PDA

View Full Version : [Chia sẻ] Myanmar tạp lục



chaubathong
26-12-2013, 23:08
Myanmar đã quá nhiều người viết, nào là chùa Vàng, hồ Inle, Bagan... Bên cạnh di tích, thắng cảnh, loạt bài này chủ yếu là để "khoe" về một Myanmar khác. Đó là con người, là phong tục tập quán, là cuộc sống thường ngày... Hi vọng, những trải nghiệm này sẽ giúp một chút nào đó cho các bạn có ý định du lịch đến Myanmar.

Bài 1: CHÀO YANGON

“Mingalaba”, từ đằng xa một bóng hồng môi đỏ, váy dài chấm gót, vẫy chào tôi bằng tiếng Myanmar. Tôi đến gần cúi đầu đáp lễ: “Chào cô” rồi giật mình, bóng hồng đó chính là…đàn ông. Thành phố Yangon (Myanmar) đón tôi bằng một sự...quê độ như thế.


Đàn ông môi đỏ, váy dài
Có lẽ do “hoóc môn” đàn ông của tôi nhạy quá, nên trong tích tắc tôi quên mất một điều cơ bản: Đàn ông Myanmar mặc váy và ăn trầu (nên môi đỏ). Váy của đàn ông gọi là longyi, màu đậm, được túm trước bụng (phía sau còn có thể nhét ví); váy phụ nữ là shayi, có nhiều hoa văn và túm lại một bên hông. Đi đường, thỉnh thoảng lại thấy người Myanmar hồn nhiên mở váy ra rồi quấn lại (dĩ nhiên, không có chuyện “lộ hàng” đâu).

Thế đàn ông mặc váy sẽ…đi tiểu bằng cách nào? Thắc mắc đó được bác tài xế taxi giải đáp ngay tức thì. Đang chở chúng tôi thì gặp đèn đỏ, xe dừng lại. Bằng những động tác rất thuần thục, bác tài xế mở bung cửa ra, lao vào vệ đường và…ngồi thụp xuống. Cũng may, đèn đỏ ở Myanmar khá lâu (thường từ 1-2 phút, đôi khi hơn) nên bác tài xế sau khi “xả nước cứu thân”còn kịp lấy miếng trầu để sẵn trong túi áo bỏ vào miệng nhai nhỏm nhoẻm rồi mới đủng đỉnh bước ra xe chạy tiếp.

“Bận váy cảm thấy thế nào?”, tôi hỏi. Anh tài xế trả lời gọn lỏn: “Mát!”. Nhân dịp ở đất nước đàn ông được “bận váy hợp pháp” này, tại sao lại không thử nhỉ? Thế là tôi tìm đường ra chợ Scott (người dân vẫn giữ tên gọi từ thời thuộc địa Anh) để mua longyi. Người Myanmar có cách quấn cầu kỳ longyi cầu kỳ hơn Ấn Độ hoặc “xà rông” ở Bali. Vì thế, cách quấn cho đúng chắc phải mất cả ngày để luyện. Nhưng đừng lo, từ bài học kinh nghiệm của mình, tôi sẽ chỉ bạn cách quấn longyi nhanh nhất. Khi mua được cái longyi vừa ý, bạn chỉ cần quấn quanh người và…quay đầu nhìn quanh quất một cách “tội nghiệp”. Chỉ cần thế thôi, người dân Myanmar sẽ bu lại và…quấn giùm. Quá dễ phải không?

http://farm3.staticflickr.com/2813/11561069795_8e9423311e_c.jpg

Xài tiền đô kiểu Miến
Khác với những gì viết về Yangon cách đây vài năm, taxi hiện nay khá tốt và mới. Đường đi êm, không xóc. Hôm tôi đến Yangon cũng gần vào giờ cao điểm nhưng kẹt xe rất ít. “Cũng nhờ Sea Games cả đấy. Đường xá được nhanh chóng sửa chữa, trải nhựa. Cộng với rất nhiều người dân đã đổ xuống Nay Pyi Taw (thủ đô mới của Myanmar) xem Sea Games nên đường thông thoáng hẳn”,bác tài cho biết.

Taxi ở Yangon không có“công tơ mét” nên đi phải trả giá (khá rẻ nếu so với Việt Nam).Taxi từ sân bayvào trung tâm khoảng 7000-8000 kyat nhưng nếu giỏi trả giá, có thể xuống còn 4.000-5.000 kyat (1000 kyat=20.000VNĐ). Tuy nhiên, khi trả giá nhớ phải kèm theo điều kiện có bật máy lạnh hay không vì giá có bật máy lạnh sẽ đắt hơn một tí đấy.

Trước khi lên đường, người bạn từng đi Myanmar dặn tới dặn lui nhớ mang theo tiền 50 USD và 100 USD để đổiđược giá hơn. Thật thế, điểm đổi tiền ở Yangon ghi rõ, nếu đổi tiền bằng tờ mệnhgiá 20 USD sẽ trừ 5 “chạt” (kyat) so với biểu giá 1USD = 970 kyat. Nếu tờ 1USD,5USD sẽ chỉ được đổi với tỷ giá 1USD= 900 kyat. Đi ăn, sẵn có tiền đô trong người,nên tôi lấy tờ 5USD ra trả. Cô bán hàng vừa cầm tờ tiền lên đã lắc đầu trả lại:“Tiền…cũ quá!”. Đổi tờ khác cũng bị chê: “Tiền…nhăn!”. Thế là tôi đành phải rút hết mớ tiền đô trong túi để cô lựa. Mất một hồi lâu xăm xoi, cô mới đồng ý một tờ và dặn: “Lần sau nhớ mang theo tiền mới và thật thẳng thớm nha. Bạn không hiểu đâu. Đây là Myanmar”.

Khi tôi hỏi vì sao lại “khắt khe” với tờ đô la vậy, người Myanmar chỉ cười. Nhưng nếu biết những gì họ trải qua thì chưa chắc yêu cầu này là quá vô lý. Năm 1987, chính phủ bất ngờ phát hành tiền mới và tuyên bố đồng tiền hiện tại không còn giá trị.Chớp mắt, bao nhiêu tiền dành dụm bị mất trắng nên người dân bắt đầu chuyển sang dự trữ tiền đô. Và nghĩ xem, khi cuộc đời mình phụ thuộc nhiều vào một “tờ giấy có giá”, bạn sẽ nâng niu nó đến chừng nào.

https://farm3.staticflickr.com/2807/11561069055_aae096544d_c.jpg
Myanmar phát triển quá nhanh. Chỉ mới cách đây chừng vài năm, Yangon toàn xe hơi cũ năm "một ngàn chín trăm...hồi đó". Bây giờ khác hẳn, toàn xe mới. Nhà thì chưa kịp thay hết, nên vẫn còn nhiều khi nhà cũ nát, nằm xen lẫn giữa những toà nhà hiện đại.

Box:
Để cầu mong điều tốt lành và may mắn, nếu như xe taxi ở Peru (Nam Mỹ) thường treo một chiếc giày cũ của em bé ngay kính chiếu hậu thì taxi (và cả xe buýt, xe thồ) ở Myanmar lại treo một chùm hoa lài hoặc hoa sứ rất thơm.

http://farm4.staticflickr.com/3731/11561210326_75b38283c0_c.jpg
Hoa lài được bán khắp nơi

PHAM-PEK
27-12-2013, 09:00
Mình cũng thích đi và trải nghiệm cuộc sống hơn là xem phong cảnh. Chờ những bài viết tiếp của bạn.

chaubathong
27-12-2013, 09:08
Bài 2: KỲ THÚ NƯỚC CÙ LÀ


“Bòn bon si cô la, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mác-su…”, đây là bài đồng dao quen thuộc mà bọn trẻ chúng tôi ngày xưa thường nghêu ngao hát. Hồi đó hát ra rả như vậy, bòn bon, sữa hột gà may ra còn biết chứ dầu cù là Mác-su thì chịu. Qua đây, tình cờ mới biết, dầu cù là Mác-su (Mac Phsu) là của người Miến Điện và đã có mặt ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước.

Quê hương dầu cù là

“Xức vào đi để khỏi bị muỗi cắn”, ông già bán phá lấu trên lề đường nhìn cánh tay đầy dấu muỗi chích của tôi rồi đưa một hũ nhỏ và nói bằng tiếng Anh khá chuẩn:“Thuốc đặc biệt của người Myanmar trị muỗi cắn, nhức đầu, cảm sốt… đấy”. Tôi cầm “hũ thuốc bí truyền” lên xem, A! dầu cù là bán đầy ở Việt Nam đây mà. Nghe lạ nhỉ. Lọ dầu cù là quen thuộc với người Việt Nam gần cả trăm năm sao lại xuất phát từ…Miến Điện chứ (?!).

Tôi lục lại tư liệu thì quả thật vậy. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, đầu thế kỷ 19, con gái hoàng thái tử Myingun của Miến Điện (lúc đó đang sống lưu vong tại Sài Gòn) lập gia đình với một người Việt Nam và mở hãng dầu cù là Mác-su (Mac Phsu) có màu xanh lá cây nổi tiếng khắp Đông Dương, cạnh tranh trực tiếp với dầu cù là ‘Con cọp’(Tiger Balm, cũng là sản phẩm của người Miến Điện).

Thú vị hơn nữa, theo ông An Chi trong sách Chuyện Đông Chuyện Tây thì ngay cái chữ “Cù Là” cũng chính là tên mà người dân miền Tây Nam bộ ngày xưa dùng để gọi nước Miến Điện (Myanmar).

Ngày nay, dầu cù là vẫn còn sử dụng ở Myanmar (tuy không phổ biến như xưa nữa) nhưng vẫn còn bán nhiều ở các chợ và đấy vẫn là loại thuốc chữa “tứ thời cảm mạo” ưa chuộng của người già.

http://farm8.staticflickr.com/7458/11561206696_42da7a304d_c.jpg

Gọi nhau bằng cách “mút chuột”

Ăn xong chén phá lấu, tôi tiếp tục đi bộ ngắm phố phường Yangon. Có lẽ, năm 1948, người Anh rời khỏi Myanmar nhưng họ để bóng đá ở lại vì tôi thấy bóng đá ở khắp mọi nơi: trên tivi ở cửa hàng bên lề đường, trên áo thun, móc khóa, và trong công viên, khu phố…Về bóng đá, tôi yêu thích cực kỳ cảm tính. Tôi yêu đội Chelsea vì thích tính cách của “người đặc biệt” Mourinho và ghét đội Manchester United vì không ưa được Ngài “máy sấy tóc” Ferguson. Nhưng khi chia sẻ điều này với anh bạn Myanmar, lập tức anh ta “xụ” mặt: “Anh cẩn thận khi ‘nói xấu’ đội Manchester United nhé vì nhiều người Yangon thường tự xem thành phố của mình là… Manchester United ở Châu Á đấy (!?)”.

Myanmar đi ngủ sớm, khoảng 7, 8 giờ tối là đường vắng ngắt. Tuy vậy, khu phố Tàu là một ngoại lệ. Dịp này, cứ đến tối là có chiếc xe buýt đèn đuốc sáng trưng, nhạc mở xập xình đi chậm chậm rảo khắp đường để cổ động cho Sea Games. Bia nổi tiếng nhất ở đây là bia Myanmar, uống khá ngon. Là một trong những nhà tài trợ cho Sea Games lần này, nên bia Myanmar tranh thủ tổ chức khuyến mãi dưới nắp chai, treo băng rôn, dán poster đầy thành phố.

Dọc con đường số 19 là những quán nhậu mọc san sát nhau, người qua kẻ lại nườm nượp chẳng kém gì khu phố Tây Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn. Tôi vào một quán bên đường. Có lẽ đông quá nên ngồi đợi mãi cũng chẳng thấy người phục vụ đến. Có anh Tây vừa vào bàn bên cạnh rồi chu mỏ lên…“nút chuột”. Ai ngờ chưa đầy 5 giây sau, anh bồi bàn không biết từ đâu xuất hiện lập tức. Thì ra, trong tiệm ăn người Myanmar dùng tiếng “mút chuột” để gọi người phục vụ. Chắc vì thế mà mấy hôm nay tôi vẫn nghe tiếng “mút chuột” khắp nơi. Vì vậy, các cô du lịch qua đây nhớ để ý, không lại “ăn dưa bở”, tưởng nhiều anh đang chọc ghẹo mình.


http://farm8.staticflickr.com/7378/11561211263_9867c1661e_z.jpg
Phá lấu vỉa hè, 100 kyat (2.000VND)/3 xâu

http://farm3.staticflickr.com/2884/11561074045_5f8fdf5da6_z.jpg

http://farm6.staticflickr.com/5498/11561209876_c910cd0736_z.jpg
Khu ăn uống tại phố Tàu

http://farm3.staticflickr.com/2882/11561073805_7fe41af958_z.jpg
Em bé ngủ ngay trên xe bán đậu phộng của mẹ trong khu phố Tàu trong khi chờ mẹ bán xong.


Box: Thời đó, dầu cù là Mac Phsu nổi tiếng khắp cả nước, và được ưa thích đến nỗi người dân dùng chữ dầu cù là để chỉ các loại dầu cao (bất kể nơi đâu sản xuất).Trước đó, vào thế kỷ 19, theo nhà văn Sơn Nam, người Cù Là (Miến Điện) đã đến Rạch Giá, lập xóm Cù Là (làng Vĩnh Hoà Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 km). Xóm này nay hãy còn tên.

trangkhin
27-12-2013, 13:49
Bài viết hay quá, mà hình như đã được đăng trên báo dịp Sea Game, em nhớ là có đọc bài Kì 2 nhưng không nhớ rõ là Tuổi trẻ hay Thanh niên. Hóng đọc tiếp bài của bác, ảnh chụp đẹp lắm ạ, văn phong thì khỏi chê ^.^

chaubathong
27-12-2013, 16:00
Bài 3: “TRÀ ĐẠO” MYANMAR
Ngày thứ ba trải nghiệm cuộc sống Myanmar đơn giản nhưng đầy bản sắc văn hóa đã làm tôi cảm thấy gần gũi như đang ở nhà.

Uống trà cóc, ăn mohinga
Nói đến Myanmar, ai cũng nói đến tục ăn trầu, nhưng có một thứ mà người dân còn “nghiện” hơn ăn trầu đó là…uống trà. Không cầu kỳ lễ nghi như trà đạo Nhật Bản, uống trà ở Myanmar đơn giản như chính con người của họ vậy.

Ngay buổi đầu tiên gặp gỡ, Yan Ming Tha Zar, cô bạn người Myanmar đã rủ rê: “Đi uống trà nhé! Chưa uống trà là chưa tới Myanmar đâu”. Thế là chúng tôi chọn một quán trà nhỏ gần khu chợ Scott với bàn ghế mủ đúng chất vỉa hè. Vừa đến, cô phục vụ bưng liền một bình trà xanh. Trà này miễn phí, uống bao nhiêu cũng được, chỉ cần gọi một món ăn nhẹ là đủ.

Nhiều người ra quán trà để ăn sáng (phần lớn ăn “món kinh điển” của Myanmar là mohinga gồm mì gạo và súp cá). Ăn xong thì ngồi uống trà, rất giống kiểu uống cà phê cóc ở VN. Bên chén trà, mọi thứ trên đời đều có thể diễn ra: bàn công việc, nói tào lao, chơi cờ tướng và kể cả bán hồng ngọc (Myanmar là một trong những nước có hồng ngọc, đá quý nhiều nhất thế giới)… “Họ cứ bày hồng ngọc, đá quý bừa ra bàn vậy đó. Chẳng khi nào bị giựt, bị cướp…”, Tha Zar cho biết.

Cà kê uống cả bình trà to miễn phí làm tôi quá ngại với bà chủ quán. Thế là tôi ngỏ ý muốn uống thử loại trà…có tính tiền. Cô bạn liền giới thiệu món trà sữa, kết hợp 5 phút cho bài học tiếng Myanmar để biết cách kêu thức uống giống người bản xứ: “Cho she” là nhiều đường; “Bone mahn” là trà bình thường (nhưng với tôi vẫn quá ngọt); “Pancho” là nhiều trà nhất (chắc đậm đặc giống café chồn ở mình)…Nếu bạn không yêu cầu gì, họ sẽ tự chọn loại “sheh” (đặc biệt) cho khách. Ly trà khá to mà giá chỉ 300 kyat (khoảng 6.000 VNĐ). Quá rẻ và ngon.

Uống xong một ngụm trà sữa đặc biệt, tôi quên hết cả đống từ về trà sữa vừa học xong. Kệ! Lần sau vào quán trà ở Myanmar cứ im lặng và khi nghe “sheh” (bạn muốn loại đặc biệt?) thì chỉ việc lập tức gật đầu. Thế là xong.

http://farm3.staticflickr.com/2855/11561208906_1ca01e445c_z.jpg

Những đôi má thanaka
Thú thật hồi mới qua, đâu đâu cũng bắt gặp các cô gái vẽ “phấn” lên mặt, tôi có phần không quen, vì nhìn hoang dã cứ như…thổ dân. Vô tình kể điều này với Tha Zar, ai ngờ cô bạn nổi tự ái, nhất quyết kéo tôi ra chợ Scott để dạy bài học thứ hai về làm đẹp.
Tha Zar bảo: “Từ 2000 năm trước, tổ tiên chúng tôi đã dùng cây thanaka để làm ra sản phẩm này và thường dùng để xoa lên mặt sau khi tắm. Cô nào xài sang còn trộn thanaka với bột vàng, khi trang điểm sẽ lấp lánh hơn. Vào đêm giao thừa, các cô gái còn làm thanakha rồi rủ nhau đến chùa để…rửa mặt cho Phật nữa đấy ”.

Nếu các hãng mỹ phẩm có thể kiếm bộn tiền trên thế giới, thì ở Myanmar họ chắc lỗ sặc gạch vì phụ nữ ở đây chỉ dùng thanaka. Có lẽ vì 100% thiên nhiên, không hoá chất, nhiều công dụng (dưỡng da, chống nắng) và…rẻ, nên mấy gian hàng bán thanakha luôn tấp nập cả người bản xứ lẫn khách du lịch. Đầu tiên, cô bán hàng chọn mộc khúc gỗ thanaka đã được phơi khô, mài từ từ trên một phiến đá đen như mài mực, lâu lâu nhỏ thêm chút nước cho đến khi tạo thành hỗn hợp sềnh sệch. Rồi cô dùng cây chổi xoa một lớp mỏng lên mặt tôi, dặm lớp thứ hai lên trán, má và cằm theo vòng tròn. Mùi gỗ thơm nhẹ nhàng, da cảm giác man mát, ngưa ngứa.

“Trang điểm” xong, tôi còn chưa kịp soi gương thì thấy ai nấy phá lên cười và khen “Anh rất …đẹp gái”. Thấy tôi còn ngơ ngác, họ mới giải thích: “Ở đây, chỉ phụ nữ và con nít mới bôi thanaka lên mặt. Đàn ông cũng có thể bôi, nếu là…pê đê”. Khổ là bột này khó chùi cho sạch, nên tôi đành để cái mặt đầy thanakha đó mà nhanh chóng chạy về khách sạn. Nhớ lại nụ cười cùa các cô gái Myanmar ban nãy đến giờ vẫn còn “quê quê”, nhưng phải công nhận những vệt tròn trên má thật ra lại làm nụ cười của họ rạng rỡ lạ kỳ.

http://farm4.staticflickr.com/3814/11561073275_aa5e0cbe65_z.jpg

http://farm3.staticflickr.com/2815/11561073185_2b156c8c75_z.jpg
Con nít cũng xoa thanaka

Box:
“Mingalaba” là cách người dân Myanmar chào hỏi, có nghĩa là "tốt lành cho bạn." Mỉm cười và nói “Mingalaba” là đúng trong bất cứ tình huống nào. Đây là một cách chắc chắn để lấy sự thân thiện của bất kỳ ai.

Chitto
27-12-2013, 18:46
Vào đêm giao thừa, các cô gái còn làm thanakha rồi rủ nhau đến chùa để…rửa mặt cho Phật nữa đấy ”.

Theo tôi nhớ thì ở Myanmar phụ nữ không được bước vào sát tượng Phật, không được chạm vào tượng Phật. Các ngôi chùa tôi vào hồi trước thì khu vực bàn thờ đều cấm nữ. Hòn đá vàng, tượng Mahamuni không cho nữ vào gần, các nơi khác cũng vậy.

Chi tiết các cô gái đến chùa rửa mặt cho Phật có vẻ lạ ?

chaubathong
27-12-2013, 22:38
Chắc bác Chitto nhầm với ông Phật thiệt to nơi chánh điện. Phật ở đây là ông Phật nhỏ (ở mỗi góc của ngày trong tuần). Người nào sinh vào thứ mấy sẽ đến góc của thứ đó vừa đổ nước trên đầu ông Phật này (và cả linh vật của thứ đó phía dưới) :)

http://farm8.staticflickr.com/7435/11585637113_446780e942_z.jpg

chaubathong
28-12-2013, 08:23
Bài 4: NHỮNG NGHỀ SẮP “TUYỆT CHỦNG”

Đó là những nghề độc đáo. Chỉ mới cách đây hai năm, chúng hãy còn rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày của người dân Myanmar. Nhưng với sự phát triển quá nhanh, những nghề này đang dần bước vào dĩ vãng…

Bán nước lạnh
Myanmar đang bước vào mùa lạnh (từ tháng 11-tháng 2). Nhưng lạnh đâu chẳng thấy, chỉ thấy đi bộ một hồi là mồ hôi đầm đìa. Cộng với khói bụi từ những con đường đang thi công, khói xe làm người nhớp nháp khó chịu. Lúc này, tôi chỉ thèm một điều duy nhất: có ly nước lạnh thật to. Vừa cầu đã thấy bà bán nước ngay góc đường trước mặt. Đúng ra tôi đã mua nước suối đóng chai vừa sạch, vừa tiện nhưng chính cách bán nước lạnh kỳ lạ đã kéo chân tôi lại. Bán nước lạnh thì có gì lạ? Khoan đã, hãy xem nhé…

Một cục nước đá được giữ thẳng đứng bằng một khung tự chế, lồng trong một cái phễu bằng vải mùng. Bà dùng ly khoả nhẹ rồi múc nước từ trong xô, rưới từ từ xuống cục nước đá. Đoạn, bà dùng ly (hoặc chai nhựa) hứng nước chảy từ cục đá xuyên qua cái phễu phía dưới. Nước đã được làm lạnh một cách thông minh và tiết kiệm như thế… Để gây sự chú ý của người đi đường, bà gõ gõ hai cái ly vào nhau theo một nhịp điệu rất vui tai. Chỉ cần bỏ 50 kyat (1.000 VNĐ) là bạn đã có một ly (chai) to nước mát lạnh.
Năm ngoái, cùng với Cuba và Bắc Triều Tiên, Myanmar còn là đất nước thứ ba sót lại trên thế giới mà Coca Cola chưa "xâm chiếm". Tháng 6.2013, Coca Cola vừa tuyên bố sẽ xây dựng lại nhà máy ở Myanmar, chính thức trở lại thị trường này sau 60 năm vắng bóng vì tình hình chính trị. Họ sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn người dân nhưng đồng thời sẽ “cướp” mất việc của một số khác trong đó nghề bán nước lạnh này.

“Bây giờ bán ế lắm vì người ta thích uống nước suối đóng chai hơn”, bà bán nước chép miệng rồi nhìn sang bên kia đường, nơi “đối thủ” của bà-một cửa hàng tiện lợi mới khai trương. Nhìn cái xô nước cũ kĩ, móp méo của bà, tôi chỉ biết ngậm ngùi im lặng…

http://farm6.staticflickr.com/5520/11561072165_253911abdc_z.jpg

http://farm4.staticflickr.com/3724/11561105004_5cf68686b4_z.jpg

Đánh máy chữ
Tính đến nay, phần mềm soạn thảo văn bản Microsoft word đã ra đời trên dưới 20 năm, nhưng ở Myanmar, trước cửa toà án, các văn phòng liên quan đến pháp luật luôn có rất nhiều người đánh máy dịch vụ. Đương nhiên là đánh máy chữ “cơ” chứ không phải ngồi nhấp chuột và gõ bàn phím.

Ở một góc nhỏ trên vỉa hè là một cái bàn cũng nhỏ, bên trên là một tấm bạt hoặc chiếc dù để che nắng mưa, họ ngồi đó thoăn thoắt bàn tay trên bàn máy đánh chữ truyền thống. “Giấy tờ thường được viết tay, nhưng các văn bản pháp luật ở đây thường có cỡ 21x34cm nên phần lớn máy in hiện đại không xử lý được. Đánh một trang giấy vậy là 2.000kyat (40.000 VNĐ)”, ông Victor Maung Han, 67 tuổi, đánh máy gần khu vực Toà án tối cao cho biết. Rồi ông thở dài, “Bây giờ còn cầm cự được do cũng có khách hàng quen, nhưng rồi mai mốt máy vi tính tràn vào chắc tôi sẽ nghỉ ở nhà”. Tiếng gõ lọc cọc lại vang lên, xen lẫn trong tiếng thở dài của ông lão.

http://farm3.staticflickr.com/2855/11561207593_66869bfeb1_z.jpg

http://farm6.staticflickr.com/5489/11561104904_08042935cf_z.jpg

Cho thuê điện thoại
Với mức lương trung bình khoảng 100 USD/tháng và giá phải trả cho một cái sim điện thoại di động bằng hoặc hơn một tháng lương (thời điểm năm 2011, giá sim điện thoại gần 500 USD/cái), liệu bạn có xài điện thoại di động không?

Câu trả lời: Chưa chắc. Hầu hết dân Myanmar đều sử dụng điện thoại công cộng, gọi là PCO (Public Call Outlet). Gọi vậy cho sang chứ thật ra chỉ có một cái bàn cũ, đặt ngay ngắn bên đường để không choáng lối đi, trên bàn là hai, ba máy điện thoại bàn có nút bấm thời xa lơ xa lắc. Khách đưa số, sẽ có người nhanh chóng tìm mã vùng rồi lấy viết ghi lại thời gian vào cuốn tập bên cạnh. Mỗi cước gọi có giá 100 kyat/phút.

Cùng với giá sim đang ngày càng giảm, tháng 6 vừa rồi, chính phủ Myanmar đã chọn được hai nhà mạng từ Na Uy và Qatar để cung cấp dịch vụ di động. Vì vậy, trong tương lai gần, mỗi người Myanmar có thể sở hữu những chiếc sim giá rẻ. Rồi ai sẽ nhớ đến những cái bàn điện thoại công cộng này nữa?

http://farm4.staticflickr.com/3666/11561104034_1df2cf6832_z.jpg

chaubathong
28-12-2013, 23:39
Bài 5: CÓ MỘT YANGON KHÁC

Bên này trung tâm đèn đuốc sáng rực, bên kia sông đèn cầy le lói. Bên này trung tâm ô tô nhộn nhịp, bên kia sông tấp nập xe thồ. Và không chỉ có thế…

Bên kia thành phố
Hơn 5 giờ sáng, Shwe Oo đã thức dậy. Anh ăn vội tô mohinga (món ăn sáng phổ biến của người Myanmar) nấu từ tối qua, lục đục bỏ thức ăn dành cho bữa trưa vào cái cà mèn nhỏ rồi tất tả đi thẳng về hướng phà Dala… Shwe Oo chỉ là một trong hàng ngàn thanh niên nghèo vùng ngoại ô Yangon đổ vào trung tâm TP mỗi ngày để đi làm, tìm việc. Shwe Oo hiện đang làm phục vụ bàn cho một quán ăn tại trung tâm và những câu chuyện kể về bản thân, về gia đình anh đã làm tôi thật sự tò mò về cuộc sống bên kia sông.

Chiếc phà từ cầu tàu Pansodan hụ lên một tiếng rồi từ từ băng qua con sông Yangon đục ngầu. Cùng theo chuyến phà là đàn hải âu đến hàng trăm con bay rợp cả một góc sông. Đi qua phà, dân địa phương chỉ phải trả 100 kyat (2.000 VNĐ), nhưng tôi là khách nước ngoài nên phải trả đắt hơn…20 lần (khoảng 40.000 VNĐ). Bên kia sông là huyện Dala. Bắt đầu từ đây được xem là “lãnh địa” của người nghèo.

Giống như Q.2 ở TP.HCM hơn 10 năm trước, chỉ cách một con sông nhưng cuộc sống hai bên bờ khác hẳn. Trước khi đi tôi đã lục bản đồ tìm đường mà đành chịu. Bản đồ google vẽ chi tiết đến từng con hẻm nhỏ ở trung tâm thành phố, nhưng sang bên kia thì…để trắng, chỉ còn vài cái tên quận, huyện vô hồn.

Vừa xuống phà là khung cảnh quen thuộc của VN: người mua, kẻ bán la í ới; xe máy, xe đò nêm kín người thả khói mù trời… Tôi xuống phà, đi bộ ra ngoài gặp xe thồ hỏi đường đến những làng nghèo để tìm hiểu cuộc sống của họ. “Bên này toàn là dân nghèo cả. Đi đâu cho xa, về xóm tôi ngay sát đây, anh sẽ biết được chúng tôi sống thế nào”, chàng xe ôm Aung Ley đề nghị.

http://farm8.staticflickr.com/7353/11585443335_9e0480e1b2_z.jpg

http://farm6.staticflickr.com/5478/11585638383_70b4e8ce25_z.jpg

http://farm3.staticflickr.com/2842/11585763284_37437af0fd_z.jpg

Xóm nghèo
Aung Ley 24 tuổi nhưng có thâm niên chạy xe thồ, xe ôm gần…10 năm. Tuy vậy, anh vẫn chưa thể sắm cho mình một chiếc xe cho riêng mình. “Một chiếc xe đạp làm gì đến nỗi không có tiền mua?”, tôi ngạc nhiên. “Một chiếc xe bình thường giá chỉ tầm 150.000 kyat (khoảng 3 triệu VNĐ). Nhưng xe thồ ở đây cũng có bảng số. Và chính quyền hạn chế chạy xe thồ nên giá một cái xe có bảng số lên tới…850.000 kyat (khoảng 17 triệu VNĐ)”, anh giải thích.

Cũng chính vì thế, Augh Ley và nhiều người chạy xe thồ, xe ôm ở đây vẫn phải thuê xe với giá 1.000 kyat/ngày cho xe thồ và 2.000 kyat/ngày cho xe gắn máy. Đi đâu với tôi anh cũng kè kè cái nón bảo hiểm bên mình. “Cái nón đến 15.000 kyat (300.000 VNĐ), bằng tiền chợ 5 ngày của cả nhà tôi đó. Chạy xe ôm nên bắt buộc phải mua thôi”, anh nói.

Xóm của Aung Ley tên là Cha-Shin-Taz. Thật ra, đây chỉ là cái tên phiên âm từ lời của Aung Ley. Vì khi tôi nhờ anh viết ra, anh mới thú nhận chỉ mới học đến lớp 4. Còn tiếng Anh thì học lóm, nghe Tây nói sao bắt chước vậy, nên không biết đọc, viết.

Xóm vắng ngắt (vì thanh niên trong xóm kéo nhau qua bên kia sông đi làm hết) chỉ có mấy đứa trẻ thò lò mũi xanh giương cặp mắt tò mò nhìn tôi. Đi bộ vòng quanh xóm cũng chỉ thấy một tiệm chạp phô với lèo tèo bánh, kẹo, mớ rau, con cá… Nhà Aug Ley và nhiều nhà trong xóm vẫn còn xài đèn cầy. Nước thì đi bộ khoảng một cây số có cái giếng bơm của UNICEF tài trợ từ năm 2008. “Vậy các anh giải trí thế nào?” tôi hỏi. “Đi làm về mệt lăn ra ngủ thôi. Khi nào rảnh, muốn coi phim thì tới nhà một người trong xóm có máy phát điện, coi một buổi tối trả 100 kyat (2.000 VNĐ)”, anh cho biết.

Tôi cũng ghé thăm nhà Shwe Oo. Nhà anh nằm sát một nhánh sông Yagon, từ đây vẫn có thể nhìn sang bên kia trung tâm TP. Gọi là nhà, nhưng đúng hơn nó là cái chòi tre chừng 2,5m x 5m. Vách và nền cũng bằng nứa, tre đập dập ra, nên ngồi trong nhà mà gió cứ lùa vào thông thống. Shwe Oo đi làm chưa về, nhà chỉ có cô vợ và đứa con mới sinh chưa đầy năm. Cô vợ ở nhà chăm con, kiếm thêm thu nhập bằng việc bán than. Mỗi bịch nhỏ bán giá 100 kyat (2.000 VNĐ).

Hơn 7 giờ tối, Shwe Oo vẫn chưa đi làm về. Đứa nhỏ chắc đói bụng lại è ẹ khóc. Cô vợ bước vào cái chòi tre, châm ngọn đèn cầy rồi xốc nó lên cho bú. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn cầy, cô ngồi đó nhưng mắt vẫn hướng về trung tâm TP sáng rực đèn, chẳng biết đang nghĩ ngợi gì…

http://farm6.staticflickr.com/5480/11599024724_7c7d80ba1d_z.jpg
Aung Ley ngồi trước nhà mình (nhưng vẫn luôn kè kè cái nón bảo hiểm)

Box:
Myanmar hiện có khoảng 60 triệu dân, là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á về tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí. Tuy nhiên, theo thống kê của Uỷ ban kế hoạch tài chính Hạ viện, năm 2013, tỉ lệ thất nghiệp là 37%, hơn ¼ dân số sống ở mức cực nghèo. Tỉ lệ biết đọc viết là 83%.

http://farm3.staticflickr.com/2842/11598904093_e415d02c6f_z.jpg

http://farm6.staticflickr.com/5478/11599025174_9a8ab7c27b_z.jpg

http://farm4.staticflickr.com/3753/11598689465_8babef71d3_z.jpg

http://farm3.staticflickr.com/2866/11599471436_2d6e071943_z.jpg

http://farm3.staticflickr.com/2860/11599472326_fc7990bd3a_z.jpg

http://farm3.staticflickr.com/2830/11598690465_3a4a1dc406_z.jpg

chaubathong
29-12-2013, 17:47
Bài 6: BIỂU TƯỢNG QUYỀN LỰC MYANMAR

Chỉ là con voi nhưng được ở trong “cung điện” thếp vàng có hẳn người phục vụ riêng, trời nóng có người bật quạt, thậm chí mỗi lần đi vệ sinh cũng có người dọn lập tức…Đơn giản vì đó là con voi trắng, linh vật của người Myanmar.

Từ con voi trắng huyền thoại
Từ các vương triều cổ đại của Myanmar và Thái Lan, con voi trắng luôn tượng trưng cho điều tốt lành. Vì vậy, quyền lực của vua có được một phần tính bằng số lượng voi trắng mà họ sở hữu. Niềm tin vào con voi trắng lớn đến nỗi vào thế kỷ 16, vương quốc Myanmar xảy ra chiến tranh với Thái Lan để giành quyền sỡ hữu danh hiệu “Vua của loài voi trắng”.

Thái Lan có 10 con voi trắng nhưng thuộc sở hữu của Hoàng Gia và hiếm khi xuất hiện trước dân chúng. Thái Lan trao thưởng sáu triệu baht (khoảng hơn 4 tỉ VNĐ) cho ai nộp thêm con mới. Con voi trắng cuối cùng của Lào cũng chết năm 2010, Myanmar bây giờ là nơi duy nhất mà dân thường có thể nhìn thấy con vật thiêng liêng này. Đã đặt chân đến Myanmar, làm sao tôi có thể bỏ qua.

Hiện tại Myanmar đang sở hữu tám con voi trắng. Ba con ở Yangon tôi đã đến xem rồi, còn năm con ở Nay Pyi Taw đi coi luôn cho “đủ bộ”.

Con voi trắng thật ra là voi bị bạch tạng, da không trắng mà màu hồng nhạt. Ở Nay Pyi Taw, con voi trắng không ở Sở Thú mà ở…chùa Uppatasanti. Chính quyền đã xây hẳn một “cung điện” hoành tráng có ba tầng ngói được thếp vàng cho voi. Tôi vừa dợm bước lên bậc thang để lên thăm “ngài” thì người phiên dịch nhỏ nhẹ nhắc: “Anh bỏ dép ra”. Tôi nhìn quanh, quả thật ai lên thăm “ngài” đều đi chân đất và giữ một sự thành kính nhất định. Năm con voi trắng (nhưng tôi chỉ thấy bốn con), mỗi con có hẳn một người phục vụ riêng. “Ngài” vừa tiểu, đại tiện lập tức người phục vụ đến dọn tức thì nên sàn nhà nơi “ngài” ở sạch bóng. Bên cạnh còn đặt một cái quạt thật to để phòng khi trời nóng…

“Ngày xưa, vào đêm trước khi sinh Đức Phật, bà mẹ đã mơ thấy một con voi trắng trong bụng của bà. Vì vậy, mỗi khi xuất hiện một loài linh thú thì đó luôn là một điềm lành”, Myat Zaw Oo, người phiên dịch nói. Và không biết có ngẫu nhiên không, hai tháng trước khi chính quyền quân sự giành chiến thắng trong kỳ bỏ phiếu năm 2010, Myanmar tuyên bố bắt được hai con voi trắng mới nhất.

http://farm4.staticflickr.com/3803/11621786076_f4de42b4ee_z.jpg
Cung điện cho voi trắng ở Yangon

http://farm4.staticflickr.com/3772/11621014035_f728a41865_z.jpg
Cung điện cho voi trắng ở Nay Pyi Taw

http://farm4.staticflickr.com/3685/11621016015_63380266f5_z.jpg
Cận cảnh voi trắng

Đến thủ đô Nay Pyi Taw
Nếu như con voi trắng là truyền thuyết, thì Nay Pyi Taw chính là biểu tượng cho quyền lực thời hiện đại. Tại sao dời thủ đô về Nay Pyi Taw? Nhiều người dân Myanmar kể rằng, trong một giấc mơ, ông tướng trị vì Myanmar thấy nước mình bị tấn công nên hỏi thầy chiêm tinh. Thầy phán phải chuyển thủ đô về giữa đất nước để “giải hạn”. Thế là ông tướng ra lệnh xây một thủ đô mới toanh ở một vùng trước đây còn chưa có tên trên bản đồ Myanmar.

Còn thực tế, để ý một chút, những cuộc biểu tình quy mô lớn gần đây trên toàn thế giới từ Ả Rập đến Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan đều diễn ra tại những địa điểm được coi là biểu tượng, linh hồn của đất nước. Tại Yangon, thủ đô cũ của Myanmar, chùa Shwedagon-biểu tượng linh thiêng của người Myanmar- thường là tâm điểm cho các cuộc biểu tình chính trị. “Chính phủ dời thủ đô để giảm bớt mối đe dọa của các cuộc biểu tình gây bất ổn thôi”, người phiên dịch kết luận.

Chỉ sau tám năm, từ một vùng núi khô cằn, không bóng người sinh sống, Nay Pyi Taw giờ đây đường xá thênh thang, điện mở 24/24, sân golf, biệt thự, khách sạn, Sở Thú...Duy có một điều, Nay Pyi Taw làm tôi có cảm giác lạnh lẽo. Tôi thăm Sở Thú, người đến cũng lèo tèo. Tôi lên chùa Uppatasanti (được Chính quyền xây lại như chùa Shwedagon thứ hai tại Nay Pyi Taw), người đi cũng thưa thớt. Vào siêu thị cũng chỉ gặp VĐV Sea Games... “Ở quê tôi không có việc nên mới đến đây. Họ hàng nhà tôi đều ở chỗ khác”, một công nhân làm đường nói.

http://farm8.staticflickr.com/7367/11621378644_9d00aae72f_z.jpg
Chùa Uppatasanti (ở Nay Pyi Taw) "nhái" chùa linh thiêng Shwedagon nhưng rất ít người đến

Đúng, phải có lý do nên từ hơn 2000 năm trước, người dân Myanmar đã không chọn Nay Pyi Taw để sinh sống: không thuận tiện giao thương, không tài nguyên văn hoá, lịch sử...Đi trên con đường 12 làn xe, hai bên là những công trình nguy nga, tráng lệ nhưng tuyệt không một bóng người, tôi lại nhớ đến những con đường cát bay mịt mù, ổ gà lởm chởm, nhớ đến những đứa trẻ vẫn phải bới móc mưu sinh trên những đống rác cao quá đầu ở những vùng khác của Myanmar…Bất giác, tôi rùng mình.

Box: Tại Yangon, những năm 1940, Ông Aung San, cha đẻ nhà hoạt động chính trị Aung San Suu Kyi , phát bản cáo trạng kích động chống lại chế độ thực dân Anh. Năm 1988, thời điểm nóng của hàng loạt cuộc biểu tình đe dọa chế độ quân sự, bà Aung San Suu Kyi đã quy tụ được đám đông gần nửa triệu người. Tháng 9 năm 2007, hàng chục ngàn tăng ni tuần hành trên chùa để chống lại chính phủ (và hầu hết đã bị bắt giam)...

http://farm8.staticflickr.com/7304/11621377164_4071790fb5_z.jpg
Đường rộng 12 làn xe nhưng chẳng có người chạy

chaubathong
30-12-2013, 13:56
Bài 7: MUÔN KIỂU TÂM LINH

Tin vào yadaya nên dời đô về Nay Pyi Taw; vì yadaya mà in tiền với bội số 9 (được coi là số tốt lành); xe tay lái nghịch mà phải lái về bên phải, một luật kỳ quặc ở Myanmar cũng được giải thích là yadaya chống lại việc xâm lược từ nước ngoài… Yadaya là gì mà quyền năng đến thế?

“Giải hạn” kiểu Myanmar
Bạn có biết vì sao trong chuyến thăm chùa Shwedagon năm 2012, tổng thống Mỹ Obama và bà Hillary Clinton dùng chiếc cốc bạc để rửa đầu một tượng Phật ở chùa không? Hành động này là một kiểu yadaya, cách mà người Myanmar cầu xin man mắn và xua đuổi điều khó khăn, xui xẻo đấy.

Ở Myanmar, chiêm tinh, bói toán là một ngành kinh doanh kiếm ra tiền vì người dân gần như phải hỏi “thầy” về tất cả mọi thứ. Từ việc lớn như kết hôn, làm ăn cho đến việc nhỏ như cắt tóc. Nếu như ở VN, coi bói phải dựa vào ngày tháng năm sinh, thì ở đây thứ trong tuần mới quan trọng. Mỗi thứ sẽ được phù hộ bởi một vị thần (là con vật) . Trong chùa Myanmar lúc nào cũng có tám vị thần đại diện cho 8 ngày trong tuần (thứ tư được chia ra hai thần vào buổi sáng và tối).

Tại chùa Shwedagon, những ngày đầu tiên tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông người dân cúng nào hoa, trái cây, nhang, dù giấy dưới chân tượng các linh vật. Trước mặt lúc nào cũng là một hàng dài chờ để múc nước. Lần lượt từng người cầm những chiếc cốc bạc đựng đầy nước (nước là điều tốt lành để giải hạn) vừa đổ lên…đầu tượng Phật và đầu linh vật vừa thì thầm khấn nguyện. Đổ bao nhiêu cốc nước, đăt bao nhiêu bông hoa, trái cây gì… những gì là do người chiêm tinh quyết định. Cả ngàn năm nay người Myanmar vẫn tin và làm như thế.

Không chỉ dân thường, nhà cầm quyền của Myanmar cũng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của chiệm tinh và thầy bói. Ngày độc lập của đất nước khi nước Anh rút lui (4.1.1948) đã được chính thức tuyên bố vào 4 giờ 20 sáng cũng do ý kiến của các nhà chiêm tinh. Năm 1970, tướng Ne Win quyết định thay đổi luật giao thông từ lái xe ở phía bên trái của con đường phía bên phải vì “thầy” phán bên phải mới tốt cho đường lối chính trị của ông. Tôi còn nghe câu chuyện rằng tháng 2.2011, thay vì bận longyi, ông tướng chấp nhận mặc váy (shayi) của phụ nữ trong dịp tiếp thủ tướng Lào, được truyền hình trực tiếp trên ti vi, cũng từ lý do “thầy” bảo mặc như thế mới khống chế được Aung San Kyi (?!).

http://farm6.staticflickr.com/5496/11621011245_27b697a993_z.jpg
Đổ nước lên đầu tượng Phật (và linh vật) để giải hạn và cầu điều tốt lành

Không cắt tóc vào sinh nhật
Ở Myanmar, hầu hết người dân làm việc 6 ngày/tuần, tuy nhiên các bác thợ cắt tóc lại “được nghỉ” vào thứ hai, và thứ sáu. Thật ra không ai cấm cả, nhưng người Myanmar không cắt tóc vào những ngày đó. “ Đối với người Myanmar, thứ hai là ngày làm việc đầu tiên, và thứ sáu là ngày sinh của Đức Phật …nên chúng tôi kiêng. Ngoài ra, tuyệt đối không được cắt tóc vào ngày sinh của mình (nếu sinh vào thứ hai sẽ không cắt tóc vào ngày đó-PV) vì theo truyền thống, làm như vậy bạn sẽ gặp bất hạnh”, Ko Ko Naing, sinh viên ĐH Dagon giải thích.

Chưa đâu, người Myanmar có nhiều “niềm tin” lạ hơn nữa. Như hôm tôi đến khu xóm nghèo bên kia sông, thấy Aung Ley, người xe ôm dẫn đường, cũng nghèo, tôi kêu anh dừng lại chợ định mua chút thịt tươi tặng thì đã bị cản ngay: “Chiều rồi, đừng mang thịt sống về nhà”. Thì ra, nhiều người Myanmar vẫn tin rằng, vào buổi chiều hồn ma có thể “trốn” vào thịt sống còn dính máu để vào nhà, đặc biệt là thịt heo và thịt bò (vì hồn ma rất thích…thịt bò). Chưa hết, vừa vào nhà Aung Ley, vợ anh đã nói ngay: “Hồi nãy nghe quạ kêu quá chừng (ở Myanmar quạ rất nhiều-PV), biết ngay thế nào cũng có khách” (?!).

Dọc khu chùa Sule ở trung tâm Yagon, hàng loạt cửa hiệu coi bói mọc san sát nhau với giá 5.000 kyat (khoảng 100.000 VNĐ)/ lần. Tò mò, tôi cũng ghé vào thử một tiệm. Tiệm nhỏ chừng 3,4 m2 chỉ đủ kê bộ bàn ghế. Rất chuyên nghiệp, bà thầy hỏi ngày, tháng, năm sinh của tôi rồi…nhập vào máy tính gõ nhoay nhoáy. À, tưởng gì, cũng là một dạng phần mềm lấy số tử vi ở VN đây, tôi nhủ thầm. “Cậu sinh vào thứ hai, ngày con cọp…” rồi bà thầy xem chỉ tay và bắt đầu huyên thuyên…duy chỉ một điều bà dặn đi dặn lại: “Nếu không muốn đổ vỡ, cậu không được lấy người sinh vào thứ 6 đâu đấy, nhớ nhé!”.

Thấy vụ bói toán ở Myanmar cũng “hay hay”, tôi về “hỏi cụ Google” thì thấy nguyên cả “bài” nói về tương lai, số phận của tôi hồi nãy của bà thầy đều…có đầy đủ trên Internet.

http://farm6.staticflickr.com/5537/11621374834_c2d07f4469_z.jpg
Tiệm xem bói nhan nhản ở trung tâm Yangon

http://farm4.staticflickr.com/3818/11621375604_3c10071013_z.jpg
Xem bói

Box: Người Myanmar thích màu vàng vì đó là màu của vàng (gold) và những ngôi chùa. Màu đỏ chỉ dành cho những gì rất quan trọng hoặc những dịp đặc biệt khi bạn cần thể hiện sức mạnh của bạn (Thí dụ, hầu hết các đảng phái chính trị sử dụng màu đỏ).


Linh vật ứng với thứ của ngày sinh
Người sinh vào Chủ nhật thì linh vật sẽ là Chim cánh vàng (Kim sí điểu), vua của các loài chim
Thứ hai: Hổ
Thứ ba: Sư tử
Sáng thứ tư: Voi
Chiều thứ tư: Voi không ngà
Thứ năm: Chuột
Thứ sáu: Chuột lang
Thứ bảy: Rồng

chaubathong
31-12-2013, 09:08
Bài cuối: CÕI THIỀN

“Boong, boong…” tiếng khánh (chuông) quen thuộc lại vang lên. Đã thành thói quen, Htet Htet cầm nồi cơm và thức ăn đứng chờ sẵn. Khi các nhà sư đến, cô tụt dép ra, khoác tấm vải nâu lên vai (cách tỏ lòng kính trọng của người Myanmar-PV) cúi đầu lạy rồi bưng cơm trút vào bình bát... Hàng ngàn năm qua, cúng dường đã trở thành một nếp sống bình thường của hàng triệu người dân Myanmar.

http://farm3.staticflickr.com/2851/11658513933_6bd7e82bcf_z.jpg

Tu giữa đời thường
Cứ mỗi sáng sớm các nhà sư Myanmar lại “đi bát” (khất thực). Theo Phật giáo Nam Tông nguyên thuỷ (Theravada), nhà sư không được kêu gọi cúng dường. Vì vậy, trước đoàn đi thường có hai giới tử thiếu niên (cũng đi tu nhưng chỉ mới thọ 10 giới) khoác bộ đồ trắng, vừa đi vừa gõ khánh báo hiệu để người dân biết. Không như ở VN đi riêng lẻ, các nhà sư ở đây “đi bát” theo từng đoàn. Một hàng dọc các nhà sư choàng áo đỏ, đi chân đất, tay cầm quạt, tay ôm bình bát cúi đầu im lặng bước. Cuối hàng là hai chú giới tử khác đẩy theo hai cái nồi lớn. Thức ăn cúng dường, khi đầy bình bát lại được trút vào đó.

“Theo giới luật, các nhà sư chỉ được ăn trước 12 giờ trưa. Sau đó không được ăn nữa. Đồ ăn mang về, ngoài việc để các nhà sư dùng bữa còn để nuôi những đứa trẻ trong tu viện”, Vũ Nguyên Phương, người từng tu gần ba năm tại Myanmar, cho biết.

Ở đất nước này, các nhà sư được tôn trọng nhất. Tại sân bay hay bất cứ nơi công cộng nào, các thầy luôn được ưu tiên hàng đầu (rồi sau đó mới đến người già, phụ nữ, trẻ em). Thậm chí, khi đi trên đường, thấy các nhà sư, tôi luôn được người dân dặn dò để tránh đạp lên bóng của thầy.

Tinh thần Phật giáo thấm sâu trong mỗi người người dân đến nỗi bất kì ai (không kể sang, hèn, địa vị xã hội) cũng có thể một ngày nào đó, rủ bỏ tất cả để…vào chùa. “80-90% dân Myanmar đã từng vào chùa tu tập từ vài ngày đến vài năm. Chuyện cô học trò nhân dịp nghỉ Tết, cạo đầu vào chùa tu, ra Tết lại mang cái đầu trọc tếu xách cặp đi học lại là ‘chuyện bình thường ở huyện’, chẳng ai trêu chọc, chê bai”, Phương nói.

Và có lẽ chính điều này đã làm người Myanmar khác với những dân tộc khác. Thậm chí, không cần vào chùa tụng kinh, cũng không cần khoác áo cà sa, mỗi ngày, người dân Myanmar vẫn “tu” bằng chính lối sống của họ: thật thà, hiền lành và hiếu khách.

http://farm4.staticflickr.com/3714/11658265835_405b5b7dbf_z.jpg

http://farm8.staticflickr.com/7412/11659042996_358884a976_z.jpg

Nụ cười Myanmar
Ngồi viết những dòng cuối cùng cho chuyến đi hơn 10 ngày, trước mắt tôi lần lượt hiện lên những điều đã qua như thước phim chiếu chậm. Có những con người, những câu chuyện tôi kể trong bài viết. Cũng có những chuyện chỉ nhẹ nhàng thoáng qua nhưng vừa đủ nhắc nhớ về một vùng đất hiền lành, hiếu khách.

Thật lạ, khi những khoảnh khắc dừng lại, điều còn đọng lại trong tôi chỉ đơn giản là những nụ cười. Đó là nụ cười “chọc quê” của những cô gái Myanmar khi tôi xoa thanaka lên mặt; đó là nụ cười an nhiên của những người dân xóm nghèo bên kia sông, là nụ cười thân thiện của một người lạ mặt đã tận tình chạy xe máy vài chục km hướng dẫn tôi mà vẫn cương quyết không nhận một đồng tiền bồi dưỡng: “Đừng ngại! Anh là khách phương xa đến Myanmar, chúng tôi đương nhiên sẽ tiếp đón…”

Người Myanmar tin rằng, nếu bạn muốn một điều gì, hãy đến hàng chuông xung quanh bảo tháp tại một trong ba ngôi chùa linh thiêng nhất ở Myanmar là Shwedagon (Yangon), Mahamuni (Mandalay) và Kyaikhtiyo…rồi gõ chuông ba lần, mong ước sẽ thành hiện thực. Ngày cuối cùng ở Myanmar, tôi trở lại chùa Mahamuni lần nữa. Tôi muốn trở lại đất nước này, đi lại những nơi vừa qua, gặp lại những con người vừa gặp. Thật chậm. Tôi đứng trước cái chuông linh thiêng, tần ngần cầm dùi hồi lâu rồi bỏ xuống, không gõ. Tuỳ duyên. Tôi nghĩ thế, nhưng tận thẳm sâu tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau, phải không Myanmar?


Box: Myanmar còn là đất nước của dép vì hầu hết người dân bất kể nam, nữ, già, trẻ cũng đều đi dép xỏ ngón, dép “Lào”. Ngay cả những ông bận bộ comple tay cài măng sét, đeo cà vạt rất trịnh trọng nhưng chân vẫn mang…dép. “Cuộc sống của người Myanmar hầu như không thể tách rời khỏi chùa chiền. Mà theo phong tục, vào chùa phải đi chân đất nên người Myanmar mang dép cho tiện”, người bạn Myanmar giải thích.

http://farm6.staticflickr.com/5497/11658615724_e9383bed02_z.jpg

http://farm6.staticflickr.com/5474/11658511933_c146c21210_z.jpg

http://farm3.staticflickr.com/2861/11658264085_0d4b2af032_z.jpg

http://farm8.staticflickr.com/7309/11658261545_c1eabf89e6_z.jpg

PHAM-PEK
03-01-2014, 08:49
Mong rằng Myanmar cứ phát triển nhưng vẫn giữ được nét truyền thống như vậy!