PDA

View Full Version : [Tổng hợp] Chùa đất Việt



Pages : 1 [2] 3

baxu
26-10-2008, 03:57
Ngôi chùa mà tôi thấy có nhiều tháp mộ sư nhất có lẽ là chùa Bổ Đà ở Bắc Giang. Tôi chưa thấy ngôi chùa nào nhiều tháp đến thế, cả một vạt đồi toàn tháp mộ, trải dài từ trên xuống dưới.

Đã ghép một ảnh panorama rởm chụp toàn bộ các tháp, nhưng chả biết vứt đâu mất...


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=4174

Bác Chit cho baxu hỏi cái chùa này có phải cái chùa mà đường đi vào nhiều cây, chùa toàn/nhiều màu trắng, lại có hàng hiên bể nước khá đẹp? Mà hình như kiểu cách hơi khác khác bác nhỉ?

Mà không hiểu sao đang đẹp thế, Tết năm ngoái đến lại thấy người ta đang phá đi làm lại? Không hiểu giờ nom thế nào rồi hả bác?

Chitto
27-10-2008, 21:38
Bác Chit cho baxu hỏi cái chùa này có phải cái chùa mà đường đi vào nhiều cây, chùa toàn/nhiều màu trắng, lại có hàng hiên bể nước khá đẹp? Mà hình như kiểu cách hơi khác khác bác nhỉ?

Mà không hiểu sao đang đẹp thế, Tết năm ngoái đến lại thấy người ta đang phá đi làm lại? Không hiểu giờ nom thế nào rồi hả bác?

Có lẽ không phải Baxu ạ. Chùa Bổ Đà ở Bắc Giang, nằm ở chân núi, đường vào có cây um tùm, nhưng là um tùm theo kiểu rậm rạp gai góc.

Xung quanh chùa có hai vòng lũy đất rất kiên cố, lại có cả hào như một pháo đài. Trong chùa ngang dọc khá nhiều tòa. Riêng khu mộ tháp nằm ở ngoài vòng tường thứ nhất, nhưng trong vòng tường thứ hai.

Chùa này không chỉ nhiều mộ tháp bậc nhất, mà còn có bộ ván kinh bằng gỗ thị cổ nhiều nhất nữa. Đến đó thanh tĩnh, và tuy có trùng tu nhưng vẫn theo lối cổ, không sơn vẽ nhiều, còn rất đẹp.

Chitto
28-10-2008, 00:02
Toàn cảnh vườn tháp mộ chùa Bổ Đà

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=4337

Chitto
30-10-2008, 10:57
Bên cạnh Tháp Phật, Tháp vũ trụ, Tháp mộ, Tháp thờ, tại chùa chiền còn một hình thức kiến trúc đẹp nữa là Tháp chuông, hay chỉ đơn giản là Gác chuông, cũng mang hình dáng một ngọn tháp.

Gác chuông - như tên gọi, mục đích là để treo chuông, để khi gõ chuông tiếng được vang xa, khắp nơi đều nghe được. Chuông, khánh là đồ nhạc khí linh thiêng, theo niềm tin tôn giáo thì khi gõ chuông khánh, thần linh kinh động linh ứng, mỗi lời cầu nguyện theo một tiếng chuông sẽ có tác dụng gấp cả vạn lần. Những quả chuông quý trên khắc các bài kinh văn, mỗi khi gõ lên thì tương ứng với bài kinh đó được tụng cả vạn lần.

Gác treo chuông của chùa cổ thường không được cao lắm, vì các cụ xưa trình độ kiến trúc cũng có hạn, không thể kéo chuông nặng lên những tháp gạch cao, mà cũng không có chỗ để đứng gõ (khác với chuông phương tây kéo dây, treo cao bao nhiêu cũng được). Do đó các gác chuông thường vững chãi và thấp, hoặc làm gác ngay trong chùa.

Càng về sau này, với bêtông ximăng cốt thép, người ta lại bắt đầu dựng tháp chuông chùa cao ngất ngưởng, mỗi lần gõ phải trèo lên rạc cẳng.

Chitto
30-10-2008, 11:00
Gác chuông cổ đẹp nhất mà tớ biết là gác chuông chùa Keo, đã trở thành biểu tượng kiến trúc chùa cổ, và cũng là biểu tượng của tỉnh Thái Bình.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=4436

Chitto
02-11-2008, 10:17
Gác chuông chùa Keo hình dáng tuy không thật cao thanh thoát, nhưng lại vững chãi gần gũi, chắc khỏe, được coi là mang dáng một búp sen chưa nở. Bốn cây cột chính cao từ nền lên đến đỉnh nóc, bốn phía còn các cột phụ cho tầng một.

Tầng một bốn phía để trống, treo một khánh đá lớn. Tầng hai, tầng ba, tầng nóc đều treo mỗi tầng một quả chuông. Toàn bộ gác chuông liên kết bởi những lỗ mộng, con sơn, vì kèo, đấu, đố, cốn, theo như truyền miệng thì không dùng đến đinh.

Tuy nhiên gần đây trùng tu lại gác chuông, đổi các kết cấu gỗ mục, nên trông gác chuông có vẻ mới hẳn lên.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=4435

Chitto
03-11-2008, 09:15
Ngày xưa vua chúa các triều Lý, Trần, Lê đều đến chùa cầu mưa mỗi khi có hạn hán.

Không biết giờ có ai đi chùa cầu hết mưa tạnh ráo không?

Hà Nội thành cái hồ đã là ngày thứ tư, mà mưa vẫn không chịu ngớt.

Chitto
03-11-2008, 12:03
Ngoài gác chuông chùa Keo có kiến trúc đẹp nhất, nhiều chùa cũng có gác chuông. Gác chuông thường nằm ở trước chùa chính, tại sân trước, cũng có trường hợp nằm ở sân trong. Nhiều chùa thì tam quan cũng là gác chuông luôn.

Gác chuông cũng khá nổi tiếng của chùa Trăm Gian - Hà Tây nằm bên sườn đồi phía trước chùa


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=4785

Gác chuông một ngôi chùa làng ở Hà Tây


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=4315

Chitto
07-11-2008, 22:20
Có những ngôi chùa không làm gác chuông bên ngoài, mà làm gác ngay trong chùa.

Nghĩa là mái chùa không là những lớp mái lớn đơn thuần nữa, mà được nâng cao một phần tạo thành những gác nhỏ để treo chuông, khánh.

Chùa Nành là ngôi chùa có kiến trúc khá đặc biệt kiểu này. Gian tiền đường được tạo thành hai căn gác nhỏ tạo nên một kiểu rất riêng và cũng đẹp.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=4438

zanghoang
07-11-2008, 22:32
Ngày xưa vua chúa các triều Lý, Trần, Lê đều đến chùa cầu mưa mỗi khi có hạn hán.

Không biết giờ có ai đi chùa cầu hết mưa tạnh ráo không?
.

em vô phép bác spam 1 phát

nếu như là ngày xưa thì em chắc các vua quan đã phải lập đàn tế giời đất rồi bác ợ.

năm nay vận nước không thấy sáng sủa gì: đầu năm rét chết hết trâu bò, cuối năm lũ chết hết cá :D, giữa năm thì khủng hoảng

chauha
07-11-2008, 22:49
Oài, ngưỡng mộ bác Chitto về kiến thức của bác trong lĩnh vực này quá. Đọc loạt bài của bác mà ngộ ra nhiều điều. Tks so much.

Chitto
09-11-2008, 20:41
"Xây chùa, tô tượng, đúc chuông
"Trong ba việc ấy thập phương nên làm

Các cụ ngày xưa đã nói thế, đủ biết vai trò quan trọng của Chuông chùa thế nào. Chùa không có chuông thì còn chưa thể gọi là đầy đủ.

Chuông là loại pháp khí thuộc loại cổ nhất của hầu hết tất cả các nền văn minh, và đặc biệt luôn được dùng trong tôn giáo do âm thanh đặc biệt của nó tạo ra. Tiếng chuông trầm, ngân xa bao giờ cũng gợi đến tâm linh, tôn giáo, huyền bí.

Trong Phật giáo, chuông không chỉ là pháp khí hỗ trợ khi hành lễ, mà còn mang ý nghĩa lời cầu nguyện. Trên chuông khắc các bài kinh, mỗi khi gõ chuông, tức là gửi lời kinh ấy đi theo âm thanh đến khắp mười phương tám hướng. Một lời cầu nguyện kèm một tiếng chuông có thể nhân gấp nhiều lần lời cầu.

Chuông phương đông khác hoàn toàn phương Tây ở chỗ âm thanh tạo ra do gõ từ bên ngoài vào, chứ không phải bên trong ra. Do đó muốn gõ chuông phải đứng cạnh chuông, chứ không thể kéo dây như phương tây. Tiếng chuông phương đông không to như phương tây, nhưng trầm và âm đọng lại lâu hơn. Nếu đứng nghe hồi chuông nhà thờ, có thể thấy tiếng chuông dồn dập liên tục vang xa, nhưng hết chuông thì âm thanh cũng gần như tắt luôn. Ngược lại, không thể gõ thật to chuông phương đông liên tục dồn dập được, mà thường gõ từng tiếng đều, khi hết tiếng ngân mới gõ tiếp. Những khi dồn về sau thì gõ nhẹ lại, tạo thành tiếng ngân nga mãi trong không gian.

Quả chuông thường có hình trụ tròn, treo lên bằng quai có khắc hình đầu rồng. Thực ra đó không phải là rồng, mà là con Bồ Lao, giống con của rồng, là loài thần thú thích nghe âm thanh, gìn giữ bảo vệ cho chuông.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5199

Chitto
09-11-2008, 20:50
Quả chuông Việt Nam cũng có những đặc trưng khác khá nhiều so với chuông Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Chuông bao giờ cũng được chia thành bốn phần theo chiều dọc bởi các gờ nổi lên. Có ít nhất một gờ ngang chạy dọc phần gần đáy, làm quả chuông được tạo thành các phần trống có thể ghi chữ. Nơi các gờ dọc và ngang gặp nhau tạo thành bốn núm chuông. Thường các núm khắc chữ Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Trên phần trống khắc các bài văn chuông, gọi là bài "minh", hoặc các bài kinh Phật. Các bài minh có thể ghi sự tích, lịch sử chùa giống bia, hoặc công đức của người góp công, hoặc ghi danh những người được tôn thờ. Văn chuông cũng có giá trị không kém văn bia.

Chuông Việt Nam bao giờ thân cũng thẳng đứng, miệng chuông Việt Nam luôn có một gờ rộng hơn thân xòe ra.

Đó là đặc điểm phân biệt với chuông nước khác.

Dưới đây là chuông của TQ, Nhật Bản. Có thể thấy các chuông này thường không có cạnh đứng, mà hoặc phình ở giữa, hoặc loe ở miệng. Thậm chí miệng chuông còn lượn sóng. Phần chia trên thân chuông cũng rất phong phú. Nhiều chuông còn có rất nhiều hàng núm đồng để tạo tiếng vang.

Phải công nhận rằng thật ra chuông TQ, NB muốn đúc phải có trình độ cao hơn hẳn so với đúc chuông VN.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5209

Chitto
12-11-2008, 00:17
Chuông to nhất trong lịch sử Việt Nam ghi lại là chuông chùa Diên Hựu, hay còn gọi là chuông Quy Điền, do Thái hậu Ỷ Lan cho đúc. Chuông to nặng, bao nhiêu không rõ, có tài liệu cho rằng nặng một vạn hai nghìn cân (cân ta), nhưng có tài liệu lại thấy ghi một vạn hai nghìn cân là quả chuông bé; tức là chuông còn to hơn nữa.

Khi đó đã phải dựng một tòa gác rất lớn để treo chuông, nhưng treo lên thì chuông đánh không kêu, có lẽ là do đúc to quá nên bị nứt. Do đó đành bỏ chuông ra ngoài ruộng, rùa chui vào sống bên trong rất nhiều, nên gọi là chuông Quy Điền. Chuông là một trong Tứ đại khí của nước ta. Chuông Quy Điền để ở ruộng chùa Diên Hựu suốt bốn trăm năm, cho đến khi Vương Thông khi chiếm thành Thăng Long đã phá hủy lấy đồng đúc vũ khí.

Thời gần đây, ở chùa Cổ Lễ cũng đúc một quả chuông lớn, nặng 9 tấn, cao hơn 4m. Sợ Pháp phá hủy, người dân đã vần chuông xuống ao chùa, ngâm ở đó để dấu mấy chục năm. Giờ thì chuông vẫn để ở đó.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5200

Năm 2003 thì đúc một quả chuông nữa với kích thước tương tự, treo trong gác chuông mới xây bằng xi măng. Tuy nhiên chuông này đánh tiếng không trong.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5201

Chitto
16-11-2008, 11:29
Giờ tụng kinh chiều


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5202

Chitto
16-11-2008, 11:32
Cùng với chuông là Khánh.

Khánh được làm bằng đồng hoặc đá, có hai núm ở hai mặt, có thể gõ. Tuy vậy tiếng của Khánh tắt rất nhanh, và gần như chỉ có người gõ là nghe rõ, từ xa chả thấy gì hết. Khánh mang tính pháp khí, trang trí nhiều hơn công dụng tạo âm thanh.

Trên khánh cũng là chỗ để khắc chữ, nhưng bài văn, và hình ảnh rồng phượng... Khánh thường là đồ cổ, vì gần đây thấy người ta toàn đúc chuông chứ ít thấy đâu đúc khánh.

Khánh đồng chùa Nành


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5203


Khánh đá chùa Kiến Sơ, một cổ vật đặc biệt được treo trên các trụ và đà cũng bằng đá


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5204

Chitto
21-11-2008, 13:47
Chuông cỡ lớn tại chùa thường được gọi là Đại hồng chung ("Đại" đã là to, mà "hồng" lại cũng có nghĩa là to lớn nữa, nhưng mang hai nghĩa hơi khác nhau. Hồng ở đây mang tính to lớn trừu tượng, tâm linh hơn đại). Chuông lớn còn có tên là U minh chung. Cũng có những chuông nhỏ hơn theo hình dáng giống đại hồng chung thường dùng khi làm lễ, tiếng cũng không ngân dài như đại hồng chung.

Trong chùa còn có một loại "chuông" đặc biệt nữa gọi là chuông gia trì, giống như cái ang bằng đồng để ngửa, khi dùng dùi gõ vào cũng tạo tiếng kêu ngân nga, tiếng cao hay trầm, ngân lâu hay không đều có hình dáng, độ dày, chất liệu đồng đúc lên. Chuông gia trì luôn để ở nơi ngồi tụng kinh hành lễ trước bàn thờ, phía bên trái, đối xứng với mõ.

Mõ nguyên bản là dụng cụ gõ báo thời gian, canh giờ gọi mọi người làm một việc gì đấy. Từ việc dùng mõ gọi các nhà tu hành đến giờ lên tu tập hành lễ, hoặc đi ăn (thụ trai), dần chuyển thành thứ pháp khí dùng khi làm lễ. Nếu mõ xưa chỉ gõ một vài hồi để thông báo, thì nay được gõ đều đặn trong suốt thời gian đọc kinh. Tiếng mõ tốc tốc trở thành âm thanh đặc trưng quen thuộc của chùa.


Mõ bên tay phải, và chuông gia trì bên tay trái


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5827

Chitto
23-11-2008, 22:54
Cái mõ dần trở thành một vật biểu tượng của ngôi chùa. Nói đến sư sãi là thể nào cũng hình dung ra cái mõ, tràng hạt, và cuốn kinh.

Ở nông thôn Việt Nam vẫn thường gặp cái mõ cá dài thượt, có hình một con cá treo ở ngoài đình. Như xưa các cụ kể, thì khi có việc làng, sẽ gõ cái mõ đó lên để tập hợp làng xã. Trong làng có một người làm công việc được gọi là làm Mõ, thường là dân ngụ cư (không phải dân 3 đời ở làng), phải cầm cái mõ đi rao khắp làng xã khi có việc, là người bị coi rẻ nhất làng.

Trong chùa, cái mõ hình tròn, khoét rỗng lòng, có một cái quai, trên khắc hai con cá. Cái mõ liên quan đến con cá là vì Cá được cho là loài vật không bao giờ ngủ, vì mắt chúng bao giờ cũng mở thao láo. Do đó mõ - cá thể hiện sự thức tỉnh, giữ gìn không bao giờ ngủ nghỉ, cũng như những người tu hành không bao giờ thôi trì giới và tinh tiến. Gõ tiếng mõ cá để nhắc nhở cái tâm con người.

Bên cạnh chuông gia trì và mõ, trong chùa còn dùng hai pháp khí tạo âm thanh nữa là trống và chiêng. Trống đánh lên để tạo âm thanh hùng mạnh, thể hiện uy lực của nhà Phật, xua đuổi tà ma yêu quái. Tiếng trống tạo ra âm thanh liên quan với biểu tượng "sư tử hống" - tiếng gầm của sư tử, tượng trưng cho đại hùng đại lực. Tiếng chiêng để giữ nhịp, thức tỉnh người đọc kinh.


Bộ: Trống - chuông gia trì - mõ - chiêng trong một ngôi chùa


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=5828

zanghoang
26-11-2008, 12:29
xin phép bác chít to, em xen ngang phát ợ

hôm rồi em lượn Phật Tích, thấy nhân dân ở vùng đó đang rất hân hoan, phấn khởi, lý do là chùa vừa nhận được khoản kinh phí rất hoành tráng để trùng tu, xây dựng lại chùa

qua mấy bậc thang, em lên chính điện, thấy tan hoang như bình địa, gian chính đã bị đập phá tơi bời, chú tiểu bảo: sẽ xây lại 1 gian mới trên nền gian cũ này .

chùa bị đập này


https://i238.photobucket.com/albums/ff185/hoangzang/cong%20trinh/P1020620.jpg


ngổn ngang như bị cướp phá


https://i238.photobucket.com/albums/ff185/hoangzang/cong%20trinh/P1020608.jpg


quốc bảo được rước về ở tạm nằm giữa mấy tấm tôn quây


https://i238.photobucket.com/albums/ff185/hoangzang/cong%20trinh/P1020606.jpg

em trộm nghĩ: rồi ra đây lại có thêm ngôi chùa 1 năm tuổi mất thôi.

nhìn gạch ngói ngổn ngang, em dịnh nhặt tạm mảnh ngói vỡ về lưu giữ ít kí ức thời gian, nhưng lại chợt nhớ câu: " của Bụt mất 1 đền 10/ Bụt vẫn còn cười Bụt chẳng nhận cho " nên lại e dè, lấy của chùa thì rồi các cụ quở chết, lấy đâu ra mà đền nên lại thôi.


tiện chân em trèo lên núi trong chùa, thấy các đ/c trên đó đang dựng 1 kì công hoành tráng lăm. các đ/c đang dựng 1 pho tượng khổng lồ cao vài chục mét theo nguyên bản pho A Di Đà

đây mới chỉ là cái đế của đài sen thôi đấy


https://i238.photobucket.com/albums/ff185/hoangzang/cong%20trinh/P1020635.jpg

khi dựng xong, em cá là hôm nào trời quang mây trắng, bác Chít to trèo lên thượng ngắm về phía Đông Bắc sẽ thấy quốc bảo đất Việt ẩn hiện xa gần, bác tha hồ có cảm xúc để nuôi topic này dài mãi không ngừng ...


theo em thì rồi đây Phật Tích lại cũng như Dâu, như Lý Bát Đế mất thôi

Chitto
03-12-2008, 21:23
chùa bị đập này

ngổn ngang như bị cướp phá

em trộm nghĩ: rồi ra đây lại có thêm ngôi chùa 1 năm tuổi mất thôi.


Thực ra thì ngôi chùa Phật Tích hiện tại (đang bị phá) cũng không có nhiều giá trị. Đó là ngôi chùa mới dựng lại tầm hơn chục năm, bằng gỗ xấu, gạch vữa bình thường. Vào thập kỷ 90 làm được thế để thờ cúng cũng là tốt lắm rồi.

Do đó dỡ bỏ ngôi chùa hơn mười năm tuổi để dựng ngôi chùa mới cũng không phải là điều đáng bàn. Đáng nói hơn là khi đào lên lại thấy nền móng ngôi tháp cổ từ nghìn năm bên dưới. Thế là bây giờ xây cũng hỏng mà để lại thì chả biết đến bao giờ mới làm được cái gì ra hồn.

honglong
04-12-2008, 02:37
Theo truyền thuyết, khi mới sinh ra, Tất Đạt Đa Cồ Đàm đi 7 bước, dưới chân nở ra 7 đóa hoa sen đỡ chân, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, nói rằng : "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất, ta là tôn quý nhất). Câu này là theo truyền thống người ta ghi thế, chứ chả có kinh sách nào nói vậy. Tôi cũng tin rằng chẳng khi nào Phật lại nói một câu như thế, mà do người đời sau tôn sùng quá nên gán cho Phật.


Theo mình biết thì cũng là truyền thuyết do người sau diễn giải như thế. Nhưng nếu nói rõ ra thì cũng không hẳn là sai. Phật nói: "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" là nói đến phật tán, là xưng tán giá trị của phật tánh. Và sau đó phải nói thêm là tất cả chúng sanh đều sở hữu phật tánh. Như vậy mới phù hợp với tinh thần với danh xưng của đức phật là vô thượng sư. Không có người vượt hơn nhưng có thể ngang bằng như nhau.

Mình mới vào nên quote post hơi xa. Mọi người thông cảm. Tuy nhiên vì topic cung cấp những thông tin hay quá nên bây giờ đọc cũng cảm như mới.
Cám ơn bạn Chitto

Chitto
10-12-2008, 21:18
Theo mình biết thì cũng là truyền thuyết do người sau diễn giải như thế. Nhưng nếu nói rõ ra thì cũng không hẳn là sai. Phật nói: "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" là nói đến phật tán, là xưng tán giá trị của phật tánh. Và sau đó phải nói thêm là tất cả chúng sanh đều sở hữu phật tánh. Như vậy mới phù hợp với tinh thần với danh xưng của đức phật là vô thượng sư. Không có người vượt hơn nhưng có thể ngang bằng như nhau.

Cảm ơn bạn đã tham gia.

Đúng là với người theo Phật giáo, cụ thể hơn là Đại thừa, thì khái niệm Phật tính, là như vậy, và Thích Ca Mâu Ni cũng chỉ là một bậc Phật cụ thể thị hiện tại thế giới này, đại diện cho "Phật" rộng lớn hơn, bao trùm tất cả.

Tuy vậy, tôi muốn viết với cách nhìn lịch sử hơn một chút, thì tuy rằng Phật tính là "duy ngã độc tôn", nhưng gán lời nói đó cho một trẻ sơ sinh, thì có lẽ làm cho độ gần gũi của Phật mất đi phần nào. Phật là bậc Phật cũng bởi vì Phật trước hết về thể xác là con người, một con người bình thường, có sinh, lão, bệnh, tử. Để có được một trí tuệ đỉnh cao, làm "Thiên nhân sư", thì cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn vất vả trong việc học hỏi, nhận tức, tìm tòi.

Kinh sách cũng ghi chép rõ ràng là chỉ sau khi đã theo học nhiều bậc đạo sư, sau thời gian ngồi tu khổ hạnh ép xác không đạt kết quả, đến lúc ngồi dưới gốc Bồ đề khi ba mươi lăm tuổi, thì Thích Ca Mâu Ni mới đắc quả thành Phật. Hơn nữa Phật giáo cũng nhấn mạnh rằng việc thể hiện các phép thần thông không phải là điều đáng để tôn sùng.

Như thế gán lời nói "duy ngã độc tôn" cho một đứa trẻ xem ra có thể là phản cảm. Đứa trẻ ấy mới chỉ sinh ra, chưa có tích lũy tri thức, chưa có kinh nghiệm cuộc sống của kiếp sống hiện tại, liệu đã có thể đắc quả hay chưa để mà tuyên bố như vậy.

Do vậy tôi nói rằng người đời sau đã quá tôn sùng Phật mà đặt ra. Nhưng sự tôn sùng đó có tác dụng với người ít cần suy xét, người cần Phật như một vị thần thánh. Còn đối với người muốn tìm hiểu triết lý của Phật, thì có thể làm mất ý nghĩa sự tu tập vất vả để trí tuệ của Phật đi (vì mới sinh ra đã biết mình là tối cao rồi, thì tu tập hóa ra là thừa sao?)

Chitto
16-12-2008, 01:00
Một trong những thứ không thể thiếu ở các ngôi chùa, đền cổ, và nhiều lúc là vật cổ nhất, quý giá nhất của một ngôi chùa, đó là các tấm bia đá.

Việc để lại dấu tích trên đá đã có từ thượng cổ, và bia đá trở thành một hình thức lưu giữ dấu tích, bút tích, sự tích phổ biến nhất. Bia đá không chỉ là nơi để khắc chữ, các bài văn, mà còn là nơi thể hiện trình độ điêu khắc, trang trí đá tuyệt vời của cha ông. Xung quanh bia thường có các điêu khắc trang trí hoa văn, rồng phượng...

Bia có nhiều loại: bia hậu chuyên dành để ghi tên những người đóng góp công đức cho chùa, thường làm đơn giản, xung quanh ít trang trí, và để trực tiếp trên bệ đá thường.

Những bia lớn có văn bia (minh) thì viết kỹ lưỡng chi tiết về lịch sử chùa, quá trình hình thành, xây dựng, trùng tu, cùng tên tuổi những người liên quan. Văn bia loại này là tư liệu lịch sử quý giá, là nguồn tư liệu chính xác, lâu bền. Văn bia có độ chính xác thời gian cao, vì thường ghi rõ thời gian tạo lập (niên đại, mùa, tháng). Những bia lớn thường có trang trí cầu kỳ, nhiều họa tiết, mà nhìn vào đó có thể xác định phong cách điêu khắc của các thời kỳ lịch sử.

Chitto
16-12-2008, 01:04
Bia chùa Keo ở Thái Bình:

Đây là một bia được trang trí rất cẩn thận cầu kỳ. Các điêu khắc và chữ viết khắc rất sâu vào đá. Đặc biệt là vì bia dầy nên còn điêu khắc trang trí cả trên hai cạnh hai bên, điều rất ít gặp trong các bia khác. Bia này không đặt trên rùa như thông thường, mà là trên một loạt các lớp cánh sen có trang trí đẹp.

Bia thường đặt trên lưng rùa với ý nghĩa trường tồn lâu bền. Bia của Việt Nam cũng rất khác bia của Trung Quốc, nhìn là có thể nhận ra sự khác biệt tương đối rõ ràng. Bia của TQ không đặt trên lưng rùa, mà là con Bị hí, một giống con của rồng. Trên trán bia cũng không phải là rồng, mà là con Phụ hí, cũng là một loại con khác của rồng.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=6645

Chitto
16-12-2008, 23:03
Hai tấm bia đá dựng hai bên cái cổng nổi tiếng của chùa Kim Liên



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=6648

Chitto
27-12-2008, 18:19
Nhà Mẫu, hay điện thờ Mẫu là một phần mang đặc trưng riêng của các ngôi chùa miền Bắc. Ngoài Chính điện, thì nhà Tổ và nhà Mẫu luôn được hương khói nghi ngút, và còn người ta cầu khấn ở đây còn nhiều hơn Chính điện.

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ xa xưa, nhưng được khôi phục và phát triển mạnh mẽ cách đây khoảng 500 năm, dưới triều Lê trung hưng. Khi đó Phật giáo đang tiêu điều, Nho giáo cũng suy đồi. Người dân quay lai với tín ngưỡng thờ các vị thần bản địa, được tôn phong trong hình tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ Công đồng.

Tứ phủ gồm: Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ (Trời, Đất, Núi rừng, Nước), đặc trưng bởi các màu Đỏ, Vàng, Lục, Trắng.
Tam tòa gồm: Thiên tiên (coi quyền cả thiên địa), Thượng ngàn, Thủy cung. Mẫu Thiên tiên mặc áo đỏ, Mẫu Thượng ngàn áo xanh lục, Mẫu Thoải áo trắng.

Với phong cách Tam giáo đồng nguyên đã có từ thời Lý, khi mà trong chùa các vua Lý cho thờ cả Đạo giáo, Nho giáo, thì việc đưa Tín ngưỡng Mẫu vào trong chùa cũng không khó khăn lắm. Và Phật giáo, với bản chất bao dung hòa đồng nhập thế của mình, cũng đã chấp nhận các vị thần của đạo Mẫu vào khuôn viên của mình một cách hòa nhã. Ngược lại, các tín đồ đạo Mẫu cũng thừa nhận Phật vẫn là đấng cao thiêng hơn hết thảy, và các thánh cũng là quân của nhà Phật.

(Viết về cái này chắc phải có cả topic riêng)

Chitto
27-12-2008, 18:24
Nhà Mẫu ở mọt ngôi chùa


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=7021

Bên trên là Tam tòa Thánh Mẫu, dưới một chút là 5 vị Quan lớn, dưới nữa là các ông Hoàng. Gầm bàn thờ chính là nơi thờ Ngũ hổ, hai bên có hai tượng Cậu. Trên đỉnh thường treo hai con rắn còn gọi là ông Lốt, hóa thân của Quan Tuần Tranh.

Lễ vật cúng bàn thờ Mẫu phong phú đa dạng, kể cả đồ mặn, và tất cả các đồ ăn uống thông thường, như cả mì chính (bột ngọt), muối ăn, nước ngọt, bia, thuốc lá.... nhưng thường luôn có trứng.

Chitto
07-01-2009, 23:58
Chùa cũng có lúc làm nhiệm vụ của một ngôi đền, khi trong chùa thờ cả các vị nhân thần được nhân dân tôn kính.

Các vị nhân thần được thờ trong chùa gồm:

- Các vị vua chúa: thường là các vua đã ra lệnh xây chùa, có đóng góp của cải cho chùa, hoặc liên quan chặt chẽ với chùa. Chẳng hạn như chùa Kiến Sơ thờ Lý Thái Tổ vì vua đã từng tu ở chùa khi còn bé, chùa Huy Văn thờ Lê Thánh Tông vì vua và mẹ đã từng lánh nạn ở chùa, chùa Bộc thờ lén Quang Trung (câu chuyện về bức tượng Quang Trung chùa Bộc sẽ viết và có ảnh sau).

- Các vị vương công: như Trần Hưng Đạo, chúa Trịnh, chúa nhà Mạc.... nhiều chùa đều có ban thờ riêng.

- Các vị hoàng hậu, công chúa, quận chúa... là những người đã hưng công xây dựng, tu bổ chùa, hoặc về tu ở chùa. Như chùa Mía thờ bà chúa Mía, chùa Bút Tháp có tượng hai bà hoàng hậu và công chúa...


Tượng thờ Lý Thái Tổ chùa Kiến Sơ. Pho tượng này trông rất ngờ ngệch chất phác, rất dân gian và mang phong cách kiểu tượng phỗng. Tuy vậy đây vẫn là tượng Vua, mà còn là một vị vua đầu triều Lý nổi tiếng.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=7646

gps
08-01-2009, 00:02
Tượng thờ Lý Thái Tổ chùa Kiến Sơ. Pho tượng này trông rất ngờ ngệch chất phác, rất dân gian và mang phong cách kiểu tượng phỗng. Tuy vậy đây vẫn là tượng Vua, mà còn là một vị vua đầu triều Lý nổi tiếng.

Hehehe, bác Tồ viết sai chính tả rồi, sướng quá. =))=))=))

Chitto
12-01-2009, 22:52
Nói đến chùa, không thể nói đến người trong chùa, đó là các Nam tu sĩ, gọi là Tăng hay Tỳ kheo tăng; và Nữ tu sĩ, gọi là Ni, hay Tỳ kheo ni.

Phật giáo là tôn giáo rất bình đẳng. Ngay từ thuở sơ khai Phật Thích Ca đã chấp nhận phụ nữ tham gia vào giới tu sĩ, và Ni giới cũng tích cực trong việc tu trì không kém Tăng giới. Cho đến nay ở Việt Nam, số chùa do Ni trụ trì nhiều không kém Tăng.

Tuy vậy, cũng giống như các tôn giáo khác, Phật giáo cũng vẫn dành cho Nam giới những đặc quyền lớn hơn. Chỉ có Tăng mới được làm một số vị trí quan trọng như Chứng minh, Đàn đầu, Sám chủ, Giám luật... Một người nữ muốn xuất gia thì bên cạnh Nghiệp sư (thầy trực tiếp dạy dỗ) là Ni, thì cũng cần có sự hiện diện của Tăng, và trong lễ xuất gia chính thức cho Tăng chủ trì.

Về giáo phẩm của Tăng thì cao nhất là Hòa thượng, dưới đó là Thượng tọa, dưới nữa là Đại đức. Hòa thượng từ 80 tuổi trở lên gọi là Đại lão Hòa thượng.
Với Ni giới thì cao nhất là Ni trưởng, dưới là Ni sư, dưới nữa là Ni cô hay Sư cô.

Chitto
12-01-2009, 22:55
Tại sao đang viết về chùa tôi lại nhảy sang Tăng Ni? Bởi vì hôm nay tôi gặp một vị Tăng đặc biệt tại một ngôi chùa làng, và chụp ảnh vị tăng ấy.

Các bác thử nhìn vị tăng áo nâu, mà áo len trong còn thòi ra áo ngoài, đội mũ len cũng nâu như một ông nông dân đứng bên trái, và đoán xem tại sao vị tăng này đặc biệt ???


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=7781

Đảo
13-01-2009, 04:01
Các bác thử nhìn vị tăng áo nâu, mà áo len trong còn thòi ra áo ngoài, đội mũ len cũng nâu như một ông nông dân đứng bên trái, và đoán xem tại sao vị tăng này đặc biệt ???

Hình như vị tăng có nét gì đó không thuần Việt Nam lắm.

zanghoang
13-01-2009, 12:15
Các bác thử nhìn vị tăng áo nâu, mà áo len trong còn thòi ra áo ngoài, đội mũ len cũng nâu như một ông nông dân đứng bên trái, và đoán xem tại sao vị tăng này đặc biệt ???

em thiển cận, thấy cũng không có vẻ gì khác người ( khác các vị chư tăng khác )

thi thoảng em lượn chùa thấy các vị vẫn ăn mặc thế thì phải.

đây là vị tăng áo nâu, mũ nâu chùa Cự Đà như vị tăng của bác nhé



https://i238.photobucket.com/albums/ff185/hoangzang/cong%20viec/DSCN0166.jpg

Chitto
13-01-2009, 22:29
Thực ra tớ nghĩ ở đây cũng không ai biết được điều gì khác thường ở vị tăng này.

Đây là Sư cụ chùa Ráng, người ta thường gọi là Tổ Ráng, năm nay 93 tuổi nhưng rất khỏe mạnh, không hề cần chống gậy.

Điều đặc biệt nhất ở cụ chính là vì cụ không có vẻ gì khác người. Cụ là vị sư thuần Việt nhất mà tớ từng thấy, áo nâu sồng, răng đen, đi lại liên tục như một ông nông dân, và cụ còn tự cày ruộng đến tận năm 80 tuổi mới nghỉ.

Và điều quan trọng nhất là Cụ chính là Pháp Chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là vị đứng đầu, lãnh đạo cao nhất của 50 nghìn tăng ni, của hàng triệu Phật tử của Phật giáo Việt Nam.

Khi cụ lên ngôi Pháp chủ, hàng trăm tăng ni già trẻ đã quỳ xuống dập đầu lễ cụ, đoàn người kéo dài hàng km đón cụ. Và mới ngày hôm trước khi tôi đến, thì các vị Sư chức thuộc loại to nhất của Hà Nội cũng vừa mới đến lễ bái cụ xong.

Thế nhưng sau tất cả những nghi lễ màu mè đầy tính tôn giáo đó, Pháp Chủ cũng vẫn là một ông sư già chùa làng, lúc nào cũng áo nâu. Ngay cả khi người ta khoác áo vàng rực, đỏ lòe lên, thì bên trong vẫn là lớp áo nâu, và cả đời cụ hình như chỉ đi dép, chưa bao giờ đi giày.


Cũng ở địa phận Hà Tây cũ, còn sư cụ Đại trưởng lão, thọ bậc nhất Việt Nam, 97 tuổi, nhưng khi nói chuyện với tất cả các tăng ni khác, bất kể là chú tiểu bé cho đến các hòa thượng, thì sư cụ Đại trưởng lão vẫn luôn tự xưng là "Con" !




em thiển cận, thấy cũng không có vẻ gì khác người ( khác các vị chư tăng khác )

zanghoang
14-01-2009, 00:43
Đây là Sư cụ chùa Ráng, người ta thường gọi là Tổ Ráng, năm nay 93 tuổi nhưng rất khỏe mạnh, không hề cần chống gậy.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=7781




ồi, cụ đã 93 mà trông vẫn như này thì em bái phục rồi, trông cụ cứ như thanh niên thế kia

em cá là bác đố câu này với 100 người thì cả 101 người đều không biết cụ đã đại thọ

khéo có mời cụ phượt chắc cụ phượt khỏe trên tài thanh niên ấy chứ, bác nhể

anhpt
14-01-2009, 03:08
Đây là Sư cụ chùa Ráng, người ta thường gọi là Tổ Ráng, năm nay 93 tuổi nhưng rất khỏe mạnh, không hề cần chống gậy.

Có phải là chùa Quang Lãng ở Phú Xuyên không bác. Nếu vậy thì đây là đệ tam Pháp chủ. 93 tuổi mà trông dáng thế kia thật quả là hiếm.

Chitto
18-01-2009, 20:45
Sắp Tết cổ truyền, chắc thế nào cũng có người đi chùa cầu an năm mới, quay lại với topic này tí.

Nhân nói đến cụ trưởng lão phía Tăng, cũng xin gửi chân dung cụ trưởng lão phía Ni. Dưới đây là ảnh sư cụ chùa Tây Phương, đã 96 tuổi. Tuy vậy cụ đã nghễnh ngãng nặng lắm rồi, đi đứng cũng không còn nhanh nhẹn như cách đây vài năm nữa.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8126

Chitto
24-01-2009, 21:48
Hoa đào chùa Bát Tháp


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=10&pictureid=8190

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=10&pictureid=8191

Babel
24-01-2009, 21:52
Chết toi bấm cái quẻ xem mùng 1 này xuất hành hướng nào, chùa nào nhỉ?
Bước chân ra khỏi nhà mấy giờ thì ok?

Chitto
24-01-2009, 23:09
Hê hê, chưa bao giờ iem quan tâm đến cái đó bác ạ.

Đi đến chùa thì hướng nào cũng được, vì Phật ở mười phuơng mà, bác leo thẳng lên giời hay chui thẳng xuống đất cũng được.

Ở Hà Nội thì dân tình rất mê chùa Phúc Khánh. Cái này là do đây là chùa đầu tiên (cùng Quán Sứ, Bằng A) tiến hành phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc. Chính vì thế được coi là một "chốn tổ" của phong trào, và dần dần được tin đồn là thiêng. Các sư sãi trước kia đều phải đến mấy chùa này học cả.

Chitto
30-01-2009, 03:25
Sau phút Giao Thừa sang năm mới Kỷ Sửu ở chùa Quán Sứ

Cổng chùa


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8235

Trong sân chùa, trước điện chính


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8236

Chitto
30-01-2009, 03:26
Chính điện chùa Quán Sứ


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8237

Chitto
30-01-2009, 03:29
Hoa đào trên bàn thờ


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8238

Đức Phật Thích Ca, Phật Di Đà, và Đại Ca Diếp tôn giả trên thượng điện


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8240

Chitto
30-01-2009, 03:30
Cầu nguyện cho năm mới an lành cho chúng sinh



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8239

Chitto
01-02-2009, 00:18
Lễ chùa ngày mùng 2 Tết


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8280

Tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, bản sao tượng chùa Bút Tháp


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8279

Chitto
01-02-2009, 00:19
Hoa hải đường trước điện Phật


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8281

Chitto
11-02-2009, 12:09
Đầu năm, rất nhiều chùa làm lễ "an sao giải hạn", vốn là thủ tục tín ngưỡng pha trộn Đạo giáo, Tử vi, không phải của Phật giáo. Nhưng giờ thành truyền thống, hơn nữa từ thời Lý khi mà Tam giáo đồng nguyên thì các hoạt động cúng lễ tâm linh thế này đã được làm chung trong chùa rồi. Thời các vua thì cầu mưa, cầu tự, cầu phúc cầu thọ trong chùa, thì đến đời sau cầu khấn các thứ trong chùa cũng không có gì là lạ.

Đám hình nhân cho lễ giải hạn ở chùa Xã Đàn ngày Tết


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8282

(Hình nhân bày la liệt trong Nhà tổ, nhìn buồn cười).

Chitto
17-02-2009, 23:50
Hà Nội có cả trăm ngôi chùa, lớn nhỏ, đẹp xấu, rộng hẹp, cũ mới...

Nhân có bạn hỏi về một số chùa ở Hà Nội, tớ liệt kê ra đây một số chùa mà tớ thấy là đẹp, hoặc có những sự tích đáng lưu ý.


Vòng quanh hồ Tây:
- Chùa Trấn Quốc: cổ nhất, đẹp, ý nghĩa, quá nổi tiếng
- Chùa Ngũ Xã: ở giữa bán đảo Ngũ Xã, có pho tượng Phật đồng lớn nhất nội thành HN, chứa đựng trong nó những điều rất thú vị. (Cạnh đó là chùa Châu Long, không đẹp lắm).
- Chùa Kim Liên: ngôi chùa rất đẹp với tam quan độc đáo nhất VN, nay đang tu sửa. Có những tháp mộ giữa hồ.
- Chùa Hoằng Ân, hay Quảng Bá: đường vào Phủ thì rẽ phải, gần ngay "đường Thái Lan", chùa đẹp, nơi có mộ Đệ nhất Pháp chủ VN, vườn tháp. (Gần đó là chùa Phổ Linh nhìn ra hồ sen cũng đẹp).
- Chùa Tảo Sách: trên đường Lạc Long Quân, đối diện UBND Tây Hồ, rất đẹp và nổi tiếng, đông nghịt.
- Chùa Vạn Niên: ngay cạnh Tảo Sách, cũng đẹp. Gần đó có chùa Thiên Niên, Ức Niên, nhưng bình thường.
- Chùa Vĩnh Khánh (Võng Thị): đi đường dọc bờ hồ Tây sẽ thấy đình Võng Thị và chùa, vừa xây lại, to cao hoành tráng, không còn cổ kính nữa nhưng cũng được.

Ngoài ra quanh Hồ Tây còn hàng loạt chùa nữa. Quá lên đê sông Hồng xa hơn cầu Thăng Long sẽ có đình chùa Vẽ...

Khu phố cổ- Hoàn Kiếm
- Chùa Hòe Nhai: phố Hàng Than, chùa rất đẹp, tượng gỗ cổ đẹp, đặc biệt là bộ tượng Vua đội Phật độc đáo nhất VN. Tổ đình Tào Động.
- Chùa Huyền Thiên: ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân: vốn là đạo quán của đạo sĩ biến thành chùa, nên còn tượng Trấn Vũ to đùng ở giữa.
- Chùa Cầu Đông: trên phố Hàng Đường, chùa nhỏ, có tượng Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung (tượng xấu nhưng duy nhất).
- Chùa Lý Quốc Sư: phố Lý Quốc Sư, với tượng đá Quốc sư đặc biệt, và một cây cột đá cổ rất đẹp cạnh cổng
- Chùa Bà Đá: cổng nhỏ trên phố Nhà thờ, nhưng chùa bên trong rất đẹp, tượng lớn, cổ, và đẹp, rất nên đến.
- Chùa Quán Sứ: khỏi nói.
- Bên kia cầu Chương Dương có chùa Bồ Đề cạnh sông Hồng, tĩnh, đẹp, có tháp mộ Đệ nhị Pháp chủ PGVN. Nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Quận Ba Đình - Cầu Giấy
- Chùa Một Cột: khỏi nói
- Chùa Kim Sơn: góc phố Kim Mã - Giang Văn Minh, vườn rộng đẹp, tượng cổ, ít mở cửa.
- Chùa Bát Tháp: mặt phố Đội Cấn gần Liễu Giai, cổng chùa lớn, vườn rộng, yên tĩnh.
- Chùa Hà: phố Chùa Hà, nổi tiếng cầu Duyên.
- Chùa Thánh Chúa: nằm giữa trường ĐH Sư phạm.

Ở phía Tây có cụm ba chùa có liên quan với nhau khá hay:
- Chùa Láng: rất cổ kính, khuôn viên đẹp, chùa đẹp, độc đáo của dòng Mật Tông, nhiều tháp mộ, do Từ Đạo Hạnh xây.
- Chùa Nền: nhỏ, bình thường, nhưng là nền nhà của Từ Đạo Hạnh.
- Chùa Duệ: thờ pháp sư Đại Điên, là người đã giết cha Từ Đạo Hạnh, rồi bị Từ Đạo Hạnh giết (trước khi đi tu).

Quận Đống Đa
- Chùa Phúc Khánh: chân cầu Vượt Ngã tư Sở, phố Sơn Tây, là Tổ đình, cực kỳ nổi tiếng và linh thiêng.
- Chùa Bộc: mặt đường Chùa Bộc, có pho tượng Quang Trung đặc biệt.
- Chùa Xã Đàn: trong ngõ Xã Đàn: chùa rộng, có một số di vật cổ.
- Chùa Nam Đồng: trong ngõ Nam Đồng phố Nguyễn Lương Bằng, có đàn thờ vọng Xã Tắc, chùa đẹp.

Quận Hai Bà - Hoàng Mai
- Cạnh hồ Thiền Quang: là một cụm 3 chùa nhỏ: Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa, vốn là chùa 3 làng bị dồn lại đây.
- Chùa Chân Tiên: trên phố Bà Triệu phía bên trái, gần Tuệ Tĩnh. Chùa rất đẹp.
- Chùa Tào Sách: góc Lê Đại Hành - Bà Triệu, chùa đẹp nhưng đang tu sửa.
- Chùa Liên Phái: ngõ Chùa Liên Phái phố Bạch Mai, chùa rất đẹp, sâu rộng, có ngôi tháp đẹp, phía sau có vườn tháp mộ (phải đi xuyên qua buồng ở của sư).
- Chùa Quỳnh: ngõ Quỳnh, đẹp, rộng rãi.
- Chùa Hưng Ký: ngõ Chùa Hưng Ký, phố Minh Khai, chùa độc đáo với những mảnh ghép sứ, tượng A Di Đà gỗ to nhất Hà Nội.

Ngoài ra còn chùa cạnh đền Hai Bà cũng đẹp, chùa Đức Viên, Hộ Quốc, Hương Thể...
Quận Hoàng Mai còn chùa Hoàng Mai, Tứ Kỳ,....

Đó là đại khái một số chùa mà tớ thấy nếu thích đi chùa có thể đến thăm.

Chitto
17-02-2009, 23:51
Bản đồ vị trí một số chùa tại Hà Nội mà tôi đã liệt kê ở trên


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=10&pictureid=8979

com293
18-02-2009, 08:08
Em xin cám ơn anh rất nhiều :):):)

Chitto
26-02-2009, 00:36
Trong các chùa miền Bắc, có một "dòng" đặc biệt. Tôi tạm gọi là Dòng, vì đây là một phong cách chùa riêng, có nguồn gốc xa xưa, được nhiều người cho rằng có trước cả khi Phật giáo vào Việt Nam. Dòng chùa này chỉ có duy nhất ở đồng bằng sông Hồng. Đó là dòng chùa Tứ Pháp.

Những cư dân trồng lúa nước ở đồng bằng sông Hồng từ xa xưa đã tôn thờ các vị thần thiên nhiên, thể hiện qua bốn vị Nữ thần: Mây - Mưa - Sấm - Chớp, và gọi là Tứ Pháp: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện.

Mặc dù truyền thuyết về Tứ Pháp và Phật Mẫu Man Nương là ở vùng Bắc Ninh, truyền thuyết từ thời Sĩ Nhiếp - thế kỷ 2-3, nhưng chùa Tứ Pháp thì trải trên một diện rộng hơn nhiều, từ Bắc Ninh qua Hưng Yên, cả Hà Nội, Hà Nam và dọc sông Hồng ra đến Nam Định cũng có.

Điểm đặc biệt của những ngôi chùa Tứ Pháp là Thần tượng của Nữ thần thưởng rất lớn, được đặt trang trọng và có khi còn cao hơn tượng Phật. Trong những ngôi chùa cổ xưa nhất như chùa Dâu, chùa Đậu, tượng Nữ thần đặt chính giữa điện, chiếm vị trí cao nhất, còn tượng Phật chỉ đặt ở phía sau, nhỏ và thấp hơn nhiều.

Những ngôi chùa Tứ Pháp này đã thể hiện tín ngưỡng dân gian lúa nước của người Việt cổ rất khéo léo, lồng một tôn giáo vào niềm tin cổ xưa, không hẳn là Phật giáo thuần khiết, cũng không hẳn là thần thánh đơn thuần.

Chitto
26-02-2009, 00:52
Về hệ thống chùa Tứ Pháp ở Bắc Ninh, tôi đã có viết trong topic "Kinh Bắc (https://www.phuot.vn/showthread.php?t=881&page=2)", chỉ nói qua.

Vùng Dâu - Luy Lâu - nơi Phật giáo được truyền vào đầu tiên, có chùa Dâu thờ Pháp Vân, được coi là chùa cổ nhất Việt Nam. Vùng Dâu có truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương, người đã sinh ra 4 chị em Nữ thần, vì vậy có đủ 5 ngôi chùa thờ. Các vùng khác chỉ có tối đa 4 chùa. Cũng vì thế, bộ tượng Pháp ở Dâu là đẹp và đầy đủ nhất.

Một số chùa Tứ pháp nổi tiếng nhất:
- Chùa Dâu ở Bắc Ninh - thờ Pháp Vân (nay thêm cả Pháp Vũ)
- Chùa Keo ở Gia Lâm - thờ Pháp Vân
- Chùa Thái Nhạc ở Hưng Yên - thờ Pháp Vân
- Chùa Đậu ở Hà Tây (cũ) - thờ Pháp Vũ
- Chùa Bà Đanh ở Hà Nam - thờ Pháp Vân

Trong 4 bà, thì Pháp Vân được thờ nhiều nhất. Ngay trong nội thành HN cũng có hai chùa Pháp Vân, mà một chùa nằm ngay đầu đường cao tốc, và đường đó cũng mang tên chùa: Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tôi cũng chụp ảnh được chục pho tượng Nữ thần dạng này, pho cổ nhất có niên đại thế kỷ 17.

Điều đặc biệt của chùa thờ Tứ Pháp là tượng Bà Tứ Pháp được ngồi trên tòa sen, điều chỉ dành riêng cho Phật hoặc Đại Bồ tát (nhiều chùa Bồ tát cũng không được ngồi tòa sen).

Tượng Pháp Vân chùa Dâu - Bắc Ninh.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9113

Chitto
26-02-2009, 00:56
Tượng Tứ Pháp ở Dâu đều bị bọc trong vải vóc, mũ khăn kín mít, nên không thể thấy được bên trong. Rất may là ở một số chùa khác những phục trang mới thêm này không có, do đó có thể nhìn rõ các cụ xưa đã tạc tượng các Bà thế nào.

Hầu cận bên bà Pháp Vân là hai pho Kim Đồng và Ngọc Nữ cũng rất độc đáo. Pho Ngọc Nữ thể hiện người con gái thuần Việt, đội khăn vấn tóc, đứng trong một điệu múa hầu Bà.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9114

Chitto
26-02-2009, 01:06
Trong ảnh dưới, ảnh nhỏ là tượng Pháp Vân chùa Dâu (sưu tập), và hai pho Pháp Vân chùa Keo Gia Lâm.

Có thể thấy tượng Pháp Vân chùa Dâu rất đặc biệt, mình trần, chỉ có xiêm từ thắt lưng trở xuống (các tượng ở vùng Dâu đều thế, do đó đều phải "mặc áo"). Tượng chùa Keo thì có khoác tấm phủ vai, mặc xiêm áo đàng hoàng, và không bị phủ vải.

Các pho tượng Pháp này rất đặc biệt, vì là Nữ thần nhưng được mang các dấu hiệu của bậc Đại Phật: Trên đầu có tóc xoắn ốc, có gò nổi giữa đầu, giữa trán có Bạch hào, tai dài, ngồi tòa sen theo thế liên hoa, tay để trong thủ ấn giống Chuyển pháp luân, hoặc ấn Vô úy.
Những biểu tượng này nếu không phải các Đại Phật, bậc Như lai thì không bao giờ có. Ngay như Quán Thế Âm cũng không được có tóc xoắn và gò giữa đầu thế này.

Qua đó có thể thấy sự tôn sùng của cư dân với các Nữ thần, xếp ngang hàng, hay cho các Nữ thần chính là hóa thân của Phật. Điều này chỉ xuất hiện ở đồng bằng Sông Hồng thôi.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9115

Chitto
01-03-2009, 01:04
Chùa Thái Lạc ở Hưng Yên là một trong những ngôi chùa hiếm hoi còn lại cả tòa điện từ đời Trần, với những cột kèo, trạm chổ từ 700 năm. Chùa cũng thờ bà Pháp Vân, được đặt giữa các tượng khác. Nhưng cũng dễ nhận ra tượng Bà vì pho tượng có màu nâu gụ khác hẳn những pho tượng Phật thếp vàng khác.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9299


Tượng bà Pháp Vũ chùa Đậu (Hà Tây cũ), để trong 1 khám kính tối om, nhện chăng đầy. Pho tượng này có vẻ đặc biệt, với tay bắt ấn giơ lên trời, và đôi mắt được thếp vàng sáng rực lên so với toàn bộ màu nâu gụ xung quanh. Tòa sen cũng rất đẹp. Pho tượng này nổi tiếng linh thiêng.

(Chụp qua kính lại tối, không thể lấy được, hic).


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9300

Chitto
02-03-2009, 11:46
Mặc dù đã nói đến Đại Bồ tát Quán Thế Âm khá kỹ ở phần trước, phần này tôi muốn nói đến những pho tượng Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay cổ ở chùa miền Bắc mà tôi đã gặp.
Cũng may mắn mà tôi đã chụp ảnh được một số pho tượng cổ quý nhất thuộc loại này còn lại ở Việt Nam, là tượng chùa Hội Hạ, chùa Đào Xuyên, chùa Bút Tháp, chùa Mễ Sở, chùa Tam Sơn.

Tượng chùa Hội Hạ được coi là cổ nhất, làm từ đời Mạc, dáng chắc khỏe. Chùa đã đổ nát, tượng được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật.

Từ dưới lên, phần bệ lục giác có những tượng nhỏ ở góc tượng trưng cho Địa ngục, đỡ bên trên là mặt biển cả. Giữa biển nổi lên đầu con thủy quái khổng lồ, đỡ lấy tòa sen (đến chùa Bút Tháp thì thành con rồng). Hai tay con thủy quái đỡ lấy toà sen cũng để cho tòa khỏi đổ.

Từ mặt biển cũng vượt lên hai cuộn mây nhỏ, với hai bông sen nhỏ đỡ cho Thiện Tài đồng tử và Long Nữ, hai hầu cận của Quan Thế Âm. Phật Bà ngồi nghiêm trang trên đài sen, có tổng cộng 42 tay cầm một số loại pháp khí. Tượng đội mũ, ở giữa mũ là hình Phật A Di Đà, tượng đeo hoa tai dài nặng to tướng.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9309

Chitto
02-03-2009, 11:47
Những cánh tay cứu độ


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9310

Chitto
10-03-2009, 20:29
Pho tượng thể loại "cực nhiều tay" đầu tiên được xác định là ở chùa Đào Xuyên, tuổi thọ gần 400 năm, có đến hơn 600 tay.

Pho tượng này phải nói rất đặc biệt, và tớ rất thích, bởi những cánh tay kỳ lạ, độc đáo. Các cánh tay được tạc đều uốn cong vòng, ôm lấy thân tượng chính, các cánh tay phía sau lại thẳng như mái chèo.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9312

Chitto
10-03-2009, 20:30
Nhìn nghiêng pho tượng


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9313

TYYT
11-03-2009, 15:25
Tòa tam quan chùa độc đáo nhất mà tớ từng thấy là tam quan chùa Kim Liên ở Hồ Tây.

Chắc bác nào học kiến trúc, mỹ thuật đều biết cái cổng này. Hic, đi tìm thì 2 bộ ảnh chụp chùa Kim Liên đều đã mất ở đâu không tìm thấy. Chiều chạy qua đó thì than ôi, toàn bộ chùa đang được bao bọc bởi sắt thép, do đang đại trùng tu.

Thế thôi, đành lấy ảnh trên mạng nho nhỏ này vậy...


https://www.phuot.vn/imagehosting/24347d3f0db537ad.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=8000)

Tòa tam quan này độc đáo ở chỗ : Toàn bộ cấu kiện gỗ nặng cả chục tấn được dồn lên 4 chiếc cột gỗ đứng thằng hàng. Những cột gỗ này không chôn xuống đất, mà chỉ được đặt thăng bằng lên 4 phiến đá kê chân.

Nghĩa là chiếc cổng phải cực kì cân bằng. Tưởng tượng rằng nếu chỉ cần có một sự mất thăng bằng nào đó dù nhỏ, thì cổng cũng đổ từ lâu rồi. Thế nhưng hơn 200 năm trôi qua rồi, cổng vẫn đứng đó, với lớp mái ngói nặng nề nhưng lại thanh thoát như muốn bay lên.

Cổng chùa rất đúng với hình ảnh bông sen vàng bay lên.

Tớ chưa thấy chiếc Tam quan nào ở Việt Nam độc đáo sánh được với cổng này.

Vụ này em chả tin, học vật lý mãi rồi không tìm la luận cứ nào bảo vệ cả, em cho rằng cột được trồng xuống đất, vì đọc trên mạng không thấy chỗ nào nói về việc cột đặt trên các bệ đá lộ thiên cả.

Nếu như thế chịu sao nổi gió bão, trừ khi có sức mạnh ... thần bí thì không kể.

TYYT
12-03-2009, 10:39
Topic của bác rất bổ ích, dễ hiểu, cảm ơn bác rất nhiều. Bấm cảm ơn mỏi tay thôi thì làm vài dòng ở đây đại điện.

Có cái này em thấy phân vân nhờ bác giải ngố: Có nhiều vị phật ở tam thiên thế giới, tây phương cực lạc. Vậy câu nói của phật thích ca khi thành đạo "thượng thiên hạ địa duy ngã độc tôn" phải hiểu như thế nào?


Chả biết topic này trước để mà post ảnh phụ họa nhỉ! tiếc quá! he he

Chitto
12-03-2009, 17:05
Có nhiều vị phật ở tam thiên thế giới, tây phương cực lạc. Vậy câu nói của phật thích ca khi thành đạo "thượng thiên hạ địa duy ngã độc tôn" phải hiểu như thế nào?

Câu nói này là khi Phật mới Đản sinh: vừa mới sinh ra đã bước 7 bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói : "Thượng thiên hạ địa Duy ngã độc tôn"; chứ không phải khi Thành đạo.

Theo tôi, đây là hình thức tôn sùng hóa, thần thánh hóa cho Phật, bởi một đứa trẻ mới sinh, hiển nhiên không có khả năng thần thoại đó.

Phải hiểu câu nói này theo nghĩa khác với nghĩa thông thường. "Ngã" ở đây không phải là vị Phật Thích Ca, bởi Phật giáo Vô ngã, thì lấy đâu ra cái Ngã mà Độc tôn?

Cái Ngã này là khái niệm rộng lớn hơn Phật Thích Ca, hoặc các vị Phật từ Quá khứ, Hiện tại đến Tương lai. Ngã ở đây là Chân Như, Pháp Thân, Phật Tính, là cái cội nguồn sâu thẳm tối thượng của mọi chúng sinh đều có. Cái Cội nguồn Phật Tính đó mới là Độc tôn, chứ không phải chỉ riêng "đứa trẻ sơ sinh" Thích Ca khi đó.

Nên nhớ rằng Phật tính là tồn tại vĩnh viễn, Phật Thích Ca chỉ là người giảng cho mọi người thấy cái bản chất đó, chứ không phải là người "sáng tạo" ra Phật tính. Phật pháp có trước Phật Thích Ca, và Thích Ca nhận thức, truyền đạt lại Phật pháp.

Đây là quan điểm của Đại Thừa, đề cao Phật Tính trong mỗi người, Phật Tính đó là hằng hữu, vốn có. Trước khi Thích Ca ra đời, thời kiếp này thì chưa ai nhận ra Phật Tính đó, khi Thích Ca ra đời, Ngài là người chỉ ra cho nhân loại cái bản chất Độc tôn của Phật tính, do đó mới có truyền thuyết này.

Chitto
12-03-2009, 17:10
Tiếp với những pho tượng cổ

Pho tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở là pho có nhiều tay nhất còn lại đến nay, pho tượng hơn 300 tuổi.

Tượng có tổng cộng 1113 tay nhỏ, không xòe tròn ra xung quanh, mà lại vươn lên, khum lại thành một vòm cổng, tạo ra một khoảng trống sau lưng tượng. Hai cánh tay chính của Quán Âm kết ấn Chuẩn đề, 40 tay khác xòe ra xung quanh rất đẹp.

Trên cùng, các tay đỡ một vầng mây, mà ở giữa là Phật A Di Đà ngồi, hai bên là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng, có lọng mây che trên đầu, và các tay tỏa ra như hào quang nhỏ. Bệ tượng cũng đặc biệt, không phải đài sen như thông thường, mà là những lớp sóng biển cuộn lên dồn dập.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9308

Chitto
15-03-2009, 20:55
Ngày hôm nay (15/3) - 19/2 Âm lịch là Vía Quán Thế Âm.

Pho tượng cổ Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Tam Sơn. Pho tượng đã từng bị hỏng khá nhiều trong chiến tranh, mới được tu sửa lại gần đây.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9317

Chitto
15-03-2009, 21:00
Đại từ Đại bi, Cứu khổ Cứu nạn, Quán Thế Âm bồ tát


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9311

nguoixua
15-03-2009, 23:17
bài của bác quá hay, có hình coi liền ngay bên dễ hình dung làm em vỡ vạc được nhiều điều, cám ơn bác lắm lắm(c)
mong được coi tiếp ạh

Chitto
16-03-2009, 22:24
Tại các ngôi chùa cổ miền Bắc, còn có một cấu trúc rất độc đáo, là CỐI PHẬT, hay Cối Kinh.

Tên chính thức của cấu trúc này là Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, có hình thức là tòa tháp gỗ cao 9 tầng, 6 cạnh, mỗi tầng là một đài sen lớn. Toàn bộ cấu trúc dựa trên một trục gỗ ở chính giữa, đặt trên một cối đá, có thể quay được.

Trên mỗi tầng, mỗi mặt có một tượng Phật ngồi giữa hai Bồ tát. Như vậy có tổng cộng 9x6 = 54 tượng Phật, 9x12 = 108 tượng Bồ tát. Mỗi khi quay Cối Phật, thì như cả thế giới chuyển động.

Cửu Phẩm Liên Hoa tượng trưng cho 9 bậc trong cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Cõi Tịnh Độ gồm 3 bậc là Hạ phẩm, Trung phẩm, Thượng phẩm; mỗi Phẩm lại chia làm 3 là : Hạ sinh, Trung sinh, Thượng sinh. Như vậy từ Hạ phẩm Hạ sinh đến Thượng phẩm Thượng sinh là 9 bậc.

Chín bậc này dành cho tất cả mọi chúng sinh có lòng hướng đến cõi Tây phương Cực Lạc của phật A Di Đà, tùy vào phẩm hạnh của kẻ đó mà được tái sinh vào các cõi tương ứng.

Chitto
16-03-2009, 22:27
Cối Phật chùa Bút Tháp, hai bên có hai tượng Phật ngồi quay ra hai hướng.
Theo văn bia thì cối Phật được dựng từ đời Trần, đến năm 1739 làm lại,


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9802

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9803

Chitto
16-03-2009, 22:28
Cối Phật chùa Đồng Ngọ - Hải Dương, được làm năm 1692, mới được/bị sơn thếp lại, trông choáng lộn rực rỡ ...


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9799

Chitto
17-03-2009, 22:55
Theo tôi, tòa Cửu phẩm liên hoa đẹp nhất là của chùa Giám.

Chùa Giám là nơi Nam dược Thánh Y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã từng tu hành, chữa thuốc đời Trần. Ngôi chùa có lịch sử từ đời Lý, trải nhiều lần trùng tu vẫn mang được nhiều nét kiến trúc cổ.

Năm 1971, chùa được dời từ bãi sông vào nơi mới, cách 8km. Vì ngôi chùa cổ bằng gỗ hoàn toàn, nên người ta đã dỡ ngói, dỡ mộng gỗ ra, rồi ghép lại, mà không ảnh hưởng đến kiến trúc. Cũng là một kỳ công.

Chùa rất đẹp, nhưng đẹp nhất là tòa Cửu phẩm liên hoa, hiện nay vẫn còn quay được. Tòa tháp gỗ này được sơn màu đỏ gạch, với các góc được trang trí như đốt trúc, có cả các mấu tre rất độc đáo. Số cánh sen ở mỗi lớp cũng nhiều và đẹp. Tòa Cối phật nằm ở giữa một tháp gỗ trong sân chùa, sáng sủa hơn nhiều so với tháp gỗ chùa Đồng Ngọ.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=9801

thecoday
18-03-2009, 20:51
bác Chitto cho e hỏi là có phải chùa Cầu Đông vừa là đền lại vừa là chùa không ạ? tại sao ban đầu nó là đền sau lại thành chùa ạ? e cảm ơn bác!

Chitto
18-03-2009, 22:12
bác Chitto cho e hỏi là có phải chùa Cầu Đông vừa là đền lại vừa là chùa không ạ? tại sao ban đầu nó là đền sau lại thành chùa ạ? e cảm ơn bác!

Tôi chưa thấy ở đâu nói chùa Cầu Đông (phố Hàng Đường) là đền cả. Các nguồn thông tin đều nói đó là ngôi chùa từ xa xưa, có nguồn gốc từ đời Lý, được dựng lại đời Lê, chứ không có ngôi đền nào bị biến thành chùa ở đó hết.

Có thể nhầm lẫn vì trong chùa có tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Quốc mẫu Trần Thị Dung, nhưng với hình thức là thờ người có công với chùa, kiểu "hậu phật" chứ không phải thờ theo kiểu là đền.

Đạo quán của Đạo giáo trở thành chùa thì tôi gặp ít nhất là 5 nơi rồi, và đền sát cạnh chùa thì cũng nhiều, nhưng còn đền biến thành chùa (mà mất dấu đền) thì chưa nhớ ra chỗ nào.

Các làng cổ đồng bằng Bắc bộ, nếu đủ điều kiện thì thường làm cả ba: Đình, đền, chùa; đền có thể bị phá, hỏng, mất, nhưng biến thành chùa thì có lẽ là khó xảy ra. Những cụm đình - đền - chùa còn có thể gặp khá nhiều.

Chitto
23-04-2009, 23:20
Sắp tới Phật Đản, lại tiếp tục với chủ đề này. Bắt đầu từ đây tôi sẽ kể về một ố pho tượng cổ đặc biệt của các ngôi chùa, và về những ngôi chùa nổi tiếng mà tôi đã từng qua.

Đầu tiên, không thể không quay lại với pho tượng Phật cổ nhất, đẹp nhất của Việt Nam, mà tôi đã từng viết. Pho tượng chùa Phật Tích.


https://www.phuot.vn/imagehosting/24348049242e3e58.jpg

(Hiện trạng pho tượng khi chùa đang làm lại, ảnh Zanghoang)


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11283

Chitto
23-04-2009, 23:40
Theo sử sách, năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho dựng chùa, làm pho tượng vàng cao 6 thước, đặt trong một ngôi tháp cao vút. Hàng thế kỷ trôi qua, tháp đổ xuống, thì pho tượng lộ ra. Ngày nay ta còn thấy pho tượng tạc bằng đá xanh, thời Lý có lẽ được dát vàng.

Tượng của vị Phật nào, thì sử sách không ghi rõ. Các tài liệu đều cho rằng là tượng Phật A Di Đà, tuy nhiên vị sư trụ trì hiện nay thì cho là tượng Đại Nhật Như Lai - Tỳ Lô Xá Na - Vairocana.

Tượng nguyên bản ra sao, không ai hoàn toàn chắc chắn. Tôi đọc nhiều tài liệu cho rằng tượng hiện tại đã trải qua nhiều thay đổi. Chẳng hạn tòa sen có vẻ quá nhỏ so với tượng, các nếp áo bị đứt giữa tượng và đài sen, do đó có thể là cho rằng đài sen là do đời Lê làm lại. Và giữa tòa sen và bệ bát giác của tượng dường như bị hẫng, ở giữa phải có một khối đệm nữa mới đúng.

Tiếp theo là thế ngồi của tượng: Pho tượng được tạc rất khéo, dáng ngồi không hoàn toàn thẳng, mà nghiêng ra phía trước khá rõ. Nếu theo cùng tư thế đó, thì đầu tượng cũng phải cùng hướng, là nhìn xuống dưới.

Tuy nhiên, năm 1947, khi Pháp đốt chùa, pho tượng lộ ra giữa trời, quân Pháp đã lấy tượng là bia ngắm bắn, và khiến đầu tượng đổ xuống. Phần cổ và tai của tượng bị gẫy, cũng như có rất nhiều vết hỏng trên thân tượng, nên bây giờ trông tượng đầy vết sẹo, cũng như có vết của việc kết nối chống vỡ.

Khi lắp lại đầu tượng, thì vì cổ đã gãy, không thể giữ nổi đầu tượng cúi xuống nữa, người ta đành phải làm cho đầu tượng thẳng đứng lên thì mới giữ được. Do đó dáng vẻ của Đức Phật đang cúi xuống chúng sinh đã bị mất.

Tượng khi chùa bị phá hủy, lộ thiên giữa núi Lạn Kha


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11284

Và dáng cúi về phía trước, cùng những vết thương trên thân tượng


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11285

Chitto
23-04-2009, 23:44
Khuôn mặt đức Phật đời Lý, với phần tai đã bị gãy, và đầu được gắn lại



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=11277


Và pho tượng phục chế để trong bảo tàng, trông nuột nà hơn rất nhiều, cũng như có phần đế không hoàn toàn giống tượng ở chùa.

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=11279

Chitto
24-04-2009, 22:36
Đóa sen Phật ngự được trang trí rất đẹp, mỗi cánh sen có hai con rồng chầu vào giữa. Bên dưới các tầng bát giác cũng có trang trí rồng đời Lý, và các họa tiết sóng nước rất đẹp. Có thể nói mỹ thuật đời Lý là đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam, với những đặc trưng riêng có.

Đài sen Phật ngự có phải là nguyên từ đời Lý không? Không ai dám chắc.

Tôi đã từng tìm đến một ngôi chùa nghèo nhỏ bé bên chân núi Trầm, là chùa Một Mái. Tại đây có pho tượng đời Lý thứ hai còn sót lại. Theo tài liệu, thì chỉ còn đúng 3 pho tượng Phật đời Lý còn lại mà thôi. Pho chùa Phật Tích tạc năm 1057, pho chùa Một Mái năm 1099.

Pho tượng chùa Một Mái nhỏ hơn tượng chùa Phật Tích nhiều. Tiếc rằng tượng đã bị Pháp chặt đầu mang đi, và tay cũng bị hỏng trong thời chiến tranh loạn lạc. Hiện nay người làng dùng đất trộn để đắp đầu và tay mới, sơn thếp lên trên, nên không ăn khớp.

Tuy vậy, qua pho tượng này, cũng có thể thấy một tòa sen Phật đời Lý thế nào: Từ dưới là các tầng bát giác, rồi có một con sư tử khoanh tròn, trên đó mới đội tòa sen.

Pho tượng hơn 900 năm tuổi


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11281

Chitto
26-04-2009, 21:38
Một bệ tượng đá đời Lý nữa tại chùa Thầy, là bệ để pho tượng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tượng thì mới từ thời Nguyễn nhưng bệ thì rất cổ.

Một lần nữa, cấu trúc con sư tử nằm giữa bệ bát giác và đài sen được xác nhận. Ngoài ra còn bệ tượng ở chùa Dâu cũng vậy.

Qua đó, có thể cho rằng bệ tượng chùa Phật Tích đã bị mất phần ở giữa là con sư tử cuộn tròn (có thể là 1 hoặc 2 con).



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11389

Chitto
26-04-2009, 21:47
Cũng không khó để tìm thấy những di vật bằng đá đời Lý ở chùa Phật Tích. Ngay đằng sau chùa để lăn lóc một chân cột bằng đá, một đài sen, một con sư tử đá (nằm ở giữa bệ của một pho tượng khác). Có điều thấy đáng buồn là những di vật quý giá này bị bỏ ngoài mưa gió hoang phế.

Cách đây mười mấy năm tôi lên đây đã thấy thế, năm đó thấy có 1 mảnh đá bằng ba ngón tay bong ra từ một bệ cột, nằm thảm hại dưới đất, trên mảnh đá đó có điêu khắc hoa dây. Lần đó đã định, hic, thó mang về. Nhưng bạn đi cùng khuyên không nên, và không lấy. Tất nhiên sau đó quay lại thì không thấy mảnh đá đó đâu nữa.

Nhìn thấy di vật nằm lăn lóc mà xót. Hoặc giả đây chỉ là đồ phiên bản không có giá trị lịch sử, còn bản gốc đã nằm trong bảo tàng rồi chăng?

Tấm chân cột (ảnh dưới cùng) là tảng chân cột đẹp nhất của điêu khắc cổ Việt Nam, với những hình vũ công, nhạc công nhảy múa, đã được in trên rất nhiều cách. Nếu ngày xưa các tảng chân cột đều được điêu khắc cầu kỳ thế này thì ngôi chùa này hẳn phải đẹp lắm lắm.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11287

Chitto
26-04-2009, 22:36
Chùa Phật Tích còn có một điều đặc biệt nữa, mà có lẽ cũng ít người để ý, đó là Con rồng nằm dưới chùa. Ắt hẳn nghe đến Long mạch thì nhiều người biết, nhưng ở chùa Phật Tích thì khái niệm Long mạch rất đặc biệt.

Đằng sau chùa, cũng là lưng chừng núi Lạn Kha, có một bể đá sâu hình chữ nhật, không biết xưa kia có nước không, nhưng giờ thì cạn rồi. Bể đá được gọi là Long trì - Ao rồng

Và dưới đáy bể có một khối đá lớn hình bán nguyệt, ở giữa khối đá có chạm một khúc thân rồng, với hai chân rồng ở hai bên. Có thể tưởng tượng đó là một con rồng nằm sâu dưới đất, chỉ lộ hai chân lên dưới đáy bể đá này.

Hai chân rồng này đã được biết đến lâu rồi, nhưng gần đây, khi nạo vét cái giếng cổ dưới chân núi trước đường lên chùa, người ta đã phát hiện ở dưới cùng của đáy giếng sâu có một đầu rồng lớn được chạm thẳng xuống khối đá đáy giếng. Chỉ khi khô cạn nước, mới có thể đứng bên trên soi đèn nhìn xuống được, còn không thì đầu rồng chìm dưới nước.

Như vậy, thời Lý khi xây chùa, người ta đã tạo ra Long mạch của chùa, là một con rồng rất lớn có đầu ở đáy giếng dưới chân núi, thân mình uốn lên núi, để lộ hai chân ở ao sau chùa. Pho tượng Phật như vậy nằm trên đúng giữa lưng rồng. Rộng hơn, cả ngọn tháp cổ, ngôi chùa cổ cũng đều đặt trên lưng rồng. Rất có thể trên núi, ở nơi nào đó còn ẩn chứa đuôi rồng mà chưa phát hiện ra.

Điều đặc biệt này, có lẽ không ngôi chùa nào có được.


Đôi chân rồng dưới đáy Long Trì sau chùa Phật Tích.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11288

nestcafeviet
27-04-2009, 10:14
Lâu rồi không thấy bài mới của bác Chit! Đang chờ xem có gì mới đấy!
Nhân nói về việc phục chế! Hôm trước ra HN đi cùng anh bạn bên VTV đi làm cái phóng sự phục chế chùa chiền! Thấy rõ 1 điều là ..." Tất cả chúng ta đang cùng phá". Ngoài 1 phần do tham lam thì 1 phần quan trọng khác là kém hiểu biết mà ra thôi!

Chitto
27-04-2009, 23:22
Chùa Phật Tích còn một bộ gồm 10 con thú đá từ đời Lý cũng là di tích vô giá. Mười con thú xếp thành hàng hai bên lối lên chùa, mỗi bên 5 con, xếp từ giữa ra gồm: Nghê (hoặc sư tử), voi, trâu, tê giác, ngựa.

Một số con đã bị hư hại, một số còn khá nguyên vẹn. Nhưng những chi tiết như tai ngựa, tai trâu... là được tạc riêng, rồi lắp vào thân tượng, thì đều mất cả.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11289

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11290






Nhân nói về việc phục chế! Hôm trước ra HN đi cùng anh bạn bên VTV đi làm cái phóng sự phục chế chùa chiền! Thấy rõ 1 điều là ..." Tất cả chúng ta đang cùng phá". Ngoài 1 phần do tham lam thì 1 phần quan trọng khác là kém hiểu biết mà ra thôi!

Mỗi thời đại đều để lại dấu ấn bác ạ. Thời đại hiện tại để lại dấu ấn của sự gọi là "đểu", nên không tránh khỏi đểu trong rất nhiều việc, làm đểu, đồ đểu tràn lan, trùng tu thì cũng là trùng tu đểu thôi.

homeless man
28-04-2009, 09:21
Mỗi thời đại đều để lại dấu ấn bác ạ. Thời đại hiện tại để lại dấu ấn của sự gọi là "đểu", nên không tránh khỏi đểu trong rất nhiều việc, làm đểu, đồ đểu tràn lan, trùng tu thì cũng là trùng tu đểu thôi.


Có nặng nề quá thế không bác? Đồng ý là người đểu thì sinh ra đồ đểu. Nhưng mà chả lẽ tất cả mọi người đều đểu hết sao để sinh ra cái thời đại đểu?

Vẫn nhớ câu nói của Lenin: Nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng phá hoại. Nhưng vẫn tin rằng vẫn còn có nhiều người tâm huyết và cái topic này là một ví dụ.

Gần đây báo chí lên án vụ phá di tích được xếp hạng là Đền Rồng-thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh thì lập tức có bài khác nói rằng cái đền 700 năm kia chả còn gì về mặt giá trị vật chất, chỉ là giá tinh thần thôi. Những người ngoại đạo chả biết nghe ai.

http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/4/187603/

Sẽ có lúc hệ giá trị hiện tại được nhìn nhận lại và các giá trị truyền thống kia sẽ được trường tồn như nó vốn có.

vietanh777
28-04-2009, 11:43
Địa Tạng Bồ tát là của Phật giáo từ Ấn Độ.

Địa Tạng Vương Bồ tát tên là Mục Kiền Liên, là một trong 10 Đại đệ tử của Phật Thích Ca, nhiều khả năng là một người có thật. Ông được tôn là "thần thông đệ nhất".

Truyền thuyết thần thoại hóa kể rằng sau khi tu hành đắc đạo, ông tìm mẹ là bà Thanh Đề thì thấy mẹ đã sa địa ngục. Trái ngược với con trai tu hành theo Phật, bà này rất ác độc và tạo vô vàn ác nghiệp, nên khi chết luân hồi xuống ngục A Tỳ, là ngục sâu nhất, chịu hình phạt thảm khốc.

Dù rằng rất thần thông, nhưng Mục Kiền Liên cũng không thể cứu mẹ một cách dễ dàng. Ông phải xuống tận địa ngục thuyết pháp cho mẹ, để mẹ hồi tâm chuyển hướng ăn năn sám hối, loại bỏ dần ác nghiệp, đồng thời cầu xin chư Phật gia trì cứu mẹ. Cuối cùng bà Thanh Đề cũng được thoát địa ngục, luân hồi lên làm người.

Nhưng cũng chính vì xuống địa ngục, thấy cảnh vô vàn chúng sinh ở đó đau khổ, nên Mục Kiền Liên phát tâm ở lại Địa ngục để cứu độ cho tất cả chúng sinh đó. Phát nguyện của ông là : "Nếu còn chúng sinh phải sa địa ngục thì không lên Niết Bàn". Do đó dù đã đắc quả nhưng ông không thành Phật, mà chỉ là Bồ tát.

Bởi thế Mục Kiền Liên được mang tên Địa Tạng Vương Bồ tát, là Giáo chủ của cõi U Minh. Vì Phật còn ở trên chư Thiên, nên Địa Tạng cũng ở trên Thập điện Diêm vương.

Ngày nay ở chùa, cầu khấn cho người đã khuất thì tìm đến với Địa Tạng.

đâu ,à tôi tớ tưởng địa tạng bồ tát là riêng chứ sao lại liên quan đến Mục liên ở đây. địa tạng bồ tát nói rất rõ trong quyển kinh địa tạng bồ tát bản nguyện í ngài đáng nhẽ thành phật lâu rồi nhưng vì nguyện lực từ bi nên mỡi vẫn làm bô tát còn mục liên chỉ là đại đệ tử cúa đức thích ca thôi cậu ah. Phải chăng cậu nhầm giữa 2 ông vì miền bắc thường đúc tượng 2 vị này đàu trọc cầm gậy tích mà

Chitto
29-04-2009, 17:52
đâu ,à tôi tớ tưởng địa tạng bồ tát là riêng chứ sao lại liên quan đến Mục liên ở đây. địa tạng bồ tát nói rất rõ trong quyển kinh địa tạng bồ tát bản nguyện í ngài đáng nhẽ thành phật lâu rồi nhưng vì nguyện lực từ bi nên mỡi vẫn làm bô tát còn mục liên chỉ là đại đệ tử cúa đức thích ca thôi cậu ah. Phải chăng cậu nhầm giữa 2 ông vì miền bắc thường đúc tượng 2 vị này đàu trọc cầm gậy tích mà

Ôi, đúng là tôi nhầm thật. Lẫn lộn Mục Kiền Liên với Địa Tạng bồ tát.

Vì hai vị có sự tích giống nhau nên bị nhầm lẫn, cùng là phát nguyện cứu mẹ bị sa địa ngục. Nhầm thật, xin lỗi.

Mục (Kiền) Liên cứu mẹ là nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu rằm tháng Bảy.

Địa Tạng bồ tát giáo chủ cõi U minh không phải Mục Liên.

Chitto
29-04-2009, 18:01
Có nặng nề quá thế không bác? Đồng ý là người đểu thì sinh ra đồ đểu. Nhưng mà chả lẽ tất cả mọi người đều đểu hết sao để sinh ra cái thời đại đểu?

Vâng, câu này có lẽ tôi cũng hơi quá. Không phải tất cả đều là đểu, nhưng cái đểu lên ngôi và trở thành dòng chảy chính, chủ đạo của cách ứng xử xã hội ở tầm cao. Tôi nhớ đến chuyện người ta nói về đặc trưng của các thời đại, cũng chỉ là câu chuyện vui
- Thời Lý là thời đại từ bi
- Thời Trần là thời đại anh hùng
- Thời Lê sơ là thời đại thịnh
- Thời Lê trung hưng là thời đại loạn
- Thời Nguyễn là thời đại thảm
- Thời nay là thời đại...

Những chuyện lăng nhăng thì dài dòng, cũng không dám viết nhăng trong topic này....

Chitto
29-04-2009, 18:23
Trong những chuyến đi lang thang đồng bằng sông Hồng, tôi để tâm tìm một số di tích cổ. Tượng đời Lý còn ở ngôi chùa Ngô Xá tỉnh Nam Định, tôi chưa đến được. Nhưng tôi tìm được mấy tượng Ông Sấm, cũng là một di tích kỳ lạ.

Như trên có nói, bệ tượng đời Lý sử dụng con sư tử làm bệ đội tòa sen. Có những bệ tượng sư tử rất lớn, nhưng các pho tượng trên đó không còn.

Trong lần đi ở Hưng Yên, nghe người ta nói đến "chùa ông Sấm", lần đầu tiên tôi nghe tên đó, hỏi ra thì biết ngôi chùa đó có pho tượng đá sư tử cổ từ đời Lý, lớn nhất trong số các di tích còn lại. Thế là tìm đến chùa Ông Sấm xem sao.

Tên của chùa là chùa Hương Lãng, xưa kia rất rộng lớn. Ngày nay đất chùa cũng còn đến gần hecta.

Toà hậu điện để ông Sấm, dài gần 2m, cao hơn 1m, được tạc nguyên từ một khối đá. Tòa sen bên trên bị vỡ nhiều, mới đắp thêm bằng ximăng.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11390

zanghoang
29-04-2009, 22:48
hôm rồi em lượn Hưng Yên, có tiện đường rẽ qua chùa Nhạn Tháp - Văn Giang, chùa này nằm chơ vơ ngoài bãi sông Hồng, trong chùa cũng có bệ đá to, đẹp vào loại nhất nhì miền Bắc, nghe các cụ già trong làng nói: miền Bắc có 3 bệ đá thì bệ đá chùa Nhạn Tháp là to nhất, đẹp nhất, em có mon men vào chiêm ngưỡng, nhưng lại đúng ngày rằm, các cụ lễ nên không ghi lại được cận cảnh, chỉ ghi được 1 phần


https://i238.photobucket.com/albums/ff185/hoangzang/chua%20chien/P1030551.jpg

ở Hưng Yên, em thấy có mấy chùa có các công trình kiến trúc đá cổ cũng nổi tiếng, như chùa Hương Lãng bác Chít to nói ở trên ( ngoài bệ đá ra, chùa này còn có hơn chục cái tay vịn đá cũng hay phết ), chùa Nhạn Tháp... (mấy cái chùa nữa, dưng em toàn quên tên )...

xét về tổng thể, em đoán chùa Nhạn Tháp này không thể có từ đời Lý, nhưng cái bệ đá thì ít nhiều em thấy có dáng dấp đời Lý.

- thứ nhất: cánh hoa sen trang trí có nhiều nét giống cánh sen đời Lý

- thứ hai: cũng có sử dụng hình ảnh sư tử đội bệ đá, tuy nhiên là em đoán thế chứ ở 4 góc của bệ đá quả có 4 cái đầu nhô ra nhưng trông chả giống ai, nửa quỷ nửa người, trông dị nhân lắm :)...

chắc em nhầm, chùa này cũng mới xây thôi...

Chitto
29-04-2009, 23:08
xét về tổng thể, em đoán chùa Nhạn Tháp này không thể có từ đời Lý, nhưng cái bệ đá thì ít nhiều em thấy có dáng dấp đời Lý.

Bệ đá chùa Nhạn Tháp là từ đời Trần.

Đời Trần để lại nhiều bệ đá lớn ở nhiều nơi: Chùa Nhạn Tháp, chùa Khúc Lộng, chùa Dương Liễu, chùa Thầy, chùa Viên Nội, chùa Thông, chùa Bối Khê...

Bốn con vật ở bốn góc các bệ đá đời Trần mà Zanghoang nhìn thấy là hình chim thần Garuda, vốn có nguồn gốc Chiêm Thành, do các vua Lý, vua Trần có nhiều nô lệ là tù binh Chiêm Thành, trở thành các thợ thủ công chuyên làm các công trình cho triều đình, nên để lại dấu ấn đó.

Các di tích đời Lý chỉ còn di tích bằng đá, đời Trần còn một số di tích gỗ và gạch như chạm khắc chùa Thái Lạc, cổng chùa Phổ Minh, tháp Phổ Minh, tháp Bình Sơn.

Chitto
29-04-2009, 23:13
Tượng ông Sấm (tiếp)...

Ông Sấm trong chùa Lạng (tên nôm của của Hương Lãng) chỉ được tạc phần đầu và phần đuổi thôi, khúc giữa còn nguyên là một khối đá xù xì.

Đầu con sư tử được chạm khắc rất đẹp, mắt lồi ra, có các trang trí hình mây, hình lửa cuộn tròn, giữa trán nổi hình hoa cúc, miệng ngậm một viên ngọc. Trên trán còn có một hình phù chạm chữ Vương, ngụ ý Sư tử là vua các loài thú, mà cũng phải quỳ để làm bệ.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11383


Đuôi của ông Sấm có đeo dây nhạc, thể hiện là sư tử đã bị thuần hóa


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11384

Chitto
29-04-2009, 23:17
Một vấn đề là vào thời xưa, bệ đá này để kê cái gì? Nếu cái đài sen nguyên bản to đúng như phần người ta mới làm lại bằng xi măng, thì pho tượng Phật bằng đá trên đó hẳn phải to lắm. Nhưng tôi không tìm được chính xác tài liệu nào nói, chỉ có giả thuyết rằng pho tượng rất lớn đã bị phá hỏng hoàn toàn.

Hiện tại, trên tòa sen sư trụ trì đặt tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn theo mẫu của chùa Bút Tháp. Đài sen vừa là bệ tượng vừa là bàn thờ.

Kích thước bệ đá so với bà vãi trông chùa.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11385

Chitto
30-04-2009, 22:01
Ngoài tượng Ông Sấm, chùa Hương Lãng còn có hơn chục thành bậc thang tạc bằng đá đời Lý (bạn Zanghoang có nói đó). Tất cả đều cùng một kiểu, là một tấm tam giác có chạm hình chim phượng, bên trên có một con sóc đá nằm quay đầu xuống, với cái đuôi rất dài. Có người gọi là con sấu.

Có điều là tất cả các con sóc đá này đều bị mất hết đầu !!!



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11386

Con chim phượng ở thành bậc cũng rất đặc biệt, với một cái đuôi dài to y như của con sóc bên trên, cánh nhỏ mà ngắn, chân dẫm lên đóa hoa sen.

Con phượng cũng như con sóc, đều có các bờm uốn cong quanh đầu và thân, giống như con rồng đời Lý. Đây là đặc trưng của sự hòa nhập điêu khắc Champa vào Đại Việt thời Lý.

Bậc thành đá này còn một tấm nữa ở chùa Bà Tấm ngay ngoại thành Hà Nội, nhưng con sóc cũng bị mất đầu.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11387

Chitto
02-05-2009, 03:12
Ngoài Ông Sấm ở chùa Lạng, còn hai ông sấm nữa ở chùa Bà Tấm, tức là gần đền thờ Ỷ Lan ở Gia Lâm.

Hai tượng sư tử đá này giống nhau, cũng giống tượng chùa Lạng, nay trở thành bệ thờ cho các tượng Phật. Người ta xây xi măng bịt xung quanh tượng, chỉ để hở hai cái đầu, nên cũng không rõ đuôi thế nào. Để chụp ảnh này tớ phải chui xuống gầm bàn thờ.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11388

Chitto
02-05-2009, 19:59
Hôm nay là 8/4 Âm lịch. Theo truyền thống trước kia thì Phật Đản là ngày 8/4, tuy nhiên gần đây đã đổi lại là ngày Rằm tháng Tư, tức là ngày Tam Hợp Vesak: Đản sinh - Thành đạo - Niết Bàn.

Thế nên trong 1 tuần, tính từ hôm nay đến Rằm, được coi là Tuần Phật đản.

homeless man
02-05-2009, 22:47
Hôm nay tớ đưa vợ con theo bà nội đến chùa làng dự khóa lễ vào hè. Lâu không về, hôm nay đến thấy mọi thứ lanh tanh bành cả. Trùng tu di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng đơn giản chỉ là phá cũ xây mới. Cũng chẳng thấy ai có chuyên môn đứng ra chỉ huy thợ. Các cụ đi lễ rất đông nhưng phần lớn cứ thấy xây lại to hơn là mừng. Nghe nói nhà nước cho 3 tỷ. Chả biết biết nên vui hay buồn.

Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia


https://upnhanh.sieuthinhanh.com/userimages/images/sieuthiNHANH2009050212118zmqyowe0ng636289.jpeg

Bia đá gỡ ra để dưới đất, chờ tam quan mới xây song sẽ gắn vào


https://upnhanh.sieuthinhanh.com/userimages/images/sieuthiNHANH2009050212118odk5ztiwzm1187298.jpeg

Tam quan bây giờ.


https://upnhanh.sieuthinhanh.com/userimages/images/sieuthiNHANH2009050212118otg5zwm2zj1513174.jpeg

Anh này đang lấy nước và bàn trải đánh lên các chữ đã mờ. Hy vọng khi song không bị bôi thành xanh đỏ.


https://upnhanh.sieuthinhanh.com/userimages/images/sieuthiNHANH2009050212118zjg1njy4nt1168391.jpeg

Không biết xây cái gì đây mà toàn sắt là sắt


https://upnhanh.sieuthinhanh.com/userimages/images/sieuthiNHANH2009050212118nthlyjy0nz1379556.jpeg

Toàn cảnh chùa


https://upnhanh.sieuthinhanh.com/userimages/images/sieuthiNHANH2009050212118owe1yjvhnd1706115.jpeg

vietanh777
10-05-2009, 10:06
Cái Tam quan chùa to nhất Hà Nội


https://www.phuot.vn/imagehosting/24347ac8737724b1.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=6769)

cái này là chùa nào thế bác
hình như nó nằm trên đường giang văn minh đúng ko bác

Chitto
10-05-2009, 20:45
Năm nay tưởng là hữu duyên, ai dè vô duyên với Yên Tử.

Tôi đi Yên Tử lần đầu từ 15 năm trước, khi đó còn hoang sơ lắm. Đi 3 lần liền chỉ trong có chưa đầy 2 năm. Nhưng rồi từ đó đến giờ chưa bao giờ đặt chân lại nơi đó.

Rằm tháng tư vừa rồi, là mùa Phật đản, có việc làm buổi sáng ở Hạ Long, đã sắp xếp và đinh ninh lên kế hoạch đi Yên Tử, nếu tiện thì sẽ ngủ một đêm để sáng lên chùa Đồng đón bình minh. Đi chỉ vì để đi, không phải để lễ bái hay cúng kiếng gì hết.

Thế nhưng trong suốt 3 ngày, mưa tầm tã. Trời mù mịt mây. Điều đó cũng đồng nghĩa là trèo lên thì chỉ để ngồi ru rú trong trời mây mù và mưa mà thôi. Thế là thôi, quay về Hà Nội. Hẹn Yên Tử một lúc khác vậy.

@viet777: đó là cổng chùa Bát Tháp trên đường Đội Cấn, không phải chùa Kim Sơn ở Giang Văn Minh.
Hẹn bạn lúc khác viết về điều bạn hỏi. Tôi đang theo mạch nên sẽ viết cho xong, nhé.

Chitto
10-05-2009, 22:55
Mặc dù đã viết trong topic Kinh Bắc rồi, nhưng khi nói đến di vật chùa đời Lý, không thể không nói đến cột đá chùa Dạm.

Những ngôi chùa lớn đời Lý đều là chùa hoàng gia, nghĩa là xây theo lệnh của vua, và là nơi vua làm lễ. Vạn Phúc, Sùng Thiện Diên Linh, Cảnh Long Đồng Khánh, Đại Thắng Tư Nghiêm... những cái tên huy hoàng, mà về sau dân gian gọi là Phật Tích, chùa Đọi, chùa Dạm, chùa Báo Thiên... đều là nơi có những di vật quý còn sót lại.

Chùa Dạm xưa được vua Lý Nhân Tông xây trong 8 năm, dành tặng mẹ là bà Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, tức bà Ỷ Lan. Người đàn bà tài năng và quyền lực bậc nhất của nước Việt, về cuối đời sám hối tội lỗi đã giết vợ cả của chồng và 72 cung nữ - tức Thượng Dương hoàng hậu, đã về đây và Phật Tích theo Phật pháp.

Tất cả đến nay hoang phế hết, chỉ còn những nền móng đá, và một cây cột đá đứng giữa trời. Cột đá để trên một đài hình sóng nước vòng tròn. Đối xứng qua bên kia trục chính có một đài sóng nước hình vuông nữa, không biết xưa kia có gì. Có thể là một cặp biểu tượng Linga - Ioni vì thời Lý chịu ảnh hưởng Chămpa, cũng có thể là một công trình đặc biệt. Trên thân cột còn một số vết khắc sâu vào đá, không rõ để làm gì.

Cột nửa dưới vuông, trên tròn, và quanh thân có một đôi rồng đá, đôi rồng đời Lý đẹp nhất...


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11869

Chitto
10-05-2009, 22:57
Oai hùng con rồng đời Lý



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11871

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=11870


Về con rồng này, và phiên bản tệ hại trong bảo tàng Mỹ thuật, tôi đã viết trong topic Kinh Bắc, một miền cổ tích (https://www.phuot.vn/showthread.php?t=881), nên không viết lại nữa.

MANHHUNG
18-05-2009, 22:10
@ Bác Chitto, Em lang thang cùng ông Google ở trên mạng, tình cờ gặp được bài viết rất hay này của bác. Lập nick, xin làm thành viên mới, mong sau này được quấy quả các bác luôn. Biết đâu sau này lại có duyên theo chân các bác đến tận hang cùng, ngõ hẻm của các địa danh trên mọi miền đất nước thì thôi rồi. Mong được các bác cho lối vòng tay lớn.

Tiện đây bác cho em hỏi chút, hôm vừa rồi em có ghé qua Chùa Bối Khê để "bẻ một cành sen" thấy có gác chuông hoành tráng lắm, đặc biệt gác chuông này lại có tới những 2 quả chuông, điều mà em chưa thấy ở các chùa khác. Bác có thể cho em chút thông tin về vấn đề này không ? Em cảm ơn bác trước nhé.

Chitto
19-05-2009, 00:15
@ Một ngôi chùa có thể có nhiều chuông, khi có người công đức có thể đúc chuông để dâng chùa. Còn việc chùa treo quả chuông đó ở đâu thì tùy chùa, chưa bao giờ có quy định nào về việc một gác chuông chỉ được treo 1 quả cả. Gác chuông chùa Keo treo 2 chuông, 1 khánh; gác chuông Cổ Lễ cũng treo 2 chuông,... chẳng qua là bạn chưa gặp thôi.

------------------------------

Vừa rồi có sự kiện pho tượng Phật bằng ngọc bích Canada được trưng bày ở Việt Nam, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, Vũng Tàu, cả triệu lượt người đã đến để tham quan và lễ bái pho tượng. Rồi pho tượng ra Bắc Ninh từ chiều ngày 16/5 vừa rồi, sẽ ở đây đến 22/5. Tiếc là trong suốt mấy ngày vừa rồi, và dự báo mấy ngày nữa, trời sẽ còn mưa to, mưa tầm tã u ám, cho nên số người đến sẽ giảm đi rất nhiều.

Tớ cũng bon chen đến đó sáng nay, may lúc trời không mưa. Từ rất xa xe cộ đã bị chặn lại. Các đoàn ôtô nghìn nghịt từ khắp miền Bắc, đều bị chặn lại từ cách 5km, làm giàu cho xe ôm. Với xe máy và chịu khó lần mò đi vào làng, tớ đi vào đến tận sát chùa, chỉ cách chỗ để tượng vài chục mét thì gửi xe.

Và theo dòng người, tớ cũng vào tham quan.

Chitto
19-05-2009, 00:22
Từ bên kia hồ nước, tượng Phật ngọc để trong tòa nhà dựng bằng khung sắt hình ngôi chùa miền Bắc. Hàng đoàn người kéo đến tham quan, chủ yếu là các đoàn đi lễ. Tôi nghĩ thầm may là trời mưa, cho nên đám thanh niên hiếu kỳ (và cả vô công rồi nghề) mới không phóng xe máy từ Hà Nội đến, và các cụ già không đến nỗi bị chúng chen lấn bẹp ruột...

Trên đỉnh núi Lạn Kha phía sau là bệ một pho tượng Phật rất lớn (theo nguyên mẫu tượng Phật Tích) bằng đá khối sẽ được dựng lên, từ đây cũng nhìn rõ.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12127

Một lá cờ Phật giáo rất lớn bay lồng lộng trong gió, trời sầm sì muốn mưa mà


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12108

Chitto
19-05-2009, 00:23
Bầu trời phía trên nơi để tượng


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12110

Chitto
19-05-2009, 10:47
Từ xa đã thấy pho tượng. Tuy nhiên, xung quanh tượng không phải các vị sư, các bà vãi, mà là lực lượng bảo vệ. Và không chỉ là các "anh" bảo vệ đội mũ kiểu cảnh sát, mà còn một lô các "đại ca" mặc đồ Cảnh sát cơ động, tay cầm dùi cui dài nửa mét, đeo còng số tám sáng choang cũng đày ra đó. Trông chán ngán vô cùng,

Tất nhiên họ có nhiệm vụ bảo vệ pho tượng quý, đồng thời yêu cầu đoàn người di chuyển nhanh theo một lộ trình một chiều để tránh ùn tắc cũng là hợp lý. Nhưng nhìn cách ăn mặc đầy chất hình sự, và tư thế đứng nhìn Phật tử đầy lạnh lùng mà thấy cũng lạnh người theo.

Bên trên thì Phật vẫn cười, môi đỏ chót !


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12111

MANHHUNG
19-05-2009, 12:19
- Cảm ơn bác Chitto đã cho em chút thông tin về chuông chùa nhé.

- Chiều hôm qua em cũng bon chen đến nơi này nhưng ảnh không đẹp bằng của bác, bác có tấm nào crop ảnh phật chặt hơn nữa không ? em chưa thấy "chất xanh" của Phật Ngọc.

Chitto
19-05-2009, 17:51
Tôi đã thấy rất rõ chất xanh lục thẫm của tượng khi đi qua phía đằng sau lưng tượng ngó vào. Chỗ đó cũng được bảo vệ nhưng lại rất gần. Khi đó tôi đã nhìn khá rõ chất ngọc xanh, thế nhưng lại không chụp ảnh vì khuất góc, nghĩ rằng ra phía trước sẽ rõ hơn.

Tiếc rằng ra phía trước thì phải đứng quá xa, hơn nữa ánh sáng lại quá yếu, bên ngoài thì trời mù mịt không có bóng mặt trời, trong tòa nhà thì chỉ có mấy cây nến cháy leo lét, nên màu xanh ngọc kia chỉ còn là một màu thẫm gần đen, chụp kiểu gì cũng không lên được, mà máy ảnh mình ko phải máy chuyên nghiệp để có thể lấy chuẩn. Tôi nghĩ với trời không nắng, lại để sâu trong cái nhà tạm đó, thì khó mà thấy được màu xanh của chất ngọc ở vị trí quá xa như vậy.

Do đó ảnh của tôi cũng chỉ được thế này (ảnh crop hết hoa, chỉ có tượng thì màu sắc cũng không khá hơn).


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12112

Chitto
19-05-2009, 18:07
Pho tượng được làm từ một khối ngọc bích nguyên khối, với đúng kiểu tượng đặt ở trong tháp Đại Giác ngộ ở Ấn Độ, nơi Phật thành đạo. Phong cách tượng Nguyên Thủy, với đôi mắt mở và mí mắt kéo trũng ở giữa, và nụ cười khá "tươi", chứ không phải mắt lim dim và nụ cười chỉ phảng phất như các tượng Phật Việt Nam. Khuôn mặt được dát vàng, giữa trán có viên ngọc màu tím, hai mắt có cả màu xanh đỏ, môi tô đỏ chót, cũng khác với kiểu tượng Phật quen thuộc của Việt Nam.

Tượng Phật ngồi kiết già, tay phải bắt ấn xúc địa, trỏ tay xuống đất (khi chưa thành đạo thì là để lấy đất làm chứng, thề không đứng dậy nếu không Thành đạo; khi đã Thành đạo thì là hàng phục ma quỷ). Tay trái ngửa trong lòng là thế Phật bát ấn, trong tay để một bình bát, vừa là đồ dùng thực của Phật, vừa là thể hiện sự chứa đựng giáo lý.

Đặc biệt là bộ ngực của tượng kiểu Ấn Độ, ngực nổi lên rất to, mang dáng dấp của nữ giới, theo truyền thống tạc tượng Phật mang tính phi giới tính.

Tượng Phật theo trường phái Nguyên thủy không làm to và rõ tòa sen như phong cách Đông Á.

Ảnh sưu tầm trên mạng, khi tượng để ở chùa Hoằng Pháp.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12134

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12136

Theo các bài báo ca ngợi thì khối ngọc đẹp không một tì vết. Tuy vậy, qua ảnh dưới (và một số ảnh khác) thì có thể thấy viên đá có một vết lỗi khá lớn nằm ở vị trí vai phải của tượng, nơi đá không đồng chất


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12135

MANHHUNG
19-05-2009, 19:54
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12112
Tấm này của bác hay quá, em cũng đứng góc này nhưng bị đuổi quầy quậy. Tiếc :(

Những thông tin xung quanh về tượng Phật Ngọc của bác bổ ích quá. Cảm ơn bác thật nhiều :)

Chitto
20-05-2009, 16:53
Rời tượng ngọc để dưới chân núi, lên trên mấy chục bậc đá là đến nền chùa cổ, với pho tượng Phật A Di Đà đời Lý đã gần nghìn năm, quốc bảo của Việt Nam.

Gần đây, khi trùng tu chùa Phật Tích, đào dưới nền lên thì phát lộ ra chân móng của một ngôi tháp gạch lớn, mỗi cạnh đến gần chục mét. Dự đoán thuở xưa tháp phải cao hơn 40m (khoảng cao hơn Cột cờ Hà Nội kể cả cờ). Lúc đầu định cứ xây chùa mới lên trên, nhưng bị phản đối dữ quá nên giờ đang để nguyên trạng khu khai quật, chưa biết cuối cùng quyết định thế nào.

Các gạch để làm móng ngôi tháp là gạch vuông và mỏng, xây rất khít, trên gạch đều có chữ "Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo", tức là được tạo vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4, đời hoàng đế thứ ba triều Lý (Lý Thánh Tông, 1058).



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12114

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12115

Dân tình mê tín thì vứt rất nhiều tiền lẻ xuống chỗ khai quật, thật là chán.

MANHHUNG
21-05-2009, 08:48
...Gần đây, khi trùng tu chùa Phật Tích, đào dưới nền lên thì phát lộ ra chân móng của một ngôi tháp gạch lớn, mỗi cạnh đến gần chục mét ...
Kho kiến thức của bác Chitto thật đáng khâm phục. Thảo nào có bác thành viên trên diễn đàn luôn để hiện dưới nick của mình dòng chữ : “Để hỏi ông Chitto đã.!” :)

Hôm đó, bác có chụp lại đôi hàng thú linh, vườn tháp mộ, và lên “khảo sát” công trình tượng phật đang xây mới không ?

Em, hôm đó trời mưa, ô không có, cứ thò máy ra là ướt, lau không kịp, nên chỉ đi dạo để nhìn và “đối chiếu” với những bài viết và hình ảnh của bác đã đăng trước đây và ... xem bác đứng ở góc nào mà chụp đẹp thế. Chắc phải chọn ngày đẹp trời quay lại nơi đây. (Nhân tiện, nếu có thể bác cập nhật thêm chút thông tin “bên lề” cho anh em với)

(Nếu có thể, bác cho em YM của bác với, YM của em: hungsauhn)

Chitto
21-05-2009, 21:39
Thì lúc tôi đến, trời cũng thế này, chứ khá khẩm gì


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12113

Mười con thú đá nằm ở hai bên bậc lên chùa thì tôi xem và chụp chán rồi, trong các bài trước của tôi cũng đã đề cập đến. Khu tháp mộ các vị sư chùa Phật Tích thì cũng nhiều nơi nhắc đến, tôi cũng chụp nhiều ảnh, từ lâu lắm chứ không phải chỉ bây giờ. Đợt rồi đi không chụp, vì người ta lợi dụng khu tháp để bán hàng quán, chăng bạt làm hỏng hết cảnh quan. Chỗ không có hàng quán thì trời mưa tối quá. Trong các tháp thì một số tháp mới tu sửa lại, không được như tháp cổ.

Chitto
21-05-2009, 21:45
Trên đỉnh núi Lạn Kha đang xây Đại Phật Thành, là bản phóng to của pho tượng đá đời Lý, sẽ cao 27m. Bản phóng to này cũng được làm bằng đá, do đó bon chen danh hiệu "Pho tượng Phật bằng đá to nhất Việt Nam", để sánh với các pho tượng Phật rất to ở Nha Trang, Bà Nà, Đà Lạt,... nhưng là bằng xi măng cốt thép, còn đây bằng đá.

Tượng bằng đá, nhưng phần bệ vẫn phải là xi măng cốt thép. Phần bệ tượng cũng làm giống bệ tượng nguyên bản, ốp đá ra bên ngoài. Đường từ chùa Phật Tích lên còn khó đi, chứ đường bên kia núi đi xuống khu chùa Tấm thì làm to rộng hơn, cũng là đường vận chuyển vật liệu lên xây.

Tượng đang xây dựng đến phần đài sen


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12116

Chitto
21-05-2009, 21:47
Trong gầm bệ tượng còn ngổn ngang


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12123

Có một phiên bản của pho tượng gốc làm bằng thạch cao, trên đó có các đường kẻ ngang dọc và chi chít con số để người thợ tính toán các khối đá lắp ghép lên tượng. Thế nhưng tượng này cũng đầy tiền lẻ !


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12124

Khuôn mặt cũng được chia vẽ...
(Cá nhân tôi thấy khuôn mặt này đẹp hơn nhiều khuôn mặt tượng Phật ngọc)


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12125

MANHHUNG
21-05-2009, 22:34
Thật cảm ơn bác Chitto đã có sự quan tâm đến thành viên mới như em.

Em có check tìm chương trình ngày 22 (ngày chia tay Phật Ngọc) của chùa Phật Tích nhưng không mấy chi tiết.

Các thông tin kèm ảnh minh họa của bác đã làm em tăng thêm quyết tâm rằng ngày mai em sẽ quay lại nơi đây.

Mong là ngày mai thời tiết sẽ sáng sủa hơn tấm ảnh mây vần vũ trên của bác :)

MANHHUNG
23-05-2009, 11:36
Đỉnh núi Lạn Kha - Chùa Phật Tích

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0066ab.jpg

MANHHUNG
23-05-2009, 18:01
(Đã điều chỉnh theo góp ý của bạn Zanghoang. Sẽ tổng hợp thêm thông tin để xây dựng topic vào thời gian tới)

Chitto
23-05-2009, 18:27
Đỉnh núi Lạn Kha - Chùa Phật Tích

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0066ab.jpg

Lại nói về bức ảnh này của bạn MH: đỉnh núi Lạn Kha bằng phẳng kéo khá dài, từ đây sẽ hình thành nên một tổ hợp mà tâm điểm là Đại Phật thành.

Tít xa phía các bụi cây là khu đá Mào Phượng, hay còn gọi là Bàn cờ tiên, với truyền thuyết tiên xuống đây vui chơi. Trong các truyền thuyết về Tiên, có lẽ nổi tiếng nhất là truyện Từ Thức.

Tri huyện Từ Thức trong hội chùa ở Tiên Du, gặp một người con gái đẹp lỡ tay làm gẫy cành hoa mẫu đơn trong vườn mẫu đơn trên đỉnh núi, bị nhà chùa bắt đền mà không có tiền trả (của nhà chùa mất một đền mười, của nhà Phật mất một đền trăm). Từ Thức đã cởi áo đền cho người con gái ấy. Về sau cưỡi thuyền ra cửa Thần Phù tìm được động tiên, gặp nàng Giáng Hương chính là người con gái khi xưa, kết duyên vợ chồng. Sau một năm Từ Thức đòi về thăm quê, thì ở trần gian đã hơn trăm năm.

Người vùng Phật Tích cho rằng nơi mà Từ Thức gặp Giáng Hương chính là đỉnh núi này. Ngoài ra núi Lạn Kha có nghĩa là Rìu mục, cũng vì chuyện người tiều phu xem hai vị tiên đánh cờ, lúc tàn cuộc nhìn lại thì cán rìu đã mục từ khi nào, trăm năm đã trôi qua. Do đó nơi này được cho là cõi tiên.


Từ phía đó đến chân tượng Phật còn có khu nghĩa địa của người dân đem lên núi chôn. Do đó nơi đây có kế hoạch xây dừng thành tổ hợp Tiên - Người - Phật, con đường nối cõi Tiên (đã thoát tục nhưng chưa thoát luân hồi) qua cõi Người để đến cõi Phật. Và sẽ tạo dựng khu vườn hoa mẫu đơn để nhớ chuyện Từ Thức năm xưa.

(Không biết hoa mẫu đơn thực không, hay lại hoa đơn? Vì mẫu đơn không thấy mấy)

MANHHUNG
23-05-2009, 19:43
(Đã điều chỉnh theo góp ý của bạn Zanghoang. Sẽ tổng hợp thêm thông tin để xây dựng topic vào thời gian tới)

zanghoang
23-05-2009, 23:26
em có đề nghị nhỏ là các bác để bác chítto tiếp tục câu chuyện về các ngôi chùa di sản của đời Lý cho liền mạch ợ, bác nào có gì góp vui thì góp đúng chủ đề cho nó đỡ loãng ợ

em vô phép, các bác đại xá ợ

MANHHUNG
24-05-2009, 08:19
Hic hic, các ngôi chùa di sản của đời Lý, bác Chitto như chưa có hồi kết.

Sorry các bác. Mới vào diễn đàn thấy topic này hấp dẫn quá nên chưa để ý nhiều, em sẽ rút kinh nghiệm ngay.

Nhờ bác mod xóa dùm các bài viết chưa phù hợp. Mong bác Chitto tiếp tục.

Bác Chitto đổi tên topic thấy gần gũi đến lạ.

Sẽ gắng chung tay cùng bác và anh em "Thỉnh thoảng vào đây viết tí, về mấy cái Phượt tín ngưỡng, phượt văn hóa cổ."

Còi To
26-05-2009, 23:11
Đọc đi đọc lại 23 trang đầu tiên của bác thanx mỏi cả tay đồng thời em tẩu hỏa rồi. Bác viết về cái truyền thuyết thành phật gì gì mà bác bảo nguyên gốc của khơme chưa để em đọc với :D đợt em đi Bạc Liêu vừa rồi vào cái chùa mà xung quanh trên tường đều vẽ tranh em đoán đoán là tích gì đó nhưng ko hiểu chỉ thấy đẹp :D Bác viết đi để bác nào đấy chụp từng bức tranh làm minh họa cho bác :L

taydoc
27-05-2009, 12:06
Taydoc tui mới 5 tuổi, chưa dứt sữa mẹ, nhưng cũng mạn phép góp vui với mấy bác về chủ đề này.
Chùa là nơi thờ phật. Tuy văn hóa vùng miền khác nhau (nói gọn là 3 miền Bắc-Trung Nam) nhưng kiến trúc của một ngôi chùa thì không hoàn toàn khác hẳn nhau. Dù có những dị biệt trong cách xây dựng, và điều đó phụ thuộc vào vị trí địa lý, tài chánh và quan trọng nhất là tư tưởng ban đầu vv.v..
ví dụ. Mái của một ngôi chùa thì chỉ có thể "bày binh bố trận" theo 2 thế tổng quát nhất là TRÙNG DIÊM.Trùng diêm là lối mái mái chồng. Trùng diêm lại chia thành 2 kiểu sup nữa là TRÙNG DIÊM TRÙNG LƯƠNG VÀ TRÙNG DIÊM BẤT TRÙNG LƯƠNG.Trùng diêm trùng lương là loại mái tầng, phải 2 tầng chồng lên nhau. VÍ dụ là mái chùa Bái Đính, Vĩnh Nghiêm, Lương sơn (Tay Ninh) Long Sơn (Nha trang). Còn trùng diêm bất trùng lương là chỉ mái đơn. Thông thường là những chùa nhỏ.
Loại mái thứ 2, là loại mái theo kiểu LƯỠNG LONG TRANH CHÂU tức là những ngôi chùa này thường trang trí hai con rồng cùng chụm đầu vào một vật bảo hình vũ trụ ở giữa. Loại mái lưỡng long này cũng còn có suptype nữa là LƯỠNG LAONG CHẦU NGUYỆT. Tức là thay vì chỉ 2 con drangon tranh vật bảo ở center mái chùa, thì kiểu suptype này sẻ có 4 con rồng đứng ở 4 mái cùng hướng về càn khôn. Các bác vào xem cụm chùa ở Huế thì rõ.
Điều thứ 2 khi vào xem một ngôi chùa. chúng ta phải check BAO LAM. Bao Lam là lối hoa văn tranh trí đính kèm trên các cột chính trong chùa, thường là hai cột ở chính điện. Chùa nào có BAO LAM càng lâu đời, gỗ xịn, trạm khắc tinh xảo, thì đích thị chùa đó là chùa có thâm niên và có nhiều giá trị lâu đời.
Về mặt giáo lý tư tưởng
Căn bản là tư tưởng phật giáp của chúng ta chia ra 2 trường phái. ĐẠI THỪA (NAM TÔNG) và TIỂU THỪA (BẮC TÔNG).
Đại THỪA là do vua LÝ THÁI TỔ khởi xướng (TRUNG QUỐC,now 82% tăng ni phật thử tu theo ĐT ở VN)
Tiểu Thừa là tưởng du nhập từ ẤN ĐỘ, (Bà con với khất sĩ)
Vậy cơ ĐT và TT khác nhau chổ nào.
THỪA: Tiếng Hán là chiếc xe, cỗ xe.
Người tu theo tư tưởng Đại Thừa thì họ tu để PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH. Tức là tu để cứu khổ cho nhân loại.
Còn những người theo tư tưởng TIỂU THỪA thì họ tu với tiêu chí cứu mình trước. Tôi không bàn chuyện chúng sai của 2 tư tưởng này.
VỀ HÍNH THỨC.
ĐẠI THỪA tăng ni thường bận đồ màu vàng.
Chuông tụng để bên phải, mõ bên trái
Tiều thừa thì đồ NÂU, chuông mõ thì ngược bên đại thừa.
TT còn có hệ phái khất sĩ, ĐT thì không.
taydoc tui xin gop chut ý mọn, mong các bác gạo cội đừng chê cười

Chitto
27-05-2009, 14:14
Xin lỗi bạn Taydoc, bài của bạn có nhiều điều sai sót cần điều chỉnh quá, từ lỗi chính tả đến thông tin, e rằng với 1 bài viết tôi không điều chỉnh được hết.

Mặc dù topic này tôi chủ yếu nói về ngôi chùa Việt, cụ thể hơn là chùa cổ đất Việt, chứ không bàn về lý luận tôn giáo, triết học. Tuy nhiên chắc phải đính chính lại những điều - theo tôi - là chưa đúng của bạn, kẻo mọi người có thể nhầm.

@ Manhhung & Zanghoang: Topic cũng không đến nỗi cứng nhắc là cứ phải hết phần này mới đến phần khác. Bạn có thể xen lẫn những bài viết, bức ảnh bạn tâm đắc, hoặc những vấn đề bạn quan tâm thì bạn có thể viết câu hỏi vào đây, mọi người sẽ cùng thảo luận trả lời. Tôi biết được điều gì sẽ xin cố gắng hết sức trả lời bạn.

Chitto
27-05-2009, 14:27
Về mặt giáo lý tư tưởng
Căn bản là tư tưởng phật giáp của chúng ta chia ra 2 trường phái. ĐẠI THỪA (NAM TÔNG) và TIỂU THỪA (BẮC TÔNG).
...
Vậy cơ ĐT và TT khác nhau chổ nào.
THỪA: Tiếng Hán là chiếc xe, cỗ xe.
Người tu theo tư tưởng Đại Thừa thì họ tu để PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH. Tức là tu để cứu khổ cho nhân loại.
Còn những người theo tư tưởng TIỂU THỪA thì họ tu với tiêu chí cứu mình trước. Tôi không bàn chuyện chúng sai của 2 tư tưởng này.

1. Cách gọi Đại thừa - Tiểu thừa là một cách gọi sai, và nên loại bỏ. Khi tư tưởng Đại thừa (cỗ xe lớn) phát triển, phái này có xu thế gọi những phái khác với họ là Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ) với ý coi thường. Do đó cách gọi Tiểu thừa là không có trong chính thống, không phù hợp.

2. Cách gọi thông thường hiện nay là Đại thừa - Mahayana (Bắc tông, Bắc truyền) và Nguyên thủy - Theravada (Nam tông, Nam truyền).
Bạn nhầm lẫn giữa Nam và Bắc.
Cách gọi chính xác là Phật giáo Phát triển và Phật giáo Nguyên thủy.

3. Cách mà phái Đại thừa nhìn phái Nguyên thủy, cho rằng họ tu cho mình trước, và tự đề cao mình tu cho mọi người như đa số người Việt Nam hiểu hiện nay, cũng chỉ là cách nhìn sai lệch, chịu ảnh hưởng của Đại thừa Trung Hoa, là điều cũng nên xem xét lại.

Người theo phái Đại thừa đôi khi vẫn đánh giá không khách quan như vậy, điều này theo tôi là rất không nên với người tìm hiểu.

Tốt nhất là bạn nên đọc sơ lược trang web nổi tiếng này: Wikipedia: Lịch sử Phật giáo (http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)

Zorzo
27-05-2009, 14:27
Đại THỪA là do vua LÝ THÁI TỔ khởi xướng (TRUNG QUỐC,now 82% tăng ni phật thử tu theo ĐT ở VN)
Tiểu Thừa là tưởng du nhập từ ẤN ĐỘ, (Bà con với khất sĩ)


Lý thái Tổ nào khởi xướng Đại thừa nào hả bạn?

Con số 82% của bạn từ đâu thế?

Nếu Tiểu thừa xuất phát từ Ấn độ, các phái còn lại thì không, có phải không?

Chitto
27-05-2009, 14:38
Về mặt giáo lý tư tưởng
Căn bản là tư tưởng phật giáp của chúng ta chia ra 2 trường phái. ĐẠI THỪA (NAM TÔNG) và TIỂU THỪA (BẮC TÔNG).
Đại THỪA là do vua LÝ THÁI TỔ khởi xướng (TRUNG QUỐC,now 82% tăng ni phật thử tu theo ĐT ở VN)
Tiểu Thừa là tưởng du nhập từ ẤN ĐỘ, (Bà con với khất sĩ)


1. Tôi chưa bao giờ nghe / đọc thấy tài liệu nào nói Đại thừa từ Lý Thái Tổ. Không hiểu bạn lấy thông tin mới mẻ này từ đâu.

Tôi đọc thì chỉ biết rằng tư tưởng Đại thừa xuất hiện từ lần Kết tập kinh điển thứ hai của Phật giáo, khoảng 400 năm TCN, khi tăng chúng chia làm hai phái là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Đại chúng bộ chính thức thành Đại thừa sau Tổ Long Thọ với bộ Đại thừa Khởi tín luận. Đại thừa truyền sang Trung Hoa và cả Việt Nam gần như cùng lúc, thậm chí có người cho rằng vào VN còn trước TQ. Tuy nhiên sau đó phát triển rất mạnh ở TQ, và rồi truyền lại vào VN, nên ta mới gọi là Bắc Truyền.

Như thế thì Đại thừa Phật giáo có trước Lý Thái Tổ đến 1400 năm.

(Tự nhiên nhớ đến trước đây bạn nào copy từ trang web về đạo Tứ phủ nói rằng tượng Phật chùa Quỳnh Lâm có 360 viên đá lấy từ các đền thờ các thánh Việt Nam nên linh thiêng lắm..., nghĩ lại vẫn thấy buồn cười)



VỀ HÍNH THỨC.
ĐẠI THỪA tăng ni thường bận đồ màu vàng.
Chuông tụng để bên phải, mõ bên trái
Tiều thừa thì đồ NÂU, chuông mõ thì ngược bên đại thừa.
TT còn có hệ phái khất sĩ, ĐT thì không.
taydoc tui xin gop chut ý mọn, mong các bác gạo cội đừng chê cười

Không biết bạn hiện sống ở đâu, và nhìn thấy tu sĩ Nguyên thủy mặc đồ nâu khi nào? Cá nhân tôi thấy tăng sĩ Phật giáo Nguyên thủy (Thái, Cam, Lào, Miến, và miền Nam) đều mặc y màu vàng đậm, đậm sang màu cam, và nâu đỏ.

Phái Bắc Tông thì mới nhiều màu: nâu, xám, vàng. Các vị tăng Việt Nam bình thường đều có thể mặc áo màu nâu, khi hành lễ thì khoác y màu vàng, choàng cà sa vàng hoặc đỏ (tùy vai trò). Ni giới thì khi hành lễ mặc áo màu ghi, khoác cà sa vàng.

...

Ôi, tạm mấy điều thế thôi. Chuyện con rồng trên mái của bạn thì tôi đã viết rất kĩ từ lâu rồi, chuyện kiến trúc của bạn, tôi viết ra e là dài dằng dòng và lạc đề quá xa mất rồi.

Zorzo
27-05-2009, 14:46
ví dụ. Mái của một ngôi chùa thì chỉ có thể "bày binh bố trận" theo 2 thế tổng quát nhất là TRÙNG DIÊM.Trùng diêm là lối mái mái chồng. Trùng diêm lại chia thành 2 kiểu sup nữa là TRÙNG DIÊM TRÙNG LƯƠNG VÀ TRÙNG DIÊM BẤT TRÙNG LƯƠNG.Trùng diêm trùng lương là loại mái tầng, phải 2 tầng chồng lên nhau. VÍ dụ là mái chùa Bái Đính, Vĩnh Nghiêm, Lương sơn (Tay Ninh) Long Sơn (Nha trang). Còn trùng diêm bất trùng lương là chỉ mái đơn. Thông thường là những chùa nhỏ.

Cũng hơi băn khoăn với "thuật ngữ" Trùng Diêm (bất) trùng lương của bạn. Quả thực tôi nghe thấy lần đầu.

Như tôi biết, mái (không chỉ mái chùa, ở đây chỉ mái theo cách xây dựng dân gian, có thể áp dụng cho cả lăng tẩm, cung điện, đền, và nhà ở, nhà ống) có mái đơn (một tầng) phân biệt với mái kép (mái chồng diêm, hay trốn cột) là hệ mái 2 tầng. Chú ý là từ Chồng diêm (có nơi gọi là diềm) chứ tôi không rõ về Trùng Diêm. Hai mái dốc, tức là 1 tầng mái, thì không gọi là Chồng diêm.

Bạn cũng nên chú ý hệ mái này thịnh hành ở miền bắc, chùa Khơme mái có 3 cấp độ dốc khác nhau, có kết cấu khác hẳn đấy.

Chitto
27-05-2009, 15:59
Cũng hơi băn khoăn với "thuật ngữ" Trùng Diêm (bất) trùng lương của bạn. Quả thực tôi nghe thấy lần đầu.

Đúng là tôi cũng nghe lần đầu "trùng diêm bất trùng lương"

Diêm, hay Thiềm - là mái nhà. Trùng diêm, trùng thiềm, hay chồng diêm là hai tầng mái, hay mái kép.

Lương là cái xà nhà, thượng lương là xà nóc trên cùng. Đã là Chồng diêm thì tất nhiên phải có cùng xà nóc, nên nói Trùng diêm Trùng lương là thừa phần.

Có kiểu kiến trúc "trùng thiềm điệp ốc" thì lại không nhất thiết là hai tầng mái, mà là kiến trúc hai (hay nhiều) tòa nhà nằm sát nhau, các mái được nối với nhau, thành ra cái thế : mái tiếp mái, nhà nối nhà, nên mới gọi là trùng thiềm điệp ốc.

Như chùa Thiên Mụ ở Huế, chính điện là hai tòa nhà ngang nối sát với nhau, bước vào trong thì các mái nối mái. Còn chùa Tây Phương, Kim Liên ở Hà Nội thì các tòa nhà và mái cách nhau, tạo thành một khoảng không gian ở giữa, thì không phải trùng thiềm điệp ốc.

Nói về kiến trúc chùa, thì nên nói về chùa cổ, miền Bắc và Huế thôi, còn miền Nam đều là làm sau này bằng bê tông cả, không phải kiến trúc cổ.

Giờ mới đọc đoạn sau của bác này bên topic khác. Nếu đúng thế thì chịu khó tìm tòi như bác là điều đáng quý. Có điều, theo mình thì đừng vội tham hiểu sâu quá về mấy cái lằng nhằng rắc rối khó nhớ như tôn giáo, triết lý, kiến trúc cổ... làm gì vội.


... Mình còn trẻ thôi, mình mới về sống và làm việc ở VN đây. Mình không biết nhiều điều lắm về đất nước của mình. Ba mẹ thì ít khi nói đến...
Mình tự học mọi chuyện về nước Việt mình. Khó nhất là phần lịch sử. Sao mà nhiều vua quá trời đặc biết là nhà Nguyễn và Lý....
Tuy nhiên nói thiệt(thật) là còn nhiều cái các bạn viết mình đọc rồi nhưng không hiểu nhiều lắm.
Mình chính thức học tiềng việt được 5 năm nay từ ba mẹ, và các staffs của mình, Mình đang có một cô giáo trường gì đó (quên tên rồi) dạy TV và nhiều cái thứ khác.
Mình nghĩ tham gia forum này sẽ giúp mình có nhiều may mắn xài tiếng mẹ sinh tốt hơn.
có gì sai sót mong các bác chỉ giùm (tui biết chữ Giùm này đúng 100%)]
cảm ơn các bác vô cùng

MANHHUNG
27-05-2009, 17:58
@ Manhhung & Zanghoang: Topic cũng không đến nỗi cứng nhắc là cứ phải hết phần này mới đến phần khác. Bạn có thể xen lẫn những bài viết, bức ảnh bạn tâm đắc, hoặc những vấn đề bạn quan tâm thì bạn có thể viết câu hỏi vào đây, mọi người sẽ cùng thảo luận trả lời. Tôi biết được điều gì sẽ xin cố gắng hết sức trả lời bạn.
Rất cảm ơn bác, vậy là bác đã gỡ bỏ rào cản vô hình trong em khi tham gia diễn đàn và xây dựng topic. Song, em cũng thấy ý kiến của các bác min, mod và các thành viên khác ở khía cạnh nào đó cũng có lý, nên em có sự tự điều chỉnh. Em sẽ cố gắng góp phần xây dựng topic sao cho khoa học nhất.

Nghe các bác trao đổi các thông tin trên mà thấy choáng, nhưng rất thích được nghe để tự chiêm nghiệm cho các chuyến đi sau này. Đi mà chẳng hiểu gì thì thật là sự lãng phí lớn.

Chitto
27-05-2009, 22:27
Bức tượng chùa Phật Tích sẽ được tạo nên từ những khối đá như thế này, mỗi khối nặng gần 3 tấn. Tất cả là đá xanh Thanh Hóa. Đá xanh xứ Thanh luôn được đánh giá là tốt nhất. Loại hạng 1 dành để tạc tượng thờ, làm hương án, bia mộ. Tiếp theo là làm lư, đèn đá,..., cuối cùng là lát đường, làm bậc thang. Bậc lên tượng chùa Phật Tích cũng được lát bằng đá xanh xứ Thanh.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12126

Chitto
27-05-2009, 22:33
Hôm đó tôi còn gặp nhân vật này, có vẻ ông cũng là một người lập dị, cũng thích thú khi người ta chụp ảnh mình. Tôi thì không chụp trước mặt, mà chỉ chụp sau lưng ông thôi.

Bài báo về ông: Dị nhân đội tóc rồng (http://thugian.com.vn/news/133/2E271F/Di-nhan-doi-toc-rong)


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=96&pictureid=12122

cAmxUc
28-05-2009, 19:53
Biết đến phượt.forum đã lâu mà k ngờ lại có một Chitto uyên bác thế này; Không biết cư ngụ chốn nào để đăng ký một lần offline uống rượu và bày tỏ khâm phục; đã gần ngũ tuần rồi mà có những điều hôm nay đọc mới biết; Rất tiếc là mới chỉ đọc được gần 10 trang; Hoa mắt rồi, để lần sau đọc tiếp

Tháng 6 ra HN có việc nếu được xin một hẹn nhé

MANHHUNG
28-05-2009, 20:16
Biết đến phượt.forum đã lâu mà k ngờ lại có một Chitto uyên bác thế này; Không biết cư ngụ chốn nào để đăng ký một lần offline uống rượu và bày tỏ khâm phục; đã gần ngũ tuần rồi mà có những điều hôm nay đọc mới biết; Rất tiếc là mới chỉ đọc được gần 10 trang; Hoa mắt rồi, để lần sau đọc tiếp.....
Cùng chung cảm xúc với bác, em chợt nghĩ:
"VietDu có bác Chitto,
Uyên thâm sử Việt mọi người ngợi ca.
Tính thời khiêm tốn bao dung,
Âm thầm nhả kén, vui cùng anh em."

MANHHUNG
28-05-2009, 20:30
Xin góp tiếp cùng bác Chitto “câu chuyện” trên đỉnh đồi Lạn Kha - Chùa Phật Tích (đang trong giai đoạn xây dựng):

“ - Không được chụp ảnh đâu.

- Ngày mai các anh đến gặp sếp, (cứ như là nhà tôi ở dưới chân đồi) nếu sếp đồng ý thì các anh chụp. Hôm nay sếp đi Hà Nội rồi.

-Tôi nói các anh không được chụp cơ mà. Các anh nên đây đã hỏi nhà chùa chưa mà chụp ? Các anh mà còn chụp nữa, tôi gọi công an lên đấy.

-Các anh có biết, các anh chụp là ăn cắp bản quyền không ?"

Tôi tự nhủ, vậy là đã quá rõ, khỏi cần thắc mắc, mặc dù không hề có biển “NO PHOTO”. (Trích đoạn đối thoại của một anh trong nhóm đang thi công xây dựng tượng phật với tôi, khi lần đầu tôi đặt chân đến đây)

Kể lại với các bác là để, bác nào có điều kiện lên đây trong giai đoạn này, không may phải nghe những câu tương tự thì đừng để mất hứng.

Những khối đá này...

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0075.jpg

được chiếc động cơ này, kéo lên từ dưới chân đồi...

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0070.jpg

thông qua đường ray này

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0074.jpg

Sau đó được cần cầu (ảnh trên của bác chitto) đưa lên lắp ghép. Dự kiến công trình hoàn thành vào mùa Phật đản năm 2010.

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0117.jpg

Chitto
01-06-2009, 22:34
Đọc cái quảng cáo tự sướng "Đây sẽ là pho Đại Phật Tượng bằng đá lớn nhất Việt Nam, và sẽ là công trình điêu khắc chạm công phu nhất Châu Á" mà buồn cười, và cười buồn. Không hiểu cái đầu ấu trĩ so sánh công phu nhất Châu Á là công phu về cái gì? về độ ba hoa chăng?

Biến Phật thành một thứ đua chen để lấy hư danh, tranh giành cái chữ "nhất", thật là khốn khổ.

@bác Camxuc: đã PM cho bác rồi ạ.

Chitto
01-06-2009, 23:00
Thời kỳ gần đây, Phật giáo nhận được sự ưu ái rõ rệt của nhà nước. Tại miền Bắc đã quy hoạch bốn ngôi Đại Danh Lam, có thể coi như bốn Quốc tự:

1. Quần thể Phật Tích
Chùa Phật Tích là cổ nhất trong cả 4, với nhiều di vật đời Lý nhất, nằm ở phía Đông Bắc của Hà Nội, thuộc vùng Luy Lâu xưa, được cho là nơi Phật giáo truyền vào Việt Nam đầu tiên.
Tại đây có pho tượng cổ đẹp nhất, và đang dựng pho tượng Phật bằng đá lớn nhất. Tâm điểm là thờ Phật A Di Đà

2. Quần thể Yên Tử
Hình thành cuối đời Lý đầu đời Trần, nổi tiếng với vị vua mà gần đây được tôn vinh tột đỉnh Trần Nhân Tông, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử còn nhiều di tích đời Trần như Tháp tổ, gạch cổ. Chùa Đồng mới làm là chùa bằng đồng đầu tiên và hiện là lớn nhất. Sắp tới lại có pho tượng Trần Nhân Tông bằng đồng trăm tấn dựng trên núi.
Tâm điểm là thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

3. Quần thể Chùa Hương
Hình thành muộn nhất trong số 4 chùa, nhưng có lễ hội lớn và dài nhất, với cảnh quan phong phú nhưng cũng lộn xộn loạn xạ nhất.
Tâm điểm là thờ Quán Thế Âm.

4. Quần thể Bái Đính
Theo lịch sử thì chùa cổ có từ đời Lý, nhưng chùa mới thì mới dựng mấy năm nay, đạt nhiều kỷ lục Việt Nam: tượng đồng to nhất, chuông đồng lớn nhất, nhiều tượng đồng lớn, tượng đá lớn, tam quan gỗ, giếng, tòa điện to... nói chung là hoành tráng.

Trong mấy nơi này, về chính thức chỉ có chùa Hương là chưa đón nguyên thủ về thăm thì phải.

MANHHUNG
02-06-2009, 11:34
...
2. Đền (Từ)
Đền thờ Thần, Thánh. Có thể là Thiên thần, Nhiên thần, Địa thần, Nhân thần....

Đọc phần khái niệm này, em chợt nhớ: "Gần đây" em thấy một số nơi có Đền liệt sĩ, thay vì "trước đây" em thấy Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ.

Bác cho hỏi "tiêu chí" Đền ở đây có gì khác "trước" không ?

Cảm ơn bác.

Chitto
02-06-2009, 12:11
Đọc phần khái niệm này, em chợt nhớ: "Gần đây" em thấy một số nơi có Đền liệt sĩ, thay vì "trước đây" em thấy Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ.

Bác cho hỏi "tiêu chí" Đền ở đây có gì khác "trước" không ?



Theo tôi là có đấy.

Nghĩa trang thì là nơi quy tập hài cốt rồi. Đài tưởng niệm thì đúng như tên gọi, chỉ có tính chất "tưởng niệm", ghi nhớ công ơn; không có tính chất và chức năng cầu cúng, lễ bái, thờ phụng. Do đó đài tưởng niệm thường chỉ có 1 bát hương nhỏ, còn khi đến thì viếng bằng vòng hoa, thể hiện sự tưởng nhớ, biết ơn.

Còn một khi lập Đền, thì đã mang tính tâm linh, thờ cúng, lễ bái. Vào đền, bên cạnh hương hoa, còn có lễ vật khác. Khấn vái trước đền, không chỉ tưởng nhớ công ơn mà còn có thể có văn tế, nghi thức đầy đủ. Có thể áp dụng các hình thức cúng lễ của Phật giáo, tín ngưỡng bản địa... tại đền.

Điều quan trọng hơn, khi lập thành Đền, thì tức là đã coi Anh linh của Liệt sỹ đã thành Thần - Nhân thần. Điều này trước kia không được chấp nhận và bị coi là mê tín dị đoan. Một khi đã là Thần, thì ngoài việc sống hi sinh vì nước, mất đi anh linh cũng bảo hộ cho đất nước, cho làng xã.

Điều này thể hiện tư tưởng đã thoáng hơn, chấp nhận tín ngưỡng thờ cúng người có công.

Dưới thời phong kiến, người tử trận là Tướng lĩnh thì mới được lập đền thờ, còn binh lính thường coi như cỏ rác không được nói đến. Ngày nay thì khác. (Đôi lúc còn ngược lại, tướng lĩnh thì "không tiện" lập đền thờ như liệt sỹ).

MANHHUNG
06-06-2009, 22:42
@ Bác Chitto, em có tấm ảnh sau ưng quá. Em chụp cách đây 2 năm, ở Bắc Ninh, ngày mà em chưa biết chùa là gì, nên cũng không nhớ nổi tên chùa nữa (tệ quá). Nhưng cứ hỏi bác, biết đâu bác lại nhận ra, cho em cái địa danh thì em cảm lắm lắm.

LẶNG

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/LNG.jpg

Chitto
10-06-2009, 22:29
Chùa có hành lang tượng La hán như trong ảnh thì ở miền Bắc khá nhiều, rất khó mà đoán được. Các tượng La hán thường đắp bằng đất trộn, hình thức mà nhìn nghiêng như thế thì rất giống nhau, với tớ thì việc đoán là bất khả thi !!!

Nhìn ảnh thì xem ra ngôi chùa này mới trùng tu, nhưng dạo này chùa được trùng tu cũng nhiều lắm, không kể xiết.

VIT
12-06-2009, 20:06
Em chụp được cái mới xây này không biết gọi thế nào.
Các bác am tường giải thích giúp em với. Em cảm ơn.


https://i234.photobucket.com/albums/ee16/anhthu_co/DSC_4309s.jpg

zanghoang
12-06-2009, 21:16
hô hô, nếu quả ảnh này của bác VIT mà cắt cái phần mái phía trên đi thì hẳn em sẽ nghĩ thầm: bố thằng nào có quả nhà ngon thế, mấy mặt tiền liền

VIT
12-06-2009, 22:02
Lễ Chùa

https://i234.photobucket.com/albums/ee16/anhthu_co/Huong%20Tich%2009/DSC_3615s.jpg

Chitto
12-06-2009, 23:53
Em chụp được cái mới xây này không biết gọi thế nào.
Các bác am tường giải thích giúp em với. Em cảm ơn.



"Cái mới xây" bạn chụp góc hẹp quá nên không thể nhận hết được ý nghĩa của "nó". Bạn có thể cho biết rõ là chụp ở đâu, bao giờ, và bên trong như thế nào được không?

Tất nhiên nhìn thì thấy đây là một ngôi tháp, nhưng là bao nhiêu tầng, theo kiểu gì... thì nhìn ảnh không thể hiện được. Chỉ có cái mái cong bên trên cùng còn cho thấy nó liên quan đến đền chùa.

Nếu là tháp trong chùa, thì trước kia chỉ có mấy loại: Tháp Phật, Tháp Cửu phẩm và Tháp mộ (hoặc thờ vọng). Gần đây thêm kiểu tháp Thờ vong nữa.

Tháp Phật - còn tượng trưng cho cả Thế giới - đặt tượng Phật ở giữa, hoặc nếu có nhiều tầng gác thì để nhiều tượng Phật. Tiêu biểu là tháp Phổ Minh, tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, gần đây là tháp ở Ngũ Hành Sơn, tháp chùa Trấn Quốc. Tháp Cửu phẩm chín tầng tượng trưng cho Tịnh độ.

Tháp mộ sư thì cao hay thấp, nhiều tầng hay ít tùy quan niệm. Tháp đá xây cao có tháp chùa Hàm Long, hay gần đây là tháp đá chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn. Có tháp xây thờ vọng như tháp chùa Bút Tháp...

Cái tháp bạn chụp xem ra rất mới, cửa giả các phía đều to rộng. Theo tôi đoán nhiều khả năng là tháp thờ vong, một kiểu mới được một số chùa gần đây xây dựng. Tháp sẽ có tượng Phật, tượng Địa Tạng bồ tát, và là nơi để các di ảnh, bài vị, ký thác ở chùa.

MANHHUNG
13-06-2009, 01:39
Sorry các bác, ảnh của bác VIT em đã đoán sai.

Cảm ơn bác Chitto đã cập nhật cho anh em chút kiến thức về THÁP.

MANHHUNG
13-06-2009, 22:51
Vài nét về Chùa Bằng A.

Chùa Bằng A nằm trên địa bàn của Phường Phương Liệt - Quận Hoàng Mai (giáp khu đô thị mới Linh Đàm).

Trụ trì chùa là Thượng Tọa Thích Bảo Nghiêm.

Cách đây 7 năm, chùa Bằng A khởi công trùng tu và xây dựng Tháp Phật cao 13 tầng, trên mỗi tầng tháp đặt 8 pho tượng, quay ra 8 hướng. Cả thảy có 104 pho tượng phật bằng đồng lớn, nhỏ. Pho nặng nhất để ở tầng 1, nặng ước 700 kg, pho nhỏ nhất để ở tầng thứ 13, nặng 60 - 70 kg. Tất cả các pho tượng này đều được đúc tại chùa.

Bên ngoài tháp (ở tầng 1),có 4 pho tượng THIÊN VƯƠNG bằng đá.

Ven tường bao quanh của chùa có 18 pho tượng la hàn bằng đá.

Hiện nay, công việc trùng tu chùa và xây tháp vẫn chưa hoàn thành.

(Nguồn của bác Ngô Duy Đoài - 67 tuổi, bảo vệ chùa Bằng A)


THÁP PHẬT - Chùa Bằng A

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0424.jpg


Các pho tượng trên các tầng tháp

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0527.jpg

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0545.jpg


TƯỢNG THIÊN VƯƠNG

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0619.jpg

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0605.jpg

MANHHUNG
13-06-2009, 22:52
Một trong 18 tượng La Hán

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0645.jpg


Chuông chùa

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0710.jpg


Cây mít 300 năm tuổi

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0400.jpg


Bác Ngô Duy Đoài (bảo vệ chùa)

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0599.jpg


Gần 1 tháng tham gia diễn đàn VIETDU.COM, lục tung cả kho dữ liệu “PHƯỢT” lên, đọc mờ cả mắt (nhưng được cái sướng). Đọc mãi rồi, cũng nên góp tí gì chứ ? Có gì nhầm lẫn, thiếu sót, các bác viết dùm thêm với ạ.

MANHHUNG
14-06-2009, 20:54
Phơi chăn (Chùa Thầy)
http://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/DSC_0385-a-1.jpg

Phơi chiếu (Chùa or Đình: Em quên mất tên)
http://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/DSC_0301--a.jpg

Chitto
14-06-2009, 21:22
Ảnh bác chụp đẹp quá. Bức chụp ngược lên đỉnh tháp Bằng A hình như là dùng kỹ thuật HDR?

Ảnh chùa Thầy cũng rất đẹp. Bác có ảnh bên trong hậu điện đẹp không? Tôi định viết về cái Hậu điện chùa Thầy, có ảnh nhưng ảnh không đẹp.

Năm ngoái tớ trèo lên khi tháp còn chưa hoàn thành, mặt trời dần xuống, cũng rất ấn tượng.

Chùa Bằng nổi tiếng vì là một trong những ngôi chùa có vai trò quan trọng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam thập kỷ 30 - 40, cùng với chùa Sở (Phúc Khánh), Quán Sứ, Trung Hậu, chùa La (Vĩnh Nghiêm).


Trưa nay vừa vào chùa Vọng Cung và chùa Cả ở Nam Định, nhưng toàn xây mới lại hết rồi, không còn gì nhiều đáng xem.

MANHHUNG
14-06-2009, 22:25
Úi, cảm ơn bác Chitto đã để tâm và động viên em.

Hôm thứ bẩy vừa rồi, em đưa cháu nó đi thi, 3 tiếng đồng hồ chẳng biết đi đâu, nên rẽ vào Chùa Bằng A để vãn cảnh và chiêm nghiệm những điều đã cảm được qua các bài viết của bác. Ngờ đâu “có duyên” (sư thầy nói với em vậy) được sư thầy đồng ý cho lên tháp.

Ảnh chụp của em còn kém lắm, ảnh trên em chụp bình thường thôi không dùng HDR, thấy lúc đó mây đẹp nên tranh thủ bấm luôn, chụp hơi ẩu nên mất phần đế tháp (em đang học dùng CS4).

Ảnh Chùa Thầy, em đi chụp vào ngày “Hà Nội: Một tuần sau mưa lớn kỷ lục trong 24 năm qua”. Ngày đó em chưa để ý đến phần bên trong của các chùa đi qua (nghĩ lại thấy tiếc). Bây giờ em quan tâm đến lĩnh vực này là nhờ có VIETDU.com mà em được biết các bài viết của bác. Không những em, mà cả nhà em đều biết tên bác đấy (mặc dù chưa được một lần gặp mặt).

Cảm ơn bác đã cho thêm thông tin về Chùa Bằng A.

Chitto
14-06-2009, 22:48
Hôm thứ bẩy vừa rồi, em đưa cháu nó đi thi

Ối bác ơi, ối bác ơi !!! "Cháu" nhà bác là gái hay zai vậy bác ơi? Nếu là gái thì Em nó ... hị hị... hị hị...

Chết thật, bác làm em xấu hổ quá đi mất !!!

MANHHUNG
14-06-2009, 22:59
Hi hi, là gái bác ạ, vẫn còn một "Thúy Vân" nữa bác ạ.

Rồi vài năm nữa, cháu nó cũng theo gót chị "lều chõng" đi thi thôi bác. Lúc đó em lại tranh thủ Phượt đâu đấy, kiếm ít ảnh để post lên diễn đàn vui cùng anh em.

Chitto
23-06-2009, 23:52
Cách Hà Nội không xa (và nay thuộc Hà Nội), là một ngôi chùa - mà theo tôi - có giá trị về lịch sử, nghệ thuật, cảnh quan... đứng hàng đầu trong tất cả các ngôi chùa đất Việt. Ngôi chùa ấy được quen gọi là chùa Thầy, tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm dưới chân núi Sài Sơn.

Không biết bao nhiêu lứa học sinh Hà Nội đều đã từng háo hức đến chùa Thầy, từ những thuở kẽo kẹt xe đạp đèo nhau. Mười tám năm trước tôi lần đầu đạp xe đến đây, năm mươi năm trước mẹ tôi cũng vậy... Chùa Thầy như một dấu ấn khó quên trong cuộc đời học trò.

Ngày nay hiểu biết hơn, tôi càng thấm hơn giá trị của ngôi chùa cổ có một không hai này. với những chiều sâu tâm thức của nó.

Tiếc rằng người dân nơi đó không phải là người hiếu khách, và cũng có không biết bao nhiêu lượt người đã từng bị lừa đảo, ăn chặn, hành hung... nơi đây. Có một người Sài Sơn đã từng nói với tôi: Sài Sơn rất đẹp, nhưng người Sài Sơn sống không đẹp. Hi vọng điều này sẽ được thay đổi dần, còn giờ đây, mỗi khi đến đây, tôi đều phải cảnh giác.

Chitto
23-06-2009, 23:54
Hình ảnh kinh điển này của chùa Thầy không còn nữa. Hai cây gạo đều đã chết và bị đốn bỏ, thay vào đó là hai cây đa. Vậy là màu hoa gạo đỏ mỗi tháng ba âm lịch đã tắt.


(Ảnh sưu tầm)




https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=13790

https://www.phuot.vn/imagehosting/24347d7f9b1a9025.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=8408)

Chitto
24-06-2009, 00:02
Tại sao ngôi chùa này đặc biệt đến thế? Nó đặc biệt bởi vì nhiều lẽ lắm, mà có lẽ tôi sẽ kể dần dần.

Người ta viết về chùa Thầy hay kể từ ngoài vào trong, còn tôi thích nói từ trong ra ngoài...

Về kiến trúc còn lại đến nay, ngôi chùa này hình như là duy nhất còn lại trên đất Việt theo kiểu Nhất - Công, ngoại Quốc. Chùa chính có 3 tòa nằm ngang, giống kiểu chữ Tam, gồm 3 chùa Hạ, Trung, Thương. Thế nhưng hai tòa chùa Hạ và chùa Trung lại được nối với nhau bởi một tòa dọc (ống muống), tạo thành chữ Công, còn tòa Thượng lại đứng tách hẳn ra. Và chính tòa Thượng điện này mới là Tòa nhà mang dấu ấn lịch sử đặc biệt nhất mà không ngôi chùa, không công trình thứ hai nào ở Việt Nam có được.

Chùa Hạ và chùa Trung - giống các ngôi chùa truyền thống Bắc bộ, là nơi thờ Phật. Bàn thờ chính đặt ở chùa Trung, với những pho tượng khá đẹp, nhưng nhỏ nhỏ thôi. Trên cùng là tượng Tam Thế, dưới là tượng Tuyết Sơn với A Nan, Ca Diếp hầu hai bên, dưới nữa là Di Lặc với Quan Âm và Địa Tạng hầu hai bên. Dưới nữa là Chuẩn Đề ...


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=13791

MANHHUNG
28-06-2009, 11:29
Tốt đời - Đẹp đạo

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0799a.jpg

(Cháu Hồng Ngọc, được các tăng, ni, phật tử chùa Phúc Long cưu mang, nuôi dưỡng)

vietanh777
28-06-2009, 20:37
bác chit cho em hỏi sao em tưởng hầu 2 bên ngài Di Lặc là 2 ngài Pháp Hoa Lâm(Phổ Hiền) và Đại Diệu Tường(Văn Thù). Sao Chùa Thầy lại là Quán Thế Âm và Địa Tạng. Mà em thấy về kiến trúc tạo hình tượng thì so với Chùa Tây Phương thì hơi kém bác nhể.
Vào Chùa Thầy em ưng nhất Chùa Thượng. Ở đấy có tượng Thánh Tổ và Tây Phương Tam Thánh. Em nghĩ nơi đấy thiêng quá. Hôm mùng 5 tết vừa rồi em đi 1 tuor 5 chùa mà cầu j cũng đều toại hết^^

Bazo
29-06-2009, 01:30
Xin phép bác Chitto cho em ké chút cảm nhận ở Bối Khê ạ, kiến thức em góp nhặt cũng lởm khởm có gì bác sửa giùm.
------------------------------------------------------------
CHÙA BỐI KHÊ

Đã nhiều lần tự nhắc nhủ là hè này phải đi xem cây Sen đất chùa Bối Khê nó ra sao vì nghe thiên hạ hay nhắc đến mà lần trước cách đây hơn chục năm đến chùa này rồi mà không để ý. Thế mà quanh đi quanh lại vài cái hè vẫn cứ quên cho đến cái hè năm nay. Lúc nhớ ra thì sen Hồ Tây đang nở rộ, hy vọng là “come on right time” nhưng vẫn hơi trễ rồi, lúc đến nơi thì sen đã tàn chỉ còn vương lại vài bông ít ỏi.

Nói về cây Sen Bối Khê thì mình nhớ là có đọc được ở vài nơi (giờ chẳng nhớ rõ là ở đâu để ghi trích dẫn) đại khái thế này: Duy nhất ở Chùa Bối khê có cây Sen đất (Sen cạn), nó không mọc trong đầm mà mọc trên đất, có thân, có cành, có lá như loài thân mộc bình thường nhưng hoa thì như hoa sen cũng nở vào dịp hè. Phải chăng có cây Sen này mà lý giải câu ca dao “Hôm qua… Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”??? Chùa Bối Khê có hai cây già gọi là cây tổ trồng sau hậu điện (nay chỉ còn một) và gần đây chiết được hai cây non trông ở sân trước. Nghe nói nhiều người xin chiết về trồng nhưng đều không sống được???

Nghe thì nghe vậy, đến nơi thì mình thấy cây này trông có vẻ hơi giống cây na, lá mảnh, tán thấp, hẹp.

Cây sen đất trồng trước sân chùa
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe020copy.jpg

Hoa thì lúc đến chỉ còn vài bông sắp tàn trên cây tổ sau chùa.
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe003copy.jpg

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe004copy.jpg

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe005copy.jpg

Trông hoa này gọi là giống sen cũng được nhưng đầu cánh hoa không nhọn nên nói đúng thì giống hoa hải đường hơn nhưng bông to hơn, gần bằng bông sen. Mùi vị thì nó ở trên cao tít nên cũng chẳng biết nó có hương gì không.Tóm lại thì cây này cũng độc đáo nhưng chắc cũng không đến nỗi chỉ có ở mỗi đây.

Có thêm chuyện sen cũng hay nhưng với mình nó chỉ là một chi tiết tô điểm thêm cho chùa Bối Khê vốn rất nổi tiếng về giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc của người Việt vậy nên mình xin bôi thêm ít hình ảnh về chùa cho câu chuyện đỡ cụt lủn.

Bazo
29-06-2009, 01:38
Chùa nằm trên tỉnh lộ 427 (nối từ Bình Đà sang Thường Tín), địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Đi từ Hà Nội mất khỏang 45’ nên nếu muốn đến chơi thì chắc tiện là đi được chứ không cần sắp xếp.

Chùa tên chữ là Đại Bi tự (một cái tên phổ biến thời Trần) được xây dựng vào thế kỷ XIV. Cùng với chùa Thái Lạc (Hải Hưng) và chùa Dâu/Pháp Vân (Bắc Ninh), chùa Bối Khê là một trong những di tích còn lưu giữ được bộ vì kèo (thức kết cấu kiến trúc truyền thống Việt Nam - hiểu đơn giản bộ khung nhà) của thời Trần và đó chính là những kết cấu kiến trúc gỗ có niên đại sớm nhất hiện nay chúng ta còn được biết đến. Rất tiếc là bộ vì kèo này cùng với nhiều pho tượng cũng như bê tượng đẹp và quý của chùa đều nằm trong thượng điện mà ngày mình đến thì mất điện, chỉ có ánh nến và chút ánh sáng qua ô gió nên nhìn cũng không rõ lắm chứ chẳng nói chuyện chụp ảnh (không mang flash theo). Đành loanh quanh, soi mói bên ngoài.

Gác chuông nhìn qua cửa Tam quan ngoại (chụp hyperfocal nhưng lỗi nên outfocus)
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/BoiKhe12copy.jpg

Gác chuông đồng thời là Tam quan nội nằm sau một cây cầu nhỏ mềm mại vắt cái ao con nghe nói cái ao này xưa là sông Đỗ Động

Gác chuông này thật đẹp, không rõ niên đại kiến trúc nhưng với kiểu chồng diêm – hai tầng mái và những đầu đao cong vút mang đặc trưng kiến trúc VN trong khoảng TK XVII-XVIII. Hình dáng kiến trúc này gặp nhiều và nhiều sách vở hay ví như hình dáng của bông sen vươn lên nhưng chỉ ở không gian này: phía trước là ao nhỏ, cầu cong, phía sau là vườn cây um tùm mình mới cảm nhận … gần hết được vẻ đẹp này

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/BoiKhe15copy.jpg

Phía sau gác chuông là khoảng sân rộng um tùm cây lá – hứa hẹn một không gian mát mẻ và thanh bình, nặng lời lên thì bảo nơi mình sắp bước vào là thế giới Tịnh Độ

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/BoiKhe16copy.jpg

Sau gác chuông là khoảng sân rộng, lắt gạch sạch sẽ gần như được che kín bởi bóng hòang lan, đại trắng, đại đỏ...

Một góc sân chùa
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe017copy.jpg

Giữa sân có đặt một sập đá chân quỳ bốn mặt chạm khắc hình rồng rẩt đẹp.

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe015copy.jpg

Nét điêu khắc trên sập đá này mang phong cách thời Lê Trung Hưng, hình rồng khỏe khoắn, linh động, thân rồng mảnh nhỏ hơn thời Trần hay Lê Sơ cộng với lớp vảy rõ nét nên mình nghĩ nó khó có niên đại sớm hơn TK16 dù rằng đã thấy có nơi nói đây là sập đá thời Trần. Tuy nhiên nét chạm khác rất nuột nà, những vân mây, đao mác, xoáy đuôi vẫn thể hiện rõ sự liên tưởng về hình ảnh của mây mưa sấm chớp vốn luôn ăn sâu trong tiềm thức về sự no đủ của cư dân ĐNÁ.

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe016copy.jpg

Điều mình còn chưa hiểu là sập đá này cũng như ở những nơi khác có vai trò (công năng) gì trong di tích hay chỉ mang tính trang trí đơn thuần???

Thêm chút hoa lá
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe025copy.jpg

Bazo
29-06-2009, 01:44
Giới hạn cuối của sân chùa là hàng hiên nhà tiền đường
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe010copy.jpg

Hàng hiên có nét cổ kính thọat trông chắc cũng không có gì đặc biệt nhưng với mình nó có nhiều chi tiết thú vị.

Thứ nhất là bậc thềm, ở đây không có những con rồng bậc thềm đẹp mắt như Phổ Minh hay nhiều nơi khác có nhưng phần cố bậc (ít nhất là phần giữa và 1 bên tam cấp, còn bên kia chat vữa kín rồi) được xây bằng những viên gạch mộc đất nung trên mặt có khắc nhiều hình linh vật.
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe013copy.jpg

Nhưng viên gạch này rất giống với những viên gạch bệ thờ chùa Tram Gian vốn đã được xác định mang niên đại thời Mạc (cũng từ mười mấy năm trước mình đến chùa Trăm Gian thì bệ thờ này bị phá đi, gạch xếp đầy ngoài sân, hình như ai xin sư thầy cũng cho mà không xin chắc cũng lấy được). Nhắc đến Trăm Gian thì cũng nói thêm là là Trăm Gian và Bối Khê có mối quan hệ mật thiết ít nhất từ TK XV trở lại, hai chùa cùng thờ thánh Nguyễn Bình Anh vốn sinh tại làng Bối Khê, đắc đạo tai chùa Trăm Gian nên xưa kia hàng năm vào hội chùa đều làm lễ rước Thánh từ Bối Khê sang Trăm Gian. Vì mối quan hệ này nên cứ đoán là nhà tài trợ đợt trùng tu vào thời Mạc đã đặt làm loạt gạch này cho cả hai chùa một thể. Hay là gạch này chính là những viên mới dỡ từ chùa Trăm Gian rồi mang sang bên này dùng nhỉ? Mình không phải nhà nghiên cứu nên bỏ đấy đã.

Mà gạch đất nung cứ cho là thời Mạc đi có gì đặc sắc nhỉ, cứ cho là có thêm mấy cái hình ngộ ngộ? Vì mình thích mỹ thuật thời Mạc. Thời Mạc tuy ngắn ngủi và không phải là một trang hoành tráng trong lịch sử Việt Nam nhưng thời gian kỳ này mỹ thuật đã có một bước chuyển sống động. Nó là sự ra đời của những đồ án trang trí khoáng đạt và đa dạng hơn hẳn những thời kỳ trước đó đặc biệt là phong cách dân gian rất đặc sắc thể hiện trong nhiều ngôi đình nổi tiếng. Hy vọng là có một dịp khác để viết về những ngôi đình này.

Vẫn ở hàng hiên này điều thú vị thứ hai với mình là những bức cốn (vách – ván trang trí trên khung nhà) được chạm khắc tỷ mỷ, nhất là ở gian giữa.

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe031copy.jpg

Đồ án rồng với nhiều linh vật được thể hiện bằng kỹ thuật chạm lộng (chạm sâu, thủng trong gỗ tạo khối và lớp) và bong kênh tạo nên những hình ảnh sinh động. Những linh vật này vẫn mang dáng vẻ hiền hòa vui tươi chứ không thể hiện sự khắc chế đe nẹt, nó như lời cầu khấn mưa thuận gió hòa, no đủ nhiều hơn là hình ảnh mang tính tuyên truyền cho tư tưởng của tầng lớp cai trị - đây là điểm khác biệt lớn khi so sánh văn hóa Việt Nam với các nền VH khác. Cũng nói thêm rằng những bức chạm như thế này hiện còn lưu giữ được là điều rất quý (dù hiện tại vẫn còn ở nhiều nơi) vì chạm lộng, chạm bong kênh đòi hỏi tiêu tốn nhiều tiền bạc và tay nghề của người thợ bậc cao hơn nữa do kết cấu mảng chạm yếu nên việc tồn tại với thời gian sẽ là khó khăn.

Một bức chạm thú vị khác tả tích Đường Tăng đi thỉnh kinh.
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Boikhe029copy.jpg

Bức chạm này không biết có cùng thời gian với bức chạm trên không, có lẽ là muộn hơn. Kỹ thuật và đường nét có phần kém tinh tế (chỉ chạm sâu và chạm thủng) nhưng chủ đề khá vui nhộn, hình khối ước lệ mang đầy tính dân dã: Đường Tăng nổi bật nhất tung tăng tiến bước, Ngộ Không có vẻ căng thẳng trên cao quan sát, chú gánh đồ chẳng Xatăng cũng chẳng Bát Giới (không nhất thiết rập khuôn nguyên mẫu), yêu ma rình rập phía sau…

Như đã nói những chi tiết đặc sắc nhất của Bối Khê lại nằm trong tam bảo mất điện nên đành vòng ra phía sau chùa ngắm gian hậu cung.

Bazo
29-06-2009, 01:47
Hậu điện, nơi thờ Thánh Nguyễn Bình An, bên cạnh là cây sen tổ
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/BoiKhe23copy.jpg

Hậu điện đựoc xây nhô hẳn ra ngoài bố cục nội công ngọai quốc trong mặt bằng bố cục KT chùa, hình dáng vuông vắn chồng diêm hai tầng mái nhưng vẫn rất thấp – một đặc trưng của kiến trúc cổ Việt Nam. Điều ít gặp ở kiến trúc này là kết cấu đỡ mái hiên, thường trong thức kiến trúc truyền thống thì mái hiên được đỡ bằng kẻ bẩy nhưng ở đây lại là hệ thống con sơn chồng đấu cầu kỳ.

https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/BoiKhe24copy.jpg

Ở các công trình KT cổ Việt Nam mình mới nhìn thấy hình thức này ở đây và ở tháp chuông chùa Keo Thái Bình. Hình thức này rất phổ biến ở TQ nên có thể hiểu đây là sự giao lưu VH. Ngoài chi tiết này thì ngôi hậu điên vẫn giữ những nét kiến trúc cổ Việt Nam rất đặc trưng khi so sánh với kiến trúc TQ: Đó là chiều cao hậu điện thấp>< nguy nga kiểu TQ - và - đầu đao cong, dốc mái thẳng><TQ ít khi làm đầu đao cong, nếu làm cong cũng khác đầu đao VN và thường đi theo là dốc mái võng.

Thêm nữa nhưng đầu bẩy chạm rồng quanh hậu điện cũng hoàn toàn là đặc trưng của Việt Nam.
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/Daurongcopy.jpg

Hai đầu rồng trên rõ ràng một mới một cũ, một đẹp một xấu. Đầu rồng bên trái nét chạm, dứt khoát mà uyển chuyển, có động có tĩnh ra mặt mũi con rồng có oai, có sức sống. Đầu rồng bên phải chắc làm sau này, tuy vẫn chạm sâu tương đối cầu kỳ nhưng đường nét không còn sự hài hòa, cả sừng và đao mác co quắp yếu đuối chẳng còn dáng rồng (hay đây là rồng cái nhỉ, mà cái thì vẫn phải đẹp kiểu cái chứ nhỉ :) )

Vòng lại sân trước bóng chiều đã đổ đến sân chùa
https://i293.photobucket.com/albums/mm62/Tuansn/BoiKhe/BoiKhe26copy.jpg

Thôi về sớm không nóng thế này chúng nó uống hết bia Hà Nội. Chương trình vãn cảnh chùa triền đến đây là hết. Xin lỗi đã làm các ban Phượt mất thời gian đọc bài. (BB)

Chitto
29-06-2009, 22:02
..., chỉ có ánh nến và chút ánh sáng qua ô gió nên nhìn cũng không rõ lắm chứ chẳng nói chuyện chụp ảnh (không mang flash theo). Đành loanh quanh, soi mói bên ngoài.

Bác còn xem và được chụp ảnh đấy. Lần tôi đi không may mắn, gặp ngay một ông "bảo vệ xóm" kè kè bên cạnh, nói luôn mồm, và nhất quyết không cho chụp bất cứ cái ảnh nào, thế mới cú. Kể cả là đứng ở hai bên hành lang để chụp bộ bờ nóc, đầu đao, hay bức cốn, cũng "không không là không" một cách vô cùng bất khuất. Nói thế nào cũng không được.



Giữa sân có đặt một sập đá chân quỳ bốn mặt chạm khắc hình rồng rẩt đẹp.
...thấy có nơi nói đây là sập đá thời Trần. ...
Điều mình còn chưa hiểu là sập đá này cũng như ở những nơi khác có vai trò (công năng) gì trong di tích hay chỉ mang tính trang trí đơn thuần???


Tác phẩm đời Trần là cái Bệ đá đặt tượng ở tận cùng trong thượng điện, không phải là cái sập đá ở sân này bác ạ. Sập đá ở sân này, theo tôi, thì là sản phẩm đời Lê rồi, không thể là của đời Trần. Các bệ đá đời Trần ở các chùa đều là bệ tượng chứ không ở sân.

Sập đá để ở sân này là sập đặt kiệu thánh trong nghi thức lễ hội, là một nét riêng của một số chùa miền Bắc. Một số ngôi chùa như chùa Bối Khê này - bên cạnh thờ Phật - còn thờ các vị Thánh tổ, vừa là Sư tổ vừa là Thánh. Do đó chùa còn có vai trò là đền, hội chùa có hình thức rước kiệu thánh, và khi rước thì để kiệu lên cái sập đá đó cho trang trọng.

Cái sập này còn thấy ở chùa Trăm Gian, cũng thờ Thánh Bối. Hay cái Nhà kiệu ở chùa Láng cũng có cái sập đá ở trong. Nhiều ngôi đền cũng có sập đá để kiệu như thế này.

Bazo
29-06-2009, 23:07
Bác còn xem và được chụp ảnh đấy. Lần tôi đi không may mắn, gặp ngay một ông "bảo vệ xóm" kè kè bên cạnh, nói luôn mồm, và nhất quyết không cho chụp bất cứ cái ảnh nào, thế mới cú. Kể cả là đứng ở hai bên hành lang để chụp bộ bờ nóc, đầu đao, hay bức cốn, cũng "không không là không" một cách vô cùng bất khuất. Nói thế nào cũng không được.
Chắc bác đến vào thời điểm nhạy cảm, hôm mình đến ông bảo vệ tên Hùng cũng theo mình từng bước nhưng ân cần lắm, đuổi mãi mới rời ra một lúc, có điều lúc mình về cứ vòng vo rồi cuối cùng là xin 5k gửi xe :D Mình có chụp cho bác này cái ảnh chưa gửi lại, định để lần sau mang flash vào chụp lại trong Chùa thì mới xì cái ảnh ra cho dễ dàng, bác Chitto có quan tâm thì hôm nào cùng đi.


Tác phẩm đời Trần là cái Bệ đá đặt tượng ở tận cùng trong thượng điện, không phải là cái sập đá ở sân này bác ạ.
Cái bệ nổi tiếng này thì mình biết, nhưng đang nói cái sập đá ngoài sân này không phải thời Trần vì thấy ở đây họ nói vậy, lại còn gọi là kỷ lục :(
http://phattuvietnam.net/8/nghethuat/2635.html

Nói chung là từ trước tới nay mình không tin lắm mấy ông tưởng như người nhà thì thì phải biết chuyện gia đình (NO) Việc chừng đơn giản nhất là bày tượng mà nhiều nơi còn bày sai tòe loe.


Sập đá để ở sân này là sập đặt kiệu thánh trong nghi thức lễ hội, là một nét riêng của một số chùa miền Bắc. Một số ngôi chùa như chùa Bối Khê này - bên cạnh thờ Phật - còn thờ các vị Thánh tổ, vừa là Sư tổ vừa là Thánh. Do đó chùa còn có vai trò là đền, hội chùa có hình thức rước kiệu thánh, và khi rước thì để kiệu lên cái sập đá đó cho trang trọng.Rất cám ơn thông tin của bác.

MANHHUNG
30-06-2009, 00:23
Cũng có chút ảnh về CHÙA BỐI KHÊ, góp với bác Bazo để cùng được nghe chuyện kể của bác Chitto nào.


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0450.jpg


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0066.jpg


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0022.jpg
Bác MC này thì các bác biết cả rồi

MANHHUNG
30-06-2009, 00:32
Xem ngân hàng ảnh của ông google thì thấy, trước đây trước cổng chùa có cây đa hiện trong bối cảnh đẹp lắm, nhưng nay do sửa chữa nhiều quá theo em làm cây đa "mất giá". Không hứng chụp cây đa nữa, em quay sang chụp cây đề cũng không kém phần cổ kính.

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0569.jpg


Lần đầu được nhìn thấy một gác chuông có 2 chuông, em cũng làm 1 bấm.

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0491.jpg

MANHHUNG
30-06-2009, 00:39
Chùm ảnh tư liệu, đặt nhiều "dấu hỏi" cho bác Chitto.

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0036.jpg


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0043.jpg


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0050.jpg


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0065.jpg


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0055.jpg


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0060.jpg

MANHHUNG
30-06-2009, 00:42
Cửa hầm địa đạo trong lòng Chùa Bối Khê

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0096.jpg

MANHHUNG
30-06-2009, 01:11
Vì muốn hiểu rõ thực hư về câu ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình. Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen", em đã lên đường và đã có duyên gặp được SEN. Mùa sen nở từ tháng 4 - tháng 6 âm lịch, hoa nở tới 1 - 2 tuần mới tàn.

Một nhánh cây sen cạn mới được ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bảo vệ chùa Bối Khê) chiết từ cây "Sen tổ".

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0082.jpg


Cận cảnh một bông sen

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0436.jpg


Ông Nguyễn Mạnh Hùng và bông sen cạn.

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0472.jpg


Em nghe nói, cây Sen Cạn này “khó tính” lắm, nhiều cây được chiết từ cây “Sen tổ” nhưng chỉ trồng được trong khuôn viên của Chùa Bối Khê và Chùa Trăm Gian (Đức Thánh Bối tu ở Chùa Bối Khê và hoá ở Chùa Trăm Gian ?) Còn đem trồng ở các nơi khác, ngay cả khi tự tay ông Hùng chiết và đem về nhà của ông trồng cây cũng không sống được. Vì vậy, có thể nói Hoa Sen Cạn sau đây là “đặc sản” của Chùa Trăm Gian. (Ảnh chụp tại Chùa Trăm Gian)

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0041-2.jpg

Chitto
30-06-2009, 23:06
... trước cổng chùa có cây đa hiện trong bối cảnh đẹp lắm, nhưng nay do sửa chữa nhiều quá theo em làm cây đa "mất giá". ..


Cây đa vẫn đẹp lắm chứ, bác


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=14027

Bazo
30-06-2009, 23:48
Vì muốn hiểu rõ thực hư về câu ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình. Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen", em đã lên đường và đã có duyên gặp được SEN. Mùa sen nở từ tháng 4 - tháng 6 âm lịch, hoa nở tới 1 - 2 tuần mới tàn.


Bác chụp mấy bông sen đẹp quá. Hóa ra bác cũng vẫn chụp film à (c)

MANHHUNG
01-07-2009, 07:37
@ Bác Chitto, góc ảnh cây đa này của bác mới, nhưng "Bao giờ cho đến ngày xưa". Em cũng leo lên "chòi" tam hay ngũ quan gì đó nhưng không nhìn ra, chắc vì chưa có cảm xúc. Tấm đó của bác, bác có dám crop chỉ lấy 1 phần gốc đa bên phải với tán đa xòe phía trên và khu tháp mộ ?

@ Bác Bazo, không đâu bác ạ, nhà em còn chưa biết lắp phim thế nào hihi.

All 2 bác, rất mong có ngày được cùng 2 bác quay lại nơi đây để vừa được chụp, được hỏi, được nghe (em có cơ sở CM ở đây), chụp phải hiểu mới thích. Số ĐT của em luôn "dính" ở trên, mong tin của các bác.

Chitto
01-07-2009, 10:45
Có hai cái này bác ạ, nhưng dáng người của bà cụ không đẹp lắm. Tấm trên chụp khi bà cụ đang lom khom đi, và hai đứa cháu đang chơi bên dưới, trông hay hay


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=14036

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=14028

Chitto
02-07-2009, 21:08
Ngày nay hiểu biết hơn, tôi càng thấm hơn giá trị của ngôi chùa cổ có một không hai này. với những chiều sâu tâm thức của nó.

Vào Chùa Thầy em ưng nhất Chùa Thượng

Điều tôi muốn nói cũng chính là tòa Chùa Thượng của Chùa Thầy. Trong khi chùa Hạ và chùa Trung được nối với nhau bởi ống muống, thì chùa Thượng, hay Thượng điện được tách hẳn ra, và nền cũng cao hơn hai tòa chùa kia, vì đây là nơi thiêng liêng nhất.

Tòa nhà này thờ Di Đà tam tôn, và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị sư đã được gọi là Thánh Láng, từng được coi là một trong Tứ Bất Tử, sánh ngang với Thánh Tản, Thánh Gióng, Thánh Chử, trước khi nhường chỗ cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ 16.

Từ Đạo Hạnh là vị sư đã từng tu ở đây, dựng am Hương Hải. Tương truyền có hai phiến đá, một đen một trắng là do ngài đặt yểm. Tảng đá trắng nằm cuối chùa Thượng, nhô lên khỏi nền; tảng đá đen nằm cuối chùa Trung, ngang bằng nền. Sau vua Lý Nhân Tông xây lại chùa với quy mô lớn, rồi được trùng tu nhiều lần, đặc biệt là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan vào thế kỷ 16, rồi vào thế kỷ 17, còn nhiều lần trùng tu nữa.

Chính vì thế, trong chùa có dấu ấn của tất cả các triều đại phong kiến tập quyền Việt Nam, mà di vật hiện có đều tập trung ở chùa Thượng.

Chitto
02-07-2009, 21:17
https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=13793

Tòa Thượng điện, được treo tấm hoành "Đại hùng Bảo điện" rất lớn. Thực ra Đại hùng Bảo điện thường là điện thờ Phật Thích Ca, Phật Tam Thế, tức là nên ở chùa Trung, nhưng ở đây lại treo ở chùa Thượng.

Theo dòng lịch sử, thì tại tòa điện này còn những di vật đặc biệt sau:

- Tảng đá trắng, tương truyền do Thiền sư Từ Đạo Hạnh đặt, vào thời Lý Nhân Tông. (Có chỗ nói thì đến đời Lê mới đặt vào).

- Hai cây cột gỗ Chò vẩy và Ngọc am (tức là pơmu), được cho là từ đời Lý Nhân Tông, khi dựng chùa, và đã được gần nghìn năm rồi.

- Bệ đá hoa sen đỡ tượng Từ Đạo Hạnh là tác phẩm đời Lý (đã nói ở bài trước).

- Bệ đá hai tầng để tượng Phật có từ đời Trần, là bệ đá kép duy nhất còn lại từ thời đó đến nay, và là bệ đá lớn nhất. Cùng đời Trần còn có bộ lưng ngai của tượng Thánh Phụ (cha Từ Đạo Hạnh).

- Bệ để tượng vua Lý Thần Tông, và khám thờ tượng Từ Đạo Hạnh là tác phẩm từ thời Lê Sơ.

- Bộ tượng Di Đà Tam tôn từ đời Mạc, là bộ Di Đà tam tôn cổ nhất Việt Nam; tương truyền do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tiến cúng.

- Các bộ án thờ, hương án, hạc phượng thờ, long án, tượng tre Từ Đạo Hạnh đời Lê Trung Hưng

- Tượng Từ Đạo Hạnh ở giữa, vua Lý Thần Tông đời Nguyễn. Và nhiều di vật đời Nguyễn khác nữa.

Ngoài ra còn vô số di vật khác không kể hết được, và tôi cũng không nhớ hết được. Nhưng chỉ những gì phía trên thôi, đã có thể thấy đây có lẽ là tòa điện duy nhất ở nước ta còn lưu giữ được di vật của tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam, một kho đồ cổ vô giá.

(Sản phẩm đời nay thì cũng lắm, và mới nhất có lẽ là cái "donation box")

Bazo
06-07-2009, 20:34
All 2 bác, rất mong có ngày được cùng 2 bác quay lại nơi đây để vừa được chụp, được hỏi, được nghe (em có cơ sở CM ở đây), chụp phải hiểu mới thích. Số ĐT của em luôn "dính" ở trên, mong tin của các bác.

OK bác, có gì em sẽ alo trước. Em cũng chẳng biết gì đâu nhưng có người cùng sở thích là vui thôi. Nhìn cái ảnh sen cuối của bác thấy có bụi bẩn giống bụi trên film nên em cứ tưởng bác dùng máy film ;).

overzone01
11-07-2009, 10:58
Chủ đề này rấy hay mong Chitto "rảnh rổi" viết tiếp cho anh em mở mang kiến thức (c)
Thiệt tình lâu nay đi chùa mình cũng chẳng buồn xem chùa đó xây vào năm nào, có lịch sử thế nào, mấy ông Phật ngồi đó là những vị nào, ... đọc topic này xong thấy mình thiếu xót nhiều quá :T

Chitto
11-07-2009, 21:40
Bộ Di Đà Tam tôn chùa Thầy được xác định là bộ tượng loại này cổ nhất ở Việt Nam. Có người xác định niên đại là đầu Lê Trung Hưng, cũng có tài liệu cho là tượng thời Mạc. Lại có thuyết cho là tượng do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tiến cúng. Dù thế nào thì tượng cũng trên 400 năm tuổi.

Điều đặc biệt của bộ tượng này là nó không giống bất kỳ bộ tượng Di Đà tam tôn nào về sau.

Bày chính giữa, cao nhất là tượng Phật A Di Đà rất lớn. Bên dưới lại có một pho A Di Đà khác nữa nhỏ hơn có niên đại muộn hơn gần trăm năm, và pho Thích Ca sơ sinh.

Tượng A Di Đà lớn không có chữ Vạn ở ngực, mà đeo nhiều đồ trang sức, hoa tai, vòng ngọc giữa ngực, khuôn mặt được điêu khắc rất đẹp và cân đối.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=14813

Chitto
11-07-2009, 21:48
Hai bên tượng A Di Đà là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Các pho này ở chùa khác nếu trong bộ Di Đà Tam tôn thì bao giờ cũng tạc giống nhau và có tính đối xứng. Nhưng bộ tượng chùa Thầy thì không.

Pho nhìn từ ngoài vào phía bên trái ngồi xếp bằng trên đài sen lớn, hai tay chắp lại. Quanh mình có rất nhiều dây anh lạc (như chuỗi ngọc), áo trùm ra cả đài sen mềm mại.

Còn pho ngồi phía bên phải thì ngồi chân phải co chân trái thả xuống thoải mái, tay trái để ngửa trong lòng còn tay phải cầm một cái phất trần, dáng ung dung tự tại thoải mái. Trên áo cũng rất nhiều dây anh lạc. Pho tượng không ngồi trên đài sen mà ngồi trên bục, áo trùm xuống. Pho này về kích thước cũng nhỏ hơn pho bên trái một chút.

Do đó bộ Tam tôn này mỗi pho có bệ ngồi khác nhau, đài sen của tượng Phật A Di Đà và đài sen tượng bên trái cũng khác nhau. Tôi có cảm giác rằng mỗi pho do một hiệp thợ làm, có cùng quy chuẩn nhưng được sáng tạo nên phong thái tượng khác nhau, do đó vừa độc đáo vừa thống nhất.

Ở tất cả các chùa khác, tôi chưa thấy bộ tượng nào được như thế.


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=14814

(Tôi vẫn nghĩ rằng pho bên phải cầm phất trần là Quán Thế Âm bồ tát, pho bên trái chắp tay là Đại Thế chí bồ tát. Tuy nhiên lại có nguồn tư liệu nói ngược lại. Vì không đủ thông tin kiểm chứng chính xác nên chưa dám khẳng định).

zanghoang
12-07-2009, 12:39
em thấy chùa Thầy đẹp, nhiều tích hay, leo trèo cũng thú... nhưng mỗi lần đi chùa Thầy em ghê nhất là cái khoản nhân dân làm dịch vụ.

bấy lâu nay nghe dân tình bào nhau: láo nháo nhất trong khoản du lịch, dịch vụ là dân Hà tây ( cũ ), còn cá nhân em tự oánh giá, xếp hạng thì ở chùa Hương và chùa Thầy là nhất.

lần nào đi chùa Thầy cũng nơm nớp, kể cả khi mình vào chùa mà thấy có đứa cứ lẽo đẽo đi theo là cũng phải cẩn thận đứng lại chả dám đi nữa, khéo không rồi lúc đi hết chùa hay chui ra khỏi cửa hang nó lại đòi tiền dẫn đường...

vì thế mà cũng lâu lắm rồi em chửa có đi chùa Thầy

vietanh777
12-07-2009, 19:40
bác chit cho em hỏi em tưởng tượng Đức Đại Thế Chí bắt ấn mật phùng còn Đức Quán Thế Âm cầm cái phất trần. Em có đọc bài nào đấy của bác viết ko biết ở trang phuot.com này hay langven.com j j đấy thì em nhớ là bác ca ngợi đây là bộ tượng Tam Thế đẹp nhất, độc đáo nhất và cổ nhất VN. Nhưng em đọc 1 số kinh sách mật tông thì Đức Quán Thế Âm bắt ấn mật phùng còn Đức Đại Thế Chí thì ít được nhắc đến. Với lại em tưởng cái phất trần đó là cho thêm vào chứ thực ra cái pháp khí đã bị mất rồi. Vơi lại theo em được biết Tam Thánh thì Đức Quán Thế Âm hầu bên tả Đức A Di Đà còn Đức Đại Thế Chí hầu bên hữu. Nếu như bác nói thì ở chùa Thầy và Chùa Tây Phương người ta đều đặt ngược tượng sao?? em băn khoăn khoản này quá. Bác có thể làm rõ hơn được ko?? thanks bác nhiều lắm

Chitto
12-07-2009, 23:05
Đúng là cho đến trước khi viết bài trên, tôi vẫn nghĩ pho ngồi tòa sen là Đại Thế Chí, pho ngồi thõng chân là Quán Thế Âm. Tôi cũng đã từng thấy pho Quán Thế Âm ngồi thõng chân như vậy, cũng như trong các hình tướng của Quán Thế Âm cũng nhắc đến hình tướng này nhiều. Và trong bài trước kia tôi cũng viết thế.

Tuy nhiên, gần đây đọc trên một chỗ khác, theo link này: http://giacngo.vn/vanhoa/2009/07/09/77C440/ thì nói rất rõ pho Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen, pho Đại Thế Chí ngồi thõng chân. Tuy rằng nó trái với suy nghĩ của tôi, nhưng vì là báo đăng trên tạp chí có uy tín, nên tôi lại viết theo đó.

Do vậy, chính bản thân bài viết của tôi cũng có mâu thuẫn. Bản thân tôi cũng không tin là tượng "ngồi thõng chân" cầm phất trần từ 400 năm trước, vì phất trần không thấy xuất hiện mấy trong tượng Phật. Thế nhưng do bài báo trên tạp chí kia có vẻ đáng tin cậy, và tôi cũng chưa tìm được nguồn nào chính xác hơn, nên đành viết theo đó.

Quán Thế Âm vốn có rất nhiều hình tướng, có thể nói là nhiều nhất trong số các vị Phật và Bồ tát. Do đó tượng bắt ấn mật phùng, ấn hiệp chưởng, ấn cát tường, hay cầm pháp khí, ngồi, đứng... đều có thể xảy ra cả.

Về vấn đề này, có lẽ phải tìm nguồn khác chính xác và đáng tin cậy hơn nữa chăng?

Chitto
28-07-2009, 23:28
Chùa Thầy gắn với tên tuổi của sư Từ Đạo Hạnh, mà sự tích về ông có lẽ là kỳ dị nhất trong số các vị sư Việt Nam. Có nhiều sự tích không thống nhất.

1. Sự tích rằng Từ Đạo Hạnh là con ông Từ Vinh, bị pháp sư Đại Điên (hoặc Đại Diệu) làm phép hại chết. Từ Đạo Hạnh tức giận đi sang Thiên Trúc tìm học phép thuật nhưng không được, quay về núi Sài Sơn, vào hang núi đọc mười vạn tám ngàn lần chú Đà-la-ni, đạt được thần thông, quay về giết Đại Điên trả thù cho cha. Xong Từ Đạo Hạnh về chùa Láng, sang chùa Thầy tu hành. Đại Điên chết rồi lại đầu thai vào làm một đứa trẻ ở Thanh Hóa, cũng bị Từ Đạo Hạnh giết nữa. Sau đó Từ Đạo Hạnh bèn đầu thai vào làm con của em trai Lý Nhân Tông, mà vua này không có con trai, phải lấy con của em mình làm Thái tử, do đó khi Lý Nhân Tông mất thì hóa thân của Từ Đạo Hạnh lên làm vua, tức là Lý Thần Tông.

2. Từ Đạo Hạnh đi sang Tây Thiên cùng hai người bạn là Minh Không và Giác Hải, đến bến đò gần Tây Trúc thì hai người bạn lên trước, còn Từ Đạo Hạnh ở lại, gặp được thần nhân truyền pháp thuật, nên bỏ về trước, hai người bạn về sau. Đến giữa đường thì có con hổ nhảy ra vồ Minh Không và Giác Hải, hai người cười, vì đó chính là Từ Đạo Hạnh biến hóa trêu bạn.
Giết xong Đại Điên, Từ Đạo Hạnh chán thế sự nên mới vào Sài Sơn lập chùa tu hành, dạy dân làm rối nước. Sau đầu thai vào làm vua Lý Thần Tông, bị bệnh hóa hổ, Minh Không quay lại chữa bệnh cho.

3. Minh Không là đệ tử của Từ Đạo Hạnh, trước khi hóa, Từ Đạo Hạnh dặn hai mươi năm sau đến chữa cho mình. Minh Không về sau đến chữa cho thầy, và do đó được tôn là Quốc sư.

(Một số chùa thờ ba vị Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải làm Lý triều Tam Thánh tổ).

Điều rất đặc biệt là ở gần chùa Láng thờ Từ Đạo Hạnh, còn chùa Duệ thờ Đại Điên. Và cả hai đều được tôn là Thiền sư cả.

Chitto
28-07-2009, 23:39
Như vậy, Từ Đạo Hạnh có cả yếu tố Đạo giáo, Phật giáo, Vương quyền. Những chi tiết như phép thần thông, đầu thai,..., mang màu sắc Đạo giáo, hoặc Phật giáo Mật tông. Giai đoạn tu hành trong núi thì được tôn là Thiền sư, tức là Thiền tông.

Bên cạnh đó ông cũng làm thuốc cứu người, dạy dân chúng nhiều điều, sáng chế ra trò rối nước, nên được tôn là Thầy của cả một vùng này, chùa ông lập do đó cũng gọi là chùa Thầy. Từ Đạo Hạnh đồng thời cũng là vị Thánh, Thánh tổ, đóng vai trò một vị thần phù hộ.

Vì vậy, thời Lý ông được xếp vào một trong Tứ Bất Tử - 4 vị Thần thánh tối cao của người Việt. Đến đời Lê, với sự ra đời của tín ngưỡng thờ Mẫu, thì ngôi vị của ông nhượng lại cho Mẫu Liễu Hạnh.

Trong thượng điện chùa Thầy, có 3 tượng thờ rất đặc biệt, thờ 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh: Kiếp Thánh, kiếp Thiền sư, và kiếp Vua.

Từ trái sang: Kiếp vua (Lý Thần Tông): đội mũ bình thiên, ngồi trên ngai vàng
Kiếp Thiền sư: ngồi trên bệ đá đời Lý
Tượng kiếp Thánh là đặc biệt nhất, ngồi trong một khám gỗ rất đẹp. Tượng có cốt bằng tre, phủ vải và sơn, giống kiểu một con rối, có thể cử động đứng lên ngồi xuống được. Xưa kia các nghệ nhân làm tượng đặt hệ thống xích kéo, để khi mở khám thì tượng đứng dậy; nhưng đời sau một vị quan ở đây bảo: "Thánh thì không phải đứng dậy chào ai cả", mới bỏ hệ thống truyền động đi, từ đó tượng ngồi mãi.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=15748

vietanh777
31-07-2009, 20:06
Mùng 5 tết vừa rồi em có đi chùa Thầy. Lúc đang lễ và tham quan chùa Thượng thì em thấy có chị hướng dẫn viên đang thuyết trình cho đoàn nào đấy. Mạn phép em nán lại nghe hóng tí.

Chị bảo chùa Thượng thờ 3 kiếp tu của ngài Từ Đạo Hạnh là Tu tiên, tu Phật và kiếp ngài làm vua. gian đầu chị í bảo tượng trong khám là bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn tạc hình Thánh Tổ. Hằng năm khám chỉ được mở có đúng 1 tiếng đồng hồ để cho nhân dân chiêm bái vào lúc 4h chiều mùng 6-3 âm lịch thì phải. Sau đó khám đóng lại. Hôm em đến chỉ còn có cái ảnh chụp. Chị í bảo các bác cứ nhìn cái ảnh này thì ảnh như thế nào, Thánh Tổ trong khám như vậy. Em nhìn căng mắt mà thấy Ngài như kiểu con rối đúng như bác chit nói vậy.

Em có đọc được đâu đó rằng tượng Ngài ngày xưa cũng để lại toàn thân xá lợi như 2 pho thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu. Tượng xá lợi này hình như để trong hang Thánh Hóa hay hang Cắc Cớ j đấy. Rồi khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Chúng cho đốt pho này( kiều mấy ông lính dỗi hơi, thấy ngộ ngộ đem ra máy mó) Sau khi chúng bỏ đi dân làng nhặt tro cốt còn lại của Ngài yểm vào tượng rồi sau này cũng chính pho tượng này được lắp máy cơ học khiến tượng cử động được như người thật. Như theo bác chit nói ở trên thì do Thánh Tổ này là Tổ sư của nghề rồi nước nên sau khi Ngài Nê Hoàn nhập diệt thì nhân dân trong vùng tạc ngài trong tư thế của một con rối để tưởng nhớ công lao đức độ mà ngài đem lại cho nhân dân. Bác chit thấy thế nào.

Rồi chị í dẫn qua gian chính thờ Di Đà Tam Tôn và tượng Thánh Tổ. Thấy bảo cái gian này chứa đựng toàn những tinh túy của nghệ thuật Phật giáo qua các triều đại (Cũng như bác chit đã nói ở trang trước). Sau đó chị dẫn qua sờ cái phiến đá to lắm ở đằng sau bệ tượng. Chỗ gần góc chùa. Thấy bảo chùa Thầy còn 2 phiến. Bảo đây là phiến đá tụ linh j j đấy. Em vẫn còn nhớ y nguyên cái câu như sau :" các bác đang đứng trước tụ linh thạch,..., em xin kính mời các bác đoàn nhà mình lễ phiến đá,..., sờ vào đá thì làm ăn phát đạt, cầu j được nấy, giàu bà chú kho ấm no chùa Thầy,..." oài nghe giọng bà chị này kể cả người chả có chút tín tâm j cũng phải vái lấy vái để, bao nhiêu người tranh nhau đặt tiền rồi mân mê hòn đá. Em cũng tranh thủ ra sờ vuốt tí chút, thấy hình như cái hòn đá này là được kê chân cột chùa phải không bác chit. Em nhìn thấy ở giữa có vết lõm lõm còn viền ngoài là chạm hoa sen.

Tiếp sau chị này dẫn đến đoạn gian thờ vua Lý Thần Tông. Chị giới thiệu một hồi rằng đây là Thánh Tổ làng em hóa thân làm vua vì vua Lý Nhân Tông ko có Thái Tử...

Nhưng em thấy kết nhất ở chùa Thầy này là 3 pho Di Đà Tam Tôn cùng truyền thuyết về Ngài Từ Đạo Hạnh này. Em cũng có nghe nói rất nhiều từ báo đài nhưng em vẫn phải hỏi bác chit xem thế nào.Theo em nghĩ rằng thường thì một vị Thánh nào đó có công đối với nhân dân, giúp dân đủ thứ thì sau khi họ mất, ngoài việc được thờ phượng hương khói, họ còn được người đời sau gán cho truyền thuyết này nọ về cuộc đời và thanh thế. Có rất nhiều người như thế rồi thì phải. Hình như cả cụ Lý Công Uẩn phải ko bác chit. Qua đây em chân thành cảm ơn bác về các bài viết sâu sắc về chùa Thầy. Kính chúc bác mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến cho diễn đàn nhưng bài viết bổ ích, chứa đựng tri thức cho chúng em học tập

VIT
31-07-2009, 23:37
Sắp Tết cổ truyền, chắc thế nào cũng có người đi chùa cầu an năm mới, quay lại với topic này tí.

Nhân nói đến cụ trưởng lão phía Tăng, cũng xin gửi chân dung cụ trưởng lão phía Ni. Dưới đây là ảnh sư cụ chùa Tây Phương, đã 96 tuổi. Tuy vậy cụ đã nghễnh ngãng nặng lắm rồi, đi đứng cũng không còn nhanh nhẹn như cách đây vài năm nữa.



https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=8126



Em cũng hay lang thang ở chùa Tây Phương, em có chụp vài cái ảnh của cụ - cụ là Ni trưởng Thích Đàm Thanh . Cụ đã mất rồi. Em chụp cụ cách đây 2 năm

https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=579&pictureid=15880


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=579&pictureid=15879

vietanh777
01-08-2009, 06:55
Cụ này hôm là, 35 ngày, bà nội em cũng theo thầy chùa đi lên ăn cỗ rồi. Thấy kể bảo nghe đâu thỉnh rất nhiều sư về cầu siêu, các thầy ăn xong còn được gói ghém lộc ,biếu cho mỗi thầy một bộ quần áo và chả biết đâu ba trăm ngàn làm lệ phí đi đường. Sướng thế, đi ăn cỗ vừa được lộc vừa có quà.Hôm mùng 5 vừa rồi em cũng đi lên chùa Tây Phương. Tượng ở đây thì không thể chê vào đâu được. Em có qua gian thờ tổ thì thấy có cái bàn thờ mới mới được dựng lên thờ di ảnh của cụ. trên bàn thì vô số là phướn và cờ. Trên đấy có cả mấy cái máy niệm Phật và bát cơm cúng mới mang đến. em cũng nán lại thắp cho cụ nén nhang rồi hóng hớt tí nhìn mấy cái phướn. Toàn chữ tàu, mon men biết được mỗi chữ Phật :D

Chitto
02-08-2009, 22:39
Chùa Thầy không chỉ có tòa thượng điện. Cả ngôi chùa là một công trình gỗ đẹp. Các chạm khắc, cấu kiện đều rất đẹp.

Tòa nhà Tổ đằng sau cũng là chứa nhiều cổ vật quý giá, từ những pho tượng Tổ, tượng Hậu, tượng Mẫu,..., phần lớn đều có niên đại vài trăm năm, được bày kín 5 gian thờ. Xung quanh là hành lang với các pho tượng La hán, rồi các pho Đức Ông, Hộ Pháp đều hiếm có.

Chùa Thầy từ lâu đã trở thành một chốn tổ thiêng liêng của Phật giáo miền Bắc và cũng là của cả nước. Tôi đã đọc về một nhà sư ở miền Nam đã thỉnh một cái mõ từ chùa Thầy, và đội trên đầu liên tục trong suốt quá trình đi về chùa của mình ở miền Nam, ngay cả khi ngủ cũng không nằm, mà ngủ ngồi và để mõ trên đầu, thể hiện lòng thành kính.

Chitto
02-08-2009, 22:42
Khung cảnh chùa Thầy tựa vào quả núi Sài Sơn, nhìn ra Long Chiểu. Ba tòa chùa ngang, hai cây cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên ở hai biên.

Cầu Nhật Tiên nối sang đảo Tam Phủ, nơi thờ thần Tam phủ của tín ngưỡng đạo Mẫu. Cầu Nguyệt Tiên nối lên lối lên núi, là nơi có chùa Cao, hang Thánh hóa nơi Từ Đạo Hạnh trút xác, lối lên Chợ Trời, hang Cắc Cớ, hang Gió, chùa Một Mái...


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=15946

Chitto
25-08-2009, 23:18
Nhìn gần hơn chùa Thầy giữa tán cây


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=501&pictureid=15947

loakenden
03-09-2009, 13:23
Chùa Thầy có cái thủy đình đẹp ghê anh Chitto nhỉ

MANHHUNG
07-09-2009, 17:08
Thấy bác Chitto đang "tạm dừng", tham gia cùng bác chút, hi vọng không làm gián đoạn topic của bác.


Mấy hôm vừa rồi, được theo hầu các cụ ở một số chùa miền Bắc, có mấy tấm hình “tiêu biểu” của mỗi chùa, góp vào topic này cùng bác Chitto.


CHÙA PHAN - HUYỆN QUỐC OAI


Lối lên gác chuông

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0103.jpg


Một hình thức "rào cản" lạ so với các chùa đã qua.

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0196.jpg



CHÙA THÁNH LONG - TIỀN HẢI - THÁI BÌNH


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0091.jpg


Chính điện với “3 tầng” hoành phi, câu đối, như thể hiện "công lực" của các cá nhân, tổ chức đã góp công, của tôn tạo, xây dựng chùa.


https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0100.jpg


CHÙA NGUYỆT LŨ - TIỀN HẢI - THÁI BÌNH


Vị trí gác chuông ngay ở phần mái hiên chính điện, thấy lạ so với các chùa đã qua.

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0067-1.jpg

MANHHUNG
07-09-2009, 18:19
ĐỀN MẪU ÂU CƠ - VĨNH PHÚ một ngày rằm tháng 7

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0318.jpg

MANHHUNG
16-09-2009, 20:01
THÁP CHUÔNG CHÙA TRĂM GIAN

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0087-1.jpg

MANHHUNG
16-09-2009, 20:05
NGHI LỄ NGÀY GIỖ THÁNH TẠI CHÙA TRĂM GIAN

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0117-1.jpg

Bazo
16-09-2009, 22:14
NGHI LỄ NGÀY GIỖ THÁNH TẠI CHÙA TRĂM GIAN

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0117-1.jpg
Bác chụp tấm này bao giờ vậy? Em tưởng ngày Thánh hóa (hội chùa) là đầu năm năm âm lịch nhỉ. Em thíc góc chụp của bác (c)

Sorry bác, từ hôm hẹn hò em chưa đi được chuyến chùa chiền nào để í ới bác được.

MANHHUNG
17-09-2009, 11:27
@ Bác Bazo, tôi chụp vào ngày 19 tháng tư năm Kỷ Sửu bác à. Hôm ấy, trong chùa làm lễ mà ngoài trời mưa tầm tã.

vit_troi
17-09-2009, 21:37
Em chụp thì hơi xấu, dưng mà em cũng xin được góp vui ạ, đây là chùa Thầy các bác ạ, em xin được up cả cái sơ đồ chùa Thầy lên nhá.

https://i681.photobucket.com/albums/vv175/vittapbay/DSC00051.jpg

https://i681.photobucket.com/albums/vv175/vittapbay/DSC00054.jpg

https://i681.photobucket.com/albums/vv175/vittapbay/DSC00114.jpg

thocnep
10-10-2009, 00:15
Tôi rất khâm phục chủ topic này. Tôi cũng rất thích tín ngưỡng. Chính cũng một lần tìm thông tin về chùa Việt mà tôi biết diễn đàn phuot. Hôm nay tôi mạnh dạn góp chút hình ảnh làm phong phú thêm topic thú vị này.
Có một ngôi chùa có lẽ còn ít người biết đến nằm ở Vân Đồn, Quảng Ninh tên là Phật linh tự. Phật linh tự tên tục là chùa Cái Bầu. Người ta hiện vẫn đang tranh cãi về vai trò của ngôi chùa vì nó nằm trong khu vực thương cảng cổ Vân Đồn. Người thì nói, ngôi chùa chỉ vốn là một ngôi miếu thờ người đi biển gặp nạn, người nói ngôi miếu thờ ông Trần Khánh Dư - một nhân vật có tầm quan trọng đặc biệt với vùng biển Đông Bắc, sau phình to thành chùa thờ Phật. Thật ra, ông Trần Khánh Dư được thờ ở rất nhiều nơi quanh khu vực này nhưng không ai dám chắc chùa Cái Bầu có phải thờ Trần Khánh Dư hay không. Phật linh tự hiện nay đang được trùng tu và xây dựng mở rộng thêm ra để trở thành Thiền viện ni Giác Tâm, là một trong bộ ba thiền viện miền Bắc: Tây Thiên, Yên Tử và Giác Tâm của dòng tu trúc lâm thiền phái. Tuy nhiên, 2 thiền viện kia là dành cho nam tu, còn thiền viện Giác Tâm chỉ dành cho nữ tu.
Một vài hình ảnh ở Phật linh tự:

- Ba pho tượng Phật với ba gương mặt từ trẻ tới già, nhưng ở dưới bức tượng Đạt ma sư tổ bằng đá đen

https://i240.photobucket.com/albums/ff187/thocnep/IMG_3339.jpg

- Tượng Quan âm cam lồ hai mặt, một mặt nhìn ra biển, một mặt nhìn lên núi nơi đang xây thiền viện ni Giác Tâm

https://i240.photobucket.com/albums/ff187/thocnep/IMG_3353.jpg

Chitto
10-10-2009, 09:12
- Ba pho tượng Phật với ba gương mặt từ trẻ tới già, nhưng ở dưới bức tượng Đạt ma sư tổ bằng đá đen

Không phải là ba pho tượng Phật bạn ạ. Phật thì không thể ngồi dưới Đạt Ma tổ sư được. Đặc điểm của tượng Phật thì nhiều, nhưng dễ thấy nhất là phải có tóc xoắn ốc trên đầu, có "bạch hào" giống cái nốt ruồi giữa trán, và phải ngồi trên tòa sen.

Ba pho tượng màu trắng mà bạn chụp là Trúc lâm Tam tổ, ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ngồi giữa là Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, hai bên thì vị trẻ hơn là Đệ nhị tổ Pháp Loa, vị già hơn là Đệ tam tổ Huyền Quang (tam tổ còn lớn tuổi hơn nhị tổ).

Vì cả ba đều kế thừa dòng Thiền Tông, nên ngồi dưới Đạt Ma tổ sư là Tổ thứ 28 dòng Thiền tông nói chung, và Tổ thứ nhất dòng Thiền ở Trung Hoa.

thocnep
10-10-2009, 11:48
Cảm ơn anh Chitto về đính chính này. Tôi cũng biết ở trong các thiền viện người ta thường thờ sư tổ của các dòng tu. Mặc dù cũng thắc mắc là sao tượng Phật lại ngồi dưới Đạt Ma nhỉ, nhưng cứ nhìn thấy tượng ngồi tòa sen là hay gọi bừa là tượng Phật do thiếu hiểu biết.
Cảm tạ đã chỉ bảo :)

chimchim
09-11-2009, 23:00
Topic này đang hấp dẫn và rất bổ ích, không thấy chủ nhà post bài tiếp, tiếc quá.

Chitto
09-11-2009, 23:11
Hì, vẫn còn nhiều thứ lắm.

Mỗi tội tớ cũng có nhiều thứ khác phải làm, nên cứ để đó một thời gian rồi quay lại sau tiếp vậy.

Đoạn sau là đi về một số ngôi chùa cổ nổi tiếng. Tuy nhiên rất dễ bị trùng với một số bài trong topic khác tớ đã viết.

Ví dụ chùa ở Yên Tử nằm trong topic Yên Tử - Yên Phụ, chùa ở Nam Định nằm trong topic Trấn Sơn Nam, chùa ở Bắc Ninh nằm trong topic Kinh Bắc, chùa ở Hà Tây nằm trong topic về Hà Tây,... do đó viết tiếp cũng hơi khó.

tranquang
11-11-2009, 10:07
...
Nội thành Hà Nội còn 2 đạo quán, Quán Thánh, hay Trấn Vũ cũng là đền Trấn Bắc, danh thắng đệ nhất, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Thứ hai là Bích Câu đạo quán, thờ Tam Thanh, tiên Tú Uyên.
Ngoài ra còn một số đạo quán nữa nằm ở ngoại thành.

Và còn Hoàng Thành Thăng Long, với bao điều còn chưa biết.

Ông bạn quên một cái Huyền Thiên quán ở phố Hàng Khoai à?


Không phải là ba pho tượng Phật bạn ạ. Phật thì không thể ngồi dưới Đạt Ma tổ sư được. Đặc điểm của tượng Phật thì nhiều, nhưng dễ thấy nhất là phải có tóc xoắn ốc trên đầu, có "bạch hào" giống cái nốt ruồi giữa trán, và phải ngồi trên tòa sen.

Ba pho tượng màu trắng mà bạn chụp là Trúc lâm Tam tổ, ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ngồi giữa là Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, hai bên thì vị trẻ hơn là Đệ nhị tổ Pháp Loa, vị già hơn là Đệ tam tổ Huyền Quang (tam tổ còn lớn tuổi hơn nhị tổ).

Vì cả ba đều kế thừa dòng Thiền Tông, nên ngồi dưới Đạt Ma tổ sư là Tổ thứ 28 dòng Thiền tông nói chung, và Tổ thứ nhất dòng Thiền ở Trung Hoa.

Tôi thấy hình như Thiền tông Trúc Lâm còn có đệ tứ tổ Ngô Thì Nhậm, sao không thấy thờ ở đâu nhỉ (ở Yên tử chỉ có 1 pho tượng nhỏ)? Nhờ cao nhân chỉ giáo! :D

Chitto
11-11-2009, 10:27
Ông bạn quên một cái Huyền Thiên quán ở phố Hàng Khoai à?

Cái Huyền Thiên Cổ quán ở phố Hàng Khoai đã biến thành Chùa Huyền Thiên từ lâu mất rồi, không còn là của Đạo giáo nữa.

Các vị Tổ truyền đăng của Thiền phái Trúc Lâm có được liệt kê ở đây (http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%BAc_L%C3%A2m_Y%C3%AAn_T%E1%BB%AD), tôi không thấy có Ngô Thì Nhậm.

Tôi nghĩ đã là Tổ sư Thiền phái thì phải là người Xuất gia, Ngô Thì Nhậm chưa bao giờ xuất gia, không thể là sư; hơn nữa Ngô Thì Nhậm sống sau Tổ Huyền Quang đến mấy trăm năm, không thể là Tứ tổ được.

Trong việc kế thừa, chỉ có một nghi vấn là Tam tổ có thể không phải Huyền Quang, vì ông già hơn Pháp Loa nhiều quá, thậm chí còn già hơn cả Sơ tổ Trần Nhân Tông những 4 tuổi. Ít ai lại truyền sự nghiệp cho người còn già hơn cả sư phụ mình !

Có thuyết cho rằng Đệ tam tổ phải là Thiền sư Kim Sơn; còn việc tôn Huyền Quang là Tam tổ chẳng qua vì công lao rất lớn của Huyền Quang, chứ không phải vì Pháp Loa truyền chính thức cho ông.

tranquang
11-11-2009, 10:41
Các vị Tổ truyền đăng của Thiền phái Trúc Lâm có được liệt kê ở đây (http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%BAc_L%C3%A2m_Y%C3%AAn_T%E1%BB%AD), tôi không thấy có Ngô Thì Nhậm.

Tôi nghĩ đã là Tổ sư Thiền phái thì phải là người Xuất gia, Ngô Thì Nhậm chưa bao giờ xuất gia, không thể là sư; hơn nữa Ngô Thì Nhậm sống sau Tổ Huyền Quang đến mấy trăm năm, không thể là Tứ tổ được.

Trong việc kế thừa, chỉ có một nghi vấn là Tam tổ có thể không phải Huyền Quang, vì ông già hơn Pháp Loa nhiều quá. Có thuyết cho rằng Đệ tam tổ phải là Thiền sư Kim Sơn; còn việc tôn Huyền Quang là Tam tổ chẳng qua vì công lao rất lớn của Huyền Quang, chứ không phải vì Pháp Loa truyền chính thức cho ông.

Cái wikipedia là nguồn mở ai viết chả được.

Khi tôi dịch "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh" của Hải Lượng đại thiên sư Ngô Thì Nhậm thì thấy rất nhiều thư tịch tôn xưng ông là Trúc Lâm đệ tứ tổ mặc dù ông phạm vào 1 trong tứ yếu chỉ của Thiền tông (bất lập văn tự). Nhưng xét cho cùng, áng văn nói trên đâu có phải là kinh sách, nếu so với "Khóa Hư lục" và vài cuốn khác của Điều Ngự Giác hoàng. Có lẽ vì vậy mà tượng ông trên Yên Tử nhỏ hơn Tam tổ.

Còn chuyện truyền y bát cho Huyền Quang Lý Đạo Tái thì nhiều tài liệu nói. Theo cái mà tôi được đọc thì nó nôm na thế này:

"Niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), Huyền Quang tôn giả được Pháp Loa truyền y bát của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch (1330), Sư kế thừa làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên Sư phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm."

"Sư đến trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giảng đạo. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334), Huyền Quang viên tịch, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả."

Chitto
11-11-2009, 11:06
rất nhiều thư tịch tôn xưng ông là Trúc Lâm đệ tứ tổ ..
Còn chuyện truyền y bát cho Huyền Quang Lý Đạo Tái thì nhiều tài liệu nói.

Tôi không nghiên cứu tư liệu cổ nên không rõ tài liệu nào gọi Ngô Thì Nhậm là Tứ tổ cả. Theo tôi cách gọi như thế - nếu có - chỉ là cách gọi cho đẹp, kiểu như "xứng đáng được xếp vào hàng Tứ tổ", "có thể coi là Tứ tổ" chứ không thể là Tứ tổ chính thức. Vì đã chính thức thì phải tiếp nối thứ tự các vị Tổ; không thể nhảy cách hơn 400 năm mới lại lập ra.

Việc gọi tâng bốc họ Ngô làm Tứ tổ, cá nhân tôi thấy không hợp lý. Dù có viết sách hay đến đâu, đã không xuất gia, không thể làm Sư tổ. Có thể cả đời sát sinh, một ngày bỏ đao quay đầu chứng quả; nhưng chưa từng thụ giới thì cũng chỉ có thể là một Tác giả, Tác gia, không thể là Thiền sư. Dù rằng cái Danh là vô thường, nhưng khi Viết ra, Nói ra thì vẫn cần phải có cái Danh và Chính Danh.

Về Tam tổ Trúc Lâm, tôi cũng chỉ nói "có thuyết", vì đó là thuyết của ông Lê Mạnh Thát, tức Thượng tọa Thích Trí Siêu.

TriMinh
19-11-2009, 12:14
Tại sao đang viết về chùa tôi lại nhảy sang Tăng Ni? Bởi vì hôm nay tôi gặp một vị Tăng đặc biệt tại một ngôi chùa làng, và chụp ảnh vị tăng ấy.

Các bác thử nhìn vị tăng áo nâu, mà áo len trong còn thòi ra áo ngoài, đội mũ len cũng nâu như một ông nông dân đứng bên trái, và đoán xem tại sao vị tăng này đặc biệt ???


https://www.phuot.vn/picture.php?albumid=237&pictureid=7781

Bác Chít chụp được hình đức Đệ Tam Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đẹp thế,

KhungLongCoi
01-01-2010, 11:07
cảm ơn bác Chitto nhiều lắm đọc xong mới ngộ ra nhiều điều. Trước giờ đi chùa toàn ngắm Phật, ngắm thật vì KLC k0 tin về chuyện Phật này nọ, chỉ nhìn coi tượng nào đẹp , lạ thôi. Giờ đọc bài ít ra cũng biết tượng nào là Ca Diep, A Nan, .....

MANHHUNG
24-01-2010, 22:25
Đền Bảo Linh Sơn - Lễ An Vị Tượng

https://i157.photobucket.com/albums/t58/hungsauht/IMG_0224.jpg

ChauBe
18-02-2010, 11:57
Địa Tạng Bồ tát là của Phật giáo từ Ấn Độ.

Địa Tạng Vương Bồ tát tên là Mục Kiền Liên, là một trong 10 Đại đệ tử của Phật Thích Ca, nhiều khả năng là một người có thật. Ông được tôn là "thần thông đệ nhất".

Truyền thuyết thần thoại hóa kể rằng sau khi tu hành đắc đạo, ông tìm mẹ là bà Thanh Đề thì thấy mẹ đã sa địa ngục. Trái ngược với con trai tu hành theo Phật, bà này rất ác độc và tạo vô vàn ác nghiệp, nên khi chết luân hồi xuống ngục A Tỳ, là ngục sâu nhất, chịu hình phạt thảm khốc.

Dù rằng rất thần thông, nhưng Mục Kiền Liên cũng không thể cứu mẹ một cách dễ dàng. Ông phải xuống tận địa ngục thuyết pháp cho mẹ, để mẹ hồi tâm chuyển hướng ăn năn sám hối, loại bỏ dần ác nghiệp, đồng thời cầu xin chư Phật gia trì cứu mẹ. Cuối cùng bà Thanh Đề cũng được thoát địa ngục, luân hồi lên làm người.

Nhưng cũng chính vì xuống địa ngục, thấy cảnh vô vàn chúng sinh ở đó đau khổ, nên Mục Kiền Liên phát tâm ở lại Địa ngục để cứu độ cho tất cả chúng sinh đó. Phát nguyện của ông là : "Nếu còn chúng sinh phải sa địa ngục thì không lên Niết Bàn". Do đó dù đã đắc quả nhưng ông không thành Phật, mà chỉ là Bồ tát.

Bởi thế Mục Kiền Liên được mang tên Địa Tạng Vương Bồ tát, là Giáo chủ của cõi U Minh. Vì Phật còn ở trên chư Thiên, nên Địa Tạng cũng ở trên Thập điện Diêm vương.

Ngày nay ở chùa, cầu khấn cho người đã khuất thì tìm đến với Địa Tạng.

(Bài này tôi nhầm, Địa Tạng vương Bồ tát và Mục Kiền Liên là hai vị khác nhau. Do viết đã lâu nên không sửa lại nữa).

bác chitto à theo e biết thì cũng có 1 kiếp (trong hằng hà sa kiếp trước của bồ tát địa tạng ) ngài có hóa thân là mục kiền liên . không biết có đúng không nữa (nếu sai xin lỗi vì đã spam)

linhnam
19-02-2010, 10:22
Trong các ngôi chùa miền Bắc, tượng Phật A Di Đà là pho tượng lớn nhất, ngồi uy nghi trên tòa sen. Hai pho Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng (hoặc ngồi) ở hai bên, ba pho tượng được xếp phía trước, thấp hơn tượng Tam Thế.

A Di Đà là Phật, nên trên đầu có tóc xoắn ốc, ngồi theo thế liên hoa bán kiết hoặc kiết già, hai tay để trong lòng; còn hai Bồ tát đội mũ, hai tay bắt các thủ ấn hoặc nâng pháp khí.

Di Đà Tam tôn chùa Quán Sứ, Hà Nội, tượng Di Đà ở chính giữa đại điện rất lớn, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng ở hai bên, nhỏ hơn rất nhiều. Phía sau, cao hơn là tượng Tam Thế.



https://www.phuot.vn/imagehosting/24347f713f71af9e.jpg (https://www.phuot.vn/vbimghost.php?do=displayimg&imgid=9610)

cho em spam cái!
theo em tìm hiểu thì hình anh post lên theo cách gọi của Phật Giáo là bộ ba Thích ca Tam Tôn : gồm thích ca - Bồ tát quan âm - Bồ tát đại thế chí, còn Tam thế phật : bộ ba tượng Phật đại diện ba thế giới Quá Khứ - Hiện Tại - Tương Lai là A di đà - Thích Ca và Phật Di Lặc chứ anh?
không biết như thế nào là chính xác!

Chitto
19-02-2010, 10:58
Trong ảnh mà bạn quote ở trên, thì trên cao nhất (bị cắt nửa hình) là Tam Thế Phật. Ở giữa là Di Đà tam tôn, còn bên dưới (cũng chỉ có nửa trên của tượng) mới là Thích Ca tam tôn.

Tam Thế Phật thì nhiều thuyết, có thể là A-Di-Đà, Thích-Ca, Di-Lặc, mà Phật Quá khứ cũng có thể là Nhiên Đăng, Câu Lâu Tôn, Ca Diếp... nhưng như thế thì hạn chế quá. Phật Thích Ca nói rằng ngay khi ngài thuyết pháp ở Thế giới Tabà này thì cũng có các chư Phật thuyết pháp ở các thế giới khác. Như thế thì Tam thế Phật là đại diện chung cho chư Phật ba thời, gán tên tuổi cụ thể có phần bó hẹp tư tưởng rộng lớn của Phật giáo đại thừa đi.

Đặc điểm của pho Thích Ca (tượng ở Việt Nam) là cầm cành hoa sen đưa lên thuyết pháp, do đó trong ảnh trên thì Thích Ca tam tôn xếp ở hàng dưới, hai bên có hai ông đầu cạo tóc là A Nan và Ca Diếp (không phải Phật quá khứ Ca Diếp).

Trong bộ Thích Ca tam tôn thì đứng hai bên Phật Thích Ca là hai đại đệ tử A Nan - Ca Diếp hoặc hai đại bồ tát Văn Thù - Phổ Hiền. Hai bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đứng hai bên Phật A Di Đà thôi.

Do vậy trong ảnh tôi chụp thì gồm 3 tầng: Tam Thế Phật, Di Đà tam tôn, Thích Ca tam tôn (người ta hay gọi là Ba tầng Chín ông).

hoagao
26-02-2010, 10:25
Tối hôm qua em xem truyền hình Hải Phòng nói về việc mới trùng tu lại Chùa Hang, hay còn gọi là Cốc Tự ở Đồ Sơn (ngay mặt đường vào khu 1) và được biết rằng đó là nơi du nhập Phật Giáo đầu tiên vào Việt Nam trước cả khi đến với TQ!!

Nghe 1 bác được phỏng vấn nói rằng: Có một vị thiền sư đã đến và ngồi thiền ở khu vực hang này (hơn 2000 năm trước???) rồi sau đó người ta lập chùa.

Em thì vẫn nghĩ Bắc Ninh mới là đất Phật vì ở đó có chùa Dâu - trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

Bác có thông tin gì về vấn đề này, bác giảng giải cho em hiểu thêm với.

Em cảm ơn!
(...Nếu em làm loãng topic, bác bảo Mod xóa bài này đi nhé...)

Chitto
26-02-2010, 23:15
Có đến vài nơi được cho rằng là nơi Phật giáo lần đầu vào Việt Nam, mỗi tội đều lấy chứng cứ từ huyền sử hoặc dã sử chứ không phải chính sử, vì vào thời đó làm gì có chính sử cho nước Việt !

Có thuyết cho rằng trong truyện Chử Đồng Tử, thì ông đã gặp sư Phật Quang trên hòn đảo Quỳnh Viên ngoài biển, đó là người truyền Phật giáo vào đầu tiên từ thời Hùng Vương. Nhưng đảo Quỳnh Viên ở đâu, thì cả Thanh Hoá lẫn Đồ Sơn đều giành về của mình. Nhưng truyện Chử Đồng Tử chân thực đến mức nào ?

Có thuyết nói xưa đất Tây Thiên (dãy Tam Đảo) có chùa Địa Ngục thành Nê Lê, nên nói Phật giáo đầu tiên vào đây. Nhưng cũng chỉ là những ghi chép rời rạc trong các bộ sách sử xuất hiện sau đó cả nghìn năm !

Hơn nữa, vào thời xa xưa đó, làm gì có khái niệm nước Việt Nam !!! Nước Việt huyền sử thời Hùng Vương là một vùng không rõ ràng từ trung du xuống đồng bằng...

Hiện tại sử gia chấp nhận rằng Phật giáo vào vùng trung du và châu thổ sông Hồng theo cả đường bộ từ đất Miến - Lào sang, và đường biển từ phía Nam lên. Nhưng bên nào vào trước, và chính xác là vào chỗ nào, thì không đủ bằng chứng chính xác chứng minh.

Trung tâm Luy Lâu thực sự được công nhận vì được ghi vào Chính sử, và để lại di tích khảo cổ đem lại bằng chứng vật thể. Còn các truyền thuyết kia, ai thích thì cứ bám vào, cũng khó cấm.

hylong
13-03-2010, 22:19
Địa Tạng Bồ tát là của Phật giáo từ Ấn Độ.

Địa Tạng Vương Bồ tát tên là Mục Kiền Liên, là một trong 10 Đại đệ tử của Phật Thích Ca, nhiều khả năng là một người có thật. Ông được tôn là "thần thông đệ nhất".

(Bài này tôi nhầm, Địa Tạng vương Bồ tát và Mục Kiền Liên là hai vị khác nhau. Do viết đã lâu nên không sửa lại nữa).

Bác Chitto viết nhầm thì cải chính thêm vào đi ạ, Địa Tạng Bồ Tát là ai chưa thấy bác viết nốt, tự nhiên nhập vào Mục Kiền Liên

hylong
14-03-2010, 17:19
[QUOTE=Chitto;50300]Bộ mái đao chùa Tây Phương có độ cong rất lớn, gần như là cong nhất trong tất cả các mái đao tớ đã từng thấy.
Trên mỗi gờ nóc đắp ba họa tiết: ngoài cùng là một mũi đao mà ở đầu là đầu rồng ngoảnh vào trong; ở giữa là một mũi đao ở đầu có một cuộn mây cũng vòng vào trong; và trong cùng là một con linh thú gần giống rồng cũng đang quay vào trong. Con vật đó nhiều người cho là rồng, nhưng thực tế là con Si vẫn, một trong 9 con của rồng. (Mái đao trên cùng trong ảnh bị gãy mất mũi đao có mây ở giữa).

A Chitto làm ơn cho e hỏi sao a biết đầu đao thứ 3 trong cùng lại là con Si Vẫn- trong khi đầu đao ngoài cùng cũng có 1 con mà lại là rồng chứ không phải Si Vẫn (Li Vẫn) vì Li Vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài... ngụ ý cầu trấn hỏa, bảo vệ bình yên cho công trình.

Chitto
14-03-2010, 21:16
...cho e hỏi sao a biết đầu đao thứ 3 trong cùng lại là con Si Vẫn- trong khi đầu đao ngoài cùng cũng có 1 con mà lại là rồng chứ không phải Si Vẫn (Li Vẫn) ...

Thực ra đó cũng chỉ là lúc "hứng chí" khi viết đến đó, dựa trên suy luận chủ quan thôi, vì tôi cảm giác cái con vật đó có thân hình không đủ dài như rồng.

Tuy nhiên bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ con đó có thể vẫn là con rồng. Vì người Việt mình không cầu kì rắc rối như Trung Quốc, chỉ cần tứ linh Long lân quy phượng là đủ rồi, không phải sử dụng đến Si vẫn, Trào phong... trên mái công trình. Mái đình chùa đền đài nhà mình toàn là Rồng, Lân, cá chép cả.

Cũng như đội bia ở Việt Nam toàn là rùa, trong khi TQ thì là con Bị hí chứ không phải rùa; treo chuông thì là con Bồ lao, nhưng hình như ở VN cũng toàn là rồng cả.

TriMinh
16-03-2010, 15:20
Con Si Vẫn, hay người Việt mình gọi là con Ngạc Long, con Kìm thường đắp ngậm bờ nóc chứ ở tầu đao thì vẫn gọi là con rồng mà. Vì rằng tầu đao có nghê vờn ở gốc tầu, phượng mớm và rồng chầu. Trí Minh biết theo các cụ nghệ nhân thợ nề làm đình chùa vãn dùng từ đó. Cụ Chitto à theo Trí Minh biết thì quai chuông Việt mình vẫn gọi là con Bồ Lao đó chỉ có đội bia thì vẫn gọi là con rùa mà không gọi là con Bi Hí như Trung quốc. Nhưng ý cụ chitto là rất đúng vì người Việt ta thường dùng tứ linh thôi chứ ít khi làm rắc rối thành 9 loại con của rồng như Trung Quốc.

TriMinh
16-03-2010, 15:27
cho em spam cái!
theo em tìm hiểu thì hình anh post lên theo cách gọi của Phật Giáo là bộ ba Thích ca Tam Tôn : gồm thích ca - Bồ tát quan âm - Bồ tát đại thế chí, còn Tam thế phật : bộ ba tượng Phật đại diện ba thế giới Quá Khứ - Hiện Tại - Tương Lai là A di đà - Thích Ca và Phật Di Lặc chứ anh?
không biết như thế nào là chính xác!

Thông thường Tam thế Phật 3 pho tương trên cùng được hiểu là 1000 đức Phật ở quá khứ Đại Bảo Trang Nghiêm kiếp, 1000 đức Phật ở hiện tại Hiền Kiếp và 1000 đức Phật ở tương lai Tinh Tú Kiếp.
Dưới đó là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, hay Di Đà Tam Tôn. Gồm A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Hình bác chụp chính điện Quán Sứ thì dưới Tây Phương Tam Thánh là Linh Sơn Tam Thánh gồm Đức Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni, A Nan tôn giả và Ca Diếp tôn giả.
Cũng có chùa thờ Thích Ca Mâu Ni Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Phổ Hiền Vương Bồ Tát thì gọi là Hoa Nghiêm tam thánh ạ.

pearl_hn
17-03-2010, 08:51
Muội đọc một lèo topic này, thật thú vị, bổ ích, vỡ ra nhiều điều, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc. Vào chùa thấy các tượng phật có nhiều động tác và kiểu bắt ấn khác nhau mà không hiểu ý nghĩa là gì? Ca ca Chitto và các ca, tỷ nào biết xin chỉ dùm. Xin cảm ơn trước.

danelion131989
17-03-2010, 09:55
Cho em hỏi 1 chút ạ: tại sao đi vào chùa, phải đi ngược chiều kim đồng hồ???

tranquang
17-03-2010, 10:56
Cho em hỏi 1 chút ạ: tại sao đi vào chùa, phải đi ngược chiều kim đồng hồ???

Đi theo chiều kim đồng hồ chứ nhỉ?

nhanchauchau
17-03-2010, 13:20
Lên chùa thì cần cái tâm mình thanh thản là được rồi, cần gì phải cầu kì các bác nhỉ?

danelion131989
17-03-2010, 17:33
Đi ngược chiều kim đồng hồ ạ.
Ví dụ điển hình là động Hương Tích ý ạ :)

Chitto
17-03-2010, 19:01
Đi ngược chiều kim đồng hồ ạ.
Ví dụ điển hình là động Hương Tích ý ạ :)

Vòng quay vũ trụ là thuận chiều kim đồng hồ, kinh hành thì vòng quanh các tháp, quanh chùa, quanh núi theo chiều kim đồng hồ.

Còn chùa Hương (và có thể nơi khác) giờ đi ngược lại, theo tôi nghĩ có thể là do chúng ta đi bên phải đường. Người đông quá, để đi được thì phải đi theo phía bên phải mới không cắt vào nhau gây ách tắc. Do đi bên phải nên phải ngược chiều kim đồng hồ, rồi ra phía cửa bên kia. Dòng người (nhìn từ ngoài vào) thì vào cửa bên phải, ra cửa bên trái. Đó là quy định để không va chạm các dòng người.

Không phải chỉ chùa chiền mà nhiều nơi đều quy định đi ngược chiều kim đồng hồ là để đi theo đúng phía bên phải.

Ngày trước tôi đi vào động Hương Tích thì đi theo chiều kim đồng hồ. Vào cửa bên trái Đụn gạo, bên dưới chữ "Nam thiên đệ nhất động", vào bàn thờ chính trước, lúc đi ra mới qua chỗ hứng nước nhỏ từ trên xuống. Nhưng khi đó là hơn mười năm trước, không đông như bây giờ.

Vova
20-03-2010, 21:56
Hôm nay em vừa đi chùa về. Đã lâu lắm em mới được đến ngôi chùa vừa đẹp, tôn nghiêm nhưng đồng thời cũng mộc mạc, giản dị như vậy. Cổng chùa đây ạ:

https://farm5.static.flickr.com/4028/4448038224_821daf2dcf_o.jpg

Còn đây là lối vào chùa:

https://farm5.static.flickr.com/4010/4447264519_184117b52e_o.jpg

Những bức tường quanh chùa đa phần là làm bằng đất:

https://farm3.static.flickr.com/2800/4447265073_a0945eb8a7_o.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4057/4447264987_9cdf0142cd_o.jpg

Chitto
20-03-2010, 22:10
Chùa Bổ Đà ở Bắc Giang đây !

Ngôi chùa có đến 2 vòng tường thành, xưa kia để chống trộm cướp, vì chùa nằm xa khu dân cư. Khu tháp mộ của chùa là nhiều và đẹp nhất trên cả nước.

Vova
20-03-2010, 22:10
Đi tiếp vào trong chùa:

https://farm5.static.flickr.com/4035/4447264867_de24173682_o.jpg

Em thích nhất là ngắm các bức tường:

https://farm3.static.flickr.com/2680/4448038536_d4d2540350_o.jpg

https://farm5.static.flickr.com/4062/4448038400_fb33870895_o.jpg

Tạm thời em dừng ở đây, mai em sẽ viết cụ thể về ngôi chùa này ạ :)

Vova
20-03-2010, 22:18
Chùa Bổ Đà ở Bắc Giang đây !

Ngôi chùa có đến 2 vòng tường thành, xưa kia để chống trộm cướp, vì chùa nằm xa khu dân cư. Khu tháp mộ của chùa là nhiều và đẹp nhất trên cả nước.

Ui, chán bác Chitto quá, em đang định đố bác :)
Mới đi về hơi lừ đừ tẹo. Nhưng quả thực chắc em sẽ còn quay lại đây nhiều, được đi dọc triền đê sông Cầu:

https://farm5.static.flickr.com/4004/4448116888_198867b880_o.jpg

Được múc nước từ bể đựng nước mưa trong chùa:

https://farm5.static.flickr.com/4062/4448039016_9ddf731c3d_o.jpg

Được xa Hà Nội ồn ào, vội vã, hối hả để có thể tĩnh tâm suy nghĩ ... Nói chung là lâu lắm em không có cảm giác như thế ạ :)

KK172
20-03-2010, 22:46
Đường đi thế nào Vova ơi?
Chùa đẹp quá!

thocnep
20-03-2010, 23:17
Ôi, lâu không đến ngôi chùa này, nhìn ảnh của bạn nhớ quá. Nhưng cũng yên tâm rất nhiều vì ngôi chùa đã trùng tu xong mà hầu như vẫn như cũ. Cái lỗ thủng to tướng trên bức tường trình đất ở cổng chùa đã được bít lại (chỗ bạn áo đen đứng chụp ảnh).
Mình bổ sung thêm là ngôi chùa có một vườn nhãn ở phía dưới rất u tịch, lá nhãn rụng thành thảm dày trên lối đi lát gạch mọc rêu. Chùa còn có một bộ kinh cổ nữa.
Ngôi chùa này rất lạ, lúc thì đẹp đến mức có thể chụp ảnh lia lịa từng góc một, từng bức tường mọc rêu mốc, lúc thì thấy không muốn rút máy ảnh ra nữa!
Ở cổng chùa bán nước chè xanh đựng trong những cái bát cũ rích gợi về một hình ảnh rất cổ xưa.

MANHHUNG
21-03-2010, 10:03
Chùa Bổ Đà ở Bắc Giang đây !
Ngôi chùa có đến 2 vòng tường thành, xưa kia để chống trộm cướp, vì chùa nằm xa khu dân cư. Khu tháp mộ của chùa là nhiều và đẹp nhất trên cả nước.


Đi tiếp vào trong chùa:.............
Tạm thời em dừng ở đây, mai em sẽ viết cụ thể về ngôi chùa này ạ :)

Lần đầu được nghe nói và xem ảnh về chùa này; cảnh chất, ảnh chất, mong các bác sớm tiếp tục.

Vova
21-03-2010, 17:01
Chùa Bổ Đà, dân địa phương hay gọi là chùa Bổ nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Để đọc kỹ về chùa em để lại cái link của Wiki, tiện thể cũng thắc mắc luôn là sao ban soạn thảo của Wiki tiếng Việt lại sơ suất để ai đó viết thêm mấy dòng linh tinh vào bài giới thiệu về chùa. Link đây ạ:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%E1%BB%95_%C4%90%C3%A0

Ngoài kiến trúc vẫn giữ được những nét truyền thống, không bị pha tạp, chùa có hai điểm theo em là độc đáo nhất, đó là vườn tháp và bộ kinh khắc trên gỗ thị được cất trong chùa. Chưa có thời gian đọc lại hết topic để tránh post trùng thông tin, tuy nhiên em có thấy một bài bác Chitto nói về khu tháp mộ của chùa. Em làm nhanh một cái ảnh wide một tẹo để mọi người hình dung:

https://farm5.static.flickr.com/4001/4449608633_29431f9126_o.jpg

Vova
21-03-2010, 17:27
Bạn KK172 có hỏi đường sang chùa. Thú thực lúc đi chùa về em có hai cách nghĩ trái chiều nhau. Đúng ra là phải chia sẻ với mọi người, quảng bá về ngôi chùa đẹp. Nhưng ngược lại, em cũng ngại, chỉ sợ một thời gian sau lại toàn người là người, rồi dần dần, chùa lại xây lại như nhiều ngôi chùa khác :( Trong lúc đọc về chùa Bổ em thấy bác Nguyên Ngọc cũng có ý như vậy:

http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/01/826253/

Thỉnh thoảng em lại lẩn thẩn như vậy đấy :). Tiện chủ đề em post cái ảnh chùa Phật Tích bây giờ:

https://farm5.static.flickr.com/4060/4449634853_b972a5dfc9_o.jpg

Nói chung là to, đẹp và hoành tráng - nhưng không hiểu sao em vẫn thấy thế nào, có lẽ là thiếu cái mộc mạc, đơn sơ mà em nghĩ là các ngôi chùa
thường có. Em để thêm cái ảnh của bác Tây Độc bên tathy (mà chưa xin phép), hình như cũng là từ ngôi chùa này:

https://img20.imageshack.us/img20/6807/img0035wm.jpg

Quay về với mục đích chính, em xin trả lời bạn KK172 là bạn có thể qua chùa bằng đường cũ qua sông Đuống, qua thành phố Bắc Ninh rồi đi men theo đê sông Cầu khoảng 5km, hoặc đi đường cao tốc qua cầu Phù Đổng, đến Đình Trám thì rẽ. Nếu trời đẹp đi đường cũ có vẻ đẹp hơn bạn ạ.

thienbinh_dn83
22-03-2010, 11:29
Không biết em đưa cái này vào đây có họp hay không, nếu không thì kính các pác chuyển hộ em tí, tks
Số là hôm em đi núi Tà Cú, tình cờ nghe được câu chuyện của sư thầy và đệ tử của ngài. Hôm đó, em lên xem phật nằm dài 49m, thì được biết ở Bình Dương cũng có một tượng Phật to như vậy, ở Chùa Hội Khánh. Chùa này thì em lạ gì, hồi xưa toàn chui vào học bài, mấy đợt thi tốt nhiệp thì ăn ngủ trong này hoài, mà em đâu có thấy tượng nào to vậy. Nói là khi về nhà phải chạy đi ngay cho biết thực hư thế nào.
Nhưng mãi đến hôm thứ Bảy vừa rồi 20/3/2010 mới về lại Chùa. Nhân đây xin giới thiệu cùng mọi người Chùa Hội Khánh và tượng niết bàn chuẩn bị khánh thành
Toàn cảnh Chùa Hội Khánh

https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05980.jpg

Chùa đã được công nhận là di tích Lịch sử-văn hóa
http://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05967.jpg
Nhưng ngôi chùa cổ đang bị xuống cấp trầm trọng, chưa được sự quan tâm đúng mức. Đến nỗi cái bảng này lúc TB tới đây, nó được đặt bên trên bật thềm của một gian gần đó, bị rỉ sét

Trong sân chùa có những cây rất là cổ, và già, các gốc và nhánh chuẩn bị ngả sập, phải chống đỡ bằng những gốc cây tạm bợ

https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05970.jpg

Và bằng công nhận di tích Lịch sử-văn hóa
https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05986.jpg

thienbinh_dn83
22-03-2010, 11:38
[/IMG]Có mấy chữ cổ hay chữ gì đó rất lạ trên những lăng mộ ở đây, àm TB cũng chẳng hiểu gì
https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05982.jpg

Chánh điện nhìn từ bên ngoài

https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05983.jpg

Còn vào bên trong chánh điện thì lúc TB tới là các sư thầy đang đọc kinh, chỉ xem qua một lượt, không dám chụp ảnh, các pho tượng cổ, được biết độc nhất vô nhị ở VN.
Các lăng mộ trước sân chùa

http://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05981.jpg

http://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05971.jpg

Bước ra bên ngoài thì như thế này

http://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC06021.jpg

thienbinh_dn83
22-03-2010, 11:44
Tiếp xúc với sư thầy một chút hỏi về tượng Phật to, thì Thầy bảo do "Ông Châu cúng dường", Thầy bảo mình cứ qua chiêm ngưỡng.
Nghe thầy nói tượng Phật dài 52m, cao 11m. Là tượng Phật nằm dài nhất VN. Toàn thân trắng thanh thoát. Công trình cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn các hạng mục nhỏ, và quan trọng nhất là phải hoàn thành con đường nhựa từ bên ngoài đường chính Bs Yersin vào đến Chùa


https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05989.jpg

https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC06006.jpg

thienbinh_dn83
22-03-2010, 11:51
Quá tuyệt, và quá đẹp. Nếu không có gì thay đổi, thì ngày khánh thành tượng Phật sẽ vào ngày 14 ÂL tháng 3 này.
Thân Phật áp lên một miếng bê tông to, đồng thời bên dưới là các giảng đường tu học, những giảng đường mới toanh, rất là đẹp và tiện nghi

http://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC06004.jpg

https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC05992-1.jpg

Bước ra lại bên ngoài, cát đá, xe lu ngổn ngang, các bác thợ khẩn trương hoàn thành con đường, lòng khấp khởi chờ một diện mạo mới của một ngôi chùa, một di tích Lịch sử-văn hóa vốn bị lãng quên quá lâu

https://i763.photobucket.com/albums/xx279/thienbinh_dn83/PHAT%20NIET%20BAN%20CHUA%20HOI%20KHANH/DSC06017.jpg

thienbinh_dn83
22-03-2010, 12:00
Đi theo chiều kim đồng hồ chứ nhỉ?

Chính xác là phải đi theo chiều kim đồng hồ. Tức là khi bước vào trong chánh điện, bạn đang hướng mắt về Bụt, thì đi bên tay trái của mình, vòng ra sau và đi lên.

KK172
22-03-2010, 14:25
em cũng ngại, chỉ sợ một thời gian sau lại toàn người là người, rồi dần dần, chùa lại xây lại như nhiều ngôi chùa khác
Thỉnh thoảng em lại lẩn thẩn như vậy đấy :)

Lẩn thẩn gì, đúng quá chứ, tớ đồng ý 100% ấy chứ! Nhưng khi bạn đã pot ảnh lên Phượt rồi thì . . .. . :LL

Vova
22-03-2010, 18:38
"The bodhi tree is planted by his exlleney Mr. ... state president of ..."
Lỗi nhiều quá, nhìn cái biển hoành tráng mà thấy phí :(

Nói vậy thôi, chùa Phật Tích vẫn còn nhiều chỗ đẹp, như thế này chẳng hạn:

https://farm5.static.flickr.com/4069/4449634907_3a153ef28a_o.jpg

https://farm3.static.flickr.com/2708/4449634945_47fa3e6d86_o.jpg

Hay chỉ là một góc nhỏ thế này:

https://farm5.static.flickr.com/4023/4449635031_5d2e750f67_o.jpg

Vova
31-03-2010, 22:13
Mình bổ sung thêm là ngôi chùa có một vườn nhãn ở phía dưới rất u tịch, lá nhãn rụng thành thảm dày trên lối đi lát gạch mọc rêu. Chùa còn có một bộ kinh cổ nữa.

Bạn Thóc Nếp nhắc làm tớ phải làm một chuyến thăm chùa nữa, vườn nhãn bạn nói có phải chỗ này không ạ?

https://farm5.static.flickr.com/4006/4479279288_52dd2b2aa3_o.jpg

nghieng
06-04-2010, 10:54
Em sinh ra ở đồng bằng,lớn lên cũng ở đồng bằng,bé thì chẳng được đi đâu,lớn thì chưa tới (hii) nên tầm mắt còn hạn hẹp kiêu căng. Sống ở đông bằng nên em quen cái bằng phẳng ngút ngàn rồi,hễ đi đâu xa xa thấy nhà cao là choáng (hic! cao gì mà cao thế). Nhà cao em ngỡ là núi nên ra phố cứ nhầm thành phố là miền núi,gọi người thành phố là người miền núi. (Dạ! thì em bảo em kiêu căng mà chứ không phải em kỳ thị miền núi gì đâu. Các bác hiểu cho em).

Đến phượt em mới mở rộng tầm mắt,thì ra tỉnh em cũng ít (địa) danh quá.Vậy thì em có ít ảnh (ảnh do bạn em chụp bằng di động) post lên cho các bác thấy sự khác biệt vậy.Ah! Bác chitto xem trích dẫn bài của em dưới bài của bác (trang 2) rồi del bài viết này của em được không ạ ? Em nghĩ như thế dễ theo dõi hơn.

Chùa Keo (Thái Bình)

Bài em sử dụng ảnh của bạn em trong một chuyến về quê thực tế ở Thái Bình (cậu bạn em học kiến trúc).Ảnh chụp bằng điện thoại nên chất lượng có hơi kém.

Vài thông tin về chùa Keo (Thái Bình) :

Chùa Keo (tên chữ: Thần Quang tự 神光寺) là một ngôi chùa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, được xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông ở hương Giao Thuỷ ven sông Hồng. Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự.(Wikipedida)

Tên là Keo vì theo tên Nôm của Giao Thủy nơi chùa được xây dựng ban đầu,sau do nước sông Hồng lên cao làm ngập làng nơi có chùa một bộ phận dân di dời đến nơi khác và xây dựng ngôi chùa Keo mới.

Nãy giờ em cứ phải chú thích "đóng ngoặc,mở ngoặc" Thái Bình vì có những hai ngôi chùa Keo khác nhau được xây dựng ở 2 nơi sau đọt di dời này.Một là chùa Keo Dưới hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thuỷ, Nam Định.Hai là chùa Keo Trên tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư,Thái Bình.Ngôi chùa em đang nói đến là chùa Keo tại đất Thái Bình.

Chùa được coi là ngôi chùa lớn và đẹp vào hàng bậc nhất ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.

Em nghe nói là gỗ dựng chùa toàn ghép bằng mộng chứ không dùng đến một chiếc đinh nào.Đinh sau này có chắc chỉ do đóng biển thông báo thôi (NT)


https://lh5.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qqet9UpjI/AAAAAAAABNg/2nAHSmXSS2I/s400/KeoPagoda.blogspot.com%20%2832%29.JPG
Gác chuông chùa Keo


https://lh6.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qqd65cbeI/AAAAAAAABNc/WLcoPltUI9o/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2831%29.JPG

Gác chuông chùa Keo

https://lh5.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qpjkCE32I/AAAAAAAABNA/Tzeleb-Bktw/s400/KeoPagoda.blogspot.com%20%2821%29.JPG

Ngoài sân chùa cạnh đường lớn

https://lh4.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qpimSjqzI/AAAAAAAABM8/hHy1pKSTPhw/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2819%29.JPG

Hồ nước (Hồ này đến hội diễn ra nhiều hoạt động,trò chơi : hát chèo,bắt vịt...)

Tiếc cái ảnh lớn quá.Link ảnh khổ lớn ở đây (http://farm5.static.flickr.com/4059/4305753661_84d0ab4619_b.jpg) ạ.

https://lh4.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qpj40q1BI/AAAAAAAABNE/jfKWwZmcras/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2824%29.JPG

Tam quan ngoại

https://farm5.static.flickr.com/4012/4306500250_271ef0cd08.jpg

Tam quan nội

nghieng
06-04-2010, 11:23
https://lh6.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qoRWAmurI/AAAAAAAABMs/gjOs9YrOiaw/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2815%29.JPG
Tam quan nội

https://lh4.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qplOqljhI/AAAAAAAABNM/tS-RG6c-UHc/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2830%29.JPG

https://lh3.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qqexTR1lI/AAAAAAAABNk/wuC_ALUJb_I/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2837%29.JPG

https://lh5.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qoRnqsCcI/AAAAAAAABMw/BOGwh4zXk4E/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2816%29.JPG

Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.
(Cô bé kia đeo ống đựng bản vẽ kỹ thuật ạ - sinh viên kiến trúc mà các bác - chứ không phải đại bác bắn khủng bố đâu ạ. hiiii)

https://lh5.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qpklRMO7I/AAAAAAAABNI/XB-Jd_UyvSA/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2826%29.JPG

Khu thờ Phật or khu thờ thánh?

https://lh3.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qoPygFlQI/AAAAAAAABMg/PvzCU2f9RTM/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%281%29.JPG

Đến gác chuông

Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796. (Wikipedia)

Đấy !chùa quê em đẹp thế mà hôm nọ em đọc sách giáo khoa tiểu học nói đến kiến trúc thời Lý có nói đến Chùa Một Cột và chùa Keo. Chùa Một Cột thì có chú thích rõ ràng còn cái chùa Keo chỉ có "Chùa Keo (Thái Bình)" là hết. Buồn ghê. :(

nghieng
06-04-2010, 11:29
https://lh4.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qrLyL-9pI/AAAAAAAABNs/2_bjnSYqFIg/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2843%29.JPG

Giếng nước.Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.

https://lh5.ggpht.com/_6VEyy52rfBw/S7qoQz1PqnI/AAAAAAAABMo/GFICAC_NMjM/s800/KeoPagoda.blogspot.com%20%2814%29.JPG

Nhà tổ.(đằng sau là cánh đồng lúa - Nét đặc trưng chỉ thấy ở các ngôi chùa đồng bằng)

nghieng
06-04-2010, 11:43
Lễ hội

Có câu ca dao về hội chùa Keo:


Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

cho ta thấy sự cuốn hút của hội chùa Keo.Nguyên là hội chùa Keo chỉ tổ chức từ 13 đến 15 tháng 9 âm lịch. Nhưng ngày nay lễ hội kéo dài bắt đầu từ mùng 10 cho đến hết tháng, còn hoạt động hành hương, cúng lễ thì diễn ra hầu như quanh năm.

Nếu như đi du lịch đồng bằng làm đôi chân chưa mỏi,chưa đã thì vào dịp hội chùa các bác có thể qua sông Hồng sang cả bên Trực Ninh, Nam Định để dự lễ hội chùa Cổ Lễ (hội này cũng tổ chức vào thời gian tương đương bên hội chùa Keo). Ở lễ hội này du khách cũng có thể chọn được một vài món đặc sản địa phương để làm quà khi trở về như bánh nhãn Hải Hậu hay bánh cáy Thái Bình.


<iframe width="425" height="350" frameborder="0" scrolling="no" marginheight="0" marginwidth="0" src="http://maps.google.com/maps?f=q&amp;source=s_q&amp;hl=en&amp;q=chua+keo&amp;sll=20.424439 ,106.472626&amp;sspn=0.575265,0.873413&amp;ie=UTF8&amp;split=1 &amp;filter=0&amp;rq=1&amp;ev=zo&amp;radius=28.31&amp;hq=chua+keo&amp;hnea r=&amp;ll=20.533791,106.364136&amp;spn=0.575265,0.873413&amp;z =10&amp;iwloc=A&amp;cid=5590864252895208517&amp;output=embed"></iframe><br /><small><a href="http://maps.google.com/maps?f=q&amp;source=embed&amp;hl=en&amp;q=chua+keo&amp;sll=20.4244 39,106.472626&amp;sspn=0.575265,0.873413&amp;ie=UTF8&amp;split =1&amp;filter=0&amp;rq=1&amp;ev=zo&amp;radius=28.31&amp;hq=chua+keo&amp;hn ear=&amp;ll=20.533791,106.364136&amp;spn=0.575265,0.873413 &amp;z=10&amp;iwloc=A&amp;cid=5590864252895208517" style="color:#0000FF;text-align:left">View Larger Map</a></small>

nghieng
06-04-2010, 11:45
Hic! Sau khi đọc "list" quy định của diễn đàn em băn khoăn không biết nên post ở đâu cả nên tạm cho vào đây.Xin lỗi bác Chitto vì lỡ tay up nhiều quá loãng bài viết của bác.Tại trong lòng em nó cứ sục sôi. hiiiiii

Chitto
17-06-2010, 18:56
Trong Phật giáo và nghệ thuật tạo tác tượng Phật giáo, có những quy chuẩn được hình thành và áp dụng từ rất lâu, và vẫn tiếp tục trở thành quy định về sau.

Một trong những quy định quan trọng chính là tư thế của đôi bàn tay, được gọi là Thủ ấn (mudra). Các thủ ấn được quy định khá chặt chẽ: Thủ ấn nào chỉ dành cho Phật, thủ ấn nào dành cho Bồ tát, A la hán, hoặc chư Thiên, chư Thánh, Tổ sư... Bản thân mỗi thủ ấn cũng mang trong nó những dấu tích văn minh lạ lùng.

Các tượng Phật của Việt Nam thực tế không có nhiều thủ ấn lắm, và không đủ hết các loại thủ ấn của Phật giáo. Chủ yếu chỉ là ấn Thiền định, ấn Cát tường, ấn Niêm hoa, ấn Vô uý, ấn Bát ngưỡng, ấn Hiệp chưởng, ấn Mật phùng, ấn Chuẩn đề.

Còn rất nhiều loại thủ ấn khác như Kiếm ấn, Đại Nhật, Chuyển pháp luân, Xúc địa... thì rất hiếm, hoặc thậm chí không thấy tại tượng Phật cổ của Việt Nam. Chỉ gần đây, với sự giao lưu với các quốc gia khác, các dòng phái Phật giáo khác, mới xuất hiện các thủ ấn này trên tượng Phật.

Chitto
15-07-2010, 23:07
Hôm nay đi một vòng qua mấy ngôi chùa: chùa Pháp Vân (Thường Tín), chùa Đậu, chùa Hội Xá, chùa Bối Khê, chùa Phật Quang.

Trong chuyến đi, giá trị nhất là gặp được cụ Tổ Hội, đại lão hoà thượng Thích Thanh Bích, là vị hoà thượng cao niên nhất của Việt Nam hiện nay. Cụ Tổ Hội năm nay (2010) đã 98 tuổi, tuy nhiên vẫn đọc sách được, vẫn tụng kinh, và hành lễ trên chùa.

Ở chùa miền Bắc, các vị Sư cụ có nhiều đệ tử, các đệ tử đều đã có đệ tử, và tuổi sư cụ đã cao, thì thường được gọi là Tổ. Và người ta không gọi các cụ bằng pháp hiệu, mà gọi bằng tên ngôi chùa các cụ ở.

Trước kia cụ Thích Thanh Bích trụ trì tại chùa Đậu, người ta gọi cụ là Tổ Đậu, sau chuyển sang chùa Hội Xá, nên gọi là Tổ Hội. Cụ Tổ Hội có đặc trưng nổi tiếng, là khi gặp các sư khác, bao giờ cụ cũng tự xưng là CON, cụ chào các sư khác: CON chào các thượng toạ !.

Vì cũng chỉ là đi chơi vãn cảnh, nên cũng chỉ vào chào cụ một câu, và xin phép chụp ảnh cụ. Cụ cười đồng ý, sau khi chụp ảnh cụ xong, cụ bảo : Dạo này ai cũng dùng cái này, đấy, bấm một cái là thấy NHÂN QUẢ xảy ra tức thì !


https://static.panoramio.com/photos/original/37955474.jpg

TriMinh
15-07-2010, 23:14
Tổ Hội là Pháp đệ của đức đệ nhị Pháp Chủ Thích Tâm Tịch thuộc sơn môn Tế Xuyên - Mai Xá, cho đến nay tổ là vị trưởng lão trụ thế cao niên nhất của Phật Giáo miền Bắc và cũng là người có đức độ khiêm cung bậc nhất. Bác nào có hạnh phúc như cụ Chitto được đỉnh lễ cụ tổ là một nhân duyên lớn đó.

lamer
21-07-2010, 11:52
Mong một ngày có duyên được đi cùng bác Chitto tới thăm một số Chùa nào đó, không biết các chuyến đi của bác có người nào đồng hành không nhỉ? Em chỉ đoán là bác đi một mình cho thanh tịnh, tự do thưởng ngoạn, tự mình trải nghiệm thôi... :((