PDA

View Full Version : Một lần về thăm quê nội - Làng Hồ



PĐQuang
06-07-2014, 10:15
Bố tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Hồ Khẩu, phường Bưởi. Rồi trưởng thành, Bố lấy vợ, thoát ly và sinh sống ở dưới phố. Hồi còn bé tý, cứ tới Chủ Nhật tôi thường được bố mẹ đưa về thăm ông bà nội, và gọi là lên Bưởi. Cái câu lên Bưởi nó rất tự nhiên thân thương từ xa lắm với tất cả mấy anh em tôi. Nay cũng đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều về các danh lam thắng cảnh trên mọi miền của Tổ quốc. Nhưng nếu không tìm hiểu và về tận nơi tìm hiểu về quê nội, e rằng rất có lỗi với Bố, với tổ tiên. Lần này nhân dịp ra giỗ Bố, tôi nhất quyết phải tranh thủ lên Bưởi, đi thăm những danh lam thắng cảnh của làng mà khi ở xa tôi thường nhớ về
1- Hồn quê qua những chiếc cổng làng trên tuyến phố
Trước hết phải nói đến Tổng Bưởi (một cấp quản lý hành chính từ xưa), còn nay là phường Bưởi. Phường Bưởi bao gồm 4 làng: làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ và Yên Thái (hoặc An Thái). Đây là vùng đất đầy ắp những huyền thoại về công cuộc lao động khai phá hồ Tây xưa, và cũng là nơi hội tụ nhiều di tích, đình, đền chùa miếu vào loại bậc nhất ở đất kinh thành Thăng Long. Con đường Bưởi, từ Thụy Khuê lên tới chợ Bưởi mang một nét đẹp rất riêng mà không con đường nào khác ở khắp đất nước có được. Đó là hàng chục chiếc cổng làng mang đậm dấu ấn thời gian, lưu giữ lại nét hồn quê giữa lòng thủ đô đang thay đổi hiện đại từng ngày. Có thể gọi đó là những con mắt của lịch sử.
Đi từ chợ Bưởi trở xuống, đầu tiên là cổng làng Yên Thái

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1920_zpsaf7bbae7.jpg

Cổng làng được vua Tự Đức đặt 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” vào năm 1867. Làng Yên Thái nồi tiếng với nghề làm giấy qua câu thơ mà ai cũng biết:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa nghìn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ
Nhưng trong tâm thức giới trẻ ngày nay, những nhịp chày rộn rã năm nào đã xa xăm lắm rồi. Nghề làm giấy ở Bưởi không ai còn làm nữa
Đối diện với cổng làng Yên Thái là giếng Mắt Rồng và Đền Long Tỉnh, thờ Đức Chúa Cả. Giếng là giếng thiêng nhưng hiện bị lấp mất rồi, tuy nhiên hệ lụy của nó thì vẫn còn. Đó là rất nhiều người của làng Yên Thái bị mù mắt. Còn khúc cua này hiện là một điểm đen giao thông. Xưa thì đâu có thế nhỉ

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1922_zpsa2de1dc9.jpg

Quay trở lại với các cổng làng trên đường Bưởi Tôi thì tôi vẫn cứ gọi là đường Bưởi chứ nhất quyết không gọi là đường Thụy Khuê như các nhà chức trách đã đổi tên. Tổng Bưởi xưa, nay là phường Bưởi bao gồm các làng phía Tây, Tây Nam hồ Tây. Vậy xưa tên đường bọc lấy các làng đó gọi là đưởng Bưởi. Chẳng hiểu vì lý do gì mà đoạn đường Bưởi đến dốc Nhật Tân thật dài lại được đặt tên truyền thuyết Lạc Long Quân.Con đường từ chợ Bưởi trổ xuống Cầu Giấy không một chút nào dính đến vùng Bưởi bây giờ lại gọi là đường Bưởi. Còn Đường Bưởi cũ từ dốc Tam Đa lên ngã ba chợ Bưởi chạy qua các làng nghề giấy vùng Bưởi tự dưng lại gọi là đường Thụy Khuê.
Đây là cổng Hầu của làng An Thọ

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2379_zpsa112e2f8.jpg

Kế bên là cổng Đình An Thọ

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2380_zpsc8fe0533.jpg

Tôi nhớ không nhầm thì ngày xưa, ngôi nhà bên phải Đình An Thọ xưa là văn phòng của Liên hiệp Hợp tác xã ngành giấy Bưởi. Nay thì Liên Hiệp và cả nghề giấy ở Bưởi không còn nữa
Cổng Xanh là một cổng khác của làng An Thọ

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2381_zpse68e8ce9.jpg

Đi độ hơn trăm mét nữa là tới cổng làng Đông Xã

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2376_zpsbcd75c4d.jpg

Còn kế bên là đình làng và chùa làng Đông Xã, cũng hướng ra đường Bưởi.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1904_zps025af4f3.jpg

Bên ngoài là cổng tam quan, bên trong sân đình, phía chính diện là chùa Mật Dụng. Chùa còn chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh 2 trên có bài minh 1000 chữ. Đây là 1 quả chuông vào loại lớn và khá cổ. Đình nằm phía bên phải của chùa. Cả hai đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2377_zps6bd0f490.jpg

quanghuy3188
07-07-2014, 09:10
cam on chu topic, minh sinh ra va lon len o lang Ho da 27 nam. That su noi day voi van hoa lang xa lau doi cungnhieu net dep van hoa van duoc con chau gin giu.
Doc bai ban viet minh lai thay moi dieu ma hang ngay minh van gan bo that than quen, em dat gach topic cua bac de theo doi tiep phan con lai hehe

tuan_coi
07-07-2014, 10:05
Chỉ tiếc là trước những cổng làng đẹp như thế mà dây điện lằng nhằng làm mất hết cả vẻ đẹp của những cổng làng cổ xưa .

PĐQuang
07-07-2014, 17:28
cam on chu topic, minh sinh ra va lon len o lang Ho da 27 nam. That su noi day voi van hoa lang xa lau doi cungnhieu net dep van hoa van duoc con chau gin giu.
Doc bai ban viet minh lai thay moi dieu ma hang ngay minh van gan bo that than quen, em dat gach topic cua bac de theo doi tiep phan con lai hehe
Cám ơn bạn đồng hương đã chia sẻ cảm xúc. Phần một mới chỉ là vòng ngoài, mời bạn xem phần 2 sẽ vào sâu trong làng Hồ

PĐQuang
07-07-2014, 17:30
Chỉ tiếc là trước những cổng làng đẹp như thế mà dây điện lằng nhằng làm mất hết cả vẻ đẹp của những cổng làng cổ xưa .
Đấy là nỗi khổ mỗi khi giơ máy lên chụp bác ạ.
Ngoài ra còn cái khổ, mà tiếc là đúng hơn, đó là cổng làng bị lấn chiếm quá nhiều, mất hết vẻ đẹp nguyên thủy của nó.
Cám ơn bác đã vào thăm

PĐQuang
07-07-2014, 17:47
Làng Đông Xã còn có một di tích khá nổi tiếng, đó là đền Đồng Cổ, nằm ở phía đối diện bên kia đường.
Tìm hiểu sử sách về cái tên Đồng Cổ là do ngày xửa ngày xưa, khi vua Hùng đi đánh trận, chợt có tiếng trong vang lên không trung ủng hộ tinh thần quân sĩ. Trận đó ta thắng lớn. Sau chiến thắng trở về, vua Hùng mới cho đặt tên núi đó là núi Đồng Cổ. Núi Đồng Cổ ở tận trong Thanh Hóa, huyện Yên Định, xã Đan Nê. Đời vua Lý Thái Tổ, khi con là Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1920, có tới Trường Châu hạ trại đóng quân. Canh ba đêm ấy, Thái tử thấy một người cao lớn, mặc chiến bào, cầm vũ khí đến tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái Tử đi đánh phương Nam, nguyện xin theo giúp để phá giặc lập công”. Từ đó trở đi quân ta liên tục thắng lợi. Sau khi chiến thắng trở về, khi qua núi đó, Thái Tử sửa soạn lễ vật để lễ tạ rồi xin rước về kinh thành để hộ nước. Về tới kinh thành, thần còn báo mộng chỉ vị trí xây đền. Về sau khi Thái tử lên ngôi, Thần lại còn giúp vua dẹp được loạn ba vương. Chính vì vậy, vua ra lệnh hàng năm lập đàn thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh trị tội” Hội thề trung hiếu của Đền Đồng Cổ có từ thời ấy, được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hàng năm.
Mặt trước Đền Đồng Cổ trông nhếch nhác. Đường vào nhỏ hẹp, chỉ có một bảng chỉ đường nhỏ xíu, hai bên là nhà dân sinh sống. Con
sông Tô Lịch hoành tráng khi xưa, này chỉ là con lạch nhỏ.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1905_zps826463dd.jpg

Tam quan của Đền

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1913_zpsc8c723c0.jpg

Chánh điện của Đền. Cũng may có dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long nên Đền cũng mới được sửa sang lại

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1911_zps8d808427.jpg

Sân đền có một cây hoa đại cổ được gắn biển Cây Di Sản.
Do thời gian không có nhiều, lại muốn đi nhiều nơi nên tôi không vào thắp hương trong Đền. (Lạy Thần xá tội cho con)

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1909_zps42427789.jpg

PĐQuang
07-07-2014, 18:02
Tiếp theo là tới địa phận làng Hồ, mục đích chính của tôi trong chuyến tour này.
Làng Hồ được khai phá từ rất lâu, đời vua Hùng thì phải, bên hồ Tây. Đến thời Lý, Trần, Lê, làng nằm trong biên chế hành chánh của huyện Vĩnh Thuận, phủ Thuận Thiên, Thăng Long thành. Do nằm sát hồ, lại là nơi nước sông Tô Lịch chảy vào nên được gọi là Hồ Khẩu. Tên này được gọi từ rất xa xưa, và tồn tại cho tới tận ngày nay.
Điểm nhấn đầu tiên đập vào mắt du khách là các cổng làng đồ sộ, hoành tráng chạy dài trên một đoạn đường dài khoảng 300m. Chính giữa là cổng tam quan đình được xây dựng theo kiến trúc 4 trụ có mái cong bên trên và mái hậu lợp ngói vẩy cá. 2 cột giữa rộng 45cm, cao 7m. Bên trên 4 trụ đều có đắp hình trái rành rành cách điệu có phương chầu về 4 phía. 4 mặt trụ đều có câu đối. Bậc cổng xây tam cấp, có chiếu nghỉ rộng, hai bên có nghê chầu. Cổng có kiến trúc cổ theo lối chồng diêm cao thấp với hình tám mái, trên cổng có bốn
chữ “Hồ ấp đình mông”, hai bên có đôi câu đối:
Thị xứ giải nhung y, kình đào hưởng mã tư thanh, táp sảng như uy, đồng cỏ kinh kim truyền vận sự.
Hiển linh lưu thánh tích, qui đổi từ long tảng miếu, hội đồng sở tại, phong vận tự cổ hộ trừ tư.
Dịch là:
Nơi đây cởi áo trận nổi lên tiếng ngựa hí, tiếng sóng kình giông tố nổi uy, việc tốt xưa nay trẻ già còn đàm luận.
Hiển linh thánh tích còn lưu lại đền, lưng rùa miếu trán rồng hội tụ, tại đây gió mưa từ xưa vẫn chở che.
Cổng này là cổng bề thế nhất trong các cổng trên đường Bưởi. Trước đây, cổng chính của làng Hồ chỉ được mở vào ngày hội hoặc khi có quan lớn trên về, thường người dân làng chỉ đi cổng phụ ở hai bên. Còn hiện nay, cổng làng mở quanh năm. Cổng làng còn bị lấn chiếm. Trước cổng buôn bán tùm lum. Thật khó mà tìm được một khoảnh khắc vắng vẻ để chụp được tấm ảnh cho sạch sẽ.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1879_zpsa07bdeec.jpg

PĐQuang
07-07-2014, 18:06
Gắn liền với tam quan đình về phía bên trái là cổng vào giáp Bắc của làng, còn gọi là cổng Giếng. Đôi câu đối trên cổng ghi là:
Cổ vãng kim lai hành chính đãng
Nam du bắc ngoại hướng danh nam
Dịch là:
Xưa nay qua lại đều trên đường này
Từ nam tới bắc hướng tới tây hồ.
Nhà Bác Đa tôi ở ngay đây, bây giờ là gia đình anh Ấm

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1880_zpsfa03a317.jpg

PĐQuang
07-07-2014, 18:19
Phía bên phải cổng chính của làng là cổng vào chùa Chúc Thánh, gọi là cổng Chùa.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1875_zps8bf7c99c.jpg

Tiếp theo còn một cổng nữa là cổng giáp Đông (giáp như là một xóm). Trên cổng Đông có chữ Đông giáp môn và đôi câu đối:
Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu tây hồ mính kính
Thiện ngôn hảo sự trường lưu mạt lợi danh hương
Tạm dịch là:
Mỹ thục thuần phong soi sáng mãi gương tây hồ trong sáng
Nói hay làm tốt hoa nhài còn mãi danh thơm
Phải nói các cụ ngày xưa thật là văn hay chữ tốt. Và bây giờ con cháu cũng cố gắng bằng với tổ tiên, nên có đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ ở phía trong của cổng:
Nếp sống văn minh gương tây hồ trong sáng
Câu thơ thanh lịch lan tỏa mùi hoa bưởi ngát hương

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2375_zpsde789439.jpg

Qua cổng Giáp Đông thì đến cầu Đông, tới chính cửa nhà bác Cả Mỳ tôi ngày xưa. Cái cổng này rất quen thuộc đối với anh em chúng tôi, vì mỗi khi lên Bưởi, đều vào nhà bác Cả đầu tiên. Sau đó có đi đâu thì đi. Vậy nên tất yếu phải qua cổng này rồi. Khi tôi lên nhà bác Cả đang được xây mới lại. Cầu Đông cũng khác lạ rất nhiều, không còn cái vẻ cổ kính khi xưa nữa.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2342_zps8ff0aa80.jpg

Tiếp theo, rẽ phải ra phía hồ là qua giếng giáp Đông (là một mắt rồng của làng), qua dãy tàu xeo giấy là ra hồ Tây. Giếng giáp Đông, tàu xeo giấy giờ cũng chẳng còn. Một cảm giác bâng khuâng luyến tiếc cái gì ngày xưa đó. Rồi hình ảnh những người thân xưa đã ra đi …Đành lấy hình ảnh tư liệu xưa minh chứng cho cảnh cũ vậy

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/cases_de_fabricants_de_papier_zps591e6a45.jpg
https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/NgheLamGIAY2_zpsad7828d8.jpg

PĐQuang
08-07-2014, 15:00
Tôi đã đi dọc đường Bưởi, qua các cổng làng. Mỗi cổng làng có một hình thức, một dáng vẻ riêng. Ngoài ghi tên cổng, có nhiều cổng làng còn có thêm câu đối hai bên. Điều này đã mang lại nhiều vẻ đa dạng của cổng làng kẻ Bưởi. Cổng làng còn là nơi để người dân biểu thị bản sắc văn hóa của làng. Dấu ấn thời gian như in đậm trên mỗi cổng làng, một nét đẹp rất giêng mà không một con phố nào khác ở Hà Nội có được.

PĐQuang
08-07-2014, 15:05
2- Một làng có 3 ngôi đền, 2 ngôi chùa, và 1 mái đình
Như vậy về mặt di tích kiến trúc dọc đường Bưởi, phía trước làng Hồ có 4 cái cổng cổ còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra, qua tìm hiểu được biết làng Hồ còn có những ba ngôi đền: hai ngôi tọa lạc bên ngoài cổng làng, còn một ngôi dựng ở giáp Bắc. Đó là đền Thăng Long (Chính Đức từ) thờ Huỳnh Nương công chúa là con Vua Thủy Tề. Cách đền không xa là đền Vệ Quốc thờ Cá Lễ, tương truyền là chồng
của bà Huỳnh Nương. Chếch vào phía trong làng chừng 300 mét là đền Dực Thánh, thờ Cống Lễ - anh em ruột với Cá Lễ. Hai Đức Thánh thờ ở đền Vệ Quốc và Dực Thánh vì có công với nước trong sự nghiệp đánh Tống, bình Nguyên và lại có công với dân làng trong việc lập ấp, trị thủy nên được tôn là Đức Thành Hoàng và được thờ ở đình làng. Đó là một ngôi đình cổ xưa kia nằm bên bờ Hồ Tây, đến thời Nguyễn thì di dời vào làng, đặt ở vị trí trung tâm làng hiện nay. Đình làng có nhiều đồ thờ và hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng. Làng còn có 2 chùa, tương truyền được dựng từ thời Lý. Chùa tọa lạc trong làng, sát với đình là chùa Chúc Thánh; chùa nằm bên bờ hồ Tây là chùa Tĩnh Lâu, gọi nôm là chùa Sải.
Bây giờ ta đi lần lượt thăm các đền. Trước hết là đền Thăng Long, còn gọi là đền Mẫu. Đền này ngày xưa bà nội tôi từng làm việc trông nom đền, nên gọi là Bà Từ. Bố Mẹ tôi mỗi khi lên Bưởi thăm Ông Bà là về đây. Sau khi Ông Bà mất thì Bác Đa ra trông coi, vì nhà bác ở ngay trước cửa đền, cạnh cổng giáp Bắc như nói ở trên. Hiện nay thì đền được trông nom bởi Chị Hưởng. Chính chị đã mở cửa đền cho tôi vào thăm. Họ nhà tôi có nhiều người gắn bó với đền này đấy chứ nhỉ.
Đây là cổng chính vào đền Thăng long. Cổng này nằm trong một con ngõ nhỏ, nên ít người biết. Cổng chính được khuôn bằng hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp tượng nghê hướng mặt vào nhau. Ở giữa trang trí mặt trời lửa đứng trên hổ phù. Phía dưới đắp nổi ba chữ: “Thăng Long Từ”, tức Đền Thăng Long
https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1881_zpsd613a318.jpg

hanchechat
08-07-2014, 15:41
Thưa bác PĐQuang !

Một bài viết có 2 trang cũng khiến tôi có vài dòng suy nghĩ. Tôi đọc trên diễn này có lẽ bác là người thứ hai (sau bác tuan_coi) chia sẽ những dòng kỷ niệm về tuổi thơ, gia đình, dòng họ, về địa danh, kỷ niệm mà đã từng sinh sống. Tôi vẫn còn nhớ bác tuan_coi khi đi phượt ghé về thăm quê nội ở Việt Trì, kể các câu chuyện thời trẻ thơ, tản cư...rất thú vị

Chúng ta hay tự hào là đã đi chỗ này chỗ kia nhưng thực ra rất ít người biết và viết về ngay chính quê hương, gốc tích, dòng tộc của mình, cá nhân tôi cũng như vậy. Trân trọng tiền nhân là tử tế tối thiểu trong mỗi con người (nói như nhà thơ Nguyễn Duy), quê hương hồn dân tộc nằm ngay ở mái đình, đền đài, điện cổ, cổng làng...có đâu xa. Xin cám ơn những hình ảnh dân tộc thật đẹp, chia sẻ cảm xúc của bác. Tôi thích những bài viết như thế

PĐQuang
08-07-2014, 16:00
Thưa bác PĐQuang !

Một bài viết có 2 trang cũng khiến tôi có vài dòng suy nghĩ. Tôi đọc trên diễn này có lẽ bác là người thứ hai (sau bác tuan_coi) chia sẽ những dòng kỷ niệm về tuổi thơ, gia đình, dòng họ, về địa danh, kỷ niệm mà đã từng sinh sống. Tôi vẫn còn nhớ bác tuan_coi khi đi phượt ghé về thăm quê nội ở Việt Trì, kể các câu chuyện thời trẻ thơ, tản cư...rất thú vị

Chúng ta hay tự hào là đã đi chỗ này chỗ kia nhưng thực ra rất ít người biết và viết về ngay chính quê hương, gốc tích, dòng tộc của mình, cá nhân tôi cũng như vậy. Trân trọng tiền nhân là tử tế tối thiểu trong mỗi con người (nói như nhà thơ Nguyễn Duy), quê hương hồn dân tộc nằm ngay ở mái đình, đền đài, điện cổ, cổng làng...có đâu xa. Xin cám ơn những hình ảnh dân tộc thật đẹp, chia sẻ cảm xúc của bác. Tôi thích những bài viết như thế

Cám ơn sự chia sẻ và đồng cảm của bác hanchechat. Bác làm tôi cảm thấy thiếu xót khi còn chưa viết về quê ngoại. Tôi cũng đang ấp ủ. Hẹn sẽ chia sẻ với các bác về quê ngoại, nơi tuổi thơ của tôi đã gắn bó những năm tháng sơ tán.

PĐQuang
08-07-2014, 16:08
Cổng này thường đóng, chỉ mở mỗi khi có việc. Mọi người thường đi qua một cái cổng nhỏ xíu dưới đây:

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1878_zps68bdf324.jpg

Cũng phải xấp xỉ gần năm chục năm rồi, kể từ khi Ông Bà tôi nội mất (cuối những năm 60’), tôi mới có dịp quay lại thăm đền. Rất nhiều hình ảnh trong ký ức hiện về trong tôi, khi tôi bước chân vào thăm lại đền xưa. Tôi nhớ như in hình ảnh Bà Từ khoác áo vàng ngồi tụng kinh lễ Mẫu. Bố tôi là con út trong gia đình Ông Nội có 2 bà. Bố là con bà thứ, nhưng ở với Bà Cả, tức Bà Từ (theo như lời bố mẹ tôi kể lại). Thằng cháu khi lên chơi, thấy mâm ngũ quả trên bàn thờ cứ đòi. Kể như những đứa trẻ khác thì các cụ mắng cho, nhưng thằng cháu này lại được Bà chiều, nên thương tình vái Mẫu cho cháu cái gương sen.

Đền còn có tên khác là đền Thuỷ công chúa, đền Mẫu. Theo Tây Hồ chí, đền được xây dựng vào thời Lý Thần Tông (1128 - 1138).
Đây là tiền tế, ban công đồng. Chính giữa có bức cửa võng đề Cảm ứng linh thông. Hai bên cửa võng có câu đối và hoành phi ca ngợi Công chúa được thờ. Gian bên phải thờ Bà Chúa Sơn Trang. Gian bên trái thờ Tứ Phủ Ông Hoàng.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2343_zps4e108897.jpg

PĐQuang
08-07-2014, 16:14
Tìm hiểu thì được biết đền Mẫu thờ vị nữ thần là Quỳnh Dung Thủy Tinh Công Chúa. Bà là một vị nữ thần, đã cùng phu quân là Vệ Quốc Tướng Quân (tức Cá Lễ) giúp vua đánh giặc giữ nước và được vua phong Thượng đẳng thần. Theo lịch sử, bà là con gái của vua Lý Thần Tông. Thuỷ Tinh công chúa sinh ngày 13/1, hoá vào giờ Ngọ ngày mồng 10/5. Đền được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ 18, có bằng
chứng là sắc phong thần lưu giữ tại đền ghi năm Cảnh hứng thứ 44 (1783). Truyền thuyết kể rằng, năm đó có bè gỗ trôi trên sông Tô Lịch, tới vị trí đền thì mắc lại. Dân làng làm lễ xin lấy về xây nên đền. Phía sau ban công đồng là hậu cung, chỗ của Thánh Mẫu, có tượng và người hầu, trên góc của gian thờ còn có một tay đòn kiệu dài 4m. Sợ phạm thượng nên tôi không dám vào chụp ảnh. Chắc phải tới vài
lần, Mẫu quen mặt rồi mới dám vào chụp.

Tôi bước ra sân đền. Cảnh vật xưa không đổi. Đây là sân trong của đền.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2347_zpsd68a47b9.jpg

Trong đầu tôi luôn ghi đậm dấu ấn về cây thị cổ thụ và đặc biệt mấy cây thiên tuế cổ, trông cứ như mấy con rồng chầu ngoài sân đền. Một cảm giác cổ kính linh thiêng ngập tràn trong tâm trí tôi

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2353_zps8edd1a95.jpg

Ôi mấy cây đó còn đây, và lại còn được nhà nước vinh danh Cây Di Sản Việt Nam nữa cơ đấy.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2354_zps2f71610d.jpg

Còn đây là mặt sau nhà tiền tế của đền với hình ảnh chị Hưởng giờ ra đền chấp tác giữ từ. Tiếc rằng lúc đó bị ngược sáng nên ảnh không đạt yêu cầu.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2356_zpse02f8a54.jpg

PĐQuang
08-07-2014, 19:58
Là nơi thờ mẫu nên điện thần của đền được bố trí thành những khu tách biệt. Phía bên phải sân là nơi thờ Tứ Phủ Quan Hoàng, gian bên trái thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2359_zpsc4cc81f5.jpg

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2358_zpseaff7ef3.jpg

Đi tiếp, gặp cổng thứ hai nằm bên phải. Chính giữa cổng để bốn chữ Hán: “Hợp kính đồng môn” – “Tôn thờ kính ngưỡng”. Phía trên trang trí rồng chầu mặt trời. Hải mảng tường bên trang trí rồng cuốn, phượng vũ.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1882_zpsf6a20f64.jpg

Trong sân điểm nhấn quan trọng là hai nhà tầu tượng. Mẫu ngày xưa đi lại không phải bằng xe ô tô mà bằng đôi voi. Đôi voi chầu có chiều cao 1,8m, dài 2,3m, được làm bằng gạch vồ niên đại thế kỉ 15-16. Bên ngoài phủ thổ và giấy dó, một sản phẩm thủ công nổi tiếng của làng Hồ ta.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2362_zps3f99c6b1.jpg

PĐQuang
08-07-2014, 20:02
Tôi được anh Tích, con bác Đa từng trông giữ đền cung cấp tài liệu nói về việc lập hồ sơ di tích của đền để đề nghị cấp bằng di tích quốc gia. Hồ sơ lập từ năm 1995, có được chữ ký phê duyệt của Sở văn hóa thông tin Hà Nội, Ban Quảng lý di tích – danh thắng Hà Nội. Sau đó tới năm 1998, Sở VHTT Hà Nội lại tiếp tục đệ trình cùng 15 di tích khác của Hà Nội.Tuy nhiện không hiểu sao tới tận giờ đền vẫn chưa được công nhận. Lại còn nghe nói Tiểu ban di tích của đền còn định đưa cả tượng Đức Thánh Trần vào thờ trong đền. Tôi cũng thấy có ban thờ Bác Hồ ở gian bên của đền. Chết thật, đền thờ Thánh Mẫu, ai lại đi đưa Thánh Nam vào ở chung, như vậy e phạm thượng mất. Chắc vì thế mà không được công nhận di tích cũng nên.

Thời gian không có ít, nên sau khi thắp hương, cúng tiến, tôi tranh thủ sang đền Vệ Quốc gần đó. Đền Vệ Quốc thờ Vệ Quốc đại vương tức Cá Lễ, tương truyền là phu quân của bà Huỳnh Nương công chúa. Đền được lập từ thời Lý, niên hiệu Thiên Thuận 1128. Hồi bé tôi nhớ đền bị lấy làm nhà kho, nên đồ cúng lễ và kiến trúc cũ của đền bị thất lạc nhiều. Hồi đó cũng chẳng ai chú ý tới việc cúng viếng. Gần đây khi đời sống khấm khá lên mới chú ý tới việc thờ cúng.
https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1873_zpse0ccd26f.jpg

PĐQuang
08-07-2014, 20:05
Ngày xưa tôi có nghe Bố kể nhiều về hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ, là người làng Hồ. Từ thời Hùng Vương thứ mấy không rõ, có vị Quốc công họ Lê, vì hiếm con nên tự mình đi chọn nơi cư trú. Đến Hồ Khẩu, thấy nơi cát địa, ông ở lại lấy vợ là bà Thục Nương làm kế thất (các cụ ngày xưa nhiều thất lắm). Hai vợ chồng mãi chưa có con, mới tới cầu ở đền Đông Hải vương thì sau được thần báo mộng cho hay sẽ cho rồng xuống đầu thai làm con để giúp nước yên dân. Bà Thục Nương sau đó nhằm ngày 13/2 sinh con, khi sinh cả căn phòng tỏa hương thơm ngát, ánh hào quang tỏa sang. Bà sinh được hai trai trẻ, tướng mạo khác người. Ông mừng lắm đặt tên là anh là Cống Lễ, và em là Cá Lễ. Hai người lớn lên học hành tấn tới, văn võ toàn tài, đầu quân giúp vua Hùng lập được nhiều chiến công, được vua Hùng tuyển chọn làm quan thị tòng, và được nhà vua yêu quí. Một hôm hai ông dong thuyền trên sông Tô, bỗng trời nổi gió mây đen vần vũ kéo đến, trên không trung xuất hiện ánh hào quang chói lọi. Biết thiên đình đã gọi, hai ông bèn chỉnh lại xiêm áo, hướng về cung lạy rồi theo ánh sang bay lên trời mà hóa. Ngày đó là ngày 2/7. Vì có công với nước, thần Cống Lễ được phong Dực Thánh đại vương, thần Cá Lễ được phong Vệ Quốc Đại vương. Dân làng Hồ đã lập hai đền riêng thờ hai thần. Đến đời Lý, hai vị đã yểm trợ quân Đại Việt đánh thắng quân Chiêm. Sang đời Trần, hai ổng lại yểm trợ Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc trên sông Bạch Đằng. Đến thời Lê (niên hiệu Vĩnh Thọ) lại yểm trợ việc trì thủy đê Yên Phụ được bền vững.

PĐQuang
08-07-2014, 20:12
Khi tới viếng đền Vệ Quốc, do là buổi trưa nên đền không mở cửa, nên không có điều kiện vào thắp hương trong đền. Được biết trong đền còn lưu giữ chiếc kiệu của ngài, mỗi khi làng mở hội, sẽ đem rước kiệu ra đình. Kiến trúc cảnh quan của đền hiện nay được trùng tu nhiều.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1871_zps3504bea5.jpg

Không tìm hiểu được gì nhiều về đền nên đành vào đền Dực Thánh phía trong làng. May có hẹn trước nên chị Lâm, hiện phụ trách trông nom đền, ra mở cửa đền cho vào. Đây là tam quan đền cùng với bia di tích.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2335b_zps7f0e630f.jpg

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2333_zpsad137b07.jpg

PĐQuang
08-07-2014, 20:17
Ở gian chính điện, ban công đồng, tôi nhìn thấy phía bên trên là chiếu chỉ của vua ban

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2321_zps65054fcf.jpg

Phía bên trái có bảng công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, bảng ghi tóm tắt lịch sử của đền. Hai bức tranh miêu tả cảnh hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ cưỡi ngựa cầm quân đi đánh giặc, và cảnh chiến thắng trở về được vua ban thưởng.
Các tấm ảnh chụp trên tường cho thấy dân làng gần đây cũng có tổ chức lễ hội. Lễ hội được tổ chức và hai ngày trong năm:
Ngày 13 tháng hai: là ngày sinh hai vị thánh. Ngày này có lễ rước Thánh, múa cờ, ca trù ở đền trong, chèo đò cạn ở đền ngoài. Tích chèo đò là do Vệ Quốc thương nhớ vợ là Thủy công chúa mất sớm nên diễn ra tích này. Đám rước Thánh em sang đền thánh anh, làm lễ phụng mện, sau đó thì rước cả hai vị ra đình để suốt một đêm tịa đình gọi là “tế cả”. Ngày này được coi là ngày lễ chính Ngày 15 tháng tư: là ngày lễ cầu mát của cả làng. Ý nghĩa là cầu cho dân làng được bình an, có phúc, tránh được dịch bệnh.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2322_zpsc1faf12f.jpg

Bước vào gian trong tôi giật mình như nhìn thấy Thánh. Người tôi nổi gai khắp nơi. Tôi vội váng chắp tay khấn Người: “con cắn rơm cắn cỏ con lạy Ngài. Con là người làng Hô ta. Con sinh ra nơi xa, chưa có dịp về lạy Ngài. Hôm nay lòng thành tới tấu lạy Ngài,……..” Phải nói mãi tôi mới trấn tĩnh lại được. Hình như Ngài biết tôi tới viếng cũng nên. Ôi, hú hồn hú vía thật… Nhưng mà đã vào tới nơi thì cũng phải tranh thủ chụp được tấm hình của Ngài. Cứ tưởng Ngài không cho chụp, nhưng mà lại chụp được.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2324_zpsb3530370.jpg

Vái lạy, chụp choẹt xong tôi sang gian để kiệu của Ngài. Xưa là kiệu vua ban. Nhưng nay dân làng phải phục chế lại, rồi đưa vào tủ kính bảo quản cẩn thận.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2323_zpsf64ff8b3.jpg

Không gian sân trước đền hơi chật, thêm nữa là ngược sáng nên ảnh chụp đền không được đẹp.
Cả 3 đền của làng đều có nguồn gốc dựng từ thời Lý đã được gia phong 3 đạo sắc vào các năm Vĩnh Thịnh 6 (1711), Cảnh Hưng 22 (1762), Cảnh Hưng 44 (1784). Đền Vệ Quốc được xếp hạng di tích năm 1995. Đền Dực Thánh được xếp hạng di tích năm 2005.

PĐQuang
08-07-2014, 20:24
Phía trước đền Dực Thánh là một cái giếng cổ còn xót lại của làng. Giếng hiện giờ không dùng, nhưng nước giếng đầy và rất trong. Giếng này tuy không phải là Mắt Rồng của làng nhưng do 2 Mắt Rồng đã bị lấp, làng đã cải tạo trang trí xung quanh giếng, để giữ gìn bảo vệ.
https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_2336_zpsb61b17e3.jpg

Thăm xong ba ngôi đền của làng, tôi tiến hành thăm chùa. Làng có hai chùa, tương truyền đều được khởi dựng từ thời Lý, có bia ghi được tu bổ lớn vào năm Cảnh Thịnh VII (1799). Chùa toạ lạc trong làng là chùa Chúc Thánh; chùa tạo lập trên bờ Hồ tây là Tĩnh Lâu, gọi nôm là Chùa Sải. Chùa Sải khá quen thuộc với gia đình tôi. Hồi bé, tôi thường được ra chùa cùng bố và bà ngoại mỗi khi lên Bưởi. Sau này, vong hồn bố và em trai tôi cũng được gửi cho chùa trông nom. Vậy nên đây là địa chỉ không thể bỏ qua mỗi lần lên Bưởi. Tương truyền chùa có nguồn gốc ban đầu là một am thờ các vương tôn quí tộc thời Lý, sau trở thành nơi thờ Phật do các sãi trông nom hương khói, gọi nôm là chùa Sãi, sau dần dân làng gọi chệch ra là chùa Sải. Chùa có tên là “Thanh Lâu Tự”. Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) bia hậu của chùa vẫn ghi tên đó. Từ niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1862) trong bia tu bổ chùa đã thấy đổi tên là “Tĩnh Lâu Tự”. Từ đó đến nay tên chùa vẫn gọi là chùa Tĩnh Lâu.
Nhìn ra hồ tây, tam quan chùa làm theo kiểu vòm cuốn với kiến trúc hai tầng tám lá mái, được lợp ngói theo kiểu ngói ống giả vôi vữa tạo ra vẻ thanh thoát nhẹ nhàng. Phía trước chùa còn có cây bồ đề cổ thụ, biểu trưng cho sự giác ngộ Phật pháp.
Vì chùa đang trong thời kỳ cải tạo xây dựng lại, nên không có điều kiện vào viếng và chụp ảnh, vậy nên đành lấy hình trên mạng minh họa vậy:
https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/1024px-Chugravea_Satildei_zps151ece3e.jpg (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_S%E1%BA%A3i)

PĐQuang
08-07-2014, 20:58
Bên trong tam quan có khoảng không thoáng mát yên tĩnh lạ thường, đúng như lời giới thiệu trong câu đối trước tam quan chùa:
Hộ Thượng Tịnh Lâu thuý trúc, hoàng hoa giai phật tử
Môn tiền, sạn phát, trường tùng, tế thảo thị chân thư”.
Nghĩa là :
Chùa Tĩnh Lâu ở trên có hồ trúc đẹp, hoa vàng đều là cõi của Phật
Nơi thờ tự trước cửa có tùng già, cỏ xanh, ấy chính chốn chân tu.
Chùa Tĩnh Lâu còn lưu giữ được những tác phẩm có giá trị mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17, đặc biệt là tòa Cửu Long của chùa được làm khác các tòa Cửu Long khác với hình dáng như chiếc lọng che thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Các pho tượng khác được tạo tác công phu, đường nét thanh thoát, là những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo và kế thừa được phong cách các pho tượng chuẩn của thế kỷ 16, 17. Ba pho tượng Tam thế trong chùa được tạo tác gần với kích cỡ của người thật, trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen. Đặc biệt tại chùa còn bảo tồn được một quả chuông cỡ lớn có niên đại Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Trong chùa còn lưu giữ 15 tấm bia đá, khu vườn Tháp mộ cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ đã khiến cho di tích chùa Tĩnh Lâu trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo hoàn chỉnh và là một cấu trúc nguyên mẫu về chùa cổ Việt Nam. Từ năm 2003, sư thầy trụ trì Thích Đàm Chung (sư Tính) đã cùng các phật tử xa gần phát tâm công đức hoàn thành bước một: Xây dựng và tôn tạo nhà Mẫu, nhà tổ bằng gỗ tứ thiết có giá trị bền vững hàng trăm năm. Năm 2005, chùa được Nhà nước hỗ trợ đền bù đất giải phóng mặt bằng kè Hồ Tây và cho phép nhà chùa thi công trùng tu lại ngôi chính điện, hoàn thành khuôn viên cảnh quan theo hướng bảo tồn nguyên vẹn di tích. Toà chính điện được phục chế, chạm khắc công phu và 36 cột đá có khắc hình tứ linh, tứ quí gợi cảm, vừa tạo nên vẻ đẹp chốn thiền môn.
Lúc tôi tới vãn cảnh chùa là vào giữa trưa, nhà chùa đóng cửa, nên tôi không có dịp vào thắp hương. Với lại chùa cũng đang được nhà nước đầu tư tu bổ tôn tạo lại toàn thể hạ tầng kỹ thuật, nên không có dịp chụp ảnh nhiều. Đành lấy ảnh mẹ tôi chụp cùng sư Tính mấy năm trước minh họa.

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_104a_zpsa3b6d44d.jpg

PĐQuang
09-07-2014, 13:35
Trở ra cổng làng, tôi thăm chùa Chúc Thánh, một ngôi chùa thứ hai của làng. Chùa cũng đang trong quá trình tu bổ

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1900_zps6d4aeae2.jpg

Kế sát sau chùa là đình làng. Đây là nơi đặt bài vị của hai Đức Thánh, được tôn là Thành Hoàng làng.
Ngoài ra còn thờ ông tổ nghề giấy. Đình còn nhiều đồ thờ cúng, hoành phi câu đối. Tuy nhiên, do sự phát triển tự phát của làng, con đường trước cửa đình hiện bị biến thành chợ. Nên không gian phía trước cửa đình mất đi tính trang nghiêm. Hàng quán, lô dù che chắn nên chẳng chụp được tấm ảnh nào cho ra hồn. Chỉ chụp được chính điện bên trong:

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1886_zpscddad9c1.jpg

https://i923.photobucket.com/albums/ad74/pdquang/2013/2013_LANG%20HO/IMG_1888_zpsfc910470.jpg

PĐQuang
09-07-2014, 13:40
3- Một vài cảm nhận trong lần về thăm quê

Phấn khởi nhất là kế hoạch vạch ra đã thực hiện được gần như trọn vẹn. Cảm xúc đầu tiên là cảm xúc vấn vương hồi tưởng những kỉ niệm thời ấu thơ khi đi thăm lại chốn quê cũ. Ai cũng có quê, mà phải thật quê mới thích. Quê, hay rộng hơn là quê hương, là nơi hướng về với tổ tiên, với cội nguồn. Là nơi mình lấy lại thăng bằng sau những ngày vất vả với miếng cơm manh áo.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội phố. Có quê nội là làng Hồ, tuy rất gần nhưng lại rất quê. Ngày xưa, bây giờ kể lại đều nói ngày xưa được rồi, trên Bưởi còn dùng nước giếng nên giọng của người trên đó rất đặc trưng. Mỗi làng dùng một giếng nước khác nhau, nên có giọng khác nhau.

Rồi một cảm xúc rất đỗi tự hào về một làng quê mình có một bề dày lịch sử, văn hóa. Lịch sử thì như trên đã nói, còn văn hóa thì làng nổi tiếng xưa có nhiều người học thành tài, ra đỗ làm quan. Nổi tiếng nhất là dòng họ Lý, có ba người đỗ Hương cống đầu thời Nguyễn. Đó là các ông Lý Văn Phức, Lý Văn Hào cùng đỗ khoa Kỷ Mão đời Gia Long (1819). Ông em là Lý Văn Loát đo khao Tân tỵ đời Minh Mạng (1821). Trong ba anh em thì ông Lý Văn Phức nổi tiếng hơn cả. Tên của ông hiện được đặt cho một con phố ở khu vực sân vận động Hà Nội.

Xã hội hiện có nhiều đổi thay, cái mới, tốt có, và cả cái xấu cũng có. Đó cũng là tâm trạng thứ hai trong tôi khi thăm quê lần này. Qua tìm hiểu ở anh Tích, con bà Đa, cũng như biểu hiện thực tại, thấy có nhiều điều đáng tiếc đã và đang xảy ra.

Đó là về di sản vật thể và phi vật thể. Việc lấn chiếm cổng làng, sân đình, đền chùa đã mất đi vẻ đẹp và tính trang nghiêm vốn có. Hai giếng mắt rồng của làng thì mất cả 2, nó đã bị san lấp và làm nhà đè lên. Cung văn chỉ, là nơi thờ phụng việc học hành trước đặt ở chùa Phúc Thánh, thì mất tự khi nào, chẳng ai biết rõ. Chẳng biết bài vị của Đức Khổng Tử và các quan đỗ đạt của làng trôi dạt về đâu, có còn hay mất. Có 5 nhà cầu, là nơi thờ cúng thần linh của các xóm trong làng, nơi làm lễ xá tội vong nhân ngày rằm tháng 7, thì bị mất 3. Việc này đã thấy ảnh hưởng nhãn tiền. Mất 3 nhà cầu đồng nghĩa với việc không thờ cúng các vị thổ thần của các xóm, nên để vong hồn ma quái quấy nhiễu cuộc sống của dân làng. Dẫn đến việc người gốc làng Hồ thì phải bán nhà ở làng, đi mua nhà ở những nơi xa xôi khác để ở. Dân trong làng bây giờ không còn nhiều dân gốc làng Hồ. Mất Văn chỉ thì bỏ bê việc thờ cúng việc học hành. Vậy nên con cháu trong làng giờ bị thất học nhiều, nghề nghiệp thì cũng không, toàn là đề đóm, cờ bạc, nghiện hút. Nghề truyền thống làm giấy của làng bị mất từ lâu rồi

Rồi nhiều chuyện nữa liên quan tới nhị vị Đức Thánh của làng. Âu cũng do sự thiếu hiểu biết, nên một vài vị có tối kiến là đi mua 2 pho tượng gỗ ở đâu về đem đặt vào đình. Rồi thì hô thần nhập tượng nói đó là nhị vị Đức Thánh. Họ đâu có hiểu, đình làng là nơi làm việc công quyền của các Ngài. Nơi đó chỉ có bài vị, nôm na như cái bảng tên trên bàn làm việc, hay trước cửa phòng làm việc ngày nay. Còn đền là nhà riêng của các Ngài. Nơi đó mới có áo mũ cân đai, kiệu vua ban. Trước kia còn có rước kiệu các Ngài vào ngày hội hàng năm 13/2. Nghe nói ngày này đông vui lắm, tổ chức rất bài bản công phu. Nhưng nay ra đền, đã có 2 vị lạ hoắc ngồi đó chiếm mất bàn làm việc rồi, thì còn kiệu rước các Ngài ra để các ngài ngồi vào đâu. Vậy là các vị bị cướp ngôi, mất chỗ ngồi ở đình, tức mất luôn cả chức Thành Hoàng làng. Làng Hồ giờ bị mất nhiều thứ quá, mà toàn những thứ quí giá, nhiều cái mất không thể lấy lại được. Âu cũng lại cái sự cha chung không ai khóc. Hay mở rộng ra hơn nữa, đó là hệ lụy của việc mở rộng Hà Nội. Cấp hành chính chỉ còn là quận, phường, mất đi cấp làng nên không có người quản lý các việc của làng.

Tôi xin chân thành cám ơn:
Chú Thắng đã hộ tống bác đi;
Chị Lâm, chị Hưởng đã mở đền cho em vào viếng giữa trưa;
Đặc biệt cám ơn anh Tích, đã đồng cảm và cung cấp cho em nhiều tài liệu quí giá.

quanghuy3188
09-07-2014, 14:20
hoho nhà ngoại em ngay trong ngõ này gần nhà bác Cả Mỳ mà chủ thớt nói đến, ngày bé em hay được bố mẹ cho vào hợp tác xã làm giấy chơi vì bố mẹ em làm trong đấy.
Gio hợp tác xã giả tán con gián bán đất rồi

quanghuy3188
09-07-2014, 14:26
Tết nào cũng thế cứ đêm 30 khoảnh khắc kinh thiêng nhất trong năm của người Việt Nam là em và mẹ ra đền này lễ. Cái không khi lúc đấy thật thiêng liêng biết mấy vì toàn người trong làng ra lễ cầu xin bình an may mắn cho gia đình. Ngôi đền rất linh thiêng, hi vọng dân làng mình sẽ mãi gìn giữ được nét văn hóa và di sản như thế này ^_^

PĐQuang
09-07-2014, 21:22
Tết nào cũng thế cứ đêm 30 khoảnh khắc kinh thiêng nhất trong năm của người Việt Nam là em và mẹ ra đền này lễ. Cái không khi lúc đấy thật thiêng liêng biết mấy vì toàn người trong làng ra lễ cầu xin bình an may mắn cho gia đình. Ngôi đền rất linh thiêng, hi vọng dân làng mình sẽ mãi gìn giữ được nét văn hóa và di sản như thế này ^_^

Chào bạn đồng hương,
Đền mà bạn nói tới là đền nào đó bạn, vì làng có những 3 ngôi đền. Tôi đoán chắc đền Thánh Mẫu.
Đúng là đêm 30 đi lễ đền chùa thấy không khí sao nó linh thiêng, tràn đầy cảm xúc. Nhưng mà phải hơi vắng thì mới cảm nhận được, chứ cứ chen chúc đông đúc thì chả thấy gì.
Hy vọng có nhiều người còn cảm nhận được sự linh thiêng của đền, và giữ gìn chăm sóc để đền tồn tại mãi mãi với thời gian