PDA

View Full Version : Pakistan, vì tôi trẻ!!!



iigreencandyii
19-09-2013, 04:12
Đây như là hồi ký của em về 6 tuần em ở Pakistan. Em qua Pakistan đúng ra mà gọi là ' thực tập' nhưng vì sự quái gở của dự án nên cuối cùng em không biết gọi chuyến đi này là gì nữa: thực tập cũng không đúng, du lịch cũng không đúng mà phượt cũng không phải. Em tìm trên mạng chẳng thấy bài tiếng Việt nào về Pakistan cả, thậm chí tiếng Anh cũng ít luôn, toàn là tin tức bom đạn gì đó, không thì đa phần được viết từ người Pakistan. Em muốn chia sẻ những gì mình đã trải qua để mọi người có 1 cái nhìn đa dạng hơn về đất nước này.

P/s: Em không giỏi viết và đang trong kỳ học nữa nên sẽ viết rất chậm.
Đây là lần đầu tiên em viết và em chỉ muốn chia sẻ, tất cả đều là kinh nghiệm, quan niệm và hiểu biết của bản thân, sẽ có rất nhiều hạn chế xin mọi người đừng ném đá :wheelchair:
Và để đảm bảo sẽ không ảnh hưởng đến người khác, em sẽ thay đổi tên một số người có liên quan.

CÁI DUYÊN

Càng lớn, đi càng nhiều, trải càng nghiệm nhiều, gặp càng nhiều người; tôi càng tin vào cái mà người ta vẫn gọi là ‘cái duyên’: duyên để gặp nhau trong đời, duyên để những con người xa lạ trở thành bạn và duyên để đặt chân lên những vùng đất mà thậm chí đến tên thôi cũng chưa bao giờ nghe tới .Và Pakistan với tôi, đến hôm nay cũng chỉ một từ để lý giải ‘Duyên’.

Không bao giờ viết ra giấy, nhưng trong đầu tôi luôn có một danh sách những điều tôi muốn làm, những nơi tôi muốn đặt chân đến và tôi nỗ lực để thêm vào và gạch bớt những tiêu mục trong danh sách đấy hằng ngày. Và danh mục mang tôi đến với Pakistan, rất trớ trêu lại mang tên một đất nước mà rất nhiều người Pakistan ghét : nước Mỹ.

Được đặt chân đến Mỹ là một trong những giấc mơ lớn nhất cụôc đời tôi, tôi muốn nhìn thấy cái đất nước mà người ta vẫn gọi với cụm từ ‘giấc mơ Mỹ’. Tôi đã lên hẳn một kế họach để biến nó thành hiện thực, và kế họach đó là chương trình ‘Work and Travel’- một chương trình trao đổi mùa hè dành cho sinh viên. Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Phần Lan, tôi đã ra sức thực hiện kế họach của mình. Một trong những điều kiện để tham gia chương trình là người tham gia cần phải có một công ty đại diện đê giúp đỡ việc làm hồ sơ, thủ tục và thu phí chương trình. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính, tìm kiếm và gửi mail cho các công ty tư vấn ở khắp nơi. Nhưng tôi bị từ chối. Lý do cũng dễ hiểu thôi, hồ sơ đi Mỹ chưa bao giờ đơn giản cả, tôi đã đến từ Việt Nam, lại xin đi Mỹ từ Phần Lan, chẳng trung tâm nào muốn nhận một cục rắc rối cả. Thất vọng!

Trên con đường theo đuổi một giấc mơ, đôi khi người ta không đạt được nó, nhưng một cơ hội khác lại đến rất tình cờ. Trong những tháng ngày miệt mài tìm cơ hội đi Mỹ, tôi đã điền đơn và gửi hồ sơ tham gia khá nhiều tổ chức để thử vận may; một trong số đó có AIESEC Phần Lan. Một tuần sau khi hòan tòan hết hy vọng vào việc đi Mỹ, tôi nhận được thư mời phỏng vấn của AIESEC cho chương trình trao đổi mùa hè. Tìm hiểu trên trang web, đối tác chính của AIESEC Phần Lan là Trung Quốc và một số nước châu Phi. Sơ luợc một chút, AIESEC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và do học sinh điều hành, nên hầu hết chương trình trao đổi, người tham gia phải tự chi trả mọi chi phí.Thôi thì đã không đi được Mỹ, đã phải tốn tiền, đã đi để trải nghiệm, tôi muốn một sự khác biệt. Tôi muốn đi châu Phi và đó là lý do tôi tham gia phỏng vấn.

Sau khi vượt qua phỏng vấn, hòan tất mọi thủ tục với AIESEC ở Phần Lan, tôi được nhận một tài khỏan trên trang web tổng của AIESEC và một email riêng để liên lạc. Với tài khỏan này, tôi có thể nhìn thấy tất cả các dự án do AIESEC trên tòan thế giới vận hành. Tôi thích châu Phi, nhưng những dự án chưa thật sự làm tôi thích thú. Hơn nữa, hầu hết các dự án ở châu Phi đều đến những vùng đất nghèo khó làm những công việc tình nguyện nhưng không hiểu sao chi phí khá cao. Có lẽ họ thu phí không phải chỉ cho việc ăn ở của những tình nguyện viên mà còn để phụ giúp vào việc chạy chương trình . Tài chính của tôi lại hạn hẹp, với tôi tìên vé máy bay đã quá mắc rồi. Tôi quyết định không chọn một trong những đối tác chính của AIESEC Phần Lan, tôi muốn tìm ra một dự án mà cả dự án lẫn đất nước đều đem lại cho tôi sự mới lạ và trên hết là…càng rẻ càng tốt. AIESEC có ở trên hơn 100 quốc gia khác nhau, mỗi quốc gia lại có trụ sở ở nhiều hơn 1 thành phố, và mỗi trụ sở lại có vài ba cái dự án, thành ra con số dự án trên toàn thế giới nhảy lên tới vài ngàn. Tìm ra cái dự án mà tôi mong muốn, thực sự như đãi cát tìm vàng. Hàng ngày tôi đã dành tòan bộ thời gian rảnh để đọc, tìm và lục lọi vô phương hướng trong cả rừng dự án đó.

Tôi đã không tìm ra Pakistan, mà chính Pakistan tìm thấy tôi. Khi ngán ngẩm đạt gần điểm cực đại, trong vài chục cái email giới thiệu về nhiều dự án khác nhau mà tôi đã quá chán không còn đủ kiên nhẫn để đọc hết, tôi chọn đại một email để mở và dự án mà email đó giới thiệu là ‘Pakistan, Tum He To Ho’ hay tên tiếng Anh là ‘Pakistan, you are the one’ của AIESEC Lahore. Theo mô tả, đó là một dự án du lịch, nhiệm vụ của tình nguyện viên là đi du lịch và víêt báo về những trải nghiệm ‘tuyệt vời’ của mình. Những bài cảm nhận ấy sẽ được đăng tải trên báo chí, trang web và blog để giúp mọi người trên thế giới có một cái nhìn khác đi về Pakistan…Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là nhà ở, ăn uống và chi phí đi lại trong quá trình làm dự án sẽ được hỗ trợ hòan tòan.

Khỏi phải nói, tôi đã vui như thế nào khi đọc được email đó. Tôi còn chờ gì hơn một dự án như vậy : đúng nhu cầu, phù hợp sở thích, lại kinh tế. Nam Á, tại sao không? Thú thật lúc đấy thậm chí tôi chẳng cần biết Lahore nằm ở đâu trên bản đồ Pakistan, tôi gửi ngay email xin được phỏng vấn; phỏng vấn và ký tất cả các hợp đồng cơ bản chỉ trong 5 ngày sau đó. Trong điều kiện xin visa, ngoài hợp đồng, tôi phải có thư mời của nơi làm việc. Và đó là trở ngại nhỏ duy nhất mà tôi gặp phải, tôi phải đợi gần 1 tháng để nhận được tờ giấy đó. Mọi thứ còn lại trơn tru một cách kỳ lạ.Tôi nhận được visa đúng một tuần sau ngày gửi hồ sơ, mặc dù Phần Lan không có đại sứ quán của Pakistan, tôi phải gửi passport qua Stockholm, Thụy Điển.Thậm chí lúc đó, mọi thứ khiến tôi còn ngây ngô nghĩ rằng Pakistan là một trong những nước xin visa đơn giản nhất vì chẳng mấy ai đến đó bao giờ. Sau này tôi mới biết, một vài người bạn làm chung dự án với tôi đã khá vất vả để xin được nó dù họ cũng cùng xin từ châu Âu và hơn tôi, họ có quốc tịch châu Âu.

Và như thế, không phải Mỹ, cũng chẳng phải châu Phi, tôi đã đến Pakistan.

iigreencandyii
20-09-2013, 12:53
KỲ VỌNG

Tôi biết đến AIESEC lần đầu tiên khi còn ở Việt Nam, thông qua một người bạn. Lúc đấy, AIESEC Hồ Chí Minh tổ chức một buổi gặp gỡ để quảng bá và tuyển thành viên mới. Tình cờ, địa điểm tổ chức lại đối diện nơi tôi đang ở nên tôi đăng ký tham dự.

Lúc bấy giờ, tôi vẫn chưa là sinh viên nên dĩ nhiên là tôi không đủ điều kiện để đăng ký dự tuyển. Tôi chưa bao giờ có dịp làm việc với AIESEC Việt Nam nhưng buổi hội thảo thật sự mang lại cho tôi một ấn tượng rất tốt về AIESEC. Ngày hôm ấy, mọi thứ được tổ chức rất chuyên nghiệp từ khâu tổ chức chương trình đến thời gian, địa điểm. Những sinh viên trong tổ chức đều là những người trẻ rất ưu tú vì họ phải vượt qua cuộc tuyển chọn khá gắt gao để trở thành thành viên chính thức. AIESEC kết nối những người trẻ lại với nhau, mở ra cho họ cơ hội được đi và gặp gỡ không chỉ ở Việt Nam.Và hơn hết, tôi tìm thấy lửa ở tổ chức ấy, lửa của những con người trẻ đang nỗ lực cho một tương lai tốt đẹp hơn.Tôi tin rằng sẽ học đựơc rất nhiều điều tích cực khi tham gia tổ chức này.Sau ngày hôm đấy, trong danh sách những việc cần làm trước khi chết của tôi, có một danh mục mang tên AIESEC.

-----

Lần đầu tiên cộng tác, AIESEC đã không làm tôi thất vọng.

Ở Phần Lan, có lẽ vì đất nước này quá ít dân, trở thành thành viên của AIESEC khá dễ dàng so với Việt Nam, chỉ cần có nhiệt, có lòng, gần như ai cũng có một cơ hội.Ngặt nỗi thành phố tôi học bé quá, sinh viên ít quá, AIESEC không có trụ sở chính. Tôi phải khăn gói lên Oulu, một thành phố lớn hơn gần đấy để tham dự buổi hướng dẫn, tôi không biết nên gọi nó thế nào, thôi thì tạm gọi là buổi hướng dẫn trước khi lên đường.

Khác với sự hòanh tráng của AIESEC thành phố Hồ Chí Minh, AIESEC Oulu khá giản dị nhưng mọi người làm việc rất hiệu quả. Từ ngày tôi ký hợp đồng chính thức, đến ngày tôi tham dự buổi hướng dẫn ở Oulu là hơn một tháng. Thế nhưng chỉ ngay sau khi ký hợp đồng, tôi đã nhận được một bản kế hoạch những việc cần làm chi tiết từng ngày từng giờ. Nhờ đó, tôi học được một thói quen rất tốt: sử dụng lịch làm việc.

Buổi hướng dẫn trước ngày lên đường là buổi gặp gỡ để chuẩn bị kiến thức và tinh thần cho những thành viên sẽ tham gia trao đổi ở nước ngoài. Có khoảng 25 người tham dự, ngòai vài khách mời, là những người đã từng trong AIESEC nay đã đi làm, hầu hết số còn lại là sinh viên.Dẫu là sinh viên, nhưng tuổi tác mọi người khá cách biệt với tôi, trừ tôi ra, người trẻ nhất cũng đã là sinh viên năm cuối đại học, phần lớn còn lại đang học thạc sỹ và tiến sỹ.Đa số họ đã đi nhiều, trải đời nhiều; nên rất nhiều người mang đến những câu chuyện đặc biệt. Trong đó tôi nhớ nhất là câu nói của chị bên cạnh khi chị nói về châu Phi: ‘’Ai cũng bảo châu Phi nguy hiểm, ai cũng nói châu Phi tệ nạn, nhưng bố mẹ tôi sau khi đến châu Phi du lịch đã quyết định quay lại đó ở 3 năm làm từ thiện. Không phải vì châu Phi, mà đơn giản vì họ tìm thấy một sự bình yên ở đó. Vùng đất nào dù có nguy hiểm đến đâu, khi con người còn sống ở đó, tôi tin rằng nó vẫn tồn tại những khỏang bình yên. Tin tức trên báo chí thường chỉ tập trung vào những vấn đề gây sốc để thu hút độc giả.’’

Vậy là tôi có thêm một lý do để chọn Pakistan, tôi sẽ đi tìm những khoảng bình yên ở Pakistan…

-----

Tìm hiểu về AIESEC Lahore, họ có một facebook rất mạnh. Thông tin được cập nhật liên tục.Những dự án hòanh tráng, những đọan video ấn tượng. Tất cả các tấm hình trên facebook của họ thật sự rất đẹp. Những buổi họp mặt của AIESEC Lahore, qua hình ảnh, trông hoành tráng nhất trong các AIESEC tôi từng biết. Mọi người đều ăn mặc rất trịnh trọng trong những buổi gặp mặt đó. Những cuộc tuyển chọn thành viên của họ thì gắt gao chẳng kém gì Việt Nam.Mọi thứ trông rất rất chuyên nghiệp. Đối với tôi, những chuyến đi không chỉ đơn giản là những kỷ niệm, những chuyến đi còn là những bài học.Khỏi phải nói tôi đã hồi hộp và trông chờ như thế nào về những bài học tôi sẽ học từ chuyến đi này và cách làm việc của mọi người trong AIESEC nơi đây.

iigreencandyii
21-09-2013, 02:47
HẬU THUẪN

Pakistan là vùng đất thừa ‘nổi tiếng’ để tôi được nhận một cơn bão phản đối.

----

Bạn tôi giận dữ.

- Mày biết Pakistan là đâu không hả? Mày chán sống rồi hả? Mày có biết Biladen chết ở Pakistan không hả?
- Hả? Thật hả? Tao biết Pakistan chứ, có điều giờ mày nói tao mới biết Biladen chết ở Pakistan đó …Mà ổng chết lâu rồi mà. Với tao đến Lahore cơ, người ta nói Lahore là thành phố an tòan nhất Pakistan đó. Mày cứ an tâm.
- Đến vụ đó mà mày còn không biết thế mà đòi đi Pakistan.Người ta nào nói với mày á?Ừ đúng rồi!’An tòan’ lắm!Mày mở google lên giùm tao, gõ 2 chữ thôi ‘boom’ và ‘Lahore’ rồi ngồi đếm coi có bao nhiêu kết quả.
- Tao mới thử rồi…mà vụ đánh boom gần nhất cách đây vài năm rồi. Mày yên tâm đi!
- Uh thì lâu rồi cũng là cái đáng lo đó…Thôi tùy mày!Tao chẳng hiểu tại sao mày lại đi đâm đầu vào cái chốn đó.

----

Mẹ tôi than thở.

- Con ơi con dại lắm, đi đâu không đi lại chui đầu vào cái nơi nguy hiểm đó!
- Mẹ đừng lo mà, thì phải an tòan người ta mới đưa con tới để viết tốt về họ chứ!
- Thật không thể hiểu nổi tại sao lại cứ phải đâm đầu vào cái chốn đó!-Mẹ tôi chỉ lắc đầu ngao ngán.

----

Duy chỉ ba tôi là người đón nhận việc tôi đi Pakistan một cách bình thản nhất. Khi tôi nói ‘ Ba ơi con được nhận đi Pakistan rồi, ở thành phố Lahore’. Ba bảo ‘Ờ, ba có nghe nói về thành phố đó. Pakistan hả? Đất nước đó hay đó!’

Tôi biết, với một người mỗi ngày ngoài báo giấy còn dành ra 2 tiếng đồng hồ để đọc tin tức trên internet như ba, ba hiểu rất rõ Pakistan không phải là một đất nước an toàn. Mẹ tôi không phải là người thích xê dịch, nhưng với ba tôi, du lịch là một niềm đam mê.Chính ba là người truyền cho tôi niềm đam mê dịch chuyển, niềm đam mê được đặt chân lên những vùng đất mới. Nên có lẽ hơn ai hết, ba hiểu tại sao tôi lại ‘đâm đầu vào cái chốn đó’.

Trước khi đi Pakistan, tôi có về Việt Nam một tháng. Tôi nhớ mãi trước ngày tôi đi vài hôm, ba gọi tôi ra và bảo: ‘ Này Thanh nè, hôm nay báo mạng lại đăng Pakistan có đánh bom đó. Đừng nói mọi người kẻo lại lo. Ai cũng bảo ba chiều con gái quá để nó hư. Nhưng mỗi người có một cách sống, cách nhìn khác nhau. Theo ba thì đi có thể không làm người ta giàu nhưng đi sẽ giúp người ta có những khỏanh khắc và những bài học không phải cứ có tiền là mua được. Không phải ai cũng có cơ hội để được đi, nhất là đến những vùng đất như vậy.Sẽ vất vả đấy nhưng con còn trẻ, ba giờ mới thấy mình già, giờ chỉ đi du lịch được thôi chứ đi mà vất vả quá, sức khỏe không cho phép nữa rồi. Sống chết có số cả, đời người chỉ sống có một lần thôi nên có cơ hội thì hãy nắm lấy. Có điều phải cận thận, bảo trọng, ba mẹ ở nhà sẽ lo lắm đó’. Và ba đã thay tôi ‘đứng mũi chịu sào’ với tất cả sự phản đối của những người thân trong gia đình.

iigreencandyii
21-09-2013, 13:02
HOANG MANG

Một tuần trước ngày lên đường, tôi gửi tin nhắn cho Grace, một chị người Malaysia làm cùng dự án đã đến Pakistan từ hồi tháng năm để hỏi thăm tình hình. Tôi đã theo dõi hành trình của chị từng ngày qua những bức ảnh trên facebook và mơ về những chuyến đi đáng nhớ cùng dự án của mình.

Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rận. Facebook và những tấm ảnh chỉ phản ánh những khoảnh khắc ngắn ngủi và chỉ người trong cuộc mới rõ những câu chuyện thật sự đằng sau nó. Những hồi âm của chị thực sự làm tôi bất ngờ.Chị bảo những bức ảnh đó là do chị tự đi, tự chụp. Chín mươi phần trăm những người chị đi chung không phải là người trong AIESEC. Chín lăm phần trăm những chuyến đi của chị không đi cùng với AIESEC. Chẳng ai quan tâm đến sự có mặt của chị, chị phải bứt ra để tự đi.Tôi cũng nên chuẩn bị tinh thần cho những điều tương tự nhưng cũng đừng quá lo lắng, có lẽ tại chị đến quá sớm, chỉ có mình chị trong dự án, khi tôi đến, sẽ có nhiều người và tình hình có lẽ sẽ khá hơn.Chị cũng dặn tôi mang đèn pin và kem chống muỗi, đó là hai thứ cần thiết nhất.

Hình ảnh tốt đẹp của tôi về AIESEC bắt đầu bị lung lay. Tôi bắt đầu nhận ra AIESEC Lahore sẽ không như những AIESEC mà tôi từng biết trước đó.Ngồi ngẫm lại, đáng lẽ tôi phải nhận ra điều đó sớm hơn. Ngày tôi phỏng vấn qua skype vào dự án, anh bạn phỏng vấn tôi trễ hơn một tiếng rưỡi vì…bị sốt cao cần đi khám bác sỹ. Wasma, người quản lý trực tiếp dự án của tôi thì trễ mất một ngày khi hẹn tôi lên mạng để giới thiệu về văn hóa và dặn dò những điểm cần lưu ý. Cô cũng quên gửi tôi tờ thư mời làm visa khi cô nhận được nó hẳn một tuần mặc dù lúc đấy tôi đã giải thích tôi cần nó gấp. Hơn nữa, điều tối thiểu của một dự án là phải có ngày bắt đầu và ngày kết thúc, nhưng ở dự án này, không có bất cứ một quy định nào, thành viên có thể đến và đi…lúc nào tùy thích. Và tôi không hề có một tý thông tin về những nơi tôi sẽ đến, những ngày tôi sẽ đi và cụ thể tôi sẽ phải viết như thế nào.

Tôi bắt đầu chùn lòng. Những cảm giác hoang mang đầu tiên xuất hiện khi thực tế và niềm tin có vẻ sẽ khác xa nhau. Hàng loạt câu hỏi mà đáng lẽ tôi phải nghĩ đến sớm hơn, đến giờ phút đó mới chịu chạy ra khỏi não tôi. Tôi sẽ phải làm gì nếu người ta cũng xếp tôi vào xó. Tôi không biết Pakistan có nguy hiểm thật không nhưng chắc chắn đó không phải là đất nước để một đứa con gái dễ dàng đi một mình. Hơn nữa, tôi tự biết mình không phải là đứa khôn ngoan nhanh nhẹn và trải đời, chỉ riêng việc tôi tin tưởng một cách mù lòa không suy nghĩ vào AIESEC có lẽ đã thể hiện một sự ngốc nghếch hơn người.

Nhưng…tôi vẫn muốn đi.Ở nhà, tôi sẽ mất cái vé máy bay, mất cái visa, mất một cơ hội mà tôi không chắc sẽ đến lần thứ hai và mất một mùa hè ý nghĩa. Một người bạn đã trấn an tôi: ‘Khi mày đứng từ xa, tương lai lúc nào cũng bị che phủ bởi một đám mây mù làm người ta hoang mang. Nhưng càng đi lại gần, nó sẽ càng rõ, và ta sẽ thấy con đường ta phải đi. Mày sẽ tự biết mày cần phải làm gì thôi, đừng lo!’ .Lúc đó, tôi chợt nhớ ra trang web couchsurfing. Tôi biết về nó và có tài khỏan trên đó từ khá lâu nhưng chưa bao giờ có dịp sử dụng. Thôi thì chí ít nếu có bị xếp xó, tôi cũng nên gặp gỡ vài người dân địa phương. Tôi quyết định đăng tin nhắn đầu tiên trên couchsurfing.

iigreencandyii
28-09-2013, 13:50
GRACE

Đối với tôi, Pakistan đặc biệt, không chỉ đơn giản vì đó là vùng đất mà bản thân nó đã đặc biệt, cũng không chỉ đơn giản vì những gì tôi đã trải qua, nó còn vì những con người đặc biệt mà tôi từng biết.

Ngòai trang facebook chính của AIESEC Lahore, dự án của tôi có một trang facebook nhóm ở chế độ riêng tư để mọi người giới thiệu, làm quen chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Tôi là thành viên tích cực hóng chuyện nhưng lại không phải là người họat ngôn nên tôi gần như chẳng nói chuyện với ai trước khi đến Pakistan, trừ Grace vì chị là một trong hai người duy nhất trong dự án đến sớm hơn tôi.

Grace lớn hơn tôi 5 tuổi là người Malaysia gốc Trung Quốc, nhưng phần lớn thời gian chị sống ở Singapore. Chị có nét xinh xắn đặc trưng của một người Hoa và đậm chất thư sinh với cặp kiếng cận và cách nói chuyện hài hước nhưng lại nhẹ nhàng và điềm đam. Ai ngờ rằng cô gái nhỏ nhắn ấy lại là người liều lĩnh nhất mà tôi từng biết.

Trong dự án của tôi, Grace là người của rất nhiều cái nhất.Chị là người đến Pakistan sớm nhất, có thời gian ở Pakistan lâu nhất, gặp nhiều người Pakistan nhất và hơn hết là đi được nhiều nơi ở Pakistan nhất. Thay vì bay thẳng tới sân bay Lahore như hầu hết tất cả chúng tôi, chị đến và ở hẳn 1 tuần ở Karachi- thành phố lớn nhất Pakistan và cũng nổi tiếng nhất với đủ lọai tai tiếng sau đó mới đi xe búyt 21 tiếng về Lahore. Từ Lahore, sau khi nhận ra ‘thực tế bị bỏ rơi’, xách ba lô, chị đi gần hết đất nước Pakistan. Điều đặc biệt là chị đi một mình và cũng như tôi, chị không hề quen ai trước khi tới Pakistan.

Dù chúng tôi trao đổi khá nhiều qua facebook và tin nhắn, nhưng Grace bận bịu với những cuộc phiêu lưu của chị, tôi cũng bận bịu với những chuyến đi của riêng mình nên chưa có cái hẹn nào của chúng tôi thành hiện thực. Nếu không nhờ một lần tình cờ gặp nhau trên đường, có lẽ đến giờ này tôi vẫn không biết người con gái mạo hiểm ấy ngoài đời cũng nhỏ nhắn như thế. Chỉ tiếc là lần gặp đó ngắn quá, chỉ đủ để chúng tôi chào nhau và có một cái bắt tay.

Ngay từ những cuộc nói chuyện đầu tiên, tôi đã có ấn tượng rất tốt với sự nhiệt tình của Grace. Tình cờ qua thông tin cá nhân của chị trên couchsurfing, tôi phát lại hiện chị đã từng đến Việt Nam. Khi tôi hỏi về Việt Nam, chị bảo chị yêu Việt Nam, chị đã đến Việt Nam hai lần, và lần nào chị cũng ở hết 29 ngày – tối đa số ngày chị có thể ở mà không phải xin visa. Từ trước đến giờ, những người nước ngòai mà tôi từng gặp, chị là một trong số những người hiếm hoi đã từng đến Việt Nam nên tôi không cần biết chị yêu Việt Nam thật không hay chỉ vì phép xã giao, tôi thật sự rất quý chị từ đó.

Tôi có vẻ không có duyên gặp Grace, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại rất có duyên gặp những người khá thân với Grace hoặc đã từng gặp Grace. Qua họ, tình cờ tôi biết rất nhiều ‘giai thọai’ về chị. Grace là người đam mê dịch chuyển, chị vừa học vừa làm thêm để dành dụm tiền cho những chuyến xê dịch khi chị có những kì nghỉ dài. Chị trông thế thôi nhưng đã từng làm qua khá nhiều việc kể cả việc làm thêm trong trại giam. Một người bạn Trung Quốc, khá thân với Grace kể rằng, trước khi biết đến trang web Couchsurfing, Grace cũng đã đi du lịch bụi rất nhiều. Điều đáng chú ý là đa số chị đi một mình và thay vì ở khách sạn hay nhà nghỉ, chị xin ở nhờ nhà những người lạ mà chị tình cờ gặp trên đường. Và không phải lúc nào chị cũng may mắn gặp được người tốt, ngay cả khi sử dụng trang web Couchsurfing. Một người bạn tôi quen qua chính trang web Couchsurfing kể rằng, Grace cũng từng gặp rất rất nhiều rắc rối với một số Couchsurfer ở Pakistan và có lúc thậm chí anh thấy chị đã khóc.Nhưng rồi chị lại tiếp tục đi, tiếp tục mạo hiểm và suốt gần 3 tháng, chị đã ở nhờ hơn 16 gia đình Pakistan khác nhau.

Tất cả các câu chuyện trên về Grace đều là ‘tam sao’, nên tôi không dám chắc chúng là dị bản thứ mấy.Nhưng tôi chắc chắn là đã từng nghe rất nhiều ý kiến trái chiều về việc Grace làm. Người bảo chị điên, người bảo chị dũng cảm. Nhưng tất cả họ đều nể phục chị.Cho dù cách chị sống có là điên thì chị cũng đã đủ can đảm làm điều mà tất cả chúng tôi không dám. Và hơn hết, chị đã chứng minh cho chúng tôi thấy, người tốt vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi.

Sau khi rời khỏi Pakistan, chúng tôi thỉnh thỏang vẫn liên lạc qua Facebook. Grace bảo năm sau chị tốt nghiệp, chị cũng sẽ làm một chuyến đi tốt nghiệp dài qua Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và quay lại Pakistan thăm vài người bạn và tới một số nơi chị vẫn còn sót; nếu được chúng tôi có thể cùng có một vài chuyến đi chung. Tôi vẫn còn phải học và vẫn còn một đoạn đường dài cho đến ngày có thể hòan toàn tự lực tài chính để tự mình quyết định một chuyến đi như thế; nên có lẽ kế họach gặp gỡ lần này của chúng tôi, lại một lần nữa bất khả thi. Thôi thì lại chúc chị có một chuyến đi đáng nhớ và lại đành hẹn chị vào một dịp khác. Hy vọng rằng khi dịp ấy đến, cả hai chúng tôi vẫn còn giữ được niềm tin và sự hoang dã để cùng ‘bụi’ với nhau một lần.

iigreencandyii
03-07-2014, 06:52
Vẫn hay thỉnh thoảng vào phuot.vn xem bài của các cô bác anh chị, nhất là khi search để đi du lịch mà lười chẳng bao giờ log in hay comment, gần cả năm rồi mới quay lại cái post này, xem nữa quên mất tiêu luôn. Hồi đó định viết mà phần vì bận, phần vì lười nên bỏ cuộc giữa chừng. Một năm qua em cũng đi được kha khá, nhưng vẫn không có chuyến đi nào so sánh được với chuyến đi này. Nhân tiện nghỉ hè rảnh, lại đang nhớ Pakistan, chắc chẳng bao giờ có dịp quay lại, em quyết định viết lại, không biết được đến đâu nhưng em sẽ cố gắng...Em viết lại từ đầu, tại tự dưng ngồi đọc lại bài cũ, chả biết bắt đầu từ đâu :D

‘Thật không thể hiểu nổi!’
Một ngày nào đó tôi sẽ giàu, nhất định sẽ giàu: ngồi máy bay hạng thương gia, ngủ khách sạn năm sao, du lịch không cần lỉnh kỉnh hành lý, mua sắm không thèm nhìn bảng giá. Những chuyến đi sẽ thật nhẹ nhàng với một vài chiếc thẻ ngân hàng, không, một thôi cũng được, một mà chất cũng được, thiếu gì quẹt đấy, cứ quẹt, quẹt và quẹt…
- Này cô bé, cái hành lý kí gửi này bị lố hai kí rồi đó! – Gáo nước lạnh miễn phí vào dòng ảo tưởng tuyệt đẹp của tôi được tạt bằng một anh tiếp viên hàng không đẹp trai cùng quà tặng kèm là cái nhìn ngao ngán.
- Anh cho em qua được không có hai kí thôi mà anh! – Tôi cố gắng giữ vẻ mặt ăn năn nhất có thể.
- Hừm…Sinh viên đúng không? Thôi lấy bớt gì ra bỏ vào hành lý xách tay đi…Ôi trời ơi cái hành lý xách tay!!!Bỏ lên cân xem nào – Lần này anh nhìn tôi bất lực. Thôi em ra ngoài bỏ lại bớt đồ đi rồi quay lại quầy check-in này anh xem thế nào. Anh có thương cho em qua đến Dubai họ cũng vứt vali em lại. Họ kiểm tra hành lý gắt lắm. Cái vali thế kia thì...hài…
Lặc lè đẩy đống hành lý nặng trịch, tôi tìm một góc vắng người để gỡ hành lý, thật ra sân bay 7 8 giờ tối kiếm đâu ra chỗ vắng người cơ chứ, nhiều đôi mắt tò mò nhìn tôi đánh vật với một cái vali tổ chảng, phù nề như chiếc bánh bóng bóng bị căng quá đà, lúc nào cũng chực nổ. Tôi cóc quan tâm, chỉ thấy giận bản thân ghê gớm, đã hạ quyết tâm sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng thế mà cái tật đùm đề mãi vẫn không bỏ được. Tôi hô hào sẽ chẳng mang gì theo rồi cũng lại cái miệng tham ăn hại cái thân thừa ký, cứ một ký măng khô đáng là bao, rồi tôm khô có nặng đâu mà, ôi rồi thì nào là nuôi rang bơ, khô mực, khô bò…cuối cùng tôi luôn có những cái kết không có hậu tẹo nào với cái vali của mình.
- 29.9 kí lô, chuẩn đó cô bé!-Anh tiếp viên gật gù trong khi tôi thở phào nhẹ nhõm. Thành quả của gần nửa giờ đồng hồ vã mồ hôi hột nhét vào lại bỏ ra, đắn đo và tiếc nuối.
- Anh ơi thế cho em nhét thêm hai hộp phồng tôm nhé!
- Hả?
- Có 400 gam à, chắc họ sẽ không vứt vali của em vì lố 300 gam đâu! – Thậm thụt hai hộp bánh phồng tôm Sa Giang, tôi cười cầu may.
- Thôi rồi nhét đi – Anh phì cười – Hành lí xách tay của em vẫn hơi bị dư kí đó nha!Đi qua kiểm tra ráng mà đi thẳng, đừng có kéo lặc lè họ bắt vứt bớt đồ đó!
- Dạ, dạ em biết rồi! Đa tạ anh lắm luôn!- Tôi thầm nhủ thôi thì xem ra khởi đầu cũng không đến nỗi tệ, tôi đã chuẩn bị tinh thần để vứt lại nhiều đồ hơn cơ. Anh nhân viên này đã đẹp trai lại còn dễ thương hết biết.
- Hả?Lahore? Pakistan hả?-Anh đưa hai tấm boarding pass cho tôi với cái nhìn thảng thốt.
- Dạ…Có chuyện gì vậy anh? – Tôi giật mình.
- Em làm gì ở đất nước đó? Có quen ai ở đó không?
- Dạ không. Em đi tình nguyện thôi.
- Đất nước đó không an toàn đâu…Em tình nguyện ở đó làm gì?!Thật không thể hiểu nổi... – Ánh mắt anh ái ngại.
Tôi chỉ cười trừ, cám ơn anh rồi chào tạm biệt. ‘Thật không thể hiểu nổi!’- vâng, đó là năm chữ được tua đi tua lại không biết bao nhiêu lần từ người thân đến những người xa lạ.
- Con điên! Mày biết Pakistan là đâu không hả? Mày chán sống rồi hả? Mày có biết Biladen mà còn chết ở Pakistan không hả?... – Một cơn mưa ‘hả, hả và hả’ từ thằng bạn thông thái cùng bàn những năm cấp hai đáp lại sự hí hửng của tôi qua skype.
- Hả? Thật hả mày?...hehe…Pakistan thì tao biết chứ... ừ…mà… giờ mày nói tao mới biết Biladen chết ở Pakistan đó mày – Cười - Mà ổng chết lâu rồi mày ơi! Với tao làm ở Lahore, người ta nói đó là thành phố an tòan nhất Pakistan đó.
- Mày vẫn mù kiến thức như xưa. Đến vụ đó còn không biết thế mà đòi đi Pakistan.Người ta nào nói với mày á?Ừ đúng rồi!’An tòan’ lắm!Mày mở google lên giùm tao, gõ hai chữ thôi ‘boom’ và ‘Lahore’ rồi ngồi đếm coi có bao nhiêu kết quả. Đếm đi! Đếm xem nào!
- Tao mới thử rồi. Ừ thì…ừ mà vụ đánh bom gần nhất cách đây vài năm rồi. Mày yên tâm đi!- Lại cười trừ.
- Lâu rồi cũng là cái đáng lo đó…Thôi tùy mày! Sao mày lại đi đâm đầu vào cái chốn đó…Thật không thể hiểu nổi! – Bạn tôi tặc lưỡi.
Mẹ tôi thì than ngắn thở dài:
- Con ơi con dại lắm, đi đâu không đi lại chui đầu vào cái nơi nguy hiểm đó! Cái chỗ người ta tránh thì mình lại chui vào.
- Mẹ đừng lo mà, thì phải an tòan người ta mới đưa con tới để viết tốt về họ chứ!
- Thật không thể hiểu nổi tại sao lại cứ phải đâm đầu vào cái chốn đó!-Mẹ nhìn tôi bất lực.
Vâng, chẳng có gì phải bàn cãi, Pakistan là vùng đất ‘thừa nổi tiếng’ để tôi tự dung trở thành một con bé ‘thật không thể hiểu nổi’.
----
- Ba ơi con đang ngồi trên máy bay rồi!
- Ừ, vậy ba yên tâm rồi, ba về đây.
- Con…cám ơn ba. – Thật nực cười, tôi có thể cám ơn một cách phản xạ với những người dung trên đường vì những việc hết sức nhỏ nhặt, nhưng lúc nào cũng mất khá nhiều thời gian để cám ơn chính ba mẹ của mình – những người mà cả đời tôi cũng không thể trả hết ơn. Tôi thây mắt mình cay cay.
- Cha mày! Bữa nay biết cám ơn cơ đấy!Bảo trọng nha con gái! –Dẫu là người đứng mũi chịu sào cơn bão phản đối của cả đại gia đình cho cô con gái ‘thật không thể hiểu nổi’của mình, tôi chắc chắn rằng bên đầu dây điện thoại bên kia mắt ba cũng đang đỏ…

iigreencandyii
03-07-2014, 06:54
Quá cảnh ở Dubai
Bị đánh thức bởi một cơn ù tai, tôi thật sự choáng ngợp bởi những gì đang dần rõ nét hơn bên kia khung cửa sổ. Những con đường cao tốc đan xen nhau. Những toà nhà đồ sộ, ngất ngưởng và kiêu hãnh với đủ mọi hình thù. Những ánh đèn đủ màu lấp lánh. Tất cả làm nên một Dubai lộng lẫy xa hoa.
---
Thở phào nhẹ nhõm sau khi đống hành lý bé bự qua hải quan trót lọt, đứng giữa sân bay Dubai, tôi ngơ ngác đúng kiểu ‘nhà quê lên tỉnh’. Những người đàn ông Trung Đông trong trang phục thawb (thobe) trắng sáng, khăn đội đầu caro, sandal và cặp táp đen. Những người phụ nữ với abaya và burqa đen huyền bí, những gương mặt xinh đẹp bị che kín bởi lớp mạng che mặt càng làm những đôi mắt sắc trở nên quyến rũ và khiêu khích. Những cô tiếp viên của Emirates kiều diễm với đồng phục màu kaki tông xuyệt tông nón đỏ, cao gót đỏ, cặp xách đỏ. Cái thế giới Trung Đông mà trước đây thi thoảng tôi nhìn thấy trên ti vi hay qua các báo đài, nay mồn một rõ nét trước mắt như một giấc mơ. Tôi không có ý định này từ trước nhưng lòng tham được nhìn một Dubai tận mắt trỗi dậy.
- Anh ơi cho em hỏi, chỗ làm visa quá cảnh ở đâu ạ? – Tôi lân la hỏi một anh nhân viên ở gần đấy.
- À em lên lầu hỏi đi, nó nằm đâu đó ở tầng trên đó.
- Anh biết thủ tục làm khoảng bao lâu không ạ? À khoảng bao nhiêu tiền nữa? Hihi.
- Em quá cảnh bao lâu?
- Dạ 20 tiếng.
- Thôi thế thì anh khuyên em đừng làm, nghe đâu gần 200$ đó.
- Hả!!!??? Sao mắc vậy anh?
- À tại hình như em phải thuê khách sạn ở sân bay họ mới cho em làm visa. Anh không chắc, em cứ lên tầng trên hỏi thử đi. Nhưng mà chắc chắn không miễn phí rồi! Đây là Dubai mà hahaha.- Anh cười giòn tan.
- Dạ!Em cám ơn anh! – Nghe tiền là nhụt chí anh hùng. Tôi tiu nghỉu.
- Ê này cô bé, lên lầu đi lối này cơ mà? Em đi ngược hướng rồi?
- Dạ em có lên lầu đâu ạ?
- Thế em không xin visa quá cảnh à?
- Dạ em không xin nữa, em tiếc tiền lắm. Có 20 tiếng à, thôi em ở trong sân bay cho khỏe.- Nhìn lại đống hành lý của mình.-Đi ra được rồi liệu có chui vào êm xuôi với cục nợ này không?Tinh thần đâu mà đi hỏi nữa.Thôi ở lại đây cho lành. – Tôi thầm nghĩ.
- Hahaha. Cô bé đến từ đâu đấy? Nãy giờ anh nghĩ hoài không ra.
- Haha Việt Nam ạ. Anh chắc đến từ Ấn Độ nhỉ? – ‘Tiếng Anh của Anh đậm chất Ấn Độ, làm sao mà lẫn được vào nước nào khác cơ chứ’, tôi thầm đắc chí, ‘Mình cũng đâu đến nỗi mù kiến thức lắm đâu’.
- Đoán hay thế. Ừ anh là người Ấn nhưng làm việc ở Dubai. Em quá cảnh để đi đâu thế?
- Dạ, Pakistan.
- Hả? – Không chỉ anh mà anh bạn đồng nghiệp đứng cạnh nãy giờ chỉ lặng lắng nghe cũng giật mình quay ra trân trân nhìn tôi, tiếp sau đó là một loạt những câu hỏi quen thuộc: làm gì ở đó, quen ai ở đó, tại sao lại đến đó… blah blah. Rồi cũng như những người khác anh kết thúc cuộc tra hỏi của mình: ‘Thật không thể hiểu nổi’
Tôi chỉ cười rồi chào tạm biệt anh. Tôi thật sự không mong đợi đến tận Dubai vẫn có người nhìn tôi ngao ngán như vậy. Có chút gì đó nhụt lòng, tôi tự trấn án ‘Thôi thì có lẽ vì anh là người Ấn Độ, đất nước của anh và Pakistan không có mối quan hệ hòa hảo cho lắm!’.
Không ra ngoài được, tôi đành đi dạo vòng quanh khu vực quá cảnh. Sân bay Dubai đẹp lắm. Đẹp nhất, bự nhất, đông nhất và nhộn nhịp nhất trong những sân bay mà tôi từng đi qua. Hai giờ sáng, khu mua sắm vẫn tấp nập như trẩy hội. Ai ai cũng xách vài túi shopping to tướng với dòng chữ ‘duty free’. ‘Duty free’ thật đấy nhưng toàn những thương hiệu thượng đẳng, tôi ước mình cũng có tiền để làm một túi, một túi giống thế thôi tôi cũng thấy mãn nguyện rồi. Vì nằm trong một đất nước mà đại đa số người dân theo đạo Hồi, sân bay Dubai không những có phòng cầu nguyện mà còn có cả phòng tắm nữa. Tôi thật sự muốn chui vào phòng cầu nguyện ngó cái cho biết, chẳng biết họ làm cầu nguyện như thế nào nhưng tự thấy mình ngơ ngác qua, sợ ảnh hưởng tới mọi người, tôi chỉ dám đứng ngoài ngó nghiêng.
---
Đi mãi cũng mệt, tôi quyết định tìm nơi nào đó đánh một giấc, còn hơn cả một ngày trời đằng đẵng phía trước đang chờ. Không tìm ra được cái ghế nằm nào trống, tôi đành ngậm ngùi chọn cho mình chiếc ghế ngồi ở một góc vắng người. Gục đầu vào đống hành lý bé bự, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Nói ngủ thì ngủ vậy, nhưng phần vì tư thế chẳng thoải mái tẹo nào, phần vì phải trông chừng đống hành lý xách tay, tôi cứ chập chờn, thỉnh thoảng lại ngước đầu lên nhìn xung quanh và kiểm tra đống hành lý của mình. Trong cơn mơ màng gục lên gục xuống, tôi thấy hình như ai đó ngồi cùng hàng ghế ngúc đầu chào tôi. Tôi cũng đáp lễ bằng một cái cúi chào rồi gục đầu ngủ tiếp.

(Còn tiếp)

iigreencandyii
03-07-2014, 07:01
Viết không quen, ngồi gõ đau cả mắt mà được có xí hà :( Buồn ghê! Không biết chừng nào có động lực ngồi viết tiếp, thôi có cái clip, hồi đó em bị bắt làm, ai quan tâm xem tạm, khi nào em lại gõ tiếp.

P/s: Trừ những hình nào có em trong đó, còn lại hình với clip do em tự quay tự chụp..hơi buồn là sự thật là thực tế nó đẹp hơn tí :(.Với hơi dị tí, cái clip có 1 lỗi ở cuối đáng lẽ là 'let 's be' mà ghi 'let be'...mà máy tính hư, mất mất cái bản gốc để chỉnh lại bị dị, không dám khoe =))...mà tự dưng hôm nay tự dưng bị tự kỷ, tự dưng nhớ Pakistan quá,....khoe luôn :D :D :D =))

https://www.youtube.com/watch?v=8naKamzWMdk

Thiên Di
03-07-2014, 16:28
Thật không ngờ cũng có bài viết về Pakistan!

Câu chuyện em kể làm anh nhớ về quãng thời gian vạ vật hai tháng rưỡi ở Pakistan hồi năm 2003.

Và thật tình cờ, anh cũng lang thang ở Lahore cả tháng trời, đêm đêm tụ bạ hút sách với hội bacpackers rách việc đến từ khắp nơi trên thế giới.

Mấy tháng ở đó là quãng thời gian đầy ắp kỷ niệm buồn vui không thể nào quên!

E viết tiếp đi nhé; ítnhất em cũng siêng năng hơn một người chưa từng có một bài viết nào về đất nước kỳ lạ này:T. Nếu được, anh sẽ đồng hành cùng em qua vùng đất này cho đỡ "cô đơn"...

Thân,

iigreencandyii
04-07-2014, 11:58
Thật không ngờ cũng có bài viết về Pakistan!

Câu chuyện em kể làm anh nhớ về quãng thời gian vạ vật hai tháng rưỡi ở Pakistan hồi năm 2003.

Và thật tình cờ, anh cũng lang thang ở Lahore cả tháng trời, đêm đêm tụ bạ hút sách với hội bacpackers rách việc đến từ khắp nơi trên thế giới.

Mấy tháng ở đó là quãng thời gian đầy ắp kỷ niệm buồn vui không thể nào quên!

E viết tiếp đi nhé; ítnhất em cũng siêng năng hơn một người chưa từng có một bài viết nào về đất nước kỳ lạ này:T. Nếu được, anh sẽ đồng hành cùng em qua vùng đất này cho đỡ "cô đơn"...

Thân,

Ôi cám ơn anh nhiều nha! Thật không ngờ lại tìm được người cũng đến Pakistan. :D :D Cám ơn anh đã động viên. Em sẽ cố gắng viết :) Còn được đến đâu thì em ko chắc :D :D

volty
04-07-2014, 12:55
mong phần tiếp theo của bạn, giá mà bạn có thêm hình nữa thì ôi thôi tuyệt vời

iigreencandyii
04-07-2014, 16:06
Quá cảnh ở Dubai (tiếp theo)

Sau khoảng 4 tiếng vật vã, cuối cùng tôi tỉnh hẳn, giật mình khi xung quanh có khá đông người, chẳng còn mình tôi một giang sơn như lúc thiếp đi. Đang nghĩ bụng thôi thì ta đi tìm giang sơn mới, một giọng nói cất lên:
- Này cô bé đến từ Thái Lan à?
Cách một chiếc ghế từ nơi tôi đang ngồi, một người đàn ông Trung Đông trong trang phục Tây Âu, quần kaki, áo sơ mi và một chiếc áo khoác mỏng trông khá giản dị đang cười chào tôi. Thú thật thì tại thời điểm đó, tôi vẫn chưa phân biệt được thế nào là thế nào là Trung Đông, chẳng biết lấy từ đâu ra, tôi mặc định cứ người nước nào mắt sắc, mũi cao, trông không phải là người da trắng thì đích thị là người Trung Đông. Tôi còn tưởng cứ phụ nữ mà quấn khăn hay che mặt là chắc chắn đạo hồi. Dựa vào nền tảng kiến thức sai bét nhè của mình, cả một tiểu lục địa Ấn Độ, gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và Bangladesh, Sri Lanka và Maldives tôi gom hết vào gọi là Trung Đông.
Câu hỏi của người đàn ông làm tôi có chút khó chịu. Tôi chẳng kì thị gì ai, nhưng tôi bị dị ứng bị nhầm là con gái Thái. Số là thế này, học ở Phần Lan, dẫu là một trong những đất nước được cho là văn minh nhất thế giới, ông trời cứ hay trêu ngươi tôi thế nào, cứ hễ đàn ông trung niên nhầm tôi là người Thái, được câu trước câu sau thể nào cũng bị hỏi…’Bao nhiêu tiền một đêm?’. Lý do thì chắc có lẽ ai cũng biết, nhiều người nước ngoài tới Thái Lan không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn để mua vui xác thịt. Nhiều đàn ông Phần được cho là ‘hết đát’ đến Thái Lan tìm vợ. Mà người châu Á thì theo họ trông cứ giống giống nhau, chẳng phân biệt được. Hơn nữa, phải thừa nhận một sự thật đau lòng rằng Việt Nam cũng chẳng phải ngoại lệ, có lẽ có chút kém ‘nổi tiếng’ so với Thái Lan hay Philipine nhưng dẫu có trả lời tôi đến từ Việt Nam, đôi khi tình hình cũng chả khác là bao. Biết là ở đâu cũng có người này người kia, chẳng qua chỉ là bản thân một số lần không may gặp vài người không tử tế, nhưng thỉnh thoảng nghĩ cũng có chút tủi tủi. Thôi, đó là một câu chuyện khác, quay lại với vấn đề chính, người này trông hiền lành, phúc hậu,có lẽ âu cũng chỉ là tôi quá đa nghi, nhạy cảm, cố quên đi những lợn cợn trong lòng:
- Không, con là người Việt Nam, sao chú hỏi con thế?
- Tại chú trông con giống người Thái. Chú thích Thái Lan lắm. – Mắt ông nhìn xa xăm. Chẳng biết sao giác quan bảo tôi rằng người này có kỷ niệm gì đó sâu sắc lắm với vùng đất ấy…- À thế Việt Nam đi du lịch an toàn không?
- Dạ an toàn chứ! Tại sao nó lại không an toàn ạ? Bây giờ nhiều khách du lịch đến Việt Nam lắm!
- Ô thế Việt Nam không còn chiến tranh à? – Ông có chút ngạc nhiên.
- Việt Nam bây giờ làm gì có chiến tranh. Việt Nam hòa bình gần cả 40 năm nay rồi. – Tôi thì thật sự ngạc nhiên.
Ông bảo ông sống ở Nam Phi, là một thương gia, có một chuỗi cửa hàng chuyên phân phối điện thoại di động. Ông thích đi du lịch và bày tỏ ý định muốn đến Việt Nam. Tôi thì thích thú với Nam Phi, đó là một trong những quốc gia nằm trong danh sách ‘Phải đến trước khi chết’ của tôi. Tôi kể về Việt Nam của tôi, ông nói về cuộc sống ở Nam Phi xa xôi. Cuộc trò chuyện của hai con người xa lạ cứ thế tiếp diễn.
- Thôi đến giờ chú phải lên máy bay rồi, chú đi đây, tạm biệt cô bé nha! Rất vui khi được nói chuyện với con. Khi nào có dịp nhớ đến Nam Phi chơi nhé! Đất nước đó đẹp lắm! Con còn quá cảnh lâu không, à mà nãy giờ quên hỏi, cô bé đi đâu thế?
- Dạ chắc chắn rồi! Con thích Nam Phi sẵn rồi! Chú có dịp cũng nhớ đến Việt Nam chơi! À con đi Pakistan, con còn 10 tiếng nữa lận. Chào chú nhé!
Khi chúng ta đi, đâu đó trên chuyến hành trình, có những con người mà đến tên cũng chẳng buồn hỏi, ấy vậy mà dành cả giờ đồng hồ nói chuyện với nhau hồ hởi như bạn thân lâu năm không gặp, rồi ai nấy lại tiếp tục cuộc hành trình của mình như người kia chưa bao giờ xuất hiện. Tôi thích cái cảm giác ấy, cái cảm giác nói chuyện với một con người xa lạ có những điểm chung, đủ đồng cảm để giãn lòng mình một chút nhưng cũng đủ xa lạ để không ai đi quá sâu vào cuộc sống của ai. Tôi thích những khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà con người ta trò chuyện chẳng với mục đích gì, chẳng ai cần lấy lòng ai, chẳng ai cần quan tâm người kia nghĩ gì về mình…vì biết bao giờ gặp lại nhau trong đời.

(còn tiếp)

iigreencandyii
04-07-2014, 16:09
mong phần tiếp theo của bạn, giá mà bạn có thêm hình nữa thì ôi thôi tuyệt vời
Cám ơn bạn nhé hihi. Ồ mình sẽ post hình đến đoạn mà có hình :D :D.

iigreencandyii
06-07-2014, 05:10
Quá cảnh ở Dubai (tiếp theo)
Mải loay hoay mơ màng và triết lý của, mãi tôi mới nhận ra người đàn ông kia trân trân nhìn tôi, và như tất cả những người tôi gặp trước đó, khi hồn về lại xác, ông tặng tôi một cơn mưa câu hỏi quen thuộc:
- Hả? Cháu làm gì ở đó?
- Dạ cháu đi…tình nguyện.
- Cháu biết Pakistan là đất nước như thế nào không?
- Dạ biết.
- Cháu đến Pakistan lần nào chưa?
- Dạ chưa.
- Cháu có quen ai ở đó trước không?
- Dạ không.
- Cháu đi đâu ở Pakistan?
- Dạ Lahore ạ.
- Cháu ở đó bao lâu?
- Dạ 6 tuần.
- Thế tới đến đó có ai ra sân bay đón không? Rồi ăn ở ở đó làm sao?
- Dạ người ta bảo người ta ra đón cháu. Ăn ở họ lo.
- Thế người ta không ra đón thì làm thế nào?
- Cháu có số điện thoại với địa chỉ, cháu sẽ mò tới đó.
- Rồi tới đó sim điện thoại đâu mà gọi? Rủi địa chỉ sai thì sao?
- Cháu xin gọi nhờ ai đó trên đường…
- Rủi mấy số điện thoại đó sai thì sao?
- Thì cháu kiếm wifi ở đâu đó rồi liên lạc với họ.
- Thế cháu tới Lahore lúc mấy giờ?
- Dạ, 2 giờ sáng.
- Trời ơi!!! Rủi không liên lạc với họ liền được thì sao?
- Thì cháu ở tạm sân bay đến lúc trời sang
- Trời ơi! Cô bé ơi, Pakistan không phải là Việt Nam hay là Nam Phi đâu!!!
Ông thật sự thảng thốt và nhìn tôi với một ánh mắt ‘thật không thể hiểu nổi’… Tôi nghĩ bụng: ‘Người này còn lợi hại hơn những người trước nữa, không chỉ hỏi còn nghĩ ra đủ thứ viễn cảnh làm tôi đau tim. Trời ơi sao mà nhiều ‘rủi’ thế này, tôi mà nghĩ được xa đến vậy thì tôi ở nhà từ lâu rồi!’
- Có giấy bút không, lấy ra đây đi. - Trầm tư một lát ông nói.
Tôi đưa ông cuốn sổ tay của mình. Một cách vội vàng, ông vừa viết gì vừa nhìn đồng hồ, vừa giải thích:
- Chú định cư ở Nam Phi nhưng lớn lên ở Pakistan, kì này về thăm Pakistan 2 tháng. Chú không ở Lahore và hiện tại chưa có số điện thoại Pakistan nhưng đây là tên chú, địa chỉ nhà, bến xe buýt gần nhất để đến địa chỉ này, số điện thoại của em ruột chú. Nếu có bất cứ gì khó khăn cần giúp đỡ hãy gọi vào số này tìm chú. Hoặc nếu muốn nhìn thấy một Pakistan thật sự, liên lạc với chú, Lahore cũng chưa hẳn là Pakistan đâu.
Người đàn ông lạ vẫy chào, chúc tôi may mắn rồi nhanh chóng lẫn vào dòng người tấp nập.”Mohsin Khan’, ‘trạm xe buýt Abbottabad’…tôi vân vê quyển sổ, chẳng có khái niệm gì về địa chỉ được ghi trong đó. Tại sao Lahore lại chưa hẳn là Pakistan? Ừ nhỉ, tại sao tôi chưa bao giờ tự hỏi nếu họ không ra đón, nếu số điện thoại đó không gọi được, nếu họ bỏ tôi một mình bơ vơ giữa Pakistan…Càng tự hỏi, tôi càng bối rối…Ôi thôi tôi không dám nghĩ đến nữa, dù sao tôi cũng đã leo lên lưng cọp rồi, cứ tập cưỡi xem thế nào…

(còn tiếp)

bhdlqt
06-07-2014, 07:53
cam ơn bài viết của bạn! đúng là những trải nghiêm tuyệt vời mà không thể nào quên

thinhduyquach
06-07-2014, 10:00
[SIZE=5] Tôi thích những khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà con người ta trò chuyện chẳng với mục đích gì, chẳng ai cần lấy lòng ai, chẳng ai cần quan tâm người kia nghĩ gì về mình…vì biết bao giờ gặp lại nhau trong đời.

(còn tiếp)

Viết tiếp nhé bạn.
Cám ơn bạn rất nhiều về bài viết. Tôi thích câu kết trong đoạn này, nó làm tôi nhớ những ngày mình từng lang thang.
Có những người gặp rồi trong tích tắc lại chia tay. Rồi để lại cho nhau thật nhiều kỉ niệm, quyến luyến. Rồi tự hỏi suốt cuộc đời này có còn cơ hội gặp nhau nữa không!

volty
08-07-2014, 09:34
đang vào phần hấp dẫn rồi bạn ơi, nhanh nhanh nhé

iigreencandyii
22-07-2014, 04:41
Quá cảnh ở Dubai (tiếp theo)
Để kéo bản thân ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tôi quyết định chơi sang một bữa, ghé vào tiệm Starbucks gần đấy tặng chính mình một ly lên tinh thần. Học marketing lúc nào thầy cô cũng lấy Starbucks làm ví dụ, thế mà đến tận bây giờ mới biết nó mô tê thế nào. Nói chứ tôi cần wifi, chẳng hiểu sao tôi vào mãi không được wifi sân bay, người đàn ông ấy nói đúng, tôi cần chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất. Tôi mở facebook và nhắn tin cho Wasma- quản lý dự án hay ngắn gọn hơn là sếp tôi:
- Yeah, Dubai rồi, còn vài tiếng nữa là nhìn thấy Wasma rồi, hồi hộp quá ☺! 2 giờ sáng Thanh Thanh tới nơi đó!- Tự thấy chính mình đôi lúc cũng giả tạo ghê, thật ra tôi chỉ muốn nhắc cô bạn làm ơn đừng cho tôi leo cây như hai lần cô hẹn tôi lên mạng dặn dò những điều cần biết về Pakistan. Lần này là tôi đến Pakistan thật đấy, không phải trên mạng nữa đâu! Chứ thật lòng sau hai lần leo cây, tôi chẳng có cảm xúc gì mấy về việc gặp cô ngoài đời.
- Ồ Thanh Thanh! Bạn đến Dubai rồi à? Yeah! Sắp được gặp bạn rồi! Thích quá! Thích quá! À mà lát nữa Wasma không ra sân bay được, mai mình có một bài kiểm tra ở trường, mai thi xong sẽ đến intern house gặp bạn nhé!
- Ơ thế rồi làm sao mình tới được intern house?
- Yên tâm đi, vẫn có người ra đón bạn mà!
- Thế cậu gửi facebook hay hình của người ra đón cho mình với, chứ không biết mặt nhau làm sao nhận ra nhau ☺.
- Hahaha chắc chắn họ sẽ nhận ra Thanh Thanh thôi, yên tâm đi!
- Kệ, cứ gửi mình facebook họ đi, mình cũng nên chào người lặn lội 2 giờ sáng ra đón mình trước một tiếng chứ!
- Bạn không cần chào đâu, chắc chắn là họ nhận ra bạn mà!
- Cơ mà mình cũng muốn nhận ra họ ☺! Cho mình facebook đi mà!
- Bạn sẽ nhận ra họ thôi, nhìn cái này nè…
Nói rồi cô gửi tôi tấm hình đại diện facebook của chính tôi, được chỉnh sửa trông như một cái poster hoành tráng với dòng chữ: Chào mừng Thanh Thanh đến từ Phần Lan…
- Hừm…Tớ đến từ Việt Nam mà. Ê mà có cần giăng poster ngay giữa sân bay thế không?
- Cần chứ hahaha. Yên tâm rồi nhá! Thôi mình học bài tiếp để mai thi đây. Mai gặp Thanh Thanh nhé.
Chả đợi tôi phản hồi, nick Wasma phụt tắt. Lo lắng lại càng thêm lo lắng. Sao Wasma cứ lảng tránh mỗi lần tôi hỏi về thông tin người đến đón cơ chứ? Lỡ máy bay của tôi tới trễ thì sao?
---
Cuối cùng thì 20 tiếng cũng trôi qua. Tôi nhìn Dubai lần nữa, tự nhủ nhất định một ngày sẽ đặt chân đến cái thế giới bên kia lớp cửa kính…
Bước qua khỏi cánh cửa phòng chờ, tôi giật mình khi mọi mắt đang đổ dồn về phía mình. Tôi nhanh chóng nhận ra mình là đứa con gái duy nhất mặc quần jean áo thun trong cái phòng chờ này.Tôi còn quất cả một đôi bốt mùa đông giày cộm đã không hợp gu lại càng không hợp cảnh. Đã cố gắng đi nhẹ nói khẽ để ít gây chú ý nhất có thể, ấy thế mà cái bánh xe vali của tôi lại phản chủ, tự dưng nó dở chứng, tôi cứ bước một bước nó lại kêu lẹt kẹt một cái. Mặt tôi nóng ran ran, tay chân lúng túng như ngáo ộp. Có lẽ trông tôi thảm hại quá, mọi người quay lại với công việc của mình, những ánh mắt thưa dần, nhưng cũng có những người chả ngại ngùng vẫn cứ trừng trừng nhìn tôi. Chẳng biết họ có phải người Pakistan hay không, nhưng tất cả họ đều đang đi từ nước ngoài đến Pakistan, biết là họ không trông đợi sẽ có một con bé như tôi lên máy bay ngồi cùng họ, nhưng có cần phải thể hiện sự ngạc nhiên lộ liễu khiến người khác phải bối rối vậy không? Biết thân phận của một kẻ lạc loài, tôi chọn cho mình hàng ghế riêng biệt ngoan ngoãn ngồi đợi, không dám táy máy hay hỏi han gì ai.

Có vẻ như mọi người mua sắm ở sân bay khá nhiều, không khó để bắt gặp những chiếc vali xách tay phù nề hay những bọc ‘duty free’ quá khổ, nhờ vậy mà chiếc vali bé bự của tôi trở nên khá vừa vặn với hoàn cảnh. Chưa kịp vui mừng, khi xếp hàng lên máy bay, tôi thấy những chiếc vali quá khổ của những người xếp hàng đi trước bị chặn lại bởi một thanh niên trong trang phục đen. Tôi chột dạ…
Đúng như dự đoán, tôi đã không thoát khỏi cửa ải này. Người thanh niên áo đen chặn tôi lại mặc dù tôi đã cố nép vào những người đi bên cạnh khi đi ngang qua anh. Anh bảo vali của tôi không thể nào nhét vừa vào khoang hành lý xác tay được. Tôi vui vẻ đưa vali cho anh chuyển xuống gầm máy bay khi anh giải thích tôi sẽ không phải trả thêm tiền. Gì chứ tôi chỉ sợ phải trả thêm tiền thôi!
Còn mỗi cái ba lô trên vai, cảm giác thật sảng khoái làm sao! ‘Ê khoan! Sao ba lô mình nhẹ thế!’ – Tôi hốt hoảng. Tôi sực nhớ ra vì balo quá nặng, để tiện cho việc đi lại tôi đã chuyển con Nikon D90 yêu quý của mình vào chiếc vali đó. Tôi vội vàng chạy ngược lại phía người thanh niên, nhưng muộn rồi, chiếc vali cuối cùng vừa được chuyển vào gầm máy bay. Thất thểu quay lại máy bay tìm chỗ ngồi ghi trong vé. Vừa an tọa, tôi chợt nhận ra tôi vừa mắc một sai lầm còn trầm trọng hơn tôi nghĩ…Chiếc vali đó vẫn chưa được khóa, đã vậy tôi còn thật thà giải thích với anh nhân viên là tôi để quên máy ảnh trong đó khi anh cố trấn an tôi. Ôi đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào. Ôi chẳng nhẽ chuyến hành trình của tôi lại bắt đầu bằng việc mất máy ảnh sao?Tôi sẽ phải làm gì đây khi không có máy ảnh? Tôi muốn có những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của riêng mình. Biết bao giờ mới quay lại được nơi tôi sắp đến. Mà mua máy ảnh mới thì tôi không đủ tiền…Ôi! Ôi! Ôi! Máy ảnh yêu dấu của tôi!!!
Máy bay cất cánh. Chẳng còn tâm trí để ngó ngang ngó dọc, tôi thiếp đi cùng hàng tá viễn cảnh tiêu cực bủa vây trong đầu…

Thiên Di
23-07-2014, 11:23
Trái ngược với Thanh Thanh, bọn anh rất là hào hứng trước khi qua Pakistan, cho dù cuối cùng đó là chuyến đi "thảm họa" theo đúng nghĩa đen của từ này!

Khi nào em thực sự "đến" Lahore anh sẽ góp dzui LOL...

iigreencandyii
01-08-2014, 19:15
Ngày Đầu Tiên
‘Kịch!’ 2 giờ sáng, máy bay hạ cánh an toàn. Tiếng vỗ tay râm ran làm tôi tỉnh giấc. Dường như quên mất nỗi lo mất máy ảnh, nỗi sợ bị bỏ rơi, nhìn cánh cửa máy bay từ từ mở ra, lòng tôi nao nao lạ. Tự hỏi chính mình tôi đến Pakistan thật rồi sao? Dẫu Pakistan chưa bao giờ hiển hiện trong những giấc mơ trong hơn 19 năm tôi hiển diện trên đời, lạ thay tôi vẫn thấy mình lâng lâng như đang sống trong một giấc mơ…
Khu vực nhập cảnh trông cũ kỹ như một nhà ga lâu năm với duy nhất hai quầy nhập cảnh, một dành cho người có quốc tịch Pakistan, một cho người có quốc tịch nước ngoài. Ngoài cô đứng quầy mặc quân phục xanh lá cây, có rất nhiều người mặc đồng phục đen, trông khá giống áo nâu sòng của Việt Nam, trên ngực áo có một kí hiệu gì đó màu đỏ, tất cả họ đều đều là những thanh niên trông rất khôi ngô tuấn tú. Ôi sao ở đây người ta khéo chọn nhân viên sân bay thế? Mà sao lại chọn trang phục màu đen nhỉ? Tuy là sân bay quốc tế, người mặc trang phục Tây Âu đã hiếm, người da trắng lại càng tuyệt nhiên không có. Hầu hết mọi người đều mặc Shalwar kameez – trang phục truyền thống của Pakistan và tất cả đều trông rất Pakistan với mũi cao, da ngăm, mắt to, lông mày đậm. Ngay cả khi nhập cảnh ở quầy dành cho người nước ngoài, người duy nhất trông ‘người nước ngoài’ và nghiễm nhiên trở thành tâm điểm của hàng trăm ánh mắt tò mò. Đối lập với hai hàng dài đông đúc ở quầy nhập cảnh cho quốc tịch Pakistan, quầy nhập cảnh của người có quốc tịch nước ngoài chỉ lèo tèo tầm 10 người. Làm người nước ngoài thỉnh thoảng cũng có lợi ghê, tôi nghĩ bụng.
Nhưng đời thường chẳng như người ta nghĩ, trông lèo tèo thế mà tôi cũng phải đứng đợi mãi. Cứ 3 4 người ở quầy bên cạnh được nhập cảnh mới có 1 người phía bên tôi được đóng mộc. Đợi đến lượt để đóng mộc đã lâu, đợi được cái dấu nhập cảnh lại còn lâu gấp đôi. Chị nhân viên mặt lạnh như tiền, lật tới lật lui hộ chiếu của tôi, hỏi đủ thứ nào là tôi xin visa ở đâu, sẽ làm gì, sẽ ở đâu, AIESEC là gì, tại sao tôi lại có cả thị thực Phần Lan,… bắt tôi trình cả địa chỉ intern house. Mà hỏi thì hỏi cho lấy lệ thế, chị tuyệt nhiên không ghi chép bất cứ thứ gì còn tặng tôi cái thở dài trước khi đóng mộc. Tôi cứ đinh ninh chị hỏi kĩ vì an ninh ở đây đang được thắt chặt, sau này tôi mới biết, có lẽ vì nhận ra tôi thuộc dạng ngơ lâu khó đào tạo, đã đứng quá lâu mà chả khôn lên tẹo nào nên chị đành để tôi đi, tất cả các bạn tôi đến Pakistan đều phải ‘biếu’ chị vài đô.
Vừa nhận được mộc nhập cảnh, hai anh thanh niên đồng phục đen tiến lại gần hỏi tôi có đi cùng ai không, có cần giúp đỡ gì không. Tôi chỉ lắc đầu cảm ơn rồi lao vội tới băng chuyền. Mối quan tâm lớn nhất của tôi là chiếc máy ảnh.
Ông trời lại khéo trêu tôi, phải mất khá lâu vali xách tay của tôi mới xuất hiện… ‘May quá! Còn nguyên!’ - tôi thở phào nhẹ nhõm. Đến lúc này tôi mới để ý, một trong hai anh thanh niên áo đen ban nãy vẫn đi theo tôi cho đến lúc anh giúp tôi đỡ chiếc hành lý ký gửi Anh còn giúp tôi lấy cả xe đẩy nữa.Tôi thầm nghĩ: mọi người cứ kì thị Pakistan, người ta tốt thế kia mà, camera của tôi để vậy bình thường là bị ‘thịt’ rồi! Đã vậy đố mà tìm ở đâu nhân viên sân bay giúp hành khách nhiệt tình thế này. Tôi nhất định sẽ viết về một Pakistan thật tuyệt…

(còn tiếp)

iigreencandyii
03-08-2014, 19:09
Ngày đầu tiên ( tiếp theo)

Cảm xúc chưa kịp thăng hoa, Pakistan đã cho tôi một quả đấm.
- Cái gì? 7$ ???? 7$ cho cái gì???– Tôi hét toáng lên
- Tôi giúp cô lấy hành lý và xe đẩy.- Đẩy xe được vài bước ra khỏi khu vực băng chuyền, anh chàng chặn tôi lại…đòi tiền.
- Xin lỗi, những gì anh làm tôi có thể tự làm được. Tôi không hề nhờ anh giúp đỡ.
- Nhưng cô nhận giúp đỡ của tôi, khi cô nhận giúp đỡ của nhân viên sân bay cô phải trả tiền. Đó là luật.
- Cái gì??? Ở đâu ra cái luật đó? - Tôi thật sự nổi khùng.
- Nhìn đi! Chúng tôi có giá cả đàng hoàng. - Một anh chàng khác cũng mặc đồng phục đen bước tới. Cả hai giật xe đẩy của tôi, đẩy về phía một cái banner. Trên banner là những anh chàng đồng phục đen cười thật tươi cùng toàn chữ Ả Rập loằng ngoằng, thứ duy nhất tôi có thể hiểu là ‘500 PKR’.
- 500 Pakistan Rupee là gì? – Tôi chợt nhận ra mình thật ngu ngơ, đến giờ này vẫn chưa kiểm tra tỉ giá trao đổi ngoại tệ của Pakistan.
- Nó tương đương với 7$ cô cần phải trả. – Trái ngược với sự niềm nở ban đầu, mặt hai anh lạnh tanh.
- Tôi chẳng hiểu gì hết, toàn tiếng Pakistan, sao tôi biết các anh nói thật? Nếu các anh làm việc cho sân bay thật, ít nhất tôi cũng phải có một cái hóa đơn.
- Hóa đơn của cô đây!- Một anh thanh niên khác đứng gần đó tiến lại sau một cái ngúc đầu của anh chàng đang ghì chặt cái xe đẩy của tôi. Anh móc ra một cọc hóa đơn trắng từ túi, ghi nguệch ngoạc ‘500 PKR’ rồi xé toạt ném về phía tôi.
- Thật là vô lý, các anh chỉ đỡ giúp tôi cái vali, lấy giúp tôi có cái xe đẩy và tôi phải trả 7$. Tôi không có tiền, tôi chỉ là học sinh đến đây tình nguyện. - Tôi cố gắng hét to nhất có thể, mong có ai đó đến giúp đỡ. Sân bay lúc đó khá đông người, bình thường họ nhìn tôi chằm chặp như sinh vật lạ, giờ thì dẫu chúng tôi đứng ngay giữa sảnh, chẳng ai thèm đoái hoài mảy may.
- Cô thật sự không có tiền?- Lại thêm hai anh chàng nữa bước tới.
- Không! - Tôi hét lên, cố gắng giữ vẻ mắt bình tĩnh nhất có thể.
Năm phút trôi qua, 1 anh chàng nữa lại tiến tới. 10 phút trôi qua, lại thêm một anh chàng nữa. Anh nào cũng đồng phục đen, giang chân, khoác tay đứng bệ vệ, ánh mắt nhìn tôi với ánh mắt bặm trợn. Bảy chàng trai ngày càng nhích lại gần, vì chỗ chúng tôi đứng đã bắt đầu ra khỏi khoảng có máy lạnh, tôi thậm chí có thể ngửi thấy mùi mồ hôi phát ra từ họ. Đến lúc này thì tôi cũng đổ mồ hôi hột, tôi biết mình không thể ra khỏi đây nếu không trả tiền.
- Tránh xa tôi ra! Được rồi tôi sẽ trả, nhưng tôi chỉ có 6$ thôi! – Chút nỗ lực mặc cả yếu ớt cuối cùng. Đến giờ nghĩ lại thấy tôi dại thật, đã trả giá thì phải trả cho đáng, hạ xuống có 1$ làm gì không biết! Mà lúc đó cuống quá, với bản thân ở Việt Nam tôi cũng ít trả giá gì lắm, tôi hay sợ nếu mình nói giá thấp quá bị chửi. Tôi toàn đi chung với người biết trả giá xong rồi phó mặc cho người đó trả giá sao thì trả giá, tôi chỉ trả tiền thôi. Đến lúc đó mới thấy trả giá cũng là cả một kỹ năng.
- Thôi 6$ cũng được. – Câu trả lời được đáp lại ngay lập tức không chút đắn đo. Tôi biết là mình bị hớ rồi.Trong khi tôi cố gắng ghì chặt chiếc bóp, cầm ở tư thế khó giật, khó ngó nhất, họ không thèm giấu giếm, tất cả gắng liếc nhìn số tiền trong bóp tôi.
Vẻ mặt mãn nguyện, cuối cùng các anh chàng cũng tản đi, bỏ lại tôi run như cầy sấy với chiếc xe đẩy của mình. Sau này tôi mới biết, họ chẳng phải là nhân viên gì cả, chỉ là một nhóm tự lập, chuyên kiếm tiền ở sân bay. Tôi đã nhỏ con, con gái, người nước ngoài, lại đi một mình, nên bị ‘chặt’ mạnh tay hơn. Ấy là tôi tự an ủi mình thế, chứ tôi biết đơn giản tại tôi bờm, người bình thường chỉ mất có 1 – 2 $, tôi đã trả giá mà vẫn mất 6$ . Dù sao tôi cũng may, họ toàn thanh niên trai tráng, họ có trấn hết tiền của tôi hoặc giật luôn nguyên chiếc ví, tôi cũng phải chịu thôi Thôi xem như họ cũng còn quá nhân đạo với tôi rồi .Vừa sợ, vừa ức nhưng tôi biết bây giờ không phải lúc khóc. Tôi cần ra khỏi đây càng sớm càng tốt. Máy bay đã không trễ, nhưng những sự cố làm tôi bị kẹt trong này quá lâu rồi.Sợ hãi cũ chưa qua, lo lắng mới lại tới: Liệu có ai ra đón tôi? Liệu người ra đón vẫn đợi tôi ngoài kia? Dự định là phải đổi chút tiền, nhưng giờ chắc không kịp rồi, thôi tôi cứ chạy ra xem có ai ở ngoài kia không đã…

(còn tiếp)

iigreencandyii
03-08-2014, 19:11
Em tới Lahore rồi anh nhé, anh bắt đầu kể đi, em xách dép ngồi hóng :D dạo này em bận quá nên viết chậm lắm. Ông anh viết đi lấy sức cho em út viết tiếp :D :D
Trái ngược với Thanh Thanh, bọn anh rất là hào hứng trước khi qua Pakistan, cho dù cuối cùng đó là chuyến đi "thảm họa" theo đúng nghĩa đen của từ này!

Khi nào em thực sự "đến" Lahore anh sẽ góp dzui LOL...

trangngochanh
03-09-2014, 18:03
Không biết bao giờ mới ra tập tiếp theo , mình sắp thành hươu cao cổ rồi.

volty
04-09-2014, 14:28
chờ bạn ở trang tiếp theo nhé, haizzz mong quá

Tart
12-09-2014, 15:04
Viết tiếp đi bạn ơi, đang hay hihi... Hóng dép chờ.

Lillyha
13-09-2014, 05:46
Em viết hay hơn cả Huyền Chip viết đây ... Đừng lười nữa cô bé !

Lilly...

khanhcom
30-09-2014, 10:18
Hay qua, viet tiep di ban nhe.

iigreencandyii
24-10-2014, 03:59
Ngày đầu tiên ( tiếp theo)

Tim tôi như thắt lại…không có tấm poster nào như Wasma cho tôi xem cả. Tôi cố gắng đảo mắt cặn kẽ từng ngóc ngách một. Cũng như tất cả các sân bay, người người đứng chen chúc cầm biển cầm hoa, gương mặt háo hức chờ đợi chờ người thân. Poster đã không có, cũng chẳng có tấm biển nào có tên tôi cả. Rất nhiều tài xế tiến lại hỏi tôi có cần taxi. Tôi không còn đủ sức để trả lời, chỉ lắc đầu từ chối, đứng chết lặng, mắt hoa, tai ù…
Đứng mãi, tìm mãi chẳng thấy ai, mà ai nấy cũng nhìn tôi với anh mắt lạc loài. Phần lớn mọi người ở đấy lại là nam giới, phải 10 người nam giới họa hoằn lắm mới thấy một nữa giới. Nữ đã hiếm, tôi lại còn lạ, tôi khốn khổ với đủ kiểu ánh nhìn, chẳng biết diễn tả làm sao. Nghĩ bụng, thôi thì tôi đẩy xe vào trong nghỉ một tí vậy, tôi thật sự rất mệt không đứng nổi nữa rồi, đứng đây hoài thế này cũng cứ rợn rợn thế nào…
Nào có yên thân, vừa quay xe bước được dăm bước, tôi thấy mình bắt đầu trở thành tầm ngắm’ của các anh áo đen điển trai một lần nữa. Từ nhiều phía, ba bốn anh nhìn tôi và đang có ý định tiến lại gần. Quá sợ, không đợi các anh tới gần ngỏ lời ‘giúp đỡ’, tôi vội vàng quay đầu xe…Bên ngoài người vẫn chẳng ngớt đông, giữa gần cả trăm tấm biển, tuyệt nhiên vẫn chẳng có tên tôi, tôi lại tiếp tục đợi, tôi cũng chẳng biết tôi đã đợi bao lâu, chỉ biết đợi mãi vẫn chẳng thấy ai tiến lại gần tôi ngoại trừ những bác tài taxi ra sức giành giựt nhau chèo kéo tôi mặc cho tôi bảo tôi có người đến đón. Thời gian như đứng lại. Trước mặc là hàng trăm người xa lạ chẳng có một tí mối liên hệ nào, sau lưng thì bốn anh áo đen vẫn đang lảng vảng chỉ chực để ‘giúp đỡ’ tôi. Tôi cũng yếu bóng vía, nào có phải đứa gan lì gì đâu, lần đầu tiên trong đời tôi ở trong một hoàn cảnh hoàn toàn tiến thoái lưỡng nan theo đúng nghĩa đen như thế. Tay chân bủn rủn, phần vì quá mệt, phần vì quá sợ…
‘Rồi sẽ ổn! Rồi sẽ ổn!’ Tôi cố gắng lấy hết sức lực còn lạ tự trấn an và cố gắng kéo hồn mình trở về phách. Mới 3 4 giờ sáng, trời tối như mực. Làm gì thì cũng phải đợi trời sáng, dù gì tôi cũng cần đổi một ít Rupee, thôi thì đành quay ngược vào trong vậy. Dẫu sao bên trong hiện giờ cũng chỉ có 4 anh áo đen thôi, còn hơn bên ngoài cả trăm anh áo đen, áo trắng, áo kem, áo xanh lá sẫm, áo xanh dương đen…đủ cả. Tài xế taxi kéo chèo kéo ngày một đông. Dẫu sao ở sân bay cũng phải có nhân viên an ninh, các anh áo đen kia chắc cũng chỉ dám bắt nạt, làm tiền tôi thôi chứ chắc cũng chẳng dám làm gì hơn. ‘Thôi đi vào!’- tôi hạ quyết tâm.

(còn tiếp)

P/s: mấy bữa em bận quá không lên phuot.vn. Mở lên bất ngờ quá, nhiều người đọc hơn em mong đợi hihi thích tóa. Cám ơn mọi người nhiều. Dạo này em mới ổn định lại, để em sẽ tiếp tục tập gõ :D

thaoad
07-09-2016, 02:18
Green ơi, ấy viết hay quá, cố gắng viết tiếp nhé, tớ cũng đang có bạn rủ qua Pakistan mà có ít thông tin quá chưa quyết định được có đi hay không, đọc bài của ấy xong thấy đúng là lành ít dữ nhiều :)

myly2409
15-09-2016, 11:38
Ngày Đầu Tiên
‘Kịch!’ 2 giờ sáng, máy bay hạ cánh an toàn. Tiếng vỗ tay râm ran làm tôi tỉnh giấc. Dường như quên mất nỗi lo mất máy ảnh, nỗi sợ bị bỏ rơi, nhìn cánh cửa máy bay từ từ mở ra, lòng tôi nao nao lạ. T....

Mình cũng k hiểu là vì sao khi máy bay hạ cánh, rất nh ng nước ngoài lại vỗ tay (mình đã chứng kiến khi có trên chuyến bay đến NZ), lúc ấy mình cũng k hiểu hết đc ý nghĩa hay là phong tục thói quen của dân phương Tây. Giờ đọc thấy đoạn này mới rõ hơn - đúng là văn minh thật! :)):))

Huongngoclan3477
08-02-2017, 12:32
Ôi cám ơn anh nhiều nha! Thật không ngờ lại tìm được người cũng đến Pakistan. :D :D Cám ơn anh đã động viên. Em sẽ cố gắng viết :) Còn được đến đâu thì em ko chắc :D :D

Thích bài viết này của e gái quá ^^ Mình cũng đang rất muốn có dịp được trãi nghiệm đến vùng đất Pakistan. Hy vọng khi có dịp cho mình cùng đồng hành đến Pakistan với nha ^_^

baongoc28392
08-02-2017, 20:21
Bạn ơi, mình cũng ước một lần được đến đây nhưng chính trị bất ổn quá ai cũng không cho đi. Bạn có tấm hình nào úp lên cho thớt thêm sinh động với, mình lót dép hóng tiếp nha chủ thớt :)

anhpham
26-01-2018, 09:26
Mình cũng đang định đi Pakistan. Hóng bài viết của bạn. Thanks