ trước oai lực của thiên nhiên một khi bước qua thành đồn này.


Nhưng giờ còn đâu!



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100153-1.jpg
Những gì còn lại của Ngọc môn quan.



Đến với Ngọc môn quan, nhiều người sẽ rất thất vọng. Nhưng, một trưa nắng, lặng ngồi bên bóng râm của chút gì còn sót lại của thành xưa oai hùng, nghe như trong gió cát lồng lộng của hoang mạc tiếng những đoàn quân xưa, tiếng huyên náo của hàng hàng lớp lớp những đoàn thương nhân cùng bao châu ngọc reo mừng vì đến được thành xưa, trong cái nắng chói chang dễ tạo ảnh ảo dường như sẽ thấy trong cát bụi sa mạc đoàn lạc đà xiêu vẹo trong gió cát bước về phía trước,… Nhưng chỉ chớp mắt, sẽ thấy một hoang phế, một cô tịch, một rệu rã… như những hư danh, những tham vọng của cuộc đời, nhiều cuộc đời giờ chỉ là những hạt cát ngàn năm quẩn quanh mãi bay trong Gobi, bên Ngọc môn quan…


Tôi sẽ khó quên được buổi trưa nắng ở Ngọc môn quan này!


Sao tôi có thể quên!


***


Tần ngần chia tay Ngọc môn quan, mà tôi biết rằng sẽ rất khó một ngày quay lại, tôi cùng các bạn lao tiếp vào Gobi, giữa những cơn gió trưa sa mạc mỗi lúc càng cuồng nộ. Để rồi ngỡ ngàng qua đồng cỏ vàng một ngôi làng xưa hiện lên rờ rỡ trong nắng trưa.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100200-1.jpg
Đồng cỏ vàng giữa hoang mạc…

https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4100166-1.jpg
…bên ngôi làng xưa đổ nát ngoài kia.




….

donglc2811
18-03-2012, 02:51
Tiếp đi bác.cảm ơn bác nhiều!
Bài viết rất hay,hình ảnh thì quá tuyệt!!

backpackervn
27-04-2012, 14:27
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



“Ngôi làng đổ nát ngày xưa” thực ra là Hecang Cheng, hay Pháo đài Hecang, được xây dựng từ thời nhà Hán. Các nhà khoa học TQ cho rằng pháo đài được dùng để dự trữ lương thực, vũ khí đưa đến từ thành Trường An, để dành cho thành Dunhuang lúc đó sử dụng. Pháo đài hình chữ nhật vuông vắn này đã sụp đổ nhiều, chỉ còn lại một tháp canh trong 4 tháp canh ở 4 góc... Tuy nhiên, với 2.000 năm tuổi, được xây dựng từ bùn đất, trơ trọi giữa sa mạc cuồng nộ mà giờ nó vẫn còn được như vậy cũng là điều kỳ lạ. Nhưng, sa mạc cuồng nộ cũng là môi trường “giữ gìn” cho pháo đài này, nhờ vào độ ẩm rất thấp của nó.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100203-1.jpg
Pháo đài Hecang giữa Gobi


Lạ lùng là pháo đài cổ được xây dựng gần dòng sông Shule chạy giữa sa mạc Gobi. Dòng Shule ngày xưa rộng lớn ra sao không biết nhưng giờ cạn trơ khấc, leo teo chút nước đọng như những vũng bùn. Nhưng, giữa sa mạc mà có được những vũng bùn này là quá tốt rồi, nên quanh Shule có một đồng cỏ miên man. Có điều chắc lúc tôi đến mùa chưa về nên lũ cỏ khô vàng xác xơ. Chắc ngày non tơ, lũ cỏ xanh, sa mạc vàng, pháo đài Hecang nhiều ngàn năm tuổi kia sẽ là một điểm đến vô cùng thú vị của Gobi.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100175-1.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100190-1.jpg
Dòng Shule giữa sa mạc Gobi


Nằm cách thành Dunhuang chỉ 60km và 20km từ Ngọc Môn Quan nhưng rất ít khách du ghé thăm nơi đây. Cũng may là bác tài xế taxi tốt bụng đã rẽ ngang vào đây khi chúng tôi yêu cầu chứ không đi thẳng luôn. Hơn thế nữa, bác còn đưa chúng tôi đến 2 điểm viếng thú vị khác mà ít thấy các bạn nhắc đến, kể cả trên các diễn đàn du lịch nước ngoài.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100191-1.jpg

https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100206-1.jpg
Chia tay Hecang một trưa nắng, tôi đi, biết khó ngày quay lại.


(tbc.)

backpackervn
27-04-2012, 16:10
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100209-1.jpg
Những điểm đến thú vị trên cung đường này từ Dunhuang.


Xem sơ đồ trên, bạn sẽ thấy rằng tôi đã thăm viếng hết các di tích trên cung đường này rồi, từ Thành Ma Yadan đến Vạn Lý Trường Thành nhà Hán, đến Ngọc Môn Quan, đến Pháo đài Hecang (tôi không dùng từ “town” như ở đây nói về Hecang vì tôi có tìm đọc thêm và thấy rằng từ “pháo đài” là phù hợp về kích thước cũng như chức năng của Hecang). Vậy thì về Dunhuang thôi chứ còn đi đâu nữa. Nhưng không, giờ chúng tôi lại rẽ sang một nhánh khác để đến những điểm thú vị khác, một ngôi thành cổ nổi tiếng không kém Ngọc Môn Quan. Chúng ta cùng đến thăm ải Dương Quan nổi tiếng của ngày xa xưa nhé.


Nằm giữa Cam Túc & Tân Cương, ải Dương Quan (Yang Pass) thuộc huyện Dunhuang. Nằm phía nam Ngọc Môn Quan, Dương Quan còn có nghĩa là cửa ải phía nam (Dương còn có nghĩa là phía nam), nhưng nói đến Dương Quan, người ta nói về sự chia ly. Phần nhiều cũng do bài thơ Vị Thành Khúc nổi tiếng của Vương Duy thời nhà Đường, khi tiễn bạn lên đường đi sứ.

Vị Thành khúc

Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.


Bản dịch của Trần Trọng San

Sáng mưa ướt bụi Vị thành,
Tươi màu quán khách, liễu xanh rườm rà.
Xin vơi một chén quan hà,
Dương quan chốn ấy, ai là cố nhân?


Còn ở nước Nam, đại thi hào Nguyễn Du cũng từng nhắc đến Dương Quan trong một cuộc chia tay đẫm lệ của Thúy Kiều với chàng thư sinh yếu đuối họ Thúc.


Tiễn đưa một chén quan hà,
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.
Sông Tần một dải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.
(Truyện Kiều)



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100222-1.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100229-2.jpg
Thành Dương Quan giữa gió cát Gobi


Trong nhiều bản dịch của Vị Thành Khúc, tôi thích bản dịch này nhất. Tôi muốn đến Dương Quan, cũng để tự hỏi mình “Dương Quan chốn ấy ai là cố nhân?”


(tbc.)

backpackervn
30-04-2012, 11:11
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …


Đường đến Dương Quan lạ lùng thay, lại giống như những con đường đến miền Thổ Lổ Phồn ở Tân Cương bên bờ kia sa mạc. Vùng đất này, có thể gọi là hoang mạc hơn là sa mạc vì ít những đồi cát mà chủ yếu là đất hoang hóa vàng đỏ xác xơ cằn cỗi. Nhưng, giữa những hoang vu là những ốc đảo xanh mướt um tùm những vườn nho, như những vườn nho miền Thổ Lỗ Phồn ngày mùa thu năm nào tôi lang thang.


Và rất dễ nhận ra những nhà sấy nho bằng cái nóng thiên nhiên ở đây, cũng như ở miệt Tân Cương. Những căn nhà xây bằng gạch, có nhiều ô trống, để những chùm nho treo trong đó, giữa cái nắng nung người miền hoang mạc, và những cơn gió luồn qua những ô cửa trống mang đi chút nước hiếm hoi, dần quắt queo lại thành những trái nho khô ngọt ngào. Sự sấy khô này không bị ánh nắng mặt trời tác động nên những trái nho còn giữ được những sắc màu trong trẻo, bên vị ngọt ngào đậm đà của những hoa trái tinh túy của miền hoang mạc. Đó là chuyện nàgy xưa, còn bây giờ, chẳng biết người ta có xông diêm sinh, phun thuốc bảo quản,… để chống mối mọt, để bảo quản lâu hay không tôi chẳng biết. CHỉ hy vọng rằng những người dân nơi xa xôi đây chưa bị Hán hóa đến như vậy.


Đi mãi, ra khỏi những vườn xanh, mới thấy một ngôi thành nằm lặng lẽ bên dưới một dãy nhiều những ngọn đồi thâm thấp kéo nhau chạy miên man vào sa mạc đã vàng ruộm nắng xế - thành Dương Quan.


Dương Quan không được nhắc đến một dòng nào trong L.P. Tôi không ngạc nhiên về điều này, vì những tác giả của LP là người Âu Mỹ, cảm nhận, sở thích của họ về lịch sử, đôi khi về tôn giáo… thường có những khoảng cách đối với người Á đông. May là trong 3 đồng bọn chia nhau tiền taxi với tôi hôm đó hôm đó có 2 bạn trẻ TQ nên chúng tôi đã quyết định đi Dương Quan – dù cũng đã đọc, biết là ngôi thành trấn giữ ải xưa giờ không còn lại gì nhiều.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100224-1.jpg
Thành Dương Quan cũ, mới & dãy Alkin Snoro.


Được xây dựng vào thời Hán, 206 – 88 Trước CN, thành Dương Quan được xây trên một ngọn đồi cao hiếm thấy giữa Gobi (mà các bạn TQ thậm xưng là Alkin Snoro Mountain), do đó thành có vị trí đặc địa bởi tầm nhìn xa của nó. Ải Dương Quan cũng từng là cửa ngõ quan trọng trên Con đường tơ lụa. Thế nhưng, khác với Ngọc Môn Quan hay pháo đài Hecang còn được giữ gìn nguyên hiện trạng cổ nát, ngôi thành xinh đẹp bạn đang thấy lại là một khu thành mới. Những gì còn lại của Dương Quan còn rất ít và nằm xa xa trên đỉnh đồi, ở đúng vị trí chiến lược ngày xưa của nó.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100213-1.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100216-1.jpg
Thành Dương Quan mới.


Điều đáng nói là thành Dương Quan mới này, cũng là khu bảo tàng, khu du lịch,… là của một đại gia người Dunhuang. Đây cũng là bảo tàng tư nhân lớn nhất miền tây bắc nước này. Dù sao, người ta cũng tôn trọng sự thật là ngôi thành mới chỉ được xây lại có 3 bức tường thành, vị trí để trống của bức tường thứ 4, hướng nam, hướng về những gì còn lại của Dương Quan ngày cũ, nằm trên đồi Alkin Snoro.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100218-2.jpg
Xa xa, trên ngọn đồi, những gì còn lại của thành Dương Quan chỉ là cái tháp canh đã hoang phế như cái núm đất đó.


Dù sao, trên đất nước TQ, ở miền đất xa xôi cách trở, đọc được dòng chữ “Satisfying you will be our eternal aim!” quả là một điều rất ngộ!

backpackervn
02-05-2012, 12:41
09-10.04.2011 Đường tơ lụa mùa xuân giữa gió cát sa mạc Gobi …


Nhưng, nhìn thành Dương Quan mới toanh với chiếc cổng bán vé là tôi hết muốn vào, ku người Pháp cũng vậy. Chỉ có 2 bạn TQ xí xa xí xởn mua vé vào, tíu ta tít chụp hình (mình) với ngôi thành mới.


Vài chục Tệ (Y) cũng chẳng là bao, nhưng tôi không lấy gì làm hứng thú với cái thành mới này. Tôi cũng mới vừa đến từ Gia Dụ Quan, Huyền Bích Trường Thành,… chẳng bao lâu, biết rất rõ các bạn TQ thường làm gì với các ngôi thành mới này, nên thôi. Nên tôi dành thời gian lang thang bên ngoài, tính tìm đường leo lên tháp canh đã sụp, chút duy nhất còn sót lại của thành Dương Quan cũ, nhưng đường xa, dốc, bụi và nắng gió sa mạc bây giờ quá dữ dội nên đành loanh quanh ngó nghiêng tý chút, cũng vừa lúc các bạn TQ chụp hình xong đi ra. Cả bọn lại kéo nhau lên xe, thẳng tiến về Western Thousand Buddha Caves.


Nằm cách Dunhuang 35km, Hang Ngàn Phật này, cũng với những bức tranh, pho tượng Phật trong hang động, cũng hơn 1500 tuổi,… sẽ là một điểm đến hấp dẫn – nếu nó nằm ở đâu đó chứ không ở Dunhuang này. Sự “lấp lánh” của hang Mạc Cao/Mogao đã làm Hang Ngàn Phật bị lu mờ, nên rất ít du khách ghé thăm nơi này. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi rất muốn ghé nơi này, cũng như tôi để dành hang Mogao cho ngày cuối ở Dunhuang thay vì đi thăm viếng đầu tiên.


Nhưng ở đời muôn sự chữ duyên, nên chúng tôi đến Hang Ngàn Phật chỉ vài phút sau khi những cánh cửa khép lại. Lúc này mới tự an ủi mình, thôi thì để ngày mai đi Mogao xem luôn vậy!!! Thôi thì lang thang ngó nghiêng bên ngoài vậy.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100230-1.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100236-1.jpg
Bên ngoài Hang Ngàn Phật


“Lội” xuống dòng sông Dang giờ khô không khốc nhìn lên Hang Ngàn Phật bên bờ, mới thấy cảm khái làm sao. Sông xưa giờ đã không còn, nhưng những gì người xưa đã làm giờ vẫn trường tồn – giữa hoang mạc cuồng nộ. Còn bây giờ…



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100234-1.jpg
Tôi đang đứng dưới lòng con sông Dang cạn khô. Hàng Ngàn Phật nằm bên bờ kia con sông.


Rồi cả lũ leo lên xe về Dunhuang khi hoàng hôn đã chập chờn trên phố. Trả 100Y cho hành trình hơn 400km suốt ngày dài vào sa mạc, cảm ơn bác tài, chia tay đồng bọn, tôi lại một mình tìm đến khu đèn đỏ của Dunhuang, cho một đêm dài hoang mạc hoang dại (!?).



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4090037-1.jpg
Hoàng hôn xanh ngời yên bình ở ngoại ô Dunhuang, có ngờ đâu sa mạc chỉ vài bước ngoài kia.


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4100242-1.jpg
Phố đèn đỏ Dunhuang đây!



(tbc.)

backpackervn
02-05-2012, 15:01
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 1.


Sau đêm “hoan lạc” miệt mài, mệt nhoài không chỉ ở “phố đèn đỏ” thành Dunhuang/Đôn Hoàng (!?), buổi mai sớm hôm sau tôi ra đường đón chuyến xe bus sớm nhất đi Mogao/Mạc Cao, cùng với một nhóm các học sinh trung học TQ. Đáng tiếc vốn ngoại ngữ của các em yếu nên dù rất muốn chuyện trò để tìm hiểu thêm về cuộc sống, học hành, muốn biết cảm nhận của các em về Mogao… tôi chẳng hỏi han được gì.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4110243-1.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4110245-1.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4110297-1.jpg
Mogao mùa xuân hao gầy miền sa mạc.


Ai đã từng đi miền Tây Bắc TQ, đến Hành lang Hà Tây… mà không từng đến hang Mogao nổi tiếng – một trong những niềm tự hào của TQ với cả thế giới. Và quả thật khác với những điểm đến khác, nơi cổ, giả cổ, mới toe toét… lẫn lộn, Mogao là nơi hiếm hoi giữ được những nét nguyên sơ ban đầu của nó.



https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4110294-1.jpg


https://i926.photobucket.com/albums/ad107/backpackervn9/P4110294-2.jpg
Chưa vào được Mogao, tôi đã ngất ngư với những nữ thần Apsara quyến rũ – dù chỉ là những phiên bản.


Do đến sớm, đi một mình, tôi phải chờ các đoàn khách ngoại quốc khác để đi chung – dù tôi đã phải mua thêm vé phiên dịch. Lang thang bên ngoài, tôi đọc thêm, đọc kỹ càng ngỡ ngàng về Mogao.



“Mạc Cao Đôn Hoàng nằm ở miền tây bắc Trung Quốc, là kho tàng nghệ thuật Phật giáo to lớn nhất còn tồn tại, và được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên thế giới hiện nay. Năm 1987, Hang Mạc Cao Đôn Hoàng được đưa vào “Danh mục di sản thế giới”. Ủy ban di sản thế giới có sự đánh giá như sau: Hang Mạc Cao Đôn Hoàng nổi tiếng thế giới bởi các pho tượng điêu khắc và bích họa, đã thể hiện nghệ thuật Phật giáo liên tiếp trong suốt ngàn năm.


Hang Mạc cao Đôn Hoàng bắt đầu được khởi công vào năm 366 công nguyên. Theo ghi chép, một vị hoà thượng đức độ chống thiền trượng tây du, khi đến đây thấy hào quang Phật sáng loà một vùng, vô cùng xúc động. Thế rồi, ông quyết định đào một cái hang. Đó là cái hang đầu tiên trong dãy hang Mạc Cao. Tiếp theo sau suốt một thời gian dài từ thời kỳ “Tam thập lục quốc” đến đời Nguyên, việc đào hang đá đã kéo dài suốt 10 thời đại (khoảng 1500 năm). Ngày nay, hang đá mà hoà thượng đào đầu tiên, chúng ta không thể xác định được cụ thể là hang nào.Trải qua các triều đại tạc tạo, số lượng của các hang không ngừng tăng lên, đến thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, đã có tới hơn một nghìn hang động, bởi vậy hang Mạc cao còn được gọi là “Thiên Phật động”.


Sau khi trải qua sự biến thiên của lịch sử và phá hoại của con người, đến nay, hang Mạc Cao vẫn còn giữ lại gần 500 động, bảo tồn khoảng 5 vạn mét bích họa và hơn hai nghìn pho tượng. Các tượng của hang Mạc Cao muôn hình muôn vẻ, trang phục và sự biểu hiện của mỗi pho tượng đều khác nhau, phản ánh bản sắc khác nhau của các thời đại. Bích họa trong hang Mạc Cao cũng rất hoành tráng, nếu như nối những bức bích họa đó lại với nhau thành một dải, có thể tạo thành một hành lang bích họa dài 30 Km.” – Từ nhiều nguồn, internet.


(tbc.)

likemoon
03-05-2012, 10:15
Hay quá bạn BPK ơi, đọc trải nghiệm của bạn ở nơi mình đã đi qua cứ như được đi lại một lần nữa ấy, thật tuyệt, tks :)

backpackervn
03-05-2012, 15:22
@ likemoon, cảm ơn bạn chia sẻ. Nói thiệt là sau khi bpk đi về rồi mới đọc loạt bài “Khám phá con đường tơ lụa” của bạn, dù có biết trước đó. Lý do là vì bpk không muốn đọc trước, nhiều thông tin được biết trước quá sẽ giảm đi ý nghĩa của việc “khám”, “phá” (!?). Và đúng như bạn nói, bpk cũng đã gặp một Con đường Tơ lụa khác, rất thú vị của bạn, được “sống” lại những ngày lang thang đã đời du côn khó có thể quên đó. Và sau khi đã ngất ngư với Đôn Hoàng, quyết định sẽ đi đâu sau Đôn Hoàng vô cùng khó khăn với bpk lúc đó.

--------------------------------


Sẽ có rất nhiều bạn, cả tôi nữa rất rất rất không thích một điểm quan trọng khi viếng thăm khu di tích Mogao này: không cho chụp hình, và việc canh gác rất rất rất kỹ. Khác với các khu du tích khác mở rộng cửa thoải mái, ở Mogao, các gian hang động đều khóa chặt cửa, mỗi HDV đeo một chùm chìa khóa to đùng. Đến từng “phòng”, HDV mở cửa, bước vào trong đầu tiên, sau khi giới thiệu xong, HDV đứng canh khách ra hết, ra sau cùng và khóa cửa lại. Do vậy, cơ hội cho việc chụp hình lén rất khó. Chưa nói là trong hang động tối thui tối thùi, phải xem bằng đèn pin, chụp hình không flash, chụp lén nữa thì thật sự rất khó có hình đẹp. Và ngay cả việc chụp hình bên ngoài các hang động, ngay khi bạn vừa qua cửa soát vé, cũng bị cấm luôn!!!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110251-1.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110249-1.jpg
Những sắc màu đã đâu đó 1.500 năm tuổi


Tôi đi theo nhóm khách Tây, nên việc chụp lén gần như hoàn toàn không thể được (!?) vì các bạn ấy thường rất nghiêm chỉnh tuân thủ luật lệ. Trong khi đó, lúc tôi ghé vào một gian phòng khác của nhóm mấy bạn TQ thì tôi thấy có mấy bạn lén chụp hình. Nhưng thật sự mà nói, đi thăm Mogao mà không nghe thuyết minh thì mất hẳn sự hấp dẫn, do vậy tôi cũng không thể bỏ nhóm có phiên dịch tiếng Anh mà đi theo các nhóm khác được.


Nhiều câu chuyện “lạ”, dù được đọc, nhưng nghe các HDV thuyết trình, kèm theo hình ảnh minh họa mới thật sự “ngấm”, và càng khâm phục tài năng của người xưa. Tỷ như câu chuyện về sự “thay đổi hình thể, nhân dạng” của các Apsara qua các triều đại, hay sự “chuyển đổi giới tính” của Quan Thế Âm Bồ Tát….



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110252-2.jpg
Vẫn còn rạng ngời.



“Khi khai quật hang động, vô số thợ thuộc các triều đại của các thế hệ đều điêu khắc rất nhiều tượng Phật, vẽ rất nhiều bích họa. Do hang Mạc Cao Đôn Hoàng nằm trên nút “con đường tơ lụa”, nên nó cũng là nơi gặp gỡ của tôn giáo, văn hóa, kiến thức giữa phương đông và phương tây. Các loại hình nghệ thuật của nước ngoài và nghệ thuật dân tộc của Trung Quốc đã đan xen với nhau tại hang Mạc Cao. Phong cách nghệ thuật đa dạng muôn màu đã khiến kho báu nghệ thuật này trở thành cảnh quan sáng ngời rực rỡ.


Những bích họa ở đây phần lớn đều mang đề tài Phật giáo, ví dụ hình vẽ các loại Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, những bức vẽ liên hoàn theo cốt truyện trong kinh Phật, những bức họa về sử tích Phật giáo, kết hợp với những truyền thuyết và nhân vật lịch sử về Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc. Ngoài ra, bích họa của các thời đại đã phản ánh đời sống xã hội, trang phục, đồ trang sức, tạo hình kiếc trúc cổ đại và âm nhạc, múa, xiếc... của các tầng lớp và các dân tộc hồi bấy giờ. Bởi vậy, các học giả phương Tây coi bích họa Đôn Hoàng là “viện bảo tàng trên vách tường”. Thông tin từ internet.

(tbc.)

backpackervn
03-05-2012, 15:26
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 3.


So với các hang động nổi tiếng khác của TQ như Vân Cương, Long Môn, Mạch Tích… Mogao nổi tiếng không bởi vì sự to lớn hoành tráng hay điêu khắc sắc xảo của các pho tượng đá, phù điêu, tranh vẽ,… mà bởi chính sự sử dụng màu sắc, những nét vẽ tài hoa của người xưa. Câu hỏi và câu tự trả lời này được HDV bắt đầu ngay trước khi đưa nhóm chúng tôi vào thăm các hang động.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110256-1.jpg
Hoa lá ngày xưa.


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110277-1.jpg
Gương mặt thanh tú của một vị cao tăng, dù mờ phai theo năm tháng vẫn dễ dàng nhận ra.


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110258-1.jpg
Một vị thần canh cửa hang động (chữ E đó không thể ngàn năm tuổi).



Quả thật, khi vào trong các hang động, nhìn những tranh vẽ đâu đó 1.500 năm tuổi vẫn còn tươi mới sắc màu, những nét vẽ mềm mại thể hiện thần thái thanh thoát của các vị Phật, những nét uyển chuyển của những nàng Apsara, còn được gọi là Phi Thiên (Feitian),… Một điều thú vị khác nữa là có nhiều tranh vẽ có những tông hiện đại như những nét đen mạnh mẽ,… mà giải thích mới được biết là do sự oxy hóa của chì, có trong sơn được dùng vào thời kỳ đó. Trong một hang động nào (tôi chẳng nhớ là số mấy) có nhiều bức tranh của các vị bồ tát vòng quanh vách hang, lạ lùng là những vị bồ tát cuối cùng (tính theo chiều kim đồng hồ từ cửa hang) lại có đôi mắt có màu bình thường, trong khi đó những vị bồ tát trước đó có màu mắt trắng dã. Cô HDV giải thích là có lẽ khi trang trí lớp vẽ cuối của các vị bồ tát này, theo chiều kim đồng hồ, đến những vị bồ tát cuối cùng thì hết sơn, nên các vị không được vẽ thêm lớp cuối cùng. Không may (hay là may mắn thay) là trong lớp sơn cuối đó, có chất bị oxy hóa bay màu. Do vậy, các vị bồ tát không được “tráng” lớp sơn cuối cùng thì vẫn giữ được màu sơn nguyên thủy từ đó, trong khi đó các vị được vẽ lại có đôi mắt trắng dã lạ lùng.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110269-2.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110246-1.jpg
Những nét màu đen lạ so với phong cách thời đó.


Có nhiều câu chuyện như vậy được kể đến trong quá trình thăm viếng, không biết sự thật là bao nhiêu % nhưng chúng đã làm cho hành trình thêm phần thú vị.

(tbc.)

backpackervn
03-05-2012, 15:29
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 4.


Một câu chuyện thú vị khác (có thật) là sự “chuyển biến” của các Phi Thiên/Apsara. Từ là những nam thần ở thời kỳ đầu, dần dần các vị Phi Thiên này được chuyển giới thành những nàng Apsara xinh đẹp. Thú vị hơn nữa là vẻ đẹp của nữ giới qua các thời kỳ cũng khác nhau. Ở thời Ngụy, Tây Chu các pho tượng, các bích họa đều mảnh mai thanh thoát. Đến thời Tùy (hay Đường gì đó, tôi nhớ không chính xác), nét đẹp nữ giới lúc đó mang tính phồn thực, phì nhiêu. Do vậy, để các nàng Apsara xinh đẹp mũm mĩm có thể bay lượn trên trời cao được, các nghệ nhân phải thêm vào những đám mây, để “nâng” các nàng lên. Cho hợp lý hơn và cũng để tôn hơn vẻ đẹp của các nàng.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110284-1.jpg
Một vị thần gác hang khác. Tôi chờ mãi bóng nắng đi để chụp tấm hình này – cuối cùng chẳng chờ nổi.



Câu chuyện này được minh họa rất rõ ràng qua hình ảnh của các (nàng) Apsara qua các hang động khác nhau, ở các thời kỳ khác nhau.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110289-1.jpg
Tiếc là chẳng chụp được các hình ảnh “chuyển đổi giới tính” của các Apsara nào hết, đành mượn tấm hình diễm lệ của nàng Apsara này.


Sự “chuyển đổi giới tính” của các Phi Thiên/Apsara này diễn ra trong các hang động ở thời Đường. Thời gian này cũng chính là lúc Quan Thế Âm Bồ Tát cũng được “chuyển giới” thành Nữ Bồ Tát



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110303-1.jpg
Quan Thế Âm Bồ Tát của thời còn là Nam Bồ Tát.


(tbc.)

Mèo Bay
03-05-2012, 23:35
https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110258-1.jpg
Một vị thần canh cửa hang động (chữ E đó không thể ngàn năm tuổi).[/I][/CENTER]


Mèo không nghĩ đó là chứ E mà nghĩ nó là lá cờ kiểu xưa, có 3 cái dải bay tung tăng. Trong phim cổ trang hay có loại cờ này nhưng thường có nhiều dải hơn chứ không phải chỉ có 3 dải.

Kiểu dạng dạng như thế này này:

https://img5.mypsd.com.cn/20111101/Mypsd_67396_201111011321430094B.jpg

backpackervn
04-05-2012, 10:06
https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110258-2.jpg
“Chữ E” hay “lá cờ”?


@ Meo Bay, cảm ơn thông tin của bạn. Bpk phóng to & cắt hình lại để các bạn xem thử thế nào há. Thực sự, việc đầu tiên đập vào mắt bpk là màu sắc quá sáng và mới của “chữ E”/“lá cờ”, thứ nữa là nó không trùng với bất kỳ một màu nào của các hình ảnh ở hang đó, nên bpk nghĩ rằng “hình vẽ” này mới được thêm vào sau. Rồi sau khi phóng to hình, xem kỹ, vẫn không thấy cán cờ đâu hết (có thể cán cờ vẽ bằng màu khác, màu đó giờ đã bay), nên phân vân vô cùng. Tiếc là hang này không thấy đánh số, bpk tìm kiếm thông tin ở hang 231 (kế bên hang này, nhưng các hang có số gần nhau chưa chắc là gần nhau về niên đại – theo Dunhuang Academy) cũng không thấy thông tin gì thêm. Thôi thì cứ thấy sao nói (bậy) dzậy, mai mốt có thêm thông tin hoặc có bạn nào đi sau tìm hiểu kỹ bổ sung thêm thì càng tốt. Thanks, again!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110246-3.jpg
Và một tranh tường khác, cũng có 2 sọc màu đỏ khá lạ & chắc không cùng thời với những tranh chính ở hang này.


----------------------------------------------------------

11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 5.


Một điểm thú vị khác là từ các hang động đầu tiên năm 366, nhà Ngụy, trải qua thời Tây Ngụy, Tây Chu, Tùy, Đường,.. đến Tây Hạ, các pho tượng, bích họa trong các hang động đã thay đổi rất nhiều. Cũng những pho tượng Phật, các vị bồ tát… nhưng từ những đường nét mang dáng dấp người Ấn Độ với tóc xoăn, mũi cao thời kỳ đầu đã dần chuyển sang những gương mặt tròn trẹt dáng dấp người Hán, để đến những hang động thời Tây Hạ người ta lại thấy những ảnh hưởng của Tây Tạng.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110267-2.jpg
Hang động này mở cửa, không khóa, nhưng lại không có đường lên!


Một hang động kỳ bí khác là hang 96, hang lớn nhất bạn có thể thấy từ bên ngoài, rất xa. Hang thường được dùng như biểu tượng cho Mogao, pho tượng Phật cao 35,5m, được cho là làm từ hình mẫu của vị nữ hoàng duy nhất đất Trung Nguyên, Võ Tắc Thiên.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110262-1.jpg
Hang 96 – vị trí được yêu thích chụp hình của các bạn TQ, còn được gọi là Hang Chín Tầng hay Đại Vân Tự!


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/Cave96.jpg
Gương mặt của Phật Maitreya trong hang 96, được Võ Mỵ Nương cho rằng
đã tái sinh trong thân xác của bà (source: Dunhuang Academy)


Pho tượng Phật Maitreya trong hang 96 này, từ vị trí là pho tượng cao thứ 4 trên thế giới đã trở thành pho tượng cao thứ 2, sau khi hai pho tượng cao thứ 2 và thứ 3 ở Bamiyan, Afghanistan bị Taliban đánh bom đổ nát năm 2001!


(tbc.)

backpackervn
04-05-2012, 12:07
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 6.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/Mogao-1.jpg
“Lược sử” Mogao (nguồn Dunhuang Academy).


Thông tin về Mạc Cao, Đôn Hoàng rất nhiều, không chỉ tiếng Trung mà còn nhiều trang web Anh Ngữ đều có. Bạn quan tâm, có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Nhưng so với các hang động Vân Cương, Mạch Tích, Bính Linh… tôi may mắn được viếng thăm thì ở đây, ngoài việc hạn chế số lượng quá ít các hang được thăm thì việc thông tin được cung cấp quá hạn chế cũng làm gia giảm ít nhiều hứng thú. Ở các khu vực khác, ngay trước mỗi hang động đều có những tấm bảng, bằng đá hoặc đồng,… ghi chú là hang số mấy, có từ năm nào, đời nào, trong đó có gì đặc biệt, có gì lý thú… Khách ham hố như tôi thường phải chụp hình tấm bảng đó, vì sẽ rất dễ quên sau đó, khi có quá nhiều thông tin ập đến trong ngày. Rồi ngày sau, khi nào cần, đọc lại những thông tin trong tấm bảng ghi chú đó sẽ biết kỹ hơn, hoặc với những từ khóa trong đó, việc tra cứu thông tin bằng Google sẽ dễ dàng hơn. Còn ở Mogao, có thể xem là nổi tiếng nhất TQ thì ngoài tấm bảng ghi hang số mấy (mà nhiều hang còn không có) chẳng có thêm một thông tin nào khác. Chẳng hiểu tại sao nữa. Thêm nữa, việc cấm chụp hình! Tôi rất hiểu là ánh đèn flash sẽ làm hư các bức tranh cổ, nhưng ở nhiều nước khác, kể cả nước nghèo như Tích Lan,… họ vẫn cho phép khách chụp hình các bức tranh tường cũng đã 1.500 tuổi của họ, với điều kiện là tắt flash. Tôi thấy người dân, du khách ở đó dù nhiều người với máy ảnh ít tiền vẫn vui thích với các tấm hình chụp được và tuân thủ nghiêm ngặt việc không dùng đèn flash, mà họ được nhắc nhở, bằng lời, ngay từ khi bước vào các hang động, cũng như bằng nhiều bảng biểu trong khắp hang động. Hay có lẽ dân TQ đông quá, khó quản lý, hay có lẽ…, hay có lẽ… Cái này dành cho những nhà quản lý chuyên nghiệp trả lời giúp.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110246-5.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110301-1-1.jpg
Hình chụp lén (nhưng quên mất hang số mấy rồi).


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110307-2-1.jpg
Tấm hình “lạ” về Quan Thế Âm Bồ Tát này tôi cũng rất thích.



Tôi dự định dành cho Mogao nguyên ngày, nhưng thực tế, tour đi theo HDV thuyết trình bằng tiếng Anh chỉ khoảng 2g đồng hồ. Một điều ràng buộc khác nữa là HDV phát tai nghe qua FM Radio cho khách, nên sau khi đi xong, HDV thu gom các tai nghe và cũng gom khách đẩy ra ngoài luôn! Nên có muốn ở lại lang thang cũng không được. Và tôi cũng thấy rằng, chẳng hiểu tại sao, có một vài hang động người TQ vào, nhưng nhóm của chúng tôi không vào.


Một điều rất rõ là nhóm khách Tây được đưa vào Tàng Kinh Động (Library Cave) đầu tiên. Không chỉ vì hang này quan trọng, mà còn vì đây là nỗi đau, sự “sỉ nhục” của người TQ khi rất nhiều những tài liệu, hiện vật quý giá của các nhà sư Mogao giấu trong hang từ thời Tây Hạ (TK XI) đã bị các các nhà thám hiểm Tây Âu đến khuân đi gần hết, chỉ ngay những năm 1900, khi Mogao được “phát hiện”. Nên có lẽ, bây giờ cần được nhắc nhở/cảnh báo trước!!!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110300-1-1.jpg
Mogao, một ngày mùa xuân.


Dù là tỷ phú thời gian (!) nhưng giờ tôi chẳng còn biết làm gì ở đây! Lang thang ngoài khuôn viên, chắt mót chụp cố những tấm hình cuối với cái máy cùi bắp, ghé thăm Bảo tàng mới,… tôi tiếc nuối chia tay Mogao nhảy lên xe quay về Dunhuang.



Trong sub-topic về Mogao này, 2 tấm hình lấy từ internet tôi đều ghi chú nguồn.


(tbc.)

backpackervn
04-05-2012, 13:04
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 7.


Trung Nguyên tháng 4 có còn xuân.

Mùa xuân sao tuyết băng trắng xóa nơi Bính Linh.

Mùa xuân sao cỏ cháy miền Hecang.

Mùa xuân sao nắng cháy Ngọc Môn Quan.

Hay vì gió xuân không qua được Ngọc Môn Quan.

Minh Sa tháng 4 có còn là mùa xuân.

Nếu. Mùa xuân sa mạc có khác mùa xuân đồng bằng, mùa xuân phố thị.

Khác. Đương nhiên khác. Mùa xuân sa mạc chắc sẽ rực cháy màu vàng. Của cát, không phải của mai vàng.

Nhưng mùa xuân sa mạc vẫn là mùa xuân hồng.



Ngỡ rằng mùa xuân đã qua, những ngày tháng 4 miền sa mạc cát, cát và cát, tôi nào có mong chờ mùa xuân. Từ ngày rời thành Lan Châu đến Gia Dụ Quan ngày cháy đêm giá, đến Yadan gió buốt, Dương Quan nắng bỏng… tôi nào nghĩ còn mùa xuân nơi đây.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110312-1.jpg
Đường làng, ban đầu thớt thưa vài cành đào, đã làm tôi ngỡ ngàng…


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110314-1.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110317-1.jpg
..rồi ngập tràn trong bóng đào, che lấp cả đồi cát vàng xa xa. Mới hay mùa xuân vẫn còn đây!


Để chiều nay đến Minh Sa, tôi ngỡ ngàng gặp mùa xuân hồng sa mạc.


(tbc.)

likemoon
04-05-2012, 15:06
@bpk: Hoa đào vùng sa mạc, thật là ngạc nhiên và đẹp quá.
Lúc trước tớ cũng mang trộm máy ảnh vào, đi cùng nhóm khách TQ ( vì tiếc 20Y tiền khách nước ngoài mà tớ không biết là sẽ có phiên dịch :D) , đi hết hang nọ đến hang kia mà không hiểu gì nên không thấy thú vị, tớ tắt flash đi để chụp trộm nhưng máy lại hắt ánh sáng laser màu đỏ lên vách hang, thế là bị cô HDV ngay lập tức mắng cho tơi tả, khách thăm quan tất cả quay lại nhìn làm mình ngượng không biết chui đi đâu =)) , sau đó gặp một nhóm khách nước ngoài nên bọn tớ đi theo, từ đấy mới thấy chuyến đi có ý nghĩa, mới hiểu được giá trị của Đôn Hoàng và vì sao người TQ lại giữ Đôn Hoàng như diều hâu giữ trứng thế, đi với nhóm nước ngoài chỉ được đi có ít hang động, nên đi xong bọn tớ lại quay sang đi theo nhóm TQ, họ đông quá, vào đâu cũng chật chội ko xem được gì, cũng ko hiểu gì hết, thế là thôi đi ra mà trong lòng cảm thấy tiếc nuối ( vì vé vào cửa đắt quá mà đi được ít quá, lại chỉ có mấy hình chụp trộm rung bần bật, mất đầu mất đuôi - vì sợ bị bắt lại bị mắng cho vãi tè như lúc nãy :))), không biết làm sao mà bạn Bpk chụp được nhiều hình thế ?

backpackervn
05-05-2012, 15:05
@ likemoon, ngày trước bạn đi còn có thể nghe ké HDV tiếng Anh chứ bây giờ thì khỏi luôn. Hiện nay, HDV hướng dẫn qua speaker phone, du khách nghe qua head phone của FM radio. Như vậy đỡ hơn ở các khu du lịch khác khi bạn bị tra tấn bởi những cái loa oang oang của nhiều nhóm Tung Của khác, nhưng lại tội nghiệp cho du khách tiết kiệm!!! Còn chụp hinh lén á, thì phải rình mò mọi thời cơ, trước đó phải kiểm tra và tắt hết các chức năng có thể bị phát hiện, như các tiếng bíp bíp khi khởi động, bấm máy, không sử dụng chế độ có đèn laser đỏ, dấu cái máy trong cái nón lúc nào cũng cầm trong tay, tranh thủ lúc HDV bận rộn trả lời câu hỏi… Đôi lúc phải hy sinh giữa việc xem, nghe, tỷ như HDV đang nói ở góc này thì lảng lảng ra góc khác xa xa hơn tác nghiệp. Thật ra, nếu đi 2 người (như nhóm của bạn) thì phân công một bạn giả đò tới hỏi han búa xua… để cản địa, bạn còn lại tác chiến thì càng dễ chụp hơn… Kinh nghiệp chụp lén nhiều, mà trả giá thương đau cũng nhiều!

------------------------------


11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 8.


Tôi lạc vào vườn đào bên chân sa mạc Minh Sa cũng là duyên may của kẻ nghèo!


Trên bước đường lang thang, tôi rất thích ngụ ở các Youth Hostel mà TQ đã phát triển rất tốt hệ thống dịch vụ này. Không chỉ vì ở các Youth Hostel này là rẻ nhất (mà thật vậy, có YH tôi ở Dali chỉ 15Y, mà nếu có thẻ thành viên, chỉ còn 10Y/đêm/giường, còn đâu đó khoảng 20-50Y là đắt nhất), mà còn vì nhiều điều lý thú khác. Đây là nơi bạn gặp gỡ bạn bè năm châu bốn biển, các YH hầu như có wifi miễn phí, đôi nơi còn có trà, café, nước nóng lạnh miễn phí,… nhưng điều thú vị nhất là bạn có thể kiếm bạn đồng hành để chia sẻ chi phí tiền nong (và nhiều thứ khác!), cũng như học hỏi thông tin. Trong đó, thú vị nhất là những cuốn sổ chia sẻ kinh nghiệm, đường đi nước bước – nhất là đi sao tiết kiệm nhất, và nếu được, chỉ luôn cách trốn vé vào cửa như thế nào luôn. Nói nào ngay, đây chính là thông tin tôi cần tìm nhất nên tôi thường ôm mấy cuốn sổ ghi chú đó mà đọc ngay sau khi làm thủ tục nhận giường/phòng.


Ở cái Youth Hostel duy nhất ở Dunhuang này cũng có một cuốn sổ ghi chú. Dù YH này vừa mới mở cửa (chưa có trong LP), các bạn phục vụ chưa nói được tiếng Anh nhưng trong cuốn sổ này có một trang hướng dẫn cách đến Minh Sa khỏi mua vé. Tiện đây tôi chia sẻ luôn nếu bạn nào đi sau tiết kiệm được 150Y (gần 500.000VND) thì nhớ mời tôi bia nhé. Từ Dunhuang, đi xe bus số 3 (trước KS Feitian) mất 2-3Y gì đó đến bến xe cách cổng chính vào Minh Sa khoảng hơn 100m. Xuống xe, bạn băng qua đường đi vào bất kỳ con đường nhỏ nào cũng được (nghĩa là con đường dọc theo đồi cát Minh Sa, bên tay phải). Đi vào đó, bạn rẽ phải, nghĩa là hướng về đồi cát Minh Sa bạn cứ đi đến lúc gặp một hàng rào. Đừng vội nản, cứ đi dọc theo hàng rào đó vài trăm mét là hết hàng rào (tiền đâu mà rào hết sa mạc!). Từ đó cứ thế mà tung tăng vi vu. Nhưng, nhớ đừng lảng vảng đến gần khu vực cổng chính vì bạn sẽ bị hỏi vé và phạt tiền.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110311-1.jpg
Đây, sơ đồ hướng dẫn của em nó đây.
Chụp lại từ cuốn sổ ghi chú của Youth Hostel ở Dunhuang. Bạn nào kỹ tính thì lưu lại luôn nhé!


Niềm vui được tham quan thắng cảnh miễn phí sẽ làm cảnh đẹp hơn bội bội phần, tin tôi đi! Đó là lý do chính để tôi thường trốn vé, mua vé bằng thẻ SV… chứ không phải vì tôi tiếc tiền đâu (?!). Một lần nữa, tin tôi đi!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110417-1.jpg
Cội đào này chắc đã hơn 100 năm tuổi!


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110326-1.jpg
Đào & sa mạc. (Thấy vậy chứ hàng rào đó cao hơn 2m, không trèo qua được đâu, chịu khó đi bộ ngắm cảnh vườn đào tý!)


Thêm nữa, nhờ có đi như vậy tôi mới lạc vào vườn đào bên sa mạc, mới gặp một xuân hồng, giữa cát vàng Minh Sa, bên hồ xanh Nguyệt Tuyền, dưới trời xanh mây trắng Đôn Hoàng một chiều xuân tháng 4. Nên, lại một lần nữa, tin tôi đi, bạn nhé!


(tbc.)

backpackervn
06-05-2012, 14:37
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 9.


Nhởn nhơ trong thôn làng, quấn quíu dưới những cội đào già, bên những mầm đào non,… rồi tôi bổ ngửa khi thấy bóng chiều đã về che thôn xóm. Tôi đến Minh Sa hơi muộn. Sợ nắng sa mạc, theo khuyến cáo của nhiều người là không nên đến Minh Sa lúc còn nhiều nắng sẽ rất mệt khi leo đồi cát, cũng như buổi xế trưa phải đi kiểm tra thông tin, hỏi mua vé tàu, xe cho cung đường kế tiếp… nên tôi rời Dunhuang muộn, giờ còn vướng víu với lũ đào hồng nữa nên mặt trời đã xuống bên kia đồi cát mà tôi vẫn còn ở đây.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110324-1.jpg
Chiều đã vàng nắng hoang hoải rồi mà hàng rào sao vẫn cứ thăm thẳm hun hút!


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110328-1.jpg
Nhưng cuối cùng, “cửa” sa mạc đã mở! Nhưng bóng chiều đã che mờ triền cát bên này rồi!


May mà cuối cùng, hàng rào cũng đã hết! Vừng đã mở cửa ra rồi!


Nằm ở rìa sa mạc, dài hơn 40km, ngang 20km, thực ra Minh Sa (còn có tên Thần Sa Sơn, Sa Giác Sơn) bao gồm 2 khu vực, khu vực núi đá (trong đó có hệ thống hang động Mạc Cao/Mogao) và khu vực núi/đồi cát thường được biết đến là Đồi cát hát Minh Sa.


Có tên “đồi cát hát” vì những ngày trời trong, gió nhiều, ở Minh Sa vắng tênh, người ta bỗng nhiên nghe những âm thanh như những tiếng kèn du dương, tiếng sáo thở than, tiếng trống oai hùng…, vang lên từ chính Minh Sa. Người ta chưa biết rõ nguyên nhân là gì. Các nhà khảo cổ người Nhật thì cho rằng bên dưới Minh Sa là những thành quách cổ xưa, còn người Nga thì cho rằng vì cát ở đây có chứa thạch anh, lý do tạo nên những âm thanh đó… Còn các nhà khoa học TQ thì cho rằng là do tiếng vọng của gió qua những triền cát khúc khuỷu, sắc nhọn của Minh Sa… Còn có truyền thuyết về ngày xa xưa, lúc bên Nguyệt Nha Tuyền có rất nhiều đền đài chùa tháp. Rất nhiều những lễ hội cầu cúng tưng bừng dâng lên ơn trên cầu mong được ban ơn mưa móc. Rồi đến một hôm, tiếng trống chiêng kèn sáo nhã nhạc tưng bừng của hội hè đã quấy rối giấc nam kha của Hoàng Tử Rồng Vàng ở đồi cát bên cạnh. Cáu kỉnh, bực bội, Hoàng Tử Rồng Vàng đã thổi nguyên một đồi cát mênh mông ụp lên đám sinh linh vô tội. Và những linh hồn tội nghiệp đó giờ vẫn đang hoài khua chiêng múa trống khóc thương cho những phận người bèo bọt. Truyền thuyết này có lẽ tô vẽ thêm một tý để gắn liền với hình ảnh những dãy cồn cát uốn lượn chạy dài miên man mà không khó để tưởng tượng ra là những chú rồng vàng đang uốn lượn ở Minh Sa.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110332-1.jpg
Chia tay vườn đào xuân hồng tôi leo lên Minh Sa….


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110338-2.jpg
…tôi đi vào hoang vắng với quanh tôi chỉ cát, cát và cát!


Chẳng biết ai là đúng nhất hay tất cả đều đúng, nhưng một chiều nắng đẹp đến đây mà được nghe gió hát quả thực rất thú vị. Nhất là khi một mình bạn giữa những đồi cát mênh mông, cách biệt với đám đông nhí nha nhí nhô rất xa đằng kia, nếu đi bằng con đường "chính ngạch"!


(tbc.)

backpackervn
06-05-2012, 14:41
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 10.


Tôi không phải là người duy nhất đi bằng con đường trốn vé vào Minh Sa chiều đó, vì trên đồi cát, tuy không thấy người nhưng vẫn còn dấu chân của ai đó đi lên đồi cao. Chính những dấu chân đã thôi thúc tôi tiếp bước khi quá mệt, vì tôi nghĩ rằng người ta đi được sao mày không đi được!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110334-1.jpg
..nhưng tôi đi một mình sao có đến 2 dấu chân?


Lúc đứng ngoài, nhìn đồi cát vàng óng mượt, tôi cứ nghĩ rằng đi lên trên cao kia chắc không mấy khó khăn. Nhưng rồi tôi mới thấy mình lầm, rất lầm, mới biết tại sao bên phía cổng chính người ta làm thang để khách lên đồi cát, mới có dịch vụ cho thuê ủng chuyên biệt để đi trên cát… Vì ở đây, tôi cứ bước một bước là cát sụt xuống, đưa tôi trở lại vị trí cũ, có khi còn thấp hơn, nếu tôi chậm chạp không tiến thêm bước nữa. Đó cũng là lý do những hố cát sâu thắm của người đi trước giờ vẫn còn, chưa bị lấp. Hơn nữa, đôi giày cùi bắp, không có sức cản cát như các đôi ủng chuyên nghiệp kia làm tôi càng dễ bị lún sâu hơn.


Nhưng tôi vẫn phải cố gắng hết sức mình vì phía trước vẫn còn những đồi cao, bóng chiều đã nhuộm xám những triền cát vàng, và quan trọng hơn nữa, hồ xanh Nguyệt Nha Tuyền ở đâu tôi vẫn chưa thấy!


Tôi lại lê bước, không dám thả người ngồi xuống nghỉ vì sợ, vì biết rất rõ thân lười này mà ngồi xuống thì khó lòng đứng lên đi tiếp những bước khó nhọc này. Cát hát ở đâu tôi chưa nghe, có lẽ vì tiếng thở phì phò phì phạch của mình quá lớn, mà hình như tôi không chỉ thở bằng mũi mà thở bằng tai nữa nên tai không còn nhiệm vụ để nghe.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110346-1.jpg
Làng quê với vườn đào giờ xa xôi lắm rồi!


Cát, mênh mông cát, những triền cát mênh mông trong nắng chiều muộn hoang hoải vàng, làm cát vàng thêm. Đi xiên xiên xẹo xẹo xiêu xiêu vẹo vẹo theo con đường chữ Z vì không thể lên đường dốc đứng theo đường thẳng, tôi lần mò mãi mới lên lưng chừng đồi cát. Những vườn đào hồng bên dưới giờ đã nhập nhoạng trong bóng chiều của đồi cát che khuất. Xa xa, những triền cát uốn lượn như những chú rồng vàng lưng chừng trời. Vẫn chưa thấy Nguyệt Nha Tuyền, tôi cắn răng bước tiếp. Và kia rồi, giữa những chú rồng vàng Minh Sa đang nô đùa uốn lượn giữa trời chiều xanh thẳm, bên đền đài lạ lùng giữa sa mạc, một chấm xanh xuất hiện – Nguyệt Nha Tuyền kia rồi!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110344-2.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110390-3.jpg
Nguyệt Nha Tuyền thấp thoáng xa xa giữa triền cát – rồng vàng uốn lượn Minh Sa.



(tbc.)

backpackervn
07-05-2012, 12:52
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 11.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110348-1.jpg
Triền cát vẫn còn che vầng trăng lưỡi liềm Nguyệt Nha Tuyền! Đi tiếp đi ku!


Nhưng, thấy vậy mà cũng chưa phải vậy, vì tôi chỉ mới thấy được một góc của Nguyệt Nha Tuyền, vẫn chưa thấy được vầng trăng lưỡi liềm xanh vì triền cát sa mạc ngay trước đã chắn mất tầm nhìn. Lại cắn lưỡi thở dài lê lết tiếp, đến lúc thấy được trọn vẹn Nguyệt Nha Tuyền là tôi đổ phịch xuống. Mà phải đổ ngang ngang người cho nói khỏi lún, tụt xuống, rồi thề rằng sẽ không bước tiếp thêm một bước nào nữa!



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110364-1.jpg
Đây rồi, Nguyệt Nha Tuyền đây rồi, vầng trăng lưỡi liềm xanh của tôi đây rồi!


Là một trong 8 cảnh đẹp của Dunhuang ngay từ thời nhà Hán, hồ xanh hình trăng lưỡi liềm chơi vơi giữa sa mạc vàng cát Minh Sa này có tên Nguyệt Nha Tuyền từ thời nhà Thanh. Còn có tên Ác Oa Trì, Sa Tinh, Dược Tuyền,… chiếc hồ Nguyệt Nha Tuyền sao mãi vẫn trong xanh giữa sa mạc cát khô vẫn còn là câu hỏi chưa được giải đáp của các nhà khoa học.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110368-2.jpg
Nguyệt Nha Tuyền lộng lẫy xanh giữa sa mạc vàng cát. Nhưng còn đến bao giờ!
(Bạn lên mạng xem sẽ ít thấy hình chụp góc này (tháp bên phải, hồ bên trái) vì hầu hết các bạn đều đi cổng chính và chụp từ góc bên kia).


Nhưng, sự tàn phá của con người, nhất là trong những năm gần đây quả là khó thời đại nào bì kịp. Dù 2.000 năm tuổi vẫn tươi xanh từ thời nhà Hán, thời gian gần đây hồ đang cạn dần với tốc độ chóng mặt. Từ độ sâu trung bình 4-5m vào năm 1960, đến những năm 90 thế kỷ trước, độ sâu trung bình của hồ giờ chỉ còn 0,9m! Do vậy, nếu hâm mộ Dunhuang, có ý định viếng thăm Nguyệt Nha Tuyền bạn nên tranh thủ đi sớm nhé!


(tbc.)

backpackervn
07-05-2012, 12:59
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 12.


Ngồi yên trên cát cứ lún từ từ, tôi hí hoái, lúi cúi chụp vài tấm hình Nguyệt Nha Tuyền ở các góc có thể xoay người được, zoom to rồi zooom nhỏ. Tôi không muốn đi lên cao nữa vì càng đi thì thấy đồi cứ cao dần, độ cao bị khuất tầm mắt mà lúc đứng dưới thì cứ ngỡ gần. Đi miết cứ thấy cao miết, nên thôi. Tôi cũng không muốn tiến gần hơn về Nguyệt Nha Tuyền vì đã thấy có người đứng dưới đó chỉ trỏ về phía tôi. Chẳng biết đó là bảo vệ hay những du khách đang ganh tỵ vì tôi đang phiêu diêu một mình trên những đồi cát thênh thang trong khi họ đang ở xa tít, đông đúc bên dưới (?). Chẳng biết, chẳng cần quan tâm, chỉ muốn ở đây, giờ này, một mình, trên triền cát mênh mông Minh Sa, chờ nghe gió hát, nghe gió về đưa hồn tôi lên phiêu diêu cũng lũ mây giang hồ kia...


Thiệt tình mà nói, hôm đó tôi không nghe tiếng sáo nhị chiêng trống… như những gì người ta nói về Minh Sa. Chỉ thi thoảng nghe gió hu u ú. Tiếng hú hơi rờn rợn như một khuya nào trời trở gió tôi một thân một mình ở Côn Đảo, làm tôi cả đêm cứ chập chờn khi không xa lắm ngoài kia là Hàng Dương. Nhưng, ở đây không Hàng Dương, không Ma Thiên Lãnh, không ngục tù và buổi trời chiều sa mạc xanh ngắt nên tôi không có cảm giác rùng mình gai người như đêm đó, chỉ thấy phiêu diêu.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110389-1.jpg
Sao tôi quên khoảnh khắc này, buổi chiều đó ở Minh Sa.


Rồi tôi nằm xuống, ngửa mặt nhìn trời xanh, thấy mình đang trôi chầm chậm xuống đồi cát, nhắm mắt lại, nghe những cơn gió chiều sa mạc đã lành lạnh ve vuốt mà ngỡ mình đang bay lang thang cùng lũ mây trắng trên kia. Không một tiếng nhạc, không âm thanh, chỉ có tiếng gió thi thoảng bay bay nhè nhẹ, không gian bình yên đến nỗi nhiều khi tôi ngỡ rằng mình đang nghe tiếng mình trượt trong cát. Cho đến lúc không còn nắng ấm chống trả những cơn gió chiều, tôi giật mình nhìn quanh mới thấy mặt trời đã qua bên kia đồi cát cao nhất, bóng tối đã ngập nhiều những triền cát thấp bên này, bên dưới, xóm làng đã chập choàng…



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110401-1.jpg
Chiều đã về trên thôn xóm dưới chân Minh Sa….


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110393-3.jpg
…đã nhuộm hồng một góc nọ Minh Sa


Tiếc nuối nhìn Minh Sa, nhìn Nguyệt Nha Tuyền tôi thả người nhẹ nhàng trượt xuống đồi cát, men ngược về “cửa rào” sa mạc, tôi đi.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110397-1.jpg
Chia tay Nguyệt Nha Tuyền đã bảng lảng bóng chiều, tôi đi!



(tbc.)

backpackervn
07-05-2012, 13:06
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 13.



Không men theo hàng rào ven sa mạc nữa, tôi đi thẳng vào làng luôn. Lúc đầu chỉ vì lười. Vì đường ven sa mạc cát lún khó đi, còn đường làng dễ đi. Sau mới thấy lạ, ở Minh Sa mặt trời đã qua bên kia đồi, che khuất cả bên này đồi cát, nhưng tiến sâu vào trong làng thấy vẫn còn nắng. Té ra, những triền cát cao hơn 250m của Minh Sa đã che những triền cát bên dưới chân nó, chứ bóng núi vẫn chưa phủ được xuống làng. Thế là tôi tiếp tục lơn tơn đi ngắm, chụp hình những vườn đào trong chiều muộn. Khác với đào tơ ở triền cát ven Minh Sa, ở trong làng có những cội đào to cỡ vòng tay của một nhóc 10-12 tuổi, chứng tỏ vườn đào này đã có từ rất lâu lắm rồi.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110414-1.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110433-1.jpg


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110429-1.jpg
Những con đường đào hồng, rơm vàng, trời xanh, mây trắng ven sa mạc Minh Sa



Đang lơn tơn giữa đường hồng làng xuân, chợt tôi nghe tiếng leng keng leng keng. Và rồi tôi thấy những cô gái, chàng trai trên xe đạp hay xe gắn máy dắt những chú lạc đà chạy túc tắc trên đường làng. Té ra ngôi làng này là nơi cung cấp dịch vụ lạc đà cho khách du lịch ở Minh Sa. Giờ, mặt trời đi ngủ, các cô chú cũng xong nhiệm vụ cho một ngày nên cũng đang được chủ đưa về “nhà”, nghỉ ngơi chờ một ngày mai lại cày cuốc.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110422-1.jpg

https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110438-1.jpg
Lạc đà giữa đường đào hồng


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110427-1.jpg
Ê, xê ra cha nội, sao chắn đường tụi tui!


Đang “buồn sầu” vì không có tấm hình “kinh điển” chụp đoàn lạc đà trên Minh Sa vì đi vào bằng cổng phụ, giờ tôi sung sướng với cảnh những đoàn lạc đà chạy giữa những con đường hồng rực hoa đào – cảnh còn khó thấy hơn cảnh đoàn lạc đà đên sa mạc!!! Tuy nhiên cũng hơi khó chụp, vì các chú đang túc tắc chạy chứ không phải đủng đỉnh đi. Đường làng nhỏ, mà các cô chú còn chạy phía sau một chiếc xe của chủ nữa nên đứng góc nào chụp cũng bị vướng hình chủ nhân của các chú. Loay hoay đứng nép vào hàng rào thì chụp chỉ được vài chú ngang bè, to đùng, mất đầu, mất đuôi… nên vừa lơn tơn đi, vừa canh chụp hình, đến lúc ra bến xe bus thì những tia nắng cuối cùng cũng sắp chia tay Minh Sa.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110444-1.jpg
Chia tay Minh Sa chiều muộn.


Tôi cũng chia tay Minh Sa, chia tay chút nắng vàng cuối cùng trên sa mạc vàng, tôi về lại Dunhuang.

(tbc.)

backpackervn
07-05-2012, 13:12
11.04.2011 Lộng lẫy động xưa Mạc Cao, ngân nga Minh Sa gió hát – 14.


Trước khi chia tay Dunhuang, thiết nghĩ cũng có vài dòng về thành phố này, đã “cưu mang” tôi những ngày lang thang nơi đây. Cứ mải mê nào Ngọc Môn Quan, Dương Quan, Mạc Cao, Minh Sa,… mà không nói về Dunhuang thì quả cũng hơi bất công.


Ngoài một điểm hơi lạ là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới nhưng số người biết nói tiếng Anh ở đây rất ít, Dunhuang có nhiều ưu điểm mà các thành phố du lịch khác của TQ không có.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4090020-2.jpg
Tượng Apsara duyên dáng ngay trung tâm Dunhuang.


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4090028-1.jpg
Đường phố Dunhuang


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4090039-1.jpg
Một con “phố đèn đỏ” Dunhuang.


Thứ nhất là những bảng chỉ dẫn tên đường bằng tiếng Anh rất nhiều, nên bạn rất dễ dàng kiếm đường đi đâu đó. Thứ nữa là thông tin về các tuyến du lịch & các phương tiện công cộng đến đó cũng rõ ràng ở các KS, nhà nghỉ, các tour du lịch (dù bạn chỉ vào đó để hỏi thăm chứ không mua). Thứ nữa là dân tình còn hiền lành, thiệt thà, VD như tôi và ku người Pháp hỏi đường, được tài xế taxi chở đến Youth Hostel chỉ mất 5Y/2 đứa, mà tôi hào phóng (!) chi 3Y, còn thằng ku kia cứ nói mãi là tao còn nợ mày (!). Khi đón bus đi Mogao (đã đổi chỗ so với LP) cũng được hướng dẫn nhiệt tình, dù tiếng Anh không biết. Cảnh sát cũng hiền lành. Tôi có đến Công An Dunhuang để hỏi thăm việc gia hạn visa thì được tiếp đón nồng nhiệt và sẵn sàng làm cho tôi, nhưng vì visa tôi còn nhiều hơn 7 ngày nên mấy em hẹn tôi mấy bữa sau quay lại (chỉ làm gia hạn visa 7 ngày trước khi visa hết hạn), trong khi đó khi tôi đến thành phố khác để làm việc này thì bị hỏi đủ thứ giấy tờ mà rất khó làm nếu không chuẩn bị trước từ quê nhà.


Thứ nữa là dịch vụ đa dạng. Có chợ ngày, chợ đêm, chợ ẩm thực, chợ lưu niệm. Mấy chợ kia tôi không biết chứ chợ ẩm thực & “chợ bia” thì bán đúng giá. Giá mỗi phần ăn chỉ từ 6-8-10Y, cái giá mà bạn khó tìm thấy ở các thị trấn quê bình thường chứ chưa nói đến các khu du lịch nổi/tai tiếng xứ Việt, mà họ nấu rất dễ ăn chứ không nhiều dầu mỡ như các nơi khác. Khách sạn, nhà nghỉ ê hề, giá phải chăng, tôi ở cái YH đó chỉ 25Y/đêm, nhà tắm nóng lạnh đầy đủ sạch sẽ…



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4090027-1.jpg
Sắc màu ẩm thực Dunhuang


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4100241-1.jpg

https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4110308-1.jpg
Ẩm thực Dunhuang, đâu chỉ 8-10Y/phần


Đường phố sạch sẽ, hơi lòe loẹt đèn màu xanh đỏ, nhưng chả trách họ được vì đây thuộc phạm trù “quan điểm”! Có điều chỉ lội bộ dăm phút ra ngoại vi bạn sẽ thấy những con đường quê đơn sơ đẹp… Khắp nơi trong phố bạn sẽ thấy các pho tượng các nàng Phi Thiên/Apsara duyên dáng, biểu tượng của Dunhuang. Các bạn nào thích quà lưu niệm thì sẽ dễ bị hoa mắt chóng mặt ở đây.


Đến Dunhuang, tôi còn một điều hơi tiếc! Ở đây chưa có bia Dunhuang hay Mogao hay Đẳng Hà, hay bia Tiên Nữ… mà chỉ có bia Hoàng Hà/Huang He. Thôi thì giữa sa mạc cằn khô này nhâm nhi Hoàng Hà, mơ về Hoàng Hà cũng hay hay.



https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4090023-1.jpg
Một chiều ở sa mạc Dunhuang với bia Hoàng Hà.


Nên tôi đi, chia tay Dunhuang rồi, đến những miền đất khác, mỗi khi cầm ly Hoàng Hà, tôi lại mỉm cười nhớ những ngày hạnh phúc thong dong Dunhuang.

backpackervn
07-05-2012, 15:37
12.04 Đường lên Thanh Hải – 1.



Đi đâu sau Dunhuang là câu hỏi được đặt ra từ những ngày tôi ở Gia Dụ Quan. Tôi bị áp lực về thời gian nếu chọn cung đường tôi dự tính từ đầu, vì cái tật la cà mãi không bỏ được. Đó là lý do tôi đến CA Dunhuang xin gia hạn visa dù vẫn chưa tới ngày để xin gia hạn, 7 ngày trước khi hết hạn. Ku người Pháp rủ tôi đi Thổ Lỗ Phồn/Turpan, nghĩa là đi tiếp Con đường tơ lụa, tôi cũng muốn đi. Bạn trẻ TQ cùng đi chung Yadan, Ngọc Môn Quan thì xúi tôi đi Ô Lỗ Mục Tề/Urumqi vì bạn vừa từ đó đến Dunhuang, khoe với tôi những tấm hình tháng 4 mùa xuân tuyết trắng xóa, ngập đến đầu gối chụp ở đó. Tôi cũng muốn đi luôn, sau khi đi Turpan. Bạn khác thì khoe bla bla bla… tôi cũng muốn đi luôn :T. Do đó tôi mới mò lên CA Dunhuang xin gia hạn visa, nhưng cuối cùng không gia hạn được tôi đành quay lại tính theo cách của mình vậy!



Nói nào ngay, ý muốn đi Turpan hay Urumqi cũng chỉ vì tôi quá ham hố, chứ tôi đã đi 2 nơi này rồi, nhất là tôi ghé đi ghé lại Urumqi mấy lần, thời gian lưu trú ở đó cộng lại cũng gần 2 tuần. Còn Turpan, dù đến đó rồi nhưng tôi lại chưa đi trên Con đường tơ lụa từ Dunhuang đến đó, nên lại sân si. Nhưng giấy tờ không xong, tôi phải tính lại, có nên đi Cáp Nhĩ Tân, Liêu Ninh như ý định ban đầu hay đổi ý.


Rồi tôi đổi ý (!),chuyển hướng đi. Chẳng hiểu sao những ngày lang thang sa mạc miền Cam Túc này tôi lại nhớ miền đất của các chư thiên. Nên tôi hướng về Tây Tạng, theo một con đường khác những con đường tôi đã từng đi, hoặc từng đi mà không đến được Lasha - đường Thanh Hải/Qinghai, Xining, Golmud.




https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4120447-1.jpg
Đường lên Thanh Hải, lúc 12.46pm, giữa trời mây xám mịt mù, dù Dunhuang mới vừa xa (xe đi lúc trưa) nắng rực rỡ…


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4120453-1.jpg
…lúc 1.49pm, con đường chạy ven sông băng…


https://i812.photobucket.com/albums/zz42/backpackervn10/P4120459-1.jpg
…lúc 3.36pm, chạy vào miền nắng nắng trong trời xanh màu lạ lùng, màu xanh đặc trưng cao nguyên Thanh Tạng!


Chẳng biết Tây Ninh, Tây Tạng còn bao xa, bao lâu… chỉ sau gần 4g lên xe, tôi đã bị “sốc” khi từ Dunhuang trời xanh mây trắng nắng trong thì con đường lên Thanh Hải thời tiết thay đổi xoành xoạch, chẳng biết đâu mà lần!



(tbc.)

backpackervn
11-05-2012, 10:42
12.04 Đường lên Thanh Hải – 2.


Dunhuang không có xe lửa đi thẳng đến Thanh Hải, muốn đi phải trung chuyển ở Lan Châu. Vé chưa chắc đã dễ mua vì mùa này khách đông, thằng ku Pháp trầy trật mới mua được vé đi Turpan, mà đến 2 ngày sau mới đi được. Vả lại đi xe lửa thì phải bus đến ga khá xa Dunhuang, 12km, nên tôi lười. Thấy vé bus giường nằm đến Thanh Hải cũng phải chăng (rẻ hơn xe lửa nhiều) nên tôi quyết định đi bus. Rồi phân vân tiếp, từ Dunhuang sẽ đi thành phố nào của Qinghai, Golmud hay Xining?



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/P4120468-1.jpg
Bầu trời xanh cao nguyên Thanh Tạng đã rất gần.


Từ Dunhuang đi Golmud gần hơn, mất 15g, trong khi đó đi Xining mất đến 20g. Golmud lại gần Lasha hơn, tàu từ Beijing, Lanzhou, Xining đi Lasha đều phải qua Golmud. Nhưng Golmud lại là phố mới, không có các điểm du lịch cũng như khu du lịch balo, mà ý đồ “tiến về Lasha” của tôi chỉ có thể thực thi được với sự hỗ trợ của các bạn chủ các hostel chuyên nghiệp ở các khu balo, cũng như đồng bọn (nếu có) ở đó. Nên suy đi nghĩ lại, tôi chọn đi Xining, chuyến xe 12.30g, mất 208Y, để đến Xining vào sáng sớm hôm sau, tiết kiệm được 1 đêm nhà nghỉ trên xe!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/P4120471-1.jpg
Thênh thang đất trời Thanh Tạng.


Hành trình 20g từ Dunhuang lên Thanh Hải quả là một hành trình nhớ đời. Giờ tôi vẫn còn nhớ con đường thênh thang lên cao nguyên Thanh Tạng chiều xuân khoáng đãng đó. Dường như lúc vừa rời khỏi Dunhuang, con đường đi vào một vùng tiểu khí hậu nào đó nên thời tiết thay đổi xoành xoạch nhanh lạ kỳ. Nhưng sau khi rời Dunhuang khoảng 4g, con đường đi vào miền trời đất trong veo, có màu xanh mênh mông của bầu trời cao nguyên, trắng lạ kỳ của những dãy núi hoa cương, xanh sẫm pha vàng úa của những bụi cỏ nhỏ nhoi trên đất trắng,… Xa xa, những dãy núi tuyết phủ trắng xen lẫn với núi nâu, pha thêm chút hồng của hoàng hôn làm con đường vắng thênh thang, hun hút chạy, cứ như đi lên miền cổ tích nào vậy. Đã vậy, bên ngoài trời lạnh vô cùng, mỗi lần xe dừng cho tài xế nghỉ hoặc khách đi vệ sinh, nhảy vội xuống xe chụp mấy tấm hình là tôi phải vọt lẹ lên xe. Mới ngày hôm qua còn lang thang mùa xuân đào hồng rực rỡ ven sa mạc tôi có ngờ lại lạc vào mùa xuân lạnh này đâu. Ai có ngờ những cung bậc mùa xuân miền tây bắc đất Trung Nguyên này nhiều đến vậy!



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/P4120472-1.jpg
Chiều…


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/P4120476-1.jpg
…và chiều hơn trên con đường lên Thanh Hải.


Một chiều lạnh cóng, một đêm buốt giá, một chuyến xe lọc cọc hầu như độc hành trên con đường từ Cam Túc lên Thanh Tạng cuối cùng cũng quăng kẻ lãng du xật xà xật xừ xuống bến xe chao chát Tây Ninh một buổi sáng xuân lạnh lùng.

backpackervn
11-05-2012, 13:26
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 1.


Nói nào ngay, tôi lên Tây Ninh, Thanh Hải trong đầu dự tính “những” 3 cung đường sẽ đi tiếp. Không phải tôi tham lam mà tôi biết rất khó để đi được, dù chỉ 1 trong 3 cung đường đó. Mà sau này, tôi mới biết mình đã may mắn khi đi được 1 trong 3 cung đường này để về xứ Việt.


Cung thứ nhất là tôi tính lên Tây Tạng theo các tour ở Xining, mà giang hồ đồn là dễ đi “lậu” với những người Châu Á không phải Trung Quốc. Tôi đến đây gặp một cô bé người Singapore cũng đang tính đi lậu lên Tây Tạng theo nhóm bạn. Điều khác với tôi là cô bé đó rành tiếng Hoa & có nhóm bạn TQ đi chung. Còn tôi cả 2 thứ đều không có.


Cung thứ 2 là tôi tính từ Tây Ninh về Yushu, rồi từ đây theo cung đường Tây Bắc Sichuan, ngang Dzongchen, Manigango,.. rồi đến Kangdinh trước khi về Thành Đô.


Cung thứ 3 là từ Tây Ninh về Xiahe, Langmusi,… rồi theo cung Amdo về Thành Đô.


Nói chung là cũng đọc gần nát LP về 3 chương Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên tôi mới lên được hòm hòm các cung đường, dù rất bó buộc về thời gian nếu như đến Tây Ninh tôi không xin gia hạn được visa.


Nhưng, ở đời muôn sự chữ duyên!

-------------------------------------


Đến bến xe Tây Ninh, tôi gọi điện đến Sunshine Pagoda International YH, biết được số của tuyến xe bus sẽ đi ngang qua đó, chờ một hồi nhảy lên xe, đi quá mấy trạm, lại lóc cóc cuốc bộ quay lại. Sở dĩ tôi chọn YH này dù ở đó đắt hơn Lete YH (30Y Vs 20Y) vì vị trí ngay trung tâm, kế bên đồn Công An Tây Ninh (cho nó an toàn!) & gần 2 cái chợ đêm, ẩm thực & hàng xôn, để tôi có thể lê la bia bọt rượu chè lúc đêm về, thuận tiện xe cộ đi lại… Và tôi thấy ở Sunshine thật tiện, nhất là cô chủ lữ quán tuy không đẹp nhưng dễ thương, chân thật (nhất là thêm vụ mua vé xe giúp mà không lấy tiền dịch vụ!!!).


Ra Công An Tây Ninh hỏi thăm việc gia hạn visa. Mọi việc đều dễ dàng, chỉ trừ một thứ, bạn phải có giấy tờ hoặc tiền mặt chứng minh mình có đủ 3.000$US (để bảo đảm rằng mỗi ngày ở TQ bạn có 100$ để xài). Tôi xài thẻ, không có tiền mặt, lại không đăng ký sử dụng dịch vụ gì gì đó (tôi biết là có dịch vụ đó) để có thể lên mạng in số dư/báo cáo tài khoản của mình nên đành giã từ ý định gia hạn visa tiếp tục rong chơi nữa. Thôi thì có nhiêu ngày xài nhiêu vậy.


Buồn đâu mươi phút, tôi ra đường đón xe bus, rồi shared-taxi đi Kumbum, giữa lúc đã trưa nhưng trời Tây Ninh vẫn còn xám mây.



https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/P4130585-1.jpg


https://i789.photobucket.com/albums/yy179/backpackervn6/P4130480-1.jpg
Những vòng Kora & Tam bộ Nhất bái, theo phương thức Ngũ thể Nhập địa của người Tạng
ở Như Lai Bát Tháp, Tháp Nhĩ Tự, Tây Ninh, Thanh Hải.


(tbc.)

backpackervn
25-05-2012, 11:57
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 2.


Tây Ninh/Xining nghe y như Tây Ninh kế bên Sài Gòn quá há! Là thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, rộng thứ 4 đất Trung Nguyên, cả Tây Ninh & Thanh Hải ít được nhắc đến trong các cung đường du lịch, nhưng khi đến đây, mới thấy mình bé cái lầm!


Cao nguyên Thanh Tạng là nơi bắt nguồn 2 con sông dài nhất Trung Quốc Trường Giang, Hoàng Hà, cũng như của một con sông dài thứ 12 trên thế giới chảy qua 6 quốc gia lớn bé Lancang/Lan Thương/Megaung Myit/Maenam Khong/Mekong/Tonle Thom/Cửu Long. Ngày xa xưa, miền đất này thuộc về vương triều Thổ Phồn/Tibet, mãi cho đến thời gần đây, miền đất này mới xem như thuộc về Trung Nguyên.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130593-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130586-1.jpg
Cổng vào Kumbum


Đất rộng người thưa, Thanh Hải/Qinghai ít có những di tích lịch sử. Nhưng miền đất này lại có những điều kỳ bí khác. Không chỉ là quê hương của vị tổ sư Tông Khách Ba nổi tiếng, đây cũng là nơi người ta tìm thấy một cậu bé có khả năng đặc biệt khi biết về chuyện từng xảy ra trong kiếp trước, đó chính là vị Đạt La Lạt Ma 14 hiện nay.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130521-1.jpg
Gõ cánh cửa này, qua cánh cửa này, bạn có gặp lại Tây Tạng?


Do vậy, với nhiều người Tạng, cũng như người mến mộ Tây Tạng và những thứ liên quan, Thanh Hải là miền đất thiêng cần được chiêm bái.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130486-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130539-1.jpg
Bên trong các ngôi chùa của tu viện Kumbum…


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130573-1.jpg
…và bên trên các ngôi chùa của Kumbum


Tháp Nhĩ Tự / Ta’er Si / Tu viện Kumbum, 1 trong 6 tu viện Phật giáo Mật tông quan trọng nhất Trung Nguyên, được xây dựng trên mảnh đất tổ sư Tông Khách Ba ra đời cũng là một điểm “nhất định phải đến” của những Phật tử, tu tại chùa hay tại gia.


Tôi đã ghé Ganden, Sera, Drepung ở Lhasa, Tashilhunpo ở Shigatse, chỉ còn Kumbum này & Labrang ở Xiahe là chưa viếng. Nên nhất định kỳ này tôi phải đi – và giờ, tôi đã đến đây, Kumbum.


(tbc.)

backpackervn
30-05-2012, 12:39
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 3.


Tuy đã nhuốm màu Trung Thổ qua những ngôi chùa thêm nhiều sắc màu, đường nét rườm rà so với những ngôi chùa, tu viện làm bằng đất và rễ cây mộc mạc, được tôn thêm duyên bởi những khung cửa sổ đẹp rực rỡ Tây Tạng, những ngôi chùa trong Kumbum vẫn dễ nhận ra phong cách Mật tông của nó. Những ngôi chùa vẫn đẹp, vẫn rờ rỡ một ngày xuân mưa xám mây miền cao nguyên Thanh Hải.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130525-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130524-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130508-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130511-1.jpg
Dù sắc màu đã thêm, tôi vẫn yêu những đường nét Tạng còn vương vương đâu đây.


Nhưng, tôi vẫn cảm thấy sự lạc lõng, của tôi, của những người dân Tạng hiền lành nhẫn nhục, của những vị sư người Tạng khắc khổ,.. nơi Kumbum này. Nơi mà chính quyền Trung Quốc cho xây những căn nhà đặc sệt nét “chung cư Tàu” quanh đây, những vị tu sĩ cán bộ béo tốt phương phi đủng đỉnh dạo bước với vẻ quyền uy, những người Hán nhiều tiền lắm của xênh xang,… đã áp lên nơi đây bầu không khí nằng nặng.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130513-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130504-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130505-1.jpg
Nhưng tôi yêu những gì xưa cũ này hơn.


Để những người dân Tạng gầy gò nhem nhuốc vì tam bộ nhất bái, vì đường xa vạn dặm,... từ xa xôi càng thêm lạc lõng.


Và tôi cũng lạc lõng.

(tbc.)

backpackervn
30-05-2012, 12:42
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 4.


Nên tôi đi lên đồi cao.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130574-1.jpg
Bỏ lại những vàng son lấp lánh, tôi theo các chú tiểu lên đồi cao…


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130502-1.jpg
…nhìn xuống Kumbum, để thấy lòng yên hơn.


Theo chân các chú tiểu ríu rít cắp sách đến lớp, tôi đi lên đồi cao, ngày xuân mưa xám miền Thanh Hải. Bóng áo đỏ tươi rói, những tiếng cười giòn tan vô tư lự của các chú tiểu bé, dáng gầy cao khắc khổ của những vị sư già, với những nét riêng không thể lẫn vào đâu của người Tạng… đưa tôi về một Kumbum khác. Kumbum của những ngày xưa cũ.


Được xây dựng vào năm 1.560, cụm tu viện Ta’er Si / Tháp Nhĩ Tự này còn có tên là Kumbum, vì trong ngôi chùa có đến 100.000 pho tượng Phật lúc bấy giờ (Kumbum là tiếng Tạng, có nghĩa là "One hundred thousand holy images"). Bạn cũng nhớ đừng nhầm lẫn với một ngôi chùa Kumbum khác ở miền Gyantse, Tibet nhé. Ngôi chùa Kumbum đó được xây dựng năm 1427 và cũng là một báu vật của Tibet, một điểm đến không thể thiếu trên các cung đường du lịch trên miền đất các chư thiên này.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130518-1.jpg

https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130516-1.jpg
Pho tượng ngài Tsong Khapa trong gian chùa nhỏ mang tên ông.


Kumbum miền Thanh Hải này được xây dựng trên mảnh đất mà mẹ của Tsong Khapa / Tông Khách Ba, tổ sư của nhánh Hoàng Mạo / Yelukpa Sect, đã hạ sinh người. Rất nhiều vị Dalai Lama đã thăm viếng cũng như tu tập trong tu viện mà thưở nào có đến 3.500 tăng sĩ. Giờ chỉ còn khoảng vài trăm, nên giữa những điện chùa tu sửa sáng mới lấp lánh, tôi tọc mạch đi đây đó vẫn thấy những ngôi chùa, căn điện, gian nhà hoang phế. Vị Dalai Lama thứ 4, Yonten Gyatso đã ghé lại năm 1.603 trên đường về đất thiêng Lasha. Vị Dalai Lama thứ 7, Kelsang Gyatso cũng từng cư ngụ nơi đây trước khi về Lasha. Vị Dalai Lama 13, Thubten Gyatso cũng đã thăm viếng tu viện này nhiều lần.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P6190384-1.jpg
Giới thiệu với các bạn tu viện Kumbum ở Gyantse, Tibet dưới những bóng mây mùa hè. Góc chụp này ít thấy qua các chia sẻ của các bạn đi Tibet, vì phải đi lên Pháo đài Gyantse bằng đường bộ khá dốc chứ không phải đi xe, như mọi người thường đi.



Đức Dalai Lama 14 hiện nay sinh ra trong ngôi làng Tasker, cách Kumbum chỉ 65km. Khi cậu bé Tenzin Gyatso được tìm thấy, với khả năng kể những câu chuyện kiếp trước, cậu được đưa đến Kumbum, tu tập ở đây 18 tháng trước khi về Lasha. Một điều thấy ấm lòng hơn ở các tu viện trong miền Tibet bị cấm không treo hình của ngài, thì ở đây, các bức hình được treo công khai. Có lẽ vì ngôi chùa này nằm trên đất Trung Thổ, dễ quản lý hơn chăng?.


(tbc.)

backpackervn
30-05-2012, 12:46
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 5.


Tu viện Kumbum gồm nhiều kiến trúc nằm rải rác chứ không co cụm lại. Ngoài Như Ý Bát Tháp, các di tích nổi tiếng ở Kumbum là: Đại Kim Ngõa Điện Great Hall of the Golden Roof (Da jinwa si), Tiểu Kim Ngõa Điện Lesser Hall of the Golden Roof (Xiao jinwa si), Đại Kinh Đường Great Hall of Meditation (Da xingtang), Đại Lạp đường The Hall of Butter Sculptures (Suyou hua tang), Thái Bình tháp Peace Pagoda (Taiping tai), Bồ Đề tháp Buddha Pagoda (Puti ta), Quá Môn tháp,…. Một điều làm tôi thấy bất nhẫn là vì những ngôi chùa nằm rải rác nên trước những cửa chùa là những vị sư ngồi soát vé. Một điều nên được giao cho những người làm công quả hoặc dễ có những cách khác để kiểm soát hơn là làm như vậy.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130491-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130495-1.jpg
Những chiếc ghế trước cửa chùa.


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130489-1.jpg
Và không chỉ ở Việt Nam mới có chuyện “bắt giam hòn đá”!


Ở Kumbum, cấm chụp hình ở bên trong tất cả các chùa, nhưng sự kiểm soát lỏng lẻo hơn ở các tu viện Tibet nhiều. Do vậy, nếu đừng có vênh váo quá đáng với súng to ống dài, bạn sẽ dễ dàng chụp hình, dù rằng chụp bằng máy cùi trong điều kiện không sử dụng đèn flash trong nội thất các ngôi chùa vốn âm u thường không đươc nét.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130490-1.jpg
Một ngôi chùa vắng giữa xuân xám hao gầy.


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130492-1.jpg
Bên trong một ngôi chùa.


Giới thiệu đến một trong những tác phẩm làm từ bơ yak đã hơn 600 năm tuổi (thông tin từ tấm bảng viết tay, bằng tiếng Anh & tiếng Tạng bị bỏ trong một xó chùa) ở Đại Lạp đường nhé. Ngạc nhiên làm sao, hình chụp bằng máy cùi bắp, trong ánh sáng lờ mờ, qua một lớp kính lóe sáng, vẫn thấy những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc 600 năm tuổi tinh xảo vẫn đẹp rạng ngời, lộng lẫy.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130529-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130536-1.jpg
Những tác phẩm bằng bơ yak đã 600 năm tuổi, đến từ Tibet.


(tbc.)

backpackervn
04-06-2012, 12:31
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 6.


Đại Lạp Đường, với những tác phẩm bằng bơ yak tinh xảo, là một trong Tam Tuyệt của Kumbum. Còn Đại Kim Ngõa Điện thì thu hút du khách bởi chiếc mái (ngày xưa) làm từ 1.600 lượng vàng của nó, dù rằng gian điện này được xây dựng theo kiến trúc Hán chứ không phải Tạng. Nhưng, dâu bể thời gian, Cách Mạng Văn Hóa,…. giờ không biết còn bao nhiêu gr vàng trên chiếc mái lấp lánh của Đại Kim Ngõa Điện….



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130552-1.jpg
Tara Hall


Đến với Kumbum, sau khi đã “chịu đựng”, “chấp nhận”… cảm thấy bớt lạc lõng, du khách nhiều thời gian sẽ tìm thấy những nét lạ của cụm tu viện này, sự phối ngẫu vô tình hoặc cố ý của kiến trúc chùa chiền Tạng – Hán.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130576-1.jpg
Tương phản màu sắc.


Tây Ninh thành có từ thời nhà Hán trước CN. Cái tên Tây Ninh / Xining, “Miền tây Thái bình” đã có 1.000 năm tuổi, từ thời nhà Tống lấy lại từ tay người Thổ Phồn, năm 1104. Dù sao đi nữa, Tây Ninh cũng đã có một nên văn hóa hơn 2.000 năm, là một trung tâm thương mại sầm uất, trên một nhánh rẽ nhỏ của Con đường tơ lụa ngang qua hành lang Hà Tây. Còn Tibet, Thổ Phồn thì bắt đầu hùng mạnh từ TK 7-8, để rồi lụi tàn dần sau đó. Do vậy, cũng không lạ lẫm gì khi có sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa này.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130565-1.jpg
Hầu như không tìm thấy nét Tạng nơi ngôi chùa nhiều màu sắc này


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130566-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130545-1.jpg
Yêu màu đất mộc mạc.


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130571-1.jpg
Yêu những màu áo đỏ.


Tuy nhiên, tôi vẫn thích những ngôi chùa bằng đất, nhưng vẫn không kém duyên nhờ vào những khung cửa sổ tinh xảo nhiều màu sắc nhưng không chói lói hơn là những kiến trúc Hán tộc màu sắc hơi lòe loẹt.


(tbc.)

backpackervn
04-06-2012, 12:35
13.04 Lạc lõng giữa Kumbum – 7.


Những ngày xuân mưa xám này không nắng nên những tấm hình tôi chụp ở Kumbum chẳng ra gì cả, nếu như so sánh với các hình chụp bằng các máy chuyên nghiệp vào những ngày nắng. Các nhà sư cán bộ cũng rất chuyên nghiệp khi gắn trong cái vé làm bằng bìa cứng, giá 80RMB, một chiếc đĩa CD nhỏ gọn, giới thiệu về Kumbum. Nhưng tôi không muốn sử dụng những hình ảnh đó vì nếu vậy hình ảnh trên mạng sẽ không thiếu. Tôi chỉ muốn giới thiệu một góc nhỏ Kumbum qua cái nhìn của kẻ giang hồ mới vừa đến đây từ Đôn Hoàng lung linh nắng hôm qua.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130568-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130543-1.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130560-1.jpg
Tripitaka Pavillon, ngoài xa, trước và sau.


Có lẽ, cảm xúc của tôi cũng đã bị ảnh hưởng nhiều bởi sức khỏe, sự chênh lệch thời tiết. Vừa xật xừ trên chuyến xe 20 giờ từ Đôn Hoàng sang Tây Ninh, tôi chưa hề ngả lưng nghỉ ngơi phút nào ở đây mà đã phải hấp tấp ra Công An Tây Ninh, không xin gia hạn visa được đã buồn, còn phải nhảy 2 chuyến xe đến đây. Rồi hôm qua nắng Đôn Hoàng rực rỡ, hoa đào phô phang hương sắc sa mạc, còn nơi đây xám mây mịt mờ… nên những “tình cảm” tôi dành cho Kumbum đã bị ảnh hưởng nhiều.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4130549-1.jpg
The Institute of Tantra, từ 1649.


Nhưng, sang ngày hôm sau tôi mới biết là mình đã may mắn xiết bao khi đến viếng Kumbum ngay hôm đó. Vì mưa tuyết bay trắng trời Tây Ninh, trắng mịt mờ như ngày nao tôi trên con đường Tây Tạng về Tân Cương.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4140025-1.jpg
Tây Ninh ngày hôm sau. Chỉ có lũ bò yak là vẫn ung dung tự tại giữa mưa tuyết.


(tbc.)

backpackervn
04-06-2012, 13:46
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 1.


Tôi đi Tây Ninh, muốn thử xem khả năng đi lụi lên Tây Tạng được hay không? Câu trả lời là được, với điều kiện là biết tiếng Hoa, có nhóm bạn người Hoa đi chung. Rủi ro, có. Vì bình thường họ không xét CMND nhưng đôi lúc họ xét (tôi đi Tibet 2 lần bằng đường tàu, một lần bị xét passport, một lần không). Dân chơi thì chấp nhận thôi!


Nhưng tiếc thay thời gian tôi đến Tây Ninh không gặp nhóm các bạn trẻ TQ nào muốn đi Tây Tạng, dù họ đang đổ về đây rất nhiều. Thời gian trong visa của tôi lại không còn nhiều nên khả năng lê la ở đây chờ thời cũng khó. Cuối cùng, tôi bỏ ý định đó. Nhưng tôi vẫn muốn vớt vát. Nên nghe cô chủ GH nói có nhóm bạn trẻ đi hồ Thanh Hải ngày mai, hỏi thăm giá cả thấy hợp lý, nếu không muốn nói là rẻ so với Trung Quốc đắt đỏ nên tôi đồng ý ngay. Vướng mắc duy nhất là không đến bến xe mua vé cho chuyến đi kế tiếp, cung đường chỉ có một chuyến xe duy nhất trong ngày, được cô chủ GH đồng ý giúp đỡ. Cô chủ tốt bụng này còn chẳng lấy tiền dịch vụ như đã niêm yết, vì “nị là người Việt Nam đầu tiên đến ở GH này, ngộ giúp thôi mà!”.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/PA180433-2.jpg


https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/PA180457-1.jpg
Hồ xanh Thanh Hải mùa thu năm nào trên đường lên Tibet….


Tôi muốn đi hồ Thanh Hải, không chỉ vì lên đến đó xem như là nửa đường lên Tibet mà còn vì gương hồ xanh biếc mùa thu năm nào tôi ngang qua vẫn thấp thoáng đâu đó trong những giấc mơ xa về Tibet. Thực ra tôi cũng không biết chiếc hồ năm đó có thật sự là hồ Thanh Hải hay không, dù biết đường tàu nhìn trong bản đồ sẽ có nhiều đoạn chạy ven Thanh Hải. Chỉ biết những người dân địa phương đi chung tàu, chung toa đã giật giọng kêu tôi quay lại, chỉ tôi chụp hình, kêu là Qinghai Hu gì gì đó… khi tôi đang ngó nghiêng ở cửa sổ bên kia toa tàu.



https://i788.photobucket.com/albums/yy163/bpkvn3/P4140015-1.jpg
Đường lên Thanh Hải ngày xuân tuyết lạnh.



Những đồng cỏ đã úa vàng thênh thang, những cánh chim dập dìu bay ngang chiếc hồ xanh đến diệu kỳ… những ngày mùa thu năm đó đã thôi thúc tôi lại về Thanh Hải. Nhưng buổi sáng hôm nay Tây Ninh mưa rơi sùi sụt, tuyết bay lả tả… đến nỗi một bạn trẻ Trung Quốc đi chung xe phải thốt lên rằng “Chắc hôm nay trời đất cũng đang chia buồn với người dân Thanh Hải” - hôm nay 14.4 kỷ niệm một năm ngày động đất kinh hoàng ở Yushu!


(tbc.)

backpackervn
05-06-2012, 10:43
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 2.



Tôi cũng không vô tâm đến mức không biết, không nhớ về trận động đất kinh hoàng đó. Nhưng nói nào ngay, ngày này năm trước tôi còn đang tung tăng nhảy múa trong Tết Té nước ở Chiang Mai rồi tất tả ngược xuôi về Luang Prabang nên ít đọc thông tin. Đọc báo mạng lướt lướt thì có biết huyện đó là Ngọc Thụ, nên tôi không liên tưởng được đến chữ Yushu. Như tôi nói mấy hôm nay có nhiều du khách đến Tây Ninh, khi tôi hỏi thì cô chủ GH ấp úng (mà sau này tôi mới phát hiện là cô không biết từ earthquake), lúc đó tôi đưa ra thử mấy nguyên nhân, lúc nói đến “strike?” (vì lúc đó nhiều nơi ở TQ đang có đình công), chắc cô nghe gần gần giống nên ừ đại (!?) làm tôi cũng tưởng vậy luôn, may mà sau này gặp 1 bạn trẻ khá ngoại ngữ hơn, nhắc lại tôi mới nhớ ra vụ động đất kinh hoàng của Ngọc Thụ).



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140004-1.jpg


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140008-1.jpg
Đường ngang qua Kumbum ngày mưa hôm nay.


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140031-1.jpg
Những con đường qua những con đèo cao mù mịt trong tuyết sương


Yushu đến lúc đó vẫn là 1 trong 3 cung đường tôi đề ra khi tìm đến Tây Ninh (như đã nói ở trên), tôi xài L.P 2009 nên vẫn chưa đề cập đến vụ động đất này, nên chẳng biết luôn. Khi cung đường lên Tibet không được, tôi hỏi thăm về cung đường thứ 2, hướng về Yushu thì được báo rằng không có vé xe, người ta đã mua hết mấy ngày hôm nay rồi. Hỏi dịch vụ vé ở GH cũng được nói vậy, nên tôi đành phải chuyển đến hướng thứ 3. Lúc đó tôi cũng chưa biết vì sao vé đi Yushu (chỉ có 1 chuyến/ngày) hết sớm như vậy. Giờ mới biết người ta đổ về đó để thăm gia đình, giỗ chạp kỷ niệm một năm ngày tang thương đó…



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140037-1.jpg
Đường mưa tuyết nhưng những người dân Tạng vẫn nhẫn nại dắt bò yak, ôm cừu non ra đường chờ khách chụp hình.



Có lẽ như buồn cho Yushu, trời đất Thanh Hải sáng đó tuyết rơi rất lạ, vì người địa phương nói mùa này đã không còn tuyết rơi nữa. Cũng như buổi trưa đó về, nắng đã chói chang trên con đường miên man hun hút cao nguyên Thanh Hải.



(tbc.)

backpackervn
05-06-2012, 10:47
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 3.




https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140025-1.jpg


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140023-1.jpg
Lũ bò yak đủng đỉnh trong mưa tuyết (ừa mà sao không nhập giống bò này về, hoặc lai tạo, để mùa đông Tây Bắc không là nổi lo sợ của đồng bào mình?)



Đường lên Thanh Hải cao, nhiều đèo cao ngất, xe có dừng lại ở một con đèo cao hơn 3.800m, mưa tuyết trắng xóa. Chỉ có lũ bò yak ung dung thảnh thơi gặm cỏ hay chỉ lang thang và gương mắt lên nhìn những lũ 2 chân đang hí hoái chụp hình, có đứa còn rửng mỡ nhảy cỡn (dĩ nhiên không phải tôi).



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140014-1.jpg
Con đèo cao hơn 3.800m, cao hơn Lasha vài trăm mét.


Con đường Thanh Hải Tây Tạng này còn có một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử Tây Tạng, con đường mà công chúa Văn Thành lên kiệu hoa về với quân vương Tùng Tán Cương Bố vào TK 7, mang Phật pháp đến miền đất này. Bao nhiêu di tích ở Lasha bây giờ đều ít nhiều liên quan đến vị công chúa này. Trên con đường này cũng vậy, cũng có một ngôi chùa và một pho tượng to lớn của bà. Có điều, giữa mưa tuyết mờ mịt, con đường đến đó trơ trọi lên dốc cao, ở độ cao 4.000m, và ngoài kia trời buốt giá nên mọi người không dừng lại (thú thực là nếu tôi đi một mình tôi đã dừng lại), để lại Văn Thành Công Chúa bơ vơ cô độc trong mưa tuyết.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140032-1.jpg
Văn Thành Công Chúa cô độc trong mưa tuyết.


Đi mãi trên con đường mưa tuyết, đến hồ Thanh Hải, cả lũ lục tụ kéo xuống, lội bộ từ ngoài xa vào. Và sửng sốt!



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140040-1.jpg


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140049-1.jpg
Thanh Hải mùa xuân đây sao?


(tbc.)

backpackervn
07-06-2012, 10:12
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 4.


Hồ Thanh Hải, hồ lớn nhất Trung Nguyên, hồ nước mặn lớn thứ 2 trên thế giới đóng băng vào mùa đông – khác xa hồ Issyk, hồ Thanh Trì, hay còn có tên nữa là Nhiệt Hải ở miền Trung Á Kyrgyzstan luôn mãi xanh dù đông giá hay hè nung. Nhiều người cho rằng hồ Issyk luôn trong xanh vì là hồ nước mặn sẽ phải nghĩ lại khi đến hồ Thanh Hải này.


Chiếc hồ nhận nước từ 23 con sông, mà trên đường đi về, xe dừng, các bạn trẻ Trung Quốc hớn hở chỉ cho tôi một trong đó và tự hào nói rằng con sông này chảy ngược, không đổ ra biển như các con sông thông thường đâu. Ừ, thì cái gì của các bạn cũng là khác lạ, cũng là đặc biệt và hơn người mà.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140054-1.jpg
Đôi lứa gần nhau có thêm ấm áp?


Quay lại chiếc hồ Thanh Hải đông giá ngày xuân. Thú thật là tôi dùng những bức hình để hù các bạn thôi vì thực ra hồ mùa xuân lạnh này bên ngoài đẹp hơn trong hình nhiều, rất nhiều. Ai đó lang thang những sông xanh, hồ xanh sẽ biết những tấm hình chụp sẽ đẹp hơn thực tế nếu có nắng vàng làm dậy nét. Nhiều khi hồ nước đục lềnh xấu òm nhưng vào hình cứ thấy xanh ngời ngợi, còn chiếc hồ trắng tinh khôi hôm nay bị màu mây xám ám ảnh làm xuống màu chứ thật ra bên ngoài hồ rất đẹp.



https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140050-1-1.jpg


https://i847.photobucket.com/albums/ab33/bpkvn4/P4140055-2.jpg
Duyên dáng dìu dặt những cánh chim trên hồ lạnh ngày xuân.


Và tôn thêm nét duyên cho hồ, một cách đáng nghi ngờ, là những cánh chim vẫn còn tung tăng bơi lội hay dìu dặt bay trên chiếc hồ dập dềnh băng lấp loáng trôi. Những cánh chim thanh thoát duyên dáng bay qua hồ lạnh đẹp lung linh lạ kỳ. Sao lạnh vậy mà vẫn còn chưa bỏ hồ đi chim ơi?


(tbc.)

backpackervn
11-06-2012, 11:12
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 5.



Thực ra lũ chim không buồn lắm đâu, vì chúng vẫn có bạn bè, dù tôi chẳng hiểu lũ bò yak đang làm gì mà lang thang ở hồ Thanh Hải, nơi tuyền đất đá, lâu lắm mới thấy lưa thưa mấy ngọn cỏ, đã khô vàng cháy đỏ xác xơ. Và cũng chẳng phải để uống nước, vì hồ này nước mặn. Vậy ở đây để làm gì, lũ bò yak ngác ngơ kia? Hay để chia sẻ mùa xuân lạnh cùng bầy chim kia?



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140055-1.jpg
Đã có đôi còn thêm lũ bò yak bầu bạn, chim kia chắc sẽ không buồn, dù hồ lạnh giá hoang vắng.


Tôi chẳng hiểu vì sao ven hồ Thanh Hải những khối băng lại chất chồng từng đống cao như vậy. Cách lý giải tôi có thể nghĩ ra là lớp băng dày trên mặt hồ ngày đông, đến xuân vỡ ra từng mảng, và có hôm nào đó có sóng thật lớn mới tấp chúng vào, quăng chúng lên, dồn chúng lại thành đống như vậy! Ở một góc nào đó bên kia hồ, nơi đảo nhỏ có một tu viện Mật Tông mà các tăng sĩ chỉ có thể đi bộ vào đất liền khi đông về. Còn những ngày tan băng, hồ xanh rạng ngời tươi đẹp,… họ yên lòng tu tập giữa thanh vắng, nơi đảo nhỏ chơi vơi tách biệt với đất mẹ.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140068-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140070-1.jpg
Lũ bò yak ngác ngơ bên hồ băng tuyết ngày xuân giá.


Mặt hồ giờ chỉ là lớp băng mỏng, lấp loáng, nơi có những cô chú mòng biển co ro đứng, thi thoảng vẫn thấy dập dềnh những con sóng nhỏ, đong đưa những tảng băng cũng nhỏ, làm mặt hồ lung linh lấp lánh khi những tia nắng trưa dần lên.


Nhưng đó cũng là lúc chia tay gương hồ tinh khôi ngày xuân lạnh để quay về lại phố phường


(tbc.)

backpackervn
11-06-2012, 11:15
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 6.


Đường về đã loang nắng. Lúc này tôi mới biết lý do chúng tôi phải về sớm vì có mấy bạn trẻ trong nhóm sẽ lên chuyến tàu chia tay Tây Ninh chiều nay. Cũng hơi tiêng tiếc, nhưng không sao vì tôi sẽ về lại Thanh Hải một ngày khác mà. Chẳng hiểu sao tôi tin vậy.


Đường về trưa nắng, phong cảnh đã rạng rỡ dù những tấm hình vẫn không đẹp vì sương khói vẫn che mờ, nhất là ảo ảnh của sa mạc làm mọi thứ tưởng gần nhưng thật ra rất xa, chụp hình vào mới thấy mọi thứ mờ mịt.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140095-1.jpg
Đường Thanh Hải – Tây Tạng hun hút, thăm thẳm.


Trên đường về, cũng còn thong dong lắm vì về sớm chỉ là phòng hờ, có mấy việc làm tôi suy nghĩ hoài. Thứ nhất là 2 cô gái Tạng đang tiến hành nghi lễ Tam bộ Nhất bái trên con đường từ Thanh Hải lên Tây Tạng. Tôi không biết họ sẽ đi bao nhiêu lâu mới đến, với cách đi này, con đường thăm thẳm này. 6 tháng, hay 1 năm, họ đi từ đâu… tôi chẳng biết, chỉ biết họ đang hướng về Tây Tạng, thành kính, chân thành, nhẫn nại… dù sương tuyết gió bão đã để lại nhiều những phong sương cháy sạm trên gương mặt của hai cô gái đang còn tuổi xuân thì.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140083-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140084-1.jpg
Thành kính, nhẫn nại vừa đi vừa lạy, 2 cô gái Tạng thân gái dặm trường…


Cùng trên con đường với 2 cô gái Tạng mộ đạo và có lòng thành với những bước đi ba lần quỳ xuống vái lạy một lần là những đoàn xe của quân đội Trung Hoa ầm ào hùng hổ kéo nhau lên Tây Tạng. Những đoàn xe dài dằng dặc như những con bọ hung nối nhau, làm xấu đi những con đường đẹp thênh thang miền đất của các chư thiên mà nếu ai đó đã từng đi Tây Tạng đều gặp ít nhất vài ba lần. Cũng là vài ba lần thở dài…



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140114-1.jpg
https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140116-1.jpg
Những đoàn xe quân sự hùng hổ, ầm ào xé nát cao nguyên Thanh Tạng.


Hình ảnh các cô gái vừa đi vừa vái lạy nhẫn nhục và những đoàn xe quân sự hùng hổ phô phang… cứ làm tôi nghĩ hoài về Tây Tạng & Trung Quốc.


(tbc.)

backpackervn
12-06-2012, 11:01
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 7.


Về, xe chạy theo con đường khác, cũng ven theo hồ nhưng theo một hướng lạ. Con đường cũng lạ, và chắc sẽ đẹp hơn con đường kia nếu đi vào mùa nắng, những ngày nắng. Vì ven theo hồ bây giờ là những đồng cỏ vàng, mà mùa nao chắc xanh lắm. Giờ cỏ khô úa vàng, vẫn thấy những chàng mục đồng Tạng nghêu ngao ca hát trên lưng ngựa thong dong. Vẫn thấy những bầy dê cừu béo núc ních đang tí tởn đùa vui bên triền cỏ ven hồ nắng lên nhưng vẫn còn xám ngắt. Ven theo hồ, lạ lùng thay là sa mạc mênh mông. Sa mạc thênh thang thật sự chứ không phải là những đồi cát. Mùa nắng, ngày nắng lên, những đồi cát mênh mông nhấp nhô uốn lượn với nền xanh hồ Thanh Hải, với những đàn chim dập dìu bay sẽ là một bức tranh tuyệt đẹp – mà tôi mơ màng rằng biết đâu chúng còn đẹp hơn cả Nguyệt Nha Tuyền giữa đồi cát hát Minh Sa nơi miền Đôn Hoàng.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140135-1.jpg
Những đồi cát mênh mông của sa mạc. Bạn cố tìm nhìn thấy hồ Thanh Hải xa xa kia nhé.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140103-1.jpg
Những chàng mục đồng Tạng thong dong trên lưng ngựa.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140088-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140087-1.jpg
…với lũ cừu vẫn béo tròn bên đồng cỏ vàng úa.


Nhưng, cũng chính những đồi cát mênh mông này lại làm tôi suy nghĩ. Vì người dân địa phương đang trồng cỏ trên cát, trên sa mạc.


Không hiểu là tự nguyện hay chính sách của địa phương, chỉ thấy nhiều người đang trồng cỏ trên cát. Thật sự không phải họ trồng cỏ, mà đang cải tạo đất để cỏ, giống loài hoang dại và dễ sống nhất có thể mọc, để giữ cát không bay, đất khó chạy. Họ “trồng cỏ” bằng cách đào trên những đồi cát sa mạc những rãnh sâu, vuông vắn giao nhau như những ô bàn cờ thênh thang. Ở các rãnh sâu đó, họ nhét rơm vào, nén thật chặt. Mưa tuyết sương gió sẽ ủ mầm những đám hạt cỏ lang thang, giúp chúng bén rễ lên cây. Một mùa, hai mùa, đất có thể không lên xanh nhưng đã được giữ chân lại, không theo đám gió hoang tàng bỏ đi. Có thể thấy, qua những ô bàn cờ vuông vắn của những mùa trước, giờ vẫn còn lại.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140125-1.jpg
Những người dân đang trồng cỏ.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140127-1.jpg
Những vuông rơm vừa mới được nén vào rãnh, chờ đám hạt cỏ bay về.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140137-1.jpg
Bạn có thấy dấu tích của việc trồng cỏ trên sa mạc.


Tôi thán phục những người dân chịu thương chịu khó, như những người dân hiền lành nước tôi – mà giờ vẫn mãi nhọc nhằn.


(tbc.)

backpackervn
12-06-2012, 11:03
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 8.


Cũng trên con đường hun hút giữa sa mạc thênh thang, ven hồ Thanh Hải xa xa, tôi lại tiếp tục suy nghĩ khi thấy từ xa 2 chiếc bóng bên đường. Tới gần, dừng lại, tôi mới biết đó là 2 thanh niên Trung Hoa đang trên đường đi bộ, từ Lan Châu lên Thanh Hải. Họ đã đi được mấy ngày, đường xa vắng tanh không nhà cửa, họ hỏi xin nước. Trao đổi đôi dòng, họ lại lên đường đi tiếp.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140122-1.jpg
Đường từ Lan Châu qua Thanh Hải lên Tây Tạng không chỉ đường cao dốc ngược băng giá tuyết sương mà còn ngang qua những hoang mạc, sa mạc thăm thẳm.


Họ, tuy đã mỏi mệt, dáng đi vẫn vững vàng. Hành lý trên lưng họ tương đối nặng, để họ có thể ngã lưng qua đêm ở bất kỳ đâu trên con đường cao nguyên băng giá này. Tôi không biết là bao nhiêu cây số từ Lan Châu lên Lasha, nhưng với độ cao này, không khí loãng này, băng giá mùa xuân vẫn lạnh buốt này, qua những con đèo trên dưới 5.000m, với đống hành lý đó, còn đường sẽ dài như bất tận….



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140117-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140120-1.jpg
Bóng họ xa mờ dần trên con đường hun hút.


Những cô gái Tạng chân thành trên đường hành hương. Những chàng trai Hán trên đường chinh phục hành trình đường bộ Lan Châu - Thanh Hải - Lasha. Chinh phục con đường hay chinh phục bản thân? Tôi chẳng biết, nhưng chỉ biết là tôi rất muốn làm được như vậy. Tôi thật sự muốn những người bạn tôi cũng sẽ làm được như vậy.


Nên tôi lại suy nghĩ. Miên man….


(tbc.)

backpackervn
12-06-2012, 14:51
14.04 Nửa đường lên Tibet thăm hồ Thanh Hải ngày mưa tuyết – 9.


Con đường về ngang qua Hoàng Nguyên (Huang Yuan), nơi ngày trước chính quyền Trung Quốc thử nghiệm hạt nhân, vì miền đất này hoang sơ khô cằn như sa mạc. Với tôi, Hoàng Nguyên có một kỷ niệm nho nhỏ khác. Rất nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ.


Số là trên đường đi Tibet của hành trình tìm đến núi thiêng Kailash, vé tàu Thành Đô – Lasha không còn. Do vậy, đối tác của công ty tổ chức tour ở Thành Đô đã đưa cho tôi 2 chiếc vé, một chiếc vé từ Thành Đô đi Hoàng Nguyên và một vé từ Hoàng Nguyên đi Lasha. Nói thật, đối với các bạn biết võ vẽ tiếng Hoa thì chuyện này thật đơn giản, còn với tôi, nửa chữ không biết thì việc này cũng có chút ít lấn cấn, lúc đầu. Nhưng rồi mọi việc đều suôn sẻ. Có lẽ vì tôi đang tìm về Ngân Sơn, nên trời Phật độ trì.


Qua khỏi Hoàng Nguyên, xe dừng lại thật lâu ở một con/nhánh hồ nhỏ trước khi về lại Tây Ninh. Hồ rất nhiều chim. Có lẽ đây là điểm dừng để ngắm chim như các tour có đề cập. Có điều, vẫn tiếc, là trời chiều nắng tắt hồ xám nên hình không đẹp. Hồ không có những tảng băng chất đống ven bờ nhưng có lớp váng băng che phủ, nơi lũ chim tập trung nhiều. Chụp hình không được, tôi leo lên đồi cao nhìn hồ ngắm núi, chờ các bạn vác súng to ống dài đi săn hình.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140164-2.jpg
Cô đơn trên hồ băng giá.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140168-1.jpg
Cô đơn trên trời lạnh.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140167-1.jpg
Sao không tìm đến nhau?


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140192-1.jpg
Giờ ta có đôi hạnh phúc.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140172-1.jpg
Cùng say trong điệu luân vũ tình yêu!


Về Tây Ninh chiều, chúng tôi rã đám. Tôi lại lang thang phố một mình, như lệ thường. Tây Ninh bây giờ xây rộng thênh thang, nhiều công trình hiện đại hoành tráng vẫn đang được xây dựng. Nhà nghỉ khu tôi ở nằm ở khu không cũ không mới, nằm gần con phố mua bán sầm uất, một cái chợ bán đêm ngày và một chợ đêm. Cũng như mọi nơi, Nhất Dương Chỉ của Đoàn Hoàng Gia được tôi áp dụng triệt để mỗi khi muốn ăn uống gì.


Từ đây, lội bộ ra nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Thanh Hải, một trong 4 nhà thờ Hồi giáo lớn nhất miền Tây Bắc Trung Hoa. Nhà thờ Đông Quận (Dongguan) này có từ TK 14 (1368-1398), thờ Hồng Vũ Đế nhà Minh, tuy nhiên những gì chúng ta thấy hiện nay được xây dựng từ năm 1914. Sao nhà thờ qua được cơn binh lửa Cách Mạng Văn Hóa vậy ta? Tiếc thay là tôi đến nhà thờ này sau 5pm, hết giờ thăm viếng, cũng như nhà thờ nằm về hướng đông (Đông Quận, để chỉ vị trí nhà thờ) nên tôi không có được những tấm hình đẹp về ngôi nhà thờ Hồi giáo này.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4140197-1.jpg
Nhà thờ Hồi giáo Đông Quận trong chiều muộn.


Lang thang phố phường, tôi hơi ngạc nhiên là ở Tây Ninh, ngay cả trong khu gần chợ, cũng không có những hàng quán bán ngoài trời, nhất là các món nướng như ở khắp nơi nơi trên đất Trung Nguyên, tôi đành mua bia vác ra ghế đá ngồi uống chay, ngó nghiêng thiên hạ.


Mai tôi chia tay Tây Ninh, chia tay con đường lên Tibet rồi. Thực ra, thời gian còn lại của tôi trên đất Trung Nguyên không phải là ít lắm, nhưng vì tôi đã quyết là về bằng đường bộ nên mới thấy nó xa thăm thẳm. Thứ nữa, đường về của tôi cũng là một cung đường du lịch chứ không phải là tuốt tuồn tuột chạy về. Nên cũng cần khá nhiều thời gian. Do vậy, tôi hơi lưu luyến một Tây Ninh là lạ, mà dường như tôi chưa nắm được nhịp sống, cách sống nơi đây. Khác với những miền đất khác tôi lê la đất Trung Nguyên.


Thanh Hải là miền đất lạ, tôi đi chưa nhiều. Tôi có vác về nhà một cuốn HDDL miễn phí, chất cả đống trong nhà nghỉ, về Thanh Hải, với nhiều những tấm hình thật đẹp, thật lạ khác với những gì tôi hình dung (chỉ hơi tệ chút là cuốn HD dày cộm đó in bằng tiếng Pháp). Nên tôi vẫn còn nhiều tò mò về miền đất này. Cung đường từ Tây Ninh hướng về Yushu, về Thành Đô cũng là một cung đường lạ. Nên tôi vẫn hy vọng một ngày nào tôi có dịp đặt chân trên con đường đó.


Và nếu còn duyên còn nợ, tôi sẽ về lại Tây Ninh này!

backpackervn
12-06-2012, 14:56
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 1.


Tôi may mắn đã được viếng 5 trong 6 tu viện quan trọng nhất của Phật giáo Mật Tông Tây Tạng. Kumbum/Tháp Nhĩ Tự ở Tây Ninh, Thanh Hải mới vừa thăm viếng hôm qua là tu viện thứ 5. Nên giờ tôi đang hướng đến tu viện thứ 6, Labrang/ Lạp Bặc Lăng.


Nên buổi sáng xuân lạnh, chia tay Tây Ninh còn đang chìm sâu trong giấc nồng, leo lên chuyến xe duy nhất trong ngày, cùng với nhiều những người Tạng hành hương về đất thiêng, tôi quay lại Cam Túc, vừa mới chia tay ở Đôn Hoàng. Tôi tìm về Hạ Hà / Xiahe, ngôi làng nằm bên dòng Đại Hà / Daxia ôm ấp chở che cho Tu viện thiêng liêng Lạp Bặc Lăng / Labrang.


Tôi có thể đã lỡ chuyến xe duy nhất sáng đó đi Xiahe nếu dậy trễ hơn một tý. Vì chuyến xe bus số 1 như lệ thường sẽ chạy đến bến xe Tây Ninh thì hôm nay không chạy đến đó, chỉ dừng giữa đường. Người đàn ông đi cùng giải thích rằng chỉ sau 7g xe số 1 đó mới đến bến xe. Sáng sớm Tây Ninh lạnh ngắt, vắng tanh, taxi còn ngủ nghê nơi đâu nên tôi đành cõng balo lấp xấp chạy đến bến xe. May vừa kịp giờ, leo lên chiếc xe chỉ có duy nhất tôi là khách du, giữa những người Tạng hiền lành, mộ đạo.


Đường từ Tây Ninh đi Xiahe thật lạ. Đẹp và lạ.


Chạy trong buổi sáng mù mịt sương mưa, không một tia nắng dù mùa xuân đã đi một nửa, con đường đi qua những miền đất khác nhau đến lạ kỳ, dù chúng không xa nhau lắm. Không biết đâu là ranh giới giữa Cam Túc và Thanh Hải, nhưng trên con đường tôi gặp lại những cội đào già nở hoa rực rỡ. Chỉ khác nhau là chúng nằm trên những vách đá cao ngất bên những con sông đỏ rực, chứ không nằm bên sa mạc thênh thang như ở Đôn Hoàng, Cam Túc.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150204-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150203-1.jpg
Trên triền đá, bên con sông đỏ hồng, những cội đào già vẫn ráng nở hoa giữa ngày xuân xám lạnh lùng.


Bỏ lại sau lưng những dòng sông hồng, những cội đào hồng, con đường lại men theo những dòng sông xanh lục thẫm hay những dòng suối trắng xóa loang loáng ánh bạc, nơi lũ thông tùng bách vẫn ngăn ngắt xanh yêu kiều soi duyên.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150208-1.jpg
Không xa lắm, lũ thông tùng xanh ngắt lại soi duyên bên dòng suối bạc loang loáng


Rồi bỏ luôn sông hồng suối bạc, con đường leo lên những đèo cao ngất tuyết băng lấp lánh sáng. Không còn những cội đào, không còn những gốc thông, con đường chạy qua những miền đất mà chỉ mươi ngày nữa thôi sẽ là những mục trường xanh ngắt cho lũ dê cừu tung tăng. Ngày đó chưa tới, nên giờ con đường chạy giữa những đồi đất xám, thi thoảng được thay bởi màu vàng cỏ khô và màu chủ đạo làm nổi bật xuyên suốt vẫn là màu trắng, đến lóa mắt, của tuyết, của băng.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150219-1.jpg
Lên đồi cao, con đường chạy giữa băng tuyết.


Giá băng trên con đường thật lạnh, nhưng lại giúp cho không khí trở nên trong trẻo, trong suốt. Nên những ngôi chùa nhỏ, những con đường dài đăng đẵng nối tiếp nhau những chiếc Chuyển luân xa lại càng rực rỡ, dù buổi sáng vẫn xám mây… Thú thật, trên con đường dài dằng dặc ngang qua những ngôi làng xác xơ hoang vắng nhưng nhiều những stupa, pháp luân xa, chùa Tạng nhỏ,… này tôi lại có cảm giác đang về lại Tây Tạng. Nhiều hơn bao giờ hết!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150214-1.jpg
Đường chạy qua những làng quê nghèo xác xơ, đẹp những hàng Chuyển luân xa rực rỡ.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150215-1.jpg
Nơi có những người dân Tạng mộ đạo vẫn chăm chú nguyện cầu .


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150212-1.jpg
Và đẹp làm sao những ngôi chùa Tạng rực rỡ giữa miền quê xám.



(Những hình này được chụp qua cửa kính xe, mờ hơi sương vì lạnh giá)



(tbc.)

backpackervn
13-06-2012, 11:44
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 2.


Cái tên Xiahe đã lảng vảng trong đầu tôi từ lâu lắm rồi. Trong mấy chuyến đi trước ngang qua dọc lại đất Trung Thổ tôi đã từng có ý định đến đây, nhưng vẫn chưa làm được. Còn trong chuyến đi này, ban đầu Xiahe cũng chỉ là dự định thứ 3, xếp sau đường lên Tibet, đường xuôi Yushu. Nhưng cuối cùng, những con đường nối chân những con đường, số phận đưa đẩy để tôi đến một Tibet miền hạ những ngày xuân lạnh. Rất lạnh ở miền cao nguyên này.


Nằm trong châu tự trị Tạng Can Nam, huyện Xiahe hiện nay thuộc về tỉnh Cam Túc / Gansu. Nhưng trước đó, tỉnh này từng nằm trong lãnh thổ của tỉnh Thanh Hải / Qinghai. Còn xa hơn nữa, vùng đất này thuộc về miền Amdo của Thổ Phồn hùng mạnh ngày trước.


Không biết có phải do vậy, trong Cẩm nang du lịch wikitravel, giới thiệu là chỉ có 4 cách đến Xiahe, từ Lan Châu, Langmusi, Linxia & Tongren. Không đề cập đến chuyến xe từ Tây Ninh. Mà thật vậy, cũng nhờ cô chủ nhà nghỉ dễ thương ở Tây Ninh chia sẻ thông tin và mua vé giúp tôi mới đến thẳng đây, thay vì dự định ban đầu là sẽ dừng ở Tongren trước. Đi lang bang, những cuộc chuyện trò nhiều khi không là vô bổ lắm.


Độ cao trung bình của Xiahe là từ 2.900-3.100m. Do vậy, đang đứng ở Xiahe bạn cứ mơ màng tưởng tượng là đang đứng ở đỉnh Fansipan thì cũng không phải là tội lỗi nhiều lắm! So sánh một cách khiên cưỡng và thô vậy chỉ để bạn biết là nơi đây mùa xuân vẫn lạnh như thế nào.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150224-1.jpg

https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150223-1.jpg
Ngỡ ngàng trước khu phố Hán “giả Tạng” ở Xiahe.


Bến xe Xiahe nhỏ và cũ kỹ, hoàn toàn trái ngược với khu phố của người Hán mới, ngay bên ngoài. Khu phố hoành tráng “giả Tạng” này làm tôi hơi kinh hoàng. Ban đầu tôi nghĩ nếu Xiahe mà bị Hán hóa kiểu này chắc tôi quay lại bến xe mua vé đi luôn quá.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150266-1.jpg
Nhưng may sao, làng cũ của người Tạng ở cuối con đường, có những chiếc xe bán lá bách xù, lá tùng thơm thơm, bên những chiếc áo đỏ…


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150388-1.jpg
…nơi những con đường nhỏ có những người mộ đạo đang tiến hành vòng kora quanh tu viện, với nghi thức Nhất bộ Nhất bái, với chú chó con lon ton đi theo.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150363-2.jpg
..và con đường dẫn đến những tu viện tuyệt đẹp, có chú mèo con gác cổng gương mắt xoe tròn ngao ngao chào khách lạ.


Nhưng may thay, Xiahe thật, Xiahe cũ nằm cuối con đường đó, tách biệt và Tạng hơn rất nhiều phố Tạng tôi gặp những ngày lang thang Tibet.


(tbc.)

Mèo Bay
13-06-2012, 15:45
https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150204-1.jpg

https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150203-1.jpg
Trên triền đá, bên con sông đỏ hồng, những cội đào già vẫn ráng nở hoa giữa ngày xuân xám lạnh lùng.


Tặng bạn Backpackervn hai câu thơ trích từ bài "Trúc chi từ II" của Lưu Vũ Tích đời Đường rất hợp với mấy tấm ảnh trên:

"Sơn đào hồng hoa mãn thượng đầu
Thục giang xuân thuỷ phách sơn lưu"

(Hoa đào nở đỏ rực khắp trên đầu núi
Dòng nước mùa xuân của sông Thục vỗ vào vách núi rồi trôi xuôi)

Có điều dòng sông này chảy trên cao nguyên Thanh-Tạng nên không phải là sông Thục :D

backpackervn
13-06-2012, 15:49
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 3.


Lóc cóc cõng balo đến Overseas Tibetan Hotel, lấy 1 giường trong phòng dorm (để rồi thành chủ nhân của căn phòng rộng 8 giường đó vì không có khách đi bụi nào khác) với giá 20Y/đêm. Khách sạn rẻ nhất Xiahe này bị “oánh giá” là “you get what you pay for” do nhà vệ sinh bị chê dơ. Nhưng đã từng lang bạt ở Trung Thổ lẫn Thổ Phồn nhiều nên tôi chẳng thấy xi-nhê gì hết. Lý do khác, vốn là fan của Tibet, nên những gì liên quan đến Tibet tôi đều thích, nhất là khi đến Tibet miền hạ, được trọ trong khách sạn Tây Tạng Hải Ngoại thì còn gì bằng!? Thêm nữa, trước giờ chỉ toàn trốn trong các guest house, hostel, nay được vào ở “hotel” thì còn chê cái nỗi gì!!!???



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150398-1.jpg
Khách sạn Tây Tạng Hải Ngoại đây. Nhìn cũng đâu đến nỗi nào há!


Tám dăm câu ba sợi với cậu tiếp tân trẻ người Tạng nhiệt thành và mến khách, tôi vọt ra đường tìm đến cụm tu viện Labrang ngay, vì thấy nắng vàng vừa le lói đâu đó ngoài xa.


Labrang Monastery. Labuleng Si theo cách phiên âm Pinyin. Phiên âm Wylie từ tiếng Tạng: Bla-brang Bkra-shis-'Khyil. Tu viện, hay còn được gọi Đại Tự Viện Lạp Bặc Lăng, hay Lạp Bối Lăng thực ra là một cụm nhiều những tu viện, chùa chiền. Tuy sách vở chỉ nói đây là tu viện lớn nhất ngoài Tibet nhưng tôi thấy rằng Labrang dường như lớn hơn các tu viện ở Tibet. Leo lên cao nhìn thấy Lạp Bặc Lăng này giống như một làng tu với nhiều những ngôi chùa, tu viện nằm quấn quít bên nhau.


Labrang được xây dựng từ năm 1709 bởi vị Phật sống Jiamuyang (Jamyang), Ngawang Tsondru. Ông vốn tu tập ở Tu viện Deprung lừng danh ở Lasha, từng được vua Mông Cổ lúc bấy giờ mời sang giảng đạo trước khi về miền Amdo xây nên tu viện này. Vị trụ trì hiện nay, bắt đầu việc tu tập ở Labrang từ năm 4 tuổi, được xem là vị tái sinh đời thứ 6 của ông. Hơn 3 thế kỷ tuổi tác, số phận của Labrang chìmi nổi dữ dội hơn các tu viện đồng đạo rất nhiều lần. Tấn công Xiahe vào 1917, năm 1918, Ma Qi và đạo quân Hồi giáo của ông đã tấn chiếm giữ Labrang trong suốt 8 năm. Đến 1925, những chiến binh Tây Tạng dành lại Labrang trong tay Ma Qi. Tiếp tục tấn công, vây hãm Labrang nhưng bị sự chống trả quyết liệt của người Tây Tạng và cả những người anh em Mông Cổ hỗ trợ, mãi đến 1927 Ma Qi mới bỏ đi. Để rồi lại quay lại tấn công Labrang vào năm sau, 1928. Rồi một lần nữa tấn công cả vùng Xiahe vào 1929. Những năm 1918, các tăng sĩ của tu viện bị những chiến binh Hồi giáo giết hay thiêu sống. Sau đó, đến 1928-1929 nhà du lịch - thám hiểm Joseph Rock đã chứng kiến cảnh người Hồi giáo dùng đầu của các tăng sĩ để trang trí bên ngoài tu viện. Các chiến binh Hồi giáo thì dùng đầu người Tạng để trang trí lều của họ hay treo tòn ten quanh yên ngựa, như phô phang cho tài thiện chiến của mình… Xương của người Tạng rải trắng Labrang và Xiahe lúc bấy giờ.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150366-1.jpg
Một góc Labrang rạng ngời.


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150365-1.jpg
Một ngôi chùa lấp lánh của Labrang nhìn từ đường kora.


Đến những năm Cách Mạng Văn Hóa ở thập niên 50 thế kỷ trước, Labrang lại một lần nữa bị đập phá tan tành, như nhiều chùa chiền đền đài khác trên đất Trung Thổ lẫn Thổ Phồn. Những gì Hồng Vệ Binh chưa làm được thì đến năm 1985, thần lửa lại góp tay tàn phá Labrang…



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150274-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150371-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150308-1.jpg
Những sắc màu Labrang.


Trải qua bao nhiêu là binh lửa như vậy, Labrang hôm nay được xây dựng lại từ tro tàn. Và vẫn đẹp. Một cách lộng lẫy Tây Tạng nơi miền thảo nguyên mùa xuân nhưng vẫn còn khô vàng này.


(tbc.)

tum
13-06-2012, 19:08
Hi Bpk,
cảm ơn rất nhiều về những bài viết rất tuyệt, thanks Bpk rất nhiều. Đọc hết những bài viết, mình hiểu nhiều hơn về Phật giáo và giờ cũng trở thành fan của Tibet luôn :D, nên cố gắn đăng kí vào phược để viết vài lời này. Bpk chắc đang bận cày cuốc để tích lũy lúa cho những chuyến đi tiếp theo? Chúc Bpk có những chuyến đi tuyệt vời khác.
P/S: vài hôm trước đây đọc bài "Nepal ngày thu xanh" mà Bpk viết đã lâu, nhưng hình như đoạn Bpk thăm vương triều Kapilavastu vẫn chưa có, nếu có tg, bạn viết luôn cho nó trọn vẹn.

backpackervn
14-06-2012, 10:43
@ tum, cảm ơn bạn đọc và chia sẻ, nhưng bpk thường nghe hoài (và rất thích (!?)) câu ca sến nức sến nở “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”. Nên thôi thì cứ để nó dở dang vậy đi há!


@ Mèo Bay, cảm ơn bạn. Bpk mà có được nửa lưng vốn tiếng Hán của bạn thì giờ chắc đang (sinh sống) ở Tây Tạng rồi! Bài thơ của bạn tặng, bpk thích 2 câu cuối (theo bản dịch này) quá:

Hồng tàn như thể tình anh
Sầu em bất tận vỡ thành nước sông.

Bpk lang thang Tứ Xuyên mấy lần, chắc cũng có ngang qua Thục Giang (!?) mà không biết đâu đó có ai “sầu em bất tận vỡ thành nước sông” hay không? (Mà cũng théc méc là hổng biết bạn tiếc gì mà hổng tặng nguyên bài, chỉ cắt tặng có 2 câu à!? He he he.... :T )

-------------------------------------------------------------


15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 4.


Phân vân giữa chọn 2 phương án, đi vòng kora Labrang hay ghé Tu viện chính trước, cuối cùng tôi kết hợp cả 2 (!?). Vừa đi theo vòng kora vừa ghé các chùa chiền ở vòng rìa, để sau đó mới vào trung tâm ghé các ngôi chùa ở khu giữa Labrang. Lý do là sợ nắng tắt không chụp hình đẹp được, nhưng lại muốn chứng tỏ sự thành tâm qua vòng kora khấn nguyện! Hổng biết có trời Phật nào chứng giám cho cái sự thành tâm/ham hố nửa vời này không nữa.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150231-1.jpg
Những con đường bình thường Labrang, nhưng trong mắt tôi nó đẹp lạ. Nhiều lúc tôi ngồi chờ đường không có ai để chụp hình, nhiều lúc lại chờ nhiều bóng áo đỏ để lại chụp hình.


Nhưng, vẫn bị lôi cuốn. Lê la các ngôi chùa ở vòng rìa thấy kế kế bên trong có ngôi chùa lấp lánh thế là mon men vào tiếp. Rồi bị cầm chân ở đó. Thế nên vòng kora quanh Labrang đó có người đi mấy vòng vẫn gặp tôi xớ rớ ở đoạn đường cũ hay mới nhích lên được chút chút.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150260-1.jpg
Mái hiên che con đường dài hun hút những Chuyển Luân Xa (bạn nào từng đi Tây Tạng về có thấy gì lạ?). Tôi chờ biết bao lâu mới có một khoảnh khắc rất ngắn không có người mộ đạo nào đi và cầu nguyện.


Và ngôi chùa tôi ghé vào đầu tiên, nằm bên dòng Đại Hà lấp lánh kề bên, cuối hàng hiên dài hun hút dãy Chuyển Pháp Luân là Kongthang Pagoda. Ngôi chùa mà tôi vào google gõ tìm hình ảnh không ra một kết quả nào (vì tôi sợ quên, nhầm hình chùa này qua chùa khác) lại là ngôi chùa rất đặc biệt.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150233-1.jpg
Nhìn từ xa, Kangthong Pagoda giống như một stupa vàng lấp lánh…


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150255-1.jpg
…nhưng sau khuôn cửa này là một ngôi chùa lấp lánh.


Đặc biệt đầu tiên vì Kongthang là ngôi chùa mới được xây dựng lại từ những năm 90 thế kỷ trước, sau khi chùa cũ bị tàn phá hoàn toàn bởi Cách Mạng Văn Hóa. Bởi sự tài trợ của một người phụ nữ Mỹ. Vì mới, nên ngôi chùa lấp lánh cuốn hút tôi, từ xa. Nhưng điểm đặc biệt chính không phải các điều vừa kể, mà chính vì lượng kinh văn được lưu giữ trong ngôi chùa nhỏ này. 26.000 bản, thú vị nhất trong đó có 9.000 bản là nguyên gốc, được các vị sư cất giữ, che giấu sao đó mà thoát được sự lùng tìm dữ dội của đám Hồng Vệ Binh hung hãn thời đó.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150234-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150236-1.jpg
Các pho tượng Phật đẹp của chùa Kongthang, bao quanh bởi kinh kệ.


Nên vào chùa Kongthang, ngoài những pho tượng đẹp, bạn sẽ sửng sốt với vô vàn những kinh sách lưu giữ ngập tràn các điện thờ...


(tbc.)

backpackervn
14-06-2012, 14:06
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 5.


Tôi đã tìm được trong máy một bức hình về tấm bảng trước cửa chùa, ghi rõ là “Kongthang Pagoda”, nhưng lang thang trên mạng, lại phát hiện ra ngôi chùa này còn có một cách viết khác “Gong Tang Chorten”, và với cái tên này, kết quả tìm kiếm lại có nhiều hơn! Chorten, một cách gọi khác của “stupa” / “bảo tháp” thực ra thể hiện đúng hình dáng của ngôi chùa này hơn.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150259-1-1.jpg
Đúng là nhìn Gong Tang từ xa giống một stupa / bảo tháp thật….


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150250-1.jpg
…nhưng vào bên trong khuôn viên lại thấy một ngôi chùa đẹp.


Cũng như tất cả các ngôi chùa, gian điện ở Labrang, việc chụp hình bên trong đều bị cấm. Việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn ở Kumbum / Taer Si bên Tây Ninh, Thanh Hải. Lại không có việc cấm, nhưng muốn chụp hình bên trong phải đóng tiền như ở các ngôi chùa ở Tây Tạng… nên việc chụp hình bên trong ở đây rất khó. Nhất là các gian điện, ngôi chùa ở đây nhỏ, thiếu ánh sáng, ít du khách nên khách lạ vào đều được “chăm chút” kỹ. Nhất là khách da vàng mũi tẹt, vì bị nghi ngờ là người Hán, vốn không được chào đón ở đây. Cũng may, tôi cũng da vàng mũi tẹt nhưng không giống người Hán lắm, thêm nữa là tôi thường chủ động chào trước họ, bằng tiếng Tạng hoặc tiếng Anh nên có phần được “nới tay” hơn. Nên tôi cũng rón rén chụp được những tấm hình bên trong các ngôi chùa.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150237-1.jpg


https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150247-1.jpg
Bên trong Gong Tang Chorten lộng lẫy những sắc màu Tây Tạng.


Điểm nhấn thêm cho Chùa Kongthang / Gong Tang Chorten ngoài 26.000 bản kinh Phật chính là bảo tháp vàng lấp lánh cao 31m này. Bảo tháp / chorten này không chỉ to mà còn đẹp những pho tượng được chạm khắc trực tiếp vào đó. Pho tượng Phật Thích Mâu Ni / Sakyamuni nhập niết bàn (đã chia sẻ ở enrty trước) cũng là một điểm nhấn. Pho tượng này có nét mặt hiền hòa hơn những pho tượng ở Tây Tạng, nhưng vẫn không quá đầy đặn phúc hậu như các pho tượng ở các chùa Hán miền đồng bằng Trung Nguyên.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150249-1.jpg
Lấp lánh và đẹp sống động ở “nóc” của Gong Tang Chorten.


Một điểm cộng nữa cho Kongthang / Gong Tang là độ cao của nó và việc các nhà sư cho phép khách lên tận nóc chùa để phóng tầm nhìn ra xung quanh. Bên này, dòng Đại Hà / Daxia lấp lánh, thong dong chảy. Trên triền sông, các chú tiểu vui đùa hay các vị sư đọc sách. Cũng có các vị sư trẻ đem những cây kèn Tây Tạng dài hơn thân người ra đây tập tành thổi… Thỉnh thoảng, trên đường cái, bầy lừa thong dong xếp hàng đủng đỉnh bước, dưới chân một ngọn đồi cỏ còn khô vàng, làm phông nền là lạ cho những chiếc áo đỏ trên triền sông.



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150242-1.jpg
Bên kia dòng Đại Hà, các vị sư trẻ nghỉ ngơi sau buổi tập thổi kèn mệt nhọc. Chắc mệt lắm vì kèn to vậy mà!


Và vì nằm ở “rìa” cụm tu viện Lạp Bốc Lăng, từ nóc chùa Kongthang nhìn về núi Phượng, toàn bộ khuôn viên thênh thang của tu viện mênh mông này đều nằm trong tầm mắt. Một điểm tuyệt vời để ngắm nhìn Labrang. Chỉ hơi tiếc lại lúc đó mây xám đâu bỗng ùa về nên quang cảnh không được tươi sáng. Nhưng lại làm nổi bật hơn những sắc màu rực rỡ của đền chùa!



https://i786.photobucket.com/albums/yy145/backpackervn8/P4150243-1.jpg
Nhìn về núi Phượng, những chùa chiền của Labrang lấp lánh trong ngày xám.


(tbc.)

Mèo Bay
16-06-2012, 18:39
@ Mèo Bay, cảm ơn bạn. Bpk mà có được nửa lưng vốn tiếng Hán của bạn thì giờ chắc đang (sinh sống) ở Tây Tạng rồi! Bài thơ của bạn tặng, bpk thích 2 câu cuối (theo bản dịch này) quá:

Hồng tàn như thể tình anh
Sầu em bất tận vỡ thành nước sông.

Bpk lang thang Tứ Xuyên mấy lần, chắc cũng có ngang qua Thục Giang (!?) mà không biết đâu đó có ai “sầu em bất tận vỡ thành nước sông” hay không? (Mà cũng théc méc là hổng biết bạn tiếc gì mà hổng tặng nguyên bài, chỉ cắt tặng có 2 câu à!? He he he.... :T )


Vì hai câu cuối của bài thơ này nghe rất buồn - mà lỡ có ai đó liên tưởng bạn Backpackervn với câu thơ thứ 3 thì tội bạn chết, vì mình nghĩ bạn là người tâm ý kiên định chứ không có "dị suy" như câu thơ đó đâu:D

Mình chép ra đây luôn cho nó đủ bài nhé, (cho các bạn khác cùng đọc luôn):

"Sơn đào hồng hoa mãn thượng đầu,
Thục giang xuân thủy phách sơn lưu.
Hoa hồng dị suy tự lang ý,
Thuỷ lưu vô hạn tự nùng sầu"

(Hoa đào nở đỏ rực khắp trên đầu núi
Dòng nước mùa xuân của sông Thục vỗ vào vách núi rồi trôi xuôi
Màu hoa đỏ dễ phai tàn giống như ý của chàng
Nước chảy không ngừng tựa như nỗi buồn của thiếp )

Lời dịch là của mình, còn bản dịch thơ này là của Bích Hải:

"Hoa đào đỏ rực trên đầu núi,
Dòng sông vỗ sóng nước mênh mang.
Nước trôi vô hạn như tình thiếp
Hoa dễ tàn phai tựa ý chàng."

P/S: "nùng" là đại từ tự xưng của phụ nữ miền Nam TQ thời xưa, có thể dịch là em, thiếp... thể hiện sự nhún nhường (và có chút lép vế nữa:D).

backpackervn
18-06-2012, 16:37
@ Mèo Bay, cảm ơn những câu thơ và sự chia sẻ của bạn, để loạt bài này bớt khô cứng vì chỉ độc thoại và chùa chiền!

----------------------


15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 6.



Tôi quấn quíu ở Kongthang Pagoda thật lâu, vì ngôi chùa này ngoài những kiến trúc đẹp trong ngoài, sân thượng của chùa quả là một view-point lý tưởng. Ngắm núi nhìn sông gì cũng hay. Thời gian tôi dừng đây lâu, ngoài việc đi mấy vòng kora nhỏ quanh chùa, còn là lúc ngồi ngắm và chờ vắng khách ở mái hiên dài dằng dặc những hàng Pháp Luân Xa để chụp được một tấm hình. Nên khi tôi rời Kongthang đã hơi xế trưa, bụng đói meo vì từ sáng đến giờ trên chuyến xe từ Tây Ninh đến đây vẫn chưa ăn gì. Nhưng tôi vẫn đi tiếp hành trình kora của mình, lòng vui hơn, không chỉ vì nắng đã lên nhiều rồi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/1-P4150345-1.jpg
Những Chuyển Pháp Luân hình lục giác, giống như ở Mông Cổ, thay vì hình tròn như ở Tây Tạng.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/1-P4150300-1.jpg
Những mũi tên gắn với dải lụa màu, không thấy ở đâu khác ngoài Labrang này.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/1-P4150295-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/1-P4150294-1.jpg
Những tranh tường, Mandala,… tổng thể thì giống nhưng chi tiết lại mang nét lạ.


Labrang, Xiahe nằm trong tỉnh lớn Cam Túc, mà phía Bắc giáp với Nội Mông và cả Mông Cổ. Tần Vương Thủy Hoàng, người đầu tiên thống nhất Trung Nguyên xuất thân từ vùng Thiên Thủy, phía Đông Nam tỉnh (nơi tôi cũng đã dừng chân trên cung đường này). Tuy vậy, thật sự Xiahe lại nằm trong đất Amdo của Thổ Phồn ngày trước. Phía tây bắc Xiahe, xa hơn nữa là vùng Tân Cương nhiều người Hồi… Do vậy, vùng Xiahe được xem là nơi giao thoa của 4 nền văn hóa: Tây Tạng, Mông Cổ, Hồi giáo Trung Hoa và Hán, dù nhóm dân đông nhất vẫn là người Tạng, đến 60%, còn lại 20% là người Hán, 20% là người Hồi. Người anh em Mông Cổ đã rời đi, tuy nhiên có thể thấy sự giao thoa về văn hóa của Tây Tạng và Mông Cổ ở đây. Một ví dụ điển hình mà tôi có thể nói vì trải nghiệm đó là những chiếc Chuyển Luân Xa hình lục giác gặp ở Hạ Hà / Xiahe và ở Mông Cổ thay vì những hình tròn như thường thấy ở Tây Tạng bây giờ, hay ngay cả ở Sikkim, Ladakh…



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/1-P4150286-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/1-P4150347-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/1-P4150283-1.jpg
Những hồng tự, bạch tự, những trướng che này thì không lẫn vào đâu những nét riêng của Tây Tạng



Sự giao thoa về văn hóa đa dạng đã đem lại cho Labrang những nét lạ, đẹp, tuy nhiên vẫn không bị phai mờ nét Tạng, như ở Kumbum đã bị ít nhiều.


(tbc.)

backpackervn
18-06-2012, 16:41
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 7.


Xiahe nằm gọn trong thung lũng hẹp, tạo bởi Long sơn và Phụng sơn và được nuôi dưỡng bởi dòng Đại Hà / Da Xia He (Còn gọi là Sangch / Sang Qu / Sang Chu). Dòng Đại Hà rồi sẽ theo dòng đổ vào sông lớn Hoàng Hà ra biển khơi. Chỉ còn núi rồng núi phụng ở lại. Nhìn theo.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/2-P4150264-1.jpg
Trường học Phật giáo thơm ngát hương khói bách xù bên một góc núi Phụng.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/2-P4150364-1.jpg
Từ bên Long Sơn nhìn về Phụng Sơn, lấp lánh chùa vàng Kongthang


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/2-P4150313-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/2-P4150326-1.jpg
Những ngôi chùa đẹp nằm bên dưới Long Sơn


Chuyện xưa kể rằng, nơi đây ngày xưa là biển lớn không bờ không bến. Một ngày nọ, chim phụng vàng từ xa bay đến, mỏi mệt và khát, chim đã uống cạn cả biển nước hồi nào không hay. Đang ngủ ngon dưới biển sâu, một chú rồng giật mình tỉnh giấc khi thấy đại dương khô cạn, thần dân khóc than giãy giụa đành đạch... Thương tình chú rồng phun ra dòng nước, để cứu thần dân. Dòng nước đó là Đại Hà giang bây giờ. Xác thân khô cạn của chú biến thành núi rồng, rồi chim phụng cũng thương tình ở lại. Nên bây giờ mới có Long Sơn, Phụng Sơn và dòng Đại Hà lờ lững.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/2-P4150371-1.jpg
Nhìn Phụng Sơn qua mái vàng lấp lánh của Đại Kim Ngõa Điện.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/2-P4150303-1.jpg
Các am nhỏ để các vị sư thiền định trên sườn khô cỏ vàng của Long Sơn.


Chim phụng, rồng bay đâu tôi không thấy, chỉ thấy nơi đây rất nhiều đại bàng kiêu hãnh lượn lờ trên trời cao. Chắc những cánh chim tự do phóng khoáng này đã luôn là niềm tự hào và gợi niềm mơ ước của những người dân Xiahe.


(tbc.)

backpackervn
19-06-2012, 13:34
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 8.


Miền đất này, quá khứ bao đau thương tang tóc, bây giờ cũng vậy.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/3-P4150394-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/3-P4150396-1.jpg
Những người dân Tạng ở chợ chồm hổm đầu tu viện Labrang. Cô gái Tạng thật xinh.


Olympic. Năm 2008, khởi đầu cho những cuộc nổi dậy của người Tạng. Ở miền Xiahe này những cuộc nổi dậy bừng bừng khí thế hơn bao giờ hết. Và cũng tang thương hơn bao giờ hết. Đã có 19 người dân và tăng sĩ ở đây bị sát hại trong cuộc cách mạng Tháng 3 năm đó. Cuộc Cách mạng mà những người Tạng tôi biết đều tự hào và đau đớn khi nhắc đến, March 14th.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/3-P4150309-1.jpg
Thế hệ tương lai của Xiahe.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/3-P4150325-1.jpg
Xiahe đẹp hơn với những chiếc áo đỏ này.


Labrang sau đó bị đóng cửa một thời gian dài, rất dài, dài hơn cả Tibet. Ngay cả khi Lasha mở cửa lại vào cuối tháng 9.2008, Labrang vẫn còn bị đóng cửa. Mở cửa lại thời gian lâu sau đó, với thêm rất nhiều những cảnh sát Hán được đưa về, tình hình Labrang / Xiahe tạm ổn dần.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/3-P4150376-1.jpg
Một người Tạng nhẫn nại & thành kính lặng lẽ đi vòng kora trong chiều muộn.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/3-P4150382-1.jpg
Có người đi 3 bước quỳ xuống vái lạy, nhưng cũng có người thay vì đi dọc lại đi ngang và cứ mỗi bước ngang lại quỳ xuống vái lạy.


Rồi đến cuối tháng 2 năm nay, 2012, Tobgye Tseten một thanh niên Xiahe, cùng với Dargye, đến từ Aba, Tứ Xuyên, đã châm lửa tự thiêu tại quảng trường Bakhor, Lasha, Tibet. Những ngọn lửa đau đớn, những ngọn lửa cuộc sống của một đời người đã thắp lên để đấu tranh cho một Tây Tạng tự do.


Bao giờ Xiahe mới bình yên?


(tbc.)

backpackervn
20-06-2012, 11:46
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 9.


Vòng kora nội (vòng nhỏ) chỉ 3km tôi đi trong nhiều giờ. Nhưng vẫn lo rằng mình đã bỏ sót điện này, chùa nọ vì có quá nhiều gian điện, chùa, trường học tôn giáo… ở đây.


Lạp Bặc Lăng Đại Tự Viện còn có một tên nữa, Trát Tây Kỳ, ý tiếng Hán là “Chùa Cát Tường”, có diện tích trên 822.000 mét vuông gồm sáu trường học cho các tăng sĩ, 84 điện thờ, 31 nhà có mái kiểu Tây Tạng, 30 Phật điện, và khoảng 500 phòng dành cho tín đồ lưu trú qua đêm. Do vậy, không biết những người Tạng mộ đạo đi kora theo nghi thức Nhất bộ Nhất bái sẽ đi trong bao lâu?



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/4-P4150306-1.jpg
Có rất nhiều điện chùa đẹp ở Labrang này.


Chỉ trừ Kangthong Pagoda mở cửa (và có bán vé) cho khách ngoại quốc tự do, các gian điện, chùa chiền còn lại chỉ mở cửa cho khách mua tour, 2 lần trong ngày. Đâu đó khoảng 10am và 3pm. HDV sẽ dắt đi và giới thiệu. Tour đó bao gồm Y Viện Đường (Institute of Medicine), Chùa Văn Thù (Manjushri Temple), Đại Kim Ngõa Điện (Golden Tile Temple) và Đại Kinh Đường (Grand Sutra Hall).



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/4-P4150312-1.jpg
Bữa trưa lúc xế chiều của tôi – hình như thiếu thiếu cái gì đó há!


Buổi sáng, đến nơi đã hơn 11am. Buổi trưa, vòng kora 3km người ta đi mươi phút tôi đi mấy tiếng. Xong, đói bụng về phố gọi dĩa cơm chiên với thịt bò yak đơn giản và đổ thật nhiều ớt để ấm bụng và át mùi, tôi vác bụng quay lại tu viện gặp đúng lúc các sư tan trường. Lại lon ton chạy theo rình chụp hình. Đến khi quay lại Đại Kinh Đường để mua vé vào thăm viếng thì đã hết giờ.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/4-P4150230-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/4-P4150316-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/4-P4150324.jpg
Những con đường ở Xiahe đẹp hơn giờ tan tu viện!


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/4-P4150358-1.jpg
Tôi theo con đường đẹp này tìm đến Đại Kinh Đường (lấp lánh xa xa)…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/4-P4150288-1.jpg
…đến nơi thì đã vắng tanh vắng ngắt, cửa đóng then cài!


(tbc.)

backpackervn
20-06-2012, 11:49
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 10.


Nhưng thật sự tôi cũng không tiếc lắm vì tôi biết đi theo đoàn thì khó lòng chụp hình được. Còn giờ đi lang thang, các chùa đó đóng cửa điện nhưng cổng chính vẫn mở, vẫn có thể vào ngó nghiêng bên trong và ngó qua những khung cửa sổ vào nội điện bên trong cũng được.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/5-P4150375-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/5-P4150284-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/5-P4150355-1.jpg
Tôi không buồn lắm khi không viếng bên trong Đại Kinh Đường vì Labrang còn nhiều chùa đẹp khác.


Mà cũng không cần thiết lắm vì chiều nay nắng lên xanh ngời, đi lại một vòng kora nữa để đi cùng người dân lành, ngó nghiêng, chụp hình những ngôi chùa đẹp giờ càng rực rỡ trong nắng cũng hay ho lắm rồi. Nên tôi lại đi tiếp một vòng kora nữa.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/5-P4150348-1.jpg
Cả những chiếc cổng đẹp để vào chùa đẹp.


To lớn và đẹp đẽ nhất ở Labrang là Đại Kinh Đường. Tôi đến đây lúc chiều muộn, cửa điện đã đóng nhưng khách vẫn có thể vào khuôn viên bên trong được. Ngoài những tranh tường mang màu sắc lạ ở đây, như những bức tranh về Mnadala… tuy từa tựa nhưng lại rất khác về chi tiết so với tranh Tạng, Hán đến những mũi tên gắn kèm những lá cờ nhiều màu sắc quả thật là rất lạ tôi chưa bao giờ thấy ở đâu hết. Mà cũng chẳng biết hỏi ai nữa, nên chỉ chụp vài tấm hình để về lên mạnh lần mò tìm thông tin – nhưng giờ vẫn chưa ra.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/5-P4150301-1.jpg
Một hành lang bên trong Đại Kinh Đường.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/5-P4150275-1.jpg
Tiểu Kim Ngõa Điện và một góc của Đại Kim Ngõa Điện, nằm tiếp sau Đại Kinh Đường.


(tbc.)

backpackervn
20-06-2012, 11:51
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 11.


Một điểm ngồ ngộ của những tranh tường ở đây là tiểu thuyết đã được đưa vào nơi tôn nghiêm: những câu chuyện về đường sang Thiên Trúc thỉnh kinh của Ngô Thừa Ân phổ biến đến mức có cả mảng tranh tường vẽ về hành trình đi thỉnh kinh của Huyền Trang với sự hỗ trợ của các đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng… rất sinh động



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/6-P4150289-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/6-P4150289-4.jpg
Tây Du Ký trong Đại Kinh Đường.


Ngay sau Đại Kinh Đường với ngói xanh, mà ngày xưa chắc là ngói lưu ly xanh, là ngôi Đại Kim Ngõa Tự vàng chói lấp lánh. Không chỉ mang nét lạ do sự giao thoa của 4 miền văn hóa Tạng – Hồi – Mông – Hán, ở Labrang này còn gặp cả kiến trúc Nepal. Ở ngay Đại Kim Ngõa Tự này. Vẫn mái vàng lấp lánh như ở các ngôi chùa Hán, Tạng khác nhưng phần thân ngôi chùa được xây và chạm khắc giống như những ngôi đền Ấn giáo ở Nepal, bởi những nghệ nhân Nepal từ bên kia dãy Himalaya xa xôi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/6-P4150370-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/6-P4150374-1.jpg
Các góc nhìn từ phía sau của Đại Kim Ngõa Điện.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/6-P4150282-1.jpg
Tiểu Kim Ngõa Điện nhìn từ sau (vì phía trước đóng cổng mất tiêu rồi).


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/6-P4150276-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/6-P4150278-1.jpg
Ảnh hưởng của kiến trúc Nepal ở Tiểu Kim Ngõa Điện và Đại Kim Ngõa Điện.


(tbc.)

backpackervn
20-06-2012, 11:55
15.04 Về Tibet miền hạ, Labrang của Xiahe – 12.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/7-P4150361-2.jpg
Vòng kora lại ngang qua những ngôi chùa đẹp.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/7-P4150336-1.jpg
Kể cả rẽ ngang vào để tìm những góc ảnh mới về Đại Kinh Đường và Đại Kim Ngõa Điện lấp lánh.


Vòng kora kết thúc ở bảo tháp trắng, nơi những người dân lại đi những vòng kora nhỏ cuối cùng để rồi lại sang bên kia đường nghỉ ngơi, hay vẫn tiếp tục vòng kora mới.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/7-P4150389-1.jpg
Stupa đánh dấu một vòng kora vừa kết thúc.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/7-P4150392-1.jpg
Nơi 2 cô gái Tạng xinh đã bỏ tôi bơ vơ!


Bảo tháp này, sẽ không giống các bảo tháp ở Tây Tạng hay Nepal vì đây là kiến trúc giao thoa Tạng – Hán nhiều nhất trong cụm tu viện Labrang. Đây cũng là nơi tôi dừng chân để ngồi ngó nghiêng thiên hạ, những cô gái Tạng xinh xắn trong chiều nắng nhạt nhưng chiếc má vẫn rám hồng. 2 cô gái hình như cũng biết tôi bắn tỉa nên đôi lúc cũng quay lại nhìn nhìn. Cũng may chiều nay nắng lên, tôi quăng hết đồ ấm ở nhà nên giờ thấy quần rách te tua, áo cũ tơi tả, hoàn toàn không giống các thiếu gia người Hán du lịch với quần áo sang đẹp, súng to ống dài nên chắc không bị mất điểm lắm với các nàng. Nhưng chỉ ngồi một lúc, có các chàng trai Tạng đến đưa các nàng đi, bỏ lại mình tôi bơ vơ. Như vẫn mãi chơi vơi. Từ trước đến giờ.


***


Tôi lại đi một vòng kora, lúc chiều đã chập choạng. Trời chiều trong xanh ngoài kia, nhưng dãy núi Phụng đã nghiêng che tối sầm những con đường kora lầm bụi ven những ngôi chùa tinh khôi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/7-P4150400-2.jpg
Phố Xiahe đã chiều.


Những người dân Tạng vẫn lầm lũi, lặng lẽ đi. Những tín đồ mộ đạo nhẫn nại từng bước lạy quỳ. Bên triền sông, những chú tiểu vui đùa đuổi bước. Trên những mái nhà, nóc chùa, các vị sư bên nhau trò chuyện. Xa ngoài kia, có một chú tiểu ngồi lặng lẽ bên tảng đá nhìn mãi dòng Đại Hà trôi. Chú nhớ nhà, nhớ quê hương nhớ mẹ cha bè bạn. Một góc nóc chùa vắng, một vị sư trẻ một mình trầm tư ngước mắt nhìn trời xa…. Thầy nghĩ gì, thầy mong gì/ Cho một Tây Tạng tự do, cho một Xiahe thanh bình…?



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/7-P4150268-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/7-P4150386-1.jpg
Làm sao có thể quên buổi chiều Labrang này, những vòng kora này…


Dòng kora dần thưa. Những cơn gió xuân lạnh ùa về, hun hút đuổi nhau bên sườn núi, làm tung tóe lũ bụi hỗn hào. Chợ quê đã vắng giờ dần tan. Những chàng trai cô gái Tạng chở nhau trên những chiếc xe máy Tàu phi nhanh vào chiều muộn. Những chiếc xe lừa cọc cạch chở những người dân quê với những bó rau, đám cải đã héo rũ sau một ngày phơi gió sương đất lạnh,… lầm lũi đi về bên kia sông, tan dần vào sương đêm đã nằng nặng.


Phố về đêm, vắng tanh, càng lạnh hơn khi lũ mây xám từ đâu ùa về. Rồi những bông tuyết mong manh bay nhè nhẹ, trắng toát, rơi xuống đêm đen như muốn đuổi lữ khách lang thang đơn độc trên đường nên tìm nơi nương náu.


Một mình. Nhiều, rất nhiều những chai. Trên căn gác 2 của quán nhỏ vắng tanh, tôi nhìn ra Labrang tối đen ngoài kia. Đêm yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gió thì thào ngoài kia.


Chợt nghe trong đêm tiếng thở thật dài. Tiếng gió? Hay tiếng lòng ai?


Xiahe, bao giờ bình yên? Labrang, bao giờ trở lại?

backpackervn
20-06-2012, 16:15
16.04 Lấp lánh xuân lạnh Langmusi – 1


Buổi sáng mùa xuân buốt giá, như bao buổi sáng khác những ngày lang bạt, tôi một mình se sẽ khép cánh cửa phòng, nhẹ mở cổng, bước ra phố còn ngái ngủ vắng tanh. Lầm lũi cõng balo ra bến xe, leo lên chiếc xe cọc cạch, cũng như mọi lần tìm đến hàng ghế cuối thả người,… Tôi tìm về Langmusi, một Tây Tạng miền hạ khác.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160449-1.jpg
Chàng trai trẻ Tạng này, dù cũng một mình, nhưng những mái nhà đang chờ cậu phía trước. Còn tôi, có ai chờ?


Đường từ Xiahe về Langmusi là đường về Trung Thổ, trên đường về nước Việt của tôi. Nhưng con đường về này không xuôi xuống mà lại lên cao. Từ độ cao khoảng 2.900-3.100m của Xiahe, con đường chạy lên miền Langmusi sẽ dừng chân ở làng nhỏ nằm ở độ cao chính xác là 3.325m. Do vậy, từ Xiahe lạnh, tôi đến vùng Langmusi còn lạnh hơn.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160408-1.jpg
Vừa chia tay Xiahe, đường ngang qua những miền đất dù khô vàng, nhưng vẫn còn là những đồng cỏ…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160455-1.jpg
… đến gần Langmusi hơn, đường giờ bao phủ tuyết băng.


Nhưng, tại sao là Langmusi?



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160485-1.jpg
Tại sao Langmusi? Tấm hình này có thể trả lời?


http://farm9.staticflickr.com/8001/7406588038_8e4e3117d4_b.jpg
Nếu không, tấm hình này có thể trả lời?



(tbc.)

binhan
21-06-2012, 06:02
"Bữa trưa lúc xế chiều của tôi – hình như thiếu thiếu cái gì đó há!" Thiếu bia chứ gì, hi hi:D
"Nếu không, tấm hình này có thể trả lời?" Tấm hình này mở ra một câu chuyện hay cho Langmusi. Tác giả đang viết bài theo lối chương hồi, hồi sau sẽ rõ đây...:)

backpackervn
21-06-2012, 11:49
@binhan, không được “vạch áo cho người xem lưng”! Viết dở quá nên phải đi câu khách bằng kiểu chương hồi đó mà!

-----------------------------------


16.04 Lấp lánh xuân lạnh Langmusi – 2


Tấm hình trên có thể trả lời phần nào, vì đây là tấm hình đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì tuyết băng phủ trắng xóa những mái nhà giữa những ngày tháng Tư mùa xuân mà vì ngôi làng nhỏ, những mái nhà tuyết phủ đó nằm trải dài trên hai tỉnh thành của Trung Quốc, Gansu & Sichuan. Nhưng đó chưa phải là tất cả!



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160468-1.jpg
Langmusi, làng nhỏ, rất nhỏ nằm dưới chân núi tuyết, chỉ có 1 con đường chính này có gì mà tôi tìm đến?


Vì cái tên Langmusi có trong tôi từ trước cả cái tên Xiahe!


Có thể nhiều, rất nhiều người sẽ nói, sao không là Cửu Trại Câu, Hoàng Long… với hồ xanh, suối bạc, cây vàng, núi biếc… mà là những Kumbum, Xiahe, Langmusi…?



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160503-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160488-1.jpg
Để ngỡ ngàng trước một Langmusi lấp lánh ngày xuân lạnh.


Thực ra tôi cũng không phải là kẻ không biết đến cái đẹp (!?), không thích cái đẹp (?!). Tôi đến Jiuzhaigou / Cửu Trại Câu chưa? Vẫn chưa, dù tôi đã dự định mấy lần. Có lần ở Thành Đô, tôi đã ra đến tận bến xe Tây Thành Đô hỏi mua vé đi Cửu Trại Câu thì mới biết mấy hôm trước núi sạt, đá lở, muốn đi phải đi đường vòng mất gấp 3 thời gian dự định, mà tôi đang có kế hoạch nối chuyến không thể trễ được. Nên, tôi xem như vẫn chưa có duyên với cái đẹp, với Cửu Trại Câu, với Hoàng Long,… vậy!



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160473-1.jpg
Càng ngơ ngác hơn khi bên này là trời xanh ngắt núi rừng xanh biếc…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160476-1.jpg
…thì bên kia là băng phủ tuyết rơi, như ai đó lấy dao trời cắt Langmusi ra làm hai phần tách biệt!


Cái tên Langmusi cũng đã xuất hiện từ những lần dự định đi Cửu Trại Câu đó. Vì thứ nhất, Langmusi không xa Cửu Trại Câu lắm. Thứ hai, Langmusi là miền đất lạ, nơi bước qua bên kia chiếc cầu đá nhỏ bạn sẽ đặt chân trên đất Cam Túc, bên này cầu bạn đang ở đất Tứ Xuyên. Chưa đi được đến cây cầu bắc ngang qua vịnh Bosporus, để cùng lúc được đặt 2 chân trên 2 lục địa Âu Á, nên tôi muốn “thử” ở Langmusi vậy (!?). Thứ nữa, Langmusi là cửa ngõ cuối cùng của vùng Tạng Amdo, giáp với vùng Tạng Aba, sẽ có nhiều giao thoa văn hóa hay lạ, dù cả 2 cùng đều thuộc về đất Thổ Phồn ngày xưa. Thứ nữa là Langmusi cùng với Xiahe là 2 miền đất bị chính quyền TQ đóng cửa rất lâu sau sự kiện March 14th. Và nhiều lần sau đó nữa. Nên tôi càng quyết tâm. Thứ nữa là nghe nói mùa xuân nơi đây tuyết băng vẫn đóng dày lấp lánh. Thứ nữa, thứ nữa, rồi thứ nữa… để một trưa xuân lạnh tôi may mắn đặt chân đến miền đất lạ Langmusi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160514-1.jpg
Và để hạnh phúc, như người dân Tạng cô đơn kia, đi vòng kora quanh núi thiêng…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160581-2.jpg
…để chiều xuân qua suối băng, sông lạnh, ngược rừng sâu lội tìm Suối nguồn Tuổi trẻ…


Ừ, tôi đã rất may mắn. Vì tôi đến Langmusi từ Xiahe, Cam Túc, khi chính quyền tỉnh này còn cho phép khách nước ngoài đi trên cung đường này. Trong khi đó, đường đến Langmusi từ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ngang qua vùng Tạng Aba đang bị cấm, không bán vé cho khách nước ngoài. Mà sau đó tôi mới biết!


(tbc.)

backpackervn
21-06-2012, 15:06
16.04 Lấp lánh xuân lạnh Langmusi – 3



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160401-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160402-1.jpg
Con đường từ Xiahe đi Langmusi không những qua những miền đất lạ mà còn là những con phố đẹp.


Cũng như chuyến xe từ Xining đến Xiahe, chiếc xe từ Xiahe đi Langmusi, mà vé tôi phải mua từ hôm trước, chỉ toàn những người Tạng. Khác với những chiếc xe máy lạnh bóng loáng ở Trung Thổ, chiếc xe này cũ kỹ và xộc xệch, cửa không kín nên gió lạnh teo... Nhưng cũng nhờ vậy tôi có thể ngắm và chụp được những bức hình trên con đường rất đẹp từ Xiahe về Langmusi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160406-1.jpg
Người ta đi có gái đẹp tiễn đưa, còn tôi chỉ lủi thủi một mình! Hic!!!
(Dáng đứng cô gái Tạng này thật đẹp há!).


Trên xe còn có các em bé Tạng và một chú chó ngao còn nhỏ rất dễ thương. Các em bé hồn nhiên không hề ngại khách lạ, dù có chút bỡ ngỡ ban đầu. Tiếc là các em chỉ đi một đoạn ngắn mà tôi cũng không có cách nào để lấy địa chỉ và gửi hình đã chụp cho các em hết. Đùa với tôi xong các em còn bế con chó khoe ngao với tôi. Chú chó còn nhỏ xíu nhưng khá lanh, bộ lông mềm như nhung, rất dày và ấm sực. Còn cặp mắt cứ nhìn thẳng vào tôi, không hề cụp xuống như các chú chó thường gặp. Tôi mà về Việt Nam liền, không lang thang tiếp chắc xin chú chó này về, bán (!?) chắc cũng bộn tiền, lại có tiền đi tiếp – vì lúc đó tôi giả đò xin chú chó, các em đã sẵn sàng cho tôi rồi. Các em và chú chó này khá thân thiết. Mong sao cho các em còn giữ mãi những nụ cười trẻ thơ.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160411-1.jpg
Từ lúc ngồi tít ở trên thập thò lén nhìn khách lạ quái đản…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160429-1.jpg
…chú nhóc đã chạy tit xuống hàng ghế dưới chơi đùa với khách, không quên bế theo chú chó ngao nhỏ…
(Chú chó ngao nhỏ nhưng đã rất tinh khôn, nhìn mắt chú giống như mắt người vậy.)


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160431-1.jpg
…và rủ rê cả người bạn nhỏ (hay anh em) xuống chơi với khách, để khách đỡ buồn tủi vì cô đơn (Hic!).


Hôm nay là ngày Thứ Bảy, do vậy cũng có nhiều bạn trẻ Tạng từ các trường nội trú về thăm nhà. Các bạn, như nhiều thanh niên Tạng khác, cởi mở hơn khi biết tôi không phải là người Hán nhưng nét buồn vương rõ trên khuôn mặt đã không còn những nụ cười hồn nhiên như các bé. Giữa đường, từng bạn xuống xe, lầm lũi đi theo những con đường nhỏ hướng về những căn nhà chơ vơ dưới chân núi hay bên những chuồng trại giờ thưa thớt lũ súc vật, nơi những mục trường cỏ vẫn khô vàng héo úa.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160438-1.jpg
Một chàng trai Tạng đang đón xe về thăm nhà ngày cuối tuần.



(tbc.)

backpackervn
22-06-2012, 13:04
16.04 Lấp lánh xuân lạnh Langmusi – 5


Đi từ Xiahe, Cam Túc xe sẽ dừng lại ở phố chính của Langmusi, nằm trên đất Tứ Xuyên. Có nghĩa là giờ tôi đã sang Tứ Xuyên rồi. Điều này càng được làm rõ hơn ở một sự cố làm tôi giật thót tim (nhưng sau đó không có gì – nói trước để không bị mang tiếng câu bài (!)) buổi chiều hôm đó. Đường đi cũng ngang qua thị trấn Hezuo, mà nếu bạn không mua được vé chuyến xe duy nhất từ Xiahe đi Langmusi (và ngược lại) mỗi ngày thì bạn có thể mua vé đến đây và chuyển xe. Huezo này được xây dựng bê-tông hóa hoành tráng nên dù có nhiều những ngôi chùa Tạng rực rỡ, nét Hán đã át hẳn ở đây mất tiêu rồi.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160500.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160489-1.jpg
Trên ngọn đồi ở Gansu / Cam Túc nhìn xuống tu viện Sertri Gompa (Dacanglangmu Saichisi) của đất Cam Túc


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160522-1.jpg
Trên ngọn đồi ở Gansu / Cam Túc nhìn sang tu viện Taktsang Lhamo Kirti Gompa (Nama Ge’erde Si) đất Sichuan / Tứ Xuyên


Chiếc xe dừng ở bưu điện Langmusi. Tôi xuống xe, hỏi giờ giấc cho chuyến xe rời Langmusi thì được mỗi người nói một nẻo. Langmusi nhỏ đến mức không có bến xe, xe chỉ dừng lại cho khách xuống và đón khách ở góc gần chợ chồm hổm trên con đường chính được trải nhựa dài chưa đến 1km này. Gác chuyện xe cộ qua một bên, tôi hỏi thăm cách đi đến nhà nghỉ rẻ nhất theo LP. Đóng cửa, vì mùa này chưa phải là mùa du lịch. Anh trai lơ xe trên chuyến xe lúc nãy thấy tôi lơ ngơ dở sách ra đọc, đang ngồi ăn bên quán kế đó, chạy ra hỏi han và chỉ cho tôi đi đến mấy cái nhà nghỉ khác. Cuối cùng, tôi ghé đến Sana Binguan, mà chẳng ai biết nó là khách sạn / nhà nghỉ vì nó nằm trên một cửa hàng bán đồ tạp hóa của một cặp vợ chồng rất trẻ và dễ mến. Trả giá từ 60Y còn 40Y, tôi quăng đồ vào phòng, một cái phòng sạch đến bất thường trên cung đường lang bạt kỳ này của tôi. Vọt nhanh ra đường, vẫn như mọi lần.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160574-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160559-1.jpg
Trên ngọn đồi ở Sichuan / Tứ Xuyên nhìn xuống tu viện Taktsang Lhamo Kirti Gompa (Nama Ge’erde Si) của đất Tứ Xuyên.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160569-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160570-1.jpg
Trên ngọn đồi ở Sichuan / Tứ Xuyên nhìn sang tu viện Sertri Gompa (Dacanglangmu Saichisi) của đất Cam Túc


Ghé Leisha’s Café, cũng nằm trên đường chính, gần nơi xe dừng, gọi vội bữa trưa, tôi bắt đầu lên đường từ Tứ Xuyên đi bộ sang Cam Túc (!) bắt đầu hành trình khám phá Langmusi. Vừa đi vừa mình tự chửi mình vì sao nãy giờ còn ăn với uống (mà sáng nay có ăn gì đâu, trời lạnh ngắt mà không cho ăn thì làm sao tôi leo lên leo xuống ở vùng mà độ cao chỉ thua Lasha có một chút này hả trời) để tuyết bây giờ bắt đầu tan dần trên mái nhà, nóc chùa… mà nếu đi sớm hơn chắc đã chụp được những tấm hình đẹp hơn.


(tbc.)

backpackervn
25-06-2012, 15:42
16.04 Lấp lánh xuân lạnh Langmusi – 6


Tôi “tự mình chửi mình” cũng có lý do tương đối “nghiêm trọng” (!?).


Ngoài những lý do vì sao đến Langmusi liệt kê ở trên, tôi còn một lý do rất “tham sân si” khác nữa. Đó là những tấm hình về Langmusi phủ trong băng tuyết tôi được xem; và thấy rằng còn đẹp hơn cả những tấm hình mà tôi đã một lần thở dài thườn thượt khi đến làng Hòa Mục / Hemu ở Tân Cương. Hôm tôi đi Hòa Mục, Tân Cương mùa hè, cỏ cây hoa lá rạng rỡ, đất trời xanh thẳm,... tôi chụp bao nhiêu là hình, nhưng khi xem bộ sưu tập các hình đẹp của Hòa Mục, tôi lại nuối tiếc thở dài (!?). Đúng là lòng người vô đáy! Hay lòng tôi vô đáy!



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P7080321-1.jpg
Hòa Mục / Hemu, Xinjiang hôm tôi đến cỏ cây xanh ngời…


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/Hemu-in-Winter.jpg
…lại mơ mòng về những ngày tuyết phủ (hình từ net).


Tôi đến Langmusi hôm qua thì sẽ có những tấm hình như ở Hòa Mục, ông chủ Leisha's Cafe nói vậy, vì băng tuyết chỉ mới tan ngày hôm nay. Mấy hôm trước không thấy mặt trời, tuyết bay đầy trời. Nhưng tôi “xui” quá, đến hôm nay, nắng về, gió ấm, băng tan tuyết chảy nên chỉ chụp được những tấm hình “một nửa” của Hòa Mục. “Một nửa” là vì trên mái nhà, dù đã tan chảy ít nhiều, nhưng tuyết băng vẫn còn lóng lánh – dù không nhiều. Thôi thì tự AQ với mình là “nếu đến Langmusi hôm qua sẽ chụp được những mái nhà nóc chùa tuyết trắng, nhưng sẽ không có những mái vàng lấp lánh, đỏ khôi nguyên,… để màu trắng này tôn thêm nét duyên”. An ủi mình xong, thấy lòng nhẹ nhõm (!?) tôi lại hớn hở viếng chùa, thăm làng… Nhưng cũng tranh thủ đi nhanh nhanh vì sợ tuyết tan hết!!!



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160512-1.jpg
Làng mạc, với những mái nhà lợp gỗ tuyết phủ của Langmusi này cũng đâu kém sắc Hemu mùa đông nhiều đâu há!


Đang ở Tứ Xuyên, không lo đi thăm tu viện ở Tứ Xuyên mà lặn lội sang Cam Túc là vì tôi muốn thăm tu viện Sertri trước. Sertri Gompa còn gọi là Dacanglangmu Saichisi, bị L.P “chê” so với tu viện Kirti, phía bên này Tứ Xuyên. Sertri “trẻ” hơn, chỉ mới được xây dựng từ 1748, trong khi đó Kirti “già” hơn 300 tuổi, được xây dựng từ 1413. Nhỏ hơn, chỉ có khoảng 300 tăng sĩ, trong khi đó bên kia có hơn 700 tăng sĩ,… vân vân và vân vân…



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160513-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160511-1.jpg
Bù lại, những mái chùa vàng đỏ lóng lánh của Sertri Gompa còn làm Langmusi / Taktsang Lhamo đẹp hơn.


Nhưng mọi so sánh đều có tính khập khiễng! Mà tôi vẫn thường đến những nơi “bị chê” nhiều hơn, rồi mới đến những nơi được khen sau. Theo Freud, đây là tâm lý của những người yếm thế!!! Như tôi!!! Nhưng còn một lý do tôi muốn đến Sertri là vì ở phía trên tu viện này là mảnh đất dân làng Langmusi vẫn còn tiến hành tập tục Thiên Táng (Sky Burial), mà tôi tò mò đã biết bao lâu!


Nên tôi mới lóc cóc đi bộ lặn lội đường xa từ Tứ Xuyên sang Cam Túc đến tu viện Sertri hòng mong được xem Thiên Táng!


(tbc.)

backpackervn
26-06-2012, 13:47
16.04 Lấp lánh xuân lạnh Langmusi – 7



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160542-1.jpg
Cổng vào Setri Gompa. Vé 20Y.


Có lẽ những người viết Lonely Planet TQ đã lâu lắm rồi không ghé lại Langmusi để cập nhật thông tin. Khác với thông tin về 2 ngôi chùa cũ kỹ của Sertri Gompa, kém hấp dẫn hơn so với những gian điện đẹp bên Kirti Gompa, hiện ở Sertri có nhiều những tu viện mới lấp lánh.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160533-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160531-1.jpg
Khuôn viên những ngôi chùa, gian điện ở Sertri.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160490-1.jpg


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160478-1.jpg
Những chùa mới đẹp của tu viện Sertri bên phía Cam Túc.


https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160499-1.jpg
Mái vàng lóng lánh bên núi tuyết.


Nhưng điều các tác giả nói đúng là nằm gần Sertri Gompa là một ngôi làng Tạng, ngôi làng mà trong cuốn LP được giới thiệu là đáng để đi viếng Sertri hơn cả 2 ngôi chùa cũ giờ đã xây mới. Những gian điện, ngôi chùa giờ được xây mới, nhưng ngôi làng vẫn cũ kỹ như nhiều những ngôi làng Tạng. Và điểm tô thêm cho Sertri không chỉ là ngôi làng mà chính là những người Tạng với vòng kora quanh các điện chùa, khi thưa, khi nhặt. Nên không gian quanh Sertri càng có vẻ Tạng hơn bao giờ hết.



https://i881.photobucket.com/albums/ac20/backpackervn7/P4160495-1.jpg
Làng Tạng bên cạnh Sertri Gompa


Những ngôi chùa mới lấp lánh, những vạt thông xanh ngắt, những đám tuyết vẫn chưa chịu tan nằm thảnh thơi, những người dân Tạng quần áo tối màu cũ kỹ, chậm rãi và thành kính bước vòng quanh những hàng chuyển pháp luân,… dưới bầu trời nửa xanh ngắt, nửa xám xịt… buổi chiều Sertri thật lạ lùng.


(tbc.)

MrDarcy
29-05-2013, 09:57
Không biết bây giờ anh BPK đang phiêu du ở phương trời nào rồi, topic này dừng lại lâu quá rồi :(

haidang199
03-03-2015, 10:30
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠOTRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG
THÔNG BÁO TUYỂN SINH NĂM 2015
HỆ TRUNG CẤP SƯ PHẠM CHÍNH QUY


1. CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO
- Sư phạm Mầm non

2. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC TUYỂN SINH

2.1: Đối tượng: Học sinh đã tốt nghiệp PTTH, BTVH hoặc tương đương

2.2: Hình thức tuyển sinh

- Ngành Sư phạm mầm non: xét tuyển kết quả học tập môn Văn lớp 12

3. HỒ SƠ XÉT TUYỂN

- 1 bộ hồ sơ Học sinh sinh viên (có dấu xác nhận của UBND xã)
- Bản sao bằng tốt nghiệp THPT (nếu có) công chứng 01bản
- Học bạ công chứng 01 bản
- Giấy khai sinh bản sao 01 bản

- Chứng minh thư công chứng 01 bản

- 04 ảnh cỡ 4x6

4. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

Phòng tuyển sinh:

Phòng 101 Nhà A3 trường cán bộ hội Nông Dân Việt Nam (Nhà sách Trí Tuệ cạnh đại học Thương Mại đi vào 200m rẽ tay phải)

DD: 046.294.0484 - 0972 185 887 –(gặp Cô Nhung)



http://daotaolienthong.vn

Mail: [email protected]

Chú ý:

- Học sinh liên hệ để được hướng dẫn làm và nộp hồ sơ.

- Tạo điều kiện thuận Lợi tốt nhất cho học khi làm thủ tục nộp hồ sơ.

- Sau khi ra trường SV được cấp bằng Chính quy và được liên thông lên các trường CĐ, ĐH chính quy của Nhà nước.



Học tung cấp sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học 2015

Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương xét tuyển sư phạm mần non 2015

Xét tuyển trung cấp mầm non 2015

Trường trung cấp mầm non nào xét tuyển năm 2015

Trường cao đẳng sư phạm nào xét tuyển tại hà nội

Cao đẳng sư phạm trung ương xét tuyển ngành sư phạm mầm non

Xét tuyển ngành sư phạm mầm non năm 2015

Trường cao đẳng sư phạm nào xét tuyển ngành sư phạm mầm non

Muốn học trung cấp sư phạm mầm non trường cao đẳng sư phạm trung ương

Học trung cấp sư phạm giáo dục mầm non trường cao đẳng sư phạm năm 2015

Xét tuyển hệ trung cấp sư phạm giáo dục mầm non trường Cao đẳng sư phạm chính quy

haidang199
05-03-2015, 10:13
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠOTRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG
THÔNG BÁO TUYỂN SINH NĂM 2015
HỆ TRUNG CẤP SƯ PHẠM CHÍNH QUY


1. CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO
- Sư phạm Mầm non

2. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC TUYỂN SINH

2.1: Đối tượng: Học sinh đã tốt nghiệp PTTH, BTVH hoặc tương đương

2.2: Hình thức tuyển sinh

- Ngành Sư phạm mầm non: xét tuyển kết quả học tập môn Văn lớp 12

3. HỒ SƠ XÉT TUYỂN

- 1 bộ hồ sơ Học sinh sinh viên (có dấu xác nhận của UBND xã)
- Bản sao bằng tốt nghiệp THPT (nếu có) công chứng 01bản
- Học bạ công chứng 01 bản
- Giấy khai sinh bản sao 01 bản

- Chứng minh thư công chứng 01 bản

- 04 ảnh cỡ 4x6

4. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

Phòng tuyển sinh:

Phòng 101 Nhà A3 trường cán bộ hội Nông Dân Việt Nam (Nhà sách Trí Tuệ cạnh đại học Thương Mại đi vào 200m rẽ tay phải)

DD: 046.294.0484 - 0972 185 887 –(gặp Cô Nhung)



http://daotaolienthong.vn

Mail: [email protected]

Chú ý:

- Học sinh liên hệ để được hướng dẫn làm và nộp hồ sơ.

- Tạo điều kiện thuận Lợi tốt nhất cho học khi làm thủ tục nộp hồ sơ.

- Sau khi ra trường SV được cấp bằng Chính quy và được liên thông lên các trường CĐ, ĐH chính quy của Nhà nước.



Học tung cấp sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học 2015

Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương xét tuyển sư phạm mần non 2015

Xét tuyển trung cấp mầm non 2015

Trường trung cấp mầm non nào xét tuyển năm 2015

Trường cao đẳng sư phạm nào xét tuyển tại hà nội

Cao đẳng sư phạm trung ương xét tuyển ngành sư phạm mầm non

Xét tuyển ngành sư phạm mầm non năm 2015

Trường cao đẳng sư phạm nào xét tuyển ngành sư phạm mầm non

Muốn học trung cấp sư phạm mầm non trường cao đẳng sư phạm trung ương

Học trung cấp sư phạm giáo dục mầm non trường cao đẳng sư phạm năm 2015

Xét tuyển hệ trung cấp sư phạm giáo dục mầm non trường Cao đẳng sư phạm chính quy

haidang199
12-03-2015, 14:40
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠOTRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI TUYỂN SINH LIÊN THÔNG NĂM 2015
TỪ TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG LÊN ĐẠI HỌC
1. Ngành đào tạo

- Giáo dục Mầm non

- Giáo dục Tiểu học

2. Đối tượng dự thi

- Tất cả các thí sinh đã tốt nghiệp hệ Trung Cấp sư phạm đúng chuyên ngành ngành Giáo dục Mầm Non, Giáo dục Tiểu học từ năm 2014 trở về trước.(nhận bằng TB vừa tốt nghiệp)

3. Môn thi – Thi tuyển

- Thi 03 môn: Toán , Văn , Anh

- Thời gian ôn tập 25/03/2015

- Thi tuyển (dự kiến): 25/04/2015 Đợt 2 dự kiến thi tuyển tháng 10 năm 2015

4. Hồ sơ

- Hồ sơ theo mẫu của nhà trường

- Bằng tốt nghiệp công chứng

- Bảng điểm công chứng

- Giấy khai sinh bản sao

- 4 ảnh 4x6

5. Hình thức đào tạo

- học thứ 7 và chủ nhật hàng tuần

6. Địa chỉ liên hệ

Phòng tuyển sinh: Phòng 101 Nhà A3 trường cán bộ hội Nông Dân Việt Nam (Nhà sách Trí Tuệ cạnh đại học Thương Mại đi vào 200m rẽ tay phải)

DD: 046.294.0484 -0972 185 887 (Cô Nhung)

Mail: [email protected]

http://daotaolienthong.vn