PDA

View Full Version : Truyện Me Tây lên VTV1



chaien
31-03-2008, 11:22
Cuốn Truyện ngắn Me Tây được lên VTV1

ko biết bác tác giả Doãn Dũng là bác nào... toàn nói về phượt...bác nào ra mặt đê hê hê

Chitto
31-03-2008, 11:24
Không biết Doãn Dzũng là ai thật à ?

Thế thì cứ để không biết luôn đê, hê hê.

chaien
31-03-2008, 11:29
Không biết Doãn Dzũng là ai thật à ?

Thế thì cứ để không biết luôn đê, hê hê.

Tinh vi vi tính hê hê bác không nói em hỏi ông khác (NT)

windysmile
31-03-2008, 11:30
Tinh vi vi tính hê hê bác không nói em hỏi ông khác (NT)

Ông nào trả lời đê :D, mà lên mục nào thế

chaien
31-03-2008, 11:32
Ông nào trả lời đê :D, mà lên mục nào thế

tất nhiên là mục Mỗi ngày 1 cuốn sách bác ạ !

Bên này em chẳng biết ai trừ những bác đi ko thay tên, ngồi không đổi họ hê hê

mihtua
31-03-2008, 11:45
Nick bạn Doãn Dzũng trên này là nobita bạn chaien ạ :LL

Kận
31-03-2008, 11:50
tất nhiên là mục Mỗi ngày 1 cuốn sách bác ạ !

Bên này em chẳng biết ai trừ những bác đi ko thay tên, ngồi không đổi họ hê hê

Thế bác có biết em không :)) :LL :))

chaien
31-03-2008, 12:30
em chịu kekeke chắc bác đeo kính cận hả?

Mà các bác cứ trêu em là thế nào hả?

pvc
31-03-2008, 14:43
em chịu kekeke chắc bác đeo kính cận hả?

Mà các bác cứ trêu em là thế nào hả?

Đeo kính cận thì đúng rồi đấy bác chaien ạ ;)
:LL :)) :D

25ltk
31-03-2008, 15:22
em chịu kekeke chắc bác đeo kính cận hả?

Mà các bác cứ trêu em là thế nào hả?

Không biết bác nói thật hay đùa: Bác xem ở đây nhé:

http://auto.channelvn.net/home/vanhoaxe/dulich/2008310122348937_tm,1_chuyen-phuot-voi-tac-gia-chu-phuot.chn

chaien
01-04-2008, 07:57
em nói thật ấy chứ ! tính em thật thà...các bác cứ hỏi ông Nhựa thì biết :d
@25ltk

Thanks bác...bây giờ em mới biết :D

Bác Cao sơn lừng danh thì em biết lâu rồi

Kính bác 1 chén rượu nhạt coi như tạ lỗi vậy (c)

banmaitoahuong
14-09-2008, 00:16
Từ trước khi tham gia www.phuot.com thì nghe danh của anh đã lâu, bên tathy, với một nickname khá có tiếng - anh Tủm, những truyện anh viết có nhiều người đọc, những câu bình luận dí dỏm, hài hước. Anh em tôi quen nhau qua tathy và chỉ online nhiều hơn offline.

Mãi tới khi vào phượt, gặp lại anh, thấy anh bên ngoài đáng yêu hơn những điều anh viết. (c)

Ban Mai Tỏa Hưong xin hân hạnh giới thiệu một số bài viết của anh - Cao Sơn - một phượt gia lẫy lừng tiếng tăm ở trên báo chí.

(beer)(beer)(beer)(beer) (beer) (beer) (beer)

banmaitoahuong
14-09-2008, 00:17
Thấy Tây nó đồn là có cả trang web dành cho các máy bay bà già tuyển phi công. Ở đấy như Hà nội 12 ngày đêm khói lửa, máy bay bị bắn cháy phi công nhảy dù còn kịp cho nhau số điện thoại. Tớ tuổi cũng đã cao, nếu có lái thì chắc phải lái máy bay bà cụ nên chẳng ham hố tìm tòi thêm. Mấy hôm nay buồn tình đổi avata, thế là có ngay một phi công nhảy vào đòi lái.

_ Chào chị.
_ Chào em.
_ Chị là anh hay chị vậy?
_ Là Chị
_ Em có thể nói chuyện với chị được không?
_ Ồ, được chứ.
_ Có thật chị 37 tuổi không?
_ Không, chị để profile nhố nhăng cho vui thôi.
_ Thế chính xác là bao nhiêu?
_ Ba mươi.
_ Chị ba mươi mà vẫn xì tin thế?
_ Sao em lại nghĩ chị xì tin. Chắc em nhìn cái avata của chị à?
_ Không, ba mươi mà vẫn chat, chẳng xì tin là gì.
_ Chị ngồi làm việc, em vào chào hỏi thì chị cũng xã giao thôi.
_ Thế giờ này chị không cơm nước cho chồng cho con à?
_ Chị chưa lập gia đình.
_ Em biết.
_ Sao biết?
_ Em còn biết nhiều hơn thế? Nhưng nếu chị cho phép em mới dám nói. Chị đừng giận nghe.
_ Em cứ tự nhiên.
_ Có ba khả năng dẫn đến việc chị chưa lấy chồng. Thứ nhất, chị có một quá khứ không tốt, chơi bời quá phải không? Thứ hai, có thể chị có dấu hiệu thần kinh không bình thường, kiểu như dạng tâm thần nhẹ. Hai cái này em nói có đúng không nào để còn tiếp cái nguyên nhân thứ ba.
_ Em cứ nói tiếp đi, rồi chị sẽ trả lời em sau.
_ Thứ ba là chị bị trục trặc về sinh lý kiểu như không tìm được người đáp ứng đủ nhu cầu của mình.
_ Rồi, em nói xong rồi phải không?
_ Vâng.
_ Giờ chị nói nhé. Em đừng giận nghe. Thứ nhất em là thằng nhóc vô công rồi nghề chuyên đong tình đong tiền mấy chị gìa quá lứa. Thứ hai là em ngu đến độ vào blog của chị để lấy nick mà không chịu ghé mắt đọc mấy dòng để biết con mồi là ai.
_ Hì Hì.
_ Mời chú biến đi cho anh nhờ. Avata là ảnh bạn anh đấy. Lần sau đừng ngu thế nữa nhé.
_ Vâng, em rút kinh nghiệm.

Tối hôm kia đấy. Chú ấy lặn mất tăm rồi, mặc dù trước khi chat với tớ chú này còn xin add nick. Nick rất đàng hoàng và đầy chất đàn ông: Lê Quang.

Còi cọc
14-09-2008, 00:18
Cuốn Truyện ngắn Me Tây được lên VTV1

ko biết bác tác giả Doãn Dũng là bác nào... toàn nói về phượt...bác nào ra mặt đê hê hê

Nếu muốn biết bác Doãn Dũng là bác nào thì xin mời qua một trong số những địa chỉ của thời trang IVY,hỏi nhân viên ở đó xem mặt ngang mũi dọc của bác ấy là ntn.

banmaitoahuong
14-09-2008, 00:22
1. Năm ngàn một gói xôi sáng, hai ngàn cũng được một nắm xôi. Bằng thị giác, thường khó phân biệt được trong bọc lá sen dùng để gói, nắm xôi đó mấy ngàn. Hai ngàn mà bọc nhiều lớp lá thì cũng lùm lùm một nắm chặt tay.


2. Một lần cô bạn làm kế toán của một công ty nọ than thở với tớ: “Ngượng quá anh ạ, hôm nay H đèo em ra ngân hàng”. H là đồng nghiệp của bạn tớ, và là người đàn ông cô ấy ngưỡng mộ. Nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của tớ cô ấy giải thích: “Ngượng là vì mỗi lần H phanh, ngực em lại đập vào lưng anh ấy”. Chuyện vặt, có gì mà ngượng, càng sướng ấy chứ. Hình như đoán được suy nghĩ trong đầu tớ, cô ấy thẽ thọt, giọng nhỏ xíu: “Mí lị hôm nay em vội, nên mặc cái áo...cứng quá”.


3. Nếu vợ tớ chỉ cho hai ngàn để ăn xôi, nhất định, tớ vẫn bắt người bán xôi gói thật nhiều lá sen cho mát mắt, cho có cảm giác phì nhiêu như gói năm ngàn. Nhất định không cho gói bằng giấy báo, vì cứng quá, nhìn đã chẳng muốn ăn.


4. Trưởng phòng thiết kế IVY phàn nàn với tớ: “Em thiết kế đúng theo thông số đo đạc chuẩn của người Việt. Vậy mà tại sao khách hàng vẫn phàn nàn chật ngực là sao nhỉ”. Tớ hỏi: “Thông số này lấy ở đâu”. Trưởng phòng trả lời: “Công trình nghiên cứu vóc dáng người Việt của khoa CN may ĐHBK”. Tớ cười: “Lấy số ở đó khách hàng kêu là phải, sang khoa Tâm lý trường Nhân văn xem có không”. Trưởng phòng ngờ vực: “Anh có ấm đầu không”. Tôi hỏi lại: “Em có biết nguyên tắc xôi năm ngàn không”.


5. Sinh nhật, tớ tặng cô bạn kia một bộ lá sen gói xôi. Rất mềm vì ở giữa lớp vải không phải là mút cứng mà là túi nước silicon. Rung rinh cứ như thật.


Thiếp chúc mừng đề: “Vứt mẹ nó đống giấy báo gói xôi đê”.


6. Về một đêm suy ngẫm, trưởng phòng ngộ ra chân lý xôi năm ngàn. Từ đó khách hàng của IVY cực hài lòng vì sản phẩm. Mặc vào, thấy rõ là người dư dả tiền bạc và khỏe mạnh, ăn hết dững năm ngàn xôi sáng.

banmaitoahuong
14-09-2008, 00:25
Chẳng biết là từ đâu, từ bao giờ, cánh đàn bà vẫn ngậm ngùi than với nhau rằng, lấy chồng như đánh bạc. May thì được thằng tử tế, không may thì khổ cả đời.


Tôi có cô em họ cũng vào loại xinh xắn. Hơn ba mươi tuổi rồi nhưng vẫn chưa chồng cũng chỉ tại không dám liều. Sợ lấy chồng như nuôi con đề, nuôi con này lại về con khác.


Những năm cuối 80, lúc ấy còn đang học cấp ba, trên TV chiếu một bộ phim gì đó của Ấn độ nội dung tôi cũng chẳng nhớ rõ. Đại khái là có một anh yêu một chị, tình duyên trắc trở vì mối thù truyền kiếp của hai họ, rồi họ nhẩy xuống sông Hằng để được bên nhau mãi mãi. Tôi không thích phim Ấn độ lắm, cái tôi không thích nhất là diễn viên đang đánh nhau, lúc gay cấn nhất thì dừng lại múa hát chán chê mới đánh nhau tiếp. Chính vì thế mặc dù rất đói khát phim ảnh, nhưng nếu bật TV lên mà thấy diễn viên có nốt ruồi giữa trán là tôi không xem.


Cô em họ tôi thì ngược lại, rất thích phim Ấn độ. Mà cô ấy xem phim cũng khác lạ, tình huống bi lụy trong phim khiến các bà các cô sụt sùi lấy khăn chấm nước mắt thì cô ráo hoảnh. Nhưng cảnh diễn viên nam chính đánh nhau bị thua thì cô ấy lại khóc rưng rức. Xem phim chỉ để ngắm diễn viên nam đẹp trai.


Một thời gian sau, cô giới thiệu cậu bạn trai với tôi. Trông cậu này có nét Ấn độ. Tóc để rợp gáy, mái bồng bềnh. Đôi mắt to tròn mầu nâu hơi ươn ướt dưới làn mi rậm rạp. Quần áo của cậu ta rất mốt: quần bò mốc có khóa kéo ở đầu gối, áo phông kẻ gắn con cá sấu trên miệng túi. Cô em nức nở: “Đẹp giai không anh? Bao nhiêu đứa thích anh ấy mà em chiến thắng”. Tiếp xúc với chàng trai này vài lần, tôi bảo: “Thằng người yêu mày đần đần thế nào ấy, được mỗi cái mã. Giống như con công đực có bộ lông sặc sỡ.”


Vài tháng sau thấy cô em mặt buồn so, hỏi thăm thì cô bảo: “Chia tay Con Công rồi, chỉ được mỗi cái mã. Người đâu mà nhạt như nước ốc ao bèo, chả biết làm cái gì. Đến cái lốp xe đạp của em bị non hơi cũng không biết bơm, chán kinh!”


Khi cô ấy khoảng hai mươi tuổi, đã vào đại học, lại mang đến giới thiệu tôi một anh chàng khác. Chàng này xét về mẫu mã thì thua Con Công, nhưng mặt mũi góc cạnh cũng không đến nỗi nào. Đặc biệt, chàng hoạt bát, nhanh nhẹn, rất galant với phụ nữ và nói chuyện có duyên làm nhiều lúc tôi phì cười. Tôi bảo: “Thằng này có vẻ được đấy nhỉ. Biết làm nhiều trò khỉ”. Cô em tôi hất cằm đầy vẻ hãnh diện, buông một câu cảm thán: “Chuyện! Người yêu em mà lị”.


Tình yêu với Con Khỉ kéo dài đâu vài năm thì chấm dứt. Gần chùa gọi bụt bằng anh, những thế mạnh trước đây của Con Khỉ hấp dẫn em tôi thì nay trở nên quen thuộc nhàm chán. Nhàm chán với người này nhưng vẫn mới lạ với khác. Em họ tôi buồn bã mất một thời gian, gặp tôi bảo: “Thà đau một lần còn hơn đau nhiều lần anh ạ. Con Khỉ bắt cá nhiều tay quá”. Tôi an ủi: “Thôi, không chịu được nhiệt thì bỏ, thiếu gì đàn ông”.


Ra trường một thời gian, cũng đến tuổi lấy chồng được rồi. Cô em tôi lại có một anh chàng khác, hiền lành ít nói. So với Con Công và Con Khỉ thì anh chàng này kém nổi bật hơn hẳn. Cô em bảo: “Đau tim với Con Khỉ lắm rồi, giờ yêu anh này cho yên bình”. Tôi bảo: “Nó như Con Lợn ấy nhỉ, suốt ngày chỉ ụt à ụt ịt”.


Con Lợn rất hiền, bảo gì làm nấy. Con Lợn là công chức nhà nước, cả ngày ở cơ quan chỉ đọc báo, uống nước trà và ngủ gật. Hết giờ làm việc đến trình diện ở nhà em tôi, tối đi về nhà ngủ với mẹ. Ngày nghỉ nếu không bị em tôi điệu đi đâu thì chỉ ở nhà ăn no rồi ngủ tít mít. Lương ba cọc ba đồng nên Con Lợn chi tiêu cũng rất tằn tiện. Hôm sinh nhật cô tôi, em tôi phải chi tiền mua quà để cậu tặng lấy lòng mẹ vợ tương lai. Nhiều lúc em tôi nổi cáu, Con Lợn khoanh tay cúi đầu chịu trận đầy cam phận. Đàn ông như Con Lợn là ngoan, nhưng thối chí, an phận với cuộc sống nhạt nhòa nên cũng không thành đôi với em họ tôi được.


Duyên tình em tôi lận đận, đến gần ba mươi thì kiếm được một Con Bò. Anh chàng này khỏe, chăm chỉ làm việc. Công to việc lớn gì ở nhà em tôi, từ gánh nước bổ củi đến ma cưới hỏi đều thấy Con Bò xắn tay làm nhiệt tình như con cháu trong nhà. Mà chẳng phải chỉ việc nhà, kiếm tiền ngoài xã hội cũng rất khá. Hơn ba mươi tuổi đầu đã có nhà lầu xe hơi. Hình thức cũng được, chẳng kém Con Công xưa kia là bao nhiêu. Tính tình vui vẻ, nói năng hoạt bát như Con Khỉ. Chẳng chơi bời bài bạc, ngoan ngoãn như Con Lợn. Rốt cục thì em tôi cũng đến số, cả họ nhà tôi mừng.


Ấy vậy mà cũng không thành mới tệ. Lần này em tôi câm như hến chẳng giải thích lý do chia tay. Thấy vậy tôi cũng không dám hỏi. Ba mươi rồi, gái già rồi, đổi tính đổi nết sợ lắm!


Cho đến mãi sau, một hôm em tôi phấn khích vì mới mua được cái váy đẹp, mang sang nhà tôi khoe, tôi mới lân la cà khịa: “Đấy, già quá rồi, kiếm được cái váy níu kéo tuổi xuân là khoe nhặng lên. Ngày xưa Con Bò hay thế mà lại bỏ. Đồ hâm!” Em tôi liếc nhìn xung quanh xem có ai không, rồi cúi đầu, nháy mắt thì thầm: “Khoản kia yếu lắm, hỏng rồi”.


Thì ra là thế, tôi bảo: “Mày phải kiếm một thằng vừa Công, vừa Khỉ, vừa Lợn, vừa Bò lại phải là Dê. Xin về vườn thú mà làm việc, may ra gặp”.


Em họ tôi cười lóe xóe, vừa đi về, vừa ngoái cổ lại bảo: “Số em nó khổ thế đấy anh ạ”.

banmaitoahuong
14-09-2008, 00:33
Me Tây

Có hai nơi các Me tây thường lui tới. Đó là bể bơi ngoài trời và quán rượu. Dưới cái nắng cháy da, họ nằm cả ngày trên thành bể bơi với đủ loại công cụ hỗ trợ nhằm biến nước da mai mái cố hữu của người Việt sang mầu sô cô la bốc lửa của người Mỹ la tinh. Còn ban đêm, quầy rượu là nơi họ trưng bày mầu nâu quyến rũ đó, tất nhiên, là với các bạn Tây.


Tôi cũng hay bơi buổi trưa vì chẳng biết làm gì vào thời gian ấy. Cũng có thể là vào lúc ấy bể vắng hơn buổi chiều chăng!?


Mọi hôm, gần chiếc ghế tôi khểnh bên thành bể bơi, có một cặp nam nữ. Người đàn ông là khoai tây, nông dân chính gốc, cao to nhưng nhầu nhĩ, bủng beo. Người đàn bà là An nam, khoai lang cả vỏ, đen như nước cống, tuổi xấp xỉ ngũ tuần.


Thế nào hôm nay chỉ có người đàn bà nằm phơi nắng.


Tôi vẫn khoái thay đồ trên thành bể với một cái khăn dài quấn quanh hông. Thứ nhất là vào giờ tôi bơi, bể rất ít người nên bảo vệ cũng chẳng thèm nhắc nhở, thay ở đó cho tiện. Thứ hai là làm như vậy mới có cảm giác hưởng thụ, giống như đang ở bãi biển Ha oai. Tôi nhẩn nha làm cái việc đó cũng là một cách kéo dài sự sung sướng. Tôi không biết rằng, người đàn bà Me tây kia đang ti hí ngắm mình qua vành mũ che gần kín mặt. Thực ra tôi chỉ đoán được sau khi đã kéo quần bơi lên ngang hông và cái khăn bông rớt xuống. Me tây bật dậy rất đúng lúc nhìn tôi, cười:


_ Cho chị hỏi, em xăm ở đâu?

_ Bạn em làm cho. - Tôi nói và ngượng ngùng kéo khăn lên che vết xăm một thời lầm lỗi ở chỗ tương đối kín đáo.

_ Chị cũng định xăm một hình nho nhỏ vào…đây…này. - Me tây kéo dài giọng để gây sự chú ý của tôi, đồng thời ghếch cái mông lên, tay kéo mép quần bơi lên cao hơn để chỉ chỗ muốn xăm. Tôi xấu hổ quá, quay mặt đi. Me tây có khác, bạo liệt kinh hồn.


Me tây chưa bao giờ là đối tượng tôi có cảm tình. Ngay cả bà Phó đoan của Vũ Trọng Phụng cũng chỉ khiến tôi khoái trá thôi chứ chẳng khoái cảm. Các bạn cũng biết rồi, gu của tây khác gu của ta lắm, những cô họ cho là đẹp thì dưới mắt mình, các cô ấy vẫn cứ dây mơ dễ má với bà Nở. Ơn giời là cái làng Vũ đại ngày xưa không thấy xuất hiện ông Tây nào, nếu không cuộc tình của bà Nở với ông Chí sẽ thậm vô lý và Nam Cao sẽ bị coi là một kẻ thiếu tinh tế. Nghĩ đến đây thì tôi nhảy ùm xống nước, để lại tiếng nuốt nước bọt đánh ực không chút giấu giếm của Me tây trên bờ.


Nước mát lạnh, tôi bơi lội tung tăng, thỉnh thoảng lại lặn xuống ngó nghiêng xem có cặp chân thon thả nào không. Lúc tôi trồi lên mặt nước thì thấy Me tây ngay cạnh. Tôi chưa kịp vuốt nước còn dàn dụa trên mặt thì Me tây sấn đến bắt chuyện tiếp.


_ Trông em quen quá. Hình như chị gặp em ở quán bar nào đó rồi. Em hay ngồi ở đâu nhỉ? - Me tây vồn vã và xởi lởi.

_ Chắc chị nhầm em với ai! - Tôi bình tĩnh trả lời và nghĩ: “cậu bắt bài mày, cậu cũng hay dùng tình huống này để làm quen với gái, cậu lạ gì? Có đến gần chục năm nay cậu bị vợ dụ dỗ ở nhà, có đi bar đêm bao giờ đâu mà gặp”.

_ Không, chắc chắn chị gặp rồi. - Me tây quả quyết, thế em có biết thằng Đan không?

_ Đan trường hả chị? Tự nhiên tôi bật ra cái tên rất ngộ nghĩnh tuổi học trò. - Tôi quyết định nhảy vào cuộc chơi mèo vờn chuột này xem tay cơ ai cao hơn. Và để cảnh giác, tôi sắm ngay một bộ mặt ngây ngô chưa biết mùi đời.

_ Không, thằng Đan người Anh cơ, thằng này hay tổ chức các party hay lắm. - Người đàn bà Me tây nhấn mạnh vụ party như thể tôi là thằng mõ hay đi ăn chực.

_ Em không biết. Em chưa tham gia party với người nước ngoài bao giờ. - Tôi ngây thơ trong trắng trả lời rồi nhanh chóng lặn xuống, bơi sang bờ bên kia cắt ngay mạch chuyện đang vào của Me tây nọ. Đây là một cách vờn của những cô gái tuổi đôi mươi hay dùng, hôm nay tôi đem ra thi triển với đời xem sao.


Me tây có vẻ tiếc rẻ vì chưa vào được chủ đề chính, đứng lên rồi lại ngồi xuống không yên, thi thoảng lại nhìn sang thành bể bên này, nơi tôi ngồi lơ đãng thả chân xuống vầy nước như trẻ thơ. Thế thì tôi cứ nhí nhảnh như con cá cảnh, đùa rỡn một mình, nhào lên lộn xuống cho đằng kia nó thèm.


Khi tôi quay lại bờ bên này, Me tây không giấu được vẻ sốt ruột, sà ngay đến, tấn công trực diện, vỗ mặt ngay.


_ Em bơi trông phê quá. Dậy chị bơi nhé.

_ Bơi thế này phải luyện tập bài bản từ bé chị à. - Tôi né đòn cực lịch sự.

_ Chị bình thường đi chơi thì ăn mặc thế này, chứ đi làm thì lịch sự lắm. Tối đi bar ăn mặc xệch xy phải biết. - Me tây bất ngờ chuyển hướng cuộc nói chuyện và làm một số hành động thị phạm khá khiếm nhã. Nhất là lúc đến chữ xệch xy thì hai tay nâng nâng một số thứ cho tôi ướm thử bằng mắt và kéo kéo một vài chỗ khiến cho cái quần bé bằng bàn tay trẻ con xộc xệch như sắp rơi.

_ Thế ạ. - Tôi ngoan ngoãn trả lời.


Thế rồi tôi trèo lên bờ, đi về chỗ để đồ. Tôi chọn một vị trí không xa quá để con mồi mất phương hướng và cũng không gần quá để con mồi buộc phải di chuyển theo mình.


Tôi lôi ra lọ kem, tất nhiên, tôi chẳng dại gì nhờ người đàn bà kia bôi hộ. Tôi tự bôi, chậm chạp, từ từ, từng tí một. Tôi ngồi trên ghế, một chân co, một chân duỗi và hai tay vuốt kem. Cứ mỗi lần gập người xuống, tôi lại cố ý gồng các cơ lên một chút cho quyến rũ. Văn Mách hay Lý Đức mà có mặt lúc ấy chắc cũng không còn đủ tự tin để đi thi quốc tế nữa. Tôi cam đoan là Me tây để ý từng động tác của tôi. Cho mày chết thèm! Tôi hát rống lên: “Tuổi xuân…ơ…phơi phới…năm xưa… em đi mở đường”. Hát xong thì thấy mình hơi vô duyên vì bài hát chẳng hợp hoàn cảnh gì cả. Tôi lấy khăn trải xuống sàn rồi nằm phơi nắng. Ngay cả cái động tác nằm xuống cũng được tôi tính toán biểu diễn sao cho ngọt ngào nhất.


Me tây như đã tìm được lý do tiếp cận, mụ tiến thẳng đến chỗ tôi.


_ Em dùng loại kem gì vậy?


_ Kem tự chế chị ạ, có thành phần đạm động vật. - Tôi đùa.

_ Kem của chị mang từ Pháp về. Tốt lắm. Chỉ vài ngày mà đã đen chưa. - Để chứng minh cho loại kem tốt đến thế nào, Me tây vạch ngay quần để so sánh sự chênh lệch mầu sắc giữa hai khoảng biểu bì được bôi kem tắm nắng và yếm khí. Hình như là hơi quá đà, tôi còn nhìn thấy vùng da chẳng bao giờ gặp nắng và vẫn ánh lên mầu Phi châu. Phải công nhận lý do lần này Me tây tiếp cận tôi hơi bị đỉnh. Nó hợp lý đến độ cả người biểu diễn lẫn người thẩm định đều cảm thấy tự nhiên, không gò bó vào lễ nghi khuôn phép có hàng ngàn đời nay.

_ Kem chị tốt thật. - Tôi biết nói gì hơn nữa đây.

_ Em có hay đi chơi bằng xe máy không?

_ Em chưa chị ạ. - Tôi rất thành khẩn, để xem Me tây ra chiêu tiếp theo thế nào.

_ Sắp có một party rất lớn ở Thác Đa, bọn Tây tổ chức em ạ, vui lắm, em đi với chị nhé.

_ Vui như thế nào, sex party hả chị? - Tôi đá lại một phát hơi nặng đòn.

_ Không… làm gì đến thế. - Người đàn bà lúng túng. - Nhưng nếu có duyên thì… - Mụ ta bỏ lửng câu trả lời để cho trí óc non nớt của tôi phải tự đoán.

_ Vầng, em đi chứ, biết đâu lại kiếm được cô nào trông hay hay.

_ Ừ, nhưng phải có duyên… - Me tây nhắc lại một lần nữa ý chừng muốn cảnh báo tôi chỉ có duyên với mụ ấy. - À em tên là gì nhỉ? - Me tây như chợt nhớ ra, hỏi vội.

_ Tuấn, Tuấn bát chị ạ. - Tôi phản ứng nhanh như điện.

_ Chị tên là T.A. Mà sao lại gọi là bát?

_ Vì em thích bạn gái em ít nhất cũng phải được như cái bát úp vào chỗ cần úp.

_ Ha ha. - Me tây cười rú lên, nói tiếp. - Thế thì em xem đây, ấm tích nhá. Tuấn ấm, Tuấn ấm.

_ Ha ha ha. - Đến lượt tôi cười còn to hơn. - Ấm gì mà ấm, có mà phích thì có, phích nửa lít. - Tôi nói xong thì nhanh chóng thu dọn quần áo để làm sao biến nhanh khỏi người đàn bà Me tây nước cống ấm lai phích mướp đen đúa hôi bẩn kia.

_ Em về à, cho chị xin số điện thoại, tối nay chị gọi đi bar nhé. Me tây gấp gáp hổn hển như thể sợ tôi biến mất không còn tăm tích.

_ Vâng. - Tôi thoáng lưỡng lự. - Em không có card, chị ghi vào nhé. 098………

banmaitoahuong
14-09-2008, 01:02
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=163&pictureid=2868

Anh Cao Sơn có nhiều hình, nhưng mình thích bức "Mẹ nhặt" của anh.

netwalker
14-09-2008, 08:19
He he, Thế em BMTH đã đọc chuyện CS đi lính đánh nhau với Tàu ở chiến tranh biên giới 79, rồi đi tàu hàng sang Nga chưa :))

banmaitoahuong
14-09-2008, 11:34
He he, Thế em BMTH đã đọc chuyện CS đi lính đánh nhau với Tàu ở chiến tranh biên giới 79, rồi đi tàu hàng sang Nga chưa :))

Hóa ra anh Net đã đọc rồi, cứ để anh chị em đọc xong, em tiếp tục post mà.

banmaitoahuong
14-09-2008, 11:40
Tôi trẻ nhất trong hội cựu chiến binh của xóm. Cụ chủ tịch và vài cụ nữa là lính chống Pháp. Số còn lại là lính chống Mỹ, mỗi mình tôi là lính đánh Tầu.


Từ dạo bố tôi về hưu đến giờ già và yếu đi rất nhanh. Tôi động viên ông tham gia sinh hoạt tất cả các hội hè đình đám, cốt cho những năm tháng còn lại không cảm thấy nhàm chán vô nghĩa. Thế nên cả hai bố con cùng làm đơn gia nhập hội cựu chiến binh cho vui. Chứ bản thân tôi chưa đến tuổi nhấm nháp niềm vui quá khứ oanh liệt như các cụ.


Hội cựu chiến binh xóm tôi vui lắm. Tháng nào cũng họp một phiên chính thức và dăm phiên không chính thức, thỉnh thoảng có mở rộng cho lớp thanh niên trưởng thành sau chiến tranh đến hóng chuyện. Các cụ họp thì hài đáo để, độ mươi phút đầu nghiêm túc trao đổi, phổ biến chính sách của Đảng và nhà nước, còn đâu là mạnh ai người ấy nói. Tất nhiên, bản thân các cụ luôn là nhân vật chính trong câu chuyện có những tình tiết nhuốm màu huyền thoại. Các cụ đánh Pháp thì kể chuyện “đường bốn”, chuyện “Điện biên”. Các cụ đánh Mỹ thì kinh điển “Mậu Thân”, “thành cổ Quảng trị”, “ba mươi tháng tư”. Ngay như bố tôi, lính tên lửa thời chống Mỹ, suốt 8 năm chỉ ở sân bay Bạch Mai nhưng cũng hào hứng kể đi kể lại hai sự kiện đáng nhớ là “bảy mốt sang Lào 3 tháng rình bắn B52” và “Hà nội mười hai ngày đêm khói lửa”. Tôi cũng có chuyện để kể, nhưng chẳng biết kể cho ai nghe. Thứ nhất là kí ức trận mạc của tôi quá mỏng so với các cụ, mỏng đến phát buồn cười. Thứ hai là tuổi đời lẫn tuổi quân đều là phận con phận cháu, nên giả sử tôi có được khoảnh khắc khi các cụ khản cổ thấm mệt, tranh thủ kể về trận đánh có mình tham gia thì các cụ cũng sẽ xoa đầu bảo “chuyện trẻ con, tầm phào ba lăng nhăng”. Tốt nhất là im lặng, nếu ai hỏi thì nói.


Thế rồi cũng có người hỏi, đó là một cụ lính chống Pháp. Hôm tôi đưa bố tôi đi tập hát chuẩn bị kỉ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, trong lúc nghỉ giải lao, cụ nhìn bố tôi rồi nói:


_Anh mới vào hội phải không? Còn cái anh cu này - Cụ chỉ sang tôi - Anh vào hội cựu binh thì hợp lý hơn.

_ Sao lại thế hả cụ? Cháu có đánh trận mà, cựu chiến binh mới phải chứ.

_ Đánh rồi à? Trận nào thế? Liệu đã bắn phát súng nào chưa? Cụ chống Pháp khẽ kéo chiếc kính lão trễ sâu xuống sống mũi, nhướn mắt hóm hỉnh nhìn tôi.

_ Bắn khiếp ấy chứ cụ! Kéo cò 3 lần đi hết 3 băng AK. Đạn bay hoành tráng lắm - Tôi đùa vui với cụ.

_ Thế là anh bắn chim thì có. Mà lạ nhỉ, thời anh mà vẫn còn giặc cơ à?

_ Vâng, còn cụ ạ - Tôi trả lời.


* * *


Đơn vị tôi tăng cường cho mặt trận hơn một tháng nay. Tiếng là ở mặt trận chứ chúng tôi vẫn đang ở tuyến dưới, tuyến an toàn, cách nơi giao tranh tới mấy km theo đường chim bay. Một vài đại đội đã vào sâu bên trong. Từ chỗ chúng tôi đêm đêm vẫn nghe thấy tiếng súng nổ và nhìn thấy ánh lửa đầu nòng của các đơn vị chiến đấu trong ấy. Toàn mặt trận đang trong chiến dịch đánh lấn dũi. Ta với địch giằng co nhau từng mét đất, từng góc hào. Súng nổ kéo dài dễ đến tháng rưỡi. Tôi ở thê đội dự bị, lúc nào có lệnh là xuất kích.


Chập tối hăm chín Tết, trời rét cắt da cắt thịt, chúng tôi nhận lệnh cơ động vào sâu hơn, tập kết trong hang đá ngay sát chân dãy núi có chiến sự. Từ trong hang nhìn ra cánh đồng Tử thần trước mặt, đạn cối của địch nổ chí chát suốt ngày đêm. Trời bắt đầu mưa xuân, cây cối ở đây chẳng còn để nhú mầm. Mặt đất nứt toác, nham nhở hố đạn cối 120 ly. Bọn tôi bảo nhau: “thế là sắp vào trận rồi”.


Khoảng bảy giờ tối ba mươi Tết chúng tôi rời khỏi hang đá áp sát trận địa. Cả dãy núi dài hàng chục km này, ranh giới ta và địch hầu như không xác định được. Thế trận cài răng lược, mỗi ngọn núi, mỗi mỏm đồi đều là trận địa. Đến 9 giờ thì hỏa lực mạnh của ta bắt đầu bắn áp chế. Khoảng 30 phút sau bộ binh tấn công. Tôi sợ quá chúi đầu vào mô đất nhắm mắt bịt tai lại, đạn bay đan chéo chiu chíu trên đầu. Phải đến mươi phút sau tôi mới hoàn hồn, khẽ hé mắt nhìn xung quanh. Ánh pháo sáng mờ mờ đủ để nhìn thấy đồng đội gần đó khiến nỗi sợ hãi cũng vơi đi ít nhiều. Tôi bị tụt lại đằng sau còn một mình, những người xung quanh đã bò lên cách tôi cả chục mét. Mở mắt thấy ánh lửa chớp lóe xa xa, chắc là ổ đề kháng của địch, tôi hướng khẩu súng về đó xiết cò. Loạt đầu chắc đi hết nửa băng, đường đạn đỏ lòm vung vẩy lên trời. Tôi bắt đầu bò theo bóng áo đồng đội thấp thoáng phía trước. Tôi gọi họ nhưng tiếng súng rổ ran át cả tiếng gào của tôi. Cứ thế tôi bò, lăn bên này, lộn bên kia để tìm chỗ nấp an toàn. Lâu lâu lại ngóc nòng súng lên bắn một loạt vài phát. Đến băng đạn thứ hai thì tôi đã làm chủ được ngón tay bóp cò, tác xạ đã khá hơn nhưng cũng chưa đủ bình tĩnh để bắn điểm xạ 2 viên như lý thuyết. Bắn hết băng đạn thứ 3 thì tiếng súng thưa dần rồi tắt hẳn. Tôi mụ mị đầu óc và không ước lượng được thời gian, trận đánh xảy ra bao lâu rồi? Ai đó gần tôi hét lên: “Giao thừa rồi! Ngừng bắn rồi anh em ơi”. Tai tôi lúc đó ù đặc, lõm bõm nghe câu được câu chăng nên đoán nó là như thế.


* * *


_ Đánh đấm gì mà chỉ thấy bò lê bò càng với cả bắn chỉ thiên thế? Cụ chống Pháp buông lời nhận xét.

_ Thì cụ thông cảm cho cháu chứ, lính mới đánh trận đầu mà. Không tè ra quần là may đấy – Tôi bảo.

_ Thế trận sau có khá hơn không? Cụ chống Pháp hỏi ra điều rất thông cảm.

_ Làm gì có trận nào nữa hả cụ. Một trận duy nhất trong đời lính. À...mà cháu quên, ngoài bắn 3 băng đạn ra cháu còn ném 2 quả lựu đạn nữa – Thực tình mà nói thì tôi không nhớ có ném 2 quả lựu đạn hay không, bởi sau trận đánh, kiểm tra bao xe thấy thiếu 2 quả mỏ vịt. Chẳng biết nó rơi lúc lăn lộn tránh đạn hay ném rồi mà không nhớ vì hoảng loạn. Giờ cứ khai bừa với các trưởng lão cho kinh nghiệm trận mạc thêm phần gồ ghề.

_ Anh chẳng bắn chết được tên địch nào nhỉ! Cụ chống Pháp cảm thán.

_ Có chứ! Bắn thì không nhưng cháu ném chết một tên.

_ Anh bảo sao? Ném chết à! Sao không bắn mà lại ném đá? Cụ chống Pháp sốt sắng hỏi.

_ Ngừng bắn mà cụ. Tôi cười trả lời. Cứ thấy nói đến giết được địch là các cụ hoạt náo hẳn lên. Tôi lại tiếp tục miên man với câu chuyện của mình hai chục năm trước.


* * *

banmaitoahuong
14-09-2008, 11:41
Đúng là ngừng bắn thật. Ngừng bắn 3 ngày để đón năm mới. Trận địa im ắng khác thường. Đại đội trưởng đang hò trung đội công binh lên gài mìn đề phòng địch không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, nổ súng tấn công hòng tái chiếm vị trí trong đêm nay. Mệnh lệnh ban xuống toàn bộ chiến sỹ không được rời vị trí chiến đấu cho đến sáng.


Tôi tựa lưng vào vách hào lạnh ngắt, mắt díp lại, chập chờn trong giấc ngủ không thể cưỡng lại của tuổi mới lớn.


Tôi tỉnh dậy khi trời gần sáng vì lạnh. Cái áo bông đang mặc ướt đẫm sương đêm. Sương đọng thành giọt nước tí tách nhỏ xuống từ vành mũ sắt. Tôi run rẩy đứng dậy, răng va vào nhau lập cập, người ngợm đau ê ẩm như bị đánh nhưng vẫn lành lặn.


Làm mấy động tác thể dục cho đỡ mỏi, tôi quan sát trận địa. Đêm qua, khi chúng tôi bắt đầu tấn công, hình như là từ dưới chân đồi. Tôi nói hình như là bởi trời tối quá, không quan sát được cảnh vật xung quanh để xác định. Sau đó, tôi toàn bò lên dốc, thỉnh thoảng lại rơi tõm xuống hố đạn hay rãnh nước nào đó. Bây giờ tôi đang đứng dưới một ngách hào, đường hào chạy nhằng nhịt từ trên đỉnh xuống lưng chừng quả đồi lở loét. Xa xa còn nhìn thấy vài xác lính Tầu vắt vẻo trên thành hào, máu chảy thành vũng dưới đất. Tôi nhủ thầm, đây chắc là khu vực phòng thủ trung tâm, ta đã đánh bật được địch ra khỏi vị trí này.


“Năm mới năm me

Chúc mày mạnh khỏe

Mày có tiền lẻ

Cho tao vài xu”


Một cậu ở ngách hào bên cạnh ê a đọc trại câu đồng dao. Tôi sực nhớ hôm nay mùng một tết. Năm ngoái, tôi vẫn còn là một cậu bé, sáng mùng một chạy ra vòi tiền mừng tuổi của bà nội, tranh nhau đốt pháo với cậu em. Năm nay đã thành một chàng trai, một người lính vừa trải qua một trận đánh vào đêm giao thừa. Sáng mùng một vai đeo AK vẫn khét mùi thuốc súng, đứng hiên ngang giữa trận tuyến, xung quanh là xác quân thù. Tôi tả lại thế cho khí thế chứ thực ra lúc đó sống mũi cay nồng, sụt sịt vì sợ, vì lạnh và vì cả nhớ nhà.


Chẳng hiểu sao tôi bắt đầu di chuyển men theo giao thông hào. Tính khí trẻ con ưa khám phá vẫn chưa chịu rời bỏ một thanh niên vừa bước sang tuổi 18. Đồng đội tôi có người lôi cơm nắm ra trệu trạo nhai, có người vẫn nằm trong vị trí chiến đấu, nhưng ngủ gật, đầu chúi vào báng súng. Tôi rẽ phải, hướng lên đỉnh đồi, muốn lên chỗ cao nhất để nhìn toàn cảnh trận địa cho rõ hơn.


Ngay khúc quanh đầu tiên của đường hào, tôi đã phải đối mặt với người lính của bên kia. Tôi thấy anh ta đang nghển cổ qua bờ hào hướng về phía chúng tôi nấp lúc nãy để quan sát. Lúc tôi nhận ra đôi chân quấn xà cạp thì đã quá muộn, chỉ còn cách anh ta mấy bước chân. Cả hai chúng tôi đều giật mình khi nhìn thấy nhau. Chân tôi dính chặt xuống đất, muốn chạy mà không được, cánh tay cầm súng tê cóng không nhấc nổi. Anh ta nhìn tôi, ánh mắt sắc lạnh nhưng vẫn không giấu được sự bối rối. Phải vài giây sau anh ta mới có phản ứng của một người lính kinh nghiệm chiến trường, đó là quăng mình vào nhánh hào xương cá, khuất với góc bắn của tôi. Tôi lập cập lên đạn, viên đạn cũ vẫn đang nằm trong ổ đạn văng xuống đất. Từ ngách hào ấy, tôi thấy anh ta hét lên câu gì đó hai ba lần. Tôi không hiểu anh ta nói gì nhưng điều đó khiến tôi chợt nhớ đến thông điệp ngừng bắn. Tôi cũng hét lên một câu ngớ ngẩn gì đó và vơ vội một hòn đá to hơn nắm đấm, ném về phía anh ta rồi bỏ chạy. Tôi vẫn còn kịp nghe thấy tiếng “choang” của viên đá trúng mũ sắt của người lính ấy trước khi đâm sầm vào đồng đội đang lao lên ứng cứu.

_ Có chuyện gì thế? – Một người hỏi.

_ Địch ở ngay trước mặt – Tôi hớt hải thông báo lạc cả giọng.

_ Ừ, thì sao? – Người đó thủng thẳng.

_ Tao tưởng mình đánh bật được chúng nó ra khỏi cao điểm này rồi – Tôi băn khoăn vì trí tưởng tượng bay bổng của mình.

_ Còn khuya, mỗi bên một nửa, có mà giằng co hết năm ấy chứ - Một cậu khác nói. Họ đã chiến đấu trên này cả tháng nên thông thạo hơn tôi.

_ Bây giờ ta phải làm gì?- Tôi hỏi.

_ Tranh thủ ngừng bắn củng cố hầm hào. – Người đó tiếp tục – Mà này, có bánh chưng đấy, anh nuôi vừa mang đến.


* * *


_ Nó đội mũ sắt thế, chết sao được. – Cụ chống Pháp băn khoăn với tính chân thực của câu chuyện.

_ Vâng, cháu cường điệu cho vui, thế mà cụ cũng tin - Tôi cười.

_ Anh cu kể nốt đi, còn có gì gay cấn nữa không? – Mấy cụ chống Mỹ hát khản cổ rồi nên không tranh nhau kể chuyện nữa, xúm cả lại giải trí bằng câu chuyện của tôi.

_ Vâng, các cụ cho con xin ngụm nước. – Tôi lại tiếp tục.

banmaitoahuong
14-09-2008, 11:42
Trời đã sáng rõ. Hóa ra cả một vạt đồi kéo dài tít tắp đến chân núi đằng kia vẫn nằm trong sự kiểm soát của địch. Đại đội tôi và mấy đại đội đơn vị bạn chiến đấu ở khu vực này thì tôi còn nắm được. Chứ xa hơn tí nữa, góc hào nào của mình, mô đất nào của địch thì tôi chịu chết. Giờ không dám đi lang thang ngó nghiêng nữa.


Ta phát tín hiệu cho bên kia sang lấy tử thi về: phải đi thành đoàn, không được mang vũ khí và nhất thiết phải có cờ trắng hồng thập tự. Tử sỹ và thương binh của ta đã được chuyển về tuyến sau từ đêm qua, ngay sau khi ngớt tiếng súng.


Tôi nhìn thấy người lính ấy lần thứ hai khi tiến hành củng cố vị trí chiến đấu. Bên ấy chỉ cách bên này cỡ chục mét. Nhìn thấy nhau rất rõ, họ nói chuyện với nhau nghe cũng rất rõ, thậm chí mùi thức ăn của họ tôi còn ngửi thấy. Chúng tôi cùng nhận ra nhau. Tôi nhận ra anh ta bởi cặp mắt sắc có phần u uất và hàm râu quai nón lâu không cạo. Anh ta nhìn tôi, vỗ vỗ vào cái mũ sắt đang đội trên đầu và khua khua tay ý muốn nói không được ném đá nữa. Tôi trả lại bằng một ánh mắt căm thù như trong phim rồi giơ nắm đấm dứ dứ về phía trước. Anh ta bật cười, chắc tại thái độ căm phẫn của tôi kịch tính và trẻ con quá. Tôi thấy lúng túng không biết nên có động tác gì tiếp theo để uy hiếp tinh thần đối phương. Tôi vỗ vỗ vào khẩu súng và chỉ vào người lính ấy. Anh ta thôi không cười nữa, ánh mắt bỗng sụp xuống, ném đi đâu đó rất xa xăm. Cả tôi và anh ta đều quay mặt đi. Tôi tiếp tục công việc vét đất đắp lên thành hào bị sụt.


Một mẩu áo xanh bê bết bùn lộ ra sau nhát xẻng. Tôi lặng đi, gọi mọi người: “Anh em mình còn nằm đây này các ông ơi”. Một cậu to khỏe ào đến, đẩy tôi ra một bên, cướp xẻng từ trên tay tôi bới lấy bới để. Cậu ta quát tôi: “Giúp tao một tay chứ đứng đấy mà nhìn à”. Tôi luống cuống, dùng hai bàn tay vội vã bới đất. Thêm một chút nữa, cái dây lưng và chuôi quả lựu đàn chày lộ ra. Cậu to khỏe dừng tay bảo: “Nó đấy, lựu đạn chày kìa, thôi lấp đất lại đi, đừng bới nữa”.


Nó đấy tức là người của bên kia. Anh ta có lẽ chết ngay từ những loạt đạn đầu của đại đội cối 120. Đoạn hào này ăn trọn một quả, hào sụt thành một lỗ sâu hắm, đất tơi khét mùi thuốc nổ.


_ Chẳng lẽ lại để nó nằm đây à! Đội hồng thập tự của chúng nó còn ở đây không? Tôi hỏi.

_ Xong rồi, rút về rồi. Mày vét hào vòng qua cái xác này một chút này – Cậu ta nói và lấy tay khua thành một vòng.

_ Ai lại làm thế! Bảo mấy thằng kia sang đây mà vác về chứ.

_ Tùy mày – Cậu ta nói rồi bỏ đi.


Chú tôi đánh trận mất trong Nam. Bà và cô tôi khăn gói quả mướp rong ruổi trong Nam ngoài bắc để tìm hài cốt. Nghĩa trang nào cũng tìm đến, gặp ai quen cũng hỏi. Mười năm trời như thế, bà và cô tôi cứ héo hon trong nỗi đau của kẻ không tìm thấy hài cốt người thân. Trước mặt tôi là một người lính phía bên kia, chỉ cần tôi lấp mấy xẻng đất lên thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác. Sẽ có những người bên ấy đượm nỗi đau như bà và cô tôi. Tôi nhỏm dậy, lấy cục đất ném nhỏ về bên kia đánh động. Lại là anh ta thò cổ lên, hất hàm ý muốn hỏi cái gì. Tôi nhô hẳn nửa người lên khỏi thành hào, làm động tác như cáng thương binh, rồi chỉ vào hố đạn. Tôi ra hiệu không được mang súng. Anh ta gật gật đầu ra điều hiểu ý.


Đoạn hào thông giữa bên này và bên kia mà ban sáng tôi đi đã được chặn lại thành chiến lũy và gài rất nhiều mìn. Anh ta phải leo hẳn lên mặt đất bò sang phía bên này. Tôi nói to để những người xung quanh nghe thấy: “Cho nó sang mang xác về”. Tôi sợ, nhỡ đâu họ không hiểu chuyện lại có điều đáng tiếc xảy ra. Vài người hướng mắt về phía ấy, anh ta đang bò chậm rãi nhích từng tí một. Có người bảo: “Thằng dở hơi, ngừng bắn thì đứng dậy mà chạy cho nhanh, ai thèm bắn”. Người khác nói: “Chỗ ấy chưa gài mìn nhỉ, cẩn thận như nó vẫn hơn, ai mà biết trước được điều gì”. Kẻ nào đó đùa ác: “Cho nhát xẻng vào đầu”. Tôi trấn áp: “Các bố đừng lắm chuyện, cho nó sang lấy xác không mai chỗ này thối um lên. Chết vì thối phổi đấy”.


Tôi chỉ cho anh ta chỗ xác người lính và đưa cho anh ta cái xẻng. Anh ta cao hơn tôi một cái đầu, vâm váp như một con gấu và phải hơn tôi vài tuổi. Quần áo bốc lên mùi khó tả, khét lẹt thuốc súng, chua lòm mồ hôi, tanh lợm và khăn khẳn thối. Đó là mùi của những người lính bám trận lâu ngày, bất kể là ta hay địch.


Anh ta quì xuống vội vã xắn đất. Tôi thấy đôi vai anh ta rung lên từng chập. Tôi định giúp, nhưng nghĩ thế nào lại thôi, chỉ trân trân đứng nhìn. Hình hài người lính lộ dần ra sau mỗi nhát xẻng. Khi bới đến phần đầu người lính, tôi thấy anh ta bỏ xẻng ra và cào đất bằng tay không. Vai anh ta rung mạnh hơn, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi xuống đất.


_ Nó sợ run lên kìa – Một người bảo.

_ Câm mồm, để cho người ta khóc – Tự nhiên tôi nổi xung với đồng đội rất vô lý.


Người lính ấy đã đưa được thi thể đồng đội lên mặt hào. Anh quay đầu lại không nhìn vào ai cả, khẽ cúi đầu cảm ơn. Tôi thấy mắt anh ta đỏ ngầu và nhòe nhoẹt nước.


Lúc ấy trời đã về chiều. Chỉ một lát sau trời sập tối. Ngày mùng một Tết trôi qua thật yên ắng, cả mặt trận không một tiếng súng nổ. Tâm trạng tôi rất khó tả. Có lẽ là tâm trạng của bất kỳ một người lính nào ngày đầu xung trận. Một ngày phải trải qua nhiều trạng thái tâm lý mà trước đây chưa bao giờ có.


Đêm hôm đó công binh hai bên gài mìn cắt đứt hoàn toàn con đường mà ban chiều đội tải thương bên kia đã đi. Kể cả khoảng trống mươi mét trước mặt chúng tôi cũng dày đặc mìn.


* * *

banmaitoahuong
14-09-2008, 11:43
Sáng mùng hai công việc của chúng tôi vẫn vậy, tiếp tục củng cố công sự. Tôi và anh ta nhìn thấy nhau, đều gật đầu chào. Ánh mắt của tôi đã có đôi chút mềm mại sau sự kiện chiều qua.


Buổi chiều, cánh lính trẻ chúng tôi còn phởn phơ ngồi trên mép hào hút thuốc uống trà, cười nói như pháo rang và tận hưởng những giây phút thanh bình hiếm hoi trong những ngày ngừng bắn. Cánh lính phía bên kia thấy vậy cũng leo lên hào ngồi. Chúng tôi nói chuyện với nhau mà chẳng bên nào hiểu bên nào. Người lính ấy ném cho tôi một bao thuốc mầu vàng, có in hình con voi, khói thơm phức mùi kẹo. Sắc mặt của anh ta lúc đó rất kỳ lạ, vừa vui lại vừa buồn. Rõ ràng miệng thì cười, nhưng mắt nhíu lại, nhăn cả trán như sắp khóc, ánh mắt buồn não nề hướng về phía chúng tôi. Tôi bắt bao thuốc ngay trên không khi nó còn chưa kịp rơi xuống đất. Tôi không bỏ qua thái độ bất bình thường của người lính ấy nhưng lại không tự lý giải được. Mấy cậu bạn tranh nhau hút. Vèo một cái bao thuốc chẳng còn điếu nào. Đó là điếu thuốc tôi hút thấy ngon nhất trong đời.


Đêm mùng hai Tết chúng tôi được lệnh rút quân, thay vào đó là đơn vị khác lên phòng ngự. Chúng tôi rút nhanh và bí mật, tôi chẳng có cách nào để chào người lính kia.


Tôi lại về tuyến 2, tuyến an toàn. Sau ngày mùng ba tết, pháo hai bên lại khạc lửa đỏ nòng. Bộ binh trên ấy giao tranh thế nào, thiệt hại ra sao, tôi không được biết vì đó là bí mật quân sự. Ở tuyến 2 khoảng một tháng nữa, toàn đơn vị di chuyển xuống mãi dưới này, cách mặt trận hàng trăm cây số. Tôi tiếp tục sống nốt quãng đời lính trận của mình bằng bài nằm tập ngắm bia số 4 và ném lựu đạn gỗ trên thao trường.


* * *


_ Thế là anh bị thằng lính đó ném chết. – Cụ chống Pháp kết luận đầy tính triết lý – Nó ném chết anh, ném chết lập trường chính trị, ném chết ý chí chiến đấu người lính của anh bằng một bao thuốc. Anh đã biết thế nào là “viên đạn bọc đường” chưa? Chính vì thế nên anh mới không ở lại mặt trận mà lui về tuyến sau phỏng? – Cụ chống Pháp có vẻ phẫn nộ thực sự.

_ Cụ lại nâng cao quan điểm rồi. – Tôi khẽ nói – Cụ thấy đấy, thời bọn cháu, xe Cub đã chạy vè vè ngoài đường rồi. Cách mặt trận mươi cây thôi là cà phê đèn mờ xập xình chát bùm rồi mà bọn cháu có đảo ngũ đâu. Còn chuyện rút lui là cả đơn vị rút chứ có phải mình cháu. Đó là mệnh lệnh, là chiến thuật chiến lược hẳn hoi đấy. Đơn vị mới tiếp quản trận địa là một đơn bị có bề dày kinh nghiệm phòng ngự cụ à.

_ Tôi thấy chuyện hút thuốc của địch cũng bình thường. – Một cụ chống Mỹ lên tiếng – Hồi bọn tôi đánh Đà nẵng, tôi còn vớ được cả thùng các tông thuốc Rubi của lính Mỹ, nhưng mà hút nhạt phèo, chán chết.

_ Điều đó khác. – Cụ chống Pháp tiếp tục – Đấy là chiến lợi phẩm, anh dùng không ai nói, còn bao thuốc kia, nó chính là hàng tâm lý chiến. Anh được phổ biến không dùng hàng tâm lý chiến chứ?

_ Có chứ cụ, nhưng cháu không nghĩ đó là hàng tâm lý, cháu chỉ coi đó là những điếu thuốc của những người lính trận cho nhau thôi.

_ Lúc ra quân, anh đeo quân hàm gì? – Cụ chống Pháp hỏi.

_ Binh nhất cụ ạ.

_ Thế là phải, tôi mà là thủ trưởng của anh...thì binh nhì mãi mãi – Cụ chống Pháp hả hê nói. – Thằng cháu tôi thế mà lên thượng sỹ rồi đấy các ông ạ. – Cụ quay sang chuyện về đứa cháu nội với mấy cụ chống Mỹ. Tôi thấy rút lui lúc này là hợp lý nhất, không nên cố tranh luận với các cụ làm gì. Sự khác nhau thế hệ về luôn là rào cản không thể thống nhất được quan điểm. Tôi lảng đi chỗ khác và hỏi bố tôi đã về được chưa. Bố tôi gật đầu và cười rất thông cảm.

_ Này, anh cu binh nhì, về hả? – Cụ chống Pháp chưa tha cho tôi – Hôm tới 30 tháng 4 anh chỉ được đeo quân hàm binh nhì thôi nhé. – Cụ dặn với theo khi tôi đã ra đến cửa.

_ Tuân lệnh đại tướng. – Tôi đứng nghiêm như nhận mệnh lệnh của cấp trên.

_ Hơ hơ, thằng này thế mà hóm phết! Cụ chống Pháp phều phào cười với các cụ còn lại.


* * *


Năm tháng trôi qua đã biến tôi thành một gã trung niên mòn mỏi với cơm áo gạo tiền. Đôi khi cánh lính nhập ngũ cùng đợt cũng tụ bạ rượu chè. Mấy lần tôi định khơi chuyện người lính bên kia năm ấy ra xem có ý kiến gì hay ho không, nhưng đều bị bạn bè gạt đi khi mới chỉ nhắc đến chuyện ngày xưa. Đối với họ, câu chuyện quan tâm nhất trong các buổi tụ tập thế này là thằng này làm ở đâu, chức gì. Thằng kia giầu lắm, không biết vay tiền nó có được không. Cuộc sống cơm áo đã cuốn trôi họ xa lắc lơ với những kỉ niệm không ra tiền như thế này. Tôi cũng hết sức thông cảm với họ và cũng biết, vài năm nữa, khi đã qua cái giai đoạn cơm áo này, thì họ lại trở về với những kỉ niệm xa xưa, chẳng mất đi đâu mà sợ.


Vợ tôi cũng là người được tôi kể cho nghe câu chuyện trên. Cô ấy chợt hỏi: “Nếu đơn vị anh không rút về tuyến sau hôm ấy. Sau hôm mùng 3 Tết thì thế nào nhỉ? Lại bắn nhau tiếp à”. Đó là một câu hỏi rất đơn giản, nhưng lại là một lời giải vô cùng phức tạp cho sắc mặt người lính năm xưa. Lúc ấy, tôi còn quá trẻ, quá non để có thể đọc được tâm trạng của người lính ấy. Tôi thẫn thờ trả lời: “Ừ” rồi chậm rãi giải thích: “Đó là nhiệm vụ của những người lính như bọn anh”.


Hà nội tháng 1 năm 2007.

Doãn Dũng

nhocdenthui
14-09-2008, 12:38
BMTH post thế này làm sao mà anh ý bán được sách? :(

banmaitoahuong
14-09-2008, 12:39
BMTH post thế này làm sao mà anh ý bán được sách? :(

Mình nghe nói là anh ấy không làm giàu bằng bán sách (NT)

Quat
15-09-2008, 08:18
Họ không làm giàu bằng bán sách thì cũng không nên post truyện của người ta lên như thế chứ nhỉ ????? Nhỡ đâu người ta đòi bản quyền thì sao ??? như Kim Cương đòi bản quyền của Thúy Nga ấy :):):) Hoặc mình hiểu là BMTH được trả tiền để quảng cáo hộ ???? :D:D:D

raklei
15-09-2008, 11:18
Bác cua với bác quạt nhậy cảm thế, truyện này e đọc bên blog bác ấy rồi, bác ấy post lên blog thì có nghĩa là tác giả cũng biết chắc đựoc việc sẽ trôi nổi phát tán tùm lum rồi.
Miễn là khi copy + paste điền tên tác giả là ok rồi.
Mà bác này cũng cần gì ai quảng cáo nữa đâu.
Nhưng kể ra cho vào chỗ thơ văn nghệ gừng nhà phượt thì hợp lý hơn.

LinhEvil
15-09-2008, 11:25
Em để í nhá, bạn QUạt nhá cứ thấy bạn BM là quạt lấy quạt để nhá

=)) biết hết rồi đấy nhá....

Còn cái quạt nào ko cho em quạt với

vntuyen
15-09-2008, 16:18
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=163&pictureid=2868

Anh Cao Sơn có nhiều hình, nhưng mình thích bức "Mẹ nhặt" của anh.

Cứ như là 2 giọt nước í =))

Quat
15-09-2008, 16:58
Em để í nhá, bạn QUạt nhá cứ thấy bạn BM là quạt lấy quạt để nhá

=)) biết hết rồi đấy nhá....

Còn cái quạt nào ko cho em quạt với

Tớ cứ thấy "ấy" là tớ quạt :D Bạn Vồ tinh í thế chứ lị =))=))=))

banmaitoahuong
15-09-2008, 19:24
Bẩm các bác, nhà em cũng không cần tiền quảng cáo nhờ mấy việc cỏn con này ạ. Có những thứ tình cảm không đo bằng xiền ạ.

LinhEvil: Anh Quạt muốn dạy dỗ cho đứa già người non dạ í mà.

banmaitoahuong
16-09-2008, 01:09
Hẳn mọi người còn nhớ người đàn ông với chiếc xe Escape chứa đầy cao sao bu mà tôi có kể cách đây không lâu. Đấy, chính anh ta, người đàn ông độc thân và những cô gái chân dài trong những nẻo đường phượt. Tôi đã thật hồ đồ khi viết về chi tiết đó.


Một cách thông thường văn minh tình dục, tôi cho rằng với tần suất hoạt động như thế, thì phải có những biện pháp phòng vệ nào đó. Và chẳng cái gì an toàn và tiện lợi hơn cao sao bu giữa đêm vắng dặm trường.


Tôi đã mỉm cười, rung đùi vuốt râu, tự thưởng cho mình một chén rượu khi hình dung ra con sư tử liên tỉnh nhà hắn ta lồng lộn bới tung chiếc xe tìm bằng chứng. Tôi đã nghĩ rằng hắn ta sẽ lạch bạch cuống quýt trên đôi nạng, dộng ầm ầm xuống đất, ngửa cổ lên giời mà tru lên rằng: “Thằng chó kia, ai cho mày đi ủng dẫm vào nồi cháo nhà ông”.


Ấy thế mà tôi đã sai.


Hắn chẳng thù oán, chẳng căm hờn hay nổi giận khi giáp mặt với tôi. Hắn chỉ cười. Nụ cười kì bí khó hiểu trên khuôn mặt nhăm nhúm cộng với đôi mắt nheo nheo đầy vẻ cảm thông. Chẳng nói một lời, chẳng ho một tiếng, nhưng tôi hiểu được thông điệp trong ánh mắt ấy: “Chim sẻ sao hiểu được chim hồng, chim hộc”. Tôi là sẻ và hắn là hồng, là hộc.


Tôi đã đi với hắn một chuyến để tìm xem mình sai ở đâu, hoặc hắn có phép mầu kì bí gì mà người trần như tôi không thể biết. Hắn vẫn thế, phong độ đĩnh đạc tập tễnh đi bằng đôi nạng nhôm. Đi chưa vững nhưng tự lái xe. Quan trọng là trên xe vẫn có một chân dài không phải là sư tử cái tôi đã nhắc trên kia. Nhưng khác với mọi lần, chân dài lần này là đặc tình do tôi huấn luyện để tung vào hàng ngũ địch. Nhiệm vụ quan trọng của đặc tình là phải tỉnh táo lừa địch vào bẫy để khai thác địa điểm cất giấu vũ khí bí mật của hắn ta.


Tôi nghĩ là hắn không thể nhận ra cái bẫy đó. Một người đàn ông chạy xe suốt mấy ngày đêm bên cạnh một cô gái hừng hực nhựa sống, phập phồng thở hắt thế kia thì có nhìn thấy bẫy cũng muốn sa chân.


Mười một giờ đêm, khi chúng tôi nghỉ ở Yên bái, tranh thủ ăn qua loa để còn lên đường. Tôi nhìn thấy hắn ta vui sướng gọi hai quả trứng vịt lộn có gừng chần nhưng không rau dăm. Hắn đặt những thiết bị cầm tay lên mặt bàn: điện thoại, máy nghe nhạc và một chùm chìa khóa to. Tôi quan sát và thẩm định. Điện thoại là loại phổ thông, không đặc biệt. Hơn nữa điện thoại nhỏ thế không thể giấu cao sao bu bên trong được. Một cái hộp to bằng bàn tay, mầu đen giống như cái máy nghe nhạc. Có lẽ nút gỡ ở đây chăng? Tôi đọc truyện và xem nhiều phim thể loại trinh thám li kì. Người ta có thể làm rất nhiều thứ kiểu như camera là cái cúc áo hoặc cặp kính nhìn xuyên da thịt. Rất có thể cái máy nghe nhạc kia thực chất chỉ là cái hộp đựng sao cao bu.


Tôi tiến đến bắt chuyện: “Gớm, ông có chùm chìa khóa to nhỉ”. Hắn ta cười khị khị: “Giờ đã bé bớt rồi đấy. Trước còn to hơn”. Tôi bảo: “Những người đàn ông độc thân bao giờ chùm chìa khóa cũng vĩ đại”. Hắn đần mặt ra. Tôi tấn công tiếp, vớ ngay lấy cái máy nghe nhạc đưa lên ngắm nghía và hỏi: “Đây là cái gì?” Hắn nhìn tôi như thể từ trên trời rơi xuống, lắc đầu bảo: “Máy nghe nhạc, biết ipod là cái gì không?”. Tôi giáng tiếp một đòn chí mạng: “Lạ *** gì ipod. Nhưng mà không có tai nghe thì ông nghe bằng niềm tin à”. Hắn cười rung rốn: “Thằng ngu, tao bật lên rồi dùng sóng FM trên xe bắt. Cả nghìn bài trong này không cần phải thay đĩa”. Đến lượt tôi lúng túng, tôi lấy móng tay thử cậy xem có phải là cái hộp ngụy trang không. Nó chỉ là cái máy nghe nhạc thông thường như bao cái khác.


Có vẻ như đoán được ý đồ của tôi, hắn ta cảnh giác, gõ gõ bàn tay lên bàn rồi cất chùm kìa khóa vào túi. Tôi nhìn thấy một bàn tay hắn trắng xanh, nổi gân chằng chịt, móng tay khá dài cáu bẩn. Điều đó không có gì lạ, đàn ông độc thân, móng tay bẩn là chuyện bình thường, mặc dù tôi có thấy một cái cắt móng tay trong chùm chìa khóa kia.


Đặc tình của tôi nhắn tin: “Chưa phát hiện ra kho hàng”. Tôi trả lời: “Kéo cổ áo trễ hơn nữa đi”. Đặc tình nhắn lại: “Cứ tin ở em”.


Một ngày sau, tôi lại nhắn tin hỏi đặc tình: “Thế nào rồi, tìm thấy nơi cất hàng chưa?”. Điện thoại im lặng, không có hồi đáp. Tôi nghĩ, chắc đặc tình đang lâm trận, đợi kết quả mới báo tin về.


Hai ngày sau tôi lại nhắn tin hỏi. Câm lặng. Tôi sốt ruột nhưng vẫn cố đợi tin tức tình báo từ chiến tuyến.


Đến đêm thì tôi không chịu được, nhấc máy gọi thẳng chứ không nhắn tin. Tiếng đặc tình nghèn nghẹt bên kia máy: “Bàn tay phải cái cắt móng tay”. Tôi quát lên trong máy: “Phải phải cái gì, ở đâu?”. Đặc tình hình như đang lao động nặng, thở rất dốc, ú ớ: “Đấy...đấy” rồi tắt phụt máy. Tôi cuống lên bấm lại, chỉ có tiếng tò te tí: “Thuê bao quí khách...”


Ngoài trời tối đen, gió thổi mạnh luồn qua khe cửa phát ra tiếng kêu u u như ma gào. Tôi trùm chăn lên đầu, câu trả lời của đặc tình lảng vảng mãi không đi: “Bàn tay phải cái cắt móng tay”. Tôi lẩm bẩm có đến cả nghìn lần rồi chìm vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy hắn ta đang giơ máy ảnh lên để chụp. Bàn tay phải kìa, tôi ngắm thật kỹ. Những ngón tay xương xẩu, móng tay dài và bẩn. Thôi đúng rồi, ngón giữa được cắt tỉa sạch sẽ, gọn gàng không như những ngón còn lại. Đốt đầu tiên ngón giữa không bình thường, còn ngoẹo đầu sang một bên trông như cái móc lốp.


Tôi bừng tỉnh, vỗ giường và la lớn: “Thật ngu, thế mà không luận ra. Ngón tay giữa, bàn tay phải và cái cắt móng tay. Kho hàng ở đó chứ còn ở đâu”.

LinhEvil
17-09-2008, 14:22
Ối giời ơi, vì cái ảnh lày mà em bị ĐT dằn mặt lớ...

Chị BMTH quote lại cái ảnh thế lày là chết em lớ... (NT)

banmaitoahuong
21-09-2008, 02:19
Làm việc tốt là giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn. Đấy là bài học tớ được dạy từ thiếu thời.

Lúc còn trẻ, không phải ai cũng ý thức được việc phải giúp đỡ người khác, thường thì làm theo bản năng sẵn có. Giờ da bắt đầu cóc, tóc bắt đầu sương mới giật mình chẳng biết mấy năm nữa mình chống gậy qua đường có đứa nào giúp không?

Thế là tớ đặt ra kế hoạch mỗi ngày phải làm một việc tốt.

Tự tắm, giúp vợ không phải kì lưng cho mình là một việc tốt.

Mách vợ bạn rằng bạn có bồ nhí cũng là một việc tốt - giúp gia đình bạn bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.

Hôm nay đang ngẩn ngơ nghĩ làm việc tốt gì thì gặp một bạn gái. Bạn gái rất xinh nhưng không giấu được vẻ mặt u sầu đượm buồn. Tớ chia sẻ: "Bao lâu rồi em chưa có giai". Bạn gái cười ngượng nghịu: "Lâu lắm rồi anh ạ". Tớ an ủi: "Phải có giai không thì trông em khô héo lắm". Mắt gái ươn ướt, khẽ khàng: "Nhưng em không yêu được ai". Tớ hớn hở: "Chúng mình là bạn đúng không? Bạn tốt!". Gái đồng tình: "Vâng". Tớ tiếp: "Bạn bè thì phải giúp nhau lúc khó khăn, anh không nỡ nhìn thấy em héo mòn thế này". Gái ngạc nhiên hỏi: "Giúp thế nào? Anh định tưới em à".

Ờ, tưới tắm cho một gái xinh là một việc làm cực tốt.

Nhưng bận quá, thế nên mới chuẩn bị làm việc tốt thôi. Viết blog mua vui mới là việc tốt hôm nay.