PDA

View Full Version : Lệ Giang...hồi đó



happypack
07-11-2010, 13:05
Tôi thuật lại ở đây chuyến đi Lệ Giang của mình độ cuối năm 2007, chuyến du lịch tự túc ra nước ngoài hoành tráng nhất của chúng tôi tính đến thời điểm đó. Hoành tráng về kinh phí, về độ dài ngày của chuyến đi, về quãng đường đã đi qua và cả hoành tráng về...độ liều nữa!

Chuyến đi đã lâu, địa điểm đã trở thành "cũ" trong diễn đàn nên cũng không có ý định cung cấp thông tin hướng dẫn cho các bạn có ý định tìm hiểu cung đường này.

Chỉ đơn giản, đối với tôi, để phủi bụi cho "hồi ức" của mình về chuyến đi ấy, khi mà bạn đồng hành nay đã không còn chung bước. Dẫu sao, ký ức vẫn còn sống mãi...

happypack
07-11-2010, 13:16
Ngày 27/11/2007

Lên đường

Cả một ngày bồn chồn và loay hoay, cố gắng thu xếp hoàn tất công việc để bàn giao cho mọi người trước khi nghỉ phép. Cuối cùng tôi cũng kịp ra sân bay sát giờ dự định với sự trợ giúp của đứa em yêu vấu. Hành lý mang theo là một pack 40 (+10) cũ mua tại khu phố Phạm Ngũ Lão và một ba lô 30 thường dùng, gồm có quần áo cho mấy ngày đường, đồ ấm, thức ăn khô, ngân lượng, máy ảnh và phụ kiện, và một số tài liệu cần thiết (lonely planet, một quyển đàm thoại tiếng Hoa, một tờ giấy soạn sẵn những câu nói thông dụng và một xấp giấy in đầy những kinh nghiệm góp nhặt từ những đoàn bạn đi trước). Máy bay khởi hành trễ 30 phút. Ngồi trong phòng đợi, ngắm nhìn mọi người cùng chuyến bay, những suy nghĩ vẩn vơ lại xuất hiện trong tôi. Chuyến đi này, không biết điều gì đang chờ đợi chúng tôi, và cho riêng tôi, phía trước.

Không giống như chuyến đi bụi sang đất nước Chùa Tháp hồi đầu năm, nơi không quá khó khăn để giao tiếp bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, và cũng không quá xa quê nhà về mặt địa lý, lần đi này của chúng tôi hướng đến một đất nước cũng láng giềng nhưng lớn hơn tổ quốc gấp nhiều lần, ít ra là về mặt diện tích và dân số. Trung Quốc, đất nước của những triều đại lừng lẫy, những kiệt tác văn hóa nghệ thuật rực rỡ, những thắng cảnh lay động lòng người. Trung Quốc, hiện lên trong tôi, còn là chuỗi ký ức từ những ngày ra rả đọc bài về các cuộc xâm lăng đô hộ, về những chiến công lừng lẫy của cha ông; từ những cuộc phiêu lưu của thầy trò Đường Tăng, của ba anh em “vườn đào kết nghĩa”, của 108 vị anh hùng thảo khấu; thảng hoặc cũng từ những điệu múa thướt tha hay những khúc dân ca da diết bắt gặp đâu đó trên tivi hay đài phát thanh. Thuở bé, tôi chỉ cảm thấy thích thú khi cùng đám bạn múa may bắt chước “Tề Thiên, Chu Bắt Dế” và rộn ràng gọi nhau mỗi khi nghe tiếng nhạc hiệu quen thuộc của bộ phim Tây Du Ký; lớn lên một chút, tôi thường mê mẩn ngắm nhìn các bức tranh thủy mặc mỗi lần có dịp xem triển lãm và hay tưởng tượng đến lúc mình được đến tận nơi để trông thấy khung cảnh đúng như những gì mà các họa sĩ đã vẽ. Nhưng chỉ có thế ...

Cho đến khi tôi biết đến ttvnol (www.ttvnol.com) và couchsurfing (www.couchsurfing.com); những bài viết chia sẻ sau những chuyến đi và những loạt hình tràn đầy cảm xúc của các bạn đã thổi bùng ngọn lửa phiêu lưu luôn âm ỉ trong chúng tôi. Cùng với Trang, người bạn đường luôn gắn bó _ như một chất xúc tác kỳ diệu, chúng tôi đã và đang khởi động cho những chuyến đi của cuộc đời mình.
Bắt đầu là Campuchia, lang thang từ Nha Trang lên Daklak, rồi rong ruổi ngựa sắt ra Mũi Né, và bây giờ là Vân Nam.

Vân Nam _ một tỉnh nằm phía Tây Nam của Trung Quốc, giáp với tỉnh biên giới Lào Cai ta, Đông giáp Quảng Tây, Bắc giáp Tứ Xuyên, Tây Bắc giáp Tây Tạng. Vùng đất này cũng chính là nơi xuất phát của hai con sông lớn chảy vào Việt Nam là sông Hồng và sông Đà. Mong ước được cùng nhau đặt chân lên những phiến đá cổ lát đường tại Lệ Giang, được nhìn ngắm dòng xoáy dũng mãnh tại Khe Hổ Nhảy, được lênh khênh yên ngựa chinh phục tuyết sơn, càng thôi thúc bước chân của chúng tôi lên đường, mặc những nỗi lo vì sự cách biệt ngôn ngữ, vì chặng đường xa xôi phải trải qua và vì cả tiết trời lạnh giá mùa đông.

“Whenever starting any journey, your heart and your mind must be on the same way, and the same direction…”

Chuyến bay giá rẻ rung lên xòng xọc khi đi qua vùng đệm không khí xấu. Một nhóm khách Tây Âu rất ồn ào tán gẫu, cười đùa và uống rượu, khác hẳn với những hành khách châu Á khác đang lim dim trong giấc ngủ chập chờn. Dường như đối với họ, ngủ trên đường đi du lịch là một điều lãng phí.
Sau hơn một tiếng chờ đợi và thưởng thức cái lạnh miền Bắc, quả thật lạ lẫm với một tên Sài Gòn suốt ngày quần cộc áo phông, đêm đầu tiên của chúng tôi trôi qua khá ấm áp tại căn nhà rất nhỏ của một người chị họ nằm sâu trong một ngõ nhỏ, phố nhỏ ở quận Hoàng Mai.

Ngày mai là gì nhỉ…

happypack
07-11-2010, 13:19
Ngày 28/11/2007

Một ngày ở Thủ đô

Buổi sáng thưởng thức món mì gói nấu thịt bò, tôi xung phong thái tảng thịt bò đông cứng, lạnh buốt tay. Vào những ngày này, tắm là một điều dũng cảm.

Đón xe buýt lên trung tâm thành phố. Đường sá cũng bụi bặm và ô nhiễm y như trong Sài Gòn. Chúng tôi không mấy thiện cảm với cánh xe ôm ở đây (các bác ý rất ít khi giúp đỡ khi chúng tôi hỏi đường, mà chỉ chăm chăm đề nghị làm một cuốc xe, trong khi người đi đường thì rất nhiệt tình chỉ dẫn), nhưng lại rất thích văn hóa đi xe buýt của thủ đô _ trẻ nhường già, nam nhường nữ, rất tự nhiên và thoải mái. Gặp một bác lớn tuổi cực vui tính trên xe buýt, chúng tôi theo đuôi bác xuống bến để tìm đường ra ga Hà Nội và gửi đồ tại cơ quan của người chị gần đấy.

Cả một ngày lang thang khu phố cổ. Từ rất lâu, hầu hết các con phố mang tên Hàng này Hàng nọ đã không còn giữ được mặt hàng buôn bán truyền thống theo bạn theo phường đặc trưng đã tạo nên tên phố nữa; tuy vậy, được rong ruổi giữa những con phố nhỏ trong tiết trời lạnh đầu đông vẫn có cái thú vị riêng của nó, cộng với niềm háo hức cho chuyến đi dài trước mắt, bứt mình khỏi những quay cuồng công việc hằng ngày _ cảm giác thật là sảng khoái. Đường phố ở Hà Nội khá mát mẻ, có nhiều cây xanh hơn trong này, lại có những hồ lớn trong lòng thành phố. Xích lô ở đây thấp, nên người đạp xe trông cũng có vẻ nhàn tản hơn. Đất chật người đông, nhà cửa san sát, và sâu hun hút. Một độ sâu thật đáng ngạc nhiên, hết ngõ đến ngách, vào đến tận cùng lại thấy mở ra những ngả rẽ khác. Ngoài kia, những gánh cam đỏ, bưởi xanh, mấy chiếc xe đạp bán những thức quà nhẹ, vài thúng hoa tươi đặt nơi góc đường đang tạo nên cái vẻ đáng yêu âm ỉ cho phố phường Hà Nội. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng việc cấm các gánh hàng rong là một trong những giải pháp tốt nhất mà người ta có thể nghĩ ra để gây tổn hại cho du lịch địa phương.

Tìm kiếm những điểm khác biệt trong ngôn ngữ hai miền trên những tấm bảng hiệu cũng đem lại một niềm thích thú riêng, ví như mía đá (nước mía), là hơi (giặt ủi), ngõ ngách (hẻm, suyệc), hay những tấm biển hàng ăn với dòng chữ “phở, bún, miến, cháo” rất đặc trưng cho miền Bắc. Bún chả Hàng Mành không hợp khẩu vị như Bún Chả Hà Nội trong Sài Gòn.

Quá trưa, chúng tôi ghé thăm Tràng Tiền Plaza, loay hoay thế nào lại bị thất lạc mất túi xách trong đấy. Không còn hộ chiếu, không còn máy ảnh, không vé tàu và máy bay. Những nỗ lực tìm kiếm, với sự giúp đỡ có chừng mực của đội ngũ bảo vệ, đều không đem lại kết quả gì ngoài những cái lắc đầu và ánh mắt ái ngại. Tìm đến công an phường Tràng Tiền để trình báo. Tại đây, lần đầu tiên trong đời chúng tôi được dạy dỗ thế nào là “bất cẩn để thất lạc tư trang là gây phiền hà cho cơ quan có thẩm quyền” (thế khi chúng tôi đóng thuế, các ông có thấy phiền không !?!). Mọi kế hoạch ban đầu thế là sụp đổ, chúng tôi quyết định chuyển hướng hành trình đi thăm thú Sapa và leo Fansipăng. Lên Hà Trung đổi lại tiền Việt, ra ga tìm mua vé tàu lên Lào Cai. Nói thì nhanh, làm lại không dễ đến thế :-)

Ngồi đợi giờ tàu chạy trong căn phòng ấm cúng đối diện ga Hà Nội, trong lòng vẫn không ngăn được nỗi nuối tiếc thoáng qua. Còn 1h45’ đến giờ khởi hành, chúng tôi nhận được điện báo đã tìm thấy túi xách. Tức tốc, tức tốc, Trang đi cùng chị Huệ. Phải kìm mình để không nhảy cẫng lên, tôi chỉ biết guồng chân quanh quẩn và thấp thỏm chờ tin, tự dặn mình chớ mừng vội mà mấy ngón tay cứ chốc chốc lại lăm lăm bấm số điện thoại cầm tay. Chỉ nhận lại được hộ chiếu và vé máy bay, nhưng như thế cũng đã là quá đủ để không phải bỏ dở hành trình đã định. Mới thấy _ đôi khi, ánh sáng lại xuất hiện trong hầm tối ở những khúc quanh bất ngờ nhất.

Đi giữa những toa tàu dưới ánh sáng vàng vọt của dãy đèn đường, trong màn sương mờ, tôi như thấy mình đang đứng đâu đó trên nhà ga số 93/4 vậy. Chuyến tàu này liệu rồi có đưa chúng tôi đến một vùng đất lạ lùng đầy phép thuật nào đó như câu chuyện của cậu bé Harry!?!

Liên lạc cuối cùng nhận được trong ngày là lời nhắn nhủ “nhớ mua quà cho tao” của hai vợ chồng đứa bạn thân (rõ là “vợ chồng bọ xít”). Trang đã thiếp đi vì mệt, phần tôi cũng bã người vì những cung bậc cảm xúc đan chéo trong ngày. Chìm vào trong giấc ngủ vẫn là câu hỏi ấy…

happypack
07-11-2010, 16:25
https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1579.jpg
Bên Hồ Gươm...

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1580.jpg
góc xưa sẽ trọn vẹn hơn nếu không có những cái ba lô sặc sỡ...

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1585.jpg
Tháp Bút, bạn tôi cầu việc học mà vẫn chưa ứng nghiệm :-)

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1589.jpg
góc riêng

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1591.jpg
nhằng nhịt...dây

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1603.jpg
ngõ ngách sâu hun hút

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1613.jpg
và san sát nhà cửa...có khoảng trống nào cho trời xanh như trong tuổi thơ tôi...

happypack
07-11-2010, 16:35
Hàng rong và quán vỉa hè, những nét duyên ngầm của phố thị...

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1594.jpg
những gánh cam đỏ bưởi xanh, thúng hoa tươi đẫm sương và mồ hôi nhọc nhằn khuya sớm...

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1597.jpg
ai mua bánh nào...còi xe đã át đi bao tiếng rao trong ký ức

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1598.jpg
tào phớ đêêêêê.....

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1609.jpg
quán nhỏ, tôi thích lê la nơi đây hơn ngồi Starbuck...thật lòng đấy!

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1611.jpg
cà phê

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1614.jpg
charm

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1616.jpg
đôi khi tôi tự hỏi, liệu một hai chục năm nữa khi tóc đã điểm sương, liệu tôi có bật khóc khi nhìn lại những nét thương nhớ này của thủ đô. mà đâu chỉ riêng ở Hà Nội...

happypack
07-11-2010, 16:51
Ngày 29/11/2007

Đường đi Côn Minh

Đi tàu nằm tầng ba thật là bất tiện, chẳng thể nào ngồi thẳng người lên được, ăn uống hay đọc sách đều phải thực hiện trong tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc nằm bẹp hẳn xuống giường.

Hơn 6h, tàu dừng tại ga Lào Cai. Bắt đầu rồi đấy, những nỗi lo trước chuyến đi xa ngày càng gần hiện thực hơn, nào là đổi tiền ở đâu, đón xe lên cửa khẩu thế nào, có bị kẹt lại ở hải quan không… Nhưng càng về sau mới nghiệm thấy, đừng luôn e sợ, cứ đi đi, khắc sẽ có đường, và sẽ rất tốt khi bên mình có một người bạn đường đáng tin cậy để sẻ chia tất cả những trải nghiệm của chuyến hành trình.

Sương mù khá dày, hơi lạnh len lỏi một cách khó chịu trong từng nếp áo ấm vừa khoác vội. Không khí quả thật trong lành _ một món quà đặc biệt cho những đứa như chúng tôi, vốn suốt ngày phải đối phó với khói bụi và tiếng ồn đô thị mỗi khi ló mặt ra đường. Thi nhau phà khói ra đằng miệng, cảm giác thinh thích như lâu lâu chơi lại mấy trò con trẻ. Có lẽ do bộ dạng sùm sụp trong mớ đồ ấm của chúng tôi lại đi cùng với mấy cái balô quá khổ, nên các anh các bác xe ôm toàn dùng tiếng Anh để bắt chuyện. Đứng chờ xe Lương Bình lên cửa khẩu, tôi có dịp ngắm nhìn thị trấn còn đang ngái ngủ. Vẻ yên bình ấy, đằng sau sự chộn rộn của bãi xe khách trước ga, dễ gieo vào lòng con người ta chút gì xao xuyến, nhất là trước những chuyến đi xa như thế này. Anh lái xe còn trẻ và khá nhiệt tình, tỏ ra rất thú vị khi biết nhà xe được các đoàn bạn tin tưởng giới thiệu. Xe điện chạy êm. Mặc chúng tôi co ro nào áo lạnh, khăn choàng, mũ len, găng ấm mà vẫn luôn miệng xuýt xoa, các em nhỏ nơi đây cứ tay trần phom phom đạp xe đến trường. Tại cửa khẩu có rất nhiều người đổi tiền, giá cả cũng không chênh lệch bao nhiêu so với dưới xuôi. Còn có những chiếc xe lôi rất dài dùng để chở tre nguyên cây mà tôi đã từng bắt gặp ở Hà Nội. Tranh thủ làm thủ tục hải quan, nhưng vẫn phải mất gần tiếng chúng tôi mới qua được cửa khẩu vì vướng một đoàn khách Trung Quốc đang làm thủ tục về nước. Khi ấy đã hơn 9h sáng, chúng tôi chỉnh lại một đồng hồ cho đúng với múi giờ của nước bạn (nhanh hơn bên mình một tiếng), cái còn lại vẫn giữ nguyên theo múi giờ của ta.

Cửa khẩu Lào Cai, nhìn từ phía Việt Nam nom rất hoành tráng, nhưng qua cầu sang đất bạn lại đơn giản hơn nhiều. Dưới lòng sông cạn, sương mù bồng bềnh như cháo loãng. Rất nhiều người qua lại cửa khẩu này trong ngày để buôn bán. Nghĩ cũng thật lạ, các trạm gác cửa khẩu này khi tìm trên google earth hẳn chỉ là những ô vuông bé tí, nhưng lại biểu trưng cho một sức mạnh phân định rất rạch ròi: chỉ vài bước chân về phía bên này hay bên kia đã là một thể chế chính trị khác, với luật lệ khác, tư tưởng khác và (thường là) ngôn ngữ khác. Đã bao lần xoay quả địa cầu trong tay, nhìn thấy các châu lục trên quả đất này chỉ là những mảng đất liền bao bọc bởi các đại dương xanh thẳm. Thế mà ¼ diện tích bề mặt tưởng chừng như thống nhất ấy lại chứa đựng trong nó biết bao dân tộc với nền văn hóa của riêng mình. Kỳ diệu thay sự đa dạng này :-) Có lẽ, lý tưởng nhất, như ai đã từng nói, là những ranh giới chỉ nên được phân định do sự khác biệt của bản sắc văn hóa, chứ đừng vì những khác biệt về chính trị và quyền lợi giai cấp như nhân loại đang thấy ngày nay (haizzz, thật là đỡ tốn tiền xây cửa khẩu).

Các em hải quan còn rất trẻ, và vì còn trẻ nên rất tận tình hướng dẫn chúng tôi điền vào các mẫu khai. Dường như khách qua lại buôn bán nhỏ trong ngày ít nhận được sự ưu ái bằng khách du lịch _ và tôi thấy đa phần họ là các bà con dân tộc và cả người Kinh ăn mặc khá lam lũ. Tại cơ quan hải quan cũng như một số cơ quan nhà nước khác của Trung Quốc mà chúng tôi có dịp tiếp xúc sau này (Bank of China chẳng hạn), người ta thường sử dụng phương thức đánh giá nhân viên bằng phản hồi trực tiếp của người dân. Một cái máy tính điểm luôn được đặt tại quầy giao dịch, trên có hiển thị hình ảnh và mã số của nhân viên trực ca, còn có các nút bấm tương ứng với từng mức độ hài lòng về cung cách và thái độ phục vụ. Mỗi mức đánh giá sẽ đem lại số điểm tương đương cho nhân viên trực ca đó. Ít ra về hình thức, thì đây cũng là phương cách giúp người dân nhìn thấy quyền dân chủ một cách rõ nét hơn, vì chí ít thì họ cũng có thể thể hiện ngay thái độ của mình _ nhất là đối với các nhân viên công quyền.

Thiệt hại một hộp ruốc ăn dở do sơ suất để quên trong balô nhỏ. Thực phẩm các loại được phân chia và lèn giữa các lớp quần áo trong balô lớn vẫn bình yên vô sự. Nhưng đáng tiếc nhất là chúng tôi bị tịch thu cả quyển Lonely Planet China. Em gái hải quan xinh tươi giải thích bằng giọng tiếng Anh ngọng nghịu rằng vì đây là sách in bất hợp pháp nên không được đem vào Trung Quốc. Em í còn nhắc đến mấy từ “Taiwan” nhưng không hiểu là ý gì. Thôi vậy!

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1620.jpg
nhà ga số Chín Ba phần Tư của tôi

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1621.jpg
tranh thủ chụp ké toa du lịch hạng sang ;-)

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1628.jpg
xe lôi hàng khủng, từ bé giờ mới gặp lần đầu

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1629.jpg
Cửa khẩu phe ta

happypack
07-11-2010, 16:54
Đường đi Côn Minh (tiếp)

Đặt chân sang đất Trung Quốc đã là 10h. Khi ấy, trong lòng tôi thực sự rất vui vì sau những biến cố của ngày hôm trước, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có thể bước những bước đầu tiên của cuộc hành trình. Kể từ đây, tôi và Trang chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ để trao đối với nhau, còn thì rất hay phải dùng động từ “to quơ” bên cạnh vài câu tiếng Hoa học vẹt, chỉ sợ người nghe hiểu được trả lời dài dòng thì mình điếc. Khó khăn, nhưng cũng có cái thú vị riêng của nó. Theo chỉ dẫn trên ttvnol, chúng tôi nhanh chóng tìm thấy bến xe buýt đường dài gần ngay cửa khẩu, xếp hàng mua vé cho chuyến gần nhất khởi hành lúc 10h55. Bữa sáng đầu tiên trên đất bạn là món bánh phở chan nước dùng ăn với một loại nhân băm có vị như nhân bánh trung thu vậy.

Nghỉ ngơi một chốc để sắp xếp lại hành lý. Chỉ cách một cây cầu, đường sá bên này cửa khẩu được đầu tư khá tốt, rộng và thoáng. Đường cao tốc 400km nối liền từ đây lên Côn Minh dự kiến được hoàn thiện trong năm 2008, sẽ đẩy mạnh giao thông giữa Côn Minh bạn và Lào Cai ta, trong khi 1800 km ở đầu kia sẽ là nhịp cầu nối liền Vân Nam với Băng Cốc, Lào và Campuchia. Ở triền núi bên kia sông, chúng tôi thấy có xe cẩu đang làm việc, hẳn là đang thúc đẩy việc phục hồi tuyến đường sắt giữa hai quốc gia vốn đã bị gián đoạn khá lâu về trước do đất lở. Rồi đây, các tỉnh vùng cao phía Bắc nước ta sẽ đứng trước cơ hội phát triển giao thương vô cùng mạnh mẽ, tuy nhiên mức độ phát triển kinh tế vùng miền như thế nào còn phải trông chờ rất nhiều vào tầm nhìn hợp tác và chiến lược ngoại giao khôn khéo của các bác cầm quyền nữa.

Nhà vệ sinh ở bến xe rất tệ.

Chiếc xe 24 chỗ hơi cũ, chạy không êm. Trên xe, ngoài chúng tôi còn có anh Diên người Hà Nội _ đã có thâm niên buôn bán qua lại đất Trung Quốc gần 10 năm, rất sõi tiếng Hoa _ và một backpacker người Úc, còn thì đều là người bản xứ. ¾ đoạn đường từ Hà Khẩu đến Côn Minh khá xóc, và hoàn toàn không tốt cho những ai bị say xe. Nhưng đối với dân du lịch có sức khoẻ tốt, tôi cho rằng đây là chặng đường đáng để đi hơn so với lựa chọn di chuyển bằng tàu lửa từ Nam Ninh đến Côn Minh. Xe chạy nhanh trên mạch đường quanh co đồi dốc, chỉ thi thoảng giảm tốc độ khi qua những trấn nhỏ ven đường; loang loáng bên cửa sổ là những rặng núi cao, những thung lũng sâu, những bậc ruộng xanh nhú. Những vườn cam đỏ ở đây đã quá mùa trẩy quả, chỉ còn lác đác dăm trái chín muộn dành ăn trong gia đình. Hơn một lần trên đường, tôi sững sờ khi có dịp ngắm nhìn hồ nước xanh ngắt nằm lặng im giữa vùng đất khô cằn. Màu xanh ấy nơi Cửu Trại Câu _ thiên đường hạ giới _ chắc cũng chỉ đến thế mà thôi. Dã quỳ vàng rực trong nắng chiều.

Người Trung Quốc, như thường lệ, trò chuyện với nhau rất sôi nối và ăn quà vặt cũng không kém phần quyết liệt, phun vỏ hạt khô đầy sàn xe. Ở một vài trạm xăng trên đường, chúng tôi nhìn thấy đôi ba chiếc xe khách nằm im lìm trong bãi. Nghe anh Diên bảo, ấy là do tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, một số tuyến xe phải tạm ngưng chờ nhiên liệu. Gặp hai anh chị backpacker Tây Âu gò mình trên xe đạp về hướng ngược lại, cả xe ồ lên chỉ trỏ và bàn tán. Không hiểu họ nói gì, tôi chỉ thấy nhớ đến đôi bạn người Pháp Damien và Delphine (www.planete.d.free.fr) giờ này hẳn cũng đang ở đâu đó trên quả đất này với chiếc xe đạp đôi để thực hiện ước mơ lớn của cuộc đời mình. Ngoài điểm dừng ăn chiều tại một nhà ăn ven đường vào độ 6h, xe của chúng tôi còn dừng 2 lần nữa vì hỏng hóc. Bốn người không-mang-quốc-tịch-Trung-Quốc chúng tôi ngồi cùng một bàn; anh Diên vốn đã quen với cách ăn bên này nên gọi thức ăn ê hề đầy ắp. Khẩu vị ẩm thực địa phương bao giờ cũng là một trong những điều thú vị của bất cứ một chuyến đi nào, và không ít trường hợp nó còn làm nảy nở tình yêu rất sâu đậm trong lòng lữ khách dành cho vùng đất đã qua. Món ngồng mướp lạ miệng và canh thì không nêm gia vị.

happypack
07-11-2010, 17:10
Khách sạn Camellia

Gió lạnh về chiều lách qua khe cửa, lùa vào mớ tóc khô còng vì lâu ngày không gội, thốc vào mắt, vào mũi. Vào đến thành phố đã gần 9h tối. Không thể đón ngay xe buýt đêm đến Lệ Giang như kế hoạch, chúng tôi đành nghỉ lại khách sạn Camelia mà Lonely Planet đã giới thiệu. Từ bến xe về đến khách sạn mất gần 15 phút taxi. Sảnh lớn của khách sạn khá đẹp và ấm cúng nhờ vào hệ thống đèn chiếu và độ cao vừa phải của trần nhà. Làm mềm không gian là một bể kiếng lớn nuôi rất nhiều cá chép với đủ các màu sắc theo thuật phong thủy, số lượng cá nuôi cũng được tính toán để đem lại may mắn cho gia chủ. Phải chăng nhờ thế mà Camelia được Lonely Planet tìm thấy và giới thiệu cho cộng đồng du lịch! :-) Không chỉ chú trọng vào tầng lớp du khách trung lưu, khách sạn còn cung cấp dịch vụ lưu trú cho dân du lịch tự túc với túi tiền eo hẹp. Khu dorm dành cho backpacker nằm trên tầng hai của một tòa nhà nằm trong khuôn viên khách sạn _ cách sảnh lớn chỉ độ mươi mét bên tay trái, được thiết kế và hoạt động như một cơ sở độc lập với quầy tiếp tân riêng, bếp tập thể lúc nào cũng sẵn nước sôi và dụng cụ nấu nướng, phòng xem tivi chung, phòng vệ sinh cá nhân tập thể, toilet dùng chung và phòng tắm tập thể với 15 phút co ro đợi nước nóng mỗi lần sử dụng. Có hơn 7 phòng cùng dãy với 8 dorm cho mỗi phòng. Không phải mùa cao điểm nên mọi sinh hoạt cũng dễ dàng. Phòng của chúng tôi ở khá sạch sẽ và tương đối ấm áp, thời tiết tuy lạnh nhưng chưa đến mức phải dùng chăn điện. Trong phòng có cả tủ cất đồ nhưng muốn sử dụng phải mua một ổ khóa nhỏ tại quầy tiếp tân. Đủ quốc tịch Tây lẫn Á, các bạn nữ người Nhật có vẻ hơi khép kín.

Bắt đầu bị nghẹt mũi, thở khò khè trong cơn ngủ.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1647.jpg
Khu dorm cho du lịch tiết kiệm

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1649.jpg
rất nhiều không gian xanh

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1652.jpg
hồ cá phong thủy

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1639.jpg
hoa viên nhỏ, nhìn từ cửa sổ phòng dorm, sáng ra sương đọng mờ lớp kính

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1684.jpg
nội thất phòng dorm

axitchanh
07-11-2010, 20:31
Đang thương bạn Happypack bị mất máy ảnh không biết có còn cái khác để chụp không. Đang định hỏi nếu không thì bạn viết mình sẽ up ảnh minh họa cho, nhưng có vẻ không cần nhỉ.

happypack
08-11-2010, 13:26
hi axitchanh, lần đó mỗi người đem một máy ảnh, nên mình vẫn còn có cái để chụp đem về, may ghê :)

axitchanh cứ thoải mái góp hình và thông tin nhé. bạn chụp hình đẹp mà có góc cạnh lắm, chia sẻ với mình và mọi người nhé, rất cảm ơn ;)

Ariel
12-11-2010, 10:51
Bạn làm mình nhớ chuyến hành Lệ giang của mình quá đi mất! Chờ đọc bài của bạn đấy!

happypack
12-11-2010, 18:17
Bạn làm mình nhớ chuyến hành Lệ giang của mình quá đi mất! Chờ đọc bài của bạn đấy!

cảm ơn Ariel đã có lời động viên :) thú thực là mình viết rất chậm vì không có khiếu, mỗi lần giở ra viết lại phải xem hình để lấy lại mạch cảm xúc, rồi còn phải lấy băng casette mua bên đó ra nghe nữa chứ, màu mè thế đấy :)). có khi xem hình xong thì buồn ngủ quá nên lăn ra giường luôn :D hiện giờ mới đi được nửa đường thôi :)

happypack
12-11-2010, 18:34
Ngày 30/11/2007

Ngày ở Côn Minh

Càng gần sáng càng ngon giấc, nhất là giai đoạn ngủ nướng. Dorm của tôi nằm cạnh khung cửa sổ lớn duy nhất của phòng, quệt tay trên lớp kính ẩm mờ hơi sương là có thể nhìn xuống khu vườn cảnh được dùng làm mảng xanh cho khách sạn. Vườn lót gạch tàu nên rất sạch, có mấy cây hoa tím đang trổ bông từng chuỗi, vài bác già thơ thẩn đi lại giữa những bồn cây. Đã hơn 7h mà vẫn chưa thấy mặt trời đâu. Làn sương lạnh còn luẩn quẩn, ngoài phố đã xôn xao tiếng bước chân, tiếng người, tiếng xe _ khác hẳn với không gian nhuốm màu ngái ngủ đầy thư giãn trong phòng. Có lẽ, thói lười biếng này chỉ xuất hiện nơi dân du lịch mà thôi.

Điểm tâm xong mấy gói mì tôm đem theo từ quê nhà, chúng tôi tìm đến phòng dịch vụ đặt vé của khách sạn để hỏi thăm đường đi nước bước. Sau chuyến xe hôm trước, lựa chọn di chuyển bằng xe từ Côn Minh đến Lệ Giang xem ra hứa hẹn thêm vài cơn ê ẩm mình mẩy nữa vì quãng đường xa hơn, lại không có gì chắc chắn là không bị trễ lịch trình định trước. Lẽ ra giờ này, chúng tôi đang có mặt tại Lệ Giang rồi chứ. Sau một hồi bàn bạc, phương án bay thẳng đến Trung Điện (vì không có tuyến bay thẳng Đức Khâm) được thống nhất, thế nhưng chuyến bay muộn nhất trong ngày đã cất cánh từ lúc 8h.

Chúng tôi buộc có thêm một ngày lang thang ngó nghiêng Côn Minh sau khi đặt vé bay cho chuyến sớm nhất ngày hôm sau.

Không hổ danh “thành phố mùa xuân”, Côn Minh được quy hoạch khá hài hòa với những làn đường rộng rãi, thẳng thớm. Vỉa hè rất thoáng, ngoài phần đường tương đối rộng cho người đi bộ, người ta dành rất nhiều diện tích cho cây cối và các thảm xanh, thỉnh thoảng vỉa hè còn được sử dụng như nơi đỗ ôtô tạm thời hoặc để quay đầu xe. Có nhiều cây to cao, và cũng lắm cây bụi _ nơi được xén tỉa gọn gàng, chỗ lại để lòa xòa tự nhiên.

Đi trong thành phố, cứ chốc chốc vài ba khúc quanh lại bắt gặp một công viên xanh nhỏ, được bố trí gọn gàng với ghế đá, mạch suối nhân tạo róc rách giữa những tảng cuội và tất nhiên, không thiếu cây xanh. Ngoài công năng tô điểm cho thành phố, điều hòa khí hậu, đây còn là nơi rất hữu ích để người ta…phơi nắng. Vào những ngày mặt trời cứ chói chang trên cao trong khi gió lạnh vẫn phả từng luồng khắp các ngõ ngách trong thành phố, phơi nắng xem ra lại là một thói quen được ưa thích của nhiều người. Nam phụ lão ấu, từ khi nắng lên suốt đến lúc gần chiều, hễ khi nào rảnh rỗi lại kéo nhau ra đây sưởi ấm, đánh cờ, đọc sách, tán gẫu, tán tỉnh nhau hay chỉ đơn giản là thừ người tư lự. Cách một vỉa hè, dòng người và xe không lúc nào ngơi nhịp chảy sôi động và ồn ã.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1657.jpg
đường phố Côn Minh

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1658.jpg
vỉa hè đi bộ thoáng đãng

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1667.jpg
những hàng cây gợi nhớ trời Âu, như trong những bộ phim tôi đã từng xem

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1677.jpg
phơi nắng trong công viên

happypack
12-11-2010, 18:38
Ở Côn Minh cũng như một số thành phố khác của Trung Quốc mà chúng tôi có dịp dừng chân trong chặng hành trình, nếu không có ôtô, thì ngoài việc đi bộ, người dân hầu hết đều dùng xe điện hay xe đạp. Rất ít bắt gặp xe máy được sử dụng trong nội vi thành phố. Cảnh người ta mặc vest chậm rãi nhấn bàn đạp hay ngồi trên xe điện phóng vù vù là chuyện bình thường. Lẽ dĩ nhiên, đi xe điện không cần đội nón bảo hiểm. Bầu không khí ở đây rõ ràng là dễ thở hơn nhiều so với hầu hết các thành phố cùng cỡ ở quê nhà, trừ lúc đi qua một số cầu vượt dành cho người đi bộ tại các giao lộ, có lẽ do thời tiết lạnh khiến cho mùi khói xăng xe cay nồng đặc quánh lại ở trên cao, khó chịu vô cùng! Từ trên cầu nhìn xuống, thấy thẳng tắp những làn xe bốn bánh; không có chuyện xe tải hay xe “hãy cùng nhau làm sạch đẹp môi trường” chạy trong thành phố, “hạng nặng” nhất chỉ dừng lại ở những chiếc xe buýt sơn phết đủ màu sặc sỡ. Hệ thống giao thông công cộng của Côn Minh tương đối quy củ, đáp ứng nhu cầu đi lại của rất nhiều cư dân địa phương, người nhập cư và một phần khách du lịch. Tại các trạm xe buýt đều có bản đồ _ nhưng chỉ viết bằng tiếng Hoa, cứ trung bình 5-7 phút lại có một xe đỗ xịch ngay tắp vạch dừng để nhả và nhận khách, người ta lại ùn ùn kéo lên hoặc đổ xuống. Từ trong trạm chờ, gương mặt điển trai kiểu Beckham đang quảng cáo cho một mẫu sản phẩm điện thoại mobile mới vẫn giữ vẻ lạnh lùng xen chút hờ hững.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1680.jpg
nhìn xuống từ cầu bộ hành

Vỉa hè rộng rãi, có đủ đường hầm và đường trên cao, cảnh quan đẹp từ thiên nhiên được chăm chút xanh tốt cộng với sự tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng đã khuyến khích việc đi bộ của rất nhiều cư dân thành phố. Trên khắp các đường phố lớn, san sát nơi mặt tiền là các cửa hàng thương mại, nhiều nhất là shop bán quần áo với vô số các mẫu mã lạ mắt (đôi khi kỳ cục), được cập nhật liên tục theo sát xu hướng mới nhất của các kinh đô thời trang như Bắc Kinh, Hồng Kông hay Thượng Hải. Hầu hết đều trưng biển hiệu bằng tiếng Hoa.

Đây đó ở các góc nhỏ khuất gió dẫn lối vào các khu dân cư, các bà các chị đang cặm cụi đan lát những món đồ len bên quầy hàng nhỏ. Một trong những điều để lại ấn tượng trong chúng tôi ở thành phố này là hình ảnh các chị công nhân vệ sinh, không phải bởi màu áo cam rực rỡ của họ, mà vì thói quen của các chị hay để ý nhặt nhạnh các nhánh cây khô (vốn có rất nhiều ở đây vào mùa cây rụng lá) trong khi quét đường, để lúc nghỉ ngơi lại đem ra tết thành chổi. Vừa bện chổi vừa trò chuyện cười đùa, nỗi mệt nhọc của công việc dường như đang ở đâu đó rất xa.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1671.jpg
những chiếc áo cam cần mẫn...và lạc quan

happypack
12-11-2010, 18:51
Sau một thôi vừa đi vừa hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được ga Côn Minh nằm cuối đường Beijing Lu. Sẽ là khập khiễng nếu đem so sánh ga xe lửa Côn Minh với ga Sài Gòn hay ga Hà Nội. Quảng trường trước nhà ga khá rộng với biểu tượng là một con bò mộng lực lưỡng đang lấy đà lao về phía trước, bà con chờ tàu cũng bao to túi nặng, nằm ngồi la liệt bất cứ chỗ nào có thể. Bên cạnh ga là bến xe đường dài Côn Minh. Khó khăn phổ biến nhất đối với dân du lịch bụi khi du hành ở Trung Quốc là việc tự tìm mua vé tàu xe tại bến. Không hề có bất cứ một chỉ dẫn hay thông tin nào bằng ký tự Latinh, chứ đừng nói đến tiếng Anh. Tất cả, từ bảng giờ tàu chạy đến thông tin tuyến tàu, giá vé. Cách nhanh nhất khi không biết nói tiếng Hoa là viết sẵn tuyến đường cần mua vé tàu, ngày giờ khởi hành và trình diễn với nhân viên bán vé để nhận những ký hiệu hướng dẫn tiếp theo của họ. Chúng tôi chọn cách dò chiếu mặt ký tự trong sách giáo khoa để xác định tuyến tàu và giờ tàu chạy.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1663.jpg
quảng trường trước ga xe lửa Côn Minh

Mặc dù đã cố gắng đi nhanh, nhưng chúng tôi rốt cuộc vẫn không kịp mua vé xe đi thăm Thạch Lâm trong ngày (chuyến chậm nhất khởi hành lúc 10h30), và cũng không đặt được vé tàu cho chuyến về Côn Minh – Lạng Sơn qua lối Hữu Nghị Quan. Hơi thất vọng một tí. Về.

Do ăn sáng muộn nên chúng tôi bỏ qua buổi trưa và tiếp tục lang thang thành phố, men theo tuyến đường ngược về khách sạn, rẽ vào bất cứ một ngã rẽ nào bất chợt bắt gặp trên đường, cố ý đi sâu vào ngõ ngách để trông thấy cuộc sống thật sự của phố thị, vốn luôn ẩn mình sau vẻ hào nhoáng của các cao ốc bóng bẩy, các khu thương mại sầm uất ngoài kia. Những tòa chung cư cũ kỹ xây bằng gạch thô, những dây phơi trĩu nặng quần áo, những xe hàng rong đỏ ối cây trái từ các miền quê, những quán “nướng chỉ” (thích nướng món nào cứ chỉ món nấy) đầy ụ các xâu thịt cá rau đậu tẩm ướp gia vị. Tôi vẫn còn nhớ rõ vẻ mặt ngạc nhiên pha lẫn thích thú của cô bán trứng ở một góc chợ nhỏ khi chúng tôi ghé vào mua ít đồ tươi. Chắc chẳng mấy khi có khách du lịch chui vào tận đây để đi chợ cả :-) Có một lần tạt vào rạp phim để sử dụng toilet. Rạp cũ như rạp Cầu Bông khi chưa tu sửa, toilet hết chỗ nói :-( , phía ngoài là Lưu Đức Hòa lẫm liệt trong bộ giáp trụ của phim (sau này mới biết) Đầu Danh Trạng.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1672.jpg
xe trái cây từ những miền quê xa, nặng trĩu trái cây và niềm hy vọng của bao nông gia...

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1682.jpg
chung cư cũ giữa trùng vây cao ốc sang trọng

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1670.jpg
một quán nướng chỉ bên đường, đầy ụ các xâu thịt cá rau đậu tẩm ướp gia vị

một vài ảnh ngộ nghĩnh

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1668.jpg
xe hoa dài ngoẵng

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1673.jpg
chó nhuộm lông, chúng tôi cho là hình thức quảng cáo của tiệm làm đầu "ai muốn tóc mình đẹp như...lông chó thì vào đây" :-D

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1675.jpg
còn cái con sư tử dễ thương có cái lưỡi tím ngắt này là của nhà hàng "quý khách cứ yên tâm, ko lo ngộ độc thực phẩm, đã có nhân viên thử thức ăn đây rồi" :-)

Xin được ít muối và bơ của nhà bếp để xào nấu, bữa tối của chúng tôi hôm ấy khá thịnh soạn, bù đắp cho những ngày trước ăn uống xuề xòa qua bữa. Mua về có: cánh vịt quay Tứ Xuyên, khoai chiên chấm muối ớt; tự nấu có: canh cà chua nấu trứng, cải xào, trứng ốp la _ tráng miệng với quýt đỏ. Tây balô chuyên trị mì ly, nhìn chúng tôi nấu nướng mà chẹp miệng, hehehe… Mua hai chén cơm trắng của khách sạn phải thế chân tiền chén :-)

Sau bữa tối, chúng tôi đi dạo nhẹ nhàng suốt 2 tiếng đồng hồ (thực ra là có một lúc đi lạc gần 45’). Người dân bên này cũng thích đi bộ thể dục buổi tối như mình vậy, rất đông, có người dắt cả chó cưng theo, mỗi lần sổng dây lại đuổi theo gần chết. Nghỉ chân ở một góc đường được tận dụng làm công viên, xem một nhóm các bác gái đang tập thể dục đồng diễn, mấy cái áo len cứ say sưa nhún nhảy theo tiếng nhạc phát ra từ chiếc cát xét cũ chốc chốc lại tuột băng. Cụ ông yên lặng ngắm nhìn.
Nhiệt độ thấp. Check mail một lúc rồi đi ngủ sớm (10h30 !?). Vẫn khụt khịt vì nghẹt mũi.

thienbinh_dn83
16-11-2010, 12:23
Mạch viết chậm nhưng cảm xúc. Chưa bao giờ nghĩ sẽ du lịch Trung Quốc trong đầu vì nhiều lý do, nhưng Lệ Giang của bạn làm suy nghĩ và nghĩ suy. Chia sẻ tiếp nhé.

happypack
17-11-2010, 18:21
Mạch viết chậm nhưng cảm xúc. Chưa bao giờ nghĩ sẽ du lịch Trung Quốc trong đầu vì nhiều lý do, nhưng Lệ Giang của bạn làm suy nghĩ và nghĩ suy. Chia sẻ tiếp nhé.

cảm ơn thienbinh đã động viên nhé! nhất định sẽ hoàn thành topic, một lời hứa hơn hai năm rồi :-)

happypack
17-11-2010, 18:28
Ngày 01/12/2007

Đến Trung Điện

Hẹn đồng hồ báo thức 5h15, khoảng 4h đã hơi chập chờn không yên giấc, chỉ sợ trễ chuyến bay. Giường bên kia chắc cũng thế. Tiền phòng phải thanh toán trước từ lúc check in, thu xếp hành trang xong chỉ việc gửi trả chìa khóa, nhận lại hộ chiếu và tiền thế chân.

Ra đến sân bay mất gần nửa tiếng taxi. Sân bay thành phố rộng và đẹp, làm thủ tục nhanh. Cũng gặp vài đoàn khách địa phương đi du lịch trong sảnh chờ, điệu bộ rất thong dong vì đã có nhà tour lo sẵn đường đi nước bước, chăm bẵm từng li. Thầm ví mình đi trong một đoàn như thế, tự dưng thấy bức bối không chịu được!

7h máy bay cất cánh, mất 1 tiếng để đến Trung Điện. Trang lại say máy bay, cảm thấy trong người nôn nao khó chịu, toàn nhắm tịt mắt lơ mơ ngủ. Còn độ 15’ hạ cánh, máy bay đi ngang một vùng biển mây trắng xốp, ánh mặt trời đang lên đằng xa phản chiếu ráng hồng rất đẹp mắt, không khác mấy cảnh thiên giới mà người ta dàn dựng trên màn ảnh. Máy bay hạ thấp độ cao, có thể thấy rõ đường nét chập chùng của núi đồi bên dưới. Mọi người đều trầm trồ. Riêng Trang vẫn ngủ.

Trung Điện chào đón chúng tôi với tiết trời lạnh buốt và bầu trời lảng bảng mây. Bao bọc sân bay là những dãy núi xám vàng ruộm nắng sớm. Mấy chị nhân viên du lịch người Tạng có thể trạng to lớn không ngờ (nhỏ người như tôi chỉ đứng tới vai), với đôi má ửng đỏ đang cất tiếng hát lảnh lót chào mừng đoàn khách du lịch. Họ vừa hát vừa choàng những dải khăn trắng cầu phúc cho từng người trong đoàn. Cũng cố ý lượn lờ quanh các chị nhưng không kết quả gì :-) chẳng có cái khăn nào dư để quàng cho mình cả :-) không sao, không sao _ dù gì thì đối với chúng tôi, việc hoàn thành từng chặng hành trình trong kế hoạch cũng đã là một điều may mắn :-) Chúng tôi bất ngờ vì sự hiện đại và đẹp đẽ của sân bay Trung Điện. Dĩ nhiên không thể so bì tầm vóc với Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc thậm chí là Côn Minh, nhưng ở một nơi xa xôi như thế này cộng thêm đặc điểm địa hình toàn những đồi núi, việc xây dựng được một sân bay tốt ở đây đã cho thấy quan điểm của chính quyền Trung Quốc trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia như thế nào.

Đường băng rộng, nhà ga tuy nhỏ nhưng sạch đẹp và có đầy đủ các tiện ích cần thiết. Phong cách trang trí mang đậm bản sắc địa phương với những hình vẽ sinh động đang nhảy múa trên tường, nhìn xuống một nhóm người say sưa đánh bài tiến lên. Dưới ánh nắng, từng chùm hoa thắm rộ lên giữa màu lá xanh um, trái chín (bé tí, không biết trái gì) mọng đỏ cây. Tất cả đang như đang phô diễn với mọi người vẻ tươi đẹp của vùng đất cao nguyên này.

Mọi thứ đều ổn, chỉ duy nhất một điều, là không có nhân viên giỏi tiếng Anh để hướng dẫn cho người ngoại xứ. Vài người mời chào đi xe, chúng tôi đều từ chối. Vì các bác không nói được tiếng Anh, chúng tôi lại không biết tiếng Hán _ đơn giản là không hiểu nhau nói gì.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1696.jpg
nắng sớm vàng ruộm

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1705.jpg
hoa tươi

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1704.jpg
trái mọng

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1706.jpg
trời rất...rất lạnh

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1707.jpg
tranh vẽ trên tường

happypack
17-11-2010, 18:35
Đường vào phố thị

Trước khi lên đường, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian để lọc thông tin từ bài viết của các nhóm “tiền tiêu” trước đó. Nhưng sự thực là, không phải lúc nào cũng may mắn vớ được những thông tin cần thiết về nơi ăn chốn ở cho từng chặng dừng chân.

Đây không phải Côn Minh, càng không phải Lệ Giang, nơi lúc nào cũng nườm nượp người và bạn không khó khăn lắm để tìm được một nhà trọ với chủ nhà chịu học ngoại ngữ. Đây là Trung Điện của cư dân người Tạng _ mà với họ, học chữ Hán đã không xuất phát từ sự tự nguyện, chứ đừng nói đến ngôn ngữ khác. Thực thà mà nói, chúng tôi thích được trú ngụ trong một nhà nghỉ của người bản xứ, được đắm mình trong không gian sống thường nhật của họ, tai nghe ngôn ngữ Tạng, nếm những món ăn Tạng, lẩm bẩm theo những câu hát Tạng cao vợi. Nếu thời gian dư dả hơn, đó sẽ là cách chúng tôi lựa chọn _ tự do, hoang dã, dễ hòa nhập như bất kỳ một lữ khách chân chính nào trên trái đất này, từ xưa đến nay, đã từng trải nghiệm. Thế nhưng trong điều kiện của chúng tôi lúc này, mọi việc không thể khác.

Ngẫu nhiên biết đến qua website của một đôi bạn người Pháp, chúng tôi chọn Kevin Trekker Inn để nghỉ lại.

Trở lại sân bay Trung Điện, không thể liên lạc được với Kevin, mãi rồi chúng tôi cũng nhờ được một chị nhân viên sân bay bập bõm phiên dịch hộ để thuê xe vào thành phố. Bác tài người Hán cao to lừng lững, cầm vô-lăng một chiếc bốn cầu của Nhật.

Đường vào từ sân bay tầm 7km. Hai bên đường, những trảng bình nguyên, những đầm lầy cạn trơ xám chạy ngút tận chân núi tít xa. Ở đây vào mùa xuân, chúng tôi hẳn phải ngất ngây trước màu xanh bao la và hương cỏ hoa ngào ngạt. Còn bây giờ, đầu đông nên chỉ có vậy. Trời xanh ngắt trên đầu. Mấy con bò yak hững hờ nhìn chúng tôi lướt qua. “Cũng thường thôi”, chắc bọn chúng nghĩ vậy. Từ hồi du lịch phát triển ở nơi này tới giờ, hẳn chúng cũng đã thôi không thắc mắc về mấy “cái quái vuông vuông hay xả khói” này nữa! “miễn đừng húc nhau và tranh cỏ của tụi tao là được!!!” Dọc ngang khắp đồng là những máng phơi cỏ cao nghều mà chúng tôi đoán là để “hứng nắng, tránh ẩm và tránh bò yak thăm hỏi”. Chúng làm tôi liên tưởng, nếu được xếp theo đội hình thẳng thớm, đến những tấm phên trộn bằng bùn đất và rơm để chống tên đạn mỗi trận công thành.

Giai điệu của những khúc ca ca ngợi cuộc sống nơi vùng đất Meili (vốn tôi chỉ nghe được mỗi từ “meili xueshan”) vang lên khi rộn rịp, giục giã lúc lại da diết, mãnh liệt… Lần đầu tiên lắng nghe những bài hát này, chúng tôi đã rất háo hức cố gắng tưởng tượng về hình ảnh của vó ngựa thảo nguyên, của ánh lửa bập bùng, của các chàng trai cô gái Tạng như nhiều người đã thuật lại. Nhưng quả thật cảm nhận mỗi người mỗi khác. Với riêng tôi, được đắm mình trong tiếng hát hào sảng và phóng tầm mắt ra khoảng không gian cao rộng ngoài kia đã đem đến một niềm phấn khích thật khó tả! Cái cảm xúc khẽ rùng mình, cay mũi, muốn hít lập tức một hơi thật sâu hương vị khoáng đạt của cảnh trí này, của thiên nhiên này, muốn chạy tung mình trên những cánh đồng ngoài kia để mệt nhoài ngả người trên từng thớ đất, ngắm nhìn vòm trời cao vọi trên đầu mà ngỡ mình như đang tan vào sự bao la của vũ trụ (ấy là nói thế thôi, chứ trên cao này mà tung tăng kiểu đó thì có lẽ “thăng” thật chứ không cần phải “ngỡ” đâu!).

Vào thành phố. Chúng tôi mất kha khá thời gian trước khi tìm thấy Kevin Trekker Inn. Bác tài liên tục gọi đến số điện thoại của Kevin để hỏi đường mà không được, lại quay sang hỏi các đồng nghiệp. Xe chạy lòng vòng, dừng rồi lại chạy. Đôi lần có vẻ nản, xe đưa chúng tôi đến một số guesthouse khác, kể cả đã được “recommended by lonely planet “, nhưng chúng tôi nhất quyết không đồng ý. May sao, đang lúc bí thì nhìn thấy tấm bảng chỉ đường ngay trên bức tường phía trước. Thở phào!

happypack
17-11-2010, 18:46
Kevin Trekker Inn

Hóa ra nó chỉ cách ngã ba dẫn vào khu phố cổ non cây số. Kevin Trekker Inn là một nhà nghỉ hai tầng với lối kiến trúc Hán-Tạng trộn lẫn, nằm cách đường xe chạy qua một lối rẽ nhỏ dài chừng trăm mét, hai bên là rãnh nước không thơm tho cho lắm; tuy vậy, khuôn viên bên trong lại vô cùng xinh xắn.

Bước vào cánh cổng sắt nhỏ lúc nào cũng chực mở ra, sẽ gặp ngay một em berger to xồ mới vài tháng tuổi, rất ư là bắng nhắng và hiếu động. Bên phải một dãy nhà kho, bên trái là bếp nấu và bathroom, trang bị cả bồn tắm và máy nước nóng. Phải leo chục bậc thang nữa mới đến khoảnh sân chính với thảm cỏ dày dọc hai bên lối vào. Tầng trệt ốp kính mặt ngoài, trên hành lang đặt đôi ba bộ bàn ghế ăn nhìn ra khoảng sân xanh phía trước. Các phòng phía trong được thiết kế cho dormbed, đi theo một cầu thang ngoài lên tầng trên là một dãy phòng riêng, đôi ba đủ cả, vách ngăn bằng ván ép, cửa sổ hướng ra hành lang chung lúc nào cũng ngập nắng. Đứng ở đây vào buổi tối, có thể trông thấy rất rõ ánh đèn màu rực sáng từ ngôi tháp nằm đâu đó về hướng (khu phố cổ) mặt trời lên. Màu vàng sậm của ván gỗ lát sàn đem lại cảm giác ấm hơn trong những ngày lạnh giá. Phòng ở đây giá phải chăng, tiện nghi cũng ở mức cơ bản. Phòng chúng tôi ở chỉ có giường đệm, chăn bông và chăn điện, thế thôi _ cũng chẳng đòi hỏi gì hơn :-)

Nắng lấp lóa trên cỏ mượt, in bóng mấy quả táo lúc lỉu đang dần ửng lên trên cành khẳng khiu. Không sưởi nắng trên chiếc ghế dài trước hiên nhà, chúng tôi thích được ngồi trong một bao lơn nhỏ có lợp mái ngoài sân, với một bàn bi da cũ kỹ và bộ bàn ghế đã sờn màu, để xuýt xoa từng ngụm trà xanh nóng, nhấm nháp mấy múi quýt ngọt mua từ Côn Minh và lên kế hoạch cho những ngày sắp tới, thi thoảng lại ngẩng lên bắt gặp đỉnh chóp của ngôi đền Tạng lấp lánh trên màu xanh thẫm của dãy núi trước mặt. Hình ảnh hàng cây thân trắng trụi lá, vươn mình mạnh mẽ trên nền trời xanh rất dễ bắt gặp ở các nước Châu Âu, cũng đang hiện hữu nơi đây. Khung cảnh thật yên bình.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1721.jpg
mặt tiền guesthouse, sáng nào cũng chói chang là nắng, thế mà vẫn ko hết lạnh... có cái ghế đệm cũ để ngồi sưởi nắng trước thềm

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1716.jpg
nhìn từ cầu thang đi lên tầng một, có cái bao lơn kìa...

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1717.jpg
nhìn xuống sân, hai bờ cỏ mượt

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1720.jpg
táo lúc lỉu trên cành

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1709.jpg
dãy hành lang ấm áp

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1726.jpg
nhìn về khu phố cổ

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1722.jpg
hàng cây trụi lá...

axitchanh
18-11-2010, 22:08
Công nhận bạn Happypack viết thực sự có cảm xúc.

Mình đi lên Shangri-La bằng ô tô từ Lệ Giang nên không được biết sân bay ở đó, nhưng bù lại, cung đường Lệ Giang - Shangri-La thực sự đẹp.

Shangri-La là nơi mình thích hơn hẳn Lệ Giang, dù khi mình đi mùa đông, các thảo nguyên bên đường không có hoa mà phủ đầy tuyết trắng.

Từ Shangri-La đi xe 3h là đến đất Tibet. Nghe nói giờ đi đường đó được rồi. Nếu thật vậy thì đường đi Tây Tạng sẽ rút ngắn rất nhiều, và đường đi cảnh cũng rất đẹp nữa.

happypack
19-11-2010, 14:24
hi, cảm ơn axitchanh đã có lời động viên :-) hồi đó axitchanh đi là năm nào vậy? chà, cả thảo nguyên phủ tuyết trắng chắc là axitchanh đi vào khoảng tháng 1 tháng 2 gì đó???

chặng về Trung Điện - Khe Hổ Nhảy - Lệ Giang bọn mình cũng đi ô tô, nhưng lúc đó là buổi chiều tối, lại phải lo cho bạn bị say xe nên cũng không ngắm cảnh được mấy :-( cho nên cũng không thấy được vòm cây xanh hai bên đường như mấy anh chị bên ttvn kể trên diễn đàn.

nếu đường ô tô Trung Điện - Tibet ngon lành rồi thì lần sau mình sẽ đi thử tuyến này :-) có điều, chưa biết cái "lần sau" đó là lúc nào :-D

axitchanh
25-11-2010, 21:19
Bọn tớ mới đi đợt Tết vừa rồi.

Toàn đi ô tô nên thấy những cảnh này này.

Núi đồi & thảo nguyên đoạn từ Đại Lý lên Lệ Giang


https://farm3.static.flickr.com/2709/4387854168_7ce3744485_z.jpg?zz=1

https://farm3.static.flickr.com/2797/4387853556_b900b3f9d5_z.jpg?zz=1

Đoạn khúc quanh Ω của sông Trường Giang, các bạn Tầu bán vé đắt quá chẳng ai thèm mua vé, đi quá lui lên về phía Shangri-La đứng bên trên bắn tỉa, cũng đẹp như thường


https://farm5.static.flickr.com/4046/4398024329_ccb38c8d0b_z.jpg?zz=1

Đường đèo thơ mộng thế này này


https://farm3.static.flickr.com/2782/4398790252_1aabc48410_z.jpg?zz=1

Núi tuyết đoạn gần đến Shangri-La


https://farm5.static.flickr.com/4033/4393744561_3933c88105_z.jpg?zz=1

Ngôi làng bình yên trong tuyết


https://farm5.static.flickr.com/4039/4406202915_91ab490be8_z.jpg?zz=1

Nương tuyết. Chỗ này lúc không có tuyết phủ có lẽ là những ruộng lúa mì.


https://farm5.static.flickr.com/4022/4481437839_e59090b232_z.jpg

Cũng đáng để bù đắp cho nỗi sợ hãi khi đi ô tô trên đường đèo.

happypack
04-12-2010, 13:44
Oái, axitchanh đi nhanh thế! Chờ tí, mãi trưa hôm sau mình mới tới Omega cơ :-)
Hình đẹp tuyệt, vote cho axitchanh đấy ;-D

happypack
04-12-2010, 15:42
Phố cổ Trung Điện

Gần trưa, chúng tôi bắt đầu xuống phố, đi dọc lên dốc đường bên phải. Gọi là thành phố nhưng Trung Điện thực chất chỉ là một trấn nhỏ đang phát triển, còn chưa quá đông người. Nền công nghiệp không khói đang thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kiến trúc nơi đây. Khắp mặt tiền các đường phố trải nhựa thông thoáng, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu đã và đang mọc lên. Để thu hút du khách, người ta cố gắng đưa vào kiến trúc xây dựng những gì có thể gợi nhắc đến văn hóa Tạng, từ những họa tiết sặc sỡ đến những viên gạch nâu thô đắp tường, từ hình dạng thang cân của các tòa nhà đến những cột đèn đường với đường nét hoa văn cách điệu, ngay cả mái vòm của trạm chờ xe buýt cũng được thiết kế giống như một cổng vào nhà người Tạng vậy.

Thế nhưng cuộc sống người dân bản địa không vì thế mà bị hòa tan vào dòng chảy của du lịch, của những tiếp xúc văn hóa diễn ra đã nhiều năm nay. Vẫn dễ dàng để bắt gặp hình ảnh những em bé má đỏ au chơi đùa trước cổng nhà bằng gỗ, với phần mái và đầu hồi chạm khắc và trang trí vô cùng tinh xảo, đầy màu sắc; những căn nhà với bờ tường bao đắp đất được phủ cỏ bên trên. Những miếu thờ hình tháp vẫn ngạo nghễ nơi góc đường hay trên những mô đất cao. Có lẽ, niềm tin tôn giáo chính là sợi dây vững chắc nhất neo giữ người Tạng với bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiết trời ở Trung Điện rất lạnh, dù nắng vẫn gay gắt. So với Côn Minh, rõ ràng sự chênh lệch nhiệt độ là đáng kể. Chúng tôi đã khoác thêm áo ấm mà vẫn phải xuýt xoa mỗi khi một cơn gió lùa qua. Đã được cảnh báo về hội chứng độ cao, tôi dặn dò Trang phải “đi chậm, nói khẽ, cười mỉm chi” để tránh mất sức; nhưng quả thật cả hai đứa đều phải chịu trận với không khí loãng nơi này, đi rất thong dong mà vẫn cứ phì phò.

Loanh quanh một lúc thế nào chúng tôi lại tiếp cận với khu phố cổ từ một lối vào bên hông. Trước chuyến đi chỉ biết đến Lệ Giang, nên tôi cảm thấy khá thú vị khi đặt chân đến khu phố này. Đường làng lát đá, nhấp nhô lên xuống do địa hình đồi dốc, nhà cửa cũng theo thế mà nhấp nhô. Nhà hoặc có tầng hoặc không, hoặc bằng gỗ hoặc đắp đất, trong sân nhà thể nào cũng có một loại cây ăn quả nào đó, mà phổ biến nhất là táo đang mùa rụng lá, trơ ra những cành đeo đầy quả. Góc sưởi nắng của mỗi nhà là bất cứ nơi đâu có nắng và có thể ngồi được, ngoài hàng hiên, trên bao lơn hoặc ngay chính những bậc thềm gỗ dẫn lên nhà. Nhịp sống nơi đây có vẻ chậm rãi, ai có việc cứ làm, người rỗi rãi thì đánh cờ hoặc đem đồ ra chỗ nắng mà khâu vá, đan móc. Đến mấy chú chó nuôi cũng mang dáng vẻ thảnh thơi, toàn nằm ườn trước sân mà sưởi ấm. Có điều mà mãi đến lúc này chúng tôi mới nhận thấy, là ở các tỉnh miền cao như thế này, người ta rất ưa nuôi những giống chó to sụ có bộ lông dày xồm để chống chọi với khí hậu lạnh lẽo thường trực trong ngày.

Mặt trời đã đứng bóng, những lá bùa nhiều màu sắc giăng trên quảng trường nhỏ đang phất phơ trong gió. Tại đây, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, người ta lại nhóm lên một đống lửa to để cùng nhau ca hát, nhảy múa thành một vòng tròn. Rất nhiều du khách cũng đến để tham gia vũ điệu cùng người dân địa phương, những ánh lửa bập bùng soi trong bóng mắt rạng rỡ. Những người sinh sống ở đây nói với chúng tôi rằng đây, chứ không phải những show diễn trong các nhà hàng, mới chính là những gì mà tổ tiên họ vẫn thực hiện từ bao đời nay để gắn kết tình làng nghĩa xóm sau những giờ làm lụng ngoài đồng áng.

Lấy quảng trường làm trung tâm, bao quanh đó là rất nhiều các nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hiệu bán đồ lưu niệm. Hầu hết các biển hiệu đều ghi rằng “Tibetan guesthouse” “traditional meal”…hay đại loại như thế. Trên quảng trường, khói tỏa la đà từ những chảo khoai chiên và những lò than nướng. Chúng tôi thích thú vào nếm thử món ăn chơi này, mỗi thứ một tí, nào nấm, hành, thịt heo, thịt bò, lạp xưởng, bí, dưa, cà tím. Tôi vốn dễ ăn nên thấy khá ngon, Trang thì không thích mấy mùi vị của thứ nước sốt được quệt lên các xâu đồ nướng. Nhìn tôi nhai rau ráu mấy cọng hành, Trang chỉ lắc đầu le lưỡi. Nhưng mà đúng là hành nướng chả hăng tí nào cả!


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1751.jpg
Đường vào phố cổ


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1752.jpg
Một góc sưởi nắng, có thể là chiếc ghế gỗ trước hiên...


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1753.jpg
...hay ban công nhỏ với bộ bàn ghế nhỏ


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1754.jpg
Đánh cờ trong nắng


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1764.jpg
Thêu thùa trong nắng


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1775.jpg
Đi về trong nắng

happypack
04-12-2010, 15:50
https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1755.jpg
Vào quảng trường


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1756.jpg
Quảng trường phố cổ


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1768.jpg
Đường làng lát đá


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1777.jpg
Nhấp nhô


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1774.jpg
Nắng rất gắt, gió rất lạnh


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1773.jpg
Vườn nhà treo quả lên cành


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1772.jpg
Những bờ tường đắp đất

axitchanh
04-12-2010, 18:32
Sorry Happypack, tớ nhầm lẫn. Cái hình này


https://farm5.static.flickr.com/4046/4398024329_ccb38c8d0b_z.jpg?zz=1

không phải khúc quanh Ω của sông Trường Giang/Dương Tử (Omega corner) mà chính xác phải là khúc quanh đầu tiên (First bend) bạn ạ.

Cảm ơn PeterPan đã nhắc tớ.

happypack
14-12-2010, 23:29
Tu viện Shongzhalin

Cả hai chúng tôi đều đã thấm mệt nên quyết định quay về guesthouse. Trang bảo đầu nhức như bưng và hơi choáng, đi rất chậm và phải dừng nghỉ nhiều lần dù đường về nhà nghỉ không xa lắm. Về đến nơi chỉ kịp nằm lăn ra giường, bắt uống thuốc gì cũng không chịu. Tôi thấy rất lo lắng, đoán rằng Trang bị hội chứng độ cao cộng thêm việc đêm trước khó ngủ vì lạ chỗ, nếu không có biện pháp gì thì tình hình sẽ rất tệ. Sau một lúc hỏi han, tôi được chị chủ nhà trọ chỉ đường tìm mua loại thuốc tên là “hong mỉng tian” để giảm nhức đầu cho Trang, cách đó gần 2 cây số. Dù đã tự dặn mình phải bình tĩnh, tôi vẫn không ngăn được việc guồng chân thật nhanh (không dám chạy) để tìm mua thuốc. Bản vẽ chỉ đường khá đơn giản nhưng mãi vẫn không tìm thấy hiệu thuốc đâu, chỗ nào cũng chỉ toàn tiếng Hoa. Nghĩ đến Trang vẫn đang nằm khổ sở ở nhà, lúc này tôi phát hoảng thật sự, chạy quàng cả lên. May sao, sau một hồi loay hoay hỏi thăm người đi đường mà chẳng hiểu gì, tôi đánh liều lại vào đúng ngay hiệu thuốc. Thật mừng không kể hết :-) Có được thuốc rồi phải tức tốc quay về thật nhanh với Trang, miệng mồm thở hồng hộc mà không dám nghỉ, chỉ làm sao cố gắng điều hòa hơi thở và nhịp chân. Đến nhà, tôi xin một bát cơm nguội và nhờ chị chủ nấu hộ một tô canh cải. Cho Trang ăn cơm, Trang ăn không hết, tôi ăn phần còn lại. Uống thuốc xong Trang lại đi nằm, tôi cũng thiếp đi.

Chúng tôi tỉnh dậy đã gần 5h chiều, nắng vẫn còn chói chang nhưng có thể cảm thấy nhiệt độ đã bắt đầu giảm xuống, tức là còn lạnh hơn ban sáng. Trang có vẻ khá hơn một chút, tôi lại có triệu chứng nhức đầu và gây gây sốt, chắc tại buổi trưa dang nắng.

Kế hoạch cho chiều nay là đi thăm tu viện Songzanlin. Chúng tôi đến đó bằng xe buýt, chỉ chừng 1-2 tệ. Từ xa đã thấy chữ Shangri-la màu trắng khắc trên sườn núi đá xám. Tự dưng xe buýt dừng lại và thả chúng tôi xuống một đoạn đường đất mù mịt bụi rồi chạy tiếp. Ngơ ngác, đã thấy cái tu viện nào đâu, hay đi nhầm tuyến. Nhưng dòng chữ trên kia cho biết là chúng tôi đang đi đúng hướng. Thôi cuốc bộ vậy.

Vừa dợm bước, chúng tôi giật nảy mình vì một tiếng thét the thé với âm vực rất cao. Nhìn quanh quất thì thấy một người phụ nữ đứng trong căn lán nhỏ bên kia đường đang chỉ trỏ gì đó. “Chắc không phải mình”, tôi nói với Trang. Đi tiếp, lại “quác quác quạc quạc”. Lạ nhỉ, chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Thử đi thêm vài bước, ôi thôi một tràng quang quác đuổi theo. Thế thì đúng bọn mình rồi. Tức mình, chúng tôi quay lại chỗ người phụ nữ. “Chị muốn gì!?”, tôi xẵng giọng, bằng tiếng Anh _ bên kia chìa ra xấp vé, tuôn một tràng xủng xoảng. À, thế ra bắt chúng tôi mua vé. Quái nhỉ, trước nay tôi chưa từng nghe ai nhắc nhỏm vụ vé vủng khi vào thăm tu viện cả, mà cả một đám người trên cùng chuyến xe buýt lúc nãy có ai phải mua vé đâu, xe cứ chạy thẳng vào đấy thôi. Vé giả à, hay định bắt chẹt bọn này!? Chúng tôi lắc đầu quay đi. Màn trình diễn lại lặp lại với cường độ quyết liệt hơn. Ngao ngán quá, vả lại nhìn xấp vé được in rất rõ nét và cẩn thận, chúng tôi đành mua hai vé, ngộ nhỡ vào trong ấy có người kiểm tra bắt quay ra thì khổ.

Qua khỏi một khúc quanh bị che khuất tầm nhìn, tu viện Songzanlin hiện ra rực rỡ dưới nắng chiều. Từ xa, tu viện trông giống như một cái ngai vàng đang tựa lưng vững vàng vào vách núi, nhìn xuống lòng hồ cạn. Khi hồ đầy, bóng tu viện in trên mặt nước xanh rợi màu trời hẳn phải là một bức tranh tuyệt đẹp. Người ta đang làm một con đường vòng quanh hồ để nối lên đường xe chạy phía trên. Từ chỗ đó, chúng tôi phải đi bộ gần 3 cây số mới tới chân tu viện.

Nhìn bao quát, đây như thể là một thành phố nhỏ, tách biệt hẳn với Trung Điện đằng kia, với nhiều lớp nhà Tạng bạc màu vôi xếp chồng lên nhau, trải dài hai bên tu viện mà trung tâm là tòa chính điện. Nếu không có những chiếc xe buýt hay xe con đang đậu ngoài bãi, khách đến thăm rất dễ thấy như mình đang đứng đây đâu khoảng 20 năm về trước. Tịnh không thấy một cột ăng ten nào. Những ô mắt – cửa sổ nhất loạt quay về một hướng, mấy lớp cỏ xám trên bờ tường phất phơ trong gió.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1787.jpg

Tu viện như một cái ngai vàng tựa lưng vào vách núi.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1789.jpg

Những ô mắt - cửa sổ


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1809.jpg

Một khu nhà ở của tu sĩ

happypack
14-12-2010, 23:39
Đường lên chính điện khá cao và dốc, dễ phải đến hơn hai trăm bậc đá hẹp.

Chúng tôi cứ leo vài bậc, lại nghỉ một đỗi, mồm và mũi thi nhau thở. Trên đường lên có đoạn bắt gặp mẹ con nhà lợn, trông rất phong trần và hoang dã. Hai đứa đang ngồi nghỉ vội bảo nhau thôi ráng thêm vài bậc nữa để tránh đường cho lợn, nói dại mồm chứ chẳng may nó nổi hứng ủi cho một ủi thì cứ lông lốc mà lăn xuống thôi, công leo vất vả toi hết!

Songzanlin, như hầu hết các tu viện Tạng khác, là một tổ hợp kiến trúc bao gồm chính điện và các khu nhà ở dành cho các thầy tăng. Thầy tăng trong xã hội Tạng luôn nhận được sự tôn trọng nhất định, và bên cạnh việc tu hành học đạo, thường không phải lo toan nhiều về nơi ăn chốn ở. Điều này giải thích vì sao nhiều gia đình Tạng thích gửi con mình vào các tu viện trong màu áo mận chín. Hình khối thang cân, tường sơn trắng lốp, rui mè và cửa sổ trang trí sặc sỡ với hoa văn tỉ mỉ - là những nét kiến trúc cơ bản của tu viện. Trắng, đỏ sẫm và vàng là những màu sắc chủ đạo. Như thường thấy, phần mái của chính điện trong kiến trúc Phật giáo, bất kể là của nhánh nào, đều là những tác phẩm đặc sắc từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, khiến người xem phải trầm trồ ngưỡng mộ. Mái của tu viện Tạng càng nổi bật hơn với phần vàng thếp chói lọi.

Chúng tôi lên đến sân chính điện, trống ngực vẫn thình thịch vì chưa hết mệt, trông thấy một anh thợ hồ gánh xi măng phăm phăm lên xuống mấy lượt mà chỉ biết trợn mắt nhìn nhau. Trên cao này lạnh thật. Từ đây, phóng tầm mắt khỏi những tầng mái lợp chặn đá bên trên, qua cả hồ nước và rặng cây trụi lá trước mặt, có thể nhìn thấy thị trấn Trung Điện trong thung lũng xa xa. Vài tảng mây trên đầu trôi lững thững, ngăn bớt ánh mặt trời đang hắt sang từ phía bên hông phải.

Đã gần cuối giờ chiều, trên sân lúc này chỉ lác đác mấy du khách đang tản bộ. Phía trước cửa lớn dẫn vào phòng đọc kinh, một nhóm thầy tăng trẻ tụ tập bên cạnh đôi sư tử bằng đá trắng. Giày bốt, tay trần, họ la hét rất sôi nổi và có những động tác giống như đang khởi động cho một môn thể thao nào đó.

Ái chà, ấn tượng thật! Chúng tôi nán lại chờ, nhưng mà sao khởi động hoài vậy! Mãi mới nhận thấy các thầy chia thành từng nhóm nhỏ chừng 5-7 người, với một hoặc hai người ngồi làm tâm, các thầy còn lại quây tròn xung quanh. Lần lượt mỗi thầy xoay dọc người, dang tay hướng về phía người làm tâm, miệng thốt lên một câu gì đó rất nhanh với âm điệu lớn dần, cùng lúc đó hơi lùi ra và nghiêng người về phía sau lấy đà, làm sao để khi kết thúc câu với tiếng thét “ya-tso, ya ya-tso” cũng là lúc bật chồm người về phía trước, bàn tay phía sau đập mạnh vào bàn tay đang chìa ra trước mặt người ngồi. Người “chịu trận”, gần như ngay lập tức, đáp trả bằng một câu dài, cũng to và nhanh không kém. Cứ thế hết một lượt thì đổi người “chịu trận”. Không khí “cãi vã” khá huyên náo với tiếng đối đáp, tiếng vỗ tay bôm bốp và điệu bộ nhảy nhót của các thầy tăng. Chúng tôi đinh ninh rằng họ đang luyện tập khả năng diễn thuyết và ứng đối, để sau này còn đi thuyết giảng kinh Phật cho dân chúng nữa chứ :-) sau mới biết mình chỉ “bụng ta suy ra bụng người”, vì đó chẳng qua là một hình thức khảo bài miệng cuối ngày của các tiểu tăng sau những giờ học kinh mà thôi!


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1795.jpg

Đường lên chính điện


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1796.jpg

Những sắc màu Phật giáo Tây Tạng...


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1794.jpg

...tưởng như vô tình nhưng lại thực hòa hợp với thiên nhiên.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1799.jpg

Trên sân chính điện


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1802.jpg

Khởi động...trả bài


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1797.jpg

Từ sân chính điện nhìn về phía Trung Điện thị trấn

happypack
14-12-2010, 23:42
Đáp chuyến xe buýt cuối cùng từ tu viện về lại thị trấn, chúng tôi có một buổi tối quây quần bên bàn ăn cùng gia đình Kevin và hai em phục vụ. Trong ánh đèn vàng nhạt và hơi ấm tỏa ra từ chiếc quạt sưởi, chúng tôi cùng thưởng thức các món ăn Trung Quốc. Có đầy đủ thịt, trứng, rau, bắp, đậu phụ, miến và canh (hình như là rong biển).

Kevin thấp đậm, mặt tròn, tóc húi sát cùng chị vợ Becky nhỏ người, xinh xắn là những người hay chuyện và nói tiếng Anh cực tốt. Hai anh chị quen nhau từ khi học cùng lớp đại học ở Côn Minh, sau khi cưới thì quyết định lên đây lập nghiệp vì yêu thích sự yên tĩnh của thị trấn. Chúng tôi lan man đủ thứ chuyện, từ sở thích du lịch đến công việc kinh doanh nhà nghỉ. Trong lúc chú berger non to sụ cứ quanh quẩn dưới chân với ánh nhìn tinh nghịch, hai em phục vụ má đỏ dọn dẹp bàn ăn. Các em đều là người ở quê đi làm công và khá bẽn lẽn khi chúng tôi bắt chuyện.

Chỉ ở nhà nghỉ của Kevin một ngày đêm cũng đủ để chúng tôi hiểu vì sao đây là sự lựa chọn ưa thích của dân backpacker. Bên cạnh lợi thế giao tiếp, giá cả bình dân, dịch vụ đầy đủ, Kevin Trekker Inn dường như còn là một trong những nơi hiếm hoi ở Trung Điện mà người ta có thể tìm thấy sự trợ giúp khi gặp vấn đề với các sản phẩm công nghệ cao (laptop chẳng hạn…). Bản thân Kevin cũng đã từng nhiều lần rong ruổi xe máy ngao du trên đất Trung Quốc, nên những kinh nghiệm và gợi ý tư vấn lộ trình của anh có phần hợp gu với những kẻ thích du lịch bụi.

Từ ý kiến riêng của đôi vợ chồng, những tháng đầu đông khi trời còn quang đãng là thời điểm thuận lợi nhất trong năm để xem ánh mặt trời lên trên đỉnh Meili, nhưng lại thường là mùa thấp điểm du lịch vì cái lạnh. Đối với chúng tôi, đã đến đây lúc này có thể xem là một sự may mắn tình cờ, vì trước đó, qua nhiều bài viết, chúng tôi cũng không hy vọng gì nhiều có thể chứng kiến hiện tượng thiên nhiên đặc biệt này.

Lại vẫn ý kiến của Kevin, khi đã đến Đức Khâm, nên tranh thủ đi xem sông băng (glacier, very nice), Lệ Giang chỉ cần hai ngày, Ngọc Long thì không nên đi vì chẳng mấy khi có tuyết do thời tiết thay đổi dạo gần đây, và Đại Lý thì chẳng đáng ghé qua (mới nghe chúng tôi hơi bị sốc, vì như thế thì quá khác so với kế hoạch định sẵn). Hai vợ chồng còn đặc biệt lưu ý hai đứa chúng tôi nếu có thời gian rất nên trekking dọc theo hẻm núi Hổ nhảy (very beautiful, magnificient). Sau một hồi bàn tính, chúng tôi nhờ Becky liên lạc lại với bác tài lúc sáng để thuê xe cho chặng Trung Điện – Đức Khâm – Trung Điện – Lệ Giang sáng hôm sau (Kevin cũng có dịch vụ này nhưng do xe mới nên chi phí hơi cao so với ngân sách của chúng tôi lúc đó). Giá cả thỏa thuận là 400 tệ/ ngày đường, bác tài sẽ ăn cùng chúng tôi. Biết chúng tôi vẫn chưa định sẽ ở đâu, Kevin giới thiệu một anh bạn cũng có guesthouse ở Feilai View, ở đó sẽ bao chỗ ở cho tài xế.

Thấy hơi mệt nên chúng tôi đi nghỉ sớm. Từ phía khu phố cổ vẳng lại tiếng nhạc rộn ràng, chắc mọi người lại đang hát hò và nhảy múa ngoài ấy.

Đêm xuống 4oC. Trời rét căm. Giường ấm.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1783.jpg


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1782.jpg


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1781.jpg

happypack
25-12-2010, 19:13
Đi Đức Khâm

Ngày 2/12/2007

Dậy lúc 8h vẫn là tương đối sớm. Sau khi vệ sinh cá nhân trong cái rét đáng ngại này, chúng tôi dùng điểm tâm với sữa nóng và trứng luộc chấm muối, thêm mấy trái táo trong vườn nhà cầm đi đường.

9h xuất phát. Trời đã có phần ấm hơn một tẹo. Nhìn bác tài đeo găng tay cầm vô lăng, tôi đoán được phần nào điều gì đang chờ đón. Lạnh, hẳn thế!

Xe chuyển bánh, chầm chậm để lại nhà nghỉ Kevin, đường phố Trung Điện và cả tu viện Songzanlin sau những lần bẻ lái. Cho đến khi dừng nhanh tại một hồ nước lớn như tấm gương to, soi rõ bóng của những lớp núi viền quanh. Từ đó, chúng tôi thực sự ra khỏi phạm vi Trung Điện và bắt đầu một ngày dài của những khúc cua zíc zắc liên tục, hướng đến Đức Khâm.

Xe tăng tốc dần, hết cua trái thì cua phải, như quy luật cân bằng âm dương vậy, chúng tôi ở trong xe cũng nghiêng ngả theo trò cảm giác mạnh dài hơi này. Mãi rồi thành quen, cứ đoạn nào xe chạy thẳng lâu lâu một tí lại cảm thấy hơi là lạ :-) Trang say xe ngật ngưỡng, phải vò vỏ quýt tươi để ngửi lấy tinh dầu cay hăng, nhằm che bớt hơi nồng của xe. Màu xám khô của bình nguyên Trung Điện dần được thay thế bởi liên tiếp những quả núi phủ kín thông, thế nhưng đây đó vẫn bắt gặp vài vạt rừng nham nhở, lại có hẳn một quả đồi trọc trơ đầy gốc đã đốn sát, trông thấy mà xót xa!

Xe chúng tôi đi giữa một bên là vách đá, bên kia là thung sâu lọt giữa dãy núi thông ấy. Gần một nửa thời gian trong ngày, bóng núi che mát những xóm nhỏ trên thung. Đồng ruộng đang nghỉ ngơi sau mùa gặt, khoác lên mình tấm áo nâu sờn pha đỏ lợt. Đi thêm một quãng xa, chúng tôi bắt đầu trông thấy dấu hiệu của tuyết. Đó là một vạt rừng thưa trên sườn núi với nhiều mảng tuyết lốm đốm. Màu tuyết không ngự trị hoàn toàn mà xen kẽ loang lổ với màu đất làm cho người ta có cảm giác như tuyết đang bắt đầu tan sau mùa băng giá, mặc dù thời điểm này chỉ mới chớm đông. Đó cũng là lần duy nhất chúng tôi gặp tuyết trên nửa chặng đầu của quãng đường trong ngày. Nắng đã lên cao, đường còn dài. Phải đi rất lâu mới lại thấy những cụm nhà đơn sơ dưới hàng cây. Bên vệ đường, thấp thoáng mấy miếu thờ cắm đầy cành khô. Những dây kinh phan ngũ sắc, chất vải đã tưa vì thời gian, vẫn reo phần phật trong gió. Sau khi vượt qua Mục Long Kiều lững lờ dòng nước xanh như ngọc bích, vốn là ranh giới giữa hai huyện Shangri La và Đức Khâm, xe dừng nghỉ tại Benzilan ở cây số 1968. Lúc này đã hơn 1h trưa.

Vài bức ảnh về hồ nước lớn trên đường đi Đức Khâm

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1819.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1820.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1821.jpg
Khói mây lảng bảng

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1824.jpg
Cảnh vật trên đường những ngày đầu đông

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1832.jpg
Những vạt thông trơ gốc...

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1835.jpg
Những dấu hiệu đầu tiên của tuyết

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1851.jpg
Làng ở trong thung

happypack
25-12-2010, 20:26
Xin cảm ơn bạn Peterpan đã nhắc mình sửa tên tu viện thành Songzanlin và thị trấn thành Benzilan :-)

happypack
25-12-2010, 20:39
Benzilan

Benzilan là một trấn nhỏ, cư dân tập trung chủ yếu dọc theo khúc quanh của dòng Jin Sha đang chảy xuôi về Đông giữa chập chùng đồi núi. Đứng ở một vị trí tốt, có thể nhìn xuống khúc sông như dải lụa bạc đang lượn một đường cong mềm mại ôm lấy doi đất thấp thoai thoải bên kia bờ với những căn nhà mái nâu tường trắng rải rác như quân cờ. Bên này sông, những ruộng rau vuông vắn nằm im lìm dưới nắng trưa. Nơi mới cày ải, chỗ đã nảy mầm, nơi vừa lên luống, chỗ đã xanh rau. Con đường làng len qua những nóc nhà mái nhọn, mái bằng, nối liền bờ ruộng với những hàng cây xào xạc đang ngả sắc vàng, sắc đỏ. Đây đó, khói bếp bốc lên lơ lửng. Tuy cảnh sắc không phải là “thiên hạ đệ nhất”, nhưng bức tranh thôn quê chốn yên bình này hẳn cũng đủ làm vấn vương lòng người lữ khách trong chặng dừng chân.

Trên đường cái số 214, tuyến đường huyết mạch mà đoàn làm phim “Mê Kông Ký Sự” đã dựa vào để tìm về nguồn chảy của dòng sông, chúng tôi ghé vào một trong số khá nhiều những nhà nghỉ và hàng ăn của trấn. Có lẽ là khách quen, bác tài tranh thủ rửa xe trong lúc chờ bữa trưa.

Hơn một cây số mặt đường này có thể được xem như trung tâm thương mại của cả trấn với nhà cửa và hàng quán san sát, hoạt động buôn bán diễn ra tương đối tấp nập. Tôi chọn món ăn, chủ yếu là dùng tay chỉ trỏ, cũng tranh thủ ghi nhớ thêm mấy từ mới để sử dụng sau này. Trang vẫn còn khá mệt nên chỉ ăn vài gắp rồi đi loanh quanh, hy vọng khí trời mát lạnh giúp bớt nhức đầu. Tôi và bác tài tranh thủ ăn lấy sức. Ở đây, ớt phơi khô đỏ thẫm được dùng như một món rau để xào lẫn với thịt thà các loại, vị cay chỉ vừa phải, không thấm tháp vào đâu so với giống ớt chỉ thiên nơi quê nhà. Trà nóng châm miễn phí, quýt địa phương vừa khô lại hơi đắng.

Trên tường, bức chân dung Chủ tịch Mao đang cười mỉm với tấm hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma, có phần lặng lẽ. Ngoài kia, có người mẹ trẻ má đỏ đội con đi ngang.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1870.jpg
Cột cây số đánh dấu vị trí của thị trấn trên tuyến đường 214


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1869.jpg
Dãy phố trung tâm


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1875.jpg
Tựa lưng vào núi


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1867.jpg
Khúc quanh mềm mại của dòng Jin Sha


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1868.jpg
Những căn nhà tường trắng, rải rác như quân cờ


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1873.jpg
Con đường làng len qua những nóc nhà mái nhọn, mái bằng, nối liền bờ ruộng với những hàng cây xào xạc đang ngả sắc vàng, sắc đỏ.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1872.jpg
Khung cảnh làm nao lòng lữ khách

happypack
21-01-2011, 10:35
Đến Đức Khâm

Sau bữa trưa, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh.

Chắng mấy chốc, chúng tôi đã có thể ngoảnh lại ngắm nhìn Benzilan bé nhỏ như tiểu cảnh giữa mấy bề bóng núi. Sau này, mỗi khi lần giở lại những khung hình đã ghi ở đấy, tôi vẫn hình dung mình lúc đó đang cố gắng tưởng tượng cảm giác của những con người sinh sống nơi này; nhà nhỏ, đường hẹp, mở cửa bước chân ra ngoài đã thấy núi trên đầu; liệu có thấy choáng ngợp và e sợ trước cái hùng vĩ quá đỗi của thiên nhiên.

Cách Benzilan không xa về hướng Đức Khâm là khúc quanh Omega, nơi con sông vẫn ngày đêm miệt mài với tác phẩm điêu khắc thiên nhiên đầy ngẫu hứng. Không biết một ngày nào đó khi có dịp quay lại chốn này, người nghệ sĩ tài hoa ấy đã hoàn thành công trình của mình, hay đành gác lại vì sức cùng lực kiệt. Còn lúc này đây, dòng nước vẫn kiên nhẫn trôi bên dưới con đường trải nhựa men theo thế núi.

Càng lên cao, tuyết càng xuất hiện nhiều, có nơi dồn thành những đụn dài hai bên mép đường trong những hình thù kỳ lạ, có cảm tưởng như mặt đường ngập tuyết đêm hôm trước đã được ai đó dọn sạch sẽ bằng xe ủi. Lần dừng chân duy nhất tiếp theo trên đường là cung đèo Baima ngập tuyết. Lạnh và mệt vì đoạn đường dằn xóc và độ cao thay đổi, tôi chỉ chụp vội vài tấm hình lưu niệm. Bên cạnh đường vẫn còn dấu tích của một ngôi nhà, chỉ còn trơ lại khung cửa gỗ và một mảng tường đá xếp vuông vắn. Ngọn Meili hùng vĩ đã ở rất rõ trong tầm mắt. Đoạn đường mải miết tựa như không có điểm dừng, hết đổ dốc lại lên đèo, lưng người lúc nào cũng như dán sát vào thành ghế. Con đường cứ uốn lượn không ngừng theo nếp gấp nhàu nhĩ của dải núi, khiến đỉnh Meili lúc ẩn lúc hiện như trêu ngươi.

Cuối cùng cũng đã nhìn thấy thị trấn Đức Khâm. Từ xa nhìn lại, Đức Khâm như một mô hình đồ chơi với những hộp diêm nhỏ xếp lô xô, co mình bình lặng trong lòng thung lũng. Nhưng chúng tôi không dừng chân ở đấy mà tiếp tục đi thêm 10 cây số nữa để đến một khu phố nhỏ chỉ độ dăm chục nóc nhà, mà đa số là nhà trọ dành cho du khách. Điểm thu hút ở đây là một khoảng đất trống, tương đối rộng nằm sát mép vực, nơi được cho là lý tưởng nhất ở Đức Khâm để chiêm ngưỡng cảnh những tia nắng đầu tiên trong ngày rọi sáng đỉnh Meili. Nhà nghỉ mà chúng tôi được giới thiệu nằm đối diện khoảng đất ấy, chủ là một thanh niên cũng trạc tuổi Kevin, người Hán. Nhà được xây theo kiểu giật cấp với ban công ở mỗi lầu, phòng tương đối rộng, một phòng đôi có thể ở bốn người. Chăn điện không thể thiếu. Nước hơi yếu, nhưng với thời tiết ở đây chỉ nên vệ sinh qua loa, vì tắm phát là chết ngay. Rất lạnh.

Đêm xuống với cái lạnh choáng người. Bước ra khỏi cửa, tay đau buốt, mũi đông đặc, đầu nhức như bưng. Vội chui ngay vào nhà hàng nằm ở tầng trệt của nhà trọ. Nhà hàng nhỏ, ánh đèn vàng ấm áp, góc trong cùng là dịch vụ internet và in ấn. Có cả một sân khấu be bé với cái ghế xoay và cây đàn ghita để sẵn. Đang mùa vắng khách, chúng tôi chọn một bàn cạnh cửa sổ nhìn ra đường, mời cả bác tài xế cùng ăn. Gọi một cái lẩu bò yak, ăn kèm với nhiều loại rau, rất thích. Vị như món bò kho miền Nam, chỉ có điều hơi nhạt. Làm cốc trà nóng, ngồi sưởi ở sofa cạnh chậu than, nghêu ngao vài bài rồi đi nghỉ.

Ngủ chập chờn vì lạnh.

happypack
24-04-2011, 16:50
Ngày 3/12/2007

Hơn 5h30 sáng, chúng tôi đã lồm cồm bò dậy. Tự đấu tranh một lúc mới chịu khăn nón áo mũ chỉnh tề. Khi nhất loạt xông ra thì…mẹ ôi, nhìn sang khoảnh đất đắc địa đã thấy súng ống các loại giương nòng cả rồi. Rõ là con lính tính quan, “súng” đểu lại còn dậy muộn. Lúc bấy giờ, trời đã hơi tang tảng, nhưng mây nhiều, zoom ống kính về phía ngọn Meili chỉ thấy ánh trắng nhờ nhờ của lớp tuyết đang bao bọc quanh đỉnh, như một tảng đá vỡ chĩa mũi nhọn hoắt lên trời. Dưới thung lũng là một khoảng không gian mù mịt. Tiếng người rì rầm không dứt, những cây nhang ai vừa thắp nhả những sợi tơ mảnh tan nhanh vào gió. Ai cũng mang dáng vẻ hồi hộp ngóng đợi phút giây được thấy tia nắng đầu tiên trong ngày rọi sáng đỉnh núi huyền thoại. Trời đã tỏ hơn mà vẫn chưa thấy “kim quang” đâu… Thế rồi cũng đến…


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1920.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1919.jpg

…Thế rồi cũng đến… những cụm mây lẻ như báo hiệu ngày lên, mang cái màu của má hồng e thẹn. Đỉnh núi đang dưng bỗng ưng ửng, mây phớt qua một thoáng thoắt vàng rực như có ai đó tạm ngắt ngọn đi mà thay vào bằng một nén vàng. Những quầng mây lúc tụ lại khi tản ra như tấm khăn của nhà ảo thuật đang đùa giỡn với thị giác của khán giả, mà mỗi khi để lộ ra lại đem đến một trạng thái khác của màu sắc. Màu của ngày mới, màu của mặt trời, màu của hơi ấm và sự sống, của niềm tin ngàn đời không đổi về núi mẹ linh thiêng. Rồi cái ánh vàng lóa mắt ấy lan dần xuống sườn, lan sang cả những đỉnh núi láng giềng bên cạnh. Dãy núi điệu đà quấn một dải lụa mây ngang cổ, ngỡ như vươn tay đã có thể ngắt một búi mượt mà giúi vào ngực áo đem về. Du khách mãn nhãn, chạy lăng xăng, chụp ảnh lăng xăng. Chỉ có câu chuyện bên đống lửa rừng rực là vẫn thì thào trong nắng sớm. Đó là những bà con người Tạng dậy sớm bán nước và những bó lá khô cho các tài xế xuất hành trong ngày.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1932.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1936.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1942.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1945.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1943.jpg

happypack
24-04-2011, 16:56
https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1955.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1958.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1963.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1962.jpg

happypack
24-04-2011, 17:03
Chúng tôi khởi hành về Lệ Giang khi trời đã sáng rõ. Ngọn Meili càng sắc nét hơn trên nền trời xanh trong vắt. Mây vẫn chưa tan, gió vẫn lồng lộng, những chùm kinh phan rực rỡ trong nắng đang reo lên phần phật như muôn vàn lời nguyện cầu gửi về chốn linh thiêng xa thẳm. Ngọn núi trong mắt tôi lúc ấy bỗng khoác lên mình vẻ hùng tráng lạ thường.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1970.jpg
Một người đàn ông đang kính cẩn quỳ lạy trước Meili

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1975.jpg

Hạ sơn. Đức Khâm vẫn còn đang ngái ngủ, hàng quán im ỉm đóng dù nắng đã tràn xuống đường. Xe lại miệt mài những khúc cua bên vách núi. Nhiều lần lưu luyến ngoái nhìn Meili, thấy gió vẩn bụi tuyết như cái vẫy chào tạm biệt. Nắng soi rõ hơn những vạt đồi ngập trong tuyết, những rừng thông tuyết phủ mà thông xanh cao vút chỉ như những cây tăm cắm trên lớp kem trắng xốp. Nắng hắt bóng núi lên thị trấn nhỏ, nắng dội lấp lóa trên mặt đường đá cuội, nắng soi vào mắt người dải đồi cong như yên ngựa, nắng khắc sâu vào tâm trí cái nét cô liêu của ngôi nhà độc nhất trên đồi.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF1997.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2024.jpg
Tạm biệt Meili

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2025.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2014.jpg
Thị trấn Đức Khâm co mình trong thung lũng

happypack
24-04-2011, 17:11
https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2042.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2080.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2129.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2134.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2149.jpg

happypack
24-04-2011, 17:30
Xe đi qua Benzhilai, qua những hàng cây xanh mướt như liễu rũ, qua những ngôi nhà chênh vênh nhìn ngạo nghễ xuống mặt đường. La lững thững thồ hàng, người lầm lũi thồ hàng, chỉ có du khách ngồi trong xe kín mít phóng vùn vụt, chụp lấy chụp để những bức ảnh đời thường rồi lấy đó làm đắc chí, vì rằng mình đã nhanh tay đóng khung những khoảnh khắc chậm rãi đáng quý. Nhưng bảo mình sống chậm ư! Không được, vì mình là con người văn minh của thời đại mới, cái gì cũng phải nhanh, không thì kẻ khác giành mất phần. Phải sống vội!


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2274.jpg


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2287.jpg


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2269.jpg


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2291.jpg


Ghé chơi nhà bác tài ở Trung Điện, rồi phải chạy lòng vòng tìm nơi đổ xăng (vì tình trạng khan hiếm xăng dầu tôi đã đề cập trong phần đầu) nên mãi gần 6h chiều, xe mới về đến Khe Hổ Nhảy, giờ này đã ngưng bán vé tham quan. Kế hoạch ban đầu là rẽ vào tham quan khúc ghềnh sông nổi tiếng này rồi về Lệ Giang ngay trong buổi tối. Nhưng sau khi cân nhắc ý kiến của vợ chồng nhà Kevin, chúng tôi quyết định ngủ lại đây một đêm để sáng hôm sau trekking con đường mòn men theo vách núi, ngược dòng Hổ Nhảy.



https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2313.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2311.jpg

Nghỉ đêm ở Jane’s Guesthouse, thích cái lan can lửng với mấy bộ bàn ghế sờn màu. Không hiểu vì lẽ gì mà sự cũ kỹ và đơn giản lại quyến rũ tôi đến vậy. Đêm ngủ nghe tiếng nước chảy rì rào bên cửa sổ.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2333.jpg

happypack
24-04-2011, 17:36
Sáng sớm, chúng tôi lần theo tấm bản đồ vẽ tay tìm điểm xuất phát của tuyến đường mòn, có đoạn rẽ nhầm vào một trường tiểu học, nghe tiếng trẻ con ê a đọc bài mà thấy trong lòng bồi hồi đôi chút. Ôi những ngày thơ ấu vô lo. Hơi loay hoay tí rồi cũng tìm thấy đường đi. Trên cao đã sáng, mà đường đi vẫn còn lờ mờ tối. Đường đất mấp mô, sỏi đá lạo xạo dưới bước chân đi, cỏ cây im lìm trong hơi sương còn vảng vất. Rồi rất nhanh chóng, nắng sớm tràn xuống. Vạn vật, và cả chúng tôi tắm mình trong thứ ánh sáng ấm áp đó.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2342.jpg

Đường đi quanh co, phần lớn men theo vách núi. Những con đường như kiểu sạn đạo khi xưa, vết mòn do người ta đi lâu mà thành hình, kẻ một đường chỉ sáng trên triền núi khô khốc, xám đen những đá, vàng cháy những thảm cỏ cây.

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2355.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2356.jpg

Lại có những đoạn, con đường dẫn chúng tôi luồn qua những vùng xanh tươi, có những ngôi làng nhỏ, những ruộng rau xanh mướt sau bờ rào đá, những cây hồng đỏ ối quả mà không một chiếc lá, có cả mạch suối nhỏ trong vắt, mát lạnh cả người.


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2362.jpg

https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2349.jpg


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2364.jpg

Thi thoảng trên đường, một cây phong vàng rực trơ trọi giữa cỏ khô làm tôi nhớ đến câu chuyện về những giải khăn tay được người con gái ở một nơi nào đó buộc lên cây sồi như lời nhắn nhủ đợi chờ tình yêu. Mỗi một ngày trôi qua, một chiếc khăn khắc khoải đợi chờ lại được nàng treo lên, cho đến khi cây cổ thụ khô ấy vàng rợp như thể đã sống lại. Câu chuyện lãng mạn và nhẹ nhàng, mở đầu buồn mà kết thúc vui. Ai trong chúng ta mà không thích những “happy ending” như vậy, phải không!


https://i1185.photobucket.com/albums/z351/happypackvn/Lijiang%2008/DSCF2358.jpg

Tùng Lan
21-11-2012, 13:40
Tiếc thế, câu chuyện dang dở thế này thì làm sao thấy "happy ending". Tiếp đi happypack ơi!