PDA

View Full Version : Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời



tonphan
11-11-2013, 21:37
Bạn host của tôi đang cực lực lên án chính quyền sở tại vì sự chậm trễ trong công tác ứng cứu và hỗ trợ người bị nạn! Những dòng tâm sự của bạn làm cho tôi cũng ngại vào chia sẻ và cũng không biết làm gì ngoài việc hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp lên hơn. Bạn sống ở Cebu, thành phố này là nơi siêu bão đi qua! Tôi vào trang web của hãng bay, ở đó tôi kiểm tra lại lần nữa về tình trạng của chuyến bay sắp tới. Khi chắc chắn rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chuyến hành trình đầy mạo hiểm này, tôi bắt đầu lôi laptop ra và gõ những dòng chữ này! Trang web vẫn nhấp nháp những top up nhiều sắc màu, Phil đang vẫy gọi, thiên đường của du lịch biển đảo, những ngọn núi lửa, những nhà thờ và thiên đường của jeepney, tricycle, kiến trúc cổ đậm màu Châu Âu, và có một Phil khác cũng đang oằn mình với những màu ảm đạm! Báo chí nước nhà rải những tin tức đầy ám ảnh, về cuộc sống, về con người (cả sống, hay đã chết) ở nơi này! Nếu đếm ngược lại thì chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ xách ba lô lên, và đi!

Ngày thứ hai luôn là một thảm hoạ đối với những bạn trẻ đang đi làm nhưng máu xê dịch lúc nào cũng chảy rần rần! Tối qua tôi vừa vượt hơn trăm cây số đi và về từ Ninh tới Sài, chỉ để coi một show ca nhạc yêu thích! Sáng ra thì mắt cứ nhúm nhíu lại, vì mệt, và phần lớn vì sức khoẻ cũng chẳng còn sung mãn nữa (Nhắc lại để biết là tai nạn giao thông gây ra cho tôi những nỗi lo sợ, ở đó chỉ cần thấy xe lạng qua thôi cũng đủ để cái cảm giác chạm vào với mặt đường, ngón chân bị gãy và bất lực khi thấy tôi không di chuyển được mới kinh khủng như thế nào, thì cũng cái chân này là cái chân đi, đã quen đi rồi - nhưng đó lại là một câu chuyện khác, của hơn nửa tháng về trước).

Vẫn phải cố gắng tỉnh táo! Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn trôi đi tất cả. Ngày tàn, ngày dài! Chợt tỉnh ra mới nhớ ra là trời ơi tôi vẫn chưa gửi đơn xin nghỉ phép! Nỗi ác mộng bắt đầu!

(Dĩ nhiên là đời đến đây vẫn còn lấp ló - Phil của những ngày bão nổi, chắc chắn mình sẽ hoàn tất những dòng hồi ức này. Còn 3 ngày nữa, sẽ đi!)

tonphan
19-11-2013, 19:53
1. Những nỗi lo sợ
2. Gửi cho em một nụ cười - Gặp cô gái Việt Nam ở Malate
3. CS mỗi bước chân qua đều là nhà
4. Chạy đua ở Cebu - Kế hoạch thay đổi
5. Vào tâm bão
6. Đi tìm Vampire - Một đêm trăng ở làng ven biển (chắc ăn là không có điện, không đèn, không internet)
7. Trở lại Manila, và kết

Và cảm xúc thì không thể nào tìm lại được!

(Lời bạt nhỏ nhoi của một chuyến đi lớn, xin được bắt đầu! Salamat) (Treo tạm vài bức hình, tôi viết hơi buồn, hy vọng là sẽ có người nào đó thấy khoái vì hợp ý!)

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1424400_695085053836465_64092939_n.jpg

Intramorous

https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-prn2/1450219_695084037169900_65448819_n.jpg

Hoàng hôn ở sân bay Cebu Mactan

https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1452531_695084567169847_1576241303_n.jpg

Nơi này từng rất đẹp, trước khi bão đến

https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1424530_695084687169835_1435565004_n.jpg

Những dòng người chờ lên tàu để thoát khỏi Ormoc, tôi thì đang đi hướng ngược lại, với những thùng hàng cứu trợ!

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1452318_695084930503144_669873459_n.jpg

Đêm trăng sáng ở Bato, thuộc tỉnh Leyte

diana_tse
19-11-2013, 20:38
Cảm ơn bạn về thông tin và những phần quà cứu trợ đầy ý nghĩa dành cho những nạn nhân của cơn bão Haiyan, rất mong bạn kịp thời update sơ lược về tình hình an ninh, xã hội ở Manila cũng như những nơi mà bạn đã đến cứu trợ để mình và mọi người nắm được, một lần nữa cảm ơn bạn rất nhiều :)

tonphan
20-11-2013, 05:56
Cảm ơn bạn về thông tin và những phần quà cứu trợ đầy ý nghĩa dành cho những nạn nhân của cơn bão Haiyan, rất mong bạn kịp thời update sơ lược về tình hình an ninh, xã hội ở Manila cũng như những nơi mà bạn đã đến cứu trợ để mình và mọi người nắm được, một lần nữa cảm ơn bạn rất nhiều :)

Thật sự rất vô tình mà mình được tham gia cùng với bạn host của mình đi một chuyến donation trip đến Ormoc (cách Tacloban khoảng 120km), nơi này cũng bị Haiyan Typhoon vào nhung nếu Tacloban bị ảnh hưởng 10 thì nơi mình đến chỉ là 1 thôi! Nhưng tình hình vẫn rất kinh khủng! Mình sẽ sớm review lại, bạn chờ nhé!

tonphan
20-11-2013, 22:57
Để rồi bây giờ ngồi trong nhà cũng thấy sợ! Những nỗi sợ không thể đong đếm được bằng tên, bằng không gian, bằng thời gian (giống như má, sắp đến tết lại nhắc con cái đừng làm cái này đừng làm cái kia, bộ qua năm mới, con được khoẻ re liều hở má?). Ăn một trái nho cũng hổng biết có phải nho Trung Quốc hay không? Cầm bộ đồ chơi con nít lên sợ có chất chì làm ảnh hưởng đến cháu nhỏ nít! Coi ti vi nhiều quá thấy những chương trình này rồi làm thế nào mà tụi em nó phát triển được, toàn gào với rú với tụi trẻ trâu thấy thần tượng nói ngôn ngữ từ một quốc gia nào đó xa xôi ghé qua mà khóc còn hơn là mẹ cha sinh ra mình mất! Và còn nhiều thứ khác giống như vì một ánh nhìn thôi bạn sinh viên trưởng lớp bị đâm gục ngay trên ghế giảng đường đại học! Và con trẻ được đưa đến trường thì tưởng đâu là an toàn nhất cũng lại bị thầy cô cho ăn những bữa ăn thiếu chất, để được hưởng chiết khấu, để có tiền!


(Trích những nỗi lo sợ số 3, chữ của Tồn Phan)

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1474446_10152437336224896_1669024019_n.jpg


Với những người bạn Phil host trên đường đi donation

1. Những nỗi lo sợ:

Nhà tôi ở Ninh, một thị trấn nhỏ nằm lờn tơn giữa đường quốc lộ nối với Sài và dọc dài qua biên giới nước bạn Cam. Ở đó có tôi mỗi ngày mài đũng quần trên ghế xoay của một ngân hàng nhà nước. Cuộc sống của một người trẻ nhiều khi thấy bức bối và quạnh hiu ghê ghớm khi phải đếm ngày bằng những gương mặt cười. Đi bụi một mình, tự nhiên trở thành một thói quen sủi tăm vào trong tâm khảm! Trước ngày lên đường một ngày, cuối cùng tôi cũng xin được phép! Giấu gia đình rằng con sẽ đi Sing, giấu cơ quan bằng một chuyến đi miền Tây sông nước nào đó. Chiều ngày 14 vừa làm việc xong, nhịn ăn tối để nháo nhào bưng đồ và chạy! Quãng dài từ Ninh lên Sài 120 cây số đo bằng từng trận ho như có con sâu nào đang phá nát cuống họng. 7 giờ có mặt tại sân bay để tiễn người chị đi Thái. Vẫn ho và vì đi bộ quá nhanh nên cái chân vừa gãy xong lại bắt đầu đau trở lại rồi! Gọi cho thằng bạn thân (đi nhiều, quen nhiều, gặp nhiều nhưng bạn thân thì nào giờ chỉ có một, đời nhiều khi với tôi nó đau vậy!). Nói mày ơi tao chuẩn bị ra sân bay, đi Phil, có gì mày mua giùm tao mấy phần thuốc, ho, viêm họng héng, tao bận quá nên không ghé tiệm thuốc tây mua được. Bạn ừ, cười hề hề nói mày kiếm cái gì đó nhét vô bụng đi! Lúc sau bạn vô, dòm thấy bạn thấy tội nghiệp, ốm nhom! Đưa cho bịch thuốc, nó nói mày đi đợt này mà có gì xảy ra tao cũng hổng có bất ngờ lắm, bên đó đang bất ổn thấy bà! Tôi cười, ờ, thì mày biết tính tao mà, ngang tàng đời trai sóng biển! Ngồi cà phê sân bay một chút rồi bạn về, mình ên tôi ở lại! Những lời khuyên huỷ chuyến đi xích lại, quyến luyến từng bước chân! Những nỗi lo sợ, khi chỉ còn có một mình ở sân bay lúc trời chuyển dần về sáng ôm ấp vỗ về. Đến giờ phút này rồi, hổng lẽ còn bối rối lợn cợn gì nữa giữa ở và đi! Đúng 12 giờ đêm, vẫn có một mình ên, tôi bay!


https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-ash3/1453247_10151823221158177_1471147245_n.jpg

Sự gãy đổ

Trước khi đặt vé máy bay, thì sợ! Bởi đọc những tâm sự sẻ chia nỉ non của bạn bè mười tám phương chín mươi hướng trên khắp các mặt trận, diễn đàn. Rằng Phil không được an toàn cho lắm, cánh taxi, jeepney họ mần ăn mà còn lận theo dao lam (đặng cứa cổ khách hàng, khổ!). Rằng biển đảo Phil đẹp lắm, nhưng tôi hổng biết bơi, chuồn chuồn cắn rốn từ nhỏ tới lớn chòng ngòng như bây giờ cũng vẫn chưa biết đạp nước mà nổi lên với thiên hạ, nên thấy biển thì cũng ù ù cạc cạc, tựa như dòm một cô gái đẹp từ chân, mông, hông, má mà hổng chạm vô được nên cụt hứng. Và đi một mình, couchsurfing nên cũng sợ bởi niềm tin thời buổi giờ là thứ xa xỉ, đâu có ai cho không ai cái gì mà không cầu nhận lại được đâu (dù dĩ nhiên, đã surfing rồi và thiệt may là không gặp tổn thất gì hết ráo!).

Nhưng đặt vé máy bay xong rồi (đi tháng 11, đặt vé đâu quãng tháng tám, sau khi đi Malay hửi khói về là hứng lên múc tiếp!) thì cũng đâu có nghĩa là hết sợ! Thì cũng bởi do công ăn chuyện mần, mới đầu định đi tháng 12, có gì qua đó đón Noel giáng sinh tưng bừng khói lửa, ngặt nỗi đang mần trong ngân hàng, cuối năm lu bu kết toán kết sổ thu nợ người ta nên tôi hổng có ưng. Đành đoạn đặt vé đi tháng 11, trong bụng lổm cổm tự động viên mình thì chắc lúc đó bão cũng đã tan rồi! Hai tháng sau đọc tin rằng Cebu bị động đất, chưa đầy một tháng tiếp theo, trước ngày đi có một tuần thì hung tin bay về làm rụng rời tan tành khói lửa, Phil bão to, thiệt hại nặng. Những nỗi lo sợ mong manh trước kia giờ tượng hình, rõ rành rành thành mấy cái chữ đi hay không đi đánh nhau bời bời trong đầu mình! Đi hay là không đi?



Tôi khổ lắm. Mần ở quê, người ta chỉ cần nghe nói tới đi nướcngoài là sướng rân trời, má ơi đâu ai hiểu rằng đi mọt mình theo cái kiểu nhà binh đi hành quân hết ba tháng quân trường. Một mình đi đồng nghĩa với việc rủi ro núp lấp ló đâu đó trong những bước chân qua! Bước chân lẻ loi thì không có tiếng nói, giẫm lên cát lỡ gió thổi qua thì lợt bớt phai đi mất. Đi một mình lỡ có chuyện gì thì biết đâu mà cầu cứu. Và bão nổi lên rồi nghĩa là niềm vui đi hưởng thụ không khí của một đất nước lạ xa bị thay thế bằng một niềm mất mát khó có thể giãi bày, hổng lẽ đất nước người ta đang oằn mình khắc phục những hậu quả để lại sau bão mà mình bay quá đó đặng khám phá cái này, cưởi hỉ hả chụp hình lưu niệm với cái kia! Con người mà, không cùng màu da, không cùng tiếng nói nhưng hổng có nghĩa là không biết đau và xót trước cảnh tang thương của đồng loại! Một lần nữa, đi hay không đi lại đá nhau trong đầu, lần này thì côm cốp, đau muốn chết!

Đợt trước có đọc những dòng du ký của cô gái trẻ đi qua mấy chục nước gì đó và bị dân làng ném đá không thương tiếc. Tôi cũng hiểu, trời ơi cái kiểu gì mà đi du lịch mà không biết sáng mai dậy mình sẽ đi đâu, mình sẽ làm gì. Đi bất chấp và đánh đổi niềm vui bằng sự liều mạng. Tôi phản đối vì tôi sợ, vì cha mẹ già giờ chỉ có mình ên tôi là chỗ dựa (cả vật chất, cả tinh thần), vì những dự định còn đang dang dở, những chữ chưa được viết, và cuộc sống tôi chỉ mới lật qua có 24 năm đời. Đi Phil vào những ngày bão nổi là một sự đánh đổi, liệu rằng nó có đáng giá hay không?


Có đáng để đánh đổi hay không? Câu hỏi này đặt ra khi đã đặt chân lên đất bạn rồi, đã dành nửa ngày để đi Intramorous rồi và chỉ còn ba giờ nữa thôi là đến giờ để lên máy bay phóng qua Cebu. Người ta khuyên thôi ở lại Manila đi, gộp chung vô đoàn của người ta đi núi lửa với chơi ở những vùng nào hổng có biển, chớ thiệt tình giờ qua Cebu nguy hiểm lắm, người ta đùng đùng muốn quay về đất liền còn tôi lại định đi ra đảo, ngay vùng bị bão nữa. Ngồi jeepney một vòng thành cổ, nắng sớm nghiêng nghiêng làm tự nhiên nhớ đến buổi chiều nào đó ở Malacca cũng thành cổ rêu phong những bức tường nằm im thời gian đếm nhịp nghe tim mình rộn rạo! Một vòng thành cổ im lìm quá thành thử tôi cũng muốn nổi loạn lên rồi. Chia tay hai chị gái Hà Nội vừa kết giao chung trong chuyến dạo chơi Intramorous, tôi bắt taxi về lại Terminal 3. Ở đó, tôi quyết định vẫn như kế hoạch ban đầu, bay đi Cebu. Mua sim Globe của Phil (trị giá thẻ cào là 300 peso, thêm 40 peso tiền sim). Từ sân bay lần đầu tiên nghe tiếng của bạn host, bạn cũng phiêu lưu không kém khi hổng cho tôi địa chỉ nhà gì ráo trọi, cứ tỉnh bơ khi nào mày xuống sân bay cứ đưa điện thoại cho thằng taxi tao nói chuyện với nó. Tôi ờ, hẹn gặp lại mày nghen! Máy bay trễ hai tiếng, thành thử ra thay vì đến Cebu lúc 4 gờ mà thành ra tới 6 giờ. Hoảng hôn trên sân bay đẹp đến nao lòng, cảnh buồn! Thì ngày tắt nắng lúc nào mà hổng làm cho con người ta bịn rịn bồi hồi những nỗi niềm riêng. Bước ra khỏi sân bay, tôi mặt ngầu a lô cho bạn! Ho dữ quá nên bây giờ tắt tiếng luôn rồi! Đưa máy cho cô gái điều phối taxi nghe điện thoại! Chốt địa chỉ xong rồi tôi hỏi giá, cô gái hét 500 peso, mất giọng nên tôi lại mặt ngầu nói cảm ơn chị nhưng em xài đồng hồ km, bao nhiêu tính tới đó. Từ sân bay vô tới nhà bạn (tôi cũng hổng biết nó nằm chỗ nào, nhưng quãng xa, chạy hơn một tiếng) hết 319 peso, giá châp nhận được!

Cebu có chào đón tôi hay không? Sao đã hai giờ đồng hồ chờ bạn host rồi, gáy người thì lạnh mà vẫn bặt vô âm tín. Đói bụng quá nên giữa ngã ba đường tấp đại vô một quầy BBC lề đường. Mua mấy xâu gà nướng, heo nướng, dồi nướng các loại rồi nhét vô họng. Đã bị tắt tiếng còn ăn đồ nướng dầu mỡ và đứng ngoài trời gió mái, cuối cùng là tôi hoàn toàn không nói được nữa. Chị chủ quán thương tình bắt ghế ra cho ngồi. Thấy ngồi chờ lâu quá sốt ruột chỉ bưng qua trò chuyện. Té ra lúc đầu còn tưởng tôi là dân ở Tacloban đang chạy nạn sang Cebu. Dù kiểu gì thì vẫn cứ ấm ức. Tại sao tôi lại phải chịu ựng cảnh này, ho sù sụ, tắt tiếng, mệt, đói và khát. Trong túi mình có tiền, mình hoàn toàn có thể kiếm cái nhà nghỉ nào đó chui vô tắm và đi ngủ! Nhưng sự kiêu hãnh bị dập tắt bằng khát khao trải nghiệm. Những nỗi lo sợ bị dìm hoàn toàn trước háo hức được gặp bạn host và thực sự sống những giây phút như người dân bản địa nơi đây! Tôi vẫn chờ, cuối cùng sau gần ba giờ mòn mỏi, bạn gọi! Bạn đón tôi trong tình cảnh tôi đưa điện thoại cho chị chủ BBC nói chuyện vì mình đã hoàn toàn tắt giọng rồi! Và trở về nhà sau một ngày dài, Cebu cuối cùng cũng đã ôm ấp tôi, vào lòng!

(Lời tác giả: tôi cứ viết theo cảm xúc, thấy có vẻ không hợp với kiểu hồi ký trên này, nhưng kệ, hy vọng có bạn sẽ thích!)

nkn1506
24-11-2013, 12:30
Bác này gan quá :shrug:

tonphan
24-11-2013, 18:14
Mình không gan đâu bạn ơi, trước ngày đi mình cũng sợ! Mình cũng đã định là sẽ bỏ chuyến đi Cebu rồi, nhưng khi qua bên đó rồi, thấy tình hình ổn nên mình mới đi tiếp. Và cuối cùng là đi tới tận cùng của cơn bão luôn! Một trải nghiệm vô giá!

tonphan
24-11-2013, 18:16
Em mặc một miniskirt, mang giày cao gót khoảng chừng năm phân. Tóc em thả, tóc đen nhuộm loe hoe màu. Tay em hững hờ treo cái túi xách, buổi sáng Malate trong siêu thị 7eleven, tôi đang dò bản đồ tìm phụ các chị Hà Nội hostel ở khu Makati! Em quay qua, hỏi các anh chị cũng ở Việt Nam qua à! Cả bọn cùng cười, nụ cười nhiều khi hay lắm, không cần lời nói, cũng chỉ nụ cười thôi cũng đủ để người nhận ra nhau!

2. Gửi cho em một nụ cười - Gặp cô gái Việt Nam ở Malate

Máy bay đáp xuống Terminal 3 là hơn bốn giờ sáng. Quãng đường di chuyển dài hơn hai tiếng đủ để tôi chợp mắt được một xí, nhưng mà ho nhiều quá, lại sợ phiền người kế bên nên mắc ho cũng gắng mà kiềm lại thành thử ra, coi như cả một đêm dài không ngủ. Xuống sân bay rồi thì người cũng bơ phờ. Bình minh ló dạng thật rạng ngời ở phía đằng Đông. Chào Manila, chào một vùng đất mới!

Trong lúc chờ làm thủ tục thông quan, kịp để làm quen với hai chị gái người Hà Nội! Hai chị là đồng nghiệp của nhau, cũng dân ngân hàng. Một chị đang làm việc ở Tàu, một chị làm ở Nội! Hai chị ghép cặp với nhau, líu lo xíu xô. Gặp nhau cũng là cái duyên, chị hỏi tôi đi đâu, tôi nói chiều này em bay đi Cebu, sáng nay cũng chưa có kế hoạch gì, hổng biết khu Intramorous có đủ gần để làm một chuyến city tour thành cổ hay không? Chị nói trời ơi ngoài Cebu đang bão kinh khủng lắm, thôi em trai đừng mạo hiểm nữa, có muốn ghép chung với tụi chị hay không? CHị định đi núi lửa trekking và đi Sagada đấy. Nhưng chị có tới tận mười ngày lận, tôi chỉ có mỗi bốn ngày cho một hành trình bụi phủi. Ghép đoàn chung như thế này rồi liệu tôi sẽ đi được đến đâu? Ngày vui liệu có tày gang hay không?

Ngày mới đến bắt đầu bằng việc đón taxi vô khu Malate. Tôi cũng đã nhanh chóng thay đổi quyết định của mình rồi. Tôi sẽ ghép đoàn cũng hai chị gái! Thì không đi được đảo Cebu thì chuyển qua đi trekking, đi coi ruộng bậc thang cũng được. Kế hoạch thay đổi, thì cũng đã quyết định rồi nên tôi không lăn tăn nữa, lăn xả ra trước cửa vào sân bay hỏi taxi. Hỏi đường vô Malate các bác tài xế hét lên tới 800peso. Sợ quá, cả nhà cùng nhau leo lại lên lầu ba, ở đó tôi dội đạn trước một quang cảnh Manila "hổng có gì khác với Sài Gòn hết ráo". Cũng nhà cửa nhấp nhô, lô xô và lộn xộn. Một ngày mới bắt đầu với một chiếc taxi tải vào thành phố. Trả 250 peso cộng thêm 20peso phí cầu đường, khoảng 20 phút sau cả nhà đã đến được Malate.

Không phải mùa du lịch nhưng chả hểu sao đi vòng vòng khu Malate tất cả các hostel, khách sạn đều đã hết phòng, nếu còn thì toàn phòng deluxe với giá đội lên đến cả triệu. Mấy chị em tay xách nách mang đi tới đi lui, chân lại đau nhưng ẫn phải cố gắng. Malate kiểu như là một khu trung tâm cũ của Manila, ở Sài Gòn thì chắc giống khu Bình Thạnh, Phú Nhuận. Trung tâm mới giờ chủ yếu tập trung ở Makati, khu đó đẹp, sạch hơn. Ở Malate, đi dạo một vòng, vào buổi sáng sớm vẫn kịp để tôi thấy những gương mặt đen đen bẩn bẩn ngủ dưới trời lạnh lẽo, những đứa trẻ vô gia cư sau những mái hiên vừa tỉnh dậy, các cô gái ăn sương - chắc là vừa xong một ngày làm việc (Malate tập trung nhiều KTV, nhiều doll club, giống Pattaya ấy). Và Malate trong buổi sớm mai hiện lên vừa dơ vừa bẩn vì nhân viên vệ sinh chưa kịp đi dọn dẹp, rác vứt bừa ở những ngã ba, ngã tư! Jeepney chạy đầy đường không đủ để xua đi cảm giác lạc lõng của một tôi đang bắt đầu chán nản với Manila rồi!

Đi một vòng Malate mà cuối cùng vẫn chưa tìm được hostel, thế là vừa đói, vừa khát tấp vô một siêu thị 7-eleven để kiếm cái gì đó bỏ vô bụng. Thì cũng là hambuger với nem chả hai chị bưng theo từ Việt Nam sang (con gái đi bụi có khác, chuẩn bị các thứ chứ không như đực rựa này!). Líu ríu nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, dò bản đồ đặng tìm đường ra khu Makati, hy vọng ở đó sẽ tìm được hostel nào đó giá ngon hơn một xí!

Và ở đó chúng tôi đã gặp em, một cô gái Việt Nam, một cô gái miền Nam có giọng nói ngọt lịm! Em hỏi ủa các anh chị cũng ở Việt Nam sang hả? Qua đây đi du lịch hay sao ạ? Em ở Ninh, ở cửa 5 chợ Hoa. Em qua đây cũng hơn sáu tháng rồi, em qua đây đi mần, em làm ở sòng bài gần đây nè. Ở đây em buồn lắm, hổng có gặp dân Việt Nam nên gặp các anh chị em mừng. Rồi em nhiệt tình chỉ chúng tôi đi tìm khách sạn, em nhiệt tình quá nhiều khi khiến cho chúng tôi ngại! Bởi dân đi bụi mờ, nhiều khi thấy người ta nhiệt tình quá đâm ra chợn. Tôi hỏi thế tết này em có về quê không? Nhà em gần nhà tôi đó, tôi cũng dân Ninh mà! Em nói cũng hổng biết nữa, tết mờ, casino họ hổng cho nghỉ nhiều, ngày lễ tết dân đi đánh bài đông, mần sao mà nghỉ cho được!

Em làm ca đêm, đó là lúc em vừa tan ca. Giọng nói của em ngọt ngào quá! Em giúp chúng tôi cũng thiệt nhiệt tình! Nghe cái cách em nói, điệu em cười thấy ấm áp quá! Lâu lắm rồi em mới nghe trực tiếp giọng nói nười Việt Nam mình! Sao mà thương, mà yêu đến vậy! Malate nắng sáng cũng vừa lên! Cảm ơn em và gửi lại em một nụ cười. Chúng tôi bắt taxi đi vào Intramorous, chúc em may mắn và sớm được trở lại thăm nhà! Taxi đi rồi tôi mới chợt nhớ ra, quên hỏi tên của em mất tiêu rồi!

(Lời tác giả: Tiếc quá, quên hỏi tên của cô gái Việt Nam ấy, không hình ảnh, không số điện thoại, biết làm thế nào gặp lại em đây???)

tonphan
28-11-2013, 20:57
Riết rồi niềm tin là một thứ xa xỉ! Đi chợ lựa một trái cam cũng ngần ngại hổng biết có phải trái cam này được ủ chất bảo quản quá tay hay không? Đi đường xa về vắng sợ hành trình bị lỡ mất ở một quãng nào đó, vì người bây giờ bị phần con liếm láp đi mất, chớ hổng phải sợ bóng tối. Mần ở ngân hàng hơn ba năm rồi nên hiểu, lòng chỉ tin khi đời đừng xô đẩy bạc đen. Tôi lại tiếp tục xách ba lô lên và đi! CS - niềm tin được thắt lại nghẹn ứ trong tim này!


3. CS mỗi bước chân qua đều là nhà!

Tôi bắt đầu gửi thư xin ở trọ vào tháng chín. Đầu tiên là xin ở trọ ở Manila. Do đã từng CS rồi nên gần như ngay lập tức được chấp nhận vô ở ké. Bạn host của tôi đang làm bên mảng truyền thông và media, tôi cũng không rành nữa vì ... đó là cả một câu chuyện dài lượt thượt sau đó nữa. Dự định ban đầu thì chỉ là quanh quẩn ở thủ đô, đi Taal và đi Sagada! Bạn host thì bận vô cùng. Mỗi lần rải lời giả bộ hỏi thăm bạn ơi bạn có khoẻ không? Năm thì mười hoạ mới nhận được tin nhắn trả lời lại rằng ờ tao vẫn khoẻ, cảm ơn cảm ơn đã hỏi thăm! Tự nhiên tôi nhớ tới Kay, người bạn host của tôi ở Malay, một người bạn nhiệt tình nồng ấm, lúc nào cũng hỏi tôi có khoẻ hông, chuẩn bị đi tới đâu rồi! Nhưng kệ, này là mình nhờ vả người ta mà, đâu có lý do gì, để nói ra nói vô chê bai cho đặng!

Bước chân qua tháng mười, đùng một phát hứng lên muốn đi ra biển. Tôi lọ mọ lên mạng đặt vé, bay nội bộ đi Cebu. Chỉ đặt vé có hai ngày một đêm thôi, bưng chuyện đó đi nói với host, bạn bảo trời có nhiêu đó thời gian thế mày đi Cebu làm gì? Tôi trả lời ờ ờ kệ, chớ thiệt sự ra tôi cũng hổng có thích biển. Rồi thì lại tiếp tục kiếm host ở Cebu tiếp. Đợt này khó, tôi gửi thư xin ở trọ hoài mà hổng được. Lôi bạn host ở Manila ra than khổ, nhờ bạn giới thiệu giùm. Nói chơi, khóc lóc nỉ non chơi chơi mà dè đâu bạn giới thiệu thiệt. Nhiệt tình như chưa bao giờ nhiệt tình hơn nữa, kiểu tui bảo đảm cho người này, yên tâm host hắn đi! Tôi biết Junior cũng từ một dịp tình cờ như thế!

Thế giới này ngày càng phẳng, nhưng đâu có phải khơi khơi là gặp được nhau, quen biết nhau giữa bảy tỷ người. CS nối những chiếc cầu xuyên biên giới, bằng niềm tin, đơn giản vì chúng tôi tin tưởng lẫn nhau! Không phải lần đầu tiên tôi surf, nhưng in như nỗi lo lắng về người bạn host của mình đã trở thành đặc sản. Trước chuyến đi lo, chuẩn bị bay rồi vẫn lo! Hổng biết bạn host của mình ra sao? Mình sẽ như thế nào ở một đất nước xa lạ, và những khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ, liệu sẽ trở thành rào cản, để người gần hơn với người! Tôi sợ, những nỗi sợ trở thành đặc sản trước mỗi bận CS luôn rồi!

Trước bữa đi vài ngày, bạn host của tôi ở Manila báo tin là hôm tôi qua bạn bận đột xuất, chuyện cũng hổng mong muốn vì bạn có một event tổ chức ở một tỉnh khác. Bạn nói tôi có thể ở nhà của bạn, hông sao hết, bạn sẽ cố gắng về sớm, nếu còn thời gian thì đi uống cái gì đó! Tôi nói ờ ờ, hy vọng là như vậy! Nhưng miệng cười trong lòng lại thấy lo, trời ơi còn có mấy ngày nữa là đi, mà bạn host lại tiêu tùng như thế này rồi sao! Junior ở đầu cầu Cebu còn bận hơn nữa, không cho tôi biết địa chỉ, chỉ cho tôi số điện thoại, bạn nói khi nào tới Cebu thì cứ gọi, bạn sẽ chỉ đường. Lần đầu tiên tôi thấy mơ hồ, những mối dây liên hệ nó cứ hời hợt! Nghĩ trong bụng thôi kệ, có tiền trong túi mà, có gì qua đó được không được thì kiếm cái hostel nào đó chui vô! Đi bụi mà! Một chuyến đi bụi lý tưởng của tôi là đến một thị trấn nhỏ nào đó, không phải địa danh du lịch nổi tiếng nào, tận hưởng một cuộc sống đích thực của nơi ấy, ngồi ở một quán nhỏ nhìn ra đường, buồn thiu vì có một mình nhưng chắc ăn tôi sẽ khoái! Vì một mình, vì đơn độc nhiều khi làm oằn thành kỷ niệm, và nhớ nhung đều sẽ bắt đầu từ những khoảng khắc độc hành như thế này đây!

Những chuyến đi rồi sẽ nối dài, như những mối quan hệ, rày đây mai đó riết rồi sẽ dễ kết nối những người lạ xa! Đến Manila ngày đầu tiên tôi chưa liên hệ với Iosif, vì biết giờ này bạn đang rong ruổi ở một nơi nào đó, và cũng hổng biết bạn có nhớ đến tôi hay không nữa. Chia tay em gái người Việt Nam ở Malate, tôi cùng hai chị Hà Nội bắt taxi ra khu Intramorous - khu thành cổ của Philippines. Taxi chạy theo km, rất rẻ. Quãng đường chạy khoảng 15 phút tính ra hết 130 peso. Hãy cẩn thẩn, cánh taxi bên đó nhiều người rất láo, kiểu như họ vẫn tính km nhưng cộng thêm 50peso nữa! Intramorous hiện ra trong nắng sớm ngày mới thật tĩnh tại và yên bình! Những đoạn đường nhỏ lát gạch, đi lạch bạch dễ bị đau chân!

Chị gái nói, trời ơi một năm về trước, ở Malacca, cũng thành cổ như thế này, và nắng chiếu nghiêng nghiêng, và chị đi với bạn trai, bây giờ thì đi một mình. Tôi nói giỡn, chị cũng đang đi với trai này, nhưng khác, cảm giác hối tiếc! Thì mối quan hệ cũng chưa đủ thắm sâu đặng hỏi thêm về cuộc sống của chị! Intramorous một ngày thứ sáu vẫn đông đúc, có một nhóm thanh niên, đông đến cả trăm người, mặc chung áo đồng phục, chắc là dân bản địa, kiểu như đi thực tế (giống các bạn học sinh, sinh viên ở Việt Nam, đi bảo tàng, chẳng hạn). Họ rất sôi nổi, cười cười nói nói làm rộn hết cả khu thành cổ. Intramorous là một trấn cổ, được chính quyền gìn giữ khá tốt để mần du lịch! Khu Intramorous đi một vòng kiểu cưỡi ngựa xem hoa như chúng tôi chắc gần hai giờ đồng hồ là hết. Nhiều khi nghĩ lại tôi thấy tiếc, nếu có dịp trở lại, chắc chắn tôi sẽ khám phá Intramorous sâu và đơn độc một mình nhiều hơn thế này! Những bức tường thành đẫm màu thời gian, và nhà thờ, những con đường lát gạch gồ ghề, nhịp gõ móng ngựa âm thầm! Bỏ qua những ồn ào phố xá, trấn cổ vẫn giữ nguyên những nét đẹp không phai mờ! Bữa đó do tôi lại thay đổi quyết định, không theo các chị gái nữa mà sẽ tiếp tục cuộc hành trình đơn độc của mình đi Cebu, nên tôi bảo các chị ngôi xe xích lô, mất 100 peso cho một vòng Intramorous. Bạn nhỏ chạy xích lô mồm năm miệng mười, liến thoắng nói quá trời nói bằng một thứ tiếng Anh khó nghe cực kỳ! Kết tour tôi tip cho cậu nhỏ 50 peso, thế mà bạn ấy còn kèo nài kinh hồn bạt vía, thật sự ở đây dân tình nhiều khi ranh quá xá!

Tôi ớn Manila rồi! Bắt taxi trở về Terminal 3, sau khi rảo quanh Asean Garden gần sát bên khu Intramuros, tôi chia tay các chị! Hổng biết bao giờ có duyên gặp nữa! Ở sân bay, trong lúc chờ đến giờ check in, tôi lượn! Khu foodcount ở Terminal 3 loe hoe, nhiều hạng mục vẫn chưa xây xong, các cửa hàng không có nhiều lựa chọn! Tôi bị viêm họng nặng nên ớn ăn cơm, kiếm đại một chỗ nào đó bán mì hoặc món nước nào đó, nóng nóng húp cho qua ngày đoạn tháng nhưng hổng có! Cuối cùng phải bay vô một nhà hàng Nhật Bổn, ăn qua quýt món mì Udon dở chưa từng thấy (hết gần 350 peso). Cebu delay chuyến bay! Một trải nghiệm kinh hoàng, xe bus chở hành khách ra máy bay rồi, leo lên máy bay luôn rồi mà máy bay cất cánh hổng được! Cả đoàn cùng leo xuống, được bus sân bay chở lại vào trong. Mất thêm hai giờ nữa cho việc chờ đợi. Đáng lẽ máy bay sẽ cất cánh lúc 1 giờ trưa, nhưng mãi tới 4 giờ chiều mới bắt đầu! Và kết cục là tôi cho bạn host leo cây! Hoàng hôn Cebu đón tôi não nề, tắt tiếng hoàn toàn vì gió mái! Cảnh chiều buông đẹp mê hồn! Không nói được nên vừa xuống sân bay tôi dí cái điện thoại cho cô gái làm nhiệm vụ bắt khách taxi để cổ trò chuyện với Junior. Tôi cũng không biết nhà bạn ở đâu, tôi nói vói theo cô gái xa lạ rằng nếu tôi có chuyện gì, hãy nhớ tôi đến từ Việt Nam nhá!

Màn đêm buông xuống rất nhanh! Một mình trên chiếc taxi bắt đầu vào thành phố! Bạn host của tôi nhắn tin rằng bạn phải đi mua một vài thứ, tôi sẽ lại một mình! Một mình! Cảm giác đó đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh! Tôi không biết taxi sẽ chở mình đến đâu (Bạn chỉ nói cứ ừng ở chỗ Englic corner, tìm cái cổng nào màu xanh, bạn sẽ đón tôi ở đó!). Lần đầu tiên tôi đến Cebu mà, tôi có biết gì đâu! Taxi bỏ tôi lại ở Englic corner, đói, tôi rất đói! Tấp vào một quầy BBC lề đường, tôi nạp năng lượng! BBC rất ngon! Tôi thì rất thảm! Tôi ăn, xong rồi lại ngồi lên đứng xuống. Chờ đợi, cảm giác ấy rất kinh khủng. Lời đầu môi chót lưỡi tôi nhắn cho bạn ằng cứ yên tâm đi, tao đang tận hưởng Cebu by night đây, rất tuyệt. Chớ thiệt sự ra tôi đang oải, tại sao mình lại ở đây? Hơn 8 giờ tối rồi, cả ngày nay tôi chưa nghỉ ngơi ược một phút nào, hôi hám, dơ dáy chịu không nổi. Viêm họng mà lại ăn thêm đồ nướng, kết quả là tôi đau khổ chỉ biết ra dấu! Thấy tôi chờ lâu quá, chị chủ quán lại hỏi thăm! Tin được không, chị tưởng tôi là dân ở Tacloban đang chạy nạn qua đây? Nói vậy để thấy rằng tôi thảm thương đến cỡ nào! Và lần đầu tiên tôi biết được, chờ đợi - giờ dây thun đó là phong cách của dân Phil! Tôi chỉ biết cười, chắc cái số này tôi chờ đợi quen rồi! Đói, lại ăn thêm một vài xâu thịt nướng nữa!

9 giờ đêm! Gió cũng đã xổ lồng tan nát rồi. Cebu - thành phố nữ hoàng về đêm vẫn đầy xe cộ! Tôi đang ở downtown của thành phố biển này! Bạn nhắn tin, hỏi tôi đang ở đâu! Tôi nói tao đang đứng trước một cái cổng màu xanh, như lời mày ặn, kế bên là một tiệm massage! Bạn bắt đầu đi tìm tôi! Và ười lăm phút sau tôi cũng được về nhà! Nói chuyện với bạn đến nửa đêm rồi lăn ra ngủ! Tôi ngủ lúc nào cũng hổng hay! Ở trong căn nhà sàn gỗ đó, đã ừng tiếp đón hơn 300 người - đủ màu da, đủ sắc tộc! Phía ngoài cánh cổng màu xanh của căn nhà đó, có dán dòng chữ the hobbit house. Bắt đầu bằng sự chờ đợi, tôi kết thúc ngày bằng một giấc ngủ mệt mỏi không mộng mị! Chuyến đi vẫn còn dài! Đó là đêm đầu tiên của tôi, ở Cebu!


https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-ash4/1455902_700416156636688_93854259_n.jpg

Manila lúc 5 giờ sáng, đèn vẫn còn sáng! Này là vừa mới vạ vật bước ra từ sân bay!

https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1467450_700418476636456_81250756_n.jpg

Giống các em nhỏ VN quá! Đi Sở thú chơi!

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-prn1/46873_700420689969568_1244930932_n.jpg

Cổng thành! Phía ngoài là trường đại học!

tonphan
03-12-2013, 19:16
Khi anh bác sĩ nói với tôi rằng cái chân bị gãy hai ngón, phải bó bột, hạn chế di chuyển trong ít nhất một tháng. Tôi dòm qua thằng bạn thân của tôi, nỗi kinh hoàng chắc là không thể che giấu được trong cặp mắt một mí lép kẹp! Điều đầu tiên tôi nghĩ đến, đó là chỉ còn ba tuần nữa là tôi phải đi Philippines. Chuyến đi nhiều khắc nghiệt, và nếu thiếu đôi chân này, tôi sẽ phải làm như thế nào! Chuyện của hơn một tháng về trước, giờ ngón chân út của tôi chắc có lẽ sẽ không bao giờ còn nhỏ gọn và hình dạng như cũ nữa, tôi chấp nhận điều đó, bắt đầu tập làm quen với nó! Bàn chân qua những thâm trầm, những vệt để lại, bên cạnh khói, còn có cả nước mắt. Niềm vui tách ra từ nỗi đau!

4. Chạy đua ở Cebu - Kế hoạch thay đổi

Một trong những chuyện tôi và bạn trao đổi trước khi đi ngủ, đó là bạn muốn dắt tôi đi một vòng Cebu lắm, nhưng quãng rày bạn bận quá, bạn đang tích cực vận động cho những chuyến đi cứu trợ đến vùng Ormoc, tỉnh Leyte, một trong những vùng bị Haiyan quét qua! Thế nên bạn hổng có dắt tôi đi đâu được, nếu tôi muốn, bạn có thể chỉ, và tôi sẽ đi một mình! Tôi trả lời bạn ngay tắp lự rằng tôi cũng muốn đi với bạn vào vùng bị bão, đó sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên! Bạn nói tôi nên đi ra biển Cebu chơi đi, cách trung tâm khoảng 3 giờ ngồi xe là tới, ở chỗ đó, là thiên đường, nhiều người tới nơi này, cũng vì biển! Tôi cười, nói với bạn rằng nếu lần sau tôi có cơ hội quành ngược lại Cebu, nhất định bạn phải dắt tôi tới nơi đó, còn lần này, tôi sẽ đi chung với bạn, đi vào vùng bão lũ, vì chỉ lần này thôi, tôi có cơ hội được thực hiện một chuyến đi nhiều ý nghĩa như thế này! Nếu có lần sau, mà thực sự thì, tôi cũng hổng muốn đất nước này xảy ra chuyện như thế này một lần nào nữa. Thực sự là như vậy! Bạn dòm tôi cười, hỏi, dám không?

Tôi đi ngủ, trong cơn mộng mị dẹp hết tất cả mọi suy nghĩ mệt mỏi rã rời! Căn nhà của bạn rất đặc biệt, sàn gỗ. Ở đó, bạn chuẩn bị sẵn nệm ngủ cho rất nhiều người. Căn nhà của bạn đã từng host đến hơn 300 người, trên vách ường bạn dán dày đặc những kỷ niệm đến từ khắp nơi trên thế giới. Những tờ tiền đủ mệnh giá (nhỏ) của Việt Nam (quá trời Việt Nam đồng luôn), Trung Quốc, Nhật, Mỹ... Bản đồ Cebu, Phil. Ba cây súng nước (hình như quà của một thằng Mỹ nào đó), những thank you letters dán đầy tường... Bạn làm việc khuya, in như mãi tới hai giờ sáng bạn mới đi ngủ. Tôi rã rời nhiều khi giấc ngủ chịu chạo thả vào khuya những cơn ho, dòm thấy bạn vẫn còn đang lẩn mẩn bên bàn làm việc. Thì chắc chỉ có những người trẻ freelance như vầy mới đủ nhiệt thành và kiên nhẫn để đón bạn từ khắp mọi phương xa như thế này!

Sáng hôm sau, tôi thức dậy. Dĩ nhiên là dậy trễ. Bạn hỏi ngủ có ngon không? Tôi nói không? Ho dữ quá, tôi bệnh rồi! Tôi nói với bạn là tôi sẽ đổi lại vé máy bay, phải tranh thủ vì bên Cebupacific họ chỉ cho đổi vé trước 48 giờ trước giờ bay thôi! Coi như tôi dùng những giờ phút cuối cùng, không quan tâm tới giá vé nữa, dùng thẻ tín dụng nên không biết nó trừ tài khoản của mình hết bao nhiêu! Đổi một chiều về, check giá vé thì cũng bằng với mua lại một vé mới. Mà kiểu gì thì kiểu cũng đều mắc hơn giá vé khứ hồi tôi mua đợt trước. Đi phượt bụi, đi một mình nhiều khi vậy, kế hoạch thay đổi xoành xoạch, không theo một thứ tự nào! Cũng may tôi đem theo thẻ tín dụng nên đợt này thay đổi vé máy bay kịp (mất toi gần 2 triệu đồng, trong khi vé khứ hồi mua đợt trước khoảng hơn 1,5 triệu cho chặng Manila - Cebu).

Có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị cho chuyến đi cứu trợ ngày mai! Junior dắt tôi đi một vòng Cebu downtown, đặng mua vé tàu cho cả nhóm gồm 9 người. Ngoài ra, nhiệm vụ của chúng tôi còn bao gồm cả việc mua 10.000 gói mì tôm và mua những cái bao túi đặng bỏ hàng cứu trợ vô nhằm ngụy trang, sợ bưng hê ra tình hình bất ổn dân tình bay vô cướp thì nguy hiểm. Cần nhắc lại là một tháng trước đó, Cebu vừa mới trải qua một trận động đất, khu vực động đất nằm ngay khu trung tâm của khu downtown. Chúng tôi bắt jeepney vô thành phố, chỉ mất khoảng chừng mười phút. Ôi Jeepney, Jeepney, nhắc đến Philippines là nhắc đến Jeepney. Tôi không chắc rằng mình có yêu thích loại phương tiện giao thông này hay không, nhưng về mặt tình cảm, thật sự rằng Jeepney dễ làm cho con người ta xích lại gần nhau hơn tuk tuk, hơn cả xe bus, xe ôm của Việt Nam mình! Sẽ không có phụ lái, tài xế jeepney chỉ việc dừng xe lại theo trạm, đón khách và chạy. Không có việc đòi tiền, không có cảnh trốn vé. Người đi xe tự động trả tiền cho tài xế, có thể ngay lúc lên xe, có thể ở giữa cuộc hành trình, nhưng kiểu gì thì, tất cả đều tự giác. Tôi rất thích cảm giác chuyền tay nhau những đồng cắc lẻ để trả tiền phí, rất rẻ, khoảng chừng 8 peso cho mỗi lượt lên xuống, không có xé vé, những người ngồi sau xe nhờ người ngồi gần tài xế đưa giúp họ những đồng peso. Một sự tự giác và thân thiện đáng nể. Jeepney ngồi tù túng lắm, nhưng cái tình của những người ngồi Jeepney thì quả thiệt là không thể quên!

Jeepney dừng chúng tôi lại ở lưng chừng khu downtown, ở đó, chúng tôi đi bộ ra cảng. Cảng Cebu tính ra không lớn lắm, kiểu như cảng Sài Gòn, nhưng khác ở chỗ, từ Cebu có khá nhiều chuyến tàu đi các tỉnh ở miền Trung của Phil. Do là quốc gia có nhiều đảo, nên việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố, ngoài phương tiện là máy bay, thì tàu thuyền là phương tiện đi lại chính. Có rất đông người xếp hàng chờ mua vé! Tôi không rành về địa lý của Cebu cho lắm nên chắc do tâm trạng của mình là đang chuẩn bị đi vào vùng bão lũ Leyte, thành ra dòm mặt người nào cũng đều tâm trạng, đều nặng trĩu lo âu trước cơn đại biến của dân tộc mình! Ở đó, chúng tôi xếp hàng hơn một giờ đồng hồ mới mua được vé. Vé tàu đi từ Cebu đến Ormoc là 620 peso, do hết vé hạng economic rồi nên cả bọn đành ngậm ngùi mua vé hạng tourist 01, mắc chảy cả mỡ.

Chặng về, tôi và Junior đi rảo khắp các siêu thị ở khu trung tâm của Cebu, để mua mì gói. Không khí của ngày thứ sáu thật sự rất náo nhiệt! Tôi không hiểu sao nữa, nhưng đi đâu cũng thấy người, người túa ra từ các khu mua sắm, người qua đường rộn rã những bước chân. Người ta đi khắp các nẻo đường, người ta ôm những thùng hàng vội vã trở về nhà. Có những đứa trẻ ăn xin nằm cù bơ cù bất ở những ngã tư đường, và không thiếu những người vô gia cư nằm vạ vật bạ đâu ngủ đó trên những góc phố cũ kỹ rệu màu thời gian của Cebu. Tôi bị gãy chân, mới vừa hồi phục, nhưng đông người quá nên sợ bị lạc, lúc đi bộ thì trong khi Junior đi khoan thai từ tốn thì tôi toàn phải chạy, níu áo bạn bởi vì tốc độ đi của tôi chậm lắm, sợ không kịp!

Và cái cảm giác thật sự kinh hoàng khi mà bước chân vào khu thực phẩm ở các quầy hàng trong siêu thị, chúng tôi đi qua khoảng hơn một chục cái, nhưng khu nào cũng đông như kiến. Mì gói thì hết, có quầy hàng sạch bóng luôn! Có quầy còn lác đác một vài nhãn hiệu mì, phần lớn là mắc. Giá cả ở Cebu nói riêng và Phil nói chung tôi thấy cũng tàm tạm, không quá đắt đỏ, đủ xài, đủ để một người Việt thuộc hàng bình dân như tôi nếu có cơ hội qua đó sinh sống, chắc cũng tồn tại được. Mì gói giá bèo thì có giá khoảng 6.5 peso. Chúng tôi lùng suốt dọc dài những dãy phố. Ở đó, có rất nhiều khu trung tâm mua sắm và siêu thị! Siêu thị thì cũng y chang Việt Nam mình, cũng những quầy hàng, những counter thanh toán xếp dọc dài những người và người. Sáu giờ chiều có tiếng chuông điểm, và cả không gian cùng lặng im, tất cả mọi người dù đang làm gì, cũng đều dừng lại. Không cần phải hỏi bạn đồng hành, cũng biết rằng mọi người đang cầu nguyện! Đây là nghi thức mỗi ngày của đạo Chúa ở Cebu, diễn ra tại tất cả những nơi công cộng! Cảm giác xoay vần đủ để tôi bất ngờ và vỡ ra vì thích thú. Cần lắm chớ những giây phút cộng đồng như thế này, dù là ai, đang ở đâu và làm gì, sống chậm, theo một ý nghĩa tích cực nào đó cũng đều dễ dàng làm cho con người ta dừng lại và tạm quên đi những tất bật của đời thường.

Chạy đua ở Cebu. Tôi nghĩ rằng mình đang trong một cuộc chạy đua chớ không phải giỡn. Ở cuộc đua đó, có tôi và Junior phải lất bất xang bang lục hết hơn mười cái siêu thị đặng mua cho được 10.000 gói mì. Và khi mà mua được rồi phải bưng ra đi taxi trở về nhà. Lúc bình thường thì không nói, nhưng khi mà con người cảm thấy không an toàn, nhu cầu tích trữ lương thực thực phẩm bắt đầu ngọ ngoạy, và mình phải đua nhau để giành lấy những phần ít ỏi đó. Cảm giác đó thực sự rất khác. Trên đường về tôi có ghé qua port Sandiego, một khu tường thành kiêm công viên của Cebu, quảng trường nằm cạnh bên cảng, tôi thấy hơi lạc lõng giữa quảng trường rộng lớn này! Hỏi Junior rằng thế mạnh chính của Cebu là gì, bạn nói du lịch. Tôi thắc mắc ủa sao ít thấy dân Tây ba lô quá, mà trông đường phố quán xá ở Cebu cũng cũ kỹ nữa. Bạn nói ờ thì đi ra biển đi, ở đó sẽ có đông du khách hơn. Buổi chiều đi qua khu nhà thờ Lớn, nhà thờ vừa mới bị tàn phá do trận động đất vừa rồi. Rất đông những người già và trẻ nhỏ ùa ra đường bu lấy chúng tôi đặng bán nến. Giống y chang khu nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Tôi cười ha ha nói trời ơi tôi đang đi trên đường phố Sài Gòn phải không?

Trở về nhà thì trời cũng nhá nhem tối. Junior mua về hai con gà quay! Lại là thịt, tôi khoái thịt rồi. Tối đó có những người bạn sẽ đi cùng cả nhà đến Ormoc qua để chuẩn bị đóng gói đồ đạc. Chúng tôi có một buổi tối vui vẻ, ngồi bốc từng nắm cơm ăn mà cười hỉ hả trước những câu chuyện của các thành viên. Họ đều trẻ, toàn dân freelance và toàn là dân phượt chính hiệu. Một bữa tối thật vui! Tôi lại phải đi ngủ sớm, thói quen không thể nào bỏ được của một trai văn phòng ngân hàng nhà nước chính hiệu! Có tiếng chuông nhà thờ nào đó đổ giữa thinh không! Mà chắc là tôi nhầm lẫn rồi, đó là tiếng còi hụ của một chiếc xe cấp cứu nào đó. Ở Cebu, âm thanh mà tôi thường xuyên nghe nhất chính là tiếng còi xe cấp cứu. Không phải vì lý do gì, chỉ đơn giản là... Hobbit house gần một cái bệnh viên mà thôi! Ờ mà tôi nói các bạn nghe chưa, nhà của Junior có một cái tên rất dễ thương, Hobbit House.

Và một ngày nữa lại tàn!

tonphan
07-12-2013, 22:24
Tôi từng có một bài luận, nói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam một thuở anh hùng. Bài luận đó tôi có dẫn lại câu nói nổi tiếng của Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí... Và trong những tháng ngày trẻ tuổi rong ruổi của mình, tôi đã rất nhiều lần tự hỏi mình rằng, liệu đây có thực là một cuộc sống đích thực mà mình mong muốn hay không?

5. Vào tâm bão

Dậy sớm, 5 giờ sáng ở Cebu, nghĩa là ở Việt Nam giờ này vẫn còn là 4 giờ. Đêm qua ho dữ, giọng nói vẫn cứ khều khào! Cái vali của tôi giờ đã lèn chặt bằng những lon cá hộp! Nặng chịch! Vali của các bạn khác cũng vậy, cái nào nhét được là nhét vô hết. Do sợ nếu không ngụy trang bằng kiểu này, người ta để ý rồi biết đâu bay vô xâu xé, thôi thì cứ cẩn thận là trên hết. Chúng tôi rồng rắn bắt taxi ra cảng. Cebu buổi sớm mù sương, phố vẫn còn ngái ngủ. Lâu không dậy sớm, cái cảm giác buổi sớm mai ngày chưa lên dù là ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này đều dễ đem lại cho con người ta sự thanh thản. Ngày chưa ầm ào, nắng chưa vội lên! Taxi chạy nhanh qua những quãng phố vắng. Cebu sương mờ, cảng cũng phủ sương mờ. Bến cảng chào đón chúng tôi bằng những nụ cười!

Một trong những điểm cần lưu ý khi đến Phil là thường các phí cầu đường, họ không bao gồm trong giá vé. Trả thêm 10 peso cho phí cầu cảng, không quá mắc nhưng cũng đủ để cho một bạn Việt Nam rặt thấy lạ lẫm, cái này in như ở quê tôi không có! Tập thể duc buổi sáng bằng việc bê vác những thùng hàng cứu trợ. Cũng đủ để mồ hôi túa ra, chưa ăn sáng nhưng in như khi người ta đi bụi, chuyện ăn uống không còn là vấn đề quan trọng nữa, tôi không thấy đói.

Hàng cứu trợ được chất lên một chiếc xe tải chở từ nhà ra đến cảng trước. Từ đây, chúng tôi mỗi người một tay bưng qua cho bộ phận kiểm hàng họ kiểm đếm và đưa vào khoang hàng. 7 giờ tàu bắt đầu chạy, mới nãy vừa đổ mồ hôi (một xí thôi vì thực ra mùa này bên Phil cũng không đến nỗi quá nóng bức) thì giờ cả bọn bắt đầu an vị trên khoang tourist của tàu express. Trước mỗi chuyến đi, lúc nào cũng sẽ có một khoảng thời gian ngắn trước khi xuất phát để nhà thuyền phát một đoạn video ngắn (khoang nào cũng có màn hình LCD) cầu Chúa phù hộ cho chuyến đi được bình an! Những người dân Phil mộ đạo, họ chăm chú và rất nhiệt tâm nhép theo lời kinh cầu phát ra từ màn hình LCD. Tiếng của cô gái phát thanh viên trầm ấm đủ để khách phương xa nao nao lòng. Rời bến, rời thuyền là số phận này chỉ gởi vào những niềm tin vô hình tượng hình bằng Chúa. Tôi sợ chớ, giữa biển khơi lỡ có chuyện gì xảy ra rồi sao?

Mất khoảng gần ba giờ di chuyển. Ngồi ở khoang tourist có khác, lạnh thấu tim! Nhà thuyền mở máy lạnh hết công suất. Đợt trước tôi có nghe nói rồi, bus liên tỉnh ở Phil thường họ mở máy điều hòa kinh khủng lắm! Hồi đi Malay tôi cũng trải nghiệm qua luôn rồi! Vậy nên chuẩn bị sẵn áo khoác tùm lum, trùm từ đầu cho đến chân, mà vẫn không thoát khỏi cái lạnh! Nghĩ lại thấy mình dở, các bạn Phil cũng y chang mình, mập hơn đen hơn nhưng họ vẫn khỏe re. Verge còn bận áo ba lỗ quần short nữa! Biển rất lặng, ở bến tàu Ormoc, nguyên khoang thuyền đều dòm ra ngoài, ở ngoài khơi có hai chiếc tàu sân bay Mỹ đang đậu. Từ đó trực thăng cất cánh chở những thùng hàng cứu trợ đến những vùng bị bão tàn phá nặng nề nhất! Ormoc chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa nhẹ, trời xám xịt, cảnh buồn và thê lương vô cùng. Những dòng người ồ ạt đổ về bến tàu, người đi xuống thì ít nhưng những người muốn thoát khỏi nơi đây thì đông gấp mấy lần.

Sân bay Tacloban thì bị hư hỏng nặng rồi, nên bây giờ người ta dồn về Ormoc. Ormoc cách Tacloban khoảng 120km, ở đây có bến tàu, một cửa ngõ từ các tỉnh khác đến Leyte. Từ cầu cảng, nhìn ra xa, có thể nhìn thấy được sự tàn phá kinh hoàng của Typhoon Haiyan. Sương khói phủ mờ đường chân trời, những ngọn đồi với rặng dừa, chuối đổ rạp hoặc còi cọc mất tiêu ngọn! Không khí như bị vẫn đục đi bởi những đổ nát và nỗi bất an hiện lên trên khuôn mặt mỗi người. Cảng Ormoc dằn mặt chúng tôi bằng một cơn mưa nhẹ, không đủ để ướt áo! Bầu trời xám xịt càng tô đậm thêm bầu không khí buồn bã, tẻ nhạt đầy bất an của vùng đất này! Chúng tôi xuống thuyền trong một khung cảnh hỗn loạn! Có quá nhiều người đang xếp hàng chờ để được lên tàu thoát khoải Leyte. Chúng tôi phải chờ rất lâu mới nhận đủ được số hàng cứu trợ được bọc kín trong những valy, bao bì nguỵ trang cẩn thận. Bạn tôi đã liên hệ nhờ được một số thanh niên địa phương tin cậy ược hỗ trợ để di chuyển số hàng hoá về địa điểm tập kết. Mưa lúc này vẫn cứ lất phất, đường chân trời mịt mờ khói! Ormoc buổi đầu trưa xỏ xiên chút nắng mặt trời, và trong màn mưa mỏng, chúng tôi đứng trên một chiếc xe bán tải vào sâu trong những bản làng!

Tôi sinh ra và lớn lên ở Ninh! Quê tôi thuộc dạng cao ráo, có núi Đen cao nhất vùng Nam Bộ! Ở đó, những mùa mưa chúng tôi hay ngồi trong nhà và ước rằng quê mình có lũ hặc bão đặng được nghỉ học! Những niềm vui nhoi nhỏ và cười trên những nỗi đau của người khác nói ra thì thấy thật là nhẫn tâm quá xá, nhưng thiệt, người chưa từng sống trong cảnh màn trời chiếu đất nên thấy cái gì lạ lạ, dù là thiên tai, dù là dịch tật, cũng đều mang trong mình một nỗi háo hức khó kiềm chế được. Ormoc đây rồi? Tôi có thể nhìn ra ở đây trước có một ngôi chợ, và chỗ bến cảng có nhiều những ngôi nhà, khách sạn Ormoc ngay cửa ngõ giờ tiêu điều, những hàng dài những balcony vắng hoe, mái trên sân tượng bị tốc, màu nước sơn của toà khách sạn toát lên vẻ rệu rã, buồn như chưa từng có được sự hào nhoáng niềm nở tiếp đãi khách phương xa! Giờ tất cả đã tốc mái, chạy le te những lều chõng, và những gương mặt người không đo đếm được nỗi kinh hoàng oằn lên trong mắt. Đi qua những dãy nhà ven biển, tất cả đều bị tốc mái, nhiều nhà bị sập, cây đổ, cột điện đổ, đường xá ngổn ngang gạch vữa, rác. Rất đông người đổ ra đường, thì bây giờ họ cũng chẳng còn nhà để ở nữa rồi! Nơi chúng tôi đi qua là một thị trấn, đông người lắm. Chỗ nào tập trung đông ngời thì một là hiệu thuốc, những hàng dài người chờ mua thuốc, hoặc là nơi charge pin công cộng, ở Ormoc có rất nhiều chỗ cho charge pin miễn phí như thế - một cách để người dân vùng bão kết nối được với thế giới bên ngoài (in như wifi cũng chưa ược kết nối lại ở nơi này!).

Hàng cứu trợ chủ yếu do các bạn Phil của tôi tự quyên góp lấy! Họ là những người trẻ tràn đầy năng lượng sống, dư thừa nhiệt huyết với cuộc đời, với con người. Đây là chuyến đi thứ hai của họ đến với vùng Ormoc. Trên cover picture của bạn tôi đến giờ vẫn còn treo hình ảnh tang nát và một sát người nằm còng queo phình trương bên vệ đường - một thực tế kinh hoàng mà bạn tôi đã chụp lại khi lần đầu tiên đến với Leyte trong chuyến đi cứu trợ những ngày trước. Sự đau xót và nghĩa tình đồng bào thôi thúc họ tiếp tục kéo dài những gói hàng cứu trợ. Tôi cũng ủng hộ tấm lòng của họ một ít, chả thấm thía gì nhưng cũng đủ để cảm thấy thật ý nghĩa vì mình đã trao họ một nắm tay, và trong cơn hoạn nạn giúp nhau, chỉ một bàn tay bé chìa ra cũng đã đậm sâu lắm rồi. Hàng cứu trợ có mì gói, thức ăn đóng hộp, gạo, nhang muỗi, sữa, xà phòng, bánh mì và một ít bánh mặn! Không nhiều lắm nhưng với những bạn trẻ này, việc họ lăn xả vào vùng tâm bão bằng tất cả sự nhiệt tâm cũng đủ để tôi thấy việc mình đang làm có ý nghĩa như thế nào! Tôi muốn đi cùng họ trong chuyến đi này, chính là vì muốn có một chuyến đi thực sự ý nghĩa, chắc chắn nhiều năm sau này, tôi sẽ mãi nhớ về nó - một ấn tượng thật khó phai về năm tháng trẻ trai đầu non cuối bể!

(cont.)

tonphan
07-12-2013, 22:25
(cont chap5)

Chúng tôi theo xe bán tải đi sâu vào Ormoc. Cũng đi dọc theo con đường ven biển ấy! Con đường được trải nhựa kéo dài ừ Tacloban sang Ormoc đến tận các town ở phía Nam của Leyte. Con đường ấy lúc bình thường thì đẹp lắm, một bên là núi và một bên là biển. Biển đão Phil có một màu xanh đẹp đến lạ lùng. Có thể lúc bão nổi thì biển dữ dội lắm, nhưng thời khắc tôi đến đây, sao lại lặng im và hiền hoà đến ngỡ ngàng. Nếu không có những dọc dài nhà cửa bị sập đổ và gãy nát, những dòng người đổ ra ngồi bệt bên vệ đường, những dòng chữ được viết trên tường Please help us, food and drink chắc tôi sẽ mãi muốn trôi mình hoài trên con đường ven biển hiền hoà và yên bình này! Xe chạy qua bệnh viện, cũng bị tốc mái và hư hỏng nặng nhưng may mắn là vẫn còn hoạt động được. Xe chạy qua những cửa hàng, hoạ hoằn lắm có chỗ còn trưng bày bán một số như yếu phẩm, và phần lớn đều đông nghẹt khách, với người chủ quán vác theo cây súng trên vai (họ sợ cướp, vâng, bần cùng sinh đạo tặc). Đường phố thỉnh thoảng đón chúng tôi bằng hình ảnh những người đàn ông trùm kín mặt, chạy xe Honda vác theo cây súng trên vai chạy ngang tàng trong ánh mặt ngỡ ngàng của ít nhất là tôi. Ở Phil chính phú không cấm người dân giữ súng, vì vậy, bạn tôi cười, ánh mắt đầy cảm thông trước một tôi - lần đầu tiên thấy người ta vác súng chạy nhong nhong ngoài đường như thế. Và xe cam nhông chở quân của chính phủ, có cả quân nhân Mỹ thỉnh thoảng chạy qua chúng tôi, một bầu không khí u ám và buồn bã bao trùm!

Mất khoảng 45 phút chúng tôi mới tới địa điểm tập kết. Nơi đây là nhà của một dì trung niên khá giả, nhà của dì nằm quay lưng ra biển, kiên cố và vững chải, ằng chứng là sau những cuộc oanh tạc của gió bão tuần trước, ngôi nhà vẫn nằm im, dù rằng đôi chỗ trên mái có bị sứt mẻ đôi chút. Chúng tôi bày hàng cứu trợ ra! Trời đã tạnh mưa, nắng xiên xéo cười trên những gương ặt người. Bụng sôi, sáng chưa ăn sáng nên dòm qua dòm lại mặt ai cũng méo, vì đói! Junoir cùng một vài thanh niên đi kiếm cái gì đó bưng về cho cả đoàn ăn vội! Chúng tôi kéo nhau sếp hàng ra theo từng loại! Nửa tiếng sau thì đồ ăn trưa về, thịt heo quay chấm nước tương ăn kèm với bánh ú! Gạo làm bánh ú chứ không phải nếp! Heo quay còn nóng hổi nhưng bị lột mất phần da, toàn thịt nên ăn ngậy! Nước tương ở Phil thì mang vị chua lè, chấm một miếng thì tôi té, chịu không thấu nên toàn gặm thịt! Ăn ba xừ bốn xựt cho qua bữa rồi dọn dẹp bắt tay vô phân loại hàng! Mỗi người một khâu nhanh chóng bỏ ừng phần hàng vào bao nylon! Đổ mồ hôi chớ hổng phải giỡn vì lượng hàng cũng tương đối và trời thì nắng cũng khá gắt. Một giờ chiều chúng tôi hoàn tất. Mệt lử, cả bọn kéo vào nhà nằm nghỉ một xí, hôi hám và dơ dáy! Cũng ít tiếng ười, cười gì nổi nữa trước cảnh đổ nát hoang tàn như thế này!

Vì Ormoc không còn gạo, nên chúng tôi phải đặt hàng từ tuốt tận Hilligos, một town cách Ormoc khoảng 120km, cũng thuộc Leyte, nhưng town này lại ít chịu ảnh hưởng của bão. Hiện giờ xe tải chở gạo chưa đến kịp nên chúng tôi tranh thủ đi vòng vòng khu vực lân cận! Rõ ràng là cảnh nơi đây bình yên và trong lành lắm, những thảm cỏ xanh mải miết, đường chân trời xa tít tắp, biển xanh và trong vô cùng. Nhưng rồi bão qua và nhà cửa tan theo từng trận gió. Gió dữ, nười dân ở đây bảo sức gió có khi lên đến 350km/h, đủ để cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi của nó! Đi bộ lên đồi, tôi thích những quả đồi, chắc lúc nhỏ xem film Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên nên tôi bị ám ảnh với những quả đồi như thế. Phóng tằm mắt ra xa, nơi này cách Việt Nam bao nhiêu hải lý, và nếu như không có nơi này, không phải là nơi nà, thì liệu Việt Nam mình có may mắn thoát khỏi Haiyan như thế không?

Đi bộ lanh quanh lại vòng trở về. Xe tải chở gạo cũng chưa về tới. Chúng tôi bắt xe tricycle đi vào thị trấn. Một vòng city tour coi như thăm thú Ormoc. Lại một lần nữa cảnh tượng hoang tàn và đổ nát xéo vào lòng chúng tôi! Trẻ con thì vô tư, chúng vẫn chơi trò chơi, vẫn tụ tập nô đùa bên những ngôi nhà tốc mái! Nhưng người lớn thì nặng trĩu những ánh mắt, mái nhà chông chênh kéo họ ra tận phía biển! Ormoc không lớn nhưng thiệt hại mà Haiyan gây ra không biết năm năm nữa họ có khôi phục lại ược hay không? Chúng tôi ra một làng chài, ở đó sự tạm bợ nép mình bên những con sóng vỗ. Nhà đã sập nát nên được chống sơ sài bằng những lều bạt, và đá ngổn ngang được khuân vác chất thành đống cơ hồ như sự bám víu cuối cùng trước sức mạnh của mẹ thiên nhiên! Nhà ai đốt khói bữa chiều rơi, mờ mờ ảo ảo chúng tôi trở về.

Gạo đã có, chúng tôi lại tiếp tục phân phát các gói hàng! Junior sẽ ở lại để trực tiếp phát những phần hàng đến tay người bị nạn! Tôi cùng Verge, Grace, Phillips và Paulo sẽ phải quay về Hilligos, ở đó chúng tôi sẽ bắt tàu về lại Cebu vào ngày mai! Ormoc hết vé tàu rồi, những dòng người liên tục đổ về khiến cho cảng Ormoc hoàn toàn tắc nghẽn! Lên xe, chiếc xe chở gạo từ Hilligos chớ chúng tôi vòng ngược xuống miền Nam Leyte. Hoàng hôn dần buông nhưng không kịp giấu những ngọn đồi trọc với những bãi chông là các cây dừa trụi ngọn và chuối thì đổ rạp hai bên đường, những tháp nhà thờ đổ nát, những dòng người kéo nhau ra đường thơ thẩn! Hoàng hôn tắt trên những gãy vụn và nức nở. Trong mệt mỏi và lạnh, tôi trở về!

tonphan
12-12-2013, 18:21
Sẽ không có những lời nỉ non than thở buồn buồn đậm sầu thương với nhớ ở chương này đâu! Bởi vì những cái thuộc về an nhiên và thanh thản, lúc nào cũng lặng im hết ráo!

6. Đi tìm Vampire - Một đêm trăng ở làng ven biển (chắc ăn là không có điện, không đèn, không internet)

Chuyện kể lại rằng ở Phil có những lễ hội thần thánh, ở đó những người theo đạo Chúa sẽ làm những hành động thật dã man như xăm xỏ xâu xiên vào người để thể hiện sự tin tưởng hết mình, thể hiện tấm lòng của mình đến với Chúa. Phil là một nước kỳ lạ, ở đó hầu như mọi người đều có chung một niềm tin tôn giáo mãnh liệt vào Đấng Chúa trời. Ở nơi nào cũng dễ dàng tìm thấy một chóp nhọn nhà thờ, và những mặt Thánh giá in như là đồ vật lưu niệm người ta hay trao cho nhau! Đến Phil vào những ngày tháng mười một, gần đến Lễ Giáng sinh, tôi trước tiên dĩ nhiên là muốn tìm cho mình một chút gì đó không khí lễ hội tưng bừng, ở nơi mà hơn 80% dân số là theo đạo! Suốt cuộc hành trình ngắn ngủi 5 ngày đó, chắc có lẽ cái không khí giáng sinh ít ỏi mà tôi cảm nhận được, là lúc bon chen chạy đua ở khắp các siêu thị ở khu Cebu Downtown! Nhà bán lẻ đã tung ra nhiều mặt hàng trang trí cho Noel rồi, dây đèn màu lấp lánh và những hình ảnh đặc trưng của mùa Thánh an lành! Chỉ đơn giản vậy, rồi thôi!

Tôi nói với các bạn rằng trời ơi tao có thể đi khắp thế giới này, với cái kiểu ngồi xe như thế này, đã quá! Chúng tôi đi dọc theo con đường ven biển để tới Hilongos. Xe tải, chưa được đóng thùng là chiếc xe đã tải gạo đến cho chúng tôi vài giờ trước. Bây giờ chúng tôi quá giang xe về, chỉ có tôi, Verge, Grace, Philip và Paul trên chiếc xe ấy. Junior ở lại, Junior là host của tôi ở Cebu, trong căn nhà có cánh cửa màu xanh, sàn gỗ, bên ngoài dán biểu tượng CS, và bên trong là một thế giới của những người xách ba lô lên và đi từ khắp nơi trên thế giới, Junior là một người bạn đặc biệt, bạn ấy rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng đón chào những thành viên mới đến với Hobbit House của mình! Trở lại với cuộc hành trình, chúng tôi đã khá mệt mỏi rồi, cái cần nhất bây giờ là nước, và đói, mệt lả người đi vì ở Ormoc cái gì cũng thiếu thốn hết ráo!

Xe tải bị chết máy, những người dân tốt bụng phải đẩy chúng tôi ra khỏi con đường hẻm nhỏ để ra đường lớn. May mắn là cuối cùng chúng tôi cũng xuất phát lên đường. Trời ngả dần về chiều. Một cảm giác rất thoải mái khi chúng tôi cứ ngồi sau xe tải, không có ghế ngồi gì hết, chúng tôi bắc một cái thanh sắt ngang qua thùng xe, ai mệt thì ngồi lên đó, còn khỏe thì cứ đứng hóng gió. Gió rất nhiều, gió từ phía biển thổi về. Hoàng hôn dần buông trên những ngọn đồi, chúng tôi đang đi bắt hoàng hôn, nắng chiều xiên xỏ trên mỗi vòng bánh xe qua. Xe chạy nhanh lắm, chúng tôi phấn khích, mấy bạn kia còn hát nghêu ngao mấy bài Phil nữa, tôi thì câm họng, bởi tắt tiếng rồi còn hát hò được gì!

Con đường ven biển ấy đẹp lắm, nhưng dài theo đường chúng tôi đi, đâu đâu cũng là cảnh đổ nát, điêu tàn! Những mái nhà bị tốc mái, đổ rạp theo hướng gió. Những ngọn đồi trọc, dừa lả ngọn, chuối đổ rạp xuống hết. Có những lúc chúng tôi phải im lặng một lúc, coi như lắng lòng mình lại trước sự mất mát và đổ vỡ! Sau đó rồi thì con đường độc hành, rất ít xe chạy, chỉ có gió, biển và núi ẩn hiện sau ánh hoàng hôn dần khuất cuối chân đồi làm bạn với chúng tôi. Quãng đường xa, tôi có cảm giác hình như dài vô tận! Mất điện trên diện rộng nên từ từ chúng tôi không còn nhìn thấy mặt người. Tôi là một con sâu than thở, chuyên rên rỉ. Đói và khát và lạnh vì gió thổi ầm ầm khiến tôi bắt đầu điên loạn lên! Mấy người kia nói coi chừng đó, ở đây ngày rằm nhiều vampire lắm. Tôi dòm lên góc chân trời, mặt trăng đã ló dạng rồi, trăng tròn vành vạnh, khắp nơi yên tĩnh, chỉ có tiếng động cơ xe tải và tiếng gió rít gào.Tôi rên rỉ với các bạn đồng hành, lạnh quá chừng, đói quá chừng. Các bạn bưng ra hộp bánh mặn, trời ơi bánh mặn, tôi không hảo mấy cái thể loại đó, viêm họng nữa nên than thở là vậy thôi chớ họ đưa ra tôi cũng lắc đầu, ăn không nổi. Lạnh quá nên Philip quăng qua cho tôi một cái áo, thằng khỉ này cũng ác, áo nó hôi muốn chết mà bắt tôi tròng vô! Tôi cười cười, tính quăng lại nhưng mờ lạnh quá rồi, phải cắn răng bịt mũi tròng vô được phân nửa, rồi sợ quá, tuột ra chỉ tròng đỡ hai cánh tay! Gió biển thổi lên làm cho cả người rít rít rất khó chịu. Và quãng đường dài với ánh trăng sáng ngả nghiêng những mặt cười. Các đồng chí của tôi nói rất nhiều, họ kể tôi nghe về chuyện cuộc sống, về Phil, về tất cả những lặt vặt tủn mủn của những người trẻ! Chúng tôi cười vang trời, con đường như kéo dài, ước gì nó cứ dài mãi không cần bến dừng, bến đỗ!

Chúng tôi đi từ Ormoc, qua BayBay, vượt qua Inopacan, xuống Hindang và cuối cùng tới Hilongos (Sama). Hành trình dài 3 giờ đồng hồ để chúng tôi chạy theo ánh mặt trời. Hôm nay là ngày rằm, khái niệm ngày rằm đối với các bạn của tôi xa lạ lắm, họ theo đạo Chúa nên ngày sáng trăng đối với họ là ngày của các vampire, họ kể chuyện ma cho tôi nghe! Tôi thì chỉ cười phớ lớ suốt thôi, mà cũng hổng dám nói nhiều, hở họng ra nhiều vì sợ gió. Xe tải chạy không nhanh đâu, vì máy móc cũ kỹ vì đường xá cũng có nhiều chỗ bị cột điện ngã chắn mất đường, nhưng trời dần tối và cái cảm giác đói khát và lạnh triền miên làm cho sự nhận thức về tốc độ bị giảm hẳn đi, lúc nào cũng thấy vù vù, nhanh quá!

Hilongos là quê nhà của Verge, bạn trẻ này ngày xưa ốm nhom ốm nhách, đi làm cho Microsoft, xong rồi một bữa quỡn đời, nghe theo lời xúi giục của Grace, bản ấy xin nghỉ việc - một công việc cổ cồn trắng ngày làm tám tiếng, rồi hai cô cậu mở một công ty riêng, chuyên về online marketing, website, *** các thể loại! Tôi thích lắm, tôi khoái nói chuyện với những bạn trẻ mang trong mình những ước mơ lớn, dám từ bỏ và vượt qua những rào cản đặng sống hết mình vì đam mê. Nói chung là tôi khoái các bạn trẻ đó rồi, họ nói nhiều, cười nhiều làm cho tôi đâm ra muốn nghỉ việc xách đồ qua bên đó ở luôn rồi! Chắc có lẽ do công việc của tôi nhiều gò bó và tù túng quá, nên thấy người ta tự do freelancer nên đâm ra ganh tị! Và trở lại với Hilongos, đây là một trấn nhỏ, cách Ormoc khá xa, cũng thuộc Leyte, ở đây cũng có bến cảng, một cảng nhỏ thôi đi Cebu. Hilongos cũng bị Haiyan quét qua nhưng không thiệt hại nhiều. Ở đây cũng bị cúp điện vì theo như lời bạn tôi nói, nhà đèn đặt ở Ormoc, ở Ormoc thì giờ tan tành rồi nên bị cúp điện dây chuyền. Nếu bưng Việt Nam ra làm hệ quy chiếu, Hilongos chắc mang âm hưởng giống giống với một vùng quê miền Tây nào đó, với những đồng lúa vàng, và những ngôi nhà gỗ, với bọn trẻ con sáng sớm đi bộ đến trường, và buổi tối cúp điện sáng trăng dân làng tập trung vào ngôi nhà cộng đồng đặng sinh hoạt tập thể, charge pin điện thoại, chơi trò chơi và ca hát. Verge sinh ra và học tiểu học, cấp hai, cấp ba ở đó. Nơi này gắn với tuổi thơ và thời niên thiếu của bạn! Lớn lên bạn ra Cebu học đại học, công nghệ thông tin, rồi đi làm, rồi cha bạn mất, rồi bạn bưng hết má với thằng em trai nhỏ ra Cebu ở. Hilongos giờ là quê cũ, là nhà cũ, là họ hàng và tất cả những ký ức ngọt ngào thuộc về quá khứ. Ở đó, lúc chập choạng bảy giờ tối chúng tôi mới tới nơi, bạn quen hết tất cả những người ở nơi này, họ chào bạn, họ hỏi thăm, những cụ già ôm choàng lấy cậu, và trong cơn đói khát rã rời, chúng tôi bước vô nhà. Đêm tối trời nhưng ánh trăng ngày rằm cho tôi ánh sáng lờ mở đủ để nhận thấy, trời ơi đây là một vùng quê cổ tích!

tonphan
12-12-2013, 18:22
Chúng tôi đi tắm, lần lượt thay phiên nhau đi tắm. Không có điện nên phải thắp đèn cầy, trong nhà thì bật một cây đèn dầu thiệt là lớn, hổng có đèn măng xông, họ xài đèn dầu, cây đèn to dữ dằn lắm! Căn nhà một trệt, một lầu bên ngoài ốp gỗ, bên trong nội thất khá sang trọng! Bạn tôi bảo nhà này giờ do cô của bạn sống, cô bạn là giáo viên, ngăn nắp, nghiêm túc và rất hiếu khách. Cô giục chúng tôi đi tắm đặng còn đi ăn nữa, chắc mấy đứa bây đói bụng hết ráo rồi, dòm mặt đứa nào cũng thấy thương, thấy tội quá chừng. Và tôi rên lên vì sung sướng, nhà hổng có nước, hệ thống nước máy chắc chắn là không hoạt động được. Muốn đi vệ sinh, dòm qua bạn Verge thì bạn ấy chắc mẩm tôi đang cần đi gấp, gấp lắm! Chỉ thẳng ra nhà sau, đi tuốt ra vườn luôn, có cả một khách sạn ngàn sao đang chờ tôi ngoài đó. Trời ơi bạn biết là tôi thích lắm luôn đó. Tôi khoái những cái gì thuộc về quê quê cổ cổ, hổng có kiểu bặm môi trợn mắt trước những tình huống này đâu! Và thiệt sảng khoái nhưng cũng phải giả bộ nói vui vui kiểu như ngoài kia có vampire nào không, tao sợ lắm à? Bạn cũng cười, múc một thùng nước giếng vô đặng cho tôi tắm! Tôi hỏi thế tao tắm ở ngoài này luôn được không? Bạn nói muốn tắm ngoài này áh, cứ tự nhiên đi bưởi! Và cái giếng cổ, múc lên bằng cái guồng quay nước, chắc hình ảnh này giờ chỉ còn gặp ở những miền quê xa túc tắc ở Việt Nam mình. Tôi đang ở đâu đây trời? Phải là đi tìm lại những ngai ngái đồng rạ ngày cũ trong một khung cảnh làng quê Phil bình yên, an nhiên trong một đêm sáng trăng không đèn, không internet và nước. Biết thế nào là đủ cho sự thanh thản, nhưng chỉ cần dừng lại ở giây phút này, thì tôi đã mãn nguyên lắm luôn rồi!

Nước giếng rất mát, tôi phải bưng đèn cầy vô phòng tắm và tẩy cọ mình trong cái ngọt ngào và trong lành của nước giếng múc trực tiếp từ đất lên như thế này! Đèn cầy cũng bị tắt luôn rồi nên trong bóng tối tôi tự cảm thụ hết những cảm xúc ngọt ngào mà chắc lâu lắm rồi mình mới có thể trải nghiệm lại được! Chờ từng người tắm rửa xong xuôi thì cô của Verge bưng xe ra đèo cả bọn đi ăn tối. Cái tính hậu đậu của tôi lại một lần nữa trỗi dậy. Trong lúc chạy ra xe tôi bị trợt, bạn biết đấy, sân nhà Verge được trải bằng những thảm cỏ, mấy bữa trời mưa, rêu phủ lối đi, tôi chạy nhanh quá nên té cái ầm. Dơ hết trơn cả người. Lại làm phiền tới những người trẻ đang la thất thanh vì đói bụng. Chắc kiểu gì cũng là khách nên họ cũng treo lên những nụ cười, hỏi tôi có sao không? Lại quành ngược lại cái vòng quay đi xách nước, tắm, thay đồ. Cuối cùng thì cũng xuất phát, chúng tôi đi ra một khu ăn đêm. Chủ nhà còn bưng theo một thố cơm, chuyện này thì lạ, in như ở một đất nước mà triền miên năm nào cũng đón nhận ít nhất là hai chục cơn bão như ở đất nước này, thì gạo là hạt ngọc, quý giá và đắt đỏ lắm. Vậy nên chuyện đi ăn và đem theo cơm nhà là một chuyện bình thường, để tiết kiệm và để ăn cho no lẫy cái bụng!

Cô chở chúng tôi đến một khu vực bờ kè, cạnh bên là một cái cầu vượt biển. Cảnh đêm đẹp đến nao lòng. Bia Sanmiguel được bưng ra nhưng cả bọn ai cũng lắc đầu, thay bằng Coca, chai bự thiệt là bự. Chúng tôi ăn bốc, mỗi đứa được phát một cái bao nylon để bốc cho nó vệ sinh. Thức ăn rất ngon, dĩ nhiên bao gồm thịt nướng, cá nướng, mực nướng các loại! Đói quá nên tôi ăn ngon lành! Dù rằng ăn bốc không có quen, dù rằng mỗi bận bỏ đồ ăn vô trong miệng là phải kèm theo cái bao nylon rối nùi trong họng. Ghét quá thèm bứt cái bao đó đi nhưng ngại, kiểu gì cũng người Việt Nam văn minh hào hoa phong nhã mà, đâu thể nào ăn bốc bằng tay trần cho đặng. Ăn tràn họng và uống thả ga Coca xong thì lên xe quẫy trở về. Đem sáng trăng, trăng nằm vắt vẻo phía biển. Cảnh chi mà đẹp lạ lùng mà thanh thản. Ăn no, sạch sẽ, thơm phức rồi thì chỉ còn một cảm giác là buồn ngủ. Tôi hỏi các bạn trẻ tối nay có hoạt động gì không? Tụi kia dòm tôi mà há mồm? Khỏe quá hả? Khỏe gì đâu trời, tôi đang đi du lịch mà, tôi phải hưởng thụ chớ. Bọn nó cười, hè hè ở này là một cái hốc bà tó cậu trẻ ạ! Người ta đi ngủ hết rồi, lên giường thôi! Cô của Verge bưng xuống cho cả bọn nệm và gối, mền chiếu các thể loại! Trải ra sàn thế là chúng tôi ngủ. Những cơn ho kéo dài cũng hổng thể nào ngăn chặn nổi con sâu ngủ đang gặm mấy đứa nhỏ đến mục ruỗng. Sáng mai 8 giờ tàu xuất phát nhá các bố, ngủ sớm và nhớ chừa đường đặng dậy sửa soạn bãi giá hồi cung nghe chưa?

Buổi tối không đủ ánh sáng để tôi trầm trồ khoái trước một căn nhà gỗ như mơ như mộng của nhà Verge. Để rồi buổi sáng mắt nhắm mắt mở tôi chuồn ra vườn đi tè, tôi mới ngỡ ngàng trước khu vườn rậm lá buổi ngày mới lên nắng xỏ xiên qua những hàng giậu phơi. Ngôi nhà trong nắng sớm hiện ra với màu gỗ đẫm chất cổ tích, sương chưa vội tan trên những nếp lá, và tiếng líu ríu của tụi chim như đang chào đón người phương xa đến với những ngọt ngào, an nhiên nơi miền quê Leyte. Hilongos là đây, thiên đường là đây! Hổng lẽ đang đi tè bậy mà đứng hoài ở ngoài vườn nhà người ta mà ngắm cũng kỳ, thằng chủ nhà nó còn đang ngái ngủ, lỡ bác ấy dậy thấy cái thằng người Việt Nam trốn đâu mất tiêu quýnh quáng lên lại phiền phức nên đành thôi. Ngoi ngoi tôi lặng lẽ tót trở về! Nướng thêm tí nữa thì dọn dẹp đồ đặng ra bến cảng. Ngày mới chào đón bằng những tiếng chào! Và một đêm sáng trăng nơi miền quê thôn dã đã thực sự nằm lại! Kiểu gì cũng phải chia tay! Nhưng biết đâu đó, miền cổ tích ấy sẽ luôn sống động trong ký ức của một bạn trẻ người Việt trên bước đường lưu lạc! Hilongos, Hilongos với căn nhà gỗ mộc mạc ấm áp xin gửi lời chào!

tonphan
12-12-2013, 18:28
Và tốt nhất là nên bán vài tấm ảnh, đặng cho nhà mình bớt quạnh vắng, dù cho văn tả cảnh có hay đến cỡ nào thì không có ảnh ọt thì ma nào thèm đếm xỉa tới, đời giờ nó vậy!

https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-prn2/1477896_706815289330108_1818072842_n.jpg

Các bạn trẻ chuẩn bị lên xe tải đi Hilongos! Mấy đứa này được cái da ngăm ngăm, đen đen nhưng to khoẻ và cười rất rạng rỡ!

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1499686_706815729330064_1124460724_n.jpg

Trời chiều Ormoc 1 tuần sau bão Haiyan

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-prn2/1459751_706815515996752_1699613055_n.jpg

Và trời cũng dần tối, này là quãng ở Bay Bay, một trấn nhỏ thuộc Leyte

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-prn2/1499457_706815989330038_277769323_n.jpg

San miguel ghé lựa ghé lựa đê! Trăng sáng ghê!

https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/1470211_706816072663363_1465292966_n.jpg

Bên hiền nhà nè, vườn cây thì rất xanh, nắng lên rất trong!

https://scontent-a-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/996684_706815982663372_895862781_n.jpg

Cảnh trước nhà nè! Đẹp hết sức, mát mẻ quá trời!

https://scontent-b-sjc.xx.fbcdn.net/hphotos-ash3/1486900_706816115996692_1495591499_n.jpg

Mặt tiền nà! Nói chung là thích!

tonphan
19-12-2013, 12:12
Ờ rồi thì chắc một bữa nào rôi rãi, lại xách ba lô lên và đi tiếp, thì chắc ăn tôi sẽ luôn mang theo bên mình những ký ức ngọt ngào về Manila, về Cebu sao đầy trời, Ormoc đổ nát hoang tàn với những miền khắc khoải giữa đôi bờ nhoi nhỏ của cuộc sống, về Hilongos một đêm trăng sáng, và về bạn, những người bạn tuyệt vời không thể nào quên!

7. Trở lại Manila, và kết

Buổi sáng ở Hilongos thật trong lành! Hôm nay là ngày thứ hai, ngày đầu tuần! Con đường nhựa, nhỏ nhỏ cong cong chạy ngang ngôi nhà Verge líu ríu những bước chân! Chúng tôi nhanh chóng dọn dẹp rồi tót lên xe, nhờ chú sốp phơ chở ra bến cảng! Cảnh quê thanh bình với những cánh đồng lúa, rợp bóng cây, các em nhỏ học tiểu học đi bộ đến trường. Sáng thứ hai nơi miền quê yên ả này để lại cho tôi biết bao nhiêu là thương nhớ. Chỉ cần nhìn bầy trẻ hồn nhiên trong sáng đeo cặp táp đi lé đé bên vệ đường là cũng đủ cho lòng mình thanh thản. Rời trường đại học cũng hơn hai năm rồi, với tôi dĩ nhiên hành trình với con chữ đã kết thúc, nói đến học là ớn dữ dằn lắm! Nhưng sao mỗi bận thấy học trò nhỏ áo mão xênh xang thì tâm hồn lại lao xao!

Chúng tôi ghé chợ ăn sáng. Chợ đấy, cũng hiếm dữ lắm mới tìm ược một cái chợ ở Phil này, vì phần lớn toàn là siêu thị và các khu mua sắm. Chợ quê, cũng bày biện ra những hàng thịt cá. Đặc sản biển thì có các loại mực cá tươi ngon vô cùng. Chợ nằm đối diện với toà nhà chính quyền Hilongos. Buổi sáng chợ đông, chúng tôi ghé vô tranh thủ ăn sáng cho nhanh rồi quành ra bến cảng. Ẩm thực Phil nhiều bạn đi về chê lên chê xuống, nhưng hổng hiểu sao tôi đi qua bển ăn cái gì cũng thấy được, nhiều cái còn thấy ngon và bây giờ, hơn một tháng trở về từ Phil rồi, mà vẫn còn mắc thèm. Ăn sáng, các bạn của tôi gọi món cơm nếp chan choco nóng, họ ăn nhìn ngon quá tời, nhưng tôi lại sợ ăn vô đau bụng nên thay vì một phần ăn gồm có 3 vắt nếp và một cốc choco nóng hổi thơm phức, tôi chỉ nhoi nhói quánh một vắt thôi, nếm thử cho lấy vị, mà cũng coi mòi ăn được. Tôi mời các bạn bữa ăn sáng, cũng chả bao nhiêu nhưng thấy lòng vui vui, người Nam Bộ rặt như này đi đâu cũng dễ bị viêm màng túi, bởi cứ ngại ngại vì ăn ở nhà người ta, nên hễ đi ăn đi xe đi taxi là toàn mình tự động móc túi ra trả. Nào giờ là vậy rồi, đã ăn vào sâu trong nếp sống, nếp nghĩ.

Do có nười quen nên chúng tôi không phải chờ mua vé tàu, mà cứ đi thẳng ra bến cảng rồi Verge xuống liên hệ lấy vé. Đợt này chúng tôi đi hạng economy, vé rẻ hơn, khoảng chừng 250.000 đồng. Vé bèo nên ngồi khoang bèo nhèo, toàn dân lao động, không có máy điều hoà nên nực muốn chết. Tàu đi cũng chậm nữa, mất gần 4 tiếng mới tới Cebu, quãng đường xe nên chúng tôi hết ngủ lại tỉnh dậy coi film, nhà tàu mở film Hàn Quốc, film Sắc đẹp ngàn cân coi cười muốn rụng rún. Mấy bạn của tôi cũng y chang tôi, coi film này hết ráo rồi nhưng mờ ở trên tàu có chuyện gì mần đâu, nên ráng coi cho hết bộ, cười cho nó đã. Hết Sắc đẹp ngàn cân rồi thì chiếu tới Pacific Rim, quất luôn hai bộ. vừa hết một phát là tàu cũng cập bến Cebu! Nắng đã lên rất dữ, nắng này đủ để cháy hết da người chớ chẳng phải chơi.

Nắng, thứ đặc sản của những quốc gia nhiệt đới như Việt Nam mình. Nắng ở nơi nào cũng khiến cho người ta chênh chao! Cái va ly của tôi giờ đã bị sút cán gãy gọng, vì bị lèn chặt và nặng quá các lon cá hộp. Vậy là chia tay chiếc va ly này! Lếch thếch đón taxi đi ăn trưa, chúng tôi đến một quán BBC gần cảng. Ở đó, tôi được ăn những thức ăn rất ngon, có BBC, canh thịt hầm, canh sò và uống nước trái cây được chế biến từ rất nhiều loại hoa quả. Chắc là do đói, sáng giờ trong bụng tôi chỉ có một phần ít ỏi cơm nếp trong bụng nên ăn cái gì cũng rất ngon. Tôi hỏi các bạn là thường thì người dân ở đây đi ăn ở ngoài, hay là tự nấu ở nhà. Bạn bảo rằng cũng tùy, Cebu cũng giống Sài Gòn vậy, cũng có nhiều dân nhập cư, nhiều sinh viên, nhiều người lao động và nhiều công nhân. Ai có nhà ở đây thì họ sẽ tự nấu nướng, ai bơ vơ lạc lõng sống có mình ên thì đi ăn tiệm cho nhanh gọn lẹ! Chúng tôi có một bữa trưa thân tình, nói chuyện vu vơ ơ hờ về những câu chuyện trong cuộc sống. Giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi rồi chúng tôi bắt taxi trở về nhà. Tôi đang cầm trong tay chìa khóa nhà của Junior, tin nổi không bạn host của tôi giao luôn chìa khóa nhà cho tôi giữ. Verge, Grace và Philip tạm biệt tôi ở Hobbit house và thui thủi một mình tôi trở về nhà. Trưa đứng bóng trên những lát gạch vỉa hè tôi lễnh thểnh bước qua! Cebu thành phố nữ hoàng, Cebu trong những ngày ngắn ngủi trôi qua vội vã. Nơi này là điểm đến, nơi này là trạm trung chuyển để đưa tôi vào tâm bão Haiyan, nơi này có những người bạn lạ xa mà thân ái nhiệt thành, nơi này có một tôi ngày tuổi trẻ không sợ đất, không sợ trời. Nơi này sẽ lâu lắm để bợt phai trong trái tim tôi! Verge và Grace hỏi tôi có muốn mua sắm gì không? Nhưng dòm đồng hồ thì tôi thấy hổng còn bao nhiêu thời gian nữa, đã đến giờ tôi dọn dẹp đồ đạc và trở về nhà. Chia tay, không giấu được sự bịn rịn! Dù gì cũng đã cùng nhau trên một hành trình ý nghĩa mờ!

tonphan
19-12-2013, 12:13
Trở về Hobbit House, do không còn thời gian để đi đâu đó mua vài thứ làm quà cho bầy nhỏ ở quê, tôi nhanh chóng xếp lại đồ đạc. Tôi để lại chìa khóa trên bàn, chiếc bàn này mấy ngày trước trong một bữa tối náo nhiệt chúng tôi đã cùng nhau ăn tối, với món gà quay thơm nức mũi, lon coca tôi mua vẫn còn, tôi không đụng đến giọt nào vì bị viêm họng! Tôi lấy một tờ giấy tờ trong khay giấy in của Junior, viết vội cho bạn vài dòng. Tôi để lại name card của mình trên bàn! Dòm lại ngôi nhà lần cuối, tôi khép cửa. Ở chỗ Englic Corner tôi ngoái đầu dòm lại, lần cuối cùng cố gắng ghi lại những hình ảnh về mái nhà này! Xin chào!

Tôi bắt taxi ngay chỗ ngã ba! Ở đó, tôi giao hết số phận cho anh tài xế trẻ, tôi buồn ngủ lắm luôn rồi. Nắng nóng chiếu xiên xiên qua lần cửa kính, tôi nghĩ nghĩ trời ơi chỉ nói cái Mactan Cebu rồi ổng chở mình đi đâu mình cũng có biết đâu! Nhưng cơn buồn ngủ và mệt mỏi cứ dấp díu lại, không cưỡng lại được! Tôi chợp mắt trong một khoảng khắc, giấc ngủ nồng nàn hương vị món canh sò vướng vất đầu lưỡi. Quên mất tiêu là cái gối ngủ đã bỏ quên lại ở một chỗ nào đó trên đoạn đường mấy ngày vừa rồi. Taxi chạy khoảng gần 1 giờ đồng hồ mới tới sân bay! Cebupacific là chúa delay, tất cả những chuyến di chuyển của tôi với hãng bay này đều bị delay từ nửa tiếng đến ba giờ đồng hồ. Tôi làm thủ tục check in, sau đó đi lòng vòng mua vài thứ lặt vặt, như bóp nhỏ lưu niệm tặng cho các bạn gái, như cái áo Cố lên Tacloban - mặt hàng đang cực kỳ sốt ở khu vực này hổm rày, đưa bao nhiêu cũng bán hết. Điện thoại hết pin, đi kiếm hoài cũng hổng tìm ra cái lỗ cắm nào có hai chấu, đã được báo động trước nhưng lu bu quá nên từ lúc còn ở Việt Nam tôi hổng có mua cái đồ cắm điện ba chấu nào! Và trong những giây cuối cùng khi điện thoại còn pin, tôi lên facebook rải status báo bình an, chia tay bè bạn và nhận được tin nhắn của Junior rằng bạn cũng đang trở về, về Cebu, trên một chiếc trực thăng quân sự của Mỹ. Tôi chỉ kịp nhắn lại là quá đã, giữ gìn sức khỏe bạn nhé!

Chuyến bay từ Cebu về Manila đáng lẽ khởi hành lúc 5 giờ chiều nhưng bị delay lại đến 6h15 mới cất cánh được! Chuyến bay nội địa mặc dù cứ cách 1 giờ đồng hồ là có chuyến bay nhưng vẫn đông, rất đông luôn! Do bữa trước tôi đổi vé vào giờ chót nên chỗ ngồi lọt tọt ở tuốt luốt cuối máy bay! Chặng nội địa nên dân làng đi máy bay cũng tạp nham dữ dội, nhiều ông ba trợn ba trạo nói bậy tùm lum trên máy bay thấy ghét muốn chết. Không có chuyện gì làm nên tôi đâm ra hứng thú với cái game nhỏ trên máy bay, do hãng bay bày ra cho hành khách. Dạng hỏi câu hỏi liên quan đến Cebupacific rồi giơ tay trả lời và đúng thì được tặng cái ví nhỏ. Có ba câu hỏi thôi, nhưng nào giờ thì mấy cái này ít khi nào lọt khỏi tay tôi lắm, tôi túm được hai câu, nhận được hai cái ví cầm tay nhỏ nhỏ dòm cũng được (nhưng hơi oải vì có dây kéo màu hồng, trời ơi màu hồng, làm sao mà xài?). Chơi trò chơi xong thì cũng lục đục khua leng beng trong bụng, đói muốn xỉu. Máy bay đáp xuống Terminal 3 cũng hơn bảy giờ rồi, tranh thủ tôi kiếm cái gì đó nhét vô bụng! Manila này về đêm, không đủ thời gian để đi city tour by night nữa. Tôi lên khu foodcount, thấy cái gì cũng hổng hấp dẫn hết trơn, nên chui đại vô 7eleven, mua bánh mì xúc xích gặm cho qua ngày đoạn tháng.

Đi dạo mấy khu bán quà lưu niệm, quên mất tiêu chưa làm thủ tục thông quan! Vội chạy qua khu vực kiểm soát an ninh, đóng thêm 550 peso phí sân bay (trước tôi nghe bảo là 600peso, giờ còn 550 peso nên cũng không biết các bạn khác đi thì như thế nào). Xong xuôi thủ tục rồi thì bắt đầu đi kiếm quà lưu niệm, thấy cái gì cũng bình thường nên bưng thẻ tín dụng ra mua nước hoa, bên đó họ không chịu thẻ credit không có chữ ký phía sau của chủ thẻ, ghét, tôi móc tiền usd ra trả, dằn mặt cho các bạn hết khó dễ. Còn bao nhiêu tiền mặt peso, tôi đem lại quầy đổi tiền đổi ra usd hết. Ở đó tôi gặp một bác nhà báo Tuổi trẻ qua tác nghiệp, hai chú cháu gặp nhau mừng mửng tủi tủi, trao đổi thông tin và những tin tức về Tacloban, Ormoc, về tình hình của bà con người Việt mình! Bác trông thảm thiết lắm vì ở Tacloban thiếu thốn trăm bề. Chúng tôi nói chuyện cùng chờ đợi, Cebupacific lại delay nữa rồi, mà còn đổi boarding gate nữa. Đến là khổ sở với cái hãng bay giá rẻ này!

Đáng lẽ 11 giờ đêm chuyến bay xuất phát, dè đâu phải đến hơn 12 giờ rưỡi mới bắt đầu lên máy bay (này là giờ Phil nhé, giwof Phil đi trước giờ Việt Nam khoảng 1 tiếng). Chuyến bay trễ đáp xuống Tân Sơn Nhất lức 1 giờ rưỡi, mệt mỏi và mắt mở hổng lên nữa tôi lếch thếch trở về nhà - nhà ở Ninh! Tôi về nhà lúc ba giờ rưỡi sáng, mệt mỏi và rã rời không kịp làm gì nữa chỉ biết trùm mền đi ngủ. Đừng hỏi tôi cảm giác chạy chang bang một mình với ánh trăng sáng ở trên đầu, suốt dọc dài quãng hành trình từ Sài Gòn về tới Ninh, tôi cũng không biết nữa nhưng thực sự tôi không bao giờ muốn làm lại! Lạnh te tái, và cảm giác một mình đã làm cho tôi ớn tới cổ họng rồi! Ngủ, tôi đã có một giấc ngủ chập chờn le lói. Sáng hôm sau, lúc bảy giờ sáng tôi xuất hiện đen thui khét lẹt ở cơ quan! Một vòng quay mới lại bắt đầu, ý tôi muốn nói là công việc ngập đầu!

Nhưng bạn cũng đừng nên hỏi rằng tôi có mệt và muốn dừng lại hay không? Vì chắc ăn, tôi sẽ trả lại bạn một tiếng không gọn hơ, gọn lỏn. Vì đã ăn sâu vào máu, chảy rần rật trong tim một niềm đam mê không bao giờ tắt. Đi và được lan xả với cuộc đời.

8. Hết

Cũng hơn một tháng trở về từ nơi ấy, cảm xúc phai, tình cảm bợt, da bớt đen một tí, mặt mũi người ngợm cũng mướt trở lại đặng trở về là một cán bộ ngân hàng. Và sẽ còn nhiều cơ hội nữa để được đến những vùng đất mới, nhưng Cebu đã ôm tôi vào lòng trong một bữa trời nắng oi nòng, trăng Hilongos cũng chiếu sáng mắt tôi trong cái đêm quằn quại vì viêm họng, và những mái nhà, cây cối gãy đổ ở Ormoc cũng đưa tôi đi vào tâm bão của một ngày Phil bão nổi. Tôi sẽ cố gắng nhớ tất cả, để trước khi chạm được đến nỗi quên! Từ Việt Nam, tôi yêu cuộc sống này!

T.P

tonphan
19-02-2014, 13:26
Tôi lại tiếp tục đi, một mình! Điểm đến tiếp theo là Singapore và Malaysia - những ngày đầu xuân năm Ngựa!


1. Bạt hay Du xuân

Hai mươi lăm tuổi, tuổi ta - tuổi dựng vợ gả chồng đã là hai mươi sáu rồi. Ngày tết, đi gần đi xa kiểu gì dân Việt Nam mình cũng cố gắng sắp xếp để du xuân một chuyên. Má tôi sáu mươi tuổi rồi, năm nào cũng đi chùa. Người lớn tuổi, là vậy. Má tôi có một niềm tin không bao giờ thay đổi vào những điều thuộc về tâm linh. Má ăn chay trường hơn hai chục năm rồi. Năm nào má cũng sẽ đi lạy ở chùa Bà rồi qua núi Cậu, đi Bà Chúa Sứ, đi mười hai cảnh chùa. Má là vậy, xin được que xăm đầu năm nếu là xăm tốt, má tôi mừng hí hửng. Năm nào bệu rệu lỡ bắt nhầm cái xăm hạ hạ, thể nào bữa mùng tám cúng sao má tôi cũng sẽ lạy khí thế. Người trẻ tôi thì khác, du xuân trong tâm tưởng đúng nghĩa đi chơi. Cả một năm làm quần quật thôi thì đầu năm cố gắng nhàn hạ. Tháng giêng là tháng ăn chơi mà. Tôi đặt vé đi Singapore đâu hồi quãng tháng mười. Lúc đó ta bà, tôi chưa đi phil nữa mà đa lo xa, lên mạng tìm vé giá rẻ đi Singapore vào dịp tết. Đừng hỏi tôi lý do vì sao tôi chọn quốc đảo năng động và đắt đỏ này. Chỉ vì tôi đặt được vé giá rẻ, bởi vì tôi đặt mục tiêu trước năm ba mươi tuổi tôi phải đi cho bằng được hết mười một nước trong khối Asean (ừ thì Timor Leste vẫn còn đang là quan sát viên vậy!). Quãng thời gian dài đu để nỗi háo hức về một chuyến du xuân đầu năm hoành tráng mỗi ngày thêm lớn. Công việc tín dụng cho phép tôi thơi thả trong những ngày đầu năm mới. Tôi đi sáu ngày. Một cuộc hành trình dài mà trước khi xách ba lô lên và đi, tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ oải và mệt đến thế.

Tôi vẫn đang ngồi trên máy bay. Chuyến về từ Changi Ter2. Cạnh tôi là một bà mẹ trẻ với đứa con 16 tháng tuổi đã nằm im trong vòng tay mẹ. Tôi không biết viết gì về chuyến đi này. Không có nhiều cảm xúc. Chuyến đi cứ trôi tuột đi theo từng khoảnh khắc. Trời ơi tôi bị gì rồi? Quyển sổ lưu ký tôi để trong ba lô chưa kín cả hai trang giấy. Một sự ghi chép ít ỏi và đầy cẩu thả cho một chuyến du hành đầu năm mới. Sau chuyến đi này tôi nhận ra nhiều điều. Và hơn tất cả là liệu rằng tôi còn đủ kiên nhẫn, đủ háo hức để sau chuyến đi này tôi còn thực hiện thêm những chuyến đi khác nữa hay không. Nghe trong tim mình như có điều gì đó đang vụn vỡ. Từ máy bay tôi đang trở về nhà.

2. Changi - một Singapore thật đặc biệt
3. Tôi đi tìm thần Cupid
4. Cháo ếch Geylang và bạn cũ
5. KL không xa nhưng còn lâu mới là nhà
6. Sg trở về
7. Bao giờ cho đến... Kết

tonphan
26-02-2014, 20:28
Nhiều người hỏi sao bạn cứ khoái đi một mình? Bộ vui lắm hay sao? Bạn sẽ cười, bạn sẽ nói là có gì đâu mà vui. Nhiều khi đi bụi một mình, thấy tủi thân thấy bà! Nhưng ừ thì một mình mà, dẫu vui, dẫu buồn gì thì cũng là thích! Cái sở thích nó ăn vào máu, cái sở thích ấy ngấm vào từng bước chân. Nên mỗi bước chân qua, độc đơn loi lẻ có một mình nhưng lâu dần nhìn miết cũng thấy quen. Thói quen, lâu dần thì thành nghiện! Bạn hứng lên là xách ba lô lên và đi!



2. Changi - một Singapore thật đặc biệt



Tôi có thằng em - nói là em vậy thôi chớ bạn trẻ này rành rọt lắm! Bạn trẻ đi Sing rồi, đi hồi mùa mưa năm ngoái, nên tôi hay hỏi bạn trẻ thông tin về đất nước nhỏ bé và năng động này! Bạn đặc biệt khoái Changi - trạm trung chuyển lớn và là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Bữa bạn trẻ đi, bạn ấy ngủ hai đêm ở sân bay, đêm đầu tiên đặt chân đến đảo quốc sư tử và đêm cuối, trước ngày về lại quê nhà. Changi rộng rãi và đã lắm, có đủ thứ trong đó (thật không? Lỡ tôi muốn mua mấy kg mắm, mắm lóc quê nhà, có hay không?). Bạn còn dặn tôi đi mỏi chân, lúc ra Changi, nhớ kiếm mấy cái ghế massage, thư thái thoải mái xí rồi về. Bạn trẻ này mỏng cơm, mà uống beer như uống nước suối! Hiện giờ bạn đang ở Thụy Điển, đi du học, ở một cái làng hốc hẻm nào đó. Lâu lâu online, hay chém gió với bạn! Cách biệt ba, bốn tuổi mà nhiều khi cũng đủ để tôi thấy thèm ơi là thèm cái thời trẻ tuổi nông nổi muốn làm gì cũng được của mình! Nói gì thì đi làm rồi, cũng đâu có phải lúc nào cũng muốn làm theo ý mình là được!



Tôi cũng khoái Changi. Tôi đáp chuyến bay từ Việt Nam sang hồi sáu giờ chiều. Hoàng hôn chậm buồn rơi lỏn tỏn trên cánh máy bay lúc cất cánh! Nỗi háo hức được đặt chân lên Changi được tôi ém nhẹm vào trong gió. Máy bay giá rẻ nhưng vẫn đúng giờ. Singapore đi trước nước mình một giờ đồng hồ. Hạ cánh lúc gần chín giờ đêm, Changi lộng lẫy và không hề mệt mỏi. Hoa, cây cảnh là những thứ đầu tiên đập vào mắt khách phương xa. Hoa thiệt, cây cảnh cũng là thiệt, họ thay mới vài tháng một lần. Changi là điểm mua sắm lớn thứ hai của Singapore, chỉ thua Vivo City, nên dẫu đã ngược về nửa đêm rồi, mà Changi vẫn vô cùng tấp nập! Lần đầu đặt chân đến đây, tôi bị ngợp. Mình không phải thuộc dạng giỏi định hướng, tiếng Anh - dù đi bụi một mình nhiều nhưng cũng chỉ đủ lõm đõm giao tiếp thôi, nên thay vì sau khi thông quan, phải quẹo trái, đi xuống thang cuốn, bắt MRT, tôi đi nược lại, hướng ra chỗ bắt taxi. Ở Singapore, taxi ban đêm bị charge thêm phí, sau 12 giờ đêm giá là gấp đôi, đắt kinh khủng. Nhầm đường rồi, lại đang khát, tôi kiếm cái vòi nước ở ngoài mấy cái toilet, vặn lên uống. Nước uống ược, chớ hổng phải giỡn. Rồi thì hỏi đường, kéo valy, đi xuống bắt MRT.



Changi rộng lắm! Tôi chỉ đi loanh quanh ở Ter2 thôi mà cũng đủ mệt. Đất nước nhỏ, mà tầm vóc của người ta rộng lớn. Changi là một trong những biểu tượng nổi bật của đất nước này! Sân bay đón triệu triệu lượt khách mỗi năm, là trạm trung chuyển lớn, của Châu Á và của thế giới. Tôi có cảm giác, Changi như một ngôi nhà rộng, ở đó bạn bè tôi mỗi khi đi tới đây, thể nào cũng sẽ dành ít nhất một ngày, để ngủ lại nơi này! Ở đó, có con bé em gái đồng hương với tôi, hồi mới qua đây, lấy Changi làm nơi học bài! Và đừng so sánh Changi với Tân Sơn Nhất! Mỗi bận đi đâu, lại quày quả xách valy khởi hành từ nơi này, nên tôi thấy sao dân mình tiết kiệm chi nụ cười, cán bộ hải quan thì cứ quạo đeo - in như sáng nay đi làm con cái người ta quấy khóc, in như tối qua ngủ muộn vì coi trận banh đội người ta thương bị thua, in như là tỷ tỷ cái lý do khác nữa như giả bộ cái móng tay bị gãy, con chó nhà hàng xóm mới đi bệnh viện, cái cổng rào vừa mới bị hàng xóm lấy sơn ra trét dằn mặt. Vậy nên thấy cán bộ hải quan bên nước người ta niềm nở và thao tác rất nhanh đặng giải phóng hành khách tôi đâm ra chợn. Thì nước mình nó khác! Chấp nhập vậy thôi!



Tôi có đọc một số thông tin về Changi trước khi bay! Vì ấn ượng đầu tiên về đất nước này, chính là cất cánh từ sân bay mà ra mà! Changi có chiếu film miễn phí, có chỗ ngã lưng cho dân đi bụi, có công viên cây xanh, có rất nhiều nơi mua sắm... Chuyến bay đáp xuống Changi cũng tối rồi. Một mình, lại đất lạ người xa không cho phép được thoải mái đi khám phá nơi này! Tôi hỏi đường xuống MRT, tại quầy phục vụ khách hàng mua một thẻ EZ link tourist pas, xin cái bản đồ MRT. Sau đó thì lò dò hỏi đường về hostel. Từ sân bay Changi tôi đi sâu vào thành phố. Mọi thứ trước mắt bắt đầu. Hành trình một mình! Ngày mai đã là 14/2 rồi!

tonphan
08-03-2014, 02:03
Rời Changi, bắt chuyến MRT lúc chín giờ hơn để vào thành phố. Hostel ở đường Serangoon, phải đổi trạm từ line xanh sang line tím. Ngu ngơ khù khờ vì lần đầu đặt chân lên mảnh đất này! Mười một giờ tôi về tới nhà trọ, check in trễ nhưng cũng có hề gì. Đói và mệt mỏi đã trở thành những người bạn, thân thiết qua từng quãng bụi đường. Hôm nay sáng trăng, rằm nguyên tiêu nếu còn ở nhà tôi sẽ chở má, chở cháu đi chùa, quê tôi rằm tháng giêng - rằm thượng ngươn là rằm lớn, có hội to, có Đại lễ Đức Chí Tôn! Ở Singapore lúc này thì tôi chỉ có một mình! Trước lúc đi tôi có mượn hai cái sim Singapore đặng có gì liên hệ với bạn! Nhưng ngặt nỗi cái điện thoại không bỏ vừa sim, sim bị kẹt luôn trong đó, thành thử ra, đầy đủ dụng cụ, mà cuối cùng gọi cho bạn cũng không được. Gia đình ở quê nhà cũng không gọi được luôn! Đêm trăng sáng với ánh trăng lơi lả trên vai tôi lủi thủi có một mình! Rời rã, sắp xếp đồ đạc, nhận phòng và đi ngủ. Rải lời trên facebook báo bình an. Vậy là cũng xong một đêm ở Singapore, bình yên đừng hỏi!

2. Tôi đi tìm thần Cupid

Mở mắt ra, ngày thứ sáu, thứ sáu ngày mười bốn, tháng hai - ngày tình yêu, và tôi thì cũng chỉ có một mình! Buổi sáng trở dậy rất sớm. Tối qua tôi có làm quen với một nhóm các bạn trẻ Indo, sinh viên thôi, các bạn qua Sing để tham dự một buổi hội thảo thanh niên. Hôm nay các bạn sẽ đi hội nghị! Hostel có phục vụ buổi sáng từ bảy giờ đến mười giờ. Ngày lễ tình yêu, ở quê mình thì ầm ào và náo nhiệt lắm. Tôi phải dậy sớm, nhắn tin cho anh bạn đang sống và học tập ở đây để lấy vé đi USS (Universal Studios Singapore ). Nhắn tin qua Viber thôi vì chỉ khi nào còn ngồi ở hostel thì tôi mới có được liên lạc với trái đất này! Ăn sáng nhẹ nhàng với bánh mì sandwich với bơ đậu và trứng luộc và một quả táo. No cành hông. Tám giờ bạn ghé, đưa vé rồi bạn đi! Tôi bắt đầu ngày mới - ngày Valentine với tấm bản đồ MRT, từ trạm Farrer Park, tôi bắt MRT đi Vivo City, sau đó bắt MRT đi đảo Sentosa. Ngày lễ tình nhân, trên MRT dễ dàng bắt gặp những cặp đôi trai gái nắm tay nhau, có bong bóng, có hoa và quà. Hạnh phúc thiệt!

USS nằm gọn hơ trong Sentosa, hòn đảo lớn nhất thuộc Singapore. Mua vé 4SGD để đi MRT nội bộ trong Sentosa! Cảm nhận về Sing, ấn tượng về đảo quốc này với tôi thực sự chính là hệ thống giao thông công cộng, mà nổi bật nhất chính là 5 lines MRT này! Chỉ việc cầm bản đồ và dò đường đi thôi cũng đủ vui! Tàu vào Sentosa có chút xíu, thời gian chưa đủ để chỗ ngồi loi lẻ nóng lên! Tôi xuống trạm Waterfront, ở đây là USS, phải đi bộ chừng năm phút. Đi theo dòng người, xuống trạm Waterfront xong thì đi bộ, ở quầy thông tin tôi lựa lấy một mớ brochure. Đi một mình là vậy, hễ cứ đụng chỗ nào có kệ thông tin là ghé lựa, kiểu gì cũng sẽ có lúc cần. Cảnh đập vào mắt náo nhiệt và sôi động! Ngày thứ sáu, ngày lễ tình nhân mà nên đông vui tấp nập vô cùng. Tôi lấy cái vé giá rẻ bạn tôi đưa cho, nhập mật mã trên đó, và vậy là bước chân vào USS.

USs nằm trong khu phức hợp Sentosa Resort world, được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Anh bạn của tôi đã từng đi Huê Kỳ, anh ấy bảo Universal bên đó chán lắm, trò chơi kiểu cũng bình thường, không biết ở bên Sing thì như thế nào. Anh bạn tôi chưa có dịp đi Sing. Lúc rôi rãi ngồi nói chuyện ta bà rong ruổi, tôi nói với anh bạn tháng này có đi Sing thì làm ơn ghé qua Uss nhé, chắc là bạn sẽ thích vì một người không ưa xô bồ náo nhiệt như tôi mà còn thấy phấn khích thì không có lý do gì để ban phải lăn tăn cả. Ngày Valentine một mình, người ta nói dù cho có phởn phơ vui vẻ đến cỡ nào, thì cũng phải có gì đó gợn gợn, khi xung quanh mình toàn là những cặp đôi đi chung với nhau. Và tôi, chỉ có một mình!

Uss chia làm 7 khu chính, lần lượt là Hollywood, Madagascar, Far Far Away, The lost world, Ancient Egypt, Scifi City và New York. Mỗi khu có một đặc trưng riêng, có những điểm hấp dẫn riêng mang đậm màu sắc chủ đề của khu ấy, và từ cái tên cũng có thể đoán ra được phần nào cái ruột bên trong của bảy khu này. Hollywood với Đại lộ Danh vọng đón chào khách tham quan, nói chung mình thấy khu này cũng bình thường. Là mặt tiền nên trang trí có vẻ cũng hào nhoáng, hàng quán có vẻ sang và rộn ràng lắm. Có Đại lộ danh vọng dài khoảng chừng 100m, đi bộ chưa kịp mỏi cẳng đã hết queo. Madagascar thì như kiểu film hoạt hình, có mấy cái điểm thu hút nhưng tôi không mê lắm. Far far away có chiếu film 4D về chàng Xanh Shrek, cũng vui và hiệu ứng khá ổn. Vẫn là phong cách công chúa cho mấy cô gái còn mê bông hồng và các em bé còn đi theo cha mẹ. The lost world có trò đinh là Jurassis Park, chơi là ướt hết quần (tôi không chơi, nói chung không có cảm tình lắm với mấy trò ẩm ướt!). Được cái khi chơi nếu muốn thì gửi đồ, in như phải mua cái áo mưa mỏng te để tránh ướt, không thôi thì lúc chơi xong bỏ 4sgd ra hong khô. Tôi đi vòng vòng, xếp hàng chơi mấy trò nhẹ nhành nhảm nhí xong thì cũng trưa trời trưa trật. Nói kiểu vui vui bình dân xì tin thì đi tránh ế, nói kiểu sang sang văn chương màu mè hoa lá hẹ thì đi tìm ông thần trẻ con mang cung tên. Mà khổ nỗi đi đến đâu cũng toàn thấy người ta có cặp có đôi. Nhiều khi đi một mình, tủi thân là như vậy. Như đói bụng có thể rủ đi ăn cơm chung, có mình ên thì phải lủi thủi một mìn, đói thì kiếm cái gì đó nhét đại vô bụng. Đi hai mình thì nhiều khi sẽ giả bộ, thảo luận này nọ kia giành nhau chơi trò này trước trò kia trước. Hoặc giả nhiều khi đứng đợi xếp hàng lâu mồ hôi đổ ra cũng thấy vui vì cái cảm giác có người đợi chung cũng đỡ hơn quạnh quẽ có một mình. Một mình và chỉ một mình. Trưa nắng đồ cành tôi cũng thấy mệt. Ghé đại vô cái foodcourt nào đó ăn quấy quá rồi lại lủi thủi xách bản đồ lên đi kiếm trò chơi tiếp! Đồ ăn trong USS mắc mỏ đắt đỏ vô cùng mà lại không ngon, thì là khu vui chơi mà, lại đặt ở nước đắt đỏ hàng đầu thế giới, nên chịu! Bấm bụng ăn cho qua ngày đoạn tháng - này là những tháng ngày rủi rong trẻ trai có một mình!

Ancient Egypt được thiết kế mô phỏng loạt phim về Xác ướp Ai Cập! Trò đinh của khu này là trò Mummy, đại khái tôi được đưa vô một cái xuồng (hay cabin, đại loại vậy), ngồi ược đâu khoảng 15 người. Rồi tất cả sẽ bay vô một đường hầm tối om, và quăng quật rồi làm đủ trò đủ để la hét khản cổ. Vui muốn chết, cảm giác cũng khá là mạnh đấy chứ hổng phải giỡn. Phía ngoài khu này thì có các diễn viên đóng giả làm các nhân vật chính trong bộ film cùng tên, lượn lờ chụp hình với du khách, chụp hình thì miễn phí nhé! Scifi City có kiến trúc đậm màu của Transfomer, và trò đinh của khu này cũng là trò chơi cùng tên luôn! Tôi hơi oải, lúc tới khu này thì đã đứng bóng mặt trời rồi (Chưa kể lúc ăn trưa xong, mệt quá, tôi nằm dài ra ghế, lấy tờ bản đổ ra che mặt lại, mệt mỏi vì di chuyển cùng sự trống trải trong tim dễ làm cho con người ta đâm ra uể oải. Tôi cứ thế mà ngủ, giấc ngủ nhọc nhằn loi lẻ đơn độc giữa khu ăn uống ầm ào giữa USS náo nhiệt và sôi động!). Tôi không chơi trò nào hết ở khu Scifi city. Để rồi lúc sau khi nhắn tin cho anh bạn, người mua vé giúp tôi ảnh bảo thế là phí tiền mất tiêu rồi, tại vì Transfomer là linh hồn của USS mà. Nói vậy để đánh dấu, coi như mình còn lỡ hẹn với một Transfomer vậy! Lần sau có đi, nhất định phải chơi! Khu cuối cùng là New York, khu này có show Light, Cinema, Action được sáng tạo và dàn dựng bởi Steven Spielberg - vị đạo diễn ừng danh của Avatar, và Công viên kỷ Zura, Jaw, Giái cứu Binh nhì Ryan và siêu phẩm Titanic. Đại khái đây là một show thể hiện các hiệu ứng bão. Tôi được đưa vô một căn phòng, trong đó thiết kế như một bến cảng. Và tôi được trải nghiệm cảm giác khi bão các cấp độ đổ bộ tới, có lửa, có gió, nước, âm thanh ánh sáng y như thật. Xem thì thấy rất hay nhưng chả hiểu sao nhiều bạn đi về lại chê. Thì thôi là tuỳ mỗi người. Với lại, xếp hàng chờ xem show hơi lâu vì họ có đếm đầu người, khi nào đủ số lượng mới cho vào xem chớ không cho lẻ tẻ. Ngoài ra, rải rác vào những khung giờ nhất định sẽ có các tiết mục biểu diễn đường phố, các nhân vật trong các bộ film sẽ hoá trang đứng khơi khơi ngoài đường cho du khách nhào vô chụp hình. Tôi thấy cũng vui và có không khí!

Chơi chán chê ở USS rồi thì tôi lại tiếp tục đi ra công viên Merlion Park Sentosa. Đi loanh quanh mỏi hết cả cẳng. Khu công viên khá rộng, không khí tết ta vẫn còn rực rỡ với những chậu tắc, vạn thọ và hoa, câu đối... khắp công viên. Tượng Merlion ở khu Sentosa khá to, có bán vé tham quan lên trên cái miệng của Merlion để phóng tầm mắt ra biển. Tôi thì chỉ đi vòng vòng quanh cái tượng đài, rồi đi tiếp ra biển. Biển ở Sentosa nhìn mắc cười muốn chết. Nắng chiều tà nhuộm vàng lấp loáng đầu ngọn sóng. Biển ở đây sạch và vắng người, có người tắm nhưng ít lắm vì biển lặng và không có vẻ gì là rộn rã. Tôi đi loanh quanh từ đầu nàyđến đầu kia, định cái bụng là chờ coi show nhạc nước, nhưng tự nhiên trời rớt hột mưa, chạy lúp xúp về. Mưa mùa này ở Sing coi như cũng hiếm! Chạy qua cơn mưa nhỏ nhẻ cũng thấy vui! Về kể lại ai cũng ngớ ra, hỏi hỏi hỏi kiểu như ở Sing mà cũng có biển nữa à?

Và rồi tôi trở về. Đã có chút gì đó gọi là quen với bản đồ MRT, và ở khu Vivo thì lượn một vòng, xem thư pháp của người Hoa, đi loanh quanh xem người ta mua bán, vô Food Republic ngó hàng xong rồi về nhà. Ngày 14/02 trôi qua thật tuyệt vời với cả ngày rong ruổi trong USS. Tối đó tôi bắt bus ra Marina Bay Sand coi nhạc nước, dở ẹt rồi sẵn tiện ghé qua sân khấu ngoài trời của nhà hát trái sầu riêng coi show Love Song. Ngồi một mình nhìn từ vịnh Marina ngó ra biển gió thổi hiu hiu người nười dập dìu thấy đìu hiu quá xá. Nghe Love songs xong thì cũng đã 9 giờ. Lần mò trở về nhà trọ! Các bạn sinh viên Indo đang ngồi ngóc mỏ trước cửa hostel, tôi hỏi thăm chút đỉnh rồi chào tạm biệt đi ngủ. Rời rã. Trăng treo trên đỉnh đầu, trăng mười lăm tròn như cái bánh! Trăng ở nơi nào thì cung chỉ có một mình tôi ngắm mà thôi!

----------

Nhưng một mình cũng đâu có nghĩa là không vui đâu hè!

tonphan
19-03-2014, 19:30
Marina Bay Sand về đêm rất lộng lẫy. Đêm mười bốn tháng hai người đi đến dập dìu! Tôi trở về hostel trong một chuyến bus một mình. Quên mất tiêu không chụp hình lại bản đồ nên phải dò hỏi người đi đường, mà kỳ lạ là ở cái thẻo đất nhỏ bé này in như người ta không rành rẽ các tuyến bus cho lắm. Gió xổ lồng từ vịnh Marina lên. Đôi chân mỏi chỉ chờ đến bến nghỉ. Tôi xông thẳng lên hỏimột bác tài xế xe bus đường về nhà. Chẳng ngại đường xa chỉ sợ lòng người văng teo hỏi đường không ai chỉ. Xứ Việt mút nẻo cà tha quê mình bây giờ chứ nhiều khi cũng khổ vì hỏi đường nhiều người không dám chỉ, vì sợ người lạ xa, sợ một cái vỗ vai vàng vòng tiền bạc có bao nhiêu lột ra đưa cho người lạ hết. Nhưng Sing là nơi nào? Bác tài xế vui vẻ chỉ đường cho tôi đến đúng bus stop. Chuyến bus cuối ngày chong ngóc có một mình ên tôi với bác tài xế già. Tôi tab thẻ ez link nhưng tìm hoài hổng thấy thẻ đâu! Đến bus stop thứ hai mới lần ra được thẻ, tab một phát bác tài xế cười, nói chết cha mày lên từ trạm kia thì phải trả bằng tiền mặt chớ, chớ tab thẻ như vầy trật lất rồi. Tôi chỉ biết cười, rên rỉ than thở dùng miệng lưỡi dùng nụ cười nói bác oi con hổng phải dân ở đây, con quê lúa, con lạ nước lạ cái hay con trả thêm tiền mặt vậy! Bác tài xế chỉ phất tay cười, nói vậy hả vậy sao thôi có gì đâu yên tâm đi. Tôi trở về hostel trên đường Serangoon. Có wifi nên nhắn tin trên facebook cho cô em đồng hương đang học bên này nói chân em bớt đau chưa mai đi vòng vòng với anh heng. Nhắn tin cho cô bạn đại học xin cái hẹn. Nhắn tin cho ông anh quen bơ hờ trên một trang web về du lịch nhờ ảnh chỉ đường mua vé bus qua KL. Nhắn tin cho cô em đồng nghiêp ở nhà nhờ nạp card điện thoại giùm để mai có tiền roaming gọi cho người bạn Malay quen ở những lần đi bụi trước. Tôi đi ngủ. Trăng vẫn sáng như thuở nào!

4. Cháo ếch Geylang và bạn cũ

cont-------

tonphan
19-03-2014, 19:31
Bữa đi cắm trại ở trường cấp ba cũ, tôi gặp cô em gái đồng học sau tôi dăm bảy khóa. Em đang du học bên này, tôi cười phớ lớ vậy qua tết anh qua bên đó bây dắt anh đi chơi heng. Em nhiệt tình nói anh qua đi rồi em làm tourguide cho! Những ngày cuối năm bận rộn trôi qua. Tôi lên mạng, bắt lại contact với những người bạn cũ, bạn đại học. Sắp xếp một cuộc hẹn, bạn tôi thì bận túi bụi rồi! Chúng tôi hẹn nhau một bữa chiều cuối tuần nào đó, lúc tôi qua, thì đi ăn cái gì đó, uống cái gì đó. Cũng đã hơn ba năm kể từ ngày ra trường, chúng tôi hiếm có khi có dịp gặp lại. Lời rải ra trên facebook, có like, có comment hỏi thăm nhưng kiểu gì thì cũng đâu có được đậm đà tình thương mến bằng việc gặp mặt trực tiếp nhau đâu (chỉ có điều, là ở Sing, chớ không phải ở Sài Gòn, hay ở nơi nào đó khác, thuộc Việt Nam). Và những người bạn Malay, nơi tôi đã từng đến, mà chưa được ghi lại hình ảnh nào (vì lúc đi, năm ngoái, thương yêu quá nên gửi lại máy chụp ảnh một người yêu thương nào đó giữ - chắc là họ không nghĩ đó là giữ giùm, nên máy ảnh của tôi, cứ xem như là đã mất!). Cảm giác bắt tàu đi từ Sg qua KL cũng hay hay, cũng vui vui. Tôi lại rải tin cho bạn, nói tao sắp qua rồi đó, tụi bây đừng quên tao nghen!

Cả ngày vi vu ở Uss, tối qua lại lượn ở Marina Bay sand nghe Love songs sang chảnh thui thủi có một mình nên tôi về hostel ngủ sớm. Sáng bảnh mắt ra bắt đầu bắt MRT đi qua trường của cô em tôi đang học. Bạn áy náy lắm bởi mới đầu bạn định là sẽ đích thân ra Changi đón tôi về hostel luôn. Nhưng ờ thì con người thì nhỏ bé quá, dòm trước dòm sau cũng thấy có tí hin với cuộc đời dài và rộng này. Trước hôm tôi qua có dăm ba bữa, bạn bị dập chân do cái bàn xoay rớt trúng giò, cũng may là không giập móng nhưng chân sưng đau và tím bầm hết trơn không đi được. Nhưng bù lại thì bạn nhiệt tình chỉ đường cho tôi, làm tourguide từ xa và chỉ tôi đi chỗ này đi chỗ khác. Sáng nay có hẹn, nói bạn dăt đi hai cái vườn: Botanic với lại Garden by the bay. Bắt MRT tới Clementi rồi xuống, từ đó bắt bus đi tới trường của bạn. Sáng sớm tôi cũng lần chần, hẹn bạn lúc 11 giờ tại trạm bus stop ngay trước cổng trường. Dè đâu tôi đi trễ, sợ bạn chờ ngại muốn chết! Trường của bạn tên gì tôi quên mất tiêu rồi. Không có wifi nên cầu trời cho cái chân của bạn đau nên bạn di chuyển chậm chạp, kéo đai thời gian ra, đặng bạn chờ tôi không quá lâu đam ra nản (tôi hiểu, vì trong những cuộc hẹn, tôi toàn đi sớm, và ngồi chờ, nhiều lúc oải, nhưng biết sao được, mình không vượt qua được cảm giác rằng có một ai đó, đang ngóng trông chờ đợi mình!)

Bus ở Sing không hung thần giống Việt Nam đâu, họ chạy an toàn và rất thơi thả. Bạn tôi nói có đợt chờ bus có khi cả tiếng đồng hồ cũng chưa thấy bóng dáng bus, đợt đó là đâu quãng bão bụi bên Indo bay sang làm ảnh hưởng. Thời gian bên Sing đi trước Việt Nam mình một giờ đồng hồ. Đến trường của bạn trễ do bắt nhằm bus stop (ở MRT Clementi, thay vì quẹo phải xuống bus stop tôi quẹo trái, đứng chờ bus chạy qua, dè đâu khi hỏi lại bác tài xế, bác chỉ tôi đi ngược lại bên kia đường, tốn thời gian!). May mắn là em cũng vừa tan học ra, cũng đang chờ xe bus. Bạn dắt tôi về nhà, gửi vali rồi đi ăn trưa. Mới đầu định ăn cháo ếch, cái tửu quán bạn dắt tôi vô nằm ở ngay đầu khu bạn ở trọ! Quán không bán cháo ếch vào buổi trưa, cũng hổng có cua ớt, hai món này là những món ai đi Sing cũng kêu phải ăn, nhiều khi chỉ để cho biết. Đành kêu mì và tomyum ăn hú họa cho qua bữa. No bụng rồi thì bạn dắt tôi đi Botanic garden!

Đại khái Botanic Garden nó rộng lớn vô cùng, bạn tôi đang bị đau chân, trời thì nắng chang chang hai đứa rủ nhau quánh một vòng muốn xỉu! Khu vườn rộng quá nên chỉ đi trực tiếp từ đầu này qua đầu kia cũng mất gần một tiếng đồng hồ rồi! Hôm nay mới thứ sáu, vườn rộng quá nên có cảm giác ít người đi chớ thiệt sự thì chắc là ... người cũng ít lắm. Có mấy khu vườn nhỏ nhỏ trong đó nữa nhưng có thu phí với lại tôi cũng làm biếng đi vô nên cuối cùng là đi đúng một vòng từ cửa trước ra cửa đằng sau rồi thôi, đi luôn! Bạn nhỏ mua hai cây kem 1 sgd ăn mắc cười muốn chết. Kiểu giống cà rem xứ nhỏ, quê mình! Ăn vô cắn rộp rộp xộp xộp cũng vui! Chắc chỉ có đi bụi kiểu mút cà tha như thế này mới được trải nghiệm những thứ bình dân như thế! Chúng tôi bắt MRT lên Garden By the bay! Ghé qua Starbucks xếp hàng mua trà xanh uống giải khát. Dòm tụi sinh viên bản địa lôi sách vở lên Starbucks ngồi học mà nhớ thời sinh viên chưa xa tụi bạn toàn rủ nhau lên trường, ghế đá hổng đủ chỗ ngồi thì bạ đâu học đấy, mà vui!

Garden By the bay tính ra cũng là một niềm tự hào của Sing, vườn nhân tạo, nên nước giàu người ta tha hồ mà sáng tạo, chăm sóc và thu hút khách từ chính những gì mà bàn tay con người tạo nên. Vườn cây với cảnh quan rất hút mắt, nhưng trời nắng quá tôi với bạn nhỏ chỉ ráng đi dạo một vòng, dòm đông dòm tây bạn tôi kể tôi nghe cái này cái nọ rồi thôi! Chúng tôi lết ra về, tạt vô Marina coi casino một xí. Dòm đồng hồ thì thấy cũng gần đến giờ hẹn với bạn tôi - cô bạn hồi học đại học đang sống và làm việc bên này, nên lại tiếp tục đi bộ đến trạm MRT, bắt tàu đến Bugis. Trước khi chia tay, anh em tôi ghé Ah Chew làm một chén chè cho đã khát. Chè Ah Chew khá có tiếng, thu hút rất đông người dân - cả du khách và người bản địa, đều biết đến quán chè này! Trời ngả dần về chiều nên lượng khách đến quán ngày càng đông, có cả take away và người dân xứ văn minh nên họ đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt được phục vụ! Lại nhớ tới mấy quán nước mía, cóc ổi me xoài nơi xứ Việt quê mình - là những ầm ào rốp rẻng những niềm vui của tuổi học trò. Đơn sơn mộc mạc dân dã mà ngọt ngào tuyệt vời của một thời niên thiếu!

Tối nay tôi sẽ bắt bus qua Malaysia. Tôi có nói với hai cô bạn của tôi như vậy! Hai bạn này là bạn khác. Bạn học chung với tôi ở đại học, hiện đang sống và làm việc ở Sing. Hai cô đều giỏi, một cô làm ở U và cô còn lại làm cho P - big 4 của ngành kiểm toán. Bạn tôi sống ở gần khu Bugis, lúc tôi đến thì phải chờ một xí! Lúc bạn đến, lại chia tay em nhỏ. Nói nói cười cười mà đã hết một ngày đi vòng vòng với em rồi! Tôi nói giữ hộ giùm anh cái vali nghen, bữa sau anh về anh ghé qua lấy! Và ừ thì chắc phải khi nào em về Việt Nam mới gặp mặt lại! Hy vọng vậy! Em chào tôi ra về với cái chân đau cà nhắc cà nhắc khắc vào trong nắng, nắng chiều tan trên sóng vai em in như cũng thập thò!

Và bạn tôi lại cưu mang tôi về nhà, tắm một phát cho sạch sẽ để đi ăn chiều! Bạn đang trọ trong một căn hộ thuộc dạng cao cấp ở Park Royal! Đem qua cho bạn vài thứ đặc sản ở quê nhà mà thấy bạn vui quá trời làm tôi cũng muốn vui lây! Bạn thì hiếu khách, bưng ra cái này, bưng ra cái kia biểu ăn! Nói chuyện một hồi rồi ra đón thêm một cô bạn nữa rồi chúng tôi bắt taxi ra Geylang ăn cháo ếch!

Ôi cháo ếch, cháo ếch! Biết nói gì đây về thức đặc sản của đất nước này! Bạn tôi sống và làm việc ở bên này cũng lâu rồi nên bạn rành rọt lắm, bạn dắt chúng tôi thẳng tới một quán bán cháo ếch nằm đâu đó ở khu Geylang (tôi thì chẳng thèm nhớ đường, vì có thổ địa dắt đi rồi, với lại, ngồi taxi bạn bè nói chuyện với nhau, tưởng là sẽ nhớ, về nhà lại quên đi mất!). Geylang thì nổi tiếng là khu đèn đỏ ở Sing rồi, bạn tôi nói vô đó đi, biết đâu toàn gặp đồng hương. Mà hai cô bạn của tôi lại là những cô gái Việt Nam chính hiệu, thùy mị nết na vô cùng nên có léng phéng gì cũng đâu có được. Ăn cháo ếch thì chính là ăn cháo ếch, định kêu chilli crab ra nữa nhưng giá mắc quá, nên thôi! Cháo được nấu chắc từ nếp, kẹo kẹo sệt sệt vị cũng khá ngon và lạ! Ếch được bỏ trong mẻ, nấu bằng thứ gia vị rất riêng, thịt dai và chắc, ếch mềm ăn cũng không ngán. Nhưng tôi thì lại không hảo các thể loại tôm, cua, cá, ếch nên ăn thì vẫn ăn - bạn tôi con gái nên giảm cân hay sao mà kêu ra 2 thố - 1 cay, 1 không cay, các bạn cứ nhường qua nhường lại cho tôi ăn quá trời.

Và những lời đưa đẩy hỏi thăm nhau sau mấy năm không gặp!Nhắc lại những kỷ niệm cũ, hỏi thăm những tin tức mới. Hỏi bạn này, hỏi bạn kia. Câu chuyện vòng quay trước trước sau sau vui quá trời. Lâu lắm rồi tôi mới được trò chuyện với những người bạn "quyền lực đầy mình" như thế này! Các bạn giỏi lắm, ngày xưa đã giỏi, ra trường và đi làm cũng giỏi nữa. Những niềm tự hào của trường Ngoại thương là đây! Ôi các cô gái năng động quá, khiến cho tôi lúc nào cũng thấy mình sao mà nhỏ bé và kém cỏi quá trời! Tự an ủi mình là thôi thì hãy tự biết đủ! Miễn mình thấy vui với cuộc sống và công việc nhỏ bé của mình, là đủ rồi!

Chúng tôi phải trở về lúc 10 giờ vì tôi còn phải bắt bus đi Malay vào tối nay! Đường sương gió bụi một mình! Chúng tôi chia tay nhau! Bạn cũ gặp lại vòng xoay những câu chuyện như không có hồi kết. Lúc một mình đi bộ xuống trạm xe bus từ Sing đi KL, tôi tự động viên mình, rồi thì cố gắng lên để ít nhất lần sau gặp có cái để khoe để tự hào với các bạn!

Và ừ thì cũng hơn một tháng kể từ ngày đó, sao tự nhiên lại thấy chán nản uể oải với những dòng chảy miệt mài của công việc mình đang làm! Chuyến xe bus đêm đã lăn bánh! Tạm chia tay Sing trong hai ngày, ngày tới, tôi lại về!

tonphan
27-03-2014, 19:47
Này em, ở cái trạm Habour front em nói với tôi là em ghét chuyển line ở trạm này lắm, nó có nhiều line quá, đi bộ xa, cũng mệt. Và lúc em mời tôi ăn chén chè Burgis, tôi cứ ngại ngùng hoài vì trời ơi đã được dắt đi chơi trong một buổi chiều Sing đầy nắng, bàn chân em thì lếch thếch thấy mắc thương mà giờ còn để em mời ăn chè nữa thì mặt mũi biết để đâu! Và những lời của cô bạn rải ra sau cái hồi nhận được đặc sản bánh tráng muối ớt Ninh tôi đem từ quê nhà sang cũng đủ để tôi nhận ra rằng, bạn bè - kiểu gì thì cũng luôn là một điểm tựa mỗi lúc mình lậc cậc vụng về những nỗi đời. Nhưng mà ờ thì đó là những gì thuộc về Singapore, và đó, chắc ăn sẽ là một câu chuyện khác!

4. KL không xa nhưng còn lâu mới về nhà

Từ Singapore, tôi mua vé xe shuttle bus đi KL. Ban đầu, khi chuẩn bị lên đường, tôi định là sẽ đi vòng vòng Sing thôi, đi thăm bạn, đi chỗ này ngó một tí, chỗ kia rờ một tí, nghỉ dưỡng thoải mái được vài hôm, rồi về. Tiếp tục một vòng quay mới, một năm mới. Nhưng cuối cùng thì cũng thay đổi kế hoạch, tìm thông tin, hỏi thăm bạn bè, và cuối cùng, là gửi hành lý ở nhà cô em gái, rồi cứ thế lọc tọc lên đường. Theo như lời bạn tôi nói, tất cả những chuyến xe bus từ Sing đi KL đều xuất phát ở trạm Golden Mile Complex, ở đó có rất nhiều hãng xe, giờ xuất phát từ sáng sớm cho đến 11 giờ rưỡi đêm. Tôi cũng không kiểm chứng thông tin lại, nhưng may mắn là khu hộ cao cấp bạn tôi ở nằm ở đường Beach Road, khu Park Royal đi bộ qua Golden Mile chừng năm phút đồng hồ, rất gần. Câu chuyện ở phần trước tôi dừng lại ở buổi tối họp mặt bạn bè, ba đứa ngồi trên tầng 19 của căn hộ bạn đang ở nhìn xuống Marina lộng lẫy về đêm. Lúc 10 giờ rưỡi, tôi chia tay bạn, và đi bộ xuống đường. Lúc chiều, bạn tôi đã dắt tôi đi mua vé shuttle bus rồi! Tôi chọn Starmart Express, một phần vì chuyến cuối cùng rời bến của hãng này là trễ nhất: 11h30 tối. Giá vé của các hãng cũng sàn sàn nhau, một chiều từ Sing đi KL là 30sgd, nếu đi một vòng thì giảm ược 5sgd, còn lại 55sgd.

Tôi sẽ có hai ngày và một đêm ở KL. Dự định ban đầu, là tính đi xe lửa chớ không phải là shuttle bus. Vì thực tế thì tôi chưa có cơ hội đi xe lửa lần nào cả, kể ra cũng một phần thua thiệt đối với một thằng trai hai mươi năm điên điên loạn loạn với cuộc đời này! Nhưng bạn tôi ở KL nói đi xe lửa mệt lắm, vì chạy chậm. Muốn ngắm cảnh cũng ược, nhưng xe chạy ban đêm, mắt mũi kèm nhèm có dòm ngó ược gì. Tôi cũng có check thử vé, thấy chả lời lóm mắc rẻ bao nhiêu nên thôi, cuối cùng đành bắt bus ngồi cù cưa hơn năm giờ đồng hồ trên chiếc xe ô tô khá xịn của hãng Starmart.

Golden Mile Complex trong đêm vẫn ầm ào, người đi người đến tất bật. Khu này tôi thấy khá phức tạp, nhà vệ sinh nói nào ngay cũng dơ, đen và hôi y chang các khu chờ xe của hãng chất lượng cao chạy mấy tuyến ở quê mình. Ngoài ra, ở khu này còn có rất nhiều KTV, gái gú có đủ! Có khu foodcourt và mấy cái qầy bán hàng lưu niệm, đổi tiền. Tôi cũng xơ rơ bưng mấy trăm sgd ra đổi ra ringgit, biết là sẽ thiet thòi vì tỷ giá, nhưng kệ. Có bao nhiêu đâu, đi chơi mà soi mói quá, hổng thoải mái! Do tôi đến sớm, check in xong thì phải ra trước nhà chờ ngồi ngóc mỏ hóng gió. Tôi thích những khoảng lặng như thế này, lặng lắm, có một mình. Đủ thời gian để tôi ghi chép lại những thông tin cần thiết, những điều bạn tôi nói, những chuyện em tôi kể. Nhung lời rải ra ược ẩn thận quote lại, sổ lưu ký dày thêm. Và nghỉ mệt cho đôi chân này, sau một ngày dài di chuyển ở trong một đất nước nhỏ bé nhưng năng động bậc nhất thế giới này! Đồng hồ thì vẫn quay, đúng mười một giờ rưỡi, gà gật tôi xách ba lô leo lên xe, và khởi hành!

tonphan
27-03-2014, 19:48
Xe chạy rất êm, kinh nghiệm từ những lần đi bụi trước cho tôi biết, xe đò ở đất nước khác họ ở máy lạnh kinh khủng lắm, lạnh teo. Mà lạnh thiệt, lạnh run người. Tôi chiếm một chỗ ngồi đơn ở hàng đầu (thực tế thì họ có bán vé, có số ghế ngồi, nhưng lúc xe chạy, thấy chỗ nào trống, hành khách tự do thay đổi chỗ, trường hợp của tôi là như vậy! Ngồi một mình, quen rồi!). Đem hết áo lạnh, khăn khiếu ra đắp, thò lò đôi mắt đã gần sụp mí ra đặng cố mà dòm đường, nhìn phố. Thấy Singapore Flyer chậm rì rì mà mỗi lượt leo lên cái cabin đó đi mất 30 phút, mỗi phút là một sgd, chắc cũng vui! Cảng Habour về đêm cũng rất vui, đèn sáng choang, tàu cập bến rất đông. Singapore hiện đại và chuyển động từng giây từng phút. Tôi cố gắng thức để nhìn cho hết những cảnh vật này. Dân văn phòng mà, mỗi lần đi chơi là mỗi lần cực, nên kiểu gì cũng phải ráng. Tự động viên mình như vậy trong suốt chuyến hành trình. Sức mòn lực kiệt và cơn buồn ngủ dấp díu mắt! Thông quan xong ở khu checkin point, thủ tục rất nhanh gọn lẹ, đồng hồ chỉ số mười hai giờ mười. Kể từ lúc đó thì tôi ngủ, giấc ngủ chập chờn trong một buổi đêm với cảm giác, mở mắt ra, là mình sẽ tới KL.



Xe chạy êm, thời gian dường như qua rất nhanh, có lẽ vì lạnh nên mỗi bận trở mình, vén rèm cửa dòm ra đường là thấy mọi thu trôi qua vùn vụt. Tôi lại bắt đầu sợ, lúc ở căn hộ trên tầng 19 của bạn tôi, tôi đã online nhắn với Khairul là khoảng ba giờ rưỡi tôi mới tới, bạn ra đón tôi nghen! Nhưng hãy nghĩ đến cái cảm giác, lúc gần bốn giờ sáng, một mình bạn bị bỏ lại ở Times Square, giữa lòng KL, với những người gốc Ấn chạy taxi cao to và đen, những người vô gia cư - dù ở nơi nào trên trái đất này cũng đều lếch thếch, nặng mùi khổ sở. Điện thoại tôi không gọi cho Khairul được. Tôi phải mượn điện thoại của một cậu thanh niên ngoi cùng chuyến xe! Hình như cậu ấy không có chiếc điện thoại của riêng mình, thật là kinh khủng vì tôi phải giải thích năn nỉ một hồi, cha của cậu mới chịu đồng ý cho tôi mượn để gọi cho Kay (mãi đến khi cậu thanh niên tỏ ra bực bội và gắt gỏng với cha mình - tôi hiểu, với những người lớn tuổi, nhiều khi sự thương hại người lạ xa, sẽ đem lại rắc rối lớn cho họ và những người thân!). Đón lấy chiếc điện thoại, tôi cảm ơn và gọi cho Khairul, người bạn của tôi ở KL. Anh không bắt máy, trời ơi, những dòng đổ chuông liên hồi không có lời hồi đáp đủ để tôi càng thêm mệt mỏi. Trả lại điện thoại, cảm ơn và xách ba lô đi vào Times Quare. Trời rồi sẽ sáng, tôi sẽ kiếm được nhà của bạn khi trời sáng, tôi cần một chỗ nghỉ chân. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, tôi biết mình sẽ chẳng có việc gì. Phải tự động viên mình như vậy! Tôi tranh thủ đi vô 7/11, siêu thị 24h còn mở cửa, định kiếm gì đó bỏ vô bụng rồi tính tiếp. Ở chỗ ngoặc, cậu thanh niên lúc nãy cho tôi mượn điện thoại hớt hải chạy theo. Tôi biết trời sẽ sáng, và Khairul đã gọi điện lại cho tôi! Tôi nói ngắn gọn với anh rằng tôi ngại quá, bạn có thể ra rước tôi về nhà ược hay không? Tôi sẽ chờ ở siêu thị 7/11 và giữ sức khoẻ. Cám ơn!



Lúc bốn giờ sáng, Khairul đến. Tôi muốn làm một cái gì đó để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với bạn, một cái ôm chẳng hạn! Nhưng cả bạn và tôi đều mệt mỏi hết rồi. Và lời nói, nhiều khi không cần nói ra cũng hiểu. Tôi biết bạn biết và tôi chỉ có thể lí nhí nói cám ơn rồi lếch lên xe của anh để trở về. Đó là một ngày dài, sáng nay Khairul sẽ khai trương cửa hàng giặt ủi của anh, cả ngày nay và cả một khoảng thời gian gần đây anh rất bận, nhiều lần anh nói với tôi điều đó, nhưng khi tôi rải tin là tôi sẽ qua KL, anh đã rất vui vẻ hú tôi sang và cho tôở ké. Một người anh trai lớn, rất nhiệt tình và tốt bụng. Anh nói với tôi là tao sợ mày rồi, liều quá là liều! Ngồi sau lưng anh tôi chỉ biết im re, không phải vì không biết nói gì hết mà chỉ đơn giản là, tôi quá cám ơn anh, khi nào có dịp hãy trở lại Việt Nam, ở đó chắc ăn tôi sẽ hết mình với người bạn lớn này!



Trở về nhà lúc bốn giờ rưỡi sáng. Tôi đi ngủ. Sáng nay Khairul bận công việc nên anh không có thời gian đưa tôi đi chơi KL. Đợt trước anh đã đưa tôi đi chơi Malacca và đi PD - một vùng biển êm ả không nhiều người biết tới nằm gần KL. Tôi dậy rất trễ, anh nhắn điện thoại nói anh đi xuống cửa hàng, khi nào tôi dậy rồi thì đi ăn sáng và cứ hú anh, anh sẽ chạy về. Cửa hàng của anh nằm ngay trong khu hộ anh đang ở, một cửa hàng nhỏ và mới khai trương nên còn rất nhiều việc để ông chủ phải làm. Tôi ổn và tôi hẹn với những người bạn khác nữa để đi chơi. Thật sự rất ngại với Kay vì không có nhiều thời gian để nói chuyện với bạn. Vậy mà còn bỏ bạn đi chơi với những người bạn khác, thiệt là coi được quá mà! Tôi có nói với Kay, anh cười nói trời ơi có gì đâu, cứ đi chơi đi, hãy vui! Tôi lại ngại tiếp, nhưng biết sao được bây giờ?



Tôi nhắn cho Ryz, một người bạn khác. Bạn sẽ dắt tôi đi chơi, bạn vẫn phải đi làm vào sáng thứ bảy, nên buổi trưa bạn mới rảnh được. Bạn mới mua xe mới, ở Malay hình như việc sở hữu xe hơi là việc rất dễ dàng, vì chính sách khuyến khích của chính phủ, vì giá xăng rất rẻ, vì hệ thống ngân hàng luôn ưu tiên giải ngân cho các khoản vay tiêu dùng mua xe và mua nhà. Tôi tự bắt bus từ nhà Kay vô KL Central, đói bụng nên bay vô McDonald ăn qua quýt một cái burger lon coca rồi chờ bạn! Mười hai giờ Ryz mới tới. Nhìn bạn rất bảnh với chiếc xe hơi mới mua. Hỏi thăm rộn ràng trên suốt chặng đường đi đón thêm một người bạn của Ryz nữa. Nhà nằm ở khu ngoại ô của KL, chúng tôi quánh một vòng, coi như đi city tour. Nhà ở đây nhỏ nhỏ, nằm gọn hỏn ở những sườn dốc, đẹp và rất hiền hoà. Syuk - nếu tôi nhớ không nhầm là tên của người bạn ấy. Chúng tôi đi ăn trưa, bạn hỏi tôi muốn ăn cái gì - món ăn Tây hay món Tàu hay món Malay. Tôi nói ăn món Malay đi, vì thực ra tôi cũng chưa có đói (đã nạp năng lượng rồi, nên có đói điếc gì đâu!). Bạn chở tôi tới một khu ẩm thực nào đó nằm ở đâu đó trong KL, kiểu buffet, nhưng thực sự thì không phải. Món ăn phục vụ cho người đạo Hồi nên toàn cá, cá, và cá. Tôi không ăn cá ược nên chỉ dòm thôi, lấy một ít cơm và món canh măng và món thịt gà, bưng ra ăn hú hoạ xong thì tôi giành trả tiền. Mời các bác một bữa, ít ỏi quá đi! (Và nói chung món ăn thì không ngon, không hạp khẩu vị nhé, nhất là món canh măng, ôi trời ơi, một mùi măng chua lè tới giờ vẫn còn ám ảnh!)



Ryz là một người khá trầm, ít có cười nói nhiều nhiều nhưng lại biết nhiều thứ. Bạn làm tourguide được, vì đi tới chỗ nào cũng sẽ rải cho tôi một mớ thông tin. Bạn hỏi tôi muốn đi đâu? Tôi nói đi mấy chỗ nào lạ lạ ấy, vì tôi cũng hổng có rành đường xá bên này và, quan trọng là tôi không có sự chuẩn bị cho chuyến đi này! Thế là bạn chở tôi với Syuk lên khu Bukit Bintang, ở đó chúng tôi đi dọc dài hết mấy cái shopping mall. Ôi khu Bukit thì khỏi nói, toàn là những khu mua sắm, dòm ở đâu cũng thấy dân đi du lịch! Đi mỏi hết cả cẳng cũng chưa đi hết nữa. Sau đó thì bạn dắt tôi vô Tous les jous! Ở đó chúng tôi gặp một người bạn cũ, cả bọn kiếm chỗ ngồi trong một bữa chiều đông đúc. Ăn cái gì đó, uống cái gì đó rồi lại đi. Bạn dắt tôi vô the Twinks, và đi KL Towel! Đi suốt cả một buổi chiều nhưng vẫn chưa nghỉ. Các bạn đề nghị đi coi film, một bộ film hành động Mỹ. Chất lượng rạp cine bên đó tôi thấy cũng bình thường, được cái giờ chiếu kéo dài đến khuya, suất cuối cùng là 12h đêm, có khi coi xong là 3h sáng. Lạnh muốn chết.



Coi film xong trời đã khuya lắm rồi. Bạn hỏi tôi có đói hay không? Tôi thiệt tình nói không, vì cả buổi chiều lượn tới lượn lui mấy cái shopping mall, hết vô Starbuck lại ghé mấy chỗ bán đồ fastfood ăn lấy ăn để no muốn xỉu rồi. Nên thôi, bạn chở tôi về. Bận về thì ai cũng oải hết ráo rồi nên thôi, tôi gà gật nói bạn mở wifi cá nhân lên cho tôi check in facebook đi! Bạn cười, trời ơi những người trẻ ở đâu cũng bị cái thằng quỷ facebook hớp hồn hết ráo rồi! Bạn đưa tôi về nhà Kay! Chúng tôi chia tay nhau ở đầu đường, những người bạn nhiệt tình và rất hiếu khách! Cám ơn các đồng chí vì một buổi chiều ngang tàng dọc ngang những đường quen lối cũ. Có thể đối với các bạn, những chỗ mà bạn dắt tôi đi bình thường lắm. Nhưng với tôi thì khác, đó là tất cả những sự cảm kích dành cho các bạn của tôi, họ đã dành thời gian để đón tiếp người bạn từ một đất nước xa lạ này, dắt tôi đi chơi, kể tôi nghe về cuộc sống, về văn hoá của đất nước họ! Chúng tôi đã nói, đã cười và họ đã chịu ựng những lời tôi than thở. Đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mỗi khi nghĩ về KL, là tôi nghĩ về họ, về Khairul - một người bạn lớn.



Tôi trở lại nhà Khairul, chúng tôi trò chuyện! Bạn hỏi tôi ngày hôm nay đi những đâu? Tôi hỏi anh công việc thế nào? Anh đang tổng hợp sổ sách gì đấy, chúng tôi trò chuyện tới hơn một giờ sáng. Anh giục tôi đi ngủ, vì sáng mai tôi còn phải bắt bus ra Time Squares sớm. Chuyến bus từ KL về Sing khởi hành lúc tám giờ. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải bắt đầu dậy từ lúc sáu giờ, đi bus ra KL Central, sau đó phải bắt Monorail ra Times Squares. Khairul cảnh báo tôi về tình hình giao thông vào buổi sáng ở KL rất kinh khủng, thường kẹt xe dữ lắm. Tôi moi từ trong ba lô ra một hộp trà, quà từ Việt Nam gửi sang cho anh! Anh ười hì hì, vì lần trước có lần anh nói là anh khoái uống trà Việt Nam và tôi thì vẫn nhớ những điều nhỏ nhặt đó. Tôi đi ngủ. Một giấc ngủ ngắn ngủi vừa nhắm mắt, mở mắt ra đã thấy trời sáng. Tôi lại phải đi! Chia tay Khairul, tôi nói nhất định anh phải trở lại Việt Nam để tôi có dịp làm host dắt anh đi chơi. Và anh cười, hẹn một ngày gặp lại!



Buổi sáng KL trở mình sớm. Sáng thứ hai ai cũng phải đi làm, học sinh đi học! Tôi tới bến xe sớm, check in và lại chờ. KL lần thứ hai trở lại, KL với những gương mặt bạn bè. Chắc ăn trên dọc đường gió bụi sẽ còn trở lại nơi này nhiều, vì đây là nơi trung chuyển, để đi qua nhiều đất nước khác. KL chưa xa nhưng KL chắc ăn cũng sẽ còn gặp lại! Đúng tám giờ, xe lăn bánh quành ngược trở về. Thì xin chào - đồng nghĩa với hẹn gặp lại một ngày nào đó, nheng!

tonphan
27-04-2014, 21:29
Thời gian trôi qua, những ký ức vụn vặt trôi mờ dưới những dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ của cuộc sống. Hai tháng trôi qua rồi, bây giờ mà ngồi đặt tay gõ trên bàn phím những dòng chữ đại loại như du xuân sao thấy xa xôi và mơ hồ quá. Lúa đông xuân người nông dân đã gặt xong, ruộng tháng tư chờ bàn tay người gieo mùa vụ mới. Những trảng thuốc lá đã sấy xong, nằm khô ngói trong những vạt sân nắng chiếu nghiêng nghiêng nụ cười. Mùa hè cũng rộn rã về theo cái nắng xứ quê mùa Ninh như đổ lửa, quẩy đảo trên những đoạn đường xa thật xa chỉ có một mình ên tôi với nắng, những gương mặt người cũng cong theo những giấc trưa khét lẹt. Và chuyến đi du xuân đầu năm được tôi cố gắng lôi về trong một bữa trời Ninh hằm hè, trưa ở nhà một mình muốn kiếm chuyện gì đó để mần, thì thôi lôi kỷ niệm ra day dứt lại, để đó, mơi mốt sợ quên!

6. Sg trở về

Tôi tới Times Square rất sớm, chuyến xe mãi đến 8 giờ sáng mới khởi hành. Nhưng vì là ngày thứ hai, ngày đầu tuần, bạn tôi nói coi chừng đó, giao thông ở KL những buổi sáng kinh khủng lắm. Tôi nghĩ tới những bữa sáng lựng trong mùi của khói, của tiếng xe cộ gầm ghừ, của những gương mặt người cau có, ngái ngỏ, quạo quọ, cáu kỉnh... những bận loay hoay ở một ngã tư tắc lự người giờ cao điểm của Sài Gòn. Oải, nên sáng sớm hôm đó tôi trở mình dậy sớm, chào tạm biệt người bạn lớn tốt bụng, tôi đẩy va li ra trạm xe bus bắt xe đi KL Central. Từ KL Central, tôi hỏi đường tới trạm monorail để đi tới khu Bukis. Do bên đấy họ đang xây dựng MRT (KL mới có sky train thôi, họ đang bắt tay xây dựng line MRT đầu tiên, đi qua khu Bukit Bintan nổi tiếng). Lối vào mono rail station bị che khuất bởi những hàng rào công trường MRT đang xây dựng. Tôi dậy sớm, vào tới trung tâm cũng vẫn còn sớm. Ngày thứ hai mang đến cái không khí uể oải, y chang như những buổi sáng thứ hai với một tôi lúc nào cũng méo mó vì ... đơn giản đó là buổi sáng thứ hai đầu tuần.

Tới 9 giờ trung tâm mua sắm mới mở cửa. Check in xong thì tôi đi lượn một vòng trong khu mua sắm vắng hoe, với mỗi Starbuck mở cửa phục vụ buổi sáng cho những khách hàng đi làm sớm. Lần quần mãi mệt mỏi cuối cùng cũng đến giờ khởi hành. Ôi những người Muslim, sau khi đọc xong du ký Con đường Hồi giáo của NPM, đến giờ tôi mới thấy vỡ ra được nhiều thứ. Trước kia theo cái kiểu mình cứ mù mờ, nhìn ai đen đen, tóc sậm màu, mi mắt sậm màu, quấn khăn... này nọ cũng đều có cảm giác e sợ. Dĩ nhiên là phải nhận thức được con người mà, ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Xã hội nào dù văn minh hay đang phát triển hay đang chìm trong khói lửa loạn lạc, cũng sẽ có kẻ nghèo và người giàu, có người lành, kẻ dữ. Nhưng y như cái nhận thức đã ăn sâu và bám rễ, lúc nào cũng có một khoảng cách ngăn giữa tôi người Việt Nam da vàng mũi tẹt với những người Hồi giáo xa lạ. Chuyến xe với hơn phân nửa là người Hồi băng qua địa phận của Malaysia, qua JB, Check point và cuối cùng cũng về lại Singapore. Nhìn đồng hồ, đã hơn hai giờ chiều rồi!

Rõ ràng là khờ dại! Bởi ai đâu mà lại đi theo cái kiểu tới Sing trước, rồi đi bus từ Sing qua Malay rồi từ Malay quành ngược lại cái thẻo đất nhỏ xíu ngoi ra biển mà phát triển bậc nhất khu vực Asean như thế này! Tôi biết chớ, bên cạnh sự bất tiện về đi lại, chi phí cũng cao hơn, thời gian vô bổ ngồi trên xe cũng khiến tôi như dại đi vì mệt mỏi. Nhưng hơn tất cả là cảm giác mình được đi, mình cứ thế mà di chuyển. Khi cô đơn và mệt mỏi quá, thì thay thế bằng cái trống trải một mình trên những chuyến xe cũng đủ xoa dịu được rồi. Tôi hay nói như vậy để biện minh cho sự rảnh rỗi và hăm hở của mình trước những chuyến đi, mà nhiều khi đi không phải để khám phá, vì yêu thích, hay đam mê mà chỉ đơn giản là vì tôi buồn. Đi như cách để khây khoả, để thoát mình ra. Không vĩ đại không hăm hở không trần trụi hay tràn trề nhiệt huyết khám phá, tôi đi đơn giản vì tôi muốn giải toả nỗi buồn. Một thằng trai hai mươi lăm tuổi, đời nhiều khi chưa trải hết, mà nỗi buồn hổng biết thấm thía vô đâu. Nói ra cũng không biết giải thích làm sao, đành kệ vây!

Singapore những ngày giữa tháng hai nắng cũng chói chang lắm. Tôi đi lại những cung đường quen thuộc, lại bắt MRT trở về hostel trên Serangoon, check in vào phòng cũ. Vẫn là hai anh bạn India đã ăn dầm nằm dề ở hostel này gần nửa năm rồi. Họ sống cũng chập cheng lắm, chiều sáu giờ bắt đầu tụng kinh, tối họ đi chơi tới khuya, có bữa sáng chin mười giờ mới về. Phòng có them một bạn mới, người Australia, sinh viên, qua đây thực tập. Bữa đầu tiên bạn tới cũng là ngày cuối cùng tôi ở lại Singapore. Buổi tối đó, tôi phải bắt bus qua nhà cô em gái để lấy lại valy đồ! Trước khi tôi đi, bạn nhỏ Ausie có rủ rê tối đó đi lên khu Clacke Quay ăn chơi đàn đúm, nhưng do còn việc nên tôi từ chối, cũng muốn đi lắm nhưng theo cái kiểu nghe nhạc sến hát cải lương giống như tôi thì việc bước chân vô một quán bar vẫn còn là một chặng đường dài. Và nói rồi mà, đâu có phải tôi đi vì đam mê hay vì yêu thích khám phá nọ kia, chỉ đơn giản là đi bụi, đi cho bớt buồn thôi mờ. Và trong cái suy nghĩ cổ chai của tôi thì chắc có lẽ cái không gian quán bar không đủ để tôi vượt qua được nỗi buồn!

Em gái đưa tôi cái địa chỉ, hôm trước tôi có đến một lần rồi, nhưng đi theo ngã khác. Lúc lên bus thế là tôi phải tranh thủ, hỏi bạn kế bên coi cái bus stop nào là đúng. Khổ cái là cô em của tôi cổ cũng hổng có rành đường, cổ chỉ lộn từ đường Serangoon qua trạm Serangoon, nên quái, tôi cứ phải quay vòng vòng, nhắn tin cho ông anh nhờ ổng tra giùm tôi cái phương hướng. Cha nội này sống lâu bên đây rồi, hỏi gì chả cũng biết, cũng rành! Nên thành thử ra cuối cùng tôi phải lọ mọ hỏi những người lạ ngồi chung chuyến xe bus. Những trạm dừng xe bus bên đấy cũng ác lắm, không có ghi tên trạm, hoặc nếu có thì mãi đến khi bạn đã chạy qua cái bus stop rồi mới thấy được tên trạm gắn ở đâu đó! Quãng đường đi xa, tôi không thể nào đếm hết được các trạm theo chỉ dẫn trên bản đồ, vả lại, đâu phải bus stop nào cũng có người xuống. Giờ cao điểm người lại đông, hổng lẽ ăn tôi cứ hỏi người kế bên tao tới chỗ chưa, chỗ của tao tới chưa? Nên ôm trong bụng một đống thắc mắc sợ lỡ bus stop muốn chết, mà cuối cùng cũng vui là tôi xuống nhầm chỗ rồi. Nhưng vui vì nhờ xuống nhầm mà không bị lộn đường. Hoá ra, cái chỉ dẫn của ông anh chỉ tôi xuống xa quá, tôi đi hố một stop nữa nhưng như vậy lại gần block chỗ ở của em tôi hơn.

Trời tối, mò mẫm đi kiếm cái phòng trọ nhỏ tí hi chả nhớ nó nằm đâu trong nguyên một dãy chung cư y chang nhau! Lại phải hỏi đường, cũng vui vì dân tình ở khu em tôi ở rất thân thiện, cô gái cuối cùng tôi hỏi còn dắt tôi lên đến tận cầu thang dẫn lên phòng của cô em gái mới yên tâm mà quay về. Một người con gái Hồi giáo nhiệt tâm và vui vẻ và … không sợ đi chung với người đàn ông xa lạ (không phải là chồng và cha mình). Do không có nhiều thời gian và sợ hết xe bus, tôi tranh thủ lấy va ly rồi đi về. Em gái tiễn tôi ra đến tận trạm xe bus. Trời ơi tôi cứ nắng nặc được rồi, anh ổn mà, em khỏi cần đi tiễn đi. Nhưng cô gái vẫn cứ cà nhắc khăng khăng đưa tôi về. Cảm ơn em rất nhiều! Bạn bè đồng hương đâu xa, chỉ cần những lúc như thế này cũng đủ để cám ơn em hoài hoài!

Tôi trở về hostel. Ngủ hết đêm nay là mai lại trở về. Một chuyến đi đầu năm coi như cũng suôn sẻ. Singapore lần đầu tiên đến. Singapore lần thứ hai trở về. Singapore của Merlion ngày đêm phun nước chào đón hang triệu du khách đến chụp hình mỗi năm. Singapore của Sentosa hoành tráng và náo nhiệt, Marina Bay về đêm lộng lẫy. Singapore của tôi là những phút giây di chuyển một mình ở những trạm MRT, là cái bản đồ bị vò nát vì lần đầu tiên không rành đường, của một ngày Valentine có một mình ên giữa những cặp đôi tình tứ trong USS, biển của Singapore vắng vẻ nắng chat chúa, hay là tôi của những dặm dài đi để nỗi buồn vợi bớt theo những bước chân qua.

7. Bao giờ cho đến … Kết

Chắc là một ngày nào đó tôi sẽ lại quành ngược tới Singapore, vì nơi đó đơn giản là có rất nhiều bạn bè tôi đang sinh sống và học tập và làm việc ở đó. Đi thăm bạn cũng là một cái cớ để xua bớt nỗi cô đơn đến thèm đi của tôi mà! Tôi lên máy bay lúc mười một giờ. Duyên phận thế nào tôi lại ngồi cạnh hai mẹ con cô gái người Việt Nam. Đứa nhỏ hiền ngoan nằm yên trong long mẹ. Chị ở JB, chị bắt bus qua Sing rồi từ đó bay về Việt Nam thăm gia đình. Chị bảo, đưa đứa nhỏ về cho ông bà ngoại chăm sóc, bên này chị đi làm, hổng có thời gian chăm sóc cháu! Trở về, trở về. Nhiều người Việt Nam sống xa quê hương cũng có sự lựa chọn giống như chị, gửi con cái ở nhà để yên tâm đi mần ăn xa.

Và dù cho có ở đâu thì lúc nào trong họ cũng đau đáu một mong mỏi được trở về. Câu hỏi đặt ra là Bao giờ cho đến…

Ngay khi đáp máy bay tới Tân Sơn Nhất, tôi chuyển chế độ điện thoại về bình thường, gọi cho mẹ, chỉ đơn giản là nói mẹ ơi con về rồi!

Sau đó hai tuần, MH370 trở thành nỗi ám ảnh và là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hang không thế giới. May mắn, tôi đã trở về.

Cuối cùng cũng xong một review, cám ơn những ai đã âm thầm theo dõi những dòng viết của mình! Entry sau chắc mình sẽ treo lên vài tấm ảnh cho rôm rả nhỉ!

tonphan
05-05-2014, 18:35
https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/t1.0-9/p417x417/1743465_746626768682293_529262979_n.jpg

Một góc thật xanh giữa lòng Changi - trạm trung chuyển tốt nhất thế giới năm 2013

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-ash3/t1.0-9/1779932_746626828682287_1133947321_n.jpg

Một tiểu cảnh khác đậm màu sắc Á Đông với phong tục ngày Tết cổ truyền, với hình ảnh đôi ngựa gỗ, hoa đào, hoa mào gà, vạn thọ! Cứ như là ở Việt Nam!

https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/t1.0-9/1604375_748600065151630_786077210_n.jpg

Một bar ngoài trời ngày nắng, bãi biển Sing vắng người!

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/t1.0-9/1779082_748600365151600_618663200_n.jpg

Công viên Merlion trong khu Sentosa

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc1/t1.0-9/1795692_744579552220348_666082727_n.jpg

Một quán ăn của người Hoa, với hình chụp lão bản cùng với Thủ tướng Lý treo trang trọng ngay cạnh bảng hiệu quán!

https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc3/t1.0-9/1939991_744579812220322_335901254_n.jpg

Ngôi chùa nhỏ, sáng đèn vào đêm Nguyên tiêu!

https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc1/t1.0-9/1959563_744588065552830_1159060618_n.jpg

Bên trong Marina Bay. Sang trọng và đẳng cấp!

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-ash3/t1.0-9/1780641_744580255553611_551749536_n.jpg

Tháp đôi về đêm, lộng lẫy

https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc1/t1.0-9/995860_744586975552939_1797185568_n.jpg

tonphan
05-05-2014, 18:45
Times Square lúc 3am, có một mình ên!

https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc1/t1.0-9/1620690_744586945552942_24396560_n.jpg

Ban ngày tấp nập lắm, nhưng 3am rồi nên cũng vắng teo!

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn2/t1.0-9/1891255_744586892219614_518755108_n.jpg

Căn hộ của Kay, nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ!

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-prn1/t1.0-9/1924401_744586778886292_1355522844_n.jpg

Bác Kay là một vận động viên leo núi, những chiến tích bác ấy đạt được!

https://fbcdn-sphotos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn2/t1.0-9/1798495_744585158886454_180172093_n.jpg

Nhà của bạn Syuk, nằm tênh hênh trên một con dốc thoai thoải, đẹp bình yên!
https://fbcdn-sphotos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/t1.0-9/1656001_744583868886583_925636063_n.jpg

KL Tower!

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-frc3/t1.0-9/1618670_744592565552380_1167874335_n.jpg

Lúc mặt trời sắp lặn, trên Marina

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc3/t1.0-9/p417x417/1506628_744592488885721_1984045035_n.jpg

Và nhà hát quả sầu riêng, cũng lộng lẫy!

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/t1.0-9/1962688_744594025552234_632129544_n.jpg

Chuẩn bị đi vô Sentosa thôi! Và USS cũng rất gần!

tonphan
05-05-2014, 18:50
Hicc làm thế nào mình có thể resize cái hình cho nó nhỏ lại nhỉ? Có bác nào tàu ngầm khai quang điểm nhãn cho tớ với!

tonphan
22-07-2014, 20:31
Sân bay Vinh nhỏ như cái lỗ mũi. Ở đó các bác Hải quan hiền khô hỏi nhau thế Tây Ninh mã số bao nhiêu. Bạn hỏi chắc nào giờ chưa có ai cầm passport Tây Ninh mà đi đường này hả anh? Mấy bác cười nói cũng có chớ, mà hiếm! Và cái máy bay xịch tang nhỏ xíu đưa bạn tới Vientiane vào một ngày trời hưng hửng nắng! Nơi này yên ả quá, yêu từ lúc đặt những bước chân đầu tiên.



1. Một kẻ dại khờ



Không tốn quá nhiều thời gian suy nghĩ, bởi bạn đã mệt mỏi quá rồi cho những tuần liền cặm đầu vào mớ hồ sơ sổ sách tín dụng, thu lãi vay, kiểm tra sử dụng vốn và ti tỉ thứ khác nữa thuộc về công việc. Bất chấp tất cả bạn chọn đường bay vòng. Bởi chuyến đi ngắn ngủi của bạn chỉ vỏn vẹn có ba ngày. Bạn sẽ bay từ Sài Gòn đi Vinh, từ Vinh bạn chuyển hãng bay rồi đi Lào. Bạn có thể bay thẳng từ Tân Sơn Nhất đi Vientiane nhưng biết sao được, mỗi ngày chỉ có một chuyến đi từ Sài Gòn qua Lào nhưng xuất phát vào buổi chiều. Thời gian ngắn ngui ngủi không cho phép bạn bay như thế. Bạn là một kẻ khờ dại, nào giờ đã như vậy rồi. Trước lúc bay và mãi đến khi đặt chân lên sân bay của nước bạn, bạn cứ nghĩ đó là một giấc mơ không thực, bởi lẽ, mọi thứ tưởng chỉ là mơ.



Giấc mơ bắt đầu bằng việc sếp nói qua tuần sếp đi công tác, thứ năm sếp đi. Vậy là tối đó bạn lên mạng, tìm đường bay từ Sài Gòn qua Lào. Bạn chấp nhận đặt vé máy bay đắt hơn vì ngày đặt vé cách ngày bay chỉ có một tuần, đâu còn vé giá rẻ nữa. Lại phải bay theo đường vòng, chuyến đầu tiên bạn bay với Vietjetair, anh bạn này thì đã quá tai tiếng vì thường xuyên trễ nãi. Chuyến bay tiếp theo lại cách chuyến của Vietjetair có một tiếng đồng hồ. Bạn khờ dại nên cứ vô tư nghĩ ờ thì nếu không kịp, nếu thằng nhà bay kia có delay hay trễ chuyến thì có sao đâu. Bất quá không đi Lào được thì bạn sẽ vòng về Hà Tĩnh, ở đó có bạn của bạn đang nằm lại, một lời hứa hẹn sẽ đến thăm bạn biết đâu sẽ được thực hiện trong chuyến đi này! Tất cả đều trong một cái nắm tay, chỉ không biết rằng khép mở sẽ là gì thôi!



Ai cũng nói sao bạn liều lĩnh thế. Đó là lúc bạn ngồi rôi rãi tâm sự với những người bạn cũ. Chắc chắn là không đi được rồi, vì không kịp thời gian để đổi chuyến bay đâu. Một chuyến đi đầy rủi ro và bất trắc. Vé khứ hồi bạn cũng đã đặt rồi. Thì thôi kệ cứ nghĩ là cuộc đời dài rộng, nhiều khi khờ dại xí, ngây thơ xí mà tháng ngày trôi qua đem lại nhiều mơ mộng. Ai bảo mơ mộng là có tội. Ai bảo mơ mộng là không được quyền hy vọng chớ. Trong giấc mơ bạn nghĩ về Lào với những bước chân thật khẽ khàng, trước ngày lên máy bay bạn nhẹ nhàng mỉm cười. Đường về với đất Phật thênh thang.



Sân bay Vinh nhỏ như cái lỗ mũi. Nắng nhẹ nhưng hanh nồng mỗi bước chân bạn chạy vội vàng. Lúc chuyến bay từ Sài Gòn hạ cánh xuống Vinh, đồng hồ chỉ tám giờ mười phút sáng. Đã trễ giờ boarding của chuyến tiếp theo rồi. Ngồi trên máy bay, ở những dãy cuối cùng, bạn phải bươn bải làm công tác dân vận. Ngồi nói nói với bác kế bên là trời ơi con còn phải chuyển một chuyến bay nữa, con nghĩ là trễ rồi nhưng chưa đến phút cuối cùng, chút bác cố gắng cho con xin phép chạy ra trước nghen. Và cứ như thế bạn len lỏi lên hàng ghế đầu, mấy cô tiếp viên cứ phải bắt loa kêu gọi chàng thanh niên trẻ cứng đầu phải ngồi im giữ trật tự vì an toàn của chuyến bay. Ở những giờ phút gấp rãi đó, thấy mình in như không còn biết lỗi phải gì nữa. Chỉ đinh ninh trời ơi trễ mất tiêu rồi, trời ơi sao chưa bao giờ thấy máy bay nào hạ cánh lâu ơi là lâu như cái chiếc máy bay này. Mấy cô tiếp viên mặt lạnh tanh lại một lần nữa bật loa nhắc nhở: quý khách vui lòng ngồi yên không tháo đai an toàn ra nghen nghen. Lúc cửa máy bay mở ra rồi, bạn bật tung chạy ào xuống. Quên mất nắng Vinh nhẹ hanh như thế, người Vinh cũng rộng lòng mở đường cho bạn đi mau với những lời nhắn gửi: lẹ đi kẻo trễ chàng trai trẻ ra sao. May mắn là lúc chuẩn bị ra khỏi máy bay, bạn khẽ khàng nói với cô tiếp viên trưởng vài lời thông cảm, vì thật tình bạn cũng đã làm phiền đến người ta nhiều. Lời rải ra dẫu ngắn ngủi nhưng cũng như cởi tấm lòng.



Chuyến bay đã boarding luôn rồi. Bạn lộc cộc chạy lộn qua bên terminal nội địa. Hớt hơ hớt hải hỏi nguoi ta đường nào tới quầy check in. Bác bảo vệ chỉ bạn chạy qua terminal quốc tế. Ở đó, những phút cuối cùng bạn còn kịp moi cái vé bị nhét nhàu nhĩ dưới đáy ba lô lên và nói trong tiếng thở hổn hển. Sân bay Vinh nhỏ như cái lỗ mũi. Cũng may nhỏ như thế nên bạn cứ âm thầm cho rằng có lẽ người ta chờ mình ên bạn rồi mới khởi hành. Người hành khách cuối cùng chạy ào ra máy bay. Chiếc máy bay nhỏ xíu xiu rộng mời đón bạn. Cạnh bên là chị gái người Việt Nam ẵm theo con nhỏ. Cài hộ chị đai an toàn cho em bé. Lúc đó đã bình tĩnh hơn rồi. Và bạn đã thực sự đuổi kịp chuyến bay rồi. Chỉ mất khoảng 45 phút đồng hồ là máy bay đáp xuống thủ đô Vientiane. Đất nước Vạn Tượng là đây. Sân bay im ắng nhỏ nhắn như hãy còn ngái ngủ khi mặt trời đã hòm hòm ló dạng. Nắng vương nhẹ trên những mảng tường. Sa bai dee nước bạn Lào.



Sáng nay có một kẻ dại khờ nào khe khẽ những buồn vui!



2. Sỏi đá của Sihome



Bạn của bạn, một anh bạn Lào cũng dân ngân hàng, đang đi training rồi nên lúc cúp điện thoại bạn mới ngỡ ngàng, một mình quay đầu lại giữa sân bay một sáng mùa thu trống trải. Sân bay khẽ khàng im ắng đến lạ lùng. Không tấp nập, không bộn bề. Bạn sải bước chân đi tìm quầy bán quà lưu niệm, ở đó bạn mua post card, để cho ngòi bút lả tả rơi những giọt trầm buồn. Hình ảnh những nụ cười nằm im trên tấm bưu thiếp nương theo những dòng viết. Bạn tìm bưu điện nằm tênh hênh trong một chỗ vắng người lại qua ở sân bay, gửi về Việt Nam, tên và địa chỉ người nhận cũng là mình. Sau đó bạn tìm tuk tuk, anh bạn nhiệt thành tư vấn cho bạn cách di chuyển vào trung tâm thủ đô, đi tuk tuk hoặc taxi đều ược cả. Không ngần ngại bạn nói để bạn kiếm tuk tuk, ở Việt Nam dễ dầu gì ược đi tuk tuk bao giờ. Anh bạn chỉ luôn địa chỉ hostel cho bạn, ở khu đó có nhiều người Việt Nam, chắc bạn cũng sẽ an ủi được phần nào.



Tuk tuk ở Vientiane không giống ở Thái, không hề giống ở Cambodia. Nên lúc bạn ngồi lên một chiếc xe mà bạn phải hỏi đi hỏi lại bác tài xế rằng tuk tuk la? Tuk tuk la? Bác gật đầu mấy chặp bạn mới yên tâm hạ ba lô xuống. Gọi điện thoại nhờ anh bạn nói chuyện giùm vài câu để bác tài xế chở bạn về hostel. Lòng tin lại được bưng ra vì giờ phút đó bạn không biết là bạn sẽ ược chở đi đâu. Trung tâm Vientiane cũng giống Sài Gòn ở chỗ đường một chiều cũng nhiều lắm. Bác tài tuk tuk in như cũng không rành đường, chạy nhầm rồi lại quành ngược trở ra. Bạn cứ âm thầm ôm ba lô nhìn ra đường phố. Thưởng thức những phút giây đầu tiên ừng chân trên đất Phật. Sáng hôm ấy trời nắng nhẹ và trong. Xe chạy âm thầm, những góc phố âm thầm. Vientiane là thủ đo của nước bạn Lào. Mà bạn cứ ngỡ như đó là một thị xã nào đó của một tỉnh lị nào đó của Việt Nam vì vẫn còn ngủ yên trong một giấc mơ thiên lý. Lào hãy cứ âm thầm cứ nhẹ nhàng và bay bổng. Đó là lúc bạn biết rằng bạn đã yêu Lào từ những giây phút ban đầu nhè nhẹ thế này!



Bạn về hostel lúc mười một giờ trưa, chưa đến giờ check in nên bạn đành gửi đồ đi loanh quanh gần đó. Hostel cũng nhỏ, nằm giữa khu kiểu như Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn, nhưng dĩ nhiên là không tấp nập bằng rồi. Mấy bạn Tây cũng đang đứng ngồi la liệt, thụt billiard ngồi ngoài sảnh uống beer Laos tám chuyện trên trời dưới bể. Bạn đói, hôm đó rằm, ăn chay. Bạn nhịn từ sáng tới giờ nên phải đi tìm thứ gì đó bỏ vô bụng. Không biết tiếng Lào mà bên đây cửa tiệm họ không sử dụng tiếng Anh nên nhìn đâu cũng thấy toàn giun với dế. Bạn tấp đại vô một quán ăn bên đường, nhỏ xíu và thấp chỏm. Cô bán hàng không biết một chữ tiếng anh luôn! Bạn ôm bụng chỉ chỉ vào những món có khả năng là đồ chay, rồi kêu thêm một chai nước. Bữa trưa thanh tịnh chỉ với cơm dẻo như nếp và một ít bắp cải xào mặn. Cơm được đặt trong một cái thố tre nhìn thiệt lạ. Lúc tính tiền xong rồi thì thấy một cô gái Lào cười thật hiền đang giã lấy giã để một hỗn hợp gì đó bao gồm có tôm khô, đậu đũa, cà chua... Cô mời bạn ăn thử nhưng do ăn chay nên bạn không nếm được. Cứ tiếc hùi hụi vì mắt thấy là món này hấp dẫn lắm nhưng đành thôi.



Đường vê Sihome - là hostel của bạn ngắn ngủi. Giữa đường bạn gặp một đống đá xây ựng đẹp rụng rời. Những cục đá nhỏ nhắn đủ màu nằm tênh hênh bên vệ đường. Bạn nhặt lấy nhặt để, mưa rơi nhẹ âm thầm không cản được nhiệt huyết nhặt sỏi căng tràn. Bạn về hostel với một túi sỏi nặng oằn. Lúc check in bạn cười thật tươi với chị chủ nhà trọ. Một cô gái Việt Nam tóc dài và có giọng nói rất hiền.



Lúc bước lên phòng và mở cửa sổ, căn phòng nằm ở lầu bốn có khung cửa lá sách mở ra bao lơn nhìn được Vientiane với dòng Kong chia đôi bờ Lào - Thái. Sihome có cảm giác yên bình và gần gũi như một người bạn đã xa lâu ngày mới có dịp gặp lại! Nhắm mắt và mở cửa sổ, nghe thoảng nhẹ hương trầm. Hôm nay tĩnh tại, bởi lẽ hôm nay rằm! Bạn lại mỉm cười. Chuyến đi này lúc về có thêm những hòn sỏi nhỏ làm quà. Sỏi đá của Sihome.

tonphan
23-07-2014, 19:53
Cố gắng tạo thi vị cho mỗi chuyến đi, một mình, bằng cách tìm post card gửi cho mình! Cái cảm giác hai, ba tuần sau đó nhận được thư tay kèm card do tự tay mình gửi, ghi lại cảm xúc lạc lõng ở sân bay, niềm vui khi ngày mưa đi bộ loanh quanh một mình hoặc ti tỉ thứ mà ở khoảng khắc đó làm cho lòng lại lộn nhộn sóng! Lại muốn đi tiếp!


3. Một buổi chiều rơi

Giấc ngủ ngắn ngủi đủ để bạn hứng khởi lại rồi. Bước xuống quầy tiếp tân, hỏi chị Ngọc - chủ nhà trọ để thuê một chiếc xe máy, Wave tàu thôi, buổi chiều bạn đi vòng vòng Vientiane. Hôm nay Vientiane nắng nhẹ, cũng hiếm hoi lắm vì độ rày bữa nào cũng mưa. Lần đầu tiên bạn thuê xe máy, đi bụi cũng nhiều rồi nhưng mấy đận trước toàn đi ở ké theo kiểu Couch surfing, chủ nhà nhiệt tình chở đi chơi hoặc di chuyển bằng xe bus, MRT và đi bộ muốn lọi cả cẳng. Lần này bạn thuê xe, đi một mình. Thủ đô Vientiane nhỏ nhỏ nằm gọn lỏn trong một cái nắm tay, một buổi chiều rơi.

Buổi trưa còn vương nắng. Bạn lẻ loi chạy một mình, thả tốc độ thiệt chậm. Ở Lào, bạn thích vô cùng cảm giác muốn nhanh thì phải chậm trước đã. Lào please dont rush mà. Bạn cũng tập quen với việc không sử dụng còi. Ở quốc gia Vạn Tượng này, còi xe trở nên lạc lõng giữa phố phường tất bật. Xe vẫn mải miết chảy xuôi, người vẫn mải miết chảy xuôi. Chỉ có tiếng còi là bị quên lãng đi. Bạn trẻ lạ xa lần nào đó lỡ tay bấm còi là tự nhiên thấy mình rơi vào trong thinh lặng, tiếng còi như một vết mực loang, làm cho tổng thể bức tranh Vientiane âm thầm lặng lẽ bị phá vỡ. Và con người nơi ấy, họ cũng như người Việt Nam, bị phá vỡ riết rồi nên đâm sợ. Thì bởi, cũng đã qua mấy cuộc chiến tranh với người đi vạn lý biết bao nhiêu năm rồi mà.

Cứ chừng năm trăm mét, bạn sẽ gặp một cảnh chùa. Ở nơi này, chùa nhiều, tượng Phật rất nhiều. Có vẻ như người ta trên đường đi làm, phút nghỉ chân họ dừng lại cúi mình vọng Phật. Buổi chợ tan trên đường xa chưa kịp buổi tụng kinh chiều, thì ghé lại bên đường nhẹ nhàng thanh thản hướng về phía Phật. Phật có ở khắp nơi, Phật trong tâm tưởng, Phật trong nếp sống, Phật trong nếp nghĩ. Dân Lào với Phật tại tâm nên đi đứng cũng nhẹ nhàng, cuộc sống lặng lẽ chậm rãi trôi không cầu vội vã, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Có những nụ cười cô gái mà sau này chắc bạn sẽ còn ghi nhớ mãi. Là nụ cười của người con gái duyên dáng thanh thản đến lạ lùng một buổi chiều nào bạn một mình cưỡi chiếc xe Ware bụi đường rong ruổi. Phật ở trong tâm và Phật lúc nào cũng mỉm cười, bác ái và dịu dàng!

Bạn thả xe chạy thiệt chậm trên Đại lộ Lane Xang, từ góc tòa nhà Chính phủ đến Khải hoàn môn Patuxay. Đường lớn rộng thênh thang, đại lộ to đẹp nhất ở thủ đô Lào. Những nhà cao tầng ít ỏi, qua chợ Sáng, qua những hàng dài những ngân hàng và tòa nhà thị chính, Lào âm thầm và không ồn ã, bạn đang đi thiệt chậm ngay trái tim Vientiane, thấy chiều rơi âm thầm, nghe lòng bạn cũng khe khẽ âm thầm. Này là Patuxay mô phỏng kiến trúc của Champs Elysée nhưng vẫn đậm đà màu sắc Phương Đông, với những hình chạm khắc Kinari – nửa người phụ nữ và nửa chim, những phù điêu mô tả trường ca Rama và các toà tháp mang đậm phong cách của người dân nơi này. Bạn dựng xe ở một chỗ nào đó nằm trong khuôn viên quảng trường trước Victory Monument, không chèo kéo, không người giữ xe (bạn cũng không biết nơi đó có chỗ giữ xe hay không, vì quảng trường như kiểu vòng xoay bùng binh, lúc bạn đỗ lại thì không thấy bãi giữ xe, lát sau đi về, phía bên kia mới thấy chỗ đỗ xe, coi như không biết thì không có lỗi!). Bạn lội bộ lên nóc của Tượng đài Chiến thắng, phóng tầm mắt qua bốn phía của Vientiane. Ánh nắng chiều rơi nhẹ nhàng . Qua những ô cửa tò vò, bạn thấy Vientiane thật hiền! Nhiều người sẽ đâm nản với một cô gái hiền ngoan và đôi chỗ hãy còn lạc hậu. Nhưng bạn thì khác, chắc có lẽ bạn đã không còn tuổi nào cho những nông nổi vỗ về. Bạn lần khân bên những ô cửa tò vò dưới những góc cầu thang lắc lẻo, ở đó, bạn nghe tâm hồn mình nức nở. Là yêu!

Chiều hôm rằm. Bạn phải đi chùa chớ. Đi Wat That Luang, quần thể chùa lớn nhất Vientiane. Hôm nay rằm nên lượng người đến chùa đông đảo. Mùi nhang rộn ràng bay theo nắng. Ánh nắng chiều xiên xiên qua những bước chân người rạp mình dưới chân tượng Phật. Wat That Luang theo truyền thuyết là một trong số ít ngôi chùa của đạo Phật trên thế giới có lưu giữ xá lợi của Đức Phật. Wat That Luong gồm một tháp chính sơn son thếp vàng và rất nhiều công trình phụ. Bạn đi một mình, lại chạy xe máy nên cứ rề rề chạy vòng quanh kiến trúc này. Đôi chỗ ngừng xe lại, vào đền thắp hương bái phỏng Đức Phật, tâm cố gắng tịnh, thấy rong rêu phủ lan trên những gờ tường. Rêu phong nảy nở nơi đất Phật, cũng thấy có màu xanh ngăn ngắt thiệt buồn.

Trên đường chạy về thì bạn bị công an giao thông Lào bắt lại, ở một góc ngã tư nào đó khi bạn đang dừng xe chờ đèn đỏ và lúi húi cắm đầu vô bản đồ để tìm đường đi. Bạn chậm rãi dành thời gian một giờ đồng hồ ngồi chơi xơi nước ở bốt cảnh sát. Bạn đã đọc đâu đó rồi rằng cảnh sát ở Lào cũng chịu làm tiền du khách lắm nên cứ tự do nhởn nhơ từng khoảnh khắc này! Cuối cùng thì cũng vì tiền, bạn vui vẻ móc ra đặng mua cho mình một chút gì đó còn sót lại của một buổi chiều quạnh quẽ. Nắng hanh vàng mỗi bước chân qua!

Trời tắt nắng bạn trở về hostel. Đêm đó bạn đi chùa nghe tụng kinh ở một ngôi chùa nằm sát rạt bên bờ sông Kong. Đêm rằm trăng sáng vằng vặc soi rõ mặt người. Theo tiếng kinh cầu bạn trở về với bản ngã của sự đơn lẻ. Một mình nhưng có gì đâu khi vẫn thấy vui!

Chắc là bạn bỏ rơi mất mảnh hồn nào ở buổi chiều lặng nhẹ ở thủ đô Vientiane mất tiêu rồi!

tonphan
21-08-2014, 12:37
Buổi tối đầu tiên ở Sihome, phòng có sáu giường, bạn nằm ở giường số 3, tầng 1. Phía trên là một cậu nhóc dễ thương người Tây Ban Nha - Louis, bên giường đối diện là bạn gái của cậu ấy, Adriana (nếu bạn nhớ không lầm và ờ, viết đúng). Kia nữa là một thanh niên trẻ râu tóc bờm xờm bụi bặm, mắt hí, da vàng và một củ khoai Tây ít nói, lặng lẽ. Giường cạnh bạn là một cô gái, mũi tẹt, da vàng và mắt hí. Tối hôm đó, hai cô cậu Tây Ban Nha là cầu nối, nói chuyện với bạn và những người còn lại, trừ củ khoai Tây chả biết đến từ nơi nào vì sau một buổi chiều lừ đừ với Beer Laos, củ khoai Tây mềm nhũn nằm trùm mền rên hự hự. Bạn cũng lặng lẽ và không nói chuyện nhiều, quấn mền đi ngủ sớm lúc đồng hồ chỉ mười một giờ đêm, đêm Lào yên tĩnh và bình lặng. Thanh niên trẻ râu tóc bờm xờm bụi bặm với cô gái, mũi tẹt, da vàng và mắt hí thì cũng không nói chuyện gì với nhau. Biển Đông sóng dậy ầm ào. Đừng hỏi bạn vây chớ hai người kia đến từ nơi nào?

Ngủ một đêm sáng dậy mới nhớ ra, vậy chớ bạn đi Lào làm chi? Tìm bình yên và tĩnh tại mờ mắc cái gì tiết kiệm một cầu chào, một lời thăm hỏi. Thanh niên trẻ mắt hí dậy sớm, ở nhà vệ sinh chung bạn khẽ khắng chào buổi sáng, hỏi ngủ có ngon không? Thằng nhỏ cười! Cô bạn mắt hí giường kế bên còn ngủ. Lúc trời đã sáng bửng rồi, bạn cũng đã sửa soạn xong rồi cho một ngày lê la mới, ở chỗ cửa ra vào, khi nhẹ khép cửa tránh tạo tiếng ồn, bạn thấy cô gái vừa mới tỉnh dậy, mắt hí cũng giống bạn thôi, hấp háy thật hiền. Thoáng qua thôi nhưng tự nhiên cũng thấy âm ấm lòng! Một cô gái lẻ loi đi bụi một mình! Cô gái ấy đến từ Trung Quốc (vì sao bạn biết thì ờ, đó là chuyện của chương tiếp sau!).

3. Sáng ấy Lào mưa

Hostel có phục vụ bữa sáng. Bạn ngồi ở sảnh, ăn chung với bạn thanh niên trẻ. Hoá ra thằng nhỏ là dân Hongkong, sinh viên thôi, đang đi bụi ở mấy nước Đông Nam Á! Mới đầu hắn định đi Trung Quốc, nhưng Hongkong với Đại lục mấy hổm nay đang có biến, nên hắn đổi kế hoạch, đi Lào, Thái Lan và Miến Điện. Hắn đến Vientiane hai ngày rồi, chút trưa hắn sẽ đi Vang Vien. Bạn hỏi thăm một số chổ có thể đi ược trong một buổi sáng ảm đảm như thế này. Chàng trai trẻ nói đi Vườn Phật đi, cách Vientiane không xa, Vientiane thì nhỏ xíu rồi, nhưng Vườn Phật thì đi cũng được, nó chỉ là một khu vườn, ờ thì đúng chỉ là một khu vườn, có nhiều tượng Phật, vậy thôi. Đi thì cũng được, đi đi. Đó là chính xác lời bạn trẻ nói. Bạn cũng hổng có nhiều lựa chọn, sáng nay trời mưa lâm râm, cũng không có nhiều chỗ để đi, thì thôi đi thăm tượng Phật vậy!

Vườn tượng Phật nằm ở ngoại ô thủ đô. Con đường đi đến Vườn cũng không xa lắm. Mới đầu bạn định tiếp tục thuê xe máy, vì hôm qua bình xăng đổ đầy, vẫn chưa đi hết nên vẫn còn tiếc. Nhưng hỏi đường đi thì chị chủ nhà trọ cũng bảo xa lắm em ạ, đường lại không có tên theo mẫu tự ABC nên chị cũng không biết chỉ làm sao. Thế là lại lóc cóc lên mạng tìm đường đi vườn Tượng Phật. Sau đó thì bắt đầu đội mưa đi ra chợ Sáng, cách hostel khoảng chừng 3 cây số. Cạnh chợ Sáng là trạm xe bus trung tâm, kiểu giống như trạm xe bus ngay chỗ chợ Bến Thành vậy. Xe đi vườn Tượng Phật xuất bến liên tục, có lẽ do đây là đoạn đường giao thông chính, vì bến cuối của tuyến xe này là cầu Hữu nghị đi qua cửa khẩu Noongkhai, biên giới giữa Thái Lan và Lào.

Quãng đường di chuyển không xa lắm, ngồi chưa nóng chỗ, chưa kịp ngắm đường và những gương mặt người thì đã đến bến rồi. Tất cả mọi người đều xuống ngay tại cầu Hữu nghị, còn bạn thì ngơ ngác, hỏi cô soát vé ủa ủa tới chưa sao thấy người ta đi xuống hết rồi. Cô soát vé cười thiệt hiền, chỉ chỉ tay nói ngồi xuống đi cưng, qua bên kia, mới tới. Xe đánh một vòng bùng binh ngay cửa khẩu, rồi cô soát vé kêu bạn xuống. Hóa ra, đường đi vườn Phật chỉ có bus một nửa, nửa đường còn lại - xa hơn, trắc trở hơn vì đường đất đỏ chưa biết khi nào mới được sửa chữa lại - bạn phải đi bằng tuk tuk. Ờ thì đi tuk tuk, ngồi lặc lư cả buổi mới tới. Trời lúc này cũng đã hưng hửng nắng lên rồi. Thứ nắng nhẹ sau cơn mưa rề rà buổi sáng. Mà nắng vậy thôi chớ bầu trời vẫn cứ ảm đảm một màu! Màu của khói!

Mất khoảng ba mươi phút từ cầu Hữu nghị đến vườn Tượng Phật. Ở đó bạn mua vé, đi vào vườn. Khu vườn yên tĩnh, nằm nép ở một khu vực ngoại ô, với mặt sau quay ra bờ sông, cây nhiều và ngăn ngắt màu xanh của cỏ. Những bức tượng nằm âm thầm, thở những trở trăn về một giai đoạn đầy biến động của đất nước Vạn tượng xa xưa. Tượng Phật rất nhiều, ở đâu cũng nhìn thấy tượng hết. Không có tourguide nên bạn đi kiếm quầy thông tin và phòng truyền thống. Đọc lấy đọc để rồi bắt đầu hành trình đi qua những tượng Phật. Không có nhiều du khách chọn nơi này làm điểm đến. Chắc có lẽ như bạn trẻ Hong kong nói, ờ thì chỉ là vườn với tượng Phat, nên chưa đủ sức hấp dẫn những du khách đến từ phương xa. Nhiều người thích sự ầm ào, đến đây chắc sẽ ngủ, vì sớm nay trời rặt màu khói. Và khu vườn lại toàn là những đối thoại của những gương mặt Phật im lìm.

Dành hơn hai giờ đồng hồ ngắm trời ngắm đất ngắm tượng Phật xong rồi thì bạn đã bắt xe tuk tuk quành trở ra. Kiến cắn bụng rồi nên bắt đầu thấy đói. Ngay chỗ cửa khẩu, người ta bán buôn tấp nập ê hề! Cảnh này làm bạn nhớ đến cảnh qua phà ở mấy tỉnh miền Tây hồi xưa chưa xa. Miền Tây quê mình hồn hậu và chơn chất, là những trẹt bánh ú, bánh tét, mấy xe cóc ổi mía ghim, mận, xoài y chang như Việt Nam. Mưa tháng bảy lắc rắc để thương để nhớ vào lòng người. Mưa ướt áo mất rồi, không mang theo áo mưa, giày lẹt đẹt rớt nước. Bạn chạy nhanh lên xe bus. Ngồi nhìn mưa rơi âm thầm và lòng bạn cũng âm thầm. Chuyến đi ngắn ngủi vậy là trôi qua hết phân nửa rồi. Bus dừng ở chợ Sáng, mưa cũng nặng hạt nên bạn phải vô chợ Sáng, tìm mua áo mưa, tìm cái gì đó bỏ vô bụng. Khu ẩm thực ở chợ cũng rộn ràng, thì ngay giờ trưa mà, trời lại mưa nên người ta đi tới đi lui đông như trẩy hội! Bạn ăn thử món bún riêu, thấy ngon! Chắc tại do đói!

Đi qua nửa ngày nơi miền đất xa lạ, yên tĩnh mà gần gũi. Mưa rụng rời cho những tâm sự âm thầm. Sáng hôm ấy trời mưa. Nhưng lòng người, thì đã hưng hửng nắng!

tonphan
25-08-2014, 18:26
Hostel mang phong cách trẻ trung. Trước nhà có mấy dãy bàn ghế con con, ở đó lúc nào cũng có mấy bạn Tây ngồi hàng giờ đốt thuốc, nhâm nhi beer Laos, nói chuyện kết bạn ta bà... Bên trong là bàn billiards. Thằng nhỏ phụ việc xăm trổ đầy mình lúc hứng lên là rủ hết người này đến người kia làm vài cơ cho đỡ buồn tay! Phía sau cầu thang là phòng chờ, hay xuất hiện mấy củ khoai Tây nằm ngủ ơ hờ trong đó. Lên cầu thang là một không khí khác, đi khẽ nói nhẹ và cười duyên.

Trong những gương mặt người đó, cuối cùng cũng quen mặt và biết tên một vài kẻ. Toàn một bọn quỡn đời hứng chí ta bà, có đứa nghỉ việc, có người đã ly thân, có kẻ vừa kết thúc khóa học, có người sau khi vẫy vùng sương khói, đi để trở về.


5. Dòng Kong của tháng năm không bao giờ trở lại (Hết)

Buổi trưa đi Budda Park về, không có chuyện gì mần nên bạn lóc cóc xuống nhà dưới tụ tập với mọi người. Mưa nhẹ nhẹ, mỗi người kêu vài chai beer nhấp cho vui! Ông bạn lớn nhất hội - người Mỹ gốc Hongkong khui ra thêm một trái sầu riêng, beer uống chung với sầu riêng, đắng nghét. Mấy gương mặt đỏ lựng lên, nói chuyện trên trời dưới bể. Mới đầu có vài tên thôi, sau lại kết nạp thêm nhiều bạn mới. Một bạn đến từ New Zealand, hơn bạn một tuổi, nghỉ việc từ mấy tháng trước - một công việc theo ý bản là chán phèo, kế toán cho một công ty tư nhân. Sau đó bản đi ta bà khắp tiểu vùng Mekong, vừa đi dọc hết dải đất hình chữ S. Bản nói với bạn bằng cái thứ tiếng Việt lơ lớ mà bạn cười đến mức mùi sầu riêng sộc lên mũi ngai ngái cả một buổi chiều Vientiane mưa buồn (Hai tiếng "Phở bò"). Câu chuyện của bản bắt đầu với việc gom hết tiền dành dụm sau ba năm đi làm, xin nghỉ việc, cứ thế xách ba lô lên mà đi. Chàng trai mũi cao dong dỏng với nước da trắng, mắt xanh ấy đã đi hết mấy nước Asean rồi, sau Lào, bản sẽ đi Miến Điện, sau Miến Điện, là trở về quê nhà. Trong khoảng thời gian đó, bản đã kịp nộp đơn cho một công ty bên Mexico, và sau khi về thăm gia đình, bản sẽ tiếp tục một hành trình mới, một mình nhưng cũng đầy hấp dẫn. Bạn nói, hay quá chừng, ước gì bạn cũng có đủ can đảm như bản, rứt hết những ràng buộc trói bỏ mình, tự do đi, nghỉ việc và đi. Mark cười, nói vậy thôi chớ nhìn là biết trong ánh mắt cũng như suy nghĩ của củ khoai Tây mắt xanh mũi lỏ ấy, người Việt Nam da vàng mũi tẹt mắt khăm khẳm hí như bạn, thì vẫn còn là một xứ gì mông muội lắm. Như cái kiểu bản nhăn mũi khi người ta mời bạn ăn múi sầu riêng, cứ nhẵn mũi, và từ chối! (Bạn thì khác, bạn đi và sống, theo cái cách lăn xả vào những mới mẻ và không ngại trải nghiệm).

Những cô cậu sinh viên trẻ, ngồi nói chuyện té ra toàn dân trẻ trung phới lới tuổi đời. Họ đi chơi sau ba năm nghiền đít trên giảng đường, có người đi dạy học theo một chương trình tình nguyện tới miền Nam Thái Lan (hai anh chàng người Mỹ, một thằng rất tếu, nói chuyện liên hồi. Thằng còn lại ít nói, hay ngồi im rít thuốc, khói lờn vờn bay trên cặp kiếng cận lúc nào cũng có vẻ bù xù). Ông bạn Tây Ban Nha đến sau, hàm râu quai nón che mất tiêu khuôn miệng cười ngọt lịm. Ông bạn đi một mình, đến hostel vào buổi chiều, vẫn còn mệt nhưng vẫn tấp nập những nói cười. Cái cô gái Bắc Kinh chung phòng với bạn cũng đã trở về, cũng được mời vô chung bàn nói chuyện cho vui. Hỏi cô ấy đến từ đâu, màn dạo hỏi ban đầu trở nên căng thẳng trong một phút giây nào đó. Cô ấy cười nhỏ nhẻ, trả lời cũng nhỏ nhẻ. Ờ thì tui đến từ một nơi nào đó, somewere somewhere. Ai cũng có câu trả lời cho riêng mình. Sau một hồi nói chuyện thân thân, cô cũng trả lời nghiêm túc và thẳng thắn, cô đến từ Bắc Kinh - Trung Quốc. Một cô giáo tiểu học hai mươi lăm tuổi, đi nghỉ hè, một mình! Cô nói tiếng Anh giọng Mỹ chuẩn. Mắt một mí, da ngăm ngăm cười rất có duyên. Hòa nhập tốt với mọi người, cuối cùng, hai kẻ có quốc tịch Á như bạn với cô ấy, lại kết thành một cặp. Cũng có sao đâu. Hai người đều buồn, nên gộp chung lại, lại thành vui!

Đêm xuống nhanh. Cả nhóm hẹn nhau buổi tối sẽ ra chợ đêm ven đê ăn tối. Nhóm gồm có chín người, chín quốc tịch, màu da, mắt, mái tóc khác nhau. Những cái bắt tay chào hỏi và những câu chuyện nối dài thành ra những gương mặt xa lạ đã thành thân thuộc. Chờ mọi người xuống đông đủ, thế l;à rồng rắn kéo nhau đi bộ ra sông Kong. Đường ra bờ sông ngắn xịt, xe cộ giờ chiều đông đúc, phần do ngay chỗ bạn ra ăn tối là kiểu khu trung tâm, tập trung rất nhiều nhà hàng riverside, chợ đêm... tá lả. Mưa cũng đã ngớt lâu rồi, đêm mười sáu trăng tròn, nên người người nhà nhà đổ ra đường. Chợ đêm chưa nhóm đã thấy đông vui!

Chúng tôi gọi lẩu. Hai cái lẩu lửa lục bục soi chín gương mặt người đủ mọi màu da, thứ tóc. Chúng tôi cũng kêu beer, loại beer rẻ tiền mà cũng dễ khiến người ta chếnh choáng. Và ngồi bên dòng Kong đêm trăng mười sáu ngẩn ngơ treo đầu, bên kia dòng là một quốc gia khác rồi. Đêm cuối cùng ở Vientiane. Ngày mai bạn sẽ bay về nhà. Ngày mai Sophia và Mike cũng bắt bus đi Vang Vien. Ngày mai Eden cũng sẽ xuôi qua dòng kia đi Chiang Mai. Và Mark sẽ cùng tôi bắt tuk tuk ra sân bay, từ đây bạn sẽ đi Miến Điện, sau đó là Mandalay, và sau đó nữa là New Zealand và sau đó nữa... Ờ thì ai mà biết được, chuyện ngày mai cứ để ngày mai tính!

Đêm đó vui. Chúng tôi cứ ngồi đó, nói hết chuyện này đến chuyện nọ. Sự khác biệt về văn hóa cứ dẫn chúng tôi đến những chân trời mới. Ở quê mình cái này là thân thuộc nhưng ở chỗ khác, quốc gia khác, đã là một trời mới mẻ, đầy hấp lực. Bạn sẽ nhớ mãi những gương mặt người đã chập chạp trôi qua đời này, vào một khúc giây này. Với dòng Kong chia đôi bờ Lào - Thái đẹp mơ màng trong đêm trăng sáng. Đêm trăng sáng cho người nhìn rõ mặt người. Đêm trăng sáng cho lòng mình tĩnh tại! Đêm trăng sáng cho những tháng năm thanh xuân chưa bao giờ ngừng lại! Và sông vẫn cứ mải miết chảy xuôi, cho người tìm đến với nhau, nơi nào đó có hạnh phúc.

Có những tiếng cười như vỡ mất nơi phía cuối còn đường. Chỉ còn lại là những cái nắm tay nhẹ như khói. Trở về hostel khi đồng hồ chuyển mười hai giờ đêm. Bạn đi ngủ. Miệng vẽ một nụ cười. Tối đó, bạn ngủ say!


Qua ngày hôm sau bạn xếp ba lô, lên tuktuk chung với Mark ra sân bay để trở về. Chào tạm biệt Mark nơi quầy check in. Nhắn tin cho ông anh người Lào để cám ơn vì đã giúp đỡ thông tin cũng như hẹn gặp lại, một ngày nào đó. Lên máy bay, phóng tầm mắt xuống sân bay Lào đìu hiu quạnh quẽ, ôi Vientiane thật là yên lặng quá. Ngày đến vẫn thế, ngày đi vẫn cứ như thế. Hãy cứ chậm trôi đừng vội vã. Để dù cho mười hay hai mươi năm nữa có cơ hội trở lại nơi này, bạn vẫn sẽ được người bạn này chào đón bằng tất cả những trinh nguyên, đìu hiu, buồn và yên ả như thế này, Lào nhé.

Sau chuyến quá cảnh ở Phnompenh, máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất lúc 3 giờ chiều. Thói quen đầu tiên là mở điện thoại lên gọi cho mẹ. Con đã trở về.

- Tháng bảy năm nào đó, có người yên ả những bước chân - xa!

tonphan
25-08-2014, 18:36
https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=116771&d=1405596701

Sỏi đá ở Sihome - Những hòn đá nhỏ nhỏ, có cái để mần quà!

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=116770&d=1405596701

Sân chùa vắng!

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=116766&d=1405596467
Hoa nở trên những đền đài cũ

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=116765&d=1405596467

Những khung cửa sổ đẫm hương trầm

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=116764&d=1405596467

Kong một chiều rơi

https://www.phuot.vn/attachment.php?attachmentid=116763&d=1405596467

Patuxay của tháng năm không bao giờ trở lại!

tonphan
03-09-2014, 20:08
Một vài bức ảnh còn sót lại khi đào mộ cái laptop sắp sửa die, về chuyến đi Phil, đâu hồi năm ngoái!

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t34.0-12/p417x417/10437299_798421443502825_803378812_n.jpg?oh=acbda7 56342f7b18fe9277f3a9ca814c&oe=54095EC8&__gda__=1409900898_49d1228415e15e9bdc8fdb9d676a5e5 6

Hoàng hôn ở Cebu Mactan

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t34.0-12/p417x417/10438782_798421236836179_639521813_n.jpg?oh=23b2b3 5c68ca6f292ad0b718a9d32601&oe=54095DCC&__gda__=1409911603_7ff61fc22c2106a7fb79f91d50e451a 3

Những quãng ngắn vủa buổi sáng Makati còn ngái ngủ.

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t34.0-12/p417x417/10456288_798421376836165_1514649500_n.jpg?oh=dcda4 aec5b380e0c63fc8ca1db017aff&oe=540964AE&__gda__=1409900984_6b0e274c59a987ce9d70e27643837f4 6

Mờ sương bến Ormoc nhưng ngày Haiyan chưa tan.

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t34.0-12/p417x417/10425584_798421410169495_715685235_n.jpg?oh=f4c27d 255f38d48c0ff14672434abfe9&oe=54094F58&__gda__=1409905447_1feee14093bebbf2a359f50e348d00f 3

Và Intramurus với dấu ngựa âm thầm.

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t34.0-12/10423604_798477303497239_1926542025_n.jpg?oh=b857b ecd9b9f096851a53d994e5326fc&oe=54096727&__gda__=1409915511_aa362a165da0c4ca0aa1c9327ac2101 4

Sự ngổn ngang ở một làng chài ven biển.


https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t34.0-12/10419840_798477066830596_1703708892_n.jpg?oh=04086 78c7b15c0e0692adcfc848addfb&oe=540913B2&__gda__=1409904913_d7db3b4e7e806050aea31f13c52fda3 f

Chỉ có trẻ con là vẫn hồn nhiên nhìn sự đời lạ qua!

tonphan
08-10-2014, 20:30
MÙA THU DU KÝ - BẠT


Trên bước đường rong ruổi, một lần anh gặp một người bạn trẻ. Người bạn trẻ ấy đã leo lưng chừng dãy Hy mã lạp sơn những ngày đông lạnh giá, đã bước nhưng vòng Kora ở điện Potala, ăn hủ tiếu ở Mỹ Tho, ăn ếch nhái, dế mèn, dế nhũi.. ở mấy xe bán dạo ven đường ở Cambodia, ngủ đêm ở một ngôi chùa cổ nằm trong một hốc hẻm nào đó của Lào và nhiều nhiều những trải nghiệm khác nữa. Bạn trẻ nói với anh bạn thích Burma lắm. Anh ngẩn ra thế Burma là nước nào, ở đâu và nó ra làm sao? Bạn trẻ cười, nói với anh rằng Burma vẫn còn nhiều bí ẩn và cũng đẹp bụi bặm đến ngỡ ngàng.

Vậy là Burma len lén rót vào lòng anh những ngọt ngào rù quến. Tháng giêng anh lên mạng tìm thông tin. Burma ám ảnh anh bởi những bài viết và hình ảnh đẹp đến vô thực từ những người đã may mắn đặt chân đến đất nước này. Tháng ba, anh đặt vé máy bay. Từ nơi anh ở không có chuyến bay thẳng tới Burma, nên anh phải bay vòng qua Thái. Đặt vé xong rồi thì anh cũng muốn quên luôn, vì thời gian bay còn xa xôi lâu lắc quá mà. Hết tháng năm, anh lên mạng tìm bạn đồng hành. Đầu tháng mười, cuối thu, anh sắp sạn hành lý và quảy ba lô lên đường. Burma như một cái duyên anh chờ đợi mãi. Và cuối cùng, anh đã đặt chân qua.


Mưa mùa thu âm thầm nhè nhẹ. Chuyến đi của anh thì lại gấp rãi và gập ghềnh. Nhưng mà ai biết được, Burma mùa này lại dịu mát, cứ như thế mà dịu dàng để ngỏ những niềm thương bền sâu trong lòng. Nhắn tin cho bạn trẻ, nói anh đã đặt chân tới Burma rồi. Từ xử sở chuột túi, bạn gửi cho anh dấu mặt cười.


Nếu muốn đến Burma, hãy đi ngay trước khi nơi này không còn nguyên sơ và không còn là Burma của những khói bụi mịt mù, đường xa vạn dặm nữa!


1. Hành trình bắt đầu
2. Những đêm không ngủ
3. Chạy theo ánh mặt trời
4. Vó ngựa Bagan
5."Không - tên"
6. Bao lâu nữa cho những vàng mười này?



https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/1012398_865676653443970_8062739462780240340_n.jpg? oh=c5b523b03376d48e4a1d007385fcb661&oe=54C75161&__gda__=1421042984_7289091057c15444a1443a271f0f27a e

Bóng dừa

https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-9/1794665_865516736793295_9162170901346589439_n.jpg? oh=494e97b9d019f81fe314c93b9f61dac0&oe=54C1473B&__gda__=1421747051_b1dd2ab334f41b1ae07081f236a97e1 8


Trên cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới. Lặng nhìn hoàng hôn trôi.

remimotao
08-10-2014, 21:10
đọc bài của anh mà thấy hồi hộp quá tuy nó đã qua rồi. cơn bão đang đến mà các anh tiến về nó không thấy sợ sao ?

tonphan
13-10-2014, 20:57
MÙA THU DU KÝ (1) - HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU


Từ Hà Nội, muốn đến Burma, chỉ đơn giản là đặt vé máy bay bay thẳng từ Nội Bài qua Yangon, sau đó, sẽ là những ngày rong ruổi trên miền đất vàng. Nhưng anh lại ở miền Nam. Từ Sài Gòn, hiện vẫn chưa có đường bay thẳng tới Myanmar. Vậy nên, nếu đi bằng đường hàng không, chỉ có cách duy nhất là quá cảnh ở một quốc gia khác có đường bay nối chuyến tới xứ sở của chùa chiền, đạo Phật, của Longi, của những người đàn ông và đàn bà nhai trầu trầm tư bên một cảnh chùa nào đấy... Một số anh em đi bụi lượt phượt có thể chọn đi bằng đường bộ, cũng qua mấy nước Đông Dương.

Dù bằng kiểu nào, anh đều nghĩ rằng ấn tượng mà Burma để lại trong trí nhớ của mọi người, mãi cho đến những tháng ngày sau này, sẽ rất dài, sâu và nồng đậm. Bằng một nỗi nhớ chưa vơi chưa cạn, anh lại trở về với chuyến đi của mình.


1. Hành trình bắt đầu

Những sợi mưa thu bàng bạc rơi từ tháng tám bắt qua tháng chín. Quãng ấy Dầu Hạ cũng mưa nhiều, cứ chợt mưa rồi chợt nắng, ẩm ương như cái công việc của anh những bận gần đến cuối năm. Anh làm trong nhà băng, công việc cuốn anh đi qua những cơn mưa đầu mùa đến rất nhanh, đi rất nhanh, đi qua những cơn mưa nấm mối rộn ràng, qua thêm một mùa nước nổi về dâng ngập ruộng, bông điên điển nở vàng rộm cả những quãng sông.

Anh không chuẩn bị nhiều cho chuyến hành hương về đất vàng này. Bởi trong suy nghĩ, anh cho rằng mình đã có quá nhiều kinh nghiệm đi bụi một mình tới những vùng đất xa lạ rồi. Anh chỉ thấy ám ảnh, những nụ cười cô gái thoa thanaka và ráng chiều rơi trên cây cầu cổ trăm năm. Những hình ảnh ấy đôi khi rạo rực bước chân anh những bữa đi làm về, những lúc anh thấy buồn, lòng quạo quạo muốn xách của nả lên mà đi.

Đôi khi anh cũng muốn ngày tháng hãy trôi qua thật nhanh, nhanh hơn nữa. Chuyến đi như một gánh nặng. Anh cũng thấy mình già, đi như một cách để trả nợ quỷ thần. Là một anh luôn mệt mỏi, chìm nổi trong đống công việc. Rồi thì một cách âm thầm, tháng mười đến, mưa thu cũng đã tàn. Những cơn mưa cuối mùa mang anh vào một ngày cuối thu nắng rất nhẹ nhàng. Chiều hôm ấy tan sở, anh gói hành lý trong một cái ba lô hành trang nặng sáu kg, nhẹ nhàng xách xe chạy xuống Sài Gòn. Chuyến bay đêm từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok bị chậm mất nửa tiếng. Trong cơn ngái ngủ và rệu rã sau một ngày bận túi bụi với núi công việc, anh bước lên máy bay mà thèm đau thèm đớn một góc nhỏ có chỗ để nghỉ ngơi. Sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, anh bước ra khỏi máy bay, ngầy ngật và mệt mỏi. Mới đó mà anh đã bước chân trên một đất nước khác rồi.

Chuyến hành trình coi như đơn lẻ. Anh nằm ở sân bay, cạnh bên có tiếng của mấy cậu trẻ người nước ngoài mua beer về nhậu chay ngay trên nền đất. Không lạnh lắm nhưng anh bị mắc chứng khó ngủ. Những tiếng người cứ oang oang vọng vào đầu. Anh không ngủ được. Dậy, xem đồng hồ đã ba giờ sáng. Anh lết thết đi dọc ngang sân bay Don Muong, coi chỗ này, nhìn chỗ kia. Mắc cười vì tụi Tây ba lô nằm nghiêng nằm ngửa phơi bụng trắng ễnh, đàn ông đàn bà con trai con gái tụ lại với nhau ngủ ngấc ngủ ngơ.

Anh giở sổ ghi chép. Hành trình của anh có bốn ngày, từ đêm thứ năm đến cuối ngày thứ hai của tuần đầu tiên cảu tháng mười cuối thu. Chuyến đi qua ba quốc gia, năm thành phố. Trong ví anh định sẵn chỉ đem theo hai trăm đô Mỹ, anh cũng không định đổi tiền Bath vì Bangkok chỉ là một điểm dừng, anh cũng không định sẽ tiêu xài gì cho chuyến đi hành xác hành hương này. Năm thành phố anh đi qua, sẽ có những đêm anh vỗ về giấc ngủ trên xe bus đêm từ thành phố này qua thành phố khác. Sẽ là những ngày liền không tắm. Lúc xách ba lô anh quên mất giắt theo tuýp kem đánh răng nên phải lộc cộc tìm chỗ để mua (mà trời, ở Don Muang lại không thấy chỗ nào bán!). Anh đi vội vã quá nên quên đem cái này, thiếu cái khác. Mà anh cũng kệ, chuyến đi này anh đi bụi hết cỡ, nên anh cũng chẳng muộn phiền gì. Anh nghĩ nghĩ lại thấy vui. Đôi ba bận có người biểu anh kể lại mấy chuyến du hí, lời vụng về anh hay bãng lãng theo cái kiểu, mỗi chuyến đi anh gắn kèm theo những kỷ niệm, và kỷ niệm thì đâu có mua bán được gì nên dẫu vui, buồn gì, cũng nhớ. Những kỷ niệm thuộc về nỗi nhớ. Đâu có dễ để quên.

Dấu chân anh sẽ ngừng ở sân bay DMK một đêm, sau đó anh lên máy bay bay đi Mandalay, một thành phố khá năng động của Myanmar. Anh sẽ dành nửa ngày để đi thăm thành phố đã từng là thủ đô của Miến Điện thuở xưa. Chiều tối anh lại quày quả bắt xe bus vượt 250 cây số đường dài đặng đi Bagan, với những dấu ngựa âm thầm, với hơn 3000 đền đài, chùa tháp nghìn năm trơ cùng tuế nguyệt. Vẫn chưa được tắm, anh sẽ dành trọn một ngày từ lúc mặt trời mọc cho đến khi hoàng hôn buông trên những đỉnh tháp đẹp nhất thế giới. Sau đó anh lại tiếp tục - vẫn chưa - được - tắm bắt xe bus đêm từ Bagan vượt tiếp 750 cây số về lại Yangon. Kể từ năm 2006 trở về trước, Yangon là thủ đô của nước Myanmar. Sau này thủ đô mới dời về Naypyidaw, để lại cựu đô với những dãy nhà xây từ thời thuộc địa hoành tráng nhưng nay đã rệu rã và hoang tàn.

Nhiều người sẽ nói rằng đó là một kế hoạch không hay chút nào. Nếu làm ngược lại, đi Yangon, sau đó đi Bagan, về Mandalay, sau đó về lại Bangkok, đó là hành trình chính thống từ đời nào giờ của dân đi bụi. Anh làm điều ngược lại, và đôi lúc anh thấy phải chi mình đi Yangon trước, sau đó về Bagan cảm xúc của mình còn vỡ òa hơn nữa. Nhưng trái tim anh lại phản bội anh mất rồi. Nếu không phải những giờ phút đó, liệu anh có chạy theo cơn mưa chiều Bagan để cầu cho mặt trời hãy ló dạng lên ở cuối đường chân trời, để cầu vồng thắp những màu sắc rạng rỡ cho người với người lạ xa mà cùng xuýt xoa với nhau hay không? Hoàng hôn trên cầu Ubein cũng sẽ không đáng nhớ nếu anh không gặp sự cố với mấy món ăn đường phố, và cây cầu dài ngoằng sẽ không in hết dấu chân anh nếu anh không mò mẫm khi trời đã lặn hết cuối mặt hồ. Sẽ không có ba tiếng đồng hồ ngủ lại trong ngôi thiền viện, một cảm giác phiêu lưu khi nửa đêm về sáng ngồi sau xe tải để mưa tạt vào mặt ướt át mà tìm chỗ ngủ.

Và ờ thì không giống ai nhưng anh đã đi và đã trở về. Anh mừng vì mình đã trở về. Anh cũng mừng vì kiểu gì anh cũng đã sống những tháng ngày thanh xuân sôi nổi nhiệt huyết nhất. Chuyến đi không buồn, chỉ có lời anh rải ra sao lại bát ngát buồn thiu như thế này. Anh cũng không biết nữa. Chỉ có mưa thu là bao đời vẫn cứ rải rác những giọt buồn thương thôi! Và ai mà biết đâu!

https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-9/10734237_868734676471501_6095834121823804880_n.jpg ?oh=ed009d20fd7fbccbe1cb2096f6b934c0&oe=54F5B555&__gda__=1421318243_a5c101bd500cde15aa38acd03eebc52 a

Chỉ có mấy tiếng đồng hồ dành cho Mandalay nên chắt chiu từng khoảnh khắc. Nhất là khi chiều rơi rơi trên cây cầu trăm năm ngàn năm.

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/1782143_868729159805386_981939844864797583_n.jpg?o h=ea764df93b1139a57dabc52e911ef5eb&oe=54AC8D0E

Là duyên. Mưa đổ xuống vào chiều Bagan, ướt rượt mấy dấu chân ngựa buồn. Rồi thì mưa tạnh, có cả cầu vồng. Và may mắn là dưới chân những đền đài, mưa thu đi qua có mình đứng lại mà ngẩn ngơ.

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xaf1/v/t1.0-9/10150534_868639883147647_8489830871132612075_n.jpg ?oh=9ef91156d495b85ead15cc34c2183077&oe=54A9FA03&__gda__=1420860594_362ce8c20c9d495105a89db591d0114 a

Nắng đổ dài trên hào nước quanh Cung điện. Vàng son một thuở Mandalay

tonphan
21-10-2014, 20:29
MÙA THU DU KÝ

Anh là người nhà quê, anh không có thói quen thức quá khuya. Từ hồi còn học phổ thông ở quê, mặc dù học trường chuyên lớp chọn, lại là lớp chuyên toán, nghĩa là muốn cho bằng bạn bằng bè thì anh phải thức khuya dậy sớm cày tối ngày. Nhưng anh vẫn giữ thói quen sau tám giờ tối là mắt líp díp lại và chỉ muốn đi ngủ.

Sau này xuống Sài học đại học, anh lại học trường Thương, ngành Kinh tế không đòi hỏi anh phải thức đêm thức hôm học hành túi bụi nên mặc dù đêm Sài nào cũng sáng choang đèn nhưng anh vẫn cứ tít thù lù ngủ mê ngủ muội. Đến khi tốt nghiệp ra trường, công việc đủ bận rộn để cuối ngày, khi buông hết mớ giấy má sổ sách bằng khoán thu nợ, thu lãi... ra là đủ để giấc ngủ không mộng mị kéo tới đánh bạn với anh rồi. Nhiều khi anh nghĩ, hay người yêu của mình là ngủ, một kiểu như đẹn ngủ, cứ đến giờ là phải buông mọi thứ mà tỉnh bơ đi ngủ thôi!

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/v/t1.0-9/p417x417/10712972_868705263141109_8052549261503962561_n.jpg ?oh=e6554bb5c3936f8c93a108e6f95de181&oe=54ABD335

Trời chiều Bagan



2. NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ

Những ngày cuối tháng chín, bạn anh gửi tin nhắn qua facebook, rủ rê bây giờ Hà Nội vào thu rồi, đẹp lắm, đi đông đi tây gì mà sao chưa ra ngoài này chơi. Anh nói để anh cố gắng sắp xếp công chuyện, rồi ra ngoài đó. Anh nói vậy chớ cũng thấy ngại. Bởi vừa hết tháng chín, bước qua tháng mười, anh xách ba lô lên đường. Địa điểm là một quốc gia khác, ngoài vòng tay với. Trong nhật ký hành trình, anh ghi chễm chệ chuyến đi qua ba quốc gia, năm thành phố. Và nhìn đi nhìn lại, hơn phân nửa là những đêm không ngủ.

Đêm đầu tiên anh ngủ ở sân bay Don Muong, sân bây Don Muong coi như đại bản doanh của các hãng bay giá rẻ, có Air Asia và Nok Air. Mới đầu cũng sợ, vì nào giờ anh đi bụi nhiều, nhưng ngủ ở sân bay thì chưa bao giờ. Thêm kinh nghiệm ngày trước có lần đi Bangkok, cũng chuyến bay đêm, định ngủ ở đây nhưng sân bay lại vắng vẻ quá, không phải vắng vẻ mà là nhìn đâu cũng những gương mặt xa lạ, lần đó, anh cũng đi một mình. Những lần đầu tiên bay nước ngoài lúc nào cũng đem lại cho anh những nỗi lo sợ, nhiều khi cầm tiền mặt trong người cũng sợ, thảng hoặc cái passport để trong túi cũng lâu lâu lại móc ra dòm chừng. Những nỗi sợ làm bạn với anh suốt dọc dài của những chuyến bụi đầu tiên.

Lần này thì khác, anh tự tin hơn hẳn. Máy bay đáp xuống Don Muong cũng hơn nửa đêm rồi. Do sáng ngày mai anh phải bắt chuyến bay từ Bangkok đi Mandalay vào lúc mười giờ sáng, không kịp thời gian để vào trung tâm Bangkok kiếm hostel ngủ, nên vừa check in vào Thái Lan là anh vòng qua khu Departures tìm chỗ trú. Don Muong khá nhỏ nhưng đêm về thì bao la chỗ để dân đi bụi như anh tha hồ vạ vật. Lên tầng hai, cả một sảnh dài với nhiều dãy ghế sẵn sàng làm chỗ ngả lưng cho những bạn đường gió bụi. Do cả ngày sử dụng điện thoại nên anh phải kiếm chỗ nào có ổ cắm để charge pin. Và chỗ của anh, là một cái ổ gần toilet, kệ, đi bụi mà, nên anh cũng chẳng để ý gì hết trơn.

Đêm đầu tiên cũng vật vã trôi qua. Anh không ngủ sâu được vì trần nhà lúc nào cũng sáng choang ánh đèn. Ngồi kế bên là mấy đứa choai choai vừa nhậu vừa tám đủ thứ trời bể. Ngủ ở sân bay mà ghế thì không liền nhau nên người chia làm mấy khúc. Đi bụi mà nên dù lạnh và giấc ngủ cứ chập chờn chập chờn nhưng cũng cố gắng vỗ về những khoảng ngắn được nghỉ ngơi như thế này. Trời sáng lúc nào cũng hổng hay vì đèn ở sân bay cứ bật suốt. Anh quơ quào tỉnh dậy khi xung quanh líu ríu tiếng nói. Sáng rồi. Cả một đêm bị giam hãm trong cái không gian đóng của sân bay khiến anh càng thêm mệt mỏi. Kiếm một gian hàng nào đó bán đồ ăn sáng, anh mua vội một hộp cơm bò xào bỏ vào bụng. Xong rồi lại loay hoay check in cho chuyến nối từ DMK đi Mandalay. Lúc chín giờ, anh vào khu vực chờ. Mười giờ máy bay cất cánh. Mười hai giờ trưa đáp xuống Mandalay. Ngẫm ra thì vòng quay của anh bắt đầu bằng tô bún mắm ở Dầu Hạ chiều hôm trước. Tối đó đã có mặt ở Sài Gòn, ngồi ăn bánh tráng nói chuyện ta bà với thằng bạn chí cốt (mỗi bận anh đi xa, bạn đều ra sân bay để hóng chuyện, chắc có mình nó, là được anh chia sẻ mức lương của anh! Nói để biết, bạn thân!). Khuya anh vạ vật ở Bangkok, sáng ăn sáng ở Bangkok, trưa lại hít khí trời của Mandalay - một thành phố khác nữa thuộc về Myanmar. Hai chuyến bay nối liền vào chuyến hành trình - vẫn chưa được tắm và ngủ nghỉ.

Đêm thứ hai anh lại còng queo trên xe bus. Anh có chuyến xe đêm cùng ngày đi từ Mandalay ngược lên Bagan. Đoạn đường dài hơn 250 cây số. Xe bus của nhà xe gốc gác Trung Quốc, anh tài xế người bản địa - người đã cho anh cái cảm giác chạy đua với ánh mặt trời suốt cả chiều hôm ấy khuyên anh đừng đi Shwe Man Thu, vì sẽ phải đi chung với rất nhiều hành khách Trung Quốc. Anh tài xế trẻ lắc đầu, theo cái kiểu bọn đấy là chúa phiền. Nhưng anh mặc kệ, nhà xe ấy có tuyến rời Mandalay đi Bagan trễ nhất. Anh thì chỉ đơn giản là muốn kéo dài ra khoảng thời gian mình đến bến Bagan. Đó lại là một đêm không ngủ. Xe rời Mandalay lúc 9h30 tối. Khuya ngật ngầy vì lạnh. Lạnh đến cóng hết cả chân. Những chuyến xe đêm với máy điều hòa bật dù nhiệt độ trung bình cũng đủ để người ta tê tái. Trời thu mát mẻ, đêm thu lại lạnh đến buốt hết cả lòng.

Những chuyến đi của anh, theo một cách nào đó, dù vô tình hay hữu ý, cùng đều giáp những ngày trăng tròn. Trăng mười ba tối nay đã đượm màu vằng vặc, ánh trăng treo trên những bóng cây, soi rõ cả đường chữ nhất trên bàn tay anh. Bàn tay chữ nhất, má nói thằng này lớn lên sẽ là chúa ngang tính, vân tay nó có một đường ngang phè thế này mà. Và tối mùa thu ấy, trăng mười ba soi bàn tay anh bằng thứ ánh sáng dịu nhẹ. Đường quốc lộ từ Mandalay đi Bagan chỉ có mỗi ánh trăng làm bạn, nên trăng dịu dàng, trân trọng cả những người nhỏ bé, rệu rã theo từng vòng bánh xe lăn. Xe nghỉ giữa chuyến hành trình cho hành khách xuống gửi tình yêu vào lòng đất. Ánh trăng soi những bóng cây trong đêm tối. Cây ở đất nước này mang hình thù rất đỗi lạ lùng - như những con quái trong truyền thuyết, trong ánh sáng trăng vời vợi, đẹp đến lạ lùng. Nếu không tiếp tục chuyến đi, anh chỉ đơn giản ước rằng thời gian hãy dừng lại, ánh trăng này, ánh sáng này, cây cỏ hình thù và cảm xúc này, hãy giữ nguyên, để anh tản mác trôi trong không gian dịu kỳ và đậm màu liêu trai ấy. Xe đến bến New Bagan vào lúc 2h sáng. Bước xuống bến xe mà anh ngỡ ngàng, phần vì mệt phần vì theo kế hoạch anh không có đặt hostel trước ở Bagan này. Một ngày dành cho Bagan, một ngày chạy đua theo những dấu chân Bagan. Ánh trăng khuya bị ánh sáng hắt ra từ mấy ngọn đèn nên bến xe khuya vắng soi rõ những gương mặt người xa lạ. Cánh tài xế xe ôm vây lấy, tiếng người nói tiếng Anh ồ ề, tiếng thở nặng nề, tiếng của trái tim anh rung lên mạnh mẽ. Đêm vẫn chưa qua, ngày vẫn chưa lên, bình minh vẫn chưa rạng ở phía chân trời. Nhưng ờ thì đó, lại là một câu chuyện khác, thuộc về Bagan mà thôi!

Và Bagan vẫy tay lưu luyến chào anh vào buổi chiếu ngày hôm ấy. Chiều ấy trời đã quang, mưa đã tàn, nắng cũng héo hắt trên những đền chùa thành cũ. Xe taxi chở anh ngược lại đoạn đường mà vừa sáng nay anh đi qua. Bến xe New Bagan vừa mới xây xong, anh - sau một ngày gió bụi, đi quanh quẩn ở những nhà xe để xin tắm nhờ. Có chỗ tắm rồi, khuất sau những dãy nhà hai tầng - trụ sở của các nhà xe đi khắp các vùng xuất phát từ Bagan, có một thùng phuy đã cũ. Anh bạn - chắc là nhân viên của một trong những nhà xe ấy, vui vẻ chỉ cho anh chỗ tắm. Anh hỏi, chỗ này à? Nó gật đầu, chỗ tắm lộ thiên. Cứ việc hòa cùng thiên nhiên, không che đậy gì cả, cứ thế mà tắm. Anh hoảng hồn, dù rằng ba ngày rồi chưa được giải phóng khỏi cái mùi mồ hôi, mùi chua loét của những chuyến xe đêm, của những bước chân bụi mù không mệt mỏi, nhưng anh vẫn ngại. Anh đi vòng vòng hỏi xin chỗ tắm khác. Cuối cùng, anh đánh bạo khỏi xin khỏi hỏi cứ tông đại vô một nhà tắm dành cho nhân viên của một nhà xe nào đó, mang theo ba lô, xối đại mấy gào nước lên người. Ôi nước, mát lạnh và tuyệt vời. Anh không thuộc dạng người quá kỹ lưỡng, nhưng thói quen của anh là một ngày phải ba lần xối nước lên người, dù nóng dù lạnh cũng đều là như vậy cả. Sáng dậy anh đi tắm trước khi đến sở làm. Trưa đi làm về, ngủ nhanh và trước khi đi làm, anh lại đi tắm. Bữa chiều, anh sẽ tắm lại trước khi ăn cơm, trước khi đi ngủ. Thói quen tắm táp khiến cho anh cảm thấy không còn gì hạnh phúc hơn nữa khi đã qua ba ngày rồi anh không có một giọt nước trên người. Bằng niềm hạnh phúc vô bờ bến vì cuối cùng cũng được sạch sẽ, anh leo lên xe. Chuyến xe đêm vượt 7.500 cây số từ Bagan đi Yangon.

Về tới Yangon, là như về tới thiên đường. Ở đó, anh sẽ có một đêm nghỉ tại hostel. Nhưng vấn đề là, anh vẫn chưa đặt trước nhà nghỉ nào cả. Anh đem theo một danh sách dài những hostel đã tìm kiếm trên mạng. Đó cũng là một câu chuyện dài. Anh sẽ trở lại.

Nói gì thì nói thì đã thấy bụi mù cuốn lên theo từng dấu chân anh đi chưa, hỡi người?

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/v/t1.0-9/10593058_868041409874161_7315276896172294262_n.jpg ?oh=2a092105601c838b8fcaaba49996baec&oe=54F476B7

Chuyến xe đêm từ Bagan về Yangon

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/10701938_868041476540821_4060127945386984903_n.jpg ?oh=8fcbbf776b404934fdd5b92deaf006dc&oe=54F8AAD7

Như những bến xe khác, đều có đội ngũ đội mâm bán hàng rong chực chờ, kể cả chuyến xe đêm. Cô gái mặc Longi, trong đêm nhìn vẫn hết sức hiền

https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-9/10347696_868041536540815_3792586699829027646_n.jpg ?oh=bf996606c4198888ed34f805db69b720&oe=54AD934D&__gda__=1425219524_a3d66ba21ae69820b396f22a4b496cc 3

Xe đường dài, hành khách được phát mỗi người một travelkits, bao gồm khăn lạnh (dù trên xe lạnh quéo, không cần dùng đến), kem và bàn chải đánh răng

tonphan
29-10-2014, 19:10
MÙA THU DU KÝ

Bên cạnh những đêm ngủ lang trên xe trong những chuyến di chuyển từ thành phố này qua thành phố khác, bên cạnh những đền đài âm thầm, những khuôn mặt người thoa thanaka rựng lên trong nắng, dáng longi lệt phệt rót vào hồn người, bệt trầu phai trên mỗi góc phố... Anh gói theo về làm quà những ánh bình minh rạng rỡ, của ánh tà dương huy hoàng. Nếu nỗi nhớ ăn được, chắc anh đã đem ra nhai rôm rốp nỗi nhớ tan hoang rồi.

Là ánh mặt trời và hoàng hôn chưa tắt phía cuối chân đồi


3. CHẠY THEO ÁNH MẶT TRỜI (a)

Để có đủ thời gian đi ngắm mặt trời mọc ở Ubein, theo dấu ngựa lóc cóc khắp Bagan, ở Yangon thì uống nước mía và lạy Phật ở Swedagon, leo đồi leo núi lên ngắm Golden Rock và cuối cùng là xuôi thuyền đi Inle, thường Mphải kéo dài từ năm đến bảy ngày. Đó là hành trình thông thường của dân bụi đi Burma. Anh không có thời gian, anh chỉ có đúng ba ngày và ba đêm cho chuyến đi chớp nhoáng về miền đất Phật. Vậy nên anh vạch ra cho mình ba điểm đến: Mandalay, Bagan và Yangon. Lúc bắt đầu đặt vé, anh đã nghĩ rồi làm cách nào mình đi cho bằng hết ba điểm này?

Anh chọn Mandalay làm điểm dừng chân đầu tiên, từ Bangkok. Máy bay đáp xuống sân bay Mandalay, nhỏ xíu, quạnh quẽ lúc mười hai giờ rưỡi. Cảm giác đầu tiên Mandalay gõ vào lòng anh những nhịp chập chùng. Không phải lần đầu tiên anh bước qua những sân bay lặng lẽ và nhỏ bé như thế này, nhưng Mandalay đem đến cho anh cái cảm giác thật bình yên, nhỏ và bình yên thật khác. Hình ảnh những người đàn ông và đàn bà, trong bộ longi bước đi nhỏ nhẹ, đôi lúc họ sẽ ngừng chân, sửa lại bộ longi giữa chốn người qua cứ nhẹ như không. Anh ấn tượng với hình ảnh ấy. Phố vẫn đông người, đã qua biết bao đổi thay của thời cuộc rồi, nhưng người ở nơi này vẫn giữ nguyên những nếp sống từ rất nhiều nhiều năm về trước. Truyền thống, là những thứ quý giá mà nơi anh ở, đã dần bị mơi một đi, phai lợt đi ít nhiều rồi.

Sân bay Mandalay nằm ở ngoại ô của thành phố, cách trung tâm khoảng 45km. Ít người biết sân bay nhỏ bé này lại là nơi sở hữu đường băng dài nhất châu Á (hơn 4.000m, trong khi Tân Sơn Nhất của mình chỉ khoảng hơn 3.000m thôi). Anh di chuyển vào thành phố bằng shuttle bus của hãng bay. Trên đường trung chuyển, anh ngồi cạnh cô gái trẻ - Carol, người Đức, dân Berlin. Cô gái trẻ trung, sôi nổi và thân thiện, kể mãi cho anh nghe về chuyến đi bụi đầu tiên của cô, ngay sau ngày tốt nghiệp đại học. Cô ngạc nhiên trước một Bangkok tràn đầy màu sắc của những chiếc xe máy, kẹt xe, của chùa chiền và những nụ cười. Anh nói với cô hãy đến Việt Nam để thấy cuộc sống đường phố nơi này còn thú vị hơn nhiều. Anh cũng hẹn cô nếu đến Việt Nam, hãy báo cho anh biết nhé. Những câu chuyện trò lặt vặt làm cho quãng đường di chuyển ngắn lại. Nhìn ra phía bên ngoài, chỉ thấy toàn cây cỏ và những trảng xanh vắng ngơ ngắt. Mùa thu đi qua nơi này, chỉ chừa lại trơ trọi có nắng và những vệt khói xe tản mác sau mỗi chuyến shuttle bus đi qua. Thật sự ngoài chiếc shuttle bus của mình, anh không còn thấy chiếc xe nào khác di chuyển lại qua trên con đường trải nhựa láng e nữa.

Xe vào Mandalay lúc khoảng hai giờ chiều. Anh nhanh chóng phác thảo ra cho mình một lộ trình di chuyển để kịp thời gian bắt xe bus đêm từ Mandalay đi Bagan vào lúc tối muộn. Mandalay nằm ở Thượng Myanmar, là thành phố lớn thứ hai ở Burma, thuộc vùng Mandalay rộng lớn. Tính ra, chỉ có khoảng bốn giờ đồng hồ cho thành phố sôi động và náo nhiệt bậc nhất ở đất nước này. Xe cộ chạy như mắc cưởi ở trên đường, đơn giản thôi, anh đang ở khu trung tâm Mandalay mà. Bến xe bus AirAsia nằm rất gần King Palace. Đường phố rộng và rất thoáng. Phương tiện trên đường có xe máy (anh hơi ngạc nhiên, sao lại bảo ở Burma chính phủ cấm xe máy mà), xe lam, xe bus và nhiều xe hơi. Dân đa phần mặc longi, nhét điện thoại di động bên hông, chạy ào ào trên phố.

Nhưng người vẫn đi bộ. Những người đàn bà vận longi khoan thai giữa ánh nắng mùa thu dát vàng trên những nẻo đường. Giẫm lên những vệt trầu phai trên phố, anh bắt đầu hành trình ngắn ngủi khám phá thành Mandalay. Cánh chim bồ câu sải cánh tung trời, trời thu Burma không quá gắt gỏng, thoảng chút hương xa nhè nhẹ như chào mời người bạn lạ xa. Anh đeo ba lô đi bộ hàng cây số, từ bến xe Air Asia đi King Palace. Vọng canh kinh đô hoàng triều cuối cùng của Miến Điện thâm trầm nơi xa, phía ngoài là hào sâu, mặt nước phẳng lặng êm đềm. Bờ bao Hoàng cung bao đời nay là mạch nước hào xanh với những hàng cây phủ bóng này. Không gian trưa tĩnh lặng, anh bước vô cổng, do không có bản đồ nên anh vào nhầm cổng rồi, không gian trưa trở nên nóng nảy vô cùng. Cuốc bộ hàng cây số rồi, giờ lại nhầm cổng, ở Hoàng cung, khách nước ngoài chỉ có thể vô mỗi một cộng cố định nằm ở phía Tây, vé vào cổng là 6usd mỗi người. Anh bỏ cuộc, đứng ra đường vẫy taxi, những chiếc xe taxi chạy vụt qua, không giống như ở nơi anh ở, nếu taxi có khách, đèn hiệu sẽ báo, anh sẽ nhận biết. Nhưng ở nơi này, taxi cứ chạy hà rầm. Sau hơn nửa giờ đồng hồ bươn mặt ra đường vẫy taxi nhưng kết quả toàn là những cú vụt qua không chút gì lưu luyến, anh mất mát rệu rã đánh liều vẫy đại những chiếc xe bus công cộng. Những chiếc xe ken đặc người, những gương mặt người với thanaka rưng rức. Đông và quánh đặc.

Nhưng xe bus cũng không thèm đoái hoài đến người phương xa. Anh đau khổ nhận ra trời ơi nếu như lúc nãy ở cổng vào King Palace - cái cổng có vọng canh bằng gỗ, muốn qua phải đi qua cây cầu gỗ tếch nhỏ đẹp rụng rời. Ở đó, có mấy cậu thanh niên chạy xe ôm cứ nằng nặc đòi chở anh qua bên phía cổng Tây, nhưng cái đòi tiền cao vói nên anh thẳng thừng từ chối. Bây giờ thì nắng mùa thu giữa trưa xiên xẹo soi mặt anh thẩn thờ chán nản. Định bụng kiếm đại bác xe ôm nào đó nhờ chở đi quá vội, nhưng mà trời cũng phũ phàng với lòng người. Những người anh đinh ninh làm nghề xe ôm - thì họ có hai chiếc mũ bảo hiểm, đứng ngồi nơi ngã ba, ngã tư đường - anh hỏi đều lắc đầu không phải là dân xe ôm rước khách dọc đường. Cuối cùng, anh nghỉ lại bên đường, thất thơ thất thiểu, mùa thu đi qua thấy chán mất một nửa. Vọng gác Hoàng cung nhìn từ xa cho đến lúc chạm đến gần tay cũng thấy ơ hờ, hào nước xanh trong đẹp đẽ làm chi để soi bóng người mệt mỏi. Hàng cây bao quanh in bóng lúc nãy thấy mát mẻ tươi ngời giờ bỗng dưng đâm ra nổi quạu, cây cao bóng cả che mát mặt người nhưng chân vẫn phải bước, phải mỏi vì đường xa, xe cộ đông, mặt người thì nóng. Những lúc như thế, anh tự hỏi, có đáng phải khổ sở như vậy không?


https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/10600560_877866742224961_5357822528283627062_n.jpg ?oh=3c68a402289d1af721f2bfaa870c9051&oe=54EE3BD4

Đám mây hình trái tim trên trời Mandalay

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/10734228_877866852224950_2984029223908008718_n.jpg ?oh=f50bcd3e54d5fe2b5b5e64c88bba4215&oe=54E88753

Sân bay Mandalay vắng, chỉ có mây là nhộn nhạo vẽ những nụ cười

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/10640994_877866888891613_6957907741843314443_n.jpg ?oh=184101913740099db55f540eaaa6e308&oe=54ABF380

Giờ thì con nhà có điều kiện rồi. Tỷ giá là 196,4 kyat ăn 1 Usd

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-9/10256858_877866912224944_6820433936063551940_n.jpg ?oh=e861f515cab8ce77b92b79648bb3b461&oe=54E9840C&__gda__=1425330565_5d877e584f99dbe2ddd55ea45713b5f a

Mấy con búp bê đất truyền thống rựng lên trong nắng.

https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/13995_877866962224939_5002641103467681369_n.jpg?oh =6aa7a0496139cf6f7a404d79958e1d3c&oe=54A9DD19&__gda__=1424599396_72f2b7ec1adfa5b4f7bf575d95df6a1 c

Chum vại lô xô, có mùa thu qua ngoảnh lại

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/10322486_877866992224936_2865784341059986371_n.jpg ?oh=70f7102770c2c596718f4ac9e8d9aa11&oe=54B26B2A

Và nắng cũng hiền hơn trên vai người

https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xaf1/v/t1.0-9/10603721_877867102224925_8195903725652256067_n.jpg ?oh=4269d01da94c33b5ed8185911f81f996&oe=54AE3BF4&__gda__=1420742981_4e4faab1c5f5038ddc04f728b8ac47e b

Bữa trưa vội

https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-9/1925349_877867135558255_1246104361537478025_n.jpg? oh=4c7a11133c16b7c5ed3753cf0d2913fd&oe=54E9D915&__gda__=1424755854_1e85ae9455bddabba9abac3c1747aae 9

Vọng gác gỗ đẹp quá trời

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/10155742_877866695558299_2560454887206260683_n.jpg ?oh=78288f2c5bc1b09e628e7df5ae53ac50&oe=54EBEB9A

Đâu có nghĩa là xe bus không đông ken

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xfa1/v/t1.0-9/10372057_877867185558250_8172665971425424780_n.jpg ?oh=9364e05b2c6e76e1dba434ecfee476ac&oe=54EB13C4

Bên này là Hoàng cung

tonphan
11-11-2014, 20:04
MÙA THU DU KÝ


Có đáng phải khổ sở như vậy không? Câu hỏi ấy anh lặp đi lặp lại suốt quãng đường đi của mình. Chuyến đi khẳm vì bụi, lọc cọc những mồ hôi và cực nhọc. Nhưng có trải qua rồi, ai nghĩ sao anh không biết, chỉ tự chân thấy vui và xứng đáng để anh trốn làm bỏ đi tang bồng. Anh ngồi giữa gốc cây nơi ngã tư đường, rồi có anh tài xế taxi quay lại, nói lúc nãy tôi thấy cậu vẫy bên đường, tôi quay lại là để chở cậu đấy, lúc nãy tôi đang bận khách, giờ tôi đã quay lại rồi. Rất nhanh, anh leo lên taxi, nói nhanh với tài xếrằng chiều nay anh phải đi Bagan rồi, bây giờ là ba giờ hơn rồi, anh muốn đi một vòng Mandalay, anh có ý kiến gì hay không? Anh tài xế - tên gì anh quên mất - vui vẻ nhiệt tình vạch ra cho anhmột số điểm đến: đừng đi Hoàng cung, nó sát bên ấy, nhìn bên ngoài vọng gác lầu cao hào sâu đẹp đẽ, chễm chệ nhưng bên trong chả có gì (anh ngờ rằng chắc do người ta là dân nơi đây, uống nước nơi này, nên thấy trong hộp là những thứ bình thường quá đối, chớ với anh, chắc chắn mở hộp ra, sẽ có nhiều điều để khám phá chớ), Hoàng cung có tốn phí, 6 USD cho một lượt ra vào, cậu đừng đi. Đầu tiên đi Mandalay Hill, sát bên, gần xịch, chạy một phút ba mươi giây là tới. Xong rồi thì đi chùa, đến Mandalay mà không đi chùa, là thiếu sót, nhưng ủa, có nhiêu đó thời gian hả, đi MahaMuni thôi vậy, chùa này to lắm. Đi tu viện Shwenandaw nữa, và cuối cùng, chốt hạ khi ngắm hoàng hôn ở cầu Ubein. Rồi thôi, thỏa thuận giá cả xong, lên đường. (Thực sự anh biết giá thuê xe như thế là đắt, nhưng sau những dãi dầu nắng nóng, anh cảm thấy thôi thì nhiêu đó cũng đã đủ rồi. Vả lại, anh taxi cũng vui vẻ và nhiệt tình, dáng người mập mạp râu quai hàm nhìn lún phún nói chuyện có duyên. Gặp nhau là duyên, thì nên kết. Vậy thôi!)

Duyên đưa anh đến, duyên đưa anh về. Bắt đầu hành trình chạy về phía mặt trời


3. Chạy theo ánh mặt trời (b)

Quyết định không đi King Palace, phần vì bác tài xế cứ nhiệt tình hối thúc, thôi chú đừng đi vô trỏng, có cái gì ở đó đâu, chán ngắt chán ngơ, buồn thiu. Thì thôi, coi như cả giờ đồng hồ lượn lờ bên ngoài hào nước, nong sâu không biết thế nào nhưng cái nắng thu Mandalay đã muốn trở thành bạn, cứ tam táp vào mặt làm anh muốn khùng luôn rồi. Bác tài xế vạch ra cho anh kế hoạch xông pha khám phá Mandalay trong chưa đầy một phút. Anh nên đi chỗ này, anh đừng nên đi chỗ kia, chỗ nọ cần phải đến, chỗ đó nữa - nhất định phải đến. Anh giữ cho mình quyết định duy nhất, làm gì làm, đi đâu thì đi, anh nhất định phải ngắm hoàng hôn trên Ubein - là cây cầu đó, anh rõ ràng như vậy. Thì bắt đầu đi.

Mandalay hóa ra cũng nhỏ bé, anh nắm gọn hơ trong một bàn tay (đó là anh nghĩ vậy, chớ nhỏ bé rộng lớn gì khi anh chỉ dành quá ít thời gian cho thành phố này). Chỉ có ba giờ đồng hồ, anh bắt đầu chạy lên đồi. Mandalay Hill - ngọn đồi mà vùng và thành phố này cùng mang tên - là biểu tượng của cả thành phố. Đồi cao chừng 200m, có thể đi bộ lên, nhưng anh đi taxi, bác tài xế thạo tay, đánh tay lái ào ào trên cung đường dốc, nhiều cua ngoặt, anh chỉ muốn lộn cổ. Chiều tà dần buông, bác tài càng thêm đưa đẩy, ngừng dưới chân đồi cho anh hí hoáy với hai bức tượng Sư tử đá trấn chùa chụp vài bô ảnh, rồi hối thúc lên đường.

Đường đồi hai bên cây xanh ngăn ngắt, thời gian cũng không còn sớm nên không thấy ai đi bộ lên chùa cả. Anh thấy lạ, có bận nghe người ta bảo, dân trong vùng mãi cho đến ngày nay vẫn còn mang đá lên xây chùa. Hình ảnh những con người nhỏ bé, ngày ngày cặm chân vào đất bước từng bước lên đồi mang theo từng viên đá góp lên xây chùa gợi cho anh một niềm ngưỡng mộ thành kính không tả nổi. Rất tiếc, đường thì vắng, chiều thênh thang, nắng hanh vàng, và bác tài xế chạy nhanh không kịp thở.

Trên đỉnh của Mandalay hill là chùa Sutaungpyei Pagoda (anh không biết đọc thế nào cả). Như tất cả những chùa chiền khác trên vùng đất này, cần phải đi chân trần lên chùa. Đường lên có thang máy, có thang cuốn, anh đi chân trần lên chùa. Cảnh chùa cũng bình thường thôi, sức vàng rực rỡ hòa với ánh nắng chói chan của ngày sắp tắt khiến anh chói hết cả mắt. Dân đi lễ khá đông, đủ để mọi nơi đi qua đều có dáng longi âm thầm phệt vào trong ánh mắt. Từ đỉnh Mandalay có thể phóng tầm mắt ra khắp bốn phía của vùng. Mandalay rất xanh, cây cối và đất đai còn nhiều. Đô thị hóa ngấp nghé bên bờ tường thành King Palace rồi nhưng ai biểu dân Mandalay nói riêng và dân Burma nói chung vẫn còn nặng nề những giáo điều nhà Phât, họ giữ gìn những truyền thống văn hóa như những hơi thở của mình. Đó là lý do mà dù Mandalay được xếp vào hạng thành phố lớn, nhưng vẫn đậm đặc mùi của những truyền thống cũ kỹ. Cây xanh ngan ngát mắt người. Ai biết được, nhiều khi anh đến đây, đơn giản chỉ vì những thứ cũ kỹ như thế.

Dừng lại khoảng nửa tiếng, anh bắt đầu đi xuống đồi. Bác tài mải chơi, quên mất tiêu hành khách. Anh phải chạy đi kiếm, hỏi người này hỏi người kia, chỉ chỉ cái xe nói có ai biết sếp lớn của tôi đâu không? Bác tài béo béo duyên duyên râu quai nón chạy ịch đụi đi chơi rồi ịch đụi chạy về, mở cửa xe, khéo léo nói nóng quá ha để mở máy lạnh lên cái đã. Anh dịu xuống cái một. Lại tiếp tục đi. Lúc vòng về qua ngã Tây của Hoàng cung, là chợ chiều - khu chợ bày đầy hàng rong, những thức ăn đường phố, dơ hầy, hong mình trong khúi bụi của đủ loại xe cộ. Đông đúc và náo nhiết, anh thích. Nhờ bác tài dừng xe lại, anh lúi húi phang xuống hòa vào dòng người, chen vào chỗ này, dừng ở chỗ kia. Mua một bị to đủ các thứ bánh trái chiên xào ngọt lạt có đủ. Lên xe, anh mời bác tài xế, bác béo bụng ấy chỉ cười, nói cám ơn nhưng nhất quyết không ăn. Không ăn thì anh ăn một mình, thấy ngon nhưng dơ quá. Lỡ mua nhiều nên anh đành cầm trên tay, vướng tay quá nhưng tìm mãi không thấy chỗ vứt rác. Ăn nhiều, cái bụng kêu lộp cộp, chỉ sợ có vấn đề về tiêu hóa thôi. Chiều bắt đầu chênh chao, mặt nước hào sâu sáng loáng những giọt tà dương le lói.

Xe dừng lại ở Mahamuni. Lại một ngôi chùa khác, rất nổi tiếng không chỉ ở Mandalay mà còn ở khắp vùng Miến Điện này. Chùa Mahamuni Buddha là một thánh tích Phật giáo linh thiêng, thuộc triều đại Konbaung xây dựng vào năm 1785 để thờ phụng một bức tượng Phật mà người Phật tử Miến Điện rất mực kính ngưỡng, bởi vì bức tượng này được cho là tạc vào thời Đức Phật còn tại thế. Một số người tin rằng, có năm bức tượng được tạc vào thời Đức Phật, trong đó có hai bức ở tại Ấn Độ, hai bức ở tại thiên giới, và bức thứ năm là bức tượng tại chùa Mahamuni. Nhiêu đó thông tin đủ để anh phải dừng chân thật lâu trước bức tượng Phật dát vàng lộng lẫy, tư thế Phật ngồi thiền định, khuôn mặt tròn, tai dài có khuyên, trên đầu Phật đội nón, mình khoác áo bào. Phật tử Miến Điện ngày đêm đem lá vàng đến dát vào tượng Phật. Có thông tin rằng lớp vàng trên tượng dày khoảng 15cm, anh không có cơ hội được chạm vào Phật, nhưng bằng sự kính ngưỡng, anh cúi đầu, lạy và cầu nguyện dưới chân Phật. Cầu quốc thới dân an, cầu gia đạo bằng an. Anh có tôn giáo của riêng mình, nhưng vào chùa thì bái Phật, là điều má anh dạy thuở anh mới giêng hai, nhỏ tí đội mấn theo má lên chùa.

Anh thỉnh chuông ở Mahamuni, tiếng chuông chiều văng vẳng, thanh trong chìm lơ lắc trong những bước chân anh vội vã chạy trở ra. Gần năm giờ rồi? Còn kịp thời gian đi ngắm hoàng hôn trên Ubein hay không? Bác tài xế cười hiền khô, nói anh lên xe đi, đừng có lo, mọi chuyện rồi cũng sẽ kết thúc, sớm thôi mà. Taxi xuyên qua những dòng người vội vã, chắc do anh vội vã nên thấy mình không phải đang đi, mà đang trôi. Những con đường với những hàng dài tượng Phật điêu khắc, những mái nhà gỗ nhỏ bé, những con người mặc longi chạy xe máy nhét smart phone bên hông, những gương mặt nói cười, những má cô gái hay hay rựng màu thanaka... Vội vã anh trôi trong buổi chiều tà. Thu Mandalay vội vã, có kịp chờ anh bên bến sông hay không?



https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/10411329_884996534845315_962549864547293501_n.jpg? oh=cf6420032cb13ec2ca35c7bbedc30f19&oe=54E24465&__gda__=1424502692_1ad0a5c9744715675d6e95de4c82634 f
Từ Mandalay Hill nhìn ra

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/10612857_884996438178658_3376651509258624499_n.jpg ?oh=f3c048395399f5f0180467521dc607bc&oe=54E9F137&__gda__=1424333803_602de00bcde68247e1175b3c15f0def b

Bị mê hoặc bởi mấy cái street food dơ dơ bẩn bẩn này, và bị đau bụng

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-9/p180x540/10734266_884996204845348_264522940621577674_n.jpg? oh=8349d6e6fd66123668a0a8d6a4f9bf1b&oe=54D621C3&__gda__=1424517293_9419a5e9a9c58b3355058404e4e29c4 5

Trên dòng

tonphan
11-11-2014, 20:06
MÙA THU DU KÝ
Có lúc anh chỉ muốn như thế này. Đong đưa chân trên những nhịp cầu gỗ teak trăm năm, nghìn năm. Như có như không mà vui vẻ với ánh mặt trời le lói nơi cuối chân trời.

Lúc về nhà, anh lục lại tấm ảnh hoàng hôn trên Ubein làm ảnh cover trên trang cá nhân. Những lúc anh mệt mệt, ghé ngang qua dòm một cái, thấy đời khỏe khoắn, thấy lòng mình thanh thản. Để có được những phút giây ấy, anh đã giẫm lên giọt tà dương cuối cùng của ngày, trong một buổi Mandalay hanh nắng. Thứ nắng mùa thu ve vãn lòng người.


3. Chạy theo ánh mặt trời (c)


Cầu Ubein ôi cầu Ubein, lúc anh quyết định đi Burma, là lúc anh cứ lần giở mấy bức ảnh hoàng hôn chậm rơi trên cầu, đẹp đến mụ mị cả người. Bây giờ anh đang sắp được chạm vào cây cầu trăm năm ấy, ngắm hoàng hôn ở nơi nức danh là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Trời mùa thu nắng vương vất, nhưng nắng sẽ tắt hoàng hôn sắp tàn rồi. Xe chạy, anh trôi trong giấc mơ sắp bị vỡ tan về một buổi chiều tàn. Con đường nhựa chạy vào khu vực cầu bắc qua những thôn xóm nhỏ, tàn tạ rệu rã với những mái tranh liêu xiêu. Sao nơi này thu hút nhiều khách lạ người xa tới đây vãn cảnh ngắm hoàng hôn ngắm chiều rơi mà sao dân nơi đây vẫn nghèo. Anh xót xa mà cám cảnh. Nhớ ra ủa ủa sao mình lại buồn?

Ubein nằm ở ngoại ô thành phố, cầu bắc ngang qua hồ Taungthaman, với chiều dài khoảng 1,2km. Cầu hơn 160 tuổi, đã được công nhận là cây cầu gỗ dài nhất thế giới. Mặt nước hồ Taungthaman phía bờ đục ngầu, do vòng quanh hồ là cơ man những quán xá, kiểu như nhậu quán vườn ao cá ở Việt Nam, ô nhiễm. Anh thấy có chút thất vọng, thì đâu ai bắt nước phải xanh trong thấy đáy cho mỹ nhân rửa chân ngắm nhan sắc, nhưng đục ngầu màu cà phê sữa thì cũng đáng thất vọng thật. Khách đi cầu rất đông, nối dài suốt chiều dài cả cây số. Hoàng hôn đang chậm rơi, mặt trời nhiễu những giọt tà dương cuối cùng phía cuối chân trời. Anh hối hả vượt qua những cột gỗ đầu tiên, sải chân men theo đến giữa mặt hồ. Nước hồ thay đổi, trong xanh hơn, và hoàng hôn cũng đẹp hơn, và lòng người... mệt hơn.

Anh bị ảnh hưởng bởi mấy món ăn vặt đường phố, đau chói lói. Anh cầm cự ngắm hoàng hôn "đẹp nhất thế giới" ở "cây cầu gỗ teak dài nhất thế giới". Mặt trời đỏ như chảo lửa, từ từ chạm dưới đáy chân trời. Một trời nước một trời mây, gió thu chiều nhẹ nhẹ, những cọc gỗ trăm năm, những chiếc thuyền nhẹ trôi trên mặt hồ thu. Cảnh đẹp đến nao lòng. Anh cầm cự, cảnh đẹp cảnh đẹp mà. Rồi chịu hết nổi, anh băng ngang qua hết chiều dài cầu, đi bộ hơn một cây số, chiều dần buông, nắng tắt, anh sang sông.

Khi giải quyết xong (vất vả và đau khổ, không thấy đường, không biết giải quyết nơi đâu), thì trời đã chuyển tối thui. Cây cầu thơ mộng, đông kín người bây giờ quạnh hiu vắt một lằn mỏng manh qua mặt hồ nước. Đâu đó có bóng người, những người vội vã trở về sau những phút giây thanh thản nhẹ nhàng ngắm ánh tà dương. Anh bây giờ chắc ăn là nhẹ nhàng và sảng khoái, bước thấp bước cao trở về. Những cái đầu ló lên dưới sông, là những người đi mò cá buổi tối, những xâu cá nặng theo tay người đi trên mặt cầu. Nhưng thì sao? Anh bị hấp dẫn mất tiêu rồi bởi một thứ khác, còn hấp dẫn hơn cả hoàng hôn và mặt trời.

Là ánh trăng, trăng gần rằm tròn vành vạnh, ánh sáng dịu nhẹ lan tỏa trên mặt nước. Anh đến miền đất Phật vào mùa trăng, chưa phải rằm nhưng ánh trăng cũng đã gần đầy đặn. Trên quãng dài hàng cây số, cầu Ubein không một ánh điện, chỉ có ánh trăng soi đường, ánh sáng lăn tăn nhẹ nhàng, tiếng chim gì kêu gọi bạn giữa đêm buồn. Đôi bờ sông nhập nhờ những ánh sáng quán xá. Anh chỉ muốn đi thật chậm, thật chậm để thả mình vào những phút giây này. Cần gì ánh điện, chỉ cần ánh trăng soi chân anh bước, bình yên và trong trẻo đến lạ lùng. Đường về thênh thang. Nhiều khi là duyên, anh bị đau bụng nên phải bươn bả hết cả chiều dài cây cầu. Sau đó lại phải quay về khi ánh trời đã tắt. Mò mẫm đi trong đêm tối, yên ả và vắng tiếng người. Đêm sáng trăng, lại được hít thở cái không khí lành lạnh của ngày thu nơi mà chỉ vài khắc trước đây được mệnh danh là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Tất cả đều là duyên, là duyên nên trân trọng cất sâu trong đáy lòng, sợ mất.

Là một trong những chiếc taxi cuối cùng rời khỏi bãi xe Ubein. Anh được bác tài xế chở ra bến xe Mandalay, tối nay anh sẽ rời đi Bagan. Bến xe giờ cao điểm, tấp nập và bụi bặm. Anh mua vé bus chuyến cuối cùng đi Bagan. Ngủ gục ở nhà xe chật chội, chưa tắm rửa, chưa ăn uống. Như một khạp mắm lâu ngày chưa mở, anh nhọc nhằn nhắm mắt ngủ vội. Chờ ngày mai trời sáng, chờ ngày mai nắng lên. Chạy theo ánh mặt trời, theo một cách nào đó, rời bỏ ánh mặt trời.


https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/v/t1.0-9/10540786_884996094845359_6685746016208135848_n.jpg ?oh=0720bf41c2d992e3b2f333eb5b7e6351&oe=54E9765B

Qua sông

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/v/t1.0-9/p180x540/10410123_884991971512438_6608952328836544170_n.jpg ?oh=c048b7a508638233d47ab39df7aaf10b&oe=54D2A80D

Hoàng hôn trên sông, hớp hồn

tonphan
13-11-2014, 21:58
MÙA THU DU KÝ

Mưa gió bập bùng. Mưa thu nhẹ nhẹ.

Rời Bagan lúc bảy giờ tối. Sau cơn mưa chiều, trời thu mát mẻ. Lòng người phây phây! Những đền đài chùa chiền cũ, ngây ngất những vó ngựa buồn. Là đến Bagan lúc 2 giờ sáng. Mưa rơi âm thầm. Bến xe Bagan âm thầm. Mưa xéo xiên rót màn đêm với ánh đèn vàng vọt, buồn đến ngơ ngẩn vào lòng người.

Cái lạnh một sớm khuya thu nào với mưa e ấp. Bagan chưa đi xa đã nhớ. Bagan trở về là thương nhớ. Những nhớ với thương vo tròn thành kỷ niệm. Những kỷ niệm thuộc về mùa thu, chênh chao miêng miếc mà sâu đầm không tả nổi.


4. Vó ngựa Bagan

Anh xách ba lô lên chuyến xe đêm đường dài vượt Bagan đi Yagoon lúc bảy giờ tối. Nhà xe phát cho anh đống của nã gồm có bịch khăn giấy ướt, kem và bàn chải đánh răng mini. Xe ghế ngồi, ngật ngừ vượt hơn bảy trăm cây số xuyên đêm đi về cố đô Miến Điện. Nằm trên xe, mùi hoa lài phảng phất (mãi sau anh mới biết, đó là mùi của cái khăn giấy ướt, làm anh cứ tưởng mùi nhang. Nhang với khói chập chờn trong giấc ngủ trệu trạo!). Vòng bánh xe quay quay, chưa gì mà đã thấy nhớ.

Ai đến Bagan đa phần đều chọn xe ngựa làm phương tiện đi lại chính. Cũng đúng thôi, hợp thời và hợp với cảnh. Tuy nhiên, do không có thời gian nhiều, anh chỉ ở lại Bagan từ hai giờ sáng cho đến bảy giờ chiều của ngày thứ hai trong chuyến hành trình ngắn ngủi này, nên anh chọn đi taxi. Thuê một chiếc taxi rong ruổi cả ngày ở Bagan, cảm giác tiện lợi và cũng hay hay, nhìn người ta cà xịch cà tang bên cỗ xe ngựa, nhìn người ta cong giò đạp xe, nhìn người ta lại lại qua qua, nhanh chóng và mất hút, cũng có cái thú riêng của nó. Anh đơn giản nghĩ rằng mọi thứ đều là duyên. Là duyên thì không cầu không cưỡng duyên cũng tới. Anh khám phá Bagan theo cách của riêng mình. Âm thầm cảm nhận, âm thầm đi qua, không đắn đo, không hoài vọng, không mệt mỏi. Nhưng ai mà biết được, sao tự nhiên đi về nhà rồi, yên ổn hết mọi thứ rồi, thì lại thành ra thương nhớ Bagan hết sức!

Bagan là thành cổ nổi tiếng của Miến Điện, xây dựng từ thế kỷ thứ 9, phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13. Bagan gắn liền với quần thể đền chùa đồ sộ. Ở đây, đường đá đỏ trải lối, những vạt cây cổ thủ với muôn hình vạn trạng, đẹp đến mụ mị cả người. Thu Bagan rựng trong nắng, nhiều khi đang chang chang nắng lại đổ mưa rào, mưa xong rồi lại nắng tiếp, nhưng nắng đã bớt hanh, mùi đất mới rộn lên theo từng cánh mũi, phập phồng. Và những con đường đá đỏ mới chập chùng bụi, qua cơn mưa chưa kịp ướt đất trở nên hiền hòa. Khách du lịch tới đây, thích thú đi qua hết những mưa nắng đất mù bụi đỏ đó, hợp thành những điểm quyến rũ rất riêng của thành cổ Bagan vẫn còn ngái ngủ trong những giấc mơ nghìn năm thiên lý. Bagan cổ, Bagan buồn và Bagan quyến rũ trong cái cổ cổ, buồn buồn, thiếu thốn và ẩm ương mưa thu ấy!

Chuyến xe từ Mandalay vắt một cái tới Bagan, thả anh xuống bến xe thuộc khu New Bagan lúc chưng hửng hai giờ sáng. Mấy ánh đèn vàng vọt tỏa xuống bến xe vắng ngơ ngắt những chùm sáng mờ ảo. Mưa, nhẹ nhẹ nhưng đủ để ướt áo mất tiêu rồi. Anh không có đặt nhà nghỉ ở Bagan, định tìm chỗ nào đó, nghỉ tạm đôi chân này, sáng lên lại đi, ngắm mặt trời mọc ở một trong những nơi mà người người ước mơ một lần được chiêm ngưỡng ánh bình minh rạng ngời trên những lắc lẻo đền đài cũ kỹ. Nhưng New Bagan là chỗ nào? Bến xe mới được dời ra, nằm heo hút ở tuốt luốt thẻo đất mút cà tha nào đó, vắng vẻ hiu quạnh, không có một chỗ nghỉ lưng, mấy nhà xe thì đóng cửa, nhân viên ngủ còng queo trên nền đất (kế bên có cây xăng, đang xây dựng, anh lếch thếch mò qua, thấy cái cảnh người ta mặc longi ngủ tềnh hênh nhìn muốn bỏ chạy, sợ quá!). Cánh tài xế bến xe bu đen bu đỏ, mời cái này, mời cái kia. Đêm lạnh, mưa buồn, lùng bùng lỗ tai. Anh ngơ ngác nói với một ông tài xế nào đó, làm ơn, tôi muốn kiếm một chỗ ngủ, chỉ cần ba tiếng đồng hồ thôi, miễn phí, sau đó thì tôi muốn thuê một chiếc taxi, đi từ bình minh cho đến hoàng hôn, làm ơn, tôi buồn ngủ quá rồi. Ông chú tài xế nói tiếng Anh bập bẹ, nói với anh yên tâm đi, để ông giúp cho. Anh ngồi chong ngóc ở một chái hiên một quán cà phê đêm nào đó, ngồi nhìn ra thấy hạt mưa bay bay, đôi mắt dấp díu phản đối vì muốn ngủ. Mông muội thế nào rồi anh liều mạng leo lên một chiếc xe bán tải, ngồi ở thùng xe phía sau, mưa tạt vô ram ráp ướt. Phía buồng lái là một cậu trai lạ hoắc (ông tài xế đã đá anh qua tay của cậu này, không thương tiếc, chỉ nói yên tâm đi, em của tao!). Cậu trai nói với anh là có chỗ ngủ rồi, một thiền viện nhỏ, sư sẽ cho anh ngủ nhờ ba tiếng đồng hồ thần thánh, sáng, là có người đến đưa anh đi. Anh lên xe. Xe tải rồ máy chạy đi đâu đó, đêm sâu thẳm, đường không có ánh đèn. Màn mưa nuốt chửng anh với cơn buồn ngủ vào lòng. Xe chạy khoảng mười phút (hay cỡ đó) thì ngừng lại. Ló đầu ra là hai gương mặt khác lạ hoắc, hai người đàn ông trung niên, nói xuống xe, đưa tiền ra. Anh ngơ ngác, đứng hình. Hay là gặp trấn lột rồi đây?

.....

Anh cố viết cho nó hồi hộp thế thôi, chớ không sao đâu, anh đã trở về, mọi chuyện đều ổn. Dân Bagan hiền lắm. Mà thật ra là hiền hay không, là do mình cảm nhận. Nếu nghĩ theo cái kiểu dân du lịch bị mấy tay hàng rong tào lao đu bám, mệt hết sức, thì sẽ thành ra mệt thiệt. Nhưng như anh, nhìn mấy người hàng rong, thấy họ đa phần đều nghèo, họ thoa thanaka, họ cười rạng ngời trong nắng. Nắng thu làm cho lòng anh thấy bình yên lạ, anh mua giúp họ, và anh thấy nắng thu mỉm cười. Đại loại là như vậy. Anh đi, thấy mùa thu Bagan ấp ôm trọn vẹn những vòng tay.

Và chắc ăn là sẽ còn tiếp.



https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/10690013_868796776465291_6127060496495148152_n.jpg ?oh=e01aece7c6ad680adbb6c826d0a207bd&oe=54D7741A

Trời thu rất xanh, nắng rất trong.

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/10392283_886066844738284_1054583375180888415_n.jpg ?oh=51282fa92550053e589ad1fffe9edc31&oe=54DA4A35

Là Bagan

damynghe2606
14-11-2014, 09:13
hii mấy món này nhìn lạ quá cũng ngon ha .!
https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/10612857_884996438178658_3376651509258624499_n.jpg ?oh=f3c048395399f5f0180467521dc607bc&oe=54E9F137&__gda__=1424333803_602de00bcde68247e1175b3c15f0def b

tonphan
14-11-2014, 10:37
hii mấy món này nhìn lạ quá cũng ngon ha .!
https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/10612857_884996438178658_3376651509258624499_n.jpg ?oh=f3c048395399f5f0180467521dc607bc&oe=54E9F137&__gda__=1424333803_602de00bcde68247e1175b3c15f0def b
Có cơm cháy, bánh chuối, rau câu dừa, bánh tráng nướng, bánh còng.... Ôi nhiều loại lắm. Rẻ rề luôn bạn ơi. Mình là chúa ăn hàng nên thấy là tấp vô liền.

Nhưng chống chỉ định với những ai bụng yếu vì họ làm dơ lắm luôn ấy.

tonphan
17-11-2014, 19:43
MÙA THU DU KÝ (3) - VÓ NGỰA BA GAN (TT)
Ló đầu ra là hai gương mặt lạ hoắc. Trong bóng đêm bập bùng, mưa không ngớt, anh dụi mắt, hỏi có chuyện gì không? Người ta chỉ vô bảng thông báo, khách du lịch vào Bagan phải đóng phí 15usd. Anh lờ mờ nhớ ra hình như mình đã đọc thông tin này rồi. Cũng không nói gì nhiều nữa, phần vì mệt, phần mưa tạt liêu xiêu hết cả màn đêm rồi. Vội vàng đóng phí rồi leo lên xe, vẫn chiếc xe bán tải với cái thùng xe lắc lư trải chiếu dơ hầy.

Đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Ba giờ sáng ở Bagan. Anh lại tiếp tục không biết mình sẽ được chở đi đâu. Mưa thu réo rắt gõ vào đêm những mịt mùng. Anh thiếp đi trong đêm lạnh và màn mưa thu ấy!

Anh bạn lái xe ghé vào một tu viện. Đêm khản đặc trong tiếng của côn trùng kêu, của những con bồ hóng theo ánh đèn xe loang loáng mà tủa về. Sư thầy ra mở cửa. Anh tài xế bỏ dép ra, đi chân trần vào nhà rồi kỉnh lễ với sư thầy. Anh ta quỳ xuống, lạy, thầy gật đầu anh mới đứng lên, ngoắc anh vào trong. Đó là một căn phòng trống, khá rộng, sàn lót chiếu, mọi thứ đơn sơ, mấy bóng đèn hột vịt đỏ choe choét soi những gương mặt ngái ngủ. Anh nhấc nhẹ chân, sợ một tiếng động nhỏ thôi cũng làm cho nơi cửa thiền bừng tỉnh dậy. Không ai nói gì, anh tài xế ra đi, anh ở lại, tự tìm cho mình một chỗ trống - có rất nhiều chỗ trống, đèn tắt, sư thầy lui vào nhà trong, anh nằm xuống, chưa nhắm mắt đã ngủ, giấc ngủ ăn mòn từ sâu thẳm ở trong bụng ăn ra, húp trọn anh luôn.

Giấc ngủ ngắn ngủi ba tiếng đồng hồ, muỗi vo ve làm bạn với anh trong suốt những canh ngắn ấy. Anh trệu trạo nhớ là mình đã làm cách nào đó lôi được chai thuốc chống muỗi ra ve vo khắp mặt mày chân cẳng, và nhiều khi buồn ngủ quá rồi, mệt mỏi quá rồi thì tiếng muỗi kêu cũng như là tiếng đờn, ò e te tí càng làm cho giấc ngủ thêm sâu. Như một phản xạ, anh bật dậy lúc năm giờ sáng. Rọt rẹt dòm ra ngoài sân, thấy trời tối u u, chim đã kêu rình rang, nhưng trong phòng thì vẫn tối hù. Sợ người tài xế đã đến, không thấy mình thì người ta lại buồn nên anh giả bộ bước ra cửa, không biết có phải phép hay không nên đâu có dám mở cửa bước ra đâu, cứ đứng tần khân bên bậu cửa, lấp ló kiễng chân nhìn ra ngoài qua mấy khe cửa xem thử coi có người đến hay chưa. Te rẹt ở đó chừng năm mười phút thì có tiếng sư thầy ở nhà sau đi lên, mở cửa cho anh ra ngoài. Trời mờ mờ tỏ, soi gương mặt sư thầy trẻ măng, hiền khô, anh cúi chào thầy, nói cảm ơn rằng thì là duyên, duyên của mùa thu nên trên đường rong chơi phiêu lãng cuối trời, may mắn làm sao anh được một đêm ngủ lại nơi thiền viện này. Một thiền viện nhỏ, nép trong những vườn cây - thứ cây lá nhỏ xíu xiu rất đặc trưng ở Bagan, và tiếng chim kêu rộn ràng, kéo một buổi bình minh mùa thu về qua từng tiếng chim ca và hơi sương mờ ảo. Khuôn viên của tu viện khá rộng, gồm nhiều căn khác nhau, làm bằng gỗ, mộc mạc và đơn sơ. Sư thầy bảo anh ra ngoài sân sau, ở đó có bồn nước, anh có thể vệ sinh cá nhân cho tỉnh táo. Thầy nói tiếng Anh rất tốt, giọng hiền từ, dáng người thấp nhưng nhanh nhẹn. Anh cảm ơn rồi ôm của nả ra sân sau, ở đó có vài nhà sư đang ... tắm. Họ mặc áo nâu sòng, tắm sáng, xả nước ào ào. Anh thấy tự nhiên hỏi họ có nhà tắm không thì cũng... kỳ, nhưng tắm trần như vậy thì thấy còn ... kỳ hơn nữa nên thôi, đánh răng, rửa mặt rồi bước ra. Giấc ngủ ngắn ngủi của mùa thu làm cho anh lấy lại sức thấy rõ. Hay cũng không biết nữa, ngủ ở chùa, nơi Phật tích này làm anh thấy bình yên đến vô ngần.

Năm giờ hơn thì bác tài xế đến, lại một gương mặt lạ hoắc. Nhưng chả hiểu sao anh cứ thấy mọi việc chả có gì phải sợ, nơi đất Phật này, anh đâm ra tin tưởng người ta một cách vô thần, không đắn đo, không suy nghĩ, cứ thế mà tin vào người. Cám ơn sư thầy một lần cuối, anh vác ba lô vất lên xe, bắt đầu một ngày rong ruổi thành Bagan. Anh chào hỏi chú tài xế, một người đàn ông trung niên, không nói được tiếng Anh, mặc longi, không hút thuốc, vẻ ngoài khá bảnh tỏn và sạch sẽ. Hỏi chú có bản đồ không? (ôi bản đồ, biết bao lâu rồi anh chưa nhìn tới được cái bản đồ, ở Miến Điện này, hình như con người ta không cần đến cái thứ ấy, cứ như có người đưa đường chỉ lối, chỉ là đi. Anh thì thấy không có bản đồ, mình như một người mù.). Nói một thôi một hồi chú mới hiểu được là anh cần bản đồ, lắc đầu, nói không có. Anh hơi nản, không có thì thôi vậy. Sợ không kịp giờ đi ngắm bình minh, nên chú tranh thủ chạy, lát sau anh mới biết, thì ra chú ấy quanh lại vài cây số để về nhà mình, lấy cho anh cái bản đồ. Cái cảnh người vợ chú - một người phụ nữ Miến Điện cực kỳ đẹp (mái tóc vấn, thoa thanaka, mặc longi một màu rất nhã, đứng ở trước cổng căn nhà bằng gỗ, cái cổng dựng lên thô sơ bằng mấy cái cây con con, quanh nhà là những vườn cây cổ thụ in bóng, con đường đá đỏ đẹp mê hồn trong buổi sáng mùa thu trong lành. Người vợ đón anh và chú bằng một nụ cười. Ôi người đàn bà ấy, trong cái khung cảnh mờ ảo buổi bình minh hôm ấy, đã ngơ ngẩn cướp đi một nửa hồn anh rồi!).

Đi ngắm bình minh. Sáu giờ, anh được chú chở đến một ngọn tháp, không lớn lắm, đường vào đền là đường đất, cát lún phún theo mỗi vòng bánh xe lăn. Anh không biết tên, có hỏi, nhưng chú trả lời anh không hiểu, dò trên bản đồ thì do chưa quen nên không tìm ra được, nhờ chú tra giùm thì chú chỉ là Ananda nhưng lúc đi về, anh kiểm tra đối chiếu lại thì thấy không phải. Đền nằm có mình ên, có rất đông khách du lịch tập trung trên đỉnh rồi. Những gương mặt người quen thuộc, hơn phân nửa là những người đã cùng anh đi chung chuyến xe bus đêm từ Mandalay đi Bagan tối hôm trước. Ai cũng bừng bừng khí thế ngắm bình minh ở một trong những nơi được cho là đáng để ngắm nhìn mặt trời mọc nhất thế giới. Anh leo lên mấy nhịp cầu tre (ý da), mấy bậc cầu thang, lên đến đỉnh. Phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía, một vùng rộng lớn, bạt ngàn tháp, bạt ngàn những đồng không mông quạnh. Phía chân trời, mặt trời nhói lên như đốm lửa, ráng đỏ ửng hồng, những tia nắng đầu tiên xiên xéo, nhảy nhót nhẹ nhàng trên mỗi phiến đá, những phiến đá trăm năm. Cảnh đẹp đến ngơ ngẩn cả lòng. Tiếng máy ảnh vang lên, tiếng người xuýt xoa xôn xao. Anh chỉ im lặng, như nuối tiếc như muốn ngừng lại phút giâ này. Bình minh mùa thu Bagan, nắng đã lên, mặt trời rựng hồng phía cuối chân trời. Không vội vã, anh bước những bước cuối cùng ở bậc thang xuống đất. Bắt đầu hành trình rong ruổi Bagan.

Chùa ở Bagan nói riêng hay Burma nói chung thường có bốn cửa: Đông Tây Nam Bắc dẫn vào đền. Đền cũng có bốn ngã, mỗi ngả lại dẫn đến Ban thờ với tượng Phật. Chánh điện luôn có tượng Phật to đep nhất. Không giống chùa ở Việt Nam, sẽ có cửa Chánh môn với Nam tả nữ hữu, một Ban thờ Chánh điện, phía sau thờ Cửu huyền thất tổ hoặc Thờ Chư vị Lão tổ. Khách hành hương đến bái lễ Phật sẽ phải để chân trần, tâm tịnh không vướng bụi trần. Ở đó người sẽ kỉnh lễ Phật theo tuần tự Kora, vòng tròn từ trái qua phải. Khách có thể mua những lá vàng để dâng lên Phật qua nhiều ngày tháng. Có cả hoa nhưng khác với Phật tử ở Lào hay Cambodia, ở đây người ta không thắp hương lễ Phật. Ngoài sân chùa thường có ba Chuông đồng. Ở đó, khách hành hương hay đến thỉnh chuông. Tiếng chuông chùa trầm bổng dễ lay động lòng người trong tiết trời hanh khô của mùa thu đang chậm rãi qua.




https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/1782143_868729159805386_981939844864797583_n.jpg?o h=0a48dcca2dd2a63a6268e7cde56ceedd&oe=54D41A0E

Là duyên. Mưa đổ xuống vào chiều Bagan, ướt rượt mấy dấu chân ngựa buồn. Rồi thì mưa tạnh, có cả cầu vồng. Và may mắn là dưới chân những đền đài, mưa thu đi qua có mình đứng lại mà ngẩn ngơ.

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/10665221_868731776471791_5700999582998296043_n.jpg ?oh=e96ea73bde6a3162773cd370badc29b1&oe=551B5775&__gda__=1427535529_4c6e96749fcf9eb60e54828200690f1 d

Ở nơi đó họ dâng lên Phật những loại lá. Là lá, không có hoa.

https://fbcdn-sphotos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/10711139_868796866465282_675839030456695940_n.jpg? oh=ec8925d1518e6c9ffc2bcc10d18c7ef6&oe=55147C50&__gda__=1427198317_fd472e2e11619b2de21fe0839b2640e 9

tonphan
17-11-2014, 19:49
MÙA THU DU KÝ (3) - VÓ NGỰA BA GAN (TT)

Anh đi qua những ngôi đền Bagan, nao lòng với những hành lang dài, chân trần mát rượi trên nền gạch trăm năm, gió thổi lồng lộng. Đền Htilominlo được xây dựng bằng đất, đẹp và buồn, như những niềm riêng xưa lơ lắc, một thời vàng son, một thời rực rỡ. Qua những thâm trầm, nay đền vẫn còn đó, vẫn đẹp, nhưng buồn. Đền Swezigon Phaya: đền đẹp với những hành lang gấp khúc, buổi sáng nắng vừa lên, vắng vẻ heo hút. Đền Ubethein cũng được xây bằng đất, đền nhỏ thôi, tượng Phật cũng bằng đất nung, khác với các chùa khác, do chùa nhỏ, chỉ có hai mặt, cảnh phía sau đền đẹp đến nao lòng vì nhìn ra xa là thấy cả một rừng tháp khác. Cũng không thể bỏ qua Ananda Phaya, quần thể chùa lớn và còn giữ được nguyên vẹn nhất trong tổng thể hơn hai ngàn đền chùa ở Bagan này. Ananda với hai vòng trong ngoài, là nơi thu hút rất đông khách du lịch đến đây chiêm ngưỡng, là nơi dân bản địa ngày đêm đến bái vọng. Ngôi đền bên sông Buphaya, với ngọn tháp tròn, rất đẹp màu vàng chóe nằm mé rìa sông. Và Gaw Daw Palin Phaya làm anh nhớ mãi không phải vì bên ngoài chùa người ta bày ra không phải là những quầy bán kinh sách, bán quà lưu niệm, bán thanaka... mà là những mặt hàng thời trang, là mắt kiếng, đồng hồ, nước hoa... Gaw Paw Palin đón anh bằng cơn mưa mùa thu chiều bất chợt. Anh ướt không đáng kể nhưng lúc chạy vội trốn cơn mưa thu, chạy vào chánh điện anh bị trượt chân, té một cái ầm ngay trước cửa chùa. Và thì chào Phật bằng một cách không được chính thống cho lắm, thì thôi mưa trơn và bước vội. Mưa to quá, nước mưa xối xả tạt vào chùa. Rất đông du khách lỡ bước nên tập trung vào chùa, anh tìm một góc nhỏ thanh tịnh nào đó, chợp mắt một tí trước thời tiết mưa nắng bất chợt thế này. Rồi thì Sulamani Pahto, một ngôi chùa rất lớn, anh đến chùa trong tâm trạng gấp rãi vì chuẩn bị nắng tắt sang sông, anh cảm nhận Sulamini Pahto một cách vội vàng, ngôi đền dở dang vì trời ơi sau một ngày dầm mưa và dãi nắng, con người ta đâm ra ớn nhợn với những đền chùa buồn hiu hắt đậm dấu trăm năm, nghìn năm như thế này.

Bagan chào anh bằng cơn mưa khuya. Bagan cũng trêu ghẹo anh bằng một cơn mưa chiều bất chợt. Anh sợ, sợ mưa giăng trời thế này rồi làm sao mà ngắm nắng về trên những giọt hoàng hôn mùa thu trên những ngọn tháp Bagan trăm nghìn năm này? Nhưng mưa đến nhanh rồi cũng tạnh. Nắng lại lên, lại xỏ xiên qua những vòm quá, hong mái tóc người con gái Miến, thanaka lại được dịp rựng lên trong nắng. Phía chân trời có cầu vồng, lúc anh chạy ngang qua Shwenanday Phaya - một ngôi đền rất to và đẹp, ở cánh đồng dẫn vào đền, anh hú lên cầu vồng, ôi cầu vồng, rực rỡ trong nắng chiều quạnh quẽ, màu sắc này như ám ảnh, một cảm giác ám ảnh, tựa như qua một cơn mưa, mùi của đất váng lên trong không khí quyện với mùi của cây cỏ, của mùa thu, của không gian bình yên tĩnh tại Bagan, làm cho lòng người thơ thới. Là tiếng của mùa thu đang vẫy gọi, là tiếng của trái tim rung lên trước khoảng khắc tuyệt vời của đất trời. Từ Dhammaya Gyi Pahto, anh lặng ngắm mặt trời lặn. Binfh minh và hoàng hôn, tính ra là thời khắc mà lòng anh tĩnh tại nhất. Chỉ cần im lặng thôi, không cần làm gì cả. Nghe tim mình nói, nghe lòng mình buông lời. Lời của trái tim, ừ, là lời chân thật nhất.

Anh rời Bagan vào lúc bảy giờ tối. Một ngày rong ruổi nơi bình yên và trầm mặc. Anh đi qua những dấu chân ngựa buồn, những con đường đất đỏ bụi mù, những bóng cây cổ thụ lá nhỏ xanh rì hai bên đường, những đền chùa nghìn năm, những gạch đất trăm năm. Gương mặt thanaka rựng lên trong nắng sớm, ánh hoàng hôn nào vừa tắt phía lưng đồi. Sau cơn mưa thu, anh gặp ánh cầu vồng, mùi đất đỏ quyện với mùi xưa cũ, Bagan đẹp và buồn. Nếu cần tìm một chốn bình yên, hãy đến Bagan. Bằng một cách nào đó, anh đã say với cái bình yên tĩnh tại và buồn đến nao lòng của mảnh đất này. Có cánh chim nào vừa bay ngang, chim rỉ tai anh, biểu thôi bữa nào bây rãnh thì ghé Bagan chơi, để cho ngày đừng vội, để người được chậm rãi đi với người. Chớ thiệt tình là ở Bagan là anh trôi. Tỉnh ra mới thấy tiếc, sao mà thời gian nhanh quá vậy trời?

Những dấu chân ngựa vẫn buồn.
Như Bagan trăm nghìn năm vẫn vậy!
Mưa mùa thu giăng sương khói.
Sáng nay nhìn trời, thấy hồn khuyết đi một mảnh.
Như có mảnh hồn nào gửi theo giọt mưa thu Bagan

https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/1922018_868705436474425_5076257425330603328_n.jpg? oh=61a53ebe31b40dbe1277b5de7194dbc6&oe=5513A682&__gda__=1424349387_291d44fdd76bc4b0dbd7ee99695212c 3

Trời Bagan bình yên tĩnh tại

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-9/p417x417/10711088_873897505955218_2558371457935202832_n.jpg ?oh=76b921f10da89dee6b3266fbfdc1e248&oe=551871B1&__gda__=1428138083_fc7f47fc8d80af2608ec3bf2176a8dc 2

Gaw Paw Palin Phaya trước cơn mưa thu

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/10441419_873897735955195_2012419790702890757_n.jpg ?oh=121c88c62ad44248430e798bce199a75&oe=54DBD312&__gda__=1423490986_6876b8b7b94f2317d458e9e87e9b54e 3

Gạch đá trăm năm

tonphan
24-11-2014, 19:19
MÙA THU DU KÝ
Người Miến Điện cho rằng, đất nước của họ là nơi có Phật hiện diện, là nơi Phật từng đến. Những chùa Phật Nha, chùa Phật vàng, chùa Xá lợi tóc Phật là những Thánh tích quý giá không chỉ của riêng đất nước "không giống như đất nước nào khác mà bạn từng biết", mà còn là điểm đến tâm linh của rất nhiều Phật tử trên khắp thế giới.

Người dân Miến Điện cho rằng, thuở Đức Phật chưa nhập Niết Bàn, trong một buổi thuyết pháp có hai người từ phương xa đến, xin đầu nhập làm môn đệ. Phật thu nhận họ làm đệ tử. Sau một quãng thời gian tu hành, họ xin được trở về cố hương. Phật đồng ý, đồng thời ban cho hai vị đệ tử ấy tám sợi tóc của Ngài. Tám sợi tóc xá lợi đó của Phật, hiện nay được cho là đang thờ tại chùa Vàng Shwedagan - Yangon, thủ đô của Miến Điện.

Truyền thuyết còn kể lại rằng, một lần Đức Phật thu nhận một người thương nhân tên là Punna, đã lặn lội đến tận Savatthi (một Thánh tích thiêng liêng của đạo Phật, ngày nay nằm sát biên giới Nepal - Ấn Độ) để dập đầu xin vào tăng chúng. Sau một thời gian tu hành, Punna xin Đức Phật cho ngài được đi giáo hóa chúng sanh. Phật nói: dân xứ ấy dữ lắm, ông giáo hóa bằng cách nào? Ngài thưa: con sẽ không bao giờ giận dù cho họ giết con.Punna giáo hóa thành công, xây được một tu viện, và mời Phật đến thăm. Đức Phật đến với 500 vị tăng. Khi trở về, đức Phật dừng chân bên sông Nammada, gần dãy núi Saccabandha. Một vết chân của Ngài in dấu không phai gần bờ sông, một vết chân khác in dấu trên núi. Hai vết chân bây giờ là hai thánh tích, ngày xưa được vua thờ, ngày nay là đất hành hương của dân chúng.

Burma là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng người dân Burma bao đời nay lại đắm mình trong lòng di sản Phật giáo được xem là lớn nhất nhì thế giới. Anh không theo đạo Phật, anh cũng không nghiên cứu về Phật pháp, nhưng ừ thì bằng những ơn vọng về ánh sáng của từ bi hỉ xả, của Phổ độ chúng sinh, anh đã đến Miến Điện vào những ngày đầu thu, đi qua những chùa chiền, chạm tay vào Phật, ở nơi mà người ta vẫn hay nói: Hãy đi, ngay khi Burma vẫn còn "chưa được nhiều người biết đến"


https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/q87/s720x720/1782088_891621754182793_9104532983309285711_n.jpg? oh=6898f65757dbe0932284c439cf42d2e8&oe=551479D1

5. KHÔNG TÊN


Ở Không tên có cái gì đó rất hay.

Sáng đó xe đến Yangon lúc tầm năm giờ sáng. Anh nhoài người ra khỏi xe, tranh thủ chạy đi kiếm nhà vệ sinh để rửa mặt, cái bến xe lúc hừng đông lúc nhúc những người. Bến xe Yangon rộng và cũ kỹ - thì ở Burma này, cũ kỹ là đặc sản, như mắm - dậy mùi nhưng ai ăn được thì thấy ngon, đi xa là mắc nhớ, gọi tên là mắc thèm. Anh kiếm một chiếc taxi, đi vào thành phố. Đi chung xe với hai chú sadi, mới sáng sớm, mặt ai cũng chảy dài theo từng vòng bánh xe lăn vô trung tâm, quãng đường di chuyển hơi xa, taxi lại bỏ hai chú ấy đi vào một thiền viện nào đó trong hẻm hốc. Sau một chuyến đi đêm dài, bây giờ thì chỉ muốn đi tắm và đi ngủ. Anh chưa đặt phòng nghỉ, chỉ đưa đại địa chỉ của một hostel nào đó anh đọc thấy trên mạng cho người tài xế, rồi gật gù trôi vào giữa những làn đường thênh thang, cây xanh mướt cả trời.

Đến sớm, cũng may hostel dễ chịu, cho anh check in vào ngay mà không cần phải chờ đến một giờ trưa, không cần cả việc phải đặt phòng trước. Có điều, anh thấy xót xa quá vì mấy đứa trẻ làm chân giúp việc ở hostel này, toàn bộ đều là mấy đứa nhỏ, nhỏ xíu, lớn nhất chắc chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Đất nước người ta nghèo, nên trẻ con - cũng là một thành phần lao động chính. Anh tranh thủ nghỉ ngơi một xí, rồi dựng dậy, đi bộ vô thành phố. Cũng may, chỗ anh ở rất gần với khu China town, khu Tiểu Ấn, và gần cả chùa Vàng.


https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/p180x540/1972534_891620330849602_2386319186852387852_n.jpg? oh=494841b9788688b67c71b57f92388289&oe=5517774A&__gda__=1426913949_b1109af78461a6587197b6482d638c3 2

Chùa Tàu


Không Tên là ở lúc anh lê la ở khu chợ trời, đi bộ thôi, đường phố Yangon rộng nhưng nhếch nhác, đường đầy rác, người đông và nhấp nhô, lộn xộn. Những dãy nhà theo lối thuộc địa xưa, một thời quá vãng, nay rêu phong và cũ kỹ, buồn thôi là buồn. Lúc len lỏi qua những ngã tư đường, anh để ý Không tên ở bên lề một phố đông đúc, Không tên bán yaourt, tan lợ lợ lạnh lạnh trên đầu lưỡi. Không tên có một ánh mắt trong veo, mùa thu buồn tênh nhẹ tênh trên đôi tay Không tên gầy nhỏ. Không tên mặc một chiếc longi màu trầm, tóc tết thành bím và nụ cười răng trắng mỏng manh như khói. Thứ khói mùa thu bãng lãng bay bổng và nhẹ nhàng. Một Không tên ngồi bên vệ đường, đôi quang gánh yagourt nhẹ theo từng bước khách lại qua.

Lúc anh mò đường đi qua khu China town, anh vớ đại một Không tên trên phố. Không tên vừa bước xuống khỏi chiếc xe bus, em nhiệt tình dắt anh đi qua mấy ngã phố, bảo để em dắt anh tới tận nơi. Không tên tóc ngắn, da ngăm ngăm, ít khi cười, nói chuyện nhanh và đầy tự tin. Không tên bảo, em không thích đất nước này, em đã từng tham gia các chương trình tình nguyện, được đi ra khỏi đất nước. Với em, Yangon thật bẩn và kém phát triển, đất nước kềm kẹp con người, không muốn cho người ta đi lên, những trì trệ và cũ kỹ đang từng ngày xói mòn hết những con người nơi đây. Chia tay Không tên ở Ngôi chùa Tàu, anh thầm chúc em sẽ có cơ hội phát triển, Myanmar cũng được, Yangon cũng được hay ở bất cứ nơi nào khác, em hãy cứ luôn lăn xả với cuộc đời như vậy nhé. Không tên nhiệt tình và tốt bụng dắt anh qua mấy nẻo đường. Chia tay rồi, có mái tóc tém nào hiện lên trong đáy mắt. Mùa thu Yangon nắng bỗng nhiên thật hiền.

Không tên cũng giúp anh dọn lại kệ dép. Ánh mắt trẻ thơ ngời sáng. Bàn tay bé thơ quen lần áo mẹ đã phải ra đời sớm, dày đặc vết chai. Buổi tối Yangon mưa, mấy sợi mưa thu buồn rười rượi, nhìn ra đường cũng vắng, mới bảy giờ hơn đã lặng tiếng chân người và xe cộ. Không tên ngồi với một Không tên khác, chăm chỉ học tiếng Anh. Chủ cho các em học thêm tiếng Anh để phục vụ cho việc kinh doanh. Em ngọng nghịu đọc chưa tròn vành rõ chữ nhưng chăm chỉ, ngoan hiền. Mấy đứa em của anh ở quê nhà, từng tuổi này vẫn còn được cha má chở đi học, và ngửa tay ra xin tiền. Mùa thu len lén những xót xa.

Anh nhai thử một lá trầu. Mùi hăng hăng cay cay chát chát của lá trầu, của thuốc rê, của mấy loại nguyên liệu khác không tên quến vào trong khoang miệng. Anh giả bộ nhai nhai, chịu không nổi tìm một góc nào đó nhổ xuống, màu bã trầu loang trên phố. Anh thấy răng mình kin kít. Ai biểu tự dưng mắc nhớ những ngày xưa, nhà cô Hai có vườn trầu, phía ngoài cặm mấy cây cau, mấy đứa nhỏ như anh hay lượm mo cau kéo đi khắp xóm. Thấy người lớn nhai trầu, cũng ba trợn lén lấy vôi trét vô lá trầu, kẹp một miếng cau nho nhỏ vô rồi làm ông bà già móm xọm. Cái vị đắng chát cay xè ấy táo tợn theo năm tháng. Lúc lớn lên anh cũng không từng nghĩ sẽ thử lại cái vị khó chịu ấy. Nhưng ở Yangon, ở Burma, ai ai cũng nhai trầu. Những Không tên mặc longi, thoa thanaka và nhai rầu. Anh thấy mình như nhỏ lại, bắt chước những Không tên, anh quện tim mình trong những bệt trầu phai.




https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/s720x720/10696322_891620667516235_3284066054386037544_n.jpg ?oh=dc0180b1a52b8032ec2ac83acaeeb766&oe=5509BC10&__gda__=1423573750_2fa0244d7aec062c1e8980926fc4c9e 6

Yêu nhau cau bổ làm đôi miếng - Một lá trầu xanh thắm nợ duyên



Những vết trầu phai theo năm tháng. Những góc phố cũ kỹ buồn thiu đậm dấu thời gian. Những đền chùa dát vàng lộng lẫy, ngày đêm được vạn người bái ngưỡng. Dáng longi nhẹ nhàng từng bước chân sớm tối. Anh ngủ lại hostel một đêm, đêm ấy mưa thu buồn. Sáng hôm sau anh dậy sớm, bắt taxi ra sân bay. Đến Yangon vào buổi sáng, rời khỏi Yangon lúc trời tờ mờ sáng. Anh khe khẽ nắm mở bàn tay mình. Buổi sáng Yangon trong lành, đường rợp bóng cây. Ánh vàng hắt ra từ ngôi chùa Vàng Schwedagon còn vương nơi đáy mắt. Mùa thu lặng lẽ đi qua.

Như những câu chuyện diễm tình, anh nhớ những cô gái Không tên, nụ cười như khói, ánh mắt như mưa mùa thu.


https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/10267774_891620250849610_6882053942804717235_n.jpg ?oh=4bad64c8d1346baebacff914c7f31ce2&oe=54D234E2

Đường phố Yangon

https://scontent-a-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/10363964_891620857516216_7533514035508552002_n.jpg ?oh=ac2df3c4c0fadba684b067d0676064f9&oe=54D5F80D

Đọc báo sáng

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/1016263_891621017516200_4557894375642378803_n.jpg? oh=9078d42032d009563d1c81612424de60&oe=550F6D3A&__gda__=1426594555_16c2f324b2fbc60026ed65200d4ec3b 2

Một ngôi trường cấp ba

https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xaf1/v/t1.0-9/p180x540/10454448_891621097516192_2159551495477748176_n.jpg ?oh=f2bbd0e754aa78045a3c5e87147cf474&oe=5511A42B&__gda__=1423552972_f45f3d6ad2d3c78ea7a973f3c0f2b5e 8

Bóng dừa lơi lả

https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/s720x720/10403084_891621624182806_972364880876312987_n.jpg? oh=886324ea3891a747c94f7c8f6562b5a2&oe=551257BF

Còn thì thấy lạ lạ là quất liền[/CENTER]

tonphan
04-01-2015, 11:06
Nếu có ai lỡ đọc lỡ duyên và có hứng đi Nepal mùa xuân này từ 5/03 - 12/03 thì đi chung với mình nhé.

Mình đi thì buồn, không nhiều tiếng động và đảm bảo muốn bao nhiêu bụi có bấy nhiêu. Ngẫu hứng!

tonphan
14-03-2015, 15:24
Một giấc mơ Nê



Là Nê, biết đâu đó của một ngày không xa, sẽ trở lại!

Bữa đó, trước lúc lên đường Út hỏi chị là có liều lĩnh và phí quá hay không cho chuyến đi lần này? Chị nói, thằng bây không chịu để dành tiền có vợ, hoặc tiền đó bây đưa chị, mua sữa cho con còn có lý hơn. Tóc chị ba dài, tóc đứa cháu nhỏ cũng dài, hai má con ngồi chải tóc cho nhau trong ánh chiều chập chợn mặt người. tiếng đứa cháu hòa theo tiếng muỗi kêu, tiếng của đồng quê gốc rạ nghe mắc cưng dễ sợ: Cậu út đi chơi nhớ mua quà cho con với nghen nghen! (Có bận anh đi, lúc về giả bộ lấy cho nó cái khăn giấy ướt, thứ mùi thơm thơm rẻ tiền mắc ngấy mà mấy cái xe tốc hành chất lượng cao chạy ba trầy ba trật hay phát, vậy mà nó mê quên trời quên đất, giữ khư khư. Con nít là vậy, suy nghĩ giản đơn, dễ giận dễ hờn nhưng dễ dụ. Vẫn là con nít là sướng nhất!)

Bụng của út thì nói, út còn trẻ mờ. Út phải đi thôi, đã đặt vé rồi thì kiểu gì út cũng phải đi cho tới bến. Tính út nào giờ là như thế, nên cha má cũng không cản được. Chị ba thân nhất trong nhà, cunggx không cản. Kiểu như bây còn trẻ, bây tự làm và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Dễ dàng quá bây không chịu, khó khăn quá thì bây thở than. Tuổi trẻ của bây đâu thể cột hoài, ràng ghịt hoài với mấy cái bờ mương mỗi năm dăm ba bận nạo đất đắp bờ, với cây me gốc khế sau nhà cho đặng. Nói chớ cha má lớn tuổi thì hay chép miệng, kiểu sao thằng mày đi hoài, lỡ có chuyện gì, ông bà già sống sao cho nổi. Út đi từ lúc bụi bông trang cha bứng về trồng trước hàng hiên còn lấp xấp tới bắp vế cho tới bây giờ bụi bông trang cao lút ngọn sào, bữa chạp ngứa mắt ngứa tay cha xách rựa ra đốn giờ trơ cái gốc đen xập xì dòm phát tội. Thế mà út vẫn chưa có chịu về.

Bận này thì út đi dãy Nê. Dãy này thì xa, xa cái thẻo đất miệt vườn nhà út tới tận năm ba mùa phóng lúa, xa đâu tận mấy mươi cao ớt trúng giá được mùa, bằng dăm bảy cao thuốc lá lá người ta trồng mà không bị cuốn lá, xoăn hình bắp cải… Út đi gọn hơ, nói đi là sắp xải của nả đi cái rột. Dãy Nê là nơi phát tích của đạo Phật mà. Út nói chớ đận này mình đi về với Phật, duyên tới là út đi, đi và sẽ trở về. Út tin vào cái duyên lắm, như cái duyên giúp mình sinh ra và lớn lên ở đây, cái duyên đưa út đi tới những vùng đất khác, duyên gặp gỡ và tao ngộ những con người kỳ lạ. Út gom hết tiền cắc ca
cắc củm từ bấy hổm rày, dồn vô mua vé đi Nê vào một ngày cuối năm con Ngựa.

Tháng tận năm tàn và đông qua và xuân tới. Út cắm sào bứt cái mặt mình ra khỏi bờ giậu giêng hai vào một buổi sang mùa xuân gió thổi chớm chớm má. Bữa đó út bưng theo có vài tấm hình, chụp kiểu ảnh bốn sáu, đặng qua Nê làm giấy thông hành. Út nhớ, cái bữa đi chụp ảnh, ở cái hiệu ảnh xưa lơ xưa lắc nằm ở đường Tám, hiệu này lâu lắm rồi, mần ăn cũng được nên song lâu, thì đời mà, ăn xổi ở thì mần ăn chụp giựt lâu ngày dài tháng cũng rung cuốn. Chỉ có uy tín chat lượng cao thì được người ta tin tưởng, xài hoài, mua hoài. Út xớ rớ xỏ vô cái áo sơ mi, dưới là cái quần đùi dòm mắc cười muốn xỉu. Chụp choẹt một hai phát xong rồi ra bang ghế ngồi chờ, vói đầu vô trong nói cha nội kỹ thuật viên có chỉnh sửa thì đừng có làm lố quá nghen, xóa mụn căng da chỉnh sang tối nọ kia chớ đừng xóa mục ruồi, đừng them này them nọ chút ra đẹp rực rỡ mà hổng giống tui cái chỗ nào hết là tui hổng trả tiền à! Nói chuyện kiểu đâm bang, cà rỡn cà giựt thì út giỏi lắm. Hình chụp xong rồi út điếc ngơ điếc ngắc, ủa ủa cũng lâu lắm thiệt lâu rồi không còn dòm thấy được cái khuôn mặt nghiêm nghị này. Chắc tại hay cười hay giỡn riết đâm ra quên mất gương mặt người. Những gương cười giả tạo và phù phiếm, cứ xoay xoay!

Đi Nê thì phải mần cái giấy thông hành. Út thấy nhiều người chê này chê nọ kiểu như cầm cái tờ giấy nhân thân ở cái xứ thiên đường này đi đâu cũng hổng được, nhiều người đâm bất mãn, biểu chớ xứ chi đâu mà đi cái hốc bà tó nào cũng bị người ta dòm lom lom, mắc ngượng. Út thì khác, mình sinh ra và song ở nơi này, mỗi ngọn cây, cọng cỏ, mùi dầu cù là cho tới bợn giấm chua bỏ vô hũ năm bảy bữa sau chua lè chua lét... đều thân quen và gần gũi cả. Mình phải biết trân quý những thứ mình đang có. Đứng nơi này mà cứ ngó nơi kia, dòm khói mà tưởng tượng nồi cơm bên phía bờ giậu bên kia ăn chắc ngon, tới cỏ cây bông lá bờ giậu bên kia cũng bự xự hơn, mướt rượt hơn là hổng có được. Cả đời cha má út sống ở đây, nơi này là nhà, là thương là nhớ nên đi đâu cũng hổng bứt rời ra được. Ai biểu ba má chôn cái cuống rốn lúc út còn đỏ hỏn ở dưới gốc cau, bụi chuối nào ở cái xứ thẻo cà tha này rồi mà.

(Còn tiếp, tiếp liền!)

tonphan
14-03-2015, 15:31
MỘT GIẤC MƠ NÊ (2)

Bỏ qua hết cái nọ tới cái kia. Út chạy băng băng trên những ngọn gió và chín tầng mây, dòm qua cánh cửa hẹp thấy trời cao đất rộng gió thổi mát rượi. Định cái bụng mở cửa ra cho gió thổi mát mát tóc bay bay, tưởng tượng chắc nụi chỉ cái bụng là hổng dám. Có bận nghe người ta nói dân ở cái xứ gì cũng mũi tẹt và da vàng mà dân thì xấu tính, đi chơi xa cưỡi gió đáp mây mà tẹt nước mũi vô mặt người khác vì... ngứa. Út cười, hay bây giờ người ta bớt tôn trọng những cái thuộc về văn hóa ứng xử đi vì những cơn gió như thế này. Giống như út, thấy gió mát quá muốn bứt bỏ hết những buộc ràng, những lề thói cũ. Hay những chuyện như người ta giành nhau quả phết cầu may bữa hội làng, người ta tranh nhau quết tiền vô máu con heo vừa được phân thây tứ mã chém ngay đơ thẳng đuộc giữa sân làng rồi tha hồ mừng rỡ vì ... lộc, người ta có thể dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn lặt vặt kiểu như dòm hổng ưng con mắt thì hốt nhau thôi. Chắc tại gió, mát quá đã quá nên dễ quên trời quên đất, giống út, bữa sáng đi Nê.

Máy bay ngừng lại lưng chừng đồi cọ. Út có biết gì đâu, người ta chở qua tới đồi cọ, ngưng lại ở đó, nói chờ dãy Nê mở cửa trở lại, mới làm giấy thông hành đi tiếp được. Lân la hỏi hỏi kiểu như ủa sao kỳ vậy? Tui có tội tình chi đâu mà tự nhiên lại đóng cửa dãy Nê làm ảnh hưởng đến tui? Trời ơi quê tui còn nghèo nghèo lắm, tui phải chắt mót mấy vụ lúa, mấy sào thuốc lá, dăm bảy mươi cao ớt trúng mùa mới đủ tiền cỡi mây và đạp gió tới đây được. Việc ở nhà đâu phải nói bỏ xuống là bỏ được đâu, đi được đã khó, lại đi có dăm bảy ngày (vì sợ, lúc bận về lỡ ông thời tiết hổng thương đổ trận mưa rào, làm cho lúa nhảy xổ đồng, làm thuốc lá co vòi xoắn bắp cải, ớt rụng cuống đỏ oặt cả đồng thì chắc út trắng phơi. Mà ngộ, đó rày ông thời tiết cứ hổng thương hoài, xoay qua đổi lại chóng hết cả mặt, không đoán trước được nên người dân xứ của Út, đã nghèo lại càng nghèo hơn!). Nên bữa đầu tiên ngưng lại ở đồi cọ, Út mới đầu còn sợ sợ, sau rồi hớn hở, ý da đi tới đất Nê chớ bộ giỡn, biết đâu trúc trắc nho nhỏ này làm cho mình nhớ hoài, hổng có quên được rồi sao. Nguyên bữa đó út đi cà vòng cà vòng. Thấy chỗ này đẹp chỗ kia vui vui chộ nọ hay hay thì ghé, móc cái điện thoài cùi ra chụp lấy chụp để. Lâu lâu mới có dịp được đi ra khỏi lũy tre làng chứ bộ!

Rồi tối đó cũng lục đục nhiều chuyện. Người bị kẹt lại đông, cả ngàn người chớ ít ỏi gì (có người kẹt lại đã ba bữa, không tắm rửa, không chỗ nghỉ chân, toàn lựa chỗ nào có cây cọ to to, chụm lưng lại, ngáp xong lại ngủ, ròng rã mệt mỏi suốt ba ngày trường!). Đồi cọ thì lúc quỡn đãi dòm cũng rộng rãi, nhưng lúc có chuyện rồi thì co vòi lại còn có chút ét, nhỏ xíu hổng đủ chỗ nhét kẽ răng, cạp một phát hết trơn. Dân xứ Nê sao toàn là đàn ông thanh niên, những gương mặt người có râu, mắt sâu hoắm như chứa cả một đời người trong đó, tóc xoăn, da ngăm và nặng mùi. Họ tụ tập dưới những gốc cọ, khổ sở và bơ phờ chờ đợi tin tức khi nào thì họ tiếp tục cuộc hành trình. Út thì khác, út hổng có quen với cái không khí cọ dầu này, thế giới nhỏ bé của út thì đậm mùi bùn, là những mái nhà trước cau sau chuối, có bầy vịt lỏm đỏm lội nước, có tiếng con gà trống giữa trưa đạp mái kêu ỏm tỏi, có con chó sủa ma váng cả những giấc đêm... Vậy nên tối đó út đi lân la ra khỏi đồi, tìm một chỗ nghỉ lưng đắt ngang ngửa nửa vụ lúa (cũng may, có quế nhân phù trợ, út hổng phải trả tiền, nửa vụ lúa, còn ở lại với út!). Ngủ một giấc, tỉnh dậy thấy thần thanh và khí sảng. Tâm trạng tốt hơn, đi kiếm thịt gà ăn sáng. Ở cái đồi cọ này, người ta không ăn thịt heo, người ta cũng hổng ăn thịt bò, thịt gà thì được, cá cũng tạm được. Út thì không ăn cá, nhưng ăn thịt gà hoài cũng ớn chớ bộ. Thứ gà công nghiệp thịt bở rẹt, ăn thì cứ ăn thôi, cho qua ngày đoạn tháng. Nhớ thớ thịt gà ở quê mình, gà tơ, không đẻ được nữa thì má nhốt vô sọt, rồi cắt tiết nấu nước sôi, vặt lông, nấu cháo, thịt xé phay, bóp gỏi, thịt ăn dai, nhưng cái ngọt của gà ta thì sâu đậm nhức hết cả răng. Út cứ bần thần, nhớ mấy món nhà quê thơm thảo mà làm động lực chống đẩy hết những thức ăn ở đồi cọ này! Rồi thì cũng qua, người ta nói ăn để sống, chớ sống để ăn thì nghĩa lý gì!

Chuyện kể rằng có một vụ trật đường băng ở dãy Nê. Không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về mặt xã hội thì chắc hổng đong đếm được, hơn ba mươi ngàn người (có út trong đám nhấp nhô đó) và hàng trăm chuyến bay bị hủy, hoãn. Điều bất ngờ là, phải mất tận hơn năm ngày mà ông chính quyền xứ Nê vẫn chưa giải quyết được vụ khủng hoảng. Nê là miền đất của Phật, có cội bồ đề tương truyền là nơi đất Phật sinh ra, có dãy Hy hùng vĩ hoành tráng và là nóc nhà của thế giới. Phái có duyên và phải thực tâm muốn đến nơi này, thì mới nhấc chân lên mà đi được. Nhiều khi, có tâm như út cũng hổng đến được nữa kìa. Đó là điều mà mãi cho đến khi đặt túi bàng xuống trước hàng hiên, mệt mỏi rã rời sau một quãng hành trình lưng lửng, út đau đớn buồn khổ nhận ra được. Và đó, là chuyện của một ngày sau đó.

Đồi cọ lại tiếp tục nở ra, không phải về diện tích bởi nó có chút chíu à, mà vì người. Ngày mới đến đón nhận thêm nhiều những gương mặt người khác nữa, út dòm thấy họ như thấy mình của ngày hôm trước .Hớn hở khí thế chờ dừng chân rồi làm tiếp nửa sau của cuộc hành trình đến Nê, để rồi thất vọng não nề, thả nỗi buồn rơi khắp đồi cọ. Đồi cọ thì không có lỗi, chỉ là điểm dừng chân. Nhưng biết làm sao được, người ta chỉ đổ lỗi cho những gì rành rành trước mắt chớ ai đâu tỉ mẩn bóc tách những thứ xa xôi hoặc đã là dĩ vãng quá khứ làm chi (như ở quê út, ông trưởng xóm có tội tình gì, chết là hết, từ chức trưởng làng là hết, nhưng khổ cái, ổng có biết từ chức viết ra mần sao đâu?). Nê còn quê hơn ở quê của út, nên ở đó có mỗi một chỗ cất và hạ cánh, đườngbaăng bị trục trặc rồi nên đóng luôn cửa ra vào, nội bất xuất và ngoại bất nhập. Út ở lại đồi cọ ngóng tin đến ngày thứ hai, bước qua ngày thứ ba, út quyết định mua vé trở về. Trong mệt mỏi và thất vọng, út trở về.

Hãy tưởng tượng mình đến nơi trễ, phải mua lại vé mới, sau đó mình đi tới đồi cọ, trạm dừng chân thôi, để chờ đi tiếp đến Nê, thì nhận tin Nê đóng cửa giải quyết sự cố, mình chờ ở đồi cọ một ngày, hai ngày rồi đến ngày thứ ba, mọi nhiệt tình đều bốc hơi đi mất. Mình thì chỉ có bảy ngày, mất hết ba ngày ngồi ở đồi cọ ngắm nước chảy hoa trôi, mùi người thì nóng, mặt người thì quạu, thử hỏi bao nhiêu chờ đợi trôi đi hết. Mình mất trắng ba vụ lúa, mấy mươi cao ớt, dăm ba sào thuốc lá lá vụ xuân. Muốn gỡ gạc thì mình phải bỏ tiền ra đặng mua vé trở về nhà, rồi đâm đơn đi đòi lại một vụ lúa. Là út, là tình huống của út bữa đó. Chỉ nhớ út lang thang ở đồi cọ, tay buông thõng, vai buông thõng, túi bàng nặng thênh thang, cõi lòng tan nát. Chờ đến sáng, út mua vé trở về nhà. Nếu có thể khóc, chắc đã có một phen đồi cọ được tuưới nước rồi. Nhưng ông trời đã định sẵn, út không được khóc, chỉ có thể gượng cười. Ông trời đã định vậy, nước mắt chỉ dành cho kẻ thua cuộc và yếu đuối mà thôi!
Ngày mồng tám tháng ba, ngườit a mua hoa hồng và bánh tặng cho một nửa của cuộc đời. Ngày mồng tám tháng ba có những lời gợi nhắc và hình ảnh về một cuộc đạp mây cưỡi gió từ đồi cọ đi mãi vẫn chưa trở về. Ngày mồng tám tháng ba, có út lôi thôi ôm giỏ trở về lại nhà, ôm trong bụng một rổ lổn nhổn những hối tiếc. Tiếc vì bao công sức bỏ ra đã không đi được đến hết hành trình, tiếc vì mỗi lần dứt bờ lau gốc rạ ra là mỗi lần cực nhưng cuối cùng lại không đi được. Lổn nhổn tiếc kèm theo mệt mỏi vì ba ngày hai đêm kẹt lại ở đồi cọ. Chuyến về út ngủ, gió có mát nắng có rực rỡ dường nào cũng không quan tâm. Phật thì vẫn còn ở đó, trong tâm tưởng, chỉ có một khoảng trống trong lòng chả biết bao giờ mớidđeền vô được. Thì thôi cũng đành là hẹn. Chả biết đến bao giờ.

Như những cơn mộng mị, có thể đánh tỉnh út bất cứ lúc nào, ngay lúc mình đang say nhất. Bữa đó, cũng là lúc mình đang say,thấy đang dậm chân trên nóc nhà thế giới, thấy đang đi những vòng kora quanh cội bồ đề. Cái rồi vía giật mình tỉnh dậy. Tỉnh cơn mê, hụt hẫng cho mãi đến tận bây giờ

tonphan
04-05-2015, 19:49
NHỮNG NGÀY Ở XANH



Là những ngày thảnh thơi nhất anh từng có, qua rất nhiều những bận xách của nả lên mà rong chơi phiêu lãng cuối trời. Xanh hiền hòa, thiệt là đúng với cái ý của anh khi đặt vé đến đây. Xanh thì cũng thuộc dạng nổi tiếng, nhưng ưa thích thì anh không biết có ai ưa thích nơi này hay không? Vì Xanh thì buồn, chủ yếu là đền đài, cây cỏ nhiều, đồng ruộng cũng nhiều, chả khác gì cái nơi anh sinh ra, lớn lên và sống. Mà ai biết được, dám chừng anh thích Xanh cũng do bởi những đồng rơm gốc rạ đó. Xanh thiệt hiền và buồn, giá cả lại rẻ, người Xanh cũng không bon chen, họ sống chan hòa với cộng đồng, những nét văn hóa truyền thống hòa vào sự đa dạng từ những luồng văn hóa khác, với những điều giản dị hòa chung với không khí của dân du lịch từ khắp muôn nơi. Xanh len lén rót vô bụng anh những niềm thương nỗi nhớ rất nhẹ nhàng và bãng lãng. Xa Xanh rồi, mà vẫn cựa hoài nhiều niềm nhớ.

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.

Là mưa, có cơn mưa nặng hạt, theo chân anh suốt từ nơi này qua nơi khác mà chưa chịu dứt. Cũng có mưa bóng mây, mưa luồng và gió biển, mới lé đé nhiễu giọt qua vành tai, lại bay đi mất tiêu nhường chỗ cho nắng, nắng lên sau cơn mưa cũng dịu dàng, anh thì khoái những cái gì dịu dàng và nhẹ nhàng. Và cầu vồng sau cơn mưa cũng đẹp, rạng rỡ về trên những nếp nhà nhỏ nằm bên vệ đường, những ngôi nhà có mái lợp ngói cũ, với vườn cây ăn trái bao chung quanh. Con đường quê nhỏ nhỏ, chạy cong cong qua mấy mảnh vườn, xe chạy qua rồi mà vía anh còn đứng hoài ở nơi đó, quấn mãi không chịu đi. Đong sao cho đầy những yêu thương về trên những cơn mưa cuối mùa ở xứ Xanh này. Người Xanh bảo thời tiết càng ngày càng khó chịu, mùa mưa nơi này tháng ba đã khô véo rồi, còn bây giờ thì cuối tháng tư, đầu tháng năm, mà mưa vẫn rớt hột, hổng hiểu nổi. Chỉ có anh là khoái. Anh có coi thử thời tiết mấy bữa ở Xanh như thế nào. Bữa nào cũng có mưa, từ nhẹ đến rải rác, riêng bữa cuối cùng trước khi chia tay Xanh thì nắng, nắng ấm và ít mây. Vậy mà mưa suốt, từ lúc trưa cho đến chiều. Trước lúc về, anh cởi giày, chạy ra ngoài lộ, mưa phợt thẳng vô mặt, vô quần áo tay chân, lạnh nhưng vui. Là những phút thấy mình y chang con nít, vui lắm luôn ấy, Xanh ạ.

Là những gương mặt người. Lâu lắm rồi anh không tha thiết gì chuyện tìm bạn cho những chuyến ruổi rong. Anh thì sống ở quê, không quen bù khú, không ưa chuyện gặp mặt và diễn những nụ cười. Nhưng rồi phút cuối cùng, trước lúc đến Xanh, anh rải lời nhoi nhỏ tìm bạn, rồi gặp duyên thì thắm lại. Qua đến Xanh, anh ráp vô với những gương mặt người, những người trẻ, những người không còn trẻ, họ vô tư và thân thiện, họ cũng chịu đi chơi nhưng cũng giữ lại cho mình những khoảng khắc riêng. Anh thấy vui vì biết đâu đó khi mình mở lòng mình ra, là sẽ tiếp cận với một Xanh khác, không phải một mình. Cái cảm giác không phải một mình lâu rồi anh mới có lại. Chỉ đơn giản là để sáng sớm sẽ có người ơi ới gọi nhau dậy đi, ăn trưa cũng sẽ bàn nhau bữa nay ăn cái gì, tối thì mướn xe máy chạy vòng vòng vô chợ, không biết làm gì thì kéo vô một quán cà phê nào đó, nói chuyện ta bà, đưa tay nhau ra coi đường tình duyên vì sao mà trắc trở, để đến giờ này còn độc thân vui tính mà thắm lại một đám thế này với nhau. Tiếng người nói cũng sẽ làm cho lòng ấm lại, đừng nói chi đến những bàn tay và những nụ cười. Gặp gỡ ở Xanh rồi, là duyên!

Những ngày ở Xanh, với anh thiệt bình thường và giản dị. Không vui quá, không buồn quá. Cứ vậy mà Xanh hết cả chuyến đi. Chắc anh không viết nhiều, thay vào đó anh sẽ chụp ảnh. Viết buồn quá, mất hay, mất vui!

tonphan
05-05-2015, 21:07
NHỮNG NGÀY Ở XANH

1.


Là những ngày thảnh thơi nhất anh từng có, qua rất nhiều những bận xách của nả lên mà rong chơi phiêu lãng cuối trời. Xanh hiền hòa, thiệt là đúng với cái ý của anh khi đặt vé đến đây. Xanh thì cũng thuộc dạng nổi tiếng, nhưng ưa thích thì anh không biết có ai ưa thích nơi này hay không? Vì Xanh thì buồn, chủ yếu là đền đài, cây cỏ nhiều, đồng ruộng cũng nhiều, chả khác gì cái nơi anh sinh ra, lớn lên và sống. Mà ai biết được, dám chừng anh thích Xanh cũng do bởi những đồng rơm gốc rạ đó. Xanh thiệt hiền và buồn, giá cả lại rẻ, người Xanh cũng không bon chen, họ sống chan hòa với cộng đồng, những nét văn hóa truyền thống hòa vào sự đa dạng từ những luồng văn hóa khác, với những điều giản dị hòa chung với không khí của dân du lịch từ khắp muôn nơi. Xanh len lén rót vô bụng anh những niềm thương nỗi nhớ rất nhẹ nhàng và bãng lãng. Xa Xanh rồi, mà vẫn cựa hoài nhiều niềm nhớ.



https://scontent-sin.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/11222419_980733151938319_7808839381457876330_n.jpg ?oh=60b9bde120ad8a0858b490091e00fce6&oe=55C35CDF

Anh đến Xanh vào lúc tối muộn, khuya chập chờn lúc một giờ đêm. Nửa đêm về sáng, trên máy bay anh có rủ rê hỏi han mấy người bạn mũi cao mắt xanh chung quanh coi thử có ai về Xanh cùng anh hay không? Đường từ sân bay về chỗ anh ở chạy xe ô tô cũng gần một tiếng. Cuối cùng thì thằng nhỏ người Hòa Lan cũng đồng ý đi chung, về đến nhà thì đã gần hai giờ sáng. Anh mệt quá nên gọi anh bạn đã đến check in trước mở cửa rồi vội vàng đi ngủ. Sáng hôm sau anh dậy sớm, bữa sáng đầu tiên ở Xanh nhẹ nhàng như thế này, nắng mới lên vắt qua hàng ba trước nhà những nụ cười.



https://scontent-sin.xx.fbcdn.net/hphotos-xft1/v/t1.0-9/10985381_980736485271319_2411130546948283953_n.jpg ?oh=c03cc240ec7796ab7110c0e9d9b0efca&oe=55CFBA3E

Một nét rất Xanh! Nhà anh ở nhỏ xíu, hẹp té, nhưng bước chân ra ngoài là đồng ruộng! Chỗ này thì xa, thuộc vùng khỉ ho cò gáy. Nhưng anh thì thích! Lánh xa hết những xô bồ, ồn ã, Xanh trong anh bình yên nhẹ nhàng đến vô cùng. Buổi sáng thì nắng lên, ruộng đồng xanh mướt, nước chảy theo những con mương cong cong quẹo quẹo, tối thì hòa vô bản hòa ca của đủ các thể loại côn trùng, ễnh ương, ếch nhái. Dân ở đây theo đạo Hindu, hơn chín mươi phần trăm. Họ sống hiền hòa, họ cũng mần ruộng, cũng buôn gánh bán bưng như các chế, các hia của anh nơi quê nhà. Xanh, thân thuộc như nhà mình!



https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpt1/v/t1.0-9/11203072_980737285271239_2158410982898208902_n.jpg ?oh=0d2c8e212d195f39fea958f753d41cf4&oe=55E234F9&__gda__=1440093181_2d851b6e6718ee4669758362a7390fb d

Những vạt sarong in vào trong gió, thứ gió biển Xanh không táp vào mặt người. Anh không thích quấn sarong đâu, vì với anh, Xanh thuộc về những người dân nơi này, anh chỉ là khách, là người có duyên bước vội qua đây. Anh có thể cười vui hỉ hả, anh cột sarong để bước chân vô những ngôi đền, chụp ảnh và khoe với mọi người, nhưng điều đó không làm anh thuộc về nơi này. Anh khó tính, anh chịu, nhưng thích thì anh chỉ giữ trong lòng mình thôi, chớ hổng có thể hiện ra.



https://fbcdn-sphotos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-9/11150815_980737568604544_1868349349706767733_n.jpg ?oh=846e432f74bfc0073fa40285b49f16c8&oe=55DFECE6&__gda__=1439310525_d0ec24894ab69fc723c39b04cb1091e d

Có con cào cào nào vừa chạy qua trong trí nhớ. Là Xanh của một bữa nào đó, có anh của tháng ngày thanh xuân đầy mơ mộng, muốn đắp đá đổi trời, muốn xuống biển lên rừng. Chợt nhớ ra, anh chỉ là anh thôi! Chỉ có trái tim là ấm nóng, nhưng chỉ Xanh mỗi việc của mình. Chỉ là chiếc lá, nên việc của mình - là xanh!



https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/13392_980739038604397_3447098147677039878_n.jpg?oh =db2aadf9b86336f4d356d4abf15827a0&oe=55C1BE78&__gda__=1438605061_2c56d8bede9ad3ac09c79d789e321e5 4

Water Palace một bữa mưa nhẹ nhẹ! Nước thì mát và trong.



https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xta1/v/t1.0-9/11151052_980931178585183_1357164467497737961_n.jpg ?oh=be21c89cfb16b8cd7bd163b875caeca0&oe=55C6DC32&__gda__=1439242427_be1304cb20e0b97d368dd00d91e8a7a 8

Thêm một cung điện Hoàng gia nữa. Bữa đó, trong một ngày mà anh ngây ngất với những công trình Palace này!



https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/11119712_980932045251763_1415112079415544320_n.jpg ?oh=cff8643b98fc7a7a7418daa275765e2e&oe=55D38CB6&__gda__=1440241258_998ef5493ccbb8a3183bc71a1e4d3b2 9

Có gió biển thổi lên nên mát rười rượi là phaỉ rồi!



https://scontent-sin.xx.fbcdn.net/hphotos-xfa1/v/t1.0-9/11050235_980936331918001_5515196906567979869_n.jpg ?oh=023ae6e3a43762d50d98d87458932b54&oe=55D67B4D

Hàng hoa ven đường. Hổng lẽ anh chạy vô hỏi mua một vài cành bông gì đó, rồi bưng về nhà, rồi cắm một bó thiệt bự để trước hàng ba. Sáng sáng đi qua anh ngắm, trưa trưa buồn buồn anh lôi ra ngắm, tối tối tắt đèn nhìn trăng cũng ngắm. Thấy thi vị lãng mạn quá nhưng thôi, anh giữ cái ý tưởng đó lại! Chỉ là một bữa xách xe đạp chạy vô trung tâm Xanh thiệt sớm, hàng hoa đã bày ra rồi nhưng chưa có khách nào dừng chân thôi!



https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtp1/v/t1.0-9/11150690_980942365250731_2394624361200756045_n.jpg ?oh=43df64a579f124385c17f50bfd9c4aa3&oe=55D45975&__gda__=1439980355_73979663990c5b46148753205c514d4 d

Mây xà xuống núi, núi ấp ôm mây! Không khí nhẹ nhàng bãng lãng!



https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/11200594_980940365250931_7400729459543318158_n.jpg ?oh=24a4993ad32b3478208cf6e2faeb2ef6&oe=55D1672B&__gda__=1438834423_7f2c76f434c5cebe1d88058ec6e917b 4

Và chắc đã biết Xanh là nơi chốn nào!

dzianh
07-05-2015, 21:23
anh ơi, mấy cái hình ở đầu nó "die link" hết rầu... Anh có thể fix lại cho em và mọi người xem được không?

tonphan
13-05-2015, 21:29
NHỮNG NGÀY Ở XANH


2.1

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpt1/v/t1.0-9/11146557_980740501937584_2157234769171211476_n.jpg ?oh=2db276999882b1ba48d4c266ea0420cd&oe=55D732B2&__gda__=1440203446_a5df734aeacacdfd99b2cab721af655 c

Ngày đầu tiên anh đi vòng vòng Xanh, ghé thăm mấy cái Water Palace, cảnh nhẹ nhàng dịu dàng vì gần sát bên biển. Trưa hòm hòm thì ghé đai cái nhà hàng bên cạnh Palace ăn trưa. Bữa trưa đầu tiên nơi xứ Xanh nên kêu những món địa phương để coi thử coi nơi xứ lạ người xa, khẩu vị như thế nào. Món này in như là Cado Cado, màu sắc vậy thôi chớ ăn thì phải trộn hết vô chung, cho đỡ ngấy!



https://fbcdn-sphotos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-9/11151039_980740571937577_364123954017647367_n.jpg? oh=4e26addf4480f20c3594b6cf9fbcf457&oe=55D6E522&__gda__=1439094201_7bc80714fc6d0af9696b8d930f795e1 c

Hơn 90% người xứ Xanh theo đạo Hindu, khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của đất nước này - một đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới. Anh kêu thử curry, món này cũng phổ biến, lại dễ ăn. Tuy nhiên, ăn nhiều thì ngán đến tận cổ!



https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-9/11178299_980740658604235_4079126505408243594_n.jpg ?oh=ff5dbd3aa5e5204ea1e6f1bc7c8e02cd&oe=55D55FEC&__gda__=1439602992_408308076a51a02994824506985378c 9

Bữa ăn cũng thanh đạm, có thịt có cá có rau có canh! Anh ăn ngon lành no cành hông cả bụng, lấy sức đi tiếp những nơi khác. Mà nói chung ở Xanh thì bình yên lãnh đạm, anh cứ ta bà, chả việc gì phải gấp rãi! Anh ghét những cái gì gấp rãi!



https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/10930849_980934531918181_577363618888355432_n.jpg? oh=fb37c9b92ac00e65f112bb9235615645&oe=55D66627&__gda__=1439004390_3ee382f2f065e99bc7a9ea437381197 a

Buổi tối đó thì có cá chiên, ăn ở một nhà hàng có tầm nhìn cực kỳ đẹp, nhìn ra ruộng. Ruộng tháng tư, cuối tháng năm, cuối mùa, người dân Xanh đang tích cực phóng lúa, tiếng máy phóng chạy xành xạch, dân nơi này thiệt ra vẫn chưa có máy gặt đập liên hợp, họ vẫn xài máy tuốt lúa giống kiểu Việt Nam mình hồi năm, mười năm trước, tối muộn họ vẫn miệt mài bên vuông ruộng. Lắng nghe tiếng muỗi mòng ếch nhái, giữa những đồng quê gốc rạ, bữa cơm chiều xao xác man mát thiệt buồn!


https://scontent-sin.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/v/t1.0-9/11071007_980933885251579_7078153047499318833_n.jpg ?oh=a4d7425fda8560133709fa3891986626&oe=5608FC8B

View nhìn từ nhà hàng! Sang trọng xen với những bình dân, khói đốt đồng xa, bãng lãng những gương mặt và nụ cười! Bình yên đến lạ lùng. Bù lại, món ăn dở tệ!


https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-9/11188466_980936505251317_176638709425310564_n.jpg? oh=a7fe16a4a7bf23da7a27672314ca6192&oe=55D5355A&__gda__=1443464641_12cd05ecbccc4ec0cd3ff1e73327697 8

Ngủ dậy thì đi pha trà, hai anh em rủ nhau pha trà thiệt là đậm, dè đâu toàn là trà túi lọc, lạt nhách, mà cũng ráng uống, ta bà đủ thứ chuyện! Ông anh Việt kiều lớn hơn đúng một tuổi, nói chuyện cũng ba xàm bá láp mà vui!


https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xat1/v/t1.0-9/11218505_980945375250430_4427467795958893766_n.jpg ?oh=35c908e04acfb680e7a1db23cbd6f44a&oe=560AB22A&__gda__=1439376629_92b8904e2430c31b40ac14de5ce8d7d 6

Tô mì meatball ở ven đường, gần Tanalot, trời ơi cái cuộc đời này chưa từng được ăn món mì nào dở như thế này! Bù lại, giá rất rẻ, chỉ 10.000 rp một tô!


https://scontent-sin.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/v/t1.0-9/10458627_980945681917066_5244394654935452587_n.jpg ?oh=c33f3f7fcd8fd26efa603202348ecb6d&oe=55DA919B

Trái cây ăn thoải mái, giá cực rẻ, trả giá cực kinh hoàng, một số giá tiêu biểu: mây: 7.000 rp/kg, ổi: 10.000 rp/kg, dâu: 20.000 một hộp (bonus hộp nhỏ), quýt: 10.000 rp/kg. Lưu ý: phải trả giá cho mạnh vô, không là hớ đau hớ đớn. Họ cân bằng cái cân xách tay có cái cục đồng giống mấy bà mấy mẹ mình ở quê bán cá, nhìn thương lắm!

(Hình còn nhiều quá, nên chắc vẫn còn tiếp!)

huept95
16-05-2015, 23:17
ảnh đẹp văn hay :D

tonphan
17-05-2015, 10:34
NHỮNG NGÀY Ở XANH


2.2

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfa1/v/t1.0-9/11193253_980740111937623_2471509152798469302_n.jpg ?oh=9e4d089093123a457f4c0101d4efe450&oe=5600479F

Cái nhà hàng này nằm ở ngay phía ngoài của Water Palace, view mát mẻ, sạch sẽ, giá cả khá ổn! Mà thực sự ra ở khu anh ở, anh ăn, mọi thứ đều có giá rất dễ chịu, hơi bất ngờ vì không nghĩ rằng ở nơi này mà mọi thứ lại không đắt đỏ đến vậy!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xat1/v/t1.0-9/11130233_980935188584782_2639170989558182090_n.jpg ?oh=689f259cb731f97ea631de8ca02853b7&oe=55BEF314

Đây là cái mặt dựng của nhà hàng có view nhìn ra đồng, nhà hàng này do bác tài xế giới thiệu, nghĩa là bọn anh hỏi chú ơi có chỗ nào ăn ngon ngon có view đẹp giá rẻ mà vừa có súp, có cá, có thịt, có rau mà lại rẻ không chú ơi? Bác nói có chớ có chớ, yên tâm đi, mười hai bến nước xứ này, bác rành lắm. Bữa đó trời gần xâm xẩm tối, sắp không thấy mặt người, bác dừng xe cái chách trước nhà hàng này, thấy đẹp đẽ, thấy cao sang, nghĩ trong bụng, rồi, sụp hố. Sụp hố thiệt, quán đẹp, món ăn nhìn ngon, nhưng bù lại ăn mắc, lại còn dở ẹt. Ruột đau, lòng đau hết chín chiều!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpt1/v/t1.0-9/11110277_980945881917046_5298726472090718859_n.jpg ?oh=9383af45e4607f9d119eab4e6a2ce484&oe=55FE28CA

Đi chợ, một cái chợ nhỏ xíu thôi, nằm lưng lửng giữa đồi, gió thổi nhẹ nhẹ, nắng cao nguyên thì dịu dàng. Xong vô chợ, trả giá thè le. Mấy cái lọ nhỏ nhỏ tinh dầu, ông anh Việt kiều hỏi bao nhiêu, báo giá 60.000 rp một lọ, quay qua quay lại, thành ra 25.000 rp hai lọ. Quá sốc! Nhưng mà đâu có nghĩa là không được yêu thương mấy cái cảnh chợ nhỏ yên bình như thế này! Mấy chai dầu gió, nhớ ngoại anh xưa, lúc nào cũng thoang thoảng mùi dầu cù là, mùi dầu đó, là mùi của thương nhớ xa xăm dịu vợi!



https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/11220892_984995778178723_7879043412321739281_n.jpg ?oh=c4e35772d3c486a9f4104a60c289ac5f&oe=55C8671D&__gda__=1439142775_22357cd879aaa5f4f2bec53b67a9180 4

Bắp 1


https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xft1/v/t1.0-9/11068384_984995801512054_8305955429834024623_n.jpg ?oh=b57d486c2a061eae028f6f0257cb6b44&oe=55CA5BE8&__gda__=1443011682_fd24b7be3195c1e9f0d3ee65e6875d3 5

Bắp 2



https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/11182222_980946375250330_614673726520478934_n.jpg? oh=9a58418d189e874c889caa187b2078e6&oe=5603508C&__gda__=1439337649_a0c539f6f59aed7a689bc90a7cd6bc1 3

Bắp 3, màu thần thánh thấy bể luôn! Không dám ăn là cái chắc rồi!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xat1/v/t1.0-9/11139959_985004731511161_1100881036820727956_n.jpg ?oh=d26ad430acc996bc32f42ee58dc70817&oe=55BF5E96

Bắp 4, bonus thêm dũng sĩ diệt bắp! Quả bắp chút béo, mà ăn 15.000 rp!



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpt1/v/t1.0-9/11013308_980946791916955_3124926113188868059_n.jpg ?oh=8fa749afb8c78771690e427fe297b18e&oe=56087D1E

Một góc chợ, bữa đó mưa, mưa thì buồn, nhưng màu sắc thì vẫn cực kỳ rực rỡ.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xft1/v/t1.0-9/11150423_980967838581517_3159778030558025182_n.jpg ?oh=6a9e4ae59ec6c29633373bef5d07bd24&oe=5600EA70

Lunch set cho một bữa ở terrace rice field. Một trong những nơi có view đẹp nhất trong suốt chuyến đi ở Xanh



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtf1/v/t1.0-9/11099382_980970098581291_847852113722340749_n.jpg? oh=eaac8872974c17528071c4c323ed3cd3&oe=55D072FE

Uống nước lọc trước đã, rồi tính gì thì tính! Ly uống nước đẹp quá mức cho phép nhé!

tonphan
25-06-2015, 21:15
NHỮNG NGÀY Ở XANH

3.

Là mưa, có cơn mưa nặng hạt, theo chân anh suốt từ nơi này qua nơi khác mà chưa chịu dứt. Cũng có mưa bóng mây, mưa luồng và gió biển, mới lé đé nhiễu giọt qua vành tai, lại bay đi mất tiêu nhường chỗ cho nắng, nắng lên sau cơn mưa cũng dịu dàng, anh thì khoái những cái gì dịu dàng và nhẹ nhàng. Và cầu vồng sau cơn mưa cũng đẹp, rạng rỡ về trên những nếp nhà nhỏ nằm bên vệ đường, những ngôi nhà có mái lợp ngói cũ, với vườn cây ăn trái bao chung quanh. Con đường quê nhỏ nhỏ, chạy cong cong qua mấy mảnh vườn, xe chạy qua rồi mà vía anh còn đứng hoài ở nơi đó, quấn mãi không chịu đi. Đong sao cho đầy những yêu thương về trên những cơn mưa cuối mùa ở xứ Xanh này. Người Xanh bảo thời tiết càng ngày càng khó chịu, mùa mưa nơi này tháng ba đã khô véo rồi, còn bây giờ thì cuối tháng tư, đầu tháng năm, mà mưa vẫn rớt hột, hổng hiểu nổi. Chỉ có anh là khoái. Anh có coi thử thời tiết mấy bữa ở Xanh như thế nào. Bữa nào cũng có mưa, từ nhẹ đến rải rác, riêng bữa cuối cùng trước khi chia tay Xanh thì nắng, nắng ấm và ít mây. Vậy mà mưa suốt, từ lúc trưa cho đến chiều. Trước lúc về, anh cởi giày, chạy ra ngoài lộ, mưa phợt thẳng vô mặt, vô quần áo tay chân, lạnh nhưng vui. Là những phút thấy mình y chang con nít, vui lắm luôn ấy, Xanh ạ.


https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/11016975_980738565271111_712142770118453799_n.jpg? oh=f949e322cfeec23f6bf73449e953c26a&oe=55EABDBB&__gda__=1444661626_b6c63b31b6778443a6fb8c1c55b3112 3

Những người dân xứ Xanh, đạo Hindu, họ quây quần bên những cộng đồng nhỏ, nhiều cộng đồng nhỏ, thành ra một xã hội lớn, xã hội lớn đó, thiệt riêng biệt ở đất nước này. Một người đàn ông, đang làm công tác điều chuyển giao thông vì nơi đây đang có một đám tang, họ cần mẫn làm những công việc cộng đồng, vì nghĩa tử, là nghĩa tận, bác tài xế ngồi trên xe nói thế với anh. Trời lúc này vẫn còn xanh trong!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xta1/v/t1.0-9/11209421_980738698604431_1681467390508958308_n.jpg ?oh=6cd7755b1a2c24a4da47a797d4241a3f&oe=561AB2E0

Phố xanh ngăn ngắt. Những con đường nhỏ, uốn lượn quanh những mái nhà có mái cong, có hàng rào và bàn thờ bên hiên nhà. Mưa có vẻ đã xâm xấp chảy ra. Rót sao cho cạn những màu xanh êm đềm và dịu dàng này?


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xta1/v/t1.0-9/11205552_980738818604419_546662447745027354_n.jpg? oh=85d919e3498e5d2458de73d5e4f212d1&oe=55EB8AF5

Ngang qua một ngôi trường, bọn trẻ vừa tan thì cũng chơm chớm một trận mưa rào. Biết đâu bỗng thấy tuổi thơ thiệt là trong trẻo. Nhớ những bàn tay ngày thơ bé, những suy nghĩ cũng nhỏ bé theo cái ngơ ngác trong lành của tuổi học trò. Năm qua đi, tháng qua đi, cái còn lại chỉ là những bận rộn thường nhật, những con số, những cái nhíu mày và những đêm gác tay lên trán đếm thời gian trôi. Chỉ có trẻ con, là hạnh phúc nhất trần đời, anh nghĩ vậy!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/10600474_980931821918452_1711179577970981711_n.jpg ?oh=050df3b5c23d4bea181228ed1bdd7d77&oe=562FE59D

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, còn chuồn chuồn đậu, thì thế nào?


https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-9/10502018_986592408019060_8475394413201164297_n.jpg ?oh=55a821276ed5c85c6ad5305d1a93e4c7&oe=562E9847&__gda__=1444666737_35bbc6a578065096312fd6cd46a74fa 8

Sau cơn mưa, nước biển cũng không còn trong xanh nữa, chỉ có sóng là lúc nào cũng oàm oạp vỗ về, kể những câu chuyện tình khắc khoải. Ủa, mờ ai nghe được tiếng sóng, hiểu gì và như thế nào, là ý của mỗi người!


https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/10470855_980958708582430_3241912296338938066_n.jpg ?oh=c332eb80c933568b1ea261efc09f96d3&oe=5627FA73&__gda__=1445656345_844be2819fb5c5dfc99c098e1344248 2

Trời chuyển mưa tối thui. Cá nhân anh, ghét trời mưa lắm. Mưa buồn bã và dai dẳng. Mưa ẩm ướt và rên rỉ. Anh sống ở xứ nắng, nên quen rồi cái oi ả nồng nàn của xứ nắng nỏ quê mình. Mưa đâm ra trở thành người thứ ba, không có tội nhưng ai biểu chen chân vào cuộc tình mộng mị của anh với cái nóng xứ này! Nhưng ở Xanh, mưa trở thành bạn, một người bạn lúc nào cũng buồn!

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtf1/v/t1.0-9/11188470_980959085249059_2517209237973252404_n.jpg ?oh=5846ca7e1b1c47adbe3c3344c279781e&oe=5618E2EC

Xách cây dù đi trong mưa. Giữa những đền đài cổ kính, cẩn thận lỡ trợt chân, lại té!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/11224122_984998334845134_8483029266260082457_n.jpg ?oh=d40ec2bc6a414adc60d5a0362c29a1a8&oe=562692DC

Xứ Xanh mờ sương mưa phủ!

tonphan
26-06-2015, 21:16
NHỮNG NGÀY Ở XANH

4.

Là những gương mặt người. Lâu lắm rồi anh không tha thiết gì chuyện tìm bạn cho những chuyến ruổi rong. Anh thì sống ở quê, không quen bù khú, không ưa chuyện gặp mặt và diễn những nụ cười. Nhưng rồi phút cuối cùng, trước lúc đến Xanh, anh rải lời nhoi nhỏ tìm bạn, rồi gặp duyên thì thắm lại. Qua đến Xanh, anh ráp vô với những gương mặt người, những người trẻ, những người không còn trẻ, họ vô tư và thân thiện, họ cũng chịu đi chơi nhưng cũng giữ lại cho mình những khoảng khắc riêng. Anh thấy vui vì biết đâu đó khi mình mở lòng mình ra, là sẽ tiếp cận với một Xanh khác, không phải một mình. Cái cảm giác không phải một mình lâu rồi anh mới có lại. Chỉ đơn giản là để sáng sớm sẽ có người ơi ới gọi nhau dậy đi, ăn trưa cũng sẽ bàn nhau bữa nay ăn cái gì, tối thì mướn xe máy chạy vòng vòng vô chợ, không biết làm gì thì kéo vô một quán cà phê nào đó, nói chuyện ta bà, đưa tay nhau ra coi đường tình duyên vì sao mà trắc trở, để đến giờ này còn độc thân vui tính mà thắm lại một đám thế này với nhau. Tiếng người nói cũng sẽ làm cho lòng ấm lại, đừng nói chi đến những bàn tay và những nụ cười. Gặp gỡ ở Xanh rồi, là duyên!

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/11214334_985008484844119_7775424032963642061_n.jpg ?oh=cc8da40feec19ea2da8c63ba1d0e9ea4&oe=56222E72

Chiều mưa và sân vắng. Hai cô gái đi trước anh, sarong quệt vào từng bước chân thoăn thoắt. Anh cứ mắc cười hoài, vì ai biểu hai cô gái cũng chịu chơi, quấn sarong hơi ngắn, bảo làm mini sarong cho đúng điệu. Lúc xuống đâu đó ở lưng chừng đền, gặp cậu nhóc làm nhiệm vụ tourguide dắt khách đi tham quan nhắc nhở, biểu mặc sarong cho đàng hoàng lại đi, mấy cô gái!




https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/11165262_985009248177376_7330686456583681125_n.jpg ?oh=ac27defc533ec5341edd353119efeefa&oe=561B487A

Một nụ cười, của cô gái du khách một bữa mê mải với vẻ đẹp xứ Xanh. Và anh, in như cũng mê mải với nụ cười trong trẻo này! Anh thì về rồi, về lâu rồi nhưng vía của anh thì ở lại, chắc còn lâu thiệt lâu mới chịu trở về!



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfa1/v/t1.0-9/11143179_985009298177371_8197630142086838686_n.jpg ?oh=3266da43c9d6aeed0a986d3e002035cf&oe=5630E3A0

Mấy đứa nhỏ vác theo quyển catalogue, hỏi mấy đứa da vàng mũi tẹt và mắt hí này vẽ tattoo đi mấy anh mấy chị ơi? Anh le lưỡi bảo thôi, cái thân phận nhà quê mười hai bến nước chưa biết bến đục bến trong, sáng xách cặp đi mần, chiều xách cặp về nhà ăn cơm với má như anh, làm nhà nước, đâu có nỡ lòng nào vẽ lên làn da nước tóc những hình xăm giả loằn ngoằn như thế này! Đồng ý là nước sẽ làm phai đi, nhưng cơ bản anh thấy nó không được hay ho cho lắm. Nhưng điều đó, không có nghĩa là những hình vẽ này không đẹp, heng!



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xta1/v/t1.0-9/11267103_985009374844030_6464837281650386791_n.jpg ?oh=322decbe99d6554a5bb586853f0e78db&oe=56206FD1

Nếu không đậu trên tay, thì cho hình xăm bay xuống chân, kiểu gì cũng tha hồ lượn lờ trong tiết trời Xanh mát mẻ trong trẻo những lúc tạnh mưa và chưa nắng!



https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xta1/v/t1.0-9/11150696_980738148604486_7521223139128191445_n.jpg ?oh=9fe880d360d7e6ab305548a458cf0531&oe=561FAF28&__gda__=1446219169_7a4879c82236db8ec373347505265e3 7

Không phải lên chùa bẻ một nhành sen đâu, người ta đang làm lễ chi đó, một nghi lễ truyền thống của người xứ này! Họ làm một cách trang trọng, thường xuyên và đầy đức tin. Một đức tin không bao giờ ngưng nghỉ!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xta1/v/t1.0-9/11220085_980738515271116_8759253192590915311_n.jpg ?oh=36bfd2d4d8f94ef2a7b4e2bb77aa9571&oe=562EA2B9

Nếu chán những gương mặt người, thì thôi chuyển sang mặt nạ, mặt nạ Barong truyền thống!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/v/t1.0-9/11011879_980935358584765_5216168576719580823_n.jpg ?oh=f77b8c83824318e0693bc029c8c55ebb&oe=55EB0182

Ứ chịu mặt nạ, thì thôi bỏ đi chơi với chó cho rồi!


https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtp1/v/t1.0-9/11188293_980938891917745_7531191873855051830_n.jpg ?oh=241e0f69c7eeda3f370efc9f2d949619&oe=561B6975&__gda__=1444925251_9bd191d830da401c998bb2b80040d01 0

Không thôi thì với khỉ, kiểu nào cũng được!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/11136632_980943538583947_4368424129548283599_n.jpg ?oh=0922c29f54b8b1d866b6a322c16d295b&oe=56288476

Khó chịu quá thì trở về nhà, với gia đình. Cái nhà hạnh phúc bao giờ cũng ấm a ấm áp hết trơn!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/11269651_984998091511825_3357326486756083672_n.jpg ?oh=c9317694b6a7fe34ba7a6656a0411ea0&oe=55ED6BEB

Hai mẹ con!

(Hết)

tonphan
02-07-2015, 21:30
ĐI VỀ, NHỚ XỨ NHỎ, MÀ THƯƠNG

1.

Lúc móc cây viết mực nước ra vội ghi cho gia đình anh Thắng vài dòng cảm ơn vội vã, anh nghĩ trong bụng trời ơi nếu có một điều ước thì anh chỉ nhoi nhỏ mong mỏi rằng hôm nay là ngày thứ sáu, để mình vẫn còn đang rộn ràng với chuyến đi, ước rằng kết quả trận cầu đừng phũ phàng như thế, và những cuộc gặp mặt sẽ không chóng tàn. Anh nằm dài trên ghế ngồi chờ ở sân bay, sau những thẫn thờ cho ngày vui qua vội. Ngoài kia thì mưa đang bay. Lòng anh cũng thẩn thơ cho những nhớ thương dành cho những người bạn của xứ Nhỏ này.

Anh Thắng hay kiểu rủ rê, qua đây chơi với gia đình nhà anh, ăn ngủ anh bao hết. Bữa đó, cũng ngày thứ sáu trước ngày anh đi chơi ở xứ Trùng dương, anh Thắng lại nhắn, biểu nước mình vô bán kết rồi, qua đây chơi coi đá banh đi. Anh nói khoan đi đại ca, cái gì cũng từ từ, phải có thời gian suy nghĩ chớ. Ông anh già tìm luôn cho vé máy bay, book một cái chát, đưa anh bạn nhỏ vào cái thế không thể nào từ chối được nữa. Thì đi, đi coi ủng hộ xứ quê nhà, sau lại đi thăm bạn bè. Bạn ở Xứ Nhỏ này nhiều vô thiên lủng, mà đi ít ỏi quá nên im re nào dám hú hí gì ai, vì sợ, thời gian lúc nào cũng là không đủ cho những tình cảm bạn bè. Anh thì bao giờ cũng ngại làm phiền người ta, kiểu như lỡ báo tin bữa nay qua Xứ Nhỏ chơi, nhín chút thời gian cho anh với nghen, mà lỡ đâu bạn bè có việc bận (dù bận thiệt, hay giỡn, ai biết được) rồi lại phải dành ra nửa ngày hay vài tiếng đồng hồ đặng dắt anh đi đây đi đó, ăn uống thăm hỏi. Sợ phiền người nên thì thôi chuyến lăn này anh câm như hến, xách đít lên đi, rồi về!

Lúc cả gia đình hừng hực khí thế chuẩn bị áo nón cờ decal ra khu sport Hub ủng hộ đội nhà, anh nghĩ đây là nhà mình, chớ nào có phải nơi nào xa lạ đâu. Bọn anh chuẩn bị sẵn cờ, decal quốc kỳ, băng đô và áo thun nữa, dành tặng cho những cổ động viên nào mắt tẹt và da vàng, đi tình tang lang thang nếu có nhu cầu cần trang trí thêm chút đỉnh cho lòe loẹt cùng thiên hạ, thì gửi tặng họ. Những người xa lạ có thể là lần đầu gặp nhau, chưa nói chuyện được một câu, nhưng có hề chi, chỉ đơn giản là ới nhau Phải Việt Nam hôn? Vô đây? Thế là anh sẽ dán lên má họ một lá cờ, sẽ cột hộ lên đầu họ cái băng đô đỏ thắm, cờ tổ quốc và áo thun do không có nhiều nên ai cần thì mới được bưng ra. Anh chạy qua chạy lại ở trước cửa sân vận động, nhìn những gương mặt người, là người nhà mình, là tộc mình, là tất cả. Chưa bao giờ anh vơi tự hào vì mình là người Việt Nam mũi tẹt, mắt hí và da vàng. Trận cầu diễn ra lúc trưa, nắng và nóng vì dòng người đổ về dự khán. Khán giả Burma đông hơn mình nhiều lắm, vậy nên lại càng trân quý nhau nhiều hơn. Những du học sinh, những người lặn lội từ quê nhà, có người từ Malay đi qua, có người là chồng là vợ của những người mang quốc tịch Việt, những người lớn, những em bé, những người đã già, cậu thanh niên trẻ.... tất cả tạo nên một cái không khí cội nguồn vô cùng đặc biệt. Có bưng hết những ràng buộc những nghi ngại về cuộc sống ra phía sau lưng, mới cảm nhận hết cái luồng không khí ấy. Ở chỗ cửa soát vé, một anh bạn người Việt sang chưa kịp mua vé, hỏi bọn anh còn vé dư hay không? Bọn anh bảo không, nhưng chỉ sang những người bán vé dạo bên ngoài sân vận động. Chút nữa thì ông anh đấy cầm tấm vé vào cổng, anh hỏi mua vé được rồi à? Anh đó cười, nói được rồi nhưng hơi lo, vé này không biết vào cửa được không? Hỏi tại sao? Ảnh nói vé này do người Việt bán. Anh thấy mất cảm tình dễ sợ? Trời ơi cái vé có bao nhiêu tiền? Mười đô, hai mươi đô không lẽ người mình vời người mình lại đi đen đỏ với nhau, mà mần chi? Anh tự nhiên thấy mất hứng, nói không sao đâu, anh cứ vào đi, mình đều là người Việt mà! Thì bởi, mình đều là người Việt Nam mà!

Anh Thắng tối nào cũng dắt anh ra quán cơm tấm Việt Nam ở Kitchenner Road, rồi sau đó sẽ ngồi cho đến khi trời gần sáng, mới chập choạng đi bộ về nhà. Ở quán cơm đó, có cô bé phục vụ, làm ca đêm, từ Việt Nam sang. Em người Bến Tre, da trắng tóc ngang lưng và nụ cười rạng rỡ. Hai đêm liền, đêm nào anh cũng cười muốn bể bụng vì những câu chuyện được chăng hay chớ của mấy gương mặt đồng hương của mình nơi Xứ Nhỏ này. Mấy anh em toàn gọi cơm trắng, thịt kho tiêu, canh nữa, và nước mắm. Món ăn thì để gọi là ngon là làm sao ngon bằng cơm má nấu được. Nhưng ăn uống có là gì khi ngồi chung mâm với mình là những gương mặt thân quen ruột rà, khi mình chấm miếng nước mắm là mình thêm vào câu chuyện kiểu như mùng năm tháng năm nhà em chôm chôm chín rộn lắm, mà em không về được, hổng biết ai trèo cây hái, thế là nước mắm chan cơm trắng cũng tự nhiên mắc ngon. Rồi cái kiểu ngồi một chút thì anh em chạy ra đường đốt thuốc, anh không có thói quen hút thuốc nhưng lâu lâu làm một điếu cũng được. Thấy cuộc đời cũng gọi là có thêm chút vị lạ. Như ở quán cơm Việt Nam này, khuya thiệt khuya có mấy chế người Việt đi vô ăn, nước hoa rẻ tiền sực nức, tóc vàng tóc đỏ môi bầm đỏ choe choét. Mấy anh em chỉ nhìn nhau cười, là chua chát là đeo lên những gương mặt sượng sượng trân trân vì, ờ vì tụi mình cũng đều là dân Việt Nam hết. Ủa, mà mắc gì phải sượng sùng, ai cũng có cuộc đời riêng, ai cũng phải sống. Mắc gì phải ngượng ngùng, giùm ai? Biết đâu, ở quê nhà có một me già, một bầy trẻ, cũng từ những chắt chiu nhọc nhằn đó, mà sống được!



(Vì mục đích câu còm, để đó, ít bữa quỡn đãi, anh lại biên chút ảnh, treo lên cho nhà bớt quạnh quẽ và lòng bớt tịch liêu!)

tonphan
02-07-2015, 21:35
ĐI VỀ, NHỚ XỨ NHỎ, MÀ THƯƠNG

2.

Cái cảm giác, cuối cùng khi còi vỡ trận vang lên. Mọi người, những người Việt đều ngồi lại, cú xụ ủ rũ vì thua trận nó bẽ bàng và buồn thê thảm. Anh nhìn ngược lại phía khán đài, chỗ anh ngồi tập trung rất đông cổ động viên mình, những gương mặt không thể che giấu nỗi buồn. Ai cũng không thể tin nổi rằng đội nhà đã thua, một trận cầu mà mình đá trên chân, đá nửa sân luôn mà cuối cùng, cái quan trọng nhất là bàn thắng, lại không có. Cuộc chơi nào, rồi cũng phải có kết thúc. Người thắng hân hoan, người thua thì bẽ bàng. Những gương mặt phờ đi vì mệt vì đã hết mình để cổ vũ. Khán đài đâu lặng tiếng rộn ràng, chỉ có những trái tim của mình thì tan nát hết rồi. Là lý do để anh đi sang đây, là lý do của chuyến đi này, thế mờ cuối cùng anh lại tận mắt chứng kiến trận thua này! Nhiều năm trước, và nhiều năm trước nữa, bao giờ đội nhà ra trận cũng đều khấp khởi hy vọng, có chê đó có dè bỉu đó, nhưng gót chân của đội nhà mình lúc nào cũng có đôi mắt anh dõi theo, hy vọng và đợi chờ. Lại thêm một lần thất bại, lại thêm một lần chiến thắng vụt qua kẽ tay. Lần này thì anh trực tiếp chứng kiến. Đau đớn nào hơn? Lúc tan trận rồi, mấy anh em lủi ra ngoài khu công viên trước Sport Hub, từ đó, phóng tầm nhìn ra vịnh Marina, mây vẫn bay, gió vẫn thổi, nắng nhạt nhòa. Chỉ có tim là tan nát mất rồi. Một anh công nhân đi qua, thấy bọn anh mặc áo đỏ thì lắc đầu đánh rơi một câu chuyện, buồn não nề. Anh đi từ Malay sang, thức lúc ba giờ sáng, xin nghỉ việc một ngày, bây giờ thì thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa! Nói thì nói thế thôi, cuộc sống vẫn tuần hoàn, vẫn nước chảy mây trôi hoa rơi nắng gió. Nhưng đâu có nghĩa là không được buồn?

Sáng chúa nhựt, anh ngủ tới mười giờ rưỡi mới dậy, cả nhà đã đi vắng. Ngồi lại một mình, anh sắp sải lại mớ của nả hôm qua đi chơi về trễ rồi lúc về nhà, mệt quá cứ bày bừa ra đấy. Chiều nay thì anh phải trở về. Trưa có hẹn đi ăn với một người bạn. Từ nhà đi bộ ra Bugis chưa tới mười phút, xách theo quyển thơ mới, cầm ra MRT, vừa đứng đọc vừa ngóng bạn (Điện thoại đem cất, hôm trước vội quá nên đâu kịp xách theo cái sim xứ này, nên qua đây, ra khỏi nhà là coi như trở về với cuộc sống nguyên thủy, không có sóng điện thoại, không mặt sách, không insta, cũng may, vừa nhận được Mỏ neo nên có bạn đồng hành). Sáng hôm ấy trời mưa, trước khi đi anh Thắng nhắc có đi thì xách cây dù theo, khỏi sợ ướt. Lúc ở nhà, do dậy trễ nên anh vội vàng đi mà quên mất tiêu, cũng sợ, muốn quành lại mà sợ trễ nên đành nhắm mắt đi cho lẹ, có gì thì tìm chỗ nào đó, kín kín gió, đứng trú. Bạn anh cũng đang làm việc nơi xứ Nhỏ này. Nơi này, theo lời bạn, hiện đang thắt chặt tuyển dụng lại, mấy ngành văn phòng, ngân hàng, bảo hiểm hồi trước hút dân ngoại lắm, bây giờ khó nhằn hơn nhiều rồi. Bù lại mấy ngành khác, kỹ sư chẳng hạn, thì dễ thở hơn. Bạn anh qua đây làm cũng hơn một năm, chúa nhựt được nghỉ, bắt MRT lên Bugis dắt anh đi vòng vòng. Chưa bị kiến cắn bụng nên đi loanh quanh mấy khu mua sắm, tháng sáu, mùa giảm giá đậm đà nhứt năm của Xứ Nhỏ nên đi đâu cũng ken chật người hết trơn. Bạn bảo, cái xứ này là vậy, người đi ra đường, ngoài đi mua sắm, thì còn biết đi đâu. Anh nghĩ trong bụng, cũng đúng thiệt, xứ gì có chút béo, đi một vòng là hết. Đúng là đi một vòng, thì hết thiệt, là hết tiền thiệt. Mùa giảm giá, anh gặp cái gì cũng thấy mê, kiểu như định mua cái này, mua cái kia, đã tính trước từ hồi ở nhà rồi, nên qua đây, gặp cái gì, cũng muốn thử, thử rồi, lại muốn lấy. Hồi sau, móc thẻ tín dụng ra cà, méo hết cả mặt. Bạn đứng ngoài kia, lạnh quéo râu vì chờ, anh thấy cũng kỳ, nên thôi nói bạn ráng ráng, năm thì mười họa mới có dịp anh sang chơi, biết làm sao, ráng nghen! Trời ngoài kia thì cứ u u như bông mù u rụng trắng trời buồn não nề thúi ruột, thấy quờn quờn bụng thì lủ khủ xách đồ đi ăn ramen. Ăn ramen xong thì bạn dắt đi vô thư viện quốc gia của xứ này. A, xứ này thì nhỏ thiệt, nhưng cái thư viện thì bự vật vã, to đùng. Ngày chúa nhựt, lại ngay dịp có tuần lễ đọc sách gì đó, bọn trẻ con bu cũng đông. Anh giả vờ bay vô, lật lật sách, nhớ hồi đâu chừng chục năm trước, nhà xa, nhưng mê đọc sách, hổng có tiền mua, nên lúc rảnh là đạp xe lên thư viện tỉnh, mượn sách về đọc. Cái thư viện ba từng lầu, nằm giữa một con đường mới mở thuộc khu đất mới dời về, ở đó có những bữa trời mưa anh ngồi trên phòng đọc sách ở lầu ba, đọc miên man biết bao nhiêu là quyển thơ mới, có cả tiểu thuyết nữa. Hồi đó anh ôm nhiều mơ mộng. Hồi đó, thoắt cái cũng cả chục năm rồi. Rời thư viện thì rủ bạn đi vô Starbuck. bạn uống cái kiểu gì đó mà bị săc cà phê, muốn ói, hay ai biết nữa, chắc chán đi với anh rồi nên đòi về. Dòm đồng hồ, cũng đến giờ sửa soạn ra sân bay, tại đó, anh chia tay bạn rồi quay ngược về nhà. Đường về nhà, chưa đầy một cái sải tay!

Nhưng kiểu gì cũng nhớ như in cái cảm giác lúc đội nhà mình đá vô một trái, hồi phút sáu mươi mấy. Cái cảm giác lâng lâng sung sướng tột đỉnh đó, chỉ chia sẻ được với tất cả những ai có mặt trên sân. Không phân biệt già trẻ, dù lớn dù bé, dù trai dù gái gì, cũng đều nhảy cẫng lên, rú rên la hét không còn biết dùng âm thanh gì để giải phóng cái sướng nữa cả. Sự hân hoan say men vì chiến thắng, là chất xúc tác mạnh nhất, giúp cho con người dễ dàng đến được với nhau. Nhắc lại mới nhớ, hồi đận năm 2008, đội nhà mình vô địch, anh cũng hòa chung vô dòng người đổ vô thành phố. Tối đó, chạy nhong nhong khùng điên đến ba giờ sáng, cái nồi trong nhà sáng ra thành cái dĩa, giọng nói thành một cái gì đó ché ché chớ nào phải tiếng nói mình đâu. Men chiến thắng chảy tràn thành một cơn bão giúp mình dễ dàng buông thả mọi thứ. Sau bàn thắng đó, tất cả đều chắc ăn rằng đội nhà sẽ vào chung kết. Anh thì chắc ăn tối nay về phải đổi lại vé máy bay, coi xong trận cuối rồi về. Nhưng chuyện đâu thể dễ dàng như thế. Nếu đã như thế, thì mọi chuyện đã khác rồi!

Anh gọi một ly cà phê nóng. Máy bay chuyến chiều lạnh te tái. Ai cũng ngồi co ro trong ổ của mình. Anh cũng giở đến tận trang cuối cùng của Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời. Anh thích đọc thơ lắm, những câu thơ gợi nhiều hình ảnh, lời ít ý nhiều. Hồi xa xưa anh nghĩ nếu mình thất nghiệp mình sẽ đi làm thơ, ngày ngày thanh cảnh viết thơ thưởng hoa uống trà và lãnh nhuận bút, mà sống. Sau này, anh phát hiện ra thơ hổng bao giờ là dễ. Chắt chiu từng giọt cảm xúc để kết tinh trong từng câu từng chữ. Dạo đó, anh chuyển qua viết nhăng viết cuội, khùng điên mà lơ đễnh hết năm tháng trôi qua rồi. Và chuyến đi này anh đem Mỏ neo theo làm bạn, một quyển thơ, ngắn ngắn dễ thương mà ý nhị thâm trường. Những câu chữ cuối cùng. Lúc gấp sách lại, anh nhìn ra ngoài cửa máy bay, chả thấy gì ngoài cái cánh máy bay chớp tắt đèn hiệu. Lúc đó, anh biết rằng mình đã lại trở về nhà. Sau một chuyến đi ngắn ngủi có quá nhiều đợt cảm xúc.

Và cũng như sóng, cảm xúc đôi khi thầm lặng, đôi khi cuộn trào làm anh ngắc ngoải không thôi!

(Chữ nhiều quá nên bị bắt phải chia đôi ra, chớ thiệt sự, anh cũng nào có muốn hành hạ những ai lỡ dừng chân nơi đây như thế này đâu!)

tonphan
10-09-2015, 22:36
NGƯỜI VỀ TÌNH VỀ KOH SA




1.

Đã từng nghe ở đâu đó, hãy về Koh Sa tìm cây chao có chạc năm nhánh, đứng dưới gốc cây chao ấy, giữa buổi chiều muộn, lúc hoàng hôn buông, lúc sóng biển êm, lúc chạng vạng mặt người, và sẽ tìm được người mình thương, giữa mênh mông, biển người! (Cho một chuyến đi rộng trong bão biển và rạch ròi cô đơn ở Koh Rong Samloem - tháng 08/2015 - warming: là những ghi chép tưởng tượng của người viết, không liên quan đến bất kỳ ai và sự kiện hiện tượng nào, 16 +, có ma)

https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtp1/v/t1.0-9/11880565_1034971503181150_1515522965308190323_n.jp g?oh=3cd46c817871942adda59913e6227ddd&oe=565D4E14&__gda__=1450487602_89b9973355fb568384a4b7d4789f425 a

...

Lục không hiểu sao mình lên bờ được. Trên người dấp dính vị của biển, của mùi mồ hôi nhớp nháp, của cái ngầy ngật những cơn say sóng. Lục không quen đi biển, nhưng say sóng như thế này, là lần đầu. Đầu đau, ngực phập phồng và chực chờ ói - thực sự là anh cũng đã ói, ói hết, không chừa lại gì. Lúc người ta nắm tay đỡ Lục lên cầu tàu, anh mới biết là mình đã sống trở lại rồi. Trước đó, trước khi lên tàu và khi đang vật lộn với cơn say, anh nghĩ là mình đang dần mòn chết đi. Thở chỉ là hình thức, chớp mở đó, nhưng tượng trưng thôi không nghĩa lý gì cả. Lên đất liền rồi, cái ý nghĩ mình đã sống lại trỗi dậy mạnh mẽ. Dù rằng ngoài kia biển nổi bão, sóng to gió có lớn đến mức nào, thì Koh Sa vẫn thiệt dịu dàng và hiền. Đó là lúc Lục ngây ngất bước đi trên cái cầu tàu nhỏ, dọc bên là hàng đèn liu xiu liu xiu lãng mạn quá chừng.


https://scontent-mxp1-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtf1/v/t1.0-9/11863323_1034971833181117_9176519995361817429_n.jp g?oh=d0ab291a1c4b372e5c1b4236c9735455&oe=565DA214

Những gương mặt người cứ chạy dài mê mải theo những cơn mộng mị! Lục tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng, đèn đường soi những vệt dài trượt theo ri - đô khi anh với tay bật công tắc đèn! Những ngày mưa, nếu đêm có sấm chớp, Lục hay giật mình giữa đêm khuya khoắc như thế này! Giọng của một người đàn bà lặp đi lặp lại trong giấc mơ chưa kịp tan nơi ngõ ngách nào của trí óc còn lờ mờ, cây chao có chạc năm nhánh! Cây chao, có chạc, năm nhánh!

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/11866355_1034976939847273_1859873004976953904_n.jp g?oh=cc8bb9287f6fe4ffababe23ae4211bbe&oe=566B03E4&__gda__=1449550811_0c857ebc97390ac582bec25a893c80c 8



Lục vẫn đi làm! Buổi sáng sẽ dậy từ lúc năm giờ. Tưới cây! Từ lúc Thuỷ đi rồi, anh làm luôn cái công việc đòi hỏi phải dậy sớm này! Chậu chao mi ni càng ngày càng rũ, loại cây tên quê trớt được anh bưng về từ một chầu nhậu sương sương với ông bạn già ở dưới gốc cầu Me, với công dụng chữa được căn bệnh khó nói. Lúc mới bưng về trồng anh mê lắm, sáng nào chiều nào cũng ra ban công tưới táp cho cái cây có chút béo. Sau rốt thưa dần! Thuỷ chỉ cười, cô dậy sớm tưới đám rau ngỗ, sẵn tiện chăm luôn cây cho anh! Khi Thuỷ đi rồi, chúng dằn vặt héo úa ủ rủ như chưa từng có bàn tay ai chăm sóc! Lá cây chao chưa kịp thử nghiệm độ hay dở, đã héo!

https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-9/11825969_1034978636513770_8554640097403445664_n.jp g?oh=4c46f3dfa039da215ce87a2797c46afd&oe=56A129D3&__gda__=1449538939_b6c81575344e0abba8c79b8d088a0fb 0



Tập vài động tác thể dục uốn éo cho có, Lục sẽ pha một cốc cà phê, còn thời gian thì mở tivi lên nghe tin tức buổi sáng, nếu không kịp giờ thì anh sẽ ủi đồ và đi làm! Những ngày mưa anh mặc lại bộ đồ hôm trước, mùi cơ thể quen rồi và chắc cũng chả ai thèm để ý đến một người ba mưoi tám tuổi râu tóc dài lượt thươt và dòm sơ là biết bầy hầy thấy ớn như thế này! Thuỷ luôn ủi thẳng áo, sẽ nhắc Lục cuối tuần nhớ cắt tóc mỗi bận tóc Lục chỉa vào môi cô đau ngoáy. Và Thuỷ đi rồi anh cũng để tóc tai xụi lơ! Anh không thấy buồn, ba mươi tám tuổi rồi chớ ít ỏi gì mà buồn! Anh chỉ cảm thấy không có hứng! Giấc mộng mị từ lúc đó ngập tràn tiếng Thủy, khi hờn dỗi, lúc vui cười. Đôi lúc, là giọng một người đàn bà, vẫn là, cây chao năm nhánh, ở một hòn đào, gọi là Koh Sa.

Ngôi nhà gỗ nhỏ, dễ thương, lợp mái lá, có nhà vệ sinh gọn hơ trong đó, có cả gác lửng, trèo lên cái cầu thang gỗ, lên đó tha hồ ngắm mặt trời mọc, ngắm sóng biển vờn quanh, nghe tiếng chim hót, và nắng gió nhảy nhót ngoài bậu cửa. Lục không định ở chỗ này đâu, anh muốn chỗ nào đó thanh tịnh một chút, nhạt nhòa bãng lãng và sau đó anh sẽ đi tìm, chao năm nhánh. Nhưng khi ghé chân vào thử ngôi nhà này rồi, anh biết, nó hoàn toàn phù hợp với mình. Mái lá, vách lá, màn tuya trắng phủ drap giường xanh lơ lửng. Thủy thích những màu này, mười năm trước lúc hai đứa mới cưới nhau, đêm úm ba la cô hay cười khúc khích ghé tai anh nói sau này hai vợ chồng sẽ có thiệt nhiều con, ít nhất là sáu đứa, như tên của Lục, Lục heng. Sáng ra màn tốc, drap nhăn. Mười năm sau, chỉ còn một mình Lục lẻ bóng, nhà chưa có tiếng con nít. Và Thủy, cũng đã đi rồi.

https://scontent-mxp1-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/11903801_1037097359635231_6170223415350075572_n.jp g?oh=21125f5e24cf7327a713b0aae7bca3a1&oe=56684AF7

(Tiếp, tiếp ngay)

tonphan
12-09-2015, 22:41
NGƯỜI VỀ TÌNH VỀ KOH SA




2.

Đã từng nghe ở đâu đó, hãy về Koh Sa tìm cây chao có chạc năm nhánh, đứng dưới gốc cây chao ấy, giữa buổi chiều muộn, lúc hoàng hôn buông, lúc sóng biển êm, lúc chạng vạng mặt người, và sẽ tìm được người mình thương, giữa mênh mông, biển người! (Cho một chuyến đi rộng trong bão biển và rạch ròi cô đơn ở Koh Rong Samloem - tháng 08/2015 - warming: là những ghi chép tưởng tượng của người viết, không liên quan đến bất kỳ ai và sự kiện hiện tượng nào, 16 +, có ma)

...

Nhịp thời gian vẫn yên như vậy, hệt như không có gì thay đổi! Sáng Lục vẫn ghé quán cũ, ngay chỗ ngã tư Xanh, cô chủ quán, đã thuộc nằm lòng sở thích của khách mối (tròm trèm cũng chục năm rồi), bún bò không bỏ nước béo, không bỏ chân giò, chỉ bỏ thịt nạc. Lục kêu thêm ly phê đá, sẽ lật tờ nhật trình! Tám giờ kém, Lục chào cô chủ quán, người phụ nữ đẫy đà, và đàn con nheo nhóc năm, sáu đứa thay phiên nhau đứa lau bàn, dọn vệ sinh, giữ xe, rửa chén, châm nước, quét sân. Những đứa trẻ ồn ào đông đúc nhưng lúc nào cũng vui, quán nhỏ chật nức tiếng cười. Nắng lênh khênh đậu trên vai Lục đến sở làm. Ngang qua quảng trường, Lục dừng lại, rải mớ thóc đem sẵn từ nhà cho đám chim ăn. Một thói quen từ rất lâu, khi Lục bị một chú bồ câu mổ trúng, lúc dừng xe nghe điện thoại! Bữa đó anh trễ giờ làm, ngơ ngẩn chỉ vì đàn bồ câu này! Quẹt thẻ từ qua cửa kiểm soát, sếp vẫn chưa tới. Bạn đồng nghiệp lác đác, những đôi mắt ngáy ngủ! Lục đi thẳng vào phòng sếp, góc hành lang bên trái, cánh cửa màu xám! Nửa tiếng sau loạt xoạt cửa mở! Và thêm năm phút nữa, Lục nhận cuộc điện thoại! Không ai để ý những việc không liên quan đến mình! Mười giờ, có người đứng dậy qua bếp pha cà phê cho bớt buồn ngủ. Mười giờ mười lăm Lục bước ra khỏi văn phòng! Không ai để ý cả, mà để ý đến làm gì anh bạn đồng nghiệp thâm niên thập kỷ ở công ty này, lúc nào cũng lủi thủi như cái bóng, âm thầm dai dẳng như cao su già lửa kéo hoài hổng đứt! Chuyện sau đó, chắc cũng không ai thèm quan tâm, hoặc có biết gì đâu mà quan tâm. Chỉ có tờ đơn xin nghỉ việc nằm gọn hơ trên bàn, tưởng tượng có gương mặt cười, méo xệch.

https://fbcdn-sphotos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfl1/v/t1.0-9/11998821_1051876501490650_510368018491712113_n.jpg ?oh=67ef5be0055b28ba62aaa5b4d9dc3287&oe=56693604&__gda__=1453208838_5dee1042002a399673de472e0d37dd2 a

Đảo không có điện, trưa có chút nắng, nhưng cũng không có cần điện đóm chi đâu. Gió từ biển thổi vào phòng, mát rượi. Lục định chợp mắt một chút, rồi sẽ đi. Dè đâu ngủ rồi thì quên mất, đến lúc kiến cắn bụng, mở mắt ra đã hơn ba giờ chiều. Vội vàng kiếm cái gì đó, bỏ vô bụng, ông chủ resort đen thui, mặc cái áo thun ba lỗ khoe rốn, râu con kiến vắt ngang qua khuôn mặt tròn lúc nào cũng đậu nụ cười. Lục kêu đại một món gì đó, có nước, tom yum, nhai cơm không nổi nên nói ông chủ đổi qua bánh mì. Ngồi nhai bánh mì, húp tom yum, ngó ra bờ biển hoang hoải. Biển giờ này vắng người, lặng sóng, cát trắng phau. Hàng dừa chạy dài theo bãi biển, dáng lỏng khỏng vẽ vào không gian những dấu chấm hỏi, mấy con mòng nhảy múa. Tiếng con chim nào đó chưa chiều đã gọi nhau đau rát. Có lứa có đôi. Tom yum cũng nguội ngắt tự lúc nào. Lục buông chén, kêu tính tiền. Xách ba lô lần ra biển, biết chắc rằng phía ấy, làm gì có cây chao nào. Nhưng trái tim gọi, biểu cứ đi về phía biển, như một người vô thức. Chao là cây hoang dại, lá hình vòng cung, hiếm khi ra hoa, trái thì lại càng hiếm có. Đảo Koh Sa mọc nhiều chao lắm, có cây to, vòng cả người ôm. Lục phải tìm được nó, một cây chao lớn có năm chạc, mục đích của chuyến đi này, là vì nó!

https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/11057765_1051876938157273_7813421633368668173_n.jp g?oh=6d8bd1c5138d7f40067f66a84ee297a9&oe=5671A83B&__gda__=1453579524_341688deea521b14aac5594f3a992b6 5



Lục quen Thủy lúc cả hai vừa mới tốt nghiệp đại học. Lúc ấy Lục trẻ măng, vẫn cái tính cà lơ phất phơ đậu xe quên lấy chìa khoá. Thuỷ nhiều lần nhắc anh đi đâu nhớ đem cả hồn cả xác về. Lục nói kiểu gì anh cũng sẽ nhớ đường về với Thủy mà. Nhưng rồi rốt cuộc, Thủy bỏ anh mà đi. Tối đó, Lục về nhà muộn, cũng tại quên ví tiền ở trong công ty, phải quành lại tìm. Lúc mở cửa ra, nhà tối thui, với tay mở đèn, lần theo ánh sáng bước vô bếp, lồng bàn đậy nắp, cơm canh lạnh tanh. Trong căn hộ một phòng ngủ, một phòng khách, chỉ có Lục đứng đó, độc diễn với mình. Không có bất cứ dấu tích nào cho anh biết là Thủy đã từng sống ở nơi này, ảnh cưới không còn treo trên tường, cái móc tòn ten rỉ sét, trơ trọi, gọn lủi. Tủ quần áo trống hoác, Thủy không để lại gì, cho dù là một chiếc áo xu chiêng. Sọt rác cũng không, tủ lạnh cũng không. Chỉ còn lại mỗi cây chao mi ni rẻ tiền ngoài ban công. Tối đó, Lục ôm chậu cây nằm ngủ ngơ ngẩn. Sáng hôm sau, anh đến công ty trễ. Và một tuần, hai tuần sau nữa, Thủy vẫn chưa về. Điện thoại không liên hệ được, nhắn tin không trả lời. Hỏi người quen, bạn bè, không một ai hay biết. Mà hỏi làm chi, ngay cả Lục, còn không biết được lý do, vì sao Thủy lại bỏ anh mà đi. Cô nói thương anh mà, cô nói, sống với Lục, được ở với Lục, dù không có con, cũng là hạnh phúc nhất mà!


https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xlf1/v/t1.0-9/11953263_1051876941490606_76029500060630809_n.jpg? oh=f77214e94e4bfd5d41ffdcd991904b96&oe=56631432&__gda__=1450060664_03c2cb8d8ffa3ef01a5691730abd388 0

Nghĩ rằng Lục sẽ lẩn vào trong những dịu dàng, lững lờ của sóng biển Koh Sa. Ngộ quá, biển gì đâu mà dịu dàng hết cỡ, không ầm ào, không chút náo nhiệt. Vẫn chưa có điện, khách du lịch bắt đầu đổ ra bãi, trầm mình vào sóng sánh dịu dàng của biển đảo nơi này. Lục ngoi lên bờ, để nước nhỏ tong tong xuống mặt. Mặt trời còn đương chói phía cuối đường trời. Lục hỏi đường đi qua Bãi Lười, đường qua đó phải băng ngang một cánh rừng, chao nhiều đếm không kể xiết. Anh hấp tấp chạy đi, giữa nắng chiều chói chang, biển ngoài kia Koh Sa vẫn dịu dàng, dịu dàng. Đường rừng, Lục bước đi trong nhập nhoạng ánh nắng xiên xẹo. Anh tìm cây chao năm nhánh, anh đếm từng chạc cây. Chao mọc đan xen vào nhau, có cây lớn, có cây bé. Cây thường chỉ có một chạc, bởi thân đơn, họa hoằn lắm, thêm chạc nữa, chẻ đôi ở phần ngọn, và ba chạc, có thể. Nhưng năm chạc, thì khó. Lục nghĩ trong bụng, lúc ngồi chờ sếp hai ngày trước đó, tìm chao năm nhánh - có hay không? Hay anh phải tìm được nó, kiểu như tìm được lá diêu bông, thì Thủy sẽ về? Với anh, như nhiều lần trước nữa.

Có những bữa chủ nhật, không phải đến sở làm, Lục vẫn chạy ra quảng trường, mang theo một ít thóc, rải cho đám chim ăn. Quảng trường ấy, là nơi nhiều phụ huynh dắt con ra chơi, vì sân rộng, vì chim bồ câu rất hiền và dạn người. Tiếng trẻ con đùa chơi, chạy loi choi đuổi theo chim bồ câu, và cha mẹ tay xách nách mang luôn dõi theo con mình, với Lục, là hình ảnh đẹp nhất. Có bận cùng Thủy đi siêu thị, hôm ấy anh mặc áo màu xanh, đang lui cui chờ Thủy tính tiền, thì tay bị níu bởi một bàn tay nhỏ, đứa nhỏ kêu ba. Dòm xuống mới hay là đứa nhỏ nhận nhầm, ba của nhóc đang đứng đằng trước nữa, cũng mặc áo xanh. Tiếng ba lần đầu tiếp xúc khiến ánh mắt Lục hơi nhói, tim khẽ run và bàn tay nắm chặt lấy những xúc cảm đang dậy sóng trong lòng. Thủy vẫn rất ngọt ngào, cô đem mấy thứ vừa mua trong giỏ đặt lên quầy hàng, Lục ngày mai được nghỉ làm, ở nhà Thủy nấu món gì đó ngon ngon cho Lục ăn heng.

Dưới ánh hoàng hôn đang dần lịm tắt, Lục sững cả người. Cây chao có năm chạc, nó, chính là nó rồi. Giữa những mịt mùng lau sậy, cây chao dứng đó, dửng dưng hững hờ đẹp đến dị thường. Lá hình vòng cung, chao năm chạc. Hoàng hôn soi rọi, ngày dần tàn, tiếng sóng biển rì rào, êm êm. Lục băng ngang qua hết thảy lau sậy, gần xịt mà ịch đụi té đến mấy lần. Thủy sẽ về, với anh. Có cây chao năm chạc làm chứng mà. Thủy sẽ về, Thủy sắp về rồi. Không có từ ngữ nào có thể miêu tả được niềm vui, nỗi hân hoan của Lục lúc này. Sự lan tỏa mạnh mẽ, nước mắt không kiềm lại được cứ trào ra. Chạo năm chạc trong truyền thuyết, và những giấc mơ giậc cụt chạy rẹt rẹt trở lại, lời của người đàn bà thả vào sâu thẳm, những nói cười, gương mặt Thủy, tiếng khóc. Những viên thuốc đỏ xanh, những lần Lục chở Thủy đi khám những ông thầy lang nơi sơn cùng thủy tận, những phương pháp trị liệu kỳ dị, Lục nắm tay Thủy nói ráng lên em, không lâu nữa đâu, tụi mình sẽ có con, tụi mình làm được mà. Đêm đó Thủy ói, ra máu, rất nhiều máu. Đêm đó, không biết làm cách nào Lục ra khỏi nhà, rồi chạy xe máy lên cầu Me. Sau đêm đó và nhiều đêm nữa, Thủy không còn trở về. Sau đêm đó và nhiều đêm nữa, Lục liên tục nghĩ về cây chao có năm chạc, dưới ánh hoàng hôn, tìm được người thương.

Ánh hoàng hôn tắt, đêm tan. Sáng ra, người ta tìm thấy xác một người đàn ông treo cổ trên cây chao, lạ lùng, cây chao bốn chạc vô cùng hiếm gặp, thường chao chỉ có một đến hai chạc thôi, cây chao này có những bốn chạc, vô cùng quý hiếm. Không có bất kỳ thông tin tùy thân nào của người đàn ông vô danh ấy, Koh Sa cũng cách xa đất liền, người dân đảo đành lặng lẽ chôn cất cho người xấu số. Nắng vẫn nhảy nhót trên những nhánh chao. Chỉ có người thương, là mãi mãi không về.

Hôm sau nữa, báo đăng. Đã tìm thấy xác người phụ nữ mất tích một tháng trước, nổi lên ở nơi cách cầu Me sáu cây số. Thủ phạm được xác định nhanh chóng nhưng chính quyền vẫn chưa xác định được tung tích của hắn ở đâu. Ở một nơi nào đó rất xa, một mầm chao vừa đội đất mọc lên. Đặc biệt, đó là một mầm chao có năm chạc, hiếm gặp vô cùng.
(Hết)

tonphan
04-03-2016, 21:08
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH

Bạn nhắn tin, hỏi cậu có nhớ cái lạnh Đông Doanh rồi chưa? Cậu nhắn tin lại, cậu bảo rằng mình ổn, nhưng quê nhà xứ nắng chỏng chao gắt gảo quá, nên ngay từ lúc còn bịn rịn làng xàng xoa xuýt với những cơn gió lạnh chèo queo nơi xứ lạ quê người, cậu đã chắc nụi khẳng định rằng, nơi này làm sao mà quên cho đặng. Rồi vậy đó thư qua tin lại, cậu giữ một mối dây buộc ràng, thông qua người bạn đang sống và làm việc ở Đông Doanh, giúp cho bạn biết được rằng ở nơi ấy hôm nay nắng hay gió, nóng hay mưa như thế nào?

Mười ngày ở Đông Doanh, cậu trải qua những ngày mệt nhoài, về tới nhà là chỉ muốn đem cái chân tháo ra vứt đi mất. Có những ngày thiệt lạnh, đi ngoài đường gió thổi muốn quéo cả tay. Có những bữa cũng êm đềm, ăn tô mì ramen nóng hổi, bốc khói ngọt ngào trong một tiệm mì mà để có được một chỗ ngồi, cậu phải chờ hơn nửa tiếng. Và một bữa khác thức dậy thiệt sớm, vì bởi đêm qua coi trên cái ứng dụng thời tiết của điện thoại di động, báo rằng sớm nay sẽ có tuyết đó nghen, bữa đó cậu cũng ỳ đùng thức dậy sớm thiệt, banh màn cửa sổ ra dòm xuống lòng phố, sớm mùa đông i ỉ, nhưng không có chút tuyết nào hết trơn, tự nhiên mà thấy buồn. Bữa khác nữa cậu tan ra giữa những ngôi đền cổ, những mái ngói cong cong và những hàng cây anh đào chớm chín, sắc trắng tinh khôi, sắc hồng phơn phớt ngọt ngào. Những ngày đó, những ngày ở Đông Doanh thật sự khó quên.

1. Đi tàu ở Đông Doanh

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm

3. Cóng chân ở Ashikaga

4. Tokyo diệu kỳ

5. Nhớ udon

6. Đông Doanh và hoa đào đã nở



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xft1/v/t1.0-9/12795509_1153042384707394_897041833892050347_n.jpg ?oh=56a49fbc856c1fbf6a154c9c8cabde77&oe=57945367
Phố sớm ngày đông



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpt1/v/t1.0-9/12799253_1153042598040706_2623374594981394579_n.jp g?oh=2ea360243c340622feb6a0b5bef31ec7&oe=57668909
Một cành lộc mới



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtf1/v/t1.0-9/12805884_1153042638040702_319268662778739321_n.jpg ?oh=e13b06762937924c0dff81cb533df0c8&oe=57664FE9
Những dòng người



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xlt1/v/t1.0-9/1970406_1153042684707364_3895748776895710433_n.jpg ?oh=053cc766ab2c728c4aa26e4572f95a99&oe=575151B1
Hỏi đá có buồn



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/v/t1.0-9/12791031_1153042801374019_3559328509795394036_n.jp g?oh=dd13a72db5477a22a539622e0d2f3921&oe=57656194
Đơn sắc



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xlp1/v/t1.0-9/12718392_1153042898040676_3177010855913841114_n.jp g?oh=ec6f28406a6f2cbf4f3a2d38dfd6c1cf&oe=574F41BC
Lá ơi



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpt1/v/t1.0-9/12800226_1153042944707338_3973419734199451540_n.jp g?oh=1e1727bdcb4bf752b48c1c8afdca8494&oe=5763C565
Những chữ viết



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/12804650_1153042964707336_4540734739186365708_n.jp g?oh=71b1fec6877e1ef40e5722009b950ced&oe=576B3227
Đường vắng



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtl1/v/t1.0-9/12799253_1153042861374013_8496716451669744883_n.jp g?oh=68bb1b08ab6be98ace4c3e6fd888d070&oe=5759CACD
Độc hành



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/12472519_1153043118040654_8025629954782920160_n.jp g?oh=b3d67700e51a638b96a9445635ca8b3a&oe=57540707
Có cặp có đôi

tonphan
10-03-2016, 05:32
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (1)

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/v/t1.0-9/12790947_1152902051388094_4973102833773424208_n.jp g?oh=bea7986cb4de828fd41de04fcdccd688&oe=57525B6B


Cậu biết, mùa xuân này mình phải đi Đông Doanh, chứ không thể là một mùa đông, mùa thu hay mùa hạ nào khác nữa. Một năm trước cậu đặt vé bay, phải đặt vé thôi, đặt vé ngay vì vé rẻ quá cơ mà. Chưa có giấy thông hành, chỉ có mỗi một vé bay hai chiều, cột cậu vào với giấc mơ một ngày nào đó được bước trên những con phố nhỏ cong với những hàng hoa đào nở. Cái cảm giác thèm được tan trong cái không gian văn hóa Đông Doanh trở thành một nỗi ám ảnh. Đông Doanh, Đông Doanh, cái cốt cách của con người xứ này, tinh thần của con người nơi đây, tất cả mọi thứ, đều rù quến hấp dẫn cậu bằng một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy thôi thúc cậu, bằng bất cứ giá nào, cũng phải tới được nơi đây. Một năm đó cậu rân mình làm việc, cố gắng thật nhiều, đạt thành tích cao, tiền kiếm được cũng trích lại để làm cái việc gọi là chứng minh tài chính. Và chỉ có thể làm việc tốt, mới có thể thuyết phục cơ quan đồng ý cho cậu nghỉ phép dài ngày, phải là một kỳ phép dài ngày - mới đủ để cậu khám phá Đông Doanh.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtf1/v/t1.0-9/12804726_1152902114721421_8169860920299146232_n.jp g?oh=918e49a967fa069a5056e37f82aa40b7&oe=575287B7


Rồi ngày ấy cũng tới, tháng mười hai cậu lọc cọc chạy từ Ninh xuống Sài, tự mình xếp hàng bốc số nộp hồ sơ xin giấy thông hành! Cũng hồi hộp chờ đợi, mặc dù chắc nụi trong bụng, được nhận hồ sơ - nghĩa là kiểu gì cậu cũng sẽ được cấp giấy thông hành, không sớm thì muộn. Ăn tết tây, tháng giêng, cậu nhận được tin báo, đã có giấy. Tháng hai qua, vẫn còn xuân lắm, mồng tám cúng sao hội, bỏ mồng chín bước qua mồng mười, là cậu lên đường.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/12802786_1152833148061651_4614678527711975350_n.jp g?oh=e9a2bce808bd1070cdba68b22338f5c5&oe=574E0768



Và nếu đã sẵn sàng cho một chuyến hành trình mới, với những sẻ chia muôn đời cũng chỉ nhẹ nhàng và bãng lãng đượm buồn thương sầu với muộn, thì nghĩa là cậu sẽ có thêm bạn đồng hành cho những câu chuyện nhỏ nhẻ sau này. Chắc có ai đó, một ai đó thôi, sẽ đồng hành cùng cậu mà!

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/12321319_1152838624727770_6634946788360775840_n.jp g?oh=5ec17b78c0d84aa23be135df7f68c058&oe=576474A5


1.Đi tàu ở Đông Doanh

Từ Sài Gòn, cậu trèo lên máy bay ngồi qua xứ Cọ. Xứ Cọ, nhiều lần ghé qua đây rồi, đến nỗi cái sân bay này trở nên quen thuộc với cậu lắm. Năm trước, cũng mới một năm trước thôi, bị kẹt ở đây tới ba ngày, trong chuyến hành trình dang dở tới Nê. Bây giờ, mỗi lần ghé Cọ là nhức nhối nhớ tới chuyến đi bão tố ấy, một kỷ niệm buồn, thiệt là buồn. Vậy nên cũng mùa xuân này, cậu lại đi, lại đi hơi xa xa, nên cũng cầu trời khấn Phật, mong chuyến đi được bằng an suôn sẻ, đi tới nơi về tới chốn. Trước đó nữa, cậu đã gặp một trục trặc nho nhỏ, với cái vé bay của mình. Chuyện là, một hôm cũng rôi rãi tình cờ, tháng mười, cậu đăng nhập vào trang cá nhơn dành để đặt vé, vẻ rẻ, của hãng Không khí Á Châu, cái vô tình phát hiện ra, chuyến bay nối từ Xứ Cọ đi Đông Doanh của mình, đã bị người ta hủy và chuyển sang một giờ bay mới, với cả thay đổi luôn cả sân bay rồi. Đau đớn ở chỗ, cậu bay vé rẻ mà, không hoàn không đổi vé được. Cậu lại không phải bay quá cảnh, phải tự làm thủ tục nối chuyến. Nếu thay đổi chuyến bay nối, thì coi như hai chuyến bay trung chuyển trước, và sau từ Sài đi Xứ Cọ cũng tan tành mây khói. Lần đầu tiên bị đổi ngày bay, giờ bay, đổi cả sân bay. Với tánh tình nông nổi, cậu trách mình sao lại khờ dại đặt cái giờ bay tréo nghoe như thế này. Ai ngờ, là hãng bay họ xếp lại chặng bay. Thêm một động tác gọi qua Thái, nhờ người của hãng xếp lại giùm cậu hành trình bay mới. Cuối cùng cũng suôn sẻ. Nhưng điều còn lại, cộng vào cho cậu thêm đôi điều ám ảnh. Năm trước đã thế, dang dở, năm nay, biết đâu có lại bị dở dang nữa hay không?
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xft1/t31.0-8/p720x720/12794906_1159115577433408_836093518813206137_o.jpg



Dang dở hay không cậu không biết, nhưng đi Đông Doanh cần phải có vé JR Pass, cái này thì cậu chắc nụi trong bụng. Vé đi tàu của hãng JR này, về công dụng, về giá tiền, về cách vận hành, có lẽ nhiều người biết rồi, cậu cũng lười nhắc đến. Ngày cầm được tấm vé trên tay chỉ trước bữa lên đường có một ngày. Tiền yên vừa may cũng đổi được với tỷ giá ngon lành, sau ngày đổi một bữa, tỷ giá lên, nằm không đem mớ tiền đó đi đổi ăn chênh lệch, cũng gom được một mớ. Nhưng ai lại đi làm thế. Đổi tiền để đi chơi mờ. Tiền có kiếm được nhiều, nhưng liệu có đem đến hạnh phúc được hay không? Đời người là những chuỗi dài đánh đổi, đích đến là hạnh phúc. Và mấy ai, dám đánh đổi những ham muốn bình thường, để cầm trên tay mình những điều giản đơn mà nhận ra, đơn giản chính là hạnh phúc. Với cậu, được đi được sống vui vẻ với những bình dân gốc rạ quê nhà, là vui vẻ rồi!
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/t31.0-8/q82/p720x720/920685_1159117260766573_8490054985511166837_o.jpg



Rồi hành trình từ Xứ Cọ đến Đông Doanh, dài gần 7 giờ đồng hồ cũng kết thúc. Cậu đến sân bay Haneda lúc 10 giờ rưỡi tối, bước ra khỏi máy bay, Đông Doanh chào cậu bằng cái lạnh run người. Cậu là người xứ nắng, chỏng chao gắt gảo đến cỡ nào, cậu cũng chịu được, nhưng lạnh thì cậu sợ. Khoác lên mình mọi thứ có trong ba lô, kín mít tròn quay như đòn bánh tét, vậy là đòn bánh tét đã giẫm những bước chân đầu tiên lên Đông Doanh rồi. Đêm đó, cậu ngủ ở sân bay, nói là ngủ thế thôi, chớ cũng phải giả vờ trằn trọc, đổ thừa do chốn này người đi qua, kẻ đi lại ầm ào quá, giả vờ trời lạnh nên không ngủ được. Rồi sáu giờ sáng cậu bắt đầu hành trình chánh thức khám phá xứ này. Hỏi quầy thông tin cách bắt xe vào thành phố, may mắn, Haneda là sân bay phục vụ chủ yếu cho các chuyến bay nội địa, nhỏ hơn và nằm gần trung tâm. Tokyo còn một sân bay khét tiếng nữa, là Narita, to bự nằm cách trung tâm thành phố hơn 1h30 đi tàu. Từ Haneda, cậu xoay sở bằng cách nào đó đổi vé JR Pass, rồi lên Tokyo Station, từ Tokyo Station, tìm đường đi Hiroshima. Câu chuyện đi bụi, trong hành trình 11 ngày đó, không thể thiếu những ngày đầu tiên lạ lẫm, vừa đi vừa khám phá, hỏi đường, lên lộn tàu, trễ giờ tàu chạy, nhầm platform, xuống lỡ bến, trả lộn tiền... Những câu chuyện ấy, nhỏ nhặt tủn mủn giờ ngồi nhớ lại cứ làm cho cậu tủm tỉm bỏm bẻm cười hoài.
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xat1/t31.0-8/p720x720/1270313_1159121474099485_4976559655602903210_o.jpg

(Hơn 10000 chữ nên còn nữa, còn liền)

tonphan
10-03-2016, 05:57
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (1b)
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/v/t1.0-9/12472550_1152902044721428_8202750958817660862_n.jp g?oh=58fb5e9ebb31267f7c752c6c67c981d8&oe=5756D55D

1.Đi tàu ở Đông Doanh

Có sử dụng các phương tiện công cộng ở Đông Doanh rồi, mới thấy được tinh thần và sự tiến bộ của người Đông Doanh, hiện đại, tiện lợi, rắc rối (hiểu được nó thì sẽ thành đơn giản) và đặc biệt là chính xác đến từng phút đồng hồ. Ở Đông Doanh, người người sử dụng tàu điện, xe bus, shinkanshen, subway... Sử dụng phương tiện công cộng vừa tiện lợi, không sợ kẹt xe hay tai nạn giao thông, không sợ trễ giờ làm (trừ trường hợp trễ giờ bắt tàu)... vì tàu chạy theo thời gian biểu vô cùng chính xác. Những lần đầu tiên, cậu gặp rất nhiều khó khăn để tìm hiểu cách vận hành của hằng hà sa số những chuyến tàu, rồi đổi trạm, đổi line... Ngày đầu tiên, giữa Tokyo station rất là rộng lớn, cậu phải bắt tàu tìm đến trạm shinkanshen, mặc dù có sự trợ giúp rất lớn từ site hyperdia và googlemap, nhưng cái gì cũng vậy, làm quen với cái mới luôn đòi hỏi nhiều thời gian. Cậu thì vừa tìm đường vừa cố gắng nói với bản thân mình rằng, đây là niềm vui của chuyến đi. Phải cố gắng tận hưởng. Chắc có lẽ phải nhiều năm nữa, nước mình mới có thể thiết lập được một hệ thống giao thông như thế này? (Nhiều năm nữa, là khi nào?)
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/t31.0-8/p720x720/12829218_1159122160766083_3505462890882096766_o.jp g



Lần đầu đi tàu viên đạn, lại là lần đầu tiên cậu lên lộn chuyến Nozomi. Bao nhiêu là bực bội với bản thân, xấu hổ và cả tiếc tiền nữa trút hết lên đầu. Tự trách mình là chủ yếu, sao có thể quên mất tiêu cái điều cơ bản như vậy cho đặng. Lúc ngồi trên tàu, chưa kịp thở vì chạy bở hơi tai mới tìm được đúng platform, rồi không kịp để ý tên tàu chạy mà chỉ hỏi những người xung quanh phải tàu nhanh đi Hiroshima hay không? Cái gật đầu của những hành khách không kịp nhớ mặt đặt tên đó đưa cậu ngồi lên trên chuyến tàu tốc hành nhanh nhất hiện có trên thế giới. Và lúc cậu tự tin đưa cái vé JR pass của mình ra chắc cũng vinh quang rạng rỡ không kém, để rồi phũ phàng nhận ra mình đã đi nhầm tàu rồi. Lục đục móc tiền ra trả, thì phải trả thôi chớ còn chờ đợi mà làm chi. Bác soát vé, trong một buổi trời nào đó, Đông Doanh lạnh, tự nhiên đâm ra thương cảm cho cậu trai lần đầu đến đất nước này, nói thôi trạm sau chú mày xuống đi, không cần phải trả tiền. Trời dần ngả về chiều, yên ả và mát mẻ, bác soát vé cũng hiền thương ơi à. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là cậu thôi tự trách bản thân vì tật cẩu thả tăm hơ tăm hớt của mình.
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtp1/t31.0-8/p720x720/12829272_1159123724099260_5965782073594184337_o.jp g



Nhớ bữa sáng trước ngày từ Ashikaga về lại Tokyo, bữa đó, là hôm cậu cứ thăm chừng nửa đêm bật dậy để canh trời đổ tuyết, cuối cùng mệt quá, bã bợt cậu gục luôn lúc nào không nhớ nữa. Sáng ra tung rèm cửa sổ không thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của tuyết. Vậy nhưng lúc ra ga tàu về lại Tokyo, trời lạnh căm căm, ngước nhìn lên những ngọn đồi phía xa, vùng ngoại ô, tuyết lốm đốm phủ mềm trên mặt đất. Cậu cứ nhìn mải miết, ga nhỏ, vùng quê, vắng hoe. Ở Đông Doanh, cậu thích nhất cảm giác được trôi giữa những ga tàu. Nơi ghi nhiều trạng thái cảm xúc nhất, là nơi chứng kiến cuộc chia ky, là nơi đánh dấu ngày trở về, có buổi chào mừng hạnh ngộ, có nước mắt khóc tiễn đưa, có nụ cười, có cái bắt tay, có vòng tay hân hoan chào đón, có chờ đợi, có nôn nao, há chẳng phải là sân bay, là ga tàu? Cậu thích cái cảm giác dập dồn những gương mặt người ở những ga tàu lớn, như Kyoto, và Tokyo nữa. Cái cảm giác chỉ cần một khoảng khắc chớp mắt thôi, là đã lạc mất nhau giữa biển người rộng lớn này, và những chuyến đi xa, và những đường tàu chằng chịt. Cậu cũng yêu cái bình yên nhỏ nhẹ của những sân ga vắng vẻ buồn thiu nép giữa một vùng ngoại ô yên bình, như ga Ashikaga một sớm mùa đông lạnh tê người, ga Kibune trên núi, có tiếng nước chảy vờn quanh, và chim ca và cây mùa vắng lá. Đi tàu ở Đông Doanh, là cậu đang bỏ lại một phần tim mình ở những đường tàu và sân ga ấy – có tấp nập, có ồn ào nhưng cũng không thiếu chút – một chút thôi, khẽ khàng, khoảng lặng vừa đủ cho cậu nghỉ ngơi giữa những cuộc đi.
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtp1/t31.0-8/p720x720/1801263_1159124617432504_6124003418629155819_o.jpg




Đã nói về sân ga, về con tàu, thì cũng làm sao quên được những con người không nhớ mặt và không biết tên ở nơi này. Cậu thì đi loi lẻ, lại không biết tiếng Đông Doanh, chỉ lận lưng có chút đỉnh tiếng anh lỏm bỏm. Nên sợ, đi tới đâu cũng nháo nhác hỏi lại cho chắc. Và những con người xứ ấy, từ bác soát vé lúc nào cậu hay bất cứ ai đi ngang qua, cũng đều cúi đầu chào rất nhiệt tình – cho tới những cô dì thím bác cậu mợ khác nữa, dẫu nói được tiếng Anh hay không, cũng đều chỉ cho cậu biết đường đi, hướng đi chính xác. Cậu ít khi đi lạc, thậm chí, ngoài vụ lên nhầm tàu Nozomi có kể phía trên, thì cậu không bị đi lạc bất cứ chỗ nào, trong suốt 10 ngày ở Đông Doanh. Người Đông Doanh, họ có thể lúc nào cũng im ỉm một mình, lên tàu thì đeo tai nghe, nói năng nhỏ nhẹ ít gây sự ồn ào, trẻ con thì độc lập – những đứa nhỏ tí teo đeo ba lô sau lưng mà đã tự mình bắt xe điện đi học, rồi đi về nhà – như không, cho tới những ông bà cụ già lòm khom, mỗi người đều có thế giới của riêng mình. Nhưng trong một phần nhỏ khác, họ luôn sẵn sang giúp đỡ cho những người đang cần sự hỗ trợ, như cậu và rất nhiều người khác nữa. Có đôi khi, người ta đến nơi này không vì cảnh nơi đây đẹp, nước ở đây trong, núi ở đây cao, cây cỏ xứ này chuyển mùa thay lá vàng lá đỏ đep hơn nơi khác, mà có thể chỉ đơn giản là vì người nơi này luôn sẵn sang giúp đỡ những người từ phương xa tới, là lòng hiếu khách tự thân, là những bàn tay luôn chìa ra khi người khác cần, là lòng người. Cậu nghĩ, ăn sổi ở thì mấy khi. Cái bền lâu, là do mình.
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/t31.0-8/p720x720/12792347_1159124714099161_5504711685542627318_o.jp g


Hành trình của cậu, xuất phát từ Tokyo, xuống Hiroshima, sau đó lại vòng về Kyoto, qua Osaka, về lại Yokohama, đi lên Ashikaga rồi cuối cùng, về lại Tokyo. Những ngày đó, là buổi sáng sẽ coi lại hành trình hôm nay đi đâu, đi bằng phương tiện gì: xe điện, tàu viên đạn, xe bus hay taxi… Rồi cứ thế dém mình thật kỹ trong mớ áo khoác, mũ len, bao tay, vớ, khăn… mà bước xuống phố. Trưa sẽ ghé đâu đó, xuýt xoa dỗ dành bao tử. Chiều lại trôi trong những dòng người tấp nập trở về nhà, nhà của cậu ở Đông Doanh – là một phòng nhỏ nằm trên tầng 8 của một khách sạn có view hướng ra vịnh Osaka, hoặc là một cái ryokan nhỏ xíu có cái nhà tắm đứng thẳng băng là hết chỗ ở Kyoto, hoặc là một phòng nhỏ khác, nhìn lên núi, ngắm mặt trời lặn đẹp vô cùng ở Ashikaga… Nhưng hơn tất cả, là những ngày luôn phải hòa mình trong những chảy không bao giờ ngưng nghỉ của hệ thống giao thông công cộng Đông Doanh, có lúc ăn trên tàu, ngủ trên tàu, đi vệ sinh trên tàu. Và đó, là lúc mà cậu thấy mình hạnh phúc nhất. Vì đơn giản thôi, lúc ở trên tàu, là lúc cậu thấy mình thực sự thuộc về nơi này.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtf1/v/t1.0-9/943969_1154516221226677_560815853879502375_n.jpg?o h=855b166d12c5a2f28666ac31fc55ecd3&oe=578FAFE8

tonphan
03-04-2016, 14:56
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2)


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfl1/v/t1.0-9/12718300_1152827094728923_7803207568020302103_n.jp g?oh=9435432c76a25008235d48411fbb3127&oe=578AAF11


Sáng hôm đó, Hiroshima trời mưa. Mưa cứ dai dẳng và âm ỉ, từ ban công phòng khách sạn, cậu phóng tầm mắt về hướng biển, nơi này, nhiều năm trước nữa đã từng hứng chịu một quả bom của Mỹ, nhưng giờ đây, những dấu ấn còn lại ngoài một quảng trường kỷ niệm chiến tranh, một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của rất nhiều năm, thì còn lại gì. Những gương mặt Đông Doanh ở đây vẫn như bao gương mặt khác, luôn giữ một thái độ chừng mực, không nói quá to, không đi quá nhanh, lúc nào cũng từ tốn và nghiêm chỉnh. Một tinh thần Đông Doanh chuẩn mực, chuẩn mực đến độ lúc cậu hỏi thử người trực lễ tân của khách sạn lỡ như trời mưa thế này, cậu đi Iwakuni về trễ một chút, check out trễ hơn giờ quy định tầm mười, mười lăm phút liệu có được hay không? Câu trả lời là không khiến cho cậu hơi chợn, đúng giờ và nguyên tắc, đó có lẽ là phong cách của người Đông Doanh mất rồi.



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtl1/v/t1.0-9/12804859_1152825928062373_4248005177102543234_n.jp g?oh=c7bc503096b812d49f230a6ba554a630&oe=577DF517



Và trong cơn mưa dằng dai đó, cậu chia tay Hiroshima, một ngày mưa buồn. Ngồi trên tàu viên đạn, nhìn thành phố dần khuất sau tầm mắt, cậu biết rằng mình nợ Hiroshima một buổi sáng nắng trong, và cậu thả bộ đi dọc theo những con đường đồi nhỏ, dẫn cậu ra phía biển, những cánh hải âu bay, sóng biển nhẹ nhàng, cát hằn dấu chân. Nhưng đó, có lẽ là một câu chuyện khác. Trưa hôm ấy, cậu về tới cố đô. Nắng nhẹ, gió cũng nhẹ nhàng. Bước ra khỏi tàu, cái lạnh mân mê vòm mắt. Kyoto, vậy là cuối cùng, cậu cũng tới được Kyoto.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xlp1/v/t1.0-9/12801614_1152826154729017_2021047851758629224_n.jp g?oh=b69ad768c03302b426762ca216eaf977&oe=578AB935


2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn đầu tiên

Lúc đặt phòng ở Kyoto, cậu nghĩ mình có cả chục ngày ở DôngDoanh và một nửa trong số đó sẽ ở trong những nhà nghỉ hiện đại rồi nên ở Kyoto, cậu ráng tìm một nhà nghỉ theo kiểu truyền thống, nhỏ nhỏ thương thương nằm gần trạm Kyoto cho tiện việc đi lại. Hai giờ về đến Kyoto, từ Hiroshima, loanh quanh kéo vali đứng đợi taxi. Một hàng dài, mưa lệt bệt đọng trên vai. Cậu nhớ, mất nhiều thời gian lắm, cuối cùng cũng đến lượt mình. Ở Đông Doanh này là vậy, mọi thứ đều trôi đi trong cái thứ trật tự cơ bản, đều đặn chính xác đến từng phút đồng hồ. Bác taxi lớn tuổi đẩy gọng kính, tìm trên bản đồ rồi gọi cả cho bên nhà nghỉ để hỏi lại địa chỉ cho chắc chắn. Xe lăn bánh, chưa đầy năm phút sau đã ngừng lại trước cổng một căn nhà nhỏ, có cái hàng ba chưng hai cái lồng đèn lớn, mấy vật trang trí dễ thương. Cậu bước vào đấy, và thấy mình lọt thỏm giữa một không gian Đông Doanh vô cùng ấm cúng. Hay ai biết được, những ngày ấy Đông Doanh lạnh giá vô cùng.



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xaf1/v/t1.0-9/10390150_1152826241395675_2757513773308551762_n.jp g?oh=56d404c58b728ed54c37e757f7daf79b&oe=5772CCD9


Cái ryokan nhỏ, ba gian quây giữa một giếng trời. Mùa đông, cây lá hòn non bộ giữa giếng trời trụi lủi, cái cầu thang bắc lên tầng trên mỗi khi bước qua đều kêu cọt kẹt. Cô gái phục vụ cứ không ngừng dặn đi dặn lại người khách phương xa cố gắng giảm bớt tiếng ồn đến mức có thể vì sợ ảnh hưởng đến những vị khách khác. Cậu ở đấy ba ngày, sáng sáng chui vô cái nhà vệ sinh chật rí, đứng thẳng thôi chứ quay lui quay tới coi chừng kẹt cửa. Tối tối lại quay mặt xuống nhà dưới nghe ai đó gảy đờn guitar, tiếng đờn mộc giữa những ngày lạnh lạnh cảm giác lãng mạn cô đơn vô cùng. Chắc có lẽ sẽ còn nhiều năm nữa cậu mới quên được cái ryokan nhỏ bé xinh xinh này, nằm gần Kyoto station, trong một con hẻm nhỏ, có đôi đèn lồng thắp trước cổng nhà, có cô phục vụ mặc kymono da trắng dễ thương và giọng nói trong trẻo như lúc nào cũng sẵn sàng rót mật vào tai người.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfa1/v/t1.0-9/12234912_1152826064729026_3161980103649416890_n.jp g?oh=2fc65f8c5a35bb987df58161a475bf13&oe=578D1DA1


Kyoto station - tất cả đều bắt đầu tại nơi này. Trạm rộng, to với rất nhiều line xe điện, bus, shinkansen đi đến nhiều nơi khác trên Đông Doanh này... Chiều đó, cậu ngược ra trạm tàu điện, bắt tàu đi vào khu trung tâm ăn tối. Ở Kyoto, tối đến người đổ ra đường đông lắm, nam thanh nữ tú rập rờn. Cậu đi vào chợ đêm Nishiki, những con đường dày quán xá, những cửa hiệu thời trang, quầy hàng ăn uống. Dừng chân ở một nhà hàng tấp nập ven đường, ăn sushi rồi ăn mì udon và cơm bò, uống trà xanh. Bữa ăn tối hoành tráng, khẩu phần ăn của người nơi này nhiều thôi rồi, nhưng cậu mỏng cơm nên ăn không hết, cơm bỏ một nữa, mì udon nhấp vài nhấp cũng thôi, có sushi nhỏ nhỏ con con nên dễ nuốt. Đứng lên, khoác áo choàng khăn rơi mình vào phố. Rồi ghé qua Starbuck, kêu một caramel macchiato nong nóng áp vào mặt, rồi cứ thế ngồi nhìn ra đường. Bên kia là một trung tâm mua sắm, Loft, người ra kẻ vào liên tục, phố đông, phố của mùa đông ai cũng co ro. Đêm đầu tiên ở Kyoto cứ thế nhẹ nhàng, trời khuya chút nữa thì bắt taxi về lại nhà. Đi khe khẽ vì sợ làm phiền những người khác, tiếng guitar buồn mộc mạc vẫn hắt ở bên song. Từ ban công phòng nhìn xuống, ánh đèn heo hắt. Trong tiếng nhạc buồn, cậu chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xat1/v/t1.0-9/12105840_1152826164729016_1781896733856525521_n.jp g?oh=7c87bf27218350c996871076d51b56c2&oe=5775DBA6

tonphan
03-04-2016, 15:06
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2b)

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xft1/v/t1.0-9/12804802_1152826474728985_2923580341982255657_n.jp g?oh=11923115dfb92e45e62c4b53289a29ae&oe=5785B408

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn thứ hai

Sáng hôm sau thì cậu dậy sớm, đi bộ ra trạm xe bus gần nhà, rồi loay hoay thế nào cuối cùng lại tót lên taxi nói người ta chở cậu lên Kiyomizu, chùa Thanh Thủy. Sớm vắng, anh lái taxi trẻ măng, nói cậu đi sớm thế này lại hay, vì tầm một tiếng đồng hồ nữa mà lên Kiyomizu chen chân không lọt đâu, người đông dữ lắm. Anh tài xế trẻ, trẻ nhất mà cậu gặp trong suốt quãng hành trình ở Đông Doanh này. Anh nói tiếng anh khá tốt, rõ ràng và dễ hiểu. Xe chạy lên con dốc, rồi dừng lại ở lưng chừng, nơi ngã ba, chỉ cho cậu cứ đi bộ lên trên đó, là đụng chùa rồi. Lác đác chỉ một vài du khách đến sớm, ngơ ngác ngái ngủ y chang cậu. Rồi bước lên đền, đường xá quạnh quẽ chìm trong cái lạnh và buồn của ngày đông. Im ắng vắng vẻ, thỉnh thoảng bước qua một cửa hàng nhỏ mở cửa sớm nào đó, người chủ chậm rãi bày hàng ra, dày đặc những hàng lưu niệm lô xô chào đón, khách bước qua như có như không dừng lại, rồi nghinh đông nghinh tây lại bước đi. Quãng đường ngắn, tầm mười phút đĩnh đạc khoan thai dắt bộ, cuối cùng cũng đưa cậu đến với cổng chùa. Sáng vắng yên tĩnh, ngôi chùa nhẹ nhàng hiện lên giữa núi đồi, cảnh mùa đông êm đềm, cây trơ trọi lá, những cụm anh đào nụ còn chum chím chưa bung. Lối kiến trúc chùa cổ điển với những cột gỗ to, dựng lên giữa lưng chừng đồi là một tòa kiến trúc lớn với mái cong vút và chiếc chuông ta có dây lắc bện bằng thừng to bằng tay người lớn đặt trước chánh điện. Ngôi chùa Thanh thủy như cái tên của nó, không gợn chút bụi trần nào, hay không biết nữa, có thể do cậu đi sớm quá, trời còn mờ sương, mọi thứ trở nên huyền ảo. Và những bước chân người, chưa lẹt quẹt đông đúc khuấy đảo đi cái không khí trầm mặc ấy. Những cành anh đào lúp búp nụ, những hàng kệ chưa đầy giấy ước nguyện, mùi nhang phảng phất, sương còn đọng trên lá. Cậu rời Kiyomizu lúc người ta bắt đầu leo lên con dốc nhỏ rung rung tiến vào đền. Đường xuống y như đang đi ngược gió, lội ngược song, Dòng sông người bắt đầu đổ vào đền, hàng quán đã mở, vẫn còn lạnh nhưng nắng đã lên. Cậu thấy hạnh phúc vì mình đã chọn Kiyomizu vào lúc sớm lạnh như thế, lúc trời chưa tan, nắng chưa lên, người chưa đông và chùa còn mờ tan trong cái không gian thoáng đãng tĩnh mịch của một ngày đông giá buốt. Đi ngược dòng người, để thấy lòng mình thênh thang, để thấy cô đơn không có nghĩa, là buồn!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtl1/v/t1.0-9/12805915_1152826758062290_2784203925883900720_n.jp g?oh=c6ab5f120d5b18495efb3edaec13171b&oe=57857C78


Rời đi chùa Thanh thủy, cậu thực sự bắt đầu lăn xả vào những điểm đến hấp dẫn của cố đô này. Kyoto, có quá nhiều điểm phải đến. Trước khi đi Đông Doanh, cậu có hỏi nhiều người, ai cũng bảo nên ở cố đô nhiều ngày một chút, ở đó không có chán đâu, tất cả những chỗ hay ho đẹp đẽ đều tập trung ở cố đô này hết rồi. Cậu cũng nghĩ vậy, cố đô nghe cứ buồn buồn, cổ cổ, nhỏ nhẻ, bình yên. Mà thật, cậu dành đến tận bốn ngày ba đêm trong hành trình ở Đông Doanh này cho mỗi Kyoto. Thời gian, không nhanh không chậm bước qua. Giở lại hành trình coi điểm đến tiếp theo, rồi lại quày quả đón xe bus, đón xe điện dò dẫm đi đến những chỗ ấy. Cậu mua vé đi xe bus có thời hạn 2 ngày cho tiện trong việc di chuyển, ở đây, nếu chịu khó tìm hiểu thì mọi thứ không đến nỗi đắt đỏ quá đâu, ví dụ như cái vé đi tàu này, áp dụng cho các tuyến xe bus và subway, và ở Nhật, tất cả các điểm thu hút khách đều có phương tiện công cộng đưa đến tận nơi. Hơi khó, để người lần đầu đến đây nhận biết được những trạm và cách bắt xe bus. Nhưng có sao đâu, mình đi chơi mà, chịu khó dòm, chịu khó để ý một chút là được. Những ngày ở Đông Doanh, là những ngày cậu mải miết sáng sáng trưa chiều toàn bật google map lên coi, cứ dò điểm đi điểm đến, giờ tàu chạy, trạm dừng thứ bao nhiêu. Cái thói quen ngắn ngủi đó, lâu lâu về lại Việt Nam rồi, vẫn nhớ!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xla1/v/t1.0-9/12512282_1152826784728954_7266445471604256152_n.jp g?oh=21ca8e6c89a0807abf74b215ccf7e1a1&oe=5779487C



Như nỗi nhớ khi bất chợt nghĩ về hình ảnh những cô gái Đông Doanh mặc kimono rợp trời trên phố Gion, hoặc họ âm thầm bước đi trên những ngõ dài ở thành cổ Kyoto này. Hôm đó là chủ nhật, ngày rằm, người ta đi đền chùa nhiều lắm. Cậu để ý, con gái Đông Doanh mặc Kimono đẹp hơn khi vấn tóc, cài thêm tram hoa. Khách du lịch, nhiều người cũng muốn hòa mình vào trong cái không khí Đông Doanh ấy, nên cũng thuê kimono, khoác lên người tòn ten ra phố. Nhưng người dân nơi này, họ có cái cách di chuyển khoan thai, họ cài tóc chỉn chu và dịu dàng, nhìn cái cách người Nhật vận trang phục truyền thống đi lễ chùa, mới thấy được phần nào tinh thần của người Nhật đối với những giá trị truyền thống của mình. Vận kimono khó khăn trong việc di chuyển, họ không thể nào bước nhanh trên phố, họ từng bước nhặt khoan không nhanh không chậm hòa vào dòng người, nhưng ai biết được chính những hình ảnh lóc cóc với đôi dép ngón lệt bệt ấy lại đi vào lòng những người từ phương xa đến nhường nào. Để ý kỹ thì dân Đông Doanh trang điểm đậm, nhưng họ ít đụng chạm đến dao kéo như người dân các nước khác, lòng tự tôn dân tộc của họ cũng rất cao, đi đâu làm gì cũng vươn cao tinh thần võ sĩ đạo. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng khi cậu cần bất cứ điều chi hỗ trợ, thì ngay lập tức sẽ có một ai đó, ở Đông Doanh này, chìa tay ra giúp đỡ. Như hai cô bạn ở Kyoto quyết tâm đưa cậu đến tận cổng vào chùa Vàng mới thôi mà trở về, lúc đó trời cũng dần ngả về chiều. Nắng giòn rang không xua nổi cái lạnh mùa đông. Nhưng trong lòng ấm ấp, vì ở đâu đó, lòng tốt, là thứ người ta có thể dễ dàng trao nhau không hề toan tính hơn hay thiệt!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-9/1927893_1152827104728922_4150302516703875731_n.jpg ?oh=e43c749144bfdce51b6190dfd9d4ea86&oe=577750C7

tonphan
03-04-2016, 15:15
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2c)


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xft1/v/t1.0-0/p206x206/12800325_1152828208062145_4341123814472271562_n.jp g?oh=b12869ba93fb53e6fd9e70b3dbc038bc&oe=5788C6D0

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn thứ ba

Mai này, nếu có còn cơ hội quay lại đất Thần Châu Đông Doanh này, chắc chắn cậu sẽ phải quay lại với cố đô Kyoto, ai biểu cố đô này nhỏ xinh bình yên quá. Ngày thứ ba, cậu bắt đầu đi lên rừng trúc, giả vờ nghĩ mình là một nhân vật nào đó trong Thập diện mai phục. Nhưng thật sự thì cậu thấy Sagano không được như mình tưởng tượng, khu rừng trúc không biết cậu đi có đến tận cùng hay không, nhưng nhỏ bé có một chút thôi, đi một chốc là hết, nhỏ đến độ cậu đi qua một lần, rồi lại đi ra, xong bất ngờ ngơ ngác lật đật tìm trên mạng cái bản đồ cũng như thông tin về rừng trúc để tránh trường hợp đi đến tận nơi rồi mà chân kinh chưa thỉnh được thì tiếc. Rồi thì cũng nhận ra nó chỉ có bao nhiêu đó, cậu mua bánh đậu đỏ, rồi giận mình giận người lèn thêm vô bụng que kem trà xanh nữa. Trời vẫn lạnh, kem với bánh buốt hết chân răng, nhưng ngon đến lạ lùng. Cậu lại đi lên đồi, ngẩn ngơ nhìn xuống dòng sông mùa đông trơ trọi, nước xanh lững lờ, mấy ông lão chèo đò buông chèo thấy cậu chĩa máy ảnh sang thì giơ tay vẫy cười loang cả mặt nước. Dòng sông êm trôi, không sóng, bờ bên này thoáng đãng, có con đường bờ kè rộng rãi trải dài với những hàng bonsai đẹp mê hồn. Bờ bên kia là núi, cây cối trụi lủi ảm đạm buồn thê thải. Một cây anh đào nở sớm, rộn cả một khoảng sông. Cậu cứ muốn ngồi đó mãi, nhìn những con cá nhỏ đớp nước, với một tửu quán bên sông có bà chủ lụm cụm rồi ngồi lúc lỉu tuốt trong góc quá. Kshách ghé qua muốn uống gì cứ chỉ chỏ, ai biết đâu bà cụ lãng tai nên khách phương xa không cần nói gì hết, chỉ cần chỉ vô tờ menu tiếng Nhật mà gọi món để bà cụ lóc cóc bưng ra. Bà cụ già không biết đã bao nhiêu mùa đông ảm đảm như thế này đi qua rồi, người già ở Đông Doanh đi đâu cũng gặp nhưng hết thảy đều sống vui sống khỏe. Có thể là bà cụ già bán nước lãng tai hay những bác tài xế taxi nhan nhản đâu đó ở những nhà ga và sân tàu, họ còn đi lại được là còn lao động. Một nước Nhật già cỗi với những con người già cỗi, trầm buồn nhưng không vì thế mà mất đi sức sống cùng tinh thần lao động. Biết đâu đấy vì sự lao động không ngưng nghỉ của các thế hệ từ già đến trẻ của dân tộc này, mà họ đã vững vàng vượt qua biết bao nhiêu khó khan và thử thách trải dài trong quá trình lịch sử của mình. Cậu yêu Đông Doanh, một phần, cũng từ những điều như thế!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xlt1/v/t1.0-9/12799056_1152840634727569_4848823211329653735_n.jp g?oh=d4a2e24b790c8ad134ab0be596339a43&oe=57BBD358

Và đi ngược lại hết ngọn đồi trong công viên ven bờ sông ấy, mới cảm nhận được cái trống trải trước một mùa hoa nở mới. Cả một ngọn đồi trồng toàn hoa anh đào, nhưng mùa này hoa chỉ chum bủm nụ thôi, họa hoằn lắm mới lác đác một vài bông chum chím nở, trắng có, hồng có, phơn phớt cũng có luôn. Những cánh hoa run run trong gió, nhẹ nhàng đủ để cậu ao ước được một lần, một lần nữa thôi được quay trở lại nơi này, vào mùa hoa bung. Cậu đi dọc hết công viên rồi đi lên cầu Togetsu-kyo, người ken chân đông nghịt. Ghé qua một cửa hàng bán đồ lưu niệm, cầm lên đặt xuống một chút rồi bước ra phố. Phố đông, cây cầu nổi tiếng rùn rùn bước chân. Cậu thả cho hồn mình bay tự do trước cảnh trời mây bàn bạc mùa đông của Arashiyama rồi bùi ngùi chia tay khu phố này, leo lên xe bus trôi vào trong trung tâm thành phố. Trưa đó cậu đi chùa Vàng, cũng lật đật tranh thủ giơ tấm vé mẫu tự Kenji đẹp mê hồn lên chụp hình lưu vào điện thoại làm kỷ niệm. Người đông, chen nhau chụp lấy đôi ba tấm trước biểu tượng của cố đô này. Rồi leo vòng qua ngọn đồi nhỏ, nhìn thấy chùa từ gần đến xa rồi lại lục trong túi ra mấy đồng cắc bỏ vào những chiếc hộp tiên tri để xem thời vận của mình như thế nào. Mấy ông khách xa cũng tò mò lắm, bu ken trước những chiếc hộp chứa đựng may rủi như thế này, rồi bỏ tiền vào, hộp nhả ra một tờ giấy nhỏ, trong viết dăm ba điều về thời vận, về tình cảm gia đình, về công việc. Cậu cũng thử, biết trước là xem cho vui, vì thế nào cũng trước dữ sau lành, vạn sự hanh thông. Coi cho vui, tờ giấy bốc xong bỏ vô túi, cười một cái rồi lại tiếp tục lăn mình ra phố. Những con đường sạch sẽ, những hàng cây trụi lá thẩn thơ. Loanh quanh lại quành về Gion, đi qua những con đường hẻm nhỏ, nhìn những cô gái trong bộ kimono truyền thống, ăn kem trà xanh uống coke. Những giây phút thảnh thơi nhẹ nhàng, yêu đến vô cùng.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xap1/v/t1.0-9/10339953_1152827718062194_6566608860012288091_n.jp g?oh=f17ee3004eece76ab3c2b77f376555ba&oe=57BBA720

Chiều về thì cậu leo lên Fushimi-Inari, ngôi chùa tựa núi với những hàng dài trụ cột màu đỏ cam, mỗi trụ cột biên những câu thơ khác nhau lên đó. Cậu ước gì mình biết được dù một đôi chữ tiếng Đông Doanh, để hiểu được người ta biên cái gì lên đấy, nhưng vô vọng. Những cột đỏ cam trong ánh nắng chiều chóa mắt. Cậu ròng rắn theo những dòng người cứ thế cắm đầu leo lên núi. Người ta nói, hãy cứ leo đến khi nào mệt thì nghỉ. Cậu thì cứ tòn ten xách máy ảnh lựa những chỗ in ít bóng người rồi chụp lại đôi ba tấm hình, trộm vía, đôi khi thấy sao mình lại tự kỷ thế này? Rồi mang máng nhớ là trời có rặn ra dăm ba hột mưa, không kịp ướt đã khô quéo trước vàng mắt. Mùa đông, có chút mưa càng làm mặn mà thêm cái ảm đạm và buồn của khung cảnh núi non và những hành lang cột dài hun hút không thấy điểm dừng này. Cứ việc bước đi thôi, đi hoài đi mãi. Từ lúc phía trước mình, cả phía sau mình đều rầm rập bước chân người, cho đến khi vỏn vẹn chỉ còn mình với tiếng bước chân của mình lách cách đồng vọng phía sau lưng, những hàng cột gỗ vẫn dài, màu cam vẫn sâu hun hút nhưng cứ tự nhủ, mình còn sức, nghĩa là, còn bước tiếp được.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/v/t1.0-0/p206x206/12802786_1152833148061651_4614678527711975350_n.jp g?oh=6ae7829463cec22839c02736369dbc0a&oe=577C4200

Leo cầu thang cũng không khó khăn đâu, nhưng cái cảm giác trời gần ngả về chiều, ánh nắng héo hon xiên xẹo qua từng khe hở giữa hàng lang cột gỗ, đường xa xăm như dài sâu hun hút, và mình không biết mình sẽ đi bao lâu nữa, phía trước mình là gì, sau lứng mình, liệu có còn ai không? Cái cảm giác ấy, lúc bình thường thì không cảm thấy gì đsâu, nhưng trong những trường hợp như cậu lúc này, thốt nhiên lại rung rinh trỗi dậy, vừa như một nỗi ám ảnh, lại mang sức khuyến dụ đến lạ kỳ, thôi thúc cậu trai trẻ một mình từng bước lần mò tiến về phía trước. Cứ bước lên thôi, hạnh phúc, là hành trình. Hành trình ấy, kéo dài hơn một giờ đồng hồ một mình cúc cu leo dốc. Cuối cùng, cũng leo lên được đến đỉnh, lác đác một vài người cũng men theo lối hành lang nhỏ chinh phục đỉnh núi, ít xịu thôi, nhưng cũng thấy vui. Khát nước, định móc mấy đồng xèn ra bỏ vô máy tự động kiếm cái gì đó nhét vô bụng, nhưng xui xẻo, máy trên này bị hư rồi, người ta, chắc thấy đặt ở đây không kinh tế lắm, nên cũng không bảo trì sửa chữa. Vậy là cậu ôm bụng khát, lần dò quay trở về.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtp1/v/t1.0-0/q82/p206x206/12804683_1152833031394996_4633342155110717751_n.jp g?oh=1e27fdc520d1f47896f13d1d9402a008&oe=5772D5C1

Hoàng hôn chậm rãi xuống núi, tới lưng lửng Inari, nhập vào một dòng người khác đang lố nhố trông về phía cố đô Kyoto, một buổi chiều muộn. Tiếng chân người đã lại rộn ràng, gọi nhau tìm nhau ơi ới, cậu biết, mình đã trở lại với thực tại rồi. Xuống núi xong thì quay quả bắt bus trở về nhà. Bóng chiều chênh vênh với mấy dáng thiếu nữ xinh xinh mặc kimono chầm chậm tan trong vành mắt. Một bữa, buồn trôi.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xal1/v/t1.0-9/12805670_1152833501394949_5296619206051691676_n.jp g?oh=bdeaedcf2e102e88223a99ee39eaf6e4&oe=57BC96B0

tonphan
03-04-2016, 15:28
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (2d)


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfp1/v/t1.0-9/12066007_1152840064727626_5930819060172194187_n.jp g?oh=b8895700a8f93d60852368b27d9fce94&oe=57BBD469

2. Kyoto những bữa buồn thiệt chậm.
Bữa buồn cuối – chia tay

Hôm sau cậu chia tay Kyoto để về Osaka. Nhưng trước đó, buổi sáng, cậu bắt xe điện chuyến sớm nhất lên Kibune và Kurama - hai ngọn núi kề nhau nằm phía Bắc Kyoto. Chuyến tàu lẻ loi đưa cậu lên vùng cao với đường tàu khúc khuỷa băng qua một vùng nông thôn yên tĩnh buổi sớm mai lạnh giá. Tiếc rằng thời gian không nhiều để cậu dừng lại ở trạm nào đấy giữa chuyến hành trình, rồi thả bộ vô những khu phố im ắng tiếng người, vắng tiếng xe nhưng bình yên quá đỗi ở khu vực này. Tàu ngừng ở trạm Kibune, chỉ có cậu và một số ít người khác xuống. Đa phần đều chọn lên tới trạm cuối phía trên kia thuộc Kurama. Cậu thì đi theo một con đường quanh co khúc khuỷa khác với những người còn lại, từ Kibune lên Kurama, một mình ên, vắng hoe.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xft1/v/t1.0-9/12804758_1152878028057163_3068862441067484035_n.jp g?oh=0b4662b355e944e4c63ea5284697bbf3&oe=57BC8B17

Leo núi, cậu nghĩ trong bụng cuối tháng tư tới mình sẽ thực hiện chuyến leo đầu tiên hơi xa xa hơi cao cao của cuộc đời mình (một câu chuyện khác, sắp tới), vậy nên leo ngọn núi nho nhỏ ở Đông Doanh này, thiệt ra, chỉ là chuyện nhỏ. Con đường nhựa dẫn vào Kibune dễ thương lắm, trời sớm lạnh teo, suối trong veo róc rách chảy hoà với hương núi rừng trog lành thanh khiết ngọt ngào. Cậu cũng đi hết con đường nho nhỏ quanh co đó, rồi quyết định mượn cây gậy nhỏ ở trạm soát vé ngang qua dòng suối, chống đẩy leo lên những bậc thang đầu tiên đi qua Kurama, bụng nghĩ, ráng qua bên đó, có gì mình sẽ tắm osen ở giữa rừng, trên núi cao, giữa mùa đông lạnh lẽo này. Cô bán vé cứ nhìn cậu, hỏi bằng giọng tiếng anh ngọng líu rằng con có chắc hay không? Ít ai leo Kurama từ bên này lắm. Bỏ lại hết sau lưng những lời ngăn cản, vậy là, cậu bắt đầu chuyến hành trình của mình.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpt1/t31.0-8/q81/s960x960/12771730_1152883818056584_1582865423311462238_o.jp g

Đoạn đầu tiên, mọi thứ đều trôi chảy, ngày mới vừa lên, bao nhiêu hăng hái, bao nhiêu nhiệt tình đều khẳm mạn thuyền. Cây gậy leo núi được cậu vung vẩy, rừng vắng núi cao chỉ một mình thôi nên cậu lấy gậy gõ tong tong vào thanh barries dẫn đường lên núi, lóc cóc leng keng nghe cũng vui vui tếu tếu y chang như cậu trong mắt người khác – xàm xí đế nói chuyện thất thường dễ mít long khó ưa nhưng quen rồi, lại thương. Đường xấu, ẩm ướt và dốc. Có chi đâu, cậu đang đi giữa rừng, rừng thông, giống như giấc mơ của nhiều năm trước, cậu tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một khu rừng nào đó, có cây cối dày và chim hót, đừng gặp thú dữ, chỉ cần hươu nai rái cá thỏ bông thôi là được rồi, và cậu mò mẫm đi giữa khu rừng yên ả đó. Lúc đấy, cậu thấy rất vui. Tinh thần hăng say tiến về phía trước, dọc đường đi hết nhìn cây nấm này đến liếc dọc liếc ngang cây nấm khác, thích thú khám phá ra một ký hiệu nào đó được người qua đường bỏ lại, hăng say khám phá mở to mắt căng rộng tai cảm nhận hết sự bí ẩn của hành trình đi ngược trước mặt này. Vẫn chưa gặp được ai. Cái bản đồ in trên giấy màu đen vẽ lổn ngổn những ký tự kenji lạ lẫm (cậu nói trong bụng, nếu có lạc đường, chắc ăn mình sẽ gọi ngay cho Y.L để nhờ cô ấy dịch hộ, bạn cậu học tiếng Nhựt, không phải sợ đâu).


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xlp1/v/t1.0-9/12705644_1152883318056634_493128459949802694_n.jpg ?oh=8be7117fee5607d1fc65cf5469091e41&oe=57852CD0

Rừng sâu núi thẳm, không đến nỗi vời xa nhưng cảm giác một mình giữa nơi vắng vẻ, lại ở đâu đó ở Đông Doanh, rất thích. Ở lung chừng núi, gặp một cô gái, trời đông mặc váy dáng người dong dỏng cao và gầy, ở một cái chùa hoang vắng vẻ thuộc Kimune, lúc đó, cũng không suy nghĩ nhiều, thấy cô ấy làm lễ cầu nguyện ở sân chùa, thì cậu cũng vái tay lễ Phật, rồi hỏi thăm thử coi cô đi từ Kurama phải không? Sao tôi thấy vắng vẻ quá, có ai đi phía sau cô hôn, đường còn xa xôi không vậy? Cô gái không hiểu cậu nói gì, dĩ nhiên rồi, người Đông Doanh mà, không giỏi tiếng anh cho lắm. Gật đầu chào, rồi thôi, không suy nghĩ nhiều, cậu lại đi tiếp. Bây giờ ngồi gõ những dòng này, tự nhiên lại thấy sợ. Vu vơ nhớ tới những bộ phim kinh dị Đông Doanh đã từng coi, thấy ớn, da gà ngọ ngoạy nổi lên. Biết đâu, đó chỉ là một hình ảnh mộng mơ thêm phần kịch tính, giữa chốn vắng vẻ rừng hoang. Một chút thế, rồi thôi!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xfl1/t31.0-8/s960x960/12792361_1152883744723258_2265677189922119231_o.jp g

Cậu lại leo tiếp. Qua nhiều chặng nữa, rồi cũng gặp được những người sáng nay cùng cậu ngồi trên tàu điện đến đây. Họ đi theo hành trình từ Kurama qua, cậu hỏi thăm chàng trai trẻ người Hàn – kẻ mà trên xe điện có hỏi thăm nhau, vì cả xe chỉ có hai thằng lóc cóc chạy từ toa này qua toa khác chăm chú chụp ảnh, lúc đứng trước toa đầu, hai thằng thay phiên nhau dựa vào cột giữ chân chụp lấy những hình ảnh làng mạc bình yên chìm trong sương sớm. Rồi vậy thôi rồi cười, hỏi thăm nhau mày phải dân Đông Doanh không? Nó nói không, tao tới từ nước Củ Sâm. Hai thằng chụp choẹt rồi chia tay, cậu ghé Kimune còn thằng kia lên tiếp Kurama. Bây giờ lại gặp nhau, nó hỏi cậu đường dưới kia đi dễ không? Cậu trả lời nước suối róc rách rừng thông đẹp lắm. Ba trợn trớt quớt vậy đó rồi lại tiếp tục lật đật lên đường. Giữa đường càng ngày càng gặp thêm nhiều khác nữa. Cậu nghĩ trong bụng đường đi bây giờ, may quá, sạch sẽ lát gạch cầu thang lên xuống mướt rượt luôn, còn mấy người kia, đáng đời, sướng trước bây giờ sẽ khổ. Thực sự, leo núi theo hướng của cậu lúc đầu nản lắm, bởi đường dơ và trơn, bởi phía bên Kimune không có được những cầu thang lát gạch phẳng phiu, chỉ là những bậc cấp bằng đất siêu vẹo, dơ hầy lầy trong những phiến lá khô rụng. Cậu trải qua rồi, bây giờ chỉ ung dung hưởng thụ thành quả khổ trước sướng sau. Đi đâm bang, hổng giống ai, dè đâu lại vô tình hưởng thụ cái cảm giác thành tựu đó.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtp1/v/t1.0-9/224839_1152881918056774_7525645702408248144_n.jpg? oh=2aaadf01c021e79423fb0b0c8a234e05&oe=578246D9

Leo lên rồi thì lại bắt đầu đổ dốc leo xuống. Định onsen nhưng hỏi thăm người ta bảo chỗ tắm còn cần phải leo lên trên con dốc cao kia nữa. Cậu tự nhiên ớn ngang, cũng thấm mệt rồi, nhìn những gốc thông già thân to cao ơi là cao riết cũng đâm nản, cậu ghé tiệm bánh mua cái bánh đậu đỏ vội vàng nhét vô bụng. Bánh nhỏ nhỏ mềm mềm ngọt ngay, phía ngoài kéo một lớp bột trắng mịn mỏng cắn vô nhân đậu đỏ tràn ra chảy khắp khuôn miệng. Ăn một lần thấy ngon nhưng nhiều lần thì hơi ngấy. May, cậu không phải dạng ăn nhiều, một cái, đã đủ no cái bụng rồi. Hành trình ở Kyoto chấm dứt. Từ đó, cậu bắt tàu quay về lại Kyoto station, rồi lại tìm kiếm khắp nơi coin locker để tuồn hành lý lên vai, ngoảnh mặt quay đầu ba mươi phút sau đã đặt chân đến Osaka. Kyoto như một cái phẩy tay, nhẹ nhàng bay bổng khi nhanh khi chậm đã thực sự nằm lại phía sau rồi.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xal1/v/t1.0-9/10401094_1152880154723617_9061669063728627223_n.jp g?oh=06bf5b2c6ce3b4828ccaabc24f728026&oe=57827043

Những bữa quê nhà nắng quá, cậu bất chợt lại nhớ đến cái lạnh mênh mang của Kyoto, nhớ ôm trong tay cốc cà phê nóng bới ra từ cái máy bán nước tự động, nhớ những giọt mồ hôi khi leo núi của buổi chiều tà, nhớ cả cái cảm giác đi một mình giữa rừng thông vắng lặng và gặp một cô gái lẻ loi cao dong dỏng nhưng chớ hề xuất hiện một ý nghĩ – ma nữ có phải hay không? Ba bữa buồn đầy thêm nửa buổi buồn vơi rồi thì cũng nằm lại đâu đó trong tiềm thức. Bữa buồn nào, cũng thương!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xlp1/v/t1.0-9/12801652_1152843021393997_1029095226257856140_n.jp g?oh=f78019a032a63cc71bed566449d06d0f&oe=577247D2

(P/s: để ngoài lề biên, em mệt quá, nhưng cho hỏi là mọi người thấy được hình em attach hết, đúng không ạ?)

tonphan
28-05-2016, 21:04
BƯỚC THẬT DÀI ĐẾN ĐÔNG DOANH (3)

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13256244_1212198555458443_4005546838288673233_n.jp g?oh=87ea19988758b01a64f1cbdf2774f780&oe=57DAA39F



Cậu nghĩ rằng thôi mình không đi đâu nữa hết, cứ ngồi đây, từ ban công tầng thứ tám của một khách sạn nho nhỏ nằm bên rìa đường rày của Ashikaga. Rồi cứ vậy ngước nhìn mặt trời đang rực rỡ xẹp xuống phía sau những ngọn núi, con đường trước mặt ửng lên trong ánh tà dương cuối cùng. Xe cộ không đông đúc nối đuôi nhau, con người lọt thỏm giữa cái quạnh quẽ buồn hiu của làng quê xứ này.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13260293_1212198508791781_7773047194254164253_n.jp g?oh=3483b78d975cc0724b3c6ab89673a7b0&oe=57C6E3C8


3. Cóng chân ở Ashikaga

Lúc lên kế hoạch, cậu cũng có hỏi thăm thằng bạn đang ở bên Đông Doanh, cái nó cũng ờ ờ, cũng được được. Mà tánh cậu thì thuộc dạng ba bảy hai mươi mốt tứ quý chín, làm cái gì không để tâm thì cứ qua loa, phiên phiến cũng được thôi, hổng có phải người cầu toàn. Đi bụi cũng vậy, cứ lên kế hoạch chi tiết quá làm chi. Mình còn trẻ mà, phải sai sai, bậy bậy, trúc trắc, trục trặc đâm bang xí, mà vui. Nên thành thử tự nhiên lòi ra cái khúc Ashikaga này. Từ Yokohama, cách Tokyo có 17 phút ngồi tàu điện, ghé luôn Tokyo nghỉ ngơi đàn đúm uống rượu sake, đi coi phố đèn đỏ nhảy múa hát ca bềnh bồng cho rồi, sung sướng không chịu. Đâm đầu chạy lên Ashikaga, mùa đông, có cái mệ gì trên đó đâu. Hoa fuji tháng năm mới nở. Mà cái tỉnh lị bé nhỏ này, y chang như một cái thôn quê hút hẻo chắc cha chắc chẻo cuối nẻo mờ xa. Lúc vừa đặt chân xuống ga, là thấy sai sai, thấy đau đau cái đầu rồi. Nhưng ai biết được, kiểu sai rồi thì im luôn, ngậm đắng nuốt cay hát cái câu muôn thuở ầu ơ cứ sai đi vì cuộc đời cho phép mà. Rồi lấc cấc kéo vali bước qua đường rày, đi xuống phố. Cái khách sạn, cũng may, sát bên, đi có mười lăm phút. Lạnh đau hết cả bộ đồ lòng.l
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13327516_1212197975458501_6635747415472298926_n.jp g?oh=a0682a64d33d51381295bd5ade58b2a6&oe=57CB75A9


Ba giờ chiều mới tới giờ check in vô phòng thị tẩm. Ngó ngó đồng hồ, má ơi, mới có hai giờ. Cũng vờ năn nỉ, cũng mỹ nam kế đồ, xịt nước hoa chải tóc đẹp đẹp là, đủ trò, mà hai chế tiếp tân, hổng chịu. Mà vui lắm, hai chế ấy, một chế tóc búi củ tỏi, đẹp lão y chang mẹ của Nobita, một chế tóc ngắn mặc váy đẹp bá chấy bồ chét lửa, lúc cậu khua rổn rẻn bắc cầu thang trước cửa khách sạn la làng lên check in đê, hai chế mới hớt hơ hớt hải vén rèm châu bước ra, mặt hiền ngoan như cô Tấm. Mà hai chế nói tiếng anh hổng được. Nên cậu năn nỉ, cậu ỉ ê hò sự sang sê cống ù liếu lo mà hai chế cuối cùng vẫn cứ làm theo nguyên tắc, ba giờ mới được thị tẩm em ạ, chị cũng muốn nhưng nguyên tắc là quy định, thôi để vali đây đi, cậu muốn phắn ở đâu thì phắn, chút nữa quay lại. Cậu thì đói muốn mờ mắt luôn rồi các anh chị ở lầu trên ơi. Đi suốt từ Yokohama lên đây, có ăn uống chi đâu, sáng gói theo nắm cơm tam giác, in như phía trong nhân cá, bà nội cha nó cậu ăn làm gì được, ghét ăn cá nào giờ. Nên cái bụng trống lỏng, kêu ọt ọt. Đành đoạn gửi cái vali lại cho hai mệ nuôi tiếp tân ấy, cậu phóng thiệt lẹ ra đường, dòm xuôi dòm ngược, định coi chỗ nào có vẻ có đồ ăn ngon, mũi ngửi ngửi khịt khịt, chân nam đá chân chiêu, chân trời nhạt nắng, thấy chỗ nào thơm quất thẳng tới hướng đó.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13331115_1212198588791773_3108744791343910176_n.jp g?oh=93f6acfd45e93c680a4fe9d83c6eb6cc&oe=57D83C7D



Ông trời cũng thương, đi mải miết cuối cùng cũng không gặp được một chỗ nào khả dĩ có thể ăn được. Cậu nói rồi, cậu là con bọ ngựa, ngựa ngựa nên ông trời ổng thương cứ nhè chỗ cậu đứng, mà xỉa xói. Không có cái gì ăn hết, người nông dân hiền ngoan dễ thương lại còn đẹp trai nhứt ở cái vùng này biết phải làm gì? Bán nghệ chớ hổng có bán thân trời ơi? Mặc dù rất là ghét bước chân vô 7/11 ăn trưa, chàng trai trẻ da vàng mắt hí mũi tẹt ở tít nơi xa xa đến đây, cũng phải ướm chân bước vô thôi. Và đó, là cái ly mì ngon nhất cậu từng được ăn, chắc do đói, chớ hổng phải do cái ly mì gói đó giá tới sáu chục ngàn, chớ hổng phải vừa ăn vừa dòm ra đường, cái Ashikaga này bình yên thiệt, người thưa chợ xa quán xá hổng có luôn. Mà nơi này nằm gần núi, nên lạnh, xúc tô mì bốc khói nong hổi áp vô mặt kiếm chút ấm áp ăn ngon lành. Ăn xong rồi còn thòm thèm, nên bấm bụng quất thêm một hũ yaourt nữa, cho dễ tiêu. Dòm xuống cái đồng hồ, ý là, móc điện thoại ra coi mấy giờ, cũng hèm hèm giờ check in rồi, lết tấm thân ngọc ngà còn nguyên seal bao zin chạy về khách sạn, phải chạy chứ, lạnh cóng hết cả giò. Vali đã được hai chế mẹ với dì của Nobita mang lên tận phòng, ăn trưa xong rồi thì lăn ra ngủ. Cái bụng lặc lè, Ashikaga, tới khúc này vẫn là buồn thê thảm.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13327503_1212199165458382_4501886062211097868_n.jp g?oh=95e06e1e4b4b05441354903851baa658&oe=57CB6FCD


Ngủ dậy rồi mới hay, giấc ngủ có thể đem đến cho người ta hy vọng, vực dậy tinh thần và giải tỏa căng thẳng một cách thần kỳ. Vươn vai tỉnh dậy lúc năm giờ chiều, dụi dụi mắt tiện tay kéo rèm cửa. Phòng cậu lắc lẻo ở lầu sáu, ơ hờ dòm ra phố. Mặt trời đang xẹp xuống, phố vẫn bình yên vắng xe hiu hắt bóng người lại qua. Núi mờ xa và mặt trời đang rỏ những tia sáng quạnh quẽ cuối cùng của ngày xuống nơi này. Buồn thê thiết, hổng lẽ hát vống lên mấy câu cải lương ơi hời cho đúng điệu. Nhưng cậu cứ ngồi đó, đứa trẻ chưa bao giờ hiền ngoan như thế, cứ lẳng lặng sững sờ mà ngắm cái giây phút hoàng hôn thần thánh này. Bình yên nhẹ nhàng. Nếu hòn đá đã lăn qua những hốc hẻm đông đúc dấu chân người, nay lon ton rớt trên một vùng cỏ non xanh mượt bình lặng, có thể là buồn, nhưng tĩnh tại an yên. Khoảng lặng đó, cậu gào lên trong bụng mình, là cần thiết.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13237854_1212199062125059_5708165231935226364_n.jp g?oh=53d6ff51ff7d59ae956731aa14475f80&oe=57D8E2AF


Bụng gào lên nữa, nó kêu đói. Cậu lết mình ra phố, mùa đông nên trời tối sớm. Sâm sẩm sáu giờ mà đã chạng vạng hết thấy đường đi rồi, phải cục ta cục tác hỏi mấy cái ứng dụng điện thoại, kiếm chỗ bươi đồ ăn ăn thôi. Mắc cười, Ashikaga này chắc ngoài mùa hoa fuji ra thì người dân không cần làm ăn gì nữa. Cậu cuốc bộ đi theo chỉ dẫn đến mấy nhà hàng khách sạn tửu điếm nức tiếng trên mạng, mà cái thì đóng cửa, cái thì dòm sơ liếc ngang qua coi giò coi cẳng thấy hổng ổn chút nào. Cuối cùng, đi ăn udon lạnh trong một cái hàng ven đường rày, có con bé tóc ngắn phục vụ to tiếng rổn rẻng, cứ la bai hoải làm cậu tưởng nó biết tiếng Anh hay ở một khía cạnh tích cực khác, nó hiểu điều cậu muốn nói. Nhưng trong đêm tối, và trời rất lạnh như này, ăn thêm tô udon lạnh đúng thiệt là …. Bậy bạ. Cậu ăn không nổi, dù đã cố gắng lèn chặt thiệt chặt cái bụng rồi. Trên đường về nhà, lại ghé 7/11 mua thêm cơm nắm muối mè, sợ đêm khuya lúc tàn canh, bụng đói.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13307259_1212198485458450_1810847820773837155_n.jp g?oh=0ab2886407929950a8567379784d146b&oe=57E47CA3



Vụ cơm nắm muối mè đó, dẹp qua một bên, tắt đèn, thị tẩm. Sáng hôm sau, mắc cái méo gì phải dậy sớm, cậu quánh một giấc đến chín giờ, hì hụi vệ sinh rồi chưng diện lên thật rực rỡ. Định bụng làm cho hai chế Nobita tiếp tân dưới lầu hết hồn chơi, lấy le. Dè đâu, dĩ nhiên hôm nay không phải ca trực của mấy mể, bấm bụng tẩy trang, lại thanh tao nho nhã hiền ngoan trở lại, bước ra phố. Ashikaga nhỏ thôi, vòng một vòng, là hết. Cậu đi chùa, đứng ngắm cây ngân hạnh ba trăm năm tuổi, nghĩ nghĩ biết tuổi nào mình mới quay lại đây, coi cái ông cố nội cây hạnh này ra hoa. Lúc đó là khi nào? Ông nội ai mà biết được. Rồi vườn rộng hào sâu, dòm mấy con cá koi lỏn tỏn bay dưới nước mà nói thầm trong bụng, ở xứ mình mà các anh các chệ tiểu ngư nhi này được thoải mái vờn bay thế này thì tôi cúng cụ ạ. Cá koi nhiều quá trời, bơi qua bơi lại trắng đen đỏ chấm bi đủ hết, nhìn hoa cả mắt. Mua cái vé vô trường, trường đại học đầu tiên tại Đông Doanh nằm ở Ashikaga này, trường cổ, nhỏ nhỏ thương thương có cái cổng bằng gỗ cũng có chút xíu, ai đi qua không để ý, dễ đi huốt.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13267739_1212198445458454_3429898346121527361_n.jp g?oh=32463c3e6602c513ddd039771ae1cc03&oe=57E2368C



Sáng đó, có một mình cậu với ba, bốn cụ già nữa, lụm cụm mua vé vô trường. Thời tiết này, lãng mạn gì mà trường xưa lớp cũ, thiệt là rảnh. Cậu đi lòng vòng cái trường nho nhỏ ấy, bước vô phòng truyền thống, chân lạnh bang bang. Rồi đi ra vườn, kiến trúc Đông Doanh thiết kế rất đẹp, bonsai đồ, nhà cổ đồ, sân vườn đồ. Nói chung muốn bao nhiêu diễm lệ có bấy nhiêu diễm tình. Cái trường nhỏ xíu, nhưng được chăm chút kỹ lưỡng, người đi vãn cảnh thưa, có thời gian để cậu dòm đông dòm tây hí ha hí hoáy. Mỹ cảnh là đây chớ nào phải đâu xa xôi.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13310569_1212198328791799_2537175167191449310_n.jp g?oh=9d6c62a59dad891aa0b071d624c6a340&oe=57DBFE42



Đi thăm trường rồi thì trở ra, lần quần thăm thú ngỏ ngênh đông tây xong thì kéo vali lên đường rày, chờ chuyến tàu xa quay về lại Tokyo. Lúc ngồi một mình ở ga Ashikaga, cậu mới thấm thía hết được nỗi quạnh cô của một thành phố già, trầm lặng, tĩnh mịch và buồn bã. Nghĩ đến cái cảnh rồi một mai này khi mình già đi, chắc cũng thúi hẻo khi xung quanh mình lúc nào cũng ảm đạm lủng lẳng buồn. Và rồi cái cô liêu đó, Ashikaga một ngày cuối đông đã dắt cậu quay về với nhịp sống sôi động của Tokyo. Như một nét chấm phá, như một vết mực loang giữa trang giấy viết dở.

Là đôi điều trôi mãi phía Ashikaga.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13315476_1212199198791712_5048734497134100298_n.jp g?oh=bb487647da157a8128eb1f872f86d3e7&oe=57E4A396

tonphan
15-10-2016, 11:54
CHÚT TÌNH GỬI LẠI TÍCH LAN


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14184492_1280264428651855_6964173662653374588_n.jp g?oh=e026db1e112d225a7c51fe1191356e9e&oe=58639C81


Có một lần, tôi hỏi Phong chớ đường nào tới Tích Lan, lúc đấy là tháng năm, mùa của những vòng khói nắng. Sau đó, Phong có gửi cho tôi một cái folder, gồm itinerary và những hình ảnh về đất nước đó. Tôi giải nén, ngồi mê mẩn một hồi xong lại bưng đi cất. Mùa hạ năm đó qua nhanh, nắng cũng tan nhanh trên gương mặt ngày càng đậm đà những nhăn nhó. Cái ý định đến Tích Lan năm nào, cũng như nắng, nhảy nhót bay đi đâu mất không kịp để lại gì trong trí óc. Năm dài tháng rộng qua đi, bỗng nhiên một bữa chúa nhật không làm gì hết, tháng bảy, sau bận đi Tà Năng Phan Dũng, tôi ngồi nhà và tìm thử vé máy bay. Khi ý nghĩ chưa kịp hình tượng thì mọi thứ đã được ráp nối vào nhau một cách vô thức, đặt vé, apply ETA, rải vài lời trên mặt sách tìm bạn đồng hành. Nửa tiếng sau có bàn tay em nhỏ chìa ra biểu cho em đi chung với nghen. Rồi thế thôi, hai tháng sau, là lên đường.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14183685_1280264521985179_2326298777704160498_n.jp g?oh=83e5938ca3daacab20bac0f4e693613f&oe=589FDBB2


Lên đường, với tôi, luôn là cái cảm giác náo nức. Đêm trước luôn ngủ sớm. Ngày hôm sau sẽ luôn quay cuồng, vì thuộc dạng đi cũng nhiều, chắt chiu từng ngày nghỉ, nên công việc, thứ nuôi tôi sống, thứ làm nòng cho cái chân được chắp cánh bay đi xa, bao giờ cũng dồn đống, nghẹn bứng. Tôi xác định cho mình cái tư tưởng, đi là một chuyện, nhưng công việc của mình, kiểu gì cũng phải làm cho xong. Nhờ người thì ngại, nhờ người thì lúc nào cũng hồi hộp, việc của mình chỉ mình ên mình làm mới đủ tin tưởng. Thứ người như nớ, bao giờ cũng ôm đồm, và khổ. Phải chi cứ mây mây cứ vân vân và phiên phiến, được chăng hay chớ thì đã đỡ hơn nhiều rồi. Hôm đó, xin nghỉ nửa buổi, công việc quá trời, đến độ tới lúc em gọi điện, nói là anh xác định đi một mình nghen, nhà em có việc, tôi chỉ kịp nhắn tin lại, anh ổn, em cứ lo việc nhà đi, anh rồi sẽ ổn. Nắng in như bữa đó cũng không gắt gỏng chỏng chao lắm, để tôi thấy mình mình với vía, loi lẻ phía trước. Kiểu gì cũng có một mình, như duyên!


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14462869_1295637663781198_7207260246774133317_n.jp g?oh=4101605909141ca7292e32fa457a1e09&oe=58642C6B


Có đôi khi cái duyên trở thành nỗi ám ảnh. Tôi đạo Đài, nên duyên với miền đất Phật chưa tới. Tôi cũng không biết nữa, nhưng trong tư tưởng tôi khoái đi tới những miền Phật tích, Nepal là một trong những nơi đó. Nhớ, tôi đã từng khát khao và kỳ vọng được tới đấy, nhiều đến chừng nào ở một mùa lỡ hẹn một năm kia. Sau tất cả, tôi đâm ra lạ lẫm với chính cái duyên của mình với những quốc gia Phật giáo. Tích Lan cũng thế. Mảnh đất của những con người đen đen, quấn quấn, nhưng thay vì theo đạo Hồi, Hindu thì họ lại theo đạo Phật. Má tôi nói, những người theo đạo Phật, thường hiền.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14595798_1307659929245638_9212494922448084482_n.jp g?oh=4096b32e2f47ed4084c381e186204654&oe=589E2D1A


Chắc là nhìn tôi lúc đấy, hiền lắm, nên dù check in trễ, nhưng bằng cách nào đó, tôi đã được cho lên máy bay, rồi vượt đại dương đáp xuống Colombo lúc mười hai giờ tối. Khuya lơ khuya lắc, nhọc nhằn và vất vả. Tôi biết, chuyện đi chơi, lại rush như thế này, có bao giờ là sung sướng đâu. Lại còn đổ bể cái dự định ban đầu, anh em đi với nhau có gì san sẻ, mệt chia đôi, vui thì cùng nhau bẻ nửa. Bây giờ, dòm cái cảnh sân bay lô xô với những quầy hàng kim khí điện máy, tủ lạnh, tivi bày đầy mặt tiền sân bay quốc tế, miệng tôi vô thức méo mó, vẽ lên những đường cong kỳ dị. Mới thấy lần đầu ở sân bay lại bán những thứ này. Ngạc nhiên hơn cả cái cảnh rất đông người đang tụ tập tại một cái tivi to bự ngay ở sảnh đến sân bay để coi đá banh. Những ánh mắt lấp lánh, đêm tới.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14572131_1307659949245636_5960003557285288233_n.jp g?oh=55e4a24c022bdb7ab4832e05c3e194a2&oe=58A4A7E9


Đêm tới, và đêm rất dài. Mới đầu định là ngủ luôn ở sân bay cho đỡ rộn chuyện, nhưng cuối cùng lại bắt tuk tuk đi vào thành phố, kiếm cái nhà trọ nào đó, chui vô cho đỡ nhọc thân. Nhưng có đôi khi, tiền không mua được cho mình sự thanh thản. Tôi ngọ ngoạy trong cái thành phố nóng rẫy đó, đêm lặng gió và những người quấn sà rong nằm ngủ tơ hơ bên vệ đường, những người đàn ông râu ria xồm xoàm và đen đủi. Tôi cứ thơ thẩn ở Fort, định là sẽ ngồi luôn chờ trời sáng, rồi bắt xe đi Kandy, nhưng rồi run rủi, bị dắt tay dắt vô một cái chỗ trọ tối om bẩn bẩn, nhìn vô là biết trong đấy có chứa những cái gì, một người đàn ông tay dắt theo một người đàn bà, phấn son ngầy ngụa, tôi nghĩ, chỗ này là nhà chứa. Bằng mọi cách, tôi vực một tôi rời rã – bây giờ ở nhà đã là ba giờ sáng, chắc người ta ngủ đã no mắt, thoát ra khỏi chỗ đó. Và tìm được một cái phòng nhỏ xíu, chật nức và tềnh toàng đối diện với Fort cùng một mức giá trời ơi đất hỡi, cuối cùng, lại như một sự giải thoát. Ở nơi này, hotel không có nghĩa là nhà nghỉ, nó nghĩa là quán ăn. Tôi chợp mắt trong cái rời rã và nhẩm trong đầu mình mấy lời như thế. Chỉ một cái ngả lưng thôi, là ngày mới đến rồi.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14233231_1279579012053730_5538375378500988167_n.jp g?oh=1dfb5d30b89694aa7aa5ee4fed10e126&oe=58A8BFA6


Và ngày mới tới thiệt, lúc tôi chưa kịp vùi mình thật dài và sâu trong giấc mộng mị, đã bị tiếng chuông điện thoại gào lên biểu ngồi dậy rồi. Chưa rõ mặt người nhưng bước ra ga đã thấy chợn, những dòng người nối đuôi nhau mua vé, lên tàu xong thì lưng đã kịp rủ đầy mồ hôi. Đường từ đây đi Kandy là năm tiếng, tôi len mình ra ngoài cửa của toa tàu, nghĩ rằng năm tiếng đồng hồ tới chắc cũng sẽ qua mau, như cái chớp mắt ngắn ngủi tối qua trong cái phòng trọ bé nhỏ đó, như những lúc hạnh phúc vui vẻ là những khi thời gian trôi đi nhanh nhất. Những đường tàu dần chuyển, trời sáng nhanh tới mức mỗi khi tàu dừng lại ở ga nào, là tôi lại thấy mình thê thảm và bẹp đi vì những dòng người chen đầy vào cái toa tàu chật nức ấy. Lúc đó, tôi nhớ cái phòng trọ nhỏ bé nhưng im ắng và cô độc chỉ có một mình tôi ở đối diện Fort. Tôi đâm ra buồn ngủ, và hai đứa tử tế Trung Quốc kế bên đưa cho tôi tờ báo, biểu trải xuống sàn mà ngồi cho đỡ dơ.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14479817_1307659985912299_1275570282667355549_n.jp g?oh=f768904c65ee9c1dc81282cea6658a0f&oe=5862EC7E


Đường dài và xa nên có đôi khi tôi nhoài người ra khỏi tàu, thả chân mình xuống đường rày, những lúc tàu đi qua hầm, hay có khi một đoàn tàu khác chạy qua, tiếng tàu nghiến vào nhau nghe thật ghê sợ. Cái cảm giác thả chân xuống đường ấy, mê dụ lắm. Sợ, nhưng sau đó bị ghiền, thấy mình bảnh, tự do là cái cảm giác quý giá lắm. Tôi thả chân mình trong suốt hành trình đó, vượt qua những ngã tư ken người đứng chờ, vượt qua những sân ga đầy người trong một ngày mới, qua luôn cả những vùng đồng lúa trắng phêu, qua bờ bãi nương ruộng và chập chùng đồi núi. Rồi tàu tới Kandy lúc trời vừa chum chím mưa. Tôi tạt vô nhà ga mua chút bánh mì ăn sáng, rồi tôi cầm luôn cái sandwich vị curry ấy mà thấy mình thê thảm dễ sợ vì bụng đói mà curry thì quá đáng sợ không ăn được. Trời cũng mưa nên đành lang thang qua những toa tàu, bắt gặp những ánh nhìn thiệt hoang hoải. Là bầy trẻ ôm chai coca to mắt thả vào đời ngập tràn mộng mị. Là cô gái tóc bob áo xanh lẳng lặng nhìn dòng người lại qua, mi cong mũi cao và thanh thoát. Là những người già, là đôi vợ chồng cười thiệt tươi khi có người giơ máy ảnh lên chụp họ. Và những tì kheo khoác áo cà sa đi trên đường rày, mưa gió bụi trần như không hề dính đến họ trong một giây phút nào. Tôi thả vía mình chạy tơi bời trên những toa tàu như thế. Đến một lúc nào đó, mưa dứt. Tôi khoác ba lô, nhảy lên tuk tuk chạy về nhà, ở Kandy.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14212085_1279266125418352_8219421069416005817_n.jp g?oh=43bf8fe2713fe21d72b2e2bf79e70ab6&oe=58A5A3DE



Cô chủ nhà trọ có cái giọng nói thiệt ấm, pha cho tôi cốc trà, và tử tế gói cho tôi một cái sandwich không có curry trong đó, với vài trái chuối. Nhà của tôi ở Kandy có view nhìn xuống thung lũng, với cái ban công thiệt là dễ thương và im ắng. Tôi ở Kandy một ngày, một mình thuê tuk tuk chạy lang thang lên đồi trà, chạy lên mấy ngọn đồi cao, viếng cảnh chùa trong một ngày cao nguyên chút mưa chút nắng. Chiều thả bộ ở quảng trường, chờ đến giờ thì vô xem dance show múa lửa, đói bụng thì ghé quán ở chợ ăn bún, người ta ăn bốc bằng tay còn tôi khều bún bằng đũa, đói bất tử thì mua trái cây nhét đỡ vô bụng. Yên ổn rồi tôi thấy mình y chang đứa trẻ, khát khao gì đâu những phút giây tự do như thế này, muốn làm gì thì làm. Gặp cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới bên hồ, thì loi choi xin chụp ké. Thấy con chó đang ngủ yên bên một công trường ngang ngổn, tự nhiên lại muốn hiền ngoan như vầy mà sao vời xa quá trời. Một ngày ở Kandy chỉ quanh quẩn, tối về muộn nhà đi ngủ hết chỉ kịp giở packed cơm chiên ra ăn mà ăn một nửa ngán quá gói lại để ở chạn bếp. Cao nguyên Kandy, thành phố du lịch nổi tiếng của Tích Lan, kiểu như Đà Lạt ở mình, những căn nhà nhỏ nằm trên đồi, có cả cái hồ to nằm lọt giữa thung lũng, nơi này từng là thủ đô của một vương triều xưa lơ lắc. Đêm, tôi cứ ngồi ở ban công nhìn xuống thung lũng cho đến khi rập rèm không còn chút ý thức nào nữa hết thì quay vô phòng nằm ngủ. Cao nguyên lạnh lạnh chỉ có mình ên nên đi ngủ sớm cho rồi. Đồng hồ điểm mười một giờ khuya.

tonphan
15-10-2016, 11:58
CHÚT TÌNH GỬI LẠI TÍCH LAN (2)


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14224877_1279266142085017_8924196571335279030_n.jp g?oh=9cb157cf7cdc7395fd54884a7a92a8a8&oe=58AB4307


Sáng hôm sau dậy sớm, tôi thuê tuk tuk chạy từ Kandy đi Sigiriya, Mới hôm qua thôi tôi gieo mình trong cái nhịp sống bình yên của thành phố cao nguyên se lạnh này, mà bây giờ đã chia tay rồi. Thời gian chưa đủ để quyện tròn thương nhớ, cái cầm tay phớt qua liệu có đủ để mơi mốt quay lại hay không? Và Sigiriya, với ngọn núi huyền thoại Lion Rock, không biết nữa nhưng khi nhìn thấy bức ảnh các tì kheo quay lưng lại với ngọn núi ấy, nắng chiếu xiên, những nụ cười, bình yên thanh thản. Tôi quyết định đi Tích Lan cũng vì vô tình nhìn thấy bức hình đó. Chú chauffeur với hàng râu con kiến cứ sợ tôi buồn, vì đường dài, nên đi tới đâu chú cũng tranh thủ giới thiệu cho tôi biết cái này là gì, tới đâu rồi, còn bao xa nữa. Tuk tuk ở Tích Lan cũng vui, mấy chiếc xe lam cũ, chạy tốt. Do ngồi có một mình, nên tôi thoải mái quay đông quay tây. Đường đi dễ, xe chạy ào ào. Tôi thu hết vào tầm mắt mình những cánh đồng đã gặt, những vườn gia vị, những căn nhà nhỏ xíu nép mình bên đường, những sạp bán nông sản đìu hiu quạnh quẽ. Những người phụ nữ vận sari đi bộ trên đường phố, những cụ già với bộ râu ngô lỏi chỏi, bầy trẻ tinh khôi và ánh mắt nhìn vời vợi. Có nhiều khi chỉ việc ngồi im nhìn ngắm những chuyển động đời thường đó thôi, với tôi cũng đủ để thỏa mãn rồi. Không cần phải làm cho được cái này, đi cho bằng được điểm đến đó, để có thể tròn được niềm vui. Hay là tôi dễ dãi, hay là tôi khờ dại?


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14237635_1279266088751689_3584490503008214076_n.jp g?oh=a04e9cd9c2e7933a961e59dda74ef9a3&oe=585F0E1E


Tôi đến Sigiriya lúc mười giờ sáng. Lion Rock từ xa đã hiện lên trong tầm mắt. Ngọn núi thấp, nhưng độc đáo và đầy mê hoặc. Đã đọc về lịch sử của Sigiriya, nên mỗi bước chân đi cũng trở nên khẽ khàng. Lion Rock với người mê leo núi, rõ ràng chỉ là muỗi. Nhưng là người cũng mê lịch sử nên Lion Rock cũng khuyến dụ vô cùng. Tôi chậm rãi thả bộ trong khu vườn bao xung quanh ngọn núi đó, cứ loanh qua loanh quanh trước khi đặt chân lên những bậc thang đầu tiên của ngọn núi – cung điện cổ xưa và là chứng nhân của vương triều Tích Lan thuở nào. Dân đông, toàn dân du lịch. Bước qua hàng dài những bậc thang, đi qua những bức bích họa có từ cả ngàn năm trước, nhìn nhìn vậy thôi chứ để hiểu được tầm vóc và sự quan trọng của nó trong lịch sử phát triển đầy biến động của quốc gia này, có lẽ, còn chưa đủ. Tôi cứ vậy mà nhởn nhơ trên lưng chừng ngọn núi ấy. Nghe tiếng gió lộng, nghe tim mình độc hành. Khám phá là thứ mà chỉ khi ở một mình, từ từ chậm rãi bóc tách nó ra mới thấy được cái cảm giác cô đơn mới thú vị đến mức nào. Lên đỉnh núi rồi, tôi dành nguyên buổi trưa để nhìn bọn Tây choai chơi pocker, nhìn hai cô gái Tây chụp ảnh, nhìn dân Sri đi qua đi lại. Vậy thôi rồi tuột xuống, leo lên tuk tuk đi về nhà.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14291751_1280264481985183_8590106267686417891_n.jp g?oh=3b2226becb1a67778538cec322815fda&oe=586AFF89


Đi về nhà là đi thiệt. Thời gian đã hết. Chú chauffeur chở tôi ra bến xe bus, từ đó, tôi leo lên chiếc xe công cộng nhồi nhét quá trời người, trở lại thủ đô Colombo. Đoạn đường không xa, quá hơn 120 cây số, mà trồi trọc ngồi từ hai giờ chiều mãi đến hơn chín giờ tối mới đến nơi. Ở chuyến xe đó, tôi đứng hơn nửa chặng đường, mùi mồ hôi nhễ nhại, những lượt lên và xuống, cái xóc nảy người vì xe vượt qua một khúc cua ngặt. Lúc yên vị rồi thì lại nghe mùi curry bốc lên từ những bạn đường bên cạnh. Là cô gái đi làm xa cuối tuần về thăm nhà, cô có nụ cười thiệt tươi và nói chuyện lúc lắc. Hai vợ chồng trẻ rời quê lên Colombo làm việc, họ xách theo hành lý nặng nề, nhưng chồng trước vợ sau thiệt duyên dáng. Và mấy bạn trẻ rời xe bus mà không quên chào tôi bằng cái đầu nhúc nhích, có cả giai điệu kèm theo trong lời chào ấy. Hay biết đâu đấy giữa chặng đường dài, tự nhiên nghe tiếng của người đàn ông và đàn bà hát lên thiệt hào sảng, một kiểu y chang như những chuyến xe đò đường dài đi lục tỉnh miền Tây mình những năm trước, hay có những người bán hàng rong hay bán thuốc cổ gia truyền lên chào mời khách đường xa mua ủng hộ. Giọng hát thiệt vang đưa tôi vượt qua được cả một chặng đường dài mệt mỏi. Trưa sang chiều rồi chiều dần ngả về tối mà vẫn chưa thấy đến nơi. Tự động viên mình thì thôi đây mới là những trải nghiệm vô giá của cả chuyến hành trình.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14199664_1279579168720381_5433539260998540554_n.jp g?oh=bc978c5059e1129e46233e35da4f45a9&oe=5899CF18


Về tới Colombo rồi thì tự động chui vào một nhà trọ ẩm thấp nhìn thẳng ra Fort, sát bên là chợ đêm. Tôi sửa soạn lại hành lý để ngày mai nữa là quay trở về, rồi tranh thủ vọt ra chợ. Đi lang thang qua những hàng quán đông đúc, cảm nhận Tích Lan về đêm cũng thiệt ầm ào, sôi động và náo nhiệt. Rồi ngấy vị curry quá nên mua mấy trái táo, nhấm nháp cho qua con đói, cũng may không phải dạng ăn nhiều, qua loa cũng được rồi nên trái táo thôi cũng ấm bụng. Đi mỏi chân mà chả thấy có gì mua sắm được nên ngồi nhìn người qua đường, cảm nhận cuộc sống đường phố ở một trong những nơi mà dân ta bà khắp xứ chưa đặt chân đến quá nhiều, để thấy được những nét văn hóa mộc mạc truyền thống ở đây vẫn còn chưa bị mai một đi mất. Trước khi mắt híp lại vì cơn buồn ngủ, tôi trở về nhà, đặt lên tủ giường tấm vé vào Lion Rock đã được xé kiểm soát, và trong cơn mơ biết đâu trở lại với vương triều Ceylon xa xưa cũ. Chỉ giấc ngủ thôi là đã đủ bình yên rồi.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14264908_1279579388720359_6129978886512341664_n.jp g?oh=852340dfb46ac2d5b87caa40d67b5bad&oe=58A7644F


Trở về. Bao giờ cũng ngổn ngang tiếc nuối. May mắn, tôi lại bắt được chiếc tuk tuk với cậu nhỏ chauffeur thuộc dạng tay lái ngông cuồng. Bạn cứ tấp tấp né né và chạy vào những hang cùng ngõ hẻm, để tôi tha hồ ngồi sau thả rông cho đôi mắt mình đã đời nhìn ngó những lát cắt bình dị khác của đất nước này. Leo lên sân bay trở về nhà, nghĩa là, khép lại một chuyến đi vả mở ra một chuyến đi mới. Tích Lan ngắn ngủi, Tích Lan của tôi như một cái duyên chóng vánh. Trên máy bay, vô tình gặp chị Thanh Mỹ, cũng là một người mê xê dịch, ngồi cạnh nhau thôi mà đã nói quá trời chuyện rồi. Ai biểu cái xứ này ít ỏi người Việt quá, nên gặp nhau giữa Tích Lan đã mừng lắm rồi.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/14265101_1279579028720395_6495499403459174369_n.jp g?oh=e2713e307eaebe1581bd2e3f3d9dda44&oe=5864385C


Và đi được đến Tích Lan, để cảm nhận những nét văn hóa còn nguyên sơ của vùng đất này, là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc, với tôi chỉ là những điều nhỏ bé như thế.

Tích Lan 09/2016

tonphan
23-10-2016, 22:50
VỨT ĐÁ ĐI VÀ LEO KOTA KINABALU

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13138784_1199220046756294_5303758433727866195_n.jp g?oh=5cf254cefd341c3cf9094ae60dced172&oe=58A26F4B




Mùa hạ, của gần mười năm trước, lần đầu tiên leo núi, là lên đỉnh, chứ không phải chỉ ở lưng chừng một con đồi, núi Bà Đen, cao nhất Đông Nam Bộ. Năm đó, tôi mười tám tuổi, năm đó, tôi vừa thi xong đại học. Tuổi thanh xuân tràn đầy năng lượng, cơn mưa mùa hạ gột rửa cho chặng đường đầy áp lực thi cử, chuyện học hành. Mười tám tuổi, đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt nhìn xuống phía dưới, thấy cuộc đời tươi sáng, thấy mình quá nhỏ bé trước cuộc đời dài rộng này, hừng hực khí thế, tươi mát thanh xuân. Mùa hạ năm đó đi qua, chuyến leo núi đánh dấu kết cho một chặng đường nho nhỏ, mở ra một chương mới của cuộc đời. Rồi tôi vào đại học, rồi bốn năm giảng đường tràn ngập tiếng cười cũng qua đi, không vội vã không ồn ã, đầy niềm vui nhưng cũng không thiếu nỗi buồn. Và đi làm và cắm mặt vào với sâu rộng những gương mặt người. Gần mười năm sau ngày leo lên đỉnh Bà Đen năm đó, lại một mùa hạ lăm le kéo tới. Năm nay mưa muộn, nắng cháy cá chết rạt bờ. Bứt mình ra khỏi những giới hạn của cuộc sống thường ngày, vứt sỏi trong đầu và lổn ngổn đá trên vai đi, rồi cứ thế, tôi leo Kota Kinabalu.



https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13173757_1199220263422939_2521010638058273163_n.jp g?oh=adb7b4b36f50ce0d90be9d825bad761e&oe=588E298F




Tôi không nhớ rõ, là tôi hay là Minh, ai là người khởi sướng chuyến đi này, hơn nửa năm trước. Lúc đó, chúng tôi rủ nhau cùng leo Kinabalu, đơn giản, là vì thấy nó khuyến dụ đầy mê hoặc, ngọn núi cao nhất Đông Nam Á, là nóc nhà của khu vực rộn ràng đông đúc này. Sau đó, tôi rủ thêm Thư, rồi thêm Thùy và Hồng nữa, năm người, lập thành một đội. Trong nhóm, Minh đã từng leo Fan, tôi thì mười năm trước, như đã nói, có lên đỉnh Bà Đen một lần – chỉ thế thôi, đơn giản như chưa từng đơn giản hơn thế nữa. Thùy, Hồng và Thư, ba cô gái chưa hề có kinh nghiệm về leo núi, như lời Thùy nói: tiền có sẵn, sức khỏe cũng sẵn sang, thế là đi thôi. Tôi thực sự không biết, lý do họ leo KK là gì? Tôi cũng không hỏi. Với tôi, đôi khi có người đi chung để chia sẻ tiền phí leo núi cũng đã được rồi. Đủ người cho việc đặt tour, một viên sỏi nhẹ hều được tôi vứt xuống, không hề day dứt. Đó, là chuyện của hơn nửa năm về trước.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13177378_1199220253422940_5774026203614799324_n.jp g?oh=076d7a6abe654e114732b35c9eac8cc9&oe=588D4CCA



Tôi sợ mình không đủ sức khỏe để leo đến tận cùng của ngọn núi ấy. Thực sự thì tôi bắt đầu lo lắng cho sức khỏe của mình, kể từ ngày má tôi bị tai biến, liệt nhẹ nửa người. Hôm đó, là buổi sáng bình thường, tôi đi làm, và chị gái tôi gọi, nói má đang ngồi ăn bánh canh, rồi tự nhiên cứng đơ cứng ngắc. Trên đường từ sở làm hớt hải chạy về nhà, sở làm cách nhà tôi hơn ba mươi cây số, tôi nghĩ đủ thứ kỳ quặc trong đầu, nhưng may mắn, má tôi vượt qua được. Và kể từ đó, tôi đâm ra hay suy nghĩ về sức khỏe của mình. Sau đó tôi đăng ký đi tập thể dục ở một phòng tập gần nhà, mỗi ngày tôi chạy đều 5 cây số. Nhiều người chắc dòm tôi rồi cười, vô phòng tập tạ chỉ nhỏn ôm máy chạy bộ, tôi cứ kệ. Tôi thuộc dạng ngại những nơi như vầy, phải có động lực kinh khủng lắm mới có thể khiến tôi nhấc mình đến với phòng tập. Và rồi đều đặn tôi dậy lúc bốn giờ sáng, vượt qua những tháng hè oi ả, vượt qua những ngày Ninh trở lạnh buốt hết cả da đầu, tôi cứ thế mà tèn tèn mỗi ngày chạy năm cây số, hết ba mươi phút, đốt cháy 567kcl. Lúc đặt vé leo KK, tôi đã tập được một thời gian rồi. Tôi nghĩ, cứ chạy như thế này, liệu rồi có đủ sức bền để lên tới đỉnh được hay không? Một tạ đá, rớt uỳnh trên vai tôi, muốn xiểng niểng.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13177107_1199220903422875_6039645470088511384_n.jp g?oh=8af497e3f7eac0f5b6ed46f03d6598e6&oe=58A1AE5E



Một ngày nọ, cũng lâu rồi, tôi có nói chuyện với cô bạn, lúc đó, là một buổi chiều chạng vạng cuối xuân, ở Singapore. Bạn tôi lúc đó đang làm việc ở đây, tôi qua bên đó chơi, rồi hẹn bạn đi ăn cháo ếch. Bạn tôi nói, leo Kinabalu là thử thách về mặt thể lực kinh khủng nhất, mà cô ấy đã từng vượt qua được. Bạn tôi – là hình mẫu lý tưởng mà rất nhiều năm sau này, tôi nghĩ những bạn bè đồng học với tôi ở FTU2 K46 năm đó, sẽ còn nhắc đến, bởi bạn thuộc dạng nữ cường nhân, cái gì cũng giỏi, giỏi đều, học giỏi mà làm cũng giỏi, khỏe khoắn, tích cực với cuộc sống này. Và bạn đã nói với tôi điều đó, găm vào đầu tôi cái ý nghĩ, leo KK không hề là chuyện đùa. Rồi có lần Minh nói với tôi, leo KK có là cái méo gì, leo Fan được thì KK cũng không là gì hết. Tôi cũng không biết thế nào, nhưng tôi biết, tôi có sức khỏe. Má tôi nói sao con cứ đi chơi hoài, không tuần nào nghỉ ngơi hết, là trâu bò hay sao mà không biết mệt mỏi? Tôi tự tay nhấc một hòn đá thật lớn khỏi vai mình, thấy nhẹ hơn hẳn.


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13164346_1199220233422942_7262018191652788196_n.jp g?oh=23cc3102886dbcaa3ca7099439236bd4&oe=58967D37



Trên trang cá nhân của tôi có một người bạn tên là Luân Phạm – tôi không biết người này, nhưng một lần vô tình tôi thấy cậu ta check in ở Kota Kinabalu, thế là tôi gửi lời kết bạn. Định bụng, sẽ hỏi thăm coi cậu ấy có leo KK chưa, chia sẻ một chút kinh nghiệm với tôi được hay không? Nhưng rồi tôi đã không hỏi, chưa từng hỏi và sẽ không bao giờ hỏi. Tương tự như việc tôi cũng chưa từng bao giờ nhắn tin hỏi Nhung xem Kinabalu như thế nào? Thời tiết nắng gió xứ ấy ra sao? Nhung là bạn đại học của tôi, bạn ấy cũng đã từng đến đây, hình như lỡ hẹn với chuyến leo núi. Nhung là một người thích xê dịch, đi nhiều còn hơn tôi nữa. Nhưng tôi cũng không biết, vì sao tôi lại không hề hỏi họ bất cứ điều gì cho chuyến đi của tôi dễ dàng hơn. Tôi quyết định đổi lại vé máy bay từ KL đi KK sớm hơn bốn tiếng đồng hồ. Một quyết định tôi cho là nông nổi, cận ngày bay, với cái giá y chang như mua một vé bay mới. Nhưng biết sao được, tôi quen với sự nông nổi đổi vé máy bay nhiều rồi. Tốn tiền, cũng đã nhiều rồi. Đổi được giờ bay tốt hơn để có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi chính thức check in ở KK park, là lúc đầu tôi vơi bớt sỏi. Đôi khi dùng tiền để đổi lấy sự bình yên, cũng đáng giá. (Và Minh share với tôi tiền đổi vé máy bay ấy, tôi đánh giá cao sự nhiệt tình đó, cám ơn!)


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13118970_1199220286756270_6250286219213374277_n.jp g?oh=3b353cc4ca436a6f1a037e24bc7691df&oe=58AB4B78

tonphan
23-10-2016, 22:53
VỨT ĐÁ ĐI VÀ LEO KOTA KINABALU (2)


https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13179208_1199220016756297_5630271181862579692_n.jp g?oh=a215e804700e63a5f2982326306037cf&oe=588F810D

Tôi bay từ Sài Gòn qua KL, chuyến bay muộn, mãi đến gần 3 giờ sáng mới đến được sân bay xứ Cọ. Rồi tôi chuyển qua terminal nội địa, 5h đã lồm cồm bò dậy một mình bay đến KK. Ở đây tôi chờ Thư, Hồng và Thùy rồi cùng họ đi đến chỗ hẹn với Minh. Sau đó, chúng tôi bắt taxi đi từ KK city đến KK park, đoạn đường xa, nhỏn hơn hai tiếng ngồi xe mới tới. Khi đến nơi, đã tầm 2h chiều, chúng tôi tốn cả đống thời gian cho việc check in và lấy permit cho cuộc leo núi sáng mai. Tối đó, tôi đi ngủ sớm, sau khi dùng bữa tối buffet buồn chán và một buổi brief ít ỏi thông tin quá nhiều vết muỗi đốt chuẩn bị cho hai ngày leo núi. Căn phòng nhỏ nằm heo hút trên một ngọn đồi, xung quanh là cây cối bao trùm, yên tĩnh tịch mịch với toilet nằm riêng biệt ngoài phòng. Khung cảnh bàng bạc lạnh lẽo khiến đôi chân cóng lại, đêm có muốn đi number 1 tôi cũng nhịn không dám bước ra. Những gương mặt người háo hức, đôi chân rộn ràng. Nhiều khi tâm trạng làm cho mình thấy mình không muốn đi nữa, trực tiếp bay lên đến đỉnh ngọn núi mờ sương xa xa kia. Một đêm đó, tôi ngủ ngon lành. Bao nhiêu sỏi đá, tiêu tán đi đâu hết.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13151733_10204748307106839_5357020625341226092_n.j pg?oh=3303c97c5f80500a0ea13c8bb110cc0a&oe=58AC4BD3




Thời tiết hôm leo núi tuyệt vời, trời quang, không nhiều sương và có chút đỉnh nắng. Mỗi ngày, chỉ có tối đa 125 người có được permit leo Kinabalu thôi, vé chúng tôi đặt trước sáu tháng. Đoàn năm người thuê thêm một guide kiêm porter cho cả nhóm. Đoàn leo cùng chúng tôi đủ quốc tịch, nhiều nhất vẫn là dân Malay bản địa, có một cậu người Thái – đi một mình, dân Ấn, dân Sing – bác lớn tuổi người Sing lúc nào cũng khiến tôi lo lắng, hỏi ông có ổn hay không, có cần nghỉ hay không? Tụi Tây, dân Nhật và Hàn – lúc nào cũng trang bị tận chân răng mọi đồ nghề cần thiết. Chúng tôi – nhóm người Việt duy nhất leo lên núi ngày hôm đó – quá sức là tài tử, y chang một gánh cải lương múa phụ họa cho người ta. Lèo tèo những dụng cụ leo núi ít ỏi, ai cũng mỏng manh và không hề có chút gì gọi là “dân leo núi” hết. Không ai nói với ai điều gì hết, tự nhiên vai oằn, chắc là đá từ đâu ghé chơi trên vai rồi. 9h30 sáng chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên ở Timohon gate, những bước chân đầu tiên – tưởng nhẹ nhàng nhưng trùng trình nặng nề. Phía trước, ai biết được sẽ là chuyện gì đang chờ đâu?

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13138927_1325789434105174_8411758372350700435_n.jp g?oh=201da04ad98c3a641b21835277b8df45&oe=58ACE347




Tôi quyết định sẽ bỏ rơi mọi người, không có nghĩa là Minh, Thùy, Hồng hay Thư leo chậm, mà chỉ đơn giản, tôi muốn dành thời gian cho riêng mình. Bắt đầu từ km số 3, sau khi có packed lunch, mọi người thì ăn, tôi không, tôi để bụng mình trống rỗng, tôi cũng thấy đói, nhưng chưa kiệt sức, tôi muốn lòng mình thật rộng, để thoải mái co kéo trong đó rất nhiều những suy nghĩ. Đi một mình, tôi có thời gian để mường tượng ra nhiều thứ, nghĩ đến nhiều chuyện lông ngỗng lông gà trên cuộc đời này, tự vẽ cho mình những vai diễn khác nhau, và khóc cười với nó. Tôi không kể về hành trình leo núi, có gì đâu, cắm chân vào đất rồi bám đá mà lên. Ai có sức, sẽ leo được, ai có ý chí, cũng sẽ leo được, ai có tiền, tiền nhiều, thuê người cõng lên, cũng gọi là leo được. Đoạn đường leo núi ấy, mồ hôi có (rất nhiều), những lúc mệt tôi cũng thở như trâu, khát nước uống nước, đói bụng móc bánh ra mà ăn. Nhưng đi thì cứ đi thôi, đi để biết sức mình còn đến được lúc nào. Và tôi đến Laban Rata lúc 3h chiều, đủ mệt và đói để ngay lập tức móc packed lunch khô quéo ngồm ngoàm cho vào miệng. Nhạt toẹt, nhưng vui. Ngày đầu như thế cũng không đến nỗi nào.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13151552_1325789037438547_4253703887764144837_n.jp g?oh=9cd866586ea85deddc5cd8a9268ff3cf&oe=58A4C619



Đêm đó ngủ ở Laban Ratan không được, sàn nhà bằng gỗ chứa cả trăm người trong đó, quá chật cho những tiếng ồn ào. 2h sáng đã phải dậy, gói ghém hành trang cho vô ba lô rồi cầm đèn pin leo lên đỉnh. Đoạn đường từ Timohon lên tới Laban Rata tầm hơn 6 cây số, từ Laban Rata lên đến đỉnh là hơn 3 cây số nữa. Trong đêm tối, tôi lò dò leo lên phía thẳm vời xa trước mắt. Cái đèn pin cầm tay xui rủi, chỉ cho tôi thấy được một khoảng trắng nhỏ nhoi trước mắt. Tôi không nhìn được xa, nhưng tôi biết mình phải tiến lên thôi. Tôi bỏ lại Minh, Thùy, Hồng và Thư trong chưa đầy 10 phút leo đầu tiên đó. Và cứ thế tôi vượt qua rất nhiều những đồng bạn khác, trong đêm sâu thẳm, tôi không nhận ra ai hết, tôi cứ cảm ơn khi vượt qua được một người. Tôi không cho phép mình ngừng lại, nghỉ ngơi nghĩa là thỏa hiệp, nghỉ ngơi – nghĩa là cái lạnh sẽ xâm chiếm và ngừng lại – nghĩa là khó khăn khi lại tiếp tục cất bước lên đường. Đường leo đỉnh khó khăn, gió núi mây ngàn và trăng sao làm bạn. Lúc mệt quá tôi chỉ có thể lê chân mình qua từng bước nhỏ. Lúc khỏe hơn rồi thì tôi đu dây búng mình qua những gò đá cao. Tôi cứ xăm xăm tiến về phía trước. Vượt qua rất nhiều người. Có lúc tôi nghĩ, chắc là mình đang dẫn đầu cả đoàn người phía sau. Ngoái đầu nhìn lại, trong đêm đen giữa bầu không bao la, chỉ thấy cả một hàng dài những ngọn đèn pin lấp ló, cảnh tượng mờ ảo hư thực, ảo diệu vô cùng.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13118854_1325789260771858_1524923467139291477_n.jp g?oh=652364ddc930e598fe9fe4bb1c83d014&oe=58AD6B4C




Đúng 5h sáng, tôi lên đến đỉnh núi. Là người thứ ba, là người thứ ba đó, chạm đến bảng tên đỉnh KK. Tôi không biết lúc đó tôi nghĩ gì? Thực sự, trên đường một mình, tôi đã vẽ ra biết bao nhiêu kịch bản, hú hét sung sướng cũng có, ôm lấy những người cùng keo rồi giả vờ chúc mừng mày nha thành công rồi, hay đơn giản là chỉ đứng ở đó, thấy mình nhỏ bé giữa đỉnh núi ngàn trượng này mà chờ le lói ánh bình minh đầu tiên của ngày mới lên. Nhưng sau tất cả, lúc lên đỉnh, thấy mình là người thứ ba, tôi chỉ dòm người thứ nhất, người thứ hai, hai thằng Malay, đêm còn mờ mịt, không thấy mặt, hỏi đây là đỉnh rồi à? Tao là người thứ ba hả? Thế thôi, rồi lôi từ trong áo một trái táo, cắn một phát ngập răng rồi ngồi đó, chờ những người phía sau còn lâu mới tới. Chỉ vậy thôi, nếu có suy nghĩ, chắc là, phải kiếm cái gì đó bỏ lõi táo vô thôi, không lẽ quăng rác ở trên đỉnh KK như thế này. Rồi không đợi bạn lên cùng lúc, tôi cứ thế đi xuống, đường đi xuống, chán vô cùng. Ngày đã lên, nắng đã xua tan cả một màn đêm bí ẩn, giờ ngọn núi hiện ra, đá rặt đá, đen xì vô vọng. Trong đêm tối, cái gì cũng mơ màng và trần đầy những hình ảnh ẩn dụ kỳ thú, tôi thích thú ghém mình trong màn đêm u mê đó, thấy mình làm gì cũng chả ai biết, tha hồ tưởng tượng đủ thứ chuyện kinh khủng trong đầu mình. Chắc đó là mầm mống của một căn bệnh gì đó, lỡ một mai có chuyện gì xảy ra, bí ẩn và ly kỳ, dám người ta sẽ đổ cho mình, tôi phì cười. Điên loạn và muốn nổi loạn. Ai biết được, tôi là một nhân viên ngân hàng chăm chỉ, không có đâu, tôi chỉ là một người bình thường.

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13138799_1199220056756293_5330867735291977939_n.jp g?oh=975e5398c31898ede43a3c9b3ec7d704&oe=589DAF53



Là một người bình thường nên tôi nghĩ việc chinh phục KK cũng là một việc bình thường. Tôi xuống đến chân núi lúc 2h chiều, một trong những người nhanh nhất. Rồi tôi chờ các bạn tôi trong hơn 3 tiếng, trong 3 h đồng hồ đó tôi đã phải làm đủ mọi trò, chống đẩy, hát cải lương đến dân ca và nhạc cổ truyền, lôi bàn tay chữ nhất ra soi coi có đường vân nào mới, massage bàn chân, cổ chân gót chân… Đợi mãi rồi cũng đến lúc họp mặt mọi người. Check out khỏi Timohon gate lúc tầm 5h30. Ngọn núi khuất mờ trong sương chiều dày đặc, chắc nó có chào tôi đó nhưng tôi mệt quá nên không để ý. Đá hay sỏi gì bây giờ cũng đã dời đi hết, chỉ cần lại chân tay rã rời và một thể xác nặng nề. Nhưng bù lại, tôi tỉnh táo để còn nhận ra là mình đã kịp làm gì đó cho tuổi thanh xuân trôi qua bớt nhàm chán. Năm 27 tuổi và năm 18 tuổi, tự đánh dấu cho cuộc đời mình bằng một lần lên đỉnh. Xứng đáng chứ bộ giỡn chơi à!

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/13177465_1199220043422961_1475930137022312958_n.jp g?oh=eb357a81b98a481d67a1520a678feb86&oe=58A84B1C


Rất nhanh thôi rồi mình sẽ già. Và nếu may mắn thì trong khi chờ nó đến, cái tuổi già ấy, đã kịp vứt đá trong lòng đi rồi cứ thế mà leo Kota Kinabalu.

tonphan
26-02-2017, 20:30
KARLOVY VARY - MỘT HÔM ĐI VỌC TUYẾT


Mình cứ đâm đầu đi mãi, rồi thấy tuyết. Mừng như đứa trẻ.

Ngày về, cứ ngoáy đầu nhìn lại, mơ mải ánh tuyết trong tim.



https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16938825_1448549255156704_2055883848984304962_n.jp g?oh=cbefb2f568cbf0336a7338ddc0e08cb4&oe=59712D90


Leo lên đồi nhìn từng vạt nắng.


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16681732_1448549285156701_3155588396539654574_n.jp g?oh=101b3a831fdc7bb84a806c1bbed356ee&oe=593C6BB0


Con đường này, hoá ra, có mình mình.


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16730649_1448549311823365_4067984641105053273_n.jp g?oh=b74bbce9034dc60c0dc57a3ff170800b&oe=593E147C


Nắng trong.


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16938910_1448549328490030_6052587717891101472_n.jp g?oh=0b428f6d376f84641f21816a6c9afe78&oe=5945CD38


Phía dưới kia, cũng im lặng.


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16832140_1448549388490024_7112085828672340409_n.jp g?oh=280085092368e3ed8df91005677e9fea&oe=5942D568


Một nhà thờ nằm trong tuyết!


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16832217_1448549415156688_3072980833098885816_n.jp g?oh=1e07fe93690598474477442bdd35c60b&oe=59352A9E


Một bảo tàng, hoặc tòa thị chính, hoặc một cái gì đó, có tuyết rơi dày!


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16938930_1448549455156684_8442886020624732831_n.jp g?oh=8b785bf81187440c6f4d007215b949cc&oe=5925294F


Trấn nhỏ Karlovy Vary, cách Prague 200km, gần hai giờ bus chạy.


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16864917_1448549521823344_1964842824620282480_n.jp g?oh=e06c27a30e178e584198dc1a1eaa7d0e&oe=5971C4D6


Yên lặng trong cái lạnh cuối mùa đông.


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16938788_1448549548490008_4906186205752391083_n.jp g?oh=5f1cee35f87ae397cc2582835dd12ed8&oe=59398A0E


Với mình, cái chi cũng lẻ loi, đơn độc có một mình! Thông, cũng vậy!


https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16832310_1448549568490006_5565366058467324975_n.jp g?oh=401295c4b1bfe8e9b4044a2874248917&oe=593BCB0E


Không một bóng người!

tonphan
08-03-2017, 21:15
VENICE MÙA TRÔI LẶNG LẼ


Thành phố thơ mộng này đắt đỏ, nhưng tôi đi vào mùa đông, nên lạnh lẽo và quá mức đơn côi.

Nhưng hơn tất cả, nơi này chả bao giờ buồn.

Tôi đi qua bao nhiêu cây cầu ở chốn này, tự nghĩ cho mình đằng sau mỗi cây cầu là một câu chuyện, vui có buồn có.

Ai không thích Venice, chứ mình, vẫn yêu nơi này dù cho bất cứ chuyện gì.



https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17191209_1459768290701467_6100691497348669422_n.jp g?oh=ad77c7a57a2aa3052e2709a5ea74dce3&oe=5966FF81

Đi bộ ở Venezia, mình nhủ mắc gì phải lạc trong cái chốn mà ai cũng nói "lạc là đặc sản ở chốn này". Đường mình đi, cứ thênh thang thôi.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17191064_1459768314034798_1089613172732096866_n.jp g?oh=1cf4f8b322c09c80be5f721932efcd5f&oe=59684948


Lên Gondola thôi.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17201028_1459768360701460_1922100432517805334_n.jp g?oh=3a0983af58263608e7b2565fe469a7ce&oe=59258FF8


Những con kênh nhỏ.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17155969_1459768374034792_3244240408505536501_n.jp g?oh=5a0f9bb20682cb1f11741d6d92bfc5d2&oe=5973C8B0


Và những góc cua ngoặc.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17155993_1459768394034790_2314825246355484959_n.jp g?oh=c8d9d13f059d9397df24c114bae7b438&oe=596B8656

Phải lên gondola, điều ko thể tha thứ nếu đến Venezia mà không lên Gondola.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17155833_1459768400701456_8520700563225757483_n.jp g?oh=3e3fd91d2eb3e66a65eb3db03e4c210a&oe=596823CC

Nếu may mắn, người lái thuyền sẽ hát một vài khúc nhạc nào đó. Tip là, chọn người lái gon có tuổi một chút, bọn thanh niên họ ít chịu hát lắm.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17190655_1459768424034787_4052639033434514083_n.jp g?oh=5b352c2f09007a7e4b4c7f76cf2fab6f&oe=5968F4D3


Chuẩn bị ra Grand Canal.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17201308_1459768437368119_1257823078454873528_n.jp g?oh=7bda74c3320a62030ec92330b95b8f58&oe=5937B6F9


Và biển lớn.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17098255_1459768454034784_8320746536111868115_n.jp g?oh=c303895d605542c013f0fbc0061bc4e4&oe=59348FDA


Khúc hát sông quê.


https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/16938459_1459768470701449_2370448133716793691_n.jp g?oh=4ea16bffeb97a265caee3040562df29c&oe=59325590


Đôi lứa

tonphan
16-03-2017, 12:51
BÌNH YÊN NHỮNG NỖI PRAGUE

Từ Bỉ, tôi bay sang Prague vào một buổi sáng xám xịt. Đã quen với cảnh trời mờ sáng phải kéo vali nghiến trên mặt đường, bắt bus hoặc metro rồi trôi ra vùng ngoại ô, trèo lên máy bay tan vào sương sớm để đến một vùng đất mới. Prague, Prague, lại là một vùng đất mới khác.

https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17264211_1468199406525022_5483029037012151618_n.jp g?oh=a6776aa7fc614ad80bd4070559e02c15&oe=5963CCD4


Không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng mỗi lần nghĩ đến Châu Âu, lục địa già, tôi lại mơ về Tiệp Khắc cũ, cái tên ấy đã in đậm vào trong trí nhớ, cái quảng trường có cái đồng hồ con gà, và những vị tông đồ, thị trấn mái ngói đỏ, những con đường, thành cổ và phố cổ. Cái tên Prague cũng gợi nhiều ký ức, từ hồi học tiếng Anh, đã thắc mắc không biết cái từ kia đọc ra làm sao? Quyết định đi châu Âu, là lúc tôi mừng vui vì rồi cuối cùng tôi cũng sẽ đến được Prague. Bạn tôi nói, đi Đông Âu làm gì, qua màn hình chat, tôi nhận thấy cả một cái nhìn dè bỉu, là Đông Âu?

https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17342577_1468199769858319_605283225753001470_n.jpg ?oh=48f3f0adae98c14fd99b5db7da258477&oe=596259CC


Ớ thì nếu có là Đông Âu, thì có làm sao? Đông Âu không giàu và phát triển bằng Bắc Âu hoặc vùng Scandinavi thiệt, nhưng bù lại, Đông Âu không đắt đỏ, giàu truyền thống, văn hóa. Đông Âu lạnh, người Đông Âu cũng đẹp hơn nữa. Tôi nhận ra mình yêu Prague ngay từ lúc bước ra khỏi hầm metro, ngước lên nhìn những hàng dài những dãy phố cổ. Metro nằm ngay trạm Museum, bước vài bước là tới Khu New town, và thêm vài bước nữa là tới hotel tôi đặt chỗ. Những con dốc thoải, tôi cứ nghiến chân trên những con đường thênh thang gió nắng, thứ nắng cuối đông chênh chao, và gió, cũng rất ngọt ngào.


Hotel của tôi nằm ngay đầu đường Katerinska, rất gần với khu trung tâm thành phố, chỉ cách vài bước chân là đến trạm metro, và thêm vài bước chân nữa, là tới Old town. Đêm đầu tiên ở Prague, tôi cứ đi tềnh tang trên phố, rồi giữa tất bật những biển hiệu chữ Tây chữ Tàu, chợt nhận ra một chữ Phở thân thương mà thấy mừng vui khôn tả. Tôi biết Czech có nhiều người Việt sinh sống, nhưng vẫn không kiềm được cái cảm giác sung sướng khi gặp đồng hương giữa nơi xa lạ - dù là có thể chỉ mình mình mừng thôi, người ta thì chắc là quen rồi nên thấy cũng bình thường. Ăn phở giữa trời đông Âu lạnh giá, xa nhà xa mẹ, mới thấm thía hết được cái gốc tre ruộng lúa quê nhà đã thực sự ăn đậm vào xương tủy rồi. Dù có đi đâu có làm gì, dù ngày mai kia có dâu bể như thế nào, thì mình vẫn cứ là người Việt, ăn cơm Việt mẹ nấu vẫn là ngon nhất. Đi chưa xa chưa lâu, mà đã nhớ đã thèm món ăn phong vị Việt đến nhường nào.

https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17352078_1468199906524972_1571217426104783903_n.jp g?oh=2a2b4ea2a60d884fb9c7b1542262c13b&oe=596F5A06



Hôm sau nữa tôi đi Karlovy Vary, một trấn nhỏ cách Prague khoảng 200 cây số. Sáng sớm bức mình khỏi giường, lại nuốt trệu trạo một bữa ăn Tây nhàm chán, rồi cứ thế bắt metro ra Florenc đi Karlovy. Cái tripod trên đường đi bị hư, lúi húi chùi lau cuối cùng bị trễ chuyến bus, vậy là tôi cứ ngồi đó chong ngóc nhìn những hàng người đang tất bật đi lại ở bến Florenc nhộn nhịp. Ở Prague, người ta vẫn sử dụng đồng Koruny (CZK) song song với sử dụng euro, đồng CZK thì rẻ, nên đổi sang tiền CZK cho dễ sử dụng, những máy bán vé metro hoặc bán hàng tự động thường chỉ chấp nhận mỗi CZK thôi nên nếu bạn không đổi tiền, sẽ vô cùng bất tiện. Có nhiều điểm đổi tiền trên phố, tất cả đều trưng biển no commission. Cái nào mà đầy rẫy ra quá, tôi đều đâm chợn. Tôi cứ nhè thẳng ngân hàng và đổi, không cần đổi nhiều vì ở cái xứ Châu Âu này, mọi thứ đều có thể trả bằng thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt tối đa. Bên cạnh những điểm đổi tiền như thế, cái nhiều thứ hai ở Prague là chó, cứ chủ đi trước là phía sau kèm theo một em chó, chạy lọc cọc trên phố thấy cưng gì đâu.

https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17342849_1468200523191577_1808311958820870233_n.jp g?oh=5c7bbec60534bf43a4f5066a7d3d2e38&oe=5924D800



Karlovy Vary nằm trên núi, bao phủ bởi tuyết trắng xóa cuối đông. Nếu không có nhiều thời gian, Karlovy là một sự lựa chọn tuyệt vời dành cho một chuyến đi trong ngày xuất phát từ Prague. Tôi đi một mình, ngồi cạnh là một cậu nhóc người Czech chơi Sudoku, đường không quá xa để kịp bén duyên cho những câu chuyện rời rạc, tôi nhìn ra hai bên đường, bốn bề trắng xoá bởi tuyết. Lần đầu nhìn thấy tuyết, bao nhiêu phấn khích bao nhiêu háo hức tôi mang ra hết. Xe bus tôi đi kiểu xe chất lượng cao chạy những tuyến cố định và ngắn, trên xe sạch sẽ, có wifi và có phục vụ trà, cà phê, chocolate cho hành khách. Tôi cắm charge cho điện thoại của mình, rồi vô tư hết nhìn cảnh tuyết mịt mùng dài theo chuyến đi, rồi quay qua nhìn những ô số Sudoku của thằng nhóc Tây đẹp trai hôi rình ngồi cạnh, nhớ lại cái thời ngày xưa đã từng có thời mình mê mải giải Sudoku trên báo Thanh niên cuối tuần. Bây giờ đa phần đọc báo mạng, không biết tờ Thanh niên chủ nhật còn cho đăng tải những bài số Sudoku như ngày xưa nữa, hay không?


Tôi đến Karlovy lúc trời đã bắt đầu xỏ xiên nắng. Karlovy nhỏ xinh, hiền ngoan như một bà lão già cô độc, dân cư ở đây không quá đông đúc, phố thị nhiệm màu chỉ toàn những căn nhà nghiêng nghiêng theo hướng con dốc đi lên. Và thêm đậm đà kiến trúc châu Âu cổ, giữa là một con sông, bắt qua sông là mấy nhịp cầu, hai bên đường là hai dãy phố với những biệt thự cổ, đa phần toàn là những cửa hàng sang trọng, những hàng thức ăn nhanh, cửa hiệu đồ cổ, và quán cà phê. Những dòng suối nước nóng chảy đâu đó giữa lòng Karlovy, và người ta thiết kế những vòi nước nóng lộ thiên rải rác trên trục đường chính, có tổng cộng 12 vòi nước như thế, được đánh số thứ tự, mỗi vòi có độ nóng khác nhau, cao nhất tầm trên 60 độ, và thấp nhất là khoảng 30 độ. Nước nóng uống được, tôi thích thú nhấm nháp từng vị mặn nhẹ khác nhau của dòng suối nước nóng đó, có cái hơi chợn, như kiểu mình uống nước nhiễm phèn, có cái lơ lớ, dễ thương như uống nước muối khoáng. Những vòi nước nóng công cộng đó, trở thành một đặc sản, với việc bán kèm những cốc uống nước rất dễ thương. Tôi lại nhớ, tôi hay nhớ, và đem ra so sánh, tại sao ở chỗ mình không có những dịch vụ dễ thương như thế này? Và cái cốc nước mát bên hiên nhà, nước rộng trong lu sành, có cái gáo dừa vắt trên miệng lu, nước giếng nên mát, ai lỡ chân đi ngang qua, dừng lại uống thoải mái. Cái gáo dừa trong lành đó, bây giờ chắc chỉ còn, trong những du sinh thái theo kiểu nhà vườn, giả tạo dễ sợ.

Và tôi cứ sải bước cho đến tận cuối con đường cái quan ở Karlovy, cho đến khi không còn ai phía trước nữa, và quay lưng lại, cũng chỉ mình tôi, với con đường trống trải chỉ mênh mông bốn bề là tuyết. Những âm thanh hoang hoải, đến cả những con quạ cũng lười đáp lại bước chân tôi, im lặng. Tôi đi lên đồi cao, cương quyết đạp lên những hàng dày tuyết, và ngóng cổ nhìn xuống thành phố. Có đôi khi tôi nghĩ, nếu mình có bạn đồng hành, chắc thay vì mình đi lên đồi, tạt ngang rẽ cua ở những chỗ hiu hắt thế này, mình sẽ ngồi ở quán cà phê nào đó, cười tếu táo và rộn rã vì những câu đùa vô tận. Đi một mình, vì không để buồn nên tự rướn ra tất cả những niềm vui. Buồn thì chắc ăn không có, nhưng ẩn ẩn, là nỗi cô đơn không gì vợi được.


Tôi bắt bus trở về thành phố. Trải qua cái lạnh đáng sợ khi đứng chờ xe ở bến, không có lò sưởi ở bến xe đâu, nên tôi cứ nép mình ở những bức tường lạnh, kéo cao cổ áo và vùi mình trong cái suy nghĩ, cố lên đi mỗi năm mình chỉ tận hưởng được cái lạnh như thế này, có dăm ngày. Đường về nhà lưu luyến, xe vụt qua những cánh đồng trơn tru tuyết trắng xóa, tôi cố gắng ghi lại hết những cảnh tượng này, trong ánh tà dương ngại ngùng. Cảnh đẹp này, biết bao giờ mới bắt gặp lại đây?


Rồi tôi cũng trở về với Prague, đêm đó tôi ngủ trễ, vì thèm món ăn Việt nên trễ cỡ nào cũng lôi google map ra tìm đường đến nhà hàng Việt gần nhất ăn một tô phở. Prague với tôi như một cái duyên. Ớ Pháp và Italia, tôi thèm món ăn Việt quá trời, tôi cũng thèm được nói tiếng Việt nữa, nhưng chả hiểu sao, ở những nơi rộng lớn ấy, tôi chưa gặp được một người Việt da vàng mũi tẹt nào cả. Chỉ đến khi qua tới Prague, chưa gì hết đã gặp ngay quán ăn người Việt, quán phở Việt Nam ở Prague nhiều lắm. Những bát phở ở Prague, không đậm đà và đúng vị như ở quê mình, nhưng vô tình, lại là những tô phở ngon nhất tôi từng được ăn. Tôi ăn hết cái và húp hết nước, cứ ăn từ từ vì thực sự tôi là người ăn không được nhiều, bao tử phải rướn hết sức mới chứa nổi một tô phở to ứ hự như phở ở trời Tây này. Động viên mình, cố ăn đi vì được ăn món Việt ở đây, khó khăn lắm. Bạn tôi hỏi, có ý định sống ở nước ngoài không. Tôi nói không, chắc chắn và không hề do dự, vì ai biết được, trong vô vàn lý do, có cả việc số phận đã định sẵn rồi, ngoài món ăn Việt Nam, ngoài nước mắm và cơm gạo trắng, tôi chả thể dung nạp thêm những thức ăn ngon lành nào khác nữa rồi.


Ngày trở về, để thêm phần kịch tính, Prague mưa. Tôi khổ sở kéo vali trên đường, cái áo phao không có tác dụng chống thấm, nên nước mưa âm thầm len vào trong áo, lạnh kinh khủng. Nhưng tôi nghĩ, giữa đất và trời Prague này, mưa cũng đáng. Để thấy một Prague cổ kính khép nép lại trong màn mưa mờ đục, những ngôi nhà hắt ánh đèn le lói giữa trời đêm quạnh quẽ. Tôi cứ kéo vali bước qua những mái nhà trăm năm đó, ngoáy đầu lại là mặt nước đọng trên những vệt kẻ đường lam màu.

https://scontent.fsgn2-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/17309664_1468201809858115_8858850529188860961_n.jp g?oh=a9598723be97f82a86d50f4729fd4a4f&oe=595F90DA
Nơi cuối đường hầm metro, tôi thấy một Prague hiền hòa và luôn khép mình lại vẫy tay chào. Một trong những kỷ niệm đẹp và đúng đắn của tháng ngày lang bạt, tôi đã chọn đến và rời Prague của lần đầu tiên bước ra thế giới mới. Prague bình yên, ngủ ngoan trong những giấc mơ tôi, cho mãi đến giờ!

tonphan
18-05-2017, 20:00
GẶP NỤ HÔN VENEZIA

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18485958_1537544452923850_2199707839564173598_n.jp g?oh=791b867bbf81c4166cbc6b73ec1776dc&oe=59BDCE75

Buổi chiều nắng vàng ruộm, giòn tan, mặc dù vẫn lạnh, gió thổi từ biển bàng bạc, mất mát. Tôi đi bộ qua cây cầu gỗ Accademie cực kỳ đẹp, thả hồn theo ánh hoàng hôn phía xa. Ôi hoàng hôn Venice, dù đã từng được ngắm tà dương ở rất nhiều nơi màu nhiệm, nhưng hoàng hôn Venice xa xăm, hoàng hôn của ngày mà cả thế giới rộn ràng trao nhau nụ hôn và những vòng tay đôi lứa ken đầy hạnh phúc, vẫn đầy cảm xúc. Hôm ấy là lễ tình yêu, và tôi trở về nhà thật trễ. Đi chậm qua những cây cầu ở Venezia, cho đến khi nắng đã tắt, đêm thật sâu và tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18555936_1537544202923875_6960542874728285954_n.jp g?oh=bd025278bf9e6b3837b57fa501bfcffd&oe=59ABBFD5


Tôi bắt chuyến tàu trưa từ Milano đến Venezia, ngồi từ hai giờ trưa, đến chiều là tới. Đi tàu, cái thú là được nhìn ngắm mọi thứ trên đường, đi một mình, lại càng có thêm không gian và thời gian để ngắm nhìn mọi thứ nhiều hơn nữa. Toa phía trên bọn trẻ Trung Quốc xoay ghế lại rồi chơi bài, chúng ầm ĩ và loi nhoi. Chợt nhớ một chuyến tàu năm cũ, từ Bắc Kinh đi Thượng Hải với các anh chị em đồng nghiệp Vietcombank mình. Lúc đó vui, những gương mặt và những nụ cười. Tôi không biết sao nữa, nhưng những chuyến đi dài, chuyến đi này tôi kết nối với chuyến đi khác, chuyến đi nào cũng đong đầy kỷ niệm. Và kỷ niệm, là thứ quý giá mà tôi luôn trân trọng giữ chặt trong tim mình, không bán mua, không đổi chác, vì nó là vô giá.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18486445_1537544156257213_3923003035141453520_n.jp g?oh=60775ca3bd48c1119e0a6373a00f426c&oe=59A7A8C6

Venice hiện ra từ trong mù sương mùa đông, với những tòa nhà san sát dọc theo dòng kênh lớn. Đi tàu vào trong nhà trọ, nằm giữa hai trạm water bus. Lần đầu tiên đi bus đường thủy thế này, nên háo hức chạy ra ban công ngắm cảnh dọc đôi bờ. Venice đẹp lắm, chỉ riêng kiến trúc thành phố xây dựng trên mặt nước như thế này, tưởng tượng thôi cũng thấy đẹp đến mức độ nào. Đường nhỏ ngõ nhỏ, thuyền đi trên sông, sông mùa đông lạnh ngơ ngác. Tôi đến bến phà nơi gần nhất với khách sạn tôi đặt chỗ, sau khi hỏi hết người này đến người khác xem cái địa chỉ nhà mình ở đây, có đúng hay không. Mất gần bốn mươi lăm phút đi bộ vô nhà trọ, cái nhà trọ ấy, có sân vườn có phòng khách thật hút mắt. Và cánh cổng sắt đóng im lìm, tôi phải gọi cửa mấy lần, mới có người mở cửa cho vào. Và đó cũng là lần đầu tiên, lần duy nhất tôi thấy có người trong căn nhà cổ xa xôi lạ lẫm ấy.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18485534_1537544112923884_359297236250314659_n.jpg ?oh=a574aec7e8c06df543e7cd01b81b683e&oe=59BADA51

Đêm đầu tiên xuống nhanh. Tôi thả bộ đi sâu vào trung tâm thành phố. Cứ đi loanh quanh thôi, vì ở Venice, tôi để cho tim mình cứ tự nhiên theo dòng lờ lững này. Những dòng người, không biết xuất hiện từ đâu trong những ngõ rất nhỏ ở Venezia. Nghĩ trong bụng, may mình đi Venice vào cái mùa lạnh lẽo, nên người không đông đúc lắm, nên mình cứ lủi thủi một mình giữa những dãy phố bình yên hiền hòa như thế này. Bạn tôi bảo, ở Venice dễ lạc nhau lắm. Vì bởi những con hẻm quá nhỏ, lại ngoằn nghèo, hai bên đường là những ngôi nhà xây cao, cửa nhìn chỉ gói trọn trong bốn bề là hẻm, lại hẻm, rồi nhà san sát, tường cao, lại hẻm, lại qua cầu, cầu tiếp, rồi lại hẻm. Nên ở Venice, đặc sản là lạc đường.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18555897_1537544322923863_6142786450527090817_n.jp g?oh=1424424791a0eb2a9e39c74bd92c2bdc&oe=59B27456


Tôi thì bao giờ cũng tùy hứng, đường trong miệng mình mà ra, má tôi dạy như thế. Tôi cứ trôi theo những con phố chăng kín đèn, ngước lên là thấy cả trời sao vằng vặc, cứ đi thôi, lạc thì vòng lại. Cái bản đồ tiện tay lấy ở đâu đó, mà trong cảnh tranh tối tranh sáng, không biết sao mà lần, Venice nhỏ xíu dày đặc chữ, và chữ nào, cũng rối rắm như nhau. Thì thôi cứ đơn giản hóa, mình cứ trôi đi giữa lòng Venice bé nhỏ, quán xá tấp nập vui vui thì ngừng lại, gió lên nhiều thì kéo áo kéo khăn che chắn, thèm ăn pizza thì tạt vào mua một slice ngấu nghiến với người ta, ăn kem nữa, kem ở Italia, ngon lắm. Đêm đó tôi đi qua rất nhiều những dãy phố, hàng quán mở cửa rộn ràng. Những gương mặt người cũng rộn ràng. Và đêm tối tôi lần mò trở về nhà, áp mình trên chiếc giường đơn nhỏ bé cạnh lò sưởi. Ngủ ngon và ngoan như một đứa khờ lần đầu xa nhà mà mê ngủ đến mức an ổn. Ai bảo phải lạc đường ở Venezia, với tôi, đường đi là trong tim mình, trái tim mách bảo, mình đang đi đúng đường ở Venezia này rồi.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18556253_1537544056257223_1620089899012212559_n.jp g?oh=c2804fcb8476214bb1e586236c736d70&oe=597AC74E


Những cây cầu ở Venice. Nếu có thứ để tôi nhớ về thành phố nổi này, chắc sẽ là những cây cầu. Ở đây, cầu là đường, là hơi thở, là nhịp sống của một đô thị cổ, dựa vào biển mà đi qua trăm năm, nghìn năm. Có tổng cộng hơn 440 cây cầu ở thành phố bé nhỏ này, và nếu đi qua được hết 440 cây cầu ấy, hãy thử đi, chắc chắn bạn sẽ tìm được người thương của mình, cho dẫu người ta có ở nơi gốc bể chân trời nào. Tôi thích thú với cái ý nghĩ tìm người thương qua những nhịp cầu đó, rồi sải rộng chân đi theo tiếng gọi con tim mình. Ở Venice ba ngày, ngày nào cũng lội từ bờ Đông sang bờ Tây, cây cầu nào cũng cố gắng đi qua. Đói thì mua pizza và lon Coca bỏ vô bụng. Và tôi lại đi cầu, đi qua những cây cầu lát gạch nhẵn nhụi, có những cây cầu gỗ đẹp mê hồn vắt qua kênh nước êm đềm chảy, những cây cầu khác nhỏ xíu, len lỏi giữa lòng Venice bé nhỏ âm thầm. Và cũng bằng một cách âm thầm như thế, những cây cầu ở đây cũng dần chìm xuống theo dòng nước lên. Người ta nói rồi thì Venice sẽ lụi tàn thôi, cả cái thành phố này rồi sẽ bị cuốn trôi theo biển. Cái ý nghĩ về việc thành phố này đang thở đó, đang sống đó nhưng cũng đang dần chìm xuống biển ấy, cho tôi một cái nhìn đầy khắc khoải về một tương lai bàng bạc. Đâu đâu cũng là màu xám về thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Mỗi người, tự nhiên đã là một nhân tố góp phần vào việc đó. Đáng buồn thay.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18528018_1537544022923893_8224271139708519758_n.jp g?oh=8616f2d4bccd8bb520e913a1d4998d8f&oe=59A5A8D1

Tôi cứ trôi vô định theo những con ngõ nhỏ ở Venice, đói thì ăn, mệt thì nghỉ. Sẽ chẳng cần một kế hoạch nào đâu ở thành phố bé nhỏ này. Tôi thấy trên mạng hay có kiểu 10 việc cần làm ở Venezia, nhưng tôi kệ, mình thích thì mình cứ làm thôi. Như đi gondola, cứ xuôi theo dòng nước, ngắm nhìn trời mây và những căn phố nhỏ đôi bờ hiền hoà. Ông lái đò lớn tuổi, gõ mái chèo bì bõm đưa chúng tôi lượn lờ trên mặt nước buổi đông lạnh lẽo mà buồn bã. Cái cảm giác ngồi trên gondola bình yên thăm thẳm lắm. Nếu đi vào mùa xuân, hoa cỏ mọc đầy hẳn còn đẹp hơn nữa, nhưng mùa đông này, ngồi trên gondola trôi khẽ khàng giữa lòng Venice, vẫn có cái thú kỳ lạ. Đó là khoảng khắc tĩnh tại vô cùng giữa một thành phố du lịch đắt đỏ của châu Âu này, và mình thì thật nhỏ giữa những dòng kênh ở nơi là trung tâm của mọi cuộc tình. Nếu có người thương, ngồi trên gondola và cứ thế trôi đi giữa dòng, chắc là không còn gì tuyệt vời hơn nữa.
Tôi đến Venice khẽ khàng, và rời nơi này cũng nhẹ nhàng không kém. Ba giờ sáng tôi đã dậy, khua lẻng kẻng mọi thứ nhưng chắc ăn ngôi nhà này rồi chẳng có ai hết ngoài một mình mình, cho đỡ sợ. Cái căn nhà cũ, biệt thự cổ nằm cuối con hẻm nhỏ, có cái bậc tam cấp bắc lên nhà thiệt cao, có cái khoảnh sân con đón nắng đẹp rụng rời, và hai cây dù màu đỏ nhưng lúc tôi đến ở chả ai buồn bung nó lên cả. Tôi ngủ trong căn nhà rộng lớn đó, không khoá cửa, tối cứ rúc mình bên lò sưởi, và cái giường nằm cạnh cửa sổ tha hồ ánh trăng soi. Đến tận lúc chia tay rồi tôi vẫn còn mụ mị vì thiếu hơi người trong căn nhà ấy.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18582138_1537543969590565_3784778871636708479_n.jp g?oh=d2e6f6d3d47a2045cd7cea9aa6a682cc&oe=59BD20CC

Kéo vali đi giữa những con hẻm nhỏ ở Venice lúc 3 giờ sáng, tay tôi như dại đi vì không còn cảm giác, lạnh quá. Phố thị chìm trong cơn ngái ngủ. Giờ này, ra đường thì cũng chỉ là những cậu trẻ chơi bời la cà beer pub, ngất ngưỡng đứng bên những bậc thềm. Tôi thấy mình can đảm dễ sợ, mò đường từ nhà ra tới trạm bus, lôi lôi kéo kéo vali đi qua không biết bao nhiêu cây cầu. Tôi sợ hãi nhưng tôi hăm hở. Ai biết chuyện gì đang chờ đợi ở con đường phía trước, và gần ba mươi tuổi đầu cho mình thêm can đảm để dấn thân. Giữa lòng Venice nhỏ bé, tôi thấy lòng mình rộng mở, cứ kéo dài chân đi cho đến hết quãng đường này. 4h30 sáng có chuyến bus đầu tiên ra sân bay, và tôi là một trong những hành khách ngáy ngủ cáu kỉnh trên chuyến bus đầu ngày day dứt đó.

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18486204_1537544379590524_7370796626812280892_n.jp g?oh=3f24cfdad19688d3eeb8c717830a7a9c&oe=59A60AD3


Nếu có một giấc mơ nào kỳ dị, tôi nghĩ rằng đó là việc giữa Venice bé nhỏ nhưng bao giờ cũng chen đầy khách du lịch tứ xứ ta bà, tôi lại đặt được một cái nhà nghỉ to rộng theo dạng biệt thự cổ, và chỉ có một mình ên tôi trong đó, lay lắt trôi qua một kỳ lễ tình yêu quạnh quẽ cô đơn giữa nơi mà tình yêu nảy nở đâm chồi.
Hay là mình quay lại Venice, đi qua hết 440 cây cầu, để rồi tìm được người thương, như tìm lá diêu bông. Và đặt lên môi người ấy nụ hôn Venezzia thật nồng nàn và cháy bỏng. Hay đó chỉ là một giấc mơ, của tháng ngày lang bạt, không biết đến khi nào, và bao giờ, tôi mới thực hiện được đây?

https://scontent.fsgn2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/18556252_1537544262923869_5406643568636154312_n.jp g?oh=f89c3f14ba266282c90105fbc2f2d19c&oe=59BF641C