PDA

View Full Version : “Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?”



motdoidirong
04-01-2011, 23:36
....



“Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?” - thằng bạn cắt khố đâm hông một câu ngang xương. Tức cành hông, tăng-xông lên gần tới đỉnh!



“Tui thấy tour dài nhất đi bên đó có 7 ngày, ông làm gì cứ rị mọ tới tới lui lui như đi trốn nợ vậy cà?” – nó bồi thêm. Cái thằng cà chớn! Nói thiệt là nhỏ lớn giờ số lần tui xài tiếng Đan Mạch chỉ đếm trên đầu mấy ngón chưn, vậy mà bây giờ muốn qua bển sống để nói cho thả giàn!



“Nói với ku như nước đổ đầu vịt Thanh Đa à! Mày cất cao cổ cò cổ vạc, vác chiếu qua nhà tao để tao kể cho mà nghe. Trợn mắt cái gì, chuyện Thailand còn hay hơn Nghìn đêm lẻ một, vậy mày phải vác chiếu đi là phải rồi còn ừ à gì nữa”.



Mạnh miệng nói xong, tôi cũng phải 3 chân 4 giò lên mạng tìm tòi thông tin hỗ trợ. Lạc vô xứ nhà lá này thấy thiệt là hứng chí, nhưng xem đi xem lại thấy thông tin sao mà ít hều vậy cà. Thông tin chỉ đâu đó Bangkok, Pataya, xa lắm là Chiangmai, Phuket, thỉnh thoảng có thêm mấy miệt khác mà thông tin sao trống huơ trống hoắc. Mấy ông cất công viết cuốn Lonely Planet Thailand dày cộp, gấp 3 lần cuốn Vietnam, mấy anh hai ở TAT chổng mông viết brochure du lịch cho hầu hết các tỉnh thành Thailand… vào mục này xem chắc ngửa cổ than trời, đấm ngực bùm bụp… buồn tình dữ lắm á. Thailand mà chỉ vậy làm gì hàng năm cả 20 triệu du khách đổ xô (trừ 2010 bạo động giảm xuống còn 14T, gần gấp 3 Vietnam!). Thôi, nhân tiện trả lời bạn hiền, tui chen vô đây thêm ít ít, có gì mấy ảnh đọc được cho tiền tip mình kiếm gì đó mần chơi, hén!




Tài hèn sức mọn, không tham vọng gõ một topic “lộng lẫy” ( - như khói trời, của cô Tư miệt đất mũi; như “Cá khoai lộng lẫy” – của tờ Sài Gòn Tiếp Thị; như “Côn trùng lộng lẫy” – của Tuổi trẻ Cuối tuần; … mà có thể mai mốt ai đó đi Tibet, India… cám cảnh dân tình nhọc nhằn đóng phân bò thành bánh làm chất đốt mà chơi luôn cái tựa “Cứt khô lộng lẫy” chắc cũng được hoan nghênh… - lại cái tật lan man rồi), cái thằng motdoidirong tui chỉ dám chen vào đây tám chút lúc hưỡn. Mà dù gì, nó cũng là “Thông tin du lịch Thailand”, phải không ku. Rảnh rỗi, không vác chiếu qua nhà tao được mày vào đây đọc cho nó tăng pageview của anh hai mày. Có hưỡn hơn nữa rủ mấy em tuổi teen mối ruột đăng ký vài chục cái nick vào đây bấm nút Thanks lia lịa, cho anh hai mày qua một đêm bỗng đổi đời như mấy em Vietnam đưa đồ - à quên, Vietnam ai-đồ thì càng tốt. Nghen ku!


* *
*




Thailand, những ngày đầu năm thật khác!



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….





https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1040248.jpg
Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1040092.jpg
Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!





https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1011634.jpg
Những cánh đồng hướng dương Lopburi



“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1040286.jpg
Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).




…..


Còn ít nhất 99 chương hồi nữa!

motdoidirong
05-01-2011, 00:53
................


Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 2



“Ừ, thì đúng là miệt dưới không có hoàng hôn rực rỡ trên đền xưa chùa cũ như ở đó được, nhưng sao cha nội kể chuyện gì lung tung quá” – lại càm ràm, tật xấu có ai mà bỏ được! “Mà mấy cái bông dzàng dzàng đó, tui đi Đức Trọng, Đơn Dương tui thấy nó bạt ngàn, ông làm gì quý báu dzữ dzậy?”.



“Chèn đét ơi! Phải mày đó hông? Mày có biết mấy cái bông dzàng dzàng đó bên Phi Luật Tân, bên Nam Dương người ta kêu bèn giống gì hông? Chicken shit – bông cứt gà đó ku. Mày hết chỗ so đo rồi sao đồ mỏ nhọn nhỏ mọn? Mày lấy mấy cái bông đó đi thi với hoa cứt lợn thì may ra đoạt giải! (Chân thành xin lỗi dã quỳ!).




“Nhưng mà ông kể lộn xộn quá”, thằng ku vẫn vớt vát “Nhảy từ chuyện này qua chuyện kia, tỉnh này qua tỉnh nọ… làm sao tui thấy cái hay cái đẹp của từng nơi được. Hay là mỗi chỗ chỉ có 1 tý bẻo mấy cái đèm đẹp, ông gom góp dzô một chỗ, cho nó sang”.



Ừa hén. “Mầy có lý! Để tao “quay lại từ đầu”, như nhỏ ca sĩ nào đó hay ca, như muốn dụ dỗ rù quến người tình xưa quay dzìa đó!”.




* *
*




Miền Nam Thailand, ai nói bạo động bom nổ đì đùng, đạn bay cheo chéo đâu tôi chẳng thấy. Chỉ thấy nhớ một chiều cuối năm bên dòng sông xanh ngời ngời xuôi về biển lớn, nắng xế trưa hanh vàng tôi vào quán vắng bên dòng sông nắng, mới biết nơi đây sông vẫn mãi xanh dù bom rơi đạn lạc… miền Narathiwat.




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1240265.jpg
Chiều xanh bên dòng sông xanh ngăn ngắt miền Narathiwat



Narathiwat vẫn bình yên đến ngỡ ngàng, hiền hòa đến kinh ngạc. Vậy chiến sự nằm ở đâu? Dưới những cánh diều bên biển chiều lộng gió của đàn trẻ ngây thơ, theo những con sóng dập dềnh của thuyền về ngày cá nặng, bên ngôi thánh đường Hồi giáo bằng gỗ teak 300 năm tuổi, hay dưới bóng từ bi ngôi tượng Phật ngồi cao nhất thế giới, vàng rực cả một góc trời, bình yên cả một chiều quê….




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1240287.jpg
Ngôi thánh đường bằng gỗ đơn sơ đã 300 năm tuổi



Narathiwat, nhớ bóng những chiếc khăn choàng Hồi giáo vẫn xanh nhẹ nhàng thanh thoát , vẫn để lộ những gương mặt xinh xắn, những đôi mắt đen như đêm 30 chùng sâu… những bóng cà sa vàng thẫm vẫn chậm rãi từ tốn bước trên phố vang vang tiếng kêu gọi cầu nguyện từ ngôi tháp minaret cao cao…




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1250028.jpg
Ngôi chùa trắng thanh khiết



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P1250011.jpg
Bóng người trên cao như che chở cho phận sâu kiếp kiến của con người nơi miền đao binh.



Nếu không có binh biến Narathiwat còn đẹp đến dường nào! Nếu… haizzzz!!!


………..



“Ừa, dù chưa thấy hay ho gì lắm nhưng cứ kể chuyện từng vùng miền rõ ràng như vậy là được. Mà sao chuyện ngắn ngủn vậy cà?”, lại théc méc! “Tám thì tao có tám nhưng tao đâu có phải lê văn “Tám” đâu mà nổ cho cố dzô rồi banh xác. Ngăn ngắn vậy còn chừa chỗ cho thiên hạ họ đi khám đi phá chứ tành hoạch hết trơn thì còn gì hay ho nữa mà đi! Mày muốn biết thêm nữa, vác xác mà đi!”.




………………………….



Còn ít nhất 98 chương hồi nữa!

motdoidirong
06-01-2011, 00:43
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 3



“Trợn mắt lên cái gì, không biết thì hỏi chứ nhăn nhó cái gì!”. “Ông à, Thailand nó có sáu mấy tỉnh thành, làm gì ông tinh vi trái kiwi lên 100 chương hồi dzậy hả. Nổi không đó cha nội?” – lúng búng ngậm hột thị hột lựu một hồi cuối cùng nó cũng chịu phun ra.



“Mèn đéc ơi, sao mà ku ngây thơ như trái bơ dzậy! Nó có sáu mấy tỉnh thành, tao dĩ nhiên chưa đi hết, nhưng 100 chương hồi hay còn hơn thế nữa là tao dư sức qua cầu. Trong tỉnh nó còn có huyện, có xã, có thôn, có ấp nữa mà. Mà nếu kéo hoài không đủ, tao kiếm chuyện giựt gân đưa lên, kéo dài topic ra, học hỏi Quách Đại Ca, Cô Gái Đồ Long… là tao còn kéo đến cả ngàn chương hồi, chứ nói gì trăm. Đừng trợn mắt nữa, yên tâm đi ku, tao không như bà đó chính chị chính em cho nó ra vẻ… gì gì đâu. Tao kể chuyện bên đất Thái thôi, chứ chuyện ăn chơi nhảy múa bên nước Nam mình mà kể ra cũng dễ xộ khám lắm. Tao đang tuổi xuân phơi phới em đi mở đường chứ đâu phải để đi gỡ lịch mò lươn mà đi chơi ngông, ku!”.



“Dzậy thử kể chuyện gì giật gân coi cái chơi! Mà để tui kiểm duyệt cho cha nội xem có đủ sức giựt gân hay chỉ mới đủ cơ giựt hụi bỏ chạy thôi đó!”



“Mầy coi thử nếu có tin về con cá hai mươi mấy người ôm này có đủ sức giựt gân không ku?”. “Xời ơi, nghe ghê quá dzị, ở đâu dzậy, kể mau đi cha nội! Còn làm màu như trái táo Tàu nữa, héo queo giờ!”.




* *
*




Được biết đến nhiều bởi làng nhỏ Sop Ruak, với cái tên rất nổi tiếng là Tam Giác Vàng, còn Chiang Saen thì hầu như bị những khách du lịch bỏ qua. Chính nhờ vậy, phố nhỏ càng trở nên quyến rũ hơn bởi sự yên ắng khác xa một Tam Giác vàng nhộn nhịp xô bồ cách đó chỉ 9km. Thời gian dường như ngừng trôi trên vùng đất nhiều nắng nhiều gió này.




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P4070153-1.jpg
Bức tượng Phật mới dựng lên ở Tam Giác Vàng, như cầu mong siêu thoát cho những phận người đã nằm xuống trong cuộc chiến hoa anh túc.



Nằm bên bờ con sông mẹ Mekong, thành phố vùng Bắc Thái này ngày xưa là thủ đô của vương quốc Chiang Saen, một trong nhiều những vương triều nhỏ vùng Bắc Thái. Chao đảo trao tay qua nhiều triều đại…cho đến thế kỷ XVIII, vương triều này vẫn thuộc Miến Điện… Mãi đến 1880, Chiang Saen mới chính thức thuộc về vương triều Xiêm La (Siam).



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P4070057.jpg
Rắn thần Naga ở ngôi chùa trên đồi nơi Sop Ruak.



Phật giáo Nam Tông đã có mặt trên vùng đất này từ rất lâu và tín ngưỡng này vẫn được trân quý như ngày nao. Những ngôi chùa từ thế kỷ XIV giờ vẫn còn nằm uy nghi trong phố hay giữa rừng. Dù hoang phế hay vẫn còn được giữ gìn tương đối tốt, những ngôi chùa này giờ vẫn được chăm sóc ngang nhau. Những dải lụa vàng phất phới trong nắng gió ngày hè đã rực rỡ càng thêm rực rỡ là những nét duyên cho phố. Cho dù những ngôi chùa mới rực rỡ theo phong cách Thái đã mọc trên phố, những ngôi chùa đá ngàn năm vẫn được sử dụng trong việc thờ phụng… như những cư dân hiền hòa bên con sông mẹ Mekong từ ngàn đời vẫn hằng tôn kính.




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P4070090.jpg
Tháp xưa trong rừng…


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P4070088.jpg
… trong phố, bên chùa mới




Cuộc sống nơi đây lặng lẽ, nhịp rơi chầm chậm. Có ồn ào chăng là những chuyến xe chở khách du đi theo con đường ven dòng Mekong từ Chiang Khong hướng lên Sop Ruak. Nhưng chỉ cần bỏ lại con đường vào quán nhỏ râm mát ven dòng Mekong, bạn như trở về ngày cũ, trở về miền nam nước Việt thân yêu với những người dân chân chất hiền lành quý khách nhiệt tình mời mọc khách đường xa những phẩm vật của dòng sông mẹ. Cho ai đó láng máng chắc dễ quên đường về…




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P4070105.jpg
Nhưng may mà họ chưa mời tôi con cá hai mấy người ôm này




________________________________________________

Còn ít nhất 97 chương hồi nữa!

motdoidirong
07-01-2011, 20:22
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 4



Trôi theo dòng Nam Mekhong, tôi lạc đến một xứ sở mà ngay khi ở đó, tôi đã biết một mảnh hồn tôi sẽ rơi rụng.




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070672.jpg
Bình minh vàng dịu dàng trên dòng Nam Mekhong.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070632.jpg
Phố chưa xuống đèn, đã lặng lẽ thành kính quỳ để dâng lễ chờ từ lúc sương còn long lanh nụ.



Bình minh chưa kịp lên, bóng mẹ già tóc trắng bạc phơ ngồi trong phố sớm mai sương còn lẩn quẩn để chờ được cúng dường. Những bóng áo vàng lặng lẽ đi về phía mặt trời, như mang theo ánh dương, như đi cùng bình minh, cùng nắng mới… làm phố bừng sáng hiền hòa. Phố bỗng rực rỡ nhưng vẫn im ắng, để nghe thi thoảng những tiếng kinh cầu chúc phúc êm êm… đâu đó thanh thanh tiếng riu ríu ban mai của lũ chim rủ nhau bay về những cánh rừng bên kia sông… đón chào ngày mới….



Bình minh nắng hồng.


Trưa…


Chiều vàng nắng xuân hanh hao….



……………………………



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070823.jpg
Phố cũ vắng tênh lũ hoa tuyệt vọng đợi ai chờ ai mà vẫn rực rỡ…



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070738.jpg
Mekhong xanh rực rỡ



Chiều. Hoàng hôn hồng dịu dàng. Trời xanh biếc. Mây vẫn trắng trong. Dòng sông lam tím....


Từ trời tây, từng đàn, từng đàn cò trắng dìu dặt bay về tổ, bay qua con sông Mekhong rực rỡ khác hẳn dòng Cửu Long luôn đỏ nặng phù sa ân tình…. Cánh cò mong manh chao nghiêng, chao nghiêng trong gió chiều xuân thanh dịu… lúc trắng tinh thanh khiết giữa trời chiều vẫn còn xanh ngăn ngắt, lúc hòa vào vạt mây trắng chưa kịp nhuộm màu hoàng hôn vẫn trong trẻo bên kia sông, lúc tan vào mặt sông đã chuyển màu lam tím huyền hoặc.




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070876.jpg
Lòng tôi đã tan trong chiều ấy hay cánh cò mong manh nhỏ nhoi đã cõng về nơi nao?


………………………………..



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070620.jpg
Chiang Khan, Loei – còn yêu sao không về với nhau…


Tôi đang kể về những thời khắc của nhiều những ngày tôi ở Chiang Khan, một phố cổ miền Issan, đông bắc Thái, duyên dáng nằm ven dòng Mekhong của Loei, nơi người ta đến vì yêu nhau, đến để yêu nhau, đến để cùng về với nhau…




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070766.jpg
Buồn nhớ cố hương, vấn vương cố quận, hận kiếp tha phương, thương đời phiêu bạt…?



Còn ai đó, vẫn riêng một mình…




* *
*



“Ê, ông lấy giùm tui cuộn giấy chít đùi cái coi”, nó gắt gỏng. “Mầy nói cái giống gì tao đếch hiểu. Giấy chít đùi là cái giống gì?”.



“Híc, thì giấy vệ sinh đó, bữa nay sao ông chậm tiêu dzậy! Ngạc nhiên cái gì? Tui nghe ông rên rỉ thở than con ngan chuyện đời buồn cái đoạn cuối đó tui buồn héo tim, nát gan, nẫu ruột, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa… nên mới cần nguyên cuộn giấy đó. Ack ack ack… Sao bữa nay sến bà cố nội dzậy cha?”



“He he he, mầy không biết tao vừa là đệ tử chân truyền, vừa là đệ tử gia truyền của anh Khế à? Duyên Dáng Việt Nam năm nay chơi “tàng” là sến mầy cũng không biết sao? Sến đang lên ngôi trở lại, tao phải a dua, a tòng theo chứ, cho nó hợp thời thượng, chứ đâu có lâu tiêu chậm tiến như mầy, ku”.



Tèng téng teng - Thôi, chia tay nhau từ đấy, nghe nước mắt vây quanh, nếu lỡ yêu thương sẽ đau khổ đến trọn đời…





* Trong bài viết có sử dụng câu từ của “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, lời các bài hát “Bài buồn cho em”, “Người đi ngoài phố” (Anh Việt Thu).
____________________________________

Còn ít nhất 96 chương hồi nữa!

motdoidirong
09-01-2011, 10:54
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 5



Bạn hỏi tôi “Chiang Khan ở đâu? Sao nghe xa ngái!”.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1081039.jpg
Tỉnh Loei nằm trong góc kẹt miền Đông Bắc Thái, giáp với miền Bắc Thái





https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/NewPicture-1.jpg
Và Chiang Khan nằm ở cực Bắc của tỉnh này, bên kia Nam Maekhong là đất Lào.



Chiang Khan xa lắm bạn ơi! Dòng Nam Maekhong sau khi gặp Thái-Miến-Lào nơi ngã 3 biên giới Tam Giác Vàng đã hun hút chạy sâu vào trong rừng đại ngàn của xứ Ai Lao thâm sơn cùng cốc. Mãi đến Chiang Khan, dòng Nam Maekhong mới xuất hiện trở lại. Bắt đầu từ đây chảy về Nongkhai, Vientiane rồi xuôi Nam đến tận Siphandon… dòng Nam Maekhong cũng chính là biên giới tự nhiên giữa 2 đất nước có những người dân mến khách hiền hoà này.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1070922.jpg
Đêm Chiang Khan dễ làm ai lạc lối? Đi về đâu đây?



Chiang Khan còn giữ được vẻ thanh bình hiếm có. Những ngôi nhà sàn đã vài trăm năm tuổi, những ngôi chùa, những tranh tường cũng đã hơn 600 năm thời gian đi qua… Nhưng hơn nhiều nơi khác, nếp sống nơi đây, dù cho làn sóng du lịch bản địa đang tràn qua, vẫn giữ nhịp êm êm như ngày trăm năm cũ.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1070795.jpg
Hoa đỏ trước sân. Phố trưa vắng vẻ yên bình đến chú chó chơi ngon ra nằm ngủ luôn ở giữa đường phố.



Đến Chiang Khan, bạn như ở nhà, nhà quê, ngày xưa. Nơi những nụ cười thân luôn trên môi, nơi những câu chào luôn dịu dàng đón… và cả những cánh hoa quê trong trẻo… cũng nghiêng cánh chào…




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1070706.jpg



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1080994.jpg
Chiang Khan hoa nghiêng cánh chào…




Sao em không về thăm Chiang Khan?





Mượn ý thơ Hàn Mặc Tử
_______________________________________________

Còn ít nhất 95 chương hồi nữa!

motdoidirong
09-01-2011, 11:02
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 6



“Thôi chết ông rồi”, nó thất thanh la toáng lên làm tui giựt tưng cả người. “Ông sao rồi? Sao có nữ nào vô đây kêu ông đi Thailand để luyện Kinh thư Quỳ hoa Bảo điển dzậy? Ông luyện mấy thành rồi, có cắt c. giống cha con Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi chưa? Chời ơi sao ông khùng quá dzậy”. “Mầy mới khùng đó ku. Mà có khùng cũng vừa vừa, tự nhiên mầy đẻ đâu ra chuyện tầm phào bá láp này?”.



“Đó, nữ đó kêu ông là “kinh điển” gì gì đó. Bộ hổng phải “kinh điển” là viết tắt từ “Kinh thư Quỳ hoa Bảo điển” hả? Kinh thư mà muốn luyện là phải…”. “Bực mình quá, mầy nghĩ sao ra thứ viết tắt gì kỳ cục dzậy?”



“Thì tui thấy người ta viết vậy hà rầm mà. Như ông Hồ Anh Thái ổng cũng có nói đó. Tỷ như khen cô nào vừa vô tư, vừa duyên dáng nghĩa là kêu cổ “vô duyên” đó….”. “Bó body mầy luôn. Viết tắt kiểu mày chắc thiên hạ lăn đùng ra xỉu hết. Tao không có luyện kinh thư nào hết. Đi chơi cho nó đãe thôi! Mầy muốn luyện thì qua đó mà luyện!”



“Mừng ghê ta nơi, vậy chiều nay ông với tui rai rai ăn mừng vụ “thoát hiểm” này nghen”. “Ăn mừng cái gì, chiều nay tao có hẹn rồi. Mầy đi hông, tao dắt đi. Đi đâu hả? Thì có hẹn với chị em Hội Phụ nữ bên phường Cây Mít. Chiều này đi giao lưu văn hoá tổng hợp với bển. Cho mày đi theo để mày “giao…” luôn!”.





* *
*




Tôi đến Mae Sariang một trưa nắng chói chang. Phố nhỏ vắng hiu hắt vì mọi người trốn nắng đi đâu hết. May mà còn con sông Mae Nam Yaun lơ đãng chảy giữa phố, nếu không phố nhỏ đã thành lò bát quái.




Mae Sariang có một nét đẹp rất lạ, không có ở các tỉnh thành khác trên đất Thái. Đó là sự phối hợp hài hòa, sự uyển chuyển đến diệu kỳ trong kiến trúc Phật giáo Siam và Burma làm cho những ngôi chùa ở đây mang những nét độc đáo rất riêng. Thanh mảnh vuông vắn những tháp đền, những ngôi chùa phong cách Miến đứng chung với những ngôi chùa mái cong vút vàng rực rỡ, đỏ lung linh đặc trưng Thái. Dù đứng riêng hay chung, chúng đều tôn những nét duyên của nhau làm đất trời Mae Sariang cứ lung linh những sắc màu tôn giáo diệu kỳ.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3280061.jpg



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3280086.jpg



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3280119.jpg
Lung linh những sắc màu, những kiến trúc đa dạng chùa Mae Sariang.





Và làm sao quên được con đường lên núi cao một hoàng hôn muộn màng. Hoàng hôn không rực rỡ nhưng bên chùa vắng một mình quạnh hiu… mới thấy cuộc đời sao hư ảo, sao phù du.


.........................





https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3290019.jpg
Con sông Salawin, biên giới tự nhiên giữa Thailand và Burma




Nằm khuất ở một khúc quanh trên con đường từ Tak về Mae Hong Son, Mae Sariang giờ bắt đầu được tìm đến nhờ thiên nhiên hoang sơ còn giữ được, đặc biệt là con sông Salawin là biên giới tự nhiên giữa Myanmar, Thailand chảy dọc gần phố. Và cả khu rừng bảo tồn quốc gia Salawin National Park nằm dọc biên giới giờ đang bắt đầu được khám phá, nơi tôi liều mạng tham gia vào một chuyến đi rafting rùng rợn, trên một chiếc “bè” (?) tre mong manh lỏng lẻo vặn vẹo kêu lắc rắc khi vượt qua những ghềnh nước bạc đầu.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3300069.jpg
Tôi liều mạng leo lên chiếc bè tre mong manh này xuôi dòng Salawin cuồn cuộn giữa đại ngàn…



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3300101.jpg
… để gặp những khoảnh khắc hiếm có trong đời.




Để bây giờ, khi đi qua những con sông con suối trên những con thuyền vững chãi, tôi vẫn rùng mình nhớ lại cảm giác chao đảo chênh vênh ngày đó trên chiếc bè tre mong manh xuôi dòng Salawin cuồn cuộn chảy...



_________________________________________

Còn ít nhất 94 chương hồi nữa!

motdoidirong
10-01-2011, 14:03
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 7



“Nè, bữa giờ ông lôi tui đi miền cực nam rồi lên cực bắc Thailand, ngược xuôi xuôi ngược… bộ khúc giữa không có gì hay à, mà sao đi xa tít xa tắp dzậy?”. “Nói chung là tùy hứng thôi, muốn thì bữa nay chơi khúc giữa, làm gì ghê vậy?”




“Mà lóng rày ông chơi tàng là cảnh chim hoa bướm lá không hà. Nghe nói Thailand nhiều chùa chiền, nhiều kiến trúc khác lạ lắm mà sao ông im thin thít dzậy. Bộ ổng qua bển ăn chơi nhảy múa hát ca là chính, hổng có đi chùa hả. Tội nghiệt nhiều như ông mà còn không lo đi viếng chùa nhờ Phật giải bớt đi.”. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!!!”




* *
*




Tôi lạc đến Kamphaeng Phet chỉ vì không còn chuyến xe nào đi lên miền bắc Thái vào giờ đó, buổi chiều đó… Cái tỉnh gì mà cái tên đọc muốn trẹo lưỡi, mà cũng chẳng nghe ai nhắc đến chứ nói gì đến du với lịch, tour với tiếc… Vậy mà, tôi đã quay lại đó lần thứ 2, một điều tôi rất ít làm trong những tháng ngày lang bạt của mình.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3220112.jpg



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3220119.jpg
Thanh thản




Còn có tên khác là Chakangkrao, rồi Nakhon Chum, Kamphaeng Phet – có nghĩa là Diamon Wall, một thời là thành lũy tiền tuyến quan trọng của vương triều Sukhothai. Những di tích của thời oanh liệt đó đã đưa vùng đất xưa này vào di tích văn hóa Unesco vào 1991, nghĩa là rất lâu rồi nhưng phố vẫn nằm trong quên lãng.





https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3220246.jpg



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3220130.jpg
Rạng ngời




Nằm bên dòng Mae Nam Ping xanh mướt, khu phố “mới” mới nhỏ bé và hoang vắng làm sao. Nhưng chỉ cần đi sâu thêm vài bước vào những khu “rừng” cây cối um tùm, bạn sẽ lạc vào thành xưa Kamphaeng Phet, với những chùa chiền, đền đài… mà bạn sẽ sửng sốt. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng với tôi Kamphaeng Phet không hề thua kém Ayuthaya hay Sukhothai… vì bên cạnh những di tích rạng ngời, Kamphaeng Phet có 1 nét rất riêng mà các nơi kia không có – sự vắng lặng đến kinh người. Lang thang trong miền cổ tích, trong hoang vắng, mùi hương sứ nồng nàn đến mụ mị giữa trưa nồm, một mình ngỡ ngàng chiêm ngưỡng, nhiều lần thảng thốt giật mình trước những kỳ bí của người xưa - Kamphaeng Phet của tôi là vậy đó.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3220214.jpg



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3220263.jpg
Rực rỡ (bạn có bao giờ thấy hoa sứ tím?).




Không chỉ có vậy, Kamphaeng Phet còn rất nhiều danh thắng khác. Mà chỉ con sông Mae Nam Ping và những nhà hàng bé xinh những chiều ngồi ngắm ngày đi đêm đến, mơ màng theo con đò nhỏ trôi xuôi hay bay bổng theo đàn chim về nơi góc cuối trời xa vẫn vàng lên ánh dịu dàng của những mái chùa… “thế thôi là hết một đời!”




_________________________________________

Còn ít nhất 93 chương hồi nữa!

motdoidirong
11-01-2011, 21:20
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 8



“Lóng rày ông có hưỡn coi xi-la-ma trên tàng hình hông? Bữa trước tui coi phim gì trên HBO có tài tử nổi tiếng phim hành động xứ cờ hoa Huê Kỳ, Nicolas Cage đóng, có nói dzìa Thailand đó. Ông có coi phim đó chưa? Chèn đét ơi, thằng chả đóng vai sát thủ máu lạnh, đánh đấm múa may quay cuồng bắn súng đùng đùng… đã con mắt hết sức là đã. Thêm cái màn sến chảy nước hạp với ông nữa là thằng chả siêu nhân dzậy mà đi yêu cô gái Thái bị câm, thiệt là lãng mạn rụng rún hết chỗ sức dầu cù là luôn”.
“Mầy dạo này bộ hết mối nhậu sao ở nhà coi phin dzậy ku? Ăn ở sao bạn bè hổng dám rủ nữa rồi? Qua coi phim đó rồi. Phim đó có đoạn 2 người dắt díu nhau đi viếng và cầu nguyện ở một cái hang động đẹp ngời ngời đó đúng hông?”.




“Ừa, tui cũng tính hỏi ông là ông đi bển nhiều có tới cái động đó chưa, vì phim đó bối cảnh là ở Bangkok nhưng “động” ở Bangkok tui đi gần hết rồi, biết chắc là không có cái động đó.”
“Biết ngay mầy mà, mà hình như nhiều người cũng dzị mầy ơi. Nhân tiện đang tám về “khúc giữa” của Tháiland, tao dẫn mày đến vùng đất cũng ở khúc giữa, có cái hang động Phật tích linh thiêng đó hén. Rồi mai mốt mầy dẫn tao đi mấy cái “động” ở Bangkok của mầy hén. Không thì "động" Sài Gòn cũng được! Okie con gà ri hông?





* *
*




Nằm cách Bangkok chỉ 160km nhưng Phetchaburi hầu như chẳng được tour du lịch nào ở Việt Nam nhắc đến, trong khi đó, đây là điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách bản địa cũng như khách đến từ Âu Mỹ. Âu có lẽ cũng do khách quan tâm gì thì tour tổ chức theo hướng đó vậy!




Phetchaburi, hay Phetburi hay Meuang Phet, miền đất nhỏ quy tụ rất nhiều điểm tham quan đa dạng thú vị. Từ những ngôi chùa phong cách Hindu-Khmer đá xám uy nghi hay đá đỏ rạng ngời, những ngôi chùa phong cách Siam rực rỡ sắc màu, đến cung điện lộng lẫy của vương triều Rama IV, rồi những hang Phật tích thâm nghiêm, hang thì giữa rừng, hang thì nằm sâu trong lòng đất…, Rồi đến công viên quốc gia Khao Wang & Phra Nakhon National Park… Tất cả đều lung linh rực rỡ trong cái nắng miền nam nước Thái. Thêm một điều thú vị nữa là những chuyến xe chở du khách Thái ồn ào chỉ dừng chân nơi đây vào buổi sáng trên đường xuôi nam. Do vậy, sáng mai lành, ngồi nhâm nhi tách café thơm lừng ở quán nhỏ ven dòng Mae Nam Phetchaburi, chờ nắng lên rực rỡ đi cùng những đoàn xe du lịch ùn ùn xuôi nam xong, bạn như sẽ có một Phetchaburi cho riêng mình.



Hang động mà Nicolas Cage cùng người yêu đi thăm là Khao Luang Cave. Trong hang có rất nhiều những tượng Phật, được cho là đã có vài trăm năm tuổi, từ thời vua Rama IV. Trong đó, nổi tiếng là bức tượng Phật nằm vô cùng linh thiêng – cầu được ước thấy, theo như những người dân địa phương thì thầm truyền miệng. Đến Khao Luang Cave một trưa nắng, nhìn những tia nắng lung linh từ lổ hổng tự nhiên trên đỉnh hang tỏa ánh dương quang xua tan bóng tối hang động, … tưởng như ánh dương quang cũng xua tan ít nhiều bóng tối trong hồn đau…




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1170173.jpg
Góc Khao Luang Cave.



Cung điện Phra Nakhon Khiri, một trưa nắng thênh thang, tòa cung điện nguy nga giữa rừng sứ đang mùa hương bay. Người đi lên non cao cứ ngỡ đang bồng bềnh giữa mây sứ trắng trong và trôi miên man trong hương bay nồng nàn…




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1170015.jpg



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1170020.jpg
Phra Nakhon Khiri. Nắng. Dốc. Sứ. Lộng lẫy. Nồng nàn.




Nhớ nắng Phetchaburi! Buổi chiều nắng ơi là nắng, vẫn thong dong đạp xe trên những con đường vắng vì nắng tan tôi sẽ phải trả lại con đường cho phố đông. Những vòng xe đơn côi lặng lẽ lang thang qua những ngôi chùa bằng đá sa thạch từ thời vương triều Khmer hùng cứ, sắc sảo rạng ngời trong nắng hay nắng làm chùa xưa thêm rạng rỡ. Ngay cả những bức tường gần ngàn năm tuổi thời gian đã bào mòn lỗ chỗ, đã xô ngã nhiều nơi… vẫn hiên ngang thẳng đứng nơi những góc nhỏ còn được giữ gìn, như muốn giữ lấy nếp lề, vẫn như chở che cho ngôi đền đã đẫm màu sương, úa màu nắng, phai màu gió…




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1170081.jpg



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1170129.jpg
Xưa.



Đêm! Hương từ núi xa vọng về hay hương từ những sắc màu ngọt ngào trên phố. Phố ngày vui hội. Những khay bánh lung linh sắc, lộng lẫy màu, ngạt ngào hương, thấm đẫm vị… và những lời mời dịu dàng, những nụ cười thiện ý… làm đêm Phetchaburi như tan chảy trong mật ngọt. Để dòng Mae Nam Phetchaburi cô đơn thổn thức lẻ loi vì khách du hồn đã tan như những viên kẹo ngọt mềm thơm trong phố vui.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1170218.jpg
Ngọt ngào.




Đêm nay, sông chỉ có một mình!





__________________________________________

Còn ít nhất 92 chương hồi nữa!

motdoidirong
15-01-2011, 20:48
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 9



"Ê, có người hỏi ông đi chuyến đó nhiên quân Nguyên cà? Ông nhớ nổi hông?"."Chèn đét ơi, làm sao mà tao nhớ nổi, tao đi cả bao nhiêu chuyến rồi chắt lọc mới được nhiêu đó chứ đâu phải một chuyến đâu!"



"Thì ông biết bi nhiêu trả lời, người ta chờ." Nó thẽ thọt. Gớm bữa nay biết quan tâm đến người khác!" "Tao không nhớ nổi đâu nhưng tao biết là tao lơn tơn bên Thái trung bình một tháng tao xài khoảng 600-800USD, tất tần tật tiền ăn chơi nhảy múa, tham quan du lịch ngủ nghỉ bia bọt... Vậy thôi nghen, để tao còn kể chuyện khác."



"Bữa nay ông dắt tui đi đâu dzậy. “Nhưng mà nè, nói thiệt tình là đâu phải ai cũng hưỡn, có nhiều thời gian để mà đi lang thang như ông. Ông coi thử có chỗ nào gần gần như Pattaya mà đèm đẹp thì ông giới thiệu cái coi. Xa quá ai mà đi cho thấu”. “Muốn gần thì có gần, thiệt tình mà nói, như Ayuthaya cũng gần hều à, cách Bangkok có 86km chớ mấy. Đẹp rạng ngời chói lóa luôn mà cũng có mấy tour nào đưa đi”.



“Nhưng mà chỗ đó chắc cũng chùa chiền thành xưa không hả?” Sợ tui chửi, nó nhẹ nhàng hỏi. “Mà dân mình lâu lâu mới đi chơi, chắc họ không thích mấy thứ cổ cổ đó đâu. Ông có gì mới mới, rực rỡ, lộng lẫy hông?”. “Thiếu giống gì! Dắt mầy đi gần hệu à, cách Bangkok có 65km thôi. Đẹp xanh đỏ tím vàng đủ màu rực rỡ. Mầy mà không mê tao cùi sức móng luôn!”.


“Vậy đi nhanh, cha nội. Về còn đi mần kiếm lúa!”




* *
*


Nằm cách Bangkok chỉ 65km, trước khi đến Ayuthaya, không là một điểm “must-see” theo LP nhưng tôi cũng đã đến Bang Pa-in một trưa nắng đẹp. Thầm nghĩ rằng, có lẽ tác giả của LP đã đến nơi này vào một ngày u ám hoặc đang có nhiều tâm sự đắng cay trong lòng.



Trong một khu vườn rộng lớn xanh mát, rất nhiều cung điện Hoàng gia Thailand đã được xây dựng làm nơi nghỉ ngơi dừng chân khi có việc xa rời kinh đô Bangkok ồn ào khói bụi.



Điều lạ là những cung điện lộng lẫy này không chỉ theo kiến trúc Siam mà còn rực rỡ một Wehat Chamrun Palace giống như một cung điện xứ Tàu, một Withun Thatsana xây dựng giống như một ngọn hải đăng rực rỡ bên hồ xanh chùa vàng… Rồi những kiến trúc Gothic khác tinh tế nằm rải rác trong khu vườn thênh thang và không thể thiếu được là những bức tượng Phật lặng lẽ nơi những góc xanh êm đềm…




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1160030.jpg
Wehat Chamrun Palace



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1160044.jpg
Withun Thatsana



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1160012.jpg


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1160009.jpg
Các kiến trúc đẹp khác ở Bang Pa-in



Đặc biệt, mà tôi chưa từng gặp ở đâu, là ngôi chùa theo kiến trúc Gothic giống nhà thờ Thiên Chúa giáo, Niwet Thamaprawat. Lang thang trong khuôn viên ngôi chùa, bóng áo cà sa vàng lặng lẽ lướt trong bóng râm của cây vô ưu đang mùa hoa nở, dưới những hàng hiên thanh mảnh, những điêu khắc chạm trổ tinh tế Gothic một trưa nắng bỗng nghe âm trầm tiếng chuông chùa vang vang… Những khoảnh khắc này hiếm khi gặp lại trong cuộc đời trần tục nhiều những tham sân si này.




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1160110.jpg
Muốn sang chùa Niwet Thamaprawat phải ngồi ròng rọc kéo qua sông, miễn phí! Hết sức thú vị!



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1160087.jpg


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1160088-1.jpg
Niwet Thamaprawat. Như 1 vương cung thánh đường.



Một điều thú vị nữa là có thể đến Bang Pa-in bằng đường thủy, từ Bangkok hay từ Ayuthaya. Chỉ nội việc sau khi thư giãn trên dòng sông loang loáng nắng, bước vào khu vườn cổ tích lung linh, mới thấy Bang Pa-in đã lộng lẫy càng thêm rạng ngời.




__________________________________________________ ____

Còn ít nhất 91 chương hồi nữa!

motdoidirong
19-01-2011, 14:24
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 10



“Lóng rày đi đâu mất đất dzậy cha nội?”. “Tao biến mất nghĩa là tao đang đi rong. Tao đi rong cả đời, biến mất vài ngày là chuyện bình thường, biết rồi sao còn hỏi, ku?”.



“He he he, dzị mà tui tưởng ông ở nhà tu tâm tích đức vài bữa chứ. Đi chơi có gì hay ho kể cái nghe chơi”. Nó dụ khị! “Đi ra khỏi ngõ là hay rồi, nhưng tao phải để cho nó thấm rồi mới tám chứ. Bây giờ còn bềnh bồng với những cảm giác phiêu lãng, kể ra lỡ mày tưởng tao ở trên mây sao!”.



“Ừ, mà chuyện cũ ông còn cả đống hén, thôi tám tiếp đi cha nội!”. “Đang say sưa về khúc giữa, cho ai đó than phiền kể khổ là hổng có thời gian đi xa, tao dẫn mầy đi một kinh đô gần nửa thiên niên kỷ đẹp rạng ngời của Thailand hén. Gần xịt hà, cách Bangkok có 86km hà. Rảnh rỗi, có dịp đi Bangkok mần, tạt ngang đó chơi nghen ku!”.




* *
*



Là kinh đô của vương triều Siam từ 1350 đến 1767, một thời cũng từng nằm dưới sự cai quản của đế chế Khmer hùng mạnh… Ayuthaya, hay Phra Nakhon Si Ayuthaya hay Sacred City of Ayodhya… đã trải qua 33 đời vua của vương triều Siam vào giai đoạn hùng mạnh nhất. Vương triều Siam lúc đó đã vươn cánh tay đến những miền đất xa xôi giờ nằm trong lãnh thổ của Laos, Cambodia, Burma.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150239-1.jpg
Bức hình kinh điển ở Ayuthaya, không ai đến đây mà ra về không có bức hình này!




Ở thế kỷ XVII xa xôi, dân số của Ayuthaya đã lên đến 1.000.000 người, chứng tỏ thành phố đã từng phát triển mạnh mẽ như thế nào. Những người ngoại quốc mắt xanh mũi lõ từ phương Tây xa xôi từng đến đây, vì nhiều mục đích, sứ mạng đều ngỡ ngàng ngạc nhiên trước một thành phố phương đông lộng lẫy nhất mà họ đã từng thấy…



Nhưng cuộc đời dâu bể biết đâu mà ngờ… Cuộc chinh chiến của vương triều Burma, vào lúc sức mạnh đang trào dâng, và lúc Siam đang suy sụp, đã tràn qua, đã tàn phá, đã tắm máu, đã hủy hoại Ayuthaya… thành bình địa. Và khi Siam đẩy lùi quân Burmese, quốc vương Taksin cũng đã để lại Ayuthaya sau lưng, dời kinh đô về bên kia dòng Chao Praya, hình thành nên một Bangkok phồn hoa bây giờ.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150269.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150465-1.jpg
Rực rỡ. Hoành tráng.




Vậy, có còn không một Ayuthaya?





https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150250.jpg
Nồng nàn hương sứ một chiều xanh bên đền xưa…



Vậy Ayuthaya diễm lệ ngày xưa bây giờ còn lại những gì?




___________________

Còn ít nhất 90 chương hồi nữa!

motdoidirong
20-01-2011, 13:11
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 11



“Ủa, sao tự nhiên ngắt ngang xương dzậy, anh hai? Hết đề tài, giờ bắt đầu kéo dài rồi hả”. Nó la toáng lên như muốn chọc quê. “Hổng phải, nhưng nói thiệt, với Ayuthaya, dù chỉ muốn giới thiệu sơ để mầy hay ai đó còn muốn đi thăm viếng, khám phá… mà chỉ tròm trèm trong 1 entry thì quả là quá bất công con bồ nông. Cho nên qua đây mới chia hai dzị mà.”



“Ừa, mà sao có ai lại hỏi ông chi phí và lịch trình chuyến đi nữa cà!”. “Ừa, qua hổng biết nữa. Nhớ là mới dzừa trả lời ở trên rồi mà hén. Thôi, để qua tám tiếp chuyện Ayuthaya nghen, còn gần cả 90 entry nữa đó, cà kê dê ngỗng điệu này chắc Tết Congo mới xong quá!”.



“Ừa hén, mà tui cũng thấy Ayuthaya ông nói binh biến tàn phá mà vẫn còn hoành tráng quá xá cỡ luôn. Chắc ngày xưa nó đẹp lắm há!”. “Ngày xưa qua đây hổng ở đó (!?) nên hổng biết, nhưng giờ qua thấy nó vẫn rực rỡ, quá xá cỡ thợ mộc lộng lẫy, trong hoang tàn…”




* *
*




Dù cả thành Ayuthaya hoa lệ chỉ còn duy nhất ngôi chùa Phra Mehn, với bức tượng Phật từ TK VIII từ Sri Lanka, không bị phá hủy, thành phố nhỏ nằm trong vòng tay ôm ấp của 3 dòng sông Chao Phraya, Pa Sak, Lopburi này tuy chỉ còn những điêu tàn hoang phế, nhưng chỉ qua những gì còn lại, kể cả những ngôi đền Hindu-Khmer từ trước khi Ayuthaya trở thành kinh đô…., chúng ta cũng rất dễ dàng hình dung về ngày xưa hoàng kim…




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150475.jpg
Buổi trưa trên dòng Mae Nam Pa Sak




Một trưa loang loáng nước ngồi trong nhà hàng ven sông Baan Khun Phra nhìn mặt sông vàng ánh nhọc nhằn những chiếc phà chở hàng dài dằng dặc nặng nề ì ạch trên sông, một hoàng hôn tím ngắt trên con đò lạch tạch trôi trên 3 dòng sông ôm ấp thành xưa, một sớm mai hoa hoàng hậu lung linh sương sớm đỏ rực tinh khôi giữa đền cũ vàng rực trong nắng lên ngày mới, một đêm trăng non quay đều những vòng xe qua những con phố êm đềm lặng lẽ, nồng nàn hương hoa champa say ngọt … Ayuthaya luôn đẹp, luôn rực rỡ trong dù hoang phế điêu tàn.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150301.jpg
Những gì còn lại của Ayuthaya



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150228-1.jpg
Lặng lẽ



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150217.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150235.jpg
Rực rỡ hoa, nồng nàn hương, cổ kính đền đài xưa




Còn lại đây những cột đá cao ngút gợi nên một cung điện huy hoàng ngày cũ, còn lại đây những góc vỡ tường xưa vẫn sắc sảo đẹp ngời những nét đường điêu khắc trổ chạm, còn lại đây những tháp cao lặng lẽ của chùa xưa đổ bóng xuống những bức tượng không nguyên hình bên góc khuất, còn lại đây những bức tượng Phật trang nghiêm, mà có lẽ những chiến binh Burmese đã chùn chân dừng bước, nằm lặng lẽ giữa đồng khô quạnh quẽ hay dưới bóng đa xanh ngời trong nắng xế… Ayuthaya bây giờ dường như không còn gì nhiều những lộng lẫy lóng lánh của ngày huy hoàng, nhưng trong tôi lại vẫn như còn tất cả…



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150522.jpg
Pho tượng Phật nằm ở Wat Yai Chai Mongkhon



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1150604.jpg
Chiều tím trên sông xanh





Để một đêm hè nào đó, tôi sẽ về lại Ayuthaya, nhất định tôi sẽ về. Để lại được ngồi bên bến sông khuya vắng tênh không một khách du nào chờ, không một chiếc đò nào đợi, để đắm trong màu trăng nửa khuya nhàn nhạt… để hồn lại bềnh bồng trên những con sóng lăn tăn, tan loang loáng như mảnh trăng nhỏ trên sông đen khi gió khuya về…




___________________

Còn ít nhất 89 chương hồi nữa!

NTTHOA_LY
20-01-2011, 13:57
Cảm ơn bạn motdoidirong, rất rất thích cái giọng văn đặc sệt chất Nam Bộ này. Thái Lan qua góc nhìn và chia sẻ của bạn thật tuyệt vời, lên kế hoạch và âm mưu khám phá TL thôi.

conlele
20-01-2011, 15:56
Giọng văn bạn motdoidirong thật là thu hút ghê - làm tui nhớ tới một người rất nổi tiếng ở Cà Mau..
Hổng biết có phải là...???
Nếu không phải thì cũng mong đừng giận mà bỏ ngang đang chờ: "Còn ít nhất 89 chương hồi nữa!"

Cảm ơn motdoidirong rất nhiều.

langbianoz
20-01-2011, 23:41
Aaah, bây giờ thì em đã hiểu, tại sao khi nói về du lịch Đông Nam Á, chữ đầu tiên nhảy trên môi mấy anh khoai Tây là "Thái Lan". Có 1 ngày em ngồi ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, gặp 10 thằng Tây thì hết 8 nói đến Thái Lan như điểm đến đầu tiên khi du lịch đến vùng Đông Nam Á này. Em cứ thắc mắc mãi, rằng thì là chỉ có cái bãi biển Phuket với Sexy show và Shopping mall mà lại rút túi được cả mấy chục triệu cách tứ phương hay sao? Và chưa có ai thành công trong việc rủ em đi du lịch Thái Lan - ngay cả làm cho em có cái ý định nên đi du lịch ở Thái Lan cũng không nốt.

Giờ thì em cứ gọi là vỡ vạc ra. Sáng như nhìn thấy hải đăng. Cám ơn bác chủ :).

(Cái khu Mỹ Sơn của nhà mình chắc chỉ bằng 1 cái góc của ayuthaya nhỉ?!)

motdoidirong
21-01-2011, 10:26
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 12




“Đổi không khí được hông anh hai?” Nó cắc cớ. “Cũng mầy à! Bữa giờ mầy kêu qua dắt đi "khúc giữa" cho nó gần, giờ muốn gì, nói nhanh đi mậy!”.



“Tui thấy khách Tây nó đi Thailand ầm ầm là để đú đởn ở biển ở bển mà. Dắt đi biển chơi đi! Nghe nói biển miệt bên đó đẹp lắm mà.” Xuống giọng năn nỉ ỉ ôi con gà lôi làm tui cũng mủi lòng. Già rồi nó dzị đó! “Biển thì bên mình thiếu gì, nhưng mà thôi, nói dzậy thì chủ quan quá há. Để qua đi biển với mầy, nhưng mà qua sẽ dắt mầy đi biển lạ, mấy cái chỗ mà có Full-moon party, Black-moon party, Half-moon party… nghĩa là kiếm đủ thú cắc ca cắc cớ để làm party quanh năm suốt tháng… thì sẽ từ từ dắt mày đi sau hén. Ừa, mà mầy có mê tín hông dzị?”



“Sao đâm hông dzậy cha nội? Liên quan gì ở đây?”. Hỏi nhỏ có vậy mà nó la bài hãi, bộ trúng nhọt rồi hay sao ta?. “Thì qua cũng hổng có mê tín, nhưng bữa đó, tới cái vùng biển đó, thấy nó đẹp ngời ngời, dân tình hiền lành tha thiết luôn… mà sao thấy nó hổng phát triển du lịch. Qua đang théc méc dữ hồn bổng giựt mình cái đụi, đang chạy xe tốc độ xe F1 giựt một cái, thắng xe cái rét, nhảy xuống săm soi… mới nghĩ rằng chắc là đúng rồi, chắc là tại cái này quá!”.



“Bữa nay anh hai mình câu khách dữ quá ta!” Thở dài, không quên móc một câu, chắc kiếp trước nó ở châu Âu, làm nghề thông ống khói, móc lò. “Nhưng mà tui cũng hơi tò mò! Nhanh nhanh đi cha nội!”. “Ack Ack Ack, mầy biết qua thấy gì hông? Một con rồng lộn! Trời ơi, feng-shui là người ta kỵ mấy cái này lắm lắm, chắc do vậy nên vùng đất này biển trời đẹp ngời ngời mà cũng đâu có ngóc đầu lên được nổi đâu!”



“Đừng nói bậy nghen cha nội! Mang tội mang nghiệt nặng lắm, trả hổng nổi đâu đó!”. “Thì qua thấy sao nói y chang con ngan mà. Mầy coi đi, qua có nói sai đâu? Chèn đéc ơi, từ hồi nẵm cha sanh mụ nặn tới giờ qua mới thấy cha nào chơi ác dữ thần hồn luôn. Tự nhiên mấy chả sáng tạo sáng tác cái giống gì hổng biết mà trên bãi biển chả làm con rồng, đầu đâu hổng thấy, thân đâu, mình đâu hổng lần ra chỉ thấy mỗi khúc đuôi cắm chổng ngược xuống đất, hổng phải rồng lộn thì là cái gì? Mầy đừng có nhướng mày, biết mầy muốn hỏi gì rồi! Qua ban đầu cũng nghĩ là quanh cái đuôi cắm xuống đất đó cũng quanh quẩn đâu đây cái đầu hay cái mình, nhưng thề với mầy qua tìm đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái, rồi lé đủ cả 2 con mắt luôn… là trong bán kính 1.000m quanh đó không hề có cái mình cái đầu nào hết. Qua đây bó chiếu dzụ án này luôn!”




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1230105-1.jpg
Có phải rồng lộn?



“Ừa há! Sao ngộ quá dzị! Miệt nào mà kỳ cục con cá nục dzậy ta?” Xem hình, nó thảng thốt kêu lên…




* *
*



………………………




___________________

Còn ít nhất 88 chương hồi nữa!

motdoidirong
25-01-2011, 09:54
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 13





* *
*




Tôi đến Songkhla một chiều nắng vàng rực chói chang như đổ lửa xuống phố biển, khu phố cũ nóng nung người… nhưng con đường ven biển lại vắng vẻ xanh mát như một cõi riêng nào đó, không phải của 1 Songkhla phố nhộn nhịp bên này…



Nằm bên bờ đông phần bán đảo của Thailand, thủ phủ của tỉnh cùng tên Songkhla được biết đến như 1 trong 4 tỉnh bạo động ì ầm miền nam nước này, phố biển Songkhla rất được ít người biết đến, nói gì đến ghé qua. Ngộ hơn nữa là thành phố thứ 2 của tỉnh này lại nổi tiếng hơn cả thủ phủ vì là thành phố phồn thịnh sầm uất nhất của cả miền nam Thailand và thứ nữa là nhiều người biết đến vì là cửa ngõ thuận tiện nhất của tuyến đường bộ từ Thailand đi Malaysia – Hat Yai.



Nhưng Songkhla và Hat Yai khác nhau một trời một vực.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1230153.jpg
Nghệ thuật sắp đặt? Với các chậu hoa bằng vỏ xe phế thải… Hâm mộ tính sáng tạo!




Nhiều người làm công tác hoặc có liên đới đến quy hoạch đô thị, vệ sinh môi trường đều biết Songkhla dường như được xem là thành phố kiểu mẫu trong công tác này. Từ một phố biển nhếch nhác ô nhiễm, Songkhla đã được các chuyên gia quy hoạch lại, được chính quyền và người dân cùng bắt tay xây dựng và giờ đã trở thành một trong những thành phố sạch và xanh nhất Thailand.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1230227.jpg
Biển. Từ chùa trên đồi cao. Và một khúc “thân rồng” nho nhỏ.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1230135.jpg
Biển rực rỡ sắc màu.




Dù biển ở Songkhla không thu hút nhiều khách Tây nhiều vì a/ bọn khoai Tây rất sợ chết, nghe nói bạo động gì gì là chạy mất dép sút quần; b/ màu cát hơi ngả vàng, không trắng lắm và nước tuy trong vắt nhưng lại không xanh ngăn ngắt hay biêng biếc như ở Koh Tao, Koh Phangan, Krabi…. Còn tôi lại mò đến đây a/ vì thích bom đạn ì ùng như thích pháo nổ ngày xuân (!?); b/ lại chính vì nghe rằng khách Tây không đến, vì tôi chỉ thích biển vắng – để có những đêm lang thang yên bình trên biển Songkhla lúc 1-2giờ sáng vẫn không biết tại sao người ta sợ miền nam Thailand, người ta hãi Songkhla đang súng bom đì đoàng…




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1230114.jpg
Nàng tiên cá? Từ Đan Mạch lội sang? Đây là nữ thần mặt đất Mae Thorani (Hindu-Phật giáo)



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1230182-1.jpg
Cửa có mở lên thiên đàng?




Không chỉ môi trường sạch đẹp, Songkhla còn sở hữu một khu phố cổ, một thành cổ, một bảo tàng giản dị nhưng ăm ắp hiện vật xưa cổ trong ngôi nhà cũng đã hơn trăm năm tuổi… nhưng dễ thấy nhất, và ấn tượng nhất vẫn có lẽ là những công trình kiến trúc công cộng khắp nơi trên phố. Những kiến trúc dù sắc sảo hay chỉ giản đơn ước lệ… hòa với không gian xanh, biển trời xanh và sắc màu đa dạng cuộc sống của cộng đồng đa sắc tộc Thái, Tàu, Malay… đã tạo cho Songkhla một nét duyên rất khó tìm.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1220066.jpg
“Đầu rồng”!




Và dĩ nhiên, vẫn không thể thiếu những ngôi chùa rực rỡ vươn cao giữa trời xanh hay trên đồi cao vắng quạnh…




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1220007-1.jpg
Chùa ở Songkhla.




… Để trưa nồng biển vắng,… bên sóng miên man ru bờ,… giữa tiếng gió lao xao đong đưa… hát cùng lũ thùy dương trên cao… văng vẳng như có như không tiếng thanh thanh ngân nga nào giữa trời xanh… như tiếng chuông vọng về… từ thinh không… như đưa hồn ai đó… phiêu bồng theo những con sóng bạc đầu … ngoài kia…



* Về tác phẩm “con rồng”, các kiến trúc sư đã tạo hình 3 phần, phần đầu ở một công viên, phân thân ở một công viên, phần đuôi lại ở một nơi khác nữa. Cả 3 công viên này nằm cách nhau vài km. Do vậy, ý tưởng bậy bạ của entry trước chỉ là giỡn hớt (mà thật sự, nếu không lặn lội lần mò khắp Songkhla thì cũng khó tìm thấy hết cả 3 phần). Hơn nữa, đây là Naga, vật thiêng của người Thái chứ không phải con rồng như theo tín ngưỡng của người Việt. Thứ lỗi, thứ lỗi!



___________________

Còn ít nhất 87 chương hồi nữa!

motdoidirong
26-01-2011, 11:37
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 14




“He he he, té ra anh hai dạo này cù cưa trái dưa cũng ghê quá hén, bắt đầu kéo lê thê như con dê rồi nè!” Nó hớn hở làm như bắt được vàng. “Hổng phải vậy đâu ku, tao thử thay đổi nhiều trường phái xem thử cái nào hợp mai mốt tao luyện công theo món đó dzậy mà!”



“Dzậy cha nội “phát minh ra Châu Mỹ” chưa?”. “Chưa, vẫn đang lội!”.



“Giờ lội tới đâu rồi. Ừa, mà anh hai miệng ăn mắm ăn muối nói năng linh tinh mà linh y như bà chúa Xứ luôn! Chuẩn bị gom góp tiền làm chuyến Ấn Độ, Nepal gì đi nghen”. “???!!!”



“Thì đi để về viết bài “Cứt khô lộng lẫy” mà ngay bài đầu tiên anh hai đã “tiên đoán” rồi đó. Trúng phóc luôn! Hội chứng “lộng lẫy” mới tái phát nữa nè. Xời ơi, trang bìa tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 23.01.2011 chạy hoành tráng cái tít “Quýt hồng lộng lẫy Tết”, xem dzô đúng là thấy lộng lẫy quá cỡ thợ mộc luôn”. Nó phấn khích thật sự. Lâu lâu vô mánh mà, cả đời mới đọc tờ báo tự nhiên gặp độ. “Ừa hén, nhưng thôi, ở đây có nhiều đại ca đại tỷ đi hết mấy miệt đó rồi, để họ viết. Còn tao làm gì đủ trình độ đó, tao chỉ biết duy nhứt một Thailand thôi. Mầy hổng nghe ổng thầy Tám trong xóm Miễu ổng dạy “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” đó hay sao ku?”.



“Ừa, dzậy thôi há!” Dạo này cũng biết điều ghê đó chứ! “Kỳ này mình đi đâu nữa ông?”. “Okie, đang ở biển giờ chạy lên rừng chơi nghen. Bữa giờ dắt mầy đi chỗ bom rơi đạn lạc chắc mầy cũng teo c. rồi há, thôi để tao dắt mầy đi chỗ nầy hết xẩy luôn. Thiên đường du lịch đó. Đi Thailand mà chưa tới chỗ này là tụi khoai Tây nó chưa chịu dzìa đâu!”



“Quảng cáo gì quá xá cỡ dzậy anh hai.!”. “Thì mầy xem thử mấy cái hình sơ sơ dưới đây rồi biết thiệt hay giả chứ gì! Phê con mắt chưa! Biết ở đâu hông ku?”




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4030199-1.jpg
Một góc sông quê quá đỗi yên bình… khi ngày đi



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4020125-1.jpg
… khi đêm xuống…



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4030213-1.jpg
Và một trưa nắng rực rỡ những sắc màu của dòng sông quê




“Biết chết liền!”. “Dzậy cho mầy vài ngày lên mạng tìm thông tin nghen. Động não đi chứ không nó thành tofu đó!”.





* *
*



___________________

Còn ít nhất 86 chương hồi nữa!

motdoidirong
26-01-2011, 14:09
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 15



“He he, có người kêu ông câu bài cà! Dzị quá, mắc cỡ quá!”. Mừng rỡ nó la toáng lên như thể lụm được dzàng!!! “He he, mầy cũng a dua theo chọc quê tao nữa à. Nhưng anh hai mầy bản lãnh đầy mình không biết quê kiểng là gì đâu ku! Mà anh đây có câu kiếc gì đâu, từ từ cháo nó mới nhừ chứ! Ông thầy Tám xóm Miễu ổng cũng mới dạy mầy “Dục tốc bất đạt” mà. Mầy nghe tai này lọt tai kia sao dzị?”




* *
*




Tôi đến Pai sau khi đã ngất ngây với đồi núi chập chùng xanh ngắt cây, rực rỡ hoa, trong ngần nắng gió… của miền Tây Bắc Thailand nên cứ nghĩ những danh xưng Pai được ban cho chỉ là hư ảo. Nhất là khi tôi mệt mỏi lầm lũi cõng chiếc balô nặng trình trịch đi chìm chốn dung thân, trong những con đường làng u uất bóng tối đã lan tỏa nhưng đèn đêm vẫn chưa lên màu….



Cho đến khi tôi lạc bước đến bến sông…




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4030217-1.jpg
Mae Nam Pai rực rỡ



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4040257-1.jpg
Voi vẫn thong dong bên dòng Mae Nam Pai



Cho đến một bình minh rực rỡ bên triền sông không kém phần thua sắc kém màu



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4040026-1.jpg
Nhà ai giữa mênh mang hoa



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4040098-1.jpg
...hay lặng lẽ dưới tán cây già



Cho đến một giấc trưa những con đường loang loáng nắng chạy hun hút giữa những triền xanh và những vạt màu rực lên nhiều sắc hoa… khi lòng chơi vơi không phải vì màu hoa hay bóng nắng mà bóng áo ai rực rỡ sắc màu bước thênh thang trên đường xa…




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4040083-1.jpg
Nụ cười duyên cô gái dân tộc ở Pai




Cho đến một chiều trên đồi cao nhìn hoàng hôn nhuộm đỏ rực phố phường, đốt cháy cả con sông lên một sắc hồng rực rỡ, chảy hun hút vào đêm sâu như đang trốn chạy một khối tình hồng



Cho đến một đêm phố phường thơm ngát dạ lý, sương khuya rơi mờ quán vắng đèn úa khách cô quạnh lòng chơi vơi giữa đêm cao nguyên đã lạnh buốt những cơn gió khuya về…




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4040002.jpg



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4050030.jpg
Phố đêm rộn ràng Pai, nơi mỗi nhà hàng nhỏ là những lát cắt thiên đường của người yêu âm nhạc




Được mệnh danh là thiên đường cho dân du lịch, Pai quả là miền đất hứa cho những bước chân lang thang… Có thể đến từ Chiang Mai hay từ Mae Hong Son. Có thể đi bằng xe bus hay lượn lờ bằng xe máy qua những con đường dốc đứng quanh co lắc léo… để ngỡ ngàng dừng chân bên dòng sông Mae Nam Pai hiền hòa ôm lấy Pai xanh ngắt… mới hay mình vừa lạc lối đến bên vườn địa đàng….




___________________

Còn ít nhất 85 chương hồi nữa!

motdoidirong
26-01-2011, 14:42
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 16



“Nói vậy thôi, chứ thời gian qua ông dắt tui đi cũng nhiều nhiều rồi. Dù sao, cũng cảm ơn ông!”. “???” Trời ơi, bữa nay sao nó biết điều vậy ta?




“Thực ra, ông dắt tui đi cũng lung tung, nhưng những entry này cũng tương đối độc lập nên sau này có gì ông sắp xếp lại theo từng cung đường cũng được phải hông. Nhưng nói thiệt tình là tui không hình dung được bữa giờ mình được (hay bị) lôi đi đâu. Ông làm ơn làm cái bản đồ được hông?” Bây giờ mới lòi chín cái đuôi hồ ly ra! Nhưng thôi, cũng đúng ý tui nên cũng okie luôn cho em ku nó vui. “Ờ, mầy nói đúng quá hén. Tao cũng định là gom gom đủ đâu chừng 10 điểm là tao gom lại nhưng mém quên rồi, may mà có mầy nhắc. Okie, làm thì làm.”.




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/ThailandMap-02.jpg
Mười điểm đến vừa qua



* *
*



“Xem qua mới thấy ông chạy cũng lòng vòng ghê há! Theo ông tui lặn lội hết lên rừng lại xuống biển, hết đông bắc đến cực nam Thailand. Giờ ông tính dắt tui đi chỗ nào là lạ mà hấp dẫn mà xanh xanh đỏ đỏ dzàng dzàng cho nó hạp với sắc màu năm mới đi!”. “Okie, để tao dắt mầy đi thăm kinh đô đầu tiên của vương triều Siam hén! Mình “ôn cố tri tân” đúng đạo năm mới hén!”



“Okie, tui biết rồi, ông dắt tui đi Chiangmai hả, nghe nói mùa này ở trển đẹp lắm!”. Được cái tài lanh, lanh chanh lọt chọt… “Hổng phải ku ơi, dù Chiangmai đã từng là kinh đô từ thế kỷ XIII nhưng không phải là kinh đô đầu tiên của vương triều Siam đâu. Xem thêm mấy cái hình dưới đây coi có sáng đầu sáng óc lên được gì không nghen ku?"



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040046-1.jpg
Tháp xưa bền hồ xanh



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040027-1.jpg
Bóng dáng Phật về xóa vết thương trần thế*




“Ở đâu mà sao vừa giống Burma, vừa giống Cambodia dzị trời?” Nó lầm bầm vò đầu bứt tai… rồi đi ngủ!!!




* Lời trong bài “Giọt mưa trên lá” – Phạm Duy.
___________________

Còn ít nhất 84 chương hồi nữa!

motdoidirong
27-01-2011, 12:46
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 17




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040049.jpg
Đón chào?



Được xem là kinh đô đầu tiên của vương triều Siam, vào lúc Chiangmai vẫn đang là kinh đô của vương triều Lan Na Thai, Sukhothai đã trải qua thời kỳ hoàng kim của mình từ đầu thế kỷ XIII đến cuối XIV. Trong gần 200 năm với 9 đời vua, được xem là thời kỳ bình yên và phồn thịnh nhất của Siam, vị vua thứ 3, Ramkhamhaeng được tôn kính nhiều nhất bởi ông là cha đẻ của bảng ký tự tiếng Thái vẫn được dùng đến hiện nay, cũng như dưới thời ông, vương triều Siam, Sukhothai đã làm chủ hầu như tất cả vùng đất của Thailand hiện giờ.




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040021.jpg



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040022.jpg
Rực rỡ và yên bình




Nhưng tiếc thay, sau đó vài đời vua, Sukhothai đã bị xâm lấn bởi Ayuthaya, vào 1438. Và từ đó, kinh đô đầu tiên của Siam đã rơi vào quên lãng… để lại bừng sáng bây giờ!




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040074.jpg



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040029.jpg
“Phật có bỏ loài người?” *




Nằm cách Bangkok 450km, cách phố mới Sukhothai hiền hòa 20baht đi xe song-thẻo, công viên quốc gia Sukhothai giờ là một điểm đến must-see cho những ai yêu thích những giá trị xưa cũ… để một ngày đầu xuân nắng mới vàng trên phố phường tôi ngỡ ngàng hạnh phúc thăm viếng kinh thành một thời lộng lẫy Sukhothai.




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040070.jpg



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1040056.jpg
Rực rỡ.



Và dù như mục đích chính của loạt entry này là chỉ giới thiệu điểm nhấn chứ không đi sâu chi tiết để người đi sau thú vị hơn trong việc khám phá, tôi không thể không đưa lên đây những khoảnh khắc hạnh phúc của tôi khi được viếng và lang thang quanh ngôi chùa xưa Mahathat đã hơn 700 năm tuổi…





* Mượn lời Trịnh Công Sơn.

* *Toàn bộ những hình trên đều trong và quanh khuôn viên Wat Mahathat.

___________________

Còn ít nhất 83 chương hồi nữa!

motdoidirong
28-02-2011, 14:33
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 18



“Ăn Tết đã quá xá luôn hén. Lặn mất đất cả tháng luôn!”. Nó cà khịa. “Ừa, Tết mà. Mà mầy hổng có ăn Tết sao khằng khựa anh hai mầy dzậy?”.



“Ừa, nhưng mà lâu quá hổng “đi đâu” thấy ngứa ngáy chân cẳng”. “Ừa, thôi để tao tăng tốc lên, dắt mầy đi chơi bù hén. Ăn Tết nhiều quá giờ mập như con heo (sorry mầy nghe heo) giờ siêng năng chút cho nó ốm lại chứ kiểu này phọt phiếc bể tè le trái me dốt, làm ăn gì nữa hén”.



“Okie, nhất đại ca!”.




* *
*




Shukhothai Historical Park không chỉ có Wat Mahathat là rạng ngời, dù đây là ngôi chùa rộng nhất. Những ngôi chùa khác trong khuôn viên khu trung tâm (có 3 khu và bạn phải trả tiền vé cho từng khu) dù không hoành tráng như Mahathat nhưng cũng chẳng kém phần, có phần còn trội hơn nhờ khuôn viên bao quanh là những hồ nước lấp lánh xanh, dập dờn đỏ những bông súng rực rỡ.




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1040064.jpg
Trong khuôn viên trung tâm Sukhothai Historical Park


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1040183.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1040195.jpg
Những ngôi chùa ngoài khuôn viên trung tâm



Tuy nhiên, nếu mê mãi lang thang trong khu trung tâm để khi đến 2 khu còn lại vào buổi chiều, bạn sẽ mất đi một phần hứng thú, nếu bạn thích chụp hình nhưng không đầy đủ dụng cụ đồ chơi. Đơn giản là những ngôi chùa, những pho tượng đều quay về hướng đông, do vậy, khi bạn đến nơi vào buổi chiều, sẽ bị ngược nắng. Do vậy, cách tốt nhất là bạn hãy dành ít nhất 2 ngày cho nơi này, để có những tấm ảnh đẹp, cũng như có nhiều những khoảnh khắc chiêm nghiệm lý thú thay vì mải miết chạy đua với thời gian, với bóng nắng…




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1040180.jpg



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1040207.jpg
Khoan thai những cánh tay Phật.




Mà trên đời, có ai chạy đua hơn thời gian?




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1040307.jpg
Chiều xanh nhẹ rơi…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1040286.jpg
…hay hoàng hôn lộng lẫy – đều tuyệt vời những cảm nhận riêng




Để khi chiều về, bạn lãng đãng trên những con đường râm mát hay lặng lẽ bên bãi cỏ xanh mượt mà nhìn hoàng hôn đổ bóng, nhìn chiều rời chầm chậm trên chùa xưa tháp cũ, để nhìn ngày đi đêm tới, mới hay “thế thôi đã hết một đời” *…




* Lấy ý từ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.


___________________

Còn ít nhất 82 chương hồi nữa!

motdoidirong
03-03-2011, 12:18
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 19



“Chèn đét ơi, Sukhothai hay quá há! Ở đó còn gì hay hay nữa không anh hai?” Lâu lắm mới nghe nó nói được câu mát ruột. “Dĩ nhiên là còn chứ. Cách Sukhothai không xa có 1 National Historical Park nữa cũng lung linh không kém, nhưng để hồi khác tao kể cho, bi giờ đổi không khí cho nó đỡ nhàm chán đi”.



“Ừa, ông nói có lý ghê ta. Đi đâu giờ? Á, bữa giờ thiên hạ trên cõi ta bà súng ống ầm ầm nghe vừa sợ sợ nhưng lại vừa hấp dẫn. Ông có đi khu nào có súng ống xe tăng gì ở bển dắt tui đi coi. Có gì tui núp sau lưng ông, ông hứng đạn giùm… nghen!”. Nó làm như mình nó là khôn! “Mười tám đời con rùa đen nhà mày! Mầy ăn gì mà khôn quá xá cỡ thợ mộc vậy? Nhưng không sao, tao dắt mày đi”.



“Vậy mới là anh hai mình chứ”, lại ngon ngọt, tưởng đâu tui là con nít :gun . “Trong thời gian tao lục lọi lại thông tin, mầy xem qua mấy cái hình, đoán thử mình sắp đi đâu không hén?”


“Lại câu bài”. Nó lầm bầm phát ghét – mà đúng ghê :T !




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1230337.jpg
Hàng rào kẽm gai, xe quân sự, binh lính đầy đường… Thailand những ngày đó cũng hừng hực chả kém Bắc Phi bây giờ…



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1240204.jpg
… và qua những con đường chiến sự… những thánh đường lộng lẫy rực rỡ dưới trời xanh, món quà tưởng thưởng xứng đáng cho kẻ du mục…




* *
*



___________________

Còn ít nhất 81 chương hồi nữa!

SongLieu
03-03-2011, 20:01
Bác có thể chỉ giùm mấy cái list với địa chỉ cho em đi từ BKK xuống TP Sung thani gì đó để em đi phà ra Kok Samui chơi mấy hôm được ko ah, đi Bus hay đi Tầu hỏa ấy... Em thích đi thì vạ vật nhưng ăn chơi ngủ nghĩ ngắm nghía thì thần tiên ạh, vậy mối đi Kok Samui. Thanks bác!

motdoidirong
04-03-2011, 11:31
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 20



“Haizzz, có người hỏi ông cách đi đứng gì đó ở Thailand cà? Mà cái khu vực thí chủ đó hỏi ông có biết hông, ông có đi chưa mà sao tui thấy la huơ lạ hoắc dzị? Mà tui nói thiệt nghen, cái gì ông biết, có đi thực tế rồi thì tám, còn chưa đi mà lật LP ra đọc để trả lời thì không hay lắm đâu, vì thực tế với LP nhiều khi cách xa mấy con dao quăng lận đó” – nó làm cho tui một tràng làm như tui tham sân si (như nó) lắm dzị.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. May mà vùng đó tao lượn lờ qua hết rồi nên cũng “dư sức qua cầu”. Yên tâm đi ku”.



“Thiệt hả, đi rồi sao chưa thấy kể, sao nghe thí chủ kia nói thì dường như khu đó hấp dẫn lắm mà”.
“Thì từ từ, chuyện đâu còn đó mà ku. Khu bờ đông của “bán đảo” nam Thailand này nổi tiếng nhất là cụm 3 đảo Koh Tao, Koh Phangan, Koh Samui, may mắn là tao lướt qua cả 3 rồi. Trong 3 đảo thì Koh Tao mới đưa vào khai thác du lịch gần đây, còn hoang sơ nhất và nếu thích lặn biển thì chỉ có ở đây là OK nhất trong cụm 3 đảo này, Koh Samui đã được khai thác du lịch lâu đời nhất, từ những năm 70 đã là thiên đường dân du lịch hippy, nên giờ đã được xây dựng nhiều nhất, thương mại nhất, còn Koh Phangan thì đâu đó giữa giữa, mà tao cũng thích Koh Phangan nhất :L”.


“Đi đứng thì cũng dễ ợt thôi hà. Thường thì khách đi tàu lửa hoặc xe bus từ Bangkok xuống Surat Thani để đi đảo từ đây. Đi mất khoảng 10-12h, rất nhiều chuyến trong ngày, xuất phát từ bến xe Nam Bangkok, Sai Tai Mai. Có cả xe đêm, nếu muốn tiết kiệm thời gian và 1 đêm khách sạn. Đến Surat Thani vào ban ngày có rất nhiều tàu thủy đi từ đây sang Koh Samui (2h-6h/ cứ mỗi 1-1.30h có 1 chuyến), Koh Phangan (2.30-6h/ 10 chuyến/ngày), Koh Tao (4h – chỉ có 2 chuyến/ngày). Sở dĩ có khoảng dao động lớn về thời gian đi tàu là tùy thuộc vào tàu nhanh và tàu chậm (và giá cũng chênh lệch, nhưng tàu chậm bây giờ ít chạy lắm). Giữa các đảo với nhau thì liên tục có tàu chạy qua chạy về mất khoảng 30p đến 60p/chuyến.”



“Ông có đi dzậy không mà ông chỉ người ta dzậy?”. “Không hoàn toàn 100% như dzậy, có vài phần giống vài phần khác, nhưng thông tin này tao kiểm chứng hết rồi. Tao thì bụi đời, con nhà nghèo cha mẹ đông, nên tao đi chung với ngư dân cho nó tiết kiệm, để dành tiền ăn chơi nhảy múa :T. Mỗi đêm từ Chumphon (tỉnh tiếp giáp với Surat Thani) có 1 chuyến phà đêm đi Koh Tao, giá chỉ 1/3 giá tàu nhanh, lại tiết kiệm 1 đêm nhà trọ nên tao đi chuyến phà này từ Chumphon ra Koh Tao. Từ Koh Tao tao chạy qua chạy lại mấy đảo kia bằng tàu nhanh, như đã nói trên. Còn khi từ đảo về đất liền, cũng ngoài cung đường đã nói trên, vào buổi tối đều có 1 chuyến phà chậm (rì) từ Surat Thani ra các đảo và ngược lại. Do vậy, khi từ Koh Samui về, tao đi cũng đi chuyến phà đêm đó. Pà mẹ Việt nam anh hùng, đêm đó biển êm, tàu đi nhanh nên đến bến cảng ở Surat Thani lúc chỉ mới hơn 3am, khách xuống tàu về nhà hết, tao biết về đâu đành nằm nướng tới nướng lui một mình trên tàu đến gần 6am mới vác balo xuống tàu. Giờ kể lại mới thấy sao mình gan cùng mình dzị luôn hổng biết!”.



“Thôi, nghe ông kể tui cũng thấy ớn thí mồ. Mai mốt có đi tui đi tàu nhanh ban ngày thôi chứ đi ban đêm lỡ có gì…haizzz. Thôi ông kể tiếp hành trình đi ngang qua vùng binh lửa đi”. “He he, gõ nãy giờ cũng mệt rồi :shrug:, thôi để tao post 1 cái hình “cụ rùa” ở Koh Tao mà tao chụp trong một buổi sáng mệt mỏi ở Koh Tao, chuyện binh lửa từ từ sau hén.”





https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1200163-1.jpg
Một góc Koh Tao yên bình lúc sáng sớm – cụ rùa này bằng đá….!!!


* *
*

___________________

Còn ít nhất 80 chương hồi nữa!

motdoidirong
04-03-2011, 13:29
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 21



Tôi đi Nam Thailand những ngày bom đạn vẫn ì đùng. Tình hình nghiêm trọng, những công sự chiến hào kẽm gai bao cát khắp nơi khắp chốn, những binh lính súng ống ken đầy ở mọi nơi, những chuyến xe quân sự, thiết giáp ầm ầm trên phố… Ngay cả roaming điện thoại di động cũng tắt luôn, khi tôi chỉ mới trên chuyến xe chạy xuôi nam về gần đến Pattani. Có lẽ họ sợ việc kích hoạt thuốc nổ bằng ĐTDĐ nên vấn đề roaming cũng phải bị kiểm soát.


Pattani, thành phố nằm bên bờ đông bán đảo Malay ngày trước từng là thủ đô của vương quốc nhỏ Pattani, bao gồm 3 tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat bây giờ. Mãi cho đến thế kỷ XVIII, tuy là chư hầu của vương triều Sukhothai, rồi Ayuthaya, nhưng Pattani vẫn là 1 vương quốc tách biệt. Khi Ayuthaya sụp đổ vào 1767, Pattani đã giành được độc lập và tách hẳn khỏi Siam. Nhưng đến thời Rama I, vương quốc nhỏ bé này lại bị Siam thống trị. Rồi đến 1909, nó bị sáp nhập hoàn toàn vào Thailand.


Từ thời rất xa xưa, Pattani tuy là vương triều nhỏ nhưng đã giao thương với nhiều quốc gia Âu, Á khác do là cửa ngõ thuận tiện ra vào khu vực. Người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Nhật… đã đến đây kinh doanh buôn bán từ TK XV, XVI… nên vùng đất này rất đa dạng về văn hoá. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại lớn nhất của vùng đất này hiện nay là tôn giáo. Với 88% dân số theo đạo Hồi, mối bất bình của cư dân trong vùng với những ưu tiên cho Phật giáo của Thailand ngày càng âm ỉ và lớn dần, để bùng phát vào 2004. Và cho đến giờ, mọi việc vẫn chưa yên ắng, binh lửa vẫn âm ỉ triền miên từ đó đến giờ và bao nhiêu dân thường đã thiệt mạng vì cuộc nội chiến tôn giáo nơi đây.




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1240206.jpg
Matsayit Klang, thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 trên đất Thái.



Tôi đã nhận được bao nhiêu là lời dặn dò, bao nhiêu là khuyên can của người chủ nhà trọ rộng thênh thang vắng tanh vắng ngắt chân tình dặn dò, những người phục vụ trong quán… nhưng tôi đã “bất tuân”, và có những thời khắc đáng nhớ tại miền đất đẹp không bình yên này. Nếu được quay lại, tôi vẫn sẽ đi.



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1240213.jpg
Thánh đường cổ nhất Pattani, Matsayit Kreu-Se – vẫn còn dang dở



Tôi đã có một đêm dài lang thang trên phố nhìn nam thanh nữ tú hò hẹn nhau trên góc phố hay bên triền sông, với những chiếc khăn choàng che ngang bay bay trong gió… những nhóm thanh niên địa phương tụ tập đàn hát đánh cờ một cách yên ả, thanh bình… với trà và bánh ngọt. Tôi đã có 1 đêm lê bước mòn mỏi đi kiếm bia vác ra bờ sông ngồi uống thì được yêu cầu phải quấn chai trong giấy báo. Đêm đó trăng lạnh, lòng tôi cũng hơi lạnh….




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1240220.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1240222.jpg
Khuôn viên mộ của Hoa Kiều, Lim To Khieng đặc tính Hoa, trong khi thánh đường ông xây theo lại phong cách Arab.



Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ đi, ngày hôm sau tôi nhảy xe ôm đi viếng thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 ở Thailand, Matsayit Klang, rồi thánh đường cổ nhất Pattani, Matsayit Kreu-Se, xây dựng 1578, xây dựng bởi 1 Hoa Kiều, Lim To Khieng, còn gọi là “unfinished Mosque” vì một lời nguyền của người chị của ông. Thánh đường Matsayit Kreu-Se rất nổi tiếng vì nơi đây đã xảy vụ thảm sát 78 người dân Pattani vào 2004, sau cuộc biểu tình và tấn công vào trụ sở quân đội của các thanh niên Hồi giáo.




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P1240240.jpg
Pattani những ngày bom lửa



Rồi tôi đi, trên chuyến xe rời Pattani có hơn một nửa là binh sĩ đi phép và gần một nữa là những cư dân Hồi giáo địa phương mến khách… Tôi đi tiếp vào vùng đất còn đang giao tranh dữ dội hơn nơi miền nam Thái…




___________________

Còn ít nhất 79 chương hồi nữa!

motdoidirong
08-03-2011, 09:32
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 22



“Haizzz, nào giờ tưởng ông người Khmer chứ đâu biết ông đẻ gần kho đạn Long Bình đâu! Tui mém nữa là banh xác rồi. Ông có nổ cũng vừa vừa thôi chứ nổ gì quá mạng dzậy. Tui nghe ông không mà tui thấy bên Thái bom rơi đùng đoàng, đạn bay cheo chéo…”. Nó lại làm một chặp, như mọi khi. “Vậy hả ku, bây giờ mới biết hả, còn nhiều chuyện chưa ngờ đâu ku?”.


“Thôi,ông bớt giỡn đi, mình kiếm chỗ nào yên bình đi cái như tui ớn bom đạn lắm rồi”. “Dễ ợt, đi chơi lễ không. Tết nhứt lễ hội xứ Nam mình thấy ớn, mình đi miệt nào của Thái xem lễ hội bên đó ra sao hén.”



* *
*


Tháng 3 chưa phải là tháng lễ hội chính, tháng 4 với mùa vui Song Kran hay tháng 11 với Loi Krathong mới là lễ chính. Nhưng những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 lại là mùa lễ hội vui của các gia đình có các bé trai. Ở Thái, vào chùa làm chú tiểu, đi tu là để cầu phúc, trả ơn cha mẹ và lễ hội mừng các bé đến tuổii có thể vào chùa, thụ phong sắc giới được, gọi là lễ Poi Sang Long còn là lễ hội chính trong cuộc đời các bậc nam giới cũng như những gia đình có con trai.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020442.jpg
Cổng làng rực rỡ cờ hoa ngày Poi Sang Long




Poi Sang Long, lễ hội truyền thống thụ phong chức sắc chú Tiểu cho các cậu bé dân tộc Thai Yai hoặc Shan là 1 điểm nhấn khá đặc biệt trong suốt cuộc đời của các bậc nam giới Thái Lan. Các cậu bé ở độ tuổi 7-14 sẽ trải qua một nghi thức đặc biệt, nhiều màu sắc trước khi chính thức được thụ phong sắc giới. Lễ hội này đặc biệt hấp dẫn, nhiều màu sắc ở vùng Tây Bắc Thái, nơi có nhiều dân tộc Thai Yai, Shan sinh sống. Các vùng miền khác cũng có nhưng đơn giản hơn.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020403.jpg

https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020402.jpg
Những bé trai ngày Poi Sang Long



Thời gian của Poi Sang Long có thể thay đổi theo từng khu vực, nhưng thường lễ hội trong 3-4 ngày.


Ngày thứ nhất, ngày “Hae Sang Long”. Các cậu bé được cạo tóc, lông mày được cắt tỉa cẩn thận, sau đó được tắm bằng các loại lá cây đặc biệt, rồi sẽ được trang điểm và trang hoàng quần áo rực rỡ sắc màu, những chiếc sarong, dải băng đầu, những búi tóc lớn theo truyền thống tổ tiên, rồi dùng hoa trang trí. Sau khi được trang điểm gương mặt và chuẩn bị trang phục, những bé trai sẽ được gọi là “Sang Long”. Chúng sẽ đi thăm viếng những người lớn tuổi trong họ hàng và xin lời chúc phúc từ họ.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020396.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020338.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020427.jpg
Đường làng ngày vui.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020437.jpg
Chúc phúc



* Bài có sử dụng thông tin từ internet của TAT
___________________


Còn ít nhất 78 chương hồi nữa!

motdoidirong
09-03-2011, 16:10
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 23




Tôi lang thang nước Thái, lạc bước đến Mae Hong Son vào những ngày tháng 3, nắng mùa xuân đã hanh hao ấm rải trên miền cao nguyên. Miền đất này vẫn chưa yên, do Burma rất gần bên, những đội quân du kích của các dân tộc ít người vẫn qua về giữa 2 bên, những dòng người tị nạn vẫn âm thầm len chảy sang, trong bóng rừng đại ngàn âm u... Nhớ ngày nào tập tễnh những bước lang thang đầu, nghe các bạn Tây Balo tám đến Mae Hong Son tỉnh cực tây của Thailand, nghĩ đến những Mường Tè, Sìn Hồ… đã từng lạc bước, chỉ nuốt thầm tiếng thở dài vào trong, lòng tự hỏi lòng “bao giờ mình tới được?”.



Tôi cũng không biết gì đến Poi Sang Long. Chỉ khi mới vừa đến MHS, đang lang thang vô định, tôi tình cờ tạt ngang vào 1 cái bàn nhỏ ven đường, khi thấy trên bàn có đặt 1 tấm bảng nhỏ: “Tourist Information”. Một ông chú người địa phương sau khi giới thiệu các điểm đi thăm viếng như Làng cổ dài, Làng người Hoa Vân Nam, chùa tháp, đền đài, … bỗng nhiên chú hỏi: “Mầy có biết gì về Poi Sang Long? Muốn đi coi chơi không?”, rồi hướng dẫn tôi đi đến một ngôi làng. Tôi chạy ngay đến đó nhưng tiếc thay là làng đổi lịch, vì vị trụ trì chùa bị bệnh hay sao đó. Đang ngậm ngùi quay về, thì mấy anh lính trẻ, đang kiểm soát người trên đường, chận tôi lại, hỏi tôi đi đâu…và các anh dùng sách song ngữ Anh-Thái để trao đổi với tôi. Sau đó, các anh túm 5 tụm 3 bàn bạc sôi nổi, gọi điện thoại một hồi, rồi chỉ tôi đi đến một ngôi làng khác, rất xa… Rồi tôi đi, tôi gặp Poi Sang Long, và tôi cũng biết thêm lý do tại sao rất nhiều du khách sẽ quay lại Thailand, không chỉ một lần!




* *
*



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020369.jpg
Chờ ai? Sao buồn?




Sau khi được tắm rửa sạch sẽ, chăm chút trang điểm, các cậu bé sẽ được các bậc phụ huynh cõng trên vai (ngày xưa là cỡi ngựa) đi thăm các bậc cha ông trong làng để được chúc phúc, tặng quà và các "chú tiểu tương lai" cũng sẽ chúc phúc lại ông bà.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020474.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020435.jpg
Lớn ngồng vẫn được cõng trên vai! Đã quá há!




Cuộc đi diễu hành này rất lý thú. Có dàn kèn trống với các nhạc cụ rất lạ theo suốt hành trình để tiền hô hậu ủng. Các bậc cha anh cõng các bé cũng rất phấn khích, vừa cõng vừa nhảy múa rất ư là hồn nhiên (có lẽ họ phải tuyển chọn và tập trước chứ cỡ như tôi mà cõng mấy nhóc này, trong trời nắng nóng như thế này đi được vài chục bước là lăn quay ra rồi!!!). Các "nhạc công" là thanh niên làng thay phiên nhau chơi các nhạc cụ dân gian lạ lẫm nhưng cứ xập xèng réo rắt thánh thót đa âm sắc…, lúc ngừng chơi thì uống rượu (!) và nhảy múa... rất vui. Đường làng (rất vắng vẻ & thanh bình khi không có cuộc diễu hành) bỗng trở nên rất vui và rộn ràng khi đám rước đi qua.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020410.jpg
Cái gì đây? Kèn hay trống?



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020371.jpg
Làm sao gõ hết một lần tất cả các chiêng này? Vậy mà các chàng này vẫn làm được. Dễ ợt hà.



Buổi tối, các bé và gia đình không về nhà mà về chùa. Ở chùa bây giờ có dựng rạp, làm sân khấu,… lễ hội cũng diễn ra tưng bừng tại đây...



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020010.jpg
Thoát xiêm y về lại đời thường.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020113.jpg
Quá phê?


Ngày thứ ba, ngày “Kam Sang”. Những bé trai sẽ được diễu hành qua đường phố một lần nữa trước khi chúng trở về chùa để làm nghi thức lễ trang trọng, thụ phong sắc giới.





___________________

Còn ít nhất 77 chương hồi nữa!

motdoidirong
10-03-2011, 12:07
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 24



“He he he, cái lễ Poi Sang Long gì đó chỉ có nhiêu đó hả, chỉ có mấy chú bé lên kiệu vai đi lòng vòng là xong hả? Cũng dzui nhưng mà tui tưởng có gì đó dzui hơn nữa chứ! Không có cảnh chen lấn vặt hoa bẻ cành bứt lá hả, không có cảnh rải tiền bay bay trong gió lãng mạn pà kố hay nhét tiền từng ngoạm vào tay Phật, để trên đầu Thánh hả, không có cảnh đốt vàng mã siêu mẫu chân dài, Lexus đời mới khói nhang nghi ngút mơ màng hả… Dzậy, theo thiển ý ngu ngu của tui là hổng dzui lắm đâu?” Nó đào đâu ra mấy cái thứ này mà dùng liên hoàn cước tấn công tui dzị hả trời, mà nói thiệt hay nói chơi hổng biết. Nó mà chơi thêm chiêu “Hoàng tảo thiên quân” là tui xụi lơ luôn chứ chẳng chơi đâu! Thằng này cũng hay sảng thần hồn lắm, hổng chừng chiều tối qua mới té giếng!!!



“Thôi, tui đùa ông chơi chứ tui thấy cái lễ Poi Sang Long đó hay thiệt, nhất là khi tui tìm hiểu kỹ càng thấy nó mới có ý nghĩa làm sao. Tui sao thấy thương cho mấy đứa con nít xứ mình quá! Phải chi….! Mà thôi, ông tiếp đi, xong rồi ông lôi tui đi miệt khác chứ dạo này ông anh cò cưa trái dưa gang dữ quá rồi nhen”. “Ừa, thôi để tao kể cho hết hén, giờ cũng đang tháng 3 nè, biết đâu có mấy huynh đệ tỷ muội lại muốn sang Thailand dự Poi Sang Long thì tao với mầy đi kiếm mấy anh TAT lấy tiền cò đi ăn chơi nhảy múa nghen.”




* *
*



Thật tình, vì lười nhác, tôi không tìm được tài liệu nói về ý nghĩa của Poi Sang Long. Những thông tin tôi chia sẻ ở đây là tôi trao đổi với người dân địa phương, phụ huynh của các bé và những người chủ các nhà nghỉ trên những cung đường tôi ngang qua.



Những ngày Poi Sang Long là những ngày hội của làng chứ không chỉ riêng của những gia đình có các bé. Trong làng, như những ngày Tết xưa quê Việt, mọi người nghỉ ngơi, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, trang hoàng rực rỡ… xong rồi họ đến chùa dựng rạp, cũng trang hoàng lung linh khắp chốn. Ở chùa, họ dựng bếp, các cô các dì cùng nhau trổ tài nấu nướng trong lúc các bé trai cùng phụ huynh tung tăng trên đường. Không thua tài kém nghệ, các cô các dì còn có luôn 1 ban nhạc ngay tại chùa. Họ chơi với rất nhiều loại nhạc cụ và cũng rất chuyên nghiệp. Cho dù đang chơi xôm tụ, một hai cô dì bỏ dàn nhạc để lại vào bếp lo cho món nấu đang nấu dở dang thì cũng không sao, luôn có người thay thế ngay. Do vậy, ở chùa không khí cũng rộn ràng không kém.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020461.jpg
Các dì các cô cũng tưng bừng khua chiêng gõ trống



Còn các bé, sau những cuộc diễu hành trên phố, đến trưa ngày thứ 3 là tụ tập về chùa để bắt đầu làm lễ thụ giới. Coi như mấy ngày qua các chú được vui chơi thỏa thích, được tôn vinh lên tận mây xanh, những cuộc vui con trẻ cuối trước khi bước vào những ngày tu tập, để trả ơn cha mẹ, báo hiếu cho ông bà, tu thân tích phúc cho mình và cho xã hội mai này.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4030045.jpg
Trả hết những “phù hoa” phù du, về lại đời…



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4030059.jpg
Bắt đầu thụ giới




Buổi lễ của ngày 3 được tổ chức rất trang nghiêm. Các bé quỳ trong đại sảnh, ngay trước các vị sư đạo cao đức trọng, trước bóng Phật uy linh. Phụ huynh (và những kẻ tò mò như tôi) thì ngồi vòng ngoài. Các vị sư giảng dạy cho bé những điều hay lẽ phải, những giáo lý đơn giản để làm người tốt, để trọn đạo tu hành… Trong khi đó các chú, do vẫn còn luyến tiếc mấy ngày vinh quang vừa qua, cứ ngọ ngoạy không yên, nhiều chú hồn nhiên ngáp ngắn ngáp dài… Nhìn những gương mặt ngây thơ trong những chiếc áo trắng mong manh quỳ trước những vị sư đạo cao đức trọng càng thấy các bé mới non nớt nhỏ nhoi làm sao và thấy các bé mới may mắn hạnh phúc làm sao…




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4030132.jpg
Đã thành người mới



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4030182.jpg
Chụp hình với người thân và chuẩn bị chia tay…



Khi vị trụ trì giảng xong, ông bắt đầu hướng dẫn bé choàng lên người chiếc áo cà sa nho nhỏ. Lúc này, một vài bé bắt đầu cầu cứu phụ huynh giúp bé choàng áo cà sa, trong lúc đó một sô phụ huynh khác tiến lên cúng dường và trao đổi gửi gắm các vị sư trưởng giúp đỡ dạy dỗ thiên thần bé nhỏ của mình những ngày nương bóng từ bi…. Giờ phút chia tay đã đến. Các chú tiểu quyến luyến chia tay cha mẹ anh chị nội ngoại (nhưng không hề có tiếng khóc nhè nào cả), gia đình cùng nhau chụp hình khoảnh khắc đáng nhớ… bịn rịn quyến luyến một hồi rồi chia tay. Các bậc phụ huynh cũng rất lo lắng vì lần đầu tiên để con nhỏ xa nhà một mình như vậy, nhưng họ cũng tỏ ra rất hạnh phúc khi thấy con trẻ bắt đầu tập làm quen với kinh kệ, với những dạy dỗ của nhà Phật, mong sao mai này lớn lên làm người tốt cho đời. Đại sảnh dần dần vắng vẻ, các chú tiểu đứng mếu máo vẫy tay chào người thân lần cuối, rồi lon ton theo chân các sư huynh lui dần vào sau đại điện. Cuộc sống mới, những ngày mới đang bắt đầu.



………….



10 ngày sau, sân chùa lại rộn ràng. Hôm nay là ngày lễ “tốt nghiệp” của các chú tiểu, sau những ngày gửi thân vào chùa để thụ phong sắc giới, để ngâm nga câu kinh Phật trả ơn cha, báo hiếu mẹ, tu thân mình. Các bậc phụ huynh vô cùng vui sướng khi chia tay một cậu bé con hôm trước, giờ đón về 1 vị tiểu sư phụ chững chạc hơn hẳn, dù chỉ sau mấy ngày.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100104.jpg
Chính thức được thụ phong…




Buổi lễ trong chùa được bắt đầu, các chú tiểu vẫn quỳ trước các vị sư để nghe những lời giáo huấn rằng việc tu thân không chỉ ở trong chùa mà cả khi các chú về nhà, và cả cuộc đời dài mơ hồ phía trước…. Rồi các chú được trao những tấm bằng, mà các chú và phụ huynh vô cùng hãnh diện. Họ sẽ treo tấm bằng ở nơi trang trọng nhất trong nhà, để hãnh diện về đứa con của mình, cũng để nhắc nhở bé rằng giờ đây bé đã là người của nhà Phật. Các bé chia tay quyến luyến với các huynh trưởng đã giúp đỡ dạy dỗ mình trong những ngày qua, rồi chia tay với các bạn đồng môn, hãnh diện ra về cùng gia đình.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100124.jpg
Cô đơn




Còn tôi, kẻ cô đơn lạc loài, vẫn ngồi lặng ở một góc vắng bên hiên chùa ngày xuân nắng vàng rờ rỡ, dõi mắt trông theo bóng liêu xiêu của một chú tiểu nhỏ, đơn độc chia tay mọi người, lầm lũi một mình ra về. Nhìn bóng áo vàng nhỏ nhoi lầm lũi một mình một bóng, trong cảnh huyên náo ồn ã ấm áp của những cuộc đoàn viên… tôi mới thấy, trong những khúc vui hoan ca luôn còn đó những nốt trầm...




___________________


Còn ít nhất 76 chương hồi nữa!

motdoidirong
12-03-2011, 11:31
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 25



“Poi Sang Long hay hén! Tui thích. Sang năm tui đi! Tui thề! Tui hứa!” Tôi thở dài: “Ừ, thôi thì mầy có ý định là cũng tốt lăm rồi. Còn có thực hiện được ý định đó không là chuyện khác. “Con ma nhà họ Hứa” là bộ phim số 1 thế giới do tập thể diễn viên quần chúng Việt thể hiện. Chưa có nước nào so bằng đâu. Nên tao tin mầy.”



“Ủa, theo như ông kể thì cả lễ hội này kéo dài gần nửa tháng lận, bộ ông ở Mae Hong Son chừng đó ngày để ăn cái lễ này hả? Hay ông cóp nhặt thông tin trên net rồi đưa vào đây? Tui chưa vào PM xem, chứ không chừng cũng có huynh đệ tỷ muội nào théc méc giống tui lăm đó!” Sao thằng này bữa nay thông minh đột xuất vậy ta! “Mầy bữa nay hay ghê ta! Tao cũng tính sẽ nói, chưa kịp nói là mầy đã “phát hiện ra Châu Mỹ” rồi. Bữa nay mầy được, thưởng mầy chai bia hén!”



“Thực ra, tao cũng ăn may thôi, cái lễ Poi Sang Long ở đây là tổng hợp những ngày Poi Sang Long khác nhau ở các tỉnh khác nhau của miền Tây Bắc, rồi Bắc Thái đó. Cái lễ tao “tường thuật” ở đây là từ Mae Hong Son qua Pai, Chiangmai, qua Nan, rồi Phrae… mới xong đó. Tao làm gì có thời gian ở lì một chỗ đâu! Cũng may là thời gian tổ chức Poi Sang Long linh hoạt tùy thuộc từng địa phương nên tao mới có may mắn xem như dự lễ từ đầu đến cuối.”



“He he, dzậy đi chơi cũng cần may mắn hén! Còn giờ, ông dắt tui đi đâu. Mấy bữa nay tui bắt đầu thấy chộn rôn Bun Pimai, Songkran rồi đó. Tui thấy mấy công ty du lịch bắt đầu quảng cáo tour đi Thai ăn Songkran ở Pattaya (!?). Ông có định dắt tui đi ăn Songkran không?” Dạo này ku con cũng bắt đầu chịu khó đọc báo rồi, ghê ta nơi! “Thôi, mới vừa Poi Sang Long xong giờ qua Songkran, 2 cái lễ hội liền nhau nó loãng, nó mất sự thu hút. Mà cũng còn lâu mới tới Songkran, tao sẽ dắt mầy đi đến đó trước Apr 13, mầy yên tâm. Tuy nhiên, để tao cho mầy xem cái hình Songkran để mầy yên tâm. Còn bây giờ, tụi mình đi một chỗ nào yên yên chút cho nó “lắng đọng tâm hồn” hén”.



“Thì ông muốn sao tui nghe dzậy chứ tui dám ho hé gì đâu cha nội. Thôi, đi nhanh nhanh chiều về còn đi nhậu!!!”



* *
*



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4131051.jpg

https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4131075.jpg
Ngày vui Songkran



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4130824.jpg
Gái đẹp Songkran



……………………



Tôi đến miền đất này những ngày cuối đông nắng mỏng chỉ đủ làm sáng lên những chiếc lá vàng khô nhẹ đùa chạy lạo xạo trên đá xưa ngàn năm tuổi.


Sáng sớm, vắng tênh cả khu vườn xưa đá xám một thời huy hoàng trên con đường Angkor từ Siam xuôi nam về Siemreap. Những phiến đá tinh xảo lung linh những người xe của ngàn năm cũ như đang mỉm cười với lũ lá vàng, những vết chân chim… tung tăng đùa.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1151616.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1151612.jpg
Di tích của vương triều Khmer trên đất Siam ngày cũ.



Tôi lang thang trong vườn xưa… hồn chơi vơi mong theo đá xám về ngày xưa ngày đó….


___________________

Còn ít nhất 75 chương hồi nữa!

motdoidirong
14-03-2011, 11:58
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 26



Nakhon Ratchasinama hay thường được gọi ngắn gọn Khorat là 1 tỉnh rất nổi tiếng về du lịch ở Thailand, nhưng không phải với du khách Việt. Nói đến Khorat, trước tiên là Khao Yai – Khao Yai Nattional Park, rừng quốc gia “già” nhất và cũng được viếng thăm nhiều nhất của Thailand. Phim The Beach với tài tử Leonado Dicaprio cũng được quay một phần ở đây chứ không chỉ ở biển đẹp Phuket mà thôi. Khu rừng chỉ với khoảng 2.65km2 này có đến gần 300 con voi hoang đang lang thang đây đó, chưa nói đến hàng đàn những bầy thú hoang khác cho thấy sức hấp dẫn của nó, nhất là đối với các khách trẻ khoái các cung đường trekking, hiking…



Nhưng tôi không đến Khorat để trekking, hiking vì tôi vốn lười nhác và tôi đi một mình. Do vậy, tìm kiếm đồng bọn hợp ý để đi trekking không phải là chuyện dễ. Thứ nữa, điều quan trọng nhất nhưng tôi nói sau là tôi không có dụng cụ chuyên nghiệp cho những chuyến đi loại này. Vậy tôi đến Korat để làm gì?


Tôi đến Khorat vì Phimai! Vì con đường Angkor từ Xiêm La ghé ngang qua Ai Lao về Chân Lạp.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151554.jpg
Con đường “di sản Angkor” từ Siam về Cambodia
(Prasat Pra Viharn là tên tiếng Thái của Prasat Preah Vihear của Cambodia)


Không nổi tiếng như Angkor, dĩ nhiên, Phimai National Historical Park, được xây dựng bởi quốc vương Khmer Jayavarman V và hoàn tất bởi quốc vương Khmer Suriyavarman I, từ cuối TKX đến đầu TK XI, 1 thế kỷ trước khi Angkor được khởi công. Và tuy có vẻ khiên cưỡng, nhưng cũng có chút hợp tình, các tài liệu du lịch địa phương cho rằng Phimai là nguyên mẫu, là cảm hứng cho Angkor hùng vĩ sau này.




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151588.jpg


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151571.jpg
Phimai, một buổi sáng ngày xanh…


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151606.jpg
… vũ nữ Apsara ngàn năm tuổi, vẫn đẹp lộng lẫy, múa trên thảm lá vàng khô..


Vậy sao bạn không ghé Phimai, chỉ 37baht từ Khorat hiền hòa, chỉ 1.30g từ Khorat vắng tênh cả những mùa du lịch cao điểm.




* *
*



“Trời ơi, sao kỳ này dzô đề nghe ngọt xớt như ca 6 câu dzậy anh Hai? Nhưng mà, theo ngu ý của tui, ông nên giới thiệu tour này không phải cho người Việt mà cho người Cambodia đi! Chắc họ cũng muốn tìm hiểu quá khứ hào hùng của cha ông chứ tui thấy với dân xứ Nam chỉ đi Angkor 1 ngày là thấy OK rồi. Tui có thấy cái tour du lịch nào mà đi Angkor tới 2 ngày đâu (!?). Ông chắc không cần giới thiệu mấy cái chỗ đi lòng vòng xa lắc xa lơ đó đâu!” Nó lại ca cẩm. “Nói như mầy nghe hổng lọt lỗ tai chút nào hết. Thì tại dân mình nghèo, chưa có nhiều tiền nhiều thời gian, cả thói quen đi du lịch cũng còn mơi mới, nên mình giới thiệu từ từ, rồi bà con người ta đi chứ!”



“Ủa, ông mới đi chùa về hả? Sao bữa nay đổi dạ từ bi vậy? Ok, nếu ông làm thì tui cũng ủng hộ 2 tay 2 chân thôi! Chỉ sợ… haizzzzzzzzzzzzzzzzz”



___________________

Còn ít nhất 74 chương hồi nữa!

motdoidirong
16-03-2011, 13:55
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 27




“Cha nội, hình như đang kể về “ngoại ô” của Khorat đúng hông? Đâu phải ông đang tám về Khorat, đúng hông?” Sao thằng này bữa nay biết vụ này hay dzậy ta?. “Ừa, sao mầy biết!”.



“Thì nghe ông kêu là phải đi xe bus cả 1-2 tiếng mới tới chỗ Phimai đó chứ đâu phải trong phố đâu? Bộ trong phố hổng có gì kể sao đi xa tuốt luốt dzậy?”. “Khorat, thành phố Khorat hay lắm chứ, nhưng đang kể Phimai thì kể cho xong, rồi còn mấy cái chỗ ngoại ô khác tao cũng tám luôn một lần. Còn nội ô Khorat để dịp khác tao kể. Yên tâm đi ku!”.



* *
*



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151658.jpg
3 ngôi đền chính của Phimai National Historical Park



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151557.jpg
Góc vắng



Nói nào ngay, Phimai là 1 thị trấn của tỉnh lớn Khorat, ở đó có cả GH cho dân ba-lô luôn. Do vậy, nếu bạn nào yêu thích những giá trị cổ xưa, lúc đến bến xe Khorat, có thể sang xe đi thẳng Phimai luôn. Nhưng Khorat cũng rất hay, một dịp nào khác tôi sẽ quay lại phố nhỏ lồng lộng gió, nhiều những quán xá với những chàng lãng tử ôm guitar nghêu ngao ca hay những ban nhạc hoành tráng hát hò say sưa hằng đêm.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151560.jpg


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151563.jpg
Vào trong… hay ra ngoài… đều rất đẹp



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151576.jpg
Nhưng đẹp hơn hết là hình ảnh những chú bé học trò đang viếng thăm và ghi chép về những di sản của cha ông..



Ở Phimai không chỉ có Phimai National Historical Park mà còn nhiều di tích lịch sử từ thời Angkor và sau này nằm quanh phố. Thuê 1 chiếc xe đạp 30baht là bạn thong dong cả ngày dạo quanh phố nhỏ, với những người dân hiền hòa mến khách và những di tích từ thời tiền Angkor nằm rải rác trong phố - và cả một bảo tàng hoành tráng với đầy những di vật từ thời Angkor, nhưng rất tiếc là “Cấm chụp hình”!.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151697.jpg
“Khải Hoàn Môn” từ thời tiền Angkor.




___________________

Còn ít nhất 73 chương hồi nữa!

motdoidirong
16-03-2011, 13:59
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 28





Ngoại ô của Khorat, ngoài Phimai còn có Prasat Phanomwan, cũng là 1 khu di tích Angkor khác. Nằm cách Khorat khoảng 30p đi song-thẻo, theo 1 hướng khác. Tôi cũng lần mò đến đây 1 chiều muộn, sau khi chiến thắng cái lười vì nắng, và vì phải chạy qua chạy lại giữa 2 cái bến xe để tìm đường đến đây.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151703.jpg
Một góc Prasat Phanomwan.


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151716.jpg
Ngôi chùa mới bên đền cũ.



Đúng như LP có nói, nơi đây chẳng còn gì, cũng như việc phục chế cũng chưa được thực hiện, nhưng buổi chiều hôm ấy lang thang đến Prasat Phanomwan quả là 1 kỷ niệm đẹp khó quên trong đời giang hồ.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151724.jpg
Pho tượng Phật hiền hòa trong ngôi đền Hindu đổ nát



Từ người phụ nữ lam lũ, là tài xế song-thẻo, dắt tay chỉ đường cho tôi lội bộ đến đó, vì xe không đi đến đó trực tiếp, từ những người dân hiền lành nhiệt tình chỉ đường cho tôi lang thang trên đường quê chiều xuân lồng lộng gió, từ con đường quê dập dìu những cánh cò thong dong về tổ, từ thảm hoa đỏ mênh mang hừng hực sức sống trong khuôn viên ngôi đền đá xám đổ nát, từ ngôi đền vắng tênh riêng mình tôi lang thang với đám chó con lon ton chạy theo chân khách mới vừa gặp, từ bụi hoa dại mong manh nhỏ bé bên đá xám ngàn năm, từ pho tượng Phật hiền hòa trong ngôi đền Hindu đổ nát… tất cả đều rất đơn sơ dung dị nhưng sao quá đỗi thương mến với tôi….



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151711.jpg
Thảm hoa đỏ rực rỡ bên đá xám…



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1151728.jpg
… hay những đóa hoa dại dung dị mong manh…
– một chiều xuân khó quên Prasat Phanomwan!



___________________

Còn ít nhất 72 chương hồi nữa!

motdoidirong
17-03-2011, 09:27
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 29



“Giờ ông quên được Prasat Phanomwan chưa? Khó quên lắm hả, để tui dắt ông đi … cho ông dễ quên nghen!” Nó lại càm ràm, đau đầu quá!



“Nói thiệt ông nghe, mấy cái chỗ ông dắt tui đi đó cũng được, cũng hoa lá hẹ xanh xanh đỏ đỏ cho trẻ nhỏ nó mừng, cũng đền xưa chùa cũ uy nghi, rạng ngời… nhưng dù sao tui cũng còn trai tráng khỏe mạnh, đi hoài mấy chỗ đó cũng ngán như con gián! Ông có chỗ nào dzui dzui, mà dễ đi, ông dắt tui đi, rồi bà con họ muốn đi cũng dễ, chứ ông cứ rừng xanh núi đỏ dzậy ai mà dám đi. Hay là ở Bangkok có gì hay hay hông, ông kể tui nghe cái!” Bây giờ lại lòi 9 cái đuôi hồ ly! “Bộ mầy muốn nghe kể chuyện Pat Pong hả. Xưa rồi diễm! Tao có đi Pat Pong cũng giữ kín, chứ kể mầy nghe làm gì! Mà mấy chuyện đó đó ở Pat Pong đó, nếu hấp dẫn thì sẽ bị kiểm duyệt, còn hổng hấp dẫn thì kể ra ai nghe. Vậy, thôi đừng mơ, thôi đừng chờ!”.



“He he he, dụ khị mà hổng được thì thôi, làm gì dzữ dzậy đại ca. Mà bộ ở Bangkok ngoài Pat Pong ra hổng có gì hay thiệt hả. Tui thấy huynh đệ tỷ muội đi Bangkok hà rầm à, hổng hay ho gì ráo sao họ đi miết?” Lâu lâu nó nói nghe cũng lọt lỗ nhĩ. “Ok, Bangkok hay lắm chứ, tại vì thiên hạ đi nhiều rồi nên anh hai mầy hổng kể ra thôi chứ Bangkok nhiều cái hay ho lắm đó. Thôi được, chiều ý mầy, tao cắt 1 nhát ở Bangkok, mầy xem sao hén! Nếu mầy thấy hay ho, mai mốt tao lại cắt tiếp mấy nhát khác! Let’s go!”




* *
*



Lấp lánh dòng Chao Praya…




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021800.jpg
Hoàng hôn trên dòng Chao Praya



Cũng như người Sài Gòn tự hào về con sông cùng tên, người Bangkok cũng rất tự hào về dòng sông Chao Praya chạy giữa thành phố. Nhưng khác hẳn sông Sài Gòn, với những con kinh, nhánh rạch ô nhiễm quá mức tưởng tượng… giờ đang là nỗi buồn cho người thành phố, dòng Chao Praya vẫn lấp lánh rực sáng khi bình minh lên hay hoàng hôn xuống, vẫn là niềm kiêu hãnh của người dân xứ chùa vàng…



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021773.jpg
Wat Pra Viharn bên dòng Chao Praya.



Đã có những bài báo nói về giao thông đường thủy trên sông Chao Praya, như một gợi ý mở cho việc gp1 phần giải quyết vấn nạn kẹt xe kinh hoàng ở đất Sài Thành, đã có nhiều thông tin về định hướng mở tour du lịch trên sông Sài Gòn theo mô hình của Chao Praya, nhưng Sài Gòn vẫn vậy, vẫn chỉ thơ thớt 2-3 con tàu xập xệ đêm xuống từ Bạch Đằng ì ạch trườn ra Thanh Đa, rồi dzìa… khác hẳn với rất nhiều những con tàu, không chỉ là tàu du lịch tấp nập ngược xuôi đi về, chỉ là tàu khách, chở người dân đi lại, nhưng vẫn đông đầy những khách du lịch thong dong đi về trên dòng Chao Praya.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021751.jpg
Hoàng cung, nhìn từ Chao Praya.



Hiện tại, ngoài tàu du lịch vốn cũng đã rất nhiều trên dòng Chao Praya, còn có 3 loại tàu khách cho người dân đi lại với giá từ 15, 20 đến 25 baht cho một lần xuống tàu, không tính quãng đường xa gần. Nhưng hiện nay, người Thái đã phát triển những tàu khách này thành tàu du lịch song song với việc chở khách địa phương. Với vé “bao” cho 1 ngày 150 baht, bạn có thể thong dong cả ngày lên xuống cả 3 loại tàu này để có thể dừng lại trên 30 bến tàu trên dòng Chao Praya, trong đó có 9 bến tàu nằm gần với các điểm du lịch chính của Bangkok, mà các tour du lịch thường chỉ đưa bạn đi một vài điểm trong đó.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021732-1.jpg
Wat Pho, bên dòng Chao Praya


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021754.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4110122.jpg
Wat Arun bên dòng Chao Praya



Vậy sao bạn không tự xuống bến tàu, với chỉ 150baht, dòng Chao Praya lấp lánh nắng và một Bangkok xinh đẹp khác đang chờ đón bạn khám phá. Tôi sẽ đi trước. Khi nào bạn hưỡn thì đi sau hén!




* Hành trình này, tôi lang thang trong nhiều ngày, của nhiều chuyến đi chứ không chỉ một ngày, vì có những chiều tôi ra sông muộn chỉ đi 1 vòng ngắm hoàng hôn rồi về.


___________________

Còn ít nhất 71 chương hồi nữa!

motdoidirong
18-03-2011, 12:14
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 30


Lấp lánh dòng Chao Praya…




Tôi thường bắt đầu những chuyến tàu lang thang trên sông từ bến số 13, Pra Athit Pier. Đơn giản vì bến này cách Khaosan khoảng 5 phút đi lon ton. Bến này cũng được xem như là bến cuối trong bản đồ du lịch trên sông, nhưng thực tế bến cuối là bến ba mươi mấy (quên mất), mà tôi cũng đã lò dò mò tới.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021702.jpg
Từ bến số 13 ra đi, chiếc cầu dây văng lấp lánh này sẽ giúp bạn nhớ đường về nếu có lỡ mê đắm lạc lối.


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021708.jpg
Tàu thuyền du lịch lẫn buôn bán đi lại tấp nập trên sông, ngay giữa Bangkok hoa lệ



Từ bến số 3 này, nếu đón tàu đi hướng tay trái, sau khi qua cầu tàu số 10, bạn sẽ đến cầu tàu Maharaj Pier – chỉ cách Hoàng Cung Thailand vài bước chân. Bạn lưu ý là phải đón đúng tàu du lịch (dù bạn có quyền lên cả 3 loại tàu) thì nó mới dừng ở đây. Còn nếu không, bạn xuống cầu tàu số 8, mà tàu nào cũng dừng ở đây. Bạn đi bộ ngược lại chừng 5 phút thì sẽ đến Hoàng Cung.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021706.jpg
Một ngôi chùa đẹp ven sông



Tôi không xuống cầu tàu Maharaj Pier mà xuống bến (cầu tàu) số 8, vì đây là nơi bạn có thể đi được rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Bangkok. Dĩ nhiên là các tour du lịch sẽ không nói vậy.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021709.jpg
Cụm chùa Wat Pho nhìn từ Chao Praya



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021748.jpg
Cụm chùa Wat Arun nhìn từ Chao Praya (ngược nắng vì lười, đi trễ)




Từ giữa sông, trước khi tàu cập bến số 8, bạn sẽ bối rối phân vân không biết sẽ đi đâu trước, khi bên này sông là cụm chùa Wat Pho lấp lánh vươn cao, khu chợ xưa Tha Tien tấp nập tàu ghe xuôi ngược, xa xa tý nữa là Hoàng Cung lộng lẫy…. Còn bên kia sông, không kém phần hấp dẫn là cụm chùa Wat Arun, Wat Pra Viharn kiêu hãnh oai nghi trên bến sông...


Bạn muốn đi đâu giờ? :T


___________________

Còn ít nhất 70 chương hồi nữa!

motdoidirong
21-03-2011, 11:49
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 31



“Màu mè nữa! Đi hết đi cha nội! Còn bao nhiêu điểm nữa trên dòng Chao Praya mà ông từng ghé, ông cứ dắt đi hết, nhưng đi lươn lướt thôi, để cho bà con người ta đi sau khám phá, chứ ông cứ huỵch tẹt ra hết thì còn hứng thú gì nữa mà đi!” Trời ơi, sao nó giận dữ ngang xương dzị trời. Giỡn chút thôi mà làm gì quá vậy? Chắc bị ghệ xù, rồi kiếm chuyện với tui đây mà. Trời ơi, dẫu biết “một điều nhịn là chín điều nhục”, nhưng làm gì với thằng bạn nối khố đang đau khổ đây hả trời! Hổng lý oánh nó!!! Haizzzz!!! :T




* *
*




Hoàng cung, là điểm dừng must-see cho những bạn nào chưa ghé, nhưng tôi đã đi rồi, với lại tiền vé cũng không rẻ lắm,với lại dân tình lúc nào cũng đông đúc chen lấn dán cái mẹt vào đó chụp hình… nên tôi không ghé, dù ngang qua dọc lại nhiều lần.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021719.jpg
Wat Pho



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021734-1.jpg
Wat Pho - cận cảnh




Wat Pho, gần kế bên cầu cảng số 8, là ngôi chùa đẹp, được xây dựng từ TK XVI, dưới thời của vương triều Ayuthaya nhưng cuối cùng lại được hoàn tất bởi Vua Rama đệ nhất vào 1785. Điểm lôi cuốn đặc biệt của Wat Pho là pho tượng Phật nằm lớn nhất tại Thailand. Do vậy ngôi chùa này lúc nào cũng đông nghìn ngịt khách thập phương. Vào trong chánh điện để viếng, khách ngoại quốc phải trả tiền vé, còn dân bản địa thì không. Vậy theo bạn, tôi có phải trả tiền vé?




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021775.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021770.jpg
Hành lang nào cũng lung linh đẹp – Wat Pra Viharn



Wat Pho nằm ngay cầu cảng số 8, còn bên kia đường là khu chợ Tha Tien, được xây dựng từ 1868, mặc dù trước đó nơi đây là vương phủ của các hoàng tử nhà Rama từ 1782-1868. Sau khi bị thiêu trụi bởi 1 trận hỏa hoạn vào 1868, nó được xây dựng lại thành chợ Tha Tien. Nếu đói bụng, bạn có thể lê la với hằng hà sa số những hàng quán ăn uống nơi đây, giá chỉ từ 25-35baht cho một bữa ăn trưa tàm tạm.



___________________

Còn ít nhất 69 chương hồi nữa!

motdoidirong
21-03-2011, 11:52
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 32




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021754-1.jpg
Wat Arun



Còn bên kia sông, bạn phải trả 3 baht đi đi đò ngang sang sông, là chùa Wat Arun, còn có tên là Temple of Dawn. Khi Đại đế Taksin quyết định dời kinh thành từ Ayuthaya về Bangkok, đoàn chiến thuyền của ông đã đến và dừng lại tại bến sông này lúc bình minh, do đó ông đã cho xây dựng ngôi chùa Wat Arun tại đây. Wat Arun thực sự là một trong những ngôi chùa lớn nhất và hấp dẫn nhất Bangkok, nhưng vì đường đi cách trở nên các tour du lịch ít đưa khách đến. Nếu bạn có dịp lang thang trên dòng Chao Praya, nhất định không thể bỏ qua ngôi chùa sừng sững oai nghi bên sông này.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021763.jpg



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021761.jpg
Wat Arun – các góc cận




Cũng từ bến tàu số 8, đi ngang qua hoàng cung, bạn sẽ đến Bangkok City Pillar Shrine. City Pillar này được xây dựng vào 1782. Ngôi đền đẹp này giờ là nơi thờ cúng của người dân Thailand, đến đây vào những ngày lễ, bạn phải xếp hàng chen chân thật lâu mới vào được trong. Điều lạ là ngôi đền này nằm ngay 1 góc của hoàng cung, nhưng cũng ít có tour nào đưa khách viếng thăm.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021790.jpg
City Pillar Shrine



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021792.jpg
Các Phật tử cũng choàng các tấm lụa nhiều màu – như Tibet? Hay Mongolia?




Ở cầu cảng số 12, cầu cảng “hấp dẫn” nhất (với tôi) vì có 1 nhà hàng “lẩu nướng” ngay bên triền sông (!?), bạn cuốc bộ vào trong khoảng 10ph sẽ được viếng thăm Bảo tàng chiến thuyền. Bảo tàng miễn phí, đẹp rực rỡ nhưng lại không cho chụp hình nên bạn phải đến tận nơi mới thấy những chiến thuyền lộng lẫy một thời ngang dọc làm mưa làm gió trên dòng Chao Praya.


___________________

Còn ít nhất 68 chương hồi nữa!

motdoidirong
21-03-2011, 11:55
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 33



Ngoài ra, từ dòng Chao Praya, bạn có thể ghé thăm Pháo đài Phra Sumane từ bến số 13, làng Thái cổ Supatra River House ở bến số 10, chùa Wat Rakhang Khoristaram ở bến 9, Bảo tang quốc gia ở bến Maharaj, khu phố Tàu China Town ở bến 5,…. Nói chung là rất rất nhiều điểm để bạn ghé.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4110195.jpg
Hoàng hôn Chao Praya



Còn tôi, sau ngày lang thang hay sau buổi chiều lênh đênh trên sóng Chao Praya ngắm hoàng hôn, tôi thường theo con tàu vắng tênh đến bến cuối, nơi xa xăm tít tắp gần ngoại ô Bangkok, nơi có một chợ quê nghèo luôn đông đúc những người dân địa phương mua mua bán bán những hàng hóa đơn sơ với giá khoảng ½ giá tại Khaosan.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021810.jpg
Một góc phố nhỏ nơi bến cuối khi đêm về




Tôi thường lang thang mãi ở đó, cười cười nói nói, chỉ chỉ trỏ trỏ, say say tỉnh tỉnh… đến khi chuyến tàu cuối cùng rúc lên hồi còi báo hiệu sắp rời bến mới vội vàng nhảy lên bong, xuôi sông đen về lại Khaosan.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1021820.jpg



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P1031826.jpg
I love Khaosan, too!




Tôi lại bắt đầu một đêm mới ở Khaosan – như mọi đêm! :T



___________________

Còn ít nhất 67 chương hồi nữa!

motdoidirong
30-03-2011, 08:33
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 34


“Dòng Chao Praya đẹp hả? Du lịch Bangkok hay quá há! Chỉ một nhát cắt ngang dòng sông mà lung linh quá! Không biết chừng nào sông Sài Gòn mình được vậy ta? Haizzz” “Tháng Mười. Nhất định là tháng Mười, sông Sài Gòn mình sẽ như vậy, không biết chừng còn hay hơn nữa”.



“Mà thôi, đợi đến tháng Mười hẵng tính. Hôm trước ông hứa kể chuyện Songkran cho tui nghe, bây giờ cuối tháng 3 rồi, còn mấy ngày nữa là tới Songkran rồi, ông tính xù tui hay sao mà còn chờ còn đợi gì nữa!” Chết cha, tui quên mất tiêu dzụ án này rồi. Lỡ hứa mà không làm kỳ lắm, mình đâu phải con mà nhà họ Hứa! “Okie, may mà mầy nhắc, nếu không tao quên mất đất luôn rồi. Songkran hả! Ối trời! Tao còn thèm khi nhắc đến, huống chi là mầy”.



* *
*


Songkran, Water Festival, Tết Té nước mừng mùa mưa đến hàng năm được tổ chức ở 4 nước (với các tên gọi khác nhau), trong đó, tôi chưa đi ăn Tết của Cambodia, Burma, còn của Thái (Songkran), Lào (Bun Pimai) thì dù tôi đã “ăn” mòn răng, vẫn còn thèm.


Tổ chức vào khoảng 12-15.04 hàng năm, có xê xích nhau 1-2 ngày tùy theo cách tính theo lịch của họ, Songkran được tổ chức vui vẻ nhất ở Chiangmai trên đất Thái. Còn ở Lào, sôi động nhất là ở Luang Prabang.


“Tết” được chuẩn bị linh đình từ trước đó, việc dựng rạp, lập sân chơi, gầy sòng bầu cua cá cọp… không nói, một trong những sự kiện đình đám nhất là việc tìm ra Hoa khôi của mùa Songkran, để buổi sáng đầu tiên của Tết, cũng là cuộc thi chung kết (điều này khác với bên Lào).



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P4130621.jpg
Duyên dáng trong nắng mới, ngày Tết mới. Xa xa là thành cổ Chiangmai



https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P4130630.jpg
Nàng cười duyên với tui cà! Xinh hông?



Những ngày này, xe cộ đều kẹt cứng. Do vậy, nhiều lân, muốn từ Bangkok lên Chiangmai ăn Tết, tôi phải đi Lampang hoặc Phrae rồi từ đó mới đón xe đi tiếp Chiangmai. Mà các tỉnh nhỏ nó ăn Songkran tuy không vui bằng Chiangmai nhưng lại kéo dài ngày hơn. Do đó, nếu bạn nào hưỡn, ăn Songkran Chiangmai xong ghé đó chơi – vẫn còn vui. :Dam

___________________

Còn ít nhất 66 chương hồi nữa!

ren_down
31-03-2011, 03:01
Bác chủ topic khéo am hiểu Thái hơn cả dân Thái rồi í, bác đi được nhiều thế, cháu mới đi được mỗi quanh Bangkok, đinh Songkran này đi Sukhothai mà hết vé, đành ngậm ngùi kiếm xe đi Ayuthaya bù (hi vọng có vé). Dầu hè cháu mới về biển Cha-am gần Hua Hin í, dịch vụ vui chơi cứ gọi là đỉnh, có bảo tàng dân tộc hay lắm í, không như bên mình chỉ trưng ảnh, ở đây có cả người bán nữa nha... Cháu không post ảnh sợ loàng topic của bác, đợi bác post xong cháu bổ xung cuối ạ :)

motdoidirong
31-03-2011, 23:24
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 35



“Mấy nường đó có cười với ông thiệt hông đó cha nội. Cưa bom vừa vừa thôi anh hai! Ông đừng tưởng có mình ông đi Songkran đâu nghen”.



“Tao nói dóc mầy làm gì! Mấy nường đó là mấy nường năm 2010. Mấy nường dưới đây là của năm 2008. Năm nào mấy nường cũng cười với tao hết. Mà nói cho mầy hay, tao có đầy đủ hình chụp với các nường hoa khôi của nhiều năm nghen. Tiếc là tao bận quần tà lỏn (vì cho nó mau khô khi bị tạt nước) đưa lên đây sợ bị tội Công xúc tu sỉ chứ không tao đưa lên cho mấy lác mắt chơi”.


“Ông cũng có hình mấy nường năm 2008 nữa hả. Đâu, cho coi dzới! Cỏn mấy tấm hình tà lỏn dây thun lỏng của ông, ông cứ ôm đó đi mà ngủ!”.


Đúng là cái thằng mắc dịch! :gun :Dam




* *
*



Các thí sinh năm dự thi Nong Sao Muang Chiang Mai 2008




https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P4130111.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P4130112.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P4130124.jpg


https://i912.photobucket.com/albums/ac323/bpkvn1/P4130121.jpg
Năm nào họ cũng đẹp rực rỡ và rất dễ mến. Bạn thấy sao?




___________________

Còn ít nhất 65 chương hồi nữa!

HMS
06-04-2011, 19:39
Phimai National Historical Park , nhìn sao trông giống ở bên Cambodia nhỉ , cảnh chùa đẹp quá , chỗ này mình chưa được đến, cả ChiengMai cũng chưa đến .Khi nào có dịp sẽ đến các chỗ này , cảnh đẹp , người đẹp quá :)

motdoidirong
23-04-2011, 13:06
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 36



“Chơi gì kỳ cục dzậy cha nội!” nó thét lên chói lói!!! “Nói thiệt, hổng lý người nho nhã, thanh lịch (!?) như tui lại chửi bới lung tung chứ không là tui chửi tới tổ tiên 18 đời con rùa đen rồi. Tết Té nước qua 18 kiếp rồi, mà ông dắt tui tới đó, khều khều một cái rồi lặn mất đất luôn. Chơi gì kỳ cục dzậy cha nội!”
“Ack, ack, ack,… tao có lỗi, tao biết, nhưng mà mầy bớt giỡn giùm đi ku! Mầy mà “nho nhã, thanh lịch” thì chắc tao là Phan An, Tống Ngọc rồi…. Hé hé hé, mắc cười quá!!!. Quay lại vụ Tết Té nước, nói thiệt là tao cũng có lý do chứ hổng phải tự nhiên ngắt ngang hông dzị đâu!”



“Lại thanh minh, thanh nga cải lương tuồng cổ nữa cha nội! Thành thật khai báo đi, sẽ được cách mạng khoan hồng!” Trời ơi, bây giờ nó lại lên lớp tui nữa đây trời!!!
“Haizzz, có nhiều lý do, trong đó, cái chính là tao không muốn kể tuốt tuồn tuột hết chuyện, vì biết kỳ này có nhiều huynh đệ tỷ muội qua bển chơi. Còn gì là “khám” “phá” nếu biết hết ráo trơn ráo trọi mọi chuyện. Nên tao nín đó ku. Nhưng mà sao thấy đi rồi mà hổng thấy ai lên tiếng hết, nên nay tao mới tái xuất giang hồ nè!”



“Thiệt hết lý lẽ, pó bo-đì với cha nội luôn. Mà biết làm gì với cha nội giờ, cắt cữ bia? Thôi, kể tiếp đi cha nội!”




* *
*




Đẹp người, chưa phải là đủ - dù giờ ở nước Nam nhiều người quên mất chuyện này – nên bên cạnh việc thi về “dung”, về “ngôn”, “hạnh”, luôn có cuộc thi về “công”, đặc biệt là cuộc thi sắp xếp mâm lễ cúng, luôn là điểm thu hút cả ban giám khảo lẫn các khán giả nhiều chuyện, như tui!


Sắp xếp các mâm cúng, mỗi năm luôn có sự thay đổi khác lạ, nhưng nói chung đều rất lôi cuốn. Từ những nguyên liệu giản dị, kể cả những vật ít còn thấy ở nước Nam, như những quả cau chẻ sáu, bổ tám… các cô, các dì đều có thể tạo nên những mâm lễ sinh động.



https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4130605.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4130591.jpg
Các mâm lễ từ các nguyên liệu đơn giản…




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4130597.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4130587.jpg


https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4130583.jpg
Chút chi tiết…




Không quá cầu kỳ long-ly-quy-phụng như những sắp xếp thường thấy ở 1 vài lễ hội quê nhà, các mâm cúng ở đây nhỏ nhắn, đúng nghĩa “mâm”, nhưng có lẽ vậy có rất nhiều mâm lễ khác nhau thể hiện sự tài hoa, cũng như cái tình của người phụ nữ khi thành tâm chăm chút sắp đặt. Điều đó làm tôi cũng ấm lòng, như khi thấy những người đẹp lung linh trên kia đang phô sắc khoe tài.




https://i792.photobucket.com/albums/yy206/bpkvn5/P4130813.jpg
…nhưng nhớ đừng quên em nhe!!!.



Nếu đến Songkran Chiangmai, bạn nhất quyết không nên bỏ qua cuộc thi đơn giản nhưng hấp dẫn này – nếu còn chút tình hoài cổ!

___________________

Còn ít nhất 64 chương hồi nữa!

angle1088
26-04-2011, 11:46
rẻ gần mà zui thì tới Thái Lan là ok nhất hihi, bangkok đi rùi sẽ làm 1 chuyến phuket thôi ^^

motdoidirong
26-04-2011, 15:00
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 37



Nói tới lễ hội, nói tới Thailand, một đất nước mà ăn vặt, ăn hàng, hàng rong đã trở thành “quốc hồn quốc túy”… mà không nói đến ăn uống thì quả là khiếm khuyết. Do vậy, nói đến Songkran mà không nói đến những hàng quán đong đầy những món ăn dân dã đặc sắc Thailand thì xem như chưa chơi Songkran Chiangmai vậy.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4130158.jpg
Không thể thiếu món padthai truyền thống


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4120338.jpg
…hay những món salad nổi tiếng Thái-Lào




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4130133.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4120337.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4130136.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4120333.jpg
Rồi còn bao nhiêu những sắc màu lôi cuốn…


Những ngày tháng 4, là những ngày gần đến mùa xoài rộ của miền Bắc Thailand, rộ nhất là tháng 5. Tuy chưa vào đúng vụ, nhưng những ngày này, món cơm nếp trắng trong thơm dẻo, nước cốt dừa sóng sánh ngậy vị béo bùi và miếng xoài vàng ruộm thanh ngọt của Chiangmai quả là hút hồn du khách. Tuy vốn không hảo lắm với những món ăn nhiều tinh bột, chất béo, vị ngọt nhưng món cơm nếp xoài bày biện đẹp đẽ, từ trong quán xá, đến những lúc lon ton cầm túm lá chuối, hộp giấy xốp…. món cơm nếp xoài luôn là người bạn thân mến của tôi những ngày Songkran Chiangmai. Giờ vẫn còn nhớ những cú cắn ngập răng vào miếng cơm nếp dẻo quẹo thơm ngất ngây, ngụm nước cốt dừa béo tê tái, miếng xoài thơm thanh ngọt hòa vào nhau… Tiếc là lâu quá, tôi quăng mấy cái hình đó ở đâu, không kiếm ra được, chứ nếu không… chẹp chẹp chẹp…



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4120413.jpg
Món đưa cay hảo hạng…



Phố phường Chiangmai, Thapae Gate, chợ đêm… những ngày này rực lên những sắc màu những món ăn dân dã, từ món padthai truyền thống đến những món sushi mới gia nhập,… hay cả những vòng khoai chiên một cách nghệ thuật rất dễ đưa hồn những lữ khách lãng đãng vào cơn quên lãng…



___________________

Còn ít nhất 63 chương hồi nữa!

motdoidirong
28-04-2011, 12:16
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 38



Nhưng mà, vẫn chưa thấy không khí của Tết Té Nước hén.




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4120021.jpg


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4140003.jpg
Ai “hot” hơn ai?



Thực ra là 1 ngày trước Tết, cư dân thành Chiangmai, nhất là quần chúng ở gần cửa thành Thapae, đã bắt đầu đóng cửa hàng quán và Té nước. Một điều giúp cho Songkran Chiangmai đông vui nhộn nhịp chính là nhờ con kênh, vốn ngày xưa bao quanh thành xưa, giờ chạy giữa phố, vẫn ôm lấy thành cổ. Nước của con kênh này được sử dụng để té vào nhau, như là nguồn nước chính, nhất là cho bọn trẻ chiếm cứ bờ kênh. May mà nước trong con kênh dù không còn xanh ngời nhưng vẫn sạch, chứ như nước kênh Nhiêu Lộc thì chắc du khách đã kéo nhau đi, bỏ lại Chiangmai hoang vắng, chứ không đông đúc như bây giờ.




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4120051.jpg
Vàng nắng và vàng hoa những ngày Songkran Chiangmai



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4141321.jpg
“Tuyết rơi mùa hè” có làm Chiangmai bớt nóng bỏng?



Những ngày tháng 4, Chiangmai, dù được cho là một trong những thành phố mát mẻ nhất của Thailand, vẫn nắng đổ lửa. Cái nắng tháng 4 miền cao nguyên này càng thêm rực rỡ khi những hàng hoàng điệp nở rộ đổ thêm ánh vàng trên trời xanh, rắc thêm thảm vàng dưới đường nắng… làm Chiangmai đã rực rỡ càng thêm nồng nàn…




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4130875.jpg



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4130870.jpg
… Hãy chọn em làm Hoa Khôi Songkran Chiangmai nghen anh! Nhưng em nào cũng đẹp hết, anh biết chọn em nào đây?



… Và những giọt nước mát lành của Songkran sẽ làm dịu mát Chiangmai… chưa kể những Singha dịu dàng hay Chang cuồng nhiệt… và cả những nụ cười của gái xinh nữa hén….!!!!


___________________

Còn ít nhất 62 chương hồi nữa!

motdoidirong
29-04-2011, 13:42
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 39




https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4141262.jpg
Nét duyên lạ ở chùa Chiangmai…


Những ngày lễ tết, cũng là những ngày người châu Á thường hay đi lễ chùa. Ở đất nước Phật giáo là quốc giáo như Thailand, thì đương nhiên chùa chiền những ngày vui tết năm mới luôn là nơi tìm về linh thiêng để cúng dường, dâng hương, cầu nguyện… của các thiện nam tín nữ. Tuy những sự kiện chính của Songkran (cũng như Pimai Laos) luôn có những cuộc rước các linh tượng, các cuộc diễu hành của các nhà chùa, các nhà sư… nhưng ngoài thời gian diễn ra các sự kiện đó, các sân chùa thênh thang của Chiangmai những ngày này rực rỡ nắng vàng, hoa vàng và mênh mang khói hương trầm… và những bóng người im ắng, lặng lẽ nhẹ bước trong cái nắng tháng 4 xôn xao…



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4141213.jpg
Chùa xưa...


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4140233.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4141277.jpg
... chùa mới



Trong những giờ phút tạm lánh xa đám đông ồn ào vui vẻ nhiệt náo ngoài kia, các góc vắng sân chùa thường là những điểm tôi tìm về trong nhiều những mùa Songkran tôi vui lang thang.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4141228.jpg
Dưới bóng cổ thụ…



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4141269.jpg



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4140251.jpg
… hay bên hoa vàng…




Những ngôi chùa miền Chiangmai này lung linh nhiều sắc thái dễ làm cho du khách ngẩn ngơ, mê đắm… Những kiến trúc kiểu Khmer hay Ayuthaya, hay gần hơn, những kiến trúc Tiểu thừa rực rỡ đặc trưng của Thailand… đều dịu dàng hòa quyện vào nhau, dưới bóng xanh ngắt cổ thụ, vào những bóng thốt nốt vút thẳng đơn độc kiêu hãnh giữa đất trời, bên những hàng tre êm xanh như nơi cuối con sông mẹ Maekhong, hay dịu sắc bên bóng những hàng bò cạp nước đang rực rỡ nở vàng… làm bóng áo vàng ai đi đang xa dần giữa đường trưa… mờ khuất, chìm xa… như đang chìm sâu, đang tan vào Songkran Chiangmai những ngày tháng 4 vàng nắng…



___________________

Còn ít nhất 61 chương hồi nữa!

motdoidirong
04-05-2011, 14:00
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 40





https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4120352.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4120331.jpg
Tây hay ta, áo vàng hay áo đỏ… đều hòa trong nhịp vui Songkran




Trong một mùa Songkran, sau những cơn vui dường như bất tận của những trận “thủy chiến”, người ướt đẫm, tôi tạm dừng cuộc chiến, lang thang tìm một góc vắng Chiangmai để tạm nghỉ ngơi, với Singha đã lạnh càng thêm lạnh ngắt khi tôi ngã người bên dòng kênh… và ở đó, tôi đã gặp một Songkran khác, thật dịu dàng.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4131101.jpg
Rộn ràng những đoàn xe hoa…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4130053.jpg
… uyển chuyển những điệu múa dịu…



Giữa những người vui đang hân hoan mùa Songkran, bên bờ kênh, một bà mẹ trẻ gương mặt thật hiền và buồn, đang dịu dàng vẩy nước lên một bé trai đang ngồi trên chiếc xe lăn. Dù khuôn mặt bé thật sáng, nhưng qua những cử chỉ, dáng điệu, cũng dễ dàng nhận ra bé có vấn đề về não. Dù vậy, bé dường như cũng cảm nhận được sự khác thường của ngày Songkran nên có vẻ tươi tỉnh. Bà mẹ trẻ dịu dàng múc nước cho bé chơi và nhẹ nhàng té nước cho bé. Và, suốt thời gian tôi ngồi đó, tôi thấy hầu như những người dân ngang qua đều ghé đến bên bé, ân cần té những ngụm nước nhỏ cho bé và (dù tôi không hiểu, tôi cũng biết) luôn gửi đến bé những lời cầu phúc cho một ngày mai tốt lành.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4120375.jpg
Em bé Chiangmai…



Tôi cũng chỉ biết làm vậy, dù tôi không thể sẻ chia với bé và mẹ, vì ngôn ngữ bất đồng. Nhưng tôi biết rằng, mùa Songkran năm đó, dù vẫn còn vấn vương nỗi buồn cho bé, lòng tôi đã ấm hơn… vì sự chia sẻ ấm áp của người dân hiền miền Chiangmai.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4120520.jpg
Đêm về.



Nên, đêm đó, lang thang trong chợ đêm, ngất ngưỡng bên Chang nồng nàn :T , tôi vẫn nhớ về một chiều ấm áp Songkran, nơi tình người được sẻ chia…



___________________

Còn ít nhất 60 chương hồi nữa!

metal
04-05-2011, 14:24
Ở bên Thái Lan, đi đâu cũng thấy màu vàng nhỉ.

motdoidirong
09-05-2011, 15:08
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 41



“Thôi, tui thấy ông cà kê dê ngỗng Songkran Chiangmai dzậy là quá xá đủ rồi đó! Cái gì mà vừa dài vừa dai thì nó sẽ dở. Ông chuồn sớm đi, cho đỡ bị ném đá, rồi quê một cục, tội nghiệp!” Nó thẽ thọt châm chích mà còn làm như ban ơn. Đồ mắc dịch! “Ê ku! Songkran Chiangmai cũng không đến nổi tệ như mầy ném đá dzị đâu nghen! Có nhiều điều hay ho lắm tao còn chưa nói tới mà. Nhưng thôi, tao thấy nó cũng hơi dài dài rồi, nên tao dzọt luôn, rồi hồi nào hưỡn hưỡn tao quay lại, chứ không phải là do mầy nói đâu nghen ku!”.



“He he he, lâu lâu mới thấy ông nghe lời tui. Phải chi mà lúc nào cũng biết điều dzậy thì hay biết mấy!”. Được voi, nó đòi luôn Hai Bà Trưng đây trời!!! “Hổng phải dzậy đâu ku! Trước khi rời Songkran Chiangmai, chia sẻ thêm tý thông tin để xem mầy có thèm nhỏ dãi không?”



* *
*



Dĩ nhiên Chiangmai không chỉ có Songkran. Chiangmai, có thể nói là thành phố du lịch nổi tiếng nhất miền Bắc Thailand, nằm trong top 3 du lịch Thailand (Bangkok, Chiangmai, Phuket) còn có rất nhiều điểm thú vị khác. Cũng đã có nhiều bài khác chia sẻ về Chiangmai rồi, cũng như mục đích chính của loạt bài này là về Songkran, nên tôi không nói thêm nhiều về Chiangmai.



Những ngày Songkran này, ngoài việc tối ngày sáng đêm đi tạt nước người ta (và bị người ta tạt lại), bạn cũng nên dành chút thời gian tạt ngang đi dọc đây đó thăm thú chút.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4130914.jpg
Trong 5 cô gái xinh đẹp vào chung kết này, bạn có biết ai sẽ là hoa khôi…?!



Cuộc thi hoa khôi Chiangmai là điều bạn khó lòng có thể bỏ qua. Nhan sắc Thái đã rất nổi tiếng rồi, tuy chỉ là cuộc thi nhỏ địa phương, nhưng bạn cũng sẽ rất dễ chói lói trước nhan sắc Chiangmai. Điều thú vị nữa là đây không chỉ là cuộc thi nhan sắc chỉ dành cho các người đẹp. Bạn có thể sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục, chương trình mang đầy “bản sắc dân tộc” (!) của các em học sinh, trai thanh gái lịch của các dân tộc ít người ở quanh vùng biểu diễn… Mà nếu buồn buồn, bạn đi ra 5 bước là tham dự được hội chợ ẩm thực kế bên, cũng như lễ hội té nước vẫn đang diễn ra náo nhiệt ngay bên ngoài.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4131115.jpg
Nhớ đón lấy những giọt nước thiêng nghen bạn!


Tham dự lễ rước sôi động cũng là điều thú vị không kém. Bạn sẽ hòa mình vào dòng người đông vui, những điệu múa cổ truyền, và cả cả lễ Té nước đặc biệt với những xô nước, bịch nước mang hương trầm và được hứng từ thân Phật, sau khi Người đã được thiện nam tín nữ té lên, để mong cầu một năm mới an lành.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4120415.jpg
Sắc màu Chiangmai



Chợ đêm Chiangmai cũng là điểm thú vị. Bạn sẽ mềm lòng trước những sắc màu rực rỡ của những đồ thủ công mỹ nghệ hay những món ăn thơm phức… Dĩ nhiên cũng rất khó cầm lòng trước những Singha, Chang luôn óng ánh vàng lơi lả gợi tình…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4130994.jpg
Món xôi xoài dịu dàng…


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4131153.jpg
… đến Singha nồng nàn… đều khó có thể quên…


***


Nhưng luôn còn có một Chiangmai, một Bắc Thái Lan khác.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4151410.jpg
Bình minh trên sông




Những ngày Songkran, những sớm lang thang Bắc Thái, ngoài những ồn ào náo nhiệt, vẫn còn nhiều những góc yên bình. Những sáng lang thang bên triền sông đón bình minh tỏa sáng bến sông, nhuộm vàng con sông quê êm ả, những chiều lang thang bên chùa xưa, những trưa tìm bóng tre xanh kiếm bóng râm êm đềm…. những nụ cười hồn nhiên chân chất, những câu chào hỏi ấm áp… Còn đó, một Chiangmai khác.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4151413.jpg
Khung cửa ngày xuân




Và làm sao tôi quên nơi cuối con đường nhỏ mặt trời vừa lên, tiếng chuông gió thanh thanh nhè nhẹ như không có thật trong những cơn gió dịu dàng đầu ngày, những nụ hồng rực rỡ bên khung cửa gỗ đã hửng chút vàng nắng mai….


Có thật không, buổi sáng mùa xuân đó….!?



___________________

Còn ít nhất 59 chương hồi nữa!

motdoidirong
10-05-2011, 12:10
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 42


“Hình như tui thấy buổi sáng mùa xuân đó không có thật!”. Nó thở dài, rồi tiếp “Mà ông khai thiệt với tui đi, bữa sáng đó, ông ngồi ở đó mất mấy giờ bên khu vườn đó, bên khung cửa sổ đó?”. Lại thở dài, rồi tiếp “Mà thôi, tui mà như ông, bữa đó chắc tui vác bia tới đó ngồi luôn, đi đâu loanh quanh nữa làm gì. Cuộc đời xô bồ tưởng dài nhưng ngắn ngủi chông chênh này có được mấy lần mình được gặp những thoáng đẹp mong manh đến mơ hồ như vậy há!” Lại thở dài.


Dù sao, tôi cũng rất may mắn có đứa bạn như nó!



* *
*


Mỗi ngày qua, từng con đường xuôi, mấy con sông ngược… tôi lang thang đi tìm gì vậy…? Bạn nhiều lần hỏi, câu trả lời nhiều khi ngắn, lắm khi dài, nhưng đôi lúc chỉ là một nụ cười nhẹ tênh…


May mắn, tôi cũng được viếng thăm các di tích lịch sử, các danh lam, thắng cảnh… Nhưng bao nhiêu là đủ, bấy nhiêu là vừa….? Vẫn còn náo nức cho mỗi chuyến đi xa, vẫn còn háo hức chờ mong ngày ghé thăm những miền danh thắng… nhưng con đường đi của tôi ngày cứ mênh mông xa, dằng dặc dài… vì những thoáng dừng chân bất chợt bên đường, mà giờ sao tôi thấy mình yêu quý hơn những ngôi đền trùng tu lấp lánh, những ngôi tháp giờ tiền giấy bay lả tả, tiền xu hoen gỉ đầy những chum hồ…



http://farm3.static.flickr.com/2570/5706141482_93393388ac_b.jpg
Chợt cười khi thấy chiếc xe hàng rong sao ngộ nghĩnh, sao sáng tạo. Bạn có thích? – Loei.



http://farm4.static.flickr.com/3482/5705576565_b69b2c0902_b.jpg
… rồi lại ngẩn ngơ lúc đêm về một mình, chẳng biết đi về đâu? Shopping, Coffee, Sleeping?




Nên tôi thường đi Thailand. Nên tôi thường tìm về những miền đất xa xôi, những quê nghèo còn đong đầy tình thân, còn nhiều những khu vườn nhỏ xanh, những quán khuya êm, những triền sông trưa nồng nàn… nơi tôi có thể thả hồn bay theo những cánh diều chao nghiêng giữa trưa nắng đỏ, những cánh cò dịu dàng chở nỗi nhọc nhằn qua con sông chiều lam tím, nơi chỉ mong manh những tiếng chuông gió lanh canh nhẹ nhàng bên khung cửa vườn xuân… cũng làm tôi hạnh phúc, đủ cho nhiều ngày.




http://farm3.static.flickr.com/2711/5705577477_870dfc4e90_b.jpg
Nhớ những chiều chiều gió sông về lồng lộng, ngồi đọc sách trong vườn, bên chiếc rèm xinh lanh canh những nốt vui – Nongkhai.



http://farm3.static.flickr.com/2693/5706141102_1bac908066_b.jpg
.. rồi trên đường lang thang dừng chân mê mẩn bên những chiếc bảng hiệu đơn giản nhưng lôi cuốn? – Chiangkhan.

http://farm3.static.flickr.com/2761/5705577079_444fa616ac_b.jpg
… rồi căn nhà xinh, có cô chủ cũng xinh xinh…



Thailand đang phát triển từng ngày. Cuộc sống hiện đại rồi sẽ cuốn trôi đi nhiều giá trị xưa cũ… Đôi lần, tôi ngược con sông cũ, tìm về chốn xưa, cảnh đã thay người đã đổi,… tôi mới biết ngày hạnh phúc xưa tôi đã quá hững hờ…



http://farm3.static.flickr.com/2397/5706142912_e73cb2d9a4_b.jpg
Buổi mai nào trong vườn xuân, ngẩn ngơ thấy tim mình rơi!!!???



Mà cuộc đời này, hạnh phúc có thể đến với những người hững hờ…?



http://farm4.static.flickr.com/3481/5705575549_1cd2bd8560_b.jpg
Hạnh phúc nhẹ tênh khi trưa nồng dừng bên đường nắng, quán vắng…



Nên tôi thường tự hỏi mình, có thực không, khung cửa sổ mùa xuân năm đó…!




___________________

Còn ít nhất 58 chương hồi nữa!

motdoidirong
12-05-2011, 12:16
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 43



“Ừ, thôi, mấy cái gì không thực thì thôi đừng mơ màng tới nó nữa! Đi chỗ khác chơi đi anh hai! Mà bữa giờ sông suối núi đồi, lễ hội hoành tráng quá. Có chỗ nào yên yên một tý ghé chơi đi chứ mắc công người ta nghĩ ông ham dzui suốt ngày đâm đầu vô mấy cái lễ hội đó miết thì kỳ lắm. À, mà ông nhớ lôi cái bản đồ ra cập các điểm đến cho bà con người ta tham khảo nghen.”



“Ok! Tao dắt mầy đi Nguyệt Thành, chốn yên bình. He he he, ở Thailand mà có Nguyệt Thành nữa, mầy có nghe tới giờ chưa? Nhắm 2 con mắt ốc bươu vàng của mầy lại, đừng có trợn ngược lên nữa!”



* *
*



“City of the Moon” là tên gọi không chính thức của thành phố miền Đông Nam Thailand này. Thành phố nhỏ này đặc biệt là có rất nhiều cư dân Việt Nam. Họ sang đây sớm hơn những đồng bào của mình ở Ubon hay Đông Bắc Thái rất nhiều, ngay từ thế kỷ XIX. Đây cũng có lẽ là một trong những yếu tố làm thành phố này có những nét khác với các nơi khác trên đất nước có quốc giáo là Phật giáo (Tiểu Thừa) này.



Ít người chọn để du lịch, nên dù từng nổi tiếng là trung tâm châu ngọc của vùng Đông Nam Á, Nguyệt Thành giờ còn giữ được nếp sống lặng lẽ yên bình. Những con đường nhỏ vắng vẻ, râm mát, những con hẻm sạch sẽ người dân túm tụ tụ ba ở các quán café đầu hẻm, y như Sài Gòn ngày cũ,… Ngay giữa phố, bạn có thể dễ dàng bị lôi cuốn bởi những ngôi nhà sàn gỗ trước sân hoa cỏ xanh ngời, và những nụ cười chào hiền hòa khó lẫn của những người dân miệt cuối dòng Mekong…



http://farm4.static.flickr.com/3608/5711824689_3180815d10_b.jpg

http://farm3.static.flickr.com/2441/5711824919_af9943c8db_b.jpg
Hẻm vắng. Chiếc nón ngộ nghĩnh



http://farm4.static.flickr.com/3615/5711825847_276bb3f666_b.jpg
Nhà sàn giữa phố xanh.



Điều lạ là ở đây là bạn có thể tìm thấy những ngôi nhà thờ kiến trúc Gothic hay những ngôi chùa hòa lẫn sự lộng lẫy của kiến trúc tiểu thừa và sắc đỏ, cùng những rồng phụng không thể thiếu của các ngôi chùa Hoa – những gì mang theo của những người dân Việt (và Hoa) từ đất 9 rồng.



http://farm3.static.flickr.com/2759/5712386154_65b9d3b198_z.jpg

http://farm4.static.flickr.com/3535/5712385952_95d0e9c73f_z.jpg

http://farm4.static.flickr.com/3455/5712386380_661531aed7_b.jpg
Con đường xanh đến ngôi nhà thờ xinh


http://farm3.static.flickr.com/2146/5711826033_f1e6b68f0b_b.jpg
Ngôi chùa rực rỡ không xa lắm ngôi nhà thờ xinh



Đơn sơ vậy thôi, nhưng khi nào đã chán chê con đường bộ từ Bangkok về Sài Gòn qua ngõ Aran-Poipet mà chọn con đường Bangkok, Hat Lek – Krong Koh Kong, Phnompenh, Sài Gòn… bạn nhớ ghé Chanthaburi / Nguyệt Thành nghen. Chỉ vài giờ thôi, bạn sẽ gặp một Thailand khác, và một góc nhỏ của Lục Tỉnh những ngày tháng cũ.



___________________

Còn ít nhất 57 chương hồi nữa!

motdoidirong
13-05-2011, 12:15
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 44



“He he he, ông chơi cú đá giò lái hay quá há. Từ mấy chỗ đông vui nhộn nhịp ông quăng tui một cái đùng vô cái xứ hóc bà tó mà nhỏ lớn tui chưa hề nghe ai nhắc đến chứ du với lịch cái khỉ khô gì. Còn mấy miệt nào giống dzậy hông, ông chơi luôn cho đủ bộ!”.



“Còn thì nhiều, để tao xả cảng cho mầy vài chỗ thôi, chứ nhiều quá thì không khí nó buồn tênh, chẳng ai vào đây đọc nữa đâu! Mày có biết nơi nào trên đất Thái mà lũ trẻ con mỗi ngày đi học phải băng qua nước khác, rồi chiều về phải băng lại qua nước đó để về hông? Mầy mà biết tao cùi sức móng luôn!”




* *
*




Câu chuyện trên, tôi nghe từ 1 ku HDV người Thái, lúc tôi còn ở Chiangmai. Câu chuyện gợi lên cho tôi bao nhiêu nỗi tò mò, nhất là sau khi tìm kiếm được thêm thông tin về nơi đó. Nhưng phải sau 2 năm, tôi mới lò dò đến được đó.


Nằm trên cung đường hỏa xa tử thần, miền đất này không nổi tiếng như Kanchanaburi nhờ vào bộ phim Cầu sông Kwai nổi tiếng, nhưng đây chính là nơi xảy ra giao tranh khốc liệt nhất. Từng được Miến Điện sử dụng làm con đường chính trong những cuộc viễn chinh tấn công xâm lược Thái Lan từ thời Ayuthaya (1350 – 1767),… đến chiến tranh thế giới thứ 2, vùng đất này lại được quân đội Nhật chọn để đặt tuyến đường sắt chạy từ Miến sang Thái.



http://farm3.static.flickr.com/2362/5714704475_49d7e4ecc2_z.jpg
Wat Wang Wiwekaram ở Sangkhlaburi. Bạn có thấy giống chùa Mahabodhi - Đại Giác Ngộ Tự, ở Bodh Gaya?


http://farm3.static.flickr.com/2103/5714699443_7ca4ed5930_b.jpg
Three Pagodas Pass,…




Và đến bây giờ, miền đất này vẫn chưa bình yên…


Tôi đang kể với bạn về Sangkhlaburi, về Three Pagodas Pass,…



___________________

Còn ít nhất 56 chương hồi nữa!

trekasia
13-05-2011, 12:57
Mày có biết nơi nào trên đất Thái mà lũ trẻ con mỗi ngày đi học phải băng qua nước khác, rồi chiều về phải băng lại qua nước đó để về hông? Mầy mà biết tao cùi sức móng luôn!”



Ở Việt Nam, người dân ở biên giới Tây Ninh có thể về An Giang, Đồng Tháp gần hơn 100km nếu đi băng qua Campuchia mà về. (Phải quen biết nhân viên 2 cửa khẩu Việt/Cam để thuận tiện cho việc mang xe cơ giới qua.). Cái giống ở đây là vùng đất như cái mỏ vẹt của nước này cắm vào đất nước kia.

Bonhan
15-05-2011, 17:45
Mình ở Thái cũng được một ít lâu rồi, nhưng không đuoc đi nhiều như ban motdoidirong. Ngưỡng mộ bạn quá. Mong đọc tiếp những bài sau. Giọng văn cua bạn vừa lãng mạn vừa man mác buồn.

motdoidirong
16-05-2011, 13:13
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 45



Sangkhlaburi là 1 huyện biên giới của tỉnh Kanchanaburi. Huyện biên giới giáp với Myanmar này vẫn chưa bình yên, không vì phía bên Thailand mà vì những đội quân du kích chống đối chính quyền Myanmar (Karen Liberation Army) bên kia biên giới vẫn thường xuyên qua lại nơi đây, chưa kể những con đường đi của hoa anh túc cũng dọc ngang qua lại… Dù chỉ ở đây một đêm, tôi cũng đã gặp những du kích quân đó, trong một đêm lưng tưng một mình bên quán lề đường ven chợ, rồi đến cả một đám đông ở nhà một bạn trẻ địa phương, rồi đến… đến lúc tỉnh giấc, đầu nhức như búa bổ,… thấy trên bàn đầu giường có mấy khẩu súng!!!



http://farm4.static.flickr.com/3483/5725548914_df4f880ab1_b.jpg
Bình minh muộn màng lười nhác trên phố Sangkhlaburi



Sangkhlaburi nổi tiếng bởi chiếc cầu gỗ làm bằng tay dài nhất Thailand, ngôi chùa Wat Wang Wiwekaram với Chedi Buddhakhaya mô phỏng theo Đại Giác Ngộ Tự ở Bodh Gaya và được dát vàng lấp lánh, ngôi chùa chìm trong hồ Wat Saam Prasob (The Sunken Temple) ngày xưa vốn nằm giữa phố, hồ xanh Khao Laem, con đèo Ba Kiểng Phật (Three Pagodas Pass)…



http://farm6.static.flickr.com/5207/5725548870_d7f27603e6_b.jpg
Cầu gỗ làm bằng tay dài nhất Thailand mờ mờ trong sương sớm


http://farm3.static.flickr.com/2462/5725549160_0d3c00d2e8_b.jpg
… rồi trong nắng sớm (hình từ net)



Vùng đất mà trẻ con Thái, Miến đi học phải ngang qua ngang lại nước này nước kia chính là vùng “mỏ vẹt” ở đèo Three Pagodas Pass. Đèo Ba Kiểng Phật, cũng là cửa khẩu Thái-Miến, nhưng chỉ dành cho dân bản địa 2 nước. Khách nước ngoài từ Thái được phép qua Myanmar chơi trong 1 ngày, trong bán kính 10km tính từ biên giới. Có điều, bạn phải xin phép trước tại Sangkhlaburi chứ đừng đợi đến biên giới (thủ tục có thể thay đổi, nhưng kiểm tra thông tin trước vẫn hay hơn). Hôm đó, tôi đến Sangkhlaburi chiều hơi muộn, hết song-thẻo, tôi phải đi xe ôm lên Three Pagodas Pass. Đến nơi, trễ quá nên cửa khẩu đã đóng. Lang thang ở đó chơi, tôi lại phát hiện một điều hay hay. Các hàng quán ở đây lại có 2 mặt tiền hoặc 2 cửa, một mặt bên Thái, mặt sau là bên Miến. Sau khi xin phép chủ nhà, tôi chui tọt qua bên Miến lang thang một đoạn, gặp mấy anh trai Miến mặc váy ăn trầu đỏ hoét cũng thấy hay hay. Về Sài Gòn, cũng vỗ ngực với bạn bè là “tao qua Miến Điện rồi”, còn đưa hình ra làm bằng chứng. Bây giờ mới thấy nhớ cái thời ngây ngô.



http://farm3.static.flickr.com/2412/5725548830_497302870e_b.jpg
Ku xe ôm chở tôi và 2 nhóc tì ở Three Pagodas Pass, người Thái hay Miến?



http://farm6.static.flickr.com/5181/5724992695_c8a64741b4_b.jpg
Xóm làng Myanmar



Có lẽ hồ Khao Laem là một trong những điểm thu hút du khách chính ở Sangkhlaburi. Điều đơn giản là lang thang trên hồ, bạn sẽ chiêm ngưỡng được gần hết những điểm du lịch nói trên, chỉ trừ Three Pagodas Pass mà thôi. Hôm đó, sau một đêm ngật ngưỡng, lại phải rời Sangklaburi bằng chuyến xe sớm nhất nên tôi tranh thủ một vòng lang thang trên hồ sớm. Mọi thứ đều tuyệt vời, chỉ trừ việc chụp hình vì ở miền cao nguyên này, trên phố gần 8am mặt trời còn ngái ngủ, huống chi trên hồ đầy sương.



http://farm4.static.flickr.com/3389/5725549114_490cb83b67_b.jpg
Wat Saam Prasob (The Sunken Temple) lúc tôi đến…

http://farm4.static.flickr.com/3374/5725549210_01bd6c487b_b.jpg
… và mùa khô (hình từ net)




Rồi tôi đi. Chia tay vội vã Sangkhlaburi một sáng cao nguyên yên bình, tôi biết chắc rằng mình sẽ còn quay lại miền đất này…


___________________

Còn ít nhất 55 chương hồi nữa!

motdoidirong
17-05-2011, 11:43
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 46


“Dzui quá há! Tui thấy ông rất hạp với mấy cái vụ gì có liên quan đến bom đạn thì phải. Hay ông qua bên Afghanistan đi. Bên đó đang tuyển người sang gỡ đạn cưa bom đó. Thấy cũng hạp với ông lắm! Mà hồi đó, sao ông hổng theo mấy anh ku du kích quân Karen đó ở luôn bển luôn, về Việt Nam làm gì cho nó cực?” Nó có vẻ hứng chí (!?) hay đang tức tối?!

“Thì có sao tao kể vậy thôi mà. Thiệt sự là lúc đó tao cũng đâu có biết mấy anh ku đó là du kích du kư gì đâu. Thấy tao ngồi chơi một mình, mấy ảnh rủ cụng ly cho vui, rồi vậy vậy… thôi mà! Mà mầy ơi, mấy vụ này có nhằm nhò gì đâu. Từ từ rồi tao kể nữa cho mà nghe. Đi chơi phải có thăng có trầm mới vui chứ. Nếu muốn bình an gia đạo, mầy ở nhà cho khỏe. Đi làm gì cho mệt!”



“Nhưng ông đem súng đạn ra hù vậy, ai dám tới đó nữa!”. Lại cằn nhằn!

“Không, súng đạn đâu hổng thấy chứ dân tình ở đó hiền khô à. Tao đi lơn tơn một mình ngoài đường, họ kêu tao lên xe ngồi chở đi. Tao vô quán (quán khác) ngồi một mình, họ cũng qua hỏi chuyện, sợ tao ngồi một mình buồn… Tao không biết đường ra bến xe, họ đang mần, bỏ việc dắt tao ra bến xe… Ở đó yên bình lắm!”



“Thiệt hông cha nội? Để bữa nào tui qua bển coi hổng phải dzậy ông biết tay tui!” Phải vậy hông trời! “Vậy bển còn miệt nào bình yên, mà liên quan đến súng đạn bom ông coi có hông kể nghe cái coi chơi!” Làm khó tui hả trời!

“Okie! Dễ ợt. Để tao kể cho mầy nghe một miền đất cũng từng bom súng đạn ì đùng nhưng giờ yên bình hết biết! Yên tâm đi, không dắt mầy đi mấy cái tỉnh Hồi giáo ly khai Nam Thailand đâu mà lo!”



* *
*


http://farm6.static.flickr.com/5110/5728662325_0dda267311_b.jpg
Vẫn còn những nhắc nhớ về ngày xưa



Thành phố này là một trong 7 điểm quân Nhật đổ bộ vào Thailand trong Thế chiến II, ngày 8.12.1941. Bom rơi đạn nổ và máu đã đổ lênh láng trên miền đất hiền hòa này. Mặc dù, lúc bấy giờ chỉ có hơn 100 binh sĩ của quân đội Thailand đóng ở đây, quân Nhật đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của những cảm tử quân và cả những người dân với những binh khí thô sơ. Không những vậy, binh lính và quân đội Thailand đã đốt cháy những kho xăng dầu cùng nhiều công trình khác hòng chận bước tiến nhanh của quân xâm lăng… Cuộc chiến đấu ngắn ngủi nhưng anh dũng của người dân nơi đây được xem như một trong những nốt son về sự quật cường trong việc bảo vệ gìn giữ đất nước của người dân Thailand.



http://farm6.static.flickr.com/5168/5728663189_f831e7c13d_b.jpg
Biển trưa



Chiến tranh rồi cũng qua, thời gian đã xóa hết những dấu xưa tang thương, miền đất yên bình này giờ vẫn lặng lẽ bình yên. Là thủ phủ của tỉnh, nhưng nó nằm yên ả bên bóng che của một thành phố khác trong tỉnh, nổi tiếng là “bãi tắm Hoàng gia”, nơi đây hầu như không có khách du lịch, nhất là khách du lịch ngoại quốc… Đó là lý do tôi tìm đến đây, khi đọc được những thông tin này.



http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/c/c9/Manaw_Panorama1.jpg
Một bãi biển nơi đây (hình từ net – mới đẹp vậy!!!)



Để rồi một trưa nắng ở phố vắng im, bên biển bình yên, tôi ngỡ ngàng…


___________________

Còn ít nhất 54 chương hồi nữa!

motdoidirong
20-05-2011, 15:45
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 47



Thành phố Prachuap Khiri Khan là thủ phủ của tỉnh cùng tên, nhưng người ta lại biết đến thành phố du lịch Hua Hin của tỉnh này nhiều hơn. Dường như gần đây, một số công ty du lịch Việt Nam có tour đưa khách đến Hua Hin. Ở Hua Hin còn có một quán “Cà phê sữa đá Việt Nam” nữa đó. Hua Hin, được xem là “bãi tắm Hoàng Gia” từ khi một số thành viên hoàng tộc chọn và xây dựng ở đây những khu nhà nghỉ dưỡng từ những năm 20 thế kỷ XX. Hua Hin thật sự thú vị, nhưng tôi lại yêu thích Prachuap Khiri Khan nhiều hơn, do sự thanh bình xanh mát của phố biển hiền hòa.



Tôi đến đây sau một đêm say ngất ngư ở bãi biển náo nhiệt Hua Hin, nên tôi đang mong tìm một chốn bình yên. Đến khi chiếc xe bus bỏ tôi xuống 1 bến xe trưa nắng váng vất, tôi mới biết mình đã đến một chốn hơn cả bình yên, dường như phải gọi là cô tịch mới đúng. Men theo những con hẻm nắng lóa từ bến xe tôi lò dò ra biển. Chỉ có mình tôi ở biển trưa. Du khách không có, dân địa phương hoặc đang chài lưới ngoài khơi, hoặc nghỉ trưa trong nhà, chỉ có kẻ cầu bơ cầu bất không chốn nương thân mới hành xác ngoài đường nắng nung chảy nhựa đường này mà thôi…




http://farm6.static.flickr.com/5061/5738945277_2c2fd8291f_z.jpg
Con đường lạ này, doi đất lạ này……đã chia Prachuap Khiri Khan thành 2 nửa biển trời khác biệt….


http://farm6.static.flickr.com/5229/5739493462_89d5ddc425_b.jpg
… một bãi biển ngũ sắc…



http://farm4.static.flickr.com/3332/5739493382_e591bb91d7_b.jpg
… một Hạ Long nhỏ (!?)….



Do vậy, tôi có một biển trưa, một con đường nắng, một ngôi chùa cao…. Cho riêng mình.



___________________

Còn ít nhất 53 chương hồi nữa!

motdoidirong
23-05-2011, 14:27
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 48



Biển Prachuap Khiri Khan trông lung linh vậy nhưng sao khách du không tìm về? Không những thế, ở Prachuap Khiri Khan các món ăn rất đặc sắc. Tôi là một đứa ít chú tâm đến việc ăn (việc uống thì rất rất quan tâm!!! :T) nhưng khi thử món đặc sản của Prachuap Khiri Khan, gồm các loại hải sản hấp chung với các loại gia vị, ngũ cốc, củ quả… trong lá sen... trời ơi, bây giờ nhớ lại vẫn còn thèm. Người Prachuap Khiri Khan cực kỳ mến khách, thân thiện… Sao vẫn vắng tênh nơi đây?



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1190065.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1190090.jpg
Ngôi chùa trên đồi cao…


Theo thiển ý của tôi, chắc có 2 vấn đề. Vấn đề đầu tiên rất rõ ràng là trông xa thì đẹp vậy nhưng biển Prachuap Khiri Khan không có những bãi cát đẹp, chỉ gồm những bãi hẹp, sâu và cát có lẫn phù sa nên hơi sẫm màu, giống ở Hà Tiên xứ mình. Do vậy nên các bạn khoai Tây ít thích. Lý do thứ 2 có lẽ là do các bãi biển sạch đẹp tiện nghi của Hua Hin gần đó, và trên nữa là Chaam đã thu hút hết khách rồi. Vì Hua Hin không những bãi đẹp mà còn có nhiều loại hình du lịch biển lôi cuốn khác như lặn biển ngắm san hô, leo núi, trèo đèo khám phá các hang động,… Nói chung, đến Prachuap Khiri Khan, dù có thích lắm đi nữa, cũng chỉ hợp cho những người đi biển mà không tắm biển, không lặn biển,… như tôi (!?), và những người muốn tìm sự yên tĩnh cho riêng mình (?!).



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1190088.jpg
Chùa dưới chân núi.


Nếu bạn cũng tưng tửng như tôi, Prachuap Khiri Khan rất thích hợp! Nhất là nơi đây bên biển xanh, có những công viên cũng xanh mát, có 1 ngôi chùa thanh thoát trên đồi cao, nơi bạn có thể thả hồn theo những tiếng chuông thanh thanh trên cao, tiếng chuông văng vẳng trong hương sứ lãng đãng trên cao xanh như có như không,… nơi bạn sẽ thoải mải phóng tầm nhìn ra biển xanh mênh mang đảo lớn đảo nhỏ chập chùng hay xa nữa những rặng núi đồi xa xa… bên kia đất Miến Điện!!! Prachuap Khiri Khan là nơi hẹp nhất trong bán đảo Nam Thailand mà, bề ngang ở đây nơi hẹp nhất chỉ 10km. Vậy đương nhiên vào những ngày đẹp trời, “tầm nhìn xa trên 10km” thì trên đồi cao bạn sẽ dễ dàng phóng tầm mắt sang đất Miến Điện xa xa bên kia, mà mơ!!!



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1190086.jpg
Biển xanh bên dưới



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1190105.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1190109.jpg
Tiếng chuông vẳng trong gió thoảng chút hương sứ dịu dàng..



Vậy bạn có đi Prachuap Khiri Khan không?



___________________

Còn ít nhất 52 chương hồi nữa!

motdoidirong
26-05-2011, 17:04
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 49



“Cái tên này “Prachuap Khiri Khan” đọc làm sao dzậy? Nói thiệt với ông, tui thấy cái tên thôi là tui muốn ớn rồi, nhưng mà thấy ông kể nó cũng được được hén! Thôi để khi nào tui có đi Hua Hin, tui tranh thủ ghé qua!” Phải mầy nói thiệt không ku!


“Đọc là “pra-chủa-ki-ri-khản”, nghe lên là biết Thái Lan phải hông! Thực ra nếu muốn đi nghỉ ngơi trốn tránh đám đông thì tới đây nằm vài ngày là hết ý cây bông lý luôn! Ý mầy sao, mầy còn muốn tao dắt đi mấy chỗ hẻo lánh như dzậy nữa hông?”


“Ừa,sao cũng được! Ông chủ xị mà!” Dạo này cũng biết điều ghê đó chứ! “Kỳ này mình đi đâu nữa ông?”. “Okie, đang ở biển vắng giờ chạy lên rừng hoang chơi nghen. Chỗ này thì hổng có gì đặc biệt lắm, có điều con đường tới đó thì đẹp và nổi tiếng lắm “Death Highway” và nếu tới chỗ đó hả, cũng riêng một mình mày một trời luôn”.



Nó trợn tráo con mắt “Ủa, trước giờ tui chỉ nghe có Death Railway / Đường sắt Tử thần ở Kanchanaburi thôi mà, làm gì có Death Highway / Xa lộ Tử thần! Mới sáng tác hả ông?” Dạo này cũng có chịu khó nhớ chút hén, cũng được! “Dzậy mới nói chứ! Death Railway bữa khác tao dắt mầy đi, còn bây giờ là Xa lộ Tử thần – nghe có muốn offroad không ku?”




* *
*


Xa lộ Tử thần, con lộ 1090 chạy từ Mae Sot đến Um Phang được “đặt tên” này đến 2 lần. Chạy dọc biên giới Thái – Miến, những năm 70, 80 của thế kỷ trước, lúc vùng biên giới này còn chưa ổn định, con đường này là chiến tuyến của những đội quân du kích. Bao nhiêu đạn rơi, bao nhiêu thân người đã ngã xuống, đặt tên cho con đường. Đến cuối những năm 80, tình hình biên giới đã ổn định, con đường này vẫn tiếp tục được mệnh danh Death Highway vì sự nguy hiểm bởi các đèo dốc uốn lượn quanh co khúc khuỷu… thường xuyên gây ra tai nạn của nó.



Một điểm lý thú khác. Là huyện cực nam của tỉnh Tak, Um Phang giáp với huyện cực bắc Sangkhlaburi của tỉnh Kanchanaburi nhưng 2 bên ngăn cách bởi những cánh rừng âm u, cũng nằm dọc biên giới Thái – Miến, nơi mà những đội quân du kích chống đối chính quyền Miến Điện (Karen Liberation Army) vẫn đang trú náu. Cung đường trekking nguy hiểm nhưng cực kỳ hấp dẫn nối Um Phang và Sangkhlaburi là một trong những thách thức cho những du khách yêu thích mạo hiểm.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3270097.jpg
Bản làng của người tỵ nạn Miến Điện trên con đường Xa lộ Tử thần



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3260061.jpg
Hoàng hôn dịu dàng trên Xa lộ Tử thần



Nghe về Um Phang như vậy, đang ở Mae Sot, tôi bèn leo tót lên chiếc song-thẻo nhồi chật cứng người, lắc lư, nhồi lên, xộc xuống leo qua những con đèo dốc ngược của Xa lộ Tử thần lần mò đến Um Phang.



___________________

Còn ít nhất 51 chương hồi nữa!

motdoidirong
02-06-2011, 14:37
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 50



Đường đi từ Mae Sot đến Um Phang quả là nguy hiểm, đèo dốc quanh co lên lên xuống xuống giữa rừng xanh núi đỏ. Có điều, những ngày mùa khô này thì gặp núi xơ xác đỏ nhiều hơn là rừng xanh. Đây là điểm bất lợi của chuyến đi Um Phang mà khi đến nơi tôi mới biết.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3250030.jpg
Chiếc song-thẻo tôi đi Um Phang, giống xe ở Cambodia hoặc Laos hơn há! (Xe đang bị kiểm tra).


Trên con đường này, có nhiều doanh trại quân đội và nhiều xe quân sự chạy trên đường. Thêm nữa là có nhiều khu trại tỵ nạn của người dân Myanmar. Lúc đầu tôi không biết, thấy sao nhà ở Thailand mà lại lụp xụp như vậy, thêm nữa sao thấy dây kẽm gai chăng dằng dặc ven làng, dọc theo đường đi. Tò mò vậy thôi nhưng chẳng biết hỏi ai, mãi đến Um Phang gặp 1 bạn trẻ biết nói tiếng Anh, hỏi và được giải thích.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3260006.jpg
Ở Thailand, giờ ít còn những con đường đất này. Mùa khô bụi mù, tưởng lạc qua Cambodia!


Tôi đến Um Phang lúc gần 9g đêm. Phố xá tối thui, đèn đuốc leo lắt. Lò dò nhờ ông chú tài xế song-thẻo chở đến cái địa chỉ GH theo LP, nó đóng cửa. Chú dắt đi đến 1 cái nhà sàn to đùng gần đó, kêu bà chủ ra xì xồ xì xào gì đó rồi kêu tôi vào. Té ra đây là 1 căn nhà cho khách thuê dạng homestay nhưng đang mùa vắng khách nên chỉ có gia chủ ở nhà, còn đám nhân viên biết nói tiếng Anh thì về Mae Sot nghỉ ngơi hoặc cày cuốc. Té ra, tôi đến đây vào mùa thấp điểm nhất của du lịch Um Phang.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3260023.jpg
Con sông giờ còn chút nước.


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3270078.jpg
Một góc chùa vắng Um Phang



Sáng hôm sau, tôi càng biết rõ thêm về bất tiện khi du lịch mùa thấp điểm. Rừng khô cháy, sông cạn khô nên các tour trekking, rafting đều không có khách, do vậy, các điểm cty du lịch đóng cửa nghỉ ngơi. 2 con thác đẹp nổi tiếng thì mùa này cũng khô khốc, nước chảy lèo tèo… nói chung là “hổng có gì để chơi ở đây mùa này hết anh hai ơi” – tôi phiên dịch câu nói của thằng ku em thiệt tình ở 1 công ty du lịch đang ngồi ngáp vặt canh công ty.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3260018.jpg
Người phụ nữ chăm chỉ ngồi chằm lá để lợp nhà


Chưa tin lắm, tôi thuê chiếc xe gắn máy chạy lơn tơn, thấy đúng y chang vậy. Sông suối cạn khô cạn khốc, các hostel vắng teo, chẳng thấy mấy bạn Tây balo đi lơn tơn gì cả. Nhưng sau cùng, tôi vẫn nghỉ lại thêm Um Phang 1 đêm nữa, trước khi tiếp bước lang thang. Chỉ đơn giản vì người dân nơi đây quá hiền lành, cuộc sống nơi đây quá đỗi hiền hòa… mà tôi vừa qua những ngày chạy marathon du lịch nên cần có 1 điểm dừng. Cuộc sống ở đây yên bình đến mức ở chợ, buổi tối về, người ta chỉ phủ tấm bạt nylon, chặn vài hòn gạch lại, để tênh huênh đó… rồi về…



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3260075.jpg
Đêm về, các sạp hàng ở chợ cứ phủ bạt lên là xong


***



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3260046-Copy.jpg
Chiều. Ở nhà. Nắng vàng. Cô nhóc con cháu chủ nhà mới bé xíu mà điệu ơi là điệu


Vậy thôi, chuyến đi Um Phang của tôi xem như “thất bại” sao tôi nhớ ngày bình yên đó vô chừng. Tôi ở lại thêm Um Phang 1 đêm nữa, dù “chẳng có gì để chơi” nơi đây. Ngày tôi chạy xe lơn tơn chọc chó phá mèo. Nắng thì ra sông lên suối tìm hang hốc xó xỉnh nào còn chút nước tý bóng râm mà nằm. Đêm về, mình tôi nguyên căn nhà sàn vắng tênh với lủ khủ là Chang, Singha… nghe ai đó nỉ non mộng mị “.. thời gian là lệ úa, nhỏ xuống tình không tên…” giữa gió khuya đại ngàn…



Thấy đời mình như đang trôi!


___________________

Còn ít nhất 50 chương hồi nữa!

motdoidirong
03-06-2011, 14:59
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 51


“He he he, rị mọ vậy mà ông cũng đi được nửa đường, 50 “chương hồi” so với con số 100 như đã hứa, thấy cũng tàm tạm hén. Dù sao cũng có cố gắng. He he he…”. Nó nói như cha người ta vậy trời! “Nhưng mà anh hai nè, tui thấy qua 50 chương hồi mà ông cũng mới đi có mấy tỉnh của Thailand hà. Lúc trước ông còn nói hết tỉnh, ông còn xuống huyện, xuống xã (!?) nữa… Dzậy, ngó bộ chắc ông tính kéo dài ra vài trăm tập nữa hả? Nói trước là cái gì nó dài, nó dai là nó dở đó nghen! Liệu cơm gắp mắm đi anh hai mình!”. Lại lên lớp, sao không đi dạy ku?


“Ừa, lúc trước cũng tính dzậy. Lúc đầu cũng tính mỗi tỉnh chỉ gom gọn trong một “chương hồi” thôi nhưng sau thấy hổng được. Làm dzậy nó bất công với Thailand xinh đẹp quá, nên anh hai mầy mới gắp mắm liệu cơm, chi tiết thêm một chút, chứ cũng không kéo dài lê thê lượt thượt để cho mầy rủa đâu! Tao nói hổng đúng sao mà còn trợn mắt? Tuy nhiên, đâu phải tao “ăn mày dĩ vãng”, lôi đồ cổ ra nói hoài đâu mà mầy lo. Thỉnh thoảng được nhảy dù, tao cũng lấy thêm thông tin mới mà, nên mầy yên tâm đi. Nói hổng phải cưa bom, chứ hổng chừng cái topic này nó lên tới 1.000 chương hồi luôn đó! :T He he he, giỡn chơi chút mậy! Ừa, “mà cuộc đời làm sao ta đoán được” phải hông?”.


“Thôi thôi, bớt giỡn đi cha nội! Kể tiếp đi. Nghe mấy cái giải thích dài dòng thanh minh thanh nga thanh sang… gì gì đó của ông thấy ớn quá. Đừng nói nữa, mần đi! Nhanh nhanh đi cha nội!”.


“Ack ack ack…!!!”



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/ThailandMap-03.jpg
Hành trình của 50 chương hồi vừa qua (các ghi chú có tính cách điệu vì trên bản đồ không chi tiết từng tỉnh).


***


Kỳ này kể chuyện “Thailand lan man” một chút há. Thailand lan man, có nghĩa là Thailand và “những người bạn” đó mà. Vẫn còn lơ mơ hén, nói chi tiết luôn nghen.


Lang thang Thailand, có 1 điểm rất được các bạn khoai Tây lê la dài ngày rất thích là việc dễ dàng renew cái visa mỗi khi nó gần hết hạn. Các bạn ấy cứ chạy tọt đến biên giới Thailand và các nước láng giềng, làm thủ tục qua biên giới, sang nước láng giềng, rồi về lại Thailand với visa mới, ung dung lê lết thêm tháng nữa. Nhưng lạ hơn là các bạn ấy thích renew visa ở một đất nước không cho nhập cảnh bằng đường bộ, nhưng lại có cái giá cho việc renew visa rẻ nhất. Khác với công dân các nước thành viên Asean được miễn phí visa trong khu vực (trừ Myanmar), phần lớn các bạn khoai Tây vẫn phải xin visa khi vào các nước Asean, và giá thường khoảng từ 30$US trở lên. Trong khi đó, Myanmar, tuy không cho du khách vào trong đất nước mình bằng cửa khẩu đường bộ, nhưng lại cho nhập cảnh để “tham quan” các thành phố biên giới trong ngày, với chi phí từ khoảng 10-15$US. Vừa tiết kiệm, vừa được ngó nghiêng một vùng đất còn khá bí hiểm với du khách phương tây, tội gì không chơi! Và tôi cũng vậy! Dù tôi chẳng cần renew visa gì hết. Giang hồ thường nói hội chứng ăn theo, đu gió… gì đó vốn phổ biến ở nước Nam mà (!?).


Do vậy, kỳ này chúng ta sẽ cùng đến một thành phố biên giới của Thailand, thăm thú ngó nghiêng chút, rồi tôi sẽ cùng các bạn sang thăm luôn thành phố Myanmar bên kia biên giới nhé. Đây cũng là một trong những lý do “Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển” của tôi đó! (beer)


***


Thailand và Myanmar có 3 cửa khẩu chính thức ngày trước cho phép khách quốc tế có thể qua lại, không tính các cửa khẩu nhỏ chỉ mở cửa cho cư dân của 2 nước như Three Pagodas Pass,…Giờ thì 3 cửa khẩu này chỉ cho phép dân du lịch sang thăm và về trong ngày, chủ yếu là để renew Thailand visa, thêm nữa là thăm thú một góc nhỏ, rất nhỏ của Myanmar huyền bí. Tôi cũng lần mò đến hết 3 cửa khẩu này, vui buồn lẫn lộn khi ở đó, tôi sẽ kể câu chuyện về Mae Sot (Thailand) – Myawadi ( Myanmar) trước.




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3240015-1.jpg
City-pillar của Mae Sot


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P3240032.jpg
Một góc chùa Mae Sot



Tôi chưa dự định đến Mae Sot buổi chiều đó. Tôi dự định đến thành phố Tak, thủ phủ của tỉnh cùng tên, nhưng buổi trưa nắng lóa đến Tak, tôi cảm thấy sao sao (!?), bèn nhảy tiếp lên chuyến xe đi tiếp đến Mae Sot. Một phần có lẽ do tính tưng tửng của tôi, một phần do trên chuyến xe đến Tak, tôi đọc thấy Mae Sot hay ho, bèn thay lòng đổi dạ! :T


___________________

Còn ít nhất 49 chương hồi nữa!

motdoidirong
07-06-2011, 11:16
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 52



Maesot là huyện nhỏ của tỉnh Tak nhưng nổi tiếng hơn thành phố thủ phủ Tak. Ở Maesot có cả 4 nhóm dân chính Hoa, Burmese, Karen và Thái, cùng sinh sống. Vì ở đây là đất Thái nên phải tách riêng 2 sắc dân Burmese và Karen, vì thực chất đây là 2 dân tộc khác nhau. Và những vùng đất biên giới Thái – Miến chính là nơi các đội du kích người Karen chống lại chính quyền Myanmar/Burma ẩn náu.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3240154.jpg
Một dãy phố ở Mae Sot, giông giống các dãy phố cũ kỹ ở Yangon, Myanmar.



Thành phố nhỏ, có thể chỉ là thị trấn nhưng thật đa dạng. Chùa Thái rực rỡ bên cạnh chùa Tàu sáng choang, bên chùa Miến vuông vắn thanh thoát, và cả thánh đường Hồi giáo. Ngay cả những pho tượng Phật trong các ngôi chùa cũng khác nhau, theo phong cách của từng dân tộc…



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3240160.jpg
Chùa với stupa vuông vắn…


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3240009.jpg
..rồi stupa tròn đặc trưng Thái, Lào…


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3240040.jpg
…rồi vuông ắn thanh thoát đặc trưng phong cách Bắc Miến…


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3230077.jpg
…rồi không thể nhầm lẫn phong cách Hoa




Người dân thì đủ các sắc mặt, hoa mắt với các loại quần áo, từ longyi của đàn ông Miến, đến váy nón sặc sỡ của những người phụ nữ Karen, đến các sắc hồng tím yêu thích của người Thái. Nhà cửa cũng vậy, bạn như thấy 1 khu phố nhà xây cũ kỹ nhưng nhiều sắc màu của Yangon bên cạnh những khu phố với các căn nhà sàn bằng gỗ của người Tai-Yai… Nói chung, Mae Sot có một bề ngoài thật đa sắc.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3240013.jpg
Bên bức tường chùa này…


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3240042.jpg
..đến trên bức tường chùa kia…



Bao quanh là những triền núi xanh um, Mae Sot còn may mắn có thêm dòng Mae Nam Moei xanh mát lững lờ lượn quanh, cũng là biên giới tự nhiên Thái - Miến, nơi mỗi ngày đón đưa, che chở những phận đời buồn ngang qua



___________________

Còn ít nhất 48 chương hồi nữa!

motdoidirong
08-06-2011, 13:04
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 53



Sự đa dạng về tôn giáo đã góp phần đem đến cho Mae Sot một nét duyên lạ, nhất là với những kẻ trên bước đường lang thang vẫn luôn mong tìm cho mình những khoảnh khắc lặng yên bình dưới bóng từ bi.



Đón nhận một làn sóng tha hương của những người Miến Điện, luôn mang trong mình những tâm tư trĩu nặng về quê hương xa ngái, Mae Sot đã có thêm những ngôi chùa mới, đong đầy những tâm tư ước nguyện của người tha hương.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240071.jpg
Rồng của người Hoa, người Tai Yai…


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240065.jpg
Sư tử của người Miến


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240168.jpg
Rắn thần Naga của người Thái




Những ngôi chùa mới, không chỉ mang những nét riêng Miến Điện, mà còn mang những tâm tư thầm kín của họ - được thăm viếng những miền đất thiêng, ngôi chùa linh trên quê hương mình. Do vậy, ngoài những kiến trúc bên ngoài mang phong cách miền Bắc Miến (có ít nhiều giao thoa giữa kiến trúc chùa chiền của người Burmese và Tai Yai), những pho tượng Phật bên trong lại mô phỏng theo những bức tượng từ những miền đất Phật bên đó, như trong những ngôi chùa linh thiêng ở Mandalay, Bago hay Yangon… ở tận miền Nam Miến xa xôi. Do vậy, nếu đã từng lang thang Miến Điện, về Mae Sot, bạn sẽ ngỡ ngàng trước những pho tượng ở đây.


Một trong những điểm khác biệt, và độc đáo của Phật giáo Miến Điện là những pho tượng Phật nằm – mô tả cảnh Đức Phật về cõi Niết Bàn ở Kushinagar. Khác với tất cả các miền đất khác (ít ra là những nơi tôi từng ngang qua), những bức tượng Đức Phật nhập Niết Bàn ở Myanmar mang một dáng vẻ hết sức thanh thản, hiền hòa, đặc biệt với đôi mắt mở hiền từ,hoặc chỉ khép hờ, rất dịu dàng và thoáng nụ cười huyền hoặc như người đang nghỉ ngơi, suy tư… chứ không giống như người đang viên tịch, thường thấy ở các pho tượng của những ngôi chùa ngoài xứ Miến…




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240077-2.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240031-2.jpg
Tượng Phật về Niết Bàn ở trong chùa Mae Sot…



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P5070340-2.jpg
…và ở Bago, Myanmar – thanh thản, hiền hòa và gần gũi….




Và những pho tượng thanh bình hiền hòa đó chắc chắn sẽ níu chân bạn ở Mae Sot.


___________________

Còn ít nhất 47 chương hồi nữa!

motdoidirong
09-06-2011, 14:03
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 54





https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240202.jpg
Ở Mae Sot, những pho tượng Phật mang nét Aryan như thế này rất nhiều



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240196.jpg
Lâu lắm mới gặp lại pho tượng mang nét quen thuộc này.



Theo LP, trong nội đô phố nhỏ Mae Sot chỉ có 1 ngôi chùa thu hút du khách, nhưng có lẽ thông tin này đã quá lạc hậu, hoặc quan điểm của những du khách phương tây về tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, có phần thiên lệch – theo thiển ý của tôi. Rất nhiều những ngôi chùa đẹp ở Mae Sot. Tôi cứ mê mệt lang thang trong những ngôi chùa phong cách đa dạng của Mae Sot, người cứ ngẩn ngơ ngơ ngẩn...



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240054.jpg
Một cổng chùa rực rỡ



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240235.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240034.jpg
Những ngôi miếu, stupa… là lạ



Thiệt tình mà nói, lúc ở Mae Sot, tôi chưa lên các vùng Tây Bắc Thái, cũng như Tây Bắc Lào, nên tôi chưa quen mắt với những ngôi chùa thanh mảnh, vuông vắn mang ảnh hưởng Miến Điện hay Tai Yai. Hơn thế nữa, đã quen với những ngôi chùa Thai – Lanna với màu vàng rực rỡ, tôi quê mùa ngơ ngác với những ngôi chùa mang những sắc lạ như màu hồng rực rỡ,… vốn rất xa trong tâm trí của tôi khi nghĩ về chùa chiền.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240229.jpg
Một ngôi chùa màu hồng..



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240177.jpg
Một “Borobudur” thu nhỏ?




Vậy mà tôi đã ở lại Mae Sot nhiều hơn tôi dự tính. Đó là tôi còn chưa kể đến sự cuốn hút của sự đa dạng về ẩm thực, sự tinh tế trong các sản phẩm thủ công, dù là đồ gỗ hay gốm sứ hay….


___________________

Còn ít nhất 46 chương hồi nữa!

motdoidirong
09-06-2011, 14:05
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 55



Có lẽ tôi lê la ở Mae Sot đã quá lâu, đi là vừa. Trước khi đi, chia sẻ thêm vài thông tin, hình ảnh về cuộc sống đa sắc của Mae Sot, rồi sẽ đi.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240053.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240051.jpg
Đồ gỗ, đồ gốm… sắc xảo và đa dạng ở Mae Sot




Ngoài một con đường, có thể gọi là khu phố Tây, nơi có nhiều hàng quán phục vụ du lịch, nơi mà từ sáng đến khuya, lười biếng ngồi đó cũng có thể thấy cuộc sống Mae Sot trôi ngang. Nhưng giữa phố cũng là một cái chợ đa dạng, một khu riêng buôn bán đá quý, từ Myanmar đưa qua, những con đường tấp nập những hàng quán, những người bán rong… luôn náo nhiệt đầy sức sống.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240095.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240107.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240101.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240102-1.jpg
Sắc màu đơn giản nhưng đa sắc Mae Sot



Người dân Mae Sot rất hiền lành mến khách. Những ngày tôi ở đây, nắng cháy da người, tôi lại đi lon ton bằng xe đạp nên cứ phơi người giữa đường nóng hực, nên phải thường xuyên ghé quán dọc đường uống “nước”. Mỗi lần vậy là tôi lại gặp những người dân vui vẻ. Cứ tưởng tôi là người Thái, họ xí xô xí xào, một hồi biết là “người ngoại quốc”, họ càng lăng xăng chăm sóc. Chút tình nhỏ đó làm tôi khó có thể quên Mae Sot!




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3240203-1.jpg
Chia tay Mae Sot, nhưng làm sao tôi quên hoàng hôn đó dưới chân người



___________________

Còn ít nhất 45 chương hồi nữa!

htv2202
09-06-2011, 17:02
Khen tác giả quá xuất sắc, bài phóng sự của anh mà gửi qua mấy cuộc thi về chu du đât khách thì đoạt giải cái một đó.
Tiếp tục mong dược đọc từ bài viết này.

motdoidirong
10-06-2011, 10:20
@htv2202, cảm ơn bạn!

-------------------------




Miền đất đa sắc tộc Mae Sot yên bình bên ngoài, nhưng dấu phía sau những cơn sóng dữ. Ngày trước, con đường đi của hoa anh túc ngang qua đây, kéo theo nó bao nhiêu hệ lụy, cũng như những làn sóng ồ ạt những du khách hippy đổ về đây để thả hồn theo nàng tiên nâu bay cùng gió lên trời. Giờ, tình hình có vẻ được kiểm soát chặt chẽ hơn thì phát sinh những vấn đề khác, người tỵ nạn và các công xưởng “bóc lột lao động” – không những đối với những người tỵ nạn, mà cho cả những người dân Miến mỗi ngày lội qua con sông Moei sang Thái làm việc. Họ lội sông vì nếu đi qua cầu, qua cửa khẩu, họ sẽ phải đóng phí – dù chỉ là một số tiền rất nhỏ - thế nhưng tại sao quân đội Thailand vẫn để họ đi qua, đây là 1 câu chuyện khá phức tạp mà tôi sẽ quay lại khi chúng ta cùng đến Mae Sai, một cửa khẩu biên giới Thái – Miến khác. Vấn đề “bóc lột lao động” này đã được nhiều tổ chức hoạt động xã hội thế giới lên tiếng, nhưng từng ngày, vẫn nhiều nhà máy, công xưởng tiếp tục mọc lên bên bờ con sông Moei.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250018.jpg
Qua biên giới, con sông Mae Nam Moei.
Người nghèo, để đỡ trả phí giấy thông hành khi qua cửa khẩu bằng đường bộ, qua cầu, thì đi bằng phao qua sông, nhưng vẫn đỡ hơn những người nghèo hơn nữa, phải lội sông.




Bên kia biên giới Myawaddi cũng vẫn chưa bình yên, nếu không muốn nói là còn “nóng bỏng” hơn bên Mae Sot. Ngày 12.7.2010, chính phủ Miến Điện đã đóng cửa khẩu qua lại giữa Myawaddi và Mae Sot vì lý do Thái Lan xây dựng bờ kè trên con sông Mae Nam Moei gây lở bờ sông bên phía Miến.Ngày 6.8.2010, đã có 1 vụ nổ bom tại cổng chợ Myawaddi, giết chết 2 người và làm thương nhiều người. Rồi những ngày đầu tháng 11.2010, sau khi nhà cầm quyền Miến Điện tổ chức cuộc bầu cử, được xem là “dân chủ” đầu tiên của nước này, các dân quân du kích Karen, cho rằng có sự gian lận, không công bằng…, đã nổi dậy gây binh biến. Hàng vạn người dân Myawaddi đã băng sông sang tỵ nạn bên Thái… Đạn pháo phản công của quân đội Miến Điện đã bay tới tận thành phố Mae Sot (!?), làm bị thương nhiều người…




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250015.jpg
Đã trên đất Myawaddi – cửa khẩu bên phía Miến Điện




Vậy đó, nhưng tôi vẫn sang sông, đến với Myawaddi, tìm về một góc nhỏ Myanmar – một Myanmar không có Bagan, không có Yango, Mandalay, Gold Rock, Inle Lake…



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250026.jpg
Một Myanmar không có Bagan, không có Yango, Mandalay, Gold Rock, Inle Lake…, vẫn lung linh rạng ngời...


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250113.jpg
…và dù còn rất nghèo khó vẫn đầy ắp tình người – nước mát và chỗ nghỉ ngơi cho người lỡ đường…. – một điều giờ còn rất hiếm thấy ở nước Việt.




___________________

Còn ít nhất 44 chương hồi nữa!

motdoidirong
13-06-2011, 11:00
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 57



Myawaddi, còn được viết là Myawaddy, Myawadi hoặc Myawady nằm trong tiểu bang Kayin, có thủ phủ là thành phố Hpa-an. Điều rất lạ là bạn không thể tìm thấy bất kỳ hướng dẫn nào liên quan đến thành phố biên giới này trong cuốn Lonely Planet về Myanmar (9th Edition), kể cả cách hướng dẫn đi đến đó như thế nào, dù Myawaddi nằm rất gần thành phố Hpa-an, và còn gần hơn nữa với thành phố Mawlamyine nổi tiếng, thủ phủ của tiểu bang Mon, trên đất Myanmar.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250107.jpg
Những chiếc xích-lô thô sơ vẫn là phương tiện di chuyển phổ biến ở Myawaddi…


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250125.jpg
..bên cạnh rất nhiều những quầy xem bói – để giải tỏa những ức chế, những khó khăn, những tâm tư… người ta hay đi tìm mơ ước?!


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250126.jpg
..để rồi trở về thực, tế, tranh thủ tính toán lỗ lời khi vắng khách bên gánh hàng rong nghèo.



Myawaddi là một thành phố rất nghèo, dù thành phố biên giới này là cửa khẩu cho một lượng rất lớn hàng hóa qua lại, nhờ giao thông thuận tiện, đường về Yangon cũng không quá xa xôi. Thế nhưng, sự nghèo khó đó hầu như không thể tìm thấy ở các ngôi chùa lộng lẫy trong vùng.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250031.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250033.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250060.jpg
Và sao những ngôi chùa lại lộng lẫy rực rỡ quá!!!




Đã choáng ngợp với những kiến trúc ảnh hưởng phong cách Miến của những ngôi chùa Mae Sot, tôi nghĩ rằng Myawaddi chắc cũng gần gần giống như vậy, và cũng chỉ định dành một thời gian ngắn cho vùng đất này. Vậy mà tôi đã rời khỏi Myawaddi để về lại Mae Sot, chỉ vài phút trước khi chuyến xe rời Mae Sot chuyển bánh. Chỉ có điều, chính những ngôi chùa lộng lẫy, rực rỡ đó… lại quá tương phản với những căn nhà khu phố lụp xụp… Và điều này đã gợi lên trong tôi rất nhiều những câu hỏi về Myanmar!



___________________

Còn ít nhất 43 chương hồi nữa!

motdoidirong
14-06-2011, 16:01
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 58



Rất gần cửa khẩu, đi bộ chừng 5 phút, là ngôi chùa lớn nhất Myawaddi, chùa Shwe Muay Wan, còn gọi là Chùa Vàng. Ngôi chùa to lớn và lộng lẫy, theo người dân địa phương, đã hơn 1.000 năm tuổi này, được gọi là Chùa Vàng vì cái stupa lớn nhất trong chùa được dát hàng chục kilogam vàng và đính lên đó hơn 1.600 viên ngọc và đá quý. Một điều đặc biệt nữa trong ngôi chùa này là bức tượng Phật bằng đồng phiên bản của pho tượng Phật bằng vàng ở chùa Mahamuni nổi tiếng nơi cố đô Mandalay. Hình như với Myanmar, tôi có chút duyên may nào đó vậy, cho dù những ngày còn nhiều cách trở, chưa đến được Myanmar thì tôi cũng đã may mắn được viếng thăm ngôi Chùa Vàng này, pho tượng Phật Mahamuni này,… trước khi đến được Mandalay nhiều năm sau đó.





https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250008.jpg
Tượng Phật phiên bản Mahamuni ở Chùa Vàng, Myawaddi (chụp thẳng bị vướng dây cờ)…


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250010.jpg
… nên đành phải chụp nghiêng.



Ngoài stupa chính ánh vàng sáng chói, xung quanh chùa còn rất nhiều stupa vàng lấp lánh khác và cũng như hầu hết những ngôi chùa trên đất Miến, các khoảng sân đều được lót gạch men trắng toát bóng loáng càng làm tương phản thêm sắc vàng rực rỡ. Ngôi chùa rộng thênh thang có 4 cổng luôn rộng mở về 4 hướng và rất nhiều điện thờ với các pho tượng Phật theo phong cách Mon, Burmese…



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250004-1.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250019.jpg
Những pho tượng Phật phong cách Mon, Burmese…


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250006.jpg
Stupa dát vài chục kilogam vàng!




Một điểm đặc biệt khác hẳn với những ngôi chùa ở thành phố láng giềng Mae Sot ngay kề bên là trong Chùa Vàng có nhiều pho tượng nhân sư. Không biết những nhân sư này có liên quan gì đến những linh vật miền sông Nile hay không, nhưng ở đây trong chúng thật duyên dáng và hiền lành – và chưa hề đưa ra câu đố bí hiểm nào cho kẻ lang bạt đang ngẩn ngơ lượn tới lượn lui quanh chúng!!!



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250013-1.jpg
Duyên dáng nhân sư Miến Điện



___________________

Còn ít nhất 42 chương hồi nữa!

motdoidirong
15-06-2011, 15:07
Những ngày này, tiếng súng lại vang lên trên đất nước của những người dân hiền hòa Miến Điện, vùng Kachin, giáp giới Trung Quốc. Nguyên nhân cũng từ các con đập do Trung Quốc xây dựng trên những con sông thiêng của người Kachin!

________




https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250016.jpg


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P32500182.jpg
Các tượng Phật hiền hòa Myanmar-Style trong Chùa Vàng ở Myawaddy



Trong ngôi chùa Shwe Muay Wan lộng lẫy này, tương phản giữa những vàng son lấp lánh là những người dân địa phương và cả những vị sư sãi gầy gò, đen đúa, trong những bộ đồ lam lũ,… đang thành kính thăm viếng và khấn nguyện. Có nhiều khả năng để giải thích sự tương phản này, nhưng lý do chính có thể là do tín ngưỡng nhiệt thành của người dân, nên dù nghèo khổ họ vẫn cố gắng dành dụm tiền quyên góp xây chùa… Có điều, khi nhìn những vị sư sãi cũng gầy ốm khắc khổ không kém người dân, những bộ cà sa cũng phai màu thời gian … tôi nghĩ rằng người dân đã không bị phí hoài lòng tin của mình. Nhiều nơi ở nước XXX, cũng như trên đất Tàu… nhìn những vị sư béo trắng phốp pháp, quần lụa áo là láng mượt… tôi phải dằn lòng tự nhủ là mình đi viếng chùa vì Phật, vì tâm mình… chứ chẳng phải vì họ.


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250028.jpg
Những bạn trẻ dễ mến Myanmar trong chùa



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P32500152.jpg
Nghe lời kinh tệ mẹ đọc từ lúc còn bé thơ dù chưa hiểu nhưng chắc sẽ dễ thấm sâu vào tâm…



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250020.jpg
Ngôi Chùa Vàng càng rực rỡ trong nắng trưa…


https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250034.jpg
…nhất là bóng lẻ loi của thốt nốt cô đơn càng làm chùa thêm lộng lẫy.



Lang thang trong chùa một hồi lâu ngẩn ngơ nhìn, vẩn vơ ngắm, thẫn thờ nghĩ suy… tôi chia tay ngôi chùa lộng lẫy lấp lánh Shwe Muay Wan, leo lên xe ôm hướng về ngôi chùa nổi tiếng khác Myikyaungon, còn có tên tiếng Thái là Wat Don Jarakhe và tên tiếng Việt (dịch từ tiếng Anh) là Chùa Cá Sấu. Nhìn hình bạn sẽ biết vì sao ngôi chùa có tên này liền hà.



https://i1210.photobucket.com/albums/cc414/motdoidirong/P3250038.jpg
Chùa Cá Sấu Shwe Muay Wan lạ lùng. Trước giờ ít thấy cá sấu ở chùa hén!



___________________

Còn ít nhất 41 chương hồi nữa!

motdoidirong
28-06-2011, 11:10
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 60




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250054.jpg
Một ngôi chùa có những kiến trúc là lạ gần chùa Cá sấu




Nhưng thiệt tình mà nói, ngôi chùa Cá Sấu Shwe Muay Wan chỉ có lạ và ấn tượng chú cá sấu xanh lét, to đùng nằm ôm lấy chùa, ngoài ra, chùa không “to lớn, hoành tráng, lộng lẫy” như Chùa Vàng, nếu không muốn nói rằng đây là một chùa nghèo.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250048.jpg
Đây, chùa Cá sấu Shwe Muay Wan đây!


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250039.jpg
Cá sấu hoành tráng, còn chùa thì cũng khiêm tốn hén.



Như nhiều những ngôi chùa khác trên đất Miến Điện, các sư tiểu ở đây cũng lăn vào cuộc sống. Việc cuốc đất, gánh nước, tưới rau,… như hình ảnh chúng ta hay đọc, xem trong các tác phẩm Kim Dung…của các sư sãi… âu cũng là bình thường. Nhưng nhìn những bóng áo vàng áo đỏ lăn lê bò toài dưới gầm xe, những sư thầy trẻ tuổi trong chiếc áo cà sa lem luốc, đen đúa mỡ dầu, tay cơ-lê, tay mỏ-lết… dưới cái nắng trưa hừng hực, mồ hôi tuôn ròng… để sửa chiếc xe ben to đùng… mới thấy lòng nao nao. Cuộc sống tu hành ở đây có nhẹ bớt hồng trần?



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250052.jpg
Các vị sư chùa Cá sấu đang sửa xe.


Chạnh lòng, tôi cũng không dám và không muốn chụp hình họ. Nhưng những nụ cười chân tình, dù còn nhiều ngại ngần và cái gật đầu cho phép của họ tôi mới dám chụp vội vài tấm. Cũng may là background vẫn là chiếc xe bụi phủ, chứ nếu là những stupa lóng lánh vàng chắc là sẽ 1 sự tương phản rất mạnh, mà tôi không hình dung được.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250068.jpg
Các em bé Myamar thật dễ thương, trong 1 ngôi chùa khác.



Tôi rời chùa Cá sấu, mang theo những nụ cười ấm áp Myanmar. Để rồi lại gặp những nụ cười!


___________________

Còn ít nhất 40 chương hồi nữa!

motdoidirong
30-06-2011, 10:54
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 61



Tôi tiếp tục lang thang qua những ngôi chùa không tên ở Myawaddy. Tôi mạn phép gọi vậy, dù có ngôi chùa nào lại không có tên. Nhưng vì LP chỉ nêu danh 2 ngôi chùa, tôi vào wiki thấy cũng nhiêu đó, nên tôi cũng chỉ biết tên 2 ngôi Chùa Vàng và chùa Cá sấu kể trên. Địa hình đồi núi chập chùng của Myawaddi làm cho những chóp vàng lấp lánh hết vuông rồi tròn… của những ngôi chùa, những tháp stupa thoắt ẩn thoắt hiện giữa những vườn xanh càng thêm lộng lẫy.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250063.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250105.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250104.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250081.jpg
Những ngôi chùa đẹp ở Myawaddy.


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250096.jpg
Còn ngôi chùa mới này, chưa có đủ tiền nên phải làm chú voi giấy.



Có người bạn người Thái, ở Mae Sot kể với tôi rằng, sở dĩ Myawaddy còn nghèo nhưng có nhiều những ngôi chùa đẹp như vậy là do nguồn tiền cúng dường có nguồn gốc từ những bông hoa anh túc mong manh đẹp lộng lẫy đến chết người…. Tôi chẳng biết, cũng như tôi đã từng nghe nói rằng ngôi chùa Mahabodhi ở Sangkhlaburi của Thailand cũng được cúng dường bởi không chỉ những khách giang hồ buôn lậu thuốc phiện mà còn cả súng đạn, cung cấp cho quân kháng chiến… Karen… Tôi cũng chẳng quan tâm. Điều tôi thấy mừng là những vị sư sãi ở những ngôi chùa này không dùng tiền đó cho họ. Họ vẫn gầy gò khắc khổ, vẫn cần cù lao động… và đặc biệt là chăm lo được (phần nào) cho những đứa trẻ nghèo tập trung ở chùa để học hành, ê a những câu kinh kệ tu tâm dưỡng tính… và những bữa cơm thơm thảo tình người.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250064.jpg
Quét chùa xong rồi, luyện nội công cái!


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250075.jpg
Trẻ con trong chùa ở Myawaddy - như có chút đượm buồn.



Tôi gặp bọn trẻ ở vài ngôi chùa ở đây. Chúng rất ngoan hiền. Khi cần mẫn học hành, chăm chỉ lao động, hay đang dọn dẹp chuẩn bị bữa trưa đạm bạc cho chính chúng… tôi đều nhìn thấy trên đôi mắt sáng ngời của chúng những niềm tin, những hy vọng… mà tôi luôn thầm mong chúng sẽ còn mãi giữ được dài lâu.


Dù chỉ là những hy vọng!


___________________

Còn ít nhất 39 chương hồi nữa!

motdoidirong
30-06-2011, 11:01
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 62



Tôi sẽ không lôi kéo bạn ở Myawaddi nữa, và cũng sẽ phải chừa lại những điểm thú vị hay ho khác cho bạn khám phá. Trước khi chia tay, tôi chỉ rủ rê bạn đi thăm ngôi chợ địa phương – không phải chợ biên giới bán các đồ điện tử, vật liệu xây dựng… sầm uất ngay bên bờ sông, để bạn có thêm 1 góc nhìn về Myawaddy.


Cách biên giới không xa, ngôi chợ này nghèo, mà lại mang một nét quen thân đến lạ lùng, dù tôi đã rất ngạc nhiên lúc đầu. Đó là những gian hàng mắm và chút mùi khăm khẳm vấn vương khó lẫn mà đã thành niềm nhớ miên man của những người dân nước Việt xa xứ. Tại sao đây là một khu vực miền núi mà có rất nhiều các loại mắm như ở miền Nam nước Việt vậy? Về đọc kỹ thêm mới biết, tuy ở miền núi, nhưng xuống biển không xa, chỉ gần 2g đi xe mà thôi, do vậy những phẩm vật của biển khơi không hề xa lạ nơi đây.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250137.jpg
Chợ nghèo


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250136-1.jpg
Cô hàng mắm xinh quá!



Ngoài ra, những phẩm vật địa phương khác cũng nghèo nàn như những ngôi chợ quê nước Việt mình giờ vậy. Dân tình vẫn hiền lành dễ mến, vẫn những nụ cười toe toét bị che ngang khi khách du đưa máy lên, vẫn những mẹ quê nhai trầu đỏ loét, dù trai quê nhai trầu thì lạ hoắc, vẫn những cô thôn nữ xúm xít bên những gian hàng quần áo, cười giòn tan xô đẩy nhau, núp vào nhau khi thấy kẻ lạ chĩa ống kính vào... Mặc gà qué ỏm tỏi, những chú bé con theo cha theo mẹ ra chợ vẫn ngủ ngon lành trên những chiếc sạp nhỏ, những chiếc võng đòng đưa yên bình…



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250135.jpg
Giấc trưa bình yên giữa chợ, mai này em có nhớ!



Lang thang Myawaddy, tôi càng lúc càng thấm sự chân tình của người dân địa phương. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng họ vẫn rất rộng lòng. Khắp nơi đều có những lu nước mát cho khách lỡ đường giữa trưa nắng, đều mà sao giờ tôi không thấy ở quê mình, dù nghe kể ngày xưa vẫn có. Cái thẻ nhớ của tôi bị đầy, ổ cứng thì để bên Mae Sot nên tôi phải vào tiệm net chép hình ra CD. Tiệm nghèo, máy cũ, đọc cái thẻ của tôi gần như không nổi… giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ hình thể, vậy mà họ miễn phí cho tôi, khi biết tôi là khách nước ngoài và không có tiền mệnh giá nhỏ để trả. Dĩ nhiên là tôi đã đi đổi tiền, quay lại trả cho họ, ép lắm cậu bé đó mới chịu cầm tiền…. những tấm chân tình này làm sao tôi có thể quên.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250087.jpg
Nước thơm thảo.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P3250009.jpg
Bữa trưa trên đất Myawaddy, thấy nhiều tô chén vậy nhưng mất đâu khoảng 40.000VND – kể cả bia :T.



Tôi chia tay Myawaddy, ngang qua con sông buồn, nơi những phận đời nhọc nhằn vẫn lụi hụi qua lại trong chiều nắng hoang hoải, nhuộm sông thêm vàng võ buồn.


Rồi tôi sẽ đi, tôi sẽ chia tay dòng sông… còn họ vẫn sẽ còn lầm lũi đi về… Sao tôi bỗng nhớ da diết ánh mắt rạng ngời của những đứa trẻ trên chùa… Tôi mong sao mai này con sông kia sẽ chở bớt đi những muộn phiền, cuộc đời sẽ giảm phần nào những khó khăn,… để chúng vẫn còn giữ được những nụ cười trong trẻo… như ngày nào….



___________________

Còn ít nhất 38 chương hồi nữa!

motdoidirong
30-06-2011, 13:19
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 63



“Cuộc sống của người dân Myanmar sao thấy buồn quá ông há!” Nó thở dài, “Mà thực ra, ở mình cũng còn nhiều vùng bà con cực khổ như vậy lắm chứ không chỉ ở bển mới có đâu”.

“Ừa, tao biết chứ, nhưng thấy ở đâu khổ thì mình chia sẻ chút chút vậy mà. Nói thiệt, đi lông rông chơi nhiều lúc thấy mấy chuyện đó cũng chạnh lòng, nhiều lúc hết muốn đi, vì thấy sao mình ích kỷ quá, chỉ biết lang thang chơi cho mình mà không nghĩ đến người khác”.



“Thôi, chuyện này khó nói lắm. Ông có phúc phần may mắn (!?), đi được ông cứ đi, mai mốt về kéo cày trả nợ! Lo gì, ở đời đâu có ai mà sướng miết đâu mà ông thở than!?” Nó lại bắt đầu. “Nhưng thôi, ông quay về Thailand giùm cái, mà kỳ này dắt đi chỗ nào vui vui một chút đi anh hai. Đi mấy chỗ buồn buồn thấy lòng chùng xuống quá”.

“Okie, được rồi, đi chỗ nào vui vẻ một chút cho không khí nó sinh động hén! Ê, mậy, đừng nghe thấy từ “vui vẻ” là mắt sáng rỡ lên như vậy! Hổng có mấy chuyện đó đâu! Đừng có mơ!”.



***


Cái cách mà tôi đến miền đất này thật là lạ. Khi bước chân lên chiếc xe bus trong chiều đã muộn, nắng đã tắt, tôi cẩn thận chìa chiếc vé cho người phụ nữ kiểm soát vé và dùng ngôn ngữ thể hình báo với chị rằng tôi cần xuống xe ở đây vì tôi không biết rằng nơi tôi xuống đã là bến cuối hay chưa, nên cứ dặn trước cho nó chắc ăn. Chị ta cười cười, ok. Rồi xe chạy. Tôi chui vào góc cuối xe, vắng khách để nửa ngồi nửa nằm cho thoải mái. Sau một ngày dài lăn lóc trên đường, tôi đã thấm mệt nên lơ mơ ngủ trong lúc chiếc xe mải miết chạy sâu vào đêm đen sương mờ những cánh rừng rậm rịt vùng Isaan.



Lơ mơ tiếng xôn xao lúc xe dừng, người lên xe, kẻ xuống phố… tôi mở mắt, thấy xe dừng giữa phố phường nhộn nhịp… tưởng là đã đến nơi, định đứng lên xuống xe, nhưng chiếc xe bỗng chạy tiếp. Tôi lại chập chờn. Xe chạy một hồi, sau khi bán vé, thu tiền những khách mới lên xe, chị soát vé đi dần xuống cuối xe để đếm và kiểm tra số khách, bỗng la lên khi thấy tôi nằm thu lu trong góc xe. Té ra, chị đã quên mất tiêu tôi rồi. Chị ta xí la xí lô gì đó rồi kêu tôi đứng dậy, đi lên phía trước xe rồi kêu tài xế dừng xe và cùng tôi xuống xe. Tôi đã đi quá xa nơi tồi cần đến rồi thì phải! Mà bây giờ là ở giữa rừng đêm rồi, làm sao bây giờ! Tôi cũng hơi lo lắng, sợ nhất là nếu bị bỏ lại một mình giữa đường rừng tối đen như vậy. Nhưng không, chị soát vé ngoắc tôi đi theo chị vào một ngôi nhà bên đường, có cặp vợ chồng nông dân Thái và 1 cu con đang ăn cơm tối. Chị ta nói gì đó với họ. Lúc đầu tôi tưởng chị ta kêu họ cho tôi ngụ lại ở đây, sáng mai chờ xe quay lại, nhưng anh chồng bỗng vào nhà thay quần áo và ra dắt chiếc xe gắn máy. Bấy giờ, tôi mới biết là chị soát vé nhờ ảnh chở tôi đi ngược lại. Trời đất ơi, tôi cảm động vô cùng, vì sự nhiệt thành của chị soát vé, và cả 2 vợ chồng anh nông dân Thái kia nữa. Lúi húi nói mấy tiếng cảm ơn với chị vợ, tôi leo lên xe máy. Đợi xe chạy, chị soát vé mới quay lại và chiếc xe bus đi tiếp – chở theo chút tình của tôi.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB110675.jpg
Vợ con của anh nông dân Thái Lan tốt bụng. Cu con giống y chang như mẹ há!


Anh nông dân Thái chạy xé gió trong màn đêm đen mờ mịt, đi hơn 30p mới quay lại con phố xôn xao tấp nập lúc nãy và thả tôi xuống, rồi quay xe định chạy về nhà. Tôi vội giữ anh lại, chạy nhanh vào quán ven đường mua chút quà bánh gửi cho ku con. Gửi anh chút tiền, anh không nhận, tôi phải chỉ đi chỉ lại vào bình xăng xe mấy lần anh mới chịu nhận… rồi quay lại, đi vào trong đêm đen, đi về mái ấm đơn sơ, có người vợ hiền và đứa con thơ đang chờ, và cũng chở đi thêm một chút tình nữa của tôi.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB110686-2.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB110685-1.jpg
Lộng lẫy That Phanom trong đêm.



Vậy đó, tôi đã đến That Phanom hoa lệ rực rỡ bằng kỷ niệm khó có thể quên được như vậy đó.

___________________

Còn ít nhất 37 chương hồi nữa!

motdoidirong
01-07-2011, 13:04
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 64



Tôi quyết định dừng chân ở That Phanom là nhờ những ngày rảnh rỗi ở Savanakhet ra bờ sông Mekong nằm đọc LP thật kỹ. Thời gian đó, mọi người còn chưa biết đến thị trấn nhỏ này, cũng ít có thông tin trên các travel blog… còn giờ thì thấy Việt Nam đã có tour du lịch ghé thăm nơi này, trên cung đường Đông Bắc Thái. He he he, mà anh ku chủ cái công ty mở tour này chắc bị dính dáng đến hội chứng “Thiên hạ đệ nhất nổ” của Trung Quốc nên đặt tên cho nơi này là “Thánh địa Phật giáo Thái Lan” – nghe muốn té ghế luôn!



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB110692-1.jpg
Wat Pra That Phanom lấp lánh trong đêm – được dát bằng 112 ki-lô-gam vàng đó – canh me gỡ 1 miếng hoài mà chưa được.



Đêm đó, sau khi được anh nông dân Thái tốt bụng chở đến That Phanom, vội vã đi tìm quán trọ, lật đật quăng balo vào, tót ngay ra đường, tôi thẳng tiến đến ngôi tháp vàng lộng lẫy rực sáng. Chiêm ngưỡng và sửng sốt vì vẻ hoành tráng của chùa Pra That Phanom, tôi lại lên đường đi lòng vòng, khi chùa bắt đầu khép cửa chính. Bắt đầu đi tìm nơi ăn chơi (chưa kịp ăn uống gì tôi đã xông thẳng vào chùa vì sợ chùa đóng cửa), theo LP tôi định tìm đến quán Go All Night nhưng lạng quạng thế nào (vừa đi vừa "888" trả lời tin nhắn của bạn bè ở quê nhà...) tôi lại đi lạc vào quán khác. Thấy cũng được được bèn ngồi xuống luôn, khỏi đi tìm Go All Night nữa.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB110705.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB120741.jpg
Quán, có tên được dịch ra tiếng Anh là "Wooden House of Friends", nơi tôi đã gặp đồng hương, hình chụp vào buổi tối và sáng hôm sau.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB110701.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB110706.jpg
Các đồng hương người Việt và gốc Việt.


Ngồi một tý thì có 1 anh bàn kế bên cầm ly sang cụng cái chóc rồi hỏi "where r u from?", rồi anh trợn mắt lên vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời, anh hỏi lại: “Really?”. Thì ra anh ta là người gốc Việt (sinh ra bên Thái) và quán này là của 1 người cháu họ của anh, bố Việt mẹ Thái. Cũng dịp này, có 1 chú lớn lớn tuổi người Đà Nẵng (chú của anh) sang thăm, lại càng vui hơn nữa vì gặp đồng hương "thiệt". Thế là tám và uống gần nguyên đêm – trời ơi, còn được miễn phí hết luôn. Thiệt là quá đã!!! Anh chủ quán còn còn kêu tôi quay về nhà trọ lấy đồ sang, ở lại quán ngủ nữa. Nhưng phần thì sợ phiền, phần thì vì ông chú chủ nhà trọ cũng rất tốt bụng, vui vẻ, lại chịu bớt giá khi tôi thử trả giá nữa (?!) nên tôi hẹn mấy anh để dịp sau. Thú thật là từ hôm rời Sài Gòn đến giờ, hơn nửa tháng rồi tôi mới uống nhiệt tình và thiệt tình như vậy. Vì vui và an tâm vì gặp được người mình nơi đất khách quê người. ĐT liên lạc của các anh bạn này tôi vẫn còn giữ, bạn nào dự định sang That Phanom có thể liên lạc với tôi nhé. Cứ chén chú chén anh như vậy mà đêm trôi, và do vậy sáng hôm sau tôi thức dậy muộn, gần 8am – là quá muộn đối với tôi, và đầu nhức ong ong! May mà không có vụ án ly kỳ nào như trong phim Hangover!!!


___________________

Còn ít nhất 36 chương hồi nữa!

motdoidirong
04-07-2011, 12:29
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 65



Không nói đến sự lộng lẫy của tòa Chedi/Stupa cao 57m, được chạm trổ, cẩn dát và làm bằng 112kg vàng ròng ở cái chóp nhọn trên cùng… ngôi chùa Wat Pra That Phanom rất nổi tiếng vì được cho là được xây dựng lần đầu cách đây 2.500 năm, 8 năm sau ngày Đức Phật nhập cõi Niết bàn, và có chứa xá lợi Phật. Ngôi chùa hiện giờ đã được xây đi xây lại nhiều lần. Ngôi chùa hiện nay, được xây lại hoành tráng vào thế kỷ XVI, bởi vua Setthatirath của vương triều Lane Xang (Lào).



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB120728-1.jpg
Phía sau cánh cổng rực rỡ này là ngôi chùa Wat Pra That Phanom


Dù được sửa chữa nhiều lần, ngôi chùa và tòa chedi vẫn giữ nguyên nét đặc trưng thanh thoát của các stupa của Lào. Lần sửa chữa gần đây nhất là vào 1975, khi tòa tháp bị suy sụp bởi những cơn mưa lớn, nhưng có rất nhiều thông tin đồn thổi của người dân địa phương cho rằng nó liên quan đến việc sụp đổ, thay đổi chính quyền cai trị trên đất nước Lào, vì ngôi chùa này, khu vực này ngày xưa từng thuộc vào vương triều Lane Xang!!! Và, ngôi chùa này hiện nay là nơi thờ phụng của không chỉ người dân Thailand mà còn cả những người anh em Laos, chỉ cách trở bằng 1 con sông – dòng sông mẹ Nam Mekhong chia đôi bờ.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB120729-1.jpg



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB120725-1.jpg
Thanh thoát và lộng lẫy, Wat Pra That Phanom



Dấu ấn, sự ảnh hưởng của người dân Lào lên trên miền đất này còn có thể thấy ở cổng chào của thị trấn, một mô hình thu nhỏ của Patuxai (Vientiane) / Khải Hoàn Môn (Paris), nằm trên con đường chính của phố, nhìn thẳng vào ngôi chùa Wat Pra That Phanom.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/PB120724-1.jpg
"Khải hoàn môn" / Patuxai của That Phanom


Đây cũng là một điểm đặc sắc và lạ ở That Phanom. Lúc đầu, tôi cũng tưởng là chỉ ở That Phanom mới có ảnh hưởng lạ, đặc biệt này, nhưng sau đó tôi mới biết mình đã lầm.


___________________

Còn ít nhất 35 chương hồi nữa!

motdoidirong
06-07-2011, 14:36
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 66



Thực ra, tuy ít người biết đến thị trấn That Phanom, nhưng rất nhiều người biết đến tỉnh Nakhon Phanom, nơi thị trấn này trực thuộc. Khu ngoại ô của thành phố Nakhon Phanom, thủ phủ của tỉnh cùng tên, có ngôi làng Na Chooc, là nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sống và hoạt động những năm 1928-1929. Đến giờ, nơi đó là di tích, là điểm tham quan nằm trong cái tour thăm viếng Thánh địa Phật giáo Thái Lan mà tôi có nói ở trên. Nhưng tôi lại chưa ghé vào – dù đã ngang qua đó!


Gần đây hơn, vào năm 2008, chính xác là ngày 27.01.2008, người ta lại một lần nữa biết đến Nakhon Phanom qua vụ lật chiếc thuyền chở 23 người Việt, làm 14 người chết và mất tích xảy ra trên dòng Mekhong, ngang qua Nakhon Phanom của Thái và Thakhek của Lào. Nạn nhân là những người lao động Việt Nam nhập cư trái phép vào Thailand, đang trên đường về quê ăn Tết.


***



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/PB120744.jpg
Dòng Mekong, bên kia là Thakhek, Lào.


Tôi đến That Phanom đúng vào hôm có phiên chợ của người Lào trên đất Thái. Khác xa chợ phiên Indochina ở Mukdahan sầm uất phồn thịnh… và rất nhiều hàng Tàu, chợ phiên That Phanom chỉ bày bán toàn những nông lâm ngư sản, phẩm vật của địa phương. Hầu hết là do người dân Lào từ bên kia sông mang sang bày bán, mong cầu kiếm thêm chút tiền còm vì giá cả bên Lào rẻ hơn bên Thái rất nhiều. Những con đò nhỏ mong manh tành tạch qua về trên dòng Mekong cuồn cuộn xuôi về biển đông hầu như lúc nào cũng khẳm đầy những thân phận nhọc nhằn.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/PB120717.jpg


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/PB120718.jpg
Ai nói rằng chỉ có ở Bắc Việt mới có cốm xanh. Hàng cốm ở chợ phiên Lào Thái có rất nhiều cô hàng cốm, rất dễ thương khi khách lạ chụp hình.



Lang thang trong chợ, ngắm nhìn những gương mặt chơn chất, những trao đổi bám mua hiền lành dung dị, vào viếng thăm những ngôi chùa bình yên ven dòng Mekong, ra sông trưa ngắm nắng… rồi cũng đến lúc tôi nói lời chia tay That Phanon lộng lẫy và yên bình.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/PB120714.jpg


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/PB120712.jpg
Bên cạnh Wat Pra That Phanom mang đậm tính Lào, ở That Phanom lại có những ngôi chùa mang sắc thái Cambodia – mãi sau này tôi mới biết tại sao.



Tôi có lời hẹn sẽ quay về nơi đây, nhưng mãi vẫn chưa thành.


___________________

Còn ít nhất 34 chương hồi nữa!

motdoidirong
06-07-2011, 14:39
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 67



“Đang lấp lánh vàng son, cả 112kg vàng, tui đang phát ham, tính qua canh me gỡ vài miếng, tự nhiên ông nói cái vụ lật thuyền làm tui xìu quá hà! Tui nghe nói không những vậy, mà đời sống của bà con Việt kiều mình bên miệt đó ngày trước cũng nhiều khó khăn tủi hờn lắm phải không ông?”. Giờ cũng chịu khó đọc mấy tin không có mấy chuyện “lộ hàng” rồi hả ku?


“Ừ, cũng có nhiều chuyện không hay lắm. Bữa nào mầy rảnh rỗi tao lên mạng tải xuống rồi gửi cho mầy đọc. Mà thôi, lẽ ra tao tính “đi tiếp” lên Nakhon Phanom, nhưng thấy không khí buồn qua, tao dắt mầy dọt qua xứ khác chơi nghen. Mai mốt mình quay lại Nakhon Phanom sau há!”


***


Là 1 tỉnh rất xa lạ với người Việt, hầu như không n82m trên cung đường du lịch nào, nằm kẹt trong 1 góc sâu miền bắc Thailand, miền đất này đã từng thuộc về rất nhiều các vương triều, Lana, Burmese, Lanexang, Siam... nên những ngôi chùa xưa trong phố mang nhiều kiến trúc thật khác nhau.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P4100141.jpg

https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P4100002.jpg
Những ngôi chùa nhiều phong cách.


Và do nằm trải dọc theo một con sông còn tươi mát, thành phố này là sự giao thoa đẹp giữa thiên nhiên và con người, bình yên đẹp những mái chùa vàng óng soi bóng xuống dòng sông, nơi lũ trâu ngoan nằm yên cho dòng sông ve vuốt… bên lũ trẻ trâu tưng bừng đùa nghịch…



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P4090259.jpg
Sông quê chiều êm


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P4100213.jpg
Mưa bay bên chùa vắng.



Và sao tôi có thể quên một chiều mưa giật trắng trời, một mình tôi bên hiên chùa vắng. Chỉ một mình tôi thôi – ngoài kia, hoa sứ hồng, bằng lăng tím, phượng đỏ, bò cạp vàng,… rụng bay rực rỡ đất trời.


Nan bình yên của tôi đó.

___________________

Còn ít nhất 33 chương hồi nữa!

motdoidirong
11-07-2011, 12:48
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 68



Tôi đến Nan trên chuyến xe trưa nóng nung người từ Phrae, những ngày tháng tư chưa mưa chờ mùa vui Songkran. Miền bắc Thailand những ngày này nóng hơn Saigon tháng 4 rất nhiều, nên tôi đành nhảy lên song-thẻo đi về nhà trọ, bỏ qua thói quen cố hữu là thường đi bộ, cõng balo tìm nhà nghỉ. Và tôi cũng bỏ luôn thói quen tót ra đường ngay khi đến miền đất mới mà trấn thủ trong nhà nghỉ, lướt net chờ chiều xuống.


Rồi tôi vọt ra đường, để choáng váng với Nan, từ cái nhìn đầu tiên!



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100148.jpg
Thành cổ từ thế kỷ XIX…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100077.jpg
… ngôi chùa thanh khiết giữa mùa hoa lá tháng tư Nan bình yên


Nằm lọt thỏm giữa rừng xanh núi đỏ đèo cao sông sâu hiểm trở, Nan ngày xưa là 1 vương triều nhỏ, độc lập, ít tham gia vào các chiến sự nhộn nhịp của các vương triều Burmese, Sukhothai, Chiangmai, Lanna… Mãi cho đến thế kỷ XIV, khi vương triều hùng mạnh Lane Xang (nước Lào bây giờ) phát triển Chiang Thong (Luang Prabang ngày nay) thành kinh đô, người ta mới bắt đầu biết đến miền Wara Nakhon (Nan bây giờ), một điểm giao thương quan trọng trên con đường từ Luang Prabang đến kinh đô Chiang Mai của vương triều Lanna. Đến 1558, Nan rơi vào tay người Burmese và rơi vào hoang tàn. Mãi đến 2 thế kỷ sau, năm 1786 người Siam mới lấy lại được. Các lãnh chúa địa phương lại lên nắm quyền, Nan được xem như vùng bán tự trị trong vương triều Siam. Mãi đến 1931 Nan mới chính thức trở thành 1 tỉnh của Thailand.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100018.jpg
Sự đa dạng trong các phong cách chùa chiền phải xem từ các linh vật, bắt đầu từ sư tử của Burmese…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100016.jpg
…rồi đến voi của Sukhothai…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100021.jpg
…rồi lại đến sư tử Thai Lũe (?) đuổi theo sư tử Burmese…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100070.jpg
…và không thể nhầm vào đâu Naga của Thailand!


Một đoạn thành cổ ôm quanh Nan ngày xưa, giờ vẫn sừng sững giữa phố, bên những ngôi chùa lạ, và những hàng bò cạp nước rực rỡ vàng những ngày tháng tư nắng cũng vàng ơi là vàng.


___________________

Còn ít nhất 32 chương hồi nữa!nho

motdoidirong
14-07-2011, 11:25
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 69



Sau một đêm bên bờ sông Nam Nan lộng gió, tôi bắt đầu ngày mới bằng việc viếng thăm ngôi chùa gần nhà nhất, Wat Pra That Chang Kham. Ngôi chùa quan trọng thứ nhì trong thành phố này vào lúc sáng sớm yên vắng. Chùa Wat Pra That Chang Kham được xây dựng lần đầu từ 1458, với nhiều truyền thuyết và huyền thoại xung quanh chùa, như về chuyện 1 người nước ngoài mua một bức tượng Phật, theo kiến trúc Sukhothai (tức là đã rất lâu) vào những năm 50 thế kỷ trước, với giá tiền thật cao. Nhưng khi di chuyển bức tượng cao 145cm này, ông làm ngã bức tượng, lớp vỏ bên ngoài tượng vỡ ra, để lộ một tượng khác bằng vàng ròng. Ông đã trả lại bức tượng đó cho chùa và pho tượng vàng đó vẫn được giữ lại chùa đến hiện nay...




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100005.jpg
Pho tượng vàng sau khung kính – chắc sợ kẻ hoang đàng tôi đến gỡ một miếng chăng?!


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100001.jpg
Wat Pra That Chang Kham, 3 kiến trúc đa dạng hòa vào nhau.


Tuy ngôi chùa chính Wat Pra That Chang Kham được xây đi xây lại nhiều lần, nhưng tòa tháp chedi lớn phía sau chùa đã được gìn giữ từ thế kỷ XIV và rất dễ dàng nhận ra phong cách Sukhothai của tháp qua bầy voi quanh ngôi tháp, rất quen thuộc nếu bạn đã từng lang thang Sukhothai, Si Satchanalai hay Kamphengphet…



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100008.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100016-1.jpg
Tòa chedi phong cách Sukhothai.



Trong sớm mai thanh khiết, ở một miền đất có rất ít du khách chỉ đó đây vài người mộ đạo lặng lẽ,… lang thang trong ngôi chùa Wat Pra That Chang Kham, hương sứ bảng lảng dịu dàng, những thiện nam tín nữ với những nụ cười hiền hòa thân thiện, những câu chào êm ái… mới thấy mình đã quá may mắn lạc bước đến nơi này.



Từ Wat Pra That Chang Kham, tôi lang thang qua ngôi chùa nhỏ Wat Hua Khuang ngay gần đó. Ngôi chùa Wat Hua Khuang nhỏ nhắn xinh xắn này có một tòa chedi theo phong cách phối hợp giữa Lanna & Lanexang, còn ngôi nhà nguyện nhỏ bé bằng gỗ xinh xắn kế bên lại được xây dựng theo phong cách Luang Prabang… Bạn sẽ ngạc nhiên trước những kiến trúc đa phong cách này nhưng sẽ không có cảm giác xa lạ, vì ngôi chùa nhỏ xinh, những chú tiểu thân thiện, những sư thầy hiền hòa… sẽ làm bạn thấy như đang ở quê nhà yên bình ngày xưa.




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100040.jpg
Nhẹ nhàng Wat Hua Khuang


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100028.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100025.jpg
Sự pha hòa các phong cách Lanna, Lanexang, Luang Prabang… đẹp dịu dàng


___________________

Còn ít nhất 31 chương hồi nữa!

motdoidirong
15-07-2011, 13:04
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 70



Chia tay ngôi chùa nhỏ xinh Wat Hua Khuang, tôi đến viếng Wat Phumin, ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Nan, được xây dựng từ 1596, theo kiến trúc Thai Lue, được phục chế vào TK XIX. Ngôi chùa xưa này được xây “trên lưng” của 2 chú rắn thần Naga, Sở dĩ chúng ta có thể tưởng tượng vậy vì phần trước cổng chính là nửa thân trước của 2 chú, phần cửa sau là nửa thân sau của 2 chú, nên nhìn xa xa cứ như ngôi chùa nằm đè lên 2 chú Naga.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100044.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100066.jpg
Chùa ‘’đè’’ lên rắn.


Tuy nhiên, phong cách Thai Lue của ngôi chùa không nằm ở những họa tiết trang trí cầu kỳ tinh xảo bên ngoài, trên mỗi cửa chùa mà là nội thất sắc xảo bên trong. Đặc biệt là những pho tượng Phật mang những nét đặc trưng, mà lạ lùng thay bạn sẽ gặp rất nhiều ở những ngôi chùa ở Udomxay miền Bắc Lào… Thật lạ lùng là Nan đang nóng nung người nhưng khuôn viên bên ngoài các ngôi chùa, đặc biệt là quanh Wat Phumin cây cối lại cực kỳ xanh tốt, hoa lá tưng bừng khoe sắc phô hương, làm chùa đã đẹp càng thêm rạng ngời…



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100047.jpg
Bên trong chùa Wat Phumin.


Dường như đã ‘’bội thực’’ với chùa trong một buổi sáng, tôi bỏ phố, qua sông, lên rừng…. thì tôi cũng gặp lại một ngôi chùa, nhưng tôi lại sà ngay vào vì không khí rộn ràng nơi đây. Hôm nay là ngày ‘’tốt nghiệp’’ của các chú tiểu sau một tuần thọ giới, tập tành tu hành – ngày cuối của lễ hội Poi Sang Long ở chùa Wat Pra That Chae Haeng.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4100102.jpg
Lễ ‘’tốt nghiệp’’ Poi Sang Long ở chùa Wat Pra That Chae Haeng.


___________________

Còn ít nhất 30 chương hồi nữa!

motdoidirong
27-07-2011, 11:06
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 71




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4100085.jpg



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4100086.jpg
Ánh đạo ‘’vàng’’ ở ngôi chùa đẹp và linh thiêng Wat Pra That Chae Haeng



Tôi tự nhận thấy mình vô cùng may mắn, có chút duyên gì chăng, khi được dự buổi lễ ‘’tốt nghiệp’’ Poi Sang Long của các chú bé tu tập ở chùa Wat Pra That Chae Haeng. Tôi đã từng ngó nghiêng các buổi lễ xuống tóc của các chú, ở những miền đất khác, nhưng mải miết trượt dài trên đường, tôi không ở lại để đợi các chú xong khóa tu tập, thì đến đây, khi lon ton ra một ngôi chùa xa lắc xa lơ vùng ngoại ô thì gặp buổi lễ này. Trong khi đó, ở nội thành của Nan, những ngôi chùa lớn khác đều không có lễ này. Té ra, cả vùng Nan, chỉ có chùa Wat Pra That Chae Haeng, ngôi chùa được xây dựng từ năm 1.355, ngôi chùa linh thiêng nhất Nan này mới là nơi làm lễ Poi Sang Long cho các bé.




https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4100106.jpg
Khoe bằng với má.


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4100109.jpg
Khoe với khách lạ.


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4100113.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/P4100112.jpg
Chụp hình lưu niệm chia tay với huynh trưởng, bạn đồng môn (là bạn học chung một môn học – như định nghĩa của 1 nhơn vật cũng có tiếng tăm ở nước Nam mình đó, he he he…).



Đèn hoa rực rỡ trong chùa. Nhưng rạng rỡ hơn hết chính là gương mặt tự hào của những người thân đến xem, chờ các bé nhận bằng ‘’tốt nghiệp’’ và đón đứa con thơ lần đầu tiên xa nhà lâu đến vậy. Trong thời gian lang thang quanh chùa, tôi có nói chuyện với các phụ huynh ở đây. Một anh phụ huynh trẻ nói rằng, nếu sắp xếp được công việc, sang năm chính anh sẽ xuống tóc tu tập một thời gian, để trả nghĩa cho cha mẹ. Và anh cũng trả lời rằng, gia đình và nhất là công sở sẽ tạo điều kiện tối đa cho anh, không phải ngại gì đến chuyện công việc… Thật là đáng kinh ngạc về sự mộ đạo và nhiệt thành của người dân Thái.


___________________

Còn ít nhất 29 chương hồi nữa!

motdoidirong
01-08-2011, 10:56
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 72


Hạnh phúc khi chia sẻ sẽ được nhân lên. Nhiều, rất nhiều lần. Và trong một sáng tháng Tư trong trẻo, tôi đã được may mắn chia sẻ với nhiều những người bạn mới, nhiều em ngoan … trong ngôi chùa thiêng Wat Pra That Chae Haeng đẹp lộng lẫy giữa nắng xanh ngời.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4100122.jpg
Ngày vui Poi Sang Long, các bạn đều có má ba đến đón, sao em lủi thủi một mình? Mai này, đường đời có khép lại như những cánh cửa xám kia?


Rồi chia tay ngôi chùa, những người bạn mới, những em bé ngoan hiền, tôi lại một mình lang thang trên con đường trưa Nan nắng nồng nàn. Niềm vui trong lòng làm tôi thấy đất trời sao rực rỡ, thiên nhiên sao hiền hòa, con người nơi đây sao thân thiện. Những con phố cao nguyên trưa hun hút nằng, lộng lẫy những ngôi chùa Thái, Hoa, Miến… những hàng cây bò cạp nước vàng hoa lung linh, phượng vĩ đỏ rực rỡ, bằng lăng tím nồng nàn, trúc đào hồng kiêu hãnh… mê mải đuổi nhau chạy trong phố… và cả đóa sen tím cô đơn nhỏ nhoi bên chùa xưa màu thời gian đã xám… Nan của tôi sao đẹp và bình yên quá!!!




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4100141.jpg
Nan, những ngôi chùa xám đẹp trầm mặc…


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4100079.jpg
… bên những bảo tháp trắng tinh khôi…


Tôi về bên sông nắng. Một mình tôi, một trưa con sông Nan loáng nước, và nhiều những Singha thơm ngọt nồng nàn. Vì tôi đang chia tay Nan, vì chiều nay tôi phải đi, chiều nay tôi phải xa… Tôi đang mê mải đuổi theo mùa Song Kran miền Chiang Mai xa ngái. Nên thời gian của tôi nơi những miền Phrae, Nan, Lampang… chỉ như là hư ảo…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4100146.jpg
Nhớ Nan. Nhớ đóa sen tím buồn cô đơn bên chùa xám….



Mai này tôi về, những hư ảnh xưa có về cùng? Cơn mưa đầu mùa có cùng tôi về Nan ngày tháng Tư rực nắng, để trói chân tôi, bỏ lại một mình bên hiên ngôi bảo tàng vắng tanh… Ngoài kia, con đường giờ đã là sông. Dòng sông mưa rực rỡ những vàng bò cạp, đỏ phượng vĩ, tím bằng lăng…. Dòng sông hoa, dòng sông cầu vồng mê mải chảy về nơi cuối trời…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4100213.jpg
…nhớ cơn mưa đầu mùa trói chân khách giang hồ đang ngẩn ngơ bên dòng sông hoa rực rỡ…


Còn lại nơi đây một người. Chưa xa, đã rất nhớ…


Nan, bao giờ tôi về?


___________________

Còn ít nhất 28 chương hồi nữa!

motdoidirong
03-08-2011, 11:47
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 73


“Dzị hả, bữa ở Nan đó là ông đang ham dzui chạy lên miệt Chiang Mai ăn Tết Té Nước Song Kran hả. Xời ơi, tui mà như ông, ở lại Nan chơi cha nó cho rồi chứ lên Chiang Mai làm cái giống gì! Ông đi miết trển rồi mà! Mà tui còn nghe nói cái miệt Nan, Phrae này người ta ăn Song Kran kỳ lắm phải hông anh hai?”

“Ủa, sao mầy biết hay dzị? Dzạo này buồn chuyện hgia đình hay lên mạng đọc ké hả? Ừa, khác với những vùng khác, ăn Tết có 3 ngày, thì ở miệt này người ta ăn Tết Song Kran tới 6 ngày luôn. He he he, cỡ mày, lười như con đười ươi, qua đây ở chắc hạp. Nói nào ngày, bữa chia tay vùng này, tao có thề thốt là quay lại những ngày sau, nhưng lần nào cũng dzậy, nghe tiếng gọi Luang Prabang là chưa kịp ăn xong cái Tết Song Kran tao đã tất tả chạy qua Lào ăn Bun Pimai rồi! Thôi để bữa nào tao ráng ở đây ăn Tết đủ 6 ngày rồi về tao kể nghe hén!”



“Thôi đi cha nội! Ông mà ăn Tết ở đó 6 ngày chắc ông như miếng giẻ rách nhúng hèm rồi, còn kể cái gì nữa mà kể. Mà thôi, đi miệt nào khác chơi đi há. Đổi không khí cái đi!!! Nghe ông than thở thương nhớ miền quê hoài tui nản quá! Ông nói thiệt, có vùng nào ông đi qua xong rồi mà ông không thương không nhớ hông? Xạo xừ quá chừng trời luôn!!!”

“He he he, hiểu ai chẳng bằng bạn mình! Ok, thôi để tao dắt mày đi một miệt khác. Đi xong rồi, mầy sẽ biết là tao có thương có nhớ hay không hén!”



************************



Tôi đến thành phố cổ xưa nhất của miền Nam Thailand một buổi chiều nắng nóng. Phố xưa đến nỗi người ta chưa tìm ra nó có từ thời nào, chỉ biết rằng có một thời nó đã là kinh đô của một vương triều nhỏ, một trong nhiều vương triều ngày bán đảo Nam Thailand vẫn chưa quy về một mối.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220067.jpg
Tôi thích những kiến trúc “nhiều màu” nhưng sao thấy vẫn hài hòa…


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220029.jpg
…đến những sự tương phản giữa màu xám xưa cũ trên nền màu tươi mới của Nakhon Si Thamarat.


Ngơ ngác cõng balo lội bộ từ bến xe xa lắc xa lơ về đến phố, ngơ ngác giữa sự giao thoa của những kiến trúc lạ lẫm của phố bé như một con đường, dù đã từng là miền đất phồn thịnh nhất miền Nam Thailand, ngơ ngác giữa những tấm chân tình của bác xe ôm (dù tôi không đi xe bác), không biết tiếng Anh, dắt tôi vào tiệm thuốc nhờ cô dược sĩ vẽ đường, chỉ đường, giới thiệu nơi nghỉ ngơi cho tôi, rồi còn ra đường dõi mắt nhìn theo tôi đi… giữa những ngơ ngác, tôi ngạc nhiên vô cùng.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220087.jpg
Tôi yêu những hàng xoong nồi vàng sáng bóng, leng keng như tiếng chuông gió chiều Nakhon Si Thamarat lộng gió…


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220132.jpg
…và quán cóc bên thành xưa nghìn năm, dưới cổ thụ trăm tuổi - mà nhất định tôi sẽ la cà xà xớn ở đây!!!.


Người ta nói miền Nam Thailand bom rơi đạn lạc, người dân lạnh lùng, xa cách, kiến trúc chủ yếu Islam đơn điệu… mà sao Nakhon Si Thamarat lại khác đến vậy?


___________________

Còn ít nhất 27 chương hồi nữa!

motdoidirong
08-08-2011, 14:13
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 74


Nakhon Si Thamarat, thành phố thủ phủ của tỉnh cùng tên có một lịch sử khá phức tạp, và có một nền văn hóa, chắc nhờ vậy nên lại rất phong phú. Nằm ở bờ đông của bán đảo Thailand, Malaysia, ngay sát bên dưới tỉnh Surat Thani với các thiên đường du lịch đảo Koh Samui, Koh Pha Ngan,… lại rất gần bên kia bờ tây bán đảo Thái-Mã là miền địa đàng Phuket, Krabi,… rồi ngay bên dưới là các tỉnh Hồi giáo đặc trưng Songkhla, Pattani… Nakhon Si Thamarat cứ chơi vơi ở giữa, và văn hóa cảnh quan cũng lửng lơ đâu đó!!!




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220147.jpg
Tòa pilar của thành phố giữa ngày giông xám xịt…


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220104.jpg
…và không thể lẫn vào đâu ngôi chùa Tàu này.



Từng là thủ phủ của miền nam Thailand thời vương triều Siam trong thời gian dài, đến đây bạn có thể gặp những tường thành cổ theo phong cách Khmer (?!), rồi đến những ngôi chùa Siam, đến chùa Tàu đỏ rực, rồi những thánh đường Hồi giáo, những nhà thờ Công giáo… và lạ lùng thay, ngay giữa phố đông bạn vẫn có thể thấy bờ rào đá xám ngơ ngác nằm, như bị lạc từ cao nguyên đá Đồng Văn nước Việt sang vậy!!!



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220115.jpg
Và hàng rào đá đi lạc ra phố..



___________________

Còn ít nhất 26 chương hồi nữa!

motdoidirong
16-08-2011, 12:47
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 75



Nakhon Si Thamarat, yên bình vắng vẻ. Bom rơi đạn nổ thì đâu ở tỉnh giáp giới bên dưới Songkhla, dù ở đây vẫn có những nhà thờ Hồi Giáo lộng lẫy thanh vắng. Nơi những người dân mộ đạo vẫn cho kẻ ngoại đạo tôi vào trong lang thang, dòm ngó, chụp hình… dù điều này bị cấm kỵ ở hầu hết những nhà thờ Hồi giáo khác. Rồi những nhà chùa Phật giáo xưa lắc xưa lơ làm bằng gỗ mộc mạc càng làm tôn lên vẻ rực rỡ của những pho tượng vàng sáng rực rỡ bên trong…


Nhưng chưa bị cuốn hút bởi những vẻ đẹp tôn giáo của Nakhon Si Thamarat, tôi lại bị say bởi những nét duyên khác. Tôi như gặp lại nơi đây cuộc sống thanh bình ngày xưa…


Buổi sáng bên Hoa Coffee, nắng sớm xiên nhẹ qua lớp mành tre thưa, thưa đủ để lũ gió cũng theo vào, mang theo chút hương hoa quyện vào hương café, và cả hương dĩa bánh lọt càri, y chang như một buổi mai nào xưa lắm tôi lang thang miệt Chắc Cà Đao miền tây nước Nam mình…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220001.jpg


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220004.jpg
Buổi sáng. Nắng. Gió. Café. Dĩa bánh lọt… nhớ miền nam nước Nam.


Rồi những quán cây lá xanh tươi, hoa cỏ rực rỡ thật đẹp, nhưng rạng ngời nhất là pho tượng Phật đồng xám ngay bên con đường xanh đi vào. Tôn giáo ở đây đã hòa vào cuộc sống một cách hài hòa. Ngồi ở đây một trưa nắng, nếu nghe được bài tụng ca Om Mani Padme Hum êm êm thanh thoát trong nắng gió ngời ngời… chắc tôi dọn nhà về đây ở luôn quá!



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220092.jpg
Quán đẹp với Phật.


Rồi lang thang trong chợ, trên phố, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy những chiếc khuôn bánh bông lan, mà miền trung xứ nẫu còn gọi là bánh thuẫn. Đã lâu lắm rồi, đã bao mùa Tết qua rồi người dân thị thành từ nam chí trung (miền bắc tôi không rành) không còn tự làm loại bánh quê mộc mạc này nữa. Loại bánh mà ngày xưa được xem như là vũ khí để các cô các dì các chị các em thể hiện tài hoa của mình, qua những cái bánh nở bung 4 cánh vàng tươi thắm như hoa hay chỉ nhu nhú nứt hay cháy khét trẹt lét như đầu thầy chùa (sorry – nhưng ngày trước lũ con nít tôi hay gọi vậy!!!). Tôi vẫn nhớ mãi 2 thẩu bánh đẹp rực rỡ chưng trên bàn thờ ngày Tết, cùng với bình bông lay-ơn dung dị của ngày xưa… nhớ sao mà nhớ. Giờ, ngày Tết má tôi vẫn nhờ gửi mua từ quê một thẩu để cúng ông bà. Tuy kiêng ngọt đến mức café còn không bỏ đường, thi thoảng những sáng mùa xuân Sài Gòn tôi vẫn nhấm nháp chúng, bên ly café đen thật đắng, mà bánh thật ngọt… nghe những bài xuân ca rộn ràng, mới thấy ngày xưa nghèo thật khổ nhưng vẫn đẹp làm sao.




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P1220089.jpg
Những chiếc khuôn bánh gợi cả một trời nhớ!


Sao Nakhon Si Thamarat vẫn còn… mà quê mình đã vắng?

___________________

Còn ít nhất 25 chương hồi nữa!

duonggio
26-08-2011, 10:13
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 72



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4100146.jpg
Nhớ Nan. Nhớ đóa sen tím buồn cô đơn bên chùa xám….



Mai này tôi về, những hư ảnh xưa có về cùng? Cơn mưa đầu mùa có cùng tôi về Nan ngày tháng Tư rực nắng, để trói chân tôi, bỏ lại một mình bên hiên ngôi bảo tàng vắng tanh… Ngoài kia, con đường giờ đã là sông. Dòng sông mưa rực rỡ những vàng bò cạp, đỏ phượng vĩ, tím bằng lăng…. Dòng sông hoa, dòng sông cầu vồng mê mải chảy về nơi cuối trời…

___________________

Còn ít nhất 28 chương hồi nữa!

Sen bên Thái khác sen Việt Nam quá ha.

Mà anh nì, thích giọng miền Nam xả láng ấy. Thế mà lúc buồn cũng trầm lặng như người miền Bắc vậy.

motdoidirong
29-08-2011, 11:21
@duonggio, sen Thailand thì cũng giống sen Việt Nam thôi, có điều đây là sen kiểng, có rất nhiều giống rất lạ. Việt Nam giờ cũng nhiều loại sen này. Đọc comment của bạn thấy hơi mắc cười, bộ ‘’buồn trầm lặng’’ là ‘’độc quyền’’ thiệt hả bạn? :T

……………………



Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 76



Đa dạng về tôn giáo, nhưng khác với các tỉnh sâu hơn về phía nam, tôn giáo chính của Nakhon Si Thamarat vẫn là Phật giáo. Ngôi chùa Wat Pra Mahathat ở đây là ngôi chùa lớn nhất miền nam Thailand, và là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất Thailand, được xây dựng từ hơn 1.000 năm trước. Ngôi chùa này thường được ví von với Wat Pho hoành tráng ở Bangkok, tòa bảo tháp cao 78m của ngôi chùa này cũng lấp lánh vài trăm kg vàng y… Tuy nhiên, đến ngôi chùa này tôi không ấn tượng bởi tòa tháp vàng lóng lánh đó mà bởi những chiếc áo trắng nhẹ nhàng, của các em học sinh đi học tập, thăm viếng chùa… Màu áo trắng ngây thơ của các em, màu xám giản dị của những chedi vô danh nổi bật trên những sắc màu lộng lẫy đỏ vàng của ngôi chùa lớn… phối thành một bức tranh cuộc sống đẹp hiền. Tôi yêu những điều giản dị như vậy. Chỉ vậy thôi.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1220038.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1220077.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1220025.jpg
Những sắc màu Wat Pra Mahathat


Đi Thailand, điều tôi rất thích là những chương trình giáo dục về tôn giáo và lịch sử thông qua việc viếng thăm chùa chiền và các di tích lịch sử… mà hầu như tôi đều gặp ở khắp nơi nơi… Tôi không có khả năng giao tiếp với các bé, nhưng qua gương mặt thành kính, nét suy tư hay sự bỡ ngỡ pha lẫn chút nghịch ngợm khi nói câu chào Sawadee với khách lạ, tôi tin rằng tâm hồn các em đã được nuôi dưỡng những điều thiện, một cách dung dị không giáo điều, ngay từ lúc trang giấy trắng còn dễ hấp thu này. Trông người và ngẫm đến mình….



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1220059.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1220058.jpg
Thành kính và tự hào.


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P1220062.jpg
Bình yên sân chùa…



Lang thang trong ngôi chùa xưa yên bình, ngoài kia phố xanh bình yên,… chiều nay tôi nhớ chiều xưa Nakhon Si Thamarat...


___________________

Còn ít nhất 24 chương hồi nữa!

JinBui
17-09-2011, 17:06
bác motdoidirong đi đến Phimai bằng phương tiện gì thế?Từ Bangkok đến Nakhon Ratchasima đi về trong ngày được không ạ?Hay là em nên nghĩ đêm ở trung tâm của tỉnh Nakhon Ratchasima

LikeTheSun
25-09-2011, 15:09
Kính phục bác thật. Em ở bên này 4 năm rồi mà vẫn còn như mới, chưa đi được nhiều. Đọc bài của bác em cứ như ku ngố.
Cảm ơn bác.

Bạn Jin, từ BKK (Mỏchit) có xe đi Nakhon Ratchasima (hay còn gọi là Kò rạt) 24/24h, thời gian đi khoảng hơn 3h 1 chút.
Từ Kò rạt đi Phimai bus không có air-con (màu đỏ): khoảng 30 phút 1 chuyến giá vé 70TB
Thực ra Phimai ngắm chán cũng chỉ mất hơn 1h, nên 1 ngày đi về là thoải mái.

Mods có thể remove post này (may pen rai :D)

Phương Thu
26-10-2011, 10:31
bác sao có nhìu thời gian mà du hí thế? khi nào đi qua đây em xin bác ít kinh nghiệm bỏ túi nhé :) ngưỡng mộ quá, hí hí

motdoidirong
18-02-2012, 12:59
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 77


“Lâu quá đi đâu mất đất dzị anh hai? Trốn nợ bỏ xứ đi hả, hay tiền hết tình tan buồn quá đi tu, hay hết chuyện để 8 rồi nên im thin thít, lặn mất tăm luôn….?”. Nó lại làm cho tôi một chập, nhưng nghe sao ấm lòng quá! “He he he, ừa, cũng lâu thiệt há ku! Mới đó quay qua quay lại, dzậy mà mùa Songkran lại sắp tới rồi. Năm nay có tính qua bển ăn Tết té nước, ngắm người đẹp Chiangmai với anh hai mầy hông ku?”


“Ừ, chắc tui tính năm nay đi qua bển chơi cái Songkran coi thử xem sao chứ thấy anh hai mình nổ quá trời quá đất dzị ai mà chịu nổi? Nhưng mà hổng lý chỉ có ở Chiangmai là Songkran dzui dzẻ thôi hả ông, còn chỗ nào khác chơi Tết té nước nữa hông, cho nó lạ lạ cái coi!”. Nó lại theo bổn cũ, cứ được voi là “đòi Hai Bà Trưng”…


Ừ, mà đâu phải chỉ có Songkran ở Chiangmai đâu há!



* *
*


Ngày xuân muộn ở Maehongson


Tôi làm sao quên được những ngày đầu hè năm đó. Trong cái nóng nung người miền bắc Thái Lan, tôi mê mải trên những chuyến xe len lỏi qua những nương đồi đi tìm cái Songkran còn nhiều mộc mạc hồn nhiên nơi những miền quê xa đất lạ.


Songkran đâu chưa thấy, chỉ thấy đẹp và yên bình hiền hòa những miền đất xinh đẹp, dù tươi xanh bên những nương đồi, ven những triền sông còn xanh mướt hay héo úa vì những cánh rừng đã khô cháy ngày nắng tháng 4… vẫn ăm ắp đong đầy tình người. Songkran đâu chưa thấy, chỉ thấy những cuộc vui miên man cứ lôi kéo rủ rê bước chân phiêu bạt. Songkran đâu chưa thấy, chỉ biết buổi trưa trước ngày Songkran, trước khi chia tay miền đất quê cuối cùng để về Chiangmai, tôi đã lê lết từ bàn này sang bàn khác, từ bàn một người tôi ngồi sang bàn vài ba người, sang đến bàn hơn chục người,… từ hàng quán về đến nhà của những người thân vừa mới biết,…rồi chẳng còn nhớ nổi tại sao mình ra được bến xe, chẳng nhớ ai đã chở mình đến bến xe, ai đã mua vé,… chỉ biết lúc bác tài vỗ vai “đuổi cổ” tên khách cuối cùng xuống thì mình đã ở Chiangmai!!!



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3300104-1.jpg
Chia tay miền đất Mae Sariang tươi đẹp, nơi con sông Salawan còn hoang sơ luôn ríu rít những cánh cò, là biên giới tự nhiên giữa Thái – Miến….


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P3310167-1.jpg
…qua những nương đồi, những con đường đầu hạ đã hồng rực dã anh đào…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020053-1.jpg
…tôi về đến miền cao nguyên yên bình Maehongson xanh ngắt.


Trong những ngày vui đó, trong cái nóng đầu mùa hè đã chát chúa đó, tôi đã có những ngày lạc bước đến một miền đất mà mùa xuân vẫn còn nuối. Không chỉ vì cái lạnh miền cao nguyên như gợi nhớ mùa xuân, ở Maehongson những ngày đó, giữa những nương đồi những cánh rừng những con đường bạt ngàn dã anh đào hồng rực… khi đang ngơ ngáo quanh ngôi chùa xưa, bên sườn đồi cằn khô, tôi đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy gốc mai gầy guộc vẫn cố nở những đóa hoa vàng mong manh, như còn cố dâng hiến chút tình xuân muộn….



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020309-1.jpg
Nhìn xa, tôi cứ một loài hoa dại nào đó bên triền đồi…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020308-1.jpg
…để khi lại gần mới ngỡ ngàng khi thấy những cánh mai vàng muộn màng trên xứ khách quê người.



Rồi những ngày xuân muộn Maehongson, tôi đã vui say trượt dài từ lễ hội Poisanglong dành cho các bé trai của người Thái, những lễ hội vui trong trại tỵ nạn của người Karen (từ Burma), bản của người H’mong, người Hoa (tỵ nạn từ những năm 1949)… và cả những đêm vui không thể nhớ hết tại Maehongson.



___________________

Còn ít nhất 23 chương hồi nữa!

motdoidirong
20-02-2012, 11:27
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 78




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4020058-1.jpg
Maehongson, những mái chùa thanh thoát phong cách Miến Điện bên những bảo tháp vàng lung linh của người Thái…




Mùa xuân đó tôi ra đi khi trong khu vườn quê của tôi vẫn còn nở muộn những cánh mai vàng, như muốn níu kéo bước chân hoang. Miên man qua những miền đất rực rỡ những bò cạp nước vàng lộng lẫy, lũ bông giấy phô phang sặc sỡ những sắc màu như không có thật, những cánh phượng nở sớm đỏ rực một góc phố nắng… tôi đã quên mùa xuân, cho đến lúc tôi gặp Maehongson, gặp những cánh mai hoang dã rực sáng như những đốm lửa trong một buổi sớm sương mù giăng mắc mãi vấn víu trên phố cao nguyên…


Rồi những ngôi chùa lộng lẫy sắc màu, tíu tít những cờ hoa mừng ngày Poisanglong, chuẩn bị cho mùa Songkran sắp đến, những thôn làng rộn rã mùa vui… nên tôi đã dừng chân nơi đây Maehongson lâu hơn đã dự định, để gặp, để sống với một miền đất hiền mà tôi chắc chắn là tôi sẽ quay lại một ngày, không xa…


…………



Buổi sớm mai xuân muộn đất trời trong trẻo, núi rừng tinh khôi, tôi lang thang phố núi, thật sớm, để được đắm mình, thật sâu, trong thiên nhiên trong lành, đất trời tinh khôi,… để mong sẽ gột rửa bớt những bụi trần, những tâm sân, những lòng si,…



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010046-1.jpg
Tôi đi theo những người gánh lá lạ lùng….


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010051-1.jpg
…theo những chiếc gùi gùi lá, theo vào những cánh rừng hun hút…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010053-1.jpg
…để lạc bước đến khu tỵ nạn của người Miến Điện.



Tôi cứ đi miên man, tôi đi lang thang… Đi vô định, theo những con đường đẹp, theo những con đường rực rỡ dã anh đào,… Chợt thấy những người người gánh lá lạ lùng ven đường, tôi tìm theo, để lạc bước vào rừng xanh, quê xa,… Rồi thấy lòng chùng sâu khi bước qua chiếc cổng ọp ẹp của khu tỵ nạn của người Miến Điện ở ven một cánh rừng rậm rịt, mà không xa lắm bên kia là đất nước mà họ đã đớn đau từ bỏ ra đi để mong cầu một ngày mai tươi sáng hơn….




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010066-1.jpg
Để được đón nhận nụ cười chào “chúm chím” của bác gái người Karen, tuổi đã cao nhưng vẫn duyên dáng trong chiếc áo hồng tươi trẻ…
Bác này thuộc bộ tộc tai to (người mình ngày xưa hay nói “m… cà răng căng tai” – có lẽ cũng giống như vậy chăng).


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010095-1.jpg
…mải mê ngắm những cô em Karen cổ dài xinh đẹp


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010083-1.jpg
...và đến chơi nhà 2 mẹ con chú nhóc người Karen này.




Để buổi sáng hôm đó, để ngày dài hôm đó, tôi rẽ bước vào một cuộc phiêu lưu nhỏ - những cuộc phiêu lưu làm những cột mốc không thể quên được, cho những chuyến đi hoang của tôi…



* Có nhiều bản làng của người Karen Cổ dài gần Chiangmai, Pai… được chính quyền địa phương xây dựng như một điểm du lịch, với mục đích là để góp thêm chi phí, hỗ trợ những người dân tỵ nạn này (tôi có trao đổi với các bạn HDV người Thái – và tôi cũng đã có đi ngó nghiêng ở mấy chỗ khác), nhưng tuyệt nhiên không có chuyện chụp hình là phải trả tiền như một số báo đài nước nhà đã đưa tin (cho đến 2009 theo như tôi biết). Nhiều bạn than phiền về chuyện “thương mại hóa…”, nhưng hãy nghĩ về mình trước khi nghĩ về họ, hoàn cảnh của họ, những người dân tỵ nạn. Còn trong ngôi làng tỵ nạn này, vẫn có khu bán hàng lưu niệm cho khách nhưng rất mộc mạc, sơ sài. Khách du lịch cũng rất ít đến đây, đường khó đi cho xe 4 bánh. Bạn đừng đến đây sỗ sàng chụp vài tấm hình rồi về. Hãy ghé chân bên căn chòi nghèo, những mái lá đơn sơ, nở những nụ cười chào họ, trò chuyện với họ,… bạn sẽ được nồng nhiệt đón chào, dù bạn chẳng mua bán gì, sẽ được mời đến thăm những căn nhà nghèo nàn, rách vá… nhưng rất ấm nồng tình thân.



___________________

Còn ít nhất 22 chương hồi nữa!

adachichi
21-02-2012, 14:22
khi nào bạn đi nữa.. hú mình nha... thailan mình đi cả chục lần mà ít bit những chỗ như bạn.. ôi nhớ thailan

me_bush2013
21-02-2012, 16:14
Post Tiếp bài nữa đi... Bài hay quá cha nội ơii !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!=)):))

motdoidirong
23-02-2012, 10:05
Thanks các bạn adachihi, me_bush2013 đã đọc và chia sẻ. Mong sẽ được tiếp tục “gặp” các bạn!

------------------------------------------------------------------


Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 79



“Chèn đét quỷ thần ơi, ông lặn lội đi đâu mà chui vô cái hóc bà tó xó xỉnh nào lạ hươ lạ hoắc đó dzị! Tui trước giờ có nghe nói người cổ dài mà giờ mới thấy. Cũng ngộ quá hén! Mà ở đó còn có người “tai to” gì gì nữa đó hả… Mà ông có thấy gì hay hay hơn nữa hông, chứ chụp mấy cái hình đó rồi dzìa thì tui thấy ông cũng hơi “sỗ sàng” đó!”. He he he, lâu lâu cứ bị chú em chơi cú hồi mã thương, may mà biết trước nó lâu rồi chứ không cũng ngã chỏng vó!

“Người Cổ dài đó hay hông? Hay hả! Vậy mầy coi ông anh mầy cổ có dài không há…”.

Rồi nó trợn tráo con mắt nhìn thấy một giống người Cổ dài mới. He he he….



* *
*


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010200-1.jpg
Người Cổ dài gốc Kinh motdoidirong đây!


Cớ sự cho cuộc “phiêu lưu” nhỏ của tôi bắt đầu từ việc lê la trong xóm và bắt chuyện với cậu nhóc Karen có tên La Guie (hình chụp với mẹ ở trên). Cậu là một trong số ít người nói chuyện bằng tiếng Anh tốt ở đây. Cậu đã tốt nghiệp Trung học, trong thời gian chờ đợi việc xin được ra ngoài học tiếp hay không cậu giúp việc cho các dự án cộng đồng của khu tỵ nạn. Nói chuyện ngoài đường một hồi cậu nhóc dắt tôi đi ngó nghiêng khắp nơi trong xóm, trước khi dẫn tôi về nhà để xin phép mẹ cậu cho đi chơi với tôi – bắt đầu chuyến phiêu lưu nhỏ mà mãi đến giờ tôi vẫn không biết là tại sao mình đã quyết định như vậy.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010068-1.jpg
Ngôi nhà thờ xác xơ và buồn lặng…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010075-1.jpg
…bên cạnh góc tâm linh xưa cũ của bản làng…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010073-1.jpg
Phòng Ban giám hiệu (!?) trường học này so với những ngôi trường ở vùng cao nước Nam này thì sao há?


Số là những người dân trong bản tỵ nạn không được phép tự ý ra ngoài. Mỗi khi có việc cần kíp họ phải xin phép, có giấy phép của cảnh sát quản lý mới được đi. Hôm đó, trong lúc nói chuyện, hỏi thăm về dự định kế tiếp trong ngày của tôi… nghe cách cậu nói chuyện và nhìn vào ánh mắt cậu, tôi nghĩ rằng cậu rất muốn ra ngoài, rất muốn đi cùng tôi đến một ngôi làng, ngày trước cũng là của những người Hoa kiều tỵ nạn, nhưng bây giờ đã thành người bản xứ, chỉ cách chỗ ở của cậu vài mươi cây số mà cậu chưa bao giờ đặt chân tới dù đã ở đây bao nhiêu năm. Nghe cậu nhóc thở dài buồn bã khi tôi hỏi đã bao lâu rồi cậu mới được ra phố, tự nhiên tôi buộc miệng “Có muốn đi ra ngoài chơi hôm nay hay không?”. Ngỡ ngàng, cậu hỏi lại, rồi hỏi lại lần nữa “Nhưng mà em chưa xin giấy phép làm sao đi!”. Chẳng hiểu sao tôi nói đại luôn, “Thì cứ đi đại đi chắc không sao đâu”!



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010092-1.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010097-1.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/P4010100-1.jpg
Trẻ con, dù có bé cười vui với khách, nhưng những ánh mắt sao buồn!



Nói thì nói vậy, nhưng khi chở cậu chạy xe gần tới chốt cảnh sát biên phòng khi từ làng ra ngoài đường cái, tim tôi bắt đầu đập thình thịch, tay lái bắt đầu lạng quạng… và tôi bắt đầu lâm râm khấn vái.


___________________

Còn ít nhất 21 chương hồi nữa!

yuyukankan
03-03-2012, 22:02
Ôi, nhớ Thái Lan quá. Bài viết của bạn hay quá, làm mình nhớ quá đi thôi.

Chitto
05-03-2012, 14:47
Tiếp câu chuyện với cậu trai Karen đi bác, đang hay mà.

motdoidirong
13-03-2012, 14:09
@ Chitto, thường những câu chuyện như vậy hay bị “treo đầu dê bán thịt chó” lắm!!! Do vậy, tôi đang chuẩn bị hứng đá đây.
_____________



Miền đất Maehongson này dù không tao loạn như miền Nam Thailand nhưng vẫn chưa bình yên. Có rất nhiều toán quân, trạm gác trên đường. Có 2 lý do chính. Biên giới Thái-Miến không xa, đôi lúc chỉ là dòng sông Salawan dễ dàng lội qua ở những khúc sông hẹp, có nhiều người Burma sang tỵ nạn bên Thái, nên chính quyền Thái phải kiểm soát chặt chẽ. Thứ nữa, miền đất này cũng là một điểm nằm trên con đường đi của hoa anh túc, do vậy việc tăng cường kiểm soát là đương nhiên.


Và tôi, buổi chiều hôm qua cũng đã bị các anh lính biên phòng chặn xe lại khi thấy tôi lẩn quẩn ở một vùng ngoại ô Maehongson khi đang tìm đến ngôi làng sẽ tổ chức lễ hội Poisanglong (theo tin từ anh tourguide trong phố). Vì tìm không ra ngôi làng đó nên tôi cứ vòng xe đi vòng xe lại, thế là bị chận lại. Nhưng những người lính này mới dễ thương làm sao. Trao đổi kém, một anh lính vào trong đồn lấy ra một cuốn tự điển Anh-Thái anh đang học để trao đổi với tôi. Khi biết tôi đang tìm kiếm gì, anh và các bạn gọi điện thoại hỏi han lung tung và cuối cùng nguệch ngoạc ghi, vẽ ra cho tôi tên, cách đi đến ngôi làng có tổ chức lễ hội Poisanglong vào ngày mốt (đó là lý do hôm nay tôi rảnh, lang thang vào làng long-neck này). Bắt tay bắt chân các anh lính trẻ, cảm ơn tíu tít tôi mới chạy về Maegongson.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4010145-1.jpg
“Bạn đồng hành” hiếm hoi người Karen của tôi.


Do vậy, khi đi với chú nhóc này, lỡ mấy anh lính trẻ nào chận lại hỏi han thì chắc tôi tiêu đời quá. Dù mấy anh lính dó có dễ thương đến mấy mà tôi phạm luật, ở vùng nhạy cảm này đương nhiên là sẽ bị xử thôi. Nhất là tôi và chú nhóc đang chạy ngược về biên giới, nơi có ngôi làng Ban Rak Thai (Thai Loving Village), ngôi làng của những chiến binh Quốc Dân Đảng tỵ nạn, từ những năm 1949, khi Trung Cộng chiến thắng ở Hoa lục.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4010132-1.jpg
Đèn lồng đỏ treo cao ở Maehongson.



Nhưng ơn trời, rồi!!! cuối cùng mọi chuyện bình yên.



(Sorry nếu làm mọi người mất hứng vì câu chuyện đầu voi đuôi chuột này!!!)


___________________

Còn ít nhất 20 chương hồi nữa!

motdoidirong
26-03-2012, 22:01
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 81



“Thấy chưa cha nội! Mới cưa bom một cái mà đã bị văng miểng chạy mất dép, bữa giờ hổng thấy tăm hơi đâu hết luôn. Biết dzậy mai mốt bớt giỡn nghe đạiK!” Thở hắt một cái lấy hơi, nó lại tiếp “Nhưng mà thôi, đời người ai hổng có lỡ lầm hén! Coi như anh hai mình trẻ người non dạ, lâu lâu ham nghe tiếng nổ, cưa bom một cái chơi dzị đó mà! May mà bom cà xịt cà đụi! Thôi, bỏ qua đi hén, tiếp chuyện khác đi anh hai!”…. “Ê ku, cha tao hả mậy! Một vừa hai phải thôi chớ! Bữa giờ anh hai mày vắng bóng giang hồ có phải như mầy nghĩ đâu ku! Anh mầy đang lang thang đến một miền đất mới bên Thái, hay quá chừng trời luôn, chớ có nào như mầy hồ đồ nghĩ, ku em!”


“Xạo vừa anh hai! Thailand mà ông còn nói miền đất nào mới nữa, anh em ở đây người ta cười cho tắt bếp luôn. Lúc đó, hổng biết cắt cái mặt quăng đâu nữa à nghen!”. Nó lại vậy, cứ mỗi lần muốn biết lại cứ lôi chuyện người chuyện đời ra bảo kê! "Hổng tin hả, nghe anh hai hỏi vài câu hén! Mầy mà biết, tao chết liền!"



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7712-1.jpg
“Mầy đừng có nói không biết Siam là ở đâu nghen ku!”



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7530-1.jpg
“Vậy, có muốn là người đón bình minh sớm nhất xứ đó hông?!”


Vậy, ku em có biết nơi nào trên đất Thái sẽ đón bình minh đầu tiên hông?” Im thin thít!



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7545-1.jpg
“Hay là người ngắm hoàng hôn sớm nhất xứ đó? Chịu luôn hả?”




“Vậy ku em có biết nơi nào trên đất Thái sẽ đón hoàng hôn đầu tiên hông?” Lặn mất tăm.…



“Ca bài “Em nào biết, em nào có hay” đi ku!” Trước khi anh hai mầy đưa ku em đến đó, tặng ku em mầy một tấm hình, ở miền đất đó, để mầy có phút tĩnh tâm ngắm súng tím mong manh, trong nắng sớm, bên chùa xưa, để lòng bớt sân si đi ku há!”



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7294-1.jpg
Tôi đến ngôi chùa này từ lúc nắng chưa ấp ôm những bông súng mong manh. Và tôi chờ nắng lên,.. May mà nắng đã lên!!!



***


Sao tôi lại đến miền đất này quá trễ tràng như vậy, để một mai nắng tháng ba ngỡ ngàng nhìn bóng nắng trên dáng hoa hao gầy, trên mái chùa lóng lánh, mới thấy mình gặp lại mình, ở những ngày đầu cất bước ra đi…


___________________

Còn ít nhất 19 chương hồi nữa!

langtuphongtran
27-03-2012, 08:48
Rất ngưởng mộ bác chủ thớt qua bài viết súc tích , nhẹ nhàng và ý nhị .

motdoidirong
03-04-2012, 12:08
@langtuphongtran, cảm ơn bạn đã chia sẻ!

------------------------------------------------------



Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 82



Những ngày đầu cất bước ra đi, tôi đã đến rìa của miền đất này một lần. Trượt dài theo những chuyến đi xa ham hố, những sân si kiếm tìm những miền đất lạ,… tôi vẫn nhủ lòng sẽ có một ngày quay lại, nhưng bao năm rồi tôi mới về đây.


Cảm xúc lại dâng tràn, như những ngày mới đến Thailand. Bầu trời xanh trong, những ngôi chùa rạng rỡ trong nắng, cả trong những cơn mưa mây chợt vội vã về ngang phố chiều. Vẫn những nụ cười chân chất, những câu chào sawadee ấm áp của những người dân lành mến khách, ở một miền đất vẫn còn vắng bóng khách du.


Như một cơ duyên, tôi đến một miền đất này vì một lý do khác. Đến đây, không chỉ mê mải với những di tích đã 3.000 năm tuổi của người xưa, tôi lại gặp thêm quá nhiều những điều thú vị khác – những con sông đẹp lạ. Những con sông ngày nắng tháng 3 ánh lên những màu xanh diệu kỳ, những con sông tôi ngồi chờ những chuyến đò ngang, thuyền dọc,… chợt nhớ sao khắc khoải tiếng ai gọi đò ơi….



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7595-1.jpg
Tôi yêu con sông xanh màu chàm vấn vương của rừng núi đại ngàn này,…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7602-1.jpg
… hay trót nặng lòng với dòng xanh biêng biếc kia,…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7582-1.jpg
… hay nơi dòng sông lạ rực lên 2 sắc màu…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7867-1.jpg
Chỉ biết buổi đó, trên dòng sông đó với hoàng hôn đó…. tôi đã rơi rớt một mảnh hồn lênh đênh trên con sông này.




Để một đêm say một mình trong phố vắng, để một chiều chuếnh choáng trên chiếc chòi tranh cô đơn chập chờn giữa con sông vàng nắng hoàng hôn, tôi mới hay mình đã bỏ lỡ biết bao điều…


___________________

Còn ít nhất 18 chương hồi nữa!

motdoidirong
06-04-2012, 12:14
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 83



Ubon, những ngày nắng tháng 3.



Tôi đến Ubon những ngày tháng 3 nắng nóng. Thành phố không có sự phồn thịnh tấp nập như các thành phố lớn khác của Thái Lan mà mang dáng dấp những phố cũ Việt Nam ngày trước. Có khác chăng là gần 30 ngôi chùa lớn nhỏ cũ mới lấp lánh trong phố. Thành phố không có nhiều khách du lịch. Dù có thể thấy nhiều Tây Tàu ở bến xe, nhưng hầu hết họ chỉ transit từ chuyến xe Pakse, Lào sang đây, chờ nối chuyến đến những miền đất danh tiếng khác của Thái Lan. Từ một Sài Gòn đông đúc bức bối, vật giá những ngày này vật giá leo thang đắt đỏ, cuộc sống nhiều bức xúc,… đến đây, nhẹ nhàng sống những ngày bình yên, thấy lòng thật bình yên…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7821-1.jpg
Thư viện gỗ xưa cũ, mang nét đặc trưng của kiến trúc Isan, trong ngôi chùa Wat Thung Si Meuang, đã gần 200 năm tuổi.


Tôi cũng từ Pakse sang. Từ nơi dòng Mekong trải rộng nhất, mênh mang đến 14km ở miền sông nước 4.000 đảo Siphandon, tôi muốn tìm đến nơi dòng sông thu hẹp nhất trong hành trình đăng đẵng của mình, chỉ 56m. Tôi cũng muốn tìm đến nơi người ta đã tìm thấy những bức tranh được người xưa vẽ từ 3.000-4.000 năm trước, trên những vách đá nhìn xuống dòng Mekong xanh bên dưới. Tôi cũng muốn tìm đến vùng Tam Giác Ngọc, mệnh danh của vùng ngã 3 biên giới Thái-Kam-Lào. Tôi cũng muốn tìm đến nơi dòng Mekong có một tên lạ, Mae Nam Song Si, Dòng sông hai màu. Tôi cũng muốn tìm đến vách đá cực đông của Vương quốc Siam, nơi đón những tia nắng bình minh sớm nhất đất nước của những nụ cười, cũng là nơi chia tay những tia hoàng hôn sớm nhất. Tôi muốn… Tôi muốn… Tôi muốn… Để rồi tự hỏi mình, sao giờ tôi mới đến đây, miền đất hiền và đẹp này.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7390-1.jpg
Wat Prathat Nong Bua lộng lẫy trong nắng trưa – có gợi nhớ bạn một Đại Giác Ngộ Tự ở Ấn Độ xa lắm?


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7916-1.jpg
Wat Tai trong nắng mai sớm



Nằm trong vùng Isan, miền đất này ảnh hưởng bởi văn hóa Khmer từ ngày Đế chế hùng mạnh này hùng cứ ở đây, sau đó là đến Vương triều Ayutthaya, rồi Vương triều Lane Xang, Vương triều Champasak, Ubon ảnh hưởng văn hóa Lào nhiều hơn là Thái. Thêm nữa, một làn sóng những người Việt di dân hơn nửa thế kỷ trước đến đây, mang theo một chút hương vị Việt, để khi lang thang trên phố, du khách có thể mỉm cười khi thấy tấm bảng hiệu Bánh Mì bên cạnh tiếng Thái. Hay khi lang thang vào ngôi chùa Wat Tai lộng lẫy, ngay sau cổng chính hướng đông, bạn sẽ lặng người khi thấy tấm bia ghi tên 2 người Việt, một người quê quán Ninh Bình đã mất từ năm 1957!



___________________

Còn ít nhất 17 chương hồi nữa!

Kurt Never Dies
08-04-2012, 21:01
Đất nước của những nụ cười... :). Tớ cũng đã rớt một mảnh hồn nơi đây

motdoidirong
09-04-2012, 11:53
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 84




https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7301-1.jpg
Nến Tạ Ơn ở Ubon



Tôi đến Ubon buổi đêm. Trời se lạnh. Sáng sớm hôm sau, trời cũng se se lạnh, nên tôi định sẽ đạp xe thong dong trong phố một ngày, ngày mai mới thuê xe máy chạy đi Phibun, Khong Chiam… Nào ngờ, trời sáng lạnh vậy, gió nhẹ vậy mà chỉ hơn 10g là đã đổ lửa xuống Ubon. Trời nóng kinh hoàng, dù làm cho những khuôn hình càng lộng lẫy, nên tôi đâm nhác. Nên tôi thay đổi ý định. Trả xe, trả phòng, trả Ubon cho cái nắng tháng 3, kiếm đường đi Khong Chiam vì tôi sợ rằng mình sẽ lăn đùng ra nếu vẫn còn tiếp tục lóc cóc đạp xe trong cái nóng kinh hoàng này, và việc chạy xe máy đến Khong Chiam rồi về trong ngày sẽ không hấp dẫn bằng việc ở lại đó.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7308-1.jpg
Độc đáo chiếc chuông gỗ trong chùa Wat Supat, chiếc chuông gỗ lớn nhất Thailand.


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7303-1.jpg
Ngôi chùa Wat Supataranam với kiến trúc tổng hợp Thái-Kam-Châu Âu (mái-xây dựng-cổng).


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7354-1.jpg
Lộng lẫy ngôi chùa cao 56m Wat Pra That Nong Bu



Dù chỉ lang thang nội đô Ubon trong nửa buổi sáng ngắn ngủi và lười nhác, tôi rất ngỡ ngàng vì những nét đẹp dù có chút vàng son lấp lánh hay đã phai màu xưa cũ của thành phố ven con sông Nam Mun êm trôi này. Nhất định tôi sẽ quay lại vì tôi vẫn chưa ngang qua chiếc cầu tre tôi đã thấy xa xa cuối phố, nhất định tôi sẽ quay về để lang thang những ngôi chùa đẹp im bóng bên những con đường vắng đến lạ lùng, bên những hàng bò cạp nước vàng nở rực rỡ những ngày tháng 3 nắng vàng Ubon này…



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7322-1.jpg


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/DSCN7325-1.jpg
Trong khuôn viên ngôi chùa 200 năm tuổi Wat Thung Si Meuang



Chia sẻ thêm tý thông tin, để hiểu thêm tại sao du khách đến Thái Lan thường quay lại hơn là ra đi không hẹn ngày về. Sáng, tôi theo LP và theo chỉ dẫn của anh tiếp tân ra đến Ubon Rental Cycle (115 Si Narong St) dự định thuê xe máy. Khi biết rằng tôi đến sai chỗ, vì chỗ anh chỉ có cho thuê xe đạp, anh chủ cho tôi mấy cái bản đồ, ghi tên của cửa hàng cho thuê xe máy lên đó... Rồi khi tôi hỏi thêm cách nào đi đến nơi đó tiện nhất, anh bỏ cửa hàng dắt tôi ra góc đường chờ anh xe ôm về để nói anh kia chở tôi đến đó. Ngồi chờ một lúc, tôi đổi ý, muốn đạp xe Ubon lòng vòng hôm nay, lang thang xe máy ngày mai, nên nói lại với anh và cùng anh quay về lấy xe đạp. Như thường lệ, tôi trả tiền thuê xe cho ngày hôm đó, rồi dắt xe đi, không để lại một thứ giấy tờ nào khác. Trưa về, đổi ý muốn đi Khong Chiam luôn, nên tôi đến trả xe. Dựng xe trước cửa hàng, vào trong gặp anh, nói trả xe vì đổi ý, rồi tôi đi. Anh kêu tôi lại. Ngỡ rằng để chờ anh kiểm tra xe có hư hỏng gì không… nên tôi quay lại, nào ngờ anh vào trong lấy, trả lại tôi phân nửa số tiền hôm sáng. Rồi anh đi cùng tôi ra đến góc đường, chỉ cho tôi tuyến xe song-thẻo số mấy sẽ chạy ra bến xe để đi Khong Chiam. Rồi tôi đi, quay lại vẫn thấy anh đứng nhìn!


Hôm tôi quay lại Ubon tôi không gặp anh, không phải vì tôi không muốn thuê xe đạp của anh nữa mà vì hôm đó Chủ Nhật, anh đóng cửa. Nhưng tôi biết ngày nào trở lại Ubon, tôi sẽ đến chào anh. Nhất định!


___________________

Còn ít nhất 16 chương hồi nữa!

motdoidirong
11-04-2012, 11:02
Ubon những ngày nắng tháng 3 – Những màu xanh Khong Chiam



Như nhiều người con đất Việt, tôi luôn mê đắm với dòng Mekong và những gì liên quan đến sông mẹ. Nên hôm nay, tôi đến Khong Chiam như lời tạ lỗi muộn màng cùng sông mẹ Mekong.


Trong hơn 4.500km theo suốt chiều dài của mình từ cao nguyên Thanh Tạng huyền hoặc xa ngái đổ về Biển Đông, 1/3 dòng Mekong êm trôi trên đất Thailand. Tôi đã đến Sop Ruak, còn được nhiều người biết đến với cái tên lẫy lừng Tam Giác Vàng, nơi dòng Mekong từ xứ Miến đổ vào đất Thái, vài lần. Từ Sop Ruak dòng Mekong đang là biên giới Thái – Lào đến Chiang Kham bỗng bỏ đất Thái, chạy sâu tít tắp vào xứ Ai Lao, để rồi lại hiện ra mênh mang ở Chiang Khan.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/P1070876.jpg
Chiang Khan, nơi dòng Mekong từ nghìn trùng rừng sâu Ai Lao bỗng thênh thang bên phố cũ vườn xưa.
Tôi nhớ chiều ấy, buổi chiều những cánh cò mong manh nhỏ nhoi đã cõng hồn lạc loài tôi về nơi nao?


Tôi cũng đã đến Chiang Khan, miền đất hiền để thương để nhớ cho ai một lần lỡ đến, đã mê đắm với những đàn cò trắng dập dìu trên sông Mekong những chiều nhuộm tím ánh hoàng hôn. Nhưng đến giờ, tôi mới đến được Khong Chiam, nơi con sông Mekong chia xa đất Thái, mở lòng mêng mang nơi miền Siphandon, nơi dòng sông rộng nhất trên đường thiên lý của mình, trên đất nước Triệu Voi, trước khi tan thành nghìn, thành nghìn những dòng nhỏ đổ xuống con thác hùng vĩ Khon Phapheng xuôi về đất Cam Bốt, xuôi về nam, về miền Cửu Long đất Việt. Vậy mà tôi chưa một lần đến Khong Chiam, dù tôi đã mấy lần ghé xứ sở 4.000 đảo Siphandon, ghé Pakse cách Khong Chiam đâu hơn trăm cây số… Nên, việc đầu tiên tôi đến Khong Chiam, quăng đồ vào phòng, không check-in, là vội chạy ra dòng Mekong, khi nắng chiều vừa buông lơi những ngón tay vàng mềm mại khỏi dòng sông đang chới với những cánh cò cánh vạc cuối cùng.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7602-2.jpg
Mekong xanh biếc (bên trái), Mun xanh lá (bên phải) gặp nhau nơi Khong Chiam, nơi con sông có tên Mae Nam Song Si.



Và, tôi cũng đến nơi dòng sông dài nhất Thailand, Nam Mekong, sẽ nhận thêm nước từ con sông dài thứ thứ nhì đất nước của những nụ cười, dòng Nam Mun. Để dòng Mekong bây giờ có tên là Dòng sông hai màu, Mae Nam Song Si, một dòng sông lạ và tuyệt đẹp, nhất là vào những ngày mưa lũ, dòng Mekong trĩu nặng phù sa đã chuyển màu còn sông Mun vẫn xanh thủy chung màu lá!


___________________

Còn ít nhất 14 chương hồi nữa!

motdoidirong
13-04-2012, 11:18
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 87



Rất ngạc nhiên, Khong Chiam, hoặc viết theo cách khác là Khong Jiam, là một điểm đến mới được bổ sung vào Thailand LP 2009 – cho dù nó được một số guidebook khác đề cập đến từ rất lâu. Nhưng khác hẳn với Chiang Khan tấp nập người đi kẻ đến, cứ mỗi 20 phút có một chuyến xe bus/song-thẻo đi về từ Loei,… Khong Chiam vắng tênh, thênh thang nắng, mênh mang gió. Mỗi ngày chỉ có 1 chuyến xe bus từ Ubon đến đây. Ngược lại thì có 2 chuyến bus từ đây về Ubon, nhưng trong đó một chuyến chỉ trung chuyển khách đến Phibun rồi thôi. Và, như những miền đất sống chậm khác, ngày CN thì chỉ còn một chuyến xe về Ubon mà thôi. Do vậy, nơi đây thật sự là miền đất hứa cho những ai yêu thích một cuộc sống bình yên, để chiều xanh lững thững bên những dòng sông xanh, những đêm yên một mình trong phố vắng tênh, lặng yên đến mức có thể nghe tiếng sóng sông vỗ về từ sông đêm xa lắc ngoài kia…



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7428-1.jpg
Sao Chaliang, những tác phẩm hơn 180 triệu năm tuổi của thiên nhiên…


Khong Chiam ngoài Dòng sông 2 màu, còn nằm gần rất nhiều các điểm đến thú vị khác, chưa kể là chỉ lên đò sang sông là bạn đã sang đến đất Lào bên kia! Trước khi giới thiệu đến những kỳ thú ở Khong Chiam và gần đó, đặc biệt như bức tranh tường hơn 3 thiên niên kỷ tuổi tác, được các nhà quản lý lạc quan ban tặng cho danh hiệu bức tranh tường cổ xưa dài nhất thế giới Pha Taem,… xin chia sẻ một tác phẩm của thiên nhiên, của trời, của đất, của gió, của mưa,… đã có hơn 180 triệu năm tuổi, đã cùng sống với các chú khủng long một thời oanh liệt xa xưa nhé!



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7438-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7432-1.jpg
… giữa đất trời Pha Taem.


___________________

Còn ít nhất 13 chương hồi nữa!

iutham
15-04-2012, 10:02
Em cũng mới qua Thái Lan về, nhưng chỉ đi được Bangkok, dạo dạo mấy khu trung tâm mua sắm thôi, chưa có dịp đi các tỉnh khác.

motdoidirong
23-04-2012, 13:51
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 88



Sao Chaliang là 1 trong 7 nhóm thắng cảnh được giới thiệu của Khong Chiam, rừng quốc gia Pha Taem và khu vực lân cận. Có điều hơi tiếc là bạn khó có thể thăm viếng tất cả các điểm đến đó nếu chỉ đến đây một lần, vì chúng còn phụ thuộc vào mùa. Như những đồng hoa dại, được cho là mênh mang, đẹp nhất Thái Lan chỉ rộ vào khoảng giêng hai,...



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7447-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7445-1.jpg
Các nấm đá Sao Chaliang.


Cũng không cần quá tham lam như vậy, vì mùa nào, miền ngã 3 biên giới, miền Tam Giác Ngọc, Emerald Triangle này cũng còn rất nhiều điều kỳ thú, lôi cuốn, hấp dẫn khác.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7453-1.jpg
Một điểm “lạ” khác, nơi hoàng hôn bỏ đất Thái mà đi sớm nhất.


Nhưng, điểm lôi cuốn du khách yêu thích những giá trị xưa cũ là những tranh tường Pha Taem, đã hơn 3.000 năm tuổi trên các vách đá lộ thiên, nhìn xuống dòng Mekong đang mềm mại uốn khúc ngoài xa kia.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7484-1.jpg
Tranh tường Pha Taem đã hơn 3.000 năm tuổi.


___________________

Còn ít nhất 12 chương hồi nữa!

motdoidirong
11-05-2012, 14:35
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 89


Phataem là niềm tự hào của người miền Isan. Không quá cổ xưa và được đưa vào Di sản Unesco như Ban Chiang, miền bắc Thailand, Phataem cũng đã hơn 3.000 năm tuổi. Người ta cũng chẳng hiểu tại sao những tranh tường vẽ trên vách đá, chứ không sâu trong hang động, phơi mặt với nắng, với gió… vẫn có thể tồn tại từ đó đến giờ.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7471-1.jpg
Đường đi một mình tôi lầm lũi, nếu không có những tấm bảng hướng dẫn chắc tôi cũng không biết ngay trên đầu mình là những tranh vẽ đã 3 thiên niên kỷ tuổi tác.


Mà nhất là những hình ảnh sống động, từ việc mô tả những loài cá nước ngọt khổng lồ trên dòng Mekong, đến cách đánh cá bằng cái vó to đùng của người dân miền này,… có trong những bức tranh của 3.000 năm trước, giờ vẫn còn rờ rỡ trên vách đá nơi đây.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7492-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7481-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7480-1.jpg
Bạn có nhận ra những chú rùa, chú voi, cá trê nước ngọt khổng lồ…


Rất ít khách đi hết vòng cung để thăm 4 vách đá này, vì hết một vòng là hơn 4km theo những con đường lên lên xuống xuống men theo vách núi Phataem, nhìn xuống đồng bằng phù sa sông Mekong xanh tươi và cả dòng Mekong đang lấp lánh, lượn lờ ngoài kia! Nhất là ở miền đá núi nóng nung người này!



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7516-1.jpg
Dòng Mekong bên dưới như phần thưởng thêm cho người chịu khó.


Nhưng hôm đó, tôi đã ráng lê thân đi hết cung đường Phataem, để khi lên đến đỉnh, tựa người vào chiếc nấm đá, ngắm dòng Mekong xanh lờ lững bên dưới đang gửi hơi nước mát cho đám gió mang lên, mọi mệt nhọc như tan biến!

___________________

Còn ít nhất 11 chương hồi nữa!

motdoidirong
17-05-2012, 10:44
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 90


Pha Taem còn có nhiều thắng cảnh khác như những cánh đồng hoa dại mênh mang, nhưng chỉ rộ nở từ tháng 12 đến tháng 2, khi xuân về trên miền rừng nhiệt đới này. Pha Taem còn có những con thác đẹp, nhưng chỉ đẹp vào mùa mưa nhiều, tháng 7, 8… Pha Taem còn có,… còn có… nhiều lắm. Nhưng tôi đến vào những ngày nắng tháng 3 nên đành chia tay Pa Taem để đến Kaeng Tana, một khu vườn quốc gia khác cũng gần Khong Jiam, nơi có chiếc cầu treo dài nhất Thái Lan – những cái gì có chữ “nhất” thì nên đưa vào bộ sưu tập bạn há.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/DSCN7562-1.jpg
Thác Soei Sawan nổi tiếng mùa khô giờ nước loe hoe như bò đái (quê tui hay nói dzị) vậy cà!


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/DSCN7563-1.jpg
Ở quanh vùng này, triền sông có những hốc đá nhỏ rất lạ. Có nơi triền sông trải rộng, có đến mấy ngàn hốc đá như vậy. Vào mùa mưa, nước trong các hốc đá trong xanh (không bị nước tù như giờ) và trở thành những triền sông ngàn mặt trời – vì sẽ có mỗi mặt trời trong từng hốc nước đó.


Từ Pha Taem, đi đến những con thác (cạn) mất 14km nữa, rồi từ đó quay về Khong Jiam mất 21km, rồi từ Khong Jiam đi đường khác đến Kaeng Tana mất 12km nữa. Quả là những đoạn đường dài giữa trưa nắng thênh thang miền cao nguyên Khong Jiam. Nên tôi ghé ngang Khong Jiam ra bờ sông nằm dưới bóng dương nghỉ ngơi, cũng tiện thể ngồi ngắm sông trưa luôn.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/DSCN7617-1.jpg
Có nhìn thấy được dòng sông 2 màu?


Dòng Mekong trưa xanh biêng biếc, trong khi dòng Mun lại xanh rì màu lá! Nhưng dòng sông 2 màu của tôi đâu sao tôi chưa tìm thấy!



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/DSCN7634-1.jpg
Trải nghiệm kinh hoàng & thú vị khi đi qua cây cầu treo dài nhất Thailand đã bị mục này.
Nhiều thanh ngang đã gãy, để lộ những lỗ hổng trống hươ trống hoắc gió lùa qua hun hút. Thanh tôi sắp bước tới có mục chưa?


___________________

Còn ít nhất 10 chương hồi nữa!

jinnynhungoc
17-05-2012, 12:42
Vậy tiếp tục chờ ký sự của Bác,Thank's alot bài viết tuyệt quá đi mất.

SPORT4477
17-05-2012, 23:19
Em đọc bài của anh mấy ngày nay mà mê quá , không biết khi nào có dịp đi rong như vậy , thái lan hiền hòa và thân thương tình người hơn đất nươc mà mình đang sống quá , cám ơn anh nhiều ...........

motdoidirong
18-05-2012, 11:37
@ & Cảm ơn jinnynhungoc, SPORT4477, đã đọc và chia sẻ nhé. Mà thực ra, mddr hổng có gõ dòng nào nói là “Thái Lan hiền hòa và thân thương tình người hơn đất nước mà mình đang sống quá” đâu nghen. Nếu mddr gõ sao mà bạn hiểu như vậy, rồi có ai đó vào ném đá (vì dạo này thấy có nhiều người rảnh quá, hay đi soi mói từng câu chữ của người khác) đại loại là “sao chê bai đất nước mình”… là mddr không chịu trách nhiệm đâu. Thanks, anyway!

-----------------------------------------


Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 91


Vùng Khong Jiam này thật lạ & quyến rũ, mà sao tôi ít thấy các khách du lịch nói đến, cũng như sách du lịch cũng nói qua quít sơ sài. Ở vách núi Pha Taem thì bí hiểm những tranh vẽ hơn 3 thiên niên kỷ tuổi tác của người xưa. Mới được tìm thấy những năm 80 thế kỷ trước, còn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng nhiều người cho rằng đây từng là một “cái nôi” của người cổ đại miền Đông Nam Á. Còn ở Kaeng Tana này thì người ta lại tìm thấy những dấu tích của người Khmer xưa, mà cái tên Kaeng Tana này cũng là của người Khmer, bắt nguồn từ chữ Khmer cổ “tenia”, nghĩa là “nguồn cá” – vì những kiến tạo lạ lùng của triền sông đá nhiều hốc sâu, những dòng chảy lạ, hợp lưu của 3 dòng Mekong, Mun, Lam Dom Noi… nên ở đây ngày xưa, và bây giờ cũng rất nhiều cá.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/aDSCN7689-1.jpg
Một “dấu tích” của người Khmer xưa.


Và cho những ai thích sưu tầm những cái “nhất” cộng thêm chút máu phiêu lưu mạo hiểm, hãy đi qua cây cầu Saphan Khwan. Chiếc cầu treo dài nhất Thái Lan, bắt ngang qua dòng Num Mun xanh rì, đi vào con đảo Don Tana xanh ngắt rừng nhiệt đới, và vắng ngắt không một bóng người.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/DSCN7624-1.jpg


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/DSCN7623-1.jpg
Một phần ngắn của cây cầu treo dài nhất Thái Lan bắt qua dòng Nam Mun xanh rì.


Vì, những bạn trẻ người Thái đều chỉ mon men ở phần đầu cấy cầu chụp hình rồi lui – vì cây cầu giờ bị mục nhiều quá. Hình như ở đầu cầu còn có bảng khuyến cáo không nên đi gì đó, bằng chữ Thái. Nhưng vì không đọc được chữ Thái, nên tôi đi. Mà dù có đọc được chữ Thái, tôi vẫn đi.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/DSCN7639-1.jpg
Bạn có thấy bóng “nó” cô đơn trên cây cầu soi bóng dưới dòng sông xanh.


___________________

Còn ít nhất 9 chương hồi nữa!

SPORT4477
18-05-2012, 22:54
Em không có nói anh ghi câu thân thương hiền hòa.... mà do em cảm nhận trong bài viết của anh , ai ném đá kệ họ , em ghi như vậy đó cứ ném em thoải mái he he

SPORT4477
22-05-2012, 19:49
Bữa giờ không thấy anh post bài nữa , anh đang đi rong tiếp à ....

motdoidirong
23-05-2012, 13:17
@SPORT4477, ngưng gõ lóc cóc có thể vì nhiều lý do lắm, làm biếng, mất hứng, đi rong, kiếm tiền để đi rong… hoặc chỉ vì hổng có gì để gõ! He he he...

-------------------------------------------------------

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 92



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/66135366.jpg
Dòng sông 2 màu, những ngày nó 2 màu (hình từ internet)


Đến Khong Chiam những ngày xanh nắng tháng 3 cũng có nhiều cái hay, khi trời trong nắng vàng làm những tấm hình cứ dậy màu lên ngời ngời, đi đâu đó cũng tiện, cứ lên xe chạy băng băng khỏi ngại mưa sợ gió đường trơn trợt dễ té,… nhưng cái dở là những con thác, những dòng suối cạn queo, chẳng ngó nghiêng hay tắm táp được. Chưa kể cái dở là không thấy được dòng sông 2 màu Mae Nam Song Si cũng như các triền sông ngàn ánh mặt trời khi nước sông ngập kín các hốc đá là lạ bên triền sông Nam Mun, Nam Khong…



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7678-1.jpg
Từ triền sông nhìn ngược về cầu treo dài nhất Thái Lan


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7630-1.jpg
Sự chăm chỉ của người dân, chắt chiu từng hốc đất trên triền sông đá để trồng từng nhúm lúa!
Như những nắm đất chắt chiu vào hốc núi, như những cây bắp trên triền đá Đồng Văn!


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7686-1.jpg
Di tích người xưa ở Kaeng Tana


Xuống triền sông đá Nam Mun, nhìn con nước nổi tiếng cuồn cuộn chảy của khúc sông này giờ loe hoe chảy, tôi lại ngược lên bờ. Thích thú ngắm nhìn những pho tượng cổ mà không biết chúng là của người Khmer hay người Thái, vì tôi đọc tài liệu thì thấy rằng người ta tìm được những tượng cổ người Khmer ở đây, nhưng chẳng có chú thích chỉ dẫn gì, hdV đóng cửa về mất tiêu vì vắng hoe vắng hoét. Lang thang trong Kaeng Tana, hỏi thăm các con thác, đều thấy lắc đầu quầy quậy, nên thôi tôi bỏ đi. Leo lên xe chạy tót về Khong Chiam, tắm rửa sạch sẽ, chạy ra 7/11 mua mấy chai Chang 6,4độ cồn mát lạnh, nhét vào balo tôi ra triền sông chia tay với Mekong, chia tay Nam Mun một chiều xanh rồi một hoàng hôn đỏ rực, như bao lần tôi đã chìm trong hoàng hôn trên sông mẹ Mekong.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7738-1.jpg
Chia tay Khong Chiam, chiều nay một mình tôi triền sông vắng tênh gió Mekong hun hút…


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7725-1.jpg
…lần hồi tôi xuống đến bờ sông, nơi có chiếc xích đu vỏ xe trên dòng sông 2 màu.


Rồi đêm về, tôi lại chia tay Khong Chiam trong phố nhỏ. Phố khuya vắng yên đến mức nghe tiếng dòng sông rì rào ngoài kia, dù đôi lúc lại ngỡ rằng tiếng lá đêm tự tình. Bàn vắng tôi ngồi một mình chợt trở thành bàn đông, thật đông khi chủ nhà và các bạn của anh ghé ngồi chung. Khách lạ giờ đã thành bạn quen, Khong Chiam mới một lần đến giờ như đã ở đây lâu lắm rồi… làm sao đi?



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7736-1.jpg
Hoàng hôn, lại một hoàng hôn nữa trên dòng Mekong ngang qua đời tôi…



Chia tay Khong Chiam một đêm say thật say, không biết khi nào sẽ lại về để được ngắm dòng sông 2 màu. Chỉ biết là ngày đó sẽ không xa!


___________________

Còn ít nhất 8 chương hồi nữa!

motdoidirong
23-05-2012, 13:28
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 93



Tôi về lại Ubon một ngày nắng ơi là nắng.


Quăng đồ đoàn vào phòng nghỉ, tôi ra đường đón xe đi chùa Ban Na Muang, còn được gọi là Sa Prasan Suk. Xui cho tôi hôm nay là Chủ Nhật, ngày chỉ có 1 chuyến xe duy nhất từ Khong Chiam về Ubon lúc 6g sáng, nên tôi cũng chẳng sao nhớ nổi sau đêm chia tay Khong Chiam nồng nàn tôi đã thức dậy, gói ghém và lê xác ra được bến xe như thế nào. Ngày Chủ Nhật cũng là ngày nhiều dịch vụ đóng cửa. Ở Ubon, cuộc sống cũng chậm như ở Lào vậy. Trưa về tôi còn biết thêm là các quán ăn cũng đóng cửa luôn! Báo hại tôi, xe đạp không thuê được mà song-thẻo cũng thưa chuyến, nên tôi chờ gần 1g đồng hồ mới đón được chuyến xe số 8 đi chùa.


Và ngẩn ngơ từ trước cổng chùa, đến khi vào chùa. Một ngôi chùa không cổ xưa nhưng đẹp lạ lùng, từ kiến trúc đến ý nghĩa.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7810-1.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7806-1.jpg
Cổng chùa Ban Na Muang. Đừng cắc cớ hỏi tui sao hổng chụp cái cổng dưới còn lại há!


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7804-1.jpg
Thuyền Ban Na Muang.


Bạn xem hình trước, tôi sẽ kể thêm cho bạn về ngôi chùa này.


___________________

Còn ít nhất 7 chương hồi nữa!

motdoidirong
30-05-2012, 13:32
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 94


Chùa Ban Na Muang, giờ thường được gọi là Sa Prasan Suk được xây dựng bởi cao tăng Luang Pu Boon Mi (hoặc viết là Luang Poo Boon Mee) vào cuối thế kỷ 20. Nằm hơi xa phố, ở ngoại ô Ubon. Ngôi chùa làm tôi sửng sốt ngay trước khi bước qua cổng chùa. Vì đi qua cổng chùa là đi dưới bụng của một chú voi 3 đầu cao khổng lồ. Voi thần Airavata của vị thần Ấn giáo Indra vừa là cổng chùa, cũng là linh vật bảo vệ chùa – tôi được ông chú người Thái giải thích khi thấy tôi lơ ngơ ngắm nhìn.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7770-1.jpg
Ngôi chùa/gian điện chiếc thuyền nhìn từ tầng cao nhất của tháp chuông.


Mới vừa “hết hồn” bởi chiếc cổng chùa độc đáo, tôi lại choáng ngợp với chiếc thuyền nâu đỏ hoành tráng nằm ngay trong khuôn viên chùa. Trên thân chiếc thuyền là một gian điện thờ nhỏ thanh thoát. Chỉ thoáng thấy các phù điêu chạm trổ thật sắc xảo, nhưng chưa kịp leo lên thuyền để nhìn ngắm kỹ hơn, tranh thủ lúc nắng vừa lọt qua đám mây, tôi vội leo lên tháp chuông cao ngất của chùa. Để có thể chụp được toàn cảnh chiếc thuyền vì dưới đất ống kính tôi không lấy hết được chiếc thuyền quá to lớn. Mê mẩn từ trên cao nhìn xuống, sửng sốt với chiếc thuyền – ngôi chùa quá đẹp, tôi sững người ngôi trên tháp cao. Cũng để chờ bóng mây đi qua để có thể chụp được những tấm hình đẹp.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7785-1.jpg


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7777-1.jpg
Thanh thoát và kiêu hãnh khi nhìn từ bên dưới.


Rồi tôi xuống dưới, tần ngần bước chậm quanh ngôi chùa, tìm kiếm các góc chụp đẹp, vừa ngẫm nghĩ ý tưởng của vị cao tăng Luang Pu Boon Mi khi xây dựng gian điện chùa này.


___________________

Còn ít nhất 6 chương hồi nữa!

motdoidirong
30-05-2012, 13:35
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 95



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7762-1.jpg
Chiếc thuyền chở ngôi chùa như là tâm, trên biển dục vọng của con người.


Hiểu nôm na theo ý của cao tăng Luang Pu Boon Mi, chiếc thuyền chở ngôi chùa như là tâm, nổi trên mặt nước – dục vọng của con người. Điều quan trọng cho người tu cũng như người trần là sao giữ cho tâm luôn vững, không chao đảo trên biển dục vọng của mình. Nên ông xây chiếc thuyền – ngôi chùa này để nhắc nhở các vị tăng sĩ cũng như Phật tử, khách du viếng chùa.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7788-1.jpg
Đẹp đến từng chi tiết nhỏ - ở một ô cửa sổ…


https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7802-1.jpg
…hay những họa tiết lớn, tất cả đều lung linh rạng ngời.



Ông đã qua đời được mấy năm. Pho tượng của ông được đặt ở một vị trí trang trọng trong chánh điện. Có nghe nói là cốt nhục của ông cũng được giữ gìn như một pho tượng, tôi cũng hỏi tìm, nhưng không ở đây, nên tôi không được chiêm bái.



https://i1214.photobucket.com/albums/cc481/motdoidirong3/DSCN7791-1.jpg
Không chỉ riêng ngôi chùa/chiếc thuyền đẹp, phối cảnh tổng thể, những kiến trúc khác trong chùa đều rất đẹp.



Lang thang trong chùa vắng thật vắng buổi trưa giờ nắng đổ, tôi chia tay ngôi chùa trong tiếc nuối, bồi hồi. Lóc cóc cuốc bộ hơn cây số ra đường chính đón song-thẻo về lại Ubon, tôi chưa chia tay Ubon mà đã nhớ.


___________________

Còn ít nhất 5 chương hồi nữa!

SPORT4477
02-06-2012, 21:29
Thank bác nhiều , bữa giờ em chờ bài của bác không

motdoidirong
11-06-2012, 11:58
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 96



Đứng chờ ở “khao-lam station”, biệt danh dân du lịch bụi đặt tên cho cái lều tre nứa bán khao-lam ngay ngã tư đường để chờ song-thẻo về lại Ubon, tôi tò mò nhìn dân địa phương ùn ùn ghé mua món ăn chơi này. Tò mò, tôi cũng mua một ống khao-lam, món cổ truyền không chỉ của người Thái mà cả người Lào, Cam Bốt. Khao-lam có nếp, đậu đen, nước cốt dừa. Tất cả được cho vào ống tre, đắp điếm bằng mấy miếng lá chuối, đem nướng trên than hồng. Trước khi bán cho khách, ống tre cháy xém được róc bỏ vỏ ngoài trở nên trắng trẻo thơm tho. 30Baht một ống. Ngọt, bùi, béo, thơm, thêm chút mằn mặn của nước cốt dừa… tất cả các hương, vị được gói gọn trong ống tre, được giữ lại tất cả trong đó, nên chúng ôm ấp, hòa quyện nhau, nâng niu nhau dìu đỡ nhau… Sẽ rất mê hoặc với ai đó hảo ngọt, – nhưng lại không hợp lắm với tôi, kẻ thích đắng cay. Nhưng cũng sẽ là (vài) bữa sáng tiết kiệm khi nhâm nhi với café đen không đường. Nhất là với năng lượng khá cao của phức hợp dinh dưỡng này!



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7813-1.jpg
Nướng khao-lam.


Về phố một xế trưa nắng chát chúa, tôi lang thang tìm bóng râm nơi những ngôi chùa xanh mát. Những ngôi chùa vắng vẻ yên bình trong nắng trưa một ngày chủ nhật vắng… làm Ubon bình yên hơn bao giờ hết. Phố Ubon lạ lùng nếp sống chậm, trưa ngày CN quán xá đóng cửa hết trơn… làm tôi cũng nhác lười chẳng muốn đi đâu nữa.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7842-1.jpg
Ngôi chùa vắng vàng nắng…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7848-1.jpg
Những chiếc cầu tre mong manh luôn là niềm si mê của tôi….


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7874-1.jpg
… nhất là khi chúng đưa tôi đến những căn chòi bồng bềnh giữa sông chiều.


Nhưng rồi tôi biết Ubon tại sao hôm nay vắng. Phố vắng vì sông không vắng. Men theo những con đường chiều đã râm mát tôi ra đến bờ sông thênh thang nắng,… xuôi theo triền sông tôi hướng đến chiếc cầu tre nho nhỏ bắt qua cồn cát giữa sông, nơi nhiều những lều tranh vàng ruộm trong nắng chiều, hứa hẹn một chiều vui, một đêm say để tôi nồng nàn chia tay Ubon.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7883-1.jpg
Hoàng hôn vàng nắng…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7871-1.jpg
…chếch choáng những chai bia thơm ngọt bồng bềnh trên sông chiều thênh thang….


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN7898-1.jpg
… rồi hoàng hôn tím trên dòng Nam Mun, nơi một mảnh hồn lang bạt của tôi chắc đã rụng rơi…



Rồi, chia tay Ubon tôi đi. Và biết rằng mình sẽ quay lại miền đất hiền này!


___________________

Còn ít nhất 4 chương hồi nữa!

motdoidirong
11-06-2012, 12:03
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 97


Phrae, miền đất lãng quên.



Bạn có nghe đến nói Phrae, Thái Lan bao giờ? Bạn có biết Phrae nằm ở miệt nào của Thái Lan? Gần với tỉnh nào? Du lịch có gì cuốn hút?...


Có lẽ giờ tra google bạn sẽ biết, nhưng tôi đồ rằng dường như đối với nhiều bạn, đây là cái tên lần đầu tiên nghe đến!


Vậy đi Phrae đèo heo hút gió hóc bà tó đó làm chi? Có gì vui?


Tôi đặt chân đến Phrae lúc đêm chập choạng. Phố ít đèn, đường tối um. Đêm tháng 4 nóng nung người, cõng chiếc balo nặng trịch đi bộ từ bến xe vào phố, tìm nhà nghỉ vừa mệt vừa hoang mang. Đẫm ướt mồ hôi tôi ghé đến GH lúc đã hơn 8 giờ đêm. Quăng balo vào phòng, quăng cả bộ đồ đẫm mồ hôi và tèm lem bụi do lăn lóc trên xe từ sáng đến giờ,… tôi lóc cóc ra phố đêm ngó nghiêng…


Phố vẫn tối đen, nóng nực,… ghé quán ven đường tôi thả người xuống với suy nghĩ rằng sáng mai mình sẽ rời Phrae đi sớm, thật sớm.


Nhưng! Buổi mai hôm sau thức thật sớm, theo bước chân khất thực của các vị sư tăng, rồi chân vui lang thang phố tinh khôi ngày sớm,... tôi gặp một Phrae rạng rỡ khác.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090168-1.jpg
Phrae với một stupa xanh cây lá nhắc tôi nhớ đến That Dam giữa lòng Vientiane bình yên…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090209-1.jpg
Một ngôi chùa đẹp rực rỡ với những hàng phù dung sớm nở rực rỡ chiều tàn phai úa, nhắc cho ai đó đời người chỉ là sắc sắc không không….


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090233-1.jpg
Một biệt thự rạng ngời giữa miền quê nghèo lại càng nổi bật.



Nên tôi ở lại Phrae, thay vì nhảy lên chuyến xe đầu tiên như đã dự định…


___________________

Còn ít nhất 3 chương hồi nữa!

motdoidirong
12-06-2012, 12:07
Gõ những dòng trên xong, lang thang vào mạng tìm thêm thông tin về Phrae, mới thấy mấy hôm qua (10.6.12) lũ lụt đã tràn về tàn phá Phrae nhỏ bé hiền hòa. “Cơn lũ tệ nhất từ trước đến giờ đã càn qua Phrae” – theo như lời một người dân địa phương. Như vậy, còn tệ hơn cả cơn lũ kinh hoàng Thailand năm 2011 vừa qua sao? Cầu mong sao cho bình yên sớm về trên miền đất hiền hòa này.

--------------------------------------------------------------------------------


Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 98


555km từ Bangkok, Phrae có tuổi đời lâu hơn thủ đô đất Thái bây giờ vài trăm năm. Chỉ ra đời sau thành Chiang Mai, cũng nằm ở miền bắc Thái, Phrae hiện vẫn là miền đất có nhiều những khu rừng gỗ teak nhất đất nước này, từ trước và đến giờ (hy vọng là anh bầu Đ. hay mấy “cưa tặc” nước nhà hổng đọc bài của tui). Nằm trong vương triều Hariphunchai của những người Mon thiện chiến, đến năm 1443 Phrae mới thuộc về vương triều Lanna Thai, mà bấy giờ Chiang Mai kiêu hãnh đang là kinh đô lộng lẫy.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090114-1.jpg
Phố cũ, nghèo. Có ai đến những nơi này để du lịch?
Nhưng tôi thích. Tôi nhớ những con phố quê tôi ngày không xa lắm. Giờ không còn.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090116-1.jpg
Theo chân những vị tăng sư, may mà tôi gặp một Phrae khác, lung linh.


Một thời lấp lánh, giờ phố nhỏ êm đềm ngủ quên bên dòng Mae Nam Yom. Cũng như Chiang Mai, phố cũ được ôm quanh bởi hào sâu, nơi miền Phrae này là con sông Yom. Nhưng khác với Chiang Mai, phố vẫn còn là phố cũ, với những con hẻm nhỏ nối những xóm nhỏ, đến những ngôi nhà gỗ kiến trúc đặc trưng miền bắc Thái vẫn còn đó qua bao tháng năm, vì những cánh rừng thiết mộc quanh đó đã chia sớt chút ân huệ cho dân lành.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090126-1.jpg
Bình minh mang nắng lên cho chùa rạng rỡ…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090221-1.jpg
…cho bảo tháp tinh khôi…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090120-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P4090121-1.jpg
…và những màu hoa vàng bên những ngôi chùa vàng này đã níu chân hoang ở lại Phrae.


Hơn thế nữa, cuộc sống ở đây, nhờ tách biệt bởi những cánh rừng rậm rịt, những đèo ngoắt nghéo hiểm nguy, lắm con đường ngoằn ngoèo khó đi,… nên đã chậm lại, rất chậm… không quay nhanh như ở miền ngoài. Đến nỗi lễ hội Song Kran, Tết Té Nước hàng năm ở đây kéo dài đến 5 ngày, thêm 2 ngày phụ nữa là đến 7 ngày. Thay vì chỉ 3 ngày như ở Chiang Mai, và 1 ngày ở Bangkok.


Nên, ai yêu thích cuộc sống chậm, mê mải những hội hè… hãy đến Phrae đi nhé.


___________________

Còn ít nhất 2 chương hồi nữa!

SPORT4477
08-08-2012, 21:47
Thank bác nhiều

yeuthailand
02-07-2013, 05:10
Đọc đã con mắt , mới đọc sơ với xem hình thui ... có thời gian buồn buồn đốt thuốc đọc lại nhật ký đi đường bác thì nhất !

Linhgiang
08-07-2013, 22:20
Sẽ nghiền ngẫm dần dần bài của bạn để lấy Kinh nghiệm

trangphac
13-07-2013, 21:29
nghe tiêu đề chuối quá

Dragonking
29-07-2013, 15:36
Tôi đã đi Thailand nhiều lần, đọc bài này của Bác mddr như thấy mình chưa hề đặt chân tới nơi đây. Cuối tuần này tôi lại đi, nhưng có lẽ trong mắt tôi Thailand luôn lạ lẫm vì không có điều kiện đi rong. Cám ơn mddr nhiều nhiều.

motdoidirong
30-07-2013, 11:29
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 99 / Chuyện một chiếc cầu đã gãy!


Lâu lắm rồi tôi không gõ những dòng nào về miền đất này dù tôi vẫn tiếp tục rong ruổi ngược xuôi lang thang hội hè với nó, mê mải. Nhiều những kỷ niệm, buồn vui. Lắm những câu chuyện mong một ngày sẽ kể, sẽ sẻ chia…


Những tưởng rằng sẽ còn lâu lắm tôi mới lần giở lại bài viết này nhưng buổi trưa qua lang thang mạng đọc được một tin buồn về một miền đất tôi mến yêu… Lật vội những tấm hình, nhớ những ngày bình yên hạnh phúc nơi miền đất tôi đã ghé không chỉ một lần.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/NewPicture.jpg
Chiếc cầu đã gãy.


Cầu sông Kwai, Đường sắt Tử thần, Tiger Temple, Kanchanaburi,… có lẽ nhiều người biết. Nhưng ít người biết đến biểu tượng riêng của tỉnh Kanchanaburi là 3 chiếc bảo tháp/stupa nằm kế nhau – Three pagodas. Và chắc còn ít người biết hơn đến con đèo Ba Kiểng Chùa – Three Pagodas Pass, cũng là cửa khẩu biên giới với xứ Miến, nằm ở miền tây nước Thái, trong huyện nhỏ hẻo lánh Sangkhlaburi, còn được khách giang hồ phiêu lãng yêu thích gọi là West Wild Thailand.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_4797-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_4806-1.jpg
Những sáng mù sương, chiếc cầu như chạy vào trong miền hư ảo…



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_4780-1.jpg
Những đèn vàng nhạt nhòe trong mù sương.


Thế nhưng trong quá nhiều những nét duyên của một huyện nhỏ, chiếc cầu bắc qua hồ Vajiralongkorn, chiếc cầu gỗ làm bằng tay dài nhất Thailand có thể xem là nét cuốn hút nhất (nhất là với người dân Thái). Còn được gọi là Mon Bridge vì nối bản làng người Mon (khác với người Mông/H’mong) với trung tâm huyện lỵ, chiếc cầu này như một Ubein của người Thái vậy. Vào những ngày cuối tuần bạn sẽ khó kiếm được sự bình yên ở đây. Nhưng vui. Nhưng ấm áp. Nhưng đong đầy tình – dường như là nhiều nhất trong những miền đất Thái tôi từng ngang qua.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_4935-1.jpg
Những ban mai dịu dàng…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5070-1.jpg
Những trưa xuân xanh ngời


Nhưng giờ chiếc cầu đã gãy, cách đây vài hôm, sau những cơn mưa lũ và bão rớt rơi về trên miền quê nghèo này.


Nên tôi nhớ!

Nhớ những sáng những trưa những chiều những khuya. Nhớ những sương mù những ngọn đèn hoang hoải mờ mịt trong sương những nắng vàng những sông xanh những bình minh sương hồng những hoàng hôn hồng lam khói những trăng thanh xanh ngời… tôi một mình lang thang trên chiếc cầu – giờ đã gãy.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5082-1.jpg
Chiếc cầu xưa giờ là hoài niệm.


Bao giờ lại về Sangkhlaburi!

___________________


Còn ít nhất 1 chương hồi nữa!

motdoidirong
30-07-2013, 14:28
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 100
-----------------------------------------------------


“Heyzzzà,…. Như vậy, lần lần mò mò riết rồi ông cũng lê lết kéo được 100 "chương hồi"! Thiệt là quá sức hâm mộ khả năng nói dài nói dai nói dại nói dở của ông luôn!!! Nhưng hết 100 chương hồi này là ông tắt đài luôn đúng không? Sức tàn lực kiệt, chân chồn gối mỏi rồi,… có muốn lê lết, có muốn nói thêm chắc cũng khó mà. Thôi, có nhiêu chơi nhiêu đi, kết thúc đi, gắng làm gì,… tui thấy tội nghiệp ông quá!”. Như thường lệ, nó lại rên rỉ ỉ ôi như bà bán xôi ế.


“He he he… 100 áh! Nhằm nhò gì! Nhưng mà muốn coi tiếp thì nói đại đi, còn sĩ diện nữa!!! Chống mắt lên nè ku!”




* *
*



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/001.jpg
Một trong những lý do tôi thích miền đất này là vì những ngôi chùa thanh thoát…
(Wat Rong Kun, Chiang Rai)


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/007.jpg
…những pho tượng Phật bình yên (kể cả những pho tượng bằng cát, trên cát), sẽ giúp kẻ lang bạt tâm an, trí lành.
(Wan Lai Festival, Bang Saen. Chonburi)


Tôi đi Thái ngang qua dọc lại cũng chỉ cỡi ngựa xem hoa, không như nhiều bạn đang sinh sống học tập làm việc, cũng như nhiều bạn phiêu bạt giang hồ trót yêu miền đất này. Nhưng, dường như tôi có nhiều duyên lắm nợ với xứ sở của những nụ cười. Cũng rất nhiều người hỏi tôi cái câu y chang như cái tựa đề của loạt bài này “Ủa, bên đó có gì đâu mà mày đi hoài vậy?”, rồi cũng có những loạt bài trên nhiều diễn đàn bàn về “những cái xấu của Thailand”… nhưng tôi vẫn đi. Vì lòng đã trót... Biết làm sao giờ! (Tiện đây cũng nói thêm chút, trong những topic viết về mặt này mặt kia, so sánh du lịch TL, VN,… các bạn thường có những câu mà dân giang hồ thường nói văn hoa “ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”. Nhưng các bạn quên mất một điều, điều quan trọng nhất, là cái tỷ lệ “thằng khùng thằng điên” đó nó cao ngút ngàn trời mây hay thấp lè tè như thế nào ở mỗi nơi).



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/006.jpg
Và cũng thích vì miền đất có nhiều gái đẹp…
(Cuộc thi tìm Miss Song-kran Chiang Mai, hàng năm vào tháng 4)


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/003.jpg
… với những điệu múa dịu dàng quyến rũ chào đón khách giang hồ lang bạt.
(King Mengrai Monument, Chiang Rai)


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/005.jpg
… cũng không ít trai xinh (cho các bạn nữ khỏi hoạnh họe vì sao chỉ giới thiệu gái đẹp).
(Lễ giao duyên tìm bạn của các cô gái Chiang Mai).


Thôi thì cũng đã lê lết được 100 đoạn viết nho nhỏ về xứ này. Cũng chẳng bõ bèn gì so với những topic hoành tráng khác (?!). Rồi đọc lại thì thấy còn sót nhiều quá. Sót vì những sub-topic đầu giới thiệu cả một miền đất với nhiều những thứ hay ho lạ lẫm chỉ trong một đoạn ngắn nên cần phải gõ thêm, gõ lại; sót vì còn nhiều miền đất mình đã đi nhưng vì lười nhác vẫn chưa giới thiệu; sót vì những miền đất mình sắp đi (!?) nhưng chưa biết gì để giới thiệu; sót về những hội hè hoan lạc làm bừng sống, làm thay đổi những miền đất tưởng đã rất quen,…


Nên có lẽ đành tiếp tục.


Nên có lẽ chắc còn nợ còn duyên.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/002.jpg
Lang thang miết miền đất này vì lỡ trót đem lòng yêu thiên nhiên tươi đẹp…
(Spring Flower Festival – Chiang Rai).


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/004.jpg
… và những đóa anh túc ngẩn ngơ lòng ai.
(H’Mong Village – Chiang Mai).



Mà cũng để mình tự trả lời mình “Ừ, Thái Lan cũng đâu có gì mà sao mình cứ đi miết ở bển hoài vậy hổng biết!”.


___________________

Đã hết 100 chương hồi đầu tiên!

motdoidirong
01-08-2013, 12:57
101 - Rực rỡ Chiang Rai.


Nằm cạnh người anh em láng giềng lộng lẫy với mỹ danh “Đóa hồng phương bắc” – Chiang Mai, phố núi Chiang Rai dường như ít được biết đến. Có ai đó biết lơ mơ chăng chắc là vì Chiang Rai nằm trong cung đường từ Luang Prabang đi Chiang Mai hay Luang Prabang đi Tam Giác Vàng (một huyện nhỏ của Chiang Rai),… nên Chiang Rai thường được du khách ngó nghiêng, chiêm ngưỡng… từ cửa xe!



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_6120-1.jpg
Phố phường long lanh.


Tôi cũng vậy, nhiều lần mê mải theo cung đường ngược ngược xuôi xuôi để kịp vừa ăn Tết Té nước Song Kran Chiang Mai vừa kịp ăn Bun Pimai Luang Prabang,… tôi đã ngang qua dọc lại Chiang Rai nhiều lần. Thậm chí có một lần phải qua đêm vì những chuyến xe luôn hết vé những ngày Song Kran. Thiệt tình mà nói, ấn tượng của cái đêm vì hết xe hết vé bị kẹt chân lại ở Chiang Rai đó của tôi rất tệ. Phần vì bực mình, lo lắng bồn chồn cho cung đường ngày mai, không biết có đến Huoayxai kịp để bắt chuyến speed-boat duy nhất trong ngày về Luang Prabang hay không. Phần thì rớt xuống Chiang Rai tối trờ tối trật, nhà nghỉ, khách sạn kín phòng những ngày Song Kran làm tôi đi lòng vòng mệt đứ đừ mới có chỗ lánh thân. Phần thì lười nhác chỉ đi lòng vòng quanh khu nhà nghỉ, lại cũng khá gần một khu massage “không lành mạnh” nhiều các em mắt xanh mỏ đỏ phục vụ khách Tàu (việc này sẽ chi tiết sau),… Nên ấn tượng với Chiang Rai của tôi thật tệ :T.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_6100-1.jpg
Đèn lồng bạc giữa trời xanh lung linh Chiang Rai ngày xuân.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5859-1.jpg
Hoàng hôn hồng bên Chùa Trắng.



Cho đến một ngày mùa xuân, tôi ghé thăm Chiang Rai những ngày thảnh thơi. Và ngỡ ngàng trước Chiang Rai, mà theo tôi có phần thú vị hơn cả Chiang Mai. Tại sao ư? Tại vì Chiang Rai còn giữ được nhiều thứ Chiang Mai đã mất. Tại vì địa hình núi đồi sông suối đa dạng của Chiang Rai hơn hẳn Chiang Mai. Tại vì sự đa sắc tộc, sự giao thoa, kết tinh, thăng hoa của các dòng, các nhánh nghệ thuật… Còn nhiều, rất nhiều thứ nữa. Nhưng có một điều rất quan trọng ít người biết – Chiang Rai mới chính là kinh đô đầu tiên của vương triều Lanna Thai, trước khi nhường lại vị trí này cho người láng giềng Chiang Mai. Để lùi lại một bước, rồi nhiều bước… Để những ngày mùa xuân tôi lang thang Chiang Rai. Ngỡ ngàng.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5811-1.jpg
Nương đồi xanh ngăn ngắt…


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5684-1.jpg (http://s1118.photobucket.com/user/motdoidirong5/media/IMG_5684-1.jpg.html)
… lặng lẽ căn nhà sàn nhỏ mái cao vút thanh thoát, chiếc cột với sừng trâu... - có gợi nhớ Tây Nguyên xưa?


(tbc.)

binhan
02-08-2013, 21:14
Hihi, đợt này lâu quá đại ca mới viết bài. Bài viết về chuyện cây cầu đã gẫy thật xúc động làm em nhớ đến bài hát "Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy" của Trầm Tử Thiêng do Hoàng Oanh trình bày:

"Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh
như lòng người dân lành
Cầu đưa ta đi sớm trưa
tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa
Hết lòng gìn giữ nhịp cầu
nối liền tình người đẹp đời mai sau"

Rùi cây cầu cũng sẽ sửa được sữa lại và đại ca chắc chắn ghé lại thăm, vì đối với đại ca một lá cây, ngọn cỏ cũng có tình người, huống chi một cây cầu đưa đại ca đến những nơi tươi đẹp.

motdoidirong
06-08-2013, 12:02
@ binhan, thiệt tình không phải sến, mà là quá sến …. :T !!!!

-----------------------------------


102 – Rực rỡ Chiang Rai.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5514-1.jpg
Chiang Rai bình yên với những con đường xanh, những bảng biểu chỉ đường bằng gỗ cũ kỹ, đẹp…


Chiang Rai cách Chiang Mai chừng 3g đi xe. Có rất nhiều chuyến xe của Green Bus nối liền 2 thành phố này, cũng như nối luôn đến Luang Prabang, Lào. Dân đi bụi tiết kiệm nên lưu ý để canh xe vì giá vé thay đổi theo loại xe, theo giờ. Ví dụ như 8am là xe VIP giá sẽ đắt hơn 2 loại còn lại là loại A, X, dù tất cả cũng của một hãng Green Bus. Đường đi qua những khu rừng, những con đèo khá khúc khuỷu và đẹp. Chiang Rai có bến xe mới và cũ. Đừng vội xuống xe khi xe dừng lại ở bến mới ở ngoại ô thành phố vì xe sẽ chạy tiếp vào bến xe cũ, ngay trung tâm, bên hông chợ đêm khá hấp dẫn của Chiang Rai.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5454-1.jpg
Ngôi chùa Jed Jod trong chiều xanh…


Không xa lắm bến xe, chợ đêm là khu khách sạn, nhà nghỉ cho dân đi bụi. Giá không rẻ như ở Chiang Mai. Rẻ nhất là 200baht/phòng. Tuy nhiên phòng ốc khá sạch, wifi lênh láng không phải trả tiền để lấy password wifi như ở các khách sạn 3-4* khác. Quăng đồ đoàn vào phòng, tẩy sơ bụi trần, tôi lang thang ra đầu hẻm, cũng là nơi ngôi chùa Wat Jed Jod khá quan trọng với người dân Chiang Rai tọa lạc.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5648-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5650-1.jpg
…và trong ban mai yên ả


Chiang Rai có rất nhiều chùa cổ - một dấu ấn văn hóa khá quan trọng, cũng là một trong những lý do chính tôi tìm đến đây. Wat Jed Jod được xây dựng từ năm 1844 tuy không cổ xưa như chùa Phật Ngọc, chùa Sư tử,… có từ TK 13, 14 ở đây nhưng do được xây nên bởi vị cao tăng Brukrubakuntha Kunthawungso được người dân địa phương kính trọng, và cũng vì vị trí đắc địa của nó ngay giữa phố nên rất được nhiều người dân địa phương thăm viếng.


(tbc.)

motdoidirong
15-08-2013, 12:18
103 – Rực rỡ Chiang Rai.


Thế nhưng, ngôi chùa cổ xưa nhất Chiang Rai, cũng là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trên đất Thái lại chính là Chùa Rừng Tre, đã hơn 600 năm tuổi. Nghe tên có vẻ lạ hén, vì thật ra, ngôi chùa này được nhiều người biết đến với cái tên Wat Phra Kaew hơn.


Hầu như bất kỳ tour du lịch nào từ Việt Nam đi Bangkok đều có lịch trình thăm viếng Hoàng Cung và ngôi chùa Phật Ngọc kề bên, nhưng ít người biết chính pho tượng Phật bằng ngọc bích lung linh đó đã đến từ chùa Wat Phra Kaew ở Chiang Rai này.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5574-1-1.jpg
“Con đường Phật Ngọc” – cũng may mắn là tôi đã lang thang qua hết những miền đất pho tượng Phật Ngọc ngang qua. Hôm nào kể lại chơi hén.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5519-1-1.jpg
Không còn nằm giữa rừng tre nữa nhưng ngôi chùa Rừng Tre Chiang Rai giờ vẫn nằm giữa vườn xanh êm đềm.



Đúng ra, pho tượng quý này đã được các nghệ nhân xứ Ấn tạc nên từ năm 234 Trước Công Nguyên. Trải bao sóng gió lênh đênh từ Ấn Độ, Tích Lan, Khmer,… pho tượng ngọc mới đến được miền đất Chiang Rai này vào năm 1390 CN. Được vua Mahabhrom trị vì xứ Lanna Thái bấy giờ bí ẩn đặt vào trong lòng một tòa bảo tháp để thờ phụng, và cũng để tránh những con mắt dòm ngó của những đội quân ngoại bang liên miên tấn công vùng đất trù phú giàu có này. Mãi đến năm 1434 người ta mới “tìm thấy” lại linh tượng, sau một đêm mưa gió bão bùng, sấm sét ì đùng chớp giật sáng cả núi rừng thâm u Chiang Rai và đánh vỡ ngôi bảo tháp, để pho tượng Phật Ngọc lung linh rạng rỡ xuất hiện giữa đống hoang tàn đổ nát như một quà tặng bí ẩn của trời xanh. Bảo tháp lúc đó được đặt trong trong ngôi chùa cổ nằm giữa một khu rừng tre trúc rậm rạp um tùm nên còn được gọi là chùa Rừng Tre.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5557-1-1.jpg
Một phiên bản của pho tượng Phật Ngọc, cũng được làm bằng ngọc quý trong ngôi chùa Wat Phra Kaew Chiang Rai.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5573-1-1.jpg
Pho tượng đồng này cũng đã hơn 600 năm tuổi, mang dáng dấp đặc trưng của những pho tượng Phật miền Lanna Thái.

Chùa Rừng Tre được thay tên Wat Phra Kaew (Chùa Phật Ngọc) nhưng pho tượng quý lại tiếp tục nổi trôi vì chinh chiến, vì thời cuộc, sang đến tận xứ Ai Lao,… mãi đến 1778 mới về đến Bangkok, được thờ phụng ở chùa Phật Ngọc trong Hoàng Cung Thái Lan cho đến hiện nay.


Nhưng, lạ lùng & thú vị làm sao, trong ngôi chùa Phật Ngọc miền Chiang Rai xa ngái này, tôi được gặp lại một quê nhà của một thời đã xa xưa… rất xa xưa. Nên rất ấm lòng.


(tbc.)

binhan
20-08-2013, 19:14
Theo em suy đoán, con số 103, mới chắc nữa đoạn đường. ;)

motdoidirong
23-08-2013, 12:19
@binhan, nếu như nói con số 103 không phải là nửa đoạn đường mà chỉ là chưa được 1/10 hoặc 1/20 thì có tin nổi không :T ?!



104 – Rực rỡ Chiang Rai


Nhẹ bước bên ngôi chùa xưa yên ả trong khu vườn xanh mát mùa xuân hoa lá tưng bừng khoe sắc,… khách du cứ ngỡ như về lại ngày xưa cũ. Dâu bể trùng điệp, chùa Rừng Tre xưa, Wat Phra Kaew bây giờ đã mấy lần sửa sang nhưng vẫn giữ được nhiều nét xưa và cả các kiến trúc cổ. Như một tòa bảo tháp, dáng dấp kiến trúc Lanna, có niên đại cùng thời với bảo tháp cất giữ linh tượng đã bị sét đánh vỡ, giờ vẫn còn lặng lẽ bên góc vườn chùa tưng bừng hoa xinh, hay pho tượng Phật bằng đồng, Phra Chao Lan Thong cũng đã hơn 600 năm tuổi, uy nghiêm trong chính điện, pho tượng với hình dáng đặc trưng của kiến trúc Lanna Thái mang một phong vị khác lạ…



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5568-1.jpg
Bảo tháp đã hơn 600 năm tuổi giữa vườn xinh.


Một điều rất hay là trong chùa Wat Phra Kaew có một bảo tàng văn hóa, chủ yếu là về tôn giáo nhưng vẫn có những tác phẩm văn hóa khác giới thiệu về Chiang Rai, về Phật giáo, về những phẩm vật của người Chiang Rai từ xưa đến giờ... Bảo tàng là một căn nhà gỗ, nhỏ nhắn, ấm cúng và rất nhiều cổ vật, những pho tượng vàng, ngọc,.. trưng bày “một cách khơi khơi”, không người trông coi. Thử nghĩ bảo tàng này mà ở cái xứ có người nửa đêm cạy cửa chùa vào trộm lư hương, lấy cắp tượng Phật,… thì như thế nào? Nhưng thôi, mệt lắm, đừng nghĩ, đừng liên tưởng đến nữa!



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5549-1.jpg
Những chiếc phướn đặc trưng của người Thái Lũ, một trong những dân tộc ở Chiang Rai.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5542-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5533-1.jpg
Những pho tượng quý, lạ, đẹp được trưng bày trong bảo tàng của chùa Wat Phra Kaew.



Nhưng, ngạc nhiên và ấm lòng hơn nữa là trong bảo tàng của chùa còn thấy một chiếc trống đồng cổ hình dáng quen thuộc với con dân nước Việt, ghi chú rõ là có nguồn gốc từ Đông Sơn, Việt Nam, thế kỷ 5 trước CN. Rất rõ ràng, và tôn trọng. Rất khác ở nhiều nơi khác. Tôi cần nói thêm về việc này vì bên Tàu, dưới miền nam nước họ cũng có trống đồng cổ,… và họ tuyên bố rằng trống đồng là của họ, xuất xứ từ họ bla bla bla... Ngay ở Nam Ninh, họ đã làm một cái mô hình trống đồng bằng xi măng cao hơn chục thước để giữa bảo tàng Nam Ninh trưng bày, khoe của...



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5545-1.jpg
Trống đồng ở Chiang Rai.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P3250564-1.jpg
“Trống đồng” ở Nam Ninh, Tung Của


Còn ở mình?!


Và ở Chiang Rai này, ở trong chùa Wat Phra Kaew này, bên cạnh chiếc trống đồng hình dáng quen thân đó, người ta ghi rõ “it’s now belived by most independent scholars to have originated in northern Vietnam, Dong Son Culture, in the fifth century BC”. Thật ấm lòng.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5546-1.jpg
Trống đồng là của Người Việt!


Nên tôi càng yêu thêm Chang Rai!

motdoidirong
24-08-2013, 11:36
105 – Rực rỡ Chiang Rai


Trong bảo tàng của chùa Wat Phra Kaew, không những có nhiều hiện vật quý, đẹp mà còn có nhiều thông tin về chúng, cũng như về tôn giáo. Trong đó, dĩ nhiên không thể thiếu thông tin hấp dẫn về pho tượng Phật ngọc cũng như con đường luân chuyển thú vị của pho tượng. Ví dụ như câu chuyện khi người ta muốn chuyển pho tượng từ Chiang Rai về Chiang Mai (kinh đô của Lanna Thái thời bấy giờ) thì chú voi kiệu pho tượng dù bị các quản tượng dắt đi, chỉ đường, lôi kéo kiểu gì cũng không chịu đi về hướng Chiang Mai mà cứ nhằm Lampang thẳng tiến. Do vậy, pho tượng Phật ngọc đã được lưu giữ ở Lampang một thời gian rồi mới được đưa lại về Chiang Mai….


(Theo truyền thuyết) Được tặng bởi thần Indra từ cõi trời, pho tượng đầu tiên xuất hiện ở Pataliputra (Patna), Ấn Độ, (nhưng thực tế là do những người thợ tài hoa xứ này tạc nên) pho tượng Phật Ngọc bắt đầu lưu lạc từ Ấn Độ theo hành trình sau:

Sri Lanka

Cambodia

Inthapat (Angkor Wat)

Krung Sri Ayudhaya (Ayutthaya)

Lawo (Lopburi)

Vajiraprakarn (Kamphaeng Phet)

Wat Phra Kaew (Chiang Rai, 45 năm, 1391 – 1436)

Lampang (1436 – 1468, 32 năm)

Chiang Mai (1468 – 1553, 85 năm)

Vientiane (1553 – 1778, 225 năm)

Krungthep Mahanakorn (Bangkok, 1778 – nay).


Chỉ trừ bang Patna xứ Ấn tôi ngang qua dọc lại mấy lần nhưng chưa ghé, các miền đất còn lại trên Con đường Phật ngọc tôi đều ghé ngang, có nhiều miền đất đã may mắn ghé nhiều lần nhưng chắc vẫn sẽ còn quay lại (xin phép được cưa bom tý!) :T . Để hôm nào rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi sẽ làm một cái serie vài bức ảnh độc đáo, liên quan đến tôn giáo về những miền đất đất này há. Còn giờ thì quay lại với Chiang Rai rạng rỡ thôi.


Demo trước vài tấm về ý tưởng này.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/DSCN4925-1.jpg
Sri Lanka, Maligaliwa. Pho tượng Phật cao 11m này đã hơn 13 thế kỷ tuổi tác vẫn lung linh trong nắng mai.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P1120602-1.jpg
Cambodia, Kbal Spean, The River of a Thousand Lingas. Một trưa vắng vẻ giữa rừng thâm u Phnom Kulen.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P1150244-1.jpg
Thailand, Ayutthaya. Đầu tượng Phật trong thân bồ đề, có thể xem là duy nhất trên thế giới, biểu tượng của Ayutthaya.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P1140054-1.jpg
Thailand, Lopburi. Một thời rạng rỡ, giờ còn rạng rỡ hơn với những cánh đồng hướng dương ngút ngàn ánh vàng.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P3220115-1.jpg
Thailand, Kamphaeng Phet. Cụm tượng đặc trưng của Kamphaeng Phet, một di sản văn hóa UNESCO nhưng ít người biết đến.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_9329-1.jpg
Thailand, Chiang Mai. Wat Chedi Luang, được xây dựng từ năm 1401, giữa mùa đọc-khun (bò cạp vàng, muồng hoàng yến,…) vàng rờ rỡ.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P3140069-1.jpg
Laos, Vientiane. That Luang lung linh lấp lánh giữa ngày mây xám.

motdoidirong
05-09-2013, 12:28
106 – Rực rỡ Chiang Rai


Chiang Rai cổ xưa. Chiang Rai được nhiều người biết đến bởi những ngôi chùa xưa cũ như chùa Phật Ngọc (TK 14), chùa Wat Klong Wiang (1432)…. Nhưng không chỉ có vậy. Bây giờ Chiang Rai được biết đến bởi rất nhiều “cái” mới – và chúng cũng chan chứa đong đầy những giá trị xưa cũ.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5652-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5680-1.jpg
Kiến trúc đẹp…


Không rực rỡ lộng lẫy như Wat Rong Khun, Chùa Trắng mà nhiều người biết đến như một biểu tượng mới của Chiang Rai, bảo tàng tư nhân Bandaam Museum còn gọi là Black House hay Black Temple là một điểm đến mới rất thú vị của Chiang Rai.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5677-1.jpg
…và lạ của Chùa Đen.


Được nghệ nhân tài hoa và danh tiếng thế giới Thawan Duchanee, người đã từng nhiều lần lang thang, tu tập ở Nepal, Tibet, Everest,… bỏ tiền túi thành lập, xây dựng dần dần từ năm 1994, khu bảo tàng Chùa Đen này giờ đã có đến 40 ngôi nhà/điện thờ/chùa,… lớn nhỏ với những chiếc mái thanh thoát phần lớn màu đen – làm nên cái tên Chùa Đen, “đối lập” với ngôi Chùa Trắng nổi tiếng, cách đó chừng 30km.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5657-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5658-1.jpg
Những nông cụ, dụng cụ trong gia đình,… của người Đông Nam Á ngày xưa, đang dần dần mai một, đang được lưu giữ trong bảo tàng Bandaam Museum/Chùa Đen.


Và một trong những mục đích chính của bảo tàng này là lưu giữ những giá trị xưa cũ đã mai một nhiều ở Thái Lan cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác.

motdoidirong
12-09-2013, 11:21
107 – Rực rỡ Chiang Rai


Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, vào cửa miễn phí dù là bảo tàng tư nhân do nghệ nhân Thawan Ducanee tự bỏ tiền túi ra làm, Chùa Đen không những là nơi thu hút du khách đi tour (do các chủ công ty tổ chức tour luôn thích tất cả những gì miễn phí – nhất là với Chùa Đen quá hay quá đẹp) mà còn là nơi tham quan học tập của các em học sinh, không chỉ từ Chiang Rai mà còn từ các tỉnh lân cận. Dù Chùa Đen nằm sâu trong làng, bạn sẽ khó bỏ lỡ điểm tham quan thú vị này khi thấy rất nhiều school-bus và bus đậu hàng dài trên đường lộ.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5654-1.jpg



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5668-1.jpg
Những góc lặng của Chùa Đen sao cứ gợi nhớ trong tôi Tây Nguyên của ngày chưa xa lắm.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5656-1.jpg
Cá voi đen “mắc cạn” trong Chùa Đen.



Không chỉ được các thầy cô giáo hướng dẫn về những ngôi nhà xưa của miền bắc Thái, các em học sinh còn được giới thiệu cả kiến trúc của thời Ayuthaya,kiến trúc Miến Điện – không xa lắm biên giới gần đó, mà còn cả những kiến trúc đặc biệt đến từ một hòn đảo đặc biệt trên xứ sở có hơn 17.000 đảo cồn lớn nhỏ Nam Dương – kiến trúc Bali. Vì chủ nhân đã có một tình yêu đặc biệt với nghệ thuật tinh xảo đẹp đẽ của xứ sở tình yêu này.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5662-1.jpg
Nét thanh thoát.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5685-2.jpg
Ai đã từng đến Bali có thấy quen không những pho tượng đá úa xanh rêu phong này?


Và hơn thế nữa là những tác phẩm của chính ông, một nghệ nhân tài hoa.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5671-1.jpg
Những tác phẩm của ông từ những vật liệu đơn giản, quen thuộc ở mỗi làng quê Đông Nam Á

https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5679-1.jpg
Phật giữa đời thường, dung dị.


Nên dù không lộng lẫy thu hút ánh mắt của mọi người từ cái nhìn đầu tiên như ở Chùa Trắng, giờ đây Chùa Đen được xem là điểm tham quan “mới” đặc sắc nhất của Chiang Rai. Nhất là với du khách không đi theo tour, theo đoàn có thời gian ung dung tự tại nhẩn nha lang thang ngó nghiêng nhìn ngắm mó sờ đụng chạm ve vuốt rờ rẫm… sẽ càng thấm hơn những tác phẩm cả dân gian lẫn nghệ thuật của Chùa Đen.


Nên tôi đã đến đây không chỉ một lần.

motdoidirong
20-09-2013, 14:11
108 – Rực rỡ Chiang Rai



Trong khuôn viên Chùa Đen, ngoài các tác phẩm nghệ thuật của chủ nhân, ông còn sưu tầm nhiều đồ vật quý hiếm. Và có lẽ ông có sự thích thú đặc biệt với loài trăn nên những ai muốn tìm xem kích thước ‘thật’ to đến mức nào của loài anaconda lừng danh có thể sẽ ngỡ ngàng khi đến đây.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5697-1-Copy.jpg
Anaconda trong Chùa Đen.


Đặc biệt, trong bộ sưu tập của ông tôi còn thấy những pho tượng gỗ mà ngày trước tôi có thấy ở Tây Nguyên. Giờ những tượng gỗ - còn hay gọi là tượng nhà mồ này ít được thấy ở Tây Nguyên nhưng tôi lại gặp chúng rất nhiều ở Ratanakiri, Cambodia, miền đất đấu lưng với Gia Lai và đặc biệt là trong những bản làng heo hút giữa rừng rậm Borneo bên xứ đảo Nam Dương xa lơ xa lắc. Nên như gặp lại người quen, dù ngậm ngùi nhớ lại quê nhà giờ sao càng vắng đi nhiều thứ - không chỉ những pho tượng nhà mồ.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5701-1.jpg
Pho tượng nhà mồ gợi cả một trời nhớ.


Nhưng có lẽ ‘nguyên liệu’ được sử dụng nhiều nhất của ông – không tính đến gỗ, là những chiếc sừng trâu. Từ những chiếc sừng trâu to cộ đen bóng ông đã tạo nên những bộ bàn ghế, móc áo,… khá lạ và bắt mắt. Và từ một thứ nguyên liệu khá rẻ tiền này ông đã làm nên những tác phẩm – mà tôi đoán – là giá không hề rẻ này.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5705-1.jpg


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5698-1.jpg
Những tác phẩm lạ lẫm từ sừng trâu quen thuộc.


Và dĩ nhiên, như nhiều người Thái mộ đạo khác, nhất là với vị nghệ nhân tài hoa đã từng sang đến Nepal, Ấn Độ để tu tập, thiền định này thì trong bộ sưu tập / những tác phẩm của ông không thể thiếu những pho tượng từ gỗ đến đá đến ngọc… Có lẽ vì vậy mà bảo tàng của ông được gọi là Chùa Đen dù nơi đây chẳng có vị sư nào gõ mõ tụng kinh.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5694-1.jpg


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5664-2.jpg
Những pho tượng Phật nhiều dáng vẻ thanh thoát ở Chùa Đen.


Chùa Đen thật thú vị, nhưng có lẽ tôi ‘dừng’ ở đây cũng khá lâu. Dù sao tôi cũng sẽ ‘quay lại’ điểm đến thú vị này nên chắc giờ tạm chia tay vậy. Chia tay Chùa Đen để lang thang tiếp đến một miền đất khá thú vị khác của Chiang Rai.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5704-1.jpg
Tạm chia tay nhé, Chùa Đen…


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5751-1.jpg
..để đến những miền xinh khác.



Lên đường thôi.

gasman
20-09-2013, 15:57
thks bác motdoidirong, chùa Trắng em đi rồi, chùa Đen đã được bác dẫn đi

hình ảnh đẹp quá :))

motdoidirong
23-09-2013, 12:14
@gasman, tặng thêm bạn một tấm hình về Chùa Đen nữa trước khi bỏ đi há.


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5822-1.jpg
Chùa Đen rực rỡ trong một chiều nắng đẹp.

...................................


109 – Rực rỡ Chiang Rai


Chiang Rai, miền thượng du xa xôi miền bắc Thái tuy mang tiếng miền ngược, miền rừng rú ‘mông muội’,… nhưng lại ôm ấp đến hai miền đất được gọi là Tiểu Thụy Sỹ giữa lòng Châu Á. Doi Tung và Doi Mae Salong. Nhiều năm trước, tôi đã đến Doi Tung trong khi nỗi ấm ức vì ‘lỡ duyên’ với Doi Mae Salong vẫn còn tuơi mới canh cánh.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5758-1.jpg
Mùa xuân, mưa bụi rơi trên đám mạng nhện, giống như tuyết trắng giăng mắc trên những cây tùng bách xanh rì, lá trạng nguyên đỏ thắm,… ví von Doi Mae Salong như một Tiểu Thụy Sỹ có là quá đáng không ta…


Số là những ngày đó, lang thang ở Thaton, một làng quê ven sông tuyệt đẹp. Không chỉ vì thiên nhiên mà còn vì ý nghĩa của nó đối với những người đã lỡ yêu mến dòng Cửu Long Giang. Từ Thaton ra đi, tôi đã lỡ chuyến đi đến Mae Salong. Thaton nằm ngay trên triền sông Mae Nam Mekhong, nơi cũng có những con đò chuyến phà lạch tạch về miền xuôi, như một ngày nao bạn đang lang thang trên dòng sông Tiền, sông Hậu nồng nàn nơi đất Việt. Tôi sẽ kể bạn nghe những ngày tuyệt vời Thaton của tôi khi nào qua đến miền Chiang Mai xinh đẹp.


Thaton thuộc về Chiang Mai nhưng lại gần với Chiang Rai hơn, nhất là dòng Mae NAM Mekhong ngang qua Thaton chỉ đi thêm hơn 3 giờ nữa là bạn đã xuôi đến Chiang Rai. Ngày đó, tàu xe còn ít, leo lên chiếc song-thẻo lọc cà lọc cạch, khi được hỏi ‘bai nại’ tôi trả lời là ‘bai mae salong’. Thế nhưng mải gật gà gật gù trên con đường rừng núi quanh co tuyệt đẹp, giật mình tỉnh giấc lúc xe ngừng lại, tiếng người đón chào í a í ới xôn xao, tôi ngỡ ngàng khi thấy cổng chào biên giới sừng sững phía xa – tôi đã đến Mae Sai thay vì Mae Salong. Thôi thì Mae nào nào cũng được Mae Sai cũng được, vì Mae Sai cũng là một đích đến đã dự tính, nhưng vẫn tiếc nuối làm sao khi Mae Salong đã xa ngái thôi rồi.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5726-1.jpg
Chào mừng đến với Doi Mae Salong xinh tươi nhé.


Nên lần này tôi nhất quyết sẽ đến Doi Mae Salong.


Vì sao ư. Có phải vì những cánh đồng hoa anh túc miên man một thời trên vùng đất này mà giờ nếu liều mạng vẫn có thể xem được chăng. Vì những bản làng đồi núi trên cao quanh năm sương phủ mờ mịt như một Tiểu Thụy Sỹ xinh đẹp chăng. Vì những vườn hoa, công viên hoa nở rực rỡ mỗi mùa một thứ quanh năm đua sắc chăng…. Có lẽ đều đúng, nhưng trong đó còn có một lý do. Doi Mae Salong còn có một bản làng người Hoa mà ‘nghe nói’ còn giữ được nét Hoa hơn những bản làng phố thị ở cố quốc. Điều thú vị là bản làng này không phải do thói quen du canh du cư rồi trôi dạt đến đây từ thuở xa xưa như người Mông, người Dao,… cư trú trên nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Bản làng này do những người lính của sư đoàn 93, binh lính của Tưởng Giới Thạch, của Quốc dân đảng từ Vân Nam sang tỵ nạn từ những ngày mùa thu năm 49.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5742-1.jpg
Những con đường với lồng đèn đỏ treo cao dẫn đến…


https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/IMG_5764-1.jpg
... đường vào ngôi làng của cựu chiến binh sư đoàn 93 Quốc Dân Đảng…


Nên sao không tò mò, sao không muốn đi. Mà đường đi đến Mae Salong cũng không chỉ có vậy thôi.

motdoidirong
24-09-2013, 11:45
110 – Rực rỡ Chiang Rai


Theo những gì được tái hiện qua lịch sử, văn học cách mạng chính thống, hình ảnh những người lính Quốc Dân Đảng vào những năm 45 khá tệ. Những hình ảnh đó tôi gặp trong những Một mùa hè vắng tiếng chim, Đường về Trùng Khánh,… thì khác. Hình ảnh đó cũng khác hơn nữa trong những tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Dao,… Nhưng đối với tôi những điều đó không thật sự có ý nghĩa lắm với buổi sáng lang thang tìm đến ngôi làng tỵ nạn của những người lính ‘chế độ cũ’ của nhà nước Trung Cộng. Đối với tôi, những ngôi làng tỵ nạn, của những người vì bất kỳ lý do gì phải bỏ quê cha đất tổ quê hương ruột rà tha phương cầu thực,… luôn gợi lên trong tôi những nỗi niềm thật khó tả. Sẽ không đi sâu vào vấn đề tế nhị này trên một diễn đàn du lịch nhưng những ngày lang bạt miền thượng du nước Thái, nơi có khá nhiều những bản làng tỵ nạn, những khu tập trung của người Miến Điện, của cả những người Lào của một thuở còn nhiều bất an,… đến từ bên kia biên giới,… tôi thường có những cảm giác rất khó tả…


Và trên con đường đi đến Doi Mae Salong từ Chùa Đen, Chiang Rai, không ai có thể bỏ qua tấm bảng hướng dẫn chỉ vào Long Neck Karen Village. Tôi cũng vậy.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4010066-1.jpg
Một phụ nữ Palong [Tai To] trong khu tỵ nạn tập trung ở Mae Hongson.


Tôi đã ghé thăm các ngôi làng tỵ nạn của người Karen Cổ Dài [vì còn nhiều nhóm người Karean khác] ở gần Chiang Mai, ở Mae Hongson, rồi ngay cả căn nhà có thuê mấy người Cổ Dài đến ‘làm cảnh’, bán hàng trên hồ Inle ở ngay quê hương xứ sở của họ. Nhưng tất cả đều là ‘làng thương mại’, mà trong đó ít thương mại nhất không phải ở trên đất Miến mà là ở Mae Hongson. Có lẽ vì miền đất này xa quá, ít du khách nên cho dù có bán vé cho khách vào làng thì ngôi làng này hầu như vẫn giữ nguyên nếp sống bình thường. Nên lần này, tôi hy vọng ghé thăm ngôi làng Karen ở Chiang Rai này, xem thử mình có may mắn gặp một ngôi làng Cổ Dài ‘bình thường’ hay không.



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4010095-1.jpg
Cô gái Karen Cổ Dài này xinh ghê há.


Thực ra, ngôi làng có những người Cổ Dài Karen tỵ nạn gần thành phố Chiang Rai này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhiều dân tộc người Miến Điện ty nạn sang đây. Ngoài người Karen, ở Union Hill Tribe Village này còn có người Palong [người Tai To], người Akha [người Hà Nhì], người Dao, người Lahu.


Và, trước khi ghé thăm ngôi làng Union này, tôi có một bí mật nho nhỏ chia sẻ với các bạn – làm người Cổ Dài thì khó thật, nhưng làm người Cổ-Chỉ-Hơi-Dài-Dài thôi thì không khó lắm đâu. Vì tôi đã làm được mà. He he he… :T



https://i1211.photobucket.com/albums/cc431/motdoidirong4/P4010200-2.jpg
Nó đó, cổ cũng hơi dài dài rồi đó.
Chắc đeo vòng cũng được hơn chục năm rồi nên cổ mới dài ra được chừng đó, cũng cỡ cỡ mấy ẻm ở trên chứ thua gì nhiêu đâu…

motdoidirong
01-10-2013, 12:28
111 – Rực rỡ Chiang Rai



Như thường gặp, những gì mong chờ, tính toán kỹ đều không được như ý. Chuyến ghé ngang ngôi làng của người Karen Cổ dài ở Chiang Rai lần này cũng vậy. Vì ngôi làng này đã bị những người làm kinh doanh Thái làm nó ‘thương mại hóa’ quá mức – dù những người dân trong làng không phải vậy.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_5716-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_5716-1.jpg.html)
Một góc những gian quầy tạm bợ bán hàng lưu niệm ở Làng Karen Cổ dài Chiang Rai.


Vé vào làng 300baht # 10$, đắt bằng tiền one-day-tour mua ở Chiang Mai,…, cũng như quá đắt so với những điểm tham quan đẹp, miễn phí như Chùa Đen, Chùa Trắng,…. Tôi đến khá sớm, không có nhiều khách du lịch nên bị nhận dạng, yêu cầu mua vé ngay. Trên quan điểm không muốn bỏ tiền mua vé để đi xem con người, đồng loại của mình, anh chị em của mình,… như mua vé vào sở thú (đây là cách nhìn nhận tự nâng cao quan điểm :T thay vì nói là không muốn tốn tiền mua vé/muốn trốn vé/… :Dam), cũng như chẳng lạ gì vì đã ghé thăm mấy làng Karen rồi, nên tôi bỏ đi, sau khi cự cãi um sùm sao ‘tụi mày bán vé đi xem người…’.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_5714-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_5714-1.jpg.html)
Nường Akha này vì xinh đẹp quá nên dù còn rất trẻ đã có con bế con bồng – và chỉ cho chụp hình từ phía sau!



Ra khỏi cổng làng, tôi chợt nhận thấy có một con đường chạy sâu tiếp vào chân núi, cũng có thể là mặt sau của làng, tôi chạy xe vào hướng đó. Quả đúng vậy, con đường đó đi vào mặt sau của ngôi làng, và cũng có thể đi vào làng được. Nhưng, như đã nói, tôi đến sớm, chưa có khách, cũng như bị nhận diện vì đã cự cãi với đám thanh niên, nên dù tôi đã bỏ xe khá xa đi bộ vào làng,… khi đến gần các quầy của những người phụ nữ cổ dài thì bị nhận diện, yêu cầu đi ra. Tôi lại cự cãi tiếp (đại loại ‘mầy đưa tao xem cái giấy phép nào của nhà nước Thailand cấm người vào làng, bla bla…), nên cuối cùng tôi vẫn được ở trong làng. Nhưng không được ‘bén mảng’ đến khu của người cổ dài, còn với khu nhà của những người Dao, Lahu, Akha,… thì vẫn OK. Đó là lý do tôi biết thêm ngôi làng này có nhiều người dân tộc, dù tôi thực sự không được vào trong. Những cô gái Akha khá xinh đẹp. Nếu về xuôi, về Sài Gòn chắc nhiều người chạy theo sút dép. Có điều, tuy nhiệt tình với khách nhưng khác với các cô gái Karen đã quen với việc chụp hình thì họ không chịu. Nên tôi rất tiếc không thể chia sẻ những gương mặt rạng ngời của các cô gái dễ mến đó.


Chia tay những cô gái Akha xinh đẹp, Dao huyền bí, Lahu bẽn lẽn,… tôi tót lên xe hướng về Mae Salong. Trên đường tôi còn tạt ngang ghé dọc mấy nơi nữa nhưng tiếc thay hôm đó trời nhiều mây nên những cảnh đẹp như dãy núi được ví von cô gái đang xõa tóc hay overview Chiang Rai nhìn từ đồi cao đều mờ mịt dưới sương khói lãng đãng. Rất nhiều cảm hứng cho kẻ độc hành lang thang cô đơn trên cao nguyên ngày sương bảng lảng gió mờ mịt mưa lạnh lùng,... này, nhưng lại rất phản cảm trong những tấm hình tay ngang, máy cùi bắp...:LL



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_5744-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_5744-1.jpg.html)


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_5741-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_5741-1.jpg.html)


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_5736-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_5736-1.jpg.html)
Những ngôi chùa không mang dáng dấp Thái giữa nương đồi xanh Mae Salong.
(Người ta nói chùa mang dáng dấp Taiwan nhưng tôi chưa đi đến đó nên chưa biết).


Mải miết, rồi tôi cũng ghé được Tiểu Thụy Sỹ của Chiang Rai, nơi có ngôi làng Đài Loan nem nép bên sườn đồi, bên những nương trà Oolong xanh ngăn ngắt.

hoangvanphuong75
03-10-2013, 10:29
Cũng vì bài viết này mình đã đến Mae Sa Long, tuy Chưa biết Thụy Sĩ nhưng sao có nhiều "Thụy Sĩ "ở Asia vậy India cũng nói tao có "TS" nhưng thật ra Darjeeling India đẹp hơn, còn Mae Sa Long cũng đẹp, xếp thứ 2 or 3 vậy! A Họ check passport và xét hành lý rất kỹ với Người Việt nhất là Pai chẳng liên quan j đến border or thuốc men j cả!

motdoidirong
12-10-2013, 13:23
Rừng xanh núi đỏ hoài cũng chán, mà chuyện về Chiang Rai còn dài lắm, kể hoài chắc càng chán, nên tạm ‘nghỉ giải lao’ chia tay Chiang Rai ít phút, ghé thăm một miền đẹp khác của Thailand há.

------------------------------



113 – … Năm năm rồi không gặp…


Trong những đêm lăn lóc trên các chuyến phà xe đò tàu… hay chập chờn mộng mị bên cạnh những chai nghiêng ly đổ,… tôi thường mở, nghe trong vô thức giọng ca nhẹ tênh ấm áp của Sỹ Phú ‘...Năm năm rồi không gặp, từ khi em lấy chồng, anh dặm trường mê mải, đời chia như nhánh sông…’ ru lòng đã mềm càng mềm như con nước, như con sông…


Ừ, cũng đã năm năm rồi không gặp lại nhỉ. Năm năm dài tôi lang bạt bao miền đất, bao tình người,… đã xiết bao những ‘dặm trường mê mải’,… đời cũng đã tan đã nát đã banh đã chành… như kênh đen như rạch thúi như cống nghẹt chứ còn nói gì đến nhánh sông trong…


Giờ tôi về tìm lại quá khứ, tìm lại những niềm nhớ đã bao lần thoáng về trong những giấc mơ.


Tôi gặp lại em. Thời gian qua, đất trời đã đổi, con người đã thay, tâm tình đã khác,…


Em cũng vậy – đương nhiên. Nhưng em vẫn đẹp. Bên một tôi già cỗi, em càng long lanh lóng lánh lung linh hơn xưa.


Nhưng duyên tình vẫn thế. Dù có những phai phôi – lẽ thường tình, dù có chút ngác ngơ, chút bâng khuâng, chút bỡ ngỡ,.. rồi em vẫn ôm tôi vào lòng, nồng nàn, đằm thắm, thiết tha…


Để những ngày bên em giờ như bên một thẻo thiên đường rơi rụng…


Tôi đang nói về một miền đất đẹp của xứ Thái mà chắc chắn sẽ có dịp chia sẻ. :L


Về đó là tôi đang tìm về. Tôi tìm về tôi, tôi nhớ tôi, nhớ quê xưa nhà cũ những cái Tết ấm áp dù ngày đó còn bao khốn khó nhọc nhằn, nhớ những mùa quê vui xác pháo đỏ đầy đường, cái thứ xác pháo mang màu đỏ vui chứ không phải là là màu hồng phai nhạt tình buồn ‘ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn…’




https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_0501-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_0501-1.jpg.html)
Tôi nhớ tôi của ngày xưa, của những mùa vui cũ.



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_1049-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_1049-1.jpg.html)
Nhưng xưa hay mới, giữa xác pháo vui hay xác pháo buồn vẫn luôn có ‘..một người lặng lẽ nhìn theo thật buồn’!!!



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_0710-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_0710-1.jpg.html)
Về miền cũ, em ngỡ ngàng đón tôi bằng một hoàng hôn tím rịm màu nhung nhớ…


https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_0614-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_0614-1.jpg.html)
Rồi rạng rỡ một chiều xanh long lanh, lung linh…



https://i1113.photobucket.com/albums/k513/motdoidirong1/IMG_0661-1.jpg (http://s1113.photobucket.com/user/motdoidirong1/media/IMG_0661-1.jpg.html)
Rồi nồng nàn một chiều vàng mênh mang, thênh thang…


Nên dù biết, dù rất biết, dù nhiều khi rất muốn, nhưng chẳng bao giờ tôi ca ‘năm năm rồi đi biệt, đường xưa quên lối về…’. Làm sao mà quên được!


Nên, hôm nào mình cùng về miền đẹp này há!

whodouluv
12-10-2013, 23:41
Thái Lan qua bài viết của bạn thấy rực rỡ và sống động quá :D

motdoidirong
16-10-2013, 15:32
114 – Năm năm rồi không gặp – 2.



Nhưng, như những đóa hồng, vẻ đẹp được tôn vinh thêm nhờ những chiếc gai nhọn hoắc, những chiếc gai đã làm lũ xương rồng, cà dại, keo gai,… đã xấu càng thêm xí (!?) thì ngược lại chúng lại tôn vinh thêm vẻ kiêu sa khó chạm đến của những nàng hồng, “em” cũng vậy!



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_0597-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_0597-1.jpg.html)
Miền xanh thẳm đẹp rờ rỡ - nhưng chỉ duyên, xinh không dường như vẫn chưa đủ!?


Nếu chỉ biển biếc cát vàng rừng xanh cỏ thắm… rồi thì “em” cũng sẽ nhàn nhạt, dễ trôi qua trong vô số những mỹ nhân ngày càng nhiều của thời nay. Nên, năm năm rồi gặp lại, ngoài nét duyên đằm thắm xưa như mặn mà hơn qua thời gian và son phấn, tôi may mắn gặp lại chút duyên lạ của em, những ngày “khói lửa binh đao”.




https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_1079-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_1079-1.jpg.html)
Những lửa khói mịt mù phố phường náo động ầm ĩ tiếng nổ vang trời, rầm rập bước chân đi, dù mai sớm…


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_2328-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_2328-1.jpg.html)
…hay khuya đêm đỏ lửa khói đen xè cay nồng mùi thuốc súng,… tô thêm cho những "xanh ngời", "đỏ thắm", "vàng rực"… nét duyên lạ.


Với những nét quai quái này, “em” giờ càng đẹp lạ lùng hơn trong tôi – làm nỗi nhớ càng day dứt dù chưa chia xa hay chỉ vừa mới rời đi.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_1142-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_1142-1.jpg.html)
Và càng lạ lùng hơn nữa – hình phạt cho người lỗi lầm/phạm pháp/thua trận…?!


Giờ, đêm đêm tôi lại nghe Khánh Hà ngân nga “Một lần nào cho tôi gặp lại em…?” Để rồi bên những lý nghiêng chai đổ, chợt thấy “thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như một chuyện đêm mơ”...


Ừa, mà tôi có đang mơ?



---------------------------------------------

* Những ghi chú bên dưới vài tấm hình trong đoạn viết ngắn này không có tính xác thực – dù những hình ảnh này là thực, của miền đất đẹp đang đề cập đến.

motdoidirong
20-10-2013, 14:50
115 – Năm năm rồi không gặp – 3.


Tôi đang mơ thiệt sao?


Vì khi như tôi đang bước những bước chân lạc lối về ‘miền thần tiên’ về một ngày thơ dại giữa những căn nhà cũ hoang vắng đèn lồng đỏ treo cao lạc loài,… dường như tôi lại đang trợt bước qua một vùng đất dữ khác.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_1581-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_1581-1.jpg.html)
Miền thần tiên làm nhớ những ngày trốn học lang thang xưa.


Vì giữa những con phố nhỏ xinh cổ kính được làm mới diêm dúa hồng hồng – nhưng vẫn còn xinh – dài hun hút mà không biết so với người đẹp chân dài đứng kề bên thì hẻm dài hơn hay chân nàng dài hơn… tôi đang lang thang mê mải, bỗng rơi vào vùng đấ lạ.



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_1573-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_1573-1.jpg.html)
Phố màu hồng đẹp hơn hay người đẹp chân dài xinh hơn?


Vì giữa những miền xanh êm, miền xanh của nhiều những màu xanh của cỏ, của dừa, của phi lao, của biển, của trời… tôi đang như trôi bồng bềnh giữa những đám mây màu xanh, bỗng giật đùng đùng sực tỉnh khi bước ngang qua rẻo đất mới..


https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_0625-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_0625-1.jpg.html)
Những màu xanh của một miền xanh đẹp yên bình.




Và nó đây, giữa những ‘máu đổ lệ rơi…’, giữa gươm đao dáo mác,… giang hồ nổi sóng, đất trời rung chuyển, ‘nợ máu phải trả bằng máu’ chăng? Đất trời xanh mơ đâu rồi, những miền thần tiên đâu rồi, những con phố cổ xinh hun hút dài đâu rồi…



https://i1110.photobucket.com/albums/h445/motdoidirong2/IMG_1920-1.jpg (http://s1110.photobucket.com/user/motdoidirong2/media/IMG_1920-1.jpg.html)
Nhưng – giang hồ giờ đã nổi cơn sóng dữ? Đất trời đảo điên, máu nhuộm thắm đồng…?



Chơi vơi chao đảo giữa những miền lạ, tôi càng yêu thêm miền đất này.


------------------------------------------------------

* Ghi chú bên dưới tấm hình cuối và của 1 đoạn ngắn trong sub-entry này không có tính xác thực – dù máu là thực, hình ảnh này là thực,... của miền đất đẹp đang đề cập đến.

Tarkan7777
25-10-2013, 22:48
vãi thớt, tự hỏi tự trả lời @@ chắc PR cái j đây mà

binhan
01-11-2013, 21:47
Em xin post 1 bài lên đọc mà nó phảng phất những điểm tương đồng

HÃY ĐI LOANH QUANH
Alan Phan
20 September 2013
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại đời một lời khuyên bất hủ,” Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” Tôi không biết khi viết ra lời này, ông còn trẻ hay đã lớn đã già? Tâm trạng tôi lúc này ở tuổi 67 thì thấy quả là quá mỏi mệt.


Mấy tuần nay tôi về Mỹ. Không đi mít mù như lúc xưa khi phải “loanh quanh” xuyên tiểu bang bán và mua hàng (hay công ty); nhưng lần này, dù chỉ quanh quẩn vùng Tây Mỹ, tôi cũng phải chịu đựng với “ăn bờ ngủ bụi”. Khách sạn có sang trọng đến đâu cũng không sánh bằng “sweet home”, bữa ăn có đặc biệt thế nào cũng không bằng một chén sôi trộn vừng ăn với gà nướng mọi. Tôi nghĩ máu phiêu lưu của doanh nhân luôn chảy mạnh trong tâm hồn mình; nhưng đã đến lúc tôi nghĩ mình phải về một vùng nắng ấm, có biển và cây cối, có bạn bè gia đình thân thuộc và những thú vui đơn giản êm đềm. Ngày “rửa tay gác kiếm” đã đợi quanh ở góc phố.
Tuy nhiên, mặc cho lời phán rất Phật của nhạc sĩ Sơn, tôi vẫn tin rằng ở tuổi còn sống động, đi loanh quanh là một sứ mệnh cần thiết để con người chúng ta hoàn thiện. Ngồi trong một bóng mát, nhìn những con chim chơi đùa trên sóng biển, tôi nhớ lại trong thú vị những lần đi loanh quanh của mình.
Vào đầu 1980, tôi quen một sinh viên Hồng Kông học tại UCLA. Sau khi tốt nghiệp, cô về lại Hồng Kông lang thang phố phường với bè bạn, vì gia đình giàu có, cô không cần làm việc. Khi đi công tác qua Hồng Kông, tôi điện thoại Jocelyn và nàng hăng hái dành nguyên ngày thứ bảy cho tôi. Khi gặp lại, tôi thật sự “sốc” vì dù có khuôn mặt rất dễ thương ở đại học, Jocelyn hoàn toàn biến dạng thành một “siêu mẫu” của Hồng Kông. Trong chiếc áo đầm mảu trắng, và chiếc Ferrari đỏ mượn của người anh, nàng là một thiên thần vừa bị xô xuống trần.
Nàng lái tôi qua khu phố cũ của Kowloon, đi tìm một tiệm thật đặc biệt với những món ăn cổ truyền của Hải Nam. Vì không quen phố xá nơi đây, nàng đi lộn vào một lối hẹp ngược chiều. Nhiều chiếc xe bị kẹt bấm còi inh ỏi. Xe đi quá xa vào ngõ quá hẹp, không quay đầu được. Một cảnh sát trên xe mô tô chạy đến. Anh tỏ vẻ giận dữ nhưng khi nhìn thấy thiên thần Jocelyn, anh lính trẻ nhe một nụ cười tươi, và lịch sự,” cô yên chí, tôi sẽ giải quyết nhanh chóng”.
Sau đó, anh điều khiển từng chiếc xe và dẹp đường sạch sẽ cho chiếc Ferrari. Khi nàng lái khỏi phố, quay đầu lại anh cảnh sát nói cám ơn; anh ta chỉ lắp bắp một câu “ cô có một ngày vui vẻ nhé”. Đó là sức mạnh của người đẹp. Nếu tôi lái xe đó, chắc giờ này tôi vẫn ngồi trong khám của Hồng Kông.
Câu chuyện ngắn vẫn còn làm tôi cười lớn. Không đi loanh quanh thì làm sao có chuyện mà cười? Đã cười thì làm sao mỏi mệt?
Một lần khác, tôi đi loanh quanh đến Guatamela.Trong đêm đầu tiên, tôi lang thang qua nhiều khu phố lạ. Một ông già say rượu không hiểu vì lý do gì bị 2 tên du đãng đánh ngất ngư rồi vất nằm sóng sượt bên con hẽm. Không ai dám can thiệp. Tôi nổi máu hào hiệp, kêu xe taxi chở ông già đến bệnh viện, trong lòng hơi lo không biết tính sao nếu tiền viện phí quá cao mà ông ta không trả được.
May mắn, ông già lại là chủ một đồn điền cách Guatamela City hơn 90 cây số. Ông khá giả và gia đình rất đông. Ông nhất định kéo tôi lên đồn điền sau đó. Qua những bữa ăn và những lần cỡi ngựa dạo quanh, ông cho biết là đã học xong MA tại Georgetown University ở Washington DC. Sau khi làm tại Bộ Ngoại Giao vài năm, ông ghét bọn chính trị gia và công chức “chuyên nói dối”, bỏ về quê làm nông dân. Sau 6 năm, ông tạo dựng được một đồn điền khá lớn, nuôi bò và đủ loại động vật cùng cây olive.
Ông khôn ngoan, đầu óc chứa đựng nhiều triết lý cao siêu từ thế giới và lịch sử, nhờ những ngày rảnh rỗi trong trang trại. Tôi có một tuần tuyệt vời bên ông để học hỏi; và ghé thăm ông vài ba lần sau đó. Ngày ông chết, ông gởi lên Los Angeles tặng tôi một con két nhiều mầu sắc chỉ biết nói tiếng Spanish (Tây ban Nha). Nhưng con két biết một bài hát bằng tiếng Pháp, “la vie en rose”. Những ngày tôi buồn hay thất vọng, con két dường như có cảm giác (hay ông già quay về nhắn nhủ), nên nó hát cho tôi,”ll est entr dans mon Coeur, Une part de bonheur, Dont je connais la cause..””. Không đi loanh quanh thì làm sao có chuyện thú vị mà hồi tưởng? Đã thú vị thì làm sao mỏi mệt?
Dĩ nhiên, khi đi loanh quanh thì cũng sẽ gặp vài ba chuyện buồn, hay bực dọc, phiền toái và mất mát. Nhưng tôi cho rằng chúng là những cái giá tôi phải trả cho những niềm vui loanh quanh của mình.
Khi thấy tôi đi nhiều, một người chú họ ví von, “ hòn đá lăn hoài thì rong rêu không thể nảo mọc rễ”. Có lẽ như vậy, vì tài sản và quyền lực thường không thể tích tụ nơi các tay giang hồ lang bạt. Phải biết chăm chú vào một chuyện làm giàu hay xây sự nghiệp trong công, tư sở. Nhưng với tôi, hòn đá nhẵn bóng hay rong rêu đều có vẻ đẹp tự nhiên của trời đất.
68 năm đã trôi qua trên hòn đá mang tên Alan. Vài buồn bã hối tiếc khi nhìn lại thời gian và sự bào mòn. Nhưng nói chung, tâm hồn tôi vẫn ấm áp nhờ những lần đi quanh không định hướng. Nếu các bạn còn có thì giờ, hãy rời con đường cao tốc hay quốc lộ, lang thang đi loanh quanh một lúc vào những lối hẹp. Đôi khi, bạn sẽ may mắn tìm ra “con người thực” của mình.
Alan Phan

kimcuc
09-01-2014, 15:18
Chào bác MOTDOIDIRONG,
Chả là tháng 2 tới, nhà em gồm 3 người (2 vc em và 1 con nhỏ 5 tuổi) có dịp sang Thái chơi 4 ngày 4 đêm. Thời gian không dài mà cũng không ngắn, nhưng lại có trẻ em nên vợ chồng em chưa quyết định được đi đâu.
Lúc đầu thì dự định đi KohChang ăn ngủ nghỉ ở đó rồi về. Nhưng nghĩ đến việc đi từ BKK đến Koh Chang thì ái ngại quá (có con nhỏ đi theo nên phải so đo như vậy đó :( )
Rồi lại nghĩ hay là ở lại BKK, cho con đi Safari World ???

Thấy bác quần Thái Lan ác liệt quá, nhờ bác Tư vấn giúp vợ chồng em địa điểm đi chơi bên Thái hợp lý với ạ. Nếu đi biển thì nên đi biển nào? Không đi biển thì đi đâu,...? Nhà em hạn chế di chuyển nhiều (vì có trẻ em ạ).
Mong tin của bác

angle1088
02-04-2014, 10:36
@binhan, nếu như nói con số 103 không phải là nửa đoạn đường mà chỉ là chưa được 1/10 hoặc 1/20 thì có tin nổi không :T ?!



104 – Rực rỡ Chiang Rai


Nhẹ bước bên ngôi chùa xưa yên ả trong khu vườn xanh mát mùa xuân hoa lá tưng bừng khoe sắc,… khách du cứ ngỡ như về lại ngày xưa cũ. Dâu bể trùng điệp, chùa Rừng Tre xưa, Wat Phra Kaew bây giờ đã mấy lần sửa sang nhưng vẫn giữ được nhiều nét xưa và cả các kiến trúc cổ. Như một tòa bảo tháp, dáng dấp kiến trúc Lanna, có niên đại cùng thời với bảo tháp cất giữ linh tượng đã bị sét đánh vỡ, giờ vẫn còn lặng lẽ bên góc vườn chùa tưng bừng hoa xinh, hay pho tượng Phật bằng đồng, Phra Chao Lan Thong cũng đã hơn 600 năm tuổi, uy nghiêm trong chính điện, pho tượng với hình dáng đặc trưng của kiến trúc Lanna Thái mang một phong vị khác lạ…



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5568-1.jpg
Bảo tháp đã hơn 600 năm tuổi giữa vườn xinh.


Một điều rất hay là trong chùa Wat Phra Kaew có một bảo tàng văn hóa, chủ yếu là về tôn giáo nhưng vẫn có những tác phẩm văn hóa khác giới thiệu về Chiang Rai, về Phật giáo, về những phẩm vật của người Chiang Rai từ xưa đến giờ... Bảo tàng là một căn nhà gỗ, nhỏ nhắn, ấm cúng và rất nhiều cổ vật, những pho tượng vàng, ngọc,.. trưng bày “một cách khơi khơi”, không người trông coi. Thử nghĩ bảo tàng này mà ở cái xứ có người nửa đêm cạy cửa chùa vào trộm lư hương, lấy cắp tượng Phật,… thì như thế nào? Nhưng thôi, mệt lắm, đừng nghĩ, đừng liên tưởng đến nữa!



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5549-1.jpg
Những chiếc phướn đặc trưng của người Thái Lũ, một trong những dân tộc ở Chiang Rai.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5542-1.jpg


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5533-1.jpg
Những pho tượng quý, lạ, đẹp được trưng bày trong bảo tàng của chùa Wat Phra Kaew.



Nhưng, ngạc nhiên và ấm lòng hơn nữa là trong bảo tàng của chùa còn thấy một chiếc trống đồng cổ hình dáng quen thuộc với con dân nước Việt, ghi chú rõ là có nguồn gốc từ Đông Sơn, Việt Nam, thế kỷ 5 trước CN. Rất rõ ràng, và tôn trọng. Rất khác ở nhiều nơi khác. Tôi cần nói thêm về việc này vì bên Tàu, dưới miền nam nước họ cũng có trống đồng cổ,… và họ tuyên bố rằng trống đồng là của họ, xuất xứ từ họ bla bla bla... Ngay ở Nam Ninh, họ đã làm một cái mô hình trống đồng bằng xi măng cao hơn chục thước để giữa bảo tàng Nam Ninh trưng bày, khoe của...



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5545-1.jpg
Trống đồng ở Chiang Rai.


https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/P3250564-1.jpg
“Trống đồng” ở Nam Ninh, Tung Của


Còn ở mình?!


Và ở Chiang Rai này, ở trong chùa Wat Phra Kaew này, bên cạnh chiếc trống đồng hình dáng quen thân đó, người ta ghi rõ “it’s now belived by most independent scholars to have originated in northern Vietnam, Dong Son Culture, in the fifth century BC”. Thật ấm lòng.



https://i1118.photobucket.com/albums/k615/motdoidirong5/IMG_5546-1.jpg
Trống đồng là của Người Việt!


Nên tôi càng yêu thêm Chang Rai!

ai sống lại thời đó mà đi xác minh trống là của ai của ai cho chính xác, giao thoa văn hoá mà bác

chaubathong
18-09-2014, 11:28
Đọc một lèo hết loạt bài này của bác motdoidirong. Ngưỡng mộ quá. Bác đi nhiều, viết lại quá hay!
Cám ơn bác rất nhiều.