PDA

View Full Version : Miến Điện - Giấc mơ tìm thấy



axitchanh
28-12-2010, 23:38
Chính tôi cũng chưa từng cắt nghĩa.

Tại sao,

Những nền văn minh quá vãng,

Những đền đài thành quách đổ nát,

Những di sản của ngày xa xưa,

Những hiện thân của quá khứ còn sót lại,

Luôn có sức cuốn hút tôi đến lạ.



Ngày thơ bé, tôi đã không ít lần nghe đến cái tên Miến Điện. Trong trí óc non nớt của tôi, Miến Điện nghĩa là ‘‘gạo Miến Điện’’, là những người phụ nữ cổ dài, là nội chiến, là đói nghèo, là lạc hậu, là xa xôi.

Lớn lên tôi mới biết rằng, Miến Điện chẳng đâu xa, Miến Điện ngay gần kề, mà chính những suy nghĩ, những hành xử, những toan tính, những tham vọng của con người đã khiến Miến Điện thành xa.

Và tôi cũng phát hiện ra rằng, Miến Điện đâu chỉ có đổ máu, có hà khắc, có đói nghèo, có lạc hậu, mà Miến Điện còn hiện hữu đó những tuyệt tác thách thức thời gian từ ngàn xưa để lại.

Và tôi đã ấp ôm một giấc mơ, giấc mơ mang tên Miến Điện.

axitchanh
29-12-2010, 21:32
Chỉ cười mà không nói gì khi bạn tôi bảo “Đúng là trẻ không chơi, già đổ đốn” mỗi khi nghe tôi nói đến chuyến đi sắp tới của mình. Chưa bao giờ nói với bạn tôi những điều này, nhưng thực sự là tôi luôn muốn đi, tôi luôn muốn được đến những nơi như thế, nhưng đâu cứ phải muốn là được.

Thời sinh viên sôi nổi và xông pha, tỷ phú thời gian nhưng lại bần hàn tiền bạc, vẫn phải chìa tay xin tiền gia đình, những đồng học bổng, những đồng làm thêm ít ỏi bao giờ cho đủ một chuyến đi xa và dài ngày đến thế.

Tốt nghiệp, ra trường đi làm, bươn chải tự lo cho bản thân mình, lại thêm một cậu em đang còn ăn học và giúp đỡ gia đình mới trải qua biến động lớn, nên những giấc mơ đành gác lại.

Vài năm gần đây, khi gia đình đã ổn định, và cậu em cũng đã xong việc học hành, thì những giấc mơ mới có cơ hội được viết tiếp.

Nhưng ngặt nỗi, lại bị bó buộc thời gian, lại bị bó buộc công việc.



Chia sẻ dự định đi Myanmar Tết này cùng Cào Cào, một người bạn đã đi cùng nhiều chuyến trong và ngoài nước, người cũng đang “mơ về nơi xa lắm” như tôi, Cào Cào đã đề xuất chúng tôi tham khảo cùng tham gia vào một đoàn trên Phượt, do bạn Redseavn kêu gọi. Vậy là Cào Cào vào đăng ký offline, nhưng những lần offline sau đó toàn tôi đi đại diện, vì Cào Cào hoặc bận hoặc có việc đi xa vào những dịp đó, đến nỗi Redseavn bảo hình như tôi dấu kỹ Cào Cào, vì sợ ai cướp mất (ôi nếu thế thật thì bố mẹ bạn ấy mừng phải biết).

Trước giờ chúng tôi toàn đi cùng những bạn bè thân thiết, hoặc cũng đã từng biết nhau trước đó. Đây là lần đầu tiên tôi đi cùng một đoàn trên Phượt, và cũng sẽ là đoàn đầu tiên với Phượt của Cào Cào nếu bạn không bất ngờ quyết định tham gia vào đoàn Tibet cùng Phượt vào tháng 9 vừa rồi.

Sau sự ra đi của bao nhiêu “dập dòm”, cuối cùng đoàn chúng tôi chốt lại con số thành viên chính thức gồm 8 người: Redseavn - trưởng đoàn, Cào Cào, tôi, một người bạn chung của Cào Cào và tôi, một người bạn đi cùng chuyến Tibet với Cào Cào, Bergy và bạn gái (lúc đăng ký tham gia là vậy, còn giờ đã là vợ sắp cưới) và cuối cùng là Hortensia. Kent77, một bạn trai ngay từ đầu đã cùng Redseavn nhiệt tình tạo lập chuyến đi này đã không thể tham dự cùng chúng tôi, để dồn sức cho chuyến Ai Cập vào cuối tháng 12 này.

3 cô gái và 5 chàng trai. Gọi cô gái và chàng trai cho nó thơ mộng, bởi Hortensia thì tôi chưa biết, chứ hai cô gái còn lại tiếng là trẻ trung nhất hội thì cũng là 8X đời đầu, còn lại một chàng 8X đời đầu, 2 chàng 7X đời cuối và nhất là 2 chàng … 6X đời đầu.

Với đoàn này, tôi được xếp vào hàng tre trẻ, trong khi tôi đã từng bị từ chối vì … quá lứa lỡ thì :D (bởi đoàn đấy chỉ tuyển gái trẻ).

8 con người, 8 độ tuổi, 8 tính cách. Chúng tôi đang háo hức chờ ngày lên đường, dù đến giờ phút này, tôi cũng như đa số thành viên khác chưa biết mặt Hortensia, chưa biết mặt người bạn chuyến Tibet của Cào Cào (trong khi tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ, số hộ chiếu thì biết rất rõ, vì tôi là người book vé). Hai chàng trai 6X chưa một lần lộ diện trước cả đoàn. Redseavn, như thường lệ, lại bảo tôi ém hàng kỹ đến phút cuối mới tung ra trước mặt mọi người, như lần tung Cào Cào ra gần đây :D

redseavn
30-12-2010, 10:56
hehe, axitchanh máu thế, đoàn chưa đi mà đã lập topic thật là hoành tráng, tôi đề nghị phong bạn làm phát ngôn viên của đoàn nhé:)) em viết rất hay nên chắc sẽ duy trì được topic luôn hot vì sẽ có nhiều đoàn đi Myanmar trong năm 2011. Nhưng mà tôi không dám nhận chức danh trưởng đoàn đâu, trong nhóm còn hai bác 6x để tổ chức bầu làm Trưởng đoàn chứ, mình làm thế tổn thọ mất. Rất mong cả đoàn gặp nhau trước lúc lên đường để tăng thêm tình đoàn kết... Bây giờ không còn là mơ nữa mà sắp thành sự thật rồi nên thấy cũng bình thường thôi, axit ạ... hy vọng một chuyến đi vui vẻ và tốt đẹp .......

axitchanh
30-12-2010, 22:16
Những ngày này, tôi đang nghiên cứu nhiều thông tin về Myanmar, để chốt lại lịch trình tốt nhất cho những ngày ngắn ngủi của mình.

Chưa bao giờ tôi lại háo hức đến thế.

Chưa chuyến đi nào tôi lại trông chờ đến vậy.

Những ngày cuối năm, công việc chất chồng, lại trục trặc liên tục mãi chưa giải quyết xong, đau đầu, mệt mỏi, tôi lại càng muốn rũ bỏ thật nhanh cái mớ bùng nhùng ấy để lao ngay tới Myanmar.

Tôi mong được thấy thật nhanh những sắc mầu Myanmar.

Tôi vốn yêu sắc mầu. Những tấm hình của tôi luôn rực rỡ. Có thể bạn tôi nói tôi mầu mè. Có thể bạn tôi bảo tôi lòe loẹt. Cũng không sao, bởi thực sự, với tôi, sắc mầu là món quà quý giá của cuộc sống. Sắc mầu luôn khiến tôi thấy cuộc sống thật sinh động và tràn đầy sinh lực. Vậy nên tại sao lại không yêu sắc mầu cho được?

Hoảng hốt và thấy sợ hãi khi thấy Tết đến gần. Cái cảm giác ấy nhiều năm rồi đều lặp lại với tôi. Nhưng năm nay, tôi chưa hề thấy, nếu không muốn nói là mong Tết đến thật nhanh, ngày mùng 3 đến thật nhanh, để lên đường.

Thấy cứ háo hức háo hức như một đứa trẻ chờ trông một món quà.

Myanmar, Myanmar, cái tên ấy cứ luẩn quẩn trong đầu. Lạ lùng là khi nghĩ đến những đền tháp của đất nước ấy, trong đầu tôi lại luôn hiện lên những câu thơ “Anh đi qua những thành phố bọc vàng”, “Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm” trong bài thơ “Viên xúc bắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm. Và rồi cứ gán “những thành phố bọc vàng” mà nhà thơ từng qua ấy chính là Myanmar nọ.

Và tôi cứ tự hỏi, tôi thật sự mong mỏi đến xứ sở ấy thật vậy sao, hay chỉ là mong muốn được bứt khỏi những khó khăn, những rắc rối đang bủa vây xung quanh? Tôi háo hức thực hiện một giấc mơ ngày cũ đến vậy, hay mê mải tìm cách trốn chạy thực tại đang diễn ra quanh mình?

chimchim
30-12-2010, 23:26
Miến Điện cũng hay phết. Tớ mới đi hồi tháng 7 năm nay, thấy bảo là thời gian đó là mùa mưa mà đi Bangan nắng chang chang suốt. Chỉ có ở Yangoon thì hay mưa hơn, nhưng ko quá kéo dài.
Nếu các bạn tới MĐ, nhớ đến Bagan nhé (nên đi máy bay cho nhanh), quần thể chùa tháp ở đây rất đẹp và rộng mênh mông. Ngoài ra cũng nên mua cái longghi (váy quấn) để mặc cho giống người Miến Điện, hihi.
Chúc các bạn lên đường may mắn.
Bagan:
https://img.photobucket.com/albums/v452/www/IMG_1375.jpg
https://img.photobucket.com/albums/v452/www/IMG_1380.jpg
https://img.photobucket.com/albums/v452/www/IMG_1471.jpg
https://img.photobucket.com/albums/v452/www/IMG_1388.jpg
https://img.photobucket.com/albums/v452/www/IMG_1449.jpg
https://img.photobucket.com/albums/v452/www/33489.jpg
https://img.photobucket.com/albums/v452/www/IMG_1441.jpg

axitchanh
03-01-2011, 21:19
Tôi không biết phải gọi tên cái cảm giác đó như thế nào, nhưng chính xác đó là những gì tôi đang trải qua. Và tôi muốn viết ra những dòng này như một cách giải tỏa, cũng là để ghi dấu những cung bậc cảm xúc của mình trước một chuyến đi.

Giấc mơ của tôi sắp được thực hiện. Không biết trước được giấc mơ đó sẽ ra sao, tôi sẽ nhìn nhận thực tế đó thế nào.

Câu trả lời chỉ có khi tôi đã đi qua giấc mơ của mình, nhưng tôi vẫn viết trước những dòng này và rồi để dành chỗ để viết tiếp, khi giấc mơ đã được thực hiện. Hi vọng lúc đó các Min, Mod chưa hốt mất toipc này của tôi đi :D

sbn
04-01-2011, 15:39
Hồi hộp, tơ tưởng hay kì vọng trước chuyến đi cũng là một trong những cảm xúc chi phối chuyến đi. Khi cậu đi thì đây chính là những cảm xúc hồi tưởng, hồi tưởng ngay khi bắt đầu thực hiện chuyến đi. Và biết đâu những thứ cậu gặp sẽ giúp cậu vẽ rõ nét hơn những dòng cảm xúc này để chia sẻ với mọi người. Tớ sẽ luôn theo dõi mỗi dòng hồi tưởng của cậu ;)

happypack
21-01-2011, 10:43
Hehe, axitchanh mới chạy rôđa một tí mà đã có gần 13,000 lượt tham quan rồi, thành "nhà viết" được hâm mộ rồi nhé :-) đừng phụ lòng bạn đọc gần xa nhé!

Zai Nha Que
26-01-2011, 16:39
Sẽ không thể thất vọng; Sẽ đắm chìm trong mọi cung bậc của cảm xúc trước những "hiện thân của quá khứ". Sẽ có ước mơ quay trở lại lần nữa. Tôi dặn lòng mình như thế, khi tạm biệt Bagan. Nhớ lắm những buổi chiều đầy nắng.

dugiang
26-01-2011, 17:08
Thế là mình đành lỡ hẹn với các bạn rồi. Thôi thì đành ngậm ngùi ra vào ngóng bài của hai tay viết đầy cảm xúc và các nhiếp ảnh gia dễ thương của Hanoi lovely group. Giao thừa này nhà mình có ba đứa sẽ ôm nhau ngủ ở Inle lake.

axitchanh
15-02-2011, 21:54
Không biết phải bắt đầu từ đâu để nói về đất nước này. Trong đầu tôi đến lúc này vẫn như một thứ hỗn mang. Bởi có quá nhiều lạ kỳ. Bởi có quá nhiều tương phản.

Myanmar không còn là điểm đến xa lạ của các bạn Phượt. Các bạn khác đã chia sẻ quá đầy đủ thông tin để các bạn có thể lên một lịch trình cho mình. Vì vậy, tôi sẽ không viết theo một trật tự cả nào cả, mà sẽ theo ngẫu hứng.

Đầu tiên là chuyện đi máy bay.

Trong quá trình thu thập thông tin để lên lịch trình cho chuyến đi, tôi đã khá ngạc nhiên khi biết Myanmar tiếng là nghèo nàn lạc hậu nhưng có tới 4 hãng hàng không: Myanmar Airways, Yangon Airways, Air Bagan và Air Mandalay.

Ngạc nhiên hơn nữa khi sang đó lại được đi một hãng hàng không khác: Asian Wings Airways.

Hãng hàng không mới, máy bay mới, tuy rằng vẫn là ATR72, còn lại thì cách bay thì vẫn cũ như những hãng hàng không còn lại của đất nước này. Máy bay sẽ bay một vòng tròn quanh đất nước, đến điểm nào sẽ dừng cho khách đến điểm đó xuống, khách đi điểm tiếp theo sẽ tiếp tục lên máy bay. Hôm bay từ Yangon đến Bagan, là chặng đầu của chuyến, nên boarding pass của chúng tôi có số ghế đàng hoàng, còn các chặng sau, không hề có số má gì hết, khách cứ lên máy bay tự tìm ghế mà ngồi, y như xe bus ấy. Chúng tôi đã nói đùa là mình được đi air bus. Air bus, xe buýt trên không ấy ạ, chứ không phải máy bay Airbus. Đúng là lần đầu tiên trong đời được đi máy bay kiểu lạ kỳ thế.

Máy bay hầu như không hề chính xác giờ, có thể sớm hơn hoặc chậm hơn, tùy thuộc máy bay đến sớm hay đến muộn, vì thực tế là một chiếc máy bay đảm nhiệm lịch bay cho toàn bộ các chặng trong nước. Bởi vậy, khi máy bay hạ cánh, bạn nhớ căng tai ra mà nghe thông báo máy bay dừng ở sân bay nào kẻo xuống nhầm thì khổ.

Lúc gọi lên máy bay cũng không hề có loa mà giơ một tấm biển báo chuyến bay nọ kia đã ready for boarding, nên bạn cũng nên căng mắt ra mà nhìn biển, hoặc thấy mọi người lục tục đi ra thì cũng đi theo, nhưng nhớ vẫn phải ngó cái biển xem có đúng chuyến của mình hay không không thì lại thành chuyến của hãng khác.

axitchanh
15-02-2011, 22:59
Chuyện gửi và lấy hành lý cũng ngộ lắm ấy. Không hề có băng chuyền nào hết, hành lý sẽ được cho vào những xe đẩy đẩy ra sân bay nhét vào bụng máy bay. Khi lấy hành lý từ bụng máy bay xuống thì cũng cho vào xe đẩy đẩy vào. Nhiều khi không mang vào kịp thì khách tự xông ra xe đẩy mà bới tìm hành lý của mình.

Khi check-in xong khách sẽ được dán sticker là logo của hãng lên cả người và hành lý để phân biệt với các hãng khác.

Mọi thứ đều thủ công, không có hệ thống quản lý qua mạng, viết vé, vào sổ thủ công nên không có chuyện biết trước còn chỗ hay không mà phải sát giờ mới biết. Nên bạn hầu như chẳng cần thiết phải đặt vé từ sớm, trước một ngày hoặc trong ngày hôm đó vẫn mua được, không của hãng này thì của hãng khác.

Sân bay quốc tế Yangon mới được xây dựng, khá hiện đại, còn lại các sân bay khác trông y như một bến xe bus. Thậm chí sân bay Thandwe (Ngapali), xe tải còn chạy rầm rầm bên cạnh sân bay, trẻ con còn đạp xe trên đường băng đuổi theo máy bay.

Đường bay nội địa nhưng hầu như toàn khách nước ngoài, không mấy người bản địa. Có thể thu nhập của người Myanmar chưa đủ cao để di chuyển bằng loại phương tiện đắt đỏ này, có thể đợt này đang là mùa cao điểm du lịch ở đó nên số lượng người ngoại quốc áp đảo người địa phương.

Bạn lưu ý là ở sân bay, có một đội ngũ rất nhiệt tình lao vào khuân vác hành lý cho bạn từ trên xe xuống mang vào chỗ xếp hàng check-in. Vẫn còn ngây ngất với sự nhiệt tình vô hạn của các bạn khách sạn nên chúng tôi cứ ngỡ rằng đội ngũ này là người của sân bay nhưng rồi hóa ra không phải, và chúng tôi đã phải trả tiền cho các bạn ấy. Các bạn nhớ nhé, ở sân bay đừng để người lạ khuân vác hành lý cho mình, nếu bạn không muốn mất tiền cho việc đó.

Bạn bay nội địa Myanmar, lựa chọn đầu tiên nên là Asian Wings Airways, vì máy bay mới hơn có thể sẽ an toàn hơn và độ ồn cũng thấp hơn. Nếu bay chặng dài với Asian Wings Airways, bạn sẽ được ăn món sandwich rất rất ngon, mà tôi phải thú thực là chưa bao giờ thấy sandwich ngon đến thế. Các cô tiếp viên áo hồng luôn miệng tươi cười mời bạn uống nước ngọt, ăn kẹo. Hơn cả là vì các cô đều rất trẻ trung, duyên dáng và xinh đẹp (hơn hẳn các cô Air Mandalay mà chúng tôi cũng từng đi).

Đáng yêu thế này thì tội gì không đi để mà ngắm chứ.


https://farm6.static.flickr.com/5215/5448418804_ea6e4db6d9.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4097/5448418086_3cc24a34c9.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5214/5448416914_498b9184c7.jpg

Logo của hãng ấy đây ạ.


https://farm6.static.flickr.com/5298/5448415930_49e864d5d1.jpg

axitchanh
17-02-2011, 22:15
Cây bàng lá đỏ

Myanmar lạ lắm. Myanmar đầy sắc mầu. Ngập tràn khắp nơi. Trải khắp không gian. Rực rỡ và tươi thắm.

Như mầu đỏ lá bàng này. Chưa ở đâu tôi thấy lá bàng có mầu đẹp đến thế. Tôi đã mê mẩn cái mầu đỏ lá bàng ấy.


https://farm6.static.flickr.com/5099/5453726120_7381375654.jpg

Lạ là lá đỏ cứ đỏ thắm, lá xanh cứ xanh biếc, chen sắc nhau trên cành, không có một trật tự mầu sắc nào cho lá non lá già, lá ở gốc cành hay lá ở trên ngọn.


https://farm6.static.flickr.com/5292/5453116819_3ec5977ba3.jpg

Soi bóng trên thân xe đỗ dưới gốc.


https://farm6.static.flickr.com/5094/5453117319_9e5d7a935c.jpg

axitchanh
17-02-2011, 22:34
Trong vắt mầu trời

Trời Myanmar xanh cao và trong vắt. Đến nỗi có bạn đã thắc mắc là tại sao ở nơi khác trời trong thế mà trời Việt Nam chả trong gì cả.

Trời cứ xanh ngăn ngắt thế này.


https://farm6.static.flickr.com/5179/5453165261_521909f239.jpg

Mây cứ trắng xốp thế này.


https://farm6.static.flickr.com/5255/5453770944_4276f50a49.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5251/5453773532_9c8e20fa95.jpg

Không xao lòng sao được.

axitchanh
19-02-2011, 22:41
Không thể phủ nhận cái lôi kéo tôi đến Myanmar là những đền tháp cổ lưu bóng thời gian soi mình qua vàng son đổ nát, nhưng cũng có một nơi trên đất nước ấy khiến tôi thích thú vô cùng, nơi tôi như biến thành một đứa trẻ, tung tăng chạy nhảy, miệng liên hồi đẹp quá đẹp quá, chốc chốc lại quay sang bạn tôi háo hức ‘‘xứng đáng chưa’’.

Nơi đó chính là hồ Inle (Inlay).

‘‘Xứng đáng chưa’’ bởi do tình hình sức khỏe của một bạn trong đoàn, chúng tôi đã đã phải bay từ Mandalay đến đây rồi tiếp tục bay từ đây về Yangon, thay vì bus đêm như lịch trình lên ban đầu. Do phát sinh khá nhiều tiền vé máy bay nên một số bạn lưỡng lự, sợ không đủ tiền, muốn ở guest house trên bờ (làng Nyaung Shwe) chứ không ở resort trên hồ như dự định. Trước tình hình đó, tôi và các bạn còn lại đã thuyết phục các bạn này ở resort vì đã đến đây thì kiểu gì cũng cố, ở một đêm thôi, thiếu tiền thì cho vay, về Việt Nam trả sau.

Và chúng tôi đã vào văn phòng của Golden Island Cottages ở làng Nyaung Shwe, cửa ngõ để vào hồ Inle, nơi cách sân bay Heho một giờ đi ô tô; chọn resort ở Nam Pan, với giá 60$/đêm/bungalow 3 người, 50$/đêm/bungalow 2 người. Golden Island Cottages còn một khu nữa ở Thale U, nhưng tôi chọn ở Nam Pan vì khu này ở sâu trong lòng hồ hơn Thale U.

Từ Nyaung Shwe phải đi thuyền mất một tiếng nữa mới đến Golden Island Cottages Nam Pan. Chờ đợi ở bến thuyền Nyaung Shwe để đưa chúng tôi vào làng Nam Pan sâu trong lòng hồ là những chiếc thuyền rất dài, mũi cong với mầu sắc hết sức bắt mắt.


https://farm6.static.flickr.com/5174/5458789116_c3348a9fec.jpg

Trên con lạch dẫn vào hồ, chúng tôi bắt gặp những người dân địa phương chèo thuyền vào hồ đánh cá.


https://farm6.static.flickr.com/5298/5458184859_657df16ef7.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5219/5458794110_1b59df906b.jpg

axitchanh
19-02-2011, 23:41
Hồ Inle là một danh thắng nổi tiếng của bang Shan, cách Taunggyi, thủ phủ của bang này 30 km về phía Nam.

Hồ dài 22,4 km, rộng 10,2 km. Đây có thể gọi là một “hồ trên núi” bởi Inle nằm ở độ cao 900 m so với mực nước biển, vây quanh bởi các dãy núi xanh mờ.


https://farm6.static.flickr.com/5252/5458934040_fe73b10a3b.jpg

Đâu là trời? Đâu là nước? Đâu là bến bờ?


https://farm6.static.flickr.com/5053/5458328999_b135e9a31c.jpg

Cậu bé lái thuyền đưa chúng tôi rong ruổi trên hồ.

Những hàng rào trên hồ cũng đẹp đến nao lòng.

Đây là hàng rào đơn sơ để ngăn lục bình xâm nhập vào khu resort.


https://farm6.static.flickr.com/5132/5458329771_ce20caab97.jpg

Và hàng rào ngăn đất lở trên con lạch dẫn vào hồ cũng đẹp lạ với mầu vàng óng ánh trong nắng trời Inle.


https://farm6.static.flickr.com/5059/5458331053_3b690fbf2c.jpg

axitchanh
21-02-2011, 08:56
Chúng tôi đến Inle vào trưa ngày hôm trước và rời đi vào trưa ngày hôm sau nên may mắn được chứng kiến cả những giây phút đầu tiên và những giây phút cuối cùng trong ngày, khi mặt trời nhô ra khỏi mây và lại trốn vào trong đó.

Này đây một bình mình trên hồ ngay nơi Golden Island Cottages Nam Pan chúng tôi ở.

Là khi mặt trời chưa lên với mặt hồ huyền ảo trong màn sương dày đặc, tưởng như không phải ở chốn trần gian.


https://farm6.static.flickr.com/5258/5462000166_464a9c53a5.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5256/5461999460_239d34f547.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5016/5462001670_d62767582e.jpg

Đã bao giờ bạn được tận mắt ngắm nhìn màn sương kỳ ảo ấy, như tôi đã từng, ở chính nơi ấy, một nơi tưởng xa mà gần, tưởng lạ mà quen?

Đã bao giờ bạn được tận mắt ngắm nhìn làn sương ấy từ từ tan ra vào trong không gian theo bước chân của những tia sáng mặt trời?

Là khi trời bắt đầu ửng hồng xua dần lớp sương lãng đãng mặt hồ.


https://farm6.static.flickr.com/5178/5461397831_5442425e26.jpg

Và những tia nắng đầu ngày chiếu trên vạn vật. Tất cả trở nên óng ánh dưới ánh vàng buổi sớm.


https://farm6.static.flickr.com/5292/5462002442_7e5a0248ca.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5018/5461399639_9250a8ba45.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5293/5461400435_b6116c2fcd.jpg

sbn
21-02-2011, 09:45
Cái hồ này đẹp hay tại bạn tớ vì quá háo hức, quá đắc chí với lựa chọn của mình mà chụp đẹp thế, cứ như kiểu có động lực để thu hết cái đẹp của nó vào ống 17-40 về cho những "kẻ" ko dám theo tiếc hùi hụi vậy :P. Chả biết thế nào chứ nhìn ảnh này thì tớ động lòng lắm lắm roài. Nhớ thêm chút cảm xúc của "Biết và không biết" cho "Giấc mơ tìm thấy" ngọt ngào hơn nhé :x

P/s: Đừng có đi nước ngoài nhiều rồi hờ hững VN mình nhá, trời VN nhiều chỗ trong trẻo vô vàn đấy cậu ạ ;P

axitchanh
21-02-2011, 10:00
Nó đẹp thật đấy bạn á, tớ cứ thích mê lên ý. Với tâm hồn của một kẻ như bạn thì chắc phải chụp đẹp hơn nhiều nhiều ý. Nhưng tại đi một mình nên hơi phí, đi cùng giai của mình nữa thì đâu bằng.

axitchanh
21-02-2011, 10:07
Là khi mặt trời đã gom hết sức sống tỏa sáng cho nhân gian nay đang lịm dần, lịm dần, nhường chỗ lại cho bóng tối.


https://farm6.static.flickr.com/5174/5461392099_c753c08a1d.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5096/5461996534_a4afc56a9f.jpg

Nhưng những người lao động vẫn cần mẫn với công việc mưu sinh thường nhật của mình, cho đến tận khi ánh sáng kia tan biến vào bóng đêm.


https://farm6.static.flickr.com/5291/5461394339_55e2fbc0cc.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5096/5461395435_0624f3b357.jpg

Ducko
21-02-2011, 10:21
Cảm ơn Axitchanh, hinh chụp đẹp lắm! Nhìn hình lại thấy nhớ nôn nao! Củ đậu của lạc các ... củ ơi, hay là lại làm chuyến nữa nhỉ, chỉ Bagan và Inle....

axitchanh
21-02-2011, 11:29
Inle không phải là một hồ nước thật sâu, và nước trong vắt, thậm chí có nơi có thể nhìn tận đáy như thế này.


https://farm6.static.flickr.com/5018/5462007064_c94da642c6.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5292/5461402155_08c0319fe7.jpg

Nhưng mặt hồ luôn phẳng lặng soi bóng trên cao.


https://farm6.static.flickr.com/5098/5462004544_188b6aabb5.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5179/5462008224_c403166608.jpg

Những khu resort, những khách sạn trên hồ toàn được làm bằng gỗ teak. Nhà ở của người dân cũng không ngoại lệ. Và có quy hoạch, hàng lối đàng hoàng.


https://farm6.static.flickr.com/5172/5462009132_306daf3627.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5135/5461388597_a95d128a05.jpg

Thậm chí đến cả cột điện cũng bằng gỗ luôn. Và tôi đã tự mắng mình vớ vẩn khi chột dạ nghĩ đến tình huống lỡ dây điện kia đứt rơi xuống nước…


https://farm6.static.flickr.com/5131/5461387575_5dd90fe5a5.jpg

Nhưng có lẽ tôi chỉ lo lắng thừa bởi người dân sống bao đời nơi đây biết thế nào là tốt nhất, thuận tiện nhất cho hoàn cảnh và cuộc sống của mình. Không ai hiểu họ, biết về họ và cuộc sống của họ như chính họ.

axitchanh
21-02-2011, 23:19
Inle nổi tiếng với lối chèo thuyền bằng chân và những khu vườn nổi trên hồ, được neo giữ bằng những cây sào dài, chủ yếu trồng cà chua.


https://farm6.static.flickr.com/5254/5464784431_a386c23b5c.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5173/5465380984_9c212de867.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5291/5461393379_eb32920084.jpg

Cà chua ở đây quả không to như ở mình, nhưng rất tươi ngon. Đây là những trái mọng trồng trên hồ và được bầy bán ngay tại phiên chợ trên hồ.


https://farm6.static.flickr.com/5095/5465379696_0731f1f390.jpg

Món salat cà chua của các bạn Miến cũng rất ngon và dễ ăn. Hầu như bữa nào nhà hàng có chúng tôi cũng đều gọi món này.

Cuộc sống hàng ngày vẫn đang diễn ra rộn rã trên mặt nước.


https://farm6.static.flickr.com/5094/5464782813_004f919f14.jpg

Giống như những người dân sông nước đồng bằng Nam Bộ nước ta, để thích nghi với cuộc sống mênh mang trên hồ, phương tiện di chuyển của người dân nơi đây chủ yếu bằng thuyền, cũng được đóng từ gỗ teak.


https://farm6.static.flickr.com/5292/5464782341_b04d25789d.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5216/5465381420_c29f57e0c7.jpg

Chúng tôi cũng đã đến nơi sản xuất đồ bạc, nơi sản xuất thuốc lá cuốn, nơi xưởng dệt của những người phụ nữ cổ dài Padaung, xưởng dệt khăn bằng tơ sen, đến chùa Phaung Daw Oo nhưng thú thực rằng những nơi ấy tôi không gây ấn tượng với tôi lắm. Tôi thấy thích thú hơn với phiên chợ trên hồ Inle. Chúng tôi đã dành trọn buổi sáng nơi đây để dạo chợ, để ngó nghiêng, để mặc cả mua bán, để ngắm nhìn một cuộc sống thực của những con người thực đang diễn ra, để cười, để nói, để buôn chuyện với những người dân hiền lành, chất phác nơi đây, dù rằng không phải hiếu tất cả ý nhau, nhưng những nụ cười đã xóa hết khoảng cách …

happypack
22-02-2011, 11:10
Trong tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, các nhân vật chính dù công phu khổ luyện không bằng các vị võ lâm tiền bối nhưng đều đạt được thành tựu võ công vượt trội, phần lớn nhờ vào cái gọi là "tư chất thiên bẩm". Đối với mình, những tấm hình của axitchanh cũng vậy, dù qua thời gian có thể mình sẽ theo kịp bạn về kỹ thuật, nhưng góc nhìn cuộc sống qua ống kính của axitchanh đã là một cái gì thuộc về "thiên bẩm" rồi. Xin bái phục, và mong có dịp tái ngộ nhờ chỉ giáo!
:-)

sbn
22-02-2011, 16:40
Nàng thân mến ạ, có nhiều chỗ để đi, có nhiều cảnh để ngắm, có nhiều thứ để thưởng thức, nhưng những điều đó nàng chỉ cần 1 người bạn đồng hành cùng đồng điệu, là đủ. Có thể là tronng 1 nhóm, đôi khi cậu chỉ cần có một người có thể cũng hỉ hả với mình ở mỗi nơi mỗi chốn mỗi cảm nhận, vậy cũng là thỏa mãn, đâu cứ phải giai, hề hề. Gói ghém cái mong manh lại để dành, có nhiều lúc cần dùng lắm, đừng uổng phí ;).
Nhưng phải công nhận là cảnh ở đây khiến người ta dễ mong manh thật, hí hí. Bình minh hay hoàng hôn mà ngồi vắt vẻo ở bậc cầu thang hay cạnh mặt nước ngắm rồi ư ử bài gì đấy hoặc hoành tráng hơn là có con cá nướng với chai bia, hỉ, chẹp...

axitchanh
23-02-2011, 11:25
Thì cũng đã đến đó, ở đó, ngắm và cảm ở đó cùng những người cùng chí hướng mà gái, nhưng non nước hữu tình, bầu trời cảnh đẹp tự dưng làm người ta có nhu cầu được chia sẻ những tuyệt vời ấy với người ta rất rất yêu quý.

Hoàng hôn mà nhâm nhi bia chai cá nướng thì OK, nhưng bình minh thì hơi khó khả thi, vì rét run cầm cập ý. Nhưng đúng là chúng tớ đã ăn cá nướng và uống rượu vang trong bữa tối, đã nằm ngồi ngả ngớn trên những chiếc ghế tre nơi ban công lều gỗ trên hồ, tiếp tục ăn đủ món và uống trà, buôn chuyện trên trời dưới biển và cười nói như chưa bao giờ được cười nói, đã ngắm trời, ngắm khu resort và ngắm nhau trong đêm trong cái lạnh mơn man của gió hồ.

Cuộc đời đó được mấy lúc như thế?

axitchanh
23-02-2011, 12:50
Một phiên chợ ngập tràn mầu sắc.

Đây là “bãi đỗ xe” của chợ.


https://farm6.static.flickr.com/5257/5469881585_20cb228468.jpg

Cập vào bến, đỗ con thuyền rồi men theo lối mòn nhỏ quanh co. Em đi chơi chợ.


https://farm6.static.flickr.com/5011/5469889485_8590d14c4e.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5214/5470484050_957046fcd6.jpg

Bước chân vào đây, ban đầu tôi không cảm thấy hào hứng lắm, bởi cái cảm giác “đúng là chợ dành cho khách du lịch”, vì thấy rất nhiều những dãy hàng bán đồ lưu niệm đủ loại.


https://farm6.static.flickr.com/5296/5470478314_f75200bde0.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5260/5470479138_f5778ae116.jpg

Nhanh chóng bỏ qua khu vực này, tôi đi sâu vào bên trong. Và tôi đã nhận ra rằng, đôi khi cảm giác chỉ là cảm giác…

axitchanh
24-02-2011, 16:48
Chợ đúng nghĩa là một ngôi chợ dân sinh, bán đầy đủ các nhu yếu phẩm cho cuộc sống, từ lương thực thực phẩm đến các đồ dùng gia đình thường ngày.

Này là rau quả trồng trên hồ.


https://farm6.static.flickr.com/5217/5472849339_f40f0cd56e.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5219/5472849031_1cd4c18958.jpg

Này là cá đánh trên hồ


https://farm6.static.flickr.com/5058/5469887943_584ca85c14.jpg

Này đồ sành gốm


https://farm6.static.flickr.com/5175/5469884421_3be21c08de.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5180/5470478912_116f979e1e.jpg

Đến đồ nhựa, đồ nhôm


https://farm6.static.flickr.com/5094/5469889045_d30c2d77c8.jpg

Và rất nhiều những chiếc túi Shan rực rỡ, có lẽ là đặc trưng nơi đây, bởi thấy các bạn đi dạo chợ hầu như bạn nào cũng đeo.


https://farm6.static.flickr.com/5212/5472938471_0361242b14.jpg

Còn rất nhiều các loại hàng hóa khác, không thể kế hết được. Nhiều nhất có lã là các hàng bán dầu với can lớn can nhỏ cho việc chạy thuyền (chắc giống như ta mua xăng để chạy xe máy, ô tô). Kế nữa là các hàng thuốc lá cuốn với giá 500 Kyat/gói hoặc bó 50 điếu. Giá này rẻ bằng 1/5 giá bán ở nơi sản xuất hôm qua chúng tôi đến, nhưng đương nhiên không được trộn nhiều mùi thơm bằng. Giá này là đồng hạng ở chợ, tất cả các quầy đều bán giá như vậy, không mặc cả được, và dân tình ở đó cũng mua đúng giá như thế.

axitchanh
24-02-2011, 17:06
Chợ được quy hoạch thành những dãy nhà có mái che cố định, nhưng có những chỗ lối đi giữa các dãy nhà lại được che bằng những tấm vải bạt mầu sắc sặc sỡ. Khi ánh nắng trong veo của vùng hồ rọi qua những tấm sắc mầu này lại tạo ra thứ ánh sáng rực rỡ rất đẹp mắt.


https://farm6.static.flickr.com/5132/5469886921_62854f1884.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5097/5469893137_ac93ac9eed.jpg

Đi giữa phiên chợ Inle mà tôi không thể không liên tưởng đến một phiên chợ của vùng cao Tây Bắc nước ta. Cũng ngập trong sắc mầu, cũng tràn trong nhộn nhịp, không hẳn chỉ bởi các hoạt động bán mua, không chỉ là “đi chợ” mà dường như là “đi chơi chợ”. Cư dân của vùng hồ dường như tụ họp nhau tại đây, hẹn hò nhau tại đây, gặp gỡ nhau tại đây. Đến chợ là đến với niềm vui, đến với nụ cười, đến với cộng đồng, với xã hội.

Bởi vậy mới thấy những người bán hàng mà cứ thảnh thơi như đang ngồi chơi cùng cháu con.


https://farm6.static.flickr.com/5175/5470480032_987e677576.jpg

Những người chậm rãi ngồi thưởng thức bữa sáng.


https://farm6.static.flickr.com/5216/5470479398_4707cb36cd.jpg

Thong dong ngồi cà kê ngồi tán chuyện.


https://farm6.static.flickr.com/5254/5469885477_4fd681166e.jpg

Hoặc nhàn nhã ngồi sưởi nắng ngoài trời.


https://farm6.static.flickr.com/5132/5470487738_d2dea3f88f.jpg

Hay ngay trong gian hàng đơn sơ bé nhỏ của mình.


https://farm6.static.flickr.com/5178/5470480508_0ce24bb933.jpg

axitchanh
24-02-2011, 22:21
Tôi đã thắc mắc là tại sao ở Inle này toàn mầu sắc chói lói thế, từ mầu sơn trang trí, mầu áo phao, tấm bọc ghế của những con thuyền, đến mầu sắc của những ngôi nhà trên hồ, những khung cửa, những tấm áo, những tấm longyi phơi bên hiên nhà, nhưng có đi giữa mênh mông Inle, có đi giữa nơi không rõ đâu là trời, đâu là nước, đâu là bến bờ này mới thấy vẻ đẹp nổi bật của những mầu sắc ấy. Cùng là những mầu sắc này, ở nơi khác chắc chắn sẽ ít được dùng tới, nhưng trên cái nền xanh thẳm này, nó lại nổi bật và đẹp lạ. Có thể mục đích của việc dùng nhiều mầu mạnh và chói ở đây, ban đầu chỉ với mục đích nhận diện, nhưng vô hình trung nó lại tạo thành những mảng mầu rất đẹp, sinh động và nổi bật trên nền xanh.

Việc này có lẽ cũng giống như những bộ trang phục rực rỡ sắc mầu của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc nước ta, luôn luôn nổi bật trên nền xanh thẳm của núi rừng.

Những “thợ săn” này cũng góp thêm chút sắc mầu cho vùng hồ Inle.


https://farm6.static.flickr.com/5295/5470480262_fc0f8c5c43.jpg

Rời Inle trong buổi trưa đầy gió. Nắng vàng rực rỡ đã chan chứa khắp mặt hồ xanh thẳm, xua tan cái lạnh mơn man của đêm trước, khi cả tám chúng tôi ngồi cười nói cùng nhau trên hàng hiên túp lều nhỏ và đã qua rồi cả cái giá buốt sớm nay, khi đôi tay nâng chiếc máy ảnh ghi lại khoảnh khắc màn sương mờ ảo trên mặt hồ đã nhiều lần run lên, chỉ sợ out nét bởi chiếc áo khoác mỏng mang theo không đủ hơi ấm. Chắc sẽ khó còn cơ hội nhìn thấy lại khoảnh khắc kỳ diệu này


https://farm6.static.flickr.com/5297/5462000560_19d5a29c05_z.jpg

Bầy chim trắng như đuổi theo níu kéo những người rời lòng hồ ở lại


https://farm6.static.flickr.com/5213/5461406301_046aa169df_z.jpg

Tạm biệt nhé Inle, đã từng ở đây và chắc chắn sẽ nhớ lắm chốn này.

bụi đường ca
25-02-2011, 11:41
Nhớ Inle quá! Thank axitchanh nhé, tên chua mà viết ngọt thế.

axitchanh
25-02-2011, 22:43
Vẫn chưa thể quên cái khoảnh khắc, khi chúng tôi đang đứng ở cửa sân bay Nyaung Oo, hỏi han mặc cả tiền taxi, bỗng dưng tất cả tối om. Ngơ ngác, hoảng hốt nhìn quanh. Thì ra sân bay đã tắt đèn đóng cửa, và chúng tôi đã là những vị khách cuối cùng trên chuyến bay cuối cùng của ngày hôm nay qua sân bay này.

Cũng tầm giờ này ngày hôm qua, khi chúng tôi đặt chân đến sân bay Yangon, đặt những bước chân đầu tiên đến đất Myanmar, trong khi đợi lấy hành lý, chúng tôi đã ngoái cổ ra đám người lố nhố giơ những tấm biển tên ngoài kia xem có ai đợi mình. Vậy mà chẳng thấy ai. Lấy xong hành lý, đã định tự bắt taxi về Yoma Hotel, khách sạn đã đặt trước đó, thì bỗng xuất hiện bên ngoài cửa kính một người đàn ông đang giơ tấm biển có tên chúng tôi và khách sạn chúng tôi đã đặt. Ra ngoài, ông cho biết khách sạn chúng tôi đặt đã hết chỗ, nếu đồng ý thì xe sẽ đưa chúng tôi về Yoma Inn, khách sạn của cùng một chủ với Yoma Hotel.

Còn hôm nay, không có đám người lố nhố giơ biển tên, không có ai đợi chờ, đón chào chúng tôi cả.

Đường từ sân bay Nyaung Oo về làng Nyaung Oo không quanh co dốc núi, không xa xôi, vắng vẻ như từ sân bay Heho về Inle nhưng cứ có chút gì đó buồn buồn, trầm trầm theo suốt con đường đi. Có lẽ đó là không khí trầm mặc đặc trưng của vùng đất cố đô xưa, của miền đất di sản.

Người lái taxi hỏi chúng tôi đã có nhà nghỉ nào chưa. Chúng tôi cho biết là chưa đặt nhà nghỉ nào cả, ông có biết chỗ nào chất lượng và giá cả hợp lý thì đưa chúng tôi đến. Chỗ ông đưa chúng tôi đến không còn phòng. Chúng tôi nói ra mấy cái tên nơi các bạn Phượt đi trước đã từng ở, Golden Myanmar, May Kha Lar, ông đưa chúng tôi đến, tất cả đều hết chỗ. Chúng tôi chạy quanh các nhà nghỉ khu vực đó, cũng đều đã kín, nơi còn phòng thì chất lượng rất tệ. Cuối cùng ông đưa chúng tôi đến Eden, một nhà nghỉ ở gần khu chợ. Phòng ở chất lượng không cao, nhưng còn đủ một phòng lớn cho 5 chàng trai và một phòng nhỏ cho 3 cô gái. Tối mệt và không còn lựa chọn nào khi các nhà nghỉ khác đã kín vào dịp cuối tuần, chúng tôi đã mặc cả lấy phòng ở đây với giá 5$/người, không bao gồm ăn sáng.

Hầu hết taxi ở Myanmar đều đưa khách đi đến khi nào tìm được nhà nghỉ thì thôi, và không tính thêm vào số tiền đã thỏa thuận ban đầu.

Tối hôm đó chúng tôi đã lần đầu tiên được thưởng thức buffet cơm Miến khá dễ ăn sau bữa trưa cắt cổ ở sân bay Bangkok trưa qua, bữa tối “point & shoot” (chỉ món ăn và chủ quán sẽ lấy cho) ở China Town, Yangon tối qua và bữa trưa qua quýt với cơm rang trưa nay ở Yoma Inn trước giờ lên máy bay đến Bagan.

Trên đường về nhà nghỉ, chúng tôi không quên ghé qua văn phòng của Golden Myanmar đặt vé bus tối mai đi Mandalay với giá 7.500 Kyat/vé. Ám ảnh với hình ảnh và chất lượng của những chiếc xe ô tô chạy đầy rẫy ngoài đường phố Myanmar, tôi đã phải hỏi đi hỏi lại xe đấy thế nào, có phải loại Aero Space 45 chỗ, có điều hòa nhiệt độ không. Người đàn ông trông khá hiền lành và đáng tin cậy đã phải xác nhận đi xác nhận lại những câu hỏi liên tục có cùng nội dung của tôi rồi mà chúng tôi vẫn không ngừng phỏng đoán xem chiếc xe ngày mai đi sẽ ra sao, mỗi lần nhìn thấy một chiếc xe khách chạy qua, chúng tôi lại “Đấy, chắc xe mai mình đi sẽ thế đấy”, và không biết bao nhiêu chiếc xe đã được điểm mặt chỉ tên như vậy.

Chúng tôi cũng đặt luôn xe ngựa đi Old Bagan ngày mai tại đây. Nhìn thấy những chú ngựa cao lớn hơn hẳn những chú ngựa nhà mình hùng dũng kéo xe chạy phăm phăm trên đường, chúng tôi đã đặt 2 xe cho 8 người, với giá 15.000 Kyat/xe. Và ngày hôm sau, chúng tôi đã thấy thương những chú ngựa quá đỗi khi còng lưng kéo chúng tôi trên những con đường đất đỏ trong cái nắng khô nóng Bagan…


https://farm6.static.flickr.com/5211/5476107331_3dc4b20608.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5016/5476109053_bb3fa915e7.jpg

axitchanh
27-02-2011, 05:19
5h sáng hôm sau, chúng tôi check-out và lôi bánh mỳ, mỳ tôm mang theo từ nhà sang, xì xụp ăn cùng ruốc và mắm tép chưng thịt. Cậu lễ tân nhà nghỉ rất nhiệt tình lấy nước sôi và cho chúng tôi mượn bát. Hai cỗ xe ngựa đã chờ sẵn ngoài kia. Bước ra ngoài và bảo nhau, chắc trời rét lắm đấy, bởi thấy người xà ích đang quấn mình trong chiếc chăn sù sụ.

5h30, chúng tôi ra đi khi trời vẫn chưa tỏ mặt người. Con đường hun hút men theo những hàng cây. Gió lạnh bủa vây xung quanh. Tiếng móng nhựa gõ lóc cóc trên con đường trải nhựa.

Tôi đang tiến vào kinh đô của đế chế Pagan (Bagan) xưa lừng lẫy trong lịch sử xứ Miến từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII.


https://farm6.static.flickr.com/5100/5480203792_699a3d6137.jpg

Tôi đang đến với một nơi đã từng nguy nga hiện diện 10.000 đền tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, nay chỉ còn 2.200 chiếc đang say ngủ trong cô quạnh.


https://farm6.static.flickr.com/5017/5479602805_5c834676a8_z.jpg

Pagan một thời là một vương quốc hùng mạnh, nay chỉ là một thành phố không người lặng lẽ bên bờ trái sông Ayeyarwady.


https://farm6.static.flickr.com/5011/5480204330_4922711e20_z.jpg

axitchanh
28-02-2011, 15:22
Những chú ngựa cứ lầm lũi bước đi trong bóng tối. Chú đang đưa chúng tôi đi đón bình minh nơi thánh địa của những đền tháp, một thánh địa vàng son một thời, nay vắng lặng đến hoang tàn. Và thánh địa ấy chắc sẽ vẫn chìm trong cô quạnh giữa đất trời Bagan, mặc cho mặt trời kia có lên có xuống mỗi ngày, mặc cho mưa kia có rơi, gió kia có thổi, nếu không có sự hiện diện của những kẻ hoài cổ cố tìm lại chút huy hoàng quá vãng trong ánh sáng ngày mới sắp lên.


https://farm6.static.flickr.com/5212/5485186838_db694bf978.jpg

Tất cả kiên nhẫn đợi chờ trong bóng tối. Những đôi mắt nhìn ra những đền tháp xung quanh. Có cái chỉ là những khoảng sẫm trong không gian. Có cái lại được đèn thắp sáng rực. Những giọng nói chuyện nhẹ nhàng như sợ phá vỡ mất không gian yên ắng nơi đây.

Trời sáng dần, bầu trời đã chuyển hồng nhưng mãi không thấy mặt trời ló rạng.


https://farm6.static.flickr.com/5258/5484591067_e88738531e_z.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5175/5484592247_50a37545b0.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5214/5485187686_a1a17204c7.jpg

Trời khá mù. Có lẽ chúng tôi là những kẻ thiếu may mắn khi hôm nay không được chứng kiến giây phút mặt trời nhô lên khỏi chân trời. Có lẽ sẽ chẳng có cơ hội lần thứ hai, bởi ngay tối nay chúng tôi đã rời khỏi chốn này. Những gương mặt tiếc nuối vây quanh. Nhiều người đã tự cho mình là kẻ kém may mắn, đi xuống khỏi tháp, trong đó có tôi.


https://farm6.static.flickr.com/5298/5484592737_e7fc0677b8.jpg

Đang loanh quanh chụp ảnh bên dưới bỗng thấy tiếng một bạn Trung Quốc la lên “Xuất hiện rồi”. Vội ngẩng đầu nhìn về phía Đông, đúng là mặt trời đã hiện ra rực rỡ. Vội vàng lao lên tháp, vừa ngắm nghía, vừa chụp, như sợ để tuột mất giây phút tưởng không hề có này.


https://farm6.static.flickr.com/5139/5485187452_655f6593ee_z.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5216/5484592469_ff51b64b73.jpg

Vậy là mình vẫn có duyên với chốn này, thánh nhân vẫn đãi kẻ khù khờ.

axitchanh
02-03-2011, 15:29
Chiếc xe ngựa chở chúng tôi qua những con đường đầy nắng và gió giữa những tán cây lá nhỏ, trôi qua những đền đài chùa tháp, như thể đang quay ngược lại quá khứ, hiện tại nằm lại sau lưng ngăn cách bởi lớp bụi đỏ phủ mờ.


https://farm6.static.flickr.com/5054/5491382122_15bf65f96e.jpg

Những lối mòn đất đỏ này nối hơn 2.200 đền tháp trong một thung lũng khô cằn rộng 29 km2 nằm gọn bên bờ Đông sông Ayeyarwady. Bagan khí hậu khắc nghiệt. Ban ngày khô, nắng và nóng nhưng đêm lại rất lạnh, nhiệt độ ngày đêm có khi chênh lệch nhau tới 30 độ C và ít có mưa. Bởi vậy đất đai nơi đây khô cằn, dù cho đã được cày xới cẩn thận cũng không thấy trồng trọt, bởi giờ đang là mùa khô, không có nước.


https://farm6.static.flickr.com/5212/5491382950_cec1f707ce.jpg

Chỉ thoáng thấy lũ gia súc đang nhẩn nha gặm cỏ, vô lo vô nghĩ bên những linh thiêng hào hoa xưa.


https://farm6.static.flickr.com/5059/5490789079_12bba99b5d.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5296/5490788773_24f8ba0c2c_z.jpg

axitchanh
02-03-2011, 15:58
Bagan giờ là khu đền đài bỏ không, không có hiện diện cuộc sống của con người. Bagan quạnh quẽ đến cô liêu. Nhiều khi chúng tôi tưởng mình là những kẻ độc hành trên con đường đất đỏ, tưởng mình bị vây hãm bởi vô số đền đài xung quanh, nếu không có sự xuất diện bất chợt của những du khách khác. Nơi đông vui nhộn nhịp và nhiều âm thanh lao xao của cuộc sống nhất trong thành phố bị bỏ quên này có lẽ là bến sông nhỏ cạnh con sông Ayeyarwady trong lòng Bagan xưa.

Nơi có những con thuyền nối những bờ vui.


https://farm6.static.flickr.com/5175/5491415764_4ab9a99b78_z.jpg

Nơi có lơ thơ hàng quán phục vụ những người khách qua sông.


https://farm6.static.flickr.com/5140/5490822901_dd72775515_z.jpg

Nơi có những người phụ nữ lam lũ tảo tần bán mua.


https://farm6.static.flickr.com/5300/5491416172_2f5e16701c.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5055/5491416492_afbbf48db7.jpg

Và người xà ích ngồi đợi khách mang theo cả đứa con nhỏ xinh xắn của mình đi làm, vất vả nhưng vẫn tươi cười.


https://farm6.static.flickr.com/5099/5490823601_da64eb0e0c.jpg

Đó là những bức tranh cuộc sống sống động nhất tô điểm cho chốn cô quạnh này.

axitchanh
09-03-2011, 22:25
Các đền tháp Bagan chủ yếu là kiểu tháp nhọn xây tường gạch nung, nhuốm mầu phôi pha mưa nắng thời gian. Các công trình còn lại nơi đây gồm cả những ngôi chùa hình tháp đặc kín theo lối kiến trúc giai đoạn đầu thời kỳ Mon và cả những ngôi chùa rỗng bên trong theo lối kiến trúc thời hậu Mon. Có cả những ngôi chùa mang kiến trúc pha trộn giữa phong cách Ấn Độ giáo và Angkor.


https://farm6.static.flickr.com/5011/5512368346_9baa43fd7a.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5297/5511771151_da401e2fc6.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5296/5511769999_98bb3ceca5.jpg


Chùa xây bằng gạch đỏ đất nung không hề có mạch vữa.


https://farm6.static.flickr.com/5139/5511771743_6d79792547.jpg

Dấu vết thời gian

Đi giữa thánh địa này, không ai không thể không choáng ngợp, choáng ngợp về số lượng, choáng ngợp về quy mô và choáng ngợp cả về sự trường tồn của những đền tháp giữa nắng gió mưa giông và qua những thăng trầm thời gian cả nghìn năm qua. Không hề ngoa ngôn khi nói Bagan chất chứa cả một lịch sử huy hoàng phía sau những lớp bụi đỏ mịt mờ.


https://farm6.static.flickr.com/5253/5512368644_b7224f9ec5_z.jpg

Cái đẹp của Bagan không phải là cái đẹp nhấn nhá vào chi tiết, không phải là cái đẹp của từng đền tháp riêng lẻ mà là cái đẹp của cả quần thể, của tầng tầng lớp lớp những ngọn tháp cao thấp lớn nhỏ xa gần đủ hình dạng nằm xen kẽ nhau trải dài và trải rộng trong không gian. Những ngôi chùa Bagan chỉ xây bằng gạch đỏ thô mộc nhưng chính thứ mầu gạch này lại nổi bật trong sắc nắng vàng ruộm của đất trời Bagan.

axitchanh
10-03-2011, 21:36
https://farm6.static.flickr.com/5176/5514211047_451a0b619d.jpg

Mặt sau Gaw Daw Palin Phaya, ngôi chùa do vua Narapatisithu xây dựng năm 1203 sau khi xây Sulamani Temple và được con trai ông là vua Htilominlo hoàn thiện sau đó. Chùa cao 55 m, với kiến trúc tương tự Sulamani Temple. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Bagan, với kiến trúc 2 tầng. Chùa được xây trên mặt phẳng hình vuông, với mái cổng ở bốn phía, nhưng mái cổng ở phía Đông nhô ra hơn các mái cổng khác. Ở tầng dưới, có một hành lang mái vòm chạy quanh bốn mặt của chùa trước mặt những ngôi tượng Phật.


https://farm6.static.flickr.com/5255/5514806426_f145197584.jpg

Mahabodhi Temple, do vua Nantaungmya xây dựng năm 1215, mô phỏng ngôi chùa cùng tên nổi tiếng ở Ấn Độ, để tỏ lòng tưởng nhớ đến nơi Đức Phật được khai sáng. Ngôi chùa được xây dựng với khối vuông ở bên dưới, bên trên là những tháp nhọn được trang trí bằng nhiều bức tượng Phật ngồi đặt trong hốc tường. Ngôi chùa này có kiến trúc khác với kiến trúc chung của những ngôi chùa trong thánh địa Bagan.

axitchanh
10-03-2011, 22:07
Dhammayangyi Temple, do vua Narathu (Kalagya Min) xây dựng năm 1167. Được đánh giá là ngôi chùa có cấu trúc đồ sộ ở Bagan, với kiến trúc tương tự chùa Ananda. Sau khi giết chính vua cha của mình, Narathu chiếm ngai vàng và cho xây dựng ngôi chùa này. Tương truyền Narathu tự mình giám sát việc xây dựng và những người thợ xây sẽ bị hành quyết nếu một cái kim có thể lọt giữa hai lớp gạch, nhưng Narathu chưa kịp hoàn thành công trình của mình thì đã bị ám sát. Tương truyền Narathu đã phật ý bởi các nghi lễ Hindu, và một trong những người thi hành nghi lễ này là một công chúa Ấn Độ, con gái của Pateikkaya. Vì vậy, Narathu đã cho hành quyết công chúa. Cha của công chúa muốn trả thù cho người con gái vô tội của mình nên đã sai 8 thị thần cải trang thành các Brahmans và ám sát Narathu trong chính ngôi chùa đồ sộ này.


https://farm6.static.flickr.com/5293/5514806806_43a1c0f5ce.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5053/5514807122_4869b7d1b6.jpg

Ngôi chùa được xây hoàn toàn bằng gạch mộc nổi bật từ xa vì vẻ đồ sộ giữa một không gian khá trống trải với mầu gạch đỏ ánh lên trong nắng vàng và chiếc cổng cao lớn đã bị phá hủy một phần không còn mái nhọn.

Ngôi chùa có những bức tường với cột kèo, vòm cửa được trang trí rất đẹp mắt.


https://farm6.static.flickr.com/5012/5514212413_ac7abd65e2.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5138/5514212715_80812c52ef.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5173/5514808318_8c57a00d20.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5134/5514213617_dbf0aab796.jpg

Hành lang và cửa tò vò của chùa, vừa để thông gió, vừa để lấy sáng, vừa tạo ra những khoảng sáng tối rất đẹp.


https://farm6.static.flickr.com/5179/5514809060_a3059e4c55.jpg

axitchanh
14-03-2011, 22:42
Trong số hàng ngàn đền tháp Bagan, không thể không nhắc đến Ananda Phaya, ngôi chùa mang phong cách kiến trúc Ấn Độ, được vua Kyanzittha xây dựng năm 1105. Được cho là một kiệt tác của kiến trúc Mon còn sót lại, Ananda mang phong cách kiến trúc của giai đoạn cuối thời tiền Bagan và khởi đầu thời trung Bagan. Đây là ngôi chùa được xây bằng chất liệu đá chứ không phải bằng gạch nung như đa số các ngôi chùa khác ở đây, đồng thời cũng được đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất, rộng lớn nhất, được bảo tồn tốt nhất và linh thiêng nhất trong số các ngôi chùa Bagan. Ananda đã bị phá hủy khá nhiều trong trận động đất năm 1975 nhưng nay đã được phục chế hoàn toàn.


https://farm6.static.flickr.com/5019/5526552224_e9512298bc.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5292/5525962653_78d3a9eb9f.jpg

Theo truyền thuyết, một ngày nọ có 8 vị sư từng tu ở chùa Nandamula Cave trên dãy Himalayas đến khất thực. Nhà vua bị hấp dẫn bởi những câu chuyện kể và bị mê hoặc bởi cảnh sắc của những nơi các vị sư đã từng tu tập, đã khao khát xây dựng một ngôi chùa có không khí mát lạnh ở bên trong ở giữa thung lũng Bagan. Sau khi xây dựng xong, nhà vua đã hành quyết các kiến trúc sư để bảo tồn kiến trúc độc đáo duy nhất của ngôi chùa.


https://farm6.static.flickr.com/5298/5525967461_7156235cbc.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5220/5526557512_f359f0eaa0.jpg

Kết cấu của Ananda theo kiểu chùa có dãy hành lang. Chùa cao 51m, phần dưới được xây dạng hình vuông mỗi cạnh dài 53 m, phần trên có những bậc trang trí và các tháp nhọn. Các lối vào chùa được trang trí hình stupa. Nền và bậc thang được trang trí bằng những viên gạch tráng men có hình ảnh kể về cuộc đời Đức Phật. Các dãy hành lang bị ngăn với chính thất bằng những cánh cửa gỗ teak chạm khắc.


https://farm6.static.flickr.com/5257/5526556444_62b7f2e8b5.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5252/5525965833_8b1a4f2355.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5215/5526559844_e701c1dc81.jpg

axitchanh
14-03-2011, 22:54
Qua hết hành lang này, một hàng lang khác lại hiện ra.


https://farm6.static.flickr.com/5053/5525965257_14e052f0d0.jpg

Trong góc sân chùa có một quả chuông, có lẽ không thu hút được sự chú ý của nhiều người, bởi trông nó rất bình thường, không to lớn, không trang trí tinh xảo, nhưng cái thu hút được sự chú ý của tôi chính là chiếc quai chuông, bởi nó được chạm khắc rất đẹp.


https://farm6.static.flickr.com/5017/5526553018_99d8fd94ac.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5216/5526554048_98f5f04c94.jpg

Những góc tường phía ngoài có rất nhiều những chú sư tử trong tư thế canh gác.


https://farm6.static.flickr.com/5139/5526555162_2b17a9f8ef.jpg

Ananda cũng nổi tiếng bởi có 4 bức tượng Phật khổng lồ quay về bốn hướng. Mỗi bức cao 9,5 m, làm bằng gỗ teak.


https://farm6.static.flickr.com/5058/5526562550_32c620516f_z.jpg

Đây là các vị Phật đã đạt được Niết bàn. Từ trái qua phải, lần lượt là các vị
Phía Đông: Konagamana (Phật Câu Na Hàm),
Phía Tây: Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni),
Phía Nam: Kassapa (Phật Ca Diếp)
Và phía Bắc: Kakusandha (Phật Câu Lâu Tôn)

Đặc biệt, bức tượng Phật Ca Diếp, từ xa nhìn lại thấy khuôn mặt ngài vui vẻ như đang khẽ cười nhưng lại gần ngước nhìn lên, khuôn mặt ngài lại có vẻ đăm chiêu, buồn bã.

Dưới chân tượng, một vị sư đang lặng lẽ niệm kinh, mặc cho những gì đang diễn ra xung quanh.


https://farm6.static.flickr.com/5256/5525968037_a96a55fc64.jpg

Bên cạnh Ananda Phaya là Museum of Wall Painting, Bảo tàng tranh tường. Tôi cứ tiếc ngẩn ngơ không được chụp lại những bức tranh đẹp đẽ ấy nhưng khi đến Sulamani, tôi đã được bù đắp phần nào.

axitchanh
16-03-2011, 12:16
Sulamani Temple, được vua Narapatisithu xây dựng năm 1183. Nếu không tính Museum of Wall Painting, thì đây có lẽ là ngôi chùa có tường và trần được trang trí bằng các bức tranh tường nhiều nhất trong số hơn 300 ngôi chùa được trang trí tranh tường ở Bagan.

Sulamani mang dáng kim tự tháp, trông như một chiếc vương miện nên cũng hay được gọi là ‘‘Vương miện ngọc’’. Ngôi chùa nhìn bên ngoài khá đẹp và nổi bật, được trang trí các họa tiết rất tinh xảo. Sulamani được xây bằng gạch đỏ, và là một trong số những ngôi chùa gạch đỏ đẹp nhất ở Bagan.


https://farm6.static.flickr.com/5013/5531405322_d262da9db9.jpg

Hầu hết các ngôi chùa Bagan, các họa tiết trang trí đều tập trung ở cấu trúc phía ngoài ngôi chùa, còn bên trong khá đơn giản. Sulamani cũng được trang trí rất tinh xảo ở bên ngoài, nhưng sự khác biệt chính là những bức tranh tường bên trong.

Có thể là những hoa văn trên trần chạy dọc theo lối hành lang


https://farm6.static.flickr.com/5218/5530823465_86ef73cfdd.jpg

Hoặc trên cột kèo, góc tường


https://farm6.static.flickr.com/5099/5530822803_84f03a0c33.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5256/5530823135_592f43b58e.jpg

Hay là hình ảnh những người canh chùa được vẽ ngay trên tường ở lối vào.


https://farm6.static.flickr.com/5133/5530820205_d9124cf794.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5295/5531406068_60cc97e124.jpg

Trước khi đến Bagan, tôi đã rất ấn tượng với những bức tranh tường ở đây nên đã mang sẵn theo một chiếc đèn pin nhỏ để ngắm nhìn cho rõ. Lang thang một mình trong Sulamani, chiếc đèn pin này đã giúp ích tôi khá nhiều trong việc xem tranh nhưng nó cũng không giúp được tôi trong việc tăng sáng để lưu giữ lại những bức tranh bằng máy ánh, bởi ánh sáng trong chùa rất yếu. Tiếc vì không chụp được nhiều ảnh nhưng tôi cũng không lấy thế làm buồn, bởi tôi biết rằng nếu ánh sáng ở đây chan hòa để cho tôi chụp được những bức ảnh đẹp thì những bức tranh trên tường kia đã chẳng còn tồn tại được đến ngày nay để đến tận cả thiên niên kỷ sau tôi mới có mặt mà vẫn được thấy chúng hiện diện.

Có thể do khí hậu Bagan khô, quanh năm ít mưa, có thể do những ngôi chùa Bagan được xây với vách tường bằng gạch hoặc đá khá dày nên cách nhiệt tốt, bên trong chùa nhiệt độ khá mát mẻ và ổn định, đặc biệt, Bagan quanh năm nắng chói chang nhưng ánh sáng lại không được lọt vào quá nhiều nên những bức tranh tường được bảo lưu khá tốt, vẫn giữ đường đường nét và mầu sắc đến tận nghìn năm sau.

axitchanh
16-03-2011, 12:27
Cũng phải nói rõ những bức tranh này không phải được vẽ trên nền gạch đỏ mà được vẽ trên vữa. Có nhiều mảng tường lớp vữa đã bị bong nên đương nhiên những bức tranh vì thế cũng đã không còn. Vậy nên mầu sắc không phải là cái duy nhất quyết định tuổi thọ của bức tranh, mà chất lượng vữa tường cũng có vai trò tương đương.

Vữa được sử dụng gồm nhiều vật liệu khác nhau cùng chất kết dính hòa với nước trát lên tường khi còn ướt, và sẽ cứng lại khi khô. Các bức tranh tường được vẽ bằng cách hòa mầu với vôi ướt và vẽ lên trên lớp vữa trát này. Khi lớp vôi khô đi, mầu sắc của những bức tranh sẽ nhạt hơn lúc ban đầu.

Các bức tranh này thường hay có nội dung về các câu chuyện, các nhân vật, các điển tích, các sinh hoạt tôn giáo


https://farm6.static.flickr.com/5173/5530821051_571d77b57b.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5092/5530820757_2aa9661dc9.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5017/5531407058_63d865408a.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5219/5530821843_cc8001c577.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5019/5530822175_f8df083425.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5219/5530822489_63854e3b3d.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5256/5530823831_8c70a1cb40.jpg

Mà với vốn hiểu biết nông cạn của mình tôi không nhận ra, không hiểu hết.

axitchanh
16-03-2011, 12:50
Nhưng với gương mặt này, chắc hẳn tất cả đều nhận ra.


https://farm6.static.flickr.com/5057/5530876755_b177e3a1e1.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5253/5531462560_bdc7a8ea09.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5137/5531462896_38f24b0652.jpg

Bởi trông quá đỗi phúc hậu, quá đỗi thân thuộc.

Và hình ảnh những con người dâng hoa lên Phật. Có khi là phụ nữ, có khi là đàn ông. Có khi là những bông sen trắng, có khi là những bông sen đỏ, có khi là loài hoa tôi chưa từng biết tên, chưa từng trông thấy. Nhưng tất cả đều chung tư thế cúi đầu và vẻ mặt rất thành kính.


https://farm6.static.flickr.com/5016/5531461542_6e24301d9c.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5019/5531462242_edc906ca2f.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5292/5530878071_0d8400085c.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5292/5530878441_820e740403.jpg

axitchanh
16-03-2011, 17:18
Bên cạnh phần lớn các bức tranh tường với nội dung tôn giáo, hình ảnh những chú voi cũng xuất hiện khá nhiều. Điều đó chứng tỏ voi khá thân thiết và đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc sống của người Pagan thời kỳ đó.

Có khi khá nghiêm nghị


https://farm6.static.flickr.com/5017/5531711148_372f31c29a.jpg

Khi lại tinh nghịch và đáng yêu.


https://farm6.static.flickr.com/5171/5531710018_ca1c7b91a3.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5180/5531125625_10f9052be5.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5178/5531709774_fbcc6f03e5.jpg

https://farm6.static.flickr.com/5096/5531126283_88e4350d45.jpg

Có thể thấy trong các bức tranh, nổi bật nhất vẫn là mầu nâu đỏ. Có thể đó là mầu được yêu thích nhất trong thời kỳ đó, có thể đơn giản là bởi mầu đó bền nhất, có sức chống cự tốt nhất với những phôi phai thời gian.

Đã từng ở Bagan, chứng kiến những chênh lệch nhiệt độ khủng khiếp trong ngày, oằn mình trong những cơn gió rét ban đêm, trẫm mình trong cái nắng chói chang ban ngày, thu vào tầm mắt những thửa ruộng khô, những bụi cây cằn, tắm trong những lớp mù mịt bụi đỏ, biết rằng thiên nhiên Bagan không hề hào phóng với con người Bagan. Dù vậy, mặc cho lòng hạn hẹp của thiên nhiên, người Pagan xưa vẫn nung ra đủ gạch, đẽo ra đủ đá và kiếm đủ các loại vật liệu để xây nên ngàn vạn ngôi chùa; vẫn tìm cách pha chế ra đủ mầu sắc từ thiên nhiên và giống như trong thiên nhiên để vẽ nên biết bao bức tranh trên trần tường những ngôi chùa. Còn các vị Phật ngự xứ Pagan thì chắc chắn vô cùng hào phóng khi ban cho người dân nơi đây khối óc giỏi giang và bàn tay khéo léo để xây dựng hàng loạt những ngôi chùa, vẽ nên hàng loạt những bức tranh, để ngày nay chúng ta được thưởng lãm.

Có một cách các bức tranh tường đang được lưu giữ ở Bagan, đó là nhờ bàn tay tài hoa của những người họa sỹ dân gian.


https://farm6.static.flickr.com/5097/5531814784_cc03aef6a4.jpg

Bằng những dụng cụ đơn giản này


https://farm6.static.flickr.com/5173/5531814532_80c8332781.jpg

Phần lớn nội dung những bức tranh cát của họ chính là những bức tranh được vẽ trên tường, trên trần những ngôi chùa Bagan, được họ chép lại trên toan vải, theo chân các du khách đi đến nhiều nơi xa xôi.

Sulamani là một ngôi chùa tôi thích và nhớ nhất ở Bagan. Thích bởi nó có kiến trúc đẹp, có những bức tranh tường đẹp mà tôi đã lưu giữ lại được chút ít hình ảnh, dù không toàn vẹn. Nhớ bởi đây là nơi chúng tôi đã “nương nhờ cửa Phật”, nơi chúng tôi đã nằm xuống dưới chân Phật, nơi chúng tôi đã có một giấc ngủ không mộng mị sau bữa trưa với bia Mandalay và cơm buffet Miến rất ngon nơi quán ăn Miến ngay ngã ba gần chùa Ananda, nơi chúng tôi bỏ lại những bụi trần ngoài cánh cửa kia, tạm quên mọi sự đời để rồi sau đó lại sảng khoái và khỏe khoắn rong ruổi trên những con đường đất đỏ quanh thánh địa của những ngôi đền mà tuổi đời đã tính đến con số ngàn năm.

axitchanh
17-03-2011, 10:14
Những người xà ích thành Bagan rất chuyên nghiệp. Không cần phải nói đi những đâu, họ sẽ tự biết lựa quỹ thời gian khách có để đưa đến ngôi đền nào đón bình minh, ngôi đền nào để ngắm hoàng hôn, những đền chùa nào trong số hơn 2.200 ngôi chùa tháp của cả thánh địa là đẹp nên ghé qua nhất. Chú ngựa không lời và người xà ích lặng lẽ đã đưa chúng tôi qua những con đường vắng lặng thong dong nơi miền quá khứ này.

Chúng tôi đã có một ngày bỏng rát đôi chân nơi những ngôi chùa Bagan. Ở khắp nơi trên đất nước Myanmar này, bỏ giầy dép và thậm chí cả tất từ ngoài cổng rồi đi chân trần vào chùa là một hành động thể hiện sự tôn kính Đức Phật. Nếu bạn vô tình quên, sẽ ngay lập tức có người nhắc nhở bạn, không nhất thiết là người trông coi chùa, mà có thể là một chú bé con, một người phụ nữ, một người già hay bất cứ một người dân Myanmar nào có mặt lúc đó.

Dừng chân ở nhiều ngôi chùa, hiếm hoi lắm mới thấy có tấm biển này


https://farm6.static.flickr.com/5094/5531814992_37c1a6f48b.jpg

Còn đâu đã thành thói quen, hễ đến chùa là mặc nhiên không đi giầy dép vào trong, chẳng cần biển hiệu, chẳng cần người nhắc.

Bỏ giầy ra và thoải mái đi vào chùa, có đi bao lâu khi quay lại đôi giầy của mình vẫn nằm yên vị trí đấy, không lo mất cũng chẳng lo bị ‘‘cầm nhầm’’, bởi người Myanmar quan niệm Đức Phật biết hết, nhìn thấy hết những gì họ làm, và họ sẽ bị quả báo cho những hành động xấu của mình. Đó có lẽ cũng là một quan niệm tốt để ngăn con người khỏi những điều sai trái.

Take off your shoes nhưng lại open your mind.

axitchanh
17-03-2011, 13:45
Những bước chân vội vàng của chúng tôi cũng không ngăn nổi bước chân của thần mặt trời. Cuống quýt, vội vã; nhàn tản, thong dong; hào hứng, chán nản; lạnh cóng gió buốt, bỏng rẫy nắng chói; đủ cả mọi cung bậc rồi cũng sắp qua. Mặt trời đã ngả hẳn về Tây. Chẳng mấy chốc lại trôi qua một ngày.

Chúng tôi đã đón bình minh thành cổ, và giờ đây những chú ngựa lại lóc cóc đưa chúng tôi đi tiễn hoàng hôn. Vậy là đã có trọn ngày đi từ bình minh đến hoàng hôn. Những chú ngựa vẫn bước đi trong chiều. Còn tôi, “Tôi đi giữa hoàng hôn/Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương” (Văn Phụng).


https://farm6.static.flickr.com/5256/5531863906_905e5368fa_z.jpg

Trước khi đến với Myanamr, tôi đã đọc được những dòng “Bagan tráng lệ, rực rỡ trong ánh bình minh và mơ màng trong ráng chiều đỏ ửng”. Tôi đã đến Bagan để được chứng kiến những giây phút ấy. Quả là không sai. Tôi đã được tận mắt ngắm nhìn những ngôi tháp cổ thức dậy cùng bình minh, đốt cháy mình trong nắng chói và thiếp ngủ khi hoàng hôn buông xuống.


https://farm6.static.flickr.com/5178/5531864022_a8ed4f7ba3_z.jpg

Mặt trời đã khuất hẳn. Những lữ khách cuối cùng cũng đã rời khỏi tháp.


https://farm6.static.flickr.com/5256/5531864512_9008e92679.jpg

Lô xô dưới kia là những cỗ xe đang đợi những vị khách đi tiễn hoàng hôn trở về.


https://farm6.static.flickr.com/5139/5531280685_43141a5d1e.jpg

Đâu đó có ai đang chờ đợi ta?

Khi ta lại mất đi thêm một ngày của cuộc đời này.

Mất đi.

Vĩnh viễn.

Không bao giờ lấy lại được…

axitchanh
19-03-2011, 23:31
Có đi giữa rừng đền tháp câm lặng này mới thấm thía được nỗi buồn Bagan, mới thấy “Lòng ta là những thành quách cũ” (Vũ Đình Liên). Hẳn cái vẻ quạnh quẽ của Bagan đã truyền cho ta nỗi cô liêu, nhưng ta cũng không khỏi không chạnh lòng đau buồn thay cho Bagan. Bagan có đẹp không? Rất đẹp. Bagan có kỳ vĩ không? Rất kì vĩ. Bagan mang nhiều giá trị lịch sử không? Rất nhiều. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng xét trên những tiêu chí nhất định, có thể thấy, cái đẹp, cái kỳ vĩ cũng như giá trị lịch sử của Bagan đều ít nhiều sánh ngang với Angkor của Cambodia, Borobudur của Indonesia, nhưng cả Angkor, cả Borobudur đều đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến, và nhất là được các tổ chức quốc hỗ trợ rất nhiều chuyên gia và tiền bạc để bảo tồn những giá trị ấy, Bagan thì không. Nguyên nhân là do vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề giá trị.

Thấy tiếc vì những giá trị ấy không được tôn vinh, không được nhiều người biết đến, nhưng thực sự tôi cũng không biết nghĩ thế nào hơn. Thực tế ở Bagan, tôi thấy các công trình được bảo tồn rất tốt, những phần phục chế cũng được làm rất khéo và hòa hợp với kiến trúc chung. Có thể ở Bagan, khí hậu khô nên các công trình được bảo tồn tốt hơn ở những nơi khí hậu ẩm, nhưng đó là yếu tố thiên nhiên, còn về yếu tố con người, yếu tố kỹ thuật, như Angkor, được các chuyên gia nước ngoài với kỹ thuật tiên tiến giúp đỡ phục chế các công trình bị hủy hoại, nhưng tôi thấy những phần phục chế ấy khá lộ, còn ở Bagan, các đền tháp được bảo tồn, phục chế bằng kỹ thuật lạc hậu của Myanmar, do chính bàn tay những người dân Myanmar làm, tôi lại thấy hài lòng với những phần phục chế ấy. Ý nghĩ này hơi chủ quan, nhưng phải chăng không ai hiểu Myanmar, văn hóa Myanmar bằng chính con người Myanamar? Với họ, công việc này không hẳn là phục chế lại một ngôi chùa do chính tổ tiên họ đã xây dựng từ xa xưa, mà đó là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo có thừa trong mỗi con người Myanmar. Họ như đã gửi gắm cả tâm hồn và đức tin của mình vào đó. Và cũng dường như là khá ích kỷ khi tôi tự hỏi, nếu như được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến hơn, đông du khách đến với Bagan hơn, thì những đền tháp này liệu có còn nguyên vẻ đẹp trầm mặc vốn có, những người dân nơi này có còn nguyên sự thật thà chất phác như vốn có hay không?

Và nếu không có sự xâm lăng của quân Mông Cổ, nếu không có sự xuất hiện của Thành Cát Tư Hãn và đội quân hùng mạnh của mình nơi đây năm 1283, nếu không có cái chết của vua Narathihapate năm 1287, và nếu cái tên Pagan không có trong danh sách những nước bị đế chế Mông Cổ thôn tính, thì liệu số lượng đền tháp nơi kinh đô cổ Bagan có còn gia tăng, và vai trò của quần thể kiến trúc ấy thế nào với nền văn minh nhân loại?

Lặng nghe tiếng vó ngựa thành Bagan để thấy giờ đây chỉ còn ‘‘Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương’’. Những thành quách của kinh thành xưa chỉ còn là những hàng gạch đổ nát, nhưng hàng ngàn đền đài lớn nhỏ qua những thăng trầm thời gian cả nghìn năm có lẻ vẫn còn đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn vượt lên những đám cây khô gầy, những cát bụi nhọc nhằn, vẫn vươn lên trời cao, đầy kiêu hãnh. Dù cuộc sống ngoài kia có sôi động đến đâu, có nhộn nhịp đến thế nào thì Bagan vẫn lặng lẽ ngủ yên chốn đó, quạnh quẽ và cô liêu như đã trôi vào quá khứ cả ngàn năm trước.

Và thực lòng, tôi vẫn muốn Bagan không bị đánh thức, Bagan hãy cứ ngủ yên thế, dù tôi đã tự hỏi, cả ngàn đền tháp còn đó, nhưng liệu chư thiên có còn ngự trị nơi đây? Dù đến giờ phút này, nghĩ đến Bagan, tôi không chỉ nghĩ đến những lạnh lẽo trong buổi sáng sớm, những cô quạnh kéo dài cả ngàn năm, mà cả những giây phút thế này, khi đêm đã tàn và nắng đã lên, len qua hàng cây, chứa chan ngập lối?


https://farm6.static.flickr.com/5018/5534499594_c779f19697.jpg

axitchanh
29-03-2011, 11:35
Tôi cứ lải nhải một mình mãi topic này mà chưa kết thúc. Tôi đã viết vì chính cảm xúc của mình. Cảm xúc thì nhiều, những điều muốn viết, muốn nói cũng rất nhiều, nhưng những điều vùi dập cảm xúc trong cuộc sống này lại còn nhiều hơn nữa. Cái khiến tôi cố gắng duy trì đó là vì một lời hứa, một lời hứa mà thực tế cuộc sống nhiều lúc làm tôi quên đi, nhưng khi nhớ thì lại tiếp tục viết.

Và rồi lại lải nhải.

Kết thúc một ngày lang thang qua những ngôi đền Bagan, chúng tôi rời Nyaung Oo trên chuyến xe bus 8h30 tối. Một đêm ở Yangon, một đêm ở Bagan, tuy chăn ấm đệm êm nhưng thực sự là tôi không ngon giấc, lạ là tôi lại dựa lưng vào ghế ngủ ngon lành trên chiếc xe lắc lư từ từ tiến về Mandalay mặc cho đôi lần xe dừng lại giữa đường đón khách, đôi lần dừng lại nơi hàng quán ven đường cho khách ăn đêm và đi vệ sinh, có lẽ do thấm mệt sau ba ngày di chuyển, đi lại liên tục với 3 chuyến bay, 3 quốc gia, 4 thành phố. Đôi lúc tôi hé mắt thấy lướt qua khung cửa hình ảnh những ngôi chùa dát vàng sáng rực trong đêm, những hàng cây xao xác, những ngôi nhà lặng im, những ánh đèn đường vàng vọt hay những khoảng trống tối đen.

Ngỡ rằng sẽ được một giấc ngủ ngon đến tận 5, 6 giờ sáng bù lại hai đêm trước nhưng ai dè 2h30 xe đã tới Mandalay. Lại ngỡ rằng xe sẽ đến bến đỗ và mình sẽ tiếp tục ở yên trên xe ngủ đến sáng mới rời khỏi xe đi tìm nhà nghỉ nhưng hóa ra không phải vậy, hình như xe không vào bến mà trả khách tận nơi khách muốn đến. Lái xe hỏi muốn đến khách sạn nào, cả đám ngớ ra vì chưa đặt trước khách sạn nào cả. Chợt nhớ ra tên “Nylon Hotel” các bạn đi trước đã từng ở. Ngạc nhiên là chẳng cần hỏi địa chỉ, bác tài đưa thẳng đến khách sạn đó luôn. Ngỡ rằng cả đám sẽ bị quăng xuống đó nhưng lại ngạc nhiên nữa là bác tài xuống xe, đi cùng, đích thân gõ cửa khách sạn hỏi có còn phòng hay không. Hết phòng. Ngỡ rằng bác tài sẽ bỏ cả đám lại lên xe đi tiếp nhưng lại ngạc nhiên hơn khi bác hỏi xung quanh đây có khách sạn nào không và lại dẫn cả đám đến khách sạn đó. Lại tiếp tục gõ cửa, hỏi han. Lễ tân cho biết hiện tại không còn phòng trống, 8h30 mới có khách check-out. Gần 3h sáng giữa một thành phố xa lạ nơi đất nước xa lạ trong tiết trời lạnh giá, chúng tôi quyết định vào khách sạn chờ lấy phòng. Khi đó bác tài mới lên xe tiếp tục hành trình. Thật quá cảm kích trước sự nhiệt tình của bác tài cũng như sự kiên nhẫn của các vị khách trên xe. Trời rét mà thấy lòng ấm lạ.

axitchanh
04-04-2011, 09:13
Mandalay không phải là thành phố tôi thích, nhưng lại có quá nhiều điều đáng nhớ ở đây. Đầu tiên là bác tài xế xe bus Bagan - Mandalay mà tôi không nhớ nổi khuôn mặt, tiếp theo là chuyện “gặp cướp ở Mandalay” và “bữa tối ở Mandalay”.

Xe bus express Bagan - Mandalay, chuyến xe bus đầu tiên chúng tôi đi trên đất Miến, đương nhiên không thể tiện nghi như những chiếc xe tôi đã từng đi nhưng cũng không đến nỗi kinh khủng như chúng tôi đã từng lo ngại. Lấy đồ khỏi xe, bước vào khách sạn ấm áp, bỏ lại sau lưng những rét mướt giá lạnh. Người lễ tân từ bỏ giấc ngủ êm đềm và chỗ ngủ ấm áp của mình để tiếp chúng tôi. La liệt hành lý quẳng xuống sàn nhà, chúng tôi kiếm cho mỗi người một chỗ để ngồi. Trong khi một số bạn chạy quanh mấy khách sạn khác theo list của Lonely Planet để hỏi phòng, một số bạn hỏi han người lễ tân, mặc cả giá xe cho một ngày rong ruổi Mandalay.

Tôi vốn con nhà nông dân, tính tình cũng nông dân, nhưng ăn uống hơi tiểu thư (không ăn được thức ăn có quá nhiều muối, nhiều đường) và ngủ thì đặc biệt tiểu thư (nhất thiết phải có đệm và phải là đệm mềm). Nghiêng phải, nghiêng trái một hồi, dù rất buồn ngủ nhưng không tài nào nhắm mắt được trên chiếc quầy gỗ trang trí ở phòng lễ tân, tôi trở dậy. Lặng lẽ trong bóng tối nhìn các bạn đồng hành mỗi người đã kiếm cho mình một chiếc ghế nằm ngủ tạm, tôi rón rén ra chân cầu thang, nơi sáng nhất trong căn phòng lúc này, lặng yên ngồi đọc sách. Nhưng tôi cũng chẳng “đóng giả trí thức” được bao lâu, bởi cuốn sách tôi mang theo đọc quá dở, trong khi bóng đèn không đủ sáng khiến đôi mắt khá cay và nhức mỏi, tôi lại quay về ghế ngồi. Cứ lặng yên một mình như vậy cho đến 5h sáng.

Lúc đấy những người phục vụ trong khách sạn bắt đầu trở dậy. Người lễ tân rất nhiệt tình bảo chúng tôi lên phòng của họ trên gác xép ngủ tạm một lúc, hoặc lên tầng 5 có 2 cái phòng tắm có nước nóng để tắm.

Tôi lựa chọn đi tắm cho thoải mái, và khi quay xuống dưới tầng 1, mọi sự bắt đầu.

Đó là một buổi sáng kỳ lạ, mà tôi vẫn chưa thể quên.

Đó là khi tôi phát hiện ra mình đã đánh đổ mất một lọ nước hoa Miracle. Đổ hết sạch sành sanh, không còn chút nào. Mùi nước hoa đậm đặc tràn ngập căn phòng kín.

Đó là khi một cô gái vào đợi lấy phòng sau chúng tôi, cũng đang nằm ngủ tạm nơi chiếc ghế gần cửa ra vào, tỉnh dậy và nhìn quanh tìm đôi dép của mình.

Đó là một đôi tông mầu trắng. Một bác già trong nhóm chúng tôi đang tắm, do tất cả đều đi giầy và không mang theo dép, không lẽ đi tắm bằng giầy hoặc bằng chân đất, trong khi thấy có đôi tông của cô gái đó đang để không, không lẽ lại dựng cô ấy dậy chỉ để hỏi mượn đôi dép, nên đã lấy đi, định bụng sẽ nói sau khi cô ấy tỉnh dậy.

Không may là anh bạn của chúng tôi chưa kịp tắm xong để trả lại đôi dép thì cô ấy đã ngủ dậy.

Thấy cô ấy dậy, tôi phải xin lỗi ngay và nói rằng bạn tôi đang đi dép của cô ấy, không thể gọi cô ấy dậy khi đang ngủ để hỏi mượn, nên phiền cô ấy một chút xíu đợi bạn tôi quay ra sẽ nói chuyện với cô ấy. Vậy mà nàng gào lên như một con thú bị thương, bảo chúng tôi là “lũ ăn cướp”. Tất cả chúng tôi ngồi đó đều đã lên tiếng xin lỗi nhưng nàng vẫn lu loa gào thét lên. Thấy vậy, một bác già khác trong chúng tôi đã phải vào tận phòng tắm, lấy đôi dép ra, tôi đã phải đích thân lau khô đôi dép, trả lại cho nàng, tiếp tục kèm theo lời xin lỗi mà nàng vẫn như lên cơn động kinh, tặng cho “lũ rác rưởi” chúng tôi đủ “mỹ từ”. Chúng tôi chán ngán chẳng ai thèm nói thêm lời nào trước sự quá đáng của nàng mà nàng vẫn tiếp tục độc diễn.

Tôi đã đọc được đâu đó rằng nước hoa cũng là một chất có tác động đến hệ thần kinh, khiến con người ta có những hành động không bình thường. Tôi cũng không chắc chắn lắm về điều ấy, nhưng đến tận lúc này, tôi vẫn không dám nói ra suy nghĩ này với các bạn đồng hành của tôi, liệu có phải tại lọ nước hoa tôi đánh đổ quá nhiều và mùi quá đậm đặc đã tác động lên não nàng khiến nàng phát rồ lên như vậy? Với nàng, tôi không biết, nhưng chỉ biết rằng, một bạn trong chúng tôi đã chực trào nước mắt khi nghe nàng gào lên về đôi dép của nàng “It’s my memory”. Trong không gian toàn mùi nước hoa ấy, có lẽ cái từ “memory” khiến bạn nhớ đến mùi nước hoa gắn với kỷ niệm sâu sắc nào đó của mình, và đã ngơ ngẩn ít nhất là suốt cả ngày hôm ấy, thậm chí đến tận hôm sau. Giây phút đó, tôi chợt hoảng hốt, không phải bởi người đàn bà đang xỉa xói kia, mà bởi cảm giác có lẽ mình đã vô tình chạm đến nỗi buồn đau của bạn mình.

Còn nàng, không hiểu sao nàng lại quá đà như vậy?

axitchanh
05-04-2011, 08:55
Bác già tắm xong quay ra, nghe chúng tôi nói sự tình, đã tiếp tục xin lỗi nàng. Nhưng nàng vẫn chưa yên, vẫn mồm loa mép giải, nhảy cồ cồ lên, bảo “You hurt me, you must pay money”. À, thì ra là vậy. Nàng muốn tiền. Nàng bảo chúng tôi đã làm tổn thương nàng nên phải trả tiền cho nàng. Tất cả mọi sự tổn thương đều có thể đền bù bằng tiền hay sao? Chuyện xảy ra với đôi dép của nàng chỉ có vậy mà khiến nàng đau lòng đến thế sao? Có ai đau lòng và bị tổn thương đến mức ghê gớm như vậy chỉ vì người khác dùng tạm đôi dép của mình khi chưa có điều kiện hỏi và đã lau khô rồi mới trả lại, đã đồng loạt xin lỗi, cả người đi dép lẫn người không đi dép nhưng là bạn của người đi dép?

Không ai nói gì thêm và không ai đáp ứng yêu cầu về tiền của nàng. Và nàng vẫn nổi cơn điên, miệng lải nhải gào thét đủ thứ kết tội chúng tôi rồi lôi máy ảnh ra, chụp chúng tôi tới tấp. Thấy vậy, một bạn trong chúng tôi cũng lôi điện thoại ra, chụp lại. Nàng chụp chúng tôi khá nhiều kiểu nhưng khi bạn tôi vừa chụp được một kiểu, nàng đã nhảy chồm chồm lên, xông vào cướp điện thoại của bạn tôi, không cướp được thì nhảy lên dẫm đạp dày xéo hành lý của chúng tôi. Lúc này, lễ tân phải chạy ra can thiệp lôi nàng ra. Nàng vẫn chưa dừng, xông vào cướp đồ của bác già, rồi chạy ra cửa, dọa đi gọi cảnh sát. Có lẽ thấy thứ đồ cướp được toàn xà phòng với dao cạo râu, không có giá trị nên nàng lại quay lại, xông vào bác già, lúc này vẫn đang ngồi sắp xếp hành lý trên sàn, ném lại và cướp thứ khác, lần này là một chiếc kính lão. Bác già bị bất ngờ nhưng cũng không vừa, chộp được bàn tay kia của nàng và bóp chặt. Chắc cú bóp đó cũng khá đau, vì bác già sau phát hiện mình bị bật cả móng tay sau vụ giành lại đồ đó. Phần nàng, có lẽ cũng thấy đau và bắt đầu thấy sợ, mới tạm ngừng cái hành động “ăn cướp”, nhưng chiếc miệng xinh xắn của nàng vẫn “la làng”, vẫn liên tục phát ra những “mỹ từ” và vẫn liên tục đòi 20$, và bảo cái kính chỉ là đặt cọc. Lễ tân phải lôi nàng vào trong quầy.

Nàng là đàn bà, lại chỉ có một mình, trong khi chúng tôi lúc đó có 4, 5 người đàn ông, quá dễ dàng để “xử” nàng, nhưng các bạn tôi đã cực kỳ kiềm chế và lịch sự với nàng, trong khi nàng đúng là không biết điều và không biết điểm dừng. Kiềm chế cũng bởi nàng là đàn bà, và các bạn tôi không muốn tặng cho đàn bà vài cái tát, cũng bởi không muốn cho nàng thêm lí do để bù lu bù loa ăn vạ, dù hình như mục đích của nàng là cố tình làm cho chúng tôi phải động chân động tay với nàng. Cứ tưởng tượng với cái kiểu của nàng, nếu chẳng may các bạn tôi không kiềm chế được, xuống tay với nàng, chắc chắn nàng sẽ không ngần ngại lăn đùng ngã ngửa ra giữa cửa, giãy lên đành đạch như con đỉa phải vôi, như con tôm bị vớt ra khỏi nước, mồm miệng tru tréo méo giật như bị chọc tiết, gọi cả phố dậy đến xem cả đám đàn ông cao lớn lực lưỡng sức dài vai rộng đang bắt nạt nàng, để cả phố căm phẫn, lên án chúng tôi và xót xa bênh vực cho cái thứ “liễu yếu đào tơ” như nàng.

Nếu tình huống đó xảy ra, có lẽ cũng chẳng vấn đề gì với chúng tôi, vì chẳng ai biết chúng tôi là ai, và chúng tôi cũng chỉ ở đây một đêm rồi sáng mai lại ra đi, chỉ ngại cho khách sạn này phải chịu tiếng xấu, trong khi chưa hề cho thuê được một phòng và thu được một đồng tiền nào của chúng tôi, đã phải cho chúng tôi khá nhiều chỗ ngủ miễn phí và tốn kém khá nhiều điện nước cho chúng tôi tắm gội.

Nàng ngồi trong đó một lúc, có lẽ hạ bớt hỏa, viết giấy cho chúng tôi, tiếp tục màn kết tội và đòi tiền, đưa cho lễ tân mang ra cho bác già. Chúng tôi đọc những dòng chữ tiếng Anh với nét chữ Latinh khá ngây ngô của nàng, đoán xem nàng là người nước nào. Chắc chắn nàng không phải là người Trung quốc, vì tiếng Anh của nàng cũng khá, và nhất là nàng luôn miệng gọi chúng tôi là “bad Chinese”, các bạn đoán nàng là người Hàn, người Đài Loan, rồi người Mỹ gốc Á, nhưng tôi đoán nàng là người Nhật. Lúc này nàng đã biết điều hơn, mang dép của mình vào trong cọ rửa chân tay. Một bạn khác trong chúng tôi đang ở trong đó, nói chuyện với nàng thì nàng cho biết nàng là người Nhật, đôi dép đó nàng mua ở Nam Mỹ.

Xong rồi nàng đi ra, lượn khỏi cửa cầm theo chiếc kính lão của bác già (mà chắc chắn nàng không thể sử dụng được) đi mất, có lẽ đã bình tĩnh lại và đã biết thân biết phận, biết mình hành động quá lố và biết không thể moi được tiền của chúng tôi. Đến tận lúc chúng tôi nhận phòng xong lên xe đi chơi vẫn chưa thấy nàng quay lại, buổi tối chúng tôi về lại khách sạn cũng không được hân hạnh tái kiến nàng. Phần bác già, dù bị mất cái kính lão nhưng vốn tính cẩn thận, bác vẫn có cái khác mang theo để dùng.

Khách sạn quá ái ngại với những gì xảy ra, đích thân bà chủ gặp chúng tôi, nói chúng tôi nhận phòng sáng nay thì sáng mai mới được kèm bữa sáng, nhưng để “pleasure” chúng tôi, khách sạn sẽ free cho chúng tôi bữa sáng nay. Bữa sáng chỉ có bánh mỳ, bơ mứt và trứng ốp lết, nhưng chúng tôi vẫn cộng thêm điểm cho khách sạn này vì hành động đền bù cho lỗi vốn không phải của họ, ngoài điểm đã chấm cho sự tận tình, chu đáo của bạn lễ tân đêm qua.

Nếu bạn gặp ở Mandalay hay ở đâu đó, một em người Nhật lang thang một mình, tóc thả ngang vai, chân đi một đôi tông trắng, thì nhiều khả năng đó chính là nàng. Và hãy cẩn thận với đôi dép “kỷ niệm”, và cũng có thể rất nhiều thứ “kỷ niệm” khác của nàng.

Nếu bạn đến Garden Hotel ở ngay sau lưng Nylon Hotel, địa chỉ:

No. 174, 83rd street, between 24th & 25th street, Mandalay, Myanmar
Tel: 02-31884, 66584, 65707, 22733
Fax: 95-2-31047
Email: [email protected]

hỏi chuyện có lẽ cậu lễ tân ở đó vẫn nhớ chúng tôi và “vụ cướp thế kỷ” này.

Đến tận lúc này tôi vẫn tự hỏi có phải cô nàng người Nhật chuyên đi ăn vạ kiếm tiền kiểu đó và màn kịch của nàng đã chẳng may không thành công khi gặp chúng tôi hay nàng hành động thái quá bởi tác động quá đậm đặc của mùi nước hoa?

Không bao giờ tôi biết được câu trả lời.

Chỉ biết rằng tôi đã đổ mất một lọ Miracle, đổ mất một Sự Diệu Kỳ.

Liệu có Sự Diệu Kỳ nào khác dành cho tôi?

Tùng Lan
30-05-2012, 12:08
Tôi đã tìm thấy Sự Diệu Kỳ cho mình, đấy là gặp được một tâm hồn đã hòa đồng với Myanmar, một sự chia sẻ hết lòng trên Phượt.
Còn bạn, hãy tiếp tục chia sẻ khi một Sự Diệu Kỳ khác tìm đến bạn, axitchanh nhé!