PDA

View Full Version : Chè cổ ngàn năm - Kỳ 1: Từ câu chuyện "hoang đường" đến hành trình khám phá.



quycoctu
19-10-2010, 21:45
Các chuyến đi trước phần lớn là để tìm hiểu về những nét đẹp hoang sơ của núi rừng tây bắc, tìm hiểu về văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc phía bắc; Lô Lô, Tày, Nùng, Thái, Giáy, Dao, Mông... Nhưng chuyến đi lần này nhằm một mục đích chính là tìm về một rừng chè cổ thụ ngàn năm kỳ lạ nằm sâu trong dãy Hoàng Liên Sơn, nơi mà sự hiện diện của con người con rất hiếm hoi.

Cách đây khoảng 7 tháng, tình cờ đọc được một loạt bài của anh Ngọc Dương bên VTC News viết về một rừng chè cổ thụ có hàng ngàn năm tuổi với vô số những cây chè cao hàng chục mét thân vài người ôm. Loạt bài viết này đã tạo tiếng vang rất lớn, và cũng chính vì bài viết đó đã làm quỷ trằn trọc băn khoăn mãi không yên. Phần vốn lớn lên ở xứ chè B'Lao nên niềm yêu thích đối với chè đã ngấm sâu vào người phần lại yêu thích du lịch, luôn muốn tìm về những vùng đất lạ với nhiều "kỳ hoa dị thảo" nên ý tưởng thực hiện chuyến đi này cũ thôi thúc mãi không thôi.

Muốn là vậy nhưng để thực hiện chuyến đi thì không dễ chút nào. Giải quyết bài toán: Công việc, chi phí, bạn đồng hành, sức khỏe cũng không dễ dàng chút nào. Mà xong phần này rồi lại đến phần khó hơn: Vị trí rừng chè không rõ chính xác ở đâu? Hoàng Liên Sơn thì mênh mông, nhờ ai dẫn đường bây giờ vì quá ít người biết? Mà không biết có được phép đi hay không nữa?...cũng may nhờ có một chữ "duyên" nên mọi việc cuối cùng rồi cũng thu xếp ổn thỏa cả và chuyến hành trình khám phá rừng chè kỳ lạ bắt đầu.

Nhớ mãi cái ngày và đêm 25/9/2010. Đến 4g40 phút chiều vẫn còn ở Mù Cang Chải - Yên Bái, trời thì là mưa lâm râm, kế hoạch là sáng mai phải đi rừng chè rồi. Muốn đi rừng chè thì phải lên trạm kiểm lâm Núi Xẻ - Lào Cai rồi từ đó mới đi tiếp.
Mà từ MCC đến Sapa còn đến 132km đường núi, chưa kể là phải vượt qua cung đường đèo Ô Quy Hồ đầy nguy hiểm nằm vắt mình cheo leo trên sườn núi ở cao độ 1600-2045m. 7g tối chạy đến Than Uyên - Lai Châu lúc này trời đã tối đen. Xe bị hư đèn phải ghé sửa ở một tiệm ven đường, khi nghe nói sẽ đi Sa Pa thì anh chủ nhà và mọi người xua tay lia lịa, nói không nên đi vì đường đèo dốc nguy hiểm và rất vắng người, hơn nữa nếu xe bị hư dọc đường thì chỉ có chết mà thôi vì nhà dân còn hiếm huống chi tiệm sửa xe. Chị chủ còn đế thêm mấy cây chuyện ma cỏ làm 2 đứa nhụt hết ý chí, tính sẽ ngủ lại rồi sáng mai mới đi tiếp, nhưng nếu như vậy thì kế hoạch ngày mai sẽ nát bét.Cuối cùng 2 đứa quyết định liều mình đi phó mặt số mạng cho trời định đoạt.


Trùm mặt mũi tay chân kín mít bằng tất cả "linh phụ kiện" hiện có và tận dụng cả khăn lông 2 đứa bắt đầu lên đường. Trong mịt mù đêm tối, vây quanh là những dãy núi đen kịt cao chất ngất trời như những con quái vật, chực bổ nhào nuốt chửng 2 thằng nhóc nhỏ bé tội nghiệp, nắm chặt tay lái, cố hết sức căng mắt để thấy vạch sơn trắng ngoằn ngòe qua ánh sáng"chói lòa" như đèn dầu của chiếc xe. Vừa đi mà vừa lo sợ đủ bề: sợ xe hư, sợ tai nạn, sợ hết xăng, sợ cướp, sợ ma nữa. huhuhu. Ku kynhong ngồi sau cứ rống hết bài này đến bài khác như cố tìm sự tự tin cho con tim nhỏ bé đang hấp hối loạn nhịp trong nỗi sợ hãi.


Đã từng đọc 1 bài viết về một chuyến vượt Ô Quy Hồ ban đêm nhưng lúc đó cứ nghĩ là người viết phóng đại quá về cảm xúc nhưng giờ đây khi cầm lái mới biết câu chuyện đó không "chém gió" chút nào. Có lẽ mình nhát quá nên thật cảm thấy rất lo sợ, nhớ có một lúc xe bị gì đó đèn tắt ngấm, chút ánh sáng bảo vệ cho lòng dũng cảm bị bóng đêm vồ lấy nuốt chửng. Không thể quên được khoảng khắc ngắn ngủi đó, tinh thần như rơi tuột xuống vực, người trơ như phỗng, may sao đèn lại bật sáng, xe lại băng băng lướt tới, cảm nhận thật rõ trong lồng ngực tim vẫn đang đập thình thịch.
Nhưng vĩnh viễn không bao giờ quên được món quà tuyệt diệu mà Ô Quy Hồ ban tặng, khi xe vượt qua một khúc ngoặt, cả bầu trời đang đen kịp bởi dãy núi cao ngất che phủ bổng bừng sáng, bóng tối lùi xa phía sau nhường chỗ cho ánh trăng bạc phủ tràn trên khắp cả núi rừng. Hiếm có biến đổi cảm xúc nào đột ngột mà làm sững sờ đến vậy. "Trăng khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn". Dãy Hoàng Liên Sơn như con quái vật khổng lồ đã thôi không còn nhe nanh múa vuốt mà ngoan ngoãn cuối đầu. Trên trời cao, mây lững lờ trôi, trăng đi qua thật nhẹ rồi khẽ quay đầu lại như muốn nói:" Có ta đây, đừng lo chi nữa.":)

9g 21p 2 đứa đứng trên đỉnh Ô Quy Hồ, còn đường dài xuống thăm thẳm rãi đầy ánh bạc.Thật là lòng ngất ngây hồn mê say, trời rét căm căm mà 2 đứa quyết phải ghi lại hình ảnh tuyệt diệu này, chỉ hận là máy cùi quá thể hiện hết được.

https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson2.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson2.jpg)

Hạnh phúc nào rồi cũng qua mau, 2 đứa lại tiếp tục hành trình 20 km về Sapa trong cái lạnh căm căm, sương mây mờ mịt, những con dốc không con lên khúc khuỷu mà là lao sâu thăm thẳm, hình ảnh thác bạc huyền ảo tung mình trong ánh trăng khắc sâu vào tâm trí. Về đến Sapa, 2 đưa nghỉ ở nhà trọ Hoa Sen quen thuộc, tắm rửa nghỉ ngơi rồi đánh một giấc để lấy sức cho sáng mai khám phá khu rừng chè kỳ lạ.Sáng hôm sau, quỷ và kynhong lên Trạm Tôn, nhưng anh Diện đi công tác nên không gặp được, qua trao đổi thì rất mừng vì anh Diện đã thu xếp ổn thỏa mọi việc, anh Kiểm lân Nguyễn Viết Huấn người đã dẫn đường lần trước sẽ dẫn đi cùng. Và hành trình bắt đầu.

Đường đi rừng chè cổ có phần giống như đường đi leo Fansipan, từ Trạm Tôn leo lên lán 2200m rồi từ lán 2200m rẽ theo đường Sín Chải đi tiếp sẽ có đường rẽ vào rừng chè.Nói là đơn giản vậy nhưng dấn thân rồi mới biết, nỗi "ám ảnh" chuyến leo Fan lần trước không còn trong giấc mơ mà đã thành hiện thực, những lối mòn thân quen dần hiện ra trước mắthttps://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson3.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson3.jpg)

Những cảm giác cũ dần trở lại, cũng con đường này, cũng những thân cây này, dù 1 lần nhưng cảm giác sao rất thân thuộc.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson6.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson6.jpg)

Mùa này quỷ đi thời tiết mát dịu, không bù lại cái là cứ mưa lâm râm, sợt nhất là mưa, thà nắng một chút mà hình đẹp chịu khổ cũng không sao, chứ mưa thì khổ lắm. Cứ lôi máy ra chụp lại nhét vào vì sợ hỏng. Qua những khúc leo mệt nhọc lại có chút thong dong êm dịu với màu tím hoa mua.:)
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson5.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson5.jpg)

quycoctu
19-10-2010, 21:49
Dọc đường anh Huấn chia sẻ rất nhiều thông tin quý giá và bổ ích về rừng quốc gia Hoàng Liên, những câu chuyện kể bên lề cũng rất thú vị làm cho vơi bớt phần nào sự mệt mỏi. Những cây cổ thụ, những dòng suối nhỏ hay vài tiểu cảnh xinh xinh vừa là chốn nghỉ chân vừa là để ghi lại những hình ảnh tư liệu.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson7.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson7.jpg)

Trời cuối thu vào đông, thời tiết lại mưa nhiều, nên lúc nào cũng nghe tiếng suối róc rách bên tai, nước suối ở đây mát lạnh và rất trong. Có những đoạn đường bộ khó đi, quỷ và kynhong chọn đi đường suối, chốc chốc hớp 1 ngụm nước là thấy tinh thần phấn chấn thêm một chút.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson8.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson8.jpg)

dọc đường rất nhiều cây cổ thụ lớn bị sâu mục, rồi ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu và cả sát thủ thời gian nên hi sinh nằm xuống. Đây một cụ cây đã "nhắm mắt lìa trần".:D
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson10.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson10.jpg)

Dọc đường leo quỷ gặp một nhóm poter người Mông hỏi mới biết hôm nay bên Lửa Việt tổ chức cho một nhóm leo Fansipan đến 60 người. Chắc tối nay lán 2800 chộn rộn lắm đây.:D
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson11.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson11.jpg)

Nãy giờ kể chuyện vui là vậy, chứ leo lên đến đây cũng bơ phờ hốc hác lắm rồi. Cái balo trên lưng cũng 6,7kg chứ ít ỏi chi. Mà do phải đi về cho kịp trong ngày nên không đi chậm được.
Những khúc đường như thế này chỉ đẹp không chụp hình mà thôi chứ nhìn thấy thì hoảng kinh lắm.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson13.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson13.jpg)

quycoctu
19-10-2010, 21:50
Khởi hành lúc 9g53p, 12g03 đến lán 2200, nghỉ một chút rồi 12g23 phút là tiếp tục hành trình. Từ lán 2200 bắt đầu không đi theo đường leo Fan nữa mà rẽ qua đường Sín Chải, lại xuống đó cao 2000m. Trên đường đi phải băng qua một khu rừng rộng lớn, nhưng xơ xác tiêu điều khu vực này còn gọi là Thung lũng chết.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson15.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson15.jpg)

Cách đây khoảng gần chục năm xảy ra một vụ cháy lớn trên diện rộng nên vô số cây cổ thụ đã bị chết cháy, mênh mông những thân cây cháy đen chọc thẳng lên trời, mây mù bao phủ, gió thổi ào ạt, và cả cái lạnh thấm vào người. Một cảm giác vừa liêu trai vừa có phần thần bí.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson16.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson16.jpg)

Nhìn những thân cây khổng lồ cháy đen rồi bao năm trơ mình cùng tuế nguyệt, một chút chạnh lòng dù chẳng biết vì điều chi.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson14.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson14.jpg)

Dọc đường bắt gặp những chú ngựa "hoang", gọi là hoang vì không biết có từ khi nào, người Mông khi lên Fan đã thấy rồi họ thuần dưỡng để vận chuyển đồ đạc.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson17.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson17.jpg)

Đây là những chú trâu mà người Mông đem lên cũng để làm công việc cày bừa, kéo gỗ... và cả một công việc khác cực kỳ quan trọng nữa là...
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson19.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson19.jpg)

Trên mênh mông núi rừng Hoàng Liên, biết bao nguy hiểm trập trùng, côn trùng, sâu bọ rắn rết... biết đâu dưới lớp lá cây ẩm mục kia hay sau những bụi cây um tùm lại là vực sâu muôn trượng. Vậy người Mông làm sao để tránh bất trắc xảy ra? Từ đó, mới thấy trách nhiệm quan trọng của những chú trâu và ngựa hoang.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson18.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson18.jpg)

quycoctu
19-10-2010, 21:51
Theo bản năng thiên phú, trâu và ngựa sẽ biết chọn những con đường an toàn để đi có thể con đường đó đâm thẳng vào những bụi cây dày đặc nhưng lại an toàn hơn con đường phẳng phiu. Người Mông thường lấy muối rắc trên đường mà họ muốn đi qua, trâu ngựa thèm muối sẽ đi tìm liếm ăn, rồi đi riết mà thành đường, người Mông cũng theo đó mà đi. Nhưng vì con trâu, ngựa có chiều cao khiêm tốn nên những con đường đi cũng chỉ lùm xùm bên dưới còn phía trên cây tre trúc vẫn đan dày.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson21.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson21.jpg)

Cũng từ đó tạo nên những con đường luồn thú vị nhưng không kém phần kinh dị. Toàn hành trình, kinh hãi nhất của quỷ là vượt qua đoạn đường này, dưới chân sình ngập cao đến gần đầu gối, rồi dày đặc phân trâu ngựa. huhuhu. Cảm giác kinh hãi không thể nào tả xiết.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson20.jpg (http://s32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/?action=view&current=chehoanglienson20.jpg)[/SIZE]

quycoctu
21-10-2010, 08:21
[SIZE=3]Qua khỏi những đường luồng khủng khiếp người 2 đứa thật dơ bẩn không thể tả xiết. Lỗ mũi cũng "đuối lắm" luôn. Đang rầu rĩ thì lời đường mật của anh Huấn làm 2 đứa sức mạnh dào dạt đổ về: "sắp đến rồi đó chừng trăm mét nữa à. Trăm mét thì có ra gì, kaka, 2 đứa phăng phăng tuột dốc, đến chân dốc anh Huấn chỉ một cây "dại" bên đường rồi nói: "Trà đó", 2 đứa nhìn hết hồn tài không thấy cây nào "khổng lồ" như trong bài báo anh Dương mô tả hết, mà có cái cây chút xíu. Cái cây bé nhất trong 3 cây là cây trà anh Huấn chỉ đó.:D

https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson22.jpg

Đang còn ngơ ngác thì anh Huấn nói: " Cây này là cây con mới mọc thôi, đây mới bắt đầu tiến vào rừng chè cổ". Tranh thủ chụp vài tấm hình đầu tiên, đây là hoa chè của cây cổ "chè ốc tiêu", cây này không biết sao mà bị sâu quá.:D
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson23.jpg

Dưới đất đi thấy có lác đác hoa chè rụng, nên lụm 1 cái chụp luôn, đặng xem nó có khác gì so với hoa chè trung du quê mình không.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson24.jpg

Càng đi vào sâu những cây chè bắt đầu dần hiện ra trước mắt, quỷ dùng chữ dần hiện ra không sai chút nào, vì ở độ cao này mây thường vây phủ kín, cứ 1 cơn gió mây lại tan, 1 con gió mây là dày đặc. Khó nói lắm về cảm xúc, nó cứ lớn dần từng chút một. Đây một thân chè nhỏ ườn mình chắn lối.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson25.jpg

và nỗi ngất ngây bắt đầu lớn dần, kynhong thì chắc cảm xúc không "đột phá" lắm, nhưng quỷ thì lại sửng sốt, lớn lên ở xứ chè, mê chè, tìm hiểu về chè, kiến thức không nhiều nhưng cũng có một chút. Chưa từng nghe nói đến những cây chè cao hàng chục mét vậy mà giờ đây nhìn tận mắt. cứ đứng tần ngần mãi không thôi. Đây một cây chè cao hơn 15m.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson26.jpg

quycoctu
21-10-2010, 08:23
Đây những cây chè cổ thụ quanh năm hấp thụ khí trời, ở cao độ này chốc chốc là cả cây cả lá lại chìm trong mây mù. Lớp mùn dưới những gốc chè dày đến cả mét. Nhớ lại vụ cháy rừng vừa qua, phần cháy ở HLS này là khó dập nhất vì có thể dập tắt trên bề mặt nhưng mùn dày lại cháy âm ỉ bên dưới, có khi vài ngày là bùng phát.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson27.jpg

Những thân chè vút tận vào mây. Lá chè lúc nào cũng xanh mướt ướt đẫm. Quỷ cố tìm dưới đất xem có lá chè rụng không nhưng chỉ hoài công, hiếm hoi lắm thì thấy vài quả chè xanh, phần lớn là hoa chè.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson28.jpg

Nhìn những cây chè cổ thụ này muôn vàn câu hỏi xoay vòng trong đầu. Rừng chè này vì sao mà có? Có được bao nhiêu năm rồi? Tại sao nó lại cao hơn chè trung du đến hàng chục mét? Tại sao lâu nay các sách nghiên cứu về chè không viết tới loại chè này? Rừng chè này rộng bao nhiêu?....
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson29.jpg[/SIZE]

quycoctu
23-10-2010, 09:11
Qua trò chuyện với anh Huấn, rồi khi trở về có dịp trò chuyện với chị Viên Trân - Nghệ nhân trà đạo, anh Trịnh Quang Dũng - Chuyên gia nghiên cứu về chè một số thông tin thú vị dần hé mở. Tất cả những cây chè thân gỗ đều gọi là chè cổ thụ. Những cây chè ở Suối Giàng cũng cùng họ với giống chè này nhưng do hàng trăm năm trước đã được người Mông biết và khai thác. Khi khai thác họ đã có sự tỉa cành, ngắt đọt nên cây chè không phát triển chiều cao [SIZE=3]tự nhiên nên chỉ dừng ở khoảng vài mét.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson30.jpg

Chè ở Suối Giàng cũng đã có cây khoảng 700 năm tuổi cao chừng 6 -8 mét. Vậy thì chè Hoàng Liên Sơn cao đến 20 -30m thì tuổi thọ có thể đến hơn ngàn năm. Bên cạnh đó trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết ở độ cao từ 2000-2500m, quanh năm giá rét, mây mù đã hạn chế rất nhiều sự phát triển nên phải mất rất nhiều năm vòng thân cây mới tăng được 1mm. Vậy nên với những cây chè 1,2 người ôm thì tuổi thọ trên 1000 năm là điều có thể tin được.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson32.jpg

Còn về rừng chè này rộng bao nhiêu, chỉ có anh Trần Ngọc Lâm là biết rõ nhất, quỷ không có duyên gặp anh, nhưng theo anh Huấn kể lại thì anh Lâm nói rừng chè này anh đã đi cả tuần lễ cũng không ra hết được, có thể kéo dài cả qua Văn Bàn rồi còn rộng mãi. ở chỗ của quỷ đến chỉ trong một diện tích khoảng chừng 100m2 thôi cũng đã có khoảng chừng vài chục cây chè, vậy nên rừng chè này có thể có cả triệu cây.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson31.jpg

Còn về nguồn gốc loại chè này là chè gì thì quỷ thua không dám ý kiến. Chỉ lạm bàn một chút như sau: Theo tư liệu của hiệp hội chè Việt Nam thì những cây chè thân gỗ thường thuộc họ chè Shan, chè assamica (thường có nhiều ở Ấn Độ) chỉ có loại này mới đạt đến độ cao trên 15m, song loại này lại không chịu được thời tiết hạn, rét, mọc ở đồng bằng mà thôi. Trong khi đó chè Hoàng Liên Sơn lại ở cao độ 2000-2500, quanh năm giá rét khắc nghiệt. Vậy đây có phải một loại mới chưa từng biết đến?.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson33.jpg

Quỷ coi một số tài liệu về chè cũng không từng thấy nói về loại chè này. Thôi thì chuyên môn không biết nên không tiện đào sâu nữa, quay trở lại với cảm xúc ở rừng chè, lúc này trời mưa lâm râm, nhìn ngút lên đọt chè cao ngất lúc mây tan những tán chè xanh mướt dần hiện ra.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson36.jpg

đây những lá chè non ở gần gốc, nhìn cơ bản thì chè cổ thụ Hoàng Liên Sơn không khác nhiều so với chè Suối Giàng, song màu xanh mướt hơn rất nhiều và lại dày hơn. Quỷ có đem một ít về Sài Gòn mà mãi 10 ngày sau lá vẫn xanh tươi như khi mới hái, không hề có dấu hiệu héo úa.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson42.jpg

cứ mãi say mê, ngắm nhìn những lá chè xanh, những búp chè non. Khó diễn tả cho hết cảm giác kì lạ trong lòng. Đi vòng vòng soi thật kỹ để tìm ít quả chè đem về. Quả chè trên cây thì rất nhiều nhưng hái thì quá khó vì thân cao và trơn.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson43.jpg

quycoctu
23-10-2010, 09:13
2 đứa cứ săm soi mãi, không muốn bỏ sót bất cứ "thông tin" quý giá nào về rừng chè kỳ lạ này, bởi biết rằng khó có dịp quay trở lại.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson48.jpg

Đây một cây chè cổ thụ thân hơn 1 người ôm, cao đến gần 30m, bạn kynhong đang ôm để minh họa. Cũng chính nơi cây chè này mà anh chàng người Nhật Temuki đã cắm trại mấy ngày trời để đắm mình trong rừng chè cổ.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson40.jpg

Đây cây chè cao vút lên trời, xòe tán lá xum xuê, cách để nhận dạng cây chè khác với các loại đỗ quyên, dẻ, lim táu là thân chè thường có mốc trắng. Đối với chè thì nhiệt độ tốt nhất để sinh trưởng là 18-30 độ C, nếu nhiệt độ thấp cây có khả năng chết rét hoặc giảm thiểu quá trình sinh trưởng. Vậy mới biết các cụ chè Hoàng Liên Sơn đã trải qua cả ngàn năm chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà vững chải đến tận bây giờ.

https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson39.jpg

Đây là "cụ" chè to nhất và già nhất mà quỷ gặp được, theo như anh Lâm kể lại, đi vào sâu còn nhiều "cụ" "già" và to hơn nữa.:D
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson49.jpg

Gian nan vất vả cũng đã vượt qua, thử thách cũng đã nếm đủ rồi giờ là lúc hưởng thụ thôi. Còn gì thú hơn khi được thưởng thức ngụm chè ngàn năm ngay giữa bạt ngàn rừng chè Hoàng Liên, có gió, có mây, có núi rừng làm bạn. Các cụ xưa uống chè vẫn nói, để có ngụm chè ngon thì phải: "Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm".
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson47.jpg

Theo các cụ, nước ngon phải là Sơn thủy thượng tức lấy nước trên núi cao, thế thì đây là nhất rồi. Anh Huấn đã nhiệt tình đi lấy 1 ấm đầy nước suối. Còn về chè thì không có gì tuyệt diệu hơn nữa, mỗi lá chè cổ thụ đã hấp thụ biết bao tinh hoa đất trời, vừa ngắt xuống sương mây còn vương trên lá. Cách pha chè ư?, chè này các cụ cũng chưa từng biết đến nên khó biết pha sao cho tốt, nhưng theo người Mông ở đây thì rất đơn giản cứ ngắt lá chè vò nát rồi đợi nước sôi, đun chừng 10-15 phút. Khi đun thì lấy là chè nút vòi ấm lại cho hơi không thoát ra. Còn về ấm thì đây cũng chẳng phải Oolong mà dùng ấm tử sa, cũng không phải chè thái mà đun ấm Bát Tràng, thế nên cứ ấm Mông mà đun là tuyệt nhất.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson51.jpg

quycoctu
23-10-2010, 09:14
Theo kế hoạch 3g sẽ bắt đầu quay về Trạm Tôn thì mới kịp giờ nhưng do củi quá ướt nên nhóm lửa hoài không được,1 cây cồn khô quỷ đem theo cũng không nhen được lửa, xách luôn tập tài liệu thông tin chuẩn bị chuyến đi đốt hết vẫn không cháy, có bao nhiều thứ đốt được đem đốt hết cũng không cháy. Thật sự là lúc đó buồn muốn phát khóc. Đến đây rồi mà không uống được một ngụm trà ở đây thì sao cam tâm. Trong lúc bĩ cực chợt nhớ có đem 2 cái khăn trùm đầu cho khỏi lạnh, vậy là xé ra đốt luôn, âu cũng trời không phụ lòng người nên sau gần 1 tiêng đồng hồ nhem nhóm, ánh lửa nhỏ đã bập bùng cháy sáng.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson50.jpg

Khôn tả xiết nỗi vui mừng, trong giá lạnh của núi rừng, trong mây trắng lững lờ bao phủ, trong khung cảnh núi rừng hoang vu, ngọn lửa nhỏ bừng cháy, tiếng củi nổ lép bép, tiếng reo của nước sôi, thôi thúc cảm xúc mãnh liệt đến cùng cực, phút giây này thật sự xúc động lắm.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson52.jpg

Không có chén đành uống bằng nắp, khẽ đưa lên mũi, mùi chè xanh thơm nồng thoảng qua mũi, nhấp một ngụm nhỏ, giữ lại trong miệng một chút rồi nuốt. Một chút chát lan trên đầu lưỡi, một chút ngọt nằm trong cuống họng và hương trà nhẹ theo hơi thở mà lan tỏa. Ngất ngây lắm, mê say lắm. Giờ khi ngồi viết lại mà hình ảnh cứ như sống lại trước mắt.
Thời gian không cho phép, 15g54 phút, sau khi dập lửa vội vàng qua về Trạm Tôn, mọi người cố gắng đi thật nhanh vì trong rừng trời sẽ tối rất mau, khi trời tối côn trùng và nhất là rắn sẽ ra, mà con đường này không có người đi nhiều nên rắn sẽ rất dễ ra nằm trên đá, nếu đi trời tối không thấy đường mà vịn vào đá thì ôi thôi. hixhix.
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson54.jpg

Cả 3 người cứ cắm cổ đi mãi, sức lực bây giờ cũng kiệt rồi, phần lớn đã "sài" hết khi leo lên. Ku Kynhong bắt đầu xuống sức rõ rệt, nhưng chắc sợ hãi quá nên cũng ráng lết, 17g đến lán 2200, không dám nghĩ lâu tiếp tục bò xuống tiếp, hết đá rồi suối rồi trèo cây... thật sự hành trình này không quá mệt nếu không áp lực thời gian.
18g11 phút đến khu bãi sậy mà các nhóm leo Fan thường hay nghĩ tạm và chụp hình, vì chỗ này nhiều hoa mua, nên cảnh đẹp và lãng mạn. Mặt mày ai cũng bơ phờ hốc hác, anh Huấn cũng đuối lắm, lúc này trời bắt đầu tối không thấy đường nữa. Và cũng vì thế mà quỷ có dịp chiêm ngưỡng một hình ảnh diệu kỳ, những chú đom đóm ra khỏi hang lập lòe chớp sáng, vài chú rồi hàng trăm chú, thật là một hình ảnh tuyệt diệu, vừa lôi cuốn, vừa huyền ảo mà còn có phần ma quái. Thích thì thích mà sợ cũng sợ. Cắm đầu mà chạy. 18g40p về đến Trạm Tôn nằm vật ra không khác gì lần trước. Sau một hồi mới cảm nhận được chân đã thôi chạy và hành trình kinh hoàng đã kết thúc

https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson55.jpg

Thật sự thì không nghĩ chuyến đi khám phá rừng chè cổ đã thành hiện thực sớm như vậy. Âu cũng là cái duyên. Giờ đây khi ngồi nhâm nhi tách trá Oolong và nhớ về lại chè cổ ngàn năm Hoàng Liên Sơn lại thấy lòng bâng khuâng khó tả. Thôi thì mượn chút ý của nhà thơ Nguyễn Hữu Ba mà chia sẻ cảm xúc:
"Nâng chén trà buông trong thinh lặng
Nghe cung đàn thổn thức thời gian
Đón nghìa xưa ào ạt dâng tràn
Hồn chè xưa rung chuyển tận ngàn sau"[/SIZE]

hortensia
25-10-2010, 12:17
https://i32.photobucket.com/albums/d22/baoloc01/che%20co%20hoang%20lien%20son/chehoanglienson31.jpg



Thì ra là hoa chè. Hôm 1/10 nhóm mình có leo Fan chặng Sín Chải - Trạm Tôn, lúc gần đến lán 2200m gặp một khoảng rừng khá thưa, nhiều thân cây cao lớn xanh ngắt. Đặc biệt ở dưới đất có rất nhiều bông hoa thế này, đẹp và to bằng lòng bàn tay. Anh porter người Mông nói tiếng Kinh không sõi, mình nghe mãi không ra, cứ tưởng "hoa dẻ" hay cái gì đó. Biết đâu lại chính là chỗ các bạn nghỉ chân uống nước chè nhỉ.

Tiếc là bọn mình leo muộn, vội quá, cũng không có thông tin gì về rừng chè cổ Hoàng Liên Sơn, không có dịp bắc bếp hãm chè ngay giữa rừng như các bạn. Nhìn mà thèm cái không khí sương mù ở đó quá :)

quycoctu
25-10-2010, 15:11
Có chút nhầm lẫn bạn ạ, hoa bạn thấy là hoa trà trám chứ không phải hoa chè của cây chè cổ thụ. Hoa chè cổ thụ chỉ nhỏ như ngón tay cái thôi.:) Về đường đi đến rừng chè cổ cũng có lệch so với đường đi leo fan một chút.:)

Thì ra là hoa chè. Hôm 1/10 nhóm mình có leo Fan chặng Sín Chải - Trạm Tôn, lúc gần đến lán 2200m gặp một khoảng rừng khá thưa, nhiều thân cây cao lớn xanh ngắt. Đặc biệt ở dưới đất có rất nhiều bông hoa thế này, đẹp và to bằng lòng bàn tay. Anh porter người Mông nói tiếng Kinh không sõi, mình nghe mãi không ra, cứ tưởng "hoa dẻ" hay cái gì đó. Biết đâu lại chính là chỗ các bạn nghỉ chân uống nước chè nhỉ.

Tiếc là bọn mình leo muộn, vội quá, cũng không có thông tin gì về rừng chè cổ Hoàng Liên Sơn, không có dịp bắc bếp hãm chè ngay giữa rừng như các bạn. Nhìn mà thèm cái không khí sương mù ở đó quá :)

tramykt86nt
25-10-2010, 16:06
@ Quycoctu : Cảm ơn bài viết của quycoctu, hấp dẫn và thú vị đến từng câu chữ. Tramy thấy đây mới chỉ là Kì 1. Vậy sẽ còn những kì tiếp theo chứ ạ? :)
Chúc quycoctu một tuần làm việc hiệu quả nhá!

quycoctu
26-10-2010, 08:54
@ Quycoctu : Cảm ơn bài viết của quycoctu, hấp dẫn và thú vị đến từng câu chữ. Tramy thấy đây mới chỉ là Kì 1. Vậy sẽ còn những kì tiếp theo chứ ạ? :)
Chúc quycoctu một tuần làm việc hiệu quả nhá!
Do lúc đầu mình ghi tiêu đề sai không sửa được thôi. Rất xin lỗi.:)